Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 Lời nói được thận trọng...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Trúc Lâm, liên quan đến một con quỷ đầu heo.

Một hôm, Tôn giả Mục Kiền Liên cùng Tôn giả Lakkhana xuống núi Kỳ Xà Quật. Ðến một chỗ nọ Tôn giả Mục Kiền Liên bỗng mỉm cười, Tôn giả Lakkhana hỏi:

- Sao sư huynh cười?

- Lúc này không nên hỏi, hãy đợi đến lúc gặp Thế Tôn.

Hai vị tiếp tục đi khất thực ở thành Vương Xá. Xong trở về Trúc Lâm, đến trước Phật đảnh lễ lui ngồi một bên. Và Tôn giả Lakkhana bèn hỏi Tôn giả Mục Kiền Liên câu trước, lúc này Tôn giả mới trả lời:

- Tôi thấy một con quỷ to lớn thân hình cao gần một dặm, dáng người nhưng đầu heo, trong miệng mọc ra một cái đuôi đầy dòi bọ lúc nhúc. Tôi nghĩ thầm: "Thật ta chưa hề thấy một sinh vật nào như thế.” Vì thế tôi mỉm cười.

Ðức Phật xác nhận:

- Mục Kiền Liên quả là có mắt thấy. Ta cũng từng thấy như thế khi ngồi dưới cây Bồ đề, nhưng Ta nghĩ: "Nếu có ai chẳng tin, thật là điều tai họa cho chúng.” Và vì thương những kẻ đó nên Ta không nói. Bây giờ có Mục Kiền Liên chứng kiến, Ta mới mạnh dạn nói sự thật.

- Bạch Thế Tôn, con quỷ ấy kiếp trước đã làm gì?

- Này các Tỳ kheo, hãy lắng nghe.

Chuyện quá khứ

A. Kẻ Phá Hoại Tình Huynh Ðệ

Vào thời đức Phật Ca Diếp, có hai Tôn giả sống hòa thuận với nhau trong một tu viện của làng nọ, người lớn sáu mươi tuổi, người nhỏ năm mươi chín tuổi. Tôn giả ít tuổi hơn thường mang y bát giùm cho vị lớn và đi theo sau, làm tròn mọi bổn phận như một chú tiểu hầu huynh trưởng. Giống như hai anh em cùng cha mẹ, họ sống trong hòa thuận, an lạc.

Một ngày kia, có một giảng sư đến chỗ họ ở. Ngày ấy là ngày nghe pháp, cả hai Tôn giả khoản đãi vị sư khách và nói:

- Ðại đức, xin giảng pháp cho chúng tôi.

Vị này giảng dạy pháp lý cho cả hai, họ rất vui mừng. Ngày hôm sau, hai Tôn giả đưa khách vào làng khất thực. Sau khi ăn xong, họ lại thỉnh:

- Tôn huynh, xin hãy giảng tiếp đoạn pháp hôm qua.

Và hai Thầy thỉnh giảng sư thuyết pháp luôn cho dân chúng. Nghe xong, Phật tử mời giảng sư xin đến vào ngày mai. Cứ như vậy các vị đi khất thực khắp các làng lân cận, hai Thầy đưa giảng sư đến những nhà quen.

Giảng sư nghĩ thầm: "Hai Thầy này rất nhẹ dạ. Ta sẽ tìm cách khiến họ rời nơi đây và chiếm tư viện này.” Buổi chiều, ông đến chăm sóc hai Tôn giả lớn tuổi. Khi đến giờ đi nghỉ, ông đến chỗ vị lớn tuổi, nói:

- Tôn giả, tôi có việc muốn nói với Ngài.

- Xin cứ nói.

Giảng sư ngần ngừ rồi nói:

- Ðiều tôi nói ra có nhiều tai hại.

Xong ông im lặng bỏ đi, đến chỗ vị nhỏ tuổi cũng làm như vậy.

Ngày thứ hai, ông cũng đóng kịch như vậy, ngày thứ ba, cả hai Tôn giả đều bị kích động. Giảng sư đến chỗ Tôn giả lớn tuổi, nói:

- Thưa Ngài, tôi có chuyện muốn nói nhưng không dám thốt ra trước mặt Ngài.

Vị này nài ép:

- Không sao, tôn huynh cứ nói.

- Nhưng, Tôn giả nhỏ kia có liên quan gì với Ngài không?

- Ngài bảo sao? Chúng tôi như anh em một mẹ, người này nhận cái gì thì người kia cũng nhận thế ấy, tôi chưa bao giờ thấy Thầy ấy có lỗi.

- Thật vậy à?

- Thật chứ?

- Thưa Tôn giả, đây là điều Tôn giả nhỏ tuổi nói với tôi: "Thưa Ngài, Ngài thuộc dòng cao quí, nhưng còn Tôn giả lớn tuổi này, nếu Ngài có định quan hệ với ông ấy, và tưởng rằng ông ấy trung hậu và dễ mến, thì hãy coi chừng.” Thầy lặp đi lặp lại với tôi như thế ngay từ hôm tôi mới đến tới giờ.

Nghe nói xong, Tôn giả lớn tuổi cảm thấy giận vô cùng, cõi lòng tan nát như một lọ gốm bị đập. Giảng sư đến chỗ Thầy nhỏ tuổi, cũng nói y như trên, và Thầy cũng cảm thấy đổ vỡ như sư huynh mình, hai vị thường đi khất thực với nhau, ngày đó Tôn giả trẻ đi vào làng một mình, đi trước sư huynh của mình và dừng bước nơi thọ thực, Tôn giả lớn tuổi đến sau.

Khi thấy sư huynh mình, Tôn giả trẻ nghĩ thầm: "Ta có nên mang y bát của Ngài hay không? Không, ta không mang.” Nhưng sau đó: "Khoan! Chẳng bao giờ ta xử sự như thế này, ta không thể thiếu sót bổn phận.” Và mềm lòng, Thầy đến chỗ vị lớn tuổi:

- Thưa Tôn giả, hãy đưa y bát cho con.

Trưởng lão từ chối:

- Chú hãy đi đi, người giả dối. Chú không xứng đáng mang y bát cho tôi.

Vừa nói Ngài vừa xua tay khinh rẻ.

- Phải, tôi cũng nghĩ tôi không mang y bát cho Ngài.

- Này chú, chú tưởng tôi luyến tiếc tu viện này hay sao?

- Tôi cũng không cần ở tu viện. Tu viện Ngài, Ngài cứ ở.

Nói xong, Thầy ôm y bát bỏ đi. Trưởng lão cũng ra đi, và thay vì đi chung với nhau như mọi lần, bây giờ một người đi hướng Ðông, một người đi hướng Tây. Giảng sư nói với họ:

- Ðừng làm thế.

Hai Trưởng lão bảo:

- Thôi, Ðại đức ở lại.

Và giảng sư làm chủ tu viện. Hôm sau, giảng sư đi vào làng kế cận, dân chúng hỏi thăm:

- Thưa Ðại Ðức, các vị kia đâu?

- Ðừng hỏi tôi. Hai Thầy ấy gây gổ nhau và ra khỏi tu viện hôm qua. Tôi can hết sức mà không được.

Nghe thế, một số người khờ khạo tin liền, nhưng những người khôn ngoan bảo nhau:

- Trong suốt thời gian ở đây, chúng ta không thấy hai Tôn giả bất hòa với nhau. Nếu các vị sợ hãi bỏ đi, chắc tại ông Thầy mới đến.

Và họ rất buồn.

Về phần hai Tôn giả, cả hai đều bất an. Trưởng lão nghĩ thầm: "Ôi! Thiệt là chú nhỏ rất lầm lỗi", khi thấy khách chú đã bảo "đừng liên hệ với ta.” Và Tôn giả trẻ tuổi cũng nghĩ như thế. Cả hai đều bực bội, không thể đọc kinh hay tọa Thiền.

Một trăm năm trôi qua, tình cờ cả hai Tôn giả cùng đến một tu viện miền Tây và cùng nhận chung một phòng. Khi Trưởng lão già vừa bước vào phòng và ngồi lên giường, Tôn giả trẻ cũng vừa đến. Thấy nhau, họ không cầm được nước mắt. Thầy trẻ suy nghĩ: "Ta có nên nói hay không? Chuyện đó không đáng tin.” Và Thầy đến chào vị Trưởng lão, nói:

- Bạch Ngài, trong suốt thời gian con mang y bát theo Ngài, Ngài có thấy con có gì sơ sót trong tư tưởng, lời nói và hành động?

- Không, ta không thấy.

- Thế thì tại sao Ngài bảo với vị sư khách rằng đừng dính dáng gì với con?

- Này chú, ta không nói như thế, mà trái lại ta được nghe chú nói như vậy về ta.

- Thưa Ngài, con cũng không hề nói như thế bao giờ.

Lúc ấy, cả hai mới nhận ra rằng, ông giảng sư nọ nói như vậy chỉ vì muốn chia rẽ huynh đệ, và cả hai đều nhận lỗi của mình. Sau thời gian một trăm năm bất an, cả hai vị giảng hòa với nhau. Và hai Tôn giả trở về tu viện cũ để mời sư Thầy lắm chuyện ra khỏi cửa.

Giảng sư thấy hai vị trở về, vội đến trước đỡ lấy y bát. Nhưng hai Trưởng lão điểm mặt Thầy:

- Ông không xứng đáng ở trong tu viện.

Không dám nán lại giây phút, giảng sư lập tức rời tu viện. Sau khi chết, giảng sư rơi vào Địa ngục A tỳ, trong thời gian giữa hai đức Phật chịu hình phạt ở Địa ngục, và bây giờ mang thân quỷ khổ sở như đã nói trên.

Sau khi nói xong, đức Phật dạy:

Ngài nói Pháp Cú:

(281) Lời nói được thận trọng,

Tâm tư khéo hộ phòng,

Thân chớ làm điều ác,

Hãy giữ ba nghiệp tịnh,

Chứng đạo Thánh nhân dạy.

Tập "Tích Truyện Pháp Cú" này được dịch theo bản Anh ngữ "Buddhist Legends" của học giả Eugène Watson Burlingame. Nhà học giả này đã căn cứ trên nguyên tác Pháp Cú Sớ Giải (Dhammapada Commentary) bằng tiếng Pàli. Tương truyền Pháp Cú Sớ Giải là công trình của Ngài Buddhaghosa (Phật Âm), sống khoảng thế kỷ thứ V Tây lịch.

 

Phẩm XXII: Ðịa Ngục

1. Cái Chết Của Tôn Đà Ly

2. Con Quỷ Xương Khô

3. Xảo Thuật Tìm Thức Ăn

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm