Ni Sư Thubten Chodron (thế danh Cherry Green), sinh năm 1950, lớn lên gần vùng Los Angeles. Ni sư hoàn thành Cử nhânLịch sử tại Đại học UCLA năm 1971. Sau khi du lịch qua Châu Âu, Bắc Phi và Châu Á trong khoảng một năm rưỡi, Ni sư trở vềMỹ, lấy chứng chỉ sư phạm, theo học chương trình sau đại họctại đại học USC (University Southern California) về Giáo Dục và dạy học ở các trường tại thành phố Los Angeles.
Năm 1975, Ni sư tham dự một khóa tu thiền của ngài Lama Yeshe và ngài Zopa Rinpoche. Sau đó Ni sư qua Nepal tiếp tụctu học và hành thiền tại Tu viện Kopan. Năm 1977, Ni sư được ngài Kyabje Ling Rinpoche cho xuất gia tại Dharamsala, Ấn Độ, và năm 1986 Ni sư thọ đại giới tại Đài Loan.
Ni sư Thubten Chodron thường chú trọng đến việc áp dụnggiáo lý của Đức Phật vào đời sống hằng ngày của chúng ta và đặc biệt thiện xảo trong việc giải thíchchúng bằng những phương cách dễ hiểu và dễ thực hành. Ni sư nổi tiếng với những bài Pháp đầy ý nhị, thực tế, chân thật và rõ ràng.
Khi tâm tôi tràn đầy thất vọng, chán nản và ý nghĩ muốn chấm dứt cuộc sống khởi lên trong đầu, tôi có thể làm gì?
Hãy cầu cứu. Tất cả chúng ta ai cũng từng trải qua thất vọng, chán nản lúc này hay lúc khác. Khi các cảm giác này kéo dài mà ta chưa biết cách giải quyết, thì điều quan trọng cần làm là nhờ bạn bè, người thân, bác sĩ, nhà tâm lý, cô thầy, hay người nào mà ta tin cậy, giúp đỡ. Khi trạng thái trầm cảm trở nặng, ta cần đến thuốc để nâng đỡ tinh thần, để ta có thể tham gia vào sự thực hành tâm linh hay trị liệu.
Một thanh niên trẻ có lần kể rằng khi thất vọng tràn đầy, anh đã nghĩ đến việc tự tử. Theo tôi, thật ra không phải anh muốn chấm dứt cuộc đời mình, mà là anh muốn chấm dứt khổ đau. Nhưng ai mà không muốn chấm dứt khổ đau? Ước muốn đó hợp lý thôi. Vấn đề là: Chấm dứt cuộc đời có thực sự chấm dứt khổ đau? Theo quan điểm Phật giáo, tâm thức chúng ta vẫn luân chuyển sau khi chết. Do đó, tự tử có thể chấm dứt khổ đau trong cuộc đời này, nhưng không chấm dứt cái khổ nói chung. Chúng ta sẽ tái sinh.
Người thanh niên trẻ sau khi hiểu biết về tái sinh, đã không còn có ý nghĩ tự tử. Thay vào đó, anh đã thay đổi cách suy nghĩ để chấm dứt khổ đau. Anh bắt đầu học và hành giáo Pháp để thực hiện điều đó. Sự quan tâm, tình thương yêu dành cho người khác, hay cảm giác kết nối với người là những yếu tốquan trọng để sống an nhiên. Mặc dù ta có khổ đau hay có các cảm xúc không bình an, ta cũng nên hiểu và tin tưởng rằng bản chất con người là thiện lành, trong sáng. Con người có khả năng đặc biệt là nhờ có tâm/trí, và cuộc sống của ta không trói buộc trong sự ghét bỏ bản thân, trong cô lập, mặc cảm tội lỗi và trách hận ai. Trong Phật giáo, ta gọi khả năng đó là “Phật tánh”- bản chất biết và thanh tịnh của tâm/trí là nền tảng, dựa trên đó ta có thể phát triển những chất lượng tuyệt vời như tình thương yêu, lòng bi mẫn không phân biệt đối với tất cả chúng sanh và trí tuệ hiểu biết thực tại tuyệt đối của mọi hiện hữu.
Hai yếu tố này –cảm giác kết nối với người và ý thức về thiện tánh hay “khả năng đạt được giác ngộ”- có ảnh hưởng đến vấn đề tự tử và việc hàn gắn sau cái chết của người tự tử. Hãy xét xem chúng liên hệ đến việc tự tử như thế nào? Tự tử thường phát khởi từ trầm cảm. Trong khi trầm cảm có thể do sự thiếu quân bình của các hóa chất trong cơ thể hay trong một số trường hợp, có những tác động khác xen vào. Thường là do có một số ý nghĩ ám ảnh, chiếm lĩnh tâm, khiến người ta chọn hành động tự tử như là một cách để loại bỏ nỗi thống khổ của họ. Thí dụ những suy nghĩ như là, “Cuộc đời tôi thật vô dụng”, “Tôi không có hy vọng tỉm được hạnh phúc”, và “Tôi không đáng sống nữa”. Nhưng dựa vào đâu mà ý nghĩ như “Cuộc đời tôi thật vô dụng”, phát sinh? Nó dựa vào cảm giác cô lập, tách biệt với người khác hay với môi trường chung. Chúng ta có thể thấy rằng trong khi một tư tưởng như vậy có thể hiệnhữu, nội dung của tư tưởng ấy không thực tế vì sự thật là, chúng ta liên hệ mật thiết và ảnh hưởng đến tất cả mọi chúng sanh. Chúng ta nương tựa, dựa vào nhau trong suốt cuộc sống. Vậy làm sao ta có thể đối kháng lại quan điểm thiếu thực tế này? Đức Phật đã chỉ dạy ta một số cách hành thiền nhằm phát triển tình thương và lòng bi mẫn. Nếu chỉ biết tự nhủ với bản thân để cảm thấy yêu thương người, hay được người yêu thương, gắn kết, không có tác dụng, chúng ta phải huân tập tâm/trí một cách rốt ráo để quan sát cuộc đời từ một cái nhìn khác. Khi làm được điều này, các cảm xúc tích cực sẽ tự nhiên phát khởi. Nền tảng của sự rèn luyện này là nhận ra rằng ta và người đều bình đẳng trong việc mưu cầu hạnh phúc và trốn tránh khổ đau. Chúng ta cần quán chiếu điều này một cách sâu sắc và liên tục, không chỉ nói suông, mà phải đem chúng vào trong tâm. Bằng cách đó, chúng ta có thể huân tập tâm/trí mình đến độ mỗi khi ta thấy bất cứ người nào –bất kể họ là ai, dầu ta thích họ hay không- ý thức tự động phát khởi là “Người này cũng giống như tôi. Điều quan trọng nhất đối với họ là được có hạnh phúc và tránh khổ đau. Nhận biết điều này, tôi hiểu được một điều gì đó rất quan trọng và sâu kín về họ. Chúng tôi thực sự liên quan mật thiết với nhau”. Có thể chúng ta chưa từng gặp người đó trước đây, nhưng ta biết rằng đây là ước muốn sâu xa nhất của họ. Ngay chính thú vật và côn trùng cũng coi được hạnh phúc và thoát khổ như là những mục tiêu quan trọng nhất của chúng.
Bằng cách liên tục huân tập tâm để nhìn mọi người theo cách đó, chúng ta sẽ không còn cảm thấy bị cô lập. Thay vào đó, ta sẽ cảm thấy và biết rằng chúng ta là một phần trong bộ phận kết nối của chúng sanh. Chúng ta tùy thuộc, chúng ta hiểu người khác và họ cũng có thể hiểu ta. Các hành động của ta ảnh hưởng đến họ; chúng ta không cô lập, không khép mình trong các bức tường, mà là một phần của dòng chảy liên tục của chúng sanh xuyên suốt vũ trụ này. Các vấn đề của chúng ta không phải duy nhấtvà vô vọng. Chúng ta có thể vươn tay giúp đỡ người khác và đóng góp vào hạnh phúc của họ, dù chỉ bằng những hành vi đơn giản nhưng chúng trở thành có ý nghĩa sâu xa. Ngược lại, ta cũng cho phépbản thân chấp nhận sự yêu thương, giúp đỡ của người khác. Cuộc sống của ta có mục đích.
Không chỉ là cuộc sống của ta có ý nghĩa, mà ta cũng rất đáng sống. Ta là những chúng sanh có giá trị. Tại sao? Vì bản chất của ta là thuần khiết và có những khả năng vô hạn để phát triển các đức tính cao thượng. Mặc dầu các cảm xúc ô trược có phát khởi trong tâm chúng ta lúc này, lúc khác, nhưng chúng không phải là ta. Chúng là các sự kiện tâm lý, những thứ khởi lên, lướt qua, rồi rời khỏi tâm. Chúng ta không phải là tư tưởng và cảm xúc. Mà chúng cũng không phải là ta. Khi ta ngồi thiền và chánh niệm về những suy nghĩ và cảm xúc của mình, điều này trở nên khá rõ ràng. Bên dưới chúng là trạng thái cơ bản, trong sáng, và hiểu biết của tâm/trí, không dính dáng đến bất cứ suy nghĩ và cảm xúcnào. Ở mức độ sâu xa hơn, bản tâm của ta giống như bầu trời trong sáng, rạng rỡ. Mây có thể đi ngang bầu trời, nhưng bầu trời và mây không phải là một. Ngay cả khi mây có mặt, bầu trời thênh thang, trong sáng vẫn hiện hữu; nó không bao giờ có thể bị hủy diệt. Tương tự, trạng thái của tâm không sẵn có ô nhiễm; các cảm xúc và suy nghĩ khúc mắc không chỉ là thoáng qua; mà chúng còn bị bóp méo. Chúng không phản ảnh đúng về những gì đang xảy ra mà cũng không phải là các phản ứngcó ích lợi. Thay vì tin vào tất cả những gì chúng ta suy nghĩ và cảm nhận, hãy xét xem chúng có chính xác và lợi ích không. Nếu chúng không phải thế, ta áp dụng sự đối trị bằng cách huấn luyện tâm nhìn sự vật theo cách khác, thực tế hơn và hữu ích hơn. Khi làm được thế, ta sẽ thấy rằng quan điểm của ta về cuộc sống thay đổi, ta khám phá ra sự thiện lành nội tại. Chúng ta rất đáng giá và đã từng luôn như thế, chỉ có điều bây giờ chúng ta mới nhận ra.
Điều gì sẽ xảy ra đối với người tự tử? Họ sẽ đi về đâu?
Chúng ta không thể nói chung chung về các chủ đề này, vì ta không biết chắc trạng thái tâm của mỗi cá nhân ở thời điểm họ ra đi hay các nghiệp mà họ đã tạo trong quá khứ. Nhiều người tự tử vì đang ở trong một nỗi đau tinh thần rất lớn, đang sân hận hay đang trong trạng thái trầm cảm; đó có thể là một mảnh đất phì nhiêu để các nghiệp mà ta tạo ra trước đây chín muồi, và trổ ra các quả xấu. Theo quan điểm Phật giáo, chúng ta không được thưởng, hay bị phạt do các hành động của mình. Vì nếu tin có thưởng, có phạt, vô hình chung ta tin có một đấng siêu nhân nào đó có thể quyết định số phận của tất cả chúng sanh. Ngược lại, Đức Phật dạy rằng tâm chính là kẻ tạo ra các trải nghiệm của ta. Đó là chúng ta trải nghiệm kết quả của các hành động hoặc ở thân, khẩu hay ý. Hành động xuất phát từ lòng tử tế, và các trạng thái tâm thiện mang lại hạnh phúc; hành động bắt nguồn từ sự bám víu, sân hận và các trạng thái tâm xấu ác khác sẽ đem lại khổ đau.
Dầu tự tử không hẳn là một hành động sát hại trọn vẹn, nó cũng là một hình thức cướp đi sự sống. Là hành động bất thiện, nó gieo trồng hạt giống xấu trong tâm thức để ta phải chịu khổ đau trong tương lai. Mặc dầu người tự tử muốn tìm giải thoát khỏi khổ đau, hành động tự tử kèm với trạng thái tâm của người đó ở thời điểm của sự chết thường không đưa đến việc chấm dứt khổ đau. Đó là, trong khi sự khổ đau ở kiếp sống này chấm dứt, không phải là tất cả mọi khổ đau chấm dứt.
Vì lý do đó tự tử bị coi là một thảm kịch. Mọi người đều có Phật tánh –khả năng nội tại để trở thànhmột chúng sanh được hoàn toàn giác ngộ. Dầu khả năng này không chấm dứt lúc chết, có được kiếp người là một cơ hội tuyệt vời để sử dụng tốt khả năng này.
Là Phật tử, chúng ta học hỏi giáo lý của Phật và đem chúng ra áp dụng. Bằng cách đó, ta có thể xóa bỏ mọi khổ đau và nhân của khổ đau -vô minh, tâm hành và nghiệp- nhờ đó mọi luân hồi sẽ chấm dứt. Hơn nữa, ta còn có thể phát triển những phẩm chất tuyệt vời như tình thương không phân biệt, lòng bi mẫn và trí tuệ - những phẩm chất qua đó ta có thể góp phần vào việc đem lại lợi lạc cho người, và tạo nên nhân hạnh phúc của bản thân và cho người, trong hiện tại và tương lai. Nên khi tâm của ai đó quá đau khổ hay bấn loạn đến nỗi người đó tìm cách chấm dứt cơ hội quí báu để vun trồng tâm linh này, thì thật đáng buồn. Tuy nhiên nếu người ta không thể nhìn thấy khả năng và giá trị trong cuộc sống của họ, và nếu họ đang khủng hoảng tình cảm hay đau đớn thể xác, họ có thể xem tự tử như là một phương cách để thoát khỏi khổ đau. Họ đã có sự chọn lựa này. Người chung quanh không phải chịu trách nhiệm cho hành động tự tử của người thân; do đó không có lý do gì để ta cảm thấy hối hận. Còn về việc người tự tử sẽ đi về đâu sau khi chết, vì bản chất con người không thực sự hiện hữu khi sống, do đó không có một con người nào đã chết và được tái sinh. Đức Phật đã dạy về vô ngã; đó là không có một linh hồn hay một thực thể nào thực sư có mặt. Đừng nghĩ về người thân đã ra đi của bạn như là một người nào đó với cá tính, ký ức, vân vân, không thay đổi, chỉ là bây giờ bạn không có thể thấy người đó. Trong khi sự tiếp nối của dòng tâm thức được tái sinh, dòng tâm thức đó thay đổi tùng giây phút; đó không phải là một con người. Theo lý nhân quả -kể cả các nghiệp trước đây- dòng tâm thứcluôn biến đổi, bị cuốn hút vào một sự tái sinh mới. Một khi đã tái sinh, có một con người mới –con người của một cuộc sống mới- người hiện hữu bằng tên gọi tùy thuộc vào thân và tâm của cuộc sống mới.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển Ngữ từ Dharma & Suicide, trích trong sách Dealing With Life’s Issues, NXB Kong Meng San Phor Kark See Monastery, 2008)