Một sự không định tâm, tất cả đều đổ vở...
Hãy nhìn mặt biển đang yên lặng, không một gợn sóng nào hết, có việc gì xảy ra hay không? Hoàn toàn là không. Nhưng nếu bây giờ, một cơn gió nhẹ thổi qua; cơn gió đủ nhẹ, nhưng vẫn làm cho mặt biển gợn lăn tăn. Rồi thì từng cơn gió, từng cơn gió, nơi này gợn sóng lăn tăn, nơi kia gợn sóng lăn tăn, chỗ nọ gợn sóng lăn tăn. Nhiều gợn sóng lăn tăn họp nhau lại, trong khoảnh khắc sẽ trở thành ra cơn sóng nhỏ...
Những cơn sóng nhỏ, không yên. Một cơn gió lớn thổi qua, đợt sóng nhỏ này sẽ bị bốc lên cao, và rồi cơn gió nửa thổi qua, liên tục không ngừng, ngọn sóng đó sẽ càng ngày càng cao, đến một lúc nó sẽ trở thành ngọn sóng thần, cao thật là cao. Khi nó không còn chịu đựng được ở cái vị trí đó nữa thì nó sẽ đổ ụp xuống. Khi đổ ụp xuống như vậy, sức mạnh của nó từ trên cao đổ xuống thấp thì tưởng tượng rằng nó sẽ lôi cuốn biết bao nhiêu thứ ở dưới thấp.
Cho nên, đừng bao giờ xem thường một đợt sóng lăn tăn, vì đã có đợt sóng lăn tăn thì đương nhiên sẽ có lúc đợt sóng lăn tăn đó sẽ biến thành ra ngọn sóng thần! Vì vậy, tâm vừa động, phải làm cho nó yên ngay tức khắc. Đừng để cho nó động. Một cái dấy động nhỏ, rồi tới một cái dấy động nhỏ, rồi tới một cái dấy động nhỏ, nhiều cái dấy động nhỏ sẽ biến thành ra một cái dấy động lớn. Khi nó đã trở thành một dấy động lớn rồi, thì sẽ thấy rằng bao nhiêu cái tai hại xảy ra.
Do đó, đừng bao giờ xem thường hạt bụi. Phật đã nói rất nhiều lần như thế. Vì người ta xem thường hạt bụi, cho nên hạt bụi mới vào mắt, mà hạt bụi vào mắt rồi thì sẽ làm cho mắt rất xốn, rất khó chịu, chớ không đợi đến một hạt cát. Người ta phòng một hạt cát, nhưng người ta không phòng một hạt bụi. Chính vì vậy cho nên hạt bụi mới vào được trong con mắt.
Cho nên, người biết tu tập, phải biết tuyển chọn bất kỳ một tư tưởng nào xảy ra trong đầu của mình. Một tư tưởng không hay, tức khắc phải bỏ ra ngoài, không giữ. Một tư tưởng không hay, nhiều tư tưởng không hay, nó sẽ trở thành một vết đen, không bôi xóa được, dù sơn lên bao nhiêu lớp sơn trắng cũng vẫn không thể nào làm cho hết được sự hiện diện của vết đen đó. Vì vậy, tu tập là phải rất cẩn thận, luôn luôn tự kỷ ám thị, luôn luôn kiểm soát thân mình, kiểm soát tâm mình, để xem coi mình có những tư tưởng gì bất xứng hay không? Tâm mình tại sao động mà không thanh tịnh? Có luôn luôn kiểm soát thì mình mới có thể nắm vững được tâm của mình, làm chủ được tâm của mình. Còn nếu không kiểm soát thì không thể nào làm chủ được tâm của mình. Mà một khi tâm mình thoát khỏi vòng kiểm soát rồi, rất khó mà kéo nó trở lại, nếu muốn kéo nó trở lại, cũng sẽ tốn nhiều công sức và đôi khi cũng nhiều mất mát.
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it." /> |
ReplyForward |