Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

Nghị lực của cô gái hai lần được thay gan, nay đối mặt với ung thư máu

Vicky Nguyễn, 34 tuổi, cô gái trải qua hai lần phẫu thuật ghép gan và nay đang chiến đấu với căn bệnh ung thư máu, vẫn luôn tin tưởng về tương lai tốt đẹp phía trước, nỗ lực học tập để trở thành một y tá . 

 

IRVINE, California – Vicky Nguyễn, cô gái 34 tuổi hiện ở Irvine, miền Nam California, trải qua hai cuộc phẫu thuật ghép gan vào năm 2 tuổi và 16 tuổi, nay lại đang đối mặt với căn bệnh ung thư máu. Với nhiều người, có lẽ đó là nỗi thống khổ tột cùng. Nhưng Vicky ngược lại. Không chán nản hay than thân trách phận, Vicky dùng chính câu chuyện cuộc đời mình để truyền đi những thông điệp tốt đẹp, nhất là trong việc vận động nhiều người tham gia hiến nội tạng cứu người.

Bệnh tật đeo bám từ lúc một tháng tuổi

Người có thể nhìn từng chặng đường trải qua của Vicky từ khi chào đời, đến lúc mắc bệnh và trải qua bao cuộc phẫu thuật không ai khác hơn là mẹ của cô, bà Thanh Khiết Mai.

Bà Mai kể: “Khi mới sinh ra một tháng tuổi, các bác sĩ phát hiện ra Vicky bị tắc ống dẫn mật. Khi được 14 tháng, gan của Vicky bị hư hại hoàn toàn, cần phải thay thế bởi một lá gan khác. Vicky được đưa vào danh sách bệnh nhân chờ đợi để cấy ghép gan tại viện UCLA.”

Vicky Nguyễn trải qua cuộc phẫu thuật ghép gan khi mới 22 tháng tuổi. (Hình: Nhân vật cung cấp)

“Sau tám tháng chờ đợi, một hôm tôi nhận được điện thoại từ bệnh viện cho biết có một gia đình người Mỹ bị tai nạn xe hơi, được đưa vào viện UCLA cấp cứu. Con trai của họ không may qua đời, và họ đồng ý hiến gan con trai họ cho con tôi. Nhờ ơn phước và lòng quảng đại của họ, con tôi được cứu sống khi mới 22 tháng tuổi,” người mẹ nhớ lại.

Ngừng một lúc, bà kể tiếp: “Đó là năm 1986, nền y học mới bắt đầu áp dụng kỹ thuật ghép gan. Vicky là một trong 30 ca đầu tiên của bệnh viện UCLA được ứng dụng kỹ thuật này. Hơn thế nữa, Vicky lại được nhận gan từ một em bé ở cùng bệnh viện, có các chỉ số y khoa tương thích hoàn toàn. Đây là điều khá hy hữu. Tôi vẫn thường nói với Vicky rằng con quá may mắn nên hãy sống sao cho có ý nghĩa, xứng đáng với những gì con đã được trao tặng.”

Cuộc ghép gan lần hai năm 16 tuổi

Theo lời người mẹ, sau cuộc phẫu thuật, Vicky bình phục nhanh chóng, nhưng cô phải đối mặt với các cơn sốt do cơ thể liên tục đào thải tế bào lạ (là lá gan mới được nhận). Vicky thường xuyên phải uống thuốc chống đào thải. Các bác sĩ cho gia đình biết trước rằng lá gan mới có tuổi thọ chừng 15 năm. Có nghĩa là 15 năm sau đó, Vicky sẽ phải ghi danh để chờ được phẫu thuật ghép gan lần thứ hai.

Số người trong danh sách chờ được ghép nội tạng mỗi năm lên đến hàng trăm ngàn người. Trong số đó, có rất nhiều người đã không chờ được tới ngày được cứu sống vì không có ai hiến tặng một cơ phận tương thích với họ. Vicky rất có thể cũng sẽ gặp tình trạng đó.

Mặc dầu vậy, cô vẫn không ngừng hy vọng về tương lai tốt đẹp của mình và luôn lo học hành bài bản như bất kỳ người khỏe mạnh khác. Năm 16 tuổi, may mắn lại đến với cô. Vicky được nhận món quà vô giá từ một em bé 8 tuổi không may bị tai nạn giao thông. Lá gan của em bé ấy đã được cấy ghép vào cơ thể Vicky, đem lại cuộc sống cho cô một lần nữa.

Nhờ đó, Vicky đã luôn ý thức để sống một cuộc sống lành mạnh, đầy tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng cống hiến, không chỉ vì bản thân mà vì những người đã hiến gan cho cô.

Ông Simon Nguyễn, ba của Vicky, bày tỏ: “Nếu như không có lòng tốt của những người hiến tặng nội tạng thì nay con tôi đã không còn cơ hội được sống. Vì thế con tôi luôn trân trọng những gì đang có và tri ân tất cả những người đã cứu sống mình. Tôi rất tự hào về Vicky, mặc dù sinh ra không được khỏe mạnh và thường xuyên đối mặt với những căn bệnh hiểm nghèo, nhưng con tôi luôn cố gắng sống một cuộc sống có ý nghĩa.”

Sống lạc quan, đầy trách nhiệm

Vượt qua những cơn đau yếu, Vicky theo học và tốt nghiệp đại học Azusa Pacific, ngành Organization Leadership.

Trong hơn gần 10 năm vừa học vừa làm, cô nỗ lực không ngừng để làm việc trong các tổ chức y tế liên quan tới vận động hiến máu, hiến nội tạng cứu người.

Năm 2011, Vicky xuất hiện trên trang báo của trường University of Southern California với tựa đề “The need for organs for transplants far exceeds the supply.” Nhà báo người Mỹ Frank Sotomayor có nhắc tới câu chuyện của Vicky, người được cứu sống hai lần nhờ tấm lòng nhân hậu của những người hiến nội tạng. Câu chuyện của Vicky cũng đồng thời được đăng trên báo Người Việt năm 2012 với tiêu đề: “Hiến tặng nội tạng, hiến tặng cuộc sống.”

Vicky luôn nở nụ cười tươi nhất có thể, cho dù cô đang nằm điều trị trong bệnh viện. (Hình: Nhân vật cung cấp)

Năm 2012 cô cùng với các thành viên trong tổ chức OneLegacy tham gia vận động hành lang để Thống Ðốc Jerry Brown ký chuẩn thuận điều luật AB 1967 về việc đưa nội dung về “khoa học cấy ghép nội tạng và sự cần thiết trong việc hiến nội tạng cứu người” vào trong chương trình học tại các trường trung học.

Năm 2013 cô xuất hiện trên video của tổ chức Donate Life California để vận động người dân ý thức hơn về việc hiến nội tạng, máu, giác mạc và các tế bào.

Năm 2017, bệnh viện UCLA chọn Vicky và ông bác sĩ của cô làm hình ảnh đại diện cho chiến dịch quảng bá thương hiệu của bệnh viện, hình ảnh của cô được thấy ở khắp nơi, không chỉ trong bệnh viện mà còn ở trên các biển quảng cáo trên xe buýt, trên đường xa lộ.

Hãng Ford còn chọn câu chuyện cuộc đời cô để làm chương trình quảng cáo dòng xe hơi mới ra Ecosport.

Vicky còn thường xuyên dùng những trải nghiệm của bản thân về hai lần phẫu thuật ghép gan để trấn an tinh thần, động viên những bệnh nhân ghép tạng khác trong bệnh viện UCLA. Chính lời động viên của cô khiến họ thêm niềm tin và phấn chấn tinh thần để cuộc phẫu thuật được thành công.

Đối mặt với cuộc chiến mới: Ung thư máu

Tuy nhiên, cuộc sống vẫn chưa ngừng thử thách Vicky.

Tháng Tám, 2018, khi đang làm việc cho Hội Chữ Thập Đỏ, Vicky phải nghỉ việc vì cảm thấy cơ thể không khỏe.

Ít ngày sau đó, Vicky phải vào bệnh viện UCLA cấp cứu vì triệu chứng chảy máu ruột. Các bác sĩ cho biết, nếu chỉ chậm 15 phút nữa, họ đã có thể không cứu nổi cô. Sau một loạt các xét nghiệm, Vicky được thông báo là cô bị ung thư máu và sẽ phải trải qua những đợt điều trị bằng hóa chất.

Nói chuyện với Vicky qua điện thoại khi cô đang trong bệnh viện UCLA để làm hóa trị lần thứ tư, phóng viên Người Việt nhận ra sự mạnh mẽ của cô qua giọng nói. Một giọng nói không hề có sự mệt mỏi, chán nản, mà trái lại, đó là một giọng nói trong trẻo, truyền cảm và đầy sức sống. Nếu chỉ nghe giọng nói, không ai có thể hình dung cô gái ấy đang phải chịu đựng những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần trong hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư – căn bệnh biến một cô gái có làn da căng tràn nhựa sống, chỉ sau vài tuần, bỗng trở nên xanh xao vàng vọt, biến một người đang cân nặng  từ 115 lb tụt xuống chỉ còn có chưa đầy 80 lbs, và mái tóc đang bóng mượt hôm nào giờ rối tung và rụng gần hết.

Tuy nhiên, Vicky không ngần ngại cho mọi người biết mình bị bệnh ung thư máu và công khai hình ảnh ốm yếu của mình trên trang Facebook cá nhân. Trong ngày Thanks Giving, cô viết trên Facebook: “Điều này nghe có vẻ lạ, nhưng tôi thấy biết ơn căn bệnh ung thư và những lần phẫu thuật thay gan trước đây của mình. Tôi biết ơn vì điều đó buộc tôi phải sống chậm lại và nhìn mọi thứ với với khía cạnh sâu sắc hơn. Tôi học được rất nhiều thứ từ hành trình chống lại ung thư này như sự tha thứ, buông bỏ và yêu thương. Điều đó giúp tôi cảm nhận cuộc sống theo một cách khác, trọn vẹn hơn, ý nghĩa hơn và đầy đủ hơn.”

Bên trái là hình ảnh Vicky Nguyễn tham gia chạy Marathon tại Los Angeles đầu năm 2018 khi chưa phát hiện ung thư, bên phải là hình ảnh Vicky vào Tháng Chín, 2018 khi cô đang trải qua các đợt truyền hóa chất để chiến đấu với bệnh ung thư máu. (Hình: Nhân vật cung cấp)

Cô chia sẻ thêm: “Mặc dù có những ngày tôi cảm thấy như kiệt sức (khi hồng huyết cầu của tôi xuống thấp), nhưng khi đó khát vọng sống trong tôi lại bùng lên hơn bao giờ hết. Mặc dù bây giờ đầu tôi không còn tóc, nhưng tôi lại cảm thấy mình đẹp hơn trước đây. Bệnh ung thư buộc tôi phải mang một bộ dạng mới và tôi yêu thích điều đó! Tôi cảm thấy mình dũng cảm, quyền lực, mạnh mẽ và xinh đẹp hơn. Ung thư đã như một luồng ánh sáng mới, đã soi rọi và làm mọi thứ trong cuộc sống của tôi trở nên rõ ràng hơn.”

Mạnh mẽ, quyết đoán và đầy tin yêu vào cuộc sống, nhưng cũng như bao người khác, Vicky cũng có những phút yếu đuối và suy tư.

Cô kể, có những lúc ở bệnh viện, cô mở điện thoại để nhìn ngôi nhà của mình qua hệ thống camera, nơi mẹ cô thường mở cửa, thay cô đưa mấy con chó ra ngoài đi dạo. Trong lúc cận kề với tử thần, cô mơ hồ chợt nghĩ, “nếu như một ngày mình về với Chúa, liệu mình có còn được nhìn thấy mẹ và các con cún cưng của mình, ngôi nhà quen thuộc của mình, như thế này không? Có giống như cảnh đang nhìn thấy trên camera này không?”

Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ trong chốc lát. Nhờ nghị lực phi thường và khát vọng sống mãnh liệt, Vicky không ngừng tin vào những điều kỳ diệu sẽ lại đến với cô.

Cô chia sẻ: “Trong suốt quá trình điều trị ung thư, tôi may mắn được các y tá chăm sóc thật tuyệt vời. Chính họ đã truyền cảm hứng cho tôi, khiến tôi mong muốn trở thành một y tá. Một ngày nào đó, tôi sẽ quay trở lại trường học để lấy bằng cử nhân y tá hoặc thạc sĩ điều dưỡng. Với kinh nghiệm của bản thân trong hành trình ghép gan và ung thư, tôi hy vọng rằng mình sẽ trở thành một y tá tuyệt vời cho các bệnh nhân của mình.”

Với lòng cảm phục và yêu mến Vicky, bạn bè cô đã đứng ra lập quỹ Go Fund Me để hỗ trợ cô trong hành trình đầy gian khó chiến đấu với bệnh ung thư máu và mong cô có sức khỏe để tiếp tục đóng góp cho cộng đồng. Dưới đây là đường link:

https://www.gofundme.com/ndpud8-vickys-fight?fbclid=IwAR0Ph9uoYT66J_RYZqlJzbU94kF7C8K6ReKQozEaVMveyyWgiEN3vBiaZXU

 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm