Hổm rày rảnh rang, cô đọc lại Kinh Hoa Nghiêm. Đây là bộ kinh ngày xưa cô rất say mê, toàn là thi kệ, bóng bẩy trau chuốt, hùng vĩ tráng lệ, thênh thang vô tận, là cảnh Hoa Tạng thế giới. Tới 10 giờ tối, cô đi ngủ. Mơ màng thức giấc, xem trong cell phone thấy 1:30 khuya. Lại nhắm mắt tiếp. Nhớ mình đang nói pháp khi mơ, dòng pháp tuôn chảy tiếp tục:
...Chư Tổ nói: “Tất cả pháp đều là Phật pháp”. Mà mình cũng biết tất cả pháp cũng không phải là pháp Phật.
Kinh Pháp Hoa, phẩm Dược thảo dụ, nói: tất cả cây cỏ đều là linh dược, mà tất cả cỏ cây cũng là độc dược.
Vậy chư Tổ nói đúng không? Đúng trên mặt bản thể.
Phật thuyết pháp giảng dạy 45 năm, sao chư Tổ nói: Phật nói <Ta từ đêm ấy thành đạo cho tới đêm ấy nhập niết bàn, ta không nói một lời>
Vậy Phật giảng cái gì? người nghe cái gì? Phật giảng mà không nói. Không nói mà ta nghe, nghe cái gì mà đắc quả A la hán?
Cỏ cây sao là Phật pháp? Vậy sao người xưa cứ phải đi đông đi tây hành cước cầu đạo? Sao không mở mắt ra, liền thấy cỏ cây, tức thấy pháp Phật.
Thiệt ra pháp Phật là gì? Nếu tất cả pháp đều là pháp Phật, vậy cần gì nói thêm chữ Phật? Nói thêm chữ Phật là khi nào còn có pháp Ma. Vậy nên nói tất cả pháp đều là Pháp, mới đúng
Mỗi sáng, chúng ta lễ Phật:
<Chí tâm đảnh lễ, tất cả chư Phật, ba đời tột hư không khắp pháp giới.
Chí tâm đảnh lễ, tất cả chánh Pháp, ba đời tột hư không khắp pháp giới.
Chí tâm đảnh lễ, tất cả Tăng, bậc hiền thánh, ba đời tột hư không khắp pháp giới>.
Phật ở đâu mà nhiều như vậy? Nhiều đầy ắp cả hư không trong 3 đời, không chỗ nào là không có Phật, vậy mình đừng có chạy đi tìm nha. Đừng có giống như anh chàng Diễn Nhã hoảng loạn tưởng mình không có đầu, chạy đi tìm đầu.
Chánh Pháp cũng vậy, đầy ắp cả khắp nơi, tràn đầy hư không vô tận, trong cả 3 đời. Biết vậy rồi thì cứ ngồi yên một chỗ, tâm an, bất động, cũng thấy chánh pháp. Bằng chính con mắt của mình, chính cái tâm nhận biết của mình, chính cái trí huệ của mình. Không cần tới ngón tay chỉ của ai.
Tăng ý nói sự sống chung hòa hợp, trong cái trật tự tuyệt vời của cả vũ trụ thênh thang này. Cho nên, sự hài hòa thể hiện khắp vũ trụ trong 3 đời. Nếu có cái gì lỗi nhịp, có ai đi lệch một bước, thì tức khắc bị rời xa theo sức ly tâm của bánh xe tiến hóa chung theo định luật duyên sanh duyên khởi.
Vậy mình cứ sống tự nhiên, biết rõ đâu cũng là Phật, đâu cũng là Pháp, đâu cũng là Tăng rồi, thì đây là cõi nào? Niết bàn chứ gì. Mà đâu đâu cũng là niết bàn, có nghĩa không có các cõi khác, cõi trời, cõi người, cõi Asura, cõi ngạ quỷ, cõi súc sanh, cõi địa ngục đều không có. Vậy chư Phật và chư Tổ nói làm chi tới những cõi đó?
Mà nếu đã có nói tới. Vậy có hay là không? Có với ai? mà không với ai?
Ai thấy tất cả pháp đều là Phật pháp thì người này mới thấy đây là niết bàn. Mới đọc được kinh vô tự. Mới nghe được âm thanh vi diệu Đức Phật Thích ca đang nói pháp ở núi Linh Thứu. Âm thanh vi diệu còn vang mãi tới bây giờ, còn đọng trên giọt sương mai lấp lánh trong nắng như kim cương, còn phớt hồng trên nụ hoa mới chớm, còn đong đưa trên cành lá tiêu rũ kia, còn phơi trần trên xác lá khô rụng ngoài vườn. ...
Mở mắt thấy trời đã sáng. Trong tâm còn văng vẳng: Vậy Phật có nói gì không? Ai có nghe , ai không nghe? Kinh có chữ tràn đầy kia, ghi lại lời Phật.. Vậy Phật có nói pháp. Pháp ở đâu? Trong kinh à? Hay ở ngoài vườn? Hay ở trong tâm? Tâm của ta hay tâm của Phật? Hay Phật của tâm ta?
Còn hỏi, còn nói, ngài Hoàng Bá cho ăn liền 3 gậy!
Ni sư Triệt Như
Ngày 7- 6- 2020