- Lợi Ích Đa Văn
- Ngài Phú Lâu Na Đi Tu
- Người Đời Ai Cũng Quý Tiền Bạc
- Người Không Mắt Tai Mũi Lưỡi
- Nhà Sư Bị Ma Đăng Già Bắt
- Nhẫn Nhục
- Nhẫn Nhục Chưa Tròn
- Nhất Quỷ Độ Tam Sư
- Niệm Phật Vãng Sanh
- Ông Già Bần Cùng
Lợi Ích Đa Văn ↑
Thuở xưa, có một chùa ở gần núi, có vị Hòa thượng thường ngày tụng kinh Bát Nhã và giảng Kinh Bát Nhã.
Hôm ấy, Hòa Thượng cũng tụng kinh xong lại xoay ra giảng. Thính chúng khoảng vài ba chục người nghe giảng và có thằng bé thả trâu gần đó, nó cũng vào nghe. Cứ qua mỗi đoạn Hòa Thượng giảng nó lại giảng lại cao siêu, sâu sắc hơn làm cho thính chúng và Hòa Thượng rất ngạc nhiên, em bé còn nhỏ tuổi mà thông minh như thế.
Sau khi nghe giảng xong, em bé trở về thì các con trâu đã lên núi ăn cỏ. Em bé đi kiếm trâu thì bị con cọp làm hại mất tánh mạng. Sau đó, bà trưởng giả ở trong làng mang thai, miệng cứ đọc những gì mà không ai hiểu được. Ông trưởng giả cho là bà bị ma nhập phát điên nên ông rước thầy pháp về cúng trừ tà ma để bà khỏi bịnh, nhưng tất cả đều vô hiệu quả. Ông trưởng giả buồn phiền, chưa biết làm sao.
Một hôm, Hòa Thượng tình cờ đi ngang qua, nghe có người nói kinh Bát Nhã. Ngài đứng lại nghe và vô nhà hỏi, “Ai nói kinh Bát Nhã?”
Ông trưởng giả nói, “Vợ tôi có mang, bị bịnh nói xàm đà, chạy chữ đủ cách mà bịnh không khỏi.”
Hòa Thượng cho mời bà ra, rồi xác định, “Đây là bà nói kinh Bát Nhã do ảnh hưởng cái thai, vốn là bực trí huệ thường nói kinh Bát Nhã. Bà không có bịnh gì đâu, ông đừng buồn.”
Tới kỳ sinh nở, bà sinh được một bé trai mặt mày kháu khỉnh dễ thương. Đến năm bảy tuổi thì cậu xin cha mẹ xuất gia theo hầu Hòa Thượng. Hòa Thượng dạy kinh, luật. Chú rất thông minh, học đâu hiểu đó. Đến năm hai mươi tuổi, khi thọ đại giới tỳ kheo, thì trí tuệ của thầy lại càng siêu việt.
Ngài độ đệ tử xuất gia có hang ngàn, đệ tử tại gia cũng có hang vạn người quy y. Trong đó có cha mẹ bà con quyến thuộc cũng trở thành Phật tử thuần thành, hộ pháp đắc lực.
Thế mới biết, học tập kinh Bát Nhã sẽ phát sanh trí tuệ, độ mình độ người, tương lai đồng thành Phật đạo.
Ngài Phú-Lâu-Na Đi Tu ↑
Ngài Phú Lâu Na là người thuyết pháp đệ nhất trong thập đại đệ tử của Phật.
Ngài là con trai của ông trưởng giả giàu có, khi nghe Phật thuyết pháp, phát tâm xuất gia.
Phật hỏi ngài Phú Lâu Na, “Ông xuất gia vì lý do gì?”
Ngài Phú Lâu Na thưa, “Con xuất gia vì thấy thân Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp.”
Phật dạy, “Không được. Nếu ta già bịnh, thân tốt đẹp không còn nữa, ông sẽ hết tu sao?”
Lần thứ hai, ngài Phú Lâu Na lại xin xuất gia. Phật hỏi, “Lần này ông xuất gia vì lý do gì?”
Ngài Phú Lâu Na thưa, “Vì con nghe Phật thuyết pháp, tiếng phạm âm quá hay nên con xin xuất gia.”
Phật dạy, “Cũng chưa được. Vì một ngày kia, ta già, không thuyết pháp được nữa, ông sẽ thôi tu hay sao?”
Lần thứ ba, ngài Phú Lâu Na xin xuất gia. Phật lại hỏi, “Lần này ông đi tu vì lý do gì?”
Ngài Phú Lâu Na thưa, “Vì thấy chúng tăng tu hành thanh tịnh, giới đức trang nghiêm nên con xuất gia.”
Phật dạy, “Như thế cũng chưa được. Vì nếu có một vị tăng tu hành không nghiêm túc, ông sẽ thôi tu sao?”
Lần thứ tư, ngài Phú Lâu Na xin xuất gia. Phật dạy, “Lần này ông đi tu vì lý do gì?”
Ngài Phú Lâu Na thưa, “Vì muốn chứng quả giải thoát.”
Phật dạy, “Lành thay! Ông đã xuất gia chân chánh.”
Sau đó, ngài nghe Phật thuyết pháp, tinh tấn tu hành chứng quả A La Hán.
Một hôm, ngài Phú Lâu Na phát tâm đến giáo hóa tại một nơi dân chúng rất hung ác. Trước khi đi, Phật hỏi, “Giả sử khi đến đó dân chúng mắng chửi ông thì ông làm sao?”
Ngài Phú Lâu Na thưa, “Bạch đức Thế Tôn, họ còn tốt vì chưa đánh con.”
Phật dạy, “Giả sử họ đánh ông thì ông làm sao?”
--- “Bạch đức Thế Tôn, họ còn tốt vì chưa giết con.”
Phật dạy, “Giả sử họ giết ông thì sao?”
--- “Bạch đức Thế Tôn, con rất cảm ơn họ vì họ đã giải thoát cho con khỏi thân tứ đại khổ đau này.”
Phật dạy, “Lành thay! Ông là người giáo hóa đệ nhất.”
Nếu ngày nay mà tăng ni độ người như đức Phật ngày xưa, thì Phật pháp đâu đến nỗi suy vì như vậy. Thật là đau đớn biết bao!
Nhẫn, nhẫn, nhẫn
Trái chủ oan gia từ đó dứt,
Tha thứ, tha thứ, tha thứ
Ngàn tai muôn họa thảy đều tiêu.
Tịnh lặng, tịnh lặng, tịnh lặng
Vô lượng thần tiên từ đó được.
Thôi, thôi, thôi
Công danh cái thế không tự do.
Người Đời Ai Cũng Quý Tiền Bạc↑
Khi Phật còn tại thế, có một thầy tỳ kheo thường nhập định bên dòng sông. Thời gian sau, một con rồng lên bờ, thường đi nhiễu xung quanh thầy, mục đích tỏ lòng cung kính. Khi con rồng đi nhiễu quanh thì thầy nhập định không được. Thầy muốn đuổi nó đi, nhưng không có cách.
Thầy mới về bạch Phật sự việc trên. Phật dạy, “Lần sau, con rồng đến thì ông nên hỏi xin hòn ngọc đang ngậm trong miệng con rồng, thì nó sẽ không đến nữa.”
Quả nhiên, hôm sau con rồng đến đi nhiễu, thầy tỳ kheo nói, “Này rồng, nếu nhà ngươi cung kính ta thì hãy cho ta hòn ngọc ngươi đang ngậm trong miệng.”
Rồng nói, “Vài ngày nữa con sẽ đem đến.” Từ đó về sau, rồng đi luôn không trở lại nữa.
Cho nên, người tu nào muốn được mọi người quý trọng thì đừng bao giờ động chạm đến tiền bạc, của cải của họ. Kinh dạy:
Ai ai cũng tiếc của
Mất của ai cũng buồn.
Giàu có như vua chúa
Mất của lệ sầu tuôn.
Người Không Mắt Tai Mũi Lưỡi ↑
Khi Phật còn tại thế, có ông trưởng giả giàu có, sanh được ba người con gái. Ông bị bịnh qua đời. Bà vợ công đang có mang. Sau khi ông trưởng giả qua đời, theo luật nước, nếu không có con trai thì gia sản phải bị nhập vào ngân khố của nhà nước.
Cô con gái lớn đến tâu vua, “Muôn tâu bệ hạ, mẹ con đang có thai, chưa biết là trai hay gái. Đợi đến khi mẹ con sanh, nếu là gái thì thu gia sản cũng chưa muộn.” Nhà vua nghe nói có lý, nên chờ bà trưởng giả sanh rồi mới quyết định.
Đến khi bà trưởng giả sanh, lại là một quái thai. Có đầu mình chân tay, nhưng mắt tai mũi lưỡi lại không có, mà có lại nam căn. Do đó nhà vua quyết định để gia tài cho nó hưởng. Ba chị em nuôi dưỡng, hầu hạ đứa em này, cùng hưởng gia tài.
Ba chị em mới đến chốn Phật và thưa, “Kính bạch Phật, do quả báo ác nghiệp gì mà đứa em của chúng con bị tật nguyền như thế?”
Phật dạy: Đây cũng do quả báo ác nghiệp gây nên. Vào thời quá khứ về trước, có một người lái buôn trưởng giả, sanh một đứa con độ hơn mười tuổi. Có một người lái buôn khác đến vay tiền. Ông cho vay 100 lượng vàng, giao kèo sau 20 năm sẽ trả cả vốn lẫn lời là 120 lượng. Nếu ông qua đời thì trả cho con trai ông.
Hai người đem việc đến quan đoán sự làm chứng. Quan đoán sự lại là em ruột ông trưởng giả. Quan sát, “Anh đừng lo. Có em làm chứng không mất đâu mà sợ.”
Thời gian sau, ông lái buôn mất. Đúng hai mươi năm, người con trưởng thành, đến đòi số vàng ấy. Ông lái buôn vay nợ liền chối là ông không có vay. Người con trai ông trưởng giả đòi đưa ông đến quan đoán sự, ông cũng không sợ. Ông lái buôn vay nợ linề đến lo lót bà vợ ông quan đoán sự. Ban đầu, bà không dám nhận vì chồng bà thanh liêm, được vua tin cậy. Nhưng ông lái buôn đưa đến 40 lượng vàng và nói, “Nhờ bà nói với quan đoán sự. Nếu nói không biết thì được. Nếu xử công bằng thì bà không được gì. Chỉ có một tiếng nói mà được số vàng như thế, có sướng không?” Bà vợ đoán sự nghe bùi tai nên nhận lời.
Khi quan đoán sự về nhà, bà nói chuyện ấy. Ban đầu, ông không chịu. Nhưng sau bà đòi giết con rồi tự tử thì ông đành nghe theo.
Khi người cháu đưa ông lái buôn mắc nợ đến trước quan đoán sự, kể lại câu chuyện vay vàng ngày xưa, có quan đoán sự làm chứng, thì quan đoán sự nói là ông không có biết. Thế là người cháu mắng, “Quan đoán sự bất chính. Tôi là người cháu chú mà chú còn như vậy, huống chi người khác. Chú không xứng đáng sự tin cậy của nhà vua và dân chúng. Chú sẽ chịu quả khốc liệt sau này!”
Phật kết luận: Em trai các con bị tật nguyền, tiền thân là quan đoán sự đó.1
Ác nào bằng ác sân si
Lửa nào bằng khổ nhục tham lam tràn
Khổ nào bằng khổ trần gian
Vui nào sánh được Niết Bàn thanh cao.
Nhà Sư Bị Ma-Đăng-Già Bắt ↑
Ngày xưa, bên Ấn Độ, một hôm, các ông trưởng giả tổ chức đại hội, đem con cháu theo ăn uống, ca hát rất vui vẻ, nồng nhiệt.
Có hai ông bà trưởng giả đã già, không con cháu, cũng đến dự. Hai ông bà thấy người ta có đông con cháu vui vầy, còn mình thì lại đơn chiếc nên nét mặt không vui. Bà trưởng giả tìm chỗ vắng khóc lóc thảm thiết. Ông trưởng giả theo an ủi, khuyên can.
Một cô gái trẻ đẹp đến hỏi thăm lý do. Bà trưởng giả nói, “Tôi chỉ có một người con trai, nhưng khi lớn lên nó mê theo đạo Phật, đã xuất gia làm tỳ kheo. Vợ chồng tôi khuyên can mấy nó cũng không nghe. Nó nhất định đi, bỏ vợ chồng tôi già yếu bơ vơ như thế này có khổ không? Trời ơi là trời!”
Cô gái hỏi, “Hiện nay con bà ở đâu?”
Bà trưởng giả trả lời, “Nó ở một tịnh xá rất xa, cách đây 400, 500 cây số. Tôi bận bịu việc gia đình, làm sao đi thăm nó được. Nó cũng không về thăm tôi.”
Cô gái nói, “Tôi có thể đem con trai của bà về nhà với điều kiện là bà phải cưới tôi làm dâu và cho tôi một số tiền lớn để tôi lập kế đem con bà về.”
Ông trưởng giả đồng ý đề nghị của cô gái. Khi nhận số tiền lớn, cô mướn một số cỗ xe ngựa, mướn them bốn nàng hầu. Khi đến địa phương thành phố gần tịnh xá, cô mướn một gian nhà sang trọng để ở. Sau khi trang trí nhà cửa xong, cô trang điểm cực kỳ mỹ lệ và tìm đến tịnh xá có thầy tỳ kheo con ông bà trưởng giả đang tu. Cô quy y và thường lui tới cúng dường thân cận thầy tỳ kheo mà cô đã để ý.
Sau đó, cô mời thầy xuống nhà thăm cô cho biết. Cô cố ý thỉnh thầy mỗi bữa trưa xuống nhà cô dùng cơm, để cô có cơ hội nói chuyện và tiếp xúc với thầy. Thời gian lâu, cô biết thầy đã có cảm tình với cô. Rồi một hôm, thầy tỳ kheo xuống dùng cơm không thấy cô ra chào, chỉ thấy các người hầu tiếp đãi. Hỏi ra mới biết cô chủ bị bịnh. Sau khi thầy dùng cơm, người hầu mời thầy vào thăm cô chủ.
Cô chủ mới kể đầu đuôi câu chuyện và nói, “Cha mẹ chàng đang đau nặng. Chàng mau sớm về thăm và nuôi cha mẹ để trả hiếu.” Nghe lời đường mật của cô, thầy tỳ kheo xuôi lòng đành lên tịnh xá xả giới và leo lên xe về nhà với cô.
Rất lấy làm đáng tiếc biết bao!
Nhẫn Nhục ↑
Một hôm, có một ông Bà La Môn đến mắng Phật. Phật im lặng không đáp. Khi ông mắng xong, Phật hỏi, “Giả sử ông đem đồ cho ai mà người đó không nhận thì ông tính sao?”
Ông Bà La Môn trả lời, “Thì tôi đem về chớ sao!”
Phật dạy, “Nay ông mắng ta, ta cũng không nhận. Vậy ông tự đem tội về thân ông rồi!”
Rồi có một hôm khác, Phật đi du hành. Có một ông Bà La Môn đi theo mắng chửi thậm tệ. Phật cứ đi thản nhiên như không có gì xảy ra.
Khi đến gốc cây râm mát, Phật trải tọa cụ ngồi xuống. Ông Bà La Môn đến hỏi, “Sa môn Cù Đàm thua ta chưa?”
Phật dạy:
Thắng lợi bị thù oán
Thất bại bị đau khổ
Không màng đến thắng bại
Sống đời hòa hiếu an vui.
Nhẫn Nhục Chưa Tròn ↑
Có một ngôi chùa lớn lâu năm, thầy trụ trì là một vị Hòa Thượng đạo hạnh hơn người. Vào mùa Vu Lan Báo Hiếu, ngài tổ chức trai đàn ba ngày, ba đêm. Trước là cầu quốc thái dân an, sau là siêu độ cô hồn âm linh.
Ngày thứ ba, trai đàn gần mãn. Bỗng có một thiếu phụ, bụng mang dạ chửa, tay ẵm một đứa con, tay dắt một đứa con cùng một con chó, đến chùa xin cơm ăn.
Hòa Thượng cho bới hai tô, một tô cho mẹ, một tô cho con. Cô ta xin thêm một tô cho đứa con đang ẵm, và một tô cho con chó. Hòa Thượng đem ra tất cả là bốn tô. Nhưng cô ăn xong, lại xin một tô nữa cho đứa con ở trong bụng.
Tới đây, Hòa Thượng không nhịn được nữa và nói rằng, “Cô không biết thân phận, lại xin quá đáng. Đứa con ở trong bụng làm sao ăn mà cô xin. Cô tưởng cơm chùa ăn dễ lắm sao?” Hòa Thượng vừa nói tới đó thì ba mẹ con cô ta và con chó biến mất.
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cỡi con sư tử cùng hai thị giả đứng trên mây nói kệ rằng:
Bầu đắng đắng tận gốc
Dưa ngọt ngọt cùng giây.
Ta đã siêu tam giới
Còn bị chư tăng rầy.
Hòa Thượng thấy vậy, nước mắt tuôn trào, nghẹn ngào, hướng lên Bồ Tát mà lạy cầu sám hối.
Tội từ tâm khởi, đem tâm sám,
Tâm nếu tịnh rồi, tội liền tiêu.
Tội tiêu, tâm tịnh thảy đều không,
Thế mới gọi là chân sám hối.
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nhất Quỷ Độ Tam Sư ↑
Trong kinh Kim Quang Minh trì nghiệm có kể câu chuyện: Thuở xưa, có một cô gái nghèo khổ, mẹ chết. Khi đến ngày 49, cô muốn đi rước thầy để cầu siêu độ cho mẹ cô. Nhưng cô không có tiền đành cắt mái tóc xanh đem bán, được một số tiền nhỏ để cúng lễ 49 ngày cho mẹ.
Cô đi thỉnh thầy, nhưng chùa quá xa. Cô vừa ra khỏi cổng thì gặp ba thầy đang đi đường. Cô mừng quá, liền thỉnh ba thầy vô, và nhờ ba thầy tụng kinh siêu độ cho mẹ cô. Ba thầy cũng đồng ý vào tụng kinh siêu độ.
Cô đi sang nhà ông Phật tử hàng xóm mượn chuông mõ và một cuốn Kinh Quang Minh. Ba thầy chí thành khai kinh và trì tụng. Cô quỳ ở sau, chí thành lễ bái.
Tụng kinh xong, cô dọn cơm mời ba thầy dùng và cúng dường lễ tạ. Ba thầy dùng trai tăng xong, từ giã ra đi. Đến một làng khác, ba thầy lại ghé vào quán nhậu rượu, nhưng khi sắp ăn uống thì nghe tiếng nói trên hư không, nói rằng, “Xin ba thầy đừng ăn thịt uống rượu, con sẽ bị đọa trở lại địa ngục.” Ba thầy ngó nhau, bỏ đũa, trả tiền mà ra đi.
Ba “thầy” vốn là tù nhân được phóng thích. Áo quần rách nát nên vào chùa xin đồ tu mà mặc. Không có tiền hớt tóc nên cạo đầu cho mát. Không ngờ lòng chí thành của thí chủ và phước báu của kinh, mà mẹ của cô con gái được siêu độ.
Ba vị thầy tu bất đắc dĩ, ngày hôm ấy, thấy việc siêu độ quá linh thiêng, nhiệm mầu, nên đã phát tâm xuất gia, thọ đại giới, tinh tấn tu hành, sau trở thành những thầy tu đạo hạnh được mọi người thương mến, kính yêu.
Công cha như núi ngất trời,
Tình mẹ như nước biển khơi tràn đầy.
Dù cho dâng hết thân này,
Cũng không trả được công người dưỡng sinh.
Niệm Phật Vãng Sanh ↑
Đã kể câu chuyện Hòa Thượng Hải Đức biết trước giờ chết, ra đi một cách ung dung, tự tại. Đó là một vị cao tăng cận đại, ai cũng kính trọng.
Trong một chùa miền quê của tỉnh Bình Định, có một ngôi chùa nhỏ giữa làng. Trụ trì ngôi chùa này là một vị Thượng tọa, xuất gia từ nhỏ, nhưng không được học hành Phật pháp sâu rộng. Thầy xuất gia với lòng ngưỡng mộ Tam Bảo và được Hòa Thượng bổn sư của thầy dạy nghi lễ, coi ngày giờ, cúng đám cho Phật tử. Ngày đêm thầy thường tụng kinh, niệm Phật. Thầy thường dạy cho đệ tử cũng như Phật tử, “Tu hành là trì trai, giữ giới, tụng kinh, niệm Phật, để sau khi quá vãng được về Tây Phương Tịnh Độ, hết khổ được vui, chứng đạo bồ đề.”
Công quả trong chùa, thầy có một ông già tên ông Hai. Ông Hai cũng đi tu từ nhỏ nhưng căn tánh ám độn, học không vô, chỉ đánh chuông, quét chùa, và làm công quả. Ông tu với Hòa Thượng bổn sư của thầy. Vì thấy chùa đơn chiếc nên Hòa Thượng cho ông Hai về công quả giúp cho Thầy. Ngoài thì giờ công quả tưới bông, tưới cây, đánh chuông, quét chùa, ông Hai chuyên niệm Phật. Ai nói gì ông cũng bỏ qua, khen ông không mừng, chê ông và không giận. Ông chỉ lo làm tròn bổn phận và niệm Phật mà thôi.
Năm ấy, ông Hai trên 70 tuổi, sức khỏe còn tốt, không có bịnh hoạn chi. Một hôm, ông thưa với thầy trụ trì, “Thưa thầy, hôm nay thầy có đi đâu không?”
Thầy trụ trì nói, “Hôm nay tôi về chùa tổ cúng tổ.”
Ông Hai nói, “Cúng tổ, năm nào cũng cúng. Bữa nay, thầy ở nhà, con về Tây Phương nhờ thầy hộ niệm.”
Thầy trụ trì nói, “Con nói thật đó.”
Thầy trụ trì nói, “Thôi, ở nhà thì ở. Sang năm về cúng tổ cũng được.”
Gần trưa, ông Hai nấu nước tắm, thay quần áo. Đến trưa, ông mặc áo tràng lên thỉnh thầy trụ trì hộ niệm. Ông Hai lên chùa, mở cửa, lên hương đèn, bắc ghế cho thầy trụ trì ngồi một bên hộ niệm. Ông đứng gần giữa chùa, chí thành lễ Phật, xong ngồi xuống, xoay mặt vô bàn Phật niệm Phật. Tiếng ông nhỏ dần và đầu ông gục xuống, im lặng. Thầy trụ trì đưa taylên mũi ông thì ông đã đi rồi.
Thầy trụ trì đánh trống Bát Nhã lên. Phật tử nghe tin ông Hai tịch trước bàn Phật nên kéo về đông nghẹt chùa. Một giờ sau, Phật tử thỉnh xác thân ông Hai xuống nhà tây, lo tang lễ.
Khi đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng, Phật tử hùn tiền mướn bảy chiếc xe hơi đưa đi thật long trọng.
Đến ngày 49, Phật tử ra thăm mả, không ngờ mả của ông đã được xây thật tốt đẹp. Hỏi ra mới biết, có người khác xóm xây mả của cha, nhưng thợ đã xây lầm mả của ông Hai. Thế rồi Phật tử thương lượng để hoàn tiền lại.
Thế mới biết, người tin Phật niệm Phật chắc chắn sẽ được Phật rước về Tây Phương Tịnh Độ, như truyện ông Hai nói trên.
Tôi có mấy câu thơ:
Đi đứng niệm Phật thường,
Sáu chữ nhiếp tâm vương.
Ba nghiệp thường thanh tịnh,
Theo Phật về Tây Phương.
Ông Già Bần Cùng ↑
Khi Phật còn tại thế, có ông già bần cùng. Ông sống đến 150 tuổi, râu tóc ra dài bạc phơ, nghèo khổ đói rách, không biết nương tựa vào ai. Ông nghe Phật Thích Ca ra đời đem lại sự an vui giải thoát cho chúng sanh. Ông lê cái thân gia nghèo khổ tìm đến đức Phật, nhưng khi đến cổng thì chư thiên Đế Thích không cho vào. Ông buồn khổ khóc lóc, than thân trách phận.
Phật biết được, liền sai ngài A Nan ra đưa vào. Khi thấy Phật, ông sụp lạy và bạch rằng, “Không biết đời trước con tạo tội gì mà hôm nay thân con phải chịu khổ? Muốn chết cũng không được, còn sống thì cơm không có ăn, áo không có mặc. Không biết con tạo nhân là gì mà hôm nay con phải chịu khổ như thế? Xin đức Thế Tôn từ bi chỉ dạy cho con.”
Phật dạy: Vào thời quá khứ xa xưa, có một ông thái tử giàu có keo kiết, không biết bố thí là gì. Thái tử chỉ mong lấy của người khác, làm cho những người mất của khổ đau không ít. Nhà vua lại cưng chiều ông nên ông tha hồ tác oai tác quái với dân chúng. Có một vị tỳ kheo thiếu y đến xin ông một cái y. Ông đã không cho mà còn bắt nhốt thầy và bỏ thầy đói đến bốn, năm ngày. Ông quan đại thần biết được khuyên ông thả ra, ông nghe theo thả ra. Thầy tỳ kheo đi vào rừng bị một bọn cướp bắt thầy, muốn đem tế trời. Thái tử nghe được, cho quân lính đến giải cứu, thả ra.
Phật kết luận: Tiền thân của ông lão là thái tử keo kiệt độc ác, nên nhiều kiếp phải nghèo khổ đói rách. Cho đến kiếp này, cơm áo cũng không đủ ăn mặc. Nhờ ông phát tâm cứu sống vị tỳ kheo nên được mạnh khỏe, sống lâu. Vị tỳ kheo là tiền thân Bồ Tát Di Lặc.
Ông nghe xong, xin sám hối tội lỗi xưa và xin xuất gia tu đạo giải thoát. Phật gọi “Thiện lai tỳ kheo” thì ông đủ tướng tỳ kheo. Nhờ gặp Phật mà ông thoát được quả báo nghèo đói.
Kinh dạy:
Giả sử trăm ngàn kiếp
Nghiệp đã tạo không mất.
Khi nhân duyên hội đủ
Quả báo trở lại tự chịu.