Người Việt chết ở Mỹ, chôn tại quê nhà
- Thế là ông Bảy chết sau 24 ngày nằm tại Trung tâm Y tế Western (Western Medical Center), thành phố Santa Ana, quận Cam (Orange County), bang California, Mỹ vì bị đa chấn thương trong một tai nạn giao thông.
Qua Mỹ đã hơn 30 năm, vợ chồng ông làm lụng vất vả để nuôi 4 đứa con ăn học thành người. Lúc nghỉ hưu, trong những bữa cơm gia đình, thỉnh thoảng ông vẫn nói với các con: "Mai này ba chết, tụi bay nhớ đưa ba về Việt Nam chứ đừng chôn ba ở Mỹ".
Hải, đứa con lớn của ông lắc đầu: "Ba nằm đây để tụi con sớm hôm nhang khói chứ đưa ba về bển, biết mấy năm tụi con mới viếng mộ ba được một lần". Vy, con gái ông tiếp lời: "Mai mốt lỡ má có "đi" thì để má ở cạnh ba luôn chứ mỗi người một nơi, tụi con sao yên lòng được". Ông Bảy cười: "Má mày cũng đưa về luôn, chôn cạnh hai bên nội, ngoại".
Chẳng riêng gì ông Bảy, mà đa số những người Việt già quen biết với tôi, ai cũng sợ "nằm" ở Mỹ. Thứ nhất, giá đất ở các nghĩa trang tư nhân khá đắt, từ 5.000 đến 7.000 USD một huyệt mộ tùy theo vị trí, còn nếu nhờ nhà đòn lo trọn gói thì tối thiểu cũng hết 20.000 USD nếu đặt bia nằm, và 25.000 USD nếu là bia đứng. Chưa kể nhiều nhà đòn Mỹ nắm được tâm lý "mồ yên mả đẹp" của người Việt nên họ kiếm cớ bắt chẹt. Bên cạnh đó, lại có những đội "cò" chuyên mồi chài tang chủ cho nhà đòn Mỹ để kiếm hoa hồng trên xác chết.
Lối vào nhà đòn Peek Funeral Home.
Với những người ít tiền, không đủ khả năng đưa thi hài về Việt Nam chôn cất thì sự lựa chọn của họ là nghĩa trang "nhà nước" dành cho cư dân quận Cam, cách chợ Phước Lộc Thọ khoảng 20 phút chạy xe. Giá đất ở đó mỗi lô chỉ 1.900 USD cùng với tiền mai táng, chi phí các thứ, tổng cộng khoảng 6.600 USD. Trường hợp thân nhân muốn hỏa thiêu thì tiền mua quan tài, hũ đựng tro cốt và giấy tờ chứng nhận, hết khoảng 4.000 USD.
Thứ hai, nếu như ở Việt Nam, không khí đám ma thường ấm cúng bởi bạn bè thân thuộc, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng đến viếng, người này nối tiếp người kia, lại thêm phường kèn bát âm, dàn nhạc Tây tò te tí toét, chát chát bùm bùm rồi nửa khuya, khi khách đã vãn, tang chủ bao giờ cũng có vài món gì đó như đĩa gỏi gà, nồi cháo vịt hoặc bánh hỏi thịt quay để bạn bè bằng hữu ngồi nhâm nhi với vài xị rượu đế thì ở Mỹ, hầu như mọi người chỉ tập trung ra nghĩa địa để tiễn biệt lần cuối là xong, chưa kể khi thi hài đưa về nhà đòn chờ khâm liệm thì nằm đó, cô đơn lạnh lẽo một mình.
Bốn tiếng sau khi ông Bảy mất, Hải điện thoại cho tôi: "Nguyện vọng của ba con là muốn được đưa về Sài Gòn, chôn trong nghĩa trang chung với ông nội, bà nội. Chú rành việc này, chú giúp tụi con với". Tôi đáp: "Được rồi, để chú hỏi nhà tang lễ Thiên Môn thử coi, họ có dịch vụ đưa xác về Việt Nam. Nhưng đã có giấy chứng tử của bác sĩ chưa?" - "Dạ, có rồi chú".
Đâu chừng 4 tiếng sau, theo lời Hải thì nhà đòn Thiên Môn cử người tới, đưa xác ông Bảy về tắm rửa, khâm liệm. Hải nói: "Họ cho biết là họ sẽ tiến hành làm thủ tục xin "visa" cho ba con ở bên này, đồng thời liên lạc với đối tác - là một cơ sở dịch vụ mai táng ở Việt Nam, đón ba con từ sân bay đưa về quàn tại nhà ông bà nội. Riêng phía bên con, con phải nói chú con ở Việt Nam xin chính quyền giấy phép cho nhận xác rồi gửi cho họ. Khi đã có đủ những loại giấy tờ ấy, họ sẽ cho gia đình con biết ba con "bay" chuyến nào, hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất lúc mấy giờ, ngày nào…".
- Thiên Môn chỉ là một trong những cơ sở dịch vụ tang lễ của người Việt ở Santa Ana, quận Cam, bang California, Mỹ. Anh Tuấn, chủ cơ sở này cho biết, anh đến Mỹ từ khi còn rất nhỏ: "Em đã từng trải qua nhiều nghề nhưng rồi em nghiệm ra rằng phần lớn người Việt già cả sống trên đất Mỹ đều mong muốn khi mãn phần, được đưa về Việt Nam chôn cất".
Trước lúc mở ra cơ sở Thiên Môn, Tuấn bỏ thời gian tìm hiểu trong sách vở, cũng như qua những người lớn tuổi, có kinh nghiệm về cách tổ chức lễ tang theo phong tục truyền thống của người Việt, từ cách tắm rửa, mặc quần áo, trang điểm cho tử thi, đến việc khâm liệm, giờ giấc động quan, di quan: "Nếu người quá cố theo đạo Thiên Chúa, tụi em mời linh mục đến đọc kinh, làm lễ. Còn người theo đạo Phật, tụi em lo luôn việc mời thầy tụng niệm". Tôi hỏi giá cả thì sao? Tuấn đáp: "Dĩ nhiên là phù hợp với túi tiền người Việt".
Chị Thuận, cư dân Santa Ana nói: "Năm ngoái, má em mất. Nhờ nhà quàn Thiên Môn nên má em được đưa về chôn cất ở Biên Hòa, cả gia đình đều mãn nguyện".
Sống trên đất Mỹ, từ những năm 1985 trở về trước, mỗi khi trong nhà có người qua đời thì việc mai táng đối với người Việt cả là một vấn đề vừa nhiêu khê, vừa tốn kém.
Ông Long, nhà ở Garden Grove cho biết: "Người Mỹ hầu như không có tập tục tổ chức tang ma như người Việt. Nếu gia đình có thân nhân qua đời thì họ phó thác mọi sự cho nhà đòn, từ việc tắm rửa, khâm liệm, đến việc chọn đất ở nghĩa trang, lễ nghi chôn cất". Mà giá của dịch vụ này đâu phải rẻ, từ 20.000 đến 25.000 USD nên chả thế mà một ông người Việt xấp xỉ "8 bó", sau khi rảo qua một vòng các nhà đòn… Made in USA, ông về nói với vợ con rằng "đắt quá, kiểu này chắc tôi… khoan chết, đợi khi nào giá hạ thì chết cũng được!".
Có gia đình khi thân nhân chết, và vì thói quen tập tục như ở quê nhà, họ mua hòm, quàn người chết trong nhà, không có phường kèn bát âm thì họ mướn một đội múa lân rồi mỗi khi bạn bè đến viếng, trống cái trống con, thanh la não bạt gõ lung tùng xèng, chỉ thiếu cái đầu lân và ông địa mà thôi. Bữa trước bữa sau, cảnh sát đến lập biên bản, yêu cầu tang chủ phải đưa linh cữu vào nhà tang lễ vì hàng xóm gọi điện cho 911, than phiền ô nhiễm môi trường, lại thêm đinh tai điếc óc vì dàn múa lân chơi hết công suất!
Xe chuyên dùng đưa thi hài về khâm liệm và đưa quan tài ra sân bay.
Ông Long nói tiếp: "Thế nên nửa đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, nhiều người Việt chọn cách hỏa thiêu cho gọn. Thiêu xong, tro cốt đem gửi vào chùa hoặc đem về nhà, lập bàn thờ ngày đêm hương khói".
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp do nguyện vọng của người quá cố là muốn được nằm ở Việt Nam nên khi thiêu xong, vài tháng sau con cái ôm bình tro về nhưng khi ra sân bay, bộ phận kiểm dịch Mỹ yêu cầu phải bỏ lại vì trong lúc tang gia bối rối, họ quên không cầm theo giấy chứng nhận của lò thiêu. Chị Nghĩa, ở Huntington Beach, có chồng chết, khi mang tro về Việt Nam đã rơi vào hoàn cảnh này.
Chị kể: "Hai đứa con đưa tôi vào tới cửa khu cách ly thì tụi nó về đi học. Lúc kiểm dịch yêu cầu tôi phải xuất trình giấy chứng nhận của lò thiêu thì mới hay tôi để quên ở nhà. Khi đó, nếu bỏ hũ tro lại thì chắc chắn chồng tôi sẽ vào… thùng rác! Còn tôi, tôi về là để mang chồng tôi về. Nay không mang được thì về làm gì. Điện thoại cho hai đứa con nhưng thời gian tụi nó tới nhà, lấy giấy chứng nhận rồi quay lại sân bay thì đã trễ giờ nên tôi đành đặt vé lại, bay chuyến khác".
Đến khoảng giữa năm 1985, một số dịch vụ mai táng người Việt ở Santa Ana bắt đầu ra đời nhằm phục vụ cho nhu cầu của người Việt mà thoạt đầu do một nhóm người Hoa làm chủ xị. Dần dà, người Việt cũng nhập cuộc mà hiện tại, ngoài cơ sở Thiên Môn, Santa Ana còn có 2 nơi nữa, là nhà quàn An Lạc và nhà quàn Peek Funeral Home cùng một vài cơ sở nhỏ lẻ.
Cô Lynda Trần, quản lý của nhà quàn Peek Funeral Home nằm trên đường Bolsa giải thích những thủ tục pháp lý nếu muốn đưa thi hài người quá cố về Việt Nam: "Sống ở Mỹ, cái chết của mỗi con người phải được chứng nhận rõ ràng vì nó liên quan đến luật pháp, đến y tế. Vì vậy, việc đầu tiên là gia đình người quá cố phải có được tờ giấy chứng nhận của bác sĩ về cái chết của người thân mình rồi mới tính đến chuyện tiếp theo".
Vẫn theo cô Lynda Trần, sau khi có được tấm giấy chứng tử, cũng như giấy đồng ý cho phép nhận xác của cơ quan chức năng Việt Nam, nhà quàn sẽ tiến hành khâm liệm theo đúng giờ giấc tang chủ yêu cầu. Thi hài sẽ được xử lý bằng hóa chất có tác dụng trong khoảng nửa tháng để tránh trương sình, phân hủy. Bước tiếp theo, thì hài được đặt vào một quan tài bằng gỗ, mặt trên chia làm đôi, có lắp bản lề như cánh cửa sổ để thân nhân ở Việt Nam dễ dàng mở ra, nhìn thấy người thân lần cuối còn bên ngoài là một quan tài khác bằng kẽm, hàn kín.
Cô Lynda Trần nói: "Chúng tôi liên hệ với một đối tác - là một dịch vụ mai táng ở Sài Gòn hoặc Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội - là những nơi có đường bay quốc tế để thông báo giờ giấc máy bay hạ cánh. Cơ sở này sẽ tiếp nhận quan tài rồi đưa về địa phương bằng ôtô".
Anh Dũng, ở thành phố Anaheim cho biết: "Thi hài mẹ tôi được nhà quàn Peek Funeral Home đưa về Sài Gòn bằng máy bay chuyên chở hàng hóa của Hãng Hàng không Thái Lan. Trước đó, nhà đòn đã báo cho thân nhân của tôi ở Cần Thơ biết giờ giấc máy bay hạ cánh. Lúc máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất, người của dịch vụ mai táng Long Thọ tại Sài Gòn đã chờ sẵn rồi dùng xe, đưa má tôi cùng thân nhân về đến tận nhà". Lúc tới nhà, thân nhân anh Dũng tháo lớp hòm kẽm ra để mọi người nhìn mặt má anh lần cuối rồi hai hôm sau mới tiến hành chôn cất.
- Chuyện má anh Dũng "về quê" xem như xuôi chèo mát mái chứ có trường hợp, tang chủ gặp phải những nhiêu khê. Ông Thà, ba của một người bạn tôi vào bệnh viện vì hội chứng tắc nghẽn phế quản phổi (COPD) mà nguyên nhân là do ông hút thuốc lá nhiều quá. Thế nhưng khi chết, ông lại chết vì nhồi máu cơ tim. Ác thay, ông bác sĩ trực tiếp theo dõi, điều trị cho ông Thà từ hơn chục năm nay lại đi nghỉ hè hai ngày trước khi ông mất nên xác ông phải quàn trong nhà lạnh suốt 3 tuần. Lúc ông bác sĩ kia về, tử thi ông Thà lại còn bị mổ ra để xác định nguyên nhân tử vong rồi bác sĩ mới ký giấy. Anh bạn tôi nói: "Từ lúc ba tôi chết đến khi chôn cất tại Cam Lộ, Quảng Trị, mất hết 5 tuần".
Ông Khang Lê, chủ nhà đòn An Lạc cho biết: "Nếu muốn đem thi hài người quá cố về Việt Nam, tang chủ có 2 sự lựa chọn. Một là nhà đòn chúng tôi sẽ lo liệu tất cả mọi giấy tờ cần thiết ở Mỹ và ở Việt Nam, thi hài sẽ được đối tác của chúng tôi ở Việt Nam đưa về tận nhà. Hai là chúng tôi chỉ làm thủ tục bên Mỹ, đưa thi hài về đến sân bay Tân Sơn Nhất chẳng hạn, nhưng gia đình phải làm đơn xin nhận thi hài do chính quyền Việt Nam đóng dấu, ký tên chấp thuận rồi chuyển cho chúng tôi. Sau khoảng 2 tuần, họ ra sân bay nhận xác còn đưa đi đâu, bằng phương tiện gì thì đó là chuyện của họ".
Trên nắp quan tài người quá cố cũng có "mâm ngũ quả" theo truyền thống người Việt.
Tôi hỏi chi phí cho 2 sự lựa chọn ấy là bao nhiêu? Ông Khang Lê đáp: "Với trường hợp thứ nhất, chúng tôi tính trọn gói 15.000 USD nhưng cũng có thể cao hơn tùy vào loại quan tài mà tang chủ muốn, còn trường hợp thứ hai là 12.500 USD". Anh Tuấn Nguyễn, chủ nhà đòn Thiên Môn cho biết thêm: "Đặc biệt, Thiên Môn có một quy tắc, đó là khi mọi chuyện xong xuôi chúng tôi mới lấy tiền".
Tôi hỏi lỡ xong xuôi, tang chủ không trả hoặc trả nhỏ giọt thì sao, lúc ấy chẳng lẽ anh cho người về Việt Nam, đào xác lên đem qua Mỹ giao lại cho họ? Anh Tuấn cười: "Làm gì có chuyện đó. Khi tiến hành dịch vụ mai táng, tôi và họ làm hợp đồng cụ thể từng vấn đề một. Nếu họ không trả, tôi kiện họ ra tòa. Gì chứ tội bội tín ở xứ này, tòa xử nặng lắm".
Hai tuần sau, trưa thứ sáu, tôi đưa Hải cùng một đứa em của cậu ra sân bay về Việt Nam trước để chuẩn bị đón quan tài ông Bảy sẽ về vào chiều thứ ba. Và mặc dù nếu chết rồi hỏa thiêu và gửi tro cốt về Việt Nam theo đường bưu điện chỉ tốn 100 USD nhưng tất cả những cụ ông, cụ bà ở Santa Ana mà tôi đã từng gặp gỡ, ai cũng muốn mình "về" với thân xác vẹn toàn. Hơn nữa, mong muốn khi chết được nằm cạnh người thân, lá rụng về cội nên chẳng ai muốn chọn đất Mỹ làm nơi… yên nghỉ đời đời.
Bà Chín Huê năm nay 77 tuổi, móm mém nói với tôi: "Tao thấy tụi Mỹ đâu có giỗ bái gì. Lâu lâu nó ra nghĩa trang đặt bó hoa, thắp cây đèn cầy là xong. Mấy đứa con tao giờ sống theo lối Mỹ nên tao sợ tụi nó bắt chước. Mà tao thì hổng ăn được đèn cầy…"
Quyên Cali