Một nữ y tá săn sóc bệnh nhân tại một bệnh viện ở Seattle, tiểu bang Washington, hồi Tháng Năm, 2020. (Hình minh họa: Karen Ducey/Getty Images) Đến tuổi này tôi mới thấy thấm thía cái cử chỉ đầy tình người, mà chúng ta trong tuổi ấu thơ đã từng tận hưởng từ bàn tay người mẹ, cũng có khi là của cha. Dù là đang giờ ăn, mẹ cũng phải bỏ đũa, dù đang có khách đến chơi nhà, cũng không có việc gì được xem ưu tiên và cấp bách bằng. Cho đến cái thời văn minh hiện đại, khi đã có tã lót, nhà cầu tiện nghi, nước máy, thì cái công việc này chưa có gì thay thế, trừ bàn tay của những người mẹ. Vậy mà trong suốt cuộc đời chúng ta, đã ai một lần được báo hiếu, trả ơn cho mẹ, dù chỉ một lần thôi, cái việc mẹ đã làm cho chúng ta hằng nghìn lần ngày trước. Ở ngoại quốc chúng ta, những đứa con đã giao việc này cho nhà dưỡng lão, home care, “chăm sóc tại gia,” (IHSS) hay người giúp việc, nếu có. Chỉ có ở những quốc gia chậm tiến, nghèo khó may ra, những đứa con mới có cơ hội làm việc này cho cha mẹ già. Vì sao săn sóc cho một đứa con bé bỏng, chúng ta không hề có một chút suy nghĩ gì, nhưng đối với cha mẹ già, thì đây là một việc làm đắn đo, phải suy nghĩ! Các cô dâu tới nay, có sẵn sàng chấp nhận cho chồng mình phục vụ công việc vệ sinh này, cho mẹ già đang nằm bất động trên giường bệnh, và cũng chắc chắn ít có cô dâu nào có đủ lòng nhân hậu để làm việc này thay chồng! Cha tôi mất khi tôi đang còn trong tù, lặn lội trong rừng núi Việt Bắc, mẹ tôi qua đời thì tôi đã ở xa bà nửa vòng trái đất, tôi chưa bao giờ được gần gũi cha mẹ những lúc ốm đau, trả hiếu cho người viên thuốc, muổng cháo, nói chi tới cái công việc hèn mọn mà mẹ tôi đã làm cho tôi cả trong một thời gian dài. Nói chung tôi chưa làm cái công việc này với ai, cũng trong vòng loanh quanh, thứ “nước mắt chảy xuôi,” chỉ với những đứa con của tôi, nhưng cho tới tuổi già hôm nay, trải qua một con đường dài, đau ốm, bệnh hoạn, vào bệnh viên mỗi năm tôi đã nhận bao nhiêu ân huệ của những người không hề quen biết tôi, đã làm cái công việc mẹ tôi đã làm cho tôi ngày xưa. Những lúc tưởng như đến gần với cái chết, lúc mê lúc tỉnh, rã rời, yếu đuối như đứa trẻ con, lúc nào bên tôi, cũng có một người đàn bà gần gũi chăm sóc, nâng đầu tôi dậy, thăm hỏi, thay tả lót dơ bẩn cho tôi, và luôn luôn sẵn sàng sốt sắng làm cái việc mà mẹ tôi ngày trước mỗi ngày đã làm cho tôi. Đó là trách nhiệm, bổn phận và tình thương của những y tá trong bệnh viên, được ví như những thiên thần áo trắng, đem yêu thương, an ủi đế cho Trong bệnh viện, việc đầu tiên khi chúng ta được đưa lên giường bệnh, là người y tá đến lật nghiêng chúng ta lại, để kiểm soát xem chúng ta có “bậy” ướt ra trong quần mà không hay biết. Trong những thời gian ngắn được chắp nối, thành những ngày nằm bệnh viện khá dài, đã bao nhiêu lần tôi được những y tá, y công, sinh viên thực tập… đủ tuổi tác, màu da đã cúi xuống bên tôi, bình thản làm cái công việc mà mẹ tôi đã thường săn sóc tôi. Không có giới y khoa, không có những nhân vật được tôn vinh là những “thiên thần áo trắng” trên thế gian này, ai là người giang tay đi vào nơi hiểm trở, nghèo khó, bần cùng hay dơ bẩn để giúp nhân loại. Rồi chúng ta liên tưởng đến những bệnh nhân phong cùi, lở loét, máu mủ, mà giới y khoa, tôn giáo đã tận tình đã hy sinh cả cuộc đời mình để lăn lội đến nơi, thâm sơn cùng cốc, đem tấm lòng của những người mẹ, sống hết mình cho con, là con của nhân loại! Thời nay có những nghi thức mang ý nghĩ của tình thương yêu hay mang ơn, như rửa tay, rửa chân hay hôn chân những kẻ khốn khổ, nhưng nghĩ cho cùng, không có cái hành động nào cao cả, rộng lượng đầy tình thương yêu như cử chỉ của những bà mẹ dành cho con mình thời thơ ấu. Cứ nghĩ cho cùng, chúng ta không có dịp trả ơn được một phần nghìn tình thương của mẹ, nhưng lớn lên chúng ta lại có dịp mang ơn nhân loại rất nhiều lần, họ không có liên hệ máu mủ, không hề quen biết với chúng ta, nhưng chính họ là người mang tình thương, và là biểu hiện những gì tốt đẹp nhất của thế gian của con người dành cho loài người. Chúng ta không cô đơn đâu, xin hãy cúi xuống với những người bất hạnh, như chúng đã được người khác cúi xuống với, những lúc đau ốm, mệt mỏi, gian truân, thất vọng! |