GIÁM LUẬT NI BỘ BẮC TÔNG GHPGVN- THỪA THIÊN HUẾ
(1911 – 1982)
I. THÂN THẾ
Ni trưởng thế danh là Thái Thị hậu, sinh ngày 14 tháng 3 năm Tân Hợi (ngày 12 tháng 02 năm 1911) tại Cố đô Huế, nguyên quán Quy Thiện huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ni trưởng xuất thân trong một gia đình quyền quý, mộ đạo. Thân phụ là quan đầu triều Lại bộ kiêm Kinh bộ Thượng thư Sung Cơ Mật viện, Đông các Đại học sĩ Thái Văn Toản; thân mẫu là cụ bà Nguyễn Phước Như Nguyện, Pháp danh Như Cầu, tự Diệu Trí.
Từ thuở ấu thơ, thân phụ đã cho Ni trưởng quy y với Hòa thượng trụ trì chùa Quy Thiện và được ban Pháp danh Không Luân. Nội ngoại thân thích đều thuộc giòng dõi Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương là những người nổi tiếng hay thơ. Cụ ngoại của Ni trưởng là người tài đức vẹn toàn lại am hiểu giáo lý nhà Phật, chính cụ là người gây ảnh hưởng sâu đậm cho Ni trưởng sau này
Trong tác phẩm văn học cuối cùng “Để lại cho vui”, Ni trưởng có viết : “Tôi sinh dưới vì sao xấu”, song thân của Ni trưởng rất yêu quý nhau, nhưng khi sinh ra Ni trưởng cũng như hai con đầu đều là gái, không đáp ứng lòng mong mỏi con đầu dâu trưởng (tức phải có con trai nối dõi tông đường), nên song thân phải xa nhau. Ni trưởng theo mẹ về sống với bà ngoại.
Tuổi thơ của Ni trưởng theo năm tháng lớn dần trong tình thương yêu đùm bọc và giáo dục của gia đình bên ngoại.
Năm 13 tuổi, thân phụ về làm Phủ doãn Thừa Thiên mới đưa Ni trưởng trở lại tư thất sống cùng với các chị và kế mẫu. Tại đây, Người theo học trường Đồng Khánh nhưng chưa được hai năm thì phải nghỉ học để lo việc nội trợ.
Cuộc sống của Ni trưởng gặp nhiều chướng duyên, tình cảnh được bà thím dâu là nữ sĩ Tương Phố cô đọng trong mấy vần thơ:
“ Có mẹ vì đâu xa cách mẹ,
Còn cha không lẽ hửng hờ cha,
Tháng ngày một lệ chầu vua bếp,
Roi vọt cười khan với cảnh nhà,
Cháu vẫn một lòng không oán hận,
Quan san riêng thím giọt hồng sa.”
Ni trưởng lại họa:
“ Đỉnh chung há dám quên tình mẹ,
Nồng lạnh cho trong hiếu với cha,
Bếp núc lo toan là phận gái,
Quở la thường sự việc trong nhà.
Cháu thấy mình còn hơn triệu triệu,
Chúng sanh đau khổ khắp hà sa.”
Bài thơ họa sau đó được trình lên chư Đại đức, các ngài đều cho rằng bài thơ có phong vị giải thoát và pháp khí Đại thừa.
Quả thật dù gặp nhiều nghịch cảnh nhưng lúc nào Ni trưởng cũng giữ tròn đạo hiếu với cha mẹ, kính chị, thương em và hòa nhã với mọi người. Với tư chất thông minh và nhạy cảm, dù sống giữa cảnh quyền quý xa hoa nhưng Ni trưởng đã nhận ra lẽ vô thường của vạn vật:
“ Kiến văn như huyễn ế,
Tam giới nhược không hoa.”
Từ đó, Ni trưởng đã dõng mãnh chọn con đường xuất gia tu hành thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh.
III. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC
Đêm trăng tròn Vu Lan, một đêm quyết định cuộc đời của Ni trưởng, ánh trăng tỏa sáng khắp khuôn viên thất quan Đại thần. Trong lúc các chị em say sưa chuyện trò vui vẻ, riêng Ni trưởng vẫn mãi suy nghĩ về con đường để chọn dấn thân, tiếng chuông chùa Diệu Đế bên kia dòng sông Hương vẳng lại có một cảm ứng kỳ diệu tiếp thêm sức mạnh giúp Ni trưởng tỉnh giấc và quyết định ra đi :
“ Bởi giấc mơ tiên cơ lỡ say,
Lòng con mến Phật tự bao ngày,
Đêm nay chuông gọi hồn con tỉnh,
Phủi sạch trần ai con đến đây.”
Nơi đầu tiên Ni trưởng đến là chùa Ni - Diệu Viên ở núi Ngũ Phong do Ni trưởng Hướng Đạo trụ trì. Sau nhiều ngày nương tựa cửa Phật, Ni trưởng đã thể hiện quyết tâm của mình bằng cách tự tay cắt tóc lúc ấy 27 tuổi.
Khi hay con mình xuất gia, thân phụ gởi Ni trưởng vào tu ở chùa Khương Ninh trong Đại nội, ngoài những buổi công phu, chấp tác, Ni trưởng thường đọc sách, nghiên cứu kinh điển, có lúc ra chùa Phước Huệ nghe bà ngoại giảng Kinh. Ni trưởng đã cất công sưu tầm 3.000 chữ Hán để làm bộ tự điển nhưng sau chẳng may bị thất lạc.
Sau ba năm ở chùa vua nhờ Ni trưởng Diệu Không giới thiệu, Ni trưởng lên đầu sư với Hòa thượng Ni Trừng Ninh, húy Diệu Hương là Đệ nhất Giám đốc Phật học Ni viện Diệu Đức - Huế và được ban Pháp hiệu là Thể Quán, thuộc dòng Thiền Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 43.
Vừa thông minh lại vừa sẵn có tác phong uy nghi từ thuở nhỏ nên Ni trưởng được các bạn đồng tu thương mến. Cũng do tư chất đặc biệt ấy, Ni trưởng thọ cả ba giới Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na và Tỳ-kheo-ni trong cùng một năm. Ni trưởng thọ Đại giới tại Đại giới đàn Thuyền Tôn vào mùa thu năm Giáp Thân (1944) do Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Đàn đầu, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Yết-ma.
Ni trưởng vận dụng sở học vào cuộc sống hàng ngày, chuyên cần niệm Phật, thể hiện ý chí tự lập qua việc đan áo, chằm nón, thâu nhập kiếm được một phần độ nhật, một phần mua vải may áo tặng trẻ sơ sinh, bạn nghèo.
Khoảng năm 1956, Ni trưởng bệnh nặng phải vào Sài Gòn chữa trị. Lúc lành bệnh trở về Huế, theo lời khuyên của bác sĩ cần một nơi thanh tịnh, thoáng khí để tịnh dưỡng, Ni trưởng đã đến ở chùa Hồng Ân với Ni trưởng Diệu Không. Hai năm sau, Ni trưởng lập cạnh chùa một tịnh thất (bây giờ là Hoàng Mai tịnh thất).
Năm 1958 thất lập xong, Ni trưởng cùng pháp muội là Ni sư Cát Tường đóng cửa 5 năm để tịnh tu cho đến Pháp nạn 1963.
IV. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO
Sau khi thọ tam đàn Cụ túc, Ni trưởng bắt đầu thực tập để đảm nhận sứ mạng “Như Lai sứ giả”. Không quản ngại đường xa, đau ốm thất thường Ni trưởng đã đem lời Phật dạy đến tận thôn cùng ngõ hẽm, như : Viễn Trình, Phú Thứ, Triệu Phong, Đông Hà và các khuôn hội ở thành phố Huế đều in dấu chân Ni trưởng nhằm thức tỉnh lòng người đang mê đắm trong vòng lợi danh. Pháp âm của Ni trưởng vang vọng trên các đạo tràng ở Tây Thiên, Từ Đàm, các trại huấn luyện giáo dục Phật Đà... Với đạo lực lan tỏa, với giọng nói truyền cảm pha chút dí dỏm, Ni trưởng đã thực sự đem lại an vui, tin tưởng cho đông đảo thính chúng.
Về mặt giáo thọ Ni chúng, Người rất tinh tấn, liên tiếp nhiều năm, Ni trưởng dạy ở các Ni trường như Ni trường Diệu Đức (Thừa Thiên), Diệu Ấn (Phan Rang), Diệu Quang (Nha Trang) và đã giáo hóa rất đông Ni chúng.
Năm 1971, Ni trưởng làm Giám luật Ni bộ Bắc tông Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất (GHPGVNTN) tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ni trưởng là tấm gương sáng cho tinh thần dân tộc và bảo vệ đạo pháp, thể hiện qua các cuộc vận động năm 1963, 1966... Chính Người cũng đã chăm sóc cho sự lớn mạnh của Gia đình Phật tử, Học sinh Phật tử, Sinh viên Phật tử, Thanh niên Phật tử...
Năm 1968, Ban Đại diện GHPGVNTN tỉnh Thừa Thiên giao cho Ni trưởng chức vụ “Đặc ủy xã hội” cùng Ni sư Cát Tường làm Trưởng ban cứu trợ để cứu giúp trợ đồng bào nạn nhân chiến tranh, thiên tai bão lụt cùng các mặt xã hội khác. Ngay từ đầu, công tác đã triển khai trên phạm vi rộng lớn và có chiều sâu, các trạm y tế, các Cô-Ký nhi viện mở rộng xuống đến cơ sở là Khuôn hội. Một năm sau, Ni trưởng làm Giám đốc trường Bồ Đề Lâm Tỳ Ni, mở khóa Sư phạm mẫu giáo đầu tiên tại chùa Diệu Đế để đào tạo giáo viên theo tinh thần Phật giáo. Với tinh thần “Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật”, Ni trưởng và Ni sư Cát Tường đã vận động được mọi tầng lớp Phật tử tự nguyện chung lo Phật sự, nhờ thế trong các cuộc cứu trợ trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tiếp trong các năm 1968 đến 1972, Đặc ủy xã hội đã đạt được những kết quả tốt đẹp.
Tóm lại, nhờ đức tính hy sinh cao cả, nhờ có một ý chí kiên trì, một tâm hồn vị tha xả kỷ, Ni trưởng đã vượt qua mọi khó khăn để viên thành Phật sự.
V. SÁNG TÁC
Sự nghiệp văn học của Ni trưởng rất phong phú bao gồm nhiều thể loại: Dịch thuật - Trước tác - Thơ văn, số lượng tác phẩm khá lớn nhưng có nhiều cuốn chưa được xuất bản. Thơ văn của Ni trưởng là những bông hoa đạo, qua đó thể hiện một bậc chân tu có cuộc sống đạm bạc nhưng tâm hồn mang một hoài bão lớn : “Ban vui cứu khổ muôn loài”. Sắc thái nổi bật là sáng tác thường rất nhẹ nhàng, giản dị đôi khi pha chút dí dỏm, tuy dạy đời mà nhã nhặn khiêm cung.
Tác phẩm của Ni trưởng bước đầu sưu tập như sau:
Văn xuôi
Dịch thuật
- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (1968)
- Tỳ Kheo Ni giới (1975)
- Bồ Tát giới (1979)
Phỏng dịch
- Liêu trai chí dị
Truyện ngắn, truyện dài:
- Dấu xe muôn thuở
- Em bé dâng hoa
- Bóng hạnh phúc
- Nét đẹp Đông phương tập I (1961)
- Nét đẹp Đông phương tập II (1963)
- Thiên biến vạn hóa (1967)
- Tiếng than người vợ trẻ (1961)
- Em mơ người Hoang đảo (1970)
- Biệt thự Hoàng Y Lan (1970)
- Tiếng trúc vi vu (1971)
- Để lại cho vui (chưa in)
Văn vần
Thơ của Ni trưởng ngoài một số bài xướng họa in rải rác trong các tác phẩm văn xuôi, hoặc xướng họa với các vị đồng tu trên thư từ, còn có các bài sau:
- Lời trăng nước.
- Tăng ghé Hoàng Mai
- Cảm tác
- Ước nguyện
- Cảm nỗi vô thường
- Dưới mồ nói lên
- Phúc đáp thơ một nữ Đạo hữu
- Tiễn cô Diệu Tịnh về Nam
Ngoài ra, trong nhiều năm (từ 1954 đến 1966), Ni trưởng là cộng tác viên cho Nguyệt san Liên Hoa, từ năm 1966 là Chủ biên Tập san Giáo dục Thiếu nhi Sen Hồng.
VI. TẤM GƯƠNG HIẾU ĐẠO
Nói đến hạnh hiếu của Ni trưởng, Hòa thượng Thiện Trí đã viết :
“ Niềm hiếu thảo rứa mặn nồng biết mấy!
Với mẹ cha cung phụng tận tình con,
Nghĩa nhân luân cư xử thật vuông tròn,
Xây nền tảng trước tiên trong trăm hạnh.”
Ngày còn ở nhà, Ni trưởng phụng dưỡng chu đáo song thân, khi xuất gia Ni trưởng vẫn lo tròn hiếu đạo, làm theo lời di huấn của thân phụ “Nhất tâm tu học để bảo vệ gia đình”. Thương cha, Ni trưởng tụng Kinh bái sám cầu nguyện cho cha tội diệt phước sanh, đối với mẹ thì lòng hiếu thảo của Ni trưởng đã cảm đến các đấng vô hình, Ni trưởng dùng tiền nhuận bút để làm cho mẹ một cái nhà nhỏ cạnh tịnh thất rồi chí thành tụng Kinh Pháp Hoa mong nhờ pháp lực hộ trì cho mẹ hướng về cảnh tịnh và lòng thành đã cảm ứng, cụ bà vốn không ăn chay, không thích nếp sống nâu sồng thế mà tự dưng đổi ý, xuống tóc và lên ở chùa trai giới.
Năm 1972, Ni trưởng đưa mẹ vào Đà Nẵng, rồi Nha Trang hay Phan Rang để sống, đến cuối năm 1973 lại dìu mẹ về tịnh thất. Ni trưởng chí thành hầu mẹ sớm hôm, lo từng bữa cơm bữa cháo và làm hết cách cho mẹ vui cho đến những ngày cuối cùng của đời mẹ. Trong “Lá thư gởi mẹ bên kia thế giới”, Ni trưởng đã viết : “Mẹ ơi! con thương mẹ vô cùng vô tận, nhớ nghĩ đến mẹ con gặp nhau bên nước Phật mà con cảm thấy vui và rất an tâm”. Hiếu đạo đến thế thì chỉ có ở người tu giải thoát.
VII. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Văn thơ của Ni trưởng có nhiều chi tiết lạ khiến người đọc tự hỏi có phải Ni trưởng đã “dư tri thời chí” không? Chẳng hạn bài tứ tuyệt sau đây :
“ Mẹ về Cực Lạc bảy năm thì,
Từ giã Ta-bà con cũng đi,
Mẹ nhớ đón con bên nước Phật,
Mẹ con cùng dự hội Liên Trì.”
Cụ bà mất năm 1976 đến năm 1982 vừa được bảy năm! Ít nhất có ba bài viết khác nhau nói đến con số “bảy” kỳ diệu đó. Thật vậy, sau bảy năm kể từ ngày cụ Bà mất, Ni trưởng cũng theo mẹ về bên kia thế giới.
Những ngày tháng cuối cùng Ni trưởng rất minh mẫn, tự tại, dù sắc thân tứ đại theo luật vô thường có bị đau yếu. Đầu mùa hạ năm Nhâm Tuất, Ni trưởng có đi thăm một số chùa do đệ tử trông coi ở Huế như Hòa Lương, Hương Lưu. Trong bức thư gởi Ni chúng nửa tháng trước khi mất, Ni trưởng đã gởi lời thăm và cảm tạ trên từ quý Sư bà thứ đến quý Ni sư và toàn thể Ni chúng đã hết lòng chăm sóc, cầu nguyện cho Ni trưởng trong thời gian bệnh nặng vừa qua.
Ngày 14 tháng 4 năm Nhâm Tuất (1982), Ni trưởng gọi xe chuẩn bị đị lạy Tổ để về An cư nhưng hôm sau xe mới đến thì Ni trưởng mệt nên không đi.
Ngày 20 tháng 4 nhuận năm Nhâm Tuất (ngày 11 tháng 06 năm 1982) lúc 6 giờ 30 phút, Ni trưởng an nhiên trút hơi thở cuối cùng để đi về cõi vô cùng, thế thọ 72 tuổi, 38 tuổi hạ.
Cuộc đời đã mãn ! Vầng nguyệt rạng giữa Hoàng Mai tịnh thất đã lặn bóng về Tây nhưng từ quang vẫn còn viên dung giữa vạn lòng người và ngàn cây nội cỏ.
(http://nigioivietnam.com/Hanh-trang-Chu-ni-Viet-Nam/59/ni-truong-thuong-the-ha-quan.html)