Theo nhà Phật, trong kinh Tạp A Hàm số 373, có 4 loại thức ăn mà Phật đã dạy cho hàng Tăng sĩ và đại chúng. Ngài dạy, “Có bốn loại thức ăn giúp các loài sinh vật lớn lên và sống còn. Bốn loại thức ăn đó là gì? Thứ nhất là đoàn thực, thứ hai là xúc thực, thứ ba là tư niệm thực và thứ tư là thức thực.” Bài viết này chúng tôi chỉ nhấn mạnh vào loại thức ăn thứ nhất, bằng miệng, và những lợi ích liên quan mà thôi. Các loại thức ăn kia chúng tôi chỉ trình bày sơ lược và quý vị có thể tìm hiểu thêm.
Hiện nay, cả thế giới đang lo sợ và đối phó với một loại vi khuẩn coronavirus, còn có tên là 2019-nCoV. Vi khuẩn coronavirus xuất phát từ Vũ Hán (Wuhan), Trung Quốc và tiếp tục lan rộng khắp châu Á và trên toàn thế giới. Ngay thời điểm của bài viết này, 30 Tết bên Mỹ, có 41 người Trung Hoa đã chết, và có hơn 900 người bị nhiễm vi khuẩn coronavirus tại Trung Hoa. Hàng chục triệu người ở Vũ Hán cấm di chuyển. Các điểm du lịch, Disneyland, McDonalds, Vạn Lý Trường Thành phải đóng cửa và ngay cả cửa hàng McDonald ở năm thành phố của Trung Hoa cũng đóng cửa, ngoài ra các nước láng giềng cũng đóng cửa khẩu trừ Việt Nam. Thêm vào đó, theo Asiatime, Reuters and CNN, có gần 25 trường hợp đã được xác nhận, ngoài Trung Quốc, bị nhiễm vi khuẩn chưa có cách trị liệu này, đó là: Thái Lan - 5, Singapore - 3, Đài Loan - 3, Hồng Kông - 2, Nam Hàn - 2, Nhật Bản - 2, Việt Nam - 2, Hoa Kỳ - 2, Pháp -2, Úc -1 . Nguyên nhân chính do việc nhiễm dịch này là do thái độ ăn uống không lành mạnh của con người. Virus này bắt nguồn từ việc con người ăn thú vật (thịt động vật hoang dã) như rắn, dơi, v.v
Thi thể người đàn ông trên vỉa hè ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc sáng 30-1. Ảnh: AFP
Cho nên chúng ta cần phải biết về những loại thức ăn lành mạnh nhằm giúp gia đình và xã hội. Mỗi con người đều có cả thân lẫn tâm. Thức ăn cho thân chỉ có một lối để vào, đó là lỗ miệng. Còn thức ăn cho tâm thì có đến 6 ngỏ để vào, đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý. Vì thế, chúng ta phải cẩn trọng và quán chiều mình đang cho thân và tâm ta ăn hay tiêu thụ những gì.
Theo nhà Phật, trong kinh Tạp A Hàm số 373, có 4 loại thức ăn mà Phật đã dạy cho hàng Tăng sĩ và đại chúng. Ngài dạy, “Có bốn loại thức ăn giúp các loài sinh vật lớn lên và sống còn. Bốn loại thức ăn đó là gì? Thứ nhất là đoàn thực, thứ hai là xúc thực, thứ ba là tư niệm thực và thứ tư là thức thực.” Bài viết này chúng tôi chỉ nhấn mạnh vào loại thức ăn thứ nhất, bằng miệng, và những lợi ích liên quan mà thôi. Các loại thức ăn kia chúng tôi chỉ trình bày sơ lược và quý vị có thể tìm hiểu thêm.
Loại thức ăn thứ nhất là Đoàn Thực. Loại thức ăn ‘nắm' hay ‘vắt' đưa vào miệng.
Loại thức ăn thứ hai là Xúc Thực. Đó là những cảm xúc và cảm thọ mà khi chúng ta tiêu thụ qua sáu Căn tiếp xúc với sáu Trần, đó là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với hình ảnh, âm thanh, mùi vị, nhiệt độ, và nghĩ suy. Cảm thọ là những hỉ-nộ-ái-ố, mừng vui, giận dữ, thương yêu, thù ghét, sầu bi, khổ não, say đắm, v.v...
Loại thức ăn thứ ba là Tư Niệm Thực: Thức ăn này còn được gọi là Ý Chí Thực, Ý Nguyện Thực hay Nguyện Thực, đó cũng chính là lý tưởng của Bồ Tát Hạnh và Bồ Tát Đạo vậy.
Loại thức ăn thứ tư là Thức thực. Cũng theo Thầy Phước Tịnh, “Thức thực được ví như dòng nước chảy ngầm trong đời sống. Nó có năng lực duy trì thọ mạng và nghiệp thức trong hiện đời để di chuyển vào đời sau. Nếu nó xuất hiện trên bề mặt thì trở thành tư niệm thực; và nếu cạn hơn nữa thì là xúc thực. Niềm vui, nỗi buồn, cơn giận, nỗi bất an đều có nền là tâm thức sinh diệt. Tâm thức nầy là một dòng chảy miên man, chưa bao giờ ngừng nghĩ, nhưng các bậc minh triết sẽ cảm nhận được. Khổng Tử một lần đứng bên bờ sông đã buộc miệng nói rằng: “thệ giả như tư phù, bất xã trú dạ,” có nghĩa là “chảy mãi như thế nầy chưa dừng ngày đêm.” Ông không phải chỉ nói dòng sông trôi chảy, mà còn ám chỉ dòng chảy bên trong ta.”
Nói chung thức ăn nào cũng có khả năng nuôi dưỡng hay tàn hại thân thể và tâm hồn chúng ta. (Xin đọc thêm Kinh Bốn Loại Thức Ăn của Làng Mai phía dưới.)
Trở lại loại thức ăn thứ nhất: Đoàn thực. Theo Thầy Thích Phước Tịnh, “Trong từ Hán Việt, “đoàn” có nghĩa là “vắt” hay “nắm,” như người mình thường nói là nắm cơm hay vắt cơm, vì nó khởi nguồn từ văn hóa dùng tay viên thức ăn đưa vào miệng của người Ấn Độ ngày xưa. “Thực” có nghĩa là ăn. Hiểu theo nghĩa rộng, đoàn thực là loại thức ăn ở thể đặc hay thể lỏng, được đưa vào miệng. Nếu có chánh kiến, khi đưa thức ăn, thức uống vào miệng, ta biết nó bổ dưỡng hay tàn phá thân thể. Thức ăn cầu kỳ thì dễ mất đi dưỡng chất, lại làm cực công người nấu nướng. Có những thức ăn, mà sau khi thọ dụng, sẽ làm cho thân thể ta trì nặng, uể oải, tâm không còn tỉnh táo để thiền tập. Nếu có chút công phu thực tập, ta có thể chiêm nghiệm được điều nầy.”
Tất cả thức ăn đưa vào miệng có thể là dinh dưỡng cho thân thể ta, nhưng cũng có thể là tàn hại ta. Mỗi ngày trung bình, thân thể con người chỉ cần 2000 calories (hàm lượng calo), và khi chúng ta dùng nhiều hơn số lượng calories đó, chúng ta sẽ bị mập phì và dễ đưa đến những bệnh khác. Chúng ta nên tiêu thụ những thực phẩm có lợi cho sức khoẻ của chúng ta. Và nếu được, thì nên dùng thực phẩm mà tôn trọng sự sống của các loài động vật. Những ai có ý thức, có chánh niệm, thường dùng việc ăn uống như là phương tiện để làm việc lợi cho thân tâm, có lợi cho mình và lợi người, ngay hiện tại và cho cả tương lai. Họ dùng thực phẩm là phương tiện để phát tâm từ bi đến với mọi loại, nên không có giết chết sự sống của các loại động vật.
Nhà Phật, gọi đó là ăn chay, ăn lạc hay trai giới. Ăn chay là một lối sống giản dị, ăn uống có chừng mực, chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như rau củ, hạt, trái cây... Không ăn những thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, cá, cua, v…
Ăn Chay có rất nhiều lợi ích. Nó rất tốt cho sức khỏe. Theo các nhà khoa học, ăn chay giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Khi ăn nhiều rau, hoa, củ quả, chúng cung cấp một lượng lớn chất xơ, sắt và nhiều chất dinh dưỡng khác giúp máu lưu thông, tốt cho tim và động mạch. Những nghiên cứu khác, bảo rằng: “Ăn chay có thể làm chậm sự thay đổi của các tế báo ung thư.” vì các món ăn chay giàu chất xơ, chất oxy hóa và ít chất béo (fatty acid).
Ăn chay còn là phương tiện để cứu vớt địa cầu. Biến đổi khí hậu và hâm nóng địa cầu đang xảy ra và đang phá huỷ địa cầu. Việc ăn chay, không ăn thịt, làm chậm lại số lượng khí độc gây hiệu ứng nhà kính (greenhouse gases) như methane, carbon dioxide, v.v… Theo Medical Daily, chuyển từ ăn mặn sang ăn chay sẽ giúp giảm các loại khí độc từ 63-70% phóng thải ra môi trường. Ở các nước Nam Mỹ, như Brazil, họ phải phá rừng để có đất để nuôi bò, v.v… Ăn chay cũng góp phần bảo vệ chiếc phổi xanh của thế giới.
Cuối cùng, theo quan điểm nhà Phật, ăn chay tạo phước lành cho chúng sinh, cho mình và cho gia đình. Ăn chay là một thái độ, hành động sống với lòng từ bi sẵn có ở trong mình. Ăn chay là một phương tiện để giúp chúng ta đến với Chân-Thiện-Mỹ, đến gần với cái hay cái đẹp và ngày càng đến gần bờ giác.
Vậy ăn chay như thế nào cho phải lẽ? Đừng nên ăn thịt, cá hay các loại động khác. Chúng cũng tham sống và sợ chết như ta. Nhất là không ăn những động vật “lạ" như dơi, rắn, khỉ, bò cạp, v.v… mà có thể hại đến nhiều người như thảm họa coronavirus hiện nay. Nên ăn rau quả, đậu hũ, và những thức có chất đạm, dinh dưỡng cho thân. Chúng ta có thể ăn chay 2, 4, 8, hay 10 ngày trong một tháng. Hoặc là chọn ăn chay một ngày trong tuần, chẳng hạn như ngày thứ 4 mỗi tuần, hay Meatless Monday, ngày không ăn thịt. Nếu bất tiện, có thể ăn chay bán phần. Chọn một buổi ăn chay và một buổi ăn mặt trong ngày, ví dụ: Chiều chay, trưa mặn. Còn nếu giỏi hơn thì có thể ăn chay trường, ăn chay mỗi ngày thì càng tốt.
Trở lại nạn dịch hiện nay, đây là một cơ hội tốt để chúng ta quán chiếu và nhìn lại tập khí ăn uống của chúng ta. Nếu bạn muốn có một cuộc sống an vui, lợi ích cho sức khỏe mà còn mang lại hạnh phúc cho mình và những người thân yêu, thì ăn chay có thể là giải pháp.
Chúng tôi cũng đã phát nguyện ăn chay từ đầu năm Dương lịch cho đến tháng Tư vì muốn giữ thân khẩu ý thanh tịnh để góp phần cho một công trình Giác Hoàng Trần Nhân Tông thành tựu viên mãn. Chỉ mới gần một tháng thôi, mà chúng tôi cảm thấy thân thể vẫn khỏe mạnh, nhẹ nhàng và giảm được vài pounds. Vậy, xin được trân trọng kính mời quý độc giả và các bạn thử ăn chay vài tháng xem sao.
Nhân dịp năm mới, chúng tôi cũng cầu chúc cho tất quý vị và gia quyến một năm mới vui vẻ, hạnh phúc, thành tựu, an khang, thịnh vượng và thảnh thơi trong cuộc sống.
Tâm Thường Định
Kinh Bốn Loại Thức Ăn
Đây là những điều tôi đã được nghe vào một thời mà Bụt còn đang ở tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc gần thành Xá Vệ. Hôm ấy, Bụt bảo các thầy khất sĩ: “Có bốn loại thức ăn giúp các loài sinh vật lớn lên và sống còn. Bốn loại thức ăn ấy là gì? Thứ nhất là đoàn thực, thứ hai là xúc thực, thứ ba là ý tư thực và thứ tư là thức thực.
“Này các vị khất sĩ! Vị khất sĩ phải quán chiếu về đoàn thực như thế nào? Ví dụ có một cặp vợ chồng kia có một đứa con trai nhỏ, thường chăm sóc nuôi dưỡng nó với rất nhiều thương yêu, một hôm muốn đem con (đến xứ khác sanh sống) đi qua một vùng sa mạc đầy nguy hiểm và tai nạn. Giữa đường hết lương thực, sa vào tình trạng đói khát cùng cực, không có cách nào giải quyết, họ mới bàn với nhau: “Chúng ta chỉ có một đứa con mà chúng ta thương yêu hết mực. Nếu ăn thịt nó thì ta sẽ sống sót và vượt qua khỏi cơn hiểm nạn này, còn nếu không thì cả ba người sẽ cùng chết”. Bàn tánh như vậy xong, họ giết đứa con, xót thương rơi lệ và gắng gượng ăn thịt con để sống còn mà vượt qua miền sa mạc.
“Này các thầy, các thầy có nghĩ rằng cặp vợ chồng kia ăn thịt con vì muốn thưởng thức hương vị của thịt ấy hoặc vì muốn cho thân thể họ có nhiều chất bổ dưỡng mà trở thành xinh đẹp thêm?
“Các thầy khất sĩ đáp: “Bạch đức Thế Tôn, không”. Bụt lại hỏi: “Có phải cặp vợ chồng ấy bị bắt buộc ăn thịt con để có thể sống sót mà vượt qua khỏi chặng đường hiểm nguy và hoang vắng?” Các thầy khất sĩ đáp: “Bạch đức Thế Tôn, đúng như vậy.”
Bụt dạy: “Này các thầy, mỗi khi tiếp nhận đoàn thực, ta phải tập quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt tới được cái thấy và cái hiểu rạch ròi (đoạn tri) về đoàn thực. Có được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về đoàn thực rồi thì tâm vướng mắc vào ái dục sẽ được tiêu tán. Tâm vướng mắc đã được tiêu tán thì không còn một kiết sử nào về năm đối tượng ái dục mà không tiêu tán trong con người của vị thánh đệ tử có tu có học. Còn kết sử trói buộc thì mới còn phải trở lại trong cõi đời này.
“Này các thầy khất sĩ! Vị khất sĩ phải quán chiếu về xúc thực như thế nào? Ví dụ có một con bò bị lột da và đi đâu con bò ấy cũng bị các loài côn trùng sống trong đất cát, bụi bặm và cây cỏ bám vào và rúc rỉa. Nằm trên đất thì nó bị các loài côn trùng ở đất bám vào mà ăn, đi xuống dưới nước thì nó bị các loài côn trùng ở dưới nước bám vào mà ăn, đứng ở trong không nó cũng bị các loài côn trùng trong hư không bám vào mà ăn, nằm xuống hay đứng lên nó cũng cảm thấy bức xúc, đau đớn nơi thân thể. Này các thầy, khi tiếp nhận xúc thực, ta cũng phải thực tập quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt tới cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về xúc thực. Có được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về xúc thực rồi thì ta hết còn bị vướng mắc vào ba loại cảm thọ. Không còn bị vướng mắc vào ba loại cảm thọ thì các vị thánh đệ tử có học có tu đâu còn phải dụng công gì nữa, bởi vì tất cả những gì cần làm đã được làm xong.
“Này các thầy khất sĩ! Vị khất sĩ phải quán chiếu về ý tư thực như thế nào? Ví dụ có một đô thị hay một thôn làng gần bên bốc cháy, cháy cho đến khi không còn thấy khói lửa. Lúc bấy giờ có một trang sĩ phu thông minh, có trí tuệ, không muốn đi về phía khổ đau chỉ muốn đi về phía an lạc, không muốn đi về nẻo chết, chỉ muốn hướng về nẻo sống. Người ấy nghĩ rằng: nơi chốn kia có cháy lớn, tuy không còn khói, không còn ngọn lửa nhưng nếu ta không tránh mà lại đi vào trong chốn ấy thì chắc chắn sẽ chết, không còn nghi ngờ gì nữa. Suy tư như thế, người kia quyết định bỏ đô thị hoặc thôn làng ấy mà đi. Về ý tư thực, vị khất sĩ cũng phải quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về ý tư thực. Đạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về ý tư thực rồi thì ba loại tham ái sẽ được đoạn trừ. Ba loại tham ái đoạn trừ rồi thì vị thánh đệ tử có tu có học kia đâu còn phải lao tác
...