Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

Những bức ảnh bầu trời đêm đầy sao đẹp lung linh huyền ảo - Thư viện Ảnh  đẹp hot nhất 2016 - thuvienanhdep.net (Hình Nền Đẹp) - KTHN

 

 

 

 

Ngay sau khi Sư Bà Diệu Tâm viên tịch (12/6/2021), bác sĩ Văn Công Trâm đã báo tin cho tôi biết. Tuy tôi bị “sốc”, rất đau buồn và tưởng tiếc nhưng tôi vẫn lặng im và nén lòng mà không có một lời nào để “chia buồn”, để “thành kính phân ưu” với Văn Công Trâm, Văn Công Tuấn theo cách mà ai cũng phải làm. Thưa rằng tính khí của tôi vẫn vậy, từ nhỏ. Trước những mất mát lớn, những đau buồn lớn tôi thường “cắn răng” chịu đựng và giấu kín nó trong sâu thẳm tâm hồn. Như khi nhạc mẫu tôi mất ở Hội An, rồi đến thân mẫu tôi mất ở Nam Phước; tôi là người duy nhất trong tang gia “tỉnh như sáo” chỉ tập trung lo cho tang lễ tốt đẹp theo nghi thức Phật giáo. Rồi chờ cho mọi người ra về, tôi thẩn thờ ngồi trước ngôi mộ lạnh lẽo, đặt những cành hoa, những cục đất xuống nắp quan tài và lâm râm đến thảng thốt thưa trình những lời tiễn biệt Mẹ kính yêu. Và đêm khuya, tôi âm thầm đau đớn nằm khóc một mình.

Đó là chuyện lớn, chuyện theo quy luật khắc nghiệt của vô thường. Còn đối với những kỷ niệm đáng nhớ thì tôi vẫn “im hơi lặng tiếng”. Tôi muốn đề cập đến lòng thương tưởng và sự chăm sóc tinh thần quý giá của Thầy Như Điển đối với tôi. Thầy Như Điển khi thực hiện Phật sự đây đó, thường gửi cho tôi các tấm cartes postal. Tôi/con xin phép Thầy được ghi lại ở đây lời Thầy qua thư ngày  05/01/2022:

“Kính gởi anh Nguyên Tánh

Rất mừng là bệnh tình của anh đã hết, nên trong thời gian qua đã tập hợp được 2 tác phẩm giá trị để gời đến mọi người xa gần.

Hy vọng anh khỏe, có thời gian viết cho báo Viên Giác với.

Xin cầu chúc cho anh và gia đình sang năm Nhâm Dần được mọi điều như nguyện ước.

Kính (ký tên – Thích Như Điển)

Tôi không có ý khoe khoang mối quan hệ Thầy-trò giữa Thầy Như Điển và tôi. Tôi nêu điều này chỉ để nhắc nhở chúng tôi là Nguyên Tánh Nguyễn Hiền-Đức, Thị Minh Văn Công Trâm và Nguyên Đạo Văn Công Tuấn suy nghĩ về bài học vô cùng sâu sắc và quý giá từ những lời lẽ ân cần, thân ái, khiêm cung của một người Thầy lớn đối với người học trò nhỏ của mình để chúng tôi có cách ứng xử tốt đẹp hơn trong đối nhân xử thế.

Qua vài chi tiết nêu trên tôi chỉ mong Văn Công Trâm, Văn Công Tuấn hiểu và lượng thứ cho về việc cho đến nay - sau nhiều lần nhắc nhở, thúc hối của Văn Công Tuấn, tôi mới có thể viết đôi điều lơ phơ dạng hồi tưởng về Sư Bà Diệu Tâm.

Từ năm 1957 đến cuối năm 1964 tôi học ở Trường Trung học Trẩn Quý Cáp, Hội An - Quảng Nam. Tôi “ở trọ” và “ăn cơm tháng” tại một căn nhà rất gần chùa Sư Nữ (tức chùa Bảo Thắng) - với tên thường gọi là nhà ông bà Quản lý vì ông làm quản lý Trại Tế bần Hội An. Sát vách nhà này là nhà của gia đình Sư Cô Diệu Định (đã vị Pháp thiêu thân trong Pháp nạn 1963), với chiều ngang nhà chưa đầy 5 mét rồi đến cổng sau chùa Sư Nữ.

Ông bà chủ căn nhà này tuy ít đọc kinh, sách Phật học nhưng rất tín Phật, tín Pháp, tín Tăng. Mấy năm sau, ông bà là nhạc phụ, nhạc mẫu của tôi. Những lần đi chùa Sư Nữ về, bà thường kể cho tôi nghe nhiều chuyện, nhiều việc về sinh hoạt nhà chùa, gợi cho tôi hiểu thêm những vấn đề về học Phật, đại để như Sư Bà “thuyết giảng” về ngũ giới, về thế nào là Từ Bi Hỷ Xả v.v… Việc Sư Diệu Tâm kể nhiều kỳ cho bà nghe về sự tích Đức Phật Thích Ca, về các Thánh tích; rồi đến một Sư người Quảng Trị kể cho bà nghe những mẫu chuyện Đạo… và nhiều nữa. Những việc này bà kể lại một cách say mê, thành tâm và chính xác như đã nhập tâm từ trước vậy. Tôi có một kỷ niệm đẹp đẽ và rất tâm linh. Đó là vào năm 1970, tôi có con gái đầu lòng tại Hội An. Biết nỗi vui mừng đầy thương yêu của bà ngoại con tôi, và với “sự kiện” trọng đại này, tôi muốn bà đặt tên cho em bé. Nghe vậy, bà liền khoát chiếc áo dài màu nâu lên chợ mua hoa quả về cúng Phật rồi bảo má đặt tên cho “bé” là LỘC UYỂN. Tôi rất ngạc nhiên, vì sao bà biết tên Lộc Uyển nhỉ? Trả lời thắc mắc này, bà nói rất đơn giản và nhẹ nhàng rằng: đó là do Sư Diệu Tâm kể cho mẹ nghe về vườn Lộc Uyển từ mấy năm trước. Như thế, Sư Diệu Tâm là người đặt tên cho con gái tôi.

Xin mở ngoặc ghi lại tài liệu này. Đầu năm 2014, khi chuẩn bị qua Maryland, Hoa Kỳ đoàn tụ với gia đình Lộc Uyển, tôi thưa trình điều này với cụ Trụ Vũ. Cụ và tôi “bút đàm”:

- Tên anh Hiền và vợ:

+ Thưa Hiền-Đức

- Tên con gái và con rể:

+ Thưa: Lộc Uyển - Trí Thông.

Cụ bảo: Tôi không có quà gì đáng giá để tặng vợ chồng anh. Tôi sẽ làm bức thư pháp để tặng cháu thôi. 2 câu thơ của bức thư pháp này có thể 3 tháng mới xong, cũng có thể 30 ngày và biết đâu chỉ cần 3 giờ, thậm chí 3’ thôi. Chỉ mấy phút sau, trên đương về, cụ điện thoại giọng nói rất rõ rất to rằng:  Anh Hiền ơi, tôi đọc 2 câu thơ định làm bức thư pháp. Anh cho ý kiến nghe:

Hiền-Đức, Trí Thông ba đời Bụt

Lộc Uyển vương phi một bóng rằm

Tôi vui mừng và cảm động, rối rít thâm tạ tình nghĩa sâu sắc này và thưa: “Quá hay rồi Thầy ơi, học trò không dám có ý kiến gì khác”. Sau đó tôi đọc cho nhà giáo dạy Văn cấp 3 suốt 45 năm là Nguyễn Ngọc Hy. Anh Hy cùng Tổ Văn với vợ tôi tại Trường THPT Lê Quý Đôn Sài Gòn. Anh Hy là bạn nối khố, đồng hương cùng học chung với cụ Trụ Vũ từ bậc tiểu học đến trường Quốc Học - Huế, là người bạn tri âm tri kỷ với cụ mãi đến nay. Anh Hy trả lời: “Hiền ơi. Tuyệt bút rồi đấy. Chúc mừng Hiền-Đức.”

Mấy ngày sau, cụ gọi tôi. Khi đến nhà cụ; tôi vui mừng và ngạc nhiên đến sửng sốt. Cụ tặng tôi 2 bức thư pháp trên lụa và một bức trên tấm gỗ sơn mài vuông vức, mỗi canh 1m. Tôi ái ngại quá bèn hỏi cô thư ký có cách nào kín đáo, tế nhị góp phần vào chi phí vật chất này không nhưng cô bảo: Anh không được làm việc đó, vì cụ rất quý anh; đừng làm cụ bị tổn thương…Bức thư pháp này cùng với bức caricature “Mẹ Con” của họa sĩ Bé Ký thuộc loại báu vật của tôi.

Xin trở lại với nội dung chính:

- Rằng, ở chùa Sư Nữ năm xưa có rất nhiều chuyện để nói đến với sự cảm phục. Trong đó tôi nhận rõ điều này: nhạc mẫu tôi luôn bày tỏ sự kính trọng rất mực chân thành đối với quý Sư Bà Đàm Minh, Như Hường, Diệu Hạnh. Riêng về Sư Diệu Tâm, bà nói rằng Sư Diệu Tâm hiền hòa, chân chất, phúc hậu, kiên tâm trì chí tu học, hành đạo, chắc chắn sẽ trở thành một vị danh ni.

- Tôi nhớ khi học ở Trường Trung học Trần Quý Cáp, Hội An, có thời gian Văn Công Trâm ở trọ trong một căn nhà tranh gần cổng chính chùa Bảo Thắng, hướng ra sông Hoài. Trâm và tôi thích ngồi ở bờ sông, tắm sông và thích nhất là lên Cồn Bắp, bẻ bắp nướng lên vừa thổi vừa ăn. Ngon ơi là ngon! Sau thời gian ngắn trọ học ở đó, để Trâm có điều kiện tốt hơn cho việc ăn ở, học hành, nhất là tiết kiệm được tiền cơm tháng, tôi xin ông bà Quản lý cho Trâm về ăn ở tại nhà ông bà, cùng ở chung với tôi trong một căn phòng rộng thoáng, tiện nghi. Tôi nghĩ vì quý mến, kính trọng Sư Diệu Tâm nên ông bà đồng ý ngay.

- Sư Diệu Tâm biết tôi rất thương quý Trâm, Tuấn nên thường dặn dò tôi: “Hiền là người anh nên phải gương mẫu với 2 đứa em trong mọi việc”. Ba chúng tôi đều học hành, đỗ đạt ngon lành. Chúng tôi hiểu rằng, chúng tôi được thụ hưởng từ Sư Diệu Tâm 2 điều thật quý giá. Đó là: Sư đã dành cho chúng tôi tình thương yêu cao nhất và luôn là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo.

- Khi tôi gặp hoạn nạn, Sư Diệu Tâm cứu giúp tôi rất tận tình và đầy hiệu quả. Rõ ràng, nếu không có sự giúp đỡ, cứu vớt kịp thời của Sư Diệu Tâm thì đời tôi, uy tín, danh dự của gia đình tàn tạ, thê thảm và trôi nổi về đâu. Việc làm của Sư thật sự đã cứu tôi và gia đình tôi. Sư Diệu Tâm là đại Ân Nhân, ơn nghĩa của Sư to lớn quá, tôi biết làm sao để đền đáp muôn một đại ân này?

Nhiều năm sau và mãi đến giờ, tôi khắc ghi trong tâm khảm điều mà tôi  không thể nào quên được này, và qua đó tôi cung kính và chân thành tri ân ơn sự cứu mạng của Sư Diệu Tâm. Sư là vị cứu tinh, là vị làm hồi sinh và tái sinh tôi. Sư Diệu Tâm thật sự là vị Bồ Tát cứu khổ cứu nạn tôi.

Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát!

* * * * *

Tôi đọc lại nhiều lần bài “Tiểu Sử Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm…” Tôi rất cảm động về bài viết này. Thấm thía, sâu sắc, chân thành và giàu ngữ nghĩa. Rất khó để có thể viết được như thế.

Qua bản Tiểu Sử, tôi cảm nhận được mấy điều mà tôi rất tâm đắc như sau:

- Đời Sư gắn liền với 2 ngôi chùa: một là chùa Bảo Thắng - Hội An và hai là chùa Bảo Quang Hamburg, Đức Quốc mà Sư là Viện Chủ Khai Sơn.

- Đời Sư lấp lánh ánh vàng, thấp thoáng lời kinh từ những ngôi chùa, ngôi già lam có tên BẢO, như Bảo Vân, Bảo Thành ở Koblenz, Bảo Đức ở Oberhausen tại Đức quốc và Bảo Liên ở Odense tại Đan Mạch… do Sư cố vấn sáng lập và trực tiếp hướng dẫn tinh thần nhiều cơ sở đào tạo Ni chúng.

- Đời Sư là những năm tháng miệt mài xả thân cho cho hoạt động xã hội, cho công tác thiện nguyện khắp nơi, Sư đã hoàn thành tốt đẹp trọng trách của  Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Xã Hội GHPGVNTN Âu châu.

- Sư xứng danh là Hiền Mẫu, là Nhà giáo mẫu mực của rất nhiều em ở Cô Nhi Viện Diệu Định Đà Nẵng, Ký Nhi Viện Bảo Quang, Ký Nhi Viện Thanh Khê Đà Nẵng và trường mẫu giáo chùa Bảo Thắng Hội An. Sư đã dày công tạo dựng Mái Ấm Gía Đình, dạy dỗ, chăm lo cái ăn cái học cho các em. Nhờ vậy mà nhiều em đã thành nhân, là những Phật tử tốt, những thiện nam tín nữ.

Tôi nhớ nhà văn, học giả Nguyễn Hiến Lê suốt đời thực hiện phương châm: “Phục Vụ & Phụng Sự Thế Hệ Ngày Mai”. Và, tôi khẳng định rằng Sư Diệu Tâm cũng đã thực hiện phương châm đó bằng nhiều tâm huyết và tâm nguyện của mình. Nếu chỉ được quyền chọn một điểm son trong cuộc đời và đạo nghiệp của Sư Diệu Tâm thì tôi chọn ngay điều này và cùng với nhiều Phật tử khác, chúng tôi vinh danh Hiền Mẫu, Nhà giáo mẫu mực Thích Nữ Diệu Tâm.

Về việc Sư Bà Diệu Tâm viên tịch, tôi xin dẫn câu kinh hình như trong Trường Bộ Kinh mà tôi rất yêu thích. Câu kinh này chỉ chung cho những người đã “rời cõi tạm”:

“Gánh nặng đã đặt xuống; những việc cần làm đã làm”.

Vâng. Đúng thế. Sư Bà Diệu Tâm đã làm được rất nhiều điều lợi lạc cho Đạo, cho Đời; trong tình cảnh và tình thế mà có lần Sư Bà đã bộc bạch: “Làm việc Đạo tại xứ Đức này khó khăn giống như người đi gieo hạt Bồ Đề trên nền xi măng”. Gieo trồng cây Bồ Đề, trồng Sen trên nền xi măng mà tốt tươi xinh đẹp thì những việc khác đâu có gì khó. Kính mong Sư Bà an tâm rằng những người hậu học, hàng đệ tử xuất gia và tại gia luôn nhắc nhở nhau để thực hiện lời dạy của Sư Bà rằng: “Hãy Tinh Tấn Tu Hành, Nghiêm Ninh Giới Luật, Vui Sống Lục Hòa, Từ Bi Với Mọi Chúng Sinh”.

Cung kính dập đầu đảnh lễ mong Sư Bà mỉm cười mãn nguyện ở nơi đó. Con/đệ tử mong và tin rằng nụ cười của Sư Bà xuất phát từ Suối Từ giống như khi Sư hoan hỷ đảnh lễ nhận Bằng Tốt Nghiệp Sư Phạm Mẫu Giáo hạng Nhì do Thượng tọa Thích Minh Châu Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh trao tặng.

Lời cuối bài:

Với tôi, đây không phải là bài tưởng niệm Sư Bà Diệu Tâm theo phong cách và nội dung cần có, đơn giản chỉ là một vài hồi ức, hồi tưởng của riêng tôi về “Chị Mai” của những năm 60’s của thế kỷ trước, về Sư Bà Diệu Tâm của tôi. Tôi ghi lại vài điều để thay cho những nén tâm nhang nhân lễ Tiểu Tường của Sư Bà. Mong sao tôi được chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ về Sư Bà cùng với Văn Công Trâm Văn Công Tuấn - La Huệ Phấn và xin phép được đến chấp tay kính chào Sư Cô Tuệ Đàm Nghiêm, Trụ trì chùa Bảo Quang, Hamburg.

Nguyên Tánh Nguyễn Hiền-Đức

Cẩn bút.

Santa Ana, CA, Hoa Kỳ.  02/03/2022

-------------------------

* Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm là chị ruột của Văn Công Tuấn, có thế danh là Văn Thị MAI – NHĐ

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm