Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

Ni giới Nam bộ nửa đầu thế kỷ XX

17/03/2010 | 00:10

LTS: Nghiên cứu về Ni giới tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung là một lĩnh vực hiện còn khá bỏ ngỏ. Một số công trình nghiên cứu rải rác về vai trò của Ni giới trong Phật giáo vẫn chưa phác họa được diện mạo cũng như những đóng góp tích cực của họ trong việc xây xựng và phát triển đạo pháp, xã hội.

Bài viết sau đây là một trong những nỗ lực tìm hiểu và giới thiệu một số gương mặt chư Ni tiên phong mở đường cho Ni giới Nam bộ, góp phần vào việc nghiên cứu về Ni giới Việt Nam nói chung. Bài viết ít nhiều còn mang tính gợi mở, xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

Trong tiến trình lịch sử văn hóa của tất cả tôn giáo lớn trên thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng, nam giới luôn nắm giữ vai trò chủ đạo. Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, cộng đồng Tăng sĩ(1) cũng bắt đầu hình thành, phát triển và nắm phần trọng yếu trong tiến trình duy trì mạng mạch của Phật pháp. Vẫn biết, trong dòng chảy của lịch sử nước nhà, bên cạnh sự hưng thịnh hay suy yếu của đội ngũ Tăng già, hình bóng của các vị Tỳ kheo ni thi thoảng xuất hiện. Thế nhưng, suốt chiều dài lịch sử, họ hầu như không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của xã hội như cộng đồng Tăng sĩ. Có thể, một trong những trở ngại lớn nhất là sự khắt khe đối với phụ nữ của xã hội Việt Nam mang nặng dấu ấn văn hóa Nho giáo, làm cho cộng đồng Ni giới trong suốt chiều dài lịch sử không thể phát triển được. Những nhân vật Tỳ kheo ni xuất hiện lác đác trong các trang sử nước nhà chưa đủ để tạo nên một phong trào tu tập theo Phật giáo cho nữ giới.

Đất nước Việt Nam, theo lịch sử, mở rộng về phương Nam với sự tiếp thu, lĩnh hội biết bao lối tư duy mới. Người miền Nam dần dần hình thành nên đời sống văn hóa mới và Phật giáo cũng tham gia đóng góp, tạo nên dấu ấn của mình trên nền văn hóa ấy. Thời kỳ đầu xây dựng miền Nam, lịch sử Phật giáo chủ yếu ghi nhận công lao của các vị Tăng theo chân đoàn dân di cư. Họ là những người lãnh đạo tinh thần, làm điểm tựa cho cư dân mới. Cuộc sống đầy bất trắc trong thời kỳ đầu không thể là điều kiện tốt cho nữ giới xuất gia sống độc cư. Vì thế, thật dễ hiểu khi hầu hết các trang sử Phật giáo miền Nam, cũng vậy, chẳng hề quan tâm đến phụ nữ, cả xuất gia lẫn tại gia(2).

Trong các trang sử xưa, như Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Đại Nam liệt truyện tiền biên của Nguyễn Khoa Chiêm, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi nhận hai vị nữ tu sống đời ẩn dật và lai lịch của họ để lại quá sơ lược. Như thế, hình bóng tu tập của nữ giới bắt đầu xuất hiện(3). Tuy nhiên, hành trạng của họ chưa được các trang sử Phật giáo nước nhà ghi nhận. Bởi họ thường chọn đời sống ẩn dật, sống như một vị tu sĩ, nhưng không xuất hiện trong xã hội như một vị tu sĩ. Vì thế, uy tín của họ chỉ giới hạn trong khu dân cư quanh núi. Hai nhân vật xuất hiện và được nhiều người quan tâm biết đến là sư Lê Thị Nữ ẩn tu trên núi Thị Vải, sư Tống Thị Sương ở đảo Đại Kim, thuộc trấn Hà Tiên. Hai nhân vật này chắc chắn phải là người nổi tiếng để được các nhà sử học quan tâm. Thế nhưng, những bằng chứng ghi nhận họ là người xuất gia, trở thành Tỳ kheo ni thì không thấy có.

Theo tư liệu chúng tôi có được, nhân vật nữ xuất gia thọ giới đầu tiên của miền Nam là Tỳ kheo ni Diệu Thiện (1818-1899). Bà sinh năm 1818 (Mậu Dần), thế danh Lê Thị Thơ, sinh quán tại Chợ Lớn. Khi còn tại gia, bà làm nghề thợ may. Ðến lúc trung niên, bà xuất gia với một bậc cao tăng người Hoa ở Chợ Lớn, thuộc Thiền phái Vân Môn, bà được đặt hiệu Diệu Thiện. Sau khi xuất gia, bà về vùng Châu Đốc để chiêm bái các danh thắng và lưu lại chùa Tây An. Vốn thích sống nơi yên tĩnh, bà đã đi về phía Tây núi Sam, sống một mình trong một cái hang yên tĩnh, ít người lui tới để chuyên tâm tu hành. Bà chuyên tâm tụng kinh niệm Phật, không để ý đến việc tạo dựng chùa chiền, thu nhận đệ tử, hay các hoạt động Phật sự bên ngoài.

Như vậy, bà xuất hiện với tư cách là một vị Tỳ kheo ni, nhưng cũng chỉ chọn đời sống ẩn dật, chuyên tâm tu hành, không tham gia hoạt động gì khác. Tuy vậy, cư dân trong vùng hết sức ngưỡng mộ và truyền tụng về hành trạng của bà.

Những nhân vật khác chủ yếu sống dựa vào sự nâng đỡ của Tăng, như Tỳ kheo ni Diệu Danh. Bà là đệ tử của Hòa thượng Hoằng Ân - Minh Khiêm (1850-1914). Từ khi khởi tâm theo Phật đến ngày xuất gia, bà sống trọn đời phụng sự, hộ trì đời sống tu hành của chúng Tăng. Khi Hòa thượng bổn sư về chùa Tây An ở núi Sam, ngài ở tại am do bà cúng dường và bà đã phụng dưỡng, hầu hạ cơm nước. Hiện nay, bàn thờ của bà đặt tại chùa Thới Hòa (Q.Gò Vấp, TP.HCM). Còn Tỳ kheo ni Diệu Tín, tục danh Phan Thị Lê, xuất thân là con quan Thủ hạp Định Tường. Bà xuất gia và tu học với Hòa thượng Chánh Hậu (1852-1923) ở chùa Vĩnh Tràng, Mỹ Tho. Năm 1925, đệ tử của HT.Chánh Hậu là HT.An Lạc (1874-1939) kế vị trụ trì chùa Vĩnh Tràng, đặt thêm một cây bảo đồng hai tầng riêng thờ Tỳ kheo ni Diệu Tín.
Như vậy, cho đến giai đoạn này, những vị nữ lưu chọn đời sống tu hành theo Phật giáo, tuy chưa được sự công nhận của cộng đồng Tăng, nhưng họ đã để lại những dấu ấn quan trọng. Để hiện thực hóa ý chí xuất gia tu học của mình, trước hết, họ là những tín nữ thuần thành, chánh tín Tam bảo và có ý chí mạnh mẽ. Thứ nữa, họ là những người giàu có để đủ sức nuôi sống mình suốt cuộc đời còn lại; họ xuất thân trong những gia đình danh giá, và dựa vào uy tín của gia đình để tồn tại. Cho dù họ luôn đương đầu với muôn vàn khó khăn trong sự phán xét khắt khe của xã hội thời bấy giờ, nhưng họ đã nỗ lực để vượt qua mọi chướng ngại.

Trong lịch sử, mỗi một trào lưu, “tổ chức mới” xuất hiện và tồn tại được đều phải đáp ứng được những đòi hỏi nào đó của xã hội đương thời. Nói cách khác, nhu cầu xã hội cũng tạo điều kiện cho Ni giới miền Nam xuất hiện. Bước vào thế kỷ thứ XX, xã hội vẫn có cái nhìn khắt khe mang tính truyền thống, thậm chí chống đối vấn đề xuất gia của nữ giới. Vì vậy, để được dự vào hàng Tỳ kheo, nữ giới phải nỗ lực gấp nhiều lần so với nam giới. Tuy nhiên, trong cộng đồng Tăng đã xuất hiện nhiều vị Hòa thượng có tư tưởng thoáng hơn về người nữ và luôn sẵn lòng trợ giúp họ xây dựng đội ngũ Ni giới. Như vậy, để hình thành được một lực lượng Ni giới mạnh mẽ như ngày nay, chúng ta nên ghi công của chư vị Hòa thượng này.
Một thuận lợi khác trợ duyên cho tiến trình mở rộng phong trào tu tập trong Ni giới là Phong trào Chấn hưng Phật giáo bắt đầu hình thành. Chính những vị Hòa thượng tiên phong trong phong trào này đã hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ, động viên, kêu gọi Phật tử ủng hộ Ni giới tu hành.

Từ những tiền đề ban đầu, cộng với những thuận lợi từ bên ngoài, vào đầu thế kỷ thứ XX, Tỳ kheo ni xuất hiện ngày càng nhiều và bắt đầu tìm cho mình chỗ đứng trong xã hội. Xét trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, Ni giới có những đóng góp nhất định, từ tham gia tổ chức giáo dục, xây dựng chùa chiền, hoằng pháp, hoạt động xã hội và tham gia phong trào kháng chiến giành độc lập cho dân tộc.

Về giáo dục, đây là lĩnh vực được các vị Ni sư tiền bối dành nhiều thời gian và công sức nhất. Ban đầu, các vị Tỳ kheo ni được thọ giới nhờ nhận các vị Hòa thượng làm thầy. Công việc chính yếu của họ, ngoài chuyện tu hành, là hỗ trợ cho công việc tu tập và hoằng dương Phật pháp của Tăng chúng. Bên cạnh đó, họ theo Tăng chúng để học các trường gia giáo do các vị Hòa thượng mở để dạy cho chư Tăng. Thế nhưng, một khi đội ngũ Ni chúng ngày càng đông, các vị Ni sư đã nghĩ đến xu hướng tách ly khỏi môi trường giáo dục chung với chư Tăng. Khi được sự động viên của các vị Hòa thượng bổn sư, họ mạnh dạn bước ra xã hội để hoạt động độc lập.

Một trong những việc cấp thiết đầu tiên đối với các vị Ni sư tiên phong là mở trường dạy học để đào tạo Ni chúng, nhằm xây dựng phong trào tu hành cho nữ giới. Bước ngoặt đầu tiên được ghi nhận là sự xuất hiện của Tỳ kheo ni Hồng Nga - Diệu Ngọc (1885-1951). Bà tên thật là Huỳnh Thoại Nga (thường được gọi là Hai Ngó). Bà thuộc gia đình phú nông người Hoa lập nghiệp ở Bạc Liêu. Từ nhỏ, bà được học trường Tây và luôn có tâm ý làm việc thiện, thường xuyên xuất tiền của cứu tế đồng bào nghèo.

Vốn bản tính cương nghị và có lòng mộ đạo, năm 1919, bà phát tâm sử dụng gia sản của mình để xây dựng chùa Giác Hoa tại tổng Thạnh An, làng Châu Hưng, tỉnh Bạc Liêu. Năm 1923, chùa xây xong và làm lễ khánh thành. Bà mời Hòa thượng Như Hiển Chí Thiền (1861-1933) về chứng minh và cũng xuất gia đầu Phật với pháp danh Hồng Nga, tự Diệu Ngọc. Đến năm 1927, bà khởi xướng mở trường gia giáo tại chùa. Đây là trường Phật học Ni đầu tiên và đẹp nhất của miền Tây Nam Bộ. Từ đó, trường là nơi quy tụ Ni chúng theo học và khi đông nhất lên đến hàng trăm người, là nơi khởi đầu cho một quá trình gieo giống và phát triển của mạng mạch Ni giới. Từ đây, đội ngũ Tỳ kheo ni tri thức xuất hiện, họ bắt đầu ý thức được vấn đề xây dựng đội ngũ kế thừa bằng cách tham gia tổ chức thọ giới cho Tỳ kheo ni, tổ chức các hoạt động giáo dục,... Trường gia giáo Giác Hoa đã sản sinh nhiều vị danh ni sau này đứng ra vận động kêu gọi giới nữ lưu tham gia tu hành và hoạt động xã hội với tư cách là người đệ tử xuất gia của Đức Phật, như sư Hồng Khoái Diệu Chí (1904-1988), Hồng Tích Diệu Kim (1908-1976), Hồng Thọ Diệu Tịnh (1910-1942), v.v…

Kế tiếp Ni sư Hồng Nga đầu tiên, rất nhiều vị danh ni xuất hiện và dành nhiều công sức cho công việc đào tạo Ni chúng, trong đó có thể kể: Ni sư Diệu Tịnh, Diệu Tánh, Diệu Tấn,... Họ là những vị Ni sư tiên phong trong lĩnh vực giáo dục. Những tư tưởng lớn luôn gặp nhau. Ba vị Ni sư tiên phong này là những người đầu tiên đã hướng ra phía Bắc tìm đường học đạo, mong tích lũy kiến thức Phật học để góp phần xây dựng phong trào tu hành cho Ni giới miền Nam. Chính nhờ những chuyến đi tầm sư học đạo như thế mà họ đã nhận thức được trách nhiệm của mình đối với Ni giới.

Khi hoàn thành con đường tầm sư học đạo, họ trở về Nam, bắt đầu xây dựng các Ni trường. Sư Diệu Tấn đã mở trường Kim Sơn. Đây là ngôi trường dạy Ni chúng đầu tiên của vùng Sài Gòn-Gia Định. Rất nhiều chư Ni trưởng thành từ ngôi trường này và đóng góp công lao vào xây dựng Ni bộ vững mạnh về sau. Ni sư Diệu Tịnh là người chịu khó đi lại khắp các vùng lục tỉnh để kêu gọi Ni giới bước ra phục vụ xã hội. Bà vận động thành lập nhiều trường gia giáo. Đầu tiên, bà tham gia làm Chánh na, thủ lãnh Ni và sau đó được công nhận là Giáo thọ ni ở trường hương chùa Giác Hoàng (Bà Ðiểm), sau đó là các trường hương ở khắp miền lục tỉnh. Ni sư Diệu Tánh (tự Như Thanh) là người có công lớn trong việc hình thành hệ thống Ni trường ở Sài Gòn-Gia Định, bao gồm chùa Huê Lâm, Từ Nghiêm, Dược Sư. Con đường giáo dục Ni chúng đã thành nếp và có hệ thống từ đây.

Công cuộc phát triển Ni giới đi liền với phong trào xây dựng chùa Ni. Những ngôi chùa này có thể là của chư Ni tự vận động quyên tiền xây dựng, chùa của chư Tăng cúng dường hay của Phật tử xây dựng rồi hiến cúng. Ngôi chùa Ni đầu tiên được ghi nhận ở miền Nam là chùa Giác Hoa do Ni sư Hồng Nga xây dựng bằng gia sản riêng của mình; ở Gia Định là chùa Từ Hóa (nay là chùa Hải Ấn) do Sư bà Diệu Tịnh vận động tạo dựng. Một số chùa do chư Tăng ủng hộ như chùa Phước Huệ, do Hòa thượng Chánh Quả trụ trì chùa Kim Huê giao cho Ni sư Như Hoa; chùa Huê Lâm, Tổ đình của Ni bộ Bắc tông, do gia đình bà Trần Thị Nhiều lập cho dòng họ tu hành, đến năm 1953 thì hiến cúng Sư bà Như Thanh.

Trong lĩnh vực hoằng pháp, Ni sư Diệu Tịnh là người đầu tiên xuất hiện ngoài xã hội với tư cách là một pháp sư, đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ và góp phần gầy dựng hình ảnh Ni giới trong xã hội. Từ rất sớm, bà đã nhận thức được việc cổ xúy phong trào tu tập trong giới nữ. Muốn có đời sống tu tập thuận lợi, người tu hành phải tạo được uy tín trong cộng đồng Phật tử. Muốn thế, họ phải tham gia truyền bá Phật pháp, xây dựng đoàn thể riêng, chứ không chỉ dừng lại ở việc theo thầy tu tập. Từ đó, bà dành nhiều thời gian của mình cho công cuộc hoằng pháp. Đến đâu bà cũng sẵn lòng đăng đàn thuyết pháp. Ngay từ khi còn đi học, bà đã tham gia đăng đàn thuyết pháp khắp các miền. Ở miền Bắc, bà tham gia thuyết pháp ở chùa Phó - Hưng Yên, về Trung vào cung thuyết giảng Phạm Võng lược sớ cho Thái hậu Từ Cung, thuyết pháp ở chùa Diệu Đức, về Bình Định thuyết pháp ở chùa Thiên Hưng. Bước chân của Sư bà ghi dấu ở khắp miền lục tỉnh Nam Bộ. Bà là vị Ni đầu tiên đăng tòa thuyết pháp giữa bao tiếng thị phi, chống đối, phá hoại của những người mang nặng thành kiến với phụ nữ. Danh tiếng của bà vang xa, từ đó, Ni giới Nam Bộ cũng hưởng được phần công đức. Bà xứng đáng là nhân vật điển hình của một vị Tỳ kheo ni lỗi lạc và là tấm gương cho Ni giới hậu thế tự hào.

Trong giai đoạn này, quý sư bà đã tham gia công tác dịch thuật. Phong trào này đã phát triển khá mạnh. Rất nhiều kinh sách đã được quý sư bà trước tác, dịch thuật. Trong đó, có thể đến hai nhân vật tham gia nhiều nhất, là Sư bà Diệu Tịnh và Như Thanh. Sư bà Diệu Tịnh đã tham gia dịch thuật các tác phẩm: Kinh Vu Lan, Kinh Phổ Môn, Kinh Pháp Bảo Đàn, Kinh Phát Bồ Đề Tâm, Nghi thức tụng niệm,... Ngoài ra, Sư bà còn tham gia làm thơ, viết báo đang trên tạp chí Từ Bi Âm của Phật giáo. Công trình trước tác, dịch thuật của Sư bà Như Thanh khá nhiều, từ Kinh, Luật, Luận đến các công trình nghiên cứu, thơ, bài viết,... được xem là một nghiên cứu Phật học nổi tiếng trong lịch sử Ni giới nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Công tác xã hội: Các vị Ni sư đã đồng thời chú tâm tới công tác xã hội. Ở Bạc Liêu, Ni sư Hồng Nga phát động phong trào cho các phú hộ, điền chủ vùng Bạc Liêu xây dựng chùa, vận động các tín đồ cùng mình phát tâm in Kinh Đại Bi Xuất Tượng và Kinh Tam Bảo. Bà cũng tham gia công tác cứu trợ cho bà con nghèo để cứu đói trong giai đoạn 1945-1947. Ni sư Diệu Tấn, ngoài việc mở trường dạy Ni chúng, cũng tham gia xây dựng ký nhi viện, viện dưỡng lão để giúp đỡ những người cơ nhỡ; chùa Phước Huệ, Sa Đéc cũng là cơ sở cô nhi viện.

Người tham gia công tác xã hội nhiều nhất là Ni sư Như Thanh. Bắt đầu từ việc xây dựng hệ thống trường Kiều Đàm dạy thiếu nhi nhà nghèo, hiếu học miễn phí, thành lập nhiều ký nhi viện, cô nhi viện cũng mang tên Kiều Đàm, tổ chức các lớp dạy nghề, mở các phòng thuốc Nam, thuốc Tây, cấp phát thuốc cho dân nghèo,... Tất cả đều hoàn toàn miễn phí.
Hướng hoạt động này, cho đến nay là một trong những mảng quan trọng của Ni giới. Hầu hết, các vị có điều kiện kinh tế đều tham gia vào lĩnh vực này. Chính công việc này đã làm cho vai trò của Ni chúng trong xã hội ngày càng rõ nét.

Nổi bật trong lĩnh vực hoạt động xã hội của Ni giới phải kể đến là quá trình tham gia đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu là ngôi chùa Ni đầu tiên tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng. Chùa Phước Huệ Sa Đéc cũng là một trong những nơi nuôi dưỡng và che giấu cán bộ. Sư bà Diệu Tấn là người trực tiếp tham gia các hoạt động này, bà mở trường Kim Sơn, trường là nơi nuôi giúp con em các gia đình hoạt động cách mạng. Đây cũng là nơi che giấu lực lượng cách mạng trong cuộc Tổng khởi nghĩa mùa Thu năm 1945. Chính vì tham gia tích cực vào phong trào đấu tranh yêu nước mà Sư bà bị kẻ thù bắt tra tấn nên lâm bịnh viên tịch khi tuổi đời còn rất trẻ.

Cuộc chiến tranh giành độc lập của đất nước về sau còn ghi nhận công lao của Ni sư Huỳnh Liên. Bà là người xây dựng tổ chức Ni giới Khất sĩ, tham gia tích cực vào nhiều hoạt động đấu tranh chống chiến tranh Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ.

Rải rác khắp nơi, những vị Ni sư như những bà mẹ hiền luôn dang rộng vòng tay, đón nhận và che chở cho cán bộ hoạt động cách mạng. Tên tuổi của họ còn lưu lại nhiều trong các trang sử của dân tộc.

Một trong những hoạt động nổi bật nhất đối với Ni giới nói riêng và Phật giáo miền Nam nói chung là tiến trình vận động thành lập Ni bộ Bắc tông miền Nam. Nhân vật vật nổi bật nhất là Ni trưởng Như Thanh. Bà là người có tầm nhìn khá rộng và có uy tín rất lớn trong cộng đồng Ni giới khắp miền Nam thời bấy giờ. Khi nhận được lời giáo huấn của chư vị Hòa thượng tôn túc và của Giáo hội Tăng già Nam Việt, bà đã đi vận động các tổ đình Ni trên khắp miền Nam để thành lập Ni bộ. Đây được xem là một hoạt động khá sôi nổi của Ni giới khi tiến đến hình thành một tổ chức riêng của mình.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, kể từ khi manh nha hình thành đến thời kỳ đỉnh cao, Ni giới miền Nam đã làm được rất nhiều điều cho Ni giới, cho Phật giáo và cho xã hội Việt Nam. Xuất phát từ lòng mộ đạo, chánh tín Tam bảo cộng với một nghị lực phi thường, các vị Ni sư tiên phong đã để lại những dấu ấn không thể phai nhạt trong lịch sử. Như thế, tiến trình hình thành và phát triển của Ni giới ở Nam Bộ trong lịch sử Phật giáo miền Nam là rất đáng trân trọng. Họ giữ một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc cách mạng làm thay đổi nhận thức của mọi người về nữ giới. Chúng tôi chỉ ghi nhận sơ lược những công lao đóng góp của họ, tất nhiên, cần phải có những công trình nghiên cứu nghiêm túc và đủ lớn thì mới có hy vọng ghi nhận hết. 

Nguyễn Gia Quốc (*)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm