Trích lời người dịch:
Bệnh khổ không phải là không có lối thoát, chẳng qua chúng ta có biết cách thoát cũng như đủ niềm tin và công phu để thoát hay không. Cho nên:
Nếu biết giữ tâm mình không bệnh
Tử sinh nhìn lại chỉ là trò chơi!
"Thân bệnh mà tâm không bệnh", đây không phải là câu nói suông mà đã được chứng thực qua cuộc đời của Pháp sư Đạo Chứng. Pháp sư là một vị bác sĩ chuyên trị ung bướu trước kia, sau đó trở thành bệnh nhân ung thư, và cuối cùng xuất gia tu hành, thắng vượt bệnh khổ. Với bi nguyện giúp đời, Pháp sư đã dấn thân vào nẻo khổ, cùng an ủi, khích lệ và chỉ dẫn cho những ai cùng trong cảnh ngộ.
Như các vị thiền sư trong quá khứ, Pháp sư Đạo Chứng là một vị thiện tri thức vĩ đại của bệnh nhân ung thư trong thời hiện đại. Người đã dìu dắt chúng sinh vượt qua vũng tối sợ hãi trước cửa ải bệnh khổ, tìm ra nguồn sáng nơi Đức Phật Vô Lượng Quang. Người cũng lấy thân mình làm gương, thị hiện thân bệnh mà tâm không bệnh, dùng trí tuệ từ bi và phong thái tự tại giữa bệnh khổ để an ủi, khích lệ và chỉ dạy chúng ta thấy được bản chất nhân sinh, phát huy ánh sáng sinh mệnh, nhằm soi rọi và sưởi ấm cho mình và người. Quả thực như Pháp sư nói: "Chúng ta không thể quyết định chiều dài của sinh mệnh, nhưng có thể quyết định chiều rộng và chiều sâu của sinh mệnh." Cho nên, học sống một ngày là biết ơn một ngày, học sống một hôm có ý nghĩa một hôm. Vì vậy:
Cho dù ngày mai tận thế,
Đêm nay sen vẫn gieo trồng
Đem lòng gió mát trăng thanh
Xưng tán A Di Đà Phật.
(Thích Minh Quang kính ghi)
Vướng phải bệnh ung thư hay bệnh nan y nào khác, phải làm cách nào đây?
Giả sử bạn là một người tin Phật, niệm Phật đã đến trình độ tâm an nhiên, hoan hỷ, thì không cần phải nói gì nữa. Còn như bạn chưa chuẩn bị gì cả, mà bỗng nhiên phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư, hay một căn bệnh nan y nào khác, nên trong lòng đau khổ, cuộc sống đầy lo lắng bất an, không biết phải làm cách nào, vậy chúng ta có thể an ủi, khích lệ lẫn nhau.
Tôi vốn là một bác sĩ trị bệnh ung thư, mà lại trở thành một bệnh nhân ung thư! Có thể vì lý do này, bạn cho tôi là một bác sĩ vừa dở lại vừa dốt, bản thân còn lo chưa xong, thì nói chi làm được việc gì.
Vâng, quả thực là như vậy! Rất nhiều người cười tôi. Tôi cũng cảm thấy bản thân mình đáng cười, một người bác sĩ ngu dốt! Song thực ra, trên đời này, chẳng có một bác sĩ nào là không mắc bệnh. Càng tìm không ra một bác sĩ nào có thể bảo đảm rằng mình không bệnh, không chết!
Cho nên, kinh nghiệm bản thân tôi trải qua, tuy có một chút đáng cười, song nếu bạn từ bi không chê bỏ, xin thử kiên nhẫn lắng nghe. Cho dù là vài tờ báo cũ rách, cũng có thể giúp bạn gói chiếc bình hoa xinh đẹp quý giá của mình, bảo vệ khiến nó không đến nỗi bị va vỡ; một ngọn nến với ánh sáng mờ nhạt mà lúc bình thường không đáng chú ý, lại có thể giúp bạn vượt qua một đêm gió bão, tối tăm, lúc không có điện.
Xin hãy xem tôi như vài tờ báo cũ rách, giúp bạn bảo vệ chiếc bình hoa quý giá của mình. Tôi cũng rất sẵn lòng làm một ngọn nến nhỏ, bầu bạn với bạn trong một đêm mưa bão tối tăm, thiếu ánh đèn soi sáng trong cuộc đời!
Đường núi gập ghềnh tăm tối, nguyện cùng nhau kết bạn đồng hành.
Những năm gần đây, thường có một số bạn mắc bệnh ung thư, do thấy các giáo sư ở Liên Xã Đài Trung lần lượt xuất bản những quyển sách nhỏ được ghi lại từ băng giảng của tôi, nên rất muốn mời tôi cùng thảo luận, học tập, và chia xẻ với nhau những trăn trở hay tâm đắc của mình sau khi mắc phải căn bệnh này.
Phần lớn những ai muốn tìm đến tôi, đều là người đã từng chịu khổ đau, đầy ải: khổ vì bệnh tật hành hạ; khổ vì quá trình trị liệu; khổ vì những người bên cạnh không thông cảm; khổ vì bản thân lo sợ ám ảnh bởi cái chết; thậm chí có người còn khổ vì bị người thân, hay người yêu hắt hủi, ruồng bỏ!
Khi người ta đau khổ, ai cũng hy vọng có người có thể hiểu và thông cảm nỗi khổ trong lòng mình.
Lúc sợ hãi đến nỗi giá lạnh cả tay chân, ai cũng kỳ vọng có đôi bàn tay Phật ấm áp, vĩ đại đến cứu độ kịp thời.
Lúc vượt qua một đoạn đường núi gập ghềng trong đêm đen, nếu có bạn đồng hành, mình luôn cảm thấy dễ đi hơn nhiều.
Chỉ mong trong lúc bạn đau khổ, lo buồn, tôi có thể trở thành một người bạn đồng hành, cùng nhau vượt qua đoạn đường nhân sinh nhiều gập ghềnh và đen tối này!
Thoát vòng sợ hãi, hết lòng phụng sự. Học sống một ngày, biết ơn một ngày; học sống một hôm, biết vui một hôm.
Chúng ta đều là những con người giống nhau, biết khóc, biết cười, biết đau, biết khổ. Dòng máu của ai cũng đỏ, nước mắt của ai cũng mặn! Cho nên, khi gặp phải cảnh khốn khó phải bó tay, ai mà không khỏi lo lắng, sợ hãi?
Khi biết được trong thân có một cái bướu "ác tính", không biết nó sẽ hành hạ mình như thế nào, hiếm có ai là không lo sợ!
Khi biết rằng mình sắp chết, lại không biết chết rồi sẽ đi về đâu, ai lại không lo sợ, bàng hoàng?
Tôi rất biết ơn tất cả bệnh nhân trong bệnh viện trước kia, đã thị hiện dạy cho tôi rất nhiều bài học. Tôi đã học được làm cách nào để sống qua những tháng ngày như thế này, và học sống một ngày là biết ơn một ngày, học sống một hôm là biết vui một hôm.
Tôi cũng từng rất đau khổ, đau khổ đến mức không còn cách nào chịu đựng được nữa! Nhưng nhờ vào lòng tin, tôi đã tìm lại được những ngày tháng biết ơn và an lạc.
Đã từng có người nghe đến đây lắc đầu bảo: Chúng tôi trước khi mắc bệnh đâu có đức tin như vậy; cũng không biết Phật là gì, làm sao mà có tâm biết ơn; Lo sợ đến chết đi được, làm sao mà thanh thản như bác sĩ! Xin bác sĩ hãy nói những điều thực dụng đối với chúng tôi, đừng dính dáng đến kinh Phật, hay những thuật ngữ khó hiểu.
Cũng từng có một bệnh nhân bảo: Tôi hiện giờ còn tâm trí đâu mà đi nghiên cứu kinh Phật. Trong lòng lo lắng, mỗi ngày tôi đều tra cứu tài liệu y học, song càng xem lại càng sợ hãi! Có người khuyên nên đọc kinh Phật, nhưng tâm tôi luôn rối rắm, đọc thứ gì cũng không vô!
Những lời nói này đã phản ảnh thực đúng tâm trạng khốn khó của tất cả người bệnh nói chung.
Bản thân tôi không có công phu, cũng không có tư cách, khả năng giảng nói kinh Phật. Tôi chỉ có một số kinh nghiệm qua sự thấy nghe của mình, từ đó rút ra được những bài học và sức mạnh bổ ích, giúp mình tháo gỡ những vướng mắc trong tâm. Tuy những kinh nghiệm này rất nghèo nàn, song cũng có thể chia xẻ cùng bạn. Biết đâu căn cơ của bạn tốt, nhờ đó mà có thể sống vui, thanh thản hơn tôi nhiều!
Vui vẻ không buồn lo, nên gọi là Phật.
Tôi rất thích lời giải thích Phật là gì của một vị Thiền sư, đó là ngài Đạo Tín. Ngài bảo: "Vui vẻ không buồn lo, nên gọi là Phật."
Như vậy, Phật chính là tâm luôn luôn vui vẻ, không có lo buồn!
Trước hết, tôi xin kể ra đây một câu chuyện, hy vọng bạn có thể cảm nhận được đạo lý chứa đựng trong đó.
Lúc tôi còn là sinh viên ở học viện Y Học, năm thứ hai phải học môn giải phẫu, nghiên cứu cấu tạo toàn bộ xương người. Thi rất là khó, không ít sinh viên bị rớt ở môn này. Tháng mười năm đó có kỳ nghỉ lễ, tôi tranh thủ thời gian trở về quê ở Đài Nam vài ngày. Nhưng sau kỳ nghỉ là kỳ thi, nên tôi tuy về quê, vẫn đem theo xương sọ theo để học. Chúng tôi học đều dùng xương sọ người thật.
Tôi đem một cái xương sọ và vài nhánh xương tương đối phức tạp, đựng trong một túi xách đơn giản, ôm trước ngực, cùng mọi người chen nhau bước lên xe lửa trở về quê. Thực ra, lúc đó tôi cảm thấy việc này rất bình thường. Bởi vì cha tôi là bác sĩ, trong nhà ai cũng nghĩ đó chỉ là công cụ dạy học mà thôi.
Hôm sau có một người chị họ lớn hơn tôi hai tuổi đến chơi. Chị trông thấy tôi ngồi cầm xương sọ, đối chiếu với hình vẽ trên sách, đọc lẩm nhẩm tiếng Latin, nên hiếu kỳ đến chơi. Chị tươi cười cùng xem với tôi, lại còn cầm xương sọ lên, đùa bảo: "À, thì ra hai con mắt là hai lỗ sâu hoắm, còn lỗ mũi lại bằng phẳng, trông thực dễ thương!"
Chị vừa xem vừa cười. Không biết lúc đó nghĩ sao tôi lại nói: "Những người này hiến xương cho chúng ta nghiên cứu, để sau này mình có thể cứu người, cho nên phải tỏ lòng kính trọng và biết ơn..."
Tôi còn chưa nói xong, chị bỗng thét lên một tiếng, quăng xương sọ đang cầm trên tay ra thật xa, khóc mếu máo, trách tôi: "Sao không nói sớm đó là xương người thật?"
Tôi vội vã xin lỗi, rồi đi nhặt lại xương sọ. Tôi nhìn thấy mặt chị xám xanh, nước mắt ràn rụa, đang ngồi run rẩy bên cạnh đàn dương cầm. Chị lại nhìn đôi tay của mình, một đôi tay vừa sờ qua xương người chết! Dường như chị rất ghê sợ nó, không biết phải làm sao? Bỏ đi không được, để đó thì lại ghê!
Tôi thấy vậy mới nói: "Xin lỗi, thì ra chị không biết đó là xương người thật. Nhưng không phải lúc nãy chị đã xem rất hứng thú hay sao? Xương người cũng không có gì đáng sợ! Tụi em mỗi ngày đều ở chung với xương người để nghiên cứu. Chỉ cần có tâm cung kính là được."
Tôi còn phải nói rất nhiều để an ủi chị. Sau đó chị mới hết khóc, cười nói vui vẻ trở lại. Nhưng từ đó về sau, chị không còn dám sờ đến mấy khúc xương này nữa!
Vì sao tôi phải kể lể dài dòng như vậy?
Bởi vì câu chuyện này đã cho bản thân tôi một bài học lớn. Đó là: con người thực ra đều sống với thế giới "quan niệm" của mình! Sọ người đó trước và sau không có gì khác nhau, nhưng thái độ tâm lý của chị tôi lại thay đổi một trời một vực!
Đối với người không có liên tưởng viển vông, xương người là thứ rất bình thường, bởi vì chúng ta ai cũng có một bộ! Bộ xương của mình được bao bọc bên ngoài bởi lớp thịt da, chẳng phải rất bình thường, không có chút gì đáng sợ hay sao?
Nhưng người chị họ của tôi khi nghĩ đó là giả, thì đùa vui hết sức tự nhiên; đến khi biết nó là xương người, lại sợ đến phát khóc, trống ngực đánh dồn dập. Đây là chị bị "quan niệm" và óc tưởng tượng quá đáng của mình khống chế mới khiến như vậy.
Chúng ta không nên cười chị. Vì thực ra mình cũng không khác gì. Chúng ta đều bị một số quan niệm và óc tưởng tượng lừa dối. Đây có thể gọi là: Sắc chẳng mê người, người tự mê; xương không đáng sợ, người tự sợ!
Có rất nhiều lời nói, bản thân nó không làm người ta giận, nhưng người nghe lại tự mình nổi giận. Cũng vậy, ung thư không làm người ta sợ, mà người lại tự sợ. Cái sợ này, có thể khiến người đang không việc gì mà tim bỗng đập dồn dập, vốn khỏe mạnh mà lập tức suy sụp cả người!
Trạng thái tâm lý, ý niệm có quyết định, có sức mạnh không thể nghĩ bàn.
Khi tôi còn làm việc trong bệnh viện, từng phát hiện một sự thực như sau. Bệnh nhân ung thư trị liệu bằng phóng xạ hay hóa chất, do đó huyết cầu của họ phần lớn sẽ giảm. Nói chung, người bệnh vốn không biết số lượng huyết cầu mình bao nhiêu, và số lượng nhiều ít có ý nghĩa như thế nào, nhưng họ đều quan niệm số huyết cầu càng giảm thì càng không tốt. Bệnh viện có tiêu chuẩn, số lượng huyết cầu giảm đến mức độ nào thì phải tạm ngưng điều trị. Có một số người bệnh vì bạch huyết cầu giảm thấp, nên tạm thời nghỉ ngơi vài ngày. Khi họ ở nhà cảm thấy sức khỏe khá hơn, liền trở lại bệnh viện tái khám. Phần lớn những người này đều cho rằng huyết cầu của mình nhất định đã tăng lên. Nên khi bước vào phòng khám, họ thường tươi cười và nói với tôi: "Mấy hôm nay khá lên nhiều lắm, lại ăn ngon miệng!" Họ cũng vui vẻ đi thử máu lại, rồi đem phiếu xét nghiệm về cho tôi xem. Lúc tôi đang coi phiếu xét nghiệm, người bệnh đều hỏi: "Bạch huyết cầu của tôi bao nhiêu?"
Nếu như tôi nói ra số liệu thực sự ghi trên phiếu có thấp hơn so với lần trước, là điều mà họ không ngờ đến, thì dường như vẻ mặt ai cũng trầm xuống, tay chân như không còn sức lực, giọng nói yếu ớt: "Sao lại thấp như vậy?" Một lát nữa, họ có thể còn suy sụp đến mức không đủ sức đi về nhà!
Chúng ta thử nghĩ xem, cũng là một thân này, mà trước sau chỉ có một giây mà đã khác nhau như trời vực! Chỉ cần nghe đến con số huyết cầu mà người ta không ngờ đến, thì tâm liền thất vọng và lo lắng! Tình trạng sức khỏe mà trước đây mình cho là đã khá hơn bỗng lập tức trở nên suy sụp, yếu đuối! Nó phát tác còn nhanh hơn bất cứ thuốc độc nào!
Từ chỗ này chúng ta có thể nhận ra một đạo lý. Đó là tâm niệm của con người có tính quyết định và sức mạnh không thể nghĩ bàn!
Tâm lý ảnh hưởng đến công năng miễn dịch.
Thí nghiệm khoa học cho thấy, sự thay đổi trạng thái tâm lý quả thực có thể sinh ra một số vật chất ảnh hưởng đến sinh lý. Ví dụ lúc chúng ta nóng giận, trong cơ thể sẽ sinh ra độc tố rất giống hay tương đồng với nọc rắn.
May mà gan của con người có công năng giải độc, nên những chất độc do nóng giận sinh ra này không đến nỗi khiến chúng ta mất mạng! Nếu công năng giải độc của ai kém yếu, hoặc cao huyết áp, hay người mắc bệnh tim, thì chất độc do nóng giận gây ra đủ để làm người đó mất mạng. Cho nên, việc "giải độc" triệt để cần phải ngay "tâm niệm" của mình mà hạ thủ công phu. Tâm niệm thay đổi, thân thể cũng thay đổi theo.
Viện Nghiên Cứu Ung Thư Quốc Gia ở Mỹ có một công trình nghiên cứu cho thấy: nhà nghiên cứu có thể đoán trước đúng một trăm phần trăm người bệnh có chiến thắng được bệnh ung thư trong vòng từ một đến hai tháng hay không. Điều mà nhà khoa học căn cứ không phải là khối u lớn hay nhỏ hay mọc ở chỗ nào, cũng không phải căn cứ vào kết quả xét nghiệm theo máy móc, càng không phải là số liệu có được từ kết quả thử máu, mà hoàn toàn căn cứ vào "trạng thái tâm lý" của người bệnh! Tâm mới chính là gốc rễ của vấn đề!
Có đến hàng ngàn công trình nghiên cứu cho thấy, do chịu áp lực nên khiến cho tuyến ngực teo lại, có nghĩa là công năng miễn dịch trở nên suy yếu. Theo kết quả thí nghiệm, những trạng thái tâm lý xấu như nóng giận, lo buồn v.v... đều có thể đưa đến sự suy yếu công năng miễn dịch, khiến dễ sinh ra bệnh ung thư và các bệnh truyền nhiễm khác, cũng như khiến việc điều trị mất đi công hiệu. (Bởi vì, cần phải thông qua công năng miễn dịch của bản thân người bệnh, thì việc trị liệu mới có kết quả.)
Điều này cho thấy, tâm niệm có sức mạnh vô cùng. Cho nên cần phải đem tâm niệm của mình chuyển thành tâm niệm Phật. Phật chính là tâm sáng suốt, an vui, không có phiền não. Nếu niệm Phật, tâm tự nhiên sẽ trở nên sáng suốt, an lạc và có sức mạnh. Tâm niệm Phật thì vừa có thể buông xả những áp lực, vừa có thể tránh được những độc tố sinh ra bởi những tâm lý xấu, lại vừa tăng trưởng sức miễn dịch.
Chúng ta cần phải biết rằng, áp lực là do tâm mình tự "tiếp nhận" lấy. Chỉ có những việc mình mà mình quá quan tâm, vướng mắc, mới có sức ép đè nặng lên tâm lý. Nếu thay đổi tâm niệm, không nghĩ rằng đó là gánh nặng, thì sức ép tự nhiên không còn tồn tại và mình cũng không phải "tiếp nhận" lấy gánh nặng này. Nếu chúng ta quyết tâm (niệm Phật) thì không còn tâm nào để tiếp nhận gánh nặng tâm lý đó nữa. Cho nên cần phải luyện tập: "Nhận hay không nhận là do tự tâm mình quyết định."
Vạn pháp do tâm tạo, niệm Phật an vui nhất.
Nghiên cứu khoa học cho thấy, khi người ta vui vẻ, bộ não sẽ tiết ra chất hóa học như Endorphins và Enkephalins. Chất endorphins giúp tăng sản lượng tế bào T (lymphocyte) giống như tăng thêm số lượng cảnh vệ, hay quân đội. Còn chất enkephalins giúp tế bào T tăng thêm sức mạnh để chiến thắng tế bào ung thư, đồng thời giúp tế bào T trở nên linh hoạt, có hiệu quả hơn.
Cho nên "tâm niệm" chính là vị tổng chỉ huy của đội quân miễn dịch. Đây là kết quả thực nghiệm khoa học, cũng là chứng minh lời Phật dạy: "Vạn pháp duy tâm tạo".
Người niệm Phật nguyện sinh về thế giới Cực Lạc, chính là nguyện: Không có sự khổ, chỉ hưởng an lạc; hay nói khác đi, chính là nguyện khiến tâm luôn ở trong trạng thái an lạc, vui vẻ. Phật A Di Đà còn được gọi là Phật Hoan Hỷ Quang, nên thường niệm Phật chính là thường hoan hỷ, tạo ra tất cả những chất tăng thêm sức miễn dịch. Cho nên Đức Phật được xưng tán là Vô Thượng Y Vương, tức là vị Thầy thuốc vua của tất cả thầy thuốc! Còn hoan hỷ niệm Phật chính là thuốc bổ tốt nhất!
Bào thai là khối u lớn nhất trong cơ thể.
Tôi từng đọc qua một câu trong sách y học về khoa phụ sản: "Thai nhi là khối u lớn nhất trong cơ thể!" Quả thực, thai nhi trong bụng mẹ phân hóa, càng lúc càng lớn, người mẹ không thể nào khống chế lại được. Ngay cả nhóm máu của thai nhi cũng có thể khác với mẹ. Người mang thai là người mang trong người một sinh mệnh khác mà mình không thể khống chế. Trong sách còn bảo đó là khối u lớn nhất trong thân thể con người! Nhưng tâm lý của người mẹ lại không sợ hãi, phần lớn còn rất vui sướng. Đây là vì người mẹ nhìn thấy phần lớn người có mang đều không sao cả, cho nên tự nhiên không sợ hãi. Giả như, nhóm những người mắc bệnh ung thư chúng ta ai cũng có thể sống vui vẻ, an lạc, thì những người sau này mắc căn bệnh này cũng không có lo lắng, sợ hãi. Không ai quy định bệnh ung thư là phải sầu thương ủ rũ, buồn khổ khóc lóc. Chúng ta có thể phấn chấn tinh thần, sống một cách thoải mái, tự tại.
Tiềm năng cơ thể con người là vô hạn.
Thân thể của chúng ta vốn chỉ là một cái trứng thụ tinh bé tí trong lòng mẹ, thế mà nó đã phát triển thành đủ mọi giác quan. Những giác quan này tự mình lớn lên và đều có công năng khác nhau, có thể nói đó là một điều không thể nghĩ bàn! Cho dù bạn không quan tâm đến, da thịt bạn vẫn đổi mới mỗi ngày. Người không học ngành y có lẽ không biết rằng trong thân mình có những cơ quan nào. Nhưng tuy bạn không biết, chúng từ nhỏ vẫn giúp bạn làm rất nhiều việc tốt. Tiềm lực của chúng thật là vô cùng.
Trước đây, tôi được nghe thầy Tiêu Vũ Dung giảng Phật Pháp. Ngài dạy chúng tôi phải có tâm biết ơn đối với cơ thể. Ngài nói đến một việc rất lý thú. Đó là lúc chúng ta dùng cơm, chén đũa dính dầu mỡ nếu không dùng xà bông rửa chén để rửa thì không sao sạch được. Nhưng dạ dầy và ruột chúng ta ăn biết bao nhiêu thứ dầu mỡ mà trước giờ mình đâu có cần nước rửa chén hay bất cứ thuốc tẩy rửa nào! Ruột và dạ dầy tự nó biết xử lý mà không cần chúng ta dạy dỗ, can thiệp! Vậy bạn nói xem, có phải chúng ta có một cơ thể rất giỏi giang, rất khéo léo hay không? Nó thực sự có Phật tánh, lại còn có đầy đủ tiềm năng lớn mạnh trong đó. Cho nên chúng ta phải hết sức khai phát, vận dụng tiềm năng này, mà không phải chỉ biết trách móc, chà đạp nó. Thông thường người ta hay: lúc chưa bệnh sống bê bối, vô độ, đó là chà đạp thân thể; lúc có bệnh lại trách móc nó!
Ông chủ nên có lòng từ bi và biết ơn.
Bạn thấy, tim của mình đã đập không ngừng từ nhỏ. Lúc chúng ta ngủ nó cũng không ngủ, vẫn tiếp tục đập, chưa từng xin chúng ta nghỉ phép một ngày, cũng như chưa từng có đình công! Nói ra, chúng rất cực khổ. Hiện nay, tuyệt đối tìm không ra một nhân viên nào làm việc hết lòng, hết sức như vậy. Cho nên khi các cơ quan trong thân mình thỉnh thoảng có mệt, có bệnh, chúng ta cũng nên cảm thông nỗi cực khổ mà đối xử với chúng bằng một thái độ từ bi và biết ơn, cũng như cho chúng có cơ hội điều chỉnh và khôi phục. Chúng ta không nên một mực trách móc, bài xích, dường như có mối thù không đội trời chung với chúng, cần phải lập tức cắt bỏ, quyết phải tiêu diệt không chút lưu tình! Nếu bướu mọc nơi mà mình không thể cắt, không thể tiêu diệt ngay lập tức, thì mình lại lo sợ, bực bội, trách móc. Chúng ta thử nghĩ: giả như bình thường có một ông chủ đối với nhân viên của mình không chút quan tâm, giúp đỡ, một khi nhân viên có chút gì sai lầm, lại muốn lập tức khai trừ! Ông chủ đó có quá đáng hay không? Tôi tin rằng ông chủ như thế thì nhân viên đều phản lại!
Một ngày trước và sau khi phát hiện ung thư.
Chúng ta thử nghĩ xem, một ngày trước khi phát hiện ra ung bướu, thì khối u đó vẫn tồn tại trong thân, và kích thước lớn nhỏ vẫn giống nhau. Lúc ấy, mình mang khối u đi khắp nơi, làm việc và cười nói với mọi người. Vậy tại sao một khi trong đầu mình có ý niệm: "Tôi mắc bệnh ung thư", thì thế giới trở nên mưa gió, tối tăm, không còn cười tươi được nữa! Chúng ta ai cũng biết, mỗi người khi sinh ra đều chú định sẽ có ngày sinh mệnh kết thúc. Đây không phải là điều mà khi mắc bệnh ung thư mới biết. Nếu vì sinh mệnh kết thúc mà lo sợ, thì lẽ ra từ khi sinh ra đã bắt đầu lo sợ mới phải, không phải đợi khi bị tuyên bố là mắc bệnh ung thư mới lo sợ!
Có thể chuyển hóa tế bào sai lầm.
Thực ra tế bào ung thư vốn cũng là những tế bào tốt, như những công dân tốt, trong thân thể của ta. Do phải chịu bức ép, tổn thương, đả kích nên chúng mới bất đắc dĩ thay đổi, phân hóa thành những tế bào sai lầm. Những tế bào sai lầm này sẽ bị thân thể chúng ta quản chế. Bởi vì thân thể của chúng ta giống như một tổ chức xã hội, nó có hệ thống cảnh sát, đối với những tế bào mọc sai, thì bạch huyết cầu, lymphocyte của chúng ta có công năng phát hiện, quản chế và điều chỉnh. Giả sử lúc thể lực chúng ta suy yếu, cuộc sống không điều độ, thì công năng của hệ thống cảnh sát (hệ thống miễn dịch) sẽ trở nên suy yếu, khiến những tế bào mọc sai không được điều chỉnh, không biết cải đổi lỗi lầm. Chính những tế bào sai lầm này lại sinh ra những tế bào sai lầm đời thứ hai. Cứ như vậy tiếp tục sinh sản, dần dà chúng sẽ biến thành một đoàn thể tự phát, đây chính là "ung bướu".
Điều này giống như một đứa trẻ tốt, nhưng gặp phải hoàn cảnh xấu thì nó cũng bị ảnh hưởng, tâm lý tốt sẽ dần dần thay đổi, trở nên xấu tính, rồi đi gia nhập băng đảng, chiếm cứ địa bàn, gây gổ đánh nhau. Đây giống như là ung bướu.
Nhưng ngược lại, đứa bé biến chất thành xấu đó cũng có thể trở lại thành người tốt! Chỉ cần chúng ta hiểu biết, giúp nó loại bỏ những nguyên nhân, điều kiện khiến nó hư đốn.
Đối với đứa bé đó, có người chủ trương cứ loại bỏ phứt đi là giải quyết được vấn đề. Nhưng loại bỏ nó đi rồi sau đó có thực sự giải quyết được vấn đề hay không? Nếu hoàn cảnh xấu vẫn còn đó, thì sau này những đứa trẻ tốt khác cũng lại trở thành những đứa bé xấu. Vậy rốt cuộc phải loại bỏ đến mức độ nào đây? Đứa trẻ trở nên xấu là có nguyên nhân. Chúng ta cần phải hiểu rõ và loại trừ nguyên nhân đó, đồng thời cảm hóa, thì đứa trẻ sẽ trở nên tốt.
Tế bào chúng ta cũng giống như vậy, không phải chỉ cần giải phẫu, giết sạch tất cả là được!
Tế bào ung thư có thể trở thành tế bào bình thường.
Y học có một thí nghiệm về việc cấy nuôi tế bào ung thư. Lúc mà điều kiện được khống chế tốt, quả thực có thể biến tế bào ung thư trở nên bình thường, rồi biến thành tế bào tốt. Chúng ta cần phải lắng lòng lại để phản tỉnh về nguyên nhân khiến những tế bào này trở nên xấu, rồi cố gắng dứt trừ nguyên nhân đó. Khi nhân duyên thay đổi, tế bào có thể trở nên tốt, hay ít ra chúng cũng không phát triển thêm.
Không cần phải sợ.
Cần phải biết, dù chúng ta mắc bệnh ung thư vào thời kỳ nào, thì tế bào ung thư cũng không nhiều bằng tế bào lành mạnh. Thân thể chúng ta có bao nhiêu tế bào tốt? Có khoảng sáu mươi ngàn tỷ (60.000.000.000.000) tế bào tốt! Đây là một lực lượng vô cùng hùng hậu. Vậy tại sao lại bị một nhóm tế bào do nhân duyên xấu biến thành bệnh hoạn đánh bại? Về mặt lý luận, đây là điều không thể có được. Trừ khi nào tất cả tế bào lành mạnh đều bị sợ hãi đến mức không thể phấn chấn, phản kháng!
Chúng ta có thể dùng một thí dụ để nhận ra lý này. Như một ngôi làng có rất nhiều thanh niên khỏe mạnh. Một hôm có một tên cướp đến đó giết sạch tất cả. Các vị nghĩ xem điều này có hợp lý không? Chẳng lẽ những thanh niên đó đều ngủ mê cả sao? Hay là đều sợ đến mức tay chân không còn sức? Phải biết thanh niên là người, mà tên cướp cũng là người, vì sao thanh niên phải khiếp sợ tên cướp đến mức như vậy? Tên cướp không sợ thanh niên, mà thanh niên lại sợ tên cướp, đó là điều hoàn toàn vô lý!
Có một em bé chỉ mới ba tuổi được người hỏi: "Giả như em bị người xấu bắt, định giết chết, thì em làm sao?" Em nghe xong, dõng dạc trả lời: "Thì cứ niệm Nam Mô A Di Đà Phật cho hắn nghe!"
Em bé đó đã biết vận dụng sức mạnh và trí tuệ vốn có của Phật tánh! Tên cướp cũng có Phật tánh, nên vẫn có thể phát tâm từ bi và được cảm hóa. Thực ra, làm ăn cướp chỉ trong một niệm. "Đồ tể buông dao, lập tức thành Phật" cũng trong một niệm! Cho nên chúng ta có thể tập hợp sức mạnh hùng hậu của sáu mươi ngàn tỉ tế bào lành mạnh để cảm hóa, cải thiện tế bào xấu, ít ra cũng không bị nó ảnh hưởng, nên có thể sống một cách an lạc!
Tâm niệm và quan niệm quyết định vận mệnh và hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta có thể quan sát bản thân, giả như gặp phải chuyện bất như ý hay sợ hãi, có phải tim mình đập nhanh và mạnh lên không? Dạ dầy chúng ta cũng đau thắt lại, chân tay trở nên giá lạnh, thậm chí có người còn run rẩy, đổ mồ hôi lạnh! Xin hỏi, chúng ta có từng suy nghĩ điều gì khiến tim mình đập nhanh, tay chân run rẩy hay không?
Một niệm thay đổi, sáu mươi ngàn tỷ tế bào cũng thay đổi.
Trước đây chúng tôi thi môn giải phẫu học trong Y Học Viện, mọi người đều rất hồi hộp lo lắng, bởi vì phải vừa trả lời đề thi treo trên tử thi, vừa phải chạy quanh bàn mổ. Có một bạn đồng học cảm khái bảo: "Lạ quá, hai chân cứ phát run, không biết đây là do dây thần kinh nào khống chế, mà muốn đừng run cũng không được!"
Quý vị thấy không, chỉ một tin tức đưa đến khiến mình thay đổi tâm niệm là sáu mươi ngàn tỷ tế bào liền thay đổi theo! Môi đang từ mầu hồng liền chuyển sang xám xịt, cả người cũng nổi gai ốc!
Có phải chúng ta thường dùng những tâm niệm áp lực, không vui này để bức ép sáu mươi ngàn tỷ tế bào tốt của mình, hèn chi mà có một số tế bào nổi loạn! Giả như biết rằng sinh mệnh tạm thời này có lúc phải kết thúc, chúng ta sẽ biết trân trọng nó, sống một cách thong dong, tự tại, từ bi và hoan hỉ! Vậy chúng ta có nên tự làm cho thân tâm của mình chịu áp lực, khiến phải đau khổ cho đến lúc chết hay không?
Cấp trên từ bi hoan hỷ, nhân viên mới vui vẻ hết lòng.
Chúng ta thử nghĩ: Nếu cấp trên biết quan tâm và cảm thông, có phải chúng ta sẽ hết lòng làm việc? Còn gặp phải cấp trên hà khắc, bữa nào cũng nổi giận, trách cứ, đòi đuổi việc nhân viên, thì đương nhiên là không ai hết lòng làm việc, thậm chí còn cố ý quấy rối, phản kháng, khiến cấp trên bị tổn thất!
Tình hình tế bào toàn thân chúng ta cũng giống như vậy. Chúng là nhân viên của chúng ta. Là ông chủ, lẽ ra chúng ta nên dùng tâm niệm từ bi, an vui để khiến cho mỗi tế bào hoan hỉ làm tốt công việc, và được đượm nhuần sức sống. Chúng ta nên để cho chúng có cơ hội nghỉ ngơi để tái tạo sức làm việc, máu huyết lưu thông để tiếp tế dưỡng khí và dưỡng chất một cách đầy đủ. Chúng ta thử nghĩ xem: khi chúng ta cảm thấy hoan hỉ và có tâm niệm tốt lành, thì có phải toàn thân chúng ta đều cảm thấy thơ thới dễ chịu hay không? Chúng ta niệm Phật, niệm Pháp chính là đem tâm niệm của mình đặt vào trong trạng thái năng lượng cao nhất, từ bi hỷ xả thanh tịnh nhất. Trạng thái tâm niệm này sẽ sinh ra hiệu quả an ủi và khích lệ từng tế bào một trong cơ thể! Niệm Phật chính là cách vận dụng tâm niệm quý báu của mình một cách tốt đẹp nhất!
Niệm Phật là môn trị liệu bằng âm ba vi diệu nhất, nhằm khai phát khả năng trị liệu tự nhiên của Phật tánh (khả năng tự chữa lành).
Bản thân tôi niệm Phật không có thành tựu gì đặc biệt. Bởi vì sự hiểu biết của tôi rất cạn cợt, còn về phương diện thực hành cũng không được tinh tấn, thiết thực bằng người khác. Nhưng tôi có một kinh nghiệm nhỏ như sau. Đó là khi niệm Phật, lập tức trong miệng liền tiết ra chất dịch rất ngọt, khiến cả ngày dù không uống nước cũng không cảm thấy khát, dù niệm Phật ra tiếng suốt buổi cũng không bị khan giọng, có lúc còn cảm thấy cả lục phủ ngũ tạng của mình đều mát mẻ, dường như mỗi tế bào đều hoan hỉ.
Trên thế giới không có ai bắt buộc tôi phải niệm Phật; càng không có ai quy định mỗi ngày tôi phải niệm bao nhiêu câu. Nhưng tôi cảm thấy niệm Phật thân tâm thực sảng khoái, thư thái, vượt hơn bất cứ sự hưởng thụ nào. Vì vậy tôi chọn lựa niệm Phật. Làn sóng tâm niệm Phật và làn sóng âm thanh niệm Phật khiến toàn thân chúng ta dao động một cách vi diệu, dường như xoa bóp cho tất cả tế bào. Việc xoa bóp này rất nhẹ êm, tinh tế, khiến cho các tế bào trong trạng thái dễ chịu có thể phát huy công năng tốt nhất. Sự rung động tinh tế, vi diệu này chỉ có khi nào thân tâm mình buông xả, thư thái mới có thể nhận đuợc tương đối rõ ràng.
Giới y học và âm nhạc từng cùng nhau nghiên cứu việc dùng âm nhạc để trị liệu. Những loại âm nhạc khác nhau có khả năng trị liệu khác nhau. Đây là điều mà các nhà khoa học đã chứng minh được qua thực nghiệm. Khi chúng ta mở rộng tấm lòng, toàn thân buông xả và niệm Phật theo âm vận nhất định, thì chắc rằng hiệu quả còn hơn so với những âm nhạc bình thường. Bởi vì trong danh hiệu Phật đã hàm chứa tâm từ bi vĩ đại và trí tuệ thâm sâu cứu độ chúng sinh của Đức Phật. Đồng thời, danh hiệu Phật cũng khai phát ánh sáng và năng lực công đức Phật tánh vốn sẵn có nơi chúng ta! Năng lực công đức này đương nhiên cũng bao gồm năng lực trị liệu tâm bệnh và thân bệnh!
Chúng ta niệm Phật có thể khai phát và biểu lộ năng lượng Phật tánh nơi tự thân, giải quyết được rất nhiều vấn đề. Phật là người đã khai phát và hiển lộ năng lượng Phật tánh của mình đến mức viên mãn. Khi chúng ta niệm danh hiệu Phật, Ngài cũng sẽ theo bản thệ nguyện của mình mà cảm ứng, giúp chúng ta đạt đến cảnh giới an vui, không còn lo buồn!
(Trích từ quyển "Niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư")
Pháp sư Đạo Chứng giảng
Thích Minh Quang dịch