Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

  1. Ông Phật Mũi Đen
  2. Ông Trưởng Giả Có Bốn Vợ
  3. Ông Trưởng Giả Hà Tiện
  4. Ông Trưởng Giả Mê Tín
  5. Phật Bố Thí Thân Cho Cọp Đói
  6. Phật Độ Bà Già Bất Tín
  7. Phật Độ Chàng Ương Quật Ma La
  8. Phật Độ Chó Dữ
  9. Phật Độ Nan Đà
  10. Phật Độ Nàng Ma Đăng Già

Ông Phật Mũi Đen 

Ngày xưa, có một cô ni thỉnh một tượng Phật bằng đồng, cao độ hai tấc tây, sơn thếp vàng, đầy đủ tướng hảo. Cô đi đâu cũng đem theo để hương hoa, lễ bái, cúng dường.

Về sau, cô đến ở một ngôi chùa cổ có nhiều pho tượng Phật cỡ lớn. Cô cũng để đức Phật cô trên bàn thờ. Cô mua một loại hương trầm quý giá về đốt để cúng dường đức Phật mình. Nhưng thấy khói lên tản mạn, cô sợ mấy pho tượng Phật lớn hưởng hết. Cô mới chằm một cái loa để khói lên ngay mũi của đức Phật mình. Lâu ngày, mũi ông Phật của cô bị đen, trông rất xấu.

Thế mới biết, tâm nhỏ hẹp nên kết quả không tốt đẹp chút nào!

Người tu tâm rộng mở

Phát nguyện độ chúng sinh

Không có tâm nhỏ hẹp

Chỉ độ có riêng mình.

Ông Trưởng Giả Có Bốn Vợ  

Một ông trưởng giả có bốn bà vợ. Bà vợ thứ nhất, ông yêu thương rất mực. Đi đâu ông cũng dẫn bà đi theo. Ăn uống cũng có nhau, chi ngọt xẻ bùi cùng nhau. Các cuộc vui chơi, ông đều đem bà theo. Ông không rời bà nửa bước.

Bà vợ thứ hai, ông cũng quý trọng nhưng không bằng bà thứ nhất. Ông rất khổ công tìm kiếm để cưới bà. Có bà thì ông vui, không có bà thì ông buồn. Muốn làm việc gì, có bà thì thành công, không có bà thì thất bại. Ông quý mến bà thì bà đem lại thành công và hạnh phúc cho ông.

Bà vợ thứ ba, ông cũng quý mến vì có lúc cùng chia ngọt xẻ bùi, đồng lao cộng khổ. Giúp đỡ nhau lúc ngặt nghèo, chia vui lúc thành đạt. Nhưng ông thương yêu không bằng bà thứ hai.

Bà vợ thứ tư thì hình như ông quên lãng. Sự có mặt của bà, ông không bao giờ quan tâm đến. Ông bỏ mặc bà, không cần chăm sóc. Nhưng ngược lại, bà hết sức thương ông, không bao giờ rời ông. Việc làm của ông, bà đều biết, mặc dù ông không để ý bà.

Đến khi ông trưởng giả sắp chết, ông nói với bà thứ nhất, “Một mai tôi chết, bà chết theo tôi cho trọn niềm chung thủy.”

Bà thứ nhất đáp, “Mặc dù ông quý mến thương yêu tôi rất mực, nhưng việc chết sống không thể theo nhau được.”

Ông trưởng giả bất mãn, rất buồn, đến nói với bà thứ hai cũng tương tợ.

Bà thứ hai trả lời, “Tuy ông quý trọng tôi, giữ gìn chăm sóc tôi, bảo vệ tôi, nhưng việc chết sống thì đường ai nấy đi. Tôi không thể theo ông được. Tôi cho ông biết, ông chết rồi tôi sẽ có chồng khác.”

Ông trưởng giả nghe bà nói quá bạc tình, ông buồn bã, chán nản. Ông đi tìm bà thứ ba nói tương tự.

Bà thứ ba nói, “Tuy ông thương tôi, tôi cũng thương ông, nhưng việc chết sống không thể theo nhau được. Bất quá, tôi đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng rồi sau quên mất.”

Ông trưởng giả nghe bà này nói cũng không chung thủy chút nào. Ông đâm ra buồn vô hạn. Ông đi đến bà thứ tư và nói như trước.

Bà thứ tư nói, “Tuy ông không để ý quan tâm đến tôi, nhưng lúc nào tôi cũng quan tâm để ý đến ông. Ông làm  việc gì tôi đều biết cả. Khi ông chết, tôi sẽ chết theo ông.” Ông trưởng giả không ngờ bà này lại chung thủy, tận tình đến thế.

Đức Phật dạy: Bà thứ nhứt là tượng trưng cho thân ta. Thân ta thì ai cũng quý trọng, nuôi dưỡng tử tế, cho thân ăn ngon, mặc đẹp, ở sang. Lâu lâu dẫn đi du lịch chỗ này chỗ kia, yêu thương tấm thân rất mực, nhưng đến khi chết thì đành bỏ lại, thành tro, thành đất. Thân này rất là bạc bẽo với chúng ta, không một chút biết ơn. Có khi vì nói mà ta tạo tội để bị đọa đày, khổ đau.

Bà thứ hai là thí dụ cho tiền bạc, của cải. Tiền bạc, của cải thì ai cũng khổ tâm tìm cầu, tích lũy. Ăn cũng không dám ăn, mặc cũng không dám mặc, cho ai chừng một chục, một trăm đều tiếc. Nhưng khi nhắm mắt xuôi tay thì đành để lại cho người khác, đúng là “ông chết, tôi liền có chồng khác.” Bạc là vàng bạc, tiền bạc, mà bạc cũng có nghĩa là bạc bẽo. Có biết bao nhiêu người chỉ vì tiền bạc mà bị khổ đau.

Bà thứ ba là dụ cho quyến thuộc, bà con. Quyến thuộc, bà con thì cũng thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau. Khi người thân qua đời thì họ cũng bùi ngùi, xúc động, đau lòng. Nhưng sau khi tiễn đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng, về nhà năm ba ngày sau thì họ quên mất. Đúng là:

Bà con cũng ví chim chung ngủ

Đến sáng ra rồi mỗi tự bay.

Chí thân như cha con, vợ chồng cũng không ai thế được ai khi vô thường xảy đến.

Bà thứ tư là dụ cho hành nghiệp thiện ác. Hành nghiệp là việc làm của mình nhưng không bao giờ để ý. Chúng không bao giờ mất mà theo mình như bóng theo hình. Hễ tạo nhân thì phải chịu quả báo. Làm việc có quả báo lành. Làm ác phải chịu quả dữ. Không sai một mảy may.

Thế mà chúng ta lại quên hành thiện nghiệp, hàng ngày, vô tình hay cố ý làm ác để rồi phải chịu quả khổ đắng cay.

Cha mẹ ơn sâu còn vĩnh biệt

Vợ chồng nghĩa nặng cũng chia ly.

Số trời dù hết, tình nào hết

Sông nước dù vơi, lệ chẳng rơi.

 

Ông Trưởng Giả Hà Tiện  

Khi Phật còn tại thế, có ông trưởng giả hà tiện, keo kiết. Nhà ông rất giàu có, nhưng vì tánh hà tiện nên ông không dám cho ai một đồng, một xu. Trong nhà, ông cũng ăn uống rất tiết kiệm. Ông có gia tài giàu có, chỉ để nhìn mà thôi. Không lợi ích gì cho ai!

Một hôm, ông trưởng giả hà tiện đi chầu vua về. Ông đi ngang qua chỗ bán bánh cam chiên phồng, trông rất ngon. Các em bé mua ăn, thấy mà phát thèm. Ông trưởng giả cố nhịn cơn thèm.

Về đến nhà, ông trưởng giả liền vào phòng riêng nằm, ráng nhịn. Bà trưởng giả tưởng ông bị đau nên vào hỏi thăm và nói, “Ông đi chầu vua về bệnh hay sao mà nằm như vậy?”

Ông trưởng giả nói, “Chỉ vì muốn ăn bánh cam mà thôi.”

Bà nói, “Nhà ta giàu có, sai trẻ ra mua về ăn chớ tiết kiệm làm gì?”

“Bà ngu hay sao mà bỏ tiền ra mua?”

“Vậy thì làm, cả nhà cùng ăn.”

“Bà ngu hay sao mà cả nhà cùng ăn?”

“Vậy hãy làm cho tôi và ông cùng ăn.”

“Bà sao có phần trong đó?”

“Như thế thì chỉ làm cho ông ăn mà thôi.”

Ông bằng lòng đề nghị này, nhưng ông nói, “Nhà ta con cháu gia nhân đông, mà không cho ăn cũng khó coi. Vậy bà lấy bột đường, lò than, lên lầu ba đóng cửa lại, làm cho một mình tôi ăn.”

Bà trưởng giả đem bột đường, lò than lên lầu ba, làm bánh và chiên được một rổ nhỏ.

Ngài Mục Kiền Liên nhập định, biết ông trưởng giả hà tiện đến thời kỳ được độ. Ngài dùng thần thông bay đến đứng trên hư không, gần lầu ba. Cửa sổ tự nhiên mở ra. Ông trưởng giả thấy Ngài Mục Kiền Liên, liền nói, “Ông có đi lại cũng không có cái nào!” Ngài Mục Kiền Liên liền đi lại.

Ông trưởng giả nói, “Dù ông có ngồi cũng không có cái nào.” Ngài Mục Kiền Liên phun ra khói mù mịt.

Ông trưởng giả sợ cháy nhà nên nói với bà trưởng giả, “Thôi, cho ông một cái, để ông đi cho rồi.”

Ông lựa một cái nhỏ để cho, nhưng bánh lại dính chùm, lấy ra không được. Ông bà kéo tới, kéo lui, một hồi ông mệt quá, ông nói, “Thôi cho ổng hết cho rồi.”

Ngài Mục Kiền Liên nói, “Cúng dường cho tôi thì phước ít. Cúng dường cho Phật và thánh chúng thì được phước nhiều!”

Ông trưởng giả thưa, “Bây giờ gần trưa và đường xa, làm sao đi cho kịp giờ ngọ.”

Ngài Mục Kiền Liên nói, “Ông bà phát tâm thì bước xuống thang lầu thì tới ngay.” Nhờ phép thần thông nên nên ông bà bước xuống cầu thang thì liền tới tịnh xá Kỳ Hoàn.

Ông bà trưởng giả thấy Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, liền cung kính lễ bái cúng dường bánh và xin Phật quy y, thọ ngũ giới. Vì lòng chí thành nên bánh mà ông bà cúng dường Phật và thánh chúng vẫn còn dư. Ông đem bố thí cho mấy người hành khất.

Khi nghe Phật thuyết pháp, ông bà đắc pháp nhãn tịnh. Từ đó về sau, ông phát tâm bố thí cho những người nghèo khổ, bệnh tật, nên được tiếng thơm, được mọi người khen ngợi, mến yêu. Sau khi chết được sanh về cõi trời hưởng phước.

Thế nên biết phước bố thí thật là vô lượng.

Ông Trưởng Giả Mê Tín  

Khi Phật còn tại thế, có ông trưởng giả mê tín. Sáng hôm ấy, Phật biết ông trưởng giả này đến thời kỳ được độ. Phật đắp y, trì bát, hướng về nghĩa trang.

Sáng sớm ngày hôm ấy, ông trưởng giả sai gia nhân lấy hai cái áo dài bị chuột cắn đem bỏ ngoài nghĩa trang. Lúc ấy, Phật cũng vừa tới nơi, Phật lấy hai cái áo dài bị chuột cắn đem về.

Gia nhân thấy vậy, về thưa với ông trưởng giả. Ông trưởng giả sợ Phật bị tai họa, nên ông liền đến chốn Phật, bạch rằng, “Bạch đức Thế Tôn, nếu đức Thế Tôn cần áo dài thì con cúng áo dài mới cho Ngài, chớ hai cái áo dài đó bị chuột cắn, xui xẻo lắm! Xin đức Thế Tôn bỏ đi.”

Đức Phật dạy, “Trong các thứ độc hại, tam độc là hơn hết. Nhưng tam độc đã đoạn trừ, thì đâu còn xui xẻo nào nữa.

“Người bị xui xẻo tai  họa là do kiếp trước và kiếp này làm ác, nên bị quả ác xui xẻo, tai họa. Nếu người làm lành thì không bị xui xẻo, tai họa. Họa hay là phước là do mình tự tạo rồi mình phải tự chịu lấy phước hay họa. Chớ không phải chuột cắn áo mà xui xẻo tai  họa.”

Sau khi Phật thuyết pháp cho ông nghe, ông đắc được chánh kiến và quy y, thọ ngũ giới, làm Phật tử tại gia.

Người tu cần phải biết

Chánh tín là đứng đầu.

Nếu tin theo tà kiến,

Khổ não càng thêm sâu.

 

Phật Bố Thí Thân Cho Cọp Đói  

Khi Phật nói Kinh Kim Quang Minh, bỗng nhiên có tháp báu từ đất vọt lên. Thấy thế, ngài A Nan bạch Phật, “Do duyên cớ gì mà tháp báu từ đất vọt lên?”

Phật dạy: Vào thuở quá khứ xa xưa, có nhà vua cai trị một vương quốc rộng lớn, đất đai phì nhiêu, dân chúng đông đúc. Nhà vua hiền từ đức hạnh, thương dân như con ruột. Hoàng hậu cũng là người xinh đẹp và thuần lương. Hoàng hậu sanh cho nhà vua được ba hoàng tử, người nào cũng tuấn tú khôi ngô, văn võ song toàn.

Một hôm, vào mùa xuân trăm hoa nở rộ, chim hót líu lo. Bướm ong bay lượn để lấy mật hoa, trông rất xinh đẹp. Thấy thời tiết quá đẹp nên ba hoàng tử xin vua cha và mẫu hậu vào rừng thưởng ngoạn. Vua cha và mẫu hậu thương con nên cho đi. Nhưng dặn sớm hãy trở về, để cha mẹ khỏi trông đợi.

Ba hoàng tử vào rừng, thấy ba mẹ con cọp bị đói đã lâu ngày, nên thân thể ốm gầy và hình như cọp mẹ muốn ăn cọp con. Ba hoàng tử thấy rất thương xót nhưng không có gì cho ăn. Hoàng tử thứ ba, Tát Đỏa, hỏi hai anh, “Con cọp ăn những gì?”

Hai hoàng tử anh đáp, “Cọp chỉ ăn máu nóng thịt tươi.”

Đi một đoạn, hoàng tử thứ ba xin vào rừng để đi cầu. Hai người anh chời đợi lâu mà không thấy em trở về lại. Hai anh sanh tâm nghi rồi đi trở lại tìm kiếm em thì, hỡi ôi, em mình đã đem thân bố thí cho ba mẹ con cọp đói.

Cọn đã ăn hết chỉ còn bộ xương dính máu và cái đầu. Ba mẹ con cọp dẫn nhau vào rừng. Hai người anh quá đau xót thương em nên ôm đầu em khóc thảm thiết.

Mẫu hậu ở nhà ngủ trưa, nằm mộng thấy chim ó bắt chim bồ câu. Thức giấc, bà hãi hùng, đến tâu vua điềm chiêm bao. Vua cùng hoàng hậu, binh lính, tức tốc đi vào rừng tìm ba hoàng tử.

Khi đến nơi, thấy hai hoàng tử anh ôm đầu em khóc nức nở. Vua và hoàng hậu cũng không cầm được nước mắt. Mọi người đều khóc thảm thương tiếc, quyến luyến không chịu về.

Hoàng tử Tát Đỏa nhờ phước đức bố thí thân cho cọp đói nên được sanh lên cõi trời Đao Lợi. Liền trở xuống nhân gian. Thấy phụ hoàng mẫu hẫu và hai anh đang khóc lóc thảm thương, hoàng tử cùng với chư thiên đứng trên mây khuyên, “Phụ vương, mẫu hậu và hai hoàng huynh chớ quá đau buồn. Con nhờ bố thí cho cọp đói mà được sanh lên thiên cung hưởng phước. Phụ vương, mẫu hậu và hai hoàng huynh chớ đau buồn, hãy bảo trọng, giữ gìn sức khỏe thì con mới an lòng.

Nghe thiên tử nói như vậy, vua cha, mẫu hậu và hai anh bớt đau buồn, nhớ thương. Vua cha thương con nên nhặt hài cốt đem về xây tháp báu để tưởng niệm.

Phật kết luận: Thái tử Tát Đỏa là tiền thân của ta. Cha mẹ ta thời ấy là tiền thân của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia, còn hai anh là tiền thân của Bồ Tát Phổ Hiền và Bồ Tát Văn Thù.

Nói lời chân thật luôn luôn

Dẹp cơn nóng giận, dỗi hờn khó coi,

Dù ta có ít của thôi,

Cũng đem bố thí cho người đến xin.

Nhờ ba việc tốt lành trên,

Đưa ta đến cõi chư thiên an nhàn.

 

Phật Độ Bà Già Bất Tín  

Ông Cấp Cô Độc là người kính tín ngôi Tam Bảo, là đại thí chủ của đức Phật. Nhưng trong nhà ông ta có một bà làm công bất tín. Bà thấy Phật và thánh đệ tử đến nhà ông Cấp Cô Độc thì bà không ưa. Bà nói, “Sa môn Cù Đàm dùng lời huyễn thuật làm cho ông chủ của tôi mê hoặc, mất hết tiền của. Từ nay tôi nguyện không gặp Phật, pháp, Tăng.” Do đó tiếng dữ của bà đồn xa.

Hoàng hậu Mạt Lợi nghe được, cho mời bà Cấp Cô Độc lên vương cung và hỏi, “Tại sao nhà bà là Phật tử thuần thành, kính tín ngôi Tam Bảo, bà lại nuôi một bà già bất tín như thế?”

Bà Cấp Cô Độc thưa, “Thưa phu nhân, xin Phật từ bi cứu độ bà ta.”

Mạt Lợi phu nhân suy nghĩ rồi nói, “Vậy ba ngày nữa ta thỉnh Phật cúng dường. Bà sai bà già đó đến đây, sẽ gặp Phật cứu độ.”

Ba ngày sau, bà Cấp Cô Độc sai bà già đem bình vàng đựng lúa bạc đến để Mạt Lợi phu nhân phụ vào việc cúng dường. Bà già vâng lời mang đến. Vừa lúc đó gặp Phật đi đến. Mạt Lợi phu nhân thỉnh Phật độ bà già.

Phật liền phóng quang đến bà ta. Bà già liền lấy tay che mặt, xoay hướng khác. Phật liền hiện bốn phía. Bà ngước mặt lên trời, Phật hiện lên trời, bà úp mặt xuống đất. Phật hiện xuống đất, bà lấy hai tay bưng mặt và nói, “Xin Phật tha cho con, Phật đừng nhát con.”

Phật dạy ngài A Nan, “Ta không độ được, nhưng La Hầu La sẽ độ được bà.” Lần hiện thần thông này, 500 cung nữ được đắc pháp nhãn tịnh.

Bà già trốn chạy về nhà, nằm trùm mền và nói, “Phật có nhiều huyễn thuật như thế, khiến chủ ta tin theo là phải.”

Phật về, dạy tôn giả La Hầu La lập phương tiện độ bà. La Hầu La vâng theo lời Phật, hóa hiện làm chuyển luân thánh vương có xe bảy báu, ba mươi hai tướng tốt. Năm trăm vị A La Hán biến làm con thánh vương, phóng hào quang bay đến nhà ông Cấp Cô Độc và tuyên bố, “thánh vương ra đời, thái bình thạnh trị.”

Bà nghe thánh vương, thoát mền dậy, nói, “Thánh vương ra đời không tốt hơn Phật ra đời hay sao!”

Bà ra lễ bái thánh vương. Thánh vương chiếu hào quang xuống bà, làm bà trẻ lại, xinh đẹp ra.Thánh vương nói, “Này ông Cấp Cô Độc, hãy trả tự do cho bà già để bà làm cung phi cho thánh vương.” Ông Cấp Cô Độc chấp tay tuân lịnh.

Tôn giả La Hầu La đem bà vê chốn Phật. Bà lễ Phật xin xuất gia. Phật giao cho bà Đại Ái Đạo tỳ kheo ni giáo hóa. Bà tinh tần tu tập, một thời gian sau, chứng quả Tu Đà Hoàn.

Thấy thế, ngài A Nan bạch Phật, “Bà già bất tín nay vì sao lại bị làm nô lệ, lại bất tín ngôi Tam Bảo, và nhờ phước đức gì bà được độ.”

Phật dạy: Đây cũng do nhân duyên tiền kiếp ác nghiệp gây ra.

Vô lượng kiếp về trước, trong giáo pháp của Phật Tỳ Bà Thi, có vị Hòa Thượng nuôi một ông đệ tử tỳ kheo tên Hoa Quang. Hòa Thượng thường dạy kinh Bát Nhã, lý nghĩa Chơn Không. Hoa Quang tỳ kheo không hiểu đâm ra hủy bang thầy, nói rằng, “Thầy tôi tán dương những việc trống rỗng. Tôi nguyện kiếp sau không gặp thầy tôi nữa.” Do không hiểu chánh pháp, hủy báng thầy, nên tuy trì giới thanh tịnh mà phải bị đọa nhiều kiếp. Hết tội lại sanh làm người bần cùng hạ tiện, chuyên làm tôi tớ cho người.

Nhưng Hoa Quang tỳ kheo lại có một thầy giáo thọ dạy kinh ông hiểu được, thường tán than thầy giáo thọ thông minh trí tuệ hơn Hòa Thượng của ông.

Phật kết luận: Hoa Quang tỳ kheo là tiền thân của bà già. Hòa Thượng là tiền thân của ta. La Hầu La đời trước là thầy giáo thọ. Và cũng nhờ kiếp trước trì giới thanh tịnh nên nay gặp ta và chứng quả thánh.

Cha mẹ ơn sâu nguyện đáp đền

Ơn thầy ơn bạn cũng đừng quên

Ơn người giữ nước cho sanh chúng

Quyết độ cùng nhau tu tiến lên.

Phật Độ Chàng Ương-Quật-Ma-La  

Một ông Bà La Môn giàu có, sanh một người con trai kháu khỉnh, dễ thương. Thời gian sau, ông trưởng giả qua đời. Bà mẹ dẫn con đến học với một ông giáo sư văn võ song toàn.

Ương Quật Ma La càng lớn lên càng thông minh, đẹp trai. Cậu học đâu nhớ đó, là học trò xuất sắc nhất trong lớp. Ông giáo sư rất tin yêu thương cậu.

Ông giáo sư lại có bà vợ trẻ đẹp, đa tình. Thấy Ương Ma Quật La thì bà sanh lòng mê đắm, chờ dịp để bắt Ương Quật Ma La làm theo ý muốn của bà.

Cơ hội đã đến. Ông giáo sư đi vào chầu vua, giao nhà lại cho Ương Quật Ma La trông coi. Bà vợ tìm cách gần cậu, chọc ghẹo, tán tỉnh. Ương Quật Ma La cự tuyệt, nói rằng, “Vợ của thầy cũng như mẹ, sao lại có chuyện lỗi đạo, vô nghĩa như thế?”

Bà vợ giáo sư không được như ý, đâm ra giận hờn, muốn giết Ương Quật Ma La, chớ không để cho phụ nữ nào chiếm đoạt. Bà vô buồng xổ tóc, cào mặt chảy máu, xé áo quần, nằm lăn trên đất khóc nức nở. Ông giáo sư về không thấy bà liền vào thăm hỏi cớ sự làm sao ra nông nỗi như thế.

Bà vừa khóc vừa nói, “Ông nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà. Ương Quật Ma La ở nhà cưỡng hiếp thiếp. Thiếp chống cự mới ra thương tích thế này.”

Bà lại nói, “Nếu ông không giết Ương Quật Ma La thì bà tự tử chết chớ sống nhục nhã lắm.”

Ông giáo sư thấy vợ như thế, rất thương tâm, ông nói, “Được rồi, nhưng Ương Quật Ma La thông minh, võ nghệ cao cường, khó mà hại nó. Phải tìm cách mới được.”

Ông kêu Ương Quật Ma La vào và nói, “Con muốn sanh thiên không?”

Ương Quật Ma La trả lời, “Con muốn lắm.”

Ông giáo sư nói, “Nếu con muốn, thầy giáo cho con một lưỡi gươm bén, con ra ngã tư đường giết đủ 100 người, về đây thầy chứng kiến cho con được lên thiên đường.”

Ương Quật Ma La nói, “Lên thiên đường thì con muốn, nhưng giết người thì con sợ lắm, con không dám.”

Nhưng sau đó ác ma nhập vào. Ương Quật Ma La cầm kiếm ra ngã tư đường, gặp ai giết nấy. Từ sáng đến trưa được 99 người. Mỗi người lấy một ngón tay, đeo nơi cổ.

Nghe tin Ương Quật Ma La giết người, ai nấy vào nhà đóng chặt cửa, không dám ra ngoài. Bà mẹ Ương Quật Ma La thương con nên đem cơm ra. Ương Quật Ma La khởi ác tâm, rượt giết mẹ cho đủ số.

Lúc đó, Phật liền xuất hiện với thân hình tỳ kheo ốm yếu, nhưng cậu chạy theo mà không kịp. Ương Quật Ma La nói, “Sa Môn Cù Đàm đứng lại.” Phật đứng lại, nhưng có bức tường pha lê chận ngang.

Ương Quật Ma La nói, “Sa môn Cù Đàm hãy mở cửa cho tôi vô.”

Đức Phật bảo, “Ngươi hãy bỏ gươm xuống.”

Ương Quật Ma La nghĩ rằng Sa môn Cù Đàm ốm yếu, hai bàn tay ta có thể giết chết mà không cần gươm. Ương Quật Ma La bỏ gươm xuống nhưng cửa vẫn không mở, bèn hỏi, “Tôi đã bỏ gươm, sao cửa không mở?”

Đức Phật dạy, “Ta bảo bỏ là bỏ cái gươm trong tâm kia.”

Nghe nói đúng tâm lý của mình, Ương Quật Ma La sợ quá, liền nằm xuống đất xin sám hối. Phật thuyết pháp. Ương Quật Ma La nghe pháp, phát tâm xuất gia làm tỳ kheo. Phật đem về tịnh xá Kỳ Hoàn.

Vua Ba Tư Nặc nghe quân báo cáo Ương Quật Ma La điên loạn, giết người khủng khiếp. Nhà vua dẫn một đội quân tinh nhuệ đi tiểu trừ tên ác nhân. Nhưng nhà vua còn sợ võ nghệ cao cường của Ương Quật Ma La, nên đến hỏi đức Phật.

Phật dạy, “Ta đã độ Ương Quật Ma La làm tỳ kheo, không còn hại người nữa.”

Phật cho gọi Ương Quật Ma La ra. Vua thấy run sợ liền chạy nấp dưới hầu tòa của Phật. Phật dạy, “Tỳ kheo Ương Quật Ma La đã được hóa độ rồi.” Nhà vua yên trí, lễ Phật lui về.

Tỳ kheo Ương Quật Ma La sai tinh tấn tu hành, chứng quả A La Hán.

Người nào trước làm ác

Sau sám hối ăn năn

Bỏ ác hành từ thiện

Chết được sanh chư thiên.

Phật Độ Chó Dữ  

Khi Phật còn tại thế, có ông trưởng giả nuôi con chó rất khôn, nhưng tánh nó rất hung dữ, thấy ai vô nhà thì đều muốn cắn. Thế nên khi ai muốn vô nhà ông thì phải đứng ngoài ngõ kêu người trong nhà đưa vô thì mới khỏi bị cắn. Nếu không biết mà cứ đi vô thì bị chó cắn.

Ông trưởng giả thương con chó lắm. Ăn thì cho ăn các thức ngon. Ngủ thì cho ngủ trên ván có nệm ấm. Mỗi khi ông đi đâu về thì nó mừng quấn quit.

Một hôm, ông đi khỏi, đức Phật khất thực ngang nhà ông. Con chó chạy ra sủa, muốn cắn trước và mắng rằng, “Nhà ngươi kiếp trước tham lam, keo kiết lại nham hiểm độc ác, tiếc của, nên phải đọa làm thân chó. Mà không biết ăn năn, hối cải, lại còn sân hận, hung dữ. Sau khi bỏ thân chó, phải bị đọa địa ngục, chịu khổ lâu dài.”

Chó nghe nói và nhớ lại kiếp trước của mình, nên liền chạy vô ván nằm, nhắm mắt, im lìm, thiêm thiếp.

Ông trưởng giả về, không thấy con chó ra mừng, ông hỏi người nhà sao nay không thấy chó ra mừng. Người nhà nói, “Khi sáng có ông Sa môn Cù Đàm đi ngang, chó ra sủa. Sa Môn Cù Đàm nói gì với nó mà nó buồn ăn, bỏ uống, nằm thiêm thiếp.”

Ông trưởng giả nghe nói nổi giận, liền đi đến Phật để hỏi ra lẽ. Khi đến chốn Phật, ông nói, “Này, Sa môn Cù Đàm, ông dùng thủ thuật gì làm cho con chó của tôi bịnh, bỏ ăn? Nếu nó có hề gì, ông phải chịu trách nhiệm.”

Phật nói, “Trưởng giả, ông hãy bình tĩnh, ngồi xuống đây nghe ta nói. Ông không biết con chó ấy chính là cha ông. Vì cha ông, khi sinh tiền, không biết tu phước, tham lam, keo kiệt, và tiếc của nên phải đọa là chó.”

Khi nghe lời nói này thì ông trưởng giả lại càng nổi giận hơn. Ông nói, “Sa môn Cù Đàm căn cứ ở đâu mà nói như thế?”

Phật nói, “Nếu ông không tin, ông hãy về ngồi bên con chó mà nói “Này, cha thân, của cải cha chon dấu ở đâu, cha chỉ cho con để con lấy lên làm phước và cầu siêu độ cho cha.”

Khi ông trưởng giả về nhà và làm như vậy, con chó vùng dậy, chạy ra sau nhà, đến gốc cây khế, lấy hai chân bươi đất lên. Ông trưởng giả cho người đào lên, quả thật có một hũ vàng. Ông nửa mừng nửa tủi, đem số vàng đó cúng dường Phật và bố thí.

Con chó, sau 7 ngày, thoát kiếp chó, sanh làm người. Ông trưởng giả và cả nhà quy y, kính tín ngôi Tam Bảo.

Lỡ làm việc ác mất rồi

Chớ nên tiếp tục cuộc đời lầm sai.

Chớ vui với việc ác này

Tâm hay chứa ác có ngày khổ đau.

Phật Độ Nan-Đà  

Nan Đà là con cùng cha khác mẹ với đức Phật, tức là con của di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề. Nan Đà có 30 tướng tốt, chỉ thua Phật 2 tướng tốt và thấp ngang vai Phật. Thái tử Tất Đạt Đa đi tu thì ngai vàng sau này sẽ thuộc về Nan Đà.

Hôm ấy, Nan Đà vừa được thụ phong đông cung thái tử, lại vừa cưới vợ. Cô vợ tên là Tôn Đà Lợi, đẹp như tiên nga giáng thế. Nan Đà yêu thương đắm đuối. Hai người không xa nhau nửa bước.

Đức Phật biết thời kỳ Nan Đà được độ. Đức Phật đắp y trì bát đến cung điện của Nan Đà khất thực. Nan Đà ra lễ Phật và đỡ bát đem về bới cơm và thức ăn, đem ra dâng Phật.

Cô Tôn Đà Lợi sợ Phật bắt Nan Đà nên không cho đi. Nan Đà nói, “Anh đem bát cơm ra dâng Phật rồi trở vô liền.”

Tôn Đà Lợi lấy phấn ướt chấm vào trên trán và nói, “Nếu anh ra mà vô trễ, phấn khô thì sẽ bị em phạt 500 tiền vàng.” Nan Đà chịu hứa.

Khi Nan Đà bưng bát cơm ra thì Phật quay lưng đi. Nan Đà liền đưa A Nan. A Nan nói, “Anh lấy bát từ ai thì sẽ đưa cho vị đó.” Nan Đà vì nể và sợ Phật nên đành ôm bát cơm đi theo sau đức Phật. Khi đến tịnh xá, dâng bát cơm lên đức Phật.

Phật thọ trai xong, đưa bát cho Nan Đà rửa, rồi bảo, “Cõi đời là đau khổ, gia đình là rang buộc. Em nên xuất gia, học đạo, để chứng quả giải thoát.” Nan Đà ý không muốn, nhưng sợ Phật nên nói, “Dạ, con xin vâng.”

Sau đó, Phật sai A Nan đến cạo tóc cho Nan Đà. Nan Đà không cho cạo. A Nan bạch Phật, Phật liền đến tự tay cạo tóc cho Nan Đà và nói, “Em đi xuất gia phải cạo tóc.”

Hôm sau, Phật bảo Nan Đà ở tịnh xá làm tri sự. Nan Đà không hiểu tri sự làm việc gì, bèn hỏi A Nan. A Nan giải thích, “Tri sự là coi tịnh xá, quét dọn, đóng cửa lại …”

Nan Đà quét mãi nhưng sân nhà vẫn không sạch. Đóng cửa thì cửa tự nhiên mở ra. Nan Đà suy nghĩ, “Bây giờ Phật và thánh chúng đi khất thực, mình chạy về thăm vợ.”

Nan Đà suy nghĩ, “Phật đi đường lớn, chắc về đường lớn.” Nan Đà cắm đầu chạy, nhưng khi ngước đầu lên thì thấy Phật và thánh chúng ở đằng trước đi tới. Nan Đà đứng qua một bên. Khi Phật đến, liền hỏi, “Nan Đà, em đứng đây làm gì?”

Nan Đà thưa, “Con đợi lâu, nhớ Phật nên liền đi đón Phật.”

Phật dạy, “Tốt lắm.Thôi, đi về với Phật.”

Hôm sau, Phật và thánh chúng cũng đi khất thực. Giao Nan Đà quét dọn, xách nước đổ đầy mấy cái lu. Nan Đà cố gắng xách cho đầy, nhưng đã gần trưa mà mấy cái lu nước cũng vẫn chưa đầy. Mà Phật lại gần về đến, nên Nan Đà đành ngưng tay rồi chạy về thăm Tôn Đà Lợi. Lần này Nan Đà suy nghĩ, “Phật đi đường nhỏ, chắc về đường lớn.” Nan Đà vừa chạy vừa ngó chừng, bỗng thấy Phật và thánh chúng từ xa đi lại.

Nan Đà bèn trốn vào bụi cây. Phật đi ngang thấy và gọi Nan Đà, “Làm gì đó?”

Nan Đà thưa, “Dạ, đi đón  Phật.”

Phật nói, “Đón Phật, sao núp vào bụi cây?”

Nan Đà thưa, “Nắng quá nên con đụt mát.”

Phật dạy, “Thôi đi về với Phật đi.” Phật biết Nan Đà tuy đi tu nhưng lòng vẫn còn ái luyến Tôn Đà Lợi.

Một hôm Phật hỏi, “Nan Đà, em muốn biết trời Đao Lợi không?”

Nan Đà thưa, “Dạ, con muốn biết.”

Phật dạy, “Hãy nắm chéo y của ta.” Phật và Nan Đà bay lên núi tuyết nghỉ chân, thấy một con khỉ cái bị rừng cháy lem luốc đang ôm một gốc cây rất thảm thương.

Phật hỏi, “Nan Đà vợ em Tôn Đà Lợi so sánh với con khỉ cái này như thế nào?”

Nan Đà thưa, “Vợ con xinh đẹp tuyệt vời, còn con khỉ cái này xấu xa, cách nhau một trời, một vực.” Nói xong, Phật và Nan Đà bay lên cõi trời Đao Lợi.

Cảnh trí ở cõi trời Đao Lợi thật xinh tươi đẹp đẽ, các tiên nữ, tiên nam vui chơi thỏa thích. Các lâu đài nguy nga tráng lệ. Nan Đà thấy thế  xin Phật đi dạo chơi. Khi đến một cung điện thật đẹp tuyệt vời, nhưng chỉ có tiên nữ mà không có tiên nam. Nan Đà mới hỏi các tiên nữ, “Tại sao cung điện này không có tiên nam?”

Các tiên nữ đáp, “Cung điện này là dành riêng cho ông Nan Đà, em Phật. Nếu ông ấy chịu khó tu phạm hạnh, sau khi chết sanh lên làm chủ cung điện này. Chúng em sẽ hầu hạ Ngài.”

Nan Đà nghe nói mừng rỡ và nói rằng, “Tôi chính là Nan Đà, em Phật. Xin cho tôi ở lại đây với các tiên nữ có được không?”

Các tiên nữ nói, “Mặc dù ngài là Nan Đà, em Phật, nhưng Ngài là người phàm mà cõi này là cõi tiên. Ngài không thể ở được.

“Ngài trở về nhân gian cố gắng tu hành, khi bỏ thân phàm thì sẽ sanh lên đây. Chị em chúng em sẽ hầu hạ. Còn bây giờ thì không được.”

Nan Đà liền trở lại chỗ đức Phật. Hai thầy trò liền bay trở lại chốn nhân gian. Phật hỏi Nan Đà, “Vợ em, Tôn Đà Lợi, so với tiên nữ thì như thế nào?”

Nan Đà thưa, “Vợ con như con khỉ cái ở núi tuyết, còn các tiên nữ đẹp không ai sánh bằng.”

Từ đó, Nan Đà cố gắng tu hơn nữa để sanh lên cõi trời, sống gần các tiên nữ. Và từ đó Nan Đà cũng hết nhớ thương Tôn Đà Lợi.

Một hôm, đức Phật hỏi, “Nan Đà, em muốn thấy địa ngục không?”

Nan Đà thưa, “Dạ, muốn thấy.”

Đức Phật bảo Nan Đà nắm y của Phật, rồi bay xuống địa ngục. Khi xuống tới địa ngục, Nan Đà xin Phật đi dạo xem. Thấy các chảo dầu sôi sung sục. Tội nhân bị nấu trong đó la khóc vang rền, trông rất rung rợn. Nan Đà lại thấy một chảo dầu sôi mà không có người hành phạt. Nan Đà hỏi ngục tốt, “Tại sao chảo dầu này lại không có người hành phạt?”

Ngục tốt nói, “Chảo dầu này chờ ông Nan Đà, em Phật, nếu không tu, làm vua tạo ác, sau khi chết sẽ nấu vào chảo dầu này.”

Nan Đà nghe vậy kinh hoảng, liền niệm “Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật.” Rồi chạy đến chỗ Phật, nước mắt ràn rụa, kể lại chuyện vừa thấy và nói, “Nếu ngục tốt biết con là Nan Đà sẽ bắt con bỏ vào chảo dầu thì tiêu đời con!”

Phật liền an ủi, “Chắc là như vậy. Nhưng nếu em ráng lo tu thì sẽ không bị đọa vào cảnh địa ngục này.” Và hai thầy trò bay về nhân gian.

Từ đó về sau, Nan Đà tinh tấn tu hành hơn trước. Nhưng cũng từ ngày đó, chư tăng không ai nói chuyện và thân cận với Nan Đà làm cho Nan Đà bực dọc, buồn phiền nhưng không biết lý do tại sao.

Một hôm, Nan Đà thấy ngài A Nan đang vá y, Nan Đà đến gần thì A Nan liền thâu dồ, đứng dậy sắp sửa đi. Nan Đà kéo lại hỏi, “Tại sao chư tăng lánh xa tôi? Chú là em họ tôi, chú cũng lánh xa tôi sao?”

A Nan nói, “Tại anh tu khác, còn chư tăng tu khác. Lý tưởng không đồng nên không chơi chung.”

Nan Đà nói, “Chư tăng tu, tôi cũng tu. Tại sao lý tưởng khác nhau?”

A Nan nói, “Chư tăng tu là cầu sự giải thoát. Còn anh tu chỉ vì sợ đọa địa ngục và muốn sanh lên cõi trời để chung sống với các tiên nữ.” Nan Đà nghe nói vậy liền đến đức Phật, xin sám hối quan niệm sai lầm của mình.

Phật dạy, “Người tu khi sanh về cõi trời hưởng phước, nhưng khi hết phước lại bị luân hồi đọa lạc khổ đau. Chỉ có tu chứng quả giải thoát mới vĩnh viễn ra khỏi luân hồi, chấm dứt khổ đau.”

Nan Đà vâng theo lời Phật dạy, chuyển đổi quan niệm sai lầm, hướng đến giác ngộ, giải thoát.

Vì ngài Nan Đà có hình tướng giống Phật nên sợ tăng ni và Phật tử lầm lẫn nên Phật dạy ngài Nan Đà đắp y ngắn hơn và khác màu.

Theo thường lệ, một hôm các bực hạ tọa đảnh lễ thượng tọa. Nan Đà là bậc hạ tọa nên đi đảnh lễ các bậc thượng tọa. Nhưng khi đến tôi giả Ưu Ba Ly (làm thợ cạo trước khi xuất gia), ngài Nan Đà chỉ chắp tay. Phật thấy vậy quở, “Này NanĐà, không được như thế. Người tu phải phá bỏ kiêu mạn.” Ngài Nan Đà liền cúi mình đảnh lễ và chứng A La Hán.

Ngài Nan Đà phá trừ kiêu mạn nên chứng A La Hán. Vậy nên biết, kiêu mạn là một phiền não lớn. Ai phá được sẽ mau chứng quả Bồ đề.

Phật Độ Nàng Ma-Đăng-Già  

Ma Đăng Già là cô gái xinh đẹp thuộc giai cấp Chiên Đà La. Cha mất sớm, cô ở với mẹ. Một hôm, cô ra giếng múc nước, ngài A Nan  đi đường khát nước ghé vào giếng xin nước. Cô Ma Đăng Già thấy trên trán ngài A Nan có dấu ti ka nên nàng lui không dám cho nước. Ngài A Nan nói, “Ta xin nước chớ không xin giai cấp, nàng đừng sợ hãi, hãy cho ta nước.”

Ngài nói vậy, nàng Ma Đăng Già mới mạnh dạn đến bên ngài múc nước cho ngài. Nhưng không có gì đựng, ngài A Nan xăn tay áo lên, rửa tay và bụm nước uống. Ngài để lộ hai cánh tay vừa trắng vừa đẹp. Nàng nhìn lên gương mặt, thấy ngài A Nan đẹp làm sao! Giống như một thiên thần giáng thế. Nàng tự nói thầm, “Ôi, Ngài A Nan, người thanh niên đẹp trai như thế mà đi tu thật là uổng. Ước gì là chồng ta thì thật là hạnh phúc biết bao!”

Ngài A Nan uống nước xong, mỉm miệng cười, cám ơn cô. Cô Ma Đăng Già nghe giọng nói của ngài A Nan như rót mật vào lòng, “Giọng nói của ngài A Nan sao mà thanh tao ngọt lịm như thế!”

Nàng Ma Đăng Già đội nước về nhà mà tâm tư cứ tưởng về ngài A Nan. Nàng suy nghĩ tìm cách chiếm đoạt ngài A Nan, nhưng khó quá. Ngài A Nan thường đi theo Phật thì làm sao mà gần gũi tâm tình được. Nàng ôm một mối tình thầm lặng tuyệt vọng. Nàng quên ăn, bỏ ngủ, nét mặt bơ phờ như người mất hồn.

Bà mẹ thấy nàng như vậy, tưởng nàng bị bệnh, liền chăm sóc hỏi han nhưng nàng làm thinh lắc đầu. Bà mẹ đi mời thầy thuốc về để bắt mạch, hốt thuốc. Thầy thuốc sau khi bắt mạch, xem sắc diện của nàng. Thầy thuốc nói riêng với bà mẹ rằng, “Bệnh nàng thuộc về tâm bệnh, uống thuốc không hết được. Bà hãy tâm sự với cô. Cô được thỏa mãn nguyện vọng thì cô sẽ hết bệnh.”

Bà mẹ nghe nói như vậy, liền đến bên giường nắm tay con gái rồi nói rằng, “Con có tâm sự gì hãy nói cho mẹ nghe. Mẹ sẽ làm vừa ý con.”

Ma Đăng Già ôm mẹ khóc thưa, “Con yêu ngài A Nan, muốn được toại nguyện, chắc con chết mất. Mẹ có thương con hãy giúp cho con được như ý thì con mới sống được mẹ ơi!” Nước mắt cô đầm đìa chảy xuống vai mẹ. Thân thể cô run rẩy, lời nói cô nghẹn ngào nức nở.

Bà mẹ thấy vậy thương con, hứa sẽ làm cho con mãn nguyện. Cô mừng rỡ, cảm ơn mẹ. Cô bắt đầu ăn uống lại và trang điểm trông thật xinh đẹp.

Bà mẹ cô đến cầu ông Bà La Môn chuyên dùng chú thuật mê hoặc người. Ông cho bà một bài thần chú của Ca Ty La Phạm Thiên đem về cho con gái học thuộc rồi chờ dịp làm mê hoặc A Nan.

Hôm ấy, nhằm ngày húy kỵ cha của vua Ba Tư Nặc. Vua thỉnh Phật và thánh chúng vào cung cúng dường. Ngài A Nan về sau nên không kịp đi dự lễ trai tăng này. Ngài đắp y chỉnh tề, ôm bình bát và đi khất thực. Ngài nghĩ nên vào những đường hẻm để tạo nhân duyên cho những người nghèo được gieo phước.

Nàng Ma Đăng Già ở trên gác, từ xa đã thấy ngài A Nan đi vào đường hẻm của nhà nàng. Nàng vui mừng khấp khởi, chuẩn bị thức ăn để cúng dường và thực hiện theo ước muốn của nàng.

Khi Ngài A Nan đến trước cửa nhà Ma Đăng Già, cô mang cơm ra cúng dường và đọc thần chú Ca Tỳ La Phạm Thiên. Ngài A Nan hôn mê và bị dẫn vào phòng riêng ép uổng tình duyên. Ngài A Nan tuy bị hôn mê nhưng vẫn giữ được giới thể.

Ở cung vua, đức Phật thọ trai xong, theo thường lệ, thăng tòa thuyết  pháp. Nhưng hôm nay đức Phật thọ trai xong liền vội vã đi về tịnh xá. Các thánh đệ tử cũng theo về. Các ưu bà tắc, ưu bà di và vua Ba Tư Nặc biết có chuyện quan trọng nên cũng theo Phật về tịnh xá Kỳ Hoàn.

Khi về đến tịnh xá, đức Phật liền thăng tòa nhập định. Từ nhục kế phóng ra hào quang trăm báu trang nghiêm. Trong hào quang hóa hoa sen ngàn cánh. Trên hoa sen có đức Hóa Phật phóng mười luồng hào quang sáng. Mỗi luồng hào quang hiện hằng hà sa kim cang mật tích. Vị thì cầm chày, vị thì bưng núi, trông rất dễ sợ. Trong hàng tứ chúng vừa mừng vừa sợ, cầu Phật che chở.

Đức Hóa Phật phóng hào quang và nói thần chú Lăng Nghiêm. Phật Thích Ca sai ngài Văn Thù Sư Lợi đem năm đệ thần chú Lăng Nghiêm đến nhà của Ma Đăng Già, đứng trên hư không và đọc năm đệ thần chú. Khi đọc xong năm đệ thần chú, thần chú Ca Tỳ La Phạm Thiên mất hiệu nghiệm. Ngài A Nan tông cửa chạy về chốn Phật. Nàng Ma Đăng Già chạy theo bắt lại.

Khi đến chốn Phật, nàng bạch Phật rằng, “Bạch đức Thế Tôn, ngài A Nan là người yêu của con. Nếu không có chàng chắc con chết mất. Đức Thế Tôn là đấng đại từ đại bi, đâu nỡ để con chết đau khổ như thế!”

Đức Phật hỏi, “Con thương A Nan lắm phải không?”

“Bạch đức Thế Tôn, con rất thương yêu A Nan. Con muốn được làm vợ A Nan.”

Đức Phật dạy, “Con là người thế gian, A Nan là người tu, làm sao co thể sánh đôi chồng vợ? Con muốn làm vợ A Nan thì con cũng phải đi tu như A Nan thì ta mới gả cho.”

Nàng Ma Đăng Già thưa, “Xin đức Thế Tôn giữ lời hứa.”

Đức Phật dạy, “Ta sẽ hứa.”

Nàng Ma Đăng Già mừng rỡ, về nhà xin mẹ xuất gia để được Phật gả A Nan cho. Bà mẹ nói, “Người nữ đẹp là nhờ có mái tóc. Khi cạo rồi đâu còn đẹp. Hơn nữa đã xuất gia thì làm sao có chồng vợ được. Coi chừng con mắc lừa Sa môn Cù Đàm!”

Tuy nghe mẹ nói như vậy, nhưng vì thương A Nan nên nàng đến cầu xin Phật xuất gia. Phật chấp nhận và giao cho bà Đại Ái Đạo tỳ kheo ni dạy bảo.

Một tháng sau, Phật không cho Ma Đăng Già gặp A Nan nữa. Lòng nhớ thương của Ma Đăng Già càng tăng lên gấp bội. Nàng không nhịn được liền đi đến chốn Phật xin Phật gả A Nan cho nàng đúng như lời Phật đã hứa. Đức Phật lại hỏi, “Con thương A Nan lắm phải không?”

“Dạ, con yêu thương A Nan lắm. A Nan có vầng trán cao, có cặp mắt trong xanh, có chiếc mũi dọc dừa trông rất đẹp, có cặp môi hồng, răng trắng, khi nói cười trông rất dễ thương. A Nan có thân hình cân đối nở nang, trông như một vị thiên thần. Dáng đi giống như voi chúa. Do đó con rất yêu thương A Nan.”

Phật dạy, “Con đã lầm. Cái mà con trông cho xinh đẹp, dễ thương đó chỉ là lớp da bên ngoài mà thôi. Còn bên trong không có gì đẹp đẽ cả.

“Vầng trán cao, bên trong có óc nhầy nhụa như đậu hủ. Cặp mắt trong xanh, khi nhặm sẽ đổ ghèn. Chiếc mũi dọc dừa, khi cảm sẽ chảy mũi nước. Môi hồng, răng trắng, trông rất đẹp, nhưng thường khạc nhổ đờm giãi. Còn trong thân mang một thùng phân và một bô nước tiểu, đều là nhơ nhớp, hôi hám, không có gì đáng yêu, đáng quý đâu con!”

Phật dạy đến đây, cô nhờ túc thế thiện căn nên giác ngộ được thân thể là bất tịnh, vô thường. Người tình khô cạn, ái dục cũng tiêu mòn. Sau khi nhận diện bản thân này là bất tịnh, cô tinh tấn tu hành chứng được quả thánh.

Cũng do sự tích này nên chư tổ trích soạn thần chú Lăng Nghiêm để tụng vào buổi khuya, để các người tu trẻ tuổi thường tụng cho tiêu trừ nghiệp ái dục, tu hành mới được đến nơi đến chốn.

Đừng theo dục vọng thấp hèn,

Sống đời buông thả, đắm chìm ái ân.

Đừng mang thành kiến sai lầm,

Đừng tăng thêm mãi nhân gian não phiền.

Luân hồi sanh tử triền miên.  

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm