(Hình minh họa: AP/Jeff Chiu)
Khò, súc miệng với nước muối, thuốc tẩy, dùng acetic acid, hoặc steroids, hoặc uống nước gừng, nước cam, vitamin C, thuốc sốt rét, hoặc một số chất khác, như đang lưu hành trên một số trang mạng, có thể giúp phòng lây nhiễm COVID-19 không?
Không!
Làm theo các tin đồn (nhảm) kể trên không những không giúp phòng ngừa tốt hơn, mà còn có thể gây ra nguy hiểm, đôi khi chết người (như đã và đang xảy ra).
Cho tới nay, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy có cách nào (khác) giúp phòng ngừa COVID-19 ngoài những việc đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần:
- Ở trong nhà
- Cách xa người khác từ 2 mét (6 feet) trở lên
- Không sờ tay lên mắt, mũi, miệng
- Rửa tay thường xuyên và đúng cách với nước và xà phòng hoặc dung dịch sát trùng tay có ít nhất 60 phần trăm alcohol (ít nhất 20 giây).
- Không đọc những tin (nhảm, thất thiệt) từ các nguồn không có uy tín và có thẩm quyền (như WHO, CDC, các cơ quan chăm sóc sức khỏe chính thức của địa phương).
- Nếu ta có triệu chứng thì cần đeo khẩu trang.
- Khi ho hay hắt hơi, cần che miệng bằng khăn hoặc khuỷu tay (không che bằng bàn tay).
Có phải việc dùng khẩu trang có thể giúp cho người dùng ngừa được việc bị lây COVID-19?
Cho đến hôm bài này được viết (2 Tháng Tư năm 2020), theo WHO và CDC, dựa theo nhiều nghiên cứu, vẫn cho là:
- Việc dùng khẩu trang có thể giúp những người đang có triệu chứng hay đang nhiễm bệnh giảm cơ hội lây lan bệnh cho người khác
- Chứ việc người không có bệnh, dùng khẩu trang y tế, chưa được chứng minh là có thể giúp người đó giảm cơ hội bị lây bệnh, vì virus có thể đi qua các kẻ hở của khẩu trang đó để thấm vào niêm mạc mắt, mũi, miệng của người dùng khẩu trang và lan bệnh sang cho họ.
- Một điều nữa cần chú ý, là một số người đeo khẩu trang, có (thể có) cảm giác an toàn (không đúng), nên lơ là các biện pháp (đơn giản, nhưng rất) căn bản và quan trọng, là phải cách xa người khác 2 mét, không sờ tay vào mắt, mũi, miệng. VÀ, như vậy, ở những người này, nguy cơ bị lây nhiễm sẽ cao hơn nhiều, so với những người không đeo khẩu trang (kiểu như vậy).
- Một số khẩu trang cao cấp hơn, có thể giúp các nhân viên y tế tiếp cận với bệnh nhân an toàn hơn (bên cạnh việc dùng áo khoác bảo hộ toàn thân, kính bảo hộ, lá chắn che mặt…) Nhưng các dụng cụ này, cần phải được ưu tiên cho các nhân viên đang làm việc trong các môi trường có nguy cơ lây nhiễm rất cao này.
Nếu ai cũng “giành” các dụng cụ bảo hộ này một cách không cần thiết, đó là một thái độ ích kỷ, và rất nguy hiểm cho xã hội. Vì nếu các nhân viên y tế thiếu dụng bảo hộ, điều đó sẽ trả giá bằng mạng sống của rất nhiều người.
Có tin nói là CDC và cơ quan phòng chống dịch đang thảo luận một cách tích cực và nghiêm túc về việc mọi người cần phải dùng khẩu trang khi đi ra ngoài đường (như đã được áp dụng ở một số nước mà có vẻ như là dịch COVID-19 đã và đang được kiểm soát tương đối tốt hơn ở các nước phương Tây.) Điều này được giải thích như thế nào?
- Một số chuyên gia cho rằng dịch COVID-19 có thể lây lan trong lúc người bị nhiễm bệnh chưa có triệu chứng. Và việc đeo khẩu trang như vậy, có thể giúp hạn chế việc lây bệnh từ những người này.
- Tuy nhiên, (có thể là) trong lúc khẩu trang còn chưa đủ cho mọi người, ta cần phải ưu tiên việc dùng khẩu trang có những người cần thiết hơn (nhân viên y tế, những người đang có triệu chứng như bị ho, hắt hơi, sốt,…)
- Và cần nhớ rằng, dù có đeo khẩu trang (để tránh lây sang người khác, nếu mình có bệnh mà chưa biết), để bảo vệ cho chính mình, điều quan trọng, vẫn là phải giữ đúng khoảng cách an toàn trên 2 mét, tránh sờ tay vào mắt, mũi, miệng, rửa tay thường xuyên và đúng cách.
Nếu không chắc chắn được là người nào đã bị nhiễm bệnh hay chưa. Thì mỗi người phải làm sao để bảo vệ được an toàn, phòng cho khỏi bị lây bệnh?
Để giảm khả năng bị lây bệnh hoặc truyền bệnh cho người khác, điều mỗi người cần làm là: Phải coi như là những người chung quanh mình và chính mình có thể đã và đang bị nhiễm bệnh, và tuyệt đối thực hiện những điều đã được hướng dẫn như vừa nói trên.
Nếu bị ho, hoặc có triệu chứng, thì:
- Gọi bác sĩ để được hướng dẫn cách chữa trị. (Hiện nay, theo hướng dẫn của chính phủ, đa số bác sĩ có thể khám bệnh qua face time, phone, để bảo đảm an toàn, tránh lây lan giữa các bệnh nhân.
- Đeo khẩu trang (nếu có)
- Cách ly cẩn thận hơn (nếu được thì ở phòng riêng với buồng tắm riêng, hoặc vệ sinh kỹ lưởng sau khi dùng rest room, nếu dùng chung với người khác).
- Dùng khăn che miệng khi ho.
- Cẩn thận khi đụng vào các nơi nhiều người khác có thể đụng vào như nắm cửa, vòi nước, remote TV…
- Rửa tay càng thường xuyên hơn.
- Dĩ nhiên, nếu bị nặng như khó thở, tức ngực, sốt cao, thì cần gọi 911 ngay.
Cần chú ý là hơn 80 phần trăm những người bị nhiễm dịch COVID-19 đã và đang tự khỏi bằng cách giữa sức đề kháng, giữ thể trạng tốt, cách ly ở nhà, và chữa triệu chứng.
Làm sao để tăng khả năng có thể tự khỏi, không bị nặng?
Nếu có sức đề kháng tốt, khả năng bị trở nặng sẽ giảm đi nhiều.
Những điều chính ta có thể làm để tăng sức đề kháng của mình là:
- ĂN uống đầy đủ và thích hợp. (Nhất là) khi bắt đầu thấy hơi có vẻ “bịnh,” chán ăn, thì càng phải bảo đảm có đủ chất dinh dưỡng cho sức khỏe của mình.
Lúc đó nên ăn nhiều bữa nhỏ (cho dễ tiêu), và nhiều dinh dưỡng (không cần phải kiêng khem sợ đường, mỡ… nhiều quá. Ăn gì thấy ngon và có thể giữ sức thì ăn. Đến lúc khỏe lại hãy kiêng khem tiếp, nhưng cũng không nên kiêng khem thái quá.
Một trong những điều quan trọng làm bệnh khó chữa là bệnh nhân không cố ăn, uống, giữ sức lúc chưa nặng. Để đến lúc cơ thể suy kiệt vì thiếu nước, dinh dưỡng (bên cạnh căn bệnh chính), sẽ nguy hiểm và khó chữa hơn nhiều.
- UỐNG đầy đủ (khoảng 2 lít nước, tính cả nước canh, nước phở, nước cháo,.. chỉ không tính nước trà cà phê, hoặc rượu bia). Uống sao mà thấy nước tiểu trong, không vàng khè là cách đơn giản để biết mình có đủ nước hay không.
- NGỦ đầy đủ (trung bình 7-9 tiếng đồng hồ mỗi ngày, ở người lớn).
- THỂ DỤC thích hợp với sức khỏe và thời tiết, khoảng 30 phút mỗi ngày, khoảng 6 lần một tuần, nếu đủ sức để tập. Dù có lệnh ở nhà, nhưng ta vẫn có thể ra sân, hay đi vòng quanh khu nhà ở của mình để tập thể dục, vận động cho đầu óc thoải mái, miễn là giữ khoảng cách 2 mét, không tụm năm tụm ba. (Lúc đã bệnh, mệt, thì nên nghỉ ngơi đầy đủ).
- Uống thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ, để bảo đảm các bệnh nền, mạn tính của mình (như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi, bệnh tim, bệnh khớp…) được kiểm soát tốt và ổn định.
- CƯỜI: Tinh thần tích cực là điều quan trọng nhất. Vì nếu “cười không nổi,” thì ta sẽ không ăn, ngủ, uống, thể dục được. Và đó có thể là nguyên nhân chính (thường gặp) để dẫn đến mọi rắc rối về mọi chuyện, chứ không phải chỉ là sức khỏe.
(? Có nên) cười với Cô Vi ?
Có vẻ là chúng ta đang tiến vào “cao trào” trong cuộc chiến với Cô Vi 19.
Có vẻ là, giống như với các trận chiến khác trong cuộc sống (là tranh đấu), kẻ chiến thắng hầu như luôn là những người lạc quan (nhưng không ỷ y), bình tỉnh, biết rõ mình đang ở đâu, đang cần làm gì, và (chỉ) làm những điều cần thiết.
Mỗi người chúng ta đã và đang được trang bị những kiến thức, cũng như điều kiện tương đối đầy đủ và thích hợp để tự mình bảo vệ cho chính mình, cho mọi người. Để chiến thắng cơn đại dịch này, với tổn thất thấp nhất có thể được.
Không nghe tin đồn nhảm để khỏi mất tinh thần, làm chuyện (nhảm và) nguy hiểm; từng người, từng gia đình, cộng đồng, hy vọng sẽ tự mình, nhắc nhở nhau, làm việc cần thiết, tốt cho chính mình và mọi người.
Có người nói ở đời chỉ có hai việc: Việc mình có thể kiểm soát và thay đổi được, và việc ngoài tầm kiểm soát của mình. Người có trí tuệ, (và thường thành công, sống an nhiên tự tại hơn) là người biết phân biệt giữa hai việc trên, tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát, thay đổi được. Để “quẳng gánh lo” (những việc ngoài tầm kiểm soát của mình), và vui sống.
Những việc mình hoàn toàn có thể, nên, và rất cần làm trong tình huống này:
Cười (với cô Vi): Để nhớ ăn, uống, ngủ, thể dục, uống thuốc, áp dụng các biện pháp phòng ngừa (đơn giản), thích hợp và đầy đủ, nhằm giữ sức đề kháng (về tinh thần củng như thể chất) ở mức tốt nhất có thể được.
Để sống hiệu quả, an nhiên, tự tại, khỏe mạnh.
Và học được nhiều điều bổ ích cho một cuộc sống (lúc nào cũng có thể) tốt hơn.