Việt nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang thực hiện chủ trương : “ở nhà
– cách ly” trước nạn dịch bệnh Corona hoành hành khắp toàn cầu và chưa có phương
thuốc cứu chữa tất cả những người đã mắc bệnh hoặc là giảm tốc độ lây nhiễm. Các
nhà khoa học trên thế giới đang nghiên cứu chế tạo tạo ra những loại vắc xin chống
Covid 19 thực sự hiệu quả, trong thời gian này, một biện pháp bất đắc dĩ mà nhân loại
đành phải áp dụng là : “ai ở nhà nấy - ở yên trong nhà – cách ly tiếp xúc xã hội”.
Tránh tiếp xúc người khác với khoảng cách từ 2 mét trở lên thì giảm nguy cơ lây
nhiễm bệnh Covid 19. Thế nhưng tại sao khoảng thời gian ở yên trong nhà 2 tuần
chẳng hạn (và các quốc gia có thể ra lệnh kéo dài thời gian hơn nữa) lại rất khó chịu
đối với nhiều người và bằng cách nào có thể sử dụng thời gian ở nhà cách ly để tránh
dịch bệnh Corona hiệu quả nhất?
Trước hết, chúng ta hãy bàn về những nỗi khó khăn, thử thách mà dịch bệnh
Corona mang đến cho nhân loại trong hiện tại :
1. Lo lắng về kinh tế - thu nhập :
Hầu hết mọi người chưa vào tuổi về hưu hàng ngày trong cuộc sống đều gắn liền
với lao động, hoạt động, trong đó nhằm đáp ứng một nhu cầu thiết yếu là : kinh tế, thu
nhập để đảm bảo cho cuộc sống bản thân và người thân. Trong xã hội chỉ có số ít
những người giàu, khá giả có của ăn của để, chứ phần lớn thành phần lao động sống
nhờ thu nhập từng bữa, thậm chí lo trả nợ chi phí học hành của con cái, cho vốn đầu tư
sản xuất, cho bảo hiểm sức khỏe và trị bệnh… bây giờ phải kẹt cứng ở nhà hơn 2 tuần,
hoặc lâu hơn nữa, hoặc thất nghiệp vì công ty cũ, chỗ làm cũ đóng cửa dài hạn,… vậy
thì thu nhập kinh tế cho cuộc sống ai lo, tính sao đây? Thu nhập vào thì không có
nhưng mà chi phí ra cho ăn, ở, mặc, thuốc men,… vẫn phải xuất đều đều. Một số quốc
gia giàu có như Hoa Kỳ, Canada, Úc,… họ xuất ngân khố giúp cho mỗi công dân hơn
1200 đô la nhưng số tiền đó cũng chỉ tạm giúp cho công dân những nước đó sống qua
ngày trong vòng 3 tháng, vậy còn nhân dân ở những nước nghèo, nước đang phát triển
thì sao? Đồng ý là có những Mạnh Thường Quân, đại gia, tổ chức từ thiện xã hội,…
giúp cho người nghèo để có cái ăn, món uống duy trì sự sống đợi chờ vượt qua mùa
dịch bệnh nhưng mà phần trợ giúp đó khó đến tận tay hết tất cả những người dân đang
cần, nhất là những người đang sống ở vùng sâu vùng xa, nơi đó người nghèo chiếm đa
số và rất khó vận chuyển vật phẩm từ thiện từ các thành phố sung túc đến tận nơi họ.
Nỗi lo lắng lớn hơn nữa khi họ tìm được một việc làm ở công ty xí nghiệp đã khó, nay
vào mùa dịch bệnh, công ty xí nghiệp cho nghỉ, vậy rồi không biết công ty xí nghiệp
đó gặp nhiều hậu quả và không tiếp tục hoạt động hoặc cắt giảm nhiều khâu ngành thì
khiến công nhân lại thêm thất nghiệp. Sống trong xã hội này, tìm được một việc làm
hợp với khả năng, sức khỏe, nhu cầu thu nhập, sở thích,… cùa mình thật là khó và thất
nghiệp là món nợ, là nỗi khổ ám ảnh lớn của con người. Các chủ doanh nghiệp lại
càng lo lắng hơn gấp bội vì vốn đã xuất ra mà thu nhập chưa thỏa đáng, vì tiền trả thuê
mặt bằng, vì phải hỗ trợ công nhân với phần tiền giúp vượt qua cơn nguy khó, vì
đường dây xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa khác đi và triển vọng trở lại hoạt động
bình thường còn đang mờ nhạt xa xôi,…
2. Nguy cơ nhiễm bệnh và bị lây lan bệnh :
Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại lại xảy ra một nỗi khổ, lo lắng bao trùm
khắp nơi nơi và gõ cửa từng nhà, từng người khắp hoàn cầu như vậy. Xem tin tức hàng
ngày chúng ta thấy đã có hơn 1,690,497 nhiễm bệnh và 102,399 chết vì vi rút này.
Hàng ngàn, hàng vạn người chết hàng ngày và mồ chôn tập thể cho nạn nhân xảy ra
nhiều nơi. Có những người đã mắc bệnh này mà không biết được đến khi phát hiện thì
quá trễ, vô phương cứu chữa, có những người đã chữa trị xong (âm tính) vậy mà về
nhà lại tái phát. Vậy bệnh dịch này có thể xảy ra hoặc bị lây nhiễm với bất cứ ai. Mỗi
người cần phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh : rửa tay với các chất tẩy sạch, đeo
khẩu trang, súc nước muối hàng ngày, thường xuyên giữ khoàng cách an toàn với
người khác là 2 mét trở lên,…Sau 10 ngày cách ly, nhiều người cảm thấy ức chế tràn
ra đường với lý do đi mua sắm cần thiết, nếu chúng ta ra đường thường xuyên như vậy
thì nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm khá cao. Con người thường tự tin vào sức khỏe, tài
sản và thuốc men, tiện nghi khoa học, văn minh, chưa bao giờ cảm thấy tánh mạng
mong manh và bất lực như bây giờ, khi đang đối diện thử thách của dịch bệnh corona.
3. An ninh xã hội không bảo đảm:
Chúng ta nghe thấy đây đó những tin rùng rợn về cướp cửa hàng điện máy, cướp
giật trên đường và thậm chí trộm cướp nơi chùa chiền,…Ông Cha chúng ta đã bảo :
“Bần cùng sinh đạo tặc”, bây giờ thành phần thất nghiệp nghèo đói nhiều khiến họ
quẩn bách đi trộm cướp nhiều hơn. Do đó, chúng ta không an tâm khi đi trên đường
vắng hoặc đi công việc ban đêm, nhà không sắm được máy điều hòa, muốn mở cửa
đón gió mát thì lại sợ phải bị trộm cướp. An ninh xã hội và quốc gia lại càng ở trong
thế báo động hơn, với những cuộc biểu tình, không thực hiện quy chế cách ly, nhiều
người ức chế quẫn trí, khủng bố hoặc nhà lãnh đạo của các quốc gia xấu xa có thể
nhân cơ hội dịch bệnh mà bán các vật phẩm, hàng giả phòng chữa bệnh trục lợi, hay
gây hấn, xâm lấn, nạn kỳ thị phân biệt chủng tộc đối với da vàng, châu Á, nguồn gốc
lây lan bệnh,….Khi con người bị dồn nén, ức chế, bệnh tật, đói khổ,… họ dễ bộc phát
thành những hành động nguy hiểm, liều mạng ngoài kiểm soát, vì họ ở tư thế “không
còn gì để mất” hoặc “sống như thế này thà chết còn hơn”… Chúng ta thường nghe
câu nói : “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí” mà. Chẳng hạn, chúng ta thấy cảnh sát
Ấn Độ rất khó khăn để gìn giữ, kiểm soát 1,2 tỷ người dân ở nhà theo chính sách cách
ly.
- Phần lớn quần chúng chưa thích nghi với lối sống “ở nhà – cách ly”:
Từ nhỏ đến giờ, con người quen với lối sống trong trùng trùng nhân duyên,
tương tác với người thân, bạn bè, cộng đồng, công sở, xã hội,…nay tự nhiên phải thực
hiện theo chính sách giới nghiêm : “ở nhà – cách ly” khiến họ cảm thấy khó chịu, bị
ức chế nhiều và “sốc”. Người thông thường có thói quen phù hợp với tính năng động,
làm việc nhiều nơi, du lịch đó đây, đi xem phim, hòa nhạc, nhà hàng ăn nhậu, quán
bar, massage, karaoke, café,…gắn liền với những cảm giác thoải mái, hạnh phúc,
hưởng thụ cuộc đời,…Thế nhưng những thói quen hoạt động và thư giãn, giải trí đó
hiện đang ngăn cấm, họ cảm thấy nhàm chán và không biết ăn ngủ làm sao cho hết 24
giờ cùng với vài việc quanh quẩn trong nhà như xem tivi, DVDs, youtube, mạng
internet, games,…Họ thèm cảm giác gần gũi với bạn đồng nghiệp, người yêu, bạn bè,
ngồi thư giãn bên ly café, nhe nhạc xập xình với cảnh sắc xanh, đỏ, tím, … muôn màu.
Cái tính hướng ngoại và vọng động của họ như con ngựa bất kham giờ này khó gò
cương lại và khi bị “quản thúc tại gia” như vậy, họ cảm thấy rất khó chịu và ức chế,
họ gồng mình chịu đựng đếm từng ngày và có nguy cơ “bùng nổ”.
Trên đây là những nguyên nhân tại sao có nhiều người không thích nghi được
với chính sách : “ở nhà – cách ly”, giờ đây chúng ta cùng thảo luận các phương cách
giúp cho họ thực thi chính sách này một cách thư thả, thoải mái hơn.
1. Trang bị và cập nhật cho quần chúng kiến thức về nhiễm và lây lan
bệnh và các phương pháp ngừa – chữa bệnh :
Một người cảm thấy dễ chịu ở nhà nhiều hơn nếu như người đó biết rõ ràng về sự
nguy hiểm, cơ chế lây nhiễm và sự tàn phá của dịch bệnh này trên thế giới, vậy mới
biết lo, biết sợ, biết giữ gìn. Tài sản cũng không quý bằng sức khỏe, “sức khỏe quý
hơn vàng”. Họ sẽ cảm thấy may mắn khi được bình an vô sự trong mùa dịch bệnh mà
đây đó nhân loại đang quằn quại, vật lộn, đau đớn, chết chóc chia ly,…Cái ý nghĩ :
“họ thổi phồng quá, bệnh đó đâu mà ghê gớm quá vậy, chắc không lây đến mình đâu”
là cội nguồn của bao hiểm nguy ập đến. Những thành viên có kiến thức hơn trong gia
đình hãy khéo léo nhắc nhở và trang bị các thành viên khác về những kiến thức cập
nhật cần thiết đó. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông tivi, đài truyền thanh,
youtubes, facebooks, Zooms, các cơ quan chống dịch bệnh và các nhà truyền giáo, ban
văn hóa, văn nghệ,… phải khéo léo truyền tải thông tin về dịch bệnh đến với mọi
người theo những cách đầy sáng tạo, hấp dẫn theo thể : bài thơ, nhạc, diễn giảng, lời
kêu gọi, tuyên truyền,…Có nhận thức và cách nhìn phù hợp sẽ khiến con người khép
vào nếp sống với lý tính chứ không buông thả tùy tiện theo thói quen, sở thích của
mình. Người có giáo dục, hiểu biết thì tất nhiên hành xử khác với người vô học, kém
hiểu biết, thiếu kiến thức căn bản. - Ý thức tự giác, tinh thần làm chủ tập thể, quan tâm đến cộng đồng,
xã hội :
Chưa bao giờ sự tương quan, tương duyên, mối liên hệ, liên đới duyên khởi
tương sinh, cộng sinh, cùng hiện hữu lại được biểu hiện rõ như bây giờ khi con người
cảm nhận nỗi lo, nỗi khổ niềm đau như nhau, cảm thấy khó khăn khi đóng cửa tiếp
xúc nào, mở cửa nào. Mỗi người cần phải tự trọng, tự giác chấp nhận các quy định về
giới nghiêm, ở nhà, cách ly, đeo khẩu trang,… để phòng chống bệnh cho mình và
người khác. Mỗi con người là tế bào của xã hội, một tế bào bị bệnh khiến cơ thể nhiễm
bệnh theo. Có những lúc yêu nước thương dân đòi hỏi chúng ta phải tích cực, năng
động dấn thân, xông pha vào các điểm nóng của xã hội nhưng tại thời điểm này chịu ở
yên cũng là biểu hiện của tự giác, tự trọng, yêu nước thương dân. Biết bao nhiêu người
như lực lượng cảnh sát, cứu hộ, y bác sỹ,…họ muốn được ngồi yên như chúng ta tại
nhà mà không ngồi được, họ phải tiếp xúc với bệnh nhân, thiếu ăn, mất ngủ, chấp nhận
rủi ro có thể nhiễm bệnh và tử vong vậy thì tại sao chúng ta chỉ có mỗi một việc ngồi
yên, an nhàn thế mà không làm được? Chúng ta có muốn cơn dịch bệnh này mau qua
và cuộc sống trở lại bình thường không? Nếu có, vậy thì hãy bắt đầu với việc thắt lưng
buộc bụng, chịu khó, chịu thiếu một chút để ở yên tại nhà, cách ly xã hội để không
tăng thêm những ca nhiễm mới và chữa trị dần dần cho hết những bệnh nhân đã mang
bệnh này.
3. Hướng nội, thư giãn, luyện tập, trang bị và hoàn thành những gì cần
thiết, chế tác năng lượng
Nhiều người sống hướng ngoại, hết làm việc lại đi tìm các nơi chốn giải trí, rồi
uống rượu bia, nghe nhạc cho đến khi mệt nhoài đi ngủ trong mộng mơ, bấn loạn mới
thôi. Phật Giáo gọi đó là “tâm viên ý mã”, tâm con ngươi như con vượn, con ngựa,
trạo cử, buông lung, phóng túng, chạy nhảy từ nơi này đến nơi khác, không chịu ở yên
một chỗ. Ít ai biết sống một mình, đối diện với chính mình, làm bạn với chính mình.
Nhà thơ Nguyễn Du mô tả những người đó là :
Vậy nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng.
Người theo tôn giáo thuần thành thì không cảm thấy thời gian “ở yên – cách ly”
là chướng ngại mà thật ra đó là khoảng thời gian, cơ hội may mắn để họ học hỏi giáo
lý, thực hành các pháp môn, lắng nghe hơi thở, soi rọi lại chính mình, làm mới chính
mình, thực hành sâu yoga, thiền định,… Chúng ta cũng rà soát lại xem hàng ngày có
thói quen nào gây ô nhiễm môi trường, không được vệ sinh sạch sẽ và gây thêm dịch
bệnh hay không? Dịch bệnh dù sao cũng là cộng nghiệp chung của loài người, do đó,
hãy cùng nhau sám hối, cải sửa, tu tập để sống tốt hơn và bào mòn nghiệp chướng.
Hạnh phúc chân thật không phải ở trong đám tiệc, trò tiêu khiển xô bồ, thác loạn mà là
sự yên tình của tâm hồn. Đây là thời gian để thực tập sống chậm, sống sâu, sống nhàn,
sống với ý thức đầy đủ, sống một mình, khiến con người thêm sâu sắc hơn, tâm trí
thanh thản và sáng suốt hơn…Hệ thống máy móc nào mà sử dụng nhiều quá suốt thời
gian dài thì cũng bị sơ cùn dễ hư hỏng, thân tâm con người cũng vậy, không phải vắt
kiệt ra như thế. Chúng ta có hiểu tại sao những người thành danh nổi tiếng thế giới
như Bill Clinton, Steve Jobs, Twitter CEO Jack Dorsey đều dành thời gian đều đặn
trong ngày để nội quán sâu sắc và ngồi thiền?
Đã không ít lần nhiều người từng than thở vòng xoáy công việc cuộc sống lôi
kéo họ đến nỗi không có thời gian để tập thể dục, yoga, thậm chí tắm rửa,… thì bây
giờ đây là cơ hội cho Bạn để làm những điều đó và đọc sách, dịch sách, viết sách, học
nhạc, luyện võ, làm thơ, học vi tính, excel, photoshop, video editer, làm websites…Có
biết bao nhiêu điều lợi ích mà Bạn có thể làm được tại nhà. Hơn nữa, có câu nói :
“nuôi quân vạn ngày, đánh một ngày”, đây là cơ hội để chúng ta rèn luyện thân thể,
trang bị, bổ sung, luyện công những gì chúng ta còn thiếu hoặc thực hiện điều mà
chúng ta ưa thích chứ đâu phải lúc nào cũng ra quân ào ạt cùng lúc với bao nhiêu
người khác. Ai cũng có một kiếp người, có 24 giờ trong một ngày để sống, thậm chí,
có những tù nhân mà họ còn tranh thủ làm được những điều lợi ích thì lẽ nào chúng ta
không biết cách tận dụng thời gian “ở yên – cách ly” tốt nhất để không có cảm giác ăn
ngủ chán ngán, thời gian dài lê thê, mỏi mòn chờ đợi ngày được “sổ lồng, tung cánh”.
4. Ý thức, trân trọng sự hiện diện và sống bên cạnh trọn vẹn với những
người thân nhất
Có những gia đình họ sống tuy “gần nhau trong tấc gang / Mà cách nhau trời
vực”, hoặc “bước qua đời nhau”, thời gian dành cho nhau, sống với nhau của họ quá
ít. Chúng ta nhớ xưa kia nhờ những lời ru của mẹ, những câu chuyện cổ tích của bà
nội, những sinh hoạt quây quần của gia đình sau bữa ăn tối, tất cả đã là hành trang chất
liệu sống tích cực cho chúng ta vào đời. Thời đại công nghiệp 4.0, nhịp sống hối hả
đến nỗi những thành viên trong gia đình ăn trong gấp gáp, đi trong vội vã, thời gian
ngồi bên nhau, chia sẻ với nhau quá ít ỏi. Có hiểu mới có thương và giúp nhau tốt hơn.
Đây là cơ hội tốt để chúng ta chia bùi sẻ ngọt, sống trọn vẹn với ý nghĩa hiện diện với
người thân. Cha mẹ dạy dỗ con cái, chồng vợ thắt chặt tình cảm, anh em chia sẻ kinh
nghiệm, những điều tâm đắc với nhau nhiều hơn. Giáo dục và tình cảm không thể mua
bằng tiền bạc mà phải vun đắp, đâu tư thì đây là phải lúc để chúng ta làm những việc
đó. Những bữa cơm, khay trà trong gia đình phải là ấm áp, đậm đà hương vị, đặc biệt
nhất mà không nhà hàng nào cung cấp được vì nó chứa đựng hương vị của đoàn viên,
sum họp, tình thương. Những người con đọc văn tế khóc lóc sướt mướt làm gì khi cha
mẹ đã chết đi, chi bẳng giờ này đây hãy tận tụy sống bên họ và phụng dưỡng khi còn
sống. Hãy trân quý những cái gì chúng ta đang có đừng để đến khi mất đi rồi mới cảm
thấy hối tiệc. Việc bổ sung kinh nghiệm cho nhau và giáo dục con cái đòi hỏi tính kịp
thời thì đây là cơ hội tốt nhất để bù đắp những gì còn thiếu sót. Không phải đi làm việc
vất vả, ngày đêm quây quần với gia đình, với những người thân nhất mà không ai
trách mình lười biếng, kiếm cớ,…vậy mà Bạn chưa cảm thấy hạnh phúc sao, chứ Bạn
còn đòi hỏi những gì hơn nữa?
5. Cơ hội để làm điều phước đức :
Trong cơn dịch bệnh này, có biết bao nhiêu người thiếu thốn, đói khó, khổ sở,
chúng ta hãy cùng chung tay góp sức giúp họ. Đừng chờ đến ai khác, đừng nghĩ là có
người khác làm rồi, tại sao không phải là mình, cho dù là một việc nhỏ nhất. Có một
danh ngôn rất hay : “thà làm con đốm nhỏ thắp lên chút tia sáng còn hơn ngồi im đó
mà nguyền rủa bóng tối”, vậy thì trong cơn tối của dịch bệnh, bao nhiêu người đang
quở quạng, hãy là con đốm mang đến những tin tức đúng, những tia hy vọng cho đời.
May tặng khẩu trang, góp vài ký gạo, cây gạo ATM, cho vài thùng nước uống, những
quán cơm chay, những thùng mì gói,… đó là những nghĩa cử cần thiết để giúp cho
những ai đang cần nhất, là niềm hạnh phúc cao thượng : “sống là cho chứ chẳng nhận
riêng mình”. Chúng ta giúp ổn định cả cuộc sống vật chất và tinh thần cho gia đình,
những người thân xung quanh mình và những thành phần bất hạnh trong xã hội là góp
phần cho đất nước và thế giới ổn định, chung sức vượt khó.
Tóm lại, chúng ta từng đọc câu chuyện “Tái ông thất mã”, thông điệp chính là :
trong cái rủi có cái may, trong họa có phúc. Hiện nay, các tỷ phú, các nhà lãnh đạo
quốc gia và thế giới, tổ chức y tế các cấp,…. đang nỗ lực hết mình tìm các biện pháp
phòng chống dịch bệnh Cô rô na và trừ hậu quả của nó để đưa dân chúng trở về cuộc
sống bình thường như trước kia thì mỗi chúng ta nên tự ý thức, tự biết phải làm gì để
cùng chung tay góp sức cho xã hội vượt qua kiếp nạn và thử thách lớn lao của cơn đại
dịch này. Chúng ta phải biết thương mình, thương người, cân nhắc nặng nhẹ, việc gì
nên làm, việc gì không nên làm. Qua đây, chúng ta hiểu với nhau hơn, thương nhau
hơn, hợp tác chặt chẽ hơn, xóa bỏ bớt các khoảng cách hơn vì trước những mất mát tai
nạn, giàu nghèo, sang hèn đều đau khổ như nhau. Nhất là trong đợt “ở nhà – cách ly”
này, mỗi người hãy ý thức tự giác và nhắc nhở các thành viên gia đình mình thực hiện
theo. Thương mình thì tự phòng bệnh, thương người thân thì nhắc nhở họ tránh xa nơi
nguy hiểm, yêu Tổ quốc đồng bào thì gắng nhẫn nại, chịu đựng thiệt thời một thời gian
để cơn đại dịch đi qua. Hãy sống thật vững chãi, thảnh thơi, có lợi ích trong thời gian
này, đừng lao nhao, quá lo lắng, căng thẳng khiến tình hình càng tệ thêm, như lời Ngài
Đạt Lai Lạt Ma có khuyên trong thông điệp chia sẻ nhân loại toàn cầu trong nạn dịch
Corona : “ Nếu việc chúng ta làm được thì cần gì phải lo, nếu việc đó bản thân
chúng ta làm không được thì cứ lo suông lại có ích gì?” Trên đây là những nguyên
nhân khiến người thông thường khó “ở yên” và những phương cách giúp họ suy tư,
thực hành để có thể ở yên trong chánh niệm, an lạc trong mối quan hệ và quan tâm đến
tương quan, tương duyên, tương sinh với đoàn thể, xã hội. Xin được đúc kết ý nghĩa
bài viết với dòng thơ:
Ở yên nhé, đâu có gì khó quá?
Chịu ở yên rồi dịch bệnh sẽ qua
Sống chậm lại, sống sâu hơn, thư thả
Bấy nhiêu thôi là lợi nước, an nhà….
Thiện An Thiền Thất, ngày 10/04/2020
Thích Đồng Trí