- Tham Thực Gây Tai Họa
- Thần Ái Tình
- Thù Người Hại Mình
- Tiên Nhẫn Nhục
- Trốn Tử Thần
- Trong Chùa Có Ma
- Tu Phước Không Tu Huệ
- Từ Bi Trừ Được Hận Thù
- Tỳ Kheo Lại Tra Hòa La
- Vợ Ma
- Yêu Thương Còn Hơn Lao Tù
Tham Thực Gây Tai Họa↑
Ngày xưa, có một vị tỳ kheo chứng A La Hán nuôi một chú sa di cũng đã lớn tuổi. Vì cung kính đức độ của vị A La Hán nên long vương thường thỉnh xuống long cung cúng dường. Một hôm, thầy thọ thực ở long cung về, đưa bát cho chú sa di rửa. Bát còn sót vài hột cơm. Chú ăn thử thấy thơm ngon chưa từng có và biết thầy mình được long vương cúng dường nên lập kế đi theo. Chú nghĩ cách, trốn ngồi dưới chân ghế của thầy khi gần cúng ngọ. Chiếc ghế bay đi, khi đến long cung thì chú bò ra. Long vương thấy hỏi thầy tỳ kheo, “Người này chưa ly dục sao thầy đem theo?”
Thầy tỳ kheo nói, “Tôi không biết, nhưng lỡ rồi, ông cho ăn. Bữa sau không cho đi nữa.”
Khi về thầy la rầy quở phạt ông. Chú sa di không dám trốn đi theo nữa, nhưng trong tâm chú đã mê thức ăn ở long cung là ngon đáo để. Hơn nữa các long nữ lại xinh đẹp tuyệt vời. Vì thế ông cố gắng tu hành và phát nguyện sanh về long cung để hưởng thụ ngũ dục.
Khi đủ tuổi, ông được thọ tỳ kheo. Ông lại càng tinh tấn tu học hơn lên. Một hôm, ông đi kinh hành dưới bên ra nước. Ông biết phước báo sắp được, ông lại càng nỗ lực tu tập hơn trước. Biết nguyện đã thành tựu, ông liền xả thọ mạng được sanh về long cung. Khi lớn lên, ông phản nghịch, soán ngôi long vương làm cho lính hai bên đánh nhau chết vô số.
Long vương biết chuyện đến cầu cứu vị A La Hán. Vị A La Hán dùng thần thông hàng phục ác lòng chú sa di, bắt nhốt và bảo chú hằng ngày phải sám hối để chuộc lại lỗi đã gây ra.
Thế mới biết, người tu mà còn đam mê dục lạc thì thân bại danh liệt. Tạo tội lỗi phải chuốc quả báo đắng cay. Kinh Pháp Cú dạy:
Sắt sanh ra sét
Sét trở lại làm hư sắt
Người khởi ác tâm
Ác tâm trở lại hại thân họ.
Thần Ái Tình ↑
Tương truyền rằng, ngày xưa ông bà Thượng Đế biết rằng đứa con này lớn lên sẽ làm khổ mọi người nên truyền lệnh giết chết đi để dứt hậu hoạn, nhưng bà Thượng Đế thương con nên đem giấu.
Thần ái tình lớn lên, vai mang cung tên, hễ gặp các cậu thanh niên ở lứa tuổi 20 trở lên thì thần bắn cho mỗi người một mũi tên. Các thiếu nữ từ 16, 17 tuổi trở lên thần cũng bắn cho một mũi tên. Thế thì các người ấy gặp nhau yêu thương, thề non hẹn biển. Có khi thành vợ chồng mà cũng có khi tan vỡ, dở sống dở chết.
Một hôm, thần ái tình loay hoay bắn một công chúa xinh đẹp nhưng mũi tên lại trúng mình. Thần ái tình đâm ra say đắm công chúa thứ ba có sắc đẹp tuyệt vời. Nhưng chàng là người trời, công chúa là người phàm nên cứ mỗi đêm thì thần ái tình về yêu thương công chúa nhưng sáng lại biến mất.
Ăn ở lâu ngày mà không thấy mặt người yêu, công chúa đem chuyện nói với hai người chị. Hai người chị bày, “Hễ khi chàng về ở với em thì em hãy thắp đèn sáng lên.” Công chúa làm theo, nhưng khi có ánh đèn sáng thì chàng biến thành mây khói.
Vì thế nếu dùng trí tuệ soi sáng thì tình yêu chỉ là mây khói mà thôi.
Còn người sống độc thân, vì họ quá yêu bản thân họ nên không thể yêu người khác được. Đó là chuyện của chàng Thủy Tiên ngày xưa.
Ngày xưa, chàng Thủy Tiên lịch sự tuyệt vời, đúng với câu: “Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.” Một hôm chàng đi ngang qua dòng suối và thấy bóng mình dưới nước quá lịch sự nên chàng yêu tha thiết hình bóng của mình và không thể yêu người khác phái. Vì thế chàng sống độc trọn đời. Nhưng sắc đẹp của chàng, tuổi trẻ hào hoa rồi cũng qua đi nhưng dòng nước. Cái già, bịnh, chết sẽ đến với chàng trong một ngày nào đó. Phật dạy:
Trẻ đẹp qua mau
Như làn gió thoảng.
Mạng người vô thường
Mau hơn nước thác.
Ngày nay dầu còn
Không bảo đảm ngày mai.
Đại chúng hãy nỗ lực niệm Phật
Như cứu lửa cháy đầu.
Cũng có bài thơ:
Yêu thương là nghiệp luân hồi,
Từ bi là hạnh của người xuất gia.
Tu hành trí tuệ nở hoa,
Cho vơi đau khổ để mà sống vui.
Thù Người Hại Mình ↑
Thuở xưa, ở ngôi làng nọ có 33 người thanh niên kết bạn với nhau, chung lo việc từ thiện. Họ đặt ra 7 điều luật mọi người phải tuân hành. Bảy điều luật đó là: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai chiều, không nói thêu dệt, không nói lời ác độc.
Hằng ngày, các thanh niên chuyên làm việc từ thiện như làm đường, bắc cầu, giúp đỡ những người nghèo khổ, bịnh tật. Ảnh hưởng của họ mỗi ngày một lớn ở trong thôn. Ai ai ở trong thôn cũng đều quý mến họ vì thấy họ làm từ thiện mà không vụ lợi.
Anh đoàn trưởng có 3 bà vợ. Bà vợ thứ nhất nghĩ, “Chồng mình làm từ thiện, kiếp sau sẽ sanh thiên. Bây giờ mình không làm từ thiện thì kiếp sau sẽ bị đọa lạc.
Do đó, bà phát tâm cúng một khu vườn có bóng cây râm mát bằng một mẫu đất ở trung tâm làng để làm hoa viên cho làng. Các chàng thanh niên trồng các loại kỳ hoa dị thảo, trông thấy rất đẹp mắt, lại có ghế đá để dưới tang cây cho dân làng chiều chiều đi tản bộ ngồi nghỉ mát.
Bà vợ thứ hai bỏ tiền ra đào hồ sen ở giữa vườn, trồng sen đỏ trông rất đẹp. Giữa hồ lại làm nhà thủy tạ lục giác, tren mái lợp ngói âm dương, có chiếc cầu cong bắc qua, sơn màu đỏ trông rất xinh. Dưới hồ nuôi những đàn các đỏ, cá vàng. Người đứng trên cầu, ngồi trong nhà thủy tạ ném thức ăn xuống hồ, cá tranh nhau ăn trông rất vui.
Bà vợ thứ ba chỉ biết chưng diện, ăn chơi, không biết làm từ thiện nên không có phước đức gì.
Ba mươi ba người thanh niên làm việc từ thiện, ảnh hưởng mỗi ngày mỗi lớn trong làng, dân chúng rất mến mộ. Điều này làm cho ông thôn trưởng đâm ra ganh tỵ. Ông viết biểu tâu vua rằng 33 người này có ý muốn làm phản loạn nên lấy lòng dân.
Nhà vua nghe theo, bắt 33 người thanh niên đem ra pháp trường cho voi dày. Khi sắp hành hình, anh trưởng đoàn nói với các anh em trong đoàn, “Chúng ta không nên oán thù ông thôn trưởng và nhà vua, mà chúng ta phải khởi tâm thương xót vì họ đã bị vô minh che lấp nên làm việc ác đức, rất đáng thương xót. Chúng ta cũng nên khởi tâm thương con voi phải làm việc độc ác. Chúng ta cũng nhớ lại việc làm từ thiện của mình. Thân người có mất đi nhưng phước đức thì không.”
Quan giám sát ra lịnh thả voi ra dậm chết. Voi lại chạy thụt lùi. Người nài ra lịnh nhưng voi vẫn không chịu nghe theo.
Quan giám sát về tâu vua, vua đích thân ra hỏi, “Các người là trời, hay rồng, hay quỷ mà voi không dám làm hại?”
Các thanh niên thưa, “Chúng tôi là dân lành, chỉ chuyên làm việc từ thiện, ích quốc lợi dân, không có gì phạm pháp. Ông thôn trưởng đố kỵ nên mới báo cáo lên là chúng tôi tính làm phản loạn. Bệ hạ cứ hỏi dân chúng thì sẽ biết.” Dân chúng cũng kiến nghị lên vua là các thanh niên này vô tội.
Nhà vua nghe xong rất hoan hỷ, cho mở trói và khen thưởng. Nhà vua cho phép các thanh niên tiếp tục làm việc từ thiện và trừng trị ông thôn trưởng vu khống.
Các thanh niên càng hăng hái làm phước thiện hơn lên, tích công bồi đức, đến khi mãn phần được sanh về cõi trời 33. Vị trưởng đoàn làm Thiên Đế Thích còn 32 người làm vua 32 cõi trời xung quanh. Cõi trời Đao Lợi còn gọi là Tam Thập Lục Thiên.
Hai người vợ của trưởng đoàn, nhờ phước cúng vườn cây và hồ, nhà thủy tạ nên được sanh lên trời, làm vợ Thiên Đế Thích.
Cô vợ thứ ba ăn chơi, chưng diện, phạm tội sát sanh nên bị đọa làm con cò trắng. Thiên Đế Thích biết vợ thứ ba của mình bị đọa làm cò nên xuống nhân gian hóa làm con cò trống, đến nói chuyện với cò mái và cho biết nàng là vợ chàng, nếu muốn sanh thiên thì phải giữ năm giới không sát sanh. Cò mái nghe theo, không ăn tôm cá, chỉ ăn lúa. Sau khi chết, cò mái sanh vào thân người, làm cô gái bán dưa.
Một lần nữa, Thiên Đế Thích lại hóa làm người đến hóa độ cô gái bán dưa, dạy cô giữ mười giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời ác, không tham lam, không giận hờn, không si mê tà kiến. Và Thiên Đế Thích cho một trái dưa vàng để làm sự sống.
Cô gái bán dưa cố gắng giữ mười giới, sau khi mạng chung được sanh lên trời, làm vợ thứ ba của Thiên Đế Thích.
Tiên Nhẫn Nhục ↑
Một hôm, ngài A Nan bạch Phật, “Bạch đức Thế Tôn, do nhân duyên gì mà ngài A Nhã Kiều Trần Như được nghe pháp đầu tiên?”
Đức Phật dạy: Vào thời quá khứ xa xưa, có một nước rộng lớn, dân chúng đông đúc giàu vui. Cai trị nước này là một nhà vua rất ham chơi.
Vào mùa xuân, trăm hoa đua nở, cây cối xanh tươi, khí hậu ấm áp. Nhà vua tên là Ca Lợi, cùng các quan đại thần, cung phi mỹ nữ, nhạc công lên núi đàn hát, vui chơi, ăn uống và nghỉ trưa dưới bóng cây râm mát.
Trong lúc vua đang nghỉ thì các cung phi mỹ nữ đi hái hoa trái, họ đi theo dòng suối nước chảy trong veo. Hai bên bờ suối có những cây cao lớn xanh tươi, nhiều hoa dại, trái ngon.
Đi một đoạn, các cung nữ gặp một vị tiên nhân đang tọa thiền trên tảng đá, dưới tàng cây râm mát bên bờ suối.
Các cung nữ hái hoa trái đem dâng cúng và quỳ xuống đảnh lễ ngài và xin ngài được nghe pháp. Vị tiên nhân từ bi thuyết pháp cho các cung nữ nghe. Lời thuyết pháp của vị tiên nhân rất hay làm cho các cung nữ nghe mê say, quên mất nhà vua.
Nhà vua sau khi thức dậy không thấy các cung nữ nên cùng với các quan đại thần đi tìm kiếm. Đi ngược theo dòng suối một đoạn thì gặp các cung nữ đang quỳ xung quanh vị tiên nhân nghe pháp.
Thấy thế lòng sân hận ghen tức của nhà vua nổi lên. Vua liền đến hỏi vị tiên nhân, “Ông ở đây làm gì?”
Vị tiên nhân đáp, “Tôi ở đây tu hành.”
Vua hỏi: “Ông đã đạt được tứ thiền chưa?”
Tiên nhân đáp, “Chưa.”
Vua hỏi tiếp, “Ông đã đạt được tam thiền, nhị thiền hay sơ thiền chưa?”
Tiên nhân đáp, “Chưa”.
Nhà vua liền nói, “Như vậy ông chưa chứng được quả thánh, vẫn còn phàm phu, còn tham dục. Tại sao dám nói chuyện với các cung nữ?”
Tiên nhân đáp, “Tôi tuy chưa ly dục, nhưng do nhiếp tâm thiền định nên dục niệm không khởi.”
Vua liền hỏi, “Đạo là gì?”
Tiên nhân đáp, “Đạo là nhẫn nhục.”
Vua nói, “Nếu nhà ngươi nhẫn nhục thì cho ta xin hai cái lỗ tai.” Nhà vua vừa nói xong, tiên nhân liền cắt hai tai. Vẻ mặt tiên nhân vẫn không biến sắc.
Nhà vua lại xin hai tay và tiên nhân liền chặt đứt hai tay. Thấy thế các quan can vua, “Xin bệ hạ chớ làm hại vị tiên nhân này. Vị tiên nhân này là đại sĩ, vì khi chặt tay nét mặt vẫn không thay đổi.”
Nhà vua lại càng giận hơn và nói, “Vậy để ta xin hai chân nữa coi có biến sắc không?” Vua liền chặt đứt hai chân và máu chảy lai láng.
Tứ thiên vương thấy vậy bất bình, nổi giông gió tính đánh chết nhà vua. Vị tiên nhân ngửa mặt lên trời nói, “Xin các vị thần đừng làm hại vị vua này.”
Nhà vua thấy giông gió bão tố liền sợ nên quỳ xuống xin sám hối thưa rằng: “Xin ngài tha thứ cho tội lỗi của tôi và xin ngài đừng giận tôi.”
Vị tiên nhân nói, “Thật tình thì tôi không giận nhà vua.”
Nhà vua thưa, “Ngài nói không giận nhưng hiện tại thân thể ngài bị đứt chia lìa, máu me lai láng mà ngài nói không giận thì tôi không tin.”
Vị tiên nhân bèn phát nguyện rằng, “Xin mười phương chư Phật chứng minh. Nếu trong lòng tôi không có giận nhà vua thì xin cho thân tôi bình phục lại như cũ.” Lạ lung thay, khi vị tiên nhân vừa phát nguyện xong thì máu biến thành sữa, thân thể bình phục lại như trước.
Nhà vua hỏi vị tiên nhân, “Ngài tu nhẫn nhục như vậy có ích gì?”
Vị tiên nhân nói, “Mục đích cầu thành Phật để cứu độ chúng sanh.”
Nhà vua lễ bái và phát nguyện, “Nếu khi ngài thành Phật thì xin độ tôi trước.”
Phật dạy: Vị tiên nhân nhẫn nhục là tiền thân của ta, còn vua Ca Lợi là tiền thân của ông Kiều Trần Như. Do quá khứ ông phát nguyện như thế nên đời này gặp ta và nghe pháp đầu tiên.
Vua Ca Lợi ngày xưa độc ác,
Nổi sân si làm hại tiên nhơn.
Tiên nhơn trong dạ không hờn,
Phát nguyện thành Phật độ người trước tiên.
Trốn Tử Thần ↑
Khi xưa, có bốn người bạn thân cùng tu hành. Họ đã chứng thần thông nên họ biết một tuần lễ nữa họ sẽ chết. Họ bàn với nhau. Người thứ nhất nói, “Tới ngày ấy, tôi ẩn tu trên hư không thì quỷ vô thường làm sao biết mà bắt!”
Người thứ hai nói, “Tôi sẽ xuống đáy biển ẩn thân. Quỷ vô thường sẽ không biết được.”
Người thứ ba nói, “Tôi sẽ vào giữa núi ẩn thân. Quỷ vô thường sẽ không tìm được.”
Người thứ tư, “Tôi sẽ ở nơi chợ đông người. Quỷ vô thường biết đâu mà bắt.”
Tới ngày đó, mỗi người thực hiện theo ý nghĩ của mình. Nhưng đến giờ đó thì người trên hư không chết, rớt xuống. Người dưới biển chết, nổi lên. Người trong núi ngã lăn ra chết. Người trong chợ cũng ngã ra chết. Đức Phật thấy vậy liền nói kệ:
Không phải ở trên hư không
Không phải ở dưới đáy biển
Hay bất cứ ở nơi nào
Thoát được quỷ vô thường.
Trong Chùa Có Ma ↑
Ngày xưa, có một Hòa Thượng tu hành tinh tấn, giới luật nghiêm túc nhưng ngài già yếu tật bịnh. Hòa Thượng có nuôi một ông điệu độ mười lăm tuổi, ham chơi, chưa biết tu hành gì.
Một hôm, ông điệu đi chơi về, mua gà đem luộc trong ấm nước. Hòa Thượng bịnh nặng khát nước kêu ông điệu không được. Ngài xuống dưới bếp rót nước uống. Khi ngài uống vài hớp mới biết là nước luộc gà. Ngài đổ bát nước, sau đó ngài thị tịch.
Sau khi chư tăng Phật tử lo tang lễ cho Hòa Thượng xong, cứ mỗi nửa đêm có tiếng nói trên chánh điện, “Nhứt dạ ẩm kê thang báu, dạ tử tại sang.” Nghĩa là: Một đêm uống nước luộc gà, nửa đêm chết trên giường.
Phật tử và ông điệu tối tụng kinh xong đóng cửa chùa, không ai dám lên chánh điện. Tiếng chùa có ma đồn ra trong xóm ai cũng biết.
Một hôm sư thúc đến thăm chùa. Ở lại nghe ông điệu kể chuyện có ma. Sư thúc biết Hòa Thượng sư huynh mình chưa siêu thoát do chấp trước mà ra.
Tối đó sư thúc lên chùa ngủ. Đến nửa đêm cũng nghe tiếng nói như vậy, sư thúc liền khai thị, “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương.” Nghĩa là: Ba nghiệp thường thanh tịnh, theo Phật về Tây phương.
Từ đó về sau, ban đêm trong chùa không có tiếng nói nữa.
Vậy nên biết, chấp trước thì khó mà siêu thoát.
Người tu hạnh hỷ xả,
Không chấp trước điều gì.
Sống an lạc giải thoát,
Chết tự tại ra đi.
Tu Phước, Không Tu Huệ ↑
Ngày xưa, có một thầy tỳ kheo tu hành tinh tấn, giới hạnh trang nghiêm, đã chứng quả A La Hán. Do nghiệp lực nên mỗi bữa chỉ ăn ba muỗng cơm. Khi thí chủ cúng dường, lúc sớt vài muỗng cơm thì thấy đã đầy bát.
Trong lúc đó nhà vua có con voi trắng như tuyết, nhà vua rất thương yêu. Voi được cho ăn cỏ tươi trộn với mật. Tắm thì bằng nước mát pha nước hoa. Trên mình voi mang trang sức bằng bảy báu. Nhà vua lâu lâu mới cõi voi đi du hành.
Một hôm, thầy tỳ kheo đến nói với con voi, “Ta với ngươi đều có lỗi. Ta thì chuyên tu huệ, không tu phước nên nay chứng quả A La Hán vẫn nghèo khổ thiếu thốn. Còn ngươi chuyên tu phước, không tu huệ nên nay lạc làm voi, ăn ngon uống ngọt, trên mình trang sức đầy bảy báu. Nhà ngươi nên ăn năn sám hối để giải thoát kiếp cầm thú.” Nói xong thầy tỳ kheo bỏ đi.
Voi nghe nói thế, nhớ lại kiếp trước nên buồn bã bỏ ăn. Người quản tượng tâu vua, vua cho mời thầy tỳ kheo đến hỏi, “Thầy dùng chú thuật gì mà con voi bỏ ăn? Nếu nó có mệnh hệ nào thì thầy phải bị tội.”
Thầy tỳ kheo thưa, “Muôn tâu bệ hạ, con voi này kiếp trước là huynh đệ với tôi. Tôi chuyên tu huệ, nó chuyên tu phước. Do đó kiếp này tuy tôi tu hành tinh tấn giới hạnh trang nghiêm mà vẫn bị nghèo khổ thiếu thốn. Còn bạn tôi thì bị đọa làm voi nhưng lại sung sướng giàu sang.”
Nhà vua nghe nói phán rằng, “Vậy từ nay trở đi ta sẽ tứ sự cúng dường cho thầy. Thầy ở bên cạnh ta thuyết pháp cho ta và các quan triều thần nghe, cùng thuyết pháp cho voi nghe để sau khi bỏ thân voi được sanh làm người, tiếp tục tu hành cho đến khi chứng quả.”
Vì thế, người xưa nói, “Phước huệ tùy hành phương tác Phật.” Nghĩa là: Phước huệ song tu viên mãn thì mới có thể thành Phật.
Tu phước, không tu huệ
Kiếp sau tuy giàu có
Nhưng lại bị ngu si.
Tu huệ không tu phước
Kiếp sau tuy thông minh
Nhưng lại bị nghèo khó.
Phước huệ đều song tu
Mới có thể thành Phật.
Từ Bi Trừ Được Hận Thù ↑
Thuở xưa, ở Ấn Độ khi Phật còn tại thế. Có một gia đình, người vợ lớn không sanh con, chồng bà muốn có con nối dòng nên cưới vợ bé.
Thời gian sau người vợ bé sanh được đứa con trai. Ông chồng lại càng yêu thương vợ bé hơn. Bà vợ lớn thấy vậy sanh tâm ghen tức, nghĩ rằng, “Thằng bé này lớn lên, nó sẽ hưởng gia tài. Còn mình sẽ không có gì.”
Do đó bà sanh ác tâm, lấy kim dài nhọn đâm vào mỏ ác trên đầu thằng bé. Thằng bé nóng lạnh mà chết. Vợ bé biết vậy nhưng không làm gì được cả đành ôm ấp nỗi buồn khổ đó rồi bịnh và chết theo. Trong tâm cố báo thù vợ lớn.
Kiếp thứ hai, vợ lớn sanh làm bò thì vợ bé sanh làm báo. Khi bò sanh con, báo bắt con ăn và sau ăn luôn bò mẹ.
Kiếp thứ ba, vợ nhỏ sanh làm gà mái, vợ lớn sanh làm chồn. Khi gà mái sanh con, chồn bắt bầy gà con ăn, sau ăn luôn gà mẹ.
Kiếp thứ tư, vợ lớn sanh làm người con gát. Lớn lên gả chồng, đi xa. Khi con được một tuổi, hai vợ chồng ẵm con về ngoại. Trời nóng, ông chồng xuống hồ tắm, người vợ ẵm con thì hung thần bay đến. Người vợ biết hung thần là hậu thân của vợ bé nên ẵm con chạy trốn và chảy thẳng vào cổng tịnh xá Kỳ Hoàn. Hung thần đến trước cổng tịnh xá nhưng không dám vô.
Phật có tha tâm thông nên biết oan trái của hai người. Phật thuyết pháp cho hung thần và người vợ. Trong lúc nghe, họ khởi lên được tâm từ bi và cũng bỏ qua những oán thù ngày trước. Hai vợ chồng thiếu phụ và hung thần nghe pháp xong, phát tâm quy y và từ đó họ sống cuộc đời hiền thiện.
Kinh Pháp Cú, Phật dạy:
Hận thù không trừ được hận thù,
Chỉ có từ bi mới trừ được hận thù.
Đó là định luật ngàn thu.
Tỳ Kheo Lại-Tra-Hòa-La ↑
Khi Phật còn tại thế, có ông trưởng già sanh được một đứa con trai mặt mày kháu khỉnh dễ thương, lớn lên cho ăn học tử tế. Khi đến tuổi trưởng thành, ông cưới hai cô vợ xinh đẹp tuyệt vời để hầu hạ con ông.
Một hôm cậu con trai đến nghe Phật thuyết pháp, ngộ được lý vô thường nên liền phát tâm xuất gia. Đem ý ấy về xin cha mẹ không cho. Vì lý do là con một, phải quản lý gia nghiệp và nuôi cha mẹ cho đến khi có con lớn khôn, giao gia nghiệp thì mới xuất gia được.
Cậu không được cha mẹ cho xuất gia nên cậu tuyệt thực. Ngày thứ nhất cha mẹ dỗ dành nhưng cậu không ăn. Ngày thứ hai cô vợ đến năn nỉ cũng không được. Ngày thứ ba bạn bè đến khuyên can cậu cũng làm thinh. Ngày thứ bốn họ hàng đến khuyên bảo cậu cũng làm thinh. Ngày thứ năm sức lực cậu yếu dần, sắc mặt cũng biến đổi, hơi thở yếu ớt. Thấy thế họ hàng lấy làm lo lắng và nói với ông bà trưởng giả rằng, “Chí cậu đã quyết, ông bà nên cho cậu xuất gia còn có ngày gặp mặt, nếu để chết thì oan uổng lắm.
Cha mẹ nghe rồi đến dỗ ngọt, hứa cho đi xuất gia. Cậu vui mừng ăn uống, sức lực bình phục lại như xưa. Cậu đi đến chỗ Phật, quỳ bạch xin được xuất gia học đạo. Phật gọi “Thiện lai tỳ kheo,” râu tóc tự rụng, áo mặc tại mình biến thành cà sa. Phật thuyết pháp cho nghe, cậu chứng quả Tu Đà Hoàn.
Qua năm sau mất mùa, khất thực khó khăn, cậu lãnh một đoàn tỳ kheo về quê nhà khất thực. Khi hay con đã trở về khất thực, ông trưởng giả cho gia nhân mời về nhà cúng dường. Thầy tỳ kheo La Hòa thọ thực xong chú nguyện rồi lên rừng ngồi thiền. Ngày thứ hai ông cho người thỉnh về nhà cúng dường và mời thầy mỗi ngày đúng ngọ về nhà thọ trai. Thầy tỳ kheo La Hòa hứa khả vì muốn độ cha mẹ sanh chánh tín.
Hôm ấy, ông lại bảo hai con dâu trang điểm cực kỳ mỹ lệ. Khi tỳ kheo Hòa La dùng cơm xong, hai cô vợ ra khóc lóc dùng tình cảm để lôi kéo nhưng thầy Hòa La cự tuyệt và nói, “Tôi đã quyết chí đi tu để chứng quả giải thoát. Hai cô nếu muốn có chồng thì về nhà, còn muốn ở với cha mẹ tôi thì tùy ý. Còn tôi thì đã quyết định tu hành, không còn mong thế sự nữa.” Rồi thầy ra đi.
Ngày thứ ba, sau khi thầy thọ trai thì trưởng giả cho mở cửa phòng bên cạnh dẫn thầy qua xem. Ông nói, “Đây là vàng bạc, ngọc ngà, châu báu của cha mẹ để lại cho con. Con ở nhà ăn xài một đời không thiếu, tội chi mà phải đi tu cho khổ cực.”
Thầy tỳ kheo Hòa La nói, “Của cải vàng bạc là đầu mối của tranh chấp, nguồn gốc của khổ đau. Người tu phải lánh nó như sợ rắn độc. Nếu cha mẹ muốn cho con thì đem bố thí cho những người nghèo thiếu đói rách. Nếu cha mẹ muốn ép uổng con trở về nhà thì từ này con sẽ không về nhà nữa.”
Cha mẹ thầy xuống giọng, nói, “Nếu con không muốn thì thôi, cha mẹ không ép nhưng con hãy thường về tham cha mẹ để cha mẹ bớt nhớ thương con.”
Thầy La Hòa từ giã cha mẹ, ra công viên ngồi thiền. Nhà vua nước ấy đi du ngoạn thấy thầy Hòa La ngồi thiền, đến thăm hỏi. Nhà vua nói, “Tôi thấy người đi tu, một là già yếu bịnh hoạn, hai là nghèo khổ, ba là không có quyến thuộc. Tại sao thầy Hòa La tuổi trẻ mạnh khỏe, giàu có, quyến thuộc đông, mà lại đi tu?”
Thầy Hòa La trả lời, “Tôi đi tu vì thấy có bốn điều: vô chủ, vô hộ, vô sở hữu và đói khổ thèm khát.”
Nhà vua nói, “Tôi làm chủ cả nước kho lẫm đầy châu báu của cải, tại sao nói vô chủ?”
Thầy Hòa La nói: “Tuy là bệ hạ làm chủ cả nước nhưng bệ hạ không làm chủ thân bệ hạ được. Bệ hạ đâu có muốn già nua, tật bệnh, nhưng chúng cứ âm thầm tiến đến. Bệ hạ không làm chủ được chúng.”
Vua nói, “Tôi đi đâu cũng có hàng trăm quân lính theo bảo vệ, tại sao nói vô hộ?”
Thầy Hòa La trả lời, “Tuy bệ hạ có hàng trăm quân lính theo bảo vệ, nhưng khi vô thường xảy đến thì quân lính đâu có bảo vệ ngài được!”
Vua hỏi tiếp, “Tôi giàu có nhất nước, của cải, kho báu, tiền bạc đâu có thiếu mà nói là vô sở hữu?”
Thầy Hòa La nói, “Bệ hạ tuy của cải kho báu tràn đầy nhưng một khi nhắm mắt xuôi tay thì có đem được gì đâu?”
Vua lại hỏi tiếp, “Tôi ăn uống trăm món ngon vật lạ, có thiếu thốn gì đâu mà thèm khát?”
Thầy Hòa La trả lời, “Giả sử như bệ hạ nghe trong nước có mỏ vàng, mỏ kim cương thì bệ hạ xử trí làm sao?”
Vua đáp, “Nếu có như vậy thì tôi cho quân lính canh gác, khai thác làm giàu cho ngân khố quốc gia.”
Thầy Hòa La nói, “Đó là thèm khát, tức lòng tham không đáy.”
Nhà vua nghe nói đúng nên đảnh lễ quy y và phát tâm cúng dường tứ sự trọn đời.
Đây là một câu chuyện gương mẫu lý thú cho người tu. Thầy Hòa La còn làm bài thơ:
Mày ngài mắt phụng mà chi
Có xinh cho lắm cũng bì xương khô
Tâm thì tham ái sầu lo
Thân thì già bịnh, nấm mồ chờ ai.
Nào đâu mắt phụng mày ngài
Khi thân đã bỏ ra ngoài gò hoang
Mưa chan gió cuốn phũ phàng
Đống xương vô định, võ vàng trăng soi.
Vợ Ma ↑
Ngày xưa, có một chàng thanh niên trẻ tuổi đẹp trai, có nhiều thiện căn. Cậu muốn xuất gia nhưng trong nước không có đạo Phật, cậu phải sang nước khác, làm thuê mướn cho một ông chủ giàu có. Ông chủ này có một cô con gái bằng tuổi cậu, mặn mằ, xinh đẹp. Ông chủ thương cậu nên bằng lòng gả con gái cho cậu. Cậu thấy cô gái xinh đẹp nên cũng bằng lòng.
Thời gian sau, cậu nghĩ mục đích của mình là xuất gia học đạo chớ đâu phải đi lấy vợ làm ăn. Thế là cậu bỏ nhà trốn đi tìm nơi có chùa mà xuất gia. Ban ngày cậu đi đã mỏi mệt, định ghé vào quá trọ nghỉ đêm sáng ra đi nữa. Nhưng không ngờ con gặp cô gái con nhà trọ xinh đẹp hơn vợ cậu. Cậu mềm lòng nên bị cô gái đó bắt lại. Sau, cậu lại trốn đi trong đêm khuya. Cậu không dám ghé vào quán trọ nữa. Cậu ghé vào một cái miễu nghỉ nhờ. Nào ngờ lại gặp cô gái con ông từ miễu. Cô này cũng xinh đẹp hơn cô gái nhà nghỉ trọ. Cậu cũng bị mềm lòng và bị cô gái đó bắt.
Sau, cậu lại trốn đi và ban đêm không dám ghé bất cứ nơi nào. Cậu cố gắng đi không từ mỏi mệt. Nửa đêm hôm ấy, gặp một cô gái xinh đẹp hơn trước lại chận đường, dùng lời đường mật ép uổng tình duyên. Vì đã chuẩn bị nên cậu từ chối. Cô khóc rất thảm não. Cậu bịt tai chạy thẳng. Sáng ngày hôm sau, gặp được một ngôi chùa có đông chư tăng, cậu vào xin xuất gia và được chấp nhận. Cậu tinh tấn tu hành, thời gian sau chứng quả giải thoát.
Thế mới biết, nghiệp duyên khó tránh. Nghiệp ái dục là nghiệp nặng nhất của con người. Nếu ai quyết tâm bỏ được, đó là vi xuất trần La Hán.
Ái bất trọng bất sanh Ta Bà.
Niệm bất nhất bất sanh Tịnh Độ.
Nghĩa là:
Tình ái không nặng, không sanh cõi Ta Bà.
Niệm Phật không chuyên nhất, không sanh về Tịnh Độ.
Yêu Thương Còn Hơn Lao Tù ↑
Khi đức Phật còn tại thế, chư vị tỳ kheo đi khất thực đi qua nhà tù, thấy các tù nhân bị hình phạt rất khổ sở. Kẻ bị gông cổ, người bị cùm tay, cùm chân đi đứng rất khó khăn, còn bị các lính cai tù đánh đập thảm não. Các vị tỳ kheo về bạch Phật, “Ở trên đời còn có hình phạt nào đau khổ hơn, lâu dài hơn không?”
Phật dạy, “Có, đó là vợ con, nhà cửa, ái dục. Người đời bị ràng buộc bở vợ con, nhà cửa còn chắc hơn lao ngục. Lao ngục còn có ngày được phóng thích chớ vợ con không có ý nghĩ lìa xa. Lòng đã thương vợ, nào sợ đắng cay. Dù có hại ở miệng cọp cũng cam lòng đành. Tự bén vào bùn, nên gọi là phàm phu. Ra khỏi cửa này là vị xuất trần La Hán.”
Thế mới biết, ái dục nó giam nhốt người còn hơn là lao ngục. Phật dạy:
Từ ái dục sanh lo,
Từ lo sanh sợ.
Nếu lìa ái dục, còn lo sợ gì?
Lại có câu:
Yêu thương là nghiệp luân hồi,
Từ bi là hạnh của người xuất gia.
Tu hành trí tuệ nở hoa,
Cho vơi đau khổ để mà sống vui.