Bao năm qua, chùa Thái Ân đã trở thành ngôi nhà của đứa trẻ bất hạnh bị bỏ rơi. Không có tình cảm của cha mẹ, thay vào đó, các con lại được thầy Thích Đàm Thảo yêu thương, chăm sóc như con ruột.
Khác với những ngôi chùa trong khu vực nội thành, chùa Thái Ân nằm nép mình bên cánh đồng lúa thuộc thôn Bùi Xá, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Không giống với vẻ yên tĩnh trầm mặc như bao ngôi chùa khác, phía sau cánh cổng cũ, đang được trùng tu lại là hình ảnh của những đứa trẻ chạy nhảy, vui đùa náo nhiệt.
Vị sư thầy còn trẻ, trạc trên dưới 30 tuổi, gọi một bé trai nhễ nhại mồ môi vào để rửa tay chân, khiến bất cứ ai cũng lầm tưởng rằng đó là người mẹ đang chăm sóc con.
Trước sự ngỡ ngàng của những vị khách lần đầu đến với chùa, một vãi trong chùa hướng mắt về phía sư thầy và những đứa trẻ cười hiền, tâm sự: “Thầy Thích Đàm Thảo đã nhận nuôi các cháu từ nhiều năm nay. Chùa chỉ có mình thầy nên cũng vất vả lắm, đổi lại, được cái, đứa nào cũng ngoan ngoãn, lễ phép, đứa đi học rồi, học hành cũng khá lắm”.
Câu chuyện đang dang dở, một bé trai chạy ra, thấy người lạ, em lễ phép chắp tay chào người lớn, rồi lại lon ton chạy vào bạch với sư thầy.
Theo lời những người dân quanh đây, từ nhiều năm nay, sư thầy Thích Đàm Thảo, trụ trì chùa Thái Ân đã nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi và chăm sóc chúng như con đẻ.
Bên ấm trà chiều nơi cửa phật, sư thầy kể cho chúng tôi nghe về cái duyên của mình với 6 đứa trẻ bất hạnh mà thầy đang cưu mang.
Câu chuyện bắt đầu vào một ngày năm 2009, 3 năm sau khi thầy Thảo về làm trụ trì chùa Thái Ân. Khi trời còn chưa sáng, thầy phát hiện một cháu bé sơ sinh bị bỏ lại phía ngoài cổng chùa. Khi ấy, nghĩ đơn giản rằng nếu người ta đã bỏ lại, thì chùa sẽ nhận nuôi, và đó cũng là lần đầu tiên sư thầy mới ngoài 20 tuổi phải làm vai trò của một người mẹ với bao nỗi lo toan, từ chăm bẵm, bế bồng, đến bỉm sữa.
Năm 2011, thêm một bé gái sơ sinh nữa lại được phát hiện trước cổng chùa Thái Ân. Cháu bé được đặt trong thùng xốp cùng với một bình sữa đang bú dở. Sư thầy Đàm Thảo lại cưu mang cháu bé bị bỏ rơi và đặt tên là Tuệ Tâm.
Đặc biệt, vào năm 2013, có liền 4 cháu bé sơ sinh được bỏ lại cổng chùa và một trường hợp khác vào năm 2016.
Đến nay, đã có 1 cháu được gia đình đón về, còn lại 6 cháu vẫn đang sống tại chùa. Cháu lớn nhất hiện đang học lớp 3, cháu nhỏ nhất mới chỉ 18 tháng tuổi.
Thầy Thảo kể, những đứa trẻ tại chùa, không phải trẻ mồ côi như nhiều người hay nhầm tưởng, mà là những đứa trẻ bị bỏ rơi. Đặc điểm chung của các con là đều bị bỏ lại cổng chùa khi vừa mới lọt lòng, mới chỉ vài ngày tuổi, thậm chí chỉ vài giờ.
Dù con là ai, con đến từ đâu, nhưng khi đã về với thầy Thích Đàm Thảo, các con đều được yêu thương, chăm sóc và trong tên đều có chữ Tâm với mong muốn các khi lớn lên có cái tâm hướng thiện, trong sáng.
Tôi phải học làm mẹ
Kể về những ngày đầu tiên khi nhận các con về nuôi, sư thầy tâm sự: “Biết là sẽ vất vả, khó khăn, nhưng với tấm lòng của nhà Phật, tôi lại ôm các con vào lòng”.
Trong những đứa trẻ mà thầy Thích Đàm Thảo nhận về, đến giờ, thầy vẫn nhớ nhất lần gặp Tâm Phúc, năm nay 5 tuổi.
Nhớ lại, thầy Thảo kể, lúc ấy vào khoảng 9-10h tối, khi cổng chùa đã đóng, một người đi đường bất ngờ phát hiện một đứa trẻ sơ sinh tím tái, da mắt nhăn nheo, không thể mở được mắt, hơi thở yếu ớt bị bỏ lại phía ngoài chùa. Nghe tiếng người gọi, thầy Thảo vội chạy ra xem thì thấy đứa trẻ đang thoi thóp. “Thầy đề nghị đưa con đến bệnh viện, nhưng nhiều người nói chắc không còn hy vọng vì con đã quá yếu. Tới bệnh viện, bác sỹ cho biết con nặng 1,6kg, sinh non, sức khỏe đang rất yếu. Nhưng còn nước còn tát, may mắn, sau gần 1 tháng nằm trong lồng kính, con đã được xuất viện với cân nặng 1,9kg”.
“Lúc đưa con đến bệnh viện, bác sĩ yêu cầu khai tên tuổi, tôi chợt nảy ra cái tên Tâm Phúc, hy vọng sau này con sẽ được hạnh phúc, sống có đức độ”, thầy Thảo tiếp.
Không giống như những đứa trẻ khác, vì sức khỏe yếu, nên suốt 3 năm sau đó, thời gian cậu bé Tâm Phúc ở bệnh viện còn nhiều hơn ở chùa. Bị viêm phổi, kèm theo viêm tai giữa, nên mỗi khi trái gió, trở trời, con ăn vào lại nôn ra, khò khè khó thở, ốm sốt.
Có những lúc các con “thi nhau” ốm cùng lúc, một mình không kham nổi, thầy phải gửi về quê ở thị xã Sơn Tây nhờ bố mẹ đẻ chăm sóc giúp.
Đến nay, khi các con đã lớn hơn, cuộc sống của thầy trò tại chùa cũng phần nào vơi bớt những khó khăn.
Sư thầy vừa làm bố, vừa làm mẹ
Được khách cho kẹo sau khi làm lễ, những đứa trẻ cúi đầu không nhận. Những vị khách lần đầu đến chùa tưởng rằng những thứ này không hợp khẩu vị của bọn trẻ, vội đổi sang loại khác, nhưng các bé vẫn chỉ lắc đầu quầy quậy. Thấy vậy, sư thầy quay sang cười bảo: “Thầy cho con rồi đó, con xin đi”. Lúc ấy, những đứa trẻ mới cười tươi, hồ hởi khoanh tay kính cẩn xin rồi ngồi gọn trong lòng những vị khách ăn kẹo.
Mới chỉ 5 tuổi, khi những đứa trẻ khác vẫn được cha mẹ đút cho từng miếng cơm mỗi bữa, nhưng cậu bé Tâm Phúc yếu ớt ngày nào nay đã biết giúp sư thầy quét nhà, lau bàn sau khi uống nước, nhặt rau…
Điều đặc biệt, chúng luôn xưng hô như anh, chị em trong nhà, chưa từng biết nói “mày-tao”.
Sự ngoan ngoãn, lễ phép, đáng yêu của những đứa trẻ khiến bất cứ vị khách nào đến thăm chùa đều phải trầm trồ khen ngợi.
Ôm các con vào lòng, sư thầy Thích Đàm Thảo bộc bạch: “Thầy rất nghiêm khắc. Ở nhà có bố mẹ, có nhu, có cương. Chẳng hạn bố mắng, còn có mẹ vỗ về yêu thương. Nhưng ở đây, vì không có bố mẹ, nên 1 mình thầy phải vừa cương, vừa nhu, có khen thưởng, có kỷ luật. Nếu ngoan, làm tốt, thầy sẽ thưởng, chỉ cần thầy ôm, nhấc lên 1 cái thôi là thích rồi. Còn sai, sẽ phạt chắp tay quỳ sám hối”.
Bên bàn trà, một chồng sách với những quyển vẫn đang gấp mép, đọc dở. Điều lạ, đó không phải là sách nhà phật, mà là những quyển như “Dạy con kiểu Nhật”, “Dạy con kiểu Đức”…
Như hiểu được băn khoăn của người đối diện, chỉ vào chồng sách, sư thầy bảo, ấy là những quyển gối đầu giường của thầy bao năm nay, bên cạnh những cuốn kinh phật. “Không phải mọi điều về con trẻ thầy đều biết hết, thế nên sách là công cụ hữu ích để thầy hiểu hơn và có kiến thức, chăm sóc các con khoa học”. “Nuôi con ăn để lớn thì không khó, nhưng nuôi dạy để thành người thì lại rất khó”. Bởi vậy mà ngay từ nhỏ, sư thầy đã dạy cho trẻ hiểu về sự nhân ái, nhường nhịn, yêu thương nhau và lối sống tự lập.
Mong một ngày bố mẹ sẽ đến nhận các con
Trong nhiều trẻ được nhận nuôi tại chùa, đến nay mới chỉ có 2 trường hợp được bố mẹ nhận lại. “Bố mẹ các cháu khi đến đón cũng đều là sinh viên, hoàn cảnh hết sức khó khăn”, thầy Thảo ngậm ngùi.
Khi được hỏi, hiện có nhiều người muốn xin con nuôi, sao thầy không để các gia đình hiếm muộn được nuôi các cháu. Ánh mắt thầy xa xăm: “Nhiều người đã từng nói nếu cho các con đi, các con cũng sẽ sung sướng hơn, thầy cũng đỡ vất vả. Thế nhưng, điều thầy mong muốn nhất là một ngày nào đó, các con có duyên được trở về với cha mẹ. Khi đó, các con mới có một gia đình, mái ấm đúng nghĩa. Dù bất kỳ ai, hay chính bản thân thầy, có thương các con đến nhường nào, cũng không thể thay thế tình cảm của cha mẹ ruột. Nếu cho các con đi, sẽ rất khó để được đoàn tụ với cha mẹ”.
Cũng bởi suy nghĩ ấy, mà dù có những lúc khó khăn, phải nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ đẻ, người dân xung quanh, song chưa một một lần sư thầy Thích Đàm Thảo có ý nghĩ từ bỏ các con.
“Giai đoạn khó khăn nhất có lẽ là năm 2014, khi xảy ra vụ việc buôn bán trẻ em tại một ngôi chùa. Từ đó, mọi người rất dị ứng với việc nhà chùa làm từ thiện, nuôi trẻ bị bỏ rơi. Trước đó, nhà chùa thường kêu gọi sinh viên đến làm từ thiện, giúp đỡ, nhưng dịp đó mọi việc đều khó khăn không tả hết được. Thỉnh thoảng, lại có công an địa phương vào kiểm tra số lượng các cháu xem có khớp với giấy tờ đăng ký hay không. Nhưng từ năm 2016, mọi việc dần ổn”. Ngay trong lúc khó khăn ấy, đã có lúc, sư thầy nghĩ rằng dù không mang cho, nhưng cũng sẽ không dám nhận thêm bất cứ đứa trẻ nào nữa. Sau cùng, tấm lòng từ bi hỷ xả nhà Phật, những đứa trẻ mới lại được nhận về, nuôi nấng.
Hơn ai hết, thầy thương và thấu hiểu nỗi bất hạnh của những đứa trẻ chưa từng biết mặt bố mẹ ruột: “Tuệ Tâm là đứa tình cảm. Nó thích cầm điện thoại của thầy nghe những bài hát về mẹ, hay nghe băng vu lan báo hiếu. Có lần Tuệ Tâm ngồi một mình trong phòng, nghe xong khóc rưng rức một mình. Đến khi nhìn thấy thầy, con lại nức nở không tài nào dỗ nổi. Lúc ấy, thầy cũng chỉ biết ôm chặt con vào lòng vỗ về”.
Sau cuộc nói chuyện với sư thầy, bế Tâm Đức trên tay, tôi thì thầm hỏi nhỏ: “Con yêu ai nhất?”, cậu bé cười tủm tỉm, mút một hơi dài chiếc kẹo đang cầm trên tay bảo: “Con yêu thầy nhất”./.