Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 obstacle-content

 Chướng ngại không nhất thiết là điều ta phải tránh. Khi ta biết cách đối trị, chính chướng ngại lại trở thành con đường tu của chúng ta. Trong bài sau đây, đại sư Sakyong Mipham Rinpoche đã liệt kê những loại chướng ngại khác nhau mà chúng ta thường gặp phải và chỉ ra những phương cách thích hợp để đối trị.

 

 Dù ở trình độ tu tập như thế nào, luôn luôn chúng ta sẽ có những chướng ngại. Tiếng Tây Tạng gọi chướng ngại là parche, có nghĩa là "cái cắt ngang sự tiến bộ". Thực ra, càng tu tập nhiều, chướng ngại càng lớn hơn, nhưng nếu chúng ta hiểu rằng chướng ngại là một phần của con đường tu thì ta có thể học hỏi từ đó. Chướng ngại có thể là những thông điệp nhắn gởi, báo hiệu cho ta thấy cần phải thức tỉnh và nhìn lại những gì đang xẩy ra. Trên một bình diện sâu xa hơn, ta có thể xem chướng ngại là một phần không thể thiếu trong cuộc hành trình của chúng ta.

 Chướng ngại có thể đến từ bên ngoài, bên trong, hay tiềm ẩn. Chướng ngại bên ngoài là bất cứ những gì trong ngoại cảnh làm ta phân tán tâm trong tiến trình tu tập. Ví dụ như, bận rộn quá cũng là một trở ngại trong việc tu tập. Gánh vác quá nhiều việc nhà cũng ngăn trở sự tu tập. Giải trí cũng là một chướng ngại: một sở thích có thể chiếm hết thì giờ của ta , và đột nhiên ta thấy mình không còn muốn tu tập nữa. Trong một bình diện tinh tế hơn, trí óc ta luôn tìm kiếm phẩm chất tốt đẹp trong những trò giải trí của mình, và điều đó chắc chắn cũng là một chướng ngại.

 Chướng ngại bên trong có liên quan đến quá trình tu tập của chúng ta, trong đó thông thường nhất là kiến chấp, hay sở tri chướng. Sự chấp trước vào một quan niệm hay ý kiến nào đó có thể khiến ta đi lạc hướng trên con đường tâm linh của mình. Một chướng ngại bên trong khác là tâm vọng động không ngừng những khởi niệm lăng xăng, khiến ta mất sự tập trung và năng lực bị hao tán. Một loại chướng ngại khác là có quá nhiều xúc động. Nếu ta bị lôi cuốn theo những cảm xúc nóng giận, hận thù, ghen ghét, tham cầu hay dục vọng, sự tu tập của ta sẽ bị trở ngại.

 

 Chướng ngại tiềm ẩn có liên quan đến kiến giải của chúng ta, như là những nghi hoặc về con đường tu, hoặc thiếu sự tin tưởng nơi Pháp. Rõ ràng là khi chúng ta nghi ngờ thì khó mà tu tập, và dù cho ta có ngồi thiền đi nữa cũng không thể tiến triển được gì. Ta xem việc tu tập như là thứ yếu trong những hoạt động hàng ngày, và sự phát triển tâm linh của ta càng ngày càng rời rạc hơn. Thế rồi con đường tu cũng chấm dứt, và chúng ta đi theo con đường thế gian. Chúng ta mất đi tinh thần kỷ luật bản thân, tính hài hước và sự sảng khoái. Giải trừ những chướng ngại cản trở chánh kiến và sự phát triển niềm tin vững chắc là sự đối trị với chính mình trong phương diện tiềm ẩn.

 

 Nói chung, những chướng ngại đều có liên hệ đến nghiệp và duyên (hay điều kiện). Đặc biệt, những chướng ngại phát sinh từ những điều kiện trong môi trường sống của chúng ta là những chướng ngại liên quan đến những thói quen của thân khẩu ý tạo tác thành nghiệp. Thân chướng có thể đưa đến hoàn cảnh xấu nhất là giết người hay làm tổn hại đến người khác. Khẩu chướng là những lời nói xấu ác tạo nên những điều kiện tiêu cực. Ý chướng xẩy ra khi trong tâm ta khởi lên một trạng thái không lành mạnh, như là lòng ham muốn quá độ hoặc là ghét bỏ một người nào đó. Từ những hành động bất thiện này, chướng ngại sẽ sinh sôi nẩy nở. Những gì chúng ta nói hay làm đều tạo nên một năng lượng, một tần số chiêu cảm chướng ngại đến với ta.

 

 Phương thuốc gì có thể giải trừ những điều kiện gây ra chướng ngại? Trên mọi trình độ, phương thuốc giải trừ căn bản vẫn là một tâm tỉnh giác. Một Phật tử có lần bị xe đụng đã hỏi cha tôi là đại sư Chogyam Trungpa Rinpoche rằng, tại sao tai nạn ấy lại xẩy ra? Ông ta tưởng là có một nghiệp gì trong quá khứ đã khiến cho tai nạn ấy xẩy ra. Nhưng thật ngạc nhiên cho ông ta, cha tôi lại trả lời đó là chỉ vì ông không có sự tỉnh giác!

 

 Đối với những vấn đề thực tế, ta có thể dễ dàng tỉnh giác, như khi qua đường phải cẩn thận nhìn hai bên, nhưng sự tỉnh giác không chỉ là sự chú ý thông thường mà còn vượt lên trên đó để trở thành sự thấy biết và quan sát chính mình. Tốc độ nhanh là kẻ thù của sự tỉnh giác; nó làm ta quên đi không nhìn những gì đang xẩy ra. Khi ta kiêu ngạo và vô cảm, tự mãn với những gì thuộc về thân, khẩu, ý của mình, thì chướng ngại sẽ sinh ra. Thế rồi ta không hiểu được tại sao mọi chuyện lại xẩy ra như vậy. Dù đang tu tập ở bất cứ trình độ nào, ta cũng phải chú ý đến cuộc đời của mình và quán chiếu nó một cách rõ ràng.

 

 Phương thuốc giải trừ nội chướng là công phu tu tập. Trong sự thực tập an trú, chúng ta dùng giây phút hiện tại như điểm then chốt liên hệ với tâm để vượt qua những tạp niệm lăng xăng. Hướng tâm trở về với hơi thở là cách thực tập để có chánh niệm và sự tỉnh giác. Nếu có cảm xúc mạnh gây chướng ngại, ta có thể dùng hai cách để đối trị. Nếu đã luyện tập được tới mức chỉ cần theo dõi hơi thở và buông mọi vọng niệm cảm xúc, thì nên làm điều đó. Cách thứ hai là dùng pháp "quán" để phân tích, xem xét lại cảm xúc của mình. Ta bắt đầu tìm hiểu, điều tra cảm xúc ấy, tự hỏi mình "Tại sao ta lại ghen ghét như vậy? Cái gì làm ta cảm thấy thế này?" Trong khi xem xét những lý do đã đưa đến cảm xúc ấy, và làm thế nào chúng đã gây nên sự đau khổ, lo lắng cho mình, ta sẽ tách rời khỏi chúng được. Đó cũng là phương pháp để giúp ta có được chánh niệm và sự tỉnh giác.

 

 Sự giải đãi, hay lười biếng, cũng là một chướng ngại lớn cần phải chú ý đến. Sự lười biếng có thể ngăn cản cho ta không bao giờ thực tập tọa thiền được. Sự giải đãi cũng biểu hiện qua tâm lý tự kỷ thấy mình lúc nào cũng bận rộn, hay trong một chiều hướng ngược lại, cảm thấy chán nản không muốn làm gì cả. Và dù cho ta có ngồi xuống thực tập thiền, nó cũng ngăn trở không cho ta gặt hái được kết quả theo đúng cách. Sự giải đãi có thể xẩy ra trong bất cứ trình độ nào, và luôn liên quan đến kiến giải của bản thân. Phương thuốc giải trừ là tạo sự hứng khởi. Có nghĩa là ta phải bắt đầu lại từ đầu.

 

 Để có một khởi sự mới mẻ trở lại, ta không thể suy nghĩ huớng về phía trước, mà phải quay trở về phía sau, gợi nhớ lại điều gì đầu tiên đã gây cho ta sự hứng khởi để tu tập, xem xét lại ý nghĩa thế nào là một hành giả tu tập. Khơi lại niềm hứng khởi cũng có nghĩa là ta liên kết lại được với tình thương, với Bồ Đề Tâm, hay tâm giác ngộ. Khi ta dấy lên được tình thương và lòng từ bi mẫn cảm, ta sẽ an trụ được niềm tin nơi sự tu tập thiền của mình. Kết quả là, ta sẽ sáng tỏ được mục tiêu và sự dấn thân của mình, và vượt qua sự giải đãi của bản thân. Thế rồi, trên một bình diện sâu xa hơn, ta còn có thể dùng phương thuốc giải này để an trú một cách tự nhiên nơi bản chất nguyên sơ của tâm.

 

 Làm việc để giải trừ chướng ngại từ ngoài, từ trong và ở trình độ tiềm ẩn cho ta cơ hội để học hỏi từ đó. Khi áp dụng những phương thuốc giải trừ, sự tu tập của ta có thể sâu xa hơn và giúp ta tiến triển nhiều hơn trên con đường đi đến giác ngộ. Với chánh niệm, sự tỉnh giác, và kiến giải vững chắc, ta có thể tìm được mục tiêu trong sự tu tập của mình và có niềm tin sâu xa nơi con đường tu ấy. Những yếu tố tốt đẹp này đem lại sự an lạc và mãn nguyện với tất cả những gì ta đang làm. Điều đó cũng khiến ta có thể kết hợp tất cả mọi sự trong việc tu tập của mình, ngay cả những vấn đề trong gia đình và công việc nữa. Nếu ta có thể giữ cho tâm mình luôn luôn tu tập, thì những việc mang nặng tính thế gian trong đời sống không còn là chướng ngại đối với ta nữa.

 

 Một vài hành giả nổi tiếng đã tuyên bố rằng chướng ngại chính là con đường tu của họ. Đó là một cách lý giải khá lạ thường trong sự tu tập - là lấy làm thích thú với những trở ngại và khó khăn. Hầu hết chúng ta phải luyện tập cho tâm mình được vững chắc trước khi có thể nói là, "Đem chướng ngại đến đây!" Chúng ta phải tập phát triển quán chiếu những kinh nghiệm và cảm xúc của mình trước khi có thể siêu vượt chúng lên bằng phương pháp như vậy. 

 

 Tu tập đều đặn, gieo trồng sự bình an và tình thương nơi tâm hồn, và làm mới lại niềm hứng khởi của mình là những yếu tố then chốt trong việc làm giải trừ chướng ngại. Qua từng bước một, phương pháp này sẽ dần dần tạo dựng được cho ta một tâm bình đẳng. Những dấu hiệu gì cho ta thấy là đã có tiến bộ? Đó là thân, khẩu, ý, của ta đều trở nên nhẹ nhàng hơn. Có những lúc ta có thể chịu đựng được những khó khăn, mà không có một lời than phiền. Ta còn có thể bắt đầu đón nhận chướng ngại như là cơ duyên để tập những hạnh lành như: lòng kiên nhẫn, độ lượng, tinh thần kỷ luật, thiền định, tinh tấn, và yếu tố nối kết những hạnh đó -Trí Tuệ thấy biết mọi việc đều là Như Thị. Qua sự tu tập và thay đổi thái độ, những gì đến với chúng ta - dù tốt dù xấu - sẽ đều giảm bớt cản lực gây chướng ngại cho chúng ta trên con đường tu tập.

----------

 Sakyong Mipham Rinpoche là một lãnh tụ tâm linh của tổ chức Shambala, một mạng lưới quốc tế của những trung tâm tu thiền và nhập thất của Phật giáo. Ông cũng là tác giả của quyển "Biến tâm thành một đồng minh" (Turn mind into an Ally) và "Thống trị thế giới" (Ruling the world).

 

Diệu Huyền trích dịch

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm