Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

 

 



Hình vẽ hướng dẫn cách mở cửa thoát hiểm in trên bảng chỉ dẫn phát ra trên máy bay.


Tính tôi tiết kiệm. Không chỉ tiết kiệm tiền mà tiết kiệm cả thời gian. Bởi vậy mà mỗi khi phải di chuyển xa, tôi thường mua vé các chuyến bay qua đêm, để nhân tiện ngủ trên máy bay, khi tới nơi thì trời sáng, sẽ có thêm thời giờ mà làm việc khác. Năm nay cũng vậy, tôi mua vé từ Cali về Montréal thăm gia đình, bay thẳng một mạch 6 tiếng qua đêm và theo lịch trình sẽ đáp xuống phi trường Pierre Elliot Trudeau vào 7 giờ sáng. 

Chuyến bay đêm...


Lúc lên máy bay, khi tìm ra đúng số ghế của mình, tôi bỗng chột dạ khi thấy một thanh niên có vẻ như là người Ả Rập ngồi ngay ghế bên cạnh,ở phía lối ra vào. Loay hoay một mình với tay để chiếc vali lên cao, tôi lúng túng vì hơi nặng, nhưng lại càng bực mình hơn khi thấy anh chàng kia cứ bình chân như vại mà ngồi ỳ đó nhìn tôi. “Đúng là dân rệp, chẳng biết ga lăng là gì". Tồi thầm nghĩ bụng. Ngay khi đó thì một người đàn ông da trắng, ngồi gần cửa sổ, nói “sorry” với anh chàng này, để anh ta xoay người cho ông bước ra giúp tôi (thiệt hết biết!). Khi đâu vào đó rồi, tôi bước vào ngồi giữa,nhưng được chừng vài phút thì mũi tôi bắt đầu khó chịu vì cái mùi dầu - gọi là thơm - của anh chàng này. Liếc mắt nhìn sang, tôi thấy anh ta đang cầm sổ thông hành mở ra ngay trang có hình mình. Chết chửa! Bin Laden. Tôi chỉ vừa kịp thoáng đọc cái họ của anh ta, thì anh chàng đã xếp passport lại bỏ vào túi. Có lẽ tôi không phải là người duy nhất bị dị ứng với cái họ đặc biệt này.

 

Thế là đầu óc tôi bắt đầu hoạt động. Nếu hắn ta mà liều thân tự sát như vụ 911 năm nào thì con tin chắc chắn sẽ là mình rồi. Nhìn sang, tôi thấy nét mặt hắn sao mà bặm trợn quá, lại hao hao giống tên trùm Osama. Giả bộ đi vệ sinh, tôi tìm gặp cô chiêu đãi viên xin đổi chỗ ngồi. Cô hỏi lý do, tôi bảo tôi dị ứng với mùi nước hoa Ả Rập. Cô đáp không phải là lý do chính đáng. Tôi thật lòng bảo là vì tôi sợ bị bắt làm con tin. Cô cười to và nói: "Đừng lo. Ai lên máy bay cũng đã phải quacác giai đoạn kiểm soát rất kỹ càng, và hơn nữa máy bay đầy không còn chỗ trống". Thế là tôi tiu nghỉu trở về chỗ cũ. 

 

Inline image

 

Chập chờn...


Tôi trải qua một đêm dài trong... đau khổ, không chỉ mệt cái lỗ mũi vì mùi nước hoa chính hiệu của anh chàng bin Laden, mà còn mệt luôn cả hai cái lỗ tai vì tiếng ngáy o o rất tự nhiên của ông da trắng kề bên. Chưa hết, cái thằng bé, mà tôi đoán chừng 2, 3 tuổi ngồi hàng ghế trước cứ khóc nhè từng chập làm không ai có thể ngủ yên. Chập chờn nửa ngủ nửa thức, và rồi cuối cùng tôi đành tỉnh hẳn vì tiếng òa khóc tocủa cậu (chắc cu ta tới giờ bú).Ba mẹ cậu cứ ráng dỗ cậu nín, nhưng cậu ta cứ thản nhiên khóc thả ga nên mọi người đều bị đánh thức. Nhìn đồng hồ thấy 6 giờ 15, tôi chặc lưỡi: “Thôi thức luôn vì gần tới rồi”. Đang ráng mở cặp mắt cay xè vì thiếu ngủ thì có tiếng nhân viên thông báo: “Trời sương mù quá nên không đáp xuống được. Có lẽ phải bay thêm chừng 30 phút nữa để đợi bớt sương mù”. Tôi thở dài. Vậy là trễ. Giờ này chắc cô em đã có mặt tại phi trường đợi tôi. Đâu chừng 40 phút trôi qua, nhân viên lại thông báo: “Sương mù dày đặc hơn. Có thể phải bay thêm một tiếng đồng hồ nữa". Hành khách bắt đầu nhao nhao. Nhìn ra cửa sổ máy bay, tôi chỉ thấy mây trắng từng cụm đặc sệt. Tôi thở dài chán nản. Lại phải chờ. 

 

Kết quả hình ảnh cho ảnh khoang trong máy bay

 

Còn hy vọng...


Không biết là bao lâu nhưng mọi người đã tỉnh hẳn từ hồi nào. Cứ chốc chốc thì ai nấy đều nhìn đồng hồ. Gần 9 giờ. Tiếng nói chuyện râm ran, tiếng cậu bé bi bô giỡn với ba mẹ. Bỗng dưng chiếc màn ảnh trước mặt mọi người hiện lên phần hướng dẫn các biện pháp an toàn khi nguy cấp. Tiếng người nhân viên nhấn mạnh “Attention! Attention! Có thể máy bay không đáp xuống được vì lý do thời tiết. Yêu cầu mọi người thắt chặt dây an toàn và theo dõi chi tiết những gì cần làm khi nguy cấp". Mọi cặp mắt đều dán vào màn hình. Từ trước đến giờ, đi máy bay nhưng tôi có khi nào để ý đến các kỹ thuật này đâu. 


Tiếng nói vẫn vang lên rành rọt: “Khi có lệnh khẩn cấp, các túi oxygen sẽ tự động rơi xuống. Mọi người phải đeo túi vào ngayđể thở. Ai có trẻ nhỏ thì cần đeo túi cho mình trước khi đeo giúp bé". Cô nhân viên nhắc đến hai lần chữ “before”, tôi hiểu là cô đang nhắc nhở hai vợ chồng hàng ghế trước tôi đang ngồi với cậu con nhỏ. Cả máy bay im phăng phắc.

 
Tiếng nói lại nhắc nhở: “Việc kế tiếp là lấy túi phao (life vest) dưới chỗ ngồi của mình và mặc vào theo chỉ dẫn trên màn ảnh”. Tôi mở to hai mắt theo dõi từng động tác hướng dẫn trên màn hình. 


Rồi tiếng nói lại vang vang: “Khi có lệnh thoát bằng cửa emergency, những người đang ngồi ngay vị trí cửa phải kéo nắm cửa xuống và trượt ra ngoài dọc trên cánh máy bay. Mọi người phải hết sức trật tự mà lần lượt trượt ra ngoài. Tuyệt đối không được chen lấn. Không được mang theo bất cứ một thứ gì. Giày cao gót phải bỏ lại. Vì mạng sống của mọi người sẽ tính bằng từng phút (Every minute counts)”. 


Cả khoang máy bay bây giờ im lặng như tờ. 


Giọng nói lại tiếp tục: “Các vị trí gần cửa emergency là 16 A và 16 F. Những ai ngồi tại vị trí này cần chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng khi cần thiết". Tôi giật mình, ghế tôi ngồi là 16 B. Ông người Mỹ da trắng (ngồi ngay cửa sổ) nhìn tôi với ánh mắt đầy lo lắng. 


Sau đó giọng nói lại vang lên trấn an: "Đây chỉ là các hướng dẫn để chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất. Chúng ta vẫn hy vọng sương mù tan để mà có thể đáp xuống. We hope for the best”. Tôi thở phào. Vậy là chưa sao. Còn “hope” kia mà. 

Chết sẽ về đâu?


Tôi ngồi nhìn mông lung ra cửa sổ. Biết đâu hôm nay sẽ là ngày cuối của cuộc đời mình? Có còn việc gì mình chưa làm không nhỉ? Còn điều gì mình hối tiếc hay không? Mắt tôi vô tình chạm ánh mắt ông Mỹ da trắng. Ông bắt chuyện: 


- Cô nghĩ rằng chúng ta OK không?
- No idea! Không biết được - Tôi đáp.


Tiếng ông nho nhỏ: 
- À, tôi tên Ron. Cô tên gì? Sao tôi linh tính máy bay sẽ có vấn đề. Tôi còn vô số việc phải làm. Hai con tôi còn nhỏ lắm. Rồi ông chắc lưỡi: 


- Mà thôi, cuối cùng thì cũng đành về với Chúa. 
- Sao ông biết chắc vậy?
- Chúa dạy rằng tất cả con cái của Ngài, nếu ai khi sống làm theo lời Ngài dạy, thì lúc chết sẽ được về Thiên Đàng. Bao nhiêu năm qua, tôi luôn luôn cố gắng sống tốt. Thế còn cô, cô đạo gì? 
- Đạo Phật. 
- Thế chết cô đi đâu? 
- Đi theo Nghiệp (Karma). 
- Nghiệp là gì?
- Là... là... Tôi ấp úng không biết giải thích sao. Thế này nhé, nếu ông làm việc tốt thì ông tạo một nghiệp tốt, ngược lại khi làm một điều xấu là gây một nghiệp xấu. Khi chết đi, ai đã làm nhiều nghiệp tốt sẽ được về thiên đàng, còn ai làm nhiều nghiệp xấu thì xuống địa ngục.
- Oh, oh! Ông Ron gật gù ra vẻ hiểu. Nhưng nếu như...fifty-fifty (50/50) thì sao? Xấu tốt ngang nhau thì cô đi đâu?
- Tôi cũng không biết. Tôi lắc đầu và bật cười khi thấy mình lúng túng với câu hỏi cắc cớ của ông bạn da trắng này.


- Tôi cũng không biết đi đâu. 


Hai chúng tôi quay qua, thì ra anh chàng bin Laden muốn góp chuyện. Ông Ron xởi lởi: 
- Hello You, you sợ không?
- Không! Anh chàng điềm tĩnh đáp. Ở nước tôi cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. 
- Thế anh đạo gì? 
- Đạo Hồi. 
- Vậy cho tôi hỏi nếu chết anh sẽ đi đâu? 
- Đã nói là tôi không biết. 
- Sao lại không biết?. Tôi vặn hỏi. Không phải là anh sẽ về với Thánh của anh à? (Ý tôi muốn nói Thánh Allah). 
- Không. Bởi tôi chưa làm gì cả. Chỉ những ai đã làm tròn một sứ mạng thì mới được về với Ngài. 
- Sứ mạng gì? 
- Có những người được Ngài giao cho một nhiệm vụ thiêng liêng nào đó như trả thù cho dân tộc, hy sinh vì đất nước, ôm bom phá núi mở đường, hay chết khi đang làm nhiệm vụ, vân vân... thì chắc chắn sẽ được về với Ngài. Còn tôi, tôi chưa hề làm được điều gì lớn lao cả, nên nếu chết tôi cũng không biết sẽ về đâu.


Cả ba cùng im lặng. Ai ai cũng mang đầy tâm trạng ngổn ngang với bao ý nghĩ trong đầu.

Chuẩn bị cho cái chết...

 

Inline image

 

Đâu chừng lâu lắm, mọi người trên máy bay có vẻ đỡ căng thẳng hơn đôi chút. Bỗng dưng bao cuộn phim ký ức cứ lần lượt hiện về trong tâm trí tôi. Nào là quê hương Việt Nam thân yêu ngày ấy, nào là đất nước Canada đã từng cưu mang chúng tôi những ngày đầu nơi xứ lạ, nào là miền Cali nắng ấm đã tặng cho tôi biết bao là kỷ niệm. Phật dạy tất cả đều vô thường. Thế nhưng khi sắp sửa đối diện với cái chết - điều vô thường cuối cùng của một kiếp người, lạ lùng thay tôi lại thấy tâm mình không hoảng sợ...


Thời gian trôi qua nặng nề. Mọi người bắt đầu mỏi mệt. Tôi nhắm mắt không nghĩ suy gì nữa. Chừng được một hồi thì mọi người bất thình lình nghe tiếng "rồ rồ" thật to. Rõ ràng là có điều gì đó không ổn, vì chiếc máy bay trồi lên hụp xuống, lắc qua lắc lại. Ai nấy giật mình mở mắt. 


Tiếng người phi công tuyên bố chuyện chẳng lành:"Chúng ta đang gặp khó khăn. Thời tiết sương mù càng dày đặc nên không hạ cánh được. Nhưng máy bay sắp hết xăng. Chúng tôi đành phải cố gắng đáp xuống càng nhanh càng tốt và chúng tôi sẽ hướng dẫn quý vị chuẩn bị cho việc đáp cánh bất đắc dĩ này". Màn ảnh lập tức hiện lên các tư thế khi phải đáp xuống trong trường hợp khẩn cấp. Tôi dán chặt mắt vào màn hình với các hình ảnh cùng các hàng chữ chú thích. 


Nơi đáp xuống có thể là đất liền hay biển cả. Và trong cả hai tình huống thì hành khách đều phải thắt chặt dây an toàn, sau đó vòng tay ôm đầu trong tư thế như thai nhi. Trẻ em phải được ngồi xoay ngược lại đối diện với cha mẹ và người này phải vòng tay ôm chặt đứa bé vào lòng, rồi sau đó vẫn phải trong tư thế phòng thủ ôm đầu, nghĩa là ôm luôn và bao bọc cả đứa trẻ.


Trong khoảnh khắc đó, tôi chợt thấy người đàn bà hàng ghế trước giành lấy đứa con từ tay người chồng. Rồi bà ôm nó vào lòng siết chặt theo hướng dẫn trên màn ảnh. Một thoáng xúc động, tôi hiểu rằng người mẹ kia muốn bảo bọc cho con mình trước cái chết. Bỗng dưng tôi nghe cậu bé bập bẹ hai tiếng: “Maman”, rồi dang hai tay quàng quanh cổ Mẹ.

Đương đầu...


Hơn hai trăm hành khách im phăng phắc. Tôi nhìn vài người xung quanh. Nhiều người đã mất hết vẻ bình thản. Chợt đâu đó có tiếng ai hít một hơi thật dài. Rồi có nhiều tiếng hít theo. Tôi cũng làm vậy. Và tôi hiểu rằng mọi người đang thu hết can đảm chuẩn bị đón nhận cái chết. Tiếng người phi công: “Now we pray for the best”. Mọi người quàng tay ôm đầu, và lập tức tiếng thì thầm vang lên ngày một to. Tôi nhận ra ngay là ai ai cũng đang cầu nguyện. Tôi thì niệm Phật Bà Quan Âm. Bên trái tôi, ông người Mỹ một tay quàng qua đầu, còn một tay làm dấu thánh giá. Bên phải, anh chàng Ả Rập chắp hai tay đưa lên cao rồi mới quàng qua đầu. Tiếng rồ rồ của động cơ ngày một lớn. Máy bay chao đảo, lượn mạnh sang trái rồi qua phải, rồi sau đó bắt đầu chúi hẳn xuống một cách đáng sợ, và một cánh của máy bay nghiêng hẳn qua một bên. Sự tròng trành ngày một nhiều và sau đó tôi cảm nhận rõ là máy bay đang đâm sầm về phía trước. Tôi nhắm chặt mắt. Đầu rỗng tênh. Hai lỗ tai lùng bùng nhức buốt. Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn...

Thoát tử...


Rầm rầm rầm! Rét rét rét! Tiếng động thật to khiến tôi càng nhắm nghiền hai mắt. Toàn máy bay rung rinh thật mạnh. Cả người tôi nghiêng hẳn qua một bên chúi nhủi vào anh chàng Ả Rập bên tay phải, trong khi anh ta thì ú ớ la lên tiếng gì đó. Chợt nghe tiếng bánh xe rồ rồ rầm rầm trên mặt đất. Liếc qua cửa sổ, tôi thấy...đất. Im lặng vài giây, bỗng chợt tiếng vỗ tay bật lên vang dội. Tôi mừng quá, vội vỗ theo. 


Vỗ tay, giờ phút này, là chào mừng sự sống.

 

Kết quả hình ảnh cho ảnh máy bay ở sân bay


Máy bay trượt đi một quãng đường thật dài rồi mới ngừng hẳn lại. Mọi người được lệnh ra khỏi máy bay ngay, không được mang theo gì cả, tôi đoán là vì máy bay đã nóng quá mức. Thiên hạ tụm ba tụm bảy trong cái lạnh rét buốt. Nhìn xung quanh, không ai đoán được là mình đang ở đâu. Tôi tự hỏi đây có phải là một hoang đảo vì chẳng thấy bóng người. Ông Mỹ trắng reo lên:"Nền đất bằng xi măng, vậy phải là một nơi sống được". Thôi kệ, ở đâu cũng được, còn sống là được rồi. Lạnh quá, mọi người ngồi thụp xuống trong tư thế chồm hổm. Đứa bé bắt đầu khóc. Người mẹ cởi chiếc áo len mỏng bà đang mặc, khoác lên người thằng bé. Không ai thấy phi hành đoàn đâu cả.


Hơn 10 phút sau, hai cô chiêu đãi viên từ đâu xuất hiện, thiên hạ bu vào mà hỏi. Họ cho biết là vô cùng may mắn khi máy bay đã đáp xuống phi trường... Mirabel. Ai nấy thở phào. Phi trường Mirabel và phi trường Pierre Trudeau cách nhau chừng 40 phút lái xe. Mirabel là một phi trường rất rộng lớn, nhưng đã không còn hoạt động từ nhiều năm nay, chính vì thế mà nhìn 4 hướng chẳng thấy một bóng người. Thế là thiên hạ nhao nhao lên đòi ra lộ chính tự đón taxi đi về. Nhân viên trả lời rằng không được vì mọi người phải qua quan thuế. "Ngồi đây chờ tới bao giờ? Đã trễ gần 7 tiếng đồng hồ rồi!”. Anh nhân viên bảo mọi người bình tĩnh và giải thích rằng theo luật pháp, không một ai được tự động rời khỏi nơi này cho đến khi máy bay có lệnh bay trở về phi trường cũ. Ai nấy tiu nghỉu. Tôi sốt cả ruột. Tội nghiệp cô em chờ từ sáng đến giờ dài cả cổ.

Chết là chuyện khác...


Chừng 20 phút sau thì mới có chiếc xe thật to và dài chạy đến để tiếp tế xăng cho máy bay. Vừa đói, vừa khát, vừa mệt, vừa chán, nên mọi người bắt đầu đổ quạu. Trước tiên là một cô gái trẻ da trắng. Cô ta lớn tiếng: 


- Tôi không đợi được nữa. Tôi phải đi gấp. Trễ hết mọi công việc của tôi rồi. Ai sẽ chịu trách nhiệm? 


Hỏi ra thì cô Isabelle này đáp chuyến bay từ Cali đi Montreal, sau đó đổi chuyến bay qua Calgary để sáng hôm sau có một cuộc phỏng vấn xin việc làm. Cô nói gần như khóc: 


- Tôi bị mất việc 5 năm rồi, nộp đơn khắp mọi nơi. Tôi không còn khả năng trả tiền nhà nữa. May là có một công ty gọi và phỏng vấn tôi qua phone, họ tạm nhận và yêu cầu tôi bay sang để họ phỏng vấn một lần nữa và có thể sẽ cho thử việc. Tôi không thể nào miss cuộc phỏng vấn này. Công ty cần chỉ có 14 người, mà có đến hơn 90 người đến phỏng vấn trực tiếp sáng sớm mai. 


Anh nhân viên nhỏ nhẹ: 
- Cô an tâm. Khi về lại phi trường, cô đến quầy , họ sẽ sắp xếp chuyến bay sớm nhất cho cô. 


Cô la to: 
- Bao giờ? Bây giờ là chiều rồi, mà máy bay cứ nằm ì ra đó. Tôi xin mấy người, cho phép tôi đi, please. Tôi không có gửi valise nào ngoài cái carry-on kéo tay. Tôi tự đón taxi về phi trường Trudeau và tự giải quyết để có chuyến bay sớm nhất. 


Một người hành khách lên tiếng: 
- Cô bình tĩnh. Nếu như lúc nãy mình đâm xuống biển, hay vô núi, thì mọi chuyện đã khác. Ai cũng đã chết hết rồi, còn đâu mà ngồi đây lo lắng hay bàn cãi. 


Isabelle lớn tiếng: 
- Ông nói đúng. Nếu chết là chuyện khác. Nhưng bây giờ tôi còn sống. Nghĩa là tôi còn căn nhà phải trả, còn con tôi phải nuôi, còn đầy dẫy những vấn đề phải giải quyết... Và rồi cô khóc. 


Anh chàng bin Laden đột ngột lên tiếng: 
- Cô kiện hãng máy bay này cho tôi. Làm ăn vô trách nhiệm. Bỏ rơi mọi người như thế này không phải là khủng bố tinh thần à?  


Ai nấy nín khe. Cũng may là mình đi vacation, tôi thầm nghĩ - chứ nếu như cô gái trẻ kia thì khổ biết mấy. Ông Ron quay qua tôi: 


- Tôi mới là người đang lo nhất. Công ty tôi làm cử tôi đại diện qua Canada để sáng mai có buổi họp trình bày sản phẩm mới của công ty. Nếu mà miss buổi này thì công ty sẽ mất cái contract mấy chục triệu đồng, thì tôi mất job như chơi. Mà la lối như cô kia cũng chẳng đi đến đâu. Ông thở dài...

Hai bên lằn ranh Sống Chết...


Tôi ngồi trầm ngâm, ngổn ngang bao ý nghĩ. Lạ thật, khi kề cận cái chết, con người ta bình tĩnh bao nhiêu, thì lúc bước qua lằn ranh cuộc sống, tâm con người lại lao xao đến độ lạ lùng.


Gió chiều Montréal lồng lộng. Tôi ngồi bệt xuống đất, co rúm lại vì lạnh và đói. Khi đương đầu với cái chết con người dễ dàng quên hết mọi thứ, nhưng một khi trở về cuộc sống, thì chỉ hai chữ đợi chờ đã đủ khiến người ta bất mãn đến tột cùng. 


“Mọi người lên máy bay”. Tiếng cô nhân viên lanh lảnh. Ai nấy bật dậy, ùa nhau chạy về hướng chiếc A319 đang đậu. Khi đâu vào đó rồi, nhân viên cho biết là đã có đường bay và lệnh cho phép bay về phi trường cũ. Tiếng òa lên mừng rỡ của gần 200 hành khách. Và chỉ 15 phút sau, tôi có mặt tại phi trường Pierre Trudeau. Nhìn đồng hồ, đúng 4 giờ chiều. Vậy là trễ 9 tiếng đồng hồ.


Vừa bước ra khỏi máy bay, dường như ai cũng chạy. Isabelle chạy nhanh nhất. Cô kéo chiếc vali nhỏ xách tay lao đi vùn vụt. Khi đứng song song với tôi trên dãy thang dành cho người đi nhanh, tôi nói: 
- Good luck for your job! 


Cô nhoẻn miệng cười và nói: 
- Chúng ta đã kề cận cái chết, nên bây giờ chúng ta phải kiên cường mà sống (We were just next to the death, so we have to live strong). Rồi cô và chiếc vali vụt qua tôi và mất hút về hướng quầy phía xa xa.


Khi xếp hàng qua quan thuế, thiên hạ lại râm ran. Ông Ron quay sang bảo anh chàng bin Laden: 
- Tôi mong anh sẽ có một sứ mạng tốt và sống tốt. Anh chàng gật đầu. 


Tôi bảo ông: 
- Ráng dành cho được hợp đồng cho công ty nhé! 


Nhìn quanh ai nấy đều cười, dù rằng gương mặt ai cũng đầy nét mỏi mệt.

 

 Inline image


Kéo hành lý ra ngoài, tôi thấy ngay một dàn chào của thân nhân các hành khách trên chuyến bay này đang đợi. Ôi chao người ta sao mà đông nghẹt. Nghe đâu tất cả chuyến bay từ sáng đến giờ đều bị hủy bỏ vì sương mù quá dầy đặc. Thiên hạ ngồi lây lất khắp nơi, mong ngóng chờ được xếp cho đi chuyến khác. 

Trở về cuộc sống... 


- Con, con. Má đây nè! 


Tôi giật mình quay lại: 
- Sao Má đi đón con?


Má tôi cười sung sướng. Cô em lên tiếng: 
- Tụi em bảo không sao, mà Má lo quá nên cứ nằng nặc đòi đến đây. Má ra phi trường cũng đâu thay đổi được gì, vậy mà nói Má hổng nghe. 


Cô cháu nhỏ nắm tay tôi, trong khi thằng cháu thì nhảy tưng tưng mừng rỡ. Nhìn sang bên trái, bên phải, đâu đâu cũng đầy những hình ảnh ôm hôn thắm thiết. Người phụ nữ khi nãy trao cậu bé cho một bà cụ, mà tôi đoán là mẹ cô, rồi cô dang rộng hai tay ôm choàng cả con lẫn mẹ.


Cả nhà tíu tít ra lấy xe. Những làn khói phà ra từ cửa miệng mọi người vì trời lạnh quá. Montréal về chiều. Gió phần phật khiến tôi phải kéo cổ áo lên cao. 

 

Kết quả hình ảnh cho pierre elliott trudeau international airport


Bước ra khỏi cửa phi trường, tôi phải nhíu mắt lại vì ánh nắng cuối ngày chiếu vào. Lạ thật, trong giá lạnh vẫn còn ánh nắng. 9 tiếng đồng hồ ở hai bên lằn ranh sống chết, tôi cứ cho rằng mình đã bình tĩnh khi gần kề cái chết, thì cũng sẽ có thể thản nhiên một khi trở về cuộc sống. Nhưng không. Thành phố Montréal về chiều với những con đường mới lên đèn sao mà đẹp thế. "Nhìn kìa!". Thằng cháu la to, vừa kéo tay tôi vừa chỉ lên cành cây phía trên cao. Giữa một hàng cây trơ trụi, tôi thấy màu xanh của chiếc lá đầu tiên đang nảy mầm vừa nhô ra. 


Phải rồi, Đông đi Xuân đến. Vạn vật lại bắt đầu đâm chồi nảy lộc, kể cả tim người cũng rộn rã niềm vui. Xa xa thấp thoáng bóng dáng hai ông bà già đang nắm tay nhau đứng đợi taxi. Không hiểu sao vào giây phút đó, tôi lại nhớ tới hai chữ Vô Thường. Phải, cảnh vật và con người ta thấy hôm nay, có thể ngày mai sẽ không còn nữa. Như tôi đây, chỉ cần một tíc tắc rủi ro thì giờ này đã về với cát bụi. Tiền tài, danh vọng, địa vị... có lẽ còn dễ buông. Nhưng cuộc sống này, thì hơn hai trăm hành khách trên chuyến bay trắc trở ấy, dễ gì có được mấy ai buông?

 


Inline image

 

Dòng xe trên xa lộ vun vút. Những tia nắng chiều tranh nhau len qua cửa kiếng. Trên bầu trời, một chú chim vỗ cánh nhịp nhàng. Cuộc sống vẫn đang tiếp diễn. Gió Đông tàn thì hương Xuân kịp đến. Cánh nhạn theo về, mặc tình ai níu... ai buông.

 

Hoàng Thanh 

(Thân tặng tất cả hành khách trên chuyến bay ngày 17-3-2012)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm