Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 (1863 - 1925)


I. THÂN THẾ            
Ni trưởng sinh năm 1863 (Quý Hợi) tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên; thế danh Hồ Thị Nhàn là con gái thứ ba của Hầu tước Hồ Đắc Tuấn - Tri phủ Ninh Giang tỉnh Hải Dương và thân mẫu Công Tôn Nữ Huấn (con thứ hai của ngài Tùng Thiện vương Miên Thẫm, và là cháu nội Hoàng đế Minh Mạng). Gia đình Ni trưởng thuộc hàng danh gia vọng tộc.


Tuổi mới lên tám, phụ thân của Ni trưởng đã qua đời, Ni trưởng sống với thân mẫu lo phụ giúp gia đình để các anh có đủ thời giờ theo đòi nghiên bút.


Lúc trưởng thành, vâng lời thân mẫu Ni trưởng kết duyên với ông Nguyễn Đôn Lý (người làng Thế Lại, huyện Hương Trà) đã sinh hạ hai con (một trai, một gái), người con trai được năm tuổi thì chết, hai năm sau thì chồng cũng tạ thế.


II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC 
Sau biến cố cuộc đời, Ni trưởng  nhận  thấy sự giả tạm, hợp tan của cuộc sống nên vào năm Mậu Tuất (1898) lúc 36 tuổi, Ni trưởng phát tâm xin xuất gia đầu Phật với Hòa thượng Lương Duyên ở chùa Từ Hiếu và được Hòa thượng ban Pháp danh Thánh Linh, tự Diên Trường thuộc dòng Thiền Lâm Tế Chánh tông đời thứ 42.


Kể từ khi thế phát xuất gia, Ni trưởng chuyên tâm tụng Kinh niệm Phật, bái sám rất tinh cần. Hòa thượng Bổn sư nhận thấy học trò này đã thật sự xả bỏ duyên trần quyết chí tấn tu để cầu giác ngộ giải thoát.


Năm Đinh Mùi (1907), Ni trưởng được thọ Tỳ-kheo-ni ở Đàn giới Vĩnh Gia, chùa Phước Lâm, tỉnh Quảng Nam. Trong năm này, hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị đang bị mất mùa nặng nề, dân chúng lâm vào cảnh lầm than đói khổ, chính phủ lúc bấy giờ cũng phải miễn thuế cho dân chúng, anh trai của Ni trưởng là Đại thần Hồ Đắc Trung, đương nhiệm Tổng đốc ở đây. Ni trưởng vận động trực tiếp với anh để hỗ trợ cho Đại giới đàn được thành tựu viên mãn và nhận được sự tận tình giúp đỡ của anh trai.


III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO
Sau khi đắc giới, Ni trưởng được Bổn sư gửi tu học tại chùa Phổ Quang gần dốc Bến Ngự. Do sự phát triển của ngành đường sắt lúc bấy giờ, một phần đất của chùa bị giải tỏa, cộng với sự sinh hoạt của quần chúng ngày một đông nên không mấy thuận tiện cho việc nghiên cứu và sự tu tập của Ni chúng. Do đó, Ni trưởng đi vào ngọn đồi Dương Xuân Thượng, thôn Thuận Hòa lập cốc tu hành, thảo am này chính là tiền thân của Tổ đình Trúc Lâm sau này.


Khi thảo am hoàn thành, Ni trưởng thỉnh Hòa thượng Giác Tiên về làm Tổ khai sơn và chỉ xin một phòng nhỏ phía sau để tịnh tu, bên cạnh đó Ni trưởng còn vận động đắc lực phần ngoại hộ cho Tổ Giác Tiên hành đạo.


Tương truyền rằng : Khi có thảo am rồi, Ni trưởng mời một thầy địa lý khá nổi tiếng để xem hướng, thầy địa lý bảo :
- Xây chùa về hướng này thế nào cũng được giàu sang, phú quý, của cải sung túc, dư thừa.
Ni trưởng vui vẻ trả lời rằng:
- Thầy xem hộ cho tôi hướng nào mà “Thế thế Cao tăng”, thì đó mới là đúng tâm nguyện của tôi và Tổ khai sơn, còn vấn đề giàu sang, của cải dư dật thì đó chỉ là phương tiện để trong phần phụ.


Thầy địa lý nghe xong rất khâm phục tâm đạo của Ni trưởng và liền xoay lại hướng chùa, đó là hướng chính của Tổ đình Trúc Lâm bây giờ. Qua câu chuyện ấy, chúng ta cũng thừa hiểu được một phần nào tâm niệm vì đạo của Ni trưởng.
Ở đây, sau hai năm có thêm quý Ni trưởng Chơn Hương, Diệu Hương (sau này là Ni trưởng Tọa chủ Ni viện Diệu Đức) và Giác Hoa cũng đến cùng chung tu học với Ni trưởng.


IV. THỜI KỲ VIÊN TỊCH 
Vào mùa Phật Đản mùng 8 tháng 4 năm Ất Sửu (1925), Ni trưởng cung thỉnh Hòa thượng Tâm Tịnh và Hòa thượng Thanh Tú đến để chứng minh cho Ni trưởng khai Kinh Pháp Hoa. Đúng ngày Rằm tháng Tư (tức sau một tuần) Ni trưởng hoàn Kinh, đảnh lễ, bái tạ chư tôn Hòa thượng và Tăng chúng Trúc Lâm, mọi chuyện đâu đó xong xuôi, Ni trưởng hoan hỷ và niệm Phật rồi an nhiên đi vào cõi tịnh. Thọ thế 62 tuổi, hạ lạp 18 năm.


Trong Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Giáo sư Nguyễn Lang, trang 134 quyển III có đoạn ghi như sau :
Ni trưởng là vị nữ lưu cũng như Tỳ-kheo-ni đầu tiên làm tiên phong cho Ni giới ở Trung kỳ.  Ni trưởng Diên Trường, người đã có công khai sáng chùa Trúc Lâm nơi khởi điểm cho phong trào chấn hưng Phật giáo.
 
Giáo hội đã tặng Ni trưởng câu đối như sau :
 “ Quả mãn công viên tịnh vứt thê thần siêu hậu hữu,
  Tín thâm chí cố linh sơn đắc ký tín tiền sanh.”
Để tôn kính Ni trưởng, Ni chúng tặng câu đối dâng lên Người :
“Tuân Bát kỉnh vi xướng đạo nữ sư đương thời liên xã cao tiêu, tín hạnh nguyện chúng sở tri thức,Xứng tam thừa hoặc thị hiện ni tướng kim nhật từ hàng tảo giác, văn tư tu thùy vị đề huề.”
Thiền sư Viên Thành (là công tử Công Tôn Hoài Trấp và là cháu nội của Định Viễn Quận vương con vua Gia Long), Tổ khai sơn chùa Tra Am làm bài kệ tán dương công hạnh của Người :
 Thiện tai nữ đạo sư,
 Giải thoát nhân trung kiệt,
 Thịnh niên xả thế vinh,
 Phỏng đạo ngộ thiền duyệt,
 Bát kính thị căn trì,
 Trường trai thủ tố tiết, 
 Uẩn giới phù vân không,
 Phiền não hải thủy kiệt,
 Giác mộng cảnh từ chung,
 Độ mê tháo bảo phiệt,
 Công đức mãn chiên lâm,
 Thanh lương đẳng tuệ nguyệt,
 An ổn tọa bồ đoàn,
 Liễu chứng vô sanh quyết,
 Sơn sắc thanh tịnh thân
 Khê thanh quảng trường thiệt,
 Tích lai bản bất sanh,
 Kim khứ hà tằng diệt,
 Siêu nhiên bỉ ngạn đăng,
 Liên đài diệu hương khiết.
 Dịch:
 Lành thay nữ đạo sư,
 Bậc giải thoát hào kiệt,
 Bỏ vinh hoa cuộc đời,
 Tìm vui nơi thiền duyệt,
 Pháp bát kỉnh hành trì,
 Nếp trường trai tinh khiết,
 Uẩn, giới như mây bay,
 Biển não phiền khô kiệt,
 Chuông khuya thức tỉnh đời,
 Bè từ độ oan kết,
 Công đức như rừng trầm,
 Mát như vầng tuệ nguyệt,
 An nhiên bồ đoàn ngồi,
 Chứng quả vô sanh diệt,
 Lời kia là suối reo,
 Thân kia là núi biếc,
 Xưa chưa hề có sanh,
 Nay cũng không từng diệt,
 Bờ bên kia bước lên,
 Đài sen hương diệu khiết.
Tháp của Ni trưởng được xây về hướng Đông Bắc tại Tổ đình Trúc Lâm, di ảnh và long vị được phụng thờ gian bên hữu nơi hậu Tổ.


(Trích : VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LUẬN - Nguyễn Lang)
http://nigioivietnam.com/Hanh-trang-Chu-ni-Viet-Nam/56/ni-truong-thuong-dien-ha-truong.html)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm