Mỗi độ xuân về , lòng người lại nao nức đón xuân, mong rằng Chúa Xuân sẽ mang lại cho chúng ta một niềm hy vọng mới tồt đẹp hơn, may mắn hơn, sáng sủa hơn. Vì thế, trong những ngày đầu năm, người ta thường chúc nhau những lời tốt đẹp.
Nhưng thực ra, hạnh phúc không phải bên ngoài mang tới, mà chính mình tạo ra nó. Mùa Xuân trong tâm mỗi người. Tùy tâm vui buồn mà cảnh xuân cũng biến đổi.
Để dẫn chứng xuân trong tâm, tôi xin trích bốn câu thơ của người cải tạo, được đưa ra miền Bắc vào xuân 1976.
Xuân này có nghĩa gì với ta
Mặc cho xuân đến mặc xuân qua
Cỏ cây sông núi đều vàng uá
Như lá mùa thu rụng cuối mùa.
Với tâm trạng xa nhà, nhớ vợ nhớ con, sống trong núi rừng, thiếu thốn mọi thứ, ăn uống không đủ, lại bệnh hoạn, ngày ngày phải lao động nặng nhọc. Vì thế mà xuân năm đó đối với anh ta chẳng có nghĩa gì cả. Mặc cho xuân đến, mặc cho xuân qua. Và cỏ cây, sông núi, đang xanh tươi, rực rỡ, ấm áp dưới bầu trời xuân đã trở thành một màu vàng úa, tàn tạ, bầm dập như lá mùa thu rụng cuối mùa.
Nhưng đến mùa xuân hai năm sau (1979), cũng cảnh đó, người đó, nhưng xuân tâm lại đổi, với bốn câu thơ dưới đây:
Xuân này ta cảm thấy vui
Dầu không thịt cá với rượu mùi,
Nhưng lòng vẫn thấy mùa xuân dến.
Vì được tin nhà, vợ con vui.
Sau hai năm, giam giữ tại các trai ngoài miền Bắc, chính quyền cọng sản mới cho phép viết thư liên lạc với gia đình và được xem như là một đặc ân của nhà nước vào dịp tết. Vì không được tiết lộ cho gia đình biết là mình đang ở miền Bắc, nên địa chỉ gởi đi là địa chỉ khám Chí Hòa, thành phố Hồ Chí Minh với số buồng khác nhau. Nói là thư nhưng chỉ một mẫu giấy in sẳn, những điều cần cho gia đình biết, như sức khỏe, chế độ ăn uống, học tập cải tạo. Đa số đều trả lời tốt, vì phải qua tay các bộ kiểm duyệt trước khi gởi đi. Không ai dại gì viết không tốt để bị xé và bị theo dõi. Miễn sao thư đến nhà, để gia đình biết mình còn sống là quí rồi. Và thư gia đình gởi ra cũng qua địa chỉ trên và có lẽ cũng được cán bộ địa phương đến động viên và nhận thư, nên tết đó, tin gia đình người nào cũng được an lành, tốt đẹp cả. Vì thế tâm trạng nhười cải tạo nói trên, đã được tin gia đình vợ con vui, dù không thịt cá rượu mùi như những cái tết ở nhà mà vẫn thấy trong lòng có mùa xuân đến.
Ngày tháng cải tạo cứ thế mà trôi qua, xuân này nối tiếp xuân kia vui buồn lẫn lộn. Sau ba năm, một số tù cải tạo đã sớm từ giả cõi đời, vì thiếu dinh dưỡng, thiếu thuốc men khi đau ốm. Thấy vậy nhà nước cho lập chế độ thăm nuôi, gởi qua. Quà gởi ba tháng một lần, nặng không quá ba kí, nhưng qua năm sau thì lên năm kí và được cán bộ kiểm tra kỷ trước khi nhận. Tiếp theo đó là cho phép vợ con ra thăm. Lúc đầu chỉ gặp mặt trong vòng nữa tiếng với sự có mặt của cán bộ trực trại để kiểm soát xem có trao đổi gì bí mật không.Vì vậy người cải tạo và gia đình chỉ hỏi thăm sức khỏe và nhìn mặt cho đỡ nhớ. Đến khi chia tay thì ai nấy đều đẫm lệ. Người về kẻ ở lại có lẽ mất cả tuần mới trở lại trạng thái bình thường.
Nhận thấy chế độ thăm nuôi gởi quà có ảnh hưởng cải tạo tốt. Nên trại lợi dụng chế độ thăm nuôi mà bóc lột thêm sức lao động của tù nhân bằng cách đặt ra quy chế, ai cải tạo tốt thì được xét cho vợ con ra thăm nuôi ở lại lâu hơn, có phòng riêng được gọi “Phòng Hạnh Phúc”.
Nhưng ở đời mọi sư, mọi việc đều có hai mặt. Trại cải tạo lợi dụng chế độ thăm nuôi để khai thác sức lao động tù cải tạo. Tù cải tạo có tiền, có quà lại mua chuộc cán bộ trực tiếp coi tù. Nên những ngày cải tạo về sau cũng được nới lỏng. Nếu cán bộ nào ngoan cố thì bị phong tỏa kinh tế, không thuốc lá, không cà phê, không mì gói buổi sáng. Vả lại cải tạo lâu năm, anh em cũng lì ra, chỉ lao động lấy lệ, hết giờ rồi về.
Đến năm 1988, trước tết 15 ngày, thời tiết miền Bắc vẫn còn lạnh, những người cải tạo đang lao động ở dưới chân đồi, được nghe ba hồi kiểng và sau đó được lệnh cán bộ cho thu quân ngay, tức là tập họp để trở về trại mặc dầu còn sớm, chưa hết giờ lao động. Lệnh thu quân chỉ xảy ra khi có tù trốn trại. Anh em cải tạo cũng nghĩ như vậy. Một vài người tò mò hỏi cán bộ thì cán bộ trả lời không biết và ra lệnh cho tập họp khẩn trương. Bất cứ làm gì, cán bộ luôn luôn dùng hai chữ khẩn trương như một thói quen dù công việc chẳng có gì là khẩn trương cả. Vì vậy anh em cải tạo vẫn lai rai tập họp. Nhưng khi về đến trại mọi người mới hay là lệnh khẩn trương thật. Trung tá trại trưởng đã có mặt tại sân và ra lệnh cho tất cả tù cải tạo đem giấy bút ra sân tập họp gấp. Thường mỗi khi trưởng trại nói chuyện phải có bàn ghế trãi khăn đỏ và có cán bộ dưới cấp ngồi hai bên còn tù cải tạo thì ngồi dưới đất. Nhưng lần này không có bàn ghế gì cả, trại trưởng cũng ngồi xổm dưới đất như tù và ra lệnh mọi người viết tóm tắt lý lịch của mình rồi trao cho ông ta để gởi lên bộ nội vụ sớm mai. Ông ta cũng hé chút bí mật là bộ nội vụ sẽ xét cho về rộng rãi trong dịp tết này.
Thế là hai ngày sau, một đoàn cán bộ trung ương từ Hà Nội về và kêu lên từng người đến gặp để rà lại một số khai báo trưóc đây còn sót hoặc chưa rõ ràng.
Và đúng trước Tết Mậu Dần ( 1988) ba ngày, thì có lệnh cho người được thả về, khẩn trương tập họp tại hội trường đề được nghe đọc lệnh trả tự do và cấp giấy cải tạo để khi về trình cho công an địa phương theo dõi tiếp. Số người được trả tự do lần này là 160 người. Các phóng viên ngoại quốc lần đầu tiên được phép vào trại chụp ảnh, quay phim làm phóng sự. Sau khi làm lễ trả tự do tại hội trường, một đại diện bộ nội vụ tuyên bố với các phóng viên rằng: Không còn cải tạo viên nào chế độ cũ còn giam giữ tại miền Bắc nữa. Nhưng thự tế vẫn còn tám mươi cải tạo viên không có trong danh sách được trả tự do lần này và để tránh phóng viên ngoại quốc có thể khám phá ra, số người này đã chuyển qua một khu biệt lập khác. Nhưng sau Tết thì số 80 người còn lại được chuyển vào trại Hàm Tân trong Nam, cải tạo tiếp và được trả tự do dần dần cho đến năm 1991 mới hết. Tất cả cải tạo viên được trả tự do lần này được lệnh lên xe buýt để chuyển ra ga Nam Định về Nam. Đến ga Nam Định lúc 6 giờ chiều nhưng mãi đến một giờ sáng xe lửa mới đến. Và mất ba đêm. hai ngày mới đến ga Hòa Hưng Sàigòn, đúng ngày 29 tết lúc 6 giờ chiều. Tháng Chạp năm đó thiếu, nên ngày 29 cũng là ngày 30 Tết. Gia đình tù cải tạo được báo tin trước, nên đi đón rất đông. Chương trình qui định là tất cả tù cải tạo phải tập trung vào hội trường nhà ga để đưọc cán bộ dặn dò lần cuối. Nhưng khi gặp thân nhân đi đón, thì manh ai về nhà đó.
Sau 13 năm cải tạo xa nhà, xa vợ con, nay được sum họp lại, nhất là vào dịp đêm Giao Thừa thì còn gì hạnh phúc nào hơn. Nghe lại tiếng pháo nổ dòn khắp nơi. Mà lòng lâng lâng nhẹ nhàng như đang sống trong cảnh chiêm bao.
Sáng mồng Một thức dậy với tâm hồn thư thái tự do, người tù cải tạo năm kia đã một lần biến mùa xuân thành cuối mùa thu vàng úa khi được đưa ra miềm Bắc, thì nay mùa xuân mới đích thực là mùa xuân mà anh ta đang hưởng.
Xuân về trăm hoa đua nở.
Nghìn cành chim hót vui
Phố xa người qua lại
Đón xuân một nụ cười.
Tuy xuân đến, trăm hoa đua nở và nghìn cành chim hót vui, phố xá tấp nập người qua lại và hân hoan đón xuân với một nụ cười. Nhưng rồi xuân cũng qua, hoa lại héo, tiếng chim hót cũng ngưng, mọi người bắt đầu vật lộn với cuộc sống để rồi hy vọng mùa Xuân năm tới. Xuân thế gian là xuân tương đối, có thời gian, có sinh diệt, hết xuân thì hạ đến, rồi thu, đông sang. Đến năm 1991 có lệnh cho tất cả tù cải tạo trên ba năm được ghi danh đi chương trình HO, một chương trình nhân đạo do chính phủ Hoa Kỳ thương lượng với nhà nước cọng sản qua nhiều năm, nay mới được thực hiện. Chủ trương của cọng sản là muốn giam giữ người chế độ cũ suốt đời, nhưng làm như thế là vi phạm nhân quyền mà thế giới lên án, nên buộc phải trả tự do. Trả tự do mà để họ trong nước thì cũng nguy hiểm, sợ rằng một ngày nào đó khi có cơ hội họ sẽ đứng lên lật đổ chế độ. Nên họ đã châp nhận để người cải tạo ra đi một cách dễ dàng, đôi lúc còn động viên và ép buộc là đàng khác. Người cải tạo cũng không thích sống dưới chế độ cọng sản nên cũng vui vẻ ra đi.
Thế là người cải tạo nói trên, đã theo diện HO mà qua định cư tại Hoa Kỳ vào xuân Quí Dâu (1993) Nhưng xuân lần này, không giống như những xuân năm trước, đã biến đổi theo cuộc sống mới. Người cải tạo năm kia, nay đã là người xuất gia, nguyện đi theo ánh đạo vàng, nên tâm xuân cũng vì thế mà đổi thay.
Xuân về trên đất khách
Tuyết trắng phủ đầy sân
Không một tiếng chim hót
Chẳng có nhánh mai vàng
Nhưng lòng người viễn xứ
Đi trong ánh đạo Vàng
Đủ mai vàng chim hót
Ngập tràn bầu trời xuân.
Bên xứ ta là mùa xuân, nhưng xứ người vẫn còn là mùa đông, có đêm lạnh đưới không độ. Sân trước, sân sau, trên cây, ngoài ngõ, đâu đâu cũng phủ một lớp tuyết trắng xóa. Với băng giá lạnh tận xương như thế thì làm gì có mai vàng chim hót. Nhưng đối với người đã đi trong ánh đạo vàng thì vẫn có mai vàng chim hót ngập tràn trời xuân. Vì tâm họ không còn lệ thuộc, dính mắc với cảnh vật bên ngoài. Khi chúng ta có tỉnh giác, có an lạc thì cảnh vật chung quanh sẽ rực rỡ, sáng sủa, tươi mát, thì lúc nào, nơi nào cũng là xuân. Trái lại khi tâm bực bội, có giận hờn, lo âu thì mùa xuân cũng biến thành mùa đông giá rét khô cằn mà thôi. Một thiền sư cận dại Việt Nam là Hòa Thượng Thích Mật Thể cũng nói lên một mùa xuân trong tâm như sau.
Mùa xuân không có thời gian
Cũng không nhất định ở phương nào.
Và trong bài hát Tâm Xuâncủa một sư cô Thiền Viện Thường Chiếu cũng có câu:
Trong lòng ta, đâu có lúc nào mà không xuân!.