Thiện Dũng
BỐI CẢNH TRƯỚC KHI TU TẬP
Tôi sinh năm 1978 trong một gia đình đông con có 5 chị em tại một làng quê nghèo Quang Minh – Mê Linh- Hà Nội trong một gia đình nông dân, bố tôi mất sớm năm tôi bắt đầu vào đại học. Cuộc đời từ thưở nhỏ đến khi đi học rất lam lũ vất vả và không có nhiều điều kiện học hành. Nhờ ân đức của cha mẹ hy sinh tảo tần mà tôi có được điều kiện ăn học và vào đại học khoa Toán – Cơ – Tin học, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau này tôi có mắn được ở lại công tác tại trường vừa quản lý vừa giảng dạy 10 năm và tốt nghiệp thạc sĩ ở một ngành khác là ngành Quản lý khoa học và công nghệ trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Sau này tôi cũng có cơ hội được công tác tại Thành Đoàn – Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội và rời nhà nước vào cuối năm 2009 về làm quản lý cho Trường Đại học và Viện nghiên cứu FPT và một số Tập đoàn lớn khác và ra ngoài làm kinh doanh riêng về ngành chăm sóc sức khỏe từ năm 2011. Nhờ sự nỗ lực không ngừng từ một chàng trai nghèo tôi cũng tự lập được tại Hà Nội và mua đất, xây nhà, có xe ô tô và làm nhiều vị trí quản lý cao cấp có thu nhập tốt. Sau này ra làm ăn riêng cũng có điều kiện được ra nước ngoài học tập, thăm quan và làm việc 37 lần, được đi nhiều nước lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, … Tuy có chút thành tựu như vậy nhưng trong tâm tôi cuộc sống và công việc vẫn có rất nhiều phiền não và những thắc mắc mà không có lời giải.
Trước khi tu tập những thông tin về Phật pháp trong tôi rất ít. Bản thân tôi do xuất thân từ môi trường khoa học nên không mê tín cũng không có cầu cúng. Cho dù là có đến chùa nhưng chủ yếu chỉ là vãn cảnh và đôi khi là tìm chút yên tĩnh chứ không có bất kỳ suy nghĩ nào là mình sẽ tìm hiểu và tu tập. Thông tin về Phật pháp chủ yếu chỉ là một chút khi học Triết học ở bậc Đại học và do đi đến một số chùa và gặp gỡ giao lưu một số vị thầy nhưng không đọng lại ấn tượng gì.
GẶP ĐƯỢC DUYÊN LÀNH BẮT ĐẦU TU TẬP
Cuối năm 2013 tôi có một người cháu là Đỗ Văn Tuyển có duyên biết và tu tập trước với Đại Đức – Thiền sư Nguyên Tuệ và đã có nhiều dịp thỉnh sư ra Bắc giảng pháp và hướng dẫn tu tập thiền tại nhà cư sĩ và một số chùa. Bạn Tuyển nhiều lần chia sẻ với tôi về Phật Pháp và nói nếu tôi biết Phật Pháp và tu tập thì sẽ có rất nhiều lợi lạc trong cuộc sống và công việc nhưng thực sự là tôi không để tâm. Hơn nữa vào thời điểm đó công việc kinh doanh của tôi đang phát triển mạnh và tôi rất bận rộn và có nhiều người phụ thuộc mình nên không có tâm nào để tìm hiểu.
Ngày mồng 7 Âm Lịch năm 2014 là một sự kiện đáng ghi nhớ trong cuộc đời tôi khi được gặp sư Nguyên Tuệ. Dịp đó đang là Tết Nguyên Đán tôi được bạn Tuyển mời đến nhà giao lưu với Sư Nguyên Tuệ trong khóa thiền 5 ngày. Lần đầu tiên tôi gặp sư và thực bất ngờ với các câu hỏi mà Sư đặt ra để tìm hiểu như:
- Ngọt có nằm trong quả chuối không?
- Mặn có nằm trong muối không?
- Lạnh có nằm trong nước đá không?
- Ngon dở có nằm trong thức ăn không?
Đương nhiên câu trả lời của tôi là có. Chả lẽ sự thật trên lại không đúng? Không đúng thì không đúng ở chỗ nào?
Sư mỉm cười và bắt đầu gợi ý tìm hiểu tiếp:
Bây giờ chú hãy bỏ hết tất cả sự hiểu biết cũ của mình sang một bên và bắt đầu quan sát xem sao. Bây giờ chú ngồi đấy, đĩa chuối đang ở trước mặt có cái ngọt nào không? Tôi trả lời: thưa sư không ạ.
Sư hỏi tiếp: bây giờ giả sử chú lấy quả chuối ăn thì chú có cảm nhận được vị ngọt không? Tôi trả lời: thưa sư có.
Sư hỏi tiếp: bây giờ chú ăn miếng chuối đầu tiên và miếng chuối sau cùng vị ngọt có khác nhau không? Tôi trả lời: Thưa sư khác ạ.
Sư hỏi tiếp: giả sử bây giờ chú khỏe mạnh là như vậy. Nếu chú ốm dậy 7 ngày thì vẫn quả chuối này chú ăn có ngọt không? Tôi trả lời: thưa sư có vị đắng ạ.
Vậy chú có thấy vẫn là ngọt mà không có ngọt nào giống nhau đúng không? Vậy sự thật ngọt là gì?
Tôi bắt đầu bế tắc và cũng là bắt đầu tò mò để tìm hiểu vậy sự thật ngọt là gì?
Ngày hôm sau tôi bắt đầu đến tham dự khóa tu đã bắt đầu từ ngày hôm trước. Nghe pháp và thực hành thực sự tôi ù tai với các khái niệm Phật học và chưa hiểu gì mấy, có chăng chỉ là rất ít. Thực hành ngồi thiền chỉ xếp bằng và bán già một chút rất đau nhức và buồn ngủ. Thực hành thiền đi (thiền hành) thì không có sự tập trung. Được ngày hôm trước đến hôm sau thì Văn phòng tìm tôi tán loạn đầu năm nên tôi không thể tiếp tục tham gia khóa thiền cho đến kết thúc. Nhưng trong đầu vẫn thầm nhủ là cần tiếp tục tìm hiểu vì có rất nhiều tò mò bắt đầu được khai mở.
Nhờ có đạo hữu Ngô Dương Ký giới thiệu cho 2 cuốn sách Đường xưa Mây Trắng và Hành trình về Phương Đông tôi thường xuyên nghe bản đọc audio trên xe ô tô đi làm hàng ngày nên động lực tìm hiểu Phật Pháp cũng ngày lớn dần.
Sau khi trở về công việc thời gian cứ trôi đi cho đến một thời gian sau đó tôi có dịp vào công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi kết thúc các công việc, tôi quyết định xuống chùa Bửu Quang – quận Thủ Đức là Tổ Đình Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam tại Tp Hồ Chí Minh để đảnh lễ Sư Nguyên Tuệ. Khi đến Chùa, tôi bị cuốn hút bởi không gian thanh tịnh với vườn cây lớn cao chót vót và sự tĩnh lặng của chùa khác hẳn với những ngôi chùa ngoài Bắc mà tôi đã từng thăm quan. Sau khi gặp sư hỏi thăm sức khỏe tôi chia sẻ với sư là tôi rất muốn nghiêm túc tìm hiểu một khóa thiền nhưng thực sự điều kiện công việc và cuộc sống chưa cho phép, chắc phải rất lâu năm nữa mới có thể theo được. Sư chỉ mỉm cười, sư nói: mọi việc cứ để tùy duyên. Giả sử bây giờ chú nghĩ nếu sống 10 năm nữa, mỗi năm 365 ngày mà mĩnh vẫn tiếp tục cuộc sống như vậy thì có gì thay đổi nhiều không? Bây giờ giả sử mình đầu tư ra 10 ngày nghiêm túc tìm hiểu mà cuộc sống của mình sau 10 ngày này sẽ có rất nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Mình là người trí mình ễ tự quyết định có đầu tư hay không. Vì câu nói đó tôi quyết định ngay là sẽ tham dự khóa 10 ngày gần nhất mà Sư tổ chức tại Chùa.
Quay trở về Hà Nội, tôi vẫn tập trung vào công việc và đến trước khóa tu 2 ngày tôi mới nói với vợ là sẽ đi khóa thiền 10 ngày và không có việc gì thì không cần liên lạc, hết thời gian 10 ngày tôi sẽ về vì tôi không muốn tiết lộ cho gia đình hay đồng nghiệp biết thì lại gặp rắc rối như lần trước.
Tôi bay vào Tp Hồ Chí Minh và về chùa Bửu Quang trước 1 ngày khóa tu. Khóa tu được tổ chức tại Cốc của Sư chỉ có mấy người (07-17/11/2015). Tôi nhớ lúc đó chỉ có tôi, bác Thạnh ở Quảng Nam, sư thầy Tâm Trí ở Tam Đảo, cô Sương và một cô nữa ở Hồ Chí Minh và một số tăng ni tại Bửu Quang. Người mới chỉ có tôi và bác Thạnh mà bác cũng chỉ nhận lời vào đây tham gia khóa tu trước đó 1 ngày. Tôi tập trung cao độ vào nghe pháp học và cố gắng thực hành. Pháp học tôi nghe có hệ thống lúc đó gồm:
Pháp học: Duyên khởi Bát Tà Đạo và Bát Chánh Đạo.
Pháp hành: Tứ Niệm Xứ gồm Niệm Thân, Niệm Thọ, Niệm Tâm, Niệm Pháp.
Pháp Thành: Thấu hiểu và an trú Niệm – Định – Tuệ.
Mất 2 ngày đầu tôi nghe chưa hiểu nhiều lắm, nhưng phần giảng về Mục đích cuộc sống xong tôi cũng đã như rụng rời chân tay vì những gì sư giảng trái ngược hoàn toàn với sự hiểu biết của tôi. Vừa thấy có lý lại vừa thấy phi lý. Chả lẽ thực tại này tất cả những gì thấy, nghe, cảm nhận đều là cảm giác (cảm thọ hay thọ)? Chả lẽ thực tại này sờ sờ ra đấy lại không phải là thế giới ngoại cảnh? Tu là chỉ cần thay đổi tâm chứ không phải thay đổi cảnh? Trong đầu suy nghĩ rất lộn xộn, nửa tin, nửa không tin. Nhưng càng nghe những ngày sau càng thấy có lý, nhất là sau khi thực sự trải nghiệm thực hành. Cho đến ngày thứ 7 tôi đã có sự trải nghiệm đầu tiên ở sơ thiền, nhị thiền và tam thiền nhưng chưa trú được dài mà chỉ được một vài giây phút rất ngắn. Tọa thiền vẫn còn rất đau nhức và mệt. Chỉ có thiền hành là thực hiện khá tốt và bước đầu cảm nhận được một vài khoảng khắc sơ thiền lặp lại. Một trạng thái hỷ lạc nhẹ mà không có bất kỳ suy nghĩ nào khởi lên. Lúc này mới bắt đầu hiểu mong muốn vào các tầng thiền là có dục sẽ không thể đạt được và các trạng thái vô thường đến lại đi. Kết thúc các thời khóa, tôi liên tục có các câu hỏi thực hành để Sư đối chiếu kết quả và giải đáp các thắc mắc. Đây là cách mà sau này tôi thấy rất có hiệu quả cho người tu. Nói ra những gì đang suy nghĩ và trải nghiệm chính là cách rất tốt để trau dồi Văn – Tư – Tu.
Hàng ngày tôi duy trì thời khóa nghiêm ngặt thức dậy thực hành từ 4 giờ sáng đến 21h tối và ăn nhẹ bữa sáng và ăn một bữa trưa như tăng ni trong chùa và một số khoảng thời gian nghỉ giải lao thì tham gia một số công việc công quả trong nhà bếp và quét dọn chùa và đọc sách. Cuốn kinh đầu tiên tôi đọc là Trung Bộ Kinh Nykaia được dịch từ tiếng Pali. Mặc dù bên cạnh chùa là một xưởng cơ khí rất ồn và thời tiết nắng nóng và sinh hoạt không thoải mái như ở nhà nhưng tôi không bị chi phối tâm.
Đây là lần đâu tiên tôi cảm nhận sự an lạc bên trong nội tâm mà từ trước đến nay tôi chưa bao giờ có sự trải nghiệm như vậy. Thực sự có một con đường có thể giúp mình vắng mặt khổ đau đó là con đường Bát Chánh đạo còn con đường đang sống là con đường Bát tà đạo có nhiều khổ đau đưa đến luân hồi sinh tử. Chỉ cần thực hành Tứ niệm xứ tạo nhân duyên cho Chánh niệm khởi lên là lộ trình tâm sẽ tự động khởi lên trên Bát chánh đạo sẽ có: Chánh tinh tấn, Chánh tư duy, Chánh kiến, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Trên Bát chánh đạo sẽ có Không giải thoát (chánh niệm-tỉnh giác), Vô tướng giải thoát (chánh kiến) và Vô tác giải thoát (giới tròn đủ) – an lạc sẽ có mặt. Hiểu biết về Tứ Thánh Đế – Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) và Lý Duyên khởi bắt đầu được hình thành một cách có logic. Bây giờ bắt đầu hiểu: 5 uẩn không phải là khổ mà 5 thủ uẩn mới là khổ (Kinh chuyển pháp luân).
Thỉnh thoảng trong tâm có khởi lên: nếu như cuộc sống lúc nào cũng như thế này thì có phải rất tốt không nhỉ? Nhưng đến lúc bắt đầu cảm nhận được sự thực hành có kết quả thì cũng là lúc kết thúc khóa tu và phải trở về với cuộc sống.
Do thời gian tu tập 10 ngày là không nhiều và cả Văn – Tư – Tu còn rất ít nên khi trở về cuộc sống tôi thực hiện được rất ít. Kể cả 2 thời khóa sáng và tối cũng không duy trì được đều đặn. Những lúc trong công việc và cuộc sống vẫn thường bị quên thân. Chỉ có lúc lái xe là lúc tốt nhất tôi bật ghi âm và nghe trên xe. Khi ấy là lúc tôi thực hành chánh niệm được tốt nhất. Tuy phiền não trong cuộc sống và công việc còn nhiều nhưng so với trước đây đã giảm đáng kể. Hiệu quả công việc cũng ngày càng tốt hơn nhất là trong việc xử lý các mối quan hệ và cách sắp xếp các công việc.
Thời gian đọc sách Phật pháp và tìm hiểu kinh điển bắt đầu nhiều hơn. Bất kỳ thời gian nào rảnh là đọc và tham khảo. Bắt đầu dành thời gian gặp gỡ người tu nhiều hơn. Lên mạng tìm hiểu về Phật pháp nhiều hơn. Một số thói quen xấu như uống rượu và nóng tính, chỉ trích cũng giảm dần. Đặc biệt mối quan hệ trong gia đình và các đồng nghiệp ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực nhất là bớt tham và sân.
HÀNH TRÌNH TU TẬP GIAN NAN
Sau khi trở về từ khóa tu 10 ngày tôi đã bắt đầu hình thành thói quen tu tập và có sự tinh tấn nhất định, từ hiểu biết tu tập Bát chánh đạo là thực hành chỉ diễn ra trong thời khóa của khoá tu cho đến hiểu biết tu tập Bát chánh đạo là thực hành mọi nơi mọi lúc, từ lúc thức dậy cho tới khi đi ngủ và trở thành một lối sống lành mạnh – Một lối sống “vắng mặt khổ đau” . Thực hành Bát Chánh Đạo chính là con đường đến lối sống đó như lời bản kinh Nhất dạ hiền giả và nhiều bản kinh đã nêu.
Năm 2015-2016 là dịp tăng thêm nhân duyên khi đạo hữu Phạm Thanh Nam và Nguyễn Thị Anh Thư cùng gia đình ông bà Bình Thức ở Phù Mã – Phù Linh – Sóc Sơn – Hà Nội sau một thời gian cũng vượt qua nhiều chướng ngại lộ trình tu cũ trước đây để quyết tâm tu tập Bát Chánh Đạo do vậy đã thỉnh Sư Nguyên Tuệ ra hướng dẫn tu tập nhiều khóa tại nhà cho một nhóm cư sĩ.
Trong thời gian này tôi vẫn còn vướng bận rất nhiều công việc chưa thu xếp xong nên mỗi khóa chỉ tham gia được 1 vài ngày không liên tục nhưng đều tự thực hành và nghe bài giảng ghi âm đầy đủ từng khóa và nghe đi nghe lại nhiều lần, đồng thời đọc kỹ các cuốn sách sư đã xuất bản như: Bát Chánh đạo con đường vắng mặt khổ đau, Pháp hành