Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

 

image

 

Mỗi miền có một tục kiêng kỵ khác nhau: Miền Bắc kiêng treo tranh xui xẻo, miền Trung kiêng ăn tôm vì sợ việc làm ăn đi... giật lùi, riêng miền Nam cất chổi rất kỹ vì lo mất chổi sẽ bị trộm vét sạch của cải…

 

Miền Bắc

image

Kiêng quét nhà: Trong ba ngày Tết, kiêng quét nhà vì sợ quét hết vận đỏ đi. Vì thế, ai cũng quét dọn nhà cửa, vườn tược trước lúc giao thừa.

 

Kiêng đổ rác: Tục kiêng đổ rác xuất phát từ câu chuyện trong Sưu thần ký. Chuyện kể rằng, có một người lái buôn đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy thần tặng nàng hầu tên là Như Nguyệt. Ông trở nên giàu có, tiền bạc đầy nhà.

 

Năm ấy, vào ngày mồng Một Tết, Như Nguyệt mắc lỗi nhỏ, bị ông chủ đánh đập nên biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông lại nghèo như xưa.

 

Kiêng không treo những tranh "xui xẻo" như: đánh ghen, kiện tụng... mà phải tìm bằng được tranh lợn, gà, cậu bé...

 

image

Kiêng cho lửa ngày Tết: Ngày mùng Một Tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình, vì quan niệm lửa là đỏ là may mắn. Cho người khác cái đỏ trong ngày mùng Một Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may như làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai bay vạ gió…

 

Rắc vôi bột ở 4 góc vườn: Ở nông thôn, nhà nào cũng rắc vôi bột ở 4 góc vườn rồi vẽ hướng ra phía cổng để xua đuổi ma quỷ. Vì thế, dân gian có câu: "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi".

 

Xông nhà: Những người "nặng vía", không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông nhà ngày đầu năm. Người có tang không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.

 

Tránh nói giông: Ngày đầu năm, ta phải hết sức tránh những ngôn ngữ, hành động có thể đem lại sự không may, còn gọi là nói giông hoặc nói xui như: "Chết rồi!", "Tiêu rồi!".

 

Kiêng cho nước đầu năm: vì nước được ví như nguồn tài lộc trong câu chúc tiền vô như nước, nếu cho nước thì coi như mất lộc.

 

Kiêng làm vỡ bát đĩa: Bát đĩa tượng trưng cho gia đình, vì thế, trong ngày này không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, cãi nhau, chửi nhau, kiêng những điều không vui xảy ra với gia đình.

 

Kỵ mai táng: Ngày Tết Nguyên Đán là ngày vui của toàn dân tộc, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hoà chung với niềm vui toàn dân tộc.

 

Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà nào có đại tang kiêng đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh.

 

Miền Trung

image

Kiêng ăn một số món: Người dân miền Trung có tục kiêng ăn trứng vịt lộn, thịt vịt trong ngày Tết và cả tháng đầu năm. Người ta cho rằng ăn thịt vịt sẽ gặp xui xẻo. Một số vùng không ăn tôm vì sợ... đi giật lùi như tôm. Nếu ăn trong ngày Tết, công việc sang năm sẽ lùi chứ không thể tiến tới. Kiêng mua quần áo màu trắng, vải trắng suốt tháng Giêng Âm lịch.

 

Miền  Nam

image

Ở một số vùng quê  Nam  bộ còn có tục kiêng không để cối xay gạo trống vào những ngày đầu năm. Điều này tượng trưng cho việc thất bát, mất mùa năm tới. Chính vì vậy, người ta thường đổ một ít lúa vào cối xay, ngụ ý cầu mong năm mới lúa gạo đầy tràn.

 

Ngày Tết có lệ ai đến nhà, bất kể giờ giấc nào, gia chủ cũng dọn cỗ, mời uống rượu, ăn bánh. Khách không được từ chối bữa ăn, dù no cũng phải nhấm nháp chút ít.

 

Đi đâu xa cũng phải về nhà trước giờ Giao thừa. Ai không về kỵp xem như cả năm sau người ấy phải bôn ba vì công việc làm ăn.

 

Sau khi quét dọn phải cất hết chổi. Nếu trong ngày Tết để mất chổi nghĩa là năm đó gia đình sẽ bị trộm vét sạch của.

 

Những kiêng kỵ ngày Tết chỉ có ở Việt  Nam

 

Một số trong các tục kiêng dưới đây hiện đã mai một, nhưng nhiều tục lệ khác vẫn được người Việt đương đại tuân thủ rất nghiêm chỉnh chẳng kém ngày xưa.

 

Chúc Tết trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt

 

Ngày xưa đất tuy rộng nhưng không phải gia đình nào cũng có nhà to để phân ra thành phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách. Vì thế không hiếm trường hợp, khách đến nhà chúc Tết vào sáng mùng một, thấy vẫn có người nằm ngủ do phải thức khuya vào tối giao thừa. Đã đến nhà người ta thì phải xởi lởi mà chúc Tết, thế nhưng họ không chúc người đang nằm ngủ đó. Nếu không, lời chúc tốt đẹp lại bị xem như lời trù ẻo, muốn cho người ta phải nằm li bì trên giường bệnh.

Vì thế, nếu có lòng, khách phải đợi đến khi người đó ngủ dậy mới nói ra lời chúc với họ.

 

Kiêng đánh thức người khác trong ngày mùng 1 Tết

image 

Gặp trường hợp đi chúc Tết nhà người ta, muốn dành lời chúc cho người đang ngủ nhưng không thể đợi lâu, tốt nhất là vị khách nên chờ dịp khác chứ không được đánh thức anh ta dậy. Không chỉ khách, ngay cả người nhà cũng không nên đánh thức ai trong ngày này, mà phải để người ta tự dậy. Nếu không, người nằm ngủ đó sẽ phải chịu sự thúc giục của người khác trong công việc quanh năm.

 

Kiêng về nhà ngoại vào ngày mùng 1, 4, 5 Tết

image 

Theo tục lệ xưa, con gái và con rể chỉ được về nhà ngoại chúc Tết vào mùng 2 hoặc mùng 3, kiêng các ngày mùng 1, mùng 4 và mùng 5. Nguyên nhân là ngày mùng 1 – ngày quan trọng nhất, họ có nghĩa vụ phải tỏ lòng hiếu đễ với bố mẹ, tổ tiên họ nội. Ngoài ra còn có quan niệm rằng phải về nhà vợ vào những ngày kể trên thì mới đem lại vận may cho gia đình bên ngoại.

 

Kiêng giặt quần áo vào mùng 1, mùng 2

image

Theo tín ngưỡng dân gian, hai ngày đầu năm là ngày sinh của thủy thần nên cần kiêng giặt quần áo để không mạo phạm đến thần, dẫn đến gặp xui xẻo. Thực ra, người xưa chẳng có nhiều quần áo để giặt, và ngày Tết là dịp nghỉ ngơi, tiết trời lạnh, việc ngừng giặt hai ngày cũng chẳng mấy ảnh hưởng đến họ.

 

Kiêng mở tủ vào mùng 1

image

Dù là loại tủ gì, kể cả tủ quần áo, cũng không nên mở vào ngày mùng 1 Tết, bởi việc này sẽ làm thất thoát tiền tài và vận may suốt cả năm. Vì thế, người xưa thường chuẩn bị sẵn quần áo cần mặc, treo ra ngoài trước giao thừa.

 

Kiêng cúng quan đương niên trong nhà

image

Lúc giao thừa, người Việt thường có lễ cúng tiễn quan quân nhà trời coi việc năm cũ và đón quan quân coi việc năm mới đi thị sát trần gian. Việc này phải làm ở ngoài sân chứ không được làm trong nhà, bởi các ngài rất vội, không có thời gian ghé vào. Lễ dành cho việc cúng này thường gọn nhẹ: con gà luộc (hoặc thịt lợn luộc), hương, hoa, bình rượu nhỏ… và phải đợi tàn hương mới được đem vào nhà.

 

Kiêng ăn đuôi cá

image

Ở miền Bắc có một số nơi cầu may năm mới bằng việc ăn cá chép – loài cá vượt vũ môn hóa rồng. Nếu ăn cá chép trong ba ngày đầu năm mới thì trong năm đó sẽ được hanh thông trong chuyện học hành, thăng tiến. Tuy nhiên, nhằm tăng sự may mắn, người ta tránh ăn phần đuôi, để luôn có dư thừa, tích lũy của cải trong năm mới, chứ không chỉ đủ ăn đủ mặc.

 

Kiêng trượt chân, vấp ngã

image

Trẻ con, thanh niên thường được người có tuổi dặn dò phải đi đứng cẩn thận, ngay ngắn trong ngày Tết, tránh trượt chân, vấp ngã vì như vậy sẽ bị dông cả năm. Trượt chân hay vấp ngã tượng trưng cho sự xui xẻo, trục trặc trong công việc.

 

Kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa

image 

Việc đứng hay ngồi án ngữ trước cửa chính trong dịp năm mới không chỉ vô duyên mà còn được coi là hành động gây phương hại đến vượng khí gia đình. Luồng khí tốt lành của năm mới trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại, hao tán đi, khiến gia đình đó không được may mắn, thành công, hạnh phúc.

 

Kiêng vỗ vai, quàng vai người khác

image

Hành động thân mật, bỗ bã này nếu được bạn thực hiện trong những ngày đầu năm mới thì rất có thể gây ra sự khó chịu, thậm chí phản ứng tiêu cực. Nhiều người cho rằng khi bị người khác vỗ vai, quàng vai vào dịp Tết, họ sẽ bị xui xẻo, gặp chuyện buồn về tình duyên hay hạnh phúc gia đình.

Thật ra ngay cả trong những ngày bình thường, nhiều người Việt đương đại cũng tránh tối đa việc bị người khác vỗ vai hay quàng vai.

 

Kiêng đi chúc Tết khi đang có thai

image

Không chỉ những người có tang mới kiêng đi chúc Tết, người Việt xưa còn tránh làm việc này khi đang có thai. Thật ra ngay cả thời hiện đại, nhiều phụ nữ cũng kiêng hoặc được dặn phải kiêng đến nhà người khác trong dịp đầu năm. Bởi theo quan niệm dân gian, bà chửa đem lại xui xẻo, đó là chưa kể đứa bé trong bụng sau này cũng thành kẻ ăn nói vô duyên. Mà đâu chỉ riêng ngày Tết, vào những ngày thường, không ít người hiện nay vẫn từ bỏ việc quan trọng định làm trong ngày nếu “ra ngõ gặp gái chửa”, hoặc có cố làm thì trong bụng vẫn dự cảm thất bại, dẫn đến không an lòng và hậu quả là việc không thành.

 

Kiêng quên khăn tay ở nhà người khác

image

Người xưa cho rằng việc để quên khăn tay ở nhà người khác trong ngày Tết cũng giống như bạn bỏ lại sự xui xẻo, khó khăn cho người ta.

 

 

Điềm lành ngày Tết

 

Sau giao thừa, nếu hoa mai (loại 5 cánh) nở thêm nhiều và đầy đặn thì đó báo hiệu điềm may. Từ sau giao thừa đến sáng mùng 1 Tết, nếu trong nhà có hoa nở, đặc biệt nếu cây hoa nhà bạn bỗng xuất hiện bất ngờ một vài bông hoa 6 cánh, chắc chắn năm đó gia chủ sẽ phát tài.

 

image

Hoa mai: Sau giao thừa, nếu hoa mai (loại 5 cánh) nở thêm nhiều và đầy đặn thì đó báo hiệu một điềm may. Mọi người ai cũng cầu mong điều này xảy ra trong nhà mình vì sách có câu “Hoa khai phú quý”. Vì lẽ này, từ sau giao thừa đến sáng mùng 1 Tết, nếu trong nhà có hoa nở, đó là điềm may trong năm mới. Và đặc biệt may mắn nếu cây hoa nhà bạn bỗng xuất hiện bất ngờ một vài bông hoa 6 cánh.

 

Chó lạ vào nhà: Tục ngữ có câu “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Nếu sáng mồng 1, chó chạy vào nhà bạn thì hãy yên tâm năm đó gia đình bạn sẽ làm ăn suôn sẻ, thịnh vượng.

 

image

Cây đào: Nếu cây hoa có nhiều cánh kép 3 lớp trên đài hoa và bông hoa có hình dáng như bông hồng, chắc  chắn nhà bạn năm đó sẽ có nhiều phúc lộc.

 

image

Cây quất: Nếu cây có một hoặc nhiều hoa nở, hoặc chồi xanh mọc lên mơn mởn, năm đó sẽ có nhiều lộc.

 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm