(1916-1982)
- Nguyên Vụ trưởng Ni bộ Bắc tông (1968).
- Viện chủ khai sơn chùa Phật Bửu Ni - Tiền Giang.
I. THÂN THẾ
Ni trưởng Liễu Tánh, thế danh Lâm Tường Nguyên, sinh năm 1916 (Bính Thìn) tại nhà ngoại Tổ là bà Lê Thị Bạc ở làng Mỹ Hạnh Đông, quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường (nay là huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), là con một trong gia đình phú gia nhất nhì Cai Lậy lúc bấy giờ, có truyền thống mộ đạo, sùng kính ngôi Tam Bảo. Thân sinh là cụ ông Lâm Khẩn Cầu, Pháp danh Thiện Nguyện, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Phương, Pháp danh Diệu Tâm.
Thuở thiếu thời, với tư chất thông minh nên khi Ni trưởng vừa lên sáu đã theo bà ngoại đến học giáo lý với Hòa thượng Pháp Lưu (chùa Bửu Long, làng Cẩm Sơn quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường).
II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC
Năm 12 tuổi (1928), Ni trưởng được thân mẫu hướng dẫn đến chùa Phi Lai, làng Tú Tề, tỉnh Châu Đốc để cầu thọ giới pháp và được Tổ Chí Thiền cho thế phát xuất gia và ban Pháp danh Diệu Tánh.
Năm 15 tuổi (1931), Ni trưởng thọ Sa-di-ni tại Đại giới đàn chùa Khánh Quới - Cai Lậy do Tổ Thiên Thai (Hòa thượng Huệ Đăng - Viện chủ chùa Thiên Thai - Bà Rịa Vũng Tàu) chứng minh và Hòa thượng Pháp Nguyên làm Hòa thượng Đàn đầu. Sau đó, Ni trưởng cùng thân mẫu về cất một am nhỏ để cùng thân mẫu tu hành, được ba năm thân mẫu qua đời. Ni trưởng phát nguyện nhập thất một năm thọ trì Kinh Pháp Hoa “nhất tự, nhất bái” và ba trăm bộ Kinh Địa Tạng để cầu siêu cho thân mẫu.
Năm 20 tuổi, Ni trưởng được Ni trưởng Bảo An hướng dẫn đến trường Hương và thọ giới Tỳ-kheo-ni tại Long An. Cũng tại trường Hương này, Ni trưởng y chỉ với Hòa thượng Pháp Tạng - là một Thiền sư danh tiếng đương thời.
Sau đó, Ni trưởng về chùa Phước Trường làng Mỹ Tịnh An, tỉnh Bến Tre tu học được ba năm.
Hòa thượng Pháp Tạng nhận thấy người học trò này tư chất thông minh có thể trở thành pháp khí sau này nên Hòa thượng gửi ra Huế nhập học tại Ni trường Diệu Đức, lúc này Ni trưởng vừa tròn 24 tuổi. Lúc đi Hòa thượng dặn dò:
“ Đưa trò, học Huế dặn đôi lời,
Hãy ráng học hành chớ lãng phai,
Ngày khác ắt nên đồ pháp khí,
Thạch trụ tàng cao che ấm đời.”
Suốt bốn năm học đạo tại Ni trường, Ni trưởng đã sống giản dị, mẫu mực. Một thân nữ lưu từ Nam ra Huế nhưng với ý chí xuất trần, cần mẫn học tập, vượt qua mọi thử thách khó khăn nên đã được Sư trưởng Giám đốc Ni trường khen ngợi đức tính của Ni trưởng qua bài thơ :
“ Diệu Tánh in in giác tánh đồng,
Một màu thanh tịnh sánh hư không,
Trơ trơ sóng dập bên ghềnh đá,
Vằng vặc trăng lò dưới đáy sông,
Sáng dường gương, trong tợ tuyết,
Mềm như sắt, cứng như bông,
Bốn mùa ưa thích thường thay đổi,
Diệu Tánh in in giác tánh đồng.”
III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO
Năm 27 tuổi, Ni trưởng về miền Nam cầu pháp với Tổ Phước Trường (Ngộ Pháp Tạng Thiền sư) và được Tổ ban cho Pháp danh là Nhựt Trinh, tự Phổ Tiết, hiệu Liễu Tánh, thuộc dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41, đồng thời Tổ ấn chứng qua bài kệ đắc pháp ngày 18 tháng 2 năm Giáp Thân (1944).
“ Nhựt chiếu huyền quang tối thượng thiền,
Trinh tường diệu pháp xuất tâm điền,
Phổ thông lục trí siêu quần hớn,
Tiết độ nhơn gian kết thắng duyên.”
Tổ Pháp Tạng đã bổ xứ Ni trưởng về trụ trì ngôi Tổ đình Bửu Toàn làng Long Thạnh, quận Chợ Gạo, tỉnh Định Tường.
Đến năm 30 tuổi (1946), với nền tảng giáo lý thọ học uyên thâm, Ni trưởng đã đi thuyết giảng nhiều nơi ở Nam kỳ Lục tỉnh.
Năm 31 tuổi (1947), Ni trưởng trở về Cai Lậy lập chùa Phước Bửu Ni (nay là Phật Bửu Ni) trên khuôn đất của gia đình hầu tiếp Ni độ chúng.
Năm 34 tuổi (1950), Ni trưởng được ban Hộ tự chùa Phật Quang - Bến Tre cung thỉnh về đây khai trường Hương và người đảm nhiệm Thiền chủ kiêm Pháp sư.
Sau đó, Ni trưởng đến chùa Thắng Tam - Vũng Tàu tu học, đã cung thỉnh Hòa thượng Trí Tịnh (Tọa chủ chùa Vạn Đức) dạy Lăng Nghiêm Trực Chỉ, Pháp Hoa Thông Nghĩa, Toạ Thiền Chỉ Quán. Cùng học lúc đó có quý Ni trưởng Như Ngộ (chùa Thiên Phước - Long An), Như Minh (chùa Bạch Vân - Bến Tre) ….
Năm 40 tuổi (1956), Ni trưởng được mời làm Thiền chủ trường Hương chùa Tăng Già (nay là chùa Kim Liên) Khánh Hội, Sài Gòn với 125 vị Ni tu học. Cũng trong năm này, tại chùa Phật Bửu Ni, Ni trưởng đã tổ chức lễ khai đàn Dược Sư thời gian 49 ngày để cầu nguyện cho đồng bào địa phương đang bị lâm nạn vì bom đạn của giặc Pháp. Ni trưởng cũng là người đã có công bảo bọc gia đình ông Cao Đăng Chiếm (sau ngày đất nước thống nhất là Thứ trưởng Bộ Nội Vụ) trốn tránh giặc Pháp an toàn.
Ni trưởng đã có công đầu tiên cùng với Sư trưởng Huê Lâm và Ni trưởng chùa Giác Thiên vận động thành lập Ni bộ Nam Việt vào ngày 04 tháng 09 năm 1956 và đã được cử đảm nhiệm chức vụ Phó Vụ trưởng Ni bộ Trung ương kiêm Ni trưởng Ni bộ tỉnh Định Tường.
Năm 41 tuổi (1957), Ni trưởng mở trường Sơ đẳng Phật học tại chùa Phật Bửu Ni, có hơn 40 vị theo học. Sau đó Ni trưởng được Giáo hội mời về Sài Gòn quản lý Ni trường Dược Sư quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định vào nhiệm kỳ đầu (1958).
Từ 1959 đến 1963, Ni trưởng đảm trách Trưởng ban Hoằng pháp Ni bộ, Ni trưởng đã đi thuyết giảng Phật pháp tại các chùa Phật Học Xá Lợi, Phật học đường Dược Sư (Sài Gòn), Linh Sơn (Vũng Tàu), Vĩnh Tràng (Mỹ Tho), Tây An (Châu Đốc). Để tạo điều kiện cho Ni chúng ở tỉnh lên Sài Gòn tu học, Ni trưởng đã cải tạo ngôi nhà 183 đường Cô Bắc, quận nhất đô thành Sài Gòn thành Pháp Hoa Ni Viện. Cũng trong năm này, Ni trưởng đã nghinh
tiếp Xá Lợi Phật về chùa Phật Bửu Ni tôn thờ.
Năm 52 tuổi (1968), Ni trưởng được cử làm Vụ trưởng Ni bộ Bắc tông kiêm Trưởng ban Xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Vào thời gian này, mặc dầu sức khoẻ kém nhưng Ni trưởng cùng với quý Ni trưởng đã tổ chức Đại giới đàn Ni tại chùa Từ Nghiêm. Ngoài ra Ni trưởng cũng tổ chức lớp Phật học Gia giáo tại Pháp Hoa Ni viện.
Từ 1975 đến 1980, Ni trưởng chuyên lo tịnh tu pháp môn do Tổ Thiên Thai chỉ dạy đồng thời nghiên tầm giáo nghĩa Đại thừa.
Từ 1981 đến 1982 tuy sức khoẻ yếu dần nhưng Ni trưởng vẫn minh mẫn, làm tròn trọng trách với môn đồ pháp quyến và hàng Phật tử.
IV. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Biết nhân duyên sắp mãn, Ni trưởng phó chúc cho ba vị đệ tử là Ni sư Minh Thiền, Minh Hạnh, Minh Viên quản lý chùa Phật Bửu Ni và giao quyền quản lý Pháp Hoa Ni viện cho Ni sư Minh Huệ, Minh Thiện để tiếp nối “truyền đăng tục diệm”. Phó chúc Phật sự cho các môn đồ đã xong, vào ngày 12 tháng 2 năm Nhâm Tuất (1982), vào lúc 20 giờ 45 phút, Ni trưởng đã an nhiên xả báo thân trở về cõi Phật. Trụ thế 66 năm, hạ lạp 46 năm.
Trải qua hơn 60 năm trụ tích chốn Ta-bà, 46 năm tùy duyên hóa độ, Ni trưởng đã để lại một tấm gương sáng của bậc Ni tài đức vẹn toàn, xứng đáng để hàng Ni giới hậu học và môn đồ pháp quyến học tập và noi theo.
(http://nigioivietnam.com/Hanh-trang-Chu-ni-Viet-Nam/64/ni-truong-thuong-lieu-ha-tanh.html)