VIỆN CHỦ NI VIỆN TỊNH NGHIÊM VÀ NI VIỆN LA HÀ
(1917 - 1987)
I. THÂN THẾ
Ni trưởng Như Huyền thế danh Nguyễn Thị Bích, sinh ngày 06 tháng 8 năm 1917 (Đinh Tỵ) tại làng Chánh Lộ, thị xã Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Thiên, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Ngọ. Được sinh ra trong một gia có truyền thống tin Phật, cả gia đình đều phát tâm Quy y Tam Bảo và trở thành những Phật tử có tâm đạo thuần thành.
Sống và lớn lên thời buổi rối ren, suy tàn của chế độ phong kiến và nỗi thống khổ trước ách thống trị của ngoại bang, Phật giáo nước nhà cũng đang trong thời kỳ suy vi và tôn giáo khác được truyền đến Việt Nam. Tình hình Phật giáo tại Quảng Ngãi lúc bấy giờ cũng bị ảnh hưởng vì thiếu định hướng, nhưng may thay vẫn còn một vài vị cao Tăng như những bông hoa cuối mùa lóe lên niềm hy vọng. Những cao Tăng ấy chuyền “lửa thiêng” cho những Phật tử thuần thành, làm tác nhân cho công việc chấn hưng Phật giáo sau này trong đó có Ni trưởng.
II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC
Tại Trung quốc (1930-1932), ngài Thái Hư Đại sư đã khởi xướng việc chấn hưng Phật giáo, phong trào này đã ảnh hưởng đến Việt Nam. Từ đó các tổ chức Phật giáo nước lo chỉnh lý Tăng già và kết quả là các hội Phật học lần lượt được thành lập để xiển dương Chánh pháp, Ni trưởng là một thành viên đầu tiên của những tổ chức Phật giáo tiến bộ đó tại Trung bộ.
Vốn sẵn có niềm tin Phật và chí nguyện xuất trần đã hun đúc từ lâu, Ni trưởng vượt qua định kiến mạnh dạn đi theo con đường học Phật và đã chính thức xin xuất gia tại Tổ đình Quang Lộc vào ngày Lễ kỷ niệm Đức Quan Thế Âm năm 1937 (Đinh Sửu), ngày 19 tháng 2, lúc này Ni trưởng vừa tròn 20 tuổi. Ni trưởng được Hòa thượng Huệ Hải (trụ trì chùa Quang Lộc - là một vị cao Tăng đương thời thuộc Tổ đình Thiên Ấn) nhận làm đệ tử và được Bổn sư giáo dưỡng.
Sau khi xuất gia, Ni trưởng tham gia học Phật pháp tại đạo tràng của Tổ thượng Giải hạ Ngạn (một Tổ sư nổi tiếng) nên chỉ vài năm Ni trưởng đã thấm nhuần Phật pháp, đạo hạnh tăng trưởng và đã được thọ giới Sa-di-ni vào năm Canh Thìn (1940).
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), quê hương Quảng Ngãi thuộc vùng kháng chiến Liên khu Năm, tại đây Hội Phật giáo Cứu quốc ra đời, Ni trưởng tham gia ngay từ đầu dù đang còn là Sa-di và trở thành một cán bộ Phật giáo Cứu quốc rất đắc lực. Lúc này, chùa Long Sơn được khuôn hội Tịnh Độ cúng dường cho Tổ thượng Diệu hạ Quang (Đệ lục Tổ Thiên Ấn) và Tổ đã giao ngôi chùa này cho Ni trưởng trông coi. Lúc này chiến sự ác liệt, Ni trưởng đã tự lực cánh sinh bằng nghề làm bông hấp cung cấp cho ngành y tế, nhưng vẫn duy trì được giềng mối đạo pháp và không ngừng tiến tu đạo nghiệp.
Sau bao nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách vì thời cuộc, hoàn cảnh nhưng với tấm lòng chí thành cần cầu giới pháp, Ni trưởng được trao Đại giới tại Đại giới đàn chùa Thiên Bình, tỉnh Bình Định do Đại lão Hòa thượng thượng Huệ hạ Chiếu làm Đàn đầu Hòa thượng, vào ngày mùng 2 tháng 9 năm Nhâm Thìn (1952), lúc chỉ mới 35 tuổi. Đây là vị Tỳ-kheo-ni đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi được thọ Đại giới trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Sau đó vào năm 1954, khi Hiệp định Gernevơ ký kết, Ni trưởng muốn tiến xa hơn trên con đường học Phật nên đã lên đường tùng chúng tham học Kinh, Luật tại Ni trường Diệu Đức –Huế suốt 06 năm.
III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO
Năm 1960, vì nhu cầu hoằng pháp lợi sanh và tạo điều kiện cho hàng Nữ lưu có chí xuất gia có nơi tu học, được sự cho phép của Ni bộ Trung Việt và Giáo hội Tăng già Quảng Ngãi, Ni trưởng đã cùng với nhiều Cư sĩ Phật tử nhiệt tâm vì đạo đã đứng ra sáng lập chùa Tịnh Nghiêm tại phường Trần Phú thị xã Quảng Ngãi vào ngày 23 tháng 10 năm Tân Sửu (1961). Đây là chùa Ni đầu tiên tại tỉnh nhà và lúc này Ni trưởng đã trở thành vị lãnh đạo Ni bộ Quảng Ngãi.
Năm 1963, Giáo hội Tăng già Phật giáo Việt Nam được thành lập, Ni trưởng được suy cử vào chức vụ Đặc ủy Xã hội kiêm Thủ quỹ thuộc Ban Đại diện Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 1964 (Giáp Thìn), một trận lụt lịch sử của thế kỷ XX đã gây tang thương, hậu quả kéo dài hằng nhiều năm cho miền Trung; dưới sự lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Quảng Ngãi, Ni trưởng cùng Giáo hội đứng ra thành lập Trung tâm Bảo trợ thiếu nhi Quảng Ngãi để bảo dưỡng cho hàng ngàn con em là nạn nhân của thiên tai và chiến cuộc, Ni trưởng được cử làm Giám đốc Trung tâm. Với cương vị này, Ni trưởng đã cống hiến rất nhiều trong công tác từ thiện xã hội do Giáo hội đề xướng, đóng góp một cách tích cực trong việc giúp đỡ và cải thiện đời sống khó khăn cho một bộ phận nhân dân lúc bấy giờ.
Năm Canh Tuất (1970), Ni chúng càng ngày càng đông, ngôi chùa Tịnh Nghiêm Quảng Ngãi không thể đáp ứng được nhu cầu tu học của Ni chúng nên Ni trưởng đã vận động xin đất núi xây thêm chùa Ni mới ở thôn La Hà, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa và cũng cùng tên là Ni viện Tịnh Nghiêm với quy mô to lớn hơn. Trong dự tính, Ni trưởng muốn biến nơi đây trở thành một thắng cảnh đẹp với tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên và là một Ni Viện chuyên đào tạo Ni chúng.
Năm 1975 đất nước đã thống nhất, Ni trưởng được mời làm thành viên Mặt trận Tổ quốc thị xã Quảng Ngãi và phường Trần Phú; Đại biểu Hội đồng Nhân dân Tỉnh khóa II; Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã thêu ren xuất khẩu.
Suốt đời dù trong hoàn cảnh nào, Ni trưởng cũng không ngừng lo việc tu hành cho đại chúng và làm kinh tế tự túc của nhà chùa như : làm nhang, làm bánh mứt, làm mây đan, làm nước tương... đã tạo được sự ổn định trong đời sống Ni chúng để vừa hành đạo theo tinh thần của Tổ Bách Trượng (Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực).
IV. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Ni trưởng đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp tu hành, tiếp độ Ni chúng và đã để lại cho đời sau nhiều công trình, xứng đáng là bậc Ni giới xuất sắc của Phật giáo tỉnh nhà.
Dù niên cao nhưng Ni trưởng vẫn làm việc không lúc nào ngơi nghỉ. Thế rồi, vô thường già bệnh không hẹn cùng ai, sớm còn tối mất đã qua đời khác. Khi Hòa thượng Bảo Linh thượng Huyền tạ Tế viên tịch vì quá xúc động trong tình nghĩa đệ huynh nên lúc tiến hành lễ phúng điếu của phái đoàn Phật giáo thị xã và chư Tăng Ni, Ni trưởng đột ngột bất tỉnh do vốn đã có căn bệnh cao huyết áp.
Và Ni trưởng ra đi vào lúc 04 giờ chiều ngày 29 tháng 11 năm Đinh Mẹo (1987), hưởng thọ 70 tuổi, đạo thọ 50 năm, trải qua 35 mùa An cư Kiết hạ. Sự ra đi của Ni trưởng là một mất mát lớn chẳng những của môn đồ Ni chúng mà còn là sự mất mát của Phật giáo tỉnh nhà.
Ni trưởng là một trong những lão Ni tiền bối tỉnh Quảng Ngãi đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp hoằng pháp độ sanh, là bậc tôn túc Ni khả kính xứng đáng cho hàng Ni chúng và Phật tử noi theo.
Để tỏ lòng tôn kính và thực hiện ý nguyện của người lúc sanh tiền nên sau khi làm lễ truy điệu, nhục thân của Ni trưởng được nhập Bảo tháp trong khuôn viên chùa Tịnh Nghiêm – La Hà, Quảng Ngãi.
(http://nigioivietnam.com/Hanh-trang-Chu-ni-Viet-Nam/53/ni-truong-thuong-nhu-ha-huyen.html)