TRỤ TRÌ CHÙA PHỔ MINH – TP. MỸ THO
(1930 – 2003)
I. THÂN THẾ
Ni trưởng thế danh là Lê Thị Mai, Pháp danh Như Chánh, Pháp hiệu Nguyên Mai, sinh năm Canh Ngọ (1930) tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre trong một gia đình thâm tín Phật pháp. Thân phụ là cụ ông Võ Văn Thiệu, Pháp danh Hồng Thiện, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Bích, Pháp danh Diệu Hương. Song thân chỉ có mỗi một mình Ni trưởng là con, người bác ruột thứ chín của Ni trưởng vốn là bậc đồng chơn xuất gia, đó là Hòa thượng Thích Hồng Ẩn (Tổ khai sơn chùa Huệ Quang, Giồng Trôm).
II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC
Vốn có túc duyên sâu dày với Phật pháp, năm 14 tuổi Ni trưởng theo mẹ lên chùa Phổ Đức xin Quy y. Sau một năm công quả, tập sự và được sự đồng ý của song thân, Ni trưởng được thế phát xuất gia với Ni trưởng Như Ngộ (Viện chủ chùa Phổ Đức và Thiên Phước). Chùa Phổ Đức tuy khiêm tốn nấp mình trong khuôn vườn tại Vòng nhỏ (nay là đường Lý Thường Kiệt) nhưng nơi ấy đã trưởng dưỡng những mầm Bồ-đề, Ni trưởng cùng với các huynh đệ đồng môn hằng ngày theo tu học dưới sự chỉ dạy, chăm chút của vị ân sư.
Năm 16 tuổi, Ni trưởng được Bổn sư gửi lên chùa Dược Sư - Sài Gòn cầu thọ giới Sa-di-ni.
Năm 25 tuổi, Ni trưởng thọ giới Thức-xoa-ma-na tại Giới đàn chùa Huê Lâm do Sư trưởng Như Thanh làm Hòa thượng Đàn đầu. Kế đó, Ni trưởng xin phép ân sư đến chùa Phật Bửu - Cai Lậy tham học Phật pháp với Hòa thượng Ni Liễu Tánh, tu học được hai năm thì ân sư gọi về chùa Phổ Đức.
Năm 1961, Ni trưởng được Bổn sư cho phép đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Giới đàn chùa Từ Nghiêm - Sài Gòn.
Từ 1965 đến 1967, Ni trưởng theo học dự thính lớp giáo lý tổ chức hàng tuần tại Phật học viện Cao đẳng Huệ Nghiêm - Bình Chánh. Thời điểm này, Ni trưởng luôn phải gánh vác mọi việc từ tu học đến canh tác ruộng vườn, quán xuyến mọi việc từ trong ra ngoài vì Ni trưởng là chị lớn của một đàn sư đệ trên dưới mười hai vị. Với đức tính hy sinh, kiên nhẫn và chịu khó chẳng quản nhọc nhằn để chu toàn việc chùa, chăm lo cho các sư đệ đầy đủ phương tiện tu học.
Năm 1965, chùa Phổ Đức dời ra đường Nguyễn Tri Phương (nay là Ấp Bắc) ngã ba Bót số Tám - thành phố Mỹ Tho. Để giúp Bổn sư có kinh phí xây dựng Ni viện, hằng ngày Ni trưởng thức khuya dậy sớm làm thức ăn chay ra bán các chợ Mỹ Tho, Thủ Đức ròng rã suốt hơn hai năm.
III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO
Năm 1968, chùa Phổ Đức khang trang sau thời gian xây dựng, Ni trưởng thay nhọc Bổn sư tận tụy trong nhiệm vụ trông coi chu toàn Phật sự.
Năm 1973, Ni trưởng xây chùa Phổ Minh đường Đống Đa khu phố 5 phường 4, TP. Mỹ Tho. Để trả hiếu ân cưu mang dưỡng dục, Ni trưởng đưa mẫu thân về chùa phụng dưỡng, hướng dẫn mẫu thân xuất gia tu học, sau sáu năm thì thân mẫu trở về cõi Phật. Đối với thầy tổ, Ni trưởng luôn làm tròn bổn phận người đệ tử, đại lao cho thầy, lui tới Phổ Đức phụ giúp các Phật sự.
Năm 1975, Ni trưởng chính thức trụ trì chùa Phổ Minh.
Tháng 11 năm 2000, Ni trưởng trùng tu chùa Phổ Minh. Ni trưởng đã vượt qua bệnh tật (bị gãy chân trong một tai nạn vào năm 1990) thường xuyên đăng đàn thuyết pháp, hướng dẫn Phật tử tu hành, khuyến hóa mọi người phát khởi tâm từ làm việc phước thiện. Đạo tràng Pháp Hoa mỗi tuần tu tập một ngày, Hội Liên Trì Phật tử của bổn tự hàng đêm đến tụng Kinh niệm Phật trong bầu không khí trang nghiêm.
Sống giữa khu phố lao động, Ni trưởng tiếp xúc và cảm thông nỗi khổ của người dân nghèo, với tấm lòng nhân hậu vị tha, Ni trưởng thực hiện công tác từ thiện như : phát gạo, thuốc men, giúp tiền chữa bệnh và khi có tang chế giúp áo quan nhằm xoa dịu phần nào nỗi thống khổ.
Vào những năm đầu thành lập Tỉnh hội Phật giáo Tiền Giang, Ni trưởng đã vận động quyên góp yểm trợ cho công tác từ thiện xã hội của Giáo hội.
Nhờ công đức và đạo hạnh nên Tỉnh hội Phật giáo Tiền Giang đề xuất với Giáo hội tấn phong lên hàng Giáo phẩm Ni trưởng và Ni trưởng đã vinh hạnh đón nhận giáo chỉ vào tháng 04 năm 2003 từ Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cảm kích ơn đức giáo dưỡng của Ni trưởng, Đại đức Thích Minh Phước đã tận tình lo lắng giai đoạn cuối đời của Ni trưởng và lập chùa Phổ Minh bên xứ người (Canada) để ghi nhớ nơi đã xuất thân.
Do biết căn bệnh mỗi ngày mỗi nặng nên Ni trưởng xả bớt các duyên chỉ lo chuyên tâm trì chú Đại bi, tụng Kinh Pháp Hoa và chí thành niệm Phật để chuẩn bị tư lương cho ngày về cõi Phật.
Đa số Tăng Ni, Phật tử, chính quyền cũng như đồng bào địa phương đều kính mến và dành cho Ni trưởng nhiều cảm tình sâu đậm. Một vị Ni trưởng thất thập cổ lai hy thuần hậu gần gũi, san sẻ từng bát cơm manh áo với người lao động nghèo. Ni trưởng đã đem Phật pháp ứng dụng thiết thực vào cuộc đời, xoa dịu bao nỗi khổ niềm đau của kiếp nhân sanh.
IV. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Vào ngày 27 tháng 10 năm Quý Mùi (2003), Ni trưởng đã an nhiên viên tịch, trụ thế 73 năm, hạ lạp 42 năm.
“ Tức tâm tức Phật, Phật là tâm,
Giác ngộ bản nhiên khỏi truy tầm,
Thế giới ba ngàn trong một niệm,
Giữa bầu không sắc ấy chơn tâm.”
(http://nigioivietnam.com/Hanh-trang-Chu-ni-Viet-Nam/70/ni-truong-thuong-nhu-ha-chanh.html)