Trừ khi chúng ta không bao giờ biết đau khổ trên đời thì chúng ta không cần phải mong cầu giác ngộ. Muốn hay không, giác ngộ là phương thuốc duy nhất để chữa bệnh khổ đau của con người. Nếu chúng ta chịu được khổ đau, ưa thưởng thức thú đau thương thì không cần thuốc an thần giác ngộ. Không có phương thuốc nào tốt hơn là giác ngộ, dùng thuốc giác ngộ chính gốc (Rx) của Phật Giáo hay thuốc bào chế tương tự (generic) từ các Tôn Giáo khác cũng được miển là chữa bớt khổ đau cho đến ngày mình lên thiên đàn, tới cỏi Tây Phương Cực Lạc hay xuống địa ngục rồi hãy tính sau nếu mình vẫn còn đó để mà tính. Tốt nhất là phải tính trước: Giải pháp tốt nhất là luôn luôn hy vọng, lạc quan, kiên trì và trầm tĩnh để có thể bình tâm, sáng suốt mà suy nghĩ chính chắn. Có như vậy, mới mong tìm ra giải pháp thích ứng để cứu mình lẫn cứu người. Cầu mong cho mình luôn tiện cũng mong cầu cho người bớt khổ đau là điều mình có thể làm được cho chính mình và cho tha nhân trong cuộc đời này. Cái tha lực của mong cầu là cùng nhau nguyện cầu cho một ước muốn chung, đầy từ bi, hỷ xả, vị tha lẫn bác ái để cùng nhau thoát khỏi vấn nạn, khổ đau trong cuộc sống tạm bợ này.
Nếu chúng ta chân thật học Phật, hành trì có được chút thành tựu (huệ,) thì chúng ta có thể có tự lực để cải biến vật chất, và có thể thay đổi luôn nghiệp lực. Tự thân thay đổi, thay đổi tâm lý, thay đổi thể chất, thay đổi lối nhìn sai lệch lẫn cách suy nghĩ nhị nguyên. Đó là lúc chúng ta bắt đầu viễn ly nhân quả lẫn duyên khởi, có được ngũ thần thông trừ Lậu Tận Thông để có thể tự tạo ra vật chất ảo, khỏi cần phải cầu xin như ngoại đạo, Phật Giáo gọi là Đắc Pháp Lục Thông của các bật Thanh Văn hay Độc Giác. Lục Thông là thanh tịnh 6 căn trong kinh Phật: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Khi tâm bị ô nhiễm thì 6 căn là lục tặc, là 6 tên giặc làm tâm xao động, vọng tưởng. Nhưng khi đã chế ngự 6 căn không bị ô nhiễm, tâm không động, không khởi vọng tưởng thì Lục Tặc trở thành Lục Thần Thông. Đắc Pháp này không phải do Phật thọ ký hay Bồ Tát ban cho nhưng vì Tâm của chúng ta càng ngày càng thanh tịnh, càng ngày càng chân thành, càng ngày càng từ bi, tướng tùy tâm chuyển, có đủ sức chuyển lực để thay đổi lòng tham muốn. Đó chỉ là bướt đầu tiên của tự Được (chứng đắc, đạt được như ý.)
Theo Bí Pháp Cầu Nguyện Trong Đạo Cao Đài: “Khi cầu thành ‘tâm nhất,’ mỗi lời cầu nguyện mãnh liệt nhất, mỗi ám-ảnh thường-xuyên nhất, đều có cơ khai triển sự hoạt động của luồng hoả xà. Luồng hoả xà (Kundalini) nằm cuộn khúc ở đốt xương sống của con người ở vùng eo lưng của cơ-thể tương-đương với đám rối thần-kinh vùng huyệt mạng môn của khoa châm cứu học. Con rắn lửa nầy nhờ thiền định, cầu nguyện sẽ thức tỉnh nó trường lên lần lần cho đến đỉnh đầu, thì con người sẽ đạt được sự minh triết thiêng liêng, lúc ấy một luồng năng lượng khủng khiếp sẽ tràn dâng trong khắp cơ thể, khiến con người có được những quyền năng siêu phàm mà khoa học duy lý không thể giải thích được. Cũng có những người không hề tu luyện, bổng dưng bị một tai nạn, đưa tới một thương tật, làm cho họ đạt được những phép thần thông kỳ diệu.
Luồng hoả xà này có thể gọi là Thần lực hay điểm Linh quang của Thượng Đế ban cho con người. Nên sự đáp ứng của những lời cầu nguyện ngoài quyền năng thần lực từ cỏi trên, nó còn được hổ trợ trực tiếp của Thượng Đế nằm ngay trong con người. Vì mỗi người ví như một giòng nước, một con sóng, trong cái đại dương vô biên của tri thức và quyền năng. Nên có thể nói những khát vọng và nhu cầu chính đáng, phát xuất nơi con người, thì phương tiện thoả mãn cũng chính ở nơi con người. Bởi thế chúng ta thường thấy đối với một bệnh nhân được lành bịnh nhờ lời nguyện cầu tại một đền điện nào đó. Sự chữa lành nầy không chỉ nhờ thần lực của Thượng Đế hoặc Thần linh từ cỏi trên, xúc động một cách quá dễ dãi trước lời nguyện cầu vì mục đích cá nhân của họ, mà ra tay ban phép lành tế độ cho họ lành bệnh, mà chính yếu là do điểm linh quang của Thượng Đế, hay có thể nói chính Thượng Đế ngự từ bên trong họ, theo Yoga là cái năng lực vô biên của luồng Hoả xà trong họ đã được lay tỉnh bởi cường độ mãnh liệt của đức tin phát xuất từ tâm linh của chính họ, toát ra trong lời nguyện cầu của họ đã độ trì phù hộ cho họ.”
Mới nghe có vẻ mê tín dị đoan nhưng ngày nay có rất nhiều sách vở Yoga đã giải thích về năng lực nầy từ lâu rồi. Võ học gọi là chân khí đã thông kỳ kinh bát mạch, Phật Giáo gọi là thiên nhãn hay con mắt thứ 3. Mở được thiên nhãn là đạt được lư hỏa thuần thanh, tinh khí thần hội tụ tại nhất điểm và có thể thấy được chiều không gian thứ 4.
Napoleon Hill, “Man, alone, has the power to transform his thoughts into physical reality; man, alone, can dream and make his dreams come true.”
Ngạn ngữ cũng có câu, “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.”
Nếu chúng ta nhất tâm vào bất cứ một vấn đề gì, chẳng hạng nghề nghiệp, tu học thì trước sau gì cũng đạt được trí huệ, thành công (vinh thân.)
Khổng Giáo cũng có câu, “Đức năng thắng số,” hay “tận nhân lực, tri thiên mệnh.” Cứ dùng hết sức mình rồi mới đổ thừa cho số mệnh sau.
Đức độ có thể cải được số mệnh. Cho nên, chúng ta nên xem những mong ước trên đời chỉ là mục đích để chúng ta nhắm tới, mà cái mục đích này nó di động, biến hiện từng sátna, tạm bợ, vô thường không nên bám, không nên sở, không nên trụ vào nó mà đánh mất cứu cánh rốt ráo đó là giác ngộ.
Đó là ý nghĩa của ‘Vô sở vô trụ, nhi sanh kỳ Tâm.’
Lê Huy Trứ