Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

Trên đường ra xe trở về thế giới trần tục, một chị trong đoàn hành hương đi bên cạnh vợ chồng tôi nói “ Lạy Phật! Vậy là tui thỏa mãn điều ước nguyện từ mười tám năm nay rồi.” Không nén được ngạc nhiên, tôi vụt hỏi:

-Uả, chùa Tây Tạng khánh thành mới đây, mà chị đã biết lâu dữ vậy à?

 

Image result for Odiyan Buddhist Center

Làm sao chị biết ? 

-Hồi đó, trong hãng tôi có một ông người Mỹ theo đạo Phật, ăn chay trường, sống một mình, thường nhờ tôi mua đồ nấu chay. Cuối tuần là ông lái xe từ San José lên đây làm công quả. Chính ông kể với tôi về công trình xây dựng ngôi chùa này nên tôi mới biết và nguyện khi khánh thành, thế nào cũng hành hương để chiêm bái. . .

À ra thế. Ở đời sao lại có những nhân duyên kỳ thú đến thế. Tôi cứ tưởng rằng phải chờ đến khi báo San Jose Mercury News đưa tin (10/6/96) và hệ thống ABC phát hình trên toàn quốc thì thiên hạ mới biết đến trung tâm Phật giáo này của Tây Tạng, nào hay đã có người biết từ 18 năm trước !

 



Chí Nguyện Bền Bĩ

Nằm trên một cao nguyên nhỏ ngay bên bờ Thái Bình Dương, thuộc quận hạt Sonoma, bang California, Odiyan Buddhist Center - mà người Việt chúng ta đã gọi một cách giản dị là chùa Tây Tạng - là một phức hợp gồm các đền, tháp, điện thờ, hoa viên v.v. bố trí rải rác nhưng hài hòa trong một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với ngàn thông xanh ngắt và cổ thụ um tùm, trên một diện tích rộng 1,100 acres. 

Toàn khu vực nguyên trước là một trại nuôi cừu. Từ ngày thuộc sở hữu, trung tâm đã trồng được 200,000 cây mới, do Bộ Lâm nghiệp và Phòng cháy tặng. Công trình này được khánh thành vào trung tuần tháng 6 năm 1996, sau 20 năm tự lực cần cù xây dựng, trị giá 12 triệu đô-la.

Non ba mươi năm về trước, có một vị Lạt Ma đến định cư tại thành phố Berkeley để hoằng dương Phật pháp. Đó là đại sư Tulku Tarthang, người sáng lập Nyingma Institute, trung tâm truyền bá Phật giáo đầu tiên của Tây Tạng trên đất Mỹ. Từ trung tâm này, dần dần hình thành một cộng đồng Phật giáo nhỏ bé nhưng đầy tâm lực. 

Để thực hiện dự án Odiyan, tài chánh dĩ nhiên là một vấn đề lớn nhưng vẫn chưa lớn bằng công sức của đại sư Tulku Tarthang trong việc kiên trì giáo dục, hướng dẫn các thành viên trong cộng đồng thâm nhập tinh hoa của nền văn hóa nghệ thuật Tây Tạng ngõ hầu có thể xây dựng nên một công trình xứng đáng là biểu tượng của nền văn hóa nghệ thuật miền tuyết cao Hy Mã Lạp Sơn, chứ không phải là một sản phẩm lai căng nào khác. 

Cũng là mái đền uốn cong, nhưng không phải kiểu mái uốn của Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam. Đó là kiểu mái gợi người ta nhớ đến Điện Potala của kinh đô Lhasa ngày trước. Cũng thế, những hoa văn trang trí và những phù điêu thếp vàng rực rỡ.

Muốn đến trung tâm Odiyan, bạn phải đóng 25 Mỹ kim tiền vào cửa. Tôi nghe nói đó là cái “giá thông cảm” dành cho người Việt tị nạn, chứ đối với người Mỹ chánh gốc thì còn cao hơn. Xin bạn đừng vội than: “chùa làm tiền chi dữ rứa! ”. 

Nếu không có sự đóng góp của thập phương, mỗi người một ít, thì lấy đâu xây dựng nên cơ ngơi vĩ đại như thế? Trong ngân khoản xây dựng nên Trung tâm Odiyan, có thí chủ cúng một đồng, có thí chủ cúng non nửa triệu. Dù ít dù nhiều, chùa cũng trân trọng ghi vô sổ vàng tán dương công đức. Tuy nhiên, nguồn tài trợ chính vẫn là tiền thu từ những hoạt động giáo dục của Học viện Nyingma ở Berkely và tiền bán sách cùng các văn hóa phẩm khác của Nhà Xuất bản Dharma.

Nhìn vào những công trình kiến trúc qui mô và phức tạp của Trung tâm Odiyan, ai cũng nghĩ ngay rằng đó hẳn phải do một nhà thầu kiến trúc có tầm cở mới thực hiện được như thế. Khi Trung tâm sắp hoàn thành, có mở cửa không chính thức cho một số khách Mỹ tham quan. Mục kích những kiến trúc đã hoàn tất, một du khách tò mò hỏi Leslies Bradburn -- nhà vi sinh vật học, thành viên của Odiyan, từng phục vụ việc xây dựng nơi này từ 17 năm nay -- rằng : 

“Vậy chứ nhà thầu của quí vị là ai? Ai đã xây dựng công trình này?” thì được trả lời: “Ấy, cái người vừa mới đem nước chanh đến mời ông là nhà thầu đấy. Thực ra, hết thảy chúng tôi đều là nhà thầu.” 

Sự thật là thế. Công trình trị giá 12 triệu đô-la đó không tốn một đồng nhân công nào vì tất cả đều do những bàn tay thiện nguyện hình thành . Kiến trúc sư thiện nguyện vẽ đồ án, kỹ sư thiện nguyện hướng dẫn, trông coi việc xây dựng và nhân công thiện nguyện làm thợ nề, thợ mộc, thợ điện, thợ hàn, thợ ống nước, thợ lái máy san ủi mặt bằng, máy đào móng, đào hồ v.v. Họ là đệ tử của đại sư Tulku Tarthang, là học viên của học viện Nyingma, là thiện nguyện viên từ bên ngoài, thuộc đủ mọi thành phần xã hội : luật sư, kỹ sư, nhà khoa học, sinh viên v.v.

Để tiết kiệm, trung tâm tìm mọi cách khai thác nguồn vật liệu miễn phí. Sau trận động đất năm 1989, Odiyan xin được một số phế liệu từ các cơ sở nhà nước bị hư hỏng, đem về tái chế để sử dụng; chẳng hạn cẩm thạch lót chánh điện là từ một trường học bị sụp đổ, khung sắt của các đền, tháp, là từ một xa lộ ở San Francisco. 

Công trình phải kéo dài đến 21 năm (1975-1996) mới xong vì có tiền đến đâu làm đến đó. Có những lúc phải ngưng hẳn trong một thời gian vì ngân khoản cạn kiệt. Có lúc phải lo chạy tiền gấp rút vì bất ngờ có công tác khẩn thiết phát sinh, không thể lơ là trì hoãn được, chẳng hạn sau vụ đất chuồi xảy ra năm 1991, đe dọa một trong các công trình đang xây, phải chạy cho ra ba trăm ngàn đô-la để gia cố sườn đồi .



Đường Đi Tây Trúc Mới

Chuyến hành hương ngày 18-8-96 vừa qua được đặc biệt dành riêng cho cộng đồng Phật giáo Việt Nam. Ai muốn đi thì ghi tên tại các chùa. Muốn đi bằng phương tiện riêng cũng được, nhưng phải ghi tên, đóng lệ phí cho Odiyan để lấy thẻ vào cửa. Trước đó, vào trung tuần tháng 6, Trung tâm Odiyan đã mở cửa bốn đợt cho khách thập phương tham quan. Tôi đi theo đoàn của chùa Đức Viên. Khách khá đông nên chùa phải thuê bao đến sáu xe bus mới đủ. 

Nếu bạn đã từng viếng chùa Vạn Phật Thành (The City of Thousand Buddhas) của người Hoa, nằm ở phía bắc San Francisco, thuộc thành phố Talmage, thì Trung tâm Odiyan cũng nằm về hướng đó, nhưng chếch về phía tây, sát ngay bờ biển. Một đàng, nằm trên xa lộ 101, một đàng nằm trên đường duyên hải số 1. 

Ngày xưa ngài Đường tăng Trần Huyền Trang phải trải qua thiên nan vạn nan mới tới được Tây Trúc để thỉnh kinh. Ngày nay, từ San Jose tới Tây Trúc mới, chỉ cần ngồi trên xe 4 bánh vi vút trong 4 tiếng đồng hồ là xong. Nói vậy chứ đường đi chùa Tây Tạng có vẻ khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều, so với đường đến chùa Vạn Phật Thành, nhất là đối với người lái xe non tay và xe không được tốt.

Sau khi giải lao 20 phút ở đầu cầu Golden Gate, xe theo xa lộ 101 bắc hướng về Petaluma City, lấy Exit Washington West rồi theo đường Valley Ford để bắt vào đường Số 1 bắc tại thị trấn cùng tên. Chạy thêm một đoạn nữa, vượt qua thị trấn Bodega thì xe bắt đầu chạy dọc theo đường duyên hải Số 1. Đó là bác tài xế muốn đi một đường về một đường cho bà con có dịp ngắm phong cảnh, chứ thật ra, bạn có thể đi thẳng một mạch đến thành phố Santa Rosa rồi đổ vào Highway 12 West, băng qua Sebastopol City, đi tiếp về phía tây cho đến khi gặp đường Số 1 tại thị trấn Bodega.

Đường duyên hải Số 1 phong cảnh hùng vĩ hữu tình, có nhiều đoạn cheo leo nguy hiểm giống như đèo Hải Vân, nhất là mấy khúc quanh chữ V đầy thử thách. Đại dương khi xa khi gần, tha hồ ngắm cảnh sóng ào ạt vỗ bờ. Giá như đi xe riêng, có thể dừng lại nhiều nơi để thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang dã kết hợp hài hòa giữa rừng núi mây trời và biển cả. Đường chỉ có một lối đi và một lối về. Chiếc xe bus kềnh càng có vẻ khổ sở với lối đi hẹp, nên gặp đoạn nào phía trước vắng vẻ an toàn, tài xế cho xe chạy tràn giữa đường cho thoải mái, nhất là tại những khúc quanh ngặt nghèo.

Tại ngã ba Stewarts Point, xe rẽ phải, men theo đường nhỏ đến chùa. Con đường trải nhựa ngoằng ngoèo rợp bóng mát của bạt ngàn gỗ đỏ (Redwood), giống hệt đường lên chùa Kim Sơn ở Watsonville, nhưng cheo leo hiểm trở hơn nhiều. Trong xe nghe rì rầm tiếng cầu nguyện, niệm Phật của các cô các bà. Tôi ngồi sát cửa, lắm lúc cũng rợn người khi thấy bên ngoài, ngay dưới chỗ ngồi của mình là vực sâu với vách núi dựng đứng, chẳng có gì che chắn cả. 

Nếu bác tài lạc tay lái thì không biết sự tình ra sao ! Hoặc giả xe chết máy dọc đường cũng sẽ là một trở ngại lớn, vì muốn kéo không dễ. Đường nhỏ, vừa lọt chiếc xe bus, vì vậy, mỗi lần gặp xe nhỏ ngược chiều, hai bên đều vất vả mới lách được nhau. Lắm lúc xe nhỏ phải thối lui một đoạn mới tìm được chỗ nép mình. Đường đi khó khăn như thế, nên khi được thấy tận mắt những công trình kiến trúc của Trung Tâm Odiyan, lòng cảm phục của tôi đối với những người góp tay xây dựng càng tăng gấp bội. Đường đã hẹp, lại quanh co khúc khuỷu, chỉ thích hợp với loại xe du lịch, tốc độ không quá 15 dặm một giờ khi leo dốc, đi chơi mà nghe đã mệt, huống hồ đưa được một xe chở vật liệu, thiết bị, máy móc đến nơi, quả là một công trình. 

Tây Trúc Là Đây






Cuối cùng thì cũng đến nơi. Tính ra, mất bốn giờ đi đường. Trong bãi đậu xe chính lố nhố những xe và người, toàn là khách hành hương Việt Nam của vùng Bay Area, thuộc các chùa: Đức Viên, Giác Duyên, Pháp Duyên, An Lạc. . . Trong tầm nhìn được, kể cả hai bãi đậu xe, có đến 17 xe bus thuê bao, chưa kể xe nhà tự túc. 

Thành viên thiện nguyện của trung tâm, máy liên lạc cầm tay, đang hướng dẫn việc đậu xe và nơi tập trung cho khách hành hương. Họ là những người đang tu học ở đây, là người trực tiếp xây dựng Odiyan, nhưng không mặc đồng phục hay đạo phục gì cả, ngoại trừ cái huy hiệu trên ngực áo. 

Khả năng tiếp nhận của trung tâm chừng ba trăm người một lần hướng dẫn tham quan. Đang có một đoàn vào bên trong nên chúng tôi phải chờ đợi bên ngoài, dưới tàn cao im mát của đám cổ thụ. Một số bà con có chuẩn bị áo tràng nên đem ra mặc. 

Trong khi chúng tôi đứng ngồi chờ đợi, có mấy bà thành viên trung tâm bưng những khay dưa hấu đi mời khách giải lao, dáng vẻ ân cần niềm nỡ. Họ không ngờ cộng đồng Phật giáo Việt Nam ở Vùng Vịnh lại nhiệt thành hành hương đến thế. Những ai sức yếu, không kham nổi đi bộ thì đã có hai ba chiếc xe, loại dùng trong sân golf, chạy tới chạy lui để chở từ địa điểm này tới địa điểm khác, vì khoảng cách giữa các thắng tích khá xa. 

Trước khi đoàn chúng tôi được hướng dẫn vào khu vực, Trung tâm Odiyan nhờ Sư Bà Đàm Lựu phổ biến một bản nội qui bằng tiếng Việt, có nội dung nhắc nhở mọi người giữ im lặng và trật tự trong lúc tham quan, vừa tôn trọng chốn thiền môn, vừa có thể thanh lọc thân tâm để được lợi lạc trong lúc hành hương. Khoản quay phim chụp hình hoàn toàn nghiêm cấm, ở bên trong các điện, đài cũng như bên ngoài. Đó là điều không phải chỉ làm cho một mình tôi tiếc rẻ, nhất là khi được thấy tận mắt biết bao hình ảnh đáng ghi vào ống kính và biết rằng không phải khi nào cũng có dịp lui tới chốn này           

Trên tất cả các con đường chính trong trung tâm, hai bên đều trồng toàn hoa hồng và cách một đoạn lại có một cột cờ, loại khá lớn. Tôi không biết có bao nhiêu cột cờ tất cả, nhưng thấy đường nào cũng có. Trên mỗi trụ cờ như thế, có hai hoặc ba lá cờ bằng lụa với màu sắc khác nhau phất phới tung bay trong gió biển cao nguyên. Người ta nói rằng có đến 7,000 lá cờ như thế. 

Nếu để ý, khách hành hương sẽ thấy trên mỗi lá cờ đều chi chít chữ Tây Tạng viết bằng mực đỏ. Tôi hỏi một thành viên “Quí vị viết gì trên là cờ? Có phải là trích đoạn của kinh điển hoặc các thần chú không ?” Bà ta mỉm cười đáp phải. Theo truyền thống Tây Tạng, khi viết như thế, người viết phải thành tâm chú nguyện gì đó chứ không phải viết cho có chữ.


Bảo Tháp Liên Hoa

Con đường chính dẫn vào trung tâm Odiyan đổ xuống thoai thoải một sân rộng, ở giữa có một đình Bát giác. Bên phải đình là lối đi dẫn đến đền Liên Hoa (The Vajra Temple of Padmasambhava), bên trái là đường dẫn đến khu Chánh điện. Chúng tôi được hướng dẫn đi thăm đền Liên Hoa trước.

Đền nằm trên một đỉnh đồi, hình bát giác với mái cong truyền thống màu lục, lợp bằng tôn dợn sóng, mới nhìn tưởng là ngói, vì được kết hợp hài hòa . Nhìn bên ngoài, rõ ràng là đền có bốn tầng mái, nhưng bên trong thì thông suốt từ dưới lên trên, trông cao vòi vọi.

Ngày nay, hai tông phái Phật giáo đang hấp dẫn người Mỹ là Mật tông Tây Tạng và Thiền tông (Zen) Nhật Bản, nhưng Tây Tạng biết đến Phật giáo khá muộn. Mãi đến thế kỷ thứ 8, khi vua Thi-Srong-Detsan (740-786) cung thỉnh thánh tăng Padmasambhava thuộc Phật Học Viện Nalanda (Ấn Độ) vào truyền giáo thì Tây Tạng mới theo Phật giáo. Tên của ngài có nghĩa là “Sanh ra từ Hoa Sen” ( The Lotus-Born) và ngài là sáng tổ của môn phái Nyingma mà đại sư Tulku Tarthang đang kế thừa. 

Theo ghi nhận của ký giả Richard Scheinin, khi thành lập Trung tâm Phật giáo Odiyan ở Mỹ, người ta nghĩ rằng đó là một việc làm có ý nghĩa rất tượng trưng: Ngày xưa, Tổ Padmasambhava mang hạt giống Phật pháp vào gieo ở đất Tây Tạng thì ngày nay hậu duệ của ngài là đại sư Tulku Tarthang lại mang hạt giống đó đến gieo rắc ở một miền đất mới thuộc Tây bán cầu là đất nước Hoa Kỳ. Đền Liên Hoa được xây dựng để phụng thờ và tán thán công đức của ngài Padmasambhava, cũng như cầu xin sự phù hộ của ngài trong việc hoằng dương Phật pháp.

Đền được dựng trên một nền rộng hình vuông. Đứng trên đó, phóng tầm mắt về hướng tây thấy mịt mù sương khói màu xanh, biết rằng nơi đó là biển cả nhưng không thể phân biệt được lằn ranh giữa trời và nước. Đền có bốn cổng chạm trỗ hình nai thếp vàng -- có ý nhắc đến vườn Lộc Uyển thời Đức Phật -- dẫn vào bốn cửa bọc đồng đi vào đền. Một vòng thành nhỏ nối liền 4 cổng, kết hợp bởi những bánh xe hình trụ bọc đồng có ghi thần chú. Đó là các bánh xe cầu nguyện (Prayer Wheels). 

Theo truyền thống Tây Tạng, khi cầu nguyện họ thường, vừa quay bánh xe vừa đọc chú Lục tự Đại minh Chơn ngôn. Thời đại cơ khí nên các bánh xe này được vận hành bằng điện, quay liên tục, chầm chậm, phát ra âm thanh trầm trầm giống như khi các vị sư ngâm chủng tự Om lúc cầu nguyện. 

Để hết mũ nón giày dép ở bên ngoài, chúng tôi xếp hàng vào đền. Hai bên cửa, có mấy Phật tử đứng đón. Chúng tôi chào nhau theo truyền thống Phật giáo qua cái chắp tay cúi đầu kính cẩn. Bên trong điện, ngay chính giữa là những tầng kệ, sắp xếp như một đài sen, trên đó tôn trí tượng của các vị Phật. 

Có tất cả 108,000 pho tượng tất cả. Người ta tính nếu đem chiều dài của các tầng kệ này cọng lại thì cũng được 10 dặm. Các tượng này được đúc bằng thạch cao tại Nyingma Institute ở Berkeley rồi mới mang lên Odiyan. Có tượng màu đen giống như đồng đen, còn đa số đều được phủ một lớp kim nhũ sáng đẹp như thếp vàng. 

Các tượng này đều lấy khuôn mẫu từ tượng gốc ở Tây Tạng, đường nét tinh vi, rất nghệ thuật. Trên trần, được trang trí bằng phan và lọng, còn trên tường là những ấn bản cổ họa lồng kính, và những bản đồng sáng chói hình tròn chạm trỗ các hình tượng hay sự tích Phật giáo. Cứ cách một đoạn ngắn lại có một bàn nhỏ bày hương hoa thờ phụng. Chúng tôi đi diễu quanh vòng theo chiều kim đồng hồ, rồi được yêu cầu dừng lại, làm lễ cầu nguyện và cùng nhau tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh, rồi hồi hướng, trước khi ra khỏi đền.

                    


Khu chánh điện

(Ảnh của Odiyan Center)

Khu Chánh điện cũng nằm trên đỉnh đồi , chiếm một diện tích rộng lớn, hình chữ nhật, chung quanh là hồ nước rộng bao bọc, kiểu như một thành trì ở giữa với hào nước bảo vệ bao quanh, như Đại Nội ở Huế. Mùa hè, nước cạn nhưng cũng đủ trong và sâu cho mấy chú thiên nga bơi lội nhởn nhơ thoải mái. Mấy nhịp cầu gỗ nối liền bên ngoài với bên trong. 

Nước Mỹ năm nào đến mùa hè cũng khổ vì nạn cháy rừng. Việc đào hồ vừa giúp cách ly  khu Chánh điện với núi rừng bên ngoài, điều hòa nhiệt độ trong cả hai mùa nóng lạnh, vừa có nguồn nước chữa cháy, vừa tăng thêm vẻ mỹ quan của công trình, thật là một thiết kế tuyệt diệu. Khu này là một phức hợp gồm bốn lớp hình chữ nhật đồng tâm. 

Ở trung tâm là Chánh điện, nằm ở vị trí cao hơn hết, với một kiến trúc vĩ đại ba tầng mái và một mái vòm bằng đồng vút lên cao; kế đến là lối đi kết hợp với sân lộ thiên, tạo thành một không gian thoáng. Vòng thứ ba, là dãy nhà vây quanh bốn mặt dùng làm cơ sở văn hóa và tu học. Hai cái mái vòm bằng đồng, một của chánh điện và một của cổng chính, sáng chói nổi bật trên nền trời. Theo ký giả Richard Schein, cách xa ngoài biển mấy dặm cũng có thể nhận ra hai mái đồng đặc biệt đó.

 

Những người hướng dẫn đưa chúng tôi xuống tầng hầm, thăm thư viện của trung tâm. Theo lời yêu cầu của đại sư Tulku Tarthang, chúng tôi cùng ngồi xuống và làm lễ cầu nguyện an lạc cho hết thảy mọi người, sau đó được nghe một bài pháp ngắn do đại sư thuyết giảng về sự lợi ích và cần thiết của việc cầu nguyện hằng ngày. Mọi người được tặng huy hiệu của trung tâm để kỹ niệm chuyến hành hương. Các vị xuất gia được tặng y hoặc tượng Phật.

Khi xâm lăng Tây Tạng, Trung Cộng đã tàn phá tất cả, từ đền chùa đến kinh sách và các tác phẩm văn hóa nghệ thuật . Người Tây Tạng, trên bước đường vượt núi băng đèo tị nạn, ngoài miếng cơm manh áo, đã không quên mang theo tượng hoặc tranh hoặc kinh sách mà họ từng thờ phụng, trân quí. Trung Tâm Odiyan được thành hình trong mục đích bảo tồn tất cả những gì thuộc di sản văn hóa Tây Tạng còn gìn giữ được rải rác khắp thế giới. 

Thư viện Odiyan hiện tàng trữ 775 bộ kinh sách, tổng cọng đến một triệu hai trăm ngàn trang giấy, và các văn hóa phẩm khác. Đó là thành quả của việc góp nhặt từ những người Tây Tạng tị nạn và những trung tâm nghiên cứu trên khắp thế giới. Sau khi đại sư Tulku Tarthang hiệu đính, các bản văn được nhân viên nhà xuất bản Dharma đóng lại bằng tay để lưu trữ. Cho đến nay, Dharma đã in được 108 bộ sưu tập này để phân phối lại cho các trung tâm Phật giáo các nước. Tám bộ đang nằm chờ ở Nepal để tìm cách đưa vào Tây Tạng vì nơi đây không còn gì nữa.

 Sau khi viếng khu Chánh điện, chúng tôi được hướng dẫn đến chỗ giải lao, nằm trong hoa viên của trung tâm. Tại đây, các thành viên đang chờ để chiêu đãi khách hành hương với nước trà, cà phê, sữa và thức ăn chay đơn giản với các loại trái cây, bánh mì và Tortila chips. Chừng nửa giờ sau, chúng tôi tiếp tục viếng bảo tháp Giác Ngộ (The Great Enlightenment Stupa ), cao 113 bộ (feet), một công trình để ca ngợi trí tuệ cao cả của Đức Phật. 

Tính từ nền lên đến đỉnh, tháp có tám tầng. Màu vàng kim nhũ chói lọi của bảo tháp nổi bật trên nền trời và màu xanh của rừng thông. Có tám sợi dây thép lớn căng từ đỉnh tháp tỏa xuống ra tám hướng, cứ một sợi treo cờ thì một sợi treo cả trăm cái chuông nhỏ bằng đồng. Trong gió núi, cờ phất phới với chuông reo vui nho nhỏ. Hình của bảo tháp Giác Ngộ được dùng làm huy hiệu của Trung tâm Odiyan.

                          

Bảo tháp Giác Ngộ

(Hình của Odiyan Center)

Tháp được bao bọc bởi bốn dãy nhà nhỏ, mái sơn màu xanh lục, làm thành một vòng rào kín hình vuông với một cổng ra vào. Bên trong bốn dãy nhà này là những bánh xe cầu nguyện bằng đồng đang ngày đêm vận hành, như bên đền Liên Hoa vậy. Theo ghi nhận của phóng viên báo San Jose Mercury News, trung tâm có tất cả 1,200 bánh xe như thế, trong đó, bánh xe lớn nhất nặng mười tấn đặt trong bảo tháp. Chúng tôi không được chiêm ngưỡng bánh xe này. 

Bước vào cổng, mùi hương trầm và tiếng đại hồng chung vang lên làm tôi trong phút chốc tưởng như đang viếng một ngôi chùa nào đó ở Huế. Tôi đưa mắt tìm kiếm: chuông được treo ngay ở giữa cổng ra vào, cỡ trung bình, nhưng âm thanh của chuông vang vọng rất lâu. 

Khi hệ thống ABC phát hình về Odiyan tôi đã được nghe tiếng chuông này và có một ấn tượng sâu xa về cái ngân vang của nó. Người ta nói khắp trung tâm đều nghe được tiếng đại hồng chung. Tôi tìm kiếm người đánh chuông để xem thử chuông được đánh bằng cách nào, có giống như ở Việt Nam không. 

Trong vùng ánh sáng mờ mờ, một đạo hữu người Mỹ đang đẩy chiếc chày treo lơ lửng vào chiếc chuông, tạo nên một âm thanh đầy đạo vị. Thì ra cũng “dộng chuông” như ở Việt Nam . Ông ta lặng lẽ mỉm cười đáp lại cái chào của tôi. Hai người Mỹ râu ria xồm xoàm đang thu hình đoàn hành hương và bảo tháp. Hẳn họ thuộc một tổ chức truyền hình nào đó, vì máy móc thấy rất chuyên nghiệp. Chúng tôi đi diễu một vòng chung quanh tháp, đảnh lễ trước cửa tháp một lần nữa rồi trở ra.

Nội qui không cho phép quay phim chụp ảnh nhưng Trung tâm Odiyan có một nơi bán bưu ảnh kỹ niệm và những ấn phẩm như sách, báo, họa phẩm, do nhà xuất bản Dharma ấn hành. Hầu như mọi người đều ghé vào đây để kiếm chút gì kỹ niệm cho chuyến đi. Ba giờ rưỡi chiều, xe khởi hành trở về San José.

Khi loan tin về sự hoàn thành vĩ đại của Trung tâm Phật giáo Odiyan, ký giả Richard Scheinin của San Jose Mercury News (10/6/96) đã dùng tiêu đề “Phật đến phương Tây” để đặt tên cho bài báo và cho rằng sự thành hình của cơ sở này là một “đại tuyên cáo rằng truyền thống Phật giáo Tây Tạng đã đâm rễ sâu xa ở phương Tây.” Lời ca ngợi đó có hơi cường điệu, nhưng Odiyan sẽ đóng một vai trò quan trọng không thể chối cãi trong việc truyền bá Phật giáo trên đất Mỹ.

Cái tên Odiyan đối với tôi trở thành đồng nghĩa với tín tâm và kiên trì. Không có hai chất liệu đó thì không có Odiyan. Ấn tượng còn lại trong tôi sau chuyến đi không phải là những đền đài đồ sộ hay bảo tháp nguy nga mà là cung cách chắp tay vái chào đầy đạo vị của các đạo hữu tiếp tân ở Odiyan. Tôi không thấy có người Việt, người Mỹ, người ........ , người Đức, người . . . ở đó........................ chỉ toàn là Phật tử.


VÕ HƯƠNG AN
https://odiyan.org/

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Thư viện

Pháp âm