Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 Ngày Lễ Của Mẹ… Với Cuộc Đời Tôi !


Thế là ngày lễ mẹ lại về, thế nhân rộn ràng với bao lời chúc, với hoa tươi và những món quà... Những
người con lại có phút giây xao lòng hay chạnh lòng nghĩ về mẹ, tưởng nhớ mẹ. Những nghệ sĩ lại viết
thêm bài nhạc, bài văn hay bài thơ mới về chủ đề mẹ. Đời sống hiện đại hôm nay vô cùng hối hả và bận
rộn, nhiều khi con người ta vô tình lơ đễnh quên đi ơn nghĩa mẹ cha. Ngày lễ mẹ là một ngày lễ đầy tính
nhân văn cao cả, giúp đánh động tâm mọi người, nhắc nhở mọi người nhớ về mẹ ( về đấng sinh thành nói
chung).
Các bà mẹ trên đời đều vĩ đại cả, theo như một danh nhân phương tây từng nói:” Mẹ là món quà tuyệt vời
nhất mà thượng đế ban tặng cho loài người”. Dân gian ta thì thiết thực hơn, gần gũi hơn, thân mật hơn:
” Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau”, hoặc đơn giản hơn nữa: “ Không chi bằng cơm với cá, không gì
bằng má với con”. Người mẹ thân thiết, ngọt ngào và thơm tho như chuối ba hương. Mẹ như đường mía
lau, như bát cơm với cá... Không còn gì gần gũi hơn và thiết yếu hơn những món trên. Mẹ, chính là
người tạo ra những món trên và cũng là hiện thân như những thứ ấy. Những đứa con lớn lên nhờ những
món này, nhờ sự mang nặng đẻ đau, nhờ sự chăm sóc của mẹ. Những đứa con lớn lên, đủ lông đủ cánh
bay xa bốn phương nhưng có mấy ai quên: chuối ba hương, đường mía lau, bát cơm có cá kho... hay nói
cách khác có ai quên được người mẹ tần tảo sớm hôm để rồi có mình hôm nay! Cũng người dân quê, cái
tình, cái nghĩa, cái tâm hồn lân mẫn nhớ mẹ, thương mẹ:
“ Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng con rày mồ côi”
Mẹ là một đề tài vô tận, một nguồn cảm xúc vô biên để cho thế nhân sáng tác. Đã có vô số những bản
nhạc, bài thơ, tác phẩm văn, tranh, ảnh, tượng... về mẹ và sẽ có những sáng tác mới vẫn đang và sẽ tiếp
tục tôn vinh người mẹ, ca tụng mẹ. Dẫu có thế nào đi nữa cũng khó mà diễn tả hay nói cho trọn công lao
của mẹ ( cha mẹ nói chung). Những sáng tác của người nghệ sĩ chỉ là nét chấm phá, chỉ là phản ảnh được
từng khía cạnh nào đó mà thôi. Làm sao có thể mô tả trọn vẹn được? Biển cả mênh mông không thể dùng
chung rượu mà lường, hư không bao la, không thể dùng thước thợ may để đo. Ai đó đã viết nên câu này (
giờ thường thấy ở những dòng thư pháp):
” Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”
Công ơn của mẹ mang nặng đẻ đau, vất vả nuôi con tháng ngày. Mẹ suốt đời quan hoài lo lắng, vui với
những gì người con đạt được trên đường đời; khổ đau với những mất mát thất bại và lại tiếp tục hỗ trợ
cho con, cho dù sức đã yếu, lực đã tàn, dù đã gần đất xa trời...Có những người con cũng biết nghĩ về mẹ,
nhưng cũng không hiếm những người con bất hiếu:
“ Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng
Con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày”
Mẹ nuôi con, thương con vô điều kiện, nhưng con thương mẹ thì tính toán đo lường hơn thiệt, nặng nhẹ
mưu toan.
Những bà mẹ trên đời đều vĩ đại, tuy nhiên với cái môi trường sống khác nhau, tập quán văn hóa khác
nhau mà những bà mẹ phương tây và phương đông có cách thương và hành xử khácnhau. Những bà mẹ
Việt gần như cả đời hy sinh cho chồng con, nuôi nấng dẫn dắt đứa con từ tấm bé cho đến khi rưởng thành:
“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con thi trường học mẹ thi trường đời”
Sự trưởng thành, sự thành công của người con trên đường học vấn, công danh sự nghiệp là nhờ mồ hôi
nước mắt của người mẹ đổ ra trên đường đời.
Những bà mẹ phương tây cũng yêu con cái rất mực, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ con cái, nhưng những bà
mẹ phương tây trông rất cứng rắn, dứt khoát không có lối nhẫn nại, mềm mỏng như người mẹ Việt. Người
mẹ phương tây cũng không quá vất vả trong việc nuôi con và cũng không có cái lối suốt đời hy sinh cho
con.
Ngày lễ mẹ, nhớ mẹ, nghĩ về mẹ. Những người con xa chắc không khỏi chạnh lòng, khoảng cách xa diệu
vợi làm sao sớm hôm thăm hỏi, chăn sóc khi ốm đau, khó mà phụng dưỡng dù chỉ là tối thiểu...Hoàn cảnh
quốc độ xa xôi làm sao vượt qua được? Âu cũng là cái khổ trong tám khổ mà Phật đã nói:” Ái biệt ly
khổ” là vậy! Khi những đứa con trưởng thành cũng là lúc cha mẹ dần già đi, khi những đứa con tóc xanh

thì mẹ tóc dần phai màu. Mỗi đứa con là một giọt máu đào, là một khúc ruột rút ra. Khi những đứa con vô
minh bất hiếu với mẹ cha thì cũng chính là tự hại lấy thân mình, tự rước họa về sau cho chính bản thân.
Truyền thống phương đông con ngườui ta ít biểu lộ tình cảm, thường che giấu cảm xúc của mình, rất ít
khi người mẹ hay người con nói “ Mẹ yêu con, con yêu mẹ” kiểu như người phương tây. Người mẹ Viêt ít
khi nào nói yêu thương như người mẹ phương tây, biểu hiện kín đáo, tình cảm ẩn giấu đằng sau những
câu nói, câu hỏi tưởng chừng như vu vơ, tỷ như:” Con ăm chưa? Con có mệt không? Con mới về? Con
chuẩn bị đi?...” những lời nói đơn sơ, mộc mạc nhưng chứa đầy ắp tình yêu thương, lo lắng, quan tâm.
Hoặc tình cảm biểu hiện bằng việc làm như: nấu nồi cơm với món ăn mà con thích, vá cái áo, sửa soạn túi
hành trang... tất cả những việc ấy chứa cả một trời yêu thương, chứa cả tấm lòng của người mẹ.
Hoàn cảnh nước Việt đôi khi lại rất trớ trêu. Có một thời những bà mẹ Việt đau khổ vì những đứa con của
mình rứt ruột sanh ra. Cùng một mẹ, một nhà nhưng thằng lớn thì vào bưng kháng chiến, thằng nhỏ thì
làm sĩ quan quốc gia. Những đứa con thù nghịch nhau, sẵn sàng bắn giết nhau. Bà mẹ ở thế kẹt, chỉ biết
khóc thầm và ôm nỗi đau:” Con ta giết con ta”, Khi thời thế đổi thay, thằng lớn lại có quyền uy danh phận
thì thằng nhỏ lại phải chịu tù đày. Không biết thế gian này có nơi nào khác, bà mẹ phải chứng kiến nỗi
đau những đứa con giết nhau như thế! Những năm gần đây, có những hình ảnh về bà mẹ Palestine ôm con
thơ đứng trước ngôi nhà để ngăn chặn xe ủi của người Israel. Những chiếc xe ủi hạng nặngvô cảm cán nát
cả người mẹ bồng con và ngôi nhà của họ. Những cái chết kinh hoàng của những bà mẹ Palestine làm
chấn động lương tâm của những người tiến bộ trên toàn thế giới. Hình ảnh những bà mẹ ôm con hoặc ở tư
thế quỳ khom lưng che chở cho đứa con trong những trận động đất ở Nhật Bản, Iran làm xúc động bao
trái tim nhân loại. Những người mẹ che chở cho con đến hơi thở cuối cùng.
Ngày lễ mẹ ở Mỹ vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng năm, đã được quy định thành luật từ năm 1914 bởi
tống thống Woodrow Wilson. Thế giới có nhiều quốc gia có ngày lễ mẹ nhưng khác ngày và khác tuyền
thống, tuy nhiên nhìn chung là đều tôn vinh người mẹ. Việt Nam không có ngày lễ này nhưng có lễ Vu
Lan. Lễ Vu Lan cũng có thể xem như là lễ mẹ, ngày lễ tưởng nhớ mẹ hiện tiền cũng như mẹ quá vãng,
tưởng nhớ cả cửu huyền thất tổ. Ngày nay, nhờ sự giao thoa của các nền văn hóa nên ở xứ mình giờ
những ngày lễ của phương tây cũng rất thịnh hành, không chỉ ngày lễ mẹ mà còn có những ngày lễ khác
như: Lễ tình nhân, lễ Halloween...Lễ Vu Lan vốn có xuất phát từ tích Mục Kiền Liên của nhà Phật, là
một ngày lễ vừa có tính truyền thống vừa pha tính dân gian... Người dân Việt ngày xưa rất thật thà, rất
tâm thành, thương cha mẹ biểu hiện bằng hành động:
“ Đêm đêm con thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con”
Và việc thể hiện lòng yêu thương cha mẹ cũng rất thiết thực, rất cao cả
“ Đói lòng ăn hạt chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng’
Hột chà là làm sao mà ăn được? Nhưng với người con có hiếu thì chẳng việc gì mà không thể, sẵn sàng
làm mọi việc vì mẹ. Người dân quê không biết sáo ngữ, không văn vẻ bóng bẩy, chẳng miệng lưỡi nhiều.
Người dân quê rất đơn giản, thật thà chất phác, thậm chí quê mùa, nhưng đằng sau những lời nói bình dị,
những việc làm thông thường ấy là sự yêu thương đằm thắm và sâu sắc, là một tâm hồn mẫn cảm rung
động.
Trong giai thoại thiền của Nhật Bản có một câu chuyện về mẹ rất hay, rất nhân bản. Chuyện kể rằng:” Có
anh thanh niên nọ học Phật đã lâu, anh ta muốn biết Phật là gì, Phật là ai... nên cất công đi khắp nơi để
tham học. Ngày tháng dần qua mà anh ta vẫn không hiểu ra, cho đến một hôm anh ta gặp một vị thiền sư
và vị ấy bảo anh ta hãy quay về nhà và người đầu tiên anh ta gặp ấy chính là vị Phật. Anh ta nghe lời quay
về, khi về đến nhà, thấy người mẹ ra mừng rỡ ra mở cửa trong khi chân còn mang đôi dép lộn. Anh ta
chợt ngộ rằng: Mẹ chính là một vị Phật!”. Câu chuyện này cũng có ý nghĩa gần với câu ca dao của Việt
Nam:
“ Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”
Ở đây không nói chuyện tu cao thấp, cái ý chính: Cha mẹ cũng chính là Phật trong nhà, trước khi muốn tu
đạo thì phải có hiếu, trước khi muốn thành vị gì thì cũng phải là một người con hiếu trước đã! Đạo Phật là
đạo hiếu, phải có hiếu làm nền móng sau đó mới có thể phát triển những mặt khác.
Nước Việt là nước văn minh nông nghiệp lúa nước, con người sống quây quần trong những cộng đồng
làng, xã, dòng tộc... rất ít khi rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, nếu đi ra khỏi làng đã cho là xa; đi khỏi tỉnh
lại xa hơn; đi khỏi miền thì xa thẳm. Nếu một ai đó vì điều gì đó mà phải đi xa, mỗi chiều về nhớ mẹ thì
trong lòng buồn không biết bút mực nào tả nổi
“ Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều”

ề ể ấ ồ ể ể

Người đi xa ra ngõ nhìn về quê mẹ, có thể là cô gái lấy chồng xa, có thể người ly hương, có thể là kẻ mưu
sinh ở phương trời... Tình mẹ là cái tình thiêng liêng cao quý, nhưng cuộc đời vốn muôn màu muôn vẻ.
Tâm con người bất đồng nên cũng có những diện mạo khác nhau. Đời có những người mẹ hiền con thảo
nhưng cũng có không ít những người con bất hiếu những người mẹ dữ dằn. Sử Tàu ghi rõ những việc bà
Lữ Hậu, Võ Hậu, Từ Hy giết con chỉ vì tham lam quyền lực. Sử Việt ta chưa từng ghi có việc này. Tuy
nhiên có những bà mẹ ác như dì ghẻ thì chuyện dân gian có nhiều, Ngày nay ở xứ mình có những bà mẹ
buộc đứa con mình đẻ ra bán dâm, đi ăn xin, bán vé số cho đến hành hạ tàn nhẫn, cũng may là những
trường hợp thiểu số này không nhiều.
Những bà mẹ Việt xưa nay rất chơn chất thật thà, rất đơn sơ giản dị cả đời lo cho chồng con quên cả thân
mình. Sử Việt nghìn năm đương đầu với giặc Tàu, trăm năm chống giặc Tây, Những bà mẹ Việt bao lần
ầm thầm gạt lệ tiễn chồng con ra trận, người đi rất ít quay về. Những bà mẹ âm thầm ôm nỗi đau, nỗi nhớ
thương da diết. Những bà mẹ muôn đời nặng tình nghĩa, đầy ắp tình thương. Những bà mẹ hiền hòa chơn
chất nhưng một khi đất nước nguy nan thì lại can đảm lạ thường. Những bà mẹ luôn là hậu phương vững
chắc để hỗ trợ cho chồng con ở tuyến đầu.
Những bà mẹ Việt Nam
Sống nghĩa tình, sống nặng về tình cảm
Hy sinh cả đời vì con
Những bà mẹ của thế gian này
Đẻ đau mang nặng, vất vả mưu sinh
Thương yêu chăm lo cho những đứa con của mình
Tình mẹ thiêng liêng cao quý
Bút mực khó chép ghi
Chữ nghĩa nào tả được
Những bức tranh càng chẳng vẽ nên hình
Dẫu có dựng tượng đồng bia đá
Cũng không khắc được biển cả công lao
Những bà mẹ trên đời đều vĩ đại
Tạo nên thế giới con người
Ơn mẹ suốt đời và mãi mãi
Ngày lễ mẹ
Tâm nhân thế nao nao
Nhưng nào chỉ một ngày hôm nay
Bóng dáng mẹ còn hoài trong tâm tưởng
Mẹ là biểu tượng của tình thương
TIỂU LỤC THẦN PHONG
Ất Lăng thành, 05/2021

 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm