THỦ QUỸ BAN TRỊ SỰ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO -THỪA THIÊN-HUẾ
(1935 – 1999)
I. THÂN THẾ
Ni sư Minh Bổn, thế danh Trương Thị Mai Hương, sinh ngày 19 tháng 2 năm Ất Hợi (1935) tại làng Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam. Thân phụ là cụ ông Trương Đình Tùng, thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Gia. Ni sư sống trong gia đình trung lưu, khi lên bảy phải sống trong cảnh mồ côi cha mẹ, được nuôi dưỡng và đùm bọc trong tình yêu thương của bà Nội và người anh trai.
Năm 10 tuổi, rời bà Nội để theo anh trai vào Phú Yên sinh sống (anh trai được bổ làm Thư ký tại tòa Khâm Sứ Pháp). Cuộc sống ổn định chưa bao lâu thì đất nước rơi vào cảnh chiến tranh, Ni sư phải theo anh tản cư trôi giạt nơi đất khách quê người, đành bỏ dở việc học hành và mãi đến năm 1953 mới về lại quê nhà.
Tuổi thiếu thời, Ni sư chứng kiến bao cảnh đau thương của gia đình, quê hương làm cho Ni sư nhận biết về nỗi khổ của cuộc đời, do đó khi biết đạo lại càng hướng tâm sâu hơn.
Ni sư từng là một huynh trưởng gương mẫu của gia đình Phật tử Đại Lộc. Trên cương vị ấy, Ni sư hăng hái cố gắng học tập Phật pháp, theo học nhiều khóa giáo lý do thầy Đức Trạm tổ chức. Được thấm nhuần ý đạo và ươm mầm trong tinh thần áo lam Gia đình Phật tử, Ni sư đã hướng tâm đến chân trời cao rộng hơn.
II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC
Với tâm niệm tìm cầu sự an lạc, duyên lành đã đến, Ni sư rời quê hương đến Cố đô Huế nơi có Ni Viện Diệu Đức để xin cầu xuất gia với Ni trưởng thượng Tâm hạ Nguyệt (Thể Yến). Với bản chất cần mẫn hiền hòa cùng với tâm tha thiết học đạo nên chỉ sau một năm tập sự xuất gia, Ni sư đã được Bổn sư cho thế phát Quy y và được ban Pháp danh Nguyên Chánh. Nối pháp đời thứ 41 thuộc dòng Thiền Lâm Tế.
Năm 1956, thọ Sa-di-ni giới, Pháp tự Minh Bổn.
Năm 1959, thọ Thức-xoa-ma-na.
Năm 1965, Ni sư thọ Tỳ-kheo-ni Bồ-tát giới tại Đại giới đàn Vạn Hạnh được tổ chức tại Tổ đình Từ Hiếu.
Là một Ni sinh sáng dạ, tinh cần nên được Ni viện gửi đi học các lớp Liễu Quán tại chùa Linh Quang - Huế và tại Ni viện Diệu Quang - Nha Trang.
Năm 1969 vâng lời dạy của Bổn sư, trở về Huế đảm nhiệm việc giảng huấn tại Ni viện Diệu Đức.
III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO
Năm 1975, Ni sư được giao nhiệm vụ đảm trách cơ sở Hương Sơn trong giai đoạn khó khăn nhưng với bản tính linh hoạt, Ni sư đã dần xây dựng Hương Sơn thành một tịnh thất rồi dần dần tạo nơi đây thành ngôi chùa như hiện nay. Tiến trình này luôn được nhịp nhàng với từng bước đào tạo nhân sự kế thừa.
Tấm lòng thương lo dìu dắt đệ tử quả là một điểm sáng trong cuộc đời của Ni sư. Với đệ tử, bao giờ Ni sư cũng dùng ái ngữ nhưng không thiếu phần cương quyết nghiêm nghị, luôn sống hòa đồng, không đặt nặng về đời sống vật chất. Ni sư luôn dang rộng cánh tay đùm bọc thương yêu các đệ tử bằng tâm bình đẳng nên thầy trò đồng cảm và cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Bởi thế, Ni sư đã tiếp độ nhiều đệ tử và nuôi dạy nhiều vị thành đạt trong sở học, sở tu.
Đối với Gia đình Phật tử, chùa Hương Sơn là một điểm sinh hoạt cho nhiều đoàn sinh như : Tu-xà-đề, Lộc Uyển, Ni Liên Thuyền, Từ Bi - Hỷ Xả. Hình ảnh Ni sư đối với họ là người thầy, người mẹ, người chị rất thân thương, khả kính.
Đối với Giáo hội, Ni sư luôn hiếu kính các bậc Tôn trưởng, tinh tấn trong mọi Phật sự mà Giáo hội giao phó.
Năm 1981, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Trị Thiên được hình thành, Ni sư là Ủy viên Thủ quỹ và vẫn tiếp tục nhiệm vụ ấy qua các nhiệm kỳ của Ban Trị sự cho đến ngày cuối đời.
Tại các Giới đàn của những năm 1970, 1975, 1981, Ni sư đều đảm trách chức vụ Dẫn thỉnh và những Giới đàn sau này Ni sư đều được thỉnh vào hàng Tôn chứng.
Trong sự nghiệp hoằng truyền đạo pháp, Ni sư là một trong những vị Giảng sư xuất sắc đã góp phần vào sự nghiệp hoằng pháp của Tỉnh hội, không một nơi nào có Phật tử cần nhu cầu giảng pháp hay Giáo hội điều cử mà Ni sư từ nan. Từ những Đạo tràng ở chùa Từ Đàm, các Niệm Phật đường trong thành phố cho đến các Khuôn hội xa xôi của vùng duyên hải hay nông thôn, đâu đâu cũng còn vang vọng lời chỉ dạy từ hòa của Ni sư.
Về việc tổ chức Gia đình Phật tử, Ni sư có nhiều nhân duyên hơn, bởi vậy trong các trại huấn luyện Huynh trưởng của các ngày Hạnh của ngành nữ Gia đình Phật tử, Ni sư thường có mặt. Sự có mặt của Ni sư và các Huynh trưởng là niềm động viên, dìu dắt đàn em.
Ni sư luôn thể hiện sự hài hòa giữa đạo và đời, đã tiếp bước của Ni trưởng thượng Diệu hạ Không tham gia vào ban Chấp hành hội Phụ nữ Việt Nam, hội Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bước vân du hành đạo từ tuổi vị thành niên còn đi học cho đến tuổi trưởng thành ra làm Phật sự, dù công việc bận đến đâu và dù hoàn cảnh nào đi chăng nữa nhưng đối với hai pháp môn “Giới luật và Tịnh độ” mà Ni sư đã phát nguyện hành trì thì lúc nào cũng miên mật không chút lãng xao.
Về giới luật thì tư tưởng, hành vi, ngôn ngữ, giao tiếp, Ni sư luôn tế nhị, cẩn trọng, nghiêm trang trong ứng xử.
Về Tịnh độ thì lúc nào Ni sư cũng không rời hồng danh của Đức Phật A-di-đà. Nhất là trong thời gian thân bệnh, Ni sư lại càng tận dụng hết thời gian cho việc niệm Phật, hạn chế sự tiếp xúc. Lúc có Phật tử đến thăm, Ni sư thường khuyên “Phải tinh tấn nhất tâm niệm Phật, đó chính là quý vị đã thương tôi và thương quý vị đừng buồn rầu làm gì !”
IV. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Ni sư là hình ảnh của sự tận tụy, trong khi thân đã nhuốm bệnh, song Ni sư cố gắng tuân hành sự chỉ đạo của Giáo hội, tham dự Đại hội nhiệm kỳ IV của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Trong lần tham dự ấy, cơn bệnh của Ni sư đột nhiên bộc phát, mặc dù đã được các y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế, các vị lương y của Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế tận tình chữa trị, hàng môn đồ đệ tử hết lòng chăm sóc hầu hạ. Nhưng vô thường đã đến, Ni sư an nhiên ra đi vào lúc 21 giờ ngày 30 tháng 4 năm Kỷ Mão (1999) trước sự hộ niệm của Ni chúng và Phật Tử. Trụ thế 64 năm, 34 hạ lạp.
Sự ra đi của Ni sư để lại bao nỗi thương tiếc, Giáo hội vắng một thành viên trung kiên nhiệt thành, môn đồ pháp quyến mất đi một vị thầy khả kính.