Đối với quỷ sứ, cung trời là địa ngục còn địa ngục là thiên đàng. Đối với thiên thần, cung trời là thiên đàng còn địa ngục là địa ngục.
Cùng một thứ mà kẻ thì gọi là thiên đàng, người thì gọi là địa ngục. Vậy thì cung trời và địa ngục đều giả, không thực.
Cũng lại như thế. Một kẻ ăn chơi đàng điếm mà nhốt nó vào tu viện thì đúng là nhốt nó vào địa ngục. Nhưng sau một thời gian thấy quen, rồi yêu thích rồi cuối cùng nhận ra đây mới chính là thiên đàng.
Một vị tu hành đạo đức bị đưa vào chốn ăn chơi đàng điếm thì đúng là nhốt ông ta vào địa ngục. Nhưng sau một thời gian thấy quen, rồi yêu thích rồi cuối cùng nhận ra đây mới chính là thiên đàng.
Chính vì thế mà trong Kinh Viên Giác, Đức Phật đã giảng dạy cho Bồ Tát Thanh Tịnh Tuệ, “Này thiện nam tử: Trí tuệ, ngu si đều là Bát Nhã. Địa Ngục, Cung Trời đều là Tịnh Độ. Chúng Sinh, Quốc Độ đều đồng một pháp tính, Vô Minh, Chân Như không khác cảnh giới...”
Khi Tâm ở thể Chân Như tức nhìn vạn vật bằng Phật nhãn thì Thiên Đàng hay Địa Ngục - Chúng sinh hay Quốc Độ (đất Phật)…nói rộng ra vạn vật đều đồng nhất thể. Còn khi Tâm động và nhìn sự vật bắng “tục nhãn” thì thấy có sai biệt, tức thấy địa ngục, cung trời, chúng sinh quốc độ. Từ sai biệt này mà nảy ra Đúng-Sai, Thương-Ghét.
Bạn ơi,
Con người thường nhìn sự vật qua lăng kính của cảm xúc. Khi yêu thích thì gán cho nhãn hiệu thiên đàng, khi chán ghét thì gán cho nhãn hiệu địa ngục.
Muốn sống hạnh phúc thì cùng lúc phải chặt đứt hai vọng tưởng điên đảo về cung trời và địa ngục. Câu chuyện sau đây là bản minh họa rõ nét về những vọng tưởng điên đảo của Tâm mình:
"Đêm ấy là đêm rằm. Mặt trăng chiếu sáng lung linh cả một vùng. Tại nơi giang đầu, một đôi tình nhân yêu nhau lần đầu. Giữa đêm trăng sáng, họ đưa nhau ra đây tình tự, thề non hẹn biển. Còn đêm nào tình tứ hơn đêm nay? Người con trai khẽ nắm lấy bàn tay người con gái, âu yếm nói:
-Em yêu ơi ! Hãy nhìn ánh trăng kia, ánh trăng lung linh, mờ ảo. Đêm nay là đêm diễm lệ. Mảnh trăng đẹp tuyệt trần kia là nhân chứng cho mối tình bất diệt của chúng ta. Trăng đẹp như tình ta đẹp. Trăng xinh như mộng ta xinh !
Nhưng tại nơi giang hạ, ngay lúc đó, một đôi tình nhân vì tình đời ngang trái, ngày mai họ phải vĩnh viễn xa nhau. Họ ra đây để từ tạ nhau lần cuối. Người con trai đau khổ nắm lấy tay người con gái, nói:
-Em yêu ơi! Trăng đêm nay sao úa màu, tàn tạ? Dường như trăng đang lịm chết để chia sẻ với đêm chia ly vĩnh biệt của đôi ta. Trăng ơi, sao trăng ảm đạm thế? Trăng vương màu tang như cuộc đời lạnh giá, vô vị của anh từ đây phải vĩnh viễn xa em !
Cũng ngay lúc ấy, một bác nông phu, nhà ở gần mé sông, bước ra ngoài sân. Bác ngửa mặt lên trời, ngắm nhìn mặt trăng một hồi rồi chép miệng, nói:
-Chà, cái con trăng quầng sáng có pha màu hồng như thế kia thì năm nay coi chừng mất mùa đa!
Cũng ngay lúc ấy, tại một thành phố tương đối thanh bình, nhân mùa Trung Thu, các em bé vui vẻ rước đèn đi chơi và cùng nhau ca hát:
Ánh trăng trắng ngà
Có cây đa to.
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ.
Cuội ơi ta nói Cuội nghe…
bằng cả tâm hồn ngây thơ, trong trắng. Các em chẳng thắc mắc gì về Chị Hằng, Chú Cuội ngoại trừ lồng đèn và bánh kẹo.
Cũng ngay vào lúc ấy, tại một đài thiên văn, một khoa học gia đang dùng viễn vọng kính để quan sátmặt trăng. Ông chẳng hề có ý nghĩ mảnh trăng diễm lệ như đôi tình nhân ở đầu sông. Ông cũng chẳng thấy trăng úa màu như đôi tình nhân ở cuối sông. Ông cũng chẳng thấy dấu hiệu nào chứng tỏ năm nay sẽ mất mùa như bác nông phu. Dĩ nhiên già rồi, ông đâu còn đi rước đèn Trung Thu nữa cho nên đâu có quan tâm tới Chị Hằng, Chú Cuội. Ông đang lặng lẽ quan sát quỹ đạo của mặt trăng để tính đường bay chính xác cho chiếc phi thuyền dự tính phóng lên vào cuối năm nay. Mặt trăng đối với ông chỉ là một vệ tinh bay quanh trái đất và có thể có vị trí chiến lược trong cuộc Chiến Tranh Tinh Đẩu (Star Wars).
Vậy thì bạn ơi,
-Xin đừng vẽ rồng vẽ rắn thêm cho cuộc đời vốn đã rối ren.
-Xin đừng đeo kính màu để bàn tán về thiên nhiên phong cảnh của một bức tranh.
-Xin đừng bình luận thêm về những vấn đề đang làm nhức đầu thiên hạ. Xin hãy "Dẹp bỏ cổ họng, môi, lưỡi " (1) như một thiền sư đã nói nếu bạn muốn tâm hồn an tĩnh.
-Hãy nhìn đời như một tấm gương.
-Tấm gương nhìn người đẹp nhưng không nói gì.
-Tấm gương nhìn người xấu nhưng không nói gì.
-Xin đừng nhìn người xấu để nói rằng tâm hồn người đó xấu.
-Xin đừng nhìn người đẹp để tưởng rằng tâm hồn người đó đẹp.
-Đừng nhìn người giàu sang mà tưởng tâm hồn họ thánh thiện.
-Xin đừng nhìn người ăn mày mà tưởng rằng họ không có Phật tánh (2)
-Xin đừng nhìn người giàu sang mà tưởng tâm hồn họ thanh cao.
-Xin đừng nhìn vào ngôi nhà tranh vách đất mà tưởng nơi đó không có tình thương.
-Xin đừng nhìn vào những nụ hôn nồng cháy qua phim ảnh, tài tử ci-nê, công chúa hoàng tử, người mẫu, đám cưới… mà cho đó là lâu đài hạnh phúc.
-Xin đừng nhìn một cậu thanh niên đẹp trai ăn nói ngọt ngào mà cho đó là người chồng lý tưởng.
-Xin đừng nhìn một cô người mẫu chân dài yểu điệu mà cho đó là người trong mộng.
-Xin đừng nhìn vào chiếc xe sang, bộ quần áo đắt tiền với những dự án đồ sộ mà tưởng nơi đó tín nhiệm để rồi bị lừa bạc tỷ.
-Xin đừng nhìn vào nơi thờ phượng Thần Linh huyền bí mà tưởng nơi đó thánh thiện.
-Xin đừng nhìn vào chốn vui chơi, ồn ào náo nhiệt mà tưởng nơi đó là hạnh phúc.
-Xin đừng nhìn vào nơi vắng vẻ thanh tịnh mà cho là buồn chán.
Chính Tham-Sân-Si khiến cái Tâm, cái Nhìn, cái Nghe, cái Thấy, cái Suy Nghĩ của người ta bị méo mó từ đó chỉ nhìn thấy ảnh ảo hay hình ảnh giả tạo mà không nhìn thấy thực tướng tức hình ảnh thật.
Chư Phật, chư vị Bồ Tát, A La Hán vì không bị nhiễm vào Tham-Sân-Si cho nên tâm không dao động. Vì tâm không dao động cho nên nhìn thấy thực tướng của muôn loài.
Hãy ghi nhớ lời Phật dạy:
-Hạnh phúc do nơi Tâm mình mà không do đời tô vẽ.
-Thanh thản do nơi Tâm mình chứ không do cảnh ở chung quanh.
-Thánh thiện và bợn nhơ do nơi Tâm mình mà không do thần linh ban tặng.
-Giải thoát do nơi Tâm mình mà không do nghi lễ.
-Trói buộc do nơi Tâm mình chứ không phải sợi dây.
-Tội lỗi do nơi Tâm mình chứ không phải do sự lên án của người đời. Bởi vì sự lên án của người đời nhiều khi do hận thù và thương-ghét.
-Không một ai - kể cả Thần Linh Màu Nhiệm - có thể làm cho người khác trở nên thánh thiện và không một ai - kể cả Thần Linh Màu Nhiệm - có thể làm cho phẩm hạnh người khác trở thành hoen ố. (3)
-Không một ai có thể làm cho mình trở nên có phẩm hạnh dù trên mình đeo đủ thứ kim cương, ngọc ngà, châu báu đắt giá nhất, hoặc các chức vụ, quyền thế cao nhất trên thế gian này. Phẩm hạnh cao quý nhất là đạo đức. Mà đạo đức cao quý nhất là làm việc thiện và trang bị tâm mình bằng tâm Phật.
Bạn ơi,
-Không một ai có thể đem lại hạnh phúc – trong khi chính mình lại không muốn kiến tạo hạnh phúc cho mình.
Bạn ơi,
Muốn sống với chân hạnh phúc xin hãy chặt đứt mọi vọng tưởng điên đảo. Khi vọng tưởng điên đảo chấm dứt thì Chân Tâm sáng tỏ.
-Khi Chân Tâm sáng tỏ thì sẽ nhìn thấy vạn vật ở thể chân như.
-Khi nhìn thấy thể chân như của vạn vật thì không còn ảo tưởng.
-Khi không còn ảo tưởng thì bạn sẽ không còn vọng động.
Bạn ơi,
Thế giới càng văn minh, nhu cầu vật chất càng nhiều, con người càng sống với ảo tưởng. Ảo tưởng về sự giàu sang, về trí thức, về vẻ đẹp, về tài năng, về đức độ, về quyền uy, về chân lý, về sự thánh thiện.
-Rất nhiều người mang ảo tưởng là mình thánh thiện nhưng thực ra họ chẳng thánh thiện gì cả.
-Rất nhiều người mang ảo tưởng là mình giàu sang nhưng thực ra họ chỉ là thứ “trưởng giả học làm sang”.
-Rất nhiều người mang ảo tưởng là mình quý phái nhưng thực ra trên đời này chẳng có gì gọi là quý phái. Quý phái giống như chiếc áo khoác ngoải. Cởi ra thì mọi người đều trần trụi như nhau.
-Rất nhiều người mang ảo tưởng là mình đẹp nhưng thực ra họ chẳng có gì đáng để chiêm ngưỡng.
Khi không còn ảo tưởng hoặc “viễn ly” được điên đảo mộng tưởng, con người sẽ sống bình dị, khiêm tốn, không hoang phí, không đua đòi, không say mê quyền lực, không còn muốn đè đầu người khác. Đó là một cuộc sống vô cùng an lành.
Hãy ”hành thâm” tức nghiền ngẫm, dùng trực giác, trí tuệ để hiểu và thực chứng Bát Nhã Tâm Kinh thì lúc đó hành giả sẽ: “Vô hữu khủng bố. Viễn ly điên đảo mộng tưởng.” Khi đã “viễn ly’ được điên đảomộng tưởng thì Niết Bàn sẽ hiện ra tức thì như lời Phật dạy “chân thực bất hư”.