Mỗi độ tháng bảy âm lịch về, người con phật laị nao nức chuẩn bị cho mùa hiếu hội. Vu
Lan báo hiếu đã trở thành một lễ hội quan trọng trong đạo Phật cũng như truyền thống
văn hoá của dân tộc. Một năm có nhiều ngày lễ nhưng với với con Phật có lẽ ngày tết,
ngày lễ Phật đản sanh và lễ Vu Lan là quan trọng nhất
Không ai biết chắc lễ Vu Lan hình thành và du nhập vào nước ta từ khi nào, nhưng ngày
nay đã ăn sâu vào máu thịt không thể thiếu được. Người con Phật vốn lấy hiếu làm đầu, “
Hiếu hạnh vi tiên”. Nho giáo cũng coi trọng chữ hiếu nhưng không trọn vẹn và có phần
bất cập, cái hiếu của Nho gia cũng phụng dưỡng cha mẹ nhưng phải nối dõi tông đường,
nếu không lập gia đình hoặc không có con là bất hiếu, thậm chí là đaị bất hiếu: “ bất hiếu
hữu tam, vô hậu vi đaị”. Chữ hiếu nhà Phật thì khác, cao cả hơn, trọn vẹn hơn, sâu sắc
hơn, “ Hiếu dưỡng phụ mẫu” là nền tảng, là điều tiên quyết của mọi người con Phật, nếu
chưa hiếu với cha mẹ thì đừng nói gì đến học Phật, tu Phật. “ Hiếu dưỡng phụ mẫu” là
điều kiện tiên quyết trong tam phước mà kinh Vô Lượng Thọ đã nói. “Hiếu dưỡng phụ
mẫu” không chỉ là chăm lo thân xác, quần áo, cơm nước, thuốc men… và còn phải chú
trọng đến tinh thần nữa, lo cho cha mẹ an lạc, hướng dẫn cha mẹ sao cho tinh thần thoải
mái, vui vẻ… Nếu cha mẹ đã tin tam bảo, hộ trì tam bảo, nương tựa tam bảo thì quá tốt;
còn nếu như cha mẹ chưa có tín tâm ở tam bảo thì tạo mọi điều kiện để cha mẹ tiếp xúc
với tam bảo, tạo niềm tin cho cha mẹ hướng về tam bảo, giúp cha mẹ trồng nhân lành ở
tam bảo chẳng hạn như: đưa cha mẹ đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, làm công quả, hành
hương Phật tích, bố thí…Có như thế mới là trọn hiếu. Cha mẹ cũng như bao người khác,
ngoài phần thân còn có tâm thức, cái thân thì chỉ trong vòng trăm năm nhưng thần thức
thì vô cùng quan trọng, không chỉ đời này mà nhiều đời khác nữa, việc hướng dẫn tinh
thần cho cha mẹ là cách báo hiếu sâu sắc nhất, vì đó là cách giúp cha mẹ tạo được tư
lương thiện lành để một khi hết số thì có thể tái sanh vào cõi an lành, có một hậu thế tốt
đẹp hơn.
Chữ hiếu trong nhà phật còn mở rộng ra, không chỉ “ Hiếu dưỡng phụ mẫu” một đời này
mà còn hiếu với ông bà tổ tiên đã quá vãng. Bởi vậy lễ Vu Lan ngoài việc báo hiếu cha
mẹ hiện tiền mà còn chú nguyện cho cửu huyền thất tổ được siêu sanh tịnh độ
Lễ Vu Lan xuất phát từ điển tích ngài Mục Liên cứu mẹ thoát khỏi u đồ, sau này có thêm
thoắt những yếu tố dân gian bản địa như: chuyện bà Thanh Đề với bánh bao nhân thịt
chó… nhưng cốt lõi vẫn là chuyện báo hiếu của người con Phật, báo hiếu mẹ cha, tưởng
nhớ tổ tiên. Chữ hiếu trong nhà Phật lớn lắm, không chỉ hiếu với cha mẹ mình, không chỉ
biết ơn với cha mẹ mình mà còn mở rộng ra thành tứ trọng ân: Ơn Phật, đã mở đường
sáng, đường giải thoát, đường vượt sanh tử cho chúng sanh. Ơn thầy tổ, truyền trao, chỉ
dạy, sách tấn. Ơn quốc độ, đã cưu mang, đã cho mình một nơi sống an cư lập nghiệp. Ơn
đàn na tín thí, tất cả mọi người và mọi loài cùng cộng sinh, tác động qua laị lẫn nhau
(điều này cũng là lý tương tức, cái này sinh cái kia sinh, cái này diệt cái kia diệt). Mình
tồn tại được là nhờ cộng sinh chung với nhau và với muôn loài. Cái ơn mình mang lớn
lắm, có ai đó đã viết về công ơn cha mẹ:
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha
Cha mẹ được ví như hai vị Phật đầu tiêncủa mỗi con người, nhờ có cha sanh mẹ dưỡng
mà ta mới có mặt trên cuộc đời này, nhờ công lao cha mẹ mà ta ăn học nên người, trước
khi là một Phật tử thì mình đã là một người con. Bởi vậy công lao cha mẹ to lớn lắm, nói
hết lời cũng không tả được. Cha mẹ là hai vị Phật đầu tiên của mỗi con người, có biết ơn
cha mẹ, có hiếu với cha mẹ thì mới có thể nói đến biết ơn kẻ khác. Văn học Phật giáo có
câu chuyện rằng: “ Có anh thanh niên trẻ muốn học Phật, dốc lòng đi tìm Phật. Anh ta
chẳng ngại núi non hiểm trở, rừng thiêng nước độc, chẳng ngại đường xa cách trở…đi
khắp nơi cầu kiến cao nhân, tham vấn đạo hữu nhưgn vẫn chẳng thõa mãn, vẫn không
thấy Phật. Một ngày kia anh ta gặp một vị tăng, ông tăng bảo anh ta quay về nhà, người
đầu tiên mà anh gặp ấy chính là Phật! Anh vâng lời quay về, người mẹ già vui mừng cập
rập ra mở cửa, mắt mũi kèm nhèm, dép chiếc trái chiếc phải…Anh ta chợt ngộ ra và ôm
chầm lấy mẹ: Mẹ chính là vị Phật!”
Văn học dân gian cũng có cả kho viết về mẹ cha, có lẽ bốn câu lục bát dưới đây là tiêu
biểu nhất, đầy đủ nhất, hay nhất… Hầu như ai cũng biết, ai cũng thuộc ( chỉ e lớp trẻ thời
4.0, thời 5G này hình như không có mấy em biết )
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Hoặc như:
Con người có tổ có tông
Như cây có cội như sông có nguồn
Cũng có người bảo:” Sao các tu sĩ bỏ cha mẹ mà đi tu? vậy có tròn hiếu không?”. Xin
thưa rằng: Đó là cái nhìn cạn cợt, phiến diện, thiếu hiểu biết, thấy gần mà chẳng thấy xa,
chấp nhỏ mà bỏ lớn… Những vị tu sĩ ấy chính là đaị hiếu. Các vị tu sĩ không chỉ lo cha
mẹ mình mà còn lo cho cha mẹ khắp thiên hạ. Các vị tu sĩ ấy chính là phước điền cho
mọi người, đi tu không gần gũi cha mẹ nhưng ngày đêm đang tạo phước đức cho cha mẹ,
lo cho tương lai hậu sanh của cha mẹ , hồi hướng công đức cho khắp pháp giới chúng
sanh. Đi tu vừa sử lỗi tự tân, tự thăng tiến vừa chăm lo cho thần thức của cha mẹ đó là
cách báo hiếu tích cực nhất, mà không phải ai cũng làm được.
Mỗi mùa Vu Lan về, người Phật tử về chùa tụng kinh, niệm Phật, cầu siêu, cài hoa báo
hiếu cha mẹ, cầu cho ông bà tổ tiên quá vãng, cầu cho khắp pháp giới chúng sanh. Mỗi
nụ hoa cài trên áo, nhắc nhở người con Phật về công ơn cha mẹ, về trách nhiệm người
con Phật, giờ đây đã trở thành một tập tục đẹp và nhiều ý nghĩa. tiếc rằng năm nay dịch
bệnh tràn lan, mọi nguời không thể về chùa được ( có một vài chùa tổ chức lễ Vu Lan
nhưng rất giới hạn số lượng người tham gia, vì tuân thủ quy định khoảng cách an toàn
của nhà cầm quyền. Phật pháp bất ly thế gian pháp là vậy!). Lễ Vu Lan năm nay sẽ tổ
chức trực tuyến, có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại ( sau này thì không biết
có còn lập laị?). Lễ Vu Lan, lễ báo hiếu tổ chức trực tuyến trên mạng Internet, người Phật
tử không thể vân tập về chùa như những năm trước thì tham gia trực tuyến vậy ( tùy
duyên mà ). Người Phật tử ở nhà vẫn cứ tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền như công khoá
thường lệ, tham gia đóng góp từ thiện, thực hiện phóng sanh bằng cách ăn chay… sau đó
cũng hồi hướng công đức cho cha mẹ, cho ông bà tổ tiên, cho khắp pháp giới chúng sanh.
Tất nhiên cũng có người lo lắng, có chút xíu công đức mà hồi hướng khắp pháp giới
chúng sanh thì nhằm nhò gì? Xin thưa rằng: Một đóm sáng loé lên trong đêm tối, một
người hướng về hưởng ánh sáng thì đóm sáng ấy chẳng sáng hơn, cũng đóm sáng ấy mà
muôn người hướng về thì đóm sáng ấy cũng chẳng suy đi.
Vu Lan mùa dịch, mọi người ở nhà có thể tận dụng thời gian ấy mà công phu, đọc sách,
đọc kinh điển… cũng là một cách trau dồi trí tuệ. Người học Phật phải biết rằng: Phước
không thể cứu, chỉ có huệ mới cứu được mình, phước với huệ phải có cả hai mơi vẹn
toàn. Chỉ có phước mà không có huệ thì như voi được đeo anh lạc, tuy no đủ, trang sức
đẹp nhưng ngu si. Còn nếu chỉ có huệ mà không có phước, thì chứng đến A La Hán mà
ngày ngày ôm bát khất thực về không, chẳng có tí thức ăn nào. Bởi thế mà đức Phật được
tôn xưng là bậc “ Lưỡng túc tôn”, hoặc “ Phước trí nhị nghiêm”.
Lễ Vu Lan gắn liền với tích Mục Kiền Liên, ai ai cũng biết, kinh sách đã viết nhiều, thiết
nghĩ không cần lập laị. Ở đây xin nhắc một khiá cạnh khác: Ngài Mục Kiền Liên vốn
được tôn xưng là thần thông đệ nhất, nhờ có thần thông mà biết mẹ đọa u đồ. Thần lực
của ngài không cứu được nên phải cầu đến thần lực của mười phương tăng. Thần lực
mười phương tăng làm cho mẹ ngài chuyển đổi tâm niệm, nhờ chuyển đổi tâm niệm mà
lập tức thoát khỏi u đồ. Cứu độ là giúp cho bà chuyển đổi tâm niệm chứ không phải dùng
thần lực nhấc bổng bà ra khỏi u đồ. Khi tâm niệm san tham, bỏn sẻn… thì thức ăn đưa
lên miệng lập tức hoá lửa ( lửa sân hận, tham lam, giận dữ…). Khi tâm niệm chuyển hoá
thì cảnh u đồ lập tức thành thanh lương. Điểm này cũng giống như câu kệ:” Hoả diệm
hoá hồng liên” vậy!
Một tâm mười pháp giới, tâm này là Phật, tâm này làm Phật, Một niệm tâm chuyển thì
mọi sự chuyển theo. Y báo tùy thuộc vào chánh báo, chánh báo chuyển thì y báo chuyển
theo. Địa ngục, thiên đàng cũng một niệm tâm mà ra. Bà mẹ của ngài Mục Kiền Liên khi
tâm niệm còn mê thì ở u đồ, khi tâm niệm tỉnh giác thì sanh thiên. Mùa Vu Lan đến, mọi
Phật tử, mọi người cùng gởi một tâm niệm thiện lành vào trong hư không, biết đâu
chuyển đổi tâm niệm của một chúng sanh nào đó trong u đồ, biết đâu trong số ấy có cha
mẹ, ông bà, thân hữu nhiều đời nhiều kiếp của mình.
Phật giáo sử có một minh chứng hùng hồn về sự chuyển biến thay đổi lớn của y báo khi
chánh báo chuyển. Vua Asoka là một bạo chúa, hung hăng hiếu chiến, gây ra bao cảnh
núi xương sông máu, khói lửa binh đao…nhưng từ khi một niệm tâm thay đổi, ông đã trở
thành một vị vua hiền, một hộ pháp vĩ đaị, ông đem laị thái bình an lạc cho dân, hoằng
dương Phật pháp, chính các con ông cũng xuất gia và mang Phật giáo đến Tích lan và sau
đó lan truyền qua những quốc gia nam Á khác.
Tâm chuyển tướng chuyển, tâm tưởng sự thành… lý là thế nhưng thật tế thì ngàn muôn
không được một, vô cùng khó. Con người bị cái nhìn lệch lạc ( thiên kiến, biên kiến, kiến
thủ…), bị mê mờ vì ngũ dục và chấp cho là thật ( tài, sắc, danh, thực, thùy) nên rất khó
chuyển. Trong kinh sách Phật có truyện anh chàng Vô Não, y giết người lấy xương ngón
tay mà xâu chuỗi, khi gặp Phật thì tỉnh ngộ, hồi tâm chuyển ý, buông đao, theo Phật tu
học mà chứng thành quả, bởi thế nhà thiền mới nói “Đồ đao lập địa”.
Lịch sử nước ta cũng có việc tương tự, đời Lê mạt, vua Vĩnh Trị hạ chỉ bãi Phật biếm
tăng, trục xuất tu sĩ ra khỏi Thăng Long và đày đi xa. Thiền sư Tông Diễn đã can đảm
đứng ra can gián và thuyết phục được vua, sau đó vua rút laị chỉ và còn ăn năn sám hối.
Vua cho vời những thợ tài hoa nhất tạc một pho tượng Phật ngồi trên lưng vua, vua
nguyện lấy thân làm toà. Pho tượng vua quỳ phủ phục dưới đầt làm toà cho Phật ngồi quả
là độc đáo nhất của nước ta, có thể nói là độc nhất vô nhị không chỉ của Việt Nam mà có
thể cả thế giới ( vì chưa thấy Phật giáo sử nước nào có chuyện vua lấy thân làm toà cho
Phật ngồi như thế cả). Ngày nay pho tượng “ Lấy thân làm toà” còn thờ ở chùa Hoè Nhai.
Trong đời thường, thỉnh thoảng chúng ta cũng nghe đây đó có những đaị ca xã hội đen,
những tay anh chị giang hồ có số má, không việc ác nào không dám làm, đâm thuê chém
mướn, dắt gái bảo kê, đả thương truy sát, vào tù ra khám… ấy vậy mà bỗng nhiên hoàn
lương hướng thiện, giúp người giúp đời, sống ẩn nhẫn thầm lặng, cam chịu cả đàm tiếu
lẫn oan trái… Ấy cũng là từ một niệm tâm thay đổi mà ra, niệm trước là ác là sai quấy,
niệm sau là thiện lành. Một niệm tâm chuyển thì con người chuyển, hoàn cảnh chuyển!
Mùa Vu Lan laị về, tiếc rằng năm nay dịch bệnh hoành hành, chùa chiền không tổ chức
lễ được. Phật tử cũng hạn chế về chùa, chỉ còn cách lên mạng trực tuyến mà thôi, âu cũng
tùy duyên. Cái quan trọng là tự thân mỗi Phật tử phải thật sự biết ơn cha mẹ, thật sự báo
hiếu cha mẹ chứ không phải làm màu, hay chỉ làm mỗi ngày lễ Vu Lan. Mỗi người tự
thân tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, hành thiện, phóng sanh… và hồi hướng công đức
cho cha mẹ và ông bà quá vãng được siêu thoát, cha mẹ hiện tiền thân an tâm lạc. Cầu
cho khắp pháp giới chúng sanh cùng an lạc, cầu cho dịch bệnh sớm qua đi.
Mùa Vu Lan đến
Dịch bệnh hoành hành khắp chốn
Hiếu hội năm nay lỗi hẹn
Mình ở nhà nghĩ nhớ tổ tiên
Suy tưởng công lao khó nhọc của mẹ cha
Mùa Vu Lan đến
Dâng lời khấn nguyện
Cha mẹ hiện tiền thân an tâm lạc
Ông bà quá vãng đặng siêu sanh
Ngày và đêm an lành
Người và muôn loài sống trong tình thương tỉnh thức
Mùa Vu Lan đến
Ánh đạo vàng soi sáng khắp thế gian này
Trời phương đông mây trắng bay
Trời phương tây, người con Phật hướng về nguồn cội
Hiếu hạnh muôn đời không đổi
Giải thoát là mục tiêu tối thượng
An lạc giữa đời thường
Lời sư tử hống vang động khắp mười phương
TIỂU LỤC THẦN PHONG
Ất Lăng thành, 08/2020