Đọc truyện này từ lâu, cô có một ấn tượng nên nhớ hoài. Hôm nay tìm lại để gởi cho các em đọc khi rỗi rảnh.
<Thiền sư Ngu Đường (Gudo) là thầy của Nhật hoàng, nhưng sư thường hành cước lang thang như một tên ăn mày.
Một hôm trên đường đến Edo, trung tâm văn hóa và chính trị của thời tướng quân tiếm quyền, sư đến một ngôi làng tên là Takenaka. Trời chiều và mưa rơi nặng hạt. Sư ướt như chuột lột. Đôi dép rơm rã ra từng mảnh. Sư thấy ở cửa sổ một nông gia có treo bốn năm đôi và quyết định đến mua một đôi khô. Người đàn bà trao dép cho sư, thấy sư ướt quá, mời sư ở lại nhà bà qua đêm. Ngu Đường chấp nhận, cảm ơn bà. Sư vào nhà và tụng kinh trước bàn thờ gia đình. Rồi sư được người đàn bà giới thiệu với người mẹ và các con của bà ta. Quan sát thấy cả nhà buồn bã, sư hỏi có chuyện gì không tốt.
Người đàn bà đáp, “Chồng tôi là một người đánh bạc và nghiện rượu. Khi nào may thắng được, anh ta uống say và hành hạ vợ con. Khi nào thua, anh ta mượn tiền của người khác. Đôi khi say quá, anh ta không về nhà gì cả. Tôi làm gì được bây giờ?”
Ngu Đường đáp, “Tôi sẽ giúp anh ta. Đây là một ít tiền. Hãy mua cho tôi một bình rượu ngon và một ít đồ nhấm. Rồi chị có thể đi nghỉ. Tôi sẽ tọa thiền ở trước bàn thờ.”
Khoảng nửa đêm người đàn ông của gia đình trở về, say mèm, rống lên, “Nè, bà ơi, tôi đã về. Bà có gì cho tôi ăn không?”
“Tôi có cái này cho anh,” Ngu Đường đáp, “Tôi bất ngờ bị mưa, vợ anh tử tế mời tôi ở lại đây qua đêm. Để đáp lại, tôi có mua ít rượu và cá, anh cũng có thể ăn được.”
Người đàn ông vui mừng. Anh ta lập tức uống rượu rồi nằm dài xuống nền nhà. Thiền sư Ngu Đường ngồi thiền định ngay bên cạnh.
Đến sáng khi người chồng thức dậy anh ta quên hết mọi chuyện đêm qua. “Ông là ai?” anh ta hỏi Ngu Đường vẫn còn đang ngồi thiền.
“Tôi là Ngu Đường ở Kyoto và tôi đang trên đường đến Edo,” Thiền sư đáp.
Người đàn ông cảm thấy rất xấu hổ. Anh ta không ngớt lời xin lỗi vị thầy của hoàng đế.
Sư mỉm cười, giảng giải, “Mọi sự trên đời đều vô thường. Cuộc sống ngắn ngủi. Nếu anh tiếp tục đánh bạc và uống rượu, anh sẽ không còn thì giờ để làm được việc gì khác và anh sẽ làm cho gia đình đau khổ.”
Người chồng chợt bừng tỉnh như vừa ra khỏi cơn mộng.
Anh ta tuyên bố, “Thầy đúng lắm. Làm sao con có thể trả ơn được lời dạy kỳ diệu này! Hãy để con mang hành lý cho và tiễn thầy một đoạn đường.”
Ngu Đường bằng lòng nói, “Nếu anh thích.”
Hai người bắt đầu đi. Sau khi đi được ba dặm, sư bảo anh ta trở về. Anh ta nài nĩ, “Xin cho năm dặm nữa.” Hai người tiếp tục đi .
“Bây giờ anh có thế trở về được rồi,” sư gợi ý .
“Sau mười dặm nữa,” anh ta đáp.
Khi mười dặm đã hết, sư bảo, “Bây giờ hãy về đi.”
“Con sẽ theo thầy cả quãng đời còn lại của con,” anh ta tuyên bố.
Nhiều Thiền sư Nhật hiện đại phát xuất từ dòng Thiền của một vị sư danh tiếng, là người thừa kế Thiền sư Ngu Đường.
Tên của vị sư ấy là Vô Nan, người không bao giờ trở về.>
(Truyện này trích từ sách <333 truyện Thiền, của Đỗ Đình Đồng.
Trong sách <Góp nhặt cát đá> thì tựa là: <Người đi không trở lại> )
Một khi đã ra đi, thì không bao giờ trở lui lại. Chúng ta đã chọn con đường Thiền, là con đường tâm linh, thì phải dấn bước đi tới hoài, dù cho có nhiều thử thách, chướng ngại, dù có khó khăn, dù mất nhiều thời gian, dù bị chê bai, chỉ trích, khi biết con đường đi của mình là đúng, thì không nên thoái chuyển tâm. Đó cũng là ý nghĩa của “Quyết định ba la mật” trong Thập độ Ba la mật, chủ trương của hệ Theravàda. Cũng là quan niệm <Tánh Nguyên tắc> của người tu sĩ, theo lời giảng của Thầy chúng ta từ trước.
Nhưng làm sao biết con đường đi của mình chọn là đúng ? Vấn đề là ở chỗ này. Nếu mình đi sai, mà cắm cúi đi tới hoài thì không được. Đó là ngoan cố, là bướng bỉnh, là vô minh.
Vậy lấy tiêu chuẩn nào để biết mình chọn con đường đúng?
- Trước nhất, nó đúng theo chân ý của Phật ghi trong kinh.
- Cũng đúng theo chân ý của chư Tổ Thiền ghi trong sách sử.
- Thích hợp với những kiến giải theo khoa học hiện đại.
- Thích hợp với đạo đức, luật pháp của xã hội mình đang sống.
- Điều quan trọng cuối cùng là chính mình trãi nghiệm thực sự tiến trình chuyển hóa tâm của mình, từ từ an vui, nhẹ nhàng, sống hài hòa trong gia đình, trong tăng chúng, trong cộng đồng chung quanh. Sức khỏe lần lần tốt hơn, không có những bệnh tâm thể. Càng ngày càng có thêm kiến giải những điều hiểu biết mới lạ, sâu sắc hơn trong kinh sách, hay trong cuộc sống. Sự kiện này chỉ một mình hay biết mà thôi. Nếu thích đem ra khoe khoan, lại là chưa được. Từ đây mình có thể sống thanh thản trong đời sống bình thường.
Như thế, tâm mình sẽ không thoái chuyển, dù sóng gió đời vẫn có khởi lên - theo qui luật xung đột- mình chỉ nói :< Thế à ?> như thiền sư Hakuin. Và mình cũng là <người đi không bao giờ trở lại.>
Thích Nữ Triệt Như
19- 6- 2020