Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

 

Hòa Thượng Thích Tuấn Hùng ôn lại thời gian tu tập của mình.

 

 – “Vâng, tôi ăn mặn và tôi có vợ.” Câu nói thản nhiên và thành thật của Hòa Thượng Thích Tuấn Hùng, người vừa từ Nhật sang thăm viếng Hoa Kỳ, làm nhiều người nhíu mày thắc mắc.

Phần đông mọi người hiểu rằng Phật Giáo không khuyến khích ăn thịt động vật và nhắc nhở người tu hành phải tránh xa sắc dục, nhưng sao lạ thế này?

Duyên tu

Đầu ông cạo trọc, khuôn mặt ông hiền từ, giọng nói ông nhã nhặn và cử chỉ ông khoan thai trong bộ cà sa vàng quen thuộc. Rõ ràng, bề ngoài, ông là một nhà tu.

Và đích thật, ông là một nhà sư chân chính. Thứ nhất, để được vào chùa tu không phải là chuyện đùa. Ông nói: “Ít nhất phải có bằng cử nhân đại học Phật Giáo hoặc bằng tương đương rồi trải qua thời gian học đạo tràng nữa.”

Tuy nhiên, thủ tục kế tiếp mới nói lên sự nghiêm ngặt của các tông phái Nhật Bản. “Rồi sau đó phải có giấy chứng nhận của sở cảnh sát là mình chưa bao giờ phạm pháp hay thiếu nợ. Bị bắt vì tội gì đó, dù mình vô tội, cũng bị loại ngay,” ông cho hay.

Xuất thân từ một gia đình sùng mộ Phật Giáo, ông sang Nhật du học năm 1970 và tốt nghiệp kỹ sư tại đây. Ra trường, đi làm cho hãng NEC.

Hòa Thượng Thích Tuấn Hùng: “Đi tu không phải để hưởng thụ.” 

Năm 40 tuổi, ông bắt đầu tìm hiểu Phật Giáo khi rảnh rỗi. Mười lăm năm sau, ông thi đậu kỳ thử thách đầu tiên. Vượt qua mọi thử thách kế đó, ông phải tìm một vị sư đỡ đầu và giới thiệu ông cho tông phái.

Ông kể: “Đây là vấn đề trọng đại. Vị sư này phải biết tôi chắc chắn là người đạo đức, vì ông sẽ chịu mọi trách nhiệm cho tôi trước tông phái.”

Và, ông xuống tóc đi tu năm 64 tuổi, sau khi làm xong nhiệm vụ của mình và về hưu. Pháp danh tiếng Nhật của ông là “Shunyu.”

Nhà sư ở Nhật: Cha truyền con nối

Ở Nhật, đi tu không phải là sướng vì được ăn mặn và có vợ. Ở Nhật, đi tu là một lựa chọn đầy thử thách khó khăn như mọi nơi khác.

Vị hòa thượng tu tập theo phái Tịnh Độ Tông giải thích: “Ăn chay, không lấy vợ, tụng kinh, chép kinh hay ngồi thiền, tất cả chỉ là phương tiện để tâm mình dễ lắng xuống, không khích động. Tâm có lắng thì mình mới có thể làm điều lành, tránh điều ác được.”

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là đi tu ở Nhật là không bao giờ ăn chay. “Những ngày vào khóa đạo tràng, mọi người phải ăn chay. Ngay cả cái điện thoại di động còn không được giữ trong người mà,” Hòa Thượng Tuấn Hùng nhấn mạnh. “Đó là lúc lòng mình cần thanh tịnh hơn nên việc ăn chay, tu tịnh là cần thiết.”

Mỗi đạo tràng kéo dài từ một đến bốn tuần.

Ông nghiêm giọng: “Dĩ nhiên là khi đang trong khóa đạo tràng, chúng tôi cũng không được gặp vợ luôn.”

Như vậy, những điều răn của Phật vẫn được áp dụng tại các ngôi chùa ở Nhật Bản, nhưng ở mức độ khác thôi.

Về việc nhà sư được ăn mặn và lấy vợ, có con, theo lời Hòa Thượng Tuấn Hùng, là do hoàn cảnh Phật Giáo được du nhập vào Nhật.

“Sáu thế kỷ Trước Công Nguyên, Phật Giáo hình thành ở Ấn Độ rồi sáu thế kỷ Sau Công Nguyên, Phật Giáo Đại Thừa được du nhập vào Nhật Bản qua ngã Trung Quốc và Nam Hàn,” ông kể. “Người có công lớn trong việc phổ biến Phật Giáo là Thánh Đức Thái Tử (Thái Tử Shotoku), là người dung hòa tư tưởng Thần, Phật và Nho.”

Thời bấy giờ, Phật Giáo chỉ được giới quý tộc ủng hộ mà thôi. Ông tiếp: “Cũng dễ hiểu thôi. Phật Giáo không phổ biến trong giới thường dân vì có nhiều những lý thuyết phức tạp mà giới này không hiểu được.”

Mà giới quý tộc cũng chỉ tìm đến Phật Giáo khi họ quan tâm đến cuộc sống của đời sau. Phần lớn, họ đã lớn tuổi, đã thành đạt, có chức, có phận, và dĩ nhiên là có gia đình rồi. “Vì vậy, với các vị tu sĩ Nhật Bản, việc ăn mặn hay lập gia đình không phải là một vấn đề vì đó đã là phần lớn cuộc đời họ rồi,” ông tiếp.

Ngay cả vải khoác cổ cũng do tông phái cung cấp. 

Cho đến thời này, người Nhật vẫn cho rằng việc tu hành là của một đẳng cấp riêng biệt.

Vì các vị sư Nhật có con nên việc cha truyền con nối để chăm sóc một ngôi chùa vẫn xảy ra một cách bình thường.

Chùa Nhật, chùa Việt

Theo Hòa Thượng Tuấn Hùng, khoảng 400 năm trước, vua Tokugawa, sau khi dẹp hết các tướng quân (shōgun), thống nhất đất nước đã dùng Phật Giáo với các nhà sư vào mục đích chính trị vì muốn dùng tâm linh để trị dân. “Do đó, ông đặt ra chính sách ‘Danka’ và buộc mọi gia đình phải thuộc về một ngôi chùa thì mới có mộ phần chôn cất thân nhân,” ông kể.

Thống kê năm 2014 cho biết, Phật tử Nhật Bản chiếm 34.9% dân số và có có khoảng 377,000 tăng sĩ.

Đạo Phật bắt đầu từ Ấn Độ từ thế kỷ thứ 6 Trước Công Nguyên. Một nhánh chính của Phật Giáo, nhánh Mahayana, còn gọi là Phật Giáo Đại Thừa, đã du nhập vào Nhật Bản.

Trả lời về điểm khác biệt nổi bật nhất của các ngôi chùa ở Nhật, ông nói: “Khác với chùa Việt Nam hay Trung Hoa, chùa Nhật có chánh điện rất nhỏ, vì họ quan niệm chùa là nơi các vị sư tu hành và Phật tử cũng rất ít đến chùa tụng kinh.”

Đó là điều hay đối với Hòa Thượng Tuấn Hùng vì tu hành là để đạt đến sự thanh thản, tĩnh lặng của tâm hồn. “Một khi mỗi cá nhân có được ‘Satori,’ cái ‘Ngộ,’ thì ảnh hưởng của Phật Giáo mới tích cực hơn cho xã hội,” ông giải thích.

Ông nói thêm: “Mục đích của Phật Giáo là khuyên răn mọi người cùng làm lành, tránh ác để xã hội an thái.”

 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm