Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

(Kinh A-ma-trú)

(Ambbattha Sutta)

  1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn đang du hành tại nước Kosala (Câu-tát-la), cùng với Đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị và đến tại một làng Bà-la-môn ở Kosala tên là Icchànankala. Tại đây, Thế Tôn ở tại Icchànankala trong khu rừng tên là Icchànankala.

Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Pokkharasàdi ở tại Ukkattha, một chỗ dân cư đông đúc, cây cỏ, ao nước, ngũ cốc phong phú, vốn là đất đai của vua, sau vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) cấp cho để hưởng một phần lợi tức.

  1. Bà-la-môn Pokkharasàdi nghe đồn: Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích-ca, nay đang du hành tại nước Kosala, cùng với Đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị, đã đến Icchànankala, ở tại Icchànankala trong khu rừng tên là Icchànankala. Những tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Sa-môn Gotama: "Ngài là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài đã tự chứng ngộ thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, tự chứng ngộ rồi hiển thị cho mọi loài được biết, Ngài thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, thanh tịnh. Nếu được yết kiến một vị A-la-hán như vậy thì rất quý".
  2. Lúc bấy giờ, thanh niên Ambattha là đệ tử của Bà-la-môn Pokkharasàdi, một vị đọc tụng Thánh điển, chấp trì chú thuật, tinh thông ba tập Vệ đà với tự vựng, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu Thuận thế luận và Đại nhân tướng. Vị này độc đáo về ba minh và được công nhận như vậy khiến các thân giáo sư phải nói: "Điều gì ta biết, ngươi cũng biết; điều gì ngươi biết, ta cũng biết".
  3. Lúc bấy giờ Bà-la-môn Pokkharasàdi nói với thanh niên Ambattha: "Này Ambattha thân yêu, Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích-ca, nay đang du hành tại nước Kosala, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị, đã đến tại Icchànankala trú tại Icchànankala. Những tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Sa-môn Gotama: "Ngài là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Phật, Thế Tôn. Ngài đã chứng ngộ thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với các chúng Sa-môn Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, tự chứng ngộ rồi hiển thị cho mọi loài được biết. Ngài thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, thanh tịnh. Nếu được yết kiến một vị A-la-hán như vậy thì rất quý". Này Ambattha thân yêu, hãy đi đến gặp Sa-môn Gotama, và tìm hiểu lời đồn về Tôn giả Gotama là như vậy hay không phải như vậy. Nhờ vậy, chúng ta sẽ được biết về Tôn giả Gotama".
  4. - Làm thế nào con được biết về Tôn giả Gotama, được biết lời đồn về Tôn giả Gotama như vậy là đúng hay không, có phải Tôn giả Gotama là như vậy, hay không phải như vậy?

- Ambattha thân yêu, theo truyền thống của chúng ta về ba mươi hai tướng của vị đại nhân, những ai có ba mươi hai tướng ấy sẽ chọn trong hai con đường, không có đường nào khác. Nếu là tại gia, sẽ thành vị Chuyển luân Thánh vương chinh phục mọi quốc độ, đầy đủ bảy châu báu. Bảy món báu này là xe báu, voi báu, ngựa báu, ma ni báu, ngọc nữ báo, cư sĩ báu và thứ bảy là tướng quân báu. Và vị này có hơn một ngàn con trai, là những vị anh hùng, oai phong lẫm liệt, chiến thắng ngoại quân. Vị này sống, thống lãnh quả đất cùng tận cho đến đại dương, và trị vì với Chánh pháp, không dùng gậy, không dùng dao. Nếu vị này xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị này sẽ chứng quả A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, quét sạch mê lầm ở đời. Này Ambattha thân yêu, ta đã cho con chú thuật. Con đã nhận những chú thuật ấy.

  1. Thưa vâng.

Thanh niên Ambattha vâng theo lời của Bà-la-môn Pokkharasàdi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Bà-la-môn Pokkharasàdi, hướng thân về phía hữu, cỡi xe ngựa cái và cùng một số đông thanh niên khác đi đến khu rừng Icchànankala. Đi xe đến chỗ còn đi được xe, Ambattha liền xuống xe đi bộ và đến tại Tinh xá.

  1. Lúc bấy giờ một số đông Tỷ-kheo đang đi kinh hành ngoài trời. Thanh niên Ambattha liền đến các Tỷ-kheo ấy và hỏi: "Các Hiền giả, nay Tôn gả Gotama ở tại chỗ nào? Chúng tôi đến đây để yết kiến Tôn giả Gotama".
  2. Các Tỷ-kheo liền nghĩ: "Thanh niên Ambattha này thuộc một gia đình có danh tiếng, là đệ tử của Bà-la-môn Pokkharasàdi, một vị cũng có danh tiếng. Một cuộc đối thoại như vậy giữa Thế Tôn và con một quý tộc như kia, không có khó khăn gì". Những Tỷ-kheo ấy nói với thanh niên Ambattha: "Này Ambattha, Tinh xá đóng cửa kia là chỗ ở của Ngài. Hãy đến đó một cách yên lặng, không vượt qua hành lang, đằng hắng và gõ vào thanh cửa, Thế Tôn sẽ mở cửa cho ông".
  3. Thanh niên Ambattha liền đi đến Tinh xá đóng cửa ấy một cách yên lặng, không vượt quá hành lang, đằng hắng và gõ vào thanh cửa. Thế Tôn mở cửa và thanh niên Ambattha bước vào. Các thanh niên khác cũng bước theo, nói những lời chào đón hỏi thăm xã giao với Thế Tôn và ngồi xuống một bên, còn thanh niên Ambattha thời đi qua đi lại, thốt ra những lời hỏi thăm nhát gừng trong khi Thế Tôn đang ngồi, hay đứng lại thốt ra những lời hỏi thăm nhát gừng trong khi Thế Tôn đang ngồi.
  4. Lúc bấy giờ Thế Tôn nói với thanh niên Ambattha:

- Có phải, đối với các bậc Bà-la-môn trưởng lão, đứng tuổi, các bậc giáo sư và tổ sư, ngươi cũng nói chuyện như vậy, như ngươi đã đi qua lại thốt ra những lời hỏi thăm nhát gừng trong khi Ta đang ngồi, hay đứng lại thốt ra những lời hỏi thăm nhát gừng trong khi Ta đang ngồi?

- Không phải vậy, này Gotama. Phải đi mà nói chuyện với một vị Bà-la-môn, này Gotama, nếu vị ấy đang đi. Phải đứng mà nói chuyện với một vị Bà-la-môn, này Gotama, nếu vị ấy đang đứng. Phải ngồi mà nói chuyện với một vị Bà-la-môn, này Gotama, nếu vị ấy đang ngồi. Phải nằm mà nói chuyện với một vị Bà-la-môn, này Gotama, nếu vị ấy đang nằm. Chỉ với những vị Sa-môn hèn hạ, trọc đầu, đê tiện, đen đui, sanh từ nơi chân của bà con ta, thì ta mới nói chuyện như vậy, như với ngươi, Gotama".

  1. - Này Ambattha, hình như ngươi đến đây với một ý định gì? Ngươi hãy khéo tác ý đến mục đích đã đưa ngươi đến đây. Thanh niên Ambattha này thật vô giáo dục, dầu nó tự cho là có giáo dục. Như vậy là vô giáo dục, có gì khác nữa!
  2. Thanh niên Ambattha bị Thế Tôn gọi là vô giáo dục như vậy, liền phẫn nộ, tức tối, muốn nhục mạ Thế Tôn, phỉ báng Thế Tôn, công kích Thế Tôn, và nghĩ: "Sa-môn Gotama có ác ý đối với ta", liền nói với Thế Tôn:

- Này Gotama, thô bạo là dòng họ Thích-ca; này Gotama, ác độc là dòng họ Thích-ca; này Gotama, khinh suất là dòng họ Thích-ca; này Gotama hung dữ là dòng họ Thích-ca. Là đê tiện, thuộc thành phần đê tiện, dòng họ Thích-ca không kính nhường Bà-la-môn, không lễ bái Bà-la-môn, không cúng dường Bà-la-môn, không tôn trọng Bà-la-môn. Này Gotama, như vậy thật không lẽ, thật không đúng pháp, khi dòng họ Thích-ca này, những hạng đê tiện, thuộc thành phần đê tiện lại không kính nhường Bà-la-môn, không cung kính Bà-la-môn, không lễ bái Bà-la-môn, không cúng dường Bà-la-môn, không tôn trọng Bà-la-môn.

Như vậy, thanh niên Ambattha lần đầu tiên đã buộc tội dòng họ Thích-ca là đê tiện..

  1. - Này Ambattha, dòng họ Thích-ca đã làm gì phật lòng ngươi?

- Này Gotama, một thời ta đi đến Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) có việc phải làm cho Thầy ta là Bà-la-môn Pokkharasàdi, và đến tại công hội trường của dòng họ Thích-ca. Lúc bấy giờ một số đông dòng họ Thích-ca và thanh niên Thích-ca đang ngồi trên ghế cao tại công hội trường. Chúng cười với nhau, dùng ngón tay thọc cù nôn với nhau, ta nghĩ chắc chắn ta là mục tiêu cho chúng đùa giỡn với nhau, lại không ai mời ta ngồi. Này Gotama, như vậy thật không phải lẽ, thật không đúng pháp, khi chúng Thích-ca này là những hạng đê tiện, thuộc thành phần đê tiện lại không kính nhường Bà-la-môn, không cung kính Bà-la-môn, không lễ bái Bà-la-môn, không cúng dường Bà-la-môn, không tôn trọng Bà-la-môn.

Như vậy thanh niên Ambattha lần thứ hai đã buộc tội dòng họ Thích-ca là đê tiện.

  1. - Này Ambattha, cũng như con chim cáy, con chim cáy con có thể tự hát thỏa thích trong tổ của nó. Này Ambattha, Kapilavatthu thuộc dòng họ Thích-ca. Thật không xứng để cho Ambattha phải phật lòng vì một vấn đề nhỏ mọn này.
  2. - Này Gotama, có bốn giai cấp: Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ-xá và Thủ-đà-la. Này Gotama, trong bốn giai cấp này, ba giai cấp Sát-đế-lỵ, Phệ-xá và Thủ-đà-la là để hầu hạ hạng Bà-la-môn. Này Gotama, như vậy thật không phải lẽ, thật không đúng pháp khi chúng Thích-ca này là những hạng đê tiện, thuộc thành phần đê tiện, lại không kính nhường Bà-la-môn, không cung kính Bà-la-môn, không lễ bái Bà-la-môn, không tôn trọng Bà-la-môn.

Như vậy, thanh niên Ambattha lần thứ ba đã buộc tội dòng họ Thích-ca là đê tiện.

  1. Lúc bấy giờ Thế Tôn nghĩ: "Thanh niên Ambattha này đã phỉ báng dòng họ Thích-ca đê tiện một cách quá đáng. Nay ta phải hỏi dòng họ của nó". Rồi Thế Tôn hỏi thanh niên Ambattha:

- Dòng họ ngươi là gì?

- Này Gotama, dòng họ ta là Kanhàyana.

- Này Ambattha, nếu theo phụ mẫu hệ của ngươi về quá khứ, thời dòng họ Thích-ca là Thầy của ngươi. Và ngươi là con của một nữ tỳ của dòng họ Thích-ca. Này thanh niên Ambattha, tổ tiên của Thích-ca là vua Okkàka. Thuở xưa, này Ambattha, vua Okkàka muốn trao vương vị cho Hoàng tử con bà hoàng hậu chính mà vua thương yêu, bèn đuổi ra khỏi nước những người con đầu của mình là Okkàmukha, Karandu, Hatthiniya, Sinipura. Bị tẩn xuất khỏi nước, những Hoàng tử này đến sống tại một khu rừng lớn bên một hồ nước, trên sườn núi Hy-mã-lạp-sơn. Vì sợ huyết thống của mình bị lẫn lộn với huyết thống khác, các vị Hoàng tử này ăn nằm với những người chị của mình.

- Này Ambattha, một hôm vua Okkàka nói với vị đại thần tùy tùng: "Này các khanh, các Hoàng tử hiện nay ở đâu?" - "Bạch Đại vương, có một khu rừng lớn, bên một hồ nước trên sườn núi Hy-mã-lạp-sơn. Nay các Hoàng tử ở tại chỗ ấy. Các Hoàng tử, vì sợ huyết thống của mình lẫn lộn huyết thống khác nên ăn nằm với những người chị của mình".

- Này Ambattha, vua Okkàka liền cảm hứng thốt lời tụng hân hoan: "Các Hoàng tử thật là những Sakya (cứng như lõi cây sồi), các Hoàng tử thật là những Sakya xuất chúng". Này Ambattha, từ đó trở đi, các Hoàng tử được gọi là Sakya và vua Okkàka là vua tổ của dòng họ Thích-ca. Này Ambattha, vua ấy có một nữ tỳ tên là Disà. Nữ tỳ này sinh hạ một người con da đen. Vừa mới sinh, Kanha liền nói: "Này mẹ, hãy rửa cho con; này mẹ hãy tắm cho con; này mẹ hãy gội sạch đồ bất tịnh này. Và con sẽ giúp ích cho mẹ". Này Ambattha, vì người ta gọi những ác quỷ là ác quỷ nên người ta cũng gọi Kanhà là ác quỷ. Chúng nói như thế này: "Đứa trẻ này, vừa mới sanh đã nói. Một Kannha vừa mới sanh". Này Ambattha, từ đó trở đi chữ Kanhàyanà được biết đến. Và Kanha là tổ phụ của dòng họ Kanhàyana. Này Ambattha, nếu theo phụ mẫu hệ của ngươi về quá khứ, thời dòng họ Thích-ca là Thầy của ngươi, và ngươi là con một nữ tỳ của dòng họ Thích-ca.

  1. Khi Thế Tôn nói vậy, những thanh niên nói với Thế Tôn:

- Này Gotama, chớ có phỉ báng quá đáng thanh niên Ambattha là con một nữ tỳ. Này Gotama, thanh niên Ambattha sinh vào quý tộc, thanh niên Ambattha thuộc con nhà danh giá, thanh niên Ambattha là bậc đa văn, thanh niên Ambattha là nhà hùng biện giỏi, thanh niên Ambattha là nhà bác học, thanh niên Ambattha có thể biện luận với Tôn giả Gotama về vấn đề này.

  1. Thế Tôn liền nói với những thanh niên ấy.

- Nếu những thanh niên các ngươi nghĩ: "Thanh niên Ambattha không được sanh vào quý tộc, thanh niên Ambattha không thuộc con nhà danh giá, thanh niên Ambattha không phải là bậc đa văn, thanh niên Ambattha không phải là nhà hùng biện giỏi, thanh niên Ambattha không phải là nhà bác học, thanh niên Ambattha không thể biện luận với Tôn giả Gotama về vấn đề này", thời thanh niên Ambattha hãy đứng ra một bên và để các thanh niên biện luận với Ta về vấn đề này. Nếu các ngươi nghĩ: "Thanh niên Ambattha được sanh vào quý tộc, thanh niên Ambattha thuộc con nhà danh giá, thanh niên Ambattha là bậc đa văn, thanh niên Ambattha là nhà hùng biện giỏi, thanh niên Ambattha là nhà bác học, thanh niên Ambattha có thể biện luận với Gotama về vấn đề này", thời các ngươi hãy đứng ra một bên và để thanh niên Ambattha biện luận với ta về vấn đề này.

  1. - Này Gotama, thanh niên Ambattha được sanh vào quý tộc, thanh niên Ambattha thuộc con nhà danh giá, thanh niên Ambattha là bậc đa văn, thanh niên Ambattha là nhà hùng biện giỏi, thanh niên Ambattha là nhà bác học, thanh niên Ambattha có thể biện luận với Tôn giả Gotama về vấn đề này. Chúng tôi sẽ đứng im lặng. Thanh niên Ambattha sẽ cùng với Gotama biện luận về vấn đề này.
  2. Thế Tôn liền nói với thanh niên Ambattha:

- Này Ambattha, câu hỏi hợp lý này được đem ra hỏi ngươi dầu không muốn, ngươi cũng phải trả lời. Nếu ngươi không trả lời, hoặc trả lời tránh qua một vấn đề khác, hoặc giữ im lặng, hoặc bỏ đi, thời ngay tại chỗ, đầu ngươi sẽ bị bể ra làm bảy mảnh. Này Ambattha, ngươi nghĩ thế nào? Ngươi có nghe các Bà-la-môn, trưởng lão, tôn túc, giáo sư và tổ sư nói đến nguồn gốc của dòng họ Kanhàyanà không? Ai là tổ phụ của dòng họ Kanhàyanà?

Nghe nói vậy thanh niên Ambattha giữ im lặng. Lần thứ hai Thế Tôn nói với thanh niên Ambattha:

- Này Ambattha, nhà ngươi nghĩ thế nào? Ngươi có nghe các nguồn gốc của dòng họ kanhàyanà không? Ai là tổ phụ của dòng họ Kanhàyanà?

Lần thứ hai thanh niên Ambattha giữ im lặng. Thế Tôn lại nói với thanh niên Ambattha:

- Ambattha, nay ngươi phải trả lời, nay không phải thời ngươi giữ im lặng nữa. Này Ambattha ai được Thế Tôn hỏi đến lần thứ ba một câu hỏi hợp lý mà không trả lời, thời đầu của người ấy sẽ bị bể ra làm bảy mảnh tại chỗ.

  1. Lúc bấy giờ, thần Dạ-xoa Vajirapàni đang cầm một chùy sắt to lớn, cháy đỏ, sáng chói đứng trên đầu của thanh niên Ambattha với ý định: "Nếu Thế Tôn hỏi đến lần thứ ba, một câu hỏi hợp lý mà thanh niên Ambattha không trả lời, thời ta sẽ đánh bể đầu nó ra làm bảy mảnh". Chỉ có Thế Tôn và thanh niên Ambattha mới thấy thần Dạ-xoa Vajirapàni. Thanh niên Ambattha thấy vị thần ấy liền sợ hãi, hoảng hốt, lông dựng ngược, chỉ tìm sự che chở nơi Thế Tôn, chỉ tìm sự hộ trợ nơi Thế Tôn, liền cúi rạp mình xuống và bạch Thế Tôn:

- Tôn giả Gotama đã nói gì? Mong Tôn giả Gotama nói lại cho.

- Ambattha, ngươi nghĩ thế nào? Ngươi có nghe các vị Bà-la-môn, trưởng lão, tôn túc, giáo sư và tổ sư nói đến nguồn gốc của dòng họ Kanhàyanà không? Ai là tổ phụ của dòng họ Kanhàyanà?

- Tôn giả Gotama, con đã có nghe, đúng như Tôn giả Gotama đã nói. Chính từ đó nguồn gốc của dòng họ Kanhàyanà. Vị ấy là tổ phụ của dòng họ Kanhàyanà.

  1. Khi nghe nói vậy, các thanh niên liền la hét lớn:

- Người ta nói thanh niên Ambattha là tiện sanh, người ta nói thanh niên Ambattha là con dòng không phải quý phái; người ta nói thanh niên Ambattha là con một nữ tỳ của dòng họ Thích-ca; người ta nói dòng họ Thích-ca là chủ của thanh niên Ambattha. Chúng tôi không nghĩ rằng Sa-môn Gotama mà lời nói bao giờ cũng chân thực, lại không phải là người có thể tin được.

  1. Lúc bấy giờ Thế Tôn nghĩ rằng: "Các thanh niên đã phỉ báng quá đáng thanh niên Ambattha là con một nữ tỳ rồi. Nay Ta hãy giải tỏa cho Ambattha". Rồi Thế Tôn nói với các thanh niên:

- Các thanh niên, các ngươi chớ có phỉ báng quá đáng thanh niên Ambattha là con một nữ tỳ. Kanha ấy trở thành một tu sĩ vĩ đại. Vị này đi về miền Nam, học các chú thuật Phạm thiên, rồi về yết kiến vua Okkàka và yêu cầu gả công chúa Khuddarùpi cho mình. Vua Okkàka vừa giận, vừa tức, mắng rằng: "Ngươi là ai, con đứa nữ tỳ của ta mà dám xin con gái Khuddarùpi của ta", và vua liền lắp tên vào cung. Nhưng vua không thể bắn tên đi, cũng không thể cất mũi tên xuống. Khi bấy giờ, các thanh niên thị giả, các đại thần và tùy tùng đến thưa với ẩn sĩ Kanhà: - "Đại đức, hãy để cho vua an toàn! Đại đức, hãy để cho vua được an toàn!" - "Nhà vua sẽ được an toàn, và nếu nhà vua bắn mũi tên xuống đất, thời toàn thể quốc độ nhà vua sẽ bị hạn, khô héo!" - "Đại đức hãy để cho vua được an toàn! Hãy để cho quốc độ được an toàn!" - "Nhà vua sẽ được an toàn, quốc độ sẽ được an toàn! Nhưng nếu nhà vua bắn tên lên trời, thời toàn thể quốc độ sẽ không mưa trong bảy năm!" - "Đại đức, hãy để cho nhà vua được an toàn, hãy để cho quốc độ được an toàn! Và hãy để cho trời mưa!" - "Nhà vua sẽ được an toàn, quốc độ sẽ được an toàn và trời sẽ mưa. Nhưng vua hãy nhắm cây cung đến phía Thái tử. Một sợi lông của Thái tử cũng sẽ được an toàn!".

Khi bấy giờ, các thị giả trẻ tuổi, các đại thần nói với Okkàka: "Okkàka hãy nhắm cây cung đến phía Thái tử. Một sợi lông của Thái tử sẽ được an toàn".

Vua Okkàka nhắm cây cung đến phía Thái tử và một sợi lông của Thái tử cũng được an toàn. Vua Okkàka hoảng sợ, khiếp đảm sự trừng phạt, thuận cho con gái Khuddàrùpi. Này các thanh niên, chớ có phỉ báng thanh niên Ambattha một cách quá đáng là con của một nữ tỳ. Kanha là một vị ẩn sĩ vĩ đại.

  1. Khi bấy giờ, Như Lai nói với thanh niên Ambattha:

- "Ambattha, nhà ngươi nghĩ thế nào? Một thanh niên Sát-đế-lỵ cưới một thiếu nữ Bà-la-môn. Do sự sum họp ấy, một người con trai được sinh. Một người sanh từ một thanhniên Sát-đế-lỵ và một thiếu nữ Bà-la-môn có thể thọ lãnh chỗ ngồi hay nước giữa những người Bà-la-môn không?"

- Tôn giả Gotama, có thể thọ lãnh.

- Và những người Bà-la-môn có mời người ấy dự tiệc cúng cho người chết hay dùng món đồ ăn cúng dường, hay đồ ăn cúng cho thiên thần hay đồ ăn gửi đến như một tặng phẩm không?

- Tôn giả Gotama, có mời.

- Và những người Bà-la-môn có dạy các chú thuật hay không?

- Tôn giả Gotama, có dạy.

- Có đóng cửa giữa người ấy với những người đàn bà của chúng hay mở cửa?

- Tôn giả Gotama, mở cửa.

- Và những người Sát-đế-lỵ có quán đảnh cho người ấy để thành một Sát-đế-lỵ không?

- Tôn giả Gotama, thưa không.

- Tại sao không?

- Vì nó không được sinh (là Sát-đế-lỵ) từ mẫu hệ.

  1. - Ambattha, nhà ngươi nghĩ thế nào? Ở đây một thanh niên Bà-la-môn cưới một thiếu nữ Sát-đế-lỵ. Do sự sum họp này, một người con trai được sanh. Một người sanh từ một thanh niên Bà-la-môn và một thiếu nữ Sát-đế-lỵ có thể thọ lãnh chỗ ngồi hay nước giữa những Bà-la-môn hay không?

- Tôn giả Gotama, có thể thọ lãnh.

- Và những người Bà-la-môn có mời người ấy dự tiệc cúng cho người chết hay dùng các món ăn cúng dường, hay đồ ăn cúng theo thiên thần hay đồ ăn gửi đến như một tặng phẩm không?

 - Tôn giả Gotama, có mời.

- Và những người Bà-la-môn có dạy người ấy các chú thuật không?

- Tôn giả Gotama, có dạy.

- Có đóng cửa giữa người ấy với những người đàn bà của chúng, hay mở cửa?

- Tôn giả Gotama, chúng mở cửa.

- Và những người Sát-đế-lỵ có làm lễ quán đỉnh cho người ấy để thành một Sát-đế-lỵ không?

- Tôn giả Gotama, thưa không.

- Tại sao vậy?

- Tôn giả Gotama, vì không được sinh (là Sát-đế-lỵ) từ phụ hệ.

  1. - Này Ambattha, nếu so sánh đàn bà với đàn bà, đàn ông với đàn ông, thì giai cấp Sát-đế-lỵ là ưu, Bà-la-môn là liệt. Này Ambattha, nhà ngươi nghĩ thế nào? Ở đây, giả sử do một nguyên nhân gì những người Bà-la-môn cạo đầu một người Bà-la-môn, đánh người ấy với một bị tro, tẩn xuất người ấy ra khỏi nước hay thành phố. Người ấy có được thọ lãnh chỗ ngồi và nước giữa những người Bà-la-môn không?

- Tôn giả, không được.

- Và những người Bà-la-môn, có mời người ấy dự tiệc cúng cho người chết hay dùng các món ăn cúng dường, hay đồ ăn cúng cho thiên thần hay đồ ăn gửi đến như một tặng phẩm không?

- Tôn giả Gotama, không có mời.

- Và những người Bà-la-môn có dạy người ấy các chú thuật không?

- Tôn giả Gotama, không dạy.

- Có đóng cửa giữa người ấy với những người đàn bà của chúng, hay mở cửa?

- Tôn giả Gotama, đóng cửa.

  1. - Ambattha, nhà ngươi nghĩ thế nào? Ở đây giả sử do một nguyên nhân gì, những người Sát-đế-lỵ cạo đầu một người Sát-đế-lỵ, đánh người ấy với một bị tro, tẩn xuất người ấy ra khỏi nước hay thành phố, người ấy có được thọ lãnh chỗ ngồi và nước uống giữa những người Bà-la-môn không?

- Tôn giả Gotama, được thọ lãnh.

- Và những người Bà-la-môn có mời người ấy dự tiệc cúng cho người chết, hay dùng những món ăn cúng dường, hoặc đồ ăn cúng cho thiên thần, hay đồ ăn gửi đến như những tặng phẩm không?

- Tôn giả Gotama, có mời.

- Và những người Bà-la-môn có dạy người ấy các chú thuật không?

- Tôn giả Gotama, có dạy:

- Có đóng cửa giữa người ấy với những người đàn bà của chúng, hay mở cửa?

- Tôn giả Gotama, mở cửa.

- Này Ambattha, đến như vậy là sự đọa lạc tột cùng của người Sát-đế-lỵ, đã bị những người Sát-đế-lỵ cạo đầu, đánh người ấy với một bị tro, tẩn xuất người ấy ra khỏi nước hay thành phố, như vậy, này Ambattha, khi người Sát-đế-lỵ bị đọa lạc tột cùng, các Sát-đế-lỵ vẫn giữ phần ưu thắng và các Bà-la-môn vẫn ở địa vị hạ liệt.

  1. - Này Ambattha, bài kệ này do Phạm thiên Sanam Kumàra thuyết:

"Đối với chúng sanh tin tưởng ở giai cấp, Sát-đế-lỵ chiếm địa vị tối thắng ở nhân gian.

Những vị nào giới hạnh và trí tuệ đầy đủ, vị này chiếm địa vị tối thắng giữa Người và chư Thiên".

(Xong tụng phẩm thứ nhất).

  1. - Tôn giả Gotama, nghĩa chữ Giới hạnh trong bài kệ ấy là gì? Nghĩa chữ Tuệ trong bài kệ ấy là gì?

- Này Ambattha, một vị đã thành tựu vô thượng trí đức không có luận nghị đến sự thọ sanh, không có luận nghị đến giai cấp hay không có luận nghị đến ngã mạn với lời nói: "Ngươi bằng ta hay ngươi không bằng ta". Chỗ nào nói đến cưới hỏi hay rước dâu đi, hay cả hai, chỗ đó mới có luận nghị đến sự thọ sanh, luận nghị đến giai cấp hay luận nghị đến ngã mạn với lời nói: "Ngươi bằng ta hay không bằng ta".

Này Ambattha, những ai còn chấp trước lý thuyết thọ sanh, còn chấp trước lý thuyết giai cấp, còn chấp trước lý thuyết kiêu mạn, hoặc còn chấp trước cưới hỏi rước dâu, những người ấy còn rất xa sự thành tựu vô thượng trí đức. Này Ambattha, không chấp trước lý thuyết thọ sanh, không chấp trước lý thuyết giai cấp, không chấp trước lý thuyết kiêu mạn, không chấp trước cưới hỏi, đưa dâu, người ấy tức chứng ngộ vô thượng trí đức.

  1. - Tôn giả Gotama, thế nào là Giới đức trong bài kệ ấy? Thế nào là Trí tuệ trong bài kệ ấy?

- Ở đây, này Ambattha, Như Lai xuất hiện, là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc:

... (xin xem Kinh Sa Môn quả, từ số 40 đến số 98 tới câu: "Không có đời sống nào khác nữa" chỉ khác danh từ xưng hô và câu kết từng đoạn. Như đoạn này, câu kết là "Như vậy, này Ambattha, là vị Tỷ-kheo thành tựu giới hạnh".)

- Này Ambattha, như vậy gọi là Tỷ-kheo thành tựu trí tuệ, thành tựu giới đức, thành tựu giới đức và trí tuệ. Này Ambattha, không có sự thành tựu trí đức nào khác siêu việt hơn, cao thượng hơn sự thành tựu trí đức này.

  1. Này Ambattha, có bốn nguyên nhân đưa đến thất bại cho sự thành tựu vô thượng trí đức này. Thế nào là bốn? Này Ambattha, ở đấy có Sa-môn hay Bà-la-môn chưa thấu đạt sự thành tựu vô thượng trí đức này, lại mang dụng cụ của nhà đạo sĩ, đi vào rừng sâu và nguyện: "Ta chỉ ăn trái cây rụng mà sống". Nhất định người này chỉ xứng đáng là thị giả của vị đã thành tựu trí đức. Này Ambattha, đó là nguyên nhân thứ nhất đưa đến thất bại cho sự thành tựu vô thượng trí đức này.

Lại nữa, này Ambattha ở đây có vị Sa-môn hay Bà-la-môn chưa thấu đạt sự thành tựu vô thượng trí đức này, và chưa thấu đạt pháp ăn trái cây rụng để sống, lại mang theo cuốc và giỏ đi vào rừng sâu và nguyện: "Ta chỉ ăn củ, rễ và trái cây để sống". Nhất định người này chỉ xứng đáng là thị giả của vị đã thành tựu trí đức. Này Ambattha, đó là nguyên nhân thứ hai đưa đến thất bại cho sự thành tựu vô thượng trí đức này.

Lại nữa, này Ambattha, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn chưa thấu đạt sự thành tựu vô thượng trí đức này, chưa thấu đạt pháp ăn trái cây để sống và chưa thấu đạt pháp ăn củ, rễ và trái cây để sống, lại nhen lửa tại cuối làng hay sống thờ lửa ấy. Nhất định người này chỉ xứng đáng là thị giả của vị đã thành tựu trí đức. Này Ambattha đó là nguyên nhân thứ ba đưa đến thất bại cho sự thành tựu vô thượng trí đức này.

Lại nữa Ambattha, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn chưa thấu đạt sự thành tựu vô thượng trí đức này, chưa thấu đạt được pháp ăn trái cây rụng để sống, chưa thấu đạt pháp ăn củ, rễ và trái cây để sống, chưa thấu đạt pháp tôn thờ lửa, lại xây dựng một ngôi nhà có bốn cửa tại ngã tư đường, sống và nguyện: "Từ bốn phương nếu có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào lại, thì ta sẽ cúng dường, tùy theo khả năng, tùy theo sức lực của ta". Nhất định người này chỉ xứng đáng là thị giả của vị đã thành tựu trí đức. Này Ambattha, đó là nguyên nhân thứ tư đưa đến thất bại cho sự thành tựu vô thượng trí đức này.

Này Ambattha đó là bốn nguyên nhân đưa đến thất bại cho sự thành tựu vô thượng trí đức này.

  1. Này Ambattha, ngươi nghĩ thế nào? Ngươi và Thầy ngươi có được xem là đã thành tựu vô thượng trí đức này không? - Bạch không, Tôn giả Gotama. Con và Thầy con là gì, Tôn giả Gotama, để có thể so sánh với sự thành tựu vô thượng trí đức. Tôn giả Gotama, con và Thầy con còn rất xa sự thành tựu vô thượng trí đức.

Này Ambattha, ngươi nghĩ thế nào? Tuy ngươi và Thầy ngươi chưa thấu đạt sự thành tựu vô thượng trí đức này, nhà ngươi có đem theo dụng cụ của nhà đạo sĩ, đi vào rừng sâu và nguyện: "Ta và Thầy ta chỉ ăn trái cây rụng mà sống?"

- Bạch không, Tôn giả Gotama.

- Này Ambattha, ngươi nghĩ thế nào? Tuy ngươi và Thầy ngươi chưa thấu đạt sự thành tựu vô thượng trí đức này, chưa thấu đạt pháp ăn trái cây rụng để sống, ngươi có mang theo cuốc và giỏ đi vào rừng sâu và nguyện: "Ta và Thầy ta chỉ ăn rễ và trái cây để sống không?"

- Bạch không, Tôn giả Gotama.

- Này Ambattha, ngươi nghĩ thế nào? Tuy ngươi và Thầy ngươi chưa thấu đạt sự thành tựu vô thượng trí đức này, chưa thấu đạt pháp ăn trái cây rụng để sống, chưa thấu đạt pháp ăn củ, rễ và trái cây để sống, ngươi có nhen lửa tại cuối làng hay cuối xóm và sống thờ lửa ấy với Thầy ngươi không?"

- Bạch không, Tôn giả Gotama.

- Này Ambattha, ngươi nghĩ thế nào? Tuy ngươi và Thầy ngươi chưa thấu đạt sự thành tựu vô thượng trí đức này, chưa thấu đạt pháp ăn trái cây rụng để sống, chưa thấu đạt pháp ăn củ, rễ và trái cây để sống và chưa thấu đạt sự thờ lửa, ngươi và Thầy ngươi có xây dựng một ngôi nhà có bốn cửa tại ngã tư đường với lời nguyện: "Từ bốn phương, nếu có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào lại - thì ta sẽ cúng dường tùy theo khả năng, tùy theo sức lực của ta không?"

- Bạch không, Tôn giả Gotama.

- Này Ambattha, như vậy ngươi và Thầy ngươi còn khiếm khuyết sự thành tựu vô thượng trí đức này, còn khiếm khuyết bốn nguyên nhân đưa đến thất bại cho sự thành tựu vô thượng trí đức này, Ambattha, thế mà những lời này lại do Thầy của ngươi, Bà-la-môn Pokkharasàdi thốt ra: "Những hạng Sa-môn giả hiệu, đầu trọc, đê tiện, đen đui, sanh từ nơi chân bà con ta là ai mà có thể đàm luận với những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vệ đà". Một vị tự mình chưa thành tựu được những pháp đưa đến sự thất bại (cho những pháp cao thượng hơn). Này Ambattha, ngươi xem, Thầy của ngươi, Bà-la-môn Pokkharasàdi đã lỗi lầm như thế nào?

  1. Này Ambattha, Bà-la-môn Pokkharasàdi hưởng thọ sự cung cấp của vua Pasenadi nước Kosala. Vua Pasenadi nước Kosala cũng không cho phép Thầy ngươi diện kiến. Nếu vua hội nghị với Thầy ngươi thời chỉ nói Thầy ngươi ngang qua một tấm màn. Này Ambattha, tại sao vua Pasenadi nước Kosala lại không cho phép Thầy ngươi diện kiến, người mà vua cung cấp thực phẩm thuần tịnh chân chánh. Này Ambattha, ngươi xem Thầy của ngươi, Bà-la-môn Pokkharasàdi đã lỗi lầm như thế nào?
  2. Này Ambattha, ngươi nghĩ thế nào? Như vua Pasenadi nước Kosala hoặc ngồi trên cổ voi, hoặc ngồi trên lưng ngựa, hoặc đứng trên lưng ngựa, hoặc đứng trên tấm thảm xe cùng các vị đại thần hay vương tử, luận bàn quốc sự. Nếu vua rời khỏi chỗ ấy hay đứng qua bên, một người Thủ-đà hay đầy tớ của một người Thủ-đà đến. Người này cũng đứng tại chỗ ấy, cũng luận bàn quốc sự và nói: "Vua Pasenadi nước Kosala đã nói như vậy". Dầu người ấy nói như lời nói của vua, luận bàn như lời luận bàn của vua, người ấy có thể là vua hay là vị phó vương không?

- "Không thể được, Tôn giả Gotama".

  1. Này Ambattha, nhà ngươi cũng vậy. Thuở xưa, những vị ẩn sĩ giữa các Bà-la-môn, những tác giả các chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật, đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm, những Thánh cú mà nay những Bà-la-môn hiện tại cũng hát lên, nói lên, đọc lên giống như các vị trước đã làm. Những vị ẩn sĩ ấy tên là Atthaka (A sá ca), Vàmaka (Bà-ma), Vàmadeva (Bà-ma-đề-bà), Vessàmitta (Tì-bà-thẩm-sá), Yamataggi (Gia-bà -đề-bà), Angirasa (Ương-kỳ-la). Bhàradvàja (Bạt-la-đà thẩm-xà), Vàsettha (Bà-ma-sá) Kassapa (Ca-diếp), Bhagu (Bà-cửu). Dầu ngươi có thể nói "Ta, một đệ tử, học thuộc lòng những chú thuật của các vị ấy", chỉ với điều kiện này, ngươi có thể được xem là một vị ẩn sĩ hay đã chứng địa vị của một ẩn sĩ không? Việc này không thể có được.
  2. Ambattha, ngươi nghĩ thế nào? Ngươi có được nghe những vị Bà-la-môn, trưởng lão, tôn túc, những vị giáo sư và tổ sư nói đến không? Thuở xưa những vị ẩn sĩ, giữa các Bà-la-môn, những tác giả của chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những Thánh cú mà nay những Bà-la-môn, cũng hát lên, nói lên, đọc lên giống như các vị trước đã làm. Những vị ẩn sĩ ấy tên là Atthaka, Vàmaka, Vàmadeva, Vessàmitta, Yamataggi, Angirasa, Bhàradvàja, Vàsettha, Kassapa, Bhagu. Những vị ấy có khéo tắm, khéo chải chuốt, tóc và râu khéo sửa soạn, trang điểm với vòng hoa và ngọc, mặc toàn đồ trắng, tận hưởng và tham đắm năm món dục lạc, như ngươi và Thầy của ngươi hiện nay không?

- Không có vậy. Tôn giả Gotama.

  1. - Các vị ẩn sĩ ấy có dùng cơm nấu từ gạo trắng thượng hạng mà các hạt đen được gạn bỏ ra, dùng các món canh, các món đồ ăn nhiều loại không, như ngươi và Thầy ngươi hiện nay không?

- Không có vậy, Tôn giả Gotama.

- Hay các vị ấy được những thiếu nữ có đường eo và thắt lưng có tua hầu hạ như ngươi và Thầy ngươi hiện nay không?

- Không có vậy, Tôn giả Gotama.

- Hay những vị ấy đi trên những xe do những con ngựa cái có bờm, đuôi được bện và dùng những cây roi và gậy dài như ngươi và Thầy ngươi hiện nay không?

- Không có vậy, Tôn giả Gotama.

- Hay những vị ấy sống được che chở trong những thành lũy có những chiến hào bao bọc, có những cửa thành hạ xuống, có những chiến sĩ mang gươm dài hộ vệ như ngươi và Thầy ngươi hiện nay không?

- Không có vậy, Tôn giả Gotama.

- Như vậy, này Ambattha, ngươi và Thầy ngươi không phải là một ẩn sĩ, không giống đời sống của nhà ẩn sĩ. Này Ambattha, nếu có gì nghi ngờ, có gì phân vân về Ta, hãy hỏi Ta và Ta sẽ trả lời.

  1. Lúc bấy giờ, Thế Tôn ra khỏi Tinh xá và bắt đầu đi kinh hành. Thanh niên Ambattha đi theo sau Thế Tôn đang đi kinh hành và tìm đếm ba mươi hai tướng tốt của vị đại nhân, nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài.
  2. Khi bấy giờ, Thế Tôn nghĩ rằng: "Thanh niên Ambattha này thấy ở nơi ta gần đủ ba mươi hai tướng tốt của vị đại nhân trừ hai tướng. Đối với hai tướng tốt của vị đại nhân, nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài".

Thế Tôn liền dùng thần thông khiến thanh niên Ambattha thấy tướng mã âm tàng của Thế Tôn. Và Thế Tôn le lưỡi, rờ đến, liếm đến hai lỗ tai, rờ đến, liếm đến hai lỗ mũi, và dùng lưỡi che khắp cả vầng trán. Lúc bấy giờ, thanh niên Ambattha liền nghĩ rằng: "Sa-môn Gotama đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của vị đại nhân, không phải không đầy đủ". Và nói với Thế Tôn: "Tôn giả Gotama, nay chúng tôi xin đi, chúng tôi rất bận, có nhiều việc cần phải làm".

- Này Ambattha, hãy làm những gì ngươi nghĩ là phải thời.

Rồi thanh niên Ambattha leo lên xe do ngựa cái kéo và ra đi.

  1. Lúc bấy giờ Bà-la-môn Pokkharasàdi ra khỏi Ukkattha với một đại chúng Bà-la-môn, ngồi tại hoa viên của mình và chờ đợi thanh niên Ambattha. Khi thanh niên Ambattha đi đến hoa viên, đi xe cho đến chỗ còn đi xe được, rồi xuống xe đi bộ đến tại chỗ Bà-la-môn Pokkharasàdi đang ngồi. Đến xong, thanh niên Ambattha đảnh lễ Bà-la-môn Pokkharasàdi và ngồi xuống một bên. Sau khi thanh niên Ambattha ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Pokkharasàdi nói:
  2. - Này Ambattha thân mến, ngươi đã thấy Sa-môn Gotama chưa?

- Chúng con thấy Tôn giả Gotama rồi.

- Này Ambattha thân mến, có phải Tôn giả Gotama đúng với tin đồn đã truyền đi, chớ không phải khác?

- Tôn giả Gotama đúng với tin đồn đã truyền đi, chớ không phải khác. Tôn giả Gotama là như vậy, chớ không phải khác. Tôn giả Gotama đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của vị đại nhân, chớ không phải thiếu.

- Này Ambattha thân mến, con có cùng với Tôn giả Gotama đàm luận không?

- Con có đàm luận với Tôn giả Gotama.

- Này Ambattha thân mến, cuộc đàm luận ấy như thế nào?

Thanh niên Ambattha liền thuật cho Bà-la-môn Pokkharasàdi rõ tất cả cuộc hội đàm với Tôn giả Gotama.

  1. Nghe nói như vậy, Bà-la-môn Pokkharasàdi nói với thanh niên Ambattha:

- Ngươi thật là nhà học giả đốn mạt của chúng ta! Ngươi thật là nhà đa văn đốn mạt của chúng ta! Ngươi thật là nhà tinh thông ba quyển Vệ đà đốn mạt của chúng ta. Người ta nói những ai có sự cư xử như vậy, khi thân hoại mạng chung, sẽ phải sanh vào cõi ác, đọa xứ, địa ngục. Này Ambattha, ngươi càng công kích Tôn giả Gotama bao nhiêu, lại càng bị Tôn giả Gotama lật tẩy chúng ta bấy nhiêu. Ngươi thật là nhà học giả đốn mạt của chúng ta! Ngươi thật là nhà đa văn đốn mạt của chúng ta! Ngươi thật là nhà tinh thông ba quyển Vệ đà đốn mạt của chúng ta! Người ta nói, những ai có sự cư xử như vậy, khi thân hoại mạng chung, sẽ phải sanh vào cõi ác, đọa xứ, địa ngục.

Bà-la-môn Pokkharasàdi tức giận, bực bội, dùng chân đá thanh niên Ambattha bổ lộn nhào rồi lập tức muốn đi gặp đến Thế Tôn.

  1. Khi ấy, những người Bà-la-môn này thưa với Bà-la-môn Pokkharasàdi: "Hôm nay thì giờ đã quá trễ để đi thăm Sa-môn Gotama. Ngày mai Tôn giả Pokkharasàdi hãy đi thăm Sa-môn Gotama".

Tuy vậy, Bà-la-môn Pokkharasàdi vẫn cho làm các món ăn thượng vị, loại cứng loại mềm tại nhà riêng, chở trên các xe, và dưới ánh sáng của những ngọn đuốc từ Ukkattha đi ra và đi đến khóm rừng Icchànankala. Vị này đi xe cho đến chỗ còn đi xe được rồi xuống xe đi bộ đến Thế Tôn. Khi đi đến, liền nói với Thế Tôn những lời hỏi thăm xã giao, rồi ngồi xuống một bên. Khi ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Pokkharasàdi nói với Thế Tôn:

  1. Tôn giả Gotama, đệ tử của chúng tôi, thanh niên Ambattha có đến đây không?

- Này Bà-la-môn, đệ tử ngươi, thanh niên Ambattha có đến đây.

- Tôn giả Gotama, Ngài có cùng với thanh niên Ambattha đàm luận không?

- Này Bà-la-môn, ta có đàm luận với thanh niên Ambattha.

- Tôn giả Gotama, cuộc đàm luận của Ngài với thanh niên Ambattha như thế nào?

Cuộc đàm luận với thanh niên Ambattha như thế nào, Thế Tôn kể lại tất cả cho Bà-la-môn Pokkharasàdi.

 Nghe nói vậy, Bà-la-môn nói với Thế Tôn:

 - Tôn giả Gotama, thanh niên Ambattha thật là ngu si! Tôn giả Gotama, hãy tha thứ cho thanh niên Ambattha!

- Này Bà-la-môn, cầu cho thanh niên Ambattha được hạnh phúc.

  1. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Pokkharasàdi tìm đếm ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân trên thân Thế Tôn. Bà-la-môn thấy gần đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân trên thân Thế Tôn, trừ hai tướng. Đối với hai tướng tốt của bậc đại nhân, nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, hai tướng là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài.
  2. Lúc bấy giờ Thế Tôn nghĩ rằng: "Bà-la-môn Pokkharasàdi thấy gần đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân ở nơi Ta, trừ hai tướng. Đối với hai tướng tốt của bậc đại nhân, nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài". Thế Tôn liền dùng thần thông khiến Bà-la-môn Pokkharasàdi thấy tướng mã âm tàng của Thế Tôn. Và Thế Tôn le lưỡi, rờ đến, liếm đến hai lỗ tai, rờ đến, liếm đến hai lỗ mũi, và dùng lưỡi che khắp cả vầng trán.

Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Pokkharasàdi nghĩ rằng: "Sa môn Gotama có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân, không phải không đầy đủ", liền nói với Thế Tôn: "Hôm nay xin mời Tôn giả Gotama cùng chúng Tỷ-kheo đến dùng cơm với con. Thế Tôn nhận lời với sự im lặng.

  1. Khi Bà-la-môn Pokkharasàdi được biết Thế Tôn đã nhận lời liền báo thì giờ cho Thế Tôn: Tôn giả Gotama, cơm đã sẵn sàng. Khi ấy Thế Tôn buổi sáng đắp y, đem theo y bát, và cùng với chúng Tỷ-kheo đi đến cư xá của Bà-la-môn Pokkharasàdi. Khi đi đến, liền ngồi trên chỗ soạn sẵn. Bà-la-môn Pokkharasàdi tự tay làm cho Thế Tôn thỏa mãn với những món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm, còn các thanh niên Bà-la-môn thì tiếp đại chúng Tỷ-kheo. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Pokkharasàdi, sau khi biết Thế Tôn dùng cơm đã xong, đã rửa tay và bát, liền lấy một ghế ngồi thấp khác và ngồi xuống một bên.
  2. Thế Tôn liền thứ lớp giảng pháp cho Bà-la-môn Pokkharasàdi đang ngồi một bên nghe, thuyết về bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về các cõi trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của dục lạc và sự lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết tâm của Bà-la-môn Pokkharasàdi đã sẵn sàng, đã nhu thuận, không còn chướng ngại, được phấn khởi, được tín thành, liền thuyết pháp mà chư Phật đã chứng ngộ, tức là khổ, tập, diệt, đạo. Cũng như tấm vải thuần bạch, được gột rửa các vết đen, sẽ rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy, chính chỗ ngồi này, pháp nhãn xa trần ly cấu khởi lên trong tâm Bà-la-môn Pokkharasàdi: "Phàm pháp gì được tập khởi lên đều bị tiêu diệt".
  3. Khi ấy Bà-la-môn Pokkharasàdi, thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, chứng được tự tín, không y cứ nơi người đối với đạo pháp của đức Bổn sư. Bà-la-môn Pokkharasàdi liền bạch Phật:

- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Tôn giả Gotama, con, con của con, vợ của con, tùy tùng của con, bạn hữu của con, xin quy y Thế Tôn Gotama, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ keo. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng. Như Tôn giả Gotama đến thăm các gia đình cư sĩ khác ở Ukkattha, mong Tôn giả Gotama cũng đến thăm các gia đình Pokkharasàdi. Tại đây, các thanh nam hay thanh nữ Bà-la-môn sẽ đảnh lễ Thế Tôn Gotama, hoặc đứng dậy, hoặc mời chỗ ngồi, hoặc mời nước, hoặc khiến tâm hoan hỷ. Như vậy chúng sẽ hưởng hạnh phúc, lợi ích trong một thời gian lâu dài.

  • Này Bà-la-môn lời ngươi nói thật là chí thiện.

_____________________________________________

1. Kinh Phạm võng (Brahmajàla Sutta)

 2. Kinh sa-môn quả

  1. Như vậy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở tại Ràjagaha (Vương xá) nơi vườn xoài của Jìvaka (Kỳ bà) Komàrabhacca, cùng với đại chúng Tỷ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi vị. Lúc bấy giờ Ajàtasattu (A-Xà-Thế) con bà Vihehi (Vi Đề Hi) vua xứMagadha(Ma-Kiệt-Đà) nhân lễ Bố-tát vào ngày rằm tháng tư Komudi (cây súng) đang ngồi trên lầu cao trang nghiêm, chung quanh có nhiều đại thần hậu hạ. Lúc bấy giờ Ajàtasattu con bà Videhi, vua xứ Magadha, nhân ngày Bố-tát cảm hứng nói rằng: "Thật khả ái thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật diễm lệ thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật mỹ miều thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật êm dịu thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật điềm lành thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Nay chúng ta nên đến chiêm bái vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, nhờ sự chiêm bái này tâm chúng ta được tịnh tín?” Khi nghe nói vậy, một đại thần tâu với Ajàtasattu, con bà Videhi vua nước Magadha: "Tâu Đại vương, có Pùrana Kassapa (Phú-La-Ca-Diếp) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong Đại vương đến chiêm bái Pùrana Kassapa này. Chiêm bái Pùrana Kassapa có thể khiến tâm Đại vương được tịnh tín". Khi nghe nói vậy Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha yên lặng không nói gì.
  2. Lại một đại thần khác tâu với Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha: "Tâu Đại vương, có Makkhali Gosàla (Mặt-Già-Lê-Cù-Xá-lợi) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong Đại vương chiêm bái Makkhali Gosàla này. Chiêm bái vị Makkhali Gosàla có thể khiến tâm Đại vương được tịnh tín". Khi nghe nói vậy. Ajàtasattu, con bà Videhi vua nướcMagadhayên lặng không nói gì.
  3. Lại một đại thần khác tâu với Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha: "Tâu Đại vương, có Ajita Kesakambàli (A-Kỳ-Đa-Kỳ-Xá-Khâm-Bà-La) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong Đại vương đến chiêm bái Ajita Kesakambàli này. Chiêm bái Ajita Kesakambàli có thể khiến tâm Đại vương được tịnh tín". Khi nghe nói vậy, Ajàtasattu, còn bà Videhi, vua nướcMagadhayên lặng không nói gì.
  4. Lại một đại thần khác tâu với Ajàtasattu, con bà Videhi vua nước Magadha: "Tâu Đại vương, có Pakudha Kaccayana (Bà-phù-đà Ca chiên nê) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong Đại vương đến chiêm bái Pakudha Kaccàyana này. Chiêm bái Pakudha Kaccayana này có thể khiến tâm Đại vương được tịnh tín". Khi nghe nói vậy. Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nướcMagadhayên lặng không nói gì.
  5. Lại một đại thần khác tâu với Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha: "Tâu Đại vương, có Sanjaya Belathiputta (Tán-nhã-di Tỳ-la-phê-phất) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong Đại vương đến chiêm bái Sanjaya Belathiputta này. Chiêm bái Sanjaya Belathiputta này có thể khiến tâm Đại vương tịnh tín". Khi nghe nói vậy, Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nướcMagadhayên lặng không nói gì.
  6. Lại một đại thần khác tâu với Ajàtasattu, còn bà Videhi, vua nước Magadha: "Tâu Đại vương, có Nigantha Nàtaputta (Ni kiền-tử) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong Đại vương đến chiêm bái Nigantha Nàtaputta này. Chiêm bái Nigantha Nàtaputta có thể khiến tâm Đại vương được tịnh tín". Khi nghe nói vậy, Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nướcMagadhayên lặng không nói gì.
  7. Lúc bấy giờ Jìvaka Komàrabhacca ngồi yên lặng cách Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nướcMagadhakhông xa bao nhiêu. Khi ấy Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nướcMagadha, nói với Jìvaka Komàrabhacca:

- Này khanh Jìvaka, sao ngươi lại yên lặng như vậy?

- Tâu Đại vương, chính tại vườn xoài này của chúng con, có Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện đang trú ngụ với đại chúng Tỷ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi vị. Thế Tôn Gotama có tiếng đồn tốt đẹp sau đây lan rộng: "Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Đại vương hãy đến chiêm bái Thế Tôn này. Rất có thể, nhờ chiêm bái Thế Tôn, tâm của Đại vương được tịnh tín.

- Vậy khanh Jìvaka, hãy cho thắng kiệu voi.

- Vâng, tâu Đại vương.

  1. Jìvaka Komàrabhacca vâng theo lời dạy của Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha, sai người thắng năm trăm con voi cái, và con vương tượng vua thường cởi, rồi tâu với Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha: "Tâu Đại vương, các kiệu voi đã sẵn sàng. Ngài hãy làm những gì Ngài xem là phải thời". Khi bấy giờ Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha biểu các cung phi leo lên năm trăm con voi cái mỗi người một con, còn mình thì leo lên vương tượng vua thường cởi, xuất hành ra khỏi Ràjagaha, dưới ánh sáng của các ngọn đuốc được cầm cao, với oai nghi của bậc Đại vương, thẳng tiến đến vườn xoài của Jìvaka Komàrabhacca.
  2. Khi Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha đi đến không xa vườn xoài, Ngài bỗng sợ hãi, kinh hoàng, tóc dựng lên. Lúc bấy giờ Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha sợ hãi, kinh hoàng, tóc dựng lên, nói với Jìvaka Komàrabhacca:

- Này khanh Jìvaka, người phản ta chăng? Này khanh Jìvaka, người lường gạt ta chăng? Này khanh Jìvaka, ngươi nạp ta cho kẻ thù chăng? Tại sao trong một đại chúng lớn như thế này gần một nghìn hai trăm năm mươi vị, mà không có một tiếng đằng hắng, không có một tiếng ho, không một tiếng ồn?

- Tâu Đại vương, thần không phản lại Ngài, thần không lường gạt Ngài, tâu Đại vương, thần không nạp Ngài cho kẻ thù, tâu Đại vương, hãy đi thẳng tới; tâu Đại vương hãy đi thẳng tới. Tại chỗ kia trong căn nhà tròn chỗ có những ngọn đèn đang thắp sáng.

  1. Lúc bấy giờ, Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nướcMagadhađi cho đến chỗ voi có thể đi được, rồi xuống voi đi đến cửa căn nhà tròn. Khi đến nơi liền nói với Jìvaka Komàrabhacca:

- Này khanh Jìvaka, Thế Tôn ở tại đâu?

- Tâu Đại vương, vị ấy là Thế Tôn. Tâu Đại vương, Thế Tôn ngồi dựa vào cột chính giữa, mặt hướng phía Nam, ngồi trước mặt chúng Tỷ-kheo.

  1. Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nướcMagadhaliền tiến đến chỗ Thế Tôn. Khi đến rồi, vua đứng một bên. Sau đi đứng một bên, Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha nhìn khắp chúng Tỷ-kheo đang yên lặng an tịnh như một hồ nước trong, cảm hứng nói rằng: "Mong Hoàng tử Udàyibhadda (Ưu-đà-di-bạt-đà) cũng được sự trầm lặng như sự trầm lặng của các vị Tỷ-kheo này vậy".

- Đại vương, hình như tâm trí của Đại vương nặng nhiều về tình thương thì phải?

- Bạch Thế Tôn, con thương Hoàng tử Udàyibhadda rất nhiều. Mong rằng Hoàng tử Udàyibhadda cũng được sự trầm lặng như sự trầm lặng của chúng Tỷ-kheo này vậy.

  1. Lúc bấy giờ Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha, đảnh lễ Thế Tôn, chấp tay vái chào chúng Tỷ-kheo, và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nướcMagadhabạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, con muốn hỏi Thế Tôn một vấn đề này, nếu Ngài cho phép con hỏi.

- Đại vương cứ hỏi tùy theo ý muốn của Đại vương.

  1. Cũng như các công nghệ chức nghiệp này, như điều tượng sư, điều mã sư, xa thuật sư, quân thuật sư, quân kỳ binh, nguyên súy, chiến sĩ, thượng sĩ quan, thám tử, dõng sĩ can đảm như voi chúa, anh hùng, trang giáp binh, nô lệ xuất thân, hỏa đầu quân, thợ hớt tóc, người hầu tắm, thợ làm bánh, nhà làm vòng hoa, thợ giặt, thợ dệt, nhà làm thúng rổ, thợ đồ gốm, nhà toán số, nhà ấn bản và các công nghệ chức nghiệp khác, chúng hưởng được kết quả thiết thực hiện tại công nghiệp chức nghiệp của chúng. Chúng giúp cho tự thân được sống an lạc, hạnh phúc. Chúng giúp cho vợ con được sống an lạc hạnh phúc. Chúng giúp cho cha mẹ được sống an lạc, hạnh phúc. Chúng giúp cho bạn bè được sống an lạc hạnh phúc. Chúng dâng các vật cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn, sự cúng dường này có ảnh hưởng đến đời sau, liên hệ đến thiên giới, thọ hưởng phước báo an lạc, thác sanh lên cõi trời. Bạch Đại đức, Ngài có thể chỉ cho rõ ràng kết quả thiết thực, hiện tại của hạnh Sa-môn chăng?
  2. Này Đại vương, Đại vương có nhớ đã hỏi câu hỏi ấy với các vị Sa-môn, Bà-la-môn khác chăng?

- Bạch Ngài, con nhớ đã hỏi câu hỏi ấy với Sa-môn, Bà-la-môn khác.

- Này Đại vương, hãy nói lại cho nghe, các vị ấy đã trả lời với Đại vương như thế nào, nếu Đại vương không thấy gì trở ngại.

- Bạch Đại đức, con không thấy gì trở ngại đối với đức Thế Tôn và các bậc như đức Thế Tôn.

- Vậy Đại vương hãy nói đi.

  1. Bạch Đại đức, một thời con đến Pùrana Kassapa, khi đến nơi, con nói lên những lời đón chào, chúc tụng thân hữu và xã giao với Pùrana Kassapa và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, con nói với Pùrana Kassapa: "Ngài Kassapa, cũng như các công nghệ, chức nghiệp này, như điều tượng sư, điều mã sư, xa thuật sư, cung thuật sư, quân kỳ binh, nguyên súy, chiến sĩ, thượng sĩ quan, thám tử, dõng sĩ can đảm như voi chúa, anh hùng, trang giáp binh, nô lệ xuất thân, hỏa đầu quân, thợ hớt tóc, người hầu tắm, thợ làm bánh, nhà làm vòng hoa, thợ giặt, thợ dệt, nhà làm thúng rổ, thợ đồ gốm, nhà toán số, nhà ấn bản và các công nghệ chức nghiệp khác, chúng hưởng được kết quả thiết thực, hiện tại công nghệ chức nghiệp của chúng. Chúng giúp cho tự thân được sống an lạc, hạnh phúc. Chúng giúp cho cha mẹ được sống an lạc, hạnh phúc. Chúng giúp cho vợ con được sống an lạc, hạnh phúc. Chúng giúp cho bạn bè được sống an lạc, hạnh phúc. Chúng dâng các vật cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn, sự cúng dường này có ảnh hưởng đến đời sau, liên hệ đến thiên giới, thọ hưởng phước báo an lạc, thác sanh lên cõi trời. Bạch Ngài, Ngài có thể cho biết kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn chăng?"
  2. Bạch Đại đức, khi nghe nói vậy, Pùrana Kassapa đã nói với con: "Này Đại vương, tự làm hay khiến người làm, chém giết hay khiến người chém giết, đốt nấu hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn hay khiến người gây phiền muộn, gây áo não hay khiến người gây áo não, tự mình gây sợ hãi hay khiến người gây sợ hãi, sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào, cướp bóc, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người, nói láo, hành động như vậy không có tội ác gì. Nếu lấy một bánh xe sắc bén giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất thành một đống thịt, thành một chồng chịt, cũng không vì vậy mà có tội ác, mà gây ra tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Nam sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt nấu, khiến người đốt nấu, cũng không vì vậy mà có tội ác, mà gây ra tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông Hằng bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ, cũng không vì vậy mà có phước báo". Bạch Đại đức, khi được hỏi về kết quả hiện tại thiết thực của hạnh Sa-môn, Pùrana Kassapa đã trả lời với thuyết vô nghiệp. Bạch Đại đức, cũng như hỏi về trái xoài lại trả lời về trái mít, hoặc hỏi về trái mít lại trả lời về trái xoài. Cũng vậy, Bạch Đại đức, khi được hỏi về kết quả hiện tại thiết thực của hạnh Sa-môn, Purana Kassapa đã trả lời với thuyết vô nghiệp, bạch Đại đức, con nghĩ: "Làm sao một người như con lại có thể làm một vị Sa-môn hay Bà-la-môn ở trong nước con không được vui lòng?" Vì vậy bạch Đại đức, con không tán thán, cũng không cật nạn lời nói của Pùrana Kassapa. Không tán thán, không cật nạn, dầu không mãn nguyện cũng không thốt ra lời bất mãn, không công nhận cũng như không bác bỏ, con từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
  3. Bạch Đại đức, một thời con đến Makkhali Gosàla (Mạt-già-lê-cù-Xá-lợi). Khi đến nơi, con nói lên những lời đón chào chúc tụng thân hữu và xã giao với Makkhali Gosàla và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, con nói với Makkhali Gosàla: "Ngài Gosàla, cũng như các công kỹ nghệ chức nghiệp như điều tượng sư... (như trên)... Bạch Ngài, Ngài có thể cho biết kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn chăng?"
  4. Bạch Đại đức, khi nghe nói vậy, Makkhali Gosàla đã nói với con: "Này Đại vương, không có nhơn, không có duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô; vô nhân, vô duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô. Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh; vô nhân, vô duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh. Không có tự tác, không có tha tác, không có nhân tác, không có lực, không có tinh tấn, không có nhân lực, không có sự cố gắng của người. Tất cả loài hữu tình, tất cả sanh vật, tất cả sinh loại, tất cả sinh mạng đều không tự tại, không lực, không tinh tấn. Chúng bị dắt dẫn, chi phối bởi định mệnh, bởi điều kiện bộ loại của chúng, bởi cá tánh của chúng. Chúng hưởng thọ khổ lạc, y theo sáu loại thác sanh của chúng. Có tất cả là một triệu bốn trăm ngàn chủng loại thác sanh, lại có thể sáu ngàn và có thêm sáu trăm nữa. Có năm trăm loại nghiệp và có năm nghiệp (theo năm căn), lại có ba nghiệp (về thân, khẩu, ý) lại có toàn nghiệp (thân và khẩu) và bán nghiệp (ý), có sáu mươi hai đạo, sáu mươi hai trung kiếp, sáu giai cấp, tám nhân địa, bốn ngàn chín trăm sanh nghiệp, bốn ngàn chín trăm kẻ du hành, bốn ngàn chín trăm chỗ ở của loài Naga, hai nghìn căn, ba nghìn cảnh địa ngục, ba mươi sáu trần giới, bảy tưởng thai, bảy vô tưởng thai, bảy tiết thai (sanh từ đốt), bảy loài thiên, bảy loài người, bảy loài quỷ, bảy hồ nước, bảy pavutas (rừng hay hồ nhỏ) bảy trăm pavutas bảy vực thẳm, bảy trăm papatas (vực thẳm), bảy mộng, bảy trăm mộng, có tám trăm bốn mươi vạn đại kiếp, trong thời gian ấy kẻ ngu và người hiền sau khi lưu chuyển luân hồi sẽ trừ tận khổ đau. Không có lời nguyện: với giới hạnh này, với kỷ luật này, với khổ hạnh này hay với Phạm hạnh này, tôi sẽ làm cho chín muồi những nghiệp chưa được thuần thục, hoặc trừ diệt những nghiệp đã thuần thục bởi những nhẫn thọ liên tục, không thể đo lường khổ và lạc với những vật đo lường, trong khi luân hồi không có giảm tăng, không có thặng dư, thiếu thốn. Ví như một cuộn chỉ được tung ra sẽ được kéo dài đến mức độ nào đó. Cũng như vậy, kẻ ngu và người hiền sau khi lưu chuyển luân hồi sẽ trừ tận khổ đau".
  5. Bạch Đại đức, khi được con hỏi kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Makkhali Gosàla đã trả lời với thuyết luân hồi tịnh hóa. Bạch Đại đức, cũng như hỏi về trái xoài lại trả lời về trái mít, hoặc hỏi về trái mít lại trả lời về trái xoài. Cũng vậy, bạch Đại đức, khi được hỏi về kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Makkhali Gosàla đã trả lời với thuyết luân hồi tịnh hóa. Bạch Đại đức, con liền nghĩ: "Làm sao một người như con, lại có thể làm một vị Sa-môn hay Bà-la-môn ở trong nước con không được vui lòng? "Vì vậy, bạch Đại đức, con không tán thán cũng không cật nạn lời nói của Makkhali Gosàla; không tán thán, không cật nạn, dầu không mãn nguyện cũng không thốt ra lời bất mãn, không công nhận cũng không bác bỏ, con từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
  6. Bạch Đại đức, một thời con đến Ajita Kesakambàli (A-kỳ-đa-xí-xá-khâm-bà-la) khi đến nơi con nói lên những lời đón chào, chúc tụng thân hữu và xã giao với Ajita Kesakambàli, và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, con nói với Ajita Kesakambala: "Ngài Ajita Kesakambàli, cũng như các công nghệ chức nghiệp như điều tượng sư... (như trên)... Bạch Ngài, Ngài có thể chỉ cho biết kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn chăng?"
  7. Bạch Đại đức, khi được nói vậy, Ajita Kesakambàli đã nói với con: "Này Đại vương, không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời khác, không có mẹ, không có cha, không có loại hóa sanh, ở đời không có những vị Sa-môn, những vị Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh, đã tự mình chứng tri giác ngộ đời này đời khác và truyền dạy lại. Con người này do bốn đại hợp thành, khi mệnh chung, địa đại trở về trả lại cho địa giới, thủy đại trở về trả lại cho thủy giới, hỏa đại trở về trả lại cho hỏa giới, phong đại trở về trả lại cho phong giới, các căn nhập vào hư không. Bốn người gánh quan tài với người nằm trong quan tài là năm, gánh người chết mang đi đến chỗ hỏa táng, thốt ra những lời tán tụng, các xương trắng như màu bồ câu và những vật cúng dường trở thành tro bụi, chỉ có người ngu mới tán dương sự bố thí, lời nói của chúng trống không, giả dối, khi chúng chấp thuyết có sự sống. Kẻ ngu cũng như người hiền, sau khi thân hoại mạng chung sẽ đoạn diệt, tiêu thất, không còn tồn tại sau khi chết.”
  8. Bạch Đại đức, khi được con hỏi kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Ajita Kesakambàli đã trả lời với thuyết đoạn diệt. Bạch Đại đức, cũng như hỏi về trái mít lại trả lời về trái xoài, hỏi về trái xoài lại trả lời về trái mít. Cũng vậy, bạch Đại đức, khi được hỏi về kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Ajita Kesakambàli đã trả lời với thuyết đoạn diệt. Bạch Đại đức, con liền nghĩ: "Làm sao một người như con lại có thể làm một vị Sa-môn hay Bà-la-môn ở trong nước con không được vui lòng". Vì vậy bạch Đại đức, con không tán thán, cũng không cật nạn lời nói của Ajita Kesakambàli. Không tán thán, không cật nạn, dầu không mãn nguyện cũng không thốt ra lời bất mãn, không công nhận cũng không bác bỏ, con từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
  9. Bạch Đại đức, một thời con đến Pakudha Kaccayana (Bà-phù-đả-ca-chiên-diên). Khi đến nơi con nói lên những lời đón chào, chúc tụng thân hữu và xã giao với Pakudha Kaccàyana và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, con nói với Pakudha Kaccayana: "Ngài Pakudha Kaccayana, cũng như các công nghệ chức nghiệp, như điều tượng sư... (như trên)... Bạch Ngài, Ngài có thể cho biết kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn chăng?"
  10. Bạch Đại đức, khi được nói vậy, Pakudha Kaccàyana nói với con: "Này Đại vương, có bảy thân không bị làm ra, không làm ra, không bị sáng tạo, không sáng tạo, không sanh sản, thường tại như đỉnh núi, đứng thẳng như trụ đá. Chúng bất động không chuyển biến, không xâm lăng nhau. Chúng không ảnh hưởng đến lạc hay khổ với nhau hoặc cả khổ và lạc. Bảy thân ấy là gì? Địa thân, thủy thân, hỏa thân, phong thân, khổ, lạc và thứ bảy là mạng. Bảy thân này không bị làm ra, không làm ra, không bị sáng tạo, không sáng tạo, không sanh sản, thường tại như đỉnh núi, đứng thẳng như trụ đá. Chúng bất động không chuyển biến, không xâm lăng nhau, chúng không ảnh hưởng đến lạc hay khổ với nhau, hoặc cả khổ và lạc. Ở đây không có người giết hại, hoặc có người bị giết hại, người nghe hoặc người nói, người biết hoặc người khiến cho biết. Khi một ai dùng lưỡi kiếm sắc bén chém đầu, thời không có ai tước đoạt sanh mạng của ai cả, lưỡi kiếm chỉ rơi vào giữa bảy thân mà thôi".
  11. Bạch Đại đức, khi được con hỏi về kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Pakudha Kaccàyana đã trả lời một việc khác với một quan điểm khác. Bạch Đại đức, cũng như hỏi về trái xoài lại trả lời về trái mít, hoặc hỏi về trái mít lại trả lời về trái xoài. Cũng vậy, Bạch Đại đức, khi được hỏi về kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Pakudha Kaccayana đã trả lời một việc khác với một quan điểm khác. Bạch Đại đức, con liền nghĩ: "Làm sao một người như con lại có thể làm một vị Sa-môn, hay Bà-la-môn ở trong nước con không được vui lòng". Vì vậy, bạch Đại đức, con không tán thán, không cật nạn, bỏ lời nói của Pakudha Kaccayana. Không tán thán, không cật nạn, dầu không mãn nguyện, cũng không thốt ra lời bất mãn, không công nhận cũng không bác bỏ, con từ chỗ ngồi và đứng dậy ra về.
  12. Bạch Đại đức, một thời con đến Nigantha Nàtaputta (Ni-kiền-tử). Khi đến nơi, con nói lên những lời đón chào, chúc tụng thân hữu và xã giao với Nigantha Nàtaputta và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, con nói với Nigantha Nàtaputta: "Ngài Aggivessana, các công nghệ chức nghiệp như điều tượng sư,... (như trên)... Bạch Ngài, Ngài có thể cho biết kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn?"
  13. Bạch Đại đức, khi được hỏi vậy, Nigantha Nàtaputta nói với con: "Này Đại vương, một người Nigantha (Ni-kiền-tử) sống chế ngự bởi bốn loại cấm giới. Này Đại vương, thế nào là một người Nigantha sống chế ngự bởi bốn loại cấm giới? Này Đại vương, một Nigantha sống gìn giữ đối với tất cả loại nước, gìn giữ đối với mọi ác pháp, sống tẩy sạch tất cả ác pháp và sống với ý chí gìn giữ đối với tất cả ác pháp. Này Đại vương, như vậy một Nigantha sống chế ngự bởi bốn loại cấm giới. Này Đại vương, vì một Nigantha sống chế ngự bởi bốn loại cấm giới, nên vị ấy được gọi là Gotatto (một vị đã đi đến đích), Yatatto (một vị đã điều phục tự tâm) và Thitatto (một vị đã an trú được tự tâm)".
  14. Bạch Đại đức, khi được con hỏi đến kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Nigantha Nàtaputta đã trả lời với sự chế ngự bởi bốn loại cấm giới. Bạch Đại đức, cũng như hỏi về trái xoài lại trả lời về trái mít, hoặc hỏi về trái mít lại trả lời về trái xoài. Cũng vậy, bạch Đại đức, khi được hỏi về kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Nigantha Nàtaputta đã trả lời với sự chế ngự bởi bốn cấm giới. Bạch Đại đức, con liền nghĩ: "Làm sao một người như con lại có thể làm một vị Sa-môn hay Bà-la-môn ở trong nước con không được vui lòng". Vì vậy, bạch Đại đức, con không tán thán, cũng không cật nạn lời nói của Nigantha Nàtaputta. Không tán thán không cật nạn, dù không mãn nguyện, cũng không thốt ra lời bất mãn, không công nhận cũng không bác bỏ, con từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
  15. Bạch Đại đức, một hôm con đến Sanjaya Belatthiputta (Tán-nhã-di-Tỳ-la-lê-phất). Khi đến nơi, con nói lên những lời đón chào chúc tụng thân hữu và xã giao với Sanjaya Belatthiputta và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, con nói với Sanjaya Belatthiputta: "Ngài Sanjaya, các công nghệ chức nghiệp như điều tượng sư... (như trên)... Bạch Ngài, Ngài có thể cho biết kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn chăng?"
  16. Bạch Đại đức, khi được nói vậy, Sanjaya Belatthiputta đã trả lời với con: "Nếu anh hỏi: "Có một thế giới khác hay không?" Nếu tôi nghĩ: "Có một thế giới khác", tôi có thể trả lời với anh: "Có một thế giới khác". Nhưng tôi không nói là như vậy, tôi không nói là như kia, tôi không nói là khác như thế, tôi không nói là không phải thế, tôi không nói là không không phải thế. Nếu anh hỏi tôi: "Không có một thế giới khác phải không?..” (như trên)... (trang 27, đoạn 27)... Cũng có và cũng không có một thế giới khác... Cũng không có và cũng không không có một thế giới khác... Có loài hữu tình hóa sanh... Không có loài hữu tình hóa sanh... Cũng có và cũng không có loài hữu tình hóa sanh... Cũng không có và cũng không không có loài hữu tình hóa sanh... Có kết quả dị thục của những nghiệp thiện và ác... Không có kết quả dị thục của những nghiệp thiện ác... Cũng có và cũng không có kết quả dị thục của những nghiệp thiện ác... Cũng không có và cũng không không có kết quả dị thục của các nghiệp thiện ác... Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không có tồn tại sau khi chết... Như Lai không có và không không có tồn tại sau khi chết. Anh hỏi tôi như vậy. Nếu tôi nghĩ: Như Lai không có và cũng không không có tồn tại sau khi chết. Tôi có thể trả lời: Như Lai không có và cũng không không có tồn tại sau khi chết. Anh hỏi tôi như vậy. Nếu tôi nghĩ: Như Lai không có và cũng không không có tồn tại sau khi chết. Tôi có thể trả lời: Như Lai không có và cũng không không có tồn tại sau khi chết. Nhưng tôi không nói là như vậy, tôi không nói là như kia, tôi không nói là khác như thế, tôi không nói là không phải thế, tôi không nói là không không phải thế".
  17. Bạch Đại đức, khi được con hỏi kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Sanjaya Belatthiputta đã trả lời với Ngụy biện luận. Bạch Đại đức, cũng như hỏi về trái xoài lại trả lời về trái mít, hoặc hỏi trái mít lại trả lời trái xoài. Cũng vậy, bạch Đại đức, khi được hỏi về kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Sanjaya Belatthiputta đã trả lời với Ngụy biện luận. Bạch Đại đức, con liền nghĩ: "Làm sao một người như con, lại có thể làm một vị Sa-môn hay Bà-la-môn ở trong nước con không được vui lòng". Vì vậy, Bạch Đại đức, con không tán thán cũng không cật nạn lời nói của Sanjaya Belatthiputta. Không tán thán, không cật nạn, dầu không mãn nguyện, cũng không thốt ra lời bất mãn. Không công nhận cũng không bác bỏ, con từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
  18. Vậy nên bạch Đại đức, con cũng hỏi Thế Tôn. Bạch Đại đức, cũng như các công nghệ chức nghiệp. Như điều tượng sư, điều mã sư, xa thuật sư, cung thuật sư, quân kỳ binh, nguyên soái, chiến sĩ, thượng sĩ quan, thám tử, dũng sĩ can đảm như voi chúa, anh hùng, trang giáp binh, nô lệ xuất thân, hỏa đầu quân, thợ hớt tóc, người hầu tắm, thợ làm bánh, nhà vòng hoa, thợ giặt, thợ dệt, nhà làm thúng rổ, thợ đồ gốm, nhà toán số, nhà ấn bản, các công nghệ chức nghiệp khác. Chúng hưởng được kết quả thiết thực hiện tại công nghệ chức nghiệp của chúng. Chúng giúp cho tự thân được sống an lạc, hạnh phúc. Chúng giúp cho cha mẹ được sống an lạc, hạnh phúc. Chúng giúp cho vợ con được sống an lạc hạnh phúc. Chúng giúp cho bạn bè được sống an lạc hạnh phúc. Chúng dâng các vật cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn, sự cúng dường này có ảnh hưởng đến đời sau, liên hệ đến thiên giới, thọ hưởng phước báo an lạc, thác sanh lên cõi trời. Bạch Đại đức, Đại đức có thể cho biết kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn chăng?

- Đại vương có thể được. Này Đại vương, ta sẽ hỏi Đại vương về vấn đề này. Đại vương hãy trả lời tùy theo ý muốn của Đại vương.

  1. Đại vương nghĩ sao? Nếu Đại vương có một người nô bộc, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái, chú ý từng nét mặt (của Đại vương). Người ấy nghĩ: "Thật hy hữu thay! Thật kỳ diệu thay quả vị thác sanh của các công đức, quả dị thục của các công đức. Đức vua Ajàtasattu, con của bà Videhi của nướcMagadha, là người, tôi đây là người. Vị vua Ajàtasattu con bà Videhi, của nước Magadha, sống tận hưởng đầy đủ năm món dục lạc, tôi nghĩ không khác gì vị thiên thần, còn tôi là người nô bộc, làm mọi công việc, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái, chú ý từng nét mặt (của vua). Vậy ta hãy làm các công đức như vua kia, ta hãy cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, từ bỏ gia đình xuất gia tu đạo". Và người nô lệ ấy, một thời khác, cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống chế ngự thân, sống chế ngự lời nói, sống chế ngự ý nghĩ, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỉ sống an tịnh. Nếu những người của Đại vương đến tâu với Đại vương.” Đại vương có biết chăng? Có người nô bộc của Đại vương, làm mọi công việc, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái, chú ý từng nét mặt (của Đại vương). Tâu Đại vương, người ấy đã cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý nghĩ, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỷ sống trong an tịnh". Này Đại vương, Đại vương có nói như vậy chăng: "Người ấy hãy lại với ta, hãy làm lại người nô bộc, làm mọi công việc, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái chú ý từng nét mặt".
  2. Bạch Đại đức, không như vậy. Trái lại chúng con kính lễ người ấy, đứng dậy trước người ấy, mời người ấy ngồi xuống ghế, cúng dường người ấy các dụng cụ như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc men trị bệnh và chúng con sẽ ra lệnh để bảo vệ, che chở người ấy đúng theo luật pháp.

- Này Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào? Nếu quả như vậy, thì đó có phải chăng là kết quả thiết thực hiện tại hạnh Sa-môn?

- Bạch Đại đức, như vậy chính là kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn.

- Này Đại vương đó là kết quả thiết thực hiện tại thứ nhất của hạnh Sa-môn mà Ta đã trình bày.

  1. Bạch Đại đức, có thể cho biết một kết quả thiết thực hiện tại khác hơn nữa của hạnh Sa-môn?

- Này Đại vương, có thể được. Này Đại vương. Ta sẽ hỏi Đại vương về vấn đề này. Đại vương hãy trả lời tùy theo ý muốn của Đại vương. Đại vương nghĩ sao? Nếu Đại vương có một người nông phu, Gia chủ, nạp thuế má, làm giàu công khố. Người ấy nghĩ: "Thật hy hữu thay! Thật kỳ diệu thay quả vị thác sanh của các công đức, quả dị thục của các công đức. Vị vua Ajàtasattu, con của bà Videhi, nước Magadha, là người, tôi cũng là người. Vị vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, sống tận hưởng đầy đủ năm món dục lạc, tôi nghĩ không khác gì vị thiên thần. Còn tôi là người nông phu, Gia chủ, nạp thuế má, làm giàu công khố. Vậy ta hãy làm các công đức như vua kia. Ta hãy cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu đạo". Và người nông phu ấy, một thời khác, cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý nghĩ, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỷ sống an tịnh. Nếu những người của Đại vương đến tâu với Đại vương: "Đại vương có biết chăng? Có người nông phu của Đại vương, người Gia chủ, nạp thuế má, làm giàu công khố. Tâu Đại vương, người ấy đã cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý nghĩ, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỷ sống an tịnh". Này Đại vương, Đại vương có nói: "Người hãy đến lại với ta, hãy làm lại người nông phu, Gia chủ, nạp thuế má, làm giàu công khố"?

  1. Bạch Đại đức, không như vậy. Trái lại chúng con kính nể người ấy, đứng dậy trước người ấy, mời người ấy ngồi xuống ghế, cúng dường người ấy các dụng cụ như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc men trị bịnh. Và chúng con sẽ ra lệnh để bảo vệ, che chở người ấy đúng theo luật pháp.

- Này Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào? Nếu quả như vậy thời đó có phải là kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn chăng?

- Bạch Đại đức, như vậy chính là kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn.

- Này Đại vương, đó là kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, mà Ta trình bày.

  1. Bạch Đại đức, có thể cho biết một kết quả thiết thực hiện tại khác nữa của hạnh Sa-môn, vi diệu hơn, thù thắng hơn những kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn vừa kể trên?

- Này Đại vương có thể được. Này Đại vương, hãy lóng tai nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

- Vâng, Đại đức. Vua Ajàtasattu con bà Videhi vua xứ Magadha trả lời Thế Tôn. Thế Tôn nói:

  1. Này Đại vương, nay ở đời, Như Lai xuất hiện là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Như Lai sau khi riêng tự chứng ngộ với thượng trí, thế giới này với thiên giới, ma giới, Phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên Nhơn, lại tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện đầy đủ văn nghĩa, Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.
  2. Người gia trưởng, hay con vị gia trưởng, hay một người sanh ở giai cấp (hạ tiện) nào nghe pháp ấy. Sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tín ngưỡng ấy, vị này suy nghĩ: "Đời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống theo Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình". Một thời gian sau, người ấy bỏ tài sản nhỏ hay tài sản lớn, bỏ bà con quyến thuộc nhỏ hay bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, và xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
  3. Khi đã xuất gia như vậy, vị ấy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập trong giới học, thân nghiệp, ngữ nghiệp thanh tịnh. Sanh hoạt trong sạch giới hạnh cụ túc, thủ hộ các căn, chánh niệm tỉnh giác, và biết tri túc.
  4. Đại vương! Thế nào là Tỷ-kheo giới hạnh cụ túc? Ở đây, này Đại vương, Tỷ-kheo từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến tất cả hạnh phúc của chúng sanh và loài hữu tình. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Vị ấy từ bỏ lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp, như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

  1. Tỷ-kheo từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ trên sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt, không phản lại đối với đời. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Vị ấy từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy Tỷ-kheo ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thoải mái trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Vị ấy từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác. Vị ấy nói những lời nói không lỗi lầm, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Vị ấy từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Chánh pháp, nói những lời về luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, thuận lý, có mạch lạc hệ thống, có ích lợi. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

  1. Vị ấy từ bỏ làm hại đến các hạt giống và các loại cây cỏ, dùng một ngày một bữa, không ăn ban đêm. Từ bỏ ăn phi thời. Từ bỏ đi xem múa, hát nhạc, diễn kịch. Từ bỏ trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Từ bỏ dùng giường cao và giường lớn. Từ bỏ nhận vàng và bạc. Từ bỏ nhận các hạt sống. Từ bỏ nhận thịt sống. Từ bỏ nhận đàn bà con gái. Từ bỏ nhận nô tỳ gái và trai. Từ bỏ nhận cừu và dê. Từ bỏ nhận gia cầm và heo. Từ bỏ nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái. Từ bỏ nhận ruộng nương, đất đai. Từ bỏ nhận người môi giới hoặc tự mình làm môi giới. Từ bỏ buôn bán. Từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường. Từ bỏ các tà hạnh như hối lộ, gian trá, lừa đảo. Từ bỏ làm thương tổn, sát hại câu thúc, bứt đoạt, trộm cắp, cướp phá. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
  2. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống làm hại các hạt giống và cây cối như hạt giống từ rễ sanh, hạt giống từ nhánh cây sanh, hạt giống từ đốt cây sanh, hạt giống từ chiết cây sanh, và thứ năm là hạt giống từ hạt giống sanh. Còn vị ấy thì không làm hại hạt giống hay cây cỏ nào. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
  3. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống cất chứa và thọ hưởng các đồ vật như cất chứa các món ăn, cất chứa các đồ uống, cất chứa vải, cất chứa xe cộ, cất chứa các đồ nằm, cất chứa các hương liệu, cất chứa các mỹ vị. Còn vị ấy thì từ bỏ cất chứa các vật trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
  4. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống theo các du hí không chơn chánh như múa, hát, nhạc kịch, ngâm vịnh, nhịp tay, tụng chú, đánh trống, diễn các tuồng thần tiên, mãi võ, đấu voi, đấu ngựa, đấu trâu, đấu bò đực, đấu dê, đấu cừu, đấu gà, đấu chim cun cút, đấu gậy, đấu quyền, đấu vật, đánh giặc giả, dàn trận, thao dượt, diễn binh. Còn vị ấy thì từ bỏ các du hí không chơn chánh như trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
  5. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống đánh bài và theo các trò giải trí. Như cờ tám hình vuông, cờ mười hình vuông, cờ trên không, trò chơi trên đất, chỉ bước vào những ô có quyền bước, trò chơi quăng thẻ rồi chụp nhưng không cho sụp đống thẻ, chơi súc sắc, chơi khăng, lấy tay làm viết, chơi banh, chơi thổi kèn bằng lá, cày với chiếc cày giả, nhảy lộn nhào, chơi chong chóng, chơi với đồ chơi bằng lá, chơi xe con, chơi cung nhỏ, chơi đoán chữ viết thiết trên không hay trên lưng, chơi đoán tư tưởng, chơi bắt chước bộ điệu. Còn vị ấy thì từ bỏ đánh bài cà các loại giải trí như trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
  6. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, cũng vẫn sống dùng các giường cao và giường lớn như ghế bành, ghế trường kỷ, nệm trải giường bằng len, vải trải giường nhiều tấm nhiều màu, chăn len trắng, chăn len thêu bông, nệm bông, nệm thêu hình các con thú, mền bằng lông thú cả hai phía mền bằng lông thú một phía, mền có đính ngọc, mền bằng lụa, tấm khảm lớn có thể chứa mười sáu người múa, mền voi, mền ngựa, mền xe, mền bằng da sơn dương khâu lại với nhau, mền bằng da con sơn dương khâu lại gọi là Kadali, tấm thảm với lều che phía trên, ghế dài có gối đầu, gối chân màu đỏ. Còn vị ấy thì từ bỏ không dùng các giường cao và giường lớn như trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
  7. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, cũng vẫn sống dùng các đồ trang sức và mỹ phẩm như thoa dầu, đấm bóp, tắm, đập tay chân cho mềm dẻo, gương kem đánh mặt, vòng hoa và phấn son, phấn mặt và sáp mặt, vòng tay tóc giả trên đầu, gậy cầm tay, ống thuốc, gươm, lọng, dép thêu, khăn đầu, ngọc, phất trần, vải trắng có viền tua dài. Còn vị ấy thì không dùng các loại trang sức và mỹ phẩm như trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
  8. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, cũng vẫn sống nói những câu chuyện vô ích tầm thường như câu chuyện nói về vua chúa, câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần, câu chuyện về binh lính, câu chuyện về hãi hùng, câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về đồ ăn, câu chuyện về đồ uống, câu chuyện về vải mặc, câu chuyện về giường nằm, câu chuyện về vòng hoa, câu chuyện về hương liệu, câu chuyện về bà con, câu chuyện về xe cộ, câu chuyện về làng xóm, câu chuyện về thị tứ, câu chuyện về thành phố, câu chuyện về quốc độ, câu chuyện về đàn bà, câu chuyện về đàn ông, câu chuyện về vị anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về người đã chết, các câu chuyện tạp thoại, các câu chuyện biến trạng của thế giới, câu chuyện về biến trạng của Đại vương, câu chuyện về sự hiện hữu và sự không hiện hữu. Còn vị ấy thì từ bỏ nói những chuyện vô ích, tầm thường kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
  9. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống bàn luận tranh chấp như nói: "Người không biết pháp và luật này, tôi biết pháp và luật này. Sao người có thể biết pháp và luật này? Người đã phạm vào tà kiến, tôi nói mới thật đúng chánh kiến. Lời tôi nói mới tương ứng, lời nói của người không tương ứng. Những điều đáng nói trước, người lại nói sau. Những điều đáng nói sau người lại nói trước. Chủ kiến của người đã bị bài bác, câu nói của người đã bị thách đấu. Người đã bị thuyết bại. Hãy đến mà giải vây lời nói ấy. Nếu có thể được, gắng thoát ra khỏi lối bí". Còn vị ấy thì từ bỏ những cuộc biện luận, tranh chấp kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
  10. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống cho đưa các tin tức, hoặc tự đứng làm môi giới như cho các vua, các đại thần của vua, cho các vị Sát-đế-lỵ, cho các vị Bà-la-môn, cho các Gia chủ, cho các thanh niên và nói rằng: "Hãy đi đến chỗ ấy, hãy đi lại chỗ kia, mang cái này lại, đem cái này đến chỗ kia". Còn vị ấy thì từ bỏ đưa các tin tức và đứng làm môi giới. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
  11. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống lừa đảo, nói lời siễm nịnh, gợi ý, dèm pha, cầu lợi. Còn vị ấy thì từ bỏ nói lời lừa đảo và siểm nịnh như trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
  12. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà hạnh như xem tướng tay chân, chiêm tướng, triệu tướng, mộng tướng, thân tướng, dấu chuột cắn, tế lửa, tế muỗng, dùng miệng phun hạt cải v. v... vào lửa, tế vỏ lúa, tế tấm, tế gạo, tế thục tô, tế máu, khoa xem chi tiết, khoa xem địa lý, khoa xem mộng, khoa cầu thần ban phước, khoa cầu quỷ ma, khoa dùng bùa chú khi ở trong nhà bằng đất, khoa rắn, khoa thuốc độc, khoa bò cạp, khoa chim, khoa chim quạ, khoa đoán số mạng, khoa ngừa tên bắn, khoa biết tiếng nói của chim. Còn vị ấy thì tránh xa những tà hạnh kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
  13. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng như xem tướng các hòn ngọc, tướng que gậy, tướng áo quần, tướng gươm kiếm, tướng mũi tên, tướng cây cung, tướng võ khí, tướng đàn bà, tướng đàn ông, tướng thiếu niên, tướng thiếu nữ, tướng đầy tớ nam, tướng đầy tớ nữ, tướng voi, tướng ngựa, tướng trâu, tướng bò đực, tướng bò cái, tướng dê, tướng cừu, tướng gia cầm, tướng chim cun cút, tướng con cắc kè, tướng vật tai dài, tướng ma, tướng thú vật. Còn vị ấy thì tránh xa những tà mạng kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
  14. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng, như đoán trước: "Vua sẽ tiến quân, vua sẽ lùi quân, vua bản xứ sẽ tấn công, vua ngoại bang sẽ triệt thối, vua bản xứ sẽ thắng trận, vua ngoại bang sẽ thắng trận, vua bản xứ sẽ bại trận. Như vậy sẽ có sự thắng trận cho phe bên này, sẽ có sự bại trận cho phe bên kia". Còn vị ấy thì từ bỏ những tà mạng kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
  15. Trong khi có một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn nuôi sống bằng những tà mạng, như đoán trước: "Sẽ có nguyệt thực, sẽ có nhật thực, sẽ có tinh thực, mặt trăng, mặt trời sẽ đi đúng chánh đạo, mặt trăng mặt trời sẽ đi ngoài chánh đạo, sẽ có sao băng, các tinh tú sẽ đi đúng chánh đạo, các tinh tú sẽ đi ngoài chánh đạo, sẽ có sao bằng, sẽ có lửa cháy các phương hướng, sẽ có động, sẽ có sấm trời, mặt trăng mặt trời các sao sẽ mọc, sẽ lặn, sẽ mờ, sẽ sáng, nguyệt thực sẽ có kết quả như thế này, nhật thực sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời đi đúng chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời đi ngoài chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, các tinh tú đi đúng chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, các tinh tú đi ngoài chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, sao băng sẽ có kết quả như thế này, lửa cháy các phương sẽ có kết quả như thế này, động đất sẽ có kết quả như thế này, sấm trời sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời các sao mọc lặn sáng mờ sẽ có kết quả như thế này". Còn vị ấy thì tránh xa không tự nuôi sống bằng tà mạng kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
  16. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng tà mạng, như đoán trước: "Sẽ có nhiều mưa, sẽ có đại hạn, sẽ được mùa, sẽ mất mùa, sẽ được an ổn, sẽ bị hiểm họa, sẽ có bệnh, sẽ không có bệnh, hay làm các nghề như đếm trên ngón tay, kế toán, cộng số lớn, làm thư, làm theo thế tình". Còn vị ấy thì tránh xa các tà mạng kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
  17. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng, như sắp đặt ngày lành để rước dâu hay rễ về nhà, sắp đặt ngày lành để đưa dâu hay rễ, lựa ngày giờ tốt để hòa giải, lựa ngày giờ tốt để chia rẽ, lựa ngày giờ tốt để đòi nợ, lựa ngày giờ tốt để cho mượn hay tiêu tiền, dùng bùa chú để giúp người được may mắn, dùng bùa chú để khiến người bị rủi ro, dùng bùa chú để phá thai, dùng bùa chú làm cóng lưỡi, dùng bùa chú khiến quai hàm không cử động, dùng bùa chú khiến người phải bỏ tay xuống, dùng bùa chú khiến tai bị điếc, hỏi gương soi, hỏi phù đồng thiếu nữ, hỏi thiên thần để biết họa phước, thờ mặt trời, thờ đại địa, phun ra lửa, cầu Siri thần tài. Còn vị ấy thì tránh xa các tà mạng kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
  18. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng, như dùng các ảo thuật để được yên ổn, để khỏi làm các điều đã hứa, để được che chở khi ở trong nhà bằng đất, để dương được thịnh, để làm người liệt dương, để tìm đất tốt làm nhà, để cầu phước cho nhà mới, lễ rửa miệng, lễ tắm, lễ hy sinh, làm cho mửa, làm cho xổ, bài tiết các nhơ bẩn về phía trên, bài tiết các nhơ bẩn về phía dưới, tẩy tịnh trong đầu, thoa dầu trong tai, nhỏ thuốc mắt, cho thuốc qua lỗ mũi, xức thuốc mắt, thoa dầu cho mắt, chữa bệnh cho mắt, làm Thầy thuốc, mổ xẻ chữa bệnh cho con nít, cho thuốc uống bằng các loại rễ cây, ngăn ngừa công hiệu của thuốc. Còn vị ấy thì tránh xa các tà mạng kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
  19. Và như vậy, Đại vương, vị Tỷ-kheo ấy, nhờ đầy đủ giới luật nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về phương diện hộ trì giới luật. Đại vương, như một vị Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, đã hàng phục kẻ thù địch, không còn thấy sợ hãi từ chỗ nào nữa về phương diện thù địch. Cũng vậy, này Đại vương, Tỷ-kheo ấy nhờ đầy đủ giới luật, nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về phương diện hộ trì giới luật. Vị ấy nhờ đầy đủ giới luật cao quý này, nên hưởng lạc thọ, nội tâm không vẩn đục. Như vậy, này Đại vương, Tỷ-kheo đầy đủ giới luật.
  20. Đại vương, thế nào là Tỷ-kheo hộ trì các căn? Này Đại vương, khi mắc thấy sắc, Tỷ-kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, khiến nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy, nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ nội tâm, không vẩn đục. Như vậy, này Đại vương, Tỷ-kheo hộ trì các căn.
  21. Đại vương, thế nào là Tỷ-kheo chánh niệm tỉnh giác? Đại vương, ở đây, Tỷ-kheo khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn, uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác. Như vậy, này Đại vương, Tỷ-kheo chánh niệm tỉnh giác.
  22. Đại vương, thế nào là Tỷ-kheo biết đủ? Ở đây Tỷ-kheo bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo (y và bình bát). Đại vương, cũng như con chim bay đến chỗ nào cũng mang theo hai cánh; cũng vậy, Đại vương, vị Tỷ-kheo bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo. Như vậy, này Đại vương, là Tỷ-kheo biết đủ.
  23. Vị ấy, với giới uẩn cao quý này, với sự hộ trì các căn cao quý này, với chánh niệm tỉnh giác cao quý này, với hạnh biết đủ cao quý này, lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt.
  24. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm, thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm và thụy miên; với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm, thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối tiếc, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.
  25. Này Đại vương, như một người mắc nợ, liền làm các nghề nghiệp. Những nghề này được phát đạt, người ấy không những trả được nợ cũ, còn có tiền dư để nuôi dưỡng vợ. Người ấy nghĩ: "Ta trước kia mắc nợ nên làm các nghề nghiệp. Những nghề này được phát đạt, ta không những trả được nợ cũ, còn có tiền dư để nuôi dưỡng vợ". Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ.
  26. Này Đại vương, như một người bị bệnh, đau đớn, trầm trọng, ăn uống không tiêu, thể lực suy yếu. Sau một thời gian người ấy khỏi bệnh, ăn uống tiêu thông, thể lực khôi phục. Người ấy nghĩ: "Ta trước kia bị bệnh, đau đớn trầm trọng, ăn uống không tiêu, thể lực suy yếu. Nay ta khỏi bệnh, ăn uống tiêu thông, thể thực khôi phục". Người ấy nhờ vậy được sung sướng hoan hỷ.
  27. Này Đại vương, như một người bị nhốt trong ngục. Người ấy sau một thời gian, được khỏi tù tội, an lạc kiện toàn, tài sản không bị giảm tổn. Người ấy nghĩ: "Ta trước kia bị nhốt trong ngục, nay ta được khỏi tù tội, an lạc kiện toàn, tài sản không bị giảm tổn". Người ấy nhờ vậy được sung sướng hoan hỷ.
  28. Này Đại vương, như một người nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được tự do đi lại. Người ấy, sau một thời gian, thoát khỏi cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, một người được giải thoát, được tự do đi lại. Người ấy nghĩ: "Ta trước kia bị cảnh nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được tự do đi lại. Nay ta thoát cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, một người được giải thoát, được tự do đi lại". Người ấy nhờ vậy được sung sướng hoan hỷ.
  29. Này Đại vương, như một người giàu có, nhiều tài sản, đang đi qua bãi sa mạc, thiếu lương thực, đầy những nguy hiểm. Người ấy, sau một thời gian đã đi khỏi sa mạc, đến đầu làng vô sự, yên ổn, không có nguy hiểm. Người ấy nghĩ: "Ta trước kia giàu có, nhiều tài sản, đi qua bãi sa mạc thiếu lương thực, đầy những nguy hiểm. Nay ta đã đi qua khỏi bãi sa mạc ấy, đến đầu làng vô sự, yên ổn, không có nguy hiểm". Người ấy nhờ vậy được sung sướng hoan hỷ.
  30. Như vậy, này Đại vương, Tỷ-kheo tự mình quán năm triền cái chưa xả ly, như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường qua sa mạc. Này Đại vương, cũng như không mắc nợ, như không bệnh tật, như được khỏi tù tội, như được tự do, như đất lành yên ổn, này Đại vương, Tỷ-kheo quán năm triền cái khi diệt trừ chúng.
  31. Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái ấy, hân hoan sanh; do hân hoan nên hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ sanh; do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Tỷ-kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
  32. Này Đại vương, như một người hầu tắm lão luyện hay đệ tử người hầu tắm. Sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này Đại vương, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân hình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.

Này Đại vương, đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn trước.

  1. Lại nữa, này Đại vương, Tỷ-kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm Tỷ-kheo ấy thấm nhuần, tẩm ướt làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.
  2. Này Đại vương, ví như một hồ nước, nước tự trong dâng lên, phương Đông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời lại mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. Cũng vậy, này Đại vương, Tỷ-kheo thấm nhuần tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân, không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.

Này Đại vương, đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn trước.

  1. Lại nữa, này Đại vương, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là "Xả niệm lạc trú", chứng và an trú thiền thứ ba. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân, không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.
  2. Này Đại vương, ví như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng. Những bông sen ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần tẩm ướt, đầy tràn thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, này Đại vương Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.

Này Đại vương, đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn trước.

  1. Lại nữa, này Đại vương, Tỷ-kheo, xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Tỷ-kheo ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.
  2. Này Đại vương, ví như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu. Cũng vậy, này Đại vương, Tỷ-kheo thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh, trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.

Này Đại vương, đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, còn vi diệu, thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn trước.

  1. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến chánh trí, chánh kiến. Vị ấy biết: Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc.
  2. Này Đại vương, ví như một hòn lưu ly bảo châu, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài, sáng chói, không uế trược, đầy đủ tất cả mỹ tướng. Và một sợi giây được xâu qua hòn ngọc ấy, sợi giây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng nhạt. Một người có mắt cầm hòn ngọc ấy trên tay sẽ thấy: Hòn lưu ly bảo châu này, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài, sáng chói, không uế trược, đầy đủ tất cả mỹ tướng. Và sợi giây này được xâu qua hòn ngọc ấy, sợi giây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng nhạt. Cũng vậy, này Đại vương, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy. Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến chánh trí, chánh kiến. Vị ấy biết: Thần này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt. Trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc.

Này Đại vương, đó là quả thiết thực, hiện tại của hạnh Sa-môn, còn vi diệu và thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn trước.

  1. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo chú tâm, hướng tâm đến sự hóa hiện một thân do ý làm ra. Vị ấy tạo một thân khác từ nơi thân này, cũng là sắc pháp, do ý làm ra, đầy đủ các chi tiết lớn nhỏ, không thiếu một căn nào.
  2. Này Đại vương, ví như một người rút một cây lau ra ngoài vỏ. Người ấy nghĩ: Đây là vỏ, đây là cây lau; vỏ khác, cây lau khác và cây lau từ vỏ rút ra. Này Đại vương, ví như một người rút thanh kiếm từ bao kiếm; thanh kiếm khác, bao kiếm khác, và thanh kiếm từ nơi bao kiếm rút ra. Này Đại vương, ví như một người lột xác một con rắn. Người ấy nghĩ: Đây là con rắn, đây là xác rắn, con rắn khác, xác rắn khác, và con rắn từ nơi xác rắn được lột ra. Cũng vậy, này Đại vương, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến sự hiện hóa một thân do ý làm ra. Vị ấy tạo một thân khác từ nơi thân này, cũng là sắc pháp, do ý tạo thành, đầy đủ các chi tiết lớn nhỏ, không thiếu một căn nào.

Này Đại vương, đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn trước.

  1. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến các thần thông. Vị ấy chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm như trên đất liền; ngồi kiết già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.
  2. Này Đại vương, ví như một người thợ gốm khéo tay, hay đệ tử người thợ gốm, với đất sét khéo nhồi nhuyễn, có thể làm các loại đồ gốm tùy theo sở thích. Này Đại vương, ví như một người thợ ngà khéo tay, hay đệ tử người thợ ngà, với ngà khéo đẽo dũa có thể làm các loại đồ ngà tùy theo sở thích. Này Đại vương, ví như người thợ vàng khéo tay hay đệ tử người thợ vàng, với vàng khéo tinh nhuyễn có thể làm cho các loại đồ vàng tùy theo sở thích. Cũng vậy này Đại vương, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm hướng tâm đến các thần thông. Vị ấy chứng được các thần thông một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi, như đi ngang qua hư không; độn thổ trồi lên, ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết già đi trên hư không như con chim; với bàn tay chạm và rờ mặt trời và mặt trăng, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.

Này Đại vương đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn trước.

  1. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến thiên nhĩ thông. Tỷ-kheo với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân có thể nghe hai loại tiếng, chư Thiên và Người, xa và gần.
  2. Này Đại vương, ví như một người đang đi qua đường, nghe tiếng trống lớn, tiếng trống nhỏ, tiếng loa, tiếng xập xõa và tiếng kiểng. Người ấy nghĩ: "Đây là tiếng trống lớn, đây là tiếng trống nhỏ, đây là tiếng loa, tiếng xập xõa, tiếng kiểng". Cũng vậy, này Đại vương, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến thiên nhĩ thông. Tỷ-kheo với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng, chư Thiên và Người, xa và gần.

Này Đại vương, đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn trước.

  1. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến tha tâm thông. Tỷ-kheo sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài người với tâm của mình, vị ấy biết được như sau:

Tâm có tham, biết là tâm có tham. Tâm không có tham, biết là tâm không có tham.

Tâm có sân, biết là tâm có sân. Tâm không có sân, biết là tâm không có sân.

Tâm có si, biết là tâm có si. Tâm không có si, biết là tâm không có si.

Tâm chuyên chú, biết là tâm chuyên chú. Tâm tán loạn, biết là tâm tán loạn.

Đại hành tâm, biết là đại hành tâm. Không phải đại hành tâm, biết không phải là đại hành tâm.

Tâm chưa vô thượng, biết là tâm chưa vô thượng. Tâm vô thượng, biết là tâm vô thượng.

Tâm thiền định, biết là tâm thiền định. Tâm không thiền định, biết là tâm không thiền định.

Tâm giải thoát, biết là tâm giải thoát. Tâm không giải thoát, biết là tâm không giải thoát.

  1. Này Đại vương, ví như một người đàn bà, một người đàn ông, một thiếu niên trẻ hay một thanh niên ưa trang sức, nhìn mặt của mình trong tấm gương trong sạch, sáng suốt hay một chậu nước trong. Nếu mặt có tỳ vết, liền biết mặt có tỳ vết; nếu mặt không có tỳ vết, liền biết mặt không có tỳ vết. Cũng vậy, này Đại vương, với tâm định tĩnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến tha tâm thông. Tỷ-kheo sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của mọi người với tâm của mình, vị ấy biết được như sau:

Tâm có tham, biết tâm có tham. Tâm không có tham, biết tâm không có tham.

Tâm có sân biết tâm có sân. Tâm không có sân, biết tâm không có sân.

Tâm có si, biết tâm có si. Tâm không có si, biết tâm không có si.

Tâm chuyên chú, biết là tâm chuyên chú. Tâm tán loạn, biết là tâm tán loạn.

Đại hành tâm, biết là đại hành tâm; không phải là đại hành tâm, biết không phải là đại hành tâm.

Tâm chưa vô thượng, biết là tâm chưa vô thượng. Tâm vô thượng, biết là tâm vô thượng.

Tâm thiền định, biết là tâm thiền định. Tâm không thiền định, biết là tâm không thiền định.

Tâm giải thoát, biết là tâm giải thoát. Tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát.

  1. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây". Như vậy Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.
  2. Này Đại vương, ví như một người đi từ làng mình đến làng khác, từ làng ấy đi đến một làng khác nữa, và từ làng này lại trở về làng của mình. Người ấy nghĩ: "Ta từ làng của mình đi đến làng kia, nơi đây ta đã đứng như thế này, đã ngồi như thế này, đã nói như thế này, đã yên lặng như thế này. Từ nơi làng nọ, ta đã trở về làng của ta". Như vậy, này Đại vương, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp và thành kiếp. Vị ấy nhớ: "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra chỗ nọ, tại đây, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây". Như vậy, Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

- Này Đại vương, đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, còn vi diệu, thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn trước.

  1. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến trí huệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng: "Này các Hiền giả, những Tôn giả này làm những điều ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Hiền giả, còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng.
  2. - Này Đại vương, ví như một tòa lầu có thượng đài, giữa ngã tư đường, một người có mắt đứng trên ấy, sẽ thấy những người đi vào nhà, đi từ nhà ra, đi qua lại trên đường, ngồi ở giữa ngã tư hay trên đài thượng. Người ấy nghĩ: "Những người này đi vào nhà, những người này đi từ nhà ra, những người này đi qua lại trên đường, những người này ngồi giữa ngã tư, trên đài thượng". Cũng vậy, này Đại vương với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh.

Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng: Này các Hiền giả, những chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến, những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Hiền giả, còn những chúng sanh nào làm các thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh, vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng. Này Đại vương, đó là quả thiết thực, hiện tại của hạnh Sa-môn, còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn trước.

97.”Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết như thật "đây là khổ", biết như thật "đây là nguyên nhân của khổ", biết như thật "đây là khổ diệt", biết như thật "đây là con đường đưa đến khổ diệt", biết như thật "đây là những lậu hoặc", biết như thật "đây là nguyên nhân của lậu hoặc", biết như thật "đây là sự diệt trừ các lậu hoặc", biết như thật "đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc". Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: Ta đã giải thoát. Vị ấy biết: Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa.

  1. - Này Đại vương, ví như tại dãy núi lớn có một hồ nước, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm. Một người có mắt, đứng trên bờ sẽ thấy con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá bơi qua lại hay đứng một chỗ. Vị ấy nghĩ: "Đây là hồ nước thuận tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm. Đây là những con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá đang bơi qua lại hay đứng yên một chỗ". Cũng vậy, này Đại vương, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy. Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết như thật: "Đây là khổ", biết như thật "đây là nguyên nhân của khổ", biết như thật "đây là khổ diệt", biết như thật "đây là con đường đưa đến khổ diệt", biết như thật "đây là những lậu hoặc", biết như thật "đây là nguyên nhân của lậu hoặc", biết như thật "đây là sự diệt trừ các lậu hoặc", biết như thật "đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc". Nhờ hiểu biết như vậy, nhờ nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát, vị ấy biết: Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa.

Này Đại vương, đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn trước. Này Đại vương, không có một quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn nào vi diệu và thù thắng hơn quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn này.

  1. Được nghe nói vậy, Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nướcMagadhabạch Thế Tôn: "Thật là vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Và nay con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chúng, con trọn đời quy ngưỡng. Bạch Thế Tôn, con đã phạm một trọng tội. Vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện, con đã hại mạng phụ vương con, một vị vua chơn chánh, để đạt vương quyền. Mong Thế Tôn nhận cho con tội ấy là một tội để con ngăn chận về tương lai".
  2. Đại vương, thật là một trọng tội. Vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện, Đại vương đã hại mạng phụ vương, một vị vua chơn chánh, để đoạt vương quyền. Vì Đại vương đã thấy tội ấy là một tội, đã thú tội đúng với Chánh pháp, Ta nhận tội ấy cho Đại vương. Đó là một sự tiến bộ, này Đại vương, trong luật pháp của bậc Thánh, những ai thấy tội là tội, thú tội đúng với Chánh pháp, và ngăn chận ở tương lai.
  3. Được nghe nói vậy, Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nướcMagadhabạch Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, nay chúng con phải cáo từ, chúng con có nhiều bổn phận, nhiều việc phải làm".

Đại vương hãy làm những gì Đại vương nghĩ ra là phải thời.

Lúc bấy giờ, Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha hoan hỷ tán thán lời dạy của Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Thế Tôn và từ biệt.

  1. Lúc bấy giờ, khi Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nướcMagadhađi chưa bao lâu, Thế Tôn liền bảo các Tỷ-kheo:

- Này các Tỷ-kheo, tâm vua ấy rất ăn năn, này các Tỷ-kheo, tâm vua ấy rất hối lỗi. Nếu vua ấy không hại mạng vua cha, một vị vua rất chân chánh, thì tại ngay chỗ ngồi này, vua ấy đã chứng được pháp nhãn, không trần cấu, không ô uế.

Thế Tôn thuyết pháp như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

 

----------------------------------------------------------------

1. Kinh Phạm võng (Brahmajàla Sutta)

ĐẢNH LỄ ĐỨC THẾ TÔN, ỨNG CÚNG, CHÁNH BIẾN TRI.

KINH TRƯỜNG BỘ

  1. KINH PHẠM VÕNG

(Brahmajàla Sutta)

  1. Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn đang đi trên conđường giữa Ràjagaha (Vương xá) và Nalandà cùng với đạichúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị. Lúc bấy giờ có Suppiya du sĩ ngoại đạo cũng đi trên con đường giữa Ràjagaha và Nalandà cùng với đệ tử, thanh niên Brahmadatta. Suppiya, du sĩ ngoại đạo dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, huy báng Pháp, hủy báng Tăng, còn đệ tử của du sĩ ngoại đạo Suppiya, thanh niên Brahmadatta, lại dùng vô số phương tiện tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán Tăng. Như vậy cả hai Thầy trò nói những lời hoàn toàn tương phản nhau trong khi đi sau lưng đức Phật và chúng Tỷ-kheo.
  2. Rồi Thế Tôn đến nghỉ một đêm tại Ambalatthikà, nhà nghỉ mát của vua, cùng với chúng Tỷ-kheo. Suppiya, du sĩ ngoại đạo cũng đến nghỉ một đêm tại Ambalatthikà, nhà nghỉ mát của vua, cùng với đệ tử, thanh niên Brahmadatta. Tại đây, du sĩ ngoại đạo Suppiya cũng dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng, còn người đệ tử của du sĩ ngoại đạo Suppiya, thanh niên Brahmadatta, lại dùng vô số phương tiện tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán Tăng. Như vậy cả hai Thầy trò nói những lời tương phản nhau trong khi đi sau lưng Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo.
  3. Và khi đêm vừa mới tàn, một số lớn chư Tăng, sau khi thức dậy, đã ngồi họp tại một gian nhà hình tròn và câu chuyện sau đây được bàn đến giữa chư Tăng.

- Này các Hiền giả, thật kỳ diệu thay! Này các Hiền giả, thật hy hữu thay! Thế Tôn, đấng Toàn Tri, Toàn Kiến, đấng A-la-hán, bậc Chánh Đẳng Giác, đã thấu hiểu sự xu hướng sai khác của chúng sanh. Suppiya, kẻ du sĩ ngoại đạo này dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng. Còn đệ tử du sĩ ngoại đạo Suppiya, thanh niên Brahmadatta lại dùng vô số phương tiện, tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán Tăng. Như vậy cả hai Thầy trò đã nói những lời hoàn toàn tương phản trong khi đi sau lưng Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo.

  1. Lúc bấy giờ Thế Tôn được biết câu chuyện đang bàn giữa chư Tăng, liền đến tại gian nhà hình tròn và ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi xuống, Thế Tôn nói với các vị Tỷ-Kheo:

- Này các Tỷ-kheo, câu chuyện gì được bàn đến trong khi các ngươi ngồi họp tại chỗ này? Vấn đề gì đã được bỏ dở chưa nói xong?

Nghe nói như vậy, các Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn! Tại đây, khi đêm vừa mới tàn, chúng con sau khi dậy, ngồi họp tại nơi gian nhà hình tròn và giữa chúng con, câu chuyện sau đây được bàn đến: "Này các Hiền giả, thật kỳ diệu thay!... (xem số 3)... Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo". Bạch Thế Tôn, đó là câu chuyện đang bàn đến nửa chừng của chúng con khi Thế Tôn đến!

  1. - Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các người chớ có vì vậy sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn. Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn, thời như vậy sẽ có hại cho các ngươi. Nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi công phẫn và phiền muộn, thời các ngươi có thể biết được lời nói của những kẻ ấy là đúng hay sai lạc chăng?

- Bạch Thế Tôn, không thể được!

- Này các Tỷ-kheo, khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật: - "Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi".

  1. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp, hay tán thán Tăng, thời các ngươi không nên hoan hỷ, vui mừng, tâm không nên thích thú. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, mà nếu các người hoan hỷ, vui mừng và thích thú thời sẽ có hại cho các ngươi. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các ngươi hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật: "Như thế này, điểm này đúng sự thật, như thế này, điểm này chính xác, việc này có giữa chúng tôi, việc này đã xảy ra giữa chúng tôi".
  2. Này các Tỷ-kheo, thật chỉ thuộc các vấn đề không quan trọng, nhỏ nhặt, chỉ thuộc giới luật mà kẻ phàm phu tán thán Như Lai. Này các Tỷ-kheo, thế nào là những vấn đề không quan trọng, nhỏ nhặt, chỉ thuộc giới luật mà kẻ phàm phu tán thán Như Lai?
  3. Sa-môn Gotama từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu tình. - Này các Tỷ-kheo, đó là lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu.

Sa-môn Gotama từ bỏ lấy của không cho, tránh xa sự lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, sự sống thanh tịnh không có trộm cướp. - Này các Tỷ-kheo, đó là những lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu.

Sa-môn Gotama từ bỏ tà hạnh, tịnh tu Phạm hạnh, sống giải thoát, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Này các Tỷ-kheo, đó là những lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu.

  1. Sa-môn Gotama từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ nơi sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lừa gạt, không phản lại lời hứa đối với đời. Này các Tỷ-kheo, đó là những lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu.

Sa-môn Gotama từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi; nghe điều gì ở chỗ này, không đi nói đến chỗ kia để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy Sa-môn Gotama sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ đã hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Này các Tỷ-kheo, đó là những lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu.

Này các Tỷ-kheo, Sa-môn Gotama từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, những lời nói không lỗi lầm, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người, Sa-môn Gotama nói những lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, đó là những lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu.

Này các Tỷ-kheo, Sa-môn Gotama từ bỏ lời nói ỷ ngữ, tránh xa lời nói ỷ ngữ, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Chánh pháp, nói những lời về Luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, thuận lý, có mạch lạc hệ thống, có ích lợi. - Này các Tỷ-kheo, đó là những lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu.

  1. Sa-môn Gotama không làm hại đến các hạt giống và các loại cây cỏ; Sa-môn Gotama dùng mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ không ăn ban đêm, từ bỏ không ăn phi thời. Sa-môn Gotama từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc, diễn kịch. Sa-môn Gotama từ bỏ không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Sa-môn Gotama từ bỏ không dùng giường cao và giường lớn. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận vàng và bạc. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận các hạt giống. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận thịt sống. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận đàn bà, con gái. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận nô tỳ gái và trai. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận cừu và dê. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận gia cầm và heo. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận ruộng nương đất đai. Sa-môn Gotama từ bỏ không phái người môi giới hoặc tự mình làm môi giới. Sa-môn Gotama từ bỏ không buôn bán. Sa-môn Gotama từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường. Sa-môn Gotama từ bỏ các tà hạnh, như hối lộ, gian trá, lừa đảo. Sa-môn Gotama từ bỏ không làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá.

- Này các Tỷ-kheo, đó là những lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu.

Xong Tiểu giới.

  1. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống làm hại các hạt giống và cây cối. Như các hạt giống từ rễ sanh, hạt giống từ ngành cây sanh, hạt giống từ đất sanh, hạt giống từ chiết cây sanh và thứ năm là hạt giống từ hạt giống sanh. Còn Sa-môn Gotama thì không làm hại hột giống hay cây cối nào. - Này các Tỷ-kheo, như vầy người phàm phu tán thán Như Lai.
  2. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống cất chứa và thọ hưởng các đồ vật. Như cất chứa các món ăn, cất chứa các đồ uống, cất chứa vải, cất chứa xe cộ, cất chứa các đồ nằm, cất chứa các hương liệu, cất chứa các mỹ vị. Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ không cất chứa các vật trên. - Này các Tỷ-kheo, như vậy người phàm phu tán thán Như Lai.
  3. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống theo các du hí không chân chánh như múa, hát, nhạc, kịch, ngâm vịnh, nhịp tay, tụng chú, đánh trống, diễn các tuồng thần tiên, mãi võ, đấu voi, đấu ngựa, đấu trâu, đấu bò đực, đấu dê, đấu cừu, đấu gà, đấu chim cun cút, đấu gậy, đấu quyền, đấu vật, đánh giặc giả, dàn trận, thao dượt, diễn binh. Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ các loại du hí không chân chánh như trên. - Này các Tỷ-kheo, như vậy người phàm phu tán thán Như Lai.
  4. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống đánh bài và theo các trò giải trí như cờ tám hình vuông, cờ mười hình vuông, cờ trên không, trò chơi trên đất, chỉ bước vào những ô có quyền bước, trò chơi quăng thẻ rồi chụp nhưng không cho sụp đống thẻ, chơi súc sắc, chơi khăng, lấy tay làm viết, chơi banh, chơi thổi kèn bằng lá, chơi xe con, chơi cung nhỏ, chơi đoán chữ viết thiếu trên không hay trên lưng, chơi đoán tư tưởng, chơi bắt chước bộ điệu. Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ đánh bài và các loại giải trí như trên. - Này các Tỷ-kheo, như vậy người phàm phu tán thán Như Lai.
  5. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, cũng vẫn sống dùng các giường cao và giường lớn như ghế bành, ghế dài, nệm trải giường bằng len, vải trải giường nhiều tấm nhiều màu, chăn len trắng, chăn len thêu bông, nệm bông, nệm thêu hình các con thú, mền bằng lông thú cả hai phía, mền bằng lông thú một phía, mền có đính ngọc, mền bằng lụa, tấm thảm lớn có thể chứa mười sáu người múa, nệm voi, nệm ngựa, nệm xe, nệm bằng da sơn dương khâu lại với nhau, nệm bằng da con sơn dương gọi là kadali, tấm khảm với lầu che phía trên, ghế dài có đầu gối chân màu đỏ. Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ không dùng các giường cao và giường lớn như trên. - Này các Tỷ-kheo, như vậy người phàm phu tán thán Như Lai.
  6. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, cũng vẫn sống dùng các đồ trang sức và mỹ phẩm. Như thoa dầu, đấm bóp, tắm, đập tay chân cho mềm dẻo, gương, kem đánh mặt, vòng hoa và phấn son, phấn mặt, sáp mặt, vòng tay, tóc giả trên đầu, gậy cầm tay, ống thuốc, gươm, lọng, dép thêu, khăn đầu, ngọc, phất trần, vải trắng có viền tua dài. Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ không dùng các loại trang sức và mỹ phẩm như trên. Này các Tỷ-kheo, như vậy người phàm phu tán thán Như Lai.
  7. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống nói những câu chuyện vô ích, tầm thường như câu chuyện về vua chúa, câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần, câu chuyện về binh lính, các câu chuyện hãi hùng, câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về đồ ăn, câu chuyện về đồ uống, câu chuyện về vải mặc, câu chuyện về giường nằm, câu chuyện về vòng hoa, câu chuyện về hương liệu, câu chuyện về bà con, câu chuyện về xe cộ, câu chuyện về làng xóm, câu chuyện về thị tứ, câu chuyện về thành phố, câu chuyện về quốc độ, câu chuyện về đàn bà, câu chuyện về đàn ông, câu chuyện về vị anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về người đã chết, các câu chuyện tạp thoại, câu chuyện về hiện trạng của thế giới, hiện trạng của đại dương, câu chuyện về sự hiện hữu và sự không hiện hữu. Còn Sa-môn Gotama từ bỏ không nói những câu chuyện vô ích, tầm thường kể trên. - Này các Tỷ-kheo, như vậy người phàm phu tán thán Như Lai.
  8. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống bàn luận tranh chấp, như nói: "Ngươi không biết pháp và luật này, tôi biết pháp và luật này. Sao ngươi có thể biết pháp và luật này? Ngươi đã phạm vào tà kiến, tôi mới thật đúng chánh kiến; lời nói của tôi mới tương ưng, lời nói của ngươi không tương ưng; lời nói của ngươi không tương ưng, những điều đáng nói trước ngươi lại nói sau, những điều đáng nói sau ngươi lại nói trước, chủ kiến của ngươi đã bị bài bác; câu nói của ngươi đã bị thách đấu; ngươi đã bị thuyết bại. Hãy đến mà giải vây lời nói ấy; nếu có thể được, gắng thoát ra khỏi lối bí". Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ những cuộc biện luận tranh chấp đã kể trên. - Này các Tỷ-kheo, như vậy người phàm phu tán thán Như Lai.
  9. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống cho đưa các tin tức, hoặc tự đứng làm môi giới, như cho các vua, cho các đại thần của vua, cho các vị Sát-đế-lỵ, cho các vị Bà-la-môn, cho các Gia chủ, cho các thanh niên và nói rằng: "Hãy đi đến chỗ ấy, hãy đi lại chỗ kia; mang cái này lại, đem cái này đến chỗ kia". Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ không cho đưa các tin tức và tự đứng làm môi giới. Như vậy kẻ phàm phu tán thán Như Lai.
  10. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống lừa đảo, nói lời siểm nịnh, gợi ý, dèm pha, lấy lợi cầu lợi. Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ không lừa đảo và siểm nịnh như trên.

Này các Tỷ-kheo, như vậy kẻ phàm phu tán thán Như Lai.

Xong Trung giới.

  1. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà hạnh như xem tướng tay chân, chiêm tướng, triệu tướng, mộng tướng, thân tướng, dấu chuột cắn, tế lửa, tế muỗng, dùng miệng phun hột cải v. v... vào lửa, tế vỏ lúa, tế tấm, tế gạo, tế thục tô, tế dầu, tế máu, khoa xem chi tiết, khoa xem địa lý, khoa xem mộng, khoa cầu thần ban phước, khoa cầu ma quỷ, khoa dùng bùa chú khi ở trong nhà bằng đất, khoa rắn, khoa thuốc độc, khoa bồ cạp, khoa chim, khoa chim quạ, khoa đoán số mạng, khoa ngừa tên bắn, khoa biết tiếng nói của chim. Còn Sa-môn Gotama thì tránh xa những tà hạnh kể trên.

- Này các Tỷ-kheo, như vậy kẻ phàm phu tán thán Như Lai.

  1. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn nuôi sống mình bằng những tà mạng như xem tướng các hòn ngọc, tướng que gậy, tướng áo quần, tướng gươm kiếm, tướng mũi tên, tướng cây cung, tướng võ khí, tướng đàn bà, tướng đàn ông, tướng thiếu niên, tướng thiếu nữ, tướng đầy tớ nam, tường đầy tớ nữ, tướng voi, tướng ngựa, tướng trâu, tướng bò đực, tướng bò cái, tướng dê, tướng cừu, tướng gia cầm, tướng chim cun cút, tướng con cắc kè, tướng vật tai dài, tướng ma, tướng thú vật. Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ những tà mạng kể trên.

- Này các Tỷ-kheo, như vậy kẻ phàm phu tán thán Như Lai.

  1. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng như đoán trước: Vua sẽ tiến quân, vua sẽ lui quân; vua bản xứ sẽ tấn công, vua ngoại bang sẽ triệt thối; vua ngoại bang sẽ tấn công, vua bản xứ sẽ triệt thối; vua bản xứ sẽ thắng trận, vua ngoại bang sẽ bại trận; vua ngoại bang sẽ thắng trận, vua bản xứ sẽ bại trận. Như vậy sẽ có sự thắng trận cho phe bên này, sẽ có sự thất bại cho phe bên kia. Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ những tà mạng kể trên.

- Này các Tỷ-kheo, như vậy kẻ phàm phu tán thán Như Lai.

  1. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng như đoán trước sẽ có nguyệt thực, sẽ có nhựt thực, sẽ có tinh thực; mặt trăng, mặt trời sẽ đi đúng chánh đạo, mặt trăng, mặt trời sẽ đi ngoài chánh đạo, các tinh tú sẽ đi đúng chánh đạo, các tinh tú sẽ đi ngoài chánh đạo, sẽ có sao băng, sẽ có lửa cháy các phương hướng, sẽ có động đất, sẽ có sấm trời, mặt trăng, mặt trời, các sao sẽ mọc, sẽ lặn, sẽ mờ, sẽ sáng, nguyệt thực sẽ có kết quả như thế này, nhựt thực sẽ có kết quả như thế này, tinh thực sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời đi đúng chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời đi ngoài chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, các tinh tú đi đúng chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, sao băng sẽ có kết quả như thế này, lửa cháy các phương hướng sẽ có kết quả như thế này, động đất sẽ có những kết quả như thế này, sấm trời sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng, mặt trời, các sao mọc, lặn, mờ, sáng, sẽ có kết quả như thế này. Còn Sa-môn Gotama thì tránh xa, không tự nuôi sống bằng những tà mạng kể trên.

- Này các Tỷ-kheo, như vậy kẻ phàm phu tán thán Như Lai.

  1. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng như đoán trước sẽ có nhiều mưa, sẽ có đại hạn, sẽ được mùa, sẽ mất mùa, sẽ được an ổn, sẽ có hiểm họa, sẽ có bịnh, sẽ không có bịnh, hay làm các nghề như đếm trên ngón tay, kế toán, cộng số lớn, làm thư, làm theo thế tình. Còn Sa-môn Gotama tránh xa các tà hạnh kể trên. - Này các Tỷ-kheo, như vậy kẻ phàm phu tán thán Như Lai.
  2. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng. Như sắp đặt ngày lành để rước dâu hay rể, lựa ngày giờ tốt để hòa giải, lựa ngày giờ tốt để chia rẽ, lựa ngày giờ tốt để đòi nợ, lựa ngày giờ tốt để mượn hay tiêu tiền, dùng bùa chú để giúp người được may mắn, dùng bùa chú để khiến người bị rủi ro, dùng bùa chú để phá thai, dùng bùa chú làm cóng lưỡi, dùng bùa chú khiến quai hàm không cử động, dùng bùa chú khiến cho người phải bỏ tay xuống, dùng bùa chú khiến cho tai bị điếc, hỏi gương soi, hỏi phù đồng, thiếu nữ, hỏi thiên thần để biết họa phước, thờ mặt trời, thờ đại địa, phun ra lửa, cầu Siri thần tài. Còn Sa-môn Gotama tránh xa các tà mạng kể trên.

- Này các Tỷ-kheo, như vậy kẻ phàm phu tán thán Như Lai.

  1. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng như dùng các ảo thuật để được yên ổn, để khỏi làm các điều đã hứa, để được che chở khi ở trong nhà đất, để dương được thịnh, để làm người liệt dương, để tìm đất tốt làm nhà, để cầu phước cho nhà mới, lễ rửa miệng, lễ hy sinh, làm cho mửa, làm cho xổ, bài tiết các nhơ bẩn về phía trên, bài tiết các nhơ bẩn về phía dưới, tẩy tịnh trong đầu, thoa dầu trong tai, nhỏ thuốc mắt, cho thuốc qua lỗ mũi, xức thuốc mắt, thoa dầu cho mắt, chữa bịnh đau mắt, làm Thầy thuốc mổ xẻ, chữa bịnh cho con nít, cho uống thuốc làm bằng các loại rễ cây, ngăn ngừa công hiệu của thuốc. Còn Sa-môn Gotama tránh xa các tà mạng kể trên.

- Này các Tỷ-kheo, như vậy kẻ phàm phu tán thán Như Lai.

Này các Tỷ-kheo, đấy là những vấn đề không quan trọng, nhỏ nhặt, chỉ thuộc giới luật mà kẻ phàm phu dùng để tán thán Như Lai.

Xong Đại giới.

  1. Này các Tỷ-kheo, lại có những pháp khác, sâu kín, khó thấu, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị chỉ những người trí mới nhận hiểu. Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và truyền thuyết. Và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, không thể nhận hiểu bởi luận lý suông, tế nhị, chỉ những người trí mới có thể nhận hiểu. Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và truyền thuyết, và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

  1. Này các Tỷ-kheo có những Sa-môn, Bà-la-môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, chấp kiến về quá khứ tối sơ, y cứ về quá khứ tối sơ, đề xướng nhiều sở kiến sai khác, với mười tám luận chấp. Và y chỉ theo gì, căn cứ theo gì, những Sa-môn, Bà-la-môn ấy luận bàn về phía quá khứ tối sơ, chấp kiến về quá khứ tối sơ, y cứ về quá khứ tối sơ, đề xướng ra nhiều sở kiến sai khác với mười tám luận chấp?
  2. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Thường trú luận, chấp rằng: "Bản ngã về thế giới là thường còn" với bốn luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn này, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Thường trú luận, và chấp bản ngã và thế giới là thường còn với bốn luận chấp?
  3. Này các Tỷ-kheo, nhờ nhiệt tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định; khi tâm nhập định, vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời, trăm ngàn đời, vô số trăm đời, vô số ngàn đời, vô số trăm ngàn đời, nhớ rằng: Khi được sanh tại chỗ ấy, tôi đã sống với tên như thế này, giòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế này, tuổi thọ như thế này. Từ chỗ ấy chết đi, tôi lại được sanh đến chỗ kia. Tại chỗ kia, tôi đã sống tên như thế này, giòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, lạc thọ, khổ thọ như thế này, tuổi thọ như thế này. Từ chỗ kia chết đi tôi được sanh tại chỗ này". Như vậy người ấy nhớ nhiều đời quá khứ, với những đặc điểm và những chi tiết. Người ấy nói rằng: "Bản ngã và thế giới là thường trú, bất sanh, vững chắc như đảnh núi, như trụ đá; còn những loại hữu tình kia thời lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy chúng vẫn thường trú. Tại sao vậy? Vì rằng tôi do nhờ nhiệt tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm... còn những loại hữu tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy chúng vẫn thường trú".

Này các Tỷ-kheo đó là lập trường thứ nhất, y chỉ theo đó, căn cứ theo đó, một số những vị Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Thường trú luận, và chấp rằng bản ngã và thế giới là thường còn.

  1. Trường hợp thứ hai, có những Sa-môn, Bà-la-môn y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Thường trú luận, và chấp rằng bản ngã và thế giới là thường còn?

Này các Tỷ-kheo, ở đời này có Sa-môn hay Bà-la-môn, nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định, khi tâm nhập định, vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như một thành kiếp hoại kiếp, hai thành kiếp hoại kiếp, ba thành kiếp hoại kiếp, mười thành kiếp hoại kiếp nhớ rằng: "Khi được sanh tại chỗ ấy, tôi đã sống với tên như thế này, giòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế này... còn những loại hữu tình kia lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy chúng vẫn thường trú".

Này các Tỷ-kheo, đó là lập trường thứ hai, y chỉ theo đó, căn cứ theo đó, một số những Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Thường trú luận và chấp rằng, bản ngã và thế giới thường còn.

  1. Trường hợp thứ ba, những Sa-môn hay Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Thường trú luận, và cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn?

Này các Tỷ-kheo, ở đời này có Sa-môn hay Bà-la-môn, nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như mười thành kiếp hoại kiếp, hai mươi thành kiếp hoại kiếp, ba mươi thành kiếp hoại kiếp, bốn mươi thành kiếp hoại kiếp, năm mươi thành kiếp hoại kiếp; nhớ rằng: "Khi được sanh tại chỗ ấy, tôi đã sống với tên như thế này, giòng họ như thế này, giai cấp như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế này, tuổi thọ như thế này. Từ chỗ ấy, chết đi, tôi lại được sanh đến chỗ kia. Từ chỗ ấy, chết đi, tôi lại được sanh đến chỗ kia. Tại chỗ kia, tôi đã sống với tên như thế này, giòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế này, tuổi thọ như thế này. Từ chỗ kia chết đi, tôi được sanh tại chỗ này". Như vậy người ấy nhớ nhiều đời quá khứ với những đặc điểm và những chi tiết. Người ấy nói: "Bản ngã và thế giới là thường trú, bất sanh, vững chắc như đảnh núi, như trụ đá; còn những loại hữu tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy, chúng vẫn thường trú. Tại sao vậy? Vì rằng tôi nhờ nhiệt tâm... nên tâm tôi nhập định như vậy. Khi tâm nhập định như vậy, tôi nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như mười thành kiếp, hoại kiếp... bốn mươi thành kiếp hoại kiếp". Nhớ rằng: "Khi được sanh tại chỗ ấy, tôi sống với tên như thế này... tôi được sanh tại chỗ này". Như vậy người ấy nhớ nhiều đời quá khứ với những với những đặc điểm và những chi tiết. Người ấy nói: "Bản ngã và thế giới là thường trú, bất sanh, vững chắc như đảnh núi, trụ đá... còn những loại hữu tình kia thì lưu chuyển, luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy chúng vẫn thường trú".

Này các Tỷ-kheo, đó là lập trường thứ ba, y chỉ theo đó, căn cứ theo đó, một số Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Thường trú luận, chấp bản ngã và thế giới thường còn.

  1. Trường hợp thứ tư, những Sa-môn, Bà-la-môn y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Thường trú luận, và chấp bản ngã và thế giới thường còn?

Này các Tỷ-kheo, ở đời có Sa-môn hay Bà-la-môn, là nhà suy luận, là nhà thẩm sát. Do sự chia chẻ của suy luận, và sự tùy thuận theo thẩm sát, vị này tuyên bố như thế này: "Bản ngã và thế giới là thường trú, bất sanh, vững chắc như đảnh núi, như trụ đá, còn những loại hữu tình kia thời lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy chúng vẫn thường còn".

Này các Tỷ-kheo, đó là lập trường thứ tư, y chỉ theo đó, căn cứ theo đó, một số Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Thường trú luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn.

  1. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn này, chủ trương Thường trú luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn, với bốn luận chấp. Nếu có những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương Thường trú luận, chấp rằng: "Bản ngã và thế giới là thường còn", chúng sẽ chấp cả bốn luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.
  2. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy". Như Lai biết như vậy, Ngài lại biết hơn thế nữa, và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm chứng được tịch tịnh. Ngài như thật biết sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ biết vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ.
  3. Những chấp pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể phân biệt. Những pháp ấy, Như Lai đã thắng tri, giác ngộ và truyền thuyết; và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

TỤNG PHẨM THỨ NHẤT

  1. Này các Tỷ-kheo, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác, với bốn luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn ấy, y chỉ gì, căn cứ gì chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác, với bốn luận chấp?
  2. Này các Tỷ-kheo, có một thời đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển hoại. Trong khi thế giới chuyển hoại, các loại hữu tình phần lớn sanh qua cõi Àbhassara (Quang Âm thiên). Ở tại đấy, những loại chúng sanh này do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy một thời gian khá dài.
  3. Này các Tỷ-kheo, có một thời đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển thành. Trong khi thế giới này chuyển thành, Phạm cung được hiện ra, nhưng trống không. Lúc bấy giờ, một hữu tình, hoặc thọ mạng đã tận, hay phước báo đã tận, mạng chung từ Quang Âm thiên, sanh qua Phạm cung trống rỗng ấy. Vị ấy ở tại đấy, do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy trong một thời gian khá dài.
  4. Vị này, tại chỗ ấy, sau khi sống lâu một mình như vậy, khởi ý chán nản, không hoan hỷ và có kỳ vọng: "Mong sao có các loài hữu tình khác, cũng đến tại chỗ này!" Lúc bấy giờ, các loài hữu tình khác, hoặc thọ mạng đã tận, hay phước báo đã tận, bị mệnh chung và từ thân Quang Âm thiên, sanh qua Phạm cung để làm bạn với vị hữu tình kia. Những loại hữu tình ở đấy cũng do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy, trong một thời gian khá dài.
  5. Lúc bấy giờ, này các Tỷ-kheo, vị hữu tình đầu tiên sanh qua nghĩ rằng: "Ta là Phạm thiên, Đại Phạm thiên, Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Đại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh. Những loài hữu tình ấy do chính ta sanh ra. Tại sao vậy? Vì chính do ta khởi niệm: Mong sao các loài hữu tình khác cũng đến tại chỗ này - Chính do sở nguyện của ta mà những loài hữu tình ấy đến tại chỗ này". Các loài hữu tình đến sau cũng nghĩ như thế này: "Vị ấy là Phạm thiên, Đại Phạm thiên, đấng Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Đại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh. Chúng ta do vị Phạm thiên này hóa sanh. Vì sao vậy? Vì ta đã thấy vị này sanh trước ở đây rồi. Còn chúng ta thì sanh sau."
  6. Này các Tỷ-kheo, vị hữu tình sanh ra đầu tiên ấy sống được lâu hơn, sắc tướng tốt đẹp hơn và được nhiều uy quyền hơn. Còn các loài hữu tình sanh sau thì sống ngắn hơn, sắc tướng ít tốt đẹp hơn và được ít quyền hơn. Này các Tỷ-kheo, sự tình này xảy ra. Một trong các loài hữu tình ấy, sau khi từ bỏ thân kia lại thác sanh đến cõi này. Khi đến cõi này, vị ấy xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy, nhờ nhiệt tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ tới đời sống quá khứ ấy, chớ không nhớ xa hơn đời sống ấy. Vị ấy nói rằng: "Vị kia là Phạm thiên, Đại Phạm thiên, đấng Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Đại tôn, Chúa tể mị định mạng, đấng Tự Tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh. Chúng ta do vị Phạm thiên ấy hóa sanh. Vị ấy là thường hằng, kiên cố, thường trú, không bị chuyển biến, thường trú như vậy mãi mãi. Còn chúng ta do vị Phạm thiên ấy hóa sanh đến tại chỗ này. Chúng ta là vô thường, không kiên cố, yểu thọ và chịu sự biến dịch".

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ nhất, y chỉ theo đó, căn cứ theo đó, một số Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác.

  1. Trường hợp thứ hai, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác?

Này các Tỷ-kheo, có những hạng chư Thiên gọi là Khiddàpadosikà (bị nhiễm hoặc bởi dục lạc). Những vị này sống lâu ngày, mê say trong hý tiếu dục lạc. Vì sống lâu ngày, mê say trong hý tiếu dục lạc, nên bị thất niệm. Do thất niệm, các chư Thiên ấy thác sanh, từ bỏ thân thể của chúng.

  1. Này các Tỷ-kheo, sự tình này xảy ra. Một trong các loài hữu tình kia khi thác sanh từ bỏ thân thể ấy, lại sanh đến chỗ này. Khi đến tại chỗ này, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ đến đời sống quá khứ ấy, chớ không nhớ xa hơn đời sống ấy.
  2. Vị ấy nói rằng: "Những chư Thiên không bị nhiễm hoặc bởi dục lạc, chúng sống lâu ngày không mê say trong hý tiếu dục lạc. Vì sống lâu ngày không mê say trong hý tiếu dục lạc, nên không bị thất niệm. Nhờ không thất niệm, nên những chư Thiên ấy không thác sanh từ bỏ thân thể của chúng, sống thường hằng, kiên cố, thường trú, không bị chuyển biến, thường trú như vậy mãi mãi. Còn chúng ta đã bị nhiễm hoặc bởi dục lạc, sống lâu ngày mê say trong hý tiếu dục lạc. Vì chúng ta sống lâu ngày mê say trong hý tiếu dục lạc, nên bị thất niệm. Do thất niệm, chúng ta từ bỏ thân thể này, sống vô thường, không kiên cố, yểu thọ, chịu sự biến dịch và thác sanh đến tại chỗ này".

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ hai, y chỉ theo đó, căn cứ theo đó, một số Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình, và vô thường đối với một hạng hữu tình khác.

  1. Trường hợp thứ ba, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn với một hạng hữu tình, và vô thường đối với một hạng hữu tình khác?

Này các Tỷ-kheo, có những hạng chư Thiên gọi là Manopadosikà (bị nhiễm hoặc bởi tâm trí). Chúng sống lâu ngày nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau. Vì sống lâu ngày nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau, tâm trí của chúng oán ghét lẫn nhau. Vì tâm trí oán ghét lẫn nhau, nên thân chúng mệt mỏi, tâm chúng mệt mỏi. Các hạng chư Thiên ấy thác sanh từ bỏ thân thể này của chúng.

  1. Này các Tỷ-kheo, sự tình này xảy ra. Một trong các vị hữu tình kia, khi thác sanh từ bỏ thân thể ấy, lại sanh đến cõi này. Khi đến tại chỗ này, vị ấy xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ đến đời sống quá khứ ấy, nhưng không nhớ xa hơn đời sống ấy.
  2. Vị ấy nói rằng: "Những vị chư Thiên không bị nhiễm hoặc bởi tâm trí, chúng sống lâu ngày không nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau. Vì sống lâu ngày không nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau, tâm trí của chúng không oán ghét nhau. Vì tâm trí chúng không oán ghét nhau, nên thân chúng không mệt mỏi, tâm chúng không mệt mỏi. Những hàng chư Thiên ấy không thác sanh từ bỏ thân thể của chúng, sống thường hằng kiên cố, thường trú, không bị chuyển biến, thường trú như vậy mãi mãi". Còn chúng ta bị nhiễm hoặc bởi tâm trí, sống lâu ngày nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau, nên tâm trí chúng ta oán ghét lẫn nhau. Vì tâm trí chúng ta oán ghét lẫn nhau, nên thân mệt mỏi và tâm mệt mỏi. Chúng ta thác sanh, từ bỏ thân này, sống vô thường không kiên cố, yểu thọ, chịu sự biến dịch và thác sanh đến tại chỗ này".

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ ba, y chỉ theo đó, căn cứ theo đó, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác.

  1. Trường hợp thứ tư, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác.

Này các Tỷ-kheo, có Sa-môn, hay Bà-la-môn là nhà suy luận, là nhà thẩm sát. Do sự chia chẻ biện bác của suy luận và sự tùy thuộc theo thẩm sát, vị này tuyên bố như thế này: "Cái gọi là mắt, là tai, là mũi, là lưỡi, là thân, cái bản ngã ấy vô thường, không kiên cố, không thường trú, bị chuyển biến. Cái gọi là tâm, là ý, là thức, cái bản ngã ấy là thường còn, bất biến, thường trú, không bị chuyển biến, thường hằng như vậy mãi mãi".

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ tư, y chỉ theo đó, căn cứ theo đó, một số Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình, và vô thường đối với một hạng hữu tình khác.

  1. Này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn, Bà-la-môn này chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn với bốn luận chấp. Nếu có những Sa-môn hay Bà-la-môn chủ trương Thường trú luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn, chúng sẽ chấp cả bốn luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.
  2. Này các Tỷ-kheo, Như Lai biết rằng: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy". Như Lai tuệ tri như vậy, Ngài lại tuệ tri hơn thế nữa, và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật biết sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ biết vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ.

Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể nhận biết. Những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

  1. Này các Tỷ-kheo, có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu biên Vô biên, chấp thế giới là Hữu biên Vô biên với bốn luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn này, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên vô biên với bốn luận chấp?
  2. Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn, nhờ nhiệt tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy sống ở trong đời với tư tưởng thế giới là hữu biên. Vị ấy nói rằng: "Thế giới này là hữu biên, có một đường vòng ở chung quanh. Vì sao vậy? Vì tôi, nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, tôi sống với tư tưởng thế giới là hữu biên. Do đó tôi biết rằng thế giới này là hữu biên, có một đường vòng chung quanh".

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ nhất, y chỉ theo đó, căn cứ theo đó, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên và vô biên.

  1. Trường hợp thứ hai, có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên và vô biên?

Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn, Bà-la-môn, nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy sống ở trong đời với tư tưởng thế giới là vô biên. Vị ấy nói: "Thế giới này là vô biên, không có giới hạn". Những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào đã nói: "Thế giới này là hữu biên, có một đường vòng xung quanh", những vị ấy nói không đúng sự thật. Thế giới này là vô biên, không có giới hạn. Tại sao vậy? Vì tôi nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, tôi sống với tư tưởng thế giới là vô biên. Do đó tôi biết: "Thế giới này là vô biên, không có giới hạn".

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ hai, y chỉ như vậy, căn cứ như vậy, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên vô biên.

  1. Trường hợp thứ ba, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên vô biên?

Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn, nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy sống ở trong đời với tư tưởng thế giới là hữu biên về phía trên, phía dưới và thế giới là Vô biên về phía bề ngang. Vị ấy nói: "Thế giới này là hữu biên và vô biên". Những Sa-môn, Bà-la-môn nào đã nói: "Thế giới này là hữu biên, có một đường vòng xung quanh, thì những vị ấy nói không đúng sự thật". Những Sa-môn, Bà-la-môn nào đã nói: "Thế giới này là vô biên không có giới hạn thì những vị ấy nói không đúng sự thật. Thế giới này vừa là hữu biên, vừa là vô biên. Tại sao vậy? Vì rằng, tôi nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, tôi sống ở trong đời với tư tưởng, thế giới là hữu biên về phía trên, phía dưới, và thế giới là vô biên về phía bề ngang. Do vậy tôi biết: "Thế giới này vừa là hữu biên vừa là vô biên".

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ ba, y chỉ như vậy, căn cứ như vậy, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên vô biên.

  1. Trường hợp thứ tư, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên vô biên?

Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn là nhà suy luận, là nhà thẩm sát. Do sự chia chẻ biện bác của suy luận và sự tùy thuận theo thẩm sát, vị này tuyên bố như sau: "Thế giới này không phải là hữu biên, cũng không phải là vô biên. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào đã nói: "Thế giới này là hữu biên có giới hạn xung quanh", những vị ấy nói không đúng sự thật. Lại những Sa-môn, Bà-la-môn nào đã nói: "Thế giới này là vô biên không có giới hạn" những vị ấy cũng nói không đúng sự thật. Lại những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào đã nói: "Thế giới này vừa là hữu biên vừa là vô biên", những vị ấy cũng nói không đúng sự thật. Thế giới này cũng không phải là hữu biên, cũng không phải là vô biên.

  1. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn này chủ trương Hữu biên Vô biên luận với bốn luận chấp. Nếu có những Sa-môn hay Bà-la-môn nào chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên vô biên, chúng sẽ chấp cả bốn luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.
  2. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy". Như Lai tuệ tri như vậy. Ngài lại tuệ tri hơn thế nữa, và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ.

Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người trí mới có thể nhận biết. Những pháp ấy Như Lai tự chứng tri, giác ngộ và truyền thuyết; và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

  1. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Ngụy biện luận. Khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn với bốn luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn ấy, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn với bốn luận chấp?
  2. Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn không như thật biết "Đây là thiện" không như thật biết "Đây là bất thiện". Vị ấy nghĩ: Tôi không như thật biết: "Đây là thiện", không như thật biết: "Đây là bất thiện" và nếu tôi trả lời: "Đây là thiện" hoặc tôi trả lời: "Đây là bất thiện", thời dục, tham, sân hoặc hận, khởi lên nơi tôi. Nếu dục, tham, sân hoặc hận, khởi lên nơi tôi, như vậy tôi có thể bị sai lầm. Nếu tôi sai lầm thì tôi bị phiền muộn. Nếu tôi bị phiền muộn sẽ thành một chướng ngại cho tôi - Như vậy, vì sợ sai lầm, vì chán ghét sai lầm, nên vị ấy không trả lời: "Đây là thiện", cũng không trả lời: "Đây là bất thiện". Khi hỏi đến vấn đề này hay vấn đề khác, vị ấy dùng lời ngụy biện trườn uốn như con lươn: "Tôi không nói là như vậy. Tôi không nói là như kia. Tôi không nói là khác như thế. Tôi không nói là không phải như thế. Tôi không nói là không không phải như thế".

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ nhất, y chỉ như vậy, căn cứ như vậy, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn.

  1. Trường hợp thứ hai, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì chủ trương Ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn? (1)

Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn, không như thật biết "Đây là thiện", không như thật biết "Đây là bất thiện". Vị ấy nghĩ: Tôi không như thật biết: "Đây là thiện", không như thật biết: "Đây là bất thiện". Vì tôi không như thật biết: "Đây là thiện", không như thật biết "Đây là bất thiện". Và nếu tôi trả lời: "Đây là thiện" hoặc tôi trả lời: "Đây là bất thiện", thời dục, tham, sân hoặc hận, khởi lên nơi tôi. Nếu dục, tham, sân hoặc hận khởi lên nơi tôi, như vậy tôi có thể chấp thủ. Nếu tôi chấp thủ, thì tôi bị phiền muộn. Nếu tôi bị phiền muộn, thời thành một chướng ngại cho tôi.

- Như vậy, vì sợ chấp thủ, vì chán ghét chấp thủ, nên vị ấy không trả lời: "Đây là thiện", cũng không trả lời: "Đây là bất thiện". Khi bị hỏi đến vấn đề này hay vấn đề khác, vị ấy dùng lời ngụy biện trườn uốn như con lươn: "Tôi không nói là như vậy. Tôi không nói là như kia. Tôi không nói là khác như thế. Tôi không nói là không phải như thế. Tôi không nói là không không phải như thế". Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ hai, y chỉ như vậy, căn cứ như vậy, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Ngụy biện luận, khi bị hỏi đến vấn đề này hay vấn đề khác, dùng những lời Ngụy biện trườn uốn như con lươn.

  1. Trường hợp thứ ba, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì chủ trương ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn?

- Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn không như thật biết "Đây là thiện", không như thật biết "Đây là bất thiện". Vị ấy nghĩ: Tôi không như thật biết: "Đây là thiện", không như thật biết: "Đây là bất thiện". Vì tôi không như thật biết "Đây là thiện", không như thật biết "Đây là bất thiện" và nếu tôi trả lời: "Đây là thiện" hoặc trả lời: "Đây là bất thiện", có những Sa-môn, Bà-la-môn, bác học, tế nhị, nghị luận biện tài, biện bác như chia chẻ sợi tóc, những vị này đi chỗ này chỗ kia, như muốn đả phá các tà kiến với trí tuệ của chúng, chúng có thể đọ tài, chất vấn và cật nạn tôi. Nếu chúng đọ tài, chất vấn, cật nạn tôi, tôi có thể không giải đáp được cho chúng. Nếu tôi không giải đáp được cho chúng, thì tôi bị phiền muộn. Nếu tôi bị phiền muộn thời thành một chướng ngại cho tôi - Như vậy, vì sợ bị thử thách, vì chán ghét thử thách, nên vị ấy không trả lời: "Đây là thiện", cũng không trả lời: "Đây là bất thiện". Khi bị hỏi đến vấn đề này hay vấn đề khác, vị ấy dùng lời ngụy biện trườn uốn như con lươn: "Tôi không nói là như vậy. Tôi không nói là như kia. Tôi không nói là khác như thế. Tôi không nói là không phải như thế. Tôi không nói là không không phải như thế". - Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ ba, y chỉ như vậy, căn cứ như vậy, một số Sa-môn, chủ trương ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn.

  1. Trường hợp thứ tư, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì chủ trương Ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn?

- Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn, Bà-la-môn đần độn ngu si. Vị này, vì đần độn ngu si, khi bị hỏi vấn đề nay hay vấn đề khác, liền dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn: "Anh hỏi tôi có một thế giới khác hay không?" Nếu tôi nghĩ "Có một thế giới khác", tôi có thể trả lời với anh: "Có một thế giới khác". Nhưng tôi không nói là như vậy. Tôi không nói là như kia. Tôi không nói là khác như thế. Tôi không nói là không phải như thế. Tôi không nói là không không phải như thế. Nếu anh hỏi tôi: "Không có một thế giới khác phải không?" Nếu tôi nghĩ: "Không có một thế giới khác", tôi có thể trả lời với anh: "Không có một thế giới khác". Nhưng tôi không nói là như vậy. Tôi không nói là như kia. Tôi không nói là khác như thế. Tôi không nói là không phải như thế. Tôi không nói là không không phải như thế. Nếu anh hỏi tôi "Không có một thế giới khác phải không?" (... như trên... ) "Cũng có và cũng không có một thế giới khác?" "Cũng không có và cũng không không có một thế giới khác?", "Có loại hữu tình hóa sanh?", "Không có loại hữu tình hóa sanh?" "Cũng có và cũng không có loại hữu tình hóa sanh?" "Cũng không có và cũng không không có loại hữu tình hóa sanh?", "Có kết quả dị thục của các nghiệp thiện và ác?", "Không có kết quả dị thục của những nghiệp thiện và ác?", "Cũng có và cũng không có kết quả dị thục của những nghiệp thiện và ác?", "Cũng không có và cũng không không có kết quả dị thục của những nghiệp thiện và ác?", "Như Lai có tồn tại sau khi chết?", "Như Lai không có tồn tại sau khi chết?", "Như Lai có và không có tồn tại sau khi chết?", "Như Lai không có và cũng không không có tồn tại sau khi chết?” Anh hỏi tôi như vậy. Nếu tôi nghĩ: "Như Lai không có và cũng không không có tồn tại sau khi chết". Tôi có thể trả lời: "Như Lai không có và cũng không không có tồn tại sau khi chết". Nhưng tôi không nói là như vậy. Tôi không nói là như kia. Tôi không nói là khác như thế. Tôi không nói là không phải như thế. Tôi không nói là không không phải như thế.

- Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ tư, y chỉ như vậy, căn cứ như vậy, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn.

  1. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Ngụy biện luận. Khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác, dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn với bốn luận chấp. Nếu có những Sa-môn hay Bà-la-môn nào chủ trương Ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn, chúng sẽ chấp cả bốn luận chấp trên hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.
  2. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy". Như Lai tuệ tri như vậy. Ngài lại tuệ tri hơn thế nữa. Và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ.

Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể phân biệt. Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và truyền thuyết. Và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

  1. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh với hai luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn ấy, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh?
  2. Này các Tỷ-kheo, có những chư Thiên gọi là Vô tưởng hữu tình. Khi một tưởng niệm khởi lên, thời chư Thiên ấy thác sanh, từ bỏ thân chư Thiên của mình. Này các Tỷ-kheo, sự tình này xẩy ra. Một trong loài hữu tình ấy, khi thác sanh từ bỏ thân chư Thiên ấy của mình, lại sanh đến cõi này. Khi đến tại chỗ này, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy nhờ nhiệt tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Vị ấy nhớ đến khi tưởng niệm phát sanh, chớ không nhớ xa hơn nữa. Vị ấy nói: "Bản ngã và thế giới do vô nhân sanh. Tại sao vậy? Vì rằng tôi trước kia không có, nay tôi có. Từ nơi trạng thái không có, tôi trở thành loài hữu tình".

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ nhất, y chỉ như vậy, căn cứ như vậy, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh.

  1. Trường hợp thứ hai, những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh?

Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn là nhà biện luận, là nhà thẩm sát. Do sự chia chẻ biện bác của suy luận và sự tùy thuận theo thẩm sát, vị ấy tuyên bố: "Bản ngã và thế giới vô nhân sanh".

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ hai, y chỉ như vậy, căn cứ như vậy, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh.

  1. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh với hai luận chấp. Nếu có những Sa-môn hay Bà-la-môn nào chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh, chúng sẽ chấp cả hai luận chấp trên hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.
  2. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy". Như Lai tuệ tri như vậy, Ngài lại tuệ tri hơn thế nữa, và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ. Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể phân biệt. Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và truyền thuyết. Và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.
  3. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về quá khứ tối sơ, chấp kiến về quá khứ tối sơ, y cứ về quá khứ tối sơ, đề xướng nhiều ý kiến sai khác với mười tám luận chấp trên. Này các Tỷ-kheo, nếu có những Sa-môn hoặc Bà-la-môn luận bàn về quá khứ tối sơ, chấp kiến về quá khứ tối sơ, y cứ về quá khứ tối sơ, đề xướng nhiều ý kiến sai khác, chúng sẽ chấp cả mười tám luận chấp trên hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.
  4. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy". Như Lai tuệ tri như vậy. Ngài lại tuệ tri hơn thế nữa. Và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ.

Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể phân biệt. Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và truyền thuyết. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

  1. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về tương lai, chấp kiến về tương lai, y cứ về tương lai, đề xướng nhiều ý kiến sai khác với bốn mươi bốn luận chấp. Và những vị Sa-môn, Bà-la-môn này, y chỉ gì, căn cứ gì, luận bàn về tương lai, chấp kiến về tương lai, y cứ về tương lai đề xướng nhiều ý kiến sai khác với bốn mươi bốn luận chấp?
  2. Này các Tỷ-kheo, có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương hữu tưởng sau khi chết, chấp bản ngã có tưởng sau khi chết với mười sáu luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn này, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Hữu tưởng luận sau khi chết, với mười sáu luận chấp?

Những vị này chủ trương: "Bản ngã có sắc, không có bệnh, sau khi chết có tưởng". Chúng chủ trương: "Bản ngã có sắc và cũng không có sắc...", "Bản ngã cũng không có sắc và cũng không không có sắc...", "Bản ngã là hữu biên...", "Bản ngã là vô biên...", "Bản ngã là hữu biên và vô biên", "Bản ngã cũng không hữu biên và cũng không vô biên...", "Bản ngã là nhất tưởng...", "Bản ngã là dị tưởng...".”Bản ngã là thiểu tưởng...", "Bản ngã là vô lượng tưởng...", "Bản ngã là thuần lạc...", "Bản ngã là thuần khổ...", "Bản ngã là khổ lạc". Chúng chủ trương: "Bản ngã là không khổ không lạc, không có bệnh, sau khi chết có tưởng".

  1. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn này chủ trương hữu tưởng sau khi chết, chấp bản ngã có tưởng sau khi chết với mười sáu luận chấp. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn này chủ trương Hữu tưởng luận sau khi chết, chúng sẽ chấp cả mười sáu luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.
  2. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, sẽ đưa đến cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy". Như Lai tuệ tri như vậy, Ngài lại tuệ tri hơn thế nữa, và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ. Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể phân biệt. Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và truyền thuyết. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

TỤNG PHẨM THỨ HAI

  1. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã không có tưởng sau khi chết với tám luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn này, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã không có tưởng sau khi chết với tám luận chấp?
  2. Những vị này chủ trương: "Bản ngã có sắc, không có bệnh, sau khi chết không có tưởng", "Bản ngã không có sắc...", "Bản ngã có sắc và cũng không có sắc...", "Bản ngã không có sắc và cũng không không có sắc...", "Là hữu biên...", "Là vô biên...", "Là hữu biên và vô biên...". Các vị này chấp bản ngã là phi hữu biên và phi vô biên, không có bệnh, sau khi chết không có tưởng.
  3. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn này chủ trương Vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã không có tưởng sau khi chết với tám luận chấp. - Này các Tỷ-kheo, nếu có những Sa-môn hay Bà-la-môn nào chủ trương Vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã không có tưởng sau khi chết, chúng sẽ chấp cả tám luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.
  4. Này các Tỷ-kheo. Như Lai tuệ tri như thế này: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy". Như Lai tuệ tri như vậy. Ngài lại tuệ tri hơn thế nữa, và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ.

Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể nhận biết. Những pháp ấy Như Lai tự chứng tri, giác ngộ và truyền thuyết; và chính những pháp ấy nhưng ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

  1. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Phi Hữu tưởng Phi Vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã phi hữu tưởng phi vô tưởng với tám luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn này, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Phi Hữu tưởng Phi Vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã phi hữu tưởng phi vô tưởng với tám luận chấp?
  2. Những vị này chấp: "Bản ngã có sắc, không có bệnh, sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng...”, "Bản ngã là vô sắc...”, "Bản ngã có sắc và cũng không có sắc...”, "Bản ngã là phi hữu sắc và cũng phi vô sắc...”, "Bản ngã là hữu biên...”, "Bản ngã là vô biên...”, "Bản ngã là hữu biên và vô biên...”.
  3. Những vị này chấp rằng. Bản ngã là phi hữu biên và cũng phi vô biên, không có bệnh, sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng, với tám luận chấp. Này các Tỷ-kheo, nếu có Sa-môn hay Bà-la-môn nào, chủ trương phi hữu tưởng phi vô tưởng, chúng sẽ chấp cả tám luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.
  4. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy". Như Lai tuệ tri như vậy. Ngài tuệ tri hơn thế nữa, và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ. Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể nhận biết. Những pháp ấy Như Lai tự chứng tri, giác ngộ và truyền thuyết; và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.
  5. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Đoạn diệt luận, chấp trước sự đoạn diệt, sự tiêu thất, sự hủy hoại của loài hữu tình với bảy luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn này, y chỉ gì, căn cứ gì, chấp trước sự đoạn diệt, sự tiêu thất, sự hủy hoại của loài hữu tình với bảy luận chấp?
  6. Này các Tỷ-kheo, có Sa-môn hoặc Bà-la-môn chủ trương lý thuyết và ý kiến: "Vì bản ngã này có sắc, do bốn đại hợp thành, do cha mẹ sanh ra, khi thân hoại bị hủy nát tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã này như thế hoàn toàn đoạn diệt". Như vậy một số người chủ trương sự đoạn diệt, sự tiêu thất và sự hủy hoại của loài hữu tình.
  7. Một vị khác lại nói: "Này ông, thật có bản ngã như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có, nhưng bản ngã ấy như thế không bị hoàn toàn đoạn diệt. Lại còn một bản ngã khác có thiên tánh, có sắc, thuộc dục giới, ăn các đồ ăn đoàn thực. Bản ngã ấy ông không biết, ông không thấy. Bản ngã ấy tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân hoại, bị hủy nát tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt". Như vậy có một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu thất và hủy hoại của loài hữu tình.
  8. Một vị khác lại nói: "Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế không bị hoàn toàn đoạn diệt. Lại còn một bản ngã khác có thiên tánh, có sắc, do ý tạo thành, mọi chi tiết tay chân lớn nhỏ đều đầy đủ, không khuyết một căn nào. Bản ngã ấy ông không biết, ông không thấy. Bản ngã ấy tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân hoại bị hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt". Như vậy có một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu thất và hủy hoại của loài hữu tình.
  9. Một vị khác lại nói: "Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế không bị hoàn toàn đoạn diệt. Lại còn một bản ngã khác vượt ngoài tất cả sắc tưởng, diệt trừ các tưởng chống đối, không ức niệm các dị tưởng, nhận hiểu hư không là vô biên. Đạt đến không vô biên xứ. Bản ngã ấy ông không biết, ông không thấy. Bản ngã ấy tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân hoại, bị hủy nát tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt". Như vậy có một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu thất và hủy hoại của loài hữu tình.
  10. Một vị khác lại nói: "Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế không bị hoàn toàn đoạn diệt. Lại còn một bản ngã khác vượt ngoài tất cả không vô biên xứ, nhận hiểu: Thức là vô biên. Đạt đến Thức vô biên xứ. Bản ngã ấy ông không biết, ông không thấy. Bản ngã ấy tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi nhân hoại, bị hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt". Như vậy có một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu thất và hủy hoại của loài hữu tình.
  11. Một vị khác lại nói: "Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế không bị hoàn toàn đoạn diệt. Lại còn một bản ngã khác vượt ngoài tất cả Thức vô biên xứ, nhận hiểu: không có sở hữu. Đạt đến Vô sở hữu xứ. Bản ngã ấy ông không biết, ông không thấy. Bản ngã ấy tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân hoại bị hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt". Như vậy có một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu thất và hủy hoại của loài hữu tình.
  12. Một vị khác lại nói: "Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế không bị hoàn toàn đoạn diệt. Lại còn một bản ngã khác vượt ngoài tất cả Vô sở hữu xứ, nhận hiểu: Đây là tịch tịnh, đây là mỹ diệu. Đạt đến Phi tưởng Phi phi tưởng xứ. Bản ngã ấy ông không biết, ông không thấy. Bản ngã ấy tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân hoại, bị hủy nát tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt". Như vậy có một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu thất và hủy hoại của loài hữu tình.
  13. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn ấy, chủ trương Đoạn diệt luận, chấp trước sự đoạn diệt, tiêu thất, hủy hoại của loài hữu tình với bảy luận chấp. Này các Tỷ-kheo, nếu có những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào chủ trương Đoạn diệt luận, chấp trước sự đoạn diệt, tiêu thất, hủy hoại của loài hữu tình, chúng chấp cả bảy luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.
  14. Này các Tỷ-kheo. Như Lai tuệ tri như thế này: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy". Như Lai tuệ tri như vậy, Ngài tuệ tri hơn thế nữa, và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ. Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể nhận biết. Những pháp ấy Như Lai tự chứng tri, giác ngộ và truyền thuyết: và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.
  15. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hiện tại Niết-bàn luận, chấp trước sự tối thượng hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình với năm luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn này, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Hiện tại Niết-bàn luận, chấp sự tối thượng hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình với năm luận chấp?
  16. Này các Tỷ-kheo, có Sa-môn hay Bà-la-môn chủ trương và quan niệm: "Khi nào bản ngã này tận hưởng, sung mãn năm món dục lạc, như thế bản ngã ấy đạt đến tối thượng Niết-bàn của loài hữu tình".
  17. Một vị khác lại nói: "Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế, không phải hoàn toàn đạt đến tối thượng Niết-bàn. Vì cớ sao? Vì rằng tính của dục lạc và vô thường, khổ, biến dịch. Vì tánh của chúng là biến dịch, chuyển hóa, nên ưu, bi, khổ, muộn, não phát sanh. Khi nào bản ngã ấy ly các dục lạc, ly các ác pháp, đạt đến và an trú vào đệ nhất thiền; thiền định này có tầm, có tứ, có hỷ và có lạc, do ly dục sanh. Như thế, bản ngã ấy đạt đến tối thượng hiện tại Niết-bàn". Như vậy có người chủ trương tối thượng hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình.
  18. Một vị khác lại nói: "Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế, không phải hoàn toàn đạt đến tối thượng hiện tại Niết-bàn. Vì cớ sao? Vì ở đây thiền định ấy có tầm, có tứ nên gọi là thô tháo. Khi nào bản ngã ấy có tầm và tứ, đạt đến và an trú đệ nhị thiền. Thiền định này nội tâm yên tỉnh, trí chuyên nhất cảnh, không tầm, không tứ, hỷ lạc do định sanh. Như thế, bản ngã ấy đạt đến tối thượng hiện tại Niết-bàn". Như vậy có người chủ trương tối thượng hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình.
  19. Một vị khác lại nói: "Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế, không phải hoàn toàn đạt đến tối thượng hiện tại Niết-bàn. Vì cớ sao? Vì ở đây tâm trí có hỷ và bị kích động nên gọi là thô tháo. Khi nào bản ngã ấy không tham hỷ, trú xả, chánh niệm, chánh trí, thân hưởng lạc mà các bậc Thánh gọi là Hỷ niệm lạc trú - đạt đến và an trú đệ tam thiền". Như thế, bản ngã ấy đạt đến tối thượng hiện tại Niết-bàn. Như vậy, có người chủ trương tối thượng hiện tại Niết-bàn. Như vậy, có người chủ trương tối thượng hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình.
  20. Một vị khác lại nói: "Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế, không phải hoàn toàn đạt đến tối thượng hiện tại Niết-bàn. Vì cớ sao? Vì ở đây tâm thọ lạc nên gọi là thô tháo. Khi nào bản ngã ấy xả lạc và xả khổ, diệt trừ hỷ và ưu về trước, đạt đến và an trú vào đệ tứ thiền. Thiền này không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Như thế, bản ngã ấy đạt đến tối thượng hiện tại Niết-bàn". Như vậy có người chủ trương tối thượng hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình.
  21. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương Hiện tại Niết-bàn luận, chấp trước sự tối thượng hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình với năm luận chấp. Này các Tỷ-kheo, nếu có những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương Hiện tại Niết-bàn luận, chấp sự tối thượng hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình, những vị này sẽ chấp cả năm luận chấp trên, hay một trong năm luận chấp trên, ngoài ra không còn một luận chấp nào khác nữa.
  22. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy". Như Lai tuệ tri như vậy. Ngài tuệ tri hơn thế nữa, và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn không có chấp thủ. Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể nhận biết. Những pháp ấy Như Lai tự chứng tri, giác ngộ và truyền thuyết; và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.
  23. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn ấy luận bàn về tương lai, chấp kiến về tương lai, y cứ về tương lai, sẽ đề xướng nhiều sở kiến sai khác với bốn mươi bốn luật chấp. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, luận bàn về tương lai, chấp kiến về tương lai, y cứ về tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác. Chúng sẽ chấp bốn mươi bốn luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.
  24. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy". Như Lai tuệ tri như vậy. Ngài tuệ tri hơn thế nữa, và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sư tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ.
  25. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn ấy luận bàn về quá khứ tối sơ và luận bàn về tương lai, luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với sáu mươi hai luận chấp. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, luận bàn về quá khứ tối sơ, luận bàn về tương lai, luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác. Những vị ấy sẽ chấp sáu mươi hai luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.
  26. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: "Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mệnh như vậy". Như Lai tuệ tri như vậy. Ngài tuệ tri hơn thế nữa, và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ.
  27. Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể nhận biết. Những pháp ấy Như Lai tự chứng tri, giác ngộ và truyền thuyết, và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.
  28. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Thường trú luận, chấp bản ngã và thế giới là thường trú với bốn luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.
  29. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác với bốn luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.
  30. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên vô biên với bốn luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.
  31. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Ngụy biện luận. Khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn với bốn luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.
  32. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh với hai luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.
  33. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, chấp kiến về quá khứ tối sơ, y cứ về quá khứ tối sơ, đề xướng nhiều ý kiến sai khác với mười tám luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.
  34. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã có tưởng sau khi chết với mười sáu luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.
  35. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã không có tưởng sau khi chết với tám luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.
  36. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Phi Hữu tưởng Phi Vô tưởng sau khi chết, chấp bản ngã phi hữu tưởng phi vô tưởng sau khi chết với tám luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.
  37. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Đoạn diệt luận, chấp trước sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình với bảy luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.
  38. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hiện tại Niết-bàn luận, chấp trước sự hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình với năm luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.
  39. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, luận bàn về tương lai, chấp kiến về tương lai, y cứ về tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với bốn mươi bốn luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.
  40. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, luận bàn về tương lai, luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với sáu mươi hai luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.
  41. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Thường trú luận, chấp bản ngã và thế giới là thường trú với bốn luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn).
  42. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác với bốn luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn).
  43. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên vô biên với bốn luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn).
  44. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Ngụy biện luận. Khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn với bốn luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi là do sự xúc chạm (của các căn).
  45. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh với hai luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn).
  46. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, chấp kiến về quá khứ tối sơ, y chỉ về quá khứ tối sơ, đề xướng nhiều ý kiến sai khác với mười tám luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn).
  47. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã có tưởng sau khi chết với mười sáu luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn).
  48. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã không có tưởng sau khi chết với tám luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn).
  49. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Phi Hữu tưởng Phi Vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã phi hữu tưởng phi vô tưởng sau khi chết với tám luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn).
  50. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Đoạn diệt luận, chấp trước sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình với bảy luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn).
  51. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hiện tại Niết-bàn luận, chấp trước sự hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình với năm luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn).
  52. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, luận bàn về tương lai, chấp kiến về tương lai, y cứ về tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với bốn mươi bốn luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn).
  53. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, luận bàn về tương lai, luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với sáu mươi hai luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn).
  54. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Thường trú luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn với bốn luận chấp. Những vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.
  55. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới, là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác với bốn luận chấp. Những vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.
  56. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên vô biên với bốn luận chấp. Những vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.
  57. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Ngụy biện luận. Khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn với bốn luận chấp. Những vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.
  58. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh với hai luận chấp. Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.
  59. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, chấp kiến về quá khứ tối sơ, y chỉ về quá khứ tối sơ, đề xướng nhiều ý kiến sai khác với mười tám luận chấp. Những vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.
  60. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã có tưởng sau khi chết với mười sáu luận chấp. Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.
  61. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã không có tưởng sau khi chết với tám luận chấp. Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.
  62. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Phi Hữu tưởng Phi Vô tưởng sau khi chết, chấp bản ngã phi hữu tưởng phi vô tưởng sau khi chết với tám luận chấp. Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.
  63. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Đoạn diệt luận, chấp trước sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình với bảy luận chấp. Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.
  64. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hiện tại Niết-bàn luận, chấp trước hiên tại Niết-bàn của loài hữu tình với năm luận chấp. Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.
  65. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, luận bàn về tương lai, chấp kiến về tương lai, y cứ về tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với bốn mươi bốn luận chấp. Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.
  66. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, luận bàn về tương lai, luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với sáu mươi hai luận chấp. Những vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.
  67. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Thường trú luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn với bốn luận chấp; những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận; những Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Ngụy biện luận; những Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Vô nhân luận; những Sa-môn, Bà-la-môn, luân bàn về quá khứ tối sơ, những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu tưởng luận sau khi chết, những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Vô tưởng luận sau khi chết; những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Phi Hữu tưởng Phi Vô tưởng sau khi chết; những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Đoạn diệt luận; những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương hiện tại Niết-bàn luận; những Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về quá khứ tối sơ; những Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ vào quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với sáu mươi hai luận chấp. Tất cả những vị này có những cảm thọ (những chủ trương trên) do sự xúc chạm qua sáu xúc xứ. Do duyên với những cảm thọ mà tham ái phát khởi; do duyên tham ái, thủ phát khởi; do duyên thủ, hữu phát khởi; do duyên hữu, sanh phát khởi, do duyên sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não phát khởi. Này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo như thật biết sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sáu chỗ xuất xứ, vị ấy sẽ có một sự hiểu biết vượt ra ngoài những điều trên.
  68. Này các Tỷ-kheo, có những Sa-môn, Bà-la-môn nào luận bàn về quá khứ tối sơ, hay luận bàn về tương lai, hay luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ vào quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác tất cả những vị này đều bị bao trùm bởi lưới của sáu mươi hai luận chấp này, dầu chúng nhảy vọt lên, chúng vẫn bị hạn cuộc bao phủ ở nơi đây.

Này các Tỷ-kheo, cũng ví như người đánh cá lành nghề hay người học đánh cá vung lưới trên mặt hồ nước nhỏ có mắt sít sao. Người ấy nghĩ: "Những con cá lớn ở trong hồ nước nhỏ này, tất cả chúng đều bị bao phủ trong tấm lưới này, dầu chúng có nhảy vọt lên, chúng vẫn bị hạn cuộc bao phủ ở nơi đây". Cũng như vậy này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn nào, luận bàn về quá khứ tối sơ, hay luận bàn về tương lai, hay luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác, tất cả những vị này đều bị bao phủ trong lưới của sáu mươi hai luận chấp này; dầu có nhảy vọt lên, những vị này vẫn bị hạn cuộc bao phủ ở nơi đây.

  1. Này các Tỷ-kheo, thân của Như Lai còn tồn tài, những cái khiến đưa đến đời sống khác đã bị chấm dứt. Khi thân của vị này còn tồn tại thời chư Thiền và loài Người còn có thể thấy thân ấy. Khi thân hoại mạng chung, thời chư Thiên và loài Người không thể thấy được.

Này các Tỷ-kheo, như nhánh có một chùm xoài bị chặt đứt, tất cả trái xoài dính với nhánh ấy đều bị chung một số phận với nhánh kia. Cũng như vậy này các Tỷ-kheo, thân của Như Lai còn tồn tại, nhưng cái khiến đưa đến một đời sống khác đã bị chặt đứt. Khi thân của vị này còn tồn tại thời chư Thiên và loài Người có thể thấy thân ấy. Khi thân hoại mạng chung thời chư Thiên và loài Người không thể thấy được.

  1. Khi nghe nói vậy, Đại đức Ànanda bạch đức Thế Tôn:

- Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn! Hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Pháp môn này gọi là gì, bạch Thế Tôn?

- Này Ànanda, pháp môn này gọi là "Lợi Võng", hãy như vậy mà phụng trì; gọi là "Pháp Võng", hãy như vậy mà phụng trì; gọi là "Phạm Võng", hãy như vậy mà phụng trì; gọi là "Kiếm Võng", hãy như vậy mà phụng trị; gọi là "Vô thượng Chiến thắng", hãy như vậy mà phụng trì;

Thế Tôn thuyết như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi kinh này được truyền thuyết, một ngàn thế giới đều rung động.

MỤC LỤC TIỂU BỘ KINH

 

GIỚI THIỆU KINH TIỂU BỘ
Tập I – Kinh Tiểu Tụng
1. Tam Quy 6. Kinh Châu Báu
2. Thập Giới 7. Kinh Ngoài Bức Tường
3. Ba Mươi Hai Phần 8. Kinh Bảo Tàng
4. Nam Tử Hỏi Ðạo 9. Kinh Lòng Từ
5. Kinh Ðiềm Lành  
TẬP 2 – KINH PHÁP CÚ
1. Phẩm Song Yếu 14. Phẩm Phật Ðà
2. Phẩm Không Phóng Dật 15. Phẩm An Lạc
3. Phẩm Tâm 16. Phẩm Hỷ Ái
4. Phẩm Hoa 17. Phẩm Phẫn Nộ
5. Phẩm Kẻ Ngu 18. Phẩm Cấu Uế
6. Phẩm Hiền Trí 19. Phẩm Pháp Trụ
7. Phẩm A-La-Hán 20. Phẩm Ðạo
8. Phẩm Ngàn 21. Phẩm Tạp Lục
9. Phẩm Ác 22. Phẩm Ðịa Ngục
10. Phẩm Hình Phạt 23. Phẩm Voi
11. Phẩm Già 24. Phẩm Tham Ái
12. Phẩm Tự Ngã 25. Phẩm Tỷ Kheo
13. Phẩm Thế Gian 26. Phẩm Bà-La-Môn
TẬP 3 – KINH PHẬT TỰ THUYẾT
Chương 1: Phẩm Bồ Ðề Chương 5: Phẩm Trưởng Lão Sona
Chương 2: Phẩm Muccalinda Chương 6: Phẩm Sanh Ra Ðã Mù
Chương 3: Phẩm Nanda Chương 7: Phẩm Nhỏ
Chương 4: Phẩm Meghiya Chương 8: Phẩm Pataligamiya
TẬP 4 – KINH PHẬT THUYẾT NHƯ VẬY
Chương 1: Tập Một Pháp Chương 3: Tập Ba Pháp
Chương 2: Tập Hai Pháp Chương 4: Tập Bốn Pháp
TẬP 5 – KINH TẬP
Chương Một – Phẩm Rắn (Uragavagga) Chương Hai – Tiểu Phẩm
1. Kinh Rắn 1. Kinh Châu Báu
2. Dhaniya 2. Kinh Hôi Thối
3. Kinh Con Tê Ngưu Một Sừng 3. Kinh Xấu Hổ
4. Kinh Kasibbàradvàja, Người Cày Ruộng 4. Kinh Ðiềm Lành Lớn
5. Kinh Cunda 5. Kinh Sùciloma
6. Kinh Bại Vong 6. Kinh Hành Chánh Pháp
7. Kinh Kẻ Bần Tiện 7. Kinh Pháp Bà La Môn
8. Kinh Từ Bi 8. Kinh Chiếc Thuyền
9. Kinh Hemavata 9. Kinh Thế Nào Là Giới
10. Kinh Alavaka 10. Kinh Ðứng Dậy
11. Kinh Kinh Thắng Trận 11. Kinh Ràhula
12. Kinh Vị ẩn sĩ 12. Vangiụsa
  13. Kinh Chánh Xuất Gia
  14. Kinh Dhammika
Chương Ba – Ðại Phẩm Chương Bốn – Phẩm Tám
1. Kinh Xuất Gia 1. Kinh Về Dục
2. Kinh Tinh Cần 2. Kinh Hang Ðộng Tám Kệ
3. Kinh Khéo Thuyết 3. Kinh Sân Hận Tám Kệ
4. Kinh Sundarika Bhàradvàja 4. Kinh Thanh Tịnh Tám Kệ
5. Kinh Màgha 5. Kinh Tối Thắng Tám Kệ
6. Kinh Sabhiya 6. Kinh Gìa Tám Kệ
7. Kinh Sela 7. Kinh Tissametteyya
8. Kinh Mũi Tên 8. Kinh Pasùra
9. Kinh Vàsettha 9. Kinh Màgandiya
10. Kinh Kokàliya 10. Kinh Trước Khi Bị Hủy Hoại
11. Kinh Nàlaka 11. Kinh Tranh Luận
12. Kinh Hai Pháp Tùy Quán 12. Sự Tập Hợp Nhỏ Bé
  13. Những Vấn Ðề To Lớn
  14. Kinh Tuvataka
  15. Kinh Chấp Trượng
  16. Kinh Sàriputta
Chương Năm – Trên Ðường Ðến Bờ Bên Kia
1. Bài Kệ Mở Ðầu 10. Câu Hỏi Của Thanh Niên Todeyya
2. Câu Hỏi Của Thanh Niên Ajita 11. Câu Hỏi Của Thanh Niên Kappa
3. Câu Hỏi Của Thanh Niên Tissametteyya 12. Câu Hỏi Của Thanh Niên Jatukanniụ
4. Câu Hỏi Của Thanh Niên Punnaka 13. Câu Hỏi Của ThanhNiên Bhadràvudha
5. Câu Hỏi Của Thanh Niên Mettagù 14. Câu Hỏi Của Thanh Niên Udaya
6. Câu Hỏi Của Thanh Niên Dhotaka 15. Câu Hỏi Của Thanh Niên Posàla
7. Câu Hỏi Của Thanh Niên Upasiụva 16. Câu Hỏi Của Thanh Niên Magharàja
8. Câu Hỏi Của Thanh Niên Nanda 17. Câu Hỏi Của Thanh Niên Pingiya
9. Câu Hỏi Của Thanh Niên Hemaka 18. Kết Luận
TẬP 6 – THIÊN CUNG SỰ
Phẩm I : Lâu Ðài Nữ Giới

1. Lâu Ðài Có Sàng Toạ (Pìtha – Vimàna).
2. Lâu Ðài Có Sàng Tọa Thứ Hai (Dutiyapìthà – Vimàna)
3. Lâu Ðài Có Sàng Toạ Thứ Ba (Tatiyapìyhà -Vimàna)
4. Lâu Ðài Có Sàng Toạ Thứ Tư (Catutthapìthà -Vimàna)
5. Lâu Ðài Có Con Voi (Kunjara-Vimàna)
6. Lâu Ðài Có Chiếc Thuyền (Nàvà-Vimàna)
7. Lâu Ðài Có Chiếc Thuyền Thứ Hai (Dutiyanàvà-Vimàna)
8. Lâu Ðài Có Chiếc Thuyền Thứ Ba (Tatiyamàvà -Vimàna)
9. Lâu Ðài Có Ngọn Ðèn (Dipa -Vimàna)
10. Lâu Ðài Do Cúng Mè (Tiladakkhina -Vimàna)
11. Lâu Ðài Trinh Phụ (Patibbatà -Vimàna)
12. Lâu Ðài Trinh Phụ Thứ Hai (Dutiyapatibbatà -Vimàna)
13. Lâu Ðài Của Nàng Dâu (Sunisà -Vimàna)
14. Lâu Ðài Nàng Dâu Thứ Hai (Dutiyasunisà -Vimàna)
15. Chuyện thứ mười lăm Lâu Ðài Của Uttarà (Uttarà -Vimàna)
16. Chuyện thứ mười sáu Lâu Ðài Của Sirimà (Sirimà -Vimàna)
17. Chuyện thứ mười bẩy Lâu Ðài Của Kesakàri (Kesakàri-Vimàna)

Phẩm II – Cittalatà

1. (18) Lâu Ðài Của Nữ Tỳ (Dàsi -Vimàna)
2. (19) Lâu Ðài Của Lakhumà (Lakhumà -Vimàna)
3. (20) Lâu Ðài Của Người Cho Cơm Cháy (Acàmàdàykà -Vimàna)
4. (21) Lâu Ðài Của Nàng Chiên Ðà La (Candàlì -Vimàna)
5. (22) Lâu Ðài Của Phu Nhân Khả Ái (Bhaddhitthi -Vimàna)
6. (23) Lâu Ðài Của Sonadinnà (Sonadinnà -Vimàna)
7. (24) Lâu Ðài Của Uposatha (Uposatha -Vimàna)
8. – 9. (25-26) Lâu Ðài Của Niddà và Suniddà (Niddà- Suniddà -Vimàna)
10. (27) Lâu Ðài Của Người Nử Thí Chủ (Bhìkkhàdàyikà -Vimàna)
11. (28) Lâu Ðài Của Nữ Thí Chủ Thứ Hai (Dutiyabhikkhàdàyikà -Vimàna)

Phẩm III – Pàricchattaka

1. (29) Lâu Ðài Huy Hoàng (Ulàra -Vimàna)
2. (30) Lâu Ðài Do Cúng Mía (Ucchu -Vimàna)
3. (31) Lâu Ðài Có Chiếc Trường Kỷ (Pallanka -Vimàna)
4. (32) Lâu Ðài Của Latà (Latà -Vimàna)
5. (33) Lâu Ðài Của Guttila (Guttila -Vimàna)
6. (34) Lâu Ðài Rực Rỡ (Daddlha -Vimàna)
7. (35) Lâu Ðài Của Sesavati (Sesavati -Vimàna)
8. (36) Lâu Ðài Của Mallikà (Mallikà -Vimàna)
9. (37) Lâu Ðài Của Visàlakkhì (Visàlakkhì -Vimàna)
10. (38) Lâu Ðài Cây San Hô (Paricchattaka -Vimàna)

Phẩm IV – Ðỏ Sẫm

1. (39) Lâu Ðài Ðỏ Sẫm (Manjetthaka -Vimàna)
2. (40) Lâu Ðài Sáng Chói (Pabhassara -Vimàna)
3. (41) Lâu Ðài Trên Con Voi (Nàga -Vimàna)
4. (42) Lâu Ðài Alomà (Alomà -Vimàna)
5. (43) Lâu Ðài Người Cúng Cháo Gạo (Kanjikadàyika -Vimàna)
6. (44) Lâu Ðài Tinh Xá (Vihàra -Vimàna)
7. (45) Lâu Ðài Bốn Nữ Nhân (Caturitthi -Vimàna)
8. (46) Lâu Ðài Vườn Xoài (Amba -Vimàna)
9. (47) Lâu Ðài Hoàng Kim (Pita -Vimàna)
10. (48) Lâu Ðài Do Cúng Mía (Ucchu -Vimàna)
11. (49) Lâu Ðài Do Sự Ðảnh Lễ (Vandana -Vimàna)
12. (50) Lâu Ðài Của Rajjumàlà (Rajjumàlà-Vimàna)

Phẩm V – Ðại Xa

1. (51) Lâu Ðài Tiên Nhái (Mandukadevaputta -Vimàna)
2. (52) Lâu Ðài Của Revatì (Revatì -Vimàna)
3. (53) Lâu Ðài Của Chatta, Nam tử Bà-la-môn (Chattamànava -Vimàna)
4. (54) Lâu Ðài Của Người Cúng Cháo (Kakkatakarasadàyaka -Vimàma)
5. (55) Lâu Ðài Của Người Giữ Cửa (Dvàrapàlaka -Vimàna)
6. (56) Lâu Ðài Do Công Ðức Thiện Sự (Karanìya -Vimàna)
7. (57) Lâu Ðài Thứ Hai Do Công Ðúc Thiện Sự (Dutiyakaraniya -Vimàna)
8. (58) Lâu Ðài Do Cúng Cây Kim (Sùci -Vimàna)
9. (59) Lâu Ðài Thứ Hai Do Cúng Cây Kim (Dutiyasùci -Vimàna)
10. (60) Lâu Ðài Con Voi (Nàga -Vimàna)
11. (61) Lâu Ðài Con Voi Thứ Hai (Dutiyanàga -Vimàna)
12. (62) Lâu Ðài Con Voi Thứ Ba (Tatiyanàga -Vimàna)
13. (63) Lâu Ðài Có Cỗ Xe Nhỏ (Cùlaratha -Vimàna)
14. (64) Lâu Ðài Có Cỗ Xe Lớn (Mahàratha -Vimàna)

Phẩm VI – Pàyasi

1. (65) Lâu Ðài Gia Chủ (Agàriya -Vimàna)
2. (66) Lâu Ðài Gia Chủ Thứ Hai (Dutiya-Agàriya -Vimàna)
3. (67) Lâu Ðài Của Người Cúng Trái Cây (Phaladàya-Vimàna)
4. (68) Lâu Ðài Của Người Cúng Chỗ Cư Trú (Upassayadàya-Vimàna)
5. (69) Lâu Ðài Của Người Cúng Chỗ Cư Trú Thứ Hai (Dutiya- Upassayadàyaka -Vimàna)
6. (70) Lâu Ðài Của Người Cúng Món Khất Thực (Bhikkhàdàyaka -Vimàna)
7. (71) Lâu Ðài Của Người Giữ Lúa Mạch (Yavapàlaka -Vimàna)
8. (72) Lâu Ðài Của Vị Thiên Tử Ðeo Vòng Tai (Kundalì -Vimàna)
9. (73) Lâu Ðài Của Vị Thiên Tử Thứ Hai Ðeo Vòng Tai (Dutiyakundalì -Vimàna)
10. (74) Lâu Ðài Của Uttara (Uttara -Vimàna)

Phẩm VII – Sunikkhitta

1. (75) Lâu Ðài Cittalatà (Cittalatà -Vimàna)
2. (76) Lâu Ðài Nandana (Nandana-Vimàna)
3. (77) Lâu Ðài Có Trụ Ngọc Bích (Manithùna -Vimàna)
4. (78) Lâu Ðài Bằng Vàng (Suvanna -Vimàna)
5. (79) Lâu Ðài Vườn Xòai (Amba -Vimàna)
6. (80) Lâu Ðài Của Người Chăn Bò (Gopàla -Vimàna)
7. (81) Lâu Ðài Của Kanthaka (Ngựa Kiền Trắc) (Kanthaka -Vimàna)
8. (82) Lâu Ðài Có Nhiều Màu Sắc (Anekavanna -Vimàna)
9. (83) Lâu Ðài Của Vị Thiên Tử Ðeo Vòng Tai Sáng Chói (Mattakundalì -Vimàna)
10. (84) Lâu Ðài Của Serissaka (Serissaka -Vimàna)
11. (85) Lâu Ðài Của Sunikkhitta (Sunikkhitta -Vimàna)

TẬP 7 – NGẠ QUỶ SỰ
Phẩm I – Phẩm Con Rắn
1. Chuyện – Thí Dụ Phước Ðiền (Khettùpamà)
2. Chuyện – Con Lợn Rừng (Sùkara)
3. Chuyện Ngạ Quỷ Có Mồm Hôi Thối (Pùtimukkha)
4. Chuyện Hình Nhân Bằng Bột (Pitthadhìtalika)
5. Chuyện Ngạ Quỷ Ngoại Bức Tường (Tirokuddapeta)
6. Chuyện Ngạ Quỷ Ăn Thịt Năm Ðứa Bé (Pàncaputtakhadaka)
7. Chuyện Ngạ Quỷ Ăn Thịt Bẩy Ðứa Bé (Sattaputtakhadaka)
8. Chuyện Con Bò (Gona)
9. Chuyện Ông Chủ Thợ Dệt (Mahàpesakàra)
10. Chuyện Nữ Nhân Sói Ðầu (Khallàtiya)
11. Chuyện Con Voi (Nàga)
12. Chuyện Con Rắn (Uraga)
Phẩm II – Phẩm Ubbarì
1. (13) Chuyện Người Tìm Giải Thát Vòng Luân Hồi (Samsàramocaka)
2. (14) Chuyện Mẹ Của Trưởng Lão Sàriputta (Sàriputtatheramàtu)
3. (15) Chuyện Nữ Ngạ Quỷ Mattà (Mattàpetì)
4. (16) Chuyện Nữ Ngã Quỷ Nandà (Nandàpetì)
5. (17) Chuyện Mattakundalì (Mattakundalì)
6. (18) Chuyện Ðại Vương Kanha (Kanha)
7. (19) Chuyện Ngạ Quỷ Dhanapàla (Dhanapàlapeta)
8. (20) Chuyện Tiểu Chủ Ngân Khố (Cùlasetthi)
9. (21) Chuyện Ankura (Ankura)
10. (22) Chuyện Mẹ Của Uttara (Uttaramatù)
11. (23) Chuyện Cuốn Chỉ (Sutta)
12. (24) Chuyện Nữ Quỷ Ở Hồ Kannamunda (Kannamundapetì)
13. (25) Chuyện Hoàng Hậu Ubbarìi (Ubbarì)
Phẩm III -Tiểu Phẩm
1. (26) Chuyện Không Chìm Trong Nước (Abhijjamana)
2. (27) Chuyện Ngạ Quỷ Núi Sànuvàsin (Sànuvàsinpeta)
3. (28) Chuyện Nữ Quỷ Hồ Ràthakàrà (Ràthakàràpetì)
4. (29) Chuyện Rơm Trấu (Bhusa)
5. (30) Chuyện Chàng Trai (Kumàra)
6. (31) Chuyện Nữ Ngạ Quỷ Serinì (Serinì)
7. (32) Chuyện Người Săn Nai (Migaludda)
8. (33) Chuyện Người Săn Nai Thứ Hai (Dutiyamigaludda)
9. (34) Chuyện Những Phán Quyết Gian Dối (Kùtavinicchayika)
10. (35) Chuyện Khinh Xá Lợi (Dhàtuvivanna)
Phẩm IV – Ðại Phẩm
1. (36) Chuyện Vua Ambasakkhara (Ambasakkhara)
2. (37) Chuyện Serìsaka (Serìsaka)
3. (38) Chuyện Quỷ Thần Nandaka (Nandakapeta)
4. (39) Chuyện Ngạ Quỷ Revatì
5. (40) Chuyện Cây Mía (Ucchu)
6. (41) Chuyện Các Vương Tử (Kumara)
7. (42) Chuyện Vị Vương Tử (Rajaputta)
8. (43) Chuyện Những Ngạ Quỷ Ăn Phân (Gùthakhadaka)
9. (44) Chuyện Thứ Hai Về Các Ngạ Quỷ Ăn Phân (Gùthakhadaka)
10. (45) Chuyện Bầy Ngạ Quỷ (Ganapeta)
11. (46) Chuyện Ngạ Quỷ Thành Pàtaliputta (Pataliputtapeta)
12. (47) Chuyện Các Trái Xoài (Amba)
13. (48) Chuyện Trục Xe và Cây Gỗ (Akkharukkha)
14. (49) Chuyện Thu Góp Tài Sản (Bhogasamharan)
15. (50) Chuyện Các Nam Tử Của Nhà Triệu Phú (Setthiputta)
16. (51) Chuyện Sáu Vạn Cái Búa (Satthikùtasahassa)
TẬP 8 – TRƯỞNG LÃO TĂNG KỆ
Chương 1 – Phẩm Một Kệ Chương 12 – Phẩm Mười Hai Kệ
Chương 2 – Phẩm Hai Kệ  Chương 13 – Phẩm Mười Ba Kệ
Chương 3 – Phẩm Ba Kệ Chương 14 – Phẩm Mười Bốn Kệ
Chương 4 – Phẩm Bốn Kệ Chương 15 – Phẩm Mười Lăm Kệ
Chương 5 – Phẩm Năm Kệ Chương 16 – Phẩm Hai Mươi Kệ
Chương 6 – Phẩm Sáu Kệ Chương 17 – Phẩm Ba Mươi Kệ
Chương 7 – Phẩm Bảy Kệ Chương 18 – Phẩm Bốn Mươi Kệ
Chương 8 – Phẩm Tám Kệ Chương 19 – Phẩm Năm Mươi Kệ
Chương 9 – Phẩm Chín Kệ Chương 20 – Phẩm Sáu Mươi Kệ
Chương 10 – Phẩm Mười Kệ Chương 21 – Phẩm Bẩy Mươi Kệ
Chương 11 – Phẩm Mười Một Kệ  
TẬP 9 – TRƯỞNG LÃO NI KỆ
Phẩm 1 – Tập Một Kệ Phẩm 9 – Tập Chín Kệ
Phẩm 2 – Tập Hai Kệ Phẩm 10 – Tập Mười Kệ
Phẩm 3 – Tập Ba Kệ Phẩm 11 – Tập Mười Hai Kệ
Phẩm 4 – Tập Bốn Kệ Phẩm 12 – Tập Mười Sáu Kệ
Phẩm 5 – Tập Năm Kệ Phẩm 13 – Tập Hai Mươi Kệ
Phẩm 6 – Tập Sáu Kệ Phẩm 14 – Tập Ba Mươi Kệ
Phẩm 7 – Tập Bảy Kệ Phẩm 15 – Tập Bốn Mươi Kệ
Phẩm 8 – Tập Tám Kệ Phẩm 16 – Ðại Phẩm
TẬP 10 – CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT

PHẦN 1 – CHƯƠNG I

[01] PHẨM APANNAKA
1. Chuyện Pháp Tối Thượng (Tiền Thân Apannaka)
2. Chuyện Bài Sa Mạc (Tiền Thân Vannupatha)
3. Chuyện Người Buôn Chè (Tiền Thân Serivànija)
4. Chuyện Tiểu Triệu Phú (Tiền Thân Cullakasetthì)
5. Chuyện Ðấu Gạo (Tiền Thân Tandulanàli)
6. Chuyện Thiên Pháp (Tiền Thân Devadhamma)
7. Chuyện Nàng Lượm Củi (Tiền Thân Katthahàri)
8. Chuyện Vua Gàmani (Tiền Thân Gàmani)
9. Chuyện Vua Makhàdeva (Tiền Thân Makhàdeva)
10. Chuyện Trưởng Lão Sukhavihàri (Tiền Thân Sukhavihàri)
[02] PHẨM GIỚI
11. Chuyện Con Nai Ðiểm Lành (Tiền Thân Lakkhana)
12. Chuyện Con Nai Cây Ða (Tiền Thân Nigrodhamiga)
13. Chuyện Mũi Tên (Tiền Thân Kandina)
14. Chuyện Con Nai Gió (Tiền Thân Vàtamiga)
15. Chuyện Con Nai Kharàdiya (Tiền Thân Kharàdiya)
16. Chuyện Con Nai Có Ba Cử Chỉ (Tiền Thân Tipallthamiga)
17. Chuyện Gió Thổi (Tiền Thân Màluta)
18. Chuyện Ðồ Ăn Cúng Người Chết (Tiền Thân Matakabhatta)
19. Chuyện Lễ Cúng Do Có Lời (Tiền Thân Àyàcitabhatta)
20. Chuyện Hồ Nalakapàna (Tiền Thân Nalakapàna)
[03] PHẨM KURUNGA
21. Chuyện Con Nai Sơn Dương (Tiền Thân Kurunga)
22. Chuyện Con Chó (Tiền Thân Kukkura)
23. Chuyện Con Ngựa Thuần Chủng (Tiền Thân Bhojaniya)
24. Chuyện Ðôi Ngựa Nòi Tốt (Tiền Thân Àjanna)
25. Chuyện Bến Tắm (Tiền Thân Tittha)
26. Chuyện Con Voi Ma Hilàmukha (Tiền Thân Mahilàmuka)
27. Chuyện Ðôi Bạn Thân Thiết (Tiền Thân Abhinha)
28. Chuyện Con Bò Ðại Hỷ (Tiền Thân Nandivisàla)
29. Chuyện Con Bò Ðen (Tiền Thân Kaniha)
30. Chuyện Con Heo Munika (Tiền Thân Munika)
[04] PHẨM KULAVAKA
31. Chuyện Tổ Chim Con (Tiền Thân Kulàvaka)
32. Chuyện Múa Ca (Tiền Thân Nacca)
33. Chuyện Sống Hoà Hợp (Tiền Thân Sammodamàna)
34. Chuyện Con Cá (Tiền Thân Maccha)
35. Chuyện Con Chim Cút (Tiền Thân Vattaka)
36. Chuyện Con Chim (Tiền Thân Sakuna)
37. Chuyện Con Chim Trĩ (Tiền Thân Tittira)
38. Chuyện Con Cò (Tiền Thân Nanda)
39. Chuyện Người Nô Lệ Nanda (Tiền Thân Nanda)
40. Chuyện Hố Than Lửa Cây Keo (Tiền Thân Khadirangàra)
[05] PHẨM LỢI ÁI
41. Chuyện Trưởng Lão Losaka (Tiền Thân Losaka)
42. Chuyện Chim Bồ Câu (Tiền Thân Kapota)
43. Chuyện Con Rắn Tre (Tiền Thân Veluka)
44. Chuyện Con Muỗi (Tiền Thân Makasa)
45. Chuyện Nữ Tỳ Rohini (Tiền Thân Rohini)
46. Chuyện Kẻ Làm Hại Vườn (Tiền Thân Ràmadùsaka)
47. Chuyện Rượu Mạnh (Tiền Thân Vàruni)
48. Chuyện Bà-La-Môn Vedabbha (Tiền Thân Vedabbha)
49. Chuyện Các Vì Sao (Tiền Thân Nakkhatta)
50. Chuyện Những Kẻ Vô Trí (Tiền Thân Dummedha)
[06] PHẨM ÀSIMSA
51. Chuyên Vua Ðại Giới Ðức (Tiền Thân Màhàsìlavà)
52. Chuyện Tiểu Janaka (Tiền Thân Cùla-Janaka)
53. Chuyện Bình Rượu Ðầy (Tiền Thân Punnapàti)
54. Chuyện Trái Cây (Tiền Thân Phala)
55. Chuyện Năm Vũ Khí (Tiền Thân Pancàyudha)
56. Chuyện Khối Vàng (Tiền Thân Kancanakkhandha)
57. Chuyện Khỉ Chúa (Tiền Thân Vànarinda)
58. Chuyện Ba Pháp (Tiền Thân Tayodhammà)
59. Chuyện Tiếng Trống (Tiền Thân Bherivàda)
60. Chuyện Thổi Tù Và (Tiền Thân Sankkhadhama)
[07] PHẨM NỮ NHÂN
61. Chuyện Bài Kinh Khổ Ðau (Tiền Thân Asàtamanta)
62. Chuyện Cô Gái Trên Bảy Tầng Lầu (Tiền Thân Andabhuta)
63. Chuyện Hiền Sĩ Chà Là (Tiền Thân Takka)
64. Chuyện Người Vợ Khó Hiểu (Tiền Thân Duràjàna)
65. Chuyện Nỗi Bất Mãn (Tiền Thân Anabhirati)
66. Chuyện Hoàng Hậu Từ Tâm (Tiền Thân Mudulakkhana)
67. Chuyện Người Ðàn Bà Thôn Quê (Tiền Thân Ucchanga)
68. Chuyện Thành Saketa (Tiền Thân Saketa)
69. Chuyện Con Rắn Phun Nọc Ðộc (Tiền Thân Visavanta)
70. Chuyện Hiền Giả Cái Cuốc (Tiền Thân Kuddàla)
[08] PHẨM VARANA
71.Chuyện Cây Varana (Tiền Thân Varana)
72. Chuyện Tượng Vương Ðức Hạnh (Tiền Thân Silavanàga)
73. Chuyện Ðúng Vậy Chăng (Tiền Thân Saccankira)
74. Chuyện Luật Cây Rừng (Tiền Thân Rukkhadhamma)
75. Chuyện Con Cá (Tiền Thân Maccha)
76. Chuyện Người Không Sợ Hãi (Tiền Thân Asankiya)
77. Chuyện Giấc Mộng Lớn (Tiền Thân Mahàsupina).
78. Chuyện Vị Triệu Phú Illìsa (Tiền Thân Illìsa)
79. Chuyện Tiếng Trống Ồn Ào. (Tiền Thân Kharasara).
80. Chuyện Người Thợ Dệt Bhimasena (Tiền Thân Bhimasena)
[09] PHẨM APAYIMHA
81. Chuyện Uống Rượu (Tiền Thân Suràpàna)
82. Chuyện Nam Tử Mittavida (Tiền Thân Mittavinda)
83. Chuyện Ðiềm Xui Xẻo (Tiền Thân Kàlakanni)
84. Chuyện Cửa Ngõ Hạnh Phúc (Tiền Thân Atthassadvàra)
85. Chuyện Cây Có Trái Lạ (Tiền Thân Kimpakka)
86. Chuyện Thử Thách Giới Ðức (Tiền Thân Sìlavìmamsana)
87. Chuyện Ðiềm Lành Dữ (Tiền Thân Mangala)
88. Chuyện Con Bò Sàrambha (Tiền Thân Sàrambha)
89. Chuyện Kẻ Lừa Ðảo (Tiền Thân Kuhaka)
90. Chuyện Kẻ Vong Ân (Tiền Thân Akatannu)
[10] PHẨM LITTA
91. Chuyện Chơi Súc Sắc Ngộ Ðộc (Tiền Thân Litta)
92. Chuyện Ðại Ðảo Vật (Tiền Thân Mahàsàra)
93. Chuyện Ngộ Ðộc Do Luyến Ái (Tiền Thân Vissàsabhojana)
94. Chuyện Nỗi Kinh Hoàng (Tiền Thân Lomahamsa)
95. Chuyện Vua Ðại Thiện Kiến (Tiền Thân Mahàsudassana)
96. Chuyện Bát Dầu (Tiền Thân Telapatta)
97. Chuyện Ðiềm Lành Của Tên (Tiền Thân Nàmasiddhi)
98. Chuyện Người Lái Buôn Lừa Ðảo (Tiền Thân Kùtavànija)
99. Chuyện Hơn Một Ngàn Kẻ Ngu. (Tiền Thân Parosahassa)
100. Chuyện Sắc Thân Bất Lạc (Tiền Thân Asàtarùpa)
[11] PHẨM PAROSSATA
101. Chuyện Hơn Một Trăm Kẻ Ngu (Tiền Thân Parosafa)
102. Chuyện Người Bán Rau (Tiền Thân Pannika).
103. Chuyện Kẻ Ngu. (Tiền Thân Veri)
104. Chuyện Chàng Trai Mittavinda (Tiền Thân Mittavida).
105. Chuyện Con Voi Sợ Chết (Tiền Thân Dubblakattha)
106. Chuyện Múc Nu&Ớc (Tiền Thân Udancani)
107. Chuyện Nghề Ném Ðá (Tiền Thân Sàlittaka)
108. Chuyện Kỳ Lạ (Tiền Thân Bàhiya)
109. Chuyện Bánh Bột Trấu Ðỏ (Tiền Thân Kundakapùva)
110. Chuyện Câu Hỏi Bao Quát Tất Cả (Tiền Thân Sabbasanhàraka-Panha)
[12] PHẨM HAMSA
111. Chuyện Câu Hỏi Của Con Lừa (Tiền Thân Gadrabha-Panha).
112. Chuyện Câu Hỏi Của Hoàng Hậu Bất Tử (Tiền Thân Amaràdevi-Panha)
113. Chuyện Con Chó Rừng (Tiền Thân Sigàla)
114. Chuyện Con Cá Nghĩ Vừa (Tiền Thân Mitacinti)
115. Chuyện Người Giáo Giới (Tiền Thân Anusàsika)
116. Chuyện Người Múa Giáo (Tiền Thân Dubbaca)
117. Chuyện Chim Ða Ða (Tiền Thân Tittira)
118. Chuyện Chim Cun Cút (Tiền Thân Vattaka)
119. Chuyện Con Gà Gáy Phi Thời (Tiền Thân Akàlaràvi)
120. Chuyện Giải Thoát Sự Trói Buộc (Tiền Thân Bandhanamokkha).
[13] PHẨM KUSANÀLI
121. Chuyện Thần Cây Cỏ Kusa (Tiền Thân Kusanàli)
122. Chuyện Kẻ Ngu (Tiền Thân Dummendha)
123. Chuyện Cái Cán Cày (Tiền Thân Nangalisa)
124. Chuyện Trái Xoài (Tiền Thân Amba)
125. Chuyện Người Nô Lệ Katàhaka (Tiền Thân Katàhaka)
126. Chuyện Tướng Của Kiếm (Tiền Thân Asilakkhana)
127. Chuyện Người Nô Lệ Kalanduka (Tiền Thân Kalanduka)
128. Chuyện Con Mèo (Tiền Thân Bilàra)
129. Chuyện Kẻ Thờ Lửa (Tiền Thân Aggika)
130. Chuyện Nữ Bà-La-Môn Kosiya (Tiền Thân Kosiya)
[14] PHẨM ASAMPADÀNA
131. Chuyển Kẻ Vong Ân (Tiền Thân Asampadàna)
132. Chuyện Ngũ Dục Lạc (Tiền Thân Pancagaru)
133. Chuyện Lửa Cháy (Tiền Thân Ghatàsana)
134. Chuyện Thiền Quán (Tiền Thân Thànasodhana)
135. Chuyện Nguyệt Quang (Tiền Thân Candàbha)
136. Chuyện Con Thiên Nga Vàng (Tiền Thân Suvannahamsa)
137. Chuyện Con Mèo (Tiền Thân Babbu)
138. Chuyện Con Cắc Kè (Tiền Thân Godha)
139. Chuyện Cả Hai Mặt Thất Bại (Tiền Thân Ubhatobhattha)
140. Chuyện Con Quạ (Tiền Thân Kàka)
[15] PHẨM KAKANTAKA
141. Chuyện Con Cắc Kè (Tiền Thân Godha)
142. Chuyện Con Chó Rừng (Tiền Thân Sigàla)
143. Chuyện Chiếu Sáng Như Mặt Trời (Tiền Thân Virocana)
144. Chuyện Cái Đuôi Bò (Tiền Thân Nanguttha)
145. Chuyện Con Vẹt Radha (Tiền Thân Radha)
146. Chuyện Con Quạ (Tiền Thân Kaka)
147. Chuyện Áo Vải Màu Đỏ (Tiền Thân Puppharatta)
148. Chuyện Con Chó Rừng (Tiền Thân Sigàlà)
149. Chuyện Cây Một Lá (Tiền Thân Ekapanna)
150. Chuyện Thanh Niên Sanjiva (Tiền Thân Sanjiva)

PHẦN 2 – CHƯƠNG 2

[01] PHẨM DALHA
151. Chuyện Lời Giáo Giới Cho Vua (Tiền Thân Ràjovàda)
152. Chuyện Con Cho Rừng (Tiền Thân Sigàla)
153. Chuyện Con Heo Rừng (Tiền Thân Sùkara)
154. Chuyện Con Rắn (Tiền Thân Uraga)
155. Chuyện Nhảy Mũi (Tiền Thân Gagga)
156. Chuyện Hoàng Tử Có Tâm Thâu Phục (Tiền Thân Alìnacitta)
157. Chuyện Công Đức (Tiền Thân Guna)
158. Chuyện Con Ngựa Suhanu (Tiền Thân Suhanu)
159. Chuyện Con Công (Tiền Thân Mora)
160. Chuyện Con Ngỗng Xanh Sẫm (Tiền Thân Vinìlaka)
[02] PHẨM SANTAHAVA
161. Chuyện Ẩn Sĩ Indasamànagotta (Tiền Thân Indasamànagotta)
162. Chuyện Mối Thâm Giao (Tiền Thân Santhava)
163. Chuyện Vua Susìma (Tiền Thân Susìma)
164. Chuyện Chim Diều Hâu (Tiền Thân Gijjha)
165. Chuyện Con Chuột Rừng (Tiền Thân Nakula)
166. Chuyện Bà-La-Môn Upasàlha (Tiền Thân Upasàlha)
167. Chuyện Trưởng Lão Samiddhi (Tiền Thân Samiddhi)
168. Chuyện Chim Diều Hâu (Tiền Thân Sakunagghi)
169. Chuyện Đạo Sư Araka (Tiền Thân Araka)
170. Chuyện Con Kỳ Nhông (Tiền Thân Kakantaka)
[03] PHẨM THIỆN PHÁP
171. Chuyện Thiện Pháp (Tiền Thân Kalyàna Dhamma)
172. Chuyện Núi Daddara (Tiền Thân Daddara)
173. Chuyện Con Vượn (Tiền Thân Makkata)
174. Chuyện Con Vượn Lừa Dối (Tiền Thân Dubhidamakkata)
175. Chuyện Đảnh Lễ Mặt Trời (Tiền Thân Àdiccupatthàma)
176. Chuyện Một Nắm Đậu (Tiền Thân Kalàya – Mutthi)
177. Chuyện Cây Tinduka (Tiền Thân Tinduka)
178. Chuyện Con Rùa (Tiền Thân Kacchapa)
179. Chuyện Bà-La-Môn Satadhamma (Tiền Thân Satadhamma)
180. Chuyện Khó Cho (Tiền Thân Duddada)
[04] PHẨM ASADISA
181. Chuyện Hoàng Tử Vô Địch (Tiền Thân Asadisa)
182. Chuyện Con Voi Thiện Chiến (Tiền Thân Sangàmàvacara)
183. Chuyện Đồ Tàn Thực (Tiền Thân Vàlodakka)
184. Chuyện Người Luyện Ngựa Giridanta (Tiền Thân Giridanta)
185. Chuyện Tâm Bất Tịnh (Tiền Thân Anabhirati)
186. Chuyện Vua Mang Sữa Đông (Tiền Thân Dadhivàhana)
187. Chuyện Bốn Vẻ Đẹp (Tiền Thân Cantumatta)
188. Chuyện Sư Tử Lai Chó Rừng (Tiền Thân Sìhakottuka)
189. Chuyện Tấm Da Sư Tử (Tiền Thân Sìhacamma)
190. Chuyện Giữ Giới (Tiền Thân Sìlànisamsa)
[05] PHẨM RUHAKA
191. Chuyện Tế Sư Ruhaka (Tiền Thân Ruhaka)
192. Chuyện Thiên Nữ Siri Và Kàlakanni (Tiền Thân Sirikàlakanni)
193. Chuyện Hoàng Tử Liên-Hoa (Tiền Thân Cullapaduma)
194. Chuyện Kẻ Trộm Ngọc (Tiền Thân Manicora)
195. Chuyện Hòn Núi Đẹp (Tiền Thân Pabbatupatthara)
196. Chuyện Con Ngựa Bay (Tiền Thân Valàhassa)
197. Chuyện Bạn – Thù (Tiền Thân Mittàmitta)
198. Chuyện Con Vẹt Ràdha (Tiền Thân Ràdha)
199. Chuyện Người Gia Chủ (Tiền Thân Gahapati)
200. Chuyện Giới Hạnh Tốt Lành (Tiền Thân Sàdhusìla)
[06] PHẨM NATAMDAIHA
201. Chuyện Nhà Tù Trói Buộc (Tiền Thân Bandhanàgara)
202. Chuyện Tánh Nghịch Ngợm (Tiền Thân Kilisìla)
203. Chuyện Tu Tập Từ Tâm (Tiền Thân Khandha -Vatta)
204. Chuyện Con Quạ Viraka (Tiền Thân Viraka)
205. Chuyện Cá Sông Hằng (Tiền Thân Gangeyya)
206. Chuyện Con Nai Núi (Tiền Thân Kurungamiga)
207. Chuyện Vua Assaka (Tiền Thân Assaka)
208. Chuyện Con Cá Sấu (Tiền Thân Sumsumara)
209. Chuyện Con Chim Mồi (Tiền Thân Kakkara)
210. Chuyện Con Chim Gõ Mõ (Tiền Thân Kandagalaka)
[07] PHẨM BIRANATTHAMBAHAKA (Ðám cỏ thơm)
211. Chuyện Chàng Trai Somadatta (Tiền Thân Somadatta)
212. Chuyện Thức Ăn Thừa (Tiền Thân Uchitthabhatta)
213. Chuyện Vua Bharu (Tiền Thân Bharu)
214. Chuyện Con Sông Đầy (Tiền Thân Punna-Nadi)
215. Chuyện Con Rùa (Tiền Thân Kachapa)
216. Chuyện Con Cá (Tiền Thân Maccha)
217. Chuyện Người Bán Rau (Tiền Thân Seggu)
218. Chuyện Người Lái Buôn Lừa Đảo (Tiền Thân Kùtavànija)
219. Chuyện Đáng Chỉ Trích (Tiền Thân Garahita)
220. Chuyện Tế Sư Dhammadhaja (Tiền Thân Dhammaddhaja)
[08] PHẨM KÀSÀVA
221. Chuyện Tấm Y Vàng (Tiền Thân Kàsàva)
222. Chuyện Con Khỉ Cùllanandiya (Tiền Thân Cùllanandiya)
223. Chuyện Thức Ăn Đi Đường (Tiền Thân Puta-Bhatta)
224. Chuyện Con Cá Sấu (Tiền Thân Kumbhila)
225. Chuyện Đề Cao Tính Kham Nhẫn (Tiền Thân Khanti-Vannana)
226. Chuyện Con Cú (Tiền Thân Kosiya)
227. Chuyện Con Bọ Ăn Phân (Tiền Thân Gùthapàna)
228. Chuyện Bà-La-Môn Kàmanita (Tiền Thân Kàmanita)
229. Chuyện Du Sĩ Palàyi (Tiền Thân Palàyi)
230. Chuyện Du Sĩ Palàyi Thứ Hai (Tiền Thân Palàyi)
[09] PHẨM UPÀHANA
231. Chuyện Chiếc Giày (Tiền Thân Upàhana)
232. Chuyện Không Được Hướng Dẫn (Tiền Thân Vinàthùna)
233. Chuyện Mũi Tên (Tiền Thân Vikannaka)
234. Chuyện Nàng Asitàbhù (Tiền Thân Asitàbhù)
235. Chuyện Vị Ẩn Sĩ Vaccha-Nakha (Tiền Thân Vaccha-Nakha)
236. Chuyện Con Cò (Tiền Thân Baka)
237. Chuyện Thành Sàketa (Tiền Thân Sàketa)
238. Chuyện Một Chữ (Tiền Thân Ekapada)
239. Chuyện Con Nhái Xanh (Tiền Thân Harita-Màta)
240. Chuyện Vua Mahàpingala (Tiền Thân Mahàpingala)
[10] PHẨM SIGÀLA(Chó rừng)
241. Chuyện Vua Chó Rừng Sabbadàtha (Tiền Thân Sabbadàtha)
242. Chuyện Con Chó (Tiền Thân Sunakha)
243. Chuyện Nhạc Sĩ Guttila (Tiền Thân Guttila)
244. Chuyện Ly Dục (Tiền Thân Viticcha)
245. Chuyện Kinh Pháp Môn Căn Bản (Tiền Thân Mùlapariyàya)
246. Chuyện Lời Phỉ Báng (Tiền Thân Telovàda)
247. Chuyện Hoàng Tử Pàdanjali (Tiền Thân Pàdanjali)
248. Chuyện Thí Dụ Cây Kimsuka (Tiền Thân Kimsukopama)
249. Chuyện Con Khỉ Sàlaka (Tiền Thân Sàlaka)
250. Chuyện Con Khỉ (Tiền Thân Kapi)

PHẦN 3 – CHƯƠNG III, CHƯƠNG IV

[01] Chương III – Phẩm Sankappa
251. Chuyện Dục Tầm (Tiền Thân Sankappa)
252. Chuyện Một Nắm Mè (Tiền Thân Tilamutthi)
253. Chuyện Vua Rắn Manikantha (Tiền Thân Manikantha)
254. Chuyện Con Ngựa Quý Ăn Cám Gạo Đỏ (Tiền Thân Kundaka-Kucchi-Sindhava)
255. Chuyện Con Vẹt (Tiền Thân Suka)
256. Chuyện Cái Giếng Cũ (Tiền Thân Jarudapàna)
257. Chuyện Người Hầu Cận Gàmani-Canda (Tiền Thân Gàmani-Canda)
258. Chuyện Đại Vương Mandahàtà (Tiền Thân Mandahàtà)
259. Chuyện Ẩn Sĩ Tirìta-Vaccha (Tiền Thân Tirìta-Vaccha)
260. Chuyện Sứ Giả Của Cái Bụng (Tiền Thân Duta)
[02] Chương III – Phẩm Kosya
261. Chuyện Hoa Sen (Tiền Thân Paduma)
262. Chuyện Bàn Tay Mềm Mại (Tiền Thân Mudupàni)
263. Chuyện Tiểu Dục Tham (Tiền Thân Culla-Palobhana)
[03] Chương III – Phẩm Ba Bài Kệ
264. Chuyện Đại Vương Panàda (Tiền Thân Mahà Panàda)
265. Chuyện Mũi Tên (Tiền Thân Khurappa)
266. Chuyện Con Ngựa Quí Tốc Như Phong (Tiền Thân Vàtagga Sindhava)
267. Chuyện Con Cua (Tiền Thân Kakkatà)
268. Chuyện Kẻ Làm Hại Vườn (Tiền Thân Àràma Dùsa)
269. Chuyện Nàng Sujàta (Tiền Thân Sujàta)
270. Chuyện Con Cú (Tiền Thân Ulùka)
271. Chuyện Kẻ Làm Bẩn Giếng Nước (Tiền Thân Udapàna Dùsaka)
272. Chuyện Con Cọp (Tiền Thân Vyaggha)
273. Chuyện Con Rùa (Tiền Thân Kacchapa)
[04] Chương III – Phẩm Ba Bài Kệ (tt)
274. Chuyện Tham Ăn (Tiền Thân Lola)
275. Chuyện Tham Ăn (Tiền Thân Lola)
276. Chuyện Chánh Pháp Nước Kuru (Tiền Thân Kurrudhamma)
277. Chuyện Chim Bồ Câu (Tiền Thân Romaka)
278. Chuyện Con Trâu (Tiền Thân Mahisa)
279. Chuyện Con Hạc (Tiền Thân Satapatta)
280. Chuyện Kẻ Phá Hư Giỏ (Tiền Thân Puta-Dùsaka)
281. Chuyện Trái Xoài Chính Trung (Tiền Thân Abbhantara)
282. Chuyện Điều Tốt Nhất (Tiền Thân Seyya)
283. Chuyện Con Heo Rừng Của Thợ Mộc (Tiền Thân Vaddaki-Sùkura)
284. Chuyện Vận May (Tiền Thân Siri)
285. Chuyện Heo Rừng Trong Hang Thủy Tinh (Tiền Thân Manisùkura)
[05] Chương III – Phẩm Ba Bài Kệ (tt)
286. Chuyện Con Heo Liên Căn (Tiền Thân Sàlùka)
287. Chuyện Chê Bai Lợi Nhuận (Tiền Thân Làbha Garaha)
288. Chuyện Xâu Cá (Tiền Thân Macch-Uddàna)
289. Chuyện Mong Ước Khác Nhau (Tiền Thân Nàna-Chanda)
290. Chuyện Thử Thách Giới Đức (Tiền Thân Vìnansa)
291. Chuyện Cái Bát Thần (Tiền Thân Bhadra Ghata)
292. Chuyện Vua Quạ Supatta (Tiền Thân Supatta)
293. Chuyện Thân Hư Hoại (Tiền Thân Kàya-Vicchinda)
294. Chuyện Con Chim Ăn Trái Đào (Tiền Thân Jambu-Khàdaka)
295. Chuyện Loài Hạ Liệt (Tiền Thân Anta)
296. Chuyện Biển Cả (Tiền Thân Samudda)
297. Chuyện Dục Tình Nhảm Nhí (Tiền Thân Kàma-Vìpala)
298. Chuyện Trái Sung (Tiền Thân Udumbara)
299. Chuyện Ẩn Sĩ Komàya-Putta (Tiền Thân Komàya)
300. Chuyện Chó Sói (Tiền Thân Vaka)
[06] Chương IV – Phẩm Bốn Bài Kệ
301. Chuyện Tiểu Vương Kàlinga (Tiền Thân Cullakàlinga)
302. Chuyện Đại Kỵ Sĩ (Tiền Thân Maha-Asàroha)
303. Chuyện Vị Thánh Vương (Tiền Thân Ekaràja)
304. Chuyện Rắn Thần Daddara (Tiền Thân Daddara)
305. Chuyện Thử Thách Giới Đức (Tiền Thân Sìlavìmamasana)
306. Chuyện Hoàng Hậu Sujàta (Tiền Thân Sujàta)
307. Chuyện Thân Cây Hồng Diệp (Tiền Thân Palàsa)
308. Chuyện Chim Gõ Kiến (Tiền Thân Javasakuna)
309. Chuyện Người Tiện Dân (Tiền Thân Chavaka)
[07] Chương IV – Phẩm Bốn Bài Kệ (tt)
310. Chuyện Vị Quốc Sư Sayha (Tiền Thân Sayha)
311. Chuyện Cây Nimbo (Tiền Thân Pacimanda)
312. Chuyện Ẩn Sĩ Kassapa Chậm Trễ (Tiền Thân Kassapamandiya)
313. Chuyện Đạo Lý Kham Nhẫn (Tiền Thân Khantivàdi)
314. Chuyện Địa Ngục Nồi Sắt (Tiền Thân Lohakumbhi)
315. Chuyện Miếng Thịt (Tiền Thân Mamsa)
316. Chuyện Con Thỏ (Tiền Thân Sasa)
317. Chuyện Khóc Người Chết (Tiền Thân Mataradana)
[08] Chương IV – Phẩm Bốn Bài Kệ (tt)
318. Chuyện Vòng Hoa Kanavera (Tiền Thân Kanavera)
319. Chuyện Chim Đa Đa (Tiền Thân Tittira)
320. Chuyện Dễ Cho (Tiền Thân Succaja)
321. Chuyện Kẻ Đốt Lều (Tiền Thân Kutidùsaha)
322. Chuyện Tiếng Động Mạnh (Tiền Thân Daddabha)
323. Chuyện Vua Brahmadatta (Tiền Thân Brahmadatta)
324. Chuyện Thầy Tu Mặc Áo Da (Tiền Thân Cammasàtaka)
325. Chuyện Con Tắc Kè (Tiền Thân Godha)
[09] Chương IV – Phẩm Bốn Bài Kệ (tt)
326. Chuyện Thiên Hoa Kakkàru (Tiền Thân Kakkàru)
327. Chuyện Hoàng Hậu Kàkàti (Tiền Thân Kàkàti)
328. Chuyện Khóc Người Chết (Tiền Thân Ananusociya)
329. Chuyện Con Khỉ Đen Lớn (Tiền Thân Kalabahu)
330. Chuyện Thử Thách Giới Đức (Tiền Thân Silavìmamsa)
331. Chuyện Trưởng Lão Kokàlika (Tiền Thân Kokàlika)
332. Chuyện Chiếc Gậy Thúc Xe (Tiền Thân Rathalatthi)
333. Chuyện Con Tắc Kè (Tiền Thân Godha)
334. Chuyện Khuyến Dụ Quốc Vương (Tiền Thân Ràjovàda)
335. Chuyện Chó Rừng (Tiền Thân Jambuka)
336. Chuyện Vương Tử Chatta Vĩ Đại (Tiền Thân Brahàchatta)
337. Chuyện Cái Sàng Tọa (Tiền Thân Pitha)
[10] Chương IV – Phẩm Bốn Bài Kệ (tt)
338. Chuyện Vỏ Trấu (Tiền Thân Thusa)
339. Chuyện Xứ Baveru (Tiền Thân Bàveru)
340. Chuyện Trưởng Giả Visayha (Tiền Thân Visayha)
341. Chuyện Vua Kandari (Tiền Thân Kandari)
342. Chuyệcn Con Khỉ (Tiền Thân Vànara)
343. Chuyện Con Hạc (Tiền Thân Kuntani)
344. Chuyện Người Ăn Trộm Xoài (Tiền Thân Ambacora)
345. Chuyện Con Rùa Lười Biếng (Tiền Thân Gajakumbha)
346. Chuyện Đạo Sĩ Kesava (Tiền Thân Kesava)
347. Chuyện Cái Chày Sắt (Tiền Thân Ayakùta)
348. Chuyện Chốn Rừng Hoang (Tiền Thân Aranna)
349. Chuyện Lời Gièm Pha (Tiền Thân Sandhibheda)
350. Chuyện Vấn Đề Của Chư Thiên (Tiền Thân Devatàpanhà)

PHẦN 4 – CHƯƠNG V đến CHƯƠNG XXII

[01] Chương V – Phẩm Năm Bài Kệ
351. Chuyện Vòng Tai Bằng Ngọc (Tiền Thân Manikundala)
352. Chuyện Chàng Sujàta (Tiền Thân Sujàta)
353. Chuyện Cành Cây Thanh Tịnh (Tiền Thân Dhonasàkha)
354. Chuyện Con Rắn (Tiền Thân Uraga)
355. Chuyện Vương Tử Ghata (Tiền Thân Ghata)
356. Chuyệnn Nam Tử Kàrandiya (Tiền Thân Kàrandiya)
357. Chuyện Chim Cút (Tiền Thân Latukikà)
358. Chuyện Tiểu Vương Tử Hộ Pháp (Tiền Thân Culladhammapàla)
359. Chuyện Con Nai Vàng (Tiền Thân Suvannamiga)
360. Chuyện Hoàng Hậu Sussondi (Tiền Thân Sussondi)
361. Chuyện Sắc Đẹp (Tiền Thân Vannàroha)
362. Chuyện Thử Nghiệm Đức Hạnh (Tiền Thân Sìlavimamsa)
363. Chuyện Hổ Thẹn (Tiền Thân Hiri)
364. Chuyện Con Đom Đóm (Tiền Thân Khajjopanaka)
365. Chuyện Người Luyện Rắn (Tiền Thân Ahigundika)
366. Chuyện Con Quỷ Gumbiya (Tiền Thân Gumbiya)
367. Chuyện Vị Y Sĩ Già (Tiền Thân Sàliya)
368. Chuyện Dây Trói Buộc (Tiền Thân Tacasàra)
369. Chuyện Chàng Trai Mittavinda (Tiền Thân Mittavinda)
370. Chuyện Cây Hồng Phượng Vĩ (Tiền Thân Palàsa)
371. Chuyện Hoàng Tử Kosala (Tiền Thân Dighiti Kosala)
[02] Chương VI – Phẩm Sáu Bài Kệ
372. Chuyện Hai Chú Nai Con (Tiền Thân Migapotaka)
373. Chuyện Con Chuột (Tiền Thân Mùsika)
374. Chuyện Chàng Tiểu Xạ Thủ (Tiền Thân Culladhanuggaha)
375. Chuyện Chim Bồ Câu (Tiền Thân Kapota)
376. Chuyện Người Lái Đò (Tiền Thân Avàriya)
377. Chuyện Bà-La-Môn Setakeku (Tiền Thân Setakeku)
378. Chuyện Bà-La-Môn Darìmukha (Tiền Thân Darìmukha)
379. Chuyện Núi Neru (Tiền Thân Neru)
380. Chuyện Thiên Nữ Ásankà (Tiền Thân Asankà)
381. Chuyện Chim Thứu Migàlopa (Tiền Thân Migàlopa)
382. Chuyện Hai Thiên Nữ Siri Và Kàlakanni (Tiền Thân Siri Và Kàlakanni)
383. Chuyện Kê Vương (Tiền Thân Kukkuta)
384. Chuyện Pháp Ấn (Tiền Thân Dhammaddhaja)
385. Chuyện Lộc Vương Hoan Hỷ (Tiền Thân Nandiyamiga)
386. Chuyện Con Lừa (Tiền Thân Kharaputta)
387. Chuyện Cây Kim (Tiền Thân Suci)
388. Chuyện Con Heo Mõm Dài (Tiền Thân Tundila)
389. Chuyện Con Cua Vàng (Tiền Thân Suvannakakkata)
390. Chuyện Chim Mayhaka (Tiền Thân Mayhaka)
391. Chuyện Vị Tà Thuật Sư (Tiền Thân Dhajavihettha)
392. Chuyện Củ Hoa Sen (Tiền Thân Bhisapupha)
393. Chuyện Món Tàn Thực (Tiền Thân Vighàsa)
394. Chuyện Chim Cút (Tiền Thân Vattaka)
395. Chuyện Con Quạ (Tiền Thân Kàka)
[03] Chương VII – Phẩm Bảy Bài Kệ
396. Chuyện Ác Hạnh (Tiền Thân Kukku)
397. Chuyện Sư Tử Mannoja (Tiền Thân Manoja)
398. Chuyện Hiếu Tử Sutana (Tiền Thân Sutana)
399. Chuyện Chim Thứu (Tiền Thân Gijiha)
400. Chuyện Hoa Cỏ Kusa (Tiền Thân Dabbhapuppha)
401. Chuyện Người Nuốt Lưỡi Kiếm (Tiền Thân Dasannaka)
402. Chuyện Túi Da Đựng Bánh (Tiền Thân Sattnubhasta)
403. Chuyện Trí Giả Atthisena (Tiền Thân Atthisena)
404. Chuyện Hầu Vương (Tiền Thân Kapi)
405. Chuyện Phạm Thiên Baka (Tiền Thân Bakabrahma)
406. Chuyện Quốc Vương Gandhàra (Tiền Thân Gandhàra)
407. Chuyện Đại Hầu Vương (Tiền Thân Mahàkapi)
408. Chuyện Người Thợ Gốm (Tiền Thân Kumbhakàra)
409. Chuyện Vua Dalhadhamma (Tiền Thân Dalhadhamma)
410. Chuyện Con Voi Somadatta (Tiền Thân Somadatta)
411. Chuyện Vua Susìma (Tiền Thân Susìma)
412. Chuyện Thần Cây Bông Vải (Tiền Thân Kotisimbalì)
413. Chuyện Người Chăn Dê Dhùmakàri (Tiền Thân Dhùmakàri)
414. Chuyện Người Tỉnh Thức (Tiền Thân Jàgara)
415. Chuyện Phần Cháo Cúng Dường (Tiền Thân Kummàsapinda)
416. Chuyện Cận Thần Parantapa (Tiền Thân Parantapa)
[04] Chương VIII – Phẩm Tám Bài Kệ
417. Chuyện Hiền Mẫu Kaccàni (Tiền Thân Kaccàni)
418. Chuyện Tám Tiếng Kêu (Tiền Thân Attasadda)
419. Chuyện Kiều Nữ Sulasà (Tiền Thân Sulasà)
420. Chuyện Người Giữ Ngự Viên Sumangala (Tiền Thân Sumangala)
421. Chuyện Người Hớt Tóc Gangamàla (Tiền Thân Gangamàla)
422. Chuyện Quốc Vương Ceti (Tiền Thân Cetiya)
423. Chuyện Uy Lực Dục Tham (Tiền Thân Indriya)
424. Chuyện Ngọn Lửa Đốt Cháy (Tiền Thân Àditta)
425. Chuyện Những Sự Kiện Không Thể Xảy Ra (Tiền Thân Atthàna)
426. Chuyện Con Báo (Tiền Thân Dìpi)
[05] Chương IX – Phẩm Chín Bài Kệ
427. Chuyện Chim Thứu (Tiền Thân Gijiha)
428. Chuyện Giáo Hội Ở Kosambi (Tiền Thân Kosambì)
429. Chuyện Ðại Anh Vũ (Tiền Thân Mahàsuka)
430. Chuyện Tiểu Anh Vũ (Tiền Thân Cullasuka)
431. Chuyện Nam Tử Hàrita (Tiền Thân Hàrita)
432. Chuyện Cậu Bé Có Tài Nhận Dấu Chân (Tiền Thân Padakusalamànava)
433. Chuyện Vị Khổ Hạnh Ca-Diếp Nhiều Lông Tóc (Tiền Thân Lomasa Kassapa)
434. Chuyện Chim Hồng Nga (Tiền Thân Cakkavàka)
435 Chuyện Ước Mơ Chóng Phai Tàn (Tiền Thân Haliddiràga)
436. Chuyện Cái Hộp (Tiền Thân Samugga)
437. Chuyện Chó Rừng Pùtinumsa (Tiền Thân Pùtimamsa)
438. Chuyện Con Gà Gô (Tiền Thân Tittita)
[06] Chương X – Phầm Mười Bài Kệ
439. Chuyện Bốn Cổng Thành (Tiền Thân Catu-Dvàra)
440. Chuyện Hắc Hiền Giả (Tiền Thân Kanha)
441. Chuyện Bốn Vị Giữ Trai Giới (Tiền Thân Catu-Posathika)
442. Chuyện Bà-La-Môn Sankha (Tiền Thân Sankha)
443. Chuyện Trí Giả Tiểu Bồ Đề (Tiền Thân Culla-Bodhi)
444. Chuyện Hắc Nhân Dìpàyana (Tiền Thân Kanhadìpàyana)
445. Chuyện Vua Ða (Tiền Thân Nigrodha)
446. Chuyện Cây Hành (Tiền Thân Takkala)
447. Chuyện Đại Nhân Hộ Pháp (Tiền Thân Mahà Dhamma-Pàla)
448. Chuyện Kê Vương (Tiền Thân Kukuta)
449. Chuyện Nam Tử Đeo Vòng Tai (Tiền Thân Matta-Kundali)
450. Chuyện Phú Ông Keo Kiệt (Tiền Thân Bilàri-Kosiya)
451. Chuyện Hồng Nga (Tiền Thân Cakka-Vàka)
452. Chuyện Vấn Đề Trí Tuệ (Tiền Thân Bhùri-Panha)
453. Chuyện Điềm Lành Lớn (Tiền Thân Mahà-Mangala)
454. Chuyện Trí Giả Ghata (Tiền Thân Ghata)
[07] Chương XI – Phẩm Mười Một Bài Kệ
455. Chuyện Voi Hiếu Dưỡng Mẹ (Tiền Thân Màti-Posaka)
456. Chuyện Vương Tử Nguyệt Quang (Tiền Thân Junha)
457. Chuyện Thiên Tử Chánh Pháp (Tiền Thân Dhamma)
458. Chuyện Vua Thiện Lai (Tiền Thân Udaya)
459. Chuyện Ngụm Nước Uống (Tiền Thân Pàniya)
460. Chuyện Thái Tử Yuvanjana (Tiền Thân Yuvanjana)
461. Chuyện Ðại Vương Dasaratha (Tiền Thân Dasaratha)
462. Chuyện Vương Tử Samvara (Tiền Thân Samvara)
463. Chuyện Trí Giả Suppàraka (Tiền Thân Suppàraka)
[08] Chương XII – Phẩm Mười Hai Bài Kệ
464. Chuyện Tiểu Vương Điểu Kùnala (Tiền Thân Culla-Kunàla)
465. Chuyện Sàla, Cổ Thụ Cát Tường (Tiền Thân Bhadda-Sàla)
466. Chuyện Thương Nhân Trên Biển Cả (Tiền Thân Samudda-Vànijà)
467. Chuyện Dục Tham (Tiền Thân Kàma)
468. Chuyện Ðại Vương Janasandha (Tiền Thân Janasandha)
469. Chuyện Ðại Hắc Thiên Cẩu (Tiền Thân Mahà-Kanha)
470. Chuyện Phú Ông Keo Kiệt (Tiền Thân Kosiya)
471. Chuyện Con Dê (Tiền Thân Mendaka)
472. Chuyện Vương Tử Liên Hoa (Tiền Thân Mahà-Paduma)
473. Chuyện Bạn-Thù (Tiền Thân Mittàmitta)

PHẦN 5 – CHƯƠNG XIII đến CHƯƠNG XX

[01] Chương XIII – Phẩm Mười Ba Bài Kệ
474. Chuyện Trái Xoài (Tiền Thân (Amba)
475. Chuyện Cây Hồng Phượng Vĩ (Tiền Thân Phandana)
476. Chuyện Chúa Thiên Nga Có Thần Tốc (Tiền Thân Javana-Hamsa)
477. Chuyện Tiểu Đạo Sĩ Nàrada (Tiền Thân Culla-Nàrada)
478. Chuyện Sứ Thần (Tiền Thân Dùta)
479. Chuyện Cây Bồ Đề Và Thánh Đế Kàlinga (Tiền Thân Kàlinga-Bodhi)
480. Chuyện Hiền Giả Akitta (Tiền Thân Akitta)
481. Chuyện Hiền Giả Takkàriya (Tiền Thân Takkàriya)
482. Chuyện Lộc Vương (Tiền Thân Ruru)
483. Chuyện Chúa Nai Sarabha (Tiền Thân Sarabha-Miga)
[02] Chương XIV – Tạp Phẩm
484. Chuyện Cánh Đồng Lúa (Tiền Thân Sàlikedàra)
485. Chuyện Đôi Ca Thần Canda (Tiền Thân Canda Kinnara)
486. Chuyện Chúa Chim Ưng (Tiền Thân Màha Ukkusa)
487. Chuyện Nam Tử Uddàlaka (Tiền Thân Uddàlaka)
488. Chuyện Củ Sen (Tiền Thân Bhisa)
489. Chuyện Đại Vương Huy Hoàng (Tiền Thân Suruci)
490. Chuyện Nam Vi Hành Trì Trai Giới (Tiền Thân Pancùposatha)
491. Chuyện Ðại Khổng Tước (Tiền Thân Mahà-Mora)
492. Chuyện Lợn Rừng Của Thợ Mộc (Tiền Thân Taccha-Sùkara)
493. Chuyện Vị Đại Vương Nhân (Tiền Thân Mahà-Vànija)
494. Chuyện Đại Vương Sadhìna (Tiền Thân Sàdhìna)
495. Chuyện Mười Hạng Bà-La-Môn (Tiền Thân Dasa-Bràhmana)
496. Chuyện Cúng Thực Phẩm Đúng Cấp Bậc (Tiền Thân Bhikkhà-Parampara)
[03] Chương XV – Phẩm Hai Mươi Bài Kệ
497. Chuyện Bậc Hiền Trí Màtanga (Tiền Thân Màtanga)
498. Chuyện Đôi Bạn Citta-Sambhùta (Tiền Thân Citta-Sambhùta)
499. Chuyện Đại Vương Sivi (Tiền Thân Sivi)
500. Chuyện Thần Nữ Cát Tường (Tiền Thân Sirimanda)
501. Chuyện Lộc Vương Rohanta (Tiền Thân Rohanta Miga)
502. Chuyện Chúa Thiên Nga (Tiền Thân Hamsa)
503. Chuyện Anh Vũ Sattigumba (Tiền Thân Sattigumba)
504. Chuyện Ðại Vương Bhallàtiya (Tiền Thân Bhallàtiya)
505. Chuyện Vương Tử Hoan Lạc (Tiền Thân Somanassa)
506. Chuyện Long Vương Campeyya (Tiền Thân Campeyya)
507. Chuyện Sức Cám Dỗ Mạnh (Tiền Thân Mahà-Palobhana)
508. Chuyện Năm Vị Hiền Nhân (Tiền Thân Panca-Pandita)
509. Chuyện Hiền Giả Quản Tượng (Tiền Thân Hatthipàla)
510. Chuyện Vương Tử Trong Ngôi Nhà Sắt (Tiền Thân Ayoghara)
[04] Chương XVI – Phẩm Ba Mươi Bài Kệ
511. Chuyện Dục Tham Kỳ Dị (Tiền Thân Kimchanda)
512. Chuyện Bình Rượu (Tiền Thân Kumbha)
513. Chuyện Vương Tử Chiến Thắng (Tiền Thân Jayaddisa)
514. Chuyện Tượng Vương Ở Hồ Chaddanta (Tiền Thân Chaddanta)
515. Chuyện Nam Tử Sambhava (Tiền Thân Sambhava)
516. Chuyện Khỉ Chúa (Tiền Thân Mahàkapi)
517. Tiền Thân Dakarakkhasa
518. Chuyện Long Vương Pandara (Tiền Thân Pandara)
519. Chuyện Hoàng Hậu Sambulà (Tiền Thân Sambulà)
520. Chuyện Vị Thần Cây Tindu (Tiền Thân Gandatindu)
[05] Chương XVII – Phẩm Bốn Mươi Bài Kệ
521. Chuyện Ba Con Chim (Tiền Thân Tesakuna)
522. Chuyện Đại Nhân Thiện Xạ Sarabhanga(Tiền Thân Sarabhanga)
523. Thiên Nữ Alambusà (Tiền Thân Alambusà)
524. Chuyện Long Vương Samkhapàla (Tiền Thân Samkhapàla)
525. Chuyện Tiểu Sutasoma (Tiền Thân Sutasoma)
[06] Chương XVIII – Phẩm Năm Mươi Bài Kệ
526. Chuyện Công Chúa Nalinikà (Tiền Thân Nalinikà)
527. Chuyện Kỷ Nữ Ummadantì (Tiền Thân Ummadantì)
528. Chuyện Hiền Giả Đại Bồ Đề (Tiền Thân Mahà-Bodhi)
[07] Chương XIX – Phẩm Sáu Mươi Bài Kệ
529. Chuyện Hiền Giả Sonaka (Tiền Thân Sonaka)
530. Chuyện Hiền Giả Samkicca (Tiền Thân Samkicca)
[08] Chương XX – Phẩm Bảy Mươi Bài Kệ
531. Chuyện Đại Đế Kusa (Tiền Thân Kusa)
532. Chuyện Hai Hiền Giả Sona-Nanda (Tiền Thân Sona-Nanda)

PHẦN 6 – CHƯƠNG XXI, CHƯƠNG XXII

[01] Chương XXI – Phẩm Tám Mươi Bài Kệ
533. Chuyện Tiểu Thiên Nga (Tiền Thân Cullahamasa)
534. Chuyện Đại Thiên Nga (Tiền Thân Mahàhamasa)
535. Chuyện Thực Phẩm Thiên Giới (Tiền Thân Sudhàbhojana)
[02] Chương XXI – Phẩm Tám Mươi Bài Kệ (tt)
536. Chuyện Chúa Chim Kunàla (Tiền Thân Kunàla)
537. Chuyện Đại Sutasoma (Tiền Thân Mahà-Sutasoma)
[03] Chương XXII – Đại Phẩm
538. Chuyện Vương Tử Què Câm (Tiền Thân Muga-Pakka)
539. Chuyện Đại Vương Mahàjanaka (Tiền Thân Mahà-Janaka)
[04] Chương XXII – Đại Phẩm (tt)
540. Chuyện Hiếu Tử Sàma (Tiền Thân Sàma)
[05] Chương XXII – Đại Phẩm (tt)
541. Chuyện Đại Vương Nimi (Tiền Thân Nimi)
[06] Chương XXII – Đại Phẩm (tt)
542. Chuyện Tế Sư Khandahàla (Tiền Thân Khandahàda)
[07] Chương XXII – Đại Phẩm (tt)
543. Chuyện Bậc Đại Trí Bhùridatta (Tiền Thân Bhùridatta)
[08] Chương XXII – Đại Phẩm (tt)
544. Chuyện Bậc Đại Trí Mahanàrada-Kassapa (Tiền Thân Mahanàrada-Kassapa)
[09] Chương XXII – Đại Phẩm (tt)
545. Chuyện Bậc Đại Trí Vô Song (Tiền Thân Vidhurapandita)
[10] Chương XXII – Đại Phẩm (tt)
546. Chuyện Đường Hầm Vĩ Đại (Tiền Thân Mahà-Ummagga)
[11] Chương XXII – Đại Phẩm (tt)
547. Chuyện Đại Vương Vessantara (Tiền Thân Vessantara)

***

 

Năm 2017, Chùa Hương Sen có phát hành 3 cuốn sách mới do Ni Sư Giới Hương biên soạn.

KINH TĂNG CHI BỘ, MỤC LỤC TRỌN BỘ IV TẬP 

Tăng chi Tập 1, Chương Một: Một Pháp

Tăng chi Tập 1, Chương Hai: Hai Pháp

Tăng chi Tập 1, Chương Ba: Ba Pháp

Tăng chi Tập 1, Chương Bốn: Bốn Pháp

Tăng chi Tập 2, Chương bốn: Bốn pháp (Tiếp theo)

Tăng chi Tập 2, Chương Năm: Năm Pháp

Tăng chi Tập 3, Chương Sáu: Sáu Pháp

Tăng chi Tập 3, Chương Bảy: Bảy Pháp

Tăng chi Tập 3, Chương Tám: Tám Pháp

Tăng chi Tập 4, Chương chín: chín pháp

Tăng chi Tập 4, Chương mười: mười pháp

Tăng chi Tập 4, Chương mười một: mười một pháp

KINH TĂNG CHI BỘ, TRỌN BỘ IV TẬP MƯỜI MỘT CHƯƠNG HẾT

---------------------------------------------------------------------------

ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM

KINH TĂNG CHI BỘ

TẬP I, II, III, IV

(Số thứ tự 21, 22, 23, 24)

VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM

Ấn hành PL. 2540 - 1996

HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH

của

HỘI ĐỒNG PHIÊN DỊCH và ẤN HÀNH

ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM

1.     Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH

2.     Hòa thượng THÍCH HUỆ THÀNH

3.     Hòa thượng THÍCH GIÁC NHU

4.     Hòa thượng KIM CƯƠNG TỬ

5.     Hòa thượng THÍCH TÂM THÔNG

6.     Hòa thượng THÍCH SIÊU VIỆT

7.     Hòa thượng MAHÀ SARAY

8.     Hòa thượng THÍCH TRÍ NGHIÊM.

HỘI ĐỒNG CHỈ ĐẠO PHIÊN DỊCH và ẤN HÀNH

ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM

Chủ tịch: Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU

Phó chủ tịch: Hòa thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Phó chủ tịch: Hòa thượng KIM CƯƠNG TỬ

Phó chủ tịch: Hòa thượng THÍCH THANH KIỂM

Phó chủ tịch: Thượng tọa THÍCH THANH TỪ

Phó chủ tịch: Thượng tọa THÍCH THIỆN CHÂU

Trưởng ban Thư ký: Thượng tọa THÍCH CHƠN THIỆN

Trưởng ban Tài chánh: Thượng tọa THÍCH GIÁC TOÀN

Trưởng ban In ấn và Phát hành: Cư sĩ VÕ ĐÌNH CƯỜNG

Trưởng ban Từ vựng Phật học: Cư sĩ MINH CHI.

Nguyên bản: PALI

Việt dịch: Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP I MỤC LỤC

 

 1.Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên  7.Chương 7: Tương Ưng Bà-La-Môn
 2.Chương 2: Tương Ưng Thiên Tử  8.Chương 8: Tương Ưng Trưởng Lão Vangìsa
 3.Chương 3: Tương Ưng Kosala  9.Chương 9: Tương Ưng Rừng
 4.Chương 4: Tương Ưng Ác Ma  10.Chương 10: Tương Ưng Dạ-Xoa
 5.Chương 5: Tương Ưng Tỳ-Kheo Ni  11.Chương 11: Tương Ưng Sakka
 6.Chương 6: Tương Phạm Thiên  
   

 

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP I MỤC LỤC, MƯỜI MỘT CHƯƠNG HẾT

-----------------------

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP II MỤC LỤC

 

 1.Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên  6.Chương 6: Tương Ưng Lợi Đắc Cung Kính
 2.Chương 2: Tương Ưng Minh Kiến  7.Chương 7: Tương Ưng Ràhula
 3.Chương 3: Tương Ưng Giới  8.Chương 8: Tương Ưng Lakkhana
 4.Chương 4: Tương Ưng Vô Thỉ (AnamaTagga)  9.Chương 9: Tương Ưng Thí Dụ
 5.Chương 5: Tương Ưng Kassapa  10.Chương 10: Tương Ưng Tỷ-Kheo
   

 

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP II MỤC LỤC, MƯỜI CHƯƠNG HẾT

-----------------------------------------

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP III MỤC LỤC

 

 1.Chương 1: Tương Ưng Uẩn  8.Chương 8 Tương ưng loài rồng
 2.Chương 2: Phẩm Tương Ưng Ràdha  9.Chương 9 Tương ưng kim xí điểu
 3.Chương 3: Tương Ưng Kiến  10.Chương 10 Tương ưng Càn-thát-bà
 4.Chương 4 Tương ưng nhập  11.Chương 11 Tương ưng thần mây
 5.Chương 5: Tương ưng sanh  12.Chương 12 Tương ưng Vacchagota
 6.Chương 6 Tương phiền não  13.Chương 13 Tương ưng thiền
 7.Chương 7: Tương ưng Sariputta  

 

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP III MỤC LỤC, 13 CHƯƠNG HẾT

---------------------------

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP IV MỤC LỤC

 1.Chương 1: Tương Ưng Sáu Xứ  6.Chương 6: Tương Ưng Moggalana
 2.Chương 2: Tương Ưng Thọ  7.Chương 7: Tương Ưng tâm
 3.Chương 3: Tương Ưng Nữ Nhân  8.Chương 8: Tương Ưng Thôn Trưởng
 4.Chương 4: Tương Ưng Jambukhàdaka  9.Chương 9: Tương Ưng Vô Vi
 5.Chương 5: Tương Ưng Samandaka  10.Chương 10: Tương ưng không thuyết
   

 

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP IV MỤC LỤC, 10 CHƯƠNG HẾT

-------------------------------------

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP V MỤC LỤC

 

 1.Chương 1: Tương Ưng Đạo  7.Chương 7: Tương Ưng như ý túc
 2.Chương 2: Tương Ưng Giác Chi  8.Chương 8: Tương Ưng Anuruddha
 3.Chương 3: Tương Ưng Niệm Xứ  9.Chương 9: Tương Ưng Thiền
 4.Chương 4: Tương Ưng Căn  10.Chương 10: Tương Ưng Hơi Thở Hơi Thở Ra
 5.Chương 5: Tương Ưng Chánh Cần  11.Chương 11: Tương Ưng Dự Lưu
 6.Chương 6: Tương ưng Lực  12.Chương 12: Tương Ưng Sự Thật
   

 

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP V MỤC LỤC, 12 CHƯƠNG HẾT

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM

KINH TƯƠNG ƯNG BỘ

TẬP I, II, III,IV, V

(Số Thứ Tự 12, 13, 14, 15, 16)

VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM

Ấn hành PL. 2537 - 1993

HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH

của

HỘI ĐỒNG PHIÊN DỊCH và ẤN HÀNH

ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM

1.     Hòa thượng THÍCH ĐỨC NHUẬN

2.     Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH

3.     Hòa thượng THÍCH HUỆ THÀNH

4.     Hòa thượng THÍCH GIÁC NHU

5.     Hòa thượng KIM CƯƠNG TỬ

6.     Hòa thượng THÍCH TÂM THÔNG

7.     Hòa thượng THÍCH SIÊU VIỆT

8.     Hòa thượng MAHÀ SARAY

9.     Hòa thượng THÍCH TRÍ NGHIÊM.

HỘI ĐỒNG CHỈ ĐẠO PHIÊN DỊCH và ẤN HÀNH

ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM

Chủ tịch: Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU

Phó chủ tịch: Hòa thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Phó chủ tịch: Hòa thượng KIM CƯƠNG TỬ

Phó chủ tịch: Hòa thượng THÍCH THANH KIỂM

Phó chủ tịch: Thượng tọa THÍCH THANH TỪ

Phó chủ tịch: Thượng tọa THÍCH THIỆN CHÂU

Trưởng ban Thư ký: Cư sĩ TRẦN TUẤN MẪN

Trưởng ban Tài chánh: Thượng tọa THÍCH GIÁC TOÀN

Trưởng ban In ấn và Phát hành: Cư sĩ VÕ ĐÌNH CƯỜNG

Trưởng ban Từ vựng Phật học: Cư sĩ MINH CHI.

Nguyên bản: PALI

Việt dịch: Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU

1) Boddhisattva and Sunyata in the eartly and Developed Buddhist Traditions.
Bhikkuni Gioi Huong

PayPal - The safer, easier way to pay online!

 

 


2) Bồ Tát và Tánh Không Trong Kinh Tạng Pali và Đại Thừa
Thích Nữ Giới Hương 2008

 

 

 

3) Ban Mai Sứ Ấn (3 tập)
Thích Nữ Giới Hương

 

 

 

4) Vườn Nai - Chiếc Nôi Phật Giáo
Thích Nữ Giới Hương

 

 

 

5) Xá Lợi Của Đức Phật, Tham Weng Yew
Thích Nữ Giới Hương chuyển ngữ

 

 

 

 

6) Quy Y Tam Bảo và Năm Giới
Thích Nữ Giới Hương

 

 

 

 

7) Vòng Luân Hồi
Thích Nữ Giới Hương

 

 

 

 

8) Hoa Tuyết Milkaukee
Thích Nữ Giới Hương

 

 

 

 

9) Luân Hồi Trong Lăng Kính Lăng Nghiêm
Thích Nữ Giới Hương

 

 

 


10) Nghi Thức Hộ Niệm Cầu Siêu
Thích Nữ Giới Hương

 

 

 

 


11) Sen Nở Nơi Chốn Tử Tù
Nhiều Tác Giả, Thích Nữ Giới Hương chuyển ngữ

 

 

 


12) Nữ Tu và Tù Nhân Hoa Kỳ, (2 Tập)
Thích Nữ Giới Hương

 

 

 

13) Nếp Sống Tỉnh Thức Của Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ XIV: 2 tập
Thích Nữ Giới Hương

 

 

 

 


14) A-Hàm: Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não
Thích Nữ Giới Hương

 

 

 

 


15) Góp Từng Hạt Nắng Perris
Thích Nữ Giới Hương

 

 

 

 


16) Chuyển Ngữ của Kinh Kim Cang
Thích Nữ Giới Hương

 

 

 

 

17) Tập Thơ Nhạc Lắng Nghe Lăng Nghiêm
Thích Nữ Giới Hương

 

 

 

 

cement lotus for zen garden

ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM

KINH TRƯỜNG BỘ

TẬP I, II

(Số thứ tự 1, 2)

VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM

Ấn hành PL. 2535 - 1991

 MỤC LỤC KINH TRƯỜNG BỘ TẬP I  MỤC LỤC KINH TRƯỜNG BỘ TẬP II
1. Kinh Phạm võng (Brahmajàla Sutta)

17.Kinh đại thiện kiến vương

2. Kinh sa-môn quả 18.Kinh xà-ni-sa
3.Kinh Ambattha 19.Kinh đại điển tôn
4.Kinh Sonadanda 20.Kinh đại hội
5.Kinh Kutadanta 21.Kinh Đế thích sở vấn
6.Kinh Mahali 22.Kinh đại niệm xứ
7.Kinh Jaliya 23.Kinh Tệ túc
8.Kinh Kasapa 24.Kinh ba lê
9.Kinh Potthadada 25.Kinh Ưu đàm bà la sư tử hống
10.Kinh Subha 26.Kinh chuyển luân thánh vương sư tử hống
11.Kinh Kevaddha 27.Kinh khởi thế nhân bổn
12.Kinh Lohicca 28.Kinh tự hoan hỷ
13.Kinh Tevijja 29.Kinh thanh tịnh
14.Kinh đại bổn 30. Kinh tướng
15. Kinh đại duyên 31.Kinh giáo thọ Thi-ca-la-việt
16.Kinh đại bát niết-bàn 32.Kinh A-sá-nang-chi
  33.Kinh phúng tụng
   34.Kinh thập thượng

KINH TRƯỜNG TRỌN BỘ 34 KINH HẾT

------------------------------------------------------------------------------------

ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM

KINH TRƯỜNG BỘ

TẬP I, II

(Số thứ tự 1, 2)

VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM

Ấn hành PL. 2535 - 1991

 

HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH

của

HỘI ĐỒNG PHIÊN DỊCH và ẤN HÀNH

ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM

1.     Hòa thượng THÍCH ĐỨC NHUẬN

2.     Hòa thượng THÍCH ĐÔN HẬU

3.     Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH

4.     Hòa thượng THÍCH MẬT HIỂN

5.     Hòa thượng THÍCH HUỆ THÀNH

6.     Hòa thượng THÍCH GIÁC NHU

7.     Hòa thượng KIM CƯƠNG TỬ

8.     Hòa thượng THÍCH TÂM THÔNG

9.     Hòa thượng THÍCH SIÊU VIỆT

9.     Hòa thượng MAHÀ SARAY

11.    Hòa thượng THÍCH TRÍ NGHIÊM.

HỘI ĐỒNG CHỈ ĐẠO PHIÊN DỊCH và ẤN HÀNH

ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM

Chủ tịch: Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU

Phó chủ tịch: Hòa thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Phó chủ tịch: Hòa thượng KIM CƯƠNG TỬ

Phó chủ tịch: Hòa thượng THÍCH THANH KIỂM

Phó chủ tịch: Thượng tọa THÍCH THANH TỪ

Phó chủ tịch: Thượng tọa THÍCH THIỆN CHÂU

Trưởng ban Thư ký: Thượng tọa THÍCH CHƠN THIỆN

Trưởng ban Tài chánh: Thượng tọa THÍCH GIÁC TOÀN

Trưởng ban In ấn và Phát hành: Cư sĩ VÕ ĐÌNH CƯỜNG

Trưởng ban Từ vựng Phật học: Cư sĩ MINH CHI.

Nguyên bản: PALI

Việt dịch: Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU

MỤC LỤC KINH TRUNG BỘ TẬP I 50 KINH

1. Kinh pháp môn căn bản 26. Kinh Thánh Cầu
2. Kinh tất cả các lậu hoặc 27. Tiểu Kinh Dụ Dấu Chân Voi
3. Kinh thừa tự pháp 28. Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi
4. Kinh sợ hãi và khiếp đãm 29. Đại kinh Thí Dụ Lõi Cây
5. Kinh không uế nhiễm 30. Tiểu kinh Thí Dụ Lõi Cây
6. Kinh ước nguyện 31. Tiểu kinh Rừng Sừng Bò
7. Kinh ví dụ tấm vải 32. Đại kinh Rừng Sừng Bò
8. Kinh đoạn giảm 33. Đại kinh Người Chăn Bò
9. Kinh chánh tri kiến 34. Tiểu kinh Người Chăn Bò
10. Kinh niệm xứ 35. Tiểu kinh Saccaka
11.Tiểu kinh Sư Tử Hống 36. Đại kinh Saccaka
12. Kinh Đại sư tử hống 37. Tiểu kinh Đoạn Tận Ái
13. Đại Kinh khổ uẩn 38. Đại kinh Đoạn Tận Ái
14.Tiểu Kinh khổ uẩn 39. Đại kinh Xóm Ngựa
15. Kinh Tư lượng 40. Tiểu kinh Xóm Ngựa
16. Kinh Tâm hoang vu 41. Kinh Saleyyaka
17. Kinh khu rừng 42. Kinh Veranyaka
18. Kinh Mật Hoàn 43. Đại Kinh Phương Quảng
19. Kinh Song Tầm 44.Tiểu kinh Phương Quảng
20. Kinh An Trú Tầm 45. Tiểu kinh Pháp Hành
21. Kinh Ví Dụ Cái Cưa 46. Đại kinh Pháp Hành
22 .Kinh Ví Dụ Con Rắn 47. Kinh Tư Sát
23. Kinh Gò Mối 48. Kinh Kosambiya
24. Kinh Trạm Xe 49. Kinh Phạm Thiên Cầu Thỉnh
25. Kinh Bẫy Mồi 50. Kinh Hàng Ma

MỤC LỤC KINH TRUNG BỘ TẬP I 50 KINH HẾT

---------------------------

MỤC LỤC KINH TRUNG BỘ TẬP II

51. Kinh Kandaraka 76.KINH SANDAKA KINH
52. Kinh Bát Thành 77.KINH MAHA SAKULUDAYI
53. Kinh Hữu Học 78.KINH SAMANAMANDIKA
54. Kinh Potaliya 79.TIỂU KINH THIỆN SANH ƯU ĐÀ DI
55.Kinh Yivaka 80.KINH VEKHANASSA
56. Kinh Ưu Ba Ly 81.KINH GHATIKARA
57.Kinh Hạnh Con Chó 82.KINH RATTHAPALA
58.Kinh vương tử Abhayakumàra (vô úy) 83.KINH MAKHADEVA
59.Kinh nhiều cảm thọ 84.KINH MUDHURA
60.Kinh không gì chuyển hướng 85.KINH BỒ ĐỀ VƯƠNG TỬ
61. KINH GIÁO GIỚI LA-HẦU-LA Ở RỪNG AM-BÀ-LA 86.KINH ANGULIMALA
62.ĐẠI KINH GIÁO GIỚI LA-HẦU-LA 87.KINH ÁI SANH
63.TIỂU KINH MALUNKYA 88.KINH BAHITIKA
64.ĐẠI KINH MALUNKYAPUTTA 89. KINH PHÁP TRANG NGHIÊM
65.KINH BHADDALI 90.KINH KANNAKATTHALA
66.KINH VÍ DỤ CON CHIM CÁY 91.KINH BRAHMAYU
67.KINH CATUMA 92.KINH SELA
68.KINH NALAKAPANA 93.KINH ASTALAYANA
69.KINH GULISSANI 94.KINH GHOTAMUKHA
70.KINH KITAGIRI 95. KINH CANKI
71.KINH BA MINH VACCHAGOTA 96.KINH ESUKARI
72.KINH AGGIVACCHAGOTTA 97.KINH DHANANJANI
73.ĐẠI KINH VACCHAGOTTA 98.KINH VASETTHA
74.KINH TRƯỜNG TRẢO 99.KINH SUBHA
75.KINH MAGANDIYA 100.KINIH SANGARAVA

KINH TRUNG BỘ TẬP II TRỌN BỘ 50 KINH HẾT

---------------------------

MỤC LỤC KINH TRUNG BỘ TẬP III

101.KINH DEVADAHA 126.KINH PHÙ-DI
102.KINH NĂM BA 127.KINH A NA LUẬT
103.KINH NHƯ THẾ NÀO 128.KINH TÙY PHIỀN NÃO
104.Kinh làng Sama 129.KINH HIỀN NGU
105.KINH THIỆN TINH 130.KINH THIÊN SỨ
106.KINH BẤT ĐỘNG LỢI ÍCH 131.KINH NHỨT DẠ HIỀN GIẢ
107.KINH GANAKA MOGGALLANA 132.KINH A NAN NHỨT DẠ HIỀN GIẢ
108.KINH GOPAKA MOGGAKAMMA 133. KINH ĐẠI CA-CHIÊN-DIÊN NHỨT DẠ HIỀN GIẢ
109.ĐẠI KINH MÃN NGUYỆT 134.KINH LOMASAKANGIYA NHỨT DẠ HIỀN GIẢ
110.TIỂU KINH MÃN NGUYỆT 135.KINH TIỂU NGHIỆP PHÂN BIỆT
111. KINH BẤT ĐOẠN 136.KINH ĐẠI NGHIỆP PHÂN BIỆT
112.KINH SÁU THANH TỊNH 137.KINH PHÂN BIỆT SÁU XỨ
113.KINH CHÂN NHÂN 138.KINH TỔNG THUYẾT VÀ BIỆT THUYẾT
114. KINH NÊN HÀNH TRÌ KHÔNG NÊN HÀNH TRÌ 139.KINH VÔ TRÁNH PHÂN BIỆT
115.KINH ĐA GIỚI 140.KINH GIỚI PHÂN BIỆT
116.KINH THÔN TIÊN 141.KINH PHÂN BIỆT VỀ SỰ THẬT
117.ĐẠI KINH BỐN MƯƠI 142.KINH PHÂN BIỆT CÚNG DƯỜNG
118.KINH NHẬP TỨC XUẤT TỨC NIỆM 143.KINH GIÁO GIỚI CẤP CÔ ĐỘC
119.KINH THÂN HÀNH NIỆM 144.KINH GIÁO GIỚI CHANNA
120.KINH HÀNH SANH 145.KINH GIÁO GIỚI PHÚ LÂU NA
121.KINH TIỂU KHÔNG 146.KINH GIÁO GIỚI NANDAKA
122. KINH ĐẠI KHÔNG 147.TIỂU KINH GIÁO GIỚI LA-HẦU-LA
123.KINH HY HỮU VỊ TẰNG HỮU PHÁP 148.KINH SÁU SÁU
124.KINH BẠC-CÂU-LA 149.Đại Kinh sáu xứ
125.KINH ĐIỀU NGỰ ĐỊA 150.KINH NÓI CHO DÂN CHÚNG NAGARAVINDA
  151.KINH KHẤT THỰC THANH TỊNH
  152.KINH CĂN TU TẬP.

KINH TRUNG BỘ TẬP III 52 KINH HẾT

TRỌN BỘ 3 QUYỂT

------------------------------------

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM

KINH TRUNG BỘ

TẬP I, II, III

(Số thứ tự 5, 6, 7)

VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM

Ấn hành PL. 2536 - 1992

HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH

của

HỘI ĐỒNG PHIÊN DỊCH và ẤN HÀNH

ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM

1.     Hòa thượng THÍCH ĐỨC NHUẬN

2.     Hòa thượng THÍCH ĐÔN HẬU

3.     Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH

4.     Hòa thượng THÍCH MẬT HIỂN

5.     Hòa thượng THÍCH HUỆ THÀNH

6.     Hòa thượng THÍCH GIÁC NHU

7.     Hòa thượng KIM CƯƠNG TỬ

8.     Hòa thượng THÍCH TÂM THÔNG

9.     Hòa thượng THÍCH SIÊU VIỆT

9.     Hòa thượng MAHÀ SARAY

11.    Hòa thượng THÍCH TRÍ NGHIÊM.

HỘI ĐỒNG CHỈ ĐẠO PHIÊN DỊCH và ẤN HÀNH

ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM

Chủ tịch: Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU

Phó chủ tịch: Hòa thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Phó chủ tịch: Hòa thượng KIM CƯƠNG TỬ

Phó chủ tịch: Hòa thượng THÍCH THANH KIỂM

Phó chủ tịch: Thượng tọa THÍCH THANH TỪ

Phó chủ tịch: Thượng tọa THÍCH THIỆN CHÂU

Trưởng ban Thư ký: Thượng tọa THÍCH CHƠN THIỆN

Trưởng ban Tài chánh: Thượng tọa THÍCH GIÁC TOÀN

Trưởng ban In ấn và Phát hành: Cư sĩ VÕ ĐÌNH CƯỜNG

Trưởng ban Từ vựng Phật học: Cư sĩ MINH CHI.

Nguyên bản: PALI

Việt dịch: Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU

 

 

 

Gioi thieu nhung tac pham hay cua Ni Su Gioi Huong

Để có đôi mắt sáng và khỏe mạnh, bên cạnh việc lựa chọn các loại thực phẩm tốt cho mắt, một số động tác yoga dành riêng cho mắt dưới đây sẽ giúp bạn cải thiện thị lực của mắt

Khi nói về tiểu-sử của đức Phật Tỳ-Bà-Thi*, vị Phật đầu tiên trong kiếp Trang-Nghiêm đức Thích-Ca thuật lại “truyền-thống” thị-hiện giống nhau

Chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thánh Hiền đã có hai loại (lịch sử có thật hoặc do Ðức Thích Ca nói cho biết)

Sau khi Như Lai nhập niết-bàn, khi giáo pháp bắt đầu suy yếu, trong đời ngũ trược ác thế, ma đạo sẽ rất thịnh hành, ma quỷ biến thành sa-môn, xuyên tạc phá hoại giáo pháp của ta.

Cửa Tử là cửa mà mọi người đều phải bước qua ! Vì sự bí mật cùa nó mà lắm người nơm nớp, lo âu và sợ hãi !

T rong thiền môn, bức tranh vẽ “Tây Phương Tam Thánh” Bồ Tát Ðại Thế Chí cầm cành hoa sen màu xanh đứng bên tay phải Ðức Phật A Di Ðà, bên tay trái là Bồ Tát Quán Thế Âm cầm nhành dương liễu và bình tịnh thủy.

Xá Lợi Phất  là bậc thánh làm gì có sân. Tánh sân nằm ngủ trong tạng thức mà chúng ta không thấy, nay tu mới thấy.

Minh An xin phép kể một câu chuyện Hiện tiền trên thế gian , mà Chính Minh An và các Phật tử đều biết đến

Ngài Hạ-Liên-Cư là một cư sĩ, Ngài chỉ niệm A-di-đà Phật, khi vãng sanh Ngài mời bạn bè tới dự tiệc chia tay rồi đứng giữa chánh điện chắp tay mà thoát hóa, vui vẻ thoải mái.

Một thiên nhân đến với Phật trong hóa thân một người Bà la Môn, với vẻ mặt rạng rỡ và bộ 

trang phục trắng như tuyết. 

Kinh Hoa Nghiêm nói trong thập địa Bồ Tát, địa nào cũng chẳng bỏ niệm Phật. Phẩm Ðại Giáo Duyên Khởi kinh này cũng bảo: ‘Quá khứ, vị lai, hiện tại, vị Phật đều nghĩ đến nhau’.

Hôm nay là ngày 16 tháng giêng năm 1994, chúng ta ở tại Xóm Hạ, học tiếp về tứ diệu đế.


Hôm trước chúng ta đã bắt đầu học về chánh tinh tấn và biết rằng năng lượng tinh tấn được phát sinh là do chất liệu của niềm vui và niềm tin.

Ngài Hương Nghiêm bạch Tổ Quy

Sơn một câu hỏi. Tổ đáp : “Nếu tôi nói th. sau này ông sẽ trách tôi”. Hương Nghiêm phiền

lắm, bỏ chùa đi nơi khác. 30

Phát Hành  Kinh Sách & Phật Cụ

Thầy Hải Triều Âm viết sách mà cứ vị này vào hỏi, vị kia vào hỏi, nên thầy nói nhất định làm xong chứ không đứng dậy. Làm xong rồi mới tính.

Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh (hay Tại Gia Bồ Tát Giới Kinh) là giới Bồ tát của riêng hàng Phật tử tại gia, còn Phạm Võng là giới Bồ tát chung cho cả hàng xuất gia lẫn tại gia.

Quá trình giao thoa, kết hợp và dung hòa với văn hóa Trung Hoa xưa nay thể hiện khá rõ nét ở nghệ thuật tổ chức không gian Thiền trong vườn cảnh Việt Nam. 

Một người Ấn Độ 76 tuổi đang sống trong một hang động gần ngôi đền Ambaji ở bang Guijarat Ấn Độ ông Prahlad Jani tuyên bố: “Tôi không cần thức ăn và nước uống”.

Những bài như thế này là món quà quý cho mọi người vì dễ đọc, dễ ứng dụng và làm cho mọi người được hạnh phúc, xã hội được tốt đẹp hơn vì những đồng thuận sẽ được nhân lên gấp bội.

Đức Phật Dược Sư vì lòng từ bi thương chúng sanh bị khổ về thân và tâm mà phát 12 nguyện lớn để chuyển hóa nghiệp báo của chúng sanh như sau:

Xuất phát từ góc nhìn văn hóa du lịch, chúng tôi xin đề cập những vấn đề cơ bản của triết lý thiền và nghệ thuật thiền, xem đó như một bước khởi đầu cho ý tưởng xây dựng một loại hình du lịch mới ở Việt Nam: Du lịch thiền […].

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm