Thầy Thích Không Triệt
CẢM TẠ
Các tác giả bài này mong muốn bày tỏ lòng tri ân Thiền Sư Thích Thông Triệt đã dẫn dắt và truyền Phật pháp cho chúng tôi. Các sách và bài viết của Thầy đã là động cơ thúc đẩy chúng tôi viết bài này. Chúng tôi tri ân Thầy đã đọc bài này và giúp chúng tôi ý kiến để bài này được hoàn hảo hơn.
Chúng tôi cũng cảm ơn thiền sinh Như Lưu đã dịch bài này ra Việt Ngữ. Nhờ vậy mà Thầy Thích Không Đăng đã đọc được bản dịch cho Thiền Sư Thích Thông Triệt nghe, và do đó Thầy Thích Thông Triệt đã góp ý được cho chúng tôi.
Sau cùng, chúng tôi xin cảm tạ tăng đoàn và thiền sinh Thiền Tánh Không đã hỗ trợ việc biên sọan bài viết này.
Chúng tôi chân thành cáo lỗi cùng quý bạn đọc nếu bài viết có điểm gì sai lầm và chúng tôi hoan hỷ đón nhận mọi ý kiến cải thiện.
DẪN NHẬP
Các tác giả đã trình bày nội dung bài viết này trong nhiều buổi nói và chia xẻ Pháp với nhiều nhóm người tại Honolulu, Hawaii và Việt Nam. Dù bài này viết bằng Anh Ngữ, nhưng nội dung đã được chúng tôi trình bày bằng Anh Ngữ và Việt Ngữ, tùy theo cử tọa. Trong bài này, chúng tôi mong muốn trình bày những điều có thể coi là cốt lõi của Phật pháp. Những điều này cũng rất cần thiết để chúng ta hiểu những điểm căn bản của giáo lý mà Đức Phật đã để lại cho nhân loại. Đó là Tứ Diệu Đế, Bát Chính Đạo tức con đường thoát khổ, Quy Luật Vô Thường, Lý Duyên Khởi và sự hiện thực của Vô Ngã.
Chủ đề của bài này là cái ta và sự liên hệ giữa cái ta và đau khổ. Hai điểm này thường không được xếp cùng với nhau, nhưng chúng tôi sẽ trình bày sự hình thành của cái ta, và song song là sự hình thành của khổ. Trong bài này chúng tôi đã bắt buộc phải dùng ngôn ngữ, tuy chúng tôi hiểu rằng con đường mà chúng ta phải noi theo để khám phá ra sự thực phải vượt ra ngoài phạm vi của ngôn ngữ và phải được chứng nghiệm.
Cái ta phàm phu được hình thành qua các giao tế xã hội mà ta có từ lúc sinh ra, cộng với tự ngã mà chúng ta mang theo từ các kiếp trước. Do đó cái ta được sinh ra và có tính chất vô thường, nó cũng là một hiện tượng thế gian lúc nào cũng thay đổi và huyễn hóa. Còn tự ngã được hình thành qua hành động và thuộc di sản nghiệp mà chúng ta mang theo từ đời này sang đời khác. Cái ta và tự ngã hợp thành ý niệm của ta về ta, và cách chúng ta kinh nghiệm cuộc đời này ra sao. Cuộc sống của ta trong cuộc đời này và các cuộc đời trước gặp nhiều thách đố, trở ngại và giới hạn khiến ta không được những gì mong muốn, do đó gây nên bất mãn, bất toại nguyện, không hạnh phúc v.v., đó là những gì được gọi chung là khổ. Khổ do đó có liên hệ với cái ta phàm phu và tự ngã, nó cũng không thường hằng và không nội tại trong chân tánh của chúng ta. Khi chúng ta nhận ra điều này, ta có thể rũ bỏ các trói buộc của cái ta và tự ngã để thoát khổ. 26 thế kỷ về trước, Đức Phật đã dạy chúng ta làm sao đạt được điều này.
CÁI TA LÀ GÌ, KHÁI NIỆM VỀ TA
Cái “Ta phàm phu” có thể gọi một cách chính xác hơn là “khái niệm về ta”. Nó là con người mà chúng ta nghĩ hay cảm nhận ta là trong cuộc đời này, dựa trên những kinh nghiệm giao tế với những người ta liên hệ, tức là qua các mối tương quan xã hội. Đây là một tiến trình khởi sự lúc sinh ra và tiếp nối suốt cuộc đời. Khái niệm về ta bắt đầu như tờ giấy trắng khi ta sinh ra. Đứa trẻ khi sinh ra không cảm thấy là nó riêng biệt với bà mẹ. Nhưng không lâu sau, nó bắt đầu nhận ra là nó riêng biệt và các nhu cầu của nó không được đáp ứng một cách tự động. Nó cảm thấy đói và khóc lên để được cho ăn. Kinh nghiệm đói là một sự khổ, một cảm nhận thiếu thốn, đòi hỏi, bất toại nguyện với tình cảnh hiện tại. Nếu cơn đói được đáp ứng bởi một bà mẹ hay người nuôi nhiều chăm chú và thương yêu hoặc bởi một bà mẹ hay người nuôi không chăm chú và bất mãn, thì đứa trẻ biết là nó được thương và do đó xứng đáng được thương hay không được thương và do đó không đáng được thương. Ngay khi còn là một trẻ sơ sinh, ta đã bắt đầu có khái niệm ta là ai, như một con người biệt lập sống trong thế giới này. Cảm nhận ta là ai ảnh hưởng cách chúng ta liên hệ với người khác, hoặc với lòng thương yêu hoặc với sự bất mãn. Điều này lại ảnh hưởng cách người khác đối xử với ta, và từ đó tiến trình dai dẳng thiết lập khái niệm về ta bắt đầu.
Mỗi người mà ta tiếp xúc cho ta một cảm nhận mới về cá nhân của ta dựa trên cách họ giao tế với ta. Do đó, cái “ta” thay đổi và thực sự chỉ là một ý hay một khái niệm ta thực sự là ai, vì nó dựa trên những gì ta cảm nhận về thái độ của người khác đối với ta. Ông George Herbert Mead dùng chữ tiếng Anh “me” để gọi cái nhìn khách quan này về ta. Đôi khi ta cảm thấy cách người khác đối xử với ta không khế hợp với quan niệm của ta về ta, và do đó ta chối bỏ hay chống trả không chấp nhận. Phản ứng chối bỏ hay chấp nhận cách mà người khác nhìn ta (tức là cái “me” tiếng Anh) là khía cạnh chủ quan của cái ta, cũng có thể gọi là cái “I” (tiếng Anh). Khi còn là trẻ thơ, ta chấp nhận một cách tự động và có khi vô ý thức thái độ của người khác đối với ta. Khi được người khác thương yêu và chấp nhận thì ta cảm thấy thoải mái với chính mình và nghĩ là mình xứng đáng được sự thương yêu và chấp nhận kia. Ngược lại, khi không được người khác thương yêu hay bị chối bỏ thì ta nghĩ là không xứng đáng hay thiếu xót gì đó hay bị hư hỏng gì đó. Khi chúng ta lớn hơn, ta (tức là cái “I” tiếng Anh) đáp lại cái nhìn của người khác bằng cách chấp nhận hay chối bỏ. Tổng số các giao tế này tích tụ lại thành một ý hay khái niệm ta là ai, ta có khả năng gì, ta xứng đáng ra sao, người khác nhìn ta như thế nào, và ta nhìn ta như thế nào. Khái niệm này luôn luôn thay đổi từ lúc sơ sinh cho tới khi già nua. Khái niệm về ta này có tính chất vô thường và chỉ hiện hữu trong tâm, ký ức và xúc cảm của ta như là cái nhìn của ta về chính ta và về người khác. Nó cho ta biết là thế giới bên ngoài thân thiện hay nguy hiểm, và ta phải liên hệ và đối phó với nó như thế nào. Khái niệm về ta liên hệ đến kinh nghiệm sống của ta trong cuộc đời này, tuy rằng Đức Phật cũng có dạy là ta cũng có kinh nghiệm sống nhiều đời trong quá khứ.
Cái “ta phàm phu” là sản phẩm luôn thay đổi của những giao tế của ta với người khác trong những vai trò mà ta đóng trong những nhóm mà ta tham gia trong cuộc đời này. Nhóm đầu tiên là cha mẹ chúng ta, và vai trò của ta trong đó là con sơ sinh. Khi chúng ta biết là ta có anh, chị, em thì ta có thêm một vai trò nữa là anh-chị-em. Lúc đó, cái ta bao gồm thêm các giao tế với những cá nhân khác trong gia đình và cách ta diễn dịch các giao tế này trong tâm ta, và từ đó nảy sinh một ý niệm phức tạp hơn về ta là ai. Ý niệm ta là ai này sau đó trở nên yếu đi khi ta bắt đầu giao tế với bạn bè, các học sinh khác và thầy cô trong trường. Khi chúng ta lớn hơn, ta tham gia vào nhiều nhóm khác và ta đóng nhiều vai trò khác nữa, do đó sự phức tạp của khái niệm về ta tăng thêm. Có nhóm có nhiều ảnh hưởng trên khái niệm về ta hơn những nhóm khác, vì chúng ta tham gia trong đó tích cực hơn. Có nhóm, tỷ dụ như gia đình, có tính cách thường hằng hơn nhóm khác, tỷ dụ như khi ta chỉ là một người mua hàng trong một tiệm bán thưc phẩm. Đương nhiên là các nhóm thường hằng hơn và quan trọng hơn có ảnh hưởng sâu đậm hơn trên khái niệm về ta.
NHỮNG VAI TRÒ MÀ CHÚNG TA ĐÓNG TRONG MỘT ĐỜI NGƯỜI
GHI CHÚ: Các vai trò quan trọng ở mỗi lứa tuổi được viết với chữ cái. Một người có thể có thêm nhiều vai trò khác. Có những vai trò quan trọng, có những vai trò chỉ ngắn hạn, tùy lứa tuổi. Mỗi cá nhân có một số vai trò cá biệt ở mỗi lứa tuổi. Những gì chúng tôi ghi trên đây là những vai trò thông thường nhất.
Chúng ta mang theo khái niệm về ta khi giao tế trong mỗi nhóm, do đó có cảm nhận cái ta này là thực mà ít khi nhận ra rằng nó chỉ là một tập hợp luôn luôn thay đổi của những giao tế mà ta kinh nghiệm khi ta đóng các vai trò ở một thời điểm nào đó. Các vai trò này thay đổi luôn luôn, chúng nhiều hơn hay ít đi tùy giai đọan trong cuộc đời, ít ở đầu đời và cuối đời và nhiều vào khoảng giữa. Khi chúng ta bắt đầu trưởng thành và bước vào tuổi trung niên, thì số vai trò lớn nhất và phức tạp nhất. Mức độ phức tạp của các giao tế của ta trong các nhóm ta tham gia quả thực là một điều đáng kinh ngạc. Do đó chúng ta không lấy làm lạ nếu đôi khi có những xung đột bên ngoài hay bên trong nội tâm xảy ra, bởi lẽ các nhóm mà ta tham gia chờ đợi những điều khác nhau nơi các thành viên. Sự chờ đợi này có khi được nói ra rõ ràng nhưng cũng có khi chỉ hiểu ngầm, và cũng có thể mâu thuẫn lẫn nhau. Các chờ đợi này thay đổi theo thời gian và theo các tình huống mà nhóm gặp phải. Do đó, thay đổi luôn luôn có mặt, và điều này có thể thách đố ta hoặc làm ta khó chịu. Ta kinh nghiệm những thăng trầm trong quan hệ của ta với các nhóm mà ta tham gia. Phật pháp nói về khổ, là một điều mà chúng tôi sẽ khai triển thêm ở phần sau bài này. Ở đây chúng ta có thể nhận ra là vai trò mà ta đóng trong những nhóm mà ta tham gia trong đời tạo nên nơi ta một khái niệm về ta nhưng cũng là nguồn gốc của không ít điều không thoải mái, bất toại nguyện, không hạnh phúc mà ta có thể gọi chung là khổ. Tuy những giao tế này đôi lúc có mang lại chút ít hạnh phúc và toại nguyện, nhưng chúng luôn luôn thay đổi và do đó hạnh phúc có thể biến đi và bị thay thế bởi buồn khổ và thất vọng.
TỰ NGÃ
Phật pháp định nghĩa “tự ngã” khác với nhà phân tâm học nổi danh Sigmund Freud. Ông Freud cho rằng tự ngã (ego) là trung gian giữa phần thấp con người là bản năng (id) và một phần cao thượng là lương tâm (conscience), giúp ta cân bằng hai phần tâm (mind) và hồn (psyche). Gần đây hơn các nhà tâm lý học coi tự ngã là một dụng cụ quan trọng giúp con người đáp ứng với hoàn cảnh xã hội. Họ cho rằng những người có tự ngã mạnh và tốt có “trọng điểm quyền lực ở bên trong”, tức là có tinh thần tự lập và tự chủ, và có quan hệ tốt với chính mình. Trong khi đó, người có tự ngã yếu dễ bị người khác ảnh hưởng và lung lay vì họ có “trọng điểm quyền lực ở bên ngoài”, tức là họ có thể quá tuân phục quy ước xã hội, hoặc ngược lại họ bất chấp quy luật xã hội và có thể theo con đường phạm pháp. Có nhà tâm lý học cũng cho rằng những người có hành động phản xã hội thường là những người có tự ngã yếu hoặc thiếu tinh thần tự trọng. Do đó họ cho rằng trẻ em nên được khích lệ và nên có nhiều giao tế với người khác để chúng phát triển tinh thần tự hào và tự tin và từ đó tinh thần tự trọng (tức là có một hình ảnh tốt về tự ngã của mình), và một tự ngã mạnh và chắc chắn.
Trong khi đó, Phật Giáo thì coi tự ngã là thuộc tâm phàm phu và có nhiều điểm tương đồng với cái mà chúng tôi gọi là “cái ta” ở phần trên. Tư Ngã là khía cạnh chủ quan của cái ta (“I” tiếng Anh). Nó bao gồm nghiệp mà ta mang theo từ các kiếp trước và ảnh hưởng cách ta cảm nhận và cư xử trong kiếp này. Đó là lý do vì sao có người có hành vi không khế hợp với cách họ được nuôi nấng hay nếp sống của họ trong kiếp này. Nghiệp ảnh hưởng cảm nhận và hành vi của ta, và ảnh hưởng này đa phần là vô thức, vì ta không biết tại sao ta lại cảm nhận một cách nào đó về sự việc, hoặc tại sao ta lại cảm nhận hay phản ứng một cách nào đó đối với chính ta và với người khác. Tự ngã tạo tinh thần cách biệt và khác biệt giữa ta và người khác. Đó là lý do vì sao tự ngã khiến ta cảm thấy tự hào và độc nhất, và tại sao nó muốn bảo vệ ta chống lại những thái độ và hành động mà nó không thích hay cho là đe dọa. Nó khởi lên sự tức giận để bảo vệ cái ta (cái ta khách quan) khi ta sợ hãi; nó khởi lên lòng tham khi cảm thấy có nhu cầu; nó khởi lên hành động và xúc cảm để đền bù cảm nhận thua kém, hoặc thiếu xót những gì được coi là cần (tức là những gì ta dính mắc). Do đó, tự ngã là thủ phạm của nhiều khổ đau trên đời này, khổ do dính mắc vào thói quen cũ (kể cả các thói quen từ các kiếp trước), khổ vì sợ hãi và lo lắng cho tương lai, khổ vì ước mơ không thành, khổ vì những thất vọng, hay khổ vì hối hận là trong quá khứ ta đã có hành vi sa đọa, bất thiện hay phá hoại. Dính mắc vào hiện tượng thế gian là lý do tại sao chúng ta tiếp tục luân hồi sinh tử. Trong phần còn lại của bài này khi chúng tôi nói về cái “ta”, chúng tôi gom chung cả hai ý niệm “khái niệm về ta” và “tự ngã”.
Sự trống rỗng của cái TA
Vì cái ta được hình thành do nhiều nhân duyên, nó thay đổi và bị diệt khi các nhân duyên thay đổi hay chấm dứt. Đây là đề tài của bài giảng của Đức Phật về quy luật nhân quả, mà Thiền Sư Thích Thông Triệt đã giải thích như sau:
“Lý Duyên Khởi trở nên một phần cốt lõi trong giáo lý của Đức Phật và xuất hiện trong nhiều bài kinh dưới tên Mười Hai Duyên Khởi hay Mười Hai Nhân Duyên. Đức Phật tóm tắt qua bốn câu:”
“Cái này có cái kia có
Cái này sinh, cái kia sinh
Cái này không cái kia không
Cái nài diệt, cái kia diệt”
Do đó cái ta chỉ là một khái niệm và không có hiện hữu riêng biệt. Cũng có nghĩa là nó rỗng không, huyễn hóa và vô thường. Cái ta là sản phẩm của tự ngã và tâm phàm phu. Nếu quý vị hỏi một người mô tả họ là ai ở một thời điểm nào đó, thì vị đó sẽ mô tả một cách khác hơn là ở một thời điểm khác. Vậy có một “cái ta thường hằng và chân thực” không? Trong Phật Giáo Phát Triển, hệ Bát Nhã gọi là “Tự Ngã Hoàn Toàn Thanh Tịnh”, Ngài Long Thọ (thế kỷ thứ ba) gọi là Chân Ngã, và Ngài Thế Thân (thế kỷ thứ năm) gọi là Phật Tánh (Buddhata).
Thiền Sư Thích Thông Triệt cũng giải thích là sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài quyết định đi giáo hóa. Bài pháp đầu tiên mà Ngài giảng là bài Tứ Diệu Đế (khổ đế, tập đế , diệt đế, và đạo đế tức là Bát Chính Đạo). Bài kinh này bắt đầu việc chuyển bánh xe Chánh Pháp. “Đức Phật giảng bài kinh Vô Ngã Tướng sau khi thành đạo. Ngài giảng cho nhóm năm vị tu khổ hạnh do ngài Kiều Trần Như lãnh đạo mà Đức Phật đã cùng tu chung khi trước. Bài kinh Vô Ngã Tướng sau này được xếp cùng với bài kinh Tứ Diệu Đế thành bài kinh Chuyển Pháp Luân, được xếp vào Tương Ưng Bộ số 22:59. Sau được nghe giảng bài kinh Vô Ngã Tướng, năm vị tu khổ hạnh chứng ngộ và đắc quả A La Hán”.
Tâm phàm phu và cái ta
Khái niệm về ta tùy thuộc vào cách ta nghĩ và cảm nhận ta là ai. Sự suy nghĩ dùng khái niệm để mô tả vật, cảm xúc v.v nhưng khái niệm chỉ là những biểu tượng không có hiện hữu thực sự. Chữ dùng để mô tả cái ta không phải chính thực là cái gì ta là, chúng chỉ là những biểu tượng hay dấu hiệu mà thôi. Do đó cách chúng ta mô tả cái ta chỉ hiện hữu trong tâm ta mà thôi. Cảm xúc và cảm nhận ta là ai cũng vậy, chúng chỉ hiện hữu trong tâm ta dù chúng có thể khởi lên do cảm nhận thân nóng, lạnh, hay tự hào, nhục nhã v.v. Do đó khái niệm về ta dính liền với sự suy nghĩ và cảm xúc ta là ai. Tâm suy nghĩ đó cũng đầy rẫy kỷ niệm về kinh nghiệm cũ khiến ta nghĩ ta là ai. Kinh nghiệm này có thể tích cực khi chúng cho ta một cảm giác thoải mái, nhưng cũng có thể là kinh nghiệm tiêu cực. Những kỷ niệm về quá khứ này xen lẫn với nghiệp từ những kiếp trước tạo ảnh hưởng vô thức trên xúc cảm và cảm nhận ta là ai. Tầm quan trọng của kinh nghiệm quá khứ, cộng với kinh nghiệm trong kiếp hiện tại, là ở nơi chúng khiến ta cảm nhận, suy nghĩ và hành động theo một lối nào đó trong cuộc đời này, và do đó, lại tích lũy thêm nghiệp, tốt cũng như xấu. Trong phần sau của bài này, chúng tôi sẽ trình bày làm cách nào để ngăn chặn hoặc tiêu trừ được nghiệp tích lũy từ kiếp trước và khuynh hướng tích lũy thêm nghiệp mới trong kiếp này. Đây cũng là con đường thoát khổ mà Đức Phật đã đề ra.
Khổ là gì?
Khổ hay dukka là cảm nhận bất toại nguyện hoặc không thoải mái. Khổ không nhất thiết là một sự đau đớn lớn, tuy đau đớn lớn cũng là khổ, vì khổ cũng là sự không thoải mái nơi tinh thần hay thân xác. Khổ có thể là lòng mong muốn ở gần một người hay mong muốn được một cái gì mà hiện nay ta không có. Nó cũng là sự không ưng ý với tình trạng hiện tại, tỷ dụ như khi ta nôn nóng đợi cái gì tốt hơn, hay muốn được cái gì nhiều hơn, hoặc muốn có cái gì ít hơn. Nó cũng là lòng mong muốn không bị đau đớn thân thể hay bị dằn vặt tinh thần. Nó cũng là cảm giác mơ hồ về cái gì không ưng ý với tình cảnh hiện tại. Nó cũng là lòng lo lắng sẽ mất đi một cái gì ta đang có nhưng sợ sẽ mất đi trong tương lai. Nó cũng là cảm xúc giận giữ hay tức tối. Nó cũng là kỷ niệm không vui. Ngay cả sukka là hạnh phúc cũng có thể đưa tới dukka là khổ đau, vì khi ta đang hạnh phúc thì lại lo lắng là có lúc ta sẽ bị đau buồn. Và khi ta buồn thì ta lại mong là ta sẽ được hạnh phúc. Do đó, khổ dính liền với thế giới nhị nguyên trong đó cứ hết thăng rồi lại trầm rồi lại thăng, hết vui lại buồn. Nhiều đau khổ của ta đến từ các vai trò mà ta đóng khi giao tế với người khác. Ta dính mắc vào vật, người và ý tưởng và thể hiện sự dính mắc này qua cảm xúc giận giữ, xung đột, tranh giành, nóng nảy v.v Đức Phật dạy rằng khổ là một sự thực tuyệt đối, con người ai cũng khổ. Khổ theo ta suốt đời, chúng ta ai rồi cũng bệnh và chết. Một điều đáng chú ý là đau khổ đến với ta khi ta thiết lập khái niệm về ta và tự ngã. Trong một phần sau của bài này chúng tôi sẽ nói về quan niệm của Đức Phật về khổ và làm sao diệt khổ.
Vô thường và khổ
Sự thay đổi cũng là một nguyên do đem lại khổ. Chúng ta có thể không toại nguyện với hoàn cảnh hiện tại, hoặc đang toại nguyện nhưng lại lo là hoàn cảnh sẽ thay đổi và trở nên tệ hơn. Mọi hiện tượng thế gian đều chịu luật vô thường. Quy luật vô thường được Đức Phật coi như một quy luật bất biến và là một trong ba đặc tính chung của mọi hiện tượng thế gian là vô thường, khổ, và vô ngã. Ta kinh nghiệm vô thường khi ta bị bệnh, già hoặc chết. Chúng ta ai ai cũng thay đổi, ngay cả các tế bào trong cơ thể cũng thay đổi luôn luôn. Hoàn cảnh sống của chúng ta thay đổi luôn luôn, con người thay đổi ý, ta cũng quan sát được sự thay đổi trong trời đất qua sự vận hành của hành tinh và mùa màng. Ngay cả những gì có vẻ thường hằng như tảng đá hay nhà cửa chắc chắn cũng chịu sự thoái hóa và hủy diệt. Tuy thay đổi không nhất thiết tạo đau khổ, nhưng thay đổi có thể là một nguyên do đem lại đau khổ. Chúng ta đau buồn khi thấy cơ thể thay đổi khi ta già đi, ta đau đớn khi có sự thay đổi trong gia đình, như khi một người thân qua đời, hay một người trẻ rời nhà để đi vào trường đại học. Có khi chúng ta lo lắng là hoàn cảnh tươi đẹp mà ta đang có sẽ thay đổi một cách bất lợi trong tương lai. Nhưng mặt khác chúng ta cũng có thể nôn nóng mong chờ ngày mà hoàn cảnh bất thuận lợi hiện tại của ta sẽ thay đổi. Chúng ta mong được giàu có, nổi tiếng và có thân hình đẹp đẽ và mong cuộc đời của ta sẽ thay đổi để có được những điều mà ta cho là tốt lành kia. Và khi chúng ta có được những gì ta mong muốn thì ta lại lo lắng sẽ mất chúng đi.
Ngay cả khái niệm ta là ai (cái ta) cũng thay đổi và đem lại đau khổ vì chúng ta không thích những thay đổi đó. Quan hệ của chúng ta với người khác thay đổi khi ta có những thay đổi trong gia đình, bằng hữu, và đồng nghiệp trong cuộc đời. Chúng ta lo sợ ngày mà người chúng ta thân yêu không còn nữa, hoặc ta nhớ những người bạn đã ra đi. Do đó quy luật vô thường ảnh hưởng suốt đời ta. Quy luật vô thường ảnh hưởng xác thân ta qua năm giác quan, nhưng quan trọng hơn là nó cũng ảnh hưởng đến tâm chúng ta. Tâm chúng ta lúc nào cũng thay đổi. Thói quen nói thầm trong não đem lại nhiều đau khổ vì chúng ta cứ nhớ lại những kỷ niệm không vui trong quá khứ và lo ngai những gì có thể xảy ra trong tương lai. Những ý tưởng này có thể chiếm đa số những gì ta suy tưởng trong một ngày và do đó mang lại nhiều bất toại nguyện, lo lắng, và ngay cả bệnh trầm cảm và mặc cảm tội lỗi. Chúng ta nhận ra là các hoạt động đó của tâm, thể hiện qua lời nói thầm, tạo ra nhiều căng thẳng có thể đưa đến bệnh tâm thể. Nó cũng khiến tâm ta không được an lạc và tĩnh lặng. Chúng tôi sẽ bàn thêm ở phần dưới của bài cách làm chủ sự được sự nói thầm trong não.
Đau khổ và phát triển tâm linh
Mặc dù đau khổ không thoải mái và có thể đau đớn, nhưng nó cũng là chất xúc tác để phát triển tâm linh. Ta học hỏi từ những lỗi lầm của ta, từ những đau khổ do lỗi lầm của ta tạo nên, và ta thay đổi cách ta suy nghĩ và hành động để cuộc đời khá hơn. Đau khổ không những là một cách để trả nghiệp, nó cũng giúp ta học hỏi để tiến bộ, trở nên từ bi hơn, ít chê bai hơn, rộng lượng hơn, tâm linh tỉnh ngộ hơn.
Ta bắt đầu hiểu rằng ta phải vượt qua những căn bệnh mà ta có trong tâm, và tất cả mọi người, đều cùng chung một cảnh ngộ. Ta không thể kinh thường những người đang đau khổ và có tâm bệnh, vì ta cũng giống như ai khác cần học hỏi từ những đau khổ do tâm bệnh gây nên.
Ta có thể không nhận ra rằng khổ là cái gì của riêng ta, vì chính ta mang lại đau khổ cho riêng ta tùy theo các nhu cầu của ta. Người khác không tạo đau khổ cho ta. Ta cần phải học một số bài học tâm linh, và ta hoặc cố ý hoặc vô tình tạo nên các điều kiện đem lại cho ta đau khổ để ta học được những điều ta cần học. Khi ta đã sẵn sàng học xong bài học thì đau khổ sẽ dứt đi, bằng không ta cứ phải học đi học lại, cho tới khi nào ta hiểu rõ mới thôi.
Với quan niệm này về khổ, ta hiểu rằng khổ là một tiến trình tự nhiên mà ai cũng kinh nghiệm khi sống trong cuộc đời này. Ai cũng kinh nghiệm khổ. Ta không cần bận tâm hay lo lắng là khổ có sẽ đến với ta không, vì nó sẽ đến khi “ta sẵn sàng”. Nếu ta chưa học xong bài học thì ta sẽ có đầy đủ thời giờ để học hoài cho đến khi ta hiểu rõ. Đây là một tiến trình thay đổi tâm trong đó ta hoàn toàn tỉnh ngộ và thấy rõ bản tính của ta và của tất cả chúng sinh là gì.
Trong phần sau đây chúng tôi sẽ trình bày vì sao khi ngũ quan và tâm tiếp xúc ngoại cảnh lại đem lại khổ đau.
Ngũ uẩn và khổ
Bát Nhã Tâm Kinh mô tả ngũ uẩn là sắc thọ tưởng hành thức. Sắc là phần thân thể gồm lục căn, còn tâm tạo nên thọ là cảm nhận và cảm giác, và tưởng, hành và thức. Qua thân và tâm chúng ta tiếp xúc với môi trường nơi ta sống. Sự tiếp xúc này cũng được gọi là “dính mắc” hay “ái dục”. Khi ta sinh ra, thân và tâm dần dần tạo nên khái niệm về ta. Quan niệm chủ quan về ta (chữ “I” trong Anh Văn) hay tự ngã được thành lập qua ngũ uẩn cho đến khi trở nên một cái ta có đủ khả năng giúp ta sống trong đời. Tự ngã là một cái gì quan trọng giúp ta sống trong đời, nhưng ở trong mỗi uẩn, nó cũng kết nối ta với ngoại cảnh qua dính mắc và ái dục. Dính mắc và ái dục bắt đầu từ lúc sinh ra và đem lại cho ta vừa toại nguyện vừa bất toại nguyện (hạnh phúc và buồn khổ). Nói cách khác là đem lại “khổ”. Ngay cả những gì ta cho là toại nguyện rốt cuộc rồi cũng chấm dứt và đem lại bất toại nguyện. Khi ta hạnh phúc, ta biết rằng khi hạnh phúc chấm dứt mình sẽ buồn khổ. Dính mắc và ái dục mà chúng ta tích tụ qua ngũ uẩn là nguồn gốc khổ đau, và cũng là nguyên do tạo luân hồi sinh tử, như Bát Nhã Tâm Kinh đã dạy.
Thiền Sư Thích Thông Triệt mô tả như sau mối tương quan giữa ngũ uẩn, cái ta và khổ:
“Uẩn tiếng Pāli là khandha và tiếng sanskrit là skandha. Con người gồm có năm uẩn là thân (gọi là “sắc”) và bốn uẩn thuộc về tâm là thọ, tưởng, hành, thức. Tiềm ẩn dưới năm uẩn là năng lượng của tự ngã và lậu hoặc khiến con người bị thu hút và dính mắc vào hiện tượng thế gian. Sư thu hút và dính mắc này tạo nên đau khổ và luân hồi sinh tử. Có một cách để cắt đứt vòng luân hồi sanh tử. Khi ngũ uẩn yên lặng khi tiếp xúc với đối tượng ngoại trần và nội trần, khi không có dính mắc bởi tự ngã, lúc đó ta sống trong tánh giác hay là chân tâm. Tâm này định tĩnh, an nhiên và hân hoan. Nó khách quan, vô ngã, có từ bi và trí huệ”
Lậu hoặc mà Thiền Sư Thích Thông Triệt đề cập đến là những thiếu sót của tâm và tâm bệnh khởi lên từ tự ngã và trói buộc ta vào cuộc đời và vòng luân hồi sinh tử.
“Mười Hai Nhân Duyên là mười hai điều kiện hợp lại thành một vòng xích nhân duyên (tiếng Pāli là nidāna). Nó là mười hai điều kiện hay mười hai mắt xích tạo nên đau khổ và luân hồi sinh tử.”
Một luận gia Phật Giáo sống vào thế kỷ thứ năm sau công nguyên là Ngài Phật Âm (tiếng Sanskrit là Buddhaghoṣa) đã chia mười hai mắt xích nhân duyên ra thành đời quá khứ, hiện tại và tương lai. Vô Minh và Hành là những nhân duyên ảnh hưởng cuộc đời hiện tại, do đó được xếp vào đời quá khứ. Tám nhân duyên sau đó, từ Thức đến Hữu, thuộc về đời hiện tại. Hữu là năng lượng đưa đến tái sinh, đó là đời tương lai gồm Sinh và Lão Tử.”
Mười hai nhân duyên họp thành một vòng khép kín, từ Vô Minh đến Sinh và Lão Tử. Mười hai nhân duyên luân chuyển không ngừng, tạo nên chuỗi sinh, khổ, chết và tái sinh là cuộc sống con người. Năng lực đằng sau các nhân duyên là năng lực biến dịch, cũng được gọi là Biến Dịch Tánh là một chân tánh hiện tượng thế gian mà Đức Phật đã nhận ra khi thành đạo. Quy luật biến dịch ảnh hưởng mọi hiện tượng thế gian trong mỗi giây phút.”
“Muốn chấm dứt khổ đau và luân hồi sinh tử, ta cần thực hành để cắt một trong những mắt xích. Khi một mắt xích bị cắt thì cả vòng nhân duyên không còn nữa”.
Đồ hình sau đây mô tả vòng Mười Hai Nhân Duyên.
Đồ hình trên đây cho thấy là ta kinh nghiệm thế giới qua ngũ uẩn, tạo nên cái ta phàm phu và tự ngã, từ đó đưa đến Hữu khiến ta đầu thai trở lại trong tương lai. Tiến trình này lập đi lập lại cho đến khi vòng xích bị cắt đứt. Điều này có thể được thực hiện như sau:
Khổ đau chấm dứt khi ta nhận ra rằng các uẩn đều rỗng không, chúng không phải là cái ta thực sự như ta thường nghĩ. Các uẩn nối kết và trói buộc ta vào cuộc đời nhưng có thể bị cắt đứt khi ta có trí huệ (prajna) và nhận ra rằng các uẩn (mà ta dính mắc) chỉ huyễn hóa và tạm bợ. Chúng giống như một cầu vồng mà ta có thể quan sát trong một thời gian ngắn nhưng không thể nắm bắt được. Khi chúng ta nhận ra rằng ta vốn đã có sẵn một chân ngã khác với tự ngã (vốn được xây dựng trên các uẩn), thì ta vượt qua vòng luân hồi sinh tử và chấm dứt khổ đau. Các uẩn tan biến khi ta thực hành niệm biết không lời. Chúng tôi sẽ nói thêm về điểm này trong phần sau của bài này.
Cái ta liên hệ ra sao với khổ?
Như chúng tôi đã trình bày ở phần trên, cái ta chủ quan (tức là tự ngã) được hình thành qua ngũ uẩn. Các uẩn tạo nên dính mắc, và do đó khổ đau. Mỗi người tự mình tạo nên đau khổ cho chính mình, bắt nguồn từ trong tâm. Dù cũng có những cái khổ đến cho cả một nhóm người, nhưng mỗi người trong nhóm chỉ kinh nghiệm nỗi khổ của riêng mình. Nói chung thì khổ được kinh nghiệm như một sự kiện cá nhân, nó độc nhất cho mỗi người, nhưng thường thì nỗi đau khổ của ta ảnh hưởng trên người khác và trở thành nỗi đau khổ của họ. Chúng ta có thể thấy điều này nơi những khó khăn, xung đột, chiến tranh xảy ra đầy rẫy trên thế giới. Có khi cả một xã hội, cả một thời đại có thể coi như chịu khổ đau triền miên.
Cái gì trong cái ta liên hệ đến khổ? Thứ nhất là phần tự ngã của cái ta (tức là chữ “I” trong Anh Ngữ) cho rằng chúng ta khác biệt với người khác, và sự cách biệt này khiến ta muốn nối kết hay giao tế với xã hội vì ta cảm thấy cô đơn, hoặc ta muốn ở gần người ta thương v.v. Sau đó Tự Ngã muốn bảo vệ chống lại những gì nó coi là những tấn công từ bên ngoài, tỷ dụ như lời phỉ báng, than phiền, hay ngay cả sự bất nhã. Tự ngã coi những thứ này như khó chịu hay đe dọa, do đó ta cảm nhận chúng là khổ. Tự ngã cũng muốn xây dựng tinh thần tự trọng bằng cách chứng tỏ là ta khác hơn người khác, tốt hơn, giỏi hơn, khôn ngoan hơn, giàu có hơn, đẹp đẽ hơn v.v Lòng “mong muốn” này khiến chúng ta không thỏa mãn với hiện thân và hiện tình của mình, đó cũng là một nguồn khổ đau vì không thỏa mãn với những gì ta đang là và đang có trong hiện tại.
Buông bỏ đau khổ
Khi ta kinh nghiệm cái biết không có suy nghĩ và cái ta hòa nhập vào đại thể thì trạng thái đó được gọi là “vô tâm”. Trong quyển sách tựa đề “Vô Tâm”, ông D.T. Suzuki, đã trình bày trạng thái này một cách đầy đủ nhưng dễ hiểu. Vô Tâm là một trạng thái trống rỗng hay Śūnyatā trong đó không có cái ta biệt lập mà chỉ có sự cảm nhận thuộc vào một đại thể đồng nhất (tức là Chân Như). Đây chính là điều Đức Phật đã giảng khi Ngài mô tả chân tánh, hoặc Phật tánh, hoặc trạng thái giác ngộ. Đây là trạng thái hiện hữu ở một cảnh giới siêu vượt, chứ không phải là cảnh giới hữu hình mà ta kinh nghiêm khi sống trên cõi đời này. Vì không thể nào dùng lời để mô tả cảnh giới này nên cách duy nhất mà chúng ta biết được nó là qua kinh nghiệm trực tiếp. Kinh nghiệm trực tiếp này có thể có được khi ta thực hành về niệm biết. Khi ta lần lượt trải qua các trạng thái biết, ta từ từ nhận ra rằng khái niệm ta là huyễn hóa, và nó tan biến đi khi ta vượt qua cảnh giới của hình thể. Đương nhiên là cái ta hay tự ngã hay “I” (tiếng Anh) rất bền bỉ và muốn sống còn, do đó ta sẽ thấy là cần phải đấu tranh để tiêu trừ nó đi. Tuy thế, điều này sẽ bớt khó nhọc khi ta thực hành đều đặn và xây dựng cái biết, tỷ dụ như qua các cách thiền dùng niệm biết không lời.
Thiền Sư Thích Thông Triệt giải thích vì sao sự nhận biết không lời giúp chúng ta đạt được huệ và do đó vượt qua được cái ta và tự ngã:
“Ta có thể đạt được Huệ bằng cách thiền về những chủ đề ngoài lý luận, và dùng nhận biết không lời để thể nhập các chủ đề siêu vượt như Chân Như, Không, Huyễn. Huệ được coi là tâm Phật trong đó không còn lậu hoặc. Huệ là cái biết không có suy nghĩ, không có phân biệt nhưng có trực giác và chức năng phân tích của tiềm năng giác ngộ. Ta không thể tới đó bằng cách phát huy ý thức đến mức tột cùng, mà chỉ tới được bằng cách phát triển tiềm năng giác ngộ, tức là Phật Tánh. Tiềm năng giác ngộ tiềm tàng trong sự nhận biết không lời. Cái biết của nó không có nhị nguyên, không có dính mắc, và không có khái niệm ta và tự ngã.”
Cái ta và sự nhận biết – Ai biết và biết cái gì?
Như chúng tôi đã trình bày ở trên, lúc đầu khi ta kinh nghiệm sự nhận biết thì trong đó có cái ta vì ta quan sát những sự vật quanh ta. Chúng ta thấy ta ngăn cách với vật và người mà ta quan sát. Nếu ta thực tập thiền, thì ta có thể quan sát hơi thở, và các cảm nhận nơi thân thể hay ngoại cảnh như tiếng động, màu sắc, hình dáng, mùi v.v Lúc đầu ta “thấy” những sự vật trong ta và chung quanh ta như khác biệt với ta. Khi chúng ta thực tập nhận biết trong Thiền Tánh Không, ta tập quan sát mà không định danh các vật, cảm giác, tư tưởng mà ta quan sát, ta chỉ nhận biết chúng như ngoại vật. Ta cũng có thể nhận biết chính ta, tức là ta quan sát cái ta đang là nhân chứng và đang quan sát. Đương nhiên là ta quan sát các vật mà ta nhận biết ở giây phút ngay bây giờ, giống như ta đang xem một cuộn phim vậy. Ta chỉ nhìn mà không lượng giá, suy diễn, định danh hay suy nghĩ bất cứ điều gì về đối tượng ta quan sát. Chúng ta cũng không cố gắng nhớ những gì ta quan sát. Ta chỉ để các vật hiện lên trong vòng quan sát của ta, sinh hoạt rồi biến đi, mà không dán nhãn, phân tích, suy nghĩ hay ghi nhớ để có thể tìm lại trong tương lai. Do đó tâm ta yên lặng và kinh nghiệm quan sát của ta dính liền với hiện tại.
Nhận biết và suy nghĩ
Khi chúng ta mới bắt đầu tiến trình nhận biết, ta nghĩ về đối tượng ta quan sát, tuy rằng ta không nói điều gì mà chỉ yên lặng nhìn, nghe, xúc chạm, ngửi hoặc nhớ lại quá khứ v.v., và ta cũng dán nhãn, lượng định và “quán sát” chúng. Nhưng một khi ta phát triển khả năng nhận biết của ta hơn thêm, thì ta bỏ đi sự dán nhãn, lượng định và quán sát, tức là ta không còn suy nghĩ gì về đối tượng nữa. Ta cứ để các ý tưởng của ta biến đi một cách tự nhiên, lặng lẽ mà không tìm cách giữ chúng lại (dính mắc). Bước qua giai đoạn sau đó nữa, ta tập cách ngăn ngừa niệm khởi bằng cách ra mệnh lệnh “Không Nói”. Kỹ thuật này được Thiền Sư Thích Thông Triệt mô tả cặn kẽ trong các bài viết về Thiền Tánh Không và các phương pháp thiền. Chúng ta tập quan sát một cách thụ động và nhận biết vật, người, và cảm nhận trong lúc ta tích cực quan sát. Ta quan sát những gì xảy ra bên trong và chung quanh chúng ta (trong vùng nhận biết của ta). Hành động của chúng ta chỉ là nhận biết và tỉnh thức. Thiền Sư Thích Thông Triệt gọi đây là sự nhận biết không lời. Tiến trình nhận biết không lời bắt đầu bằng cái biết có lời, như đã trình bày ở trên, và sau đó tiến sang sự nhận biết không lời về những cảm giác mà ta nhận được: nghe, thấy, xúc chạm. Bằng cách lập đi lập lại hai từ “Không Nói”, ta nghe chỉ biết nghe, thấy chỉ biết thấy, xúc chạm chỉ biết xúc chạm mà không có sự suy nghĩ, phân tích, lượng định, phân biệt trong tâm.
Khi đó vùng nhận biết (tức là vùng tri giác tâm linh) của não bộ được kích động, đây là vùng của Tánh Thấy, Tánh Nghe, Tánh Xúc Chạm tức là Tánh Giác hay “Tâm Bậc Thánh”, khác với “Tâm Phàm Phu” phát xuất từ vùng tiền trán (vùng suy nghĩ). Tác động Tánh Giác qua kỹ thuật “Không Nói” giúp ta lưu trữ mã số “Không Nói” trong Tánh Nhận Thức Biết khi đó sẽ đóng cửa các cửa ngõ giác quan trong lúc thiền định. Khi đó ta đạt được Buddhita và bắt đầu khai mở trí huệ tâm linh tức là Phật tánh (Buddhata). Thiền Sư Thích Thông Triệt gọi tiến trình này là “Thiền Tánh Không.”
“Đúc Phật dạy rằng ta phải miên mật sống mỗi giây phút trong Nhận Biết Không Lời, ngày đêm không mệt mỏi để tỉnh thức sống mỗi giây phút trong bây giờ và ở đây. Muốn an trú trong Nhận Biết Không Lời, ta phải loại bỏ trong mỗi giây phút lời nói thầm cứ liên tục khởi lên trong não để truy tìm quá khứ, ước vọng tương lai và so sánh trong hiện tại. Nói thầm trong não là một quán tính ta đã huân tập từ khi sinh ra, do đó ta phải thực hành miên mật mới mong loại trừ được nó. Ngừng lời nói thầm trong não thì lập tức tánh giác hiển lộ, tâm ta lập tức ngừng lăng xăng chạy theo đối tượng và bóng đen tự ngã sẽ lui dần đi.”
Nhận biết tinh thuần – Không có chủ thể/khách thể, vô ngã
Khi khả năng và kỹ năng nhân chứng của chúng ta gia tăng, ta sẽ thấy là cái ta và tự ngã dần dần tan biến đi và khách thể cũng tan biến, tuy lúc nào ta cũng nhận biết những gì đang xảy ra, nhưng không có sự cách biệt giữa ta, tức chủ thể, và đối tượng của sự quan sát, tức là khách thể. Đây gọi là trạng thái Tâm Thuần Nhất. Trong đó chỉ có kinh nghiệm nhân chứng.
Lúc đầu, ta vẫn có ý thức và dùng năm giác quan quan sát môi trường cùng các cảm nhận hay suy nghĩ khởi lên trong tâm, nhưng một khi ta tiến thêm thì tư tưởng, cảm xúc và cảm giác mờ dần đi. Đây là bước đầu kinh nghiệm cái ta phàm phu mất đi. Đây là tiến trình tẩy sạch các dính mắc trói buộc ta vào thế giới này và giữ ta trong vòng luân hồi sinh tử triền miên.
Cái ta chỉ là khái niệm trong tâm về “ta là ai” được hình thành qua những giao tế xã hội giữa ta và cha mẹ, anh chị em, bạn bè v.v trong tiến trình trưởng thành, từ lúc sơ sinh sang thuở thiếu niên, thanh niên và trung niên. Quan niệm ta là ai này (tức khái niệm về chính ta) càng ngày càng trở nên phức tạp hơn, phân định hơn và chắc chắn hơn, cho đến lúc ta tin là nó có thực. Hai ông Berger và Luchman quan niệm là hiện thực được hình thành qua liên hệ xã hội. Khi chúng ta hành xử như là một chuyện gì có thực thì trong tâm ta chuyện đó trở nên thực.
Theo giáo lý Đức Phật (Pāli: dhamma, Sanskrit: dharma), khái niệm về ta tùy thuộc vào các giao tế và sinh hoạt của ta, nền văn hóa nơi ta sống v.v. Nó không có hiện hữu riêng biệt. Cái ta chủ quan (chữ Anh Văn “I”) là tự ngã. Tự ngã lúc nào cũng muốn xây dựng và bảo vệ khái niệm về ta. Tự ngã đối phó với những gì nó cho là đe dọa khái niệm về ta, vì nó tin rằng đó chính là gì ta thực sự là. Đức Phật đã dạy là cái “vọng” ta đó chỉ có hiện hữu trong thế giới hiện tượng, tức là thế giới có hình tướng nơi chúng ta sống trong cuộc sống thế gian này. Cái ta thực không phải là một thực thể riêng biệt mà là một phần của một tổng thể lớn hơn là Chân Như, trong đó chúng ta đều là một thành phần. Lục Tổ Huệ Năng nói “kiến tánh thành Phật”. Ông Suzuki, khi giải thích pháp của Lục Tổ, đã viết rằng “Vô thức hay tự tánh trở nên có ý thức (nhận biết) về chính nó qua Huệ”.
Thêm nữa, khi chúng ta tiến triển trên con đường tâm linh, ta từ từ nhận ra sự liên đới của ta với người khác. Ta kinh nghiệm một cách có ý thức sự liên đới này trong đời sống hàng ngày. Do đó, khi ta tu tập và tiến triển thêm trên con đường tâm linh, khi năng lượng nhận biết gia tăng, ta chứng ngộ chân tánh của ta. Phật Giáo gọi là Phật Tánh.
Đây là kết quả của thiền và tu tập, là ta nhận biết chân tánh của mình, tức là Phật Tánh, vốn tiềm tàng trong ta. Śūnyatā có nghĩa là rỗng không và Thiền Tánh Không đưa ta đến sự chứng ngộ là cái ta và tất cả hiện tượng thế gian đều rỗng không, như Đức Phật và Thiền Sư Thích Thông Triệt đã dạy.
Khai mở hay khai triển khả năng và kỹ năng nhận biết dẫn ta xa hơn là chỉ quan sát mà không có khái niệm ta. Khi kỹ năng thiền của ta khai triển đến mức độ vượt qua sự nhận biết có ý thức, tức là khi thân và não bộ của ta vẫn nhận tín hiệu từ các giác quan như thấy, nghe, xúc chạm nhưng ta đã vượt qua trạng thái nhận biết có ý thức các tín hiệu này, lúc đó ta sẽ tới giai đoạn biết tối hậu (tức là trí huệ tâm linh), ta đạt trạng thái Không Định hay Chân Như Định và khai mở Phật Tánh (tức giác ngộ) và trí huệ tâm linh. Khi đó ta sẽ kinh nghiệm:
“trực giác, linh cảm, sáng tạo, sáng kiến và tâm từ, bi, hỷ, xả là căn bản của huệ. Đây là mục tiêu của Bát Chánh Đạo, là thoát khổ”.
Bản dịch Anh Ngữ của các sách của Thiền Sư Thích Thông Triệt: Thiền dưới ánh sáng khoa học, Thiền và kiến thức thời đại, và Tiến trình tu chứng và thành đạo của Đức Phật đã khai triển cặn kẽ tác dụng của nhận biết không lời và trí huệ trên thân, tâm và não bộ con người.