Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

VIỆN CHỦ CHÙA PHƯỚC HÒA - MỸ XUYÊN


(1916-1997)


I. THÂN THẾ
Ni trưởng thế danh là Trương Ngọc Hương, Pháp danh Như Đăng, Pháp hiệu Không Tánh, sinh ngày 19 tháng 9 năm Bính Thìn (1916) tại xã Tân Lộc, huyện Quảng Long, tỉnh Ba Xuyên (nay là tỉnh Sóc Trăng). Thân phụ là cụ ông Trương Văn Khôi, Pháp danh Thiện Tâm; thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Lén, Pháp danh Diệu Từ. Ni trưởng là con út trong gia đình, bẩm tánh thông minh nên được cha mẹ yêu mến.


Thời niên thiếu lo việc đèn sách, năm 1936, lúc này Ni trưởng 20 tuổi và được cha mẹ đưa lên Sài Gòn cho theo học Trường nữ công gia chánh nhưng với lòng mến mộ Phật pháp, Ni trưởng thường vãng cảnh chùa để mong tầm sư học đạo.


Khi duyên lành hội đủ, người gặp được Ni trưởng Viên Phú và được thâu nhận làm đệ tử truyền cho Tam quy Ngũ giới, từ đó Ni trưởng năng lui tới học đạo với Bổn sư tại chùa Kim Sơn, quận Phú Nhuận, tỉnh Gia Định (nay là quận Phú Nhuận - Thành phố Hồ Chí Minh).


II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC
Năm 1938 (lúc 22 tuổi), với tấm lòng muốn xuất gia học đạo nên định biệt cha trốn mẹ để xuất gia nhưng song thân không bằng lòng vì sợ cuộc đời tu hành quá kham khổ, con mình sẽ không chịu nổi. Bằng ý chí kiên quyết sau một thời gian thuyết phục, thì song thân đã thuận cho và Ni trưởng đến xin xuất gia với Ni trưởng Viên Phú (chùa Kim Sơn).


Sau khi xuất gia, Ni trưởng chuyên cần tinh tấn tìm cầu chân lý, nỗ lực tu niệm, miệt mài trau giồi kinh điển. Trải qua năm năm nỗ lực tu học, vào năm 1943; Ni trưởng được trao truyền Tam đàn Cụ túc thuộc dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42. Và đã theo hầu cận Ni trưởng Viên Phú học đạo ròng rã 10 năm.


III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO
Năm 1950, chùa Linh Khánh ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long thiếu người duy trì Phật sự nên cảnh chùa vắng vẻ đìu hiu. Vì thế, bổn đạo thập phương lên tận Sài Gòn tìm đến Ni trưởng Viên Phú cầu xin cho một vị về trụ trì để chăm lo Phật sự và hướng dẫn bổn đạo tu hành. Ni trưởng Viên Phú nhận lời và xét thấy trong hàng đệ tử chỉ có Ni trưởng là người cốt cách phi phàm đủ khả năng trong việc phụng sự Phật pháp nên đã cử Ni trưởng cùng ba huynh đệ nữa là Ni trưởng Như Thông, Như Nguyện và Như Hải cùng về chùa Linh Khánh để trùng hưng lại ngôi Tam Bảo. Vâng lời Bổn sư, thực hiện lời dạy của Như Lai “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, Ni trưởng cùng với ba huynh đệ khăn gói từ giã Tổ đình Kim Sơm nơi in dấu những tháng ngày tu học, lễ tạ Bổn sư rồi lên đường đến vùng đất đỏ phù sa Tây Nam bộ để hành đạo.


Về chùa Linh Khánh, Ni trưởng vận động thiện nam tín nữ kẻ công người của ra sức tôn tạo lại ngôi Tam Bảo. 
Năm 1953, việc trùng tu tạm xong, Ni trưởng tổ chức lễ lạc thành và nhận nhiệm vụ trụ trì; trong lễ này, Ni trưởng đã làm chay bố thí có hàng ngàn tín đồ Phật tử các xã, huyện lận cận đến tham dự. Sau ba năm hành đạo ở đây, Ni trưởng thâu nhận nhiều đệ tử Ni xuất gia và truyền Tam quy Ngũ giới cho không dưới một ngàn Phật tử.


Năm 1954, Hòa thượng Thích Nhật Minh là cậu của Ni trưởng mời Ni trưởng về giao nhiệm vụ trụ trì chùa Phước Hòa - huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Tại đây Ni trưởng bắt đầu cho xây thêm giảng đường, tôn tạo cảnh trí.


Năm 1955 tại chùa Phước Hòa, Hòa thượng Thích Nhật Minh khai trường Hương mở Giới đàn, tổ chức khóa An cư Kiết hạ cho Tăng Ni tu học. Từ đó về sau, cứ mỗi năm nơi đây đều có mở khóa An cư Kiết hạ để Tăng, Ni các nơi về tu học, thời gian này Ni trưởng thâu nhận thêm khoảng sáu mươi vị đệ tử Ni xuất gia và quy y cho nhiều Phật tử.


Năm 1965, Phật tử Sài Gòn cúng dường cho Hòa thượng Thích Nhật Minh một hecta đất tọa lạc tại huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai. Hòa thượng một lần nữa mời Ni trưởng lên tiếp sức chung lo Phật sự và vận động Phật tử xây cất ngôi Phật Tích Tòng Lâm, liên tiếp 3 năm, nơi đây đều có tổ chức An cư Kiết hạ. Sau 3 năm ngôi Phật Tích Tòng Lâm cũng hoàn thành, xứng danh là chốn phạm vũ tại miền Đông Nam bộ.


Năm 1966, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học thỉnh Hòa thượng Thích Nhật Minh về làm Viện chủ Tổ đình Linh Sơn, quận 1, đô thành Sài Gòn, Ni trưởng cùng về chăm lo Phật sự với Hòa thượng. Kẻ công người của, Ni trưởng và một số Tăng Ni, Phật tử xa gần đóng góp trùng tu lại ngôi Linh Sơn Cổ Tự này.


Năm 1971, công trình trùng tu Tổ đình Linh Sơn Cổ Tự tạm xong, Hòa thượng làm lễ lạc thành, khai trường Hương, mở Đại giới đàn có rất đông Tăng Ni, Phật tử đến xin thọ giới. Cùng năm này, Hòa thượng Viện chủ Tổ đình Linh Sơn thành lập đoàn Quan Âm cứu khổ và Ni trưởng được cử làm Trưởng đoàn để thực hiện công hạnh cứu khổ độ sanh của người con Phật.


Liên tiếp trong những năm liền, đoàn Quan Âm cứu khổ đã tích cực hoạt động nhằm xoa dịu nỗi đau của đồng bào bị chiến tranh, thiên tai, bệnh hoạn... từ các tỉnh miền Đông, miền Tây và hải đảo, từ nhà lao, bệnh viện, dưỡng đường, trại mồ côi... đều có mặt đoàn Quan Âm cứu khổ.


Ni trưởng đã đóng góp sức mình cho đạo pháp, cho xã hội rất tích cực không chút mỏi mệt, không một lời than vãn. Đến năm 1973, tại bến phà Mỹ Thuận thuộc tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) có ngôi chùa không người chăm sóc nên Phật tử thỉnh Hòa thượng về giao. Với một sứ mạng cao cả và công hạnh lợi tha, Hòa thượng cùng Ni trưởng lại tiếp tục Phật sự không ngừng nghỉ, xây dựng và sửa chữa hoàn thành ngôi Thắng Quang Cổ Tự, đến năm 1974 thì công tác trùng tu hoàn thành; Ni trưởng giao lại cho đệ tử là Ni trưởng Như Nguyện làm trụ trì dắt dẫn bổn đạo ở đây.


Năm 1974, Hòa thượng cùng với Ni trưởng và hơn trăm Tăng Ni, Phật tử ra đảo Hoàng Long (tục gọi là Hòn Nghệ) thuộc tỉnh Kiên Giang, ngày đêm lao động xây dựng tượng đài Quan Âm cao 24 mét và dựng lên nơi đây một ngôi Tam Bảo với gọi Liên Tôn Tự.


Suốt thời gian dài 20 năm cộng tác Phật sự với Hòa thượng, cuộc đời hành đạo có lúc thăng trầm nhưng Ni trưởng vẫn luôn một lòng hoan hỷ và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Dù Phật sự đa đoan nhưng lúc nào Ni trưởng cũng không quên nhắc nhở mọi người tinh tấn tu học, công quả, công phu tròn đủ và Ni trưởng luôn đi đầu trong công việc tìm kiếm những điều kiện thuận lợi nhằm giúp cho Tăng Ni có nơi tu học.


IV. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Năm 1975, Hòa thượng Thích Nhật Minh có chướng duyên, Ni trưởng phải trở về lo duy trì hai ngôi Tam Bảo đó là Tổ đình Linh Sơn và chùa Phước Hòa. Cho đến khi bóng ngã về Tây cần phải tịnh dưỡng, nhưng Ni trưởng vẫn nỗ lực thực hiện hoài bão “Tiếp dẫn hậu lai, phò trì Chánh pháp”, làm lợi lạc quần sanh. Thế rồi “vô thường, lão bệnh không hẹn cùng ai, sớm còn tối mất” vào mùng 3 tháng 5 năm Đinh Sửu (1997), Ni trưởng đã xả báo an tường trong sự hộ niệm của Tăng Ni, Phật tử, hưởng thọ 81 tuổi, pháp lạp 54 năm.


Gần 60 năm, vân du hành đạo dấu chân thiền lữ dạo khắp đó đây với lòng từ bi vô hạn, hạnh vị tha vô ngã của Ni trưởng đã in sâu trong lòng Tăng Ni, Phật tử gần xa và làm rạng danh Ni lưu Thích tử. Ni trưởng đã cống hiến trọn vẹn cho Phật pháp cho xã hội, luôn là tấm gương sáng để hậu học noi đường tiếp bước. 

(http://nigioivietnam.com/Hanh-trang-Chu-ni-Viet-Nam/54/ni-truong-thuong-nhu-ha-dang.html)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm