Cô nhớ ngày xưa có đọc một chuyện vui vui, tóm lại như vầy:
Một anh tới một cơ sở tìm bạn, tới cửa thứ 1, có 2 ngõ: trung bình và trẻ đẹp. Anh mạnh dạn đẩy cửa bên trẻ đẹp bước vào. Tới cánh cửa thứ 2, trung bình và giàu sang. Anh chọn giàu sang. Vào tới cánh cửa thứ 3, trung bình và có đức hạnh. Anh chọn có đức hạnh. Anh bước vào bên trong, chỉ thấy có 1 tấm gương lớn, soi từ đầu tới chân, với hàng chữ lớn: <Này anh bạn. Hãy nhìn lại người ngợm của anh đi!!!>
Chuyện vui, muốn người kia phải hoàn hão, còn mình ra sao thì không biết. Bởi vậy, Phật và Tổ luôn nhắc nhở mình: hãy nhìn lại mình, thấy rõ cái tâm của mình ra sao để mà sửa, đó cũng là hạnh sám hối và hạnh tàm quý.
Trong bài Đại kinh Xóm Ngựa, phương thức “chú tâm cảnh giác” cũng dạy: cả ngày cả đêm, luôn cảnh giác, không cho tâm mình khởi lên những pháp ác, hay bất thiện. Trong bài kinh “An trú tầm” và bài kinh “Song tầm”, dạy:
Nếu khởi lên một ý nghĩ ác, mình phải khởi lên một ý nghĩ thiện để dập tắt ý nghĩ ác. Thí dụ, một ý tham, thì mình khởi lên <vô tham>, một ý sân, thì khởi lên <vô sân> v.v...
Chư Tổ cũng nhắc nhở: <Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc>. Có nghĩa là chư Tổ dạy người tu luôn soi chiếu nhìn lại chính mình bằng trí tuệ. Kho báu trí tuệ của mình không do người khác, không ở bên ngoài, mà có.
Hơn nữa, khi chúng ta luôn quay lại nhìn tâm mình, thì làm sao còn để ý tới người khác đúng sai nữa. Vậy là tránh được ý nghiệp xấu, khẩu nghiệp xấu và thân nghiệp xấu luôn. Tránh làm cho người khác đau khổ vì những hành động, lời nói bừa bãi vô ích của mình.
Con người thường ai cũng có tốt và có xấu. Tốt là mình nói ai cũng có Phật tánh, khả năng khai mở trí tuệ thiện lành của mình. Xấu là mình nói vì sao mình còn tái sanh? là vì còn lậu hoặc, còn nghiệp. Nếu mình cứ khăng khăng là người nầy tốt hay xấu, phải hay trái, là mình chủ quan, có thành kiến, là cái thấy không có trí tuệ. Cho nên khi phán đoán người này phải, người kia trái, trong nhà Phật gọi chung là chuyện thị phi. Là phiếm luận. Là tâm đời.
Cho nên cái tâm của mình ra sao, là mình nhìn người khác như thế đó.
Các em có nhớ chuyện vui của ông thi hào Tô Đông Pha không? Ông Tô Đông Pha giỏi văn chương thi phú, làm quan to, có một người bạn thân là ông thiền sư Phật Ấn. Thường khi bàn luận, đều là chịu thua ngài Phật Ấn. Một hôm, ông Tô Đông Pha hỏi ngài Phật Ấn:
- Ngài thấy tôi ra sao?
Ngài Phật Ấn vui vẻ trả lời:
- Tôi thấy ông như một vị Phật.
Ông Tô Đông Pha mừng quá. Ngài Phật Ấn mới hỏi lại:
- Còn ông thấy tôi ra sao?
Ông Tô Đông Pha được dịp trả đủa:
- Tôi thấy ngài như một đống phân bò!
Ngài Phật Ấn chỉ tủm tỉm cười yên lặng.
Sau khi từ giả ra về, đến nhà, cô em gái là Tô tiểu muội, hỏi anh:
- Hôm nay anh đến gặp ngài Phật Ấn, có chuyện gì vui?
Ông Tô Đông Pha vui vẻ kể lại câu chuyện đối đáp và kết luận:
- Hôm nay ta nói một câu, ngài Phật Ấn im lặng, không trả lời được.
Cô Tô tiểu muội mới nói:
- Anh thua rồi! Tâm của ông thiền sư là tâm Phật mới nhìn anh như nhìn một vị Phật.
Câu chuyện vui vui này cũng nhắc nhở mình: <khi nhìn thấy lỗi của người khác, là lỗi của mình đã đến một bên>, như trong Pháp bảo đàn kinh, ngài Huệ Năng dạy.
Đây cũng là một phương thức tu quan trọng, chúng ta không nên coi thường. Không cần phải đạt tầng định này định kia, mà lại phạm vào những lỗi lầm:
+ nhìn lỗi người, không thấy lỗi mình.
+ chê người này người kia, tức là khen mình đúng.
+ ném đá giấu tay, đem chuyện người này nói cho người kia, để mong gây chia rẻ, xáo trộn.
Hi vọng chúng ta cẩn thận, tu từ từ, trên nền tảng chắc chắn, theo Phật và Tổ dạy: xét lại cái tâm của mình, có tham hay không, có mong muốn đạt cái gì, có nghĩ xấu ác cho ai không?
Khi tâm mình tương đối lành thiện rồi, không dính mắc chuyện người khác, có được an lạc, thì nó sẽ tự dừng. Đó là Định. Có cần phải tìm kiếm bon chen vội vã không?
Thích Nữ Triệt Như
Tổ Đình
1- 6- 2020