Người ta hay nói rằng, thiêu thân là loài vật khờ dại nhất trên đời, bởi nó luôn lao vào những nơi có ánh sáng mà không cần biết ánh sáng ấy phát ra từ đâu và cũng không cần suy nghĩ đến những nguy hiểm trong chính ánh sáng mà nó lao vào.
Ngay từ cái tên, ta đã có thể hiểu phần nào vì sao gọi là "thiêu thân". Bởi chúng thường bị mê hoặc bởi ánh sáng nên lao vào đó. Khi tiếp xúc với những nguồn sáng như lửa, đèn (tỏa nhiệt cao) thiêu thân sẽ chết ngay lập tức. Cụm từ "như con thiêu thân" thường được dùng để ám chỉ những kẻ nhắm mắt chạy theo các dục lạc (thú vui vật chất) để rồi sẽ bị tổn hại về sức khỏe, tiền bạc, danh dự.
Thế thì lời cảm hứng của Đức Thế tôn có nằm trong ý nghĩa này không?
Chuyện kể rằng:
Một thời, Thế Tôn ngụ tại tịnh xá Cấp Cô độc, rừng Kỳ đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, trong đêm tối, Thế Tôn ngồi ngoài trời, nhìn các loại côn trùng có cánh bay gần các cây đèn dầu, rơi vào ánh lửa mà bị chết cháy. Nhìn cảnh tượng này, Thế Tôn thốt lên:
Họ chạy gấp vượt qua
Nhưng bỏ mất lõi cây
Họ làm cho tăng trưởng
Các trói buộc mới mẻ
Họ là ai? Chạy đâu mà gấp vậy? Lõi cây là gì ? Tại sao có trói buộc?
"Họ" chính là chúng ta. Ta sống vội sống vàng. Đi đâu cũng gấp. Làm gì cũng vội. Vội ăn, vội nói, rồi vội thở. Vội tính toán, vội bon chen, vội hận thù. Chưa bao giờ tâm ta dừng lại. Bởi thế ta làm gì có thời gian để tự chế mình? Sáu căn ta lúc nào cũng bung ra tiếp xúc với sáu trần. Để mà dính mắc với những thứ xung quanh ta.
Sáu căn thả lỏng là nguyên nhân khiến con người luôn dính mắc với đủ mọi thứ trên đời. Mỗi một ngày trôi qua thì ta lại tự kết dính mình thêm với những trói buộc mới. Ta thương ta ghét, ta khen ta chê, ta buồn ta vui, ta cười ta khóc. Mãi bận bịu với những tốt xấu, đúng sai mà ta chẳng nhìn thấy, hay chẳng hề biết đến cái "lõi cây" hết sức quan trọng: mục đích giải thoát của đời mình.
Như các loài côn trùng
Rơi vào trong ánh sáng
Có người sống dựa vào
Điều được thấy, được nghe
Nhân khi nhìn thấy loài thiêu thân, Đức Thế tôn muốn dạy chúng ra rằng: chớ hấp tấp hành động theo điều được thấy, được nghe. Vì sao thế?
Vì do nhận thức vội vã từ các giác quan, ta sẽ có các quyết định hết sức chủ quan, sai lầm dẫn tới xung đột và khổ đau. Khi thấy, ta luôn phân biệt hình ảnh đẹp hay xấu. Đẹp sẽ quyến rũ khiến ta say đắm. Xấu không hẫp dẫn khiến ta khước từ. Khi nghe, ta luôn phân loại âm thanh ngọt ngào hay cay đắng. Ngọt ngào lôi cuốn khiến ta đê mê. Cay đắng khó nghe làm tâm sân ta sinh khởi. Bởi thế mà ta luôn hành động để bảo vệ những gì ta yêu, ta muốn, để chống đối những gì ta ghét, ta khước từ.
Sống hấp tấp, dựa vào những điều được thấy, được nghe khiến con người chìm đắm trong một thế giới ảo qua lăng kính màu của chính mình.
Sống hấp tấp, dựa vào những điều được thấy, được nghe khiến tâm con người đầy ắp những phân biệt đen trắng, đúng sai, tốt xấu.
Sống hấp tấp, dựa vào những điều được thấy, được nghe khiến con người có những quyết định chủ quan, nuôi lớn bản ngã.
Chính những nhận thức sai lầm về một thế giới huyễn mộng đã khiến chúng ta uổng phí một kiếp người.
Mục đích tu hành của chúng ta là giải thoát. Đó chính là "lõi cây" mà nhiều người quên đi.
Là phật tử, chúng ta phải tự ghi nhớ để đi cho hết cuộc hành trình.
Đừng làm con thiêu thân dưới những ánh đèn!
Như Chiếu