>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Lời Phật dạy
Ni giới từ thời Phật
Phật giáo đã can đảm san bằng mọi bất công đó, tạo một ảnh hưởng không nhỏ trong xã hội Ấn độ lúc bấy giờ, dĩ nhiên đó là điều mà Bà La Môn giáo không thể chấp nhận.
Như đã biết, qua kinh sử, Giáo hội Ni giới được thành lập rất sớm tại Ấn, vào thời Phật hiện tiền, trong khi, các cộng đoàn tu sĩ của Bà La Môn và các hệ phái đương thời hạn chế sự hiện diện của nữ giới, ngoại trừ Kỳ Na giáo; đôi khi, nữ giới còn bị kỳ thị gắt gao.
Việc Đức Phật chấp nhận cho nữ giới xuất gia là một cuộc cách mạng phổ biến chấn động tập quán tôn giáo, tín ngưỡng đương thời như đã từng có cuộc cách mạng san bằng giai cấp trong cộng đồng tu sĩ và cận sự Nam cận sự nữ trong tứ chúng của đức Phật. (Sở dĩ nói là cuộc cách mạng phổ biến chấn động là vì nữ tu lúc bấy giờ khá hạn chế trong cộng đồng Ấn giáo, duy chỉ số ít có mặt nữ tu trong hệ phái Kỳ Na. Ni đoàn của Kỳ-na-giáo đã được Nigantha Nàtaputta (Mahàvìra) thành lập khá lâu trước khi ni đoàn được đức Phật thành lập).
Ảnh minh họa
Qua ba lần từ chối lời cầu thỉnh của Di Mẫu Kiều Đàm Di xin xuất gia, Đức Thế Tôn vẫn không chấp nhận. Sau đó, Thế Tôn cùng Tăng chúng rời Ca Tỳ La vệ tiếp tục bộ hành đến Tỳ Xá Ly. Di Mẫu quyết tâm rời bỏ cung vàng điện ngọc, cùng năm trăm Thích nữ hoàng tộc, tự xuống tóc, theo chân Phật, Di mẫu đi suốt nhiều ngày một quảng đường xa, chân rớm máu, thân mệt mỏi, trước tình cảnh đầy cảm động, đức Anan bạch Phật nói lên công lao nuôi dưỡng Thái tử khi hoàng hậu Ma Gia viên tịch. Từ đó, đức Thế Tôn ra các điều kiện, Di Mẫu hoan hỷ chấp nhận ngay.
“Ngay sau khi thọ nhận Bát kỉnh pháp (theo truyền sử), Đức Thế Tôn cho phép Tôn giả Đại Ái Đạo cùng 500 nữ nhân dòng họ Thích thọ Đại giới, trở thành những vị Tỳ-kheo-ni đầu tiên trong giáo đoàn của Đức Phật. Thế Tôn xác nhận Đại Ái Đạo là nữ Tôn giả kinh nghiệm đệ nhất, chứng đắc quả vị A-la-hán...Cũng từ đó, Ni đoàn được thành lập dưới sự lãnh đạo của Tôn giả Đại Ái Đạo, tuân theo sự lãnh đạo của Thế Tôn cùng với sự trợ duyên của chư Tăng.”
Giáo đoàn Ni giới đầu tiên được thành lập, cũng là giáo đoàn Ni giới tạo một Thánh hạnh rực rỡ trong thời kỳ Phật còn tại thế. Ngoài giáo đoàn của Thánh Ni Đại Ái Đạo, còn có nhiều ngoại nhân thuộc giai cấp thấp trong xã hội như Liên Hoa Sắc…
Chuyện kể một lần tôn giả A Nan xin nước của một cô gái thuộc giai cấp cùng đinh đã khiến cô gái hoảng hốt chạy xa, tôn giả đã gọi cô gái lại và ôn tồn bảo: "Hãy cho tôi nước uống. Tôi xin nước, chứ không xin giai cấp". Cử chỉ và lời nói ôn tồn, trân trọng của tôn giả đã khiến cô gái xúc động và thức tỉnh. Sau đó, cô gái đến xin xuất gia với Tôn ni Ma Ha Ba Xà Ba Ðề, và đắc Thánh quả.
***
Nguyên nhân suy thoái và vắng bóng giáo đoàn Ni giới
Ảnh minh họa
Thời kỳ Phật giáo Ấn Độ suy thoái:
Suốt chiều dài lịch sử truyền thừa, Phật giáo phát triển hướng Bắc, cộng hưởng tinh thần khai phóng của Đại chúng bộ, giáo đoàn ni giới lan sang các nước Trung Hoa, Cao ly, Nhật Bản, Việt Nam; đặc biệt Tích Lan là nước theo hệ Nam truyền, cũng sớm có giáo đoàn Ni giới. Đại giới đàn Tỳ-kheo-ni đã được phục hoạt ở Tích lan vào năm 1998.
Giáo sử không nói đến giáo đoàn Ni giới vào thời kỳ Phật giáo tại Ấn Bố Sa Mật Đa La (Pushyamitra), một tướng lãnh Bà La Môn dưới triều Brihadratha, vua cuối cùng của vương triều Khổng Tước (Maurya), là người đầu tiên ngược đãi Phật Giáo. Một ông vua Ấn Độ Giáo khác đàn áp Phật Giáo là Sasanka, vua nước Gauda (Bengal), hành động phản bội đầu tiên của ông là giết Rajyavardhana vào năm 605 sau Tây lịch, anh của Harsha, vị hoàng đế Phật Giáo cuối cùng. Sasanka là một người thuộc giai cấp Bà La Môn và tín ngưỡng thần Shiva. Sasanka được cho biết là đã tiêu diệt tăng sĩ trong khu vực Câu Thi La (Kushinagar). Một trong những người đàn áp Phật Giáo lớn lao nhất là thủ lãnh Hung Nô, Mihirakula, đã làm thiệt hại lớn lao cho những chùa Phật Giáo ở Gandhara, Punjab, và Kashmir. Mihirakula là một người thờ Shiva và là một nhà bảo hộ lớn cho Bà La Môn giáo. Trong cơn điên rồ của ông, ông đã san bằng 1.600 tu viện, tháp, chùa và giết hại hằng trăm tín đồ Phật Giáo tại gia. Toramana, một ông vua cũng của vương triều tàn bạo đó, được cho biết là đã tiêu hủy chùa Ghostarama ở Kiều Thưởng Di (Kausambi). Về việc đàn áp Phật Giáo ở Kashmir, F.M. Hussnain viết:
“Chính Nara, người đã khởi sự tiến hành việc tiêu diệt Phật Giáo ở Kashmir. Ông cho thiêu hủy những tu viện Phật Giáo ở Kashmir và trừ diệt quần chúng Phật tử bằng cách tịch thu đất đai của họ để ban cho những người Bà La Môn. Những gì xảy ra ở Kashmir là một phần trong cùng tiến trình tiêu diệt Phật Giáo trong nước. Trong cuộc đấu tranh giữa Phật Giáo và Bà La Môn Giáo, Bà La Môn giáo đã chiến thắng, trong những hoàn cảnh đó, sự tiêu diệt của Phật Giáo ở Kashmir chỉ là vấn đề thời gian."
Theo tường thuật của Pháp Hiển, Huyền Trang và Nghĩa Tịnh, những người đến Ấn Độ vào các thế kỷ V, VI, và VII thì lúc bấy giờ các Tăng sĩ Ấn Độ đã bộc lộ sự suy thoái đạo đức. Họ sống xa hoa và không biết tiết độ trong ăn uống. Họ có gia đình và đem cả vợ con vào chùa ở mà không hề biết xấu hổ. Các chùa bắt đầu làm kinh tế, và chư Tăng trở thành thương gia hay nhà công nghiệp. Họ cũng chăn nuôi và nuôi tớ trai, tớ gái. Họ sở hữu những tài sản, cả động sản lẫn bất động sản, với số lượng lớn. Nói chung thì họ chỉ thích làm công việc thế gian, trong khi đó thì hoàn toàn lơ là với lời Phật dạy, không học cũng không tu.
Khi Hồi giáo xâm lăng Ấn Độ, họ sát hại tất cả các tôn giáo bản địa khác như đạo Hindu, đạo Jain, và dĩ nhiên là đạo Phật, tuy nhiên trong khi những tôn giáo khác phục hồi lại được thì chỉ có Phật giáo là bị diệt vong tại Ấn Độ. Vì sao như vậy? Vì các tín đồ Phật giáo, như Jacobi đã chỉ ra, “như thể là người ngoài, người bạn, và người ủng hộ của Tăng đoàn mà thôi”. Có Tăng đoàn thì họ còn cúng dường, ủng hộ. Khi Tăng đoàn tan rã thì họ cũng tan rã theo. Không có ai đứng ra kêu gọi bảo vệ Phật pháp.
Đến thế kỷ 13 Hồi Giáo triệt hạ 10.000 tu sĩ và giáo thọ sư đại học Nalanda bị thảm sát, kinh sách tài sản đại học bị thiêu cháy suốt nhiều tháng, cơ sở vật chất san phẳng. Trong cơn đại biến, chư Tăng không còn thì chắc hẳn chư ni phía Bắc Ấn cũng phải lánh nạn sang bên kia biên giới Himalaya và Giáo đoàn ni đi về đâu? Chắc chắn theo chân chư Tăng và tín đồ trôi giạt lên Tây Tạng. Nhưng trong những thế kỷ cận đại, giáo đoàn Ni không được nhắc đến tại Tây Tạng, mãi đến khi được cô Heng Ching, thành viên của Ủy ban chư Ni phương Tây và của Hội Sakyadhita Quốc tế (Hội Những người con gái lành của Đức Phật trên), giúp đỡ 6 sư cô Tây Tạng đã đến Đài Loan để lãnh thọ giới Thức-xoa-ma-na tại chùa Yi Yuan, thành phố Đài Bắc.
Trãi qua trên dưới 8 thế kỷ, Phật giáo tại Ấn vẫn chưa đủ sức gượng dậy, theo thống kê hiện nay, Phật giáo chỉ chiếm 0,7% dân số, trong khi Ấn giáo là 79.8%. Chư Tăng đã thế thì ni giới chắc chắn không đủ sức bảo tồn giáo đoàn.
Thomas Laird viết: “Bởi vì Ấn Giáo tiêu diệt đạo Phật kể từ vào thế kỷ thứ 2 trước tây lịch và Hồi Giáo tiêu diệt đạo Phật vào thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ 16 sau Tây lịch. đạo quân xâm lăng của người Hồi giáo đã hủy diệt tu viện Atisha ở miền Đông Ấn. Người Hồi giáo thời đó thường có những cuộc hành quân trên dải đất nay là A-phú-hãn và Pakistan; họ gây chiến suốt dọc bình nguyên sông Hằng từ Tây sang Đông. Trong gần hai trăm năm họ cướp phá và thiêu đốt hàng trăm tu viện và những pho tượng Phật”…
“Phật giáo đã bị hủy diệt như thế nào?” Tôi (TL) hỏi: “Phải chăng chỉ vì những cuộc tấn công của người Hồi giáo?”.
“Không có gì xảy ra chỉ vì một nguyên do [duy nhất], Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời. Trước đây có một học giả, nay đã mất, đã gửi cho tôi một cuốn sách ông ta viết về quan điểm của ông với ba lý do khiến Phật giáo suy thoái tại Ấn”.
“Thứ nhất, Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục, các thí chủ của các tu viện đã ngày càng tỏ vẻ nghiêng về các truyền thống phi Phật giáo. Thứ nhì, có những thế lực bên ngoài như Hồi giáo và các thế lực khác - họ cố tình tiêu diệt Phật giáo. Thứ ba, chính các tu viện và các nhà sư đã trở nên giàu có và gom góp được nhiều vàng bạc dưới danh nghĩa của Mật Điển, [nhưng họ đã] sa đọa trong rượu chè và sắc dục. Những chuyện như thế này đã xảy ra. Cho nên dân chúng mất niềm tin, có người đâm oán ghét các nhà sư và không còn tin tưởng các nhà sư nữa. Do đó, tôi thấy là không chỉ có một mà là có nhiều nguyên do”.
Tôi rất ngạc nhiên khi nghe ngài qui tội cho người theo Phật giáo trong những biến cố như vậy, trong khi tôi vẫn luôn cho rằng người Hồi giáo phải chịu trách nhiệm. Tôi gặng hỏi: “Thực vậy sao? Ngài không trách người Hồi giáo ư?”.
“Tôi (ĐLLM) nghĩ rằng trong trường hợp của người Tây Tạng cũng như trường hợp của người Ấn, [ta thấy] có khuynh hướng đi tìm những nguyên nhân bên ngoài. Khuynh hướng nhìn vào những thế lực bên ngoài đã ăn sâu vào tâm trí con người và rất khó loại bỏ. Chúng ta chẳng thể làm đuợc gì nhiều đối với những người khác, đối với những thế lực bên ngoài. Nhưng chính chúng ta, nếu chúng ta không hành trì, không giữ gìn giới luật cho nghiêm ngặt thì tôn giáo của chúng ta sẽ trở thành đạo đức giả (hypocritical). Thật là như vậy. Do đó, đây chính là lịch sử đích thực của Phật giáo tại Ấn Độ và Tây Tạng”.
***
Sinh hoạt Ni giới trên thế giới
Ảnh minh họa
Bước mở đầu và phục hoạt Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni ở Tích lan:
Vào năm 250 trước Công nguyên, Hoàng tử Mahinda, con trai vua A-Dục mở đầu việc thiết lập tăng đoàn ở Tích Lan, và chỉ sáu tháng sau em gái Hoàng tử Mahinda là công chúa Sanghamittarama đã đến Tích lan với một nhánh cây bồ đề để khai trương ni đoàn ở đây. Ni đoàn đã phát triển cho đến năm 1017 sau Công nguyên, rồi ni đoàn bị tan rã sau cuôc xâm lăng Chola. Tăng đoàn được phục hoạt hai lần, nhưng ni đoàn thì không. Trong giai đoạn giáo đoàn ni Tích Lan cực thịnh, đã từng sang các nước như Triều Tiên, Trung Hoa để khai đàn truyền giới cho chư ni bản địa.( Hema Goonatikake Việt dịch: Trần Như Mai)
Việc phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni ở Tích Lan đã là một đề tài tranh luận hơn một trăm năm. Sư nữ Dharmapala, một nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng ở Tích Lan, đã cổ động việc phục hoạt Ni đoàn vào năm 1891. (PG Tích Lan).
Mặc dù vậy, chính quyền đã đáp ứng nhu cầu của các sư nữ bằng nhiều cách. Vào năm 1983, Uỷ Ban Phật giáo thuộc Bộ Văn Hóa đã khởi đầu một chương trình ở các cơ sở tăng chúng cấp quận nhằm cung cấp những phương tiện giáo dục cho các sư-nữ-mười-giới để chuẩn bị cho họ dự những kỳ thi Phật học, một phương tiện mà trước đây chỉ có tăng chúng được hưởng. Đến năm 1995, có 15 tổ chức điều hành các lớp học dành cho sư nữ. Các sư nữ được cấp thẻ căn cước như là bước đầu đi đến việc công nhận họ. Các tổ chức sư nữ được thành lập ở cấp quận và một liên đoàn được tạo ra để liên kết các tổ chức ấy lại với nhau. Ủy ban điều hành của liên đoàn này bắt đầu họp mặt hằng tháng ở Colombo để thảo luận và quyết định về những sinh hoạt ở cấp quận. (Bước mở đầu và phục hoạt Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni ở Tích lan)
Ni giới Đài Loan:
Ni trường Phật giáo Luminary được thành lập năm 1980 cũng đã đóng góp cho sự phát triển của Ni giới Ðài Loan.
Năm 1990, trường đại học Phật giáo đầu tiên được chính thức công nhận theo tiêu chuẩn quốc gia mang tên Trường Ðại Học Nhân Văn và Kỹ Thuật Huafan được thành lập bởi một vị Ni là Tỳ-kheo Ni Hiu Wan.
Nhiều tấm gương của những vị Ni tiên phong này đã khuyến khích thế hệ Ni trẻ hiện nay theo học Cao học ở nước ngoài và nhiều người trong số họ đã được cấp bằng Tiến sĩ. Ngoài những Ni sư như Ni sư Chứng Nghiêm - Ni giới Ðài Loan đã và đang dấn thân trong các hoạt động học tập Phật pháp, nghiên cứu, giáo dục, nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo, các chương trình từ thiện, cứu trợ thiên tai và nhiều hoạt động khác. Thành công của họ trong những lãnh vực này được công nhận không chỉ ở lãnh thổ Ðài Loan mà trên toàn thế giới. Vào năm 1953, đại giới đàn đầu tiên ở Ðài Loan được tổ chức tại chùa Dazian do các vị sư đến từ Trung Hoa lục địa làm đàn chủ - giới Tỳ-kheo và Tỳ-kheo Ni chính thức được trao truyền tại Lãnh thổ Ðài Loan. Kể từ đó, số lượng Tăng Ni tăng mỗi năm và giáo đoàn Phật giáo chính thức hình thành. Năm 1957, Ni sư Hsuan Shen, trụ trì Ni viện Yi Tong thành lập một Ni trường, đặt nền móng cho hệ thống giáo dục Phật giáo chính thức của Ni giới Ðài Loan. Những bước phát triển hiện tại
Tỳ-kheo Ni Wu-Yin sáng lập Ni trường Phật giáo Luminary năm 1980, Tỳ-kheo Ni Ruxue thành lập Viện Phật Học Fa Kwang nãm 1989, Tỳ-kheo Ni Hiu Wan thành lập Trường Ðại Học Nhân Văn và Kỹ Thuật Huafan nãm 1990, và Tỳ-kheo Ni Cheng Yen thành lập Trường Cao Ðẳng Y Khoa Tzu Chi năm 1994. Trong vòng 20 năm qua, Ni giới Ðài Loan đã thành lập rất nhiều học viện, đóng góp đáng kể cho công cuộc giáo dục và đào tạo cộng đồng tu si và cư sĩ.”
Tóm lại, giáo đoàn Ni giới Đài Loan tạo một âm hưởng không nhỏ không những tại quốc nội mà còn lan tỏa ra thế giới, để từ đó, Ni giới các nước lấy đó làm bệ phóng cho việc phát triển tài năng Ni giới mà từ lâu do điều kiện sinh hoạt xã hội đã bị mai một.
Ni giới Hàn Quốc
Ảnh minh họa
Theo Ni sư Giới Hương: “Phật giáo được du nhập vào Hàn quốc đến nay hơn 1600 năm, nhưng lịch sử của Phật giáo Hàn quốc không có nhiều ghi nhận về hoạt động của ni giới.
Thật ra ở Hàn quốc, Ni giới đã có công lớn trong việc truyền bá Phật pháp ở những giai đoạn đầu của lịch sử. Qua các thời đại Tam kinh (37 trước Tây Lịch –668 sau Tây Lịch), Silla Thống nhất (668-935), Goryeo (còn gọi Goh Ryur hoặc Koryo, 918-1392), Joreon (còn gọi Joh Surn hoặc Choson 1392-1910) và thời hiện đại ngày nay, Phật giáo tiếp tục được duy trì và phát triển. Tuỳ địa phương khác nhau mà vị trí, vai trò và sự biểu hiện của ni giới trong Phật giáo cũng đa dạng tuỳ duyên. “
Sunim Sa Morye là vị tỳ-kheo-ni đầu tiên, kế đến là hoàng hậu của vua Beopheung, sau đó xuất gia trở thành sunim Myobop và là vị tỳ-kheo-ni đầu tiên của Giáo hội ni ở Silla. Lần lượt các hoàng hậu tín nữ ái mộ Phật giáo xuất gia như: Hoàng hậu của vua Jinheung xuất gia làm tỳ-kheo-ni Bopun, phu nhân Jiso của tể tướng Kim Yu-si cũng xuất gia trở thành tỳ-kheo-ni
Vào năm thứ 12 triều vua Jinheung, vua đã sắc ban tỳ-kheo-ni Ani làm ni trưởng của Giáo hội ni. Tóm lại, lịch sử Hàn quốc ghi nhận Ni giới đạt vị trí cao nhất trong thời đại Tam kinh. Trong thời này không chỉ thứ dân mà đến cả hoàng hậu quý tộc cũng xuất gia thọ giới và đóng góp trong sự nghiệp hoằng pháp. Ni giới tuy không có tầm ảnh hưởng như Ni giới Đài Loan, nhưng lực lượng ni Hàn Quốc cũng đáng kể trong đời sống xã hội. Sự thành lập Học viện Phát triển Nữ giới là biểu tượng kiên cố của nữ giới Hàn quốc và phản ảnh sự nổ lực của họ cống hiến cho Phật giáo và xã hội
Quý sư bà: Geumryong, Hyeoak và Sueak đã đivào lịch sử Phật giáo hiện đại của Hàn quốc. (theo Ni sư Giới Hương).
Ni giới Trung quốc và Tây Tạng:
“Giáo đoàn Tỳ kheo ni Trung quốc thành lập vào đời Ðông tấn, vị Tỳ kheo ni đầu tiên là Tịnh Kiểm, y chỉ với ngài Trí Sơn và cầu thọ Sa di giới, khoảng 40 năm sau, Ðàm Ma Kiệt Ða kiến lập giới đàn Ni, ngoài ra còn có 23 vị khác cũng thọ cụ túc giới trong lần này, ngài Tịnh Kiểm được xem là người lãnh đạo ni chúng Trung Quốc, năm đó chư ni an cư nơi thành Lạc Dương, tại chùa Trúc Lâm, được đồ chúng cúng dường, tiết hạnh thanh nhã, thuyết pháp giáo hoá người nghe đông như lễ hội, được người đời kính trọng, làm cho Phật giáo đời Tấn ngày càng lan rộng được lưu truyền.
Kỳ thật lịch đại danh Ni, từ Lưỡng Tấn đến đời Ðường-Tống-Nguyên-Minh-Thanh cho đến ngay nay, có nhiều hậu phi, công chúa quý tộc hay trong tầng lớp con nhà thư gia xuất gia. Do vậy Phật giáo truyền đến Ðông thổ và là nguyên nhân được cung đình vương gia chú trọng.
Khoảng Lưỡng Tấn (năm thứ 70) Ni chúng giáo đoàn vừa mới thành lập, có những vị trứ danh như: Ðàm Bị, Trí Hiền, Huệ Trạm, Chi Diệu Âm, được những vị vua đương thời ủng hộ, sùng kính. Nam Bắc triều thứ 06, khoảng 150 năm Tỳ kheo Ni giáo đoàn phát triển rất nhanh, có nhiều tịnh thất, giảng đường, tinh xá… số Ni chúng hàng trăm vị, có khi lên đến cả nghìn, có nhiều đạo tràng được vua chúa, quan lại hộ trì, có nhiều danh Ni xuất chúng. Cuối đời Thanh, do thời chiến loạn lạc, Phật pháp truyền thừa gần như bị mai một, mai có một số cao tăng đại đức đến Ðài Loan, Phật giáo Ðài Loan bắt đầu triển khai, cho đến thời cận đại Tỳ kheo ni giáo đoàn của Ðài Loan được xem là đứng nhất nhì trong các giáo đoàn Ni, chúng tỳ kheo Ni hoằng hoá khắp nơi trên thế giới, mở ra một thế kỷ mới, vượt qua những triều đại trong lịch sử.”
Thật ra, sau khi chính sách mở cửa của CSTQ, Phật giáo mới có cơ hội phục hồi các danh thắng còn sót lại mà trong cuộc “cách mạng văn hóa” hầu như các tôn giáo đều bị xóa sổ. Tu sĩ xuất hiện mang tính hình thức, ngoại trừ các bậc danh Tăng Thạc đức còn lại, tuổi cao sức yếu như Đại sư Thái Hư, Đại sư Hư Vân...chỉ là bóng mát cội tùng biểu tượng uy danh một thời của Phật giáo Trung Hoa, cố gắng cổ súy chấn hưng Phật giáo theo trào lưu chấn hưng của các quốc gia như Ceylon (srilanka) đầu thế kỉ 20. Bắt đầu từ cư sĩ David Hewavitarane, người Sri Lanka, sau này xuất gia thành đại đức Dharmapala. Tại Trung Quốc, cư sĩ Dương Nhân Sơn đã đứng lên thiết lập Kỳ Hoàn Tịnh xá, triệu tập nghiên cứu Phật học qua chữ Hán, Anh văn và Pali. Tiếp đó Thiền sư Thái Hư lập Phật học viện Vũ Xương năm 1912, ra Tạp chí Giác Xã năm 1918, sau đổi thành Hải Triều Âm, làm tiền đề cho nhiều Phật học viện ra đời; các hiệp hội Tăng Giáo dục, Phật giáo Hợp Tiến, Phật giáo Tổng Hội, Phật giáo Liên Hiệp, Phật giáo Cư Sĩ Lâm... liên tiếp ra đời. Tại Myanma, Sri Lanka, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan phong trào đổi mới Phật sự cũng được lan rộng.(Wikipedia).
Đến lúc CS Trung quốc tiếp thu chính quyền, dù cho phép Phật giáo phục hoạt, chịu sự quản lý của nhà nước CS, Phật giáo hiện nay chỉ là một “Hiệp hội” trong những hiệp hội thuộc “Mặt trận” do chính quyền Trung Quốc chi phối mọi hoạt động.Nếu có giáo đoàn Ni thì cũng chỉ là hình thức, không có toàn quyền quyết định mọi sinh hoạt tôn giáo hay đời sống tu tập. Khi nhà nước giải tán các tu viện Tây Tạng,một số bị đưa vào trại cải tạo, một số các sư ni phân tán khắp nơi để duy trì công hạnh tu tập theo truyền thống chặt chẽ của hệ phái, dĩ nhiên gặp không ít khó khăn, mục đích duy trì hình thức, chuyên tâm tu tập hơn là phát triển kiến thức hay đóng góp mọi công ích như Ni giới Đài Loan. Ngày nay, một số ít Tăng ni Trung Quốc có khuynh hương trang bị kiến thức thế học và Phật học, so với các quốc gia bạn vẫn còn hạn chế. Tại Trung Quốc, mãi tới năm 429 mới có một Ni đoàn từ Tích Lan tới Kiến Nghiệp học chữ Hán để hướng dẫn Ni chúng người Hoa.
Hội nghị Ni giới thế giới:
Ảnh minh họa
Được thành lập và tổ chức lần đầu tiên tại Bồ đề Đạo tràng (Bodhimanda), Ấn Độ, vào tháng Hai năm 1987 Hội nghị Ni giới thế giới lần thứ II được tổ chức vào tháng 10/1991 tại Bangkok, Thái Lan.
Hội nghị Ni giới thế giới lần thứ III được tổ chức vào tháng 10/1993 tại Colombo, Srilanka với chủ đề "Phụ nữ Phật giáo trong xã hội hiện đại".
Hội nghị Ni giới thế giới lần thứ IV được tổ chức vào tháng 8/1995 tại Ladakh, Ấn Độ với chủ đề "Phụ nữ, từ bi, sự sống của thế kỷ 21".
Hội nghị Ni giới thế giới lần thứ V được tổ chức từ ngày 29/12/1997 đến ngày 04/01/1998 tại Phnom Penh, Campuchia.
Hội nghị Ni giới thế giới lần thứ VI được tổ chức từ ngày 01- 07/02/2000 tại Lumbini, Nepal với chủ đề "Phụ nữ, người mang lại hòa bình cho chính mình, cho gia đình, cho xã hội và cho thế giới".
Hội nghị Ni giới thế giới lần thứ VII được tổ chức năm 2002, tại Trường Đại học Hoa Phạn, Đài Loan (Trung Quốc). Chủ đề Hội nghị là “Nhịp cầu thế giới”.
Hội nghị Ni giới thế giới lần thứ VIII được tổ chức tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc từ ngày 27/6 đến ngày 2/7/2004. Chủ đề Hội nghị là "Kỷ luật và thực hành của phụ nữ Phật giáo, quá khứ và hiện tại".
Hội nghị Ni giới thế giới lần thứ IX được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia năm 2006. Chủ đề Hội nghị là "Phụ nữ Phật giáo trong một cộng đồng toàn cầu đa văn hóa".
Hội nghị Ni giới thế giới lần thứ X được diễn ra từ ngày 01- 05/7/2008, tại thủ đô Ulan Batar, Mông Cổ. Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Ni giới thế giới lần thứ XI.
Sakyadhita: “Hội Nghị Quốc Tế về Ni Giới Phật Giáo của tổ chức Sakyadhita do Ni sư Karma Lekse Tsomo cùng với sự hổ trợ của Ni sư Ayya Khema và giáo sư Chatsumarn Kabilsigh (hiện nay là Ni sư Dhammananda ) diễn ra lần đầu tiên vào năm 1987 tại Bồ Đề Đạo Tràng, đã đặt vấn đề phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni thành một vấn đề quốc tế. Đức Đạt Lai Lạt Ma, là vị diễn giả chính yếu tại hội nghị đầu tiên của tổ chức Sakyadhita, đã hoàn toàn chấp thuận ý kiến này.Một nhóm tăng sĩ Tích lan do Tỳ-kheo Mapalagama Vipulasara lãnh đạo đã huấn luyện mười sư nữ Tích lan để chuẩn bị cho những hoạt động truyền giáo ở Ấn độ. Sau ba tháng huấn luyện, một nhóm ni sư Hàn quốc đã truyền đại giới cho các sư nữ Tích lan này vào năm 1996 ở Sanath, Ấn độ. Người lãnh đạo của nhóm sư nữ tiền phong này là Tỳ-kheo-ni Kusuma ( trước đây là Kusuma Devandra).
Một vị sư có uy tín ở Tích lan là Tỳ-kheo Inamaluwe Sumangala, vị sư trụ trì một ngôi cổ tự có từ 2,200 năm trước ở vùng trung tâm Tích lan, đã thành lập Học Viện Giáo dục Tỳ-Kheo-Ni cung cấp việc huấn luyện ni chúng để chuẩn bị cho họ thọ giới cao hơn.. Sau một tuần lễ huấn luyện, tổng cọng có 149 tăng ni Hai mươi bốn vị giới sư và các chứng minh sư gồm các vị sư thuộc truyền thống Nguyên thủy từ Ấn độ, Tích lan, Thái lan, Cam Bốt và Nepal, và các vị sư thuộc truyền thống Đại thừa từ Đài loan, Hàn quốc, Hong Kong và Mã lai. Mười hai vị giới sư Tỳ-kheo-ni và các ni sư chứng minh đến từ Đài loan, Hàn quốc, và Hoa kỳ (hai vị thuộc truyền thống Tây Tạng). Các vị Sư Tích lan đã phục vụ như là giới sư của các Tỳ-kheo-ni Tích lan. (Theo Sakyadhita).
Ni giới Campuchia:
Campuchia không có hệ thống giáo đoàn dành cho ni chúng. Họ là những nữ tu do phát tâm xuất gia không qua trường lớp đào tạo căn bản hay thọ giới chính thức như ni bộ Bắc tông Viêt Nam. Nói đúng hơn, họ là những tín đồ phát tâm, thoát ly gia đình vào chùa công quả, lo đời sống cho chư Tăng và phục vụ mọi sinh hoạt trong chùa.
“Mới đây, Hội Heinrich Boll tổ chức một buổi thảo ở Phnom Phen để thống nhất vai trò của người phụ nữ và Ni giới Campuchia. Tất cả nữ tu trên toàn quốc được mời về tham dự buổi hội thảo này và nó đã gây sự chú ý của một số nữ tu người ngoại quốc. Một vị trong số này là Sư cô người Pháp gốc Cambốt Sokchom Charuwana, đã trở về thăm quê hương để giúp đỡ các bạn đồng tu của mình.
Sư cô Charuwana đã thành lập "Hội phát triển Ni giới ở Campuchia" tại tỉnh Battambang và hiện nay Sư cô đã vận động ngân quỹ để xây dựng Ni viện và học viện cho nữ tu có nơi ăn ở và tu học. Sư cô nói về mục đích việc làm của mình: "Tôi muốn tất cả các nữ tu ở đây, ai cũng được học hành, vì khi họ học và hiểu được giáo lý của Đức Phật thì họ chỉ biết cách làm dịu đi những nổi đau của mình".
Hiện nay, theo ước tính có khoản 4.000 nữ tu ở Campuchi. Tuy nhiên con số này sẽ gia tăng nếu các nhà lãnh đạo tôn giáo nhìn nhận đúng đắn và hơn 60% phụ nữ Cambốt, phần lớn trong số này đều độc thân hoặc quả phụ, đã công khai ủng hộ mọi sự thay đổi và giúp đỡ cho Ni giới Campuchia, vì họ đang chuẩn bị để trở thành "tân bình" của Ni đoàn tại xứ sở này.”
(Theo SEEDS OF PEACE 01-1996)
Ni giới Việt Nam
Ảnh minh họa
“ Ni giới Việt Nam xuất hiện khá sớm hơn so với Ni giới Trung Quốc, như sự xuất hiện của Bát Nàn Công Chúa xuất gia làm Ni, Trong đó có Bát Nàn Phu Nhân. Thiều Hoa, Ni sư Từ Quán, danh tiếng về đạo hạnh của Ni sư đã được vua Trần Nghệ Tông ban hiệu là “Tuệ Thông Đại sư.Ni sư Vĩnh Huy, Ni sư Phương Dung ”.
Việt Nam có truyền thống Ni giới lâu dài. Tuy vậy, một thời gian dài lặng lẽ trong chốn Già Lam. Khi ba dòng Thiền xuất hiện – Tỳ ni Đa Lưu Chi, năm 580, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, suốt 800 năm biến thành Trúc Lâm Thiền phái đã cho ra đời một hiện tượng danh ni sở đắc Diệu Nhân.
Cận bán thế kỷ 19-20, nhiều danh Ni đã có công đóng góp cho sự hưng khởi phong trào tu tập như Sư bà Diệu Không, Ni sư Diệu Ngọc (1885-1952), Ni sư Diệu Tịnh (1910-1942). Sư bà Bảo An Sa Đéc, Ni trưởng Như Thanh (1911-1999), Ni trưởng Huỳnh Liên, Ni trưởng Bạch Liên ... Hay Ni trưởng Giác Nhẫn (1919 – 2003), Ni trưởng Trí Hải (1938 - 2003), Ni sư Như Như, Ni sư Như Đức Long Thành, Ni trưởng Linh Phong, quý NT. ở Giác Thiên như NT. Tâm Nhàn, NT. Giác Nhẫn, Ni trưởng Huệ Giác là một trong những cây tùng của Ni bộ Việt Nam thời hiện đại, Liên tông Tịnh độ Non Bồng (LTTĐNB).
Thật ra, giáo đoàn Ni giới còn rất nhiều cá nhân xuất sắc hiện nay. Ni bộ có mặt từ khi Phật giáo đăng ký tổ chức lần thứ 11 của Sakyadhita tại chùa Phổ Quang ngày 22/12/2009. Từ đó, Hiến chương có thêm Phân ban Ni giới mà những nhiệm kỳ trước chưa chính thức được công nhận.
Sau ngày đất nước mở cửa, Tăng ni xuất dương du học, trong đó chư Ni hầu như số đông, đã gánh vác khá nhiều phật sự mà trước 1975 chỉ có ni sư Trí Hải duy nhất là ngôi sao Ni giới có đủ kiến thức, học vị tại Viện đại học Vạn Hạnh lúc bấy giờ.
Đối diện hiện thực của Ni giới
Chư Ni trên thế giới, như Đài Loan, đã thể hiện bản lãnh, khả năng và trí tuệ tạo uy danh cho Phật giáo. Tại Trung Quốc, hiện đại Tỳ kheo ni có rất nhiều vị trứ danh, như pháp sư Thông Nguyện sau khi tốt nghiệp trường đại học Bắc kinh liền xuất gia, trở thành vị trì Luật danh tiếng, tại Ðài Loan có Tỳ kheo ni Diệu Nhiên, Viên Dung, trong giới đàn từng là Giáo thọ sư; Tỳ kheo ni Như Học xây dựng phật học viện, Pháp sư Từ Trang vì Trung Quốc Phật giáo khai mở con đường quốc tế xây dựng nhiêu chùa chiền và Phật học viện, vai gánh nặng trách nhiệm giáo dục, văn hoá; Pháp sư Từ Huệ là người sáng lập Phật Quang Sơn,chùa Nam Hoa, chùaTây Lai, chùa Nam Thiên, sáng lập 4 trường đại học, hoằng pháp khắp nơi; Pháp sư Từ Dung nhiệt tâm trong công tác từ thiện xã hội, tổ chức công tác Phật Quang quốc tế uỷ viên hội, trên thế giới hiện nay có hơn 100 Phật Quang hiệp hội; Pháp sư Từ Di chủ biên Phật Quang Ðại Từ Ðiển; Pháp sư Hiểu Vân sáng lập trường đại học Hoa Phạm. Ngoài ra còn có một số vị Tiến sĩ trường đại học Yale( Hoa kỳ); pháp sư Hằng Thanh giáo thọ trường đại học Ðài Loan, Pháp sư Huệ Nghiêm giáo thọ trương đại học Trung Hưng (Ðài Loan); Tiến sĩ Ðạt Hoà trường đại học Câu Trạch (Nhật bản); Tiến sĩ Y Không Trường đại học Sư phạm Ðài Loan, Tiến sĩ Y Dục trường đại học Ái Tri (Nhật Bản); Tiến sĩ Vĩnh Hữu trường đại học Oxford( Anh), Pháp sư Ngộ Nhân sáng lập Hương Quang Ni chúng ni đoàn (Ðài Loan), Pháp sư Chứng Nghiêm sáng lập Bệnh viện Từ Tế và Từ Tế Công Ðức Hội có văn phòng đại diện khắp thế giới; Pháp sư Chiếu Huệ hộ pháp vệ giáo nhiệt tâm, những vị Tỳ kheo ni kể trên đều có học vị Thạc sĩ trở lên.
Ngoài ra, trên thế giới còn có những vị Ni kiệt xuất như Pháp sư Ða Kiết – Tây Tạng, địa vị không thua kém ngài Ban Thiền Tây Tạng; tu nữ Bạch y Ðảm Khổng Na Ung khai sáng chùa Pháp Thân - Thái Lan, nhà giáo dục kiệt xuất Thang Mã Xai cũng tại chùa Pháp Thân; Tô Ðạt Ma Ca Lợi được xem là ánh sáng của Nữ Tính tại Sri Lanka, năm 1017 Phật giáo tại đây bị giáo nạn và bị tiêu diêt, do sự nỗ lực của cô mà sau đó Ni giới được khôi phục nhưng chỉ được thọ giới Sa di ni, nay thì từ từ khôi phục, nguyên nhân chính là do có Tỳ kheo ni ngoại quốc đến tu học, nên ảnh hưởng phần nào.
Tại Singapore có Phật học Viện Quảng Bình. Ni chúng Philippines xây dựng phòng khám miễn phí cho dân chúng. Ni chúng Hàn Quốc có Quang Vũ là bộ trưởng giáo dục của Ni chúng. Hoa Kỳ có Ven. Karma Lekshe Tsomo người sáng lập Hội Phụ nữ Phật giáo Quốc Tế. Ven.Thubten Chodron hoằng pháp ở Mỹ và Canada. Tại Ðức có Ayakema dạy thiền ở Âu Châu. Tại Nhật có Tỳ kheo ni Ðại Thạch Thuận Giáo;
Nói tóm lại, Từ khi có giáo đoàn Tỳ kheo Ni, xuất hiện nhiều vị Tỳ kheo Ni trứ danh, mỗi người mang lại cho giáo đoàn một khía cạnh khác nhau, Tất cả những việc làm đó làm cho ngôi nhà Ni giới ngày được hoàn mỹ hơn, sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh ngày rực rỡ. (Pháp sư Từ Dung phát biểu tại Hội Nghị Quốc Tế Phật Quang Sơn do Hoà Thượng Tinh Vân chỉ đạo).
Ni giới trên thế giới đã thể hiện khả năng linh hoạt và trí tuệ, vượt qua rào cản truyền thống Nam truyền, đóng góp cho xã hội không nhỏ. Riêng Ni giới Việt Nam, trong lãnh vực giáo dục, từ thiện, hoằng pháp khá phổ biến, lãnh vực dịch thuật kinh tạng, hành chánh, kỷ thuật tin học vẫn còn hạn chế. Những bộ môn nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, báo chí, kiến trúc xây dựng bị xem là không cần thiết cho tu sĩ, nhưng “thế gian pháp tức phật pháp” tu sĩ vào đời bằng mọi hướng hẳn nhiên đạo Phật sẽ có mặt trong xã hội;, y học, dược học, văn học, nhân chủng học…chư Ni đang cần phải chung tay khi nhu cầu hiện nay của xã hội không còn hạn chế sau “lũy tre làng”.
Thách thức trong cuộc sống đòi hỏi lượng số chư Ni đã được trang bị kiến thức và học vị, cần dang tay đón nhận những lãnh vực được xem là mới đối với tu sĩ Phật giáo VN, những lãnh vực mang tính khoa học ứng dụng hầu như tu sĩ tôn giáo bạn đã chung tay từ lâu, có những Hồng y, giám mục từng là nhà khoa học Thiên văn, một số tu sĩ Tây Tạng cũng từng là y sĩ, khoa học gia…Chư Ni Việt Nam đang có chiều hướng vượt trội cả lượng lẫn chất trong cộng đồng tu sĩ hiện nay, hy vọng sẽ có những bước đột phá khác với bước đột phá chư Ni Đài Loan, Trung Quốc, để làm nên trang sử Ni giới trong thời hiện đại. Một thách thức đang chờ đón.
Cư sĩ Minh Mẫn