Tô Thức Tô Đông Pha (1037 – 1101)
-Sơ lược tác giả:
+Tô Thức là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.
+Tô Thức tự Tử Chiêm 子瞻, Hòa Trọng 和仲, hiệu Đông Pha cư sĩ, người đời thường gọi là Tô Đông Pha 蘇東坡, người My Sơn (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Cha ông là Tô Tuân, em là Tô Triệt, đều là các đại gia thi văn, đương thời người ta thường gọi là Tam Tô, thái độ của ông rất hào sảng lạc quan. Tuy ông làm quan thăng giáng nhiều lần, nhưng ông không hề để ý, vẫn ưu du tự tại, đọc sách làm vui, ông là người giàu tình cảm, cho nên phản ánh tới từ của ông, vừa hào phóng lại vừa tình tứ.
-Phong cách và tài năng:
+Văn của ông như hành vân lưu thủy, hùng vĩ mà khoáng đạt, không chịu một sự trói buộc nào cả (như bài Siêu nhiên đình kí, Phóng Hạc đình kí và nhất là bài Tiền Xích Bích phú) vì chịu ảnh hưởng của Lão Trang.
+Ông chẳng những văn hay, thơ giỏi mà vẽ cũng rất khéo,còn viết chữ cũng rất tài. Ngoài ra, ông lại tinh thông cả âm nhạc nữa. Là một thiên tài trác việt. Lâm Ngữ Đường, một học giả Trung Hoa hiện nay, một người rất trọng ông, người cho rằng văn ông càng về già càng bình dị, sâu sắc, viết một cuốn như kể lại đời ông, tức cuốn The gay genius – Life and times of Su Tungpo.
-Công trình: Ông sáng tác được4.000 bài thơ, 300 bài từ, và nhiều bài tản văn có rất nhiều bài hay. Tác phẩm ông lưu lại có:
+Bộ Đông Pha văn tập 60 quyển
+Bộ Đông Pha thi tập 25 quyển
+Bộ Đông Pha từ 1 quyển
+Bộ Cửu Trì bút ký 2 quyển
+Bộ Đông Pha chí lâm 5 quyển.
Ngoài ra ông còn viết tiếp cuốn Dịch truyện mà cha ông bỏ dở, rồi viết thêm những cuốn: Luận ngữ thuyết, Thư truyện để truyền bá đạo Khổng. Văn nhân đương thời rất trọng ông, và coi ông là người nối gót Âu Dương Tu trên văn đàn.
Giai thoại văn chương về Tô Đông Pha
Tô Đông Pha tên thật là Tô Thức, sinh năm 1036 (có sách nói là 1037) tại My Sơn, nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung quốc, vào thời vua Tống Nhân Tông trị vì. Xuất thân trong một gia đình học thức cao, cha ông là Tô Tuần và em trai là Tô Triệt đều là những nhà thơ, nhà văn kỳ tài vào thời ấy, chưa kể đến cô em gái Tô Tiểu Muội cũng là một bậc nữ lưu kỳ tài.
Tính tình ông phóng khoáng, tự tại nhưng dường như ông không tự làm chủ mình cho mấy. Năm 16 tuổi ông đã làu thông kinh sử. Năm 19 tuổi, ông và người em trai là Tô Triệt được Cha dẫn vượt núi non hiểm trở suốt hai tháng trời lên Khai Phong để đi thi. Đây là điểm đặc biệt đầu tiên khiến tôi để ý đến nhà thơ này. Thường thì ngày xưa, sĩ tử lên kinh ứng thí đều đi một mình, như được tả trong thơ Lý Bạch:
Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.
Dịch thơ:
Ánh trăng chiếu sáng bên giường,
Nửa mơ nửa tỉnh, tưởng sương bên thềm.
Ngẩng đầu ngắm ánh trăng đêm,
Nhớ quê cúi mặt càng thêm đau lòng.
chứ ai mà lại như anh em ông Tô Thức này, gần 20 tuổi rồi mà Cha phải dắt đi thi! Thật là “bébé lala” quá. May mắn lần ấy cả hai anh em ông đều thi đỗ cao.
Quan chủ khảo Âu Dương Tu phát hiện một bài văn hào hùng khác thường, đã toan cho Tô Thức đỗ đầu, nhưng thận trọng cân nhắc lại, vì vị chủ khảo nghi ngờ bài văn kiệt tác này do học trò của mình là Tăng Củng làm ra, nếu xếp đỗ đầu, e người đời cho là thiên vị, nên đành xếp thứ nhì. Bài thi có rọc phách nên quan chủ khảo không biết tên thí sinh. Thế là Tô Thức bị oan, chỉ đỗ á nguyên. Tôi thì tôi thấy ông chủ khảo Âu Dương Tu này vớ vẩn. Cho dù là học trò của mình đi nữa thì đỗ đầu cũng có sao đâu? Mình càng hãnh diện chứ sao. Minh sư xuất cao đồ! Chưa kể là ông làm thầy thì đọc văn của học trò hay không ông phải biết phân biệt chứ, văn là người mà. Hơn nữa ngày xưa sĩ tử đi thi phải viết chữ chứ có phải là gõ cọc cọc trên computer đâu mà không nhận ra chữ người lạ? Rõ vớ vẩn!
Lần đi thi ấy, Cha của hai ông là Tô Tuần không dự thi. Không hiểu người Cha muốn dành cơ hội cho hai con, hay ông sợ “rủi” hai con đậu mà mình rớt thì quê một cục, nên không thi, vì mấy năm về trước ông đã đi thi một lần rồi mà không đậu!
Vài năm sau, trong kỳ Điện thí do vua Tống Nhân Tông chủ trì thì hai anh em Tô Thức, Tô Triệt đều đỗ Tiến sĩ.
Đấy là chuyện thi cử của Tô Thức. Đến chuyện vợ con lại càng chán mớ đời. Vợ đặt đâu ông ngồi đấy! Khi người vợ đầu tiên của ông là Vương Phất, chẳng may qua đời sớm, bà dặn dò ông nên tục huyền với người em họ của bà tên Vương Nhuận Chi, ông cũng ngoan ngoãn nghe theo, và sau ba năm để tang vợ, ông cưới bà Nhuận Chi, sát cánh với nhau 25 năm thì bà cũng ra đi khi trời vừa sáng. Nhưng người vợ mà ông coi là tri kỷ, phải kể đến nàng Triêu Vân, người phụ nữ vừa tài hoa vừa có phẩm cách cao thượng, đã không rời bỏ ông ngay cả những lúc ông bị dèm pha, thất thế phải chịu cảnh lưu đày, bà cũng nhất định theo hầu hạ ông, nhưng chẳng may chưa lên đường thì bà cũng bị bệnh mà mất.
Tô Thức được đánh giá cao trên văn đàn lúc mới vừa 21 tuổi, đến nỗi quan chủ khảo Âu Dương Tu phải khen rằng hôm nào nhận được một bài thơ hay bài văn của Tô Thức thì vui cả ngày, còn vua Tống Thần Tông có khi mải đọc văn của Tô Thức trong bữa ngự thiện thì quên cả gắp thức ăn!
Tài hoa như thế nhưng Tô Thức lại nóng tính, có óc trào phúng, làm thơ diễu cợt cả những bậc cao vọng nên nhiều người không ưa và tìm cách hại ông, thế nên cuộc đời làm quan của ông đã “3 Down, 7 UP” [ba chìm–bảy nổi] lắm phen như bánh trôi nước. Có lúc lên đến địa vị cao nhất Hàn Lâm Học sĩ, làm thầy dạy học cho vua; cũng có lúc xuống tận cùng xém chút bị xử tử rồi bị đày ra đảo Hải Nam, một miền đất lúc ấy hãy còn man rợ. Ông liên tục bị chuyển từ Hàng Châu, đến Mật Châu, Từ Châu, Hồ Châu, rồi đến Hoàng Châu. Tại đây, ông cất nhà tại một vách núi phía đông (đông pha), từ đó lấy hiệu là Đông Pha Cư sĩ. Người đời sau vẫn gọi ông bằng cái tên Tô Đông Pha. Ông sống tịch mịch, vất vả, thuốc thang không có, thường viết sách để tiêu khiển.
Năm 1100 vua Tống Huy Tông lên ngôi, ông được đại xá trở về lục địa, nhưng đường đi cách trở xa xôi, tuổi già sức yếu, ông bị bệnh và một năm sau (năm 1101) thì mất tại Thường Châu lúc 65 tuổi, để lại cả cổ văn lẫn thơ, phú khoảng 1700 bài, ý tứ tuôn ra, hễ hạ bút là cứ như “hành vân, lưu thủy”, mây trôi nước chảy, đa số được làm trong thời gian ông bị lưu đày. Cuộc đời ông bị ảnh hưởng cả đạo Khổng, đạo Lão và đạo Phật, cho nên dù long đong, ông vẫn tự tại, bình dân, thành thật, khoáng đạt, được người đương thời và đời sau kính mến. Làm quan ở đâu ông cũng thanh liêm, có lòng từ bi, thương yêu dân, không tham ô hối lộ nên được lòng dân yêu mến.
Ông có công lớn với dân chúng vùng Tây Hồ, một hồ nước ngọt nổi tiếng phía tây thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, cách Thượng Hải 180km về phía Tây Nam thuộc miền đông Trung Quốc, là nơi Đông Pha đã làm Thứ sử. Ông đã giúp cho dân cư biến vùng đất hoang vu nghèo này thành một thắng tích, nhờ vét ao hồ, đắp đê và xây cầu khiến Tây Hồ đã trở thành Di sản Văn hóa Thế giới, được Unesco công nhận năm 2011.
Dưới nước long lanh mầu nước biếc
Trong mưa huyền ảo vẻ non tươi
Tây Hồ khá sánh cùng Tây Tử
Nhạt phấn nồng son thảy tuyệt vời
Tô Đông Pha được kể là người có tài nhất trong số bát đại gia của Trung quốc, coi như người nối gót Âu Dương Tu trên văn đàn. Đường Tống bát đại gia, là danh xưng chung chỉ tám vị văn sĩ chuyên cổ văn nổi danh, gồm hai vị Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên đời Đường và sáu vị đời Tống gồm Âu Dương Tu, Tô Tuần, Tô Thức, Tô Triệt, Tăng Củng, Vương An Thạch. Ta thấy trong số bát đại gia kể trên thì gia đình ông đã chiếm ba người rồi: Tô Tuần (Cha), Tô Thức (Đông Pha) và Tô Triệt (em).
Ngoài văn chương thi phú, ông còn giỏi cả hội họa và thư pháp, lẫn âm nhạc. Người giỏi thì kiêu, đó là lẽ thường, Tô Đông Pha cũng không ngoại lệ, cũng “mục hạ vô nhân”, dưới mắt không có ai, do đó mà cũng phạm vào lắm chuyện khá nực cười, và cũng là đầu mối của những chuỗi ngày lưu đày, lắm lúc suýt mất mạng. Ông thuộc nhóm Thủ cựu luôn chống đối lại nhóm Tân đảng của Tể tướng Vương An Thạch nên lắm phen bị Tể tướng này cho chuyển đi những vùng đèo heo hút gió.
Cả hai ông đều có tài thơ văn và rất nổi tiếng. Vương An Thạch có chí lớn, thi đỗ sớm nhưng không làm quan, mà để gần hai mươi năm ngao du đây đó, học hỏi địa lý, phong tục và văn hóa khắp miền. Khi có đủ kiến thức rộng, ông mới ra làm quan và được phong chức Tể tướng. Là một người uyên bác, thâm trầm trái với tính tình nông nổi, bộc trực của Tô Đông Pha, và mặc dù Đông Pha luôn chỉ trích đường lối chính trị cấp tiến của An Thạch, thậm chí Đông Pha còn viết Tần Thủy Hoàng luận, Thương Ưởng luận, ý so sánh chính sách của Vương An Thạch như chính sách của Tần Thủy Hoàng, Thương Ưởng, vậy mà Đông Pha và An Thạch vẫn là bạn thân thiết với nhau. Tô Đông Pha cậy văn tài thường không phục Vương An Thạch, cho là bạn không giỏi bằng mình, An Thạch biết vậy nhưng chỉ im lặng.
Một lần, Vương An Thạch mời Tô Đông Pha đến dinh Tể tướng của mình đàm đạo văn chương. Khi Tô Đông Pha vào thư phòng của ông, Vương An Thạch đã cố ý vắng mặt, để lại trên bàn một bài thơ đang làm dở dang, có hai câu như sau:
Minh Nguyệt sơn đầu khiếu,
Hoàng Khuyển ngọa hoa tâm.
Là người giỏi thơ, Tô Đông Pha liếc mắt đọc ngay và thấy có gì coi bộ không ổn rồi. Minh nguyệt là trăng sáng mà lại “hót” (khiếu) trên đầu núi; mà Hoàng Khuyển là chó vàng thì lại nằm trong “lòng” (tâm) hoa. Chặc chặc! Cái lão Vương An Thạch này tẩu hỏa nhập ma rồi. Trăng gì mà biết hót? Còn con chó nó to thù lù thế làm sao chui vào lòng hoa mà nằm? Thế mà người ta cứ cho là Vương An Thạch là giỏi. Tiện sẵn bút mực ở đó, Tô Đông Pha liền xóa hai chữ “khiếu” và “tâm” đi, sửa lại thành hai câu thơ như sau:
Minh nguyệt sơn đầu chiếu,
Hoàng khuyển ngọa hoa âm.
Có nghĩa là ánh trăng chiếu trên đầu núi, chó vàng nép dưới bóng hoa, và yên trí rằng Vương An Thạch khi đọc lại hai câu thơ sẽ phục mình sát đất.
Đọc đến bài thơ thứ hai, Tô Đông Pha lại càng thêm bực mình vì An Thạch tả cảnh hoa cúc rụng tơi tả giữa trời đông lạnh lẽo tuyết rơi. Thật ra, hoa cúc khi héo vẫn bám vào đài hoa cho đến khi cây hoa chết thì nó chết theo. Thế mà cái ông An Thạch này lại tả nó rơi lả tả thì thật là chả biết gì cả, thế mà cũng được tiếng là đại danh hào! Tô Đông Pha bèn cầm bút phê ngay vào bài văn “Hoa cúc không bao giờ rụng”. Khi ra về Tô Đông Pha có ý hối hận vì đã trót phạm thượng, dám phê bình Tể tướng, vuốt râu hùm, nếu ở Việt Nam thì chắc hẳn bị đày đi Kontum Pleiku rồi.
Đúng boong với sự lo ngại của Tô Đông Pha, chỉ ít lâu sau, ông nhận được giấy triều đình phái đi nhậm chức tận miền Bắc xa xôi. Ân hận thì đã muộn, ai bảo mình bồng bột, hiếu thắng? Riêng Vương An Thạch, sau khi điều Tô Đông Pha đi “đày”, ông đã liên lạc cho các quan địa phương đối đãi với Đông Pha như thượng khách và bảo tạo điều kiện thuận lợi cho Đông Pha tìm hiểu dân tình, đất đai phong thủy các vùng đó.
Tô Đông Pha không hề buồn bã gì cả, ông hòa đồng với nếp sống của người dân ở các vùng nghèo nàn, và cùng họ đi du lịch khắp vùng, tìm hiểu thiên nhiên, địa lý, văn hóa địa phương. Một lần, đi tuần du qua một làng quê, nghe tiếng chim lạ hót véo von, tiếng vang vọng lảnh lót trên núi đá, Tô Đông Pha ngây người lắng nghe và hỏi nông dân sao có tiếng chim gì mà hót hay đến thế? Người ấy trả lời: là chim Minh Nguyệt, Minh Nguyệt hót trên đầu núi.
Lại một lần khác, đến một vườn trồng hoa, dân chúng đang vạch hoa bắt sâu, ông hỏi sâu gì vậy? Dân chúng trả lời: đó là sâu Hoàng Khuyển, thường ẩn mình giữa lòng hoa để hút nhụy, nếu không bắt thì chúng sẽ làm hại đến bông hoa, Hoàng Khuyển ngọa hoa tâm! Hè qua, thu tàn rồi đông đến, lần đầu tiên ông thấm thía cái lạnh của phương Bắc với tuyết trắng bay đầy trời bám vào những cánh hoa cúc, làm bông hoa trĩu nặng rơi lả tả trên đất.
Lúc đó, Tô Đông Pha mới giật mình xấu hổ vì sự hiểu biết nông cạn của mình, rồi nghĩ ra việc mình bị đày đi xa xôi mà đâu đâu cũng được tiếp đãi ân cần, lúc đó mới nhận ra tấm chân tình của ông bạn vàng Tể tướng của mình, đã âm thầm tạo hoàn cảnh cho mình có thêm kiến thức và kinh nghiệm sống trong nhân gian. Ông vừa hối lỗi vừa cảm phục, đã viết thư tạ lỗi với Tể tướng Vương An Thạch, nối lại tình bạn cao quý mà Tể tướng đã dành cho mình. Có lòng bao dung như Tể tướng Vương An Thạch đã khó, mà biết nói câu xin lỗi như Tô Đông Pha lại càng khó hơn. Cao quý thay tình bạn của người xưa!
Tô Đông Pha cũng rất mộ đạo Phật, ông vẫn tự cho mình là một Phật tử, một cư sĩ, thân mật và hay đàm đạo với các thiền sư, trong đó có một vị rất lỗi lạc là thiền sư Phật Ấn, tại ngôi chùa Kim Sơn ở bờ tây sông Dương Tử. Lúc ấy, Tô Đông Pha ở bên bờ phía đông, muốn đi thăm chùa phải đi thuyền sang. Với bản tính ngã mạn, nhiều lần Tô Đông Pha đã bị ngài Phật Ấn “sửa lưng” đau điếng. Một lần, Đông Pha đến thăm trong lúc thiền sư đang ngồi tịnh thiền, Đông Pha đi thẳng vào thất. Sư nói:
– Nơi đây không có ghế ngồi, quan Hàn Lâm Học sĩ vào làm gì?
Tô Đông Pha cười:
– Tạm mượn thân tứ đại của Phật Ấn làm ghế ngồi.
Vị lão hòa thượng vui vẻ đáp:
– Bần tăng có một câu hỏi, nếu ngài trả lời được thì mời ngồi, bằng không thì phải để lại chiếc đai ngọc.
Tô Đông Pha tự đắc nói:
– Xin ngài cứ hỏi.
– Vừa rồi, ngài nói tạm mượn thân tứ đại của bần tăng mà ngồi. Giả như bần tăng tứ đại vốn không, ngũ uẩn cũng chẳng có, thế thì ngài ngồi vào chỗ nào?
Đông Pha không trả lời được, đành phải cởi đai ngọc ra để lại. Nhà sư tặng lại cho Đông Pha một chiếc y.
Hôm khác, Đông Pha làm được một bài thơ đắc ý, xưng tụng đức Phật, liền sai người vượt sông đem tặng thiền sư Phật Ấn, bài thơ như sau:
Khể thủ thiên trung thiên
Hào quang chiếu đại thiên
Bát phong xuy bất động
Đoan tọa tử kim liên.
Ý nói đức Phật Thích Ca là một vị giác ngộ, hào quang của Ngài chiếu khắp nơi và tám ngọn gió không làm cho lay chuyển, vẫn bất động ngự trên đài sen vàng. Bát phong ở đây có nghĩa là tám ngọn gió đời, tám pháp ở thế gian hay làm loạn động, mê hoặc lòng người. Đông Pha có ẩn ý muốn nói cho Phật Ấn biết rằng tôi cũng vậy, bây giờ tám ngọn gió chả ảnh hưởng gì tới tôi cả.
Thiền sư xem xong, biết là bạn mình chỉ là người giỏi văn thơ, giỏi chơi chữ thôi, chứ chưa phải là người thâm nhập Phật pháp đâu, bèn phê vào hai chữ “phóng thí” (nghĩa là trung tiện) rồi cho người đem sang trả lại cho Đông Pha. Đúng như thiền sư dự đoán, Đông Pha cáu tiết vượt sông đến hỏi tội thiền sư. Thiền sư cười nói:
– Tám gió vẫn bất động, mà chỉ có một tiếng trung tiện thôi đã bay qua sông rồi?
Tô Đông Pha thẹn đỏ cả người, bảo tùy tùng quay thuyền về không nói được câu nào.
Như đã nói bên trên, Tô Đông Pha đã ba lần cưới vợ nhưng cả ba bà đều mất sớm [sát thê], nhưng ông không cô đơn vì ông có đến bảy người thiếp đều rất đẹp. Một hôm thiền sư Phật Ấn trêu ông:
– Tôi nghe ngài có nhiều thê thiếp, mà tôi thì đang thiếu người hầu, chẳng hay ngài có vui lòng cho tôi mượn một nàng không?
Đông Pha đáp:
– Lão hòa thượng đã hỏi, tôi nào dám không tuân.
Nói rồi về nhà bảo người thiếp thứ bảy sang chùa hầu sư Phật Ấn. Người thiếp tỏ vẻ không bằng lòng nói:
– Ông ấy là người tu hành, sao nói năng càn rỡ thế?
Nhưng Đông Pha lại bảo:
– Ta là người quân tử đã hứa thì phải giữ lời, nàng hãy vì ta mà sang đó xem sao.
Khi người thiếp sang đến nơi, thiền sư ra tiếp và đưa nàng vào nghỉ trong một căn phòng, trong đó có bày bảy cái lò lửa, quạt lên cho đỏ, rồi cả đêm thiền sư cứ đi qua đi lại mấy cái lò lửa đó. Đến sáng, ngài gọi người đưa nàng trở về nhà. Nàng tỏ hết sự tình cho Đông Pha, ông nghe xong tỉnh ngộ, thầm nghĩ:
– Đây là thiền sư muốn nói rằng ta có bảy người hầu như đang sống với bảy lò lửa. Còn ngài bước qua bước lại tỏ ý rằng ngài đã thoát khỏi vòng ái lụy rồi chăng?
Thiền sư Phật Ấn đã từng làm quan, đến năm 28 tuổi mới xuất gia, ngài đã quen cuộc sống ngoài đời, không kiêng rượu thịt gì cả. Có hôm Tô Đông Pha cùng một người bạn khác là Hoàng Đình Kiên làm bánh ở trong chùa Kim Sơn để ăn, nhưng giấu không cho Phật Ấn biết. Hai người làm xong, đặt bánh lên bàn thờ bồ tát Quan Âm thành tâm khấn vái. Không ngờ thiền sư Phật Ấn núp sau rèm thò tay lấy hai cái bánh. Tô Đông Pha lậy lấy lậy để xong, lúc đứng dậy thấy thiếu hai cái bánh, liền nói:
– Đức Quan Âm bồ tát thật là linh hiển, ăn một lúc hai cái bánh, sao không hiện thân?
Phật Ấn nấp sau rèm trả lời:
– Nếu ta mà ở đây thì đã ra ăn cùng với các người rồi, đâu cần phải ăn lén?
Mỗi khi nhà Đông Pha mời khách, Phật Ấn không được mời cũng tự mò đến. Đông Pha thấy thế, một hôm lén Phật Ấn, rủ Đình Kiên ra giữa hồ uống rượu ngâm thơ, nói rằng:
– Hôm nay chúng ta lén ra hồ, thì Phật Ấn không thể nào tìm chúng ta được.
Nào ngờ Phật Ấn đã biết trước, nằm sẵn trong khoang thuyền, lúc đó chui ra, làm hai bạn kia một phen khiếp vía, rồi lại cùng nhau vui vẻ thưởng nguyệt trên hồ.
Sau nhiều lần bị thiền sư Phật Ấn chơi gác như thế, Tô Đông Pha ức lắm, tìm cách chơi lại cho bõ ghét.
Một hôm Tô Đông Pha qua sông đến thăm chùa cùng ngồi thiền với nhà sư, chợt thấy thân tâm an lạc. Thiền xong, liền hỏi nhà sư:
– Lão hòa thượng thấy tôi ngồi thiền giống cái gì?
Thiền sư Phật Ấn đáp:
– Trông ngài giống Đức Phật.
Đông Pha nghe thế thích chí lắm, cười ha hả. Thiền sư hỏi lại:
– Thế ngài thấy tôi ngồi thiền giống cái gì?
Đông Pha không để lỡ cơ hội, đáp luôn:
– Tôi trông ngài như một đống phân bò.
Thiền sư nghe thế cũng thích chí cười ha hả.
Trên đường về, Tô Đông Pha cười luôn miệng, nghĩ bụng hôm nay ta thắng lão hòa thuợng đó rồi, ta chửi ông ta là đống phân bò mà ông ta không dám nói lại một lời nào.
Về đến nhà, Tô Tiểu Muội thấy anh mình cười nói bất thường liền hỏi:
– Hôm nay huynh có chuyện gì vui mà cười mãi thế?
Đông Pha khoe:
– Hôm nay huynh đã thắng được lão hòa thượng một keo rồi.
Bèn kể lại câu chuyện. Tô Tiểu Muội nghe xong cười ầm lên khiến Đông Pha càng thích thú. Nhưng nàng nói:
– Muội cười huynh đó. Huynh lại thua lão hòa thuợng rồi. Thua đậm nữa là khác.
– Cái gì? Ta mắng lão là bãi cứt trâu mà lão không có một lời nào để nói, sao ta lại thua?
Tô Tiểu Muội nhỏ nhẹ:
– Đó chính là kiến tâm kiến tính, trong tâm có gì thì mắt thấy như thế. Ngài Phật Ấn trong tâm có Phật nên nhìn huynh thấy như Phật, đó là tâm Phật thấy Phật. Còn huynh, huynh thấy ngài như đống phân bò, thế nghĩ xem trong lòng huynh có gì thì tự biết!
Tô Đông Pha nghe lời nói đó xong thì sững sờ hồi lâu, chợt tỉnh ngộ, cảm phục cô em gái tài hoa của mình.
Trên đường hoạn lộ đầy chông gai, ông vẫn chưa bao giờ ngừng sáng tác, đã để lại cho đời nhiều tác phẩm trác tuyệt. Người xưa đã ví Tô Đông Pha là vầng trăng cổ tích.
Vầng trăng sáng có tự khi nào
Nâng chén rượu lên hỏi trời cao
Chẳng biết cung điện trên chốn ấy
Đêm nay đã là đêm năm nao? –thơ Tô Đông Pha
Tác phẩm của ông lưu lại gồm 60 quyển Đông Pha văn tập, 25 quyển Đông Pha thi tập, Luận ngữ thuyết, Thư truyện, v.v. trong đó có rất nhiều bài hay được mệnh danh là thiên hạ vô địch, không thể không nói đến hai kiệt tác trong văn học Trung Hoa, là bài Tiền Xích Bích và Hậu Xích Bích, ghi lại hai chuyến thả thuyền du ngoạn của Tô Đông Pha ở một địa danh, phía tây bắc Hoàng Châu gần sông Trường Giang, nơi một mặt sông có bức tường đá mầu đỏ xẫm, được gọi là Xích Bích.
Tô Đông Pha đã nhiều lần cùng bạn bè du ngoạn nơi đây trong thời gian ông làm quan tại Hoàng Châu. Lênh đênh trên sóng nước, ông hồi tưởng lại trận đánh lịch sử giữa Tào Tháo và Chu Du thời Tam Quốc, nên lòng tràn đầy cảm xúc.
Bài Tiền Xích viết vào ngày 16 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1082) đời vua Tống Thần Tông. Hôm ấy, Tô Đông Pha cùng người bạn là Miên Trúc đạo sĩ đi chơi thuyền trên sông Xích Bích. Đông Pha gõ mạn thuyền mà hát, Miên Trúc đạo sĩ thổi sáo họa theo, thật là một cảnh thần tiên thoát tục. Khi về, Đông Pha làm bài phú Tiền Xích Bích để ghi lại cuộc du ngoạn.
Khách rằng trăng sáng, sao thưa
Quạ bay há chẳng là thơ họ Tào?
Tây, Hạ khẩu nhìn vào thăm thẳm
Ðông Vũ Xương mấy dặm đường đi
Vời trông cây cối xanh rì
Chốn này Tháo bị khốn vì Chu Lang
Phá Kinh Châu, hạ Giang Lăng
Xuôi dòng trống mở, cờ giăng rợp trời
Trước núi sông rót mời chén rượu
Tay cầm ngang ngọn giáo làm thơ
Anh hùng đã mấy ai chưa?
Mà con người ấy bây giờ ở đâu?
Thật ra, một lần nữa Tô Đông Pha lại phạm phải một lầm lẫn về địa lý. Xích Bích ở Hoàng Châu không phải là Xích Bích trong trận chiến thời Tam Quốc, nơi Chu Du phóng hỏa diệt quân Tào Tháo. Xích Bích thời Tam quốc ở thượng du của Vũ Hán ngày nay. Còn Xích Bích của Hoàng Châu nằm ở hạ lưu của Vũ Hán. Nhưng cũng nhờ sự lầm lẫn này mà Xích Bích của Hoàng Châu cũng trở thành nổi tiếng qua hai bài phú trác tuyệt Tiền Xích Bích và Hậu Xích Bích mà Tô Đông Pha đã làm trong thời gian này, trở thành viên ngọc quý của cổ văn Trung Hoa.
Đến ngày 15 tháng 10 năm ấy, Đông Pha lại cùng Miên Trúc đạo sĩ và Sơn Cốc đạo nhân đi chơi trên sông Xích Bích, tiết trời đã vào đông, sông cạn. Khi đi về bỗng thấy một con chim hạc lướt qua thuyền rồi bay về hướng tây.
Đêm đến, Đông Pha nằm mộng thấy một Tiên nhân đến nói chuyện, tỉnh dậy mới biết chim hạc bay qua thuyền chính là tiên nhân, bèn làm bài phú Hậu Xích Bích. Cả hai bài phú được vua Tống Triết Tông khen là kỳ tài, nên mời về triều phong chức Hàn Lâm Học sĩ.
Đến đời nhà Minh, thi nhân Lý Phan Long đã có lời bàn như sau:
“Anh hùng như Tào Tháo, sự nghiệp của Chu Du, nay còn thấy đâu. Chỉ có bóng trăng đẹp dòng nước trong và câu văn bất hủ của Tô Đông Pha muôn đời còn mãi”.
Nhắc đến hai bài phú Xích Bích của Tô Đông Pha mà không nhắc đến trận đánh lẫy lừng trong lịch sử thời Tam Quốc là trận Xích Bích thì quả là một sự thiếu sót. Chính vì sự cảm hoài công trạng của người xưa đã là nguồn cảm hứng cho Đông Pha để lại hai bài phú bất tử.
Trận Xích Bích trong lịch sử thời Tam quốc vào năm 208 là trận chiến trọng yếu, đã quyết định vận mệnh lịch sử, tạo thế chân vạc chia ba thiên hạ Ngụy (Tào Tháo), Ngô (Tôn Quyền) và Thục (Lưu Bị), phá vỡ mưu đồ thống nhất thiên hạ của Tào Tháo. Ba vị anh hùng đã đối mặt ở Giang Đông mà diễn ra trận Xích Bích lừng danh lịch sử.
Quân của Tào Tháo từ phương bắc tràn xuống phá Kinh Châu, hạ Giang Lăng, tạo ra cuộc đại chiến bùng nổ, thế mạnh vô song. Tào Tháo lại dùng hàng quân của Kinh Châu, là những thủy quân tinh nhuệ cùng hàng vạn chiến thuyền, hàng hàng lớp lớp lướt Trường Giang toan thôn tính Lưu Bị và bức hàng Tôn Quyền. Tuy nhiên, Tào Tháo không ngờ rằng quân của mình vốn không quen thủy chiến, thuyền tròng trành trên sông nước, lớp bị bệnh vì đường xa, lớp bị say sóng, nôn mửa, nằm la liệt trên thuyền, mất hết nhuệ khí.
Lúc đó, Tôn Quyền và Lưu Bị ở vào thế yếu phải liên kết với nhau để chống lại đạo quân thanh thế lẫy lừng của Tào Tháo. Đô đốc Chu Du của Tôn Quyền và quân sư Gia Cát Lượng (Khổng Minh) của Lưu Bị đã cùng bàn nhau dùng liên hoàn kế và hỏa công để phá địch. Theo kế này, Bàng Thống, một quân sư của Giang Đông trong vai trò gián điệp đã sang tận trại Tào, dâng kế dùng xích sắt cột các thuyền lại với nhau, không tròng trành nữa thì quân sĩ có thể di chuyển dễ dàng như đi trên đất liền. Tào Tháo mừng rỡ nghe theo, rồi mở tiệc ăn mừng, đắc ý, không coi liên minh Tôn Quyền – Lưu Bị ra gì cả.
Nhưng rốt cuộc, một trận gió Đông, một trận hỏa công, Chu Du đã biến đoàn thuyền của quân Tào thành biển lửa, trong trận đánh ở huyện Gia Ngư, Xích Bích.
Kết quả Tào Tháo đại bại phải rút lui, quân Tào lớp bị chết cháy, lớp nhảy xuống sông không biết bơi bị chết chìm. Tào Tháo được một tướng hộ tống lên bờ, dẫn toán bại quân chạy trối chết qua đạo Hoa Dung để thoát thân; lại bị một phen tá hỏa tam tinh khi nơi ấy, Quan Vân Trường, tức Quan Vũ, người em kết nghĩa của Lưu Bị, đã phục binh chờ sẵn ở đó. Tào Tháo đã cầm chắc cái chết trong tay. Nhưng không, Quan Vũ đã ra lệnh cho quân mình lui bước để quân Tào Tháo rút lui, tha chết cho Tào Tháo để đáp lại cái ân tình ngày trước Tào Tháo bắt được mình mà không giết, lại vì mến tài mà hết sức chiêu dụ, ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn; thậm chí khi Quan Vũ chém sáu tướng Tào để vượt qua năm ải trở về với Lưu Bị mà Tào Tháo cũng không cho người đuổi giết. Ngày nay là dịp để cho Quan Vũ trả lại cái ân tình ấy. Điều này cũng không ngoài dự đoán của Gia Cát Lượng Khổng Minh, nhà tiên tri đại tài này trước khi xuống núi giúp Lưu Bị đã nhìn ra thế chân vạc, thiên hạ chia ba, cũng như đã tiên đoán “Lượng xem tinh tượng ban đêm, thấy giặc Tào chưa tới số diệt vong”, nên trong sách lược của ông và Lưu Bị cũng không tính tới chuyện diệt Tào, và mới để cho Quan Vũ chặn đường về của Tào Tháo. Biết rằng Quan Vũ là người trọng nghĩa, hẳn sẽ tha cho Tào Tháo để trả cái nợ ân tình, nhưng thà là vậy để sau này không còn gì lưu luyến nữa. Nếu giao cho ông Trương Phi đi thì Tào Tháo chắc là đi đoong rồi! Và như thế cục diện chính trị Trung quốc hẳn sẽ rối beng lên với sự nổi dậy của các dư đảng phương Bắc, chưa chắc Lưu Bị có cơ hội trong cục diện đó.
Sau trận Xích Bích, một giải lưu vực Trường Giang mất hẳn tung tích Bắc quân. Giấc mộng thôn tính Ngô, Thục của Tào Tháo đã hoàn toàn sụp đổ. Địa vị của Tôn Quyền ở Giang Nam được ổn định, đồng thời cũng tạo cho Lưu Bị cơ hội lấy bàn đạp Kinh Châu tiến vào Ích Châu, có một thế lực riêng biệt lớn mạnh, tạo thành thế chia ba chân vạc.
Để rồi gần một ngàn năm sau, Xích Bích đã trở thành nguồn cảm hứng cho Tô Đông Pha, nhà thơ đại tài của Trung quốc, để lại hai bài phú Tiền Xích Bích và Hậu Xích Bích nổi danh.
Ngày nay, ở dưới chân núi Xích Bích ở Hoàng Châu, là nơi mà Tô Đông Pha du ngoạn (không phải là Xích Bích thời Tam Quốc), còn có một tấm bia đá chép nguyên hai bài phú Xích Bích của Tô Đông Pha, qua nét bút của danh bút thời nhà Nguyên là Triệu Trùng Tuyết viết, ai đi qua cũng không quên dừng chân chiêm ngưỡng, để tưởng nhớ đến một văn tài, và một giai đoạn lịch sử khó phai mờ. Tất cả, nay đã chôn vùi theo bụi thời gian.
Hải Phong
Nguồn: https://hungviet-vhr.org/2020/07/12/to-dong-pha-va-vai-giai-thoai-van-chuong-ky-thu