Trong các kinh A Hàm, Phật thường gọi sắc là thức ăn của mắt,
tiếng là thức ăn của tai, mùi là thức ăn của mũi...Mắt thiếu sắc
là nó đói, tai thiếu tiếng là nó đói, phải chạy đi tìm để ăn, suốt
ngày luôn chạy tìm không dừng, chẳng mấy lúc được yên.
Ngồi một mình thiếu sắc, thiếu tiếng thì cảm thấy buồn,
phải mở nhạc, xem ti-vi cho vui. Đó là sống theo chiều của cái
tôi hư dối, cái tôi sinh diệt vô thường, không phải cái độc
tôn mà Phật muốn nhắc.
Ý Phật muốn nhắc mỗi người, phải vượt ra cái tôi sanh diệt
này, phát minh ra cái chân thật nơi chính mình, làm chủ trở lại
sinh tử, đó mới chính là Phật, là độc tôn, không có gì ở thế gian
có thể sánh kịp. Đức Phật xuất hiện ở thế gian
chính vì điểm trọng yếu này.
Trong kinh A Hàm, khi đản sinh, ngài đã nói đủ
bài kệ bốn câu như sau:
Thiên thượng thiên hạ - Trên trời dưới đất
Duy ngã độc tôn- Chỉ ta tôn nhất.
Nhất thiết thế gian- Tất cả thế gian
Sinh lão bệnh tử - Sinh già bệnh chết.
Ý nghĩa trong đây rất rõ, tất cả chúng sanh ở thế gian, gồm suốt
cả ba cõi đều phải chịu chung sự vô thường sinh tử. Dù là các
vị trời có phước báo, có thần thông, sống vui sướng thời gian lâu,
cuối cùng vẫn không thoát khỏi vô thường. Còn Phật, Ngài đã
vượt qua, thân này là thân chót của Ngài, ý nghĩa “độc tôn” là ở
chỗ đó, không phải ở cái ngã mấy chục ki-lô này. Chính đây là:
“ MỘT THÔNG ĐIỆP MUÔN THUỞ CHO THẾ GIAN “. Nhắc cho
thế gian phải tỉnh lại, chớ đắm mê mãi trong cuộc sinh tử
vô thường này.
Tóm kết:
Phật ra đời đánh thức cho mỗi người: thế gian là vô thường
biến đổi, là quán trọ không phải chỗ ở lâu.
Thân này không phải ta thật, nó là thứ sinh diệt, cũng nằm
trong vô thường, không phải chỗ mình nương tựa vĩnh viễn,
mà phải từ trong đó vươn lên, khéo nhận ra một sức sống
CHÂN THẬT, tức là ông PHẬT NƠI CHÍNH MÌNH. Lấy đó
làm nguồn sống, mới thật sự có giá trị trên hết, không gì ở
thế gian có thể sánh kịp.
Đức Phật được tôn xưng là bậc Y vương tức là vua thầy
thuốc, nghĩa là Ngài cho thuốc trị lành bệnh sinh tử cho chúng
sinh, giúp cho chúng sinh nhận ra và sống lại trong sức sống
CHÂN THẬT KHÔNG TUỔI THỌ. Do đó, dù Ngài có nói đến
vô thường, tạm bợ, nhưng không dừng ở đó, khiến người ta
bi quan chán đời, mà ở trong đó, Ngài còn chỉ ra MỘT NGUỒN
SỐNG VÔ BIÊN mà cả thế gian không hay biết. PHẬT BẢO
là thế, không phải nói suông trên danh từ chữ nghĩa.
Mong rằng nhiều người sẽ cảm nhận được "THÔNG ĐIỆP
PHẬT RA ĐỜI" của Đức Thế Tôn mà bớt lầm chấp vào thân
tâm vô thường, tự tiến lên con đường giác ngộ sáng suốt, an
vui hạnh phúc vĩnh hằng. Nhất là mở con mắt tâm, rõ được
lẽ thật ngay chính mình, liền đó gặp Phật lại ra đời.
Thật vui thay!