Tôi đã có ấn tượng về hạnh khiêm hạ, kính Phật trọng Tăng của Ni Sư Giới Hương trong thời pháp thoại 2 tiếng đồng hồ hôm ấy
Ni Sư Giới Hương và Chư Ni Chúng Chùa Hương Sen mến,
Sư cô còn tích cực tham gia giảng dạy tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh nữa
Bên cạnh đi học, Ni sư cũng dấn thân đi giảng ở nhà tù, nhà thờ, trường học, các chùa và nơi công cộng…
Từ những năm 2010 đến nay, tôi có duyên đi cùng đoàn với Ni sư Giới Hương qua dự lễ Về Nguồn lần thứ VI
Thế giới Phật giáo mang ơn một vị Ni sư đã hết lòng đóng góp cho đạo pháp và thành tựu.
Sứ giả Như Lai trong suốt cuộc đời này
Bình bát ba y đong đầy tâm khao khát
Ni giới Việt Nam và Ni giới từ các nước trên thế giới có dịp sinh hoạt thành một đoàn thể trong một tuần lễ. Ni Sư Giới Hương và một số Ni Sinh đang du học tại Ấn Độ đã đóng góp một số bài tham luận về Phật Giáo Việt Nam trong đại hội.
Long bong suốt vạn cuộc đời,
Tìm đâu, chẳng thấy một thời sát na.
MỤC LỤC
[01] Chương V – Phẩm Năm Bài Kệ |
351. Chuyện Vòng Tai Bằng Ngọc (Tiền Thân Manikundala) 352. Chuyện Chàng Sujàta (Tiền Thân Sujàta) 353. Chuyện Cành Cây Thanh Tịnh (Tiền Thân Dhonasàkha) 354. Chuyện Con Rắn (Tiền Thân Uraga) 355. Chuyện Vương Tử Ghata (Tiền Thân Ghata) 356. Chuyệnn Nam Tử Kàrandiya (Tiền Thân Kàrandiya) 357. Chuyện Chim Cút (Tiền Thân Latukikà) 358. Chuyện Tiểu Vương Tử Hộ Pháp (Tiền Thân Culladhammapàla) 359. Chuyện Con Nai Vàng (Tiền Thân Suvannamiga) 360. Chuyện Hoàng Hậu Sussondi (Tiền Thân Sussondi) 361. Chuyện Sắc Đẹp (Tiền Thân Vannàroha) 362. Chuyện Thử Nghiệm Đức Hạnh (Tiền Thân Sìlavimamsa) 363. Chuyện Hổ Thẹn (Tiền Thân Hiri) 364. Chuyện Con Đom Đóm (Tiền Thân Khajjopanaka) 365. Chuyện Người Luyện Rắn (Tiền Thân Ahigundika) 366. Chuyện Con Quỷ Gumbiya (Tiền Thân Gumbiya) 367. Chuyện Vị Y Sĩ Già (Tiền Thân Sàliya) 368. Chuyện Dây Trói Buộc (Tiền Thân Tacasàra) 369. Chuyện Chàng Trai Mittavinda (Tiền Thân Mittavinda) 370. Chuyện Cây Hồng Phượng Vĩ (Tiền Thân Palàsa) 371. Chuyện Hoàng Tử Kosala (Tiền Thân Dighiti Kosala) |
[02] Chương VI – Phẩm Sáu Bài Kệ |
372. Chuyện Hai Chú Nai Con (Tiền Thân Migapotaka) 373. Chuyện Con Chuột (Tiền Thân Mùsika) 374. Chuyện Chàng Tiểu Xạ Thủ (Tiền Thân Culladhanuggaha) 375. Chuyện Chim Bồ Câu (Tiền Thân Kapota) 376. Chuyện Người Lái Đò (Tiền Thân Avàriya) 377. Chuyện Bà-La-Môn Setakeku (Tiền Thân Setakeku) 378. Chuyện Bà-La-Môn Darìmukha (Tiền Thân Darìmukha) 379. Chuyện Núi Neru (Tiền Thân Neru) 380. Chuyện Thiên Nữ Ásankà (Tiền Thân Asankà) 381. Chuyện Chim Thứu Migàlopa (Tiền Thân Migàlopa) 382. Chuyện Hai Thiên Nữ Siri Và Kàlakanni (Tiền Thân Siri Và Kàlakanni) 383. Chuyện Kê Vương (Tiền Thân Kukkuta) 384. Chuyện Pháp Ấn (Tiền Thân Dhammaddhaja) 385. Chuyện Lộc Vương Hoan Hỷ (Tiền Thân Nandiyamiga) 386. Chuyện Con Lừa (Tiền Thân Kharaputta) 387. Chuyện Cây Kim (Tiền Thân Suci) 388. Chuyện Con Heo Mõm Dài (Tiền Thân Tundila) 389. Chuyện Con Cua Vàng (Tiền Thân Suvannakakkata) 390. Chuyện Chim Mayhaka (Tiền Thân Mayhaka) 391. Chuyện Vị Tà Thuật Sư (Tiền Thân Dhajavihettha) 392. Chuyện Củ Hoa Sen (Tiền Thân Bhisapupha) 393. Chuyện Món Tàn Thực (Tiền Thân Vighàsa) 394. Chuyện Chim Cút (Tiền Thân Vattaka) 395. Chuyện Con Quạ (Tiền Thân Kàka) |
[03] Chương VII – Phẩm Bảy Bài Kệ |
396. Chuyện Ác Hạnh (Tiền Thân Kukku) 397. Chuyện Sư Tử Mannoja (Tiền Thân Manoja) 398. Chuyện Hiếu Tử Sutana (Tiền Thân Sutana) 399. Chuyện Chim Thứu (Tiền Thân Gijiha) 400. Chuyện Hoa Cỏ Kusa (Tiền Thân Dabbhapuppha) 401. Chuyện Người Nuốt Lưỡi Kiếm (Tiền Thân Dasannaka) 402. Chuyện Túi Da Đựng Bánh (Tiền Thân Sattnubhasta) 403. Chuyện Trí Giả Atthisena (Tiền Thân Atthisena) 404. Chuyện Hầu Vương (Tiền Thân Kapi) 405. Chuyện Phạm Thiên Baka (Tiền Thân Bakabrahma) 406. Chuyện Quốc Vương Gandhàra (Tiền Thân Gandhàra) 407. Chuyện Đại Hầu Vương (Tiền Thân Mahàkapi) 408. Chuyện Người Thợ Gốm (Tiền Thân Kumbhakàra) 409. Chuyện Vua Dalhadhamma (Tiền Thân Dalhadhamma) 410. Chuyện Con Voi Somadatta (Tiền Thân Somadatta) 411. Chuyện Vua Susìma (Tiền Thân Susìma) 412. Chuyện Thần Cây Bông Vải (Tiền Thân Kotisimbalì) 413. Chuyện Người Chăn Dê Dhùmakàri (Tiền Thân Dhùmakàri) 414. Chuyện Người Tỉnh Thức (Tiền Thân Jàgara) 415. Chuyện Phần Cháo Cúng Dường (Tiền Thân Kummàsapinda) 416. Chuyện Cận Thần Parantapa (Tiền Thân Parantapa) |
[04] Chương VIII – Phẩm Tám Bài Kệ |
417. Chuyện Hiền Mẫu Kaccàni (Tiền Thân Kaccàni) 418. Chuyện Tám Tiếng Kêu (Tiền Thân Attasadda) 419. Chuyện Kiều Nữ Sulasà (Tiền Thân Sulasà) 420. Chuyện Người Giữ Ngự Viên Sumangala (Tiền Thân Sumangala) 421. Chuyện Người Hớt Tóc Gangamàla (Tiền Thân Gangamàla) 422. Chuyện Quốc Vương Ceti (Tiền Thân Cetiya) 423. Chuyện Uy Lực Dục Tham (Tiền Thân Indriya) 424. Chuyện Ngọn Lửa Đốt Cháy (Tiền Thân Àditta) 425. Chuyện Những Sự Kiện Không Thể Xảy Ra (Tiền Thân Atthàna) 426. Chuyện Con Báo (Tiền Thân Dìpi) |
[05] Chương IX – Phẩm Chín Bài Kệ |
427. Chuyện Chim Thứu (Tiền Thân Gijiha) 428. Chuyện Giáo Hội Ở Kosambi (Tiền Thân Kosambì) 429. Chuyện Ðại Anh Vũ (Tiền Thân Mahàsuka) 430. Chuyện Tiểu Anh Vũ (Tiền Thân Cullasuka) 431. Chuyện Nam Tử Hàrita (Tiền Thân Hàrita) 432. Chuyện Cậu Bé Có Tài Nhận Dấu Chân (Tiền Thân Padakusalamànava) 433. Chuyện Vị Khổ Hạnh Ca-Diếp Nhiều Lông Tóc (Tiền Thân Lomasa Kassapa) 434. Chuyện Chim Hồng Nga (Tiền Thân Cakkavàka) 435 Chuyện Ước Mơ Chóng Phai Tàn (Tiền Thân Haliddiràga) 436. Chuyện Cái Hộp (Tiền Thân Samugga) 437. Chuyện Chó Rừng Pùtinumsa (Tiền Thân Pùtimamsa) 438. Chuyện Con Gà Gô (Tiền Thân Tittita) |
[06] Chương X – Phầm Mười Bài Kệ |
439. Chuyện Bốn Cổng Thành (Tiền Thân Catu-Dvàra) 440. Chuyện Hắc Hiền Giả (Tiền Thân Kanha) 441. Chuyện Bốn Vị Giữ Trai Giới (Tiền Thân Catu-Posathika) 442. Chuyện Bà-La-Môn Sankha (Tiền Thân Sankha) 443. Chuyện Trí Giả Tiểu Bồ Đề (Tiền Thân Culla-Bodhi) 444. Chuyện Hắc Nhân Dìpàyana (Tiền Thân Kanhadìpàyana) 445. Chuyện Vua Ða (Tiền Thân Nigrodha) 446. Chuyện Cây Hành (Tiền Thân Takkala) 447. Chuyện Đại Nhân Hộ Pháp (Tiền Thân Mahà Dhamma-Pàla) 448. Chuyện Kê Vương (Tiền Thân Kukuta) 449. Chuyện Nam Tử Đeo Vòng Tai (Tiền Thân Matta-Kundali) 450. Chuyện Phú Ông Keo Kiệt (Tiền Thân Bilàri-Kosiya) 451. Chuyện Hồng Nga (Tiền Thân Cakka-Vàka) 452. Chuyện Vấn Đề Trí Tuệ (Tiền Thân Bhùri-Panha) 453. Chuyện Điềm Lành Lớn (Tiền Thân Mahà-Mangala) 454. Chuyện Trí Giả Ghata (Tiền Thân Ghata) |
[07] Chương XI – Phẩm Mười Một Bài Kệ |
455. Chuyện Voi Hiếu Dưỡng Mẹ (Tiền Thân Màti-Posaka) 456. Chuyện Vương Tử Nguyệt Quang (Tiền Thân Junha) 457. Chuyện Thiên Tử Chánh Pháp (Tiền Thân Dhamma) 458. Chuyện Vua Thiện Lai (Tiền Thân Udaya) 459. Chuyện Ngụm Nước Uống (Tiền Thân Pàniya) 460. Chuyện Thái Tử Yuvanjana (Tiền Thân Yuvanjana) 461. Chuyện Ðại Vương Dasaratha (Tiền Thân Dasaratha) 462. Chuyện Vương Tử Samvara (Tiền Thân Samvara) 463. Chuyện Trí Giả Suppàraka (Tiền Thân Suppàraka) |
[08] Chương XII – Phẩm Mười Hai Bài Kệ |
464. Chuyện Tiểu Vương Điểu Kùnala (Tiền Thân Culla-Kunàla) 465. Chuyện Sàla, Cổ Thụ Cát Tường (Tiền Thân Bhadda-Sàla) 466. Chuyện Thương Nhân Trên Biển Cả (Tiền Thân Samudda-Vànijà) 467. Chuyện Dục Tham (Tiền Thân Kàma) 468. Chuyện Ðại Vương Janasandha (Tiền Thân Janasandha) 469. Chuyện Ðại Hắc Thiên Cẩu (Tiền Thân Mahà-Kanha) 470. Chuyện Phú Ông Keo Kiệt (Tiền Thân Kosiya) 471. Chuyện Con Dê (Tiền Thân Mendaka) 472. Chuyện Vương Tử Liên Hoa (Tiền Thân Mahà-Paduma) 473. Chuyện Bạn-Thù (Tiền Thân Mittàmitta) |
Chương V
Phẩm Năm Bài Kệ
Bị cướp hết niềm vui cuộc sống…,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi ngài trú tại Kỳ Viên về một ông quan phạm tội thông gian trong hậu cung của vua xứ Kosala.
Trường hợp xảy ra câu chuyện đã được kể đầy đủ trước đây ở số 282 và 303.
*
Ở đây cũng thế, Bồ-tát là vua ở Ba-la-nại. Ông quan xấu xa kia đến với vua Kasala và khuyên vua đánh chiếm vương quốc Kàsi rồi bắt Bồ-tát bỏ vào ngục. Ðức vua Ba-la-nại phát triển thiền định và ngồi bắt chéo chân ở trên không. Ông vua cướp nước kia bị nóng sốt toàn thân, liền đến gần vua Ba-la-nại và đọc bài kệ đầu:
Bị cướp hết niềm vui cuộc sống,
Hết hoa tai lộng ngọc, ngựa, xe,
Vợ yêu, con dấu mất đi,
Xem ra ngài chẳng tỏ chi phiền hà!
Nghe thế Bồ-tát liền đọc các bài kệ sau:
Thú vui sẽ vội rời ta,
Thú vui rồi sẽ bay xa mấy hồi.
Vua kia tự hóa buồn thôi,
Như vần trăng hiện trên trời, trăng non,
Ðầy dần cho đến lúc tròn,
Khuyết đi rồi lại chẳng còn trăng đâu!
Sưởi cho vạn vật tươi màu,
Mặt trời vội lặn bên bầu trời xa,
Luật đời là đổi thay mà,
Khổ đau không thể làm ta bận lòng.
Thế rồi bậc Ðại Sĩ giảng bài Chân lý cho ông vua cướp nước kia nghe và đem đức hạnh của mình ra thử thách, ngài đọc các kệ sau:
Ghét thường nhân tham dục
Vẫn theo thói biếng lười.
Kẻ tu hành giả mặt:
Phường xảo quyệt đấy thôi!
Hôn quân thường xử án
Mà chẳng chịu lắng nghe;
Không thể nào biện bạch
Bậc trí nổi sân si
Chiếu vương phán một lời
Cân nhắc thật hẳn hoi,
Chính chuyên lời phán ấy
Vang danh mãi trên đời.
Vua xứ Kosala được Bồ-tát tha thứ, và sau khi trao trả lại vương quốc cho Bồ-tát, ông quay về xứ của mình.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Ànanda là vua xứ Kasala, còn Ta chính là vua Ba-la-nại.
-ooOoo-
Sao con lại vội mang…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một người chủ đất có cha chết.
Khi cha ông mất, ông buồn bã đi khắp nơi, chẳng thể nào vơi được cơn sầu. Bậc Ðạo Sư nhận thấy người đàn ông này có khả năng đạt quả giải thoát cho nên khi Ngài vào thành Xá-vệ để khất thực, Ngài cùng với một thị giả đến nhà ông ta. Ngồi vào chỗ đã soạn sẵn cho Ngài, Ngài cúi xuống nói với gia chủ cũng đang ngồi đấy:
– Nay cư sĩ, phải chăng ông đang sầu khổ?
Người ấy đáp:
– Vâng, bạch Thế Tôn, đúng như thế.
Ngài dạy:
– Này bằng hữu, các bậc hiền trí ngày xưa đã nghe lời trí tuệ của người chính trực và khi họ mất cha, họ không sầu khổ.
Rồi do yêu cầu của gia chủ, Ngài kể một chuyện tiền kiếp.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sinh vào nhà một gia chủ nọ. Ngài được gọi là Nam tử Sujàta. Khi ngài lớn lên thì nội tổ của ngài mất. Từ ngày lão gia mất, thân phụ ngài rất sầu khổ. Ông lấy hài cốt của cha từ nơi hỏa táng rồi xây một nấm mồ trong vườn thưởng ngoạn của ông và đặt di cốt vào đấy. Mỗi khi đến thăm chỗ ấy, ông trang hoàng hoa lên mồ rồi mải miết than khóc. Ông chẳng tắm rửa chẳng xức dầu thơm, cũng chẳng để ý đến việc kinh tài. Quan sát việc này, Bồ-tát tự nghĩ: “Từ khi ông nội ta mất, cha ta đi đâu cũng cứ đắm chìm trong sầu muộn. Ta chắc rằng chẳng ai ngoài ta ra có khả năng khuyên nhủ được người. Ta sẽ tìm cách giải thoát cho người khỏi cơn sầu khổ”.
Thế rồi khi trông thấy con bò đực nằm chết ở bên ngoài thành phố, ngài mang cỏ và nước tới đặt trước con bò ấy và nói:
– Ăn đi, uống đi! Ăn đi, uống đi.
Mọi người đi qua thấy thế đều bảo:
– Này Sujàta, bạn điên đấy ư? Bạn đưa cỏ và nước cho một con bò chết ư?
Nhưng ngài không đáp một tiếng nào.
Vì thế, họ đến bảo với thân phụ ngài:
– Con trai của ông bị điên rồi, anh ta lấy cỏ và nước đem cho một con bò chết đấy.
Nghe thế, người chủ đất ngưng sầu than cha mình mà lại bắt đầu sầu than đứa con trai. Ông vội chạy đến và kêu lên:
– Này Sujàta, con không được bình thường đấy ư? Sao con lại đưa cỏ cho cái xác bò chết?
Rồi ông đọc hai bài kệ sau:
Sao con lại vội mang
Cỏ mới cắt ngọt ngon
Cho con vật đã chết,
Lại kêu “Dậy mà ăn”?
Không có thức ăn gì
Hồi sinh một bò chết,
Lời con vớ vẩn thật,
Và do bởi mê si.
Bấy giờ Bồ-tát đọc hai bài kệ:
Con vật này hẳn rồi
Vẫn còn đường sống lại,
Vì đủ cả đầu đuôi
Và bốn chân còn đấy.
Còn ông nội, rõ ràng
Ðầu, tay, chân đã mất,
Kẻ khùng nào khóc than?
Chỉ có cha độc nhất!
Nghe thế, thân phụ của Bồ-tát tự nghĩ: “Con ta thật thông tuệ. Nó biết điều gì đúng cần làm cho đời này và cho cả đời sau. Nó đã làm thế để khuyên nhủ ta”. Rồi ông bảo:
– Này Sujàta, con trai yêu dấu và khôn ngoan của ta, ta đã hiểu được rằng mọi sự vật đang hiện hữu đều là vô thường. Từ nay ta sẽ không sầu khổ. Một đứa con như thế này hẳn là kẻ làm cho cha mình hết sầu khổ.
Ðể ca ngợi con trai, ông nói:
Như lửa dầu đang trong cơn cháy mạnh,
Nước đổ vào liền bị tắt ngay đi,
Cõi lòng ta đang nhức nhối sầu bi,
Con ta đã chữa lành đời ta sáng
Gai đã nhổ, tươi vui và tĩnh lặng,
Ta hết sầu, nghe lời của con ta.
Bậc thiện hiền khiến đời dứt phiền hà
Cứu thân phụ như Su-jà thông tuệ.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Đế, người chủ đất đắc quả Dự Lưu.
Và bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ ta là Sujàta.
-ooOoo-
Nay dù bạn bình an hạnh phúc…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi ngài trú tại rừng Bhesakalà, gần Sumsumàragiri (Núi Cá sấu) trong xứ của bộ tộc Bhaggas. Chuyện kể về vương tử Bodhi (Bồ-đề).
Vương tử này là con vua Udena, bấy giờ đang sống tại Sumsumàragiri. Ông cho mời một người thợ thật giỏi, bảo xây cho mình một cung điện gọi là Kokànada và làm cho nó khác cung điện của bất cứ ông vua nào. Về sau, ông tự nghĩ: “Tên thợ này có thể xây một cung điện như thế cho một ông vua khác”. Và do lòng đố kỵ, ông móc đôi mắt của người thợ ấy đi.
Các Tỷ-kheo biết được chuyện ấy. Họ bàn thảo trong Pháp đường:
– Này các hiền giả, vương tử Bodhi đã móc mắt của người thợ như thế, như thế. Chắc chắn ông ta là một người tàn nhẫn, dữ dằn, hung bạo.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi các Tỷ-kheo đang bàn chuyện gì. Khi nghe thuật lại, Ngài dạy:
Không chỉ bây giờ mà xưa kia tánh ông ta cũng như vậy. Ngày xưa cũng bằng cách như thế, ông ta đã móc mắt của một ngàn chiến sĩ và sau khi giết chết họ, ông đã đem thịt của họ ra tế lễ.
Rồi Ngài kể cho các Tỷ-kheo một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một giáo sư lừng danh tại Takkasilà, các thanh thiếu niên thuộc giai cấp quý tộc, võ tướng và Bà-la-môn từ khắp nước Ấn Ðộ đến với ngài để được ngài dạy các học nghệ. Con vua Ba-la-nại là hoàng tử Brahmadatta cũng thế, được ngài dạy ba tập Vệ-dà. Ông ta là một kẻ tàn nhẫn, dữ dằn, hung bạo. Do tài tiên đoán, Bồ-tát biết được tính ấy của hoàng tử nên bảo:
– Này bạn, bạn tàn nhẫn, dữ dằn, hung bạo và thực ra, quyền lực mà kẻ hung bạo đạt được không lâu dài. Khi quyền lực mất đi, người ấy giống như một chiếc tàu gặp nạn ngoài khơi, ông ta sẽ không đến bến bờ nào an ổn cả. Do đó, bạn chớ giữ tính tình như vậy.
Rồi ngài đọc hai bài kệ sau đây để khuyến dụ:
Nay dù bạn bình an hạnh phúc,
Hạnh phúc kia mấy chốc chẳng còn.
Của mất đi chớ khổ buồn,
Như người đi biển bão dồn ném xa.
Theo hành vi, chúng ta xuôi hướng
Mùa gặt theo như hạt giống gieo,
Hai đằng ta phải nhận vào:
Cỏ hoang độc hại, cây cao tốt lành.
Thế rồi hoàng tử từ biệt thầy và trở về Ba-la-nại. Sau khi trổ tài nghệ cho vua xem, ông được giao chức phó vương và khi vua cha chết, ông nối ngôi trị vì vương quốc. Vị giáo sĩ của nhà vua là một người tàn nhẫn, dữ dằn. Vì tham danh vọng, ông tự nghĩ: “Nếu ta gây sự cho tất cả các nhà lãnh đạo của toàn Ấn Ðộ bị ông vua này bắt hết và nếu bấy giờ ông ta là hoàng đế độc nhất thì ta sẽ là giáo sĩ độc nhất”.
Thế là ông làm cho vua nghe theo lời ông.
Vua đem đại quân tiến ra, bao vây kinh đô của một vua kia rồi bắt giữ vua ấy. Bằng những cách thức tương tự, ông chiếm hết toàn lãnh thổ Ấn Ðộ và cùng với một ngàn ông vua trong đoàn của ông, ông tiến đánh vương quốc Takkasilà. Bồ-tát sửa sang các thành lũy để ngăn quân thù xâm nhập. Vua Ba-la-nại đặt bộ tham mưu của ông ở dưới gốc cây đa to lớn. Ông truyền dựng mái đình che phía trên, chung quanh có vây màn và có chỗ nằm trải sẵn cho ông. Khi chiến đấu trên các đồng bằng Ấn Ðộ, ông đã bắt được một ngàn vua, nhưng ông lại không thể tấn công vào Takkasilà được. Ông bèn hỏi giáo sĩ:
– Chúng ta đã đến đây cùng với đạo quân gồm các vua bị bắt và chúng ta vẫn không thể chiếm được Takkasilà. Bây giờ phải làm sao?
– Tâu Ðại vương – Giáo sĩ trả lời- Hãy móc mắt một ngàn vua kia, mổ bụng họ ra và lấy thịt họ cùng với năm món thơm ngon làm lễ cúng dâng vị thần cây đa này. Hãy đào một cái rãnh quanh cây và đổ máu cho ngập tới khoảng một tấc. Và như thế chẳng bao lâu chiến thắng sẽ về ta.
Vua sẵn sàng chấp thuận. Vua giấu kín các võ sĩ khỏe mạnh đằng sau bức màn rồi cho họ gọi riêng từng ông vua kia. Các võ sĩ dùng hai cánh tay siết từng người cho đến khi họ ngất đi rồi vua sai móc mắt họ. Sau khi họ chết, vua cho mang xác ra ném ngoài sông Hằng. Thế rồi vua tổ chức tế lễ như đã nói trên, sau đó, sai đánh trống và mang quân ra trận.
Bỗng một tên quỷ Dạ-xoa từ tháp canh xông tới móc con mắt phải của vua ra. Vua quá đau đớn đến điên cuồng liền đi nằm sóng sượt trên giường dành riêng cho ông dưới gốc cây đa.
Lúc bấy giờ một con kên kên cắp một cái xương nhọn rồi đậu trên đọt cây ấy. Khi đang ăn thịt nó để rớt cái xương và đầu nhọn rơi xuống như dùi sắt trúng con mắt trái của vua, hủy luôn con mắt ấy. Lúc bấy giờ, vua nhớ lại lời dạy của Bồ-tát, ông tự nhủ: “Thầy ta đã từng nói: Người đời phải thọ kết quả tùy theo các việc làm của mình, cũng như trái cây hình thành tùy theo hạt giống vậy”, hẳn là người đã thấy tất cả sự việc này bằng con mắt trí tuệ nên nói như thế”.
Trong khi đang sầu đau, ông nói với giáo sĩ Pingiya qua hai bài kệ sau:
Nay mới hiểu lẽ chân thầy dạy
Từ lúc ta trẻ tuổi dại ngây:
Chớ gây tội ác, có ngày
Ngươi làm việc xấu bị đày đọa thôi.
Nằm ở dưới tàn cây bóng mát,
Tẩm dầu thơm ngào ngạt chiên-đàn,
Ðịch vương, ta giết cả ngàn,
Nỗi đau họ chịu, ta đang chịu cùng.
Khi khóc than như thế, vua nhớ đến hoàng hậu của ông và đọc bài kệ này:
Ub-ba-rì mặn mà,
Ôi hoàng hậu của ta,
Dáng người trông yểu điệu,
Như cành Mo-rin-ga.
Tay chân nàng thơm ngát,
Ướp dầu hương chiên-đàn,
Làm sao ta sống nổi,
Khi chẳng thấy được nàng?
Ôi chết không tàn khốc
Bằng nỗi này đau thương!
Trong khi còn đang lầm thầm các lời trên, vua chết đi và tái sanh vào địa ngục. Vị giáo sĩ tham quyền ấy không thể cứu được ông, ngay cả ông, với quyền lực của mình, vẫn không tự cứu được. Và ngay khi ông chết đi, quân đội của ông tan vỡ và tháo chạy.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng và nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ vương tử Bồ-dề là ông vua cướp nước ấy, Ðề-bà-đạt-đa là Pingiya, còn Ta chính là vị thầy lừng danh nọ.
-ooOoo-
Người đời bỏ xác ra…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một chủ đất có con trai chết.
Câu chuyện dẫn đầu cũng giống như chuyện của người đàn ông mất cả vợ và cha. Ở đây cũng vậy, bằng cách ấy, bậc Ðạo Sư đến nhà ông và sau khi chào ông, Ngài ngồi xuống và bảo:
– Này, thí chủ, ông đang sầu khổ đấy ư?
Và ông đáp:
– Bạch Ngài, vâng, từ khi con trai của con chết, con rất đau khổ.
Ngài dạy:
– Này thí chủ, quả thật, cái gì phải tan rã thì tan rã, và cái gì bị hủy diệt thì hủy diệt; điều ấy không chỉ xảy ra cho một người, không chỉ xảy ra ở trong một làng mà ở trong vô số cảnh vật, và trong ba cách hữu sinh tam giới, không có sinh vật nào không chết, không có sự vật hiện hữu nào có thể ở mãi trong cùng một hoàn cảnh được. Mọi chúng sinh đều phải chết, mọi kết hợp đều phải tan rã. Khi bị mất một đứa con, các bậc hiền trí ngày xưa bảo. Cái gì phải hủy diệt thì bị hủy diệt, và họ không sầu khổ.
Rồi do lời yêu cầu của người ấy. Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở một ngôi làng phía ngoài cổng thành Ba-la-nại và ngài nuôi sống gia đình bằng nghề cày ruộng. Ngài có hai con: một trai và một gái. Khi con trai lớn lên, ngài cưới vợ cho anh ta từ một gia đình cùng đẳng cấp với ngài. Như thế cùng với một nữ tỳ, họ hợp thành một gia đình sáu người: Bồ-tát và vợ ngài, con trai và con gái, con dâu và nữ tỳ. Họ sống với nhau đầy tình thương và hạnh phúc. Bồ-tát khuyên dạy năm người kia:
– Tùy theo những thứ mà các người nhận vào, phải bố thí, hành trì các ngày trai giới, giữ gìn đức hạnh, sống với ý nghĩ về cái chết, chú ý đến tình trạng phải chết của con người. Trong hoàn cảnh của chúng sinh như chúng ta đây, cái chết là chắc chắn, cuộc sống không chắc chắn, tất cả sự vật hiện hữu đều là tạm bợ và phải chịu suy tàn. Do đó ngày đêm phải chú ý đến lối sống của các người.
Mọi người đều nhận lãnh lời dạy của Bồ-tát và nghiêm túc sống với ý nghĩ về cái chết.
Một hôm, Bồ-tát cùng con trai đi cày ruộng. Người con nhặt cỏ rác rồi đốt. Cách đó không xa, có một con rắn sống trong một cái đụn kiến. Bị khói làm xốn mắt, con rắn giận dữ bò ra khỏi hang và nghĩ: “Tất cả chuyện này là do tên ấy” và nó phóng tới cắn vào anh ta bằng bốn cái răng cửa của nó. Người thanh niên ngã xuống chết.
Khi thấy anh ngã xuống, Bồ-tát rời mấy con bò chạy tới, và thấy rằng anh ta đã chết, ngài ẵm lên và đặt anh nằm dưới gốc cây nọ. Ngài lấy áo choàng phủ lên anh, không hề khóc lóc sầu đau. Ngài bảo:
– Cái gì phải tan rã thì tan rã, cái gì phải chết thì chết. Tất cả những hiện hữu kết hợp đều tạm bợ và phải chết.
Biết được tính chất tạm bợ của sự vật, ngài tiếp tục việc cày bừa. Trông thấy một người hàng xóm đi qua gần đám ruộng, ngài hỏi:
– Này bạn, có phải bạn đang về nhà đấy không?
Người ấy trả lời:
– Vâng.
Ngài bảo:
– Nhờ bạn đến nhà chúng tôi và nói với bà chủ, hôm nay không phải đem đồ ăn cho hai người như trước, mà chỉ đem cho một người thôi. Và mọi khi chỉ một mình nữ tỳ mang thức ăn đến, thì hôm nay cả bốn người trong nhà phải mặc quần áo sạch sẽ và mang hương hoa đến đây.
– Ðược rồi.
Người ấy đáp và đi nói đúng các lời trên với vợ của vị Bà-la-môn ấy.
Bà hỏi:
– Này bác, ai nhắn tin này thế?
Người ấy đáp:
– Thưa bà, ông Bà-la-môn đấy.
Thế là bà hiểu rằng con trai bà đã chết. Nhưng bà không run sợ, bà sai soạn thức ăn rồi cùng với những người khác trong gia đình ra đồng. Nhưng không ai, kể cả bà, nhỏ một giọt nước mắt hay than van. Khi Bồ-tát dùng bữa xong, mọi người chất củi và nâng xác để lên giàn hỏa táng, họ dâng hương, hoa rồi châm lửa thiêu. Chẳng ai nhỏ một giọt nước mắt. Tất cả đều an trú vào ý nghĩ về cái chết.
Hiệu lực đức hạnh của họ làm cho ngai của Thiên chủ Ðế Thích nóng lên. Ðế Thích tự bảo:
– Ủa, kẻ nào muốn hạ ta xuống khỏi ngai thế này?
Thiên chủ suy tưởng và phát hiện rằng hơi nóng này là do mãnh lực đức hạnh hiện hữu trong những người ấy. Rất sung sướng, Thiên chủ nói:
– Ta phải đến nơi họ và vui mừng la lớn như tiếng rống của sư tử rồi ngay sau đó sẽ lấy thất bảo đổ đầy chỗ của họ.
Thiên chủ vội vàng đến đó và đứng bên giàn hỏa táng nói:
– Các ngươi đang làm gì thế?
– Thưa ngài, chúng tôi đang thiêu xác của một người.
Thiên chủ nói:
– Không phải các ngươi đang thiêu một người, có lẽ các người đang quay thịt một con vật nào đó mà các người đã giết.
Họ đáp:
– Không phải thế đâu, thưa ngài, đúng là chúng tôi đang thiêu xác của một người.
Thế rồi Thiên chủ nói:
– Vậy chắc hẳn là một kẻ thù nào đấy.
Bồ-tát đáp:
– Ðấy chính là con trai ruột của chúng tôi, chứ không phải kẻ thù nào cả.
– Thế thì hẳn anh ta không được ông yêu mến.
– Tôi rất yêu mến nó, thưa ngài.
– Thế tại sao ông không khóc?
Rồi để giải thích lý do tại sao ngài không khóc, Bồ-tát đọc bài kệ đầu:
Ðời người bỏ xác ra,
Khi niềm vui sống qua,
Như rắn kia vẫn thế,
Thường lột vỏ thay da.
Không lời nào thương tiếc
Chạm đến tro người chết.
Sao tôi phải buồn thương?
Kẻ ấy đi tiếp đường.
Nghe xong những lời của Bồ-tát, Ðế Thích hỏi bà vợ của ngài:
– Thưa bà, người chết liên hệ thế nào với bà?
– Tôi mang nó mười tháng trong bào thai, cho nó bú sữa của tôi, dạy cho nó cử động tay chân, đi đứng và thưa ngài nó là đứa con trưởng thành của tôi đấy.
– Thưa bà, do bản tính đàn ông, một người cha không khóc là phải, nhưng trái tim một người mẹ chắc chắn là mềm yếu. Thế sao bà lại không khóc?
Bà đọc hai bài kệ để giải thích vì sau bà không khóc:
Không gọi nó đến đây,
Chẳng sai nó đi ngay,
Nó đi như nó đến,
Sao lại phải sầu cay?
Không lời nào thương tiếc,
Chạm đến tro người chết,
Sao tôi phải buồn thương?
Kẻ ấy đi tiếp đường.
Nghe xong những lời của vợ Bồ-tát, Ðế Thích hỏi cô em gái:
– Thưa cô, người chết là gì của cô?
– Thưa ngài, anh ấy là anh tôi.
– Thưa cô, chị em gái chắc chắn thương yêu anh em trai. Tại sao cô lại không khóc?
Ðể giải thích lý do tại sao mình không khóc, cô ta đọc hai bài kệ:
Dù nhịn đói, khóc than,
Ích gì được cho con,
Ôi, bà con thân thuộc,
Sẽ nhiều đau khổ hơn.
Không lời nào thương tiếc,
Chạm đến tro người chết.
Sao còn phải buồn thương?
Kẻ ấy đi tiếp đường.
Nghe xong những lời của cô em gái, Ðế Thích hỏi cô vợ:
– Thưa cô, anh ta là gì của cô?
– Thưa ngài, anh ấy là chồng của tôi.
– Khi chồng chết, các bà là những góa phụ bơ vơ. Tại sao cô không khóc?
Ðể giải thích lý do tại sao mình không khóc, cô ta đọc hai bài kệ:
Như con trẻ kêu gào,
Ðòi vô vọng trăng cao,
Khóc than người yêu mất,
Người đời ngớ ngẩn sao!
Không lời nào thương tiếc,
Chạm đến tro người chết.
Sao tôi lại buồn thương?
Kẻ ấy đi tiếp đường.
Nghe xong những lời của cô vợ, Thần Ðế Thích hỏi người nữ tỳ:
– Này bà, anh ấy là gì của bà?
– Thưa ngài, ông ấy là chủ của tôi.
– Chắc chắn rằng bà phải bị anh ta la mắng, đánh đập, áp bức, do đó bà nghĩ rằng may quá anh ta đã chết nên bà không khóc.
– Thưa ngài, chớ nói như thế. Cậu ấy không phải thế đâu. Cậu chủ tôi rất chịu đựng, yêu mến và thương xót tôi, cậu ấy cũng như con nuôi của tôi vậy.
– Thế thì tại sao bà không khóc?
Và để giải thích tại sao mình không khóc, người nữ tỳ đọc hai bài kệ:
Một bình đất đã vỡ,
Ai ráp lại được vào,
Khóc than cho người chết,
Chỉ chuốc thất bại vào.
Không lời nào thương tiếc,
Chạm đến tro người chết,
Sao tôi phải buồn thương?
Kẻ ấy đi tiếp đường.
Sau khi nghe tất cả mọi người nói, Ðế Thích rất thích thú liền nói:
– Các ngươi đã thận trọng sống với ý nghĩ cái chết. Từ nay các ngươi khỏi phải tự tay cày bừa nữa. Ta là Ðế Thích, vua cõi trời. Ta sẽ tạo ra vô số thất bảo trong nhà các ngươi. Hãy bố thí, giữ đạo đức, hành trì ngày trai giới, quan tâm đến cách sống.
Sau khi khuyến dụ họ, Thiên chủ tạo ra vô số của cải trong nhà họ rồi ra đi.
*
Sau khi thuyết pháp, bậc Ðạo Sư tuyên dạy Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, người chủ đất đắc quả Dự Lưu.
Và bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Khujjutarà là người nô tỳ, Uppalavannà là người con gái, Ràhula còn con trai, Khemà là người mẹ, còn Ta là người Bà-la-môn ấy.
-ooOoo-
Khi kẻ khác khóc than sầu khổ…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ viên về một ông quan của vua Kosalà.
Câu chuyện khởi đầu giống chuyện đã kể. Nhưng ở đây, sau khi ban vinh dự lớn lao cho một ông quan, vua lại nghe lời sàm tấu và truyền bắt ông ta bỏ vào ngục. Khi nằm trong ngục, ông quan ấy nhập Dự Lưu. Sau đó vua biết được công đức của ông và thả ra. Ông mang một tràng hoa thơm và đến tham bái bậc Ðạo Sư, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống. Bậc Ðạo Sư hỏi xem có việc xấu nào đã xảy đến với ông không. Ông đáp:
– Bạch Thế Tôn có. Nhưng qua việc xấu ấy, việc tốt lại đến với con. Con đã nhập Dự Lưu.
Bậc Ðạo Sư dạy:
– Ðúng thế, không phải chỉ bấy giờ, các bậc hiền trí ngày xưa cũng được điều tốt từ điều xấu.
Rồi do yêu cầu của ông quan, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là con của chánh hoàng hậu. Người ta gọi ngài là thái tử Ghata. Sau đó ngài đạt kiến thức về các học nghệ ở Takkasilà và trị vì vương quốc của ngài rất công chính.
Bấy giờ một ông quan nọ tỏ ra phẩm hạnh xấu trong nội cung. Sau khi tận mắt chứng kiến việc phạm gian, vua liền đuổi ông ra khỏi vương quốc. Lúc ấy, một vị vua tên là Vanka trị vì ở Xá-vệ. Ông quan đến phục vụ cho vua ấy đúng như câu chuyện trước đây số 303, được vua nghe lời và xúi vua chiếm vương quốc Ba-la-nại.
Sau khi chiếm đoạt vương quốc này, vua ấy bắt trói Bồ-tát bằng dây xích và bỏ ngài vào ngục. Bồ-tát nhập định và ngồi tréo chân trên không. Vanka bị nóng hừng hực trong thân thể, liền chạy đến Bồ-tát, trông thấy dung mạo của ngài sáng ngời, đẹp như một hoa sen nở, giống như một tấm kính bằng vàng. Qua hình thức một lời hỏi, ông đọc bài kệ đầu:
Khi kẻ khác khóc than sầu khổ,
Má người kia lệ nhỏ đầm đìa,
Mặt ngài vẫn nụ cười kia,
Ga-ta há chẳng bao giờ kêu than?
Ðể giải thích tại sao ngài không sầu khổ, Bồ-tát đọc các bài kệ sau đây:
Chuyện đã qua, buồn nào thay đổi được,
Buồn nào gây hạnh phúc ở tương lai?
Cớ sao ta than vãn khổ đau này?
Sầu muộn chẳng đáng cho ta làm bạn.
Kẻ mang bệnh khổ sầu thì suy tận,
Các thức ăn thành vô vị nhạt màu,
Như trúng tên mồi thịt của sầu đau
Làm trò tếu cho kẻ thù tiêu khiển.
Nhà ta ở, dù trên đất, ngoài biển.
Dù trong làng hay heo hút rừng già,
Không bao giờ sầu não đền gần ta,
Hồn đã thiện, chẳng có gì để sợ.
Còn kẻ nào chưa kiện toàn đến độ,
Bị nấu nung vì tham dục lắm đàng,
Cả cõi đời cùng của cải tệ tàn
Cũng không hề đủ thỏa lòng tham muốn.
Sau khi nghe xong bốn bài kệ ấy, Vanka xin Bồ-tát tha thứ và giao trả lại vương quốc cho ngài rồi đi theo đường mình. Nhưng Bồ-tát trao vương quốc cho các đại thần, ngài lui vào dãy Tuyết Sơn và trở thành một nhà tu khổ hạnh. Không hề ngưng thiền định, ngài được sinh vào cõi Phạm thiên.
*
Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ Ànanda là vua Vanka, còn Ta là Ghata.
-ooOoo-
Sao một mình trong rừng…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi ngài trú tại Kỳ Viên về Tướng quân Chánh pháp Sàriputta.
Trong truyền khi có bọn người ác như thợ săn, chài lưới v.v… đến với ngài, Trưởng lão đều giảng đạo đức cho họ, và ngài cũng giảng cho bất cứ ai mà ngài có dịp gặp. Ngài bảo:
– Hãy nhận Giáo Pháp.
Do lòng tôn kính Trưởng Lão, họ không thể cưỡng lời ngài. Và khi nhận Giáo pháp xong, họ không thể hành trì mà ai nấy cứ tiếp tục theo lối làm ăn riêng của mình. Trưởng lão đến thổ lộ với chúng Tỷ-Kheo để hỏi ý kiến:
– Này các Hiền giả, những người ấy được tôi truyền Pháp, nhưng không giữ đạo.
Các Tỷ-Kheo trả lời:
– Thưa Tôn giả, ngài giảng Pháp cho họ trái với mong ước của họ và vì họ không dám cưỡng lại lời ngài nên họ chấp nhận đấy thôi. Từ nay ngài chớ giảng Pháp cho những người như thế.
Trưởng lão không thuận ý.
Nghe được chuyện ấy, các Tỷ-Kheo bắt đầu bàn tán trong Pháp đường cách Trưởng lão Sàriputta đã thuyết Pháp cho bất cứ ai mà ngài gặp. Bậc Ðạo Sư đến hỏi các Tỷ-Kheo đang họp bàn chuyện gì. Khi nghe kể lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng thế, ông ấy giảng pháp cho bất cứ ai mà ông gặp dù họ chẳng yêu cầu.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trì vị ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra và lớn lên trong gia đình rồi trở thành đệ tử trưởng của một giáo sư lừng danh tại Takkasilà. Bấy giờ vị giáo sư giảng đạo pháp cho bất cứ người nào mà ông có thể gặp như những người đánh cá v.v… Dù họ không muốn, ông luôn bảo họ nhận pháp. Nhưng dù họ đã nhận pháp, họ cũng không giữ đạo. Giáo sư nói điều ấy cho các môn đệ nghe. Các môn đệ thưa:
– Thưa thầy, thầy thuyết giảng cho họ ngược lại với những mong cầu của họ và do đó, họ phá bỏ pháp. Từ nay, thầy hãy thuyết giảng cho những kẻ nào muốn nghe thầy thôi chứ đừng thuyết giảng cho những ai không muốn.
Vị giáo sư rất ân hận nhưng ông cứ giảng pháp cho bất cứ ai mà ông được gặp.
Một hôm, một số người từ một ngôi làng kia đến mời giáo sư tham dự cuộc dâng bánh cho các Bà-la-môn. Ông cho gọi vị môn đệ tên là Kàrandiya và bảo:
– Này con, ta không đi, con hãy đến đó với năm trăm môn đệ này rồi nhận bánh và mang về phần bánh chia cho ta.
Ông sai vị môn đệ ấy như thế. Vị môn đệ ấy ra đi. Trên đường về, chàng trông thấy một cái hang và chợt có ý nghĩ: “Thầy ta giảng pháp cho bất cứ ai ngài gặp mà không cần họ yêu cầu. Từ nay ta chỉ khiến ngài giảng cho những ai muốn nghe ngài thôi”.
Thế rồi trong khi các môn đệ khác đang ngồi nghỉ thoải mái, chàng đứng lên đi khuân những tảng đá lớn ném vào trong hang, chàng cứ khuân đá ném mãi. Những người kia đứng dậy và nói:
– Này đại huynh, anh đang làm gì thế?
Kàrandiya không nói một lời nào. Họ vội trở về kể chuyện cho thầy họ nghe. Vị thầy đến nói chuyện với Kàrandiya bằng bài kệ đầu:
Sao một mình trong rừng
Từng tảng đá con khuân,
Ném đá như có ý
Lấp bằng hang núi chăng?
Nghe thế Kàrandiya muốn thức tỉnh thầy mình liền đọc bài kệ:
Con muốn làm đảo này
Phẳng như lòng bàn tay,
San bằng gò đồi nọ,
Chỗ trũng, đá lấp đầy.
Thầy Bà-la-môn nghe thế liền đọc bài kệ thứ ba:
Ðời nào một phàm nhân
Có sức lấp đất bằng?
Kà-ran khó hy vọng
Ðọ sức với hang cùng.
Người môn đệ nghe xong liền đọc bài kệ thứ tư:
Nếu một kẻ phàm nhân,
Không thể san đất bằng,
Ngoại nhân há chịu nhận
Quan điểm thầy hay chăng?
Nghe thế, vị giáo sư trả lời thích đáng, bấy giờ ông hiểu rằng những người khác có thể không giống như ông. Ông tự nhủ: “Ta sẽ không làm như thế nữa”, và đọc bài kệ thứ năm:
Này Kà-ran-di-ya,
Bạn khuyên tốt cho ta,
Ðất không san phẳng được,
Ý người chẳng đồng hòa.
Giáo sư ca ngợi môn đệ của mình. Và vị môn đệ sau khi khuyến dụ thầy mình như vậy liền dẫn thầy về nhà.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng và nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Xá-lợi-phất là người Bà-la-môn, còn Ta chính là môn sinh Kàrandiya.
-ooOoo-
Hỡi voi tuổi sáu mươi….,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Trúc Lâm về Ðề-bà-đạt-đa.
Một hôm các Tỷ-Kheo bàn thảo trong Pháp đường:
– Này các Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa thật hung ác, dữ dằn và tàn bạo. Ông ta chẳng chút lòng thương xót nào đối với chúng sinh.
Khi bậc Ðạo Sư đến, Ngài hỏi các Tỷ-Kheo đang họp bàn chuyện gì và sau khi nghe kể lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ bây giờ, mà ngày xưa cũng thế, ông ấy cũng chẳng có chút thương xót nào.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh làm một con Voi. Khi lớn lên ngài là một con vật chững chạc đàng hoàng. Ngài trở thành chúa của một đàn mười tám ngàn con và sống trong dãy Tuyết Sơn.
Bấy giờ có một con chim Cút đẻ trứng trong vùng đất sinh sống của đàn voi. Khi trứng nở, bầy chim con phá vỏ trứng ra ngoài. Trước khi bầy chim mạnh cánh và đang lúc chưa thể bay được, bậc Ðại Sĩ cùng với đàn tám chục ngàn con voi đi đây đó kiếm ăn, đã đến chỗ ấy. Khi trông thấy đàn voi, chim Cút tự nghĩ: “Vị vương tượng này sẽ dẫm chết các con thơ của ta. Ờ! ta sẽ cầu xin ông ta che chở và bảo vệ cho tổ của ta”. Thế rồi nó nhấc đôi cánh lên, đứng trước ngài và đọc bài kệ đầu:
Hỡi Voi tuổi sáu mươi,
Chúa rừng của đồng loài,
Ta chỉ là chim nhỏ,
Còn ngài lãnh đạo bầy,
Cánh nâng, tôi kính cẩn
Xin tha lũ con này.
Bậc Ðại Sĩ bảo:
– Này Cút, chớ lo sợ. Ta sẽ che chở cho các con thơ của ngươi.
Ngài đứng che lên trên bọn chim nhỏ trong khi tám mươi ngàn voi kia đi qua, rồi ngài dặn Cút:
– Ðằng sau bọn ta có một con voi lẻ bầy rất gian ác. Nó không chịu làm theo lời bọn ta. Khi nó đến, ngươi cũng phải van xin nó để bảo đảm an toàn cho lũ con ngươi.
Nói xong ngài bỏ đi, con Cút đi đến gặp con voi kia và nâng cánh lên kính cẩn chào rồi đọc bài kệ thứ hai:
Khắp thung lũng, núi đồi
Ngài riêng một đường thôi,
Vua rừng, tôi năn nỉ
Nâng cánh cúi can ngài,
Tôi chỉ là Cút mọn
Xin tha lũ con tôi.
Nghe Cút nói xong, Voi đọc bài kệ thứ ba:
Cút ơi, ta sẽ giết con mi
Hèn mọn như mi giúp được chi?
Chân trái ta đây đè bẹp hết
Mấy ngàn chim nhỏ vẫn thường khi.
Nói thế xong nó giơ chân dẫm nát bọn chim nhỏ, rồi tiểu tiện lên chúng làm cho chúng trôi theo dòng nước, sau đó rống lên và bỏ đi. Con cút đậu trên một cành cây nói:
– Mi hãy cút đi và rống lên đi. Rồi đây mi sẽ thấy ta làm gì. Mi chẳng biết sức mạnh của thân thể và sức mạnh của trí óc khác nhau như thế nào. Ðược rồi! Ta sẽ dạy cho mi một bài học.
Hăm dọa Voi như thế, Cút đọc bài kệ thứ tư:
Bạo lực không là được lợi luôn,
Mạnh thường là họa của si cuồng,
Thú kia đã giết con ta chết,
Ác ấy ta đây sẽ tính đường.
Nói xong, ít lâu sau Cút đến thăm một con Quạ, bấy giờ Quạ đang cao hứng hỏi Cút:
– Ta giúp gì được cho bạn đây?
Cút bảo:
– Chẳng có gì đâu bác ạ, tôi chỉ mong bác lấy mỏ móc hai con mắt con Voi gian ác kia.
Quạ sẵn sàng nhận lời. Cút đến giúp việc một con Ruồi xanh. Khi Ruồi xanh hỏi:
– Ta làm gì được cho bạn đây?
Cút đáp:
– Khi con Voi gian ác kia bị Quạ móc mắt xong, tôi muốn bạn đẻ trứng vào mắt nó.
Ruồi xanh nhận lời xong Cút đến giúp một con Ếch và khi Ếch bảo cần gì thì Cút bảo:
– Khi con Voi gian ác kia bị mù, nó sẽ tìm nước để uống, bấy giờ bạn hãy đứng trên đỉnh núi và kêu lên. Khi Voi trèo lên đỉnh núi thì bạn hãy xuống đáy dốc mà kêu lên. Ðấy là điều tôi rất mong bạn giúp.
Sau khi nghe Cút nói, Ếch sẵn sàng nhận lời. Thế rồi một hôm, Quạ dùng mỏ móc cả hai mắt con voi ấy, Ruồi đẻ trứng vào mắt nó. Bị bọn dòi rút rỉa, voi cuồng lên vì đau đớn. Rồi bị cơn khát chế ngự, Voi đi khắp nơi để tìm nước uống. Lúc ấy, Ếch đứng trên đỉnh núi kêu lên. Voi tự nghĩ: “Nơi ấy hẳn phải có nước”. Rồi nó trèo lên núi. Ếch liền xuống dưới chân núi mà kêu lên nữa. Voi tự nghĩ: “Sẽ có nước nơi ấy”, rồi lần mò tiến tới dốc núi và bị lăn cù, rơi xuống đáy núi mà chết. Khi biết rằng Voi đã chết, Cút nói:
– Ta đã toàn thắng kẻ thù.
Và khi toàn thân ngập trong hạnh phúc cao độ, Cút chết và đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo Sư dạy:
– Này các Tỷ-Kheo, Ta không nên chuốc lấy thù hận với bất cứ ai. Bốn con vật ấy hợp lại với nhau đã diệt được con Voi mạnh mẽ như thế kia.
Cút cùng Quạ, Ruồi xanh, Ếch hợp lại,
Từng chứng minh kết quả của thù hằn,
Vương tượng kia vì chúng chết oan thân,
Vậy hãy tránh hết mọi điều tranh cãi.
Sau khi đọc bài kệ phát xuất từ Trí Tuệ toàn hảo, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Ðề-bà-đạt-đa là con Voi gian ác kia, còn Ta là con Voi đầu đàn.
-ooOoo-
Hoàng hậu hèn của Ðại Pa-tà-pa…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Trúc lâm về cách Ðề-bà-đạt-đa mưu toan giết Bồ-tát.
Trong tất cả các Tiền thân khác, Ðề-bà-đạt-đa không làm sao gây cho Bồ-tát một tý nào kinh hãi. Nhưng trong Tiền thân Culladhammapàla, khi Bồ-tát mới lên bảy tháng, ngài bị Ðề-bà-đạt-đa chặt tay chân, chặt đầu và khắp thân thể ngài bị gươm đâm như có đeo vào một tràng hoa vậy. Trong Tiền thân Daddara, Ðề-bà-đạt-đa giết Bồ-tát bằng cách vặn cổ ngài, quay thịt ngài trong lò rồi ăn thịt ấy. Trong Tiền thân Khantivàda (số 313), Ðề-bà-đạt-đa đánh Bồ-tát hai ngàn roi và ra lệnh chặt tay, chân, tai, mũi ngài, nắm tóc ngài kéo đi và khi ngài nằm ngã sóng soài ra thì ông ta đánh vào bụng ngài rồi bỏ đi; Bồ-tát chết ngay ngày hôm đó. Nhưng trong cả hai Tiền thân Cullanandaka và Vevatiyakapi (chưa được xác định), ông ta chỉ ra lệnh giết ngài mà thôi. Trong một thời gian dài, Ðề-bà-đạt-đa cứ lo toan tìm cách giết Bồ-tát và vẫn còn tiếp tục làm như thế ngay cả khi Ngài đã trở thành một đức Phật.
Một hôm, các Tỷ-Kheo bàn tán trong Pháp đường:
– Này các Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa vẫn tiếp tục lập âm mưu giết hại đức Phật. Cố ý giết đức Thế Tôn, ông ta sai bọn cung thủ bắn Ngài, ông ta lăn đá vào Ngài và thả con voi Nàlàgiri đến hại Ngài.
Khi bậc Ðạo Sư đến, Ngài hỏi các Tỷ-Kheo đang họp bàn vấn đề gì, khi nghe thuật lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng thế, ông ta cứ tìm cách giết Ta, nhưng giờ đây ông ta không thể làm Ta mảy may sợ hãi, dù xưa kia Ta là hoàng tử Dhammapàla, dù Ta là con ruột của ông, ông cũng gây ra cái chết cho Ta bằng cách chặt, đâm gươm vào khắp cả thân Ta như thể nó mang một tràng hoa vậy.
Nói xong, Ngài kể chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Mahàpatàpa đang trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là con trai của chánh hoàng hậu Candà và người ta đặt tên ngài là Dhammapàla (Hộ Pháp).
Khi ngài lên bảy tháng, mẹ ngài tắm ngài trong nước thơm, mặc quần áo sang trọng cho ngài và ngồi chơi với ngài. Vua đến cung thất của hoàng hậu. Vì bà đang chơi với con trai, ngập tràn tình mẹ đối với con nên đã quên đứng dậy chào đón vua. Vua tự nghĩ: “Giờ đây người đàn bà này đầy tự hào về đứa con trai, coi ta không bằng một cọng rơm; đến khi đứa bé lớn lên, bà ta sẽ nghĩ: Ta chỉ có một người là con trai ta, và chẳng để ý gì đến ta. Ta sẽ bảo giết nó ngay”.
Vì thế, ông quay trở về, ngồi trên ngai và gọi viên quan hành hình đến trình diện cùng với mọi dụng cụ hành sự. Người ấy mặc áo vàng mang tràng hoa đỏ sẫm, vai vác rìu, tay cầm một cái thớt và một cái chậu đến đứng trước vua, chào vua và nói:
– Tâu Ðại vương, ngài cần gì ạ?
Vua phán:
– Ðến vương phòng của hoàng hậu và mang Dhammapàla lại đây.
Hoàng hậu biết rằng vua đã giận dữ bỏ đi nên bà đã đặt Bồ-tát vào lòng và ngồi khóc. Viên quan hành hình đến và tống một đấm vào lưng bà, giật Bồ-tát ra khỏi tay bà rồi mang đến cho vua và thưa:
– Tâu Ðại vương, ngài cần gì nữa?
Vua sai mang một tấm ván đến đặt trước mặt ông và nói:
– Ðặt nó vào đó.
Người ấy làm theo lời vua. Nhưng hoàng hậu đã đến đứng ngay sau con mình và khóc. Viên quan hành hình lại nói:
– Tâu Ðại vương, ngài cần gì nữa ạ?
Vua bảo:
– Hãy chặt hai bàn tay của Dhammapàla.
Hoàng hậu thưa:
– Ðại vương, con trai tôi chỉ là một đứa bé lên bảy tháng. Nó có biết gì đâu! Lỗi không phải là của nó. Nếu có lỗi nào thì đấy là lỗi của tôi. Do đó ngài hãy sai chặt tay tôi đi!
Rồi để cho rõ nghĩa, bà đọc bài kệ đầu:
Hoàng hậu hèn của Ðại Pa-tà-pa
Chính là tôi, tội này riêng phải gánh.
Ðại vương, hãy thả Dham-ma-pà-la,
Và hãy chặt tay tôi, người bất hạnh.
Vua nhìn viên quan hành hình, y hỏi:
– Tâu đại vương, ngài cần gì?
Vua phán:
– Chớ chần chờ, chặt tay đứa bé đi!
Lúc ấy viên quan hành hình lấy cái rìu sắt chặt đứt hai bàn tay như những búp măng của Bồ-tát. Khi đôi tay bị chặt đứt, hài nhi vẫn không khóc, không than mà chỉ chịu đựng với lòng kham nhẫn, nhân từ. Nhưng hoàng hậu Candà lượm các đầu ngón tay của con đặt vào lòng, máu vấy khắp, bà than khóc thảm thiết. Viên quan hành hình lại hỏi:
– Tâu Ðại vương, ngài cần gì?
Vua đáp:
– Chặt hai bàn chân nó.
Nghe thế, Candà đọc đoạn thơ thứ hai:
Hoàng hậu hèn của Ðại Pa-tà-pa
Chính là tôi, tội này riêng phải gánh.
Ðại vương, hãy thả Dham-ma-pa-la,
Và hãy chặt chân tôi, người bất hạnh.
Nhưng vua ra hiệu cho viên quan hành hình và ông chặt cả hai chân Bồ-tát. Hoàng hậu Candà lượm hai bàn chân con đặt vào lòng máu me vấy khắp, bà than khóc và nói:
– Tâu Ðại vương Mahàpatàpa, mẹ phải chăm nuôi con. Tôi sẽ làm việc để kiếm tiền chăm nuôi nó. Xin ngài giao nó cho tôi.
Viên quan hành hình nói:
– Tâu Ðại vương, ngài đã thỏa ý chưa? Công việc của tôi thế là xong chưa?
Vua bảo:
– Chưa đâu!
– Tâu Ðại vương, thế ngài cần gì nữa?
– Chặt đầu nó đi. Vua bảo.
Candà lại đọc bài kệ thứ ba:
Hoàng hậu hèn của Ðại Pa-tà-pa,
Chính là tôi, tội này riêng phải gánh.
Ðại vương, hãy thả Dham-ma-pà-la,
Và hãy chặt đầu tôi, người bất hạnh.
Nói xong, hoàng hậu đưa đầu mình ra. Viên quan hành hình lại bảo:
– Tâu Ðại vương, ngài cần gì?
– Chặt đầu đứa bé đi! Vua phán.
Thế rồi người ấy chặt đầu Bồ-tát và hỏi:
– Tâu Ðại vương, ngài đã thỏa ý chưa?
– Chưa. Vua bảo.
– Thưa Ðại vương, còn phải làm gì nữa?
Vua nói:
– Hãy lấy gươm đâm nó, lấy gươm mà cắt quanh thân nó, làm như nó có đeo tràng hoa vậy.
Người ấy tung thân Bồ-tát lên không lấy mũi gươm đâm vào, rồi cắt quanh thân ngài làm như thân có đeo một tràng hoa và rải các miếng thịt trên bệ. Candà đặt thịt của Bồ-tát vào lòng, ngồi xuống than khóc và đọc các bài kệ sau đây:
Cận thần chẳng ai can
Một lời với chúa công:
Chớ giết kẻ thừa kế
Từ ruột ngài nên thân!
Thân quyến chẳng một người
Nhẹ khuyên vua một lời:
Chớ giết đi hoàng tử
Ngài đã ban cuộc đời!
Ðọc hai bài kệ ấy xong, hoàng hậu Candà đè hai bàn tay lên ngực đọc bài kệ thứ sáu:
Hỡi Dham-ma-pà-la,
Dòng chính thống sinh ra;
Ðể trị vì trọn cõi
Tay con từng tắm dội,
Với dầu thơm chiên-đàn,
Nay nằm đấy, máu tràn.
Hỡi ôi, ta nghẹn thở,
Nghẹn cả lời kêu than.
Trong khi bà than vãn như thế, trái tim bà vỡ ra như một cây tre nổ giữa khu rừng đang cháy và bà ngã xuống chết ngay tại đó. Vua cũng không thể ngồi trên ngai vàng mà ngã xuống bệ. Ngay đó, đất nứt ra làm hai và vua rơi vào chỗ nứt ấy. Ðất rắn chắc dù dày gấp hàng ngàn lần hơn hai trăm ngàn dặm vẫn không thể chịu nổi sự hung ác của ông ta, đã nứt ra làm đôi và mở rộng khe ra. Lửa từ ngục Avìci (A-tỳ) vọt ra ập vào bọc lấy vua như một vương bào bằng len, rồi dìm ông vào ngục A-tỳ.
Các đại thần làm lễ tống táng hoàng hậu Candà và Bồ-tát.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ Ðề-bà-đạt-đa là vua, Mahàpajàpati là Candà, còn ta là hoàng tử Dhammapàla.
-ooOoo-
Hỡi chân vàng hãy dồn hết sức…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một thiếu nữ thuộc gia đình quí phái ở Xá-vệ.
Cô ta là con gái của một người hầu cận hai vị Trưởng Tỷ-Kheo ở Xá-vệ và là một tín đồ thuần thành, liên hệ thân thiết với Phật, Pháp, Tăng, thường xuyên làm việc thiện, thông tuệ đối với đạo giải thoát, chuyên tâm bố thí và những hành vi đạo đức như thế.
Một gia đình khác ở Xá-vệ, cùng một đẳng cấp nhưng theo ngoại đạo hỏi cưới cô ta. Cha mẹ cô bảo:
– Con gái của chúng tôi là một tín đồ thuần thành, qui y Tam bảo, bố thí và làm các việc thiện, nhưng ông bà lại có quan điểm ngoại đạo. Và vì ông bà sẽ không cho phép nó bố thí, hoặc nghe Pháp, hoặc đến thăm tinh xá, giữ giới luật đạo đức, tuân hành các ngày trai giới như nó vẫn muốn nên chúng tôi sẽ không gả nó về nhà quí vị được. Hãy chọn một thiếu nữ thuộc một gia đình ngoại đạo giống như quí vị vậy.
Khi lời cầu hôn của gia đình kia bị từ chối, họ bảo:
– Xin cứ cho con gái của quí vị đến nhà chúng tôi và làm mọi việc như thế đúng theo ý muốn của cô. Chúng tôi sẽ không ngăn cản cô ta đâu. Xin hãy chấp thuận yêu cầu ấy.
Gia đình cô gái bảo:
– Thế thì quí vị hãy đem nó về đi.
Lễ cưới được cử hành vào một ngày tốt lành và cô gái được đưa về nhà chồng. Cô tỏ ra rất chuyên chính trong việc hoàn tất các bổn phận, là một người vợ tận tụy, một nàng dâu đảm đang đối với cha mẹ chồng.
Một hôm cô nói với chồng:
– Chàng ơi, em muốn cúng dường các Tỷ-Kheo của gia đình ta.
– Ðược lắm, em ạ. Em cứ cúng dường đúng như em thích.
Thế là một hôm cô mời các Tỷ-Kheo ấy và tổ chức một cuộc khoản đãi lớn. Cô cúng dường các thức ăn hảo hạng và cung kính ngồi cách xa các vị ấy và bảo:
– Bạch chư Tôn giả, gia đình này ngoại đạo và không có lòng tin. Họ không biết giá trị của Tam bảo. Dù thế, xin chư vị cứ tiếp tục nhận thực phẩm nơi đây cho đến khi họ hiểu được giá trị của Tam Bảo.
Các Tỷ-Kheo nhận lời và tiếp tục thọ thực tại đó. Cô lại bảo với chồng:
– Chàng ơi, quí Tỷ-Kheo vẫn thường xuyên đến đây luôn, sao chàng không ra gặp các ngài?
Nghe thế, chàng đáp:
– Tốt lắm, ta sẽ ra gặp các ngài.
Ngày hôm sau, khi các Tỷ-Kheo thọ thực xong, cô ta lại nhắc chồng. Chàng đến ngồi xuống một bên và từ tốn thưa chuyện cùng các vị ấy. Thế rồi Tướng quân Chánh Pháp Sàriputta thuyết Pháp cho chàng. Chàng rất thích thú nghe giảng và nhìn thấy thái độ nhu hòa ân cần của các Tỷ-Kheo, nên từ hôm đó trở đi chàng luôn luôn soạn sẵn thảm cho các Trưởng Lão ngồi và lọc nước cho các vị ấy dùng và trong khi các vị ấy thọ thực, chàng chăm chú nghe giảng Pháp. Chẳng bao lâu, chàng không còn theo các quan điểm ngoại đạo nữa.
Thề rồi một hôm, Trưởng Lão giảng Pháp, tuyên thuyết Tứ Ðế cho hai vợ chồng ấy và khi bài thuyết giảng chấm dứt, cả hai vợ chồng đều đắc quả Dự Lưu. Từ đó, tất cả mọi người trong gia đình ấy, từ các bậc cha mẹ cho đến người giúp việc đều bỏ hết các tà kiến ngoại đạo và hết lòng vì Phật, Pháp, Tăng.
Một hôm, cô gái bảo với chồng:
– Chàng ơi, em có gì liên quan với đời sống gia đình nữa đâu? Em mong được sống đời tu hành.
Chàng đáp:
– Tốt lắm em ạ, ta cũng muốn trở thành một nhà tu khổ hạnh.
Thế là chàng vui vẻ dẫn cô đến một Ni chúng và cô được nhận làm một Sa-di-ni, còn chàng cũng đến với bậc Ðạo Sư để xin vào Tăng Ðoàn. Lúc đầu bậc Ðạo Sư nhận chàng làm Sa-di, sau đó cho chàng thọ giới Tỷ-Kheo. Cả hai đều đạt tuệ nhãn và chẳng bao lâu đắc Thánh quả.
Một hôm, các Tỷ-Kheo bàn tán trong pháp đường:
– Này các Hiền giả, người phụ nữ nọ nhờ lòng tin của chính mình và của chồng mà trở thành một Sa-di-ni. Rồi cả hai người sống cuộc đời Phạm hạnh, đạt tuệ nhãn và đắc Thánh quả.
Bậc Ðạo Sư đến hỏi các Tỷ-Kheo đang ngồi bàn chuyện gì và sau khi nghe thuật lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ bây giờ cô ấy mới giải thoát cho chồng khỏi những ràng buộc của khổ đau. Xưa kia cũng thế, cô cũng đã giải thoát các bậc hiền trí khỏi những ràng buộc của cái chết.
Ngài dạy đến đó rồi im lặng, nhưng vì các Tỷ-Kheo thúc nài, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là một con Nai vàng và lớn thành một con vật đẹp đẽ duyên dáng với màu sắc vàng ròng. Ðôi chân trước và sau của ngài như được phủ bằng một thứ sơn bóng. Sừng như bằng bạc, mắt như những viên ngọc, miệng như một cuộn len đỏ. Con Nai cái, vợ Ngài, cũng là một con vật rất xinh đẹp. Cả hai sống hòa hợp, hạnh phúc với nhau. Tám vạn nai đốm đi theo hầu Bồ-tát.
Trong khi bầy nai sống nơi ấy, một người thợ săn đặt bẫy vào chỗ nai lui tới. Một hôm, đang dẫn dắt bầy nai, Bồ-tát bị mắc chân vào bẫy. Ðể làm đứt dây thòng lọng, ngài giựt mạnh đến đứt cả da chân. Ngài lại giựt nữa và bị đứt tới thịt. Lần thứ ba, ngài lại giựt và bị phạm tới gân. Rồi cái dây thắt vào tận xương. Không thể phá bẫy được, Nai rúng động vì sợ chết đến độ kêu la từng hồi. Nghe thế bầy nai kinh hoàng chạy trốn. Nhưng con Nai cái, trong lúc chạy trốn, không thấy Bồ-tát trong bầy liền nghĩ: “Hẳn là nỗi kinh hoàng có liên hệ đến chồng ta rồi”. Rồi Nai cái vội phóng đến bên chồng tuôn trào nước mắt và than:
– Chàng ơi, chàng mạnh mẽ đến thế, sao lại không thắng được cái bẫy chứ? Hãy cố sức mà tàn phá bẫy đi!
Ðể khích lệ Bồ-tát, vợ ngài đọc bài kệ đầu:
Hỡi chân vàng, hãy dồn hết sức,
Ðể thoát ra cho dứt bẫy này,
Mất chàng, há thiếp vui say
Thảnh thơi dong ruổi đó đây trong rừng?
Nghe thế, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Ta đây đã quá chừng cố gắng,
Tự do nào đạt đặng đâu mà!
Càng vùng để thoát thân ra,
Mối dây càng thắt thịt da thế này.
Thế rồi Nai cái bảo:
– Chàng ơi, đừng sợ. Em sẽ hết sức van xin người thợ săn và sẽ hy sinh mạng sống của em và để xin đổi mạng cho chàng.
Vừa an ủi bậc Ðại sĩ, vợ ngài vẫn tiếp tục ôm lấy Bồ-tát mình đang rớm máu. Nhưng người thợ săn tay cầm gươm và lao đã đến gần, giống như một ngọn lửa hủy diệt vào lúc mở đầu một chu kỳ. Khi thấy người ấy, Nai cái bảo:
– Chàng ơi, người thợ săn đã đến. Em sẽ đem hết khả năng để cứu chàng. Chàng chớ sợ.
An ủi chồng xong, nai cái đến gặp người thợ săn, đứng cách một khoảng để tỏ vẻ kính trọng, nai chào người ấy và nói:
– Thưa ngài, chồng tôi là một con Nai có màu vàng ròng, đầy đủ mọi đức hạnh và là vua của tám vạn con nai.
Ca ngợi Bồ-tát xong, Nai xin hy sinh mạng sống của mình để vua bầy nai khỏi bị hại. Rồi Nai đọc bài kệ thứ ba:
Nơi đây, hãy trải lá dày
Chúng tôi sẽ ngã xuống ngay đây mà,
Thợ săn, hãy rút gươm ra
Giết tôi, rồi giết tiếp là chồng tôi!
Nghe thế, người thợ săn rất kinh ngạc, liền nghĩ: “Ngay cả người ta cũng không hy sinh đời mình cho vua nữa huống chi là loài vật. Thế này nghĩa là gì chớ? Con vật nói với một giọng êm dịu như tiếng người. Hôm nay, ta sẽ tha mạng cho nó và cho chồng nó”. Rất thích thú nai cái, người thợ săn đọc bài kệ thứ tư:
Con vật nói tiếng người
Ta chưa thấy trên đời
Nai hiền, an tâm nhé!
Chân vàng, dứt sợ thôi!
Thấy Bồ-tát được tha ra, Nai cái vô cùng sung sướng liền quay lại cám ơn người thợ săn và đọc bài kệ thứ năm:
Hôm nay tôi thích thú đầy tràn,
Nai vĩ đại này được thoát thân,
Vậy thợ săn, người vừa gỡ bẫy,
Hãy vui vầy với mọi thân nhân.
Bấy giờ Bồ-tát tự nghĩ: “Người thợ săn này đã tha mạng ta và vợ ta và cả tám vạn nai kia. Ông đã là nơi nương nhờ của ta, vậy ta cũng phải là nơi nương nhờ của ông ta”. Và với tính chất của một bậc đức hạnh tối cao, ngài nghĩ: “Ta phải đền cho ân nhân của ta”. Rồi ngài trao cho người thợ săn một viên ngọc kỳ diệu mà ngài đã tìm được ở nơi ngài thường đi kiếm ăn và nói:
– Này bằng hữu, từ nay, chớ giết hại sinh vật nào nữa, với viên ngọc này, hãy xây dựng gia đình, vợ con, hãy bố thí và làm các việc thiện khác.
Khuyến dụ xong Nai biến vào trong rừng.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài dạy ở đây và nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Channa (Xa-mặc) là người thợ săn, Sa-di-ni ấy là con Nai cái, còn ta là Nai chúa kia.
-ooOoo-
Tôi ngửi thấy mùi hương rừng rậm…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-Kheo thối thất.
Bậc Ðạo Sư hỏi có thật ông ta thèm muốn đời thế tục và ông ta thấy điều gì khiến ông ta ân hận đã thọ giới. Vị Tỷ-Kheo trả lời:
– Tất cả là do nét yêu kiều của một phụ nữ.
Bậc Ðạo Sư dạy:
– Thật thế, này Tỷ-Kheo, không thể nào canh phòng được phụ nữ. Các bậc hiền trí ngày xưa, dù họ thận trọng ở tại trú xứ của loài Garudas (Kim sí điểu: chim thần cánh vàng), họ cũng không thể canh giữ phụ nữ.
Rồi do Tỷ-Kheo ấy thỉnh cầu, Ngài kể một chuyện thời xưa.
*
Ngày xưa, vua Tamba trị vì Ba-la-nại, chánh hoàng hậu tên là Sussondi là một phụ nữ đẹp tuyệt vời.
Bấy giờ, Bồ-tát sinh ra là một Garuda (chim thần cánh vàng) trẻ. Bấy giờ đảo Nàga (Long thần)được gọi là đảo Seruna. Ngài đến Ba-la-nại giả nam trang và chơi súc sắc với vua Tamba. Nhận thấy sắc đẹp của ngài, người ta bảo Sussondi:
– Một trang thanh niên như thế… như thế… thường chơi súc sắc với đức vua.
Nàng ao ước được thấy ngài.
Rồi một hôm, nàng trang điểm thật đẹp và đi đến phòng đánh súc sắc. Ðứng nơi ấy, trong đám hầu cận, nàng nhìn đăm đăm vào chàng thanh niên. Chàng cũng nhìn đăm đăm vào hoàng hậu và cả hai đâm ra yêu nhau. Vua chim thần Garuda dùng thần lực, khởi lên một cơn bão ập vào thành phố. Mọi người vì sợ nhà sập, đã phóng chạy ra khỏi cung điện. Với quyền năng, vua Garuda khiến cho cung điện tối đen rồi mang hoàng hậu theo mình bay lên không, về chỗ trú ngụ của riêng mình ở đảo Nàga. Nhưng chẳng ai biết việc đi hay đến của Sussondi.
Vua Garuda vui thú với nàng và vẫn đến chơi súc sắc với vua Tamba. Bấy giờ vua Tamba có một nhạc công tên là Sagga. Không biết hoàng hậu đã đi đâu, vua gọi nhạc công ấy lại và nói:
– Bây giờ ngươi hãy khám phá xem điều gì đã xảy ra cho hoàng hậu.
Nói thế xong vua truyền lệnh cho Sagga ra đi.
Sagga mang theo các thứ cần thiết cho cuộc hành trình và khởi sự tìm kiếm từ cổng thành, cuối cùng chàng đến Bhàrukaccha. Lúc ấy các thương gia ở Bhàrukaccha đang giương buồm đi đến vùng Kim Ðịa. Chàng đến gần họ và nói:
– Tôi là một nhạc công. Nếu các ông miễn tiền tàu cho tôi thì tôi sẽ làm như một nhạc công của các ông. Hãy mang tôi theo với!
Họ chấp thuận như thế, cho chàng lên tàu và nhổ neo. Khi thuyền đi được khá xa, họ gọi chàng và bảo chàng trổi nhạc cho họ nghe. Chàng nói:
– Tôi muốn trổi nhạc, nhưng nếu làm thế, cá sẽ bị kích động quá đến nỗi thuyền của các ông sẽ chìm đấy.
Các thương gia nói:
– Nếu chỉ là một con người tầm thường trổi âm nhạc thì chẳng có gì kích động đến phía cá. Cứ chơi nhạc đi cho chúng tôi nghe.
– Thế thì đừng tức giận tôi nhé.
Nói xong, chàng lên dây đàn giữ cho lời ca hài hòa toàn hảo với tiếng dây đàn đệm theo rồi trổi nhạc cho họ nghe. Bọn cá điên cuồng khi nghe âm thanh ấy và quẫy tung cả lên. Một con hải quái nhảy vọt lên, rơi vào thuyền và làm thuyền vỡ đôi.
Sagga nằm trên một tấm ván được gió đẩy đi cho đến khi chàng giạt vào một cây đa ở đảo Nàga, nơi vua chim Garuda ở. Bấy giờ hoàng hậu Sussondi, như mỗi lần vua chim thần Garuda đi chơi súc sắc, vẫn từ nhà đi xuống và đi lang thang dọc bãi biển, nàng trông thấy và nhận ra nhạc công Sagga, nàng bèn hỏi chàng đến đây bằng cách nào. Chàng kể lại toàn bộ câu chuyện cho nàng nghe. Nàng an ủi chàng và nói:
– Ðừng sợ.
Rồi ôm chàng trong đôi cánh tay, nàng đem chàng về chỗ nàng ở, và đặt chàng nằm trên một chiếc trường kỷ. Khi chàng phục hồi đầy đủ sức lực, nàng cho chàng ăn những thức ăn của thần tiên, tắm chàng trong nước hoa thần tiên, mặc cho chàng những y phục thần tiên và trang sức cho chàng bằng những bông hoa có mùi thơm thần tiên và để chàng nằm trên một sàng tọa thần tiên. Nàng săn sóc chàng như thế, và mỗi khi vua chim thần Garuda trở về, nàng đem giấu người yêu, và ngay khi vua ra đi do ảnh hưởng của đam mê, nàng hưởng lạc thú với chàng.
Một tháng rưởi sau, một số thương gia cư ngụ ở Ba-la-nại ghé lên dưới góc cây đa trong đảo nàyđể lấy củi và nước. Chàng nhạc công lên thuyền với họ và về tới Ba-la-nại đúng vào lúc chàng thấy vua đang chơi súc sắc, chàng liền cầm đàn, tấu nhạc và đọc bài kệ đầu:
Tôi ngửi thấy mùi hương rừng rậm,
Tôi nghe ra biển thẳm rền la,
Vì tình tôi khổ, Tam-ba,
Sus-son-di đẹp cách xa tôi rồi!
Nghe thế, vua Garuda đọc bài kệ thứ hai:
Biển bão tố, sao người qua được
Se-ru-ma mà vẫn an hòa?
Cách nào, hãy nói, Sag-ga,
Sus-son-di đẹp, người đà đến ngay?
Bấy giờ Sagga đọc ba bài kệ tiếp theo:
Từ Bhà-ru-kac-cha,
Cùng với đoàn thương gia,
Thuyền tôi đi bị đắm
Vì hải quái gây ra,
Tôi nhờ vào tấm ván
Mà ghé được vào bờ.
Một hoàng hậu thơm tho
Với bàn tay dịu hiền
Nhẹ nhàng nâng tôi lên
Ðặt tôi vào đầu gối.
Hẳn như tôi lúc ấy
Là con thực của nàng.
Nàng cho mặc, cho ăn,
Và khi tôi nằm đấy,
Nàng nhìn chỗ tôi nằm,
Bằng đôi mắt đắm đuối,
Suốt cả ngày như vậy,
Chúa Tam-ba, nên biết,
Ðây lời thực tôi trình.
Khi chàng nhạc công nói như thế, vua chim thần Garuda vô cùng ân hận và nói:
– Dù ta ở tại trú xứ của chim thần Garuda, ta cũng không thể giữ nàng an toàn được. Người đàn bà xấu xa này đối với ta còn ra gì nữa?
Do đó vua Garuda mang nàng về trả lại cho vua Tam-ba rồi bỏ đi và từ đó không quay lại nữa.
*
Sau khi chấm dứt bài giảng, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế. Khi Ngài kết thúc Tứ Ðế, vị Tỷ-Kheo có tâm trần tục kia đắc quả Dự Lưu. Sau đó Ngài nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Ànanda là vua ở Ba-la-nại, còn Ta là vua chim thần Garuda.
-ooOoo-
Có phải chăng Su-dà-tha nói…,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về hai vị Ðại đệ tử.
Một lần nọ, hai vị Chánh Trưởng lão quyết định suốt trong mùa mưa sẽ chuyên tâm độc cư. Vì vậy họ từ biệt bậc Ðạo Sư rời Tăng chúng, đi khỏi Kỳ Viên, tự tay mang theo y, bát và đến sống trong một khu rừng gần một làng ở biên địa.
Một người đàn ông nọ phục vụ hai vị Trưởng lão và sống bằng các thức ăn thừa của họ, cũng ở riêng một nơi trong khu ấy. Khi thấy hai vị Trưởng lão sống với nhau một cách hạnh phúc như thế, anh ta nghĩ:
– Chẳng biết ta có làm cho họ bất hòa không nhỉ!
Thế là anh ta đến gần Trưởng lão Sàriputta (Xá-lợi-phất) và bảo:
– Thưa Tôn giả, có thể có sự cãi cọ nào giữa ngài và Ðại Trưởng lão Moggallàna (Mục-kiền-liên) không?
– Vì sao ông bảo thế? Trưởng lão hỏi.
– Thưa Thánh giả, vị ấy chê bai ngài và bảo: “Khi ta vắng, Xá-lợi-phất có gì xứng đáng để so sánh với ta về đẳng cấp, dòng dõi, gia đình và xứ sở hoặc về năng lực chứng đạt các Thánh điển!
Vị Trưởng lão mỉm cười và đáp:
– Ði đi, ông bạn.
Một hôm khác người ấy lại đến gần Ðại Trưởng lão Mục-kiền-liên và cũng bảo như thế. Vị này cũng mỉm cười và nói:
– Ði đi, ông bạn!
Mục-kiền-liên đến gặp Xá-lợi-phất và hỏi:
– Ông bạn sống bằng các thứ dư thừa của chúng ta ấy có nói gì với Hiền giả không?
– Vâng, có đấy, Hiền giả ạ.
– Và ông ta cũng nói đúng như thế với tôi. Chúng ta phải đuổi ông ta đi.
– Tốt lắm Hiền giả, hãy đuổi ông ta đi.
Trưởng lão bảo:
– Ông không được đến đây.
Và búng tay tỏ ra khinh miệt anh ta, ngài đuổi anh ta đi. Hai vị Trưởng lão sống hạnh phúc với nhau, và khi quay về với bậc Ðạo Sư, họ đảnh lễ Ngài và ngồi xuống. Bậc Ðạo Sư ân cần nói chuyện với họ và hỏi họ có sống thời biệt cư của họ một cách hỷ lạc không. Họ bạch:
– Có một anh hành khất kia muốn làm cho chúng con bất hòa nhưng mưu toan thất bại, anh ta đã chạy xa rồi.
Bậc Ðạo Sư dạy:
– Thực thế, này Xá-lợi-phất, không phải chỉ bây giờ, mà xưa kia cũng thế, anh ta đã nghĩ cách làm cho các ông bất hòa nhưng mưu toan thất bại, anh ta đã chạy xa.
Rồi do yêu cầu các Trưởng lão, Ngài kể một chuyện thời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị Thần cây trong một khu rừng. Bấy giờ có một con Sư tử và một con Hổ sống trong một cái động núi ở khu rừng ấy. Một con Chó rừng hầu hạ chúng và nhờ sống bằng thịt ăn thừa của chúng, nó bắt đầu mập ra.
Thế rồi một hôm, nó chợt nghĩ: “Ta chưa bao giờ ăn thịt một con sư tử hay một con hổ. Ta phải làm cho hai con này bất hòa với nhau, và kết quả của việc tranh cãi nhau là chúng phải chết, bấy giờ ta sẽ ăn thịt chúng”.
Thế là nó đến gần Sư tử và nói:
– Thưa ngài, có sự tranh cãi nào giữa ngài và Hổ không?
– Sao anh bảo thế?
– Thưa Tôn giả, Chó rừng hỏi – Hổ chê bai ngài và bảo: Khi ta đi vắng, tên Sư tử này sẽ chẳng bao giờ được bằng một phần mười sáu sắc đẹp của ta, vóc dáng và vòng ngực ta, sức mạnh và quyền năng tự nhiên của ta.
Bấy giờ Sư tử nói với nó:
– Xéo đi, Hổ sẽ chẳng bao giờ nói ta như thế.
Thế rồi Chó rừng cũng đến gần Hổ và nói theo cách ấy. Khi nghe nó nói, Hổ chạy đến Sư tử và hỏi:
– Này bạn, có thật rằng bạn đã nói về tôi như thế, như thế?
Rồi Hổ đọc bài kệ đầu:
Có phải chăng Su-dà-tha nói:
Ðẹp sang về dòng dõi, hình dung.
Oai hùng, quyền lực trong vùng
Su-bà-hu cũng phải nhường thua tôi!
Nghe thế, Su-dà-tha (Răng mạnh, tức Sư tử) đọc bốn bài kệ còn lại:
Có phải chăng Su-bà-hu nói:
Ðẹp sang về dòng dõi, hình dung
Oai hùng, quyền lực trong vùng
Su-dà-ha cũng phải nhường thua tôi!
Nếu lời bạn chê bai như vậy,
Thì bạn đâu còn phải bạn tôi!
Chuyện tầm phào, lắng nghe rồi
Sẽ gây tranh cãi với người bạn ta,
Và trong thù hận cay chua
Mối tình thân hữu sẽ là đứt ngang.
Ðã là bè bạn thương thân,
Ai đâu nghi ngại chẳng nhân cớ nào!
Ai đâu tìm vạch gắt gao
Những điều lầm lỗi của nhau làm gì!
Niềm tin bạn, ta thì vẫn giữ
Như trẻ thơ tin vú mẹ thân.
Chẳng gì kẻ lạ nói năng
Mà đành có lúc tách phân bạn lòng.
Khi bốn bài kệ ấy đã nêu lên phẩm cách của một bạn thân, Hổ nói:
– Tôi có lỗi.
Và nó xin lỗi Sư tử. Sau đó chúng cùng nhau sống hạnh phúc tại nơi ấy. Còn Chó rừng ra đi và tìm đến nơi khác.
*
Sau khi chấm dứt bài dạy, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, con Chó rừng kia là người hành khất sống bằng thức ăn thừa, con Sư tử là Xá-lợi-phất, con Hổ là Mục-kiền-liên, còn vị Thần sống trong rừng ấy và chứng kiến tận mắt toàn thể chuyện này là Ta.
-ooOoo-
Ðức hạnh và kiến thức…,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Bà-la-môn muốn thử thách năng lực của đức hạnh.
Người ta kể rằng, do ông nổi danh về đức hạnh, vua đã đặc biệt tôn trọng ông hơn hẳn các Bà-la-môn khác. “Ðức vua đặc biệt tôn trọng ta, có phải vì ta có đức hạnh hay vì ta đạt kiến thức cao? Ta sẽ thử nghiệm xem đức hạnh và kiến thức bên nào quan trọng hơn”.
Thế là một hôm, ông rút lấy một đồng trong kho tiền của vua. Người thủ kho vì kính ông đã không nói một lời nào. Việc ấy lại xảy ra lần thứ hai, người thủ kho cũng chẳng nói gì. Nhưng đến lần thứ ba, người thủ kho bắt ông ta như bắt một kẻ sinh sống bằng nghề trộm cắp và mang ông tađến trước nhà vua. Vua hỏi người thủ kho ông ta bị tội gì, người ấy buộc tội ông đã ăn trộm tài sản của vua.
– Này Bà-la-môn có thật thế không? Vua hỏi.
– Tâu Ðại vương, tôi không có thói ăn trộm của ngài – Ông ta bảo,- Nhưng tôi nghi ngờ không biết đức hạnh và kiến thức bên nào quan trọng hơn, và khi thử nghiệm xem trong hai thứ đó, thứ nào là quan trọng hơn, tôi đã ba lần rút lấy một đồng tiền và thế rồi tôi bị bắt và mang đến trước ngài. Giờ đây tôi biết được rằng đức hạnh có hiệu năng lớn hơn là kiến thức. Tôi không còn muốn sống đời cư sĩ nữa, tôi sẽ trở thành một ẩn sĩ.
Khi được vua cho phép, chẳng cần phải nhìn tới cả nhà cửa, ông đi thẳng đến Kỳ Viên và xin quy y bậc Ðạo Sư. Bậc Ðạo Sư truyền cho ông giới Sa-di và cả giới Tỷ-kheo. Ðược vào Giáo đoàn không bao lâu, ông đạt tuệ giác và đắc quả vị cao nhất. Sự việc này được bàn luận trong Phápđường rằng Bà-la-môn nọ sau khi chứng nghiệm được năng lực của đức hạnh, đã thọ giới xuất gia và đạt tuệ giác đắc Thánh quả như thế nào.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi các Tỷ-Kheo đang ngồi bàn luận vấn đề. Khi nghe kể lại, Ngài dạy:
– Không phải chỉ bây giờ người này làm thế, các bậc hiền trí ngày xưa cũng đã đem đức hạnh ra thử nghiệm và trở thành các ẩn sĩ đem lại sự giải thoát cho mình.
Rồi Ngài kể một câu chuyện ngày xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, ngài học được mọi ngành văn học nghệ thuật ở Takkasilà và khi trở về Ba-la-nại, ngài đến yết kiến vua. Vua giao cho ngài chức giáo sĩ hoàng gia, và vì ngài giữ năm giới, vua đối đãi kính trọng, xem ngài là người một đức hạnh. Ngài nghĩ: “Phải chăng vua kính trọng đối xử với ta như một người đức hạnh hay như một người chuyên tâm đạt kiến thức?” Và toàn bộ câu chuyện cũng đúng như sự việc ngày nay, nhưng ở đây, vị Bà-la-môn bảo:
– Bây giờ tôi đã biết đức hạnh là quan trọng hơn kiến thức.
Rồi ngài đọc năm bài kệ sau đây:
Ðức hạnh và kiến thức
Tôi đã thể nghiệm rồi.
Nay không còn ngờ vực,
Ðức hạnh tốt nhất đời.
Ðức hạnh vượt thiên phú
Ðẹp, sang suông đâu bí.
Khi ở xa đức hạnh
Kiến thức chẳng đáng chi!
Nông dân hay hoàng tử
Hễ đã vướng tội vào,
Ở cõi nào đâu chứ,
Thoát khỏi niềm khổ đau?
Dù thuộc hàng thấp kém
Hay ở lớp quý cao,
Nếu đời này đức hạnh,
Ở Thiên giới ngang nhau.
Dòng dõi và trí thức,
Thân tình, chẳng đáng đâu!
Chỉ riêng thuần đức hạnh
Ðem phước lạc mai sau.
Bậc Ðại Sĩ ca ngợi đức hạnh như thế, và sau khi được vua ưng thuận, ngay ngày hôm ấy, ngài đi vào vùng Tuyết-Sơn và sống đời Phạm hạnh của một nhà ẩn tu. Ngài phát triển các Thắng trí và các Thiền chứng rồi được sinh vào cõi Phạm Thiên.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài dạy và nhận diện tiền thân:
– Bấy giờ chính Ta đã đem đức hạnh ra thử nghiệm và nhận lấy cuộc đời Phạm hạnh của một nhà ẩn tu.
-ooOoo-
Kẻ nào dù được kính vì…,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi ngài trú tại Kỳ Viên về một vị phú thương bạn của ông Cấp Cô Ðộc, sống tại một tỉnh ở biên địa.
Cả câu chuyện khởi đầu và câu chuyện ngày xưa đều được kể đầy đủ trong số 90. Tiền thân cuối Phẩm thứ chín, Chương Một, nhưng ở đây khi vị thương gia ở Ba-la-nại nghe rằng những người hầu của vị thương gia xa lạ bị đoạt hết tất cả tài sản, và sau khi mất hết mọi thứ đã có, họ phải bỏ trốn, ông nói:
– Vì họ không làm điều mà họ phải làm cho những người xa lạ đã đến với họ, nên họ chẳng tìm thấy ai sẵn sàng đền đáp cho họ.
Nói thế xong, ông đọc các bài kệ sau:
Kẻ nào dù được kính vì,
Khi làm phận tớ, lòng thì ghét ta.
Chẳng làm việc tốt đâu mà,
Còn riêng lời nói rườm rà nhiêu khê,
Ta nên phải quyết một bề:
Người nào như thế, chớ hề kết giao.
Một khi đã trót hứa vào
Thực hành lời hứa làm sao cho tròn.
Việc nào chẳng thể làm xong,
Thì ta từ chối, quyết không hứa gì.
Người khôn quay mặt ngoảnh đi
Những khoa trương rỗng đáng chi để lòng.
Một khi bạn đã nhau cùng,
Thì không tranh chấp khi không cớ nào.
Chẳng hề tìm vạch gắt gao
Những điều lầm lỗi của nhau bao giờ.
Vững tin bạn, tựa trẻ thơ
Tin vào vú mẹ chẳng ngờ chút chi.
Dù người lạ nói, làm gì,
Cũng không hề muốn chia ly bạn lòng.
Tình bằng ai khéo chịu tròn
Hẳn đời tăng ích, cao khôn phước phần.
Nhưng người hưởng thú tịnh an,
Uống vào những ngụm lẽ Chân ngọt ngào.
Riêng người ấy biết làm sao
Thoát dây buộc tội, thoát bao khổ phiền.
Như vậy bậc Ðại Sĩ chán ngán tiếp giao với bạn bè xấu, do sức mạnh của độc cư, ngài đã đưa giáo lý của Ngài lên đến tột đỉnh và dẫn con người đến Niết – bàn vĩnh cửu.
*
Khi giảng xong Pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Ta là vị thương gia ở Ba-la-nại.
-ooOoo-
Chuyện con Ðom Ðóm sẽ được kể đầy đủ trong số 546, Tiền thân Mahà-Ummagga.
-ooOoo-
Này ta nằm đây, Khỉ xinh đẹp hỡi….,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi ngài trú tại Kỳ Viên về một Trưởng lão.
Chuyện này đã được kể đầy đủ trong số 249. Tiền thân Sàlaka.
Ở đây cũng thế, vị Trưởng lão sau khi truyền giới cho một chàng trai trong làng lại la mắng, đánh đập anh ta. Chành trai ấy chạy trốn và hoàn tục. Trưởng lão một lần nữa truyền giới cho anh và lại la mắng, đánh đập như trước. Chàng trai trẻ sau khi hoàn tục ba lần, lại được khuyến dụ quay trở lại, đã chẳng còn muốn nhìn mặt Trưởng lão ấy nữa.
Chuyện ấy được bàn tán trong Pháp đường về một Trưởng lão đã không thể sống với chú tiểu của ông mà cũng không thể sống thiếu chú ấy, trong khi chàng trai trẻ đã thấy lỗi lầm của Trưởng lão vì thiếu điềm tĩnh, anh ta lại là một chàng trẻ nhạy cảm nên đã không muốn nhìn ông nữa.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi các Tỷ-kheo đang bàn đề mục gì. Khi nghe trình việc ấy, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ, mà xưa kia cũng thế, chính chàng trẻ này đã làm một chú tiểu nhạy cảm sau khi quan sát thấy lỗi lầm của Trưởng lão ấy, đã chẳng muốn nhìn ông ta nữa!
Dạy thế xong, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, vào triều đại Brahmadatta, vua ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình làm lúa mì và khi lớn lên, ngài sinh sống bằng nghề bán lúa mì.
Bấy giờ, một người dụ rắn nọ bắt được một con Khỉ rồi huấn luyện nó đóng trò với một con rắn. Thế rồi khi một cuộc hội hè được mở ở Ba-la-nại, ông ta gởi con Khỉ cho người bán lúa mì và đi rong khắp trong bảy ngày làm trò với con Rắn. Trong thời gian ấy, vị thương gia nuôi con Khỉ bằng thức ăn loại cứng, loại mềm.
Vào ngày thứ bảy khi đã say sưa ở chỗ vui chơi hội hè ấy, người dụ rắn trở về và ba lần đánh đập con Khỉ bằng một thanh tre rồi đem nó theo vào trong một khu vườn, cột nó lại và nằm ngủ. Con Khỉ tháo được dây ra rồi trèo lên cây xoài, ngồi đó ăn trái. Khi thức dậy người dụ rắn thấy con Khỉ ngồi trên cây, liền nghĩ: “Ta phải bắt nó bằng cách tán tỉnh nó”. Rồi khi nói chuyện với nó, ông đọc bài kệ đầu:
Này ta nằm đây, Khỉ xinh đẹp hỡi,
Như người chơi bị súc sắc phá tàn,
Hãy ném xoài đây; Ta biết rõ ràng
Ta sống được nhờ bạn nhiều mưu kế.
Khi nghe thế, con Khỉ đọc các bài kệ còn lại:
Lời bạn khen, âm thanh vô nghĩa thế,
Khỉ đẹp xinh: Bao giờ kiếm cho ra!
Xin hỏi ai trong hàng quán say sưa,
Nay bỏ đói và đánh ta đau vậy?
Anh dụ rắn hỡi, ta đây nhớ lại
Giường khổ đau nơi ta phải nằm vào.
Nếu có ngày ta lên nắm ngôi cao,
Chớ xin ta rỉ chút nào ân huệ.
Vì ta nhớ bạn từng hung ác thế,
Nhưng nếu ai vui vẻ sống trong nhà
Hạng thanh cao, chịu đem của trao ra,
Thì sẽ được người khôn giao kết chặt.
Nói những lời này xong, con Khỉ biến mất trong bầy khỉ bạn.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài dạy ở đây và nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Trưởng lão này là người dụ rắn nọ, chú tiểu là con Khỉ, còn Ta là người bán lúa mì.
-ooOoo-
Thuốc độc giống như mật ngọt ngào….,
Cây chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo hối tiếc vì đã thọ giới.
Bậc Ðạo Sư hỏi có thật ông đã hối tiếc như thế không.
– Bạch ngài, đúng thế. Ông ta đáp.
Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Ông đã thấy điều gì khiến ông cảm thấy như thế?
Khi vị Tỷ-kheo đáp:
– Ðấy là do những vẻ duyên dáng hấp dẫn của một phụ nữ.
Bậc Ðạo Sư dạy:
– Năm thứ ham muốn giống như mật có rảy thuốc độc giết người do quỷ Gumbiya để giữa đường.
Rồi do yêu cầu của Tỷ-kheo ấy, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, dưới triều Brahmadatta, vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là một thương gia mang theo năm trăm chiếc xe chở hàng hóa đi bán. Ðến đường cái, trước khi vào một khu rừng, ngài gọi các thành viên trong đoàn lại và nói:
– Này, trên con đường này có lá, hoa, trái vân vân, tất cả đều có thuốc độc đấy. Khi ăn, chớ ăn các thứ lạ mà không hỏi ta: Vì bọn quỷ đã để trên đường những rổ cơm mới và nhiều thứ quả hoang ngon ngọt và rưới thuốc độc lên. Hãy dứt khoát đừng ăn thức ăn ấy nếu không được ta chấp thuận.
Sau khi dặn dò như thế, ngài tiếp tục cuộc hành trình.
Bấy giờ một quỷ Yakkha nọ, tên Gumbiya, rải lá trên một khoảng đất giữa rừng và thả vài miếng mật, trên đó có thuốc độc giết người; còn nó đi đây đó trên đường, giả vờ vỗ vào cây cối, làm như đang tìm mật. Những người không biết gì cứ nghĩ: “Mật này được để đây, hẳn phải là một nghĩa cử”. Thế là họ phải chết vì ăn mật ấy. Và bọn quỷ đến ăn thịt họ.
Trong thương đoàn của Bồ-tát cũng có một số người vốn tham ăn, khi thấy những thứ ngon này, không kìm lòng được liền ăn vào. Nhưng những người khác khôn ngoan bảo:
– Ta sẽ hỏi Bồ-tát trước khi ăn.
Và họ cầm các thức ăn ấy và đứng đó. Khi Bồ-tát thấy các thứ họ đang cầm trong tay, ngài bảo họ ném đi. Những người đã ăn trọn phần đều chết. Nhưng đối với mỗi người chỉ mới ăn phân nửa, ngài khiến họ nôn ra, và sau khi họ đã nôn hết, ngài cho họ bốn thứ thơm ngọt và do thần lực của ngài, họ được lành.
Bồ-tát đến nơi mà ngài muốn đến một cách bình an, và sau khi giao hàng, ngài trở về nhà.
Thuốc độc giống như mật ngọt ngào
Khi ta ngửi, nếm hoặc nhìn vào,
Gum-bi-ya đã bày ra đó,
Mục đích hại người thật hiểm sao!
Hễ kẻ nào ham ăn hưởng mật,
Ăn vào, phải chết giữa rừng sâu.
Những ai khôn tránh xa mồi nhử,
Giữ được an lành, khỏi khổ đau.
Tham dục cũng như mồi dục vậy,
Ðược bày ra để hại con người,
Tấm lòng tham ái thường khi vẫn
Phản bội, đưa người đến chết thôi.
Những hễ kẻ nào dù yếu đuối,
Tránh xa ác dục cuốn lôi người,
Chính là kẻ thoát dây ràng buộc
Của nỗi thương đau, thoát khổ rồi.
*
Sau khi đọc các bài kệ trên được cảm tác do trí tuệ toàn hảo, bậc Ðạo Sư khai thị Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, vị Tỷ-kheo thối thất ấy đắc quả Dự Lưu.
Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Ta là vị thương gia ấy.
-ooOoo-
Kẻ nào khiến bè bạn….,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Trúc Lâm, về một lời nói rằng Ðề-bà-đạt-đa đến cả kêu cứu cũng không thể được.
*
Khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia chủ ở làng. Khi còn trẻ ngài chơi đùa với các cậu trai khác dưới một gốc cây ở cổng làng. Bấy giờ có một y sĩ già nghèo khổ, không có việc làm, lang thang ra khỏi làng, và đến nơi ấy, trông thấy một con rắn nằm ngủ giữa nhánh chĩa của một cây nọ, đầu rúc vào trong. Ông ta nghĩ: “Ta chẳng được gì ở trong làng cả. Ta sẽ tán dụ tụi bé con này, khiến cho con rắn cắn chúng và thế là ta sẽ được thứ gì đó vì đã chữa chúng”. Vì thế, ông ta bảo Bồ-tát:
– Nếu cháu tình cờ trông thấy con nhím, cháu có bắt nó không?
– Vâng, cháu bắt chứ. Bồ-tát đáp.
Lão già bảo:
– Xem kìa, một con nhím đang nằm giữa nhánh chĩa của cây này đấy.
Không biết rằng đó là một con rắn, Bồ-tát trèo lên cây và chộp lấy cổ nó, nhưng khi thấy rằng đấy là một con rắn thì ngài không để cho nó quay lại phía ngài, mà kềm chế lấy nó và ném vung nó ra. Con rắn rơi vào cổ của ông y sĩ già, cuốn quanh ông, cắn ông thật nặng đến nỗi răng nó cắm sâu vào thịt ông, lão già ngã xuống chết ngay tại chỗ, còn con rắn thoát đi. Mọi người xúm quanh bậcÐạo Sĩ và khi giảng Pháp cho đám đông ấy, ngài đọc các bài kệ sau:
Kẻ nào khiến bè bạn
Bắt một con rắn độc tàn,
Bảo là nhím, chẳng hạn,
Chính kẻ ấy lãnh phần
Phải chết vì rắn cắn,
Như kẻ mong láng giềng
Gặp phải điều bất hạnh.
Ai muốn đánh một kẻ
Chẳng bao giờ đánh trả,
Sẽ bị đánh, ngã xoài
Như cú đấm chết người
Khiến kẻ ác thống khổ.
Như cát tung ngược gió
Bị thổi lại người tung.
Kẻ nào trao tai họa
Cho một bậc thiện nhân
Khổ ải quay trở lại
Cho chính kẻ điên khùng
Như cát bay trở lại,
Khi tung ngược cuồng phong.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng ở đây và nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, ông y sĩ già nghèo khổ là Ðề-bà-đạt-đa, và cậu thiếu niên khôn ngoan là Ta.
-ooOoo-
Bị rơi vào giữa tay thù…..,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi ngài trú tại Kỳ Viên về Trí tuệ Toàn hảo.
Bấy giờ bậc Ðạo Sư dạy:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ, mà xưa kia cũng vậy, Như Lai cũng đã chứng tỏ mình thông tuệ và nhiều phương tiện thiện xảo.
– Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, dưới triều Brahmadatta, vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình của một sở hữu chủ trong làng. Toàn bộ câu chuyện diễn tiến đúng như Tiền thân trước đây. Nhưng ở chuyện này, khi lão y sĩ chết, những người láng giềng của ông ta ở trong làng nói:
– Những thiếu niên này đã gây nên cái chết cho người ấy. Chúng ta sẽ mang chúng đến trình vua.
Rồi họ trói các chàng trẻ ấy lại và dẫn đến Ba-la-nại. Dọc đường, Bồ-tát an ủi và bảo các chàng trẻ kia:
– Ðừng sợ! Ngay cả khi các bạn bị đưa ra trước mặt vua, hãy tỏ ra không sợ hãi và lòng đầy hoan hỷ. Trước hết vua sẽ nói chuyện với chúng ta và sau đó, tôi sẽ liệu xem sẽ phải làm gì.
Cả bọn đều chấp nhận ngay lời khuyên bảo ấy và làm đúng theo như vậy. Khi vua thấy họ đều bình tĩnh và hoan hỷ, vua bảo:
– Những kẻ khốn khổ này bị xích trói và mang đến đây như những kẻ sát nhân, và dù phải khổ sở đến như vậy họ vẫn không sợ hãi mà còn hoan hỷ nữa. Ta sẽ hỏi họ lý do tại sao họ không buồn phiền.
Và vua đọc bài kệ đầu:
Bị rơi vào giữa tay thù
Bị dây tre trói buộc như thế này,
Vẫn trông tươi tỉnh mặt mày,
Làm sao người dấu được ngay khổ sầu?
Nghe thế, Bồ-tát đọc tiếp các bài kệ sau:
– Người kia than trách buồn đau
Có đâu thu được lợi nào mảy may!
Ðối phương thích thú lắm thay
Khi trông thấy nỗi khổ giày vò ta.
Thù nhân sẽ lắm ưu tư
Khi ta ngẩng mặt tiến ra số phần,
Chẳng lùi như một trí nhân
Khéo bề phán đoán tách phân mọi điều.
Dù nhờ bùa chú cao siêu
Thì thầm nho nhỏ, dù nhiều tài cao,
Người thân quyền thế giúp vào,
Mà ta thoát nạn cách nào cũng hay.
Ta nên nỗ lực cho tày
Chiếm phần ưu thắng về ngay phía mình.
Nhưng khi kết quả không thành
Nhờ người giúp hoặc riêng mình chẳng xong,
Thì ta nên vẫn một lòng
Sẵn sàng chấp nhận mà không đau buồn.
Số phần dù quá gian truân,
Ta đành nỗ lực gắng công tới cùng.
Nghe Bồ-tát giảng Pháp, vua điều tra sự việc và thấy các thiếu niên kia đều vô tội, liền sai cởi trói cho họ, ban thưởng Bồ-tát nhiều vinh dự và phong ngài làm cố vấn về thế sự và thánh sự kiêm chức đại thần cao quý. Vua cũng ban vinh dự cho các thiếu niên kia và chỉ định họ vào nhiều chức vụ khác nhau.
*
Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Ànanda là vua xứ Ba-la-nại, hàng phó giáo sĩ là các thiếu niên kia, còn Ta là chàng trai trẻ thông tuệ ấy.
-ooOoo-
Việc xấu nào tôi đã trót gây….,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo phóng dật.
Sự việc đưa đến câu chuyện sẽ giống như ở Tiền thân Mahàmittavinda (các số 41, 82, 104 và 439).
*
Bấy giờ, khi Mittavindaka bị thả xuống dưới biển, đã tỏ ra tham ái vô độ và ngày càng thái quá như vậy nên anh ta đến một nơi hành tội của các chúng sinh bị đọa vào địa ngục. Anh ta đi vàođịa ngục Ussada, nhầm tưởng đấy là một đô thị và ở đó anh ta phải mang trên đầu một bánh xe bén như lưỡi dao cạo. Lúc ấy Bồ-tát mang hình hài một vị Thiên tử đi thi hành một sứ mạng đến ngục Ussada. Khi trông thấy ngài, Mittavindaka đọc bài kệ đầu theo hình thức một câu hỏi:
Việc xấu nào tôi đã trót gây
Khiến trời nguyền rủa phận tôi đây?
Ôi, đầu tôi hẳn là nứt vỡ
Vì bánh xe quay hành tội này.
Nghe thế, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Từ bỏ cửa nhà đầy phước lạc,
Ðây thì dát ngọc, đấy pha lê,
Các phòng đều chói ngời vàng bạc,
Thảm cảnh do đâu đấy bạn về?
Thế rồi Mittavindaka đọc bài kệ thứ ba:
“Lạc thú nơi kia sẽ ngập tràn,
Chốn này kém cỏi chẳng so bằng”.
Ðấy là ý nghĩ gây tai ách
Và đấy tôi vào cảnh thảm thương.
Bồ-tát đọc những bài kệ sau cùng:
Từ bốn lên thành tám,
Lên mười sáu, băm hai,
Lòng tham không biết thỏa
Cứ tăng trưởng lên hoài.
Và cứ thế đưa bạn
Sinh linh tham dục đầy
Ðến khi chịu đày đọa
Ðầu mang bánh xe nầy.
Vậy tất cả thế nhân
Cứ đeo đòi tham ái,
Mãi vẫn chưa thỏa lòng,
Vẫn đòi thêm, thêm mãi.
Ðường tham lam rộng lớn,
Họ vẫn bước chân vào
Rồi phải mang như bạn
Bánh xe này trên đầu.
Nhưng trong khi Mittavindaka đang còn nói thì bánh xe rơi xuống chà nát anh ta, khiến anh ta không nói thêm được nữa. Còn vị Thiên tử quay thẳng về trú xứ của mình ở trên trời.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng và nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Tỷ-kheo phóng dật là Mittavindaka, còn Ta là vị Thiên tử.
-ooOoo-
Ngỗng này nói với cội Ju-das…,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về sự khiển trách tội lỗi.
Sự việc dẫn đến câu chuyện sẽ được kể trong Tiền thân Pannà.
Nhưng ở đây bậc đạo Sư bảo chúng Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, phải dè chừng tội lỗi. Dù tội lỗ nhỏ bằng một chồi cây đa, nó cũng có thể tỏ ra rất tàn khốc. Các hiền trí ngày xưa cũng dè chừng điều gì tỏ vẻ đáng nghi ngại.
Dạy thế xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, dưới triều Brahnadatta, vua ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là một con Ngỗng vàng và khi lớn lên, ngài sống trong một cái hang vàng trong núi Cittakùta thuộc vùng Tuyết Sơn và thườngđến ăn lúa hoang mọc ở trên một cái hồ thiên nhiên. Trên con đường ngài vẫn thường qua lại có cây Judas (Hồng Phượng vĩ) lớn. Cứ mỗi bận đi và về, ngài đều dừng nghỉ tại đó. Vì thế, một mối tình bạn nảy sinh giữa ngài và vị Thần sống trong cây ấy.
Thế rồi có một con chim nọ, sau khi ăn trái chín của cây đa, đến đậu trên cây Judas và rớt phân vào nhánh chĩa của cây ấy. Sau đó, một cây đa con mọc lên nơi ấy, cao tới một tấc và rực rỡ với những chồi đỏ, lá xanh. Ngỗng chúa thấy thế liền bảo với Thần giữ cây:
– Này Hiền hữu, hễ cây nào bị chồi đa mọc đều bị hủy diệt vì chồi ấy lớn lên. Chớ để cho nó lớn lên, nếu không nó sẽ phá hủy chỗ ở của bạn đấy. Hãy trở về ngay, nhổ nó lên và ném nó đi. Ta phải dè chừng thứ gì tỏ ra đáng nghi ngại.
Nói với Thần cây như thế xong, Ngỗng đọc bài kệ đầu:
Ngỗng này nói với cội Ju-das:
Chồi của cây đa bám bạn kia,
Vật bạn vẫn nuôi trong bụng ấy
E rồi sẽ xé bạn tơi ra.
Nghe như vậy, vị thần cây không chú ý đến những lời ấy, đọc bài kệ thứ hai:
Ðể nó lớn lên tôi sẽ là
Nơi nương tựa của một cây đa.
Tôi săn sóc nó, tình cha mẹ,
Phước lạc cho tôi, nó tỏ ra.
Thế rồi Ngỗng đọc bài kệ thứ ba:
Sợ rằng đấy là mầm tai ách
Sâu tận trong lòng, bạn vẫn nuôi.
Từ biệt bạn thôi, tôi bay vút,
Hỡi ơi, nó lớn, bực lòng tôi!
Nói xong những lời kia, Ngỗng chúa dang rộng cánh và bay thẳng về núi Cittakùta. Từ đó, Ngỗng không quay lại nữa. Thế rồi cây đa lớn lên. Cây này cũng có vị Thần cây đổ xuống cùng với một cành. Bấy giờ nghĩ lại những lời của Ngỗng chúa, vị Thần cây tự bảo: “Vua của loài ngỗng đã thấy được mối nguy hại sắp tới và báo cho ta biết nhưng ta chẳng nghe lời vị ấy”. Sầu than như thế, Thần đọc bài kệ thứ tư:
Quỷ hung cao tợ núi Tu-di
Ðã đẩy ta vào cảnh khốn nguy;
Lời bạn Ngỗng kia ta miệt thị,
Giờ đây ta ngập nỗi sầu bi.
Như vậy cây đa khi lớn lên làm đổ nguyên cả cây Ju-das xuống, làm cho nó chỉ còn trơ một gốc và chỗ ở của vị Thần cây bị tiêu mất hẳn.
Người khôn sinh sợ loài tầm gửi
Chèn nghẹt vật chi nó bám mình,
Bậc trí dè chừng nguy cỏ dại,
Diệt ngay rễ trước lúc mầm sinh.
Ðây là bài kệ được cảm tác do Trí tuệ Toàn hảo.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng ở đây tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, năm trăm vị Tỷ-kheo đắc Thánh quả và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Ta là Ngỗng vàng nọ.
-ooOoo-
Người đang thuộc quyền ta sinh sát….,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một nhóm người tranh cãi nhau từ Kosambi.
Khi họ đến Kỳ Viên, giữa lúc họ hòa hợp lại với nhau, bậc Ðạo Sư bảo:
– Này các Tỷ-kheo, các ông là Pháp tử của Ta trong đạo, được sinh ra do những lời nói từ miệng Ta. Con cái không được dẫm lên lời khuyên của cha, thế mà các ông lại không theo lời khuyên dạy của Ta. Các trí giả ngày xưa, khi những người đã giết cha mẹ họ, đã chiếm vương quốc họ, rồi phải rơi vào tay họ ở trong rừng, họ vẫn không giết những người ấy, dù những người ấy bị kết tội phiến loạn, mà họ bảo: Ta sẽ không dẫm lên lời khuyên của cha mẹ ta đã ban cho ta.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ. Trong Tiền thân này, cả sự việc đưa đến câu chuyện và chính câu chuyện sẽ được kể đầy đủ trong Tiền thân Sanghabehedaka.
*
Bấy giờ hoàng tử Dìghàvu khi thấy vua xứ Ba-la-nại nằm bên cạnh mình ở trong rừng liền túm lấy chỏm đầu vua và nói:
– Bây giờ ta sẽ chặt tên cướp nước đã giết cha mẹ ta ra làm mười bốn miếng.
Và ngay khi chàng vung gươm, chàng nhớ lại lời cha mẹ đã khuyên dạy và tự nghĩ: “Dù ta phải hy sinh đời ta, ta cũng sẽ không dẫm lên lời khuyên của cha mẹ. Cứ dọa nó là thỏa bụng ta rồi”. Và chàng đọc bài kệ đầu:
Ngươi đang thuộc quyền ta sinh sát,
Khi nằm đây úp mặt, vua kia,
Mưu nào ngươi tính nghĩ ra
Cứu ngươi ra khỏi tay ta hãi hùng?
Và ông vua kia đọc bài kệ thứ hai:
Nay ta chẳng còn phương cứu nữa,
Trên đất nằm lọt giữa tay người.
Cách nào cũng chẳng biết noi
Ðể mong thoát được ra ngoài khốn nguy.
Thế rồi Bồ-tát đọc các bài kệ còn lại:
Hỡi nhà vua, chẳng phải là của cải,
Mà chính là các lời nói, hành vi
Vốn thiện hiền mà ta đã thực thi,
Ðến giờ chết mới cho ta thư thái,
Nếu cứ bảo: “Ta đây từng khổ ải,
Kẻ này la, và kẻ nọ đánh ta.
Và kẻ kia cướp của đến thứ ba”,
Những kẻ nào nuôi các tình cảm ấy
Chẳng bao giờ giận hờn nguôi lắng lại.
“Nó xưa kia từng đánh, mắng vào ta,
Nó đã gây lắm áp bức phiền hà”,
Ý nghĩ ấy những ai không ham muốn
Giận sẽ nguôi và hài hòa chung sống.
Xóa căm hờn đâu phải bởi căm hờn,
Xóa căm hờn chính là bởi yêu thương,
Ðấy là luật niên trường cho an lạc.
Sau những lời ấy, Bồ-tát bảo:
– Thưa Ðại vương, tôi sẽ chẳng làm hại ngài đâu. Ngài cứ giết tôi đi.
Rồi ngài đặt cây gươm của mình vào trong tay vua ấy. Vua cũng bảo:
– Ta cũng sẽ chẳng làm hại người.
Vua tuyên thệ và đi đến thành phố cùng với Bồ-tát, đưa ngài đến gặp cận thần và nói:
– Này các khanh, đây là hoàng tử Dìghàvu, con trai của vua xứ Kosala. Người đã tha mạng cho ta. Ta quyết chẳng làm điều chi hại đến người.
Nói thế xong, vua gả con gái cho Bồ-tát và đưa ngài lên ngôi trong vương quốc trước đây thuộc về cha ngài. Từ đấy hai vua cùng trị vì một cách an lạc và rất hài hòa với nhau.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng và nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy, người cha và người mẹ là những thành phần hiện nay trong hoàng gia; còn hoàng tử Dìghàvu chính là Ta.
-ooOoo-
Chương VI
Phẩm Sáu Bài Kệ
Sầu thương vật đã chết rồi…..,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Jetavana (Kỳ Viên) về một Trưởng lão nọ.
Chuyện kể rằng ông nhận một cậu thanh niên xuất gia vào Hội chúng, và Sa-di này sau một thời gian phục vụ thầy rất nhiệt tình, dần dần lâm bệnh và từ trần. Vị Trưởng lão tràn ngập ưu phiền vì cái chết của nam tử kia nên cứ đi quanh quẩn than khóc kêu gào. Tăng chúng không thể nào an ủi ông cho khuây khỏa được, liền đưa vấn đề ra thảo luận tại Chánh pháp Ðường:
– Vị Trưởng lão kia có một Sa-di từ trần, cứ quanh quẩn than khóc mãi. Do triền miên suy tư mãi về cái chết, chắc chắn vị ấy sẽ trở thành kẻ bơ vơ lạc lỏng.
Khi bậc Ðạo Sư bước vào, Ngài hỏi Tăng chúng hội họp để bàn luận đề tài gì, và khi biết được câu chuyện, Ngài bảo:
– Không phải chỉ bây giờ, mà cả ngày xưa, Trưởng lão ấy cũng đi quanh quẩn than khóc khi thanh niên này từ trần.
Nói xong Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta (Phạm Thọ) trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm Sakka Thiên chủ (Ðế Thích). Thời ấy có một người sống trong quốc độ Kàsi, đi đến miền Himàlaya (Tuyết Sơn) và sống đời khổ hạnh với các loại quả rừng.
Một hôm vị ấy thấy một chú nai con mất mẹ. Vị ấy đem nó về thảo am, cho nó ăn và yêu quý nâng niu nó. Chú nai con lớn dần thành một con vật xinh đẹp thanh tao, và ẩn sĩ chăm sóc nó, đối đãi với nó như con đẻ mình vậy.
Một ngày kia, con nai chết thình lình vi bội thực, không tiêu hóa hết số cỏ quá nhiều. Vị khổ hạnh cứ lang thang gào khóc:
– Con ta chết rồi!
Lúc ấy Sakka Thiên chủ xem xét trần gian, nhìn thấy vị ấy, ngài nghĩ cách khuyến giáo ông, liền hiện xuống đứng giữa không trung và ngâm vần kệ đầu:
Sầu thương vật đã chết rồi,
Hỡi người khổ hạnh sống đời độc cư.
Thoát dây tục lụy xuất gia,
Giờ đây phát bệnh tâm tư buồn phiền!
Vị khổ hạnh vừa nghe vậy liền ngâm vần kệ thứ hai:
Nếu người bầu bạn thú hiền,
Tâu ngài Ðế Thích ở trên cõi trời,
Buồn phiền vì mất bạn chơi,
Tuôn dòng nước mắt sẽ vơi nỗi sầu.
Thiên chủ Sakka lại ngâm hai vần kệ nữa:
Người đời lắm kẻ ước ao
Mỗi khi vật mất, kêu gào tiếc thương.
Thôi đừng khóc nữa, trí nhân,
Thánh hiền vẫn bảo hoài công thôi mà.
Nếu nhờ nước mắt tuôn ra
Chúng ta có thể vượt qua tử thần,
Thì ta quyết phải hợp quần
Ðể mà cứu mọi vật thân nhất trần.
Trong lúc Thiên chủ Sakka nói vậy, vị khổ hạnh nhận ra rằng khóc than cũng chẳng ích gì, liền ca ngợi tán thán Thiên chủ và ngâm ba vần kệ nữa:
Ví như ngọn lửa nóng hừng
Ðổ thêm bơ sữa cháy bừng thật cao,
Ðược vòi nước lạnh tưới vào,
Ngài vừa dập tắt nỗi sầu của ta.
Lòng ta nhức nhối xót xa
Vì tên sầu não xuyên qua kinh hoàng.
Ngài đã chữa trị vết thương,
Và ngài hồi phục đời thường cho ta.
Mũi tên vừa được nhổ ra,
Lòng ta tràn ngập an hòa vui tươi,
Lắng nghe Ðế Thích nhủ lời,
Ta không còn phải chơi vơi khổ sầu.
Sau khi đã khuyến giáo vị khổ hạnh như thế, Sakka Thiên chủ trở về cõi của ngài.
*
Ðến đây bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại và nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy, vị Trưởng lão là nhà khổ hạnh, Sa-di là con nai, và Ta chính là Sakka Thiên chủ.
-ooOoo-
Bọn chúng hỏi to: “Nó ở đâu?”….,
Câu chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Trúc Lâm về vua Ajàtasattu (A-xà-thế).
Sự kiện đưa đến chuyện này đã được kể đầy đủ trong Tiền thân Thusa, số 338.
Ở đây bậc Ðạo Sư cũng quan sát nhà vua lúc ấy vừa chơi đùa với vương tử, vừa nghe Pháp. Như Ngài đã biết hiểm họa sẽ xảy đến cho vua vì vương tử này, Ngài nói:
– Thưa Ðại vương, vua chúa thời xưa đã nghi ngờ những gì đáng nghi ngờ, nên đã giam giữ các vương tử lại một nơi và bảo: “Hãy để cho các hoàng nhi cai trị sau khi thân xác chúng ta đã được hỏa táng”.
Cùng với lời trên, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vị ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình Bà-la-môn và trở thành một giáo sư danh tiếng thế giới. Con vua Ba-la-nại tên là vương tử Yava (Lúa mạch). Sau khi đã chuyên tâm học tập đủ mọi ngành học thuật với ngài, chàng liền nóng lòng ra đi, vàđến từ giã ngài. Vị giáo sư nhờ tài tiên tri biết trước rằng hiểm họa sẽ xảy ra cho vương tử do chính con trai vị ấy gây ra, liền suy xét cách thức làm thế nào diệt trừ mối hiểm họa này cho vương tử, và bắt đầu nhìn quanh để tìm một ví dụ chứng minh cho thích hợp.
Lúc bấy giờ ngài có một con ngựa, trên chân ngựa xuất hiện một vết thương đau nhức. Con ngựa được giữ trong chuồng để ngài chăm sóc vết thương cẩn thận. Gần đó có một cái giếng. Thời ấy, một con chuột vẫn thường bạo gan bò ra khỏi lỗ để gặm chỗ vết thương ở chân ngựa. Con ngựa không thể cản nó được và một hôm, không chịu nổi đau đớn, khi con chuột đến cắn nó, nó liền lấy móng chân đập chết con chuột và hất xác xuống giếng. Bọn chăn ngựa không thấy con chuột liền nói:
– Mọi ngày con chuột vẫn đến cắn vết thương, nhưng bây giờ không còn thấy nó nữa. Nó có chuyện gì vậy?
Bồ-tát đã chứng kiến mọi việc và tự nhủ: “Người khác không biết nên hỏi: Con chuột đâu rồi? Nhưng chỉ riêng mình ta biết con chuột đã bị ngựa giết và hất xuống giếng”, và lấy ngay sự việc này làm ví dụ chứng minh. Ngài sáng tác vần kệ đầu rồi nói cho vương tử biết.
Trong khi nhìn quanh để tìm một ví dụ chứng minh khác, ngài lại thấy cũng con ngựa ấy, khi vết thương đã lành, liền chạy ra thẳng đến đồng lúa mạch để ăn lúa, rồi thọc đầu vào một lỗ trên hàng rào. Ngài lấy v dụ này làm vần kệ thứ hai và đưa cho vương tử.
Sang vần kệ thứ ba, ngài sáng tác theo trí thông minh của riêng mình và cũng đưa cho vương tử. Rồi ngài bảo:
– Này Hiền hữu, khi bạn đã an vị trong vương quốc rồi, buổi tối bạn đi đến bồn tắm, vừa ra phía trước cầu thang vừa ngâm vần kệ đầu. Rồi khi bạn bước vào cung thất mình cư ngự, hãy đi đến chân cầu thang và ngâm vần kệ thứ hai. Rồi sau đó, bạn đi lên đầu cầu thang và ngâm vần kệ thứ ba.
Cùng với các lời này, ngài bảo chàng ra đi.
Vương tử trẻ tuổi ấy về kinh đô làm phó vương, và khi vua cha băng hà, vị phó vương lên kế ngôi. Tân vương này chỉ có một con trai hoàng nam duy nhất, đến năm mười sáu tuổi chàng đã nôn nóng muốn lên làm vua. Khi đã có ý định giết cha, vương tử báo với đám hầu cận:
– Phụ vương ta vẫn còn trẻ. Ðến khi ta nhìn thấy giàn hỏa táng của ngài thì ta đã là già cả kiệt lực rồi. Lúc ấy mới lên ngôi thì có ích lợi gì cho ta nữa chứ.
Bọn chúng thưa:
– Tâu Ðiện hạ, ngài không thể nào tính chuyện ra biên địa làm một loạn thần được. Vậy ngài phải tìm cách này hay cách khác sát hại phụ vương và chiếm lấy quốc độ.
Vương tử chấp thuận ngay, vào buổi tối cầm kiếm đứng trong cung thất vua cha gần bồn tắm, sẵn sàng giết cha mình.
Tối hôm ấy, vua sai một nữ tỳ tên là Mùsika (chuột) đến và bảo:
– Ngươi hãy đi chùi bồn tắm, trẫm sắp đến tắm đấy.
Nữ tỳ đến đó và trong lúc chùi bồn tắm, nàng bắt gặp vương tử. Sợ âm mưu có thể bại lộ, vương tử lấy kiếm chặt nàng làm đôi và ném vào bồn tắm. Vua vừa đến nơi, mọi người bảo nhau:
– Hôm nay nữ tỳ Mùsika không trở về. Nó đã đi đâu rồi nhỉ?
Vua bước đến cạnh bồn tắm và ngâm vần kệ đầu:
Bọn chúng hỏi to: Nó ở đâu?
Chuột ơi, mày đã trốn nơi nào?
Việc này chỉ một mình ta biết
Nó đã chết nằm trong giếng sâu.
Vương tử nghĩ thầm: “Vua cha đã phát giác những việc ta làm”, và vì quá kinh hãi, chàng chạy trốn về kể mọi việc cho đám hầu cận. Sau khoảng bảy tám ngày, bọn chúng lại thưa với chàng:
– Tâu Ðiện hạ, nếu Ðại vương biết thì ngài đã không giữ yên lặng. Những điều ngài nói chỉ có thể là lời phỏng đoán mà thôi. Xin cứ hành thích ngài đi.
Vì thế một hôm vương tử lại đứng cầm kiếm trong tay ở cầu thang. Khi vua đến, chàng cố tìm cơ hội đâm ngài. Ngài vưa bước vừa ngâm vần kệ thứ hai:
Giống như con vật đẩy xe đi,
Ngươi cứ xoay qua lại trở về,
Ngươi đã giết xong con Chuột ấy,
Nay thèm ăn Lúa mạch, ta nghi.
Vương tử nghĩ thầm: “Phụ vương đã thấy ta” và kinh hoảng chạy trốn.
Nhưng sau nửa tháng, chàng lại nghĩ: “Ta quyết giết phụ vương bằng một nhát xẻng”. Thế là chàng lấy một dụng cụ giống như cái muỗng có cán dài và cầm nó sẵn sàng, đứng đợi. Rồi vua lên đến đầu cầu thang và ngâm vần kệ thứ ba:
Ngươi là thằng nhãi quá ngu ngơ
Như món đồ chơi với trẻ thơ,
Cầm vật cán dài hình chiếc muỗng,
Thằng kia, ta quyết giết bây giờ.
Hôm ấy, không thể nào trốn thoát được nữa, vương tử bò lết đến dưới chân phụ vương và thưa:
– Xin phụ vương tha mạng cho con.
Sau khi xem xét vương tử, vua truyền trói chàng lại bằng dây xích và thả vào ngục tối. Rồi trong lúc ngự trên vương tòa nguy nga lộng lẫy có che lọng trắng, ngài phán:
– Bậc thầy Bà-la-môn lừng danh của ta đã tiên đoán mối hiểm họa này xảy ra cho ta nên đã ban tặng ta ba vần kệ này.
Lòng tràn đầy hân hoan, trong lúc cảm hứng khởi lên cao độ, ngài ngâm nga luôn các vần kệ còn lại:
Ta chưa giải thoát tự do
Bằng đường lạc thú an cư cõi trời.
Hoặc nhờ hiếu hạnh sáng ngời;
Ðến khi con trẻ toan đòi mạng ta,
Cứu nguy nhờ mấy vần thơ,
Vậy cần học hỏi suy tư mọi điều,
Xét xem ý nghĩa cao siêu,
Dẫu chưa dùng, cũng lợi nhiều ngày sau
Những lời nghe được đã lâu.
Về sau, khi vua băng hà, vương tử được đưa lên ngôi báu.
*
Ðến đây, bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại và nhận diện Tiền thân:
– Thời bấy giờ, vị giáo sư lừng danh chính là Ta.
-ooOoo-
Bờ kia chàng đã bước lên….,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên, về sự cám dỗ một vị Tỷ-kheo do người vợ cũ của thời chưa xuất gia tu tập.
Khi vị Tỷ-kheo thú nhận chính vì người vợ này mà vị ấy đã từ bỏ Hội chúng và hối tiếc việc xuất gia, bậc Ðạo Sư bảo:
– Này Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ nữ nhân này mới làm hại ông. Ngày xưa cũng vậy, chính vì người này mà ông đã bị chặt đầu.
Rồi theo lời thỉnh cầu của chư Tăng, Ngài kể chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahamadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm Sakka Thiên chủ. Thuở ấy, một thanh niên Bà-la-môn ở Ba-la-nại đã học xong mọi môn học thuật ở Ðại học Takkasilà, và sau khi thiện xảo môn bắn cung, chàng nổi danh là Tiểu xạ thủ thông minh. Lúc ấy vị giáo sư nghĩ thầm: “Thanh niên này đã đạt kỹ năng bằng ta”, rồi đem gả con gái cho chàng. Chàng cưới vợ xong, lại muốn trở về Ba-la-nại, liền khởi hành.
Nửa đường có con voi tàn phá một vùng nọ, nên không ai dám đi lên chỗ ấy. Chàng Tiểu xạ thủ thông minh kia cứ đem vợ cùng trèo lên đường vào rừng, mặc dù mọi người cố cản ngăn. Khi chàng đến giữa rừng, con voi xuất hiện tấn công chàng. Xạ thủ bắn một mũi tên vào trán voi xuyên thủng ra phía sau đầu nó, con voi ngã xuống chết ngay tại chỗ.
Sau khi làm cho nơi ấy bình an, chàng lại lên đường qua cánh rừng khác. Tại đó năm mươi tên cướp đang phá hoại xa lộ. Cũng trên nơi này, mặc dù nhiều người cố ngăn cản, chàng cứ trèo lên cho đến khi tìm thấy một nơi bằng phẳng, bọn cướp đã giết nai đem nướng và ăn thịt sát bên xa lộ. Bọn cướp thấy chàng đi đến với cô vợ phục sức sang trọng rực rỡ, liền cố hết sức bắt lấy chàng.
Tên tướng cướp có tài đoán được tính tình người khác, chỉ vừa liếc nhìn chàng, đã nhận ra chàng là một anh hùng lỗi lạc, nên không chịu để cho bọn chúng nổi dậy chống lại chàng, dù chàng chỉ đơn thân độc kiếm. Còn chàng Xạ thủ thông minh bảo vợ đi đến bọn cướp và dặn:
– Nàng hãy đến bảo với bọn chúng cho ta một miếng thịt và đem về cho ta.
Thế là nàng đi đến và bảo:
– Cho tôi một miếng thịt.
Tướng cướp nói:
– Ông ấy là người quý tộc đấy.
Và y bảo bọn cướp cho nàng một miếng thịt. Bọn kia đáp:
– Sao? Nó lại đòi ăn thịt nướng của ta ư?
Rồi bọn chúng cho nàng một miếng thịt sống.
Chàng Xạ thủ vốn tự cao về mình, liền nổi giận vì bọn cướp cho chàng thịt sống. Bọn chúng bảo:
– Sao nữa? Chỉ mình nó là nam nhi, còn chúng ta là nữ nhi ư?
Thế là vừa hăm dọa chàng, chúng vừa vùng lên chống phá chàng. Chàng Xạ thủ bắn trọng thương ngã xuống đất bốn mươi chín tên cướp, trừ một tên, vì chàng không còn mũi tên nào để bắn tướng cướp kia. Trước đó trong bao tên của chàng chỉ có năm mươi mũi tên. Chàng đã dùng một mũi tên bắn chết con voi, nay chỉ còn số tên đủ để bắn cả bọn trừ một người.
Vì thế chàng đá tướng cướp xuống đất ngồi trên ngực y và bảo vợ mang kiếm đến để chặt đầu y. Ngay lúc ấy, nàng bỗng đem lòng say mê tướng cướp, liền đặt chuôi kiếm vào tay y và vỏ kiếm vào tay chồng nàng. Tướng cướp chụp chuôi kiếm, đưa kiếm ra và chặt đầu chàng Xạ thủ.
Sau khi giết chồng nàng xong, tướng cướp chiếm lấy người vợ và trong khi cả hai cùng lên đường, tướng cướp hỏi nguồn gốc, nàng bảo:
– Em là con gái của một giáo sư danh tiếng lẫy lừng thế gian ở Ðại học Takkasilà.
– Bằng cách nào hắn lấy nàng làm vợ được? Y hỏi.
– Cha em rất hài lòng vì hắn đã học được mọi nghệ thuật như bậc thầy nên đem em gả cho hắn. Và vì em yêu chàng nên em để chàng giết chồng hợp pháp của mình. Nàng đáp lại.
Tướng cướp suy nghĩ: “Nữ nhân này giờ đây đã giết chồng hợp pháp của nó. Vậy khi thấy mộtđàn ông khác, nó cũng sẽ đối xử với ta như vậy. Ta phải từ bỏ nó mới được”.
Khi lên đường, tướng cướp thấy con đường bị chận ngang bởi con suối nhỏ thường ngày, nay lại ngập nước, y bảo:
– Này ái nương, có con cá sấu hung dữ trong suối này. Ta phải làm sao bây giờ?
– Tướng quân ôi – nàng đáp – xin lấy hết nữ trang em đang đeo buộc thành một bó trong áo chàng,đem sang bên kia bờ suối rồi trở lại đây đưa em qua.
– Tốt lắm. Y đáp lại.
Rồi cầm hết nữ trang của nàng, lội xuống dòng suối như thể một kẻ hết sức vội vàng, y đã lên bờ bên kia, bỏ rơi nàng và chạy trốn.
Thấy vậy nàng kêu to:
– Lang quân ơi, chàng đi như thể chàng sắp bỏ em vậy. Sao chàng lại làm thế? Hãy trở lại đem em cùng đi.
Và nàng ngâm vần kệ đầu bảo:
Bờ kia chàng đã bước lên
Với bao tài sản của em góp thành.
Mau mau quay trở lại nhanh
Mang em qua với bạn tình, chàng ơi!
Tướng cướp nghe nàng nói trong lúc y đứng ở bờ bên kia, liền ngâm vần kệ thứ hai:
Ý nàng dời đổi nhất thời
Từ lòng chung thủy luyện tôi bao lần
Ðến màn tình ái lông bông,
Chóng chầy nàng cũng thay lòng phản ta,
Nếu ta không kịp chạy xa
Từ đây nàng hỡi, đôi ta chia lìa.
Nhưng khi tướng cướp bảo:
– Ta quyết đi đây, nàng cứ ở lại nơi này.
Thì nàng kêu gào than khóc, còn y chạy trốn với tài sản tư trang của nàng. Ðó là số phận dành cho kẻ dại khờ tội nghiệp vì quá si mê tình ái.
Bỗng nhiên lâm cảnh bơ vơ khốn đốn như thế, nàng đành đến gần một bụi cây quế và ngồi khóc. Lúc ấy, Sakka Thiên chủ nhìn xuống trần gian, thấy nàng đắm say dục vọng giờ đây than khóc vì mất cả phu quân lẫn tình lang. Nghĩ rằng ngài sẽ đi khiển trách nàng và khiến cho nàng biết hổ thẹn, ngài đem Màtali, thần lái thiên xa, và Pancasikha, một nhạc thần, cùng đến bên bờ suối và bảo:
– Này, Màtali, thần sẽ biến thành con cá, Pancasikha sẽ biến thành con chim và ta sẽ biến thành chó rừng (Sigala). Rồi ngậm một miếng thịt, ta sẽ đi đến trước nữ nhân kia và khi thần Màtali thấy ta ở đó thì phải nhảy ra khỏi nước, rớt ngay trước mặt ta, ta sẽ nhả miếng thịt đã ngậm trong miệng và nhảy lên chụp con cá. Vừa lúc ấy, thần Pancasikha phải nhào đến chụp miếng thịt và bay lên không, còn thần Màtali lặn ngay xuống nước.
Thiên chủ Sakka dạy bảo các vị thần như thế, vị đáp:
– Tốt lành thay, tâu Thiên chủ.
Màtali liền biến thành con cá, Pancasikha biến thành con chim và Sakka biến thành chó rừng. Vừa ngậm miếng thịt trong mồm, ngài đi đến ngay trước nữ nhân. Con cá nhảy lên khỏi nước rơi mình xuống trước chó rừng. Chó thả miếng thịt đang ngậm trong mồm, vùng lên bắt cá. Con cá nhảy nữa và rơi xuống nước, còn con chim chụp lấy miếng thịt bay vụt lên không. Như vậy, chó rừng mất cả thịt lẫn cá và ngồi ủ rủ nhìn về phía bụi quế. Nữ nhân thấy thế liền bảo:
– Vì quá tham lam nên chó mất cả thịt lẫn cá.
Và như thể nàng đã thấy rõ ý nghĩa trò đời trớ trêu này, nàng bật cười dòn dã.
Chó rừng nghe thế, liền ngâm vần kệ thứ ba:
Ai làm bụi quế ngân nga
Tiếng cười, dù chẳng múa ca tiệc tùng,
Vỗ tay thích thú? Hồng nhan,
Ðừng cười, khi phải khóc than buồn phiền.
Nghe vậy, nàng ngâm vần kệ thứ tư:
Chó ngu, mày phải ước nguyền
Giá đừng mất cá, thịt liền một khi.
Ðồ ngu, phải biết sầu bi
Những gì xảy đến, ngu si do mày!
Chó rừng liền đáp vần kệ thứ năm:
Lỗi người dễ thấy lắm thay,
Chắc là khó thấy: “Lỗi này của tôi”.
Nàng nên tính giá thiệt thòi
Khi nàng mất hết cả đôi bạn đời.
Nghe thế, nàng lại đáp vần kệ này:
Cẩu vương, quá đúng như lời,
Nên ta quyết chí vội dời chân nhanh
Ðể tìm thêm bạn chung tình,
Cố làm người vợ trung thành khó chi!
Khi ấy Sakka Thiên chủ nghe những lời nói của nữ nhân bạc ác vô hạnh kia, liền ngâm vần kệ cuối cùng:
Kẻ nào ăm trộm cái ghè
Sẽ còn ăn trộm mai kia nồi đồng,
Người gây tai họa cho chồng
Vẫn tàn tệ vậy, hoặc còn tệ hơn!
Lời Sakka Thiên chủ làm cho nàng phải hổ thẹn và hốn hận ăn năn, rồi sau đó ngài trở về cõi của ngài.
*
Ðến đây bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại, rồi tuyên thuyết các Sự Thật. Vào lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo thối thất đã đắc Sơ quá Dự Lưu.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, Tỷ-kheo thối thất này là chàng xạ thủ, người vợ mà vị ấy đã rời bỏ là nữ nhân kia, và Ta chính là Sakka Thiên chủ.
-ooOoo-
Ta đây mạnh khỏe, dạ an vui….,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo tham lam.
Chuyện vị Tỷ-kheo tham lam này đã được kể đầy đủ theo nhiều cách. Ở đây bậc Ðạo Sư hỏi có thật ông tham lam chăng, và khi ông thú nhận quá đúng thế, Ngài bảo:
– Này Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ mà ngày xưa nữa, ông cũng tham lam và đã chết vì lòng tham ấy.
Nói xong Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm Bồ câu con và sống trong lồng kết bằng liễu gai ở nhà bếp của một phú thương thành Ba-la-nại.
Bấy giờ một con Quạ thèm ăn cá thịt lại làm bạn với Bồ câu này, và sống cùng chỗ ấy. Một hôm nó chợt thấy nhiều cá thịt liền nghĩ: “Ta sẽ ăn đám cá thịt này”. Rồi nằm xuống rên rỉ trong lồng. Khi Bồ cầu đến bảo:
– Này bạn, ta cùng bay nhanh ra tìm mồi.
Quạ từ chối đáp:
– Tôi đang bị ốm liệt vì cơn đau bụng do bội thực, bạn đi đi.
Khi Bồ câu khuất dạng, Quạ tự nhủ: “Kẻ thù hay quấy phá ta đã đi rồi. Bây giờ ta muốn ăn thịt cá tùy thích”. Nghĩ vậy, Quạ ngâm vần kệ đầu:
Ta đây khỏe mạnh, dạ an vui,
Vì chú Bồ câu đã biến rồi,
Ta muốn làm cơn thèm dịu xuống
Rau thơm cùng thịt khỏe thêm người!
Vì thế khi người đầu bếp chiên cá thịt xong, vừa bước ra khỏi bếp, vừa chùi mồ hồi chảy dòng dòng, con Quạ nhảy ra khỏi tổ và dấu mình trong chậu gia vị. Chậu ấy phát ra tiếng “cạch” khiến người đầu bếp vội quay lại, tóm lấy con Quạ vặt hết lông. Rồi xay một ít gừng tươi và hạt cải trắng, chú giả chung với chà là thối, bôi lên khắp mình con Quạ, vừa xát mạnh thân nó với một mảnh sành làm cho nó bị thương nặng. Sau đó chú lấy sợi dây treo mảnh sành lên cổ nó rồi lại ném vào thúng và bỏ đi.
Khi Bồ câu trở về thấy Quạ, liền bảo:
– Ông Hạc nào đây lại nằm trong thúng của bạn thân ta đó kìa? Bạn ta tính tình nóng nảy sẽ về giết chim lạ mặt này ngay.
Nói đùa thế xong, bồ câu ngâm vần kệ thứ hai:
Con Mây này với chiếc mào cao,
Ngài chiếm chỗ chim bạn tớ sao?
Ông Hạc, đến đây, thân hữu Quạ
Tính tình nóng nảy, biết không nào?
Quạ nghe vậy liền ngâm vần kệ thứ ba:
Bạn cứ cười to trước cảnh này,
Ta lâm hoạn nạn đáng thương thay!
Hỏa đầu quân vặt lông trần trụi,
Gia vị, chà là thối tẩm đầy.
Bồ câu vẫn còn muốn đùa, liền ngâm vần kệ thứ tư:
Tắm sạch, dầu thơm xát ngạt ngào,
No say ăn uống thỏa dường bao!
Cổ ông sáng chói đồ trang sức,
Ông đến Ba-la-nại đó sao?
Quạ ngâm tiếp vần kệ thứ năm:
Bạn thiết hay cừu địch của ta
Chớ đi Ba-la-nại bây giờ!
Mình trần chúng vặt, còn trêu ghẹo
Buộc mảnh sành trên ngực ấy mà!
Bồ câu nghe vậy, ngâm vần kệ cuối cùng:
Bỏ các thói hư tật xấu kia
Tính tình như Quạ khó làm ghê!
Chim nên thận trọng bay xa lánh
Thực phẩm loài người ăn thỏa thuê.
Sau khi khiển trách Quạ xong, Bồ câu không ở lại đó nữa mà giương đôi cánh bay đi nơi khác. Nhưng Quạ chết ngay tại chỗ.
*
Ðến đây bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại và tuyên thuyết các Sự Thật. Vào lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo tham lam đã đắc Nhị quả (Nhất Lai).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thuở ấy, con Quạ là Tỷ-kheo tham lam này và Bồ câu chính là Ta vậy.
-ooOoo-
Ðừng bao giờ giận, hỡi Minh quân….,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một người lái đò.
Người ta bảo kẻ này là phàm phu vô trí: y không biết được các đức tính của Tam Bảo và các bậc hiền nhân. Y nóng vội, thô lỗ và hung bạo. Một Tỷ-kheo ở vùng quê nọ muốn đi yết kiến đức Phật, vào buổi chiều đến bến đò trên sông Aciravatì và bảo người lái đò:
– Này chú, tôi muốn qua sông, chú cho tôi lên đò đi.
– Thưa Tôn giả, trời tối rồi, hãy ở lại đây.
– Này chú, ta không thể ở lại đây, cho ta qua sông.
Người lái đò bực tức nói:
– Vậy thì ngài Sa-môn hãy mau lên đi.
Rồi đưa vị Tỷ-kheo lên đò, nhưng y lái đò thật vụng về khiến nước văng vào mạn đò làm ướt y của vị Tỷ-kheo, và đến khi trời tối mới đưa được ông qua bờ kia.
Khi vị Tỷ-kheo đến tinh xá, ông không thể kịp yết kiến đức Phật ngay hôm ấy.
Hôm sau, ông đi đảnh lễ bậc Ðạo Sư và ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư đáp lễ và hỏi ông đến khi nào:
– Thưa hôm qua.
– Thế sao mãi hôm nay ông mới đến thăm ta?
Khi nghe rõ lý do, bậc Ðạo Sư bảo:
– Không phải chỉ bây giờ, mà cả ngày xưa, kẻ ấy cũng thô lỗ, y làm phiền các trí nhân ngày xưa giống như đã làm phiền ông.
Rồi theo lời thỉnh cầu, Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sanh vào một gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, ngài học tập đủ mọi môn nghệ thuật tại Takkasilà, rồi trở thành một vị khổ hạnh. Sau một thời gian dài sống toàn củ, quả rừng ở vùng Tuyết Sơn, ngài đi đến Ba-la-nại để tìm muối và dấm. Ngài ở trong vườn ngự uyển và hôm sau vào kinh thành khất thực. Từ sân thượng hoàng cung, vua thấy ngài và hài lòng trước tướng mạo oai nghi của ngài nên cho người triệu ngài vào cung và cúng dường thực phẩm. Vua hứa mời ngài an trú trong ngự uyển và hàng ngày vua đến tham kiến ngài.
Bồ-tát bảo:
– Thưa Ðại vương, một vị vua phải trị nước công bình, tránh xa Bốn ác đạo, đầy nhiệt tâm tinh cần, kham nhẫn, từ ái, lân mẫn toàn dân.
Với lời khuyến giáo thông thường như thế, ngài ngâm hai vần kệ đầu:
Ðừng bao giờ giận, hỡi Minh quân,
Chúa tể trần gian, chớ hận sân,
Ðừng lấy lòng sân bù mối hận
Quân vương như vậy đáng suy tôn.
Dù ở rừng xanh hoặc ở làng,
Ở trên bờ biển, giữa trùng dương,
Chớ bao giờ giận, ta khuyên nhủ
Mãi mãi từ nay, hỡi Ðại vương.
Như vậy, Bồ-tát ngâm đôi vần kệ ấy hàng ngày cho vua nghe. Vua hoan hỷ ban tặng ngài một ngôi làng có số lợi tức là một trăm ngàn đồng vàng, song ngài từ chối. Bồ-tát sống theo cách này suốt mười hai năm liền. Sau đó ngài nghĩ: “Ta đã ở đây quá lâu, nay ta muốn du hành qua quốc độ rồi trở về”.
Thế là không báo với vua, ngài chỉ nói riêng với người giữ vườn:
– Này Hiền hữu, ta thấy chán, ta muốn du hành trong nước rồi trở về, nhờ bạn trình với đức vua.
Ngài đi ngay ra bến đò ở sông Hằng. Ở đó có gã chèo đò ngu ngốc tên là Avàriyapità, y không hiểu đạo hạnh của bậc hiền nhân, cũng chẳng biết luôn cả việc ích lợi hay thiệt hại của riêng mình. Khi dân chúng muốn qua sông Hằng, trước tiên y đưa họ qua rồi sau đó đòi tiền đò. Có khi họ không trả tiền, y liền gây sự với họ, rồi chỉ nhận được lời mạ lỵ và đấm đá chứ rất ít tiền bạc, y thật ngu dại mù quáng đến thế.
Về gã này, bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ thứ ba phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng của Ngài:
Chú A-và-ri-ya,
Thuyền lướt sóng Hằng Hà,
Trước tiên đưa du khách,
Rồi mới hỏi tiền phà,
Do vậy ăn đòn mãi,
Thật xui xẻo, dại khờ!
Bồ-tát đến gặp gã lái đò này và bảo:
– Hiền hữu, hãy đưa ta qua bờ kia.
– Này Sa-môn, ngài sẽ trả tiền cho tôi chứ? Y đáp.
– Này Hiền hữu, ta sẽ chỉ cho chú biết cách làm tăng trưởng tài lợi, an lạc và đức hạnh.
Gã lái đò nghĩ thầm: “Chắc chắn vị này sẽ cho ta một cái gì đó”.
Rồi y đưa ngài sang sông và nói:
– Xin cho tôi tiền đò.
Bồ-tát bảo:
– Ðược rồi, này Hiền hữu.
Và thế là muốn dạy cho y biết trước tiên phải làm cách nào để tăng thêm của cải, ngài ngâm vần kệ này:
Hỏi tiền trước lúc chở qua sông,
Chớ đến bờ kia hỏi nhọc công,
Chú chở bá nhơn nên bá tánh,
Tánh tình thay đổi trước sau luôn.
Gã lái đò nghĩ thầm: “Ðây chỉ là lời vị ấy khuyên ta, nay phải cho ta thêm cái gì chứ”. Song Bồ-tát bảo:
– Này Hiền hữu, chú đã có cách làm ra tiền rồi đấy, nay hãy nghe cách làm tăng an lạc cùng đức hạnh.
Rồi ngài lại ngâm vần kệ khuyến giáo:
Dù ở rừng xanh hoặc ở làng,
Ở trên bờ biển, giữa trùng dương,
Chớ bao giờ giận, ta khuyên chú
Mãi mãi từ nay, hỡi thiện nhân.
Như thế, sau khi đã dạy cách làm tăng trưởng an lạc và đức hạnh, ngài bảo:
– Vậy là chú có cách làm tăng an lạc và đức hạnh.
Nhưng gã ngu si kia không xem lời khuyến giáo của ngài ra gì cả, lại đáp:
– Này Sa-môn, đây là các thứ ngài cho tôi thế tiền phà đấy à?
– Ðúng vậy, Hiền hữu.
– Tôi không cần thứ ấy, cho tôi thứ khác kia.
– Này Hiền hữu, ngoài thứ ấy ta không có gì khác.
– Thế tại sao ngài lại đi trên thuyền tôi?
Y đáp, và ném vị khổ hạnh lên bờ, ngồi lên ngực ngài và đấm vào mồm ngài.
Bậc Ðạo Sư bảo:
– Các vị thấy khi nhà khổ hạnh khuyến giáo vua, thì nhận được ân tứ một ngôi làng, còn khi khuyến giáo như vậy với một gã lái đò ngu ngốc thì được vài cái đấm vào mồm. Cho nên khi khuyến giáo phải lựa người thích hợp, chớ nói với người không thích hợp.
Rồi Ngài ngâm vần kệ xuất phát từ Trí tuệ Tối thắng trí của Ngài:
Vua nghe lời khuyến thiện, đã ban
Lợi tức phần ta cả một làng,
Chú lái đò nghe lời khyyến thiện
Lại đánh người cho ngã xuống đàng.
Trong khi gã kia đánh vị Sa-môn, vợ y đem cơm lại cho y, thấy vậy liền bảo:
– Này chàng, đây là vị khổ hạnh trong triều vua, đừng đánh ngài.
Y nổi giận đáp:
– Cô lại cấm ta đánh kẻ tu hành giả mạo này ư?
Rồi y nhảy lên đánh vợ ngã xuống đất. Ðĩa cơm đổ hết vỡ tan, còn vợ y phải trụy thai.
Quần chúng vây y lại và la lớn:
– Quân khốn nạn giết người.
Họ trói y lại đưa đến nhà vua. Ngài xử phạt y theo pháp luật.
Với Trí tuệ Tối thắng, bậc Ðạo Sư giải thích vấn đề qua vần kệ cuối cùng:
Cơm đổ, vợ y đánh tả tơi,
Thai nhi chết trước lúc ra đời,
Lời khuyên cho kẻ này vô dụng
Như vàng ròng tặng thú hoang thôi.
*
Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại, Ngài tuyên thuyết các Sự Thật. Khi kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu):
– Vào thời ấy, gã lái đò là chú lái ngày nay, vua là Ànanda và vị khổ hạnh chính là Ta.
-ooOoo-
Hiền hữu, hận sân chẳng lợi gì….,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo lừa dối.
Hoàn cảnh câu chuyện sẽ xuất hiện trong Tiền thân Uddàla, số 487.
-ooOoo-
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một giáo sư danh tiếng lừng lẫy và dạy thánh kinh cho năm trăm đồ đệ. Vị huynh trưởng trong bọn là Setakeku, xuất thân từ một gia đình Bà-la-môn miền Bắc, vốn rất tự cao về giai cấp mình.
Một hôm chàng ra khỏi thành phố cùng bè bạn, lúc trở về, chàng thấy một kẻ Chiên-đà-la (Candàla):
– Anh là ai? Chàng hỏi.
– Tôi là một Chiên-đà-la.
Vị ấy sợ ngọn gió sau khi chạm vào người kẻ Chiên-đà-la sẽ đụng vào thân mình, nên thốt lên:
– Ðồ khốn kiếp, này tên Chiên-đà-la xui xẻo kia, hãy tránh gió mau.
Rồi chành chạy nhanh về phía gió. Song kẻ Chiên-đà-la cũng nhanh chân bắt kịp chàng và đứng trước gió cản. Chàng lại càng phỉ báng mạ lỵ kẻ kia nhiều hơn nữa. Kẻ Chiên-đà-la hỏi:
– Ông là ai?
– Ta là một thư sinh Bà-la-môn.
– Tốt lắm, nếu vậy thì ông có thể đáp câu hỏi của tôi.
– Ðúng vậy.
– Còn nếu ông không đáp được, tôi sẽ kẹp ông lại giữa hai chân tôi đấy.
Vị Bà-la-môn đầy tự tin, bảo:
– Cứ làm ngay đi.
Kẻ Chiên-đà-la muốn làm cả hội chúng hiểu chuyện này, liền hỏi:
– Này thanh niên Bà-la-môn, các phương hướng là gì?
– Ðó là bốn phương: Ðông, Tây, Nam, Bắc.
Kẻ Chiên-đà-la bảo:
– Tôi không hỏi loại phương hướng đó, còn ông không biết ngay đến chuyện này, mà lại ghê tởm luôn cả ngọn gió đụng vào người tôi!
Thế là kẻ ấy chụp lấy vai chàng đè xuống kẹp vào giữa hai chân mình.
Các học trò kia đem chuyện ấy kể với thầy. Vị thầy bảo:
– Này cậu Setakeku, cậu đã bị kẹp giữa hai chân một kẻ Chiên-đà-la ấy à?
– Thưa thầy, vâng, thằng oắt con của một tên nô lệ đã kẹp đệ tử giữa hai chân nó và bảo: “Ông này không biết ngay các phương hướng”. Nhưng nay đệ tử đã biết phải làm gì với nó rồi.
Và như vậy, chàng lại phỉ báng kẻ Chiên-đà-la một cách giận dữ. Vị thầy khuyên nhủ:
– Này cậu Setakeku, đừng giận nó, nó có trí tuệ cao đấy. Nó đã hỏi cậu về một loại phương hướng khác, chứ không phải loại này. Thứ mà cậu không thấy, không nghe, không hiểu, còn cao xa hơn thứ mà cậu đã thấy và nghe nữa.
Rồi ngài ngâm hai câu kệ để khuyến giáo:
Hiền hữu, hận sân chẳng lợi gì,
Trí cao vượt quá chuyện mình nghe:
“Một phương” phải hiểu là cha mẹ,
“Thầy giáo” được dùng chí hướng kia.
“Gia chủ” cho y phục, uống ăn,
Cửa thường rộng mở, chính là “phương”,
Còn “phương” trong nghĩa cao siêu nhất:
“Trạng thái vô ưu, lạc Niết-bàn”.
Như vậy, Bồ-tát giảng giải bốn phương cho thanh niên Bà-la-môn này, song chàng nghĩ: “Ta đã bị kẹp giữa hai chân một kẻ Chiên-la-đà”, liền rời nơi ấy và đến Takksilà học đủ mọi môn nghệ thuật với một giáo sư danh tiếng lẫy lừng. Sau đó, được thầy cho phép, chàng rời Takkasilà, vừa du hành đây đó, vừa học tập mọi nghề thực tiễn.
Khi đến một làng biên địa, chàng gặp năm trăm nhà khổ hạnh sống gần đó và được thọ giới tu hành. Chàng học hỏi được mọi nghệ thuật, Kinh điển và các phương pháp thực hành, rồi tất cả cùng vị ấy đi đến Ba-la-nại
Hôm sau chàng đi vào cung đình khất thực. Vua hoan hỷ trước phong cách các vị khổ hạnh, liền cúng dường thực phẩm ngay tại cung vua, và mời các vị ở lại ngự viên. Một hôm vua bảo trong lúc cúng dường thực phẩm:
– Chiều tối nay trẫm sẽ đến đảnh lễ các Tôn giả ngay tại ngự viên.
Setakeku liền đến ngự viên, triệu tập các vị khổ hạnh và bảo:
– Các Tôn giả, hôm nay đức vua sẽ đến. Chỉ cần một lần hòa hợp với vua chúa, người ta có thể sống sung sướng suốt cả đời. Vậy bây giờ một số vị làm kiểu khổ hình bằng cách lắc mạnh người, một số vị nằm trên giường gai, một số vị chịu đựng năm ngọn lửa, một số thực hành khổ hạnh bằng cách ngồi xổm, một số nhào lộn, một số đọc kinh.
Sau khi ra lệnh xong, chính vị ấy ngồi tại cửa am thất với gối dựa, đặt quyển sách bao bìa sáng loáng trên một giá gỗ có sơn và giảng kinh cho đám học trò thông minh chừng bốn năm người. Vừa lúc ấy nhà vua đến, thấy họ đang diễn trò khổ hạnh giả dối này lại rất hài lòng. Vua đến gần Setakeku, kính vái chàng, rồi ngồi xuống một bên, sau đó ngâm vần kệ thứ ba nói chuyện với vị tế sư của hoàng gia:
Hàm răng bẩn, áo da dê, tóc bện,
Miệng thì thầm kinh thánh, dáng bình an,
Chẳng từ nan mọi phương tiện hiền nhân,
Chắc đã đạt Chân như và Giải thoát.
Vị tế sư nghe vậy, liền đáp vần kệ thứ tư:
Một trí nhân có thể làm ác hạnh,
Một trí nhân có thể chẳng chánh chân,
Ngàn câu Vệ-đà chẳng tạo an toàn
Khi việc hỏng, hoặc cứu người lâm nạn.
Khi vua nghe lời này, liền lấy lại mọi ân sủng dành cho đám khổ hạnh kia. Setakeku nghĩ thầm: “Nhà vua ham thích đám khổ hạnh, song tế sư này đã phá hoại như thể lấy rìu chặt ngang sở thích của vua. Ta phải nói chuyện với tế sư mới được”. Do thế, chàng ngâm vần kệ thứ năm nói chuyện với tế sư:
Một trí nhân có thể làm ác hạnh,
Một trí nhân có thể chẳng chánh chân,
Ngài bảo Vệ-đà là vật không cần,
Chỉ tu tập điều thân là thiết yếu.
Vị tế sư nghe vậy, liền đáp vần kệ thứ sáu:
Không, Vệ-đà không hoàn toàn vô dụng,
Dù điều thân tu tập: đạo chánh chân,
Học Vệ-đà vẫn mang lại vinh quang,
Song ta đạt Tối an nhờ chánh hạnh.
Như vậy, vị tế sư bài bác giáo lý của Setakeku. Ngài khuyên cả đám khổ hạnh hoàn tục, cho họ gươm, giáo, mộc để làm quan thị vệ cao cấp hầu cận vua. Từ đó người ta bảo dòng dõi quan thị vệ cao cấp xuất hiện.
*
Khi chấm dứt Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, Setakeku là Tỷ-kheo lừa dối này, kẻ Chiên-đà-la là Sàriputta và tế sư của nhà vua chính là Ta.
-ooOoo-
Dục lạc chỉ là đám bùn dơ bẩn..,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về Ðại sự Xuất thế.
Sự tình dẫn đến chuyện này đã được kể trước kia.
*
Một thuở nọ, vua Magadha trị vì tại thành Rajagaha (Vương Xá). Bồ-tát được sinh làm con của chánh hậu, được đặt tên vương tử Brahmadatta. Vào ngày ngài ra đời, vị tế sư của hoàng gia cũng sinh một nam tử, diện mạo tuấn tú, vì thế được đặt tên là Darìmukha (Miệng hang lớn). Cả hai cùng lớn lên trong cung đình và trở thành bạn thân. Năm mười sáu tuổi, hai vị đến Takkasilà học đủ mọi môn nghệ thuật. Sau đó muốn tạo được các kiến thức có công dụng thực tiễn và tìm hiểu phong tục trong nước, hai vị du hành qua nhiều thành phố, thôn làng khắp mọi miền.
Vì vậy, hai vị đến Ba-la-nại trú ở trong một ngôi đền và hôm sau vào kinh thành khất thực. Có một nhà trong kinh thành đã nấu xong cháo gạo và chuẩn bị chỗ ngồi để cúng dường phần thức ăn cho các Bà-la-môn. Khi họ thấy hai nam tử này khất thực, họ nghĩ: “Các Bà-la-môn đã đến”, liền mời vào và trải một tấm khăn trắng trên ghế của Bồ-tát và một thảm đỏ dưới chân Darìmukkha.
Chàng quan sát điềm này và hiểu ngay thân hữu chàng sẽ làm vua ở Ba-la-nại và chính chàng sẽ làm đại tướng. Hai vị thọ thực xong phần mình rồi nói lời tùy hỷ công đức và ra đi về ngự viên. Bồ-tát nằm trên sàng tọa bằng đá của vua, còn Darìmukha ngồi xoa chân ngài.
Thời ấy, vua Ba-la-nại đã băng hà đã bảy ngày. Vị tế sư hoàng gia làm lễ hỏa táng xong liền đưa vương xa ra khỏi thành suốt bảy ngày vì chưa có ai kế vị ngai vàng. Lễ rước vương xa này sẽ được giải thích trong Tiền thân Mahàjanaka, số 539. Vương xa rời kinh thành và đến cổng ngự viên, được bốn đạo quân xa pháo mã tượng hộ tống và âm nhạc của hàng trăm nhạc khí trổi dậy vang lừng.
Darìmukha nghe tiếng nhạc, nghĩ thầm: “Vương xa đến rước thân hữu ta đó, ngài sẽ lên ngôi vua hôm nay, và phong ta chức đại tướng, song ta có nên làm người thế tục chăng? Ta muốn đi ngay làm ẩn sĩ khổ hạnh”. Vì thế không nói gì với Bồ-tát, chàng chạy sang một bên đứng ẩn mình.
Vị tế sư ngừng xe trước cổng ngự viên, vừa bước vào thấy Bồ-tát đang nằm trên bảo tọa của hoàng gia. Vừa quan sát các tướng tốt trên chân ngài, ông nghĩ: “Ngài có đủ đức độ và xứng đáng làm vua cả bốn đại châu cùng với hai ngàn hải đảo vây quanh. Song lòng can đảm của ngài ra saođây?”.
Vì thế ông ra lệnh mọi nhạc khí đồng trổi dậy hết sức inh ỏi. Bồ-tát thức dậy, giở tấm khăn ra khỏi mặt và thấy đám đông. Rồi che mặt lại, ngài nằm xuống thêm chút nữa, xong trở dậy ngồi xếp bằng trên sàng tọa trong lúc xe vừa dừng lại.
Vị tế sư quỳ xuống, thưa:
– Tâu Chúa thượng, quốc độ được nhường cho Chúa thượng.
– Sao? Không ai kế vị à?
– Tâu Chúa thượng, không.
– Thế thì tốt lắm.
Vậy là ngài nhận lời thỉnh cầu và hội chúng làm lễ quán đảnh rảy nước thánh lên đầu ngài tại ngự viên. Trong giờ phút đại vinh quang ấy, ngài quên bẵng Darìmukha, ngài ngự lên vương xa đi giữa đám quần thần uy nghi diễu vòng quanh kinh thành. Sau đó dừng lại trước cung môn, ngài chỉ định vị trí của các triều thần, xong bước lên lầu thượng.
Cùng lúc ấy, Darìmukha thấy ngự viên đã vắng người liền bước ra ngồi trên bảo tọa trong vườn. Một ngọn lá khô rơi xuống trước mặt ngài. Thấy rõ các quy luật lão tử, ngài bừng ngộ Tam pháp ấn (Khổ, vô thường, vô ngã) và chứng đắc quả vị Ðộc Giác Phật (Paccekabodhi), liền reo mừng hoan hỷ làm vang dậy cả cõi trần. Ngay lập tức các đặc tính của một phàm nhân biến mất khỏi thân Ngài, một bình bát và một tấm y kỳ diệu từ cõi thiên rơi xuống khoác vào người và Ngài cóđủ tám món cần thiết cùng tứ oai nghi hoàn thiện của một Sa-môn cả trăm tuổi, rồi nhờ thần lực, Ngài bay qua không gian đến tận động Nandamùla, nơi an trú của các vị Ðộc Giác Phật tại miền Tuyết Sơn.
Phần Bồ-tát trị nước rất chân chánh. Song cảnh đại vinh quang đã làm ngài say đắm suốt bốn mươi năm ròng. Ngài quên hẳn Darìmukha. Ðến năm thứ bốn mươi ấy ngài nhớ lại bạn và tự bảo: “Trẫm có thân hữu tên là Darìmukha, nay vị ấy ở đâu?”. Ngài mong ước gặp lại bạn. Từ đó về sau, ngay trong hậu cung hay giữa quần thần, ngài thường bảo:
– Thân hữu Darìmukha nay ở đâu? Trẫm sẽ ban vinh hoa phú quý cho ai báo tin với trẫm về nơi bạn hiền cư trú”.
Lại mười năm nữa trôi qua từ khi ngài thỉnh thoảng nhớ đến bạn. Còn Tôn giả Darìmukha đã trở thành Ðộc Giác Phật, sau năm mươi năm, suy xét lại và biết bạn cũng đang nhớ đến Ngài, liền nghĩ: “Nay bạn ta đã già và tăng thêm đàn con cháu, ta muốn đi thuyết Pháp và truyền giáo cho bạn”.
Nhờ thần lực, Ngài bay qua không gian và hạ mình xuống vườn ngự uyển, ngồi xuống bảo tọa như một bức tượng vàng ròng. Người giữ vườn thấy Ngài, đi đến hỏi:
– Thưa Ngài, Ngài từ đâu đến?
– Từ động Nandamùlaka.
– Thế Ngài là ai?
– Hiền giả, ta là Phật Ðộc Giác Darìmukha.
– Thưa Ngài, thế Ngài biết đức vua của chúng tôi chăng?
– Ta biết. Ngài là thân hữu từ thời ta còn ở thế tục.
– Thưa Ngài, đức vua ước ao hội kiến Ngài, tôi xin đi trình báo đức vua rằng Ngài đã đến.
– Hiền hữu cứ đi làm như vậy.
Người làm vườn liền đi trình vua rằng Tôn giả Darìmukha đã đến và hiện đang ngồi trên thạch tọa. Vua phán:
– Thế là Hiền hữu của trẫm đã đến, trẫm sẽ đi hội kiến ngay.
Vì vậy ngài ngự lên vương xa cùng đám tùy tùng hộ tống đông đảo đến ngự viên, cung kính đảnh lễ vị Ðộc Giác Phật và ngồi xuống một bên. Vị Ðộc Giác Phật bảo:
– Này Brahmadatta, Ðại vương nên trị nước chân chánh, đừng bao giờ theo ác đạo hay đàn áp dân chúng vì tiền bạc. Hãy làm mọi thiện sự với lòng nhân từ.
Và sau đó khi ân cần đáp lễ, Ngài bảo thêm:
– Này Brahmadatta, nay Ðại vương đã già đã đến lúc Ðại vương nên từ giã dục lạc và xuất gia.
Như thế, Ngài thuyết Pháp và ngâm vần kệ đầu:
Dục lạc chỉ là đám bùn dơ bẩn
“Nỗi kinh hoàng ba gốc” được gọi là,
Ta bảo rằng khói bụi với sương sa,
Hãy bỏ chúng, xuất gia lìa thế tục.
Nghe vầy, vua ngâm vần kệ giải thích ngài vẫn đang bị tham dục ràng buộc:
Trẫm say đắm, lún sâu bùn tham dục,
Bà-la-môn, dục lạc đáng kinh thay,
Song yêu đời, trẫm không thể bỏ ngay,
Trẫm xin nguyện suốt đời làm thiện sự.
Sau đó, mặc dù Bồ-tát bảo: “Ta không muốn thọ giới xuất gia”, Tôn giả Darìmukha cũng không bài bác vua và khích lệ lần nữa:
Ai bác bỏ lời bạn hiền khuyên nhủ,
Thương xót và mong bạn tránh đọa đày,
Cứ tưởng rằng: “Cõi thế tốt lành thay”,
Sẽ không dứt tái sinh đầu thai mãi.
Nơi đày đọa đáng kinh: phần kẻ ấy
Ðầy vật dơ, bị người thiện chê bai,
Kẻ tham kia dục vọng chẳng hề rời,
Thân xác chứa ngập đầy mầm nhục dục.
Như vậy, Ðộc Giác Phật Darìmukha nêu rõ sự khổ đau do nhập thai và vội vàng bày tỏ nỗi khổ đau vì sinh sản qua một vần kệ nữa:
Ðầu máu mủ, vật hôi tanh thế tục,
Mọi hữu tình đều phải chịu tái sinh,
Những vật gì xúc chạm suốt đời mình,
Chỉ cốt để đem khổ đau trần giới.
Ta nói lên những điều ta trông thấy,
Chứ không lo người khác nói ta nghe,
Ta nhớ rành các đời kiếp xưa kia.
Lúc bấy giờ với Trí tuệ Tối thắng, bậc Ðạo Sư bảo:
– Như thế vị Ðộc Giác Phật đã dùng thiện ngôn cứu giúp nhà vua.
Và Ngài ngâm nửa vần kệ kết thúc:
Da-ri-muk đã rót vào tai bạn
Su-me-dha lắm vần kệ ngọt ngào,
Hiển bày ra cả trí tuệ tối cao.
Vị Ðộc Giác Phật bày tỏ mọi khổ đau của tham dục và làm vua hiểu lời Ngài dạy xong, liền nói:
– Thưa Ðại vương, dù Ðại vương có thọ giới xuất gia hay không, ta cũng đã nói hết nỗi khốn cùng của tham dục và hạnh phúc của đời xuất gia, xin Ðại vương hãy tinh cần.
Rồi giống như một con kim nga vương, Ngài bay bổng lên không, lướt mây về đến động Nandamulaka. Còn bậc Ðại Sĩ đảnh lễ với mười ngón tay chắp vào nhau, và cúi đầu đứng yên cho tới khi Tôn giả Darìmukha khuất bóng. Sau đó vua từ bỏ dục lạc, trong lúc quần chúng đông đảo than khóc kêu gào, ngài đi đến vùng Tuyết Sơn dựng một lều lá và thọ giới làm ẩn sĩ. Chẳng bao lâu ngài thành đạt các Thắng trí và các Thiền chứng, rồi lúc mạng chung, Ngài được sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật, sau đó nhiều Tỷ-kheo đắc sơ quả cùng các quả vị kia, và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy nhà vua chính là Ta.
-ooOoo-
Hai chúng ta là loài chim ưu tú..
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một vị Tỷ-kheo.
Chuyện kể rằng vị ấy học được các phương thức hành thiền của bậc Ðạo Sư xong, liền ra một làng ở biên địa. Tại đó dân chúng hài lòng với phong cách của ông, nên cúng dường thực phẩm, dựng một thảo am ở trong rừng và yêu cầu ông ở lại đó rồi bày tỏ lòng tôn kính trọng vọng ông. Nhưng sau đó họ lại rời bỏ ông, để đi theo các đạo sư thuộc phái Thường kiến, rồi lại bỏ các vị này để theo giáo phái Ðoạn kiến, xong lại bỏ phái này để theo phái khổ hạnh lõa thể, vì đạo sư các phái này cứ lần lượt xuất hiện. Do thế vị Tỷ-kheo này rất phiền lòng khi sống chung với những người không phân biệt thiện ác kia.
Sau thời an cư mùa mưa và lễ Tự tứ (Pavàranà), vị ấy trở về hầu bậc Ðạo Sư và khi Ngài hỏi, ông kể lại những nơi ông đã cư trú trong mùa mưa vừa qua và ông đã phải phiền lòng ra sao vì những người không biết thiện ác. Bậc Ðạo Sư bảo:
– Các bậc trí ngày xưa, ngay khi còn là loài vật, cũng không sống chung một ngày với những kẻ không biết thiện ác, tại sao ông lại làm như vậy?
Và Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm một chim Thiên nga màu vàng óng. Ngài sống cùng em trai trên đỉnh núi Cittakuta và ăn lúa dại trên vùng Tuyết Sơn. Một hôm bay về Cittakuta, đôi chim thấy ngọn núi Neru màu vàng rực rỡ liền đến ở trên đỉnh. Chung quanh núi có nhiều loài chim và dã thú cùng sống để kiếm ăn trên bãi. Từ lúc bọn chúng đến đây, tất cả đều nhuộm màu vàng do ánh sáng từ núi chiếu ra. Chim em của Bồ-tát thấy vậy, song không hiểu lý do liền hỏi:
– Vì cớ sao ở đây lại như vậy?
Và chim cất tiếng ngâm hai vần kệ đầu nói chuyện cùng anh:
Hai chúng ta là loài chim ưu tú
Trên núi này bên đám quạ, diều hâu,
Cả mọi loài cùng chỉ có một màu:
Chó hạ liệt đua tranh cùng loài hổ,
Và với chúa sơn lâm: đàn sư tử
Vậy núi này có tên gọi là sao?
Bồ-tát ngâm vần kệ thứ ba đáp lại:
Ne-ru là tên gọi Núi tối cao,
Ở nơi đây muôn loài đều vàng óng.
Chim em nghe lời này liền ngâm ba vần kệ tiếp còn lại:
Hễ nơi nào thiện nhân không được trọng,
Hoặc ít hơn người khác, hãy đi liền,
Dẫu hiền ngu, can đảm hoặc ươn hèn,
Ðều nhất loạt được tôn sùng bình đẳng,
Thiện nhân chẳng thể cùng ngươi chung sống,
Hỡi Núi cao không phán đoán phân minh!
Dầu tối ưu, hạ liệt, hoặc trung bình,
Ne-ru cũng chẳng thể nào suy xét,
Vậy, hỡi ôi! Chúng ta đành từ biệt
Núi Ne-ru không biết lẽ biệt phân.
Cùng với lời này cả đôi chim bay về núi Cittakùta.
*
Khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo kia đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy, Thiên nga em là Ànanda, và Thiên nga anh chính là Ta.
-ooOoo-
À-sà-ti mọc trên vườn thiên giới..
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về sự cám dỗ một Tỷ-kheo do người vợ cũ gây ra.
Hoàn cảnh này sẽ xuất hiện trong Tiền thân Indriya, số 423.
Bậc Ðạo Sư nhận thấy vị Tỷ-kheo này thối thất do mơ tưởng đến người vợ cũ, vì thế Ngài bảo:
– Này Tỷ-kheo, nữ nhân này đang làm hại ông, ngày xưa cũng vì kẻ ấy mà ông đã hy sinh cả bốn đạo quân và sống ba năm liền ở vùng Tuyết Sơn trong cảnh đầy gian khổ.
Nói xong Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình Bà-la-môn tại một làng trong xứ. Khi ngài lớn lên, ngài học các nghệ thuật ở Ðại học Takkasilà, sau đó trở thành một vị khổ hạnh đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng, sống bằng củ quả ở rừng Tuyết Sơn. Vào thời ấy có một thiếu nữ đức hạnh vẹn toàn từ cõi trời Ba mươi ba giáng trần, đầu thai làm một thiếu nữ trong đóa hoa sen trên hồ nước. Trong khi các hoa khác già cỗi héo tàn, rơi rụng thì hoa ấy lớn dần và đứng thẳng trên cành.
Vị khổ hạnh đến tắm trong hồ nhận thấy thế, nghĩ thầm: “Các hoa khác rơi rụng, song hoa này cứ lớn dần ra và thẳng đứng, sao lạ thế này?” Ngài liền mặc áo tắm và lội đến đó, mở đóa sen ra, ngài trông thấy cô bé gái. Ngài cảm thấy thương yêu nàng như con mình, liền đem cô bé về thảo am, chăm sóc nuôi nấng. Nàng lớn dần đến năm mười sáu tuổi trở thành rất xinh đẹp, dung sắc nàng vượt hẳn dung sắc loài người, nhưng chưa đạt đến dung sắc chư Thiên.
Một hôm Thiên chủ Sakka hiện xuống hội kiến Bồ-tát. Thiên chủ thấy thiếu nữ này liền hỏi chuyện và được biết nàng ở đâu ra. Ngài hỏi:
– Nàng cần những thứ gì, thưa Tôn giả?
– Một chỗ cư trú, y phục nữ trang và thực phẩm, này Thiên chủ.
Ngài liền hóa hiện một cung bằng pha lê cho nàng ở, cùng với bảo tọa, y phục, nữ trang, thực phẩm thần và tiên tửu. Thiên cung này bay xuống trần gian và dừng lại ở nơi nàng đang sống. Khi nàng bước vào trong cung, nó lại bay lên đến giữa không trung. Nàng chuẩn bị đủ mọi thứ phụng dưỡng Bồ-tát trong khi nàng sống trong cung này.
Một người kiểm lâm thấy nàng liền hỏi ngài:
– Thưa Tôn giả, nàng ấy là gì của ngài?
– Con gái ta đấy.
Người ấy liền đi về Ba-la-nại trình vua:
– Tâu Ðại vương, tiểu thần vừa thấy trong vùng Tuyết Sơn cô con gái của một vị khổ hạnh có dung sắc tuyệt thế.
Vua bị cám dỗ khi nghe chuyện này vội bảo người kiểm lâm làm hướng đạo cùng đi với vua và bốn đạo binh về hướng ấy. Cắm lều trại xong, vua đem người kiểm lâm và đám cận thần đến thảo am. Vua kính chào Bồ-tát và bảo:
– Thưa Tôn giả, nữ nhân là thứ bất tịnh đối với đời tu hành, vậy để trẫm chăm sóc tiểu thư.
Bấy giờ Bồ-tát đã đặt cho cô gái tên Àsankà vì nàng được ngài đem về nuôi nhờ ngài lội qua hồ nước do lòng nghi hoặc (Àsankà): “Cái gì ở trong hoa sen này?”. Ngài không nói thẳng với vua: “Hãy đem nàng đi”, mà lại bảo:
– Thưa Ðại vương, nếu ngài biết tên con gái ta thì hãy đem nàng đi.
– Thưa Tôn sư, nếu ngài nói ra thì trẫm sẽ biết..
– Ta sẽ không nói đâu, khi nào ngài biết tên ấy thì cứ đem nàng đi.
Vua chấp thuận, từ đó cứ suy xét cùng với đám cận thần: “Tên nàng là gì nhỉ?” và đưa ra đủ thứ tên khó đoán với Bồ-tát: “Những tên nọ tên kia là tên nàng”. Song Bồ-tát bảo không phải và từ chối lời thỉnh cầu. Vì vậy một năm trôi qua trong khi vua xem xét tên nàng.
Sư tử và nhiều dã thú đến vồ lấy mọi người và binh sĩ của vua, lại thêm nhiều hiểm họa vì rắn rết, ruồi muỗi. Nhiều người khác chết vì lạnh. Vua bảo Bồ-tát:
– Trẫm cần gì nàng ấy nữa?
Và vua bỏ đi.
Thiếu nữ Àsankà hiện ra trên cửa sổ pha lê mở rộng. Vua thấy nàng liền bảo:
– Chúng ta không tìm ra tên nàng nên chúng ta sẽ ra đi, nàng cứ ở lại Tuyết Sơn này.
– Tâu Ðại vương, nếu ngài ra đi, ngài sẽ chẳng bao giờ tìm được một vương phi như thiếp nữa. Trên cõi trời Ba mươi ba, tại vườn Cittalatà, có một loài cây leo tên Àsàvatì. Trái của nó chứa một thứ tiên tửu, những ai uống rượu ấy một lần là phải say suốt bốn tháng nằm yên trên thiên tọa. Nó chỉ sinh trái một lần trong một ngàn năm, cho nên các Thiên tử, dù ham mê rượu nồng, vẫn chịu nhịn khát để đón chờ tiên tửu ấy. Họ bảo nhau: “Ta sẽ hái quả cây này”, rồi cứ liên tục đến canh chừng cây ấy suốt cả ngàn năm và bảo nhau: “Cây mọc có tốt chăng?”
Còn Ðại vương, chỉ trong vòng một năm đã sinh lòng bất mãn, hễ ai hái được kết quả của niềm hy vọng là đạt hạnh phúc. Thiếp xin ngài khoan bất mãn vội.
Do vậy, nàng ngâm ba vần kệ đầu:
À-sà-ti mọc trên vườn Thiên giới
Một ngàn năm chỉ sinh trái một lần,
Chư Thiên hằng kham nhẫn mãi chờ trông.
Quá hy vọng, Ðại vương, đầy ngon ngọt,
Chim hy vọng không bao giờ tổn thất,
Nó đạt tròn mong ước dẫu xa vời.
Tâu Ðại vương, quá hy vọng ngọt bùi!
Cứ hy vọng, Ðại vương, hy vọng mãi.
Vua lại mê say vì lời nàng, rồi triệu tập quần thần một lần nữa và cố đoán tên nàng, cứ mỗi lầnđoán mười tên mãi đến khi một năm nữa trôi qua. Song tên nàng vẫn không ở trong số mười lời phỏng đoán kia, nên Bồ-tát từ chối lời vua thỉnh cầu. Nàng lại hiện ra trên khung cửa sổ và vua bảo:
– Thôi nàng ở lại đây, trẫm sắp ra đi.
– Tại sao ra đi, tâu Ðại vương?
– Vì trẫm không thể nào đoán ra tên nàng.
– Tâu Ðại vương, tại sao ngài không thể đoán ra? Niềm hy vọng không phải là không có thành công. Một con hạc đậu trên đỉnh đồi cũng đạt được mong ước, tại sao ngài không thể đạt được chứ? Tâu Ðại vương, hãy kham nhẫn. Một chim hạc đã tìm nơi ăn trong một hồ sen, song nó bay lên tận đỉnh đồi. Nó ở lại đó hôm ấy và hôm sau tự nhủ: “Ta sống thật an lạc tại đỉnh đồi này. Nếu không cần xuống đồi, ta cứ ở đây tìm thức ăn nước uống và đậu tại đây hôm nay thật thích thú biết bao”.
Chính ngay hôm ấy, Sakka Thiên chủ đã dẹp tan các thần Asura (A-tu-la) và làm chúa tể cõi trời Ba mươi ba, tự nhủ: “Mọi mong ước của ta đã đạt được đỉnh cao thành tựu. Hôn nay có ai trong rừng chưa đạt niềm mong ước chăng?” Suy xét như vậy ngài thấy con hạc và nghĩ: “Ta sẽ làm cho niềm mong ước của con hạc được thành tựu”. Không xa con hạc đậu có một dòng suối, Thiên chủ đưa con suối đầy thức ăn lên đỉnh đồi, như thế chim hạc không cần đi đâu vẫn có cá ăn nước uống thỏa thích suốt ngày ở nơi ấy. Sau đó dòng suối đổ xuống và trôi đi xa. Tâu Ðại vương, con hạc đã đạt kết quả niềm hy vọng của nó như vậy, tại sao Ðại vương sẽ không đạt được kia chứ? Xin Ðại vương cứ hy vọng nữa, hy vọng mãi.
Nàng nói và ngâm vần kệ còn lại.
Vua nghe chuyện nàng kể, lại say mê sắc đẹp nàng, bị lời nàng lôi cuốn, nên ở thêm một năm nữa để phỏng đoán cả trăm tên nàng. Sau ba năm, vua tìm đến Bồ-tát và hỏi:
– Thưa Tôn giả, tên nàng có nằm trong trăm tên này chăng?
– Thưa Ðại vương, ngài không biết tên ấy đâu.
Vua vái chào Bồ-tát và bảo:
– Chúng tôi xin từ giã lên đường.
Và vua ra đi.
Thiếu nữ Àsankà lại đứng bên cửa sổ pha lê. Vua trông thấy nàng liền bảo:
– Thôi nàng ở lại, chúng ta sắp lên đường.
– Tại sao thế, tâu Ðại vương?
– Nàng làm ta đẹp lòng vì lời nói chứ không phải vì tình yêu của nàng. Ta say mê lời nói dịu ngọt của nàng, nên đã ở đây ba năm ròng, nay ta quyết ra đi.
Rồi vua ngâm các vần kệ sau:
Lời nói nàng nghe quả thật dịu êm,
Song hành động không thỏa lòng mong đợi.
Hoa hữu sắc vô hương là cỏ dại,
Lời hứa kia dẫu đẹp chẳng thi hành
Với bạn thân, ta phải ném cho nhanh,
Chẳng đem tặng, cứ để dành mãi mãi,
Tình bạn kia tất nhiên là suy thoái.
Ta chỉ nên hứa trước việc mình làm,
Ðừng hứa suông những việc chẳng đảm đang.
Nếu ta nói mà không làm phận sự,
Các trí nhân xét xem liền thấy rõ.
Ðạo quân ta hao tổn, cạn kho lương,
Ta hoài nghi đời sống đã suy tàn,
Ðã đến lúc ra đi, đành từ biệt.
Khi nàng Àsankà nghe lời vua liền đáp:
– Tâu Ðại vương, ngài biết tên thiếp rồi, ngài vừa nói ra tên ấy. Xin hãy nói cho phụ thân biết tên thiếp và đem thiếp cùng ra đi.
Nói vậy xong, nàng liền ngâm vần kệ:
Tâu Ðại vương, vừa nói ra tên thiếp,
Hãy đến ngay, cha thiếp nhận cầu hôn.
Vua đến gặp Bồ-tát và nói:
– Thưa Tôn giả, tiểu thư tên là Àsankà.
– Thưa Ðại vương, ngài đã biết tên nàng, vậy hãy đem nàng ra đi.
Vua kính lễ Bồ-tát và đến cung pha lê bảo nàng:
– Này, quý cô nương, phụ thân nàng đã gả nàng cho ta, vậy hãy đến đây ngay.
– Tâu Ðại vương, thiếp sẽ đi xin phép phụ thân. Nàng bảo.
Rồi từ cung pha lê, nàng bước xuống đảnh lễ Bồ-tát, được ngài ưng thuận và cho phép ra đi cùng nhà vua. Vua đem nàng về Ba-la-nại, cùng nàng sống hạnh phúc, sinh được thêm nhiều hoàng tử và công chúa. Còn Bồ-tát tiếp tục hành Thiền định và tái sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Vào lúc các Sự Thật kết thúc, vị Tỷ-kheo được an trú vào Sơ quả (Dự lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Àsankà là người vợ cũ kia, vua là vị Tỷ-kheo bất mãn này và vị khổ hạnh chính là Ta.
-ooOoo-
Ðường con bay bổng, hỡi con thân…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo bất tuân Giới luật.
Bậc Ðạo Sư hỏi Tỷ-kheo:
– Có thật ông bất tuân Giới luật chăng?
Vị ấy đáp:
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Bậc đạo sư bảo:
– Không phải ông bất tuân Giới luật lần đầu, mà xưa kia vì tính ngỗ nghịch không nghe lời khuyên của bậc trí, ông phải mạng vong và gặp cuồng phong Verambla.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm chim Thứu (kên kên) tên Aparanna, sống cùng đoàn chim thứu tùy tùng ở núi Gijjhapabbata (Thứu Sơn). Con ngài tên Migàlopa cường tráng dũng mãnh phi thường. Nó bay cao vượt mức độ các chim thứu khác. Chúng liền kể cho thứu vương nghe con ngài bay quá cao. Ngài gọi Migàlopa đến bảo:
– Này con, chúng bảo con bay quá cao. Nếu quả vậy, con tự gây tử vong cho mình đấy.
Ngài lại ngâm ba vần kệ:
Ðường con bay bổng, hỡi con thân,
Cha thấy chúng sao thật bất an,
Con vụt lên cao xa quá mức,
Vượt vùng ta sống thật an toàn.
Khi đất chỉ là một bãi vuông
Hiện ra phía trước mắt con trông,
Thì nên quay lại thôi con nhé,
Ðừng táo bạo bay vút giữa không.
Chim sải cánh bay tận cõi không,
Chúng thường gặp bão tố cuồng phong,
Khi đang nỗ lực lên cao mãi,
Vì chúng kiêu căng phải mạng vong.
Khinh lời khuyên nhủ thật khôn ngoan
Của đấng lão thân, gặp Hắc Phong,
Tên gọi Ve-ram-bha Bão tố,
Vợ con, gia sản phải tan hoang.
Do vậy những ai chẳng chú tâm
Nghe lời huynh trưởng vẫn khuyên răng,
Như chim kiêu mạn bay đi lạc,
Bất phục lệnh trên, gặp tử thần.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy, Migàlopa là Tỷ-kheo bất tuân Giới luật và Thứu vương Aparanna chính là Ta.
-ooOoo-
Ai đây xanh thẩm hóa đen huyền…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
Từ thời ông được an trú vào quá Dự Lưu, ông hành trì Ngũ giới trọn vẹn. Tất cả vợ con gia nhân của ông đều làm như vậy.
Một hôm tại Chánh pháp đường, Tăng chúng bắt đầu thảo luận xem ông Cấp Cô Ðộc và gia quyến ông có giữ Thánh đạo thanh tịnh chăng. Bậc Ðạo Sư bước vào và được Hội chúng trình bày đề tài ấy, Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, các bậc trí thời xưa cũng đã giữ cho toàn gia quyến được thanh tịnh.
Và Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát làm một thương nhân, bố thí, trì giới và toàn thể con cháu, gia nhân trong nhà cũng làm như vậy. Cho nên ngài được gọi là thương nhân Suciparivàra (Toàn gia Thanh tịnh). Ngài suy nghĩ: “Nếu có vị nào giữ đức giới thanh tịnh hơn ta đến đây, và ta mời vị ấy ngồi trên ghế của ta hay nằm trên giường của ta thì không thích hợp, mà ta phải mời ngồi trên bảo tọa thanh tịnh chưa ai dùng”. Như thế ngài dặn gia nhân chuẩn bị một bảo tọa và một bảo sàng mới nguyên đặt vào một bên khách sảnh đặc biệt của ngài.
Vào thời ấy trên cõi trời Thiên vương có hai nàng tiên: Kàlakanni (Bất Hạnh), ái nữ của Virùpakkha (Quảng Mục Thiên vương) và Siri (Hạnh Phúc), ái nữ của Dhatarattha (Trì Quốc Thiên vương) cùng đem nhiều vòng hoa và hương liệu đi đến hồ Anotatta để vui chơi tại đó.
Bấy giờ tại hồ đó có nhiều chỗ tắm. Chư Phật có chỗ tắm riêng, các Ðộc Giác Phật có chỗ riêng, các Tỷ-kheo có chỗ riêng, các Thiên tử sáu tầng Dục giới (trong đó có Tứ Thiên vương an trú ở tầng thứ nhất) có chỗ riêng và các Thiên nữ có chỗ riêng.
Hai Thiên nữ này đến đấy và bắt đầu tranh cãi xem ai được tắm trước. Kàlakanni nói:
– Ta ngự trì cõi trần, ta tắm trước mới hợp lý.
– Ta cai quản con đường giới hạnh đem lại địa vị tối cao của nhân loại. Ta tắm trước mới hợp lý. Siri đáp.
Sau đó cả hai đều nói:
– Tứ Thiên vương sẽ biết giữa hai ta ai sẽ phải tắm trước.
Thế là hai nàng đi hỏi các Thiên vương rằng ai giữa hai nàng xứng đáng tắm trước tại hồ Anotatta. Hai Thiên vương Dhatarattha và Virupakkha đáp:
– Chúng ta không thể quyết định được.
Và hai vị giao phận sự ấy cho Virùlha (Tăng Trưởng Thiên vương) và Vesavana (Tỳ-sa-môn Thiên vương). Hai vị này cũng bảo:
– Chúng ta không quyết định được, chúng ta muốn đưa chuyện đến bệ kiến Thiên chủ.
Rồi hai vị đưa chuyện đến Sakka Thiên chủ (Ðế Thích). Thiên chủ nghe chuyện, thầm nghĩ: “Hai này này là ái nữ của Thiên vương chư hầu của ta, ta không thể quyết định được chuyện ấy”, và bảo hai nàng:
– Tại thành Ba-la-nại có một thương nhân tên gọi Suciparivàra, trong nhà vị ấy có đặt sẵn một bảo tọa và một bảo sàng mới nguyên, nàng nào có thể nằm ngồi ở chỗ ấy trước thì xứng đáng là ngườiđược tắm trước.
Kàlakanni nghe vậy lập tức khoác y phục màu xanh, tẩm dầu thơm màu xanh và tô điểm nữ trang màu xanh (Màu xanh tượng trưng điềm xấu). Rồi từ Thiên giới, nàng giáng trần trên một thạch bàn do chiếc cung thần bắn ra. Sau canh giữa đêm, nàng trụ trên không, tỏa ra một làn ánh sáng xanh, không xa vị thương nhân đang nằm trên một bảo tọa trong khách sảnh đặc biệt của lâu đài. Vị thương nhân nhìn lên thấy nàng, song đối với ngài, nàng không có vẻ nhân từ, khả ái. Ngài liền ngâm vần kệ đầu nói chuyện với nàng:
Ai đây xanh thẩm hóa đen huyền,
Không khả ái đâu trước mắt nhìn,
Con gái nhà ai, nàng ấy nhỉ,
Làm sao ta biết, hỡi cô tiên?
Nghe lời này, Kàlakanni ngâm vần kệ thứ hai:
Quảng Mục Thiên vương chính phụ thân,
Kà-li là Bất Hạnh, tai ương,
Xin ngài cho một phòng lưu trú
Kề cận ngài như dạ ước mong.
Sau đó Bồ-tát đáp vần kệ thứ ba:
Nàng vẫn sống theo giới hạnh gì?
Ðường nào nhân thế bước chân đi?
Ðây là câu hỏi xin nàng đáp,
Ta muốn chú tâm để lắng nghe.
Nàng lại ngâm vần kệ thứ tư, giải thích các đặc tính của nàng:
Giả dối, buông lung, cáu kỉnh luôn,
Vong ân, tật đố, dạ xan tham,
Ác nhân, ta giúp thành công để
Thắng lợi làm cho chúng diệt vong.
Nàng còn ngâm thêm vần kệ thứ năm, thứ sáu và thứ bảy:
Sâu hận lại còn thân thiết hơn,
Giao tranh, phỉ báng, lẫn hung tàn,
Kẻ ngu không biết người lương thiện,
Oán ghét lời khuyên, lẫn thiện nhân.
Người nào hành động trí ngu si,
Bằng hữu thảy đều phải chán chê,
Kẻ ấy với ta là bạn đó,
Ta tìm lạc thú ở người kia.
Lúc ấy, bậc Ðại Sĩ ngâm vần kệ thứ tám khiển trách nàng:
Kà-li, nàng hãy bước đi ngay,
Chẳng có gì vui thú ở đây,
Hãy đến các kinh thành xứ khác,
Biến nhanh ra khỏi chốn này.
Kàlakanni nghe vậy, buồn rầu ngâm vần kệ đáp lời:
Ta vẫn biết ngài rõ lắm thay,
Không gì vui thú ở nơi đây,
Những người ác tạo nhiều mưu kế,
Huynh đệ ta làm biến mất ngay.
Khi nàng đã đi rồi, Thiên nữ Siri xuất hiện, với y phục, dầu thơm, nữ trang toàn màu rực rỡ ngay trước cửa phòng khách, vừa tỏa ra một làn ánh sáng toàn màu vàng, nàng đứng trên đất bằng hai chân vững chắc và dáng điệu kính cẩn. Bồ-tát thấy nàng liền ngâm hai vần kệ đầu:
Ai đây màu sáng chói Thiên thần
Trên đất bình yên, dáng thật chân,
Con gái nhà ai, nàng ấy nhỉ,
Làm sao ta biết, hỡi tiên nương?
Siri nghe vậy liền đáp vần kệ thứ hai:
Trì Quốc Thiên vương chính phụ thân,
Ta là Hạnh Phúc, trí am tường,
Thế nhân tán tụng, xin an trú
Ðại sảnh cùng ngài dạ ước mong.
Sau đó ngài hỏi:
Nàng vẫn sống theo giới hạnh gì?
Ðường nào nhân thế bước chân đi?
Ðây là câu hỏi xin nàng đáp,
Ta muốn chú tâm để lắng nghe.
Siri đáp lại:
Người nào dù nóng, lạnh, phong ba,
Ðói khát, ruồi gây bệnh, độc xà,
Phận sự ngày đêm làm tròn vẹn,
Ta luôn quý mến sống cùng nhà.
Nhã nhặn, thiết thân, hạnh chánh chân,
Khoan dung, thẳng thắn, dạ bình an,
Tín thành, thiện cảm, đầy kham nhẫn,
Ta điểm tô thêm mọi phước phần,
Như sóng lan dần trên biển cả,
Một màu sáng chói ngập trùng dương.
Với bạn thân hay chẳng bạn thân,
Với người hơn, kém, hoặc ngang hàng,
Ác nhân hay cả cừu nhân nữa,
Dù tối trời hay giữa ánh quang,
Những kẻ nhân từ không ác ngữ
Tử sinh ta mãi kết thân bằng.
Song nếu kẻ ngu được mến thương
Lại sinh ngạo mạn với kiêu căng,
Con đường bất thiện đầy ngoan cố,
Ta tránh xa như một vũng bùn.
Họa, phúc nghiệp riêng mỗi bản thân,
Chẳng ai tạo nghiệp của tha nhân,
Một người không thể gây tai họa,
Hạnh phúc cho ai ở cõi trần.
Ðó là lời giải đáp của Siri khi được vị thương nhân hỏi. Bồ-tát hoan hỷ trước lời nàng, liền bảo:
– Ðây là sàng tọa thanh tịnh, xứng đáng dành cho nàng. Hãy nằm ngồi lên đó.
Nàng ở lại đến sáng hôm sau giã từ về cõi trời Tứ Thiên vương và tắm trước tiên tại hồ Anotatta. Sàng tọa được Siri dùng tên là Sirisaya. Ðó là nguồn gốc của từ Sirisayana (Bảo tọa, vương sàng) và vì lý do đó, nó được gọi như vậy cho đến ngày nay.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy, Thiên nữ Siri là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc) và thương nhân Suciparivàra chính là Ta.
-ooOoo-
Chim có cánh hồng sáng rực sao…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo mơ tưởng đời thế tục,
Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Tại sao ông mơ tưởng đời thế tục?
– Bạch Thế Tôn, chính vì tham dục, con đã trông thấy một nữ nhân trang sức diễm lệ.
– Này Tỷ-kheo, nữ nhân cũng như mèo cái, thường dối lừa và tán tỉnh để làm hại kẻ nào đã rơi vào uy lực của họ.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm Gà trống sống trong rừng với đoàn tùy tùng hàng trăm gà trống khác. Không xa đó có một con mèo cái. Nó đã dùng nhiều mưu kế dụ dỗ nhiều gà trống để ăn thịt ngoại trừ Bồ-tát, song Bồ-tát vẫn không rơi vào mãnh lực của nó. Mèo cái nghĩ thầm: “Con Gà trống này thật tinh khôn, song nó biết đâu là ta cũng tinh khôn và đầy phương tiện tinh xảo. Nếu ta dụ dỗ nịnh hót nó và bảo: “Thiếp muốn làm vợ chàng”, rồi sẽ ăn thịt nó khi nó rơi vào tay ta thì tốt biết bao”.
Mèo cái liền đến dưới gốc cây nơi Gà trống đậu và khẩn cầu Gà bằng giọng lưỡi tán tụng vẻ đẹp của Gà trống, vừa ngâm vần kệ đầu:
Chim có cánh hồng sáng rực sao,
Mồng cao rũ xuống đẹp dường bao,
Thiếp nay ước muốn nên chồng vợ,
Bỏ cây xuống với thiếp đây nào!
Bồ-tát nghe vậy suy nghĩ: “Nó đã ăn thịt tất cả họ hàng nhà ta, nay nó lại muốn phỉnh nịnh ta để ăn ta luôn. Ta quyết tìm cách tống nó đi”. Vì thế ngài ngâm vần kệ thứ hai:
Cô nàng quyến rủ, đẹp xinh ôi!
Nàng có bốn chân, tôi chỉ hai,
Chim, thú không bao giờ kết hợp,
Hãy tìm chàng khác thật cân đôi.
Mèo cái liền nghĩ: “Gà trống này tinh khôn khác thường, ta phải quyết dùng mưu này kế nọ dụ nó và ăn thịt nó mới được”. Vì thế nó ngâm vần kệ thứ ba:
Thiếp dâng chàng sắc đẹp thanh xuân,
Lời nói dịu êm nhã nhặn luôn,
Làm vợ quý yêu hay thị nữ,
Tùy nghi đối xử hợp phu quân.
Sau đó Bồ-tát lại nghĩ: “Tốt nhất là phải mạ lỵ nó và tống cổ nó đi nơi khác”, ngài liền ngâm vần kệ thứ tư:
Con Mèo hút máu họ nhà Gà,
Cướp giết bạo tàn thật xấu xa,
Vợ quý ư? Không hề quý trọng
Trong lòng Mèo lúc tán dương ta.
Mèo cái bị tống đi, từ đó không còn dám nhìn mặt Gà được nữa.
*
Vậy khi chúng thấy một anh hùng,
Cả bầy nhi nữ thật tinh khôn
Cố tìm cách để hòng lôi cuốn.
(Cứ xem Mèo cái với Kê vương).
Ai không đối phó trước nguy nan
Đành phải ngã dài ở dưới chân
Cúi mặt phục tùng ngay địch thủ,
Trong niềm uất hận lẫn đau buồn.
Người kịp thời xem xét sự tình
Gian nguy xảy đến số phần mình,
Như Gà trống lánh xa Mèo cái,
Cừu địch kia, cần tránh thật nhánh.
Ðây là các vần kệ phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng của đức Phật.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật và nhận diện Tiền thân. Vào lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo thối thất đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thuở ấy, Ta chính là Gà trống ấy.
-ooOoo-
Hành trì đức hạnh, hỡi chư huynh…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo lừa dối.
Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, kẻ này không chỉ lừa dối lần đầu tiên.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm một con chim. Khi lớn lên ngài sống giữa bầy chim tùy tùng của ngài trên một đảo giữa biển cả.
Một hôm có đoàn thương nhân đem theo một con Quạ và khởi hành ra khơi, đến giữa biển, tàu bị chìm. Con Quạ bay đến đảo này, nghĩ thầm: “Ðây có cả đàn chim lớn, nếu ta dùng kế lừa gạt chúng rồi ăn thịt cả trứng lẫn chim non thì hay biết bao”. Thế rồi nó bay xuống giữa bầy chim, vừa há mỏ vừa đứng một chân trên mặt đất. Bầy chim hỏi:
– Thưa Tôn giả, ngài là ai?
– Ta là một Thánh giả.
– Tại sao ngài chỉ đứng một chân?
– Nếu ta đặt chân kia xuống, quả đất không thể chịu đựng nổi ta.
– Thế tại sao ngài vừa đứng vừa há mỏ?
– Ta không ăn thực phẩm gì cả, chỉ hút gió.
Cùng với lời này, Quạ gọi bầy chim lại bảo:
– Ta sẽ thuyết giáo cho các anh, hãy lắng nghe.
Rồi Quạ ngâm vần kệ đầu để giảng giáo lý:
Hành trì đức hạnh, hỡi chư huynh,
Cầu chúc chư huynh đệ phước lành!
Ta nói lại: hành trì đức hạnh
Ðời này, đời kế đạt an bình.
Ðàn chim không biết Quạ nói thế với âm mưu lừa dối chúng để ăn trứng chim, liền ca ngợi Quạ và ngâm vần kệ thứ hai:
Chim này chánh hạnh, phước ân tràn,
Thuyết giảng chỉ cần đứng một chân.
Bầy chim đầy tin tưởng con Quạ gian ác này, liền bảo:
– Thưa Tôn giả, ngài không cần thực phẩm gì cả, chỉ cần hút gió mà sống, vậy xin ngài canh chừng lứa trứng này và bầy chim non của chúng tôi.
Như thế, chúng bay đi đến nơi ăn thường lệ. Khi chúng đã đi xa, con Quạ độc hại này ăn đầy một bụng cả trứng lẫn chim non. Rồi khi bầy chim trở lại, nó liền đứng yên lặng trên một chân và há mỏ ra.
Ðàn chim không thấy lũ chim non khi bay về tổ liền kêu thét lên:
– Ai có thể ăn chúng rồi chứ?.
Song chúng lại bảo nhau:
– Ông Quạ này là một bậc Thánh mà!
Chúng không nghi ngờ gì con Quạ cả.
Sau đó, một hôm, Bồ-tát nghĩ thầm: “Trước đây không có gì nguy hiểm xảy ra, chỉ từ khi có con Quạ này đến mới bắt đầu có tai họa, vậy tốt hơn phải thử nó”.
Vì thế ngài làm như thể sáp bay đi ăn cùng bầy chim kia, rồi ngài quay lại đậu một chỗ kín đáo. Con Quạ tin tưởng bầy chim đã bay hết liền đứng lên, đến ăn cả trứng lẫn chim non, xong lại đứng trên một chân, há mỏ ra như cũ. Khi bầy chim bay về, Chim chúa tụ tập chúng lại và bảo:
– Hôm nay ta đã quan sát mối hiểm họa đến với đàn con của chúng ta và ta thấy con Quạ gian ác này đã ăn thịt chúng, vậy ta quyết bắt nó.
Như thế ngài họp bầy chim vây quanh con Quạ và bảo:
– Nếu nó bay đi trốn, ta phải bắt lấy nó.
Rồi ngài ngâm các vần kệ tiếp theo:
Các con không biết tính chim này
Khi tán các con, ngu dại thay!
“Ðức hạnh” nó rao, “đức hạnh” mãi,
Rồi ăn cả trứng lẫn con bầy!
Những điều nó giảng, giọng thanh thanh,
Song bọn chúng không thể thực hành,
“Ðức hạnh” nó ồn ào trống rỗng,
Chánh chân của nó chẳng chân thành.
Giả dối trong tâm, lưỡi phỉnh phờ,
Nó là rắn hổ lén bò vô:
Nó nhờ áo khoác ngoài lừa gạt
Dân chúng, vì chúng quá dại khờ.
Lấy mỏ, cánh lôi nó đánh ngay,
Xé tan nó với móng chim này!
Ðời tàn cho đáng, tên hèn hạ
Phản bội niềm tin chính nghĩa đây.
Cùng với những lời này, chính Chim chúa vụt bay lên lấy mỏ đánh vào đầu Quạ và cả đàn chim cũng lấy mỏ và chân đánh Quạ cho đến chết.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy con Quạ là Tỷ-kheo lừa dối này, và Chim chúa chính là Ta.
-ooOoo-
Bà-la-môn, ngài có vào ngự uyển…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo phụng dưỡng mẹ mình.
Ngài hỏi vị Tỷ-kheo:
– Có thật là ông phụng dưỡng người thế tục?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn
– Họ là ai?
– Bạch Thế Tôn, đó là cha mẹ con.
– Tốt lành thay, tốt lành thay, này Tỷ-kheo, ông duy trì Giới luật của các trí nhân ngày xưa, vì các vị ấy ngay khi sinh làm súc vật cũng hy sinh tính mạng vì cha mẹ.
Và Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, lúc vua nước Kosala ngự trị dân chúng tại Saketa (tức là Oudh), Bồ-tát được sinh làm con nai. Khi lớn lên, ngài có tên là Nandiyamiga (Hỷ Lộc) với tính tình và đức hạnh ưu thắng, ngài phụng dưỡng song thân mình.
Vua Kosala có ý thích săn bắn, hằng ngày đi vào rừng cùng một đoàn tùy tùng đông đảo, vì thế dân chúng không thể làm nghề canh tác và nghề thương mãi của họ được. Họ tụ tập nhau bàn luận:
– Này các ông, đức vua của chúng ta đang hủy hoại nghề nghiệp của chúng ta, đời sống gia đình tađang tàn tạ, nên chăng là chúng ta phải rào lâm viên Anjanavana lại, làm một cổng lớn, đào một hồ nước và gieo cỏ mọc lên, rồi vào rừng cầm gậy trong tay, đập vào các bụi rậm, như thế đuổi được bầy nai ra và đưa chúng đi vào lâm viên ở như bầy bò trong chuồng? Sau đó chúng ta đóng cổng lại, trình đức vua việc ấy và đi làm công việc của chúng ta?
– Ðó là cách ta phải làm. Họ bảo nhau.
Và họ đồng ý chuẩn bị lâm viên sẵn sàng, rồi vào rừng rào một khoảng rộng, mỗi bề một dặm. Lúc ấy Nandiya đã đem cha mẹ vào một bụi cây nhỏ và nằm xuống đất. Dân chúng cầm khiêng mộc, vũ khí bao vây bụi rậm kề sát nhau, một vài người bước vào tìm. Nai Nandiya thấy họ liền nghĩ: “Thật tốt là ta sẽ hy sinh tính mạng mình hôm nay để cứu cha mẹ”. Như thế, nai đứng dậy chào cha mẹ và nói:
– Thưa cha mẹ, đám người này sẽ trông thấy cả ba chúng ta nếu họ vào trong bụi, cha mẹ chỉ có thể sống sót được bằng một cách duy nhất, và mạng sống cha mẹ là tối thượng: con sẽ hy sinh tính mạng của con vì cha mẹ, bằng cách đứng bên bờ bụi cây và chạy ra ngay khi họ đập vào bụi, sau đó họ sẽ nghĩ rằng chỉ có một con nai nhỏ trong bụi nhỏ này thôi, và sẽ không bước vào trong. Vậy cha mẹ hãy cố hết sức thận trọng.
Thế là nai xin được phép đứng lên sẵn sàng chạy ra.
Ngay khi bụi cây bị đám người đứng bên ngoài bờ đập mạnh và la hét, nai vụt chạy ra nên họ nghĩ rằng chỉ có một con nai trong ấy và không bước vào trong. Nandiya cùng đi với đám nai kia, được đám người ấy xua vào trong lâm viên, rồi họ đóng cổng lại và trình lên đức vua xong xuôi, họ trở về nhà.
Từ đấy, bao giờ vua cũng tự mình đi bắn nai, rồi hoặc vua mang nai về, hoặc truyền người đi tìm nó mang về.
Bầy nai chuẩn bị chờ đến phiên mình, con nào đến phiên phải đứng sang một bên, rồi họ mang nóđi khi nó đã bị bắn chết. Nandiya cứ uống nước trong hồ và ăn cỏ, nhưng chưa đến phiên mình. Nhiều ngày sau cha mẹ ngài mong muốn gặp con. Liền nghĩ: “Con ta Nandiya là Lộc vương, mạnh khỏe như voi và hoàn toàn tráng kiện. Nếu còn sống chắc chắn nó sẽ nhảy rào về thăm chúng ta rồi”. Vì thế hai vị đứng bên vệ đường, vừa thấy một Bà-la-môn, liền hỏi bằng giọng người:
– Thưa Tôn giả, ngài đi đâu thế?
– Ði Sàketa. Vị ấy đáp.
Nghe vậy, hai vị muốn nhắn đôi lời cho con bèn ngâm vần kệ đầu:
Bà-la-môn, ngài có vào ngự uyển,
Khi ngài đi qua xứ Oudh, kinh đô,
Xin tìm Nan-di yêu dấu của ta
Và nhắn gửi một đôi lời chân thật:
Qua tháng năm cha mẹ già kiệt lực,
Lòng khát khao mong mỏi đợi con về.
Vị Bà-la-môn bảo:
– Ðược lắm.
Và ông nhận lời.
Ngày hôm sau ông đi đến Sàketa, vào vườn ngự uyển và hỏi lớn:
– Nai nào là Nandiya?
Nai chúa đến gần ông và bảo:
– Ta đây.
Vị Bà-la-môn nói lại lời nhắn kia, Nandiya nghe vậy đáp.:
– Này Bà-la-môn, ta có thể ra đi. Chắc chắn ta có thể nhảy rào trốn đi. Song ta đã thọ hưởng thức ăn nước uống đầy đủ của đức vua và việc ấy đối với ta như một món nợ. Ngoài ra, ta đã sống lâu nay với bầy nai này, thật không hợp lý nếu ta ra đi mà không làm ích lợi cho đức vua và bầy nai nữa, hoặc không chứng tỏ sức mạnh của ta. Vậy khi nào đến phiên ta, ta sẽ làm lợi ích cho cả người lẫn vật rồi an vui trở về.
Ðể giải thích điều này, ngài ngâm hai vần kệ:
Ta đội ơn vua, ăn uống tràn trề,
Chưa đi được, chờ khi làm ích lợi.
Trước cung vua, ta sẽ giơ sườn đợi,
Rồi về thăm cha mẹ để thanh minh.
Vị Bà-la-môn nghe lời này liền bỏ đi.
Sau đó, vào ngày đến lượt nai chúa, vua cùng đoàn tùy tùng đông đảo vào vườn ngự uyển. Bồ-tátđứng sang một bên. Vua bảo:
– Ta sẽ bắn nai này.
Và vua lắp một mũi tên nhọn vào dây cung. Bồ-tát chẳng bỏ chạy như các con nai khác khi sợ chết, mà lòng đầy can đảm và lấy từ ái làm kim chỉ nam. Ngài đứng yên phô bày bộ xương sườn thật cường tráng.
Do động lực của từ tâm ấy, vua không thể thả mũi tên ra. Bồ-tát bảo:
– Tâu Ðại vương, tại sao Ðại vương không bắn? Xin hãy bắn đi.
– Này Lộc vương, trẫm không thể bắn được.
– Tâu Ðại vương, thế thì xin hãy xem các công đức của người giữ giới hạnh.
Sau đó vua hoan hỷ với lời của Bồ-tát, liền thả cung xuống và bảo:
– Khúc gỗ vô tri giác này không biết đức độ của Nai chúa, chứ trẫm là người có tri giác lẽ nào không hiểu? Hãy tha thứ cho trẫm, nay trẫm cho Nai chúa được bình an.
– Tâu Ðại vương, ngài cho ta được bình an, song còn cả đàn nai trong ngự viên này thì sao?
– Trẫm cũug sẽ cho chúng bình an nữa.
Như vậy sau khi tạo được bình an cho tất cả bầy nai trong lâm viên, chim muông trên trời và bầy cá dưới nước, theo cách được miêu tả trong Tiền thân Nigrodhamiga (số 12), Bồ-tát làm vua an trú vào Ngũ giới và bảo:
– Tâu Ðại vương, tốt lành thay cho một đức vua cai trị quốc độ bằng cách từ bỏ mọi ác đạo, không xâm phạm Thập vương pháp (Mười đức tính của vị vua) và hành động chân chánh:
Bố thí, nhân từ, đức hạnh, công bình,
Thân ái, nhu mì, ôn hòa, nhẫn nhục,
Ăn năn, bi mẫn, là mười giới đức
Ta thấy luôn vững chắc ở trong tâm.
Từ đó khởi sinh cả một từ ân
Thật hoàn thiện và nội thân an lạc.
Cùng với những lời này, ngài nêu rõ mọi đức tính của một vị vua hiền qua hình thức một lời kệ.
Sau vài ngày ở lại cùng nhà vua, ngài ra lệnh truyền một chiếc trống bằng vàng đi khắp kinh thành, công bố lời hứa bình an cho mọi loài. Sau đó ngài bảo:
– Xin Ðại vương hãy cẩn trọng hộ phòng.
Rồi ngài ra về thăm cha mẹ.
*
Xưa ta chính Lộc vương trong xứ Oudh,
Tánh và danh là Hoan hỷ, Nan-di
Muốn giết ta trong ngự uyển, ngày kia
Ðức vua đến, tên nằm trên dây sẵn.
Ta phơi sườn trước tên vua đòi bắn,
Rồi về thăm cha mẹ để thanh minh.
Ðây là những vần kệ phát sinh từ Trí tuệ Tối thắng (của đức Phật).
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Vào lúc các Sự Thật kết thúc, vị Tỷ-kheo được an trú vào Sơ quả (Dự lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, song thân là phụ vương và mẫu hậu trong hoàng gia, vị Bà-la-môn là Sàriputta, vua là Ànanda và ta chính là Lộc vương.
-ooOoo-
386.Chuyện Con Lừa (Tiền thân Kharaputta)
Bậc trí bảo Dê quả thật ngu…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này tại Kỳ Viên về sự cám dỗ của người vợ cũ đối với một Tỷ-kheo.
Khi Tỷ-kheo ấy thú nhận rằng mình đang mơ tưởng đời thế tục, bậc Ðạo Sư bảo:
– Này Tỷ-kheo, nữ nhân này đang làm hại ông, ngày xưa ông cũng đã nhảy vào lửa vì kẻ ấy, và đãđược các trí nhân cứu mạng.
Rồi Ngài kể câu chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vị vua mệnh danh Senaka trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát là Sakka Thiên chủ, vua Sekana kết thân với một vua loài Nàga (Rắn thần).
Tương truyền vị vua rắn Nàga này thường rời thế giới Nàga đi quanh quẩn trên cõi đất kiếm mồi. Bọn trai làng thấy vậy bảo nhau:
– Ðây là con rắn.
Rồi chúng lấy đất đá đập rắn. Nhân lúc vua đang du ngoạn trong ngự viên thấy chúng và nghe chúng đang đánh một con rắn, liền bảo:
– Ðừng cho chúng đánh rắn, đuổi chúng đi.
Và lệnh này được thi hành ngay.
Do đó vua Nàga được cứu mạng, khi trở về thế giới Nàga, vị ấy lấy nhiều châu báu, rồi nửa đêmđi đến cung thất vua dâng các tặng vật và thưa:
– Tiểu thần được ngài cứu mạng.
Từ đó vị ấy kết giao với vua nên cứ lui tới yết kiến ngài.
Vua rắn Nàga truyền lệnh cho một cung nữ Nàga, vốn tham đắm dục lạc vô độ, đến hầu cận vua và bảo vệ ngài. Vua rắn còn cho ngài một câu chú thần và bảo:
– Hễ khi nào ngài không thấy nàng ấy, xin cứ đọc chú thần này.
Một hôm vua vào ngự viên cùng với cung nữ Nàga và vui đùa trên hồ sen.
Cung nữ Nàga nhìn thấy một con rắn nước, liền bỏ lốt người và tình tự với rắn nước. Vua không thấy cô gái, liền hỏi:
– Nàng đi đâu rồi?
Và vua đọc thần chú. Ngay lúc đó vua thấy tà hạnh của nàng nên lấy gậy tre đánh nàng. Nàng tức giận bỏ về thế giới Nàga và khi được hỏi:
– Tại sao nàng trở về?
– Thân hữu của ngài đánh thiếp trên lưng vì thiếp không tuân lệnh.
Nàng đáp và chỉ vết thương.
Vua Nàga không biết sự thật, liền gọi bốn thanh niên Nàga ra lệnh cho họ vào vương thất vua Senaka và dùng hơi độc thoát ra từ lỗ mũi để giết vua tan như trấu. Họ vào cung thất đúng giờ đi ngủ. Khi họ vừa đến, vua nói với hoàng hậu:
– Này ái hậu, nàng có thấy cô gái Nàga đâu không?
– Tâu Ðại vương, thiếp không thấy.
– Hôm nay lúc chúng ta đang tắm trong hồ, nàng Nàga ấy bỏ lốt người và ân ái với một con rắn nước. Ta bảo đừng làm vậy, rồi đánh cho nó một gậy tre để trừng trị nó, nay ta sợ nó đã có thể trở về cõi rắn Nàga và nói dối trá với thân hữu ta, tiêu hủy luôn thiện chí của vị ấy đối với ta.
Các thanh niên Nàga nghe vậy liền quay về cõi rắn Nàga lập tức và tâu trình vua rắn. Vị ấy xúc động liền đến ngay vương thất kể lại mọi chuyện và được vua tha thứ. Sau đó vị ấy nói:
– Xin cho tôi chuộc lỗi và đền bù bằng cách này.
Rồi trao cho vua một thần chú biết được mọi thứ âm thanh:
– Tâu Ðại vương, đây là một thần chú vô giá, nếu ngài cho ai thần chú này, lập tức ngài sẽ nhảy vào lửa mà chết.
– Quý báu thay. Vua đáp và nhận thần chú.
Từ đó vua hiểu được mọi tiếng nói, thậm chí cả tiếng loài kiến. Một hôm ngài ngự trên bảo tọa ăn các thứ bánh cứng với mật ong và mật mía. Rồi một giọt mật ong, một giọt mật mía và một miếng bánh rơi xuống đất. Một con kiến thấy vậy liền kêu lên:
– Bình mật ong của vua bị vỡ trên bảo tọa rồi, xe mật mía và xe bánh đổ rồi. Mau mau đến ăn mật ong, mật mía và bánh ngọt, các cậu ơi.
Vua nghe tiếng kêu ấy bật cười lớn. Hoàng hậu ngồi gần nghĩ thầm “Chúa thượng thấy gì khiến ngài cười to vậy?”
Khi vua đã ăn phần thực phẩm cứng ấy, đã tắm mát xong, lại ngồi xếp bằng, một con ruồi bảo vợ nó:
– Này nàng ơi, chúng ta hãy ân ái cùng nhau.
– Này phu quân, xin hãy thứ lỗi cho thiếp, một lát nữa, nô tỳ đang đem hương liệu đến dâng đức vua, trong khi ngài xoa thân thể, một vài bụi phấn sẽ rơi xuống chân, thiếp sẽ đậu ở đó cho thơm tho rồi chúng ta sẽ ân ái cùng nhau trên lưng ngài. Vợ nó đáp.
Vua nghe tiếng ruồi liền bật cười lần nữa. Hoàng hậu lại nghĩ: “Ngài đã trông thấy gì khiến ngài cười lớn vậy?”.
Lần khác, khi vua đang dùng bữa tối, một cục cơm rớt xuống đất, bầy kiến kêu to:
– Một xe cơm đã đổ trong cung vua, thế mà chẳng có ai ăn hết.
Vua nghe vậy lại cười lớn, hoàng hậu cầm chiếc muỗng vàng dâng thức ăn cho vua, suy nghĩ: “Có phải vì thấy ta mà Chúa thượng cười ta chăng?”. Bà về hậu cung với nhà vua và đến giờ ngủ, bà hỏi:
– Tâu Ðại vương, tại sao Ðại vương cười lớn ban nãy?
– Nàng có liên hệ gì đến việc ta cười ư?
Song cứ nghe hỏi đi hỏi lại mãi, vua đành kể chuyện cho bà. Sau đó bà bảo:
– Cho thiếp thần chú hiểu biết âm thanh đó đi.
– Không thể được. Ngài đáp.
Song dù bị từ chối nhiều lần, bà vẫn thúc giục vua. Vua đáp:
– Nếu ta cho nàng thần chú này, ta sẽ chết mất.
– Dù Ðại vương có từ trần đi nữa, cũng cứ cho thiếp thần chú ấy đi mà.
Vua bị mãnh lực nữ nhân thôi thúc, đành chấp nhận bảo:
– Thôi được.
Rồi vua ngự lên vương xa, đi vào ngự viên và nói:
– Ta sẽ nhảy vào lửa sau khi cho thần chú này.
Ngay lúc ấy, Sakka Thiên chủ nhìn xuống cõi đất và thấy việc này, ngài bảo:
– Hôn quân si ám này biết mình sắp nhảy vào lửa do áp lực nữ nhân, hiện đang ra đi, vậy ta hãy cứu mạng vua ấy.
Vì thế ngài đem theo Sujà, ái nữ của vua loài Asura (A-tu-la) cùng xuống thành Ba-la-nại. Ngài biến thành Dê đực, còn Sujà biến thành Dê cái, rồi quyết định tránh cho dân chúng khỏi thấy hai vị, ngài đứng ngay trước vương xa. Vua và các con Lừa Sindh trông thấy ngài, ngoài ra không ai thấy được. Ðể khởi đầu câu chuyện, ngài làm như thể ngài đang tình tự với con Dê cái. Một con Lừa Sindh kéo xe bảo:
– Này bạn Dê, trước kia chúng ta từng nghe chứ chưa từng thấy, rằng loài dê thật ngu xuẩn và vô liêm sỉ. Còn nay bạn đang làm việc ấy ngay trước mắt chúng ta nhìn, cái việc phải làm nơi kín đáo, riêng tư và không phải xấu hổ vì nó. Những gì chúng ta đã nghe trước kia thật phù hợp vớiđiều chúng ta đang thấy.
Và vì thế, Lừa liền ngâm vần kệ đầu:
Bậc trí bảo dê quả thật ngu,
Những lời chân thật tự bao giờ,
Dê này không biết mình phô diễn
Những việc phải làm kín đáo ư?
Dê nghe vậy, đáp lại hai vần kệ:
Này ông Lừa hỡi, nghĩ xem nào,
Rồi thấy là ông ngốc biết bao,
Ông bị buộc dây thừng trói chặt,
Hàm ông tréo, mắt chẳng nhìn cao.
Khi được thả ra chẳng chạy ngay,
Vì ông quen thói thật ngu thay,
Vua Se-nak ấy ông chuyên chở
Còn thật ngu hơn cả chú mày!
Vua nghe hiểu câu chuyện giữa hai con vật, liền bảo xe chạy thật nhanh. Con Lừa nghe Dê nói chuyện liền ngâm vần kệ thứ tư:
Vậy này Dê chúa, dám thưa ngài,
Tôi đại ngu, ngài hiểu quá rồi,
Còn chuyện vua Se-nak xuẩn ngốc,
Làm ơn giải thích rõ cho tôi.
Dê ngâm vần kệ thứ năm giải thích việc này:
Vua có một kho báu hiển linh,
Lại vì hoàng hậu ném cho nhanh,
Không khuyên hoàng hậu trung thành được,
Ðành phải hy sinh tính mạng mình.
Vua nghe lời ấy, liền bảo:
– Này Dê chúa, chắc chắn ngài sẽ làm ích lợi cho ta, vậy hãy cho ta biết phải làm gì bây giờ?
Dê đáp:
– Tâu Ðại vương, đối với mọi loài hữu tình, không ai thân thiết hơn bản thân mình. Hủy hoại mình và hy sinh danh dự mình đã tạo được vì một vật thân thiết nào đó điều không ích lợi gì cả.
Rồi Dê lại ngâm vần kệ thứ sáu:
Như ngài ở địa vị vương quân
Có thể mang nhiều nỗi ước mong,
Song phải bỏ ngay niềm ước vọng,
Nếu thân ngài phải chịu thương vong.
Ðời người quả thật là quan trọng
Còn kiếm gì cao hơn bản thân?
Nếu tính mạng duy trì trọn vẹn,
Thì không cần ước vọng cầu mong!
Bồ-tát khuyến giáo vua như vậy. Vua hoan hỷ, hỏi:
– Này Dê chúa, ngài từ đâu đến đây?
– Thưa Ðại vương, ta là Sakka Thiên chủ, đến cứu ngài khỏi chết vì thương tưởng ngài đó.
– Tâu Thiên chủ, trẫm đã hứa cho hoàng hậu thần chú. Vậy nay trẫm phải làm gì?
– Không cần phải làm gì tổn hại đến hai vị. Chỉ cần ngài bảo: “Ðây là cách được thần chú”, rồi sai người đánh bà ấy vài roi, nhờ cách này, bà ấy sẽ không đòi nó nữa.
– Tốt lắm! Vua bảo và đồng ý ngay.
Sau khi khuyến cáo vua xong, Bồ-tát trở về cõi trời. Còn vua vào ngự viên, triệu hoàng hậu đến chầu và bảo:
– Này Hoàng hậu, nàng muốn có thần chú chăng?
– Tâu Chúa thượng, vâng.
– Vậy thì hãy theo thông lệ này.
– Thông lệ nào thế?
– Một trăm roi trên lưng nhưng không được kêu la.
Bà hoàng đồng ý vì quá ham mê thần chú. Vua bảo các nữ tỳ lấy roi đánh hai bên hông bà. Bà chỉ chịu được hai ba roi rồi kêu lớn:
– Thiếp không muốn thần chú nữa!
– Nàng đã có thể giết ta chỉ vì muốn có thần chú ấy. Vua bảo.
Rồi vua tự tay đánh trầy da lưng hoàng hậu và đuổi đi. Từ đó về sau bà chẳng dám nói đến chuyện ấy nữa.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Vào lúc các Sự Thật kết thúc, vị Tỷ-kheo được an trú vào Sơ quả (Dự lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, vua là vị Tỷ-kheo bất mãn, hoàng hậu là vợ cũ vị ấy, con lừa là Sàriputta và Sakka Thiên chủ chính là Ta.
-ooOoo-
Xâu nhanh, trơn láng, thẳng ngay…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về sự thành tựu Tối thắng Trí.
Hoàn cảnh câu chuyện sẽ đọc kể trong Tiền thân Mahaummagga, số 546. Bậc Ðạo Sư bảo chúng Tăng:
Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu tiên Như Lai có trí tuệ và nhiều phương tiện thiện xảo.
Rồi ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh ở quốc độ Kàsi trong nhà một thợ rèn và khi lớn lên, ngài rất tinh thông nghề này. Cha mẹ ngài rất nghèo. Không xa làng này có một làng khác gồm một ngàn nhà. Người trưởng nghiệp đoàn của cả ngàn thợ rèn này là người được vua ân sủng, giàu tiền của và thế lực. Con gái vị này cực kỳ diễm lệ, chẳng khác nào một Thiên nữ, đầy đủ mọi hảo tướng cát tường của một mệnh phụ phu nhân. Nhiều người từ các làng chung quanh đến nhờ rèn dao kiếm, rìu búa, lưỡi cày, gậy nhọn… đều trông thấy nàng.
Khi họ trở về làng, họ ca tụng sắc đẹp của nàng ở những nơi có đàn ông tụ tập và nhiều nơi khác. Chỉ mới nghe nói về nàng thôi, Bồ-tát đã cảm thấy say mê và nghĩ thầm: “Ta sẽ lấy nàng làm vợ”. Vì thế ngài lựa thứ sắt tốt nhất, làm một cây kim thật cứng và mạnh có thể đâm thủng con súc sắc và nổi trên nước. Rồi ngài làm một cái bao bọc ngoài nó cùng thứ sắt ấy và cũng đâm thủng con súc sắc với bao kim kia.
Theo cách ấy, ngài làm bảy cái bao kim, phương pháp Ngài làm chúng ra sao không được tiết lộ, vì việc ấy thành tựu nhờ trí tuệ hiểu biết vĩ đại của ngài. Sau đó ngài đặt kim vào ống và để ống vào một cái hộp, ngài đi vào làng kia, hỏi đường đến nhà trưởng phường thợ rèn. Rồi đứng tại cửa nhà ấy, ngài hỏi:
– Ai muốn mua cây kim loại đặc biệt này của tôi đổi lấy tiền chăng?
Và vừa đứng cạnh nhà ông trưởng phường thợ rèn, ngài ngâm vần kệ miêu tả cây kim:
Xâu nhanh, trơn láng, thẳng ngay,
Ðược bôi bóng nhoáng bột mài xanh xanh,
Ðầu kim sắc nhọn, thanh thanh,
Kim đây, ai muốn mua mình trao tay?
Sau đó ngài lại ca tụng cây kim lần nữa qua vần kệ thứ hai:
Xâu nhanh, vững mạnh, thẳng ngay,
Thân kim khèo luyện tròn đầy đẹp sao!
Sắt kia cũng sẽ xuyên vào,
Kim đây ai muốn mua nào ai ơi!
Lúc ấy cô gái đang quạt cho cha bằng chiếc quạt lá thốt nốt trong lúc ông nằm trên chõng tre để được thoải mái sau buổi điểm tâm. Khi nghe giọng ngọt ngào của Bồ-tát, nàng đã cảm thấy buồn nôn như thể nuốt một miếng thịt sống, và phải làm cho sự khó chịu ấy tan biến bằng cả ngàn ấm nước, nàng bảo:
– Người nào đây lại có thể rao bán kim với giọng ngọt ngào như thế trong một làng thợ rèn? Nguời ấy đến đây vì việc gì? Ta phải tìm xem sự việc ra sao.
Vì thế nàng đặt cây quạt xuống và bước ra bên ngoài, đứng ở hành lang. Mục đích của chư Bồ-tát luôn đạt thành tựu: chính vì nàng mà ngài đã đến ngôi làng này. Nàng bảo ngài:
– Này cậu, dân chúng trong nước đều đến làng này mua kim và các vật dụng tương tự. Còn cậu lại muốn bán kim trong làng thợ rèn thật là điên rồ! Dù cậu có ca tụng kim của cậu suốt ngày, cũng không ai mua hàng của cậu đâu. Nếu cậu muốn được giá thì qua làng khác.
Thế rồi nàng ngâm hai vần kệ:
Móc câu ta đã bán rồi,
Làng trên xóm dưới ai người chẳng hay?
Thợ rèn ta ở thành này,
Còn ai bán được kim may nữa à?
Nghề rèn nổi tiếng chúng ta,
Việc làm khí cụ ai mà sánh ngang?
Thợ rèn ta ở trong làng,
Ai còn đem bán kim mang tới mình?
Bồ-tát nghe lời nàng, vội đáp:
– Thưa cô nương, cô nói vậy là do không hiểu biết gì cả đó.
Rồi ngài ngâm hai vần kệ:
Thợ rèn ta ở trong thành,
Nhưng người tài bán kim mình mới hay!
Tổ sư nghề sẵn trong tay,
Món hàng đệ nhất mua ngay kẻo hoài!
Một khi nghiêm phụ biết rồi
Cây kim này đã do tôi tự làm,
Tôn ông chắc chắn sẽ ban
Gia tài sản nghiệp cùng nàng cho tôi!
Người trưởng phường rèn nghe toàn thể câu chuyện, liền gọi con gái vào hỏi:
– Con đang nói chuyện với ai đó?
– Thưa cha, một cậu trai bán kim.
– Thế cho gọi cậu ấy vào đây.
Nàng ra gọi ngài vào. Bồ-tát kính chào vị trưởng phường rèn xong, đứng sang một bên. Ông hỏi:
– Cậu ở làng nào?
– Thưa Tôn ông, tôi ở làng nọ, là con trai gia đình thợ rèn kia.
– Tại sao cậu đến đây?
– Thưa, để bán kim.
– Nào, đưa ta thử xem kim của cậu.
Bồ-tát mong muốn công bố mọi đặc tính của ngài giữa nhiều người, liền nói:
– Một vật được nhiều người xem lại chẳng tốt hơn chỉ được một người xem hay sao?
– Này bạn, đúng lắm.
Vì thế vị phường trưởng tập hợp tất cả thợ rèn lại và đứng giữa đám đông, ông bảo:
– Nào bạn, hãy lấy kim ra đây.
– Thưa Tôn ông, xin hãy bảo lấy một cái đe và một cái dĩa bằng đồng đựng đầy nước ra đây.
Việc ấy được thực hiện ngay. Bồ-tát lấy cây kim ra khỏi hộp đưa cho đám kia xem. Ông trưởng phường rèn cầm lấy và hỏi:
– Ðây là cái kim chăng?
– Không, đó không phải là cái kim, mà là cái bao.
Ông phường trưởng quan sát kỹ cũng không thấy đầu đuôi gì cả. Bồ-tát lấy lại, dùng móng tay rút cái bao ra và chỉ cho mọi người:
– Ðây là cây kim, đây là cái bao.
Ngài đặt cây kim trong tay ông phường trưởng và cái bao dưới chân. Ông phường trưởng lại bảo:
– Ta chắc đây là cây kim rồi.
Ngài đáp:
– Ðây cũng chỉ là cái bao kim.
Rồi ngài lấy móc tay đánh bật nó ra và cứ thế ngài đặt sáu cái bao liên tiếp dưới chân vị phường trưởng và nói:
– Ðây là cây kim, và đặt kim vào tay vị kia.
Cà ngàn người thợ rèn búng ngón tay một cách thích thú và bắt đầu vẫy khăn tung hô. Sau đó vị trưởng phường hỏi:
– Này bạn, thế cây kim này có sức mạnh thế nào?
– Thưa Tôn ông, hãy bảo một người lực lưỡng nâng nghiêng cái đe này lên và đặt chậu nước dưới cái đe. Sau đó đâm thẳng cây kim vào cái đe.
Ông bảo làm đúng như vậy và đâm đầu nhọn của kim vào cái đe. Cây kim xuyên thủng cái đe và nằm ngang mặt nước không nhếch lên hay lệch xuống tý nào dù chỉ bằng một sợi tóc.
Mọi người thợ rèn đồng thanh bảo:
– Chúng ta chưa từng bao giờ nghe thậm chí qua lời đồn đại hiện có những người thợ rèn tài giỏi như thế này.
Như thế họ lại búng ngón tay và tung vẫy cả ngàn chiếc khăn. Ông phường trưởng gọi cô con gái vào, và đứng giữa đám đông ông bảo:
– Ðây là cô gái xứng đôi với cậu.
Ông liền rót nước giao kết trên tay hai vị và trao nàng cho ngài đem đi. Về sau khi vị trưởng phường qua đời, Bồ-tát trở thành trưởng phường rèn trong làng ấy.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật và nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, con gái người trưởng phường rèn là mẫu thân của Ràhula (La-hầu-la), và chàng thợ rèn thông minh chính là Ta.
-ooOoo-
Em lo chuyện lạ hôm nay…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo sợ chết.
Vị ấy là một thiện gia nam tử ở thành Sàvatthi (Xá vệ) và được thọ giới trong Ðạo pháp, song ông sợ chết và thậm chí nghe một bụi cây hơi lay động, tiếng cành khô rơi hay tiếng chim, tiếng thú, ông cũng hoảng kinh vì sợ chết rồi bỏ chạy, run rẩy toàn thân như con thỏ bị thương ở bụng. Tăng chúng trong Chánh pháp đường bắt đầu bàn luận, bảo nhau:
– Này, các Hiền giả, vị Tỷ-kheo kia sợ chết, cứ run rẩy bỏ chạy khi nghe chỉ một tiếng động nhỏ. Giờ đây đối với mọi loài trên thế giới, chết là việc tất nhiên, đời sống không có gì vững bền cả,điều này lại chẳng nên sáng suốt ghi nhớ trong tâm trí hay sao?
Bậc Ðạo Sư bước vào thấy đây là đề tài của chư vị, và vị Tỷ-kheo kia công nhận mình hay sợ chết, Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu vị ấy sợ chết đâu.
Và ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát nhập thai một heo rừng. Khi đến kỳ, heo mẹ sinh hai con heo đực. Một hôm heo mẹ đem hai con vào nằm trong cái hố. Một bà già ở trong làng tại cổng thành Ba-la-nại đi về nhà với một thúng đầy bông vải hái ngoài đồng và gõ cây gậy xuống đất kêu lóc cóc.
Heo cái nghe tiếng động, sợ chết liền bỏ hai con chạy trốn. Bà già thấy hai heo con cảm thấy thương yêu như thể con đẻ mình, liền bỏ chúng vào thúng và mang về nhà. Sau đó bà đặt tên heo lớn là Mahàtundila (Heo lớn mõm dài) và heo nhỏ là Cullatundila (Heo bé mõm dài), rồi nuôi nấng chúng như con đẻ.
Theo thời gian, chúng lớn dần và mập mạp. Khi bà già được ai hỏi bán heo để lấy tiền, bà đáp:
– Chúng là con tôi đấy.
Và bà không muốn bán.
Vào một ngày hội có đám đàn ông thô tục đang uống rượu nồng, và khi thịt đã hết, họ tìm xem nơi nào có thể mua thịt. Khi thấy có heo trong nhà bà già, họ đem tiền tới nói:
– Mẹ ơi, lấy tiền này rồi cho chúng con một con heo đi.
– Thôi vừa rồi các chú, có ai lại muốn bán con mình cho người ăn thịt chăng? Bà đáp rồi từ chối bọn họ.
– Mẹ ơi, heo làm sao thành con của người được? Xin mẹ cho chúng con đi nào.
Họ nói thế nhưng cũng không mua heo được, dù cứ hỏi đi hỏi lại mãi.
Sau đó họ cho bà già uống rượu mạnh, đến khi bà đã say, họ nói:
– Này mẹ, mẹ định làm gì với đám heo này? Lấy tiền đi mà tiêu xài chứ.
Họ dúi số tiền vào tay bà già. Bà nhận tiền và bảo:
– Ta không thể cho các cậu con heo Lớn, hãy bắt Heo nhỏ đi.
– Nó đâu rồi?
– Nó nằm trong bụi cây kia.
– Gọi nó đi.
– Ta không có thức ăn để gọi nó.
Họ liền bảo đi mua một chảo cơm đem tới ngay. Bà già cầm chảo cơm, đổ đầy vào máng cạnh cửa lớn và đứng đợi gần đó. Ba mươi người đứng gần đó với thòng lọng trong tay. Bà già gọi:
– Này đến đây, Heo bé mõm dài, đến đây.
Heo lớn nghe thế, thầm nghĩ: “Lâu nay mẹ chưa hề gọi Heo bé như thế, bao giờ mẹ cũng gọi ta trước. Chắc chắn có gì nguy hiểm xảy ra cho chúng ta hôm nay”. Heo lớn bảo em:
– Này em, mẹ đang gọi em, hãy ra tìm xem.
Heo bé đi ra, thấy đám người đang đứng cạnh máng ăn, liền nghĩ: “Hôm nay chắc ta chết mất”. Thế rồi vì sợ chết, nó run rẩy quay lại với anh, và khi đã trở về chỗ cũ, nó cũng không kiềm chế được mình nên cứ quay cuồng run rẩy mãi. Heo lớn thấy vậy bảo:
– Này em, hôm nay em run rẩy quay cuồng nhìn chằm chằm về phía cổng. Tại sao em làm vậy?
Heo bé ngâm vần kệ đầu giải thích sự việc nó đã thấy:
Em lo chuyện lạ hôm nay,
Mẹ mình đứng cạnh máng đầy thức ăn,
Người cầm thòng lọng đứng gần,
Ðến ăn chắc hẳn hại thân mình rồi.
Bồ-tát nghe thế bảo:
– Này em Heo bé, mục đích mẹ ta nuôi heo bấy lâu nay đến giờ đã thành tựu, thôi đừng buồn khổ nữa.
Rồi với giọng ngọt ngào và vẻ bình thản của một vị Phật, ngài thuyết Pháp qua đôi vần kệ:
Hãi kinh, cầu cứu, run hoài,
Không ai cứu giúp em đòi trốn đâu?
Ăn đi, Heo bé chớ sầu,
Mẹ nuôi ta béo vì cầu thịt heo!
Nhào vô ao nước trong veo,
Mồ hôi cấu uế thật nhiều, rửa đi!
Rồi em sẽ thấy diệu kỳ,
Dầu thơm mát dịu không hề biến suy.
Trong khi ngài xem xét Thập hạnh viên mãn (Ba-la-mật), ngài đặt Từ hạnh viên mãn ra trước mặt làm kim chỉ nam và ngâm hai vần kệ đầu, giọng ngài lan xa tận Ba-la-nại khắp cả mười hai dặm. Ngay lúc nghe giọng ấy, toàn dân Ba-la-nại từ quốc vương, phó quốc vương trở xuống đều đi đến đây, cùng những ai không đến đều đứng nghe trong nhà họ.
Quân sĩ nhà vua chặt hết bụi cây, san bằng mặt đất và rải cát lên. Ðám người thô tục đã tỉnh cơn say rượu, liền quăng bỏ thòng lọng và đứng nghe Pháp, bà già nọ cũng tỉnh rượu luôn. Bồ-tát bắt đầu thuyết Pháp cho Heo bé giữa đám quần chúng.
Heo bé nghe ngài, nghĩ thầm: “Anh ta bảo như vậy với ta, nhưng chúng ta chưa bao giờ có thói quen nhảy vào ao nước, rồi nhờ cách tắm rửa mồ hôi cho sạch thân thể và sau khi tẩy cấu uế cũ, liền tẩm dầu thơm mới vào: tại sao anh ta lại bảo vậy với ta?”. Do đó Heo bé ngâm vần kệ thứ tư:
Gì là ao nước pha lê,
Mồ hôi cấu uế nói về điều chi?
Dầu xoa kỳ diệu là gì?
Mùi hương ngào ngạt chẳng khi nào tàn?
Bồ-tát nghe vậy liền bảo:
– Hãy lắng tai nghe đây.
Và ngài ngâm các vần kệ thuyết Pháp với dáng an tịnh của một vị Phật:
Pháp là ao nước trong ngần,
Mồ hôi cấu uế lỗi lầm mê si,
Dầu thơm đức hạnh tẩm đi,
Mùi hương mãi mãi chẳng hề tàn phai.
Người không sinh mạng là vui,
Người còn sinh mạng bời bời lo toan.
Con người phải chết, chớ buồn,
Hãy vui như hội trăng tròn quanh năm.
Như vậy bậc Ðại Sĩ thuyết Pháp bằng giọng ngọt ngào với vẻ kỳ diệu của một vị Phật. Ðám đông hàng ngàn người búng ngón tay, vẫy khăn tung hô và bầu không khí vang dậy tiếng reo:
– Tốt lành thay, tốt lành thay!
Vua Ba-la-nại tôn kính mời Bồ-tát lên vương tọa, và làm cho bà già vinh hiển bằng cách truyền tắm hai chú Heo với nước tẩm hương, mặc lễ phục, trang điểm vàng ngọc trên cổ và ban cho địa vị các vương tử trong kinh thành. Vì thế vua bảo vệ hai chú Heo với một đoàn quân hộ tống đông đảo.
Bồ-tát dạy Ngũ giới cho vua và tất cả dân chúng ở Ba-la-nại cùng Kàsi đều giữ Ngũ giới. Bồ-tát thuyết Pháp cho dân chúng vào các ngày trai giới (mồng tám và rằm) và ngồi xử án. Trong thời gian còn tại thế, không có người nào chịu bản án bất công cả. Sau đó vua băng hà, Bồ-tát cử hành tang lễ của vua, rồi ngài truyền viết một sách ghi đủ các phán quyết và bảo:
– Các vị phải theo sách này để xử án.
Sau khi thuyết Pháp cho quần chúng với nhiệt tâm, Ngài cùng chú Heo bé đi vào rừng trong lúc quần chúng than khóc kêu gào. Lời thuyết giảng của Bồ-tát lưu truyền suốt sáu mươi ngàn năm sau.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo sợ chết đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, vua là Ànanda, Cullatundila là Tỷ-kheo sợ chết, quần chúng là Giáo hội và Ta chính là Mahàtundila.
-ooOoo-
Một chú càng vàng với mắt lồi…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này lúc trú tại Trúc Lâm về việc Tỷ-kheo Ànanda hy sinh tính mạng vì Ngài.
Hoàn cảnh này đã được kể trong Tiền thân Khandahàla về việc thuê đám xạ thủ và trong Tiền thân Cullahamsa, số 533 về tiếng rống của con voi Dhanapàla (Tài Hộ). Khi Tăng chúng bắt đầu thảo luận trong Chánh Pháp Ðường:
– Này các Tôn giả, có phải Trưởng lão Ànanda, vị Thủ kho Chánh Pháp đã đắc trí tuệ của một vị hữu học, đành hy sinh tính mạng vì đức Phật tối thắng khi con voi Dhanapàla xông đến?
Bậc Ðạo Sư bước vào và được kể lại đề tài thảo luận, Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, ngày xưa Ànanda cũng đã từng hy sinh tính mạng vì ta.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, có một làng Bà-la-môn tên là Sàlindiya ở phía đông thành Ràjagaha (Vương Xá). Bồ-tát được sinh ở ngôi làng ấy trong một gia đình Bà-la-môn làm ruộng. Khi lớn lên ngài lập nghiệp và canh tác trang trại khoảng một ngàn harisa (khoảng 8000 mẫu) trong một huyện ở nước Magadha (Ma-kiệt-đà) về phía Ðông Bắc làng ấy.
Ngày kia ngài cùng gia nhân ra đồng bảo họ cày cấy xong, ngài đi đến một ao lớn cuối cánh đồng để rửa mặt. Trong ao ấy có một con Cua màu vàng óng ả, xinh đẹp, khả ái.
Bồ-tát bước xuống ao sau khi xỉa răng. Khi ngài rửa miệng, con Cua đến gần, ngài liền nhấc con Cua lên và đặt nó nằm trong áo khoác ngoài. Sau khi làm việc đồng áng xong, ngài đặt con Cua xuống ao như cũ và đi về nhà. Từ đó hễ mỗi lần ra đồng, ngài thường đến ao ấy trước tiên, đặt Cua lên áo ngoài rồi ra đi làm việc. Vì thế một tình cảm tin cậy thắm thiết nảy sinh giữa người và vật. Ngày ngày Bồ-tát vẫn đi làm ruộng đều đặn.
Bấy giờ trong mắt ngài có năm vẻ đẹp và ba vòng tròn trong vắt. Một con Quạ cái trên cây thốt nốt ở góc cánh đồng trông thấy mắt ngài, muốn ăn chúng, bèn bảo Quạ Ðực:
– Này chàng, em có một điều ước.
– Nàng ước chuyện gì?
– Em ước được ăn đôi mắt của một vị Bà-la-môn.
– Ðiều ước của nàng thật chẳng hay ho tí nào. Ai có thể lấy đôi mắt ấy cho nàng chứ?
– Em biết chàng không thể lấy được, song ở tổ kiến gần cây này có một con Rắn hổ đen, chàng hãy đến hầu hạ nó, rồi nó sẽ cắn vị Bà-la-môn để giết ông, sau đó chàng mổ mắt ông ra và mang về cho em.
Quạ đực đồng ý, sau đó nó đến hầu hạ con Rắn hổ. Con Cua cũng to lớn dần vào thời hạt giống do Bồ-tát gieo đã nẩy mầm.
Một hôm con Rắn bảo Quạ:
– Này bạn, bạn luôn phục vụ tôi, vậy tôi có thể làm gì cho bạn?
– Thưa Tôn ông, nữ tỳ của ngài đã mang niềm ao ước có được đôi mắt của vị chủ đám ruộng này. Tôi đến hầu hạ ngài chỉ cốt hy vọng nhờ ngài ban ân lấy cho được đôi mắt ấy.
Rắn bảo:
– Ðược lắm, việc ấy không khó, bạn phải được đôi mắt kia.
Con Rắn còn khích lệ con Quạ như thế.
Hôm sau, con Rắn nằm đợi vị Bà-la-môn đến, nó ẩn mình dưới đám cỏ, cạnh bờ ruộng ngài sắp bước tới. Bồ-tát xuống ao rửa miệng, cảm thấy mối thân ái với con Cua, nên ôm lấy nó đặt vào áo ngoài ra đồng.
Con rắn thấy ngài đến liền lao tới cắn vào bắp vế ngài khiến ngài ngã xuống ngay tại chỗ, rồi nó trốn trong tổ kiến. Sự kiện Bồ-tát ngã xuống đó, con cua vàng nhảy ra khỏi áo và con Quạ sà xuống đậu trên ngực Bồ-tát diễn ra liên tiếp nhau.
Con Quạ vừa đậu xong, liền lấy mỏ chụp đôi mắt Bồ-tát. Con Cua suy nghĩ: “Chính vì con Quạ này mà hiểm họa đã xảy đến với vị thân hữu của ta. Nếu ta kẹp lấy nó thì con Rắn sẽ bò tới”. Vì vậy con Cua kẹp ngay cổ Quạ với chiếc càng xiết chặt như thể gọng kềm, khiến nó mệt phải nới lỏng ra đôi chút. Con Quạ cầu cứu con Rắn:
– Này bạn, tại sao bỏ rơi tôi mà chạy trốn? Con Cua này phá hại tôi. Hãy đến ngay trước khi tôi chết mất.
Rồi Quạ ngâm vần kệ đầu:
Một chú càng vàng với mắt lồi,
Ở hồ, trần trụi, bọc xương mai,
Chụp tôi, nghe tiếng tôi kêu thét
Sao bỏ bạn thân quý mến ngài?
Con Rắn nghe tiếng, giương mào rộng bò đến an ủi con Quạ.
*
Bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ nhì phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng của ngài, giải thích sự việc này:
Con Rắn bỗng nhào lên chú Cua,
Nó không muốn bỏ bạn bây giờ:
Rắn giương mào rộng vừa lao đến,
Cua tấn công ngay chú Rắn bò.
*
Con Cua mệt mỏi nới lỏng quạ ra đôi chút, con rắn suy nghĩ: “Loài cua chẳng hề ăn thịt quạ hay Rắn, vậy vì lý do gì con Cua này chụp chúng ta?” Rồi nó ngâm vần kệ hỏi Cua:
Chẳng phải vì lo kiếm miếng mồi
Mà Cua bắt Rắn, Quạ trên trời,
Mắt lồi hãy nói cho tôi biết
Sao chú lại kềm kẹp chúng tôi?
Nghe vậy, Cua ngâm hai vần kệ giải thích lý do:
Ngài đem ta tự dưới ao kia,
Bày tỏ ân cần, quý mến ta,
Nếu chết, thời ta đây khổ não,
Ngài và ta, chỉ một thôi mà.
Thấy ta nay đã lớn lên dần,
Ai nấy đều mong giết hưởng phần:
Cua mập ngọt ngon đầy mỹ vị,
Nhìn ta, Quạ muốn xé tan thân.
Nghe vậy Rắn suy nghĩ: “Ta phải dùng mưu kế lừa nó, rồi ta và Quạ thoát thân”. Vì thế nó ngâm vần kệ thứ sáu để lừa Cua:
Nếu Cua kẹp Rắn, Quạ vì ngài,
Ta sẽ rút chất độc ấy thôi,
Ngài tỉnh dậy, mau tha Rắn, Quạ,
Thấm sâu chất độc, ắt tàn đời.
Nghe vậy, Cua suy nghĩ: “Con Rắn này muốn làm cho ta thả cả hai ra bằng mưu kế lừa bịp rồi bỏ chạy, nó không biết tài năng khôn khéo của ta. Nay ta muốn nới càng đôi chút để con Rắn có thể nhúc nhích, nhưng ta không thả con Quạ đây”. Rồi nó ngâm vần kệ thứ bảy:
Ta thả Rắn, không thả Quạ đây,
Con tin là Quạ buộc nơi này,
Ta không thả nó đi nơi khác,
Cho đến khi an ổn với ngài.
Nói xong Cua nới lỏng càng để cho Rắn bò đi tự do. Con Rắn thu hồi nọc độc và thân thể Bồ-tát thoát khỏi nọc Rắn. Ngài đứng dậy vững vàng trong sắc thái tự nhiên.
Con Cua suy nghĩ: “Nếu hai con vật này bình an, chắc chắn bạn thân của ta không được thịnh vượng. Ta muốn giết cả bọn chúng”, rồi lấy càng chà nát đầu chúng cho chết đi.
Con Quạ mái liền bay đi trốn mất khỏi chỗ ấy. Bồ-tát lấy gậy đâm qua mình Rắn ném vào bụi, để Cua vàng bò xuống ao nước rồi tắm rửa và trở về Sàlindiya. Từ đấy tình thân hữu càng thấm thiết hơn giữa ngài và con Cua ấy.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật và nhận diện Tiền thân qua những vần kệ cuối cùng:
Con Rắn hổ là chính Ác ma,
Đề-bà-đạt, ấy Quạ đen kia,
A-nan thiện hạnh là Cua nọ,
Ðiền chủ La-môn ấy chính Ta.
Khi các Sự Thật kết thúc, nhiều vị đắc Sơ quả (Dự Lưu) và các đạo quả khác. Con Quạ cái chính là Cìncamànavikà, mặc dù điều này không được nhắc đến trong vần kệ cuối cùng.
-ooOoo-
Nếu hoan hỷ khi mong cầu bố thí…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên, về một thương nhân lạ thường.
Tại thành Xá-vệ, có một thương nhân lạ thường, giàu tiền của và đầy thế lực. Song ông không thọ hưởng giàu sang cũng không cho ai cả. Nếu các món cao lương mỹ vị được dọn lên, ông cũng không muốn dùng mà chỉ ăn cháo cám với tương chua. Nếu y phục lụa tơ tẩm hương chiên-đànđược mang đến, ông bảo đem cất đi và chỉ mặc loại áo quần vải thô bằng lông để lọc đường. Nếu xe ngựa được trang hoàng ngọc vàng do giống ngựa thuần chủng kéo đến mời, ông bảo đem cất đi và chỉ đi chiếc xe cũ kỹ ọp ẹp với chiếc dù lá cây che đầu. Suốt đời ông không làm bố thí hay công đức gì cả nên khi chết bị tái sinh vào ngục Roruva. Gia sản của ông không người thừa kế, quan quân nhà vua liền chở vào cung suốt bảy ngày đêm. Khi của cải ấy được chở vào, vua đi đến Kỳ Viên sau buổi điểm tâm và kính bái bậc Ðạo Sư. Khi được hỏi tại sao không đến yết kiến đức Phật đều đặn, vua đáp:
– Bạch Thế Tôn, một thương nhân thật lạ thường vừa qua đời ở Xá-vệ. Suốt bảy ngày liền tài sản vị ấy được chở vào hoàng cung vì không người thừa kế. Tuy tài sản nhiều như vậy, trước kia ông không hề hưởng thụ phú quý cũng không đem cho ai cả. Tài sản ấy như thể một hồ sen được ác quỷ canh giữ. Một hôm ông lăn đùng ra chết sau khi đã từ chối hưởng thụ cao lương mỹ vị suốt đời. Tại sao một người ích kỷ và đáng chê trách như vậy lại tạo được nhiều tài sản thế kia và duyên cớ gì ông không hề nghĩ đến việc thụ hưởng phú quý?
Ðấy là câu hỏi mà vua nêu lên với bậc Ðạo Sư.
– Thưa Ðại vương, lý do tại sao vị ấy tạo được tài sản, tuy thế lại không hưởng thụ nó, chính là đây.
Rồi theo lời thỉnh cầu của vua, bậc Ðạo Sư kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vị vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, có một thương nhân ích kỷ, không mộ đạo ở kinh thành. Ông không hề bố thí hay cung cấp vật gì cho ai. Một hôm đang đi chầu vua, ông thấy một vị Ðộc Giác Phật (Pacceka Buddha) tên là Tagarasikhi đang khất thực, liền đảnh lễ và hỏi:
– Thưa Tôn giả, ngài đã khất thực chưa?
– Này thương nhân, ta chưa khất thực. Vị Ðộc Giác Phật đáp.
Vị thương nhân ra lệnh cho người nhà:
– Này, đưa ngài về nhà ta, mời lên sàng tọa của ta và dâng một chén cơm đầy thức ăn dành cho ta.
Kẻ gia nhân đem ngài về nhà, mời ngồi xong, trình báo bà vợ thương nhân. Bà ấy dâng ngài một chén cơm đầy cao lương mỹ vị. Ngài cầm thức ăn rời khỏi nhà kia và ra đi.
Vị thương nhân từ triều đình trở về nhà, gặp ngài lại vái chào và hỏi thăm ngài đã nhận được thực phẩm chưa.
– Này thương nhân, ta đã nhận rồi.
Vị thương nhân nhìn vào bát và không thể nào đồng ý việc ấy, lại suy nghĩ: “Giá như gia nô của ta ăn bát cơm này, chúng sẽ làm cho ta biết bao nhiêu việc nặng nhọc, ôi! Ðấy thật là thiệt thòi cho ta!” và ông không thể nào làm cho tư tưởng sau khi bố thí được hoan hỷ trọn vẹn. Vậy bố thí cúng dường chỉ sinh kết quả phong phú với kẻ nào biết làm cho tư tưởng sau khi bố thí được hoan hỷ trọn vẹn.
Nếu hoan hỷ khi mong cầu bố thí
Thì hãy đem bố thí, dạ an vui,
Ðừng tiếc chi khi ta sống ở đời,
Ðàn con cháu chẳng bao giờ vong mạng.
Trước khi cho, niềm vui đầy tâm trạng,
Từ đó về sau tư tưởng hân hoan,
Bố thí kia đem phước đức vẹn toàn.
Như vậy thương nhân kỳ dị này được nhiều tài sản do đã cúng dường Ðộc Giác Phật Tagarasikhi, song lại không thể hưởng thọ phú quý vì đã không làm cho tư tưởng được thanh tịnh sau khi bố thí.
– Bạch Thế Tôn, tại sao vị ấy không có con cái?
Bậc Ðạo Sư đáp:
– Thưa Ðại vương, đây là duyên cớ vị ấy không có con.
Và theo lời thỉnh cầu của vua, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình thương nhân giàu có đến tám trăm triệu đồng tiền. Khi trưởng thành, cha mẹ qua đời, ngài cung cấp tài sản cho em ngài và điều hành việc nhà. Ngài lập một bố thí đường tại cổng nhà và làm gia chủ chuyên tâm bố thí. Khi con ngài biết đi chập chững, ngài nhận thấy nỗi khổ của tham dục và phước đức của đời xuất gia, liền giao hết tài sản cùng vợ con cho người em trai, khuyến khích em tiếp tục bố thí tinh cần. Rồi ngài trở thành vị khổ hạnh, đạt được các Thắng trí và các thiền chứng và sống ở vùng Tuyết Sơn.
Em trai ngài nhận nuôi đứa cháu duy nhất ấy, song thấy nó lớn khôn, ông nghĩ: “Nếu con của anh ta sống, tài sản sẽ bị chia hai, ta muốn giết con anh ta”. Vì thế một hôm, ông dìm cháu xuống sông cho chết. Sau khi tắm xong về nhà, chị dâu hỏi:
– Con trai tôi đâu?
– Nó chơi đùa dưới sông. Tôi tìm mãi nhưng không thể thấy nó đâu cả.
Bà chị chỉ khóc nhưng không nói gì cả. Bồ-tát biết việc này liền suy nghĩ: “Ta sẽ công bố chuyện này”. Rồi du hành qua không gian, hạ xuống thành Ba-la-nại trong thượng y và hạ y chỉnh tề, ngàiđứng ngay tại cửa, không thấy bố thí đường, ngài suy nghĩ: “Kẻ độc ác kia đã phá hủy bố thí đường”.
Người em nghe tin ngài về, bước ra đảnh lễ Bồ-tát và mời ngài lên thượng lầu đãi tiệc thịnh soạn. Khi cơm nước xong, ngồi nói chuyện thân mật, ngài hỏi:
– Con trai ta không đến, nó đâu rồi?
– Thưa Tôn giả, nó chết rồi.
– Bằng cách nào?
– Tại một bến tắm, nhưng tiểu đệ không biết rõ cách nào.
– Không biết à? Này kẻ độc ác kia, hành động của chú đã dược ta biết rõ: chú đã không giết nó bằng cách ấy hay sao? Thế chú có đủ sức gìn giữ gia sản khi bị vua chúa, đạo tặc hay nhiều người khác đến phá hại chăng? Thế có gì khác nhau giữa chú và con chim Mayha đâu?
Như vậy Bồ-tát ngâm vần kệ này thuyết Pháp với vẻ an tịnh của một vị Phật:
Có con chim được gọi May-ha,
Nó sống trong hang dưới núi xa,
Trái chín trên cây sung cổ thụ,
“Của ta, ta nữa”, nó kêu la.
Bầy chim kia lúc nó kêu vang,
Tụ tập chung quanh cả một đàn,
Ăn trái thỏa lòng tuy thấy thế,
May-ha vẫn cất tiếng kêu than.
Cũng vậy, người kia lắm bạc vàng,
Nhưng không chia sẻ giữa thân bằng,
Cũng không thọ hưởng lần nào cả
Y phục và luôn các thức ăn,
Hương liệu cùng vòng hoa rực rỡ,
Cũng không ân huệ với thân nhân.
“Của ta, ta mãi”, kêu rền rĩ,
Nó giữ kho tàng thỏa dạ tham.
Vua chúa cường gian, các đứa con
Chỉ mong sao nó sớm từ trần,
Cướp tài sản nó, trong khi ấy
Kẻ bủn xỉn kêu khóc tiếc than.
Người có trí khôn được bạc vàng
Thường đem giúp đỡ các thân bằng,
Do vầy danh vọng trên trần thế,
Thiên giới đời sau được phước phần.
Như thế bậc Ðại Sĩ thuyết Pháp khiến cho người em tiếp tục thực hành việc bố thí, rồi ngài trở về Tuyết Sơn tu tập Thiền định không ngừng và đời sau sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư bảo:
– Như vậy, thưa Ðại vương, thương nhân kỳ dị kia không có con trai con gái gì cả vì người ấy đã giết con của anh mình.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Người em là thương nhân kỳ dị và người anh chính là Ta.
-ooOoo-
Dung mạo thanh cao, lại cúi đầu …,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc Ngài xuất gia vì lợi lạc của quần sinh.
Hoàn cảnh của câu chuyện sẽ xuất hiện trong Tiền thân Mahàkanha, số 469. Lúc ấy, bậc Ðạo Sư bảo:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu Như Lai xuất gia vì ích lợi cho cả cõi đời.
Và Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm Sakka Thiên chủ. Thời ấy có một tà thuật sư dùng thần lực nửa đêm xâm phạm tiết hạnh của chánh cung hoàng hậu ở Ba-la-nại. Các cung nữ của bà đều biết chuyện này. Chính hoàng hậu đến yết kiến vua và trình:
– Tâu Chúa thượng, có kẻ lạ mặt đột nhập cung thất và xúc phạm thần thiếp.
– Thế hoàng hậu có thể làm một dấu hiệu nào đó lên kẻ ấy chăng?
– Tâu vâng, thiếp có thể.
Do đó bà bảo lấy chén son đỏ thắm, khi kẻ ấy đến nửa đêm và ra đi sau cuộc truy hoan, bà hoàng liền in năm dấu ngón tay bà vào lưng y và sáng hôm sau trình vua. Ngài ra lệnh đám vệ sĩ đi tìm khắp nơi mang về kẻ nào có dấu son đỏ trên lưng.
Bấy giờ, sau khi phạm tà hạnh ban đêm, tà thuật sư đứng giữa ban ngày ở nghĩa địa thờ phụng mặt trời, quân nhà vua thấy được, bao vây y, song y tưởng rằng hành động của y đã bị mọi người phát giác, liền dùng tà thuật bay lên không. Vua hỏi đám vệ sĩ sau khi chứng kiến việc ấy trở về:
– Các ngươi thấy y chăng?
– Tâu Chúa thượng, chúng thần có thấy.
– Y là ai?
– Tâu Chúa thượng, một đạo sĩ.
Sau khi phạm tà hạnh ban đêm, y giả dạng làm đạo sĩ ban ngày. Vua nghĩ thầm: “Những kẻ này ban ngày đi quanh quẩn trong chiếc y khổ hạnh, còn ban đêm lại phạm tà dục”.
Do đó vua đâm ra phẫn nộ với các đạo sĩ và chấp thủ tà kiến liền truyền công bố khắp kinh thành bằng trống lệnh rằng mọi đạo sĩ đều phải rời vương quốc, và sẽ bị quân sĩ trừng phạt nếu bị bắt gặp bất kỳ ở đâu.
Mọi đạo sĩ khổ hạnh đều chạy trốn khỏi vương quốc Kàsi rộng ba trăm dặm và đến trú ở các kinh thành khác. Do đó không có Sa-môn hay Bà-la-môn chân chánh nào thuyết Pháp cho dân chúng Kàsi, và vì không nghe được Chánh Pháp, họ trở nên tàn bạo, ghét bỏ bố thí và trì giới, phần lớn phải tái sinh vào đọa xứ lúc mạng chung và không được sinh thiên.
Sakka Thiên chủ không thấy một vị Thiên tử mới nào xuất hiện, liền xem xét lý do gì và thấy chính vì việc tống xuất các Sa-môn, Bà-la-môn ra khỏi vương quốc do vua Ba-la-nại chấp thủ tà kiến trong lúc phẫn nộ vị tà sư. Sau đó ngài suy nghĩ: “Trừ ta không ai có thể phá hủy tà kiến này của vua. Ta muốn cứu giúp vua và thần dân của nước này”.
Vì vậy ngài đến gặp các Ðộc Giác Phật tại động Nandamùla và bảo:
– Này các Tôn giả, hãy cho ta một vị Ðộc Giác Phật Trưởng lão, ta muốn đi cảm hóa quốc độ Kàsi vào đạo.
Ngài mời một vị Trưởng lão trong các vị ấy ra đi. Khi ngài đã cầm y bát của vị ấy, Thiên chủ Sakka mời vị ấy đi trước, ngài theo sau với dáng điệu cung kính đảnh lễ vị Ðộc Giáo Phật, ngài biến mình thành một Sa-môn trẻ tuổi, tươi đẹp đi ba vòng quanh thành phố từ đầu đến cuối, rồi đến trước cổng hoàng cung, ngài đứng trên không. Quân canh đến trình với vua:
– Tâu Hoàng thượng, có một Sa-môn trẻ đầy hảo tướng cùng với một Sa-môn đang đứng trên không trung tại hoàng môn.
Vua từ bảo tọa đi ra và đứng ở lầu thượng hỏi:
– Này đạo sĩ trẻ, tại sao ông tuấn tú như vậy lại cung kính cầm y bát cho một Sa-môn dị tướng thế kia?
Rồi vua ngâm vần kệ đầu nói chuyện với ngài:
Dung mạo thanh cao, lại cúi đầu,
Sau người dị tướng, bước theo hầu,
Người này hơn, kém, hay bình đẳng,
Xin nói tánh danh, trẫm thỉnh cầu.
Thiên chủ đáp:
– Tâu Ðại vương, các Sa-môn ở địa vị của bậc Ðạo Sư, vậy nếu ta nêu danh tánh ngài thì thất lễ, nhưng ta sẽ nói cho Ðại vương biết tên ta.
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ hai:
Chư Thiên không nói họ cùng tên
Của thiện nhân toàn hảo, Thánh hiền,
Riêng chỉ phần ta nêu tước hiệu
Sak-ka Thiên chủ của chư Thiên.
Vua nghe vậy, liền ngâm vần kệ thứ ba hỏi phước đức gì trong sự tôn sùng Ðạo Sư:
Người kính yêu hiền Thánh vẹn toàn
Sau ngài, tiến bước dáng nghiêm trang,
Phần gì thừa hưởng, này Thiên chủ,
Phước đức đời sau sẽ phát ban?
Thiên chủ đáp lại vần kệ thứ tư:
Người kính yêu hiền Thánh vẹn toàn,
Sau ngài, cất bước dáng nghiêm trang,
Tiếng khen trần thế nay thừa hưởng,
Thiên giới đời sau lúc mạng chung.
Vua nghe lòi Thiên chủ liền dứt bỏ mọi tà kiến và hoan hỷ ngâm vần kệ thứ năm:
Mặt trời số phận chiếu hôm nay,
Mắt trẫm nhìn Thiên chủ hiển bày
Bậc Thánh xuất trần, này Ðế Thích,
Trẫm làm thiện sự kể từ rày.
Sakka Thiên chủ nghe vua tán thán vị Ðạo sĩ của ngài, liền ngâm vần kệ thứ sáu:
Chân chánh thay sùng bái Thánh nhân,
Tâm tư hướng đến trí cao thâm,
Giờ đây long nhãn đã chiêm ngưỡng
Thiên chủ Sak-ka với Thánh nhân,
Mong ước từ nay nhiều phước nghiệp
Sẽ là phận sự của minh quân.
Nghe vầy, vua ngâm vần kệ cuối cùng:
Tư tưởng mang đầy đủ phước ân,
Từ nay lòng dạ trẫm ly sân,
Lắng tai nghe ngoại nhân cầu thỉnh,
Trẫm nhận lời khuyên nhủ chánh chân,
Trẫm sẽ diệt tan lòng ngã mạn,
Phụng thờ Thiên chủ, dạ tôn sùng.
Sau khi nói xong, vua từ thượng lầu bước xuống, đảnh lễ vị Ðộc Giáo Phật và đứng một bên. Vị Ðộc Giáo Phật ngồi bắt chéo chân trên không và nói:
– Thưa Ðại vương, tà thuật sư không phải là đạo sĩ. Từ rày phải nhận thức người đời không phải toàn giả dối, còn có các Sa-môn Bà-la-môn chân thiện, do vậy hãy bố thí, tuân thủ Giới luật và thành trì các ngày trai giới (Bố-tát).
Ngài thuyết Pháp cho vua như vậy, còn Sakka Thiên chủ cũng dùng thần lực đứng trên không thuyết Pháp cho quần chúng:
– Từ nay về sau, hãy nhiệt tâm tinh cần.
Ngài truyền ban hồi trống ra lệnh khắp kinh thành cho các Sa-môn, và Bà-la-môn đã đi trốn phải hồi hương. Sau đó cả hai vị trở về cõi của mình. Còn vua tuân thủ lời khuyến giáo và thực hành các phước nghiệp.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật và nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, vị Ðộc Giáo Phật đắc Niết-bàn, vua là Ànanda và Ta chính là Sakka Thiên chủ.
-ooOoo-
Ngài không được phép ngửi hương hoa…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo.
Chuyện kể rằng vị Tỷ-kheo ấy đã rời Kỳ Viên và trú tại quốc độ Kosala gần một khu rừng. Một hôm ông xuống hồ sen, khi thấy một hoa sen, ông đứng tránh gió và ngửi mùi hương sen. Vị nữ Thần ở trong khu rừng ấy đe dọa ông:
– Này Tôn giả, ngài ngửi trộm hương, đây là một hình thức trộm cắp.
Ông hoảng sợ trở về Kỳ Viên, đến vái chào bậc Ðạo Sư và ngồi xuống một bên.
– Này Tỷ-kheo, lâu nay ông ở đâu?
– Bạch Thế Tôn, ở trong rừng nọ, và vị nữ Thần đe dọa con như vậy.
Bậc Ðạo Sư bảo:
– Ông không phải là người đầu tiên bị nữ Thần đe dọa khi ngửi hương hoa. Các bậc trí ngày xưa cũng đã từng bị đe dọa như vậy.
Và theo lời thỉnh cầu của vị Tỷ-kheo, ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình Bà-la-môn ở Kàsi. Khi lớn lên, ngài học các nghệ thuật ở Ðại học Takkasilà và sau đó trở thành nhà khổ hạnh sống gần một ao sen. Một hôm ngài bước xuống ao và đứng ngửi một đóa hoa đang nở, một nữ Thần ở trong hốc cây gần đó ngâm vần kệ đầu đe dọa ngài:
Ngài không được phép ngửi hương hoa,
Dù chỉ một hoa mới nở ra,
Ðó thật là hình thức đạo tặc,
Sa-môn, ngài trộm ngửi hương hoa.
Bồ-tát liền ngâm vần kệ thứ hai:
Ta chẳng hái, không bẻ gãy hoa,
Mùi hương ta ngửi tự đằng xa,
Ta không thể bảo nào duyên cớ
Nàng nói ta đang ngửi trộm hoa.
Cùng lúc ấy, có một người đang đào bới ngó sen và củ sen, làm gãy nát thân cây sen. Bồ-tát thấy thế, liền nói:
– Nàng gọi một người ngửi mùi hương từ đàng xa là ăn trộm. Sao nàng không nói vậy với người kia?
Thế là ngài ngâm vần kệ thứ ba để nói chuyện này:
Kẻ nọ đang đào bới củ sen,
Phá thân cây gãy, đó nhìn xem,
Sao nàng không bảo cách hành động
Kẻ ấy là bừa bãi, thấp hèn?
Nữ Thần liền ngâm vần kệ thứ năm và thứ sáu giải thích tại sao nàng không nói với kẻ kia:
Những người phóng túng sống buông lơi,
Như áo vú em, đáng chán rồi,
Ta chẳng nói năng gì kẻ ấy,
Song ta chiếu cố nói ngài thôi.
Khi bỏ dục tham của thế nhân,
Và đi tìm cách tịnh thân tâm,
Tội dù chỉ nhỏ như đầu tóc
Chẳng khác trên trời đám hắc vân!
Nghe nữ Thần cảnh báo như vậy, Bồ-tát xúc động ngâm vần kệ thứ sáu:
Hiển nhiên Thần nữ hiểu tinh tường,
Nên với ta, nàng đã đoái thương,
Nếu thấy ta rày còn tái phạm,
Xin nàng nói nữa, khẩn cầu nàng.
Sau đó, nữ Thần ngâm vần kệ thứ bảy:
Ta chẳng sống đây phụng sự ngài,
Chúng ta không ở mướn cho ai,
Xin ngài tự kiếm đường đi tới
Hạnh phúc tối cao giữa cõi đời.
Khích lệ ngài như thế xong, nữ Thần trở về nơi cư trú của nàng. Còn Bồ-tát nhiệt tâm nhập đại định về sau tái sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheođã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, nữ Thần là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc) và vị khổ hạnh chính là Ta.
-ooOoo-
Hạnh phúc là ai sống giữa đời…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Ðông Viên liên hệ đến một số Tỷ-kheo thích lạc thú.
Trưởng lão Mahamoggallàna (Ðại Mục-kiền-liên) đã làm rung chuyển cả trú xứ của họ và cảnh báo họ. Tăng chúng bắt đầu bàn luận về lỗi lầm này tại Chánh pháp đường. Bậc Ðạo Sư được kể sự việc trên, liền bảo:
– Ðây không phải là lần đầu tiên họ thích lạc thú.
Và Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát là Sakka Thiên chủ. Có bảy anh em trong một làng ở Kàsi nhận thấy tai hại của lòng tham dục, liền rời bỏ thế tục và trở thành ẩn sĩ. Họ sống tại Mejjhàrannã, nhưng vẫn ham thích các lạc thú, không chuyên tâm tu tập và chỉ làm theo thói quen của vật chất.
Sakka Thiên chủ bảo:
– Ta muốn đi cảnh báo bọn này.
Do đó ngài biến mình thành chim Anh vũ (két) đến trú xứ của họ, vừa đậu trên cây vừa ngâm vần kệ đầu cảnh báo họ:
Hạnh phúc là ai sống giữa đời
Bằng tàn dư bố thí mà thôi,
Ðược người tán thán trên trần thế,
Số phận đời sau: lạc cõi trời.
Khi ấy, một người trong bọn họ nghe tiếng chim Anh vũ, liền gọi đám kia lại và ngâm vần kệ thứ hai:
Bậc trí phải chăng nên lắng tai
Khi Anh vũ nói giọng như người,
Hãy nghe, các bạn, chim ca tụng
Bọn chúng ta đây, rõ tuyệt vời!
Anh vũ liền ngâm vần kệ thứ ba phủ nhận điều này:
Chẳng phải ta ca tụng các thầy,
Bọn ăn xác chết, hãy nghe đây:
Các thầy ăn món đồ thừa thải,
Chẳng phải tàn dư bố thí này.
Khi nghe chim nói, họ đồng thanh ngâm vần kệ:
Xuất thế bảy năm, cạo tóc đen,
Nơi đây ta sống tháng ngày liền,
Ăn đồ tàn thực, sao chim trách,
Vậy thế ai người thật đáng khen?
Bậc Ðại Sĩ ngâm vần kệ thứ năm khiển trách để họ phải ăn năn hối cải:
Món thừa sư, hổ, thú săn mồi,
Là thứ cần dùng của các người,
Quả thật chúng là đồ phế thải
Dù người gọi “chỉ tàn dư thôi”.
Nghe vậy, các vị ẩn sĩ lại hỏi:
– Nếu chúng ta không phải là người sống bằng tàn thực, thì xin cho biết họ là những ai?
Ngài liền ngâm vần kệ thứ bảy nêu rõ ý nghĩa đích thực của việc này:
Người nào bố thí các Sa-môn,
Ðể đáp ứng ngay mọi thứ cần,
Rồi thọ những gì còn để lại,
Sống nhờ của bố thí dư tàn.
Như vậy Bồ-tát làm cho họ ăn năn hối lỗi rồi trở về cõi của ngài.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật và nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, bảy ẩn sĩ kia là các Tỷ-kheo thích lạc thú này và Sakka Thiên chủ chính là Ta.
-ooOoo-
Bơ, dầu đủ món cao lương…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo tham lam.
Khi thấy vị ấy tham lam, bậc Ðạo Sư bảo:
– Ðây không phải lần đầu ông tham lam, ngày xưa có lần do tham lam, ông không thỏa mãn với các xác voi, bò ngựa và hy vọng kiếm được nhiều thức ăn ngon hơn, ông đã vào rừng sâu.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm con chim Cút sống ở rừng sâu bằng cỏ khô và hạt cây. Thời ấy tại Ba-la-nại có một con Quạ tham ăn, không hài lòng với các xác chết của voi, ngựa và nhiều súc vật khác, liền vào rừng kia với hy vọng tìm nhiều của ngon vật lạ hơn. Trong lúc ăn trái rừng, nó chợt thấy Bồ-tát liền nghĩ thầm: “Con chim Cút này rất mập, ta đoán nó ăn nhiều thức ngon ngọt, ta muốn hỏi nó về món kia và ăn để ta cũng mập hơn”.
Quạ đậu trên bụi cây cao hơn Bồ-tát, dù nó không hỏi, Bồ-tát vẫn chào nó và ngâm vần kệ đầu:
Bơ, dầu đủ món cao lương,
Chú ơi, thực phẩm chú toàn thơm ngon,
Cho tôi biết rõ nguồn cơn
Tại sao chú phải gầy mòn thế ư?
Nghe lời nầy, Quạ ngâm ba vần kệ đáp lại:
Ta đang sống giữa kẻ thù,
Lòng ta cứ phải ưu tư rã rời,
Hãi kinh đi kiếm miếng mồi,
Muốn thành béo mập, Cút ơi, cách nào?
Suốt đời Quạ sống lo âu,
Trí luôn cảnh giác, đương đầu nguy nan,
Miếng mồi kiếm chẳng đủ ăn,
Cút ơi, vì thế gầy mòn thân ta.
Cỏ khô, hạt thóc quả là
Thức ăn của Cút chẳng no béo gì,
Vì sao Cút mập thế kia,
Lại ăn ít ỏi, nói đi, bạn vàng!
Bồ-tát nghe vậy, ngâm các vần kệ giải thích lý do béo mập của mình:
Ta mong vừa đủ an nhàn,
Thong dong bay lượn quãng đường ngắn kia,
Kiếm ăn bất cứ vật gì,
Nên ta béo mập khó bì, Quạ ơi!
Tràn đầy hạnh phúc, an vui,
Trong lòng biết đủ, thảnh thơi tháng ngày,
Mục tiêu dễ đạt lắm thay,
Ðây phần ưu thắng đời này ta theo.
*
Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheođã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, con Quạ là Tỷ-kheo tham lam này và chim Cút chính là Ta.
-ooOoo-
Ông bạn cũ ơi, hãy ngắm xem…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo tham lam. Hoàn cảnh này cũng giống như trên.
*
Ngày xưa, khi vua Brahamadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là chim Bồ câu sống trong cái thúng ở trong nhà bếp của một thương nhân Ba-la-nại. Một chú Quạ đến kết thân với Bồ câu và cùng sống ở đó. Ðến đây câu chuyện cần được trình bày đầy đủ chi tiết hơn. Người đầu bếp nhặt hết lông Quạ, rắc bột lên rồi chọc thủng một vỏ ốc bóng loáng đeo trên cổ Quạ và ném nó vào thúng.
Bồ-tát bay từ rừng về, thấy vậy, và ngâm vần kệ đầu để trêu ghẹo Quạ:
Ông bạn cũ ơi, hãy ngắm xem,
Nữ trang sáng rực rỡ đeo lên,
Bộ râu tỉa gọn oai ra phết,
Trông bạn thật tươi trước mắt nhìn!
Quạ nghe lời nầy, liền đáp vần kệ thứ hai:
Các lông, móng cứ mọc nhanh ghê,
Làm vương víu ta khắp mọi bề,
Thợ hớt tóc sau cùng bước tới,
Nên ta thoát lớp vỏ xù xì!
Sau đó Bồ-tát ngâm vần kệ thứ ba:
Dĩ nhiên Quạ được vặt lông đen,
Chú thợ cạo kia thật khéo khen!
Quanh cổ thì sao, xin nói rõ,
Cái gì lúng lẳng tựa chuông reng?
Tiếp theo Quạ ngâm hai vần kệ nữa:
Những người thanh lịch vẫn đeo hoài
Quanh cổ ngọc châu, thói ở đời,
Muốn bắt chước người, ta cũng vậy,
Bạn đừng tưởng đó chuyện đùa chơi!
Còn nếu bạn ganh tỵ bộ ria
Ðược khéo điểm tô chải chuốt kia,
Ta sẽ nhờ người này cạo giúp,
Rồi đeo ngọc, bạn cũng như ta.
Bồ-tát nghe vậy liền ngâm vần kệ thứ sáu:
Không, chính ông phù hợp nhất đời
Với râu và ngọc khéo ra oai,
Thấy ông hiện diện gây phiền toái,
Ta giã biệt ông, cất bước thôi!
Cùng với các lời này, Bồ câu bay đi nơi khác, còn Quạ chết ngay tại chỗ ấy.
*
Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheođã được an trú vào Tam quá (Bất Lai). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, con Quạ là vị Tỷ-kheo tham lam này, còn Bồ câu chính là Ta.
-ooOoo-
Chương VII
Phẩm bảy bài kệ
Cái nóc nhà này cao thước rưỡi…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc giáo hóa một quốc vương. Hoàn cảnh này sẽ xuất hiện trong tiền thân Tesakuna, số 521.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát là quốc sư về thế sự cũng như thánh sự. Vua ấy đi theo tà đạo, cai trị bất chánh và thâu góp tài sản bằng cách đàn áp dân chúng. Bồ-tát muốn khuyến giáo vua, liền đi quanh quẩn tìm một ví dụ.
Bấy giờ, nội thất trong cung làm chưa xong, nên mái nhà trên ấy chưa hoàn chỉnh. Các cây rui chống đỡ nóc nhọn chỉ vừa mới được đặt vào đúng vị trí. Vua đã du ngoạn trong ngự viên, khi trở về cung, vua nhìn lên và thấy nóc nhà hình tròn, sợ nó sẽ rớt xuống, vua bước ra đứng bên ngoài, rồi lại nhìn lên và suy nghĩ: “Làm thế nào nóc nhà này đứng yên như vậy. Các rui này ra sao? Và vua liền ngâm vần kệ đầu hỏi Bồ-tát:
Nghe vậy, Bồ-tát suy nghĩ: “Ta đã có được một ví dụ để khuyến giáo nhà vua”. Ngài liền ngâm các vần kệ sau:
Trong lúc Bồ-tát đang nói, vua xem xét kỹ hành vi xử thế của mình: “Nếu không có nóc nhà thì các cây rui không đứng vững; nóc nhà cũng không đứng vững nếu không được các cây rui nâng đỡ. Nếu các cây rui gãy thì nóc nhà sụp đổ. Cũng vậy, một vị vua ác hạnh không tập hợp các thân bằng, đại thần, quân đội, Bà-la-môn và gia chủ lại với nhau, và nếu đám quần thần tan rã vua không được nâng đỡ sẽ mất hết quyền lực, vì thế vua phải sống công chính”.
Ngay lúc ấy, đám thị nữ đem dâng vua một quả bưởi. Vua bảo Bồ-tát:
– Này Hiền hữu, hãy ăn bưởi này.
Bồ-tát cầm bưởi và thưa:
– Tâu Ðại vương, người nào không biết cách ăn bưởi sẽ làm cho nó đắng hoặc cay. Song người có trí biết cách lấy chất đắng ra, và không bỏ chất chua, hoặc làm hỏng hương vị của bưởi khi ăn bưởi.
Rồi dùng thí dụ này, ngài trình bày cho vua biết cách tạo tài sản chân chánh qua hai vần kệ:
Vua vừa tham vấn Bồ-tát vừa đi đến hồ sen, khi nhìn một hoa sen đang nở có màu sáng đẹp như mặt trời mới mọc, không bị nước làm ô nhiễm, nhà vua bảo:
– Này Hiền hữu, hoa sen kia mọc thẳng lên không bị nước làm ô nhiễm sắc hương.
Bồ-tát liền đáp lại:
– Tâu Ðại vương, một vị vua cũng phải như vậy.
Rồi Ngài ngâm các vần kệ này để khuyến giáo:
Vua nghe lời Bồ-tát khuyên giáo từ đó về sau trị nước chân chính và thực hành các thiện sự, bố thí cùng nhiều phước nghiệp khác, nên được sinh lên thiên giới.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật và nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, vua là Ànanda và vị quốc sư có trí chính là Ta.
-ooOoo-
Cung nọ đã giương cong vút lên…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Trúc Lâm về một Tỷ-kheo thân cận bạn ác.
Hoàn cảnh đã được nêu đầy đủ chi tiết trong tiền thân Mahilàmukhata, số 26. Bậc Ðạo Sư bảo:
– Này các Tỷ-kheo, không phải lần đầu kẻ này thân cận bạn ác.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là Sư tử sống với Sư tử cái và hai con, một trai một gái. Sư tử con tên là Manoja. Khi lớn lên, nó lấy một sư tử cái làm vợ. Như thế cả bầy có năm sư tử.
Manoja thường giết trâu rừng và nhiều dã thú khác, nhờ đó nó đem thịt sống về nuôi cha mẹ, em và vợ. Một hôm trong chỗ săn mồi, nó thấy một chó rừng tên Giriya không chạy được và đang nằm sấp. Nó hỏi:
– Này bạn, sao thế?
– Tâu Chúa công, tôi muốn phục vụ ngài.
– Thế thì tốt.
Sau đó, nó đem chó rừng về hang, Bồ-tát thấy vậy bảo:
– Này con Manoja, chó rừng là loại độc ác tham tàn, hay xúi giục điều xấu, đừng đưa thứ chó này về ở gần con.
Song ngài không ngăn cản được nó.
Thế rồi một hôm, chó rừng muốn ăn thịt ngựa, liền nói với Manoja:
– Tâu Chúa công, trừ thịt ngựa ra, chúng ta không có gì ăn cả. Vậy chúng ta hãy đi bắt ngựa.
– Song nơi đâu có ngựa thế, bạn?
– Tại Ba-la-nại, cạnh bờ sông.
Manoja nghe lời khuyên này và cùng đi với chó đến nơi có bầy ngựa tắm dưới sông. Nó bắt một con ngựa, mang trên lưng chạy nhanh về miệng hang. Sư tử cha ăn thịt ngựa và bảo:
– Này con, bầy ngựa là tài sản của vua, mà vua chúa thường có nhiều mưu kế, lại nhiều người thiện xạ bắn cung. Sư tử ăn thịt ngựa không sống lâu được đâu. Từ rày con đừng bắt ngựa nữa.
Sư tử con không theo lời cha khuyên nhủ, cứ tiếp tục bắt ngựa. Vua nghe có con sư tử đến bắt ngựa, liền bảo làm một hồ nước cho ngựa ở trong kinh thành. Song sư tử vẫn đến bắt ngựa. Vua truyền làm chuồng ngựa với máng thức ăn, nước uống đem đến tận nơi cho chúng. Sư tử nhảy vượt bức tường và bắt ngựa từ chuồng ra. Vua liền truyền gọi một xạ thủ có tài bắn nhanh như chớp, hỏi anh ta có thể bắn sư tử chăng. Anh ta tâu có thể, rồi làm một tháp canh gần bức tường, nơi sư tử thường đến và đợi tại đấy.
Sư tử đến, để chó rừng ở một nghĩa địa bên ngoài, còn nó nhảy vào thành bắt ngựa. Người xạ thủ suy nghĩ: “Tốc lực của sư tử này quá nhanh khi nó đến”. Cho nên anh ta chưa bắn nó, song khi nó trở về mang theo con ngựa, bị vướng víu vì gánh nặng kia, người xạ thủ liền bắn một mũi tên nhọn vào phía đùi sau của sư tử. Mũi tên đâm xuyên suốt ra phía đùi trước và bay vút lên không. Sư tử thét lên:
– Ta bị thương rồi!
Sau khi bắn sư tử xong, vị thiện xạ búng dây cung vang lên như sấm. Chó rừng nghe tiếng sư tử gầm và tiếng cung vang rền, liền suy nghĩ: “Bạn ta đã bị bắn, chắc hẳn phải chết, thôi chẳng còn tình bạn gì với vật đã chết, ta muốn đi về hang cũ trong rừng kia”. Rồi nó ngâm hai vần kệ:
Sư tử con chạy vụt về ném xác ngựa trước miệng hang, rồi ngã chết liền. Thân quyến vội bước ra, thấy mình nó nhuộm đầy máu từ vết thương chảy xiết, vừa nằm chết vì đã đi theo bạn ác. Cha, mẹ, em và vợ sư tử lần lượt ngâm bốn vần kệ:
Cha:
Mẹ:
Em:
Vợ:
*
Và cuối cùng là vần kệ phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng của đức Phật:
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo thân cận bạn ác đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, chó rừng là Ðề-bà-đạt-đa, Manoja là vị Tỷ-kheo thân cận bạn ác, em gái là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc), vợ của sư tử là Tỷ-kheo-ni Khemà (Thái Hòa), Sư tử mẹ là mẫu thân Ràhula và Sư tử cha chính là Ta.
-ooOoo-
Vua đã gửi ngươi một bát cơm…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo phụng dưỡng cha mẹ mình. Hoàn cảnh sẽ xuất hiện trong Tiền thân Sàma, số 540.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình nghèo, cha mẹ đặt tên ngài là Sutana. Khi lớn khôn, ngài làm việc kiếm tiền nuôi cha mẹ, đến thời cha ngài qua đời, ngài phụng dưỡng mẹ mình.
Thời ấy, vua Ba-la-nại thích săn bắn. Một hôm vua cùng quần thần đông đảo đi vào một khu rừng rộng khoảng một hai đặm, và truyền lệnh cho tất cả mọi người:
– Nếu có con nai nào chạy thoát ở điểm canh giữ của người nào thì người ấy bị phạt số tiền bằng giá con nai.
Sau khi dựng một túp lều được dấu kín bên vệ đường, quần thần dâng nó cho vua dùng. Bầy nai bị chấn động vì tiếng la hét của đám người bao vây nơi trú ẩn của chúng, rồi một con nai chạy về địa điểm vua canh giữ. Vua nghĩ thầm “Ta muốn bắn nó” rồi giương cung lên. Con vật biết mưu kế đánh lừa, thấy mũi tên sắp đến gần sườn liền ngã lăn tròn như thể trúng mũi tên. Vua nghĩ: “Ta đã bắn trúng nó và chạy lại bắt nai.”
Nhưng con nai vùng lên lao vụt nhanh như gió. Quần thần và mọi người kia đều cười nhạo vua. Ông liền đuổi theo con nai cho đến khi nó mệt nhoài thì rút kiếm chặt nó làm đôi. Rồi kéo con nai lên một khúc gỗ, ông khiêng nó lên như cái đòn gánh, vừa đi vừa nói: “Ta muốn nghỉ ngơi một lát”, ông đến gần cây đa bên vệ đường và nằm xuống ngủ say.
Một quỷ Dạ-xoa (Yakkha) tên là Makhadeva tái sinh ở cây đa này, được Thiên vương Vessavana (Tỳ-sa-môn) cho phép bắt mọi sinh vật nào đến gần nó để ăn thịt. Khi vua này thức dậy, Dạ-xoa bảo:
– Cứ ở lại đây, ngươi là món mồi của ta.
Rồi nó cầm lấy tay vua.
– Ngài là ai? Vua hỏi.
– Ta là Quỷ Dạ-xoa, sinh ra tại đây. Ta bắt mọi người đến nơi đây để ăn thịt.
Vua lấy hết can đảm hỏi:
– Thế ngài chỉ ăn thịt hôm nay hay ăn mãi?
– Ta sẽ còn ăn mãi mọi vật ta bắt được.
– Thế thì hãy ăn con nai này hôm nay và để ta đi về. Từ ngày mai ta sẽ gửi cho ngài một người cùng với một đĩa cơm mỗi ngày.
– Vậy hãy cẩn thận đấy. Hễ ngày nào không gởi ai đến thì ta sẽ ăn thịt ngươi.
– Ta là quốc vương ở Ba-la-nại, chẳng có việc gì ta không làm được cả.
Quỷ Dạ-xoa nhận lời hứa rồi để vua ra về. Khi vua đến kinh thành, ông đem chuyện ấy kể cho vị cận thần nghe và hỏi những gì cần phải làm.
– Tâu Ðại vương, có hạn kỳ nhất định nào không?
– Không.
– Thế thì Ðại vương đã tính việc sai rồi đấy. Nhưng không sao cả. Có rất nhiều tù nhân trong ngục.
– Vậy khanh cố sắp đặt việc này để cứu mạng ta.
Vị cận thần đồng ý, mỗi ngày bắt một tù nhân từ trong ngục gửi ra cho quỷ Dạ-xoa cùng với một dĩa cơm mà không nói gì với kẻ ấy cả. Quỷ Dạ-xoa ăn hết cả cơm lẫn người. Sau một thời gian các ngục thất đều trống vắng. Vua tìm không ra người đi đưa cơm, lòng run rẩy sợ chết. Vị cận thần an ủi ông và bảo:
– Tâu Ðại vương, lòng tham tài sản còn mạnh hơn lòng tham sống. Ta hãy gói một ngàn đồng tiền đặt trên lưng voi, rồi lấy trống truyền lệnh: “Ai muốn đem cơm cho quỷ Dạ-xoa và lãnh số tiền bạc này?”.
Vua nghe lời làm theo như vậy. Bồ-tát suy nghĩ: “Ta chỉ làm công được một xu rưởi mỗi ngày khó lòng phụng dưỡng mẹ. Nay ta muốn lấy số tiền kia trao cho mẹ rồi đi gặp quỷ Dạ-xoa. Nếu ta thắng nó thì tốt, còn nếu không thì mẹ ta cũng sống an nhàn sung túc”. Vì thế ngài nói chuyện với mẹ, song bà bảo:
– Mẹ vừa đủ rồi, mẹ không cần tiền bạc.
Rồi bà ngăn cản ngài hai lần, nhưng lần thứ ba, ngài không xin phép mẹ nữa, mà đến gặp quan quân nói:
– Thưa các quan, hãy đưa ngàn đồng tiền, tôi nhận mang cơm đi.
Rồi đưa cho mẹ ngàn đồng tiền, ngài bảo:
– Mẹ thân yêu, đừng lo buồn, con sẽ thắng quỷ Dạ-xoa và đem hạnh phúc cho mọi người. Con sẽ trở về nhà khiến cho mẹ đang khóc than phải cười to lên đấy.
Rồi chào mẹ xong, ngài cùng quan quân đi yết kiến vua, rồi kính lễ vua và đứng tại đó. Vua hỏi:
– Này, thiện nam tử, cậu muốn đem cơm à?
– Tâu Ðại vương, phải.
– Thế cậu cần mang theo vật gì bên mình?
– Tâu Ðại vương, đôi hài bằng vàng của ngài.
– Tại sao thế?
– Tâu Ðại vương, quỷ Dạ-xoa kia chỉ ăn thịt kẻ nào đứng trên mặt đất dưới gốc cây của nó, còn tiểu tử sẽ đứng trên đôi hài, chứ không phải trên mặt đất.
– Thế còn vật gì nữa?
– Tâu Ðại vương, chiếc lọng của ngài.
– Tại sao thế?
– Tâu Ðại vương, quỷ Dạ-xoa kia chỉ ăn thịt kẻ nào đứng dưới bóng cây của nó, còn tiểu tử đứng dưới bóng chiếc lọng, chứ không phải bóng cây.
– Thế còn vật gì nữa?
– Tâu Ðại vương, thanh kiếm của ngài.
– Ðể làm gì?
– Tâu Ðại vương, ngay loài quỷ cũng sợ những người mang khí giới trong tay.
– Thế còn gì nữa chăng?
– Tâu Ðại vương, cái bát vàng của ngài, đựng đầy ngự thiện dâng lên ngài.
– Này thiện nam tử, tại sao vậy?
– Một người có trí khôn như tiểu tử mà phải ăn cơm gạo thô trong dĩa đất thì không thích hợp chút nào.
Vua chấp thuận và sai các quan đem đủ mọi thứ ngài đã yêu cầu. Bồ-tát thưa:
– Tâu Ðại vương, đừng sợ gì cả, tiểu tử nguyện sẽ trở về hôm nay sau khi chiến thắng quỷ Dạ-xoa và đem lại an lạc cho ngài.
Thế rồi ngài cầm mọi thứ cần dùng và đi đến nới ấy, ngài sắp đặt mọi người đứng không xa nơi ấy rồi mang đôi hài vàng vào chân, đeo thanh kiếm vào đai, che chiếc lọng trên đầu và cầm bát cơm bằng vàng đến gặp Dạ-xoa.
Quỷ Dạ-xoa nhìn ra đường thấy ngài liền suy nghĩ: “Người này đến đây không giống bọn người đã đến trước kia, vì duyên cớ gì vậy?”.
Bồ-tát đứng gần cây, lấy mũi kiếm đẩy dĩa cơm vào dưới bóng cây rồi đứng gần bóng cây, ngâm vần kệ đầu:
Nghe vậy, quỷ Dạ-xoa suy nghĩ: “Ta muốn đánh lừa nó, rồi sẽ ăn thịt nó khi nó bước vào bóng cây”. Con quỷ liền ngâm vần kệ thứ hai:
Tiếp theo, Bồ-tát đáp hai vần kệ:
Quỷ Dạ-xoa suy nghĩ: “Cậu trai này nói có lý”, rồi đầy thiện ý, nó ngâm hai vần kệ:
Nghe lời Dạ-xoa, Bồ-tát hoan hỷ, ngài nghĩ thầm: “Bổn phận ta đã hoàn thành, quỷ Dạ-xoa đã được chinh phục, ta được hưởng tài sản và lời hứa của vua đã được thực hiện”. Ngài liền ngâm vần kệ cuối cùng:
Ngài khuyến giáo quỷ Dạ-xoa và bảo:
– Này bạn, xưa kia bạn đã tạo ác nghiệp, bạn tham tàn độc ác, ăn thịt nhiều người nên tái sinh làm quỷ Dạ-xoa. Từ rày về sau đừng giết hại sinh mạng như vậy nữa.
Thế là ngài nêu rõ mọi công đức nhờ giữ giới hạnh và các nỗi khổ đau vì tạo ác nghiệp. Rồi an trú quỷ Dạ-xoa vào Ngũ giới, ngài bảo:
– Này, tại sao bạn ở trong rừng? Mau lên, ta sẽ để bạn cư ngụ cạnh cổng thành và bảo đem cao lương mỹ vị đến cho bạn.
Sau đó ngài ra đi cùng quỷ Dạ-xoa, bảo nó cầm kiếm cùng nhiều vật khác và đến thành Ba-la-nại. Quân sĩ báo tin Sutana đã trở về cùng quỷ Dạ-xoa. Vua cùng triều thần đi ra đón Bồ-tát và làm chỗ cư trú cho quỷ Dạ-xoa tại cổng thành, rồi sai người đem cao lương mỹ vị cho nó. Xong vua vào thành, lấy trống truyền lệnh hội họp toàn dân trong thành để tuyên dương công trạng của Bồ-tát và phong ngài chức vụ thống lãnh quân đội. Còn chính vua được an trú vào lời dạy của Bồ-tát, thực hành nhiều thiện sự, bố thí và các công đức khác nên về sau tái sinh cõi thiên.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo phụng dưỡng mẹ đã đạt Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, quỷ Dạ-xoa là Angulimàla (Người đeo vòng ngón tay), vua là Ànanda và hiếu tử kia chính là Ta.
-ooOoo-
Làm sao thân lão biết tìm mồi…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo phụng dưỡng mẹ mình.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm chim Thứu (kên kên). Khi lớn lên, ngài đưa cha mẹ đã già và mù mắt vào ở trong hang thứu và đem thịt quạ cùng nhiều loại khác về nuôi hai vị. Thời ấy có một thợ săn đặt bẫy bắt chim thứu quanh nghĩa địa Ba-la-nại.
Một hôm Bồ-tát đi kiếm thịt đến gần nghĩa địa và sa chân vào bẫy. Ngài không nghĩ đến mình, mà chỉ nhớ đến cha mẹ già: “Giờ đây làm sao cha mẹ sống được? Ta chắc hai vị sẽ chết vì không biết ta mắc bẫy, sẽ bơ vơ khốn khổ và héo mòn dần trong hang núi ấy”. Do vậy ngài ngâm vần kệ đầu than khóc:
Con trai người thợ săn, nghe ngài than khóc, liền ngâm vần kệ thứ hai, chim Thứu ngâm vần kệ thứ ba và cứ liên tiếp xen kẽ như vậy:
Con của thợ săn:
Chim Thứu:
Con của thợ săn:
Chim Thứu:
Con của thợ săn:
Chim Thứu:
Sau đó Bồ-tát được giải thoát khỏi nỗi sợ chết, vui mừng tạ ơn vừa ngâm vần kệ cuối cùng, vừa ngậm đầy thịt trong mỏ và bay về đưa mồi cho cha mẹ.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, người thợ săn là Channa (Xa-nặc), cha mẹ ta là thân quyến trong hoàng gia và Thứu vương là Ta.
-ooOoo-
Này bạn A-nu, chạy tới ngay…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về Upananda, một người của bộ tộc Thích-ca (sakya).
Vị ấy xuất gia theo Giáo-pháp, nhưng lại từ bỏ các hạnh tri túc và những đức hạnh khác nên trở thành tham lam. Ðầu mùa mưa, ông đến ở thử hai ba tinh xá, để lại một cái dù hay chiếc hài ở một tinh xá, và một chiếc gậy hay bình nước ở một tinh xá khác, rồi chính ông đến an cư ở một tinh xá khác nữa. Ông bắt đầu trú mưa tại một tinh xá ở thôn quê và bảo:
– Chư Tỷ-kheo phải sống tri túc.
Rồi cố ra vẻ như đang làm cho mặt trăng xuất hiện trên trời, ông giải thích pháp môn đưa đến hạnh tri túc, tán thán đời sống tri túc với các nhu cầu tối thiểu. Nghe lời ông, Tăng chúng ném bỏ mọi y bát tốt đẹp, mang bát đất phấn tảo y (y bằng giẻ rách), ông liền đem các thứ kia về tư thất của mình. Khi mùa mưa và lễ Tự tứ (Pavàranà) đã xong, ông chất đầy một xe chở đến Kỳ Viên.
Trên đường đi, dừng lại phía sau một tinh xá trong rừng, ông lấy dây leo quấn hai chân và nói:
– Chắc chắn có thể kiếm được vài thứ ở đây.
Rồi ông đi vào tinh xá. Có hai Tỷ-kheo già đã an cư mùa mưa ở đó, họ kiếm được hai tấm y vải thô và một chiếc mền lông mịn, rồi chẳng biết phải chia chúng ra sao, họ hoan hỷ khi thấy ông đến, nghĩ thầm: “Trưởng lão này sẽ chia các vật dụng cho hai ta”, liền nói:
– Này Hiền giả, chúng tôi không thể chia các y phục dùng cho mùa mưa này được, chúng tôi có bàn cãi về việc này, xin Hiền giả chia dùm chúng tôi.
Vị ấy bằng lòng, chia hai tấm y vải thô cho họ, còn ông lấy cái mền, và bảo họ:
– Vật này dành cho tôi là người biết Giới luật.
Rồi ông bỏ đi. Hai Trưởng lão này thích chiếc mền, liền cùng đi với ông đến Kỳ Viên và kể câu chuyện với chư Tăng hiểu biết luật, rồi hỏi:
– Có đúng là những vị biết Giới luật lại cướp bóc tài sản như vậy chăng?
Tăng chúng thấy đống y bát do Tỷ-kheo Upananda đem đến, liền hỏi:
– Này Hiền giả, Hiền giả thật có đại phước đức, Hiền giả đã tạo được nhiều thực phẩm và y phục thế kia!
Ông đáp:
– Này các Hiền giả, tôi có phước đức gì đâu? Tôi chỉ lấy được các thứ này theo cách như vầy như vầy.
Rồi ông đem mọi chuyện kể ra hết cho mọi người nghe.
Tại Chánh pháp đường, Tăng chúng nêu vấn đề thảo luận, bảo nhau:
– Này các Hiền giả, Tỷ-kheo Upananda thuộc bộ tộc Thích-ca, rất tham lam tài vật.
Bậc Ðạo Sư thấy đề tài của các vị, liền bảo:
– Này các Tỷ-kheo, hành vi của Upannanda không phù hợp để tinh tấn. Khi một Tỷ-kheo giảng giải hạnh tinh tấn cho người khác thì trước tiên thì tự mình phải cho phù hợp rồi mới giáo giới người khác.
Giữ mình đúng mực trước tiên,
Rồi sau thuyết giảng, bậc hiền vị tha.
Bằng cách ngâm vần kệ Pháp cú này, Ngài giải bày Giáo pháp và nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải Upananda chỉ tham lam lần đầu, mà xưa kia kẻ ấy cũng đã cướp bóc tài vật của loài khác nữa.
Rồi ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa. khi vua Brahamdatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát làm một Thần cây bên bờ sông. Một con chó rừng tên Màyàvì, đã có vợ và sống một nơi gần bờ sông. Một ngày kia, vợ nó bảo chồng:
– Này chàng, thiếp có một niềm ao ước, thiếp muốn ăn cá hồng rohita tươi.
Chó rừng đáp:
– Cứ yên lòng, ta sẽ đem cá tươi về cho nàng.
Rồi nó ra phía con sông, quấn chân bằng dây leo đi dọc theo bờ. Lúc ấy có hai con rái cá tên Gambhìracàri và Anutìracàri đang đứng trên bờ rình bắt cá. Gambhìracàri chợt thấy một con cá hồng rohita lớn, liền nhảy xuống nước chụp lấy đuôi cá. Con cá quá mạnh vùng ra được lôi theo rái cá. Nó liền gọi bạn:
– Con cá này to lắm, vừa đủ cho hai ta.
Rồi nó ngâm vần kệ đầu:
Nghe vầy, con kia ngâm vần kệ thứ hai:
Sau đó cả hai rái cá kéo con cá hồng rohita đặt xuống đất và cắn nó chết xong, lại bảo nhau:
– Bạn chia cá ra nào.
Rồi chúng cãi nhau nhưng không chia cá được phải ngồi xuống, và để cá nằm đó. Lúc ấy chó rừng vừa bước tới chỗ ấy. Thấy chó, cả hai đều chào rất lễ phép và nói:
– Thưa Tôn ông có lông màu cỏ xám, con cá này do hai chúng tôi bắt được, rồi sinh chuyện cãi nhau vì chúng tôi không biết cách chia cá. Xin Tôn ông chia cá đều hai phần dùm cho.
Rồi chúng ngâm vần kệ thứ ba:
Chó rừng nghe vậy, liền tự xưng anh hùng qua vần kệ:
Ngâm vần kệ xong, chó chia cá và ngâm thêm vần kệ này:
Như vậy, sau khi chia cá xong, chó rừng bảo:
– Các ông ăn đầu đuôi cá chứ đừng cãi nhau nữa.
Rồi ngậm khúc giữa vào mồm, nó chạy bay trước mắt cặp rái cá. Chúng ngồi ủ rũ, như thể vừa mất cả ngàn đồng tiền, rồi ngâm vần kệ thứ sáu:
Chó rừng rất hài lòng, nghĩ thầm: “Nay ta đem cá hồng rohita về cho vợ ta”, rồi nó đi tìm vợ. Chó cái thấy nó đến, liền đon đả chào mừng và ngâm vần kệ:
Rồi nó hỏi chó rừng cách nào kiếm được mồi ngon qua vần kệ:
Chó rừng ngâm vần kệ giải thích phương cách ấy cho vợ nghe:
*
Và một vần kệ khác nữa xuất phát từ Trí tuệ Tối thắng của đức Phật:
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các sự thật và nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, chó rừng là Upananda, hai con rái cá là hai người kia, và Thần cây chứng kiến câu chuyện chính là Ta.
-ooOoo-
Bảo kiếm Da-san thích máu hồng…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về âm mưu quyến rủ một Tỷ-kheo do người vợ cũ gây ra.
Tỷ-kheo ấy thú nhận đã thối thất vì lý do này. Bậc Ðạo Sư bảo:
– Nữ nhân ấy đã làm hại ông. Thời xưa ông cũng đã suýt chết vì tương tư kẻ ấy. Về sau nhờ các bậc trí ông được cứu sống lại.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi Ðại vương Maddava trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm con một gia đình Bà-la-môn. Cha mẹ đặt tên ngài là nam tử Senaka. Khi lớn lên, ngài đi học mọi nghệ thuật tại Takkasilà, và khi về Ba-la-nại Ngài trở thành quốc sư của vua Maddava về thế sự cũng như thánh sự. Ngài được danh hiệu bậc Hiền trí Senaka và được cả kinh thành sùng kính như mặt trăng, mặt trời.
Thời ấy con trai của vị tế sư hoàng gia đến yết kiến vua, thấy bà chánh hậu trang điểm ngọc vàng cực kỳ diễm lệ, đâm ra si tình, khi về nhà chẳng chịu ăn uống gì cả, cứ nằm dài ra. Bạn hữu liền hỏi thăm và chàng trai kể hết mọi chuyện. Vua hỏi:
– Con trai của vị tế sư hoàng gia không đến, việc này là thế nào?
Khi nghe duyên cớ, vua cho gọi chàng trai vào và bảo:
– Trẫm trao hoàng hậu cho cậu trong bảy ngày, cứ ở nhà cậu bảy ngày ấy xong, qua ngày thứ tám, cậu trả lại nàng cho ta.
– Thế thì tốt lắm, tâu Ðại vương.
Chàng trai đáp rồi đem hoàng hậu về nhà thọ hưởng lạc thú với nàng. Hai người đâm ra say mê nhau, và bí mật trốn khỏi nhà chạy sang một xứ khác, không ai biết họ đi đâu và đường đi của họ chẳng khác nào đường của con tàu trên biển cả.
Vua truyền đánh trống thông báo khắp kinh thành, nhưng dù đã tìm mọi nơi, họ vẫn không thấy nàng đã đến đâu cả. Sau đó nỗi đau buồn khủng khiếp vì thiếu nàng xâm chiếm trọn tâm can vua. Tim ông bừng nóng rực và trào máu ra ngoài! Tiếp theo đó, máu từ ruột gan chảy ra khiến bệnh trầm trọng thêm. Các ngự y tài danh đều không thể chữa trị được đành bó tay.
Bồ-tát suy nghĩ: “Bệnh này không phải do nội thân vua, mà do vua mắc tương tư vì không thấy hoàng hậu. Ta thử dùng vài phương cách chữa trị xem sao. “Ngài liền gọi hai quốc sư hiền trí của vua là Àyura và Pukkusa vào bảo:
– Ðức vua không có bệnh gì, ngoại trừ tâm bệnh chỉ vì ngài không thấy hoàng hậu đó thôi. Giờ đây ngài là bậc cứu hộ cao cả đối với thần dân. Ta quyết tìm mọi cách trị bệnh ngài. Ta muốn triệu tập một đám quần chúng vào sân chầu và bảo một người biết xảo thuật nuốt lưỡi kiếm sắc biểu diễn việc này. Ta sẽ đưa Hoàng thượng ra cửa sổ nhìn xuống đám đông. Ngài sẽ nhìn người nuốt lưỡi kiếm và hỏi: “Có việc gì khó hơn thế chăng?”. Lúc ấy, này Tôn giả Àyura, xin hãy đáp: “Nói: Ta sẽ từ bỏ vật này vật kia, còn khó hơn nữa”. Sau đó ngài sẽ hỏi Tôn giả Pukkusa, và Tôn giả cần phải trả lời: Tâu Ðại vương, nếu một người nói: “Ta từ bỏ vật này vật kia”, rồi lại không bỏ nó được, thì lời nói đó sẽ vô ích thôi. Không ai sống hay uống ăn bằng những lời như vậy, nhưng người nào hành động theo lời nói và đem cho một vật đúng theo lời hứa thì chính họ làm được một việc khó hơn việc kia nữa đấy”. Sau đó ta sẽ tìm cách tiến hành mọi sự tiếp theo.
Thế là ngài bảo tập họp một đám đông. Rồi ba bậc trí nhân ấy vào trình vua:
– Tâu Ðại vương, có đám đông trong sân chầu. Nếu ai nhìn xuống đó đổi sầu làm vui. Vậy xin Ðại vương hãy cùng chúng thần đến đó xem sao.
Ba vị rước vua đến hé mở cửa sổ cho vua nhìn thấy đám đông. Nhiều người lần lượt biểu diễn các xảo thuật mà mình biết. Sau cùng có một người nuốt lưỡi kiếm sắc cạnh dài ba mươi ba phân (33 phân Anh: khoảng 80 cm).
Vua thấy vậy suy nghĩ: “Người này đang nuốt lưỡi kiếm, ta muốn hỏi các bậc trí nhân này xem có việc gì khó hơn không?”
Rồi vua ngâm vần kệ đầu hỏi Àyura:
Khi vua nghe lời Àyura, ông liền suy nghĩ: “Thế thì bảo: “Ta cho vật này” còn khó hơn nuốt thanh kiếm. Vậy ta đã nói: “Ta ban hoàng hậu cho con trai tế sư”, tức là ta đã làm một việc rất khó”. Nhờ thế nỗi đau buồn trong tâm vua lắng dịu được một chút. Rồi suy nghĩ: “Có gì khó hơn nói: “Ta cho người khác vật này” chăng?”, ông lại ngâm vần kệ thứ ba nói chuyện với Trí giả Pukkusa:
Trí giả Pukkusa ngâm vần kệ thứ tư đáp lại:
Vua nghe vầy, suy nghĩ: “Trước tiên ta nói: “Ta sẽ đem hoàng hậu ban cho con trai tế sư”, rồi ta đã làm theo lời hứa và đem cho nàng. Hiển nhiên ta đã làm một việc rất khó”. Do vậy, nỗi sầu của vua giảm bớt phần nào. Rồi ông chợt nghĩ: “Không có ai thông thái hơn Trí giả Senaka. Ta muốn hỏi vị ấy câu này”.
Ông liền ngâm vần kệ thứ năm hỏi ngài:
Senaka ngâm vần kệ thứ sáu đáp lời vua:
Vua nghe lời Bồ-tát, lại suy nghĩ: “Ta đã đem hoàng hậu ban cho con trai tế sư do ta tự nguyện, nay ta lại không kiềm nỗi ưu tư, ta sinh phiền não, héo mòn: thật không xứng đáng với ta. Nếu nàng thương yêu ta thì nàng đã không bỏ vương quốc mà chạy trốn như vậy. Ta còn phải liên hệ gì với nàng đã không yêu thương ta và bỏ trốn đi?”.
Trong lúc vua suy nghĩ như vậy, mọi sầu não đều rơi rụng hết như giọt nước đổ trên lá sen, lập tức tâm vua được bình an. Ông hồi phục sức khỏe và an lạc ngâm vần kệ cuối cùng tán thán Bồ-tát:
Sau khi tán thán, vua hoan hỷ ban thưởng ngài nhiều vàng bạc châu báu.
*
Khi pháp thoại chấm dứt, Bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các sự thật. Khi các sự thật kết thúc, vị Tỷ-kheo thối thất đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, hoàng hậu là người vợ cũ, vua là là Tỷ-kheo thối thất, Àyura là Moggallàna, Pukkusa là Sàriputta và Hiền giả Senaka chính là Ta.
-ooOoo-
Tâm tư lão rối loạn, ưu phiền…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về sự Viên mãn của Trí tuệ Tối thắng. Hoàn cảnh chuyện này sẽ xuất hiện trong tiền thân Mahà-Ummagga, số 546.
*
Ngày xưa có vị vua tên là Janaka trị vì ở Ba-la-nại. Thời ấy Bồ-tát được sinh vào một gia đình Bà-la-môn, cha mẹ đặt tên ngài là nam tử Senaka. Khi lớn lên, ngài theo học các nghệ thuật tại Takkasilà rồi trở về Ba-la-nại yết kiến vua. Vua phong cho ngài chức vụ đại thần và ban cho ngài đại vinh hiển.
Ngài dạy vua về thế sự lẫn thánh sự. Là người thuyết Pháp khả ái, ngài an trú vua vào Ngũ giới, bố thí và hành trì trai giới và Thập thiện đạo, như vậy tức là an trú vua vào chánh hạnh. Toàn quốc độ được ở cảnh như thời có chư Phật xuất hiện. Vào các ngày trai giới nửa tháng một lần, nhà vua, các phó vương, cận thần đều tụ tập và trang hoàng phòng họp.
Bồ-tát thuyết Pháp trong một giảng đường tôn nghiêm trên bảo tọa bọc da nai, với uy lực của một vị Phật, lời ngài dạy chẳng khác gì lời dạy của chư Phật.
Thời ấy có một Bà-la-môn già nua, xin tiền bố thí được một ngàn đồng, để dành trong một giađình Bà-la-môn, rồi lại làm hành khất thêm nữa. Khi ông ra đi, gia đình nọ tiêu hết cả tiền. Sau đó ông trở lại đòi số tiền. Vì gia chủ không có tiền trả, nên gả con gái cho ông làm vợ. Vị Bà-la-môn già đem nàng về cư ngụ trong một làng Bà-la-môn không xa Ba-la-nại. Vì cô vợ còn trẻ nên không thỏa mãn- tham dục và phạm tà hạnh với một Bà-la-môn trẻ.
Ở đời có mười sáu việc không thể nào thỏa mãn. Ðó là mười sáu việc gì? – Biển không thỏa mãn với các dòng sông, lửa không thỏa mãn với nhiên liệu, vua không thỏa mãn với quốc độ, kẻ ngu không thỏa mãn với ác nghiệp, nữ nhân không thỏa mãn với ba việc ân ái, nữ trang và sinh con, Bà-la-môn không thỏa mãn với thánh kinh, bậc trí không thỏa mãn với Thiền định, bậc hữu học không thỏa mãn với danh vọng, người ly tham không thỏa mãn với khổ hạnh, người tinh tấn không thỏa mãn với nỗ lực, người hay nói không thỏa mãn với chuyện trò, nhà chính trị không thỏa mãn với hội nghị, người mộ đạo không thỏa mãn với việc phục vụ Giáo hội, người thích bố thí không thỏa mãn với việc bố thí, người đa văn không thỏa mãn với việc nghe Pháp, tứ chúng không thỏa mãn với việc yết kiến đức Phật.
Vì thế nữ nhân Bà-la-môn này không thỏa mãn việc ân ái, muốn đẩy chồng đi xa và phạm tà dục một cách táo bạo. Một ngày kia, cô ả nằm dài theo gian kế đã dự trù. Khi ông chồng hỏi:
– Nàng ơi, nàng làm sao thế?
Cô ả đáp:
– Chàng Bà-la-môn ơi, thiếp không thể làm việc nhà chàng được nữa, phải kiếm một nữ tỳ.
– Nàng ơi, ta không có tiền, vậy ta sẽ lấy gì để mua nữ tỳ chứ?
– Chàng hãy làm hành khất kiếm tiền mà thuê nữ tỳ.
– Thế nàng hãy sắp đặt vài vật để ta lên đường.
Cô ả đặt vào túi da đủ các thứ bột bánh đã nướng và chưa nướng xong trao cho lão. Lão Bà-la-môn đi qua mọi thôn làng thành thị, kiếm được bảy trăm đồng, nghĩ thầm: “Số tiền này đủ để mua gia nô nữ tỳ rồi”, lão liền trở về làng.
Ðến một địa điểm thuận tiện, để uống nước, lão mở túi xách ăn một ít bánh nướng, rồi đi uống nước mà không buộc miệng túi. Lúc ấy một con rắn hổ trong thân cây rỗng, ngửi mùi bánh bò vào túi nằm cuộn tròn ăn bánh. Lão trở lại, không nhìn vào túi, cứ buộc túi lại và vác lên vai ra đi.
Lúc ấy một vị Thần cây ngồi trên bộng thân cây ấy đến bảo cho lão biết trên đường đi:
– Này Bà-la-môn, nếu lão dừng lại trên đường, lão sẽ chết; còn nếu lão về nhà thì vợ lão sẽ chếtđấy.
Xong vị thần biến mất. Lão nhìn quanh, không thấy vị thần nên lòng kinh hoảng vì sợ chết, vừa đi đến cổng thành Ba-la-nại vừa khóc than.
Hôm ấy vào ngày rằm trai giới, ngày Bồ-tát thuyết Pháp, đang ngồi trên bảo tọa trang nghiêm và một đám đông đem hương hoa đủ loại đến từng đoàn nghe thuyết Pháp. Lão Bà-la-môn hỏi:
– Các người đi đâu thế?
Họ đáp:
– Này lão Bà-la-môn, hôm nay bậc Trí giả Senaka thuyết Pháp với giọng êm dịu và oai lực của một vị Phật. Lão không biết ư?
Lão suy nghĩ: “Họ bảo ngài là một bậc thuyết Pháp hiền trí, còn ta đang lo âu sợ chết, các bậc trí có khả năng diệt trừ các đại phiền não, vậy ta nên đến đó nghe Pháp”.
Vì thế lão cùng đi với họ; khi quần chúng và vua đã ngồi chung quanh Bồ-tát, lão đứng bên ngoài, không xa pháp tọa, với túi thức ăn trên vai và lòng sợ chết. Bồ-tát thuyết giảng chẳng khác nào ngài đang đưa cả dải thiên hà xuống trần giới hay đổ trận mưa đầy thực phẩm thiên giới cho đời.
Quần chúng vô cùng hoan hỷ tán thưởng, lắng tai nghe Pháp. Các bậc trí thường nhìn xa thấy rộng. Vào lúc ấy Bồ-tát mở đôi mắt có đủ năm vẻ đẹp nhìn khắp Hội chúng, thấy vị Bà-la-môn, liền nghĩ: “Cả Hội chúng đông đảo này tràn ngập hân hoan nghe Pháp và tán thưởng, chỉ trừ một Bà-la-môn ủ rũ khóc lóc. Chắc hẳn phải có nỗi sầu tư nào trong lòng khiến lão tuôn lệ. Cũng giống như tẩy rỉ sét với chất chua, hay làm một giọt nước rơi khỏi lá sen, ta sẽ thuyết Pháp cho lão giải sầu và an vui tâm trí”. Vì thế ngài gọi lão:
– Này lão Bà-la-môn, ta là trí giả Senaka, nay ta muốn giải mối sầu cho lão, hãy bạo dạn nói ra đi.
Ngài ngâm vần kệ đầu hỏi lão:
Sau đó, Bà-la-môn ngâm vần kệ bày tỏ duyên cớ nỗi sầu:
Nghe vị Bà-la-môn nói, Bồ-tát bủa giăng tấm lưới tri kiến như ném lưới vào biển cả, và suy nghĩ: “Có nhiều nguyên nhân gây tử vong ở đời này: một số chết chìm ngoài biển, hoặc bị loài cá dữ ăn thịt, một số rơi xuống sông Hằng, hay bị cá sấu vồ, một số khác rơi từ cây xuống hay bị gai nhọn đâm, một số bị khí giới loại đánh vào người, một số khác ăn nhằm chất độc, bị treo cổ hay rớt xuống vực sâu, chết cóng vì giá buốt, hay các loại bệnh tấn công. Nay giữa mọi duyên cớ ấy, lão Bà-la-môn này phải chết vì cớ nào nếu lão ở nán lại trên đường đi hôm nay, hoặc vợ lão phải chết nếu lão về nhà?”.
Trong lúc suy xét, ngài thấy cái túi trên vai lão và nghĩ: “Chắc hẳn có con rắn chui vào túi, có lẽ vì nó đã nghe mùi bánh khi lão ăn sáng và đi uống nước mà quên buộc miệng túi xách. Sau khi uống nước xong, lão Bà-la-môn trở lại và có lẽ đã tiếp tục lên đường sau khi buộc túi và cầm túi lên mà không thấy con rắn bò vào. Nếu lão ở nán lại trên đường, đến tối lão sẽ tự nhủ lúc dừng chân: “Ta muốn ăn bánh”. Rồi mở túi ra, lão sẽ đặt tay vào, con rắn sẽ cắn tay lão gây tử vong. Ðây chính là nguyên nhân lão sẽ chết nếu ở lại trên đường. Nhưng nếu lão về nhà, túi ấy sẽ đến tay vợ lão, bà ta sẽ nói: “Ta muốn xem đồ đạc bên trong”, rồi bà ta mở túi ra và đặt tay vào, con rắn sẽ cắn bà ta bỏ mạng. Ðây chính là nguyên nhân vợ lão chết nếu lão về nhà hôm nay”. Ngài biết được điều này do trí của ngài tinh xảo về mọi phương tiện.
Lúc ấy ngài lại suy nghĩ: “Ðây chắc hẳn là con rắn hổ đen, táo bạo, không hề biết sợ, nên khi cái túi da đập vào sườn lão Bà-la-môn, nó chẳng nhúc nhích hay run rẩy gì cả. Nó cũng không tỏ dấu hiệu là nó đang có mặt tại Hội chúng đông đảo này, do đó nó phải là con rắn hổ đen bạo dạn, không biết sợ”.
Từ tri kiến tinh xảo các phương tiện, ngài biết điều này như thể ngài chứng kiến với thiên nhãn. Như vậy Ngài chẳng khác nào một người đứng gần đó nhìn con rắn bò vào túi, rồi quyết định sự việc bằng trí kiến tinh xảo của ngài. Bồ-tát ngâm vần kệ thứ ba đáp câu hỏi của vị Bà-la-môn ngay giữa hội chúng triều đình:
Nói vậy xong, Ngài hỏi:
– Này lão Bà-la-môn, có thứ bánh nào trong túi xách của lão chăng?
– Thưa Trí giả, có.
– Thế lão có ăn bánh lúc điểm tâm sáng nay chăng?
– Thưa Trí giả, có.
– Thế lão đã ngồi đâu?
– Ở trong rừng, dưới một gốc cây.
– Thế khi lão ăn bánh xong và đi uống nước, lão có buộc miệng túi lại hay không?
– Thưa Trí giả, tôi không buộc.
– Khi lão đã uống nước và trở về, lão có buộc miệng túi sau khi nhìn vào trong không?
– Thưa Trí giả, tôi buộc miệng túi mà không nhìn vào trong.
– Này lão Bà-la-môn, khi lão đi uống nước, ta chắc là con rắn đã lẻn vào túi do ngửi mùi bánh mà lão không biết: đấy là trường hợp này. Vậy lão mau đặt túi xuống, để ngay giữa Hội chúng và mở miệng túi ra. Lấy gậy đập vào túi, rồi lão sẽ thấy con rắn hổ đen bò ra với chiếc mào giương rộng và rít lên. Lão sẽ hết hồ nghi. Ngài lại ngâm vần kệ thứ tư:
Vị Bà-la-môn làm theo lời Bồ-tát bảo, mặc dù lão hết sức kinh hoàng chấn động. Con rắn bò ra khỏi túi khi đầu nó bị chiếc gậy đánh trúng, và nó dừng lại nhìn mọi người.
*
Bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ thứ năm giải thích vấn đề:
Khi con rắn bò ra với chiếc mồng giương cao, đó là điềm báo hiệu Bồ-tát sẽ là vị Phật Chánh Ðẳng Giác. Ðám đông bắt đầu vẫy khăn và búng tay hàng ngàn người, bảy báu vật được ném tung ra như thể mưa rào, hàng ngàn tiếng hô: “Tốt lành thay!” vang dậy, ồn ào như đất lỡ.
Lời giải đáp một câu hỏi như vậy do uy lực của một bậc Giác Ngộ chứ không phải nhờ nguồn gốc sinh trưởng, cũng không phải uy lực của người giàu sang danh vọng. Vậy đó là uy lực gì?- Chính là uy lực của tri kiến. Người có tri kiến làm trí tuệ tăng trưởng, mở rộng cánh cửa đi vào các Thánh đạo, chứng đắc Niết-bàn bất tử tối thượng và thành tựu viên mãn các quả vị Thanh văn,Ðộc giác và Chánh Ðẳng Giác: Tri kiến là điều tối thắng giữa các đức tính đưa đến Niết-bàn bất tử tối thượng. Mọi thành phần khác đều là phụ thuộc.
Do vậy có câu tục ngữ:
*
Khi câu hỏi đã được Bồ-tát giải đáp xong, một người nhử rắn làm một chiếc khăn bịt miệng rắn rồi đến chụp lấy nó và đem thả vào rừng.
Vị Bà-la-môn đi đến yết kiến vua, kính chào xong, lại ngâm nửa vần kệ tán tụng vua:
Sau khi ca tụng vua, lão cầm bảy trăm đồng tiền trong túi ra, vừa tán thán Bồ-tát, vừa ngâm một vần kệ rưởi bày tỏ ước muốn bố thí trong niềm hoan hỷ:
Trí ngài đáng sợ, hồ nghi biến,
Trước mắt ngài nhìn thấu suốt ngay.
Nghe vầy, Bồ-tát ngâm vần kệ thứ chín:
Nói vậy xong, Bồ-tát đưa trọn số tiền trả lại vị Bà-la-môn và hỏi:
– Ai bảo lão đi kiếm số tiền này?
– Thưa Trí giả, chính tiện nội.
– Thế hiền nội già hay trẻ?
– Thưa Trí giả, tiện nội còn trẻ.
– Thế thì cô ả đang phạm tà hạnh với kẻ khác, nên đã bảo lão đi xa vì nghĩ cần phải hành động như thế cho an toàn. Nếu lão đem số tiền này về nhà, cô ả sẽ đem cho tình nhân số tiền do lão khổ công kiếm được. Vậy lão không nên về nhà ngay, mà phải để số tiền ngoài thành phố, dưới gốc cây đâu đó.
Nói xong ngài bảo lão ra đi.
Khi lão đến gần làng, lão chôn tiền vào một gốc cây, và về đến nhà lúc chiều tối. Lúc ấy vợ lão đang ngồi với tình nhân. Vị Bà-la-môn đứng ở cửa gọi to:
– Nàng ôi!.
Cô ả nhận ra tiếng lão, vội tắt đèn và ra mở cửa. Khi lão đã vào trong, cô ả dẫn kẻ kia ra cửa, rồi trở vào nhà, chẳng thấy món gì trong túi, liền hỏi:
– Này chàng Bà-la-môn, chàng kiếm được của bố thí gì trên đường đi thế?
– Một ngàn đồng tiền.
– Thế tiền đâu rồi?
– Nó được chôn ở chốn nọ, nhưng đừng lo, ngày mai ta sẽ đi lấy nó.
Cô ả liền đi báo cho tình nhân biết. Hắn đến đó lấy tiền ngay như thể tài sản của hắn vậy. Hôm sau, vị Bà-la-môn đến nhưng không thấy tiền đâu, liền đi tìm Bồ-tát, ngài hỏi:
– Này lão Bà-la-môn, có việc gì thế?
– Thưa Trí giả, tôi không thấy tiền đâu cả.
– Thế lão có nói cho vợ biết chăng?
– Thưa Trí giả, có.
Biết là cô vợ đã báo cho tình nhân rõ, Bồ-tát bảo:
– Này lão Bà-la-môn, thế có vị Bà-la-môn nào là bạn của vợ lão không?
– Thưa Trí giả, có.
Lúc ấy bậc Ðại Sĩ truyền người đem đến một số tiền đủ chi phí trong bảy ngày để cho lão và dặn:
– Hãy ra về, và hai vợ chồng lão hãy đãi tiệc mời mười bốn vị Bà-la-môn đầu tiên, gồm bảy người bạn lão và bảy người bạn của vợ lão. Rồi từ đó về sau cứ mỗi ngày bớt một vị khách cho đến ngày thứ bảy, lão chỉ mời một Bà-la-môn và vợ lão mời một. Khi ấy nếu lão thấy vị Bà-la-môn được vợ lão mời vào ngày thứ bảy ấy đã đến các lần trước, thì hãy báo cho ta.
Lão Bà-la-môn làm theo lời ngài, rồi đến trình Bồ-tát:
– Thưa Trí giả, tôi đã nhận thấy vị Bà-la-môn luôn luôn đến làm thực khách của nhà tôi.
Bồ-tát sai người đi theo lão, đem vị Bà-la-môn ấy đến và hỏi:
– Có phải anh lấy một ngàn đồng tiền của lão này dấu ở dưới gốc cây nọ chăng?
– Thưa Trí giả, tôi không lấy.
– Thế anh biết ta là Trí giả Senaka ư? Ta muốn bảo anh đem số tiền ấy về đây.
Hắn sợ hãi thú nhận:
– Tôi đã lấy số tiền ấy.
– Thế anh đã làm gì?
– Thưa Trí giả, tôi cất ở chỗ nọ.
Bồ-tát lại hỏi vị Bà-la-môn già kia:
– Này lão Bà-la-môn, lão muốn giữ vợ lại hay lấy vợ khác?
– Thưa Trí giả, cho lão được phép giữ vợ lại.
Bồ-tát sai người đi lấy số tiền và đem cô vợ lão đến, trao số tiền từ tay kẻ trộm ấy lại cho lão Bà-la-môn, rồi ngài trừng phạt kẻ trộm, đuổi hắn ra khỏi tỉnh và trừng phạt luôn cô vợ. Về sau ngài ban lão Bà-la-môn đại vinh dự bằng cách cho phép lão sống ở gần ngài.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, nhiều Tỷ-kheo đạt Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy vị Bà-la-môn là Ànanda, vị Thần cây là Sàriputta, hội chúng là Tăng chúng của đức Phật và Trí giả Senaka chính là Ta.
-ooOoo-
At-thi, lắm kẻ đến mong cầu…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại đền Aggàlava gần Àlavi, về các điều lệ xây tịnh thất.
Hoàn cảnh đã được nêu trong tiền thân Manikantha số 253. Bậc Ðạo Sư bảo Tăng chúng:
– Này các Tỷ-kheo, ngày xưa trước khi đức Phật ra đời, các ẩn sĩ ngoại đạo dù được vua ban đặc ân, cũng không bao giờ cầu xin điều gì cả, vì thấy rằng cầu xin kẻ khác không đem lại an lạc thư thái.
Nói vậy xong Ngài kể câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình Bà-la-môn và được đặt tên là Nam tử Atthisena. Khi lớn lên, ngài học các nghệ thuật ở Takkasilà, và về sau, nhận thấy nỗi đau khổ của tham dục, ngài xuất gia tu tập và thành đạt các Thắng trí cùng các Thiền chứng, ngài sống ở vùng Tuyết Sơn. Sau đó xuống vùng dân cư tìm muối và dấm, ngài đến Ba-la-nại. Sau khi ở trong một lâm viên, hôm sau ngài đi khất thực tại cung đình.
Vua hài lòng trước phong cách oai nghi của ngài, liền cho người mời ngài vào, đặt ngài ngồi lên sàng tọa trên sân thượng và cúng dường thực phẩm. Khi ngài nói lời tùy hỷ công đức, vua rất hân hoan, và nhận được lời ngài hứa hẹn cư ngụ trong ngự viên, vua đến tham kiến Bồ-tát mỗi ngày hai ba lần. Một hôm vua hoan hỷ nghe ngài thuyết Pháp xong, liền ban cho ngài một điều ước:
– Xin ngài hãy nói cho trẫm biết bất cứ điều gì ngài ước nguyện, từ quốc độ của trẫm trở xuống.
Bồ-tát không đáp: “Hãy cho ta vật này vật nọ”, nhiều kẻ khác đòi hỏi những vật nào họ mong ước, thường bảo: “Cho tôi vật này”, và vua ban vật đó, nếu không ham thích nó nữa.
Một hôm vua suy nghĩ: “Nhiều người mong cầu đặc ân hoặc các khất sĩ thường xin ta vật này vật nọ, nhưng Hiền giả Atthisena cao quý này, từ khi ta ban điều ước, vẫn không xin gì cả. Ngài thật là bậc có trí tuệ và thiện xảo các phương tiện. Ta muốn hỏi ngài”.
Thế rồi, một hôm sau buổi điểm tâm, nhà vua ngồi một bên, hỏi ngài lý do vì sao nhiều người khác cầu xin ân huệ còn ngài thì không, và vua ngâm vần kệ đầu:
Nghe vầy, Bồ-tát ngâm vần kệ thứ hai:
Nghe lời ngài, vua ngâm tiếp ba vần kệ nữa:
Như vậy, dù được ban tặng cả vương quốc, Bồ-tát cũng không cầu mong gì. Khi nguyện vọng của nhà vua đã được phát biểu như vậy, Bồ-tát liền bày tỏ đường lối của ẩn sĩ:
– Thưa Ðại vương, người thế tục và gia chủ thường thích thỉnh nguyện, chứ không phải người xuất thế, vì từ khi phát nguyện xuất gia, ẩn sĩ phải sống đời thanh tịnh khác với gia chủ. Rồi ngài ngâm vần kệ thứ sáu bày tỏ nếp sống ẩn sĩ:
Vua nghe lời Bồ-tát liền nói:
– Bạch Tôn giả, nếu một người phục vụ có trí tự nguyện cống hiến thân hữu mình những gì cần được cống hiến, thì trẫm xin tặng Tôn giả những vật như vầy:
Khi vua nói vậy, Bồ-tát từ chối, bảo:
– Thưa Ðại vương, ta đã sống đời tu tập xa lìa cấu uế, ta không cần đàn bò.
Vua tuân thủ lời khuyến giáo của ngài, chuyên tâm bố thí và làm nhiều thiện sự khác nên được sinh lên thiên giới.
Còn Bồ-tát không hề gián đoạn Thiền định, nên tái sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, nhiều Tỷ-kheo được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, vua là Ánanda và Atthisena chính là Ta.
-ooOoo-
Người trí không nên ở chốn nào…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) bị quả đất nuốt sống.
Thấy Tăng chúng đang bàn luận việc này tại Chánh pháp đường. Ngài bảo:
– Ðây không phải lần đầu Devadatta và hội chúng của kẻ ấy bị tiêu diệt, mà xưa kia cũng vậy.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát nhập thai vào loài khỉ sống trong ngự viên cùng cả đàn tùy tùng năm trăm con khỉ. Devadatta cũng được sinh làm khỉ, cùng sống tại đó với một bầy năm trăm khỉ khác.
Một hôm vị tế sư của nhà vua đi ra vườn tắm rửa, trang hoàng thân thể xong, một con khỉ tinh nghịch leo lên ngồi trên cổng vòng cung của ngự viên, thả cục phân rơi trên đầu vị ấy lúc ông đi qua cổng. Khi tế sư nhìn lên, nó lại thả thêm một cục phân vào miệng ông. Vị tế sư quay lại, hăm dọa bầy khỉ:
– Ðược lắm, ta sẽ biết cách trừng trị bây.
Rồi ông lại tắm rửa và ra về.
Bầy khỉ trình lại với Bồ-tát rằng vị tế sư giận và hăm dọa chúng như vậy.
Ngài thông báo cho cả bầy ngàn con khỉ:
– Ở gần nơi cư trú của kẻ sân hận là không an toàn, vậy cả đàn khỉ nên chạy trốn đi nơi khác.
Một con khỉ không vâng lệnh, giữ bầy khỉ của nó lại, không chạy trốn và bảo:
– Ta sẽ xét lại việc ấy sau.
Bồ-tát đem bầy khỉ đi vào rừng.
Một hôm, có một nữ tỳ giã gạo và phơi nắng một ít gạo, một con dê đến ăn gạo đã bị một câyđuốc đập vào mình, nó chạy trốn, mình cháy đỏ rực, vội chà mình vào vách lều cỏ gần chuồng voi. Ngọn lửa bắt vào lều cỏ lan qua chuồng voi, làm các lưng voi bị phỏng, các thú y được mời đến chăm sóc bầy voi.
Vị tế sư hoàng gia vẫn luôn tìm cơ hội bắt bầy khỉ. Lúc vị tế sư đang ngồi chầu nhà vua, nhà vua bảo:
– Này tế sư, nhiều con voi của ta bị thương và các thú y chuyên về voi lại không biết cách chữa trị, vậy khanh có biết chữa không?
– Tâu Ðại vương, thần biết.
– Cách gì thế?
– Tâu Ðại vương, mỡ khỉ.
– Làm sao có được thứ ấy?
– Có rất nhiều khỉ trong ngự viên.
Vua phán:
– Giết bầy khỉ để lấy mỡ.
Các xạ thủ đem cung tên đi giết cả năm trăm con khỉ. Một con khỉ già trốn thoát được dù nó bị thương do mũi tên, và chưa ngã ngay tại chỗ, nó chỉ ngã xuống khi đến nơi ở của Bồ-tát. Bầy khỉ bảo nhau:
– Nó đã chết khi vừa đến chỗ ở của ta.
Và chúng kể lại với Bồ-tát rằng con khỉ kia chết do vết thương ấy. Ngài bước ra ngồi giữa bầy khỉ, ngâm các vần kệ này để khuyến giáo chúng với lời khuyên của bậc trí, đó là: “Người nào ở gần kẻ thù đều phải chết như vậy”.
Như vậy Bồ-tát trở thành Hầu vương, và giảng giải đường lối học tập Giới luật.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân:
– Thời ấy con khỉ không tuân lệnh là Devadatta, bầy khỉ của nó là Hội chúng của Devadatta, và Hầu vương có trí là Ta.
-ooOoo-
Chúng tôi tất cả bảy mươi hai…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này khi trú tại Kỳ Viên về Phạm thiên Baka.
Một tà kiến sinh khởi trong tâm vị Phạm thiên này, đó là: “Cõi sinh hữu này là trường tồn, thường hằng, vĩnh cửu, bất biến; ngoài nơi này ra không có sự cứu độ hay giải thoát gì nữa…”.
Trong một đời trước, vị Phạm thiên này đã thực hành Thiền định, vì thế được tái sinh vào cõi trời Quảng Quả (Vehapphala). Sau khi đã trải qua đời sống ở đó trong năm trăm kiếp (Kappa), vị ấy tái sinh vào cõi trời Biến Tịnh (Subhakinna). Sau khi đã trải qua sáu mươi bốn kiếp tại đó, vị ấy mạng chung và tái sinh vào cõi trời Quang Âm (Àbhassara), nơi đời sống kéo dài trong tám kiếp. Và chính tại đó, tà kiến này khởi lên trong tâm vị ấy.
Vị Phạm thiên này quên rằng mình đã từng sống ở các cõi Phạm thiên giới cao hơn và đã tái sinh vào cảnh giới này. Do nhận thức các điều trên, vị ấy chấp thủ tà kiến. Bậc Ðạo Sư thấu hiểu các tư tưởng của vị ấy và thật dễ dàng như một lực sĩ duỗi cánh tay cho thẳng ra hay cong cánh tay trở lại, Ngài biến mất ở Kỳ Viên và xuất hiện ở Phạm thiên giới ấy. Vị Phạm thiên thấy ngài liền thưa:
– Thiện lai Thế Tôn, xin Thế Tôn đến đây. Bạch Thế Tôn, thế giới này là trường tồn, thường hằng, vĩnh cửu, tuyệt đối, bất biến; thế giới này không sinh, không già, không chết, không biến hoại, không tái sinh. Ngoài thế giới này, không có sự cứu độ nào cao hơn nữa.
Khi lời này được vị Phạm thiên Baka nói ra, Thế Tôn bảo:
– Phạm thiên Baka đã si mê, đã lầm lạc khi nói rằng một vật không thường hằng là thường hằng, một vật không vĩnh cửu là vĩnh cửu, cùng những điều tương tự, như ngoài thế giới này không có sự cứu độ nào cao hơn nữa trong khi vẫn có sự cứu độ khác.
Nghe lời này, vị Phạm thiên suy nghĩ: “Thế Tôn đang khuyến giáo ta khi nhận ra chính xác những lời ta nói”.
Rồi như một kẻ trộm rụt rè sau khi bị đấm vài cái, vị ấy đáp:
– Ðệ tử đâu phải là tên trộm duy nhất? Còn nhiều vị này vị nọ cũng đều là các tên trộm khác nữa.
Rồi vị ấy nêu tên các vị Thiên cùng một hội chúng; như vậy vị Phạm thiên lo sợ đức Phật chất vấn, nên đã ngâm vần kệ đầu tiên nói lên các vị Thiên cùng hội chúng của mình:
Nghe lời này, Bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ thứ hai:
Nghe vầy, Baka ngâm vần kệ thứ ba:
Sau đó đức Thế Tôn ngâm bốn vần kệ kể cho vị ấy nghe những chuyện quá khứ:
Khi nghe các nghiệp quá khứ của mình do Bậc Ðạo Sư thuyết giảng, Baka cảm tạ và ngâm vần kệ cuối cùng:
*
Như vậy Bậc Ðạo Sư vừa tỏ bày uy lực của một đức Phật, vừa thuyết Pháp khai thị các Sự thật. Lúc kết thúc Pháp thoại, tâm của mười ngàn vị Phạm thiên được giải thoát khỏi các ô nhiễm cấu uế. Do đó, đức Thế Tôn trở thành nơi an trú của các vị Phạm thiên, rồi trở về Kỳ Viên từ cõi Phạm thiên, Ngài thuyết Pháp như trên và nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy Phạm thiên Baka là nhà khổ hạnh Kesava và đệ tử Kappa chính là Ta.
-ooOoo-
Làng phố, vũ công mười sáu ngàn…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên, liên hệ giới điều về việc “tích trữ dược liệu”. Tuy nhiên, hoàn cảnh chuyện này đã xảy ra ở Vương Xá.
Khi Tỷ-kheo Pilindiyavaccha đến cung vua để giải thoát gia đình người giữ ngự viên, ông dùng thần thông lực biến cung vua thành tòa nhà bằng vàng, quần chúng hoan hỷ đến tặng ông năm thứ dược liệu. Ông đem phân phát khắp Tăng chúng. Do đó Tăng chúng có nhiều dược liệu và khi nhận được các dược liệu, họ chứa đầy các chai, hủ, bình, túi… và cất để dành. Dân chúng thấy vậy thì thầm bảo nhau: “Các Tỷ-kheo tham lam kia đang tích trữ đồ đạc trong tinh xá”.
Bậc Ðạo Sư nghe vậy liền công bố giới điều:
– Bất cứ dược liệu trị bệnh nào khi nhận được, phải được dùng trong vòng bảy ngày.
Và bảo:
– Này các Tỷ-kheo, các bậc trí nhân thuở xưa, trước khi đức Phật ra đời, dẫu xuất gia theo ngoại đạo và chỉ giữ Ngũ giới, cũng đã khiển trách những ai tích trữ muối và đường cho ngày hôm sau; còn các ông ngày nay dẫu đã được xuất gia theo Giáo pháp giải thoát, lại tích trữ đồ đạc đến hai ba ngày ư?
Rồi Ngài kể câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa Bồ-tát là vương tử của xứ Gandhàra. Khi vua cha băng hà, ngài lên ngôi vua trị nước chân chánh. Ðồng thời ở vùng Trung thổ, tại vương quốc Videha, có vị vua mệnh danh Videha cai trị. Hai quốc vương này chưa hề gặp nhau, nhưng lại là thân hữu và tin cậy lẫn nhau.
Thời ấy, loài người trường thọ: đời sống dài ba mươi ngàn năm. Một hôm, vào ngày trai giới trăng tròn, vua Gandhàra đã phát nguyện giữ giới và ngự trên bảo tọa giữa ngai vàng dành cho ngài, nhìn ra một cửa sổ rộng mở ở góc hướng Ðông, ngài ngồi thuyết giảng cho quần thần về bản chất giáo lý. Lúc ấy, thần Ràhu (La-hầu: Vua các Thần A-tu-la) đã che hết mặt trăng tròn đầy đang tỏa sáng cả bầu trời. Ánh trăng biến mất. Triều thần không thấy ánh trăng, liền tâu vua rằng thần Ràhu đã chụp lấy mặt trăng.
Vua quan sát mặt trăng, nghĩ thầm “Mặt trăng đã mất ánh sáng vì bị một biến động bên ngoài làm hỏng. Nay triều thần chính là mối phiền lụy của ta. Ta không nên để mất ánh sáng như mặt trăng bị thần Ràhu chụp lấy. Ta muốn rời quốc độ như mặt trăng chiếu trên bầu trời trong sáng và trở thành ẩn sĩ. Tại sao ta lại giáo giới người khác? Ta muốn ra đi, từ giã thân quyến, thần dân và giáo giới bản thân ta mà thôi: điều ấy mới thích hợp với ta”. Vì vậy ngài phán:
– Các khanh cứ làm gì tùy ý.
Rồi ngài trao quốc độ cho triều thần. Khi ngài đã từ bỏ vương quốc ở hai xứ Kashmir và Gandhàra, ngài sống đời tu hành. Khi chứng đắc các Thắng trí, ngài an cư mùa mưa ở vùng Tuyết Sơn, chuyên tâm vào sự an lạc của Thiền định.
Khi hỏi thăm các thương nhân, vua Videha bảo:
– Hiền hữu của ta có được khang an chăng?
Và được tin ngài đã ra đi đời sống tu hành, vua suy nghĩ: “Hiền hữu ta đã xuất gia tu tập, ta còn phải làm gì với quốc độ này?”
Vì thế ngài thoái vị ở kinh thành Mithilà dài bảy dặm, và vương quốc Videha rộng ba trăm dặm gồm mười sáu ngàn làng với các cửa hiệu đầy hàng hóa, mười sáu ngàn nữ vũ công, rồi cũng không nghĩ đến các hoàng tử và công chúa, vua lên vùng Tuyết Sơn sống đời tu hành. Tại đó ngài chỉ sống bằng quả rừng trong đời độc cư thanh tịnh. Cả hai vị vua an tịnh độc cư như vậy, sau đó gặp nhau; tuy thế hai vị vẫn sống cùng nhau trong cảnh đời an tịnh với tình thân hữu.
Ẩn sĩ xứ Videha phục vụ ẩn sĩ xứ Gandhàra. Vào một đêm đầy trăng, trong lúc hai vị ngồi dưới gốc cây đàm luận đạo lý, thần Ràhu che khuất mặt trăng đang sáng tỏa khắp bầu trời.
Ẩn sĩ xứ Videha nhìn lên, hỏi:
– Tại sao ánh trăng bị mất?
Và khi thấy trăng bị thần Ràhu chụp, vị ấy hỏi:
– Bạch Tôn sư, tại sao nó che khuất mặt trăng làm cho tối tăm vậy?
– Này đồ đệ, đó là do duyên quấy nhiễu mặt trăng tên gọi là Ràhu, nó ngăn cản mặt trăng chiếu sáng. Chính ta khi thấy mặt trăng bị thần Ràhu che khuất, đã suy nghĩ: “Mặt trăng sáng trở nên tối vì bị quấy nhiễu từ bên ngoài. Nay quốc độ là mối phiến nhiễu đối với ta, ta muốn theo đời tu hành để quốc độ không làm ta đen tối như thần Ràhu làm tối mặt trăng kia. Như vậy, lấy chuyện mặt trăng bị thần Ràhu che khuất làm chủ đề của ta, ta từ giã vương quốc và sống đời tu hành”.
– Bạch Tôn sư, thế ngài là cựu vương nước Gandhàra ư?
– Chính phải.
– Bạch Tôn sư chính đệ tử là cựu vương Videha, trong quốc độ Videha và kinh thành Mithila, dù chúng ta chưa từng thấy nhau, chúng ta chẳng phải đã làm bạn với nhau đó sao?
– Thế chủ đề của Hiền hữu là gì?
– Ðệ tử nghe Tôn sư đã xuất gia tu tập nên suy nghĩ: “Chắc chắn ngài đã tìm thấy lợi ích của nếp sống ấy, đệ tử xem ngài là chủ đề của mình, nên từ giã quốc độ và xuất gia”.
Từ đấy trở đi, hai vị trở nên hết sức thân thiết, quý mến nhau và chỉ sống bằng quả rừng. Sau một thời gian an trú tại đó, hai vị từ Tuyết Sơn đi xuống tìm muối và dấm, dần dần đến một làng ở biên địa.
Dân chúng hoan hỷ vì phong cách hai vị, đã cúng dường và khi nhận được lời hứa, họ dựng thảo am để hai vị trú ban đêm và ở cả trong rừng nữa, rồi mời hai vị ở lại đó; bên vệ đường họ còn dựng một phòng ăn ở một nơi đẹp có nước chảy.
Sau khi đi khất thực từ làng biên địa, hai vị ngồi dùng món ăn trong thảo am kia rồi trở về chỗ cư trú của mình. Dân chúng cúng dường thực phẩm có hôm để muối lên một lá rồi đem đến cho hai vị, hôm khác lại đem thức ăn không có muối.
Một hôm họ cúng dường hai vị rất nhiều muối trong một cái rỗ bằng lá. Ẩn sĩ xứ Videha lấy muối đem vừa đủ phần Bồ-tát lúc dùng thức ăn, và cũng lấy phần vừa đủ cho mình, sau đó cất phần còn lại trong rổ lá đặt vào một cuộn cỏ, tự nhủ: “Cái này sẽ có ích cho ngày không có muối”.
Rồi một hôm nhận được thức ăn không có muối, ẩn sĩ xứ Videha đem món khất thực đến ẩn sĩ Gandhàra, lấy muối trong cuộn cỏ ấy ra và bảo:
– Bạch Tôn sư, hãy lấy muối.
– Dân chúng hôm nay không cho ta muối, vậy đồ đệ lấy đâu ra muối?
– Bạch Tôn sư, hôm kia dân chúng cho nhiều muối, nên đệ tử cất phần dư và bảo: “Cái này sẽ có ích cho ngày không muối”.
Bồ-tát liền quở trách vị này, bảo:
– Này kẻ ngu si kia, ông đã từ bỏ vương quốc Videha rộng ba trăm dặm, đã xuất gia tu hành và chứng đạt tâm ly dục, nay ông lại khởi lòng ham thích muối và đường!
Khuyến giáo như vậy xong, ngài ngâm vần kệ đầu:
Ẩn sĩ Videha bị khiển trách như vậy, không kham nhẫn lời khiển trách mà trở nên lạnh lùng bảo:
– Bạch Tôn sư, ngài không thấy lỗi của ngài, mặc dù ngài thấy lỗi của tôi. Ngài đã chẳng rời bỏ vương quốc và xuất gia, tự bảo: “Tại sao ta phải khuyến giáo kẻ khác? Ta muốn khuyến giáo bản thân ta mà thôi” ư? Thế sao nay ngài lại đang khuyến giáo tôi đấy?
Rồi vị ấy ngâm vần kệ thứ hai:
Nghe vậy Bồ-tát ngâm vần kệ thứ ba:
Ẩn sĩ xứ Videha nghe Bồ-tát nói, đáp lại:
– Bạch Tôn sư, thuyết giảng cho người khác sau khi đã làm kẻ ấy đau buồn giận dỗi là điều không thích hợp, dầu có thuyết giảng đúng vấn đề đi nữa. Tôn sư đang nặng lời gay gắt với tôi như thể cạo đầu tôi với con dao cùn!
Rồi vị ấy ngâm vần kệ thứ tư:
Bồ-tát liền đáp vần kệ thứ năm:
Nói vậy xong, ngài tiếp tục bảo:
– Này Ànanda, ta không cư xử với ông như người thợ gốm cư xử với đám nồi đất chưa nung đâu. Ta sẽ còn khiển trách nhiều lần nữa, vì “Cái gì là cốt lõi, cái ấy sẽ tồn tại”.
Do vậy, ngài cương quyết giữ cách xử sự phù hợp với lời giáo huấn của đức Thế Tôn. Ví như người thợ gốm giữa đám đồ gốm, sau một thời gian thường xuyên đập gõ lên chúng, chỉ chọn cái nồi đã nung kỹ, chứ không chọn cái nồi đất chưa nung, ngài cũng chọn người tốt như chiếc nồi được nung kỹ kia bằng cách khuyến giáo và khiển trách nhiều lần như thế. Rồi muốn thuyết giảng để nêu rõ cho vị ấy hiểu điều này, ngài ngâm vần kệ:
Nghe lời này, ẩn sĩ xứ Videha nói:
– Bạch Tôn sư, từ nay về sau xin cứ giáo huấn đệ tử . Ðệ tử trót lỡ nói lời bất nhã với ngài, xin tha thứ cho đệ tử.
Rồi cúi đầu đảnh lễ cung kính, vị ấy được Bồ-tát thứ lỗi.
Như vậy hai vị đã sống hòa hợp với nhau và trở về Tuyết Sơn. Sau đó Bồ-tát dạy ẩn sĩ xứ Videha cách chứng đắc Thiền định. Vị ấy tuân thủ và thành tựu các Thắng trí cùng các Thiền chứng. Hai vị không bao giờ gián đoạn Thiền định nên về sau tái sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân:
– Vào thời ấy ẩn sĩ xứ Videha là Ànanda và quốc vương Gandhàra chính là Ta.
-ooOoo-
Chính thân ngài đã bắt ngang cầu khỉ…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về các thiện nghiệp đối với thân quyến. Hoàn cảnh chuyện này sẽ xuất hiện trong tiền thân Bhaddasàla, số 444.
Tăng chúng bắt đầu bàn luận trong Chánh pháp đường, bảo nhau:
– Ðức Phật Toàn Giác đã làm nhiều thiện sự đối với thân quyến.
Khi Bậc Ðạo Sư hỏi Tăng chúng và được trình bày đề tài trên, Ngài đáp:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu Như Lai làm thiện nghiệp đối với thân quyến.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát nhập mẫu thai loài khỉ. Khi lớn lên, ngài có vóc dáng oai nghi lực lưỡng và cường tráng, cùng sống với một đàn tám mươi ngàn con khỉ ở Tuyết Sơn.
Gần bờ sông Hằng có một cây xoài (nhiều người khác bảo là cây đa) với nhánh chồi tỏa bóng mát và lá rậm rạp như một đỉnh núi. Trái xoài ngọt có mùi hương và vị tuyệt diệu, to bằng các bình nước. Trái từ một cành rơi xuống đất, từ một nhánh khác rơi xuống sông Hồng, từ hai nhánh khác rơi vào gốc cây.
Trong lúc ăn xoài cùng với loài khỉ, Bồ-tát nghĩ thầm: “Một ngày kia tai họa sẽ xảy đến cho ta do trái xoài rơi xuống nước”.
Vì thế không để lại trái xoài nào trên cành cây mọc trên bờ sông, ngài bảo bọn chúng ăn hết hoặc ném bỏ hoa đúng mùa ngay từ khi nụ hoa mới nhú bằng hột đậu.
Tuy thế, một xoài chín nằm kín trong một tổ kiến, nên cả tám mươi ngàn con khỉ không trông thấy, rớt xuống dòng sông và mắc vào cái lưới ở phía trên vua Ba-la-nại lúc ấy đang tắm sông vui đùa với một tấm lưới ở trên và một tấm ở dưới.
Khi vua đã vui đùa suốt ngày và sắp ra về lúc chiều tối, bọn người đánh cá đang kéo lưới lên, trông thấy trái cây, nhưng không biết loại gì, liền đem dâng vua, vua hỏi:
– Trái gì thế?
– Tâu Ðại vương, chúng thần không biết.
– Thế ai biết?
– Tâu Ðại vương, các người kiểm lâm.
Vua truyền gọi bọn người kiểm lâm và khi nghe họ bảo đó là trái xoài, vua lấy dao cắt nó ra, rồi trước hết bảo bọn kiểm lâm ăn xoài, sau đó chính nhà vua cũng ăn xoài. Hương vị xoài chín thấm nhuần khắp toàn thân vua. Do lòng ham muốn hương vị câu thúc, vua hỏi bọn kiểm lâm cây ấy ở đâu, và khi nghe rằng cây ấy ở trên bờ sông về hướng Tuyết Sơn, vua truyền ráp các chiếc bè lại và chèo ngược lên thượng nguồn của sông theo lộ trình được đám kiểm lâm hướng dẫn. Số ngày đi đường chính xác là bao nhiêu không được nêu ra.
Theo thời gian, họ đến nơi ấy, và bọn kiểm lâm trình vua:
– Tâu Ðại vương đó là cây xoài.
Vua dừng bè lại và cùng đám quần thần đông đảo đi bộ đến nơi, rồi truyền trải sàng tọa ngay dưới gốc cây, vua nằm ngủ sau khi đã ăn xoài và hưởng đủ mọi thứ hương vị tuyệt hảo. Khắp mọi phía quân lính canh gác cẩn thận và nhóm lửa lên. Khi mọi người đã ngủ yên, Bồ-tát cùng bầy khỉ đến đó lúc nửa đêm.
Tám mươi ngàn con khỉ chuyền từ cành nọ sang cành kia ăn xoài. Vua tỉnh giấc thấy bầy khỉ, liền đánh thức quân hầu và gọi đám xạ thủ đến bảo:
– Hãy bao vây loài khỉ đang ăn xoài để chúng không thoát được, rồi bắn cả đi. Ngày mai ta muốn ăn xoài với thịt khỉ.
Ðám xạ thủ tuân lệnh, đồng đáp:
– Muôn tâu, được lắm.
Rồi họ bao vây cả cây với cung tên sẵn sàng.
Bầy khỉ thấy họ, sợ chết vì chúng không thể trốn được, liền nhảy đến Bồ-tát và thưa:
– Tâu Ðại vương, các xạ thủ đang vây quanh cây và bảo: “Ta sẽ bắn chết loài khỉ lang thang trộm cắp này”. Chúng con phải làm gì bây giờ?
Chúng vừa đứng vừa run rẩy.
Bồ-tát bảo:
– Ðừng sợ, ta sẽ cứu mạng các con.
Vừa an ủi bầy khỉ như vậy xong, ngài leo lên một cành mọc thẳng đứng, rồi đi qua một cành khác dài về phía sông Hằng, xong lại nhảy vọt về cuối cành ấy, vượt qua một trăm tầm cung và hạ xuống một bụi cây trên bờ.
Khi xuống đến nơi, ngài đánh dấu khoảng cách và nói: “Ðó là khoảng cách ta đã vượt qua”. Rồi cắt một đọt tre sát gốc, lột vỏ và nói:
– Phần này sẽ được buộc vào cây ấy, và phần kia sẽ ở trên không.
Khi tính hai chiều dài như vậy, ngài quên phần buộc vào thắt lưng mình. Ngài cầm đọt tre buộc một đầu vào thân cây trên bờ sông Hằng và phần kia vào thắt lưng, sau đó nhảy vọt qua khoảng cách một trăm tầm cung ấy với tốc độ của mây bay theo gió cuốn.
Do không tính phần tre buộc vào thân mình, ngài không tới tận cây ấy. Vì vậy ngài lấy hai tay nắm chặt cành cây và ra hiệu cho cả đàn khỉ:
– Cầu chúc các con may mắn, qua nhanh lên, bước trên lưng ta mà đi dọc theo cây tre.
Cả tám mươi ngàn con khỉ trốn thoát được theo cách ấy, sau khi cung kính đảnh lễ Bồ-tát, xin phép ngài ra đi.
Thời ấy Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) là một con khỉ trong đàn kia tự nhủ: “Ðây là cơ hội để ta thanh toán kẻ thù”.
Vì thế vừa trèo lên cây, nó nhảy vọt và ngã trên lưng Bồ-tát. Tim Bồ-tát như muốn vỡ nát, vô cùng đau đớn. Sau khi gây ra nỗi đau khổ thống thiết cho ngài như vậy, nó liền bỏ đi, chỉ còn Bồ-tát một mình.
Lúc ấy vua tỉnh giấc thấy rõ mọi việc bầy khỉ đã làm cùng Bồ-tát, vua lại nằm xuống suy nghĩ: “Con vật này không kể đến tính mạng mình, đã cứu thoát cho cả đàn bình an”.
Khi trời sáng, vua hoan hỷ về Bồ-tát, lại suy nghĩ: “Giết hại chúa khỉ này thật không phải đạo, ta muốn đem nó xuống và săn sóc nó”. Vì vậy vua quay bè xuống sông Hằng và dựng một cầu cao ở đó để Bồ-tát nhảy xuống nhẹ nhàng, truyền đem tấm y vàng phủ trên lưng ngài và tắm rửa ngài trên sông, cho ngài uống nước đường, lau thân thể ngài thật sạch và tẩm dầu thơm đã lọc kỹ cả ngàn lần, sau đó trải một tấm da đã được thoa dầu lên sàng tọa và đặt ngài nằm ở đó, còn vua ngồi ở một chỗ thấp hơn.
Và vua ngâm vần kệ đầu:
Nghe lời này, Bồ-tát ngâm các vần kệ khuyến giáo vua:
Bồ-tát giáo huấn vua như thế xong liền từ trần. Vua gọi các đại thần đến truyền lệnh cho Hầu vương được thọ hưởng tang lễ như một quốc vương. Rồi vua truyền bảo đám phi tần:
– Các nàng hãy đưa Hầu vương ra tận nghĩa địa với tư cách là đoàn tùy tùng của Hầu vương, mặc y đỏ, xõa tóc xuống và cầm đuốc trong tay.
Các đại thần làm dàn hỏa táng với một trăm xe củi.
Sau khi đã chuẩn bị tang lễ của Bồ-tát theo nghi thức vua chúa, họ đem xương sọ của ngài đến trình vua. Vua truyền xây một đền thờ ở tại địa điểm hỏa táng Bồ-tát, làm lễ đốt đuốc và dâng hương hoa cúng dường. Vua lại truyền khảm vàng vào xương sọ, nâng nó lên cao trên đầu ngọn giáo và đặt tại cổng thành rồi cúng dường hương hoa khi vua đến Ba-la-nại. Sau đó truyền lệnh cho cả kinh thành trang hoàng thật trang nghiêm, nhà vua làm lễ suy tôn-xá lợi suốt bảy ngày.
Khi đã nhận phần xá-lợi và dựng đền thờ trong thành, vua đến đó cúng dường hương hoa suốt đời. Ðược an trú vào lời dạy của Bồ-tát, vua chuyên tâm bố thí cùng làm nhiều thiện sự khác và cai trị chân chánh nên về sau tái sinh thiên giới.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự thật và nhận diện tiền thân:
– Thời ấy vua là Ànanda, đàn khỉ là Hội chúng này và Hầu vương chính là Ta.
-ooOoo-
Cây xoài ta thấy ở rừng xanh…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc khiển trách lỗi lầm. Hoàn cảnh câu chuyện xuất hiện trong tiền thân Pàniya, số 459.
Thời ấy tại Xá-vệ có năm trăm người bạn cùng xuất gia tụ tập, an trú tại Tinh xá trên con Ðường Lát Vàng (tức Kỳ Viên), lại khởi lên dục tưởng lúc nửa đêm. Bậc Ðạo Sư quan sát các đệ tử ba lần ban đêm và ba lần ban ngày, tức sáu lần suốt ngày đêm, như chim dẻ cùi ấp trứng, như bò yak gìn giữ cái đuôi, như bà mẹ chăm sóc đứa con yêu quý, như người chột canh chừng con mắt còn lại. Vì vậy Ngài khiển trách ngay khi lỗi lầm vừa sinh khởi. Nửa đêm hôm ấy Ngài quan sát Kỳ Viên và biết tâm tư của chúng Tăng, Ngài suy nghĩ: “Nếu lỗi lầm này tăng trưởng giữa Tăng chúng, nó sẽ hủy hoại đời Phạm hạnh đưa đến Thánh quả. Ta muốn khiển trách lỗi lầm này ngay bây giờ và nêu rõ đời Phạm hạnh”.
Thế rồi Ngài rời Hương Phòng và gọi Tôn giả Àanda, truyền Tôn giả triệu tập chư Tăng tại đó đến họp lại và Ngài ngồi xuống sàng tọa đã soạn sẵn cho đức Phật. Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, sống dưới sức chi phối của các dục tưởng là không chân chánh; nếu tham dục tăng trưởng sẽ gây họa lớn như một địch thủ. Mỗi Tỷ-kheo phải khiển trách một lỗi lầm dù nhỏ nhặt. Các trí nhân ngày xưa thấy rõ ngay cả mọi duyên cớ thật nhỏ, nên đã khiển trách mọi dục tưởng khi vừa mới khởi sinh, do vậy đã đắc quả Ðộc Giác Phật.
Nói xong, ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình thợ gốm ở ngoại ô Ba-la-nại. Khi lớn lên, ngài thành gia chủ có một con trai, một con gái và nuôi dưỡng vợ con với nghề gốm của ngài.
Thời ấy tại vương quốc Kalinga, trong kinh thành Dantapura, quốc vương mệnh danh Karandu đang dạo chơi với quần thần đông đảo trong ngự viên, chợt thấy ở cổng vườn một cây xoài nặng trĩu quả ngọt.
Từ trên lưng voi, vua đưa tay ra hái một chùm xoài, sau đó vào ngự viên ngồi trên bảo tọa ăn xoài và ban vài trái cho những kẻ được ân sủng. Từ khi vua hái xoài, đám triều thần, Bà-la-môn, gia chủ nghĩ rằng người khác cũng nên làm như thế, họ hái xoài xuống và ăn trái cây ấy. Sau đó họ đến nhiều lần trèo cây lấy gậy đập vào làm gãy cành lá tả tơi, họ ăn xoài và cũng không chừa lại những trái chưa chín.
Vua vui chơi trong ngự viên suốt ngày mãi tận chiều, đi ngang qua trên vương tượng, ngài bước xuống khi thấy cây xoài và đến gốc cây nhìn lên, suy nghĩ: “Sáng này cây tươi đẹp với cành nặng trĩu quả, nhưng đám người ngắm cảnh không thỏa mãn; nay, nó đứng kia không còn tươi đẹp nữa vì trái cây đã bị phá nát và rớt xuống hết rồi”.
Vua lại nhìn sang một cây kia không có trái và suy nghĩ: “Cây xoài này tươi tốt vì không sinh trái khác nào núi trọc chứa đầy châu báu. Cây kia vì sinh trái nên đã gặp tai họa: Ðời sống tại gia cũng giống như cây có trái, đời xuất gia giống như cây không trái, người giàu tiền hay sợ hãi, người nghèo khó chẳng sợ gì. Ta cũng chỉ muốn như cây không trái kia”.
Như vậy lấy cây sinh trái làm chủ đề, ngài đứng dưới gốc cây, quan sát Ba đặc tính: Vô thường, Khổ, Vô ngã và đạt Tuệ giác; ngài đắc quả Ðộc Giác Phật, liền suy nghĩ: “Từ nay thai tạng đã xa rời ta, tái sinh trong Ba cõi đã đoạn tận, các cấu uế của vòng luân hồi sinh tử đã được thanh tịnh, biển nước mắt đã khô cạn, thành xương khô đã sụp đổ, ta không còn tái sinh nữa”. Ngài đứng uy nghi như thể được trang điểm mọi thứ ngọc vàng.
Sau đó các đại thần bảo:
– Tâu Ðại vương, ngài đứng đã quá lâu.
– Ta không phải Ðại vương, ta là Ðộc Giác Phật.
– Tâu Ðại vương, các Ðộc Giác Phật không giống ngài.
– Thế thì các vị ấy ra sao?
– Râu tóc các ngài được cạo sạch, các Ngài khoác y vàng, không còn lưu luyến gia đình bộ tộc, các ngài như mây trôi theo gió cuốn hay mặt trăng thoát khỏi thần Ràhu, và các Ngài an trú trên Tuyết Sơn, ở động Nandamùla. Tâu Ðại vương, các Ngài Ðộc Giác Phật là như vậy.
Ngay lúc ấy vua đưa tay lên sờ đầu lập tức các dấu hiệu của một gia chủ biến mất, và các dấu hiệu của một Sa-môn xuất hiện:
Bộ ba y, bình bát, với kim may,
Lưỡi dao cạo, đồ lọc nước, dây đai
Là tám món một Sa-môn cần có.
Tám món cần thiết của một Sa-môn như chúng vẫn thường được gọi, đã dính chặt vào thân Ngài. Ðương trên không, Ngài thuyết Pháp cho quần thần rồi bay qua bầu trời đến sơn động Nandamùla trên miền thượng Tuyết Sơn.
Trong quốc độ Candahar ở kinh thành Takkasilà, vị vua mệnh danh Naggaji ngự trên thượng lầu, giữa vương sàng, thấy một nữ nhân đeo vòng ngọc trên một tay, đang xay hương liệu gần đó, vua suy nghĩ: “Các vòng ngọc này không cọ xát hoặc kêu leng keng khi rời nhau”, và cứ ngắm nghía nàng ấy mãi. Sau đó, nàng ấy đặt chiếc vòng từ tay phải sang tay trái và dùng tay phải thu góp hương liệu rồi bắt đầu xay tiếp. Chiếc vòng trên tay trái chạm vào chiếc vòng kia gây tiếng động.
Vua quan sát hai chiếc vòng cọ xát vào nhau, gây âm thanh, liền suy nghĩ: “Vòng ấy khi để riêng không chạm vào vật gì cả, nay đụng vào vòng thứ hai gây tiếng động, khi hai ba chiếc vòng chạm nhau tạo thành tiếng ồn lớn. Nay ta trị thần dân ở hai quốc độ Cashmere và Candahar, ta cũng cần phải ở riêng như chiếc vòng độc nhất để tự trị chứ không trị kẻ khác nữa”. Như vậy lấy việc cọ xát hai chiếc vòng làm chủ đề, trong lúc ngồi đó, vua nhận thức Ba đặc tính trên và đạt Tuệ giác, đắc quả Ðộc Giác Phật. Phần cuối câu chuyện cũng như trên.
Trong quốc độ Videha, tại thành Mithilà, quốc vương mệnh danh Nimi, sau buổi điểm tâm, được các triều thần chầu quanh mình, đứng nhìn xuống đường phố qua cửa sổ hoàng cung mở rộng. Một con diều hâu sau khi chụp được miếng thịt từ chợ, đang bay vụt trên không. Một vài con kên kên và các thứ chim khác, vây lấy diều hâu mọi phía, liên tiếp lấy mỏ mổ vào, lấy cánh đập và lấy chân đạp con kia để dành miếng thịt. Không chịu để cho chúng giết, diều hâu đành thả miếng thịt, một chim khác chụp ngay lấy, và bọn chúng lại mổ con kia như trước. Vua thấy bầy chim, suy nghĩ: “Ai lấy miếng thịt, khổ đau đến với kẻ ấy; ai bỏ miếng thịt, hạnh phúc đến với kẻ ấy. Ai hưởng năm dục lạc, khổ đau đến với kẻ ấy; ai bỏ năm dục lạc, hạnh phúc đến với kẻ ấy. Nay ta có mười sáu ngàn cung nữ, ta cần phải sống trong hạnh phúc sau khi từ bỏ năm dục lạc như diều hâu bỏ miếng thịt”.
Quan sát việc này với trí tuệ, ngay khi đứng tại đó, vua nhận thức ba đặc tính trên, chứng đắc Tuệ giác và thành đạt viên trí của quả Ðộc Giác Phật. Phần cuối cũng như trên.
Trong vương quốc Uttarapãncàla, tại kinh thành Kampilla, vị vua mệnh danh Dummukha, sau buổi điểm tâm, được trang điểm các món châu báu và quần thần vây quanh, đứng nhìn xuống sân chầu qua cửa sổ. Vào lúc ấy, có người mở cửa chuồng bò. Các bò đực từ trong chuồng đang chạy theo một con bò cái, một con bò đực lớn với cái sừng nhọn chợt thấy một con đực khác chạy đến, liền ghen tức lấy sừng nhọn đâm vào hông con kia. Do bị húc quá mạnh, nó đổ ruột ra ngoài chết ngay tại chỗ. Vua thấy cảnh này, suy nghĩ: “Mọi loài từ súc vật trở lên đều chịu khổ đau vì lòng dục, con bò này vì lòng dục phải chịu chết. Mọi loài khác đều bị tham dục gây phiền lụy. Ta cần bỏ hết mọi tham dục làm phiền lụy mọi loài”.
Như vậy trong lúc đang đứng, vua nhận thức Ba đặc tính trên, chứng đắc Tuệ giác và thành đạt Viên trí của quả Ðộc Giác Phật. Phần cuối cũng như trên.
Sau đó, một hôm, bốn vị Ðộc Giác Phật, xét thấy đến thời đi khất thực liền rời động Nandamùla, sau khi chùi sạch răng bằng cách nhai cau tại hồ Anotatta, và sau khi đã hoàn tất mọi nhu cầu vệ sinh xong, các vị mang y bát dùng thần thông bay lên không, lướt qua các đám mây ngũ sắc, rồi hạ xuống không xa một ngoại ô của Ba-la-nại.
Tại một địa điểm tiện lợi, các vị khoác y, cầm bình bát đi vào vùng ngoại ô khất thực cho đến khi dừng lại trước cửa nhà Bồ-tát. Bồ-tát thấy các vị lòng hoan hỷ mời vào nhà ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, ngài rót nước cung nghênh và đãi các món thượng vị đủ loại cứng và mềm. Sau đó ngồi một bên, ngài kính chào vị trưởng thượng và nói:
– Thưa Tôn giả, đời tu hành của ngài quả thật tốt đẹp, các căn của Ngài thật an tịnh, làn da của Ngài thật trong sáng. Chủ đề suy tư gì đã khiến Ngài khởi đầu đời sống tu hành và xuất gia?
Cả bốn vị liền đáp:
– Tôi trước kia có tên như vậy, làm vua ở tại kinh thành nọ trong quốc độ kia…
Ðại khái như thế và theo cách này mỗi vị lần lượt ngâm vần kệ nêu nguyên nhân giã từ thế tục của mình:
Bồ-tát nghe mỗi vần kệ đều nói:
– Tốt lành thay, thưa Tôn giả, chủ đề của Ngài thật thích hợp.
Và như vậy ngài tán thán mỗi vị Ðộc Giác Phật. Sau khi nghe các vị thuyết Pháp, ngài trở nên chán ngán đời sống tại gia.
Khi các vị ra đi, sau buổi điểm tâm, ngài ngồi thư thái, gọi vợ lại bảo:
– Này hiền thê, bốn vị Ðộc Giác Phật rời bỏ vương quốc trở thành Sa-môn nay sống không lỗi lầm, không chướng ngại, hưởng niềm cực lạc của đời tu hành. Trong lúc ấy ta phải tìm kế sinh nhai qua ngày. Ta còn phải làm gì với đời gia chủ nữa? Xin nàng nuôi các con và ở lại nhà.
Rồi ngài ngâm hai vần kệ:
Nghe lời ngài, bà vợ đáp:
– Này phu quân, từ khi thiếp nghe Giáo pháp của các vị Ðộc Giác Phật, thiếp cũng không muốn ở trong nhà nữa.
Và bà ngâm kệ:
Bồ-tát nghe lời bà nói liền yên lặng, Bà vợ nôn nóng xuất gia tu hành trước ngài, và đang muốn đánh lừa ngài, liền giả vờ nói:
– Này phu quân, thiếp sắp ra hồ nước, chàng hãy chăm nom các con.
Rồi bà cầm chiếc bình như thể đi đến đó và bà đi thẳng đến các vị ẩn sĩ ngoại thành xin truyền giới xuất gia. Bồ-tát không thấy bà trở về, đành phải tự tay chăm sóc các con.
Về sau chúng lớn khôn hơn một chút và tự chúng có thể hiểu biết đôi chút, ngài muốn dạy chúng nấu cơm, nên ngài thường nấu một ngày cơm hơi cứng và sống, một ngày cơm hơi sống, một ngày cơm chín, một ngày cơm nhão, một ngày không có muối, một ngày quá nhiều muối. Bầy trẻ nói:
– Cha ơi, hôm nay cơm chưa chín, hôm nay cơm nhão, hôm nay không có muối, hôm nay quá nhiều muối.
Bồ-tát đáp:
– Ðúng vậy, các con thân yêu.
Rồi Ngài suy nghĩ: “Các con nay đã biết cơm nào sống, cơm nào chín, cơm nào có muối, cơm nào không: thế là chúng có thể sống riêng đời chúng rồi. Ta cần phải xuất gia”. Sau đó, ngài đưa chúng đến gặp đám thân quyến xong, ngài liền xuất gia tu hành, cư trú ở ngoại thành. Một hôm vị nữ tu khổ hạnh đi khất thực ở Ba-la-nại thấy ngài, liền kính chào và nói:
– Thưa Tôn giả, tôi chắc tôn giả đã giết bầy trẻ rồi.
Bồ-tát đáp:
– Ta không giết bầy trẻ, khi chúng có thể tự mình biết việc, ta mới xuất gia. Còn bà đã không quan tâm đến chúng và vui lòng với việc xuất gia trước ta.
Rồi ngài ngâm vần kệ cuối cùng:
Khuyến giáo vị nữ tu khổ hạnh như vậy xong, ngài từ giã bà. Bà nhận lời khuyến giáo ấy, kính bái Bồ-tát và đi đến một nơi vừa ý.
Sau ngày ấy, hai vị không bao giờ gặp lại nhau. Bồ-tát chứng đắc Thắng trí được tái sinh lên Phạm thiên giới.
*
Sau Pháp thoại, Bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự thật. Khi các Sự thật kết thúc, năm trăm Tỷ-kheo đắc Thánh quả (A-la-hán.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy con gái là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc), con trai là Ràhula (La-hầu-la), nữ tu sĩ là mẫu thân Rahula và nhà khổ hạnh ấy chính là Ta.
-ooOoo-
Chính con khuân vác tự ngày xanh…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại rừng Ghosita (Cù-sư-la) gần Kosambi (Kiều-thưởng-di) về Bhaddavatika, con voi cái của vua Udena.
Bấy giờ cách con voi này được trang điểm vàng ngọc và dòng họ vua Udena sẽ xuất hiện trong tiền thân Màtanga, số 497. Một hôm con voi này ra ngoại thành sáng sớm gặp đức Phật được Thánh chúng vây quanh, trong vẻ oai nghi tối thượng của một bậc Giác Ngộ, đang vào thành khất thực, nó quỳ xuống chân đức Như Lai, than khóc và cầu khẩn Ngài:
– Bạch Thế Tôn, bậc toàn tri kiến, vị cứu khổ toàn thế giới, khi con còn trẻ và có khả năng làm việc, vua Udena, một vị minh quân đã thương yêu con và bảo: “Ðời sống của ta cùng vương quốc và Hoàng hậu đều nhờ nó tất cả”. Rồi ngài ban cho con đại vinh hiển bằng cách trang điểm mọi thứ vàng ngọc, ngài truyền trát chuồng voi với đất trộn hương liệu, treo các đồ vật có màu sắc rực rỡ chung quanh, thắp đèn với dầu thơm, đặt dĩa trầm xông tại đó, ngài lại truyền đặt một chậu bằng vàng tại chỗ con đại tiện, cho con đứng trên thảm màu và cho con ăn toàn cao lương thượng vị của vua. Nay con đã già và không làm việc được nữa, nên ngài tước bỏ mọi đặc ân ấy, con sống bơ vơ khốn khổ không ai bảo vệ chăm sóc, chỉ ăn toàn quả ketaka trong rừng, con chẳng có nơi nương tựa nào nữa. Xin Thế Tôn nói cho vua Udena nghĩ lại các công đức của con và phục hồi mọi vinh quang cũ cho con”.
Bậc Ðạo Sư bảo:
– Con hãy đi về, rồi ta sẽ nói với vua phục hồi mọi vinh quang cũ cho con.
Sau đó ngài đi đến cửa hoàng cung.
Vua mời đức Phật vào, thiết đãi trọng thể tất cả hội chúng theo hầu đức Phật.
Khi buổi thọ thực đã xong, Bậc Ðạo Sư nói lời tùy hỷ công đức và hỏi:
– Thưa Ðại vương, con voi Bhaddavatikà đâu rồi?
– Bạch Thế Tôn, trẫm không biết.
– Thưa Ðại vương, sau khi ban vinh hiển cho đám nô tỳ, ngài tước bỏ mọi ân huệ lúc chúng già là không phải đạo, vậy cần tỏ lòng biết ân chúng. Bhaddavatikà nay đã già, mòn mỏi vì tuổi tác và không được ai bảo vệ, chỉ sống bằng trái cây ketaka trong rừng. Ðại vương để cho nó bơ vơ như vậy lúc già yếu là không hợp lý.
Rồi kể các công đức của con voi Bhaddavatikà, Ngài bảo:
– Ðại vương hãy phục hồi mọi vinh quang cũ của nó.
Xong Ngài ra đi. Vua làm theo lời Ngài. Cả kinh thành truyền tin rằng vinh quang cũ của con voi đã được phục hồi nhờ đức Phật kể lại mọi công đức của nó.
Việc này được Tăng chúng biết và chư vị bàn luận trong lúc hội họp. Bậc Ðạo Sư bước vào và khi nghe đây là đề tài của các vị, Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu Như Lai làm cho nó được phục hồi mọi vinh quang cũ bằng cách kể các công đức của nó.
Rồi Ngài kể câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa có một vị vua mệnh danh Dalhadhamma cai trị tại Ba-la-nại. Thời ấy Bồ-tát thọ sanh vào gia đình một đại thần, khi lớn lên, ngài phục vụ nhà vua.
Ngài được vua ban nhiều vinh hiển và đứng địa vị một đại thần quan trọng nhất trong triều. Vua có một con voi cái rất dũng mãnh lực lưỡng. Nó đi một trăm dặm một ngày, làm mọi phận sự sứ thần của vua, khi ra trận nó chiến đấu oanh liệt, dẫm nát quân thù. Vua bảo:
– Con voi này thật hữu ích đối với ta.
Rồi vua ban cho nó mọi thứ trang điểm và vinh quang giống như vua Udena ban cho Bhaddavatikà ngày nay. Sau đó khi nó già yếu, vua tước hết mọi đặc ân trên.
Từ đó nó không được ai bảo vệ và chỉ sống bằng các thứ cỏ lá trong rừng. Một hôm các loại đồ gốm sứ trong cung vua không đủ dùng, vua truyền thợ gốm lại và phán:
– Ðồ gốm không đủ dùng.
– Tâu Ðại vương, tiểu thần không có bò kéo xe để mang phân bò về nung đất sét.
Vua nghe chuyện, liền phán:
– Con voi cái của ta đâu rồi?
– Tâu Ðại vương, nó đang phiêu bạt tùy ý.
Vua bảo đem nó cho người thợ gốm:
– Từ nay ngươi buộc nó vào xe rồi đưa đi chở phân.
Người thợ gốm đáp:
– Tâu Ðại vương, tốt quá.
Rồi gã làm theo lời dặn. Một hôm ra ngoại thành, voi cái chợt thấy Bồ-tát đi đến, liền quỳ xuống chân ngài vừa than khóc vừa nói:
– Thưa Tể tướng, thời con còn trẻ, đức vua xem con rất hữu dụng và ban con đại vinh hiển, nay con già yếu, ngài tước bỏ mọi đặc ân và không còn nghĩ đến con nữa, con không được ai bảo vệ và chỉ sống bằng cỏ lá trong rừng, gặp cảnh khốn cùng thế này ngài lại đem con cho người thợ gốm buộc vào xe chở phân; trừ Tể tướng ra, con không còn nơi nương tựa nào cả, chính Tể tướng đã biết mọi công lao con phục vụ đức vua, xin ngài cho con được phục hồi mọi vinh hiển đã mất.
Rồi voi cái ngâm ba vần kệ:
Bồ-tát nghe chuyện, liền an ủi nó và bảo:
– Thôi đừng buồn khổ nữa, ta sẽ đi trình đức vua và phục hồi vinh dự cho con.
Vì thế khi vào thành, ngài đi đến chầu vua sau buổi điểm tâm và bắt đầu câu chuyện, ngài bảo:
– Tâu Ðại vương, có phải con voi cái mang tên kia đã ra trận chiến tại những nơi nọ với các vũ khí buộc đầy ngực; rồi ngày khác nó lại mang quốc thư ở cổ đi cả trăm dặm làm sứ giả cho Ðại vương, và Ðại vương ban cho nó nhiều vinh hiển chăng, nay nó đâu rồi?
– Trẫm đã giao nó cho người thợ gốm chở phân bò.
Bồ-tát liền đáp:
– Có hợp đạo lý chăng, tâu Ðại vương, khi giao nó cho người thợ gốm buộc vào xe chở phân?
Rồi để khuyến giáo, ngài ngâm bốn vần kệ:
Với lời khởi đầu này, Bồ-tát giáo hóa toàn thể dân chúng đang tụ tập ở đó. Nghe vậy vua ban cho con voi già mọi hiển vinh cũ, và về sau được an trú vào lời dạy của Bồ-tát, vua bố thí cùng thực hành nhiều thiện sự khác nên được sinh lên cõi thiên.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, voi cái là Bhaddavatikà, vua là Ànanda, vị đại thần chính là Ta.
-ooOoo-
Bước sâu vào tận trong rừng…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên, về một Trưởng lão già cả.
Chuyện kể rằng vị Trưởng lão này truyền giới cho một Sa-di làm đệ tử, phụng sự vị ấy nhưng chẳng bao lâu lâm bệnh nặng qua đời. Trưởng lão đi quanh quẩn khóc than kêu gào vì cái chết của đệ tử.
Thấy vậy Tăng chúng bắt đầu bàn tán trong Chánh pháp đường:
– Này các Hiền giả, vị Trưởng lão già cả này cứ lang thang kêu khóc vì một Sa-di chết, chắc hẳn vị ấy đã quên pháp môn quán tưởng về mạng chung.
Bậc Ðạo Sư bước vào và khi nghe đề tài câu chuyện, Ngài bảo:
– Náy các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu người này khóc người kia chết.
Rồi Ngài kể câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vị ở Ba-la-nại, Bồ-tát là Sakka Thiên chủ. Một Bà-la-môn giàu tiền của, trước sống ở Ba-la-nại, sau giã từ thế tục và trở thành ẩn sĩ khổ hạnh ở vùng Tuyết Sơn, nhặt củ quả rừng để ăn.
Một hôm đi tìm quả rừng, ông thấy một chú voi con, liền đem về thảo am. Ông xem nó như thể con mình gọi tên nó là Somadatta, nuôi nấng chăm sóc nó và cho nó ăn cỏ lá. Con voi lớn dần trở thành to lớn, song một hôm nó ăn quá nhiều nên phát bệnh vì bội thực. Vị khổ hạnh đem nó vào thảo am và đi tìm quả rừng. Song trước khi ông trở về, con voi đã chết. Khi đem về mớ quả, vị khổ hạnh suy nghĩ: “Các ngày khác con ta vẫn đón ta, sao không thấy hôm nay? Con ta bị việc gì chăng?”. Thế là ông than khóc và ngâm vần kệ đầu:
Cùng với lời than khóc này, ông thấy con voi nằm cuối lối đi có mái che, liền ôm ngang cổ nó và ngâm vần kệ thứ hai tiếc thương nó:
Ngay lúc ấy Sakka Thiên chủ quan sát cõi trần, suy nghĩ: “Vị khổ hạnh này từ giã vợ con để tu hành, nay lại than khóc con voi mà ông gọi là con, ta muốn đến thức tỉnh ông và làm cho ông suy nghĩ lại”.
Vì thế ngài xuất hiện trước thảo am, đứng trên không và ngâm vần kệ thứ ba:
Nghe lời này, vị khổ hạnh ngâm vần kệ thứ tư:
Thiên chủ Sakka liền ngâm vần kệ khuyến giáo ông.
Nghe lời Thiên chủ nói, vị khổ hạnh nghĩ lại và được an ủi, bèn lau nước mắt và ngâm các vần kệ cuối cùng tán thán Thiên chủ:
Các vần kệ này đã được ngâm ở tiền thân Migapotaka, số 372.
Sau khi khuyến giáo vị khổ hạnh, Sakka trở lại cõi của ngài.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, voi con là Sa-di, vị khổ hạnh là Trưởng lão già cả này và Sakka Thiên chủ chính là Ta.
-ooOoo-
Tóc ta đen nhánh từ ngày xưa…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về Ðại sự Xuất thế.
Tăng chúng lúc ấy đang ngồi trong Chánh pháp đường tán thán Ðại sự Xuất thế của đức Phật. Khi thấy đây là chủ đề của các vị, Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, không lạ gì ngày nay ta lại làm Ðại sự Xuất thế và giã từ thế tục, khi Ta đã thực hành các công hạnh viên mãn (Ba-la-mật) trong hàng trăm ngàn kiếp, mà ngày xưa Ta cũng từ bỏ ngai vàng tại quốc độ Kàsi rộng ba trăm dặm và làm Ðại sự Xuất thế.
Và vì vậy Ngài kể câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát nhập mẫu thai của bà vợ vị tế sư hoàng gia. Trong ngày sinh ra ngài, hoàng hậu cũng sinh một con trai.
Vào ngày lễ đặt tên, bậc Ðại Sĩ được gọi là Nam tử Susìma, và hoàng nam được đặt tên Vương tử Brahmadatta.
Vua thấy đôi trẻ cùng sinh ra một ngày nên truyền đưa Bồ-tát giao cho nhũ mẫu cùng nuôi chung với vương tử. Cả hai trẻ lớn lên tươi đẹp như các Thiên tử trên trời.
Cả hai đều học đủ mọi ngành nghệ thuật ở Takkasilà và trở về nhà. Vương tử trở thành phó vương, cùng ăn uống, sống chung với Bồ-tát. Lúc vua cha băng hà, hoàng tử lên làm vua, ban cho Bồ-tát mọi vinh hiển và phong chức tế sư hoàng gia.
Một hôm tân vương truyền trang hoàng cả kinh thành, rồi được tô điểm rực rỡ như Sakka Thiên chủ, vua tham dự đám rước quanh kinh thành, ngự trên vai vương tượng chẳng khác nào bảo tượng Eràvana của Thiên chủ, trong niềm tự hào cùng với Bồ-tát ngồi phía sau trên lưng voi. Mẫu hậu nhìn ra từ cửa sổ trông thấy hoàng nam và chợt thấy vị tế sư sau lưng vua khi ngài từ đám rước trở về. Bà đâm ra si tình ngài, liền đi vào hậu cung nghĩ thầm: “Nếu ta không chiếm được chàng, ta sẽ chết tại đây”. Vì thế bà bỏ ăn uống và cứ nằm tại đó.
Vua không thấy mẹ liền hỏi thăm, khi nghe bà bị bệnh, vua đến hỏi thăm và cung kính hỏi bà bị bệnh gì. Bà không nói vì hổ thẹn. Vua liền ngự lên ngai, truyền chánh cung hoàng hậu đi tìm hiểu xem thái hậu bị bệnh gì.
Hoàng hậu đến, vừa hỏi thăm, vừa vuốt ve lưng mẫu hậu. Nữ nhân thường không dấu nhau các chuyện bí mật, vì thế chuyện bí mật kia được tiết lộ. Hoàng hậu liền đi trình vua. Vua bảo:
– Ðược rồi, ái khanh đi an ủi mẫu hậu, ta sẽ tôn vị tế sư lên làm vua và mẫu hậu lên làm chánh hậu của ngài.
Hoàng hậu liền đến an ủi thái hậu. Vua truyền mời vị tế sư đến kể lại vấn đề:
– Này Hiền hữu, hãy cứu mạng mẹ ta, khanh sẽ làm vua và mẹ ta sẽ lên làm chánh hậu, còn ta sẽ làm phó vương.
Vị tế sư đáp:
– Không thể được.
Song cứ bị khẩn cầu mãi, ngài bằng lòng và vua tôn ngài lên làm vua, mẫu hậu làm chánh hậu và chính mình làm phó vương. Tất cả mọi người đều sống hòa hợp, song Bồ-tát khô héo dần giữa cuộc sống tại gia. Ngài từ bỏ mọi dục lạc và hướng về đời tu hành.
Chẳng còn màng các lạc thú trần gian, ngài đi đứng nằm ngồi như tù nhân bị giam lỏng hay con gà trống trong lòng son. Chánh hậu suy nghĩ: “Hoàng thượng tránh mặt ta, ngài đi đứng nằm ngồi một mình, giờ đây ngài vẫn tươi trẻ, còn ta đã già và có tóc bạc. Giả sử ta kể cho ngài nghe chuyện ngài đã có tóc bạc, khiến cho ngài tin chuyện ấy và đến bầu bạn với ta chăng?”
Một hôm, làm như thể lau đầu vua, bà nói:
– Hoàng thượng sắp già rồi đấy, có sợi tóc bạc trên đầu hoàng thượng!
– Hãy nhổ nó ra và đặt vào tay trẫm.
Hoàng hậu nhổ một sợi tóc, nhưng lại ném nó đi và đặt vào tay ngài một sợi tóc bạc của bà. Khi thấy nó, nỗi sợ chết khiến mồ hôi đổ ra chảy xuống trán ngài, dù vầng trán bóng láng như một phiến vàng, ngài tự nhủ mình: “Này Susìma, ngươi đã già cỗi ngay tuổi thanh xuân, suốt bấy lâu nay ngươi chìm sâu vào vũng bùn dục lạc như thể con heo vùng quê lặn lội trong đầm lầy dơ bẩn, ngươi không thể xa rời bùn nhơ được. Hãy rời bỏ tham dục, và sống đời khổ hạnh ở vùng Tuyết Sơn. Nay đã đến thời xuất gia rồi”. Cùng với ý tưởng này, ngài ngâm vần kệ đầu:
Như thế Bồ-tát ca tụng đời tu hành, nhưng hoàng hậu thấy bà đã làm cho ngài rời bỏ bà chứ không phải yêu thương bà, nên lòng sợ hãi, bà muốn cản trở ngài sống đời xuất gia, bằng cách ngâm hai vần kệ ca tụng dung sắc ngài:
Nhưng Bồ-tát đáp:
– Này hoàng hậu, bà đang nói đến những việc phải xảy đến: Khi tuổi tác chín muồi, tóc đen này phải ngã màu bạc như vôi, ta thấy sự biến hoại của xác thân theo năm tháng lúc đến tuổi lão thành, từ công nương cho đến mọi người khác, dù có dịu mềm như tràng hoa sen xanh, sáng đẹp như vàng ròng, và say sưa với niềm kiêu hãnh về tuổi xuân rực rỡ của mình. Này hoàng hậu, đó là kết thúc đáng sợ của mọi loài hữu tình.
Hơn nữa, muốn trình bày chân lý với oai lực của một vị Phật, ngài ngâm hai vần kệ:
Trong vần kệ này bậc Ðại Sĩ nêu rõ nỗi khổ đau của dung sắc và giờ đây ngài tuyên bố nỗi bất mãn của ngài với đời tại gia:
Như vậy trong khi tuyên bố các lạc thú lẫn khổ đau của tham dục, ngài giảng bày chân lý với vẻ kỳ diệu của bậc Giác Ngộ, rồi ngài truyền đi mời thân hữu của ngài đến nhận lại vương quốc: ngài từ giã vinh quang và quyền lực giữa tiếng than khóc vang rền của thân bằng quyến thuộc, rồi trở thành bậc hiền nhân khổ hạnh ở vùng Tuyết Sơn, và về sau chứng đắc Thiên định, ngài được tái sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự thật và đem lại nguồn nước bất tử cho nhiều người, rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, chánh hậu là mẫu thân Ràhula, vua là Ánanda và vua Susìma chính là Ta.
-ooOoo-
Ta mang thân xác của xà vương…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc khiển trách lỗi lầm. Hoàn cảnh đưa đến chuyện này sẽ xuất hiện trong tiền thân Pannna (không tìm được).
Vào dịp này Bậc Ðạo Sư nhận thấy năm trăm Tỷ-kheo sống trong Tinh xá trên Con Ðường Lát Vàng (Kỳ Viên) đang bị dục tưởng chi phối, liền tập hợp Tăng chúng lại và bảo:
– Này các Tỷ-kheo, cần phải hoài nghi nơi nào đáng hoài nghi, lỗi lầm vây phủ con người như rễ cây đa hay những cây tương tự mọc quanh các cây khác. Cũng vậy, ngày xưa một vị thần trú trênđỉnh cây bông vải thấy một con chim thả phân có các hột cây đa nằm giữa các cành cây bông vải, sinh lòng lo sợ rằng nơi trú ẩn của mình sẽ bị tàn phá vì chúng.
Và do vậy Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát là Thần cây trú trên ngọn cây bông vải. Một chúa chim thần cánh vàng, Kim sí điểu vương, biến hình dài một trăm năm mươi dặm, rồi rẽ nước đại dương bằng trận cuồng phong do đôi cánh đập mạnh, nó chụp lấy đuôi một vua rắn thần Nàga dài một ngàn trượng, khiến cho xà vương phải nhả hết mọi vật đã ngậm trong miệng, xong nó liền bay lên theo các ngọn cây về phía cây bông vải.
Xà vương suy nghĩ: “Ta sẽ làm cho nó thả ta ra để ta đi”. Vì vậy rắn thành dán sát đầu vào cây đa và quấn quanh cây thật chặt. Do sức mạnh của chú chim thần và thân xác khổng lồ của xà vương, cây đa bị bật gốc. Song xà vương vẫn không rời cây đa. Chúa chim thần mang cả xà vương lẫn cây đa đến cây bông vải kia, đặt rắn thần lên thân cây, mổ bụng ra ăn thịt mỡ. Sau đó nó ném xác rắn xuống biển.
Bấy giờ trên cây đa có con chim nhỏ bay lên khi cây đa bị ném bỏ, rồi đậu trên một cành cây cao gần cây bông vải. Thấy con chim, Thần cây liền run rẩy toàn thân vì sợ hãi, và suy nghĩ: “Con chim này sẽ thả phân nó rơi trên thân ta, rồi một cây đa hay cây sung sẽ mọc lên và lan tràn khắp thân cây, thế là nơi trú ẩn của ta sẽ bị phá hoại”. Lúc ấy cây bông vải rung chuyển tận gốc vì cơn kinh hãi của Thần cây. Kim sí điểu vương thấy cây rung chuyển như vầy, liền ngâm đôi vần kệ hỏi lý do:
Sau đó Thần cây ngâm bốn vần kệ giải thích lý do:
Nghe lời thần cây, điểu vương ngâm vần kệ cuối cùng:
Nói vậy xong, điểu vương dùng sức mạnh đẩy con chim nhỏ ra khỏi cây ấy.
*
Sau Pháp thoại, Bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự thật bắt đầu bằng những lời: “Cần phải hoài nghi nơi nào đáng hoài nghi”. Khi các Sự thật kết thúc, năm trăm vị Tỷ-kheo được an trú vào Thánh quả (A-la-hán).
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, Sàriputta là Ðiểu vương và Ta chính là Thần cây.
-ooOoo-
Một hôm minh đế Yu-dhi-la…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về đặc ân của Ðại vương Kosala đối với một người khách lạ.
Chuyện kể rằng có thời vua không dành đặc ân cho các võ tướng cũ vẫn đến chầu vua như thường lệ, mà lại ban vinh dự và tỏ lòng hiếu khách đối với những người mới yết kiến lần đầu. Thời ấy vua đi chinh chiến ở một tỉnh biên địa bị quấy phá. Nhưng các võ tướng cũ của vua không muốn giao chiến vì nghĩ rằng những võ tướng mới được hưởng đặc ân sẽ chiến đấu và đám người mới này cũng không muốn chiến đấu vì nghĩ rằng những vị tướng cũ sẽ làm việc ấy. Do vậy quân phiến loạn thắng trận.
Vua biết thất bại của mình là do sai lầm mình đã mắc phải khi ban ân huệ cho bọn người mới, liền trở về thành Xá-vệ. Vua quyết định hỏi đức Thế Tôn Ðại Trí xem mình có phải là ông vua duy nhất chịu thất bại vì lý do kia chăng. Bậc Ðạo Sư đáp:
– Thưa Ðại vương, Ðại vương không phải là trường hợp duy nhất, vua chúa ngày xưa cũng bị bại trận vì đã ban đặc ân cho đám người mới.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa tại thành Indapattana, ở quốc độ Kuru, có vị vua ngự trị mệnh danh là Dhananjaya, thuộc dòng họ Yudhithila. Bồ-tát được sinh vào gia đình vị tế sư của vua. Khi lớn lên, ngài học tập mọi nghệ thuật ở Takkasilà. Sau ngài trở về Indapattana và khi thân phụ từ trần, ngài trở thành vị tế sư hoàng gia kiêm cố vấn của vua về thế sự cũng như thánh sự. Danh hiệu của ngài là bậc Trí nhân Vidhùra.
Vua Dhananjaya coi thường các võ tướng cũ của mình và ban đặc ân cho các người mới. Sau đó vua đi chinh chiến ở một tỉnh biên thùy có loạn; nhưng cả đám võ tướng cũ lẫn võ tướng mới đều không muốn giao chiến, mỗi phe đều nghĩ rằng phe kia sẽ chăm lo việc ấy. Do đó vua bại trận.
Khi trở về Indàpattana, vua nhận xét rằng sự thất bại ấy là do đặc ân mà mình đã dành cho đám người mới. Một hôm vua suy nghĩ: “Có phải ta là vị vua duy nhất từng bại trận vì ban ân huệ cho đám người mới, hay cũng có nhiều kẻ khác cùng chung số phận này trước kia? Ta muốn hỏi bậc Trí nhân Vidhùra”. Vì thế vua đưa lời chất vấn Trí nhân Vidhùra khi ngài đến yết kiến vua tại triều đình.
Bậc Ðạo Sư ngâm kệ nêu rõ lý do lới chất vấn của vua:
*
Nghe vậy, Bồ-tát đáp:
– Tâu Ðại vương, nỗi sầu của ngài chỉ là điều nhỏ nhặt. Ngày xưa, một Bà-la-môn chăn dê tên gọi Dhùmakàri nuôi một đàn dê lớn, và làm chuồng cho chúng ở trong rừng. Vị ấy đốt lửa xông khói và sống bằng sữa dê tại đó để chăm sóc đàn dê.
Khi thấy một bầy nai da vàng óng ả chợt đến, ông lại sinh lòng thương mến chúng và xao lãng bầy dê, ông tỏ hết lòng quý trọng bầy nai. Vào mùa thu, bầy nai lại di chuyển về vùng Tuyết Sơn. Trong lúc bầy dê chết dần như thế, bầy nai cũng khuất dạng sau rặng núi. Do quá khổ não, ông mắc bệnh xanh xao võ vàng và từ trần. Ông đã bày tỏ đặc ân với đám nai mới và phải chết vì chịu buồn khổ thống thiết hơn Ðại vương cả trăm ngàn lần.
Ngài liền ngâm vần kệ nêu rõ trường hợp này:
Ðấy là câu chuyện do bậc Ðại Sĩ kể lại để an ủi vua. Vua được an ủi, lòng rất hoan hỷ liền ban tặng ngài nhiều châu báu. Từ đó trở đi, vua bày tỏ ân sủng đối với toàn dân, làm nhiều thiện sự công đức nên được sinh lên cõi Thiên.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, vua xứ Kuru là Ànanda, Bà-la-môn Dhùmakàri là vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), nước Kosala, và bậc Trí nhân Vidhùra là Ta.
-ooOoo-
Ai thức tỉnh khi nhiều người đang ngủ…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một cư sĩ. Ðó là một đệ tử đã đắc Nhập lưu Ðạo.
Một hôm ông khởi hành từ Xá-vệ cùng với một đoàn xe đi theo đường rừng. Ðến một nơi có cảnh đẹp và nước chảy, người trưởng đoàn buộc xe ngựa lại, sửa soạn thức ăn đủ loại cứng mềm và tạm ở lại đó. Mọi người nằm xuống ngủ rải rác khắp nơi. Còn vị cư sĩ cứ đi vòng quanh gốc thân cây cạnh người trưởng đoàn. Lúc ấy năm trăm tên cướp dự định cướp đoàn xe. Cầm đủ mọi khí giới trong tay, chúng bao vây đoàn xe và chờ đợi. Khi thấy người cư sĩ đang đi dạo, chúng đứng đợi để bắt đầu đánh phá lúc ông đi ngủ. Nhưng ông cứ đi lại suốt đêm. Ðến tảng sáng, bọn cướp ném vũ khí cùng gậy đá chúng đã lượm, rồi bỏ đi và bảo:
– Này ông trưởng đoàn lữ khách, ông làm chủ tài sản này vì ông đã được cứu mạng nhờ người kia tỉnh thức thật tinh chuyên: Ông cần phải suy tôn ông ấy.
Mọi lữ khách thức dậy đúng giờ, thấy đám khí giới gậy đá do bọn cướp ném bỏ, liền bày tỏ lòng cung kính, biết ơn vị cư sĩ vì hiểu rằng họ sống được là nhờ ông.
Vị cư sĩ ấy đến nơi đã định, làm công việc xong, trở về Xá-vệ và đến Kỳ Viên: tại đó ông đến yết kiến và đảnh lễ đức Như Lai cung kính và ngồi dưới chân Ngài, rồi do lời Ngài yêu cầu, ông kể mọi chuyện cũ. Bậc Ðạo Sư bảo:
– Này cư sĩ, không phải chỉ riêng ông tạo được công đức đặc biệt lớn nhờ tỉnh thức và hộ phòng, mà các bậc trí ngày xưa cũng đã làm như vậy.
Và theo lời thỉnh cầu của vị cư sĩ. Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình Bà-la-môn . Khi lớn lên ngài học tập đủ mọi nghệ thuật ở Takkasilà và trở về nhà sống đời gia chủ.
Sau một thời gian, ngài rời bỏ nhà và trở thành ẩn sĩ. Chẳng bao lâu ngài đắc các Thiền chứng và sống tại vùng Tuyết Sơn, ngài chuyên tâm đi và đứng, ngài chỉ kinh hành suốt đêm chứ không ngủ.
Một vị Thần cây ở cuối lối đi của ngài hoan hỷ nhìn thấy ngài như vậy và ngâm vần kệ đầu:
Bồ-tát nghe lời vị Thần cây, liền ngâm vần kệ này:
Vị Thần cây ngâm vần kệ hỏi lại câu này:
Bồ-tát giải thích vấn đề này:
Khi Bậc Ðại Sĩ đã giải đáp lời này, vị Thần rất hoan hỷ và ngâm vần kệ tán thán:
Như vậy sau khi tán thán Bồ-tát, vị Thần cây trở vào nơi an trú của mình trên cây.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, vị thần cây là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc) và nhà khổ hạnh chính là Ta.
-ooOoo-
Cúng dường chư Phật quý cao thay…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về Hoàng hậu Mallikà (Mạt-lợi).
Nàng nguyên là con gái của vị trưởng nghiệp đoàn bán vòng hoa, cực kỳ diễm lệ và hiền thục. Khi nàng được mười sáu tuổi, trong lúc đi đến vườn hoa cùng các thiếu nữ khác, nàng mang theo ba phần cháo sữa chua trong giỏ hoa. Khi nàng rời thành phố, nàng trông thấy đức Thế Tôn vào thành, tỏa hào quang rực rỡ và được Tăng chúng vây quanh, nàng đem cúng dường Ngài ba phần cháo ấy.
Bậc Ðạo Sư đưa bát của ngài ra nhận cháo. Nàng đảnh lễ chân đức Như Lai và lấy niềm hoan hỷ ấy làm chủ đề Thiền quán, nàng đứng sang một bên. Bậc Ðạo Sư mỉm cười, nhìn nàng. Tôn giả Ànanda tự hỏi tại sao đức Như Lai mỉm cười và hỏi Ngài vấn đề này. Bậc Ðạo Sư nói lý do:
– Này Ànanda, cô gái này hôm nay sẽ trở thành chánh hậu của vua Kosala do phước báo ba phần cháo này.
Còn cô gái tiếp tục bước đến vườn hoa. Ngay chính hôm ấy vua Kosala giao chiến với vua Ajàtasattu (A-xà-thế) và thất bại phải đào tẩu. Trong khi đang đi ngựa, vua nghe tiếng nàng hát rất hấp dẫn liền thúc ngựa vào khu vườn. Công đức của cô gái đã đến thời chín muồi, vì thế khi thấy vua, nàng không chạy trốn mà đi đến cầm lấy dây cương nơi mũi ngựa. Vua ngồi trên lưng ngựa hỏi nàng đã có chồng chưa. Khi nghe nàng đáp chưa, ông xuống ngựa và đang mệt mỏi vì nắng gió, ông nằm nghĩ chốc lát trên đùi nàng. Sau đó ông đưa nàng lên ngựa, cùng đạo quân hùng hậu đi vào thành, đưa nàng đến tận nhà riêng.
Chiều hôm ấy vua phái một vương xa trong cảnh vô cùng vinh quang lộng lẫy đến rước nàng từ nhà nàng về đặt lên một bảo tọa đầy châu báu, làm lễ quán đảnh (rảy nước thánh lên đầu) cho nàng và phong nàng làm chánh hậu. Từ đó trở đi, nàng trở thành hoàng hậu thân thiết tận tụy được vua sủng ái, nàng có đầy đủ năm vẻ yêu kiều của nữ nhi, lại có đủ đám nô tỳ trung thành và nàng lại là một tín nữ được nhiều hồng ân của chư Phật. Cả kinh thành loan tin rằng nàng được mọi vinh hoa ấy là vì nàng cúng dường Bậc Ðạo Sư ba phần cháo.
Một hôm Tăng chúng bắt đầu thảo luận trong Chánh pháp đường:
– Này các Hiền giả, Hoàng hậu Mallikà cúng dường đức Phật ba phần cháo, và do phước báo này, ngay chính hôm ấy bà được làm lễ quán đảnh phong ngôi hoàng hậu: Công đức chư Phật thật vĩ đại dường nào.
Bậc Ðạo Sư bước vào, hỏi chuyện và khi được biết đề tài thảo luận của Tăng chúng, Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, không lạ gì nàng Mallikà trở thành chánh hậu của vua Kosala nhờ cúng dường đức Phật Chánh Ðẳng Giác ba phần cháo mà thôi, vì cớ sao? Ðó là nhờ đại hồng ân của chư Phật: Các trí nhân ngày xưa cúng dường các vị Ðộc Giác Phật cháo không có muối hay dầu nữa, song nhờ thế trong đời sau đạt được vinh quang của đế vương tại Kàsi rộng ba trăm dặm.
Rồi Ngài kể câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một nhà nghèo. Khi lớn lên ngài tìm kế sinh nhai bằng cách làm công cho một nhà giàu. Một hôm ngài mua bốn phần cháo ở cửa tiệm và suy nghĩ: “Cái này vừa đủ để ta ăn sáng”. Rồi ngài ra làm việc ngoài đồng. Khi thấy bốn vị Ðộc Giác Phật đang vào Ba-la-nại khất thực, ngài suy nghĩ: “Ta có bốn phần cháo này, giả sử ta đem cúng dường các vị đang đến Ba-la-nại khất thực?”. Vì thế ngài đi đến đảnh lễ các vị và nói:
– Thưa các tôn giả, con hiện đang cầm bốn phần cháo, con xin cúng dường các vị, mong các vị nhận lấy để cho con được phước đức đem lại an lạc lâu dài về sau.
Thấy các vị nhận lời, ngài liền rải cát và sắp đặt bốn chỗ ngồi, đặt các cành khô lên đó và mời chư vị Ðộc Giác Phật ngồi theo thứ tự. Ngài lấy rổ lá đem nước đến, rót nước cúng dường, và đặt bốn phần cháo vào bốn bình bát vừa đảnh lễ cung kính vừa thưa:
– Thưa các tôn giả, ước mong nhờ phước báo này con sẽ không sinh vào nhà nghèo nữa, ước mong đây sẽ làm nhân duyên cho con đắc quả vị Chánh Giác.
Các vị Ðộc Giác Phật dùng cháo xong, nói lời tùy hỷ công đức và trở về động Nandamùla. Khi kính chào các vị, Bồ-tát cảm thấy niềm hoan hỷ được tiếp xúc các Ðộc Giác Phật, và sau khi các vị đã khuất dạng, ngài đã đi làm công việc, ngài vẫn nhớ các vị mãi cho đến lúc mạng chung. Nhờ phước báo này, ngài tái sinh vào mẫu thai của chánh hậu thành Ba-la-nại. Ngài được đặt tên Vương tử Brahmadatta.
Từ lúc mới biết đi chập chững, nhờ năng lực nhớ lại những việc làm trong đời trước, ngài thấy rõ như thể soi bóng mình vào tấm gương sáng, rằng ngài tái sinh vào hoàn cảnh này do ngài đã cúng dường bốn phần cháo lên các vị Ðộc Giác Phật khi ngài là một tôi tớ đi làm thuê tại chính kinh thành này. Khi lớn lên, ngài học tập mọi môn nghệ thuật ở Takkasilà. Khi ngài trở về nhà, vua cha vô cùng hoan hỷ về các thành tựu của ngài nên phong ngài làm phó vương. Sau đó khi vua cha băng hà, ngài lên ngự trị quốc độ. Rồi kết hôn với công chúa tuyệt sắc của vua Kosala và phong nàng ngôi chánh hậu.
Vào ngày đại hội giương chiếc Lọng trắng che lên ngài, quần thần trang hoàng kinh thành như thể một kinh thành thiên giới. Ngài dự đám rước quanh thành phố rồi ngự lên thượng lầu được trang hoàng lộng lẫy, sau đó bước đến đài cao an tọa trên ngai vàng có lọng trắng giương phía trên.
Khi ngồi đó, ngài nhìn xuống nhìn thần dân đang đứng chầu, một phía là triều thần, phía kia là các Bà-la-môn và gia chủ sáng rực trong vẻ đẹp muôn màu sắc, một phía khác nữa là quần chúng cầm tặng vật đủ loại trong tay, kế đến là đoàn nữ nhạc vũ công gồm cả mười sáu ngàn nàng chẳng khác đoàn tiên tụ tập đông đủ trên Thiên đình.
Nhìn mọi vẻ huy hoàng làm say mê lòng người như thế, ngài nhớ lại đời trước của mình và suy nghĩ: “Chiếc lọng trắng kết tràng hoa bằng vàng và chân trụ bằng vàng khối này, bằng ngàn con voi và cỗ xe này, và cả lãnh thổ rộng lớn của ta đầy ngọc vàng châu báu, tài sản, mễ cốc đủ loại, các nữ nhân như tiên nữ trên trời, mọi cảnh vinh quang này đều thuộc riêng về phần ta thôi, đó là do công đức cúng dường bốn vị Ðộc Giác Phật bốn phần cháo: Ta hưởng được tất cả mọi sự này nhờ đó”.
Như vậy trong khi nhớ lại hồng ân của chư Ðộc Giác Phật, rõ ràng ngài đã tuyên dương công đức của ngài trong đời trước. Ý tưởng ấy làm toàn thân ngài tràn ngập hoan lạc. Niềm hoan lạc thấm tận tâm can khiến ngài ngâm vang hai vần kệ đầy cảm hứng ngay giữa quần thần:
Như vậy trong niềm hỷ lạc, Bồ-tát ngâm khúc hoan ca gồm hai vần kệ nhân ngày lễ giương chiếc Lọng trắng. Từ đó về sau, chúng được xem là khúc ca được quốc vương ái mộ và mọi người đều hát điệu ấy, từ các vũ nữ, vũ công, nhạc sĩ, cung nhân, thị vệ, cho đến dân chúng và ngay cả đám quần thần trong triều.
Sau một thời gian, chánh hậu mong muốn biết ý nghĩa bài hát, song bà không dám hỏi bậc Ðại Sĩ. Một hôm nhà vua đẹp ý vì một đức tính của bà, liền phán:
– Này ái hậu, ta muốn ban cho nàng một điều ước, hãy nhận đặc ân ấy.
– Tâu hoàng thượng, tốt lành thay thiếp xin nhận đặc ân ấy.
– Ái hậu muốn ta ban gì, voi ngựa hay thứ nào khác?
– Tâu hoàng thượng, nhờ ân sủng của hoàng thượng, thiếp không thiếu gì cả, thiếp không cần các thứ ấy. Song nếu hoàng thương ban cho thiếp một đặc ân, xin hãy nói cho thiếp biết ý nghĩa khúc ca của ngài.
– Này ái hậu, nàng cần gì đặc ân ấy? Hãy nhận thứ khác đi.
– Tâu hoàng thượng, thiếp không cần một thứ nào khác cả. Ðó là đặc ân thiếp muốn nhận.
– Ðược rồi, này ái hậu, ta sẽ nói điều ấy, nhưng không phải đó là điều bí mật nói riêng với nàng, mà ta muốn gióng tiếng trống khắp kinh thành Ba-la-nại rộng mười hai dặm này, ta muốn dựng ngôi đình bằng ngọc ngay tại cung môn và đặt một chiếc ngai bằng ngọc tại đó, rồi ta sẽ ngồi đó giữa quần thần, Bà-la-môn, cùng mọi người khác gồm cả mười sáu ngàn nữ nhân, và kể chuyện ấy.
Bà tuân lệnh. Vua truyền làm mọi việc như trên, rồi ngự lên ngai giữa đại chúng như Sakka Thiên chủ giữa chư Thiên. Hoàng hậu phục sức đủ mọi thứ nữ trang ngọc vàng, đặt một kim đôn, ngồi bên cạnh ở một vị trí thích hợp, rồi đưa mắt nhìn vua, bà thưa:
– Tâu hoàng thượng, xin hãy giảng giải cho thiếp biết ý nghĩa khúc hoan ca mà ngài thường hát trong niềm hỷ lạc, như thể làm cho mặt trăng xuất hiện trên bầu trời.
Rồi bà ngâm vần kệ thứ ba:
Bậc Ðại Sĩ ngâm bốn vần kệ nêu rõ ý nghĩa khúc ca:
Khi hoàng hậu nghe bậc Ðại Sĩ giảng giải đầy đủ thành quả của thiện nghiệp ngài, bà hân hoanđáp:
– Tâu Ðại vương, nếu ngài nhận thấy rõ các thành quả của bố thí như vậy, từ nay về sau xin ngài nhận một phần cơm và đừng ăn cho đến khi nào chính ngài đã cúng dường thực phẩm lên các vị Sa-môn Bà-la-môn chân chánh.
Rồi hoàng hậu ngâm vần kệ tán thán Bồ-tát:
Bậc Ðạo Sĩ ngâm vần kệ chấp nhận lời hoàng hậu:
Sau khi nói xong, ngài nhìn dung sắc Hoàng hậu và bảo:
– Này mỹ hậu, ta đã kẻ đủ mọi thiện nghiệp ta làm đời trước, song giữa đám nữ nhân này không ai sánh kịp nàng về dung sắc và vẻ kiều diễm khả ái.
Rồi ngài ngâm vần kệ:
Sau đó hoàng hậu ngâm vần kệ nêu phước nghiệp đã tạo trong kiếp quá khứ:
Theo đây, hoàng hậu cũng biết chính xác và kể lại đời trước của mình.
Như vậy cả hai vị đã công bố các nghiệp quá khứ xong, từ ngày ấy hai vị truyền lệnh xây sáu bố thí đường tại bốn cổng thành, giữa kinh thành và tại cung môn, rồi để khích lệ toàn cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ), hai vị thực hành đại bố thí, giữ các giáo đức và các ngày trai giới, nên lúc mạng chung được tái sinh cõi thiên.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, hoàng hậu là mẫu thân Ràhula và vua chính là Ta.
-ooOoo-
Lo sợ kinh hoàng trong trí ta…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Trúc Lâm về âm mưu của Tỷ-kheo Devadatta định giết Ngài.
Tăng chúng bàn luận tại Chánh pháp đường:
– Này các Hiền giả, Tỷ-kheo Devadatta dự định giết đức Như Lai, vị ấy đã thuê bọn xạ thủ, némđá trên núi xuống, thả voi say Nàgàgiri và dùng nhiều phương tiện diệt đức Như Lai.
Bậc Ðạo Sư bước vào hỏi đề tài thảo luận của các vị lúc ngồi đây. Khi các vị trình bày xong, Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu các kẻ ấy dự định mưu sát ta. Song kẻ ấy không đủ khả năng thậm chí làm ta lo sợ, mà chỉ tạo khổ đau cho bản thân mình thôi.
Và do vậy Ngài kể câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm vương tử của chánh hậu. Khi lớn lên, ngài học tập đủ mọi nghệ thuật ở Takkasilà và biết được thần chú hiểu tiếng kêu của súa vật. Sau khi lời thầy dạy đầy đủ, ngài trở về Ba-la-nại. Phụ vương phong ngài chức phó vương, nhưng dù vua đã làm như vậy, vua lại mong mỏi giết hại ngài và thậm chí không muốn nhìn thấy ngài nữa.
Thời ấy, một chó rừng cái đem hai chó con vào kinh thành theo một đường cống ban đêm, lúc mọi người đều nghỉ ngơi. Trong cung của Bồ Tát cạnh tư thất ngài, có căn phòng dành cho một người khách, kẻ ấy đã cởi giầy ra và đặt trên sàn nhà bên chân mình rồi nằm trên tấm ván, nhưng chưa ngủ.
Bầy chó con đói và kêu khóc. Mẹ chúng bảo theo giọng chó rừng:
– Này các con đừng làm ồn, có một người trong phòng kia, có một người trong phòng kia đã cởi giầy ra và đặt trên sàn nhà. Ông ta đang nằm trên tấm ván nhưng chưa ngủ. Khi ông ta ngủ rồi, mẹ sẽ đến lấy đôi giầy cho các con ăn.
Nhờ thần chú, Bồ-tát hiểu tiếng chó rừng và rời phòng mình, mở cửa sổ gọi:
– Ai ở trên đó?
– Tâu Ðiện hạ, thần là một lữ khách.
– Thế giày của ông đâu?
– Tâu, ở trên sàn.
– Hãy lấy giày treo lên.
Nghe lời này, chó mẹ nổi giận với Bồ-tát. Một hôm nó lại vào thành theo cách trên. Hôm ấy có kẻ say rượu bước xuống nước trong một hồ sen, rồi té vào đó chết chìm. Kẻ ấy có hai chiếc áo đang mặc trên người, một ngàn đồng tiền để ở áo trong và một chiếc nhẫn trên ngón tay.
Bầy chó con lại kêu khóc đòi ăn. Mẹ chúng bảo:
– Im đi các con, có một người chết trong hồ sen này, ông ta có nhiều của cải như vậy mà đang nằm trong hồ sen, mẹ sẽ cho các con ăn thịt ông ta.
Bồ-tát nghe tiếng chó, mở cửa sổ ra hỏi:
– Ai trong phòng kia?
Một người thức dậy thưa:
– Chính tiểu thần.
– Hãy đi lấy bộ áo, ngàn đồng tiền và chiếc nhẫn trên người đang nằm chết ở hồ sen đằng kia và làm cho xác chìm xuống để nó khỏi nổi lên mặt nước.
Người kia tuân lệnh làm theo. Chó rừng liền tức giận ngài:
– Hôm trước ngài cản trở các con tôi ăn đôi giày, hôm nay ngài lại cản chúng tôi ăn xác chết. Ðược lắm, vào ngày thứ ba kể từ đây, một địch vương sẽ đến bao vây kinh thành, phụ vương ngài sẽ truyền ngài ra trận, họ sẽ chặt đầu ngài. Tôi sẽ uống máu từ cổ ngài cho hả giận: ngài tự biến mình thành kẻ thù của tôi, vậy tôi quyết chí trả thù.
Như vậy chó cái vừa sủa vừa nhục mạ Bồ-tát. Rồi nó đem các con đi.
Vào ngày thứ ba, vị địch vương đến bao vây kinh thành. Vua bảo Bồ-tát:
– Này con thân yêu, hãy ra trận.
– Tâu phụ vương, con đã thấy trước một điềm báo hiệu. Con không thể đi vì sợ rằng con sẽ mất mạng.
– Ngươi sống chết có nghĩa gì đối với ta? Ði ngay!
Bậc Ðại Sĩ tuân lệnh. Cùng đem đám gia nhân theo, ngài tránh cổng thành nơi địch vương đang đón quân và đi ra bằng một cổng khác ngài đã mở sẵn. Khi ngài ra đi, cả kinh thành như thể bị bỏ trống vì mọi người cùng theo ngài. Ngài đóng quân ở một khoảng đất rộng và chờ đợi.
Vua suy nghĩ: “Phó vương của ta đã bỏ trống kinh thành và chạy trốn với tất cả quân sĩ của ta, còn kẻ thù đang nằm quanh kinh thành. Ta chỉ là kẻ chết rồi”.
Nghe vua cha đã đào tẩu, Bồ-tát vào thành, đánh bại địch vương và chiếm lại quốc độ. Vua cha lúc ấy dựng lều lá bên bờ sông, sống bằng củ quả rừng. Vua và tế sư thường đi tìm trái cây. Còn cận thần Parantapa ở lại với hoàng hậu trong lều. Hoàng hậu lúc ấy đang có thai với vua, nhưng vì thường sống chung với Parantapa nên bà phạm tà hạnh với y.
Một hôm bà bảo với y:
– Nếu đức vua biết, chàng và thiếp đều không sống được đâu. Vậy hãy giết ngài đi.
– Bằng cách nào chứ?
– Ngài thường bảo chàng mang kiếm và áo tắm lúc ngài đi tắm, vậy hãy đem ngài đi xa người hộ vệ tại nơi tắm, rồi chặt đầu ngài và lấy kiếm chặt thân ngài thành nhiều khúc xong chôn xuống đất.
Y đồng ý. Một hôm vị tế sư đã đi ra tìm quả rừng, ông đã trèo lên một cây to gần nơi vua tắm và đang hái trái. Còn vua muốn tắm nên ra bờ suối cùng Parantapa mang thanh kiếm và áo tắm của vua.
Lúc vua sắp tắm, Parantapa muốn giết vua nhân dịp vua không có người hộ vệ, liền nắm cổ vua và nhấc kiếm lên. Vua sợ chết thét lớn. Vị tế sư nghe tiếng kêu và từ trên cây ông thấy rõ Parantapa đang ám sát vua, nhưng ông cũng quá kinh hoàng vội từ cành cây trụt xuống ẩn mình vào bụi rậm.
Parantapa nghe tiếng sột soạt lúc ông trụt xuống, nên sau khi giết vua và chôn xác xong, y suy nghĩ: “Có tiếng gì sột soạt từ cành cây trụt xuống gần đây, kẻ nào vậy?”. Nhưng không thấy ai, y tắm rửa và ra về.
Sau đó vị tế sư bước ra khỏi chỗ ẩn. Nay biết vua đã bị chặt khúc và chôn trong cái hố, ông tắm rửa và vì lo cho sinh mạng của mình, ông giả mù khi trở về lều.
Parantapa thấy ông, liền hỏi việc gì đã xảy ra cho ông. Ông giả vờ không nhận biết y và nói:
– Tâu Ðại vương, tiểu thần trở về với đôi mắt đã mù. Tiểu nhân đã đứng cạnh một tổ kiến trong rừng đầy rắn và hơi thở của một con rắn độc nào đó đã xông vào người tiểu thần.
Parantapa nghĩ vị tế sư đang nói chuyện với y như thể nói với vua vì ông không biết gì nữa, nên yên tâm bảo:
– Này vị Bà-la-môn, đừng lo, ta sẽ chăm sóc ngài.
Rồi y vừa an ủi ông vừa cho ông nhiều quả rừng.
Từ đó chính Parantapa đi kiếm trái cây. Về sau hoàng hậu sinh được một hoàng tử. Khi hoàng tử lớn lên, một hôm bà nói chuyện với Parantapa vào lúc tảng sáng nhân dịp ngồi nhàn nhã:
– Có ai thấy chàng lúc giết vua chăng?
– Không ai thấy ta cả, nhưng ta nghe tiếng động của vật gì trụt xuống từ bụi cây nọ, ta không biếtđó là người hay vật. Tuy thế, bất cứ lúc nào trong lòng ta nổi lên mối lo sợ cũng đều do duyên cớ bụi cây sột soạt kia.
Rồi y ngâm vần kệ đầu nói chuyện với bà:
Hai người ấy tưởng vị tế sư đã ngủ, nhưng ông đang thức và nghe họ nói chuyện.
Một hôm, khi Parantapa đã đi vào rừng hái trái, vị tế sư nhớ đến bà vợ Bà-la-môn của mình, lại ngâm vần kệ thứ hai để than thân:
Hoàng hậu hỏi ông đang nói gì thế. Ông đáp:
– Thần chỉ suy nghĩ trong dạ mà thôi.
Nhưng một ngày khác, ông lại ngâm vần kệ thứ ba:
Một ngày khác nữa ông lại ngâm vần kệ thứ tư:
Theo thời gian, hoàng tử ấu thơ lớn dần đến mười sáu tuổi. Lúc ấy vị Bà-la-môn làm một cây gậy, cùng đi với cậu đến chỗ tắm và mở mắt ra nhìn. Hoàng tử hỏi:
– Này vị Bà-la-môn, ông không mù à?
– Ta không mù, nhưng nhờ cách này ta đã cứu mạng mình. Thế cậu có biết ai là thân phụ cậu không?
– Ta biết chứ.
– Người kia không phải là cha cậu đâu. Cha cậu là vua ở Ba-la-nại, người kia chỉ là kẻ hầu cận của hoàng gia, y đã thông gian với mẹ cậu và giết cha cậu tại chỗ này, rồi chôn xác đây.
Nói vậy xong, ông kéo bộ xương lên chỉ cho hoàng tử thấy. Hoàng tử tức giận hỏi:
– Thế ta phải làm gì bây giờ?
– Cứ đối xử với kẻ kia như cách y đối xử với cha cậu.
Rồi ông trình bày mọi việc cho hoàng tử và trong vài ngày, dạy cho hoàng tử cách dùng kiếm. Sau đó, một hôm hoàng tử cầm kiếm và áo tắm, rồi bảo:
– Cha ơi, chúng ta đi tắm nhé.
Parantapa đồng ý ra đi với cậu. Khi y bước xuống nước, hoàng tử cầm chỏm tóc y bằng tay trái và kiếm trong tay phải, bảo:
– Ngay tại đây, ngươi đã nắm chỏm tóc cha ta và giết ngài trong lúc ngài thét lên. Vậy ta cũng sẽ làm thế với ngươi.
Parantapa sợ chết, gào thét lên và ngâm hai vần kệ:
Nói vậy xong, cậu đâm y chết tại chỗ, vùi thây vào đó và lấy cành cây phủ lên. Sau đó rửa sạch kiếm và tắm xong, cậu trở lại lều lá. Cậu kể cho vị tế sư nghe cách cậu đã giết Parantapa và khiển trách mẹ cậu xong, cậu lại hỏi khi cả ba trở về Ba-la-nại:
– Chúng ta sẽ phải làm gì bây giờ?
Bồ-tát phong hoàng đệ làm phó vương, rồi thực hành bố thí và nhiều thiện sự khác, về sau mạng chung ngài tái sinh lên Thiên giới.
*
Khi pháp thoại chấm dứt, Bậc Ðạo sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, Devadatta là vua cha và Ta chính là vua con.
-ooOoo-
Chương VIII
Phẩm Tám Bài Kệ
Mặc áo trắng và tóc xõa vai…,
Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một người phụng dưỡng mẹ mình.
Chuyện kể rằng đó là một thiện gia nam tử ở Savatthì (Xá-vệ). Khi cha mất, chàng chuyên tâm săn sóc mẹ, hầu hạ mẹ các công việc súc miệng đánh răng, tắm rửa v.v… và đem cháo cơm thức ăn cho mẹ. Bà mẹ bảo: “Này con, có nhiều phận sự khác trong đời gia chủ, con phải cưới một cô gái nhà đàng hoàng, cô ấy sẽ săn sóc mẹ, để rồi con đi làm công việc khác thích hợp hơn”. – “Mẹ ơi, chính vì lợi ích và niềm vui của con mà con hầu hạ mẹ, chứ ai khác có thể hầu để tăng gia sản của ta chứ”. – “Con không màng đến đời sống gia đình. Con muốn phụng sự mẹ, sau khi mẹ qua đời, con sẽ làm ẩn sĩ khổ hạnh.”
Bà mẹ cố nài ép con mãi, và cuối cùng không cần thuyết phục con hay được con chấp thuận, bà cứ đưa về một cô gái con nhà tử tế. Chàng cưới vợ và sống với nàng vì chàng không muốn trái ý mẹ, nên muốn bắt chước, nàng cũng chăm nom mẹ chồng chu đáo. Nhận thấy lòng tận tụy của vợ, chàng đem về cho nàng mọi thức ăn ngon lành mà vị ấy có thể kiếm được.
Theo thời gian, nàng dâu suy nghĩ ngu xuẩn theo kiểu kiêu hãnh của nàng: “Chàng cho ta mọi thức ăn ngon lành chàng kiếm được, chắc hẳn chàng mong muốn tống mẹ đi cho rảnh, vậy ta sẽ tìm cách làm việc đó”. Một hôm nàng bảo:
– Chàng ơi, mẹ mắng tôi lúc chàng đi vắng.
Người chồng không nói gì. Nàng suy nghĩ: “Ta sẽ chọc tức bà già và làm cho con trai bà ấy không chịu nổi mẹ nữa”.
Từ đó nàng đem cháo cho bà hoặc quá nóng hoặc quá lạnh, hoặc quá mặn hoặc quá nhạt. Khi bà lão than phiền cháo quá nóng hay quá mặn, nàng đổ thêm nước lạnh đầy dĩa, rồi khi nghe cháo quá lạnh hoặc quá nhạt, nàng thường kêu to:
– Mới đây mẹ bảo quá nóng và quá mặn, ai chiều chuộng bà cho được.
Lúc tắm rửa, nàng thường dội nước quá nóng lên lưng bà già, nghe bà bảo:
– Con ơi, lưng mẹ bỏng rồi đấy!
Nàng liền dội nước thật lạnh lên bà mẹ, rồi khi nghe bà than phiền, nàng bịa chuyện với hàng xóm:
– Bà già này khi thì bảo nước quá nóng, khi thì bảo nước quá lạnh, ai còn chịu đựng được sự trơ tráo của bà ấy nữa?
Nếu bà già than phiền giường bà đầy rệp, nàng sẽ đem giường ấy ra, và giũ mạnh vạt giường của nàng lên đó rồi mang nó về chỗ cũ, bảo bà:
– Tôi đã giũ nó rồi.
Bà già hiền lành lại bị rận rệp cắn nhiều gấp đôi trước kia, nên phải ngồi suốt đêm và than phiền bị rệp cắn suốt đêm, nàng đáp lại:
– Giường mẹ mới được giũ hôm qua và hôm kia nữa, ai có thể chiều chuộng mọi yêu sách của bà già này chứ?
Muốn làm cho con trai bà phản đối mẹ, nàng lại rải đờm dãi, tóc bạc khắp nơi, rồi khi chàng hỏi ai làm cho nhà cửa bừa bãi dơ bẩn như vậy, nàng thường bảo:
– Mẹ chàng làm đấy, nhưng nếu tôi bảo mẹ đừng làm vậy, thì mẹ lại la lối lên. Tôi không thể ở chung nhà với một bà chằn như vậy, chàng phải quyết định hoặc mẹ hoặc tôi ở lại đây thôi.
Chàng nghe nàng nói vậy liền bảo vợ:
– Nàng ơi, nàng còn trẻ và có thể ở nơi nào tùy ý, muốn đi đâu thì đi nhưng mẹ tôi già yếu, tôi là chỗ tựa của bà. Vậy nàng hãy đi về với người thân thuộc.
Khi nghe vậy nàng sợ hãi nghĩ thầm: “Chàng không thể xa cách người mẹ rất thân yêu đối với chàng. Còn nếu ta về nhà cũ, ta sẽ sống cuộc đời cô đơn khổ sở. Vậy ta muốn hòa giải với chồng và chăm sóc bà như xưa”. Từ đó nàng làm đúng như thời trước.
Một hôm vị cư sĩ này đến Kỳ Viên nghe Pháp, đảnh lễ bậc Ðạo Sư xong, chàng đứng một bên. Bậc Ðạo Sư hỏi xem có phải chàng vẫn không xao nhãng bổn phận cũ, và vẫn tận tụy chăm sóc mẹ già chăng.
Chàng đáp:
– Thưa vâng, Bạch Thế Tôn. Mẹ con đem về cho con một cô gái để làm vợ trái ý con, nàng ấy đã làm nhiều việc không xứng đáng như vậy.
Rồi chàng kể hết mọi việc cho Ngài nghe:
– Song nàng ấy không thể ly gián mẹ con với con được, nên bây giờ nàng ấy lại chăm sóc bà hết sức cung kính.
Bậc Ðạo Sư nghe chuyện và bảo:
– Ngày nay ông không nghe theo lời vợ, nhưng ngày xưa ông đã bỏ mẹ vì nghe lời vợ xúi giục và nhờ ta đưa bà ấy về lại cho ông chăm nom.
Rồi theo lời thỉnh cầu của chàng, Ngài kể câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, có một thanh niên trong gia đình nọ hết lòng chăm sóc mẹ già khi cha cậu từ trần, giống như phần duyên khởi chuyện này, các chi tiết cũng được nêu ra đầy đủ như trên. Nhưng trong trường hợp này, khi người vợ bảo nàng không thể sống với bà chằn kia và chàng phải quyết định một trong hai người phải ra đi, thì chàng theo lời vợ cho rằng mẹ mình có lỗi và bảo:
– Mẹ ơi, mẹ luôn gây chiến trong nhà này, từ nay mẹ đi sống nơi khác tùy ý mẹ.
Bà mẹ nghe vậy, vừa khóc vừa đi đến nhà bạn đâu đó, làm thuê chật vật để sống qua ngày. Sau khi bà ra đi, con dâu bà mang thai sinh con trai, nên thường rêu rao với chồng và hàng xóm rằng việc sinh con ấy chưa hề xảy ra trước kia, khi còn có bà chằn ở trong nhà.
Sau khi sinh con, nàng bảo chồng:
– Tôi chưa bao giờ sinh con lúc mẹ chàng còn ở trong nhà, nay tôi đã có con: như thế chàng có thể thấy rõ bà ấy đúng là bà già chằn thuở trước rồi đó.
Bà già nghe chuyện sinh con trai được dâu bà xem là do bà ra khỏi nhà, liền suy nghĩ: “Chắc chắn thần Công chánh đã chết trên đời này, vì nếu không phải như vậy, những kẻ này đã không sinh con trai và sống sung sướng sau khi đánh đuổi mẹ mình: Ta muốn làm lễ cúng tế thần Công chánh đã chết”.
Vì vậy một ngày kia, bà đem mè xay, gạo cùng một cái nồi và muỗng nhỏ, bà ra nghĩa địa đốt lửa trong cái lò làm bằng ba sọ người, rồi bà xuống suối tắm rửa đầu mình, giặt áo quần xong trở lại nơi lò lửa, xõa tóc ra và bắt đầu vo gạo.
Thuở ấy Bồ-tát là Thiên chủ Sakka, và các Bồ-tát luôn chú tâm cảnh giác. Ngay lúc ấy ngài nhìn xuống trần gian và thấy bà già khốn khổ kia đang làm lễ tống táng thần Công chánh như thể thần Công chánh đã chết. Muốn chứng tỏ uy lực của ngài trong sự cứu giúp bà, ngài giáng trần giả dạng một Bà-la-môn du hành trên đường, khi nhìn thấy bà, ngài rời đường cái đến đứng bên bà, bắt đầu câu chuyện bằng cách hỏi:
– Mẹ ơi, người ta thường không nấu cơm trong nghĩa địa. Mẹ định làm gì với cơm và mè này khi nấu xong?
Rồi ngài ngâm vần kệ đầu:
Bà ngâm vần kệ thứ hai nói cho ngài biết:
Thiên chủ, hiện thân của thần Công chánh, đáp vần kệ thứ ba:
Nghe ngài nói, bà già ngâm đôi vần kệ tiếp theo:
Nghe thể bà lão kêu to:
– Than ôi, ngài vừa nói gì thế? Tôi sẽ cố sức giúp cháu tôi khỏi chết.
Rồi bà ngâm vần kệ thứ bảy:
Sau đó Thiên chủ Sakka ngâm vần kệ thứ tám:
Bấy giờ sau khi nói xong, Sakka Thiên chủ hiện ra đủ mọi vẻ uy nghi của ngài, dùng thần lực đứng trên không và nói:
– Kaccàni, bà đừng sợ, thần lực của ta, con và dâu bà sẽ đến đây đem bà về nhà, hãy sống hòa thuận với chúng.
Rồi ngài trở về cõi của ngài.
Nhờ uy lực của Thiên chủ, con và dâu bà nghĩ đến mọi tính tốt của bà trước kia và đi tìm khắp thôn làng, họ thấy bà đã đi về phía nghĩa địa. Họ theo con đường ấy và gọi bà, khi gặp lại bà, họ quỳ xuống chân bà xin lỗi và được bà tha thứ lỗi lầm cũ.
Bà vui mừng chào đón cháu nội. Vì vậy cả bọn họ cũng hoan hỷ trở về nhà và từ đó sống chung với nhau.
Vần kệ này được cảm tác do Trí tuệ Tối thắng của đức Phật.
*
Sau pháp thoại, bậc Đạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Khi kết thúc các Sự Thật, vị cư sĩ được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, người cư sĩ phụng dưỡng mẹ mình là người đang phụng dưỡng mẹ ngày nay, người vợ thời ấy là người vợ thời nay và Sakka Thiên chủ chính là Ta.
-ooOoo-
Ngày xưa thường gọi chốn này…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một tiếng động kinh hoàng không phân biệt được mà vua xứ Kosala đã nghe lúc nửa đêm. Hoàn cảnh này đã được tả trong Tiền Thân Lohakumbhi, số 314.
Tuy nhiên lần này, khi vua hỏi:
– Bạch Thế Tôn, việc trẫm nghe tám tiếng kêu ấy có mang lại điều gì chăng?
Bậc Ðạo Sư đáp:
– Thưa Ðại vương đừng sợ hãi: không có mối nguy gì xảy ra cho Ðại vương do các tiếng kêu ấy. Những âm thanh kinh hoàng khó phân biệt như thế không chỉ một mình Ðại vương nghe được, mà các đế vương ngày xưa cũng đã từng nghe những âm thanh tương tự và dự định theo lời khuyên của các Bà-la-môn dâng tế lễ bốn loại sinh vật, nhưng sau khi nghe các bậc hiền trí khuyên nhủ, các vua ấy đã thả tự do cho bầy súc vật được thâu góp để tế đàn và truyền đánh trống ra lệnh cấm mọi việc sát sinh.
Rồi theo lời thỉnh cầu của vua, Ngài kể câu chuyện đời xưa
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình Bà-la-môn có gia sản đến tám trăm triệu đồng tiền.
Khi lớn lên, ngài học mọi ngành nghệ thuật tại Takkasilà. Sau khi cha mẹ qua đời, ngài xem xét tất cả các kho tàng, rồi từ bỏ mọi của cải bằng cách bố thí, đoạn trừ tham dục và đến vùng Tuyết Sơn trở thành một vị khổ hạnh chuyên tâm nhập định.
Sau một thời gian, ngài trở về chốn cư trú của quần chúng để tìm muối và dấm, đến tận Ba-la-nại, nghĩ ngơi trong ngự viên. Thời ấy vua Ba-la-nại nghe tám tiếng kêu lớn trong lúc đang ngủ trên vương sàng khoảng nửa đêm: đầu tiên, một con Hạc kêu trong vườn gần hoàng cung ; thứ hai, ngay sau khi Hạc kêu, một con quạ cái kêu từ cổng chuồng voi ; thứ ba, một con mọt kêu ở nóc hoàng cung ; thứ tư, chim Sơn ca thuần dưỡng kêu trong hoàng cung ; thứ năm, một con Nai thuần dưỡng cũng kêu tại chỗ ấy; thứ sáu, một con Khỉ thuần dưỡng cũng kêu tại đó ; thứ bảy, một vị tiểu Thần sống trong hoàng cung cất tiếng kêu than ; và thứ tám, ngay sau khi tiếng kêu cuối cùng ấy, một vị Ðộc Giác Phật thốt ra một âm thanh đầy hoan lạc khi bay qua mái hoàng cung tiến về phía ngự viên.
Vua rất kinh hãi khi nghe tám tiếng kêu trên, hôm sau liền tham vấn các Bà-la-môn. Họ đồng đáp:
– Tâu Ðại vương, tai họa sắp xảy ra với Ðại vương, hãy cho phép chúng thần dâng lễ tế đàng ngoài hoàng cung.
Rồi khi được vua cho phép họ làm điều sở thích, họ hoan hỷ đến và bắt đầu chuẩn bị tế đàn. Bầy giờ, một đệ tử trẻ tuổi của vị tế sư Bà-la-môn trưởng thượng rất thông thái đa văn, chàng thưa với thầy:
– Bạch Tôn sư, không nên gây nhiều việc sát hại sinh vật độc ác và thô bạo như vậy.
– Này đệ tử, con biết gì về việc này chứ? Cho dẫu chẳng có gì khác xảy ra, chúng ta cũng được ăn một mẻ cá thịt no nê thỏa thích!
– Bạch Tôn sư, đừng vì cái bụng mà tạo ác nghiệp đưa đến tái sinh trong địa ngục.
Nghe vậy, các Bà-la-môn kia tức giận vị đệ tử muốn làm hỏng các mối lợi của họ.
Vị đệ tử sợ hãi đáp:
– Thôi được, xin cứ tìm cách lấy thật nhiều cá thịt để ăn.
Rồi chàng rời kinh thành đi tìm một vị khổ hạnh thuần thành có khả năng ngăn cản vua việc tế đàn kia. Chàng vào ngự viên và thấy Bồ-tát, liền kính chào ngài và hỏi:
– Tôn giả không có lòng bi mẫn các sinh vật sao? Vua đã ra lệnh làm tế đàn gây chết chóc cho nhiều sinh vật, Tôn giả không muốn giải thoát cho cả đám sinh linh ấy sao?
Này thanh niên Bà-la-môn, ta không biết vua nước này, vua cũng không biết ta.
– Bạch Tôn giả, Tôn giả có biết hậu quả của các âm thanh mà nhà vua đã nghe sẽ ra sao chăng?
– Ta biết chứ.
– Nếu Tôn giả biết, tại sao Tôn giả không bảo cho vua?
– Này thanh niên Bà-la-môn, làm sao ta có thể kiêu hãnh đến bảo vua: “Ta biết!” đã chứ? Nếu vuađến hỏi ta, ta sẽ báo cho ngài.
Vị Bà-la-môn trẻ tuổi vội vàng đến cung đình, và khi được hỏi có việc gì, chàng bảo:
– Tâu Ðại vương, có một vị khổ hạnh biết nguyên nhân các âm thanh mà Ðại vương đã nghe. Vị ấy đang ngồi trên vương tọa trong ngự viên và bảo vị ấy sẽ trình bày với Ðại vương nếu Ðại vương hỏi. Xin Ðại vương hãy làm như vậy.
Vua vội vàng đến kính lễ vị khổ hạnh và sau khi ân cần chào nhau, vua ngồi xuống và hỏi:
– Có thật Tôn giả biết nguyên nhân tám tiếng kêu mà trẫm đã nghe chăng?
– Tâu Ðại vương, phải.
– Vậy xin Tôn giả nói cho trẫm.
– Tâu Ðại vương, không có gì nguy hiểm liên hệ đến các âm thanh kia. Trước hết, có một con Hạc trong ngự viên cũ của Ðại vương thiếu thức ăn nên đói lả gần chết và thốt tiếng kêu ấy.
Như thế, do tri kiến của ngài, ngài vừa nêu rõ ý nghĩa tiếng kêu của con Hạc, vừa ngâm vần kệ đầu:
Tiếng Hạc:
– Tâu Ðại vương, đó là tiếng kêu của con Hạc trong cơn đói lả, nếu Ðại vương muốn nó khỏi đói, xin hãy ra lệnh dọn vườn sạch sẽ và đổ nước đầy ao.
Vua liền bảo một vị triều thần sai người làm việc này.
Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ hai:
Tiếng Quạ:
Rồi ngài hỏi vua về tên của người trưởng đám quản tượng ở chuồng voi.
– Thưa Tôn giả, tên y là Bandhura.
– Tâu Ðại vương, y chỉ có một mắt ư?
– Thưa Tôn giả, phải.
– Tâu Ðại vương, có một con Quạ làm tổ trên cổng chuồng voi, nó đẻ trứng tại đó và đúng kỳ hạn trứng đã nở thành chim non. Mỗi khi người quản tượng ra vào chuồng voi để chăm sóc voi, y hay lấy cái móc đập vào con Quạ và tổ chim non để phá tổ. Con Quạ trong lúc nguy khốn chỉ muốn mổ mắt y nên thốt ra tiếng kêu ấy. Nếu Ðại vương có thiện ý với nó, xin hãy truyền Bandhura vào chầu và cấm y phá tổ quạ.
Vua truyền gọi Bandhura vào, khiển trách y và giao chuồng voi cho kẻ khác.
– Tâu Ðại vương, trên nóc hoàng cung có một con Mọt gỗ, nó đã ăn hết gỗ sung tại đó và không thể ăn thứ gỗ cứng hơn. Vì thiếu thức ăn và không thể bò ra ngoài, nên nó thốt tiếng kêu thứ ba để than vãn. Ðại vương không cần sợ nó.
Rồi nhờ tri kiến của ngài, ngài vừa nêu rõ ý nghĩa tiếng Mọt gỗ kêu vừa ngâm vần kệ thứ ba:
– Tiếng Mọt gỗ:
Vua bảo một cung nhân tìm cách giải thoát con mọt.
– Tâu Ðại vương, trong cung thất có con chim Sơn ca thuần dưỡng nào chăng?
– Thưa Tôn giả, có chứ.
Tâu Ðại vương, con Sơn ca ấy héo mòn vì mong mỏi về rừng mỗi khi nó nhớ lại quãng đời cũ:
“Làm sao rời khỏi lồng này,
Làm sao trở lại rừng ấy thân tình?”
Vì thế nó thốt lên tiếng kêu thứ tư, xin Ðại vương chớ lo sợ việc ấy.
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ tư:
Tiếng Sơn ca:
Ngâm kệ xong, ngài thêm:
– Tâu Ðại vương, chim Sơn ca ấy đang mòn mỏi đợi chờ, xin Ðại vương thả nó ra.
Vua nghe theo lời ngài.
– Tâu Ðại vương, trong cung thất có con Nai thuần dưỡng nào chăng?
– Thưa Tôn giả, có chứ.
– Tâu Ðại vương, con Nai ấy là trưởng đoàn, nó nhớ nai cái và mòn mỏi vì nặng tình thương nai cái nên nó thốt tiếng kêu thứ năm. Ðại vương không nên sợ hãi chuyện ấy.
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ năm:
Tiếng Nai:
Bậc Ðại Sĩ làm cho con Nai được giải thoát và nói tiếp:
– Tâu Ðại vương, có con Khỉ thuần dưỡng nào ở trong cung chăng?
– Thưa Tôn giả, có chứ.
Con Khỉ ấy là chúa đàn khi ở vùng Tuyết Sơn, nó thích thú bầu bạn với đám khỉ cái. Trước kia nó được một thợ săn tên Bharata đem về đây. Nay nó đang mòn mỏi mong ước trở về chốn cư ngụ xưa nên nó thốt tiếng kêu ấy. Xin Ðại vương đừng sợ chuyện này.
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ sáu:
Tiếng Khỉ:
Bậc Ðại Sĩ bảo thả con Khỉ ra và tiếp tục nói:
– Tâu Ðại vương, có vị tiểu Thần nào giữ kho báu ở trong cung chăng?
– Thưa Tôn giả, có chứ.
– Tâu Ðại vương, vị ấy nhớ lại đời sống cũ với một nữ thần, vợ vị ấy, nên trong lúc đau khổ vì dục vọng đã thốt lên tiếng kêu thứ bảy. Một hôm vị ấy cùng vợ trèo lên đỉnh non cao. Hai vị lượm hoa và tô điểm cho nhau nhiều loại hoa đủ màu sắc hương vị đặc biệt, nên không hề lưu ý rằng mặt trời đang lặn và bóng đêm bao trùm trong khi họ leo xuống. Nữ thần bảo: “Này chàng, trời tối rồi, chàng hãy xuống cẩn thận kẻo ngã”. Và vừa nắm tay chồng, nàng vừa đưa chồng xuống. Chính vì nhớ lại các lời nói của vợ mà vị Thần này thốt tiếng kêu, Ðại vương không cần phải sợ chuyện ấy.
Do tri kiến của ngài, ngài vừa giải thích trường hợp này một cách chính xác vừa ngâm vần kệ thứ bảy:
Tiếng vị Thần:
Như vậy Bậc Ðại Sĩ giải thích tại sao vị Thần thốt tiếng kêu và ngài bảo thả vị ấy ra, rồi nói tiếp:
– Tâu Ðại vương, còn âm thanh thứ tám là tiếng reo cực lạc. Một vị Ðộc Giác Phật ở động Nandamùla biết rằng các hành (các điều kiện tái sinh) sắp đoạn tận đốc với vị ấy, liền đến nơi cư trú của quần chúng, và suy nghĩ: “Ta muốn chứng đắc Niết-bàn vô dư y trong ngự viên của Ba-la-nại. Quân hầu của vua sẽ chôn cất ta, làm lễ cúng dường và cung kính xá lợi của ta, nhờ vậy sẽ sinh lên cõi thiên”.
Vị ấy dùng thần lực bay đến đây và ngay khi chạm mái hoàng cung, vị ấy liền buông xả gánh nặng sinh tử và ca khúc hoan lạc làm chói sáng lối vào cảnh giới Niết-bàn.
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ tám do vị Ðộc Giác Phật cảm tác:
Tiếng vị Ðộc Giác:
Cùng với những lời cực lạc này, vị ấy đến ngự viên và đắc Niết-bàn vô dư y dưới gốc cây Sàla đang nở rộ hoa.
Rồi Bậc Ðại Sĩ đưa vua đến nơi vị Ðộc Giác Phật đắc Niết-bàn và chỉ cho vua phần nhục thân của Ngài. Thấy vậy, vua cùng đoàn quân đông đảo đem hương hoa đến cung kính làm lễ cúng dường.
Theo lời khuyên của Bồ-tát, vua đình chỉ việc tế đàn, cho mọi sinh vật được sống, truyền rao trống lệnh khắp kinh thành cấm sát sinh, cử hành đại lễ suốt bảy ngày, rồi làm lễ hỏa táng thân vị Ðộc Giác Phật rất trọng thể trên hỏa đài chất đầy hương liệu và xây tháp ở ngã tư đường.
Bồ-tát thuyết giảng Chánh pháp cho vua và khuyên nhủ vua tinh cần. Sau đó ngài trở về Tuyết Sơn, thực hành Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) và không hề gián đoạn Thiền định nên được sinh vào cõi Phạm thiên.
*
Sau Pháp thoại, bậc Ðạo Sư bảo:
– Thưa Ðại vương, không có gì nguy hiểm cho Ðại vương do các tiếng kêu ấy, vậy hãy đình chỉ tếđàn và ban sự sống cho các sinh vật này.
Rồi vua bảo truyền trống lệnh đi khắp kinh thành tha mạng các súc vật.
Xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy nhà vua là Ànanda, vị đệ tử Bà-la-môn là Sàriputta và nhà khổ hạnh chính là Ta.
-ooOoo-
Này đây là chiếc vòng vàng…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một nữ tỳ của ông Cấp Cô Ðộc.
Chuyện kể rằng vào một ngày lễ hội, khi nàng sắp đi cùng đám gia nhân đến một lạc viên, nàng xin nữ chủ nhân Punnalakkhanadevì (Phước Tướng) cho nàng một món nữ trang để đeo. Bà chủ cho nàng một món tư trang của bà trị giá một trăm ngàn đồng tiền. Nàng đeo vào cổ và cùng đám gia nhân đi đến chỗ vui chơi. Một tên trộm thèm món nữ trang kia, với dự định giết nàng để đoạt của, hắn lân la đến nói chuyện với nàng và tại khu vườn kia, hắn cho nàng ăn cá thịt và uống rượu mạnh. Nàng suy nghĩ: “Ta chắc chàng làm vậy vì chàng thích ta”. Vào buổi chiều tối khi mọi người nằm xuống nghỉ ngơi sau các cuộc chơi, nàng đứng dậy đi tìm hắn. Hắn bảo:
– Này cô nương, chỗ này không kín đáo, ta hãy đi xa hơn một chút.
Nàng suy nghĩ: “Bất cứ việc gì thầm kín đều có thể xảy ra tại nơi này. Chắc chắn anh chàng muốn giết ta và đoạt món nữ trang ta đang đeo. Vậy ta sẽ dạy anh chàng một bài học”. Vì thế nàng bảo:
– Thưa Tôn ông, em đang khát nước khô cổ họng vì uống rượu mạnh. Xin hãy kiếm cho em một ít nước.
Rồi đưa hắn đến giếng, nàng vừa bảo hắn kéo nước vừa chỉ cho hắn sợi dây thừng và chiếc gàu. Tên trộm thả gàu xuống. Rồi ngay khi hắn cúi mình để kéo nước lên, cô nữ tỳ, vốn rất lực lưỡng, liền đẩy mạnh hắn với đôi bàn tay và hất hắn xuống giếng. Nàng bảo:
– Mi chẳng chết vì cách này đâu.
Rồi ném một cục gạch lớn trên đầu hắn. Hắn chết liền tại chỗ. Khi nàng trở về thành và trả lại bà chủ món nữ trang, nàng bảo:
– Con suýt bị giết hôm nay vì món nữ trang ấy,
Rồi nàng kể toàn thể câu chuyện. Bà chủ kể chuyện với ông Cấp Cô Ðộc và ông trình với đức Như Lai. Bậc Ðạo Sư bảo:
– Này gia chủ, đây không phải là lần đầu người nữ tỳ có trí thông minh phát xuất kịp thời, mà ngày xưa cũng vậy. Ðây không phải lần đầu giết kẻ ấy, mà trước kia cũng có lần giết nó.
Và theo lời của ông Cấp Cô Ðộc, ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, có một kiều nữ của kinh thành tên gọi là Sulasà, làm chủ một đoàn năm trăm kỹ nữ sang trọng, giá mỗi đêm hưởng lạc với nàng là một ngàn đồng tiền.
Cũng trong kinh thành này có một tướng cướp tên Sattuka, khỏe mạnh như voi, vẫn thường đột nhập các nhà giàu vào ban đêm để cướp của thỏa thích. Dân trong thành tụ tập lại lập cáo trạng tâu với vua.
Vua ra lệnh quân lính canh đóng rải rác khắp nơi để bắt tướng cướp và xử trảm. Họ trói tay hắn rađằng sau và vừa dẫn hắn ra pháp trường, vừa đánh roi khắp mình mẩy. Lúc ấy nàng Sulasà đứng bên cửa sổ nhìn xuống đường, thấy tướng cướp bỗng nhiên đâm ra si tình hắn và suy nghĩ: “Nếu ta có thể giải nguy cho chàng chiến sĩ lực lưỡng này, ta sẽ từ bỏ cuộc đời xấu xa hiện nay của ta và sống chân chánh với chàng”.
Theo cách được tả trong Tiền thân Kanavera, số 318, nàng lấy lại tự do cho hắn bằng cách gởi một ngàn đồng tiền vàng và đến tặng viên thị trưởng rồi sau đó sống hạnh phúc hòa hợp với hắn. Sau chừng ba bốn tháng, tướng cướp suy nghĩ: “Ta sẽ chẳng bao giờ có thể ở một nơi như vầy, nhưng ta không thể ra đi tay không. Nữ trang của Sulasà trị giá một trăm ngàn đồng tiền. Ta muốn giết nàng và lấy của”.
Vì vậy một hôm hắn bảo nàng:
– Ái nương ơi, khi ta đang bị quân lính nhà vua kéo đi, ta hứa cúng lễ vật cho một vị thần cây trên đỉnh núi, nay vị ấy đang đe dọa ta vì ta không trả lễ. Vậy chúng ta hãy đi dâng lễ thần.
– Thưa lang quân, tốt lắm, chúng ta hãy chuẩn bị lễ vật gửi đi cúng thần.
– Này ái nương, gửi lễ vật cúng thần không công hiệu gì đâu. Chúng ta hãy cùng đi dâng lễ mang theo một món tư trang và đám hầu cận.
– Thưa lang quân, được rồi, chúng ta cùng làm vậy.
Hắn bảo nàng chuẩn bị lễ vật và khi họ đến chân núi, hắn bảo:
– Này ái nương, vị thần này thấy đông người sẽ không nhận lễ vật, vậy hai ta cùng đi lên núi dâng lễ.
Nàng thỏa thuận và hắn bảo nàng mang chiếc bình. Phần hắn đã chuẩn bị hết sức chu đáo. Khi cả hai đến đỉnh núi, hắn đặt lễ vật xuống gốc cây mọc cạnh bờ vực cao gấp trăm lần một người thuờng, và bảo:
– Này ái nương, ta không đến đây để dâng lễ vật, mà ta đến với ý định giết nàng rồi trốn đi với mọi tư trang của nàng, vậy hãy cởi ra hết và góp thành một bó trong áo khoác của nàng kia.
– Này lang quân tại sao chàng muốn giết thiếp?
– Vì tiền của nàng đấy.
– Lang quân ơi, hãy nhớ lại mọi việc tốt lành mà thiếp đã làm cho chàng. Khi chàng bị xiềng tay chân và kéo đi xử trảm, thiếp đã bỏ một anh chàng nhà giàu chỉ vì chàng và trả một số tiền lớn để cứu chuộc chàng. Dù thiếp có kiếm được một ngàn đồng tiền mỗi ngày, thiếp cũng không nhìn đến một nam nhân nào khác. Thiếp đã làm ân nhân của chàng như vậy. Xin chàng đừng giết thiếp. Thiếp nguyện trao cho chàng thật nhiều tiền và làm nô tỳ cho chàng.
Cùng với lời khẩn cầu này, nàng ngâm vần kệ đầu:
Khi ấy Sattuka ngâm vần kệ thứ hai phù hợp với mục đích của hắn, đó là:
Trí khôn của Sulasà xuất hiện kịp thời, nàng suy nghĩ: “Tên cướp này không muốn cho ta sống, vậy ta sẽ đoạt mạng hắn trước bằng cách ném hắn xuống vực sâu”, và nàng ngâm hai vần kệ tiếp:
Sattuka không thể hiểu được mục đích của nàng, liền nói:
– Tốt lắm, này ái nương, hãy đến ôm ta trong tay nàng.
Salasà đi vòng quanh hắn cung kính cuối chào ba lần, vừa hôn hắn vừa bảo:
– Này lang quân, bây giờ thiếp sắp đảnh lễ chàng tứ phía.
Nàng đặt đầu nàng lên chân hắn, vái chào hai bên, xong đi vòng ra phía sau hắn như thể sắp vái chào hắn tại đó, rồi với sức mạnh như voi, nàng nắm hai cẳng hắn ném hắn lộn ngược đầu xuống dưới vực thẳm của tử thần cao gấp trăm ngàn lần một người thường. Hắn tan thân và chết tại chỗ.
Thấy việc này, vị thần trên đỉnh núi ngâm các vền kệ sau:
Như vậy Sulasà đã giết tên cướp nọ. Khi nàng xuống núi và đứng giữa đám hầu cận, họ hỏi chồng nàng đâu. Nàng bảo:
– Ðừng hỏi ta nữa!
Rồi leo lên xe, nàng đi thẳng về kinh thành.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy hai kẻ ấy chính là hai người bây giờ, và vị Thần núi ấy chính là Ta.
-ooOoo-
Ý thức giận hờn, nét mặt cau…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc khuyến giáo một vị vua. Trong dịp này, theo lời yêu cầu của vua, Bậc Ðạo Sư kể câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bố-tát được sinh làm hoàng tử của một chánh hậu. Khi lớn lên, vua cha băng hà, ngài lên làm vua và thực hành đại bố thí. Ngài có một người giữ ngự viên tên là Sumangala.
Thuở ấy một vị Ðộc Giáo Phật rời động Nandamùla để du hành khất thực, và khi đến Ba-la-nại, Ngài ở lại trong ngự viên. Hôm sau Ngài vào thành Khất thực. Vua đón Ngài với vẻ ân cần đặc biệt, mời Ngài vào cung ngồi trên bảo tọa, thiết đãi đủ món ăn thượng vị, loại cứng loại mềm, và nhận lời tùy hỷ công đức của Ngài xong, liền khẩn cầu Ngài hứa một lời rồi truyền đưa Ngài trở lại ngự viên.
Sau bữa điểm tâm, vua thân hành đền sắp đặt nơi cư trú để Ngài ở suốt ngày đêm và cho người giữ ngự viên Sumangala đến hầu cận Ngài xong, mới thở về thành. Sau đó vị Ðộc Giác Phật thường ăn uống tại cung vua và ở lại ngự viên một thời gian dài, còn Sumangala vẫn cung kính hầu hạ Ngài.
Một hôm Ngài ra đi, bảo Sumangala:
– Ta sắp đi đến làng kia vài ngày, song ta sẽ trở lại đây. Hãy trình với đức vua.
Sumangala liền trình lên vua việc này. Sau vài ngày ở tại làng kia,vị Ðộc Giác Phật trở lại ngự viên vào buổi chiều tối.
Sumangala không biết Ngài trở lại, nên cũng đã đi về nhà. Vị Ðộc Giác Phật cất y bát, và sau khi dạo chơi giây lát, Ngài ngồi xuống một phiến đá.
Hôm ấy có vài người khách lạ đến nhà người giữ ngự viên. Muốn nấu món súp và cà-ri đãi khách, y cầm cung đi giết một con nai nuôi trong ngự viên. Y đang tìm nai thì chợt thấy vị Ðộc Giác Phật, tưởng đó là một con nai lớn, y nhắm một mũi tên và bắn Ngài. Vị Ðộc Giác Phật mở khăn trùm đầu ra và gọi:
– Sumangala!
Vô cùng xúc động, Sumangala đáp:
– Thưa Tôn giả, con không biết Tôn giả đã về nên bắn Tôn giả vì tưởng là nai. Xin Tôn giả tha thứ cho con.
– Ðược lắm, nhưng ông sẽ làm gì bây giờ? Này, hãy rút mũi tên ra mau!
Y đảnh lễ rồi rút mũi tên ra. Vị Ðộc Giác Phật cảm thấy vô cùng đau đớn và đắc Niết-bàn vô dư y ngay tại đó. Người giữ vườn nghĩ rằng vua sẽ không tha thứ nếu biết chuyện này, y liền đem vợ con trốn đi.
Nhờ thần lực, cả kinh thành đều biết tin vị Ðộc Giác Phật đã đắc Niết-bàn và mọi người vô cùng xúc động. Hôm sau một số người vào ngự viên, thấy di hài của Ngài liền tâu trình vua rằng người giữ ngự viên đã chạy trốn sau khi giết vị Ðộc Giác Phật.
Vua cùng đông đảo tùy tùng đến lễ bái di hài ấy suốt bảy ngày, rồi hỏa táng trọng thể xong, lấy xá-lợi và xây tháp thờ. Sau đó vua vẫn thường cúng dường tháp xá-lợi và cai trị đúng Pháp.
Năm sau, Sumangala quyết đi tìm hiểu xem vua nghĩ về việc này ra sao, y đến yết kiến và hỏi một vị triều thần để xem vua nghĩ gì về y. Vị triều thần ca ngợi Sumangala trước mặt vua, nhưng vua làm như thể không nghe gì cả. Ông không nói thêm nữa, nhưng sau báo cho Sumangala biết vua không hài lòng về y.
Một năm sau nữa, y lại đến và năm thứ ba, y đem vợ con đến. Vị triều thần biết vua đã nguôi giận nên bảo Sumangala ở cung môn và tâu vua rằng Sumangala đã đến chầu. Vua truyền y vào, sau nghi thức chào mừng, vua hỏi:
– Này Sumangala, tại sao ngươi giết vị Ðộc Giác Phật là người mà ta đang cúng dường để tạo công đức?
– Tâu Ðại vương, tiểu thần không cố ý giết Ngài, nhưng chỉ vì duyên cớ này mà tiểu thần phạm tội.
Rồi y kể lại chuyện cũ. Vua bảo y đừng sợ, và vừa trấn an y vừa cho y giữ chức ngự viên như cũ.
Sau đó triều thần hỏi:
– Tâu Ðại vương, tại sao Ðại vương không trả lời khi nghe những lời ca ngợi Sumangala hai lần trước và lần thứ ba nghe chuyện, Ðại vương lại truyền y vào chầu và tha thứ cho y?
Vua phán:
– Này Hiền khanh, một vị vua hành động vội vã lúc nóng giận là điều sai lầm, vì vậy trẫm im lặng lần đầu, và lần thứ ba khi trẫm hiểu mình đã nguôi giận, mới truyền gọi Sumangala.
Về việc này ngài ngâm các vần kệ nêu rõ phận quân vương:
Như vậy vua đã nêu rõ mọi đức tính của mình qua sáu vần kệ, tất cả triều thần đều hoan hỷ và tán thán các công hạnh vua qua lời tung hô:
– Các pháp thực hành đức hạnh ưu thắng như vậy thật xứng với Ðại vương!
Sau khi cả triều đình tán thán xong, Sumangala cung kính đảnh lễ vua và sau đó ngâm ba vần kệ ca ngợi ngài:
*
Sau bài Pháp thoại liên hệ việc giáo hóa vua Kosala, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy vị Ðộc Giác Phật đắc Niết-bàn vô dư y, Sumangala là Ànanda và vua chính là Ta.
-ooOoo-
Ðịa cầu nòng rực như than..,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc thực hành các ngày trai giới.
Một hôm bậc Ðạo Sư dạy các cư sĩ đang giữ ngày trai giới và bảo:
Này các cư sĩ, giới hạnh của các ông thật tốt lành, khi giữ ngày trai giới, các vị phải bố thí, trì giới không sân hận, khởi tâm từ và thực hành mọi phận sự trong ngày ấy. Các bậc trí nhân ngày xưa đạt đại vinh hiển dầu chỉ nhờ giữ được một phần các ngày trai giới.
Và theo lời thỉnh cầu của họ, Ngài kể câu chuyện đời xưa
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, có một phú thương trong kinh thành tên là Suciparivàra, gia sản lên tới tám trăm triệu đồng, chuyên tâm bố thí và làm các thiện sự khác. Vợ con, toàn thể gia nhân của ông cho đến bọn chăn trâu bò đều giữ sáu ngày trai giới mỗi tháng.
Thời ấy Bồ-tát được sinh vào một nhà nghèo kiếm kế sinh nhai chật vật bằng cách làm thuê. Vì mong có việc làm, ngài đến nhà phú thương Suciparivàra, khi chào chủ xong, ngồi xuống một bên, và được hỏi đến đây có việc gì, ngài đáp:
– Tôi đến để xin việc làm công trong nhà ông.
Thời ấy, khi những người làm công đến, vị phú thương thường bảo họ:
– Trong nhà này mọi công nhân đều giữ ngày trai giới, nếu chú có thể giữ giới thì chú mới có thể làm việc cho ta.
Song đối với Bồ-tát, vị ấy không tỏ vẻ muốn nói đến chuyện giữ giới mà chỉ bảo:
– Tốt lắm, này thiện nam, chú có thể làm việc cho ta và trù liệu tiền lương của chú.
Từ đó Bồ-tát làm mọi công việc của phú thương một cách nhẫn nại nhiệt tình, không hề nghĩ đến nỗi mệt nhọc riêng mình, ngài đi làm từ sáng sớm đến chiều tối trở về.
Một hôm dân chúng làm lễ hội ở kinh thành, vị phú thương bảo người tỳ nữ:
– Hôm nay là ngày hội, cô phải nấu cơm cho công nhân thật sớm. Họ sẽ ăn sớm và giữ giới kiêngăn từ đó đến hết ngày.
Bồ-tát dậy sớm và đi làm việc. Trước đó không ai bảo ngài phải giữ giới kiêng ăn hôm ấy. Các công nhân kia ăn từ sớm và kiêng ăn. Vị phú thương cùng vợ con, gia nhân đều giữ giới kiêng ăn, mọi người đều trở về nhà riêng ngồi suy tư về các giới điều. Bồ-tát làm việc suốt ngày xong trở về nhà lúc trời tối. Người nữ tỳ đầu bếp đưa cho ngài nước rửa tay và một dĩa cơm lấy từ trong nồi. Bồ-tát bảo:
– Vào giờ này ngày thường rất ồn ào, thế mọi người đi đâu cả hôm nay?
– Họ đang giữ giới kiêng ăn và mỗi người đều về nhà riêng rồi.
Ngài suy nghĩ: “Ta không muốn làm người duy nhất phạm giới giữa nhiều người giữ giới như vậy”. Vì thế ngài đi hỏi vị phú thương xem có thể giữ giới kiêng ăn bằng cách thi hành mọi phận sự vào giờ đó không. Ông bảo ngài không thể thực hành mọi phận sự, bởi vì việc đó đã không được làm từ sáng sớm nhưng một nửa phận sự thì có thể làm được. Ngài đáp:
– Mong được như vậy.
Và thực hành phận sự ngay trước mặt chủ nhân, ngài bắt đầu giữ giới kiêng ăn, rồi về nhà nằm suy nghĩ về các giới điều. Vì ngài không ăn gì suốt ngày, nên vào canh cuối ngài cảm thấy đau nhói như dao đâm.
Vị phú thương mang cho ngài một số thuốc giảm đói và bảo ngài dùng chúng, nhưng ngài bảo:
– Tôi sẽ quyết không phá giới kiêng ăn, tôi đã nguyện trì giới dù phải thiệt mạng.
Cơn đau đớn trở nên mãnh liệt và đến tảng sáng ngài bất tỉnh. Họ bảo ngài sắp chết nên đem ngài ra ngoài, đặt vào một nơi an nghỉ. Ngay lúc lấy, vua Ba-la-nại trên chiếc vương xa cùng đoàn hộ tống đông đảo đến nơi ấy trong lúc diễu quanh kinh thành. Bồ-tát thấy vẻ huy hoàng của vua, sinh lòng ao ước làm vua và cầu nguyện điều ấy. Khi mạng chung, do kết quả việc giữ nửa ngày trai giới trên, ngài được nhập mẫu thai vị chánh hậu.
Bà trải qua đủ mọi nghi lễ của thời kỳ thụ thai rồi sinh một hoàng nam sau mười tháng. Hài nhiđược đặt tên là Udaya. Khi lớn lên, vương tử trở nên hoàn hảo trong mọi ngành học thuật, nhờ trí hồi tưởng các đời trước, ngài nhớ lại các công hạnh thuở xưa và nghĩ rằng chính nhờ một thiện nghiệp nhỏ tạo nên một phước báo lớn, ngài thường hát khúc ca hoan lạc nhiều lần. Khi vua cha băng hà, ngài được trao cả vương quốc và nhận thấy cảnh đại vinh quang của mình, ngài lại hát khúc ca hoan lạc cũ.
Một hôm dân chúng chuẩn bị lễ hội trong kinh thành. Một đám đông định tụ tập nhau định bày trò vui chơi giải trí. Một người gánh nước sống gần cổng Bắc thành Ba-la-nại đã dấu nửa đồng xu trong viên gạch ở bức tường bao quanh thành. Y sống chung với một người đàn bà nghèo khổ cũng làm nghề gánh nước. Vợ y bảo:
– Chàng ơi, hôm nay có lễ hội trong thành phố, nếu chàng có tiền, ta hãy đi vui chơi nhé.
– Nàng ơi, ta có tiền đấy.
– Bao nhiêu?
– Nửa xu.
– Ở đâu?
– Trong viên gạch bên cổng Bắc, cách đây mười hai do-tuần (dặm), ta chôn tiền tại đó. Song nàng có gì trong tay chăng?
– Thiếp có đấy.
– Bao nhiêu?
– Nửa xu.
– Vậy nửa xu của nàng và của ta hợp thành một xu. Ta sẽ đi mua một tràng hoa với một phần ba số tiền ấy, hương liệu với một phần ba và rượu nồng với một phần ba. Nàng hãy đi tìm nửa xu ở nơi cất tiền đem đến đây.
Y thích thú với ý tưởng do lời vợ gợi lên, liền bảo:
– Nàng ơi, đừng lo gì, ta sẽ đi tìm nửa xu về đây.
Rồi y ra đi. Y mạnh như voi, vừa đi khoảng hơn sáu dặm, và mặc dù trời giữa trưa, y vẫn rảo bước trên cát nóng như thể được rải than vừa tắt lửa vì y rất thích thú với nỗi ham muốn được bạc. Trong bộ y phục cũ màu vàng điểm thêm lá thốt nốt giắt bên tai, y vừa đi ngang sân chầu để theo đuổi mục đích của mình vừa ca hát.
Vua Udaya đứng bên cửa sổ mở, thấy y đi đến, không biết y là ai mà lại coi thường nắng gió như vầy, vừa đi vừa hát, liền bảo nô tỳ đi gọi y vào.
Y được lệnh:
– Hoàng thượng truyền gọi chú vào.
Nhưng y đáp:
– Hoàng thượng có nghĩa gì với ta chứ? Ta không biết hoàng thượng!
Y liền bị lôi vào và đứng chầu một bên.
Sau đó, vua ngâm hai vần kệ hỏi y:
Nghe lời vua, y liền ngâm vần kệ thứ ba:
Vua hỏi y có việc gì. Y đáp:
– Tâu Ðại vương, hạ thần sống gần cổng Nam với một người vợ nghèo. Vợ thần tỏ ý muốn chúng thần cùng vui chơi lễ hội nên hỏi thử thần có gì trong tay không. Thần bảo thần có tiền của chôn dấu trong bức tường cạnh cổng Bắc. Vợ thần bảo thần đi lầy tiền về để vui chơi . Những lời nói của vợ thần không rời tâm hồn thần và trong khi thần suy nghĩ mãi về chúng, tham dục cứ đốt cháy lòng thần. Công việc của thần là thế đấy.
– Vậy điều gì khiến ngươi thích thú nhiều đến độ ngươi xem thường nắng gió và vừa đi vừa hát?
– Tâu Ðại vương, thần hát vì nghĩ rằng khi tìm được của chôn dấu, thần sẽ vui chơi thích thú với vợ.
– Này thiện nam, thế của ngươi chôn dấu bên cổng Bắc được một trăm ngàn đồng tiền chăng?
– Tâu Ðại vương, không phải.
Sau đó vua hỏi liên tiếp có phải năm mươi ngàn, bốn mươi, ba mươi, hai mươi, mười, năm, bốn ba, hai, một đồng tiền, nửa đồng tiền, bốn xu, ba xu, hai xu, một xu. Chàng trai đều đáp: “Không” trước các câu hỏi trên và nói:
– Chỉ nửa xu. Quả thực, tâu Ðại vương, đó là tất cả gia sản của thần. Nhưng thần đang hy vọng tìm ra nó rồi đi vui chơi với vợ, và trong niềm ước vọng thích thú kia, nắng gió không làm thần khó chịu.
Vua bảo:
– Này thiện nam, thôi đừng đi đến đó dưới nắng gắt này nữa. Ta sẽ cho ngươi nửa xu.
– Tâu Ðại vương, thần sẽ nhận lời hứa của Ðại vương và lấy tiền, nhưng thần sẽ không bỏ nửa xu kia đâu. Thần không bỏ việc đi đến đó đem nó về đâu.
– Này thiện nam, hãy ở lại đây. Trẫm sẽ cho ngươi một xu, hai xu.
Rồi cứ đề nghị thêm nữa, vua tiếp tục nói mười triệu, một ngàn triệu, vô số vàng bạc, nếu chàng trai chịu ở lại. Nhưng y vẫn đáp:
– Tâu Ðại vương, thần sẽ nhận tiền của, nhưng thần vẫn đi kiếm nửa xu kia!
Sau đó y được chiêu dụ bằng những lời vua hứa ban chức thủ kho, và nhiều chức vụ khác nữa, và cả chức vị phó vương. Cuối cùng y được đề nghị chia nửa vương quốc nếu y chịu ở lại. Khi ấy y mới chấp thuận! Vua bảo các Ðại thần:
– Này các khanh, hãy đưa hiền hữu của trẫm đi cạo râu, tắm rửa và trang điểm rồi đem người trở lại đây.
Họ tuân lệnh. Vua chia đôi giang sơn và tặng chàng trai một nửa. Song chuyện kể rằng y chọn phần nửa ở phía Bắc do lòng yêu thích nửa đồng xu cũ! Y được gọi là vua Nửa Xu. Hai vị vua đồng cai trị đất nước trong tình thân hữu hòa hợp.
Một hôm, hai vị cùng đi đến ngự viên. Sau khi vui chơi, vua Udaya nằm xuống kề đầu vào lòng vua Nửa Xu. Ngài ngủ thiếp, trong lúc đám hầu cận đi quanh quẩn vui chơi. Vua Nửa Xu suy nghĩ: “Tại sao ta chỉ được nửa vương quốc mãi thôi? Ta muốn giết vua này và làm vị vua độc nhất.”
Vì thế Vua Nửa Xu rút kiếm ra, nhưng khi nghĩ đến việc đâm vua này, vua Nửa Xu nhớ lại ngài đã đưa bạn mình từ chỗ nghèo hèn thành người đồng trị nước với ngài và ban cho bạn đại quyền lực. Nhận thức tư tưởng vừa khởi lên trong trí dự định giết một ân nhân như thế là vô cùng độc ác, vua Nửa Xu liền tra kiếm vào bao.
Lần thứ hai, rồi lần thứ ba, ý tưởng lại khởi lên. Cảm thấy tư tưởng này khởi lên mãi sẽ đưa mìnhđến cái ác nghiệp, vua Nửa Xu vứt kiếm xuống đất và thức vua kia dậy, vừa nói vừa quỳ xuống chân ngài:
– Tâu Ðại vương, xin hãy tha tội cho tôi.
– Này Hiền hữu, bạn có làm gì sai trái với ta đâu.
– Tâu Ðại vương, tôi đã làm một việc như vậy.
– Này Hiền hữu, thế thì ta tha thứ cho bạn. Nếu như bạn muốn thì cứ làm vua một mình và ta sẽ làm phó vương phụng sự bạn.
Vua Nửa Xu đáp:
– Tâu Ðại vương, tôi không cần vương quốc, tham vọng ấy sẽ khiến tôi tái sinh vào cõi dữ. Quốc độ này của Ðại vương, xin nhận lấy nó, tôi muốn trở thành người khổ hạnh. Tôi đã lấy gốc rễ của dục tham, nó phát xuất từ ước vọng của con người. Vậy từ nay tôi không còn ước vọng như thế nữa.
Rồi ông ngâm vần kệ thứ tư trong niềm hoan lạc:
Nói vậy xong, ông ngâm vần kệ thứ năm thuyết Pháp cho quần chúng đang đắm say tham dục:
Thuyết Pháp như vậy với quần chúng xong, ông giao quốc độ cho vua Udaya. Rời bỏ quần chúng đang khóc than với nước mắt đầm đìa, ông đến vùng Tuyết Sơn, trở thành ẩn sĩ khổ hạnh và đạt Thắng trí. Trong thời gian vị ấy làm nhà khổ hạnh, vua Udaya ngâm vần kệ thứ sáu bày tỏ nỗi hoan lạc trọn vẹn:
Không ai biết ý nghĩa vần kệ này. Một hôm, chánh hậu hỏi ngài ý nghĩa trên. Vua không muốn nói. Thời ấy có người thợ hớt tóc trong triều tên là Gangamàla mỗi khi vào chầu vua thường dùng dao cạo trước, rồi sau kẹp tóc vua bằng cái nhíp. Vua thích việc trước, nhưng việc thứ hai làm vuađau. Về việc đầu, vua muốn thưởng cho y một đặc ân. Còn việc thứ hai, vua chỉ muốn chém đầu y thôi!
Một hôm vua nói chuyện với hoàng hậu, ngài bảo rằng người thợ hớt tóc trong triều là một tên ngu xuẩn. Khi hoàng hậu hỏi y phải làm gì trước, ngài bảo:
– Hãy dùng nhíp trước, rồi dùng dao cạo sau.
Hoàng hậu truyền gọi thợ hớt tóc vào và bảo:
– Này thiện nam, khi người tỉa râu đức vua, ngươi nên dùng cái nhíp kẹp râu tóc ngài trước, rồi dùng dao cạo sau. Nếu đức vua ban cho ngươi một điều ước, ngươi phải tâu rằng ngươi không cần gì cả, mà ngươi chỉ muốn biết ý nghĩa khúc ca của ngài thôi. Nếu ngươi làm vậy, ta sẽ cho ngươi nhiều tiền.
Y đồng ý ngay.
Hôm sau, khi y tỉa râu vua, y cầm cái nhíp trước. Vua hỏi:
– Gangamàla, đây là kiểu mới của ngươi ư?
– Tâu Ðại vương, phải – y đáp – thợ hớt tóc thường có kiểu mới.
Rồi y kẹp tóc vua với cái nhíp trước và dùng dao cạo sau. Vua liền ban cho y một điều ước.
– Tâu Ðại vương, thần không muốn gì cả. Xin Ðại vương cho thần biết ý nghĩ khúc ca ấy.
Vua hổ thẹn khi phải nói đến nghề nghiệp của mình trong thuở hàn vi đời trước, liền bảo:
– Này thiện nam, điều ước kia có ích lợi gì cho ngươi đâu? Hãy chọn điều khác.
Nhưng người hớt tóc cứ van xin điều ấy. Vua sợ thất hứa nên đồng ý. Như đã tả trong Tiền thân Kummàsapinda, số 415, vua truyền chuẩn bị mọi sự rất trọng thể rồi ngồi trên bảo tọa bằng ngọc, kể tất cả chuyện công đức trong đời vừa qua tại kinh thành này. Rồi ngài bảo:
– Ðiều ấy giải thích nửa vần kệ, còn nửa vần kia kể chuyện hiền hữu ta trở thành nhà khổ hạnh trong lúc ta làm vị vua độc nhất trong niềm tự hào, điều ấy giải thích phần thứ hai của ca khúc hoan lạc ấy.
Nghe vậy, người hớt tóc suy nghĩ: “Như vậy, đức vua được hưởng cả vinh quang này vì đã giữ nửa ngày trai gới. Ðức hạnh quả thật là chánh đạo. Giả sử ta cũng trở thành nhà khổ hạnh và tìm đường giải thoát cho ta được chăng?”
Người hớt tóc liền từ giã đám thân thuộc, tài vật thế gian, rồi xin phép vua trở thành nhà tu hànhđi về vùng Tuyết Sơn làm vị khổ hạnh. Khi nhận thức được ba đặc tính của các pháp hữu hình (vô thường, khổ, vô ngã), vị ấy đạt Thắng trí và trở thành vị Ðộc Giác Phật. Vị ấy có đủ các y bát nhờ thần lực.
Sau độ năm sáu năm ở trên núi Gandhamàdana (Hương Sơn), vị ấy muốn về thăm vua Ba-la-nại, liền bay qua không trung đến ngự viên, rồi ngồi trên vương tọa. Người giữ vườn trình nhà vua rằng Gangamàla nay là vị Ðộc Giác Phật, đã phi hành trên không và đang ngồi trong ngự viên.
Vua lập tức đến chào vị Ðộc Giác Phật và hoàng thái hậu cũng ra đi với con. Vua vào ngự viên, kính chào vị ấy và ngồi xuống một bên cùng đoàn tùy tùng. Vị Ðộc Giác Phật thân mật đàm đạo với vua và gọi ngài bằng tộc tánh:
– Này Brahmadatta, Hiền hữu có chuyên tâm tinh cầu, cai trị nước nhà đúng Pháp, thực hành bố thí cùng các thiện sự khác chăng?
Hoàng thái hậu liền nổi giận:
– Ðứa con nhà hớt tóc hạ tiện này không biết phận mình. Nó dám gọi hoàng nhi quý tộc của ta là “Brahmadatta”.
Rồi bà ngâm vần kệ thứ bảy:
Vua vội ngăn cản mẫu hậu và tuyên bố mọi đặc tính của vị Ðộc Giác Phật, ngài ngâm vần kệ thứ tám:
Mặc dù vua đã ngăn cản thái hậu, cả đám quần thần đều đứng lên bảo:
Một người hạ tiện thế này dám xưng hô với Hoàng thượng bằng tên tộc như vậy là không đúng phép tắc.
Vua lại quở trách quần thần và ngâm vần kệ cuối tuyên bố các đức tính cuả vị Ðộc Giác Phật:
Nói vậy xong, vua vái chào vị Ðộc Giác Phật và xin ngài tha lỗi cho thái hậu. Vị Ðộc Giác Phật đồng ý và đám quần thần của vua cũng được tha thứ luôn. Vua ước mong Ngài hứa về sau sẽ ở lại trong vùng lân cận, nhưng Ngài từ chối, rồi đứng trên không trước mắt đám triều thần, Ngài khuyến giáo vua xong trở về Hương Sơn.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư bảo:
– Này các cư sĩ, các vị ấy giữ trai giới là việc cần phải làm.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, vị Ðộc Giác Phật đắc Niết-bàn vô dư y, vua Nửa Xu là Ànanda, chánh hậu là mẫu thân Ràhula và vua Udaya chính là Ta.
-ooOoo-
Công lý tổn thương gây hiểm họa…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc Tỷ-keo Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) bị quả đất nuốt sống.
Một ngày kia, Tăng chúng bàn luận trong Chánh Pháp đường về cách Devadatta nói dối như thế nào rồi bị chìm sâu vào lòng đất và đọa vào ngục Avìci (Vô gián). Bậc Ðạo Sư bước vào và khi nghe đề tài thảo luận ấy, Ngài bảo:
– Ðây không phải lần đầu kẻ ấy chìm sâu vào lòng đất.
Rồi Ngài kể câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi trong thời tối sơ khai, có vị vua mệnh danh Mahàsamata với thọ mạng kéo dài một a-tăng-kỳ (asnkheyya) kiếp. Vị vương tử tên Roja, vị này lại sinh con trai là Vararoja và kế tiếp đó là Kalyàna, Varakalyàna, Uposatha, Mandhàtà, Varamandhàtà, Cara, Upacara, còn được gọi là Apacara.
Vua này trị vì quốc độ Ceti, ở kinh đô Sotthivati, có đấy đủ tứ thần thông: vua có thể đi trên trời, hoặc bay qua không gain, có bốn Thiên thần ở bốn phương bảo vệ vua với kiếm tuốt trần, thân hình vua tỏa mùi hương chiên-đàn, và miệng vua tỏa mùi hương sen.
Thời ấy vị tế sư hoàng gia tên là Kapila. Em trai của vị Bà-la-môn này là Korakalamba, được học chung thầy với vua. Thời Apacara còn là vương tử, đã hứa sẽ phong Korakalamba làm tế sư hoàng gia khi nào mình lên ngôi.
Khi vua cha băng hà, vương tử lên ngôi song không thể đưa Kapila ra khỏi chức vụ tế sư hoàng gia được, và khi tế sư Kapila đến chầu vua, vua vẫn bày tỏ nhiều đặc ân đối với vị ấy. Vị Bà-la-môn ấy quan sát điều này và nhận xét rằng một vị vua thường trị nước hoàn hảo nhất cùng với các quần thần đồng tuổi tác, còn chính ông có thể xin cáo quan về làm ẩn sĩ, nên đã trình:
– Tâu Ðại vương, nay lão thần đã già cả, lão thần có một con trai ở nhà, xin Ðại vương phong cho nó làm tế sư hoàng gia và lão thần sẽ trở thành ẩn sĩ.
Ông được vua chấp thuận phong con trai mình làm tế sư hoàng gia, sau đó ông đến ngự viên sống đời ẩn sĩ, đạt được các Thắng trí và ở gần con trai.
Còn Koralambaka cảm thấy căm hận anh mình vì ông đã không trao cho mình chức vị tế sư khi trở thành ẩn sĩ. Một hôm, vua nói chuyện thân mật với Koralambaka:
– Này Koralambaka, Hiền hữu không làm tế sư hoàng gia ư?
– Tâu Ðại vương không, huynh trưởng của thần xếp đặt việc ấy.
– Thế lệnh huynh chẳng trở thành ẩn sĩ rồi sao?
– Tâu vâng, song gia huynh đã để chức vụ ấy cho con mình.
– Thế thì hiền hữu hãy lo sắp xếp việc ấy.
– Tâu Ðại vương, thần không thể đặt gia huynh qua một bên rồi nhận lấy chức vụ do cha truyền con nối ấy.
– Nếu vậy, ta sẽ làm hiền hữu thành vị trưởng tế sư và vị kia làm phụ tá cho hiền hữu.
– Tâu Ðại vương, bằng cách nào?
– Bằng cách nói dối.
– Tâu Ðại vương, thế Ðại vương không biết gia huynh là pháp thuật sư cao cường có đại thần lực ư? Gia huynh sẽ dùng huyễn thuật đánh lừa Ðại vương, làm cho bốn vị Thiên thần biến mất, rồi làm cho một mùi hôi thối xông ra từ thân thể và miệng Ðại vương, lại làm cho Ðại vương rơi từ trời xuống đất và Ðại vương sẽ bị quả đất nuốt sống, vì thế Ðại vương không thể hành động theo lời nói dối kia được đâu.
– Ðừng lo gì, ta sẽ sắp xếp việc này.
– Tâu Ðại vương, khi nào Ðại vương thực hiện điều này?
– Vào thứ bảy kể từ đây.
Chuyện này lan truyền khắp kinh thành:
– Hoàng thượng sắp nói dối để làm vị trưởng thành phó và sẽ giao chức vụ cho vị phó. Lời nói dối là vật gì nhỉ, nó màu xanh, vàng hay màu khác nữa?
Quần chúng suy nghĩ rất nhiều về việc này. Tương truyền đó là thời mọi người thế gian đều nói thật, người ta không biết từ “nói dối” nghĩa là gì cả.
Con trai vị tế sư nghe chuyện này liền nói với cha:
– Thưa cha, dân chúng bảo đức vua sắp nói dối để làm cha thành con thứ rồi giao chức vụ của cha cho chú con.
– Này con, đức vua sẽ không thể nói dối để tước đoạt địa vị này của ta đâu. Ðức vua sắp thực hiện điều này vào ngày nào?
Họ bảo ngày thứ bảy kể từ đây.
Hãy báo cho cha biết khi đến thời điểm ấy.
Vào ngày thứ bảy, một đám đông tụ tập trong sân chầu ngồi theo hàng hàng lớp lớp hy vọng thấy lời nói dối. Vị tế sư trẻ đi báo tin cho cha. Vua chuẩn bị lễ phục đầy đủ xong, xuất hiện ở khoảng không trên sân chầu giữa đám đông.
Vị ẫn sĩ bay qua không gian, trải tọa cụ bằng da trước mặt vua, ngồi trên đó giữa không gian và hỏi:
– Tâu Ðại vương, có thật là Ðại vương muốn nói dối làm người em thứ thành anh trưởng và giao chức vụ cho người ấy?
– Thưa Tôn sư, trẫm đã làm như vậy.
Sau đó, vị ẩn sĩ khuyến giáo vua:
– Tâu Ðại vương, lời nói dối là một cách phá hoại tàn khốc các đức tính tốt đẹp, nó tạo tái sinh vào bốn ác đạo, một vị vua nói dối sẽ tiêu diệt công lý, và vì phá hủy công lý, chính vua ấy cũng bị tiêu diệt.
Rồi ngài ngâm vần kệ đầu:
Ngài lại khuyến giáo vua nhiều hơn nữa:
– Tâu Ðại vương, nếu Ðại vương nói dối, bốn pháp thần thông sẽ biến mất.
Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ hai:
Nghe vầy, vua lo sợ nhìn Korakalambaka. Vị ấy bảo:
– Tâu Ðại vương đừng sợ, thần đã chẳng tâu Ðại vương như vậy từ đầu sao?
Và tiếp theo những lời lẽ tương tự như vây. Mặc dù đã nghe Kapila nói như vậy, vua vẫn tuyên bố câu xác định:
– Thưa Tôn sư, ngài là em thứ, còn Korakalambaka là anh trưởng.
Ngay lúc vua vừa thốt ra lời nói dối này, bốn Thiên thần bảo các vị không muốn hộ trì một người dối trá như vậy nữa, liền ném kiếm dưới chân vua và biến mất.
Miệng vua bốc mùi thối như trứng hư vỡ tung tóe và thân thể vua như ống cống mở nắp. Rồi từ trên không rớt xuống, vua đứng trên đất, như thế cả bốn thần lực đều biến mất. Vị tế sư bảo:
– Tâu Ðại vương, đừng sợ, nếu Ðại vương nói thật, thần sẽ phục hồi mọi sự cho Ðại vương.
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ ba:
Ngài lại nói:
– Tâu Ðại vương, hãy xem: Bốn thần lực của Ðại vương biến mất vì nói dối lần đầu, xin Ðại vương suy xét lại, vì bây giờ vẫn còn có thể phục hồi chúng.
Nhưng vua đáp:
– Ðại sư muốn đánh lừa trẫm về việc này.
Vừa nói dối lần thứ hai như vậy, vua liền bị lún ngay xuống đất đến mắt cá chân.
Vị Bà-la-môn một lần nữa lại nói:
– Xin Ðại vương hãy suy nghĩ kỹ.
Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ tư:
Rồi ngài lài nói thêm một lần nữa:
– Do Ðại vương nói dối, Ðại vương bị lún vào mặt đất đến tận mắt cá chân, vậy xin đại vương suy xét kỹ.
Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ năm:
Nhưng lần thứ ba, vua nói:
– Tôn giả là em thứ và Korakalambaka là anh trưởng.
Vừa nói lời dối trá này, vua lại bị lún dần vào mặt đất đến tận đầu gối. Một lần nữa, vị Bà-la-môn nói:
– Xin Ðại vương suy xét lại.
Rồi Ngài ngâm vần kệ:
Rồi Ngài còn nói thêm:
Ngay bây giờ mọi sự vẫn có thể được phục hồi.
Vua chẳng quan tâm đến lời ngài, vẫn lặp lại lời nói dối lần thứ tư:
– Thưa Tôn giả, ngài là em thứ, và Korakalambaka là anh trưởng.
Vừa thốt lời này, vua bị chìm ngập đến tận hông. Vị Bà-la-môn lại bảo:
– Xin Ðại vương hãy suy nghĩ kỹ.
Rồi Ngài ngâm vần kệ:
Lần thứ năm vua lặp lại lời nói dối, và ngay đó bị chìm sâu xuống tận rốn. Vị Bà-la-môn một lần nữa kêu gọi vua xét kỹ và ngâm hai vần kệ:
Vua cũng không quan tâm, cứ lặp lại lời nói dối lần thứ sáu và chìm xuống tận ngực. Vị Bà-la-môn kêu gọi khẩn thiết một lần nữa và ngâm hai vần kệ:
Do thận cận ác bằng hữu, vua xem thường các lời trên và nói dối lần thứ bảy. Sau đó mặt đất há miệng ra và lửa địa ngục Avìci bùng lên kéo vua xuống.
Ðây là hai vần kệ phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng của đức Phật.
Quần chúng kinh hãi bảo nhau:
– Quốc vương Ceti phỉ báng bậc hiền nhân và nói dối nên đã bị đọa vào ngục Avìci.
Năm vị vương tử của vua đến gặp vị Bà-la-môn và nói:
– Xin Tôn sư giúp chúng đệ tử.
Vị Bà-la-môn đáp:
– Phụ vương của các vị đã hủy diệt Chân lý, nói dối và phỉ báng hiền nhân: do vậy ngài đã vào hỏa ngục Avìci. Nếu công lý bị hủy diệt, nó sẽ hủy diệt lại ta. Các vị không được cư trú tại đây nữa.
Ngài lại bảo vị thái tử:
– Này Ðiện hạ thân yêu, Hãy rời kinh thành bằng cổng Ðông và tiếp tục đi thẳng, chàng sẽ thấy một vương tượng toàn trắng nằm phủ phục, thân chạm vào mặt đất ở bảy chỗ: hai ngà, vòi, và bốn chân. Ðó là dấu hiệu để chàng dựng kinh và cư trú tại nơi ấy. Tên kinh đô ấy sẽ là Hatthipura (Tượng Thành)
Ngài bảo vương tử thứ hai:
– Ðiện hạ rời đây bằng cổng Nam và đi thẳng đến khi thấy một vương mã thuần bạch, đó là dấu hiệu để chàng dựng kinh đô và cư trú tại nơi ấy. Kinh đô ấy sẽ được gọi là Assapura (Mã Thành).
Ngài bảo vương tử thứ ba:
– Ðiện hạ rời đây bằng cổng Tây và đi thẳng tới khi thấy một sư tử có bờm, đó là dấu hiệu để chàng dựng kinh đô và cư trú tại nơi ấy. Kinh đô ấy sẽ được gọi là Sìhapura (Sư Thành).
Ngài bảo vị vương tử thứ tư:
– Ðiện hạ rời đây bằng cổng Bắc và đi thẳng cho đến khi thấy một bánh xe làm toàn bằng ngọc, đó là dấu hiệu để chàng dựng kinh đô và cư trú tại nơi ấy. Kinh thành ấy sẽ được gọi là Uttarapancàla (Thượng Luân Thành).
Ngài bảo vị vương tử thứ năm:
– Ðiện hạ không thể ở đây. Vậy hãy xây một đền thờ lớn trong kinh thành này, rồi đi về phía Tây bắc, và đi thẳng cho đến khi thấy hai ngọn núi đập vào nhau gây tiếng động “daddara”, đó sẽ là dấu hiệu để chàng dựng kinh đô và cư trú nơi ấy. Thành ấy sẽ được gọi là Daddarapura (Thành Daddara).
Cả năm vương tử đều ra đi, theo các dấu hiệu kia dựng kinh đô và an trú ở đó.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư bảo:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải là lần đầu Devadatta nói dối và bị chìm vào lòng đất.
Rồi ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy vua Ceti là Devadatta và Bà-la-môn Kapila là Ta.
-ooOoo-
Người nào tuân lệnh dục tham…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về sự quyến rủ của người vợ cũ đối với một Tỷ-kheo.
Chuyện kể rằng một thiện gia nam tử ở Sàvatthi (Xá-vệ) nghe giáo pháp của bậc Ðạo Sư và nghĩ rằng thật khó cho một người tại gia có thể sống đời Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ và thanh tịnh, nên ông quyết định xuất gia tu hành theo giáo lý cứu độ để diệt tận khổ ưu. Vì thế ông để lại tài sản, nhà cửa cho vợ con, và thỉnh cầu bậc Ðại Sư truyền giới xuất gia cho mình. Bậc Ðạo Sư chấp thuận. Vì ông chỉ là Sa-di trẻ tuổi lúc khất thực cùng các vị giáo thọ, sư trưởng và Tăng chúng lại đông, nên ông không có được ghế ngồi trong nhà cư sĩ hoặc trong trai đường, mà chỉ có một ghế thấp nhỏ hoặc ngồi ở dãy ghế dài cuối chỗ các Sa-di.
Thức ăn chỉ được múc vội vã cho ông bằng cái muỗng lớn: ông nhận món cháo tấm, các món cứng thì hôi hám hoặc hư nát, hoặc các cọng rau đã khô héo, cháy sém và phần ăn này không đủ nuôi sống ông.
Ông liền đem các món ăn nhận được về cho người vợ cũ mà ông đã rời bỏ. Nàng cầm lấy bình bát, kính chào ông, đổ hết các thứ ấy ra và thay vào món cháo nấu thật ngon và cơm trộn sốt cà-ri. Vị Tỷ kheo bị lòng ham thích các huơng vị ấy lôi cuốn nên không thể rời vợ.
Nàng suy nghĩ rằng nàng sẽ thử thách tình cảm của ông. Một hôm, nàng bảo một trai làng chải chuốt sạch sẽ và đến nhà nàng ngồi cùng một đám người nhà của y mà nàng đã mời, và nàng cho cả bọn ăn uống vài thứ . Cả bọn ngồi ăn chơi thỏa thích. Nàng lại bảo buộc đôi bò vào xe và chiếc xe đợi sẵn sàng ở cửa nhà. Còn chính nàng ngồi ở nhà sau nấu nướng bánh mứt.
Chồng nàng đi đến đứng ở cửa. Thấy vậy, một lão bộc trình bà chủ rằng có một Tỷ-kheo ở cửa. Nàng bảo:
– Hãy ra chào vị ấy và bảo vị ấy qua nhà khác.
Nhưng dù y đã làm vậy nhiều lần, y thấy vị Tỷ-kheo vẫn đứng yên nên y lại trình bà chủ. Nàng bước ra, vén tấm rèm lên nhìn và kêu lớn:
– Ðây là cha bầy trẻ con tôi.
Nàng bước ra chào ông, vừa cầm lấy bình bát vừa mời ông bước vào, nàng đem thực phẩm cúng dường. Khi ông đã ăn xong, nàng lại kính lễ và nói:
– Thưa Tôn giả, nay Tôn giả là một bậc Thánh, trước kia chúng ta đã luôn chung sống cùng nhau trong ngôi nhà này. Song giờ đây, cuộc sống tại gia lại không thể thiếu người chủ nhà, vì vậy chúng ta sắp dời qua nhà khác và đi xa về vùng quê. Xin Tôn giả hãy nhiệt tâm làm thiện sự và tha thứ cho thiếp nếu thiếp làm điều sai trái.
Trong một lúc, chồng cũ của nàng cảm thấy như thể trái tim tan vỡ! Rồi ông đáp:
– Ta không thể rời nàng, xin nàng đừng đi. Ta sẽ trở lại đời thế tục. Hãy đưa cho ta y phục của người cư sĩ tại chỗ nọ, ta sẽ bỏ y bát và trở về với nàng.
Nàng đồng ý ngay. Khi vị Tỷ-kheo về tinh xá, trả bộ y bát lại cho vị giám hộ và giáo thọ, và khiđược hỏi lý do, ông giải thích là ông không thể rời vợ và sắp trở lại đời thế tục. Dù ông không muốn, các vị ấy vẫn dẫn ông đến bậc Ðạo Sư và kể cho ngài nghe rằng ông thối thất và muốn trở về đời thế tục. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Chuyện này có thật chăng?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Ai làm cho ông thối thất?
– Vợ cũ của con.
Này Tỷ-kheo, nữ nhân ấy là nguyên nhân gây tác nghiệp của ông. Chính vì kẻ ấy mà ngày xưa ông đã sa đọa khỏi bốn cảnh giới Thiền định, và rất khốn khổ. Sau nhờ ta, ông được giải thoát cảnh khổ và tái tạo công năng Thiền định mà ông đã mất.
Rồi Ngài kể câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm con trai vị tế sư hoàng gia và bà vợ vị ấy cũng là nữ nhân Bà-la-môn. Vào ngày ngài ra đời, có làn ánh sáng của binh khí lóe sáng khắp kinh thành vì thế ngài được đặt tên Jotipàla (người hộ trì ánh sáng hay Hộ Minh).
Khi lớn lên, ngài học đủ mọi ngành nghề nghệ thuật tại Takkasilà và chứng tỏ tài năng trước vua. Nhưng ngài lại từ giã địa vị của ngài không báo cho ai biết, ngài ra đi bằng cổng sau, vào rừng trở thành vị khổ hạnh ở thảo am Kavitthaka, được gọi là Sakkadatiya. Ngài chứng đắc Thiền định viên mãn.
Trong khi trú tại đó, hàng trăm vị trí giả đến tham kiến hầu cận ngài. Ngài được một hội chúng đông đảo theo học và bảy đệ tử. Trong số ấy, trí giả Sàlissara rời thảo am Kavitthaka để đến xứ Surrattha và trú bên bờ sông Sàtodikà cùng hội chúng vài ngàn trí giả khác.
Mendissara cùng vài ngàn trí giả sống gần thị trấn Lambacùlaka trong quốc độ của vua Pajaka.
Pabbata cùng vài ngàn trí giả sống trong một xứ ở miền rừng núi.
Kàladevala cùng vài ngàn trí giả sống trong núi rừng ở Avanti và Decan.
Kisavaccha sống độc cư ở gần kinh thành Kumbhavati, trong ngự viên của vua Dandaki.
Anusissa là thị giả của Bồ-tát ở chung với ngài.
Nàrada, em của Kàladevala độc cư trong thạch thất giữa quốc độ Aranjara có nhiều núi non ở vùng Trung thổ.
Bấy giờ không xa nước Aranjara có một thị trấn rất trù phú. Thị trấn này có con sông cả, nơi nhiều đàn ông đến tắm. Dọc theo bờ, các kỹ nữ xinh đẹp thường ngồi quyến rủ đám mày râu.
Vị khổ hạnh Nàrada thấy một nàng kỹ nữ, đâm ra si tình, mất hết Thiền lực và héo mòn vì khôngăn uống gì cả, cứ nằm dài trong lưới tình trói buộc suốt bảy ngày liền. Vị huynh trưởng Kàladevata nhờ quan sát biết nguyên nhân việc kia, liền phi hành qua không gian, vào biến động. Nàrada thấy vị ấy liền hỏi tại sao đến đây. Vị ấy đáp:
– Ta biết Hiền đệ bị bệnh nên đến chăm sóc đệ đây.
Nàrada giả dối bảo vị ấy đi về:
– Ðại huynh chỉ nói chuyện không đâu, toàn là hư vọng, hão huyền.
Nhưng vị kia từ chối ra đi và còn đem theo ba vị Sàlissara, Mendissara và Pabbatissara đến đó nữa. Nàrada lại bảo tất cả ra về theo cách trên.
Kàladevala liền bay đi tìm Ðạo Sư Sarabhanga và dẫn thầy đến đó. Khi bậc Ðạo sư đến, ngài thấy Nàrada đã rơi vào lưới kềm tỏa của tham dục và hỏi có đúng vậy không. Nàrada đứng lên nghe lời ngài, kính lễ thầy và thú nhận sự việc. Bậc Ðạo Sư bảo:
– Này Nàrada, ai rơi vào lưới tham dục sẽ suy tàn trong khổ đau ở đời này và đời kế bị tái sinh vàođịa ngục.
Rồi Ngài ngâm vần kệ đầu:
Nghe vậy, Nàrada đáp:
– Bạch Tôn sư, mưu cầu tham dục là hạnh phúc. Tại sao Tôn sư lại gọi hạnh phúc ấy là khổ đau?
Ðạo Sư Sarabhanya đáp:
– Vậy hãy nghe đây.
Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ hai:
Nàrada đáp:
– Bạch Tôn sư, khổ đau này thật khó chịu đựng. Con không thể kham nhẫn nó được.
Bậc Ðại sĩ bảo:
– Này Nàrada, khi khổ đau đến cần phải chịu đựng.
Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ ba:
Song Nàrada vẫn đáp:
– Bạch Tôn sư, hạnh phúc của dục tình là hạnh phúc tối cao, con không thể nào rời bỏ nó được.
Bậc Ðạo Sĩ bảo:
– Không thể vì bất cứ lý do gì mà ta từ bỏ Giới hạnh.
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ tư:
Sau khi Ðạo Sư Sarabhanga đã tuyên thuyết Chánh pháp qua bốn vần kệ, trí giả Làladevala muốn khuyến giáo tiểu đệ liền ngâm vần kệ thứ năm:
Vần kệ thứ sáu do bậc Ðạo Sư ngâm phát xuất từ Trí tuệ Tối Thắng của Ngài liên hệ đến lời khuyến giáo của Devala đối với Nàrada:
Sau đó Thánh giả Sarabhanga cảnh báo:
Này Nàrada hãy nghe đấy: kẻ nào trước tiên không muốn làm những gì đáng làm, về sau sẽ kêu khóc than van như chàng trai đi vào rừng thuở xưa.
Rồi Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
Ngày xưa trong một thị trấn ở thành Kàsi có một thanh niên Bà-la-môn, đẹp trai, mạnh khỏe, lực lưỡng như voi. Chàng suy nghĩ: “Tại sao ta phải nuôi cha mẹ bằng cách làm ruộng, hoặc phải lấy vợ sinh con, hoặc làm các thiện sự nọ kia? Ta chẳng muốn nuôi ai hoặc làm thiện sự gì cả, mà ta chỉ muốn vào rừng nuôi bản thân bằng cách săn nai”.
Thề rồi với năm thứ vũ khí, chàng vào Tuyết Sơn giết nai ăn thịt rất nhiều. Ở vùng Tuyết Sơn chàng thấy một thung lũng rộng lớn tứ bề có núi bao bọc, bên cạnh bờ sông Vidhavà, chàng liền sống ở đó với thịt thú săn được và nấu trên than hồng. Chàng lại suy nghĩ: “Ta sẽ không được khỏe mạnh mãi đâu, khi ta già yếu, ta sẽ không phiêu bạc trong rừng. Nay ta muốn bắt nhiều loại thú hoang vào trong thung lũng này, làm cổng rào lại và chẳng cần phải lang thang trong rừng nữa, ta cũng sẽ giết chúng và ăn thỏa thích”. Và chàng đã làm như vậy.
Thời gian trôi qua, chính điều ấy phải xảy ra, mọi thực tế của cuộc đời xuất hiện, chàng không còn sức điều khiển nổi tay chân, chàng không thể đi lại tự do đây đó, chàng không thể tìm được thức ăn uống, thân thể gầy gò khô héo như một bóng ma, lộ rõ mọi nếp nhăn nheo khắp mình như mặt đất mùa nắng. Chàng trở nên dị tướng, nhăn nheo, rã rời và vô cùng khổ sở.
Cũng như chàng kia, theo thời gian, vua nước Sìvi, mệnh danh là Sìvi, ước mong hưởng món thịt rừng nướng trên than hồng trong rừng già, liền giao phó quốc độ cho các đại thần, đem theo năm món vũ khí, đi vào rừng săn thịt nai để ăn. Vừa lúc vua đến chỗ ấy liền thấy người kia. Dù sợ hãi, vua cũng cố thu hết can đảm hỏi người kia là ai. Chàng đáp:
– Tâu Chúa công, tôi là một bóng ma đang hưởng nghiệp quả do tôi đã tạo. Thế Chúa công là ai?
– Ta là vua nước Sìvi.
– Tại sao Chúa công đến đây?
– Ðể ăn thịt nai.
– Tâu Ðại vương, tôi đã trở thành con ma trên đất vì tôi đã đến đây với mục đích ấy.
Rồi chàng kể đầy đủ chi tiết câu chuyện của chàng và để giải thích nỗi bất hạnh của mình, chàng ngâm các vần kệ cuối cùng:
Cùng với các vần kệ ấy, chàng nói thêm:
– Tâu Ðại vương, do ham muốn dục lạc tôi đã tạo khổ đau cho nhiều loài khác và trở thành bóng ma ngay tại đời này. Xin Ðại vương đừng gây ác nghiệp, xin hãy trở về kinh đô của Ðại vương và thực hành thiện sự, bố thí cùng các phước nghiệp khác.
Nhà vua làm theo lời ấy và hoàn thành con đường lên Thiên giới.
Vị khổ hạnh xúc động vì lời tường thuật của Ðạo Sư Sarabhanga về câu chuyện trên. Vị ấy được cảm hóa, rồi sau khi kính lễ Tôn sư và được ngài tha thứ, nhờ các pháp môn chân chánh, vị ấy tái tạo năng lực Thiền định đã mất. Ðạo sư Sarabhanga không cho phép đệ tử ở lại đó nữa và đưa vị ấy cùng ngài về thảo am xưa.
*
Sau Pháp thoại, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo thối thất đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy Nàrada là Tỷ-kheo thối thất này, Sàlissara là Sàriputta (Xá-lợi-phất), Mendissara là Kassapa (Ca-diếp), Kaccàna (Ca-chiên-diên), Anusissa là Ànanda (A-nan), Kisavaccha là Moggallàna (Mục-kiền-liên) và Đạo Sư Sarabhanga chính là Ta.
-ooOoo-
Thứ gì ta cứu thoát ra…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên, về lễ vật cúng dường vô thượng. Lễ vật cúng dường tối thắng này được miêu tả đầy đủ trong tập Sớ giải Kinh Mahàgovindasutta (số 19, Trường bộ II)
Ngày hôm sau lễ cúng dường ấy, Tăng chúng bàn luận trong Chánh Pháp Ðường:
– Này các Hiền giả, vua Kosala sau khi xem xét kỹ, đã tìm được phước điền chính đáng và cúng dường lễ vật cao trọng lên Hội chúng do đức Phât đứng đầu.
Bậc Ðạo Sư đến và được kể lại đề tài câu chuyện trong lúc các vị ngồi đây, Ngài bảo:
– Này Tỷ-kheo, không lạ gì việc nhà vua, sau khi quan sát kỹ, đã cúng dường đại lễ vật vào phướcđiền vô thượng ở đời, các trí nhân ngày xưa cũng đã cúng dâng lễ vật như thế sau khi quan sát kỹ.
Rồi Ngài kể một câu chuyện ngày xưa.
*
Ngày xưa vua Bharata trị vì tại Roruva trong quốc độ Sovìra. Vua thực hành Thập phương pháp, thu phục nhân tâm bằng Tứ nhiếp pháp, đối xử với quần chúng như cha mẹ đối với con, ban phát rộng rãi cho người nghèo, lữ hành, khất thực và những người đến cầu xin. Chánh hậu của ngài là Samuddavijayà đầy trí tuệ thông thái.
Một hôm ngài nhìn quanh các bố thí đường và suy nghĩ: “Tặng vật của ta đều bị đám tham lam vô dụng ngốn ngấu cả. Ta không thích như vậy. Ta muốn cúng dường những vị Ðộc Giác Phật đức hạnh xứng đáng lễ vật tối thượng. Các vị hiện sống ở vùng Tuyết Sơn. Ai sẽ đem các vị ấy về đây theo lời thỉnh cầu của ta và ta sẽ nhờ ai lãnh sứ mạng này?”
Ngài nói chuyện với hoàng hậu, bà đáp:
– Tâu Chúa thượng, không nên quan tâm lo lắng. Cứ gửi hoa đi, nhờ uy lực lễ vật cúng dường xứng đáng của ta, nhờ đức độ và lòng thành tín của ta, ta sẽ thỉnh cầu vị Ðộc Giác Phật, và khi các vị đến, chính ta sẽ cúng dường lễ vật cùng các món cần thiết.
Vua đồng ý. Ngài ra lệnh đánh trống khắp kinh thành rằng tất cả dân chúng trong thành phải giữ giới, còn chính ngài và toàn thể hoàng gia đều giữ mọi phận sự của ngày trai giới, thực hành đại bố thí.
Ngài truyền đem đến một chiếc hộp bằng vàng đựng đầy hoa lài, từ hoàng cung bước xuống và đứng giữa triều đình. Tại đó ngài phủ phục với năm phần chạm xuống đất, đảnh lễ về phương Ðông và tung vãi nắm hoa cùng những lời nguyện:
– Ðệ tử đảnh lễ các Thánh giả ở phương Ðông, Nếu đệ tử có chút công đức nào, xin các vị tỏ lòng từ bi thâu nhận các lễ vật này.
Vì không có các vị Ðộc Giác ở phương Ðông, nên hôm sau không vị nào đến.
Ngày thứ hai, ngài lại đảnh lễ phương Tây, nhưng cũng không ai đến.
Ngày thứ ba, ngài lại đảnh lễ phương Bắc, và sau khi đảnh lễ, ngài tung bảy nắm hoa cùng lời nguyện:
– Ước mong các vị Ðộc Giác ở vùng Tuyết Sơn thâu nhận các lễ vật cúng dường này.
Các hoa ấy bay đi xa rơi trên mình năm vị Ðộc Giác Phật ở động Nandamùla. Sau khi quan sát, các vị hiểu rằng quốc vương đã thỉnh cầu các vị, vì thế các vị gọi bảy vị trong số đó lại bảo:
– Này các Tôn giả, vua thỉnh cầu các vị, xin hãy bày tỏ đặc ân cho ngài.
Các vị Ðộc Giác Phật này du hành qua không gian và hạ xuống hoàng môn. Khi thấy các vị, vua hân hoan đảnh lễ, mời các vị thượng lầu, tỏ lòng tôn kính trọng thể và cúng dường các lễ vật.
Sau buổi thọ thực, ngài lại mời các vị hôm sau và cứ thế đến ngày thứ năm, vua thiết đãi suốt sáu ngày. Vào ngày thứ bảy, ngài chuẩn bị cúng dường mọi vật dụng cần thiết, sắp đặt bảo tọa và cẩm đôn chạm vàng rồi đặt trước bảy vị Ðộc Giác các bộ ba y cùng các món ăn cần thiết của đời Thánh nhân.
Quốc vương cùng hoàng hậu trân trọng cúng dường các thứ này sau buổi thọ thực và đứng cung kính đảnh lễ. Ðể phát biểu lời tùy hỷ công đức, vị Trưởng lão của hội chúng ngâm hai vần kệ:
Như vậy, bằng cách bày tỏ niềm hoan hỷ, vị Trưởng lão khuyến giáo vua tinh cần giữ đức hạnh. Sau đó vị ấy bay lên không gian, xuyên thủng qua góc nhọn của cung điện và hạ xuống động Nandamùla. Các vật dụng cần thiết đã được cúng dường đều bay lên theo vị ấy và hạ xuống động. Còn toàn thân quốc vương và hoàng hậu tràn đầy niềm hoan hỷ.
Sau khi vị ấy ra đi, sáu vị kia lần lượt nói lời tùy hỷ công đức qua mỗi vần kệ:
Vị thứ ba:
Vị thứ tư:
Vị thứ năm:
Vị thứ sáu:
Vị thứ bảy:
Sau đó các vị ra đi cùng với các vật dụng cần thiết đã được cúng dường .
Còn vị Ðộc Giác Phật thứ bảy, trong lời tùy hỷ công đức ấy, tán thán Niết-bàn bất diệt với vua và giáo hóa ngài một cách cẩn trọng xong, liền trở về cảnh cũ như đã nói trên. Quốc vương và hoàng hậu thực hành bố thí suốt đời nên đã hoàn thành con đường lên thiên giới.
*
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư bảo:
– Như vậy các bậc trí thời xưa bố thí cúng dường có phân biệt.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy các vị Ðộc Giác Phật đắc Niết-bàn, Samuddavijayà là mẫu thân Ràhula (La-hầu-la) và vua Bharata chính là Ta.
-ooOoo-
Làm sao lặng sóng Hằng Hà…,
Bậc Ðạo sư kể lại chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo thối thất.
Bậc Ðạo sư hỏi vị ấy:
– Này Tỷ-kheo, có thật là ông đang thối thất?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Vì duyên cớ gì?
– Vì uy lực của dục tham.
– Này Tỷ-kheo, nữ nhân thật vô ơn, phản bội, không đáng tin cậy. Ngày xưa, các bậc trí không làm thỏa mãn một nữ nhân thậm chí đã cho kẻ ấy một ngàn đồng tiền mỗi ngày. Một hôm không nhận được ngàn đồng tiền, kẻ ấy đã sai người lôi cổ họ quẳng ra ngoài. Nữ nhân là loài bạc nghĩa thế đấy. Ông đừng rơi mình vào uy lực của dục tham vì duyên cớ ấy nữa.
Rồi Ngài kể một câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, vương tử Brahmadatta và công tử Mahàdhana, con của một phú thương ở Ba-la-nại, là bạn thân thiết cùng chơi với nhau và được giáo dục trong nhà một vị thầy. Vương tử lên ngôi khi vua cha băng hà và con vị phú thương vẫn ở gần vua mới.
Tại Ba-la-nại có một kỹ nữ sang trọng kiều diễm đang thời hưng thịnh. Con trai vị phú tặng nàng một ngàn đồng tiền mỗi ngày, và thường xuyên hưởng lạc với nàng. Khi cha mất, chàng thừa kế tài sản và địa vị của cha, nhưng cũng không rời bỏ nàng mà vẫn tiếp tục cho nàng một ngàn đồng tiền mỗi ngày.
Một hôm chàng đi chầu vua vào buổi chiều. Trong lúc chàng đàm đạo với vua, mặt trời lặn và tối dần. Khi rời cung, chàng nghĩ: “Không còn thời giờ để về nhà rồi trở lại nữa, ta cứ đi thẳng đến nhà kỹ nữ ấy”. Vì thế chàng bảo đám hầu cận ra về và đi thẳng vào nhà một mình.
Khi thấy chàng đến, nàng hỏi xem chàng có đem ngàn đồng tiền không.
– Này ái nương, hôm nay ta ra trễ quá nên ta chỉ bảo đám hầu cận đi hết, chứ ta không về nhà, ta chỉ đến đây một mình, nhưng ngày mai ta sẽ trao tặng nàng hai ngàn đồng tiền.
Nàng suy nghĩ: “Nếu ta tiếp đón chàng hôm nay, chàng sẽ đến tay không các ngày khác nữa và thế là ta mất dần của cải. Vậy ta không muốn tiếp chàng hôm nay nữa.”
Vì thế nàng bảo:
– Thưa công tử, thiếp chỉ là một kỹ nữ, thiếp không ban đặc ân cho ai mà không có một ngànđồng, vậy công tử hãy đem tiền lại đây.
– Ái nương ơi, ta sẽ tặng nàng gấp đôi số tiền ấy ngày mai đây.
Và chàng cứ van xin nàng như vậy mãi.
Nàng kỹ nữ ra lệnh cho các nữ tỳ:
– Ðừng để người ấy đứng đó mà nhìn ta. Hãy lôi cổ y kéo ra ngoài và đóng cửa lại.
Họ làm theo lời nàng. Chàng suy nghĩ: “Ta đã cho nàng tám trăm triệu đồng tiền, tuy thế chỉ một ngày ta đến tay không, nàng đã bảo chúng nắm cổ ta tống ra ngoài. Ôi nữ nhân thật là độc ác, vô sĩ, vong ân, phản bội!”
Do vậy chàng quan sát mãi về ác hạnh của nữ nhân cho đến khi chàng thấy chán ngán, ly tham và bất mãn với cuộc đời thế tục. Chàng suy nghĩ: “Tại sao ta phải sống đời thế tục? Ta muốn xuất gia hôm nay và thành người khổ hạnh”.
Do vậy chàng không trở về nhà nữa cũng không yết kiến vua nữa, chàng rời kinh thành đi vào rừng. Chàng dựng thảo am bên bờ sông Hằng, cư trú tại đó như một ẩn sĩ khổ hạnh, đắc Thiền định viên mãn và sống bằng củ quả rừng.
Vua nhớ bạn vắng mặt lâu ngày và đòi bạn vào chầu. Khắp kinh thành ai cũng biết rõ cách nàng kỹ nữ đối xử với chàng nên họ tâu vua vấn đề ấy và thêm:
– Tâu Ðại vương, người ta bảo thân hữu của Ðại vương vì tủi nhục đã không trở về nhà, mà đã trở thành vị khổ hạnh sống trong rừng.
Vua truyền đưa nàng kỹ nữ vào, và hỏi nàng xem chuyện nàng đối xử với thân hữu ngài có thật như vậy chăng. Nàng thú nhận.
– Này nữ nhân bạc ác kia, hãy mau đến nơi Hiền hữu ta ở và đưa chàng về đây. Nếu không làmđược việc ấy, ngươi phải bị mất mạng đấy.
Nghe lệnh vua, nàng sợ hãi, vội lên xe ra khỏi kinh thành cùng đoàn tùy tùng đông đảo. Nàng đi tìm nơi an trú và nghe lời đồn, nàng đến đó kính lễ và cầu xin:
– Bạch Tôn giả, xin hãy tha thứ lỗi lầm thiếp đã phạm trong lúc mù quáng ngu si. Thiếp quyết không tái phạm nữa.
– Ðược lắm, ta tha thứ cho nàng, ta không giận nàng đâu.
– Nếu Tôn giả tha thứ cho thiếp, xin hãy lên xe cùng thiếp. Chúng ta cùng trở về kinh thành và ngay khi vào thành, thiếp xin dâng ngài mọi tiền tài trong nhà thiếp.
Khi nghe vậy, ngài đáp:
– Này cô nương, ta không thể đi với cô nương bây giờ đâu, nhưng khi nào những chuyện chưa từng xảy ra trên đời này sẽ xảy ra thì có lẽ ta sẽ đi.
Rồi ngài ngâm vần kệ đầu:
Nhưng nàng lại nói:
– Mau lên, thiếp sắp đi rồi.
Ngài đáp:
– Ta sẽ đi.
– Khi nào?
– Vào thời như vầy như vầy.
Ngài đáp và ngâm các vần kệ còn lại:
Như thế bậc Ðại Sĩ ngâm mười một vần kệ nêu rõ những sự kiện không thể xảy ra. Nàng kỹ nữ nghe xong, xin được ngài tha thứ và trở về Ba-la-nại. Nàng trình bày mọi việc với vua và xin tha mạng, vua liền ân xá cho nàng.
*
Sau pháp thoại, bậc Ðạo Sư bảo:
– Này các Tỷ-kheo, nữ nhân thật là vô ơn, phản bội như thế.
Rồi ngài tuyên thuyết các Sự Thật. Khi kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo thối thất đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy vua là Ànanda và vị khổ hạnh chính là Ta.
-ooOoo-
Bác ơi, bác có được khang an…,
Bậc Ðạo sư kể lại chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một con dê cái.
Một thời Trưởng lão Moggallàna ở trong một am thất có một cửa, trong một vùng đất được rào và núi đồi bao bọc. Lối đi có mái che của nhà gần cửa ấy. Một vài mục tử nghĩ rằng hàng rào ấy là chỗ tốt cho đàn dê, nên họ lùa dê vào đó và sống thoải mái.
Một hôm họ đến vào buổi chiều đem cả bầy dê đi. Nhưng có một con dê cái đã lang thang quá xa không thấy bầy dê ra đi, và bị bỏ lại một mình. Sau đó khi nó ra đi, một con báo thấy nó, muốn ăn thịt bèn đứng bên cửa của hàng rào. Dê cái nhìn quanh và thấy con báo. “Báo đứng đó vì muốn giết ta và ăn thịt”, Dê suy nghĩ: “Nếu ta quay đầu bỏ chạy, ta sẽ mất mạng. Vậy ta phải can đảm lên”. Rồi dê giương đôi sừng, vùng chạy thẳng trước mặt báo với tất cả dũng lực. Dê thoát được móng vuốt báo, dù con báo rung mình vì nó tưởng sẽ chụp được dê. Rồi chạy hết tốc lực, con dê bắt kịp cả đàn.
Vị Trưởng lão quan sát cách các súc vật ấy đối xử với nhau. Hôm sau vị ấy đi trình đức Như Lai:
– Bạch Thế Tôn, con dê cái đã đạt được một kỳ công nhờ có sẵn mưu lược và thoát được con báo.
Bậc Ðạo sư đáp:
– Này Moggallàna, lần này con báo không bắt được dê, nhưng ngày xưa báo đã giết dê dù dê kêu lớn, rồi ăn thịt nó.
Và theo lời thỉnh cầu của Tôn giả Moggallàna, Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa có thời Bồ-tát được sinh vào một làng ở quốc độ Magadha (Ma-kiệt-đà), trong một gia đình giàu. Khi lớn lên, Ngài từ bỏ tham dục và sống đời tu hành, đạt được Thiền định viên mãn. Sau khi sống rất lâu ở Tuyết Sơn, ngài đến Rajagàha (Vương Xá) để tìm muối và dấm, rồi về cư trú trong thảo am ngài đã dựng trong một thung lũng có rào chắn.
Giống như phần duyên khởi, các mục tử lùa bầy dê ra đi và cũng như trên, một hôm, khi một dê cái đi ra chậm hơn bầy kia, một con báo đợi sẵn ở cửa, nghĩ cách ăn thịt nó. Khi con Dê thấy con Báo, nó suy nghĩ: “Ðời ta tàn rồi, bằng một mưu kế nào đó ta phải dụ nó vào cuộc chuyện trò vui vẻ ân cần để làm dịu lòng nó và cứu mạng ta”. Vừa đứng từ xa bắt đầu nói chuyện thân thiện với con báo, Dê ngâm vần kệ đầu:
Nghe vầy, Báo suy nghĩ: “Con bé này muốn đánh lừa ta bằng cách gọi ta là ‘bác’, nó không biết ta hung dữ ra sao cả”. Vì thế Báo ngâm vần kệ thứ hai:
Khi nói vậy, Dê đáp:
– Thưa bác, xin đừng nói như vậy.
Và nó ngâm vần kệ thứ ba:
Báo đáp:
– Này Dê cái, cô nói gì vậy? Có nơi nào lại không có đuôi của ta trải ra chứ?
Và nó ngâm vần kệ thứ tư:
Khi nghe vầy, Dê cài nghĩ: “Con ác thú này không bị lời ngon ngọt quyến rủ. Vậy ta sẽ đáp lại nó như một kẻ thù”. Rồi Dê ngâm vần kệ thứ năm:
Báo lại nói ;
– Ta biết cô đã bay giữa trời. Nhưng khi cô đến, cô đã làm hỏng miếng mồi của ta bằng cách đáp xuống ấy!
Rồi Báo ngâm vần kệ thứ sáu:
Nghe vầy, Dê sợ chết không còn có thể tìm cớ nào khác nữa, liền kêu lớn:
– Bác ơi, xin đừng phạm một việc ác độc như thế, xin tha mạng cháu đi.
Nhưng dù Dê kêu lớn, Báo vẫn chụp vai nó, giết chết và ăn thịt Dê.
Ðây là hai vần kệ phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng của đức Phật.
Một vị Thánh nhân khổ hạnh chứng kiến tất cả câu chuyện của hai con thú này.
*
Sau Pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, con Dê cái và con Báo là con Dê cái và con báo bây giờ, và vị Thánh nhân khổ hạnh chính là Ta.
-ooOoo-
Chương IX
Phẩm Chín Bài Kệ
Ðược làm bằng đám gỗ chênh vênh…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo bất tuân Giới luật.
Chuyện kể rằng vị ấy là thiện gia nam tử, và được truyền giới vào Giáo pháp đưa đến giải thoát được các vị Pháp sư, giáo sư đầy thiện chí cùng các đồng Phạm hạnh giáo giới như vầy:
– Hiền giả phải đi tới hay đi lui như vầy, phải nhìn thẳng hay nhìn nghiêng như vầy, cánh tay phải duỗi ra hay co lại như vầy, các y trong và y ngoài phải được mang như vầy, bình bát phải được cầm như vầy. Khi Hiền giả nhận đủ các thứ ăn để nuôi thân, sau khi tự quán sát, Hiền giả phải thọ dụng nó như vầy, hộ phòng các căn như vầy.
Hiền giả phải tiết độ trong ăn uống và tỉnh giác. Hiền giả phải nhận thấy các bổn phận như vầyđối với chư Tăng đến và đi khỏi tinh xá. Ðầy là mười bốn qui tắc về phận sự của Tỷ-kheo và tám mươi trọng giới phải hoàn thành đúng đắn, và đây là mười ba pháp thực hành Dhuta về nếp sống cẩn trọng. Tất cả các giới điều này phải được hoàn thành một cách nghiêm túc.
Tuy thế, vị ấy bất tuân Giới luật và thiếu kham nhẫn, không chịu thọ giáo một cách kính cẩn, và không tuân lời thầy, lại bảo:
– Tôi không chỉ trích các vị. Tại sao các vị nói với tôi như vậy? Tôi biết điều gì ích lợi cho tôi vàđiều gì không có lợi.
Tăng chúng nghe được sự bất tuân Giới luật của ông liền kể lại các lỗi lầm của ông trong lúc các vị ngồi tại Chánh pháp đường.
Bậc Ðạo Sư bước vào, hỏi các vị đang bàn luận đề tài gì và truyền gọi Tỷ-kheo ấy đến hỏi:
– Này Tỷ-kheo, tại sao khi đã được truyền giới vào Giáo pháp đưa đến giải thoát, ông lại không nghe lời dạy của các vị giáo thọ có thiện ý kia? Ngày xưa ông cũng đã bất tuân lời dạy của các trí giả và gặp cuồng phong Verambha thổi thành tro bụi.
Sau đó Ngài kể lại chuyện đời xưa.
*
Một thuở nọ Bồ-tát được sinh làm chim Thứu (kên kên) trên núi Linh thứu. Bấy giờ con của ngài là Supatta, vua kên kên, cường tráng, đầy dũng lực và có đám tuỳ tùng nhiều ngàn kên kên. Thứu vương phụng dưỡng song thân. Do có sức mạnh, Thứu vương thường bay rất xa. Chim thứu cha vẫn thường khuyên nhủ:
– Này con thân, con đừng bay xa quá những điểm này.
Thứu vương đáp:
– Ðược lắm, thưa cha.
Nhưng một hôm trời mưa, Thứu vương bay cùng các kên kên khác, rồi rời đàn phía sau, một mình vượt giới hạn đã được khuyên bảo, nên thứu vương bay vào cuồng phong Veramba và bị thổi tan thành tro bụi.
Với Tối Thắng Trí, Đức Phật ngâm các vần kệ này minh hoạ các sự kiện trên:
4 – 5. Thứu vương thường cất cánh lên mau,
Bay lượn vòng quanh cõi địa cầu
Với nhãn quan tinh tường thấu suốt,
Thứu con thấy rõ các rừng sâu,
Núi non phía dưới cao vời vợi,
Quả đất giống cha tả biết bao:
6- 7. Một quả cầu tròn giữa đại dương,
Nhưng khi vượt quá giới hạn thông thường,
Dẫu là chim thứu đầy oai lực,
Một trận đại phong thật nộ cuồng
Ðã thổi Thứu tan tành bỏ mạng,
Bất tài không địch nổi cuồng phong.
8 -9. Như vậy Thứu con bởi bất tuân
Tử vong bỏ mặc cả song thân.
Kẻ nào khinh bỉ kẻ già cả
Chế nhạo lời khuyên của trí nhân,
Cũng chết như chim khinh bậc trí,
Xem thường giới hạn bởi kiêu căng.
– Vì vậy, này Tỷ-kheo, đừng giống như chim Thứu này, mà phải tuân theo lời dạy của những người đầy thiện ý.
Khi được bậc Ðạo Sư giáo huấn như trên, từ đó về sau vị ấy biết vâng lời thầy.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Chim kên kên bất tuân lệnh ngày xưa là vị Tỷ-kheo không vâng lời ngày nay. Và chim cha chính là Ta.
-ooOoo-
Khi giáo hội bị chia hai, ly tán…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Lâm Viên Ghosita (Cù-sư-la) gần Kosambi (Kiều-thưởng-di) về một đám người tranh chấp nhau ở Kosambi.
Sự kiện dẫn đến chuyện này có thể tìm được trong phần Luật tạng liên hệ đến Kosambi. Sau đây là tóm tắt câu chuyện. Tương truyền thời ấy có hai Tỳ- kheo sống cùng một tịnh xá, một vị thông hiểu Giới luật và vị kia thông hiểu Kinh điển. Một hôm, vị thứ hai có dịp đến chỗ rửa mặt xong, đi ra và bỏ sót một ít nước thừa để súc miệng trong cái ghè. Sau đó vị thông Giới luật đi vào và thấy nước, liền đi ra hỏi bạn xem có phải vị ấy đã để nước lại đó chăng. Ông đáp:
– Thưa Hiền giả, vâng.
– Sao, thế Hiền giả không biết đó là lỗi lầm ư?
– Không, tôi không biết.
– Này hiền giả, đó là lỗi lầm.
– Thế thì tôi sẽ sám hối việc ấy.
– Song nếu Hiền giả không có ý làm việc ấy thì đó không phải lỗi lầm.
Như vậy vị ấy là người không thấy lỗi lầm trong một việc có lỗi lầm. Vị tinh thông Giới luật bảo các đệ tử mình:
– Vị tinh thông Kinh điển này, dù đã phạm lỗi lầm, lại không biết việc ấy.
Khi gặp các đệ tử của vị Tỷ-kheo kia, họ bảo:
– Thầy của các vị dù phạm lỗi lầm, lại không nhận ra lỗi lầm.
Ðám này đi về thưa lại với thầy. Vị ấy bảo:
– Vị thông Giới luật này trước kia bảo đó không phải lỗi lầm, nay lại bảo đó là lỗi lầm. Vị này là kẻ nói dối.
Ðám đệ tử này đi nói với đám kia:
– Thầy của các vị là kẻ nói dối.
Do đó hai nhóm gây sự tranh cãi lẫn nhau. Về sau vị thông hiểu Giới luật, tìm được cơ hội đưa ra một hình thức tẩn xuất vị Tỷ-kheo đã không chịu nhận thấy sự vi phạm Giới luật của mình.
Từ đó về sau, các cư sĩ cung cấp bốn vật dụng cần thiết cho Tăng chúng cũng chia ra hai phe. Các Tỷ-kheo -ni nhận sự giáo huấn của các Tỷ-kheo, các vị Thần hộ pháp, cùng các thân hữu quyến thuộc của họ, cùng chư Thiên lên đến tận cõi Phạm thiên, thậm chí cả đám người ngoại đạo, cũng họp thành hai phái và tiếng huyên náo vang lên đến toàn cõi Phạm thiên.
Sau đó một Tỷ-kheo đến gần đức Như Lai, và thông báo quan điểm của phe tấn xuất là: “người kia bị tẩn xuất theo đúng Chánh pháp”. Và quan điểm của những kẻ theo phe người bị tẩn xuất là; “người ấy bị tẩn xuất một cách phi pháp”, cùng sự kiện một số người, dù bị phe tẩn xuất cấmđoán, vẫn tụ họp lại để ủng hộ vị ấy.
Ðức Thế Tổn bảo:
– Có sự chia rẽ, quả thật, có sự chia rẽ trong giáo hội.
Ngài đến gặp hai phe, nêu rõ sự tai hại trong vấn đề tẩn xuất đối với những người tẩn xuất, cùng sự nguy hại theo sau sự che dấu lỗi lầm đối với phe kia, rồi Ngài ra đi.
Lần khác, khi Hội chúng thực hành lễ Bồ-tát cùng các Tăng sự khác trong cùng một nơi, trong một khu vực, và lại tranh cãi ở trai đường cùng nhiều nơi khác, Ngài liền đưa ra điều luật rằng họ phải ngồi lại với nhau thảo luận lần lượt từng người một từ mỗi phe.
Khi nghe họ vẫn tranh cãi trong tinh xá, Ngài đến bảo:
– Thôi đủ rồi, này các Tỷ-kheo, chúng ta không được tranh cãi.
Một vị trong phe phi chính thống không muốn phiền nhiễu đức Thế Tôn, liền thưa:
– Xin đức Thế Tôn hãy tinh xá. Mong đức Thế Tôn được an tịnh độc cư, thọ hưởng cực lạc đã chứng đắc ngay tại đời này. Chúng con sẽ tự làm cho chính bản thân ô danh vì cuộc khẩu tranh, luận tranh, đấu tranh, giao tranh này.
Nhưng bậc Ðạo Sư bảo họ:
– Này các Tỷ-kheo, ngày xưa, vua Brahmadatta, quốc vương ở Kàsi, trị vì tại Ba-la-nại, đã chiếmđoạt vương quốc của vua Dighati ở Kosala, và giết vua ấy, trong lúc sống ẩn tích mai danh. Ðến khi vương tử Dighavu tha mạng vua Brahmadatta, hai vị trở thành thân hữu trở về sau. Và như vậy chắc hẳn có nhiều khổ đau và thân ái giữa hai vị vua mang kiếm trượng ấy; quả thật, này các Tỷ-kheo, các ông cần hiểu rõ rằng các ông đang sống đời tu tập theo Pháp và luật được khéo giảng, thì các ông có thể tha thứ và tỏ từ tâm đối với nhau.
Giáo huấn Tăng chúng đến lần thứ ba, Ngài bảo:
– Thôi đủ rồi, này các Tỷ-kheo, không được tranh chấp nữa.
Và khi Ngài không thấy họ không ngừng lại trước lệnh của Ngài, Ngài ra đi và bảo:
– Quả thật đám người ngu si này giống như bị quỷ ám, chúng không dễ được thuyết phục.
Hôm sau đi khất thực về, Ngài nghỉ trong Hương Phòng và sắp đặt phòng cho thứ tự, rồi cầm y bát, Ngài đứng trên không và ngâm các vần kệ này giữa Hội chúng:
*
Khi bậc Ðạo Sư đã nói như vậy xong, và Ngài vẫn không giải hoà được hội chúng này, Ngài liền đi đến làng Bàlaka, nơi làm muối, và thảo luận với Tôn giả Bhagu về sự an lạc của độc cư. Sau đó Ngài lại đến nơi cư trú của ba thiện gia nam tử và nói chuyện với họ về hạnh phúc hoà hợp.
Rồi Ngài du hành đến rừng Pàrileyyaka, cư trú tại đó ba tháng, và đi về thẳng Sàvatthi, chứ không trở lại Kosambi.
Quần chúng cư sĩ ở Kosambi thảo luận với nhau và bảo nhau:
– Hiển nhiên các Tôn Gỉa Tỷ-kheo ở Kosambi đã làm hại chúng ta rất nhiều, bậc Ðạo Sư bị các vị ấy quấy nhiễu nên ra đi. Chúng ta quyết không trân trọng kính chào các vị ấy, cũng không cúng dường vật và thực khi họ đến nhà, để rồi họ sẽ ra đi, hoặc hoàn tục, hoặc cầu hoà với bậc Ðạo Sư.
Và họ làm đúng như vậy.
Các Tỷ-kheo ấy bị túng quẩn vì hình thức xử phạt này, liền đến Sàvatthi thỉnh cầu đức Thế Tôn tha thứ.
*
Bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân:
– Thời ấy vua cha là Ðại vương Suddhodana (Tịnh Phạn), mẫu hậu là Mahàmàya (Mai-gia) và vương tử Dighàvu chính là Ta.
-ooOoo-
Bất cứ khi nào cây trái sinh…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo.
Chuyện kể rằng vị ấy sống trong rừng gần một làng biên địa ở Kosabbi và nhận được lời giáo huấn từ bậc Ðạo Sư theo các đề tài Thiền quán. Dân chúng làm cho ông một an thất trong một nơi họ thường lui tới, cung cấp nơi cư trú cả ngày lẫn đêm và phụng sự ông rất tận tâm chu đáo. Ngay tháng đầu tiên ông an cư mùa mưa, làng ấy bị đốt sạch và dân chúng không còn một hạt thóc nên không thể cúng dường thực phẩm thơm ngon vào bình bát ông, cho nên mặc dù ông ở trong một nơi thoải mái, ông lại buồn khổ vì thiếu thực phẩm đến độ không thể nhập vào Thánh đạo hay Thánh quả được.
Vì vậy khi hết ba tháng mưa, ông đến yết kiến bậc Ðạo Sư, sau những lời ân cần chào hỏi, bậc Ðạo Sư bày tỏ huy vọng là mặc dù khó khăn về thực phẩm cúng dường, ông cũng có được một nơi an trú dễ chịu. Vị Tỳ- kheo trình Ngài về tình hình đã diễn tiến ra sao. Khi nghe ông có được một trú xứ an lạc, bậc Ðạo Sư bảo:
– Này Tỷ-kheo, nếu sự tình là như vậy, một vị tu khổ hạnh nên dẹp bỏ các thói tham đắm, và tri túc với những thức ăn gì mình nhận được để hoàn thành phận sự của người xuất gia. Các bậc trí ngày xưa khi được sinh vào loài súc vật, dù chỉ sống bằng bụi bặm trong cây hư mục mà mình cư trú, cũng đã bỏ mọi tham dục, tự biết sống đủ để ở lại nơi kia và hoàn thành đạo lý về ân tình. Thế thì tại sao ông lại bỏ một nơi cư trú đầy an lạc chỉ vì thức ăn nhận được quá ít ỏi thô sơ?
Và theo lời thỉnh cầu của vị này, Ngài kể câu chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa có vô số chim anh vũ (két) sống ở vùng Tuyết Sơn trên bờ sông Hằng trong một rừng sung. Vua Anh vũ ấy gặp lúc trái cây nơi mình cư trú đã hết màu, phải ăn bất cứ cái gì còn sót lại, dù là mầm, lá, vỏ cây hoặc giác cây và uống nước sông Hằng, vẫn thấy an lạc và tri túc nơi mình sống.
Do tâm trạng an lạc tri túc này, chiếc ngai của Thiên chủ Sakka rung động. Sakka tìm hiểu nguyên nhân và thấy Anh vũ này, rồi muốn thử thách công hạnh của chim, ngài dùng thần lực làm cho cây héo tàn, trở thành khúc thân cây mục đầy lỗ hỏng đứng trơ vơ bị mưa gió vùi dập, và bụi bặm bay từ các lỗ ấy!
Anh vũ vương vẫn ăn bụi cây và uống nước sông Hằng, không đi đâu khác và vẫn đậu trên ngọn cây, chẳng quan tâm gì đến nắng gió.
Thiên chủ Sakka nhận thấy Anh vũ sống rất tri túc, liền tự bảo: “Sau khi nghe chim nói về đức tính của tình bằng hữu, ta sẽ đến ban cho chim một đặc ân và làm phép cho cây sung sinh bất tử”.
Vì thế ngài giả dạng một Thiên nga cùng với hoàng hậu của ngài là Sujà đi trước biến hình thành một nữ thần A-tu-la, ngài đến rừng sung kia, đậu trên một khóm cây gần đó và ngâm kệ bắt đầu đàm thoại với Anh vũ:
Sau lời này, ngài lại ngâm vần kệ thúc giục chim đi chỗ khác:
Chim Anh vũ đáp:
– Này Thiên nga, do ân nghĩa, ta không rời bỏ cây này.
Rồi chim ngâm hai vần kệ:
Sakka nghe chim nói, rất hoan hỷ, vừa ca ngợi chim vừa muốn ban cho chim một điều ước, liền ngâm hai vần kệ:
Nghe vầy, Anh vũ ngâm vần kệ thứ bảy nói lên điều mình ước:
Rồi Thiên chủ Sakka ngâm vần kệ thứ tam ban đặc ân này:
Cùng với các lời này, Sakka bỏ lốt ngỗng, thị hiện phép thần thông cùng Hoàng hậu Sujà, lấy tay múc nước sông Hằng rảy vào thân cây sung. Lập tức cây mọc lên cành lá sum suê, đầy trái ngọt như mật, tạo thành một cảnh tượng kỳ diệu như đỉnh núi Ngọc Bích lồ lộ.
Anh vũ thấy vậy, vô cùng hoan hỷ, ngâm vần kệ thứ chín tán thán Thiên chủ Sakka:
Sau khi ban điều ước cho Anh vũ, và làm phép để cây sung mọc trái bất tử, ngài cùng Hoàng hậu Sujà trở về cõi của ngài.
Ðể minh hoạ chuyện này, các vần kệ xuất phát từ Trí tuệ Tối thắng được thêm vào đoạn cuối:
*
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư bảo:
– Như vậy, này Tỷ-kheo, các bậc trí này xưa dù sinh làm súc vật cũng dứt bỏ tham ái. Thế tại sao nay ông đã được thọ giới trong Giáo pháp tối thượng này, lại còn theo các thói xan tham? Hãy về ở lại chỗ ấy.
Rồi Ngài trao cho vị này một đề tài Thiền quán, và nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy Sakka là Anurudda (À-na-luật-đà) và Anh vũ chính là Ta.
Vị Tỷ-kheo trở về và nhờ Thiền quán đã đắc Thánh quả (A-la-hán).
-ooOoo-
Nhìn cây vô số ở quanh đây…,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên liên hệ phẩm Verãnjà của Luật Tạng.
Sau thời an cư mùa mưa tại Verãnjà, khi bậc Ðạo Sư lên đường dẫn đến Sàvatthi, Tăng chúng ngồi tại Chánh pháp đường thảo luận và bảo nhau:
– Này các Hiến giả, đức Như Lai vốn là một vị quý tộc Sát-đế-lỵ được bảo dưỡng tế nhị, dầu đã thành Phật có đủ thần thông lực, vẫn theo lời thỉnh câu của một Bà-la-môn ở Verãnjà an cư ba tháng với vị ấy. Rồi do áp lực của Ác Ma, Ngài không nhận được thực phẩm cúng dường từ tay vị Bà-la-môn ấy, thậm chí một ngày thôi, Ngài liền từ bỏ mọi tham dục và cứ ở lại nơi ấy suốt ba tháng sống bằng nước lã và một ít cám xay. Kỳ diệu thay là hạnh tri túc của các đức Như Lai!
Khi bậc Ðạo Sư đến hỏi đề tài thảo luận của các vị, Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, không lạ gì ngày nay Như Lai đã bỏ hết mọi tham dục, vì ngày xưa khi được sinh làm súc vật, Ngài cũng xả ly tham dục.
Và sau đó, Ngài kể một chuyện quá khứ. Bấy giờ toàn thể câu chuyện cũng được kể lại với đầy đủ chi tiết giống hệt như chuyện trước.
*
Sakka:
Anh vũ:
Sakka:
Anh vũ:
Sakka:
Anh vũ:
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy Sakka là Anuruddha và Anh vũ vương chính là Ta.
-ooOoo-
Hà-ri Hiền hữu, trẫm nghe rằng…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo bất mãn.
Bấy giờ Tỷ-kheo này trở nên bất mãn sau khi nhìn thấy một nữ nhân phục sức lộng lẫy nên cứ để cho lông tóc, móng tay chân dài ra, và muốn hoàn tục. Khi ông miễn cưỡng bị các vị giáo thọ và giám hộ đưa đi yết kiến bậc Ðạo Sư, và được Ngài hỏi xem có đúng là ông thối thất chăng, và tại sao như vậy, ông đáp:
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn, chính vì uy lực của dục tham, sau khi nhìn thấy một nữ nhân xinh đẹp.
Bậc Ðạo Sư bảo:
– Này Tỷ-kheo, tham dục huỷ hoại công đức, hơn nữa, rất đáng nhàm chán, nó làm cho con người tái sinh vào địa ngục; thế thì sao tham dục này lại không đưa đến sự suy tàn của ông? Bởi vì trận cuồng phong vùi dập đỉnh núi Sineru (Tu-di) vẫn không ngần ngại cuốn đi một ngọn lá khô héo. Chính vì tham dục này, những người thực hành theo trí thức và trí tuệ, đã đắc năm Thắng trí và tám Thiền chứng, dẫu là Thánh nhân vĩ đại, vẫn không đủ khả năng ổn định tâm tư nên sa đoạ đánh mất Thiền lực vi diệu.
Rồi ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh ở một làng trong một gia đình Bà-la-môn có tài sản đến tám triệu đồng, và do màu vàng ánh của ngài, cha mẹ đặt tên ngài là Harittacakumàra (Nam tử Kim sắc). Khi lớn khôn, và đã được giáo dục tại Takkasilà, ngài trở thành người gia chủ. Vừa khi cha mẹ từ trần, ngài đi thanh tra đủ các kho báu của mình và suy nghĩ: “Tài sản kho báu tiếp tục tồn tại, còn những người tạo ra nó lại mất cả rồi. Ta cũng tan thành tro bụi khi chết”.
Như vậy do nỗi sợ chết báo động, ngài thực hành đại bố thí, rồi vào vùng Tuyết Sơn sống đời tu hành, đến ngày thứ bảy ngài thành tựu các Thắng trí và các Thiền chứng. Ngài sống ở đó một thời gian bằng củ quả rừng, rồi xuống núi tìm muối và dấm, dần dần ngài đến tận Ba-la-nại.
Ngài sống trong ngự viên và ngày hôm sau, khi khất thực ngài đến cửa cung vua. Vua rất hoan hỷ khi thấy ngài nên đã truyền mời ngài vào ngồi trên vương toạ dưới bóng mát của chiếc Lọng trắng và cúng dường ngài đủ thứ cao lương mỹ vị.
Khi lời nói lời tuỳ hỷ công đức, vua vô cùng đẹp ý hỏi:
– Bạch Tôn giả, ngài sắp đi đâu?
– Tâu Ðại vương, chúng tôi tìm một nơi an cư mùa mưa.
– Thế thì tốt lắm, bạch tôn giả. Vua bảo.
Rồi sau buổi điểm tâm, vua cùng đi với ngài đến ngự viên, truyền dựng am thất ban ngày lẫn banđêm cho ngài ở, chỉ định người giữ ngự viên làm hầu cận của ngài, rồi vua kính chào ngài ra về. Từ đó bậc Ðại Sĩ thường xuyên ăn uống ở cung vua và sống tại nơi ấy suốt mười hai năm liền.
Một hôm, vua đi dẹp loạn ở biên giới, nên đã giao phó hoàng hậu chăm sóc Bồ-tát, và bảo bà:
– Ðừng xao lãng việc phụng sự “Phước điền” của chúng ta.
Từ đó trở về sau, hoàng hậu tự tay phục vụ bậc Ðại Sĩ rất chu đáo.
Một hôm, hoàng hậu đã chuẩn bị thực phẩm của ngài xong, và vì ngài đến muộn, nên bà đi tắm nước hương thơm ngát, choàng chiếc y bằng lụa mỏng manh mềm mại, rồi mở cửa thượng lầu nằm xuống một vương sàng nhỏ để cho gió lùa trên thân thể bà.
Sau đó, Bồ-tát đắp hạ y và thượng y, cầm bình bát, du hành qua không gian đi vào cửa sổ ấy. Khi hoàng hậu vội vàng đứng dậy vì nghe tiếng sột soạt của các tấm y bằng vỏ cây trên thân ngài, chiếc y bằng lụa mỏng rơi khỏi người bà. Một đối tượng lạ thường đập vào mắt bậc Ðại Sĩ. Rồi một dục tưởng đã ẩn trong tâm ngài từ vô lượng kiếp, chợt bừng dậy như một con rắn nằm trong hộp, xua tan thiền lực của ngài.
Rồi không đủ khả năng ổn định tư tưởng, ngài đến chụp lấy hoàng hậu bằng đôi tay và hai vị lập tức kéo màn che phủ quanh người. Sau khi đã phạm tà dục với bà, ngài thọ thực và trở về ngự viên. Từ đó về sau, ngày nào ngài cũng đến làm như vậy.
Tà hạnh của ngài vang dậy khắp kinh thành. Các cận thần của vua dâng sớ tâu trình vua: “Nhà khổ hạnh Hàrita đang hành động như vậy như vậy”.
Vua suy nghĩ: “Họ nói như vậy để ly gián chúng ta” và vua không tin chuyện ấy.
Khi vua đã bình định vùng biên địa xong, liền trở về Ba-la-nại và sau buổi diễn binh oai nghi khắp kinh thành, vua đến gặp hoàng hậu và hỏi:
– Có thật Thánh nhân khổ hạnh Hàrita đã phạm tà dục với ái hậu chăng?
– Tâu Chúa thượng, quả đúng vậy.
Vua vẫn không tin lời bà và suy nghĩ. “Ta sẽ hỏi chính vị ấy”. Rồi đi đến ngự viên, vua vái chào ngài, ngồi kính cẩn một bên và ngâm vần kệ đầu để hỏi chuyện:
Ngài suy nghĩ: “Nếu ta nói ta không phạm tội lỗi, vị vua này sẽ tin ta, nhưng trên thế gian này, không có một căn cứ nào vững chắc bằng nói sự thật. Người nào từ bỏ sự thật, dù ngồi trong Bồ-đề đạo tràng linh thiêng cũng không để đạt quả Phật. Vậy ta cần nói sự thật”.
Trong vài trường hợp, một vị Bồ-tát có thể sát sinh, lấy của không cho, phạm tà dục và uống rượu nồng, nhưng vị ấy không được nói dối đi kèm với sự lừa phỉnh vi phạm chân lý của vạn vật. Vì thế ngài ngâm vần kệ thứ hai chỉ nói lên sự thật:
Nghe vậy, vua ngâm vần kệ thứ ba:
Sau đó Hàrita nêu rõ cho vua thấy uy lực của dục tham qua vần kệ thứ tư:
Vua nghe liền ngâm vần kệ thứ năm:
Hiền giả Hàrita ngâm tiếp vần kệ thứ sáu:
Sau đó vua ngâm vần kệ thứ bảy khuyến nhủ vị ấy quẳng bỏ mọi tham dục:
Khi ấy Bồ -tát đã phục hồi năng lực Thiền định và quán sát sự đau khổ của tham dục, ngài ngâm vần kệ thứ tám:
Nói vậy xong, ngài xin phép vua, rồi sau khi được chấp nhận, ngài về tham am tập trung nhãn lực vào đề tài và nhận định, sau đó bước ra khỏi am, ngồi bắt chéo chân trên không và giảng Chánh pháp cho vua, ngài bảo:
– Tâu Ðại vương, ta đã tạo nên sự chỉ trích của quần chúng vì ta cư trú một nơi mà ta không nên cư trú. Nhưng giờ đây xin Ðại vương hãy tỉnh giác hộ phòng. Còn ta sẽ trở về núi rừng thoát ly mọi ô nhiễm của nữ sắc.
Rồi giữa những giọt nước mắt và tiếng than khóc của vua, ngài trở về Tuyết Sơn, rồi không gián đoạn Thiền định, ngài lên cõi Phạm thiên.
Bậc Ðạo Sư biết toàn thể câu chuyện và bảo:
*
Sau khi ngâm vần kệ do Trí tuệ tối thắng, Ngài tuyên thuyết các Sự Thật. Vào lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo có tâm thế tục ấy đã đắc Thánh quả.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời bấy giờ vua là Ànanda, và Hàrita chính là Ta.
-ooOoo-
Pà- ta bị cuốn bởi sông Hằng…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi trú tại Kỳ Viên về một cậu bé.
Người ta đồn cậu bé ấy là con của một gia chủ tại Sàvatthi, chỉ có bảy tuổi đã có tài nhận ra dấu chân. Bấy giờ cha cậu bé có ý định thử tài con, liền đi đến nhà người bạn mà không cho cậu biết. Cậu bé chẳng cần hỏi cha đã đi đâu, cứ theo vết chân của cha cậu, đến đứng trước mặt cha. Vì thế một hôm cha cậu hỏi:
– Khi cha ra đi mà không nói với con, làm thế nào mà con biết cha đi đâu?
– Thưa cha, con nhận ra dấu chân của cha. Con có tài về chuyện này.
Sau đó, cha cậu lại muốn thử cậu, liền ra khỏi nhà sau khi ăn sáng, đi vào nhà kế cận, từ đó qua một nhà khác, từ nhà thứ ba ông lại quay về nhà mình, rồi sau đó đi ra cổng Bắc, xong đi một vòng quanh thành phố từ phải sang trái. Khi đến Kỳ Viên, ông đảnh lễ bậc Ðạo Sư, rồi ngồi xuống nghe Pháp. Cậu bé hỏi cha ở đâu, và người nhà bảo:
– Ta không biết.
Cậu lần theo dấu chân cha bắt đầu từ nhà bên cạnh đi theo đúng con đường cha cậu đã đi qua. Sau khi đánh lễ bậc Ðạo Sư, cậu đứng trước mặt cha. Và cha hỏi làm sao con đến đây được, cậu đáp:
– Con nhận ra dấu chân cha và lần theo dấu ấy đến đây.
Người cha nói:
– Bạch Thế Tôn, thằng bé này có tài nhận ra dấu chân. Muốn thử nó, con đã đến đây theo cách như vầy như vầy. Nó không thấy con ở nhà, cứ lần theo dấu chân đến đây.
Bậc Ðạo Sư bảo:
– Không lạ gì việc nhận ra dấu chân dưới đất. Các bậc trí nhân ngày xưa nhận ra dấu chân trên không gian.
Và theo lời thỉnh cầu, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Thời xưa dưới triều vua Brahmadatta ở Ba-la-nại, vị chánh hậu bị vua chất vấn sau khi phạm tội tà dục, liền tuyên thệ:
– Nếu thần thiếp phạm tội với Chúa thượng, thần thiếp sẽ trở thành một con quỷ cái Dạ-xoa có mặt ngựa.
Sau khi chết, bà trở thành con quỷ cái có mặt ngựa sống trong hang đá ở một khi rừng rậm dưới chân núi và thường bắt những người qua lại trên con đường từ biên giới Ðông sang Tây để ăn thịt. Chuyện kể rằng sau khi phục vụ Thiên vương Vessavana (Tỳ-sa-môn) suốt ba năm, quỷ cái nàyđược phép ăn thịt người trong một khu vực dài ba mươi dặm, rộng năm dặm.
Một hôm, một vị Bà-la-môn giàu sang, đẹp trai được một đoàn tuỳ tùng đông đảo hộ tống đi lên con đường ấy. Dạ-xoa liền thấy chàng liền cười lớn chạy xuống chụp chàng, còn đám tùy tùng chạy trốn cả.
Với tốc lực nhanh như gió, quỷ cái bắt được chàng Bà-la-môn ném lên lưng nó và đưa vào hang. Do xúc chạm với chàng trai, quỷ cái bị lòng dục chi phối và cảm thấy yêu mến chàng, nên thay vì ăn thịt chàng, nó lại lấy chàng làm chồng và cả hai sống hoà hợp với nhau.
Từ đó mỗi khi quỷ cái bắt được đàn ông, nó lấy áo quần, lúa gạo, dầu mỡ cùng với mọi thứ khác phục vụ chàng đủ món cao lương mỹ vị, còn nó vẫn ăn thịt người.
Khi nào nó đi xa, nó sợ chàng trốn thoát, nên vẫn lấy hòn đá lớn đậy miệng hoang trước khi đi. Trong thời gian họ sống an vui như vậy, thì Bồ-tát vừa từ giã từ đời trước và nhập vào mẫu thai của quỹ cái với vị Bà-la-môn. Sau mười tháng, quỷ cái sinh một con trai, nó vô cùng thương yêu cả vị Bà-la-môn lẫn hài nhi, nên nuôi nấng họ chu đáo. Dần dần khi cậu bé lớn lên, quỷ cái đặt con vào trong hang với cha, rồi đóng cửa lại.
Một hôm Bồ-tát biết mẹ đã đi xa liền giở hòn đá lên và đưa cha ra ngoài. Khi quỷ cái trở về, hỏi aiđã giở hòn đá, cậu bé đáp:
– Thưa mẹ, chính con, vì cha và con không thể ngồi trong tối mãi.
Do thương con, quỷ cái không nói lời nào nữa. Một hôm Bồ-tát hỏi cha:
– Thưa cha, miệng cha khác với miệng mẹ, vì sao vậy?
– Con ơi, mẹ con là quỷ Dạ-xoa sống bằng thịt người, còn cha là con người.
– Nếu vậy, tại sao ta sống ở đây? Mau lên, chúng ta quyết trở về nơi chốn loài người.
– Con ơi, nếu ta cố chạy trốn, mẹ con sẽ giết chết cả hai ta đấy.
Bồ-tát an ủi cha và bảo:
– Cha đừng sợ, việc đem cha trở về chốn loài người là phận sự của con.
Hôm sau, khi mẹ cậu đã ra đi, cậu đem cha chạy trốn.
Khi quỷ cái trở về thấy thiếu họ, nó liền chạy như gió bắt họ lại và nói:
– Này chàng Bà-la-môn, tại sao chàng bỏ chạy, chàng có thiếu gì ở đây chăng?
– Nàng ơi, xin đừng giận ta. Con nàng đem ta đi theo nó đấy.
Quỷ cái không nói gì thêm, do lòng thương con, nó an ủi hai cha con và mang họ trở về hang sau vài ngày bay vùn vụt.
Bồ-tát suy nghĩ: “Mẹ ta chắn hẳn phải có một ranh giới hoạt động. Giả sử ta hỏi mẹ về ranh giới mà mẹ có quyền hạn, rồi ta sẽ đi trốn bằng cách vượt qua ranh giới đó”.
Vì vậy, hôm ngồi kính cẩn bên mẹ, ngài hỏi:
– Mẹ ơi, những gì thuộc về mẹ đều truyền cho con; vậy mẹ nói cho con biết ranh giới vùng đất của ta.
Quỷ cái liền cho biết mọi phạm vi đất đai núi rừng ở mọi hướng và chỉ rõ khu vực dài ba mươi dặm rộng năm dặm ấy, xong lại bảo:
– Hãy xem nó nhiều như vậy đấy con à.
Sau hai ba ngày, khi mẹ đã vào rừng, ngài cõng cha lên vai và chạy nhanh như gió theo dấu hiệu mẹ ngài đã cho biết, ngài đến bờ sông làm ranh giới. Quỷ cái trở về thấy thiếu họ liền đuổi theo.
Bồ-tát mang cha ra giữa sông, còn quỷ cái đứng bên bờ thấy họ đã vượt phạm vi của nó, đành phải đứng lại và kêu:
– Con yêu quý ơi, hãy đến đây cùng với cha con. Mẹ có lỗi lầm gì nào? Có việc già không vừa lòng con về phương diện nào? Xin chàng hãy trở về mau!
Quỷ cái van xin chồng con như vậy.
Vị Bà-la-môn đã qua bên kia sông. Quỷ cái lại khẩn cầu con:
– Con yêu quý ơi, đừng làm như vậy. Hãy trở lại mau!
– Mẹ ơi, cha và con là người, còn mẹ là quỷ Dạ-xoa. Cha và con không thể ở mãi với mẹ được.
– Thế con không muốn trở lại à?
– Không mẹ ơi!
– Vậy nếu con không muốn trở lại mà sống trên thế giới loài người khổ lắm con ạ, những người không biết nghề gì thì không thể sống được. Mẹ có phép thuật cao cường, nhờ thần lực đó, ta có theo dõi dấu chân của người đã đi qua sau mười hai năm. Ðiều này sẽ làm kế sinh nhai của con. Này con, hãy nhận lấy phép thuật cao giá này.
Mặc dù lòng nặng trĩu đau buồn, do lòng thương con, quỷ cái cũng trao thần chú cho con. Bồ-tátđứng giữa sông chắp hai tay lại kính cẩn nhận thần chú và vái chào mẹ ngài:
– Mẹ ơi, con xin từ giã mẹ.
Quỷ cái bảo:
– Con ơi, nếu con không trở lại, mẹ không thể sống được.
Nó liền đấm vào ngực và ngay lập tức do sầu não vì con, tim nó tan nát ra nên nó chết tại chỗ.
Bồ- tát biết mẹ đã chết, liền gọi cha và đi làm giàn hoả thiêu xác mẹ. Sau khi dập tắt lửa, ngài cúng nhiều loại hoa đủ màu sắc, vừa than khóc, vừa cùng cha trở về Ba-la-nại.
Quân hầu tâu trình vua:
– Một cậu thanh niên có tài nhận ra dấu chân đang đứng chờ ở cửa.
Khi vua ra lệnh ngài vào chầu, ngài bước vào cung kính vái chào vua. Vua hỏi:
– Này Hiền hữu, khanh biết nghề gì?
– Tâu Chúa thượng, tiểu thần biết theo dõi dấu chân của người đã trộm cắp tài vật cách mười hai năm trước và bắt lấy họ.
– Thế thì vào đây hầu hạ trẫm. Vua bảo.
– Tiểu thần muốn phục vụ Chúa thượng với tiền công mỗi ngày một ngàn đồng.
– Tốt lắm, này Hiền hữu, nhất định khanh sẽ phục vụ trẫm.
Rồi vua ban cho ngài một ngàn đồng tiền mỗi ngày.
Một hôm, vị tế sư hoàng gia trình vua:
– Tâu Chúa thượng, chàng thanh niên chưa sử dụng xảo thuật để làm gì cả nên ta không biết chàng có tài hay không, vậy bây giờ ta quyết thử tài chàng.
Vua sẵn sàng chấp nhận. Hai vị thông báo cho các vị thủ kho và lấy các châu báu có giá trị nhất từ lầu thượng xuống, rồi sau khi đi lẩn quẩn ba vòng quanh cung điện, họ đặt cái thang trên nóc tường và theo đó đi ra ngoài.
Sau đó họ vào Pháp đình, ngồi xuống rồi trở ra đặt cái thang trên tường và leo xuống và đi vào thành. Khi đến bờ hồ nước, họ đi vòng quanh ba vòng rào trang nghiêm rồi thả các báu vật vào hồ và trèo lên lầu thượng như cũ.
Hôm sau có tiếng huyên náo và nhiều người kêu:
– Các báu vật đã bị mất khỏi cung rồi.
Vua giả vờ không biết gì, triệu Bồ-tát đến bảo:
– Này Hiền hữu, nhiều báu vật vừa bị mất trộm khỏi cung, ta phải tìm ra dấu vết.
– Tâu Chúa thượng, đối với một người có khả năng theo dấu vết bọn trộm cắp và thu hồi bảo vật cách mười hai năm trước, thì chẳng có gì thần kỳ khi tìm được tài vật chỉ mất sau một ngày đêm. Tiểu thần quyết đem lại đủ, xin Chúa thượng yên tâm.
– Vậy Hiền hữu hãy thu hồi báu vật.
– Tâu Chúa thượng, được lắm.
Ngài nói xong đi đảnh lễ hương hồn mẹ, rồi vừa niệm thần chú vừa đứng yên trên thượng lầu, rồi trình vua:
– Tâu Chúa thượng, dấu chân của bọn trộm sẽ được tìm ra.
Sau đó theo dấu chân vua và vị tế sư, ngài vào cung thất, từ đó ra đi, ngài bước xuống khỏi thượng lầu và sau ba vòng đi quanh hoàng cung, ngài đến gần cái hồ. Ðứng bên hồ, ngài bảo:
– Tâu Chúa thượng, bắt đầu ở nơi này từ bức tường, tiểu thân thấy dấu chân trên không. Xin đem cho tiểu thần một cái thang.
Sau khi nhờ đặt cái thang sát tường, ngài leo xuống và tiếp tục theo dõi dấu vết, ngài đến Pháp đình. Rồi trở vào cung, ngài bảo đặt cái thang sát tường và từ đó ngài leo xuống đi đến hồ nước. Sau khi đi quanh hồ nước ba lần, ngài bảo:
– Tâu Chúa thượng, bọn trộm đã vào hồ này.
Và vừa lấy báu vật ra như thể chính ngài đặt chúng vào đó, ngài dâng vua và trình:
– Tâu Chúa thượng, hai đạo tặc này là người đặc biệt, chúng đã vào cung bằng cách này.
Quần thần búng ngón tay biểu lộ hân hoan cực độ và rất nhiều khăn quàng tung vẫy lên. Vua suy nghĩ:
“Có lẽ chàng trai này theo dõi dấu chân nên biết nơi bọn trộm cất báu vật, nhưng chàng không bắt được chúng”. Sau đó vua phán:
– Hiền hữu đã mang lại ngay báu vật được bọn trộm mang đi, nhưng khanh có thể bắt bọn trộm và đưa chúng cho trẫm chăng?
– Tâu Chúa thượng, bọn trộm ở đây, chúng không ở đâu xa.
– Chúng là ai thế?
– Tâu Ðại vương, bất cứ ai thích đều có thể làm kẻ trộm cả. Ðại Vương đã thu hồi báu vật rồi, sao Ðại Vương còn muốn bắt trộm làm gì nữa? Xin Ðại Vương hỏi chuyện ấy.
– Này Hiền hữu, trẫm ban cho khanh mỗi ngày một ngàn đồng tiền, vậy hãy đem bọn trộm đến cho trẫm.
– Tâu Chúa thượng, khi đã thu hồi báu vật, thì cần gì bắt bọn trộm nữa?
– Này Hiền hữu, đối với mọi người, bắt bọn trộm còn quan trọng hơn thu hồi báu vật.
– Thế thì, tâu Chúa thượng, tiểu thần sẽ không tâu với Chúa thượng: “Bọn trộm là những người này, người nọ”, nhưng tiểu thần sẽ kẻ một chuyện xảy ra đã lâu. Nếu Chúa thượng thông thái, Chúa thượng sẽ biết ý nghĩa của nó.
Rồi sau đó ngài kể một chuyện cổ.
* Chuyện vũ công Pàtala
– Tâu Ðại vương, ngày xưa có một vũ công tên là Pàtala sống không xa thành Ba-la-nại, trong một ngôi làng bên bờ sông. Một hôm y vào Ba-la-nại cùng với vợ, và sau khi kiếm tiền được nhờ múa hát, y ăn cơm uống rượu no say vào dịp lễ hội chấm dứt.
Trên đường về làng cũ, y đến bờ sông ngồi ngắm dòng nước chảy vừa uống rượu nồng. Trong lúc đang say không biết mình sức yếu, y bảo: “Ta sẽ buộc ống sáo lớn vào cổ và đi xuống sông”. Y dắt vợ trong tay bước dần xuống sông. Nước vào trong các lỗ ống sáo, rồi sức nặng của ống sáo làm y bắt đầu chìm xuống.
Nhưng khi vợ thấy y chìm dần, nàng bỏ mặc y, bước lên khỏi sông và đứng trên bờ.
Vũ công Pàtala lúc chìm lúc nổi và bụng trướng lên vì uống nước. Vì vậy vợ y suy nghĩ: “Chồng ta sắp chết, ta muốn xin chàng một bài hát và sẽ kiếm sống nhờ hát giữa đám đông”, và nói:
– Chàng ơi, chàng sắp chìm xuống nước, xin hãy cho thiếp một bài hát nhờ đó thiếp tìm ra cách nuôi thân.
Rồi nàng ngâm vần kệ:
Lúc ấy vũ công Pàtala nói:
– Nàng ơi, làm sao cho nàng một khúc ca bây giờ đây? Nước vốn là nguồn cứu khổ cho con người nay đang giết ta.
Và y ngâm một vần kệ:
Bồ -tát muốn giải thích vần kệ này, bảo:
– Tâu Ðại vương, giống như nước là nơi nương tựa của mỗi con người, cũng vậy là vua chúa đối với dân. Nếu hiểm hoạ phát sinh từ vua chúa, thì còn ai đề phòng được hiểm hoạ ấy nữa? Tâu Ðại vương, đây là một vấn đề bí mật. Tiểu thần vừa kể một câu chuyện mà người hiền trí có thể hiểu được. Xin Ðại vương có thể hiểu nó.
– Này Hiền hữu, trẫm không hiểu chuyện bí mật như thế này đâu. Hãy bắt bọn trộm đến cho trẫm.
Sau đó Bồ-tát nói:
– Tâu Ðại vương, thế thì xin hãy nghe chuyện này và sẽ hiểu.
Rồi ngài lại kể một chuyện khác.
* Chuyện người thợ gốm.
– Tâu Ðại vương, ngày xưa trong ngôi làng ngoài cổng thành Ba-la-nại, có một người thợ gốm thường tìm đất sét đem về làm đồ gốm, và bao giờ cũng lấy đất sét ở một nơi mà y đào thành một cái hố sâu vào một hang núi.
Bấy giờ, một hôm y đang đào đất sét, một cơn giông bão trái mùa bùng lên làm mưa rơi tầm tã, gây ngập lụt và làm sụp một bên hố khiến y bị vỡ đầu. Y liền ngâm vần kệ, khóc than rên rĩ:
– Tâu Ðại vương, giống như đại địa cầu vốn là nơi nương tựa của loài người, lại làm vỡ đầu chú thợ gốm, cũng vậy, khi vua vốn như là nơi nương tựa của toàn dân, lại đứng lên đóng vai kẻ trộm, thì còn ai có thể đề phòng hiểm hoạ ấy? Tâu Ðại vương, thế Ðại vương có nhận ra tên trộm giả dạng trong câu chuyện này chăng?
– Này Hiền hữu, chúng ta không cần ý nghĩa ẩn kín trong đó. Hãy nói rõ: “Ðây là tên trộm” và bắt nó dẫn đến giao cho trẫm.
Vẫn bảo vệ nhà vua và không nói thành lời: “Chính Ðại vương là tên trộm”, ngài lại kể một chuyện khác.
* Chuyện ngọn lửa.
Tâu Ðại vương, ngay chính kinh thành này, có một nhà người kia bị cháy. Y ra lệnh một người khác vào nhà đem tài sản của y ra. Ðến khi chính chủ nhà này vào nhà và đem đồ vật ra thì cánh cửa chợt đóng lại. Y bị khói toả mù mịt không thể tìm đường thoát ra và bị ngọn lửa lên cao hành hạ đau đớn, y ở trong nhà khóc vừa than vừa ngâm vần kệ này:
– Tâu Ðại vương, có một người cũng giống như ngọn lửa, vốn là nơi nương tựa của quần chúng, lại đi ăn trộm một số lớn châu báu. Xin Ðại vương đừng hỏi tiểu thần về tên trộm này nữa.
– Này Hiền hữu, cứ đưa tên trộm đến cho trẫm.
Vẫn không nói rõ cho vua chính vua là kẻ trộm, ngài lại kể một chuyện nữa.
* Chuyện bội thực.
– Tâu Ðại vương, ngày xưa chính tại kinh thành này có một người ăn thái quá nên không thể tiêu hoá thức ăn. Ðau đớn điên cuồng, y ngầm vần kệ than khóc:
– Tâu Ðại vương, có một người vốn như lúa gạo, là nơi nương tựa của toàn dân, lại ăn trộm tài vật. Khi tài vật đã được thu hồi, tại sao còn hỏi về tên trộm làm gì?
– Này Hiền hữu, nếu khanh có tài thì cố đem tên trộm đến cho trẫm.
Ngài kể một chuyện khác để làm cho vua hiểu.
* Chuyện gió thổi.
– Tâu Ðại vương, ngày xưa ngay chính kinh thành này có ngọn gió thổi lên làm gãy tay chân một người. Y ngâm vần kệ than khóc:
– Tâu Ðại vương, như vậy quả thật hiểm nguy phát xuất từ nơi nương tựa của thần. Xin hãy hiểu chuyện này.
– Hiền hữu, hãy đem tên trộm cho trẫm.
Ðể làm cho vua hiểu, ngài lại kể một chuyện khác.
* Chuyện cành cây.
– Tâu Ðại vương, ngày xưa trên triền núi Tuyết Sơn có một cây mọc lên chĩa ra nhiều nhánh làm nơi trú ẩn vô số chim muông. Một hôm hai cành cọ xát vào nhau. Khói bốc ra rừ đó và các đốm lửa rơi xuống. Thấy vậy, chim chúa ngâm vần kệ này:
– Tâu Ðại vương, giống như cây kia là nơi nương tựa của chim muông, cũng vậy, vua là nơi nương tựa của thần dân. Nếu vua đóng vai kẻ trộm, thì ai còn đề phòng hiểm hoạ ấy nữa? Xin Ðại vương lưu ý điều này.
– Này Hiền hữu, cứ đem tên trộm đến cho trẫm.
Sau đó ngài lại kể một chuyện khác nữa:
* Chuyện giết mẹ già.
– Tâu Ðại vương, trong một làng ở Ba-la-nại, về phía tây một nhà quý tộc, có con sông đầy cá sấu hung dữ, gia đình ấy chỉ có một trai. Lúc cha mất, cậu con chăm sóc mẹ già chu đáo.
Dù con trai không muốn, bà mẹ vẫn đem một cô gái quý tộc về làm vợ chàng. Ban đầu, nàng tỏ ra yêu thương mẹ chồng, nhưng về sau dần dần nàng có đủ con trai con gái đông đúc, nàng muốn trừ khử bà đi.
Mẹ của nàng cũng ở nhà này. Trước mặt chồng, nàng tìm ra đủ mọi lỗi lầm của mẹ chồng để làm cho chồng có ác cảm với bà, và bảo:
– Thiếp không thể nuôi mẹ chàng được nữa. Chàng phải giết mẹ đi.
Khi chàng bảo:
– Sát nhân là chuyện hệ trọng, làm sao ta có thể giết mẹ được?
Nàng đáp:
– Khi nào mẹ chàng ngủ rồi, chúng ta sẽ đem bà đi, luôn cả giường chiếu đồ đạc, rồi ném bà vào sông cá sấu. Cá sấu sẽ kết liễu đời bà.
– Thế mẹ nàng ở đâu?
– Mẹ thiếp ngủ cùng phòng với mẹ chàng.
– Thế thì nàng đi đánh dấu vào chiếc giường mẹ ta nằm bằng cách buộc sợi dây thừng vào đó.
Nàng làm như vậy rồi bảo:
– Thiếp đã đánh dấu lên đó rồi.
Người chồng đáp:
– Hãy đợi ta một lát, để mọi người đi ngủ trước đã.
Rồi chàng nằm xuống giả vờ ngủ, sau đó, đi buộc sợi dây thừng vào giường mẹ vợ. Sau đó chàng đánh thức vợ dậy, cả hai cùng đi khiêng bà mẹ lẫn tất cả giường chiếu đồ đạc ném xuống sông. Bầy cá sấu giết chết bà ăn thịt ngay tại chỗ.
Hôm sau nàng khám phá mọi việc đã xảy ra cho chính mẹ mình, liền nói:
– Chàng ơi, mẹ thiếp đã chết rồi, nay ta hãy giết mẹ chàng.
Chàng bảo:
– Ðược lắm. Chúng ta làm một giàn hoả tại nghĩa địa, rồi thả bà vào đó để giết bà.
Thế là hai vợ chồng khiêng bà ra nghĩa địa trong lúc bà ngủ và đặt bà tại đó. Rồi người chồng hỏi vợ.
– Nàng có đem lửa theo không?
– Chàng ơi, thiếp đã quên rồi.
– Vậy đi tìm lửa đem về đây.
– Chàng ơi, thiếp không dám đi, còn nếu chàng đi, thiếp không dám ở lại đây. Vậy chúng ta cùng đi nhé.
Khi họ đi rồi, bà già tỉnh giấc vì gió lạnh, thấy đấy là nghĩa địa, bà suy nghĩ: “Chúng nó muốn giết ta, chúng đã đi tìm lửa. Chúng không biết ta mạnh dạn ra sao đâu”.
Bà liền lấy một tử thi đặt lên giường và lấy khăn phủ kín, rồi chạy đi trốn trong hang núi ở nơi ấy. Hai vợ chồng đem lửa về, tưởng tử thi ấy là bà già, họ đốt xác rồi ra về.
Có một kẻ trộm kia dấu một gói đồ vật trong hang núi ấy, lúc trở về thấy bà già, y suy nghĩ: “Ðây chắc là quỷ Dạ-xoa. Gói đồ đạt của ta bị quỷ ám”. Thế là y đi tìm thầy bùa trừ tà.
Thầy bùa đọc thần chú và đi vào hang. Bà già bảo:
– Ta không phải là quỷ Dạ-xoa, nào chúng ta cùng hưởng số báu vật này.
– Làm sao tin được chuyện này?
– Cứ đặt lưỡi ông trên lưỡi ta đây.
Thầy bùa làm theo, bà già cắn một khúc lưỡi của thầy và nhả xuống đất. Thầy bùa suy nghĩ: “Chắc chắn đây là quỷ Dạ-xoa”. Thầy bùa vừa chạy vừa la to, với cái lưỡi chảy máu ròng ròng. Hôm sau bà già mặc y phục sạch sẽ và đi lấy gói báu vật đem về. Nàng dâu thấy bà vội hỏi:
– Mẹ ơi mẹ tìm gói này ở đâu thế?
– Con yêu quí ơi, hễ ai bị đốt cháy trên giàn hoả trong nghĩa địa này đều tìm được một gói như vậy.
– Mẹ yêu quí ơi, thế con có thể tìm được gói này chăng?
– Nếu con cũng làm như ta thì con cũng có được.
Thế rồi nàng không nói gì với chồng, và trong lòng ước muốn có được số châu báu để đeo, nàngđi đến đó tự thiêu sống. Hôm sau, chồng nàng thấy vợ vắng, liền hỏi:
– Mẹ yêu quí ơi, giờ này sao con dâu mẹ chưa đến?
– Này đồ bất nhân kia, người chết làm sao trở về được?
Rồi bà già ngâm vần kệ:
– Tâu đại vương, giống như con dâu đối với mẹ chồng, cũng vậy, vua là nơi tựa của toàn dân. Nếu hiểm hoạ xuất phát từ đó, thì ta có thể làm gì được nữa? Xin đại vương hãy chú ý điều này.
– Này hiền hữu, trẫm không hiểu những việc khanh nói với trẫm. Cứ đem tên trộm lại đây cho trẫm.
Ngài suy nghĩ: “Ta muốn che chở vua”, rồi ngài lại kể một chuyện khác.
* Chuyện đuổi cha già
– Tâu Ðại vương, ngày xưa nay trong kinh thành này, một người kia sinh con trai đúng như lời nguyện cầu. Khi đứa con ra đời, người cha vui mừng hớn hở vì ý tưởng có được con trai, nên yêu quí nó lắm.
Khi đứa trẻ lớn lên, người cha cưới vợ cho con rồi dần dần ông già yếu không làm được việc nữa. Vì thế con ông bảo:
– Cha không làm việc được nữa, cha phải ra khỏi đây.
Rồi nó đuổi cha ra khỏi nhà.
Ông cha hết sức chật vật kiếm sống bằng nghề hành khất, vừa ngâm vần kệ vừa khóc than:
– Tâu đại vương, giống như người cha già phải được đứa con khoẻ mạnh chăm sóc, cũng vậy, là toàn dân phải được vua bảo vệ, giờ đây mối hiểm hoạ lại xuất phát từ vua, người bảo vệ toàn dân. Tâu Ðại vương, xin hãy hiểu từ việc này rằng kẻ trộm là người như vậy như vậy.
– Trẫm không hiểu việc này, dù đó là sự thực hay không phải sự thực. Hoặc là ngươi phải mang kẻ trộm đến đây cho trẫm, hoặc chính ngươi là kẻ trộm ấy.
Vua cứ bảo chàng thanh niên như vậy mãi. Vì thế ngài hỏi vua:
– Tâu Ðại vương, Ðại vương thực sự muốn kẻ trộm bị bắt chăng?
-Ðúng vậy, Hiền hữu.
– Thế thì tiểu thần sẽ công bố giữa quần chúng rằng kẻ trộm là người như vầy như vầy.
– Hãy làm như vậy, này Hiền hữu.
Khi nghe vua nói, ngài suy nghĩ: “Vua này không cho phép ta che chở nữa. Ta sẽ bắt tên trộm bây giờ”.
Khi quần chúng đã tụ tập đầy đủ, ngài vần kệ với họ:
Khi quần chúng nghe nói vậy, họ suy nghĩ: “Vị vua này, mặc dù phải bảo vệ thần dân, lại đổ lỗi cho người khác. Sau khi chính tay vua bỏ báu vật vào hồ, vua lại bảo đi tìm kẻ trộm! Ðể cho vua khỏi đóng vai kẻ trộm trong tương lai, chúng ta phải giết hôn quân vô đạo này”.
Vì thế họ đứng lên với trượng, chùy trong tay đánh vua và vị tế sư cho đến chết tại chỗ. Rồi họ làm lễ quán đảnh (rảy nước thánh phong vương) Bồ-tát và đưa ngài lên ngôi.
*
Sau khi kể chuyện này để làm sáng tỏ các Sự Thật, bậc Ðạo Sư bảo:
– Này cư sĩ, không kỳ diệu gì khi nhận ra dấu chân trên mặt đất, vì các bậc trí ngày xưa còn nhận ra chúng trên không nữa.
Lúc kết thúc các Sự Thật, vị cư sĩ cùng con trai đắc Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, người cha là Kassapa (Ca-diếp) và chàng thanh niên có tài nhận dấu chân chính là Ta.
-ooOoo-
Ðại vương sẽ giống hệt Ind-ra…,
Bậc Ðại Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo có tâm thế tục.
Bậc Ðạo Sư hỏi vị ấy có thật ông đang mơ tưởng chuyện thế tục chăng, và khi ông công nhận làđúng như vậy, bậc Ðạo Sư bảo:
– Này Tỷ-kheo, ngay cả người đạt danh vọng tối cao đôi khi cũng phạm vào một việc ô danh. Những tội lỗi như thế làm ô uế những vị thanh tịnh, huống nữa là một kẻ như ông.
Rồi Ngài một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa vương tử Brahmadatta, con vua Brahmadatta ở Ba-la-nại, và con trai vị tế sư hoàng gia tên là Kassapa là đôi bạn đồng học mọi nghệ thuật tại nhà một giáo sư. Dần dần khi vua cha băng hà, thái tử lên trị vì quốc độ. Kassapa nghĩ: “Hiền hữu ta đã lên làm vua và sẽ ban đại quyền lực cho ta. Song ta có cần gì quyền lực? Ta muốn giã từ đức vua cùng song thân và trở thành vị khổ hạnh”.
Vì vậy ngài vào vùng Tuyết Sơn sống đời tu hành, vào ngày thứ bảy ngài thành đạt các Thắng trí và các Thiền chứng và tự kiếm sống bằng những thứ nhặt được giữa đồng hoang. Quần chúng đặt cho ngài biệt danh nhà khổ hạnh Lomasa Kassapa (Ca-diếp có nhiều lông tóc).
Vì hành hạ thân xác, và trở thành vị khổ hạnh khắc nghiệt cao độ. Do công năng khổ hạnh này, cung của Thiên chủ Sakka (Ðế Thích) rúng động. Sakka suy xét duyên cớ, quan sát ngài và suy nghĩ: “Vị khổ hạnh này nhờ công năng toả nhiệt độ mãnh liệt như thế, có thể khiến ta rớt khỏi ngai Ðế Thích. Ta sẽ phá huỷ khổ hạnh của vị ấy sau khi bí mật hội kiến với vua Ba-la-nại”.
Nhờ thần lực của một vị Thiên chủ, Ðế Thích vào cung của vua Ba-la-nại lúc nửa đêm và chiếu sáng toàn thể cung thất với hào quang trên thân, vừa đứng trên không trước mặt vua, Thiên chủ vừa thức vua dậy và nói:
– Thưa Ðại vương, dậy đi.
Vua hỏi:
– Ngài là ai? Vua hỏi.
– Ta là Sakka. Thiên chủ đáp
– Ngài đến đây vì duyên cớ gì?
– Thưa Ðại vương, Ðại vương có muốn quyền ngự trị duy nhất toàn cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ) này chăng?
– Dĩ nhiên trẫm muốn.
Nghe thế thiên chủ bảo:
– Vậy hãy đưa Lomasa Kassapa về đây và ra lệnh cho vị ấy làm lễ tế đàn bằng cách giết thú vật, rồi Ðại vương sẽ trở thành vĩ đại như Thiên chủ Sakka (tức Indra), thoát khỏi già chết, và cầm quyền khắp cõi Diêm- phù-đề.
Rồi ngài ngâm vần kệ đầu:
Nghe lời ngài, vua sẵn sàng chấp thuận. Sakka bảo:
– Thế thì đừng chậm trễ.
Rồi ngài biến mất.
Hôm sau, vua triệu vị quốc sư tên Sayha đến bảo:
– Này Tôn giả, xin đến gặp thân hữu Lomasa Kasaspa của trẫm và nhân danh trẫm nói với người như vầy: “Nếu Ðại vương khuyến dụ được ngài làm lễ hiến tế sinh vật, đại vương sẽ trở thành vị chúa độc nhất ở toàn cõi Diêm-phù-đề và sau đó ban ngài nhiều vùng lãnh thổ như ý ngài muốn. Vậy xin ngài cùng đi với tôi về làm lễ tế đàn”.
Vị ấy đáp:
– Tâu Ðại vương, xin vâng.
Sau đó dùng trống lệnh truyền tìm chỗ vị khổ hạnh cư trú, và khi có người kiểm lâm bảo: “Tiểu thần biết”, Sayha liền đi theo sự hướng dẫn của y cùng một đoàn tuỳ tùng đông đảo, đến kính lễ vị hiền nhân và vừa cung kính ngồi một bên, vừa trình thông điệp của vua. Vị hiền nhân liền bảo:
– Này Sayha, Tôn giả nói gì vậy?
Rồi Ngài ngâm bốn vần kệ từ chối vị này:
Sau khi nghe ngài nói, vị quốc sư ra về trình vua. Vua suy nghĩ: “Nếu vị ấy không chịu đến đây thì ta làm gì được?”, rồi ngồi im lặng. Nhưng nửa đêm, Thiên chủ Sakka lại đến đứng trên không và bảo:
– Thưa Ðại vương, tại sao Ðại vương không truyền gọi ẩn sĩ Lomasa Kassapa về và ra lệnh vị ấy làm lễ hiến tế súc vật?
– Khi được lệnh truyền gọi, vị ấy đã từ chối về đây.
– Thưa Ðại vương, hãy trang điểm cho công chúa Candavatì (Nguyệt Nương), ái nữ của Ðại vương, và nhờ chính tay Sayha đưa nàng đi và bảo vị ấy: “Nếu Tôn giả muốn về dâng tế lễ, Chúa thượng sẽ ban thưởng công nương này làm vợ ngài”. Rõ ràng vị ấy sẽ sinh lòng say mê công chúa và về đây.
Vua sẵn sàng chấp thuận và hôm sau nhờ chính tay Sayha đưa công chúa đi. Sayha đem công chúa đến đó, và sau lời chào hỏi thông thường cùng ca ngợi vị hiền giả, vị quốc sư bảo đưa đến trình diện với ngài nàng công chúa diễm lệ khả ái như tiên nữ cung kính đứng xa xa.
Vị khổ hạnh mất ngay trí đức khi nhìn thấy nàng và chỉ nhìn thế thôi, ngài đã tiêu tan hết Thiền lực. Vị quốc sư thấy ngài đã đắm say luyến ái nàng, liền bảo:
– Thưa Tôn giả, nếu Tôn giả muốn hiến tế, Chúa thượng sẽ ban công chúa này về làm vợ ngài.
Ngài rung động vì mãnh lực của tham dục liền hỏi:
– Chắc chắn Chúa thượng sẽ ban nàng cho ta chứ?
– Ðúng vậy, nếu ngài làm tế lễ, Chúa thượng sẽ ban nàng cho ngài.
– Tốt lắm. Nếu ta được nàng, ta sẽ làm lễ hiến tế.
Rồi đem nàng đi cùng ngài ngay lúc ấy với các chòm tóc bện của một vị khổ hạnh và mọi thứ khác, ngài leo lên chiếc vương xa lộng lẫy đi về Ba-la-nại. Còn vua, ngay khi nghe tin đang chắc chắn đến đó, liền chuẩn bị lễ đàn ở hố hiến tế sinh vật.
Khi thấy ngài đã đến, vua bảo:
– Nếu Hiền hữu dâng lễ hiến tế, trẫm sẽ sánh ngang với Thiên chủ Indra, và khi tế lễ hoàn tất, trẫm sẽ ban công chúa cho Hiền hữu.
Vị khổ hạnh Kasapa sẵn sàng chấp thuận.
Vì thế hôm sau vua cùng công chúa Candavatì đi đến hố hiến tế sinh vật. Tại đó có đủ loại súc vật bốn chân như voi, ngựa, bò đực và các loài khác đặt thành một dãy. Ẩn sĩ Kasapa lãnh việc hiến tế bằng cách giết chết tất cả bọn chúng.
Lúc ấy thần dân tụ tập quanh đó bảo:
– Hỡi Tôn giả Lomasa Kasapa, việc này không thích hợp cũng không xứng đáng với ngài, tại sao ngài làm như vậy?
Và vừa than vừa khóc, họ vừa ngâm hai vần kệ:
Vào lúc này để bắt đầu tế lễ, Kasapa nhấc bảo kiếm lên để đánh vào cổ vương tượng. Con voi thấy thanh kiếm, kinh hoàng sợ chết, liền rống thật lớn. Khi nghe tiếng voi rống, các súc vật kia, cả bầy voi ngựa, bò đực vì sợ chết, đồng rống lên thật lớn và quần chúng cũng kêu thét lên.
Kasapa nghe các tiếng rống kia, lòng xúc động và nghĩ lại các chòm tóc bện của mình. Lúc ấy ngài nhờ đến các chòm tóc, râu và lông phủ khắp ngực và toàn thân. Ðầy hối hận, ngài kêu lớn:
– Than ôi, ta đã phạm ác nghiệp không xứng đáng với tính cách của ta.
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ tám bày tỏ xúc động của mình:
Sau đó vua phán:
– Này Hiền hữu, đừng sợ, hãy dâng tế lễ và ngay bây giờ trẫm sẽ ban cho Hiền hữu công chúa Candavatì, cùng với vương quốc của trẫm và cả một đống châu báu cao ngất nữa.
Nghe thế, ẩn sĩ Kassapa đáp:
-Tâu Ðại vương, ta không muốn tội ác này tràn ngập tâm ta.
Rồi ngâm vần kệ kết thúc:
Cùng với những lời này, ngài tập trung vào một đối tượng Thiền quán. Khi phục hồi được định lực đã mất, ngài ngồi bắt chéo chân trên không, thuyết Pháp cho vua, khuyên nhủ vua tinh cần làm thiện sự và bảo vua huỷ bỏ tế đàn cùng ban lệnh ân xá cho quần chúng. Rồi thể theo lời thỉnh cầu của vua, ngài bay lên không trở về nơi an trú của mình. Trong thời gian ngài còn sống, ngài tu tập các Phạm trú Viên mãn (Tứ Vô lượng tâm ) và được sinh lên Phạm thiên giới.
*
Sau Pháp thoại, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo có tâm thế tục đã đắc Thánh quả (A-la-hán).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thuở ấy vị đại quốc sư là Sàriputta và vị khổ hạnh Lomassa Kasapa chính là Ta.
-ooOoo-
Ðôi chim lông óng ả, màu vàng…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo tham lam.
Người ta bảo vị ấy tham muốn các vật dụng cần thiết trong đời sống xuất gia và bỏ quên mọi phận sự của một sư trưởng và giáo thọ hướng dẫn đệ tử, thường vào thành Sàvatthi thật sớm. Sau khi ăn cháo gạo tuyệt hảo với nhiều loại thực phẩm loại cứng tại nhà nữ cư sĩ Visàkha, lại ăn thêm suốt ngày nhiều loại cao lương mỹ vị với cơm thịt, và vẫn chưa thoả mãn, ông đi từ đó đến nhà ông Tiểu Cấp Cô Ðộc, cung vua Kosala và nhiều nơi khác nữa. Vì thế một hôm có cuộc thảo luận tại Chánh pháp đường liên hệ đến tính tham lam của ông.
Khi bậc Ðạo Sư biết đề tài Tăng chúng đang thảo luận, Ngài truyền đưa vị Tỷ-kheo đến và hỏi có thật ông tham lam chăng. Và khi ông đáp:
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn,
Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Tỷ-kheo, tại sao ông tham lam? Ngày xưa cũng vì tham ăn, không thỏa mãn với những xác voi chết, ông đã rời Ba-la-nại và lang thang quanh quẩn bờ sông Hằng, vào tận vùng Tuyết Sơn.
Và sau đó ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, một con Quạ tham lam đi quanh quẩn ăn xác voi chết, và không thoả mãn, nó nghĩ: “Ta muốn ăn mỡ cá trên bờ sông Hằng”. Rồi sau vài ngày ở tại đó ăn cá chết, nó vào vùng Tuyết Sơn sống bằng các loại quả rừng.
Khi đến một hồ sen rộng nhiều rùa cá, nó thấy hai con chim Thiên nga với bộ lông vàng óng ả sống bằng cây rong Sevàla, nó nghĩ: “Ðôi chim này thật mỹ lệ, đầy hảo tướng. Thức ăn của chúng chắc phải thích thú lắm. Ta muốn hỏi chúng đó là thức gì, rồi cũng ăn như thế và ta sẽ có màu lông óng ả kia”.
Vì vậy Quạ đến gần, sau lời chào hỏi ân cần theo thông lệ với đôi chim khi chúng đang đậu trên ngọn cây, quạ ngâm vần kệ ca ngợi chúng:
Nghe vậy, Hồng nga ngâm vần kệ thứ hai:
Nghe vầy, Quạ ngâm vần kệ thứ ba:
Hồng nga liền ngâm vần kệ thứ tư:
Sau đó Quạ ngâm hai vần kệ:
Sau đó Hồng nga bảo cho Quạ biết lý do tại sao Quạ không đạt được dung sắc mỹ lệ trong khi chính Hồng Nga đã đạt được qua các vần kệ còn lại:
Như vậy Hồng nga dùng nhiều phương tiện chỉ trích Quạ. Sau khi Quạ bị khiển trách như vậy, nó bảo:
– Ta chẳng muốn có sắc đẹp cuả Thiên nga nữa.
Và nó bay đi xa với tiếng kêu quác quác.
*
Sau Pháp thoại, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo tham lam đã đắc Nhị quả (Nhất Lai).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, con Quạ là Tỷ-kheo tham lam này, Hồng nga mái là mẫu thân Ràhula và Hồng nga trống chính là Ta.
-ooOoo-
Trong chốn rừng hoang vắng một mình…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một chàng thanh niên bị một thiếu nữ thô tục cám dỗ. Phần duyên khởi chuyện này sẽ xuất hiện trong Chương Mười ba, Tiền thân Cullàrada, số 477, tập IV.
*
Bấy giờ theo cổ tích này, cô thiếu nữ biết rằng nếu chàng thanh niên khổ hạnh phá huỷ giới đức, chàng sẽ rơi vào uy lực của nàng. Rồi nghĩ cách dụ dỗ chàng và đưa chàng trở lại cõi trần tục, nàng bảo:
– Giới đức được hộ phòng cẩn mật ở rừng sâu, nơi các đặc tính của dục lạc như sắc đẹp, tiếng hay và các thứ tương tự như thế không có mặt, nên giới đức ấy không mang lại nhiều kết quả; song nó sẽ mang kết quả sung mãn trong cõi đời thế tục khi đối diện trực tiếp với sắc đẹp, cùng các thứ kia. Vậy chàng hãy đi cùng thiếp về hộ phòng giới đức tại đó.
Và nàng ngâm vần kệ đầu:
Khi nghe vậy, chàng khổ hạnh trẻ tuổi đáp:
– Cha ta đã vào rừng. Khi người trở lại, ta sẽ xin phép người và đi theo nàng.
Nàng suy nghĩ: “Có lẽ chàng còn thân phụ. Nếu vị ấy thấy ta ở đây, vị ấy sẽ lấy đầu mũi đòn gánhđánh chết ta. Ta phải chạy trốn trước”. Vì thế nàng bảo chàng trai:
– Thiếp sẽ ra đi lên đường về trước chàng và để lại dấu chân sau đó, chàng cần phải đi theo thiếp.
Khi nàng đã đi rồi, chàng không đem củi về, cũng không lấy nước uống, mà chỉ ngồi thừ người suy nghĩ miên man, đến khi cha về, chàng cũng không ra đón.
Vì thế cha chàng hiểu con ngài đã rơi vào uy lực của nữ nhân, liền bảo:
– Này con, sao con chẳng tìm củi hay mang nước về uống, cũng chẳng có gì ăn, sao con chẳng làm gì cả mà chỉ ngồi người ra suy nghĩ?
Chàng trai khổ hạnh đáp:
– Thưa cha, người ta nói rằng giới đức được hộ phòng trong rừng hoang không đem lại kết quả mấy, nhưng nó sẽ phát sinh nhiều kết quả giữa của đời. Con muốn đi hộ phòng giới đức tại đó. Bạn đồng hành của con đã đi trước và bảo con theo sau. Vậy con muốn đi cùng bạn con. Nhưng khi sống tại đó, con phải cư xử theo cách nào?
Vừa hỏi câu này, chàng vừa ngâm vần kệ thứ hai:
Sau đó thân phụ chàng ngâm các vần kệ còn lại:
3-4. Một kẻ nào con tín nhiệm luôn,
Và con tạo được mối yêu thương,
Người này tin cậy lời con nói,
Tỏ với con kiên nhẫn nhịn nhường,
Người ấy chẳng bao giờ phạm lỗi
Về lời nói, ý tưởng hay thân,
Hãy đem người ấy vào lòng dạ
Theo sát người kia tựa bạn vàng
5-6. Với hạng người thay đổi lạ lùng
Như lời loài khỉ vượn nhảy lung tung,
Tính tình bất định, thì con nhớ
Ðừng hướng tâm giao kết bạn cùng,
Dù số phần con quanh quẩn mãi
Một mình trơ trọi ở trong rừng.
8-9. Các nỗi khổ đau vẫn ngập tràn
Khi người hầu cận hạng si cuồng,
Ðừng giao kết bọn người ngu xuẩn,
Lời nói của cha phải phục tuân,
Làm bạn với phường vô trí ấy
Chỉ làm mồi khổ não đau buồn.
Khi được cha khuyến giáo như vậy, chàng trai đáp:
– Nếu con đi đến chỗ người đời, con không thể tìm được các bậc hiền trí như cha. Con sợ đến đó lắm rồi. Con muốn ở lại đây hầu cận bên cha.
Sau đó phụ thân chàng lại khuyến giáo nhiều hơn nữa và dạy chàng các nghi thức tu tập đưa đến Thiền định vi diệu. Rồi chẳng bao lâu, chàng trai phát triển các Thắng Trí và các Thiền chứng và về sau chàng cùng cha đều được sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Sau Pháp thoại, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo mơ tưởng thế tục đã đắc Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy vị khổ hạnh trẻ tuổi là Tỷ-kheo có tâm hướng về thế tục này, cô gái thuở ấy là cô gái ngày nay và cha chàng chính là Ta.
-ooOoo-
Kìa đến từ đâu, các bạn ta?…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo có tâm hướng đến thế tục.
Chuyện kể rằng bậc Ðạo Sư hỏi có thật vị ấy đang tham đắm thế tục chăng, và khi ông thú nhậnđúng như vậy. Ngài bảo:
– Này Tỷ-kheo, tại sao ông ham muốn nữ nhân? Nữ nhân thật là độc ác, vô ơn. Ngày xưa các ác quỷ Asura (A-tu-la) nuốt nữ nhân vào bụng và dù canh giữ nữ nhân trong bụng, chúng cũng không thể làm cho nữ nhân trung thành với một nam nhân được. Vậy thì bằng cách nào ông sẽ có khả năng làm chuyện ấy.
Rồi sau đó Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát từ bỏ tham dục lạc thế gian, vào vùng Tuyết Sơn theo đời tu tập, ngài ở đó sống bằng quả rừng và phát triển các Thắng trí cùng các Thiền chứng.
Không xa thảo am của ngài, có một ác quỷ Asura (A-tu-la). Thỉnh thoảng nó đến gần bậc Ðại Sĩ và nghe Pháp, nhưng vẫn đứng trong rừng trên xa lộ, nơi có nhiều người tu tập, nó bắt họ và ăn thịt.
Thời ấy có một nữ nhân quý tộc ở quốc độ Kàsi, cực kỳ diễm lệ, sống ở một làng biên địa. Một hôm nàng đi thăm cha mẹ và khi trở về, ác quỷ này thấy bọn người theo hộ tống nàng liền hoá hình khủng khiếp nhảy vào họ. Bọn người này đánh rơi khí giới cầm trong tay và chạy trốn. Ác quỷ thấy giai nhân ngồi trên xe ngựa, đâm ra say mê nàng, liền đem nàng về làm vợ.
Từ đó ác quỷ đem cho nàng bơ sữa, gạo, cá, thịt và các món ăn khác, cùng trái cây để ăn và điểm trang nàng với đủ thứ y phục châu báu. Ðể canh giữ nàng cho an toàn, nó đặt nàng vào một cái hộp, rồi nuốt vào bụng và giữ nàng trong bụng.
Một hôm nó muốn tắm, liền đến hồ nước kéo hộp ra và đem nàng ra ngoài, nó tắm rửa, xoa dầu thơm cho nàng và khi đã mặc xiêm y cho nàng xong, nó bảo:
– Nàng hãy vui chơi giây lát ngoài trời.
Rồi không nghi ngờ có sự nghi hại nào, ác quỷ đi hơi xa để tắm.
Vừa lúc ấy chàng con trai của Vàyu, một tà thuật sư, đeo kiếm bên lưng, đang du hành trên không. Khi nàng thấy y, nàng đưa tay theo kiểu làm dấu hiệu cho y đến gần.
Tà thuật sư liền đáp xuống đất. Sau đó nàng đặt y vào hộp rồi ngồi lên đó, đợi ác quỷ Asura đến, trước khi nó bước lại gần chiếc hộp, nàng mở hộp ra và bước vào, nằm trên vị tà thuật sư, lấy xiêm áo của nàng phủ lên người y. Ác quỷ Asura đến nơi, không quan sát kỹ chiếc hộp cứ tưởng chỉ có cô nàng, nên lại nuốt hộp vào bụng và trở về hang.
Trong khi đi đường, nó suy nghĩ: “Ðã lâu lắm từ khi ta thăm vị ẩn sĩ khổ hạnh. Hôm nay ta muốn đi đảnh lễ ngài”. Còn ngài đã thấy nó từ đằng xa, biết rằng có hai người trong bụng ác quỷ, nên ngài ngâm vần kệ đầu bảo nó:
Khi nghe vầy, ác quỷ Asura suy nghĩ: “Ta đã đến đây một mình để thăm vị khổ hạnh này, và ngài lại nói có ba người; ý ngài muốn ám chỉ gì vậy? Ngài nói vì biết rõ hiện trạng mọi việc, hay ngài hoá điên và nói nhảm nhí?” Sau đó nó đến gần ngài kính cẩn ngồi một bên và ngâm vần kệ thứ hai đàm đạo với ngài:
Vị khổ hạnh này đáp:
– Ngươi có thật sự muốn nghe lý do chăng?
– Thưa vâng, bạch Thánh giả.
– Vậy hãy nghe đây.
Ngài đáp và ngâm vần kệ thứ ba:
Khi nghe vầy, ác quỷ Asura suy nghĩ: “Các tà thuật sư chắc chắn phải đầy các trò xảo quyệt, giả sử hắn cầm kiếm trong tay và rạch bụng ta ra để trốn thoát thì sao?”
Và vô cùng hốt hoảng, ác quỷ nhả chiếc hộp ra, đặt trước mặt nó.
Bậc Ðạo Sư muốn làm sáng tỏ vấn đề với Trí tuệ tối thắng của ngài, liền ngâm vần kệ thứ tư:
Chiếc hộp vừa được mở ra thì vị tà thuật sư niệm thần chú, vừa chụp thanh kiếm vừa vụt lên không. Khi thấy vậy, ác quỷ Asura hài lòng vì bậc Ðại Sĩ đến độ nó ngâm các vần kệ được gợi cảm hứng cốt để ca tụng ngài:
Cùng với những lời này, ác quỷ quì xuống chân bậc Ðại Sĩ, vừa tán thán ngài, vừa nói:
– Bạch Thánh giả, con đã được ngài cứu mạng. Vì nữ nhân độc ác kia, con suýt bị tà thuật sư giết chết.
Sau đó Bồ Tát thuyết Pháp cho nó và bảo:
– Ðừng làm hại nàng ấy. Hãy giữ giới hạnh.
Rồi ngài an trú nó vào Ngũ giới.
Ác quỷ nói:
– Dù con đã giữ nó trong bụng, con vẫn không thể giữ nó an toàn được. Vậy còn ai giữ được nó nữa?
Vì thế nó thả cho nàng đi, rồi trở về hang cũ trong rừng.
*
Sau Pháp thoại, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỳ kheo có tâm thế tục đã đắc Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy vị khổ hạnh có thần thông chính là Ta.
-ooOoo-
Sao Pù -ti lại ngó trừng trừng…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc ngụ tại Kỳ Viên về việc chế ngự dục tham.
Có một thời nhiều tỳ kheo không hộ phòng các căn môn. Bậc đạo sư báo trưởng lão Ànanda:
– Ta phải giáo huấn các tỳ kheo này.
Và do tăng chúng thiếu sự điều phục thân tâm, Ngài triệu tập các tỳ kheo lại rồi ngồi trên bảo toạđược trang hoàng lộng lẫy, Ngài bảo các vị:
– Này các tỳ kheo, thật không chính đáng khi một tỳ kheo chịu sự chi phối của sắc đẹp cá nhân (tịnh tướng) khiến vị ấy sinh lòng luyến ái các đặc điểm thể chất hoặc tinh thần của con người, vì giả sử vị ấy chết ngay lúc ấy, vị ấy sẽ bị tái sinh vào địa ngục, ác thú, đoạ sứ; vậy các ông đừng sinh tâm luyến ái các đặc điểm thể chất cùng các thứ tương tự như thế. Một tỳ kheo nên để tâm đến các đặc điểm tinh thần hay thể chất. Những ai làm như vậy ngay trong cảnh đời hiện tại nàyđều bị hoàn toàn huỷ hoại. Vì thế, này các tỳ kheo, con mắt tham dục cần phải được tiếp xúc với cái đinh sắt nóng đỏ mới có ích lợi.
Ðến đây Ngài nói thêm chi tiết:
– Có lúc các ông cần quán sát tịnh tướng, và có lúc các ông đừng quan tâm đến nó. Vào lúc quán sát tịnh tướng, đừng quán sát nó dưới ảnh hưởng của vật khả ái, nhưng hãy quán sát nó dưới ảnh hưởng của vật bất khả ái. Như vậy các ông sẽ không bị đoạ lạc khỏi trú xứ chân chánh của mình. Và trú xứ này của các ông là gì? Ðó chính là Bốn Thiền quán chân chánh, Thánh đạo Tám ngành và Chín trú xứ siêu việt. Nếu các ông đi đúng trong lĩnh vực chân chánh này của mình, Ác Ma sẽ không tìm được lối vào; song nếu các ông bị tham dục chi phối và quán sát sự vật dưới ảnh hưởng của tịnh tướng cá nhân như con chó rừng Pùtimansa, thì các ông sẽ bị đoạ lác khỏi trú xứ chân chánh của mình.
Và cùng với các lời này, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa dưới triều đại Brahmadatta, quốc vương ở Ba-la-nại, hàng trăm dê rừng trú trong một hang núi tại vùng rừng rậm trên sườn dãy Tuyết Sơn.
Không xa chỗ ở của chúng, có con chó rừng tên là Pùtimansa sống trong hang với vợ nó là Venì.
Một hôm nó quanh quẩn cùng vợ, rình rập bầy dê và suy nghĩ: “Ta phải tìm cách ăn thịt mấy con dê này”. Rồi nhờ mưu mẹo nó giết được một con dê. Cả hai vợ chồng nó nhờ ăn thịt dê trở thành lực lưỡng đẫy đà. Dần dần số dê giảm xuống.
Trong số đó có con dê cái khôn ngoan tên là Melamàtà. Dù nhiều mưu kế tài giỏi, chó rừng cũng không thể giết dê được, nên lúc bàn luận với vợ, nó bảo:
– Nàng ơi tất cả bầy dê đã chết hết. Chúng ta phải bày mưu ăn thịt dê cái này, giờ đây là kế hoạch của ta. Nàng phải đi một mình, làm thân với dê cái, rồi khi niềm tin tưởng đã phát sinh giữa nàng và nó, ta sẽ nằm xuống giả vờ chết. Sau đó, nàng đến gần dê cái, bảo: “Bạn ơi, chồng tôi đã chết, tôi đang khốn khổ, trừ bạn tôi không có ai cả. Vậy hãy đến đây cùng tôi than khóc và chôn xác chồng tôi”. Và cùng với những lời này, nàng hãy đến đưa dê lại đây với nàng. Sau đó ta sẽ nhảy lên cắn cổ nó giết đi.
Chó cái sẵn sàng đồng ý. Sau cuộc kết giao bằng hữu với dê cái, khi lòng tin tưởng đã vững chắc, nó nói với dê cái những lời do chồng nó đưa ra. Dê cái đáp:
– Bạn ơi, cả họ hàng nhà tôi bị chồng nàng ăn thịt. Tôi sợ lắm. Tôi không dám đi.
– Ðừng sợ gì cả, chó chết rồi làm sao hại bạn được nữa?
– Chồng chị có ác ý lắm nên tôi sợ.
Nhưng sau khi bị nài nỉ van xin mãi, dê cái suy nghĩ: “Chắc có lẽ nó chết thật rồi”, nên đồng ý đi với chó cái. Nhưng trên đường đi nó suy nghĩ: “Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra?”, nên sinh lòng nghi ngờ, nó bảo chó cái đi trước và đề phòng chó đực rất tinh tế.
Chó đực nghe tiếng chân của chúng liền suy nghĩ: “Con dê đến rồi”, nên ngẩng đầu lên và đảo mắt nhìn quanh. Dê cái thấy nó làm vậy liền nói: “Con chó khốn nạn độc ác này muốn dụ ta vàođể giết ta, nó nằm kia giả vờ chết”. Dê cái quay đi và chạy trốn.
Khi chó cái hỏi tại sao nó chạy trốn, dê cái ngâm vần kệ đầu nêu lý do:
Cùng với các lời này, dê quay đi và chạy thẳng về chỗ ở của nó. Chó cái không thể ngăn dê được, rất tức giận con dê và trở về bên chồng, ngồi than khóc. Lúc ấy chó rừng trách mắng vợ qua vần kệ thứ hai:
Nghe vậy, chó cái ngâm vần kệ thứ ba:
Ðây là vần kệ xuất phát từ Trí Tuệ Tối thắng của đức Phật.
Nhưng chó cái lại an ủi Pùtimansa và bảo:
– Chàng ơi, đừng bực mình nữa, thiếp sẽ tìm cách mang dê lại đây, và khi nó đến chàng hãy canh chừng và chụp lấy nó.
Sau đó nó đi tìm dê cái và bảo:
– Bạn ơi, bạn đến thăm thật ích lợi cho chúng tôi, vì ngay khi bạn vừa xuất hiện, chồng tôi đã hồi tỉnh và nay đã sống lại rồi, xin hãy đến nơi nói chuyện thân tình với chàng.
Nói xong nó ngâm vần kệ thứ năm:
Dê suy nghĩ: “Con chó cái khốn nạn độc ác này lại muốn dụ dỗ ta. Ta không nên hành động như một kẻ thù lộ diện mà ta sẽ tìm cách đánh lừa nó”. Dê liền ngâm vần kệ thứ sáu:
Sau đó chó cái hỏi thăm đoàn hộ tống của dê và ngâm vần kệ thứ bảy:
Dê ngâm kệ thứ tám đáp lời:
Nó còn nói thêm:
– Mỗi chó hình quỷ này được năm trăm chó khác hộ tống, do vậy ta sẽ có một đoàn tuỳ tùng cả hai ngàn con chó canh giữ. Nếu chúng không thấy thức ăn, chúng sẽ giết luôn bạn và chồng bạn để ăn thịt đấy.
Nghe vậy chó cái kinh sợ đến độ suy nghĩ: “Ta đã chán ngán việc nó đến thăm nhà ta rồi. Ta sẽ tìm cách ngăn nó đến”. Rồi chó cái ngâm kệ:
Cùng với những lời này, chó cái ra sức chạy vội vàng để tự cứu mạng và đem luôn cả chồng nó chạy theo. Rồi từ đó chúng không bao giờ dám trở lại chỗ ấy nữa.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại và nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy Ta là vị Thần sống tại rừng ấy trên một cây cổ thụ.
-ooOoo-
Nó đã ăn tươi bọn trẻ thơ …,
Bậc đạo sư kể chuyện này trong lúc trú ngụ tại núi Linh Thứu, về dự định của Devadatta mưu sát Ngài.
Chính vào thời ấy Tăng chúng bắt đầu thảo luận tại Chánh pháp đường:
– Này các Hiền giả, than ôi! Devadatta thật là hạ liệt và vô liêm sỉ biết bao! Vị ấy kết hợp với Thái tử Ajàtasattu lập mưu sát hại đức Phật Chánh Ðẳng Giác bằng cách mua chuộc bọn xạ thủ, lăn đá xuống đồi, và thả lỏng con voi Nalàgiri.
Bậc Ðạo sư bước vào hỏi Tăng chúng đang bàn luận việc gì lúc hội họp, và khi nghe kể đề tài câu chuyện, Ngài bảo:
– Không phải chỉ bây giờ, mà xưa kia nữa, Devadatta cũng mưu giết ta, song cũng không thể làm gì cho ta kinh hãi được.
Rồi Ngài kể câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, một giáo sư danh tiếng lừng lẫy thế giới tại Ba-la-nại dạy các học thuật cho năm thanh niên Bà-la-môn.
Một hôm vị ấy suy nghĩ: “Bao lâu ta còn ở đây, ta sẽ gặp trở ngại cho đời tu hành và các đồ đệ ta cũng không hoàn thành việc học của họ. Ta muốn về ẩn dật trong thảo am trên sườn núi Tuyết Sơn và dạy học ở đó.”
Vị ấy báo tin cho các đồ đệ, bảo họ đem mè, gạo xay, dầu, y phục đại loại như thế, rồi đi vào rừng dựng thảo am ở cạnh xa lộ. Mỗi vị đệ tử đến tự xây một thảo am cho mình. Thân quyến họ gửi gạo và các thứ kia, còn dân làng bảo nhau: “Người ta đồn một vị danh sư đang sống nơi kia trong rừng và thuyết giảng kiến thức học thuật”, liền đem quà lúa gạo đến tặng, các người kiểm lâm cũng tặng quà, lại có một người tặng bò cái và bê con để chư vị lấy sữa.
Bấy giờ, có một con tắc kè cùng hai con nó đến ở trong lều vị giáo sĩ, và một con Sư tử cùng một con cọp hầu hạ vị ấy. Một con gà gô cũng thường xuyên ở tại đó và do nghe giáo sư dạy thánh kinh cho đệ tử, con Gà dần dần hiểu ba tập Vệ-đà. Các Bà-la-môn trở nên thân thiện với Gà gô. Về sau, trước khi các thanh niên này đạt tinh thông các học thuật, thì vị giáo sư mất. Các đệ tử đem thi hài thầy hỏa thiêu, dựng một mô cát lên chỗ để tro, vừa than khóc vừa trang hoàng nơi ấy đầy đủ các loại hoa. Thấy vậy Gà gô hỏi tại sao họ khóc. Họ đáp:
– Thầy chúng ta đã mất trong khi việc học của chúng ta chưa hoàn mãn.
– Nếu chuyện là thế thì các vị đừng lo buồn nữa. Tôi sẽ dạy các vị kiến thức ấy.
– Làm sao Gà biết được?
– Tôi thường nghe giáo sư của các vị trong lúc giảng dạy các vị, nên đã học thuộc lòng ba tập Vệ-đà rồi.
– Thế Gà hãy truyền cho chúng tôi những gì Gà đã học thuộc lòng nhé.
Gà đáp:
– Nào lắng nghe đây.
Rồi Gà thuyết giảng mọi điểm khúc mắc cho họ, dễ dàng như người đưa nước suối từ núi cao xuống. Các thanh niên Bà-la-môn vô cùng hân hoan và thu thập kiến thức từ con Gà gô thông thái này. Con Gà gô đậu trên chỗ giáo sư danh tiếng ấy thường ngồi, và thuyết giảng về tri kiến Vệ-đà. Các thanh niên làm cho Gà đủ mật ong, hạt ngũ cốc rang trong chiếc đĩa vàng, lại còn tặng đủ thứ hoa có màu sắc rực rỡ và tỏ vẻ vô cùng tôn kính Gà gô.
Tiếng đồn vang dậy khắp Diêm-phù-dề (Ấn Ðộ) rằng một con Gà gô rừng đang dạy Thánh kinh cho năm trăm thanh niên Bà-la-môn. Vào lúc ấy, dân chúng mở lễ hội lớn, tụ tập cùng nhau trên đỉnh núi. Cha mẹ các thanh niên này gửi lời nhắn các con đến xem lễ hội. Họ liền kể chuyện con Gà gô, rồi ủy thác Gà gô cùng thảo am của họ cho Tắc kè chăm nom, và họ ra đi đến nhiều kinh thành.
Lúc ấy một vị khổ hạnh lõa thể độc ác du hành đây đó bước tới chốn này. Khi thấy vị ấy, con Tắc kè đến nói chuyện thân thiện và bảo:
– Ở chỗ này chỗ kia, ngài sẽ thấy gạo, dầu và các món khác. Hãy nấu cơm và ăn uống no nê!
Nói xong nó ra đi kiếm mồi.
Sáng sớm kẻ ác kia nấu cơm và giết luôn hai tắc kè con ăn thịt làm một món ngon lành. Ðến trưa, y giết và ăn thịt luôn con gà gô thông thái, và con bê, đến chiều tối, y vừa thấy con bò về nhà liền giết nó luôn để ăn thịt. Rồi y nằm ngủ ngáy vang dưới gốc cây. Xế chiều tắc kè trở về thấy vắng hai con liền đi quanh tìm chúng. Một vị thần cây quan sát Tắc kè đang run rẩy toàn thân vì không tìm được các con thơ, liền dùng thần lực đứng trong bộng cây và nói:
– Này Tắc kè, đừng run nữa, các con nhỏ ấy cùng Gà gô, bê con và bò cái đều bị kẻ độc ác này ăn thịt rồi. Hãy cắn vào cổ cho nó chết đi.
Vị thần vừa nói chuyện như vậy với Tắc kè, vừa ngâm vần kệ đầu:
Sau đó Tắc kè ngâm hai vần kệ:
Tắc kè nói xong, suy nghĩ: “Kẻ này sẽ thức dậy và ăn thịt ta”. Nó liền trốn đi để cứu mạng mình.
Bấy giờ Sư tử và Cọp rất thân thiết với Gà gô, và đôi khi Gà gô cũng bay đi thuyết Pháp cho nó. Hôm ấy, Sư tử bảo Cọp:
– Chúng ta đi thăm Gà gô đã lâu rồi, chắc cũng đã bảy tám ngày. Vậy bạn hãy đi đen tin tức của Gà về đây.
Con Cọp thỏa thuận và đi đến nơi đúng lúc con Tắc kè đã chạy trốn, nó thấy kẻ gian ác ấy đang ngủ. Trên các bện tóc của y thấy có vài cái lông gà, và gần đó lại có đống xương bò cái và bê con. Cọp chúa trông thấy cảnh ấy, lại thiếu Gà gô trong lồng vàng, liền suy nghĩ: “Các con vật này chắc đã bị kẻ ác nhân này giết hết rồi”. Nó đá mạnh thức y dậy. Khi thấy Cọp, y vô cùng sợ hãi. Rồi con Cọp hỏi:
– Có phải ngươi giết và ăn thịt các con vật này chăng?
– Tôi chẳng giết cũng chẳng ăn thịt chúng.
– Kẻ khốn nạn ác độc kia, nếu anh không giết chúng thì hãy nói cho ta biết ai khác giết? Nếu anh không nói, anh phải chết đấy.
Sợ nguy đến tính mạng, y đáp:
– Vâng thưa ngài, tôi đã giết và ăn thịt các con tắc kè con, bò cái và bê con, song tôi không giết con Gà gô.
Mặc dù y cứ phản đối mãi. Cọp cũng không tin y và bảo:
– Anh từ đâu đến đây?
– Tâu ngài, trước đây tôi bán hàng rong để kiếm sống ở xứ Kàlinga và sau khi thử bán vài món xong thì tôi đến đây.
Nhưng sau khi người ấy đã kể hết mọi việc y làm, con Cọp bảo:
– Này ác nhân kia, nếu anh không giết Gà gô, thì còn ai khác làm việc đó? Này, ta sẽ mang anhđến trước Sư tử, chúa sơn lâm đấy.
Thế là Cọp ra đi dẫn theo kẻ ấy trước mặt. Khi Sử tử thấy Cọp mang y đến, nó liền ngâm vần kệ thứ tư để đặt câu hỏi:
Nghe vậy Cọp ngâm vần kệ thứ năm:
Sau đó Sư tử ngâm vần kệ thứ sáu:
Ðể trả lời Sư tử, Cọp chúa ngâm các vần kệ còn lại
Sư tử chúa hỏi người kia:
– Thế anh đã giết Gà gô thông thái rồi ư?
– Tâu chúa công, vâng, tôi đã giết.
Chúa Sư tử nghe y nói thật, nên muốn thả cho y ra đi, nhưng Cọp chúa bảo:
– Tên gian ác này đáng chết.
Và ngay tại chỗ, Cọp dùng răng xé y tan xác. Rồi Cọp đào hố quẳng thây vào đó.
Khi các thanh niên Bà-la-môn trở về, không thấy Gà gô, họ than khóc và bỏ nơi ấy ra đi.
*
Sau Pháp thoại, bậc Ðạo Sư bảo:
– Như vậy, này các Tỷ-kheo, ngày xưa Devadatta cũng đã lập mưu giết Ta.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy vị khổ hạnh là Devadatta, con Tắc kè là Kisàgotamì, con Cọp là Moggallàna, Sư tử là Sàriputta, vị giáo sư lừng danh thế giới là Kassapa và Gà gô thông thái chính là Ta.
-ooOoo-
Chương X
Phẩm Mười Bài Kệ
Thành sắt này xây bốn cổng cao…,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo phóng dật.
Các chi tiết câu chuyện đã được nêu ra trong số 427, chuyện Tiền thân đầu tiên của Chương IX. Ở đây, một lần nữa bậc Ðạo Sư hỏi Tỷ-kheo này:
Có đúng như Tăng chúng nói rằng ông bất tuân giới luật?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Ngài bảo:
– Ngày xưa, cũng vì bất tuân lời dạy bảo của các bậc trí nhân, mà ông phải nhận lấy một bánh xe sắc như dao cạo.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa vào thời đức Phật Kassapa (Ca-diếp), tại thành Ba-la-Nại có một thương gia làm chủ tài sản đến tám trăm triệu đồng, nhưng chỉ sinh được một trai tên là Mittavindaka. Cha mẹ cậu nàyđã đi vào hướng Dự Lưu, song cậu vẫn là một kẻ theo ác hạnh, không có lòng tin vào Ðạo.
Về sau, khi cha cậu mất, mẹ cậu thay thế điều hành sản nghiệp ấy, bà bảo con như vầy:
– Này con, thân người khó được, vậy con hãy bố thí, tu tập công đức, giữ ngày trai giới và lắng tai nghe Pháp.
Cậu đáp lại:
– Này mẹ, không có chuyện bố thí, tu tập gì cả với con đâu, đừng bao giờ nhắc chúng với con nữa, con sống thế nào thì ngày sau con theo nghiệp đó.
Vào một ngày rằm trăng tròn, khi cậu cũng nói như trên, mẹ cậu đáp:
– Con ơi, hôm nay được dành làm ngày trai giới thanh tịnh. Vậy ngày nay con hãy phát nguyện giữ giới, đi viếng tinh xá và lắng nghe Pháp suốt đêm, rồi khi con trở về, mẹ sẽ cho con một ngàn đồng tiền nhé.
Vì tham số tiền ấy, cậu bằng lòng ngay. Ngay khi ăn sáng xong, cậu đi đến tinh xá, ở lại đó suốt ngày; song từ đầu hôm cho đến lúc canh tàn, chẳng một lời Giáo pháp này lọt vào tai cậu cả. Cậuđi nằm một nơi và ngủ thẳng giấc. Ngày hôm sau, từ tảng sáng, cậu rửa mặt và đi về nhà, ngồi phịch xuống.
Bấy giờ, mẹ cậu nghĩ thầm: “Hôm nay, sau khi nghe Pháp, con ta sẽ về từ sáng sớm, dẫn theo vị Trưởng lão đã giảng Pháp”. Vì thế, bà nấu cháo sẵn, với thức ăn đủ loại cứng và mềm, sửa soạn chỗ ngồi xong, đợi con về. Khi bà thấy con đi về một mình, bà hỏi:
– Này con, sao con không đưa về vị Pháp sư?
– Mẹ ạ, chẳng có Pháp sư nào giảng cho con cả. Cậu đáp.
Bà mẹ bảo:
– Thế thì con húp cháo này đi.
Cậu nói:
– Mẹ đã hứa cho con một ngàn đồng tiền, mẹ ạ. trước tiên mẹ hãy trao tiền cho con, rồi sau đó con mới húp cháo.
– Húp cháo trước đi con, rồi con sẽ được tiền kia mà.
Cậu bảo:
– Không được, con không muốn húp cháo cho đến khi con được tiền kia.
Thế là bà mẹ đặt túi tiền một ngàn đồng trước mặt cậu. Cậu liền húp cháo, xong cậu lấy túi tiền một ngàn đồng đi làm công chuyện của cậu; và cứ thế về sau, chẳng bao lâu cậu kiếm được hai triệu đồng tiền.
Lúc ấy, cậu chợt nghĩ ra rằng cậu muốn tậu lấy một con tàu rồi đi làm ăn trên đó. Thế là cậu sắm tàu, rồi bảo mẹ:
– Mẹ à con có ý định đi làm ăn trên tàu này.
Bà mẹ đáp:
– Con là con độc nhất của mẹ, mà trong nhà mình hiện có nhiều tài sản lắm rồi; còn biển cả lạiđầy nguy hiểm, con đừng đi.
Song cậu bảo:
– Con quyết ra đi, mẹ không thể cản con được đâu.
Bà tiếp:
– Này, mẹ cứ muốn cản con đấy.
Rồi bà cầm lấy tay cậu, xong cậu hất tay bà ra khiến bà ngã xuống, và trong chốc lát, cậu đã biến dạng, vội lên đường.
Vào ngày tháng bảy, nhân vì có mặt Mittavindaka, con tàu cứ đứng bất động trên biển sâu. Người ta rút thăm và cả ba lần đều trúng tay Mittavindaka. Thế là họ cho cậu một chiếc bè và nói:
– Ðừng để nhiều người phải chết chỉ vì một người này.
Rồi họ thả cậu trôi dạt trên đại dương, chỉ thoáng chốc sau, con tàu ấy đã lao nhanh vùn vụt trên biển.
Còn cậu trai trên chiếc bè trôi đến một đảo kia. Tại đó, trong một cung điện bằng thủy tinh, cậu chợt thấy bốn ma nữ. Trước kia, ma chúng thường phải chịu bảy ngày đau khổ và hưởng bảy ngày hạnh phúc. Ðược kết bạn với chúng, cậu thọ hưởng khoái lạc thần tiên. Rồi khi đến thời chúng phải chịu khổ hình, chúng bảo cậu:
– Thưa công tử, chúng em sắp xa chàng bảy ngày, trong lúc chúng em đi vắng, xin chàng ở lại đây và đứng lo buồn gì cả.
Nói xong, chúng giã từ.
Song cậu trai, lòng đầy khát vọng, lại ra khơi trên chiếc bè kia, và vượt đại dương, đến một đảo khác, tại đây trong một cung điện bằng bạc, cậu thấy tám ma nữ khác. Cứ như thế, cậu thấy trên một đảo nữa mười sáu ma nữ trong một cung bằng ngọc, rồi trên một đảo khác nữa, ba mươi hai ma nữ trong một cung bằng vàng. Cũng như trước kia, với các ma nữ này, cậu hưởng thọ lạc thú thần tiên, rồi khi chúng đi xa để chịu cực hình, cậu lại ra khơi lần nữa, lênh đênh trên đại dương, mãi cho đến cuối cùng cậu thấy một kinh thành có bốn cổng lớn và hào lũy bao bọc. Người ta bảo đó là ngục Ussada (Ngục bằng sắt hay Thiết vi Ðịa ngục), nơi mà nhiều chúng sinh bị đọa đầy, phải thọ lãnh các nghiệp báo của mình, song đối với Mittavindaka, nó lại có vẻ như một kinh thành tuyệt mỹ. Cậu suy nghĩ: “Ta muốn vào thăm kinh thành kia và làm vua tại đó.
Thế là cậu bước vào, vừa thấy một sinh linh đang chịu khổ hình phải mang một cái bánh xe sắc như lưỡi dao cạo, song đối với Mittavindaka dường như bánh xe dao trên đầu kẻ kia lại giống như đóa hoa sen nở, năm vòng xiềng xích trên ngực gã nào khác chiếc áo choàng rực rỡ sang trọng, dòng máu nhỏ giọt trên đầu gã như thể phấn bột gỗ chiên-đàn đỏ thắm ngát hương, còn tiếng gã rên la tựa tiếng ca êm dịu nhất trên đời. Vì vậy cậu đến gần và bảo:
– Này người kia, anh đã mang cái hoa sen ấy lâu rồi, nay hãy đưa cho ta.
Người ấy đáp:
– Thưa ngài, nó không phải là hoa sen đâu, mà nó là bánh xe sắc như dao cạo.
Cậu trai bảo:
– À, anh nói vậy vì anh không muốn đưa nó cho ta đấy thôi.
Gã tội nhân khốn khổ kia liền suy nghĩ: “Ắt hẳn các nghiệp quá khứ của ta đã tiêu trừ hết. Rõ ràng người này cũng như ta đi đến đây vì đã đánh mẹ nó. Ðược rồi ta sẽ cho nó đưa bánh xe dao này”. Gã liền bảo:
– Này đây, hãy cầm lấy hoa sen.
Cùng với lời nói trên, gã thả bánh xe dao trên đầu cậu, nó rơi xuống đỉnh đầu và nghiến sâu vào đó, lập tức, Mittavindaka biết ngay đó là bánh xe dao, cậu liền nói:
– Lấy bánh xe của anh lại!
Và cậu gào thét dữ dội trong cơn đau đớn, song kẻ kia đã khuất dạng mất rồi.
Vừa lúc ấy, Bồ-tát cùng đoàn tùy tùng đông đảo đang đi kinh lý qua ngục Ussada, và đến tận nơi ấy, Mittavindaka trông thấy ngài, vội kêu lên:
– Tâu thiên chủ, Thượng đế của chư Thiên, bánh xe này đang đâm thủng và xé nát đầu con như thể cái chầy nghiền nát mớ hột cải, vậy con đã phạm tội ác gì?
Cậu vừa hỏi, vừa ngâm hai vần kệ này:
Lúc ấy Thiên chủ ngâm các vần kệ này để giải thích vấn đề cho cậu rõ:
Nghe vậy, Mittavindaka tự nhủ: “Vị Thiên chủ này vừa giải thích thật chính xác những việc ta làm. Chắc chắn ngài cũng biết được mức độ trừng phạt ta”. Rồi cậu ngâm vần kệ thứ chín:
Lúc ấy bậc Ðại sĩ tuyên bố vấn đề qua vần kệ thứ mười:
Nói vậy xong Thiên chủ trở về cõi của Ngài, còn kẻ kia chìm vào cơn đau đớn cùng cực.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Ðạo sư nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy, Tỷ-kheo phóng dật này là Mittavindaka, và Ta chính là Thiên chủ.
-ooOoo-
Ðằng kia nhìn kẻ sắc đen tuyền..,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Kapilavathu (Ca-tỳ-la-vệ) trong Bồ-đề Lâm (Rừng cây Ða), về một nụ cười.
Vào thời ấy, chuyện kể rằng bậc Ðạo Sư đang du hành cùng Tăng chúng trong Bồ-đề Lâm, lúc chiều xuống, tại một chốn kia, Ngài mỉm một nụ cười. Trưởng lão Ànanda nói:
– Nguyên do gì, lý do gì khiến đức Thế Tôn mỉm cười? Ðức Như lai mỉm cười không phải là không có duyên cớ. Vậy ta muốn hỏi Ngài.
Thế là Tôn giả cúi đầu đảnh lễ cung kính hỏi về nụ cười kia, bậc Ðạo Sư bảo:
– Ngày xưa, này Ànanda, có một bậc Hiền trí tên là Kanha đã sống ở nơi đây, chuyên tâm thiền tịnh, và lạc thú trong thiền định, nên nhờ uy lực công đức của ngài mà cung của Sakka (Ðế Thích), Thiên phủ phải rúng động.
Song vì câu giải thích nụ cười kia chưa được rõ ràng lắm, nên theo lời thỉnh cầu của vị Trưởng lão, đức Phật kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, có một vị Bà-la-môn không con cái, nhưng của cải lên đến tám mười triệu đồng, vị này phát nguyện giữ giới đức và cầu tự. Trong lòng bà vợ vị Bà-la-môn này đang mang thai Bồ-tát, sau đó do màu da đen của ngài, vào ngày lễ đặt tên, cha mẹ chọn tên ngài là Kanha – Kumàra tức Hắc nam tử
Ðến năm mười sáu tuổi, đầy vẻ uy nghi như một bức tượng bằng ngọc quý, ngài được phụ thân đưa đến học ở Takkasilà, nơi đây ngài được dạy đầy đủ các môn văn học nghệ thuật, xong trở về nhà. Sau đó cha ngài lại cưới cho ngài một cô vợ xứng đôi vừa lứa. Dần dần theo thời gian, ngài hưởng trọn gia sản của song thân.
Bấy giờ một ngày kia, sau khi kiểm tra các kho báu, đang lúc ngồi trên một bảo tọa lộng lẫy, ngài cầm trong tay một cái đĩa bằng vàng, đọc được trên đĩa những hàng chữ do các bậc tiền nhân ngài ghi lại: “Rất nhiều tài sản do vị này kiếm được, rất nhiều tiền bạc do vị kia làm ra v.v…” Ngài nghĩ thầm: “Những vị tạo ra vàng bạc này bây giờ không còn nữa, song vàng bạc vẫn còn đó; không ai có thể mang chúng theo khi ra đi khỏi cuộc sống; ta không thể buộc vàng bạc thành một bó, rồi mang theo mình qua thế giới khác.
Thấy rằng của cải liên hệ đến Năm Ác dục, còn phân phát bố thí của cải này là việc tốt đẹp hơn; thấy rằng thân xác phù du này liên hệ với nhiều bệnh tật, còn tỏ lòng cung kính và nhân từ với những vị đức hạnh đem nhiều lợi lạc hơn; thấy rằng cuộc đời tạm bợ phù phiếm này chỉ thoáng qua chốc lát, còn tinh tấn hành trì thiền định là phần cao cả hơn. Vậy thì những vàng bạc phù phiếm này ta sẽ đem bố thí hết, vì làm như thế ta sẽ thọ hưởng phước đức hơn nhiều.”
Thế là ngài từ chỗ ngồi đứng dậy, sau khi xin đức vua thỏa thuận, ngài bố thí rất hào phóng.
Ðến ngày thứ bảy, thấy vàng bạc vẫn không suy giảm, ngài suy nghĩ: “Vàng bạc này có nghĩa gì đối với ta? Trong khi ta chưa bị tuổi già chế ngự, ta muốn ngay bây giờ phát nguyện xuất gia tu hành; ta quyết tu tập các Thắng trí và các Thiền chứng, ta quyết tái sinh lên cõi Phạm Thiên”. Thế là ngài ra lệnh mở các cửa lớn trong nhà ra, rồi bảo gia nhân lấy của cải đem, bố thí rộng rãi, vứt bỏ nó như một vật bất tịnh, ngài đoạn trừ các tham dục của nhãn quan, và những tiếng khóc than cùng nước mắt đông đảo của họ hàng quyến thuộc, ngài ra đi từ kinh thành, đến tận vùng Tuyết sơn.
Tại đó ngài sống theo lối độc cư, và khi đi tìm một chốn an lạc để trú thân, ngài thấy nơi này, rồi quyết định ở lại; chọn cây bầu làm nơi ăn chốn ở, ngài sống tại đó, ngủ ngay dưới gốc cây bầu ấy. Không bao giờ cư trú trong làng, ngài trở thành một người sống trong rừng, không bao giờ ngài dựng chòi lá, mà chỉ ở dưới gốc cây này, ở ngoài trời, thường an tọa, hoặc nếu ngài muốn nằm thì chỉ nằm trên mặt đất.
Ngài không dùng cái chày, mà chỉ dùng hàm răng nghiền nát thức ăn, ngài chỉ ăn những thức ăn không nấu bằng củi lửa, không bao giờ một thứ hạt còn vỏ lọt vào miệng ngài, ngài chỉ ăn ngày một lần và chỉ ngồi ăn một lần. Trên mặt đất, dường như ngài đã hòa cùng với tứ đại làm một, ngài sống hành trì giới đức của bậc xuất gia khổ hạnh. Trong Tiền thân ấy, như ta được biết, Bồ-tát rất thiểu dục.
Vì vậy chẳng bao lâu, ngài đạt các Thắng trí và các Thiền chứng (năm thần thông: Abhinnà; và tám cấp thiền: Jhànà) và ngài sống nơi ấy trong hỷ lạc của thiền định. Về trái cây rừng, ngài không đi đâu xa, khi trái cây mọc trên cây, ngài ăn trái; vào mùa hoa nở, ngài ăn hoa; khi lá mọc, ngài ăn lá; khi không còn lá nào ngài ăn vỏ cây. Vào buổi sáng ngài thường hái quả cây ấy, không bao giờ vì tham lam mà ngài đứng dậy đi hái quả cây nào khác. Ở nơi ngài ngồi, ngài dang tay ra lượm các trái cây trong tầm tay, ngài ăn các thứ trái cây đến tay ngài, không phân biệt ngon dở .
Trong khi ngài tiếp tục tìm lạc thú như vậy, nhờ thần lực công đức của ngài, chiếc ngai hoàng thạch của Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ nóng rực lên (tương truyền chiếc ngai vàng này nóng lên khi Ðế Thích Thiên chủ sắp mạng chung, hoặc lúc phước đức của ngài đã tận diệt và kết thúc, hay khi có một vị Ðại sĩ cầu nguyện, hay do công năng đức độ của các Sa-môn, Bà-la-môn đầy uy lực.)
Lúc ấy Ðế Thích Thiên chủ suy nghĩ: “Kẻ nào muốn làm ta phải rời khỏi ngai đây?” vừa nhìn quanh, ngài thấy trong rừng sâu, ở một nơi kia bậc Hiền nhân Kanha đang sống nhờ nhặt trái rừng, ngài biết rằng đó là một trí nhân hành trì khổ hạnh cao độ, tất cả các căn đều được điều phục, ngài suy nghĩ: “Ta muốn đi đến gặp vị ấy. Ta muốn bảo người thuyết Pháp thật cao giọng, và sau khi nghe lời giảng Pháp đem lại an lạc này, ta sẽ làm người hoan hỷ một điều ước, và sẽ làm cho cây của người sinh quả không ngừng, rồi ta mới trở về đây. “
Sau đó nhờ thần thông lực, Thiên chủ vụt xuống trần, đứng ngay sau lưng bậc Hiền nhân, ngài ngâm vần kệ đầu tiên để thử xem bậc Hiền trí kia có bực tức khi nghe nhắc đến vẻ xấu xí của mình chăng:
Hiền nhân Kanha nghe ngài nói vậy:
– Ai nói với ta đấy?
Và nhờ thần thông lực, ngài nhận ra đó là Ðế Thích Thiên chủ, nên vẫn không cần quay đầu lại, ngài đáp vần kệ thứ hai:
Và rồi sau đó, khi đã giải thích nhiều loại lỗi lầm và chê trách những lỗi lầm đã biến con người thành những kẻ đen tối, cùng ca ngợi công đức, ngài thuyết giáo cho Ðế Thích Thiên chủ, chẳng khác nào ngài làm mặt trăng mọc lên giữa bầu trời.
Ðế Thích Thiên chủ nghe bài thuyết Pháp, lòng vô cùng hoan hỷ, liền ban tặng bậc Ðại Sĩ một điều ước và ngâm vần kệ thứ ba:
Nghe vậy bậc Ðại Sĩ nghĩ thầm: “Ta biết thế nào rồi. Vị này muốn thử ta, xem ta có giận dữ khi nói đến vẻ xấu xí của ta không; nên ngài chê bai màu da của ta, thức ăn chốn ở của ta. Khi thấy rằng ta không giận, thì ngài vui vẻ, ban cho ta một điều ước, chắc chắn ngài tưởng ta hành trì cuộc sống này vì ước mong có thần lực của Sakka Thiên chủ hay Phạm Thiên, vậy nay để làm ngài tin tưởng, ta sẽ chọn bốn điều ước: ta ước được an tịnh, không sân hận đối với kẻ xung quanh ta, không tham cảnh vinh quang của các vị xung quanh ta, hay thèm muốn dục tình đối với các vị xung quanh ta”.
Suy nghĩ như vậy xong, để giải quyết mối nghi hoặc của Thiên chủ, bậc Hiền trí ngâm vần kệ thứ tư đòi bốn điều ước này:
Lúc ấy, Ðế Thích Thiên chủ suy nghĩ: “Hiền giả Kanha, khi chọn điều ước đã chọn bốn điềm an lạc không lỗi lầm. Bây giờ ta phải hỏi ngài về thiện ác liên hệ bốn điều này”. Rồi ngài hỏi bằng cách ngâm vần kệ thứ năm:
– Vậy hãy nghe đây:
Bậc Ðại sĩ đáp lại và cảm khái ngâm bốn vần kệ này:
Khi các câu hỏi đã được giải thích xong, Ðế Thích Thiên chủ bảo:
– Thưa Trí giả Kanha, nhờ ngài, các câu hỏi của ta đã được giải đáp êm đẹp với trí tuệ của một bậc Giác Ngộ, ta rất hoan hỷ vì ngài; bây giờ xin ngài chọn một điều ước khác nữa.
Rồi Thiên chủ ngâm vần kệ thứ mười:
Lập tức Bồ-tát ngâm kệ:
Nghe vậy, Ðế Thích Thiên chủ suy nghĩ: “Khi chọn điều ước, Hiền giả Kanha không chọn điều gì liên hệ đến thức ăn, mà những gì ngài chọn đều liên quan đến đời sống tu hành.” Tâm càng hoan hỷ hơn, Thiên chủ lại cho thêm một điều ước khác và ngâm kệ:
Và Bồ-tát, khi nói lên điều ước của ngài, đã thuyết Pháp trong vần kệ cuối:
Như vậy trong sáu trường hợp, bậc Ðại sĩ lựa điều ước, ngài đều chỉ chọn những gì liên quan đến đời sống viễn ly. Ngài hiểu rõ thân người phải có bệnh và Ðế Thích chủ không thể trừ diệt căn bệnh của thân nghiệp; Ðế Thích Thiên chủ cũng không thể rửa sạch cho nhân thế trong ba cửa Thân, Khẩu, Ý. Mặc dù vậy, ngài vẫn chọn điều ước ấy với mục đích thuyết Pháp cho vị Thiên chủ.
Sau đó Ðế Thích Thiên chủ làm cho cây ấy sinh quả quanh năm, vừa chắp tay lên trán đảnh lễ ngài vừa bảo:
– Xin Hiền giả an trú ở đây không bệnh tật.
Rồi ngài đi về cõi của ngài. Còn Bồ-tát không bao giờ gián đoạn thiền định, nên về sau được sinh lên Phạm thiên giới.
*
Sau khi chấp dứt Pháp thoại này, bậc Ðại Sư bảo:
– Này Ànanda, đây là nơi Ta đã an trú ngày xưa.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Vào thời ấy Anuruddha (A-na-luật-đà) là Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ và Hiền giả Kanha chính là Ta.
-ooOoo-
(Chuyện tiền thân này sẽ được kể trong Tiền thân Punnaka) (chưa được tìm thấy)
-ooOoo-
La-môn Tôn-giả, bậc uyên thâm …,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể ở Kỳ Viên về tứ sự cúng dường.
Chuyện kể rằng ở thành Xá-vệ, có một nam cư sĩ, sau khi nghe đức Như Lai thuyết Pháp, tâm rất hoan hỷ nên đã mời chư tăng vào ngày hôm sau. Tại cửa nhà, ông dựng lên một cái rạp trang hoàng lộng lẫy, rồi đi thưa trình rằng đã đến giờ. Bậc Ðạo Sư đến nơi với năm trăm vị Tỷ-kheo theo hầu, và ngồi trên bảo tọa lộng lẫy dành cho ngài. Vị cư sĩ, sau khi đã dâng cúng các lễ vật sang trọng lên hội chúng Tỷ-kheo với đức Phật là thượng thủ, lại mời tăng chúng ngày mai; và cứ thế, trong bảy ngày liền, vị này mời Tăng chúng đến cúng dường, và vào ngày thứ bảy lại cúng dường những vật dụng cần thiết. Trong buổi cúng dường này, ông tặng các đôi hài làm lễ vật đặc biệt. Ðôi hài dâng lên đức Phật trị giá một ngàn đồng vàng. Hai đôi hài cúng hai vị Ðại đệ tử (Xá-lợi phất và Mục -kiền-liên) trị giá năm trăm, còn những đôi trị giá hơn một trăm đồng dành cho các vị Tỷ-kheo khác.
Sau khi dâng cúng lễ vật đủ các thứ cần thiết cho chư Tăng, ông ngồi xuống trước đức Thế Tôn cùng với hội chúng của Ngài. Sau đó bậc Ðạo Sư đáp lời tùy hỷ công đức bằng một giọng vô cùng êm dịu:
– Này gia chủ, thí vật của ông thật hào phóng biết bao, ông hãy hoan hỷ. Ngày xưa, trước khi đức Phật ra đời, đã có những người nhờ cúng dường một đôi hài lên một vị Ðộc Giác Phật mà kết quả việc bố thí đó là tìm được chỗ an trú trên biển cả không có nơi an trú; và nay ông vừa cúng dường cho toàn thể hội chúng của đức Phật mọi vật dụng cần thiết cho mỗi Tỷ-kheo, thì công đức biết bao, nếu không phải là lễ dâng hài này sẽ làm nơi an trú cho ông về sau?
Và theo lời thỉnh cầu của ông. Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, thành Ba-la-nại có tên là Molinì. Trong khi vua Brahamadatta trị vì ở Molinì, một người Bà-la-môn tên là Sankha giàu có lớn, đã xây bố thí trường ở sáu chỗ, một ở mỗi cổng thành, một ở giữa thành và một ở cửa nhà ông. Hằng ngày ông bố thí sáu trăm ngàn đồng tiền và cho các kẻ lữ hành cùng kẻ ăn xin rất rộng rãi.
Một ngày kia ông suy nghĩ: “Một khi kho của cải hết, ta không còn gì để bố thí nữa. Vậy trong lúc kho chưa cạn, ta muốn lấy con tàu đi đến xứ Vàng và sẽ mang của cải về”. Thế là ông bảo đóng tàu, chất đầy hàng hóa và khi từ biệt vợ con, ông bảo:
– Bà và con hãy lo bố thí không ngừng cho đến khi ta trở về.
Nói xong, ông cầm lấy dù, mang giày cùng gia nhân hướng mặt về hải cảng, rồi đúng ngọ ông khởi hành.
Vào lúc ấy một vị Ðộc Giác Phật trên đỉnh núi Gandhamàdana (Hương Sơn), đang nhập định, thấy vị kia lên đường tìm kiếm vàng liền suy nghĩ: “Một bậc Ðại sĩ đang vượt biển để tìm vàng. Có gặp gì trên biển cả gây trở ngại cho vị này chăng? Rồi sẽ có. Nếu ông thấy ta, sẽ dâng ta đôi giày và chiếc dù. và kết quả việc đi cúng dường này là ông sẽ tìm được nơi an trú khi tàu đắm trên biển. ta muốn giúp đỡ ông.”
Vì thế bay qua không gian, Ngài hạ xuống, không xa chỗ kẻ lữ hành kia, rồi tiến đến gặp ông, dẫm chân trên cát nóng, nóng như thể một đống tro đang cháy bỏng trong luồng gió dữ dội và ánh mặt trời gay gắt. Vị Bà-la-môn nghĩ thầm: “Ðây là cơ hội để tạo công đức, ta phải gieo một hạt giống ngày hôm nay tại chốn này”. Lòng vô cùng hoan hỷ, ông vội vã đi đến đảnh lễ Ngài:
– Thưa Tôn-giả, – ông nói – xin Tôn giả vui lòng ra khỏi con đường này trong chốc lát, đến dưới gốc cây kia.
Sau đó, khi đến chỗ ngồi gốc cây, ông lau phủi hết cát cho Ngài, rồi trải thương y ra mời Ngài ngồi xuống, với nước sạch thơm ngát, ông rửa chân Ngài, xoa dầu thơm ngào ngạt, và từ chân của chính mình, ông rút ra đôi hài lau sạch, xoa dầu thơm xong, mang vào cho Ngài, cúng dường Ngài đôi hài cùng với chiếc dù, xin Ngài mang hài và che dù trên đầu Ngài khi ngài lên đường. Vị Ðộc Giác Phật muốn làm ông vui lòng nên nhận lễ vật, và trong khi vị Bà-la-môn chiêm ngưỡng Ngài để tăng trưởng tín tâm, Ngài bay lên về lại núi Gandhmàdana.
Còn Bồ-tát với tâm đầy hoan hỷ, tiến ra hải cảng và lên thuyền.
Khi ra đến đại dương vào ngày thứ bảy, con thuyền nứt ra và họ không thể tát hết nước được. Tất cả mọi người lo sợ cho mạng sống mình, đồng thanh kêu gào, mỗi người kêu cầu một vị thần linh riêng của mình. Bậc Ðại Sĩ, chọn một người hầu, xoa dầu khắp mình mẩy, ăn một đống đường mịn hòa với bơ tươi cho thỏa thích, cho kẻ kia cùng ăn, rồi ngài leo lên cột buồm. Ngài bảo:
– Về hướng kia là kinh thành của ta.
Vừa chỉ tay về hướng ấy, vừa gạt bỏ nỗi sợ hãi về các loài rùa, cá, ngài lặn mất cùng với gã gia nhân một khoảng xa chừng một trăm năm mươi cubit (1 cubit = 45cm). Ðám người kia chết đuối cả, còn bậc Ðại Sĩ cùng gã gia nhân bắt đầu tiến lên trên biển cả. Trong bảy ngày liền, ngài tiếp tục bơi. Ngay cả giờ phút ấy, ngài vẫn giữ trọn ngày trai giới, súc miệng với nước mặn.
Lúc bấy giờ một nữ thần tên là Mani-Mekkhalà, nghĩa là Ngọc Ðới, đã được lệnh của Tứ Thiên vương: “Nếu gặp tàu chìm, và tai họa xảy đến cho người đã quy y Tam Bảo, hoặc đầy đủ giới đức, hoặc phụng thờ cha mẹ, thì nàng phải lo cứu độ”. Và để bảo vệ cho các người như vậy, nữ thần an trụ trên mặt biển. Nhờ thần lực của bà, bà không cần canh phòng trong suốt bảy ngày ấy, song đến ngày thứ bảy, nhìn lướt trên mặt biển, bà thấy vị Bà-la-môn Sankha đức độ kia, nên suy nghĩ: “Kẻđằng kia đã bị rớt xuống biển, đến nay là ngày thứ bảy rồi, nếu ông chết đi thì ta mắc phải tội nặng lắm.”
Vì thế sinh lòng lo lắng, bà vội đổ vào chiếc đĩa bằng vàng đầy đủ mọi thức ăn thiên giới, phi nhanh như gió đến phía ngài, rồi dừng lại trước mặt ngài trên không và bảo:
– Này Bà-la-môn, ngài không ăn gì đã bảy ngày rồi, vậy ăn thức này đi.
Vị Bà-la-môn nhìn bà đáp:
– Cất thức ăn của nàng đi, ta đang giữ giới kiêng ăn.
Kẻ gia nhân của ngài không thấy nữ thần, mà chỉ nghe âm thanh nên nghĩ thầm: “Vị Bà-la-môn này nói lảm nhảm, ta chắc vì cơ thể ngài yếu đuối lại nhịn đói đã bảy ngày nên đang đau đớn và sợ chết, ta muốn an ủi ngài.” Và gã liền ngâm vần kệ đầu:
Vị Ba-la-môn nghe gã, biết rằng gã không thấy vị thần kia, nên bảo:
– Này hiền hữu, không phải ta sợ chết đâu, song đang có một vị khác ở đây để đàm đạo với ta đó.
Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ hai:
Sau đó gã ngâm vần kệ thứ ba:
– Bạn nói phải lắm – vị Bà-la-môn bảo.
Rồi ngài hỏi bằng cách ngâm vần kệ thứ tư:
Vị nữ thần lấp tức ngâm hai vần kệ:
Khi vừa nghe vậy, bậc Ðại sĩ suy nghĩ đắn đo: “Ðây là nữ thần giữa đại dương – ngài tự nhủ – bà tặng ta vật này vật nọ. Cớ gì bà lại muốn đem tặng chúng cho ta? Có phải vì một công đức nào đó của ta hay do quyền lực riêng của bà mà bà làm như thế? Ðược, ta sẽ hỏi.” Và ngài chất vấn điều này qua vần kệ thứ bảy:
Vị nữ thần nghe ngài hỏi, nghĩ thầm: “Vị Bà-la-môn này đã hỏi thế, chắc vì ngài tưởng ta không biết ngài đã làm việc lành nào. Ta muốn nói ngay cho ngài rõ”. Vì vậy bà đáp ngài qua vần kệ thứ tám:
Lúc bậc Ðại Sĩ nghe thế, ngài nghĩ thầm: “Ô kìa giữa đại dương khó vượt qua này, việc cúng dường đôi hài trở thành một đại phước báo cho ta. Ôi việc dâng lễ vật lên một vị Ðộc Giác Phật thật tốt lành thay!” Rồi trong niềm đại hân hoan, ngài ngâm kệ thứ chín:
Nữ thần rất đẹp ý khi nghe những lời này, liền làm phép cho chiếc thuyền hiện ra, được làm bằng bảy báu vật, chiều dài tám trăm cubit (1 cubit = 45cm), chiều rộng sáu trăm cubit, chiều sâu hai mươi sải (sải= 1,82m). Có ba cột buồm bằng ngọc bích, dây buộc bằng vàng, cánh buồm bằng bạc, các mái chèo và bánh lái đều bằng vàng ròng cả. Trong thuyền, vị nữ thần chất đầy bảy báu vật, rồi ôm lấy vị Bà-la-môn đưa lên chiếc thuyền huy hoàng kia. Bà không chú ý đến gã hầu cận, song vị Bà-la-môn vẫn chia phần cho gã hưởng phước lành. Gã sung sướng quá và nữ thần kia cũng ôm gã đặt lên thuyền nữa. Liền đó bà đưa thuyền đến kinh thành Molinì và sau khi đã chất đầy châu báu vào kho nhà vị Bà-la-môn, bà trở về nơi an trú mình.
*
Bậc Ðạo Sư với Trí tuệ Tối thắng, đã ngâm vần kệ cuối cùng:
Còn vị Ba-la-môn suốt đời ở nhà bố thí thật rộng rãi không ngừng và giữ giới hạnh, nên khi mạng chung ngài cùng các gia nhân đi lên cộng trú với chư Thiên.
*
Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại, Ngài tuyên thuyết các Sự Thật. Bấy giờ vào lúc kết thúc các Sự Thật, vị cư sĩ ấy chứng đắc Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy Uppalavannà (Liên Hoa sắc) là nữ thần, Ànanda là người hầu, và Bà-la-môn Sankha chính là Ta.
-ooOoo-
Ví thử người ta bắt quý nương…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một người tính hay nóng giận.
Người này, sau khi đã xuất gia, tu tập, hành trì Giáo pháp đưa đến giải thoát, an lạc trọn vẹn, lại không thể chế ngự cơn giận của mình. Ông lòng đầy bực tức, hiềm hận; song lại ít nói nên khi phẫn nộ, bị lôi cuốn vào cơn nóng giận, ông trở nên gay gắt chua cay và khó dạy bảo. Khi nghe nói đến tính hay nóng giận của ông, bậc Ðạo Sư cho gọi ông vào và hỏi có thật là ông hay nổi giận như lời đồn chăng. Vị này đáp:
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn,
Bậc Ðạo Sư bảo:
– Này Tỷ-kheo, tính nóng giận phải được chế ngự, vì một kẻ hành ác hạnh như vậy không thể nào có nơi an trú được dù trong đời này hoặc đời sau. Tại sao sau khi tu tập pháp môn giải thoát của đức Phật tối thượng không có lòng sân giận, cớ gì ông lại tự mình tỏ ra hay phẫn nộ? Các bậc trí nhân ngày xưa, ngay cả những vị hành trì giáo pháp khác với chúng ta cũng đã kềm chế được lòng phẫn nộ.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta lên ngôi ở Ba-la-nại, trong một thị trấn ở xứ Kàsi có một vị Bà-la-môn rất giàu vàng bạc, gia sản đồ sộ song lại không có con, nên bà vợ cầu mong con trai. Vào thời ấy Bồ-tát từ cõi Phạm thiên đi xuống trần, nhập mẫu thai của bà, rồi vào ngày lễ đặt tên, cha mẹ chọn cho ngài cái tên Bodhi-Kumàra hay là Nam tử Trí Tuệ. Khi ngài đến tuổi khôn lớn, ngàiđi đến Takkasilà, nghiên cứu đủ các môn học thuật, và sau khi về nhà, dù ngài không muốn, cha mẹ ngài vẫn đi cưới một thiếu nữ về làm vợ ngài, từ một gia đình cùng chung giai cấp với ngài. Nàng ấy cũng xuống cõi trần từ Phạm thiên giới, có nhan sắc tuyệt thế, chẳng khác nào một vị tiên nữ. Cả hai vị trở thành vợ chồng, song cả hai chẳng ai mong muốn chuyện đó cả. Chẳng bao giờ có ai phạm vào dâm dục, cũng chẳng kẻ nào liếc mắt nhìn kẻ kia một cách say đắm, ngay cả trong giấc ngủ, hai vị cũng không hề bao giờ có hành động tương tự, cả hai vị đều sống thanh tịnh như thế.
Sau một thời gian, khi song thân đều mất cả, ngài lo việc tang lễ cho thi hài cha mẹ chu đáo. Bậc Ðại Sĩ gọi vợ đến, bảo nàng:
– Này quý nương, nàng hãy giữ lấy gia sản tám trăm triệu đồng này và sống đời hạnh phúc.
– Không phải vậy đâu, mà đó là phần của phu quân.
Ngài bảo:
– Ta không cần vàng bạc, ta sẽ lên vùng Tuyết Sơn, trở thành một ẩn sĩ và tìm nơi cư trú ở đó.
– Vậy thưa phu quân tôn quý, chỉ nam giới mới được xuất gia tu hành thôi chăng?
Ngài đáp:
– Không phải vậy, nữ giới cũng được.
– Vậy thì thiếp, cũng không muốn nhận lấy thứ chàng đã phun khỏi miệng, vì thiếp cũng không ham thích vàng bạc gì hơn chàng, thiếp cũng muốn thành ẩn sĩ như chàng.
– Này quý nương, tốt lành thay!
Rồi hai vị đem phân phát bố thí phần lớn tài sản và xuất gia. Ðến một vùng đất an lạc dựng am thất ẩn sĩ, các ngài sống bằng trái cây rừng mà các ngài kiếm được, và cứ sống như vậy mười năm tròn, song vẫn chưa chứng đắc Thiền định của bậc Thánh.
Thế là sau một thời gian sống tại đó, hưởng hạnh phúc của cuộc đời ẩn dật suốt mười năm liền, các ngài ra đi ngang qua vùng quê để tìm muối và đồ gia vị, và thuận đường đến Ba-la-nại liền vào trú chân trong vườn ngự uyển.
Bấy giờ, một ngày kia vua thấy người giữ ngự viên đến dâng một món quà trong tay, ngài phán:
– Trẫm muốn liên hoan trong ngự viên, vậy hãy sắp xếp cho chỉnh tề.
Và khi hoa viên đã được dọn dẹp sạch sẽ sẵn sàng, vua ngự vào đó cùng đám cận thần hộ tống đông đảo.
Lúc đó cả hai vị ở trên một chỗ trong ngự viên, an hưởng lạc thú của cuộc sống tu hành. Còn vua khi đi ngang qua ngự viên, thấy hai vị ngồi đó; và khi mắt ngài chợt bắt gặp vị nữ nhân diễm lệ khả ái kia, ngài say mê ngay. Lòng ngài rúng động vì khát vọng dục tình, ngài quyết định hỏi nàng có liên hệ gì đối với ẩn sĩ kia; nên khi đi đến gần Bồ-tát, vua hỏi ngay câu ấy. Bồ-tát đáp:
– Tâu đại vương, nay nàng ấy chẳng có liên hệ gì đối với ta cả; nàng chỉ cùng chung đời sống tu hành với ta thôi, song trước kia ta còn sống ở chốn trần tục, thì nàng ấy đã là vợ ta.
Nghe vậy, vua thầm nghĩ: “Như vậy, vị này bảo nữ nhân kia chẳng là gì đối với ông cả, song khi còn sống đời thế tục, nàng ấy đã là vợ ông. Ðược rồi, nếu ta dùng vương quyền bắt lấy nàng thì ông làm gì được? Cho nên ta muốn chiếm nàng”. Và vua vừa đến gần vừa ngâm vần kệ:
Bậc Ðại Sĩ ngâm vần kệ thứ hai để đáp câu hỏi này:
Bậc Ðại Sĩ trả lời như vậy, lớn tiếng như sư tử hống. Song nhà vua dù đã nghe thế, vẫn không thể nào chế ngự được con tim say đắm của mình, do nỗi si mê mù quáng, liền ra lệnh cho vị cận thần phải bắt nàng kia vào cung.
Vị cần thần tuân lệnh dẫn nàng đi, dù nàng đã thở than khóc lóc rằng làm ác nghiệp phi pháp là thói thường của thế gian, còn Bồ-tát nghe tiếng nàng kêu khóc, ngài chỉ nhìn một lần thôi, không nhìn nữa. Vì thế nàng bị đưa vào cung trong lúc đang kêu gào thê thảm.
Vua xứ Ba-la-nại không còn chần chờ ở ngự viên nữa, mà nhanh chóng trở về cung, triệu nàng đến chầu và ban cho nàng nhiều vinh dự cao sang. Song nàng bảo những vinh quang đó chẳng có giá trị cả, và chỉ đời sống độc cư là cao thượng thôi. Vua thấy không thể dùng cách gì để chinh phục được tim nàng, nên truyền giữ nàng trong một phòng biệt lập và bắt đầu suy nghĩ: “Ðây là một người đàn bà khổ hạnh không màng mọi thứ vinh quang này, và vị ẩn sĩ cũng không hề tỏ ra giận dữ khi người hầu bắt đi một nữ nhân tuyệt mỹ như vậy. Song những ẩn sĩ thường có mưu sâu lắm; chắc chắn ông đang lập mưu để hại ta. Ðược rồi, ta muốn trở lại gặp ông và tìm hiểu tại sao ông vẫn ngồi đó.” Và thế là không thể ngồi yên được, vua đi vào ngự viên.
Lúc ấy Bồ-tát đang ngồi vá chiếc y. Vua chỉ đi một mình nên đến tận nơi, bước nhẹ nhàng không gây tiếng động. Bồ-tát vẫn tiếp tục vá áo, chẳng nhìn đến vua. Vua nghĩ: “Người này chẳng muốn nói gì với ta vì đang tức giận đấy. Kẻ khổ hạnh này đúng là gã bịp bợm, trước tiên thét lớn: “ta không muốn để lòng căm hận khởi lên chút nào, song nếu nó khởi lên, ta quyết dập tắt nó ngay lúc còn nhỏ nhoi”, rồi sau đó lòng căm phẫn cứ đeo đẳng dằng dai nên gã không muốn nói chuyện với ta đó!”. Với ý nghĩ này, vua ngâm vần kệ thứ ba:
Khi bậc Ðại Sĩ nghe thế, ngài hiểu vua tưởng ngài im lặng vì tức giận, nên muốn tỏ ra là ngài không hề bị lòng phẫn nộ chi phối, ngài ngâm vần kệ thứ tư:
Khi nghe những lời này, vua suy nghĩ: “Có phải người này nói đến lòng sân hận hay điều gì khác nữa? Ta muốn hỏi ông cho rõ”. Rồi vua ngâm vần kệ thứ năm:
Vị kia đáp:
– Thưa Ðại vương, như thế nỗi sân hận thường đem lại nhiều đau khổ, nhiều tai hại, tàn khốc; nó chỉ vừa khởi lên trong ta, song nhờ nuôi dưỡng lòng từ mẫn, ta đã dập tắt được nó.
Rồi ngài ngâm các vần kệ sau để thuyết giảng về nỗi khổ đau vì hiềm hận:
Khi vua đã nghe bậc Ðại Sĩ thuyết Pháp xong, lòng rất hoan hỷ, nên ra lệnh cho một cận thần đi dẫn người đàn bà đến, và mời vị ẩn sĩ vô sân kia cùng ở lại với nàng trong ngự viên để an hưởng lạc thú của cuộc sống độc cư và vua hứa sẽ chăm sóc bảo vệ cho hai vị như bổn phận của mình. Sau đó nhà vua xin hai vị tha thứ lỗi lầm và kính cẩn từ tạ ra về. Thế là hai vị ấy ở lại đó.
Dần dần về sau, người đàn bà ấy từ trần và sau khi nàng qua đời, vị ẩn sĩ trở về vùng Tuyết Sơn, tu tập các Thắng trí và các Thiền chứng, làm cho Tứ Vô lượng tâm (bốn Phạm trú: Từ, Bi, Hỉ, Xả) sinh khởi trong lòng, nên ngài được sinh vào cõi Phạm thiên.
*
Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại, Ngài tuyên thuyết các Sự Thật. Vào đoạn kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo hay sân hận kia đã được an trú vào Tam quả (Bất Lai).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy, mẫu thân của Ràhula (La-hầu-la) là nữ ẩn sĩ ấy. Ànanda là vua kia và vị ẩn sĩ chính là Ta.
-ooOoo-
Bảy ngày tâm trí được thong dong…,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo thối thất.
Hoàn cảnh này sẽ được giải thích trong Tiền thân Kusa (số 531). Khi bậc Ðạo Sư hỏi lời đồn ấy có đúng không và vị Tỷ-kheo ấy đáp là đúng, thì ngài bảo:
– Này Tỷ-kheo, thuở xưa trước khi đức Phật xuất hiện ở đời, các bậc trí nhân, ngay cả những vị hành trì một nếp tu tập không theo Chánh pháp, trong suốt hơn năm mươi năm bước đi trong Thánh hạnh mà không thích thú nhiệt tâm, song vì bản tính thận trọng khôn ngoan, nên không bao giờ nói cho ai hay biết là các ông đã thối thất. Còn nay tại sao ông đã hành trì Giáo pháp của Ta đưa đến giải thoát, và ông đang đứng trước mặt một đức Phật Thế Tôn như Ta, sao ông dám bộc lộ sự thối thất của ông trước bốn hàng đệ tử? Tại sao ông không giữ được tính thận trọng e dè?
Nói xong, Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, trong quốc độ Vamsa, một vị vua trị vì tại Kosambi mệnh danh là Kosambika. Thời ấy có hai vị Bà-la-môn ở một thị trấn kia, mỗi vị đều có tài sản tám trăm triệu đồng và là bạn thân thiết của nhau, cả hai ông, sau khi đã nhận thức sự tai hại của tham dục, và đã phân chia của cải ra để bố thí, liền từ bỏ thế tục ngay giữa tiếng than khóc của nhiều người thân, khởi hành về phía Tuyết Sơn, dựng am ẩn sĩ ở đó cho mình. Tại chốn ấy trong năm mươi năm liền, hai vị sống đời ẩn sĩ, nuôi thân bằng trái cây, củ rừng mà hai vị tình cờ kiếm được; song các vị không thể nào chứng đắc Thiền định.
Sau năm mươi năm ấy đã trôi qua, các vị đi du hành qua vùng quê xin muối và đồ gia vị, lại đến vương quốc Kàsi. Trong một thị trấn của quốc độ này có một gia chủ tên là Mandavya, đã từng là một thân hữu tại gia ngày trước của ẩn sĩ Dìpàyana. Hai vị liền đi đến thăm ông Mandavya này; vừa trông thấy hai vị, ông chủ nhà vô cùng thích thú, liền xây cho hai vị một am tranh, cung cấp đầy đủ mọi loại vật dụng cần thiết của cuộc sống ẩn sĩ. Hai vị ở đó ba bốn mùa, rồi từ giã ông, tiến về Ba-la-nại, tại đây hai vị vào ở trong nghĩa địa trồng toàn cây Atimuttaka. Khi Dipàyana đã ở đó một thời gian như ý muốn, ngài trở về nơi người bạn xưa lần nữa; còn Tôn-giả Mandavya, ẩn sĩ kia, vẫn ở chỗ cũ.
Lúc bấy giờ, một ngày kia có tên đạo tặc gây cướp bóc trong thị trấn, và trở về từ nơi ấy cùng một số của cải cướp được. Các gia chủ, lính canh, chạy ra cùng la to “kẻ trộm” và kẻ trộm bị các người này đuổi gấp, đã thoát thân qua một ống cống và trong lúc đang chạy quanh gần nghĩa địa, gã làm rơi gói đồ ở cửa nhà lá của vị ẩn sĩ ấy. Khi các chủ nhà thấy gói này, đồng kêu to:
– À đồ khốn kiếp! Anh là quân trộm cướp ban đêm, còn ban ngày anh đi quanh quẩn giả dạng tu hành.
Rồi vừa phỉ báng, vừa đấm đá, họ đem vị này vào yết kiến vua.
Vua không bảo điều tra gì cả mà chỉ nói:
– Dẫn nó đi ra và đóng cọc vào nó.
Họ đem ông đến nghĩa địa, đặt ông vào cái cọc bằng gỗ cây keo. Song cây cọc không chịu đâm qua thân của vị ẩn sĩ, kế đó họ mang vào cái cọc khác, song cái này cũng không đâm thủng ông, kế đó là cái cọc sắt, cũng không thể đâm thủng thân ông được. Ông tự hỏi hành động nào trong quá khứ của mình đã gây nên sự việc này, liền quan sát quá khứ, trong tâm ông khởi lên tri kiến về các đời trước, nhờ vậy nhìn lại quá khứ, ông thấy những việc đã làm từ lâu, đó chính là việcđâm thủng một con ruồi trên một mảnh gỗ mun.
Chuyện kể rằng trong một đời trước, ông là con trai một người thợ mộc. Một bữa nọ, cậu đi đến chỗ người cha thường đốn cây và cậu đã dùng một mảnh gỗ mun đâm thủng một con ruồi như thể đóng cọc vào nó. Chính ông phát giác ra tội ác kia vào giờ phút nguy kịch này. Ông nhận thức rằng không thể nào thoát khỏi ác nghiệp cũ được, nên bảo đám quân hầu của vua:
– Nếu các ông muốn đóng cọc ta, hãy lấy cái cọc bằng gỗ mun.
Họ làm theo, và đóng cọc vào vị ấy xong, họ để lại một tên quân canh giữ vị ấy và ra đi.
Bọn lính canh từ một nơi ẩn nấp quan sát mọi việc xảy ra cho vị ấy. Lúc bấy giờ, Dìpàyana suy nghĩ: “Ta đã gặp đạo hữu của ta cách đây lâu rồi”, liền muốn đi tìm bạn. Khi nghe tin bạn đã bịđóng cọc treo lên suốt ngày bên vệ đường, ông liền đi đến đứng bên bạn và hỏi bạn đã làm gì.
– Chẳng làm gì cả. Vị ấy đáp.
Vị kia lại hỏi:
– Thế hiền hữu, ta chẳng thấy sân hận gì những kẻ đã bắt ta, cũng chẳng hiềm hận vua; chẳng có nỗi oán hờn nào trong tâm ta cả.
– Nếu quả vậy, thì bóng mát của một vị đức độ như thế này cũng đủ đem lại an lạc cho đời ta rồi.
Cùng với những lời này, ông ngồi xuống cạnh cây cọc. Từ thân của Mandavya rơi xuống vài giọt máu trên thân người bạn. Vì chúng rơi xuống làn da vàng óng và khô đi như thể các chấm đen trên đó, khiến cho ông có tên Kanha hắc nhân Dìpàyana từ đó về sau. Và ông cứ ngồi yên tại chỗ suốt đêm.
Ngày hôm sau, bọn quân canh đến kể mọi chuyện với vua, ngài bảo:
– Ta đã hành động quá hấp tấp.
Rồi vua vội vã đến nơi, hỏi Dìpàyana chuyện gì đã khiến ông ngồi bên cây cọc. Ông đáp:
– Tâu Ðại vương, thần ngồi đây để canh bạn. Nhưng xin cho biết người này đã làm gì, hay bỏ dở việc gì chưa làm, mà Ðại vương đối xử như vậy?
Vua giải thích là vấn đề chưa được điều tra. Vị kia đáp:
– Tâu Ðại vương, một vị vua phải hành động cẩn trọng; một người thế tục phóng túng, ham mê dục lạc là điều không hay v.v…
Và ông còn khuyến cáo nhà vua thêm những việc tương tự như thế nữa.
Khi vua thấy Mandavya vô tội, ngài ra lệnh nhổ cọc lên. Nhưng dù bọn chúng gắng hết sức, cũng không nhổ lên được. Mandavya bảo:
– Tâu Ðại vương, thần phải chịu mang sự ô nhục này là do một lỗi lầm đã phạm thời xa xưa, nên không thể nào nhổ cọc ra khỏi thân này được. Song nếu Ðại vương muốn cứu mạng thần, xin bảo đem đến cái cưa, xẻ cái cọc ngang sát lớp da.
Vua bảo làm như thế; nên phần cây cọc nằm trong thân ông vẫn còn đó. Vì chuyện kể rằng trước kia có lần ông cầm một viên kim cương nhỏ đâm thủng ống mật của một con ruồi nọ để nó khỏi chết, cho đến lúc nó tận số. Nhờ vậy ông cũng không chết luôn. Chuyện kể như thế.
Còn nhà vua đảnh lễ hai vị ẩn sĩ, xin thứ lỗi, rồi đem hai vị vào trú ngụ trong ngự viên, và chăm sóc hai vị tại chỗ ấy. Cũng từ đó, Mandavya được gọi là “Mandavya mang-cái-cọc”, cứ sống ở nơi này gần gũi nhà vua. Phần Dìpàyana, sau khi chữa lành vết thương cho bạn xong, lại trở về với bạn xưa là gia chủ Mandavya. Khi gia nhân nhận thấy vị này đi vào am thất cũ, liền đi báo với gia chủ. Ông chủ nghe tin lòng rất hoan hỷ, cùng với vợ con đem nhiều hương liệu, tràng hoa, dầu,đường đi đến am thất, đảnh lễ Dìpàyana, rửa chân và xoa dầu thơm cho vị này xong, đem mời nước uống và ngồi lắng nghe câu chuyện ẩn sĩ Mandavya mang-cây-cọc.
Bấy giờ con trai của gia chủ là nam tử Yannadatta, đang chơi đùa với quả cầu ở cuối mái hiên. tại đó, có một con rắn trong một ổ kiến. Trái cầu của cậu trai bị ném xuống đất, chạỵ tọt vào lỗ kiến kia và rơi nhằm con rắn. Vì không biết sự này, cậu thò tay vào lỗ. Con rắn tức giận cắn tay cậu, khiến cậu ngã xuống bất tĩnh vì nọc độc của rắn quá mạnh. Sau đó cha mẹ cậu thấy con bi rắn cắn, liền nâng con dậy đem đến vị ẩn sĩ kia, đặt cậu nằm dưới chân vị này và nói:
– Thưa Tôn giả, các bậc tu hành thường biết các cây thảo dược và bùa chú, xin Tôn giả chữa trị cho con chúng tôi.
– Ta đâu biết gì về thảo dược, ta chẳng làm nghề y sĩ bao giờ.
– Thưa Tôn giả, ngài là bậc tu hành xin thương xót thằng bé này và thực hiện một lời Nguyện cầu Chân thật.
– Ðược lắm – vị ẩn sĩ đáp – ta sẽ thực hiện một lời Nguyện cầu Chân thật.
Rồi vừa đặt đặt lên đầu Yannadatta, ông vừa ngâm vần kệ đầu:
Chẳng bao lâu khi lời Nguyện cầu Chân thật này được thực hiện, thì chất độc phóng ra từ ngực của Yannadatta và chui xuống đất. Cậu bé mở mắt nhìn cha mẹ và kêu:
– Mẹ ơi!
Rồi cậu quay người nằm im. Lúc ấy Hắc nhân Dìpàyana bảo người cha:
– Này, ta đã dùng hết khả năng của ta, nay đến thời bạn dùng khả năng của mình đi.
Người cha đáp:
– Vậy tôi sẽ thực hiện lời Nguyện cầu Chân thật.
Rồi vừa đặt tay lên ngực con trai, ông vừa ngâm vần kệ thứ hai:
Sau khi ông thực hiện lời Nguyện cầu Chân thật này, từ lưng cậu bé nọc độc xuất ra và chui xuống đất. Cậu ngồi dậy, nhưng chưa thể đứng lên được. Lúc ấy người cha bảo người mẹ:
– Này phu nhân, ta đã dùng hết khả năng của ta, bây giờ chính bà dùng năng lực của mình phát nguyện Lời Chân thật để làm cho con bà đứng lên và đi được.
Bà vợ đáp:
– Tôi cũng có một sự thật muốn nói ra, nhưng trước mặt quí vị tôi không thể nói được.
Ông bảo:
– Này phu nhân, hãy dùng hết mọi phương cách làm cho con ta bình phục.
Bà đáp:
– Thế thì tốt lắm.
Và lời Nguyện cầu Chân thật của bà được đưa ra trong vần kệ thứ ba:
Chẳng bao lâu lời Nguyện Cầu Chân thật này được thực hiện thì tất cả nọc độc đều tuôn ra và chui xuống đất. Yannadatta đứng dậy, toàn thân cậu đã được tẩy sạch hết chất độc, nên cậu bắtđầu chơi đùa. Khi cậu bé đã hồi tỉnh như thế xong, gia chủ Mandavya hỏi về tâm tư của Dìpàyana qua vần kệ thứ tư:
Ðể đáp lại lời này, vị kia ngâm vần kệ thứ năm:
Sau khi đã giải thích lối suy nghĩ của mình như vậy xong, vị này hỏi Mandavya lần nữa qua vần kệ thứ sáu:
Ðến lượt Mandavya giải thích ý tưởng mình qua vần kệ thứ bảy:
Sau khi nói xong, Mandavya hỏi vợ qua vần kệ thứ tám:
Bà vợ đáp qua vần kệ thứ chín:
Sau khi vừa nói điều này ra xong, một ý nghĩ chợt đến với bà: “Nay ta đã nói điều bí mật kia với chồng ta rồi, cái điều bí mật chưa hề bao giờ được nói ra cả! Chắc chàng sẽ giận ta lắm; vậy ta muốn được xin lỗi chàng ngay trước mặt vị ẩn sĩ này vốn là bạn chân tình của nhà ta!” Với mục đích trên, bà ngâm vần kệ thứ mười:
– Thôi phu nhân hãy đứng dậy đi – Mandavya nói – tôi tha lỗi cho bà rồi. Từ nay bà đừng vô tình với tôi nữa; rồi tôi sẽ không bao giờ buồn phiền gì bà đâu.
Còn Bồ-tát bảo Mandavya:
– Trong khi thu thập được nhiều của cải bất chính, rồi bạn lại phân phát bố thí rộng rãi, song không có lòng tin rằng hành động ấy là hạt giống an lành mang lại dị thục quả, như thế là bạn sai lần đấy. Trong tương lai, bạn hãy tin tưởng vào công đức của lễ vật bố thí, và bạn hãy bố thí cúng dường.
Vị gia chủ hứa làm như vậy, và đến phiên mình nói với Bồ-tát:
– Thưa Tôn giả, chính Tôn giả cũng sai lầm khi nhận lễ vật của chúng tôi cúng dường trên bước đường Thánh hạnh mà lòng không phát nguyện tu hành. Giờ đây để cho hạnh nghiệp của Tôn giả mang lại nhiều phước quả dồi dào, xin từ nay về sau Tôn giả tiến lên trong Thánh đạo với lòng an tịnh thanh thản và tràn đầy thiên lạc.
Rồi hai ông bà giã từ bậc Ðại sĩ và ra về.
Từ đó về sau, bà vợ thương yêu chồng mình, gia chủ Mandavya giữ tâm thanh tịnh, đem của cải bố thí với đầy đủ lòng tin; còn Bồ-tát xua tan hết lòng thối thất, và tu tập các Thắng trí thiền định nên được sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Khi Pháp thoại này chấm dứt, Bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Bấy giờ vào đoạn kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo thối thất đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy Ànanda là gia chủ Mandavya; Visàkhà (Tỳ-cá-khư) là bà vợ, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là Mandavya mang-cái-cọc, và Hắc nhân Dìpàyana chính là Ta.
-ooOoo-
Người ấy là ai, ta chẳng hay …,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Trúc Lâm về Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa).
Một bữa nọ, các Tỷ-kheo bảo vị này:
– Này hiền hữu Ðề-bà-đạt-đa, bậc Ðạo sư cứu độ hiền hữu rất nhiều! Từ bậc Ðạo Sư, hiền hữu đã thọ đủ Tiểu giới và Ðại giới; hiền hữu đã học Tam Tạng là tiếng nói của đức Phật; hiền hữu đã làm phát khởi Thiền định trong tâm hiền hữu; vinh quang là lợi lạc của đấng Thập Lực thuộc về hiền hữu.
Nghe vậy vị này liền đưa lên một cọng cỏ và nói:
– Ta không thấy một điều lợi lạc nào mà Sa-môn Gotama đã tạo cho ta cả, dù chỉ bằng cọng cỏ này.
Tăng chúng bàn tán việc ấy trong Chánh Pháp đường. Khi bậc Ðạo Sư bước vào, Ngài hỏi các vị ấy đang bàn luận điều gì trong lúc ngồi đó. Các vị trình lên Ngài, Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu, mà từ lâu cũng như bây giờ, Ðề-bà-đạt-đa đã vô ơn và phản bội thân hữu.
Rồi Ngài kể cho Tăng chúng một chuyện đời xưa:
*
Ngày xưa một vị Ðại vương danh hiệu là Magadha (Ma-kiệt-đà) cai trị ở thành Ràjagaha (Vương xá) .
Một thương nhân trong thành ấy cưới về nhà cho con trai mình một cô vợ, đó là con gái của một thương nhân ở thôn quê. Song nàng ấy không sinh sản gì. Theo thời gian, vì nguyên cớ đó, lòng kính trọng đối với nàng giảm đi; cả nhà thường nói chuyện cho nàng có thể nghe được như vầy:
– Khi có một người vợ không sinh sản trong nhà, con trai ta làm sao nối dõi tông đường được?
Khi chuyện này cứ đến tai nàng mãi, nàng tự nhủ: “được rồi, ta sẽ giả vờ mang thai để đánh lừa họ”.
Thế là nàng hỏi vú già tốt bụng của nàng:
– Ðàn bà có thai phải làm gì?
Và khi được chỉ bảo những điều cần làm để giữ gìn thai nhi, nàng dấu kín thời kỳ hành kinh của nàng, lại tỏ ý thích ăn các vị chua mới lạ. Vào lúc tay chân bắt đầu to lên, nàng nhờ chúng bạn đập vào tay chân, và lưng cho đến khi chúng sưng phồng lên; dần dần nàng bó quanh người nàng bằng giẻ vụn và vải làm cho thân thể có vẽ lớn dần; lại bôi đen hai đầu vú nàng, và chỉ trừ bà nhũ mẫu ấy ra, chẳng ai được phép ở bên nàng lúc nàng tắm rửa. Chồng nàng cũng tỏ ra chăm sóc nàng chu đáo cho phù hợp với hoàn cảnh ấy.
Sau chín tháng trôi qua trong cảnh này, nàng tỏ ý muốn trở về nhà sinh con trong nhà cha mẹ mình. Vì vậy nàng từ giã cha mẹ chồng, lên xe cùng một số gia nhân từ bỏ thành Vương Xá lại đằng sau, thẳng tiến lên đường.
Lúc bấy giờ trước mặt nàng có một đoàn xe ngựa đang du hành, và lúc nào nàng cũng đến vào khoảng giờ ăn điểm tâm ở địa điểm mà đoàn xe kia vừa mới ra đi. Vào một đêm kia, một người đàn bà nghèo khổ trong đoàn xe đã hạ sinh một con trai dưới gốc cây đa; và nghĩ rằng nếu không có đoàn xe ấy bà không thể đi thêm được nữa, song nếu bà sống, bà có thể nhận được hài nhi ấy, nên bà quấn nó lại, để nó nằm dưới gốc cây đa. Vị thần cây này săn sóc hài nhi: đó không phải là một đứa bé bình thường, mà chính là Bồ-tát đã xuất hiện ở đời trong hình thức ấy.
Vào giờ ăn sáng, đoàn lữ hành kia đến nơi đó. Còn nàng ấy cùng nhũ mẫu của nàng đi riêng ra chỗ bóng mát của cây đa để rửa ráy, chợt thấy hài nhi có màu vàng chói nằm đó. Lát sau, nàng gọi bà nhũ mẫu bảo rằng mục tiêu của họ đã đạt được rồi; nàng liền mở các lớp vải quấn bụng ra, tuyên bố hài nhi ấy là con nàng và nàng vừa mới sinh ra nó.
Các kẻ hầu cận lập tức dựng lều để dành chỗ ở riêng cho nàng, và vô cùng hân hoan gởi một lá thư về thành Vương Xá. Cha mẹ chồng nàng đáp thư lại rằng vì hài nhi đã ra đời nên nàng không cần phải trở về nhà cha nàng nữa, mà hãy quay lui. Vì vậy nàng lập tức trở về Vương Xá. Và giađình chồng thừa nhận hài nhi ấy nên khi hài nhi được đặt tên, họ đặt tên nó theo chốn nó ra đời, là Nigrodha Kumàra hay Cậu bé Ða.
Cùng ngày hôm ấy cô con dâu của một thương nhân trên đường về nhà cha ruột để sinh con, đã cho ra đời một bé trai dưới cành cây nên họ đặt tên nó là Sakka Kumàra hay Cậu Nhành. Và cùng ngày hôm đó, vợ của người thợ may làm việc cho thương nhân này lại sinh một con trai giữa đống vải vụn của nàng, họ nên đặt tên nó là Pottika hay Chú bé Nhồi bông.
Nhà đại phú thương cho đi tìm hai hài nhi ấy về, vì chúng sinh cùng một ngày với công tử Ða, và cho nuôi chúng với nhau.
Các đứa trẻ lớn lên, về sau đi đến Takkasilà để hoàn thành việc học tập. Cả hai nam tử con các thương nhân nhận được hai ngàn đồng để trả học phí cho thầy giáo, công tử Ða bảo trợ việc học tập cho Pottika.
Khi việc học hành đã hoàn tất, các ông từ giã thầy giáo và ra đi với ý định tìm hiểu phong tục dân quê, nên cứ ngao du mãi, vừa lúc đến thành Ba-la-nại, liền nằm xuống nghỉ ngơi, trong một ngôi đền thờ.
Khi ấy vua Ba-la-nại đã băng hà được bảy ngày rồi. Có tiếng trống lệnh loan báo khắp kinh thành rằng ngày mai sẽ có xe hoa hành lễ. Ba người bạn ấy đang nằm ngủ dưới gốc cây, vào tảng sáng, Pottika thức dậy, vừa ngồi vừa xoa bóp chân cậu Ða. Có vài con gà trống đang gáy trên cây ấy, con gà trên đọt cây làm rơi một cục phân trên con gà ở gần gốc cây. Con này hỏi:
– Cái gì rớt trên ta thế này?
Con kia đáp:
– Xin tôn ông đừng giận, ta không cố ý làm như vậy.
– Thế chú tưởng thân ta là chỗ để chú thả phân ra hay sao? Chú không biết giá trị của ta, điều ấy đã rõ quá!
Nghe vậy con gà kia đáp lại:
– Ô kìa, ngài cứ thịnh nộ mãi, dù ta đã nói là ta không cố ý làm việc đó. Thế xin cho biết giá trị của ngài ra sao?
– Hễ bất kỳ ai giết ta ăn thịt sẽ được một ngàn đồng tiền sáng nay. Ðó không phải là điều đáng tự hào hay sao?
– Úi chà! Úi chà! Gà kia đáp lại. Tự hào gì cái việc vặt vãnh ấy! Này, nếu cứ giết ta và ăn mỡ của ta sẽ trở thành vua ngay sáng nay. Còn nếu ăn thịt ở bụng sẽ thành đại tướng; ai ăn thịt ở ức sẽ thành quan giữ ngân khố.
Pottika nghe lọt hết mọi chuyện này. Cậu suy nghĩ: “Một ngàn đồng tiền…! Cái gì đây? Ðược làm vua là tuyệt nhất!”
Thế là nhẹ nhàng trèo lên cây, cậu nắm lấy con gà trống gáy trên đọt cây, giết nó đi và nướng gà trên than hồng, đem mỡ gà cho cậu Ða, thịt bụng cho cậu Nhành còn chính mình ăn thịt quanh xương ức. Khi đã ăn xong, cậu bảo:
– Thưa công tử Ða, hôm nay ngài sẽ làm vua; thưa công tử Nhành, hôm nay ngài sẽ làm đại tướng; còn tôi sẽ làm quan giữ kho báu.
Hai cậu kia hỏi làm thế nào biết được chuyện ấy, cậu liền kể lại hết.
Vì vậy vào khoảng giờ ăn buổi cơm sáng trong ngày, ba cậu vào thành Ba-la-nại. tại nhà một vị Bà-la-môn, các cậu được ăn một bữa cháo gạo, với bơ tươi và đường, rồi từ kinh thành các cậu vào ngự viên.
Cậu Ða nằm xuống một phiến đá, hai cậu kia nằm bên cạnh. Vừa lúc ấy dân chúng cử hành lễ rước xe hoa cùng với năm biểu tượng của vương quyền (kiếm, lọng, miện, hài, quạt) trên đó. (Các chi tiết câu chuyện này sẽ được tả trong câu chuyện Tiền thân Mahàjanaka, số 539, tập VI). Vương xa tiến vào và dừng lại, đứng sẵn sàng để các vị bước lên. “Chắc có một bậc Ðại nhân tài đức ở đây”. Viên quan tế lễ tự nhủ. Ông bước vào ngự viên, nhìn thấy cậu thanh niên này, rồi giở lớp vải dưới bàn chân cậu để quan sát các dấu hiệu trên đó. Ông bảo:
– Ô kìa, người này có số được làm vua toàn cõi Diêm phù-đề (Ấn Ðộ), chứ nói gì chỉ một thành Ba-la-nại.
Và ông ra lệnh cho chuông trống, thanh la nổi lên.
Cậu Ða thức dậy ném tấm vải trùm mặt ra, liền thấy một đám đông vây quanh cậu! Cậu quay nhìn quanh quẩn nằm im một lát rồi trở dậy ngồi xếp bằng đôi chân…Vị tế sư quỳ xuống bảo:
– Tâu Thần nhân, vương quốc này thuộc về ngài.
– Ðược rồi, cứ như vậy. Cậu đáp.
Vị tế sư liền đặt cậu ngồi trên một đống báu vật rồi làm lễ quán đảnh (rảy nước thánh), phong vương cho cậu.
Khi được phong vương như vậy rồi, vua ban chức Ðại tướng cho bạn Nhành, rồi vào kinh thành trong cảnh uy nghi trọng thể, còn Potika cũng đi vào với hai ông.
Từ ngày ấy trở về sau, bậc Ðại Sĩ cai trị rất đúng pháp tại Ba-la-nại.
Một ngày kia chợt nhớ đến song thân, ngài bảo tướng Nhành:
– Này hiền hữu, ta không thể sống thiếu cha mẹ được. Vậy hãy đem một đoàn người về tìm song thân ta.
Song tướng Nhành từ chối:
– Ðó không phải là việc của hạ thần. Ông bảo.
Sau đó ngài bảo Pottika làm việc ấy. Pottika tuân lệnh lên đường tiến về nhà song thân của vua Ða, nói cho hai vị biết là con trai của họ đã lên làm vua, và mong họ đến ở với ngài. Song họ từ chối, bảo rằng họ đã có cả thế lực lẫn giàu sang rồi, đầy đủ như vậy, họ không muốn đi nữa. Chàng cũng đi mời song thân tướng Nhành đến triều, nhưng họ cũng chỉ thích ở lại đấy hơn; và đến khi chàng về mời chính song thân mình, họ bảo:
– Chúng ta sống bằng nghề may vá, thế đủ rồi, đủ rồi.
Và họ cũng từ chối như các người kia.
Vì chàng không đáp ứng nguyện vọng các vị lão thân, chàng đành trở về Ba-la-nại. Chàng nghĩ rằng sẽ về và nghỉ ngơi cho đỡ mệt nhọc vì cuộc hành trình tại nhà vị Ðại tướng trước khi yết kiến vua Ða, liền đến nhà kia. Chàng bảo người canh cổng:
– Xin báo cho Ðại tướng biết thân hữu Pottika đến đây.
Người ấy tuân lệnh. Song tướng Nhành vẫn mang mối hiềm hận đối với chàng, vì tướng ấy bảo chàng kia đã giao vương quyền cho thân hữu Ða thay vì chính mình cho nên khi nghe lời nhắn này, tướng quân nổi cơn thịnh nộ:
– Thân hữu như vậy ư? Ai là thân hữu của nó? Nó chỉ là thằng thô tục, hạ đẳng, ngu ngốc. Hãy tóm lấy nó ngay!
Thế là chúng đánh đá chàng, nện nhừ tử bằng chân cẳng, cùi chỏ một trận nên thân, rồi tóm cổ chàng quẳng ra đường.
Chàng suy nghĩ: “Nhành được chức vụ Ðại tướng nhờ ta, thế mà nay nó phản bội, độc ác, đã đánh đập ta rồi quẳng ta ra đường. Song còn bạn Ða là bậc hiền nhân, biết ân nghĩa và lương thiện, và ta sẽ đi gặp bạn ấy.”
Thế là chàng đến cửa cung, đưa tin vào nhà vua rằng thân hữu của ngài là Pottika đang chờ ở cửa.
Vua mời chàng vào, khi thấy chàng đến gần, ngài liền đứng dậy, tiến đến đón chàng, chào hỏi rất thân thiết; ngài ra lệnh cạo râu tóc và chăm sóc chàng chu đáo rồi trang điểm cho chàng bằng các loại ngọc vàng, đãi tiệc chàng đầy đủ thức cao lương mỹ vị. Xong xuôi nhà vua lại ân cần ngồi bên chàng hỏi thăm song thân mình, chàng tường trình cho ngài biết hai vị đó từ chối việc đến đây ở.
Lúc bấy giờ tướng Nhành thầm nghĩ:” Chắc Pottika sẽ phỉ báng ta vào tai đức vua, song nếu ta đến bên ngài, gã sẽ không thể nói được.” Vì thế chàng này cũng đến đó. Còn Pottika, dù có Nhành hiện diện, vẫn tâu với vua:
– Tâu chúa thượng, khi hạ thần mệt nhọc vì đường xa, đã đến nhà tướng Nhành, hy vọng nghỉ ngơi tại đó trước rồi đến yết kiến ngài sau. Song tướng Nhành bảo: “Ta chẳng biết gã đó!” Rồi đối xử tàn tệ với hạ thần, và tóm cổ hạ thần quẳng ra ngoài! Xin Chúa thượng tin lời hạ thần nói.
Cùng với các lời này, chàng ngâm ba vần kệ:
Nghe những lời này, vua Ða liền ngâm bốn vần kệ
Trong khi vua Ða ngâm kệ trên, tướng Nhành đứng im tại chỗ. Sau đó vua hỏi:
– Nào bạn Nhành, bạn có nhận ra anh chàng Pottika này không?
Gã đành câm lặng. Vua liền truyền xử gã này qua những lời của vần kệ thứ tám:
Sau khi Pottika nghe nói vậy, liền suy nghĩ trong lòng: “Chớ nên để kẻ ngu si này chết vì ta!” nên chàng ngâm vần kệ thứ chín:
Khi vua nghe vậy, ngài tha tội cho Nhành; và ngài muốn ban chức Ðại tướng cho Potika, song chàng không nhận. Rồi vua phong chàng chức Chưởng khố, và với chức vụ đó, chàng xét xử cácđám thương nhân. Trước kia chẳng có chức vụ đó, song chức vụ này tồn tại từ đây về sau. Dần dần với thời gian, quan Chưởng khố Pottika được phước đầy đủ con trai con gái, đã ngâm vần kệ cuối cùng để giáo hóa các con:
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư bảo:
– Như vậy, này các Tỳ kheo, các ông thấy rằng trước kia Ðề bà đạt đa cũng đã vô ơn bạc nghĩa rồi.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Vào thời đó, Ðề-bà-đạt-đa là Sàkha, Ànanda là Pottika, và Nigrodha chính là Ta.
-ooOoo-
Chẳng rau để luộc, cũng không hành…,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một cư sĩ phụng dưỡng cha mình.
Chuyện kể rằng người này tái sinh vào một gia đình nghèo khó. Sau khi mẹ mất, chàng thường dậy sớm vào buổi sáng và soạn tăm xỉa răng cùng nước súc miệng, sau đó đi làm thuê hay cày ruộng ngoài đồng, chàng thường nấu cháo gạo nuôi cha theo phong cách phù hợp hoàn cảnh mình. Cha chàng bảo:
– Này con, con phải làm mọi việc từ trong nhà ra ngoài đường. Thôi để cha kiếm vợ cho con, nàng ấy sẽ làm việc nhà thay con.
Chàng đáp:
– Thưa cha, nếu có đàn bà đến nhà này, họ sẽ không làm cha con ta yên tâm được đâu. Xin cha đừng mơ tưởng chuyện đó nữa. Khi cha còn sống, con muốn phụng dưỡng cha, và khi cha từ trần, con sẽ biết việc gì cần làm.
Song người cha đi kiếm về một cô gái, dù con mình không muốn, và nàng ấy lo chăm sóc chồng và cha chồng; tuy vậy, nàng là người hèn hạ. Lúc bấy giờ chồng nàng hài lòng vì nàng đã săn sóc cha chàng, và bất cứ món gì chàng tìm được để làm nàng vui lòng, chàng đều đem về cho nàng và nàng đưa cho cha chồng. Rồi có lúc người đàn bà ấy suy nghĩ: “Bất cứ cái gì chồng ta kiếm được đều đem cho ta, chứ không cho cha chàng chút nào cả. Rõ ràng là chàng chẳng quan tâm gì đến cha. Ta phải tìm cách gây xích mích giữa ông già và chàng, rồi ta sẽ đuổi ông già ra khỏi nhà.”
Vì thế từ đó, nàng bắt đầu đem nước quá lạnh hoặc quá nóng cho ông lão, thức ăn thì nàng bỏ muối quá nhiều hoặc chẳng bỏ chút muối nào, cơm nàng nấu cứng ngắc hoặc mềm nhão; nàng cố làm đủ mọi thứ như vậy để khiêu khích ông lão. Rồi khi ông lão tức giận, nàng mắng lại:
– Ai hầu nổi một ông già như thế này?
Nàng vừa nói vừa gây chuyện ồn ào. Nàng khạc nhổ khắp mặt đất rồi thức chồng nàng dậy và bảo:
– Xem kìa, cha chàng làm thế đó! Thiếp mãi van xin cha đừng làm thế này thế nọ, mà cha chỉ nổi giận. Hoặc cha chàng, hoặc thiếp phải đi ra khỏi nhà này.
Lúc ấy người chồng bảo:
– Này nàng, nàng còn trẻ, nàng muốn ở đâu tùy ý, song cha ta đã già, nếu nàng không thích ông cụ, thì nàng cứ đi khỏi nhà.
Lời nói ấy khiến nàng khiếp sợ. Nàng quỳ xuống chân ông lão xin ông thứ lỗi và hứa từ nay sẽ không làm thế nữa, rồi lại bắt đầu săn sóc ông lão như trước kia.
Vị cư sĩ đáng trọng ấy trước tiên quá lo âu vì cách đối xử của nàng, nên bỏ việc đến yết kiến bậc Ðạo Sư để nghe thuyết Pháp, song khi nàng đã hồi tâm, chàng lại đến. Bậc Ðạo Sư hỏi tại sao chàng không đến nghe Ngài thuyết giảng bảy tám ngày nay. Chàng kể lại mọi việc xảy ra. Bậc Ðạo Sư bảo:
– Lần này, ông không chịu nghe vợ, và không đuổi cha ra khỏi nhà, nhưng trong một đời quá khứ, ông làm theo lời vợ bảo, đã đem cha ra bỏ trong một nghĩa địa và đào cho ông lão một cái hố. Vào thời kỳ ông sắp giết cha, Ta được bảy tuổi và nhờ ta kể công đức cha mẹ và cản ông khỏi tội giết cha. Thời đó ông đã nghe lời Ta, và nhờ việc săn sóc cha trong lúc ông lão còn sống mà ông được sinh lên Thiên giới. Thời ấy Ta đã thuyết giảng và báo cho ông biết trước để đừng bỏ rơi cha khi sinh vào một đời khác; vì duyên cớ này nên ngày nay ông không chịu nghe theo lời người đàn bà kia bảo, và cha ông không bị giết hại.
Nói vậy xong, theo lời thỉnh cầu của người ấy, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahamadatta trị vì ở Ba-la-nại, trong một làng kia ở Kàsi, một gia đình nọ có một con trai duy nhất tên gọi Vasitthaka. Chàng này nuôi nấng cha mẹ, và sau khi mẹ mất, chàng phụng dưỡng cha như đã tả ở phần đầu. Nhưng có chỗ khác ở đây là: Khi người đàn bà bảo: “Nhìn kia kìa! Cha chàng làm thế đó, thiếp cứ mãi van xin cha chàng đừng làm thế này thế nọ, cha chỉ nổi giận”, nàng lại nói tiếp:
– Này phu quân, cha chàng hung dữ, độc ác lắm, vì cứ mãi gây sự cãi vã. Một lão già lụ khụ như vậy, lại bị bệnh hoạn giày vò, sắp chết đến nơi rồi, nên thiếp không thể ở cùng nhà với ông lão được. Trước sau gì ông lão cũng chết già thôi, vậy chàng hãy đem ông lão ra nghĩa địa, đào hố ném ông vào và lấy cái cuốc đập đầu ông đi; khi ông chết rồi hãy xúc đất lấp hố lại, và để mặc đó.
Cuối cùng, vì cứ nghe mãi những lời đinh tai nhức óc, chàng bảo:
– Này nàng ơi, giết người là việc hệ trọng, bằng cách nào ta có thể làm thế được?
Vợ đáp:
– Thiếp sẽ chỉ cho chàng một cách.
– Vậy cứ nói đi.
– Nào, phu quân, rạng ngày mai, hãy đến nơi cha chàng ngủ, nói thật lớn với ông lão để mọi người đều nghe được, rằng có một con nợ của cha ở một làng kia mà chàng đã đến gặp, nhưng gã không chịu trả tiền cho chàng. Nếu ông lão chết, thì gã ấy chẳng bao giờ trả nợ nữa. Vậy hãy nói rằng hai cha con sẽ cùng lái xe đến đó vào buổi sáng, rồi đến giờ đã định, chàng hãy cột đôi bò vào xe, đưa ông lão đến nghĩa địa. Khi chàng đến đó, hãy chôn ông vào cái hố và la to lên như thể chàng bị cướp giữa đường và bị thương, rồi gội đầu mà ra về.
Chàng bằng lòng làm theo lời bàn ấy và sắp sẵn chiếc xe bò lên đường. Lúc bấy giờ người ấy có một con trai lên bảy tuổi, nhưng rất khôn ngoan và thông minh. Cậu bé nghe lọt những chuyện mẹ nói, và nghĩ thầm: “Mẹ ta thật là một ác phụ, đang cố thuyết phục cha ta giết ông nội. Ta muốn ngăn cản cha ta khỏi tội giết người này.”
Cậu ta liền chạy nhanh đến nằm cạnh ông nội. Vào giờ phút người vợ dặn dò, Vasitthaka đã sắp sẵn chiếc xe bò. Chàng bảo:
– Cha ơi, dậy đi, ta đi đòi nợ.
Rồi chàng đặt cha ngồi vào xe. Song cậu bé ngồi vào xe trước tiên. Vasitthaka không thể cản conđược, nên cùng đem cậu đi ra nghĩa địa với họ. Sau đó, đem cha già và con trai ra để ngồi riêng một nơi với chiếc xe, còn chàng bước xuống lấy cuốc và cái giỏ đến một nơi, dấu mình cho họ khỏi thấy rồi bắt đầu đào một lỗ vuông lớn. Cậu bé đi xuống theo cha và làm như thể không biết việc gì đang xảy ra, cậu ngâm vần kệ đầu tiên để mở lời:
Rồi cha cậu đáp lại bằng cách ngâm vần kệ thứ hai:
Nghe thế, cậu bé đáp lại qua nửa vần kệ:
Cha cầu việc ấy, tội đà gây,
Vì việc làm này độc ác thay!
Cùng với những lời trên, cậu bé chụp lấy cái cuốc từ tay cha cậu và bắt đầu đào một hố khác không xa đó mấy.
Cha cậu liền đến gần hỏi tại sao con đào hố đó, cậu đáp lại bằng cách ngâm hết vần kệ thứ ba:
Người cha đáp lại qua kệ thứ tư:
Khi người cha nói vậy xong, cậu bé khôn ngoan ngâm ba vần kệ, một để đáp lời và hai để làm thành khúc thánh đạo ca:
Người cha sau khi con thuyết giáo, liền ngâm vần kệ thứ tám:
Khi nghe vậy, cậu bé bảo:
– Thưa cha, đàn bà hễ khi làm việc ác mà không bị khiển trách, thì còn tái phạm mãi. Vậy cha phải uốn nắn mẹ con để cho mẹ sẽ chẳng bao giờ làm lại một việc như vậy.
Rồi cậu ngâm vần kệ thứ chín:
Nghe lời đứa con khôn ngoan, Vasittha rất hoan hỷ bảo:
– Nào ta đi con!
Chàng lại ngồi vào xe bò với cha và con mình.
Lúc bấy giờ người đàn bàn gây tội ác ấy cũng sung sướng lắm vì tưởng rằng đã tống được con người xui xẻo ra khỏi nhà rồi. Nàng trét đầy phân bò ướt trên sàn và nấu một mẻ cháo gạo. Song khi nàng ngồi trông ra con đường mà họ sẽ trở về, nàng thấy họ đang tiến đến: “Kìa chàng ta đã về, lại có lão già xui xẻo ấy nữa”. Nàng suy nghĩ, lòng đầy tức giận: “Hừ! Ðồ vô dụng”. Nàng la lớn:
– Sao, đem về cái của nợ chàng đã mang đi vứt ấy à?
Vasittha không nói một lời, và mở tháo dây chiếc xe bò ra. Rồi chàng bảo:
– Cô nói gì thế?
Chàng đánh cho nàng một trận nên thân, rồi chụp đầu nàng tống ra khỏi cửa, cấm nàng đừng bao giờ đến làm bẩn cửa nhà chàng nữa. Rồi chàng tắm cho cha và con, chính chàng cũng tắm luôn, và cả ba ngồi ăn cháo gạo. Còn người đàn bà độc ác liền đến ở nhà khác vài ngày.
Sau đó cậu bé bảo cha:
– Cha ơi, về việc này mẹ con chưa hiểu đâu. Bây giờ ta thử chọc tức bà ấy đi. Cha tung tin trong làng kia có cô cháu gái của cha, muốn săn sóc cha, ông và con, vì vậy cha định đem cô ấy về, rồi cha lấy hoa tươi và dầu thơm để lên xe, và cứ đi quanh vùng suốt ngày đến tối mới về nhà.
Chàng làm theo như vậy. Những bọn đàn bà trong xóm nhà chàng đến bảo nàng:
– Chị có nghe nói chồng chị đã đi kiếm một cô vợ khác ở một chỗ nào đó chăng?
Nàng kêu lên:
– Ôi thế là ta tàn đời rồi, chẳng còn chỗ nào dành cho ta cả!
Nhưng nàng muốn hỏi thăm con nàng, vì thế nàng vội vã đi tìm con, sụp xuống chân nó, kêu khóc lên:
– Trừ con ra, mẹ chẳng có nơi đâu nương tựa nữa! Từ nay về sau mẹ cố quyết chăm sóc cha con và ông nội như thể chăm sóc ngôi bảo tháp tuyệt đẹp vậy. Cho mẹ vào nhà lần nữa đi con!
– Vâng thưa mẹ – Cậu đáp – Nếu mẹ không làm gì như trước thì con sẽ để mẹ vào, thôi mẹ hãy vui lên nào.
Và khi cha cậu về, cậu ngâm vần kệ thứ mười:
Cậu nói thế với cha xong, liền đi gọi mẹ cậu vào. Nàng làm lành với chồng và cha chồng xong, từđó tánh tình thuần thục tràn đầy đức độ chân chính, và săn sóc cả cha, chồng cùng con chu đáo. Cả hai vợ chồng cương quyết theo lời con khuyên nhủ, chuyên bố thí và làm các thiện sự, rồi được sinh lên cộng trú với Thiên chúng.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, người con hiếu thảo được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ hai cha con và nàng dâu ấy cũng là những người này, còn cậu bé khôn ngoan ấy chính là Ta.
-ooOoo-
Tục lệ nào hay Thánh đạo nào…,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể sau khi Ngài đã thành bậc Chánh Ðẳng Giác, trong chuyến thăm viếng Kapilapura lần đầu tiên, Ngài trú ngụ tại Bồ-đề Lâm (Rừng cây Ða), và nói về việc phụ vương không chịu tin lời đồn.
Vào lúc ấy, chuyện kể rằng Ðại vương Suddhodana (Tịnh Phạn), sau khi cúng dường một buổi tại cung điện của ngài cho đức Phật dẫn đầu hai mươi ngàn vị Tỷ-kheo, suốt buổi trò chuyện với Ðức Phật rất vui vẻ, và nói:
– Bạch Thế Tôn, trong thời gian Thế Tôn hành trì khổ hạnh, có vài thần nhân đến gặp ta, đứng trên không và bảo: “Thái tử Siddhattha (Sĩ-đạt-ta), Vương tử của Ðại vương đã chết đói”.
Bậc Ðạo Sư liền hỏi:
– Tâu Ðại vương, thế Ðại vương có tin chuyện đó không?
– Bạch Thế Tôn, ta không tin. Ngay cả khi các thần nhân đến, bay lượn trên không và bảo ta như vậy, ta cũng không tin, mà còn bảo rằng Vương tử của ta không chết được cho đến khi chứng đắc Chánh đẳng Chánh giác dưới gốc cây Bồ-đề.
Bậc Ðạo Sư bảo:
– Tâu Ðại vương, xưa kia, vào thời Mahà Dhammapàla, ngay khi một vị giáo sư lừng danh thiên hạ đến bảo: “Con ngài đã chết, đây là xương của chàng”, Ðại vương cũng không tin và bảo: “Trong gia tộc ta, bọn chúng không bao giờ chết trẻ”. Vậy thì làm sao bây giờ Ðại vương tin được?
Rồi theo lời thỉnh cầu của phụ vương, bậc Ðạo Sư kể một chuyện ngày xưa.
*
Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta làm vua tại Ba-la-nại, trong nước Kàsi có một ngôi làng tên là Dhammapàla, nó mang tên này vì có gia tộc một vị Dhammapàla, nghĩa là Hộ Pháp, cư ngụ tại đó. Do hành trì Mười Thiện đạo, vị Bà-la-môn ấy nổi tiếng ở vùng mình cư trú là một vị Hộ Pháp (Dhammapàla). Trong nhà vị ấy, ngay cả các tôi tớ cũng bố thí, tôn trọng đạo đức và giữ ngày trai giới.
Thời ấy, Bồ-tát tái sinh vào gia đình trên, vị gia chủ đặt tên ngài là Nam tử Hộ Pháp (Dhammapàla Kumàra). Vừa khi đến tuổi khôn lớn, cha chàng trao cho chàng một ngàn đồng vàng, và gửi chàng đến học ở Takkasilà. Chàng đến đó, học tập với một vị giáo sư lừng danh thế giới và trở thành đệ tử trưởng trong hội chúng gồm năm trăm nam tử.
Vào lúc ấy, trưởng nam của vị giáo sư từ trần, và vị giáo sư được đám đệ tử vây quanh, giữa các bà con quyến thuộc, vừa than khóc vừa cử hành tang lễ con trai trong nghĩa địa. Lúc ấy, vị giáo sư cùng thân bằng quyến thuộc và tất cả các đồ đệ đều than khóc kêu gào, chỉ riêng Dhammapàla không khóc cũng chẳng than. Sau khi năm trăm nam tử từ nghĩa địa về, họ ngồi xuống trước vị giáo sư và nói:
– Ôi, chàng trai thật tốt đẹp, non trẻ thế mà phải chia lìa cha mẹ trong tuổi thanh xuân!
Dhammapàla đáp:
– Non trẻ thay, đúng như các hiền hữu nói! Này, tại sao chàng chết ở tuổi thanh xuân? Trẻ con phải chết lúc còn niên thiếu thật là chẳng hợp lý chút nào.
Chúng bạn liền đáp lại:
– Này Tôn giả, thế Tôn giả không biết rằng những người dù trẻ như vậy cũng phải chịu chết sao?
– Ta biết điều ấy lắm, nhưng lúc còn non trẻ, chúng không chết; người ta chết lúc người ta già.
– Thế không phải mọi pháp hữu vi đều giả tạm nhất thời hay sao?
– Chúng thật là giả tạm, đúng vậy, nhưng lúc tuổi còn niên thiếu, con người không chết, chỉ khi già người ta mới chết thôi.
– Ồ, thế đó là tục lệ trong gia tộc ngài sao?
– Phải, đó là tục lệ của gia tộc ta.
Bọn thanh niên liền kể câu chuyện này cho vị giáo sư ấy nghe. Ông cho gọi Dhammapàla đến, hỏi chàng:
– Này Dhammapàla, có phải trong gia tộc con chẳng có người nào chết trẻ chăng?
– Thưa thầy, chính phải, đúng như vậy. Chàng đáp.
Nghe nói thế, vị giáo sư nghĩ thầm: “Chàng nói chuyện này thật hi hữu lắm thay! Ta muốn lên đường tới gặp cha chàng và hỏi chuyện ấy, nếu quả thực vậy, ta sống theo giới luật chân chánh kia.”
Thế là sau khi đã làm xong mọi việc cần làm cho cậu trưởng nam, khoảng bảy tám ngày sau đó, ông cho gọi Dhammapàla đến bảo:
– Này con, ta sắp đi xa nhà, vậy lúc ta đi vắng, con phải dạy bảo các đệ tử của ta.
Nói thế xong, ông đi tìm xương của một con dê rừng, rửa sạch và ướp hương, rồi đặt vào giỏ, sau đó mang theo mình một chú tiểu đồng, ông rời Takkasilà dần dần đi đến làng kia, tại đó ông hỏi đường đi đến nhà vị Ðại Hộ Pháp và dừng lại ở cửa.
Người đầy tớ đầu tiên của vị Bà-la-môn trông thấy vị này, dù đó là ai, cũng cất dù từ tay ông, cởi giày, cầm lấy túi xách trên tay tiểu đồng. Ông nhờ báo với thân phụ chàng rằng đây là giáo sư của nam tử Dhammapàla đang đứng ở cửa.
– Tốt lành thay!
Các gia nhân nói, rồi đi mời vị thân sinh ra gặp ông. Vị thân sinh vội vã đến thềm và nói:
– Xin mời vào.
Và ông dẫn đường vào nhà mình. Vừa mời khách ngồi xuống tọa sàng, và ông làm bổn phận của chủ nhân như rửa chân vị kia v.v…
Khi vị giáo sư đã dùng cơm xong, và hai vị ngồi đàm đạo thân thiết với nhau, vị giáo sư bảo:
– Này Tôn giả Bà-la-môn, nam tử Dhammapàla của ngài có trí tuệ sáng suốt, tinh thông ba tập Vệ-đà và mười tám công trình học thuật, nhân vì rủi ro đã mất mạng. Các pháp hữu vi đều giả tạm, xin ngài chớ đau buồn vì chàng.
Vị Bà-la-môn vỗ tay cười lớn.
– Tại sao ngài cười, thưa Tôn giả Bà-la-môn? Vị giáo sư hỏi.
Vị này đáp:
– Bởi vì không phải con tôi chết đâu; chắc là người khác.
Vị kia nói:
– Không đâu, thưa Tôn giả Bà-la-môn, chính con trai ngài chết chớ không phải người khác. Hãy nhìn kỹ xương chàng đây và tin tôi.
Nói thế xong, ông dở đống xương ra và nói:
– Ðây là xương con trai ngài.
Người cha đáp:
– Có lẽ xương dê rừng hay xương chó, chứ con trai tôi không chết được. Trong gia tộc ta bảy đời nay chưa hề xảy ra chuyện như là chết lúc tuổi còn non; vậy ngài đang nói sai sự thật.
Rồi cả nhà cùng vỗ tay và cười lớn.
Khi thấy việc kỳ diệu như thế, vị giáo sư rất hoan hỷ nói:
– Thưa Tôn giả Bà-la-môn, lề lối này trong gia tộc ngài không phải là không có nguyên nhân, đó là đám thanh niên không hề chết yểu. Tại sao các ngài không chết yểu?
Ông hỏi bằng cách ngâm vần kệ đầu:
Lúc ấy vị Bà-la-môn giải thích những công đức gì đã đem lại kết quả là trong gia tộc mình không ai chết trẻ cả, ông ngâm các vần kệ sau:
Và cuối cùng, qua hai vần kệ này, ngài tuyên thuyết thiện nghiệp của những người bước trên đường chân chánh:
Khi nghe vậy, vị giáo sư đáp:
– Cuộc hành trình của ta thật an lạc lắm thay, nó mang lại nhiều kết quả, chứ không phải là không có kết quả!
Ðang lúc lòng đầy hoan hỷ, ông xin lỗi thân sinh Dhammapàla và nói thêm:
– Ta đến đây và mang theo mình một đống xương dê rừng, cố ý để thử ngài. Chứ con trai của ngài hiện đang bình yên mạnh khỏe. Xin ngài truyền cho ta những điều luật bảo tồn cuộc sống của gia tộc ngài.
Lúc ấy vị kia viết quy luật ấy vào một ngọn lá. Sau khi lưu lại chỗ đó vài ngày, vị thầy trở về Takkasilà và khi đã dạy cho Dhammapàla đủ mọi tài nghệ và học thuật xong, ông cho phép chàng ra về cùng với một đoàn tùy tùng đông đảo.
*
Khi bậc Ðạo Sư đã thuyết Pháp thoại như vậy cho Ðại vương Suddhodana xong, Ngài tuyên thuyết các Sự Thật. Bấy giờ vào lúc kết thúc các Sự Thật, vị Ðại vương được an trú vào Tam quả (Bất Lai).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy, người cha và người mẹ là hoàng tộc của Ðại vương ngày nay, vị giáo sư là Sàriputta (Xá-lợi-phất), đám tùy tùng là các đệ tử đức Phật, và Ta chính là nam tử Hộ Pháp.
-ooOoo-
Chớ đặt lòng tin bọn dối lừa…,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Veluvana (Trúc Lâm) về vấn đề mưu toan sát hại.
Trong Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo đang bàn luận bản chất độc ác của Ðề-bà-đạt-đa:
– Này các Hiền giả, lạ quá, Ðề-bà-đạt-đa đang mưu toan sát hại đấng Thập Lực bằng cách mua chuộc đám xạ thủ và nhiều người khác.
Bậc Ðạo Sư bước vào hỏi:
– Này, các Tỷ-kheo, các ông đang nói chuyện gì trong lúc ngồi với nhau tại đây?
Tăng chúng trình với Ngài. Ngài đáp:
– Ðây không phải là lần đầu người ấy toan hành thích Ta, mà đã có lần như vậy ngày xưa.
Rồi Ngài kể cho Tăng chúng một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, tại Kosambi (Kiều-thưởng-di: một kinh thành trên sông Hằng), có một vị vua cai trị mệnh danh là Kosambaka. Vào thời ấy, Bồ-tát đầu thai làm con của một gà mái sống trong một rừng tre, sau đó làm chúa cả đàn gà hàng trăm con trong rừng. Không xa đó, có một con Diều hâu tìm cơ hội bắt từng con gà trong đàn và ăn thịt, dần dần nó ăn hết mọi con gà, chỉ còn Bồ-tát một mình sống sót. Song ngài rất thận trọng trong lúc kiếm mồi, và sống trong một rừng tre rậm. Tại đây Diều hâu không thể nào đến gần được, vì thế nó bắt đầu suy tính lập mưu gì để dụ dỗ ngài mà bắt lấy.
Sau đó nó đậu trên một cành cây gần đó, và gọi:
– Này Kê hiền hữu, chuyện gì khiến ngài sợ ta? Ta mong muốn kết bạn với ngài. Giờ đây ở một nơi kia (nó nói tên nơi đó) có đầy thức ăn, chúng ta hãy cùng nhau đến đó ăn và sống bầu bạn với nhau.
– Không, thưa Tôn ông tốt bụng! Bồ-tát đáp. Giữa ngài và ta không thể có tình bằng hữu được, xin hãy đi đi.
– Thưa Tôn giả, vì các tội ác trước đây của ta, nên ngài không thể tin ta bây giờ, nhưng ta hứa với ngài rằng ta sẽ chẳng bao giờ làm như vậy nữa.
– Không, ta không muốn có bạn như vậy, hãy đi nơi khác, ta nói rồi đấy.
Ðến lần thứ ba, Bồ-tát từ chối:
– Với một người hay vật có những đặc tính như vậy – ngài bảo – chẳng bao giờ nên kết tình bằng hữu cả.
Rồi Ngài làm cho cả khu rừng rộng vang dội nên các vị thần hoan nghênh trong lúc ngài cảm hứng nói lên bài Pháp này:
Bảy vần kệ này được vị Kê vương ngâm lên. Rồi vần kệ tiếp theo được vị Pháp vương đọc, đây là những lời phát xuất từ Trí tuệ của bậc Chánh Ðẳng Giác:
*
Và một lần nữa, sau khi ngâm các vần kệ này, Gà gọi Diều hâu lại khiển trách nó và bảo:
– Nếu ngài tiếp tục ở chốn này, ta sẽ biết việc cần phải làm.
Do đó Diều hâu đành bay đến nơi khác.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư bảo:
– Này các Tỷ-kheo, ngày xưa cũng như bây giờ, Ðề-bà-đạt-đa đã mưu toan sát hại Ta.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy Ðề-bà-đạt-đa là Diều hâu và Ta chính là Kê vương.
-ooOoo-
Sao giữa rừng này có cậu trai…,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một địa chủ có con trai mới chết.
Tại Xá-vệ, ta được biết thần chết đã cướp mất cậu trai thân yêu của một người địa chủ thường đến cúng dường đức Phật. Quá sầu muộn vì con, người ấy chẳng rửa mặt mày ăn uống gì cả, cũng chẳng đi làm công việc của mình hay đi phụng sự đức Phật mà chỉ kêu khóc:
– Ôi! Con yêu quí! Con đã bỏ ta mà đi trước rồi!
Vào sáng sớm, khi bậc Ðạo Sư nhìn xuống trần gian, Ngài nhận thấy ngườI này đã chín muồi công hạnh để chứng đắc quả Dự Lưu. Vì vậy ngày hôm sau, khi đã dẫn các đệ tử đi suốt kinh thành Xá-vệ để khất thực, và thọ dụng bữa cơm xong, Ngài bảo các đệ tử đi nơi khác, còn Ngàiđược Tôn giả Ànanda theo hầu, đi đến nơi người này ở. Bọn gia nhân báo tin cho vị chủ đất biết bậc Ðạo Sư đã đến, sau đó họ sắp đặt sàng tọa và mời Bậc Ðạo Sư ngồi xuống, rồi dẫn chủ nhàđến yết kiến Bậc Ðạo Sư.
Sau khi người ấy đảnh lễ Ngài xong và ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư nói bằng giọng dịu dàngđầy từ mẫn:
– Này cư sĩ, có phải ông vẫn đang đau buồn vì đứa con trai duy nhất chăng?
Ông đáp:
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này cư sĩ, đã lâu, lâu lắm rồi, các người có trí đi lang thang nặng trĩu đau buồn vì cái chết của đứa con trai, đã nghe được lời các bậc hiền nhân và hiểu rõ rằng không gì có thể đem lại người đã mất, nên không còn thấy buồn rầu nữa, dù chỉ một chút thôi.
Nói vậy xong, theo lời thỉnh cầu của người ấy, Bậc Ðạo Sư kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, cậu con trai của một vị Bà-la-môn rất giàu có, khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, lâm bệnh nặng và khi chết, được tái sinh vào cõi chư Thiên. Từ lúc con trai chết, người Bà-la-môn thường đi đến nghĩa địa và than khóc, rồi đi quanh đống tro tàn; bỏ các phận sự dở dang, ông cứ lang thang với tâm tư nặng trĩu u sầu.
Một vị Thiên tử, khi đi dạo thấy vậy, liền lập mưu để an ủi khổ đau của người kia. Chàng đến nghĩa địa lúc người này đang sầu bi, giả dạng làm chính con trai vị ấy và tô điểm đủ mọi thứ trang sức, chàng đứng một bên, vừa ôm đầu trong hai tay vừa than khóc kêu gào. Vị Bà-la-môn nghe tiếng động và nhìn lên, lòng tràn đầy yêu thương đối với con trai mình, liền dừng lại trước chàng và nói:
– Này con yêu quí, tại sao con đứng khóc giữa nghĩa địa này?
Ông đặt câu hỏi qua vần kệ sau:
Lúc ấy chàng trai kể chuyện mình bằng cách ngâm vần kệ thứ hai:
Vị Bà-la-môn nghe vậy liền ngâm vần kệ thứ ba:
Lúc bấy giờ chính Bậc Ðạo Sư với Trí tuệ Tối thắng của Ngài, sau khi nghe vần kệ do chàng trai ngâm xong, liền ngâm câu đầu của một vần kệ khác:
Lập tức vị kia tiếp:
Thế rồi:
Chàng trai nói vậy xong, vị Bà-la-môn tỉnh ngộ, liền ngâm kệ:
Lúc ấy vị Bà-la-môn được an ủi nhờ lời lẽ của chàng trai kia, liền cám ơn chàng bằng cách ngâm các vần kệ cuối cùng:
Lúc ấy chàng trai bảo:
– Này, ngài Bà-la-môn, ta chính là người con trai mà ngài đang thương khóc, ta đã được tái sinh vào cõi chư Thiên. Vậy từ đây xin đừng sầu muộn vì ta nữa, mà hãy bố thí, hành trì giới đức và giữ ngày trai giới.
Với lời khuyến giáo này, chàng trở về cõi của mình. Còn vị Bà-la-môn tuân theo lời khuyên của chàng, nên sau khi làm nhiều công đức bố thí và các thiện sự khác, ông mạng chung và tái sinh vào cõi chư Thiên.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại này, Bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự thật. Bấy giờ vào lúc kết thúc các Sự Thật, người địa chủ đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, Ta chính là vị Thiên tử đã nói lời thuyết giáo này.
-ooOoo-
450.Chuyện phú ông keo kiệt Bilàri (Tiền thân Bilàri-Kosiya)
Khi món ăn không có giữa nồi…,
Chuyện này Bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo nhiệt tâm bố thí.
Chuyện kể rằng sau khi nghe thuyết Pháp, từ lúc hành trì giáo lý, vị này rất nhiệt tâm bố thí, khát khao bố thí. Chưa bao giờ ông ăn chén cơm đầy trừ khi đã chia phần cho kẻ khác, ngay cả nước cũng không uống nếu không đem cho kẻ khác. Ông chuyên tâm bố thí như vậy.
Thời ấy, chúng Tỳ Kheo bắt đầu nói về các đức tính của ông trong Chánh pháp đường. Bậc Ðạo Sư đi vào hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì khi ngồi tại đây. Các vị ấy trình ngài. Ngài cho gọi vị Tỷ Kheo ấy đến và hỏi:
– Này Tỷ kheo, có phải đúng như Ta đã nghe là ông nhiệt tâm bố thí, khát khao bố thí chăng?
Ông đáp:
– Thưa vâng, bạch Thái Tôn.
Bậc Ðạo Sư bảo:
– Này các Tỳ Kheo, ngày xưa, kẻ này không có tín tâm nên không tin tưởng gì cả, đến như một giọt dầu trên đầu ngọn cỏ cũng không cho ai; sau đó, Ta điều phục y, giáo hoá, làm cho y thuần thục, và dạy cho y kết quả của bố thí, nên hỷ tâm bố thí này không rời y ngay cả khi đã sang một đời khác.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ Tát sinh vào một gia đình giàu có. Khi đến tuổi khôn lớn, ngài được hưởng tài sản và khi thân phụ mất đi, ngài tiếp nhận địa vị thương nhân của cha ngài.
Một ngày kia, khi xem xét lại sự giàu sang của mình, ngài suy nghĩ: “Tài sản của ta đây dĩ nhiênđầy đủ lắm, song những vị đã tích lũy tài sản ấy nay ở đâu rồi? Ta phải phân chia tài sản ra và bố thí.”
Vì thế, ngài xây một bố thí đường, trong lúc sinh thời, ngài bố thí rộng rãi; và khi sắp mạng chung liền giao phó cho con trai ngài không được làm gián đoạn việc hành trì bố thí, còn ngài tái sinh là Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ ở cõi Trời Ba mươi ba. Con trai của ngài cũng bố thí như thân phụ đã làm, rồi giao trọng trách ấy cho con trai mình, và tái sinh lên làm Canda, Thần mặt trăng, giữa Thiên chúng. Con trai vị này trở thành Suriya. Thần mặt trời, lại sinh ra một người con trở thành Màtali, Thần lái xe (của Thiên chủ Sakka hay Indra), con trai vị này tái sinh làm Pancasikha (Ngũ kế) một vị Gandhabba (Càn-thát-bà), nhạc thần của Thiên chủ.
Song người con trai thứ sáu trong dòng họ này lại không có tín tâm, tàn nhẫn, không thương người, keo kiệt; người này phá hủy bố thí đường, đốt cháy hết, đánh đập các hành khất, đuổi họ đi mơi khác làm ăn chẳng hề cho ai chút gì dù bằng một giọt dầu ở đầu ngọn cỏ.
Lúc ấy, Ðế Thích Thiên chủ nhìn lại các việc của ngài trong quá khứ, tự hỏi: “Truyền thống bố thí của ta có tiếp tục được chăng? Suy nghĩ thế, ngài nhận xét: “Con trai ta tiếp tục bố thí, tái sinh làm Canda, con trai nó là Suriya, cháu nó là Màtali, và chắt nó là Pancasikha, nhưng đứa con thứ sáu trong dòng họ đã phá bỏ truyền thống kia.”Lúc ấy, ngài chợt có ý nghĩ này, ngài muốn đi điều phục con người độc ác kia, và dạy cho gã kết quả của bố thí. Vì vậy ngài triệu tập Canda, Suriya, Màtali, Pancasikha đến gặp ngài và bảo:
Này các Hiền-giả, người con thứ sáu trong dòng họ ta đã phá bỏ truyền thống gia đình, nó đã đốt bố thí đường, đuổi đánh bọn hành khất đi chỗ khác, và không cho ai chút gì cả. Vậy ta phải điều phục nó.
Thế là ngài cùng các ông lên đường đi đến Ba-la-nại.
Vào lúc ấy, thương nhân kia phải đến chầu vua, và khi đã trở về, đang đi đi lại lại dưới tháp canh thứ bảy, nhìn theo con đường. Thiên chủ bảo các vị thần:
– Các Hiền giả, hãy đợi cho đến khi ta bước vào rồi hãy lần lượt theo sau.
Cùng với những lời này, ngài bước tới và đứng trước phú thương kia, bảo ông:
– Này Tôn ông hãy cho ta ăn với.
– Này Bà-la-môn, chẳng có gì ở đây cho ngài ăn cả, hãy đi nơi khác.
– Này Ðại nhân, khi các Bà-la-môn khất thực thì chẳng nên từ chối.
– Này Bà-la-môn, trong nhà ta chẳng có thức ăn nấu sẵn, cũng chẳng có thức ăn để nấu, hãy đi đi!
– Này đại nhân, ta muốn đọc một câu kệ cho ngài, hãy lắng nghe.
Ta chẳng muốn nghe kệ gì cả, đi đi, đừng đứng ở đây.
Nhưng Thiên chủ không để ý lời ông và ngâm hai vần kệ:
Khi người này nghe nói vậy liền đáp:
– Thôi được, xin vào ngồi đó, ngài sẽ được ăn đôi chút.
Thiên chủ Ðế Thích vừa bước vào vừa ngâm các vần kệ ấy và ngồi xuống.
Kế đó là Canda bước lên xin thức ăn.
– Chẳng có thức ăn cho ngài đâu – người đó bảo – đi đi!
Vị kia đáp:
– Thưa Ðại nhân, có một vị Bà-la-môn ngồi trong đó, ta đoán chắc hẳn có một bữa cơm bố thí cho Bà-la-môn, nên ta cũng bước vào.
– Chẳng có một bữa cơm nào bố thí cho Bà-la-môn cả – người đó bảo – đi ngay đi!
Lúc ấy Canda nói:
– Thưa Ðại nhân, xin nghe một hai vần kệ.
Rồi Ngài ngâm hai vần kệ (hễ khi một kẻ keo kiệt lo sợ không muốn cho ai cả, thì chính nỗi sợ hãi đó khởi lên trong lòng vì y không bố thí):
Sau khi nghe các lời như vậy xong, ông bảo:
– Thôi được, xin bước vào, và ngài sẽ được ăn một chút.
Vị kia bước vào ngồi xuống với Thiên chủ Ðế Thích.
Sau khi đợi một lát nữa, Suriya bước lên, và xin ăn bằng cách ngâm hai vần kệ:
Vị phú gia chẳng thấy cách gì thoát được chuyện ấy, đành bảo:
– Thôi được, xin bước vào, và ngồi với các Bà-la-môn này, rồi ngài sẽ được ăn đôi chút.
Và Màtali, sau khi chờ đợi một lát nữa, cũng bước lên xin ăn, và khi vị ấy được bảo là không có thức ăn, vừa mới nghe các lời ấy được thốt lên, liền ngâm vần kệ thứ bảy:
Ông bảo vị này:
– Thôi được, xin vào ngồi xuống.
Sau khi đợi thêm một lát, Pancasikha bước lên xin ăn. Kẻ kia đáp:
– Không có, đi đi!
Ông bảo:
– Ta đã đến thăm nhiều nhà rồi! Ở đây chắc phải có bữa cơm cúng dường các Bà-la-môn chứ, tađoán thế.
Rồi ông bắt đầu nói với ông, vừa ngâm vần kệ thứ tám:
Vị phú gia suy nghĩ lại khi nghe lời của Pancasikha. Rồi ông ngâm vần kệ thứ chín để yêu cầu vị ấy giải thích giá trị ít oi của các vật bố thí kia:
Pancasikha ngâm vần kệ kết thúc để đáp lời:
Nghe lời thuyết giáo của Pancasikha xong, ông đáp:
– Thôi được, xin ngài vào nhà ngồi xuống, ngài sẽ được ăn đôi chút.
Rồi ông cũng vào ngồi với các vị kia.
Sau đó, phú ông keo kiệt Bilàri ra hiệu cho một tỳ nữ, bảo nàng:
– Hãy đem cho các Bà-la-môn đằng kia một đấu thóc còn vỏ.
Nàng ấy đem thóc đến gần các vị, bảo các vị rằng:
– Nhận thóc rồi đem nấu nơi khác mà ăn.
Các vị đáp:
– Ta chưa đụng đến thóc còn vỏ trấu.
– Thưa ông chủ, các vị ấy bảo chưa hề đụng đến thóc còn vỏ.
– Ðược, vậy thì cho các ông gạo đã xay.
Nàng ấy đem gạo đã xay, và bảo các vị nhận. Các vị bảo:
– Chúng ta không nhận thứ gì chưa nấu chín.
– Vậy thì nấu cho họ một ít thức ăn của bò trong cái nồi và đem ra mời khách.
Năm vị cầm lên mỗi người một miếng và đặt vào mồm, song để nó dính vào cổ họng rồi trợn mắt lên. Các vị bất tỉnh nằm đó như chết rồi. Cô nữ tỳ thấy thế nghĩ chắc các vị đã chết, nàng hoảng sợ chạy đi báo phú ông:
– Thưa ông chủ, các Bà-la-môn này không nuốt nổi thức ăn của bò, nên chết cả rồi!
Ông suy nghĩ: “Bây giờ dân chúng sẽ trách mắng ta, bảo gã độc ác này đem đống thức ăn trâu bò cho các Bà-la-môn yếu đuối và các ông không nuốt nổi nên đã chết.” Sau đó, ông bảo cô nữ tỳ:
– Mau đi chôn cất hết thức ăn trong bát của các ông, rồi nấu cho họ một ít món đủ thứ gạo ngon nhất.
Nàng tuân lời. Phú ông tìm một số khách qua lại trên con đường gần đó, khi đã tập hợp số người ấy lại với nhau, ông bảo:
– Ta đã cúng dường các Bà-la-môn này thức ăn giống như các thức ta vẫn ăn, nhưng các vị tham lam nuốt từng miếng lớn và vì ăn như vậy nên thức ăn mắc ở cổ họng và phải chết. Ta mời các ngài đến làm chứng cho ta vô tội.
Trước đám đông đang tụ tập như vậy, các vị Bà-la-môn đứng dậy, vừa bảo vừa nhìn vào đám đông:
– Các vị hãy xem sự dối trá của thương nhân này. Ông bảo cho chúng ta thức ăn của ông đấy! Một đống tạp nhạp thức ăn cho bò là những thứ ông đã đem cho chúng ta trước tiên, sau đó sau khi chúng ta nằm như chết, ông bảo người nhà nấu thức ăn này đây.
Rồi các vị ấy nhả ra từ miệng những thứ đã ăn rồi chỉ thứ đó. Ðám đông trách mắng vị thương gia, thét lớn:
– Ðồ ngu si, mù quáng! Ông đã phá bỏ phong tục gia đình ông. Ông đốt bỏ thí đường, ông đã nắm cổ các hành khất tống ra đường, giờ đây khi bố thí các Bà-la-môn yếu đuối này, ông lại cho mộtđống thức ăn trâu bò. Ðến lúc ông sang thế giới bên kia, chắc ông sẽ mang hết tài sản trong nhà buộc thật chặt quanh cổ đấy!
Vào lúc ấy, Ðế Thích Thiên chủ bảo đám đông:
– Các người có biết tài sản này là của ai chăng?
– Chúng tôi không biết.
Ngài bảo:
– Chắc các người có nghe một đại phú thương ở Ba-la-nại, ngày xưa sống ở thành này, đã xây một bố thí đường, và bố thí rất rộng rãi?
– Thưa có – họ đáp – Chúng tôi có nghe nói về ông.
Ngài bảo:
– Ta chính là vị thương gia đó, nhờ các vật tài thí ấy ta được là Ðế Thích Thiên chủ bây giờ đây, và con trai ta đã không phá vỡ truyền thống gia đình, trở thành thần Canda, con trai nó là Suriya và cháu trai của nó là Pancasikha; trong các vị này, đằng kia là Canda, đó là Syriya, và đây là Màtali, thần lái xe, còn đây nữa là Pancasikha, nhạc thần, ngày xưa là cha của kẻ độc ác đằng kia ấy. Bố thí tạo công đức lớn như vậy, cho nên người có trí phải làm công đức.
Nói vậy xong với ý định đánh tan các mối nghi hoặc của dân chúng đang tụ tập tại đó, các ngài bay lên không gian và đứng vững trên không, nhờ thần lực của các ngài hiện ra một đám tùy tùng đông đảo vây quanh, toàn thân các ngài sáng rực lên vì thế toàn thể kinh thành như ở trong đám lửa. Sau đó Ðế Thích Thiên chủ bảo đám đông:
– Chúng ta đã rời vinh quang thiên giới để đến đây và chúng ta đến chỉ vì kẻ độc ác Bilàri Kosiya này, người cuối cùng trong dòng họ, người tàn phá cả giống nòi mình. Với lòng lân mẫn mà chúng ta đến, vì chúng ta biết ác nhân này đã phá bỏ truyền thống gia đình, đốt bố thí đường, nắm cổ hành khất tống ra ngoài, vi phạm phong tục của nhà ta, và do từ bỏ bố thí, nó sẽ tái sinh vào địa ngục.
Ngài thuyết giáo cho đám đông như vậy, xong lại nói về công hạnh của bố thí. Bilàri Kosiya chấp hai tay thỉnh cầu và phát nguyện.
– Tâu Thiên chủ, từ nay trở đi, con xin nguyện sẽ không phá bỏ phong tục gia đình nữa, mà con sẽ bố thí, bắt đầu ngay hôm nay, con quyết chẳng bao giờ ăn mà không chia phần cho kẻ khác, các vật dụng của riêng con, ngay cả nước uống và cả tăm xỉa răng con dùng cũng vậy.
Ðế Thích thiên chủ đã điều phục ông như vậy, làm cho ông biết xả thân, và an trú ông trong Ngũ giới, rồi trở về cõi của ngài. Còn vị thương nhân cứ bố thí suốt cả đời nên được tái sinh vào cõi trời Ba mươi ba.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại, Bậc Ðạo Sư bảo:
– Như vậy, này các Tỳ kheo, Tỳ Kheo này ngày xưa không có tín tâm và không bao giờ cho ai chút gì cả, song Ta đã điều phục y và dạy cho y kết quả của bố thí, và tâm lành đó không rời y ngay cả khi y đã sinh vào một đời khác.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời bấy giờ, Tỳ kheo rộng lượng này là vị phú gia, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là Canda, Moggallàna (Mục-kiền-liên) là Suriya, Kassapa (Ca diếp) là Màtali, Ànanda (A-nan) là Pancasikha và Ta là Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ.
-ooOoo-
Màu lông tươi đẹp, dáng thanh tao…,
Chuyện này Bậc Ðạo Sư kể trong lúc đang trú tại Kỳ Viên về một Tỳ kheo tham lam.
Chuyện kể rằng người này bất mãn với bộ y khất sĩ cùng những thứ tương tự nên thường đi quanh quẩn hỏi:
– Nơi đâu có cơm cho Tăng chúng? Nơi đâu có người mời?
Và khi nghe nói có thịt, ông tỏ ra rất hoan hỷ. Lúc bấy giờ có một vị Tỳ kheo tốt bụng vì lòng thương tưởng bạn, nên đem chuyện ấy kể với Bậc Ðạo Sư. Ngài triệu người ấy đến hỏi:
– Này Tỳ kheo, có thật đúng như ta nghe rằng ông tham lam đó chăng?
– Bạch Thế Tôn, đúng thế.
– Này Tỳ kheo, tại sao ông còn ham muốn, sau khi hành trì Giáo pháp đưa đến giải thoát như Ðạo của Ta? Tham tâm này là ác pháp, ngày xưa, vì tham dục, ông bất mãn với các xác voi chết cùng nhiều vật thừa khác ở Ba-la-nại nên đã đi vào rừng rậm.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, một con Quạ tham ăn không hài lòng với các xác voi chết ở Ba-la-nại, cùng mọi thứ xác chết khác. Nó suy nghĩ: “Bây giờ đây ta không biết rừng rậm ra sao nhỉ? Thế là nó vào rừng xanh, song nó cũng không hài lòng với trái cây rừng mà nó tìm được, nên đi đến sông Hằng.
Khi nó tiến về phía sông Hằng, chợt thấy một đôi Hồng Nga, nó suy nghĩ: “Những con chim đàng xa kia tuyệt đẹp, ta chắc chúng tìm ra nhiều thịt để ăn trên bờ sông Hằng này. Ta muốn hỏi chúng và nếu ta cũng ăn thịt chúng nữa, chắc chắn ta sẽ được màu lông tươi sáng như chúng vậy.” Thế là khi đậu không xa đôi chim ấy, Quạ hỏi Hồng Nga bằng cách ngâm hai vần kệ đầu:
Hồng Nga liền cãi lại Quạ bằng cách ngâm vần kệ thứ ba:
Lúc ấy Quạ ngâm hai vần kệ:
Ngay sau đó Hồng Nga ngâm cho Quạ nghe các vần kệ còn lại, nêu rõ lý do tại sao Quạ có màu lông xấu xí và thuyết giảng đức tính chân chánh:
– Vậy bạn muốn được mọi người thương mến, hãy từ bỏ các ái dục.
Hồng Nga này thuyết giảng đạo đức chân chánh, đã nói như vậy. Quạ đáp:
– Ðừng nói tầm phào với ta về cách sống của bạn.
Xong nó vừa kêu lên “Quạ! Quạ!”, vừa bay mất qua không gian đến bãi phân ở thành Ba-la-nại.
*
Khi Bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại này xong. Ngài thuyết giảng các Sự thật. Bấy giờ lúc kết thúc các Sụ thật, vị Tỳ kheo tham lam đã được an trú vào Tam quả (Bất Lai).
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, Tỳ kheo tham lam này là Quạ, mẹ của La-hầu-la là chim bạn của Hồng Nga và Ta chính là Hồng Nga.
-ooOoo-
Chuyện này sẽ được kể trong Tiền thân Mahà-Ummagga, số 546, Tập VII.
-ooOoo-
Hiển bày chân lý giải nghi nan…,
Chuyện này Bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về Kinh Ðiềm lành Tối thượng hay Luận về Ðiềm lành.
Tại kinh thành Vương Xá vì một lý do này nọ, một đám đông tụ họp trong nhà nghỉ của vua, giữa bọn ấy có người đứng dậy, bước ra nói:
– Hôm nay là ngày có Ðiềm lành.
Một người khác nghe được, bảo rằng người kia bước ra và nói đến “Ðiềm triệu”, vậy y muốn nói gì qua chữ “Ðiềm”?
Một người thứ ba bảo:
– Dấu hiệu gì có vẻ may mắn thì đó là điềm lành, ví dụ một người thức dậy sớm, và thấy một con bò đực toàn trắng hay một người đàn bà có thai, hay con cá màu đỏ (Ciprinus Rohita) hay cái bình đầy đến tận miệng, hoặc bơ tươi mới tan từ sữa bò, hoặc y phục mới chưa giặt hoặc cháo gạo, thì chẳng có điềm nào tốt hơn nữa.
Vài kẻ bàng quan bình phẩm lời giải thích này:
– Nói hay đấy.
Song có kẻ khác chen vào:
-Ồ không, chẳng có điềm gì trong việc ấy cả, chỉ lời nói bạn nghe mới là điềm. Có người nghe người ta nói: “Ðầy đủ”, rồi lại nghe “Lớn đầy đủ” hoặc “Ðang lớn”, hoặc nghe chúng bảo: “Ăn đi” hay “Nhai đi” thì chẳng có điềm nào tốt hơn nữa.
Một số kẻ bàng quan bảo:
– Nói hay đấy.
Và họ bình phẩm lời giải thích này. Một người khác lại nói:
– Chẳng có điềm gì trong mọi chuyện ấy cả. Hễ vật gì bạn đụng chạm đến mới là điềm. Nếu một người thức dậy sớm đụng vào đất hay cỏ xanh, phân bò tươi, chiếc áo sạch, cá màu đỏ, vàng hay bạc, thức ăn… thì chẳng có điềm gì tốt hơn nữa.
Ở đây vài kẻ bàng quan lại tán đồng và bảo là khéo nói. Và sau đó, số người theo phái chủ trương các điềm do mắt thấy, điềm về âm thanh, điềm về xúc chạm, chia làm ba nhóm, không ai thuyết phục ai được cả. Từ chư Thần trên mặt đất đến Phạm thiên giới không ai có thể xác định điềm là như thế nào cả. Ðế Thích Thiên chủ nghĩ thầm: “Giữa chư thiên và loài người ai ngoàiđức Thế Tôn là có thể giải đáp đúng vấn đề điềm triệu. Ta muốn đi đến đức Thế Tôn, và đặt vấn đề với Ngài.”
Thế là ban đêm Thiên chủ đến thăm đức Thế Tôn, đảnh lễ ngài và chắp tay vào nhau để thỉnh cầu, Thiên chủ đặt câu hỏi bắt đầu bằng: “Có chư Thiên và loài người.” Sau đó Bậc Ðạo Sư dùng mười hai vần kệ nói cho biết ba mươi tám điềm lành lớn. Và trong khi ngài ngâm những lời kinh điềm lành ấy, lần lượt chư Thiên lên đến con số mười ngàn triệu vị đắc Thánh quả A-la-hán, còn các vị đắc ba Ðạo Quả kia thì không sao kể xiết. Thiên chủ nghe xong các điềm lành, liền trở về cõi của mình.
Khi Bậc Ðạo Sư nói các điềm lành xong, thế giới loài người và Thiên giới đồng tán thành và bảo:
– Thật là khéo nói.
Sau đó trong Chánh pháp đường, Tăng chúng bắt đầu bàn luận về công đức của đức Như Lai:
– Này các Hiền gỉa, vấn đề Ðiềm triệu vượt phạm vi hiểu biết của mọi người, nhưng Ngài đã tuệ tri tâm của loài người và chư Thiên, cùng giải tỏa các mối nghi của quần chúng như thể ngài khiến mặt trăng hiện lên trên bầu trời! Ôi đức Như Lai là một bậc Ðại trí, này các hiền hữu!
Bậc Ðạo Sư bước vào hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì trong lúc ngồi tại đó. Tăng chúng trình với Ngài. Ngài bảo:
– Này các Tỳ kheo, chẳng vi diệu gì khi Ta giải đáp vần đề điềm lành, vì nay ta đã đạt Trí tuệ Tối thắng; mà ngay cả khi Ta còn là Bồ-tát trên trần gian, Ta đã giải đáp các mối nghi hoặc của chư Thiên và loài người bằng cách trả lời vấn đề Ðiềm lành.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, Bồ-tát tái sinh vào một thị trấn trong một gia đình Bà-la-môn giàu có, cha mẹ đặt tên ngài là Rakhita-Kumàra. Khi ngài khôn lớn và đã hoàn thành việc học tập tại Takkasilà, ngài cưới vợ. Sau khi song thân qua đời, ngài kiểm tra lại gia sản, suy nghĩ kỹ, ngài phân chia tài sản để bố thí, và điều phục các tham dục rồi, ngài trở thành ẩn sĩ trong vùng Tuyết Sơn. Ở tại đó, Ngài tu tập các Thắng trí, và an trú tại một nơi, tự nuôi sống bằng các thứ củ, quả rừng. Theo thời gian, đệ tử của ngài rất đông, gồm năm trăm vị cùng sống với ngài.
Một ngày kia, các ẩn sĩ này đến gần Bồ-tát nói như sau:
– Bạch Ðạo sư, khi mùa mưa đến, xin cho chúng con xuống vùng Tuyết Sơn đi qua đồng bằng để kiếm muối và các thứ gia vị; nhờ vậy thân thể chúng con sẽ được khỏe mạnh và chúng con sẽ thành tựu cuộc sống tu hành.
– Ðược rồi, các bạn cứ đi – ngài bảo. Còn ta sẽ ở lại nơi này.
Thế là các vị từ giã ngài, đi xuống từ vùng Tuyết Sơn, tiến hành trên lộ trình đến tận Ba-la-nại, tại đó các vị trú ngụ ở trong ngự viên. Dân chúng đón tiếp các vị rất trọng thể và nồng nhiệt.
Lúc bấy giờ, một ngày kia, có đám đông tụ tập trong nhà nghỉ của cung vua tại Ba-la-nại, và vấnđề Ðiềm triệu được đưa ra bàn cãi. Lúc ấy, cũng như trước kia, đám đông không thấy ai có đủ khả năng đánh tan mối hoài nghi của mọi người và giải đáp vấn đề Ðiềm triệu; vì thế họ đi đến ngự viên đặt vấn đề cùng hội chúng hiền nhân kia. Các hiền nhân ấy nói với vua:
– Tâu Ðại vương, chúng thần không thể giải đáp vấn đề này, song Bổn sư của chúng thần, ẩn sĩ Rakkhita, một bậc đại tuệ sống ở Tuyết Sơn, ngài sẽ giải đáp vấn đề ấy, vì ngài thông suốt tư tưởng của chư Thiên và loài người.
Vua đáp:
– Này các Hiền giả, Tuyết Sơn quá xa xôi và khó đi lắm đấy, chúng ta không thể nào đến đó được. Xin các Hiền giả đích thân đi về gặp đức Bổn sư và xin hỏi ngài vấn đề ấy. Sau khi các vị đã biết rồi, hãy trở lại đây nói cho chúng ta biết được chăng?
Các vị ấy hứa sẽ làm như vậy; và khi các vị đã trở về gặp đức Bổn sư, đảnh lễ ngài và sau khi ngài đã vấn an vua cùng các phong tục của dân chúng, các vị kể lại cho ngài toàn thể câu chuyện các Ðiềm triệu như trên, từ đầu tới cuối và giải thích việc các vị đến đây theo lời dặn dò của vua như thế nào, để nghe tận tai lời giải đáp vấn đề này. Các vị thưa:
– Bạch Tôn Sư, giờ đây xin Tôn Sư giải thích vấn đề Ðiềm triệu cho chúng con rõ và cho chúng con thấy chân lý. Lúc ấy vị đệ tử lớn tuổi nhất hỏi Bậc Ðạo Sư bằng cách ngâm vần kệ đầu:
Khi vị đệ tử lớn nhất đã đặt vấn đề Ðiềm lành qua các lời kệ này, bậc Ðại Sĩ muốn xóa tan mọi nỗi nghi ngờ của chư Thiên và loài người, liền đáp lại:
– Ðây và đây chính là điềm lành.
Và như vậy ngài diễn tả các điềm lành với tài thiện xảo của một vị Phật:
Như vậy Bậc Ðại Sĩ đã thuyết giảng Ðiềm lành thứ nhất, rồi tiếp đến thuyết giảng Ðiềm lành thứ hai và các Ðiềm lành khác còn lại:
Cứ như vậy bậc Ðại Sĩ đã đưa bài thuyết Pháp lên đến đỉnh cao nhất của Thánh Quả, và sau khi đã giải thích các Ðiềm lành trong tám vần kệ, ngài ngâm vần kệ cuối cùng để tán thán các Ðiềm lành ấy:
Các bậc hiền trí, sau khi nghe các Ðiềm lành này xong, còn ở lại bảy tám ngày nữa rồi từ giã ngài và lên đường đến chỗ cũ.
Vua đến thăm các ông và hỏi chuyện kia. Các vị giải thích vấn đề Ðiềm lành như cách đã được giải thích cho quý vị và trở lại Tuyết Sơn. Từ đó về sau, vấn đề Ðiềm lành đã được thông hiểu trên thế giới. Sau khi đã chuyên tâm học tập vấn đề Ðiềm lành, lúc mạng chung, các vị đều lên cộng trú với Thiên chúng rất đông đảo. Còn Bồ-tát tu tập Tứ Vô lượng tâm, và cùng với hội chúng của ngài được tái sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại này, Bậc Ðạo Sư bảo:
– Này các Tỳ kheo, không phải bây giờ mà cả ngày xưa nữa Ta cũng đã giải thích vần đề Ðiềm lành.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Vào thời ấy, hội chúng đệ tử của đức Phật là đám hiền nhân kia, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là vị Trưởng đệ tử, người đã hỏi vấn đề Ðiềm lành, và Ta chính là Ðạo Sư.
-ooOoo-
Hắc đế Kan-ha hãy đứng lên…,
Chuyện này Bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về cái chết của một nam tử. Hoàn cảnh cũng giống trong số 449. tt Matta Kundali.
Ở đây, Bậc Ðạo Sư hỏi vị nam cư sĩ:
– Này cư sĩ, có phải ông đang phiền muộn chăng?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Ðức Phật bảo:
– Này cư sĩ, ngày xưa các bậc trí nghe lời dạy của các hiền nhân nên không phiền muộn về cái chết của con mình nữa.
Và theo lời thỉnh cầu của ông, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa một vị vua có danh hiệu là Mahàkamsa, trị vì ở Uttaràpatha, trong địa hạt Kamsa ở kinh thành Asitanjanà. Ông có hai hoàng nam Kamsa và Upakamsa, và một công chúa Devagabbhà. Vào ngày sinh nàng, các Bà-la-môn tiên đoán tương lai của nàng, bảo:
– Một hoàng nam do công chúa này sinh ra sẽ phá hoại xứ sở và dòng họ Kamsa.
Vua quá yêu thương con gái nên không thể giết nàng được, mà để cho các hoàng huynh của nàng lo liệu việc đó, còn ngài chỉ sống hết đời thì từ trần. Khi ngài băng hà, Kamsa lên làm vua, và Upakamsa làm phó vương.
Hai vị nghĩ sẽ có sự phản đối của quần thần nếu như bắt công chúa phải chết, vì thế quyết định không gả nàng cho ai cả, mà cứ để nàng sống không có chồng và canh giữ thật kỹ. Các ngài lại xây một cái tháp tròn đơn độc để nàng ở đó. Bấy giờ nàng có một nữ tỳ tên là Nandagopà, và chồng nữ tỳ này là Andhakavenhu, gã gia nô canh giữ nàng.
Thời ấy vị vua danh hiệu Mahàsàgara đang trị vì ở phương Bắc Madhurà, có hai vương tử là Sàgara và Upàsàgara. Vào lúc vua cha băng hà, Sàgara lên ngôi vua và Upasàgara làm phó vương. Vương tử này là bạn của Upakamsa, cùng lớn lên và cùng học với một thầy. Song chàng đã có âm mưu dan díu trong khuê phòng của hoàng huynh và bị bại lộ nên phải chạy trốn đến Upakamsa, trong địa phận Kamsa. Upakamsa tiến cử chàng với vua Kamsa và vua đón tiếp chàng rất trọng thể.
Upasàgara, trong lúc vào chầu vua, thường quan sát cái tháp mà công chúa Devagabbhà trú ngụ, và khi hỏi ai ở đó, rồi nghe chuyện kia, chàng đem lòng yêu nàng. Còn Devagabbhà, một hôm, trông thấy chàng khi chàng cùng đi với Upakamsa vào chầu vua. Nàng hỏi ai đó, và khi dược Nandagopà nói đó là Upasàgara, con của Ðại vương Sàgara, thì nàng cũng yêu chàng ngay. Chàng Upasàgara trao một món quà cho Nandagopà, bảo:
– Này hiền tỷ, xin chị thu xếp cho tôi được gặp Devagabbhà.
– Dễ lắm.
Nandagopà vào và kể lại chuyện ấy với công chúa. Nàng đã thầm yêu chàng nên đồng ý ngay. Một đêm kia Nandagopà sắp đặt một cuộc hẹn hò và đem Upasàgara lên tháp và chàng ở lại đó với Devagabbhà. Vì đôi bên tiếp xúc thường xuyên như thế, nên Devagabbhà có thai. Dần dần ai cũng biết nàng có thai, nên hai vị hoàng huynh cật vấn Nandagopà. Nữ tỳ này xin hai vị tha tội cho nàng, rồi kể tình tiết của câu chuyện. Khi hai vị nghe chuyện, liền suy nghĩ: “Ta không thể bảo giết em gái ta được. Nếu em ta sinh con gái, chúng ta sẽ tha chết cho hài nhi ấy luôn, còn nếu con trai thì giết nó đi.”
Và hai vị vua gả Devagabbhà cho Upasàgara đem về làm vợ.
Ðến thời mãn nguyệt khai hoa, nàng sinh hạ một gái. Hai vị hoàng huynh nghe tin ấy rất hoan hỷ đặt cho hài nhi tên là công nương Anjanà. Hai vị lại cho các em một ngôi làng để làm tài sản, đặt tên là Govaddhamàna. Upasàgara đem Devagabbhà đến sống cùng nhau tại ngôi làng ấy.
Devagabbhà lại có thai nữa và đúng ngày đó Nandagopà cũng có thai. Khi đến kỳ, cả hai lại cùng sinh một ngày. Deva sinh con trai và Nanda sinh con gái. Song Deva sợ rằng con trai nàng có thể bị giết nên bí mật gởi con đến Nanda và nhận con gái của Nanda về nuôi. Chúng lại báo tin nàng sinh con ấy với hai vị hoàng huynh. Hai vị hỏi:
– Con trai hay gái?
Chúng đáp:
– Con gái.
– Vậy thì lo nuôi nấng nó đi – Các hoàng huynh bảo.
Cứ như vậy, Devagabbhà sinh mười con trai, và Nandagopà sinh mười con gái. Bọn con trai sống với Nanda và bọn con gái sống với Deva, chẳng một ai biết được bí mật kia.
Con trai trưởng của Devagabbhà được đặt tên là Vàsu-Deva, con trai thứ là Bala-Deva, thứ ba là Canda-Deva, thứ tư Suriya-Deva, thứ năm Aggi-Deva, thứ sáu Varuna-Deva, thứ bảy Ajjuna, thứ tám Pajjuna, thứ chín Ghata-Pandita, thứ mười Amkura. Chúng nổi tiếng là các con trai của gia nô Andhakavenhu hay Mười Anh Em Nô lệ.
Theo thời gian chúng lớn khôn, rất cường tráng lại hung dữ, bạo tàn, chúng đi khắp nơi cướp phá, chúng còn cả gan đến độ cướp lễ vật triều cống được dâng vua. Dân chúng đến tụ tập ở sân chầu vua, kêu than:
– Các con trai của Andhakavenhu, cả Mười Anh Em ấy đang cướp phá xứ sở.
Vì thế vua triệu Andhakavenhu đến, trách mắng y đã để các con mình đi cướp bóc. Cứ như vậy, các tiếng kêu than nổi dậy ba bốn lần, vua hăm dọa y. Vì lo sợ cho tính mạng mình nên y xin vua ban cho y đặc ân được an toàn tính mạng rồi kể chuyện bí mật kia, rằng chúng không phải là con trai của y như thế nào, mà là con trai của Upasàgara. Vua hoảng sợ.
– Làm thế nào bắt chúng nó được? Ngài hỏi quần thần.
Quần thần tâu:
– Tâu Ðại vương, chúng nó là bọn đánh vật, chúng ta hãy tổ chức thi đánh vật tại kinh thành, và khi chúng vào vòng đấu, chúng ta sẽ bắt chúng và giết đi.
Thế là quần thần tìm hai người đánh vật Cànura và Mutthika, và cho loan báo khắp kinh thành bằng trống lệnh rằng vào ngày thứ bảy sẽ có một cuộc thi đô vật.
Vùng đấu được chuẩn bị trước hoàng môn, có hàng rào quanh đấu trường . Vòng được trang hoàng rất vui mắt. Cờ chiến thắng được buộc sẵn sàng. Cả kinh thành quay cuồng như ở trong cơn lốc. Hàng hàng lớp lớp ghế ngồi chật ních. Cànura và Mutthika bước vào vòng đấu, đi nghênh ngang, nhảy nhót, la hét, vỗ tay. Mười Anh Em kia cũng thế. Trên đường đi chúng đã cướp phá phố thợ giặt nên phục sức các xiêm y rực rỡ vào, lại cướp nước hoa của các tiệm nước hoa, xoa dầu thơm khắp người, đeo vòng trên đầu, hoa tai trên tai chúng nghênh ngang bước vào đấu trường, nhảy nhót, la hét vỗ tay.
Vào lúc ấy, Cànura đang đi quanh và vỗ tay, Baladeva thấy gã liền suy nghĩ: “Ta không muốnđụng kẻ kia với bàn tay ta!” Nên chàng chụp lấy sợi dây lớn từ chuồng voi, vừa nhảy lên, hò hét, vừa ném dây quanh bụng Cànura, cột hai đầu dây lại thật chặt, rồi tung gã kia lên, quay cuồng gã quanh đầu mình, rồi đạp gã xuống đất cho lăn ra khỏi đấu trường. Khi Cànura đã chết, vua cho gọi Mutthika. Mutthika bước lên, hò hét, vỗ tay. Baladeva tát mạnh vào mặt gã và trong lúc gã la lớn:
– Ta không phải kẻ đấu vật. Ta không phải kẻ đấu vật!
Baladeva cột hai tay gã lại bảo:
– Ðấu vật hay không phải đấu vật đối với ta cũng thế thôi!
Rồi chàng xô mạnh gã xuống đất, giết gã, và ném gã ra ngoài đấu trường.
Mutthika trong cơn giãy chết, thốt ra lời nguyền: “Ước mong ta thành quỷ để xé xác nó ra”, và gã trở thành con quỷ ở trong rừng có tên gọi là Kàlamattiya. Vua bảo:
– Bắt Mười tên Nô lệ này ra ngay.
Vào lúc ấy Vàsudeva ném một cái bánh xe (một loại binh khí), chặt đứt đầu cả hai anh em nhà vua. Ðám đông kinh hoàng quỳ xuống chân chàng, và xin chàng cứu giúp che chở cho họ.
Thế là Mười Anh Em này, sau khi đã giết hai ông cậu xong, lên làm vua tại kinh thành Asitanjanà và đem cha mẹ về đó ở.
Lúc bấy giờ họ bắt đầu dự định chinh phục cả cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ). Chẳng mấy chốc, họ đi đến kinh thành Ayojjhà, nơi ngự trị của vua Kàlasena. Họ bao vây kinh thành. tiêu diệt đám rừng rậm quanh đó, phá vỡ trường thành và bắt vua làm tù binh, chiếm vương quốc vào tay họ.
Sau đó họ đến Dvàravati. Bấy giờ kinh thành này có một phía là biển, một phía là núi. Dân chúngđồn rằng nơi đó có quỷ hiện. Con quỷ giữ vị trí canh phòng, hễ thấy quân thù nó hóa thành con lừa, và hí như lừa vậy. Lập tức nhờ sức kỳ bí của quỷ, cả kinh thành bay lên không gian đặt chân trên một hòn đảo giữa biển, khi quân thù đi rồi, nó sẽ trở lại và ổn định trên vị trí cũ.
Lần này cũng như thường lệ, vừa khi con lừa thấy Mười Anh Em kia đến, thì nó hí lên như lừa. Cả kinh thành bay lên không gian và đặt mình trên hòn đảo kia. Họ không thấy kinh thành nữa nên quay lui. Sau đó kinh thành lại trở về chỗ cũ. Bọn họ trở lại, con lừa lại làm như trước, bọn họ không thể nào chiếm lấy thành Dvàravati được.
Vì thế họ đến yết kiến vị hiền giả Kanhadìpàyana và nói:
– Thưa Tôn giả, chúng tôi đã thất bại trong việc chiếm vương quốc Dvàravati, xin cho chúng tôi biết phải làm cách nào?
Ông bảo:
– Trong một cái hào ở nơi kia, có một con lừa đi quanh quẩn. Nó hí lên khi thấy quân thù, nên lập tức kinh thành bay lên không. Các ngài phải ôm lấy chân nó mà van xin, đó là cách để các ngài đạt mục đích.
Sau đó họ tạ từ ẩn sĩ và cả mười người đi đến con lừa, quỳ xuống chân nó bảo:
– Thưa Tôn ông, chúng ta không nhờ cậy ai được ngoài Tôn ông! Khi chúng ta đến chiếm thành, xin đừng hí lên.
Con lừa đáp:
– Ta không thể nào không hí được. Song nếu các ngài đến trước, và bốn người trong bọn các người đem các cây cày bằng sắt thật lớn, và đặt bốn cột trụ sắt lớn ở dưới đất tại bốn cổng thành. Khi kinh thành bắt đầu bay lên, nếu các ngài đóng vào trụ sắt một dây xích bằng sắt buộc vào cây cày thì kinh thành không thể nào bay lên nổi.
Họ cám ơn con lừa, và nó không kêu một tiếng khi họ đem đến các cây cày và đào hố chôn các cột trụ dưới đất ở bốn cổng thành rồi đứng đợi. Sau khi con lừa hí, cả kinh thành bắt đầu bay lên. Song những người đứng ở bốn cổng thành với bốn cây cày đã đóng vào các cột trụ các dây xích sắt buộc vào các cây cày, nên kinh thành không thể bay lên được nữa. Thế là Mười Anh Em vào thành giết vua và chiếm vương quốc.
Như vậy họ chiếm được toàn cõi Diêm-phù-đề, và trong sáu mươi ba ngàn kinh thành, họ đã dùng bánh xe kia giết sạch mọi vị vua các nước đó, rồi sống tại Dvàravati, chia vương quốc thành mười phần. Song họ đã quên mất cô chị đầu là công nương Anjanà, vì thế họ bảo:
– Hãy chia vương quốc ra mười một phần.
Song Amkura đáp:
– Thôi cho chị ấy phần của tiểu đệ, và đệ sẽ làm việc khác mà sống, các vương huynh chỉ giảm thuế cho đệ ở mỗi vương quốc của các vương huynh thôi.
Họ đồng ý và đưa phần chàng cho chị đầu; họ sống chung với nàng tại Dvàravati, cả chín ông vua, trong khi Amkura đóng tàu đi buôn.
Với thời gian các vua ấy sinh được nhiều con trai và con gái và lâu sau đó, các bậc cha mẹ họ từ trần. Vào thời ấy chuyện kể là con người sống đến hai mươi ngàn tuổi.
Sau đó vương tử yêu quí của Ðại vương Vàsudeva mất đi. Vua dở sống dở chết vì sầu muộn, nên xao lãng mọi việc, cứ nằm than khóc, bám chặt lấy sàng tọa. Lúc ấy Trí giả Ghata suy nghĩ: “Trừ ta ra không ai đủ khả năng xoa dịu nỗi buồn của hoàng huynh. Ta muốn tìm phương tiện để làm giảm nỗi ưu phiền cho ngài.” Vì thế chàng làm vẻ điên cuồng đi khắp kinh thành, nhìn lên bầu trời và kêu lớn:
– Cho ta một con thỏ! Cho ta một con thỏ!
Cả kinh thành chấn động lên:
– Trí giả Ghata nổi điên rồi. Họ bảo nhau.
Vừa lúc ấy một cận thần tên là Rohineyya, đi vào yết kiến vua Vàsudeva và mở đầu câu chuyện bằng cách ngâm vần kệ đầu tiên:
*
Khi viên cận thần nói vậy xong, Bậc Ðạo Sư thấy vua ấy đứng dậy, rồi với Trí tuệ Tối thắng, Ngài cảm hứng ngâm vần kệ thứ hai:
*
Vua đứng lên, vội vàng bước xuống từ cung thất tiến về phía Trí giả Ghata, ngài chụp mạnh lấy chàng bằng cả hai tay và ngâm vần kệ thứ ba hỏi chàng:
Trước câu hỏi của vua, chàng chỉ đáp lại bằng cách ngâm mãi các lời kệ ấy. Còn vua ngâm thêm hai vần kệ nữa:
Nghe lời vua, bậc hiền nhân đáp lại bằng cách ngâm vần kệ thứ sáu:
“Chắc em ta đã nổi điên rồi”. Vua suy nghĩ khi nghe nói vậy. Lòng đầy sầu muộn, ngài ngâm vần kệ thứ bảy:
Trí giả Ghata khi nghe vua đáp lại, liền đứng yên không nhúc nhích và nói:
– Này vương huynh, anh biết rằng con người đòi thỏ mặt trăng thì không thể nào có được và sẽ phải chết. Vậy tại sao anh phiền muộn vì đứa con trai đã mất?
Rồi chàng nói tiếp khi vẫn đứng trên đường.
– Này anh, em chỉ cầu xin cái có thật, còn anh lại phiền muộn vì cái không còn nữa.
Sau đó chàng giáo hóa vua bằng hai vần kệ sau:
Vua nghe vậy, đáp:
– Này hiền đệ, em có mục đích tốt lành lắm. Em đã làm như vậy để xua tan phiền muộn của ta.
Sau đó ngài ngâm bốn vần kệ để tán thán Trí giả Ghata:
*
Và cuối cùng:
Ðây là vần kệ phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng.
*
Bằng cách ấy, Vàsudeva Ðại vương đã được vương tử Ghata an ủi nỗi buồn.
Sau một thời gian dài, vua cai trị vương quốc, các vương tử của Mười Anh Em làm vua kia suy nghĩ:
– Dân chúng đồn rằng Kanhadìpàyana có thần thông lực. Ta thử xem sao.
Thế là cả bọn ấy kiếm một thanh niên cho gã phục sức đẹp vào rồi buộc một chiếc gối quanh bụng gã làm như thể gã có thai. Rồi họ đem gã vào yết kiến ngài và hỏi:
– Thưa Tôn giả, khi nào thì người đàn bà này sinh con?
Nhà ẩn sĩ nhận thấy (nhờ thần lực) rằng Mười Anh Em vương tử này đã đến hồi mạt vận; rồi khi xem kỹ hạn kỳ mạng sống của chính mình được chừng nào, ngài hiểu là ngài phải chết đúng ngày hôm ấy. Sau đó ngài hởi:
– Thưa các vị vương tử, người này là gì của các vị?
Họ khăng khăng đáp lại:
– Xin hãy trả lời cho chúng ta rõ.
Ngài đáp:
– Từ ngày thứ bảy kể từ nay, người này sẽ sinh ra một khúc gỗ keo. Với khúc gỗ ấy, nó sẽ phá tan dòng họ Vàsudeva, dù cho các vị có lấy thanh gỗ ấy và đốt đi rồi thả tro xuống sông.
– A, đạo sĩ này giả hiệu – họ đáp. Ðàn ông không thể nào đẻ con được!
Rồi họ làm một sợi dây thừng giết ngài lập tức.
Các vị vua triệu các vương tử vào hỏi tại sao đã giết đạo sĩ. Khi các vị nghe như vậy đều kinh hãi. Các vị cho người canh giữ chàng trai kia, và đến ngày thứ bảy, chàng ta lấy ra từ trong bụng một khúc gỗ keo, họ đem đốt đi và thả tro xuống sông. Tro ấy trôi theo dòng nước dính vào một bên bờ nhờ một cái ngõ vào phía sau, từ nơi ấy mọc lên một cây Eraka.
Một ngày kia, các vua đề nghị đi hu hí dưới sông . Vì thế các vị ấy đến ngõ sau này dựng một chiếc rạp lớn, và trong cái rạp rực rỡ ấy, các vị vua ăn uống vui đùa. Sau đó, các vị bắt đầu đấm đá nhau và chia thành hai phe gây gổ dữ dội. Cuối cùng một người trong đám đó thấy không có gì tốt hơn để làm cây gậy liền hái một ngọn lá Eraka, ngay sau khi hái, nó liền biến thành cái gậy gỗ keo trong tay, người ấy dùng gậy đánh nhiều người. Rồi các người khác cũng hái như vậy, và các lá cây mà họ hái đều biến thành gậy gộc, và bọn người ấy dùng gậy đánh nhau cho đến chết. Trong lúc cả bọn tàn sát lẫn nhau, chỉ có bốn người: Vàsudeva, Baladeva, công chúa Anjanà, vương tỷ, và vị quan tế sư nhảy lên xe chạy trốn. Còn cả đám kia chết hết không sót ai.
Bấy giờ bốn vị ấy dùng xe trốn đi đến khu rừng Kàlamattikà, nơi ấy gã đấu vật Mutthika tái sinh làm quỷ đúng như lời nguyện của y. Khi y nhận thấy Baladeva, y liền dựng lên một ngôi làng tại đó rồi giả dạng làm người nô bộc vừa đi vừa nhảy nhót la hét vừa búng tay một hồi:
– Ai muốn đấu đây?
Baladeva mới thấy y liền nói:
– Này anh, em sẽ cố đánh gã này.
Vàsudeva cố hết sức ngăn cản chàng, song chàng vẫn xuống xe, đi đến gã, búng tay, gã kia chụp ngay chàng trong lòng bàn tay và nhai chàng ngấu nghiến như một củ cải!
Vàsudeva thấy chàng đã chết, liền đi suốt đêm cùng chị và viên tế sư rạng ngày sau vừa đến một làng ở biên địa. Vua nằm xuống trong chổ ẩn sau một bụi rậm, nhờ chị và viên tế sư vào làng bảo nấu một ít thức ăn đem đến dâng ngài. Một người thợ săn (tên là Jarà hay Lão niên) thấy bụi rậm lay động:”Chắc có con lợn rồi!”, gã suy nghĩ và đâm một giáo xuyên suốt chân ngài.
– Ai đã bắn ta bị thương đó? Vàsudeva la lớn.
Người thợ săn thấy gã đã đâm nhằm một người nên kinh hoàng bỏ chạy trốn. Vua hồi tỉnh đứng lên gọi gã thợ săn:
– Này lão tiều phu, tới đây đừng sợ!
Khi gã đến, Vàsudeva hỏi:
– Người là ai?
– Tâu Chúa thượng, tiểu thần là Jàra.
– Than ôi! Vua nghĩ thầm: “Hễ ai bị Lão niên đâm bị thương đều phải chết, người xưa vẫn nói như vậy. Chắc chắn ta phải chết hôm nay rồi”. Sau đó vua bảo:
– Này lão tiều phu, xin đừng sợ, đến đây buộc vết thương lại cho ta.
Khi miệng vết thương buộc lại xong, vua để gã đi. Vết thương khiến ngài đau đớn ghê gớm, ngài không thể ăn thứ gì mà các người kia mang đến. Sau đó, ngài bảo các người kia:
– Hôm nay ta phải chết. Các người yếu đuối lắm, không bao giờ có thể có nghề gì khác để sinh sống, vậy hãy học chuyên khoa này của ta.
Nói xong ngài dạy cho hai người học một chuyên khoa, rồi để cho họ ra đi, và ngài chết ngay hômđó. Như vậy trừ công nương Anjanà, tất cả đều chết không ai sót. Câu chuyện kể như vậy.
*
Khi Bậc Ðạo Sư đã chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:
– Này cư sĩ, như vậy ngày xưa, có người đã thoát khỏi khổ đau vì con chết bằng cách nghe theo lời dạy của các bậc trí nhân; thôi, ông đừng nghĩ đến chuyện ấy nữa.
Sau đó Ngài tuyên thuyết các Sự thật, vị cư sĩ đã được an trú vào Sơ quả Dự lưu.
Rà Ngài nhận diện tiền thân:
– Vào thời ấy, Ànanda (A-nan) là Rohineyya, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là Vàsudeva, các đệ tử của đức Phật là các người kia, và Ta chính là Trí giả Ghata.
-ooOoo-
Chương XI
Phẩm Mười Một Bài Kệ
Cho dù voi chúa phải đi xa…,
Chuyện này Bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỳ kheo còn mẹ phải cấp dưỡng.
Hoàn cảnh chuyện này cũng giống như chuyện Sàma (số 540 tập VI). Trong dịp này Bậc Ðạo Sư nói chuyện với chúng Tăng, Ngài bảo:
– Này các Tỷ kheo, chớ giận Tỳ kheo này. Ngày xưa, bậc hiền nhân, ngay cả lúc sinh ra từ bụng của loài vật, và cách xa mẹ mình cũng không chịu ăn uống gì trong bảy ngày, cứ gầy héo mỏi mòn. Dù được cung cấp đồ ăn vương giả, họ cũng chỉ đáp: “Không có mẹ ta thì ta không muốnăn”. Tuy thế, lúc gặp lại mẹ, họ mới chịu ăn như trước.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm Ðại tượng vương ở vùng Tuyết Sơn. Toàn thân Voi màu trắng rất hùng vĩ, là chúa đàn gồm tám mươi ngàn con voi vây quanh ngài, song mẹ ngài bị mù. Ngài thường đưa cho bầy voi những quả rừng thật ngon để đem về dâng mẹ, tuy thế, chúng chẳng đem gì về dâng voi mẹ, mà chúng ăn hết. Khi ngài hỏi thăm và biết được việc ấy, ngài bảo:
– Ta muốn rời đàn để nuôi mẹ ta.
Thế là một đêm thuận lợi, bầy voi không hay biết ngài đưa mẹ đi đến đỉnh núi Candorana (Chiên-đồ-gia), tại đó ngài để mẹ ở trong một hang dưới đồi, gần một hồ nước và nuôi nấng mẹ rất chu đáo.
Bấy giờ, một người thợ rừng ở Ba-la-nại đi lạc đường và không thể nào tìm lối ra được nên bắt đầu than khóc ầm ĩ. Nghe tiếng này Bồ-tát thầm nghĩ: “Ðó là một người đang cơn hoạn nạn, khi ta đang ở đây mà gã gặp tai họa thật chẳng phải lẽ”. Vì vậy ngài đến gần gã, nhưng gã bỏ chạy vì quá sợ hãi; thấy thế, chúa Voi bảo gã:
– Này người kia, anh không cần phải sợ ta, đừng chạy trốn, hãy nói tại sao anh vừa đi vừa khóc thế?
– Tâu chúa tể, kẻ hèn này bị lạc đường đã bảy ngày qua.
Chúa Voi đáp:
– Anh đừng sợ nữa, và ta sẽ đưa anh ra đường đi của dân chúng.
Sau đó ngài bảo người ấy leo lên ngồi trên lưng ngài và đưa gã ra khỏi rừng, xong ngài quay về.
Còn con người độc ác kia quyết vào thành phố báo tin cho vua biết. Vì thế gã đánh dấu các cây cối, các ngọn đồi, rồi tiến về Ba-la-nại. Lúc ấy vương tượng của hoàng đế vừa từ trần. Ngài cho truyền lệnh bằng một hồi trống:
– Nếu kẻ nào thấy ở đâu có con voi xứng đáng để hoàng thượng ngự du thì hãy báo ngay.
Sau đó gã kia đến triều kiến vua và tâu:
– Tâu Chúa thượng, tiểu thần đã thấy một con Voi tuyệt mỹ, toàn thân màu trắng, một vật tối thắng xứng đáng để Chúa thượng ngự lên. Tiểu thần xin chỉ đường. Nhưng xin đưa các người quản tượng đi theo để bắt Voi.
Vua chấp thuận, bảo một người thợ rừng cùng đi với gã ấy và một đoàn tùy tùng lên đường.
Người thợ cùng đi với gã và trông thấy Bồ-tát đang ăn uống trong một hồ nước. Khi Bồ tát thấy gã thợ rừng, ngài nghĩ: “Hiểm họa này chắc chắn không phát xuất từ ai khác, ngoài kẻ kia. Nhưng Ta rất mạnh, ta có thể đánh tan tành cả ngàn con voi trong lúc thịnh nộ, ta lại đủ sức tiêu diệt cảđàn voi ra trận của một vương quốc. Tuy nhiên nếu ta bị lòng phẫn nộ chi phối thì công đức của ta sẽ bị tổn hại. Vì vậy hôm nay ta sẽ không nổi giận, cho dù có bị gươm giáo đâm vào da thịt”. Với quyết đinh này, ngài cúi đầu đứng bất động.
Người thợ rừng bước xuống hồ sen, khi thấy vẻ tuyệt mỹ của các chóp ngà voi, gã bảo:
– Này con, hãy đến đây.
Rối nắm lấy cái vòi giống như sợi dây thừng bằng bạc, gã dẫn voi về thành Ba-la-nại trong vòng bảy ngày.
Khi mẹ Bồ Tát thấy con mình không trở về, bà đoán chắc hẳn ngài bị quan quân nhà vua bắt rồi, và bà than khóc:
– Giờ đây cây cối vẫn mọc, nhưng con ta đã đi xa rồi.
Và bà đã ngâm hai vần kệ sau:
Bây giờ người luyện voi kia, đang lúc còn đang đi đường đã gửi về triều một tờ sớ dâng vua. Nhà vua liền ra lệnh cả kinh thành trang hoàng thật lộng lẫy. Người luyện voi dẫn Bồ tát vào một cái chuồng được tô điểm bằng các dây tua, tràng hoa và vây quanh mỗi bức màn đủ màu rực rỡ, xongđến trình vua. Vua mang các món cao lương mỹ vị ra bảo đưa cho Bồ Tát, nhưng ngài không ăn chút gì cả:
– Nếu không có mẹ ta, ta không muốn ăn gì đâu.
Vua van nài ngài ăn, và ngâm vần kệ thứ ba:
Nghe vậy Bồ Tát ngâm vần kệ thứ tư:
Vua ngâm vần kệ thứ năm để hỏi ý nghĩa lời ngài:
Voi đáp lời qua vần kệ thứ sáu:
Khi nghe nói vậy, vua liền cho ngài được tự do, và ngâm vần kệ thứ bảy:
Vần kệ thứ tám và thứ chín xuất phát từ Trí tuệ Tối thắng của đức Phật.
Nhưng mẹ của Bồ Tát tưởng là trời bắt đầu mưa, nên ngâm vần kệ thứ mười để trách cơn mưa:
Lúc ấy Bồ tát ngâm vần kệ thứ mười một để trấn an mẹ:
Bà mẹ liền đáp lời, cảm tạ vua qua vần kệ cuối cùng:
Vua rất hoan hỷ vì đức độ của Bồ tát nên ra lệnh xây một thị trấn không xa hồ ấy và vua thườngđến phụng sự Bồ Tát cùng mẹ ngài. Sau đó, khi mẹ ngài từ trần, ngài đi thật xa đến một tinh xá tên là Karandaka. Tại đây có năm trăm bậc trí giả an trú và vua thường đến cúng dường các ngài. Vua lại truyền tạc một tượng bằng đá có hình Bồ tát và thường đến chiêm bái để tỏ lòng ngưỡng mộ ngài. Dần dần dân chúng khắp cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ) tụ tập lại đó cùng nhau cử hành ngày hội gọi là hội Voi.
*
Khi Bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại, Ngài tuyên thuyết các Sự thật. Bấy giờ lúc kết thúc các Sự thật, Tỳ kheo phụng dưỡng mẹ đã được an trú vào Sơ quả Dự lưu.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Vào thời ấy Ànanda là nhà vua, mẫu hậu Mahàmàyà là mẹ Voi và chính Ta là chúa Voi đã nuôi dưỡng mẹ mình.
-ooOoo-
Tâu Ðại vương nghe lão nói điều này…,
Chuyện này Bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ viên, về các đặc ân mà Tôn Giả Ànanda nhậnđược.
Suốt trong hai mươi năm đầu Ngài chứng đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, các thị giả đức Thế Tôn không phải chỉ là một người: Khi thì Tôn giả Nàgasamàla, khi thì Tôn giả Nàgita, Upavàna, Sunakkhatta, Cunda, Sàgala, khi thì Meghiya hầu hạ đức Thế Tôn. Một ngày kia, đức Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:
– Này các Tỳ kheo, nay Ta đã già, và khi Ta bảo chúng ta hãy đi đường này, vài người trong Tăng chúng lại đi đường khác, có người làm rơi bình bát và y của ta xuống đường. Vậy hãy chọn một Tỳ kheo luôn luôn hầu cận ta.
Sau đó, Tăng chúng đồng đứng lên, bắt đầu với Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất), và chấp hai tay lên đầu nói lớn:
– Bách Thế Tôn, con xin hầu hạ Thế Tôn, con muốn hầu hạ Thế Tôn.
Nhưng ngài từ chối trả lời:
– Lời thỉnh cầu của các ông đã được ta biết trước, thôi đủ rồi.
Sau đó Tăng chúng nói với Tôn giả Ànanda:
– Này Hiền giả, Hiền giả hãy xin giữ chức vụ thị giả.
Tôn giả đáp:
– Nếu đức Thế Tôn sẽ không ban cho ta chiếc y mà chính Ngài đã nhận, nếu Ngài sẽ không ban cho ta đồ ăn khất thực của Ngài, nếu Ngài sẽ không cho phép ta ở cùng trong Hương phòng, nếu Ngài sẽ không muốn cho ta cùng Ngài đi đến nơi Ngài được mời. Nhưng nếu đức Thế Tôn sẽ đi với ta đến nơi mà ta được mời, nếu ta sẽ được phép giới thiệu hội chúng vào lúc hội chúng từ các vùng xa xôi hay các nước ngoài đến yết kiến đức Thế Tôn, nếu ta sẽ được gặp đức Thế Tôn khi có nghi vấn khởi lên, hoặc nếu bất cứ khi nào đức Thế Tôn thuyết Pháp mà ta vắng mặt thì ngài sẽ thuyết Pháp lại cho ta ngay lúc trở về: Thế thì ta sẽ hầu hạ đức Thế Tôn.
Tôn giả cầu xin tám đặc ân này, bốn điều “không” và bốn điều “có” và đức Thế Tôn ban tất cả cho Tôn giả. Sau đó Tôn giả thường xuyên hầu hạ Bậc Ðạo Sư trong hai mươi lăm năm liền. Vì vậy sau khi đã đạt được năm đức tính xuất sắc và sau khi thành tựu bảy phúc lạc ” Phúc lạc về Ðạo pháp, phúc lạc về sự giáo hóa, phúc lạc về sự tuệ tri các nhân duyên, phúc lạc về sự quán sát công đức của mình, phúc lạc vì được ở trong một Thánh chúng, phúc lạc về nhiệt tâm tinh cần được khai sáng, phúc lạc về khả năng đạt giác ngộ. Vào hầu cận đức Phật, Tôn giả nhận được tám đặc ân và trở nên danh tiếng trong Giáo pháp của đức Phật, Tôn giả sáng chói chẳng khác nào mặt trăng trên bầu trời.
Một ngày kia Tăng chúng bắt đầu nói đến chuyện ấy trong Chánh pháp đường:
– Này hiền hữu, đức Như Lai đã làm thỏa nguyện Tôn giả Ànanda bằng cách ban các điều ước của Tôn giả.
Bậc Ðạo Sư đi vào và hỏi:
– Này các Tỳ kheo, các ông đang nói chuyện gì trong khi ngồi ở đây?
Tăng chúng thưa với Ngài. Sau đó Ngài bảo:
– Không phải đây là lần đầu tiên, này các Tỳ kheo, mà thuở xưa cũng như bây giờ Ta đã làm thỏa nguyện Ànanda với một đặc ân; ngày xưa cũng như bây giờ, bất cứ điều gì ông muốn xin, Ta đều ban cho cả.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, một vương tử của ngài là Junha hay Nguyệt Quang Vương tử đang theo học tại Takkasilà.
Một đêm kia, sau khi lắng nghe kỹ lưỡng lời dạy bảo của vị giáo sư, chàng từ giã nhà của thầy trong đêm tối và lên đường về nhà. Một Bà-la-môn đã đi khất thực, và đang trên đường về nhà, còn vương tử vì không thấy vị này, nên chạy đến đụng vào Bà-la-môn ngã xuống và kêu lên. Chàng động lòng thương liền quay lại, cầm lấy hai tay vị kia và đỡ dậy. Vị Bà-la-môn nói:
– Này con, con đã làm vỡ bình bát của ta, vậy hãy cho ta tiền mua một bữa ăn.
Vương tử đáp:
– Thưa Tôn giả Bà-la-môn, bây giờ tiểu sinh không thể cho ngài tiền bữa ăn được; nhưng tiểu sinh là vương tử Junha, con vua xứ Kàsi, khi tiểu sinh về vương quốc, ngài có thể gặp tiểu sinh và xin số tiền ấy.
Khi chàng trai hoàn tất việc học tập, chàng tạ từ thầy dạy và trở về Ba-la-nại, trình vua cha việc học tập của chàng.
– Trẫm đã thấy được con trước khi từ trần – vua phán – và muốn thấy con trẫm lên ngôi.
Sau đó ngài làm lễ quán đảnh cho con và phong chàng lên ngôi vua. Với danh hiệu Ðại vương Junha, vương tử cai trị rất chân chánh.
Khi vị Bà-la-môn hay tin ấy, ông nghĩ rằng giờ đây mình có thể lấy lại tiền bữa ăn rồi. Thế là ôngđến Ba-la-nại, thấy toàn thể kinh thành được trang hoàng rực rỡ và vua đang ngự du trong đám rước rất uy nghi hướng về phía hữu, diễu quanh kinh thành. Ðứng trên một chỗ cao, vị Bà-la-môn giơ tay kêu lớn:
– Ðại vương toàn thắng!
Vua đi qua mà không nhìn thấy ông. Khi vị Bà-la-môn thấy mình không được chú ý, liền ngâm một vần kệ để xin ngài giải thích:
Khi nghe những lời này, vua thúc vương tượng quay lại với cái gậy nạm ngọc của ngài và ngâm vần kệ thứ hai:
Và câu chuyện của vua và vị Bà-la-môn hỏi đáp lẫn nhau được kể lại trong các vần kệ sau đây:
Bà-la-môn:
Quốc vương:
Bà-la-môn:
Quốc vương:
Bà-la-môn:
Quốc vương:
Bà-la-môn:
Bồ tát liền tỏ thêm niềm quý trọng đối với đạo sĩ kia.
*
Khi Bậc Ðạo Sư đã chấm dứt Pháp thoại này. Ngài bảo:
– Này các Tỳ kheo, đây không phải là lần đầu Ta làm Ànanda thỏa nguyện với các đặc ân, mà Tađã làm như vậy ngày xưa nữa.
Cùng các lời này, Ngài nhận diện tiền thân:
– Vào thời ấy Ànanda là vị Bà-la-môn, và Ta chính là vua.
-ooOoo-
Ta hành chánh hạnh giữa trần gian…,
Chuyện này Bậc Ðạo Sư kể trong khi trú tại Kỳ Viên về việc Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) bị nuốt vào lòng đất như thế nào.
Tăng chúng tụ tập trong Chánh pháp đường đàm luận:
– Này Hiền hữu, Ðề-bà-đạt-đa sinh lòng thù nghịch với đức Như Lai và đã bị nuốt vào lòng đất.
Bậc Ðạo Sư đi vào hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì lúc ngồi ở đó. Tăng chúng trình với Ngài. Ngài đáp:
– Này các Tỳ kheo, nay kẻ ấy bị nuốt vào lòng đất vì đã giáng một đòn chống lại quyền lực vinh quang của Ta, song ngày xưa kẻ ấy đã chống lại uy quyền của lẽ phải, nên đã bị nuốt vào lòng đất và đọa vào địa ngục.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thời nọ, khi vua Brahmadatta lên ngôi tại Ba-la-nại, Bồ tát được sinh vào cõi dục giới thiên làm một Thiên tử, có tên là Dhamma hay Chánh pháp, đồng thời Ðề-bà-đạt-đa lại có tên là Adhamma hay Tà pháp.
Vào ngày trai giới trăng tròn, về buổi chiều khi cơm nước xong xuôi, dân chúng ngồi vui vẻ trước sân nhà mình trong làng, ngoài phố hay kinh thành, Dhamma xuất hiện trước mặt quần chúng,đứng vững trên không gian, cỡi chiếc thiên xa của ngài và phục sức thiên y rực rỡ giữa hội chúng Thiên nữ, ngài dạy bảo như sau:
– Ðừng đoạt mạng sống của mọi loài hữu tình và tránh mười ác đạo, hãy làm tròn phận sự phụng dưỡng cha mẹ, cùng tam nghiệp chân chánh (Chánh thân nghiệp, chánh khẩu nghiệp, chánh ý nghiệp), nhờ thế các người sẽ được tái sinh lên thiên giới và hưởng mọi vinh quang tuyệt diệu.
Như vậy ngài khuyến cáo dân chúng hành trì Mười thiện đạo, và ngài diễu quanh cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ) một vòng thật uy nghiêm hướng về phía hữu. Nhưng Adhamma lại dạy dân chúng:
– Hãy sát sinh các loài hữu tình.
Và như thế vị này đã xúi giục dân chúng theo Mười ác đức và diễu quanh cõi Diêm-phù-đề hướng về phía tả.
Lúc bấy giờ thiên xa của hai vị đối diện nhau trên không gian, và đám tùy tùng của hai vị hỏi nhau:
-Các ông là tùy tùng của ai? Và chúng đáp:
– Chúng ta là tùy tùng của Dhamma.
– Còn chúng ta là tùy tùng của Adhamma. Rồi chúng chiếm chỗ, làm cho lối đi được chia hai ra. Nhưng Dhamma bảo Adhamma:
-Này Hiền giả, ngài là Adhamma và ta là Dhamma, ta đi về hướng phải, vậy hãy quay xe qua một bên nhường lối cho ta.
Rồi ngài ngâm vần kệ đầu:
Ðây là các vần kệ tiếp theo:
Tà:
2-Trong chiếc hùng xa của pháp Tà,
Ngự trên ngôi báu ấy là ta,
Ðại hùng không kẻ làm kinh hãi,
Vì vậy ta không tự trước giờ
Nhường chỗ, sao nay đành nhượng bộ
Ðể cho Chánh pháp vượt xe qua?
Chánh:
Tà:
Chánh:
Tà:
Chánh:
Hai vị ngâm sáu vần kệ trên để đối đáp lẫn nhau. Nhưng vừa lúc Bồ tát ngâm vần kệ này, Adhamma không thể nào đứng trên xe được nữa, mà nhào đầu xuống đất đang há miệng để nuốt vị ấy liền, và vị ấy tái sinh vào địa ngục.
*
Ðức Thế Tôn vừa nhận thấy việc này xảy ra, Ngài liền ngâm các vần kệ cuối cùng phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng của Ngài:
*
Khi Bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại, Ngài bảo:
– Này các Tỳ kheo, không phải chỉ bây giờ, mà cả ngày xưa nữa, Ðề-bà-đạt-đa đã tấn công Ta và đã bị nuốt vào lòng đất.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Vào thời ấy, Ðề-bà-đạt-đa là Adhamma (Tà pháp), đám tùy tùng của Tà pháp này là tùy tùng của Ðề-bà-đạt-đa, còn ta là Dhamma (Chánh pháp) và các đệ tử của đức Phật là đám tùy tùng của Dhamma vậy.
-ooOoo-
Dung sắc nàng trong sáng, vẹn toàn…,
Chuyện này Bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỳ kheo thối thất.
Trường hợp này sẽ được giải thích trong Tiền Thân Kusa (số 531 tập VI). Bậc Ðạo Sư hỏi người này:
– Này Tỳ kheo, có đúng là ông thối thất như Tăng chúng bảo chăng?
Người ấy đáp:
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Ngài nói:
– Này Tỳ kheo, tại sao ông lại thối thất trong Giáo pháp như Giáo pháp của Ta đưa đến giải thoát, mà tất cả chỉ vì tham dục?
Các bậc trí nhân ngày xưa, từng làm vua tại Surundha, một kinh thành phồn thịnh rộng mười hai dặm mỗi bề, dù suốt cả bảy trăm năm sống cùng phòng với một nữ nhân diễm lệ như Thiên nữ, cũng không hề bị lôi cuốn vào dục vọng, thậm chí cũng chẳng bao giờ đưa mắt nhìn nàng với lòng ham muốn cả.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, khi vua Kàsi đang trị vì quốc độ Kàsi, ỏ kinh thành Surundha, ngài không có con cái gì cả. Vì thế ngài ra lệnh cho các vương phi cầu tự. Bấy giờ Bồ tát từ cõi Phạm thiên xuống nhập vào mẫu thai của chánh hậu. Và do ngài sinh ra đời làm vui lòng đại chúng nên được đặt tên là Udayabhadda, tức Thiện Lai. Vào lúc vương nhi biết đi chập chững, thì một người khác xuất hiện ở đời này từ cõi Phạm thiên xuống nhập mẫu thai làm công chúa của một bà vương phi khác và nàng cũng được đặt cùng tên ấy Udayabhaddà.
Khi thái tử đến tuổi trưởng thành, chàng tinh thông mọi ngành học thuật, và hơn nữa, chàng trong sáng đến độ chàng không biết gì về các hành động xác thịt, ngay cả trong các giấc mơ, tâm chàng cũng không hướng đến ác dục. Vua cha ước mong chàng cũng không lên ngôi báu với lễ quánđảnh phong vương huy hoàng, và muốn diễn kịch để chàng giải trí, nên ngài ra lệnh ngay. Nhưng Bồ tát đáp:
– Con không thiết ngai vàng, lòng con không hướng về ác dục.
Chàng cứ bị nài ép mãi, nhưng chàng đáp lại bằng cách bảo tạc một tượng nữ nhân bằng vàng ròng, rồi trình lên song thân với lời tâu:
– Khi nào hoàng nhi tìm được một nữ nhân như vậy, hoàng nhi sẽ nhận ngôi báu.
Quần thần đem bức tượng vàng đi khắp cõi Diêm-phù-đề, nhưng họ không tìm ra nữ nhân nào giống như vậy cả, cuối cùng họ trang điểm cho nàng Udayabhadà thật lộng lẫy rồi đưa nàng ra so với bức tượng, dung sắc nàng còn vượt xa khi nàng đứng cạnh nó. Thế là quần thần đem gả nàng cho Bồ tát làm vương phi, dù cả hai vị đều không muốn, vì nàng chính là công chúa Udayabhaddà, em ruột cùng cha khác mẹ với ngài, rồi quần thần lại làm lễ quán đảnh phong vương cho ngài.
Cả hai vị cùng nhau sống một cuộc đời thanh tịnh, không vướng dục tình. Theo thời gian, khi song thân qua đời, Bồ-tát trị vì vương quốc. Hai vị ở chung phòng, nhưng từ bỏ dục vọng, đến độ không bao giờ nhìn nhau với vẻ ham muốn. Không những thế, hai vị còn ước nguyền rằng, nếu một trong hai vị từ trần trước, thì sẽ trở lại gặp vị kia từ cõi mới tái sinh, để báo tin: “Ta đã tái sinh ở nơi kia”.
Thời bấy giờ lúc làm lễ quán đảnh, Bồ-tát sống bảy trăm năm rồi từ trần. Vì không có vua nào nối ngôi, nên có lệnh của tiên đế Udayabhadda ban bố rằng triều đình phải lo trị nước. Bồ-tát đã trở thành Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ trên cõi Trời ba mươi ba, và do cảnh vinh quang này quá huy hoàng, nên ngài không nhớ đến đời trước trong vòng bảy ngày. Thế là sau bảy trăm năm theo ước tính của loài người, ngài nhớ lại và tự nhủ: “Ta muốn trở về gặp công chúa Udayabhaddà và sẽ thử lòng nàng bằng vàng bạc quý, rồi rống lên tiếng rống sư tử, ta sẽ thuyết giáo, như thế là ta thành tựu lời nguyện ước xưa”.
Vào thời ấy, chuyện kể rằng, đời sống con người kéo dài được mười ngàn năm. Bấy giờ, vào ban đêm cửa cung khóa chặt, quân canh đã được bố trí cẩn mật, và công chúa đang ngồi yên lặng một mình trong cung điện nguy nga ở lầu thượng, suy tư về công hạnh của nàng. Lúc ấy, Ðế Thích Thiên chủ cầm một chiếc dĩa vàng đựng đầy tiền vàng và xuất hiện trong khuê phòng trước mặt nàng, rồi đứng ra một bên. Ngài bắt đầu ngâm vần kệ thứ nhất với nàng:
Công chúa đáp lời này qua hai vần kệ sau:
Sau đó Ðế Thích Thiên chủ ngâm vần kệ thứ tư:
Nghe thế, công chúa liền ngâm vần kệ thứ năm:
Nghe giọng sư tử hống của nàng, Thiên chủ không còn đứng lại nữa, mà làm ra vẻ giã từ nàng rồi lập tức biến mất. Hôm sau cũng vào giờ ấy, ngài cầm cái chén bạc đựng đầy tiền vàng và đến nói với nàng qua vần kệ thứ sáu:
Lúc ấy công chúa suy nghĩ: “Nếu ta cứ để vị kia nói mãi chuyện nhảm nhí, y sẽ đến hoài. Vậy ta không nói gì nữa với y”. Thế là nàng không nói thêm lời nào. Ðế Thích Thiên chủ thấy nàng không có gì để nói nữa, nên biến mất từ chỗ đứng.
Ngày kế tiếp cũng vào giờ ấy, ngài cầm chén sắt đựng đầy tiền vàng và bảo:
– Thưa công nương, nếu nàng ban cho ta tình yêu của nàng, ta sẽ tặng nàng chén sắt đầy vàng này.
Khi trông thấy ngài, công chúa ngâm vần kệ thứ bảy:
Khi nghe những lời này, bậc Ðại Sĩ đáp:
– Thưa công nương, ta là một kẻ đi buôn rất thận trọng. Ta không phung phí của cải vô ích đâu. Nếu nàng tăng dần vẻ xuân sắc, ta sẽ tăng số tặng vật cho nàng, nhưng sắc đẹp của nàng đang tàn tạ dần, vì thế ta giảm dần số tặng vật đó thôi.
Nói xong ngài ngâm ba vần kệ:
Ngay sau đó công chúa ngâm một vần kệ khác:
Lúc ấy, Thiên chủ giải thích vấn đề này qua một vần kệ nữa:
Khi nàng nghe nói dung sắc trên thiên giới, nàng hỏi con đường lên đó qua một vần kệ khác:
Kế đó Thiên chủ giải thích vấn đề trong một vần kệ nữa:
Khi công chúa nghe lời ngài xong, nàng cảm tạ ngài qua một vần kệ khác:
Liền đó Bồ-tát ngâm kệ:
Công chúa thở dài bảo:
– Ôi Chúa thượng, ngài chính là Ðại vương Udayabhadda ư?
Rồi nàng nức nở khóc, nước mắt tuôn như suối chảy:
– Vắng bóng Chúa thượng, thần thiếp không thể nào sống được. Xin Chúa thượng dạy bảo thần thiếp cách nào thiếp có thể sống cùng Chúa thượng mãi mãi!
Nói xong nàng lại ngâm kệ khác:
Tiếp theo ngài ngâm bốn vần kệ để giáo hóa nàng:
Bậc Ðại Sĩ đã thuyết Pháp như vậy. Công chúa rất hoan hỷ với cách giáo hóa trên, và nàng cảm tạ ngài với vần kệ cuối cùng:
Sau khi thuyết giáo như vậy cho nàng xong, Bồ-tát trở lại cõi của ngài.
Ngày kế tiếp, công chúa liền giao việc trị nước cho các triều thần, còn nàng trở thành ẩn sĩ ngay trong kinh thành ấy, ở hoa viên đầy an lạc. Tại đó, nàng vẫn sống theo chánh hạnh cho đến khi mạng chung, nàng được tái sinh ở cõi Trời Ba mươi ba, làm thị nữ của Bồ-tát.
*
Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại này, Ngài thuyết giảng các Sự Thật. Bấy giờ, lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo thối thất đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy, thân mẫu La-hầu-la là công chúa kia và Ðế Thích Thiên chủ chính là Ta.
-ooOoo-
Ngụm nước kia còn là của bạn mình..,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về sự điều phục các ác dục.
Ta biết rằng có một thời, năm trăm dân chúng thành Xá-vệ là gia chủ cùng thân hữu của đức Như Lai đã đi nghe Pháp và xuất gia thọ giới Tỷ-kheo. Trong khi sống ở Tinh xá trên con Ðường-lát-vàng kia, vào ban đêm các vị chìm đắm trong dục tưởng (các chi tiết cũng được biết như trong chuyện trước). Theo lệnh của đức Thế Tôn, Tôn giả Ànanda liền tập họp Tăng chúng lại. Bậc Ðạo Sư ngồi xuống ở chỗ đã được soạn sẵn và không cần hỏi Tăng chúng: “Có phải các ông chìm đắm trong dục tưởng chăng?”, mà Ngài dạy bảo Tăng chúng bằng những lời tổng quát:
– Này các Tỷ-kheo, không có việc gì được xem là lỗi lầm nhỏ nhặt cả. Một Tỷ-kheo phải chế ngự tất cả các dục mỗi khi chúng khởi lên. Các bậc trí nhân thuở xưa, trước khi đức Phật ra đời, đã biết điều phục ác dục và đạt đến trí tuệ của một vị Ðộc Giác Phật.
Cùng với lời dạy này, Ngài kể cho Tăng chúng nghe một chuyện quá khứ.
*
Một thời, khi vua Brahmadatta trị vì thành Ba-la-nại, có hai người bạn trong một làng kia ở quốc độ Kàsi. Hai người ấy, ra đồng mang theo hai bình nước uống, họ đặt khuất bên đường trong lúc cuốc đất, mỗi khi khát nước lại đến đó uống. Một trong hai người ấy, khi uống nước, đã để dành nước trong bình của mình và uống nước trong bình kẻ kia. Buổi chiều khi ra khỏi rừng tắm rửa xong, kẻ ấy đứng suy nghĩ: “Ta có phạm lỗi gì hôm nay, hoặc do thân căn, hoặc do căn nào khác chăng?” Lúc đó, ông nhớ lại đã uống ngụm nước trộm như thế nào, và buồn phiền kêu lên:
– Nếu sự thèm khát này khởi lên trong ta, nó sẽ khiến ta phải tái sinh vào cõi dữ. Vậy ta quyết nhiếp phục lỗi lầm.
Vì vậy do chuyện uống ngụm nước trộm này mà ông dần dần đạt được thiền định và chứng đắc Thắng trí của một vị Ðộc Giác Phật (Pacceka-Buddha) và ông đứng đấy suy nghĩ về Thắng trí của mình vừa đạt được.
Bấy giờ người kia sau khi tắm xong bảo:
– Này Hiền hữu, về nhà đi.
Ông đáp:
– Hiền hữu về nhà đi, nhà cửa chẳng có ý nghĩa gì đối với ta nữa! Ta là một vị Ðộc Giác Phật đây!
– Ô kìa, Ðộc Giác Phật giống như Hiền hữu ư?
– Thế thì các vị ấy ra sao?
– Các vị ấy có tóc dài cỡ hai ngón tay, đắp y vàng, sống ở động Nandamùla tận trên vùng Tuyết Sơn.
Người kia vỗ vào đầu; ngay lập tức các dấu vết của một người thế tục biến mất, một cặp y đỏ đắp quanh mình vị ấy, một dây đai màu vàng như lằn chớp cột quanh thắt lưng, tấm thượng y màu son đỏ vắt qua một bên vai, một y phấn tảo màu đen sẫm như đám mây trời bão nằm vắt qua một vai kia, một bình bát bằng đất màu vàng nâu treo lủng lẳng trên vai tả, ông đứng vững trên không, sau khi thuyết Pháp xong liền bay lên cao và không hề hạ xuống, cho đến khi bay tận hang núi Nandamùla.
Một người khác cũng sống trong một làng ở Kàsi, là một địa chủ, đang ngồi trong tiệm tạp hóa thì thấy một người nọ dẫn vợ đi tới. Vừa thấy nàng là một mỹ nhân dung sắc tuyệt thế, người kia lỡ phá giới đức và liếc nhìn nàng. Sau đó ông suy nghĩ: “Nếu tham dục này tăng trưởng, nó sẽ khiến ta đọa vào cõi ác thú”. Ông vừa tu tập tâm vừa làm phát khởi thiền định và đạt Thắng trí của một vị Ðộc Giác Phật, rồi đứng trên không và thuyết Pháp, về sau cũng bay đến động Nandamùla.
Lại có hai cha con là dân làng Kàsi, cùng du hành với nhau. Tại lối đi vào rừng có nhiều kẻ cướp trú ẩn. Những quân cướp này, nếu bắt được cả hai cha con, thì sẽ giữ người con lại và bắt người cha đi về, bảo:
– Hãy đem tiền đến chuộc con trai ông.
Hoặc nếu là hai anh em, chúng sẽ giữ người em lại và bắt người anh đi về, nếu là hai thầy trò, chúng giữ ông thầy lại và bắt học trò đi về, người học trò muốn học hành sẽ đem tiền đến và chúng sẽ thả ông thầy.
Lúc bấy giờ, khi hai cha con này thấy bọn cướp đang nằm chờ, người cha bảo:
– Con đừng gọi ta là cha, ta cũng không gọi con là con đấy.
Hai người đồng ý như vậy, nên khi quân cướp đi đến, chúng hỏi hai người là gì đối với nhau, hai người đáp:
– Chúng ta chẳng là gì đối với nhau cả.
Rồi họ nói dối một điều đã nghĩ sẵn từ trước. Khi hai người ra khỏi rừng và nghỉ ngơi sau khi đã tắm rửa buổi tối xong, người con xem xét lại đức hạnh của mình và nhớ lời nói dối kia, nghĩ thầm: “Lỗi lầm này nếu tăng trưởng sẽ nhận chìm ta vào cõi ác. Ta quyết khắc phục lỗi lầm”. Sauđó người ấy tu tập thiền định, và đạt Thắng trí của một vị Ðộc Giác Phật, rồi đứng trên không và thuyết Pháp cho cha, xong cũng đi về hang Nandamùla.
Trong một làng ở Kàsi cũng có một địa chủ ra lệnh cấm sát sinh. Bấy giờ đến lúc người ta thường dâng lễ tế thần, một đám đông tụ tập lại và nói:
– Thưa chủ nhân, đây là lúc tế lễ, xin cho chúng tôi giết dê, lợn và những súc vật khác để dâng lễ cúng thần linh.
Ông bảo:
– Cứ làm như các anh đã làm trước kia.
Dân làng liền làm một việc đại sát sinh. Khi người ấy thấy một số lớn cá thịt, liền suy nghĩ: “Người ta đã giết hết các sinh vật này, tất cả cũng chỉ vì lời nói của ta mà thôi!”. Ông ăn năn hối hận, và khi đứng bên cửa sổ, ông tu tập thiền định và đạt Thắng trí của một vị Ðộc Giác Phật, rồi đứng trên không thuyết pháp xong, cũng đi về hang Nandamùla.
Một người địa chủ khác sống ở quốc độ Kàsi, cấm bán rượu mạnh. Một đám đông đến kêu gào:
– Thưa chủ nhân, chúng tôi phải làm sao? Ðây là tửu hội được yêu chuộng lâu đời rồi mà!
Người ấy đáp:
– Cứ làm như các anh vẫn làm trước kia.
Dân chúng tổ chức đại hội, uống rượu mạnh và gây sự lẫn nhau, kẻ gãy tay chân, người vỡ đầu sứt tai và phải chịu nhiều hình phạt về chuyện này. Người địa chủ thấy vậy, nghĩ thầm: “Nếu ta không cho phép chuyện này, thì dân chúng đã không phải chịu khổ sở như vậy”. Ông cảm thấy ăn năn dù chỉ một việc nhỏ nhặt kia. Sau đó ông tu tập thiền định, và đạt Thắng trí của một vị Ðộc Giác Phật, đứng trên không thuyết Pháp, khuyên bảo dân chúng phải tỉnh giác, rồi ông cũng đi đến hang Nandamùla.
Một thời gian sau, năm vị Ðộc Giác Phật đều giáng lâm tại cổng thành Ba-la-nại, để tìm đồ ăn bố thí. Thượng y và hạ y của các Ngài đều được đắp gọn ghẽ, với phong thái ung dung thanh thoát, các Ngài đi khất thực đến tận cung môn của vua. Rất hoan hỷ khi ngắm các vị ấy, ngài rước các vị ấy vào cung, rửa chân các vị và xoa dầu thơm, dâng lên các vị đủ món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm, rồi ngài ngồi xuống một bên, và nói với các vị như sau:
– Thưa các Tôn giả, các Ngài đang còn thanh xuân mà đã sống đời tu hành, thật vi diệu biết bao! Ở tuổi này các Ngài đã là ẩn sĩ, và các Ngài đã nhìn thấy nỗi khổ đau của ác dục. Nguyên nhân nào đã đưa đến hành động của các Ngài?
Các ngài đáp lại:
Khi vua đã nghe xong lời giải thích của mỗi vị Phật, ngài nói lời tán thán:
– Thưa các Tôn giả, việc tu hành của các Ngài thật xứng đáng lắm thay.
Vua rất hoan hỷ về bài thuyết Pháp của các vị này. Ngài ban tặng các y trong, y ngoài cho các vị, cùng thuốc men xong xuôi, liền để các vị Ðộc Giác Phật ra đi. Các vị ấy cảm tạ ngài rồi trở về nơiđã xuất hành.
Sau đó vua sinh chán ghét các dục lạc, ngài ly tham, ngài vẫn dùng các món cao lương mỹ vị, song ngài không nói chuyện với bọn cung nhân, cũng không nhìn đến chúng. Nhàm chán khởi lên trong tâm, ngài lui về cung thất nguy nga của ngài ngồi đó nhìn thẳng vào bức tường trắng trước mặt cho đến khi ngài nhập thiền định, cảm nhận trong tâm ngài lạc thọ của thiền định. Mải mê trong nỗi hân hoan, ngài ngâm kệ chê bai tham dục:
Lúc ấy bà chánh hậu của ngài suy nghĩ thầm: “Ðức vua đã nghe lời thuyết Pháp của các vị Ðộc Giác Phật, và nay ngài tự giam mình với nỗi chán chường trong cung điện thật nguy nga của ngài. Ta phải chăm sóc ngài mới được”. Vì thế bà đến cửa cung thất của vua, và đứng ở cửa, nghe rõ những lời cảm hứng đầy hoan lạc của ngài tỏ ý chê bai tham dục, bà bảo:
– Tâu Hoàng thượng, ngài vừa chê bai tham dục! Song chẳng có lạc thú nào bằng lạc thú của tham dục êm ái cả.
Sau đó, để tán thán tham dục, bà ngâm một vần kệ khác:
Nghe vậy vua đáp:
– Này ác nữ nhân! Thật quái lạ, bà nói gì thế? Dục lạc phát xuất từ đâu đấy? Có nhiều khổ đau tiếp theo sau để trả giá cho dục lạc.
Cùng với các lời này, ngài ngâm các vần kệ cuối để tỏ lòng chê bai tham dục:
Bậc Ðại Sĩ đã thuyết Pháp cho bà chánh hậu như vậy. Sau đó ngài tập họp triều thần lại và phán:
– Này các khanh, các khanh hãy cai trị vương quốc. Ta sắp từ giã thế tục.
Và ngay giữa tiếng khóc lóc kêu gào của quần chúng, ngài vụt lên cao, vừa đứng vững trên không, vừa thuyết Pháp. Rồi theo hướng gió ngài bay đến vùng Tuyết Sơn cao xa nhất, ở một nơi đầy an lạc, ngài dựng một am thất, tại đấy ngài sống đời của một bậc hiền trí cho đến mạng chung, ngài được sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nói thêm:
– Này các Tỷ-kheo, không có gì gọi là lỗi lầm nhỏ mọn cả, ngay đến những lỗi nhỏ nhất cũng phải được người trí điều phục.
Rồi Ngài tuyên thuyết các Sự Thật. Bấy giờ vào lúc kết thúc bài giảng, năm trăm vị Tỷ-kheo đã được an trú vào Thánh quả (A-la-hán).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy các vị Ðộc Giác Phật đắc Niết-bàn, mẹ của Ràhulà (La-hầu-la) là bà chánh hậu và Ta là vị vua kia.
-ooOoo-
Con xin đảnh lễ đấng Quân vương..
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về Ðại sự Xuất thế của Ngài.
Một ngày kia, các Tỷ-kheo tụ họp trong Chánh pháp đường:
– Này Hiền hữu, một vị Tỷ-kheo bảo vị kia, đấng Thập Lực trước kia hẳn có thể sống tại gia, có thể làm một vị Chuyển luân Thánh vương ở giữa Ðại thế giới đầy đủ báu vật, vinh quang với bốn Thần lực siêu phàm, được đám vương tử vây quanh hơn ngàn vị. Tuy thế, Ngài đã từ bỏ mọi cảnh vinh quang ấy khi Ngài nhận thấy mối nguy hiểm nằm trong tham dục. Nửa đêm, cùng với Channa (Xa-nặc), Ngài cỡi vương mã Kanthaka (Kiền-trắc) của Ngài và ra đi. Trên bờ sông Anomà, Dòng Sông Vẻ vang ấy, Ngài từ giã thế tục và suốt sáu năm liền, Ngài sống khổ hạnh ép xác, sau đó Ngài tự tu tập và chứng đắc Chánh Ðẳng Giác.
Tăng chúng nói với nhau như vậy về công hạnh của đức Phật. Bậc Ðạo Sư bước vào hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, trong lúc ngồi đây, các ông đang nói về vấn đề gì?
Tăng chúng thưa với Ngài. Bậc Ðạo Sư bảo:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu tiên Như Lai làm đại sự xuất thế. Ngày xưa, Ngài đã từ bỏ ngai vàng ở vương quốc Ba-la-nại rộng đến mười hai dặm.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, có một vị vua mệnh danh là Sabbadatta cai trị thành Ramma. Kinh thành mà nay ta gọi là Ba-la-nại đã được gọi là Sarundhana trong tiền thân Udaya số 458, cũng là Sudassana trong tiền thân Cullasutasoma số 525, hay là Brahmavaddhana trong tiền thân Sonandana số 532, và là Pupphavati trong tiền thân Khandahàla số 542. Còn trong tiền thân Yuvanjana này, nó lại có tên là thành Ramma. Như vậy tên đó thay đổi theo nhiều hoàn cảnh.
Thời ấy vua Sabbadatta có một ngàn vương tử, và ngài phong chức phó vương cho Thái tử Yuvanjana.
Một sáng sớm kia, thái tử ngự lên vương xa lộng lẫy của chàng trong quang cảnh cực kỳ uy nghi, chàng nhàn du trong vườn thượng uyển. Khắp các đỉnh cây, ngọn cỏ, đầu cành, trên các mạng nhện giăng tơ qua các đầu ngọn lau, chàng thấy các giọt sương lủng lẳng như vô số xâu chuỗi ngọc trai. Chàng hỏi:
– Này hiền hữu quản xa, cái gì đây?
– Tâu điện hạ, đây là chất lỏng rơi xuống trong mùa lạnh, mà người ta gọi là sương mai.
Thái tử tiếp tục du ngoạn vui chơi trong ngự viên trọn ngày hôm đó. Về chiều, khi chàng quay lại lối cũ, chàng không còn thấy hạt sương nào nữa. Chàng hỏi:
– Này hiền hữu quản xa, những hạt sương đâu rồi? Nay ta không còn thấy chúng nữa.
Vị kia đáp:
– Tâu điện hạ, khi mặt trời lên cao, sương tan hết và chìm xuống đất.
Nghe vậy, thái tử thất vọng bảo:
– Ðời người ta cũng được tạo thành chẳng khác gì các giọt sương mai trên ngọn cỏ. Ta cần phải thoát khỏi gánh nặng bức bách của bệnh tật, tuổi già và chết chóc. Ta phải từ giã song thân và rời thế tục.
Như vậy là do nhân duyên các giọt sương mai, chàng nhận thức ba cõi sinh hữu (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) như thể đang ở trong ngọn lửa cháy bừng. Khi chàng về cung, chàng vào yết kiến phụ vương trong Ðại pháp đình nguy nga của ngài. Ðảnh lễ vua cha xong, chàng đứng sang một bên và ngâm vần kệ đầu để xin phép vua cha được rời thế tục:
Kế đó vua ngâm vần kệ thứ hai để khuyên can chàng:
Nghe thế, thái tử ngâm vần kệ thứ ba:
Bậc Ðạo Sư ngâm nửa vần kệ để giải thích vấn đề này:
Vương tử lại đáp vần kệ này:
Khi nghe nói điều này, vua cha phân vân do dự. Sau đó, mẫu hậu được tin:
– Tâu lệnh bà, thái tử đang xin pháp hoàng thượng để xuất gia.
Bà hỏi:
– Ngươi nói gì thế?
Tin ấy khiến bà ngạt thở, liền ngự vào chiếc kiệu bằng vàng, bà bảo đi nhanh đến đại pháp đường và ngâm vần kệ thứ sáu:
Khi nghe vậy, thái tử ngâm vần kệ thứ bảy:
Chàng nói vậy xong, bà vẫn van xin chàng mãi, với mục đích ngăn cản chàng. Sau đó, bậc Ðại sĩ tâu với vua cha vần kệ thứ tám:
Khi vua cha nghe con nói, ngài phán:
– Này ái hậu, hãy lên kiệu về cung thường lạc của ta mà an nghỉ.
Trước lệnh của vua, đôi chân vương hậu quỵ xuống, rồi bà được đám cung nữ vây quanh dìu bà về. Khi bước vào hậu cung, đứng nhìn về phía đại pháp đường, bà băn khoăn hỏi tin tức con mình. Sai khi mẫu hậu đi rồi, Bồ-tát lại xin phép vua cha lần nữa. Vua không thể từ chối chàng được, liền phán:
– Này thái tử thân yêu, cứ làm theo ý nguyện của con và từ bỏ thế tục.
Khi vừa nghe cha chấp thuận điều này, tiểu hoàng đệ của Bồ-tát là vương tử Yudhitthila, đến đảnh lễ vua cha, và cũng xin phép theo đời xuất gia như thế, vua liền bằng lòng ngay.
Cả hai vị vương tử từ biệt vua cha và giờ đây, sau khi từ bỏ mọi dục lạc thế gian, hai vị ra đi từ đại pháp đường giữa đại chúng. Chánh hậu nhìn theo bậc Ðại sĩ và than khóc:
– Thái tử đã từ giã thế tục, kinh thành Ramma này sẽ trống rỗng.
Rồi bà ngâm đôi vần kệ:
Bồ-tát không đi ngay lên đường tu hành. Không, trước tiên ngài đến từ biệt song thân, rồi cùng với tiểu đệ là vương tử Yudhitthila, ngài rời kinh thành và bảo đám đại chúng đang theo sau hai vị phải quay về, còn hai vị tiến lên vùng Tuyết Sơn. Tại đó, hai vị dựng lên một thảo am ở một chốn đầy an lạc và hành trì cuộc đời của bậc hiền nhân thanh tịnh tu tập thiền định hướng thượng. Hai vị sống suốt đời bằng các củ, quả rừng rồi được sinh lên cõi Phạm thiên.
Vấn đề này được giải thích qua vần kệ cuối cùng phát xuất từ trí tuệ tối thắng của đức Phật:
*
Khi bậc Ðạo Sư đã chấm dứt Pháp thoại, Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu Như Lai từ bỏ vương quốc để đi theo đời tu hành, mà ngày xưa cũng đã làm như thế.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thuở ấy, song thân trong hoàng tộc ngày nay là vương phụ và mẫu hậu, Ànanda là tiểu đệ Yudhitthila và thái tử Yuvanjana chính là Ta.
-ooOoo-
Lak-kha hiền đệ lẫn Si-ta..,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một người địa chủ có cha chết.
Khi người cha từ trần, lòng người ấy tràn ngập đau buồn bỏ dở mọi công việc của mình, ông chìm đắm trong nỗi u sầu. Vào một buổi sáng, bậc Ðạo Sư nhìn xuống thế gian, nhận thấy người ấy đã đến thời kỳ thành thục để đắc quả Dự Lưu. Hôm ấy khi đã đi khất thực tại Xá-vệ, và thọ thực xong, Ngài bảo các Tỷ-kheo lui về, rồi Ngài đem theo một Tỷ-kheo trẻ, đi đến nhà người ấy. Ngài chào ông và nói với ông trong lúc Ngài ngồi đó bằng những lời ngọt ngào như mật:
– Này cư sĩ, ông đang sầu muộn phải chăng?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Con đang buồn vì cha con mất!
Bậc Ðạo Sư bảo:
– Này cư sĩ, các bậc trí nhân ngày xưa hiểu rõ Tám pháp của thế giới này (được và mất, vinh và nhục, khen và chê, lạc và khổ), nên khi cha mất, các ngài không thấy đau buồn, dù chỉ mảy may.
Rồi theo lời thỉnh cầu của ông, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, tại Ba-la-nại, một vị đại vương mệnh danh Dasaratha, từ bỏ các ác đạo và cai trị theo Chánh pháp. Trong số mười sáu ngàn cung phi, vị chánh hậu sinh hạ hai vương tử và một công chúa; thái tử được đặt tên là Ràma Pandita hay hiền giả Ràma. Vị thứ hai được đặt tên Lakkhana hay Cát Tường và tên công chúa là Sità hay Thanh Lương.
Theo thời gian chánh hậu qua đời. Lúc bà từ trần, vua bị nỗi đau buồn xâm chiếm trong một thời gian, nhưng khi được triều thần thúc giục, ngài cử hành tang lễ bà xong, lại phong cho một vi vương phi khác lên làm chánh hậu. Bà này được vua hết sức sủng ái. Sau đó bà thụ thai, được vua chăm sóc rất ân cần chu đáo và sinh hạ một hoàng nam, đặt tên là vương tử Bharata.
Vua rất yêu quý vương tử ấy và bảo chánh hậu:
– Này ái khanh, ta ban cho nàng một ân huệ, nàng hãy chọn đi.
Bà nhận đặc ân trên, nhưng xin vua cho bà hoãn lại sự lựa chọn ấy một thời gian. Khi vương nhi lên bảy tuổi, bà đến yết kiến vua và tâu:
– Tâu thánh thượng, ngài đã hứa ban một đặc ân cho vương tử, con của thần thiếp, giờ đây xin ngài ban cho thần thiếp được chăng?
– Ái khanh hãy chọn đi – Vua phán.
– Tâu thánh thượng – bà bảo – xin ban vương quốc này cho con thần thiếp.
Vua tỏ vẻ bất cần đối với bà:
– Lui ra ngay, này ác nữ nhân! Ngài phán một cách giận dữ. Hai vương nhi của ta sáng rực như hai ngọn lửa hồng, ngươi muốn giết chúng đi rồi đòi ngai vàng cho con của ngươi đấy chăng?
Bà hoảng sợ chạy về cung thất nguy nga của bà, rồi các ngày tiếp theo, lại cố xin vua đặc ân ấy mãi. Vua không chấp thuận ban cho bà ân huệ ấy. Ngài nghĩ thầm: “Nữ nhân thường vong ân và phản bội, ác phụ này có thể dùng chiếu chỉ giả mạo hay hối lộ gian trá để sai giết các con ta”. Vì vậy ngài cho triệu hai con đến và kể hết mọi việc cho con nghe, rồi phán:
– Này hai vương nhi, nếu các con ở đây, chắc tai họa có thể xảy ra cho các con. Vậy hãy qua vương quốc bên cạnh ta, hoặc vào rừng, rồi khi thân ta đã được hỏa táng, hãy trở về thừa kế vương vị thuộc về gia tộc của các con.
Sau đó ngài triệu các thầy tướng số đến hỏi về thọ mạng của ngài. Họ tâu rằng ngài có thể sống thêm mười hai năm nữa. Rồi ngài bảo:
– Này các con, sau mười hai năm các con phải trở về và giương cao chiếc lọng của hoàng gia.
Hai vương tử hứa lời xong và vừa đi khỏi cung điện vừa khóc lóc. Công nương Sità nói:
– Ta cũng sẽ đi cùng hai vương huynh.
Nàng vào từ biệt phụ vương, vừa ra đi vừa khóc lóc.
Cả ba anh em lên đường giữa đám đông dân chúng. Ba vị bảo dân chúng lui về, rồi tiến lên chođến khi đi tận vùng Tuyết Sơn. Tại đó, ở một nơi có nước chảy nhiều, và thuận tiện để hái quả rừng, hai vị dựng am tu và sống tại đó bằng quả cây.
Trí giả Lakkhana và Sità nói với trí giả Rama:
– Ðại hiền huynh ở địa vị thân phụ của chúng em, vậy xin ở lại trong am và chúng em sẽ đi hái quả về nuôi hiền huynh.
Chàng đồng ý. Từ đó hiền giả Rama ở tại nhà, còn hai em cùng đi mang quả rừng về nuôi chàng.
Ba vị sống tại đó như vậy và nuôi thân bằng quả rừng hoang dại, song vua Dasaratha héo mòn vì nhớ các con nên từ trần vào năm thứ chín. Trong lúc cử hành tang lễ vua, hoàng hậu ra lệnh giương chiếc lọng phong vương cho con trai bà là vương tử Bharata. Nhưng triều thần bảo:
– Các vị vương tử chúa tể của chiếc lọng này đang ở trong rừng.
Nên đại chúng không cho phép việc ấy. Vương tử Bharata lại bảo:
– Ta sẽ đi tìm đại vương huynh Ràma trong rừng về và giương chiếc lọng phong vương cho ngài.
Mang theo năm biểu tượng của vương quyền (bảo kiếm, lọng trắng, vương miện, đôi hài và cái quạt bằng lông đuôi trâu rừng), chàng lên đường cùng một đoàn hộ tống đầy đủ bốn đạo quân (voi, kỵ mã, xe, bộ binh), đến nơi ba vị đang trú ngụ. Không xa đó mấy, chàng ra lệnh cắm trại, rồi cùng vài triều thần đi đến viếng vùng ẩn am, vào lúc hiền giả Lakkhana cùng Sità đã đi vào rừng.
Hiền giả Ràma đang ngồi ở cửa am, vô tư và thanh thản như một pho tượng bằng vàng ròng vững chắc. Vị vương tử đến gần ngài đảnh lễ rồi đứng một bên, kể cho ngài nghe mọi việc xảy ra ở vương quốc, vừa quỳ xuống chân ngài cùng đám triều thần vừa òa lên khóc nức nở. Hiền giả Ràma không buồn cũng không khóc, tâm trí ngài không còn xúc động nữa.
Sau khi Bharata đã hết khóc và ngồi xuống, mãi đến chiều hai vị kia mới trở về với mớ quả rừng. Hiền giả Ràma suy nghĩ: “Hai em kia còn trẻ, chúng không có trí tuệ tỉnh giác như ta. Nếu thình lình chúng được nghe tin rằng phụ vương đã băng hà, nỗi đau khổ sẽ lớn quá mức chúng chịu đựng, ai biết được tim chúng chẳng tan nát ra? Vậy ta sẽ dụ chúng bước xuống nước rồi tìm phương tiện tỏ bày sự thật. “Rồi vừa chỉ cho hai em một nơi ở phía trước có nước, ngài bảo:
– Các em đi ra ngoài lâu quá, vậy đây là cách để các em hối lỗi. Hãy bước xuống vũng nước kia và đứng đó.
Rồi ngài ngâm nửa vần kệ:
Chỉ một lời thế là đủ, hai vị bước xuống nước và đứng đó. Lát sau ngài báo tin cho hai em bằng cách ngâm nửa vần kệ tiếp:
Vương tử Bha-ra vừa nói rõ
Da-sa đại đế đã băng hà.
Khi hai vị nghe tin vương phụ đã băng hà, liền ngất xỉu. Ngài lập lại tin ấy, hai vị lại ngất xỉu, đến lần thứ ba, hai vị vẫn ngất đi. Các triều thần liền đỡ họ dậy và đem họ ra khỏi nước rồi đặt họ lên đất khô ráo. Khi hai vị đã được an ủi khuyên lơn, cả hai vẫn ngồi khóc lóc, kêu gào. Lúc ấy vương tử Bharata suy nghĩ: “Vương huynh Lakkhana và vương tỷ Sità không thể nào ngăn nỗi sầu bi khi nghe tin phụ vương từ trần, song hiền giả Ràma chẳng than khóc kêu gào gì cả. Ta không biết nguyên nhân gì khiến vương huynh chẳng sầu muộn. Ta sẽ hỏi xem”.
Rồi chàng ngâm vần kệ thứ hai hỏi:
Sau đó, Ràma giải thích lý do ngài không cảm thấy sầu bi bằng cách đáp lời:
Trong các vần kệ này, ngài đã giải thích tính Vô thường của vạn vật.
Khi hội chúng nghe Pháp thoại này của hiền giả Ràma làm sáng tỏ quy luật Vô thường, họ đều tiêu tan mọi nỗi sầu muộn. Sau đó vương tử Bharata kính chào hiền giả Ràma và van xin ngài nhận lãnh vương quốc ở Ba-la-nại. Hiền giả Ràma bảo:
– Này vương đệ, hãy đem Lakkhana và Sità về với vương đệ, và chính các vương đệ hãy chăm lo cai trị đất nước.
– Tâu chúa thượng, không được, xin chúa thượng đảm nhận quốc độ.
– Này vương đệ, phụ vương đã ban lệnh cho ta nhận lãnh quốc độ sau mười hai năm. Nếu ta về bây giờ, ta sẽ không thi hành lệnh vua ban. Vậy ba năm nữa ta sẽ về.
– Thế ai sẽ trị nước trong thời gian này?
– Chính vương đệ.
– Tiểu đệ không muốn thế.
– Vậy thì cho đến khi ta về, đôi hài này sẽ làm việc đó.
Ràma bảo, rồi tháo đôi hài rơm ra, ngài trao chúng cho vương đệ. Thế là ba vị nhận lấy đôi hài, từ tạ vị hiền nhân và lên đường về Ba-la-nại cùng với đoàn người hộ tống đông đảo.
Trong ba năm liền, đôi hài ấy cai trị vương quốc. Triều thần đặt chúng lên ngai, khi hội chúng xét xử một việc gì. Nếu vụ kiện được xét xử sai, đôi hài sẽ đập vào nhau. Và khi thấy dấu hiệu ấy, sự việc kia được xét lại, đến khi việc phán xét đúng đắn thì đôi hài nằm yên.
Khi thời gian ba năm ấy đã qua, bậc trí nhân ra khỏi rừng, đi đến Ba-la-nại, và vào ngự viên. Các vương tử nghe tin ngài đến, liền cùng một đoàn hộ tống đông đảo đi đến hoa viên, và phong Sità lên làm chánh hậu, rồi làm lễ quán đảnh (rảy nước thánh) cho cả hai. Khi cử hành lễ quán đảnh như thế xong, bậc Ðại Sĩ đứng trên chiếc vương xa lộng lẫy với một đám đông vây quanh tiến vào kinh thành, đi diễu quanh một vòng theo hướng bên hữu, rồi ngự lên thượng lầu vĩ đại của cung điện nguy nga Sucandaka kia, ngài trị nước tại đó rất chân chánh trong mười sáu ngàn năm, và về sau đi lên cộng trú cùng hội chúng của chư Thiên.
Vần kệ này từ trí tuệ tối thắng giải thích phần kết thúc câu chuyện:
Trăm năm nhân với sáu mươi lần,
Một vạn năm thêm, chuyện kể rằng
Dũng sĩ Rà-ma lên ngự trị,
Cổ ngài ba ngấn, hạnh phúc tràn
*.
Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại này, Ngài tuyên thuyết các Sự Thật. Bấy giờ, lúc kết thúc các Sự Thật, người địa chủ đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, vua Suddhodana là vua Dasaratha, hoàng hậu Mahàmayà là mẫu hậu, mẹ của Ràhula là Sità, Ànanda là Bharata và Ta chính là hiền giả Ràma.
-ooOoo-
Quả xưa thánh thượng đã tinh tường..,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể lại trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo không giữ tinh tấn.
Chúng ta biết đây là một thiện gia nam tử ở Xá-vệ, sau khi nghe bậc Ðạo Sư thuyết Pháp, người này từ bỏ thế tục. Ðang khi hoàn thành mọi nhiệm vụ do các giáo sư và các vị giáo thọ đề ra, người ấy vừa học thuộc lòng các chi phần của Giới bổn Patimokka. Sau năm năm ông nói:
– Khi nào ta đã được chỉ dạy pháp môn nhập thiền định, ta sẽ vào an trú trong rừng.
Sau đó, ông từ giã các giáo sư, tiến vào một làng ở biên địa trong vương quốc Kosala. Dân chúng hài lòng với cách ăn ở của ông, nên ông dựng am lá ở đó được cung phụng đầy đủ. Vào mùa mưa, với nhiệt tâm tinh cần, nỗ lực phấn đấu, ông cố gắng đạt đến thiền định trong vòng ba tháng, song chẳng đạt được chút gì từ việc này cả. Sau đó ông suy nghĩ: “Quả thật ta là người đầy nhiệt tâm đối với các thế gian pháp nhất trong bốn hạng người được bậc Ðạo Sư thuyết giảng. Ta còn làm gì nữa với đời sống trong rừng?” Rồi ông lại nghĩ thầm: “Ta sẽ trở về Kỳ Viên, trong lúc chiêm ngưỡng hảo tướng của đức Như Lai và nghe giọng Ngài thuyết Pháp dịu ngọt như mật, ta sẽ sống cả đời tại đó”.
Thế là người ấy giảm sút lòng tinh tấn, và lên đường lần hồi đi đến Kỳ Viên. Các giáo sư và các vị giám hộ của ông, cùng bạn bè thân thuộc hỏi ông về nguyên nhân trở về đây. Ông bảo cho các vị kia biết, đại chúng đều chê trách ông về việc này và chất vấn ông tại sao lại làm như vậy. Sau đó đại chúng dẫn ông đến yết kiến bậc Ðại Sư.
– Này các Tỷ-kheo – bậc Ðạo sư hỏi – tại sao các ông dẫn một Tỷ-kheo đến đây mà kẻ ấy không muốn?
Tăng chúng đáp:
– Tỷ-kheo này đã đến đây vì ông đã giảm sút tinh tấn.
– Việc này có đúng như họ nói với Ta chăng? Bậc Ðạo sư hỏi.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Người ấy đáp.
Bậc Ðạo sư bảo:
– Này Tỷ-kheo, tại sao ông không còn tinh tấn nữa? Ðối với một người yếu kém và lười biếng, không có quả vị cao cả nào dành cho y trong giáo pháp này, y cũng không thể đạt Thánh quả. Chỉ những kẻ nào nỗ lực tinh cần mới hoàn thành việc ấy được. Ngày xưa ông đầy đủ dũng lực, lại dễ dạy bảo và vì thế dù là nhỏ tuổi nhất trong đám cả trăm vương tử của vua Ba-la-nại, ông cũng đã chiếm được chiếc lọng trắng nhờ tuân theo đúng lời giáo huấn của các bậc hiền nhân.
Nói vậy xong, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, vị trẻ tuổi nhất trong số một trăm vương tử của ngài tên là vương tử Samvara. Vua giao mỗi con trai ngài cho một vị cận thần đảm trách cùng với lời chỉ dẫn để dạy mỗi người những môn học cần phải học tập. Vị cận thần dạy cho vương tử Samavara là Bồ-tát, ngài thật sáng suốt, học rộng, làm tròn nhiệm vụ như người cha đối với vương tử kia. Trong khi mỗi vị vương tử được giáo dục như thế, các cận thần thường đem họ đến để vua cha thăm viếng. Ngài ban cho mỗi vị một thị trấn và truyền lệnh ra đi nhận chức.
Khi vương tử Samvara hoàn thành mọi việc học tập, chàng hỏi Bồ-tát:
– Thưa dưỡng phụ, nếu phụ vương đưa con đến một thị trấn thì con phải làm gì?
Ngài đáp:
– Này con, khi con được ban cho một thị trấn, con phải từ chối và tâu: “Tâu phụ vương, con là con út trong nhà, nếu đi nữa thì sẽ không còn ai dưới chân phụ vương, nên con muốn ở lại nơi đang sống đây dưới chân phụ vương thôi”.
Rồi một ngày kia, khi vương tử Samvara đến đảnh lễ ngài và đang đứng một bên, vua hỏi chàng:
– Này vương nhi, con đã học tập xong chưa?
– Tâu phụ vương, đã xong.
– Vậy con hãy lựa một thị trấn.
– Tâu phụ vương, nếu vậy thì quanh mình phụ vương sẽ trống vắng, vương nhi xin ở lại dưới chân phụ vương, chứ không đi đâu khác.
Vua rất hoan hỷ và bằng lòng ngay.
Sau khi chàng ở lại bêm mình vua cha, chàng hỏi Bồ-tát:
– Thưa dưỡng phụ, con phải làm gì nữa?
Ngài bảo:
– Hãy xin vua cha một ngự viên cũ.
Vương tử đồng ý và xin một hoa viên với số hoa quả trồng tại đó, chàng kết bạn cùng những người thế lực trong kinh thành. Chàng lại hỏi phải làm gì nữa. Bồ-tát bảo:
– Hãy xin vua cha cho phép phân phát tiền của khắp kinh thành.
Chàng làm theo và không hề bỏ quên một người nào, chàng phân phát tiền của khắp kinh thành. Chàng lại hỏi ý kiến Bồ-tát và sau khi xin vua cha chấp thuận, chàng phân phát thực phẩm trong cung điện, bọn nô tỳ, bầy ngựa và quân lính, không sót nơi nào; đối với sứ giả các nước ngoàiđến, chàng sắp đặt nơi ăn chốn ở cho họ, chàng ấn định thuế má cho các thương nhân, mọi việc gì cần thu xếp, chàng đều làm một mình cả.
Như vậy theo lời khuyên của bậc Ðại sĩ, chàng kết bạn với mọi người, cả những người sống trong gia đình cho đến những người không gia đình, mọi người trong kinh thành, các triều thần của quốc độ này cho đến đám ngoại nhân, nhờ sức thu hút của chàng kết hợp bằng hữu lại với chàng như thể một sợi dây sắt: chàng được mọi người yêu mến thiết thân.
Ðến khi vua lâm trọng bệnh trên vương sàng, triều thần hỏi ngài:
– Tâu chúa thượng, khi chúa thượng băng hà, chúng thần sẽ trao chiếc lọng trắng cho ai?
Ngài đáp:
– Này các hiền khanh, các vương tử của ta đều có quyền được chiếc lọng trắng, song các khanh hãy trao nó cho người nào làm hài lòng các khanh.
Vì vậy sau khi ngài băng hà, và khi lễ tang đã được cử hành xong, vào ngày thứ bảy, quần thần tụ họp lại và bảo:
– Tiên vương ra lệnh cho chúng ta trao chiếc lọng trắng cho người nào làm vừa lòng chúng ta. Vậy người mà tâm chúng ta hằng ao ước chính là vương tử Samvara.
Cho nên đại chúng giương chiếc lọng trắng che lên đầu chàng cùng với các dây tua bằng vàng, và chàng được cả vương tộc hộ tống lên ngôi.
Ðại vương Samvara tuân thủ lời khuyên răn của Bồ-tát nên cai trị rất đúng Chánh pháp.
Còn chín mươi chín vị vương tử hay tin vua cha từ trần và chiếc lọng trắng đã giương lên cho vương tử Samvara. Các vị bảo:
– Nhưng nó là em út trong nhà, chiếc lọng không thuộc về nó được. Chúng ta hãy giương chiếc lọng lên cho vị huynh trưởng của chúng ta.
Họ đều tập họp mọi lực lượng lại, và gởi thư đến Samvara, buộc chàng hoàn trả chiếc lọng nếu không thì sẽ giao chiến, sau đó các vị bao vây kinh thành. Vua báo tin này với Bồ-tát và hỏi phải làm gì bây giờ. Ngài đáp:
– Này đại vương, ngài không nên gây chiến với các vương huynh. Hãy chia bạc vàng của vua cha thành một trăm phần, rồi chín mươi chín phần đến các vương huynh cùng thông điệp này: “Xin hãy nhận phần tài sản của phụ vương vì tiểu đệ không muốn gây chiến với các vương huynh”.
Vua liền làm như thế.
Sau đo vị huynh trưởng, thái tử Uposatha, triệu tập các vương tử kia lại bảo:
– Này các hiền đệ, không ai có khả năng chiến thắng vị vua này được, và đây lại là em út của ta. Mặc dù trước đây, đó là kẻ thù của ta, nay không phải như vậy nữa, mà em ta gởi vàng bạc đến chúng ta, không muốn gây chiến với chúng ta. Giờ đây chúng ta không thể nào cùng một lúc giương cao chiếc lọng lên cho mọi người được, chúng ta hãy giương lọng lên cho một người thôi, hãy để một mình em út ta làm vua, vậy khi chúng ta gặp em ta, chúng ta sẽ giao trả vàng bạc của vương tộc cho em ta, và trở về thị trấn của mình.
Sau đó tất cả các vị ấy ngưng việc vây hãm kinh thành và đi vào trong thành, không còn là thù địch nữa. Vua bảo triều thần ra nghênh tiếp các vị và đại chúng đi đón các vương tử ấy. Các vương tử cùng đoàn tùy tùng đông đảo đi bộ vào, bước lên các bậc thềm của cung điện, hết sức khúm núm trước đại vương Samvara và ngồi xuống một chỗ thấp. Còn vua Samvara ngự trên ngai vàng dưới chiếc lọng trắng trông ngài thật uy nghi cao cả và rực rỡ huy hoàng; bất cứ nơi nào ngài nhìn đến, đại chúng đều rúng động toàn thân.
Thái tử Uposatha chiêm ngưỡng cảnh nguy nga lộng lẫy của đại vương Samvara, nghĩ thầm: “Ta chắc phụ vương ta biết rõ là vương tử Samvara sẽ làm vua sau khi ngài băng hà, nên ngài đã ban cho chúng ta các thị trấn mà chẳng cho vương đệ ta vùng nào cả”. Sau đó chàng ngâm ba vần kệ nói với vua:
Nghe vậy vua Samvara ngâm sáu vần kệ giải thích đặc tính của ngài:
Thái tử Uposatha nghe kể rõ đức tính của vua liền ngâm hai vần kệ:
Vua Samvara tiếp đãi các vương huynh rất trọng thể. Các vị ở lại cùng vua một tháng rưỡi, rồi bảo vua:
– Tâu đại vương, chúng thần muốn đi xem có trộm cướp nào đặt chân lên lãnh thổ của chúng thần chăng. Cầu mong triều đại này được vạn vạn phúc!
Các vị ấy lại ra về lãnh thổ của mọi người. Còn vua theo lời dạy của Bồ-tát, nên khi mạng chung, ngài đi lên cộng trú với hội chúng ở Thiên giới.
*
Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại này, Ngài nói thêm:
– Này Tỷ-kheo, xưa kia ông đã theo lời dạy bảo, tại sao nay ông lại không tiếp tục nỗ lực tinh cần?
Rồi Ngài thuyết giảng các Sự Thật. Bấy giờ, lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, Tỷ-kheo này là vua Samvara, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là thái tử Uposatha, các vị trưởng lão và cao niên là các vương huynh kia, các đệ tử của đức Phật là đám tùy tùng của các vị ấy, và Ta chính là vị cận thần đã khuyến giáo vua.
-ooOoo-
Những người kia mũi nhọn như dao..,
Chuyện này bậc Ðại Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên, về sự viên mãn của trí tuệ tối thắng.
Một ngày nọ, chúng ta nghe kể rằng về buổi tối, các Tỷ-kheo đang đợi đức Như Lai đến thuyết Pháp cho Tăng chúng, và trong lúc ngồi tại chánh pháp đường, các vị nói với nhau:
– Này Tỷ-kheo, quả thật bậc Ðạo Sư có trí tuệ vĩ đại! Trí tuệ quảng bác! Trí tuệ mẫn tiệp, Trí tuệ linh hoạt! Trí tuệ tinh xảo! Trí tuệ uyên thâm! Trí tuệ Ngài đáp ứng đúng nơi đúng lúc! Trí bao la như thế giới, như đại dương vô tận, như bầu trời trải rộng mênh mông: khắp cả xứ Diêm-phù-đề không một bậc trí nhân nào có thể sánh bằng đấng Thập Lực, như một đợt sóng nổi lên trên đại dương không thể chạm đến bờ được, hoặc nếu chạm vào bờ, sóng kia sẽ vỡ tan. Cũng vậy, không một người nào có thể đạt đến trí tuệ bằng đấng Thập Lựïc, hoặc nếu kẻ ấy đến chân bậc Ðạo Sư thì sẽ vỡ tan.
Bằng những lời ấy Tăng chúng tán thán Trí tuệ tối thắng của đấng Thập Lục. Bậc Ðạo Sư bước vào, và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông đang nói gì trong khi ngồi đây?
Tăng chúng thưa với Ngài. Ngài bảo:
– Không phải chỉ bây giờ Như Lai mới đầy đủ trí tuệ. Ngày xưa ngay khi trí tuệ chưa viên thành Chánh giác, Ngài cũng đã sáng suốt thông minh. Mặc dù mù lòa, Ngài cũng biết qua các dấu hiệu của đại dương là ở trong đại dương có chôn giấu các loại ngọc này nọ.
Sau đó Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ một vị vua mệnh danh Bharu trị vì trong quốc độ Bharu. Có một thị trấn bên hải cảng được đặt tên là Bharukacha hay là Ðầm Bharu. Vào thời ấy, Bồ-tát sinh ra trong gia đình một thuyền trưởng ở tại đó, ngài rất khả ái, với làn da màu vàng nâu. Cha mẹ đặt tên ngài là Suppàraka-Kumàra.
Ngài lớn lên, xuất sắc khác thường, và ngay khi chỉ mới được mười sáu tuổi, ngài đã hoàn toàn tinh thông nghệ thuật hàng hải. Sau đó khi thân phụ mất, ngài cầm đầu đám thủy thủ và miệt mài với nghề hàng hải, ngài thật thông minh sáng suốt, khi ngài lên tàu rồi thì không hề có chiếc tàu nào đến làm hại được.
Theo thời gian, ngài bị thương vì nước mặn nên đôi mắt ngài mất cả thị giác. Sau sự kiện ấy, dù ngài là thuyền trưởng của đám thủy thủ, ngài không còn đeo đuổi sự nghiệp thương mãi nữa, mà quyết định về phục vụ vua, ngài đến yết kiến vua với mục đích ấy, và vua phong cho ngài chức hội thẩm đánh giá các báu vật. Từ đó ngài định giá trị các voi báu, ngọc báu và châu báu.
Một hôm, một con voi được đem trình lên vua, da voi màu đá đen, nên có thể được làm vương tượng. Vua liếc nhìn voi rồi ra lệnh đem nó đi đến trình diện với bậc trí giả. Quân hầu liền dẫn con vật đến gặp ngài. Ngài sờ tay lên khắp mình voi và bảo:
– Con voi này không xứng đáng làm quốc tượng. Nó có đặc tính của một con vật bị dị tật ở phía sau. Khi voi mẹ sinh ra nó, đã không đủ sức mang nó lên vai, nên để nó ngồi xuống đất, vì vậy nó bị tật nguyền ở chân sau.
Họ chất vấn những người đem voi đến, và bọn ấy trả lời rằng bậc trí giả đã nói đúng sự thật. Khi vua nghe nói chuyện kia, lòng rất hoan hỷ và ra lệnh ban cho bậc trí giả tám đồng tiền vàng.
Một ngày khác, người ta đem một con ngựa dâng lên để làm vương mã. Con vật này cũng được dẫn đến bậc trí giả. Ngài lấy tay sờ khắp mình ngựa rồi nói:
– Con vật này không thích hợp để làm vương mã cho đức vua ngự. Vào ngày nó sinh ra, ngựa mẹ chết đi, nên do thiếu sữa mẹ, nó không lớn lên đầy đủ.
Lời nói này của ngài cũng đúng sự thật nữa. Khi nghe được chuyện ấy, vua rất đẹp ý, phán bảo đem tặng ngài tám đồng tiền nữa.
Vào một ngày khác, một chiếc xe được đem đến để làm vương xa. Vua cũng đưa xe này đến ngài. Ngài lấy tay rờ khắp xe và bảo:
– Chiếc xe này được làm bằng gỗ rỗng, nên không thích hợp với đức vua.
Lời nói này của ngài cũng đúng như các lời khác. Vua lại một phen hài lòng khi nghe chuyện này, nên ban thêm cho ngài tám đồng nữa. Một lần nữa có người đem dâng vua một tấm thảm quý có giá trị lớn, vua liền đưa nó đến ngài như lần trước. Ngài sờ khắp tấm thảm, rồi bảo:
– Ở đây có một chỗ mà con chuột đã cắn một lỗ.
Họ xem kỹ và thấy chỗ đó, liền tâu với vua. Vua đẹp ý lại bảo cho ngài tám đồng tiền nữa.
Lúc bấy giờ bậc trí giả mới suy nghĩ: “Chỉ được có tám đồng vàng để xem những việc kỳ diệu như thế đấy. Ðây là món tiền tặng cho thợ hớt tóc, chắc hẳn vua này là cậu bé thường hớt tóc! Tại sao ta phải phụng sự một vị vua như thế chứ? Ta sẽ trở về nhà riêng của mình”. Thế là ngài trở về hải cảng Bharukaccha và sống tại đó.
Lúc ấy có vài thương nhân chuẩn bị một chiếc thuyền và đang đi tìm một thuyền trưởng. Họ suy nghĩ: “Ngài Suppàraka thông minh kia là một bậc trí giả tài ba, có ngài trên tàu thì không con tàu nào đến hại nữa. Dù ngài mù lòa, bậc trí giả Suppàraka vẫn là người tuyệt hảo”. Vì thế họ đi đến ngài và mời ngài làm thuyền trưởng.
– Này các hiền hữu – ngài đáp – ta mù rồi, làm sao lái thuyền các bạn được?
– Thưa Tôn giả, quả ngài mù thật đấy – các thương nhân bảo – song ngài là người tài giỏi nhất.
Vị họ cứ năn nỉ ngài mãi không ngớt nên cuối cùng ngài chấp thuận.
– Như các bạn đã nói với ta – ngài bảo – thì ta sẽ làm thuyền trưởng của các bạn.
Sau đó, ngài bước lên chiếc thuyền của họ.
Họ lái thuyền ra giữa đại dương. Suốt bảy ngày liền, thuyền đi không gặp rủi ro nào, rồi một ngọn gió trái mùa nổi lên. Thuyền trôi dạt bốn tháng trên vùng đại dương hoang dã, cho đến lúc vào được một nơi gọi là Biển Khuramàla (Bãi Dao nhọn hoắc). Tại đây loài cá có thân như người với mõm nhọn hoắc như lưỡi dao, nhào lộn dưới nước. Các thương nhân quan sát loài cá này, vừa hỏi bậc Ðại Sĩ biển này tên gì, vừa ngâm vần kệ đầu:
Bậc Ðại sĩ nghe câu nói này, liền ôn lại trong trí các kiến thức thủy thủ của ngài, rồi đáp qua vần kệ thứ hai:
Lúc bấy giờ đại dương này có nhiều kim cương. Bậc Ðại sĩ suy nghĩ rằng nếu ngài bảo chúng bạnđây là biển kim cương, họ sẽ làm chìm tàu do lòng tham hốt nhiều kim cương. Vì thế, ngài không nói gì cả, song sau khi đưa thuyền đến, ngài lấy một sợi dây thừng và thả lưới xuống như thể bắt cá. Với dây này, ngài đã hốt được một mớ kim cương và dấu trong thuyền, rồi ngài lựa những thứ ít giá trị quăng xuống biển.
Chiếc thuyền đi qua vùng biển này, đến một biển khác tên là Aggimàla (Vùng Lửa cháy). Biển này tỏa ra ánh sáng như thể một ngọn lửa đang bừng cháy, như mặt trời đúng ngọ. Các thương nhân hỏi han ngài qua vần kệ:
Bậc Ðại sĩ đáp lại họ qua vần kệ tiếp theo:
Bấy giờ biển này chứa đầy vàng, cũng như trước, ngài lấy lên một mớ vàng và cất lên thuyền. Qua khỏi biển này con thuyền đi đến một biển cả tên là Dadhimàla (Vũng Sữa đông), óng ánh như sữa tươi hay sữa đông. Các thương nhân lại hỏi tên của biển qua vần kệ:
Bậc Ðại sĩ đáp lại chúng bằng câu kệ tiếp theo:
Trong biển này có rất nhiều bạc. Ngài lấy bạc theo cách như trước, rồi cất lên tàu. Chiếc thuyền đi qua biển này và đến một đại dương tên là Nilavannakusamàla (Thảm cỏ Kusa), có hình dáng một thảm cỏ kusa đen nhánh (cỏ cát tường) hay một cánh đồng lúa. Các thương nhân lại hỏi tên biển qua vần kệ:
Ngài đáp lời qua vần kệ tiếp theo:
Bấy giờ trong biển này có rất nhiều ngọc bích quý. Cũng như trước, ngài lấy một mớ ngọc và cất trên thuyền. Qua khỏi biển này, con thuyền đi đến một biển tên gọi là Nalamàla (Bãi Lau sậy), có hình dáng một bãi lau sậy hay một rừng tre. Các thương nhân hỏi tên biển qua vần kệ:
Bậc Ðại sĩ đáp lại qua vần kệ sau:
Bấy giờ biển này đầy san hô với màu khóm tre, ngài lại hốt một mớ đá quý này và cất lên tàu.
Sau khi đi qua biển Nalamàla, các thương nhân đến một biển có tên là Valabhàmukha (Lòng chảo). Ở đây nước rút đi và dâng lên một phía, và như vậy nước rút đi ở mọi phía và dâng lên trên các vách đá thẳng đứng để lại một vùng như thể cái hố sâu. Một đợt sóng dâng tràn lên một phía, khác nào một bức tường: tai lại nghe một tiếng gầm thét khủng khiếp, tưởng chừng làm thủng màng tai hoặc vỡ cả tim ra. Khi thấy cảnh này, các thương nhân kinh hoảng và hỏi tên biển qua vần kệ:
Bồ-tát đáp lại qua vần kệ:
Ngài nói tiếp:
– Này các hiền hữu, một khi thuyền vào trong biển Valabhàmukkhi này thì không thể nào trở về được. Nếu thuyền này vào đó, nó sẽ chìm và tan nát.
Bây giờ có cả bảy trăm mạng người trên thuyền này, họ đều sợ chết; nên họ đồng thanh thốt lên một tiếng kêu vô cùng thảm thiết, chẳng khác nào tiếng kêu la của những kẻ đang bị đốt cháy trong chốn địa ngục tận cùng (Vô gián Ðịa ngục). Bậc Ðại sĩ nghĩ thầm: “Trừ ta ra, không ai có thể cứu mạng họ được. Ta quyết cứu họ bằng một lời thề chân lý”. Rồi ngài nói lớn:
– Này các hiền hữu, hãy mau mau tắm cho ta bằng nước hương thơm, mặc y phục mới cho ta, dọn ra một chén nước đầy và đưa ta đứng trước con thuyền.
Cả bọn vội làm như vậy. Bậc Ðại sĩ cầm chén nước đầy bằng cả hai tay, và đứng trước mũi thuyền, thực hiện một lời nguyện cầu chân lý trong khi ngâm vần kệ cuối cùng:
Bốn tháng qua con thuyền đã du hành trong những vùng biển xa xôi nay dường như được ban cho thần lực siêu phàm, nên chỉ trong một ngày nó trở lại hải cảng Bharukaccha, vào tận trên đất liền cho đến khi dừng lại trước cửa nhà của vị thuyền trưởng kia, sau khi nhảy vọt qua một khoảng chừng một ngàn một trăm cubit (1 cubit = 45cm). Bậc Ðại sĩ phân phát cho đám thương nhân tất cả vàng bạc trân châu, san hô, kim cương và bảo:
– Số châu báu này là đủ cho các bạn rồi, vậy đừng du hành đường biển nữa.
Sau đó ngài thuyết Pháp cho họ và đến khi đã làm xong các việc bố thí và các thiện sự suốt đời, ngài đi lên cộng trú với hội chúng ở Thiên giới.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại này, bậc Ðạo sư bảo:
– Này các Tỷ-kheo, ngày xưa Như Lai cũng rất thông thái như bây giờ vậy.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời bấy giờ hội chúng của đức Phật là hội chúng thương nhân và Ta chính là Trí giả Suppàraka.
-ooOoo-
Chương XII
Phẩm MườI Hai Bài Kệ
Chuyện này sẽ được kể trong Tiền thân Kunàla, số 536, tập VII.
-ooOoo-
Ngài là ai đứng giữa không gian..,
Chuyện này bậc Ðạo sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc thực hành thiện sự đối với họ hàng quyến thuộc của mình.
Tại Xá-vệ, trong nhà ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc) bao giờ cũng đầy đủ thực phẩm cho năm trăm vị Tỷ-kheo và tại nhà bà Visàkhà (Tỳ-xá-khư) hay cung vua Kosala cũng vậy. Nhưng trong cung vua, dù thực phẩm đầy đủ mỹ vị cao lương, vẫn không ai tỏ ra thân thiết với Tăng chúng. Do đó Tăng chúng không bao giờ ăn uống tại cung vua mà chỉ đem thực phẩm ra về dùng tại nhà ông Cấp Cô Ðộc hay bà Visàkhà hay một thân hữu nào đó.
Một ngày kia, vua bảo:
– Một tặng vật vừa được mang lại, hãy đem đến cho các Tỷ-kheo.
Rồi ngài bảo đưa nó đến trai đường, song họ tâu rằng không có Tăng chúng trong trai đường. Vua hỏi:
– Thế Tăng chúng đi đâu rồi?
Họ đáp:
– Tăng chúng đang ngồi ăn uống tại nhà các thân hữu.
Vì thế, sau khi dùng điểm tâm xong, vua liền đến yết kiến bậc Ðạo sư, và hỏi:
– Bạch Thế Tôn, loại thực phẩm nào là tối thắng?
Ngài đáp:
– Thưa Ðại vương, thực phẩm của bằng hữu là tối thắng, ngay cả món cháo thiu được thân hữu đem cho cũng trở thành ngon ngọt.
– Như vậy, bạch Thế Tôn, Tăng chúng tìm được tình bằng hữu ở những người nào?
– Thưa Ðại vương, với các thân tộc của họ hay các dòng họ Thích-ca (Sakya).
Sau đó vua suy nghĩ giá như ngài chọn một thiếu nữ dòng Thích – ca làm chánh hậu, rồi Tăng chúng sẽ là thân hữu của vua, cũng như đối với thân tộc của Tăng chúng vậy.
Vì thế ngài đứng dậy trở về cung và gửi thông điệp đến thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) với mục đích này: “Hãy dâng cho trẫm một cô gái của quý quốc để làm cung phi, vì trẫm mong ước được kết thân với dòng họ của quí quốc”.
Khi nhận được thông điệp này, cả dòng họ Thích-ca tập họp lại và thảo luận kỹ lưỡng:
– Chúng ta hiện sống trong một vùng thuộc quyền của vua Kosala, nếu ta từ chối việc gả con gái, ngài sẽ nổi giận, còn nếu ta đem dâng con, thì phong tục dòng họ của ta sẽ bị phá vỡ, vậy ta phải làm gì đây?
Lúc ấy vương tử Mahànàma bảo:
– Xin đừng bận tâm việc này. Ta có một đứa con gái tên là Vàsabhakhattiyà. Mẹ nó là một nô tỳ, tên là Nàgamundà, nay nó chừng mười sáu tuổi, dung sắc mỹ lệ khác thường và tướng mạo tốt lành, lại thuộc dòng dõi quý tộc (Sát-đế-ly) về bên phía họ cha. Chúng ta sẽ đem gả nàng như một cô gái chính thống quý tộc.
Dòng họ Thích-ca chấp thuận, và cho mời các sứ giả vào, bảo rằng dòng họ này sẵn sàng gả con gái trong gia tộc, nên các sứ giả có thể mang nàng về nước ngay. Song các sứ giả suy nghĩ: “Các vị Thích-tử này vô cùng kiêu mạn về vấn đề dòng họ. Giả sử như các ngài gả một cô gái không thuộc dòng họ của các ngài và cứ bảo là đúng thế thì sao? Chúng ta sẽ không nhận nàng nào trừ ra người cùng ngồi ăn chung với các ngài”. Vì thế các sứ thần đáp:
– Ðược rồi, chúng thần sẽ nhận nàng. Song chúng thần sẽ chỉ nhận một nàng cũng ngồi dùng bữa với các ngài thôi.
Dòng họ Thích – ca sắp đặt một chốn ở cho các sứ thần, rồi băn khoăn không biết phải làm gì. Mahànàmà bảo:
– Bây giờ đừng bận tâm gì chuyện ấy nữa. Ta sẽ tìm cách. Vào giờ ta dùng bữa ăn, hãy đem Vàsabhakhattiayà, được phục sức thật lộng lẫy đến đây, rồi ngay khi ta đã ăn một miếng hãy đem đến một lá thư và nói: “Tâu chúa công, có vị vua kia gởi thông điệp đến chúa công, xin chúa công nghe thông điệp ngay bây giờ”.
Hội chúng đồng ý và khi ông đang dùng bữa, họ phục sức và trang điểm cho cô gái kia. Mahànàmà bảo:
– Hãy đưa ái nữ ta vào và cho con ta cùng dùng bữa với ta.
– Xin chúa công đợi một lát – họ thưa – nàng đang được trang điểm thật tề chỉnh.
Và chẳng mấy chốc họ đưa nàng vào. Nàng mong đợi được dùng cơm với vua cha, nên đặt tay vào cùng một đĩa thức ăn với cha nàng. Mahànàmà đã lấy xong một miếng và đã đưa vào mồm; ông vừa đưa tay ra lấy miếng khác thì họ đem vào một bức thư và nói:
– Tâu chúa công, có vị vua kia gởi thông điệp đến cho chúa công, xin chúa công hạ cố nghe thông điệp ấy ngay bây giờ.
Mahànàmà bảo:
– Này con yêu quý, con cứ dùng cơm đi nhé.
Rồi tay phải ông vẫn để trong đĩa, tay trái vừa cầm lá thư vừa nhìn vào đó. Trong khi ông xem bức thông điệp kia, cô gái vẫn tiếp tục ăn cơm. Khi nàng đã ăn xong, ông rửa tay và súc miệng. Các sứ thần tin chắc chắn nàng là con gái vị vương tử này, vì họ không đoán ra điều bí ẩn.
Do vậy Mahànàmà tiễn đưa con gái ra đi vô cùng trọng thể. Các sứ thần đem ngay về Xá-vệ và bảo nàng này là con gái chính thức của vương tử Mahànàmà. Vua rất hoan hỷ, ra lệnh cả kinh thành trang hoàng thật đẹp rồi đặt nàng ngồi lên một đám châu báu và cử hành lễ quán đảnh phong làm chánh hậu. Nàng được vua rất mực sủng ái.
Chẳng bao lâu hoàng hậu có thai, nên vua ra lệnh chăm sóc nàng thật chu đáo, và sau mười tháng nàng hạ sinh một hoàng nam, có màu da hoàng đồng. Và ngày đặt tên hài nhi, vua gửi chiếu thư đến tổ mẫu của ngài hỏi:
– Vàsabhakhattiyà đã sinh ra một hoàng nam, nàng là công chúa dòng họ Thích – ca, vậy sẽ đặt tên hài nhi là gì?
Lúc bấy giờ viên cận thần mang chiếu thư ấy hơi lãng tai, song lão cũng đi trình lại với bà tổ mẫu của vua. Khi bà nghe chuyện ấy, bà bảo:
– Ngay như khi Vàsabha chưa từng sinh ra một hoàng nam, nàng cũng đã là một người tuyệt thế, và nay nàng sẽ là ái hậu của vua.
Lão điếc này không nghe rõ tiếng “ái hậu” (Vallabhà) cho đúng, mà cứ tưởng bà bảo là “Vidùdabha”, nên lão về yết kiến vua, tâu với ngài rằng phải đặt tên hoàng tử là Vidùdabha. Vua tưởng đây hẳn là tên của một gia tộc cổ sơ nào đó, nên đặt tên con là Vidùdabha.
Sau đó, hoàng tử ấy lớn lên được nuôi nấng đúng như cung cách của một hoàng tử. Khi hoàng tử lên bảy tuổi, thường quan sát các vương tử kia nhân được quà voi ngựa và nhiều đồ chơi khác ra sao từ các gia tộc bên họ mẹ, cậu bảo mẹ:
– Thưa mẹ, các trẻ kia đều được quà từ bên mẹ của chúng, song không ai gửi cho con quà gì cả. Vậy mẹ có phải là con côi không?
Lúc ấy nàng đáp:
– Này con, các tổ phụ của con là các vua dòng họ Thích-ca, song các ngài ở xa lắm, vì thế chẳng gởi gì cho con cả.
Một lần nữa, lúc được mười sáu tuổi, cậu hỏi:
– Thưa mẹ, con muốn đi thăm gia tộc của tổ phụ.
Nàng bảo:
– Thôi con đừng nói đến chuyện ấy nữa, con sẽ làm gì khi đến đó?
Song dù nàng thoái thác, cậu cứ năn nỉ xin nàng mãi, cuối cùng mẹ cậu bảo:
– Thôi được, con cứ đi.
Vì vậy cậu xin vua cha chấp thuận và lên đường cùng một đám tùy tùng. Vàsabha gởi thư về nhà trước khi cậu đến với ý định này:
– Con đang sống hạnh phúc ở đây, xin các Tôn giả đừng nói cho hoàng tử biết chuyện bí mật kia.
Song dòng họ Thích-ca khi hay tin Vidùdabha đến, liền cho các vương tử trẻ tuổi đi về vùng quê. Họ bảo nhau:
– Ta không thể đón tiếp thằng bé này trịnh trọng được.
Khi hoàng tử đến Ca-tỳ-la-vệ, dòng họ Thích-ca tập họp trong nhà nghỉ của vua. Vị hoàng tử đến gần nhà nghỉ ngồi đợi. Rồi bọn kia bảo cậu:
– Ðây là ngoại tổ của con, đây là quốc cửu – họ vừa chỉ rõ từng vị.
Cậu đi đảnh lễ từng người nọ đến người kia, song mặc dù cậu đã cúi đầu chào toàn gia tộc đến mỏi cả lưng, chẳng ai chịu hạ cố chào lại cậu cả, vì thế cậu hỏi:
– Sao lại chẳng có ai trong gia tộc chào lại con cả thế này?
Gia tộc Thích-ca đáp:
– Này con, các tiểu vương tử đi về quê cả rồi.
Sau đó cả gia tộc thết đãi cậu rất trọng thể.
Sau vài ngày ở lại, hoàng tử trở về nhà cùng cả đoàn tùy tùng. Vừa lúc ấy một nô tỳ chùi chiếc ghế mà cậu đã dùng trong nhà nghỉ ấy với nước sữa, vừa nói nhục mạ:
– Ðây là ghế ngồi của con trai nàng Vàsabhakhattiyà, nữ tỳ ấy mà.
Một người hầu bỏ quên cây giáo đang đi tìm, nghe thoáng lời lăng mạ hoàng tử Vidùdabha. Gã hỏi:
– Như thế nghĩa là gì?
Gã được kể cho biết là Vàsabha đã do một nữ tỳ sinh ra với vương tử Mahànàmà, dòng Thích-ca. Gã liền kể chuyện này cho quân lính nghe. Thế là tiếng huyên náo vang lên, cả đám đều la lớn:
– Vàsabha là con gái của một nô tỳ, chúng bảo thế đấy!
Vị vương tử này nghe chuyện ấy: “Ðược rồi” – cậu nghĩ thầm: “Mặc chúng cứ đổ sữa trên ghế ta ngồi để rửa nó đi. Khi ta lên ngôi, ta sẽ rửa chỗ ngồi bằng máu trong tim chúng”.
Khi cậu trở về Xá-vệ, quần thần kể mọi chuyện với vua. Vua nổi cơn thịnh nộ với dòng họ Thích-ca vì đã đưa con gái của một nô tỳ về làm hoàng hậu của ngài, ngài truất hết các khoản tiền đã cấp phát cho Vàsabha và con trai nàng, chỉ còn những thứ vừa đủ với hạng gia nô mà thôi.
Vài ngày sau, bậc Ðạo sư đến cung vua, và ngồi xuống tọa sàng. Vua đến gần Ngài đảnh lễ và nói:
– Bạch Thế Tôn, trẫm nghe rằng thân tộc của Ngài đưa con gái của một nô tỳ về cho trẫm làm hoàng hậu. Trẫm đã truất hết phần trợ cấp của chúng, và chỉ cho chúng những thứ dành cho nô tỳ mà thôi.
Bậc Ðạo sư đáp:
– Tâu đại vương, dòng họ Thích-ca đã làm việc trái đạo! Nếu họ dâng con gái, đáng lẽ ra họ phải dâng một công chúa thuộc dòng huyết thống của họ kia. Song, thưa đại vương, Ta nói điều này, Vàsabha là con gái của vị vương tử, và trong cung điện của một vị vua quý tộc Sát-đế-ly, nàng đã nhận lễ quán đảnh; còn Vidùdabha cũng là vương tử của một vị vua quý tộc Sát-đế-ly. Các bậc trí nhân ngày xưa đã bảo: Dòng họ mẹ nào có quan trọng, dòng họ cha mới là chuẩn mực. Với một người vợ nghèo khó, một người lượm củi, họ đã đưa lên địa vị chánh hậu, và vị vương tử do bà ấy sinh ra được nắm vương quyền tại Ba-la-nại, rộng mười hai dặm đã trở thành vua Kattha-Vàhana, hiệu là Tiều phu.
Do đó, Ngài kể cho vua nghe chuyện tiền thân Katthahàri (số 7 – Chuyện Nàng lượm củi).
Khi vua nghe bài thuyết giáo này, lòng rất hoan hỷ nhủ thầm: “Dòng họ cha là tiêu chuẩn đo lường một con người”. Rồi vua lại ban những gì phù hợp cho hai mẹ con nàng như trước.
Lúc bấy giờ viên đại tướng quân của vua, là một người có tên gọi Bandhula. Vợ ông ta là Mallikà không sinh sản gì, nên ông sai đưa nàng đến tận Kusinàra, bảo nàng trở về với gia đình nàng. Nàng nói:
– Ta sẽ đi khi nào ta đã kính bái bậc Ðạo sư.
Nàng đi đến Kỳ Viên vái chào đức Như Lai rồi đứng đợi một bên. Ngài hỏi:
– Bà đi đâu bây giờ?
Nàng đáp:
– Bạch Thế Tôn, chồng của con bảo đưa con về nhà.
Bậc Ðạo sư hỏi:
– Vì cớ gì?
– Bạch Thế Tôn, vì con không sinh sản, con không có con trai.
Ngài đáp:
– Nếu chỉ có vậy, thì chẳng có lý do gì bà phải đi cả. Hãy về lại.
Nàng rất hoan hỷ kính chào bậc Ðạo sư rồi trở về nhà. Chồng nàng hỏi tại sao nàng lại trở về, nàng đáp:
– Ðấng Thập Lực bảo đưa thiếp trở lại, thưa phu quân!
Vị đại tướng nói:
– Thế thì đấng Thập Lực ắt hẳn đã thấy rõ lý do tốt lành rồi.
Chẳng bao lâu đó nàng thụ thai. Khi nàng bắt đầu những cơn thèm ăn của người mang thai, nàng bảo cho ông biết. Ông hỏi:
– Thế nàng muốn gì?
Nàng đáp:
– Thưa phu quân, thiếp muốn đi tắm và uống nước hồ ở thành Vesàli (Tỳ-xá-ly), nơi mà các hoàng gia thường lấy nước để làm lễ quán đảnh phong vương.
Vị đại tướng hứa sẽ cố gắng chìu ý. Cầm lấy cây cung của ông mạnh bằng cả ngàn cây cung khác, ông đưa bà vợ lên xe rời thành Xá-vệ và lái xe đến Tỳ-xá-ly.
Lúc bấy giờ gần cổng thành có một người của bộ tộc Licchavi tên là Mahàli đã từng được học cùng một vị sư phụ với đại tướng Bandhula của vua Kosala. Người này mù, vẫn thường khuyên các người Licchavi về những thế sự cũng như thánh sự. Khi nghe tiếng xe chạy lóc cóc trên ngưỡng cửa, ông nói:
– Ðây là tiếng xe của đại tướng Bandhula! Ngày hôm nay các người Licchavi có mối lo sợ.
Bên hồ có một đội quân canh gác nghiêm ngặt, bên trong lẫn bên ngoài, ở trên lại có lưới sắt, không một con chim nào tìm chỗ lọt vào được. Song vị đại tướng, vừa xuống xe đã tung thanh kiếm ra khiến quân canh bỏ chạy và ông liền xông qua lưới sắt, vào trong hồ cho bà vợ tắm và uống nước, rồi sau khi chính ông cũng tắm xong, ông đưa Mallikà lên xe, rời thành và trở về bằng đường lối đã đến. Quân canh đi thưa chuyện với các người Licchavi. Lúc ấy các vương tử của bộ tộc Lichavi nổi giận, năm trăm vị leo lên năm trăm cổ xe, đi bắt tướng quân Bandhula. Họ báo tin ấy cho Mahàli, ông bảo:
– Ðừng đi, vì kẻ kia sẽ giết hết các ngài đấy.
Song họ bảo:
– Không, chúng ta muốn đi.
– Vậy khi nào các ngài đến một nơi mà bánh xe lún xuống tận trục thì phải trở về. Nếu các ngài không trở về lúc ấy các ngài hãy trở về nơi mà các ngài nghe tiếng sấm sét. Nếu các ngài không trở về lúc ấy thì các ngài hãy trở về nơi mà các ngài thấy một cái lỗ ở phía trước các xe. Ðừng đi xa nữa.
Song các người ấy không trở lại theo lời ông mà cứ đi tới mãi. Mallikà nhìn thấy họ và bảo:
– Thưa phu quân, có các cỗ xe xuất hiện kìa.
– Vậy hãy nói cho ta biết – ông bảo – khi nào tất cả bọn chúng trông giống như một cỗ xe mà thôi.
Khi tất cả bọn chúng đứng thành một hàng giống như một chiếc xe, nàng bảo:
– Thưa phu quân, thiếp thấy chúng giống như thể cái đầu của một cỗ xe mà thôi.
– Vậy hãy cầm lấy dây cương.
Vị tướng quân bảo và trao dây cương vào tay bà. Ông đứng dậy trên cỗ xe và giương chiếc cung ra. Bánh xe kia lún vào đất đến tận trục xe. Bộ tộc Licchavi đến tận nơi, thấy thế nhưng không trở lui về. Vị tướng quân kia tiến lên một đoạn nữa và bật dây cung lên liền phát ra một tiếng ầm như sấm dậy. Nhưng đám kia vẫn chưa trở lui về mà cứ đuổi theo nữa. Bandhula đứng trên xe và bắn tên ra, mũi tên làm vỡ đầu cả năm trăm cỗ xe và xuyên qua cả năm trăm vương tử ở nơi có buộc dây đai rồi chôn vùi xuống đất. Các vị này không biết họ đã bị thương nên cứ tiếp tục đuổi theo nữa và la lớn:
– Dừng lại! Này, dừng lại!
Bandhula dừng xe lại, bảo:
– Các người chết cả rồi! Ta không đánh với người chết đâu!
Họ bảo:
– Sao, chúng ta thế này mà chết à?
Bandhula bảo:
– Hãy mở dây đai của người đầu tiên ra.
Bọn kia mở dây đai người ấy, ngay lúc mở dây ra, người kia liền ngã xuống chết luôn. Lúc ấy vị tướng quân bảo cả bọn:
– Các người đều bị như vậy cả, hãy về nhà đi, sắp đặt mọi việc gì cần sắp đặt, dặn dò vợ con gia tộc, rồi hãy cởi giáp bào ra.
Họ làm theo như vậy, xong đâu đó, cả bọn đều trút hơi thở cuối cùng.
Về sau, tướng Bandhula đưa Millikà về Xá-vệ. Bà sinh ra những cặp song nam liên tiếp mười sáu lần, chúng đều lớn lên dũng mãnh anh hùng, thành đạt trọn vẹn trong mọi việc. Mỗi người lại có cả ngàn quân tùy tùng và khi chúng theo cha vào chầu vua, riêng phần chúng đã đứng chật cả sân chầu.
Một ngày kia, một số người thua kiện vì bị vu cáo, thấy Bandhula đi đến, liền lên tiếng kêu than vang dậy, và bảo cho ông biết các quan tòa đã hỗ trợ một chuyện vu cáo. Vì thế Bandhula vào triều, xử lại vụ án rồi cho phần mỗi người như cũ. Ðám đông hò reo tán thưởng. Vua hỏi việc gì và khi nghe vậy, ngài rất hoan hỷ. Ngài chuyển các quan tòa kia đi xa, giao cho Bandhula trọng trách xử án, từ đó ông xử rất công minh. Sau đó các quan tòa kia trở nên nghèo khó, ví họ không còn nhận hối lộ nữa, nên họ phỉ báng Bandhula đến tận tai vua, kết tội vị tướng quân này muốn nhắm chiếm ngai vàng; vua nghe lời họ, không sao tránh khỏi hoài nghi. Song vua suy nghĩ đắn đo: “Nếu lão ấy bị chết tại đây thì ta sẽ bị trách cứ”.
Ngài liền ra lệnh cho một số người cướp phá các vùng thị trấn ở biên địa, rồi mời Bandhula đến và bảo:
– Biên thùy đang gặp khói lửa, khanh hãy cùng các công tử đi bắt bọn cướp kia.
Vua cũng đưa đi một số chiến sĩ dũng cảm, tài ba, rồi căn dặn họ giết cả vị tướng quân cùng ba mươi hai công tử kia, cắt lấy đầu đem về.
Khi ông lên đường, bọn cướp đánh thuê ấy biết tin đại tướng đến, liền bỏ chạy. Vị tướng quân định cư lập nghiệp cho dân khu vực ấy rồi dẹp yên thành phố xong lên đường về. Sau đó khi ông đến gần kinh đô, các tùy tướng kia lại cắt đầu ông cùng các công tử.
Ngày hôm ấy Mallikà mời hai vị Ðại đệ tử cùng với năm trăm vị Tỷ-kheo. Từ sáng sớm đã có thư đưa vào cho bà báo tin chồng bà và các công tử đã mất đầu. Khi nghe vậy bà không nói với ai một lời, bà nhét thư vào áo, và lo dọn bữa cơm mời chúng Tỷ-kheo. Khi các gia nhân của bà đã cúng dường cho các Tỷ-kheo xong, lại mang vào một chén đựng bơ tươi, vô ý làm vỡ cái chén ấy ngay trước Tăng chúng. Lúc ấy vị tướng quân Chánh pháp (Sàriputta) bảo:
– Chén bát được làm ra để đánh vỡ, xin bà đừng buồn phiền việc ấy.
Vị phu nhân đưa lá thư từ trong nếp áo ra đáp:
– Ðây đệ tử được bức thư báo tin phu quân và ba mươi hai con trai của đệ tử đã bị cắt đầu. Nếu đệ tử không buồn phiền việc ấy, có lẽ nào lại buồn phiền khi cái chén bị đánh vỡ?
Vị Tướng quân Chánh pháp bấy giờ bắt đầu nói:
– Không được thấy, không được biết là đời người dưới đây…v.v…(Kinh tập, Kinh Mũi tên, kệ 574).
Rồi từ chỗ đứng dậy, ngài thuyết pháp và ra về.
Phu nhân liền triệu tập ba mươi hai nàng dâu lại bảo:
– Phu quân của các con mặc dù vô tội, đã thọ lãnh nghiệp quả đời trước. Các con đừng sầu bi, cũng đừng tạo ác nghiệp nặng hơn tội của vua.
Phu nhân khuyên nhủ như vậy. Bọn thám tử mật của vua nghe lời này, trình với vua rằng họ chẳng oán hận. Sau đó, vua ân hận đi đến nhà phu nhân cầu xin Mallikà và các con dâu của bà tha thứ và ban một điều ước. Bà đáp:
– Xin nhận.
Bà cử hành tang lễ xong, tắm rửa rồi đến yết kiến vua. Bà nói:
– Tâu Chúa thượng, Chúa thượng đã ban cho thần thiếp một ân huệ. Thần thiếp xin điều gì ngoài chuyện này: đó là xin Thánh thượng cho phép thần thiếp cùng ba mươi hai con dâu trở về nhà cha mẹ của mình.
Vua chấp thuận. Bà liền đưa mỗi nàng dâu về nhà cũ, xong chính bà cũng về nhà cha mẹ mình ở thành Kusinàra. Rồi vua phong chức đại tướng cho một vị Dìgha-Kàràyana, con trai của một bà chị đại tướng Bandhula. Song vị này đi đâu cũng vạch tội vua và bảo:
– Vua đã giết cậu ta.
Mãi lâu sau vụ giết hại vị tướng quân vô tội Bandhula ấy, vua cứ bị hối hận giày vò nên tâm hồn không còn thanh thản, ngài không cảm thấy hứng thú khi được làm vua nữa. Thời ấy, bậc Ðạo Sư ở gần một thị trấn của dòng họ Thích-ca tên là Ulumpa. Vua đến đó đóng trại không xa hoa viên ấy, và cùng vài cận thần đi đến tinh xá để đảnh lễ bậc Ðạo Sư. Vua đem trao năm biểu tượng của vương quyền cho Kàràyana, rồi một mình đi vào Hương phòng. Mọi việc tiếp theo được mô tả như trong Kinh Dhammacetiya (Pháp Trang nghiêm, Trung bộ, số 89).
Khi vua bước vào Hương phòng của đức Phật, Kàràyana cầm lấy năm biểu tượng của vương quyền ấy và tôn Vidùdabha lên làm vua, chỉ để lại đó cho vua cũ một con ngựa và một nữ tỳ, rồi đi đến Xá-vệ.
Sau buổi đàm thoại vui vẻ với bậc Ðạo Sư, vua trở về chẳng thấy binh sĩ đâu cả, ngài hỏi người nữ tỳ, và biết được mọi việc đã xảy ra. Rồi ngài đi đến kinh thành Vương Xá, quyết định đem theo người cháu trai cùng ngài đi bắt sống Vidùdabha. Khi vua đến kinh thành thì trời đã tối, cổng thành đã đóng, nên ngài nằm nghỉ trong một túp lều, bị đuối sức vì dãi dầu sương gió, ngài băng hà tại đó.
Khi đêm vừa sáng dần, cô nữ tỳ bắt đầu gào khóc:
– Trời ơi! Ðại vương Kosala đã vô phương cứu chữa rồi!
Có người nghe tiếng kêu than liền đưa tin đến vua xứ ấy (tức Ajàtasattu). Vua này liền cử hành tang lễ cho cậu mình rất trọng thể.
Sau khi vua Vidùdabha an vị trên ngai vàng, nhớ lại mối thù xưa của mình và quyết định đi sát hại tất cả dòng họ Thích-ca. Với mục đích trên, vua lên đường cùng với đám đông binh sĩ. Sáng tinh sương hôm ấy, bậc Ðạo Sư nhìn xuống cõi trần, thấy việc tàn sát kia đang hăm dọa thân tộc Ngài, Ngài nghĩ thầm: “Ta phải cứu độ thân tộc ta”.
Vào buổi sáng, Ngài ra đi khất thực, và sau khi dùng bữa xong trở về an nghỉ với dáng nằm như sư tử trong Hương phòng của Ngài. Vào buổi chiều, sau khi đã bay qua không gian đến một nơi gần Ca-tỳ-la-vệ, ngồi dưới một gốc cây đổ bóng thưa thớt; gần đó, một cây đa khổng lồ rợp bóng sừng sững trên biên thùy vương quốc của vua Vidùdabha. Khi thấy bậc Ðạo Sư, vua Vidùdabha đến gần đảnh lễ Ngài và nói:
– Bạch Thế Tôn, tại sao Thế Tôn lại ngồi dưới gốc cây thưa thớt như vậy trong bầu trời nóng nực này?
Ngài đáp:
– Thưa Ðại vương, cứ để mặc Ta. Bóng cây của thân tộc Ta khiến cho Ta mát mẻ.
Vua suy nghĩ: “Chắc hẳn bậc Ðạo Sư đến đây để che chở cho thân tộc Ngài”.
Vì thế vua đảnh lễ bậc Ðạo Sư rồi lại trở về Xá-vệ. Còn bậc Ðạo Sư đứng dậy đi đến Kỳ Viên. Lần thứ hai vua nhớ lại mối hận thù của mình đối với dòng họ Thích-ca, lần thứ hai vua lên đường, cũng thấy bậc Ðạo Sư ngồi đúng chỗ cũ, nên vua lại ra về.
Lần thứ tư vua ra đi, và bậc Ðạo Sư, khi xem xét kỹ những nghiệp quả quá khứ của dòng họ Thích-ca, nhận thấy rằng không thể nào tránh được hậu quả của ác nghiệp kia trong việc họ đã thả thuốc độc xuống dòng sông, nên Ngài không đi đến đó lần thứ tư nữa. Lúc ấy vua Vidùdabha giết hết dòng họ Thích-ca, bắt đầu bằng những hài nhi còn bú, lấy máu trong tim chúng và rửa cái ghế ngồi, rồi ra về.
Vào ngày mà bậc Ðạo Sư ra đi lần thứ ba đã trở về, sau khi du hành khất thực, và đã dùng bữa xong, Ngài đang nằm nghỉ trong Hương phòng, Tăng chúng từ mọi nơi tụ tập trong Chánh pháp đường. Khi ngồi lại với nhau, Tăng chúng bắt đầu nói đến công hạnh của bậc Ðạo Sư:
– Này các Hiền gỉa, bậc Ðạo Sư chỉ cần xuất hiện và khiến cho vua lui về, là giải quyết cho thân tộc Ngài khỏi nỗi sợ chết. bậc Ðạo Sư thật là một người bạn lành, hay cứu giúp gia tộc.
Bậc Ðạo Sư đi vào, hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì trong khi ngồi tại đó. Tăng chúng thưa lại với Ngài. Sau đó, Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo. không phải chỉ bây giờ Như Lai mới hành động vì lợi ích của các người thân tộc, mà ngày xưa Như Lai cũng đã làm như thế.
Cùng với lời này, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì Ba la nại, và thực hành Thập vương pháp (Mười đức tính của vua hiền), ngài nghĩ thầm: “Khắp cõi Diêm-phù-đề này, vua chúa đều sống trong các cung điện có nhiều cột trụ chống đỡ. Vậy một cung điện được nhiều cột trụ chống đỡ chẳng kỳ diệu gì, song nếu ta xây một cung điện chỉ có một trụ chống đỡ thì sao?…Lúc ấy ta sẽ thành vị đế vương bậc nhất giữa các vị vua!” Do vậy ngài triệu tập các nhà kiến trúc lại, bảo họ xây cất cho ngài một cung điện nguy nga chỉ dựng trên một cột trụ thôi. Họ thưa:
– Xin tuân lệnh.
Rồi họ đi sâu vào rừng. Tại đó, họ ngắm nghía nhiều cây thẳng tắp, cao lớn xứng đáng làm cây cột trụ duy nhất của một cung điện sang trọng như thế. Họ bảo nhau:
– Ðây có đủ các cây loại này, song đường sá gồ ghề, ta chẳng bao giờ chở chúng theo được, vậy ta phải thỉnh ý đức vua về chuyện đó.
Khi họ tâu như vậy, vua đáp:
– Hãy dùng cái móc hay neo mà kéo chúng về, thế càng nhanh nữa.
Song họ thưa:
– Chẳng cái móc nào làm được việc này cả.
Vua phán:
– Vậy thì hãy tìm một cây trong thượng uyển của trẫm.
Các nhà xây dựng đi vào vườn ngự, tại đó họ nhìn thấy một cây Sàla dáng vương giả cao quý, thẳng tắp, cành là sum suê, vẫn được dân làng, thị trấn tôn sùng, ngay cả hoàng tộc cũng thườngđến chiêm bái, và dâng lễ vật. Họ liền tâu lại với vua. Ngài phán:
– Trong vườn ngự của trẫm kia, các khanh đã tìm ra cho trẫm một cây đại thọ. Tốt lắm! Vậy hãy đi đẵn nó xuống ngay.
Họ đáp:
– Xin tuân lệnh.
Họ đến khu vườn ngự, đôi tay cầm đầy các tràng hoa thơm và các hương liệu khác, sau đó treo lên cây một tràng hoa năm chùm, cuộn quanh thân cây một sợi dây thừng, buộc vào đó một bó hoa thơm, rồi vừa thắp hương đèn, vừa chiêm bái vừa khấn rõ:
– Từ nay đến bảy ngày nữa, chúng tôi sẽ đẵn cây xuống theo lệnh vua truyền. Cầu xin các Thần cư ngụ trên cây này hãy đi nơi khác, và đó không phải lỗi chúng tôi.
Vị thần sống trên cây nghe nói vậy, nghĩ thầm:
“Những người xây dựng này quyết đốn cây xuống và phá hoại chỗ cư ngụ của ta. Nay đời ta chỉ kéo dài bao lâu còn nơi cư trú này, có các thân quyến thuộc của ta cư trú thật đông, cũng sẽ bị phá hủy. Sự hủy hoại thân ta không quan trọng bằng sự tiêu giết đám con cháu ta. Vậy ta phải bảo vệ sinh mạng chúng.”
Thế là vào lúc nửa đêm, với trang phục huy hoàng, uy nghi, vị Thần cây bước vào cung thất lộng lẫy của vua, chiếu ánh sáng rực rỡ khắp phòng và đứng khóc cạnh chiếc gối của vua. Ngài rất kinh hãi khi thấy vị thần, liền thốt lên vần kệ đầu:
Nghe vậy, vị chúa tể Thần cây ngâm hai vần kệ:
Tiếp theo, vua ngâm hai vần kệ khác:
Nghe vậy, vị Thần chúa ngâm hai vần kệ:
Sau đó, vua lại ngâm hai vần kệ:
Ðại thọ Cát tường liền đáp lời qua hai vần kệ:
Vua nghe vậy xong, lòng đầy hoan hỷ: “Vị thần này thật cao cả thay, ngài không muốn quyến thuộc mình phải mất nơi trú ẩn do việc ngài mất chốn cư ngụ của riêng ngài. Thế là ngài hànhđộng vì lợi ích của thân tộc mình.”
Và vua ngâm kệ cuối cùng:
Vị Thần chúa, sau khi thuyết giáo vua xong, liền ra đi. Còn vua an trú vào lời khuyên nhủ của ngài, bố thí và làm nhiều thiện sự khác cho đến khi vua mạng chung, đi lên cộng trú với các hội chúng ở cõi Trời.
*
Sau khi chấm duat Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư bảo:
– Này các Tỷ-kheo, như thế là Như Lai vẫn hành động vì lợi ích của thân bằng quyến thuộc mình.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy Ànanda là vua kia, các đệ tử của đức Phật là các thần trú thân trong các cây con của cây Sàla, và Ta chính là Cổ thụ Cát tường, vị Thần chúa.
-ooOoo-
Người thì gieo hạt, kẻ đi cày…,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong khi trú tại Kỳ Viên về Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) khi ông bị đọa xuống địa ngục, kéo theo năm trăm gia đình bị đọa luôn.
Bấy giờ, lúc hai Ðại đệ tử là Sàriputta (Xá-lợi-phất) và Moggallàna (Mục-kiền-liên) đưa các Tỷ-kheo đã theo vị ấy trở về cùng mình, Ðề-bà-đạt-đa không thể nào chịu đựng khổ đau, nên đã khạc ra máu và sắp từ giã cõi đời, ông tự nhủ: “Trong chín tháng ròng ta đã nghĩ xấu về đức Như Lai, song trong tâm của đức Như Lai không hề có một ác ý đối với ta, trong tám mươi vị trưởng lão cũng không ai làm gì hại ta, bởi chính vì những hành động của ta mà ta thành kẻ bơ vơ lạc lõng, ta đã bị bậc Ðạo Sư từ bỏ rồi, các Trưởng lão, Tôn giả La-hầu trưởng tộc, cùng tất cả hoàng tộc dòng họ Thích-Ca, nên ta muốn đến gặp bậc Ðạo Sư và hòa giải với Ngài. “Vì thế ra hiệu cho các đệ tử, ông bảo họ mang ông trên chiếc cáng, rồi du hành suốt ngày đêm đến kinh thành xứ Kosala.
Trưởng lão Ànanda thưa với bậc Ðạo Sư:
– Họ bảo rằng Ðề-bà-đạt-đa đang đi đến làm hòa với đức Thế Tôn.
– Này Ànanda, Ðề-bà-đạt-đa không được gặp ta đâu.
Khi ông đã đến thành Xá-vệ, Tôn giả lại thưa trình với bậc Ðạo Sư, và đức Thế Tôn cũng trả lời như trước. Khi ông đến cổng Kỳ Viên và tiến về hồ Kỳ Viên, tội ác đã đến tột đỉnh; một cơn sốt nổi lên trong người khiến ông muốn tắm và uống nước, vì thế ông ra lệnh cho họ đưa mình ra khỏi cái cáng để có thể uống nước. Khi ông vừa bước xuống và đứng trên mặt đất thì, trước khi ông có thể giải khát cho mình, quả đất rộng há miệng ra, một ngọn lửa phát xuất từ địa ngục tận cùng Avìci (A-tỳ hay Vô gián) bao phủ lấy ông. Trong lúc biết các ác nghiệp của mình đã lên đến cực điểm, cùng nhớ lại các công đức của Như Lai, ông ngâm vần kệ này:
Nắm xương này đem đến Tối thượng Nhân,
Bậc Toàn tri, đây trăm tướng tốt lành,
Bậc điều ngự tâm người, hơn Thiên chủ,
Tâm trí ta bay về Ngài Giác Ngộ.
Song chính ngay trong hành động tìm nơi an trú này mà ông bị đọa vào ngục A-tỳ và có năm trăm gia đình của các đồ đệ ông, những gia đình đã theo ông phỉ báng đấng Thập Lực (Dasabala) gièm pha ngài, nên cũng tái sinh vào ngục A-tỳ. Như thế ông xuống địa ngục A-tỳ, kéo theo mình cả năm trăm gia đình.
Vì vậy một ngày kia, Tăng chúng nói chuyện trong Chánh pháp đường:
– Này Hiền hữu Tỷ-kheo, Ðề-bà-đạt-đa ác độc vì tham lợi dưỡng đã vô cớ khởi lên lòng sân hận với bậc Chánh Ðẳng Giác và không biết đến nỗi kinh hoàng trong tương lai, nên cùng với năm trăm gia đình đọa xuống địa ngục. Bậc Ðạo Sư bước vào hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì. Hội chúng liền thưa lại Ngài. Ngài bảo:
– Này cácTỷ-kheo, Ðề-bà-đạt-đa vì ham lợi dưỡng và danh vọng nên không nhìn thấy những mối kinh hoàng trong tương lai, và ngày xưa cũng như bây giờ, vì không nhìn thấy những nỗi khủng khiếp trong tương lai mà kẻ ấy cùng các đệ tử tham muốn lạc thú hiện tại, nên phải chịu hoàn toàn hủy diệt.
Nói vậy xong, Ngài kể cho Tăng chúng nghe một chuyện quá khứ.
*
Một thời, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba la nại, gần thành Ba la nại có một thị trấn lớn của các người thợ mộc, gồm một ngàn gia đình, những thợ mộc từ thị trấn này thường tự xưng là họ đóng giường, ghế, nhà cửa và thường sau khi nhận tiền trước của dân chúng, lại tỏ ra không có năng lực để làm gì được cả. Dân chúng thường trách mắng bất cứ người thợ mộc nào tình cờ họ gặp mặt và gây trở ngại cho bọn họ. Vì thế bọn người mắc nợ này gặp phiền nhiễu đến độ không thể nào sống yên ở đấy được nữa. Bọn họ bảo nhau:
– Chúng ta hãy đi ra xứ khác và kiếm một nơi nào đó ẩn thân.
Thế là họ vào rừng, đẵn cây, làm thuyền lớn phóng xuống sông đẩy thuyền ra khỏi thị trấn khoảng chừng ba phần tư dặm, thì kéo thuyền vào bờ. Sau đó vào nửa đêm, họ trở về thị trấn tìm gia đình mình đưa lên thuyền rồi xuôi dòng tiến ra biển cả. Họ gặp thuận buồm xuôi gió cho đến khi cập vào một hòn đảo nằm giữa đại dương.
Lúc bấy giờ trên đảo ấy đã mọc lên nhiều loại cây rừng có trái như lúa gạo, cây mía, chuối, xoài, mận, mít, dừa và đủ các loại khác nữa. Trước bọn ấy đã có một người bị đắm tàu và chiếm lấy đảo này. Sống tại đó, ăn lúa gạo và thưởng thức cây mía cùng các loại cây khác, nhờ thế gã trở thành lực lưỡng cường tráng, gã sống trần truồng, râu tóc dài ra. Bọn thợ mộc suy nghĩ: “Nếu đảo có loài quỷ ở thì bọn ta chắc phải chết hết; vì vậy ta muốn thám hiểm xem sao.”
Sau đó bảy thanh niên dạn dĩ lực lưỡng, trang bị năm thứ vũ khí, rời thuyền đi thám hiểm đảo này.
Ngay lúc ấy người sống sót trên đảo vừa ăn sáng xong, uống nước mía và trong lúc sảng khoái nằm dựa lưng trên một nơi xinh tươi, mát mẻ dưới bóng cây trên bãi cát lấp lánh như một cái đãi bạc, gã suy nghĩ: “Những người sống ở cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ) không thể có được niềm hạnh phúc này, những người cày cấy kia, còn hòn đảo này đối với ta tuyệt hơn cả cõi Diêm-phù-đề nữa.” Gã liền vui mừng trong niềm cực lạc ấy.
*
Bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ đầu để giải thích người sống trên hoang đảo này ca hát vì niềm hoan lạc như thế nào:
*
Những người đi thám thính hòn đảo bắt gặp tiếng hát của gã, bảo nhau:
– Hình như ta nghe tiếng người, ta hãy đến làm quen với người đó.
Theo tiếng hát họ đi đến gặp người kia, nhưng vẻ bề ngoài của gã làm họ kinh hãi. Họ kêu lên:
– Có phải quỷ đó chăng?
Rồi họ tra mũi tên vào cây cung. Khi người kia thấy họ, gã sợ bắn bị thương nên la to:
– Ta không phải quỷ đâu, ta là người đấy, các ông ơi, xin tha mạng cho ta.
– Sao? – Họ bảo – Người ta lại trần truồng và không có gì bảo vệ như người ư?
Họ hỏi đi hỏi lại mãi, cũng chỉ nhận được câu trả lời ấy, rằng gã là con người. Cuối cùng họ đến gần gã và mọi người trò chuyện vui vẻ với nhau, những kẻ mới đến hỏi gã làm sao đến đó được. Gã kể cho họ nghe sự thật về việc này. Gã bảo:
– Do thiện nghiệp của các bạn mà các bạn đã đến đây, đảo này là phần thưởng của các bạn. Ðây là đảo tuyệt hảo. Ở đây các bạn không cần làm việc với đôi tay để sinh sống, gạo mía và các loại cây khác ở đây có vô tận, tất cả đều mọc hoang. Các bạn sống ở đây không còn lo ngại gì nữa.
Họ hỏi:
– Có gì khác cản trở cuộc sống của ta ở đây chăng?
– Không sợ gì cả trừ một điều: đảo này có loài quỷ dữ, lũ quỷ này sẽ nổi giận khi thấy phân thải ra từ cơ thể các bạn; vậy khi bạn muốn đại tiện, hãy đào lỗ trong cát chôn đi. Ðó là mối nguy hiểm duy nhất, ngoài ra không còn gì nữa, chỉ nhớ luôn luôn cẩn thận điều này.
Sau đó họ lên cư ngụ trên đảo này. Song giữa đám một ngàn gia đình này, có hai người cai thợ, mỗi người dẫn đầu năm trăm gia đình trong đó, một kẻ ngu si tham ăn món thượng hạng, người kia khôn ngoan và không thích chiếm phần ưu thắng trong mọi sự đời.
Theo thời gian họ tiếp tục sống tại đó, tất cả đều thành lực lưỡng cường tráng. Sau đó bọn họ suy nghĩ: “Lâu nay chúng ta không vui chơi gì cả, ta muốn làm một ít rượu mạnh với nước mía”. Vì thế họ làm rượu mạnh, và say sưa, ca hát, nhảy múa, vui đùa. Sau đó họ vô ý đi đại tiện bừa bãi khắp nơi mà không chôn dấu đi, nên họ đã làm cho hòn đảo hôi hám thật ghê tởm. Các thần linh tức giận vì bọn người này làm nơi giải trí vui chơi thành ô uế.
Các thần bàn tính kỹ lưỡng:
– Chúng ta sẽ dâng nước biển trên đảo để rửa sạch đảo này chăng? Nay là nửa tháng tối trời, cuộc hội họp của ta phải đình hoãn lại. Ðược rồi, vào ngày thứ mười lăm kể từ nay, vào ngày đầu tiên trăng tròn, vào giờ trăng mọc, chúng ta sẽ dâng nước biển lên và tận diệt chúng
Như vậy các thần đã định ngày. Lúc này một vị Thần công chính trong đám ấy suy nghĩ: “Ta không muốn các người này chết trước mắt ta.” Vì thế do lòng từ mẫn, vào lúc bọn người đang ngồi trước cửa trò chuyện vui vẻ, sau buổi cơm chiều, vị này làm cho toàn hòn đảo sáng lòa, với phục sức đầy vẻ huy hoàng, đứng trên không hướng về phía Bắc và nói với bọn họ như vầy:
– Này các thợ mộc, các thần linh nổi cơn thịnh nộ vì các ông. Ðừng sống ở đây nữa, vì trong nửa tháng kể từ nay các thần sẽ dâng nước biển lên giết hết các ông đó. Vậy phải trốn khỏi nơi này.
Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ hai:
Cùng với lời khuyên này vị ấy trở về nơi ở của mình. Khi vị ấy đi rồi, một vị thần bạn là một hung Thần, suy nghĩ: “Có lẽ dân chúng sẽ theo lời vị ấy khuyên mà trốn hết, còn ta muốn cản trở việc chúng đi, để làm cho chúng phải tiêu diệt hoàn toàn.” Vì vậy vị Thần này trang điểm thật huy hoàng, tỏa ra một luồng ánh sáng lớn, bao trùm khắp hòn đảo ấy, và đến gần đại chúng, đứng trên không hướng về Nam, trong khi ông hỏi:
– Có một vị thần vừa đến đây chăng?
Họ đáp:
– Thưa có.
– Vị ấy nói gì với ông?
Họ đáp:
– Tâu Thần chúa biển cả, những việc như vầy như vầy.
Lúc ấy vị Thần bảo:
– Vị Thần này không muốn các ông sống ở đây, nên đã nói thế trong cơn thịnh nộ. Vậy đừng đi nơi khác, mà cứ ở lại đây.
Cùng với những lời này, vị Thần ngâm hai vần kệ:
Sau khi nói vậy qua hai vần kệ để làm nhẹ nỗi lo âu của dân chúng, Thần này ra đi. Khi ông đi rồi, người thợ mộc ngu si cất cao giọng lên, và không để ý đến lời nói của vị Thần công chính, gã kêu lên:
– Xin quý ngài nghe theo ta.
Gã nói với mọi người thợ mộc bằng cách ngâm vần kệ thứ năm:
Khi nghe gã nói, năm trăm người thợ mộc tham hưởng lợi lạc muốn nghe theo lời khuyên của gã ngu si đó. Song lúc ấy người thợ mộc khôn ngoan không chịu nghe theo gã, và vẫn nói với đám thợ mộc, vừa ngâm bốn vần kệ:
Sau đó người ấy lại nói:
– Này bây giờ, chúng ta hãy nghe theo lời cả hai vị Thần ấy. Ta hãy đóng thuyền, rồi nếu lời của vị thần thứ nhất là đúng sự thật, ta sẽ leo lên thuyền và ra đi; và nếu lời vị thần thứ hai đúng thì ta sẽ cất thuyền chỗ khác và ở lại đây.
Khi người ấy nói vậy xong, người thợ mộc ngu si bảo:
– Anh cứ đi mà xem con cá sấu nằm trong chén trà! Anh thật quá ư chậm trí! Vị Thần thứ nhất nói như vậy vì tức giận chúng ta, còn vị thứ hai nói vì thương yêu chúng ta. Nếu ta rời hòn đảo tuyệt hảo này, thì ta sẽ đi đâu nữa? Song nếu anh cần phải đi thì cứ đi mà đóng thuyền, bọn ta không cần thuyền, bọn ta ở đây!
Người thợ mộc khôn ngoan cùng những người theo phe mình, đóng một con thuyền, đặt mọi hành trang lên thuyền, rồi cả bọn đứng vào thuyền. Sau đó vào ngày trăng tròn, đúng lúc trăng mọc, từ đại dương dâng lên một ngọn sóng bao phủ khắp hòn đảo đến tận đầu gối, khi người khôn ngoan ấy thấy đợt sóng dâng lên thì vội thả thuyền ra. Bọn người theo phe người thợ ngu si gồm năm trăm gia đình, cứ ngồi bảo nhau:
– Một ngọn sóng đã dâng lên trên đảo. Nhưng nó sẽ không cao hơn đâu.
Sau đó sóng biển dâng cao lên thắt lưng, rồi cao bằng đầu người, cao tận ngọn cây dừa, rồi bảy cây dừa, rồi phủ lên khắp hòn đảo. Con người nhiều mưu trí ấy, biết đủ phương cách, không than lam các tài vật, nên đã ra đi an toàn; còn người thợ ngu si tham của cải, không thấy nỗi kinh hoàng trong tương lai nên đã bị tiêu hủy cùng năm trăm gia đình nọ.
*
Và ba vần kệ nữa đầy tính cách giáo hóa, để làm sáng tỏ vấn đề trên, là kệ phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng:
*
Khi bậc Ðạo Sư đã chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu tiên, mà cả ngày xưa nữa, Ðề-bà-đạt-đa đã bị mắc vào bẫy dục lạc hiện tại mà không nhìn thấy tương lai, nên đã gặp hủy diệt cùng đồng bọn của kẻ ấy.
Nói xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời bấy giờ, Ðề-bà-đạt-đa là người thợ mộc ngu si, Kokàlika là vị ác Thần đứng ở phương Nam, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là vị Thần đứng ở phương Bắc và ta chính là người thợ mộc có trí khôn ngoan kia
-ooOoo-
Người nào mong ước việc trong lòng…,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú ngụ tại Kỳ Viên về một Bà-la-môn trú ở Xá-vệ, lúc ấy đang đốn cây bên bờ sông Aciravatì để trồng trọt cày cấy. Bậc Ðạo Sư nhìn thấy rõ nghiệp duyên của vị này (về khả năng tu tập) khi Ngài đến Xá-vệ để khất thực, Ngài liền bước ra khỏi con đường đang đi để nói chuyện ân cần với ông. Ngài hỏi:
– Này Bà-la-môn, ông đang làm gì đó?
Người ấy đáp:
– Thưa Sa-môn Gotama, tôi đang đốn cây ở một khoảng trống để trồng trọt.
Ngài bảo:
-Tốt lành thay, này Bà-la-môn, ông tiếp tục công việc đi.
Cứ nhu vậy bậc Ðạo Sư đi đến nói chuyện với ông khi các thân cây đốn xong lại được mang đi nơi khác, và người kia dọn sạch mẫu đất của mình, và Ngài lại đến vào lúc cày cấy, hoặc lúc đào những hố vuông nhỏ để lấy nước. Bấy giờ vào ngày gieo hạt, vị Bà-la-môn hỏi:
– Thưa Tôn giả Gotama, hôm nay là ngày Lễ hạ điền (Lễ Cày bừa) của tôi. Khi bắp chín, tôi sẽ cúng dường nhiều cho Tăng chúng được đức Phật cầm dầu.
Bậc Ðạo Sư nhận lời cúng dường của ông và ra đi. Một ngày khác Ngài lại đến và thấy người Bà-la-môn đang ngắm đám bắp ấy. Ngài hỏi:
– Này Bà-la-môn, ông đang làm gì đó?
– Thưa Tôn giả Gotama, tôi đang ngắm đám bắp.
– Này Bà-la-môn, tốt lắm!
Bậc Ðạo Sư nói rồi đi thẳng.
Lúc ấy Bà-la-môn suy nghĩ: “Tôn Giả Gotama vẫn thường đi qua đường này lắm thay! Chắc chắn Ngài cần thực phẩm. Ðược ta sẽ cúng dường thức ăn cho Ngài.”
Vào ngày ý tưởng này xuất hiện trong trí ông, khi về nhà, ông cũng thấy bậc Ðạo Sư đến nữa. Từ đó trong lòng vị Bà-la-môn khởi lên một niềm tín thành kỳ diệu.
Dần dần, bắp đã chín, vị Bà-la-môn quyết định ngày mai sẽ gặt. Nhưng khi ông ngủ trên giường thì ở khoảng đất trên sông Aciravatì, mưa trút xuống như chĩnh đổ: lũ lụt kéo đến mang theo cả mùa màng ra biển, vì thế không còn sót một cây nào. Khi cơn lũ đã rút, vị Bà-la-môn thấy hoa màu bị tàn phá, nên không còn sức mà đứng nữa, tay ông cứ ôm ngực vì quá đau khổ, ông vừa khóc vừa về nhà, nằm xuống kêu than. Buổi sáng bậc Ðạo Sư đã thấy vị Bà-la-môn này tràn ngập khổ đau, Ngài suy nghĩ: “Ta sẽ là nơi nương tựa của người Bà-la-môn.”
Thế là hôm sau, khi đã đi khất thực quanh Xá-vệ rồi, Ngài trở về từ nơi thọ dụng thức ăn, bảo các Tỷ-kheo lui về tinh xá rồi chính Ngài cùng một tiểu thị giả đi với Ngài đến nhà ông. Khi vị Bà-la-môn nghe Ngài đến, thì lòng hoan hỷ, nghĩ thầm: “Chắc hẳn vị hiền hữu của ta đến để nói chuyện thân mật.” Ông mời Ngài ngồi; bậc Ðạo Sư bước vào ngồi trên một tọa sàng đã định sẵn và hỏi:
– Này Bà-la-môn, tại sao ông nản lòng? Việc gì xảy ra khiến ông bất mãn?
– Thưa Sa-môn Gotama, từ lúc tôi đến đây trên bờ sông Aciravati, Ngài cũng đã biết tôi làm gì rồi. Tôi đã đi đây đó, và hứa cúng dường Ngài khi hoa màu chín, nay cơn lụt đã cuốn trôi hết mọi hoa lợi ra biển, chẳng còn lại gì cả. Bắp ngô bị thiêu hủy cả đến trăm cỗ xe, vì thế tôi đang sầu khổ lắm đây.
– Này, của mất mát có thể trở lại nhờ than khóc không?
– Thua Sa-môn Gotama, nó không trở lại được.
– Nếu vậy tại sao sầu khổ? Sự giàu sang của người đời hay thóc lúa, khi còn đó thì chúng có mặt, và khi mất rồi thì thôi. Chẳng có vật hữu hình nào không chịu hoạt diện, thôi ông đừng sầu muộn vì nó nữa.
An ủi ông như thế xong, Ngài nhắc lại Kinh Tham dục (Kinh Tập IV, kệ 766) vì thích hợp với hoàn cảnh này. Khi Ngài kết thúc bài Kinh Tham dục ấy, vị Bà-la-môn buồn khổ đã được an trú vào Sơ quả Dự lưu. Sau khi làm tan biến nỗi buồn của ông, bậc Ðạo Sư đứng dậy từ chỗ ngồi và trở về tinh xá. Cả thị trấn đều nghe tin bậc Ðạo Sư đã đi tìm Bà-la-môn đang bị đau đớn hành hạ như thế nào rồi an ủi ông và an trú ông vào quả Dự Lưu ra sao. Tăng chúng nói đến việc ấy tại Chánh pháp đường:
– Này các Hiền giả, đấng Thập Lực đã kết bạn với một vị Bà-la-môn, ngày càng thân thiết, đã tạo cơ hội thuyết Pháp cho ông, đang lúc ông gặp cơn đau khổ xé nát cõi lòng. Ngài an ủi cho vơi niềm đau khổ rối an trú ông vào quả Dự Lưu.
Bậc Ðạo Sư bước vào, và hỏi:
– Náy các Tỷ-kheo, các ông đang nói chuyện gì khi ngồi lại đây?
Tăng chúng thưa lại với Ngài. Ngài đáp:
– Ðây không phải là lần đầu tiên, này các Tỷ-kheo, mà ta chữa lành nỗi đau buồn của kẻ ấy, song ngày xưa, đã lâu lắm, Ta cũng làm như vậy.
Và cùng với những lời này. Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thời, vua Brahmadatta trị vì ở Ba la nại có hai vương tử. Ngài phong chức phó vương cho thái tử, còn vị thứ hai làm đại tướng quân. Sau đó khi vua Brahmadatta băng hà, triều thần phải phong vương cho thái tử bằng nghi lễ quán đảnh. Song chàng bảo:
– Ta chẳng màng giang sơn quốc độ, hãy để vương đệ ta trị nước.
Ðại chúng van xin cầu khẩn thái tử, song chàng chẳng muốn chuyện đó, nên vị vương đệ được quán đảnh phong vương. Thái tử cũng không màng ngôi vị phó vương hay chức tước gì cả, khi triều thần xin chàng ở lại, sinh sống trên mảnh đất trù phú này, chàng đáp:
– Không, ta không làm gì được trong kinh thành này cả.
Rồi chàng ra đi, rời khỏi Ba la nại, chàng đến vùng biên địa và sống với một gia đình thương gia giàu có, làm việc bằng đôi tay của mình. Những người này sau một thời gian biết được chàng là thái tử, nên không để cho chàng làm việc nữa, họ hầu hạ chàng như thể một vương tử phải được cung phụng vậy.
Bấy giờ, sau một thời gian, triều thần đến làng đó để vẽ họa đồ đồng ruộng. Lúc ấy người lái buôn nói với vương tử.
– Tâu Ðiện hạ, vì công lao chúng thần phụng dưỡng ngài, mong ngài gửi về vương đệ của ngài một bức thư để xin dùm cho chúng thần được miễn giảm thuế chăng?
Chàng đồng ý làm việc ấy và viết như sau: “Ta đang sống với một gia đình thương nhân nọ, ta xin vương đệ vì ta mà miễn thuế cho họ.”
Vua chấp thuận, và làm y theo như vậy. Từ đó dân làng và dân cả vùng ấy đến gặp chàng bảo:
– Hãy xin cho chúng thần được miễn thuế, rồi chúng thần sẽ đóng thuế cho ngài. Chàng làm thỉnh nguyện thư cho họ, và xin cho họ miễn thuế. Sau đó dân chúng trả thuế cho chàng. Lúc ấy, lợi tức và danh tiếng chàng rất lớn, cùng với lợi danh này, lòng tham của chàng cũng khởi lên, vì thế dần dần chàng đòi cả thị trấn, chàng đòi chức phó vương cũ và vương đệ chàng cứ ban cho chàng tất cả. Lúc ấy lòng tham của chàng cứ tăng trưởng, chàng không hài lòng với chức vị phó vương, và quyết định chiếm lại ngai vàng. Nhắm mục đích ấy, chàng lên đường cùng với một đám người, đóng tại ngoại ô kinh thành và gửi thư vào vương đệ chàng:
– Hãy trao quốc độ cho ta, không thì giao chiến!
Vị vương đệ suy nghĩ: “Ngày trước kẻ ngu si này đã từ chối ngai vàng, địa vị phó vương và tất cả; nay lại bảo: Muốn đánh chiếm lại. Nếu ta giết anh ta trong chiến trận thì đó là điều ô nhục cho ta, vậy ta cần gì làm vua nữa?” Vì thế chàng gửi chiếu chỉ:
-Tiểu đệ không muốn gây binh đao, xin vương huynh cứ lấy ngai vàng.
Vương huynh chấp thuận việc ấy và phong vương đệ làm phó vương.
Từ đó chàng cai trị vương quốc. Nhưng chàng tham lam như vậy, nên một vương quốc chưa làm chàng thỏa mãn mà chàng muốn hai vương quốc, rồi ba, tuy thế, vẫn thấy lòng tham vô tận.
Thời bấy giờ, Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ nhìn ra ngoài. Ngài suy nghĩ: “Ai là người chăm lo phụng dưỡng cha mẹ đây? Ai là người bố thí và làm điều thiện đây? Ai là người bị tham dục chi phối.” Ngài suy nghĩ: “Kẻ ngu si này không hài lòng trị vì ở Ba la nại. Ðược, ta sẽ dạy cho y một bài học.”
Vì vậy ngài giả dạng một thanh niên Bà-la-môn, đứng ở cửa cung rồi đưa tin rằng có một thanh niên lanh lợi đang đứng ở cửa. Chàng được phép vào chầu, liền tung hô chúc tụng vạn tuế vua xong xuôi, vua hỏi:
– Tại sao công tử đến đây?
Chàng đáp:
– Tâu Ðại vương, tiểu sinh có chuyện cần tâu với Ðại vương, song tiểu sinh muốn được giữ cẩn mật.
Nhờ thần lực của Ðế Thích Thiên chủ, ngay lúc ấy mọi người rút lui cả. Sau đó chàng thanh niên nói:
– Tâu Ðại vương, tiểu sinh biết ba kinh thành trù phú, đông dân, quân đội, chiến mã đều hùng cường, tiểu sinh nhờ quyền lực của mình sẽ làm chủ ba kinh thành ấy, và sẽ dâng tặng Ðại vương. Song Ðại vương không được trì hoãn mà phải đi liền lập tức.
Vua đầy lòng tham nên đồng ý ngay.
Song vì thần lực của Ðế Thích ngăn cản, nên vua không hỏi: “Thế công tử là ai, từ đâu đến? Công tử sẽ nhận lại cái gì?” Ðế Thích Thiên chủ nói vậy xong, trở về cõi Trời Ba mươi ba.
Sau đó vua triệu quần thần lại, và bảo họ:
– Một thanh niên vừa đến đây, hứa sẽ lấy và dâng cho trẫm thống trị ba vương quốc! Các khanh hãy đi tìm kẻ ấy. Ra lệnh đánh trống khắp kinh thành, triệu tập quân sĩ, không được trì hoãn, vì trẫm sắp chiếm ba vương quốc kia đấy.
Quần thần đáp:
– Tâu Ðại vương, thế Ðại vương có tiếp đãi thanh niên ấy, hoặc hỏi xem chàng ở đâu chăng?
-Không, không, trẫm không tiếp đãi chàng, cũng không hỏi chàng ở đâu cả, vậy cứ đi tìm chàng!
Quần thần đi tìm, song không thể tìm ra chàng khắp kinh thành này. Nghe vậy, vua buồn bực:
– Quyền cai trị ba kinh thành đã mất rồi.
Vua lại suy nghĩ liên miên: “Ta bị tước mất vinh quang tột bậc, chắc chắn thanh niên ấy bỏ đi, bực tức ta lắm vì chẳng ban cho chàng tiền lộ phí, cũng chẳng cấp nơi cư trú.”
Sau đó trong cơ thể vua nóng như thiêu đốt, trong khi cơ thể nóng bừng như vậy thì ruột vua mắc bệnh kiết lỵ ra máu; thức ăn đưa vào lại chảy ra hết, các y sĩ không thể nào chữa trị được, nên vua kiệt sức. Bệnh trạng vua được đồn đãi khắp kinh thành.
Lúc ấy, Bồ-tát từ Takkasilà đã trở về nhà cha mẹ ở Ba la nại, sau khi đã tinh thông mọi ngành học thuật. Ngài được tin về vua, liền đi đến cung môn, với ý định chữa bệnh vua nên gửi vào một tờ sớ tâu rằng có một thanh niên đang sẵn sàng trị bệnh cho đức vua. Vua phán:
– Các đại danh y lừng lẫy khắp gần xa còn chưa chữa nổi căn bệnh của trẫm, chứ một thanh niên làm gì được? Thôi trả tiền lộ phí cho gã rồi bảo gã ra về.
Thanh niên ấy đáp:
– Ta không cần chi phí chữa bệnh, song ta sẽ chữa lành vua, ngài chỉ cần trả tiền cho ta món thuốc chữa bệnh mà thôi.
Khi vua nghe vậy, liền chấp thuận cho chàng vào. Chàng thanh niên kính lễ vua:
– Tâu Ðại vương, chớ sợ gì! Chàng bảo – thần sẽ trị lành bệnh Ðại vương, song xin Ðại vương nói cho thần nghe nguyên cớ căn bệnh của Ngài.
Vua nổi thịnh nộ đáp:
– Ngươi hỏi thế để làm gì chứ? Cứ làm món thuốc chữa trị đi.
Chàng bảo:
– Tâu Ðại vương, đây là phương cách của y sĩ, trước tiên phải biết vì sao sinh bệnh tật, sau đó mới làm thuốc chữa cho thích hợp.
Vua phán bảo:
– Thôi được rồi, chú bé.
Và vua bắt đầu kể nguồn gốc căn bệnh, từ lúc thanh niên hứa hẹn rằng chàng ta sẽ giành lấy và dâng lên vua quyền thống trị ba kinh thành.
– Như vậy, này bé con, căn bệnh sinh ra từ lòng tham, chú có giỏi thì chữa đi.
Chàng đáp:
– Sao, tâu Ðại vương, có chiếm được các kinh thành ấy nhờ buồn phiền chăng?
– Không đâu, bé con.
– Nếu vậy thì tại sao Ðại vương lại buồn phiền? Mọi vật dù vô tri hay có tri giác, đều phải hủy diệt, bỏ lại tất cả, ngay cả thân xác của mình. Dù cho Ðại vương có cai trị cả bốn kinh thành đi nữa. Ðại vương cũng không thể cùng một lúc ăn bốn mâm cơm, ngủ bốn tọa sàng, mặc bốn bộ y phục. Ðại vương không nên làm nô lệ cho tham dục, vì khi tham dục tăng trưởng thì ta không thể thoát được bốn cảnh khổ.
Sau khi đã khuyến giáo như vậy xong, bậc Ðại Sĩ thuyết pháp qua các vần kệ sau:
Nhưng trong khi Bồ-tát ngâm các vần kệ này, tâm ngài chuyên chú vào chiếc lọng trắng của vua, nên khởi lên nỗi hỷ lạc của thiền định đạt được qua ánh sáng trắng (một pháp thiền Kasina). Riêng phần vua được bình phục khỏe khoắn, liền hoan hỷ đứng lên từ chỗ ngồi, và nói với ngài:
– Trong khi các y sĩ kia không thể chữa lành trẫm, thì một thanh niên hiền trí làm cho trẫm khỏe mạnh nhờ phương thuốc trí tuệ.
Rồi vua ngâm vần kệ thứ mười:
Nghe vậy bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ thứ mười một:
Vua càng hân hoan hơn nữa, liền ngâm vần kệ cuối cùng để tán thán bậc Ðại Sĩ:
Bồ-tát lại bảo:
– Tâu Ðại vương, ngài phải biết tinh cần và bước vào chánh đạo.
Thuyết giáo cho vua xong, ngài bay qua không gian đến Tuyết Sơn, và sống suốt đời làm một ẩn sĩ tu hành. Ngài chuyên chú hành trì Tứ Vô lượng tâm và được sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Khi Pháp thoại này chấm dứt, bậc Ðạo Sư bảo:
– Này các Tỷ-kheo, ngày xưa cũng như bây giờ, Ta đã làm Bà-la-môn này lành bệnh.
Nói xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy, Bà-la-môn này là vị vua kia và Ta chính là chàng thanh niên hiền trí.
-ooOoo-
Chúa tể Ja-na nói thế này…,
Chuyên này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú ngụ tại Kỳ Viên về việc giáo hóa Quốc vương Kosala.
Có một thời, dân chúng bảo rằng vua mê đắm quyền lực buông mình vào các ác dục, không trị nước công minh, và ngày càng xao lãng việc đến yết kiến đức Phật. Một ngày kia, vua nhớ đến đấng Thập Lực liền suy nghĩ: “Ta phải đến viếng Ngài.” Vì vậy, sau khi điểm tâm, vua ngự lên chiếc vương xa lộng lẫy, tiến về tinh xá, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống. Ðức Phật hỏi:
– Thưa Ðại vương, thế nào? Ðã lâu Ðại vương không đến đây?
Vua đáp:
– Bạch Thế Tôn, trẫm quá bận việc nên không có dịp đến đây hầu cận Thế Tôn.
Ðức Phật bảo:
– Thưa Ðại vương, xao lãng việc đến gặp các bậc Chánh Ðẳng Giác như Ta thật là không đúng, Ta là một vị Phật ở ngay một tinh xá trước mặt, có thể khuyến giáo Ðại vương. Một vị vua phải cai trị sáng suốt, trong mọi phận sự quân vương, đối với thần dân như cha mẹ đối với con, từ bỏ mọi ác đạo, không bao giờ quên lãng Thập vương pháp (Mười Ðức hạnh của một vị vua). Khi một vị vua chân chính, đám triều thần vây quanh cũng chân chính noi gương. Thật thế, nếu theo lời giáo huấn của Ta mà Ðại vương đã phải cai trị chân chính thì cũng không lạ gì. Nhưng còn những bậc hiền tài ngày xưa, ngay cả thời chưa có một bậc Ðạo Sư để giáo hóa vua chúa, mà nhờ tri kiến riêng của chính mình, các vua đó đã được an trú vào việc thực hành ba thiện nghiệp, thuyết Pháp cho một đám đông dân chúng và cùng các đoàn tùy tùng lên cộng trú với các hội chúng ở cõi Trời.
Cùng với các lời này, theo sự thỉnh cầu của vua, bậc Ðạo Sư kể một chuyện quá khứ.
*
Một thời, khi vua Brahmadatta trị vì Ba la nại, Bồ-tát sinh ra làm vị vương tử của chánh hậu. Cha mẹ ngài đặt tên ngài là vương tử Janasandha.
Bấy giờ đến tuổi trưởng thành và trở về từ Takkasilà, nơi ngài đã hoàn tất việc học tập, vua ra lệnh đại xá cho các tù nhân, và phong ngài chức Phó vương. Sau đó khi vua cha băng hà, ngài lên ngôi vua và ra lệnh xây sáu bố thí đường: tại bốn cổng thành, giữa thành và tại cung môn. Cứ mỗi ba ngày, ngài phân phát sáu trăm ngàn đồng tiền và làm chấn động toàn cõi Diêm-phù-đề vì việc đại bố thí của ngài: ngài mở cửa ngục ra thả hết, phá bỏ những pháp trường, ngài che chở cho mọi người bằng bốn thiện pháp (bố thí, thân ái, công bình, thiện trị); ngài giữ Ngũ giới, hành trì ngày trai giới và cai trị rất công chính. Thỉnh thoảng ngài hội họp quần thần lại và thuyết Pháp cho họ:
– Các khanh hãy bố thí, thực hành giới đức chân chánh, đi theo công việc và nghề nghiệp của mình, tự giáo hóa mình trong lúc còn tuổi thanh niên, lo làm cho giàu có, đừng cư xử như một tên lừa đảo trong làng hoặc như một con chó, đừng quá khắt khe hoặc thô ác, hãy làm bổn phận với cha mẹ, sống trong gia đình, hãy tôn trọng các bậc trưởng thượng.
Như vậy ngài khuyến khích quần chúng giữ chánh mạng.
Vào một ngày trai giới trăng tròn kia, sau khi đã hành trì ngày trai giới trọn vẹn, ngài tự nhủ: “Ta sẽ thuyết Pháp cho đại chúng để luôn luôn làm tăng trưởng lợi lạc cho họ và khiến họ tinh cần trong cuộc sống.” Sau đó ngài ra lệnh đánh trống lên, bắt đầu với đám cung phi, sau đó toàn thể dân chúng trong thành tụ tập lại. Tại sân chầu ngài ngự trên một sàng tọa lộng lẫy đặt riêng biệt, dưới một ngôi đình được tô điểm toàn châu báu, và thuyết Pháp bằng những lời này:
– Hỡi dân chúng trong kinh thành, trẫm sẽ tuyên thuyết cho các người nghe những việc gì làm cho các người đau khổ và những việc gì không làm cho các người đau khổ. Hãy tỉnh giác, chú tâm nghe và khéo tác ý.
*
Bậc Ðạo Sư mở miệng ra, đó chính là viên bảo châu giữa tất cả các chiếc miệng ở đời, chứa đầy Chân lý, và với giọng ngọt ngào như mật, ngài giải thích lời nói này với vua Kosala:
*
Như vậy, cứ mỗi tháng hai lần, bậc Ðại Sĩ thuyết giáo theo đường lối ấy cho đại chúng. Và đại chúng được an trú vào Giáo pháp của ngài và hoàn thành Mười thiện pháp này, nên được sinh lên Thiên giới.
*
Khi bậc Ðạo Sư đã chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:
– Thưa Ðại vương, như vậy các bậc trí nhân ngày xưa, dù chưa được dạy bảo mà chỉ do trí tuệ riêng của mình, đã thuyết Pháp và an trú đại chúng vào con đường đưa đến thiên giới.
Cùng với những lời này, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy, các đệ tử của đức Phật là dân chúng và Ta chính là vua Janasandha.
-ooOoo-
Chó săn đen sẫm buộc năm dây…,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú ngụ tại Kỳ Viên về sự sống vì lợi lạc cho cõi đời.
Chuyện kể rằng, một ngày kia, trong lúc các Tỷ-kheo ngồi tại Chánh pháp đường, họ nói chuyện với nhau. Một vị bảo:
– Này các Hiền giả, bậc Ðạo Sư bao giờ cũng thực hành từ tâm đối với đại chúng nên đã rời bỏ nơi an trú của Ngài và sống chỉ vì lợi lạc của người đời. Ngài đã đạt Tối thượng trí, song Ngài tự nguyện mang y bát di du hành cả mười tám dặm đường hoặc nhiều hơn nữa. Vì năm vị Trưởng lão ấy (các Tôn giả Kondannas), Ngài đã chuyển Bành xe Pháp; vào ngày mồng năm trong nửa tháng ấy Ngài thuyết Kinh Anattalakkana (Vô Ngã Tướng) và làm cho các vị kia đều đắc Thánh quả A-la-hán. Ngài lại đến Uruvela (Ưu-lâu-tần-loa), và trước các Ðạo Sĩ khổ hạnh bện tóc này (các Tôn giả Kassapa), Ngài thị hiện cho ba ngàn rưởi vị thấy các phép thần thông, cùng thuyết giáo cho các vị ấy gia nhập Tăng chúng; và tại Gayàsìsa (một ngọn núi gần Gayà, nay là Brahmàmayoni), Ngài đã thuyết Pháp về Lửa, khiến cho cả ngàn nhà tu khổ hạnh trong số này đắc Thánh quả A-la-hán. Với Mahà-Kassapa (Ðại Ca-diếp), sau khi Ngài đi cả ba dặm đường để gặp vị ấy và thuyết ba Pháp thoại, Ngài đã truyền Ðại giới cho vị ấy. Rồi một mình sau buổi thọ trai, Ngài ra đi đến bốn mươi lăm dặm đường để đưa một thiện gia nam tử là Pukkusa vào Tam quả Bất Lai. Ngài lại phải đi xa cả hai ngàn dặm để gặp Mahà-Kappina (Ðại Kiếp tân-na) và làm cho vị này đắc Thánh quả. Rồi một mình Ngài vào buổi chiều đi ba mươi dặm đường để đưa con người độc ác tàn bạo đó là Angulimàla (Tướng cướp đeo vòng ngón tay) vào Thánh quả. Ngài đi ba mươi dặm nữa, và đưa Álavaka (một con quỷ ăn thịt người) vào Sơ qủa Dự lưu cùng cứu hoàng tử thoát nạn (khỏi bị quỷ kia ăn thịt). Ngài an trú trên cõi Trời Ba mươi ba suốt ba tháng và giảng toàn bộ Giáo pháp cho tám trăm triệu Thiên tử. Ngài lên cõi Phạm thiên và phá tan tà thuyết của Phạm thiên Baka (số 405. TT Phạm thiên Baka), cùng làm cho mười ngàn vị Phạm thiên đắc Thánh quả. Mỗi năm Ngài du hóa trong ba khu vực, và đối với những ai có đủ căn cơ hiểu đạo, Ngài truyền dạy Tam quy, Ngũ giới và các quả vị khác nhau tùy mức độ khả năng. Ngài còn hành đạo vì lợi lạc của loài Rắn rồng (Nàga) hoặc Kim sí điểu (garula) hoặc nhiều loài khác nữa, theo nhiều phương tiện khác nhau.
Với những lời như trên, các Tỷ-kheo tán thán công đức trong đời sống của đấng Thập Lực vì lợi lạc của cõi trần gian này. Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì trong lúc ngồi tại đây. Tăng chúng thưa với Ngài. Ngài bảo:
-Này các Tỷ-kheo, ngày nay ta đã đạt Thắng trí viên mãn và sống vì lợi ích của chúng sinh thì cũng chẳng lạ gì, ví ngay cả xưa kia, khi Ta còn tham dục, Ta cũng đã sống vì lợi lạc của chúng sinh.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, trong thời đức Phật Chánh Ðẳng Giác Kassapa (Ca-diếp) có một vị vua mệnh danh là Usìnara. Một thời gian rất lâu sau khi đức Phật Ca-diếp tuyên thuyết Tứ Ðế (Bốn Sự Thật) và giải thoát cho nhiều hội chúng khỏi khổ ách, cuối cùng đã nhập vào hội chúng chư Phật an trú trong Niết-bàn (Ðại diệt độ) thì Ðạo pháp đã suy tàn. Tăng chúng tìm kế sinh nhai bằng hai mươi mốt cách phi pháp, họ kết giao với các Tỷ-kheo ni và sinh ra nhiều con cái. Các Tỷ-kheo xao lãng phận sự của Tỷ-kheo. Tỷ-kheo ni cũng xao lãng phận sự của Tỷ-kheo ni, nam cư sĩ và nữ cư sĩ cũng vậy, các Bà-la-môn không còn giữ phận sự của Bà-la-môn, phần đông dân chúng theo Mười ác đạo, vì vậy khi mạng chung, họ đều phải vào các đọa xứ thật đông đảo.
Lúc ấy Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ, nhận thấy không có vị Thiên tử nào mới xuất hiện, ngài nhìn ra cõi trần gian, và thấy loài người bị đọa vào các cõi dữ như thế nào, còn Giáo pháp của đức phật đã suy tàn. Ngài tự hỏi: “Ta phải làm gì? – ta nghĩ ra rồi!” Ngài tự nhủ: “Ta sẽ đe dọa loài người làm cho đại chúng kinh hãi và khi đại chúng đã kinh hãi, ta sẽ trấn an đại chúng và thuyết Pháp, ta sẽ chấn hưng Ðạo pháp đã suy tàn, ta sẽ làm Ðạo pháp tồn tại một ngàn năm nữa!”
Cùng với quyết định này, ngài biến vị Thần lái xe của Ngài là Màtali thành một con Chó săn đen đủi khổng lồ, loài chó thuần chủng, có bốn nanh lớn như quả chuối, hình thù gớm ghiếc, với cái bụng bự như đàn bà sắp sinh con. Ngài cột con Chó bằng sợi xích năm vòng, cột tràng hoa đỏ lên mình nó và dẫn nó đi bằng một sợi dây. Chính ngài mặc y phục màu vàng, buộc tóc ra đằng sau, quấn tràng hoa đỏ rồi cầm một cây cung khổng lồ với dây cung màu san hô, lắc lư trong tay một cái lao có đầu mũi gắn hạt kim cương, ngài giả dạng một sơn nhân đi xuống, một địa điểm cách kinh thành một dặm.
– Trần gian đang bị tiêu diệt! Trần gian đang bị tiêu diệt!
Ngài thét lớn ba lần để đe dọa mọi người và khi vào đến kinh thành, ngài lại thét lên như vậy. Dân chúng thấy con Chó săn liền kinh hoảng bỏ chạy vào thành tâu trình với vua mọi việc. Vua vội vã truyền lệnh đóng các cổng kinh thành. Song Thiên chủ Ðế Thích nhảy qua bức thành cao mười tám cubit (1 cubit = 45cm) cùng con Chó săn, đứng bên trong kinh thành. Dân chúng hoảng hốt chạy vào nhà đóng cửa thật chặt. Con Chó đen khổng lồ rượt theo người nào nó gặp phải và dọa nạt họ, cuối cùng vào đến tận cung vua. Trong cơn khủng khiếp, dân chúng đi ẩn náu khắp sân chầu, vào tận cung điện và đóng cửa lại.
Còn vua cùng các vương phi đi lên thượng lầu. Hắc thiên cẩu đưa chân đặt vào của sổ và rống lên thật kinh hoàng! Tiếng rống vang dội từ địa ngục lên đến tận trời xanh cao ngất: cả vũ trụ vang rền tiếng rống đó. Có ba tiếng rống lớn từng vang dậy khắp cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ) là: Tiếng rống của vua Punnaka trong chuyện Tiền thân Punnaka, tiếng rống của Long vương Sudassana trong chuyện Tiền thân Bhùridatta và tiếng rống này trong Tiền thân Mahà-Kanha, hay chuyện Ðại Hắc thiên cẩu.
Vua thu hết can đảm đến gần cửa sổ, kêu lớn vào Thiên chủ:
– Này thợ săn kia, sao con Chó của ngươi rống lên thế?
– Vì nó đói.
Vua bảo:
– Ðược, trẫm sẽ ra lệnh đem thức ăn cho nó.
Thế là vua ra lệnh đem thức ngự thiện của ngài cùng thức ăn trong cả cung điện. Con Chó hình như chỉ ngoạm một miếng là hết tất cả, xong lại gào thét. Vua hỏi nữa.
– Con chó còn đói. Thiên chủ đáp.
Sau đó vua bảo đem thức ăn của voi, ngựa ra cho nó. Nó cũng ăn trọn lập tức; vua lại phải lấy hết thức ăn trong kinh thành ra cho nó; con Chó cứ nuốt trửng hết như trên rồi gào thét nữa. Vua bảo:
– Ðây không phải chó. Chắc chắn là con quỷ dữ. Ta muốn xem nó từ đâu đến.
Lòng kinh hãi, vua ngâm vần kệ đầu hỏi:
1.Chó săn đen sẫm buộc năm dây,
Nanh trắng nhe ra cả miệng này,
Oai vệ gây kinh hoàng dữ dội,
Nó làm gì được với người đây?
Nghe vậy Ðế Thích Thiên chủ ngâm vần kệ thứ hai:
Lúc ấy vua bảo:
– Sao, thợ săn, chó này sẽ xé xác hết mọi người hay chỉ xé những kẻ thù của ngươi thôi?
– Tâu Ðại vương, chỉ những kẻ thù của tiểu thần thôi.
– Vậy ai là kẻ thù của ngươi?
– Tâu Ðại vương, những kẻ nào thích gian tà và theo đường ác.
Vua bảo:
– Hãy tả bọn chúng ra cho ta nghe.
Vị Thiên chủ liền tả bọn chúng qua các vần kệ:
– Những người này là kẻ thù của ta, tâu Ðại vương!
Ngài làm thể như sắp thả Chó xổ ra xé những kẻ nào làm các hành động của cừu nhân. Song trong lúc cả đám đông đang kinh hoàng, ngài cầm lấy dây xích chó, làm như thể buộc chặt nó vào chỗ đó, rồi ngài trút bỏ bộ dạng thợ săn, dùng thần lực bay lên đứng trên không, sáng rực rỡ, và bảo:
– Này Ðại vương, ta là Ðế Thích Thiên chủ, vì thấy trần gian sắp bị hủy diệt nên ta đến đây. Quả thật bây giờ người chết đọa vào các cõi khổ đầy rẫy, vì chúng làm toàn chuyện độc ác, còn thiên giới thì trống vắng. Từ nay ta sẽ biết cách trừng trị bọn gian ác, song các người phải cố gắng tinh cần.
Rồi sau khi thuyết Pháp trong bốn vần kệ đáng ghi nhớ và hướng dẫn dân chúng vào các công đức thiện sự như bố thí, ngài tăng cường uy lực của Giáo Pháp đang suy tàn để Giáo pháp được tồn tại thêm một ngàn năm nữa, rồi ngài cùng Thần Màtali trở lại cõi của ngài.
*
Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại này. Ngài nói thêm:
-Này các Tỷ-kheo, như vậy ngày xưa cũng như nay, Ta đã sống vì lợi lạc của cõi đời.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Vào thời đó, Ánanda là Màtali và ta là Ðế Thích Thiên chủ.
-ooOoo-
Chuyện phú ông keo kiệt sẽ được kể trong số 535. Tiền thân Thực phẩm Thiên giới (Sudhàbhojana), Tập VI.
-ooOoo-
Chuyện con dê sẽ được kể trong số 546, Tiền thân Ðường Hầm Lớn (Mahà Ummagga). Tập VII.
-ooOoo-
Vua chẳng nên trừng phạt tội hình…,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong khi trú tai Kỳ Viên về Ciddamànavikà (người đã vu cáo đức Phật về việc thông gian).
Khi đấng Thập Lực mới đạt Vô thượng Chánh Ðẳng Giác, sau đó chúng đệ tử này càng đông đảo, vô số chư Thiên và loài người đã được sinh lên Thiên giới, hạt duyên lành gieo rắc khắp nơi, nên Ngài được uy danh lừng lẫy và lễ vật cúng dường cao trọng. Bọn ngoại đạo tà giáo chẳng khác nào bầy đom đóm sau buổi bình minh, họ chẳng còn danh vọng, lợi dưỡng cúng dường nữa; họ liền ra giữa đường hét lớn vào đám dân chúng:
– Nay sao, Sa-môn Gotama là bậc Giác Ngộ à? Chúng ta cũng là những bậc Giác Ngộ. Chỉ có các lễ vật cúng dường cho vị ấy mới mang lại kết quả lớn sao? Những vật cúng dường cho chúng ta cũng mang lại kết quả lớn cho các ngươi. Vậy các ngươi hãy cúng dường cho chúng ta, phục vụ chúng ta nữa chứ?
Song dù họ kêu gào mãi, họ cũng chẳng hưởng được danh vọng lợi dưỡng nào cả. Sau đó họ bí mật họp nhau lại, và bàn bạc vấn kế:
– Làm thế nào ta có thể gây ô nhục cho sa môn Gotama trước mặt công chúng để chấm dứt danh vọng lợi dưỡng cúng dường của ông ấy đây?
Lúc bấy giờ tại Xá-vệ có một cô gái kia tên là Cincamànavikà, vẻ đẹp tuyệt trần, dáng kiều diễm mảnh mai, như một nữ thần, ánh sáng như tỏa ra từ thân thể nàng. Có người bày mưu kế ác độc như sau:
– Nhờ Cincamànavikà giúp sức, ta có thể gây ô nhục cho Sa-môn Gotama và chấm dứt danh vọng lợi dưỡng mà ông đang hưởng.
– Phải lắm, cả bọn đồng ý. Ta phải làm cách ấy đấy.
Khi nàng ấy đến chỗ tu hành của bọn ngoại đạo tà giáo, đảnh lễ họ rồi đứng yên, bọn tà đạo sư không nói gì với nàng cả. Nàng hỏi:
– Con có lỗi gì chăng? Con đã chào các Tôn giả ba lần rồi.
Nàng lại bảo:
– Thưa các Tôn giả, tại sao các vị không nói gì với con?
Họ đáp:
– Này chị, chị có biết Sa-môn Gotama đang du hành qua đây và làm hại chúng ta, làm mất hết mọi danh vọng và lợi dưỡng cúng dường mà chúng ta đã được hưởng trước kia chăng?
– Thưa các Tôn giả, con không biết việc đó, nhưng con có thể làm gì được?
– Này chị, nếu chị muốn chúng ta được tốt lành thì hãy tự mình gây ô nhục cho Sa-môn Gotama để chấm dứt danh vọng lợi dưỡng mà vị ấy đang hưởng.
Nàng đáp:
– Thưa các Tôn giả, được lắm, xin để việc ấy cho con đừng lo lắng gì nữa.
Nói vậy xong nàng từ giã ra đi.
Sau đó nàng dùng mọi xảo thuật của nữ nhân để đánh lừa người đời. Khi dân chúng ở Xá-vệ nghe Pháp xong và ra về từ Kỳ Viên, nàng lại thường đi về phía Kỳ Viên, khoác chiếc y nhuộm màu đỏ yên chi, tay cầm vòng hoa thơm ngát. Khi có ai hỏi nàng:
– Ði đâu vào giờ này?
Nàng thưởng trả lời:
– Các vị có liên quan gì đến việc tôi di, tôi về mà hỏi?
Nàng cứ ở lại ban đêm trong am thất của bọn tà đạo sư ấy, sát gần Kỳ Viên, rồi đến sáng sớm mai, khi các cư sĩ cận sự của Tăng chúng từ kinh thành đến đảnh lễ Tăng chúng buổi sáng, nàng thường hay gặp gỡ họ như thể nàng đã ở lại ban đêm tại Kỳ Viên rồi đi về kinh thành. Nếu có ai hỏi nàng đã ở lại nơi đâu, nàng liền trả lời:
– Tôi ở lại nơi đâu thì có việc gì đến các vị?
Song sau chừng sáu tuần lễ, nàng đáp:
– Tôi ở ban đêm tại Kỳ Viên với Sa-môn Gotama trong Hương phòng.
Các người ngoại đạo bắt đầu thắc mắc không biết việc ấy có đúng chăng. Sau chừng ba bốn tháng, nàng lại quấn nhiều lớp vải quanh bụng, làm vẻ như thể nàng đang có thai, và khoác áo choàng đỏ ra ngoài. Rồi nàng tuyên bố là nàng có thai với Sa-môn Gotama khiến cho đám người ngu si mù quáng tin theo lời. Sau chừng tám chín tháng nàng cột quanh người những miếng gỗ cuộn thành bó, khoác áo đỏ phủ lên, lấy xương hàm của bò đập vào tay chân thân thể cho sưng phồng to, và làm ra dáng mệt mỏi.
Một buổi chiều khi đức Như Lai đang ngồi trên bảo tọa thuyết Pháp, nàng bước vào giữa hội chúng, đứng trước mặt đức Như Lai và nói:
– Này Ðại sa-môn, quả thực Ngài đang thuyết Pháp cho nhiều hội chúng; giọng nói của Ngài thật êm ái, nhưng Ngài đã làm cho tiện thiếp có thai và ngày sanh đã gần kề, tuy thế Ngài không sắpđặt phòng bảo sanh cho thiếp, Ngài không cho thiếp bơ tươi hay dầu ăn gì cả. Những việc tự Ngài không muốn làm, Ngài cũng không nhờ một người cư sĩ nào làm thay thế, như vua Kosala, Ông Cấp Cô Ðộc hay nữ cận sự Visàkhà. Tại sao Ngài không bảo một người trong các vị ấy làm những việc cần cho thiếp? Ngài biết cách hưởng dục lạc, song lại không biết cách chăm sóc cái kết quả sẽ phát sinh từ đó!
Thế là nàng ta phỉ báng đức như Lai giữa đại chúng như một người cố ném bùn làm vấy bẩn mặt trăng. Ðức Như Lai ngưng thuyết giảng và thét lên như tiếng rống sư tử vang dội khắp nơi:
– Này chị, những điều chị vừa nói đúng hay sai, chỉ mình Ta và chị biết thôi.
Nàng đáp:
– Ðúng thế, quả thực vậy, việc này xảy ra như thế nào, chỉ mình Ngài và thiếp biết thôi.
Ngay lúc ấy chiếc ngai vàng của Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ nóng rực lên. Khi xem xét kỹ, ngài thấy rõ lý do: “Nàng Cincamànavikà đang vu cáo đức Như Lai về một việc không có thực.” Ngài quyết định làm sáng tỏ vấn đề này, liền cùng bốn Thiên thần đi đến đó. Các Thiên thần giả dạng bầy chuột đồng lập tức cắn sợi dây cột bó gỗ kia, rồi một cơn gió thổi tốc lên chiếc y đỏ nàng mặc, bó gỗ lộ ra và rơi xuống chân nàng, các ngón chân nàng đều bị đứt lìa cả. Ðại chúng la lớn:
– Một con mụ phù thủy đang vu cáo bậc Chánh Ðẳng Giác.
Ðại chúng liền khạc nhổ lên đầu nàng, lấy gậy gộc, đất đá xua đuổi nàng ra khỏi Tinh xá Kỳ Viên. Khi nàng đi khuất tầm mắt của đức Như Lai, đại địa liền há miệng ra thành một đường nứt khổng lồ, đám lửa từ dưới địa ngục thấp nhất bốc lên khiến nàng bị bao vây giữa đám lửa như thể trong chiếc hồng y hôn lễ mà đám bạn sẽ phủ lên nàng, rồi nàng rơi xuống tầng địa ngục thấp nhất, và tái sinh tại đó. Danh vọng và lợi dưỡng của đám tà sư vẫn tiêu tan, còn danh và lợi dưỡng của đấng Thập Lực lại tăng trưởng dồi dào hơn nữa.
Ngày hôm sau, Tăng chúng bàn luận trong Chánh pháp đường:
– Này hiền hữu Tỷ-kheo, cô ả Cincamànavikà đã vu cáo đức Phật Chánh Giác với công đức cao cả xứng đáng mọi lễ vật cúng dường, và cô ả đã bị đọa đày khủng khiếp!
Bậc Ðạo Sư đi vào và hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì khi ngồi tại đây. Ðại chúng trình với Ngài. Ngài bảo:
– Không phải chỉ bây giờ nữ nhân này mới vu cáo Ta rồi bị tiêu diệt thảm khốc, mà ngày xưa cũng vậy.
Nói xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta. trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sinh làm vương tử của chánh hậu. Vì thấy dung mạo của Bồ-tát đầy đủ phước lành như đóa sen nở, vua đặt tên Ngài là Paduma-Kumara nghĩa là vương tử Liên Hoa. Khi lớn lên ngài được dạy đầy đủ mọi ngành học thuật. Lúc đó bà chánh hậu qua đời, vua lại sắc phong một vương hậu khác và phong cho ngài làm phó vương.
Sau đó vua sắp sửa lên đường đi dẹp loạn ở biên địa liền phán bảo vương hậu:
– Này ái khanh, hãy ở lại đây trong lúc trẫm đi dẹp loạn biên cương.
Song nàng đáp:
– Tâu Chúa thượng, không được đâu, thiếp không muốn ở lại mà thiếp xin đi theo hầu Chúa thượng.
Vua liền chỉ cho nàng thấy nỗi nguy hiểm ở chiến trường và nói thêm:
– Nàng hãy ở lại đây đừng lo buồn vì cho đến khi trẫm hồi cung, trẫm sẽ giao phó thái tử Paduma trọng trách chăm sóc mọi việc cần làm cho ái khanh rồi trẫm sẽ đi.
Nói vậy xong vua lên đường.
Khi ngài đã đánh tan kẻ thù, bình định đất nước, ngài trở về cắm trại ngoài kinh thành. Bồ-tát biết tin vua cha trở về liền trang hoàng kinh thành thật rực rỡ, rồi canh phòng cẩn mật cung điện, xong xuôi một mình ngài lên đường đón phụ vương. Vương hậu quan sát diện mạo khôi ngô của ngài, liền đem lòng say mê ngài. Khi giã từ vương hậu, ngài bảo:
– Tâu mẫu hậu, vương nhi có thể làm gì cho mẫu hậu được chăng?
Nàng bảo:
– Chàng gọi thiếp là mẫu hậu ư?
Rồi nàng đứng lên nắm hai tay ngài bảo:
– Chàng hãy nằm trên vương sàng của thiếp.
– Ðể làm gì? Ngài hỏi.
– Chúng ta hãy tận hưởng lạc thú ái ân cho đến khi đức vua trở về.
– Tâu mẫu hậu, mẫu hậu là mẹ của thần nhi, và mẫu hậu đang còn có phụ vương đây. Chưa bao giờ thần nhi nghe chuyện một nữ nhân, một kế mẫu, lại phá bỏ đạo lý đi theo dục lạc xác thịt như thế. Làm sao thần nhi có thể phạm tội lỗi ô uế như vậy với mẫu hậu được?
Nàng nài nỉ ngài hai ba lần, ngài vẫn từ chối, nàng liền bảo:
– Thế ngươi không chịu làm như ta bảo ư?
– Quả thật thần nhi không chịu!
– Vậy thì ta sẽ tâu trình vua cha ra lệnh chém đầu ngươi đi!
Bồ-tát bảo:
– Xin cứ làm như ý mẫu hậu.
Rồi Ngài bỏ đi, để nàng lại đó, lòng đầy hổ thẹn nhục nhã. Rồi trong lúc qua kinh hoàng, nàng suy nghĩ: “Nếu vương tử đi nói chuyện với vua cha trước ta thì ta sẽ không sống nổi đâu. Vậy chính ta phải lo nói trước với ngài.”
Thế là nàng không đụng tới các món ngự thiện, mà khoác vào chiếc hoàng y lấm lem, lại lấy móng tay cào sướt cả người, rồi ra lệnh cho cung nữ:
– Hễ giờ nào đức vua hỏi vương hậu ở đâu thì hãy tâu là lệnh bà bị bệnh.
Rồi nàng nằm xuống, giả vờ đau ốm.
Lúc bấy giờ vua uy nghi diễu quanh kinh thành theo hướng bên hữu rồi vào cung thất. Khi ngài không thấy nàng, ngài hỏi:
– Chánh hậu đâu rồi?
Chúng đáp:
– Muôn tâu, lệnh bà đang bị bệnh.
Ngài liền vào nội cung, hỏi nàng:
– Ái hậu có việc gì bất an chăng?
Nàng cứ làm như thể không nghe gì cả. Vua hỏi đến đôi ba lần nàng mới đáp:
– Tâu Ðại vương, ngài hỏi làm gì thế? Xin Ðại vương hãy im lặng: phụ nữ xuất giá đều phải chịu cảnh như thân thiếp cả.
– Ai đã làm phiền lòng ái hậu? Vua bảo: – Nói nhanh lên rồi trẫm sẽ hạ lệnh chém đầu nó.
– Thế Ðại vương đã để lại kẻ nào thay Ðại vương trong kinh thành này, khi Ðại vương ra đi?
– Vương tử Paduma.
Nàng nói tiếp:
– Và thế là vương tử vào phòng của thiếp, thiếp liền hỏi: “Này vương nhi đừng làm vậy, ta là mẫu hậu của vương nhi”.
Nhưng vương tử kêu lên: “Không ai là đức vua ở đây trừ ta. Vậy ta sẽ đưa nàng về cung thất của ta và hưởng ái ân với nàng”.
Rồi vương tử nắm lấy tóc thiếp cứ kéo nhổ ra mãi, và do thiếp không chiều theo ý vương tử nên vương tử đánh đập thiếp trọng thương rồi bỏ đi.
Vua không cần điều tra sự việc mà nổi cơn thịnh nộ lên như con mãnh xà, liền ra lệnh cho quân sĩ:
– Bây đãu đi trói vương tử Paduma rồi đem lại đây cho trẫm.
Họ liền đi đến cung thất của ngài, đông đảo lũ lượt kéo qua kinh thành, trói ngài lại, đánh đập, cột chặt hai tay ngài ra sau lưng, quấn quanh cổ ngài một vòng hoa đỏ của một tên tử tội, rồi dẫn ngài đến cung, vừa đi vừa đánh đập. Ngài biết rõ việc này là do vương hậu gây ra, nên trong khi ngài vừa đi, ngài vừa kêu lớn:
– Này các ngươi, ta không làm tội gì chống lại đức vua cả. Ta vô tội.
Cả kinh thành vang dội tin dữ: “Chúng bảo vua sắp hành hình thài tử theo lệnh một nữ nhân đấy!”
Dân chúng ùa tới quỳ dưới chân thái tử mà kêu khóc vang lừng:
– Chúa công ơi! Ngài không đáng bị trừng phạt như thế này!
Cuối cùng họ đem ngài đến trước vua. Vừa chợt thấy mặt ngài, vua không đè nén được những gìđang chất chứa trong lòng, liền kêu lớn:
– Kẻ này không phải là vua, song đã làm thế công việc của vua cha rất hoàn hảo, đó là vương nhi của ta, tuy vậy nó đã xúc phạm vương hậu. Bây hãy lôi cổ nó đi, đem thả xuống vực của bọn trộm cướp cho nó chết đi.
Nhưng vương tử tâu:
– Tâu phụ vương, con không hề phạm tội ấy. Xin đừng giết con vì lời của một nữ nhân.
Vua vẫn không nghe theo ngài, rồi toàn thể mười sáu ngàn cung phi ở chốn hậu cung đồng cất tiếng khóc than vang dội:
– Ôi vương tử Paduma thân yêu, vương tử Paduma hùng dũng, ngài không đáng bị đối xử như thế này.
Kế đó tất cả các tướng quân và các lãnh chúa, cùng các vị đại thần đều kêu lớn:
– Tâu Chúa thượng, vương tử là người hiền thiện và đức hạnh, vẫn giữ đúng truyền thống của dòng dõi ngài, là bậc kế vị trên ngai. Xin đừng giết ngài theo lời một nữ nhân mà không chịu nghe tâu trình gì cả. Phận sự một minh quân là phải hành động hết sức cẩn trọng.
Nói vậy xong, hội chúng liền ngâm bảo vần kệ:
Song dù nói hết mọi cách, quần thần vẫn không thuyết phục được vua theo lời họ. Bồ-tát cũng vậy, đã dùng hết mọi lời lẽ van xin nhưng không làm vua cha nghe theo ngài; không, vua thật ngu si mù quáng phán bảo:
– Lôi cổ nó đi thả xuống vực sâu dành cho bọn trộm cướp.
Rồi vua ngâm vần kệ thứ tám:
Nghe các lời lẽ ấy, không ai giữa đám mười sáu ngàn phi tần đứng yên được trong khi toàn thể thần dân đưa tay lên vò đầu bứt tóc và kêu than khóc lóc. Vua phán:
– Ðừng để bọn này cản trở việc quẳng tên kia xuống vực sâu.
Rồi giữa đám quần thần, và dân chúng vây quanh than khóc, vua cứ ra lệnh tóm lấy vương tử quẳng lộn nhào xuống vực sâu.
Lúc ấy vị thần trú ngụ ở trên đồi ấy dùng uy lực nhân từ an ủi vương tử, bảo:
– Hỡi Paduma, xin ngài đừng sợ hãi.
Vị thần đưa cả hai tay ra đón lấy ngài, ôm chặt ngài vào lòng mình, truyền qua thân thể ngài một niềm xúc động kỳ diệu, đem ngài vào nơi cư trú của bầy rắn gồm tám loại, dưới quyền của vị Xà vương. Vị rắn chúa đón Bồ-tát vào hang rắn, song lại chia cho ngài một nửa giang sơn vinh hiển, và ngài ở đó một năm tròn. Rồi sau đó ngài bảo:
– Ta muốn trở về cõi nhân gian.
Chúng hỏi:
– Ðến nơi đâu?
– Ðến Tuyết Sơn, nơi ta muốn sống đời tu hành.
Xà vương chấp thuận, mang ngài đi đến tận nơi có loài người đi qua lại, trao cho ngài đủ mọi vật dụng cần thiết của đời tu hành, rồi trở về chốn cũ.
Thế là ngài tiến lên vùng Tuyết Sơn, đi theo cuộc đời đạo hạnh, tu tập năng lực Thiền định đem đến an lạc, ngài ở đó nuôi sống mình bằng các thứ củ quả rừng.
Lúc bấy giớ có một người kiểm lâm ở Ba la nại, đi đến chốn ấy, và nhận ra bậc Ðại Sĩ. Gã bảo:
– Tâu Chúa công, có phải chăng ngài là thái tử Paduma vĩ đại?
Ngài đáp:
– Chính phải, thưa tôn ông.
Kẻ kia đảnh lễ ngài và ở lại chơi vài ngày. Sau đó y trở về Ba la nại, trình với vua:
– Tâu Chúa thương, thái tử đã theo cuộc đời tu hành ở vùng Tuyết Sơn, hiện đang sống trong am lá. Hạ thần đã đến tận đó ở với ngài và trở về đây.
Vua hỏi:
– Ngươi chính mắt trông thấy thái tử chăng?
– Tâu Chúa thượng, chính phải.
Vua liền cùng đám đông tùy tùng đến đó, đóng trại ở ven rừng rồi cùng vài cận thần đi đến đảnh lễ bậc Ðại Sĩ lúc ấy đang ngồi ở ngưỡng cửa am trong mọi vẻ uy nghi rực rỡ, còn vua ngồi xuống một bên; các cận thần cũng đảnh lễ ngài với lời lẽ rất thân ái, xong cùng ngồi một bên cả. Về phần bậc Ðại Sĩ, ngài mời vua dùng trái rừng và đàm đạo rất vui vẻ với vua. Sau đó vua hỏi:
– Này vương nhi, con bị ta thả xuống vực sâu, làm cách nào mà còn sống sót được?
Và vua ngâm vần kệ thứ chín để hỏi chuyện đó:
Sau đây là những câu kệ còn lại gồm năm vần xen kẽ nhau: ba vần do Bồ-tát ngâm và hai vần do vua ngâm.
Vương tử:
Vua cha:
11.Cha sẽ đưa con, hỡi thiếu nhi,
Quay về cung điện của cha đi,
Con làm gì nữa trong rừng núi,
Hạnh phúc con nay sẽ trị vì.
Vương tử:
Vua cha:
Vương tử:
– Tâu Ðại vương, như vậy việc làm vua không có nghĩa gì đối vối con cả. Song Ðại vương phải chú tâm đừng vi phạm Thập vương pháp mà phải từ bỏ các ác nghiệp và trị dân thật chân chính.
Bậc Ðại Sĩ khuyến giáo vua cha qua những lời đó. Vua vừa than khóc vừa từ giã ra đi, và trên đường về kinh, vua hỏi các cận thần:
– Vì ai mà ta phải chia lìa với một người con đức độ như thế?
Hội chúng đáp:
– Chính vì vương hậu.
Vua liền ra lệnh băt vương hậu thả xuống vực sâu dành cho bọn trộm cướp, rồi vào thành cai trị theo đúng Chánh pháp.
*
Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, như vậy nữ nhân này đã vu cáo Ta thuở xưa, và phải chịu hủy diệt thương đau.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân bằng cách ngâm vần kệ cuối cùng:
-ooOoo-
Làm sao người trí phải tinh cần…,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong khi trú tại Kỳ Viên về một vị triều thần chánh trực của vua Kosala.
Tương truyền rằng vị quan này rất có công với vua, và sau đó vua ban tặng ông vinh hiển tột bực. các vị quan khác không thể nào chịu đựng việc ấy được, nên vu cáo với vua đã làm những việc xúc phạm đến vua. Ngài cho điều tra về vị ấy và thấy ông không có lỗi gì cả, liền suy nghĩ: “Ta không thấy người này phạm lỗi gì cả, làm sao ta biết được đó là bạn hay thù?” Rồi vua lại nghĩ: “Không có ai ngoài đức Như Lai có đủ khả năng quyết đoán vấn đề này; vậy ta đi tham vấn ngài xem sao.”
Thế là sau khi điểm tâm xong, vua đến viếng bậc Ðạo Sư và thưa:
– Bạch Thế Tôn, làm sao ta có thể phân biệt một người nào là bạn hay thù của ta?
Lúc bấy giờ bậc Ðạo Sư đáp:
– Thưa Ðại vương, những người khôn ngoan ngày xưa đã suy nghĩ về vấn đề này và đã hỏi các bậc hiền trí, rồi theo lời khuyến giáo của các vị ấy mà tìm ra chân lý, lánh xa các cừu nhân và chú tâm đến các bạn lành.
Nói vậy xong, theo lời thỉnh cầu của vua, ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, khu vua Brahmadatta trị vì ở Ba la nại, Bồ-tát là vị cận thần khuyến giáo vua về thế sự cũng như thánh sự.
Thời ấy, đám triều thần kia vu cáo một vị quan chính trực. Vua thấy vị ấy không có lỗi gì liền hỏi bậc Ðại Sĩ:
– Này, bằng cách nào ta có thể phân biệt bạn và thù?
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ nhất:
Lúc ấy bậc Ðại Sĩ ngâm măn vần kệ này để giải thích các dấu hiệu của một kẻ thù:
Khi được hỏi qua lời kệ trên, vị quan liền ngâm các vần kệ còn lại:
Vua hoan hỷ nghe lời thuyết giảng của bậc Ðại Sĩ, nên ban tặng ngài vinh quang tột đỉnh.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư bảo:
– Thưa Ðại vương, như vậy vấn đề này nảy sinh từ ngàn xưa và các bậc trí nhân dạy bảo: Nhờ ba mươi hai biểu hiện trên mà Ta có thể biết được bạn hay thù.
Cùng với các lời này Ngài nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy Ànanda là vua và Ta chính là vị triều thần hiền trí.
Hương người đức hạnh sáng ngời nhân thiên
Sen nở tươi tốt tròn viên
Kính chúc Hương Sen luôn tỏa hương ngào ngạt khắp mười phương.
Dẫu chỉ là lễ bạc lòng thành, nhưng ánh mắt Ni sư rạng ngời hạnh phúc
Cũng nhờ khả năng sinh ngữ xứ người mà Ni sư đã giúp cho nhiều người bản xứ hiểu biết Phật pháp
Tôi biết về Ni sư Thích Nữ Giới Hương như trong muôn trùng nhân duyên khác nhau
Kính chúc Ni Sư Giới Hương cùng chư Ni chúng tâm nguyện xây dựng Đạo Tràng Hương Sen sớm thành tựu
Thật thế, đóng góp của Ni sư Giới Hương thật đa dạng trên nhiều lãnh vực
lập chùa độ chúng và đem giáo lý của Đức Thế Tôn đến những vùng sâu vùng xa trong và ngoài nước:
Chúng tôi rất vui khi thấy Ni Sư Thích Nữ Giới Hương và các Ni chúng rất nồng nhiệt chào đón chúng tôi.
Giới đức tỏa khắp muôn phương
Hương xông bảo đảnh cúng dường Thế tôn
Có tình bạn đạo là có được chiếc chìa khóa mở vào tâm hồn người khác.
PHẦN 3 – CHƯƠNG III, CHƯƠNG IV
[01] Chương III – Phẩm Sankappa |
251. Chuyện Dục Tầm (Tiền Thân Sankappa) 252. Chuyện Một Nắm Mè (Tiền Thân Tilamutthi) 253. Chuyện Vua Rắn Manikantha (Tiền Thân Manikantha) 254. Chuyện Con Ngựa Quý Ăn Cám Gạo Đỏ (Tiền Thân Kundaka-Kucchi-Sindhava) 255. Chuyện Con Vẹt (Tiền Thân Suka) 256. Chuyện Cái Giếng Cũ (Tiền Thân Jarudapàna) 257. Chuyện Người Hầu Cận Gàmani-Canda (Tiền Thân Gàmani-Canda) 258. Chuyện Đại Vương Mandahàtà (Tiền Thân Mandahàtà) 259. Chuyện Ẩn Sĩ Tirìta-Vaccha (Tiền Thân Tirìta-Vaccha) 260. Chuyện Sứ Giả Của Cái Bụng (Tiền Thân Duta) |
[02] Chương III – Phẩm Kosya |
261. Chuyện Hoa Sen (Tiền Thân Paduma) 262. Chuyện Bàn Tay Mềm Mại (Tiền Thân Mudupàni) 263. Chuyện Tiểu Dục Tham (Tiền Thân Culla-Palobhana) |
[03] Chương III – Phẩm Ba Bài Kệ |
264. Chuyện Đại Vương Panàda (Tiền Thân Mahà Panàda) 265. Chuyện Mũi Tên (Tiền Thân Khurappa) 266. Chuyện Con Ngựa Quí Tốc Như Phong (Tiền Thân Vàtagga Sindhava) 267. Chuyện Con Cua (Tiền Thân Kakkatà) 268. Chuyện Kẻ Làm Hại Vườn (Tiền Thân Àràma Dùsa) 269. Chuyện Nàng Sujàta (Tiền Thân Sujàta) 270. Chuyện Con Cú (Tiền Thân Ulùka) 271. Chuyện Kẻ Làm Bẩn Giếng Nước (Tiền Thân Udapàna Dùsaka) 272. Chuyện Con Cọp (Tiền Thân Vyaggha) 273. Chuyện Con Rùa (Tiền Thân Kacchapa) |
[04] Chương III – Phẩm Ba Bài Kệ (tt) |
274. Chuyện Tham Ăn (Tiền Thân Lola) 275. Chuyện Tham Ăn (Tiền Thân Lola) 276. Chuyện Chánh Pháp Nước Kuru (Tiền Thân Kurrudhamma) 277. Chuyện Chim Bồ Câu (Tiền Thân Romaka) 278. Chuyện Con Trâu (Tiền Thân Mahisa) 279. Chuyện Con Hạc (Tiền Thân Satapatta) 280. Chuyện Kẻ Phá Hư Giỏ (Tiền Thân Puta-Dùsaka) 281. Chuyện Trái Xoài Chính Trung (Tiền Thân Abbhantara) 282. Chuyện Điều Tốt Nhất (Tiền Thân Seyya) 283. Chuyện Con Heo Rừng Của Thợ Mộc (Tiền Thân Vaddaki-Sùkura) 284. Chuyện Vận May (Tiền Thân Siri) 285. Chuyện Heo Rừng Trong Hang Thủy Tinh (Tiền Thân Manisùkura) |
[05] Chương III – Phẩm Ba Bài Kệ (tt) |
286. Chuyện Con Heo Liên Căn (Tiền Thân Sàlùka) 287. Chuyện Chê Bai Lợi Nhuận (Tiền Thân Làbha Garaha) 288. Chuyện Xâu Cá (Tiền Thân Macch-Uddàna) 289. Chuyện Mong Ước Khác Nhau (Tiền Thân Nàna-Chanda) 290. Chuyện Thử Thách Giới Đức (Tiền Thân Vìnansa) 291. Chuyện Cái Bát Thần (Tiền Thân Bhadra Ghata) 292. Chuyện Vua Quạ Supatta (Tiền Thân Supatta) 293. Chuyện Thân Hư Hoại (Tiền Thân Kàya-Vicchinda) 294. Chuyện Con Chim Ăn Trái Đào (Tiền Thân Jambu-Khàdaka) 295. Chuyện Loài Hạ Liệt (Tiền Thân Anta) 296. Chuyện Biển Cả (Tiền Thân Samudda) 297. Chuyện Dục Tình Nhảm Nhí (Tiền Thân Kàma-Vìpala) 298. Chuyện Trái Sung (Tiền Thân Udumbara) 299. Chuyện Ẩn Sĩ Komàya-Putta (Tiền Thân Komàya) 300. Chuyện Chó Sói (Tiền Thân Vaka) |
[06] Chương IV – Phẩm Bốn Bài Kệ |
301. Chuyện Tiểu Vương Kàlinga (Tiền Thân Cullakàlinga) 302. Chuyện Đại Kỵ Sĩ (Tiền Thân Maha-Asàroha) 303. Chuyện Vị Thánh Vương (Tiền Thân Ekaràja) 304. Chuyện Rắn Thần Daddara (Tiền Thân Daddara) 305. Chuyện Thử Thách Giới Đức (Tiền Thân Sìlavìmamasana) 306. Chuyện Hoàng Hậu Sujàta (Tiền Thân Sujàta) 307. Chuyện Thân Cây Hồng Diệp (Tiền Thân Palàsa) 308. Chuyện Chim Gõ Kiến (Tiền Thân Javasakuna) 309. Chuyện Người Tiện Dân (Tiền Thân Chavaka) |
[07] Chương IV – Phẩm Bốn Bài Kệ (tt) |
310. Chuyện Vị Quốc Sư Sayha (Tiền Thân Sayha) 311. Chuyện Cây Nimbo (Tiền Thân Pacimanda) 312. Chuyện Ẩn Sĩ Kassapa Chậm Trễ (Tiền Thân Kassapamandiya) 313. Chuyện Đạo Lý Kham Nhẫn (Tiền Thân Khantivàdi) 314. Chuyện Địa Ngục Nồi Sắt (Tiền Thân Lohakumbhi) 315. Chuyện Miếng Thịt (Tiền Thân Mamsa) 316. Chuyện Con Thỏ (Tiền Thân Sasa) 317. Chuyện Khóc Người Chết (Tiền Thân Mataradana) |
[08] Chương IV – Phẩm Bốn Bài Kệ (tt) |
318. Chuyện Vòng Hoa Kanavera (Tiền Thân Kanavera) 319. Chuyện Chim Đa Đa (Tiền Thân Tittira) 320. Chuyện Dễ Cho (Tiền Thân Succaja) 321. Chuyện Kẻ Đốt Lều (Tiền Thân Kutidùsaha) 322. Chuyện Tiếng Động Mạnh (Tiền Thân Daddabha) 323. Chuyện Vua Brahmadatta (Tiền Thân Brahmadatta) 324. Chuyện Thầy Tu Mặc Áo Da (Tiền Thân Cammasàtaka) 325. Chuyện Con Tắc Kè (Tiền Thân Godha) |
[09] Chương IV – Phẩm Bốn Bài Kệ (tt) |
326. Chuyện Thiên Hoa Kakkàru (Tiền Thân Kakkàru) 327. Chuyện Hoàng Hậu Kàkàti (Tiền Thân Kàkàti) 328. Chuyện Khóc Người Chết (Tiền Thân Ananusociya) 329. Chuyện Con Khỉ Đen Lớn (Tiền Thân Kalabahu) 330. Chuyện Thử Thách Giới Đức (Tiền Thân Silavìmamsa) 331. Chuyện Trưởng Lão Kokàlika (Tiền Thân Kokàlika) 332. Chuyện Chiếc Gậy Thúc Xe (Tiền Thân Rathalatthi) 333. Chuyện Con Tắc Kè (Tiền Thân Godha) 334. Chuyện Khuyến Dụ Quốc Vương (Tiền Thân Ràjovàda) 335. Chuyện Chó Rừng (Tiền Thân Jambuka) 336. Chuyện Vương Tử Chatta Vĩ Đại (Tiền Thân Brahàchatta) 337. Chuyện Cái Sàng Tọa (Tiền Thân Pitha) |
[10] Chương IV – Phẩm Bốn Bài Kệ (tt) |
338. Chuyện Vỏ Trấu (Tiền Thân Thusa) 339. Chuyện Xứ Baveru (Tiền Thân Bàveru) 340. Chuyện Trưởng Giả Visayha (Tiền Thân Visayha) 341. Chuyện Vua Kandari (Tiền Thân Kandari) 342. Chuyệcn Con Khỉ (Tiền Thân Vànara) 343. Chuyện Con Hạc (Tiền Thân Kuntani) 344. Chuyện Người Ăn Trộm Xoài (Tiền Thân Ambacora) 345. Chuyện Con Rùa Lười Biếng (Tiền Thân Gajakumbha) 346. Chuyện Đạo Sĩ Kesava (Tiền Thân Kesava) 347. Chuyện Cái Chày Sắt (Tiền Thân Ayakùta) 348. Chuyện Chốn Rừng Hoang (Tiền Thân Aranna) 349. Chuyện Lời Gièm Pha (Tiền Thân Sandhibheda) 350. Chuyện Vấn Đề Của Chư Thiên (Tiền Thân Devatàpanhà) |
PHẨM SANKAPPA
Không có người bắn cung…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn.
Nghe nói, một thiện nam tử trú ở thành Xá-vệ, do lòng tin Pháp nên đã xuất gia. Một hôm đi vào thành Xá-vệ để khất thực, vị ấy thấy một nữ nhân trang điểm đẹp đẽ, ái dục khởi lên trong tâm và vị ấy không còn hoan hỷ trong nếp sống xuất gia.
Các vị sư trưởng, giáo thọ thấy vậy, liền hỏi nguyên nhân vì sao vị ấy không được hoan hỷ. Khi được biết ái dục của vị ấy khởi lên và tâm dao động khiến vị ấy có ý muốn hoàn tục, họ liền nói với nhau:
– Thưa các Hiền giả, bậc Ðạo Sư có khả năng đoạn diệt các phiền não của những ai bị ái dục bức bách. Ngài thuyết giảng các Sự thật, và đem lại cho họ các kết quả tu chứng. Chúng ta hãy dẫn Tỷ-kheo ấy đến bậc Ðạo Sư.
Ngài hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, vì sao các ông lại đưa đến đây một Tỷ-kheo ngoài ý muốn của vị ấy?
Các Tỷ-kheo tường thuật rõ sự việc ấy. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông thối thất tinh tấn?
Vị ấy trả lời:
– Bạch Thế Tôn, sự thật là như vậy.
Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Do nguyên nhân gì?
Tỷ-kheo ấy kể lại những sự việc đã xảy ra. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, các nữ nhân này thuở trước đã làm uế nhiễm tâm của những bậc thanh tịnh, những người đã nhiếp phục ái dục bằng thiền lực. Còn đối với những hạng người trống rỗng như các ông, khi bị nữ sắc chinh phục thì làm sao không bị ái dục xâm chiếm? Các người thanh tịnh vẫn còn bị uế nhiễm, những vị có danh vọng tối thượng vẫn còn bị ô nhục, thì nói gì đến các người không thanh tịnh? Khi một ngọn gió làm rung chuyển núi Tu-di thì sá gì mà không rung chuyển đống lá già cỗi được sao? Ái dục này đã thử thách tâm bất động của bậc Chánh Giác ngồi dưới cây Bồ-đề thì sao lại không làm dao động tâm mới tu tập của một người như ông được?
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình Bà-la-môn đại phú, tài sản lên đến tám trăm triệu đồng tiền vàng. Khi lớn lên, Bồ-tát học hết tất cả các tài nghệ ở Takkasilà rồi trở về Ba-la-nại lấy vợ.
Khi cha mẹ mất, Bồ-tát làm tất cả các hiếu sự đối với song thân xong, Bồ-tát quan sát gia sản và nghĩ: “Tài sản cha mẹ tạo vẫn còn đây. Nhưng than ôi, những ai tạo ra gia sản này đâu còn nữa!”. Vì vậy, ngài cảm thấy xúc động mạnh và mồ hôi chảy ra từ thân. Bồ-tát sống trong gia đình một thời gian, rồi bố thí tài sản lớn, ngài bỏ các dục, từ giã bà con thân thuộc và đi vào Tuyết Sơn để làm ẩn sĩ.
Tại đấy Bồ-tát sống theo hạnh lượm rễ củ, trái cây rừng và những loại thực phẩm khác. Không bao lâu ngài đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng, vui thích trong thiền lạc và sống một thời gian dài như vậy.
Sau đó ngài suy nghĩ: “Ta sẽ đi vào con đường của dân chúng, dùng muối giấm, như vậy thân ta sẽ trở thành mạnh mẽ. Ta sẽ đi bộ, và những người cúng dường đồ ăn sẽ đảnh lễ một người giữ giới như ta. Sau khi mạng chung, họ sẽ tràn đầy thiên giới”. Vì vậy, Bồ-tát từ núi đi xuống, tiếp tục đi bộ đến thành Ba-la-nại, và vào lúc hoàng hôn, Bồ-tát tìm chỗ trú ẩn. Khi thấy khu vườn của vua, ngài nghĩ: “Chỗ này rất thích hợp vì yên tịnh, ta sẽ sống tại đây”. Rồi Bồ-tát đi vào khu vườn, ngồi dưới một gốc cây, trải qua một đêm trong thiền lạc.
Ngày hôm sau, khi làm vệ sinh thân thể xong, vào buổi sáng ngài sửa soạn bện tóc, áo da và áo vỏ cây, cầm bát đi khất thực. Với các căn yên tịnh, với ý tịch tịnh, đầy đủ uy nghi, Bồ-tát chỉ nhìn trước mặt khoảng một tầm, viên mãn đủ mọi mặt, với dung sắc sáng chói, ngài lôi cuốn cái nhìn của người đời, Bồ-tát đi vào khất thực và đến cửa cung vua. Bấy giờ vua đang đi qua lại trên sân điện rộng lớn, nhìn ngang qua cửa sổ, thấy Bồ-tát, vua hoan hỷ với uy nghi đức độ của ngài, nghĩ: “Nếu thực sự có pháp an tịnh viên mãn thì pháp ấy phải có trong người này”. Vì vậy, vua ra lệnh cho một đại thần:
– Hãy đi mời vị khổ hạnh ấy.
Vị đại thần đến đảnh lễ, cầm bình bát khất thực của ngài và thưa:
– Thưa Tôn giả, vua cho mời Tôn giả.
Bồ-tát nói:
– Thưa bậc đại phúc, vua không biết chúng tôi.
– Vậy thưa Tôn giả, xin hãy chờ ở đây cho đến khi tôi trở về.
Nói xong, vị đại thần tâu vua lời của vị ẩn sĩ. Vua nói:
– Chúng ta không có vị khổ hạnh thân tín trong gia đình. Hãy đi mời vị ấy về.
Và từ cửa sổ, vua duỗi tay ra vẫy gọi:
– Thưa Tôn giả, hãy đến đây.
Bồ-tát đưa bình bát cho vị đại thần và bước lên sân bằng con đường lớn của cung điện. Rồi vua đảnh lễ Bồ-tát, và mời Bồ-tát ngồi trên long sàng. Sau đó vua mời Bồ-tát ăn cơm cháo và các món đã được sửa soạn cho mình. Khi ngài ăn xong, vua hỏi chuyện và nghe trả lời, vua rất hoan hỷ, đảnh lễ và thưa:
– Thưa Tôn giả, ngài ở đâu? Từ đâu ngài đến đây?
Bồ-tát thưa:
– Tôi sống ở Tuyết Sơn, thưa Ðại vương. Từ Tuyết Sơn, tôi đến đây.
Vua lại hỏi:
– Vì nhân duyên gì ngài đến đây?
Bồ-tát trả lời:
– Thưa Ðại vương, trong mùa mưa, tôi cần có một chỗ nhất định.
Vua nói:
– Thưa Tôn giả, hãy sống trong vườn ngự uyển của trẫm. Tôn giả khỏi lo về bốn vật dụng cần thiết. Trẫm sẽ tạo công đức đưa đường lên thiên giới.
Bồ-tát nhận lời vua. Sau khi ăn sáng xong, vua cùng Bồ-tát đi đến khu vườn. Vua ra lệnh cho dựng đặt chỗ ở ban đêm và ban ngày cho Bồ-tát cũng như các vật cần thiết của một vị xuất gia, rồi nhà vua nói:
– Thưa Tôn giả, hãy sống an lạc ở đây.
Và vua gởi gắm Bồ-tát cho người giữ vườn. Bồ-tát bắt đầu từ đấy sống tự tại suốt mười hai năm.
Một hôm, có cuộc nổi loạn xảy ra ở biên địa. Vua muốn đi dẹp cuộc nổi loạn ấy, liền gọi hoàng hậu và nói:
– Này Hoàng hậu, hoặc khanh hoặc trẫm phải ở lại thành này.
– Thưa Thiên tử, vì sao Thiên tử nói vậy?
– Này hiền thê, vì vị khổ hạnh giữ giới ấy.
– Thưa Thiên tử, thần thiếp sẽ không xao lãng việc săn sóc Tôn giả của chúng ta. Ðại vương hãy đi dẹp loạn, chớ lo lắng gì.
Vì vậy vua ra đi, hoàng hậu hầu hạ Bồ-tát rất chu đáo. Kể từ khi vua ra đi, hàng ngày đến thời đã định, Bồ-tát đi đến cung vua và ăn uống tại đấy.
Một hôm, Bồ-tát đi đến quá trễ, hoàng hậu sửa soạn các món ăn xong, tắm rửa, trang điểm và soạn một chỗ nằm thấp. Trong khi chờ đợi Bồ-tát đến, bà đắp sơ sài một tấm áo trên thân rồi nằm nghỉ. Bố Tát xem giờ, liền cầm bình bát, đi ngang qua hư không và đến cửa sổ.
Nghe tiếng áo vỏ cây sột soạt của Bồ-tát, hoàng hậu hấp tấp đứng dậy, và áo vàng của bà rơi xuống. Bồ-tát để các căn bị chi phối bởi đối tượng đặc biệt khác thường này và đứng nhìn bà như bị thôi miên. Ác dục phiền não đã được chế ngự nhờ Thiền lực trước kia, nay lại khởi lên giống như con rắn hổ phồng mang, ngóc đầu lên từ cái giỏ nó bị cầm giữ, giống như cây vú sữa bị búa chém. Do phiền não khởi lên, thiền định thối thất, các căn trở nên không thanh tịnh, khi ấy Bồ-tát giống như con quạ bị gãy cánh. Bồ-tát không thể ngồi xuống như trước nữa và không thể ăn uống gì được. Dầu được hoàng hậu mời ngồi, Bồ-tát không thể ngồi yên.
Rồi hoàng hậu đặt các món ăn đủ loại cứng loại mềm vào trong bình bát, nhưng Bồ-tát không thể ăn như trước được, và cũng không thể đi ra cửa sổ rồi bay ngang qua hư không. Cầm lấy các thức ăn, Bồ-tát đi xuống bằng thang lầu lớn và đi về khu vườn. Nhưng hoàng hậu biết được tâm của Bồ-tát đã say đắm đối với mình.
Bồ-tát đi về vườn, không ăn được, liền quăng thức ăn dưới chân giường, suốt một tuần, Bồ-tát nằm dài, miệng nói mê sảng:
– Ôi hoàng hậu diễm kiều! Tay hoàng hậu đẹp làm sao! Chân đẹp làm sao! Thân thể đẹp làm sao! Bắp vế đẹp làm sao!
Trong khi bị chi phối bởi sắc đẹp ấy, Bồ-tát để đồ ăn thối và ruồi xanh đậu tràn trên mặt bàn.
Sau khi dẹp loạn về, vua đi vòng quanh thành phố được trang hoàng lộng lẫy, luôn hướng về phía hữu rồi vua tiến về cung điện.
Sau đó vua quyết định sẽ yết kiến Bồ-tát, liền đi đến khu vườn. Khi thấy am thất đầy rác dơ bẩn, nghĩ rằng Bồ-tát đã đi khỏi, vua mở cửa chòi lá và đi vào. Thấy Bồ-tát đang nằm, vua nghĩ: “Chắc Tôn giả có gì không ổn”, liền bảo người hầu quăng các đồ ăn thối, dọn dẹp chòi lá và hỏi:
– Thưa Tôn giả, ngài có việc gì không ổn?
– Thưa Ðại vương, tôi đã bị trúng tên.
Vua nghĩ: “Chắc kẻ thù của ta không tìm được cơ hội hại ta, nên chúng quyết định làm hại người mà ta yêu mến! Chúng đến và gây ra vết thương này”. Rồi vua lật ngửa thân Bồ-tát, tìm kiếm chỗ bị thương, nhưng không thấy vết thương liền hỏi:
– Thưa Tôn giả, ngài trúng tên ở đâu?
Bồ-tát nói:
– Thưa Ðại vương, không ai bắn tôi. Chỉ có tôi tự bắn quả tim mình.
Rồi Bồ-tát đứng dậy, ngồi trên ghế, và đọc những bài kệ này:
Không có người bắn cung
Phóng tên ở bên tai,
Không có tên bằng lông
Ðược nhổ từ cánh công,
Và được trang hoàng đẹp
Bởi người làm tên khéo.
Chính là tâm của ta
Ðược gột sạch tham ái
Liên hệ với dục tầm
Bằng quyết tâm, trí tuệ,
Chính dục tạo vết thương
Thiêu đốt khắp tay chân
Chẳng khác gì ngọn lửa.
Ta không thấy vết thương.
Từ đấy máu rỉ chảy,
Do tâm không chân chính,
Ðã đâm thủng tự thân.
Như vậy, Bồ-tát thuyết pháp cho vua qua ba bài kệ này.
Rồi Bồ-tát khuyên vua đi ra khỏi chòi lá. Còn Bồ-tát chuẩn bị đề tài thiền định, làm phát khởi thiền định đã mất và từ giã chòi lá, ngồi trên hư không, giáo giới cho vua rồi nói:
– Thưa Ðại vương, tôi sẽ đi về Tuyết Sơn.
Vua nói:
– Thưa Tôn giả, ngài không thể đi được.
Bồ-tát nói:
– Thưa Ðại vương, khi tôi sống ở đây, tôi đã đổi thay nhục nhã như vậy. Nay tôi không thể ở đây được.
Mặc dù vua yêu cầu tha thiết, Bồ-tát vẫn bay bổng lên hư không, đến Tuyết Sơn và ở đó cho đến khi mạng chung, rồi sanh lên cõi trời Phạm thiên.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết Pháp thoại này xong, Ngài giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo thối thất đã đắc quả A-la-hán, một số khác đắc quả Dự-lưu, Nhất lai và Bất lai. Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, vua là Ànanda, và vị ẩn sĩ tu khổ hạnh là Ta vậy.
-ooOoo-
Hôm nay ta nghĩ đến…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một người hay phẫn nộ. Nghe nói có một Tỷ-kheo hay phẫn nộ, nhiều phiền não. Dầu nghe ai nói ít bao nhiêu, vị ấy cũng phẫn nộ, nói lời thô lỗ, biểu lộ phẫn uất, ân hận, bất mãn.
Tại Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo bắt đầu nói chuyện ấy:
– Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo có tên này hay phẫn nộ, nhiều ưu não, vị ấy thường nạt nộ người xung quanh như muốn đổ dầu vào lửa. Khi giận ai Tỷ-kheo ấy nghiến răng kèn kẹt. Dù xuất gia trong Giáo pháp từ bi và giải thoát, vị ấy không thể chế ngự cơn phẫn nộ của mình.
Bậc Ðạo Sư nghe nói vậy, liền bảo một Tỷ-kheo đi gọi vị ấy đến và hỏi:
– Này Tỷ-kheo, nghe nói ông hay phẫn nộ?
Tỷ-kheo ấy trả lời:
– Bạch Thế Tôn, có thật vậy.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo này hay phẫn nộ, mà trước kia vị ấy cũng đã như vậy rồi.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, vua có một con trai tên là hoàng tử Brahmadatta. Theo thông lệ, các vua thời xưa, dầu trong thành của mình có những sư trưởng danh tiếng, vẫn gửi con mình đi đến các nước phương xa để học hỏi các tài nghệ với hy vọng nhờ đó các hoàng tử có cơ hội nhiếp phục kiêu mạn, chịu lạnh nóng và biết được cách sống ở đời.
Do vậy, khi hoàng tử lên mười sáu tuổi, vua gọi hoàng tử đến và cho chàng một đôi dép chỉ có một lớp đế, một cái dù bằng lá, một ngàn đồng tiền vàng và dặn:
– Này con thân, hãy đến Takkasilà và học các tài nghệ cho thật tinh thông.
Hoàng tử đáp lời phụ vương:
– Thưa vâng, tâu phụ vương.
Chàng đảnh lễ phụ vương rồi đi đến Takkasilà. Hoàng tử đến nhà vị Sư trưởng, đúng lúc Sư trưởng vừa dạy các thanh niên Bà-la-môn xong, đang đi qua lại trước cửa nhà. Khi thấy vị Sư trưởng, hoàng tử liền cởi dép, xếp dù lại, đảnh lễ Sư trưởng, rồi đứng một bên. Sư trưởng biết hoàng tử mệt mỏi liền thăm và tiếp đón người mới tới một cách thân tình.
Hoàng tử ăn xong, nghỉ một lát rồi đi đến Sư trưởng, đảnh lễ và đứng đợi. Sư trưởng hỏi:
– Này con thân, con từ đâu đến?
Hoàng tử đáp:
– Con từ Ba-la-nại đến.
– Con là ai?
– Thưa Sư trưởng, con là con vua Ba-la-nại.
– Vì mục đích gì con đến đây?
– Thưa Sư trưởng, vì con muốn học nghề.
– Con có đem tiền nộp học phí cho Sư trưởng không, hay con muốn làm đệ tử hầu hạ Sư trưởng?
Hoàng tử thưa:
– Con có đem tiền học phí dành cho Sư trưởng.
Hoàng tử liền đặt cái túi một ngàn đồng tiền vàng dưới chân vị Sư trưởng rồi đảnh lễ. Các đệ tử thường ở lại hầu thầy, ban ngày làm công việc cho Sư trưởng và buổi tối học nghề. Còn các đệ tử có nộp tiền học phí được xem như con trưởng trong nhà chỉ lo học nghề. Do vậy, vị Sư trưởng thu xếp thì giờ rỗi rảnh và thuận tiện dạy nghề cho hoàng tử.
Một hôm hoàng tử đi tắm với Sư trưởng, thấy một bà già trải mè trắng ra phơi và đang ngồi canh chừng. Hoàng tử thấy mè trắng liền bóc lấy một nắm bỏ vào miệng và ăn. Thấy vậy, bà già nghĩ: “Chắc người này thèm ăn”, nhưng ngồi yên không nói gì. Ngày hôm sau cũng vào giờ ấy, sự việc tương tự lại xảy ra. Bà già cũng không nói gì. Ðến ngày thứ ba, sự việc ấy tiếp tục xảy ra. Khi ấy bà già giơ cánh tay lên khóc và than:
– Ôi! Vị Sư trưởng có danh tiếng để cho các đệ tử của mình lấy cắp mè của tôi!
Sư trưởng quay lại và hỏi:
– Thưa bà, việc gì vậy?
– Thưa Sư trưởng, tôi đang phơi mè trắng, đệ tử của ngài hôm nay ăn một nắm, bữa qua ăn một nắm, bữa trước ăn một nắm, cậu ấy ăn như vậy cho tan nát tất cả gia sản của tôi!
– Thưa bà chớ khóc, ta sẽ trả tiền đền cho bà.
– Thưa ngài, tôi không cần tiền, nhưng hãy dạy cậu ấy chớ làm như vậy nữa.
– Vậy bà hãy xem đây.
Rồi Sư trưởng bảo hai thanh niên nắm chặt hai tay của hoàng tử, lấy roi tre đánh trên lưng hoàng tử ba lần và nói:
– Chớ làm như vậy nữa!
Hoàng tử phẫn nộ Sư trưởng, với cặp mắt đỏ kè, chàng nhìn Sư trưởng từ đỉnh đầu đến bàn chân. Sư trưởng biết với cái nhìn như vậy, hoàng tử đã phẫn nộ như thế nào.
Hoàng tử chú tâm học hành, và khi học xong nghề, vẫn giữ trong tâm niềm sân hận đối với việc Sư trưởng đã đánh, chàng nghĩ: “Ta sẽ trả thù và phải làm cho ông ta chết…”.
Ðến thời từ biệt, hoàng tử đảnh lễ Sư trưởng và thưa:
– Khi nào con được làm vua Ba-la-nại, con sẽ cho mời Sư trưởng, lúc ấy mong rằng Sư trưởng hãy đến.
Trước thái độ khẩn cầu của hoàng tử, Sư trưởng hứa nhận lời mời của chàng. Từ biệt Sư trưởng, hoàng tử đi về Ba-la-nại, đảnh lễ phụ vương, và trình bày những điều mình đã học. Vua suy nghĩ: “Ta còn sống để được thấy con ta. Mong rằng khi ta còn sống, ta sẽ thấy con ta trị vì nước huy hoàng!”. Vì vậy vua đặt con lên ngôi kế vị.
Trong khi hưởng thụ uy lực của vương vị, hoàng tử nhớ đến sự xúc phạm trước đó của Sư trưởng, và khởi tâm phẫn nộ. Với ý định: “Ta sẽ giết người ấy”, vua liền gởi sứ giả đến mời Sư trưởng.
Ông suy nghĩ: “Vị vua này còn trẻ, ta không thể nhiếp phục một tân vương được”, nên ông không đi. Và ông đợi vua đến tuổi trung niên mới có thể đi nhiếp phục vua được.
Một thời gian sau, vua ấy đã bước vào tuổi trung niên, Sư trưởng đến trước cửa cung và nhờ báo tin vị Sư trưởng ở Takkasilà đã đến. Vua rất bằng lòng và cho mời vị ấy vào. Khi thấy Sư trưởng đến gần mình, vua sanh phẫn nộ, con mắt trở thành đỏ ngầu, liền nói với các cận thần:
– Này các khanh, hôm nay, chỗ thầy ta đã đánh ta vẫn còn nhức. Thầy ta đến chắc có mang theo cái chết được ghi ở trên trán. Hôm nay mạng sống của Sư trưởng sẽ không còn nữa.
Rồi vua đọc hai bài kệ đầu:
Hôm nay ta nghĩ đến
Sự việc ông đã làm,
Chỉ vì một nắm mè,
Ông bắt trói tay ta,
Ông lấy cây gậy tre,
Ðánh ta thật đau đớn.
Ông không thích sống à?
Phạm chí không sợ sao
Khi bắt cánh tay ta,
Ðánh ta đến ba lần?
Nay còn dám đến đây?
Vua lấy cái chết dọa Sư trưởng như vậy. Nghe xong, Sư trưởng bình tĩnh đọc bài kệ thứ ba:
Bậc thánh dùng gậy đánh,
Nhiếp phục hạnh không lành,
Như vậy đúng giáo lý,
Ðây không phải hận thù,
Tất cả bậc hiền trí
Ðều biết rõ như vậy.
– Do vậy, thưa Ðại vương, ngài hãy tự biết điều này. Vấn đề này không xứng đáng để ngài khởi hận thù. Thưa Ðại vương, nếu Ðại vương đã không được tôi dạy bảo, ngài thử nghĩ chắc hẳn ngài sẽ tiếp tục lấy của cải người ta như bánh, kẹo, cây trái và các thứ khác. Rồi ham mê các hành vi trộm cướp, dần dần ngài sẽ bị lôi cuốn vào các việc như phá nhà, cướp đường, ám sát trong làng. Cuối cùng chắc ngài đã trở thành kẻ ăn cướp đối nghịch với mọi người và sẽ bị bắt với tang vật, sẽ bị dẫn đến trước vua, và vua sẽ ra lệnh: Hãy đem nó đi, tùy tội phạm của nó mà xử phạt. Và như vậy, chắc ngài sẽ nhận được các hình phạt của nhà vua. Như vậy do đâu Ðại vương hưởng được tất cả thành công tốt đẹp như hôm nay? Có phải Ðại vương nhờ tôi mà đạt được cảnh huy hoàng này không?
Bằng cách ấy, vị Sư trưởng đã thuyết phục vua. Các đại thần đứng xung quanh nghe ngài nói liền thưa:
– Tâu Thiên tử, sự thật là vậy. Tất cả uy lực huy hoàng này đều do vị Sư trưởng mà có.
Trong khoảnh khắc ấy, vua công nhận các đức tánh của Sư trưởng và thưa:
– Thưa Sư trưởng, trẫm xin dâng hiến Sư trưởng mọi sự huy hoàng này. Mong Sư trưởng hãy chấp nhận vương quốc.
Sư trưởng từ chối và nói:
– Tâu Ðại vương, thần không cần vương quốc.
Vua liền sai sứ giả đi đến Takkasilà, mời vợ con của Sư trưởng về, ban cho họ quyền lực lớn, và mời Sư trưởng làm vị quốc sư tế tự, đặt Sư trưởng vào hàng cố vấn của vua.
Từ đó, vua vâng theo lời giáo giới của Sư trưởng và trọn đời làm các công đức như bố thí…, cuối cùng khi mệnh chung, được sanh lên cõi trời.
*
Sau khi thuyết Pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo hay phẫn nộ đã đắc quả Bất lai và nhiều vị khác đắc quả Dự-lưu, Nhất lai, Bất lai. Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ vua ấy là Tỷ-kheo hay phẫn nộ, còn vị Sư trưởng là Ta vậy.
-ooOoo-
Mọi đồ ăn thức uống…,
Câu chuyện này, khi ở điện thờ Aggàlava gần Àlavi, bậc Ðạo Sư đã kể về học giới xây dựng các am thất.
Bấy giờ, các Tỷ-kheo ở Àlavakà có tánh thích cầu xin, đang làm các chòi lá cho mình. Họ cầu xin nhiều, gợi ý và khi mở miệng, họ luôn luôn nói:
– Hãy cho một người làm công quả. Hãy cho một người phụ giúp làm chòi…
Mọi người quá bực mình vì sự cầu xin, gợi ý này đến nổi khi thấy các Tỷ-kheo, họ liền sợ hãi và hoảng hốt bỏ chạy.
Rồi Tôn giả đại Ca-diếp đến Àlavi, và đi quanh thị trấn để khất thực. Dân chúng thấy Trưởng lão cũng bỏ chạy như trước. Trưởng lão ăn xong, trên đường khất thực trở về, liền gọi các Tỷ-kheo và hỏi:
– Này các Hiền giả, xưa kia Àlavi là nơi dễ nhận đồ khất thực. Nay vì sao nó trở thành khó khất thực như vậy?
Khi Tôn giả nghe nói lý do, liền đi đến gặp Thế Tôn đang ở tại điện Aggàlava và thuật lại câu chuyện. Bậc Ðạo Sư nhân lý do này đã họp chúng Tỷ-kheo, và hỏi các Tỷ-kheo ở Àlavi:
– Có thật chăng, này các Tỷ-kheo, các ông có tánh thích cầu xin mọi người giúp đỡ vì nay đang làm các chòi?
Họ trả lời:
– Bạch Thế Tôn, có thật vậy.
Bậc Ðạo Sư quở trách họ và nói thêm:
– Này các Tỷ-kheo, ngay trong thế giới loài rắn, có đầy đủ bảy món báu, sự cầu xin này cũng làm phật ý chúng còn nói gì loài người? Ðối với dân chúng, lấy cho được một đồng tiền vàng, cũng thật khó không khác gì lột da từ hòn đá!
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn giàu có. Khi Bồ-tát đến tuổi chạy chơi, mẹ Bồ-tát sanh một con trai khác có đức hạnh. Hai anh em vừa đến tuổi trưởng thành thì cha mẹ quá cố. Quá xúc động vì cha mẹ mất và thấy cuộc đời quá mong manh, họ liền xuất gia làm ẩn sĩ.
Cả hai anh em dựng chòi lá trên bờ sông Hằng và trú tại đấy. Người anh cả làm chòi lá phía trên sông Hằng, còn người em dựng chòi lá ở phía dưới sông Hằng.
Một hôm, vua rắn thần tên là Manikantha (Cổ có châu báu) từ cung điện rắn thần đi ra, qua lại trên bờ sông Hằng giả dạng một thanh niên Bà-la-môn, đến am thất của người em, đảnh lễ và ngồi xuống. Họ nói lời thăm hỏi ân cần với nhau rồi trở thành thân thiết đến độ họ không thể xa nhau được.
Vua rắn từ đó luôn luôn đến thăm người em tu khổ hạnh, mải mê trò chuyện và khi ra về, vua rắn quyến luyến vị ấy nên đã xuất lộ nguyên hình của mình, lấy thân cuộn tròn xung quanh vị ấy, ôm ấp vị ấy với cái mào lớn đặt lên trên đầu và nằm đấy trong chốc lát cho đến khi thỏa mãn sự luyến ái, rồi rời thân bạn ra, đảnh lễ từ giã và về cung điện của mình.
Vị tu khổ hạnh vì quá sợ hãi vua rắn, trở thành ốm yếu, tiều tụy xanh xao, vàng vọt, gân nổi trên da. Người em tu khổ hạnh một hôm đi đến thăm người anh.
Người anh hỏi:
– Sao em lại ốm yếu, tiều tụy, xanh xao, vàng vọt, gân nổi trên da như vậy?
Người em tường thuật câu chuyện cho anh rõ. Người anh hỏi:
– Em có thích con rắn ấy đến với em không?
Người em trả lời:
– Em không muốn!
– Vua rắn ấy khi đến với em, có mang đồ trang sức không?
– Nó có mang một hòn ngọc quý.
– Ðược rồi! Vậy khi vua rắn đến thăm em, khi nó chưa ngồi, em liền xin: Hãy cho tôi hòn ngọc! Như vậy con rắn ấy sẽ không quấn thân xung quanh em nữa đâu và nó sẽ bỏ đi. Ngày mai lại, em sẽ đứng nơi cửa am xin hòn ngọc ấy khi nó vừa đến. Ngày thứ ba, khi nó vừa ra khỏi nước, trên bờ sông Hằng, em hãy xin hòn ngọc ấy. Như vậy nó sẽ không đến thăm em nữa.
Người em tu khổ hạnh đáp:
– Lành thay!
Và vị ấy đi về chòi lá của mình.
Theo đúng lời dặn, ngày hôm sau, khi vua rắn ấy đến, chỉ vừa đứng lại, người em liền xin:
– Hãy cho tôi hòn ngọc báu trang sức của bạn.
Vua rắn ấy không kịp ngồi xuống liền vội vàng bỏ chạy. Ngày kế tiếp, người em đứng lại cửa am, khi vua rắn vừa đến, liền hỏi:
– Hôm qua, bạn không cho tôi hòn ngọc báu. Vậy hôm nay, bạn phải cho tôi!
Con rắn không đi vào am mà lập tức bỏ chạy.
Ðến ngày thứ ba, khi vua rắn ấy mới nổi lên trên mặt nước, người em liền nói:
– Hôm nay là ngày thứ ba tôi xin ngọc. Hôm nay, hãy cho tôi ngọc báu này!
Vua rắn đứng ở mặt nước, từ chối qua hai bài kệ này:
Mọi đồ ăn và thức uống
Ðược sung mãn, đầy tràn,
Chính do hòn ngọc báu
Ðem lại cho ta vầy.
Bạn cầu xin quá nhiều,
Ta không muốn cho bạn.
Ta sẽ không đi đến
Am thất bạn nữa đâu.
Như đứa trẻ cầm tay
Một hòn sạn trơn láng,
Bạn làm ta sợ hãi
Khi xin hòn ngọc này!
Bạn cầu xin quá nhiều,
Ta không muốn cho bạn.
Ta sẽ không đi đến
Am thất bạn nữa đâu.
Nói vậy xong, vua rắn lặn xuống nước đi về cung điện của mình, không bao giờ trở lại nữa. Còn người tu khổ hạnh ấy, vì không thấy vua rắn xinh đẹp của mình nên lại ốm yếu, tiều tụy, xanh xao, vàng vọt, gân nổi trên da nhiều hơn nữa. Người anh tu khổ hạnh muốn biết tin tức của em, đi đến thăm, thấy em lại càng vàng vọt hơn trước liền hỏi:
– Tại sao em lại ốm yếu hơn trước?
Vị kia đáp:
– Bởi vì em không còn được thấy con rắn xinh đẹp ấy nữa.
Người anh nghe vậy liền suy nghĩ: “Người tu khổ hạnh này không thể sống mà không có vua rắn ấy!”.
Và vị ấy đọc bài kệ thứ ba:
Chớ cầu xin người nào
Mà mình thường yêu mến,
Vì nếu xin quá nhiều
Mình trở thành đáng ghét!
Phạm chí này xin mãi
Hòn ngọc của rắn thần,
Nên nó không trở lại
Ðể thăm viếng nữa đâu!
Sau đó, người anh tu khổ hạnh an ủi em:
– Thôi từ nay em chớ sầu muộn nữa.
Rồi vị ấy đi về am thất của mình. Sau một thời gian tu tập, cả hai anh em đạt các Thắng trí và các Thiền chứng, cuối cùng khi mệnh chung được sanh lên cõi trời Phạm thiên.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, như vậy ngay tại cung điện loài rắn có đầy đủ bảy báu vật, nhưng các loại rắn cũng rất ghét cầu xin, còn nói gì loài người!
Sau khi thuyết Pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, người em là Ànanda, còn người anh cả là Ta vậy.
-ooOoo-
Ðã ăn cỏ, và cháo…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Trưởng lão Xá-lợi-phất.
Một thời sau mùa an cư ở Xá-vệ, Thế Tôn đi du hành các xứ rồi Ngài trở về Xá-vệ. Dân chúng đón tiếp bậc Ðạo Sư và tổ chức cúng dường đức Phật cùng Tăng chúng. Họ mời một Tỷ-kheo truyền pháp ở trong tịnh xá và tùy theo số người đến muốn cúng dường bao nhiêu Tỷ-kheo, vị này giới thiệu các vị ấy cho họ.
Có một bà già nghèo chỉ sửa soạn một phần ăn để cúng dường, nhưng các Tỷ-kheo đều đã được giới thiệu với những người đến trước. Khi mặt trời mọc, bà ấy đi đến vị Tỷ-kheo truyền pháp và nói:
– Thưa thầy, hãy giới thiệu cho tôi một Tỷ-kheo.
Vị ấy nói:
– Thưa bà, tất cả Tỷ-kheo đã được tôi giới thiệu. Nhưng ở tinh xá, chỉ còn Trưởng lão Xá-lợi-phất. Bà hãy cúng phần ăn cho vị ấy.
Bà già hoan hỷ nói:
– Lành thay, Tôn giả.
Và bà đứng đợi tại cổng Kỳ Viên. Khi Trưởng lão đến, bà đảnh lễ, tay cầm bình bát, đưa Trưởng lão về nhà và mời ngồi. Nhiều gia đình mộ đạo nghe nói: Một bà già đã mời được vị Trưởng lão quân Chánh pháp ngồi tại nhà của mình! Trong số những người nghe ấy có vua Pasenadi nước Kosala. Vua lập tức gửi bà ấy các loại đồ ăn cùng với một chiếc áo, một túi một ngàn đồng tiền vàng và nói:
– Mong rằng bà đón tiếp vị Tôn giả của chúng tôi thật chu đáo. Xin tặng bà cái áo này và một ngàn đồng tiền vàng để tiêu dùng vào việc tiếp đãi bậc Trưởng lão thật đầy đủ.
Cũng như vua đã làm, ông Cấp Cô Ðộc anh, ông Cấp Cô Ðộc em và đại tín nữ Visàkhà đều gửi thí vật tương tự. Còn các gia đình khác gửi một trăm, hai trăm đồng tiền vàng, tùy theo khả năng của mình. Như vậy, chỉ trong một ngày, bà già ấy nhận được khoảng một trăm ngàn đồng tiền vàng.
Trưởng lão uống xong bát cháo của bà già ấy, ăn món bà ấy làm và dùng cơm bà ấy nấu. Khi vị ấy nói lời tùy hỷ công đức và khích lệ bà, làm cho bà phấn khởi đến độ bà được an trú vào quả Dự-lưu, rồi vị ấy đi về tinh xá.
Tại Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo bắt đầu nói chuyện và ca ngợi công đức của Trưởng lão:
– Thưa các Hiền giả, bậc Tướng quân Chánh pháp đã giải thoát một bà gia chủ già khỏi cảnh bần cùng và đã an trú vào quả Dự-lưu. Tôn giả ấy đã trở thành nơi nương tựa chính của bà già. Tôn giả không khinh chê các món ăn mà bà ấy cúng và đã dùng chúng.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông tụ họp ở đây và bàn vấn đề gì?
Khi được biết vấn đề trên, ngài nói:
– Này các Tỷ-kheo, Tôn giả Xá-lợi-phất không phải chỉ nay mới trở thành chỗ nương tựa của bà già ấy. Không phải chỉ nay vị ấy mới không khinh chê món ăn mà bà ấy cúng và đã ăn chúng. Thuở trước, vị ấy đã làm như vậy.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình của một người đi buôn ở một tỉnh phương Bắc. Thời ấy có năm trăm người lái buôn thường đưa ngựa đến Ba-la-nại để bán.
Bấy giờ một người buôn ngựa đem năm trăm con ngựa đang đi trên đường đến Ba-la-nại. Giữa đường, cách Ba-la-nại không xa, có một thị trấn. Người ta nghe kể rằng trước kia có một vị triệu phú rất giàu có ở trong một tư thất rất lớn. Nhưng gia đình người ấy dần dần sa sút chỉ còn lại một bà già hiện đang ở tại ngôi nhà ấy. Người buôn ngựa kia đến thị trấn ấy, trả một số tiền thuê phòng trong ngôi nhà ấy để ở và đem cột các con ngựa gần đó.
Ngày hôm ấy, thật là một ngày đầy may mắn, một con ngựa cái thuần chủng đẻ một con ngựa con. Người lái buôn ấy ở đấy hai ba ngày rồi quyết định yết kiến vua, và đem ngựa ra đi. Bà già ấy nói với anh ta:
– Hãy đem trả tiền thuê nhà cho tôi rồi đi.
Anh ta đáp:
– Vâng, tôi sẽ trả.
Bà già nói thêm:
– Này con thân, trả tiền cho ta và hãy trừ bớt số tiền con ngựa con mà con đã nhường cho ta.
Người buôn ngựa làm đúng như vậy rồi ra đi. Bà già thương con ngựa con ấy như con đẻ của mình, cho nó ăn cơm dư phơi khô với thịt vụn, cỏ non và nuôi nó rất cẩn thận.
Sau một thời gian, Bồ-tát đem theo năm trăm con ngựa lên đường và cũng thuê chỗ trọ tại ngôi nhà ấy. Ðàn ngựa của Bồ-tát đánh hơi con ngựa thuần chủng được bà già nuôi bằng bột cám gạo đỏ ấy, nên không một con nào dám vào trong nhà mà Bồ-tát thuê trọ. Bồ-tát hỏi bà già:
– Thưa bà, trong nhà này có con ngựa nào khác không?
Bà già đáp:
– Này con thân, ta chỉ nuôi một con ngựa con mà ta chăm sóc kỹ như là con ruột.
– Thưa bà, con ngựa ấy ở đâu?
Bà già nói:
– Nó đi ra đồng ăn cỏ rồi.
– Khi nào nó trở về?
– Nó sẽ trở về vào buổi chiều.
Bồ-tát ngồi đợi con ngựa con về, còn đàn ngựa của mình được cho ở phía ngoài. Chẳng bao lâu con ngựa thuần chủng đi ăn cỏ xong trở về.
Khi vừa thấy con ngựa quý với cái bụng chứa đầy cám gạo đỏ, Bồ-tát nhìn kỹ các tướng tốt của nó và suy nghĩ: “Con ngựa thuần chủng này thật vô giá. Ta phải cho bà này tiền để mua con ngựa này”. Lúc ấy con ngựa con đã vào nhà và đến chuồng của nó xong, cả đàn ngựa kia mới dám bước vào!
Bồ-tát ở lại đấy hai ba ngày săn sóc đàn ngựa xong, khi ra đi, vị ấy nói:
– Thưa bà, bà hãy lấy số tiền và bán cho tôi con ngựa con này.
Bà già nói:
– Này con thân, con nói gì vậy? Ðâu lại có chuyện bán con mình đi?
Bồ-tát lại hỏi:
– Thưa bà, bà nuôi nó bằng thức ăn gì?
Bà già trả lời:
– Cơm nấu, cháo gạo, cơm khô, thịt vụn và cỏ. Ngoài ra phải có nước cháo để nó uống. Này con, bà nuôi nó như vậy đó.
– Thưa bà, nếu được con ngựa ấy, tôi sẽ cho nó món ăn thượng hạng. Tại chỗ nó đứng, tôi sẽ giăng một cái lều và đặt nệm để nó đứng.
Bà già cảm động và nói:
– Này con thân, nếu sự việc như con nói thì mong rằng con ngựa của ta sẽ được sung sướng. Hãy lấy nó và đem đi.
Bồ-tát trả một giá riêng cho bốn chân, cho cái đuôi và cho cái đầu. Vị ấy đặt sáu túi tiền, mỗi túi một ngàn đồng tiền vàng tại mỗi chỗ trên và mặc cho bà già một tấm áo mới, trang điểm ngọc vàng cho bà rồi đặt bà trước con ngựa con. Con ngựa mở mắt nhìn bà và rơi lệ. Bà già vuốt lưng nó và nói:
– Bà đã nhận được tiền nuôi con lâu nay, này con thân, con hãy đi.
Khi ấy, con ngựa mới chịu đi.
Hôm sau, Bồ-tát muốn thử con ngựa xem nó có biết sức mạnh của nó hay không. Vì vậy vị ấy sửa soạn các món ăn bình thường, cho đổ cháo gạo đỏ trong cái máng để nó ăn.
Nhưng con ngựa ấy không muốn uống nước cháo nên nói:
– Tôi sẽ không ăn món này.
Bồ-tát đọc bài kệ đầu để thử nó:
Ðã ăn cỏ, và cháo
Làm bằng cám gạo đỏ
Món ăn ngon ngày trước
Sao nay con không ăn?
Nghe vậy, con ngựa thuần chủng đọc hai bài kệ tiếp:
Khi người nào không biết
Sanh chủng và huấn luyện,
Ðối với bậc Phạm chí,
Cháo cám đỏ vừa đủ.
Nhưng ông rõ biết tôi
Là ngựa nòi tối thượng,
Do vậy ở chỗ ông,
Tôi không ăn cháo gạo!
Nghe vậy, Bồ-tát nói:
– Ta làm vậy để thử con, thôi con chớ giận dỗi!
Bồ-tát liền nấu các món ngon cho ngựa ăn, rồi đi đến hầu vua. Tại góc của sân chầu, Bồ-tát dựng một trại cho năm trăm con ngựa và một phía khác, Bồ-tát dựng một trại hình nón căng vải lều, trang hoàng thật đẹp. Dưới đất trải một tấm thảm, ở trên giương một cái tán, vị ấy cho con ngựa thuần chủng ở trong đó.
Khi vua đến, nhìn các con ngựa và hỏi Bồ-tát vì sao con ngựa này được ở riêng và đối xử đặt biệt như vậy.
Bồ-tát đáp:
– Thưa Ðại vương, nếu con ngựa Sindth thuần chủng này không được ở riêng biệt, nó sẽ làm sổng mất cả đàn ngựa kia.
Vua lại hỏi:
– Con ngựa thuần chủng này là một con ngựa thật đẹp chăng?
Bồ-tát đáp:
– Thưa phải, tâu Ðại vương.
– Như vậy, trẫm muốn xem tốc lực của nó ra sao.
Bồ-tát nai nịt yên cương vào con ngựa, leo lên lưng nó và thưa:
– Thưa Ðại vương, hãy xem sức ngựa chạy.
Rồi Bồ-tát đuổi mọi người ra khỏi sân chầu và leo lên cưỡi ngựa chạy quanh sân. Tất cả sân trở thành như thể được bao quanh bởi những con đường tròn ngựa chạy không gián đoạn. Rồi Bồ-tát nói:
– Thưa Ðại vương, hãy xem con ngựa thuần chủng phi.
Rồi vị ấy cho con ngựa bắt đầu phi. Không ai thấy vị ấy ở đâu cả! Rồi vị ấy buộc một lá đỏ bên sườn ngựa. Khi ấy, người ta chỉ thấy một vòng tròn lá đỏ. Rồi Bồ-tát cho con ngựa phi trên mặt nước hồ trong một khu vườn của kinh thành. Tại đấy con ngựa phi trên mặt nước và các lá hoa sen và không một lá nào bị nhận chìm xuống nước.
Như vậy, Bồ-tát biểu diễn tốc lực tuyệt diệu của con ngựa, xong liền leo từ lưng ngựa xuống, vỗ tay, rồi đưa bàn tay ra, với lòng bàn tay ngửa lên trên. Con ngựa leo lên bàn tay, chụm bốn chân làm một và đứng trên lòng bàn tay. Rồi Bồ-tát thưa với vua:
– Thưa Ðại vương, tất cả bờ biển cũng không đủ để biểu diễn mọi kiểu phi tài giỏi của con ngựa thuần chủng này.
Vua rất hài lòng, ban cho bậc Ðại Sĩ nửa quốc độ, rảy nước lễ cho con ngựa con, và đặt nó vào địa vị vương mã. Con ngựa ấy được vua ái mộ, thân thiết và được tôn trọng đặc biệt. Chỗ con ngựa ở được trang hoàng như vương phòng, nơi nào cũng đẹp, sàn được rảy bốn loại hương, quanh tường được treo các vòng hoa; phía trên mái lợp một cái tán bằng vải có đính các sao vàng, giống như một cái đình đủ mọi vẻ đẹp chung quanh, luôn luôn có ngọn đèn dầu thơm soi sáng và tại chỗ đi đại tiểu tiện có đặt một cái chậu bằng vàng. Con ngựa ấy ăn các thực phẩm quý dành cho vua.
Từ khi con ngựa ấy đến, quyền cai trị của vua lan rộng khắp cõi Diêm-phù-đề. Rồi vua vâng theo lời giáo giới của Bồ-tát, làm các công đức như bố thí v.v… và cuối cùng khi mệnh chung được sanh lên cõi trời.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, nhiều vị đắc quả Dự-lưu, Nhất lai, Bất lai. Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, bà già ấy là bà già này, con ngựa thuần chủng là Xá-lợi-phất, vua là Ànanda, còn người buôn ngựa là Ta vậy.
-ooOoo-
Khi nào con chim ấy…,
Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo đã chết vì bội thực. Khi Tỷ-kheo này chết, các Tỷ-kheo ngồi tại Chánh pháp đường bàn luận về sự thất đức của Tỷ-kheo ấy như sau:
– Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo có tên như vậy không biết lượng cái bụng của mình, đã ăn quá nhiều nên không tiêu hóa nổi và đã chết.
Bậc Ðạo Sư đi đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, khi các ông ngồi họp ở đây, các ông nói đến chuyện gì?
Khi nghe vấn đề trên, Ngài nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay, mà trước kia cũng vậy, vị ấy vì ăn quá nhiều và đã mệnh chung.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con vẹt ở núi Tuyết. Bồ-tát là vua của vài ngàn con vẹt, sống ven biển trên sườn núi Tuyết. Vị vua chim vẹt này sanh một đứa con. Khi nó lớn lên mạnh khỏe thì mắt Bồ-tát bị suy yếu. Người ta thường nói các con vẹt bay rất nhanh. Do vậy, khi chúng trở về già, thì các con mắt yếu trước. Con của vua chim vẹt để cha mẹ ở lại tổ, còn mình đi kiếm đồ ăn nuôi dưỡng cha mẹ.
Một hôm, nó đi tìm mồi, đứng trên đỉnh núi nhìn ra biển thấy một hòn đảo, tại đấy có một rừng xoài đầy trái màu vàng. Hôm sau, đến giờ đi tìm đồ ăn, nó bay và hạ xuống rừng xoài, uống nước ngọt của trái xoài, rồi lấy trái xoài chín đem về cho cha mẹ. Bồ-tát ăn trái xoài ấy, biết được vị trái xoài, liền nói:
– Này con thân, có phải trái xoài chín này ở tại đảo tên như vậy không?
Nó trả lời:
– Thưa cha thân, đúng vậy.
Bồ-tát nói:
– Này con thân, các con vẹt đi đến đảo ấy không bảo vệ mạng sống được lâu dài. Con chớ nên đi đến hòn đảo ấy nữa.
Vẹt con không nghe theo lời cha, và vẫn đi đến hòn đảo ấy.
Một hôm, sau khi uống nhiều nước ngọt của xoài, nó mang về một trái xoài chín cho cha mẹ. Khi bay về trên mặt biển, thân trở thành mệt mỏi vì mang nặng, nó buồn ngủ, nên vừa ngủ vừa bay, và trái xoài từ mỏ nó rơi xuống. Dần dần nó bỏ con đường về, bay sà xuống mặt nước rồi rơi xuống nước. Một con cá liền bắt lấy nó ăn thịt.
Bồ-tát đợi con đã quá giờ mà không thấy nó trở về, biết rằng có lẽ nó đã rơi xuống biển và chết rồi. Kể từ đó vẹt cha vẹ mẹ không có đồ ăn, héo mòn rồi chết luôn.
*
Sau khi kể câu chuyện quá khứ xong, bậc Ðạo Sư liền đọc các bài kệ này:
Khi nào con chim ấy
Biết đủ trong ăn uống,
Chim được thọ mạng dài,
Và nuôi dưỡng cha mẹ.
Khi chim ăn quá nhiều,
Không biết sự tiết độ,
Tại đấy chim chìm xuống,
Không còn ai thấy nữa.
Do vậy, thật lành thay
Tiết độ, không tham ăn,
Không biết lường, chìm xuống,
Biết lường đâu có chìm?
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng Sự thật. Cuối bài giảng ấy, nhiều vị đắc quả Dự-lưu, Nhất lai, Bất lai và ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo không tiết độ trong ăn uống là con của vua loài vẹt, còn vua loài vẹt là Ta vậy.
-ooOoo-
Các lái buôn cần nước…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về những người lái buôn tại Xá-vệ.
Nghe nói những người lái buôn ấy lấy hàng hóa ở Xá-vệ, chất đầy xe xong, khi đến thời ra đi đến hành nghề, họ mời đức Thế Tôn đến và bố thí cúng dường lớn. Họ thọ Tam qui Ngũ giới và được an trú vào các giới. Sau đó họ đảnh lễ bậc Ðạo Sư và thưa:
– Bạch Thế Tôn, chúng con sẽ lên đường dài để hành nghề. Sau đó con bán hết các hàng hóa, thành tựu được mục đích và trở về được an toàn thì chúng con sẽ đến yết kiến và đảnh lễ Thế Tôn lần nữa.
Rồi họ lên đường.
Trên một đoạn đường khó khăn, họ thấy một cái giếng cũ xưa và nói:
– Giếng này không có nước. Chúng ta đang khát nước vậy chúng ta hãy đào sâu giếng này.
Khi họ đào, họ tìm được nhiều lớp kim loại từ sắt đến lưu ly v.v… Họ thỏa mãn với sự thu hoạch này, liền chở đầy châu báu trên các cỗ xe và trở về Xá-vệ an toàn. Sau khi cất số tài sản mà họ đã đem về, họ nghĩ: “Chúng ta đã được mục đích, vậy chúng ta sẽ cúng dường Tăng chúng các món ăn”.
Họ mời đức Thế Tôn đến để bố thí cúng dường, và đảnh lễ Ngài, rồi họ ngồi xuống một bên và tường thuật với bậc Ðạo Sư cách họ tìm được tài sản như thế nào.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các cư sĩ, các ông biết bằng lòng với các tài sản ấy và chấp nhận tài sản cùng nếp sống với ý thức biết đủ. Còn thời xưa, có những người không thỏa mãn, không tiết độ, không nghe lời bậc hiền trí nên phải mệnh chung.
Rồi theo lời yêu cầu của họ, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình lái buôn. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát trở thành người lãnh đạo một đoàn lữ hành.
Một dịp kia, Bồ-tát lấy hàng hóa chất đầy xe, đem theo nhiều người làm thành một đoàn và tiến bước trên chính con đường khó khăn này, bỗng thấy cái giếng nước như hiện nay. Tại đây các người đi buôn nói:
– Chúng ta muốn uống nước.
Họ bắt đầu đào cái giếng ấy và tình cờ lấy được nhiều kim loại và châu báu v.v… Họ được nhiều kho báu như vậy, nhưng vẫn không thỏa mãn. “Chắc còn kho báu khác ở đây tốt đẹp hơn kho báu này”. Họ suy nghĩ và họ càng đào thêm nữa. Bồ-tát nói với họ:
– Thưa các vị thương gia, tham là nguồn gốc của tai họa, chúng ta đã được nhiều tài sản rồi. Với chừng ấy, chúng ta phải biết vừa đủ. Chớ có đào thêm nữa.
Dầu có sự can ngăn của Bồ-tát, họ vẫn đào.
Bấy giờ giếng ấy là chỗ của loài rắn thần. Vua loài rắn thần ở dưới thấy cung điện của mình bị phá vỡ, đá, bụi rơi xuống, liền phẫn nộ, dùng hơi độc từ lỗ mũi phun ra, giết chết tất cả mọi người chỉ trừ Bồ-tát. Rồi vào các cỗ xe, chất đầy mọi xe với tất cả châu báu và đặt Bồ-tát ngồi trên cỗ xe tốt đẹp nhất, rồi bảo các rắn thần trẻ đánh xe, chở Bồ-tát đến Ba-la-nại. Chúng đưa vị ấy vào nhà, sắp đặt tài sản xong, lại trở về cung điện của loài rắn.
Bồ-tát tiêu dùng tài sản, làm vang danh toàn cõi Diêm-phù-đề bằng cách bố thí, giữ giới, hành trì ngày trai giới, và cuối đời, khi mệnh chung vị ấy được sanh lên cõi trời.
Sau khi kể câu chuyện quá khứ, bậc Ðạo Sư đọc các bài kệ này:
Các lái buôn cần nước,
Ðào cái giếng cũ xưa,
Ở đó họ tìm được
Sắt, đồng, chì và thiếc,
Hoàng kim và bạch ngân,
Nhiều trân châu, lưu ly.
Nhưng họ không biết đủ,
Cứ đào, đào thêm mãi.
Các rắn độc điên tiết,
Phun lửa giết chết tiệt.
Vậy chớ đào quá sức,
Quá mức gây tác hại.
Do đào, được tài sản,
Ðào quá, lại mất sạch!
*
Khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vua loài rắn là Xá-lợi-phất và người lãnh đạo đoàn lữ hành là Ta vậy.
-ooOoo-
Nó không giỏi làm nhà…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về sự tán thán trí tuệ.
Tại Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo ngồi họp và tán thán trí tuệ đức Thế Tôn:
– Như Lai là bậc đại tuệ, quảng tuệ, thiệp tuệ, mẫn tuệ, duệ tuệ, đạt tuệ. Ngài vượt thế giới chư Thiên và thế giới này về trí tuệ.
Bậc Ðạo Sư đến và nói:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp tại đây và bàn đến vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, Ngài nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay mà xưa cũng vậy, Như Lai đã là bậc đại trí tuệ.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, khi vua Janasandha trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con của bà hoàng hậu chánh cung. Mặt Bồ-tát thanh tịnh, chói sáng, đạt được sắc đẹp tối thượng, như mặt gương bằng vàng được đánh bóng. Ðến ngày lễ đặt tên, ngài được gọi là Àdàsa-Mukha (hoàng tử có khuôn mặt như gương).
Trong thời gian bảy năm, phụ vương đã mời thầy về dạy hoàng tử ba tập Vệ-đà và mọi bổn phận phải làm ở đời. Bồ-tát học xong thì phụ vương mệnh chung. Các đại thần tổ chức lễ tang vua rất long trọng và lập đàn bố thí cho các người chết. Ðến ngày thứ bảy, quần thần hội họp tại triều đình và bàn luận:
– Hoàng tử còn trẻ quá, không thể làm lễ quán đảnh lên ngôi vua được. Chúng ta hãy thử tài hoàng tử rồi sẽ làm lễ quán đảnh cho hoàng tử sau.
Một hôm, họ trang hoàng thành phố, tổ chức một pháp đình, sửa soạn chiếc ngai rồi đi yết kiến hoàng tử và nói:
– Thưa Thiên tử, Thiên tử hãy đến pháp đình.
Hoàng tử chấp thuận cùng với một số đông tùy tùng đến pháp đình và ngồi xuống trên chiếc ngai.
Khi Bồ-tát ngồi xuống để xử án, họ bắt một con khỉ đi hai chân, mặc áo giả làm một vị sư trưởng giỏi nghề chọn vị trí tốt để làm nhà, rồi họ dẫn nó đến pháp đình. Họ nói:
– Thưa Thiên tử, trong thời đại của phụ vương ngài, người này là một sư trưởng có thiên tài tiên đoán vị trí tốt để làm nhà và rất thuần thục trong nghề. Vị này thấy chỗ làm được hay không nên làm, và ngay cả chỗ có khuyết điểm dưới mặt đất sâu đến bảy khuỷu tay, vị này cũng biết. Nhờ sự giúp đỡ của vị ấy, cung điện của vua đã được xây dựng. Thiên tử hãy nhận vị ấy và ban cho vị ấy một chức vụ.
Hoàng tử nhìn nó từ dưới lên và suy nghĩ: “Ðây không phải là người mà chỉ là một con khỉ. Bọn khỉ chỉ biết phá hoại những gì đã được làm ra chứ chúng không biết làm gì cả hay xây dựng những công trình gì cả”. Vì vậy, hoàng tử đọc bài kệ đầu cho các đình thần nghe:
Nó không giỏi làm nhà,
Ðó là khỉ mặt nhăn,
Chỉ phá việc đã làm,
Thói của nòi giống đó.
Các đình thần, nói:
– Thưa Thiên tử, có thể là như vậy.
Và họ dắt khỉ đi ngay.
Sau một hai ngày, họ cho con khỉ ấy mặc y phục sang trọng, dắt nó đến pháp đình và nói:
– Thưa Thiên tử, trong thời phụ vương ngài, người này là pháp quan xử kiện. Thiên tử hãy sử dụng vị ấy và cho vị ấy xử kiện.
Hoàng tử nhìn nó và nghĩ: “Một người có tâm và có trí không có nhiều lông lá như vậy. Nó là con khỉ vô trí, không thể nào xử kiện được”.
Vì vậy, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Vật đầy lông lá này
Không sao có tâm trí,
Nó chỉ là con thú
Không gây được lòng tin,
Như phụ vương đã dạy:
Con này chả biết gì!
Các đình thần nghe câu kệ này liền nói:
– Thưa Thiên tử, có thể là như vậy.
Rồi họ đem con khỉ ấy đi ngay.
Một ngày khác họ lại mặc y phục và trang điểm cho nó, dắt nó đến pháp đường và nói:
– Thưa Thiên tử, người này trong thời phụ vương ngài đã hầu hạ đầy đủ mẹ và cha, đã kính lễ các bậc lớn tuổi trong gia đình. Hãy sử dụng người này.
Hoàng tử nhìn nó và nghĩ: “Ðây là con khỉ với tâm dao động. Nó không thể làm được công việc ấy”.
Vì vậy, Bồ-tát đọc bài kệ thứ ba:
Con vật ấy không thể
Giúp đỡ mẹ hay cha,
Hay là anh, chị, bạn,
Phụ vương dạy ta vậy.
Các đình thần nói:
– Thưa Thiên tử, có thể là vậy!
Rồi họ đem con khỉ đi ngay và họ nói với nhau:
– Hoàng tử là bậc hiền trí, có thể trị vì vương quốc.
Sau đó, họ làm lễ quán đảnh cho hoàng tử lên ngôi vua, rồi truyền đánh trống khắp thành và rao:
– Ðây là những pháp lệnh của Quốc vương có khuôn mặt như gương sáng.
Từ đấy trở đi, Bồ-tát trị vì theo Chánh pháp, và tiếng đồn Bồ-tát là bậc hiền trí được truyền đi khắp cõi Diêm-phù-đề. Với mục đích làm chói sáng trí tuệ của Bồ-tát, mười bốn vấn đề này được đem đến cho Bồ-tát giải quyết:
Con bò, chàng trai và con ngựa,
Thợ đan giỏ, và vị thôn trưởng,
Kỹ nữ, thiếu phụ và con rắn,
Con nai, chim đa đa, nữ thần,
Rắn chúa, và các vị khổ hạnh,
Cùng các thanh niên Bà-la-môn.
Ở đây, câu chuyện được lần lượt kể như sau.
Trong thời Bồ-tát được làm lễ quán đảnh lên ngôi vua, một người hầu của vua Janasandha tên là Gàmani-Canda đã suy nghĩ: “Vương quốc này thật vinh quang nếu được vua cai trị cùng với sự phò tá của những người đồng lứa tuổi với vua. Ta nay già cả, không thể hầu hạ hoàng tử trẻ tuổi, vậy ta sẽ sống làm nghề nông ở thôn quê”.
Vì vậy ông ta ra khỏi thành phố khoảng ba dặm và sinh sống tại một ngôi làng nhỏ. Nhưng ông không có bò để cày ruộng. Sau khi trời mưa, ông mượn hai con bò của một người bạn, cả ngày ông cày xong, cho các con bò ăn cỏ, rồi dắt bò về trả lại cho người chủ.
Trong lúc ấy, người chủ đang ngồi ăn cơm với vợ ở giữa nhà. Các con bò đi vào nhà, rất quen thuộc. Trong khi các con bò đi vào, người chồng giơ bát lên, và người vợ đặt bát xuống. Gàmani-Canda nhìn thấy suy nghĩ: “Họ không mời ta ăn”, liền bỏ đi và không giao tận tay bạn các con bò. Ðêm đến, bọn ăn trộm phá chuồng bò và dắt các con bò ấy đi.
Vào buổi sáng, người chủ đi vào chuồng bò, không thấy các con bò ấy, biết các con bò bị ăn trộm liền nghĩ: “Ta sẽ tóm cổ Gàmani”, rồi đi đến gặp ông ta và nói:
– Này ông, hãy trả các con bò cho tôi.
– Nhưng các con bò đã vào trong chuồng rồi.
– Nhưng ông có giao trả cho chúng tôi đâu?
– Không, tôi không giao trả.
– Vậy đây là sứ giả của vua đến mời ông đi.
Bấy giờ, những người dân xứ này có tục lệ khi họ lượm một hòn đá hay một vỏ sò và nói: Ðây là sứ giả của vua xin mời đi. Nếu ai nghe nói: Ðây là sứ giả của vua, mà không đi, sẽ bị vua phạt. Do vậy, khi ông ta nghe chữ “sứ giả”, ông liền đi theo.
Trong khi hai người cùng đi đến cung vua họ đi ngang ngôi làng có một người bạn của Gàmani ở. Ông ta nói với người kia:
– Này ông, tôi rất đói. Ông cho tôi vào làng ăn xong và trở lại, ông hãy ở tại đấy!
Nói xong ông ta đi vào nhà người bạn.
Nhưng người bạn không ở nhà. Người vợ bạn nói:
– Thưa ông, đồ ăn chín không có. Hãy chờ một lát, tôi nấu xong sẽ mời ông.
Người vợ leo thang lên kho gạo, vì quá hấp tấp nên té xuống đất khiến cho bà ấy sẩy thai. Vừa lúc ấy người chồng đi về, thấy vậy liền nói:
– Anh đánh vợ ta khiến bà ấy sẩy thai. Ðây là sứ giả của vua, hãy đi ngay.
Anh ta dắt Gàmani-Canda và ra đi. Từ đấy, hai người dắt Gàmani ở giữa cùng đi với nhau.
Tại một ngôi làng nọ, có người giữ ngựa không thể bắt con ngựa quay lại, lúc nó đang chạy đến gần những người ấy. Người giữ ngựa thấy Gàmani liền nói:
– Này cậu Gàmani, hãy đánh con ngựa này với một vật gì khiến nó quay trở lui.
Gàmani cầm hòn đá và ném con ngựa. Hòn đá ném trúng chân con ngựa, làm gãy chân nó như cọng cây y lan, người giữ ngựa kêu to:
– Ông làm gãy chân con ngựa của tôi rồi! Ðây là sứ giả của vua.
Và anh ta dắt Gàmani đi. Trong khi bị ba người dắt đi, ông ta suy nghĩ: “Những người này sẽ tố cáo ta trước mặt vua. Ta không thể trả tiền mấy con bò, còn nói gì đến tiền phạt làm sẩy thai, rồi ta đào đâu ra được tiền đền ngựa? Thà ta chết còn tốt hơn!
Vì vậy khi họ đang đi, ông ta thấy một vực thẳm bên sườn đồi. Dưới bóng ngọn đồi ấy, hai cha con thợ đan giỏ đang dệt một tấm chiếu, Gàmani-Canda nói:
– Thưa các ông, tôi muốn đi vệ sinh, hãy chờ đây một lát cho đến khi tôi trở lại.
Nói xong, ông ta lên lên ngọn đồi, thả mình xuống vực thẳm lại rơi đúng trên lưng cha người thợ đan giỏ. Người thợ đan giỏ già bị thương nặng chết ngay tại chỗ. Gàmani liền đứng dậy. Người con nói:
– Ðồ ác độc, ông đã giết cha ta chết rồi! Ðây là sứ giả của vua.
Anh ta nắm tay Gàmani và đi khỏi lùm cây. Những người kia hỏi:
– Chuyện gì thế này?
Anh ta trả lời:
– Ðây là tên đại ác đã giết cha tôi!
Từ đấy bốn người vây quanh dắt Gàmani đi giữa.
Họ đến trước cửa một ngôi làng khác. Vị thôn trưởng thấy Gàmani liền hỏi:
– Chào cậu Gàmani, cậu đi đâu vậy?
Ông ta trả lời:
– Ði gặp vua.
– Có thật chăng cậu đi đến gặp vua? Tôi muốn trình vua một chuyện, cậu có thể mang đến trình không?
– Vâng tôi sẽ mang.
– Tôi thường có sắc đẹp, tài sản, có danh tiếng, và không có bệnh. Nay tôi nghèo khổ, lại mắc bệnh vàng da. Vì lý do gì vậy? Hãy hỏi vua như vậy. Người ta nói vua là bậc hiền trí, vua sẽ nói với cậu và cậu sẽ đem lời vua về nói cho tôi.
Ông ta nhận lời, rồi tiếp tục đi.
Tại cửa một làng khác, một kỹ nữ thấy ông ta liền gọi:
– Chào cậu Gàmani, cậu đi đâu vậy?
Ông ta bảo đi gặp vua, kỹ nữ ấy nói:
– Người ta nói vua là bậc hiền trí, cậu hãy mang theo câu chuyện của tôi trình vua. Trước kia, tôi thường được nhiều lợi dưỡng. Nay tôi không đáng giá một miếng trầu! Không ai đến tán tỉnh tôi. Cậu hãy hỏi vua tại sao vậy, và về nói lại cho tôi.
Rồi Gàmani lại đi nữa.
Tại cửa một ngôi làng khác, một thiếu phụ thấy ông ta cũng hỏi tương tự và nói:
– Tôi không thể sống trong nhà chồng cũng không thể sống trong gia đình tôi. Vì lý do gì vậy? Cậu hãy hỏi vua và về nói lại cho tôi.
Rồi Gàmani đi nữa.
Từ đấy đi qua một đia phận khác có một con rắn sống trong một gò mối, nó thấy ông ta liền hỏi:
– Này cậu Gàmani đi đâu vậy?
Khi được đáp đi gặp vua, con rắn nói:
– Người ta nói vua là bậc hiền trí. Hãy mang đến trình vua câu chuyện của tôi. Khi tôi đi ra tìm mồi và rời gò mối, tôi ốm yếu, đói lả nhưng thân tôi đầy cả hang mối, tôi phải kéo thân tôi khỏi ổ một cách khó khăn. Còn khi đi tìm mồi xong trở về, tôi được no nê thỏa mãn và thân lớn ra, nhưng bò vào hang thật mau lẹ, thân tôi không chạm sườn hang. Tại sao vậy? Hãy hỏi vua và đem câu trả lời về cho tôi.
Ông ta đi một đoạn nữa, một con nai thấy ông ta cũng hỏi tương tự:
– Tôi không thể ăn cỏ ở một chỗ nào khác ngoại trừ dưới gốc cây này. Vì lý do gì vậy? Hãy hỏi vua.
Ði qua một phần đất khác, một con chim đa đa thấy ông ta liền hỏi:
– Khi tôi đậu dưới chân một gò mối, tôi hót lên tiếng hót rất hay. Nhưng ở bất cứ chỗ nào khác, tôi không thể làm được như vậy. Vì lý do gì vậy? Hãy hỏi vua.
Ông ta đi tới một chỗ khác, một nữ thần cây thấy ông ta hỏi:
– Này Gàmani đi đâu vậy?
Khi được trả lời đi gặp vua, nữ thần cây nói:
– Người ta nói vua là một bậc hiền trí. Trước kia tôi rất được trọng vọng. Bây giờ ngay ca một ít nhánh non tôi cũng không có được. Vì sao vậy? Hãy hỏi vua.
Ði qua một phần đất khác, một con rắn chúa thấy ông ta và hỏi tương tự:
– Người ta nói vua là một bậc hiền trí. Trước kia trong hồ này, nước trong như pha lê. Nay nước hồ vẩn đục với bọt nước trùm khắp. Vì sao lại vậy? Hãy hỏi vua.
Ði tới một chỗ khác, có một số nhà tu khổ hạnh sống tại một khu vườn gần thành phố, thấy ông ta cũng hỏi tương tự:
– Người ta nói vua là một bậc hiền trí, trước kia tại khu vườn này, các loại trái ngọt rất nhiều, nhưng nay chúng trở nên lạt lẽo và lại đắng. Tại sao vậy? Hãy đến hỏi vua.
Từ đấy đi đến một chỗ khác, một số thanh niên Bà-la-môn đang ở trong một gian nhà gần cửa thành, thấy ông ta bèn hỏi:
– Này cậu Gàmani, cậu đi đâu vậy?
Khi được trả lời đi đến gặp vua hỏi nói:
– Vậy cậu hãy mang theo câu chuyện của chúng tôi: Trước kia chúng tôi học bất cứ đoạn kinh nào, chúng tôi đều nhớ rõ ràng. Nhưng nay, điều chúng tôi học không được giữ lại trong trí và không được hiểu rõ ràng, tất cả đều trở thành mù mờ như nước trong một cái ghè nứt rạn. Vì sao sự việc lại vậy? Hãy đến hỏi vua.
Thế là Gàmani-Canda đến yết kiến vua với mười bốn câu hỏi như trên.
Khi ấy vua đang ngồi tại pháp đình. Vua thấy Gàmani-Canda, và nhận ra ông ta: “Người này là người hầu hạ phụ vương ta, thường hay bồng bế ta thuở trước. Từ đấy cho đến nay, ông ta sống ở đâu?”. Vì vậy vua hỏi:
– Này Gàmani, trong thời gian qua khanh sống ở đâu? Ðã lâu rồi khanh không trình diện. Vì mục đích gì khanh đến đây?
Gàmani thưa:
– Tâu thiên tử, từ khi tiên vương lên cõi trời, thần đi về thôn quê làm nghề cày ruộng để sinh sống. Tại đấy, người này vì vấn đề kiện tụng hai con bò đã đem sứ giả của vua ra và kéo thần đến trước Thiên Tử.
– Nếu không bị kéo đi, khanh sẽ không đến đây chứ gì? Nay khanh bị kéo đến, như vậy là tốt rồi, và ta mới thấy khanh. Vậy người kia ở đâu?
– Thưa Thiên tử, đó là người này.
– Có phải chính ông đưa sứ giả của trẫm đến bắt Canda?
– Tâu thiên tử, thật vậy.
– Tại sao?
– Vì ông ta không chịu trả đôi bò của thần!
– Có đúng chăng Canda?
– Tâu thiên tử, hãy nghe chuyện của thần.
Rồi Canda thuật lại tất cả câu chuyện. Nghe xong, vua hỏi người chủ của các con bò.
– Ngươi có thấy các con bò đi vào chuồng nhà ngươi không?
– Tâu thiên tử, thần không thấy.
– Này từ trước ngươi chưa bao giờ nghe mọi nơi gọi ta là Vua có mặt sáng như gương sao? Người hãy nói thật đi.
– Tâu thiên tử, thần có thấy.
– Này Canda, khanh không dắt đôi bò về trả, như vậy khanh mắc nợ đôi bò. Người này có thấy nhưng nói không thấy, tức là cố ý nói láo. Do đó khanh phải tự tay móc mắt người này và phần khanh phải trả cho anh ta hai mươi bốn đồng tiền vàng.
Nghe vua nói vậy, quân hầu dắt người chủ các con bo ra ngoài. Anh ta liền nghĩ: “Khi bị móc mắt, thì ta lấy tiền làm gì!”. Vì vậy, anh ta sụp lạy dưới chân Gàmani và nói:
– Thưa ngài Canda, số tiền các con bò ấy thuộc về ngài. Hãy lấy thêm những đồng tiền này nữa.
Nói vậy xong, anh ta đưa cho Canda một số tiền rồi bỏ trốn chạy.
Người thứ hai nói:
– Tâu thiên tử, người này đánh vợ tôi khiến cho bà ấy sẩy thai.
– Có thật vậy chăng, này Canda?
– Thưa Ðại Vương, xin hãy nghe thần.
Rồi ông ta thuật toàn bộ câu chuyện với các chi tiết. Vua hỏi:
– Có phải khanh đánh vợ người này và làm cho bà ta sẩy thai?
– Thưa thiên tử, thần không làm như vậy.
– Này người kia, ngươi có thể chữa lại sự sẩy thai do người này đã gây ra không?
– Thưa Thiên tử, không thể được.
– Nay ngươi muốn làm gì?
– Tôi muốn phải có một đứa con trai!
– Này Canda, hãy đem vợ người này về nhà của khanh cho đến khi nào bà ta sanh một đứa con trai thì đưa nó đến và trả cho người này.
Người ấy nghe vậy liền sụp xuống lạy dưới chân Canda:
– Thưa ngài, chớ phá vỡ gia đình của tôi!
Rồi anh ta cho Canda một số đồng tiền vàng và bỏ chạy trốn.
Người thứ ba đến và nói:
– Tâu Thiên tử, người này đánh gãy chân con ngựa của tôi.
– Có thực chăng, này Canda?
– Thưa Ðại vương, xin hãy nghe thần.
Rồi Canda tường thuật rõ ràng câu chuyện. Nghe xong, vua hỏi người chủ con ngựa:
– Có phải chính ngươi nhờ Canda đánh con ngựa khiến cho nó quay lui không?
– Tâu thiên tử, tôi không nói.
Nhưng khi được hỏi thêm một lần nữa, anh ta nói:
– Thưa, tôi có nói.
Vua gọi Canda và bảo:
– Này Canda, người này có nói nhưng lại bảo không nói, như vậy là đã cố ý nói láo. Khanh hãy cắt lưỡi của nó rồi cho nó một ngàn đồng tiền vàng để bù lại con ngựa kia! Số tiền này ta sẽ cho khanh.
Nhưng kẻ giữ ngựa liền cho Canda một số tiền rồi bỏ chạy vì sợ bị cắt lưỡi!
Rồi đến con trai của người thơ đan giỏ nói:
– Tâu Thiên tử, người này là kẻ sát nhân đã giết chết cha tôi.
– Có thật như vậy chăng, này Canda?
– Tâu Thiên tử, xin hãy nghe thần.
Rồi Canda thuật lại câu chuyện một cách rõ ràng. Vua gọi người thợ kia:
– Nay ngươi muốn gì?
– Tâu Thiên tử, tôi muốn có được cha tôi!
– Này Canda, người này cần có một người cha. Nhưng khanh không thể đem lại cho nó người cha đã chết, vậy hãy đem mẹ của nó về nhà khanh và trở thành cha nó.
Con người đan giỏ vội nói:
– Thưa ngài, chớ phá vỡ gia đình người cha đã chết của tôi!
Nói xong anh ta cho Canda một số tiền rồi bỏ chạy.
Gàmani đã thắng các vụ kiện nên hoan hỷ rồi thưa với vua:
– Tâu thiên tử, thần có nhiều vấn đề của nhiều người muốn hỏi Thiên tử. Thiên tử có bằng lòng cho thần nói không?
– Hãy nói đi, này Canda.
Canda theo thứ tự đảo ngược bắt đầu từ vấn đề các thanh niên Bà-la-môn trở về trước và kể ra từng vấn đề một.
Nhà vua lần lượt trả lời. Ðối với vấn đề đầu tiên, khi nghe xong, vua đáp:
– Thuở trước, tại chỗ họ ở, có một con gà biết gáy đúng giờ. Khi nghe tiếng gà gáy, họ thức dậy, lấy các bài chú ra đọc lớn tiếng cho đến khi trời sáng. Do đó họ không quên mất điều đã học. Nhưng nay tại chỗ họ ở, có một con gà trống gáy không đúng giờ. Nó gáy vào lúc còn đêm khuya hay đã quá sáng. Khi nghe tiếng gà gáy trong đêm khuya, họ thức dậy, lấy các bài chú ra học, nhưng quá buồn ngủ nên không thể đọc được. Rồi khi nghe tiếng gà gáy quá sáng họ thức dậy, nhưng không còn thì giờ tụng chú nữa. Do vậy, họ không nhớ rõ những điều đã học.
Khi nghe vấn đề thứ hai, vua trả lời:
– Những người ấy thuở trước hành trì Sa-môn pháp và chuyên tâm chuẩn bị các đề tài thiền định. Nhưng bây giờ họ từ bỏ Sa-môn pháp, và chuyên tâm vào các việc không nên làm. Các trái cây sanh ở trong vườn được họ lấy đem cho các người hầu hạ. Còn họ sống bằng tà mạng, thay phiên nhau đi khất thực. Do hòa hợp với nhau như trước, chuyên tâm hành trì các Sa môn pháp, thì các trái cây v.v… của họ sẽ ngọt như cũ. Các vị tu khổ hạnh ấy không biết trí tuệ của các vua chúa. Hãy bảo họ hành trì pháp Sa-môn chân chánh.
Khi nghe vấn đề thứ ba, vua nói:
– Những rắn chúa ấy thường hay cãi nhau nên nước hồ trở thành đục. Nếu chúng hòa hợp với nhau như trước thì nước sẽ trở lại trong.
Khi nghe vấn đề thứ tư, vua nói:
– Nữ thần cây ấy trước kia bảo vệ các người đi qua lại khu rừng, do vậy nhận được nhiều đồ hiến cúng khác nhau. Nay nữ thần cây ấy không bảo vệ họ nên không nhận được đồ hiến cúng thượng hạng. Nữ thần hay dặn nàng bảo vệ những người đi lên khu rừng ấy.
Khi nghe vấn đế thứ năm, vua nói:
– Dưới gò mối mà con chim đa đa ấy đậu và hót với giọng khả ái có một cái ghè lớn chứa châu báu. Hãy đào lên và lấy ghè ấy.
Khi nghe vấn đề thứ sáu, vua nói:
– Dưới gốc cây mà con nai ấy có thể ăn cỏ tức là trên cây có một ong mật lớn. Con nai ấy thèm ăn thứ cỏ được mật rớt dính vào, nên nó không có thể ăn các thứ cỏ khác. Khanh hãy lấy tổ ong, gửi phần mật tốt nhất cho ta. Khanh ăn phần còn lại.
Khi nghe vần đề thứ bảy, vua hỏi:
– Dưới gò mối mà con rắn ấy ở có một ghè lớn chứa châu báu. Con rắn ấy sống ở đó để bảo vệ châu báu ấy. Do vậy, khi nó bò ra, vì lòng tham châu báu, thân nó bám chặt vào hang. Nhưng khi kiếm thức ăn xong, thân không còn bám chặt vào hang vì tham châu báu, nên nó bò vào thật mau và mạnh. Hãy đào ghè châu báu ấy lên và cất giữ kỹ.
Khi nghe vấn đề thứ tám, vua nói:
– Giữa làng người chồng và làng cha mẹ của thiếu phụ ấy, có một ngôi nhà của tình nhân thiếu phụ ấy. Nàng nhớ tình nhân, không thể ở trong nhà người chồng, và vì luyến ái tình nhân, nàng nói nàng sẽ đi thăm cha mẹ. Nàng đi đến sống vài ngày trong nhà của tình nhân, rồi nàng đến nhà cha mẹ. Sau khi ở đấy vài ngày, nàng lại nhớ tình nhân, bèn nói nàng sẽ đi về nhà chồng, và nàng lại đi đến nhà của tình nhân. Khanh nói cho thiếu phụ ấy biết rằng còn có pháp luật của nhà vua. Bảo nàng phải sống với người chồng. Nếu không, vua sẽ truyền bắt nàng và nàng sẽ không còn mạng sống nữa. Hãy nói cho nàng biết phải cẩn thận!
Khi nghe vấn đề thứ chín, vua nói:
– Người phụ nữ ấy trước kia thường lấy một số tiền từ tay một người đàn ông nào, thì nàng không đi với người khác cho đến khi nàng đã để anh ta hưởng lạc xứng với số tiền kia. Do vậy trước kia nàng đã nhận được nhiều tiền. Nay nàng đã từ bỏ nguyên tắc ấy của mình. Khi chưa từ giã một người mà nàng đã nhận tiền, nàng lại lấy tiền từ một người khác! Do vậy, nàng không có tiền vì không ai tìm đến nàng nữa. Nếu nàng duy trì nguyên tắc cũ của mình, sự việc sẽ giống như trước kia. Hãy bảo nàng duy trì nguyên tắc cũ của mình!
Khi nghe vấn đề thứ mười, vua nói:
– Người thôn trưởng ấy trước kia xử kiện đúng pháp và bình đẳng, do vậy được mọi người thương mến và thích thú. Vì thích ý, họ biếu anh ta nhiều quà tặng. Nhờ đó anh ta đẹp trai, có tài sản, và danh vọng. Nay anh ta thích nhận tiền hối lộ và xử kiện không đúng pháp. Do vậy, anh ta trở thành nghèo nàn, khốn khổ và bị bệnh vàng da. Nếu anh ta xử kiện đúng pháp như trước, mọi việc trở lại giống như trước. Anh ta không biết sự có mặt của vua chúa trong nước này. Hãy bảo anh ta phải xử kiện đúng pháp.
Như vậy Gàmani-Canda đã thuật lại tất cả vấn đề được nêu trên. Với trí tuệ của mình, vua đã giải quyết tất cả vấn đề ấy như đức Phật nhất thiết trí và ban cho Gàmani-Canda nhiều tài sản. Và ngôi làng Canda ở được vua ban thưởng ông ta như là một tặng vật anh cho một vị Bà-la-môn. Rồi vua bảo đưa ông ta đi về.
Canda ra khỏi thành, nói lại các câu trả lời của Bồ-tát cho các thanh niên Bà-la-môn, các vị khổ hạnh, con rắn chúa và nữ thần cây. Sau đó ông ta lấy tài sản chôn tất cả tại chỗ chim đa đa đậu. Rồi ông ta lấy tổ ong mật từ thân cây mà dưới đó con nai ăn cỏ và gởi mật về dâng vua. Ông ta phá vỡ gò mối tại chỗ con rắn ở, thâu lượm tài sản chôn cất, và thuật lại cách vua trả lời cho người thiếu phụ, người kỹ nữ và người thôn trưởng.
Rồi Canda đi về làng của mình với danh vọng lớn, và sống tại đấy cho đến hết đời, rồi đi theo nghiệp của mình. Còn vị vua có mặt sáng như gương ấy trọn đời làm các công đức như bố thí v.v… và sau khi mạng chung, ngài đi lên cõi trời làm đông đảo hội chúng chư Thiên.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Như Lai có đại trí tuệ mà thuở trước cũng đã có đại trí tuệ như vậy.
Sau khi kể Pháp thoại này, Ngài thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, nhiều người chứng quả Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, quả A-la-hán. Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Gàmani-Canda là Ànanđa, còn vị vua có mặt sáng như gương ấy là Ta vậy.
-ooOoo-
Dầu có được bao nhiêu…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về chuyện một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn.
Nghe nói Tỷ-kheo ấy đi khất thực ở Xá-vệ, thấy một nữ nhân trang sức đẹp đẽ và sanh tâm luyến ái. Các Tỷ-kheo đưa vị ấy đến Chánh Pháp đường và trình diện với bậc Ðạo Sư:
– Bạch Thế Tôn, đây là một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn.
Bậc Ðạo Sư hỏi vị ấy:
– Có thật chăng ông thối thất tinh tấn?
Vị ấy nói:
– Thưa có thật, bạch Thế Tôn.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, ngay trong khi ông còn đang ở trong gia đình, ông có bao giờ thỏa mãn được ái dục này chăng? Ái dục giống như biển cả, rất khó làm đầy. Thuở trước có những vị Chuyển luân vương ngự trị trên bốn đại châu với hai ngàn dải vây quanh, bao trùm cả loài người, ngay cả khi ngự trị chư Thiên của bốn Ðại Thiên Vương, hay ngự trị chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba, hoặc trên thiên giới của Ba mươi vị Thiên chủ Ðế Thích, các vị ấy cũng không thể nào thỏa mãn được ái dục của mình, rồi mệnh chung trước khi có thể thực hiện được việc ấy. Vậy làm sao ông có thể thỏa mãn ái dục này được?
Nói xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, trong những thời đại tối sơ của thế giới, vua Mahàsammata có mặt ở đời. Vua có con trai tên là Roja. Roja có con trai tên là Vararojà. Vararojà có con trai tên là Kalyàna. Kalyàna có con trai tên là Varakalyàna. Varakalyàna cón con trai tên là Uposatha. Uposatha có con trai tên là Mandhàtà. Mandhàtà có đầy đủ bảy báu vật, bốn thần đồng và là bậc Chuyển luân vương trị vì quốc độ.
Khi tay trái vua co lại, và vỗ nhẹ tay mặt, thì cơn mưa bảy báu vật rơi xuống, ngập đến đầu gối, như một cơn mưa dông từ trời đổ xuống. Vua thật là một người kỳ diệu hy hữu. Ngài làm hoàng tử trong tám mươi bốn ngàn năm, làm phó vương cũng trong tám mươi bốn ngàn năm, làm vị Chuyển luân vương cũng trong tám mươi bốn ngàn năm. Tuổi thọ của ngài thật là vô lượng.
Một hôm, vì không thỏa mãn được ái dục, vua tỏ lộ vẻ bất mãn. Các đình thần thưa:
– Tâu thiên tử, sao Thiên tử lại bất mãn?
– Khi xét đến sức mạnh công đức của ta, thì vương quốc này để làm cái gì? Có trú xứ nào tốt đẹp khả ái hơn chăng?
– Tâu Ðại vương, có Thiên giới.
Vì thế vua chuyển vận hành xe báu, cùng với hội chúng đi lên Thiên giới Bốn Thiên vương. Bốn vị đại vương, với vòng hoa, và hương thiên giới cầm tay; với thiên chúng vây quanh đi đến nghênh đón vua, cùng lên thiên giới của chư vị và giao thiên giới ấy cho vua trị vì.
Vua cùng với hội chúng của mình trị vì thiên giới ấy trong một thời gian dài, nhưng tại đấy, vua không thể thỏa mãn ái dục và bắt đầu lộ vẻ bất mãn.
Bốn Thiên vương hỏi:
– Tâu Ðại vương, sao Ðại vương lại bất mãn?
– Có trú xứ nào đẹp hơn cõi trời này chăng?
– Tâu thiên tử, chúng tôi giống như người hầu hạ của cõi trời trên! Cõi trời Ba mươi ba còn đẹp hơn cõi này nhiều!
Mandhàtà chuyển bánh xe báu, với hội chúng của mình vây quanh đi tới, hướng mặt về cõi trời Ba mươi ba. Thiên chủ Ðế Thích, với vòng hoa và hương trời cầm tay, với Thiên chúng vây quanh, đi đến nghênh đón, hướng dẫn vua và nói:
– Tâu Ðại Vương, hãy đi tới.
Vào thời Vua cha đang du hành ở thiên giới giữa hội chúng chư thiên, thì thái tử của ngài vận chuyển bánh xe báu đi xuống cõi người và ngự vào kinh thành của mình.
Ðế Thích đưa Mandhànà đến cung điện cõi trời Ba mươi ba, chia một nửa vương quốc dâng vua này. Từ đấy trở đi hai vị cùng trị vì cõi trời. Thời gian trôi qua như vậy cho đến khi Ðế Thích đã sống ba mươi sáu triệu năm rồi mệnh chung và tái sánh cõi người. Theo cách thức này ba mươi sáu vị Ðế Thích đã lần lượt mệnh chung. Mandhànà với hội chúng của mình trị vì cõi trời. Như vậy với thời gian trôi qua, lòng ái dục của vua càng tăng thịnh. Vua nghĩ: “Một nửa vương quốc có nghĩa gì đối với ta. Ta sẽ giết Ðế Thích và ngự trị toàn vương quốc”. Nhưng vua không thể giết Ðế Thích được. Ái dục này là nguồn gốc tai họa của vua. Do vậy, thọ mạng của vua bắt đầu suy giảm. Tuổi già xâm chiếm thân ngài. Nhưng một thân người không có thể tan rã trên cõi trời.
Từ Thiên quốc, vua rơi xuống và đi vào một công viên. Người giữ công viên thấy vua liền báo tin cho hoàng gia. Họ liền đến nơi soạn một chỗ nằm cho ngài trong công viên, và vua nằm xuống trong sự mệt mỏi. Các đình thần hỏi:
– Tâu Thiên tử, khi Thiên tử mệnh chung. Thiên tử sẽ nói lên lời dặn dò gì?
– Sau khi ta mệnh chung, hãy nói cho quần chúng lời dặn này của ta: Ðại vương Mandhàta lên ngôi làm vị chuyển luân vương, trị vì bốn đại châu lục được vây quanh với hai ngàn hòn đảo, đã trị vì cõi trời Bốn Thiên vương trong một thời gian dài bằng tuổi thọ của ba mươi sáu vị Ðế thích, nay đang mệnh chung.
Nói vậy xong, vua mệnh chung và đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể câu chuyện quá khứ, bậc Ðạo Sư đọc những bài kệ này:
Dầu có được bao nhiêu
Mặt trăng và mặt trời
Chiếu sáng khắp mọi phương.
Tất cả là nô lệ.
Của vua Man-dhà-nà,
Cùng tất cả chúng sanh
Sống nương tựa cõi đất,
Ðều thuộc quyền Ðại vương.
Dầu có mưa tiền vàng,
Vẫn không thỏa ái dục,
Dục ít vị, khổ nhiều,
Bậc trí ý thức vậy.
Ngay cả các thiên dục
Cũng không đem an lạc,
Ðệ tử bậc Chánh giác
Chỉ thích ái diệt tận.
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo sư thuyết giảng các sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo thối thất và nhiều vị khác đắc quả Dự lưu.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, Ðại vương Mandhànà là Ta vậy.
-ooOoo-
Con thấy hạng người này…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Tôn giả Ànanda được cúng dường một ngàn tấm y, năm trăm tấm từ tay các cung nữ của vua Kosala và năm trăm tấm từ chính tay vua.
Hoàn cảnh chuyện này đã được diễn tả trong Tiền thân Guna, số 157.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở nước Kàsi. Ðến ngày lễ đặt tên, Bồ-tát được gọi là Tirìtavaccha.
Ðến tuổi trưởng thành, Bồ-tát đi học các tài nghệ ở Takkasìlà, sau đó lập gia đình. Khi cha mẹ mệnh chung, Bồ-tát quá xúc động nên từ bỏ gia đình, xuất gia trở thành vị ẩn sĩ, tự nuôi sống bằng các thứ rễ cây và trái… ở trong rừng và trú tại đấy. Trong khi Bồ-tát sống tại đấy, thì ở biên giới Bà-la-môn có một cuộc dấy loạn. Chính vua cầm quân đi ra biên địa nhưng thua trận. Vua hốt hoảng vì sợ chết nên leo lên lung voi và bỏ chạy, theo con đường ven núi đi lang thang trong rừng. Vào buổi sáng, trong khi Tirìtavaccha đi tìm các loại trái cây thì vua đi đến am thất của Bồ-tát. Vua nghĩ: “Ðây là trú xứ của các vị ẩn sĩ khổ hạnh”, nên vua xuống voi, mệt mỏi vì gió và nắng. Vua khát nước liền tìm kiếm ghè nước để uống nhưng không thấy. Vua men theo đường kinh hành, và thấy một giếng nước nhưng không tìm ra sợi dây gàu để kéo nước lên. Không chịu đựng nổi cơn khát nước, vua bèn lấy sợi dây nịt bụng con voi, cột dây vào thành giếng và sau đó cột dây vào chân của mình.
Vau leo xuống giếng nhờ dây nịt, nhưng dây nịt không đủ dài nên vua lấy thượng y cột vào đầu dây nịt để leo xuống, và cũng không tới mặt nước. Vua lấy ngón chân chạm đến nước, cũng không uống nước được, liền nghĩ: “Nếu không giải khát được, thà chết còn hơn”, vua thả mình rơi xuống giếng, uống cho đến thỏa thích nhưng rồi không thể leo lên giếng được, bèn đứng tại chỗ ấy.
Con voi được khéo huấn luyện, không đi chỗ khác, nó nhìn xuống vua và cũng đứng đợi vua.
Vào buổi chiều, Bồ-tát đem các trái cây về, và thấy con voi liền nghĩ: “Nhà vua đã đến đây. Nhưng sao chỉ thấy con voi được nai nịt ở đây? Có việc gì vậy?” Vì thế, Bồ-tát đi đến con voi. Con voi biết Bồ-tát đi đến gần, liền đứng qua một bên. Bồ-tát an ủi vua và nói: “Thưa Ðại vương, chớ sợ hãi”. Bồ-tát cột một cái thang kéo vua lên, xoa bóp thân vua, bôi dầu, cho vua tắm, mời vua ăn các trái cây v.v… và cởi áo giáp cho con voi.
Vua nghỉ tại đấy hai, ba ngày, rồi mời Bồ-tát nhận lời đến thăm vua và ra đi. Quân đội của vua đóng trại không xa thành phố, thấy vua đi đến liền vây quanh vua.
Còn Bồ-tát, sau một tháng rưỡi, đi đến Ba-la-nại và trú tại công viên. Sáng hôm sau, Bồ-tát đi đến cung vua khất thực. Lúc ấy vua mở rộng cánh cửa sổ lớn và đang nhìn xuống sân, thấy Bồ-tát, nhận ra ngài, liền từ lâu đài đi xuống, và đảnh lễ ngài. Rồi vua đưa Bồ-tát vào phòng hội lớn, đặt ngài ngồi trên long sàng, có một lọng trắng che phía trên, mời ngài dùng món ăn dành riêng cho mình.
Sau khi ăn xong, vua đưa Bồ-tát về công viên, bảo xây dựng một con đường kinh hành có mái che nắng, một tịnh thất cho Bồ-tát và hiến cúng đầy đủ các vật dụng cần thiết của một vị xuất gia. Sau khi giao Bồ-tát cho người giữ vườn chăm sóc, vua đảnh lễ Bồ-tát rồi ra đi. Từ đấy Bồ-tát ăn tại cung vua. Vua hết sức tôn trọng và cung kính Bồ-tát.
Nhưng các đình thần không chịu nổi việc như vậy, họ nói:
– Nếu một người lính được hưởng vinh dự như vậy thì nó làm được gì?
Rồi họ đi đến gặp vị phó vương và nói:
– Thưa Thiên tử, Ðại vương của chúng thần quá ái mộ một vị tu khổ hạnh, không biết Ðại vương thấy được gì ở vị ấy. Xin ngài bàn luận với Ðại vương về vấn đề này.
Vì phó vương bằng lòng cùng với đình thần đến gặp vua, đảnh lễ và đọc bài kệ đầu:
Con thấy hạng người này
Không có chút trí tuệ,
Nó không phải bà con,
Cũng không phải bạn vua,
Tại sao ẩn sĩ này,
Với ba cây que nhỏ,
Ti-ri-ta-vac-cha,
Lại được ăn thượng vị?
Nghe như vậy, vua nói với hoàng tử:
– Này con thân, trước kia khi cha đi đến biên địa đánh giặc và thất trận, cha đã không về hai ba ngày con có nhớ chăng?
Hoàng tử trả lời:
– Con có nhớ.
Vua nói:
– Lúc ấy cha nhờ người này cứu mạng sống.
Rồi vua kể toàn câu chuyện cho hoàng tử nghe. Vua nói:
– Này con thân, nay người cứu mạng cha đến với cha. Dầu cha có cho vị ấy cả vương quốc, cha cũng không thể đền đáp công đức của ngài.
Và vua đọc các bài kệ:
Trong khi ta gặp nạn,
Vì chiến đấu thất bại,
Ta chỉ có một mình,
Chính vị ấy đưa tay,
Trong rừng sâu ghê rợn,
Nhờ vị ấy, ta thoát,
Ra khỏi cảnh khó khăn,
Cơn đau khổ vây chặt.
Nhờ sự giúp đỡ này
Ta đã trở về đây,
Thoát khỏi hàm thần chết,
Trở lại với đời sống,
Này hoàng tử con thân,
Ti-ri-ta Vac-cha
Xứng đáng được lợi dưỡng,
Hãy cúng dường tài sản
Cùng các lễ tế đàn.
Như vậy vua nói lên công đức của Bồ-tát, như làm trăng mọc lên giữa hư không. Và các công đức của Bồ-tát được tuyên dương khắp mọi nơi, nên ngài nhận được nhiều quyền lợi dưỡng và lòng kính trọng.
Từ đấy về sau, vị phó vương hay các đình thần, hay bất cứ ai khác đều không dám nói gì chống Bồ-tát với vua và vua vâng theo lời dạy của Bồ-tát, làm công đức như bố thí v.v… rồi khi mệnh chung đi lên làm đông đảo hội chúng thiên giới. Còn Bồ-tát đạt được các Thắng trí và Thiền chứng, cuối cùng được sanh lên cõi Phạm thiên.
*
Rồi bậc Ðạo Sư nói thêm:
– Các bậc hiền trí thời xưa cũng đã có lòng giúp đỡ.
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ nhà vua là Ànanđa, còn vị tu khổ hạnh là Ta vậy.
-ooOoo-
Vì mục đích cái bụng…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo tham lam (Câu chuyện này sẽ được trình bày trong chương sáu, số 395). Bậc Ðạo Sư nói với vị ấy:
– Này Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ông mới tham ăn. Thuở trước, ông cũng đã vậy rồi. Do lòng tham ông đã bị gươm chém đầu.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm hoàng tử. Khi đến tuổi trưởng thành, hoàng tử học các tài nghệ ở Takkasilà. Sau khi phụ thân mất, hoàng tử lên ngôi vua, và rất ham thích các món cao lương mỹ vị nên được gọi là Vua thích Mỹ vị.
Người ta nói vua dùng các món ăn một cách hoang phí đến độ chỉ một đĩa cơm cũng đã tiêu hết một trăm ngàn đồng tiền vàng. Khi ăn, vua không ăn trong nhà vì muốn cho quần chúng trông thấy các buổi ăn sáng hoang phí của mình, vua truyền dựng một cái đình được trang hoàng châu báu tại cửa cung và đến giờ ăn vua bảo trang hoàng ngôi đình ấy. Rồi vua ngồi trên long sàng toàn bằng vàng có lọng trắng che phía trên. Hai bên có các công chúa vây quanh, vua dùng các món ăn có trăm vị tuyệt hảo trong các dĩa vàng, trị giá trăm ngàn đồng tiền vàng.
Bấy giờ có một người tham ăn nhìn sự hoang phí trong cách ăn uống của vua và thèm muốn đồ ăn ấy. Không thể đè nén cơn thèm, anh ta tìm ra một phương tiện, liền mặc áo nai nịt quanh bụng thật chặt chẽ, giơ hai tay lên cao và la lớn tiếng:
– Tâu Ðại Vương, tôi là sứ giả! Sứ giả!
Rồi anh ta chạy đi đến gần vua. Lúc bấy giờ, trong quốc lộ ấy, nếu người nào nói: Tôi là sứ giả, thì không ai ngăn cản người ấy. Do vậy dân chúng chia ra làm hai, nhường chỗ cho anh ta đi qua. Anh ta chạy thật mau đến trước vua chụp lấy một miếng cơm từ dĩa của vua và bỏ vào miệng. Một vệ sĩ tuốt gươm ra định chém đầu anh ta. Nhưng vua ngăn cản vị ấy và nói:
– Chớ chém.
Rồi vua bảo anh ta:
– Chớ sợ gì cả, hãy ăn đi!
Sau khi rửa tay, anh ta ngồi xuống. Cuối bữa ăn, vua cho anh ta uống nước và ăn trầu của vua, rồi hỏi:
– Này người kia, vậy ngươi là sứ giả của ai?
– Thưa Ðại vương, tôi là sứ giả của lòng tham. Tôi là sứ giả của Ðại vương. Chính lòng tham sai tôi đến đây.
Nói vậy xong, anh ta đọc hai bài kệ:
Vì mục đích cái bụng,
Người ta đi thật xa,
Ði đến cả kẻ thù,
Ðể cầu xin ân huệ,
Tôi đây là sứ giả
Của chính cái bụng mình.
Xin chớ phẫn nộ tôi,
Ôi, chúa tể vương xa,
Suốt cả ngày lẫn đêm,
Mọi người trên đời này,
Ðều rơi vào uy lực
Của cái bụng tham ăn.
Vua nghe nói vậy liền phán:
– Sự thật là vậy. Những người này là sứ giả của cái bụng. Chúng bị tham dục chi phối, nên chúng phải đi khắp nơi. Kẻ này đã nói lên thật khéo léo làm sao!
Vua bằng lòng với người ấy, và đọc bài kệ thứ ba:
Hỡi này Bà-la-môn,
Ta ban thưởng cho ông
Một ngàn con bò cái đỏ,
Một bò đực thêm vào,
Ðây là phần quà tặng
Giữa sứ giả với nhau,
Vì tất cả chúng ta
Là sứ giả cái bụng!
Nói vậy xong, vua tiếp:
– Ta vừa nghe một điều mà trước kia ta chưa từng nghe hay từng nghĩ đến do vị đại nhân này nêu ra.
Vua hoan hỉ ban cho anh ta danh vọng lớn!
*
Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Ðạo sư giảng các Sự thật, và cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo tham ăn đã đắc quả Bất lai và nhiều người khác đắc các quả kia.
Rồi ngài nhận diện tiền thân:
– Lúc bấy giờ, người tham ăn ấy là vị Tỷ-kheo tham lam này, còn vị vua thích cao lương mỹ vị là Ta vậy.
PHẨM KOSYA
Như tóc râu bị cắt…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một số Tỷ-kheo cúng dường vòng hoa tại cây bồ đề Ànanda. (câu chuyện sẽ được trình bày ở Tiền thân Kalinga, số 479).
Cây này được gọi là cây Bồ-đề Ànanda, vì Trưởng lão Ànanda đã trồng cây ấy. Tin về cây Bồ-đề được trưởng lão Ànanda trồng ở cổng tịnh xá Kỳ Viên truyền đi khắp cõi Diêm-phù-đề (Ấn độ).
Một số Tỷ-kheo ở thôn quê muốn cúng dường vòng hoa tại cây Bồ-đề Ànanda. Họ đi đến đảnh lễ bậc Ðạo Sư, và ngày hôm sau họ lại đi vào thành Xá-vệ, đến con đường bán hoa sen xanh. Nhưng không nhận được vòng hoa nào, họ liền đi đến Tôn giả Ànanda và thưa:
– Thưa hiền giả, chúng tôi muốn cúng dường vòng hoa tại cây Bồ-đề, và đi đến con đường bán hoa sen xanh, nhưng không nhận được một vòng hoa nào cả.
Vị trưởng lão nói:
– Tôi sẽ đem hoa đến.
Rồi trưởng lão đi đến con đường bán hoa sen xanh, và nhận được nhiều bó hoa sen xanh đem về cho các Tỷ-kheo ấy. Các vị này lấy các bó hoa ấy và làm lễ cúng dường cây Bồ-đề.
Biết được tin này, các Tỷ-kheo ngồi tại Chánh pháp đường nói lên lời tán thán các công đức của Trưởng lão Ànanda:
– Thưa các Hiền giả, các Tỷ-kheo ở thôn quê ít phước đức, nên đã đi đến con đường bán hoa sen xanh mà không nhận được vòng hoa nào. Còn Trưởng lão Ànanda đi đến sau lại đem về nhiều bó hoa.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông nay hội họp ở đây đang bàn luận vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay những người ăn nói khéo léo nhận được vòng hoa, mà thuở trước họ cũng đã nhận được như vậy.
Rồi bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị triệu phú. Trong thành có một hồ sen thường nở hoa. Một người có lỗ mũi sứt canh giữ cái hồ ấy.
Một hôm, một ngày hội lớn được tổ chức ở Ba-la-nại, ba người con trai của triệu phú muốn đeo vòng hoa để vui chơi lễ hội, liền bảo nhau:
– Chúng ta sẽ tán tỉnh con người bị sứt mũi này và xin vài vòng hoa.
Vì vậy, vào giờ người ấy hái hoa sen, họ đi đến gần hồ và đứng đợi một bên. Một người trong bọn nói với người giữ hồ ấy qua bài kệ đầu:
Như tóc râu bị cắt,
Sẽ mọc lên như cũ,
Cũng vậy, lỗ mũi ông
Sẽ mọc lại như tóc,
Nay tôi xin hoa sen,
Hãy cho tôi một bông!
Người giữ hồ tức giận không cho hoa sen. Rồi người thứ hai nói lên bài kệ thứ hai với người giữ hồ ấy:
Như hột giống mùa thâu
Ðược gieo trong thửa ruộng,
Sẽ được mọc lên mau,
Cũng vậy, lỗ mũi ông
Ước mong sẽ mọc lên,
Nay tôi xin hoa sen,
Hãy cho tôi một bông!
Người giữ hồ vẫn tức giận không cho hoa sen. Rồi người thứ ba nói lên bài kệ thứ ba với người giữ hồ ấy:
Hai đứa nói nhảm nhí,
Chúng nghĩ được bông sen,
Dầu nói có, nói không,
Mũi cũng không mọc lại,
Này bạn hãy cho tôi
Hoa sen, tôi xin bạn!
Nghe lời anh ta, người giữ hồ sen nói:
– Cả hai người này đều nói láo. Chỉ có bạn nói đúng sự thật. Bạn xứng đáng được các bông sen.
Rồi người giữ hồ cho anh ta một bó hoa sen và đi về hồ của mình.
*
Khi bậc Đạo sư nói xong pháp thoại này, Ngài nhận diện tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con trai vị triệu phú nhận được hoa sen là Ta vậy.
-ooOoo-
Một bàn tay mềm mại…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. Khi Tỷ-kheo ấy được đưa đến Chánh pháp đường, bậc Ðạo Sư hỏi:
– Có thật chăng ông thối thất tinh tấn?
Vị ấy trả lời:
– Có thật vậy.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, không thể nào canh giữ nữ nhân khỏi chạy theo dục vọng của chúng. Ngay cả các bậc hiền trí thuở xưa cũng không thể canh giữ các con gái của họ. Dầu chúng đứng nắm tay cha, chúng vẫn chạy trốn theo người tình mà cha chúng không biết!
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát tái sanh ra làm con hoàng hậu chánh cung. Ðến tuổi trưởng thành, Bồ-tát học các tài nghệ ở Takkasilà, và khi phụ vương mệnh chung, ngài được đặt lên vương vị và trị nước đúng pháp.
Bồ-tát nuôi dưỡng con gái mình và con trai của người chị trong nội cung. Một hôm, vua nói với đình thần:
– Sau khi trẫm qua đời, cháu trai trẫm sẽ làm vua và con gái trẫm sẽ làm hoàng hậu chánh cung.
Sau một thời gian, khi cả hai đều khôn lớn, Bồ-tát ngồi nói với các đình thần:
– Trẫm sẽ đem về một công chúa khác cho cháu trai và sẽ gả con gái trẫm cho một hoàng gia khác. Như vậy chúng ta sẽ có nhiều bà con.
Các đình thần đều đồng ý.
Bồ-tát gởi cháu trai ra ở ngoài và ngăn cấm chàng ra vào nội cung. Nhưng cả hai người ấy đã thương yêu nhau. Chàng trai nghĩ: “Không biết có phương tiện gì đem công chúa ra ngoài? À có phương tiện này”. Chàng trai đem cho bà vú một món quà, bà vú hỏi:
– Thưa hoàng tử, cần phải làm gì?
Hoàng tử đáp:
– Này vú, làm thế nào để chúng tôi có cơ hội đưa nàng ra ngoài?
– Lành thay, thưa hoàng tử. Ðể tôi nói với công chúa rồi sẽ cho hoàng tử biết sau.
– Lành thay, thưa vú.
Rồi vú đi đến công chúa và nói:
– Hãy để tôi bắt những con chấy trên đầu công chúa.
Rồi bà đặt công chúa ngồi xuống một chiếc ghế thấp, và bà ngồi xuống một chiếc ghế cao hơn và kê đầu công chúa trên bắp vế của mình. Trong khi bắt chấy, bà lấy móng tay gãi đầu công chúa. Công chúa hiểu: “Người này không gãi với móng tay của mình mà gãi với móng tay của hoàng tử, con trai của cô ta.” Vì vậy, công chúa hỏi:
– Này vú, vú có đi đến gặp hoàng tử không?
– Thưa công chúa, có!
– Hoàng tử đã nói gì với vú?
– Thưa công chúa, hoàng tử hỏi có phương tiện gì để đưa công chúa ra ngoài.
Công chúa nói:
– Nếu hoàng tử là người hiền trí, hoàng tử sẽ biết.
Rồi công chúa đọc lên bài kệ đầu. Ðọc xong, nàng nói:
– Này vú, hãy học thuộc bài kệ này và nói lại cho hoàng tử:
Một bàn tay mềm mại,
Con voi khéo huấn luyện,
Và đêm tối trời mưa,
Ấy là thời thích hợp.
Bà vú học thuộc lòng bài kệ ấy rồi đi đến hoàng tử. Chàng hỏi:
– Này vú, công chúa nói gì?
Bà đáp:
– Không nói gì khác, chỉ gửi bài kệ này. Và bà vú đọc bài kệ. Chàng hiểu ý bài kệ liền nói với bà vú:
– Thôi vú hãy về đi.
Hoàng tử biết đúng đắn ý nghĩa bài kệ này, liền tìm một người hầu trẻ đẹp trai, có bàn tay mềm mại, và chuẩn bị công việc. Chàng lại hối lộ người nài giữ vương tượng huấn luyện con voi ấy trở thành bình thản, rồi hoàng tử ngồi chờ đợi thời cơ đến.
Ðến ngày trai giới Bồ-tát thuộc phần đêm tối trời, ngay sau canh giữa, mưa rơi xuống từ một đám mây đen dày đặc. Hoàng tử nghĩ: “Ðây là ngày công chúa muốn nói”, rồi chàng leo lên con voi, đặt người hầu trẻ có bàn tay mềm mại ấy ngồi trên lưng voi và ra đi. Ở phía đối diện cung vua, hoàng tử cho cột con voi vào bức tường lớn của cái sân chầu rộng, rồi chàng đứng ở cửa sổ với thân bị ướt đẫm nước mưa.
Bấy giờ vua canh giữ công chúa, không cho phép nàng ngủ chỗ nào khác, trừ một chiếc giường nhỏ gần vua. Công chúa nghĩ: “Hôm nay hoàng tử sẽ đến”, vì vậy, nàng nằm xuống nhưng không ngủ. Rồi công chúa nói:
– Thưa cha thân, con muốn tắm!
Vua nói:
– Hãy đi, này con thân.
Vua nắm tay công chúa, dắt đến gần cửa sổ, và nói:
– Hãy tắm đi con!
Rồi vua bồng công chúa lên, đặt công chúa trên bệ đá hình hoa sen ở ngoài cửa sổ, và nắm một tay công chúa.
Trong khi đang tắm, công chúa đưa tay cho hoàng tử. Hoàng tử cởi các chiếc vòng từ tay công chúa đeo vào tay người hầu trẻ, rồi bồng chàng trai trẻ ấy lên, đặt anh ta trên chỗ tượng hoa sen bên cạnh công chúa. Nàng nắm tay người hầu trẻ ấy và đặt nó vào tay của phụ vương. Vua nắm tay anh ta và thả tay kia của mình và đeo chúng vào tay kia của người hầu trẻ, rồi đặt bàn tay ấy vào tay phụ vương và đi theo hoàng tử.
Nhà vua cứ tưởng rằng người hầu trẻ ấy là con gái mình! Và khi tắm xong, vua cho anh ta nằm trên long sàng, đóng cửa và niêm lại, sau đó đặt một người canh rồi vua đi ngủ.
Vào sáng hôm sau, vua mở cửa thấy cậu trai trẻ liền hỏi:
– Sao lại thế này?
Cậu liền kể cách đi trốn của công chúa với hoàng tử! Vua rất thất vọng suy nghĩ: “Dầu ta có nắm tay, cũng không thể canh giữ nữ nhân khỏi trốn được. Như vậy, không ai có thể canh giữ nỗi đàn bà”.
Rồi vua đọc bài kệ khác.
Dầu lời nói dịu dàng
Chúng không hề biết đủ,
Chúng chìm, chìm sâu xuống,
Rất khó làm đầy tràn,
Ðàn ông hãy lánh xa,
Chạy trốn chúng thật xa!
Nếu chúng phục vụ ai,
Vì dục hay tiền tài,
Chúng thiêu sạch người ấy,
Như chất đốt trong lửa.
Nói vậy xong, Bồ-tát thêm:
– Ta phải nâng đỡ cháu trai ta.
Rồi vua làm lễ gả công chúa cho hoàng tử thật long trọng vinh hiển và đặt hoàng tử lên chức phó vương. Khi người cậu tức vua cha mạng chung, chàng lên kế vị.
*
Khi bậc Ðạo sư kể Pháp thoại này. Ngài thuyết giảng các sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo thối thất đã đắc quả Dự lưu. Và Ngài nhận diện tiền thân:
– Lúc bấy giờ, nhà vua là Ta vậy.
-ooOoo-
Không phải rẽ nước biển…,
Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. Khi Tỷ-kheo ấy được đưa đến Chánh pháp đường, bậc Ðạo Sư hỏi:
– Có thật chăng ông thối thất tinh tấn?
Vị ấy trả lời:
– Sự thật là vậy.
Bậc Ðạo sư nói:
– Các nữ nhân làm uế nhiễm ngay cả các bậc thanh tịnh thuở xưa.
Rồi Ngài kể chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, vua không có con trai. Vua nói với các cung phi của mình:
– Hãy cầu nguyện để sanh con trai.
Và họ liền cầu tự.
Như vậy một thời gian dài trôi qua, Bồ-tát từ Phạm thiện giới đi xuống và nhập thai của bà hoàng hậu chánh cung. Vừa sanh xong, sau khi tắm, Bồ-tát được đưa cho một người vú khác. Khi chạm tay nữ nhân, Bồ-tát lại khóc, không giữ im lặng. Rồi Bồ-tát được đưa cho một người hầu đàn ông. Vừa được người đàn ông ấy bồng hài nhi liền im lặng.
Từ đấy trở đi, chỉ những người đàn ông ẵm hài nhi qua lại. Khi bú sữa, họ nặn sữa rồi cho Bồ-tát uống, hay đặt một cái màn giữa hài nhi và bà vú. Sau một thời gian, Bồ-tát lớn lên, nhưng vẫn không thể nhìn nữ nhân. Vua cha làm cho Bồ-tát một chỗ ngồi riêng biệt và một thiền thất riêng biệt.
Khi Bồ-tát lên mười sáu tuổi, vua suy nghĩ: “Ta không có một con trai nào khác. Còn đứa con trai này lại không hưởng thụ các dục, không muốn cai trị vương quốc. Thật sự ta có đứa con trai như vậy để làm gì?”
Bấy giờ, một kỹ nữ giỏi về múa, hát và nhạc, trẻ tuổi, có khả năng quyến rũ những người đàn ông mà nàng gần gũi. Nàng đến hầu vua và thưa:
– Tâu Thiên tử, ngài đang nghĩ gì vậy?
Vua kể lại sự việc ấy. Nàng kỹ nữ thưa:
– Tâu thiên tử, hãy yên tâm! Thiếp sẽ quyến rũ hoàng tử và làm cho hoàng tử nếm hương vị của ái tình.
– Nếu Nàng có thể quyến rũ con ta, một hoàng tử không hề biết đến hương vị đàn bà, thì khi con ta làm vua, nàng sẽ làm hoàng hậu!
Nàng kỹ nữ ấy nói:
– Tâu Thiên tử, trách nhiệm ấy là của thiếp. Thiên tử chớ lo lắng!
Nói xong, nàng kỹ nữ đi đến những người đàn ông canh gác và nói:
– Sáng sớm tôi sẽ đến đứng ở ngoài thiền thất gần phòng hoàng tử nằm và tôi sẽ hát! Nếu hoàng tử tức giận, hãy nói cho tôi biết, tôi sẽ bỏ đi. Nhưng nếu hoàng tử lắng nghe thì hãy khen ngợi tôi.
Họ bằng lòng.
Sáng hôm sau, nàng đến đứng tại chỗ ấy và cất tiếng hát với giọng ngọt lịm. Rồi tiếng đàn êm dịu trổi lên không kém gì tiếng hát ngọt ngào. Hoàng tử nằm lắng nghe. Ngày kế đó hoàng tử bảo kỹ nữ ấy đứng gần và hát; ngày kế nữa, chàng bảo nàng đứng trong thiền thất và hát. Ngày kế nữa, chàng bảo nàng đứng gần mình và hát. Như vậy, dần dần dục vọng khởi lên trong lòng hoàng tử và hoàng tử đi theo thói thường của người đời, biết được hương vị của ái tình, đến độ hoàng tử cầm gươm và dọa:
– Ta không cho phép một ai khác thấy nữ nhân này!
Hoàng tử chạy ra ngoài đường, đuổi theo các người đàn ông. Vua truyền bắt hoàng tử và thiếu nữ kia rồi đuổi họ ra khỏi thành.
Hai người đi vào rừng, xuống hạ lưu sông Hằng. Tại đó một bên là sông Hằng, một bên là biển, họ dựng lên am thất sống với nhau. Thiếu nữ ngồi trong chòi lá nấu các củ và rau. Còn Bồ-tát mang củ quả từ rừng về.
Một hôm, trong khi Bồ-tát đi tìm quả trong rừng, một ẩn sĩ khổ hạnh từ một đảo trên biển đi ngang qua hư không để tìm đồ ăn khất thực, thấy khói, liền hạ xuống trước am thất. Thiếu nữ ấy nói:
– Hãy ngồi chờ cho đến khi nấu xong.
Nàng mời vị khổ hạnh ấy ngồi xuống, và lấy vẻ duyên dáng của phụ nữ quyến rũ vị ấy, làm vị ấy không thể thiền định và mất Phạm hạnh. Vị tu khổ hạnh ấy giống như con quạ gẫy cánh không thể từ bỏ nàng, trọn ngày đứng tại đấy. Khi thấy Bồ-tát đi về, vị ấy liền chạy ra hướng biển thật mau. Bồ-tát nghĩ: “Ðây chắc là một kẻ thù”, liền rút kiếm đuổi theo, còn vị tu khổ hạnh làm cử chỉ như muốn bay, liền rơi xuống biển. Bồ-tát suy nghĩ: “Vị khổ hạnh này có lẽ đã đến đây ngang qua hư không, nay bị thối thất thiền định nên rơi xuống biển. Ta phải cứu vị ấy!” Vì vậy, vừa đứng trên bờ biển, Bồ-tát đọc những bài kệ này:
Không phải rẽ nước biển,
Nhưng với thần thông lực
Ngài du hành qua đây
Vào buổi mai thật sớm,
Liên hệ ác nữ thần,
Ngài phải chìm xuống biển.
Làm mọi người thối thất,
Ðầy mê hoặc huyễn ảo,
Quyến rũ người thanh tịnh
Khiến họ chìm dần xuống.
Kẻ trí biết nữ thần,
Nên xa lánh, từ bỏ.
Nữ nhân phục vụ ai
Vì dục hay tiền tài,
Chúng đốt sạch người ấy
Như lửa thiêu hủy củi!
Nghe lời Bồ-tát nói vậy, vị tu khổ hạnh đứng giữa biển làm phát khởi thiền lực đã mất, và bay lên hư không, rồi đi về trú xứ của mình. Bồ-tát suy nghĩ: “Vị tu khổ hạnh này với gánh nặng như vậy, đã bay lên hư không như một nhúm bông. Ta cũng phải làm phát khởi thiền lực như vị ấy để có thể bay lên hư không”.
Vì vậy, Bồ-tát về am dẫn nữ nhân ấy trở lại với quần chúng rồi bảo nữ nhân ấy ra đi, còn mình lui vào rừng, dựng am thất tại một nơi xinh tốt, và làm vị ẩn sĩ. Ngài chọn đề tài thiền định, rồi đạt các Thắng trí và các Thiền Chứng, về sau được sanh lên Thiên giới.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo thối thất đã đắc quả Dự Lưu. Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, hoàng tử không hề liên hệ với nữ thần là Ta vậy.
PHẨM BA BÀI KỆ
Vua Panàda có cung điện ấy…,
Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài ghé đến bên bờ sông Hằng, về thần thông của Trưởng lão Bhaddaji.
Một dịp khác, khi bậc Ðạo Sư đã an cư mùa mưa ở Xá vệ, Ngài nghĩ nên ban ân đức cho một trưởng giả trẻ tuổi tên Bhaddaji. Vì thế, Ngài cùng các Tỳ-kheo lên đường tới thành Bhaddiya và ở lại đó ba tháng trong rừng Jàtiyà, chờ đợi cho đến khi chàng trai ấy thuần thục và kiện toàn về tri thức.
Bấy giờ thanh niên Bhaddaji là một nhân vật cao sang, Con trai độc nhất của một phú thương ở Bhaddaiya hưởng một gia tài tám trăm triệu đồng. Chàng có ba ngôi nhà dùng cho ba mùa khác nhau, mỗi mùa chàng ở bốn tháng trong một ngôi nhà. Sau thời kỳ ở trong một ngôi nhà, chàng cùng với bà con bạn bè dời đến một ngôi nhà khác trong cảnh xa hoa lộng lẫy. Vào các dịp này, cả thành phố thường nô nức đi xem cảnh sang trọng của chàng thanh niên ấy và giữa các ngôi nhà ấy, người ta thường dựng lên biết bao chỗ ngồi theo hình vòng tròn, hàng hàng lớp lớp chồng chất lên nhau.
Sau khi đã trú nơi kia được ba tháng, bậc Ðạo Sư báo cho dân trong thành biết Ngài định ra đi. Dân trong thành xin Ngài hãy nán lại đến ngày mai. Thế là hôm sau, họ góp đủ thứ tặng vật để cúng dường đức Phật và các Tỷ-kheo, đệ tử của Ngài. Họ dựng một cái rạp ở giữa thành phố, trang hoàng đẹp đẽ, sắp xếp các chỗ ngồi rồi thông báo rằng đã đến giờ. Bậc Ðạo Sư cùng đoàn Tỷ-kheo thứ lớp đến ngồi vào đó. Mọi người đều đến cúng dường rất hào phóng. Khi thọ thực xong, bậc Ðạo Sư với giọng ngọt ngào như mật, đã nói lời tùy hỷ công đức với họ.
Vào lúc này, thanh niên Bhaddaji đang từ một ngôi nhà của chàng dời sang ngôi nhà khác. Nhưng hôm đó chẳng có ma nào đến ngắm vẻ lộng lẫy rực rỡ của chàng ngoài những người nhà của chàng. Vì thế chàng hỏi những người của chàng vì sao như thế. Thường thường tất cả thành phố đều nô nức xem chàng đi từ nhà này qua nhà nọ, các chỗ ngồi đã được sắp đặt vòng này trên vòng nọ, dãy này trên dãy kia; ấy thế mà bây giờ chẳng có ai cả ngoài những kẻ tùy tùng của riêng chàng! Lý do gì như vậy?
Chàng được trả lời:
– Thưa chủ nhân, đức Phật đã ở suốt ba tháng gần thành phố và hôm nay Ngài ra đi. Ngài vừa thọ thực xong và đang thuyết pháp. Cả thành phố đều đang ở đó nghe Ngài dạy.
Chàng nói:
– Tốt lắm, chúng ta cũng sẽ đến đó nghe Ngài.
Thế rồi chàng trang sức lộng lẫy cùng với số đông tùy tùng đứng ở mé ngoài đám đông. Khi chàng nghe thuyết pháp, chàng vứt bỏ hết mọi tham dục cấu uế, đắc quả vị cao rồi đạt Thánh quả.
Bậc Ðạo Sư bảo vị thương gia thành Bhaddiya:
– Thưa ngài, con trai của ngài trông vẻ xa hoa, khi nghe Ta thuyết pháp đã trở thành một bậc Thánh; chính ngày hôm nay, vị ấy hoặc sẽ sống đời tu hành, hoặc sẽ nhập Niết-bàn.
– Bạch Thế Tôn, vị thương gia nói – Tôi không muốn con tôi nhập Niết-bàn. Xin Ngài chấp nhận cho nó xuất gia. Rồi ngày mai, xin thỉnh Ngài cùng với nó đến nhà tôi.
Thế Tôn nhận lời mời ấy. Ngài đưa vị trưởng giả trẻ tuổi đến tịnh xá, nhận chàng vào giáo đoàn, sau đó thọ tiểu giới và đại giới. Suốt một tuần, cha mẹ của chàng trai ấy tiếp đãi chàng rất nồng hậu.
Sau bảy ngày như thế, bậc Ðạo Sư mang chàng theo khi đi khất thực, đến một ngôi làng tên là Koti. Dân làng Koti kính cẩn cúng dường đức Phật và đệ tử của Ngài. Sau khi thọ thực xong, bậc Ðạo Sư nói lời tùy hỷ. Trong lúc ấy, chàng trưởng giả đi ra khỏi làng, ngồi bên một bến của sông Hằng dưới một gốc cây mà trầm tư quán tưởng và nghĩ rằng khi nào bậc Đạo Sư đến, chàng sẽ đứng lên. Khi các Trưởng lão cao niên nhất đến gần, chàng vẫn không đứng dậy, nhưng khi bậc Ðạo Sư đến thì chàng đứng lên ngay.
Những người chưa hiểu đạo lấy làm bất bình vì chàng xử sự như thể một Tỷ-kheo thuộc hàng trưởng thượng, chàng đã không đứng dậy khi thấy các Trưởng lão cao niên nhất đến gần.
Dân làng làm những chiếc bè để đức Phật và các Tỷ-kheo sang sông. Sau đó bậc Ðạo Sư hỏi xem Bhaddaja ở đâu.
– Bạch Ngài, kia kìa.
– Ðến đây Bhaddaji, hãy lên bè của Ta.
Trưởng lão đứng lên, theo Ngài đến chiếc bè của Ngài. Khi bè ra tới cửa sông, bậc Ðạo Sư hỏi Bhaddaji:
– Này Bhaddaji, đâu là cung điện mà ông đã ở lúc Ðại vương Panàda là vua?
Bhaddaji đáp:
– Thưa ở đây, phía dưới nước.
Những kẻ chưa hiểu đạo bảo với nhau:
– Trưởng lão Bhaddaji đang tỏ ra mình là một vị Thánh đấy!
Sau đó bậc Ðạo Sư bảo vị ấy hãy đánh tan mối nghi ngờ của các bạn đồng tu.
Lập tức, Trưởng lão cúi mình đảnh lễ bậc Ðạo Sư, và do thần lực, ông nắm toàn bộ khối cung điện trên đầu ngón tay rồi bay vụt lên không, mang theo cả tòa cung điện (bao trùm một khoảng tới hai mươi lăm dặm). Sau đó ông tạo một lỗ hổng bên trong và xuất hiện trước những chúng sanh đang có mặt trong cung điện dưới nước rồi tung cả tòa lâu đài lên khỏi mặt nước một dặm, rồi hai, rồi ba dặm. Những ai từng là bà con thân thích của ông trong tiền kiếp kia vì quá yêu thích cung điện ấy, nay đã trở thành cá, rùa, rắn nước, cóc nhái sinh ra ngay tại nơi ấy.
Bây giờ khi cả tòa cung điện bị tung lên, chúng giãy giụa lăn lóc cả ra ngoài rồi rơi bì bõm xuống nước lại. Bậc Ðạo Sư thấy thế liền bảo:
– Này Bhaddaji các bà con thân thích của ông đang khốn đốn đấy!
Nghe Ngài dạy thế, Trưởng lão liền thả cả tòa cung điện ra, và nó chìm xuống tại chỗ cũ trước đây.
Bậc Ðạo Sư đã sang bên kia sông Hằng. Hội chúng sửa soạn cho Ngài một chỗ trên bờ. Ðức Phật ngồi vào chỗ ấy giống như mặt trời ban mai đang phóng ra những tia sáng. Bấy giờ, các Tỷ-kheo hỏi Ngài rằng Trưởng lão Bhaddaji đã ở trong tòa cung điện ấy vào thời nào. Bậc Ðạo Sư trả lời:
– Vào thời Ðại vương Panàda.
Rồi Ngài kể cho hội chúng nghe một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa có một ông vua tên Suruci trị vì ở Mithilà, một thành phố trong vương quốc Videha. Vua có một con trai cũng tên Suruci, rồi lại có thêm một con trai nữa tên là Ðại Panàda. Họ làm chủ cung điện kia, do một nghiệp trong tiền kiếp. Có hai cha con dựng một túp lều lá cùng các cành cây sung làm nơi cư trú dành cho một vị Ðộc Giác Phật.
Phần còn lại của câu chuyện sẽ được kể trong Tiền thân Suruci số 489, Chương Mười bốn.
*
Sau khi kể xong Pháp thoại, bậc Ðạo Sư với trí tuệ toàn hảo, đọc lên các bài kệ sau:
Vua Pa-nà-da có cung điện ấy
Mười sáu ngàn tầm rộng, một ngàn cao,
Ngàn tầm cao, cờ xí rợp muôn màu,
Ngọc bích kết cả trăm tầng lầu các.
Sáu ngàn văn công tới lui chơi nhạc
Gồm bảy ban, vẫn múa hát đồng thời,
Bhad-da-ji đã nói, đúng như lời:
– Tâu Ðế Thích, nô tài chờ thượng lệnh.
Bấy giờ, những kẻ chưa hiểu đạo không còn nghi ngờ gì nữa.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy Bhaddaji là Ðại vương Panàda, còn Ta là Ðế Thích.
-ooOoo-
Khi nhiều cung bắn vèo tên tới…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên (Jetavana), về một Tỷ-kheo mất hết mọi năng lực tinh tấn.
Bậc Ðạo Sư hỏi có thật Tỷ-kheo ấy đã mất năng lực tinh tấn không. Vị ấy trả lời thật như thế. Bậc Ðạo Sư bảo:
– Tại sao ông lại còn thối thất sau khi đã thọ trì giáo lý giải thoát này? Ngày xưa, các trí giả đã rất tinh tấn ngay cả trong những sự việc không đưa đến giải thoát.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình của một người kiểm lâm. Khi lớn lên, ngài đứng đầu một đoàn gồm năm trăm người kiểm lâm sống trong một ngôi làng, tại lối vào một khu rừng. Ngài thường đứng ra tự nhận dẫn mướn cho những ai muốn qua khu rừng ấy.
Một hôm, có một người ở Ba-la-nại, con của một thương gia, đến ngôi làng ấy cùng với một đoàn gồm năm trăm xe chở hàng. Ông ta gọi Bồ-tát đến, trao cho ngài một ngàn đồng để được ngài dẫn qua khu rừng. Ngài chấp thuận và nhận tiền từ tay thương gia ấy. Cầm tiền xong, Bồ-tát tự xem là đã hiến đời mình để phục vụ vị thương gia. Thế rồi ngài dẫn ông ta đi qua khu rừng.
Vào đến giữa rừng, năm trăm tên cướp đột nhiên xuất hiện. Cả đoàn hộ tống vừa thấy bọn cướp này đã quỳ mọp xuống ngay. Chỉ riêng người trưởng đoàn kiểm lâm la hét lên, nhảy vọt tới và đánh đấm, đuổi được tất cả năm trăm tên cướp chạy trốn để cho vị thương gia kia an toàn thoát khỏi khu rừng.
Qua khỏi khu rừng, thương gia ấy cho cả đoàn cắm trại. Ông cho người trưởng đoàn kiểm lâm ăn những miếng thịt đủ loại ngon nhất và chính ông cũng ăn cho khỏi cơn đói. Ông vui vẻ ngồi bên cạnh người trưởng đoàn và bảo:
– Hãy nói cho tôi biết, làm sao trước cả năm trăm tên cướp đầy đủ khí giới trên tay bao vây dày đặc thế kia, người không cảm thấy chút sợ hãi gì trong lòng thế?
Rồi ông ta đọc bài kệ thứ nhất:
Khi nhiều cung bắn vèo tên tới,
Nhiều bàn tay đưa lưỡi thép gần,
Trước hàng hung hãn Tử-thần,
Sao người chẳng sợ giữa cơn hiểm nghèo?
Nghe thế, người kiểm lâm đọc hai bài kệ sau đây:
Khi nhiều cung bắn vèo tên tới,
Nhiều bàn tay đưa lưỡi thép gần,
Trước hàng hung hãn Tử-thần,
Hôm nay tôi thấy ngập tràn niềm vui.
Niềm vui ấy cho tôi thắng lợi,
Tôi liều thân nếu tới lúc cần,
Hành vi dũng liệt muốn toàn,
Làm anh hùng, phải coi thường đời ta!
Ngài phát biểu những lời trên như một trận mưa tên. Sau khi đã giải thích việc làm anh dũng của mình do đã thoát khỏi lòng ham sống, Bồ-tát từ giã thương gia trẻ tuổi ấy và quay về ngôi làng của mình. Suốt đời bố thí và hành thiện sự, khi mệnh chung, Ngài đi theo nghiệp của mình.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, Ngài tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, vị Tỷ-kheo thối thất ấy đắc Thánh quả.
Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Ta là trưởng đoàn kiểm lâm ấy.
-ooOoo-
Mẹ chàng vì ốm o vàng vọt..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên, về một người chủ đất.
Tại Xá-vệ, người ta nghe nói một phụ nữ xinh đẹp thấy chàng này cũng đẹp trai liền đem lòng yêu. Nỗi say mê bừng lên như một ngọn lửa đốt cháy khắp thân thể nàng. Nàng mất hết tri giác, cả thân lẫn tâm, nàng chẳng thiết gì ăn uống, chỉ nằm rũ liệt trên giường.
Các bạn bè và tỳ nữ hỏi vì sao nàng lại phải rối loạn tâm can đến nỗi phải nằm rũ liệt trên giường thế kia. Họ muốn biết nguyên nhân vì sao như vậy. Ban đầu, nàng không chịu trả lời nhưng vì họ cứ thúc ép mãi, nàng đành phải thú thật sự việc.
– Chị đừng buồn, chúng tôi sẽ mang chàng lại cho chị!
Họ bảo như vậy, rồi họ đến nói chuyện với người đàn ông kia. Lúc đầu chàng từ chối nhưng rồi họ cứ năn nỉ mãi nên cuối cùng chàng chấp thuận. Thế là họ được chàng hứa sẽ đến với nàng kia vào ngày, giờ đã định. Họ liền thuật lại cho nàng nghe.
Nàng sửa soạn phòng ốc, mặc quần áo thật đẹp rồi ngồi trên giường chờ chàng đến. Chàng ngồi xuống bên cạnh nàng, bấy giờ nàng bỗng suy nghĩ: “Nếu ta chấp thuận lời chàng tán tỉnh ngay lập tức và tự hạ giá mình thì lòng tự trọng cao của ta sẽ bị dẹp bỏ. Ngày buổi đầu tiên mà để chàng làm theo ý chàng thì thật là không thích hợp. Thôi hôm nay mình cứ làm vẻ khó tính rồi sau này sẽ nhượng bộ”.
Thế là ngay khi chàng mới chạm vào nàng bắt đầu tỏ vẻ âu yếm suồng sã, nàng liền chụp lấy tay chàng và nghiêm nghị trách cứ chàng, bảo chàng đi ra, vì nàng không thích chàng. Chàng giận dữ rút lui và ra khỏi nhà.
Khi các phụ nữ kia biết được sự việc nàng đã làm và thấy rằng người đàn ông kia đã ra đi, thì họ trách nàng:
– Này chị, chị đã yêu người ta đến nỗi phải nằm liệt giường, chẳng thiết gì ăn uống, và chúng tôi cũng đã phải khó khăn lắm mới thuyết phục được chàng để cuối cùng mang chàng đến với chị, thế mà chị chẳng có gì để nói với chàng cả!
Nàng nói cho họ biết tại sao, họ liền bỏ đi và cảnh cáo rằng nàng sẽ bị người ta bàn tán.
Người đàn ông kia chẳng bao giờ đến với nàng nữa. Khi nàng nhận ra rằng nàng đã mất chàng, nàng bỏ cả ăn mà chết. Khi người đàn ông kia được tin nàng chết, chàng mang một bó hoa dầu thơm, hương liệu đến Kỳ Viên. Tại đó, chàng đảnh lễ bậc Ðạo Sư rồi ngồi xuống bên Ngài.
Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này cư sĩ, làm sao mà chúng ta chẳng hề thấy ông đến đây vậy?
Chàng kể lại cho Ngài nghe toàn bộ câu chuyện và thêm rằng lâu nay chàng tránh đến hầu đức Phật vì chàng hổ thẹn. Bậc Ðạo Sư dạy:
– Này cư sĩ, người phụ nữ kia cho mời ông đến là do lòng say mê của nàng, thế rồi nàng chẳng muốn liên hệ gì với ông cả, lại xua đuổi ông đi khiến ông tức giận, và cũng đúng như thế, xưa kia nàng cũng đã yêu thương nhiều bậc trí giả, kêu gọi họ đến và khi họ đến thì lại chẳng muốn liên hệ gì với họ, cứ làm phiền nhiễu họ như vậy rồi xua đuổi họ đi.
Thế rồi do yêu cầu của vị ấy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi Brakmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là một con ngựa Sindh. Nó được đặt tên là Tốc-như-phong (nhanh như gió) và là con ngựa nghi lễ của vua.
Những người nài thường đem nó đi tắm ở sông Hằng. Nơi đây, một con lừa cái trông thấy nó liền đem lòng yêu nó. Rung động vì nỗi say mê, con lừa cái bỏ cả ăn uống, hao mòn tiều tụy, gầy ốm đến độ chỉ còn xương với da. Một trong những con lừa con của nó thấy mẹ tiều tụy như thế liền hỏi:
– Thưa mẹ, sao mẹ chẳng ăn uống gì cả, sao mẹ lại quá tiều tụy và nằm run rẩy một nơi thế kia? Có chuyện gì thế hở mẹ?
Con lừa cái chẳng nói gì, nhưng con nó cứ hỏi đi hỏi lại mãi, nó mới kể hết chuyện cho con nghe. Thế rồi con lừa con an ủi mẹ:
– Thưa mẹ, mẹ chớ sầu bi, con sẽ mang chú ngựa ấy đến cho mẹ.
Thế rồi khi ngựa quý Tốc-như-phong xuống tắm, chú lừa con đến gần nó và nói:
– Thưa ngài, mẹ tôi yêu ngài: bà chẳng ăn uống gì cả và đang hao mòn sắp chết. Xin hãy cứu sống mẹ tôi!
– Ðược rồi, này bạn, tôi sẽ cứu mẹ bạn. Tốc-như-phong bảo. Khi tôi tắm xong, các anh nài sẽ để tôi thao dượt một chốc bên bờ sông, bạn hãy mang mẹ bạn đến đấy.
Chú lừa con đi kiếm mẹ và đưa mẹ đến nơi ấy, rồi chú núp gần đó.
Người nài để Tốc-như-phong duỗi chân chạy. Nó dò tìm con lừa cái và đến với con kia.
Tốc-như-phong đến gần nó và bắt đầu đưa mũi ngửi. Con lừa cái tự nghĩ: “Nếu ta tự hạ mình và cứ để cho chàng làm theo ý chàng trong lúc chàng vừa mới đến, thì danh dự và lòng tự cao của ta sẽ tiêu tan. Ta phải làm như thể mình không muốn sự việc chàng làm”. Vì thế, nó đã làm vỡ hàm Tốc-như-phong và suýt giết chết chàng ngựa! “Nàng làm gì ta thế?”. Tốc-như-phong tự nghĩ, cảm thấy xấu hổ rồi bỏ chạy đi.
Thế rồi con lừa cái hối hận, nằm vật ra đầy đau khổ. Chú lừa con đến gần và hỏi mẹ như sau:
Mẹ vì chàng ốm o vàng vọt,
Mẹ vì chàng chẳng chút uống ăn.
Ngựa yêu kia mới đến gần,
Cớ sao mẹ bỗng đâm sầm phóng đi?
Nghe con bảo thế, con lừa đọc bài kệ thứ hai:
Chàng kia đến một khi kề sát,
Nếu ban đầu nhường bước tức thời,
Tiêu ma giá ngọc cao vời,
Cho nên mẹ phải vội dời chân ngay!
Qua những lời này, con lừa giải thích bản tính đàn bà cho con trai hiểu.
Bậc Ðạo Sư với Tuệ giác Toàn hảo, đọc bài kệ thứ ba:
Nếu từ chối chàng trai sang trọng
Ðến bên nàng mong ngóng yêu đương,
Nàng đành dằng dặc sầu thương,
Như Công-đa-lợi đau buồn Như phong!
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế. Cuối bài giảng Tứ Ðế, người chủ đất kia đắc quả Dự Lưu.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Người phụ nữ thời ấy là con lừa cái, còn Ta là con ngựa quý Tốc-như-phong.
-ooOoo-
Con vật càng vàng, lồi cặp mắt..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể lúc Ngài trú tại Kỳ Viên, về một phụ nữ.
Người ta nghe nói một người chủ đất ở Xá-vệ cùng với vợ đi về quê để thâu tiền nợ thì bị bọn cướp vây bắt. Người vợ vốn rất xinh đẹp và khả ái. Tên tướng cướp bị cuốn hút bởi sắc đẹp của nàng, có ý định giết người chồng để chiếm lấy nàng. Nhưng nàng lại là một phụ nữ đoan trang đức độ, một người vợ trung kiên. Nàng phủ phục dưới chân tên cướp và kêu:
– Thưa ngài, nếu ngài giết chồng tôi vì yêu tôi, tôi sẽ dùng độc dược hoặc nín thở mà chết theo luôn! Tôi không thể sống với ngài được đâu! Xin chớ giết chồng tôi một cách vô ích. Nàng van xin tên cướp như vậy.
Cả hai vợ chồng ấy trở về Xá-vệ bình yên. Họ được dịp đi ngang tịnh xá Kỳ-Viên và họ muốn đến tham bái bậc Ðạo Sư. Vì thế họ vào Hương phòng và sau khi đảnh lễ, họ ngồi xuống bên Ngài. Bậc Ðạo Sư hỏi họ từ đâu đến.
– Chúng con đi thâu tiền nợ, họ đáp.
– Các người đi đường có bình yên không? Ngài hỏi tiếp.
– Dọc đường chúng con đã bị cướp bắt – người chồng nói. Thế rồi tên cướp muốn giết con nhưng vợ con đây đã năn nỉ xin tha cho con và con đã mang ơn nàng cứu mạng.
Bậc Ðạo Sư dạy:
– Này cư sĩ, ông chẳng phải là kẻ độc nhất được nàng cứu mạng đâu! Vào thời xưa nàng cũng đã từng cứu mạng nhiều bậc trí giả khác.
Thế rồi do yêu cầu của vị ấy, bậc Ðạo Sư kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi Brahmadatta làm vua xứ Ba-la-nại, trong dãy Hy-mã-lạp Sơn có một cái hồ rộng nơi đó có một con Cua vàng rất lớn. Vì cua sống ở đó nên nơi ấy được gọi là Hồ Cua. Con Cua lớn lắm, lớn bằng cả cái sân đập lúa. Nó có thể bắt các con voi rồi giết và ăn thịt chúng. Vì sợ nó nên chẳng voi nào dám đến gần đó để ăn đọt non.
Bấy giờ Bồ-tát đầu thai vào lòng một con voi cái là vợ của chúa voi đầu đàn sống gần Hồ Cua. Voi mẹ muốn được an toàn cho đến lúc sinh con, đã tìm đến một nơi khác trong một ngọn núi và tại đó nó đã sinh một con voi đực. Theo thời gian voi con lớn lên rất thông minh, to lớn, khỏe mạnh và thành tựu mọi mặt. Nó oai nghi, sừng sững như trái núi màu tím thẫm.
Nó chọn một con voi khác làm vợ và quyết bắt cho được con cua kia. Vì vậy cùng với vợ và mẹ, nó tìm đến đàn voi và gặp cha nó để xin đi bắt Cua.
– Con không thể làm được việc ấy đâu con ạ! Voi cha bảo.
Nhưng nó cứ nài nỉ xin phép cha mãi, cuối cùng cha nó bảo:
– Thôi được, con cứ thử xem!
Thế là chàng Voi trẻ tập hợp tất cả các voi quanh Hồ Cua lại và dẫn chúng đến gần hồ. Nó hỏi:
– Cua thường bắt voi lúc nào? Lúc voi đang đi tới hồ, hay lúc chúng đang ăn, hay lúc chúng quay trở lên?
Bọn voi đáp:
– Nó bắt lúc chúng quay trở lên.
– Ðược rồi – Voi nói – Tất cả các bạn hãy đi tới hồ và cứ ăn thứ gì tùy thích rồi quay trở lên trước, tôi sẽ theo cuối cùng đằng sau các bạn.
Ðàn voi làm theo như vậy.
Cua thấy Bồ-tát trở lên sau rốt, liền chộp lấy chân Voi, siết chặt vào càng, giống như người thợ rèn kẹp khối sắt trong đôi gọng kềm khổng lồ. Vợ Bồ-tát cũng không rời chồng, nàng vẫn đứng đó, sát bên chồng. Bồ-tát ra sức kéo nhưng vẫn không sao làm Cua nhúc nhích được. Thế rồi Cua kéo và lôi được Voi về phía mình.
Giữa lúc nguy khốn này, Voi rống lên, rống lên. Nghe tiếng rống ấy, các voi khác quá kinh hãi, vụt chạy tán loạn, kêu thét như tiếng kèn đến vung vãi phân. Ngay cả vợ Voi cũng chẳng đứng yên được và toan phóng chạy. Thế rồi để tỏ cho vợ biết mình đang bị bắt giữ và hy vọng làm cho vợ khỏi phóng chạy đi, Voi đọc lên bài kệ đầu:
Con vật càng vàng, lồi cặp mắt,
Sống hồ, trần trụi, bọc trong mai,
Tôi kêu, nó kẹp, nghe đau đớn,
Nàng hỡi, thương tôi, chớ bỏ tôi!
Nghe thế, vợ Voi quay lại đọc bài kệ thứ hai an ủi chồng:
Rời chàng, thiếp quyết chẳng khi nào,
Sáu chục năm đời, chúa tối cao,
Cả bốn phương trời đều chứng tỏ
Chẳng ai thắm thiết sánh chàng đâu!
Vợ Voi khích lệ chồng như thế và nói:
– Này bậc trượng phu, bây giờ thiếp sẽ bảo Cua kia thả chàng ra.
Rồi vợ Voi cầu xin Cua qua bài kệ thứ ba:
Trong các loài Cua ở biển xa,
Hoặc là Ner-bud, hoặc Hằng Hà,
Ngài là tối thượng, nay tôi biết,
Xin để chồng tôi được thoát ra.
Khi nàng đọc xong, lòng kiêu hãnh hung hăng của Cua bị tiếng nói phụ nữ hóa giải. Quên cả sợ, Cua nới lỏng đôi càng, thả chân con Voi ra, chẳng nghi ngờ gì đến việc Voi sẽ làm khi được thả. Thế là Voi nhấc chân lên, đạp lên lưng Cua làm cho đôi mắt Cua phải lòi ra lập tức. Voi sung sướng kêu lên.. Các con voi kia chạy lại, kẹp Cua đi, đặt Cua nằm trên đất rồi dẫm nát nó. Ðôi càng Cua bị gãy rời tả tơi. Thế rồi Hồ Cua, vì ở gần sông Hằng, bị ngập trong một cơn nước dâng. Khi nước hạ, nước rút từ hồ ra tới sông Hằng. Ðôi càng cua bị đẩy đi, bập bềnh trong nước sông Hằng. Một càng trôi ra biển, còn càng kia được mười anh em trong hoàng tộc tìm thấy khi họ đang tắm sông và họ dùng càng này làm cái trống nhỏ, gọi là Ànaka. Các thần Àsura (A-tu-la) tìm được cái càng trôi ra biển kia, và dùng nó làm trống, gọi là Àlambara. Về sau các thần Asura (A-tu-la) bị Thiên chủ Sakka đánh bại, phải chạy đi và bỏ lại cái trống. Sakka bảo giữ trống ấy để làm đồ dùng riêng. Do thế, người ta mới thường nói: “Sấm động như mây Álambara”.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế và cuối bài giảng, cả người chồng và người vợ đều đắc quả Dự Lưu. Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy, nữ cư sĩ này là con Voi cái, còn Ta chính là con Voi chồng.
-ooOoo-
Giỏi nhất trong bọn là đây..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể lúc Ngài trú ở một vùng quê gần Dakkinãgiri (Nam Sơn), về con trai của một người giữ vườn.
Sau mùa an cư, bậc Ðạo Sư rời Kỳ-Viên và đi khất thực ở một vùng gần Dakkinãgiri. Một cư sĩ mời đức Phật và đoàn Tỷ-kheo của Ngài ngồi xuống khu vườn của ông để ông dâng cơm và bánh. Sau đó ông bảo:
– Nếu có ai trong các vị muốn ngoạn cảnh thì xin cứ đi theo người giữ vườn.
Rồi ông sai người giữ vườn mời chư Tăng các trái cây mà họ thích.
Lát sau, họ đến một chỗ trống:
– Tại sao chỗ đất này trơ trụi và chẳng có cây cối gì cả thế? Họ hỏi.
Người giữ vườn đáp:
– Ðó là do con trai của một người giữ vườn đấy! Anh ta phải tưới cây con và nghĩ rằng tốt hơn là anh nên tưới nước thế nào cho hợp với độ dài của rễ cây. Vì thế, anh nhổ hết cây lên xem rễ để tùy theo đó mà tưới nước. Kết quả là nơi đây trở thành trơ trụi.
Các Tỷ-kheo trở về, kể chuyện lại cùng bậc Ðạo Sư. Ngài dạy:
– Chẳng phải chỉ bây giờ người kia mới phá hại vườn cây như vậy, trước đây anh ta cũng đã làm thế.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi một vị vua tên là Vissasena đang trị vì Ba-la-nại, một ngày lễ hội được tuyên bố. Người giữ vườn kia nghĩ rằng anh ta nên đi dự lễ, vì thế anh gọi các con khỉ sống trong khu vườn lại và dặn:
– Khu vườn này là nguồn lợi lớn cho các bạn. Nay ta muốn đi dự lễ, các bạn hãy tưới đám cây con vào ngày thứ bảy nhé.
– Vâng ạ. Chúng đáp.
Anh ta giao các bình tưới cho chúng rồi ra đi.
Bầy khỉ xách nước và bắt đầu tưới rễ cây.
Con khỉ già nhất kêu lên:
– Khoan đã! Có đủ nước luôn luôn đâu phải dễ! Chúng ta phải tính sao cho tốt. Hãy nhổ cây lên và coi kỹ độ dài của rễ, nếu cây có rễ dài, chúng phải cần nhiều nước; còn nếu cây có rễ ngắn, chúng chỉ cần một ít nước thôi!
– Ðúng thế, đúng thế.
Cả bọn khỉ đều đồng ý. Thế rồi vài con khỉ đi nhổ cây lên. Các con khác trồng chúng lại và tưới nước vào.
Bấy giờ Bồ-tát là một trưởng giả trẻ tuổi sống tại Ba-la-nại. Nhân có việc, ngài đi ngang khu vườn và thấy việc các đàn khỉ đang làm.
– Ai bảo các ngươi làm thế? Ngài hỏi.
– Trưởng đoàn của chúng tôi đấy! Bọn khỉ đáp.
– Nếu trí tuệ của trưởng đoàn đã như thế thì còn lại đám chúng bây có ra gì nữa! Ngài nói.
Và để giải thích sự việc, ngài đọc bài kệ đầu:
Giỏi nhất trong bọn là đây,
Thông minh như kiểu thế này được sao?
Khỉ kia nếu chọn tối cao,
Những tên còn lại phận nào định đây?
Nghe phê phán như vậy, bọn khỉ đọc tiếp bài kệ thứ hai:
Lời kia, người cũng chẳng hay,
Thế này trách cứ la rầy chúng tôi!
Nếu không biết rễ ngắn dài,
Làm sao thấy được cây trồi lớn đây?
Nghe thế Bồ-tát liền trả lời bằng bài kệ thứ ba:
Khỉ ơi, ta chẳng trách bây,
Cũng không trách bọn đó đây trong rừng.
Chủ kia mới thật điên khùng,
Ra đi giao hết cây trồng nhờ coi!
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Người phá hoại vườn cây thời ấy là con khỉ đầu đàn, còn Ta là vị trí giả kia.
-ooOoo-
Kẻ hưởng được bề ngoài duyên dáng..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ-Viên, về một cô gái, tên là Sujàta, dâu ông Cấp Cô Ðộc, con gái của vị phú thương Dhananjaya và là em út của nữ cư sĩ Visàkhà.
Cô ta về làm dâu nhà ông Cấp Cô Ðộc với lòng đầy kiêu ngạo vì nghĩ rằng cô vốn xuất thân từ một gia đình sang trọng. Cô rất bướng bỉnh, thô lỗ, nóng nảy và hung tợn. Cô từ chối các bổn phận đối với cha mẹ mới hay đối với chồng mình. Cô đi khắp nhà nói năng thô lỗ và còn đánh đập cả mọi người.
Một hôm, bậc Ðạo Sư cùng năm trăm Tỷ-kheo đến viếng ông Cấp Cô Ðộc. Mọi người ngồi xuống, vị đại thương gia ngồi bên cạnh Thế tôn và nghe Ngài thuyết pháp. Lúc ấy, Sujàta đang la mắng những người giúp việc.
Bậc Ðạo Sư ngưng nói và hỏi tiếng gì ồn ào như vậy. Vị thương gia giải thích rằng đó là con dâu thô lỗ của ông, cô ta đã không cư xử đúng đắn với chồng và cha mẹ chồng, cô chẳng hề bố thí và chẳng có điểm nào tốt cả; cô không có lòng tín thành mộ đạo, cô đi khắp nhà, la mắng suốt ngày đêm. Bậc Ðạo Sư truyền gọi cô ta đến.
Người phụ nữ kia đến và sau khi đảnh lễ bậc Ðạo Sư, cô đứng một bên. Rồi bậc Ðạo Sư hỏi cô:
– Này Sujàta, có bảy loại vợ mà một người đàn ông có thể gặp; cô thuộc về loại nào?
Cô ta trả lời:
– Bạch Thế Tôn, Ngài dạy vắn tắt quá, con không hiểu được, xin Ngài giải thích thêm.
– Ðược rồi, – bậc Ðạo Sư dạy – Hãy chú ý nghe đây.
Rồi Ngài đọc các bài kệ sau:
Tâm địa xấu, điều hay chẳng thiết,
Yêu người ngoài, lại ghét bỏ chồng,
Của tiền chồng tạo phá tan,
Vợ này Phá hoại nhà chàng xứng tên.
Vật chồng tặng do tiền mua bán,
Nghề tinh chuyên, cuốc xẻng nông gia,
Cố tình lấy cắp dần dà,
Vợ nào như thế, gọi là Tặc gian.
Quên phận sự, hung tàn lười biếng,
Lại tham lam, xấu miệng sân đầy,
Chuyên quyền với kẻ dưới tay
Mang danh là loại vợ đây Cao cường.
Còn kẻ vẫn mến thương điều tốt,
Chăm sóc chồng như một mẹ hiền,
Của tiền chồng tạo, giữ gìn,
Mẫu nghi mới gọi đúng tên vợ này.
Tôn trọng chồng cũng tày như thế
Ðàn em thơ kính nể người anh,
Nhún nhường, tuân phục chồng mình,
Vợ là Hiền muội, đúng tình chất chơn.
Kẻ luôn mừng đón chồng khi thấy
Như bạn bè sau mấy độ xa,
Hiến dâng, đức độ, nghiêm hòa,
Vợ nào như thế, gọi ra Thân bằng.
Sợ hung tàn, tâm an chịu khổ,
Chẳng cuồng si, đầy đủ kiên trì,
Chân tình, chiều chuộng mãi ghi,
Vợ kia được gọi Nô tỳ chính danh.
Này Sujàta, trên đây là bảy loại người vợ mà một người đàn ông có thể có. Ba loại người vợ bị gọi là vợ phá hoại, vợ bất lương và cao cường phu nhân sẽ tái sinh vào địa ngục. Bốn loại người vợ còn lại sẽ được sanh vào cõi trời thứ năm.
Vợ Cao cường, Tặc gian, Phá hoại,
Giận dữ hoài, chẳng biết kính ai,
Hết đời, bỏ xác, đầu thai
Xuống miền địa ngục khó ngày thoát đi.
Vợ Thân bằng, Mẫu nghi, Hiền muội,
Hoặc Nô tỳ, trong cõi đời này,
Ngoan hiền, tự chủ lâu dài,
Hết đời, bỏ xác, lên trời sống vui.
Khi bậc Ðạo Sư thuyết giảng về bảy loại người vợ như thế, Sujàta đắc quả Dự Lưu, và khi bậc Ðạo Sư hỏi rằng nàng thuộc loại vợ nào, thì nàng thưa:
– Bạch Ngài, con là kẻ nô tỳ.
Nói xong nàng cung kính đảnh lễ đức Phật và được Ngài tha thứ.
Như vậy chỉ với một lời khuyên bảo, bậc Ðạo Sư đã thuần hóa được người phụ nữ xấu tánh kia. Sau bữa ăn, Ngài tuyên thuyết về các bổn phận trong giáo hội và rồi Ngài vào Hương phòng.
Bấy giờ các Tỷ-kheo họp tại Pháp đường và ca ngợi bậc Ðạo Sư:
– Này các pháp hữu, chỉ với một lần khuyên bảo duy nhất, bậc Ðạo Sư đã thuần hóa được người phụ nữ xấu tánh kia và khiến cho nàng đắc quả Dự Lưu.
Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi xem họ ngồi với nhau đang thảo luận chuyện gì. Họ thuật lại như trên. Ngài dạy:
– Ðây chẳng phải là lần đầu tiên Ta thuần hóa Sujàta bằng một lời khuyên bảo duy nhất đâu!
Rồi Ngài kể tiếp một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là thái tử do Chánh cung hoàng hậu sinh ra. Ngài lớn lên và được giáo dục tại Takkasila. Sau khi vua cha băng hà, ngài nối ngôi và trị vì rất công chính.
Mẫu hậu ngài là một người đàn bà nóng nảy, dữ tợn, thô lỗ, gắt gỏng, ác khẩu. Ngài chỉ mong sao khuyên bảo được mẹ, nhưng ngài cũng nhận thấy rằng không nên làm điều gì bất kính đối với mẹ. Vì thế, ngài cố tìm một cơ hội để hé lộ dần ẩn ý.
Một hôm ngài đi vào vườn hoa và mẹ ngài cũng theo ngài. Một con chim cưỡng xanh đang kêu the thé trên đường. Khi ấy, các triều thần đều bịt tai lại và la lên:
– Cái giọng thật kinh khủng! Cái tiếng kêu ấy thật ghê rợn! Ðừng gây ra cái tiếng ấy nữa!
Bấy giờ Bồ-tát đang đi qua vườn hoa với mẹ và đoàn người du lãm. Một con chim Cu đậu trong đám lá rậm của một cây sàla, hót lên âm điệu ngọt ngào. Mọi người đứng đó đều thích thú khi nghe nó hót, vỗ đôi bàn tay rồi chìa tay ra và yêu cầu nó:
– Ôi! Thật là giọng hót êm dịu, một giọng hót tốt lành, một giọng hót thanh lịch! Hót lên, chim ơi, hót lên đi!
Rồi họ cứ đứng đó, rướn cổ lên chờ nghe.
Bồ-tát chú ý đến hai sự việc này, nghĩ rằng đây là dịp may để tiết lộ ẩn ý của mình cho mẫu hậu.
– Thưa mẹ – ngài nói – Tiếng kêu của con chim cưỡng trên đường làm cho ai nghe cũng phải bịt tai và thốt lên: Ðừng gây ra cái tiếng ấy nữa! Ðừng gây ra cái tiếng ấy nữa! Và họ bịt tai lại vì âm thanh dữ dằn chẳng được ai ưa cả.
Thế rồi ngài đọc các bài kệ sau:
Kẻ hưởng được vẻ ngoài duyên dáng,
Thoạt nhìn vào, tươi sáng đẹp thay,
Nhưng buông lời nói chối tai,
Ðời này đời kế chẳng ai yêu vì!
Chim Cu kia, thường khi mẹ thấy,
Lốm đốm đen xấu vậy mặc dầu,
Tiếng kêu êm dịu ngọt ngào,
Bao nhiêu kẻ đón người chào mến thương.
Mong tiếng mẹ dịu dàng thanh lịch,
Lời khôn ngoan bỏ hết tự kiêu,
Âm thanh êm ái mỹ miều
Giảng bày Thánh pháp ý nêu tỏ tường.
Khi Bồ-tát khuyến dụ mẫu hậu bằng ba bài kệ trên, ngài đưa mẹ vào cách suy nghĩ của mình. Sau đó, mẹ ngài sống theo chính đạo. Chỉ bằng một lời nói, Bồ-tát đã làm cho mẹ thành một người phụ nữ biết quên mình. Rồi về sau, khi từ trần, Bồ-tát đi theo nghiệp của mình.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Sujàta là mẹ của vị vua ở Ba-la-nại, còn Ta chính là vị vua ấy.
-ooOoo-
Cú là vua của các loài chim….
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể lúc Ngài trú tại Kỳ Viên về sự tranh chấp giữa Quạ và Cú.
Vào thời kỳ ấy, ban ngày Quạ thường ăn thịt Cú, còn ban đêm Cú lại bay tới cắn đứt đầu Quạ khi Quạ đang ngủ và giết đi.
Có một Tỷ-kheo sống trong một cái cốc ở vùng lân cận Kỳ Viên, mỗi lúc quét dọn, thường phải đổ cả bảy tám chậu đầy đầu Quạ rớt từ trên cây xuống. Vị ấy đem sự việc kia kể lại cho các Tỷ-kheo nghe.
Thế là trong Pháp đường, các Tỷ-kheo bắt đầu bàn tán về chuyện ấy.
– Này Hiền hữu, vị Tỷ-kheo kia thấy nhiều đầu Quạ quá, mỗi ngày phải đem chúng đổ đi ngay chỗ mình ở!
Bậc Ðạo Sư đi vào hỏi xem các Tỷ-kheo đang ngồi thảo luận việc gì. Họ kể cho Ngài nghe và hỏi tiếp rằng sự tranh chấp giữa Quạ và Cú đã xảy ra từ bao lâu rồi. Bậc Ðạo Sư trả lời.
– Từ thời nguyên thủy.
Rồi Ngài kể cho họ nghe một câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, loài người sống trong thời nguyên thủy họp nhau lại và bầu một người đẹp đẽ, có tướng tốt, oai nghi hoàn hảo lên làm vua. Các loài bốn chân cũng tụ họp lại và bầu sư tử làm vua. Loài cá dưới biển cũng chọn vua là con cá tên Ànanda.
Thế rồi tất cả chim chóc trên dãy Hy-mã-lạp Sơn cũng tụ họp nhau lại trên một phiến đá phẳng và kêu lên.
– Loài người đã có một ông vua, loài thú và loài cá cũng đã có, còn chim chóc chúng ta thì không. Chúng ta không thể sống hỗn loạn được, chúng ta cũng phải chọn một ông vua. Hãy chọn một con chim xứng đáng với ngôi vua.
Chúng tìm kiếm một con chim như vậy và chọn một con Cú. “Ðây là con chim mà chúng ta muốn”, chúng bảo thế, và một con chim tuyên bố ba lần cho cả bọn biết rằng sẽ có một cuộc bầu cử về việc đó. Sau khi kiên nhẫn nghe thông báo hai lần, đến lần thứ ba một con Quạ đứng dậy la lên:
– Khoan đã, khi anh ta đang được tôn lên làm vua mà mặt mày còn như thế kia, huống chi khi anh ta giận dữ thì trông như thế nào nữa? Nếu anh ta nhìn chúng ta đang giận dữ thì chúng ta cũng tan xác như mè rán trên chảo nóng mà thôi. Tôi không muốn tôn anh ta làm vua đâu.
Và để tán rộng điều này, Quạ đọc bài kệ đầu:
Cú là vua của các loài chim,
Xin phép, cho tôi tỏ nỗi niềm.
Chấp thuận cho Quạ được nói, bọn chim đọc tiếp bài kệ thứ hai:
Giữa bọn trẻ kia, xin cứ nói,
Mong sao tốt đẹp, tỏ tường thêm.
Ðược cho phép nói, Quạ đọc bài kệ thứ ba:
Trân trọng trình bày ý của tôi,
Tôi đây chẳng muốn Cú lên ngôi,
Hãy nhìn mặt mũi kia như thế,
Hắn sẽ làm gì lúc giận sôi?
Ðoạn Quạ bay bổng lên không và kêu:
– Tôi chẳng thích thế đâu! Tôi chẳng thích thế đâu!
Cú bay lên đuổi theo Quạ. Từ đấy về sau, cả hai đều nuôi lòng hận thù nhau. Còn lũ chim kia chọn một con Ngỗng trời vàng lên làm vua rồi giải tán.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế và nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con Ngỗng trời được chọn làm vua chính là Ta vậy.
-ooOoo-
Giếng được tạo do người ẩn dật..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Isipatana (Trú xứ của chư Thiên), về một con chó rừng đã làm bẩn giếng nước.
Người ta nghe nói có một con chó rừng thường đến làm bẩn cái giếng mà các Tỷ-kheo thường đến múc nước, rồi bỏ đi. Một hôm, các chú tiều lấy đất ném nó để đe dọa. Sau đó, nó không bao giờ trở lại nơi ấy nữa.
Các Tỷ-kheo nghe chuyện ấy và bắt đầu bàn tán trong Pháp đường.
– Này các Hiền hữu, con chó rừng thường làm bẩn giếng nước của chúng ta, từ khi bị các chú tiều dùng đất ném đuổi đi, đã không hề quay trở lại nữa.
Bậc Ðạo Sư đi vào và hỏi xem họ đang ngồi với nhau và thảo luận chuyện gì. Họ kể lại cho Ngài nghe. Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, đây chẳng phải là lần đầu tiên con chó rừng kia làm bẩn giếng nước. Trước kia nó cũng đã làm như thế.
Rồi Ngài kể cho họ nghe một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, chính cái giếng kia nằm tại nơi này có tên là Isipatana (Trú xứ của chư Tiên) gần Ba-la-nại. Lúc bấy giờ Bồ-tát sinh ra trong một gia đình thiện hảo. Lớn lên, ngài sống đời tu hành và cư trú tại Isipatana cùng với một nhóm người tùy tùng. Một con Chó rừng làm bẩn giếng nước như đã nói trên rồi phóng chạy đi. Một hôm, các ẩn sĩ vây bắt được nó và dẫn nó tới trước mặt Bồ-tát. Ngài nói với nó qua bài kệ đầu:
Giếng được tạo do người ẩn dật,
Ðộc cư nơi khoảng đất rừng sâu,
Nhọc nhằn khổ cực bấy lâu,
Bạn ơi, sao vấy dơ vào giếng trong?
Nghe vậy Chó rừng đọc tiếp bài kệ thứ hai:
Ðó là luật giống dòng tôi đấy,
Uống nơi nào là vấy cho dơ,
Tổ tiên làm thế đến giờ,
Lời ngài trách cứ, có ngờ sai chăng?
Bồ-tát trả lời bằng bài kệ thứ ba:
Nếu luật ấy chó rừng đã đặt,
Lạ lùng thay, phi pháp mất rồi!
Mong rằng lần cuối thấy ngươi,
Hành vi kia đúng hay sai, chớ làm.
Bậc Ðại Sĩ khuyên nhủ nó như vậy rồi bảo:
– Ðừng đến đó nữa!
Từ đó về sau, ngay cả việc dừng lại để nhìn qua giếng, con Chó rừng cũng không dám.
*
Kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế và nhận diện Tiền thân:
– Cả hai trường hợp làm dơ bẩn nước cũng đều do chính con Chó rừng ấy, còn Ta là vị sư trưởng kia.
-ooOoo-
Nếu do gần bạn tri âm..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ-Viên về Kokàlika.
Các tình tiết của câu chuyện này sẽ được kể trong chương mười ba và Tiền thân Takkàriya số 481. Ở đây, Kokàlika lại nói:
– Ta sẽ đem Sàriputta (Xá-lợi-phất) và Moggallàna (Mục-kiền-liên) theo với ta.
Vì thế, sau khi rời xứ sở của Kokàlika, ông ta đi đến Kỳ-Viên, vào đảnh lễ bậc Ðạo Sư rồi đi tiếp đến các vị Trưởng lão. Ông ta nói:
– Này các Hiền giả, dân chúng ở xứ của Kokàlika muốn mời các Hiền giả, chúng ta hãy đến đó đi.
– Hiền giả hãy đi đi, chúng tôi không đi đâu! Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên trả lời.
Sau lời từ chối này, Kokàlika ra đi một mình.
Các Tỷ-kheo bắt đầu bàn tán chuyện ấy trong Pháp đường:
– Này Hiền hữu, Kokàlika không thể sống với Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, và cũng không thể sống mà không có các vị ấy! Ông ta không chịu đựng nỗi sự chung đụng với họ.
Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi mọi người đang bàn tán chuyện gì. Họ kể lại cho Ngài nghe. Ngài dạy:
– Xưa kia, cũng như bây giờ, Kokàlika không thể sống với Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên cũng không thể sống mà không có hai vị ấy.
Rồi Ngài kể một câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi Brahmadatta làm vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị thần cây sống trong một khu rừng nhỏ. Không xa trú xứ của ngài bao nhiêu, có một vị thần cây khác sống trong một rừng rậm. Khu rừng rậm này lại là chỗ ở của một con sư tử và con hổ. Vì sợ chúng, không ai dám đến đó gieo trồng hoặc đốn cây, ngay cả dừng chân liếc qua chỗ đó cũng chẳng ai dám. Sư tử và hổ ăn thịt mọi loài. Thịt ăn còn dư, chúng vứt bỏ lại rồi đi. Vì thế khu rừng đầy cả thịt bốc mùi hư thối.
Vị thần kia điên tiết lên, chẳng kể phải quấy gì nữa, một hôm đã đến nói với Bồ-tát:
– Thưa Hiền giả, cả rừng kia đầy mùi hôi thối vì con sư tử và con hổ kia. Tôi sẽ đuổi chúng đi.
Bồ-tát bảo:
– Này Hiền giả, chính hai con thú ấy đã bảo vệ chỗ ở của chúng ta đấy! Một khi chúng bị đuổi đi thì chỗ ở của chúng sẽ bị hoang tàn. Nếu người ta không thấy dấu vết của hổ và sư tử thì họ sẽ tới đốt hết rừng, làm tất cả thành một khoảng đất trống để trồng trọt. Xin Hiền giả chớ làm thế!
Rồi Ngài đọc hai bài kệ đầu:
Nếu do gần bạn tri âm,
Bình an có thể bị làm tiêu tan,
Còn gì cao trọng cho hơn
Như tròng con mắt người khôn giữ gìn.
Nhưng khi bạn tri âm thực sự
Làm tăng thêm mức độ bình an;
Hãy làm đời bạn an khang,
Hãy thương đời bạn như thương đời mình.
Tuy Bồ-tát đã giảng giải như thế, vị thần cuồng si kia cũng chẳng để tâm. Thế rồi một hôm, ông hiện hình thật khủng khiếp, đuổi sư tử và hổ đi. Chẳng bao lâu, dân chúng không thấy vết chân hai con thú kia nữa, họ đoán rằng sư tử và hổ có lẽ đã bỏ đi sang rừng khác và họ chặt đi một phía rừng. Bấy giờ, vị thần kia mới đến gặp Bồ-tát và nói:
– Ôi thưa Hiền giả, tôi đã không theo lời Hiền giả mà lại đuổi hai con thú ác kia đi. Bây giờ người ta nhận ra rằng chúng đã ra đi và họ đang đốn hạ cả khu rừng. Chúng ta phải làm gì bây giờ đây?
Thần được trả lời rằng hai con thú ấy đang sống ở một khu rừng kia, phải đến đó mà tìm chúng về. Vị thần kia làm theo như thế. Ðứng trước hai con thú, thần kính cẩn chào rồi đọc bài kệ thứ ba:
Xin quay trở lại rừng già,
Ðể rừng khỏi bị san ra đồng bằng.
Bạn đi, rìu sẽ hạ rừng,
Không rừng, mãi mãi bạn không có nhà!
Hai con thú khước từ lời thỉnh cầu và bảo:
– Ði đi, chúng tôi không đến đó đâu!
Thế là vị thần kia phải trở về một mình. Chỉ sau một vài ngày, dân chúng đã đốn hết rừng, làm thành một đồng ruộng để cày cấy trồng trọt.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế và nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ Kokàlika là vị thần cuồng si, còn vị thần trí tuệ kia là Ta.
-ooOoo-
Ai kia đem bát xin ăn..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài đang trú tại Kỳ Viên về sự tranh cãi giữa hai đại thần trong triều vua Kosala.
Các tình tiết câu chuyện giống như đã được kể ở Chương Hai, số 154 và 165.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình ở Kàsi. Khi lớn lên, ngài được giáo dục tại Takkasilà. Sau khi đã thành tựu về mọi mặt, ngài lui về sống ẩn dật trong một túp lều lá tại dãy Hy-mã-lạp Sơn (Tuyết Sơn) bên bờ sông Hằng. Nơi đây, ngài đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng. Nhờ đó, tâm ngài trở nên an lạc, đạt tới hạnh nhẫn nhục cao vời.
Bồ-tát thường tĩnh tọa ở trước lều. Bấy giờ có một chú Khỉ ngỗ nghịch, trơ láo thường đến chọc phá ngài, nhưng nó không thể nào làm cho tâm ngài dao động. Ngài vẫn ngồi tĩnh lặng an bình.
Bấy giờ có một con Rùa cái, một hôm đang nằm giữa trời, há miệng ngủ thiếp bên dòng nước. Thấy thế, Khỉ trơ tráo kia liền đến và đút ngón tay vào miệng rùa. Rùa chợt tỉnh giấc và ngậm miệng lại, cắn chặt lấy tay Khỉ. Ðến khi chịu không nổi nữa, khỉ tự hỏi: “Ta phải cầu cứu ai giải thoát cho ta khỏi sự đau đớn cực điểm này?”. Khi nghĩ được rằng chỉ còn cách đến cầu cứu Bồ-tát, nó liền mang cả con Rùa đến trước ngài. Với giọng hài hước, Bồ-tát nói với Khỉ qua bài kệ đầu:
Ai kia đem bát xin ăn,
Vốn từ đâu lại, có phần gì chăng?
Khỉ đáp lại qua bài kệ thứ hai:
Con làm quấy, thật điên khùng,
Xin ngài cứu giúp; con mong vào rừng.
Bồ-tát đọc bài kệ thứ ba tiếp lời khỉ:
Qui, Hầu hai giống vốn đồng,
Rùa ơi, tha khỉ cho xong đi nào!
Rùa nghe lời Bồ-tát thả Khỉ ra. Khỉ kính cẩn chào Bồ-tát rồi phóng biệt vào rừng. Rùa cũng xin bái biệt ra đi. Còn Bồ-tát liên tục trú vào an lạc thiền định và sau cùng lên Phạm thiên giới.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế và nhận diện Tiền thân:
– Hai ông quan nọ bấy giờ là con Khỉ và con Rùa, còn Ta là vị ẩn sĩ kia.
PHẨM BA BÀI KỆ (tt)
Cô hạc này là ai thế nhỉ..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo tham ăn và bị đưa ra trước thính đường.
Bấy giờ, bậc Ðạo Sư dạy:
– Chẳng phải bây giờ ông ấy mới tham ăn, trước kia ông ấy cũng đã vậy rồi. Tính tham ăn đã làm cho ông ấy mất mạng và cũng do thế mà các trí giả thời xưa đã bị đuổi ra khỏi nhà!
Rồi Ngài kể một câu chuyện.
*
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, người đầu bếp của một phú thương nọ trong thành phố có treo một cái giỏ trong bếp để được công đức nhờ đó. Bấy giờ Bồ-tát là một con Bồ câu bay đến sống trong giỏ ấy.
Một con Quạ tham ăn bay ngang nhà bếp và bị lôi cuốn bởi một số lượng lớn nhiều loại cá khác nhau nằm đây đó. Quạ thấy thèm cá quá, nó tự nghĩ: “Trên thế gian này dễ gì mình kiếm được vài con cá như thế kia!” Thế rồi nó chợt nhìn thấy Bồ-tát và nó lại nghĩ: “Thế nào ta cũng phải được cá. Ta sẽ dùng tên kia làm lợi khí cho ta”. Ðể thực hiện quyết định đó, Quạ đã làm như sau đây.
Khi Bồ câu ra ngoài để kiếm thức ăn hàng ngày, Quạ liền bay theo, theo mãi rồi đến gặp nó.
– Ông muốn gì tôi thế ông Quạ? – Bồ câu nói – Ông và tôi đâu có dùng một thứ thức ăn?
– Ồ, nhưng tôi thích ông – Quạ nói – Hãy cho tôi được làm tôi tớ hèn mọn của ông và cùng đi kiếm thức ăn với ông.
Bồ-câu chấp thuận. Nhưng khi cả hai cùng đi kiếm thức ăn, Quạ chỉ giả bộ cùng ăn với Bồ câu, thỉnh thoảng nó lại quay sau mổ lấy vài miếng phân bò, gắp một hai con sâu. Khi Quạ đã no nê, nó bay lên và kêu:
– Này ông Bồ câu, đến bao giờ ông mới dùng xong bữa chứ? Ông thật chẳng hề biết điều độ là chi cả. Thôi chúng ta hãy quay về đi kẻo muộn quá rồi đấy.
Thế là chúng quay về. Khi hai con chim cùng quay về, người đầu bếp thấy Bồ câu mang theo một chim bạn liền treo lên thêm một cái giỏ nữa.
Sự việc cứ như thế trong bốn hay năm ngày. Thế rồi một số lượng cá lớn được mua vào bếp của vị phú thương. Quạ mong mỏi khát khao được một vài con! Từ lúc tờ mờ, nó đã nằm rên ầm ĩ. Ðến sáng, Bồ câu bảo Quạ:
– Này anh bạn, dậy ăn đi chứ!
– Ông cứ đi đi – Quạ nói – Tôi đang đau bụng vì ăn không tiêu đây.
Một con Quạ lại bị chứng không tiêu à? Thật là vô lý! – Bồ câu nói – Ngay cả khi một cái bấc đèn nằm trong bao tử anh, hay dù cho thứ gì đi nữa, anh vừa ăn xong là tiêu hóa trong nháy mắt. Bây giờ hãy nghe tôi đi. Chớ có làm bộ ra thế chỉ vì thấy một con cá bé!
– Sao? Thưa ông, ông bảo gì chớ? Tôi đã nói với ông là tôi đau bụng mà.
– Ðược rồi, được rồi – Bồ câu nói – Cẩn thận đấy! Và nó bay đi.
Người đầu bếp đã làm xong các đĩa thức ăn. Ông ta ra đứng trước cửa bếp lau mồ hôi. “Bây giờ là lúc của ta đây!” Quạ nghĩ thế rồi bay tới đậu trên một cái đĩa đầy cả thức ăn ngon. “Kịch… Kịch…” Người đầu bếp nghe tiếng động nhìn quanh. A! Trong chớp mắt ông ta chộp lấy Quạ, rồi nhổ trụi lông nó, chỉ còn chừa lại một cái chỏm trên đỉnh đầu. Rồi ông giã gừng, quế, trộn chung với bơ sữa rồi phết khắp mình Quạ. “Ðó là để phạt tội mày làm hư bữa ăn của chủ tao, khiến tao phải đổ đi!” Ông ta bảo thế rồi ném nó vào trong giỏ. Ôi, thực là đau đớn!
Một lát sau, Bồ câu đi kiếm ăn về. Vật đầu tiên nó thấy là chú Quạ, đang lóng cóng khổ sở. Dĩ nhiên tình cảnh trông thật nực cười! Bồ câu cảm hứng ngâm kệ như sau:
Cô Hạc này là ai thế nhỉ,
Cô đâu có thể ở nơi đây?
Ra mau! Bạn Quạ tôi gần đến,
E Quạ sẽ làm hại Hạc ngay!
Nghe thế, Quạ trả lời bằng bài kệ khác:
Không, không, chẳng Hạc chẳng ai mà,
Tên Quạ tham ăn quả thật ta.
Ta chẳng muốn làm như được dặn,
Bạn nhìn, ta bị vặt lông ra.
Và Bồ câu nói tiếp qua bài kệ thứ ba:
Tôi biết bạn còn phải muộn phiền,
Cũng do bản tính bạn gây nên.
Ai đâu để thịt mời chim nhỏ,
Khi đã dọn thành một đĩa lên?
Thế rồi Bồ câu bay đi và nói:
– Ta không thể sống với tên này được.
Và Quạ nằm đó rên la cho đến chết.
*
Kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc, vị Tỷ-kheo tham ăn kia đắc quả Nhất Lai. Và bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Vị Tỷ-kheo tham ăn ấy ngày xưa là Quạ tham ăn, còn Ta là Bồ câu.
-ooOoo-
Hạc kia xinh đẹp là ai..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo tham ăn.
Chuyện này và chuyện trước cũng chỉ là một, nhưng đây là bài kệ:
Hạc kia xinh đẹp là ai,
Cớ sao chú đến nơi đây mà nằm?
Bạn tôi, anh Quạ dữ dằn,
Tổ anh ta đó, tôi cần chú hay!
– Bạn chẳng nhận ra tôi sao bạn?
Ta cùng nhau thường vẫn đi ăn.
Chẳng làm như được bảo răn,
Nên lông bị vặt, bạn trông rõ ràng!
– Tôi biết bạn hãy còn phiền muộn,
Ðó là do tính bạn mà thôi.
Người ta làm đĩa thịt rồi,
Phải đâu là để đem mời chim ăn!
Cũng như trên, Bồ-tát nói:
– Ta không thể sống ở nơi đây nữa.
Rồi Bồ câu bay đi nơi khác.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc, vị Tỷ-kheo tham ăn kia đắc quả Nhất Lai. Và bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Vị Tỷ-kheo tham ăn kia là Quạ, còn Ta là Bồ câu.
-ooOoo-
Biết ngài tín hạnh cao sâu..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo đã giết một con ngỗng trời.
Hai Tỷ-kheo kia là bạn thân với nhau, từ Xá-vệ đến đây tu học. Sau khi đã thọ đại giới, họ thường cùng nhau đi đây đó. Ngày kia, họ đến Aciravati. Sau khi tắm xong, họ đứng phơi nắng trên cát và vui vẻ trò chuyện với nhau. Lúc ấy, có hai con ngỗng trời bay ngang trên đầu họ. Một trong hai Tỷ-kheo trẻ tuổi ấy nhặt một hòn đá và nói:
– Tôi sẽ ném trúng mắt con ngỗng kia.
– Hiền hữu không thể làm thế được đâu! Người kia bảo.
– Ðược chứ!
Người thứ nhất bảo thế rồi nhặt một hòn đá có ba góc và ném theo con ngỗng. Con ngỗng quay đầu lại vì nghe tiếng vút trong không khí. Thế rồi người ấy ném tiếp một viên đá tròn để nó trúng ngay vào mắt bên này và xuyên qua mắt bên kia. Con ngỗng kêu thét lên lăn lộn mấy vòng rồi rơi xuống ngay chân họ.
Các Tỷ-kheo khác đứng gần đó trông thấy thế, chạy đến và trách người ấy:
– Thật đáng xấu hổ vì Hiền hữu đã là kẻ hành trì một Giáo pháp như đạo của chúng ta mà lại còn sát sinh như thế ư?
Thế rồi họ bắt Tỷ-kheo ấy theo họ đến trước đức Như Lai. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Có đúng như lời các Tỷ-kheo này bảo không? Ông có thực đã sát sinh không?
– Bạch Thế Tôn, quả thực như thế. Tỷ-kheo ấy đáp.
Bậc Ðạo Sư dạy:
– Này Tỷ-kheo sao ông lại có thể làm như thế khi ông đã hành trì Ðại Giáo pháp giải thoát như vậy? Các bậc trí giả ngày xưa trước khi đức Phật ra đời, mặc dù phải sống đời trần tục bất tịnh, họ cũng đã sám hối về những điều rất nhỏ nhặt, thế mà ông, kẻ tu hành theo Ðại Ðạo pháp này lại chẳng biết thận trọng! Một Tỷ-kheo phải biết chế ngự mình trong việc làm, lời nói và ý nghĩ.
Rồi Ngài kể một câu chuyện.
*
Ngày xưa, khi Dhananjaya là vua xứ Indapatta trong vương quốc Kuru, Bồ-tát sanh ra là con của Chánh hoàng hậu, ngài lớn lên và được giáo dục tại Takkasilà. Khi phụ vương qua đời, ngài lên nối ngôi. Người trưởng thành trong chánh pháp Kuru, giữ đầy đủ mười bổn phận của vua. Chánh pháp Kuru chính là Ngũ giới mà Bồ-tát rất tinh cần tuân phục trọn vẹn. Cũng như Bồ-tát, Thái hậu, Vương hậu, các vương đệ, Phó vương, người tu tại gia, Bà-la-môn, người nài coi thú, quan lại, người đánh xe, người thủ kho, người chủ vựa thóc, nhà quý tộc, người gác cổng, nàng kỹ nữ, người nữ tỳ, ai ai cũng đều tuân theo giới luật.
Từ vua, Thái hậu kể đi,
Lại thêm Hoàng hậu, kế vì Phó vương,
Thấy tế tự, kẻ coi lương,
Người nài, cùng kẻ trên đường đánh xe,
Người coi kho báu chuyên bề,
Thêm người gác cổng, ả nghề phấn son.
Mười người lẻ một vừa tròn,
Kuru chánh pháp cung tôn, giữ gìn.
Như vậy tất cả những người này đều chuyên tâm tuân trì Ngũ giới. Nhà vua cho xây sáu nhà bố thí: Bốn nhà ở bốn cổng thành, một nhà ở trung tâm thành phố và một nhà ở ngay trước cung vua. Mỗi ngày ngài phát tới 600.000 đồng tiền bố thí. Toàn cả nước Ấn Ðộ đều phấn chấn và đâu đâu cũng tràn đầy tình yêu thương, đức từ bi hoan hỷ của nhà vua.
Vào thời kỳ ấy, có một vị vua tên là Kàlinga ở thành Dantapura, trong vương quốc Kàlinga. Trong nước ấy, đã lâu trời không mưa. Do hạn hán nên phát sinh nạn đói. Dân chúng nghĩ rằng thiếu lương thực có thể gây nên dịch tả và họ sợ hạn hán, sợ đói khát. Ba mối lo ấy thường xuyên ám ảnh họ. Dân chúng tay dắt con thơ, cùng khổ lang thang đây đó. Rồi tất cả tụ họp lại kéo đến Dantapura, đứng trước cung vua mà kêu than.
Nhà vua đang đứng bên cửa sổ, nghe tiếng ồn ào mới hỏi vì sao dân chúng lại náo động như thế. Ngài được trả lời:
– Ôi, tâu Ðại vương, ba điều đáng sợ đã trùm lên vương quốc của ngài. Trời không mưa xuống, mùa màng hư hại, nạn đói phát sinh. Dân chúng đói khát, mệt mỏi bần cùng, tay dắt con thơ, lang thang khắp chốn! Tâu Ðại vương, xin ngài hãy làm sao cho có mưa!
Nhà vua hỏi:
– Các tiên vương thường phải làm gì khi không có mưa?
– Tâu Ðại vương, nếu trời không mưa thì các tiên vương thường bố thí, giữ ngày trai giới, phát nguyện làm lành, nằm suốt bảy ngày trong phòng, trên đệm cỏ: như thế thì trời sẽ mưa.
– Ðược lắm.
Vua bảo và làm theo như thế.
Dẫu vậy, trời vẫn không mưa. Bấy giờ ngài phán bảo các triều thần:
– Các khanh bảo ta thế nào, ta đều làm thế ấy, vậy mà sao trời vẫn không mưa! Ta còn phải làm sao nữa đây?
– Tâu Ðại vương, trong thành Indapatta có một con voi chúa tên là Anjana-Vasabho-Hắc tượng công. Ðó là con voi của Dhananjaya, vua xứ Kuru. Ta hãy tìm nó đem về thì trời sẽ mưa ngay!
– Nhưng sao ta có thể làm thế được? Dễ gì đánh bại được nhà vua và quân đội của ông ta?
– Tâu Ðại vương, chẳng cần phải đánh nhau với ông ta. Vua ấy rất thích bố thí. Hễ ai xin cái gì, vua đều cho ngay. Ông còn có thể cắt cả cái đầu tôn nghiêm, móc cả đôi mắt từ ái, ngay cả đến ngai vàng của ông để bố thí nữa; huống chi một con voi, ta chẳng cần phải năn nỉ nhiều, ông ta cũng cho nó ngay.
– Nhưng ai có thể đến xin vua ấy? Nhà vua hỏi.
– Tâu Ðại vương, các Bà-la-môn.
Nhà vua chỉ định tám Bà-la-môn từ một ngôi làng Bà-la-môn với mọi nghi lễ trịnh trọng gởi họ đi xin voi. Họ mang theo lệ phí, mặc quần áo lữ hành, không nghỉ đêm tại một nơi nào cả mà cứ đi mãi cho đến vài ngày sau, họ đã dùng bữa tại nhà phát chẩn trước cổng thành. Sau khi đã ăn uống đầy đủ, họ hỏi:
– Khi nào đức vua đến nhà phát chẩn?
Họ được trả lời:
– Cứ mỗi nửa tháng, ngài đến đấy ba ngày: Rằm, mười bốn, mồng tám. Ngày mai là rằm, trăng tròn, thế nào ngài cũng sẽ đến.
Vì thế rạng ngày hôm sau, các Bà-la-môn đến đó theo lối vào cổng phía đông. Bồ-tát tắm rửa, xức dầu thánh, phục sức trang điểm cực kỳ cao sang ngự trên một con voi được tô điểm cân đai rực rỡ. Ngài cùng với một đoàn tùy tùng đến nhà phát chẩn ở cửa đông. Tại đó ngài xuống voi và tự tay bố thí thức ăn cho bảy, tám người.
– Hãy bố thí như thế này.
Ngài bảo thế rồi ngự lên voi, tiến về phía cửa nam.
Ở cửa phía đông, các Bà-la-môn không có cơ hội gặp ngài do lực lượng cận vệ ngăn cản, vì thế họ phải đi về phía cửa nam và chờ nhà vua đến. Khi vua đến một bãi đất cao gần cổng thành, họ giơ cao tay và kính cẩn tung hô ngài. Vua thúc gậy nhọn vào voi để đưa nó đến chỗ họ đứng.
– Chào các Bà-la-môn, các vị muốn gì? Vua hỏi.
Các Bà-la-môn tuyên dương đức độ của Bồ-tát qua bài kệ đầu:
Biết ngài tín hạnh cao sâu,
Chúng tôi đến để mong cầu ngài đây:
Chỉ vì muốn có voi này,
Chúng tôi tiêu hết tiền tài quốc gia.
Nghe thế, Bồ-tát bảo:
– Này các Bà-la-môn, nếu tất cả tài sản của quý quốc lâu nay đã cạn kiệt để mong có được con voi này thì xin chớ ngại gì. Ta sẽ hiến nó cho quý vị cùng với tất cả những đồ trang sức xa hoa của nó.
Nói xong, ngài đọc hai bài kệ này:
Các người có làm sao chăng ấy,
Ta vẫn theo thầy dạy ngày xưa:
Hễ ai đã đến với ta,
Ta luôn chào đón, thiết tha mọc mời!
Trao quý vị thớt voi quà tặng
Ðáng một phần tài sản quân vương,
Voi đây, trang phục, xích vàng,
Và nài, mọi thứ, hãy mang trở về.
Bậc Ðại Sĩ bảo thế, vừa bước lên lưng voi rồi lại bước xuống và bảo các Bà-la-môn:
– Nếu trên mình voi có chỗ nào chưa được trang sức, ta sẽ trang sức chỗ ấy rồi mới trao voi cho quý vị.
Ngài đi quanh con vật ba lần, xem xét mọi chỗ mà vẫn không thấy chỗ nào là không được trang sức. Bấy giờ, ngài trao vòi voi vào trong tay các Bà-la-môn. Ngài dùng nước hoa đựng trong một cái bình bằng vàng rất đẹp tưới vào con vật rồi trao nó cho các Bà-la-môn. Họ nhận voi với đủ đồ trang sức của nó, rồi họ ngồi lên lưng voi cỡi về Dantapura và trao nó cho vua của họ. Nhưng, mặc dầu con voi đã về tới, trời vẫn chưa mưa.
Thế rồi, nhà vua lại hỏi:
– Sao lại thế nhỉ?
Vua được trả lời:
– Dhananjaya, vua Kuru, tuân theo chánh pháp Kuru, do đó, trong vương quốc của ông ta trời mưa cứ mỗi mươi hay mười lăm ngày. Ðó là do uy lực đức hạnh của ông ấy. Nếu con voi này có điều tốt thì cái tốt ấy cũng còn quá ít!
Bấy giờ, vua bảo:
– Hãy đem con voi này trang sức đủ mọi thứ của nó như cũ rồi đem trả nó lại cho ông vua ấy; đồng thời hãy lấy một tấm bảng bằng vàng, viết lên đó chánh pháp Kuru mà ông ta đã hành trì rồi mang về đây.
Nói xong, vua phái các Bà-la-môn và các cận thần ra đi.
Ðoàn người đến trước vua kia, giao trả con voi lại và thưa:
– Tâu Chúa thượng, dù con voi của ngài đã đến với chúng tôi, trời vẫn không mưa. Người ta bảo rằng ngài tuân theo chánh pháp Kuru, vua chúng tôi cũng muốn chấp trì chánh pháp ấy, do đó, ngài sai chúng tôi đến đây chép chánh pháp ấy lên trên một tấm bảng bằng vàng rồi mang về cho ngài. Xin chúa thượng đọc cho chúng tôi chánh pháp này.
– Này các hiền hữu – nhà vua bảo – Thực ra ta cũng đã có lần hành trì chánh pháp ấy, nhưng giờ đây, ta lại đang nghi ngờ về chính điều này. Chánh pháp ấy giờ đây không làm cho tâm ta an lạc, vì thế ta không thể trao cho các bạn.
Các bạn có thể hỏi rằng tại sao đức độ không làm cho nhà vua an lạc nữa. Này hãy nghe đây: Mỗi ba năm một lần, vào tháng Kattika các vua chúa thường tổ chức một buổi lễ gọi là Kattika (lễ hội rằm tháng mười âm lịch).
Lúc dự lễ hội, các vua chúa thường trang sức thật lộng lẫy và phục sức giống các vị thần. Họ đứng trước mặt quỷ Dạ-xoa Cittaràja, là vua của muôn màu, và họ dùng những cây cung được trang hoàng bằng những tràng hoa được tô vẽ đủ màu để bắn đi bốn phương trời.
Bấy giờ, vị vua kia đi dự lễ đứng một bên cái hồ, trước mặt quỷ Cittaràja và bắn tên đi bốn phương. Mọi người đều nhìn thấy chỗ rơi của ba mũi tên đã được bắn đi, còn mũi tên thứ tư, vì đã được bắn phía trên mặt nước nên không ai trông thấy nó rơi vào đâu cả. Nhà vua tự nghĩ: “Có thể mũi tên của ta rơi xuống nước, trúng vào một con cá!” Vì nghi ngờ như thế, tội sát sanh đã tạo một vết nhơ trong đức hạnh của ngài. Và do đó, đức hạnh của ngài không làm cho tâm ngài an lạc như trước nữa.
Kể xong chuyện, vua nói thêm:
– Này các bạn, ta đang nghi ngờ về chính ta, không biết ta có giữ chánh pháp Kuru hay không. Nhưng mẹ ta chấp trì rất tinh chuyên, các bạn có thể đến hỏi bà.
– Nhưng, tâu Ðại vương – họ nói – Ngài không hề có ý định sát sinh. Ðã không có ý định trong lòng thì không thể gọi là sát sinh được. Xin ngài hãy đọc cho chúng tôi nghe chánh pháp Kuru mà ngài đã chấp trì.
– Thế thì chép đi!
Vua bảo thế rồi bảo cho họ chép trên tấm bảng vàng.
– Chớ sát sinh, chớ lấy của không cho, chớ tà dâm, chớ nói dối, chớ uống rượu mạnh.
Rồi ngài nói thêm:
– Tuy thế chánh pháp ấy không làm cho ta an lạc, quý vị hãy đến học hỏi mẹ ta.
Các sứ giả chào vua rồi đến yết kiến Thái hậu. Họ nói:
– Thưa lệnh bà, chúng tôi được nghe rằng lệnh bà chấp trì chánh pháp Kuru, xin lệnh bà truyền dạy nó cho chúng tôi.
Thái hậu bảo:
– Các con ạ, thực ra, ta cũng đã từng chấp trì chánh pháp này, nhưng giờ đây, ta lại đang có những nỗi ngờ. Chánh pháp này không làm ta hạnh phúc, cho nên ta không thể trao truyền nó cho các con được!
Bấy giờ ta biết được Thái hậu có hai con trai, con lớn đang là vua và con kế là phó vương. Một vị vua gởi đến Bồ-tát những thứ dầu thơm làm bằng loại trầm rất quý, trị giá một trăm ngàn đồng và một cái vòng đeo cổ bằng vàng cũng trị giá một trăm ngàn đồng. Bồ-tát nghĩ rằng nên làm vinh dự mẹ, nên ngài gởi cả hai thứ cho mẹ ngài. Thái hậu tự nghĩ: “Ta không xức dầu thơm bằng gỗ trầm, cũng chẳng đeo vòng cổ, vậy ta nên gởi các thứ này cho vợ của các con ta”. Rồi bà lại nghĩ: “Vợ của con trưởng ta lại là Hoàng hậu, nàng là chánh hậu, ta nên gởi cho nàng chiếc vòng cổ bằng vàng, còn vợ của con thứ ta thì nghèo, ta nên gởi cho nàng hương trầm”. Thế là một người bà cho vòng cổ, người kia bà cho hương trầm. Sau đó bà chợt nghĩ: “Ta chấp trì chánh pháp Kuru thì đối với ta, họ nghèo hay không nghèo đâu có thành vấn đề? Có thể rằng ta đã tỏ ra thương yêu đặc biệt con trưởng; như thế thì không thích hợp. Và có thể do thế, ta đã làm tì ố đức hạnh của ta”. Thế là Thái hậu bắt đầu nghi ngờ. Ðó là lý do vì sao bà đã nói như trên.
Các sứ giả nói:
– Một khi thứ gì đã ở trong tay lệnh bà, lệnh bà muốn cho thế nào tùy ý. Một chuyện quá nhỏ nhặt như thế kia mà lệnh bà còn nghi ngại thì làm sao lệnh bà sẽ gây một tội lỗi nào được? Ðức hạnh không bị rạn vỡ vì một điều như thế đâu! Xin lệnh bà hãy truyền cho chúng tôi chánh pháp xứ Kuru.
Thế là họ được Thái hậu truyền chánh pháp và họ chép vào tấm bảng vàng.
– Các con ạ – Thái hậu bảo – tuy vậy, ta cũng chẳng hạnh phúc trong chánh pháp này. Nhưng con dâu ta vẫn tuân phục giới luật rất chuyên nhất, hãy đến hỏi nàng đi!
Thế rồi họ kính cẩn từ giã Thái hậu và đến hỏi xin Hoàng hậu theo cách như trên. Và cũng như trên, bà bảo:
– Ta không thể truyền chánh pháp ấy được vì chính ta đây cũng không chấp trì nó nữa.
Bấy giờ, một hôm Hoàng hậu đang ngồi ở cửa mắt cáo nhìn xuống, bà thấy nhà vua đang tham dự một cuộc diễn hành long trọng quanh kinh thành. Phó vương ngồi trên lưng voi, đằng sau ngài. Bà cảm thấy yêu vị Phó vương và tự nghĩ: “Nếu ta làm bạn với chàng và khi anh chàng mất, chàng sẽ lên làm vua và lấy ta làm vợ thì sao?
Thế rồi, bà chợt nghĩ: “Ta là kẻ chấp trì chánh pháp Kuru, ta lại là kẻ đã có chồng, thế mà ta lại còn để mắt yêu thương một người đàn ông khác. Ðây hẳn là một tì vết trong đức hạnh của ta!”. Hoàng hậu cứ ray rứt ân hận mãi. Bà đã kể cho sứ giả nghe điều này.
Nghe xong, họ bảo:
– Tội lỗi không phải chỉ là sự phát khởi một ý nghĩ. Nếu chỉ vì việc quá nhỏ nhặt như thế mà lệnh bà thấy hối hận, thì lệnh bà đâu có thể phạm tội lỗi nào được? Ðức hạnh không thể bị rạn nứt vì một chuyện quá nhỏ nhặt như thế đâu! Xin hãy truyền chánh pháp Kuru cho chúng tôi.
Thế là Hoàng hậu đọc chánh pháp và họ chép nó vào tấm bảng vàng. Nhưng Hoàng hậu bảo:
– Này quí vị, tuy thế đức hạnh của ta cũng không được hoàn hảo. Nhưng vị phó vương vẫn tuân trì giới luật rất tinh chuyên. Hãy đến nơi ngài mà hỏi.
Thế là đoàn người lại đến với vị phó vương và cũng hỏi xin ngài chánh pháp Kuru như trước. Phó vương vẫn thường mang theo đoàn tùy tùng đến hầu cận vua vào mỗi buổi chiều. Khi xe ngài và đoàn tùy tùng đến sân cung điện, nếu ngài muốn dùng cơm với nhà vua và ngủ đêm tại cung điện, thì ngài sẽ gác dây cương và roi ngựa trên ách xe; đấy là dấu hiệu cho các tùy tùng lui ra và sáng hôm sau họ sẽ trở lại đứng chờ ngài ra đi, còn người đánh xe sẽ ở lại trong xe và mang xe trở lại thật sớm chờ ngài ở cổng cung vua. Nhưng nếu phó vương muốn ra đi ngay sau đó thì ngài để dây cương và roi ngựa trong xe rồi vào yết kiến nhà vua. Rồi đám tùy tùng nhìn thấy dấu hiệu rằng ngài sẽ ra đi ngay, phải đứng chờ ngài trước cổng cung điện.
Một hôm, ngài làm như thế rồi vào yết kiến vua. Nhưng khi ngài vào bên trong thì trời bắt đầu mưa. Vua thấy thế nên không chịu cho ngài ra đi. Do đó, ngài cũng dùng cơm rồi ngủ tại cung điện. Nhưng đoàn tùy tùng đứng chờ phó vương bên ngoài vẫn phải đứng đó suốt đêm trong mưa.
Ngày hôm sau, khi ngài đi ra và thấy cả đám người ướt át đang đứng đó, ngài tự nghĩ: “Ta là kẻ chấp trì chánh pháp Kuru, thế mà ta lại để cho đám người này phải khổ nhọc! Chắc chắn đây là một tỳ vết trong đức hạnh của ta!” Ngài cứ bứt rứt hối hận mãi. Vì thế, ngài bảo các sứ giả:
– Giờ đây ta vẫn nghi ngờ không biết mình có thực sự chấp trì chánh pháp không. Do đó ta không thể truyền nó cho quí vị được.
Rồi ngài kể cho họ nghe vấn đề ấy.
Nghe thế, họ bảo:
– Nhưng ngài đã không hề có ý định làm khổ nhọc những người kia. Ðiều gì không do ý định thì không được kể là tội lỗi. Nếu vì một việc nhỏ nhặt như thế mà ngài còn cảm thấy hối hận thì ngài có thể phạm tội gì được?
Thế rồi họ được phó vương truyền chánh pháp này và họ chép nó vào tấm bảng vàng. Ngài lại nói:
– Tuy thế, chánh pháp này còn khiếm khuyết trong ta. Nhưng vị tế sư của ta vẫn chấp trì nó rất tinh chuyên, hãy đến gặp vị ấy mà xin hỏi.
Thế là sứ giả lại đến đó gặp vị tế sư.
Bấy giờ vị tế sư một hôm đến chầu vua; dọc đường ông trông thấy một chiếc xe màu sặc sỡ như mặt trời ban mai, đó là một chiếc xe do một vị vua nọ gửi đến cho vua.
– Xe của ai thế?
Ông hỏi và được trả lời:
– Xe gửi đến cho đức vua đấy!
Thế rồi ông tự nghĩ: Ta đã già rồi, nếu vua cho ta chiếc xe kia để ta dùng thì hay biết bao!
Khi đến yết kiến vua, ông chúc tụng rồi đứng một bên. Bấy giờ chiếc xe được mang lại cho vua. Vua bảo:
– Chiếc xe đẹp quá, hãy trao tặng thầy ta đi.
Nhưng vị giáo sĩ không thích nhận; dù được nài nỉ nhiều lần, ông cũng vẫn không là không! Tại sao như vậy? Bởi vì ông nghĩ: “Ta là kẻ hành trì chánh pháp Kuru mà lại còn ham muốn của cải người khác, chắc chắn đây là một tỳ ố trong đức hạnh của ta”.
Ông kể chuyện cho các sứ giả nghe và nói thêm:
– Các con ạ, ta đang nghi ngờ chánh pháp Kuru; chánh pháp này giờ đây không làm cho ta an lạc, do đó ta không thể truyền dạy cho các con được.
Nhưng các sứ giả bảo:
– Một chút phát khởi tham dục không thể làm rạn nứt đức hạnh được. Nếu ngài cảm thấy ngần ngại về một điều nhỏ nhặt như thế kia thì ngài đâu có thể gây nên một tội lỗi thực sự nào được?
Thế là họ được ông truyền đọc giới luật và họ chép vào tấm bảng vàng.
– Tuy thế, thiện pháp này giờ đây chẳng làm cho ta an lạc – Vị giáo sĩ bảo – nhưng người quản tượng của hoàng gia vẫn hành trì nó rất cẩn trọng. Hãy đến hỏi ông ta.
Thế là các sứ giả tìm đến hỏi người quản tượng
Một hôm, người quản tượng đang đo một cánh đồng. Ông buộc sợi dây thừng vào một cái cọc và đưa một đầu dây cho người chủ đất cầm, còn ông cầm đầu dây kia. Cây cọc ở cuối sợi dây và ông cầm tới ngay một cái hang cua. Ông tự nghĩ: “Nếu ta cắm cọc vào lỗ thì con cua trong lỗ sẽ bị thương. Nếu ta cắm cọc vào phía bên kia lỗ thì tài sản của nhà vua sẽ bị thiệt và nếu ta đặt cọc phía bên này lỗ thì người điền chủ sẽ bị thiệt. Phải làm sao đây?” Thế rồi ông lại nghĩ: “Con cua hẳn phải ở trong lỗ này, nhưng nếu nó ở trong đó thì nó phải tự lộ ra chứ” Thế là ông ta cắm cọc vào lỗ. Bên trong, con cua phát ra tiếng “cạch”! Ông liền nghĩ: “Chắc hẳn cây cọc đã đâm lên mình cua và rõ ràng là ta đã giết chết nó. Ta là kẻ tuân trì chánh pháp Kuru và nay ta đã gây tỳ ố vào đó rồi!”
Người quản tượng thuật cho các sứ giả nghe như thế và nói thêm:
– Vì vậy, tôi đang nghi ngờ về chánh pháp ấy, tôi không thể trao nó cho quí vị được!
Các sứ giả nói:
– Ông đã không cố ý muốn giết con cua. Làm điều gì mà không cố ý thì không phải tội lỗi. Nếu chỉ vì một chuyện quá nhỏ nhặt như thế kia mà ông còn cảm thấy e ngại thì ông đâu có thể gây một tội lỗi thực sự nào được?
Thế rồi họ được người quản tượng truyền chánh pháp và họ chép vào tấm bảng vàng. Ông ta lại nói:
– Tuy giới luật này không làm cho tôi an lạc, người đánh xe vẫn hành trì nó rất tinh chuyên, quí vị hãy đến hỏi ông ấy đi!
Vì thế đoàn người từ giã để đến gặp người đánh xe.
Bấy giờ một hôm ông ta đánh xe đưa nhà vua đến hoa viên. Nơi đây vua thưởng ngoạn suốt ngày, đến chiều mới trở lại và bước lên xe ra về. Nhưng, vào lúc hoàng hôn, trước khi về đến thành phố, một cơn dông đổ xuống. Người đánh xe sợ nhà vua có thể ướt, ra roi quất vào đôi ngựa quý và chúng phóng thật nhanh về nhà.
Từ đó về sau, trên đường đi đến hoa viên hay từ hoa viên trở về, hễ ngang quãng đó là đôi ngựa phóng nhanh lên. Tại sao vậy? Bởi chúng nghĩ rằng hẳn phải có cái gì nguy hiểm ở quãng đó cho nên người đánh xe tự nghĩ: “Nếu đức vua có bị ướt hay không, thì đó đâu phải lỗi của ta? Thế mà một lúc không đáng, ta ra roi quất vào đôi ngựa quý vốn được luyện tập thuần thục này, khiến chúng cứ phải cố hết sức phóng nhanh lên, cố sức mãi cho đến khi mệt nhoài, đó là tại ta cả! Ta là kẻ tuân trì chánh pháp Kuru, chắc chắn đây là một tỳ vết xấu rồi!
Người đánh xe thuật chuyện cho các sứ giả nghe và bảo:
– Vì lý do như vậy mà tôi nghi ngại về chánh pháp ấy và không thể truyền nó cho quý vị.
Các sứ giả nói:
– Nhưng ông chẳng cố ý làm mệt các con ngựa kia; làm việc gì không cố ý thì không phải là tội lỗi. Nếu chỉ vì một việc quá nhỏ nhặt như thế kia mà ông còn cảm thấy e ngại thì ông đâu có thể gây nên một tội lỗi thực sự nào được?
Thế là các sứ giả được người đánh xe đọc chánh pháp ấy và họ chép nó vào tấm bảng vàng. Nhưng người đánh xe lại đề nghị họ tìm đến một vị trưởng giả kia và nói:
– Tuy chánh pháp này không làm cho tôi an lạc, ông ta vẫn chấp trì nó rất cẩn trọng.
Các sứ giả lại đến gặp các vị trưởng giả và hỏi xin chánh pháp. Bấy giờ vị trưởng giả một hôm ra thăm đồng lúa, thấy một chùm bông lúa nở nứt vỏ, ông đến cột túm lại bằng một túm lúa; và lấy một nắm cột vào một cây gậy. Thế rồi ông chợt nghĩ: “Do từ cánh đồng này, ta phải dâng đức vua số lợi tức của ngài! Thế mà ta lại lấy đi một nắm lúa từ một thửa ruộng chưa chín! Ta là kẻ tuân trì chánh pháp Kuru, chắc chắn ta đã phá vỡ nó rồi!” Ông ta kể chuyện cho các sứ giả và bảo:
– Giờ đây, tôi đang nghi ngại về pháp ấy, do đó tôi không thể truyền cho quí vị được.
Các sứ giả nói:
– Nhưng ông đã không hề có ý lấy cắp, không có ý nghĩ ấy thì không thể bị kết tội ăn cắp. Nếu ông cảm thấy ân hận chỉ vì một việc nhỏ nhặt như thế kia thì làm sao mà ông có thể lấy những gì của kẻ khác?
Thế là họ được vị trưởng giả đọc chánh pháp ấy và họ chép nó vào tấm bảng vàng. Vị trưởng giả nói thêm:
– Mặc dầu tôi chẳng được sung sướng trong việc này, vị giữ kho thóc của nhà vua chấp trì giới luật này rất tinh chuyên. Hãy đến hỏi ông ấy.
Thế là các sứ giả đến hỏi xin viên chức coi kho thóc.
Bấy giờ một hôm ông này đang ngồi trước cửa kho lo việc đếm số thóc nộp thuế cho vua, đã bốc một hột thóc chưa được đong và bỏ nó riêng ra để làm dấu. Lúc ấy mưa bắt đầu rơi. Ông vội đếm các hột thóc dùng để làm dấu xem bao nhiêu và quét gom lại rồi bỏ chúng vào đống thóc đã được đong đếm. Sau đó ông vội chạy vào ngồi trong nhà người giữ cổng: “Ta đã bỏ các hột thóc dùng làm dấu kia vào đống thóc được đong đếm hay vào đống thóc chưa đong đếm nhỉ?”. Ông tự hỏi như vậy và chợt nghĩ: “Nếu ta đã bỏ các hột thóc ấy vào đống thóc đã được đong đếm, thì phần của vua được tăng lên và các chủ điền lại bị thiệt. Ta là kẻ chấp trì chánh pháp Kuru, và nay ta đã có tỳ vết xấu rồi!”.
Vì thế ông ta thuật cho các sứ giả nghe chuyện này và nói thêm rằng vì ông ta nghi ngại về pháp ấy nên không thể truyền nó cho họ. Nhưng các sứ giả nói:
– Ông không có ý định lấy trộm và nếu không có ý định ấy thì không thể bị kết tội là gian dối. Nếu chỉ vì một việc quá nhỏ nhặt như vậy mà ông còn e ngại thì ông đâu có thể lấy đồ vật gì của ai?
Thế là các sứ giả được viên chức coi kho thóc truyền chánh pháp và họ chép nó vào tấm bảng vàng. Ông ta nói thêm:
– Tôi không giữ được toàn vẹn giới đức nhưng người gác cổng tuân trì nó rất tinh chuyên. Hãy đến ông ấy mà hỏi.
Thế là các sứ giả ra đi và đến hỏi người gác cổng.
Bấy giờ người gác cổng, một đêm vào giờ đóng cổng thành, đã gọi lớn lên ba lần. Một người nghèo khổ kia đang lượm củi, lượm lá trong rừng với cô em gái út, nghe tiếng gọi vội cùng em chạy lại. Người gác cổng nói:
– Này anh, há không biết nhà vua đang ở trong thành sao? Anh há không biết rằng đã đến giờ đóng cổng thành sao, thế mà anh lại đi vào trong rừng làm chuyện yêu đương!
Người kia đáp:
– Không đâu, thưa ông, đây không phải vợ tôi mà là em gái tôi.
Người gác cổng chợt nghĩ: “Bảo cô em gái là vợ thì thật là sàm sỡ quá! Ta là kẻ chấp trì giới luật Kuru, rõ ràng giờ đây ta đã phá vỡ nó rồi!” Ông kể chuyện cho các sứ giả và nói thêm:
– Như thế, tôi đang nghi ngờ không biết rằng tôi có thực sự chấp trì chánh pháp Kuru hay không, do đó tôi không thể truyền nó cho quý vị.
Nhưng các sứ giả bảo:
– Ông đã nói như thế vì ông nghĩ như thế, điều ấy không làm rạn vỡ đức hạnh của ông. Nếu ông cảm thấy hối hận vì một điều quá nhỏ nhặt như thế kia thì ông đâu có thể nào buông một lời dối trá?
Thế là họ được người gác cổng đọc các giới hạnh ấy và họ chép chúng vào tấm bảng vàng.
Thế rồi người gác cổng bảo:
– Tuy giới luật này chẳng làm tôi an lạc, nàng kỹ nữ kia lại chấp trì nó rất tinh chuyên, quí vị hãy đến hỏi nàng. Các sứ giả làm theo như vậy. Nàng đã từ chối như những người đã kể trên kia vì lý do sau đây: Sakka, Ðế Thích, Thiên chủ, muốn thử đức độ của nàng, liền hóa ra một chàng trai đến trao cho nàng một ngàn đồng tiền và nói:
– Lát nữa tôi sẽ trở lại.
Thế rồi ngài trở về trời và suốt ba năm không xuống thăm nàng. Còn nàng, vì danh dự, cũng suốt ba năm không nhận dù chỉ một miếng trầu từ bất cứ người đàn ông nào cả. Dần dần, nàng trở nên nghèo khó, rồi nàng tự nghĩ: “Người đàn ông cho ta một ngàn đồng kia đã ba năm nay không hề trở lại, và giờ đây ta trở nên nghèo khó. Ta không thể giữ gìn cả xác thân và tâm hồn cùng một lúc, nay ta phải đến kể cho ngài phán quan và sẽ kiếm tiền như trước đây”. Thế là nàng đến pháp đường và bảo:
– Cách đây ba năm, có một người đàn ông đến cho tôi một ngàn đồng rồi chẳng hề trở lại; tôi không biết ông ta đã chết rồi hay chưa. Tôi không thể giữ trọn vừa thân xác vừa linh hồn được. Thưa ngài, tôi phải làm sao đây?
Vị phán quan trả lời:
– Nếu đã ba năm mà ông ta không trở lại thì cô phải làm gì ư? Hãy kiếm tiền như trước kia đi!
Ngay sau khi nàng rời pháp đường với lời phán quyết kia, một người đàn ông đến trao tặng nàng một ngàn đồng. Trong khi nàng đang đưa tay lấy thì Ðế Thích hiện thành chàng trai nọ. Nàng bảo:
– Ðây là người đã cho tôi một ngàn đồng ba năm trước đấy tôi không nên lấy tiền của ông ta.
Rồi nàng rụt tay lại.
Bấy giờ, Ðế Thích hiện nguyên hình của mình rồi bay lên không, sáng rỡ như mặt trời ban mai và gọi cả thành phố tụ tập lại. Ðứng giữa đám đông, Ðế Thích nói:
– Ðể thử lòng tốt của nàng, cách đây ba năm, ta đã cho nàng một ngàn đồng. Hãy làm như nàng, hãy giữ lấy danh dự của các người như nàng đã từng giữ danh dự của nàng.
Sau lời khuyên bảo ấy, ngài ban cho nhà nàng tràn ngập những châu ngọc đủ bảy loại và nói:
– Từ nay, hãy tỉnh giác hộ phòng.
Ngài khuyến dụ nàng như thế rồi bay lên trời. Vì câu chuyện trên đây nàng kỹ nữ đã từ chối truyền giới luật cho các sứ giả và nói:
– Bởi vì trước kia tôi đã nhận tiền của một người, thế mà sau đó lại đưa tay ra muốn nhận tiền của một kẻ khác, thế là đức hạnh của tôi không được toàn hảo. Do đó tôi không thể trao giới luật cho quý vị được.
Nghe thế, các sứ giả bảo:
– Mới chỉ đưa tay ra thì không xâm phạm gì đến đức hạnh, đức hạnh kia của cô thật là toàn hảo đệ nhất!
Và như vậy, nàng kỹ nữ là người sau cùng đã truyền giao các giới đức cho các sứ giả và họ đã chép chúng vào tấm bảng vàng. Họ mang tấm bảng vàng với các giới luật về thành Dantapura và thuật cho vua nghe mọi chuyện trong chuyến đi vừa qua.
Thế rồi vua Dantapura thực hành theo các giới luật Kuru và tuân theo Ngũ giới. Bấy giờ trong khắp vương quốc Kàlinga, đâu đâu cũng có mưa rơi xuống; ba mối lo sợ kia đã giảm đi, đất đai trở nên màu mỡ tốt tươi. Bồ-tát suốt đời bố thí, hành thiện rồi về sau cùng với quần thần đi lên làm đông đảo các cõi trời.
*
Khi kể xong pháp thoại này, bậc Ðạo sư tuyên thuyết Tứ Ðế và giải thích Tiền thân. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, nhiều người đắc quả Dự Lưu, nhiều người đắc quả Nhất Lai, nhiều người đắc quả Bất Lai và nhiều người đắc quả A-la-hán. Và Tiền thân được bậc Ðạo Sư nhận diện như sau:
– Uppalavannà (Liên Hoa Sắc) là nàng kỹ nữ, Punna là người gác cổng thành, người quản tượng là Kuccàna, Kolita là người coi vựa thóc, vị trưởng giả là Sàriputta, người lái xe là Anuruddha (A-na-luật), vị tế sư là trưởng lão Kassapa (Ðại Ca-diếp); Phó vương là Nandapandita; mẹ của Ràhula (La-hầu-la) là chánh hậu, thái hậu là bà Mayà, còn vị vua Bồ-tát là Ta. Tiền thân rõ ràng là như thế.
-ooOoo-
Dãy đồi này năm mươi năm lẻ một..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Trúc-Lâm về một mưu toan giết hại.
Các chi tiết của chuyện được diễn ta như sau:
*
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh làm một con Bồ câu, sống với một đàn bồ câu đông đúc ở giữa khu rừng trong một cái động ở dãy đồi. Có một nhà tu khổ hạnh rất đức độ đến dựng một túp lều để ở, bên trong một cái động khác của dãy đồi, gần bìa làng, không xa chỗ ở của đàn bồ câu. Bồ-tát thường đến thăm và được nghe những lời dạy quí giá.
Sau khi sống ở đó một thời gian dài, nhà tu khổ hạnh ra đi. Bấy giờ lại có một người giả làm một nhà tu khổ hạnh đến đó ở. Bồ-tát cũng cùng cả đàn bồ câu đến viếng thăm, kính cẩn chúc tụng người ấy. Ðàn chim cứ nhảy nhót suốt ngày quanh chỗ của người ẩn dật, mổ đồ ăn trước cửa động và đến chiều mới bay về nhà. Người tu khổ hạnh giả mạo kia sống ở đó hơn năm mươi năm.
Một hôm, người làng đến cho ông một số thịt bồ câu đã được nấu chín. Ông rất thích mùi vị ấy và hỏi xem đó là thịt gì thì được trả lời là thịt bồ câu. Ông tự nghĩ: “Từng đàn chim Bồ câu thường đến nơi trú ẩn của ta, ta phải giết vài con để ăn mới được”.
Thế là ông ta lấy gạo, bơ, sữa, ngò, tiêu và để sẵn sàng. Ông dấu một cái gậy trong chéo áo, ngồi trước cửa lều và chờ bầy chim bồ câu đến.
Khi Bồ-tát bay đến cùng đàn bồ câu, ngài phát hiện được việc ác mà người tu khổ hạnh giả mạo kia đang mưu định: “Nhà tu ác độc đang ngồi với bộ tịch giả dối kia, có lẽ ông đã ăn mất một số trong bọn ta rồi, ta sẽ vạch mặt ông ta!”.
Thế rồi ngài đáp xuống phía dưới gió và đánh hơi kẻ ác kia: “Ðúng rồi, – ông nói – người này muốn giết chúng ta mà ăn thịt; chúng ta chớ đến gần ông ta”. Rồi ngài cùng cả đàn chim bay đi. Thấy Bồ-tát bay ra xa, người ẩn dật kia tự nghĩ: “Ta sẽ nói vài lời ngọt ngào với nó để làm thân, rồi giết nó mà ăn thịt”. Rồi ông ta đọc hai bài kệ sau:
Dãy đồi này, năm mươi năm lẻ một,
Lũ chim muông vẫn lui tới thăm ta.
Ở nơi đây bao đầm ấm, an hòa.
Ðâu cần phải e dè hay sợ hãi!
Thế mà nay lũ cháu chắt con cái
Ngại nơi này, bay đến ở đồi kia.
Chúng đã quên niềm kính trọng ngày xưa,
Chúng có phải bầy chim dòng giống cũ?
Bồ-tát liền quay lại đọc bài kệ thứ ba:
Ta chẳng khùng đâu, biết rõ ông,
Ta đây, dòng giống của tôn tông.
Còn ông vẫn thế, rắp tâm hại,
Ẩn giả, ta đây phải ngại ngùng.
“Chúng đã vạch mặt ta rồi”. Nhà tu khổ hạnh giả mạo kia nghĩ thế rồi ném cây gậy vào con chim nhưng ông không ném trúng được.
– Ði đi, ông bảo, ta đã bắt hụt mi! “Ông bắt hụt chúng tôi – Bồ-tát nói – nhưng ông sẽ không bắt hụt bốn địa ngục đâu! Nếu ông còn ở đây, tôi sẽ gọi người làng và bảo họ đến bắt ông về tội trộm. Hãy cút đi nhanh lên!
Bồ-tát dọa ông ta như thế rồi bay đi. Kẻ ẩn dật kia không thể sống ở đó lâu hơn nữa.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Ðề-bà-đạt-đa là nhà tu giả mạo, còn vị tu khổ hạnh đầu tiên, kẻ thiện hạnh, là Xá-lợi-phất và con Bồ câu đầu đàn chính là Ta đây.
-ooOoo-
Sao ngài vẫn kiên trì..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một con khỉ ngỗ nghịch.
Tại Xá-vệ, một gia đình kia có một con khỉ. Con khỉ này thường chạy đến chuồng voi, nhảy lên lưng một con voi hiền lành, phóng uế trên đó rồi bắt đầu chạy nhảy lung tung. Con voi kia vừa hiền lành vừa nhẫn nại, chẳng làm gì cả. Nhưng một hôm kia, một con voi trẻ và hung dữ đứng vào chỗ của con voi hiền nọ, khỉ cứ tưởng là con voi thường ngày, liền trèo lên lưng nó. Nó bị voi dùng vòi chộp lấy và quật xuống đất, khiến nó bị vỡ ra từng mảnh.
Các Tỷ-kheo biết được chuyện này và một hôm họ đem ra bàn tán:
– Này các hiền hữu có nghe chuyện con khỉ ngỗ nghịch đã lầm tưởng con voi dữ là con voi hiền nên trèo lên lưng nó để mất mạng không?
Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi đây bàn tán chuyện gì thế?
Và khi được các Tỷ-kheo kể chuyện ấy, Ngài bảo:
– Ðây không phải là lần đầu tiên con khỉ ngỗ nghịch làm như thế, trước kia nó cũng đã làm như thế.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là một con Trâu sinh ra trong vùng Tuyết Sơn (Hy-mã-lạp Sơn) ngài lớn lên, to lớn, khỏe mạnh và thường đi đây đó khắp đồi núi, đỉnh cao, hang sâu, rừng già.
Lần nọ, ngài trông thấy một cái cây thích ý, liền đứng dưới cây để ăn.
Bấy giờ, một con Khỉ ngỗ nghịch từ trên cây nhảy xuống trên lưng Trâu. Khỉ nắm một sừng trâu, móc đuôi và đu đưa thân mình. Bồ-tát tràn đầy kiên nhẫn, đức độ, từ bi đã không để ý tới sự ngỗ nghịch của Khỉ. Con Khỉ kia cứ làm như thế mãi.
Nhưng một hôm, vị thần của cây đứng trên thân cây hỏi Bồ-tát:
– Thưa ngài Trâu chúa, sao ngài cứ để mặc cho con khỉ ngỗ nghịch kia hỗn hào mãi thế? Hãy khiến nó chấm dứt đi thôi!
Và nói rộng điều này, vị thần cây đọc hai bài kệ sau đây:
Sao ngài vẫn kiên trì
Chịu đựng chuyện kỳ quặc,
Khỉ hỗn hào ích kỷ
Quấy phá ngài lắm khi?
Hãy đạp nó bằng chân
Hãy đâm nó bằng sừng,
Phải liền ngăn cản nó
Kẻo bọn trẻ khinh lờn.
Bồ-tát nghe thế liền trả lời:
– Này thần cây, chịu cho nó bạc đãi mà không nguyền rủa thọ sanh, dòng dõi, thế lực của nó, nếu điều ấy ta không giữ được thì nguyện ước của ta sao toàn vẹn? Nhưng rồi con khỉ kia cũng sẽ làm như thế đối với kẻ khác vì tưởng ai cũng như ta. Và nếu nó làm như thế với những con trâu khác thì nó sẽ bị hại ngay. Thế là ta được miễn đi sự phiền nhiễu và việc giết chóc.
Thế rồi ngài đọc tiếp bài kệ thứ ba:
Nếu nó quấy kẻ khác,
Như đã quấy ta đây,
Nó liền bị hạ sát,
Ta sẽ thảnh thơi ngay.
Ít ngày sau, Bồ-tát đi nơi khác. Một con trâu rừng khác hung hãn đến đứng vào chỗ của ngài. Con khỉ ác hiểm kia tưởng con trâu mới đến là con trâu trước kia, liền trèo lên lưng và làm như trước. Con trâu rừng quật nó xuống đất, dùng sừng đâm thủng ngực nó rồi lấy chân dẫm nát nó.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, Ngài tuyên thuyết Tứ Ðế và nhận diện Tiền thân:
– Con trâu dữ trước kia là con voi dữ bây giờ đó, con Khỉ ngỗ nghịch trước kia cũng chính là nó bây giờ, còn con Trâu đức độ cao cả ấy chính là Ta.
-ooOoo-
Như chàng trai trẻ trên đường..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về Panduka và Lohita.
Có sáu người ngoại đạo, hai người là Mettiya và Bhummaja sống gần Vương Xá; hai người là Assaji và Punabbasu ở gần Kitàriji và hai người sống ở Kỳ Viên gần Xá-vệ là Panduka và Lohita. Họ thường hạch hỏi những vấn đề nằm trong học thuyết. Hễ ai là bè bạn thân thiết với họ thì họ khích lệ và bảo:
– Này bạn, bạn chẳng thua kém ai ở đây về thọ sanh, dòng dõi và phẩm chất, nếu bạn phát biểu ý kiến của bạn, người ta sẽ học hỏi nhiều điều hay ở bạn đấy.
Một mặt họ bảo như thế, một mặt họ lại ngăn cản người kia phát biểu ý kiến của mình. Do đó sinh ra gây gổ, bất hòa tranh cãi. Các Tỷ-kheo kể lại sự việc cho Thế Tôn. Vì thế, ngài họp các Tỷ-kheo để giảng giải, rồi cho mời Panduka và Lohita đến hỏi:
– Này các bằng hữu, có phải chính bạn đòi hỏi một số vấn đề ngăn cản người ta phát biểu ý kiến của họ không?
Họ đáp:
– Thưa vâng.
Ngài dạy:
– Thế thì thái độ của các bằng hữu cũng giống như chàng trai và con Hạc.
Rồi Ngài kể một câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình tại một làng Kàsi. Khi ngài lớn lên, thay vì sinh sống bằng nghề nông hay bằng nghề buôn bán, ngài lại tụ họp năm trăm tên cướp rồi lên làm đầu đảng, sinh sống bằng cách chận đường hoặc vào nhà cướp của.
Bấy giờ có người chủ đất cho người kia vay một ngàn đồng tiền. Nhưng trước khi được trả tiền, ông ta lại chết đi. Ít lâu sau, người vợ đang hấp hối trên giường bệnh, gọi con trai và bảo:
– Này con, cha con có cho người kia mượn một ngàn đồng và đã chết đi khi chưa lấy được tiền lại. Nếu mẹ chết rồi thì người kia sẽ không chịu trả cho con đâu. Bây giờ con hãy đi bảo ông ta kiếm tiền mà trả lại.
Người con ra đi và đòi được tiền.
Trước đó bà mẹ đã chết nhưng vì quá thương con nên bà bỗng tái hiện thành một con Chó rừng chạy trên đường đứa con đang đi. Lúc bấy giờ tên cướp và đồng bọn đang ở trên đường chờ cướp của hành khách. Khi thấy con mình vào tới cửa rừng, con Chó rừng cứ quanh quẩn lui tới tìm cách giữ anh ta lại.
– Con ơi – Chó rừng bảo – chớ vào rừng, bọn cướp đang ở đấy, chúng sẽ giết con và lấy mất tiền của con.
Nhưng người con không hiểu được ý mẹ:
– Thật là xui – anh ta bảo – con Chó rừng này cố cản đường ta!
Thế là anh dùng gậy và dùng vài cục đất để đuổi nó đi, rồi anh ta bước vào rừng.
Lại có một con Hạc bay về phía bọn cướp và kêu lên:
– Người kia đang có trong tay một ngàn đồng đấy, hãy giết nó đi mà lấy tiền!
Anh bạn trẻ kia lại không biết Hạc đang làm gì nên lại nghĩ: “May quá! Ðây là con chim mang điều may! Thế là ta được điều lành đây!” Anh ta kính cẩn chào và la lên:
– Ngài ơi, hót lên đi, hót lên đi!
Bồ-tát vốn hiểu hết mọi thứ tiếng, quan sát các sự việc và nghĩ: “Con Chó rừng kia phải là mẹ của người ấy nên mới cố ngăn anh ta và bảo rằng anh ta sắp bị giết và bị cướp; còn con Hạc phải là kẻ đối nghịch nên mới bảo: “Giết nó đi mà lấy tiền!”; và người kia chẳng biết gì cả, đã đuổi mẹ mình là kẻ cầu mong cho mình được tốt lành; trong khi con Hạc là kẻ chỉ mong anh ta gặp điều hung dữ thì anh ta lại tôn kính, tin rằng đó là kẻ mang cho mình may mắn! Cái anh chàng này thật là rồ dại.
(Các vị Bồ-tát, dù là những bậc Ðại Sĩ, đôi khi do sinh ra làm ác nhân, cũng lấy của cải người khác. Người ta bảo đó là một sự sai lầm trong vận mệnh).
Thế là chàng thanh niên kia tiếp tục đi và chẳng bao lâu rơi vào tay bọn cướp, Bồ-tát bắt anh ta và hỏi:
– Quê anh ở đâu?
– Ở Ba-la-nại.
– Anh vừa từ đâu tới?
– Một người ở trong làng kia nợ tôi một ngàn đồng và tôi từ nơi đó tới đây. – Anh đã lấy được tiền chưa?
– Vâng, tôi lấy được rồi.
– Ai sai anh đi?
– Thưa ngài, cha tôi đã chết, mẹ tôi đang bệnh, chính mẹ tôi đã sai tôi đi vì bà nghĩ rằng tôi sẽ không đòi được tiền khi bà đã chết.
– Anh có biết bây giờ mẹ anh ra sao không?
– Thưa ngài không.
– Bà đã chết sau khi anh ra đi và vì quá thương anh mà bà liền hóa thành một con Chó rừng và cố ngăn anh vì sợ anh sẽ bị giết. Chính bà lại bị anh đuổi đi. Còn con Hạc kia là một kẻ thù của anh, chính nó đến bảo chúng ta hãy giết anh và đoạt tiền của anh. Anh thật là rồ dại vì nghĩ rằng mẹ anh là kẻ cầu họa cho anh trong khi bà chỉ mong anh được tốt lành, và ngược lại, rằng con Hạc kia là kẻ cầu phúc cho anh trong khi nó lại cầu họa cho anh. Con Hạc chẳng làm gì tốt cho anh, còn mẹ anh lại rất tốt với anh. Hãy giữ lấy tiền của anh và đi đi!
Rồi Bồ-tát thả cho anh ta đi.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, Ngài đọc các bài kệ sau;
Như chàng trai trẻ trên đường,
Chó rừng ấy đã làm chùng bước chân.
Chàng ta nhầm tưởng ác nhân,
Nào ngờ là kẻ cho chàng điều hay.
Lại nhầm Hạc chính bạn ngay,
Trong khi Hạc lại quyết bày ác mưu.
Nay có kẻ được nhiều bạn tốt,
Lại hiểu lầm sai sót bạn hiền,
Tai không nghe tiếng bạn khuyên
Những điều tốt đẹp dành riêng cho mình.
Hễ người ca tụng mới tin,
Ấy điều hung xấu đã liền hé ra:
Như chàng trai trẻ ngày xưa
Yêu con Hạc nọ bay qua đầu mình.
*
Khi bậc Ðạo Sư diễn giảng xong đề tài này, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ tướng cướp chính là Ta.
-ooOoo-
Hẳn chúa đàn có tài khéo léo..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một kẻ phá hư giỏ.
Ở Xá-vệ, một vị quan nọ mời đức Phật và hội chúng đệ tử của Ngài và đưa các vị đến ngồi trong vườn của ông. Khi ông phân phát đồ dùng trong bữa cơm, ông bảo:
– Vị nào muốn đi dạo trong vườn thì xin cứ đi.
Các Tỷ-kheo đi đây đó trong vườn. Bấy giờ, người giữ vườn leo lên một cái cây rậm lá, hái một nắm lá và bảo:
– Cái này để đựng hoa, còn cái này để đựng quả.
Thế rồi ông kết lá thành những cái giỏ và thả xuống gốc cây. Cứ mỗi cái giỏ rơi xuống liền bị ngay đứa con trai nhỏ của ông ta đến phá hư hết. Các Tỷ-kheo kể chuyện này cùng bậc Ðạo Sư. Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên cậu bé phá hư giỏ, trước kia cậu ấy cũng đã làm như thế.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình nọ ở Ba-la-nại. Ngài lớn lên và trở thành gia trưởng.
Nhân có việc, ngài đi ngang qua một khu vườn trong đó có một bọn khỉ đang sinh sống. Người giữ vườn đang ném xuống những cái giỏ bằng lá như đã kể trên, và con Khỉ đầu đàn đến phá hư giỏ khi chúng vừa rơi xuống, con Khỉ tưởng rằng xé các giỏ ấy là làm vui lòng chủ. Rồi Ngài đọc bài kệ thứ nhất:
Hẳn chúa đàn có tài khéo léo
Làm giỏ kia lắm nẻo công phu,
Ðời nào ông lại làm hư
Trừ phi giỏ khác ông trù làm thêm.
Nghe thế con Khỉ đọc bài kệ thứ hai:
Từ cha mẹ đến tôi nữa đó,
Có thế nào làm giỏ như người?
Người làm, ta xé rã rời
Tính riêng loài khỉ truyền đời là đây!
Và Bồ-tát trả lời bằng bài kệ thứ ba:
Nếu ta tính riêng bầy khỉ đột,
Quả là không thích hợp tính này!
Dù ngươi có đúng hay sai,
Cũng không đáng kể cả hai, cút liền!
Bồ-tát trách rầy như thế rồi ra đi.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ con Khỉ là cậu bé phá hư các giỏ kia, còn người trí nọ là Ta.
Có cây nọ trên cành mang trái..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về sự việc Trưởng lão Xá-lợi-phất biếu nước xoài cho Tỷ-kheo-ni Bimbàdevi.
Khi đức Phật khai mở Giáo hội trên thế giới, vị chánh thất của đức Cồ-đàm đang sống tại Vesàli (Tỳ-xá-ly), đã cùng với năm trăm phụ nữ Thích ca xin gia nhập Giáo hội và được thọ Ðại giới. Về sau năm trăm Tỷ-kheo-ni này đắc Thánh quả khi nghe Tôn giả Nandaka thuyết pháp.
Bấy giờ trong lúc bậc Ðạo Sư trú gần Xá-vệ, mẹ của Tôn giả La-hầu-la tự nghĩ: “Trượng phu ta sống đời Phạm hạnh, đã trở thành bậc Toàn trí, con ta cũng đã là một vị xuất gia và đang sống cùng Ngài. Ta còn phải làm gì trong gia đình nữa? Ta sẽ sống đời sống Phạm hạnh kia, sẽ đi đến Xá-vệ và sẽ sống mãi theo gương đức Phật và con ta”.
Vì thế bà đến một ni xá gia nhập giáo hội rồi đến sống trong một tịnh thất ở Xá-vệ cùng với các vị sư trưởng và giáo thọ; bà thường chiêm ngưỡng bậc Ðạo Sư và con trai yêu dấu của bà. Sa-di La-hầu-la cũng thường đến thăm mẹ.
Một hôm bà bị đau chứng sình bụng. Khi La-hầu-la đến thăm, bà không thể ra tiếp được; nhưng có người đến báo cho ông hay rằng mẹ ông đang bệnh. Thế rồi ông vào gặp mẹ và hỏi:
– Mẹ phải dùng thứ gì mới khỏi được?
Bà đáp:
– Con ơi, nếu như hồi còn ở nhà thì cơn đau này thường được chữa bằng nước xoài có pha với nước đường; nhưng giờ đây, chúng ta đang sống bằng khất thực thì kiếm đâu ra thứ đó?
Vị Sa-di đáp:
– Con sẽ kiếm thứ ấy cho mẹ.
Và ông ra đi. Bấy giờ sư trưởng của Tôn giả La-hầu-la là Tướng quân Chánh pháp Xá-lợi-phất và giáo thọ của ông là Ðại Mục-kiền-liên, chú ông là Trưởng lão Ànanda và thân phụ ông là đức Phật, như vậy ông thật có phước lớn. Tuy thế ông chỉ đến xin cầu cứu Trưởng lão Xá-lợi-phất, sư trưởng của ông. Sau khi thi lễ, ông đứng trước mặt thầy với vẻ buồn rầu. Trưởng lão hỏi:
– Sao con có vẻ buồn rầu thế La-hầu-la?
– Bạch thầy – ông đáp – mẹ con đang mắc chứng sình bụng.
– Thế người phải dùng thứ gì?
– Có nước xoài ép với đường thì người mới khỏi bệnh.
– Ðược rồi, ta sẽ có, con chớ lo!
Hôm sau Trưởng lão dẫn La-hầu-la đến Xá-vệ, bảo ông ngồi trong phòng đợi, còn Tôn giả đi vào cung vua. Vua Kosala mời Trưởng giả ngồi. Ngay lúc ấy, người giữ vườn mang vào một giỏ xoài chín ngọt. Vua gọt vỏ, rắc đường, tự tay ép xoài rồi đổ đầy bình bát của Trưởng lão. Trưởng lão trở lại phòng đợi, giao xoài cho vị Sa-di bảo đem về cho mẹ. Vị Tỷ-kheo-ni khỏi bệnh ngay sau khi dùng xoài. Nhà vua cũng phái thị giả đến và bảo:
– Trưởng lão không ngồi đây để dùng nước xoài. Hãy đi xem ngài có cho ai chăng.
Người kia đi theo Trưởng lão, khám phá sự việc rồi trở về trình vua. Nhà vua tự nghĩ: “Nếu bậc Ðạo Sư trở về đời thế tục, Ngài sẽ là vị Hoàng đế của cả thiên hạ, Sa-di La-hầu-la sẽ là Hoàng thái tử, Thánh nữ Tỷ-kheo-ni ấy sẽ là hoàng hậu. Tất cả thế giới này đều thuộc quyền các vị ấy. Ta cần phải đến hầu thăm các vị ấy. Các vị đang sống gần đây, không nên để mất thì giờ”. Thế là từ hôm ấy, vua vẫn tiếp tục cúng dường nước xoài cho vị Tỷ-kheo-ni.
Các Tỷ-kheo biết được sự việc Trưởng lão biếu nước xoài cho vị Thánh nữ Tỷ-kheo-ni. Và một hôm họ bắt đầu bàn tán trong Chánh pháp đường:
– Này Hiền hữu, tôi nghe rằng Trưởng lão Xá-lợi-phất đã chữa lành bệnh Tỷ-kheo-ni Bimbàdevi bằng nước xoài.
Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi:
– Các ông đang nói chuyện gì thế?
Và khi các vị ấy thuật lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên mẹ của La-hầu-la được Trưởng lão ấy chữa lành bệnh bằng nước xoài đâu; trước kia cũng đã từng xảy ra sự việc như vậy.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn, sống tại một ngôi làng Kàsi. Lớn lên, ngài được giáo dục ở Takkasilã, rồi thành lập gia đình. Khi cha mẹ mất, ngài sống đời tu hành. Sau đó ngài trú tại một vùng thuộc dãy Hy-mã-lạp Sơn (Tuyết Sơn), tu tập các Thắng trí và Thiền chứng. Một nhóm hiền giả đến tụ tập quanh ngài và ngài trở thành thầy của họ.
Một thời gian lâu sau, ngài xuống núi để kiếm muối, tương. Trên đường đi đây đó, ngài đến Ba-la-nại và trú tại một vườn cây nọ. Ðức hạnh sáng ngời của hội chúng hiền giả này đã làm rung động cung điện của Thiên chủ Ðế Thích. Ðế Thích quán chiếu và thấy được sự việc. Ngài nghĩ: “Ta sẽ làm hại trú xứ của họ, như vậy chỗ ở của họ sẽ bị xáo trộn và họ sẽ chịu nhiều gian khổ nên không thể an định tâm trí. Sau đó, ta mới lại được yên ổn”.
Ngài suy nghĩ phải làm thế nào để thực hiện được việc đó và vạch ra một kế hoạch. “Ta sẽ vào phòng chánh hậu vào đúng lúc nửa đêm rồi bay lên không và nói: “Thưa hoàng hậu, nếu lệnh bà ăn một trái xoài chính trung, bà sẽ có một hoàng nam và hoàng nam ấy sẽ là vị hoàng đế trị vì cả thiên hạ”. Thế là bà ta sẽ kể lại với vua, vua sẽ sai vào vườn hái xoài. Ta sẽ làm cho tất cả trái biến mất đi. Người ta sẽ trình với vua rằng không còn trái nào cả và khi vua hỏi ai đã ăn hết thì sẽ được trả lời: “Các nhà tu khổ hạnh đã ăn hết”.
Ðúng nửa đêm, Thiên chủ Ðế Thích hiện ra trong phòng của hoàng hậu, để lộ đầu của ngài và nói với hoàng hậu, vừa ngâm hai bài kệ đầu tiên:
Có cây nọ trên cành mang trái
Thật diệu kỳ tên gọi Chính trung
Phu nhân ăn trái vào lòng,
Sinh con ngôi báu nắm tròn thế gian.
Thưa Chánh hậu, bà hoàng trọng đại,
Ðấng quân vương sủng ái người thay,
Hãy xin ngài bảo mang xoài
Chính trung trái ấy mà người cần ăn.
Ðế Thích đọc cho hoàng hậu nghe hai bài kệ trên rồi bảo là hãy cẩn thận và chớ trì hoãn, phải đích thân đến nói chuyện với nhà vua. Nói xong Ðế Thích khích lệ bà rồi quay trở về cung điện của mình.
Hôm sau, hoàng hậu nằm liệt như là đang bệnh và gọi các thị nữ đến dặn dò. Nhà vua đang ngồi trên ngai dưới chiếc lọng trắng và xem khiêu vũ. Không thấy hoàng hậu, vua hỏi một nữ tỳ xem bà ở đâu.
– Hoàng hậu đang bệnh. Cô gái đáp.
Nhà vua đến thăm, ngồi bên cạnh và vỗ lưng bà. Ngài hỏi:
– Hoàng hậu làm sao thế?
– Thưa chẳng sao cả – bà đáp – Có điều thiếp đây đang khao khát một chuyện.
– Hoàng hậu muốn gì? Vua lại hỏi.
– Một trái xoài chính trung, thưa Ðại vương.
– Ở đâu có các trái xoài chính trung ấy?
– Thần thiếp không biết trái xoài chính trung là gì, nhưng thần thiếp biết rằng thần thiếp sẽ chết nếu không có được một trái ấy.
– Ðược rồi, ta sẽ mang cho ái khanh một trái, chớ buồn lo.
Nhà vua khuyên bảo bà như vậy rồi ra đi. Ngài ngủ trên vương sàng và cho đòi các cận thần đến rồi bảo:
– Hoàng hậu đang khao khát một trái xoài chính trung, bây giờ phải làm sao đây?
Có người tâu:
– Một trái xoài chính trung là một cây xoài mọc giữa hai cây khác; hãy hái trái của nó rồi dâng cho hoàng hậu.
Thế là nhà vua sai người làm theo như vậy.
Nhưng Ðế Thích dùng quyền lực của mình làm cho tất cả trái cây biến mất như đã bị người ta ăn hết. Những người được phái đi kiếm xoài đã lục xét khắp vườn cây nhưng vẫn không kiếm được một trái xoài nào. Do đó, họ trở về tâu với vua là không còn trái nào cả.
– Ai đã ăn xoài hết thế? Vua hỏi.
– Tâu Ðại vương, các nhà tu khổ hạnh đấy!
– Hãy lấy gậy đánh chúng rồi tống cổ chúng ra khỏi vườn cây!
Vua ra lệnh như thế và người ta thi hành theo. Ðế Thích được toại nguyện, còn hoàng hậu cứ nằm dài khao khát trái xoài.
Nhà vua không biết phải làm gì. Ngài họp các triều thần và các Bà-la-môn lại rồi hỏi:
– Các khanh có biết một trái xoài Chính trung là gì không?
Các Bà-la-môn thưa:
– Tâu Ðại vương, cây xoài Chính trung là vật sở hữu của các vị thần. Nó mọc trong dãy Hy-mã-lạp Sơn, trên Núi Vàng, Chúng thần nghe truyền thuyết như vậy.
– Ðược rồi, ai có thể đi kiếm nó?
– Người thường không thể đi được, ta phải sai một con vẹt trẻ.
Bấy giờ trong cung có một con Vẹt trẻ và đẹp, to bằng cái đùm xe ngựa của các hoàng tử. Nó mạnh khỏe, khéo léo và nhiều mưu lược. Vua cho gọi con Vẹt đến và bảo nó:
– Này vẹt yêu quí, ta đã ban cho con nhiều thứ: con được ở trong một cái lồng bằng vàng, ăn các hạt ngon ngọt trong một cái đĩa bằng vàng, uống nước đường. Giờ đây, ta muốn con làm cho ta một việc.
– Tâu Ðại vương, xin ngài cứ dạy. Con Vẹt nói.
– Này con, hoàng hậu rất thèm một trái xoài Chính trung, cây xoài này mọc trong dãy Hy-mã-lạp Sơn, trên Núi Vàng, đó là nơi của các vị thần, không ai có thể đến đó được. Con phải đến đó và mang trái ấy về đây.
– Tốt lắm, thưa Ðại vương, con sẽ làm như thế. Con vẹt đáp.
Nhà vua lấy một cái đĩa bằng vàng, bỏ vào đó thứ hạt ngon ngọt cho nó ăn, rồi cho nó uống nước đường. Ngài xức dầu thơm ở dưới đôi cánh nó bằng một thứ dầu trăm lần tinh luyện, rồi ngài cầm nó bằng cả hai tay, ra đứng trước cửa sổ và thả cho nó bay đi.
Con Vẹt thực hiện nhiệm vụ nhà vua giao, bay mãi trên cao, vượt xa những lối đi của người, cho đến khi nó đến chỗ những con vẹt trú ở vùng đồi đầu tiên của dãy Hy-mã-lạp Sơn.
Nó hỏi những con vẹt ấy:
– Cây xoài Chính trung ở đâu? Hãy chỉ chỗ cho ta đi!
– Chúng tôi không biết – chúng đáp – nhưng bọn vẹt ở dãy đồi thứ hai sẽ biết nó ở đâu.
Con Vẹt nghe xong liền bay đến dãy đồi thứ hai. Và cứ thế, nó bay đến dãy đồi thứ ba, thứ năm, thứ sáu. Tại đây, bọn vẹt cũng nói:
– Chúng tôi không biết nhưng bọn vẹt ở dãy đồi thứ bảy sẽ biết.
Thế là Vẹt tiếp tục bay đến đó và hỏi cây xoài Chính trung mọc ở đâu.
– Ở tại một nơi kia trên Núi Vàng, chúng đáp.
Vẹt nói:
– Hãy dẫn ta đến đó và kiếm cho ta trái cây kia.
– Ðó là địa phận của vua Vessavana (Tỳ-sa-môn Thiên vương) không thể đến gần được. Toàn bộ cái cây từ rễ trở lên đều được vây bọc bằng bảy lần lưới sắt, nó còn được canh gác bởi hàng ngàn triệu quỷ thần Kumbhanda (Cưu-bàn-trà), hễ thấy kẻ nào là chúng hại ngay. Chỗ ấy giống như lửa thiêu hủy và lửa địa ngục. Xin chớ đòi hỏi một việc như thế!
– Nếu các bạn không muốn đi với tôi, xin hãy chỉ đường cho tôi, Vẹt nói.
Thế rồi bọn chúng chỉ cho con vẹt phải đi lối nào. Nó cẩn thận nghe theo những lời chỉ dẫn. Ban ngày nó dấu mình, rồi đợi đến đêm khuya khoắt, bọn quỷ đã ngủ, nó mới tiến đến gần cây mà nhẹ nhàng trèo lên. Nhưng… “cách!” lưới sắt rung – bọn quỷ thức dậy nhìn thấy con Vẹt, liền vây lấy nó và la lên: “Trộm!”. Rồi chúng bàn nhau phải làm gì với con Vẹt.
Một con quỷ nói:
– Tôi sẽ đè bẹp nó bỏ vào mồm rồi nuốt nó!
Một quỷ khác nói:
– Tôi sẽ đè bẹp nó, nhồi xác nó trong tay rồi làm nó rã ra từng miếng!
Con quỷ thứ ba nói:
– Tôi sẽ cắt nó ra làm hai, sẽ nướng nó trên than rồi ăn nó!
Con Vẹt nghe chúng bàn tính cẩn thận. Nó bình tĩnh nói với bọn chúng:
– Này các bạn quỷ, các bạn là quân hầu của ai?
– Chúng ta thuộc quyền vua Vessavana.
– Này, các bạn có một ông vua làm chủ các bạn và tôi cũng có một ông vua khác làm chủ tôi. Vua xứ Ba-la-nại sai tôi tới đây tìm một trái của cây xoài chính trung. Tôi đã hiến ngay đời mình cho vua tôi và giờ đây, tôi đang làm như thế. Kẻ nào hy sinh đời mình vì cha mẹ hay vì chủ thì lập tức được sinh lên cõi trời. Do đó, tôi sắp thoát xác loài vật để đi đến thế giới của Thiên thần!
Rồi Vẹt đọc bài kệ thứ ba:
Những người dũng cảm quyên mình
Một lòng sốt sắng hy sinh cuộc đời,
Chốn nào họ đạt đến rồi,
Nơi kia chốc lát nữa tôi tới gần.
Con Vẹt thuyết giảng như vậy và đọc bài kệ xong, bọn quỷ lắng nghe và lấy làm vừa lòng. Chúng bảo:
– Này chim Vẹt, bạn được tự do! Hãy an nhiên mà ra khỏi tay chúng ta!
– Xin chớ để cho tôi tay không trở về – Vẹt nói – hãy cho tôi một trái xoài!
– Này Vẹt, bọn quỷ nói – chúng ta không thể lấy ra khỏi cây một trái mà cho bạn được đâu! Tất cả trái trên cây này đều đã được đánh dấu. Nếu thiếu trái nào là chúng ta mất mạng ngay. Hễ Ðại vương Vessavana nổi giận lên và chỉ nhìn một cái là một ngàn quỷ sẽ vỡ vụn, vung vãi ra như đậu rang vung tóe trên chảo nóng. Vì thế, chúng ta không thể cho bạn trái nào được. Tuy nhiên, chúng ta chỉ cho bạn một chỗ bạn có thể lấy vài trái.
– Tôi chẳng cần biết ai cho – con Vẹt nói – Nhưng tôi phải có trái ấy. Hãy cho tôi biết tôi có thể kiếm nó ở đâu.
– Tại một trong những con đường mòn khúc khuỷu của Núi Vàng có một nhà tu khổ hạnh tên là Jotirasa, ở trong một chòi lá, canh chừng ngọn lửa thiêng được gọi là Kancanapatti hay Kim Diệp, ông ấy được Ðại vương Vessavana ưu ái. Ðại vương Vessavana vẫn thường gửi cho ông ta bốn trái cây kia, hãy đi đến đó!
Con Vẹt từ giã rồi đến nhà tu khổ hạnh. Sau khi chào hỏi, nó ngồi xuống một bên. Nhà ẩn dật hỏi:
– Ngươi từ đâu đến?
– Từ cung vua xứ Ba-la-nại.
– Tại sao ngươi đến đây?
– Thưa ngài, hoàng hậu của chúng tôi ao ước một trái xoài chính trung, vì thế mà tôi đến đây. Bọn quỷ đã không cho tôi trái nào nhưng lại bảo tôi đến ngài.
– Ngồi xuống đi nào, ngươi sẽ có một trái.
Vị ẩn sĩ đi lấy bốn trái mà Ðại vương Vessavana vẫn thường gởi cho, ăn hết hai trái, cho con Vẹt ăn một trái, sau đó ông treo trái thứ tư vào một sợi dây rồi cột chắc vào cổ con Vẹt và để nó ra đi. Ông nói:
– Nào đi đi!
Con Vẹt bay trở về và dâng trái xoài lên hoàng hậu. Bà ăn xoài, thỏa mãn điều ao ước kia, nhưng từ đó bà vẫn không có con trai.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc ấy, mẹ của La-hầu-la là hoàng hậu, Ànanda là con Vẹt, Xá-lợi-phất là nhà tu khổ hạnh cho xoài kia, còn nhà tu sống trong vườn cây kia chính là Ta.
-ooOoo-
Ðiều tốt nhất các khanh nên biết..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một quan đại thần của xứ Kosala.
Ông này rất đắc lực cho vua và người ta kể rằng ông làm hết mọi việc cần làm. Vì ông rất đắc lực nên vua rất quý trọng ông. Các quan khác ganh tị, âm mưu hạ nhục và vu cáo ông. Vua nghe lời họ mà không tra xét tội trạng. Dù ông rất đức hạnh và vô tội, vua vẫn cho trói ông lại bằng dây xích và bỏ ông vào ngục. Ông sống cô đơn trong ngục, nhưng nhờ đức hạnh ông vẫn an tâm và nhờ tâm an tịnh, ông hiểu được những điều kiện của sự sống và ông đắc quả Dự Lưu. Ít lâu sau, vua nhận ra ông vô tội nên phá bỏ xiềng xích cho ông và tôn quý ông còn hơn trước kia nữa. Ông muốn được bày tỏ lòng tôn kính trước bậc Ðạo Sư nên mang hương hoa đến tịnh xá, đảnh lễ đức Phật rồi kính cẩn ngồi một bên. Bậc Ðạo Sư ân cần nói với ông:
– Chúng tôi có nghe ông gặp vận xui.
Ông thưa:
– Bạch Ngài, vâng, nhưng con đã làm cho vận xui ấy trở thành tốt, trong lúc ngồi tù, con đã đắc quả Dự Lưu.
Bậc Ðạo Sư bảo:
– Này Hiền hữu, không phải chỉ có ông là người đã đổi xấu thành tốt; những bậc trí giả ngày xưa cũng đã đổi cái xấu thành cái tốt như ông vậy.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra là con của chánh hoàng hậu. Ngài lớn lên và được giáo dục tại Takkasilà; khi vua cha mất ngài lên ngôi và giữ đúng mười điều luật của một vị vua; ngài bố thí, hành thiện và chấp trì ngày trai giới.
Một quan đại thần kia đã thông gian trong đám cung phi của vua. Các tôi tớ biết được và kể cho vua nghe, một người nọ đang tiến hành một âm mưu. Nhà vua khám phá ra đúng sự thật của việc ấy rồi gọi ông ta lại:
– Ðừng bao giờ để cho ta thấy mặt ngươi nữa.
Vua bảo thế rồi đuổi ông ta đi. Ông quan bỏ đi đến triều đình của một vị vua láng giềng, thế rồi mọi sự việc xảy ra như đã tả ở số 51 Tiền thân Mahàsilava. Ở đây cũng thế, vị vua này ba lần thử ông, tin theo ông và dẫn một đạo quân lớn đến Ba-la-nại để mong xâm chiếm. Ðược tin ấy, các tướng lãnh của vua Ba-la-nại gần năm trăm vị đã nói với vua:
– Ông vua kia đã đến đây, phá hoại xứ sở để mong chiếm lấy Ba-na-lại. Xin cho chúng thần đi bắt ông ta!
– Ta không muốn giữ vương quốc bằng cách giết hại – vua bảo – Ðừng làm gì cả.
Ông vua cướp nước kia bao vây thành phố. Các đại thần lại đến gần vua và nói:
– Tâu Ðại vương, xin hãy lưu tâm. Hãy cho phép chúng thần bắt ông ta!
– Không được làm gì cả – vua phán – Hãy mở các cổng thành.
Rồi vua đoan nghiêm ngồi trên bệ, giữa các đại thần của triều đình.
Vua cướp nước vào thành, hạ các người giữ cổng rồi vào cung điện. Nơi đây, ông bắt giữ vua và các triều thần, trói xích lại rồi tống tất cả vào ngục. Vua ngồi trong ngục thương xót kẻ cướp nước kia, nỗi xót xa cùng cực trào dâng trong ngài. Do lòng thương xót kia mà ông vua nọ bỗng cảm thấy giày vò bứt rứt trong thân, cả người như bị thiêu đốt gấp hai lần lửa bỏng. Bị ray rứt xốn xang vì trọng tội, ông ta hỏi các cận thần vì sao như vậy.
Họ trả lời:
– Ngài đã bắt giam một vị vua công chính, do thế mà ngài bị như thế kia.
Ông ta liền đến xin Bồ-tát thứ lỗi, giao trả lại vương quốc. Ông nói:
– Vương quốc của ngài phải là của riêng ngài. Từ nay về sau, xin hãy để các kẻ thù của ngài cho tôi lo liệu.
Rồi ông trừng phạt quan cố vấn xấu xa kia và quay trở về thành phố của mình.
Bồ-tát nghiêm trang ngồi trên bệ cao, trong lễ phục giữa đám triều thần, đọc cho họ nghe hai bài kệ sau:
Ðiều tốt nhất các khanh nên biết:
Việc tốt hơn hãy quyết lòng làm,
Kẻ kia, ta đối thiện tâm
Nên ta cứu tử được năm trăm người.
Khuyên các khanh, với đời hãy tỏ
Vẻ khoan dung đức độ, hiền hòa,
Cõi trời, vào hết chẳng riêng
Dân Kà-si hỡi, hãy liền nghe ta.
Như vậy, bậc Ðại Sĩ ca ngợi đức hạnh về lòng từ bi đối với đại chúng. Sau đó, ngài rời ngai vàng trong kinh thành đồ sộ Ba-la-nại; rộng tới mười hai dặm để đi vào dãy Hy-mã-lạp Sơn và sống đời tu hành.
Bậc Ðạo Sư với Trí tuệ Toàn hảo, đọc vần kệ thứ ba:
Ta là Ðại đế Ba-la-nại
Vua Kam-sa, có bấy nhiêu lời:
Cung tên ta đã bỏ rời,
Thành người tự thắng, ta thời nên công.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Ànanda là ông vua cướp nước kia, còn vua xứ Ba-la-nại chính là Ta vậy.
-ooOoo-
Mồi ngon nhất bạn luôn luôn được..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về Trưởng lão Dhanuggàhatissa.
Mahà Kosalã, cha của vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) khi gả con gái là công chúa Kosalà cho vua Bimbisàra (Tần-bà-sa-la) đã cho một ngôi làng Kàsi và một số tiền là một trăm ngàn đồng để làm của hồi môn. Khi Tần-bà-sa-la bị con là Ajàtasattu (A-xà-thế) giết thì công chúa Kosalã cũng chết đi vì sầu khổ. Vua Ba-tư-nặc suy nghĩ: “A-xà-thế giết cha, em gái ta đã phải chết đi vì tiếc thương người chồng bất hạnh; ta sẽ không cho đứa giết cha kia ngôi làng Kàsi ấy nữa”.
Thế là vua không chịu cho A-xà-thế ngôi làng kia. Do đó, chiến tranh thường xảy ra giữa hai bên vì ngôi làng. A-xà-thế rất kiêu căng và rất mạnh mẽ, còn Ba-tư-nặc đã quá già nên cứ bị thua trận mãi và nhân dân của ông vẫn thường bị chinh phục. Bấy giờ, vua mới hỏi các triều thần:
– Chúng ta cứ bị đánh bại mãi, biết làm sao bây giờ?
Vua được trả lời:
– Các vị sư phụ rất thiện xảo về chú thuật. Chúng ta phải nghe lời nói của các Tỷ-kheo đang trú tại tinh xá Kỳ Viên.
Vua phái các cận thần, bảo họ chờ thật đúng lúc nghe các Tỷ-kheo ấy nói chuyện. Bấy giờ Trưởng lão sống trong một túp lều lá gần tinh xá tên là Utta và Trưởng lão Dhanuggahatissa đã ngủ hết canh đầu, canh thứ hai và thức dậy vào canh cuối cùng. Ông bỏ vài cành cây, nhúm lên một ngọn lửa rồi ngồi xuống bảo:
– Này hiền hữu Utta!
– Gì vậy hiền hữu Tissa?
– Hiền hữu không ngủ à?
– Bây giờ chúng ta cùng thức cả rồi, làm gì đây?
– Thì dậy đi nào, hãy đến ngồi cạnh tôi đây.
Thế rồi Dhanuggahatissa bắt đầu nói với Utta:
– Lão bụng bự Kosalã khờ khạo kia chẳng bao giờ có được một bát cơm chín đầy mà không để cho nó thiu thối đi, làm sao mà toan tính một cuộc chiến tranh trong khi lão ta chẳng biết một tí gì cả? Lão luôn luôn bị đánh bại và phải chịu hao tốn.
– Thế thì lão ta phải làm gì nào?
Bấy giờ đúng là lúc các cận thần kia đang đứng nghe hai vị Trưởng lão nói chuyện. Dhanuggahatissa bàn về chiến thuật:
– Chiến thuật ư? Nó gồm ba loại: đạo quân hoa sen, đạo quân bánh xe và đạo quân toa xe. Nếu những ai muốn bắt A-xà-thế thì họ sẽ đóng quân trên hai ngọn đồi cách thẳng nhau và giả bộ yếu mà chạy, chờ cho đến khi quân của hắn đuổi theo thì chận ngay lối đi của hắn. Quân từ hai đồn trên đồi kia vọt ra giữ lấy đằng trước và đằng sau hắn, rồi reo hò ầm ĩ lên. Thế là sẽ nhanh chóng bắt được hắn như bắt một con cá trên đất, một con nhái trong nắm tay. Ðấy, cứ thế là chộp được A-xà-thế ngay!
Các cận thần trở về thuật lại hết như vậy cho vua nghe. Vua cho thúc tiếng trống tấn công, dàn quân theo mẫu toa xe và bắt sống được A-xà-thế. Sau đó, khi vua gả con gái mình là công chúa Vajirã cho con trai của em gái mình (tức A-xà-thế) thì vua cho công chúa ngôi làng Kàsi kia để làm của hồi môn.
Các Tỷ-kheo biết được sự việc trên và một hôm, họ đem ra bàn tán trong Pháp đường:
– Này Hiền hữu, tôi nghe rằng vua Kosalã đã thắng A-xà-thế nhờ những lời chỉ bảo của Dhanuggahatissa.
Bậc Ðạo sư bước vào và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông đang ngồi đây bàn tán chuyện gì đó?
Khi nghe các vị ấy thuật lại, Ngài dạy:
– Ðây không phải là lần đầu tiên Dhanuggahatissa khéo léo bàn tán về chiến thuật.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là một vị thần cây. Bấy giờ có vài người thợ mộc sống trong ngôi làng gần Ba-la-nại. Một người thợ mộc kia lúc vào rừng đốn cây, thấy một con Heo rừng còn nhỏ bị rơi xuống hầm bẫy, liền mang về nhà nuôi. Con Heo lớn lên, mập mạp với những sừng nanh cong vút. Nó là một con vật rất dễ dạy. Vì người thợ mộc nuôi nó, nên nó có thể là con Heo rừng của người thợ mộc. Mỗi khi người thợ mộc đốn cây, con Heo rừng dùng mồm trở cây lại, rồi dùng răng mang rìu, vạt, đục, vồ và cắn một đầu thước đo mà kéo theo. Người thợ mộc sợ người ta bắt nó ăn thịt nên đem nó thả vào rừng.
Con Heo chạy vào rừng sâu, tìm kiếm một nơi an toàn và hợp ý để sống. Sau cùng nó trông thấy một cái hang lớn nằm bên sườn núi, nơi ấy có nhiều củ, rễ, trái thật là một nơi ăn ở rất tốt. Có vài trăm con heo rừng khác trông thấy nó, liền đến gần.
Nó nói với chúng:
– Các bạn đúng là những vật ta đang tìm kiếm và thế là bây giờ ta đã kiếm được rồi. Ðây có lẽ là một chỗ tốt. Bây giờ ta muốn sống ở nơi đây cùng các bạn.
Bọn heo rừng kia đáp:
– Hẳn là một chỗ tốt, nhưng lại nguy hiểm.
– À – con Heo nói – mới thoạt trông thấy các bạn, ta đã ngạc nhiên rằng sao những vật sống ở một nơi trù phú thế này lại gầy ốm, xanh xao như thế kia. Các bạn sợ cái gì vậy?
– Có một con Hổ, cứ buổi sáng nó đến đây và trông thấy ai thì nó vồ ngay rồi mang đi.
– Việc ấy xảy ra luôn luôn hay thỉnh thoảng mới xảy ra?
– Luôn luôn.
– Có cả thảy bao nhiêu con hổ?
– Chỉ có một con thôi.
– Sao? Chỉ có một con mà lại quá nhiều đối với các bạn à?
– Vâng thưa ngài.
– Ta sẽ bắt nó miễn là các bạn chỉ làm theo lời ta. Con Hổ ấy sống ở đâu?
– Trên ngọn đồi kia kìa.
Thế rồi ban đêm, Heo rừng luyện tập bọn ấy và chuẩn bị chiến đấu, nó giảng giải chiến thuật:
– Chiến trận bao gồm ba loại: đạo quân hoa sen, đạo quân bánh xe, đạo quân toa xe.
Rồi nó sắp đặt bọn heo theo mẫu hoa sen. Nó biết được một nơi lợi thế, bèn nói:
– Ta phải tổ chức trận chiến nơi đây.
Các heo mẹ và heo con đang bú được sắp chính giữa, quanh đó là heo cái không có con thơ, vòng kế nữa là bọn heo nhỏ, rồi vòng tiếp theo là bọn heo trẻ và quanh bọn này là bọn heo sẵn sàng chiến đấu, mạnh khỏe, lực lưỡng. Nó sắp đặt từng đội theo nhóm từng chục hay từng hai chục. Phía trước vị trí của chính nó là một cái lỗ tròn, phía sau lỗ là một cái hố thoai thoải sâu dần có hình dạng như một cái giỏ sảy thóc. Nó đứng điều động trong đám heo, theo sau nó là sáu bảy chục con, nó truyền cả bọn phải thật can đảm.
Ðêm đã hết, con Hổ thức dậy và nghĩ: “Tới giờ rồi!” Nó chạy đi rồi bắt gặp đàn heo. Nó đứng lại trên mô đất, trừng mắt thị uy bọn chúng. Con Heo rừng của thợ mộc la lên và ra hiệu cho cả bọn:
– Trừng lại đi!
Tất cả đều trừng mắt nhìn lại hổ. Hổ há miệng gầm gừ một tiếng dài; cả bọn heo cũng làm như thế. Hổ phóng uế, bọn heo cũng vậy. Hễ Hổ làm sao thì bọn heo cũng làm theo nó.
“Sao, việc này là thế nào?” – Hổ tự nghĩ – “Mọi khi chúng nó thấy ta là liền vắt giò lên cổ mà chạy. Thực ra chúng quá sợ hãi đến chạy không nổi nữa. Nay chẳng những chúng không chạy mà lại còn đứng lên chống ta nữa. Ta làm gì chúng đều nhại lại. Có anh chàng kia đang đứng ở vị trí chỉ huy. Chính hắn là kẻ đã tổ chức cái bọn hỗn độn này. Thôi được, ta không thấy cách nào để thắng bọn chúng”. Thế rồi nó quay đi và trở về hang.
Bấy giờ có một ẩn sĩ giả hiệu, thường được Hổ chia cho một phần mồi. Lần này Hổ trở về tay không, ông ta để ý sự việc ấy và đọc bài kệ sau đây:
Mồi ngon nhất bạn luôn luôn được
Mỗi khi đi săn rượt heo rừng.
Bạn nay phiền muộn, tay không,
Nào đâu sức mạnh hào hùng trước đây?
Nghe thế, Hổ đọc một bài kệ tiếp:
Trước kia chúng thường hay tháo chạy,
Tìm về hang, kinh hãi, tả tơi;
Nay thành hàng ngũ hẳn hoi,
Ðứng lên dũng mãnh, quyết đòi ta lui.
-Ồ – đừng sợ chúng – ẩn giả khích lệ – chỉ một tiếng gầm, một cú vồ là đủ làm chúng kinh hãi mất trí khôn và trở nên hỗn loạn ngay.
Hổ xiêu lòng trước lời khuyến dụ ấy, lấy can đảm quay trở lại và đứng lên mô đất kia.
Chú Heo rừng của thợ mộc đang đứng giữa hai cái hố, bọn heo la lên:
– Chủ tướng xem kìa, tên vô lại kia lại đến!
– Ồ, chớ sợ – nó nói – Chúng ta sẽ tóm nó ngay.
Hổ gầm một tiếng rồi phóng tới vồ lấy chú heo rừng của thợ mộc, ngay lúc ấy chàng Heo né tránh và nhảy ngay xuống cái hố tròn. Hổ không dừng lại được, ngã lộn nhào và rơi trọn vào ngàm của cái hố thứ hai kia, nằm chẹt tại đó. Heo nhảy ra khỏi cái hố của nó, nhanh như chớp, thúc sừng vào đùi con Hổ, xé toang đến thận nó, vùi nanh vào khối thịt ngon ngọt của con vật, và thúc cả vào đầu nó. Rồi nó lôi Hổ ra khỏi hố và la lớn:
– Kẻ thù của các bạn đây, dành cho các bạn đây!
Bọn heo đến trước có thịt hổ mà ăn, còn bọn đến sau chỉ ngửi vào mồm bọn kia mà hỏi thịt hổ ăn giống như ăn thứ gì!
Nhưng bọn heo rừng vẫn chưa thỏa dạ. Chú heo kia đã nhận thấy thái độ của chúng, liền hỏi:
– Bây giờ còn điều gì nữa nào?
– Thưa chủ tướng – chúng nói – Giết được một con hổ thì thật là tốt quá, thế nhưng ông ẩn sĩ giả mạo kia còn có thể mang đến cả chục con hổ nữa!
– Hắn ta là ai thế?
– Một nhà tu giả hiệu ác độc.
– Con hổ kia ta còn giết được, thế các bạn cho rằng một con người còn có thể chạm tới ta được chăng? Hãy đến đó đi và chúng ta sẽ tóm được hắn.
Thế là cả bọn tiến lên.
Bấy giờ ông kia đang lấy làm lạ rằng tại sao Hổ lâu quá mà chưa trở về. Không chừng bọn heo đã tóm được nó rồi?” Ông ta tự nghĩ như vậy và quyết ra đón Hổ ở dọc đường. Khi ông ra thì đàn heo đã kéo đến!
Ông ta vội quơ các đồ dùng rồi phóng chạy. Bọn heo đuổi riết theo. Ông ném bỏ các thứ vướng víu rồi vụt trèo lên một cây sung.
Bọn heo la lên:
– Thưa chủ tướng, thế là xong hết cả rồi! Ông kia đã leo lên cây.
– Cây nào? Chú Heo lãnh đạo hỏi.
– Cây sung! Chúng đáp.
-Ồ – thế thì tốt lắm, các chị heo nái mang nước lại, các bạn heo trẻ bới cây, các bạn tráng kiện có sừng nanh bứt rễ, đám còn lại vây quanh mà trông chừng.
Cả bọn làm theo các nhiệm vụ mà nó giao phó. Trong khi ấy nó lao ngay vào một cái rễ to lớn, rồi như một nhát rìu bổ, nó tống ngã cái cây xuống đất. Bọn heo đang chờ sẵn, xông tới kết liễu vị tu sĩ giả mạo kia, xé ông ra từng mảnh và chỉ trong chốc lát, chúng gặm đến sạch xương!
Thế rồi, chúng đặt chàng Heo rừng của thợ mộc trên thân cây; lấy chiếc vỏ sò của kẻ bạc mạng, đổ đầy nước rồi tưới vào chú Heo rừng kia để tôn lên làm vua. Một chị heo trẻ cũng được chúng tôn lên làm hoàng hậu.
Người ta bảo rằng đó là nguồn gốc của tục lệ này vẫn còn được giữ. Ngày nay khi muốn tôn ai lên làm vua, người ta để người ấy ngồi trên một chiếc ghế đẹp bằng gỗ cây sung rồi dùng ba chiếc vỏ sò tưới vào.
Một vị thần sống ở trong rừng ấy chứng kiến sự việc kỳ diệu ấy, hiện ra trước bầy heo, đứng trong lỗ nứt của thân cây và đọc lên bài kệ thứ ba:
Ta đã thấy một kết đoàn kỳ đặc
Vinh quang thay, những bộ tộc hợp quần!
Ðám heo rừng đã đánh hổ tan hoang
Bằng sức mạnh và sừng nanh hợp nhất.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Trưởng lão Dhanuggahatissa là chú Heo rừng của người thợ mộc, còn Ta là vị thần cây.
-ooOoo-
Những của cải do mình tạo dựng…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể về một vị Bà-la-môn ăn cắp vận may.
Các tình tiết về câu chuyện Tiền thân này giống như ở số 40. Tiền thân Khadiraga.
Cũng như trước kia vị nữ thần tà giáo sống ở tháp cổng nhà ông Anàthapindika (Cấp Cô Dộc), ăn năn hối lỗi đem bỏ vào kho của ông năm trăm bốn mươi triệu đồng tiền vàng và trở thành bạn của ông. Ông dẫn nàng đến trước bậc Ðạo Sư. Ngài thuyết giảng cho nàng, nhờ thế, nàng nhập quả vị Dự lưu. Từ đó, danh tiếng của vị Trưởng giả lại vang lừng như trước.
Bấy giờ, có một Bà-la-môn sống tại Kỳ Viên có tài xem dấu hiệu của vận may, suy nghĩ: “Cấp Cô Ðộc bị nghèo khó rồi lại trở nên nổi danh. Ta giả bộ thăm hắn rồi lấy cắp vận may của hắn xem sao!
Thế là ông ta đến nhà ông Cấp Cô Ðộc và được đón tiếp rất niềm nở. Sau những lần trao đổi xã giao, chủ nhà hỏi lý do cuộc viếng thăm. Vị Bà-la-môn để ý xem vận may của Trưởng giả kia nằm ở đâu. Bấy giờ ông Cấp Cô Ðộc có một con gà trống trắng, trắng như một vỏ sò đã được cọ rửa, con gà được giữ trong một cái lồng bằng vàng, và vận may của vị Trưởng giả đang nằm trong cái mồng của nó. Thế là người Bà-la-môn ấy đã dò tìm được vận may nằm ở đâu rồi.
– Thưa Tôn giả – ông ta nói – tôi dạy thần chú cho năm trăm người bạn trẻ. Chúng tôi đang bực mìmh vì một con gà trống cứ gáy không phải lúc. Con gà của ngài gáy đúng giờ giấc, vì thế mà tôi đến đây để xin nó. Ngài có thể cho tôi không?
– Vâng, Trưởng giả bảo, và ngay khi ông thốt ra lời ấy thì vận may rời khỏi cái mồng gà và đến nằm trong một viên ngọc gắn ở cái gối. Người Bà-la-môn thấy vận may vào trong viên ngọc liền xin luôn viên ngọc. Và ngay khi chủ nhân thuận cho thì vận may lại rời viên ngọc mà vào nằm trong cái gậy dùng để tự vệ đang đặt trên gối. Người Bà-la-môn thấy thế lại xin thêm chiếc gậy.
– Hãy lấy đi rồi ra về. Chủ nhân nói.
Và ngay lúc ấy, vận may lại rời chiếc gậy mà vào nằm trên đầu người vợ chánh của chủ nhân, đó là Phu nhân Punnalakkhanà (Phước tướng). Thấy thế, vị Bà-la-môn gian xảo kia tự nghĩ: “Ðây là thứ không thể nhượng lại, ta đâu có thể xin được!” Thế rồi ông nói với vị Trưởng giả:
– Thưa Trưởng giả, tôi đến nhà ngài chỉ để đánh cắp vận may của ngài. Vận may ấy nằm trong mồng con gà trống của ngài. Nhưng khi ngài cho tôi con gà trống, vận may lại chạy sang viên ngọc; khi ngài cho tôi viên ngọc, vận may lại sang chiếc gậy; khi ngài cho tôi chiếc gậy thì nó lại chạy thoát ra ngoài và vào trong đầu của Phu nhân Phnnalakkanà. Chắc chắn đây là thứ không thể nhượng lại, vậy không bao giờ tôi có thể có được vận may ấy. Không thể nào đánh cắp vận may của ngài được. Vậy thì ngài hãy giữ nó!
Nói xong, ông ta đứng dậy và ra đi. Ông Cấp Cô Ðộc quyết định kể chuyện cùng bậc Ðạo Sư. Vì thế ông đến tịnh xá. Sau khi thành kính đảnh lễ, ông ngồi xuống một bên và kể cùng đức Phật đầu đuôi sự việc. Bậc Ðạo Sư nghe xong và dạy:
– Này thiện nam tử, ngày nay vận may của một người không đi sang người khác. Nhưng ngày xưa vận may của những kẻ kém trí lại đi sang kẻ khôn lanh.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn tại vương quốc Kàsi. Lớn lên, ngài được giáo dục tại Takkasilà và sống trong gia đình của ngài. Nhưng khi cha mẹ mất ngài quá sầu muộn, lui về sống ẩn dật trong dãy Hy-mã-lạp Sơn, tụ tập các Thắng trí và các Thiền chứng.
Một thời gian lâu sau, ngài xuống các làng mạc để kiếm muối và đồ gia vị, rồi trú trong các vườn cây của vua Ba-la-nại. Ngày hôm sau trên đường khất thực, ngài ghé đến cổng nhà của một người dạy voi. Ông này cảm mến cung cách của ngài, cho ngài ăn rồi thuận cho ngài trú trong vườn nhà của ông và đều đặn hầu hạ ngài.
Bấy giờ có một người kia làm nghề kiếm củi, từ trong rừng về muộn quá không kịp đến thành phố. Ông phải ngủ đêm tại một ngôi đền, đặt bó củi dưới đầu để làm gối nằm. Tại ngôi đền, có một số gà trống rừng đang đậu trên một ngọn cây. Ðến sáng, con gà đậu trên cao đã để rơi phân trên lưng con đậu bên dưới.
– Ai đã để rơi phân trên lưng tôi thế? Con ở dưới kêu lên.
– Tôi đấy! Con ở trên đáp.
– Sao vậy chứ?
– Mặc tôi, con đậu trên đáp, rồi lại nhỏ phân xuống. Thế là hai con bắt đầu gây gổ nhau và kêu to:
– Ngươi có quyền gì chứ, ngươi có quyền gì chứ.
Cuối cùng, con đậu phía dưới nói:
– Hễ ai giết ta, đem thịt ta quay trên than mà ăn thì sẽ được một ngàn đồng vào mỗi buổi sáng đấy!
Con gà đậu phía trên trả lời:
– Ồ, chớ quá phách lối vì một chuyện quá nhỏ nhặt như thế! Ta ấy à, hễ ai ăn toàn thịt của ta thì sẽ được làm vua; nếu ai ăn phần da bên ngoài của ta, người ấy sẽ được làm tể tướng hoặc làm chánh hoàng hậu tùy theo người ấy là đàn ông hay đàn bà; còn nếu ai lấy xương ta mà gặm thịt thì sẽ được làm quan coi kho báu của nhà vua nếu người ấy là một gia trưởng, và nếu người ấy là một nhà tu thì sẽ được vua trọng vọng!
Người tiều phu nghe hết mọi sự việc và đắn đo suy nghĩ: “Nếu ta được làm vua thì đâu cần một ngàn đồng?” Thế rồi ông im lặng trèo lên cây, chộp lấy con gà trống đậu phía trên cao và giết nó đi. Ông cột túm con gà nhét vào túi áo rồi tự bảo: “Thế là ta sẽ làm vua!” Khi cổng thành vừa mở, ông đã bước ngay vào. Ông ta nhổ lông gà, rửa sạch rồi đem giao cho bà vợ, bảo bà ta làm món thịt thật ngon. Bà vợ làm món thịt với một ít gạo, rồi đem đặt trước mặt chồng và mời chồng ăn.
Người chồng nói:
– Bà nó này, thịt này có giá trị rất lớn, ăn thịt này tôi sẽ trở thành vua và bà sẽ trở thành hoàng hậu!
Rồi hai vợ chồng mang món thịt nấu với gạo ấy ra để trên bờ sông Hằng, họ định tắm xong rồi mới ăn. Thế là sau khi để thịt trên bờ, họ xuống tắm.
Vừa lúc ấy, một ngọn gió dâng nước lên, cuốn thịt đi. Món thịt trôi bập bềnh trên sông. Một người dạy voi, ấy là một nhân vật quan trọng, trong lúc cho voi tắm ở phía dưới dòng sông đã trông thấy món thịt ấy.
– Cái gì đây? Ông ta bảo vớt nó lên.
Có người trả lời:
– Thưa ngài, đây là món thịt nấu với gạo.
Ông ta sai gói lại, niêm phong và gởi về nhà cho vợ ông, dặn rằng khi ông trở về thì mở ra cho ông ăn.
Còn ông tiều phu cứ chạy rông, từ bụng phung ra cả cát và nước mà ông đã nuốt vào.
Báy giờ một vị khổ hạnh kia là giáo sĩ của người dạy voi ấy, vốn có nhãn thông, tự nghĩ: “Ông bạn chủ ta vẫn giữ chức vụ với bầy voi mãi, biết bao giờ ông ta mới được thăng chức?”. Suy nghĩ như vậy, và nhờ có nhãn thông ông thấy rõ người kia và hiểu cần phải làm gì. Ông liền đến trước, ngồi trong nhà người chủ.
Người chủ trở về, kính cẩn chào giáo sĩ rồi ngồi xuống một bên. Ông ta sai dọn ăn, rồi bảo mang thức ăn, thức uống cho vị khổ hạnh. Vị ấy không nhận đồ ăn mang đến cho ông, và nói:
– Tôi sẽ chia thức ăn này ra.
Người chủ chấp nhận. Vị giáo sĩ chia thịt ra từng phần, các phần thịt đưa cho người dạy voi, phần da đưa cho vợ của ông ấy, và lấy phần thịt dính ở xương cho mình. Bữa ăn chấm dứt, giáo sĩ nói với gia chủ:
– Ba ngày nữa, ông sẽ làm vua, hãy cẩn thận mọi việc ông làm!
Rồi vị ấy ra đi.
Vào ngày thứ ba, một ông vua láng giềng đến vây Ba-la-nại. Vua bảo người dạy voi mặc áo của vua rồi lên voi và ra trận, còn chính ngài giả trang, lẫn lộn trong đám quân lính. Một mũi tên bay vọt tới cắm vào vua, thế là vua chết ngay tại chỗ. Người dạy voi biết rằng vua đã chết, liền bảo đưa đến một số tiền lớn rồi đánh trống lên và tuyên bố:
– Những ai muốn được tiền, hãy tiến lên và chiến đấu!
Ðám chiến sĩ trong nháy mắt đã giết được ông vua đối nghịch kia.
Sau tang lễ của vua, các triều thần thương nghị ai là người được chọn làm vua. Họ bảo:
– Khi đức vua chúng ta còn sống, ngài đã mặc long bào cho người dạy voi. Chính người ấy đã chiến đấu và giữ được vương quốc, vậy thì vương quốc sẽ phải được trao cho người ấy!
Thế rồi họ tôn ông lên ngôi vua và vợ của ông được lên làm chánh hậu. Bồ-tát trở thành người thân tín của vua.
*
Sau khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, với trí tuệ toàn hảo, Ngài đọc hai bài kệ sau đây:
Những của cải do mình tạo dựng,
Chẳng phải nhờ may mắn mà thành,
Do ơn thần nữ phúc lành
Người hay, kẻ dở đều dành phần cho.
Trên cuộc thế sờ sờ lắm kẻ
Thiện hiền hay ác tệ hung tàn,
Cuối cùng được hưởng giàu sang,
Ðúng ra nào phải là phần họ đâu?
Sau đó, bậc Ðạo Sư dạy thêm:
– Này Hiền giả, những kẻ ấy chẳng có nguồn lợi nào khác ngoài công đức của họ tạo được trong các đời trước; điều này khiến cho ông đạt được những của báu ngay ở chỗ vốn chẳng có hầm mỏ gì. Rồi ngài đọc bài kệ sau đây:
Kho báu kia muôn điều thiện phúc
Thoả mãn bao nguyện ước trời, người:
Hình dung, tiếng nói, tốt tươi,
Mặt mày xinh đẹp, sống đời quyền uy,
Mọi kiêu sa, oai nghi vương giả,
Hạnh phúc đầy, và cả ngôi trời,
Trời, người phúc lạc đôi nơi,
Niết bàn tự chứng, trí thời tự do,
Tình chân thiết dành cho bè bạn,
Với tự mình chiến thắng lấy mình;
Bích Chi Phật quả nên hình:
Giác tri, giải thoát, tu hành tinh chuyên.
Ấy tất cả ước nguyền vừa dẫn,
Kho báu kia vốn sẵn có rồi,
Diệu kỳ công đức cao vời,
Trí nhân, thắng giả muôn người ngợi ca.
*
Cuối cùng bậc Đạo sư vần kệ thứ ba để giải thích những báu vật ẩn chứa vận may của ông Cấp Cô Ðộc:
Gà kia, ngọc nọ, gậy này,
Rồi người vợ nữa, vận may luân hành.
Cho hay một kẻ thiện lành
Kho tàng kia vẫn được dành phần riêng.
*
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Trưởng lão Ànanda là vị vua, và giáo sĩ của gia đình kia chính là đức Phật.
-ooOoo-
Vào địa ngục người ưa nói dối…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về vụ sát hại Sundari.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn rất được trọng vọng kính nể. Các tình tiết cũng giống như ở phẩm Kandhaka (Luật tạng) và đây là phần tóm tắt của các tình tiết ấy.
Các Tỷ-kheo của Thế Tôn thường nhận được phẩm vật cúng dường và sự tôn kính như nước của năm con sông đổ vào biển lớn; các người ngoại đạo thấy rằng phẩm vật cúng dường và vinh danh của họ không còn được như trước nữa, mà trở thành lờ mờ như bầy đom đóm trước lúc bình minh; họ liền hợp nhau lại và bàn:
– Từ khi Sa-môn Gotama xuất hiện, lợi lộc và vinh danh của chúng ta đã rời bỏ chúng ta. Chẳng ma nào biết rằng chúng ta đang có mặt trên đời. Ai có thể giúp ta đem lại tiếng xấu cho Sa-môn Gotama và làm cho ông ta không còn nhận được mọi lợi dưỡng này?
Thế rồi họ bỗng nghĩ: “Sundari có thể giúp ta việc ấy”.
Một hôm Sundari đến thăm rừng cây của người ngoại đạo, họ chào cô ta mà chẳng nói gì cả. Cô ta cứ hỏi đi, hỏi lại mãi mà vẫn không được ai trả lời. Cô liền hỏi:
– Có việc gì mà các thánh phụ lại phiền não thế?
Các người ngoại đạo đáp:
– Này chị, há chị chẳng thấy Sa-môn Gotama đã làm chúng ta phiền não, đã tước đi của chúng ta những phẩm vật bố thí và vinh danh như thế nào ư?
Cô ta hỏi:
– Thế thì tôi có thể làm gì đây nào?
– Này chị, chị xinh đẹp lại đáng yêu. Chị có thể làm ô nhục cho Gotama, lời nói của chị sẽ gây ảnh hưởng đến quần chúng, và như vậy có thể phục hồi cho chúng ta những phẩm vật cúng dường và danh thơm như trước.
Cô ta nhận lời và từ giã ra đi. Sau đó cô thường mang hoa, dầu thơm, hương liệu, long não, đồ gia vị và trái cây, cứ vào mỗi buổi chiều đám đông trở vào thành sau khi nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp thì cô quay mặt về phía Kỳ Viên. Hễ ai hỏi cô sắp đi đâu thì cô bảo:
– Tôi sắp đến với Sa-môn Gotama, tôi sống với ông ta trong một hương phòng.
Thế rồi cô ngủ đêm tại một xóm ngoại đạo và sáng hôm sau đi theo con đường từ Kỳ Viên vào thành phố. Hễ có ai hỏi cô đi đâu về thì cô bảo:
– Tôi đã ở với Sa-môn Gotama trong một hương phòng và ông ấy đã làm tình với tôi.
Vài ngày sau các ngoại đạo mướn vài tên vô lại giết chết Sundari trước phòng của đức Gotama rồi đem ném xác cô ta trong một đống rác. Bấy giờ các người ngoại đạo mới la ầm lên về Sundari rồi thông báo với nhà vua. Vua hỏi họ nghi ngờ chỗ nào, họ trả lời rằng cách đấy ít ngày Sundari có đến Kỳ Viên nhưng sau đó sự việc xảy ra thế nào thì họ không biết. Vua sai họ đi kiếm cô ta. Ðược lệnh, họ mang theo một số người hầu riêng của vua, và đi đến Kỳ Viên, tại đó họ kiếm quanh quẩn rồi tìm thấy Sundari trong đống rác. Họ gọi một cái cáng mang thi thể cô về thành phố và trình vua rằng các môn đệ của đức Gotama đã giết Sundari rồi ném xác vào đống rác để che giấu tội cho bậc Ðạo Sư của họ.
Vua sai các ngoại đạo ấy đi khắp thành phố. Trên khắp các đường sá họ vừa đi vừa la lớn:
– Hãy đến đây mà xem việc làm của các Tỷ-kheo môn đệ của Thái tử Thích- Ca.
Thế rồi họ trở lại cổng cung điện. Vua cho đặt thi thể Sundari trên tấm bệ rồi đưa vào nghĩa địa canh giữ. Tất cả mọi người trừ các Tỷ-kheo đều đi khắp trong, ngoại thành, khắp các công viên, khắp rừng cây, nhục mạ các Tỷ-kheo và kêu lên:
– Xin tới mà xem công việc làm của các môn đệ của Thái tử Thích-Ca.
Các Tỷ-kheo kể hết đầu đuôi cho đức Phật, bậc Ðạo Sư dạy rằng:
– Ðược rồi. Hãy đi ra và khiển trách những người này bằng các lời sau:
Vào địa ngục người ưa nói dối,
Cùng người nào chối việc mình làm
Cả hai, thần chết đã mang
Như người ác hạnh vẫn thường tái sanh.
Nhà vua sai vài người đi tìm xem Sundari còn bị kẻ nào giết nữa không. Bấy giờ bọn vô lại đang uống rượu bằng thứ tiền vấy máu và gây gổ nhau. Một đứa trong bọn nói:
– Mày đã giết Sundari bằng một cú đập rồi ném xác cô ấy vào trong đống rác, thế rồi giờ đây mày mua rượu bằng số tiền vấy máu ấy!
– Ðúng đây rồi, đúng đây rồi!
Những người được vua sai đi nghe nói thế rồi bắt bọn vô lại kia đem đến trình vua. Vua hỏi:
– Có phải chúng bây đã giết Sundari không?
Chúng thú nhận đã làm như thế.
– Ai sai chúng bây?
– Tâu Ðại vương, các người ngoại đạo.
Vua gọi các người ngoại đạo đến và phán:
– Hãy đỡ thi thể Sundari lên rồi mang nàng đi khắp thành phố, vừa đi vừa kêu lớn:
– Cô Sundari này muốn làm nhục Sa-môn Gotama, chúng tôi đã bảo giết cô ta; đức Gotama cũng như các môn đệ của Ngài không hề có tội lỗi gì; chính chúng tôi mới là có tội!
Bọn người ngoại đạo làm theo lệnh ấy. Số đông những người chưa được giáo hóa cũng đã tin như thế. Bọn ngoại đạo đã không còn gây tội ác vì phải bị trừng phạt về tội giết người. Từ đó về sau, tiếng tăm của đức Phật ngày càng lừng lẫy. Thế rồi một hôm, các Tỷ-kheo bắt đầu bàn tán trong Pháp đường:
– Này Hiền hữu, bọn ngoại đạo tưởng bôi nhọ đức Phật nhưng chính họ chỉ tự bôi nhọ mà thôi. Từ đó, lợi lộc và danh vọng của chúng ta càng tăng thêm.
Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi các Tỷ-kheo đang bàn tán việc gì. Họ thuật cho Ngài nghe. Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, không thể nào gây bất tịnh cho đức Phật được. Cố sức bôi nhọ đức Phật cũng giống như cố sức bôi nhọ viên ngọc thượng hạng mà thôi. Vào thời xưa, người ta cũng đã từng mong làm vẩn đục một viên ngọc đẹp nhưng không cách nào làm được, đành phải chịu thất bại mà thôi.
Rồi Ngài kể một câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi ngài lớn lên thấy rằng tham dục là khổ, ngài liền ra đi, vượt qua ba lớp núi của dãy Hy-mã-lạp Sơn (Tuyết Sơn) và ngài trở thành một ẩn sĩ sống trong một túp lều lá.
Gần lều của ngài có một hang bằng thủy tinh trong đó có ba mươi con Heo rừng đang sống. Một con Sư tử thường lai vãng gần hang ấy. Bọn Heo thường cứ thấy bóng Sư tử phản chiếu vào hang và kinh sợ đến gầy ốm, xanh xao. Chúng liền nghĩ: “Chúng ta thấy cái bóng phản chiếu ấy vì thủy tinh quá trong trẻo. Chúng ta nên làm cho thủy tinh dơ bẩn và mờ đục đi”.
Thế rồi chúng lấy bùn đất ở trong một vũng nước gần đó đem bôi chà vào thủy tinh. Nhưng thủy tinh được đánh bóng bằng lông heo rừng trở thành sáng loáng hơn bao giờ hết. Bọn Heo không biết phải tính sao, liền quyết định đến hỏi vị ẩn sĩ kia làm thế nào để làm dơ bẩn thủy tinh. Chúng đến nơi, sau khi kính cẩn chào, chúng ngồi xuống một bên ẩn sĩ và đọc hai bài kệ:
Ba chục chúng tôi đã sống trong
Vẻ sáng động kia nay nhọc sức,
Chúng tôi chẳng thể vấy dơ xong.
Dù đã tốn công đem hết sức,
Làm lu mờ bóng sáng kia đi,
Bóng kia càng sáng hơn lên mãi,
Xin hỏi chẳng hay duyên cớ gì?
Nghe xong Bồ-tát đọc bài kệ tiếp:
Thủy tinh kia quý giá dường bao,
Trong sáng, luôn luôn rực ánh hào,
Tuyệt chẳng vật gì ngăn vẻ sáng,
Heo nên dời chỗ ở đi nào!
Nghe lời Bồ-tát, bọn heo dời đi ở chỗ khác.
Còn Bồ-tát chuyên tâm thiền định và tái sanh lên cõi Phạm thiên.
*
Khi kể xong Pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Ta là vị ẩn sĩ nọ.
PHẨM BA BÀI KỆ (tt)
Chớ ganh với món Liên căn…,
Chuyện này được bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên, về sự cám dỗ của một cô gái mập.
Các tình tiết sẽ được trình bày trong chuyện Callanàrada Kassapa, số 477. Bậc Ðạo Sư hỏi Tỷ-kheo ấy có thật đã yêu không, Tỷ-kheo ấy thưa vâng. Ngài hỏi:
– Yêu ai?
– Yêu cô gái mập.
Bậc Ðạo Sư dạy:
– Này Tỷ-kheo, cô kia chính là mối họa của ông. Xưa kia cũng như bây giờ, ông đã trở thành đồ ăn cho đám đông vì đám cưới cô ấy.
Thế rồi, do yêu cầu của các Tỷ-kheo, Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là một con bò đực, tên là Ðại hồng mao, có một con bò em nó là Tiểu hồng mao. Cả hai con đều làm việc cho một gia đình kia.
Trong gia đình này có một cô gái dậy thì, được một gia đình kia hỏi xin cưới. Gia đình cô gái có một con heo tên là Sàlùka hay Liên căn đang được nuôi mập tròn để làm tiệc trong ngày đám cưới. Con heo thường nằm ngủ trong chuồng.
Một hôm Tiểu hồng mao bảo anh:
– Này anh, chúng ta làm việc cho gia đình này, giúp họ sinh sống. Thế mà họ chỉ cho chúng ta ăn cỏ và rơm; trong khi ấy, họ lại cho con heo kia ăn bột gạo với sữa, còn cho nó ngủ trong chuồng. Thử hỏi nó làm gì cho họ chứ?
Ðại hồng mao bảo em:
– Này em, chớ thèm thứ bột gạo pha sữa ấy của con heo. Người ta muốn làm thịt con heo nhân ngày đám cưới của tiểu thư nhà ta đấy. Hãy chờ vài ngày nữa, em sẽ thấy nó bị lôi ra khỏi chuồng, bị giết chết, bị xẻ ra từng miếng và bị khách khứa ăn thịt cho mà coi.
Nói xong, Ðại hồng mao sáng tác hai bài kệ đầu:
Chớ ganh với món Liên căn,
Ðồ ăn của nó là phần tử vong,
Rạ rơm kia, hãy bằng lòng,
Dài lâu cuộc sống, riêng phần của em.
Chẳng bao lâu khách quen sẽ tới,
Chuyện trò vui, cười nói này kia,
Liên căn sẽ bị chặt ra,
Với mồm há bẹp thật là đáng thương.
Ít ngày sau, khách dự lễ cưới đến. Sàlùka bị giết để làm tiệc. Cả hai con bò thấy số phận heo như vậy, nghĩ rằng rơm rạ của riêng chúng nó vẫn là thứ tốt nhất.
*
Bậc Ðạo Sư với Trí tuệ Toàn hảo, đọc bài kệ tiếp để giải thích sự việc:
Thấy Liên căn trăm đường tội nghiệp
Bị chặt rời, mõm bẹp phơi bày,
Ðôi bò mới tỏ nói lời này:
Rạ rơm thô thiển tốt may hơn nhiều.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế và ở phần kết thúc về Tứ Ðế, vị Tỷ-kheo kia đắc quả Dự Lưu.
Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ cô gái mập mạp kia vẫn là một trong cả hai chuyện. Tỷ-kheo bị ái nhiễm kia là Sàlùka, Ànanda là Tiểu hồng mao, còn chính ta là Ðại hồng mao.
-ooOoo-
Kẻ cuồng si, kẻ chuyên lời phỉ báng.
Chuyện này được bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo bằng hữu của Trưởng lão Xá-lợi-phất.
Tỷ-kheo này đến chào Trưởng lão rồi ngồi xuống một bên, hỏi Trưởng lão nói cho biết làm cách nào để được lợi nhuận, làm sao để ông ta thâu được y phục vật dụng v.v… Trưởng lão đáp:
– Này Hiền hữu, có bốn cách khiến cho một người thành công trong việc đạt lợi nhuận. Người ấy phải từ bỏ lòng khiêm tốn, phải từ bỏ hội chúng, phải làm ra vẻ điên khùng dù mình chẳng điên khùng, người ấy phải nói ngang ngược; người ấy phải cư xử như phường múa hát; người ấy phải dùng lời ác độc ở khắp nơi.
Trưởng lão giảng cách thức khiến người thu đạt nhiều như vậy. Vị Tỷ-kheo kia không đồng ý với cách này và bỏ đi. Trưởng lão đến thuật chuyện cùng bậc Ðạo Sư. Ngài dạy:
– Ðây không phải là lần đầu tiên vị Tỷ-kheo kia chê bai lợi nhuận. Trước kia ông ta cũng đã chê bai như thế.
Rồi do yêu cầu của Trưởng lão, Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi lên mười sáu tuổi ngài đã tinh thông ba bộ kinh Vệ-đà và mười tám học thuật. Ngài trở thành vị thầy lừng danh, dạy dỗ một đám năm trăm thanh niên. Một thanh niên kia mới học đạo, một hôm đến hỏi thầy:
– Những người này đạt lợi nhuận như thế nào?
Vị thầy trả lời:
– Con ạ, có bốn cách thâu lợi nhuận cho những người này.
Rồi ngài đọc bài kệ thứ nhất:
Kẻ cuồng si, kẻ chuyên lời phỉ báng,
Kẻ tinh ranh như những bọn phường chèo.
Kẻ nói ác, đều thu lợi thật nhiều,
Châm ngôn ấy, giữa đám người điên loạn.
Sau khi nghe lời thầy dạy, người học trò bày tỏ sự phản đối của mình về việc thâu lợi nhuận bằng hai bài kệ sau:
Hổ thẹn thay kẻ nào
Thâu đạt lợi danh vào
Bằng hủy diệt tàn hại,
Bằng tội lỗi gắt gao.
Trong tay một bình bát,
Theo cuộc đời không nhà
Còn hơn theo kiếp sống
Tham lam và ác tà.
Chàng thanh niên ca ngợi đặc tính cuộc đời đạo hạnh như thế; rồi ngay sau đó, trở thành một ẩn sĩ, và ước mong của bố thí bằng cách chính đáng. Chàng tu tập thiền định cho đến khi tái sanh vào cõi Phạm thiên.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, vị Tỷ-kheo phản đối lợi nhuận là người thanh niên kia, còn thầy của người ấy chính là Ta.
-ooOoo-
Nào ai tin được chuyện này…,
Chuyện này được bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một thương gia không thật thà.
Các tình tiết câu chuyện như đã kể ở trên.
*
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong gia đình của một điền chủ.
Khi lớn lên, ngài trở thành một người giàu có. Ngài có một em trai. Khi người cha mất, hai anh em quyết định sắp đặt công việc của cha. Thế rồi họ đến một làng kia, nơi đây họ được trả một ngàn đồng. Trên đường về, trong lúc chờ thuyền bên sông, họ lấy cơm bới ra ăn. Bồ-tát ném phần thức ăn vào sông Hằng cho cá và cúng dường công đức ấy cho vị thần sông. Nữ thần rất vui lòng tiếp nhận việc này vì nó làm tăng thêm thần lực của bà và khi nghĩ đến sự gia tăng năng lực, bà biết được việc đã xảy ra, Bồ-tát cởi áo ngoài để trên cát rồi nằm xuống ngủ.
Người em có tính gian tham. Anh ta muốn lấy tiền của Bồ-tát và giữ cho riêng mình. Thế là anh gói một gói đá trong giống như gói tiền rồi cất cả hai gói.
Hai anh em lên thuyền. Khi thuyền ra giữa sông, người em làm bộ ngã vào mạn thuyền rồi cố ý để rơi cái gói đá ra khỏi thuyền. Thực ra anh ta đã lầm vì đó chính là gói tiền.
– Anh ơi! – anh ta la lên – gói tiền rơi mất rồi. Làm sao đây?
Người anh trả lời:
– Chúng ta biết làm sao được? Thôi việc gì đã qua thì cho qua luôn, đừng nghĩ tới nó nữa!
Nhưng vị thần sông nghĩ rằng bà thực quá vui mừng được nhận sự cúng dường và được gia tăng năng lực nên bà quyết định giữ gìn của cải cho người anh. Do thần lực, bà khiến một con cá miệng rộng nuốt lấy gói tiền và bà giữ gìn con cá cẩn thận.
Khi kẻ gian tham kia về nhà khoái chí về thủ đoạn đã gây cho anh mình, nhưng khi mở gói ra chỉ thấy có sỏi đá mà thôi! Lòng héo hắt, anh ngã vật xuống giường, nằm ôm lấy ván!
Bấy giờ, mấy ngư ông vừa quăng một mẻ lưới. Do năng lực của vị thần sông, con cá kia rơi vào lưới. Các ngư ông đem nó về phố bán. Người ta hỏi giá bao nhiêu.
– Một ngàn đồng bảy hào đấy! Các ngư ông trả lời.
Ai cũng cợt nhạo:
– Kia kìa một con cá với giá một ngàn đồng! Họ cười ầm lên.
Các ngư ông mang con cá đến cửa nhà Bồ-tát và hỏi ngài có mua cá không.
Ngài hỏi:
– Giá bao nhiêu đấy?
– Xin trả bảy hào để lấy cá. Họ đáp.
– Các ông đòi những người khác bao nhiêu chứ?
– Nếu là những người khác thì chúng tôi đòi một ngàn đồng bảy hào. Nhưng ngài chỉ phải trả bảy hào thôi. Họ đáp:
Bồ-tát trả bảy hào để lấy cá, rồi giao cá cho vợ. Bà vợ mổ cá ra và thấy gói tiền. Bà gọi Bồ-tát. Ngài nhìn vào nhận ra các dấu vết và biết đó là gói tiền của chính mình. Ngài tự nghĩ: “Các ngư ông này đòi hỏi những người khác phải trả với giá một ngàn đồng bảy hào, còn ta, vì một ngàn đồng này vốn là của ta nên họ thuận cho ta chỉ trả bảy hào thôi! Nếu một ai khác không hiểu sự việc này thì không gì có thể làm cho người ấy tin được!” Rồi ngài đọc bài thứ nhất:
Nào ai tin được chuyện này
Mấy con cá nọ giá ngay ngàn đồng,
Ta đây chỉ bảy hào con,
Mong gì mua được cá tròn một dây?
Ðọc xong bài, Bồ-tát lấy làm lạ tại sao ngài tìm lại được số tiền ấy. Ngay khi ấy, vị thần sông bay ẩn mình trên không và nói:
– Ta là thần sông Hằng đây. Ngài đã cho bọn cá ăn phần còn thừa và đã cúng dường công đức cho ta, do đó ta đã giữ gìn của cải cho ngài.
Rồi bà đọc một bài kệ:
Người cho lũ cá ăn
Cúng dường ta có phần,
Ta ghi công đức ấy
Và đạo tâm vẹn toàn.
Thế rồi nữ thần kể lại thủ đoạn gian manh của người em. Bà còn nói thêm:
– Hắn nằm kia, lòng héo hon sầu khổ. Chẳng có lợi lộc gì dành cho kẻ gian lận. Ta mang lại cho ngài sở hữu của riêng ngài, đừng để cho mất đi, đừng đem cho đứa em gian tham kia. Hãy giữ tất cả cho mình.
Rồi bà đọc tiếp bài kệ thứ ba:
Tâm địa xấu, dối lừa, trộm cắp,
Gạt anh em mong đạt gia tài;
Ác tâm nào gặp vận may,
Quỉ thần chẳng chút tỏ bày kính tâm.
Vị thần nói như vậy, vì không muốn cho kẻ gian lận xấu xa kia được nhận tiền. Nhưng Bồ-tát nói:
– Không thể như thế được.
Và ngài liền gửi cho em năm trăm đồng.
*
Sau khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế và ở phần kết thúc Tứ Ðế, thương gia kia đắc quả Dự Lưu. Thề rồi bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ người em là thương gia không thật thà kia, còn người anh chính là Ta.
-ooOoo-
Chúng tôi chung sống một nhà…,
Chuyện này được bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về việc Tôn giả Ànanda nhận một vật phẩm giá trị.
Các tình tiết câu chuyện sẽ được diễn tả trong số 456. Tiền thân Junha, Chương Mười một.
*
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra làm con trai của chánh hoàng hậu. Ngài lớn lên và được giáo dục tại Takkasilà, rồi lên ngôi vua sau khi phụ vương mất. Một giáo sĩ của hoàng gia bị bãi chức đang sống rất nghèo khổ trong một ngôi nhà cũ kỹ.
Một đêm kia, nhà vua giả trang vi hành trong thành phố để xem xét tình hình. Một đám trộm cướp xong việc, ghé đến uống rượu trong một quán, rồi ra về mang thêm một tí rượu đựng trong một cái bình. Chúng rình thấy vua đang đi trên đường liền la lớn:
– Này anh là ai?
Chúng quật ngài xuống, giật lấy chiếc áo choàng, rồi lượm bình lên và đi, đồng thời mang ngài theo.
Vị Bà-la-môn nói trên bấy giờ đang đứng ngoài đường xem thiên văn. Ông nhìn sao, biết được vua đang rơi vào tay bọn bất lương, liền gọi vợ, bà vội chạy đến hỏi việc gì. Ông bảo:
– Bà nó ạ, đức vua của chúng ta đã rơi vào tay bọn đối nghịch!
Bà vợ nói:
– Sao thưa ông, ông tính thế nào với nhà vua đấy?
– Các Bà-la-môn của ngài sẽ lo việc ấy.
Vua nghe như thế rồi đi được một đoạn, ngài năn nỉ bọn vô lại:
– Thưa các ông, tôi là một kẻ nghèo khó, các ông hãy lấy áo của tôi mà tha cho tôi đi.
Ngài cứ năn nỉ như vậy mãi, cuối cùng bọn chúng thương hại và thả ngài ra. Ngài để ý chỗ ở của hai vợ chồng kia, bèn quay trở lại.
Bấy giờ, vị Bà-la-môn nói với vợ:
– Bà nó ạ, đức vua đã thoát khỏi tay bọn đối nghịch kia rồi.
Vua nghe hết việc này cũng như trước kia. Rồi vua trở về cung điện.
Sáng mai, vua cho gọi các vị Bà-la-môn của ngài và hỏi họ:
– Quí vị có xem thiên văn không?
– Thưa Ðại vương, có.
– May hay rủi thế?
– Thưa Ðại vương, may.
– Không có mây mờ hay nguyệt thực chứ?
– Không, tâu ngài, không có.
Vua phán:
– Ði kiếm đem về cho ta thầy Bà-la-môn ở chỗ nhà kia… Vua chỉ chỗ cho họ.
Thế là họ kiếm đem về vị giáo sĩ già kia. Bấy giờ vua hỏi ông ta:
– Thưa thầy, đêm hôm qua thầy có xem thiên văn không?
– Vâng, tâu Ðại Vương, thần có xem.
– Có mây mờ hay nguyệt thực nào không?
– Thưa Ðại vương có. Ðêm hôm qua, ngài rơi vào tay những kẻ nghịch và một lúc sau ngài thoát ra được.
Nhà vua phán:
– Phải như vậy mới đúng là một chiêm tinh gia.
Ngài bèn đuổi các Bà-la-môn kia và bảo vị lão sư ấy rằng ngài rất bằng lòng rồi ban ông ta một ân huệ. Ông xin phép được về hỏi ý kiến gia đình và vua chấp thuận.
Thầy Bà-la-môn về gọi vợ, con trai, con dâu và cô tớ gái đến và đặt vấn đề với họ:
– Vua ban cho ta một điều ước. Vây ta phải xin gì?
Bà vợ đáp:
– Theo tôi, ông hãy xin một trăm con bò sữa.
Người con trai, tên Chatta nói:
– Theo con, hãy xin một chiếc xe được kéo bởi những con ngựa nòi trắng thực đẹp.
Và người con dâu:
– Còn theo con, hãy xin đủ thứ trang sức, bông tai có gắn ngọc và vân vân…
Rồi đến cô tớ gái (tên là Punnà):
– Theo con, hãy xin một bộ cối chày và một cái rổ sàng thóc.
Còn thầy Bà-la-môn ước được hưởng hoa lợi của một ngôi làng. Thế rồi, ông trở lại chầu nhà vua. Ngài muốn biết vợ ông có được hỏi ý kiến không, ông đáp:
– Tâu Ðại vương, có. Nhưng mọi người được hỏi ý đều không ai đồng ý với nhau.
Rồi ông đọc hai bài kệ sau:
Chúng tôi chung sống một nhà,
Ý này ý nọ chia ra mỗi người!
Trăm bò sữa, ý vợ tôi;
Còn tôi thì muốn một ngôi làng giàu;
Trai ưa ngựa kéo xe sau;
Hoa tai gắn ngọc, mong cầu gái kia;
Punnà bé nhỏ, nữ tỳ
Nói rằng nàng muốn cối đi cùng chày!
Vua phán:
– Ðược rồi! Tất cả đều được như ý.
Rồi ngài đọc bài kệ sau:
Hãy cho người vợ trăm bò;
Người chồng tốt bụng được cho ngôi làng;
Hoa tai ngọc tặng cô nàng;
Xe đôi ngựa kéo gởi chàng trai kia;
Còn cô giúp việc trong nhà
Trao cho chày cối – Thế là thỏa chung.
Thế là vua đã làm thỏa nguyện thầy Bà-la-môn ấy và ban cho cả danh vọng lớn lao. Vua còn ban lệnh từ nay về sau ông được tham dự vào các công việc của vua và giữ ông bên cạnh làm cố vấn riêng cho ngài.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ thầy Ba-la-môn kia là Ànanda, còn vị vua chính là Ta.
-ooOoo-
Cho rằng đạo hạnh đáng yêu…,
Chuyện này được bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một Bà-la-môn thử nghiệm thanh danh của mình.
Các tình tiết đưa đến câu chuyện và ngay cả câu chuyện ở đây đều giống như ở Tiền thân Silavimamsa, số 86.
*
Khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, vị giáo sĩ của vua quyết định thử nghiệm thanh danh của mình về đức hạnh. Trong hai ngày đầu, ông đều mỗi ngày lấy một đồng tiền do người coi kho giữ. Vào ngày thứ ba, ông bị đưa đến trình vua vì bị kết tội ăn cắp. Dọc đường, ông chú ý đến mấy người bắt rắn đang làm cho rắn múa. Vua hỏi tại sao ông làm một việc như vậy. Thầy Bà-la-môn trả lời:
– Ðể thử nghiệm thanh danh của tôi về đức hạnh.
Rồi nói tiếp:
Cho rằng Ðức hạnh đáng yêu
Người ta tôn quí bao nhiêu trên đời.
Xem kia! Rắn độc chết người,
Bảo rằng nó tốt, chẳng đòi chết ngay.
Tôi nay bảo, khắp đầy trần thế
Ðức hạnh là tôn quí đáng yêu:
Kẻ nào đạo đức vẫn nêu
Con đường đạo quả bước theo mãi hoài.
Tình thân thiết, sáng ngời chúng bạn
Rồi đến khi số tận mạng chung,
Kẻ nào tích đức sẵn sàng
Cõi trời, kẻ ấy được phần tái sinh.
Sau khi thuyết giảng về cái đẹp của đức hạnh bằng ba bài kệ trên, giáo sĩ Bà-la-môn ấy nói tiếp:
– Tâu Ðại vương, gia đình tôi đã hiến dâng cho ngài bao nhiêu thứ: tài sản của cha tôi, của mẹ tôi và cả những gì mà tôi đã có: điều ấy chẳng bao giờ dứt. Còn tôi đây, tôi đã lấy mấy đồng tiền kia trong kho báu chỉ để thử nghiệm giá trị của riêng tôi. Bây giờ tôi thấy rằng thọ sanh dòng dõi, huyết thống và gia đình chẳng có giá trị gì trên đời này và chỉ có đức hạnh là tốt nhất. Tôi muốn sống đời Phạm hạnh, xin ngài cho phép tôi được như vậy!
Giáo sĩ cứ năn nỉ mãi, cuối cùng vua đành chấp thuận. Thế là ông lìa bỏ thế gian lui vào dãy Hy-mã-lạp Sơn (Tuyết Sơn) để sống Phạm hạnh, tu tập các Thắng trí và các Thiền chứng cho đến khi tái sanh vào cõi Phạm thiên.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vị giáo sư thử nghiệm thanh danh về đức hạnh kia chính là Ta.
-ooOoo-
Kẻ vô dụng một lần được bát…,
Chuyện này được bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một người cháu của Trưởng giả Cấp Cô Ðộc.
Người này đã hoang phí số tài sản kế thừa là bốn trăm triệu đồng vàng. Anh ta đến thăm người chú Cấp Cô Ðộc và được Trưởng giả cho một ngàn đồng để làm vốn mua bán. Anh ta tiêu xài hết số tiền rồi lại đến Trưởng giả. Lần này anh được cho năm trăm đồng. Tiêu xài hết xong, anh lại đến và lần này chú anh chỉ cho anh hai bộ quần áo vải thô. Thế là khi anh đã hết luôn hai bộ quần áo kia và đến xin thêm một lần nữa thì bị chú anh tóm cổ ném ra cửa. Anh ta chẳng còn ai giúp đỡ, sau đó đã ngã xuống bên một xó đường và chết. Người ta kéo anh ra rồi ném ở đấy.
Ông Cấp Cô Ðộc đến kể với đức Phật về các sự việc đã xảy ra cho cháu ông, bậc Ðạo Sư bảo:
– Làm sao ông mong làm thỏa mãn một kẻ chính Ta ngày xưa cũng không thể làm thỏa mãn dù rằng Ta đã cho anh ta một cái Bát Ước.
Rồi do yêu cầu của Trưởng giả, Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là con của một thương gia giàu có. Sau khi cha mất, ngài thay cha quán xuyến mọi việc. Trong nhà của ngài có chôn một kho tàng bốn trăm triệu đồng. Ngài có một con trai độc nhất. Bồ-tát bố thí, hành thiện cho đến khi chết và tái sanh làm Thiên chủ Ðế Thích (Sakha).
Con trai của Bồ-tát làm một cái rạp ngoài đường để ngồi uống rượu cùng với đám bạn bè tụ tập quanh anh ta. Anh trả một ngàn đồng cho bọn làm trò chạy nhảy, nhào lộn, bọn ca sĩ, vũ công, suốt ngày ăn nhậu, trác táng. Anh rong chơi đây đó, chỉ đòi đàn địch múa ca, mãi mê theo đám bạn thô lỗ, chìm đắm trong thói nhàn cư lười biếng. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, anh đã tiêu xài cả kho tàng bốn trăm triệu đồng, hết cả mọi sở hữu, của cải, đồ đạc rồi trở nên nghèo khó cực khổ đến độ phải lang thang rách rưới tả tơi.
Thiên chủ Ðế Thích, trong lúc suy xét, biết rõ anh ta nghèo khổ như thế nào. Do lòng thương con thúc đẩy, ngài cho anh ta một cái Bát Ước và dặn:
– Con ạ, hãy giữ gìn, chớ làm vỡ cái bát này. Bao lâu con còn giữ được nó thì tài sản của con sẽ không cạn được. Vì vậy, hãy giữ gìn nó cẩn thận!
Nói xong, ngài quay về trời.
Sau đó, anh chàng kia chỉ lấy bát uống rượu chứ chẳng làm gì cả. Một hôm, trong lúc say sưa, anh ném Bát lên không cho nó rơi xuống mà bắt lấy. Thế rồi có lần anh bắt hụt, Bát rơi xuống đất vỡ tan tành! Thế là anh lại trở nên nghèo khó, rách rưới tả tơi đi khắp đây đó cầm bát ăn xin rồi cuối cùng ngã xuống một bờ tường rồi chết.
Khi kể xong chuyện này, bậc Ðạo Sư đọc tiếp:
Kẻ vô dụng một lần được bát,
Lòng muốn gì, Bát tất thỏa ngay,
Bao lâu còn giữ Bát này,
Tiền tài luôn vẫn còn đầy cho anh.
Trong một lúc ngông nghênh say khướt,
Anh làm tan Bát phước lành rồi!
Lõa lồ, rách rưới tả tơi,
Kẻ rồ tội nghiệp sống đời đắng cay.
Kẻ nào có gia tài đồ sộ
Nhưng hưởng đời, tiết độ chẳng hay,
Phút giây tàn mạt! – cũng tày
Anh chàng khờ khạo vỡ ngay Bát thần.
*
Với Trí tuệ Toàn hảo, bậc Ðạo Sư đọc các bài kệ trên, rồi nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, người cháu của Cấp Cô Ðộc là anh chàng vô lại đã đành vỡ cái Bát phước lành kia, còn chính Ta là Ðế-Thích.
-ooOoo-
Ở nơi đây, thành Ba-la-nại…,
Chuyện này được bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về việc Trưởng Lão Xá-lợi-phất dâng tặng bà Bimbàdevi một bữa cơm trộn bơ tươi và cá hồng.
Các tình tiết câu chuyện cũng giống như ở số 281. Tiền thân Abbhantara đã kể trước đây. Ở đây, vị Tỷ-kheo-ni bị đau bao tử. Tôn giả La-hầu-la đến thuật chuyện với Trưởng lão. Trưởng lão bảo La-hầu-la ngồi ở phòng đợi rồi ngài đến nhà vua, được cúng cơm, cá hồng và bơ tươi. La-hầu-la mang cơm ấy cho vị Tỷ-kheo-ni, mẹ ông. Khi bà dùng xong món ăn ấy thì bệnh dứt ngay. Vua sai người đi dò xem, rồi từ đó luôn luôn bảo đem cúng dường bà món ăn ấy.
Một hôm, các Tỷ-kheo bắt đầu bàn tán trong Pháp đường:
– Này Hiền hữu, Tướng quân Chánh pháp đã làm thỏa lòng vị Tỷ-kheo-ni ấy với món ăn như thế kia.
Bậc Ðạo Sư bước vào, hỏi các Tỷ-kheo đang bàn tán chuyện gì. Khi được thuật lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên Xá-Lợi-Phất đã tặng mẹ của La-hầu-la món bà cần; trước kia, vị ấy cũng đã làm như thế.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là một con Quạ, lớn lên trở thành vị lãnh đạo của tám mươi ngàn con quạ, tức là Vua Quạ (Ô vương), tên Supatta hay Hoàng Dực (Cánh vàng). Vợ chánh của vua Quạ tên là Suphassã hay Nhu Hòa; vị Ðại tướng là Sumukho, Mỹ Chủy (Mỏ đẹp). Vua Quạ sống với đàn tám mươi ngàn con gần Ba-la-nại.
Một hôm, vua Quạ và vợ đi kiếm ăn bay qua bếp của nhà vua. Người đầu bếp của vua vừa làm xong một số đĩa thức ăn gồm đủ các loại cá. Ông chưa đậy các đĩa vì muốn để như thế một lát cho nguội. Ô hoàng hậu ngửi thấy mùi thơm của thức ăn và khao khát được một miếng. Nhưng hôm đó nàng chẳng nói gì.
Thế nhưng đến ngày hôm sau, khi Vua Quạ đến rủ vợ đi ăn thì nàng bảo:
– Hãy đi một mình! Thiếp đang quá thèm muốn một thứ!
– Thứ gì vậy?
– Thiếp muốn ăn một ít đồ ăn của nhà vua và vì không thể có được nên thiếp sắp chết đây.
Vua Quạ ngồi xuống và suy nghĩ. Mỹ Chủy đến gần vua và hỏi xem vua đang buồn về việc gì. Vua Quạ kể lại sự việc.
-Ồ-, sẽ được ngay mà!
Quạ Tướng quân bảo thế, rồi nói thêm để cả hai được yên tâm:
– Hôm nay các ngài cứ ở đây, thần sẽ đi kiếm đồ ăn về.
Thế rồi, Quạ Tướng quân họp đàn Quạ lại và kể lại mọi việc cho chúng.
– Nào chúng ta hãy đi lấy thứ ấy!
Rồi tất cả cùng bay đến Ba-la-nại. Quạ Tướng quân cắt đặt từng nhóm quạ đậu đó đây gần nhà bếp để trông chừng, còn nó cùng với tám tên giỏi nhất, ngồi trên mái bếp. Trong khi chờ thức ăn của vua được dọn ra, nó ra lệnh cho chúng:
– Khi người kia mang thức ăn đi, ta sẽ làm cho ông ta để rơi các cái đĩa xuống. Một khi đã làm như thế là xem như đời ta tàn rồi. Vậy thì bốn đứa trong bọn phải mổ và ngậm cơm đầy miệng, còn bốn đứa kia ngậm cá rồi bay về dâng cho vua và hoàng hậu của ta ăn; các ngài có hỏi ta đâu thì bảo rằng ta sắp về tới.
Người đầu bếp bấy giờ đã làm xong nhiều thức ăn cao lương móc vào đòn gánh và đem tới phòng của vua. Khi ông băng qua sân, Quạ Tướng ra hiệu cho bọn tùy tùng rồi bay đâm vào ngực ông, tấn công bằng những cái vuốt trương ra, bằng chiếc mỏ nhọn như mũi thương, nó mổ vào chóp mũi và bằng hai bàn chân nó khóa chặt hai hàm của ông ta.
Nhà vua đang đi dạo ở tầng trên, khi nhìn ra cửa sổ lớn trông thấy con quạ đang làm như thế, liền gọi người đầu bếp:
– Này, thả mấy cái đĩa xuống và bắt lấy con quạ!
Người kia liền thả đĩa xuống rồi nắm chặt con quạ.
– Ðến đây! Vua kêu lên.
Thế là các quạ kia tha hồ ăn, rồi mổ lấy phần còn lại như đã được dặn dò và mang đi. Sau đó cả bọn quạ tụ tập lại và ăn phần dư thừa. Tám con quạ giỏi nhất kia mang đồ về cho Quạ Vua và hoàng hậu. Thế là cơn thèm khát của Nhu Hòa lắng xuống.
Người hầu mang bữa ăn kia đem con quạ đến trình vua.
– Này Quạ! – Vua bảo – Ngươi tỏ ra chẳng kính trọng gì ta! Ngươi đã làm vỡ mũi người hầu của ta! Ngươi đã liều lĩnh ném đi cả cuộc sống của ngươi! Ðiều gì khiến ngươi đã làm như thế?
Quạ trả lời:
– Tâu Ðại vương! Vua của tôi sống gần Ba-la-nại, tôi là chánh tướng quân của ngài. Vợ ngài (tên Nhu Hòa) quá khao khát muốn nếm thử đồ ăn của Ðại vương. Vua của tôi nói cho tôi biết bà ấy đang thèm muốn thứ gì và liền đó tôi quyết hy sinh đời mình. Giờ đây, tôi đã gởi thức ăn về cho hoàng hậu rồi, nguyện ước của tôi đã trọn. Ðó là lý do khiến tôi đã hành động như thế.
Về để giải thích sự việc đó, nó đọc ba bài kệ sau đây:
Ở nơi đây, thành Ba-la-nại,
Tâu Ðại vương, có vị Quạ Vua,
Tên Hoàng Dực, với đàn kia,
Tám mươi ngàn quạ đều là thần dân.
Nhu Hoàng hậu muôn phần mơ ước:
Bà khát khao có được bữa cơm,
Cá kia riêng của Ðại vương
Bắt tươi nấu chín vừa mang lên bàn.
Xin xem tôi như hàng sứ giả,
Vua tôi sai nên đã đến đây.
Kính Vua, tôi tỏ lòng này,
Mũi người kia bị tôi gây đau phiền.
Nghe thế, vua liền nói:
– Ta đây đã ban danh vọng lớn lao cho lắm người, nhưng không thể khiến họ thân thiết được. Ngay cả việc ban các tặng vật như toàn thể một ngôi làng đi nữa, ta cũng chẳng tìm thấy một kẻ dám hy sinh mạng sống cho ta. Thế mà con vật này, vốn chỉ là một con quạ, lại hy sinh đời mình cho vua của nó. Nó rất cao cả, nhu hòa, thiện hảo.
Rất đẹp lòng vì các tình nết tốt của Quạ, vua tặng nó một cái lọng trắng để tỏ lòng sùng ái trân trọng. Quạ chỉ lễ bái vua về tặng vật kia, rồi lại ca ngợi đức hạnh của Hoàng Dực, vua nó.
Nhà vua cho mời Hoàng Dực tới, nghe các lời giáo huấn của Vua Quạ rồi gửi cho vợ chồng Vua Quạ thức ăn của chính ngài, còn về phần bọn quạ kia thì mỗi ngày ngài đều sai nấu thực nhiều cơm để cho chúng. Chính ngài đi theo lời giáo huấn của vị Bồ-tát, che chở mọi loài sinh vật và hành thiện. Những lời giáo huấn của Quạ Hoàng Dực được ghi nhớ suốt bảy trăm năm.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vua là Ànanda, tướng quạ là Xá-lợi-phất, còn vua quạ Supatta chính là Ta.
-ooOoo-
Bị cơn bệnh trầm kha quật xuống…,
Chuyện này được bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một người đàn ông kia sống tại Xá-vệ.
Ông ta bị bệnh hoàng đản và các thầy thuốc bảo rằng đây là trường hợp không hy vọng chữa khỏi được. Vợ con ông không biết ai có thể chữa lành bệnh cho ông. Ông ta tự nghĩ: “Nếu ta được lành bệnh ta sẽ sống đời tu hành”.
Thế rồi vài ngày qua, sau khi dùng một thứ gì đó, ông thấy khá rồi được lành bệnh. Bấy giờ ông đến Kỳ Viên và xin gia nhập Giáo đoàn. Ông được bậc Ðạo Sư truyền tiểu giới (Sa-di) và đại giới (Tỷ-kheo) rồi ít lâu sau, ông chứng Thánh quả.
Sau đó, một hôm các Tỷ-kheo bàn tán với nhau trong Pháp đường:
– Này Hiền hữu, người kia bị bệnh hoàng đản và thệ nguyện rằng nếu lành được bệnh sẽ sống đời Phạm hạnh. Ông ta đã làm như thế và giờ đây đã đắc Thánh quả.
Bậc Ðạo Sư bước vào, hỏi các Tỷ-kheo đang ngồi đây với nhau bàn tán chuyện gì. Sau khi họ thuật lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ riêng người ấy đã làm thế. Xưa kia, các trí giả, khi được lành bệnh, cũng sống đời Phạm hạnh rồi được phần lợi cho riêng mình.
Rồi ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Ngài lớn lên rồi bắt đầu thu góp của cải: nhưng ngài lại mắc bệnh hoàng đản. Các thầy thuốc cũng không thể làm gì cho ngài được, vợ ngài và cả gia đình cũng hết cả hy vọng. Ngài định rằng nếu được lành bệnh Ngài sẽ sống đời tu hành. Thế rồi ngài dùng một thứ gì đó, cảm thấy khỏe rồi lành bệnh. Ngài ra đi lên dãy Hy-mã-lạp Sơn (Tuyết Sơn) và trở thành một ẩn sĩ. Ngài tu tập các Thắng trí và các Thiền chứng rồi an trú trong thiền lạc.
Ngài tự nghĩ: “Từ lâu nay, ta chưa hề được hạnh phúc lớn lao như thế này!” Rồi ngài nói lên niềm cảm hứng:
Bị cơn bệnh trầm kha quật xuống,
Ta nằm dài đau đớn sầu bi.
Thân ta chóng héo tàn đi
Như hoa trên đất khô vì nắng kia.
Cao sang cũng như là hèn nhục,
Tinh khiết cùng vẩn đục như nhau.
Kẻ nào mù quáng biết đâu
Tưởng vùng hư thối là mầu đẹp tươi.
Thân bệnh hoạn này thời đáng thẹn
Quá thối hư, bất tịnh mà thôi.
Kẻ cuồng si hễ biếng lười,
Lang thang khắp lối, cõi trời chẳng sinh.
Bậc Ðạo Sĩ diễn tả bằng nhiều cách tính chất của bất tịnh và của đau khổ thường hằng, rồi chán chê thân xác và tất cả những thành phần của nó, ngài suốt đời tu tập Bốn Vô lượng tâm cho đến khi tái sanh vào cõi Phạm thiên.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế. Lúc ấy nhiều vị Tỷ-kheo đắc quả Dự Lưu v.v… Rồi bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Ta chính là vị ẩn sĩ ấy.
-ooOoo-
Ai đó ngồi cây đào đỏ hồng…,
Chuyện này được bậc Ðạo Sư kể tại Trúc-Lâm về Ðề-bà-đạt-đa và Kokàlika.
Bấy giờ, khi Ðề-bà-đạt-đa bắt đầu mất vật phẩm cúng dường và thanh danh, Kokàlika đi từ nhà này sang nhà khác bảo:
– Trưởng lão Ðề-bà-đạt-đa là dòng dõi Sơ tổ Hoàng đế, thuộc hoàng tộc Okkàka, là hàng quý tộc đích truyền, đặc tài về mọi kinh điển, sung mãn thần thông, nói năng ngọt ngào, là một luật sư thiên hảo. Hãy cúng dường Trưởng lão, hãy giúp đỡ ngài!
Kokàlika ca ngợi về Ðề-bà-đạt-đa bằng những lời như thế. Mặt khác Ðề-bà-đạt-đa lại ca ngợi Kokàlika như sau:
– Kokàlika vốn thuộc một gia đình Bà-la-môn ở phía Bắc, ông sống đời tu hành, thâm nhập kinh điển, là một luật sư có tài. Hãy cùng dường ông ấy, hãy giúp đỡ ông ấy.
Họ đi khắp nơi, người này ca ngợi người kia như thế để được nhận đồ ăn của từng nhà. Một hôm, các Tỷ-kheo bắt đầu bàn tán chuyện ấy trong Pháp đường:
– Này Hiền hữu, Ðề-bà-đạt-đa và Kokàlika đi khắp nơi ca ngợi đức hạnh của nhau trong khi họ chẳng có đức hạnh gì cả, và cứ thế, họ kiếm được lương thực.
Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi các Tỷ-kheo đang ngồi bàn tán việc gì. Nghe họ thuật lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu tiên các người ấy nhận được lương thực bằng cách ca ngợi nhau. Xưa kia, họ cũng đã làm như thế.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là một Thần cây trong một khu rừng hồng đào (Diêm-phù) kia. Một con Quạ cái kia đậu trên cành cây của ngài và bắt đầu ăn quả. Một con Chó rừng đến, nhìn lên và theo dõi quạ. Nó tự nghĩ: “Nếu ta nịnh tên này thì có lẽ ta sẽ được ăn vài quả đấy!” Vì thế để nịnh Quạ, nó đọc bài kệ đầu:
Ai đó ngồi cây đào đỏ hồng,
Giọng ca thanh lịch rót vào lòng,
Dáng nàng uyển chuyển như công múa
Và vẫn ngồi yên, vẫn lặng không!
Quạ lấy làm tự mãn, trả lời bằng bài kệ thứ hai:
Kẻ nào gia thế cao sang
Mới khen kẻ khác là hàng quý cao.
Chàng cùng mãnh hổ khác nào,
Ðến đây! Ăn thứ tôi trao tặng chàng!
Ðọc xong bài kệ, Quạ rung cành cho vài trái rơi xuống. Bấy giờ vị Thần của cây chứng kiến hai con vật đang ăn, sau khi nịnh hót ve vãn nhau như thế, liền đọc bài kệ thứ ba:
Quân nói dối, ta đây rõ quá!
Tên Quạ kia, tên Chó rừng kia,
Chuyên ăn xác chết thối tha,
Nịnh nhau qua lại nghe ra om sòm!
Ðọc xong bài kệ, vị thần cây liền hóa ra một hình thù hung tợn đuổi cả hai con vật kia đi.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, con Chó rừng là Ðề-bà-đạt-đa, con Quạ là Kokàlika, còn vị Thần cây kia chính là Ta.
-ooOoo-
Như chàng bò mộng, tấm thân ông…,
Ðây là một chuyện nữa do bậc Ðạo Sư kể tại cùng một nơi, về cùng những người ấy và các tình tiết câu chuyện cũng giống như trên đây.
*
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là Thần một cây thầu dầu mọc ở gần một ngôi làng kia. Ở trong làng, có một con bò già bị chết. Người ta kéo xác bò và ném vào rừng cạnh cổng làng. Một con Chó rừng đến ăn thịt xác ấy. Thế rồi, một con Quạ cái đến đậu trên cây. Khi thấy Chó rừng, Quạ tìm cách nịnh hót xem có thể được một vài miếng thịt xác bò kia để ăn không. Vì vậy nó đọc bài kệ thứ nhất:
Như chàng bò mộng, tấm thân ông,
Sinh hoạt như sư tử mạnh hùng,
Vinh hiển thay ông, vua các thú!
Ðừng quên một miếng tặng tôi cùng.
Nghe thế, Chó rừng đọc bài kệ thứ hai:
Những ai gia thế trọng cao
Mới ca ngợi đúng kẻ nào quí sang.
Cổ cô giống cổ chim công.
Quạ ơi, bay xuống mà dùng thịt đây.
Vị Thần cây thấy như vậy liền đọc bài kệ thứ ba:
Loài thú hèn nhất, là Chó rừng,
Trong loài chim, Quạ bét sau cùng,
Thầu dầu hạ liệt nhất loài mộc,
Ba thứ chung đây, tối hạ tầng!
*
Khi kể xong Pháp Thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Ðề-bà-đạt-đa là con Chó rừng kia, Kokàlika là con Quạ, vị Thần cây ấy là Ta.
-ooOoo-
Trên sóng biển ai bay qua đó…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về Trưởng Lão Upananda.
Vị Tỷ-kheo này là kẻ ăn uống quá thô bạo, bao nhiêu cũng không đủ cho ông được, dù cả vài xe thực phẩm cũng chẳng thỏa lòng ông. Trong thời an cư mùa mưa, ông thường sống tại nhiều trú xứ, nơi thì ông để giày dép, nơi thì ông để gậy, nơi thì ông để bình nước, còn ông lại ở một nơi khác. Khi đến viếng một tinh xá ở một vùng quê và thấy các Tỷ-kheo đã đủ sẵn các đồ dùng, ông bắt đầu giảng về bốn loại Sa-môn tri túc rồi lấy y phục của họ; khiến họ lượm đồ rách trong đống rác mà dùng; khiến họ dùng bát đất, cho ông những cái bát kim loại của họ và bất cứ bát nào mà ông thích. Thế rồi ông bỏ các thứ ấy vào một xe rồi mang chúng về Kỳ Viên.
Một hôm các Tỷ-kheo bắt đầu bàn tán trong Pháp đường:
– Này Hiền hữu, Upananda thuộc bộ tộc Thích-ca là một kẻ ăn bạo, một Tỷ-kheo tham lam, đi thuyết pháp cho người ta rồi mang về đầy cả một xe vật dụng của Tỷ-kheo!
Bậc Ðạo Sư bước vào và muốn biết các Tỷ-kheo đang ngồi bàn tán việc gì. Họ thuật chuyện xong, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, trước kia thuyết giảng về hạnh tri túc, Upananda đã sai lầm rồi! Trước nhất ta phải tiết độ trong tham ái của ta rồi mới ca ngợi đức hạnh của kẻ khác:
Trước tiên an định phần mình
Rồi sau giảng dạy, khỏi thành nhiễm ô.
Bậc Ðạo Sư trích lời kệ trên từ Kinh Pháp cú số 158 và quở trách Upananda, rồi dạy tiếp:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên Upananda tham lam. Xưa kia ông ta đã nghĩ rằng ngay cả nước biển cũng cần được tiết kiệm kia.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị Thần biển. Có một con Quạ nước bay qua biển. Nó vừa bay đây đó, vừa la lên cố ngăn chặn các bầy cá, các đàn chim:
– Ðừng uống quá nhiều nước biển đấy! Phải giữ gìn nước biển chứ!
Thấy nó như vậy, vị Thần biển đọc bài kệ đầu:
Trên sóng biển ai bay qua đó?
Ai cố công cản trở thủy loài,
Ngăn đàn cá lội ngoài khơi,
Sợ rằng biển cả sẽ vơi dần dà?
Quạ nghe thế liền trả lời bằng bài kệ thứ hai:
Trên thế giới người ta vẫn nói
Rằng tôi đây uống mãi chẳng vừa,
Ra công uống hết biển kia
Làm cho biển chúa giang hà cạn khô.
Nghe thế, Thần biển đọc bài kệ thứ ba:
Dù biển cả có vơi dần nước,
Cũng lại đầy cùng một ngày thôi,
Nào ai làm biển được vơi?
Uống vào nước ấy kể thời thấm chi!
Nói vậy rồi, Thần hiện thành hình một hình thù dữ tợn và đánh đuổi con Quạ nước đi.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Upananda là con Quạ nước, còn vị Thần kia chính là Ta.
-ooOoo-
Chim ơi, bay ở trên trời…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo đau khổ vì thương nhớ người vợ trước kia của ông.
Các tình tiết câu chuyện được diễn tả ở số 147. Tiền thân Puppharatta, và câu chuyện quá khứ sẽ được kể ở số 423. Tiền thân Indriya.
*
Người ấy bị xiên sống trên cọc như vậy. Trong lúc bị treo, anh ta nhìn lên và thấy một con Quạ đang bay qua không gian. Chẳng quản gì đến nổi đau đớn thống thiết, anh gọi con Quạ để gửi lời nhắn nhủ đến cô vợ thân yêu của mình bằng ba bài kệ sau:
Chim ơi, bay ở trên trời,
Chim mang cánh nọ, cao vời xa bay.
Vợ tôi, đùi đẹp lắm thay,
Nhắn dùm nàng, đã lâu rày phải chăng?
Nàng đâu biết tới đao, thương,
Giận hờn, nàng hẳn lắm đường so đo.
Việc kia, tôi sợ, tôi lo,
Chứ không do bị treo giò nơi đây!
Áo hoa sen, tôi nay bỏ lại,
Cùng ngọc ngà trên gối nằm kia.
Lụa Ba-la-nại mượt mà,
Ðể nàng thỏa ý cửa nhà giàu sang.
Anh ta than thở như vậy rồi chết.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế. Và ở phần kết thúc về Tứ Ðế, vị Tỷ-kheo ái nhiễm đắc quả Dự Lưu.
Bấy giờ, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền Thân:
– Người vợ thời trước là người vợ bây giờ; còn vị Thần chứng kiến sự việc ấy là Ta.
-ooOoo-
Sung đã chín trên cây ngon đẹp…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo sống ẩn dật ở biên địa một ngôi làng nọ.
Trú xứ an lạc này nằm trên một phiến đá phẳng tại một gò đất được quét dọn sạch sẽ, có đủ nước để dùng, gần làng, tiện cho việc đi vào làng khất thực và tiện cho người thân đến biếu thực phẩm. Một Tỷ-kheo kia trên đường đi ghé lại nơi ấy. Vị Trưởng lão sống tại đó tiếp rước người mới đến theo đúng bổn phận của chủ nhân. Ngày hôm sau, Trưởng lão mang theo người bạn mới đi khất thực. Người ta cúng dường thực phẩm cho họ và mời họ hôm sau đến nữa. Vị Tỷ-kheo mới đến này, sau vài ngày sống như vậy, liền nghĩ cách đuổi vị Tỷ-kheo kia đi để chiếm lấy chỗ ẩn cư nọ.
Một hôm ông ta đến thăm vị Trưởng lão và bảo:
– Này Hiền giả, có bao giờ Hiền giả đến tham bái đức Phật chưa?
-Ồ -, chưa, Hiền giả! Vì không có ai coi sóc túp lều của tôi, nếu không thì tôi đã đến lâu rồi!
-Ồ -, tôi sẽ coi sóc túp lều trong khi Hiền giả đến tham bái đức Phật.
Trưởng lão nghe nói thế liền ra đi sau khi căn dặn người làng hãy lo chăm sóc vị Tỷ-kheo kia cho đến khi ông trở về. Vị Tỷ-kheo mới đến ấy bày mưu gièm pha Trưởng lão bằng cách nói xa gần đến mọi tật xấu của Trưởng lão với dân làng.
Vị Trưởng Lão đi viếng bậc Ðạo Sư rồi quay trở về. Nhưng vị Tỷ-kheo mới đến không cho ông ghé lại chỗ ở kia nữa. Trưởng lão phải kiếm một chỗ khác để trú ẩn và sáng hôm sau, ông vào làng khất thực. Nhưng người làng lại từ chối cúng dường ông nữa. Ông ta buồn nản quá, liền quay trở về Kỳ Viên và kể hết đầu đuôi cho các Tỷ-kheo nghe. Họ bắt đầu bàn tán việc ấy trong Pháp đường:
– Này Hiền hữu, Tỷ-kheo kia đã đuổi Tỷ-kheo nọ ra khỏi trú xứ của vị này để rồi chiếm lấy cho riêng mình!
Bậc Ðạo Sư bước vào, và muốn biết các Tỷ-kheo đang bàn tán việc gì. Họ kể chuyện cho Ngài nghe. Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên người nọ đuổi người kia ra khỏi trú xứ của vị này.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là một Thần cây ở trong rừng. Bấy giờ là mùa mưa, mỗi lần mưa thường kéo dài tới bảy ngày. Một con Khỉ nhỏ bé mặt đỏ sống trong một cái hang đá, tránh được mưa. Một hôm, nó đang ngồi trước cửa hang, khô ráo và rất sung sướng. Bấy giờ một con Khỉ mặt đen to lớn, ướt đầm đìa, rã rời vì lạnh, nhìn thấy nó, rồi tự nghĩ: “Làm sao ta có thể đuổi anh bạn kia để sống trong hang của nó nhỉ?” Thế rồi nó trương bụng ra, làm như thể mới được ăn no một bữa thịnh soạn, nó dừng lại trước con Khỉ kia và đọc bài kệ đầu:
Sung đã chín trên cây ngon đẹp,
Khỉ nhà ta được dịp no nê.
Cùng ta đến đó ăn đi,
Bạn ơi, nào phải sợ gì đói đâu?
Khi mặt đỏ nghe thế liền tin ngay. Nó muốn có những trái cây ấy để ăn. Vì vậy nó ra đi, săn đây, kiếm đó, vẫn chẳng thấy trái cây nào. Thế là nó quay trở về, và bấy giờ con Khỉ mặt đen đã ngồi trong hang rồi! Khỉ mặt đỏ quyết đánh lừa con kia, nên đến trước nó đọc bài kệ thứ hai:
Hạnh phúc thay kẻ nào cảm phục
Và tôn sùng những bậc niên cao,
Tôi đây hạnh phúc làm sao!
Bao nhiêu trái ấy ăn vào thỏa thuê!
Con Khỉ lớn nghe vậy liền đọc bài kệ thứ ba:
Người Hy Lạp gặp nhau sinh chiến,
Khỉ gặp nhau, ngửi chuyện mưu xa,
Dù cho trẻ nọ tinh ma,
Ðời nào lừa bắt chim già được đâu.
Thế là con Khỉ mặt đỏ đành bỏ đi.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Tỷ-kheo chủ túp lều kia là con Khỉ nhỏ, kẻ đến lấy phần kia là con Khỉ đen lớn, còn vị Thần cây chính là Ta.
-ooOoo
Lúc trước đây ngươi thường nghịch phá…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Pubbàràma (Ðông Viên), về một số Tỷ-kheo có tư cách thô lỗ cộc cằn.
Các Tỷ-kheo này ở tầng bên dưới phòng của bậc Ðạo Sư. Họ cứ đem bàn tán những gì nghe thấy được rồi cãi cọ mắng nhiếc nhau. Bậc Ðạo Sư gọi Trưởng lão Moggallàna (Mục-kiền-liên) đến và sai đi làm cho họ biết kinh hãi. Trưởng lão bay lên trên không rồi chạm vào nền nhà bằng ngón chân to lớn của ông làm rung động tới cả bờ xa nhất của đại dương. Các Tỷ-kheo ấy sợ chết, vội chạy cả ra ngoài.
Các Tỷ-kheo bắt đầu biết tư cách thô lỗ của những kẻ ấy, một hôm đem ra bàn trong Pháp đường:
– Này Hiền hữu, có một số Tỷ-kheo đã ẩn cư vào ngôi nhà cứu độ này, lại là những kẻ thô lỗ cộc cằn; họ không thấy sự vô thường, khổ và vô ngã của cuộc đời và cũng chẳng làm bổn phận của họ.
Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi các Tỷ-kheo đang ngồi bàn tán việc gì. Nghe thuật chuyện ấy, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên họ thô lỗ cộc cằn. Trước kia họ cũng đã như thế.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là con trai của một Bà-la-môn trong một ngôi làng kia. Người ta gọi tên ngài là Komàyaputta. Ít lâu sau, ngài bỏ nhà đi tu tập trong dãy Hy-mã-lạp Sơn (Tuyết Sơn). Có mấy vị khổ hạnh hời hợt đã làm am ẩn dật tại vùng ấy, nhưng họ chẳng dùng phương tiện để phát khởi Thiền định. Họ kiếm trái cây trong rừng để ăn rồi suốt ngày cứ cười đùa chọc ghẹo nhau. Họ có một con Khỉ cung cách cũng thô lỗ như họ, cứ mãi làm cho họ vui bằng cách nhăn mặt và nhảy nhót nhào lộn.
Sau một thời gian dài sống nơi ấy, họ lại đến với dân làng để kiếm muối và các đồ gia vị. Khi họ đi rồi, Bồ-tát đến sống ở trú xứ của họ. Con Khỉ lại diễn các trò đùa cho ngài vui như với những người kia. Bồ-tát búng tay chế nhạo nó và cho nó một bài học:
– Kẻ nào sống với những vị khổ hạnh tinh tấn tu tập thì phải có phẩm cách thích hợp, phải có thiện ý trong hành động và phải chuyên tâm quán tưởng.
Sau đó con Khỉ luôn giữ phẩm hạnh tốt và cư xử đúng đắn.
Thế rồi Bồ-tát ra đi. Các vị khổ hạnh kia lại trở về mang theo muối và các đồ gia vị. Nhưng con Khỉ không còn diễn trò đùa cợt nữa. Họ hỏi:
– Sao thế anh bạn? Sao bạn lại không chơi đùa như bạn vẫn thường làm?
Một người trong bọn đọc bài kệ thứ nhất:
Lúc trước đây người thường nghịch phá
Trong lều cùng ẩn giả chúng ta,
Hãy làm trò khỉ như xưa,
Thành người đức hạnh chẳng vừa lòng đây!
Nghe thế, Khỉ đọc bài kệ thứ hai:
Ko-mà-ya, bậc thầy trí tuệ,
Tôi đã nghe lời lẽ tuyệt vời.
Tôi nay đã khác xưa rồi,
Giờ đây suy tưởng tôi thời noi theo.
Thế rồi người ẩn sĩ đọc bài kệ thứ ba:
Nếu hạt kia người gieo trên đá,
Dù trời mưa, hạt chả nên cây.
Dù người Tuệ Giác tròn đầy,
Suy tư ngươi chẳng mảy may được nào.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, Ngài tuyên thuyết Tứ Ðế và nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo này là các ẩn sĩ hời hợt kia, còn Komàyaputta chính là Ta.
-ooOoo-
Chó Sói nọ chuyên bắt sống thú …,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại KỳViên về tình bạn xưa cũ.
Các tình tiết giống như trong bộ Luật tạng (Vinaya Ðại phẩm) đây chỉ là phần trích.
Tôn giả Upasena bấy giờ tu được hai năm, dẫn theo một Tỷ-kheo cùng trong tinh xá, mới tu được một năm, đến tham bái bậc Ðạo Sư. Người ấy bị bậc Ðạo Sư quở trách rồi lui về. Sau đó, ông đạt Thiền quán đắc Thánh quả, với hạnh tri túc và các đức tính khác và đã thực hiện Mười ba pháp tu tập của một Sa-môn, ông dạy chúng cho các bằng hữu. Khi Thế Tôn an cư ba tháng, ông cùng các Tỷ-kheo đồng trú bị đức Phật quở trách trước tiên vì nói sai và làm không đúng, nhưng lần sau được bậc Ðạo Sư khen với những lời này:
– Từ nay, hễ Tỷ-kheo nào muốn viếng thăm Ta thì cứ để cho họ đến, miễn là họ thực hiện Mười ba pháp tu tập của một Sa-môn.
Ðược khích lệ như vậy, ông trở về thuật chuyện cho các Tỷ-kheo ấy. Sau đó, các Tỷ-kheo ấy đều theo đúng các hạnh nguyện trước khi đến tham bái bậc Ðạo Sư.
Thế rồi khi bậc Ðạo Sư hết thời kỳ an cư, các Tỷ-kheo liền vứt bỏ các quần áo rách cũ và mặc y phục sạch sẽ. Khi bậc Ðạo Sư cùng tất cả hội chúng Tỷ-kheo đi quanh các phòng để xem xét, Ngài chú ý tới đồ rách rưới kia đang rải rác đây đó, liền hỏi tại sao. Nghe họ kể lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, việc hành trì của các vị ấy chẳng được lâu dài, cũng giống như việc con chó Sói giữ ngày trai giới.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-Tát sinh làm Thiên chủ Sakka (Ðế Thích). Bấy giờ có một con Chó Sói sống trên một phiến đá cạnh bờ sông Hằng. Nước lũ mùa đông tràn tới, vây quanh phiến đá. Con Chó Sói nằm trên phiến đá, chẳng có gì để ăn và cũng chẳng có cách nào để kiếm đồ ăn cả. Nước cứ dâng lên, và Chó Sói tự nghĩ: “Ðây chẳng có đồ ăn, cũng chẳng có cách gì kiếm được đồ ăn. Ta nằm đây, chẳng biết làm gì cả. Tốt hơn ta nên giữ ngày trai giới (Bồ-tát). Thế là nó quyết định giữ ngày trai giới. Nó nằm xuống, trang trọng quyết giữ giới luật. Ðế Thích trong lúc suy xét thấy sự quyết định yếu đuối của con sói. Ngài tự nghĩ: “Ta sẽ quấy phá con Sói kia”. Rồi ngài hóa thành một con Dê rừng, tới đứng gần cho con Sói trông thấy.
” Ðể hôm khác rồi ta giữ ngày trai giới!” Sói nghĩ vậy khi nhìn thấy dê. Nó đứng lên và vồ lấy Dê. Nhưng Dê liền nhảy tránh nên Sói không chộp được nó. Sói thấy rằng nó không thể bắt con vật kia được, nó chẳng biết làm gì hơn đành quay trở về, nằm xuống lại và tự nghĩ: “Ðược rồi, dù sao ngày trai giới của ta vẫn không bị phá”.
Bấy giờ, Ðế Thích, do thần lực bay lên không và nói:
– Quá thiếu cương quyết như ngươi thì làm sao giữ được ngày trai giới? Ngươi đã không biết ta là Ðế Thích và ngươi đã muốn một bữa thịt dê!
Sau khi chế nhạo, khiển trách Sói xong, Ðế Thích quay về thiên giới
Chó Sói nọ chuyên bắt sống thú
Làm bữa ăn với máu thịt kia.
Một lần phát thành nguyện ra,
Giữ ngày trai giới quyết là chẳng sai.
Thần Ðế Thích biết ngay chuyện ấy
Hóa thành dê đến đấy thử coi.
Sói kia khát máu vồ mồi,
Hạnh liền ném mất, quên lời nguyện ngay.
Người trên thế gian này cũng vậy,
Ðịnh việc mà chẳng thấy sức mình,
Sai đường mục đích chẳng thành,
Như khi Sói nọ thấy hình Dê kia.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, Ngài liền nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ chính ta là Ðế Thích.
PHẨM BỐN BÀI KỆ
Hãy mở cổng cho các nàng thiếu nữ …,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên, về việc thâu nhận bốn nữ du sĩ ngoại đạo vào Giáođoàn.
Theo truyền thuyết dòng họ Licchavi, một gia tộc cai trị gồm tới bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy người, đều sống tại Vesàli (Tỳ-xá-ly). Họ là những người rất ham thích tranh biện.
Bấy giờ có một du sĩ theo đạo Kỳ-na có thể biện thuyết trôi chảy năm trăm đề tài khác nhau. Ông ta đến Vesàli và được đón nhận nồng nhiệt. Một nữ tu Kỳ-na khác cũng có đặc tài như vậy và cũng đến Vesàli. Những người trưởng thượng Licchavi tổ chức một cuộc tranh luận giữa hai người ấy. Khi cả hai đều chứng tỏ là những nhà biện luận đặc tài, thì những người Licchavi nghĩ rằng cả hai người chắc chắn sẽ có những đứa con tài giỏi. Thế rồi họ sắp đặt hôn nhân cho hai người. Bốn con gái và một con trai ra đời do sự kết hợp này.
Các cô gái tên là Saccà, Lolà, Avavàdakà và Patàkàrà; còn cậu con trai tên là Saccaka. Năm người con này, khi đến tuổi trưởng thành, đã học được một ngàn đề tài khác nhau; năm trăm đề tài do mẹ dạy và năm trăm do cha. Hai vợ chồng căn dặn các con gái như sau:
– Nếu có người tại gia nào bài bác được các đề tài của các con thì các con hãy làm vợ người ấy; còn nếu một tu sĩ đánh bại các con thì các con hãy tôn vị ấy làm thầy.
Sau đó, hai vợ chồng chết đi. Chàng Kỳ-na Saccaka tiếp tục sống tại nơi ấy ở Vesàli, học tập kiến thức của dòng họ Licchavi, còn bốn chị em chàng cầm trong tay một cành hồng đào nhàn du đây đó, từ thành phố này sang thành phố khác để tranh luận. Cuối cùng họ đến Xá-vệ. Họ cắm cànhđào ở cổng thành và bảo mấy cậu trai ở đó:
– Nếu có người đàn ông nào, dù là cư sĩ hay tu sĩ, tranh luận ngang ngửa với chúng tôi về một đề tài thì cứ việc đá tung đống đất này và dẫm lên cành cây này.
Nói xong họ vào thành để nhận đồ bố thí.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất (Sàriputta), sau khi đã quét tước sạch sẽ những nơi cần thiết, đổ nước vào các bình và săn sóc các người bịnh, liền đi vào Xá-vệ để khất thực. Khi trông thấy và nghe kể về cành cây kia, Tôn giả bảo các cậu trai hạ nó xuống và dẫm lên. Tôn giả nói:
– Bảo với mấy người trồng cành cây này rằng khi họ đã dùng bữa xong, hãy đến gặp ta tại phòng có nóc nhọn trên cổng Tinh xá Kỳ Viên.
Thế rồi, Tôn giả vào thành. Sau khi dùng bữa xong, Tôn giả đứng trong căn phòng phía trên cổng Tinh xá. Các nữ tu sĩ khổ hạnh, sau khi đi khất thực về, trông thấy cành cây bị dẫm lên. Họ hỏi aiđã làm như thế và được các cậu trai kia bảo rằng chính là Xá-lợi-phất, rằng nếu họ muốn tranh luận thì cứ đến căn phòng phía trên cổng Tinh xá.
Họ quay trở lại thành phố, theo sau họ là một đám đông người đến tháp cổng Tinh xá. Sau đó họ đưa ra cho Tôn giả Xá-lợi-phất một ngàn đề tài. Vị Tỷ-kheo giải đáp mọi khó khăn khúc mắc của các đề tài ấy và sau đó hỏi xem họ còn biết gì nữa không.
Họ trả lời:
– Thưa ngài, không còn gì nữa!
Tôn giả nói:
– Thế thì ta sẽ hỏi các ngươi một điều.
Họ đáp:
– Thưa ngài, xin ngài cứ hỏi; nếu chúng tôi biết, chúng tôi sẽ trả lời
Vị Tỷ-kheo đưa ra một câu hỏi. Họ không trả lời được. Tôn giả liền giải đáp cho họ.
Sau đó họ bảo:
– Chúng tôi đã thua rồi, phần thắng đã về ngài.
– Các người sẽ tính sao đây? Tôn giả hỏi.
Họ đáp:
– Cha mẹ chúng tôi có khuyên dạy như vầy: Nếu một cư sĩ đánh bại được các con tranh luận, các con hãy làm vợ người ấy; nhưng nếu đó là một tu sĩ thì các con hãy tôn vị ấy làm thầy. Do đó – Họ nói tiếp – Xin ngài nhận chúng tôi vào đời sống Phạm hạnh.
Vị Tỷ-kheo chấp thuận và đưa họ vào nhà của Tỷ-kheo-ni tên gọi là Upplavannà (Liên Hoa Sắc). Cả bốn người ấy chẳng bao lâu đều đạt Thánh quả.
Thế rồi một hôm, các Tỷ-kheo bắt đầu bàn tán việc ấy trong Pháp đường. Họ bảo rằng Tôn giả Xá-lợi-phất đã cho bốn nữ ngoại đạo ấy chỗ an trú như thế nào, rằng nhờ Tôn giả mà cả bốn đều đạt Thánh quả ra sao. Khi bậc Ðạo Sư đến và nghe họ bàn tán, Ngài dạy:
– Không phải chỉ ngày nay mà từ xưa kia, Xá-lợi-phất đã cho bốn người ấy chỗ an trú. Ngày nay ông đưa họ vào đời Phạm hạnh, còn ngày xưa ông đưa họ lên ngôi chánh hậu.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Kàlinga đang trị vì tại thành phố Dantapura trong vương quốc Kàlinga, Assaka làm vua thành Potali trong xứ Assaka. Bấy giờ, vua Kàlinga có một quân đội tinh nhuệ và chính ông cũng mạnh như con voi, nhưng ông chẳng tìm thấy ai có thể đánh nhau với ông được. Quá khao khát được đánh nhau, ông bảo các đại thần:
– Ta muốn chiến đấu nhưng chẳng tìm được ai có thể chiến đấu với ta cả.
Các đại thần nói:
– Tâu Ðại vương có một cách cho ngài: Ngài có bốn cô con gái đẹp tuyệt trần, ngài hãy bảo họ trang sức ngọc ngà và bảo họ ngồi trong một chiếc xe đóng kín rồi cho một đạo quan hộ tống đi từng làng, từng thành phố, từng kinh đô. Nếu có vị vua nào muốn đưa họ vào hậu cung thì chúng ta sẽ đánh nhau với ông ta.
Vua nghe theo ý kiến ấy. Nhưng đoàn người đi đến xứ nào, vua xứ ấy cũng sợ họ vào thành phố, liền gởi tặng vật và xin họ đóng quân ở bên ngoài tường thành. Cứ thế, họ đi ngang dọc khắp nước Ấn Ðộ cho đến khi tới thành Potali trong xứ Assaka. Nhưng vua Assaka cũng đóng chặt cửa thành và chỉ gửi cho họ một tặng vật.
Bấy giờ vua xứ này có một đại thần rất thông minh, đa năng và nhiều mưu lược, tên là Nandisena. Nandisena tự nghĩ: “Người ta bảo rằng các công chúa này đã đi khắp nước Ấn Ðộ mà không tìm được ai chịu chiến đấu để chiếm lấy họ. Nếu đúng như thế thì Ấn Ðộ chỉ là cái tên rỗng. Ta sẽ chiến đấu với vua Kàlinga”.
Thế rồi ông ta đến bảo các lính gác mở cổng thành cho họ vào và đọc vần kệ đầu:
Hãy mở cổng cho các nàng thiếu nữ,
Chúng ta đây đã giữ chắc được thành,
Nan-di-se-na sức lực vững vàng
Sư tử của vua A-ru-na đó.
Nandisena nói như thế để sai mở cổng thành, rồi đưa các cô gái đến ra mắt vua Assaka. Ông nói với vua:
– Ðại vương chớ sợ. Nếu phải chiến đấu, thần xin lo liệu. Hãy cho các công chúa xinh đẹp này làm chánh hậu.
Thế rồi ông xức nước thánh cho họ để tôn họ lên ngôi hoàng hậu. Ông cho các người hầu ra về, dặn họ bảo với vua Kàlinga rằng các con gái của ông đã được làm chánh hậu. Khi người hầu về kể lại, vua Kàlinga bảo:
– Ta đoán rằng ông ấy chẳng biết ta mạnh như thế nào.
Liền đó vua đốc suất một đạo quân lớn. Nandisena nghe ông đến gần, liền gởi sứ điệp như vầy:
– Kàlinga hãy dừng chân, đừng lấn vào đất của chúng ta, và trận chiến sẽ xảy ra ở biên thùy của hai nước.
Vua Kàlinga nhận được sứ điệp liền dừng lại ở ranh giới nước ông. Assaka cũng giữ quân của mình ở phía bên này ranh giới.
Bấy giờ Bồ-tát đang theo đời tu khổ hạnh và sống ẩn dật trên một khoảng đất nằm giữa hai vương quốc. Vua Kàlinga tự nghĩ: “Những nhà tu này là những người thông tuệ. Ai bảo rằng giữa hai bên, kẻ nào sẽ thắng, kẻ nào sẽ bại? Ta sẽ đi hỏi nhà tu kia.” Thế là ông giả trang đi gặp Bồ-tát và kính cẩn ngồi một bên ngài. Sau khi chào hỏi chúc tụng theo thông lệ, vua bảo:
– Thưa Tôn giả, Kàlinga và Assaka, mỗi bên đều dàn quân lực ở biên thùy hai nước, chờ đánh nhau. Giữa hai bên, ai sẽ thắng, ai sẽ thua?
Bồ-tát trả lời:
– Thưa Ðại vương bên này sẽ thắng bên kia sẽ thua? Tôi không thể nói cho ngài biết gì hơn nữa. Nhưng Thiên chủ Ðế Thích, vua của cõi trời, sẽ đến đây. Tôi sẽ hỏi Thiên chủ và sẽ cho ngài biết nếu ngày mai ngài trở lại đây.
Khi Ðế Thích đến tham bái Bồ-tát, ngài nêu câu hỏi kia Ðế Thích trả lời:
– Kính thưa Tôn giả, Kàlinga sẽ thắng, Assaka sẽ thua. Có những triệu điềm sẽ báo trước sự việc ấy.
Hôm sau, vua Kàlinga đến và lặp lại câu hỏi ấy. Bồ-tát đưa ra câu trả lời của Ðế Thích. Bấy giờ vua Kàlinga chẳng cần hỏi những triệu điềm ấy sẽ là gì, tự nghĩ: “Họ bảo rằng ta sẽ thắng”. Rồi ông trở về, hoàn toàn thỏa mãn. Tin đồn lan ra. Khi vua Assaka nghe được, liền cho mời Nandisena đến và nói:
– Người ta bảo rằng Kàlinga sẽ thắng và chúng ta sẽ thua. Phải làm sao đây?
Nandisena trả lời:
– Thưa Ðại vương, ai biết được điều ấy? Xin ngài chớ lo lắng về người nào sẽ thắng người nào sẽ thua.
Ông trấn an vua xong, liền đến gặp Bồ-tát, kính cẩn ngồi xuống một bên và hỏi:
– Kính thưa Tôn giả, ai sẽ thắng, ai sẽ bại?
Bồ-tát trả lời:
– Kàlinga sẽ thắng và Assaka sẽ bị đánh bại.
Nandisena hỏi:
– Kính thưa Tôn giả điềm gì sẽ thuộc kẻ thắng và điềm gì thuộc người bại?
– Thưa ngài – Bồ-tát đáp- Thần bảo hộ của kẻ thắng sẽ là một con voi đực toàn trắng, còn thần bảo hộ của người bại sẽ là một con voi đực toàn đen. Hai vị thần bảo hộ của hai vị vua ấy sẽ đánh nhau và sẽ có bên thắng, bên bại.
Nghe thế, Nandisena đứng dậy rồi đi họp các bạn đồng minh của vua Assaka lại. Họ gồm khoảng một ngàn người và tất cả đều là những chiến sĩ. Ông đưa họ lên một ngọn núi gần đó và hỏi họ:
– Các người có chịu hy sinh đời mình cho đức vua không?
– Thưa ngài, chúng tôi sẵn lòng. Họ đáp.
– Thế thì các người hãy gieo mình xuống dốc núi này đi.
Khi họ định làm theo lời ấy thì Nandisena ngăn họ lại và nói:
– Không cần phải thế. Các người tỏ ra là những người bạn trung kiên của đức vua và hãy dũng cảm chiến đấu vì ngài.
Tất cả đều thề sẽ làm như thế. Khi chiến trận sắp bắt đầu, vua Kàlinga vẫn yên chí ông sẽ thắng. Quân lính của ông cũng nghĩ: “Phần thắng sẽ về ta”. Thế là họ mặc áo giáp, sắp xếp đội hình rời rạc, rồi mạnh ai nấy tiến lên. Ðến lúc cần phải dốc toàn lực thì họ không thể nào làm được!
Rồi cả hai vua leo lên lưng ngựa xáp vào định đánh nhau. Còn hai vị thần bảo hộ của họ thì đánh nhau phía trước họ. Thần của Kàlinga hiện hình là một con voi đực toàn trắng, còn thần của vua kia là một con voi đực toàn đen, cả hai cũng xáp gần nhau và đang đánh nhau. Nhưng chỉ riêng hai vua trông thấy hai con voi ấy, ngoài ra chẳng ai trông thấy được chúng. Bấy giờ Nandisen hỏi vua Assaka:
– Tâu Ðại vương, Ðại vương có trông thấy hai vị thần bảo hộ không?
– Có, ta có trông thấy họ, vua đáp.
– Trông họ thế nào? Ông hỏi.
Thần bảo hộ của Kàlinga hiện hình là một con voi đực trắng, còn thần của chúng ta hiện hình một con voi đen và có vẻ đang nguy khốn.
– Xin Ðại vương đừng sợ, chúng ta sẽ thắng và vua Kàlinga sẽ thua. Ngài chỉ cần xuống khỏi con ngựa Sindh khôn lanh của ngài và cầm lấy cây thương này, rồi dùng tay trái đấm một cú vào sườn nó. Thế rồi ngài cùng với một ngàn người này xông ào lên. Ngài sẽ dùng cây thương đâm vào thần bảo hộ của vua Kàlinga cho ngã xuống. Trong lúc ấy, chúng tôi với một ngàn cây thương sẽ đâm vào thần ấy. Thế là thần bảo hộ của Kàlinga sẽ chết, Kàlinga sẽ thua và chúng ta sẽ thắng.
– Ðược rồi! Vua trả lời
Khi Nandisena ra hiệu, vua dùng cây thương đâm vào thần bảo hộ của Kàlinga cùng lúc với các vị triều thần đâm một ngàn cây thương kia. Thần bảo hộ của vua Kàlinga chết ngay tại chỗ.
Khi ấy vua Kàlinga bị thua, phải bỏ chạy. Thấy thế, một ngàn người kia la lớn lên:
– Kàlinga đã bỏ chạy.
Kàlinga sợ chết. Vừa khi chạy thoát, ông đến trách cứ nhà tu khổ hạnh và đọc bài kệ thứ hai:
Quân Kà-lin-ga kiên cường thắng lợi
Quân As-sa-ka thất bại ê chề?
Ẩn giả ơi ngài đã nói tôi nghe.
Người chân thật chớ bao giờ nói dối.
Khi vua Kàlinga chạy trốn, ông đến trách cứ vị ẩn sĩ như vậy, rồi từ chiến trận, ông chạy thẳng một mạch về kinh đô của mình, chẳng dám ngoảnh lại một lần.
Ít ngày sau, Ðế Thích đến thăm vị ẩn giả. Nhà tu khổ hạnh nói với Thiên chủ bài kệ thứ ba:
Quí nhất của thần linh là chân thật
Các vị thần chẳng chịu nói sai ngoa,
Thế mà nay, ngài nói dối, Sak-ka,
Xin ngài nói lý do cho tôi biết.
Nghe thế, Ðế Thích đọc bài kệ thứ tư:
Bà-la-môn, há chẳng nghe:
Thần linh nào chẳng yêu vì hùng anh?
Những người dũng cảm, to gan
Ở nơi chiến trận chiếm phần thắng ngay.
Kiên cường mạo hiểm dạn dày,
As-sa-ka thắng trận này đúng thôi.
Sau cuộc đào tẩu của vua Kàlinga, vua Assaka trở về kinh thành của mình với nhiều chiến lợi phẩm. Nandisena gởi một sứ điệp cho vua Kàlinga bảo vua ấy phải gởi phần hồi môn cho bốn công chúa. Ông còn thêm:
– Nếu không, ta sẽ biết cách đối xử với ông ta.
Vua Kàlinga nghe thế, vội báo rằng ông sẽ gởi phần xứng đáng cho họ. Thế là từ đó về sau, hai vua sống thân hữu với nhau.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, bốn nữ du sĩ trẻ tuổi kia là các con gái của vua Kàlinga, Xá-lợi-phất là Nandisena, còn chính Ta là vị ẩn sĩ.
-ooOoo-
Giúp cho kẻ dại người ngoa …,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên, về Trưởng lão Ànanda.
Các tình tiết đưa đến câu chuyện đã được trình bày trước kia. Bậc Ðạo Sư dạy:
– Ngày xưa cũng thế, các trí giả hành động theo nguyên tắc một nghĩa cử đáng được đền đáp.
Rồi Ngài kể cho họ nghe một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, Bồ-tát là vua xứ Ba-la-nại, cai trị công chính, bố thí và giữ đúng luật lệ đạo đức.
Ðể dẹp yên một vụ rối loạn ở biên thùy, ngài đốc suất một lực lượng lớn. Nhưng bị thất bại, ngài lên ngựa chạy mãi cho tới khi ngài tới một ngôi làng ở biên địa. Bấy giờ có ba mươi người dân trung thành sống ở đó. Họ đã họp nhau lại từ rất sớm tại trung tâm ngôi làng để làm công việc. Ngay lúc ấy, vua cỡi con ngựa có mặc giáp với đầy đủ trang phục và tiến đến gần cổng làng. Mọi người đều sợ hãi và nói:
– Gì thế kia?
Rồi ai nấy đều chạy về nhà mình, chỉ còn một người kia không chạy về nhà, đến đón tiếp vua. Ông ta kể cho người khách lạ hay rằng ông nghe nói vua đã ra tới biên thùy và hỏi khách là kẻ bảo hoàng hay là kẻ phiến loạn. Vua bảo:
– Thưa ngài, tôi theo đức vua.
– Thế thì hãy theo tôi.
Ông ta nói thế rồi dẫn vua về nhà ông, bảo vua ngồi vào chỗ của riêng mình. Ông nói với vợ:
– Hãy rửa chân bạn của chúng ta.
Khi bà vợ làm theo lời ông xong, ông dâng vua đồ ăn ngon nhất mà ông có thể làm được, rồi chuẩn bị sẵn giường cho vua, bảo vua nghỉ một chốc. Vua nằm xuống giường. Rồi ông chủ nhà cởi giáp ngựa, thả nó ra, cho nó uống nước, ăn cỏ và lấy dầu lau rửa nó. Ông săn sóc vua ba bốn ngày chu đáo như thế. Rồi vua bảo:
– Này bạn, bây giờ tôi đi đây.
Người chủ lại làm đủ mọi việc để chuẩn bị cho vua và con ngựa của ngài. Sau khi dùng bữa xong và sắp từ giã, vua nói:
– Người ta gọi tôi là Ðại kỵ sĩ. Nhà tôi ở tại trung tâm thành phố. Nếu khi nào bạn có công việc gì đến đó, hãy đứng ở cái cửa bên tay phải và hỏi người gác cổng Ðại kỵ sĩ ở chỗ nào, rồi hãy cùng người ấy đến nhà tôi.
Nói xong vua lên đường.
Bấy giờ đạo quân kia không thấy vua ở đâu, vẫn đóng trại ở bên ngoài thành. Nhưng khi thấyđược vua, họ đến đón tiếp ngài rồi hộ tống ngài về. Khi vào thành, vua đứng ở lối vào cổng, gọi người gác cổng và ra lệnh cho mọi người lui ra. Ngài bảo:
– Này bạn, có một người kia sống tại một làng ở biên địa sắp đến đây để mong được gặp ta. Người ấy sẽ hỏi nhà của Ðại kỵ sĩ ở đâu. Hãy dắt tay người ấy và dẫn đến ra mắt ta. Làm xong việc bạn sẽ có một ngàn đồng.
Nhưng rồi người kia mãi không đến. Vua tăng thuế ở ngôi làng mà ông sống. Thuế đã lên cao, vẫn không thấy ông ta đến. Vì thế, vua lại tăng thuế lần thứ hai, rồi lần thứ ba, ông ta vẫn không đến. Bấy giờ dân làng ấy họp nhau lại và nói với ông ta:
– Thưa ông, từ khi kỵ sĩ kia đến với ông, chúng ta bị sưu thuế đè nặng đến nỗi chúng ta không cất đầu lên được. Ông hãy đến gặp Ðại kỵ sĩ để nhờ ông ta làm đỡ bớt gánh nặng cho chúng ta.
– Ðược rồi, tôi sẽ đi – ông ta đáp – nhưng tôi không thể đi với tay không đâu đấy! Bạn tôi có hai đứa con trai, vậy các người hãy chuẩn bị đồ trang sức, quần áo cho vợ con bạn tôi và cho cả chính anh ta nữa.
– Tốt lắm, họ trả lời.
Rồi họ chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để làm quà tặng.
Người chủ nhà kia mang cả quà tặng ấy cùng với một cái bánh rán tại nhà ông. Khi ông đến cửa bên tay phải, ông hỏi người gác cổng xem nhà của Ðại kỵ sĩ ở đâu. Người gác cổng đáp:
– Hãy lại đây tôi sẽ chỉ cho.
Rồi người gác cổng dắt ông tới cổng cung vua và nhắn:
– Người gác cổng đã đến và mang theo người đàn ông trú tại ngôi làng ở biên địa.
Vua nghe thế, liền đứng dậy và nói:
– Hãy để cho bạn ta vào cung cùng các thứ ông mang theo.
Rồi ngài ra đón tiếp và ôm lấy ông. Sau khi hỏi thăm vợ con ông ta, ngài dắt tay ông bước lên bệ, đưa ông ngồi vào ngai, dưới cây lọng trắng. Ngài gọi chánh hoàng hậu đến và bảo:
– Hãy rửa chân cho bạn ta.
Thế là hoàng hậu rửa chân cho ông. Trong khi hoàng hậu rửa chân ông xong, vua tưới nước trong một cái bình bằng vàng rồi xức dầu thơm vào chân ông ta. Vua hỏi:
– Bạn có gì cho chúng ta ăn không?
Ông ta đáp:
– Thưa ngài, có.
Rồi ông lấy bánh trong xách ra. Vua nhận bánh bỏ vào một cái đĩa bằng vàng và để tỏ lòng biết ơn, vua bảo:
– Hãy ăn các thứ bạn ta mang đến.
Rồi ngài lấy bánh cho hoàng hậu và các đại thần và chính ngài cũng ăn bánh ấy. Sau đó người khách lạ mang tặng vật khác ra. Vua muốn chứng tỏ ngài rất vui lòng nhận quà, liền cởi bỏ y phục lụa gấm của ngài ra và mặc vào bộ quần áo do ông ta mang tới . Hoàng hậu cũng bỏ áo lụa ra một bên rồi mặc áo và đồ trang sức do ông mang tới cho bà. Rồi vua dọn cho ông thức ăn dành cho vua, và gọi một đại thần đến bảo:
– Hãy đến cắt tỉa râu của ông ta như kiểu của ta vậy và để ông tắm trong bồn tắm nước hoa. Sau đó cho ông ta mặc một chiếc áo giá trị một trăm ngàn đồng, trang sức cho ông ta theo cách vương giả rồi đưa ông ta đến đây!
Mọi sự đều được thi hành theo như thế. Vua cho đánh trống trong thành, họp các triều thần lại rồi cho may một sợi chỉ bằng châu sa thuần chất xuyên qua chiếc lọng trắng. Vua nhường cho ông ta một nửa vương quốc của mình. Từ đó hai vị cùng ăn, uống, ở với nhau và trở nên đôi bạn vững bền, bất ly.
Thế rồi vua cho mời vợ ông ta và gia đình đến, xây cho họ một ngôi nhà trong thành phố. Vua và người ấy lãnh đạo vương quốc thật hài hòa, tuyệt hảo. Bấy giờ các đại thần tức giận đến và nói với thái tử:
– Thưa Ðiện hạ, đức vua cho người gia trưởng kia một nửa vương quốc. Ngài ăn, uống và ở chung với ông ta, ra lệnh cho chúng ta phải kính chào các con của ông ta. Ông ta đã làm gì cho đức vua, chúng ta cũng chẳng rõ. Sao đức vua lại làm thế chứ? Chúng tôi cảm thấy thật hổ thẹn. Xin ngài hãy tâu chuyện với đức vua xem.
Thái tử chấp thuận ngay và tâu lại hết các lời trên cùng vua và nói:
– Tâu Ðại vương, ngài chớ làm như thế.
– Con ơi, – vua bảo – Con có biết sau khi bại trận, ta đã trú ở đâu không?
– Tâu phụ vương, con không biết, thái tử đáp.
Vua nói:
– Ta đã sống trong nhà của người này, và khi sức khỏe bình phục ta trở về và tiếp tục trị vì, làm sao ta lại không ban vinh dự cho ân nhân của ta chứ?
Rồi Bồ-tát nói tiếp:
– Con ạ, kẻ nào cho kẻ không xứng đáng cho và không cho kẻ xứng đáng thì kẻ ấy lâm hoạn nạn, chẳng được ai giúp đỡ.
Và để nêu rõ đạo lý ấy, ngài đọc các bài kệ sau:
Giúp cho kẻ dại người ngoa
Ðến khi khẩn cấp, ai mà cứu cho?
Thi ân cho kẻ hiền hòa,
Ðến khi khẩn cấp, người đà giúp ngay.
Bao nhiêu công của dù dày,
Giúp cho kẻ xấu, cũng tày như không.
Những ai là kẻ có lòng
Ta tuy giúp ít mà công được bền.
Một lần việc nghĩa gây nên,
Ngai vàng xứng giá đáp đền cung nghênh.
Như từ mầm nhỏ, tái sinh trái;
Từ hành vi tốt, hiển vinh đời đời.
Nghe thế, các đại thần và thái tử trẻ tuổi kia chẳng biết trả lời sao cả.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, chính Ànanda là người trú ở ngôi làng biên địa kia, còn Ta là vua xứ Ba-lai-nại.
-ooOoo-
Xưa Ðại vương sống trong vương quốc …,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một cận thần của vua sứ Kosala.
Các tình tiết đưa đến câu chuyện đã được kể trong số 282, Tiền thân Seyyamsa. Lần này bậc Ðạo Sư dạy:
– Ông chẳng phải là người độc nhất tạo được cái tốt từ trong cái xấu, các trí giả ngày xưa cũngđã tạo được cái tốt từ trong cái xấu.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, một quan cận thần của vua xứ Ba-la-nại phạm tà hạnh trong hậu cung của vua. Sau khi chính mắt chứng kiến lỗi lầm của ông, vua đuổi ông ra khỏi vương quốc. Ông ta đã đầu phục vua xứ Kosala tên là Dabbasena như thế nào, tất cả đều đã được kể trong số 51, Tiền thân Mahàsilava.
Nhưng trong chuyện này, Dabbasena bắt vua xứ Ba-la-nại khi vua đang ngồi trên ngai, giữa đám triều thần, rồi trói ngài và treo ngược đầu bằng một sợi dây mắc vào thanh cửa. Vua vẫn phát triển lòng từ đối với ông vua phản nghịch kia và nhờ định lực tinh tấn, ngài nhập trạng thái thiền định, làm bung các dây trói và ngồi tréo chân trên không. Ông vua phản loạn bị tấn công bởi cơn đau đốt cháy cả thân xác, lăn lộn trên đất và la:
– Ta bị đốt cháy, ta bị đốt cháy.
Khi ông hỏi các triều thần tại sao như thế thì họ trả lời:
– Ðó là vì ông vua mà ngài treo ngược đầu xuống bằng một sợi dây mắc ở thanh cửa kia là một người vô tội và là một vị thánh nhân.
Vua liền phán:
– Hãy thả vua ấy ra nhanh lên.
Quân hầu đến đó và thấy vua ấy đang ngồi tréo chân trên không, liền trở về kể lại cho vua Dabbasena. Thế là vua này vội vã chạy đến cúi mình xin lỗi vị vua kia và đọc bài kệ đầu:
Xưa Ðại vương sống trong vương quốc
Hưởng bao nhiêu hạnh phúc, ai bằng!
Mặt ngài sao quá khinh an
Giữa cơn địa ngục nhọc nhằn đớn đau?
Nghe thế, Bồ-tát đọc tiếp các bài kệ còn lại:
Xưa ta đã nguyện cùng trời đất
Nhập vào hàng ẩn dật, chẳng dừng.
Ta nay vinh hiển sáng lừng,
Mặt ta há lại ra tuồng héo hon?
Ðạt cứu cánh, ta tròn bổn phận,
Vua thù ta còn hận ta đâu?
Vinh danh, ta đạt mong cầu,
Mặt ta há lại đổi màu xấu xa?
Khi vui sướng chuyển ra khổ cực,
Kẻ bền lòng lọc được an khang.
Khổ, vui, nào phải hai đàng,
Khi người đời đạt Niết-bàn tịch không.
Nghe kệ xong, Dabbasena xin Bồ-tát tha thứ và thưa:
– Xin ngài hãy trị dân của chính ngài và tôi sẽ đánh đuổi bọn phiến loạn nghịch chống ngài.
Sau khi trừng phạt ông quan gian ác kia, vua Dabbasena trở về xứ. Nhưng Bồ-tát lại trao vương quốc cho các đại thần rồi sống đời khổ hạnh của một ẩn sĩ và sau đó tái sinh vào cõi Phạn thiên.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Ànanda là Dabbasena, còn Ta là vua xứ Ba-la-nại.
-ooOoo-
Dad-da-ra, ai mà chịu nổi …,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo giận dữ.
Các tình tiết đã được kể trước đây.
Ở đây, khi các Tỷ-kheo đang bàn tán tại Pháp đường về tính sân si của Tỷ-kheo ấy thì bậc Ðạo Sư đến. Ngài hỏi và khi được nghe thuật lại, Ngài cho gọi Tỷ-kheo ấy đến và hỏi:
– Này Tỷ-kheo, có thực rằng ông đã sân si như họ bảo không?
– Vâng, bạch Thế Tôn, đúng như thế. Ông ta trả lời.
Bậc Ðạo Sư dạy:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ, mà ngày xưa ông này cũng đã rất sân si, và do thái độ sân si của ông ta, các trí giả xưa kia mặc dầu vẫn sống cuộc đời hoàn toàn trong lành của những hoàng tử Rắn thần (Nàga), đã sống ba năm nơi đống rác dơ bẩn.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, dòng giống Rắn thần trú ở chân núi Daddara trong vùng Tuyết Sơn. Bồ-tát sinh ra là con trai của Sùradaddara, vua xứ ấy. Ngài tên là Mahàdaddara, và có một em trai tên là Culladaddara, có tính sân si, hung dữ, thường la mắngđánh đập các nàng Long nữ. Vua rắn thần Nàga nghe nó hung dữ như thế, liền đuổi nó ra khỏi xứ Nàga. Nhưng Mahàdaddara xin cha tha thứ cho em, và cứu em khỏi bị đuổi. Lần thứ hai đứa em lại bị vua giận, và cũng được anh xin vua tha thứ cho. Nhưng đến lần thứ ba vua bảo:
– Ngươi cứ ngăn ta đuổi đứa vô tích sự này mãi; bây giờ cả hai chúng bây phải rời khỏi xứ Nàga mà đến sống ba năm trên một đống rác ở Ba-la-nại.
Vua đuổi cả hai ra khỏi xứ Nàga, va hai anh em đến sống tại Ba-la-nại. Khi bọn trẻ trong làng thấy chúng đang kiếm ăn trong một rãnh nước vây quanh đống rác, thì bọn này lập tức đánh chúng, lấy đất đá, que gậy ném chúng, dùng ná, nỏ bắn chúng và la lên:
– Cái gì thế kia, mấy con rắn nước đầu to, đuôi nhỏ như kim?
Rồi chúng nói đủ lời mắng nhiếc. Culladaddara, do bản tính giận dữ sân si, không thể chịu được sự vô lễ như thế, liền nói:
– Anh ơi, bọn trẻ này nhạo báng chúng ta. Chúng không biết rằng ta là rắn có nọc độc. Em không thể chịu sự xúc phạm của chúng đối với chúng ta như thế. Em sẽ phun hơi ra và giết chúng.
Rồi nó đọc bài kệ đầu để nói với anh nó:
Dad-da-ra, ai mà chịu nỗi
Chúng nhiếc ta: ” Ăn nhái, ở bùn”
Bọn kia khờ dại đáng thương,
Trước nanh rắn độc, dám nhờn mặt sao?
Nghe thế, Mahàdaddara đọc tiếp phần kệ sau:
Kẻ lưu đầy bị vào chốn lạ
Phải chịu bao nhục mạ tân toan
Bậc hàng giai cấp ta mang,
Hạnh hiền đức độ há từng ai hay?
Kẻ ngu muốn tỏ bày ra dáng
Rằng ta đây là hạng cao vời.
Trong nhà dù sáng như trời,
Ra ngoài phải chịu đựng người hạ lưu.
Cả hai anh em sống nơi đó ba năm. Thế rồi vua cha gọi chúng về nhà. Từ đó lòng tự phụ của chúng giảm hẳn đi.
*
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc về Tứ Ðế, vị Tỷ-kheo giận dữ kia đắc quả Bất Lai. Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ vị Tỷ-kheo giận dỗi này là Culladaddara, còn Ta là Mahàdaddara.
-ooOoo-
305 Chuyện Thử Thách Giới Đức (Tiền thân Sìlavìmamasana)
Thật ra chẳng việc nào tội lỗi …,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ-Viên về sự chê trách tội lỗi.
Các tình tiết sẽ được kể trong số 459. Tiền thân Pànìya, trong Chương Mười một. Sau đây là phần tóm tắt.
Năm trăm Tỷ-kheo sống ở Kỳ Viên, gần đến lúc nửa đêm hôm ấy, đi sâu vào cuộc thảo luận về dục lạc. Bấy giờ bậc Ðạo Sư vẫn luôn luôn trông chừng các Tỷ-kheo suốt sáu thời khắc của đêm ngày, giống như kẻ chột cẩn thận giữ gìn con mắt còn lại của mình, như người cha chăm sóc đứa con một, như con trâu rừng giữ kỹ cái đuôi của nó. Giữa đêm khuya, do thiên nhãn Ngài quan sát khắp Kỳ Viên và chứng kiến việc các Tỷ-kheo bàn thảo kia; tựa như bọn cướp đã tìm thấy lối vào cung điện của một đại vương, Ngài mở cửa Hương phòng, gọi Ànanda và sai ông họp các Tỷ-kheo trong Tinh xá trên con đường lát vàng (tức Kỳ Viên) và bảo dọn cho Ngài một chỗ ngồi trước Hương phòng. Tôn giả Ànanda làm theo lời dạy rồi báo cho Ngài hay. Bấy giờ, bậc Ðạo Sư ngồi vào chỗ ngồi đã chọn sẵn, bảo các Tỷ-kheo họp lại rồi dạy:
– Này các Tỷ-kheo, các trí giả ngày xưa nghĩ rằng không thể che dấu hành động sai trái và vì vậy họ cố tránh làm điều xấu.
Rồi Ngài kể cho họ một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, ngài được một vị thầy nổi danh thiên hạ trú trong thành phố ấy dạy dỗ. Ngài đứng đầu số năm trăm học trò. Bấy giờ ông thầy ấy có một con gái đã đến tuổi dậy thì, ông ta nghĩ: “Ta sẽ thử đức hạnh của các thanh niên này, ta sẽ gả con gái ta cho kẻ nào có đức hạnh cao nhất”.
Một hôm, ông bảo các học trò:
– Này các bạn, ta có một con gái mới lớn, ta muốn kén chồng cho nó, nhưng ta phải có quần áo đẹp và đồ trang sức thích hợp cho nó. Các bạn hãy lấy cắp vài thứ ấy mà đừng cho các bạn khác biết rồi mang đến cho ta. Khi nào không ai trông thấy thì ta sẽ nhận, còn nếu các bạn mang món đồ bị người ta trông thấy thì ta sẽ từ chối.
Các học trò đều đồng ý và nói:
– Tốt lắm.
Thế là từ hôm ấy, họ lấy cắp quần áo, đồ trang sức mà các bạn bè không biết rồi mang đến cho thầy. Ông sắp xếp các thứ mà mỗi người mang đến ở từng nơi riêng biệt. Về phần Bồ-tát, ngài chẳng lấy cắp thứ gì cả.
Thấy thế, ông thầy bảo:
– Còn bạn, bạn ơi, bạn chẳng mang đến gì cho ta ư?
Ngài đáp:
– Thưa thầy, đúng thế.
Thầy hỏi:
– Sao thế bạn?
Ngài trả lời:
– Nếu lấy đồ vật mà không kín đáo thì thầy không nhận. Nhưng con thấy rằng không thể nào che giấu hành động xấu của mình được.
Và để chứng minh chân lý này, ngài đọc hai bài kệ sau đây:
Thật ra chẳng việc nào tội lỗi
Lại kín bưng đối với đời này.
Kẻ ngu tưởng kín đáo thay,
Thần linh cũng đã thấy ngay hết rồi.
Ðiều bí mật chẳng nơi giấu được,
Với tôi đây không nốt cái không.
Ở nơi chẳng có ai cùng
Nhưng tôi có đó, hết luôn không rồi!
Ông thầy rất bằng lòng với lời lẽ ấy, liền bảo:
– Này bạn, nhà ta không thiếu của cải, nhưng ta muốn gả con gái ta cho một người có đức hạnh và ta đã làm như thế để thử các thanh niên ấy. Bây giờ chỉ có bạn là xứng đáng với con gái ta.
Thế rồi ông trang sức cho con gái và đem gả cho Bồ-tát, còn với những người kia ông bảo:
– Hãy lấy lại mọi thứ mà các anh đã mang đến cho ta và đưa về nhà của các anh đi.
*
Sau đó, bậc Ðạo Sư dạy:
– Này các Tỷ-kheo, thế đấy, những người học trò xấu kia vì tính không thật thà đã không lấy được cô thiếu nữ ấy, trong khi chàng trai trẻ khôn ngoan kia, do đức hạnh tốt, đã lấy được nàng làm vợ.
Rồi ngài đọc bài kệ khác:
Cậu Hoang, cậu Khánh, cậu Vui
Lại thêm cậu Dễ, cậu Tồi, cậu Vinh
Thảy mong được vợ cho mình
Lầm đường lạc nẻo mà thành lông bông.
Thấy rõ Pháp từ trong tuổi trẻ,
Luôn chấp trì Chân đế mà thôi.
Do lòng can đảm cao vời,
Bà-la-môn lấy được người vợ kia.
*
Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng trang trọng này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế và ở các phần kết thúc về Tứ Ðế, năm trăm vị Tỷ-kheo kia đạt được Thánh quả.
Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Xá-lợi-phất là người thầy, còn chính Ta là chàng trai trẻ tuổi sáng trí kia.
-ooOoo-
Dáng như cái trứng, trái gì đây? …,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về hoàng hậu Mallikà (Mạt-lợi).
Một hôm, tương truyền có xảy ra việc cãi cọ giữa hoàng hậu và vua. Người ta thường bảo đó là một chuyện xích mích trong hậu cung. Vua giận quá đến độ không cần biết tới có sự có mặt của hoàng hậu nữa. Mallikà tự nghĩ: “Chắc bậc Ðạo Sư không biết rằng vua giận ta đến thế nàođâu!”.
Nhưng bậc Ðạo Sư đã biết hết và quyết định sẽ giảng hòa giữa hai người. Vì thế tờ mờ sáng, Ngài đã mặc áo trong khoác áo ngoài rồi cầm bình bát, dẫn theo năm trăm Tỷ-kheo vào Xá-vệ và đến cổng cung điện. Vua đỡ lấy bình bát của Ngài, đưa Ngài vào nội điện và mời Ngài ngồi vào chỗđược dọn sẵn cho Ngài. Vua rưới nước cúng dường trên tay trái Ngài và các Tỷ-kheo ở sau Ngài, rồi đem cơm bánh ra mời. Nhưng bậc Ðạo Sư lấy tay che bình bát của Ngài lại và nói:
– Thưa Ðại vương, hoàng hậu đâu rồi?
Vua đáp:
– Bạch Thế Tôn, Ngài hỏi bà ấy làm gì? Bà ấy còn biết phải trái gì đâu! Bà đang say sưa vì danh dự mà bà được hưởng.
– Tâu Ðại vương – bậc Ðạo Sư nói – Trước kia chính ngài ban vinh dự cho người phụ nữ ấy; bây giờ ngài lại lấy hết đi và không chịu xóa bỏ lỗi lầm mà bà đã phạm đối với ngài thì ngài đã sai rồi.
Nghe bậc Ðạo Sư dạy như thế, vua cho mời hoàng hậu đến. Bà đến hầu cận bậc Ðạo Sư. Ngài dạy:
– Các vị phải sống với nhau hòa thuận.
Sau khi ca ngợi hạnh phúc của sự hòa hợp, Ngài ra đi. Từ đó vua và hoàng hậu sống hạnh phúc bên nhau.
Các Tỷ-kheo bàn tán trong Pháp đường rằng chỉ cần một lời, bậc Ðạo Sư đã hòa giải được vua và hoàng hậu. Bậc Ðạo Sư bước vào. Sau khi hỏi các Tỷ-kheo đang bàn tán việc gì và được họ kể lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, không phải bây giờ mà xưa kia, Ta cũng hòa giải họ bằng một lời khuyến dụ.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là đại thần của vua, vừa là cố vấn về thế sự và thánh sự.
Một hôm, vua đứng ở cửa sổ nhìn xuống sân cung điện. Ngay lúc ấy một thiếu nữ thanh xuân xinh đẹp đang đội trên đầu một rổ táo và rao:
– Táo đây, táo chín đây, ai mua táo không?
Nhưng nàng không dám vào sân cung điện.
Vua vừa nghe tiếng nàng, đã yêu nàng ngay. Khi biết rằng nàng chưa có chồng, vua gọi nàng đến và cho lên ngôi chánh hoàng hậu, lại ban cho nàng vinh dự lớn lao. Bấy giờ, dưới mắt vua, nàngđược yêu thương và làm vua hài lòng.
Một hôm, vua đang ăn táo đựng trong một cái đĩa bằng vàng. Thấy thế, hoàng hậu Sujàta hỏi:
– Tâu Chúa thượng, ngài đang ăn cái gì vậy?
Và bà đọc bài kệ đầu:
Dáng như cái trứng, cái gì đây
Trong đĩa vàng kia đặt trước ngài,
Sắc đỏ xinh thay – Tâu thánh thượng,
Trái cây này mọc ở đâu vầy?
Vua tức giận và nói:
– Này cô gái nhà bán rau quả kia, cô chuyên bán táo chín, cô lại há không nhận ra trái táo là trái đặc biệt của chính gia đình cô hay sao?
Rồi vua đọc hai bài kệ tiếp theo:
Áo quần mộc mạc, đầu không mão,
Ngày ấy nào cô hổ thẹn đâu?
Vạt áo đựng đầy bao trái táo,
Bây giờ lại hỏi trái cây nào!
Cô quá tự cao, hư hỏng ra,
Ðời cô chẳng thấy thú đâu mà!
Ði đi, táo ấy, lui về lượm,
Cô chẳng còn là vợ của ta.
Thế rồi Bồ-tát tự nghĩ: “Chẳng có ai ngoài ta ra có thể hòa giải đôi vợ chồng này được. Ta sẽ làm dịu cơn giận của vua và ngăn ngài đuổi bà ấy ra khỏi cửa”. Rồi ngài đọc bài kệ thứ tư:
Ðây là tội của người phụ nữ
Tăng trưởng theo ngôi thứ mà ra.
Xin ngài thôi giận, thứ tha,
Vì ngài đã tặng cho bà ngôi cao.
Vua nghe thế bèn bỏ hết lỗi lầm của hoàng hậu phục hồi ngôi cũ của bà. Từ đó hai người sống với nhau rất hòa ái.
*
Kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân.
– Bấy giờ vua Kosala là vua xứ Ba-la-nại, hoàng hậu Mallikà là Sujàtà, còn chính Ta là quan cận thần kia.
-ooOoo-
Bà-la-môn, sao người có trí …,
Bậc Ðạo Sư lúc sắp diệt độ đã kể chuyện này về Trưởng lão Ànanda.
Tôn giả Ànanda biết rằng ngay trong đêm ấy, bậc Ðạo Sư sẽ diệt độ bèn tự bảo: “Ta còn phải giữ giới luật, còn nhiều công hạnh phải thực hiện. Bậc Ðạo Sư chắc chắn sẽ diệt độ rồi. Thế là công việc trong suốt hai lăm năm qua ta cung phụng Ngài sẽ chẳng có kết quả gì”. Tràn ngập sầu bi, Trưởng lão gục vào then cửa có chạm hình đầu khỉ của phòng chứa đồ trong vườn và khóc nức nở.
Bậc Ðạo Sư thấy vắng Ànanda liền hỏi các Tỷ-kheo vị ấy ở đâu. Sau khi nghe thuật lại, Ngài gọi vị ấy vào và bảo:
– Này Ànanda, ông đã tích trữ cả một kho công đức. Hãy tiếp tục tinh cần rồi ông sẽ được thoát khỏi khổ đau của đời người. Chớ nên sầu bi. Làm sao sự phụng dưỡng của ông đối với Ta bây giờ không có kết quả được, bởi vì những sự phụng dưỡng của ông trước kia trong những ngày ông còn mang tội lỗi đã không phải là không được đáp đền.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra mang hình hài của một Thần cây hồng điệp. Bấy giờ, dân chúng ở Ba-la-nại rất sùng kính các vị thần như thế và vẫn thường đến cúng kiến.
Một người Bà-la-môn nghèo khó kia tư nghĩ: “Ta cũng sẽ đi cúng bái thần linh”. Rồi ông ta tìmđược một cây hồng điệp lớn mọc trên chỗ đất cao. Ông rải sỏi đá rồi quét tước xung quanh, săn sóc rễ cây sạch sẽ, nhổ cỏ … Ông dâng cúng một tràng đủ năm loại hoa thơm rồi đốt một cây nến làm lễ dâng hương hoa. Sau khi cung kính dâng thánh lễ, ông nói:
– Mong ngài được an bình.
Rồi ông bỏ đi. Ngày hôm sau ông lại đến thật sớm và ân cần chúc hỏi.
Một hôm, Thần cây chợt nghĩ: “Người Ba-la-môn này chăm sóc ta rất kỹ lưỡng. Ta sẽ thử lòng ông ta và tìm xem tại sao ông ta tôn kính ta rồi sẽ ban cho ông điều ước muốn của ông”. Thế là khi người Bà-la-môn ấy đến quét tước quanh gốc rễ cây, Thần liền hóa thành một Bà-la-môn lớn tuổi đứng gần đó và đọc bài kệ đầu:
Bà-la-môn, sao người có trí
Lại hỏi han cây chỉ vô tri?
Lời cầu, lời chúc ra chi!
Cây trong thảm ấy đáp gì người đâu!
Nghe thế, người Bà-la-môn ấy trả lời bằng bài kệ thứ hai:
Cây nổi tiếng từ lâu vẫn đứng
Chỗ an cư của những vị thần.
Thần kia tôi kính muôn vàn,
Chắc rằng thần giữ kho tàng nơi đây.
Vị Thần cây nghe thế rất bằng lòng về ông ta liền bảo:
– Này Bà-la-môn, ta sinh ra là vị Thần của cây này. Ðừng sợ ta, ta sẽ cho người kho tàng ấy.
Và để làm an lòng ông, Thần thể hiện thần lực, đứng lơ lửng trên không tại cổng vào lâu đài của mình và đọc thêm hai bài kệ:
Bà-la-môn tâm đầy từ ái
Chính ta đây ghi lấy việc người
Hành vi sùng đạo trên đời,
Bao giờ kết quả cũng thời xứng cân.
Cây sung kia đổ tràn bóng mát
Xứng cùng bao tặng vật, cúng dường.
Dưới cây chôn một kho tàng
Phần người được thưởng, đào vàng mà xin.
Ngoài ra, Thần còn nói thêm:
– Này Bà-la-môn, nếu người phải đào kho tàng lên và mang theo thì người sẽ vất vả quá. Vậy hãy ra đi trước, rồi ta sẽ mang kho tàng về nhà người và để tại chỗ kia. Thế là người được hưởng kho báu ấy suốt đời; hãy bố thí và hãy giữ tròn đạo hạnh.
Sau khi khuyên dụ người Bà-la-môn như thế, vị Thần cây liền thực hiện thần lực chuyển kho tàng vào trong nhà của người ấy.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng và nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Ànanda là người Bà-la-môn, còn Ta là vị Thần cây.
-ooOoo-
Bao nhiêu lòng tốt trong tôi…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về sự vô ơn của Ðề-bà-đạt-đa.
Cuối cùng, Ngài dạy:
– Chẳng phải chỉ bây giờ mà từ xưa kia, Ðề-bà-đạt-đa cũng đã tỏ ra vô ơn.
Sau đó, Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vị xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là một con chim Gõ kiến sống trong vùng Tuyết Sơn.
Bấy giờ, có một con Sư tử, trong khi ăn mồi, bị một miếng xương mắc trong cổ. Cổ nó sưng lên đến độ nó không thể ăn gì được và đau đớn khôn cùng. Chim Gõ kiến đang kiếm đồ ăn, đậu trên một cành cây, trông thấy Sư tử và hỏi nó:
– Này bạn, cái gì làm bạn đau thế?
Nghe Sư tử bảo cho biết, chim nói:
– Bạn ạ, tôi có thể lấy cái xương ra khỏi cổ họng bạn nhưng tôi không dám chui đầu vào mồm bạn và sợ bạn ăn tôi luôn!
– Bạn ơi, đừng sợ, tôi sẽ không ăn bạn đâu. Xin bạn hãy cứu sống tôi.
– Ðược rồi.
Chim nói thế và bảo Sư tử nằm xuống một bên nó. Rồi nó nghĩ: “Ai biết được anh bạn này sẽ làm sao chứ?” Và để ngăn ngừa Sư tử ngậm miệng lại, nó cắm một khúc cây giữa hàm trên và hàm dưới Sư tử, thò đầu vào miệng con này rồi dùng mỏ gắp đầu mút xương. Cái xương rớt ra ngoài rồi mất đi. Gõ kiến rút đầu ra khỏi miệng Sư tử, lấy mỏ đập khúc cây cho rớt ra rồi nhảy lên đậu trên chóp một cành cây.
Sư tử được khỏi bệnh. Một hôm nó đang ăn một con bò rừng mà nó vừa giết. Chim Gõ kiến liền nghĩ: “Ta sẽ thử lòng hắn xem sao?”. Ðậu trên một cành cây phía trên đầu Sư tử, nó nói với Sư tử qua bài kệ sau:
Bao nhiêu lòng tốt trong tôi,
Tôi đây đã tỏ cho ngài lần kia.
Phần ngài chẳng nguyện cao xa,
Cho tôi đôi chút gọi là hảo tâm.
Nghe thế, Sư tử trả lời bằng bài kệ thứ hai:
Ngươi gởi đầu vào hàm Sư tử
Loài vuốt nanh rực thứ máu hồng
Nhưng ngươi vẫn sống như thường:
Hảo tâm ta đã tỏ tường cho ngươi.
Chim Gõ kiến nghe thế, liền đọc thêm bài kệ nữa:
Bao việc tốt trên đời
Thi hành để giúp ngươi.
Giúp loài vô ơn nghĩa
Mong chi được đền bồi?
Ðừng khởi ý chua cay
Ðừng buông lời gắt gay.
Phường xấu xa như thế,
Ta cần lánh xa ngay!
Nói vậy xong, chim Gõ kiến bay đi.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại và nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Ðề-bà-đạt-đa là con Sư tử, còn Ta chính là con chim Gõ kiến.
-ooOoo-
Thưa Ðạo sư, thưa Vương đệ tử…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về hội chúng của nhóm Sáu Tỷ-kheo.
Chuyện được kể với đầy đủ chi tiết trong bộ Luật Tạng (Vinaya) đây chỉ là phần tóm tắt.
Bậc Ðạo sư gọi Sáu Tỷ-kheo ấy đến và hỏi xem có thật họ đã ngồi giảng Giới luật ở chỗ thấp trong khi các đệ tử của họ ngồi ở chỗ cao hơn. Họ thú nhận rằng thật như thế. Bậc Ðạo Sư quở trách họ về sự thiếu tôn trọng của họ đối với Giới luật của Ngài và bảo rằng các trí giả xưa kia cũng đã phải quở trách người ta về việc ngồi ở chỗ thấp mà giảng dạy, dù là giảng dạy các học thuyết ngoại đạo đi nữa.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là con của một phụ nữ hạ tiện. Chàng lớn lên và trở thành gia trưởng. Vợ chàng đang mang thai, rất thèm muốn ăn xoài, và bảo chồng:
– Chàng ơi, em muốn ăn xoài quá.
– Này em yêu, – chàng đáp – mùa này không có xoài, ta sẽ đem về cho em một vài trái chua khác.
Nàng bảo:
– Chàng ơi, nếu được ăn xoài thì em sống. Nếu không, thì em sẽ chết mất!
Người chồng quá mê say vợ liền nghĩ: “Ta kiếm đâu ra được một trái xoài bây giờ?” Bấy giờ, trong vườn của vua Ba-la-nại có một cây xoài ra trái quanh năm. Vì thế, chàng nghĩ: “Ta sẽ đến đó hái một trái xoài chín để làm dịu cơn thèm của nàng”. Ban đêm, chàng đến khu vườn ấy rồi trèo lên cây, bước từ cành này sang cành nọ mà tìm trái. Trong khi chàng miệt mài như thế thì trời bắt đầu sáng. Chàng tự bảo: “Nếu bây giờ ta tụt xuống mà ra đi, ta sẽ bị trông thấy và bị bắt như một tên trộm, ta nên chờ cho đến khi trời tối đã!” Thế rồi chàng trèo lên chỗ chĩa của cây và vào ngồi đó.
Lúc ấy, vua đang nghe vị giáo sư của ngài giảng kinh. Khi hai người vào vườn cây, vua ngồi xuống ở một chỗ cao nơi gốc cây xoài, để giáo sĩ ngồi một chỗ thấp hơn và nghe giáo sĩ thuyết giảng. Bồ-tát ngồi ở phía trên họ, tự nghĩ: “Ông vua này thật bậy quá, đang nghe giảng kinh mà lại ngồi chỗ cao. Còn Bà-la-môn kia cũng bậy không kém, ngồi ở chỗ thấp mà dạy. Còn ta cũng bậy nốt vì ta đã rơi vào uy lực của đàn bà, chẳng kể chi mạng sống của ta mà đi ăn trộm xoài thế này”.
Thế rồi chàng đu vào một cành cây đang treo lơ lửng, buông người xuống khỏi cây, đứng trước vua và giáo sĩ và nói:
– Tâu Ðại vương, tôi là một kẻ đọa đày, ngài là kẻ cuồng si thô tục và giáo sĩ này là một người chết.
Vua hỏi chàng bảo như thế nghĩa là gì, chàng liền đọc bài kệ đầu:
Thưa Ðạo sư, thưa Vương đệ tử,
Tôi thấy kia mọi sự lỗi lầm,
Hai ngài đọa khỏi thiên ân,
Hai ngài giới luật đều làm sai hư.
Giáo sĩ Bà-la-môn nghe thấy, liền đọc bài kệ thứ hai:
Gạo ta ăn lấy từ đồi nọ
Mùi thơm ngon như có thịt vào.
Kẻ kia tội lỗi, tại sao
Thánh đang dùng bữa, lại rao giới điều?
Bồ-tát nghe thế, liền đọc thêm hai bài kệ nữa:
Hãy dọc ngang mọi chiều mặt đất,
Bà-la-môn, người sẽ thấy ra
Xem kia, đau khổ ấy là
Số phần chung của người ta trên đời.
Do tội lỗi, đời người tàn ố
Giá còn thua mảnh vỡ chiếc bình
Coi chừng tham ý, dục tình,
Chúng đưa tới cõi khổ hình đau thương.
Vua rất hài lòng về việc trình bày giới luật của chàng, hỏi chàng thuộc giai cấp nào. Chàng thưa:
– Tâu Ðại vương, tôi là hạng tiện dân.
Vua bảo:
– Này bạn, nếu bạn thuộc một gia đình có đẳng cấp cao thì ta đã đưa bạn lên làm vị vua độc nhất rồi. Nhưng từ nay, ta là vua ban ngày, còn bạn sẽ là vua ban đêm.
Vua nói xong, quàng vào cổ chàng tràng hoa mà ngài vẫn đeo và phong chàng làm quan tổng trấn. Từ đó các quan trong thành có lệ mang một tràng hoa đỏ ở cổ. Cũng từ ngày đó trở đi, vua an trú trong lời dạy của ngài, rất kính trọng thầy dạy mình và vẫn ngồi ở chỗ thấp mà nghe thầy dạy kinh điển.
*
Thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Anànda là vị vua, còn Ta chính là người tiện dân kia.
PHẨM BỐN BÀI KỆ (tt)
Trên đời chẳng ngai vàng, vương quốc…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo thối thất.
Tỷ-kheo này trong khi đi khất thực ở Xá-vệ, đã trông thấy một phụ nữ đẹp, rồi từ đó trở nên buồn chán và mất hết an lạc trong Ðạo pháp. Các Tỷ-kheo đưa ông ra trước đức Thế Tôn. Ngài dạy:
– Này Tỷ-kheo, Ta nghe nói ông cứ buồn chán, có thật thế không?
Ông thú thật quả như thế. Sau khi biết được lý do buồn chán của ông, bậc Ðạo Sư dạy:
– Này Tỷ-kheo, tại sao ông lại khao khát cuộc đời sau khi đã thọ trì giới luật của một Giáo pháp dưa đến Giải thoát? Các trí giả ngày xưa, khi được ban vinh dự làm giáo sĩ hoàng gia, đã từ bỏ chức vị ấy và sống đời khổ hạnh.
Rồi Ngài kể cho các Tỷ-kheo nghe một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát nhập mẫu thai bà vợ một Bà-la-môn giáo sĩ của hoàng gia và ra đời cùng một ngày với thái tử con vua. Khi vua hỏi các quan rằng có đứa trẻ nào sinh cùng ngày với thái tử không thì họ bảo:
– Tâu Ðại vương có, đó là một đứa con của giáo sĩ hoàng gia.
Thế là vua truyền mang Bồ-tát đến giao cho các nhũ mẫu săn sóc cẩn thận cùng với thái tử ấu thơ kia. Cả hai cùng có đồ trang sức, cùng ăn, cùng uống các thứ như nhau. Khi lớn lên, họ cùng đến học ở Takkasilã và chẳng bao lâu đều thành đạt mọi khoa học rồi trở về.
Vua phong cho con làm phó vương và ban danh dự lớn lao cho Bồ-tát. Từ đó Bồ-tát cùng ăn, cùng uống, cùng sống với thái tử. Giữa hai người nảy nở một tình bằng hữu vững bền. Ít lâu sau, vua cha mất, thái tử lên nối ngôi và hưởng phú quí khôn cùng. Bồ-tát tự nghĩ: “Giờ đây bạn ta trị vì vương quốc; khi có dịp thích đáng thế nào ông cũng phong cho ta ngôi vị giáo sĩ hoàng gia. Ta phải làm gì với cuộc đời của một gia trưởng đây? Ta muốn trở thành một nhà tu khổ hạnh, dấn thân vào đời độc cư”.
Vì thế, ngài đến đảnh lễ cha mẹ, xin được chấp trì giới hạnh. Ngài chối bỏ mọi của cải của trần gian và từ đó xuất gia một mình đi vào vùng Tuyết Sơn. Tại đó, trên một khoảnh đất thích hợp, ngài tự dựng một túp lều sống đời Phạm hạnh của một ẩn sĩ, ngài phát huy các thắng trí và các Thiền chứng và hưởng an lạc của cuộc sống huyền nhiệm.
Bấy giờ, vua nhớ đến ngài và bảo:
– Không biết bạn ta thế nào rồi nhỉ? Sao không hề thấy ông ta đâu cả?
Các cận thần bảo rằng ngài đã chấp trì giới hạnh và nghe nói ngài đang sống trong một khu rừng tịnh lạc nào đó. Vua hỏi trú xứ của ngài và bảo một quốc sư tên Sayha:
– Hãy đi mang bạn ta về đây. Ta sẽ phong cho ông ấy làm giáo sĩ của ta.
Sayha sẵn sàng tuân lệnh. Từ Ba-la-nại ông đi mãi đến một làng ở biên địa và trú ở đó, rồi cùng với vài người kiểm lâm đến nơi Bồ-tát ở. Ông thấy Bồ-tát ngồi như một bức tượng vàng trước túp lều của ngài. Sau khi chào hỏi, cung chúc theo thường lệ, ông ngồi xuống, cách một khoảng để tỏ lòng kính cẩn, và bảo:
– Thưa Tôn giả, đức vua muốn ngài quay trở về vì đang nóng lòng phong ngài lên ngôi vị giáo sĩ của hoàng gia.
Bồ-tát trả lời:
– Nếu ngoài chức giáo sĩ ra, ta còn được trao thêm cả nước Kàsi và Kosala, cả vương quốc Ấn Ðộ, cả sự vinh quang của một đế quốc hoàn vũ, ta cũng không chấp nhận đâu. Bậc trí giả không mang lấy những tội lỗi mà họ đã từng từ bỏ cũng giống như họ không nuốt cục đàm mà họ đã khạc lên.
Ðoạn ngài đọc các bài kệ sau:
Trên đời chẳng ngai vàng, vương quốc
Chiếm lòng ta, gây nhục ta nào!
Xấu thay, danh lợi mong cầu
Ðưa người vào cảnh khổ đau ngập tràn.
Kiếp không nhà lang thang đây đó,
Cầm bát xin nhà nọ nhà kia,
Hơn làm vua, tạo phiền hà,
Trị vì độc đoán theo đà ác tham.
Mặc dù Sayha cứ năn nỉ mãi, Bồ-tát cũng không chấp nhận yêu cầu của ông ta. Không thể nào khuyên nhủ được Bồ-tát, Sayha đành tạ từ quay về trình vua là ngài từ chối trở lại.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, Ngài tuyên thuyết Tứ Ðế. Khi kết thúc Tứ Ðế, Tỷ-kheo thối thất kia đắc quả Dự Lưu, và nhiều Tỷ-kheo khác cũng đạt các quả vị như thế. Thế rồi bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Ànanda là vị vua, Xá-lợi-phất là Sayha, còn Ta là vị giáo sĩ hoàng gia.
-ooOoo-
Anh trộm, dậy đi thôi…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Trúc Lâm về Tôn giả Mục-kiền-liên (Moggallàna).
Bấy giờ Trưởng lão Mục-kiền-liên đang sống tại một túp lều trong khu vườn gần thành Vương Xá. Một tên trộm kia, sau khi bẻ khóa vào một nhà tại một ngôi làng ở ngoại ô, đã chạy thoát đi, mang theo đầy các đồ vật trộm được. Khi chạy đến địa phận trú xứ của Trưởng lão, nó nghĩ rằng thế là thoát được rồi, bèn nằm xuống tại lối vào túp lều lá của Tôn giả. Trưởng lão thấy nó nằmđó liền nghi ngờ ngay tư cách của nó và tự nhủ: “Nếu ta dính líu đến một tên trộm thì sẽ phiền cho ta lắm. Vì vậy, Tôn giả bước ra khỏi lều, bảo tên trộm đừng nằm đó và đuổi nó đi”.
Tên trộm nhanh như cắt vụt chạy trốn đi. Mọi người đuốc trên tay, theo sát tên trộm mà đuổi, đến nơi họ nhìn thấy các chỗ đất ghi dấu vết tên trộm và nói:
– Nó đến đây theo lối này, nó đã đứng nơi đây. Nó không còn ở đây nữa đâu!
Thế là họ đổ xô đến chỗ này chỗ nọ và cuối cùng đành quay về vì không tìm thấy tên trộm.
Sáng hôm sau, Trưởng lão đi khất thực ở Vương Xá và khi trở về, Tôn giả ghé đến Trúc Lâm và kể cho bậc Ðạo Sư sự việc đã xảy ra. Bậc Ðạo Sư dạy:
– Này Mục-kiền-liên, ông không phải là người độc nhất đã nghi ngờ trong một trường hợp nghi ngờ là phải. Các trí giả ngày xưa cũng đã nghi ngờ theo cách như thế.
Rồi do yêu cầu của Trưởng lão, bậc Ðạo Sư kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát ra đời là một Thần cây Nimbo trong một khu rừng nghĩa địa của thành phố.
Bấy giờ, một tên trộm vừa phạm tội trộm trong một xóm lẻ kia trong thành phố rồi chạy vào khu rừng nghĩa địa, nơi đây có một cây Nimbo (cây có trái làm dầu thơm) và một cây Ða đều đã già cỗi mọc cạnh nhau. Tên trộm đặt các đồ vật dưới gốc cây Nimbo rồi nằm xuống đó. Vào thời ấy, bọn trộm cướp bị bắt đều bị xử xiên người treo trên một cành cây Nimbo. Vì thế, Thần cây Nimbo tự nghĩ: “Nếu người ta đến đây và bắt tên trộm này, họ sẽ chặt một cành cây Nimbo này để làm cái gậy mà xiên người nó. Thế là cây sẽ bị hủy hoại. Vậy ta cần phải đuổi anh bạn này đi”.
Thần bèn đọc bài kệ đầu để nói với tên trộm:
Anh trộm, dậy đi thôi,
Ngủ chi, gấp lắm rồi,
Người của vua sắp đến,
Tội anh họ quyết đòi.
Thần lại còn nói thêm:
– Chạy đi kẻo người của vua đến bắt anh bây giờ!
Thế rồi Thần đuổi tên trộm đi. Tên trộm vừa chạy trốn đi thì Thần cây Ða đọc bài kệ thứ hai:
Tên trộm táo gan ấy
Bị bắt hay thoát đi,
Thần cây Nimbo xin hỏi:
Với ngài, đâu khác chi?
Thần cây Nimbo nghe thế liền đọc bài kệ thứ ba:
Ngài đâu biết ta lo thầm kín:
Quân nhà vua sẽ đến nơi đây,
Bắt tên trộm, chặt cành cây
Phạt xiên tội phạm cây này còn chi!
Trong lúc hai vị Thần trong rừng đang nói chuyện với nhau thì những người chủ gia sản, tay cầmđuốc theo dấu tên trộm đã đến nơi, họ nhìn thấy chỗ tên trộm đã nằm và nói:
– Xem kia, tên trộm vừa thức dậy rồi chạy trốn ngay từ chỗ này. Chúng ta chưa tóm được nó đấy, chứ nếu tóm được thì chúng ta sẽ quay trở lại đây, xiên người nó dưới gốc cây Nimbo này hoặc treo nó trên một trong những nhánh cây này.
Nói xong họ đổ xô vào chỗ này chỗ nọ nhưng vẫn không tìm ra tên trộm, họ liền bỏ đi.
Nghe mọi người bàn tán như trên, Thần cây Nimbo đọc bài kệ thứ tư:
Mối nguy chưa thấy, vẫn lo ngay,
Cân nhắc so đo kẻo muộn thay.
Kẻ trí bao giờ trong hiện tại
Cũng nhìn tình trạng của tương lai.
*
Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Xá-lợi-phất là Thần cây Ða và Ta là thần cây Nimbo ấy.
-ooOoo-
Trẻ khờ dại có điều sai trái…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo lớn tuổi.
Tương truyền một nhà quí phái trẻ tuổi ở Xá-vệ thấy hậu quả xấu xa của các tham vọng tội lỗi, được bậc Ðạo Sư cho nhập Giáo đoàn, và do tinh tấn tu tập pháp môn thiền quán, chẳng bao lâuđạt Thánh quả. Về sau, khi mẹ mất, ông đưa cha và em trai vào Giáo hội và cả ba người cùng trú tại Kỳ Viên.
Khi mùa mưa bắt đầu; nghe nói tại một trú xứ trong làng kia họ có thể được cúng dường pháp y dễ dàng, cả ba người đều đến đó nhập hạ và sau khi mùa kiết hạ chấm dứt, họ về thẳng Kỳ Viên, vị Tỷ-kheo trẻ bảo chú tiểu yên lặng đưa vị Tỷ-kheo già đi, còn chính ông đi nhanh trước để đến Kỳ Viên sửa soạn phòng xá. Vị Tỷ-kheo già đi thực chậm, chú tiểu cứ thúc đầu vào, dùng sức kéo thầy đi và la lên:
– Nhanh lên thầy!
Tỷ-kheo già nói:
– Người cứ ép ta mà kéo ta đi tới trong khi ta không muốn đi như thế.
Rồi ông quay lại, bắt đầu đi từ khởi điểm. Họ cứ cãi nhau như thế. Mặt trời đã lặn và bóng tối đã kéo tới. Vị Tỷ-kheo trẻ sau khi quét tước lều, đổ nước đầy các bình vẫn chưa thấy họ đến, liền cầm đuốc đi tìm. Khi gặp họ, ông hỏi vì sao họ chậm trễ như vậy. Vị Tỷ-kheo già cho biết lý do. Ông bảo họ nghỉ rồi chậm rãi đưa họ đi tiếp. Thế là hôm ấy, ông không có thì giờ để đến tham bái đức Phật. Vì thế, hôm sau, khi ông đến tham bái đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi vào chỗ xong, bậc Ðạo Sư hỏi:
– Ông về đến lúc nào?
– Bạch Ngài, hôm qua.
– Ông về đến từ hôm qua mà hôm nay mới đến tham bái Ta ư?
– Bạch Ngài, vâng.
Trả lời như thế xong, ông kể lại lý do. Bậc Ðạo Sư quở trách vị Tỷ-kheo lớn tuổi kia:
– Không phải chỉ bây giờ ông ấy mới làm như thế. Ngày xưa ông ấy cũng đã làm thế rồi. Giờ đây chính ông bị ông ấy làm phiền. Ngày xưa ông ấy đã làm phiền các trí giả.
Rồi do yêu cầu của vị Tỷ-kheo ấy, Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn, tại một thành phố ở nước Kàsi. Khi ngài lớn lên thì mẹ ngài mất. Sau khi thực hiện các nghi thức tang lễ, ngài đem bố thí hết tất cả tiền bạc trong nhà, ngài mặc quần áo cũ rách xin của người khác, mang cha và em trai đi sống cuộc đời đạo hạnh của một ẩn sĩ tại vùng Tuyết Sơn. Tại đó, ngài trú trong một khu rừng an lạc và sống qua ngày bằng cách mót lượm, ăn rễ cây, trái rừng.
Bấy giờ, ở vùng Tuyết Sơn, suốt trong mùa mưa, mưa rơi không dứt. Không thể đào bới củ, rễ, không thể hái lượm trái rừng gì được cả và lá bắt đầu rụng đi, các nhà tu khổ hạnh phần lớn đều phải rời bỏ dãy Tuyết Sơn và tìm đến trú tại nơi có người ở.
Bồ-tát cũng thế, ngài cùng cha và em trai dời về sống nơi có người ở, và khi vùng Tuyết Sơn bắt đầu ra hoa, kết trái trở lại thì ngài cùng cha và em quay về chỗ ẩn dật của mình trong dãy Tuyết Sơn. Khi họ còn cách lều không xa thì trời chiều, ngài rời họ và nói:
– Cha và em cứ thủng thẳng mà đi. Con phải về trước để lo sắp xếp các thứ trong chỗ ở của chúng ta.
Vị ẩn sĩ trẻ kia cứ thấy cha tiếp tục đi thật chậm, liền thúc đầu vào hông cha. Người cha nói:
– Ta không thích cái lối ngươi đưa ta về nhà như thế đâu!
Rồi ông quay trở lại và bắt đầu đi từ chỗ hồi nãy. Họ cứ tranh cãi như thế và trời đã tối đen. Bồ-tát quét lều, xách nước xong, liền cầm một cây đuốc và quay lại tìm. Khi gặp cha và em, ngài hỏi tại sao họ quá chậm trễ như thế. Người em liền kể lại việc cha đã làm. Nhưng Bồ-tát vẫn yên lặng đưa họ về nhà.
Sau khi đã cất chứa các vật dụng cần thiết của người tu sĩ, ngài đưa cha đi tắm, rửa và xức dầu thơm vào hai bàn chân cha, chà tẩy lưng cha. Rồi ngài đem ra một chảo than hồng và khi cha ngài khỏe khoắn trở lại, ngài ngồi bên cạnh cha và bảo:
– Thưa cha, bọn trẻ cũng giống như cái bình lọ bằng đất, chẳng mấy chốc là vỡ ngay và khi đã vỡ thì không thể nào chắp gắn lại được. Người già nên kiên nhẫn chịu đựng chúng khi chúng có điều sai quấy.
Và để khuyến dụ cha ngài tên là Kassapa, ngài đọc hai bài kệ sau đây:
Nếu trẻ dại nói làm sai trái,
Phần người khôn nhẫn nại bền lòng
Người hiền tranh cãi chóng xong,
Kẻ rồ tan vỡ như hòn đất khô.
Kẻ cầu học biết cho mình lỗi,
Chẳng hề phai, tỏ mối thân tình,
Như mang gánh của em anh,
Và làm nhẹ bớt xung quanh láng giềng.
Bồ-tát khuyên cha như vậy. Và từ đó trở đi ngài luôn luôn giữ mình trong giới hạnh.
*
Kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, vị Tỷ-kheo lớn tuổi này là người cha ẩn sĩ, chú tiểu là chú bé ẩn sĩ, còn Ta là người con đã khuyến dụ cha mình.
-ooOoo-
Kẻ nào xẻo mũi, cắt tai…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo nóng giận.
Các tình tiết của câu chuyện đã được tả trước đây. Bậc Ðạo Sư bảo Tỷ-kheo ấy:
– Ông đã chấp trì giới luật theo Giáo pháp đức Phật, người chẳng hề biết nóng giận là gì, thế mà sao ông lại tỏ ra nóng giận? Các trí giả ngày xưa nghĩ rằng họ phải chịu trăm ngàn đau đớn, bị chặt chân tay, bị cắt tai, mũi vẫn không hề tỏ ra nóng giận người khác.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi một ông vua Kàsi trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn, thừa hưởng gia tài tám trăm triệu đồng. Bấy giờ, ngài là một thiếu niên tên Kundakakumàra. Khi lớn lên, ngài thành tựu mọi kiến thức về các ngành khoa học tại Takkasilã và sau đó trở thành một gia trưởng.
Khi cha mẹ mất đi, ngài nhìn đống tiền bạc và tự nghĩ: “Những người thân của ta đã tích nên tài sản này rồi lại ra đi mà chẳng mang theo được. Giờ đây, ta lại sở hữu tài sản này và lại đến lượt ta ra đi.” Thế rồi ngài cẩn thận chọn những người có đức bố thí xứng đáng và cho họ hết tất cả tài sản rồi ngài vào vùng Tuyết Sơn tu khổ hạnh. Ngài trú ở đó một thời gian lâu, sống bằng trái cây rừng. Sau đó ngài xuống các nơi có người ở để kiếm muối và dấm và đi lần đến Ba-la-nại, tại đó, ngài trú trong vườn cây của vua.
Ngày hôm sau, ngài đi khất thực trong thành phố và đến cửa nhà quan đại tướng. Vị quan này rất bằng lòng trước phong thái đặc biệt của vị ẩn sĩ liền mời ngài vào nhà, dâng ngài các thức ăn dành riêng cho chính ông. Sau đó, ông đưa ngài trở lại trú xứ của ngài trong vườn cây của vua.
Một hôm, vua Kalàbu bị khích động vì rượu mạnh, đến vườn cây với đầy đủ mọi nghi trượng xa hoa, bao quanh ông là một đám vũ công. Ông cho đặt vương sàng tại đó và nằm gối đầu trên đùi một ái phi trong khi các nghệ nữ thiện xảo về đàn sáo nhảy múa trình diễn. Cả một khung cảnh thật là tráng lệ chẳng khác cảnh của Thiên chủ Ðế Thích, vua cõi trời! Rồi nhà vua ngủ thiếp đi. Các phụ nữ kia bảo:
– Chính vì đức vua mà chúng ta tấu nhạc, nay ngài đã ngủ rồi. Chúng ta cần chi phải đàn hát nữa?
Rồi họ ném bỏ đàn sáo đó đây, đi vào vườn cây và mải mê vui chơi với cây trái, bông hoa trong vườn.
Bấy giờ, Bồ-tát đang ở trong vuờn này dũng mãnh như một vương tượng. Ngài ngồi dưới gốc một cây Sàla đang nở hoa, hưởng hạnh phúc tối đa của kẻ từ bỏ thế tục. Các phụ nữ kia trong khi lang thang trong vườn, đến chỗ Bồ-tát ngồi. Họ bảo với nhau:
– Này các chị ơi, lại đây, chúng ta hãy ngồi xuống nghe vị tu sĩ đang ngồi dưới gốc cây này thuyết giảng cho đến khi đức vua thức dậy.
Họ đến chào ngài rồi ngồi vòng quanh ngài và nói:
– Xin giảng cho chúng tôi những điều đáng nghe.
Bồ-tát giảng đạo lý cho họ. Trong khi ấy, nàng vương phi sủng ái kia trăn trở thân mình làm vua thức dậy. Không thấy các phụ nữ kia đâu, vua hỏi:
– Bọn tiện tỳ ấy đi đâu cả rồi?
Nàng ái phi đáp:
– Tâu Ðại vương, họ bỏ đi và đang ngồi quanh một nhà tu khổ hạnh.
Nhà vua cầm kiếm vội vã ra đi và nói:
– Ta sẽ cho tên ẩn sĩ giả hiệu kia một bài học.
Những người được vua sủng ái nhất trong đám phụ nữ kia thấy vua giận dữ liền đến nắm lấy kiếm của vua xin vua bớt giận. Vua bước tới đứng bên cạnh Bồ-tát và hỏi:
– Này, nhà tu kia, ông giảng đạo lý gì thế?
Ngài đáp:
– Tâu Bệ hạ, tôi giảng về đạo lý kham nhẫn.
Vua hỏi:
– Kham nhẫn là gì?
– Là không giận hờn khi người ta rầy la, đánh đập, mắng chửi mình.
Vua bảo:
– Ðược rồi, ta sẽ xem đức kham nhẫn của ông thực sự như thế nào.
Rồi vua cho gọi quan hành hình lại. Ông này đang đi hành sự, cầm một cái rìu và một cái roi gai, mặc áo vàng, mang một tràng hoa đỏ. Ông đến chào vua và thưa:
– Tâu Ðại vương, tôi phải làm gì để vừa lòng ngài?
Vua phán:
– Tóm lấy và lôi cổ tên thầy tu xảo quyệt đê tiện ấy đi, ném nó xuống đất, dùng roi gai mà đánh nó đằng trước, đằng sau và cả hai bên, quất cho nó hai ngàn roi.
Lệnh ấy được thi hành. Da trong, da ngoài của Bồ-tát bị xé rách tới thịt, máu tuôn xối xả. Vua lại hỏi:
– Này thầy tu kia, ông dạy đạo lý gì?
– Tâu Ðại vương, đức kham nhẫn – Bồ-tát đáp.
– Ngài tưởng rằng đức kham nhẫn của tôi chỉ nằm dưới da; không phải thế đâu, nó nằm bên trong tim tôi, ngài không thể trông thấy được đâu.
Viên quan hành hình lại hỏi vua:
– Tâu Ðại vương, tôi phải làm gì để vừa lòng ngài?
Vua nói:
– Hãy cắt đứt hai bàn tay của tên thầy tu giả hiệu ấy đi.
Thế là người kia xách rìu, đặt tội nhân vào bên trong vành tử tội rồi chặt đứt cả hai bàn tay Bồ-tát. Vua lại nói:
– Chặt hai bàn chân luôn.
Thế là hai bàn chân của ngài cũng bị chặt đứt. Máu vọt từ đầu các bàn tay chân như nước tuôn từ một cái bình thủng. Vua lại hỏi ngài thuyết giảng đạo lý gì. Ngài đáp:
– Tâu Chúa thượng, đức kham nhẫn. Tâu Ðại vương, ngài tưởng rằng đức kham nhẫn của tôi nằm tại các đầu bàn tay, bàn chân, thực không phải ở đó đâu, nó nằm ở nơi khác nữa kìa.
Vua nói:
– Hãy xẻo mũi và tai nó đi.
Viên quan hành hình làm theo như thế. Toàn thân Bồ-tát bây giờ nhuốm đầy máu. Vua lại hỏi đến đạo lý của ngài. Vị ẩn sĩ nói:
– Ngài chớ tưởng rằng đức kham nhẫn của tôi nằm ở chóp mũi và chóp tai của tôi; đức kham nhẫn của tôi nằm sâu trong tim tôi kia.
Vua nói:
– Tên thầy tu giả mạo kia, nằm xuống đi rồi hãy ca ngợi đức kham nhẫn của ngươi.
Nói thế xong, vua dẫm lên ngực, chỗ phía trái tim của Bồ-tát, rồi bỏ đi.
Khi vua đã đi rồi, vị đại tướng kia đến lau chùi máu trên thân thể của Bồ-tát, băng bó các đầu bàn tay, bàn chân, tai mũi ngài và nhẹ nhàng đặt ngài ngồi vào một chỗ, đảnh lễ ngài rồi ngồi xuống một bên. Ông bảo:
– Kính thưa Tôn giả, nếu ngài có giận hờn kẻ gây tội ác với ngài thì xin ngài hãy giận hờn đức vua, chớ đừng có giận hờn một ai khác.
Ông yêu cầu Bồ-tát qua bài kệ đầu:
Kẻ nào xéo mũi, cắt tai,
Cùng là chặt đứt của ngài tay chân.
Xin hờn kẻ ấy riêng phần,
Tâm hồn oanh liệt, xin đừng hờn chung!
Bồ-tát nghe thế liền đọc bài kệ thứ hai:
Mong vua vẫn được mạng trường,
Tay hung hủy hoại chẳng thương thân này,
Nhưng lòng thanh tịnh, ta đây,
Chẳng hề căm giận kẻ gây ác nào!
Khi vua rời khỏi vườn cây và ngay lúc ông vừa ra khỏi tầm nhìn của Bồ-tát, vùng đất kiên cố, dày hai trăm bốn mươi ngàn dặm bỗng nứt ra làm hai, lửa từ ngục A-tỳ (Avìci: Vô gián Ðịa ngục) vọt lên ập tới vua, trùm cả người ông như chiếc long bào hổ hoàng. Như vậy vua chìm trong đất ngay chỗ cổng vườn cây và bị tống hẳn vào đại ngục A-tỳ. Bồ-tát cũng chết vào cùng ngày ấy. Triều thần của vua và dân chúng mang các tràng hoa, dầu thơm, hương liệu đến làm lễ tống táng Bồ-tát. Có người bảo rằng Bồ-tát đã đi thẳng về dãy Tuyết Sơn. Nhưng theo bài kệ sau đây thì người ta lại bảo không phải như vậy:
Cổ thánh nhân – người đời truyền tụng –
Vẫn tỏ ra đại dũng đại uy.
Thánh kia kham nhẫn kiên trì,
Bị vua của xứ Kà-si giết rồi.
Ôi món nợ chẳng hồi tiếc nuối,
Vua kia đành trả lại liền sau.
Tháng ngày ân hận dài lâu,
Một khi trú địa ngục sâu tận cùng.
Hai bài kệ trên được sáng tác từ Trí tuệ toàn hảo của đức Phật.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết giảng xong, Ngài tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, vị Tỷ-kheo nóng giận kia đắc quả Nhất Lai, và nhiều vị khác đắc quả Dự Lưu. Sau đó, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Ðề-bà-đạt-đa là Kalàbu, vua xứ Kàsi; Xá-lợi-phất là quan tổng trấn; còn Ta là vị ẩn sĩ, người thuyết giảng về đức kham nhẫn.
-ooOoo-
Ðúng phần của, ta nào ban bố…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một vị vua xứ Kosala.
Hồi ấy, nhân một đêm kia, vua xứ Kosala nghe một tiếng do bốn sinh linh ở địa ngục phát ra, đó là bốn âm, mỗi âm do một sinh linh phát ra: du, sa, na, se. Truyền thuyết bảo rằng trong một đời trước họ vốn là bốn hoàng tử ở Xá-vệ và đã phạm tội gian dâm. Sau khi làm điều xấu xa với vợ của các láng giềng vốn được trông giữ cẩn thận và cứ buông mình theo tham ái dục lạc, họ đã bị bánh xe của thần chết cắt đứt ngang cuộc sống xấu xa kia gần Xá-vệ. Họ tái sinh vào địa ngục Bốn Nồi sắt. Sau khi chịu đau đớn sáu nghìn năm, họ trồi được lên cao và trông thấy bờ miệng của cái nồi, họ liền tự nghĩ: “Biết đến bao giờ chúng ta mới thoát khỏi cảnh khổ này?”. Thế rồi cả bốn người lần lượt phát lên một tiếng kêu lớn. Vua sợ muốn chết vì những âm thanh ấy, cứ ngồi yên không nhúc nhích và chờ cho đến sáng.
Lúc bình minh, các vị Bà-la-môn đến vấn an vua. Vua bảo:
– Này các thầy, hôm nay chính ta đây phải nghe những tiếng kêu kinh khủng như thế kia thì làm sao ta khỏe khoắn cho được?
Các Bà-la-môn nhún vẫy tay. Vua hỏi:
– Gì thế hở các thầy?
Họ đoan chắc với vua rằng những tiếng kia là điềm rất hung xấu. Vua hỏi:
– Có cách gì chữa trị không?
Họ đáp:
– Tâu Ðại vương, ngài có thể bảo rằng không! Nhưng chúng tôi đã lắm từng trải về các sự việc như thế.
Vua nói:
– Bằng cách nào các thầy có thể xua tan được các điều xấu ấy chứ?
– Tâu Ðại vương – họ đáp – chúng tôi vốn có quyền năng chữa trị hiệu nghiệm và nhờ cuộc tế lễ tứ phần gồm đủ các loại sinh linh chúng tôi sẽ xua tan hết mọi điều xấu.
Vua phán:
– Vậy thì nhanh lên, hãy bắt hết mọi sinh linh mỗi thứ bốn con: người, bò, ngựa, voi xuống cho tới chim cút cùng các loài chim khác, và nhờ tế lễ tử sinh như thế, tâm ta được an bình trở lại.
Các Bà-la-môn tuân lời, họ lấy đủ mọi thứ họ cần rồi cho đào một hố để tế lễ và trói đủ loại sinh linh khốn khổ kia vào các cột. Họ bắt các vật hy sinh nhiều hơn số cần thiết vì nghĩ rằng họ sẽ được ăn nhiều món ngon và hưởng nhiều lợi lộc. Họ đi khắp chỗ này chỗ nọ và bảo:
– Này, tôi phải có thế này, thế kia…
Hoàng hậu Mallikà đến hỏi vua tại sao các Bà-la-môn lại vui mừng đến thế. Vua đáp:
Này hoàng hậu, bà có liên hệ gì tới chuyện này chứ? Bà đang say đắm trong vinh quang của riêng bà và chẳng biết rằng ta đã đau khổ như thế nào.
– Sao thế, thưa Ðại vương.
– Ta đã nghe những tiếng kêu khủng khiếp và khi ta hỏi các Bà-la-môn rằng kết quả việc nghe những tiếng kêu ấy là thế nào, thì họ bảo vương quốc của ta, tài sản của ta đang bị đe dọa, nhưng nhờ tế lễ tứ sinh, họ sẽ làm cho tâm ta an bình. Giờ đây họ đang theo lệnh ta, đào một hố tế lễ vàđang tìm kiếm các vật hy sinh mà họ cần.
Hoàng hậu nói:
– Tâu Hoàng thượng, thế ngài đã hỏi ý kiến vị Bà-la-môn trưởng ở thiên giới về nguồn gốc của những tiếng kêu này chưa?
Vua đáp:
– Hoàng hậu, ai là Bà-la-môn trưởng ở thiên giới?
– Tâu ngài, đó là đức Ðại Cồ đàm – hoàng hậu trả lời – là đức Phật tối cao.
– Ta đã không hỏi ý kiến đức Phật.
Hoàng hậu nói:
– Thế thì xin hãy đến hỏi Ngài đi.
Vua nghe theo lời hoàng hậu. Sau bữa ăn sáng, vua lên Vương Xá và đến Tinh xá Kỳ Viên. Sau khi đảnh lễ bậc Ðạo Sư, vua nói:
– Bạch Thế Tôn, trong đêm gần đây, trẫm có nghe bốn tiếng kêu và hỏi các thầy Bà-la-môn, họ cam đoan sẽ làm cho tâm trẫm an bình trở lại bằng cách tế lễ tứ sinh đối với mỗi loài và bây giờ họ đang sửa soạn tế lễ. Sự việc trẫm nghe các tiếng kêu như thế khiến điều gì xảy ra cho trẫm?
– Chẳng xảy ra điều gì cả – Bậc Ðạo Sư dạy – Một số sinh linh ở địa ngục vì phải chịu đựng thống khổ nên kêu lớn lên. Những tiếng ấy không phải riêng ngài nghe đâu. Các vị vua ngày xưa cũngđã nghe như thế. Và họ cũng vậy, sau khi hỏi ý các Bà-la-môn, đã nóng lòng tổ chức lễ tế các vật hy sinh, nhưng rồi được các trí giả chỉ bảo, họ không làm như thế nữa. Các trí giả giảng cho họ tính chất của những tiếng kêu này và khuyên họ thả hết đám vật hy sinh đáng thương kia ra, cùng làm cho tâm họ an bình trở lại.
Rồi do yêu cầu của vua, bậc Ðạo Sư kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn, tại một làng nọ thuộc xứ Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành ngài từ bỏ các dục lạc và sống đời tu hành. Ngài phát huy những thần lực do thiền định và an hưởng thiền lạc. Ngài trú tại một khu rừng tịnh lạc trong vùng Tuyết Sơn.
Vua Ba-la-nại bấy giờ rất kinh sợ vì nghe bốn tiếng kêu do bốn sinh linh trú trong địa ngục phát ra. Và khi các thầy Bà-la-môn bảo cũng y như thế rằng một trong ba tai họa phải xảy đến cho nhà vua, vua liền thuận theo đề nghị của họ là cử hành tế lễ tứ sinh để ngăn chặn tai họa. Vị giáo sĩ của hoàng gia được các Bà-la-môn giúp chuẩn bị một hố tế lễ và một số lớn vật hy sinh được mang lại, cột vào các cọc.
Thế rồi Bồ-tát, do lòng từ thúc đẩy, quan sát thế giới bằng thiên nhãn. Khi ngài thấy sự việc xảy ra, liền nghĩ: “Ta phải đến để lo an toàn cho các sinh linh này”.
Rồi do thần lực, ngài bay lên không và hạ xuống trong vườn cây của vua Ba-la-nại. Ngài ngồi trên phiến đá của vua, trông giống như một tượng vàng. Người đệ từ trưởng của vị giáo sĩ đến gần thầy và hỏi:
– Thưa thầy, trong kinh Vệ-đà há chẳng viết rằng không có hạnh phúc cho những ai sát sinh đấy sao?
Giáo sĩ đáp:
– Ngươi cứ việc mang phẩm vật của vua lại đây và chúng ta sẽ có lắm thứ ngon để ăn. Cứ an tâm!
Ông nói thế và đuổi anh ta đi.
Nhưng chàng trai tự nghĩ: “Ta sẽ không dự phần vào việc này đâu,” rồi anh ta vào vườn cây của vua và thấy Bồ-tát nơi đây. Sau khi thân ái chào ngài, anh ngồi xuống cách ngài một khoảng để tỏ lòng kính trọng. Bồ-tát hỏi anh:
– Này chàng trai, vua trị nước có công chính không?
Anh đáp:
– Thưa Tôn giả, vua trị nước rất công chính, nhưng trong đêm, ngài nghe bốn tiếng kêu và khi vua hỏi các thầy Bà-la-môn thì ngài được họ đoan chắc rằng họ sẽ làm cho tâm ngài an bình trở lại bằng cách tế lễ tứ sinh. Do đó, vua muốn lấy lại niềm an lạc, đang chuẩn bị đem các loài vật tế lễ và một số lớn các vật hy sinh đã được mang lại trói vào các cột tế lễ. Bây giờ, đối với những đạo nhân như Tôn giả, há chẳng nên giải thích nguyên do của các tiếng kêu kia mà cứu số đông sinh mạng đáng thương này khỏi nanh vuốt của tử thần ư?
Bồ-tát nói:
– Này anh bạn trẻ, vua chẳng biết ta, ta cũng chẳng biết vua, nhưng chính ta đây biết được nguồn gốc của tiếng kêu la ấy. Nếu vua đến đây hỏi ta nguyên do, ta sẽ giải quyết mối nghi cho ngài.
Chàng trai đáp:
– Thế thì thưa Tôn giả, xin Tôn giả chờ một lát, con sẽ đưa đức vua lại.
Bồ-tát chấp thuận. Chàng trai đến trình với vua mọi sự và dẫn vua đến gặp Bồ-tát. Vua đảnh lễ ngài, ngồi xuống một bên và hỏi có thật ngài biết nguồn gốc của các tiếng kêu ấy không. Bồ-tátđáp:
– Tâu Ðại vương, thật thế.
Vua nói:
– Vậy thì thưa Tôn giả, xin ngài hãy nói cho ta nghe.
– Tâu Ðại vương – ngài nói – những người kia, trong một đời trước đã phạm tội gian dâm với những người phụ nữ ở gần Ba-la-nại, vốn là vợ của những người láng giềng, được canh giữ rất kỹ lưỡng. Và do đó về sau họ bị tái sinh vào địa ngục Nồi sắt. Nơi đây, sau khi phải chịu thống khổ suốt ba mươi ngàn năm trong một chất lỏng ăn mòn dầy đặc được nấu sôi, có lúc họ bị chìm đụng đến đáy nồi, có lúc họ trồi lên đỉnh như một cái bọt nước. Sau những năm như thế, họ thấy được miệng nồi và khi nhìn qua mép nồi, cả bốn người đều muốn đọc lên bốn bài kệ trọn vẹn nhưng họ không thể nào làm được như thế. Và khi mỗi người chỉ mới phát ra được một âm thì bị chìm trở lại trong nồi sắt. Bấy giờ một người trong bọn bị chìm xuống sau khi phát ra âm “du” vốn muốn nói như sau:
Ðúng phần của, ta nào ban bố,
Lại sống đời nhiễm ố, tà gian,
Không tìm cứu rỗi vững vàng,
Giờ đây phước lạc một đường bay xa.
Người ấy không thể đọc lên bài kệ trên, nhưng Bồ-tát nhờ có trí tuệ riêng nên đã đọc lại toàn bộ bài kệ ấy. Và đối với ba người kia cũng thế. Người mới chỉ phát âm “sa” vốn muốn đọc bài kệ sau:
Sầu thảm thay, số này chịu cả
Ðến khi nào buông thả ra cho?
Qua vô số kiếp khôn dò
Cực hình địa ngục bao giờ ngưng đâu!
Còn trường hợp người phát ra âm “ha” thì đây là bài kệ ông ta muốn đọc:
Nào dứt được khổ sầu đau đớn,
Số phận kia đã gán cho ta,
Ở trần gian tạo ác ra,
Chính phần ta phải nhận mà đền đây.
Và người đã phát ra âm “se” thì muốn đọc bài kệ sau đây:
Số phận này một mai thoát nhẹ,
Mang kiếp người, ta sẽ vươn lên,
Quyết làm nhiều việc thiện hiền,
Bằng công đức tự trang nghiêm lấy mình.
Sau khi đọc trọn từng bài kệ Bồ-tát bảo:
– Tâu Ðại vương, kẻ ở trong địa ngục muốn đọc cả bài kệ trọn vẹn nhưng vì tội của họ nặng quá nên họ không thể làm như thế được. Và khi lãnh nhận hậu quả ác nghiệp của họ như vậy, họ la lớn lên. Nhưng ngài chớ sợ; sẽ không một nguy hại nào đến gần ngài vì ngài đã nghe tiếng kêu ấy đâu.
Ðược Bồ-tát làm cho an tâm, vua truyền đánh trống vàng của ngài và tuyên bố rằng đám đông các vật hy sinh kia phải được thả ra và hố tế lễ bị phá bỏ.
Còn Bồ-tát sau khi đã cứu bao nhiêu sinh vật khổ nạn kia, ở lại đó ít ngày rồi quay về chốn cũ và không hề ngừng tu tập Thiền định, ngài được sinh vào cõi Phạm thiên.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết giảng xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Xá-lợi-phất bấy giờ là người tu sĩ trẻ tuổi, còn Ta là vị ẩn sĩ kia.
-ooOoo-
Ðối với kẻ cầu xin ân huệ…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên, về cách Trưởng lão Xá-lợi-phất đã kiếm thức ăn ngon cho các Tỷ-kheo bị bệnh đang được chữa trị.
Bấy giờ, một số Tỷ-kheo ở Kỳ Viên sau khi dùng dầu để làm thuốc xổ, muốn được một ít đồ ăn ngon. Những người chăm sóc bệnh đã đến Xá-vệ tìm các thức ăn ngon, nhưng sau một vòng khất thực trên con đường tại các khu hàng quán ăn, họ đành trở về, không có được các thức ấy. Ðến gần trưa, Trưởng lão Xá-lợi-phất vào làng khất thực, gặp các Tỷ-kheo ấy liền hỏi họ vì sao quay về sớm như thế. Họ kể cho Tôn giả nghe. Tôn giả nói:
– Thế thì theo ta đây.
Rồi Tôn giả đưa họ đến cũng chính con đường ấy.
Bấy giờ, dân chúng ở đó cúng dường Tôn giả đủ mọi thức ăn ngon. Những thị giả mang thức ăn về cho các Tỷ-kheo bị bệnh và họ đã thọ dụng chúng.
Thế rồi một hôm, cuộc bàn tán lại bắt đầu trong Pháp đường, rằng các thị giả đã phải rời thành mà không kiếm được thức ăn cho thầy của họ đang bị bệnh như thế nào, còn Trưởng lão Xá-lợi-phất trên đường khất thực đã mang họ theo trên một con đường thuộc khu quán xá thế nào, và Tôn giả đã gởi họ về với bao nhiêu là thức ăn ngon…
Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi các Tỷ-kheo đang bàn tán việc gì và sau khi nghe thuật lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, chẳng phải chỉ riêng Xá-lợi-phất kiếm được thức ăn như thế đâu, ngày xưa, các trí giả cũng đã có giọng dịu ngọt, đã biết nói năng vừa lòng người và đã nhận được các thứ như vậy.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là con trai của một thương gia giàu có.
Một hôm, một người bẫy nai kia săn được thịt, chở đầy xe, quay về thành phố định đem thịt ra bán. Bấy giờ bốn người con trai của các trưởng giả giàu có đang sống tại Ba-la-nại, ra khỏi thành, gặp nhau tại ngã tư đường. Họ ngồi xuống và nói chuyện với nhau về những gì họ đã nghe thấy được. Một trong những chàng trai ấy trông thấy chiếc xe chở đầy thịt kia liền đề nghị đến người bẫy nai kiếm một miếng thịt nai. Các chàng kia bảo anh ta cứ đến thử xem. Anh ta đến gặp người đi săn ấy và nói:
– Chào ông mãnh, cho tôi một miếng thịt nào!
Người đi săn trả lời:
– Người nào xin người khác thứ gì thì phải nói năng lịch sự; bạn sẽ có một miếng thịt xứng hợp với cách nói năng của bạn.
Rồi ông ta đọc bài kệ đầu:
Ðối với kẻ cầu xin ân huệ,
Lời sao thô lỗ thế bạn ơi?
Món thô xứng đáng cùng lời,
Chỉ xương da đấy, thứ tôi treo này.
Một trong những người bạn kia hỏi anh ta đã dùng lời lẽ thế nào để xin một miếng thịt, anh ta đáp:
– Tôi nói: chào ông mãnh!
Người kia nói:
– Tôi cũng sẽ đến xin ông ta.
Rồi anh ta đến người đi săn và nói:
– Này ông anh, hãy cho tôi một miếng thịt nai nào!
Người đi săn đáp:
– Bạn sẽ nhận được một miếng xứng hợp với lời lẽ bạn dùng.
Rồi ông ta đọc bài kệ thứ hai:
Tên người anh, mối dây mạnh mẽ
Nối tình thân những kẻ với nhau…
Lời hay của bạn vừa trao
Khiến tôi tặng chỗ nối vào hai xương.
Nói thế xong, người đi săn ném cho anh ta một miếng khớp xương nai. Chàng trẻ thứ ba hỏi người vừa rồi đã xưng hô thế nào khi đến xin thịt anh kia đáp:
– Tôi gọi ông ta là ông anh.
Anh này nói:
– Tôi cũng sẽ đến xin anh ta.
Rồi anh ta đến gần người đi săn và kêu:
– Này cha thân, hãy cho con một miếng thịt nai.
Người đi săn nói:
– Bạn sẽ được một miếng xứng hợp với lời bạn vừa nói.
Và ông đọc bài kệ thứ ba:
Tim người cha xót thương động chuyển
Khi nghe kêu lên tiếng “cha thân”!
Ðáp lời bạn khẩn cầu ân,
Trái tim nai đấy tôi mang tặng liền.
Nói như thế xong, ông ta liền cho người ấy một miếng thịt ngon, nguyên phần cả trái tim con nai. Thế rồi chàng trai thứ tư hỏi chàng thứ ba rằng anh đã dùng lời lẽ ra sao mà hỏi xin thịt. Người kia đáp:
-Ồ – tôi gọi anh ta là cha thân!
Người thứ tư bảo:
– Thế thì tôi cũng sẽ xin một miếng.
Rồi anh đến gần người đi săn và nói:
– Này bạn của ta ơi, hãy cho ta một miếng thịt.
Ông ấy bảo:
– Bạn sẽ nhận phần tùy theo lời bạn vừa thốt.
Rồi ông đọc bài kệ thứ tư:
Tôi dám nghĩ: cuộc đời không bạn
Chắc phải là hoang vắng đìu hiu!
Gồm trong tiếng “bạn” niềm yêu,
Nên tôi tặng hết bao nhiêu thịt này.
Ông ta nói thêm:
– Này bạn, tôi sẽ chở cả xe thịt này về nhà bạn.
Thế là người con trai của thương gia ấy được cả xe mang về và anh ta đến lấy thịt ra. Anh đối đãi với người đi săn, đầy thịnh tình và kính trọng. Anh cho gọi vợ con ông ta, và đem ông ta ra khỏi nghề độc ác ấy và đến ở tại tư dinh chính anh. Từ đó, họ trở thành đôi bạn bất ly và sống thân ái với nhau suốt đời.
*
Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Xá-lợi-phất là người đi săn, còn Ta đây là con trai của người thương gia, kẻ đã được chia trọn cả phần thịt nai ấy.
-ooOoo-
Bảy cá hồng tôi đã gọn mang…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về sự cúng dường vật dụng cho các Tỷ-kheo.
Một người chủ đất nọ tại Xá-vệ cung cấp đủ mọi thứ cần thiết cho Giáo đoàn, đứng đầu là đức Phật. Ông ta dựng một cái rạp ở trước cửa nhà ông rồi mời các Tỷ-kheo cùng đức Phật, Giáo chủ của họ đến ngồi vào chỗ trang nghiêm đã chuẩn bị sẵn và cúng dường các vị đủ mọi thức cao lương thượng hạng. Ông còn nói:
– Ngày mai, xin quý vị trở lại.
Ông khoản đãi họ trọn một tuần và đến ngày thứ bảy, ông dâng cúng đức Phật cùng năm trăm vị Tỷ-kheo của Ngài đủ mọi thứ vật dụng cần thiết. Vào cuối bữa tiệc, bậc Ðạo Sư nói lời tùy hỷ công đức:
– Này cư sĩ, ông tạo sự thỏa lòng mãn ý do sự bố thí này thật là đúng lý. Vì đây là một truyền thống của hàng trí giả ngày xưa, những vị đã hiến cả thân mạng mình cho bất cứ kẻ hành khất nào mà họ gặp, họ còn cho những kẻ ấy ăn cả thịt của chính họ nữa.
Rồi do yêu cầu của gia chủ, Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là một con Thỏ sống trong một khu rừng. Một phía rừng này là chân một ngọn núi, ở phía kia là một con sông và ở phía thứ ba là một ngôi làng biên địa. Thỏ có ba bạn: một con Khỉ, một con Chó rừng và một con Rái cá. Bốn con vật khôn ngoan này sống với nhau, mỗi con săn tìm thức ăn của mình trong một khu riêng biệt và đến chiều tối, chúng đến họp lại với nhau. Thỏ rất thông tuệ, có tài khuyến dụ, thường thuyết về Chân lý cho ba bạn kia; dạy các bạn ấy nên bố thí, nên tuân hành luật đạo đức và giữ gìn ngày trai giới. Chúng đều tiếp thu lời khuyến dụ ấy và mỗi con đến trú ở chỗ riêng của mình trong khu rừng ấy.
Thời gian trôi qua, một hôm Bồ-tát quan sát bầu trời, nhìn mặt trăng và biết rằng hôm sau là ngày trai giới liền dặn ba bạn kia:
– Ngày mai là trai nhật. Cả ba bạn hãy thực hành giới luật và giữ gìn ngày trai. Ai tỏ ra kiên định trong việc thực hiện đạo đức thì việc bố thí sẽ mang lại cho vị ấy kết quả xứng đáng. Thế thì hễ có kẻ nào đến xin bạn, bạn hãy cho họ ăn bằng chính thức ăn của bạn.
Tất cả đều đồng ý, rồi ai nấy về chỗ của mình.
Tờ mờ sáng hôm sau, Rái cá ra đi tìm mồi, xuống tới bờ sông Hằng. Bấy giờ có một người đánh cá bắt được bảy con cá hồng, xâu cá vào một sợi mây rồi đem chôn chúng dưới cát trên bờ sông. Sau đó, ông ta lại xuống sông để bắt thêm cá. Rái cá đánh hơi được mấy con cá đang được chôn vùi kia, liền bới cát lên, trông thấy cá liền lôi ra và kêu lớn lên ba lần:
– Cá của ai đây?
Không thấy chủ nhân đâu, nó liền lấy răng cắn xâu cá ấy mang vào rừng đem về để vào nơi nó ở, định sẽ ăn vào lúc thích hợp. Thế rồi nó nằm xuống suy nghĩ mình thật đạo hạnh quá!
Con Chó rừng cũng ra đi kiếm thức ăn và tìm thấy trong túp lều của một người trông coi đồng ruộng hai xiên nướng thịt, một con rắn mối và một lọ sữa đông. Nó kêu lớn lên ba lần:
– Các thứ này của ai đây?
Sau đó không thấy ai là chủ nhân, nó tròng dây vào cổ mang cái lọ, dùng răng cắn con rắn mối và hai cái xiên mang về cất vào hang của nó. Nó tự nghĩ: “Vào lúc thích hợp, ta sẽ ăn các thứ này”. Rồi nó nằm xuống, suy nghĩ vừa rồi nó giữ đạo hạnh thật tốt.
Con Khỉ cũng vào trong lùm cây, lượm một cành xoài rồi mang lên cất vào khu của nó trong rừng, định sẽ ăn các trái xoài ấy vào lúc thích hợp. Rồi nó nằm xuống, suy nghĩ nó đã giữ đức hạnh thật đúng.
Còn Bồ-tát vào lúc cần, ra ngoài để định ăn đọt non trên bãi cỏ Kusa và trong lúc nằm trong rừng, ngài chợt nghĩ: “Ta chẳng có dầu, chẳng có cơm, chẳng có các thứ như thế. Nếu có ai đến đây xin ta, ta đâu có thể lấy cỏ mà cho họ được. Nếu có người hành khất nào đến với ta, ta sẽ cho người ấy thịt của chính ta vậy”. Sự biểu lộ đức hạnh sáng ngời ấy làm cho chiếc ngai bằng cẩm thạch trắng của Thiên chủ Ðế Thích nóng lên.
Ðế Thích quán tưởng và khám phá ra duyên cớ, rồi quyết định thử lòng con Thỏ chúa này. Trước hết, Thiên chủ giả là một Bà-la-môn đến đứng gần nơi ở của con Rái cá. Rái cá hỏi tại sao ông đứng đó, ông đáp:
– Này Hiền giả, tôi vừa nhịn đói giữ trai giới, nếu có được thứ gì để ăn, tôi sẽ hoàn tất mọi bổn phận của một đạo sĩ.
Rái cá nói:
– Tốt lắm, tôi sẽ cho ngài thức ăn.
Rồi nó đọc bài kệ đầu để nói với Ðế Thích:
Bảy cá hồng tôi đã gọn mang
Từ dòng nước cả của sông Hằng,
Bà-la-môn hỡi, ăn cho thỏa,
Và ở lại đây chốn núi ngàn.
Vị Bà-la-môn bảo:
– Hãy để đến ngày mai rồi tôi sẽ tính.
Rồi ông đến với con Chó rừng. Khi được hỏi vì sao ông đứng đó, ông cũng trả lời như trước kia. Chó rừng cũng sẵn sàng hứa tặng ông đồ ăn và nói với ông bằng bài kệ thứ hai:
Người coi đồng dành thức ăn tối
Bình sữa kia; rắn mối nữa đây.
Hai xiên để nướng thịt này
Tôi đây trót dại lấy ngay ấy mà.
Có bao nhiêu tôi đà tặng đấy,
Bà-la-môn xin hãy ăn thôi!
Nếu ngài hạ cố đến nơi
Rừng này ở lại cùng tôi một hồi.
Vị Bà-la-môn bảo:
– Hãy để đến mai rồi tôi sẽ tính.
Rồi ông đến với con Khỉ. Khi được hỏi vì sao ông đứng đó, ông cũng trả lời như trước. Khỉ sẵn sàng cho ông đồ ăn và nói với ông bài kệ thứ ba:
Dòng nước lạnh với cành xoài mọng,
Chốn rừng xanh rợp bóng yên lành,
Ðể ngài vui hưởng, sẵn dành,
Nếu ngài thỏa ý, rừng xanh nương mình.
Vị Bà-la-môn bảo:
– Hãy để đến mai rồi tôi sẽ tính.
Rồi ông đến con Thỏ rừng tinh khôn. Khi được hỏi vì sao ông đứng đó, ông cũng trả lời như trên. Khi nghe ông ta muốn gì, Bồ-tát rất thỏa ý, liền nói:
– Này Bà-la-môn, ngài đến với tôi để kiếm đồ ăn thì thật là đúng lắm. Hôm nay, tôi muốn trao tặng một thứ mà trước đây tôi chưa bao giờ trao tặng, và ngài sẽ không phải phạm giới sát sinh. Này bằng hữu, khi ngài chất củi và nhóm lên một ngọn lửa xong thì hãy đến báo cho tôi biết, tôi sẽ hiến mạng sống của tôi và nhảy vào trong lửa. Khi thân tôi đã được nướng chín, ngài hãy ăn thịt tôi rồi hoàn thành các bổn phận tu sĩ của ngài.
Rồi Thỏ nói với ông bài kệ thứ tư:
Tôi chẳng có thức ăn mè, đậu,
Cùng gạo cơm để hậu đãi ngài.
Thịt tôi hãy nướng lửa thôi,
Nếu ngài sống với chúng tôi chốn này.
Thiên chủ Ðế Thích nghe bảo thế, liền dùng thần lực tạo nên một đống than cháy đỏ rồi đến báo cho Bồ-tát hay, Bồ-tát từ chỗ nằm bằng cỏ Kusa đứng lên và đến nơi ấy, ngài lắc mình ba lần để nếu có côn trùng vào nằm trong bộ lông của ngài rơi ra mà thoát chết.
Rồi để hiến dâng toàn cả thân mình, Bồ-tát nhảy vọt lên, trong một niềm hoan lạc tràn trề. Ngài rơi xuống đống than cháy rực giống như một con thiên nga vương giả đáp xuống cụm hoa sen. Nhưng ngọn lửa tắt ngay khi chạm đến những lỗ chân lông trên toàn thân ngài giống như ngài rơi vào vùng sương giá. Ngài liền hỏi Ðế Thích:
– Này Bà-la-môn, ngọn lửa ngài vừa nhóm lên giá lạnh quá, nó chẳng làm nóng được các lỗ chân lông trên thân thể tôi. Tại sao thế?
Ðế Thích đáp:
– Thưa Hiền giả, ta chẳng phải là một Bà-la-môn, ta là Ðế Thích, ta đến đây để thử đức hạnh của ngài.
Bồ-tát nói:
– Thưa Ðế Thích, không những chỉ riêng ngài mà nếu tất cả mọi người trên thế gian này đến đây để thử tôi về cung cách bố thí như thế kia thì họ cũng sẽ không bao giờ thấy rằng tôi từ bỏ một ý định bố thí nào.
Nói xong, Bồ-tát thốt lên tiếng reo sảng khoái như tiếng rống của sư tử.
Bấy giờ, Ðế Thích nói với Bồ-tát:
– Này Thỏ hiền trí, mong cho đức hạnh của ngài được sáng tỏa muôn đời.
Rồi Thiên chủ ép một trái núi, lấy nước tinh từ đó ra mà vẽ hình một con Thỏ tên mặt trăng. Sau khi đặt Thỏ vào chỗ nằm bằng cỏ non Kusa, Thiên chủ quay về cung điện của mình ở trên trời.
Bốn con vật khôn ngoan kia sống hạnh phúc hài hòa bên nhau, giữ tròn giới luật, tuân hành các ngày trai giới, rồi sau đó đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, người gia trưởng đã cúng dường các vật dụng cần thiết cho các Tỷ-kheo kia đắc quả Dự Lưu và bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Ànanda là con Rái cá, Mục-kiền-liên là con Chó rừng, Xá-lợi-phất là con Khỉ, còn Ta là con Thỏ hiền trí ấy.
-ooOoo-
Khóc người sống hơn khóc kẻ chết…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một người chủ đất tại Xá-vệ.
Khi người anh của ông chết, ông quá đau đớn đến độ bỏ ăn, bỏ tắm rửa, xức dầu thơm. Quá sầu khổ, cứ mỗi chiều là ông đến nghĩa địa khóc than. Bậc Ðạo Sư vào lúc sáng sớm, phóng tầm mắt nhìn khắp thế gian, quan sát thấy người có khả năng đắc quả Dự Lưu, liền nghĩ: “Ngoài Ta ra chẳng ai có thể làm dịu nỗi sầu đau của ông ta và đưa ông đến quả Dự Lưu bằng cách kể cho ông ta chuyện xảy ra thời xưa được. Ta phải là nơi an trú cho ông”.
Vì thế hôm sau, khi đi khất thực về, Ngài mang theo một Tỷ-kheo trẻ tuổi đến nhà ông ấy. Nghe có bậc Ðạo Sư đến, người chủ đất liền sai sửa soạn một chỗ ngồi và mời Ngài vào. Sau khi đảnh lễ Ngài, ông ngồi xuống một bên. Khi bậc Ðạo Sư hỏi vì sao ông sầu não như thế, ông bảo rằng ông buồn khổ từ khi anh ông chết. Bậc Ðạo Sư dạy:
– Tất cả mọi hiện hữu do kết hợp mà nên đều vô thường, cái gì phải tan rã thì tan rã. Ta chẳng nên phiền não vì điều này. Các trí giả ngày xưa vì biết như vậy nên không hề sầu khổ khi anh họ chết.
Rồi do yêu cầu của ông ta, bậc Ðạo Sư kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát tái sinh trong một gia đình phú thương, có gia tài đến tám trăm chục triệu. Khi ngài trưởng thành thì cha mẹ chết. Thế rồi người anh của Bồ-tát quản lý tài sản của gia đình và ngài sống phụ thuộc vào ông ta. Chẳng bao lâu người anh cũng chết do một cơn bạo bệnh. Bà con, bè bạn gần xa đã đến than khóc thảm thiết. Chẳng ai kiềm chế nỗi xúc động của mình. Nhưng Bồ-tát lại chẳng sầu chẳng khóc gì cả. Mọi người đều bảo:
– Coi kìa, anh nó chết mà nó vẫn thản nhiên như không, thực là một kẻ tâm hồn quá sắt đá. Chắc là nó muốn anh nó chết để mong được hưởng gấp đôi phần gia tài đấy.
Một người thân thích cũng trách cứ ngài:
– Này, anh của anh chết mà anh cũng chẳng nhỏ một giọt nước mắt nào cả ư?
Nghe thế ngài bảo:
– Do ngu dại mù quáng, chẳng biết gì đến Tám pháp ở thế giới (được – mất, khen – chê, vui – buồn, vinh – nhục) các người khóc than: Ôi anh ta đã chết! nhưng tôi và cả các người đều cũng sẽ chết hết. Tại sao các người lại không khóc khi nghĩ đến cái chết của chính mình? Mọi sự hiện hữu đều giả tạm, do đó không một vật kết hợp nào có thể giữ nguyên điều kiện bản chất của nó được. Dù các ngươi, những kẻ ngu dại mù quáng, do vô minh không biết đến Tám pháp ở thế giới” mà cứ khóc than sầu khổ, còn tại sao tôi đây phải khóc chứ?
Nói xong, ngài đọc các bài kệ này:
Khóc người sống hết khóc kẻ chết,
Mọi sinh linh đều kết một thân,
Loài chim, loài thú bốn chân,
Rắn, người, thần thảy bước chung một đàng.
Chống số phận, ta càng bất lực,
Vui chết không khổ lạc thăng trầm.
Sao chìm trong mối thương tâm
Vì người anh chết, lệ đầm đìa rơi?
Chuyện lừa đảo, chuyện đời phóng dật,
Kẻ dại cuồng hay bậc hùng oai,
Khôn ranh, chẳng biết điều ngay,
Khôn ngoan như thế cũng tày ngu si.
Bồ-tát thuyết giảng Chân lý cho những người kia như thế và giải trừ mọi phiền não cho họ.
*
Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giáo lý, Ngài tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc bài giảng Tứ Ðế, người chủ đất đắc quả Dự Lưu. Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, bậc trí giả giải trừ phiền não cho mọi người bằng cách thuyết giảng giáo lý kia chính là Ta.
PHẨM BỐN BÀI KỆ (tt)
Giữa ngày vui đẹp của xuân thời…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo cứ mơ tưởng đến người vợ mà ông đã rời bỏ.
Các tình tiết đưa đến câu chuyện sẽ được kể trong số 423. Tiền thân Indriya. Bậc Ðạo Sư nói với Tỷ-kheo ấy:
– Trước kia, đã một lần vì kẻ ấy mà ông bị chém đầu!
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Bala-nại, Bồ-tát sinh ra tại một làng Kàsi, trong nhà một gia trưởng nọ. Ngài ra đời dưới ngôi sao chiếu mạng của một kẻ cướp. Khi trưởng thành, ngài sống bằng nghề cướp bóc. Tiếng tăm ngài vang động khắp nơi rằng ngài là một kẻ táo bạo và mạnh như voi. Không ai có thể bắt được.
Một hôm, tên cướp ấy bẻ khóa vào nhà một phú thương nọ và mang đi bao nhiêu của cải. Dân chúng trong thành đến kêu với vua:
– Tâu Ðại vương, có một tên cướp táo tợn đang vơ vét cả thành phố, xin ngài hãy sai bắt nó.
Vua ra lệnh cho quan tổng trấn bắt tên cướp. Trong đêm tối, quan tổng trấn bố trí người ở các nơi và bắt được tên cướp đang mang tiền bạc trong mình rồi mang y đến trước vua. Vua ra lệnh chém đầu. Quan tổng trấn trói quặt hai cánh tay tên cướp ra đằng sau, cột vào cổ y một vòng hoa kanavera đỏ, rắc bụi gạch đá trên đầu y, lấy roi da quất vào y và đưa đi khắp công viên rồi dẫn y tới nơi hành quyết giữa những hồi trống vang động. Mọi người bảo:
– Tên cướp ngang tàng đã cướp khắp cả thành phố này bị bắt rồi.
Cả thành phố đều nô nức xôn xao.
Bấy giờ, tại Ba-la-nại có một kỳ nữ tên Sàmà, giá mỗi ngày phải trả cho nàng là một ngàn đồng. Nàng rất được vua sủng ái và có cả một đoàn người hầu gồm năm trăm nữ tỳ. Nàng đang đứng bên cửa sổ ở từng trên của lâu đài, trông thấy tên cướp đang bị dẫn đi. Bấy giờ, y có vẻ đứng đắn dễ thương, sừng sững giữa đám người, thật oai vang, và sáng chói như một Thiên thần. Thấy y bị dẫn đi qua như thế, nàng bỗng đâm ra yêu y và trong thâm tâm, nàng tự nghĩ: “Ta phải làm sao để chiếm được chàng làm chồng ta nhỉ?” Nàng lại bảo: “Có cách này đây”.
Rồi nàng sai các cô hầu gái đem một ngàn đồng đến cho quan tổng trấn và bảo:
– Hãy nói với ông ta rằng tên cướp ấy là anh của Sàmà, anh ta chỉ có thể trú ẩn tại nhà Sàmà mà thôi chứ không thể ở đâu khác được. Hãy xin ông ta nhận tiền này và để cho người tù ấy trốn thoát.
Cô hầu gái làm theo lời nàng. Nhưng quan tổng trấn bảo:
– Ðây là một tên cướp khét tiếng, y đã bị bắt như thế rồi, ta không để cho y tự do ra đi như vậy. Nhưng nếu ta tìm thấy được một người nào thay thế y, ta sẽ để y vào một chiếc xe phủ kín và gửi đến cho nàng.
Người nô tỳ về thuật lại cho chủ nghe như vậy.
Lúc bấy giờ có một phú thương trẻ tuổi nọ rất say mê Sàmà, mỗi ngày đều đến trao nàng một ngàn đồng. Vào lúc hoàng hôn của chính ngày hôm ấy, tình nhân của nàng lại đến nhà nàng như thường lệ cùng với số tiền kia. Sàmà nhận lấy tiền, đặt trên đùi và ngồi khóc. Khi được hỏi vì cớ sao nàng sầu bi như thế, nàng đáp:
– Chàng ơi, tên cướp ấy là anh của em, anh ấy không bao giờ đến thăm em vì người ta bảo em làm một nghề xấu xa. Khi em liên lạc với quan tổng trấn thì ông ta nhắn lại rằng nếu trao cho ông một ngàn đồng thì ông sẽ để cho tù nhân tự do ra đi. Bây giờ em chẳng kiếm đâu được người mang tiền đến cho quan tổng trấn?
Chàng tuổi trẻ vì quá yêu nàng, liền bảo:
– Tôi sẽ đi.
– Thế thì đi – nàng nói – và hãy cầm theo số tiền mà chàng đã mang đến cho em.
Thế là anh ta cầm lấy tiền và đến nhà quan tổng trấn. Quan tổng trấn giấu anh chàng phú thương vào một chỗ kín đáo rồi sai chở tên cướp trong một chiếc xe đóng kín đến nhà Sàmà. Rồi ông tự nghĩ: “Khắp xứ, ai cũng đều biết tên cướp này. Trước tiên phải chờ thật tối, khi mọi người đều lui về nghỉ, ta sẽ hành quyết người này”.
Ông ta kiếm cớ để hoãn lại cuộc hành quyết một lúc, rồi chờ cho ai nấy lui về nghỉ, ông mới cho một đại đội hộ tống chàng thương gia đến pháp trường. Ông sai lấy gươm chém đầu anh ta, xiên vào thân anh ta rồi quay về thành phố.
Từ đó, Sàmà không chịu tiếp một người đàn ông nào nữa cả. Nàng dành hết thời để vui thú với riêng tên cướp này mà thôi. Thế rồi tên cướp chợt nghĩ: “Nếu người đàn bà này đâm ra yêu một người nào khác nữa, nàng sẽ đưa ta đến chỗ chết để nàng vui thú với người ấy. Ta không nên ở đây lâu hơn nữa mà phải gấp gấp thoát đi mới được”.
Khi sắp ra đi, y lại nghĩ: “Ta không nên tay trắng mà ra đi, hãy lấy của nàng một số nữ trang”. Thế là một hôm y bảo nàng:
– Này em yêu, chúng ta cứ sống mãi trong nhà như những con vẹt được nuôi trong lồng. Hôm nàođó chúng ta nên đến giải trí trong vườn cây nhỉ?
Nàng thuận ý và chuẩn bị các thức ăn loại cứng và loại mềm, và đeo hết đồ trang sức cùng với y ngồi trên một chiếc xe đóng kín đi đến vườn cây. Trong lúc cả hai đang tiêu khiển, y tự nghĩ: “Bấy giờ là lúc ta nên trốn thoát”. Rồi tỏ ra say mê nàng mãnh liệt, y đưa nàng vào trong những bụi cây kanavera rậm rồi ôm chầm lấy nàng, siết chặt nàng cho đến khi nàng bất tỉnh. Thả nàng xuống, ỵ lột hết nữ trang, gói vào trong chiếc áo ngoài của nàng và đặt gói lên vai rồi nhảy qua tường của vườn cây mà đi.
Khi hồi tỉnh, nàng đứng dậy và đến hỏi các người hầu gái xem phu quân trẻ tuổi của nàng ra sao rồi thì họ nói:
– Thưa phu nhân, chúng tôi không biết.
Nàng tự bảo: “Chàng nghĩ rằng ta đã chết nên sợ mà chạy trốn rồi”.
Sầu muộn vì nghĩ như thế, nàng quay về nhà và tự bảo:
– Chừng nào ta chưa gặp lại được trượng phu yêu dấu của ta thì ta quyết không nằm trên một giường nào sang trọng.
Thế là nàng vẫn nằm trên đất mà thôi.
Kể từ hôm ấy, nàng không mặc quần áo đẹp, không đeo hoa, không xức dầu thơm, và mỗi ngày nàng chỉ ăn một bữa cơm. Ðể quyết tìm lại người yêu bằng mọi cách, nàng gọi vài người diễn viên và cho họ một ngàn đồng. Họ hỏi:
– Thưa phu nhân, lấy tiền này chúng tôi phải làm gì?
Nàng trả lời:
– Hãy viếng khắp mọi nơi. Hãy đến từng làng, từng thành phố, từng kinh đô, tụ tập đám đông lại quanh các anh và cần nhất là phải hát bài hát này giữa mọi người.
Nàng dạy cho họ bài kệ đầu rồi dặn tiếp:
– Khi các anh hát bài hát ấy nếu chồng ta là một người trong đám đông thì chàng sẽ đến nói chuyện với các anh ngay. Bấy giờ, các anh hãy nói với chàng rằng ta hoàn toàn khỏe mạnh, rồi mang chàng về đây cho ta, còn nếu chàng từ chối hãy gởi tin cho ta hay.
Nàng cho họ tiền phí tổn trong cuộc hành trình rồi bảo họ ra đi.
Họ bắt đầu đi từ Ba-la-nại, cứ đến nơi này chỗ nọ kêu gọi dân chúng, cuối cùng họ đến một ngôi làng ở biên địa. Tên cướp từ khi tẩu thoát, đang sống ở nơi ấy. Các diễn viên tụ tập đám đông quanh họ và hát lên bài kệ đầu:
Giữa ngày vui đẹp của xuân thời,
Cây cối mang hoa rực ánh tươi,
Tỉnh dậy sau cơn mê ngất ấy,
Sà-mà đang sống, sống vì người.
Tên cướp nghe thế liền đến gần người diễn viên và nói:
– Bạn bảo Sàmà đang còn sống nhưng ta không tin đâu.
Rồi y đọc bài kệ thứ hai:
Gió dữ lung lay được núi đâu?
Gió làm đất vững chãi rung sao?
Thấy người đã chết đang còn sống,
Chuyện ấy hóa ra quá nhiệm mầu!
Người diễn viên nghe các lời trên liền đọc bài kệ thứ ba:
Sà-mà quả thực sống đời này,
Nàng chẳng kết duyên với một ai,
Nhịn hết, mỗi ngày ăn một bữa,
Riêng người, nàng giữ mối mê say.
Nghe xong, tên cướp liền bảo:
– Dù nàng còn sống hay đã chết, ta cũng không thích nàng.
Rồi y đọc bài kệ thứ tư:
Sà-mà thay đổi mãi tình thôi,
Tha thiết yêu đương, lại hợt hời.
Cũng vậy, với ta nàng sẽ phản,
Nếu ta chẳng quyết phải xa rời.
Các diễn viên trở về kể lại cho Sàmà mọi điều y đã nói với họ. Và nàng tràn đầy tiếc nuối, một lần nữa, nàng lại theo cuộc sống cũ của nàng.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết giảng xong, Ngài tuyên thuyết Tứ Ðế, và ở phần kết thúc Tứ Ðế, Tỷ-kheo có tâm thế tục kia đắc quả Dự Lưu. Sau đó, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Tỷ-kheo này là con trai của phú thương, người vợ mà ông ta đã rời bỏ là Sàmà, còn chính Ta là tên cướp.
-ooOoo-
Ðời hạnh phúc suốt ngày tôi sống…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Tinh Xá Badarka gần Kosambĩ về Trưởng lão Ràhula (La-hầu-la).
Câu chuyện mở đầu đã được kể đầy đủ trong Chương Một số 16. Tiền thân Tipallattha. Bấy giờ ở trong Pháp đường, các Tỷ-kheo đang ca ngợi Tôn giả La-hầu-la, bảo rằng Tôn giả rất tinh cần, cẩn trọng, nhẫn nhục. Bậc Ðạo Sư bước vào và khi nghe kể lại đề mục luận bàn của các Tỷ-kheo, Ngài dạy:
– Không phải chỉ nay mà xưa cũng thế, La-hầu-la đã có các đức tính này.
Rồi Ngài kể cho họ nghe một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, ngài theo đuổi các học nghệ tại Takkasilà rồi ngài từ bỏ cuộc đời, sống đời khổ hạnh trong vùng Tuyết Sơn và tu tập các Thắng trí và các Thiền chứng. Ngài thọ hưởng hạnh phúc của Thiền định, sống trong một khu rừng tịnh lạc. Sau đó, ngài đến một làng ở biên địa để kiếm muối và giấm. Nhiều người khi trông thấy ngài đã trở thành các tín đồ, họ dựng cho ngài một túp lều lá ở trong rừng và cung cấp cho ngài đủ mọi vật dụng cần thiết của một người tu hành rồi làm cho ngài một ngôi nhà ở nơi ấy.
Bấy giờ, một người bẫy chim trong làng ấy bắt được một con chim Ða đa mồi, bỏ nó vào trong một cái lồng và luyện tập, săn sóc nó cẩn thận. Ông ta mang nó vào rừng để cho nó kêu lên nhử các con đa đa khác đến gần. Con Ða đa tự nghĩ: “Do ta mà đồng loại phải lâm vào cái chết. Về phần ta đây là một hành vi ác độc”. Vì thế nó cứ lặng thinh không kêu nữa. Khi chủ nó thấy nó cứ lặng thinh liền lấy một miếng tre đập vào đầu nó. Con Ða đa bị đau quá phải kêu lên. Thế là người bẫy chim cứ sinh sống bằng cách dùng nó để nhử các con Ða đa khác.
Rồi con Ða đa lại nghĩ: “Ừ, dẫu chúng nó có chết đi, về phần ta, ta không hề có ý định xấu. Nhưng những hậu quả xấu do hành động của ta có tác dụng đến ta không? Khi ta lặng thinh thì chúng không đến, khi ta kêu lên thì chúng đến. Và hễ con nào đến đều bị người kia bắt và giết chết. Về phần ta, hành động như thế là có tội hay không có tội?”
Từ đó ý nghĩ độc nhất của con Ða đa là: “Ai chính là kẻ có thể giải quyết mối nghi của ta?” Thế là nó cứ tìm kiếm khắp nơi một bậc trí giả để giải quyết mối nghi ấy.
Một hôm người bẫy chim bẫy được một số đa đa bỏ đầy giỏ rồi đến căn lều của Bồ-tát xin một ngụm nước. Ông ta đặt lồng chim xuống bên cạnh Bồ-tát uống nước rồi nằm dưới đất và lăn ra ngủ. Thấy người ấy ngủ, con Ða đa tự nghĩ: “Ta sẽ hỏi vị ẩn giả này về mối nghi của ta, nếu ngài biết, ngài sẽ giải quyết nỗi khó khăn của ta”. Thế là nằm trong lồng, bằng hình thức một câu hỏi, nó đọc lên bài kệ đầu:
Ðời hạnh phúc suốt ngày tôi sống
Ðến cùng tôi đầy những thức ăn.
Nhưng tôi gặp cảnh khó khăn,
Tương lai tôi ấy, số phần ra sao?
Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai để giải quyết câu hỏi:
Nếu lòng chẳng tơ hào xấu ác
Khiến bạn gây nên việc nhục hèn.
Do phần thụ động mà nên,
Bạn nào bị tội trói lên số phần!
Ða đa nghe thế liền đọc bài kệ thứ ba:
Chúng bảo rằng: “Họ hàng ta đấy!”
Cả đám đông đổ lại trông coi,
Phải chăng là tội của tôi
Khiến cho chúng chết? Xin ngài giải nghi.
Nghe Bồ-tát đọc bài kệ thứ tư:
Nếu tội không ẩn trì lòng bạn
Thì hành vi sẽ chẳng tội tình.
Kẻ nào thụ động phần mình,
Thoát bao tội lỗi trở thành thong dong.
Bậc Ðại sĩ an ủi con chim Ða đa như vậy. Và nhờ ngài con chim ấy không còn bị ray rứt ân hận nữa. Thế rồi, người bẫy chim thức dậy, chào Bồ-tát và xách lồng ra đi.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết giảng xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, La-hầu-la là con Ða đa, còn Ta là vị ẩn giả kia.
-ooOoo-
Ngài có thể ban phần nhỏ nhặt …,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một người chủ đất nọ.
Một hôm ông ta cùng với vợ đến làng kia để đòi một món nợ. Ông lấy một chiếc xe xứng với ông và đem gửi xe cho một gia đình kia định rằng sau này sẽ đến lấy. Trên đường về Xá-vệ, hai vợ chồng thấy một trái núi. Người vợ hỏi ông ta:
– Giả như trái núi này biến thành toàn vàng, chàng có cho em một ít không nào?
Ông ta trả lời:
– Cô là cái thứ gì? Tôi chẳng cho cô mảy may nào đâu!
Nàng kêu lên:
– Ôi chàng thật là một kẻ có lòng sắt đá. Dù trái núi trở thành vàng ròng, chàng cũng chẳng cho ta một tí ti nào.
Thế là nàng rất buồn nản.
Khi đến gần Kỳ Viên, họ cảm thấy khát nước nên vào Tinh xá xin một ít nước để uống. Vào chiều hôm ấy, bậc Ðạo Sư thấy rằng họ có khả năng được giải thoát. Ngài ngồi trong Hương phòng chờ họ đến và phóng hào quang sáu sắc của đức Phật. Sau khi đã thỏa cơn khát, hai vợ chồng đến hầu bậc Ðạo Sư, kính cẩn đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống. Sau những lời ân cần thăm hỏi thường lệ, bậc Ðạo Sư hỏi họ từ đâu lại.
– Bạch Thế tôn, chúng con đi đòi nợ về đây.
Ngài dạy:
– Này nữ cư sĩ, Ta mong rằng chồng bà muốn bà được lợi ích và sẵn sàng tỏ lòng tốt đối với bà.
Nàng thưa:
– Bạch Thế Tôn, con rất yêu chàng nhưng chàng chẳng có chút tình nào với con cả. Hôm nay khi trông thấy một trái núi, con hỏi chàng: Giả như trái núi kia toàn bằng vàng ròng, chàng có cho em một ít không? Chàng đáp: Cô là cái thứ gì? Tôi chẳng cho cô mảy may nào đâu! Chàng quả là có tấm lòng sắt đá!
Bậc Ðạo Sư dạy:
– Này nữ cư sĩ, ông ấy bảo như thế, nhưng nếu ông nhớ lại đức hạnh của bà thì ông sẵn sàng trao cho bà quyền thế cao nhất.
– Bạch Thế Tôn, xin Ngài giảng điều ấy cho chúng con.
Họ kêu lên và do yêu cầu của họ, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là đại thần của vua, phục vụ vua mọi việc đắc lực.
Một hôm vua thấy thái tử bấy giờ đang là phó vương đến tỏ lòng cung tôn đối với mình thì tự nghĩ: “Anh chàng này có thể hại ta nếu nó gặp cơ hội thuận tiện”. Vì thế vua gọi thái tử lại và bảo:
– Chừng nào ta còn sống, con không được ở lại kinh đô này. Hãy đi sống ở một nơi nào đó rồi đến khi ta chết thì hãy về trị vì vương quốc.
Thái tử thuận theo điều kiện ấy. Chàng từ biệt vua cha rồi cùng với người vợ chánh rời khỏi Ba-la-nại. Khi đến một làng ở biên thùy, chàng tự dựng một túp lều lá trong một khu rừng rồi ở đó, sinh sống bằng rễ và trái cây rừng. Chẳng bao lâu nhà vua chết đi. Vị phó vương trẻ tuổi kia, quan sát tinh tú biết rằng vua cha đã chết. Và trên đường về Ba-la-nại, hai vợ chồng trông thấy một trái núi. Người vợ nói với chàng:
– Thưa trượng phu, giả sử trái núi kia biến thành vàng ròng, chàng có cho em một ít không?
– Cô là cái thứ gì chứ? chàng la lớn – Ta chẳng cho cô một tí ti nào đâu!
Nàng tự nghĩ: “Ta đã yêu thương chàng như thế, đã vào sống trong khu rừng kia và không hề có tâm từ bỏ chàng, thế mà nay chàng nói với ta như thế. Chàng thực là một kẻ lòng dạ sắt đá. Nếu chàng làm vua, chàng sẽ làm gì tốt cho ta chứ?” Rồi nàng sầu muộn cả lòng.
Khi đến Ba-la-nại, người chồng được tôn lên làm vua, chàng phong cho vợ lên làm chánh hoàng hậu. Vua chỉ cho nàng chức vụ trên danh nghĩa mà thôi chứ chẳng tỏ ra kính trọng hay trao vinh dự cho nàng, cũng chẳng đoái hoài đến sự có mặt của nàng nữa.
Bấy giờ Bồ-tát tự nghĩ: “Hoàng hậu vốn là người vợ tận tụy của vua, chẳng kể khổ cực, sống cùng ngài ở nơi hoang vu vắng vẻ. Thế mà vua không nghĩ đến điều đó, cứ vui thú với những phụ nữ khác . Nhưng ta sẽ mang lại chức quyền cao nhất cho hoàng hậu”.
Nghĩ như vậy, một hôm ngài đến chào hoàng hậu và nói:
– Tâu hoàng hậu, chúng thần chẳng hề được lệnh bà cho một miếng cơm nào cả. Tại sao lệnh bà lại có lòng dạ cứng cỏi, quá hững hờ với chúng thần như vậy?
Hoàng hậu đáp:
– Này bạn ơi, nếu ta có nhận thứ gì thì ta mới cho bạn được, nhưng ta không được gì cả thì lấy chi mà cho bạn chứ? Ðức vua ban cho ta thứ gì nào? Trên đường về đây, ta đã hỏi ngài: Nếu trái núi kia toàn bằng vàng ròng thì chàng sẽ cho em gì nào? Thì ngài trả lời: Cô là cái thứ gì, ta sẽ chẳng cho cô gì đâu!
Bồ-tát nói:
– Ðược rồi, lệnh bà có thể lặp lại chuyện này trước mặt đức vua không?
– Bạn ơi, sao lại không chứ? Hoàng hậu đáp.
Bồ-tát nói:
– Thế thì khi đứng chầu đức vua, thần sẽ hỏi, lệnh bà sẽ trả lời như thế nhé.
– Ðồng ý. Hoàng hậu trả lời.
Thế là khi Bồ-tát đến chầu vua, và tỏ lòng kính cẩn đối với vua, ngài hỏi hoàng hậu:
– Tâu lệnh bà, sao chúng thần chẳng được tự tay lệnh bà cho thứ gì cả?
Hoàng hậu đáp:
– Này khanh, ta đây có nhận được gì thì ta mới cho khanh chứ. Nhưng xem kìa, đức vua có thể cho ta gì nào? Khi ngài và ta ở trong rừng ra và trông thấy một trái núi, ta hỏi ngài: Nếu trái núi kia toàn bằng vàng ròng, thì chàng có cho em một ít không? Ngài đáp: Cô là cái thứ gì? Ta chẳng cho cô một chút gì cả! Khi nói như thế, ngài từ chối cả những thứ dễ cho.
Ðể nêu rõ điều ấy, hoàng hậu đọc bài kệ đầu:
Ngài có thể ban phần nhỏ nhặt,
Ðối với ngài có mất mát gì đâu!
Núi vàng, tôi cũng tặng trao,
Tôi xin mọi thứ, ngài đều bảo không!
Nghe thế vua đọc bài kệ thứ hai:
Khi có thể, bảo “vâng” sẽ tặng
Chớ hứa suông khi chẳng thể kham,
Lời ngoa khi hứa không làm,
Hiền nhân khinh ghét kẻ xàm dối thôi.
Hoàng hậu nghe thế, chấp hai tay đưa lên tỏ lòng kính cẩn và đọc bài kệ thứ ba:
Tâu quân vương, chúng tôi cầu chúc
Ngài ngôi cao chính trực vững vàng.
Sang giàu có thể tiêu tan,
Chỉ riêng Chân lý ngài hằng hưởng vui.
Sau khi nghe hoàng hậu chúc tụng vua, Bồ-tát liền nêu lên các đức hạnh của bà và đọc bài kệ thứ tư:
Danh vợ hiền lệnh bà đã tỏ,
Chia xẻ bao vui khổ cuộc đời,
Phận bà xứng đáng lắm rồi.
Cùng hàng vương giả kết đôi bạn lòng.
Bồ-tát ca ngợi hoàng hậu như thế và bảo:
– Tâu Ðại vương, lệnh bà này lúc ngài đang gặp nghịch cảnh, đã sống cùng ngài, chia xẻ cùng ngài bao sầu khổ trong rừng. Ngài nên làm vinh dự cho lệnh bà.
Khi nghe Bồ-tát nói, vua liền nhớ đến những đức hạnh của hoàng hậu và bảo:
– Này hiền khanh, nhờ hiền khanh mà ta nhớ lại các đức hạnh của hoàng hậu.
Vua nói thế rồi trao mọi quyền lực vào tay hoàng hậu. Ngoài ra, vua còn ban quyền hạn lớn lao cho Bồ-tát. Vua bảo:
Chính nhờ khanh mà ta nhớ lại các đức hạnh của hoàng hậu vậy.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, Ngài tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần cuối bài giảng Tứ Ðế, người chồng cùng người vợ đắc quả Dự Lưu.
Rồi bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân:
– Bấy giờ người chủ đất này là vua xứ Ba-la-nại, nữ cư sĩ này là hoàng hậu, còn Ta là vị quan hiền trí nọ.
-ooOoo-
Khỉ ạ, chân tay mặt mũi ngươi …,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên, về một chú tiểu đốt túp lều lá của trưởng lão Mahàkassapa (Ðại Ca-diếp).
Nhân duyên đưa đến câu chuyện vốn từ Vương Xá. Bấy giờ, Trưởng lão ấy sống trong một túp lều ở gần Vương Xá. Có hai chú tiểu lo giúp việc cho Tôn giả, một chú rất được việc, còn chú tiểu kia có tánh hạnh xấu. Bất cứ việc gì chú kia làm, chú này làm như thể do chính chú làm vậy. Chẳng hạn như khi chú kia lấy nước cho Trưởng lão súc miệng, thì chú này lại đến gặp trưởng lão và thưa:
– Bạch thầy nước đã sẵn, xin thầy súc miệng.
Và khi bạn chú lo thức dậy sớm để lo quét dọn lều của Trưởng lão, thì ngay khi Trưởng lão xuất hiện, chú cứ đụng tay vào thứ này vật nọ, làm như là toàn túp lều được chính chú dọn dẹp vậy.
Chú tiểu lo tròn nhiện vụ kia tự nghĩ: “Anh bạn xấu tính này, hễ ta làm cái gì thì anh ta cứ nói như thể chính anh ta làm. Ta sẽ phơi bày tính xấu của anh ấy mới được”.
Vì thế khi anh chàng dối trá kia từ làng trở về, ăn xong liền đi ngủ, chú tiểu này nấu nước nóng rồi đem dấu trong phòng và chỉ để lại ít nước trong nồi đun. Chú tiểu kia thức dậy, đi đến và thấy hơi bốc lên liền tự nghĩ: “Chắc chắn anh bạn ta đã đun nước và để trong buồng tắm:” Thế là chúđến gặp Trưởng lão và thưa:
– Thưa thầy, nước đã sẵn trong buồng tắm, xin thầy vào tắm.
Trưởng lão theo chú đi tắm, nhưng chẳng thấy có nước trong buồng tắm, liền hỏi chú nước đâu, chú vội trở vào bếp, bỏ gáo vào nồi trống và múc nước, chiếc gáo chạm vào đáy nồi kêu lạch cạch (từ đó về sau chú bị người ta gọi là Gáo-lạch-cạch)
Vào lúc ấy chú tiểu kia vào lấy nước trong phòng sau rồi bảo:
– Thưa thầy, xin thầy vào tắm.
Trưởng lão tắm xong và bây giờ Tôn giả đã biết tánh hạnh xấu của Gáo-lạch-cạch. Chiều hôm ấy khi chú ta đến dọn cơm, Tôn giả khiển trách chú:
– Khi kẻ nào đã phát nguyện tu hành, tự mình đã làm điều gì thì kẻ ấy mới có quyền báo: “Tôi đã làm điều ấy”. Nếu không, thì đó chỉ là một lời nói dối có toan tính. Từ nay trở đi chớ có phạm ác hạnh như thế nữa.
Chú tiểu giận Trưởng lão và hôm sau chú không chịu theo Tôn giả về thành phố khất thực. Nhưng chú tiểu kia đi theo Tôn giả.
Còn Gáo-lạch-cạch đến viếng một gia đình thủ hộ của Trưởng lão. Người nhà hỏi Trưởng lãođâu, thì chú bảo ngài bị bệnh, phải ở nhà. Họ hỏi chú cần gì, chú bảo:
– Hãy cho tôi các thứ như thế… như thế…
Rồi chú mang các thứ ấy đến một nơi chú thích và ăn xong trở về lều.
Hôm sau, Trưởng lão đến thăm gia đình ấy và ngồi xuống với họ. Họ nói:
– Phải chăng ngài không được khỏe? Nghe nói hôm qua ngài phải ở trong phòng. Chúng tôi có gởi ít thức ăn nhờ chú tiểu kia mang về, ngài có dùng các thứ ấy không?
Trưởng lão giữ vẽ bình thản không nói gì và sau khi dùng xong bữa. Tôn giả trở về Tinh xá.
Vào buổi chiều, khi chú ấy đến hầu thầy, vị Trưởng lão bảo chú:
– Này chú, chú đến xin gia đình kia, trong làng kia, chú bảo: “Trưởng lão cần phải ăn các thứ như thế… như thế…” rồi họ nói chính chú ăn các thứ ấy. Khất thực như thế là hết sức bất chánh. Hãy giữ gìn, chớ phạm ác hạnh như vậy nữa.
Thế là chú ấy cứ mãi nuôi lòng thù hận Trưởng lão, chú nghĩ: “Hôm qua chỉ do một chút nước, ông ấy mắng xối vào mình, còn bây giờ tức giận vì ta đã ăn một nắm cơm ở nhà thủ hộ của ông, ông ta gây sự với ta nữa, ta sẽ tìm cách cư xử xứng hợp với ông ấy”.
Ngày hôm sau, khi Trưởng lão vào thành phố khất thực, chú ta lấy búa đập vỡ hết các bình bát để đựng thức ăn và châm lửa đốt túp lều lá rồi phóng chạy đi. Lúc còn sống, chú trở thành kẻ cùng khổ đói khát giữa đời này và tàn tạ dần cho đến khi chết chú bị sinh vào Ðại địa ngục A-tỳ (Avici). Mọi người đều biết đến hành vi xấu xa của chú.
Một hôm vài Tỷ-kheo từ Vương Xá đến Xá Vệ. Sau khi cất bình bát và áo ngoài vào trong phòng chung, họ đến đảnh lễ bậc Ðạo Sư và ngồi xuống.
Bậc Ðạo Sư vui vẻ trò chuyện với họ và hỏi họ từ đâu đến.
– Bạch Thế Tôn, từ Vương Xá.
– Thế ai là Pháp sư ở đó? – Ngài hỏi.
– Bạch Thế Tôn , Tôn giả Mahàkassapa (Ðại Ca-diếp).
– Này các Tỷ-kheo, Kassapa có được an lành không? Ngài hỏi.
– Bạch Thế Tôn, Trưởng lão vẫn khỏe mạnh. Nhưng một chú tiểu giận dữ vì bị Trưởng lão quở trách đã nổi lửa đốt túp lều của vị ấy rồi bỏ đi.
Bậc Ðạo Sư nghe thế liền bảo:
– Này các Tỷ-kheo, Kassapa độc cư còn tốt hơn là sống chung với một kẻ ngu dại như thế.
Nói xong Ngài đọc một bài kệ, được ghi lại trong Kinh Pháp cú:
Ðừng đi cùng với bọn tầm thường,
Nên tránh giao du với lũ dại cuồng,
Chọn bạn bằng ta hay vượt trội,
Hoặc là đơn độc tiến trên đường.
Sau đó Ngài lại bảo các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo không phải bây giờ chú ấy mới phá hoại túp lều và cảm thấy căm giận người đã quở trách mình. Ngày xưa chú ấy cũng đã căm giận như thế.
Rồi Ngài kể cho họ nghe một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là một con chim Singila (loài chim có sừng). Khi trở thành một con chim lớn, ngài đến trú tại vùng Tuyết Sơn và xây một cái tổ đúng ý thích, có thể chống chọi với mưa gió.
Bấy giờ vào mùa mưa, mưa hoài không dứt, một con Khỉ kia ngồi gần bên Bồ-tát, răng đánh lập cập vì trời lạnh quá. Trông thấy Khỉ khổ sở như vậy, Bồ-tát nói chuyện với nó và đọc bài kệ đầu:
Khỉ ạ, tay chân mặt mũi ngươi,
Xem ra thật giống với người thôi.
Sao không xây lấy nơi cư trú
Ðể núp khi giông bảo đến nơi?
Khỉ nghe thế liền đọc bài kệ thứ hai:
Chim hỡi, tay chân mặt mũi ta
So cùng người thật giống, không xa
Trí khôn, lợi nhất người thừa hưởng
Phần ấy ta đây bị loại ra.
Bồ-tát nghe xong liền đọc bài kệ nữa:
Kẻ nào vẫn trơ tráo hoài,
Tâm hồn hời hợt đổi thay không ngừng.
Tỏ ra cung cách thất thường,
Thì niềm hạnh phúc chẳng đường tìm ra.
Khỉ ơi, hạnh muốn tiến xa,
Ngươi cần gắng sức thật là tinh chuyên
Ði đi, lều lá dựng lên
Ðể mà trú ẩn tránh phiền gió đông.
Khỉ tự nghĩ: “Con vật này nhờ trú ẩn một nơi tránh được mưa tỏ ra khinh dễ ta”. Thế rồi quyết bắt cho được Bồ-tát, nó phóng tới vồ lấy ngài. Nhưng Bồ-tát đã bay lên không, tung cánh đi nơi khác. Còn con khỉ, sau khi đập phá tổ chim, liền bỏ đi.
*
Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, bậc Ðạo Sư nhận diện, Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, chú tiểu nổi lửa đốt túp lều là con Khỉ, còn Ta là con chim Singila.
-ooOoo-
Từ nơi trú ẩn của tôi đây …,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một số tà sư ngoại đạo.
Các tà sư ngoại đạo này, tại nhiều nơi khác nhau gần Kỳ Viên, nằm trên gai, chịu năm cách lửa đốt (bốn ngọn kửa chung quanh và mặt trời ở trên) và thực hành tà khổ hạnh về nhiều loại khác nhau. Bấy giờ có một số Tỷ-kheo trên đường khất thực từ xa về, trông thấy các tà sư ngoại đạo ấy đang thể hiện những khổ hạnh giả hiệu kia, liền đến hỏi bậc Ðạo Sư:
– Bạch Thế Tôn các tà sư ngoại đạo ấy thực hành khổ hạnh như vậy có công đức gì không?
Bậc Ðạo Sư dạy:
– Này các Tỷ-kheo, chẳng có công đức gì, cũng chẳng có giá trị đặc biệt nào trong việc ấy cả. Khi được quán xét và thử nghiệm, nó cũng giống như một đường mòn ở trên đống phân hay giống như tiếng động mà con thỏ rừng đã nghe thôi.
Rồi do yêu cầu của các Tỷ-kheo, Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là một con Sư tử. Khi đã trưởng thành ngài sống trong một khu rừng. Bấy giờ ở gần biển Tây có một khu rừng cây kè (thốt nốt) lẫn với cây vilva. Một con Thỏ rừng sống ở đây, dưới một cây kè nhỏ, bên một gốc cây vilva.
Một hôm sau khi ăn xong, Thỏ đến nằm bên dưới cây kè nhỏ ấy, thế rồi nó chợt nghĩ: “Nếu đất này bị hủy hoại, ta sẽ ra làm sao nhỉ?” Ngay lúc ấy một trái vilva chín rơi xuống trên ngọn lá kè. Nghe tiếng động ấy Thỏ liền nghĩ: “Ðất vững chắc này đang sụp xuống”. Thế là nó vụt chạy, chẳng ngoái cổ nhìn lui. Một con thỏ rừng khác nhìn thấy nó phóng đi và có vẻ hãi hùng sắp chết như vậy, liền hỏi nó vì sao mà nó phải kinh hoàng vụt chạy. Thỏ đáp:
– Xin đừng hỏi tôi.
Con Thỏ kia la lên:
– Này cái gì vậy chớ?
Rồi cứ chạy theo nó. Nó dừng lại một chốc, chẳng quay nhìn lui mà nói:
– Ðất ở đây đang vỡ ra đấy.
Nghe thế con thỏ thứ hai chạy theo nó. Rồi cứ thế con thỏ này chạy theo con thỏ khác nối nhau thành một trăm ngàn con phóng chạy. Rồi một con nai, một con heo rừng, một con hoẵng, một con trâu, một con bò rừng, một con tê giác, một con cọp, một con sư tử và một con voi trông thấy chúng chạy qua. Khi chúng hỏi làm sao mà chạy như thế vì đều trả lời rằng đất sắp vỡ ra, chúng cũng phóng chạy với nhau luôn. Thế là cả đám loài vật ấy kéo ra dài cả một dặm.
Khi Bồ-tát trông thấy đám loài vật cứ cắm đầu phóng chạy và nghe duyên cớ là đất sắp đến lúc diệt tận, ngài liền nghĩ. Chẳng có đâu đất đến lúc diệt tận cả. Chắc chắn phải có một tiếng động nào đó mà chúng đã hiểu lầm và nếu chính ta không nỗ lực thật nhiều thì chúng sẽ chết hết. Ta phải cứu mạng chúng mới được.”
Với tốc độ của một con sư tử. Bồ-tát phóng đến chân núi trước chúng và ba lần rống lên tiếng rống của Sư tử. Chúng quá kinh hãi trước sư tử bèn dừng lại đứng đùn nhau thành một đám hỗn loạn. Sư tử bước vào trong bọn chúng và hỏi tại sao chúng phóng chạy như vậy.
– Ðất đang sụp. Chúng trả lời.
– Ai thấy đất sụp? Sư tử hỏi.
– Bọn voi biết rõ hết. Chúng đáp.
Sư tử liền hỏi bọn voi, chúng đáp:
– Chúng tôi không biết, bọn sư tử biết.
Nhưng bọn sư tử lại nói:
– Chúng tôi không biết, bọn cọp biết.
Bọn cọp nói:
– Bọn tê giác biết.
Bọn tê giác nói:
– Bọn bò rừng biết.
Bọn bò rừng nói:
– Bọn trâu.
Bọn trâu nói:
– Bọn hoẵng.
Bọn hoẵng nói:
– Bọn heo rừng.
Bọn heo rừng nói:
– Bọn nai.
Bọn nai nói:
– Chúng tôi không biết, bọn thỏ rừng biết.
Khi bọn thỏ rừng được hỏi, chúng chỉ vào một con thỏ và nói:
– Tên này đã bảo chúng tôi như thế.
Bồ-tát hỏi:
– Này ông bạn có phải đất đang vỡ ra chăng?
Thỏ đáp:
– Vâng, thưa ngài, tôi đã thấy như thế.
– Khi bạn thấy thế bạn đang ở đâu? Bồ-tát hỏi.
Thỏ nói:
– Thưa ngài ở gần biển trong một khu rừng kè xen lẫn với cây vilva tôi chợt nghĩ, “Nếu đất này vỡ ra, ta sẽ đi đâu?” Ngay lúc ấy tôi nghe tiếng đất vỡ rồi phóng chạy.
Sư tử nghĩ: “Rõ ràng là một trái vilva chín đã rơi trên một ngọn lá kè gây nên một tiếng “thụp” và chú Thỏ này vội kết luận rằng đất đang đến lúc diệt tận, rồi chú liền chạy đi. Ta muốn tìm cho ra sự thật chính xác như thế nào?”
Sư tử an ủi bầy thú kia và bảo:
– Ta sẽ mang chú Thỏ này đi khám phá thật chính xác ngay tại chỗ mà chú ta đã chỉ để xem đất ở đó có sắp diệt tận hay không. Các bạn hãy ở đây cho đến khi ta quay trở lại.
Thế rồi đặt Thỏ lên lưng mình, với tốc độ của Sư tử ngài phóng tới, để con Thỏ xuống khi tới khu rừng kè và nói:
– Hãy đi chỉ chỗ mà bạn đã muốn nói.
– Thưa ngài, tôi không dám đâu. Thỏ nói.
– Ði đi, đừng sợ. Sư tử đáp.
Con thỏ không dám đến gần cây vilva, cứ đứng xa mà kêu lên:
– Thưa ngài, đằng kia kìa, đó là nơi tiếng động khủng khiếp ấy.
Rồi nó đọc bài kệ đầu:
Từ nơi trú ẩn của tôi đây,
Tiếng thụp bỗng nghe kinh hãi thay.
Tiếng ấy là gì không thể nói,
Cũng không hiểu được bởi gì gây.
Sau khi nghe Thỏ nói, Sư tử liền đến gốc cây vilva, trông thấy chỗ Thỏ đã nằm dưới bóng cây kè và thấy trái vilva chín đã rơi trên ngọn lá kè kia. Sau khi đã cẩn thận xác nhận rằng đất không bị vỡ, Bồ-tát liền đặt Thỏ lên lưng và với tốc độ của Sư tử, phóng về chỗ bọn thú đang đứng.
Thế rồi ngài kể cho chúng nghe toàn bộ sự việc và nói:
– Ðừng sợ hãi nữa.
Sau khi an ủi bọn thú, ngài để cho chúng ra đi. Quả thật nếu lúc ấy không nhờ Bồ-tát thì tất cả các con thú kia đều đổ xô vào biển mà chết. Chính tất cả đều nhờ Bồ-tát mà thoát chết.
Hãi hùng vì tiếng trái rơi ra,
Thỏ nọ, một lần đã chạy xa.
Tất cả thú kia đều nối gót,
Rúng lòng vì thỏ hoảng kinh mà
Chúng không xem rõ việc là gì,
Chuyện nhảm, không đâu, lắng tai nghe,
Cả đám, đều vô cùng rối loạn
Với niềm kinh hoảng rất ngu si.
Những ai đạt được hạnh thông cao,
Trí tuệ lạc an nhập được vào,
Việc xấu dù cho còn xúi gọi.
Kinh hoàng, như thế xá chi nào!
Ba bài kệ được sáng tác ra từ Trí Tuệ Toàn hảo của đức Phật.
*
Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, chính Ta là con Sư tử.
-ooOoo-
Như thế này là đúng tính chất…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại đền thờ Aggàlava, gần Àlavi, về các điều lệ phải giữ trong việc xây tinh xá.
Câu chuyện khởi đầu đã được kể trước đây, trong số 253. Tiền thân Manikantha. Nhưng ở bậc Ðạo Sư dạy:
– Này các Tỷ-kheo, có phải các ông sống ở đây bằng cách gây phiền hà khi xin đồ vật và khất thực chăng?
Khi họ đạp “vâng”, Ngài quở trách họ và bảo:
– Các bậc hiền trí ngày xưa, khi được vua ban cho họ thứ mà họ thích, dù họ muốn xin đôi giày đế đơn, và vì sợ vi phạm bản tính tinh tế cẩn trọng của họ, nên trước mọi người, họ không dám nói một lời, mà chỉ nói riêng thôi.
Rồi Ngài kể cho họ một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, trong vương quốc Kampillaka, khi một vị vua xứ Pãncàla trị vì trong kinh thành ở phía bắc Pãncàla, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn, tại một thị trấn nọ. Khi lớn lên, ngài tiếp thu kiến thức về các học nghệ tại Takkasilã. Sau đó ngài thọ giới luật của một ẩn sĩ và trú trong vùng Tuyết Sơn. Ngài sống ở đó một thời gian lâu và sống bằng cách lượm nhặt trái, củ rừng.
Rồi khi lai vãng các nơi có người ở để kiếm muối và giấm, ngài đến phía bắc Pãncàla và trú trong vườn cây của nhà vua. Ngày hôm sau, ngài vào thành khất thực và đến cổng nhà vua. Vua rất hài lòng về cử chỉ thái độ của ngài nên mời ngài ngồi trên bệ và dâng ngài các thức ăn xứng với vị vua. Vua long trọng hứa kết thân với ngài và giao cho ngài một chỗ ở trong khu rừng vườn ấy.
Ngài ở mãi trong ngôi nhà vua và khi mùa mưa chấm dứt, muốn trở lại vùng Tuyết Sơn, ngài tự nghĩ: “Nếu ta lên đường, ta cần có một đôi giầy đế đơn và một cái dù lá. Ta hỏi xin đức vua các thứ ấy”.
Một hôm, ngài đến vườn cây và thấy vua đang ngồi đó, ngài chào vua và định hỏi xin vua giày và dù. Nhưng ngài lại nghĩ: “Khi một người xin người khác và nói: Hãy cho tôi thứ ấy, thứ ấy…., thì người ấy muốn khóc lên được và khi người kia từ chối và nói: Tôi không có thứ ấy …, thì phần mình cũng muốn khóc lên được”. Và để cho mọi người khỏi phải thấy ngài hoặc vua khóc, ngài nghĩ: “Cả hai chúng ta sẽ yên ổn khóc ở một nơi kín đáo”. Vì thế ngài nói:
– Tâu Ðại vương, tôi muốn nói chuyện riêng với ngài.
Các cận thần của vua nghe thế liền bỏ đi. Nhưng Bồ-tát lại nghĩ: “Nếu vua từ chối lời thỉnh cầu của ta thì tình bạn giữa vua và ta sẽ chấm dứt. Vậy ta không nên hỏi xin vua thứ gì cả”.
Hôm ấy, vì không dám nêu vấn đề, ngài bảo:
– Tâu Ðại vương, xin ngài hãy đi, để tôi xem lại chuyện này đã.
Hôm khác, khi vua vào vườn cây, cũng như trước, Bồ-tát nói thế này rồi thế kia và không thể bày tỏ lời thỉnh cầu của mình được. Và cứ thế, mười hai năm trôi qua.
Bấy giờ, vua tự nghĩ: “Vị giáo sĩ này bảo: Tôi muốn nói riêng, và khi các quan bỏ đi, ngài lại không có can đảm nói. Ngài mong muốn như thế đã mười hai năm qua. Ta nghĩ rằng sau mười hai năm sống đời tu hành lâu như thế, ngài đang tiếc nhớ cuộc đời này. Ngài muốn hưởng lạc thú và khao khát quyền cao. Nhưng vì không thể bày tỏ ra được tiếng “vương quốc” nên người đành giữ im lặng. Hôm nay, từ vương quốc của ta trở xuống, hễ ngài muốn gì, ta đều trao cho cả.
Thế là vua vào vườn cây, chào Bồ-tát và ngồi xuống, Bồ-tát xin được nói riêng với vua và khi các cận thần ra đi, ngài lại không thể nói ra lời nào. Vua bảo:
– Ðã mười hai năm nay, ngài cứ xin nói chuyện riêng với ta, thế mà khi có cơ hội thuận tiện, ngài lại không thể thốt lên được một lời, ta thuận cho ngài mọi thứ, từ vương quốc của ta trở xuống. Ngài chớ có e ngại, cứ hỏi xin thứ gì mà ngài thích đi!
– Tâu Ðại vương, – Bồ-tát nói – Ngài có vui lòng cho tôi cái mà tôi thích chăng?
– Vâng thưa Tôn giả, vui lòng.
– Tâu Ðại vương, khi tôi lên đường ra đi, tôi cần có một đôi giày đế đơn và một cái dù lá.
– Ngài ơi, thế mà suốt mười hai năm qua, ngài đã không thể nào hỏi xin một điều quá nhỏ nhặt như thế được ư?
– Tâu Ðại vương, thế đấy ạ.
– Tại sao ngài lại làm như thế chứ?
– Tâu Ðại vương, khi một người bảo: “Hãy cho tôi thứ ấy …,” người ấy phải rơi nước mắt và kẻ từ chối: “Tôi khômg có thứ ấy” thì về phần mình, kẻ ấy cũng phải khóc. Nếu khi tôi xin mà ngài từ chối, tôi sợ rằng người ta có thể thấy chúng ta hoà lẫn nước mắt. Ðó là lý do khiến tôi xin được kín đáo hỏi.
Thế rồi ngài mở đầu bằng cách đọc ba bài kệ:
Như thế này đúng là tính chất,
Của lời xin, kính bạch Ðại vương,
Nó luôn luôn vẫn sẽ mang
Hoặc lời từ chối, hoặc phần tặng trao.
Tâu chúa công, kẻ nào thỉnh nguyện,
Nước mắt kia đã muốn trào ra;
Còn người từ chối lời kia
Cũng là khó giữ đầm đìa lệ rơi.
Tôi sợ rằng mọi người thấy được
Chúng ta đây nhỏ nước mắt suông
Nêu điều tôi hỏi xin mang
Bên ngài thầm kín, tôi cần rỉ tai.
Vua rất đẹp lòng vì sự biểu lộ lòng kính trọng kia ở phần Bồ-tát. Ngài ban tặng ân huệ cho Bồ-tát và đọc bài kệ thứ tư:
Ta tặng ngài một bầy bò đỏ,
Gồm ngàn con, thêm có người chăn
Lời ngài cao quí muôn vàn,
Phần ta xúc cảm rộng lòng phát ban.
Nhưng Bồ-tát bảo:
– Tâu Ðại vương, tôi không muốn những thú vui vật chất. Hãy cho tôi thứ tôi xin mà thôi.
Rồi ngài mang đôi giày đế đơn, cầm chiếc dù lá và khích lệ vua nhiệt tâm trong đạo, giữ giới luật và tuân hành ngày trai tịnh. Thế rồi dù vua nài nỉ ngài ở lại, ngài vẫn ra đi vào dãy Tuyết Sơn, ởđây ngài phát huy các Thắng trí và các Thiền chứng, sau đó tái sinh vào cõi Phạm thiên.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng và nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Ànanda là vị vua ấy; còn ta là ẩn sĩ nọ.
-ooOoo-
Con vật hảo tâm tỏ ra vâng phục …,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo mặc áo bằng da.
Áo ngoài áo trong của ông đều bằng da cả. Một hôm, khi ra khỏi Tinh xá để đi khất thực ở Xá Vệ, ông đến đấu trường của cừu đực. Một con cừu đực trông thấy ông, liền thối lui định húc ông. Vị Tỷ-kheo tự nghĩ: “Nó làm như thế là để tỏ kính phục ta đấy”. Và ông không chịu lùi bước. Con cừu phóng tới húc vào đùi ông, làm ông ngã xuống đất. Trường hợp kính chào ảo tưởng kia được đồn đại trong chúng Tỷ-kheo. Ðề mục được các Tỷ-kheo đem bàn tán trong Pháp đường là vị khất sĩ mặc áo da kia tưởng được kính chào như thế nào và gặp cái chết ra sao. Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi họ đang bàn tán việc gì. Sau khi nghe kể lại. Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ mà từ xưa kia cũng thế, tu sĩ ấy tưởng mình được kính chào và rồi phải mang lấy cái chết.
Rồi Ngài kể cho họ một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình thương gia và hành nghề buôn bán. Bấy giờ có một khất sĩ nọ, mặc quần áo bằng da đang đi khất thực, đến đấu trường của cừu đực và cừu đực thối lui khi đối diện với ông, ông tưởng nó làm thế là tỏ dấu hiệu kính trọng nên ông không rút lui. Ông nghĩ: “Trên toàn cõi đời này, chỉ riêng con cừu này nhận biết các công hạnh của ta.” Ông đứng đó, chấp tay giơ lên kính chào và đọc bài kệ đầu:
Con vật hảo tâm tỏ ra khâm phục
Trước Bà-la-môn đạo thức, đẳng cao.
Thú kia, ngươi thiện hảo biết là bao,
Mong ngươi được vang danh khắp loài vật.
Bây giờ một vị thương gia có trí tuệ đang ngồi trong cửa hàng mình, muốn can ngăn vị khất sĩ, liền đọc bài kệ thứ hai:
Bà-la-môn, chớ kinh thường, tin nó,
Nó sẽ húc, người ngã xuống đất ngay.
Cừu đực kia đang lui lại như vầy,
Ðể phóng mạnh tới tấn công người đó.
Trong lúc vị thương gia có trí tuệ ấy còn đang nói, con cừu đực phóng tới thật nhanh và húc vào đùi khất sĩ, làm ông ngã xuống. Ông muốn cuồng lên vì đau đớn, và cứ nằm đó kêu than. Sự việc ấy được bậc Ðạo Sư diễn tả bằng bài kệ thứ ba:
Bình bát lật úp và chân bị gãy,
Người tiếc than thân phận ấy đau buồn.
Ðừng dang tay khóc lóc thật hoài công,
Mau cứu chữa trước khi người bị giết!
Và vị khất sĩ đọc bài kệ thứ tư:
Kẻ nào tỏ kính cung nơi chẳng xứng,
Ðều xẻ chia số phận của tôi nay,
Bị cừu kia húc ngã xuống đất đây.
Tôi phải chết vì lòng tin vụng dại.
Ông ta than vãn như thế rồi sau đó chết đi.
*
Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Người mặc áo da hôm nay và thời xưa ấy cũng là một. Còn ta là vị thương gia có trí tuệ kia.
-ooOoo-
Kẻ nào đóng vai tu ẩn dật …,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ-Viên về một Tỷ-kheo xảo quyệt.
Câu chuyện mở đầu đã được kể đầy đủ trước đây. Trong dịp này các Tỷ-kheo đưa ông ra trước bậc Ðạo Sư và thưa:
– Bạch Ngài, Tỷ-kheo này gian xảo.
Bậc Ðạo Sư dạy:
– Không phải chỉ bây giờ, xưa kia cũng thế, ông ta đã xảo quyệt.
Rồi Ngài kể cho họ nghe một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là một con Tắc kè. Khi lớn lên và trở nên khỏe mạnh, lực lưỡng, ngài trú trong một khu rừng.
Bấy giờ một ẩn sĩ độc ác nọ dựng một túp lều lá trú gần ngài. Bồ-tát trong khi đi đây đó kiếm ăn, trông thấy túp lều lá và tự nghĩ: “Túp lều này hẳn phải là của một nhà tu khổ hạnh”.
Ngài đến chào và hỏi nhà tu rồi quay về chỗ của mình.
Một hôm ẩn sĩ giả mạo kia ăn một món ăn hợp khẩu do người thủ hộ nấu cho, bèn hỏi người ấy thịt gì thế. Khi nghe nói rằng đó là thịt tắc kè, ông trở thành nô lệ cho lòng ham muốn được ăn ngon, đến độ ông tự nghĩ: “Ta sẽ giết con tắc kè vẫn thường đến lều ta và nấu nó theo khẩu vị của ta mà ăn”.
Thế là ông lấy ra một ít bơ, sữa đông, gia vị v.v … Rồi ông dấu kín chiếc gậy bên trong tấm y màu vàng của ông và đến ngồi ngay cửa lều , cố hết sức im lặng chờ Bồ-tát đến.
Khi Bồ-tát trông thấy con người tồi tệ ấy, ngài liền nghĩ: “Kẻ xấu này đã từng ăn thịt đồng loại ta. Ta sẽ thử xem có phải thế không”. Thế rồi ngài đứng dưới gió để đánh hơi kẻ xảo quyệt ấy. Khi biết ông ta đã từng ăn thịt một con tắc kè, ngài không đến gần mà quay lại bỏ đi. Ẩn giả kia thấy ngài không đến, liền ném gậy vào người. Chiếc gậy không trúng vào thân thể ngài mà chỉ chạm vào chóp đuôi. Ẩn giả nói:
– Cút đi, ta để hụt mất ngươi.
Bồ-tát bảo:
– Vâng, ông đã trượt mất ta nhưng ông không hụt mất Bốn cảnh khổ đâu.
Rồi ngài chạy chui biến vào trong một bụi kín ở cuối lối đi và thò đầu ra bằng một lỗ khác mà nói với ẩn giả bằng hai bài kệ sau:
Kẻ nào đóng vai tu ẩn dật,
Chế ngự mình, cần được tỏ ra.
Chính người ném gậy vào ta,
Người tu ẩn dật hẳn là giả danh.
Tóc bện ấy, da trần không áo
Ðể che trùm, tội giấu kín hoài.
Khùng thay! Lo sạch bề ngoài,
Bỏ quên mọi thứ xấu tồi bên trong.
Ẩn giả nghe thế liền đọc bài kệ thứ ba:
Tắc kè ơi, mau vòng quay lại,
Muối, dầu, ta chẳng phải thiếu đâu.
Cả tiêu, ta nảy ý cầu
Một phần thích khẩu thêm vào món cơm.
Bồ-tát nghe thế liền đọc bài kệ thứ tư:
Ta ẩn náu êm đềm ấm cúng
Giữa đám đông trong đụn kiến này.
Muối, dầu, chuyện nhảm chớ bày
Cả tiêu kia nữa, ta đây chán rồi.
Ngoài ra, ngài còn dọa:
– Này nhà tu giả mạo kia, thật đáng kinh tởm! Nếu ông còn ở đây, ta sẽ khiến mọi người sống trong vùng ta đi kiếm ăn bắt ông như một kẻ trộm và ông sẽ bị hại. Thế thì hãy lo mau mau cút đi.
Thế là nhà tu giả mạo kia liền bỏ chạy khỏi nơi ấy.
*
Thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Tỷ-kheo xảo quyệt này là nhà tu giả hiệu kia, còn ta là vua Tắc kè.
PHẨM BỐN BÀI KỆ (tt)
Kẻ nào giữ mình không trộm cắp …,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên, cách Ðề-bà-đạt-đa đã gây ra sự ly gián trong Giáo đoàn như thế nào, rồi sau đó bỏ đi với các đệ tử trưởng của ông, và khi đám này tan rã, ông hộc ra một dòng máu nóng.
Các Tỷ-kheo đem chuyện ấy bàn trong Pháp đường và bảo rằng Ðề-bà-đạt-đa đã dùng vọng ngôn gây nên sự ly gián kia, sau đó mang bệnh, và chịu bao nhiêu đau đớn. Bậc Ðạo Sư bước vào hỏi các Tỷ-kheo đang họp nhau ngồi bàn tán chuyện gì. Sau khi nghe kể lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ mà từ xưa kia, ông ta cũng đã là một kẻ nói dối; và không phải chỉ bây giờ mà từ xưa kia, ông ta cũng đã phải chịu khổ đau vì nói dối.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-lai-nại, Bồ-tát là một vị thần ở cõi trời Ba mươi ba. Bấy giờ có một cuộc lễ lớn tại Ba-la-nại, Một đám đông rắn thần Nàga và chim Kim sí điểu Garuda cùng các địa thần đến dự lễ. Và bốn Thiên thần từ cõi trời Ba mươi ba mỗi vị mang một tràng thiên hoa Kakkàru cũng đến dự lễ. Suốt trong khoảng mười hai dặm của thành phố đều sực nước hương thơm của các hoa ấy. Mọi người đều xôn xao, tự hỏi không biết các vị mang các bông hoa ấy là ai. Các Thần nói:
– Họ đang nhìn chúng ta đấy.
Rồi từ sân điện bay lên và dùng thần lực đứng ngay trên không. Ðám đông tụ tập lại, vua cùng các hoàng tử theo vua đến hỏi các vị thần ấy từ cõi nào đến:
– Chúng ta từ cõi trời Ba mươi ba đến .
– Các ngài định đến đây để làm gì?
– Ðể dự lễ.
– Các hoa này là hoa gì thế?
– Chúng tên là thiên hoa Kakkàru.
– Thưa các ngài, ở thế giới thiên thần,các ngài có thể đeo hoa khác. Hãy cho chúng tôi hoa này đi.
Các thần trả lời:
– Các hoa này chỉ xứng với những vị thần có đại lực; còn đối với hạng thấp kém, những kẻ ngu si, tội lỗi trong cõi người thì hoa này không xứng hợp. Nhưng những ai trong cõi người có được những đức hạnh như thế … như thế… thì những bông hoa này xứng hợp với họ.
Rồi vị trưởng các Thần ấy đọc lên bài kệ đầu:
Kẻ nào giữ mình không trộm cắp.
Miệng lưỡi luôn tránh tật dối lời
Ðạt nên danh vọng cao vời.
Giữ tâm yên ổn – xứng đòi hoa đây.
Nghe thế, một vị giáo sĩ hoàng gia tự nghĩ: “Ta chẳng có một đức tính nào trong các đức tính nói trên, nhưng ta sẽ nói dối để có được những bông hoa này. Ðược như thế mọi người sẽ tin rằng ta có các tính hạnh ấy”. Rồi ông ta nói:
– Tôi có đủ những đức tính ấy.
Thế là ông ta được trao hoa để mang. Rồi ông ta đến xin vị thần thứ hai, vị này đọc bài kệ thứ hai:
Kẻ nào kiếm tiền tài chân thật
Tránh gian manh để đạt giàu sang
Thú vui quá độ, tránh luôn,
Xứng phần được đóa thiên hương đây này.
Giáo sĩ nói:
– Tôi đầy đủ những đức tính ấy.
Và thế là ông ta được trao hoa để mang. Rồi ông đến xin vị thần thứ ba, vị này đọc bài kệ thứ ba:
Kẻ nào chẳng lệch xa mục đích,
Và lòng tin bất dịch chẳng rời,
Thức ăn ngon chẳng đoái hoài,
Chánh chân đòi hỏi hoa trời này đây.
Vị giáo sĩ nói:
– Tôi đầy đủ những đức tính ấy.
Thế là ông ta được trao hoa để mang. Rồi ông đến xin vị thần thứ tư, vì này đọc bài kệ thứ tư:
Kẻ nào chẳng phê bình người tốt
Dù sau lưng hay trước mặt người
Làm tròn việc đúng như lời,
Xứng đòi phần thưởng hoa trời này đây.
Giáo sĩ nói:
– Tôi đầy đủ các đức tính này.
Và ông được trao hoa để mang.
Như vậy các vị Thần tặng bốn tràng hoa cho giáo sĩ rồi quay về cõi trời. Khi các Thần vừa ra đi, giáo sĩ bị một cơn đau khốc liệt tấn công, ở trong đầu như có mũi nhọn đâm và như có đồ vật bằng sắt đập vào. Cuồng trí vì đau đớn, ông lăn lộn vật vã và kêu la ầm ĩ. Khi mọi người hỏi:
– Thế này là sao?
– Tôi tự xưng có những đức hạnh mà tôi vốn không có. Tôi đã nói dối để xin các Thần ấy những bông hoa này, hãy gỡ hoa ra khỏi đầu tôi.
Họ liền gỡ hoa ra nhưng không được vì hoa đã gắn chặt như một vành sắt. Thế rồi họ đỡ ông ta lên và đưa ông về nhà. Vua bảo các cận thần:
– Bà-la-môn ác hạnh kia sắp chết, ta nên làm gì đây?
– Tâu Ðại vương – các quan đáp – chúng ta hãy tổ chức một lễ hội. Các Thiên Thần sẽ trở lại.
Vua liền tổ chức một lễ hội và các Thiên Tử ấy trở lại và làm ngập tràn thành phố với hương thơm của các bông hoa kia, họ đứng tại chỗ cũ trong sân chầu. Dân chúng tụ tập và mang Bà-la-môn ác hạnh kia, đặt nằm sấp xuống trước các Thiên thần. Ông ta van xin các Thần:
– Kính lạy các ngài, xin hãy tha mạng cho tôi.
Các Thần bảo:
– Các bông hoa này không thích hợp với một kẻ độc ác xấu xa. Trong tâm, ông đã định lừa dối chúng ta và ông đã phải nhận lấy hậu quả của những lời ông nói dối.
Sau khi quở trách mọi người, các Thần gỡ tràng hoa khỏi đầu ông, khuyến dụ mọi người rồi quay về trú xứ riêng của họ.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết giảng xong. Ngài nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Ðề-bà-đạt-đa là Bà-la-môn ấy, Ca-diếp là một trong các Thiên thần, Mục-kiền-liên là vị Thần thứ hai, Xá-lợi-phất là vị Thần thứ ba, còn ta là vị Thần Trưởng chúng.
-ooOoo-
Hương quyện quanh tôi là hơi thở …,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo hối tiếc vì đã thọ giới xuất gia.
Vào dịp này, bậc Ðạo Sư hỏi Tỷ-kheo ấy rằng có thật ông đã buồn chán không và khi ông trả lời:
– Bạch Thế Tôn thật thế.
Bậc Ðạo Sư dạy:
– Không thể canh phòng phụ nữ. Không có cách gìn giữ họ an toàn. Các trí giả ngày xưa đã đặt một phụ nữ ở giữa biển, trong một cung điện gần hồ Simbalì (trên đỉnh núi Tu-di) mà vẫn không thể giữ danh tiết của nàng.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là thái tử, con của chánh hoàng hậu. Ngài lớn lên và khi vua cha mất, ngài nối ngôi, Kàkàti là chánh hoàng hậu của ngài, xinh đẹp như một tiên nữ. Hình thức cũ của huyền thoại này sẽ được kể đầy đủ trong số 536, Tiền thân Kunàla. Sau đây chỉ là phần vắn tắt của chuyện.
Bấy giờ có một vua Garuda (Kim sí điểu: chim thần cánh vàng) giả trang làm ông người đàn ông đến chơi súc sắc với vua Ba-la-nại. Vua chim thần Garuda đâm ra yêu hoàng hậu Kàkàti, nên mang nàng về trú xứ của loài Gadura và sống hạnh phúc với nàng ở nơi ấy. Vua Ba-la-nại mất nàng liền bảo một nhạc công tên là Natakuvera đi tìm nàng. Nataluvera thấy vua chim đang nằm trên đệm cỏ eraka ở một cái hồ nọ. Khi chim thần Garuda sắp rời nơi ấy, chàng liền ngồi giữa đám lông của vương điểu và nhờ cách ấy mà chàng được chở đến trú xứ của loài chim thần Garuda.
Tại đây, chàng được hưởng những đặc ân của hoàng hậu, sau đó chàng lại ngồi trên cánh chim thần kia và trở về nhà. Thế rồi vào lúc vua chim Garuda đến chơi súc sắc với vua Ba-la-nại, chàng nhạc công cầm đàn bước lên chỗ hai người chơi súc sắc, đứng trước vua và chàng đọc bài kệ đầu dưới hình thức một bài ca:
Hương quyện quanh tôi là hơi thở
Của mối tình người ở nơi xa.
Kà-kà-ti đẹp ấy mà
Khiến tôi rung động sâu xa trong lòng.
Nghe thế, chim thần Garuda trả lời bằng bài kệ thứ hai:
Vượt qua biển, qua dòng Ke-buk,
Phải chăng người đến được đảo ta?
Bảy vùng biển rộng bay qua.
Sim-bal rừng ấy người đà đến nơi?
Natakuvera nghe thế, liền đọc bài kệ thứ ba:
Khắp trời rộng, nhờ ngài tôi vượt,
Và tôi đây đến được Sim-bal,
Bay ngang bao biển, bao sông,
Mối tình tôi gặp, nhờ phần ngài thôi.
Vương điểu Garuda đọc bài kệ thứ tư:
Thật cuồng si, việc tôi xảo trá,
Khiến tôi thành một gã ngu đần
Người yêu nên giữ riêng phần,
Kìa! Tôi phục vụ như hàng mối mai.
Thế rồi chim Garuda nọ mang hoàng hậu trả về cho vua Ba-la-nại và không bao giờ trở lại nữa.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng và tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, Tỷ-kheo bất mãn đắc quả Dự Lưu.
Và Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Tỷ-kheo bất mãn kia là Natakuvera, còn Ta là vua ấy.
-ooOoo-
Sao ta nhỏ lệ vì em chứ …,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một người chủ đất có vợ chết. Chàng chẳng thiết tắm rửa, ăn uống, bỏ bê công việc nông trại. Quá sầu đau, chàng lang thang khắp nghĩa địa mà than vãn trong khi nghiệp lực từ đời trước đưa đến quả Dự Lưu đang bừng cháy như một ngọn lửa trong đầu chàng.
Bậc Ðạo Sư vào lúc sáng sớm, quan sát khắp thế gian, đã thấy được chàng. Ngài tự nghĩ: “Ngoài Ta ra, không ai có thể giải được nỗi sầu muộn của người này và ban năng lực cho chàng nhập Dự Lưu. Ta sẽ là chỗ an trú cho chàng”.
Thế là khi Ngài đi khất thực trở về và thọ thực xong. Ngài đem theo Tỷ-kheo thị giả và đi đến nhà người chủ đất ấy. Khi nghe bậc Ðạo Sư đến, chàng liền ra đón Ngài, cung kính mời Ngài ngồi vào chỗ đã soạn sẵn rồi đảnh lễ Ngài và ngồi xuống bên.
Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này cư sĩ, vì sao ông im lặng thế?
Chàng đáp:
– Bạch Thế Tôn, con đang sầu muộn vì nàng.
Bậc Ðạo Sư dạy:
– Này cư sĩ, cái gì có thể tan rã thì tan rã, nhưng khi điều này xảy ra, người ta không nên phiền muộn. Các bậc hiền trí ngày xưa, khi mất vợ, họ biết chân lý này và do đó họ không đau buồn.
Rồi do yêu cầu của chàng, bậc Ðạo Sư kể một chuyện đời xưa.
*
Câu chuyện này sẽ được kể trong số 443. Tiền thân Cullabodhi ở Chương Mười. Sau đây chỉ là phần tóm tắt của câu chuyện.
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, ngài theo đuổi tất cả các môn học nghệ tại Takkasilà rồi trở về với cha mẹ ngài. Ở Tiền thân này, bậc Ðại Sĩ trở thành môn đồ của đạo Thánh hiền. Cha mẹ ngài bảo ngài là họ sẽ tìm cho ngài một người vợ. Bồ-tát nói:
– Con không muốn sống đời có vợ con. Khi cha mẹ qua đời, con sẽ sống đời của một nhà tu khổ hạnh.
Vì cha mẹ cừ nài nỉ mãi, ngài sai làm một bức tượng bằng vàng và bảo:
– Nếu cha mẹ kiếm cho con được một thiếu nữ giống như trong tượng này thì con sẽ lấy làm vợ.
Cha mẹ ngài liền sai vài thám tử cùng với một số lớn tùy tùng và bảo họ đặt tượng vàng trong một xe đóng kín rồi đi tìm kiếm khắp các đồng bằng nước Ấn Ðộ, đến khi nào tìm thấy được một tiểu thư Bà-la-môn giống như vậy thì đem tượng vàng đổi lấy và đem thiếu nữ về cho họ.
Bấy giờ có một thánh giả kia từ cõi Phạm Thiên tái sinh dưới hình thức một thiếu nữ ở một thành phố thuộc vương quốc Kàsi, trong ngôi nhà của một Bà-la-môn gia sản tới tám trăm triệu đồng. Thiếu nữ tên là Sammillabhàsini. Ở tuổi mười sáu, nàng là một thiếu nữ tươi đẹp, dễ thương, giống như một tiên nữ mang đủ mọi nét đẹp nữ giới.
Mãnh lực của đam mê tội lỗi không hề nảy sinh được một ý nghĩ xấu nào trong nàng nên nàng thật là hoàn toàn thuần khiết. Những người kia mang tượng vàng đi khắp đó đây cho đến khi họ tới ngôi làng ấy. Dân làng trông thấy tượng liền hỏi:
– Tại sao Simmillabhàsini, con gái của người Bà-la-môn ấy lại được đặt ở đó?
Các thị giả nghe thế liền tìm đến gia đình Bà-la-môn ấy và chọn Sammillabhàsini làm hôn thê cho chủ của họ. Nàng nhắn với cha mẹ.
– Khi cha mẹ mất, con sẽ sống đời tu hành, con không muốn lập gia đình.
Cha mẹ nàng bảo:
– Này cô, cô nghĩ gì thế chứ?
Rồi họ nhận tượng vàng và gởi con gái đi cùng với một đoàn tùy tùng đông đảo. Lễ cưới được cử hành trái với ý nguyện Bồ-tát và Sammillabhàsini. Dù phải chia xẻ chung một phòng, một giường, cả hai vẫn không nhìn nhau bằng con mắt dục lạc tội lỗi, mà cùng sống với nhau như hai nam hay hai nữ tu sĩ thanh tịnh.
Chẳng bao lâu cha mẹ của Bồ-tát qua đời, ngài lo tang lễ, rồi gọi Sammillabhàsini đến và bảo:
– Này em yêu, tài sản của gia đình ta lên tới tám trăm triệu đồng và tài sản của gia đình em cũngđáng giá tám trăm triệu đồng nữa. Em hãy lấy hết đi và hãy sống cuộc đời của một gia trưởng. Ta sẽ trở thành một người tu khổ hạnh.
Nàng trả lời:
– Chàng ơi, nếu chàng trở thành một ẩn sĩ thì em cũng sẽ trở thành một ẩn sĩ, em không thể bỏ chàng được.
– Thế thì nàng hãy làm như thế đi. Chàng nói.
Như vậy họ tiêu hết gia sản bằng cách bố thí và vứt bỏ gia tài của họ như nhổ bỏ một búng đàm, rồi cả hai người đi vào vùng Tuyết Sơn và theo cuộc đời khổ hạnh. Sau khi đã sống một thời gian lâu bằng cách lượm hái trái, rễ cây, họ rời dãy Tuyết Sơn đi xuống kiếm muối và giấm, rồi dần dần họ tìm thấy đường đến Ba-la-nại và sau đó họ trú trong vườn cây của nhà vua.
Trong khi họ sống ở đó, vị ẩn sĩ trẻ tuổi mảnh mai này vì phải ăn cơm nhạt của loại gạo trộn mà bị bịnh kiết lỵ hành hạ và không có được thuốc chữa nên nàng trở nên quá gầy yếu. Bồ-tát trong khi đi khất thực phải ẵm nàng theo, mang nàng đến cổng thành và đặt nàng nằm trên một cái ghế dài trong một tiền đường rồi vào thành khất thực. Khi Bồ-tát vừa mới ra đi thì nàng tắt thở. Mọi người thấy vị nữ tu khổ hạnh sắc đẹp phi thường, liền tụ họp đến quanh nàng khóc lóc tiếc thương. Sau khi đi khất thực trở về, Bồ-tát nghe nàng đã chết liền bảo:
– Cái gì có tính chất tan rã thì tan rã. Mọi hiện hữu vô thường đều thuộc loại này cả.
Nói thế xong, ngài ngồi xuống chiếc ghế dài nàng đang nằm và ăn thức ăn trộn rồi súc mịệng. Mọi người đứng gần đó tụ tập lại quanh ngài và nói:
– Bạch Tôn giả, vị nữ tu khổ hạnh này là gì của ngài?
Ngài đáp:
– Khi tôi còn là cư sĩ, nàng đã là vợ tôi.
Họ nói:
– Bạch Tôn giả, trong khi chúng tôi khóc lóc tiếc thương và không thể ngăn được xúc động, tại sao ngài lại không khóc?
Bồ-tát bảo:
– Khi nàng còn sống, nàng đã thuộc về tôi theo một số phận nào đó. Khi nàng sang thế giới khác, chẳng có gì thuộc về nàng cả. Nàng đã bước vào lãnh vực của các vị khác. Thế thì tại sao tôi lại phải khóc nàng?
Rồi ngài thuyết giảng Chân lý cho mọi người qua các bài kệ sau đây:
Sao ta nhỏ lệ vì em chứ,
Hỡi Sam-mil-la-bhà-si-ni.
Em xinh đẹp đã chết đi
Từ nay ta hẳn còn gì em đâu?
Kẻ yếu đuối âu sầu gì chớ?
Khóc lóc làm chi những thứ mượn vay?
Tử vong đã hơi thở này,
Thì từng giờ phút trao tay tử thần.
Dầu ai đứng hay đang ngồi đó,
Ðang nằm hay dời chỗ, gì chăng,
Chỉ trong chớp mắt qua ngang,
Chỉ trong một lúc tử thần kề ngay.
Ðời bất ổn ta đây đã tính,
Mất bạn bè chẳng tránh được ra.
Hãy yêu mọi thứ còn kia,
Chớ buồn khi chúng phải lià xa ta.
Bậc Ðại Sĩ thuyết giảng Chánh pháp qua các bài kệ này sẽ giải thích sự vô thường của vạn vật. Mọi người hoàn tất lễ tang cho vị nữ tu ấy. Còn Bồ-tát quay về dãy Tuyết Sơn, đạt tuệ giác cao hơn do Thiền định, rồi ngài tái sanh cõi Phạm thiên.
*
Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại, Ngài tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, người chủ đất đắc quả Dự Lưu. Sau đó bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ mẹ của La-hầu-la là Sammillabhàsini, còn Ta là nhà tu khổ hạnh ấy.
-ooOoo-
Ta từng hưởng lắm thức ăn …,
Chuyện này do bậc Ðại Sư kể khi Ngài trú lại Trúc Lâm về việc Ðề-bà-đạt-đa mất các lợi dưỡng và danh vọng.
Khi Ðề-bà-đạt-đa đã nuôi lòng hiềm thù đức Phật một cách phi pháp và sai một xạ thủ giết Ngài, tội lỗi của ông ai ai cũng biết qua việc ông thả con voi Nàlàgiri (để làm hại đức Phật). Thế rồi mọi người lấy mất trú xứ và các khẩu phần của ông và vua chẳng đoái hoài đến ông nữa. Khi đã mất nguồn lợi dưỡng và danh vọng, ông ta đi khắp nơi sống bằng cách xin các nhà quyền quí.
Các Tỷ-kheo bắt đầu bàn tán trong Pháp đường rằng Ðề-bà-đạt-đa đã nghĩ ra cách thu đạt lợi dưỡng và danh vọng thế nào và khi đã kiếm được chúng thì ông ta lại không thể giữ được chúng. Bậc Ðạo Sư đến và hỏi các Tỷ-kheo đang ngồi bàn việc gì; khi nghe kể lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, chẳng phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng thế, Ðề-bà-đạt-đa đã bị tước mất các lợi dưỡng và danh vọng.
Rồi Ngài kể cho họ nghe một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một con vẹt tên là Ràdha. Ngài là một con vẹt khỏe mạnh, chân và cánh đều toàn hảo. Con vẹt em trai ngài tên là Potthapàda. Một người bẫy chim kia bẫy được đôi chim này và mang chúng đến dâng vua Ba-la-nại. Vua bỏ cả hai con vào trong một chiếc lồng bằng vàng, chăm sóc chúng, cho chúng ăn mật và bắp rang đựng trong một chiếc đĩa bằng vàng và cho uống nước đường. Chúng được chú ý chăm sóc đặc biệt, và đạt lợi dưỡng danh vọng cao vời nhất.
Thế rồi một người thợ rừng nọ mang đến dâng vua một con khỉ đen lớn tên là Kàlabàhu (Ðen lớn). Vì khi đến sau các con vẹt nên nó nhận được lợi dưỡng và cung kính nhiều hơn, trong khi ấy đôi vẹt lại không còn được trọng vọng như trước.
Bồ-tát nhờ có các đức tính của bậc Giác Ngộ nên chẳng nói một lời, nhưng em ngài vì không cóđức tính ấy nên không thể chịu nổi sự trọng vọng mà người ta dành cho con khỉ, liền nói:
– Anh ơi, trước kia, ở cung điện vua, họ cho chúng ta thức ăn ngon, còn bây giờ chúng ta chẳngđược gì cả, họ dâng hết mọi thứ cho con khỉ Kàlabàhu. Vì chúng ta không nhận được lợi dưỡng trọng vọng do vua ban. Nơi đây, chúng ta phải làm gì chứ? Này chúng ta hãy đi vào rừng mà sống.
Vẹt em nói thế và đọc bài kệ đầu:
Ta từng hưởng lắm thức ăn,
Khỉ kia nay lại được phần ta xưa.
Rà-dha hãy đến rừng già,
Cách người xử tệ sửa ra thế nào?
Ràdha nghe thế liền đọc bài kệ tiếp:
Dù là được, mất ra sao,
Khen, chê, vui, khổ, vinh cao, nhục dày,
Ðều là giả tạo, đổi thay.
Sao em lại cứ ngập đầy sầu đau?
Nghe thế, Potthapàda vẫn không thể bỏ được hiềm thù với con khỉ liền đọc bài kệ thứ ba:
Rà-dha, chim trí tuyệt cao,
Hẳn anh phải biết việc nào xảy ra.
Ai sẽ là người đuổi tên kia
Từ triều vua trở lại nhà nó xưa?
Ràdha nghe thế liền đọc bài kệ thứ tư:
Mặt nhăn, tai động ấy mà,
Sẽ làm bầy trẻ vương gia hãi hùng.
Khỉ kia tinh quái lạ thường,
Ngày kia sẽ chạy tìm đường kiếm ăn.
Chỉ ít lâu sau, khỉ ta lúc lắc đôi tay, chọc phá làm cho các vương tử bé nhỏ sợ hãi la ré lên. Vua hỏi xem việc gì đã xảy ra và khi nghe kể lý do, ngài phán:
– Ðuổi nó đi!
Thế là con khỉ bị đuổi đi và đôi vẹt lại trở về hoàn cảnh như trước, được lợi dưỡng và trọng vọng.
*
Khi thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Ðề-bà-đạt-đa là Kàlabàhu, Ànanda là Potthapàda, còn Ta là Ràdha.
-ooOoo-
Quyền lực trên đời khó sánh tày …,
Chuyện này do bậc Ðại Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Bà-la-môn từng thử thách đức hạnh của mình.
Hai câu chuyện tương tự đã được kể trước đây (số 86 và 290). Ở đây, Bồ-tát là vị giáo sĩ hoàng gia của vua Ba-la-nại.
*
Ðể thử thách đức hạnh của mình, luôn trong ba ngày, mỗi ngày ngài lấy một đồng tiền trong kho của vua. Ngài bị cáo là gian trộm và bị đưa ra trước nhà vua. Ngài nói:
Quyền lực trên đời khó sánh tày,
Ðức hiền uy lực diệu kỳ thay.
Khi mang lấy dáng dấp hiền hậu,
Rắn độc tránh điều tổn hại ngay.
Sau khi ca ngợi đức hạnh bằng bài kệ trên và được vua thỏa ý, ngài sống đời tu khổ hạnh. Bấy giờ có một con diều hâu chộp được một miếng thịt trong một hàng bán thịt kia, cắp thịt vào chân và bay vù lên không. Bọn chim liền vây lấy nó, tấn công nó bằng chân, bằng vuốt và mỏ. Không chịu nổi đau đớn, diều hâu ấy đành thả miếng thịt. Một con khác chộp lấy thịt, con này cũng bị tấn công, bị đau như trước đành thả rơi miếng thịt. Rồi một con khác sà xuống vồ miếng thịt. Hễ con nào được thịt thì bị đám còn lại đuổi theo và con nào nhả thịt ra thì được yên thân. Bồ-tát thấy thế liền nghĩ: “Những tham dục của chúng ta cũng giống như những miếng thịt. Ai nắm lấy chúng thì bị đau khổ, ai thả chúng ra thì được an bình”.
Và ngài đọc bài kệ thứ hai
Chim cắt đang khi có thức ăn,
Bọn chim mồi đến mổ đau ran;
Khi chim đành thả rơi phần thịt,
Bọn chúng liền thôi, chẳng ngó ngàng.
Rồi vị khổ hạnh đi ra khỏi thành phố.
Trên đường dong ruổi, ngài đến một ngôi làng kia và vào lúc chiều tối, ngài nằm nghỉ trong nhà của một người nọ.
Bấy giờ có một nữ tỳ tên Pingalã hẹn hò với một nam nhân: “Anh hãy đến vào giờ ấy, giờ ấy …” Sau khi rửa chân cho chủ và gia đình chủ và khi mọi người đều nằm ngủ, cô ta ngồi ở bậc cửa chờ tình nhân đến. Suốt canh một và canh hai cô đều tự bảo: “Bây giờ chàng sắp đến rồi!.”
Nhưng khi trời sáng, cô hết hy vọng và tự bảo: “Thế là chàng không đến!” Rồi cô ta nằm xuống và ngủ ngon.
Bồ-tát thấy chuyện xảy ra như thế liền tự bảo: “Người phụ nữ này từng ngồi quá lâu như thế hy vọng người tình sẽ đến; nhưng bây giờ nàng biết anh ta không đến, trong cơn thất vọng, nàng ngủ thật an bình. Ngài liền đọc bài kệ thứ ba:
Vui thay mơ ước được hoàn thành.
Trái ngược dường bao, mộng vỡ nhanh.
Hy vọng tiêu tan, dù chán nản.
Pin-ga-là đấy! Ngủ an lành.
Ngày hôm sau, ngài ra khỏi làng và đi vào một khu rừng trông thấy một vị ẩn sĩ đang ngồi trên đất chuyên tâm thiền định. Ngài nghĩ: “Ở đời này và cả đời sau, không có hạnh phúc nào hơn niềm cực lạc của thiền định”.
Rồi ngài đọc bài kệ thứ tư:
Ở cõi này hay ở cõi nào,
Không gì vượt hỷ lạc thiền đâu
Kẻ nào miệt mài tu thanh tịnh
Thân được bình an, hại chẳng vào.
Thế rồi, ngài đi sâu vào rừng, sống cuộc đời ẩn dật của một vị Rishi (Tiên nhân chứng đạo) phát huy thắng trí do thiền định rồi được vào cõi Phạm thiên.
*
Thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Ta đây là vị giáo sĩ nọ.
-ooOoo-
Kẻ phạm lỗi nói không thích đáng…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về Trưởng lão Kokàlika. Câu chuyện khởi đầu được kể đầy đủ ở số 481, Tiền thân Takkàrika.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị đại thần rất được vua trọng vọng. Bấy giờ vua có tính lắm lời. Bồ-tát tự nghĩ: “Ta sẽ làm dứt tính huyên thuyên của vua”. Và ngài chờ đợi dịp thuận tiện để giảng giải cho vua.
Một hôm vào trong vườn cây và ngồi trên một phiến đá dành cho mình. Vua ngồi xuống gốc cây xoài, trên đó có một con chim cu đen đẻ trứng vào tổ của một con quạ rồi bỏ đi. Con quạ mái chăm lo cái trứng con chim cu. Chẳng bao lâu, trứng nở ra một chim cu con. Quạ tưởng rằng đấy chính là con của nó nên nó chăm sóc chim cu, mang mồi về cho nó ăn. Con chim nhỏ còn chưa đủ lông đủ cánh, đã kêu lên tiếng chim cu non nớt. Quạ liền nghĩ: “Con chim non này ngay bây giờ đã thốt lên giọng lạ lùng. Khi nó lớn lên nó sẽ còn làm gì nữa? “Thế là quạ lấy mỏ mổ chết chim cu và ném nó ra khỏi tổ. Xác chim cu rơi xuống chân vua. Vua hỏi Bồ-tát:
– Này khanh, thế này là nghĩa gì?
Bồ-tát nghĩ: “Ta đang tìm việc tốt để giảng cho vua một bài học, và nay ta đã được dịp ấy rồi”. Vì vậy ngài nói:
– Tâu Ðại vương, những hạng lắm lời, nói quá nhiều không đúng lúc, đều phải gặp như thế. Tâu Ðại vương, chim cu nhỏ bé này được quạ nuôi nấng, khi còn chưa đủ lông cánh, nó đã thốt lên một tiếng kêu quá sớm. Thế là quạ biết rằng đấy không phải là con của nó liền mổ chết và ném nó ra khỏi tổ. Tất cả những ai nói không đúng lúc và nói nhiều quá, dù cho đó là người hay vật đều phải chịu đau khổ như thế cả.
Rồi ngài đọc bài kệ sau:
Kẻ phạm lỗi nói không thích đáng,
Như chim cu tận mạng oan thôi.
Dù cho thuốc độc, gươm mài,
Cũng không tàn hại bằng lời nói sai
Người khôn đắn đo hoài lời nói,
Với người thân không vội tỏ lòng.
Muốn trao lời, xét tận cùng
Như Kim sí điểu bắt Thần rắn kia.
Từ khi Bồ-tát thuyết giáo như thế, vua trở nên đắn đo trong lời nói. Vua càng trọng vọng Bồ-tát và ban ân tứ cho ngài càng nhiều hơn mãi.
*
Sau khi thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy Kokàlika là con chim cu nhỏ ấy, còn Ta là vị thần hiền trí.
-ooOoo-
332 Chuyện Chiếc Gậy Thúc Xe (Tiền thân Rathalatthi)
Hại người lại tỏ mình bị hại …,
Chuyện này do bậc Ðại Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về vị giáo sĩ của vua Kosala.
Tương truyền khi vị giáo sĩ đang đánh xe đến một ngôi làng thuộc địa phận của ông bỗng gặp phải một đoàn xe trên một con đường hẹp. Ông la lên:
– Tránh ra các người!
Khi một chiếc xe không tránh ra ngoài đường đi, ông tức giận quá, liền ném chiếc gậy thúc ngựa vào người đánh xe ấy. Chiếc gậy chạm vào ách xe ấy và dội trở lại trúng vào trán ông, khiến ông bị u đầu. Giáo sĩ quay trở về và đến tâu với vua rằng ông bị bọn đánh xe làm bị thương. Những người đánh xe ấy được gọi đến. Các phán quan tra cứu trường hợp ấy và thấy rằng chỉ riêng giáo sĩ có lỗi.
Một hôm chuyện ấy được bàn tán trong Pháp đường. Các Tỷ-kheo bàn về việc giáo sĩ của vua bảo rằng ông ta bị một số người đánh xe tấn công và khi được vua xử, ông ta bị thua kiện. BậcÐạo Sư đến và hỏi các Tỷ-kheo đang ngồi bàn việc gì. Khi được nghe kể lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ mà ngày xưa người kia cũng đã hành động giống y như thế.
Rồi ngài kể cho họ nghe một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là vị phán quan của nhà vua. Vị giáo sĩ của vua đánh xe về ngôi làng do ông đứng đầu, thế rồi cũng hành động giống y như chuyện trên đây. Nhưng ở chuyện này khi vua nghe giáo sĩ kể chuyện, liền gọi những người đánh xe lại và chính vua ngồi xử. Vua chẳng có xem xét gì đến sự việc mà lại nói:
– Các ngươi đã đánh giáo sĩ của ta và làm cho trán của ông sưng lên.
Rồi vua ra lệnh thâu hết tài sản của họ.
Bấy giờ, Bồ-tát nói với vua:
– Tâu Ðại vương, ngài không tra xét sự việc mà lại phán rằng họ phải bị tịch thu hết của cải. Nhưng có nhiều người sau khi tự làm tổn thương mình lại tuyên bố rằng họ bị người khác làm tổn thương. Do đó, người nào thi hành luật pháp mà không xét vụ án thì thật là sai lắm. Vị ấy không nên hành động cho đến khi nghe hết mọi sự.
Rồi ngài đọc các bài kệ sau đây:
Hại người, lại tỏ mình bị hại
Mình đánh người, than phải đòn thoi.
Trí nhân thận trọng xét soi,
Nghe hai bên trước, tuyên lời chánh chân.
Ghét thế nhân dục tầm, biếng nhác,
Người giả tu dối gạt rành rành!
Hôn quân thường quyết định nhanh,
Mà không nghe rõ sự tình ra sao.
Nóng giận không đời nào có thể
Trong người hiền hợp lẽ biện minh.
Ðời đời công chính vang danh,
Quân vương cân nhắc ban hành lệnh ra.
Nhà vua nghe lời Bồ-tát, liền phán xét thật công minh và vụ án kia được xét xử đúng đắn, phần lỗi thuộc về giáo sĩ ấy mà thôi.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt thuyết giảng và nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy, vị Bà-la-môn đóng cùng một vai trong cả hai câu chuyện, còn Ta là vị quan hiền trí.
-ooOoo-
Ngài cho tôi biết rõ ra…,
Chuyện này do bậc Ðại Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một người chủ đất nọ. Câu chuyện khởi đầu đã được kể đầy đủ trước đây (số 328). Nhưng ở đây, khi hai vợ chồng đi đòi nợ trở về, trênđường họ gặp một số người đi săn, những người này cho họ một con tắc kè quay và bảo cả hai hãy ăn món ấy. Người chồng bảo vợ đi kiếm nước, rồi anh ta ăn hết cả con tắc kè. Khi vợ trở lại, anh ta nói:
– Này em, con tắc kè đã chạy mất rồi!
Nàng nói:
– Ðược rồi, thưa chàng, con tắc kè chạy rồi thì ai làm gì được?
Nàng uống một ít nước, sau đó cả hai đến Kỳ Viên. Khi ngồi hầu bậc Ðạo Sư, Ngài hỏi người vợ như sau:
– Này cư sĩ, ông này có ân cần, thương yêu và giúp đỡ bà không?
Nàng trả lời:
– Con thương yêu, ân cần với chàng, nhưng chàng chẳng hề thương yêu con.
Bậc Ðạo Sư dạy:
– Ðược rồi, giả như ông đã cư xử với bà như thế thì cũng chớ buồn rầu. Khi ông nhớ lại các đức hạnh của bà, ông sẽ ban riêng cho bà quyền lực tối cao.
Rồi do yêu cầu của hai vợ chồng. Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Chuyện kể này cũng giống chuyện kể trên, nhưng ở đây, khi hai vợ chồng thái tử đang trên đường trở về cung vua, một đám thợ săn thấy họ quá khốn khổ, đã cho họ một con tắc kè quay và bảo họ chia nhau ăn. Người vợ lấy một cây leo làm dây cột nó rồi xách nó theo dọc đường. Khi đến một cái hồ, họ rời đường chính và đến ngồi dưới một gốc cây đa. Thái tử bảo:
– Này em, hãy đi xuống hồ, dùng một ngọn lá sen mà kiếm nước, sau đó chúng ta sẽ ăn phần thịt này.
Người vợ treo con tắc kè lên một cành cây và đi kiếm nước. Người chồng ăn hết cả con tắc kè, ngồi quay mặt đi. Khi nàng mang nước về, chàng nói:
– Này em, con tắc kè đã tụt xuống cành cây và chui vào một đụn kiến. Ta chạy theo và chộp được chóp đuôi nó. Nhưng nó đứt đôi ra và nó chui biến vào trong lỗ, để lại phần đuôi mà ta nắm được đây.
– Ðược rồi chàng ạ – nàng nói – chúng ta biết tính sao được khi con tắc kè đã nướng lại chạy thoátđi? Nào,chúng ta hãy lên đường!
Uống nước xong, hai vợ chồng đi đến Ba-la-nại. Thái tử lên ngôi, phong cho vợ làm chánh hoàng hậu nhưng đó chỉ là một cái chức hờ, vua chẳng ban cho nàng danh vọng gì cho nàng cả.
Bồ-tát muốn chiếm danh dự cho nàng nên đứng trước vua, ngài hỏi nàng:
– Tâu hoàng hậu, chẳng có lúc nào chúng thần được lệnh bà cho thứ gì cả? Tại sao lệnh bà lại chẳng kể gì đến chúng thần thế?
Hoàng hậu đáp:
– Này hiền khanh, ta chẳng nhận được gì của đức vua cả thì làm sao ta có thể ban tặng cho khanh được? Ðức vua có thể ban tặng cho ta thứ gì nào? Hồi chúng ta còn trong rừng, ngài đã một mìnhăn hết con tắc kè nướng.
– Tâu hoàng hậu, – Bồ-tát nói, – Có lẽ đức vua không làm như thế đâu, lệnh bà chớ nói về đức vua như thế.
Hoàng hậu đáp:
– Này khanh, sự việc này còn chưa rõ đối với khanh nhưng đã quá rõ đối với vua và ta.
Rồi hoàng hậu đọc bài kệ đầu:
Ngài cho tôi biết rõ ra
Ở trong rừng thẳm, trước kia, tâu ngài:
Tắc kè nướng bứt dây gai,
Từ cành đa nọ thoát ngay ấy mà.
Bên trong lớp áo vỏ dà,
Giáp dày, gươm sắc, tôi đà rõ soi.
Hoàng hậu bày tỏ lỗi lầm của vua như thế trước các triều thần. Bồ-tát nghe xong liền nói:
– Tâu hoàng hậu, từ khi đức vua không còn yêu lệnh bà nữa, tại sao bà còn tiếp tục sống nơi đây làm cho cả hai người phải phiền hà như thế?
Rồi ngài đọc hai bài kệ:
Ai trọng ta, ta thời xứng trọng,
Tỏ hảo tâm, hành động đáp đền;
Chẳng nên tốt với bọn hèn,
Kẻ nào tránh mặt, chẳng nên yêu vì.
Kẻ bỏ ta, ta thì bỏ hẳn,
Chớ yêu thương kẻ chẳng thương ta.
Như chim lìa bỏ cây khô,
Bay tìm trú xứ nơi xa trong rừng.
Khi nghe Bồ-tát nói, vua nhớ lại những đức hạnh của hoàng hậu, liền bảo:
– Này ái hậu, đã lâu ta không để ý đến đức hạnh của nàng, nhưng qua lời nói của bậc Hiền trí này, ta nhận biết các đức hạnh ấy. Hãy thứ lỗi cho ta. Trọn vương quốc này của ta, ta tặng riêng nàngđấy.
Rồi vua đọc bài kệ thứ tư:
Chức quyền cao quân vương có sẵn
Nên tỏ bày tình nặng nghĩa thâm,
Ta đem vương quốc tặng nàng
Hãy ban tặng phẩm cho hàng ái ưu.
Nói xong vua ban quyền lực tối cao cho hoàng hậu và tự nghĩ: “Chính nhờ người ấy mà ta nhớ lại các đức hạnh của nàng”. Vua cũng ban quyền cao cho vị Hiền trí ấy.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng và tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, cả hai vợ chồng ấy đều đắc quả Dự Lưu.
Và bậc Ðaọ Sư nhận diện Tiền thân:
– Hai vợ chồng trong chuyện ngày nay cũng chính là hai vợ chồng trong chuyện ngày xưa, còn Ta chính là vị Hiền trí.
-ooOoo-
Con bò đực vượt dòng đi lạc hướng …,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về việc khuyến dụ một ông vua. Câu chuyện khởi đầu sẽ được kể đây đủ trong số 521. Tiền thân Tesakuna. Nhưng ở đây, bậc Ðạo Sư dạy:
– Tâu Ðại Vương, các vị vua ngày xưa, khi được nghe những lời dạy của bậc hiền trí, đã trị vì rất công chính và đã đạt đến cõi trời.
Rồi theo yêu cầu của vua, Ngài kể một câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, ngài theo đuổi tất cả các học nghệ rồi ngài sống đời tu hành phát huy các Thắng trí và các Thiền chứng. Ngài trú trong một nơi tịnh lạc của dãy Tuyết Sơn, sống bằng trái và rễ cây rừng.
Lúc bấy giờ, vua rất mong muốn tìm ra các khuyết điểm của mình, liền đi khắp nơi xem ai có thể nêu ra các lỗi lầm của ngài chăng. Nhưng ngài không tìm được ai nói đến khuyết điểm của ngài cả; trong triều, ngoài triều cũng không; trong thành, ngoài thành cũng không nốt. Ngài nghĩ: “Tìm trong nước xem sao?”
Rồi ngài giả trang đi khắp nước nhưng cũng không tìm được ai nói tới khuyết điểm, chỉ nghe nói tới công hạnh của ngài. Vua lại nghĩ: “Ở vùng Tuyết Sơn thì sao?” Thế là vua vào rừng và lang thang đây đó cho đến khi gặp nơi ẩn dật của Bồ-tát. Nơi đây vua chào Bồ-tát, thân mật hỏi han ngài và ngồi xuống một bên. Bấy giờ Bồ-tát đang ăn mấy trái sung chín mà ngài đã mang từ trong rừng về. Sung ngon và ngọt như đường mịn. Bồ-tát nói với vua:
– Thưa Ðại vương, ngài hãy dùng trái sung này và uống một ít nước.
Vua theo lời, rồi hỏi Bồ-tát:
– Thưa Tôn giả, sao trái sung chín này ngọt quá đến như vậy?
Bồ-tát đáp:
-Thưa Ðại vương, vua hiện nay trị vì công chính, vì vậy trái sung này ngọt như thế đấy.
– Thưa Tôn giả, thế thì trong một đời vua bất chính, sung sẽ mất vị ngọt của nó chăng?
– Thưa Ðại vương, đúng thế. Trong các thời vua bất chính thì dầu, mật, đường v.v… ngay cả rễ cây, trái rừng cũng đều mất đi vị ngon ngọt của chúng. Chẳng những thế mà, toàn cả vương quốcđều trở nên dở dang, vô vị; nhưng khi những nhà lãnh đạo công chính thì những thứ này trở nên ngon ngọt thơm tho, và toàn thể vương quốc đầy vẻ thanh tao, và hương ngào ngạt.
Vua nói:
– Thưa Tôn giả, chắc hẳn là như thế.
Rồi chẳng để cho Bồ-tát biết rằng mình là vua, ngài chào Bồ-tát và quay về Ba-la-nại.
Ðể chứng nghiệm lời nói của vị ẩn sĩ, vua trị vì bất chính và tự nghĩ: “Ta sẽ biết rõ mọi việc đúng sai như thế nào?. Chỉ ít lâu sau, vua quay trở lại rừng, chào Bồ-tát và kính cẩn ngồi xuống một bên. Bồ-tát cũng nói đúng như những lời trước kia, và mời ngài ăn một trái sung chín, nhưng sung lại chát. Thấy sung chát, vua nhổ ra và nói:
– Thưa Tôn giả, sung chát quá!
Bồ-tát nói:
– Thưa Ðại vương, hẳn vua là kẻ bất chính, vì khi các người lãnh đạo bất chính thì mọi vật, khởiđầu từ các trái cây trong rừng, mất hết vị ngọt ngào thơm ngon của chúng.
Rồi ngài đọc bài kệ sau:
Con bò đực vượt dòng đi lạc hướng,
Ðàn cái theo, hàng ngũ rối tan tành.
Người cầm đầu theo các lối loanh quanh,
Dẫn bọn kém đến đường cùng hèn mạt,
Toàn vương quốc, hận một đời phóng dật.
Bò đực kia, nếu hướng dẫn thẳng đường,
Bầy cái theo sau nó sẽ ngay hàng.
Người cầm đầu, nếu theo đường công chính
Cả đám đông sẽ tránh điều bất hạnh
Khắp nước nhà sẽ hưởng lạc tịnh an.
Sau khi Bồ-tát trình bày về Chánh pháp, vua cho ngài biết rằng mình là vua, và nói:
– Thưa Tôn giả, trước đây chính do ta mà những trái sung được ngọt, rồi sau đó trở thành chát, nhưng nay ta sẽ làm cho chúng ngọt trở lại.
Rồi vua chào Bồ-tát và trở về, trị vì công chính, làm cho mọi sự trở lại trạng thái nguyên thủy của nó.
-ooOoo-
Chó rừng, coi chừng đấy…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về việc Ðề-bạt-đạt-đa bắt chước đức Phật. Tình tiết dẫn đến câu chuyện đã được kể ở phần trước (số 204). Ðây là bản tóm tắt.
Khi bậc Ðạo Sư hỏi Xá-lợi-phất rằng Ðề-bà-đạt-đa đã làm gì khi Trưởng lão đến gặp ông ta. Trưởng lão đáp:
– Bạch Thế Tôn, khi muốn bắt chước Ngài, ông ấy đặt một cái quạt vào tay con và nằm xuống rồi Kokàlika lấy đầu gối thúc vào ngực ông ta. Thế đấy, khi bắt chước Ngài, ông ta phải gặp nạn.
Bậc Ðạo Sư dạy
– Ðiều ấy trước đã xảy đến với Ðề-bà-đạt-đa rồi.
Rồi do yêu cầu của Trưởng lão, Ngài kể câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là một con Sư tử, trú tại một cái động trong dãy Tuyết Sơn. Một hôm, sau khi giết chết một con Bò và ăn thịt nó xong, Sư tử uống một ngụm nước rồi quay về hang. Một con Chó rừng trông thấy Sư tử và vì không thể chạy thoát được, nó nằm sấp xuống.
Sư tử hỏi:
– Này anh Chó rừng, anh làm gì thế?
Chó rừng đáp:
– Thưa ngài, tôi mong làm tôi tớ của ngài.
Sư tử nói:
– Ðược, hãy làm thế đi.
Rồi Sư tử dẫn nó về nơi mình ở, hàng ngày mang thịt về cho nó ăn. Chó rừng mập ra nhờ thịt vụn do Sư tử mang về.
Một hôm, cảm thấy niềm tự hào nổi lên trong mình, Chó rừng liền đến gần Sư tử và bảo:
– Thưa ngài, tôi là một vật chướng ngại cho ngài. Ngài cứ phải mang thịt về nuôi sống tôi mãi. Hôm nay, ngài hãy ở lại đây. Tôi sẽ đi giết một con voi và sau khi ăn no nê xong, tôi sẽ mang thịt về cho ngài.
– Này bạn Chó rừng, chớ nuôi ý nghĩ ấy. Bạn đâu có phát xuất từ một dòng giống giết voi mà ăn thịt? Voi chắc chắn là thân thể to lớn. Ðừng mang lấy điều gì trái với bản chất của bạn, hãy nghe lời ta đi.
Và Sư tử liền đọc bài kệ đầu:
Chó rừng, coi chừng đấy!
Ðôi ngà voi dài ấy.
Loài bạn bé tí hon
Khó có được một con
Dám đối mặt thú nọ
Oai hùng và đồ sộ.
Mặc dầu Sư tử can ngăn, Chó rừng vẫn ra khỏi hang. Hú lên ba lần tiếng hú của chó rừng. Nó nhìn xuống núi và trông thấy một con voi đang đi dưới ấy. Nó định nhảy xuống đầu voi, liền phóng lên, lộn nhào trên không rồi rớt xuống chân voi. Voi nhấc chân trước đạp vào đầu Chó rừng vỡ ra từng mảnh. Chó rừng nằm đó rên la. Voi rống lên và bỏ đi.
Bồ-tát đến và đứng trên đỉnh dốc thấy Chó rừng đã phải chuốc lấy cái chết như thế nào, liền tự bảo: “Chó rừng này bị giết vì quá tự phụ.”
Rồi ngài đọc ba bài kệ sau:
Chó rừng nọ mang oai Sư tử,
Ðã một lần toan cự voi kia.
Ngã nhào, ngực vỡ kêu la,
Mới hay tiếc đã vội ra đối đầu.
Ai thích đấu kẻ nào siêu đẳng
Sức mạnh kia nếu chẳng nhận ghi,
Sẽ đành chia xẻ tức thì
Chó rừng số phận sầu bi thế này.
Kẻ biết lượng sức tài mình có,
Biết e dè khi tỏ lời ra,
Sống tròn bổn phận đời ta,
Bao nhiêu cừu địch cũng là thắng thôi.
Bồ-tát đọc các bài kệ trên, tuyên thuyết những phận sự đúng đắn phải làm trong cõi đời này.
*
Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Ðề-bà-đạt-đa là con chó rừng, còn ta là con sư tử.
-ooOoo-
“Cỏ ” vẫn là tiếng ngài kêu mãi…,
Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một kẻ xảo quyệt.
Tình tiết đưa đến câu chuyện đã được kể trước đây.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là quan đại thần và là cố vấn của vua về thế sự và thánh sự. Vua Ba-la-nại mang một đạo quân lớn đi đánh vua Kosala, đến Xá-vệ và sau trận chiến, đã vào thành bắt vua Kosala làm tù nhân. Bấy giờ vua Kosala có một con trai là vương tử Chatta. Chàng giả trang thoát đi.
Ðến Takkasilà chàng học được ba bộ Vệ-đà và mười tám ngành văn học nghệ thuật. Thế rồi chàng rời Takkasilà và trong khi nghiên cứu cách ứng dụng các học nghệ, chàng đến một làng ở biênđịa. Ở một khu rừng gần đó có năm trăm ẩn sĩ sống trong các lều lá của họ. Vương tử đến với họ. Chàng mong mỏi học hỏi họ nên chàng cũng trở thành ẩn sĩ và sau đó chàng học được mọi kiến thức của họ. Chẳng bao lâu chàng trở thành người lãnh đạo của đám môn đệ ấy.
Một hôm chàng gọi các đạo hữu của chàng lại và nói:
– Này các hiền giả, tại sao các bạn không đi đến vùng trung tâm?
Họ bảo:
– Thưa Tôn giả, chúng tôi nghe nói vùng trung tâm là nơi những người khôn ngoan sống. Họ đặt cho mình những câu hỏi, họ khiến mình phải cảm ơn, phải chúc tụng và họ trách cứ những kẻ thô lậu. Vì thế chúng tôi không dám đến đó.
– Chớ sợ, chàng bảo – tôi sẽ lo các thứ ấy cho các bạn.
Họ bảo:
– Thế thì chúng tôi sẽ đi.
Rồi tất cả đều mang theo các vật dụng cần thiết để đi đường và đến Ba-la-nại.
Bấy giờ vua Ba-la-nại, sau khi chiếm lĩnh toàn thể vương quốc Kosala, đặt các viên chức tâm phúc ở lại làm quan cai trị, còn vua gom góp mọi tài sản quý giá rồi mang chiến lợi phẩm quay về Ba-la-nại. Vua bỏ đầy các vật quý giá kia trong các bình bằng sắt rồi đem chôn trong ngự viên và vẫn sống ở nơi ấy.
Các ẩn sĩ kia ngủ đêm ở trong ngự viên ấy, hôm sau vào thành khất thực, đến cổng cung điện. Vua rất thích cung cách của họ đến độ gọi họ vào và mời họ ngồi trên bệ, hỏi họ nhiều vấn đề như vậy, như vậy… Chatta chiếm được lòng vua nhờ chàng đáp được hết mọi câu hỏi của vua. Vua lại càng bằng lòng hơn nữa, và hứa cho tất cả được ở trong vườn cây của mình.
Bấy giờ, Chatta biết thần chú tìm ra kho tàng được chôn dấu. Trong lúc trú tại đó, chàng cứ tự nghĩ: “Ðâu là chỗ ông ấy có thể cất giấu tiền bạc của cha ta nhỉ?” Rồi đọc thần chú và kiếm tìm khắp nơi, chàng khám phá ra rằng của cải ấy được chôn trong vườn cây. Nghĩ rằng với tiền bạc ấy, chàng có thể khôi phục vương quốc của mình, chàng liền gọi các ẩn sĩ kia lại và bảo:
– Này các bằng hữu, tôi là con của vua Kosala. Khi vương quốc của chúng tôi bị vua Ba-la-nại chiếm, tôi đã giả trang trốn thoát và toàn mạng đến nay, giờ đây, tôi đã chiếm được tài sản thuộc về gia đình tôi. Với tài sản này, tôi sẽ khôi phục vương quốc của tôi. Các bạn định sẽ làm gì nào?
– Chúng tôi sẽ cùng đi với ngài. Họ đáp.
– Ðồng ý.
Chàng bảo, rồi sai làm những cái bao lớn bằng da. Ðêm đến, chàng đào lỗ ở khoảng đất kia và lấy các bình chứa tiền bạc lên. Chàng bỏ tiền vào các bao và lấy cỏ đựng đầy các bình kia. Chàng ra lệnh năm trăm đạo hữu cùng mang tiền bạc rồi chạy về Xá-vệ.
Nơi đây, chàng bắt hết các quan chức của vua và khôi phục vương quốc của chàng. Chàng xây thành, tháp canh và thực hiện nhiều công việc khác nữa. Chàng xây dựng một thành phố vững chắc chống lại cuộc tiến công của bất cứ một ông vua cừu địch nào, và chàng ở tại đó.
Vua Ba-la-nại nghe trình:
– Các nhà tu khổ hạnh đã lấy kho tàng trong vườn của ngài và chạy đi rồi.
Vua vào vườn, mở các bình ra và thấy chỉ có cỏ trong đó mà thôi. Vì mất kho báu, vua ngập tràn sầu muộn. Vua vào thành phố vừa lang thang khắp nơi vừa thì thầm: “Cỏ, cỏ”. Chẳng có ai có thể làm vơi nỗi sầu muộn của vua được.
Bồ-Tát tự nghĩ: “Vua đang gặp lúc quá khổ. Ngài cứ lang thang đây đó và nói nhảm mãi. Ngoài ta ra, không ai đủ sức để xua nỗi sầu muộn của ngài được. Ta sẽ giải thoát cho ngài khỏi cơn đau khổ.
Thế rồi, một hôm Bồ-Tát ngồi im lặng cùng với vua, khi vua bắt đầu nói nhảm, ngài đọc bài kệđầu:
“Cỏ” vẫn là tiếng ngài kêu mãi,
Kẻ nào giành cỏ ấy của ngài?
Ngài cần chi với cỏ vầy?
Tại sao ngài cứ lời này thốt ra?
Vua nghe Bồ-Tát nói thế liền trả lời bằng bài kệ thứ hai:
Chính đạo sĩ Chat-ta nổi tiếng.
Như thế này câu chuyện xảy ra;
Nó đem cỏ thế vàng ta,
Ta đây trách cứ riêng nhà nó thôi.
Nghe thế, Bồ-Tát đọc bài kệ thứ ba:
Bọn tinh ma vẫn noi đường lối:
“Cho ít thôi, nhưng đổi lấy nhiều”.
Của riêng phần nó mang theo,
Cỏ kia để lại, há điều khôn ngoan?
Nghe thế, vua đọc bài kệ thứ tư:
Ðức hạnh chẳng theo đàng lối nọ,
Ðức này dành cho lũ ngu si,
Ðức kia chắc hẳn đáng nghi,
Học theo cũng chẳng ích chi, hão huyền!
Khi vua trách cứ Chatta như vậy và nghe những lời ấy của Bồ-tát, vua liền thoát khỏi cơn sầu muộn và từ đó trị vì vương quốc của mình rất công chính.
*
Bậc Ðạo sư chấm dứt bài thuyết giảng và nhận diện tiền thân:
– Bấy giờ Tỷ-Kheo xảo quyệt kia là đạo sĩ Chatta, còn Ta là vị quan hiền trí nọ.
-ooOoo-
Ôi, tôi đã chẳng mời ngồi…,
Câu chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-Kheo.
Tương truyền ông ta từ vùng quê đến Kỳ Viên. Sau khi cởi bỏ y bát, ông đến đảnh lễ bậc Ðạo sư và hỏi các chú tiểu:
– Này các chú, ai chăm lo các Tỷ-Kheo ở nơi khác đến Xá-vệ?
Các chú tiểu đáp:
– Trưởng giả Cấp Cô độc và nữ đại cư sĩ Visàkhà trông nom cả Tăng đoàn thay thế bậc phụ mẫu của họ.
– Tốt lắm, ông ta nói như thế.
Và lờ mờ sáng hôm sau, trước hơn ai hết, ông đến nhà ông Cấp Cô Ðộc. Vì ông đến vào giờ không hơp lý nên chẳng có ai chăm sóc ông cả. Không nhận được thứ gì nơi đây, ông liền bỏ đi và đến nhà bà Visàkhà. Nơi đây, cũng vì đến quá sớm nên không nhận được gì cả. Sau khi quanh quất đó đây, ông trở lại và khi thấy cháo sữa đã hết, ông liền quay bỏ đi. Ông lại đi quanh quẩn đó đây, và khi trở về, thấy cơm đã hết, ông quay lại Tinh xá và bảo:
– Các Tỷ-Kheo ở đây nói rằng hai gia đình ấy thuộc những tín hữu thuần thành, nhưng thật ra cả hai đều chẳng tín thành và cũng chẳng là người mộ đạo.
Như thế ông cứ đi khắp nơi trách cứ hai gia đình ấy.
Vì vậy một hôm các Tỷ-Kheo bắt đầu bàn tán trong Pháp đường rằng Tỷ-Kheo ấy từ vùng quê đến cửa nhà của các gia trưởng kia lúc quá sớm, nên đã không nhận được các thứ cúng dường vàđi khắp nơi mắng nhiếc các gia đình ấy.
Bậc Ðạo sư đến và hỏi các Tỷ-Kheo đang ngồi bàn tán việc gì. Khi nghe kể lại, Ngài gọi Tỷ-Kheo kia đến và hỏi ông ta có thực như thế không. Tỷ-Kheo ấy nói:
– Bạch Thế tôn, thật như thế.
Bậc Ðạo sư dạy:
– Này Tỷ-Kheo, tại sao ông lại giận chứ? Ngày xưa, trước khi đức Phật xuất hiện trên thế gian này, khi các nhà tu khổ hạnh viếng thăm một gia đình mà không nhận được tặng vật, họ không hề tỏ ra tức giận.
Cũng với lời này, Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-Tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, ngài theo đuổi các học nghệ tại Takkasilà và sau đó ngài sống đời Phạm hạnh của một nhà tu ẩn dật. Sau khi sống một thời gian dài trong dãy tuyết Sơn, ngài đến Ba-la-nại để kiếm muối và giấm. Ngài trú trong một vườn cây và sáng hôm sau vào thành mà khất thực. Bấy giờ, có một thương gia ở Ba-la-nại là một tín hữu thuần thành. Bồ-Tát hỏi tìm một gia đình thành tín và khi nghe nói đến gia đình thương gia nọ, liền đến nhà ông ta. Bấy giờ vị thương gia đã đi bái kiến vua và người nhà của ông cũng chẳng có ai gặp ngài. Vì vậy ngài quay trở ra.
Sau đó thương gia ấy từ cung về trông thấy ngài, chào ngài rồi cầm lấy bình bát của ngài và mời vào nhà. Nơi đây ông mời ngài ngồi và chăm sóc ngài, rửa và xức dầu thơm đôi bàn chân ngài, mang cơm, bánh và các thức ăn khác ra mời. Trong lúc ngài dùng bữa, ông hỏi ngài điều này, điều nọ.
– Thưa Tôn giả, mọi khách lạ đến nhà chúng tôi, dù là hành khất, đạo sĩ hay Bà-la-môn, đều chẳng bao giờ phải ra đi mà không nhận những tặng vật biểu lộ sự cung tôn. Thế mà hôm nay người của chúng tôi lại không trông thấy ngài, khiến ngài phải ra đi mà không được dâng chỗ ngồi, nước uống, không được rửa chân, không được dâng cơm, cháo để ngài dùng. Ðấy là lỗi của chúng tôi. Xin ngài tha thứ cho chúng tôi về điều ấy.
Rồi ông đọc bài kệ đầu:
Ôi, tôi đã chẳng mời ngồi,
Chẳng mang nước uống, chẳng mời ngài ăn.
Tôi đây thú thật tội phần.
Cầu xin Tôn giả một lần thứ tha.
Bồ-Tát nghe thế liền đọc bài kệ thứ hai:
Thứ tha tôi có chi mà!
Tôi nào cảm thấy phiền hà gì đâu!
Lần kia, một ý thoáng mau:
“Người đây, thói tục phần nào lạ xa”.
Vị thương gia nghe xong, liền trả lời bằng hai bài kệ nữa:
Thói tục từ lâu đời
Truyền tận đến chúng tôi
Mỗi lần khác lạ đến
Ân cần vẫn đón mời.
Chỗ khách ngồi, mời mọc,
Cung cấp thứ khách cần,
Mang nước đến rửa chân,
Ðãi khách như thân tộc.
Bồ-Tát ở lại nơi ấy ít ngày, giảng dạy cho vị thương gia thành Ba-la-nại về bổn phận của mình. Sau đó ngài lui vào dãy Tuyết sơn. Nơi đây, ngài phát huy các Thắng trí và các Thiền chứng.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng và tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, vị Tỷ-Kheo kia Ðắc quả Dự Lưu và Ngài nhận diện Tiền thân.
– Bấy giờ, Ànanda là vị thương gia ở Ba-la-nại, còn Ta là vị ẩn sĩ nọ.
PHẨM BỐN BÀI KỆ (tt)
Giác quan nhạy, chuột kia tinh xảo…,
Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Trúc Lâm về thái tử Ajàtasattu (A-xà-thế).
Trong thời gian mang thai thái tử, con gái vua Kosala thường xuyên thèm khát uống máu ở đầu gối của chồng bà là vua Bimbisàra (Tàn-bà-sa-la). Bị các phu nhân hầu cận hỏi, bà kể rõ sự việc ấy cho họ nghe. Vua cũng nghe được, liền gọi các chiêm tinh gia của ngài đến và nói:
– Hoàng hậu bị ám ảnh bởi nỗi khát khao như thế, như thế. Kết quả sẽ ra sao?
Họ đáp:
– Ðứa bé nằm trong bào thai sẽ giết ngài và chiếm lấy vương quốc của ngài.
Vua nói:
– Nếu con trai có giết ta và chiếm vương quốc của ta thì đâu có tai hại gì?
Rồi ngài lấy gươm khoét đầu gối bên phải của ngài cho máu chảy vào trong một cái dĩa bằng vàng và trao cho hoàng hậu uống. Bà tự nghĩ: “Nếu đứa con trai do ta sinh ra sẽ giết cha nó thì làm sao ta yêu thương nó được?” Thế là bà muốn trục thai ra. Vua nghe được liền gọi bà đến hỏi:
– Này ái hậu, họ nói rằng con trai ta sẽ giết ta và chiếm lấy vương quốc của ta. Nhưng ta đâu có thoát được tuổi già và cái chết? Hãy chịu cho ta thấy mặt con ta. Từ nay, đừng làm như thế nữa.
Thế nhưng hoàng hậu vẫn đi vào vườn cây mà làm như trước. Vua nghe liền cấm hoàng hậu vào vườn. Khi đủ ngày đủ tháng, bà sinh ra một đứa con trai. Vào ngày lễ đặt tên, vì đứa bé đã là kẻ thù của cha nó từ khi chưa ra đời nên nó được đặt tên là A-xà-thế. Nó lớn lên giữa cuộc sống vương giả.
Một hôm, bậc Ðạo Sư cùng với năm trăm Tỷ-Kheo đến cung điện vua và ngồi xuống. Chúng Tỷ-Kheo cùng đức Phật được vua đãi thức ăn ngon, gồm cả loại cứng và loại mềm. Sau khi đảnh lễ bậc Ðạo sư, vua ngồi xuống nghe Ngài thuyết pháp. Bấy giờ thái tử bé bỏng kia được ăn mặc đẹp đẽ và được mang đến cho vua. Vua bày tỏ tình cảm nồng nàn đón tiếp đứa bé, đặt nó lên đùi, vuốt ve nó với tình thương yêu tự nhiên của một người cha đối với con. Thế là vua không còn nghe Pháp nữa. Bậc Ðạo sư thấy vua lơ đãng liền bảo:
– Tâu Ðại Vương, ngày xưa, khi các vị vua ngờ vực các con trai của mình, đã bắt giữ riêng chúng ở một nơi kín đáo và ra lệnh rằng khi nào họ chết đi thì chúng mới được mang về và lên nối ngôi.
Rồi do yêu cầu của vua, Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-Tát là một giáo sư nổi tiếng ở Takkasilà, dạy các học nghệ cho nhiều vương tử trẻ và nhiều con cái của các Bà-la-môn.
Bấy giờ, con trai của vua Ba-la-nại lúc được mười sáu tuổi đã đến học với ngài. Sau khi tinh thông ba tập Vệ-đà và đủ mọi ngành văn học nghệ thuật, chàng từ giã thầy ra về. Do đặc tài tiên tri, vị giáo sư nhìn chàng và nghĩ: “Người này sẽ gặp nguy hiểm vì đứa con trai. Bằng thần lực, ta sẽ giải thoát cho chàng thoát khỏi họa ấy”.
Giáo sư sáng tác bốn bài kệ, trao cho hoàng tử và dặn:
– Con ơi, sau khi con lên ngôi vua, khi con trai của con lên mười sáu tuổi, con hãy đọc bài kệ thứ hai trong buổi đại yến tiệc, đọc bài thứ ba ngay đầu tầng trên cùng khi con lên mái điện và đọc bài thứ tư ngay ở ngưỡng cửa lúc con vào vương phòng.
Thái tử rất hài lòng nghe lời thầy. Chàng từ giã giáo sư ra đi.
Sau một thời gian làm phó vương, khi vua cha mất, chàng lên nối ngôi. Con trai của vua khi lên mười sáu tuổi, nhân lúc vua đang dạo chơi trong vườn cây, nhận thấy cảnh cha mình cao sang, quyền lực bèn tha thiết muốn giết vua để chiếm lấy vương quốc của ngài. Chàng tỏ ý ấy cùng các quan hầu cận mình. Họ bảo:
– Thưa Ðiện hạ, đạt được quyền lực khi người ta đã già rồi thì có tốt lành gì đâu? Bằng cách này hay cách nọ, ngài phải giết đức vua để chiếm lấy vương quốc cho riêng ngài.
Thái tử nói:
– Ta sẽ giết vua bằng cách bỏ thuốc độc vào thức ăn của ngài.
Rồi chàng lấy thuốc độc và ngồi ăn cơm tối với vua cha. Khi cơm được dọn ra bát, vua đọc bài kệ đầu:
Giác quan nhạy, chuột kia tinh xảo,
Trong phần cơm, nhận thấu rõ ra:
Tránh ăn nhiều vỏ trấu kia,
Lựa cơm từng hạt để mà ăn thôi.
“Ta bị lộ tẩy rồi”, thái tử nghĩ thế và không dám bỏ thuốc độc vào bát cơm. Chàng đứng dậy cúi mình chào vua và đi ra. Chàng kể lại cho các vị hầu cận của chàng:
– Hôm nay ta bị lộ rồi, ta sẽ làm sao mà giết vua đây?
Từ đó, họ vào nằm ẩn trong vườn cây, bàn bạc thì thầm với nhau:
– Còn một cách nữa, trong buổi đại tiệc, ngài hãy mang gươm, đứng lẫn giữa các quan, rồi khi thấy đức vua rời khỏi cận vệ thì ngài phải lấy gươm đâm vua một phát và giết chết vua.
Họ sắp đặt nhứ thế, thái tử sẵn sàng chấp thuận. Trong buổi đại tiệc, chàng mang gươm vào, xê dịch từ chỗ này đến chỗ khác để tìm dịp mà đâm vua. Bấy giờ, vua đọc bài kệ thứ hai:
Chuyện bí mật ở trong rừng đó,
Chính ta đây hiểu rõ còn chi!
Trong làng, mưu định thầm thì,
Bao nhiêu cũng đã rõ ghi tai này.
Thái tử nghĩ: “Cha ta biết ta là kẻ địch của ngài rồi”. Chàng liền bỏ chạy và kể lại cho các vị cận thần nghe. Sau một thời gian bảy, tám ngày, họ bảo:
– Thưa Ðiện hạ, đó là ngài chỉ tưởng tượng ra trong trí ngài như thế chứ cha ngài không biết ngài toan tính gì đâu. Hãy giết đức vua đi.
Thế rồi một hôm chàng cầm gươm đứng trong căn phòng của vua ở trên cùng các bậc cầu thang. Vua đứng trên đầu cầu thang đọc bài kệ thứ ba:
Con khỉ nọ ra tay một bận,
Làm những điều tán tận ác nguy.
Khi con bé bỏng biết chi,
Sức kia há đủ để bì được chăng?
Thái tử nghĩ: “Cha ta muốn bắt ta”. Quá sợ hãi, chàng phóng chạy đi và kể lại cho đám người hầu cận là chàng đã bị cha hăm dọa. Nửa tháng sau, họ lại bảo:
– Thưa Ðiện hạ, nếu đức vua biết điều này, ngài đã không để quá lâu như thế. Tất cả là do trí tưởng tượng của ngài khởi ra đấy. Hãy giết vua đi.
Thế là một hôm, chàng lại cầm gươm vào vương phòng ở trên tầng cao của cung điện và chui nằm dưới giường, định chờ vua đến mà giết ngay. Vua dùng cơm tối xong, đuổi người hầu đi để vào phòng nằm. Khi ngang ngưỡng của phòng, ngài đọc bài kệ thứ tư:
Ngươi thận trọng trườn thân, giống với
Dê chột kia, đồng cải lạc bầy,
Ngươi đang ẩn nấp dưới đây.
Là ai, ta cũng biết ngay cả rồi!
Thái tử nghĩ: “Cha ta đã nhận ra ta rồi. Bây giờ ngài định sẽ giết ta đây”. Quá sợ hãi chàng chui ra khỏi giường, ném gươm dưới chân vua và nói:
– Xin phụ vương tha thứ cho con.
Và chàng nằm mọp trước vua cha. Vua phán:
– Ngươi tưởng rằng không ai biết ngươi toan tính gì ư?
Sau khi quở trách thái tử, vua ra lệnh xích chàng lại, bỏ vào ngục và cho người canh gác cẩn thận. Rồi vua suy tưởng về các đức hạnh của Bồ-Tát. Về sau, ngài băng hà. Khi người ta làm lễ an táng ngài xong, họ đưa thái tử ra khỏi ngục và tôn lên làm vua.
*
Ðến đây bậc Ðạo sư chấm dứt bài thuyết giảng và nói:
– Thế đấy, tâu Ðại vương, các vua chúa ngày xưa đã nghi ngờ trong những trường hợp nghi ngờ là đúng.
Và Ngài nêu sự kiện này nhưng vua cũng không lưu ý đến lời Ngài. Rồi bậc Ðạo sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vị giáo sư nổi danh ở Takkasilà chính là Ta.
-ooOoo-
Trước khi Công có chỏm…,
Chuyện này do bậc Ðạo sư kể tại Kỳ Viên về một số ngoại đạo sư mất các lợi dưỡng và vinh dự mà họ đã có. Các ngoại đạo sư này vốn nhận được lợi dưỡng và cung tôn nhưng đến khi đức Phật ra đời thì họ không còn được như thế nữa. Họ trở nên giống như những con đom đóm giữa lúc bình minh.
Các Tỷ-Kheo bàn luận về số phận của họ trong Pháp đường. Bậc Ðạo sư đến và hỏi các Tỷ-Kheođang họp nhau bàn tán vấn đề gì. Khi nghe họ thuật lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng thế, trước khi những ngưới có đức hạnh xuất hiện, những kẻ vô danh đạt được lợi dưỡng và cung tôn cao nhất; nhưng đến khi những người có đức hạnh xuất hiện thì những kẻ vô hạnh mất lợi dưỡng và cung tôn.
Rồi Ngài kể một chuyện ngày xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-Tát sinh ra là một con Công. Khi lớn lên, ngài rất xinh đẹp và sống trong một khu rừng nọ. Bấy giờ có một số thương gia đến Bàveru mang theo trên tàu một con quạ lạ. Vào thời ấy, không có chim chóc nào ở Bàveru cả. Những người sinh trưởng ở xứ Bàveru thỉnh thoảng đến và thấy con chim này đậu trên chóp cột buồm. Họ bảo:
– Hãy để ý đến màu da của con chim này. Hãy nhìn cái mồm ở cuối cổ họng nó, đôi mắt giống như hai viên ngọc của nó.
Họ ca ngợi con Quạ như thế và nói với các thương gia ấy:
– Này các ông, hãy cho chúng tôi con chim này đi. Chúng tôi cần nó, các ông có thể kiếm được một con khác trong xứ các ông.
Các thương gia bảo:
– Thế thì hãy theo giá cả mà lấy nó đi.
Họ bảo:
– Hãy bán nó cho chúng tôi với giá một đồng nhé!
Các thương gia trả lời:
– Chúng tôi không bán nói với giá ấy đâu!
Rồi cứ tăng dần giá tiền, những người kia bảo:
– Hãy bán cho chúng tôi với giá một trăm đồng.
Các thương gia nói:
– Con chim này rất lợi ích cho chúng tôi, nhưng thôi hãy tạo tình bằng hữu giữa chúng ta vậy.
Và họ bán nó với giá một trăm đồng tiền.
Những người dân địa phương ấy nhận lấy con Quạ và bỏ nó vào trong một cái lồng vàng, cho nóăn đủ thứ, cá, thịt, trái cây rừng. Ở một nơi không có chim, một con quạ có mười đặc tính xấu lại được lợi dưỡng và trọng vọng cao nhất. Lần kế, những thương gia kia lại đến vương quốc Bàveru họ mang theo một con Công chúa mà họ dạy nó kêu lên khi họ búng ngón tay và nhảy múa khi họ vỗ tay. Khi đám đông tu tập lại, con Công đứng ở phần trước chiếc tàu, vỗ cánh kêu lên thật êm ái và nhảy múa. Mọi người trông thấy nó rất thích thú, và họ bảo:
– Con vương điểu này thật đẹp và được khéo dạy quá. Hãy cho chúng tôi đi.
Các thương gia nói tiếp:
– Lần đầu, chúng tôi mang đến một con Quạ, các ông đã lấy nó đi. Lần này, chúng tôi mang đến con Công chúa này, các ông cũng đòi lấy nữa. Thiệt là không thể đến mà nêu tên bất cứ con chim nào tại xứ của các ông nữa!
Họ nói:
– Thưa các ông, hãy vui lòng cho chúng tôi con chim này và hãy kiếm một con khác trong xứ của các ông.
Sau khi tăng mãi giá lên, cuối cùng họ mua được con Công chúa với giá một ngàn đồng. Họ bỏ nó vào trong một cái lồng được trang hoàng bằng bảy viên ngọc, cho nó ăn cá, thịt và trái cây rừng, cũng như mật, bắp chiên, nước đường v.v… con Công chúa đã tiếp nhận được lợi dưỡng và trọng vọng cao nhất. Từ khi con Công đến, con Quạ không còn được lợi dưỡng và trọng vọng nữa. Chẳng còn ai muốn nhìn tới nó nữa. Quạ không còn được đồ ăn loại cứng và loại mềm nữa, “quạ, quạ” rồi bay đi, đậu trên một đống phân.
*
Bậc Ðạo sư liên kết hai câu chuyện và với trí tuệ Toàn hảo, Ngài đọc các bài kệ sau đây:
Trước khi công có chỏm
Xuất hiện ở nơi đây.
Quạ được thịt, trái cây,
Làm quà cung dâng đến.
Giọng ngọt ngào trìu mến,
Công đến Bà-ve-ru,
Quạ liền bị khước từ,
Lợi dưỡng và danh vọng.
Người ta rất kính trọng
Nhiều đạo sĩ tu hành.
Ðến khi Phật khai minh
Ánh hào quang chân lý.
Khi với giọng từ ái,
Ðức Phật thuyết pháp ra;
Ngoại đạo bị người ta
Tước đi mọi danh lợi.
Sau khi đọc bốn bài kệ này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:
– Bấy giờ đạo sĩ Kỳ-na Nàthaputta là con Quạ, còn Ta là con Công chúa.
-ooOoo-
Vi-say-ha, xưa người ban tặng…,
Chuyện này do bậc Ðạo sư kể tại Kỳ Viên về Trưởng giả Cấp Cô Ðộc. Trường hợp dẫn đến câu chuyện đã được kể rõ trong số 40. Tiền thân Khadiragàra. Ở đây, bậc Ðạo sư gọi cư sĩ Cấp Cô Ðộc và bảo:
– Này cư sĩ, các bậc hiền trí ngày xưa vẫn cứ bố thí, không nghe lời khuyên bảo của Thiên Chủ Ðế thích, vua cõi trời, khi Thiên chủ đứng trên không vừa cố can ngăn họ vừa nói: Ðừng bố thí.
Rồi do yêu cầu của Trưởng giả, bậc Ðạo sư kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở xứ Ba-la-nại, Bồ-Tát là một đại thương gia, tên là Visayha, tài sản tới tám trăm triệu đồng. Có đầy đủ Năm đức hạnh, ngài rất rộng rãi về tiền bạc và ưa thích bố thí. Ngài cho xây các nhà bố thí tại bốn cổng thành, ở trung tâm thành phố và trước nhà riêng của ngài. Ở tại sáu nơi này, ngài đều đích thân đi đến bố thí, và mỗi ngày sáu trăm ngàn người đến xin. Thức ăn của Bồ-Tát và thức ăn của các hành khất đều cùng một thứ y như nhau.
Ngài đã làm rung động nhân dân khắp nước Ấn Ðộ vì các tặng phẩm của ngài, nên trú xứ của Thiên Chủ đế thích bị rung chuyển vì kết quả phi thường do lòng bác ái của ngài và chiếc ngai vàng bằng hoàng thạch của vị Thiên đế ấy đã nóng lên.
Ðế-thích kêu lên:
– Ta chẳng biết ai muốn làm ta rời khỏi chỗ ngồi của ta ở trên trời thế này?
Thiên chủ nhìn quanh ngài, thấy vị đại thương gia ấy và tự nghĩ: “Visayha này bố thí và vì phân phát tặng phẩm ở khắp nơi nên làm rung động toàn cả nước Ấn Ðộ. Bằng cách bố thí, không chừng y sẽ hạ bệ ta và tự trở thành Ðế Thích đấy. Ta sẽ tiêu hủy của cải y, sẽ làm y thành một kẻ nghèo và do đó sẽ khiến y không thể tiếp tục bố thí nữa được”.
Thế là Ðế thích làm cho dầu, đường, mật… cả kho chứa thóc cũng như các nô lệ, người làm côngđều biến mất. Những người bị mất các tặng phẩm do Trưởng giả bố thí đến nói với ông.
– Thưa ngài, nhà bố thí đã biến mất ở khắp nơi, chúng tôi không tìm thấy thứ gì do ngài cung cấp.
Vị trưởng giả nói:
– Từ nay hãy lấy tiền vậy. Ðừng bỏ mất sự bố thí.
Rồi ông gọi vợ, bảo hãy giữ trọn lòng từ thiện. Bà tìm khắp nhà mà cũng không thấy được một đồng lẻ nào. Bà nói:
– Thưa ông, ngoài quần áo chúng ta đang mặc, tôi chẳng thấy gì nữa cả. Toàn cả nhà đều trống rỗng.
Mở bảy kho ngọc ra, họ cũng không tìm thấy được gì. Chẳng còn thấy ai cứu giúp vợ chồng vị thương gia cả, nô lệ cũng không, người làm cũng không nốt. Bồ-Tát lại bảo vợ:
– Bà ơi, chúng ta không thể dứt bỏ nhiều việc từ thiện của chúng ta. Bà hãy kiểm khắp nhà cho đến khi bà tìm được một thứ gì đó.
Bấy giờ, một người cắt cỏ ném liềm hái, đòn và dây thừng bó cỏ trong phòng và chạy. Bà vợ của phú ông tìm thấy các thứ ấy và bảo:
– Ông ơi, đây là tất cả các thứ tôi tìm thấy được.
Rồi bà mang trao chúng cho ông. Bồ-Tát nói:
– Bà ơi, suốt mấy năm nay tôi không hề cắt cỏ, nhưng hôm nay tôi sẽ cắt cỏ mang đi bán và nhờđó sẽ chi tiêu vào việc bố thí thích đáng.
Vì sợ sẽ phải ngừng việc từ thiện, vị thương gia cầm lấy liềm hái, đòn và dây thừng rời khỏi thành phố, đến một nơi có nhiều cỏ và cắt, bó cỏ lại thành hai bó và tự bảo: “Một bó là của gia đình ta, còn bó kia ta sẽ dùng cho việc bố thí”.
Ông mang cỏ vào đòn, gánh đi bán ở cổng thành và nhận được hai đồng tiền nhỏ. Ông liền cho các hành khất phân nửa số tiền. Lúc ấy, có nhiều hành khất và họ cứ kêu xin:
– Hãy cho chúng tôi với.
Thế là ông cho luôn phần tiền còn lại và ngày hôm sau ông cùng với vợ phải nhịn đói. Cứ như thế, sáu ngày trôi qua. Sang đến ngày thứ bảy, trong khi ông đang nhặt cỏ, vì ông vốn đã mảnh mai lại phải chịu đói trong suốt bảy ngày, mặt trời chiếu nóng trên trán ông khiến mắt ông đảo lộn trong đầu, ông bất tỉnh ngã xuống, làm vung cả cỏ. Quan sát việc Visayha làm, Ðế Thích rất cảm động. Ngay lúc ấy, Thiên chủ hiện đến, đứng trên không và đọc bài kệ đầu:
Vi-say-ha, xưa người ban tặng,
Bố thí nhiều, mất hẳn giàu sang.
Nay giữ mình, chớ trao ban
Niềm vui bền vững, người hằng sống luôn.
Bồ-Tát nghe những lời ấy, liền hỏi:
– Ngài là ai thế?
Thiên chủ nói:
– Ta là Ðế Thích
Bồ-Tát bảo:
– Chính Ðế Thích đã bố thí, hành trì những bổn phận đạo đức của mình, nhờ giữ gìn các ngày trai giới, làm tròn bảy hạnh nguyện nên đạt ngôi vị Ðế Thích. Thế mà nay lại ngăn cấm việc bố thí đã tạo ra sự cao cả của chính ngài đây. Như vậy quả thực ngài đã phạm vào một hành vi không xứng đáng rồi.
Nói thế xong, ngài đọc ba bài kệ sau đây:
Thế không đúng – đời thường vẫn bảo:
Hành vi hèn làm xấu cho danh.
Ðấng nghìn mắt, hãy ngó ngàng
Cho tôi khỏi lỗi, dù đang khổ sầu.
Xin chớ để bao nhiêu của cải
Tôi chi tiêu, ngu dại, phóng cuồng
Chìm vào dục lạc, hư danh
Chỉ xin như trước, thêm phần phúc may.
Theo xe xưa, xe nay vững tiến,
Còn sống đây, tôi vẫn trao ban
Dù đang cảnh khổ tôi mang,
Ý tôi cao thượng xin đừng cản ngăn.
Ðế thích không thể nào khiến cho Bồ-Tát ngưng bỏ ý định của ngài được, liền hỏi tại sao ngài bố thí. Ngài đáp:
– Tôi không ham muốn trở thành Ðế Thích, thành Phạm thiên, mà chính là mong tìm Giác ngộ.
Nghe nói thế, Ðế thích tỏ vẻ hân hoan, lấy tay vuốt ve lưng Bồ-Tát. Ngay lúc được hưởng ân huệ ấy, toàn thân Bồ-Tát tràn ngập cả niềm vui. Do năng lực siêu phàm của Ðế Thích, toàn bộ tài sản của ngài trở lại với ngài. Ðế Thích bảo:
– Này đại thương gia, từ nay ngài hãy cứ bố thí, phân phát mỗi ngày một triệu hai trăm ngàn phần.
Sau khi tạo cho nhà Bồ-Tát tài sản vô lượng, Ðế thích từ giã ngài và đi thẳng về trú xứ riêng của mình.
*
Bậc Ðạo sư chấm dứt bài thuyết giảng và nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, mẹ của La-hầu-la là vợ của vị thương gia, còn Ta chính là Visayha.
-ooOoo-
Câu chuyện Tiền thân này sẽ được kể đầy đủ trong số 536. Tiền thân Kunàla.
-ooOoo-
Ta từ nước, cá ơi…,
Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi ngài trú tại Trúc Lâm về cách Ðề-bà-đạt-đa định giết đức Phật. Tình tiết dẫn đến câu chuyện đã được kể chi tiết trước đây.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-Tát sinh ra là một con khỉ ở vùng Tuyết sơn. Khi lớn lên ngài sống trong sông Hằng.
Bấy giờ, một con cá sấu cái sống trong sông Hằng, rất khao khát được ăn trái tim của Bồ-Tát, liền ngỏ ý với chồng. Cá sấu đực tự nghĩ: “Ta sẽ giết con khỉ bằng cách nhận chìm nó xuống nước rồi lấy trái tim cho vợ ta”.
Vì vậy nó đến nói với Bồ-Tát:
– Này bạn, chúng ta hãy đi ăn trái cây rừng trên một hòn đảo kia.
– Làm sao mà tôi đến đó được? Bồ-Tát nói.
– Tôi sẽ đặt bạn trên lưng tôi và mang bạn đến đó.
Cá sấu trả lời. Bồ-Tát không biết ý định của cá Sấu, liền nhảy lên ngồi trên lưng nó. Cá sấu sau khi bơi một đoạn ngắn, liền bắt đầu lặn xuống. Khỉ bảo:
– Này ông, sao ông nhận chìm tôi xuống nước thế?
Cá sấu nói:
– Ta sắp giết ngươi và cho vợ ta trái tim của ngươi.
Bồ-Tát nói:
– Hỡi ông bạn khờ khạo, bộ ông tưởng rằng trái tim của tôi ở bên trong tôi đấy à?
– Thế thì ngươi để nó ở đâu?
– Ông không thấy nó đang treo ở cây sung đằng kia ư?
– Ta thấy rồi, Cá sấu đáp. Nhưng ngươi có chịu cho ta không?
– Vâng, chịu chứ. Khỉ đáp.
Thế là cá sấu thật là ngu, mang khỉ và bơi đến gốc cây sung trên bờ sông. Bồ-Tát phóng khỏi lưng cá sấu và đứng trên cây sung và đọc các bài kệ:
Ta từ nước, cá ơi!
Lên tới đất khô này,
Há chỉ để sau tốt
Rơi vào thế lực ngươi?
Mít, hồng đào đó kìa,
Khi ta đã chán ra,
Sung đây ta nên hái,
Hơn trái xoài đằng xa.
Kẻ nào gặp dịp tốt
Mà chẳng vươn lên được,
Dưới chân kẻ nghịch thù,
Thảm thương nằm lạy lục.
Kẻ nào biết ngay liền
Nỗi nguy biến phần mình,
Không hề bị uy hiếp.
Trước kẻ nghịch cường quyền.
Bồ-Tát đọc bốn bài kệ trên về sự thành công trong các việc đời, rồi liền ngay đó vụt biến vào đám cây rậm.
*
Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, bậc Bồ-Tát nhận diện tiền thân.
– Bấy giờ Ðề-bà-đạt-đa là con cá Sấu, còn ta là con Khỉ.
-ooOoo-
Lâu nay tôi giúp đỡ nhà này…,
Chuyện này do bậc Ðạo sư kể tại Kỳ Viên về một con hạc sống trong cung vua xứ Kosala.
Tương truyền con hạc mái này mang thư tín cho vua, nó có hai con nhỏ. Vua sai hạc mang thư đến cho một ông vua nọ. Khi hạc đi xa, hai nam tử trong vương gia lấy tay bóp chết hai hạc con. Hạc mẹ trở về không thấy hai con, liền hỏi ai đã giết con nó. Người ta kể lại sự việc như vậy.
Bấy giờ trong cung vua có nuôi con hổ dã man, dữ dằn, bị cột bằng dây xích rất chắc. Hai cậu bé kia đến coi hổ, con hạc đi theo và tự nghĩ: “Hai con nhỏ của ta bị hai đứa bé này giết, vậy ta sẽ thanh toán chúng”. Rồi nó nắm lấy hai cậu bé ném vào chân con hổ. Hổ gầm gừ một tiếng rồi nhai trọn cả hai. Hạc tự hỏi: “Thế là ta được thỏa lòng mong ước”. Rồi hạc bay lên không, thẳng tới dãy Tuyết Sơn.
Các Tỷ-Kheo nghe chuyện ấy, bắt đầu bàn tán trong Pháp đường:
– Này các Hiền giả, nghe nói một con hạc kia trong điện vua đã ném hai cậu bé vào một con hổ vì hai cậu bé này đã giết chết hai con nhỏ của nó; và sau khi đã gây cái chết cho chúng, hạc bỏ đi.
Bậc Ðạo sư đến và hỏi các Tỷ-Kheo đang bàn tán chuyện gì. Rồi Ngài dạy:
– Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng thế, con hạc ấy đã mang lại cái chết cho những kẻ đã giết con nó.
Và liền đó, Ngài kể lại một câu chuyện ngày xưa.
*
Ngày xưa, Bồ-Tát ở Ba-la-nại trị vì vương quốc của ngài rất công chính. Một con Hạc nọ ở trong điện của ngài, thường mang thư tín cho ngài. Câu chuyện xảy ra y như ở trên. Ðiểm đặc biệt ở đây là sau khi con Hạc để cho con hổ giết chết các cậu bé, liền tự nghĩ: “Ta không thể ở đây mà. Ta sẽ ra đi, nhưng dù ta bỏ đi, ta cũng sẽ không ra đi mà không nói với đức vua. Nói với vua xong, ta sẽ bỏ đi”. Vì vậy nó đến ngồi gần vua, vái chào và đứng xa xa một tí rồi thưa:
– Tâu Ðại vương, chính ngài bất cẩn mà các hoàng tử đã giết các con nhỏ của tôi và vì quá căm giận tôi đã khiến cho họ chết để báo thù. Bây giờ tôi không thể sống ở đây nữa.
Rồi nó đọc bài kệ đầu:
Lâu nay tôi giúp đỡ nhà này
Như chính nhà tôi – được trọng thay,
Nhưng chính vì ngài làm thế đấy.
Bây giờ tôi phải bỏ đi ngay.
Vua nghe thế liền đọc bài kệ thứ hai:
Người ta thanh toán nỗi cừu oan,
Hại nọ, hại này phải xứng cân,
Thù hận thế là nên dẹp bỏ,
Hạc hiền, hãy ở lại, ta van.
Nghe thế, hạc đọc bài kệ thứ ba:
Kẻ bị hại cùng người tác hại.
Không bao giờ hòa hợp như xưa
Tâu vua chớ giữ tôi đây nữa,
Thôi nhé, tôi đây đến chốn xa.
Vua nghe xong liền đọc bài kệ thứ tư:
Nếu họ khôn ngoan chẳng dại khờ,
Có cơ sống an ổn, hài hòa,
Kẻ gây hại với người mang hại,
Này hạc hiền ơi, ở lại mà.
Chim Hạc nói:
– Tâu Ðại vương, sự việc đã như vậy, tôi không thể ở lại nữa.
Rồi nó chào vua, bay lên không và về thẳng dãy Tuyết Sơn.
*
Bậc Ðạo sư chấm dứt bài thuyết giảng và nhận diện Tiền thân.
– Con hạc trong chuyện cổ là con hạc ngày nay, còn vua Ba-la-nại chính là Ta.
-ooOoo-
Cô nào đã ăn xoài ngài đó…,
Chuyện này do bậc Ðạo sư kể tại Kỳ Viên về một ông già trông coi các trái xoài.
Tương truyền khi đã già, ông trở thành một nhà tu khổ hạnh, dựng một túp lều lá trong một vườn xoài ở ngoại ô Kỳ Viên. Chẳng những ông chỉ ăn trái xoài chín từ trên cây rụng xuống mà cònđem cho bà con của ông nữa. Trong khi ông bận đi khất thực, một bọn trộm đến hái xoài của ông xuống, ăn một số rồi mang theo một số còn lại. Bấy giờ có bốn cô gái của một thương gia giàu có kia, sau khi tắm ở sông Aciravati về, lang thang đây đó lạc vào trong vườn xoài ấy. Tu sĩ già kia trở về, thấy các cô ở đó liền buộc tội rằng các cô đã ăn xoài của ông.
– Thưa ngài họ bảo- chúng tôi vừa mới đến, chúng tôi không ăn xoài của ngài.
– Vậy các cô hãy thề đi, ông ấy nói.
– Thưa ngài, chúng tôi sẽ thề. Họ bảo thế và nói lời thề.
Tu sĩ già ấy làm nhục họ bằng cách khiến họ phải thề như thế rồi để cho họ đi.
Các Tỷ-Kheo nghe ông ấy làm như vậy, bắt đầu bàn tán trong Pháp đường rằng ông già ấy đã buộc các cô gái của một thương gia phải thề khi các cô vào trong vườn xoài mà ông ở, và sau khi làm họ phải hổ thẹn bằng cách bắt họ thề, ông ta đã để cho họ đi.
Bậc Ðạo sư đến và hỏi các Tỷ-Kheo đang bàn tán về việc gì. Nghe thuật xong, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng thế, ông già ấy đã trông coi xoài, đã khiến các cô gài của một phú thương phải nói lời thề, ông ta để họ đi.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-Tát là thiên chủ Ðế thích. Bấy giờ có một vị khổ hạnh xảo quyệt dựng một túp lều lá để trú ẩn trong vườn xoài trên một bờ sông gần Ba-la-nại. Ông ta trông giữ xoài cho các đồng bạn của ông. Ông trú ở đó và kiếm sống bằng nhiều cách dối gạt khác nhau.
Bấy giờ Ðế Thích, vua cõi trời, tự nghĩ: “Ta muốn biết ai trong cõi người đã phụng dưỡng cha mẹ, cung kính đối với các bậc trưởng thượng trong gia đình, bố thí, giữ giới hạnh và hành trì các ngày trai giới? Những ai trong bọn họ sau khi đã sống đời tu hành, vẫn tiếp tục tận tụy làm các bổn phận xứng đáng với người tu? Những ai trong đám tu hành ấy lại cón phạm ác hạnh?”
Quan sát thế gian, nhìn thấy nhà tu ác hạnh này đang trông giữ vườn xoài của ông, Thiên chủ bảo: “Vị khổ hạnh giả mạo này bỏ bê các bổn phận của một tu sĩ như tinh tấn để thiền định phát sinh v.v… mà lại cứ trông giữ một vườn xoài. Ta sẽ đe dọa cho lão sợ mới được”. Thế là khi nhà tu hành kia vào làng khất thực, Ðế thích dùng thần lực làm rụng xoài xuống và làm như thể xoài bị bọn trộm vơ vét ấy.
Bấy giờ có bốn cô gái con một thương gia ở Ba-la-nại vào vườn, tu sĩ giả mạo kia trông thấy liền chận lại và hỏi:
– Các cô đã ăn xoài của ta.
Họ nói:
– Thưa ngài, chúng tôi vừa mới đến. Chúng tôi không ăn xoài của ngài đâu!
– Vậy thì hãy thề đi. Ông ta nói.
Họ hỏi:
– Thề xong, chúng tôi được phép đi chứ?
– Chắc chắn là như thế.
– Tốt lắm, thưa ngài. Họ nói.
Rồi cô lớn nhất trong bọn tuyên thệ bằng bài kệ đầu:
Cô nào đã ăn xoài ngài đó
Sẽ gặp chồng thô lỗ cục cằn,
Râu lông xoắn xám, xảo giảm,
Tóc kia từng lọn uốn quăn trên đầu.
Vị khổ hạnh bảo:
– Cô hãy đứng sang một bên.
Rồi ông bảo cô con gái thứ hai của thương gia nêu lời thề. Cô này đọc bài kệ thứ hai:
Hãy cho cô trộm cây xoài ấy,
Kiếm mãi chồng chẳng thấy ai ra.
Mười ba, mười chín tuổi qua,
Ba mươi gần đến biết là làm sao.
Cô này sau khi nêu lời liền đứng sang một bên, cô thứ ba đọc bài kệ thứ ba:
Kẻ nào đã vào ăn xoài ngọt
Sẽ cô đơn khổ nhọc lên đường,
Ðến nơi hò hẹn muộn màng,
Sầu đau khi thấy tình lang đi rồi!
Thế rồi cô đứng sang một bên. Cô gái thứ tư đọc bài kệ thứ tư:
Cô nào đã làm hư cây hết,
Mặc đồ xinh, đầu kết hoa cài.
Dầu chiên-đàn vẫn xức hoài,
Nhưng giường kia vẫn miệt mài gái tân!
Nhà tu nói:
– Các cô đã thề bồi rất trang trọng, hẳn là những kẻ khác đã ăn xoài chứ không phải các cô. Bây giờ các cô hãy đi đi.
Nói thế xong, ông ta cho họ ra đi. Lúc ấy Ðế Thích liền hiện ra một hình hài hung tợn đuổi nhà tu hành giả mạo kia ra khỏi nơi ấy.
*
Sau khi thuyết giảng xong bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, nhà tu sĩ giả mạo kia là ông già trông coi vườn xoài. Bốn cô gái của thương gia cũng chính là các cô gái này, còn ta là Thiên chủ Đế thích.
-ooOoo-
Một khi lửa cháy lan rừng…,
Chuyện này do bậc Ðạo sư kể tại Kỳ Viên về một Tỷ-Kheo lười biếng.
Nghe nói ông ta là một người thuộc dòng cao quí và sống ở Xá-vệ. Sau khi đã nhất tâm theo Giáo pháp và thọ giới, ông lại trở nên lười biếng. Ðối với việc học đạo, thuyết pháp, thiền định, đi khất thực thuộc bổn phận của tu sĩ, ông ta đã không thực hiện đầy đủ, bị tội lỗi tấn công trấn áp và người ta luôn luôn trông thấy ông ở các chỗ nghĩ chân công cộng.
Các Tỷ-Kheo bàn tán tính lười biếng của ông trong Pháp đường:
– Này các Hiền hữu, người ấy sau khi thọ giới trong một Giáo pháp cao vời dẫn đến giải thoát lại tiếp tục lười biếng, giải đãi và bị tội lỗi tấn công trấn áp.
Bậc Ðạo sư đến và hỏi các Tỷ-Kheo họp lại bàn tán việc gì. Khi nghe thuật chuyện xong, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ bây giờ mà từ xưa kia, ông ấy cũng đã lười biếng.
Rồi Ngài kể một câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-Tát là quan đại thần được trọng vọng của vua. Nhà vua có khuynh hướng lười biếng và Bồ-Tát đang tìm mọi cách để vua tỉnh ngộ.
Một hôm, vua vào trong vườn cây cùng với quan đại thần của mình và trong lúc đang dạo chơi, vua trông thấy một con Rùa lười biếng. Người ta bảo rằng những con vật biếng nhác như con này, dù di chuyển suốt cả ngày, cũng chỉ nhích đi được một hai phân mà thôi.
Vua trông thấy nó bèn hỏi:
– Này bạn, con vật ấy tên gì thế?
Bồ-Tát trả lời:
– Tâu Ðại vương, đây là một con Rùa; nó quá lười chậm đến nỗi dù nó di chuyển suốt cả ngày cũng chỉ dịch được một hai phân mà thôi.
Rồi ngài gọi con Rùa và nói:
– Này anh Rùa, bộ dáng anh thật chậm chạp. Giả như có hỏa hoạn phát sinh trong rừng thì anh làm gì đây?
Rồi ngài liền đọc bài kệ đầu:
Một khi lửa cháy lan rừng,
Phải rời đi tránh con đường khói sau,
Hỡi anh Lệt-bệt, làm sao
Tìm ra cho được cách nào an thân?
Rùa nghe thế liền đọc bài kệ thứ hai:
Nơi nào cũng lắm lỗ hang,
Cây nào cũng nứt ra từng hốc kia.
Ðấy đều chỗ trú ấy mà,
Nếu không tìm được đành là chết luôn!
Bồ-tát nghe xong liền đọc hai bài kệ tiếp:
Ai hấp tấp khi cần nghĩ lại,
Và chậm lâu khi phải thực nhanh
Sẽ làm tiêu phúc mong manh,
Như cành lá nọ dưới chân đạp đầy.
Nhưng hễ ai chờ ngay đúng lúc,
Thực hành không hấp tấp vội vàng,
Làm tròn mục đích mình mang,
Như vần trăng vẫn trọn đường nó đi.
Vua nghe các lời này của Bồ-tát, từ đó không còn biếng nhác nữa.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng rồi nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Tỷ-kheo biếng nhác kia là con Rùa, còn Ta là vị hiền trí nọ.
-ooOoo-
Ngài vừa sống cùng hàng vương giả…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về sự đãi ngộ của tình bằng hữu.
Trong nhà của Trưởng giả Cấp Cô Ðộc luôn luôn có năm trăm Tỷ-kheo được cấp dưỡng. Ngôi nhà thường vẫn giống như là một chỗ nghỉ ngơi dành cho chúng Tỷ-kheo rực rỡ màu sắc của các y vàng và ngào ngạt hương thơm thánh thiện.
Một hôm vua tham dự một cuộc diễn hành quanh thành phố, trông thấy chúng Tỷ-kheo trong nhà của Trưởng giả liền tự nghĩ: “Ta sẽ cúng dường đều đặn cho hội chúng Thánh nhân này”. Vua đến Tinh xá và sau khi đảnh lễ bậc Ðạo Sư, liền đặt vấn đề cúng dường thường trực cho năm trăm Tỷ-kheo. Từ đó trong cung vua luôn luôn có cuộc bố thí, thức ăn hảo hạng, cơm gạo thơm tho, nhưng lại chẳng có ai tự tay trao tặng vật với vẻ trìu mến thương yêu. Các vị quan cứ việc phân phát thức ăn và các Tỷ-kheo cũng chẳng muốn ngồi đó để ăn, mà lại lấy các thức ăn ngon đủ loại rồi mỗi vị đến từng nhà thủ hộ riêng của mình, cho họ các thức ăn ấy và ăn các thức ăn do chủ nhà dọn cho, không kể đạm bạc hay cao sang gì cả.
Một hôm người ta mang đến dâng cho vua nhiều trái cây rừng. Vua bảo:
– Hãy mang cho hội chúng các Tỷ-kheo.
Họ mang trái đến phạn đường và trở về tâu vua:
– Không có một Tỷ-kheo nào ở đó.
– Sao? Chưa đúng giờ thọ thực ư? Vua hỏi.
– Tâu, đúng giờ đấy ạ, – họ đáp – nhưng các Tỷ-kheo lấy thức ăn ở đây rồi mang đến nhà các thị giả trung tín của các vị, và cho họ thức ăn, còn chính các vị ấy dùng bất cứ thức ăn gì được dọn ra, không kể đạm bạc hay cao sang gì cả.
Vua bảo:
– Thức ăn của ta thì cao sang. Thế mà tại sao trên đời này có người nhận lấy thức ăn từ chúng ta để rồi ăn thức khác?
Ròi vua tự nghĩ: “Ta sẽ hỏi bậc Ðạo Sư”.
Rồi vua đến Tinh xá và hỏi Ngài.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Thức ăn tốt nhất là thức ăn được cho với tình yêu thương. Vì thiếu những người tạo mối thân tình bằng cách bố thí với niềm yêu thương nên các Tỷ-kheo đã lấy thức ăn ở đó và mang đến ăn tại các nhà thân hữu của họ. Tâu Ðại vương, không có vị ngọt nào bằng vị ngọt của tình thương. Thứ gì được cho mà không tình thương thì dù nó gồm bốn thứ ngon ngọt cũng không xứng bằng gạo rừng được cho với tình thương. Các giá trị ngày xưa, khi họ bị bệnh dù vua cùng với năm gia đình ngự y chữa trị thuốc men, nếu bệnh vẫn không giảm, thì họ đến với các bằng hữu thân tình. Rồi nhờ ăn cháo gạo rừng và hạt cỏ không có muối, và ngay cả rau cũng không muối, chỉ đổ nước vào thôi, thế mà họ được lành bệnh.
Nói xong, do yêu cầu của mọi người, bậc Ðạo Sư kể một câu chuyện ngày xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn tại vương quốc Kàsi, người ta gọi ngài là Nam tử Kappa. Khi lớn lên, ngài hoàn tất mọi học nghệ tại Takkasilà và sau đó sống đời tu hành.
Bấy giờ có một nhà tu khổ hạnh tên là Kesava được năm trăm nhà tu hành khác theo hầu, rồi trở thành sư trưởng của một đám môn đệ và trú trong dãy Tuyết Sơn. Bồ-tát đến với ông rồi trở nên môn trưởng của năm trăm đồ đệ, trú tại đó và tỏ ra trìu mến thương yêu Kesava. Sau đó hai người trở nên đôi tri kỷ.
Chẳng bao lâu, Kesava cùng với các nhà tu hành ấy đến Ba-la-nại để kiếm muối, giấm và trú trong vườn cây của vua. Hôm sau họ vào thành và đến cổng cung vua. Vua trông thấy đoàn tu sĩ liền mời họ dùng bữa tại cung vua, hứa hẹn với họ, cho họ ở trong vườn cây của vua. Thế rồi khi mùa mưa chấm dứt, Kesava từ giã nhà vua. Vua bảo:
– Thưa Trưởng lão, ngài đã già rồi, ngài nên ở gần chúng tôi và để các tu sĩ trẻ kia về Tuyết Sơn.
Kesava chấp thuận bảo đoàn tu sĩ cùng người trưởng môn về Tuyết Sơn và trú ở đó với các tu sĩ kia. Kesava đau khổ vì bị tách khỏi hội chúng của Kappa, ông cứ mong mỏi gặp Kappa nên không ngủ được. Vì mất ngủ, ông ăn không tiêu, ông bị chứng đi tiêu ra máu đau đớn vô cùng. Nhà vua cùng năm gia đình ngự y săn sóc vị ẩn sĩ, nhưng bệnh của ông không bớt được. Vị ẩn sĩ hỏi vua:
– Tâu Ðại vương, ngài muốn tôi chết đi hay lành bệnh?
Vua đáp:
– Thưa, tôi muốn ngài được lành bệnh.
– Thế thì hãy cho tôi về dãy Tuyết Sơn. Ông nói.
– Vâng, vua đáp.
Rồi vua sai một đại thần tên gọi Nàrada, bảo ông ta đi cùng với một số thợ rừng đưa vị tu sĩ ấy về Tuyết Sơn. Nàrada đưa Kesava đến đó rồi quay về. Kesava chỉ mới trông thấy Kappa, tâm bệnh của ông liền dứt và nỗi khổ đau lắng xuống ngay. Thế rồi Kappa dâng cho ông cháo nấu bằng hạt cỏ và gạo rừng trộn chung với rau rồi đổ nước vào. Không muối, không gia vị, ngay lúc dùng thứ ấy, bệnh kiết lỵ của ông thuyên giảm liền.
Vua lại gọi Nàrada đến và bảo:
– Hãy đi hỏi thăm tin tức của ẩn sĩ Kesava.
Nàrada đến nơi, thấy Kesava đã lành bệnh liền bảo:
– Thưa Trưởng lão, đức vua Ba-la-nại cùng với năm gia đình ngự y chữa trị ngài mà vẫn không thể chữa lành bệnh của ngài. Kappa đã chữa trị ngài như thế nào vậy? Rồi ông đọc bài kệ đầu:
Ngài vừa sống cùng hàng vương giả
Vua sẵn lòng cho thỏa nguyện ngài
Lều Kap-pa có gì hay
Ke-sa-va phải nơi đây lui về?
Kesava nghe thấy liền đọc bài kệ thứ hai:
Mọi thứ đây, tràn trề yêu mến,
Nà-ra-da, yêu đến cả cây
Lời Kap-pa, hỷ lạc đầy
Dâng lên âm hưởng vui vầy lòng ta.
Sau lời ấy, Kesava lại nói:
– Kappa muốn làm cho ta hài lòng, đã cho ta ăn cháo nấu bằng hạt cỏ và gạo rừng trộn với rau rồi thêm nước vào, không có muối, gia vị và nhờ thế bệnh tật của thân ta được ngăn chận và ta đã lành hẳn.
Nàrada nghe thế liền đọc bài kệ thứ ba:
Quen gạo tinh nấu pha với thịt,
Món nhạt kia, ngài biết sao ăn?
Làm sao hạt cỏ, gạo hoang,
Ngài chia xẻ được với đoàn ẩn tu?
Nghe xong, Kesava liền đọc bài kệ thứ tư:
Thức ăn có thể là ngon, dở,
Chỉ ít ỏi hay có rất nhiều;
Nhưng ăn đầy đủ thương yêu,
Thương yêu, nước chấm tuyệt chiêu được tìm.
Nàrada nghe thế liền quay về kể cho vua nghe:
– Kesava nói như thế, như thế…
*
Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, bậc Ðạo Sư nhận Tiền thân:
– Bấy giờ, vua là Ànanda, Nàrada là Sàriputta, Kesava là Bakabrahmà, và Kappa chính là Ta vậy.
-ooOoo-
Tại sao giữa không trung ngươi đang đứng…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về bổn phận phải hành thiện đối với mọi người.
Trường hợp dẫn đến câu chuyện đã được kể trong số 469. Tiền thân Mahàkanha.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là con của chánh hoàng hậu. Khi lớn lên, ngài học đủ các học nghệ và khi vua cha mất, ngài được tôn lên ngôi và trị vì vương quốc rất công chính.
Bấy giờ người ta rất sùng kính các thần linh, thường giết nhiều dê, cừu v.v… để tế thần. Bồ-tát cho đánh trống tuyên bố:
– Không được giết hại sinh vật nào cả.
Bọn quỷ Yakkha (Dạ-xoa) mất các tế vật rất căm giận Bồ-tát, liền rủ nhau họp lại trong dãy Tuyết Sơn rồi sai một quỷ Yakkha hung ác đi giết Bồ-tát. Nó cầm một khối sắt sáng loáng to bằng cái vòm nhà và ngay sau lúc nửa đêm, nó đến đứng đầu giường Bồ-tát để đập chết ngài. Ngay lúc ấy, ngai của Ðế Thích nóng lên. Sau khi quan sát, Thiên chủ biết được nguyên nhân, liền cầm lưỡi tầm sét của mình đứng phía trên quỷ Yakkha kia. Bồ-tát thấy quỷ ấy liền nghĩ: “Sao nó lại đứng đây nhỉ? Ðấy là nó muốn bảo vệ ta hay muốn giết ta?”
Bồ-tát nghĩ như thế rồi đọc bài kệ đầu:
Tại sao giữa không trung, ngươi đang đứng
Hỡi Dạ-xoa, chày sắt lớn trên tay,
Phải chăng ngươi ngăn kẻ hại ta đây,
Hay chính lúc ta bị ngươi làm hại?
Bấy giờ Bồ-tát chỉ trông thấy quỷ Yakkha mà không trông thấy Ðế Thích nên không dám đập Bồ-tát.
Nghe Bồ-tát bảo thế, con quỷ nói:
– Tâu Ðại vương, không phải tôi đứng đây để canh giữ ngài, tôi định đập ngài bằng khối sắt sáng ngời này nhưng vì sợ Ðế Thích nên tôi không dám đập.
Ðể giải thích ý mình, con quỷ đọc bài kệ thứ hai:
Là sứ giả của các thần La-sát
Hiện ra đây, tôi nhằm giết ngài thôi,
Chày không vung đập xuống được đầu ngài,
Vì đầu ấy, chính Ind-ra bảo vệ.
Nghe thế, Bồ-tát đọc thêm hai bài kệ nữa:
Nếu Ind-ra là Su-jà Chúa tể
Ðấng Ðại vương, Thiên chủ đoái giúp ta,
Dù xé trời, yêu quỷ thét gầm la,
Cũng chẳng đủ sức làm ta sợ hãi.
Hãy để bọn ma bùn, yêu tinh ấy
Mặc sức mà xàm bậy nói lung tung
Bọn chúng đâu đủ sức sánh ngang cùng
Khi có cuộc đối đầu rất nghiêm trọng!
Thế rồi Ðế Thích đuổi Dạ-xoa chạy. Thiên chủ khích lệ Bồ-tát và nói:
– Ðại vương đừng sợ, Từ nay chúng ta sẽ bảo vệ ngài. Ðừng sợ.
Nói xong, Thiên chủ quay thẳng về trú xứ của mình.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng ở đây rồi nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Anuruddha (A-na-luật-đà) là Ðế Thích, còn Ta là vua Ba-la-nại.
-ooOoo-
Mối nghi này, thưa cha, xin giải tỏa…,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một cô gái thô tục quyến rủ một chàng trai.
Tình tiết đưa đến câu chuyện sẽ được kể trong số 477. Tiền thân Cullànàradakassapa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi ngài lớn lên và hoàn tất các học nghệ ở Takkasilã thì vợ ngài mất, ngài sống đời tu hành và cùng với con trai vào trú trong dãy Tuyết Sơn.
Tại đó, ngài để con ở lại lều lá và đi hái lượm mọi thứ trái rừng. Bấy giờ có một bọn cướp phá một ngôi làng ở biên địa rồi bỏ đi, mang theo nhiều tù nhân. Một cô gái kia chạy trốn vào túp lều ấy. Thế rồi nàng ta quyến rủ chàng trai, làm hư đức hạnh của chàng. Nàng hỏi:
– Này chúng ta hãy cùng đi với nhau!
Chàng đáp:
– Hãy chờ cha tôi trở về đã. Gặp ngài xong, tôi sẽ đi với cô.
Nàng nói:
– Ðược rồi, sau khi gặp ngài xong, hãy đến em nhé.
Rồi nàng ra ngồi chính giữa đường. Khi cha chàng trở về, ẩn giả trẻ tuổi kia đọc bài kệ đầu:
Mối nghi này, thưa cha xin giải tỏa
Nếu từ rừng, con lạc tới làng kia,
Người tông môn, hay trường phái đâu là,
Con phải chọn để kết giao làm bạn?
Người cha muốn căn dặn con, liền đọc ba bài kệ đây:
Kẻ được con yêu mến,
Ðem tâm tình trao đến,
Là kẻ tin lời con,
Nhẫn nhịn con trọn vẹn.
Ai tư tưởng, lời nói,
Hành vi không phạm lỗi,
Con hãy chọn người này,
Làm bạn lòng mãi mãi.
Với người hay thay đổi,
Như loài khỉ lông bông,
Thà chịu phận cô đơn,
Ðừng hướng về kẻ ấy.
Nghe thế, ẩn giả trẻ tuổi liền nói:
– Thưa cha, làm sao con có thể tìm thấy một người có những đức tính ấy được. Con sẽ không đi nữa. Con chỉ sống cùng cha mà thôi.
Nói xong chàng quay lại. Thế rồi cha chàng dạy cho chàng những pháp môn làm phát triển thiền định. Cả hai cha con không hề xa rời niềm an lạc thiền đạo và được sanh vào cõi Phạm thiên.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng và nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, chàng trai và cô gái này cũng chính là chàng trai và cô gái của chuyện trên kia. Vị ẩn giả ấy chính là Ta vậy.
-ooOoo-
Cặp này chẳng có gì chung…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về giới luật dành cho sự gièm pha.
Hồi ấy bậc Ðạo Sư nghe rằng nhóm Sáu Tỷ-kheo ấy cứ gom góp những chuyện nói xấu, liền gọi họ đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông gom góp những chuyện nói xấu của một số bằng hữu có tính hay gây gổ, cãi cọ, tranh chấp nhau, và vì vậy những tranh cãi đáng lẽ không xảy ra đã xảy ra và khi đã xảy ra thì những tranh cãi ấy lại có xu hướng lớn lên chăng?
Họ đáp:
– Thật như thế.
Ngài quở rầy họ và dạy:
– Lời nói gièm pha cũng giống như một nhát gươm nhọn đâm. Tình bằng hữu bền vững chóng đổ vỡ vì sự nói xấu và kẻ nào gièm pha có thể bị bạn hữu ghét giận giống như trường hợp con sư tử và con bò mộng.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện đời xưa
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là con vua. Ngài hoàn tất mọi học nghệ ở Takkasilà, và sau khi vua cha mất, ngài lên nối ngôi và trị vì rất công chính.
Bấy giờ có người giữ bò kia chăn dắt bầy bò ở các chuồng trong rừng, khi quay về nhà, ông ta vô ý để lạc ra sau một con bò cái đang có chửa. Giữa con bò cái ấy và con sư tử cái kia phát sinh một tình bạn bền vững. Khi đã trở thành đôi bạn thân thiết, chúng thường đi chung với nhau.
Thế rồi sau một thời gian, bò cái sinh ra một con bê và sư tử sinh ra một con sư tử con. Hai chú thú nhỏ mới sinh này theo xu hướng của gia đình trở nên đôi bạn thân thiết, đi đâu không rời nhau.
Một người thợ rừng thường mang các lâm sản đến Ba-la-nại để dâng vua. Một hôm vua hỏi ông ta:
– Này bạn, bạn có thấy điều gì kỳ diệu khác thường không?
Ông đáp:
– Tâu Ðại vương, tôi chẳng thấy điều gì kỳ diệu ngoài một con sư tử đực và một con bò mộng đi với nhau rất thân ái.
Vua bảo:
– Nếu có một con vật thứ ba xuất hiện thì sẽ xảy ra tác hại ngay. Nếu bạn thấy hai con vật ấy liên kết với một con thứ ba thì hãy đến đây bảo cho ta hay.
Ông ấy đáp:
– Tâu Ðại vương, chắc chắn tôi sẽ theo lời ngài.
Khi người thợ rừng rời Ba-la-nại, một con chó rừng đến phục vụ sư tử và bò mộng kia. Ông ta trở về rừng và thấy thế liền tự nhủ: “Ta sẽ báo với đức vua rằng con vật thứ ba đã xuất hiện”.
Rồi ông đến thành phố. Bấy giờ con chó rừng tự nghĩ: “Ta chẳng có thịt nào để ăn ngoài thịt sư tử và bò. Bằng cách gây bất hòa giữa hai con vật này, ta sẽ được ăn thịt chúng…”
Rồi nó nói:
– Tên kia nói về ông thế này này….
Thế là chó rừng chia rẽ hai con vật kia ra, rồi nó gây ra một cuộc tranh cãi khiến sư tử và bò đi đến tình trạng đấu nhau trí mạng.
Người thợ rừng đến tâu vua:
– Tâu Ðại vương, con vật thứ ba đã đến.
Vua hỏi:
– Con gì thế?
– Tâu Ðại vương, một chó rừng.
Vua nói:
– Nó sẽ khiến cho hai con kia tranh cãi và làm cho chúng chết. Khi chúng ta đến nơi sẽ thấy chúng chết rồi!
Nói xong, vua lên xe, đi theo con đường mà người thợ rừng đã đi. Ngài đến nơi đúng lúc hai con vật gây gổ nhau, giết chết nhau. Chó rừng khoái chí, khi thì ăn thịt con sư tử, khi thì ăn thịt con bò mộng. Khi thấy cả hai con đều chết, vua vẫn đứng trên xe, gọi người đánh xe và đọc các bài kệđây:
Cặp này chẳng có gì chung
Vợ con, ăn uống, chẳng cùng xẻ chia.
Nhưng kìa, lời nói gièm pha
Như gươm hai lưỡi thật là bén thay.
Xảo gian thủ thuật khéo bày
Phân chia bằng hữu lâu ngày kết thân.
Thú kia hèn kém nhất trần
Nhưng bò, sư tử phải thành mồi ngon:
Bạn lòng cũng sẽ khổ buồn
Như đôi thú nọ một tuồng mà thôi;
Nếu như tai cố nghe lời
Khiêu khích to nhỏ của người gièm pha.
Gièm pha vốn vẫn chia xa
Những người bằng hữu thật là thiết thân.
Gièm pha nếu chẳng quan tâm,
Sẽ như tiên ở thiên đàng vinh quang.
Vua đọc các bài kệ trên xong liền nhặt lấy bờm, da, móng, răng của con sư tử rồi quay thẳng về thành.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng và nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Ta là vị vua nọ.
-ooOoo-
Chuyện này sẽ được kể trong số 546. Tiền thân Mahà-Ummagga.
Giới luật trang nghiêm dòng Thích Nữ
Hương từ phát nguyện độ quần sanh.
***
MỤC LỤC
[01] PHẨM DALHA |
151. Chuyện Lời Giáo Giới Cho Vua (Tiền Thân Ràjovàda) 152. Chuyện Con Cho Rừng (Tiền Thân Sigàla) 153. Chuyện Con Heo Rừng (Tiền Thân Sùkara) 154. Chuyện Con Rắn (Tiền Thân Uraga) 155. Chuyện Nhảy Mũi (Tiền Thân Gagga) 156. Chuyện Hoàng Tử Có Tâm Thâu Phục (Tiền Thân Alìnacitta) 157. Chuyện Công Đức (Tiền Thân Guna) 158. Chuyện Con Ngựa Suhanu (Tiền Thân Suhanu) 159. Chuyện Con Công (Tiền Thân Mora) 160. Chuyện Con Ngỗng Xanh Sẫm (Tiền Thân Vinìlaka) |
[02] PHẨM SANTAHAVA |
161. Chuyện Ẩn Sĩ Indasamànagotta (Tiền Thân Indasamànagotta) 162. Chuyện Mối Thâm Giao (Tiền Thân Santhava) 163. Chuyện Vua Susìma (Tiền Thân Susìma) 164. Chuyện Chim Diều Hâu (Tiền Thân Gijjha) 165. Chuyện Con Chuột Rừng (Tiền Thân Nakula) 166. Chuyện Bà-La-Môn Upasàlha (Tiền Thân Upasàlha) 167. Chuyện Trưởng Lão Samiddhi (Tiền Thân Samiddhi) 168. Chuyện Chim Diều Hâu (Tiền Thân Sakunagghi) 169. Chuyện Đạo Sư Araka (Tiền Thân Araka) 170. Chuyện Con Kỳ Nhông (Tiền Thân Kakantaka) |
[03] PHẨM THIỆN PHÁP |
171. Chuyện Thiện Pháp (Tiền Thân Kalyàna Dhamma) 172. Chuyện Núi Daddara (Tiền Thân Daddara) 173. Chuyện Con Vượn (Tiền Thân Makkata) 174. Chuyện Con Vượn Lừa Dối (Tiền Thân Dubhidamakkata) 175. Chuyện Đảnh Lễ Mặt Trời (Tiền Thân Àdiccupatthàma) 176. Chuyện Một Nắm Đậu (Tiền Thân Kalàya – Mutthi) 177. Chuyện Cây Tinduka (Tiền Thân Tinduka) 178. Chuyện Con Rùa (Tiền Thân Kacchapa) 179. Chuyện Bà-La-Môn Satadhamma (Tiền Thân Satadhamma) 180. Chuyện Khó Cho (Tiền Thân Duddada) |
[04] PHẨM ASADISA |
181. Chuyện Hoàng Tử Vô Địch (Tiền Thân Asadisa) 182. Chuyện Con Voi Thiện Chiến (Tiền Thân Sangàmàvacara) 183. Chuyện Đồ Tàn Thực (Tiền Thân Vàlodakka) 184. Chuyện Người Luyện Ngựa Giridanta (Tiền Thân Giridanta) 185. Chuyện Tâm Bất Tịnh (Tiền Thân Anabhirati) 186. Chuyện Vua Mang Sữa Đông (Tiền Thân Dadhivàhana) 187. Chuyện Bốn Vẻ Đẹp (Tiền Thân Cantumatta) 188. Chuyện Sư Tử Lai Chó Rừng (Tiền Thân Sìhakottuka) 189. Chuyện Tấm Da Sư Tử (Tiền Thân Sìhacamma) 190. Chuyện Giữ Giới (Tiền Thân Sìlànisamsa) |
[05] PHẨM RUHAKA |
191. Chuyện Tế Sư Ruhaka (Tiền Thân Ruhaka) 192. Chuyện Thiên Nữ Siri Và Kàlakanni (Tiền Thân Sirikàlakanni) 193. Chuyện Hoàng Tử Liên-Hoa (Tiền Thân Cullapaduma) 194. Chuyện Kẻ Trộm Ngọc (Tiền Thân Manicora) 195. Chuyện Hòn Núi Đẹp (Tiền Thân Pabbatupatthara) 196. Chuyện Con Ngựa Bay (Tiền Thân Valàhassa) 197. Chuyện Bạn – Thù (Tiền Thân Mittàmitta) 198. Chuyện Con Vẹt Ràdha (Tiền Thân Ràdha) 199. Chuyện Người Gia Chủ (Tiền Thân Gahapati) 200. Chuyện Giới Hạnh Tốt Lành (Tiền Thân Sàdhusìla) |
[06] PHẨM NATAMDAIHA |
201. Chuyện Nhà Tù Trói Buộc (Tiền Thân Bandhanàgara) 202. Chuyện Tánh Nghịch Ngợm (Tiền Thân Kilisìla) 203. Chuyện Tu Tập Từ Tâm (Tiền Thân Khandha -Vatta) 204. Chuyện Con Quạ Viraka (Tiền Thân Viraka) 205. Chuyện Cá Sông Hằng (Tiền Thân Gangeyya) 206. Chuyện Con Nai Núi (Tiền Thân Kurungamiga) 207. Chuyện Vua Assaka (Tiền Thân Assaka) 208. Chuyện Con Cá Sấu (Tiền Thân Sumsumara) 209. Chuyện Con Chim Mồi (Tiền Thân Kakkara) 210. Chuyện Con Chim Gõ Mõ (Tiền Thân Kandagalaka) |
[07] PHẨM BIRANATTHAMBAHAKA (Ðám cỏ thơm) |
211. Chuyện Chàng Trai Somadatta (Tiền Thân Somadatta) 212. Chuyện Thức Ăn Thừa (Tiền Thân Uchitthabhatta) 213. Chuyện Vua Bharu (Tiền Thân Bharu) 214. Chuyện Con Sông Đầy (Tiền Thân Punna-Nadi) 215. Chuyện Con Rùa (Tiền Thân Kachapa) 216. Chuyện Con Cá (Tiền Thân Maccha) 217. Chuyện Người Bán Rau (Tiền Thân Seggu) 218. Chuyện Người Lái Buôn Lừa Đảo (Tiền Thân Kùtavànija) 219. Chuyện Đáng Chỉ Trích (Tiền Thân Garahita) 220. Chuyện Tế Sư Dhammadhaja (Tiền Thân Dhammaddhaja) |
[08] PHẨM KÀSÀVA |
221. Chuyện Tấm Y Vàng (Tiền Thân Kàsàva) 222. Chuyện Con Khỉ Cùllanandiya (Tiền Thân Cùllanandiya) 223. Chuyện Thức Ăn Đi Đường (Tiền Thân Puta-Bhatta) 224. Chuyện Con Cá Sấu (Tiền Thân Kumbhila) 225. Chuyện Đề Cao Tính Kham Nhẫn (Tiền Thân Khanti-Vannana) 226. Chuyện Con Cú (Tiền Thân Kosiya) 227. Chuyện Con Bọ Ăn Phân (Tiền Thân Gùthapàna) 228. Chuyện Bà-La-Môn Kàmanita (Tiền Thân Kàmanita) 229. Chuyện Du Sĩ Palàyi (Tiền Thân Palàyi) 230. Chuyện Du Sĩ Palàyi Thứ Hai (Tiền Thân Palàyi) |
[09] PHẨM UPÀHANA |
231. Chuyện Chiếc Giày (Tiền Thân Upàhana) 232. Chuyện Không Được Hướng Dẫn (Tiền Thân Vinàthùna) 233. Chuyện Mũi Tên (Tiền Thân Vikannaka) 234. Chuyện Nàng Asitàbhù (Tiền Thân Asitàbhù) 235. Chuyện Vị Ẩn Sĩ Vaccha-Nakha (Tiền Thân Vaccha-Nakha) 236. Chuyện Con Cò (Tiền Thân Baka) 237. Chuyện Thành Sàketa (Tiền Thân Sàketa) 238. Chuyện Một Chữ (Tiền Thân Ekapada) 239. Chuyện Con Nhái Xanh (Tiền Thân Harita-Màta) 240. Chuyện Vua Mahàpingala (Tiền Thân Mahàpingala) |
[10] PHẨM SIGÀLA(Chó rừng) |
241. Chuyện Vua Chó Rừng Sabbadàtha (Tiền Thân Sabbadàtha) 242. Chuyện Con Chó (Tiền Thân Sunakha) 243. Chuyện Nhạc Sĩ Guttila (Tiền Thân Guttila) 244. Chuyện Ly Dục (Tiền Thân Viticcha) 245. Chuyện Kinh Pháp Môn Căn Bản (Tiền Thân Mùlapariyàya) 246. Chuyện Lời Phỉ Báng (Tiền Thân Telovàda) 247. Chuyện Hoàng Tử Pàdanjali (Tiền Thân Pàdanjali) 248. Chuyện Thí Dụ Cây Kimsuka (Tiền Thân Kimsukopama) 249. Chuyện Con Khỉ Sàlaka (Tiền Thân Sàlaka) 250. Chuyện Con Khỉ (Tiền Thân Kapi) |
PHẨM DALHA
Cứng rắn đối cứng rắn…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về lời giáo giới cho vua. Câu chuyện sẽ được nói đến trong Tiền thân Tesakuna (số 512).
Một hôm vua Kosala, vừa xét xử một vụ kiện rất khó liên hệ đến pháp luật xong, tay chưa khô ráo, vua ngự lên xe được trang hoàng, đi đến bậc Ðạo Sư, đảnh lễ dưới chân Ngài, những ngón chân tuyệt đẹp như hoa sen nở rộ, rồi ngồi một bên. Bậc Ðạo Sư nói với vua Kosala:
– Thưa Ðại Vương, Ðại Vương từ đâu đi đến quá sớm như vậy?
– Bạch Thế Tôn, mấy hôm nay trẫm phải xét xử một vụ kiện rất khó liên hệ đến luật pháp, nên không có được cơ hội đến yết kiến Thế Tôn. Nay công việc đã được giải quyết, ăn uống xong, với tay chưa khô ráo, trẫm đi đến hầu Thế Tôn.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Thưa Ðại Vương, xét xử một vụ kiện đúng pháp và công bằng là một việc thiện, đây là con đường đưa đến chư Thiên. Thật không có gì vi diệu khi vua nhận được lời giáo giới từ một vị Nhất thiết trí như ta và đã xét xử vụ kiện đúng pháp và công bằng. Thật là vi diệu, thuở xưa khi các vua nghe lời các vị hiền triết không phải Nhất thiết trí, vẫn xét xử vụ kiện đúng pháp và công bằng, từ bỏ con đường đi đến ác thú, tuân theo mười Vương pháp và đã đi lên thiên giới làm đông đảo hội chúng chư Thiên.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của vua, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát nhập thai làm con bà chánh hậu của vua, và thai được săn sóc chu đáo, nên đã sanh ra từ lòng mẹ an toàn. Ðến ngày lễ đặt tên, Bồ-tát được đặt tên là hoàng tử Brahmadatta. Hoàng tử tiếp tục lớn lên, khi được mười sáu tuổi đã trưởng thành, hoàng tử đến thành Takasilà để học tập và tinh thông tất cả các tài nghệ.
Sau khi thân phụ mất, Bồ-tát được đặt lên vương vị, và trị nước đúng pháp và công bằng phán quyết các vụ kiện, không dựa theo ý muốn của riêng mình. Bồ-tát trị vì đúng pháp như vậy nên các đại thần cũng xét xử các vụ kiện công bằng. Khi các vụ kiện được xét xử đúng pháp luật thì không còn ai tạo ra các vụ kiện lừa đảo nữa, do đó, các sự ồn ào trong sân vua do các vụ kiện tụng gây ra cũng được chấm dứt. Các đại thần ngồi cả ngày trong pháp đình, không thấy có một vụ kiện nào đưa đến để xét xử, cũng bỏ đi. Các pháp đình trở thành trống vắng.
Bồ-tát suy nghĩ: “Vì ta trị vì đúng pháp, không có ai đến kiện tụng, các tiếng ồn ào được chấm dứt, xem pháp đình trở thành trống vắng. Nay ta cần phải tìm xem ta có khuyết điểm gì, nếu có, ta sẽ từ bỏ nó và sẽ sống trong an lạc”. Từ đấy, Bồ-tát đi tìm cùng khắp xem có ai nói lên khuyết điểm của mình không, nhưng trong các nội cung, ngài không tìm được ai nói lên khuyết điểm, chỉ nghe ca tụng công đức của mình. Bồ-tát suy nghĩ: “Những người này vì sợ ta, không nói lên khuyết điểm, chỉ nói lên công đức”.
Bồ-tát đi ra ngoài nội cung để tìm, tại đấy cũng không thấy một ai, liền tìm trong nội thành, rồi ra tìm ở ngoại thành, hỏi những người ở tại bốn cửa thành. Tại đây cũng không thấy một ai nói lên khuyết điểm, chỉ nói lên công đức. Bồ-tát suy nghĩ: “Nay ta sẽ đi tìm tại các tỉnh thành”.
Vua giao quốc độ cho các đại thần ngự lên xe, chỉ đem theo người đánh xe, ra khỏi thành giả dạng để vẫn không một ai biết và đi khắp đất nước, cho đến khi đến biên địa vẫn không thấy một ai nói lên khuyết điểm, chỉ nghe nói đến công đức của mình. Từ biên địa, theo đường đại lộ vua trở về kinh thành.
Trong lúc ấy, vua nước Kosala tên là Mallika trị vì quốc độ đúng pháp, cũng đi tìm khuyết điểm, từ trong nội cung v.v… không thấy một người nào nói lên khuyết điểm, chỉ nghe nói về công đức của mình, liền đi tìm khắp nước và đến chỗ ấy. Cả hai người gặp mặt nhau trên một con đường chật hẹp chỉ đủ một xe đi chứ không có chỗ để xe này tránh xe kia. Rồi người đánh xe của vua Mallika nói với người đánh xe của vua Ba-la-nại:
– Hãy tránh ra xe của bạn.
Người đánh xe kia nói:
– Này bạn đánh xe, hãy cho xe của bạn tránh ra. Trên xe này là vua nước Ba-la-nại, đại vương Brahmadatta đang ngồi.
Người đánh xe trước nói:
– Này bạn đánh xe, trên xe này là vua Kosala, Ðại vương Mallika đang ngồi, hãy cho xe của bạn tránh ra. Hãy nhường chỗ cho xe vua chúng tôi đi.
Người đánh xe của vua Ba-la-nại suy nghĩ: “Ðây cũng là vua. Vậy phải làm sao đây? À, có phương tiện này. Sau khi hỏi tuổi, xe của vị nào trẻ hơn sẽ nhường chỗ cho vị lớn tuổi”. Suy nghĩ và thi hành như vậy, người ấy biết được cả hai vua đều đồng tuổi với nhau. Lại hỏi về diện tích vương quốc, thế lực tài sản, danh vọng và những vấn đề liên hệ đến sanh chủng, dòng họ, gia đình, trú xứ, sau khi hỏi tất cả, người ấy được biết rằng cả hai đều làm chủ vương quốc rộng đến ba trăm dặm, đều đồng đẳng về uy lực, tài sản, danh vọng, và những vấn đề đều liên hệ đến sanh chủng, dòng họ, gia đình, trú xứ. Rồi người đánh xe ấy suy nghĩ: “Ta sẽ nêu lên trường hợp ai thù thắng về giới đức”, và hỏi:
– Giới đức của vua bạn như thế nào?
Người đánh xe kia trả lời:
– Vua của chúng tôi có giới đức như thế này.
Và anh ta đọc bài kệ thứ nhất:
Mal-li-ka xử sự
Cứng rắn đối cứng rắn,
Mềm mỏng đối mềm mỏng,
Thiện đức đối thiện đức,
Bất thiện đối bất thiện,
Vua này là như vậy,
Này bạn đánh xe ơi,
Hãy nhường đường vua ta.
Người đánh xe của vua Ba-la-nại nói:
– Này bạn, có phải đấy là giới đức của vua bạn?
Khi được biết đúng như vậy, người ấy nói:
– Ðấy là những công đức, còn những khuyết điểm gì?
– Như thế này, thế này… Nhưng hãy nói các công đức vua của bạn?
– Vậy hãy nghe.
– Và người đánh xe của vua Ba-la-nại đọc bài kệ thứ hai (Pháp Cú, 233):
Lấy không giận thắng giận,
Lấy thiện thắng không thiện,
Lấy thí thắng xan tham,
Lấy chân thắng hư ngụy.
Vua này là như vậy,
Này bạn đánh xe ơi!
Hãy nhường đường vua ta.
Khi nghe nói như vậy, vua Mallika và người đánh xe, cả hai đều xuống xe, mở dây các con ngựa, đẩy xe sang một bên, và nhường đường cho vua Ba-la-nại. Rồi vua Ba-la-nại giáo giới cho vua Mallika:
– Ðây là những việc cần phải làm.
Sau đó vua đi về Ba-la-nại và suốt đời làm các công đức như bố thí v.v…, sau khi mệnh chung, vua đi lên thiên giới làm đông đảo hội chúng chư Thiên.
Còn vua Mallika ghi nhớ lời giáo giới trong lòng. Sau khi đi khắp đất nước và không tìm thấy ai chỉ trích mình, vua trở về thành. Tại đó, vua trọn đời làm thiện sự cho đến khi mệnh chung, vua cũng lên thiên giới làm đông đảo hội chúng chư Thiên.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện và thuyết pháp để giáo giới vua Kosala xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, người đánh xe của vua Mallika là Mục-kiền-liên, vua là Ànanda, người đánh xe của vua Ba-la-nại là Xá-lợi-phất, còn vua Ba-la-nại là Ta vậy.
-ooOoo-
Làm việc không đắn đo…,
Câu chuyện này, khi ở ngôi nhà có nóc nhọn, bậc Ðạo Sư kể về con một người cạo tóc trú ở Tỳ-xá-ly (Vesàli). Cha người ấy cạo râu, cắt tóc, uốn tóc cho vua, hoàng hậu, thái tử, và các công chúa. Ông ta có đạo tâm, tín thành, quy y Ba ngôi báu, giữ Năm giới, thỉnh thoảng để thì giờ nghe pháp của bậc Ðạo Sư.
Một hôm, khi làm việc trong cung vua, ông ta đem theo đứa con trai của mình. Cậu trai, thấy một công chúa Licchavi phục sức và trang điểm đẹp, như tiên nữ, liền sanh tâm luyến ái và bị phiền não chinh phục. Sau khi ra khỏi cung vua, cậu nói với cha:
– Nếu được thiếu nữ ấy, con sẽ sống. Nếu không, con sẽ chết.
Nói vậy xong, cậu bỏ ăn lên giường nằm.
Người cha nói:
– Này con thân, chớ ái luyến không phải chỗ. Con thuộc hạ sanh, con một người thợ hớt tóc! Công chúa Licchavi là con gái thuộc dòng Sát-đế-ly, dòng họ cao quý, con không xứng đôi với công chúa. Ta sẽ hỏi cho con một thiếu nữ khác cùng giai cấp với con.
Nhưng cậu không nghe lời của cha. Rồi mẹ, anh, chị, dì, cậu, tất cả bà con, bạn bè thân hữu hội họp lại nhưng vẫn không khuyên giải cậu được. Cậu ngày càng héo mòn, xanh xao dần cho đến chết.
Sau khi tang lễ con vừa xong và cơn sầu muộn đã nhẹ bớt, người cha suy nghĩ: “Ta sẽ đến đảnh lễ bậc Ðạo Sư”. Ông ta đem nhiều hương thơm, vòng hoa, hương sáp, đi đến Ðại Lâm cúng dường, đảnh lễ bậc Ðạo Sư rồi ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này cư sĩ, sao mấy lúc này ông vắng mặt?
Ông ta liền thuật lại câu chuyện ấy. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này cư sĩ, không phải chỉ nay con của ông mới luyến ái không đúng chỗ và bị nạn. Thuở xưa, nó cũng đã như vậy rồi.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của vị cư sĩ, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con sư tử ở núi Tuyết. Là con út, Bồ-tát có sáu sư tử anh và một sư tử chị. Tất cả đều sống trong hang Vàng. Không xa hang Vàng có hang Pha lê trên núi Bạc. Tại đấy có một con chó rừng. Sau một thời gian, sư tử cha và sư tử mẹ đều chết. Các con sư tử đực thường để sư tử cái, chị của chúng, ở lại hang Vàng, còn chúng ra đi tìm mồi, đem thịt về cho chị ăn.
Một hôm, con chó rừng thấy con sư tử cái ấy, liền sanh tâm luyến ái. Bấy giờ khi sư tử cha và sư tử mẹ còn sống, chó rừng không có cơ hội đi đến. Nhưng nay khi bảy con thú đã ra đi tìm mồi, từ hang Pha lê, nó đi đến miệng hang Vàng, đứng trước con sư tử cái nhỏ, nói lên những lời đường mật cám dỗ một cách thầm kín:
– Này em! Ta là thú bốn chân, em cũng là thú bốn chân. Ta rất thương yêu em, và muốn em làm vợ ta. Ta sẽ là chồng em. Chúng ta sẽ sống hòa hợp hạnh phúc và em cũng sẽ thương yêu ta mãi mãi!
Sư tử cái nghe lời nói của chó rừng, suy nghĩ: “Chó rừng là loại thú hạ liệt trong các loại thú bốn chân, đê tiện giống như hạng người cùng đinh. Còn ta thuộc gia đình hoàng tộc ưu việt. Nó đã nói những lời không thích hợp, không tốt đẹp với ta. Sau khi nghe lời như vậy, ta còn sống làm gì? Ta sẽ nín hơi thở mà chết.
Nhưng rồi nó lại nghĩ: “Ta chết như vậy thật không xứng đáng. Chờ đến khi ta gặp các em của ta, nói cho họ nghe, rồi ta sẽ chết”.
Con chó rừng không nghe sư tử cái trả lời, suy nghĩ: “Nàng không thương ta”, liền ưu sầu đi vào hang Pha lê và nằm xuống.
Sau khi giết một con trâu, hay con voi, một con sư tử con liền ăn thịt, rồi đem phần về cho chị nó, và nói:
– Này chị thân, thịt đây, chị hãy ăn đi.
– Này em, chị không ăn thịt, vì chị sẽ chết.
– Vì sao vậy?
Con sư tử chị kể lại câu chuyện đã xảy ra. Nó hỏi chị:
– Nay con chó rừng ở đâu?
Sư tử chị thấy chó rừng nằm trong hang Pha lê, tưởng rằng nó ở trên trời nên nói:
– Này em, sao em không thấy? Con chó rừng nằm ở trên tại núi Bạc.
Con sư tử tưởng thật nói:
– Ta sẽ giết nó.
Nó liền nhảy đến hang Pha lê mà nó tưởng trên trời với tốc độ của con sư tử săn mồi, tim nó đập vào hang Pha lê và rơi xuống chân núi chết tại chỗ ấy.
Một con sư tử khác đi đến. Con sư tử chị cũng nói lại như vậy. Con sư tử ấy cũng làm như con trước và rơi xuống chết ngay chân núi. Như vậy sáu anh em sư tử con đều chết. Cuối cùng khi Bồ-tát (tức sư tử út) đến, sư tử chị kể lại lý do. Bồ-tát hỏi:
– Nay con chó rừng ấy ở đâu?
Sư tử chị nói:
– Nó nằm ở trên trời, trên đỉnh núi Bạc.
Bồ-tát suy nghĩ: “Các loài chó rừng không trú trên không. Chắc nó nằm ở hang Pha lê”.
Bồ-tát đi xuống chân núi, thấy sáu sư tử anh đã chết, liền nghĩ: “Ta biết những anh này vì ngu si, không có trí tuệ, không biết đây là hang Pha lê, đã đập quả tim vào đó nên bị giết chết. Như vậy là việc làm không đắn đo, và quá vội vã.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ thứ nhất:
Ai làm không đắn đo,
Hấp tấp làm vội vã,
Như ăn đồ ăn nóng,
Bị bỏng miệng mà chết.
Sư tử út nói bài kệ này xong, suy nghĩ: “Các anh của ta muốn giết con chó rừng nhưng không có thiện xảo phương tiện, nhảy tới nhanh chóng quá nên đã tự tạo cái chết. Ta sẽ báo thù cho các anh ta”. Nó thấy chó rừng nằm trong hang Pha lê. Bồ-tát theo dõi con đường lên xuống của con chó rừng, rồi hướng về phía ấy, rống lên ba lần tiếng rống của sư tử khiến cho tất cả đất và trời dội vang tiếng rống. Con chó rừng nằm trong hang Pha lê hoảng hốt run sợ vỡ tim ngay tại chỗ ấy mà chết.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Như vậy con chó rừng chết khi nghe sư tử rống.
Và bậc Chánh Giác đọc bài kệ thứ hai:
Chính trên Da-da-ra
Sư tử rống tiếng rống
Khiến núi ấy vang động,
Nghe tiếng con sư tử,
Con chó rừng ở núi,
Hoảng hốt, sợ khiếp đảm,
Quả tim nó vỡ đôi,
Tại đấy, nó mệnh chung.
Sư tử đã làm chó rừng chết như vậy. Sau đó nó chôn các anh vào một nấm mộ chung và kể cho chị nghe rằng chúng đã chết, rồi an ủi chị. Sư tử sống trọn đời trong hang Vàng cho đến khi mạng chung, nó đi theo thiện nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư liền thuyết giảng các Sự thật và khi kết thúc bài giảng, vị cư sĩ được an trú vào quả Dự lưu, rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con chó rừng là con trai người hớt tóc, sáu sư tử con là sáu vị Trưởng lão, sư tử chị là công chúa Licchavi, còn sư tử trẻ nhất là Ta vậy.
-ooOoo-
Này bạn, ta bốn chân…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Trưởng lão lớn tuổi. Một hôm, trong một thời thuyết pháp ban đêm, bậc Ðạo Sư đứng trên tam cấp thang lầu bằng châu báu trước cửa Hương phòng và sau khi giáo giới cho chúng Tỷ-kheo, đã đi vào Hương phòng. Cùng lúc, Trưởng lão Xá-lợi-phất, vị Tướng quân Chánh pháp, đảnh lễ bậc Ðạo Sư rồi cũng đi vào phòng của mình. Ðại Mục-kiền-liên, sau khi đi về phòng nghỉ một lát, lại đi đến Trưởng lão ấy để hỏi các câu hỏi. Ðược hỏi từng câu hỏi, bậc Tướng quân Chánh pháp giải đáp, trình bày rõ ràng như mặt trăng mọc trên hư không. Cả bốn hội chúng ngồi nghe pháp. Trong hội chúng có một Trưởng lão lớn suy nghĩ: “Nếu giữa hội chúng này, ta hỏi một câu hỏi làm Xá-lợi-phất lúng túng, hội chúng này sẽ nghĩ ta là người thông thái và ta sẽ đạt danh vọng lớn!”. Vị ấy liền từ hội chúng đứng dậy, đi đến bậc Trưởng lão, đứng một bên và thưa:
– Thưa Hiền giả, chúng tôi chỉ hỏi Hiền giả một câu. Hãy cho chúng tôi được phép hỏi. Hãy cho chúng tôi một quyết định về diễn dịch hay quy nạp, bác bỏ hay chấp nhận, về thù thắng hay nghịch thù thắng.
Trưởng lão Xá-lợi-phất nhìn người lớn tuổi ấy và nghĩ: “Người này lớn tuổi, sở hành còn ham muốn, trống rỗng không biết gì”. Rồi Trưởng lão không trả lời cho người ấy, khiêm tốn đặt quạt xuống, từ chỗ ngồi đi xuống, về phòng. Những người đứng bên ngoài vùng dậy, đuổi theo Trưởng lão lớn tuổi ấy và nói lớn:
– Thầy không cho chúng ta được nghe pháp dịu ngọt.
Người lớn tuổi ấy chạy trốn, rơi vào đường nứt trong nhà xí tại biên địa ngôi tinh xá và khi đứng dậy, mình dính đầy phân. Mọi người thấy vậy, hối hận và đi đến bậc Ðạo Sư. Ngài hỏi:
– Này các cư sĩ, sao các ông đến vào giờ bất thường như vậy?
Họ tường thuật sự việc lên bậc Ðạo Sư. Ngài nói:
– Này các ông, không phải chỉ nay kẻ lớn tuổi này mới kiêu mạn, không biết sức của mình, muốn đối nghịch với sức mạnh lớn hơn nên đã bị dính đầy phân. Thuở xưa, chính người ấy cũng kiêu mạn, không biết sức của mình, đối địch với sức mạnh hơn, nên đã bị dính đầy phân.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của họ, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con sư tử, trú ở trong hang núi, tại Tuyết Sơn. Không xa chỗ ấy bao nhiêu, nhiều con heo rừng sống gần một bờ hồ. Cũng gần cái hồ ấy, một số nhà tu khổ hạnh sống trong những am bằng lá.
Một hôm, con sư tử giết một con trâu rừng v.v… và ăn thịt thật thỏa thích xong, nó đi xuống hồ uống nước rồi đi lên. Trong lúc ấy, một con heo to lớn bắt mồi gần hồ nước ấy. Con sư tử thấy nó, liền suy nghĩ: “Ta sẽ ăn thịt nó một ngày khác, nhưng nếu thấy ta hay ở đây, nó sẽ không đến nữa!”. Vì vậy, sư tử từ hồ nước đi lên, và tránh né một bên. Con heo rừng nhìn thấy vậy, liền suy nghĩ: “Nó thấy ta, sợ ta, nên không dám đến gần, và chạy trốn. Hôm nay, sẽ có cuộc đối địch giữa ta và con sư tử ấy”. Vì vậy, nó ngẩng đầu lên thách thức sư tử với bài kệ đầu tiên:
Này bạn, ta bốn chân,
Bạn cũng vật bốn chân.
Sư tử hãy quay lại,
Sao bạn sợ, chạy trốn?
Con sư tử nghe vậy liền nói:
– Này bạn heo rừng, hôm nay ta không đánh nhau với bạn. Nhưng hẹn sau bảy ngày, hãy đánh nhau chính tại chỗ này.
Nói vậy xong, con sư tử bỏ đi. Con heo rừng suy nghĩ: “Ta sẽ đánh nhau với con sư tử”, và nó hân hoan thích thú báo tin cho bà con biết. Bà con nó nghe vậy, hoảng hốt nói:
– Chính ngươi sẽ làm hại tất cả chúng ta. Không biết sức mạnh của mình, ngươi lại muốn đánh nhau với con sư tử. Khi con sư tử đến, nó sẽ giết mạng sống của tất cả chúng ta. Chớ hành động hấp tấp như vậy.
Con heo rừng ấy sợ hãi, hốt hoảng hỏi:
– Nay tôi phải làm gì?
Các con heo rừng nói:
– Hãy đi đến bãi phân của các nhà tu khổ hạnh ấy, lấy thân lăn lộn trên chỗ ấy trong bảy ngày, phơi cho thân khô, đến ngày thứ bảy tắm ướt với những giọt sương, rồi đến chỗ hẹn trước khi con sư tử tới, tìm hiểu hướng gió thổi, và đứng trước ngọn gió. Con sư tử tánh ưa sạch sẽ, ngửi mùi hôi từ thân của bạn, sẽ tha cho bạn và bỏ đi.
Con heo rừng ấy làm theo như vậy, vào ngày thứ bảy nó đến đứng ở đấy. Con sư tử vừa ngửi mùi hôi trên thân con heo rừng, biết nó bôi phân, liền nói:
– Này bạn heo rừng, mưu chước ngươi nghĩ khá tốt đấy! Nếu ngươi không bôi phân thì ở đây ngươi đã bị ta giết hại rồi. Ta không thể cắn thân ngươi với miệng của ta, cũng không thể đánh ngươi với chân của ta. Do vậy ta sẽ tha cho ngươi.
Nói vậy xong, con sư tử đọc bài kệ thứ hai:
Lông da ngươi dơ bẩn,
Heo rừng, ngươi hôi thối,
Nếu ngươi muốn đánh nhau,
Ta cho ngươi thắng trận!
Con sư tử quay trở lui, và bắt được mồi, sau đó uống nước hồ rồi đi về hang núi. Còn con heo rừng báo cho bà con biết:
– Con sư tử đã bị ta đánh bại!
Chúng sợ hãi hoảng hốt liền nói:
– Một ngày kia con sư tử lại đến và sẽ đoạt mạng sống của tất cả chúng ta.
Vì vậy chúng liền chạy trốn đi đến nơi khác.
*
Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc ấy, con heo rừng là Trưởng lão lớn tuổi này và con sư tử là Ta vậy.
-ooOoo-
Ở đây, đã trốn vào…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về sự tranh chấp của các võ quan. Cùng phục vụ vua Kosala và cầm đầu binh lính, hai bậc đại thần này thấy mặt tại chỗ nào thì cãi lộn nhau ở chỗ ấy. Sự thù hằn của họ được tòan thành biết rõ. Ngay cả vua, bà con, thân hữu cũng không thể giảng hòa họ được.
Một hôm, bậc Ðạo Sư, vào buổi sáng sớm, nhìn xem ai có khả năng giác ngộ, và thấy hai người này có duyên chứng được Dự lưu đạo. Hôm sau, bậc Ðạo Sư đi một mình vào Xá-vệ để khất thực, đứng trước cửa nhà của một trong hai người ấy. Người này đi ra, cầm lấy bát, mời bậc Ðạo Sư vào nhà, sửa soạn chỗ ngồi và mời Ngài. Bậc Ðạo Sư ngồi xuống, thuyết về lợi ích tu tập Từ tâm, sau khi biết tâm người ấy đã sẵn sàng, liền thuyết về các Sự thật. Cuối bài giảng, người ấy chứng quả Dự lưu. Bậc Ðạo Sư biết người ấy đã chứng quả Dự lưu, liền bảo người ấy cầm bình bát đứng dậy và đi đến nhà của người kia. Người này thấy bậc Ðạo Sư đến liền ra đảnh lễ và mời Ngài vào nhà. Người này cũng cầm bình bát đi theo bậc Ðạo Sư và vào nhà với Ngài. Bậc Ðạo Sư tán thán mười một lợi ích của Từ tâm, và khi biết tâm của người sau này cũng đã thuần thục, liền thuyết giảng về các Sự thật. Cuối bài giảng, người này được an trú vào quả Dự lưu. Như vậy cả hai đều đắc quả Dự lưu, thú nhận với nhau về lỗi lầm của mình, thứ lỗi cho nhau, hòa hợp, hoan hỉ với nhau trước mặt Thế Tôn. Sau khi ăn xong, bậc Ðạo Sư liền đi về tịnh xá. Cả hai vị đem theo nhiều vòng hoa, hương thơm, bơ chín, mật, đường phèn, v.v… cùng đi với bậc Ðạo Sư về tịnh xá. Sau khi nêu rõ các trách nhiệm và giáo giới cho các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư đi vào Hương phòng. Các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, nói về câu chuyện ấy tại Chánh pháp đường:
Thưa các Hiền giả, bậc Ðạo Sư đã nhiếp phục những người không thể nhiếp phục. Hai vị đại thần ấy chống đối với nhau đã lâu ngày, vua và bà con thân hữu không thể làm họ hòa hợp. Nhưng chỉ trong một ngày, Như Lai đã nhiếp phục được họ.
Bậc Ðạo Sư đến Chánh pháp đường và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo các ông ngồi ở đây nói câu chuyện gì?
Khi nghe câu chuyện ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo không phải chỉ nay Ta mới làm cho hai người này hòa hợp. Xưa kia Ta cũng làm cho họ hợp rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, một số quần chúng lớn tụ họp để vui chơi ngày lễ hội. Nhiều đám người, chư thần, các loại rắn thần, kim sí điểu (chim thần cánh vàng) v.v… tụ họp lại để xem đại hội.
Tại một chỗ, một con rắn và một con kim sí điểu xem hội cùng đứng với nhau. Con rắn không biết là con kim sí điểu đứng bên cạnh, liền đặt tay lên vai nó. Con kim sí điểu xoay mình lại để xem ai đã đặt tay lên vai nó, và khi nhìn, nó biết đó là con rắn. Con rắn cũng nhìn, biết là con kim sí điểu, hoảng hốt vì sợ chết, vội đi ra khỏi thành và chạy trốn trên mặt sông. Con kim sí điểu quyết định bắt lấy con rắn liền đuổi theo.
Lúc bấy giờ Bồ-tát là vị tu khổ hạnh, sống trong một chòi lá bên bờ sông ấy. Ðể làm dịu sức nóng ban ngày, ngài cởi áo ngoài bằng vỏ cây, mặc áo tắm và xuống sông tắm. Con rắn suy nghĩ: “Ta sẽ nhờ vị xuất gia này cứu mạng sống”, liền từ bỏ nguyên hình, biến thành hòn ngọc và trốn vào giữa áo bằng vỏ cây. Con kim sí điểu đuổi theo thấy nó đi vào trong ấy, nhưng vì kính trọng áo bằng vỏ cây, nó không chạm cái áo và thưa với Bồ-tát:
– Thưa Tôn giả, hãy cầm lấy áo bằng vỏ cây. Trong đó có con rắn mà con muốn ăn.
Và để nêu rõ ý nghĩa này, nó đọc bài kệ đầu tiên:
Ở đây đã trốn vào
Vị vua các loài rắn,
Con muốn giải thoát nó,
Khỏi hình hòn đá ngọc,
Và vì trọng Phạm hạnh,
Dầu đói, con không bắt.
Bồ-tát đứng dưới nước, nói lời tán thán vua kim sí điểu qua bài kệ thứ hai:
Mong ngươi sống lâu ngày
Ðược Phạm thiên hộ trì,
Luôn hưởng món chư Thiên,
Mong ngươi được đầy đủ,
Vì kính trọng Phạm hạnh,
Dầu đói, chớ ăn nó.
Như vậy, Bồ-tát đứng dưới nước nói lên lời tùy hỷ. Rồi Bồ-tát đi lên, mặc áo vỏ cây, và đem cả hai cùng đi về thảo am. Ngài tán thán hạnh tu tập Từ tâm, khiến cả hai hòa hợp. Từ đấy trở đi, cả hai đều sống hòa hợp, vui vẻ với nhau.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc ấy, con rắn và con chim sí điểu là hai vị đại thần này, còn vị tu khổ hạnh chính là Ta vậy.
-ooOoo-
Này cha, sống trăm năm…,
Câu chuyện này, khi trú ở Ràjakàramado (Vương Lâm) do vua Ba-tư-nặc xây dựng gần Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể như sau:
Một hôm, ngồi giữa bốn hội chúng ở Ràjakàrama, trong khi thuyết pháp, bậc Ðạo Sư nhảy mũi. Các Tỷ-kheo lớn tiếng nói lên:
– Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn sống lâu! Mong Thiện Thệ sống lâu!
Và họ tạo ra một tiếng ồn lớn. Do tiếng ồn ấy, pháp thoại bị chấm dứt. Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, khi có ai nhảy mũi, nếu ta nói: Mong hãy sống lâu, thì do nhân duyên ấy, một người có thể sống hay chết không?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Này các Tỷ-kheo, khi nhảy mũi, chớ nói: Mong hãy sống lâu! Ai nói vậy thì phạm ác hạnh.
Lúc bấy giờ, khi các Tỷ-kheo nhảy mũi, các cư sĩ thường nói: – Mong Tôn giả sống lâu!
Các Tỷ-kheo cảm thấy ray rứt nhưng không đáp lại. Các cư sĩ bực tức nói:
– Sao các Sa-môn Thích tử khi được chúc: “Mong Tôn giả sống lâu!”, đã không đáp lại?
Họ trình sự việc này lên Thế Tôn. Ngài nói:
– Này các Tỷ-kheo, các gia chủ hay mê tín ở điềm lành, vì vậy, khi các gia chủ nói: Mong Tôn giả sống lâu, các ông được phép trả lời: Mong các người sống lâu!
Các Tỷ-kheo hỏi Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, từ khi nào khởi lên tục lệ đáp lời chúc sống lâu?
Bậc Ðạo Sư trả lời:
– Tục lệ được khởi lên từ ngàn xưa.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình Bà-la-môn ở xứ Kà-si. Thân phụ Bồ-tát làm nghề buôn để sống. Khi Bồ-tát lên mười sáu tuổi, người cha giao cho Bồ-tát hòn ngọc có bùa chú cùng đi từ làng này qua thị trấn khác rồi đến Ba-la-nại. Sau khi ăn cơm xong tại nhà người gác cổng, hai cha con không tìm được nhà để ở, bèn hỏi:
– Những người đi đến trễ trú ở chỗ nào?
Các người khác trả lời họ:
– Ngoài thành có một ngôi nhà. Nhưng nhà ấy có một phi nhân (quỷ thần) đang ở. Nếu các ông muốn, cứ đến đấy mà ở.
Bồ-tát nói:
– Thưa cha thân, hãy đi, chớ sợ Dạ-xoa, con sẽ nhiếp phục nó, làm cho nó quỳ lại dưới chân cha.
Nói xong Bồ-tát đưa cha đến chỗ ấy. Rồi người cha nằm trên tấm ván, còn Bồ-tát ngồi bóp chân cho cha. Bấy giờ, con quỷ Dạ-xoa trú tại đấy, sau mười hai năm phục vụ vua Vessavana (Tỳ-sa-môn, một trong bốn Thiên vương), được cho ngôi nhà này với điều kiện: Trừ những người nào vào trong ngôi nhà này, khi nhảy mũi, nếu được chúc: “Mong sống lâu!” và đáp lại: “Mong sống lâu!”, con quỷ ấy có thể ăn thịt những người khác không chúc sống lâu.
Con Dạ-xoa ấy ở tại cột của cây kèo chính. Nó nghĩ: “Ta sẽ làm cho người cha Bồ-tát nhảy mũi”. Vì vậy, với thần lực của mình, nó làm đám bụi mịn bốc lên. Bụi ấy bay vào mũi người cha. Người cha nằm trên tấm ván nhảy mũi. Người con không nói: Mong cha sống lâu! Con Dạ-xoa muốn ăn thịt người cha, nên từ cột cây kèo đi xuống. Bồ-tát thấy nó xuống liền nghĩ: “Cha ta bị con quỷ này làm cho nhảy mũi. Con quỷ này, khi ai nhảy mũi mà không đáp: “Hãy sống”, sẽ trở thành mồi cho nó ăn thịt!” Vì vậy, Bồ-tát nói lên bài kệ đầu với cha:
Mong cha sống trăm năm,
Cộng thêm hai mươi tuổi,
Mong quỷ không ăn cha,
Mong cha sống trăm thu!
Khi nghe lời Bồ-tát nói, con Dạ-xoa nghĩ: “Vị thanh niên này trả lời; Mong cha sống lâu! Ta không thể ăn thịt nhưng ta sẽ ăn thịt người cha!”. Vì vậy, nó đi đến gần người cha. Thấy con Dạ-xoa đi đến gần, ông liền suy nghĩ: “Con quỷ này sẽ ăn thịt những ai không đáp: “Mong sống lâu”. Vậy ta sẽ đáp lại: “Mong con sống lâu”. Và người cha nói câu kệ thứ hai với con:
Mong con sống trăm năm,
Cộng thêm hai mươi tuổi,
Mong quỷ ăn thuốc độc
Còn con sống trăm thu!
Con Dạ-xoa suy nghĩ: “Cả hai người này, ta không thể ăn thịt được”, liền quay trở lui. Nhưng Bồ-tát hỏi nó:
– Này Tôn giả Dạ-xoa, vì sao ngươi ăn thịt những người đi vào trong ngôi nhà này?
– Do tôi phục vụ vua Vessavana mười hai năm, nên được phép ăn tất cả mọi người, trừ những ai đáp lời chúc: Hãy sống lâu!
– Này Dạ-xoa, ngươi trước kia làm điều bất thiện, nên phải sanh ra hung dữ, độc ác, làm hại người. Nay nếu ngươi làm hành động tương tự, ngươi sẽ đi từ cảnh đen tối này đến cảnh đen tối khác. Do vậy từ nay, ngươi hãy từ bỏ sát sanh v.v…
Sau khi nhiếp phục con Dạ-xoa, làm cho nó hoảng sợ với cảnh khổ của địa ngục, khuyên nó giữ Năm giới, Bồ-tát thu phục con Dạ-xoa trở thành người giúp việc.
Ngày hôm sau, nhiều người đi đến thấy con Dạ-xoa, biết rằng nó đã được Bồ-tát nhiếp phục, liền báo cáo lên vua:
– Thưa Thiên tử, có một thanh niên, đã nhiếp phục con Dạ-xoa, và đã làm nó trở thành người chạy việc.
Vua cho mời Bồ-tát, đặt Bồ-tát vào chức vụ Ðại tướng quân, và thưởng cho thân phụ Bồ-tát nhiều danh vọng. Sau khi con Dạ-xoa được vua phong làm người thu thuế, vua tuân theo lời khuyên răn của Bồ-tát, làm các công đức như bố thí v.v… và khi chết, vua được sanh lên cõi trời làm đông đảo hội chúng chư Thiên.
*
Sau khi bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này, để giải thích phong tục trả lời: “Mong sống lâu”, Ngài nói:
– Tục lệ này từ xưa đã có rồi.
Và bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, nhà vua là Ànanda, người cha là Ca-diếp và người con trai là Ta vậy.
-ooOoo-
Chính nhờ Tâm thâu phục…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. (Câu chuyện sẽ được nói lên trong Chương XI, Tiền thân Samvara số 462). Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Có phải chăng ông đã thối thất tinh tấn?
Tỷ-kheo ấy trả lời:
– Có thật, bạch Thế Tôn.
Bậc Ðạo Sư nói với vị ấy:
– Này Tỷ-kheo, thuở xưa chính ông đã tinh tấn lấy được vương quốc thành Ba-la-nại cách xa mười hai dặm, và đã giao vương quốc ấy cho một đứa trẻ như cho một miếng thịt. Và nay, vì sao ông đã xuất gia trong Giáo pháp giải thoát như vậy, lại thối thất tinh tấn?
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, có một làng thợ mộc không xa thành Ba-la-nại bao nhiêu. Tại đấy, có năm trăm người thợ mộc ở. Họ đi thuyền ngược dòng sông, đốn cây góp lại để làm sườn của những ngôi nhà một tầng, hoặc hai tầng. Họ đánh dấu tất cả khúc gỗ, kéo gỗ đến bờ sông rồi đem lên thuyền chờ về thành. Những ai muốn ngôi nhà thế nào, họ làm đúng như vậy rồi lấy tiền để sinh sống.
Trong khi họ đang làm việc như vậy, thì một con voi đạp phải một miếng dăm gỗ vụn của cây keo. Miếng dăm gỗ ấy đâm vào chân con voi làm cho nó rất đau đớn. Chân nó bị sưng lên và làm mủ. Con voi nghe tiếng đốn suy nghĩ: “Ta có thể nhờ những người thợ mộc này làm cho lành chăng?” Nghĩ vậy nó liền đi ba chân đến gần đám thợ mộc và nằm xuống. Các người thợ mộc thấy chân nó sưng, đi đến xem thì thấy miếng dăm gỗ. Họ lấy một con dao, kéo bật miếng dăm gỗ ra, lấy hết mủ, rửa với nước nóng và xức với nước thích hợp, không bao lâu thì vết thương được lành lại. Con voi lành mạnh suy nghĩ: “Nhờ những người thợ mộc này, ta được sống lại. Nay ta cần phải trả ơn họ”.
Từ đấy trở đi, con voi nhổ các cây giúp những người thợ mộc, lăn tròn các khúc cây hoặc giúp họ đẽo gỗ. Hoặc nó mang đến cho họ bất cứ dụng cụ nào họ cần và cầm mọi vật bằng chiếc vòi một cách cương quyết không sờn lòng. Vào giờ ăn, các người thợ mộc mỗi người đem đến một phần ăn và con voi được cả năm trăm phần. Bấy giờ con voi ấy có một voi con toàn trắng, một con voi thuần chủng tuyệt đẹp. Voi cha suy nghĩ: “Ta hiện tại đã lớn tuổi. Nay ta nên cho con ta làm các công việc giúp họ”. Vì vậy, không thông báo cho các người thợ mộc biết, nó đi vào rừng, dắt voi con ra, và nói với họ:
– Voi con này là con của tôi. Các người đã giúp tôi. Nay tôi giao nó cho các người như trả tiền chữa trị. Bắt đầu từ nay, nó sẽ làm cho các người.
Rồi nó dạy con:
– Bắt đầu từ nay, những việc gì cha đã làm, con hãy làm thế.
Voi cha nói xong, để voi con ở với những người thợ mộc rồi đi vào rừng. Từ đó, voi con phục tùng làm theo lời nói của các người thợ mộc, kham nhẫn chịu đựng tất cả mọi công việc và họ nuôi nó với năm trăm phần ăn như họ đã nuôi voi cha.
Khi voi con làm xong công việc, nó xuống sông chơi rồi trở lại. Những đứa con của người thợ mộc thường nắm vòi nó, và chơi với nó dưới nước và trên bờ. Thời ấy, các con voi, con ngựa được loài người thuần hóa không đi đại tiện hay tiểu tiện trong nước chỉ đại tiện ở ngoài, trên bờ sông.
Một hôm trời mưa, một bãi phân khô của voi này rơi xuống sông, trôi đến bến nước của thành Ba-la-nại, mắc vào một bụi cây, và đứng lại. Những người nài của vua dắt năm trăm con voi đến để tắm. Khi các con voi ngửi mùi bãi phân của con voi thuần chủng, không một con voi nào chịu xuống sông, chúng cong đuôi lên và cắm đầu bỏ chạy. Các người giữ voi báo cáo lên các người huấn luyện voi. Những người này nói:
– Chắc có gì chướng ngại trong nước.
Họ ra lệnh làm cho sạch nước thì thấy bãi phân của con voi thuần chủng ở bụi cây ấy và biết được đây là nguyên nhân của sự việc. Họ đem đến một cái chum chứa đầy nước, chà nát bãi phân ấy và rưới nước sạch lên thân các con voi. Thân các con voi trở thành có mùi thơm, lúc bấy giờ, các thuyền bè cột lại, đi ngược dòng và đến chỗ những người thợ mộc ở. Voi con chơi trên sông, nghe tiếng trống, liền đến gần các người thợ mộc. Họ liền đi đến đón vua và thưa:
– Thưa Thiên tử, Thiên tử cần loại gỗ nào, cần gì ngài lại đến đây cho nhọc? Sao không đưa tin báo cho chúng thần đem về?
– Này các khanh, ta đến đây không phải vì gỗ. Ta đến vì con voi này.
– Thưa Thiên tử, Thiên tử hãy bắt nó đem đi.
– Nhưng con voi không muốn đi.
Vua hỏi:
– Này bạn voi, bạn muốn gì?
– Thưa Thiên tử, hãy đem tiền cho các người thợ mộc này đã nuôi dưỡng tôi.
– Tốt lắm, này bạn.
Vua ra lệnh đem lại trăm ngàn đồng tiền vàng và cho đặt gần bốn chân voi và đuôi con voi với đống tiền ấy, nhưng con voi vẫn không đi. Nó đòi cho mỗi người thợ một cặp áo, cho các người vợ vải đủ để mặc, cho trẻ con tiền nuôi dưỡng. Rồi con voi quay mình lại, nhìn và chào các người thợ mộc, các người đàn bà và các đứa trẻ rồi mới ra đi với vua.
Vua đem voi về, đi vào thành. Vua cho trang hoàng thành phố và chuồng voi, bảo con voi đi vòng quanh thành, rồi đưa con voi vào chuồng, và trang hoàng chuồng voi thật lộng lẫy. Vua làm lễ quán đảnh cho voi, phong cho nó làm Vương tượng, đặt voi vào hàng bạn thân của mình, cho voi nửa vương quốc, và lo săn sóc con voi như săn sóc chính mình. Từ khi con voi đến, toàn cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ) nằm trong tay trị vì của vua.
Theo thời gian Bồ-tát nhập mẫu thai của bà chánh hậu. Khi bà hoàng hậu sắp sửa sanh, thì vua mệnh chung. Sợ rằng nếu con voi biết được vua mệnh chung, chắc quả tim nó có thể vỡ ra, nên người ta không nói gì cho con voi biết và vẫn hầu hạ nó như trước.
Nhưng ông vua láng giềng, vua xứ Kosala, biết được vua kia đã băng hà, suy nghĩ: “Vương quốc đã trống không”, liền đi đến với một đạo quân lớn và vây hãm thành. Quân bảo vệ cho đóng cửa thành và đưa tin cho vua Kosala:
– Hoàng hậu của chúng tôi sắp sanh. Từ đây đến bảy ngày, bà sẽ sanh con, các người đoán tướng số đã nói như vậy. Nếu hoàng hậu sanh con trai vào ngày thứ bảy, chúng tôi sẽ giao chiến, không nhường vương quốc. Vậy hãy đợi đến ngày ấy.
Vua Kosala chấp nhận. Vào ngày thứ bảy, hoàng hậu sanh được một hoàng nam. Ðến ngày lễ đặt tên, thái tử được đặt tên Hoàng tử có Tâm thâu phục vì người ta tiên đoán hài nhi ra đời để thâu phục nhân tâm.
Bảy ngày sau, khi thái tử sanh, toàn dân giao chiến với vua Kosala. Vì thiếu người lãnh đạo, nên khi giao chiến quân đội dù lớn cũng dần dần thất thế, và thối lui. Các đại thần trình sự việc này lên hoàng hậu:
– Tình thế thật hiểm nguy, quân đội bị thất thế thối lui, chúng tôi sợ thất trận. Vua đã mệnh chung, hoàng tử mới sanh, nhưng vua Kosala kéo quân đến giao tranh, còn Vương tượng bạn thân thiết của vua chưa hay biết gì, tâu hoàng hậu. Chúng tôi muốn báo tin cho voi biết. Xin chờ ý kiến hoàng hậu.
Bà hoàng hậu chấp thuận, trang điểm cho thái tử, đặt nó nằm trên một tấm vải mịn, từ lâu đài đi xuống với các đại thần vây quanh, đến chuồng con voi, đặt thái tử nằm dưới chân voi và thưa:
– Thưa chúa voi, bạn của chúa voi đã mệnh chung. Chúng tôi sợ chúa voi vỡ tim nên không tin cho chúa voi biết. Ðây là con trai của bạn chúa voi. Vua Kosala đã đến bao vây thành, giao chiến với con của bạn chúa voi và quân đội phải thối lui. Hoặc là chúa voi giết con của bạn mình, hay là lấy lại vương quốc cho con của bạn mình.
Ngay lúc ấy, con voi lấy cái vòi rờ thái tử, đỡ nó lên, đặt lên trên đầu mình và than khóc lớn tiếng, rồi đỡ thái tử xuống, đặt nó nằm trong tay bà hoàng hậu, đi ra khỏi chuồng voi và nói:
– Ta sẽ bắt sống vua Kosala.
Các đại thần mặc áo giáp cho voi, trang hoàng mình voi và mở cửa thành, vây quanh con voi và hộ tống nó ra trận. Con voi ra khỏi thành liền rống lên, làm cho quần chúng khiếp sợ bỏ chạy, và đánh tan quân thù rồi nắm chỏm tóc của vua Kosala, bắt vua đặt nằm dưới chân thái tử. Một số người đứng dậy muốn giết vua Kosala. Con voi ngăn chận, và thả vua ấy đi với lời khuyên:
– Bắt đầu từ nay, chớ phóng dật. Chớ kiêu ngạo vì nghĩ rằng hoàng tử còn trẻ.
Từ đấy trở đi, toàn cõi Diêm-phù-đề đều nằm trong tay Bồ-tát, và không một kẻ thù địch nào dám nổi lên chống đối.
Vào lúc bảy tuổi, Bồ-tát được làm lễ quán đảnh, trở thành vị vua với tên Tâm thâu phục, trị vì nước đúng Chánh pháp, và khi mạng chung, được sanh lên thiên giới làm đông đảo hội chúng chư Thiên.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ xong, là bậc Ðạo Sư, Ngài nói lên hai bài kệ:
Chính vì Tâm thâu phục,
Ðội quân lớn hân hoan,
Bắt vua Ko-sa-la,
Tham lam, không biết đủ
Với những gì mình có,
Làm quân đội bằng lòng.
Cũng vậy vị Tỷ-kheo
Tinh cần, nương tựa đủ,
Tu tập theo thiện pháp,
Ðạt an ổn khổ ách,
Tuần tự chứng đạt được
Ðoạn diệt mọi kiết sử.
Sau khi bậc Ðạo Sư trình bày các Sự thật tối thượng, đưa đến đỉnh cao là Niết-bàn bất tử, Ngài cho biết như sau:
– Khi kết thúc các Sự thật, vị Tỷ-kheo thối thất đã chứng quả A-la-hán.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, bà mẹ là hoàng hậu Ma-gia (Mayà), vua cha là đại vương Tịnh Phạn, con voi lấy lại quốc độ rồi dâng thái tử là Tỷ-kheo thối thất tinh cần, cha của con voi là Xá-lợi-phất, và thái tử có Tâm thâu phục chính là Ta vậy.
-ooOoo-
Muốn gì, làm cho được…,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Tôn giả Ànanda đã nhận được một ngàn tấm y. Câu chuyện Trưởng lão này thuyết pháp trong nội cung vua Kosala đã được nói đến ở Tiền thân Mahàsàra (số 92). Khi Trưởng lão đang thuyết pháp cho nội cung vua, một ngàn tấm y đáng giá mỗi tấm một ngàn đồng tiền vàng được đem đến dâng vua. Vua lấy năm trăm tấm, và cho các cung phi năm trăm tấm. Tất cả cung phi để các tấm y một bên, và hôm sau đem cúng cho Trưởng lão Ànanda, còn mình đắp tấm y cũ, đi đến chỗ nhà vua dùng điểm tâm. Vua hỏi:
– Ta có ban cho các nàng các tấm y đáng giá mỗi tấm một ngàn đồng tiền vàng, sao các nàng không đắp?
– Thưa Ðại vương, chúng thần thiếp đã cúng các tấm y cho Trưởng lão.
– Trưởng lão Ànanda đã nhận tất cả sao?
– Thưa Thiên tử, vâng.
– Bậc Chánh Ðẳng Giác chỉ cho phép ba y, ta nghĩ rằng Trưởng lão Ànanda tính chuyện buôn bán vải, nên mới nhận quá nhiều y như vậy.
Nhà vua tức giận Trưởng lão ấy, ăn điểm tâm xong, liền đi đến tinh xá, vào phòng Trưởng lão, đảnh lễ, ngồi xuống rồi hỏi:
– Thưa Tôn giả, các nữ nhân trong cung của trẫm có đến học Pháp hay nghe Pháp với Tôn giả không?
– Thưa Ðại vương, có. Các nữ nhân ghi nhận, và nghe những gì họ đáng nghe.
– Thế nào, họ chỉ nghe Pháp hay họ cúng dường cho Tôn giả các thượng y và hạ y?
– Thưa Ðại vương, hôm nay họ đã cúng năm trăm y đáng giá một ngàn đồng tiền mỗi tấm.
– Tôn giả có nhận tất cả không?
– Thưa Ðại vương, có.
– Thưa Tôn giả, nhưng bậc Ðạo Sư chỉ cho phép nhận ba y thôi?
– Vâng, thưa Ðại vương. Thế Tôn cho phép mỗi Tỷ-kheo chỉ sử dụng ba y, nhưng không ngăn cấm nhận lấy những gì được cúng dường. Do vậy, tôi nhận lấy các tấm y để cho những vị khác đang mang y mòn cũ.
– Nhưng khi các Tỷ-kheo ấy nhận các tấm y từ Tôn giả, họ sẽ làm gì với những tấm y cũ?
– Với các tấm y cũ, họ sẽ làm thượng y.
– Với các thượng y cũ, họ sẽ làm gì?
– Họ sẽ làm tấm nệm.
– Với những tấm nệm cũ, họ sẽ làm gì?
– Họ sẽ làm tấm thảm trải đất.
– Với những tấm thảm trải đất cũ, họ sẽ làm gì?
– Họ sẽ làm khăn lau chân.
– Với khăn lau chân cũ, họ sẽ làm gì?
– Thưa Ðại vương, họ không được phép phí phạm đồ tín thí cúng dường. Do vậy, họ lấy dao cắt nhỏ các khăn lau chân cũ, trộn với bùn, đất và làm thành vôi hồ để làm nhà cửa.
– Thưa Tôn giả, ngay cả khăn lau chân được cúng dường cho Tôn giả cũng không được hủy hoại?
– Vâng, thưa Ðại vương, chúng tôi không hủy hoại đồ cúng dường cho chúng tôi. Chúng đều được sử dụng.
Vua bằng lòng hoan hỷ, mang năm trăm tấm y còn lại được cất trong cung cúng dường Trưởng lão. Rồi vua nghe lời tùy hỷ công đức, đảnh lễ Trưởng lão, thân hướng về phía hữu, và ra đi.0
Trưởng lão cúng năm trăm tấm y nhận được lần đầu cho các vị có y đã cũ kỹ. Nhưng số Tỷ-kheo đồng trú với Trưởng lão là khoảng độ năm trăm. Một trong các vị này là một Tỷ-kheo trẻ tuổi, hầu hạ Trưởng lão nhiều việc, quét phòng, múc nước, dọn dẹp đồ ăn, đem tăm đánh răng, nước rửa mặt, dọn dẹp sạch sẽ nhà vệ sinh, đem nước nóng đến các phòng ở, và làm các công việc cần khác, như bóp tay, bóp chân, đấm lưng.
Trưởng lão lấy năm trăm tấm vải được nhận lần sau đem cho Tỷ-kheo ấy, vì xứng đáng với tất cả sự hầu hạ giúp đỡ cho mình. Tỷ-kheo này, chia tất cả tấm vải ấy cho những vị đồng sự với mình. Như vậy, tất cả Tỷ-kheo đều nhận các tấm vải cúng dường. Họ cắt những tấm vải ấy rồi nhuộm vàng như bông Kanikàra. Họ đến bậc Ðạo Sư đảnh lễ, ngồi xuống một bên và thưa:
– Bạch Thế Tôn, một Thánh đệ tử đã chứng quả Dự lưu có phải là một người nhìn mặt để bố thí không?
– Này các Tỷ-kheo một Thánh đệ tử không phải là một người nhìn mặt để bố thí.
– Bạch Thế Tôn, giáo thọ sư chúng con, vị Trưởng lão Thủ kho Chánh pháp đã đem năm trăm tấm vải trị giá một ngàn đồng tiền vàng mỗi tấm cho một Tỷ-kheo trẻ tuổi, và vị ấy đem chia các tấm vải đã nhận cho chúng con.
– Này các Tỷ-kheo, Ànanda không phải là người nhìn mặt để bố thí. Tỷ-kheo thị giả ấy đã giúp đỡ thầy mình nhiều. Do vậy, vì hầu hạ, vì công đức, vì thích ứng đối với người đã hầu hạ mình nên vị ấy đã làm như vậy để giúp đỡ lại những ai đã giúp đỡ, vị ấy cho như vậy để báo đáp trả ân. Các bậc hiền trí thời xưa cũng đã giúp đỡ lại những ai đã giúp đỡ mình.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của các Tỷ-kheo ấy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con sư tử sống trong một hang núi. Xung quanh chân núi ấy, có một hồ nước lớn bao bọc. Trên một mảnh đất nổi lên của hồ nước, đất bùn dày đặc, cỏ mọc xanh mềm và trên đám bùn ấy, các loài thỏ nai v.v… các con vật nhanh nhẹn khác qua lại để ăn cỏ. Ngày hôm ấy, có một con nai đi qua lại ăn cỏ. Ở đấy, sư tử muốn ăn thịt con nai, từ trên núi nhảy xuống, với sức nhanh của mình, nó nhảy tới. Con nai hoảng sợ kêu lớn tiếng rồi bỏ chạy, Sư tử không có thể chạy mau hơn và rơi trên mặt bùn, bị lún xuống, không đứng dậy được, vì bốn chân đâm sâu như cây cột, bảy ngày đứng như vậy không ăn không uống gì.
Một con chó rừng đi tìm mồi, chợt thấy sư tử, liền hoảng sợ chạy trốn. Nhưng sư tử kêu nó lại:
– Này bạn chó rừng, chớ chạy, ta nay bị mắc dính trong bùn. Hãy cứu ta sống.
Chó rừng đi đến gần sư tử và nói:
– Nếu tôi kéo ngài lên, tôi sợ rằng ngài sẽ ăn thịt tôi!
– Chớ sợ, ta sẽ không ăn thịt ngươi. Trái lại ta sẽ phục vụ giúp đỡ người rất nhiều. Hãy tìm một phương tiện kéo ta lên.
Chó rừng chấp nhận lời hứa, liền bới đất bùn xung quanh bốn chân sư tử, đào bốn mương nước ở đó, dẫn nước chảy vào làm cho đất bùn mềm. Khi ấy chó rừng bò dưới bụng sư tử và nói:
– Hãy cố gắng lên, thưa ngài.
Rồi dùng cái đầu húc cái bụng sư tử lên. Sư tử vận hết sức mạnh, vươn lên khỏi bùn, nhảy lên đứng trên đất cứng. Sư tử nghỉ ngơi một lát rồi đi xuống hồ, rửa sạch bùn. Tắm xong, nó giết một con trâu và với những nanh ngoạm sâu vào thịt trâu, nó xé thịt ra đặt một số thịt trước mặt chó rừng:
– Này bạn hãy ăn đi!
Sau khi chó rừng ăn, sư tử mới ăn. Rồi chó rừng cất giữ lại một miếng thịt.
– Này bạn giữ miếng thịt để làm gì?
Chó rừng trả lời:
– Có bạn gái giữ nhà cho tôi, miếng thịt này dành cho nàng.
Sư tử nói:
– Ðược lắm, hãy lấy đi.
Rồi sư tử cũng lấy một miếng thịt cho vợ mình. Cả hai cùng đứng trên chóp núi và đồng ý sẽ về chỗ ở của hai bạn gái. Nói xong, sư tử đi đến đấy, đem thịt cho sư tử cái và chó rừng cái, rồi cùng nói:
– Bắt đầu từ nay, ta sẽ săn sóc các nàng.
Sau đó, sư tử đưa cả hai vợ chồng chó rừng vào chỗ ở của mình, để chúng ở tại một hang khác gần cửa hang của mình.
Từ đó trở đi, khi đi săn mồi, sư tử để sư tử cái và chó rừng cái ở lại, còn mình đi với chó rừng đực, giết chết nhiều loại thú. Cả hai ăn thịt ngay tại chỗ, rồi đem về hai phần cho hai con cái ăn. Như vậy, thời gian qua , sư tử cái sanh hai đứa con. Chó rừng cái cũng vậy. Tất cả bọn chúng sống hòa hợp với nhau. Một hôm, sử tử cái suy nghĩ: “Con sư tử này quá thương yêu chó rừng cái và các chó rừng nhỏ. Có thể nó có gian tình với chó rừng cái. Do đó, nó mới luyến ái như vậy. Vậy ta hãy hành hạ con này, làm cho nó hoảng sợ, và bỏ trốn đi”.
Trong khi sư tử đem chó rừng đi săn mồi, sư tử cái bắt đầu hành hạ, làm cho chó rừng cái hoảng sợ:
– Tại sao ngươi cứ ở đây? Tại sao không đi nơi khác?
Các sư tử con cũng làm cho các chó rừng con hoảng sợ như vậy. Chó rừng cái nói lại với chồng sự việc này:
– Rõ ràng Sư tử muốn ám chỉ chúng ta đã ở đây quá lâu. Nay mai Sư tử giết chúng ta. Vậy ta hãy trở về hang cũ đã sống trước kia.
Chó rừng gặp sư tử đực và thưa:
Thưa ngài, chúng tôi đã ở với ngài quá lâu. Ai ở lâu cũng làm mất sự lưu luyến. Trong khi chúng ta đi săn mồi, sư tử cái hành hạ và dọa nạt vợ tôi và nói: Sao các ngươi ở chỗ này, hãy trốn đi! Các sư tử con cũng dọa các chó rừng con như vậy. Nếu ai không ưa bạn láng giềng thì nên bảo họ đi làm ăn chỗ khác chứ hành hạ như vầy có ích gì?
Sau khi nói vậy, chó rừng đọc bài kệ đầu:
Muốn gì làm cho được,
Là thường pháp kẻ mạnh,
Con cái rống, tôi biết,
Trước tôi nương, nay sợ.
Nghe chó rừng nói, sư tử bảo vợ:
– Này hiền thê, trong thời ấy ta đi săn mồi bị kẹt trong bùn đến ngày thứ bảy…, ta mới về với hai vợ chồng chó rừng này. Hiền thê có nhớ không?
– Vâng, tôi có nhớ.
– Hiền thê có biết lý do nào sau bảy ngày ta mới về không?
– Thưa chàng, tôi không biết.
– Này hiền thê, ta nhảy vồ bắt một con nai, bị dính mắc vào bùn, không thể ra khỏi chỗ ấy được. Trong bảy ngày ấy, ta đứng đó, không ăn uống gì. Ta đã nhờ con chó rừng này cứu sống.Con này là bạn của ta, đã cứu mạng sống ta. Bạn nào có khả năng trung kiên trong tình bạn, bạn ấy không yếu hay nhỏ. Bắt đầu từ nay, hiền thê chớ có khinh thường như vậy đối với bạn ta, vợ bạn ta các con bạn ta.
Rồi con sư tử nói bài kệ thứ hai:
Dù nhỏ bé, yếu đuối,
Vẫn kiên trì tình bạn,
Chính bà con thân thích,
Này vợ răng nanh ta!
Chớ khinh miệt bạn ấy,
Chính con chó rừng này
Ðã cho ta mạng sống.
Sư tử cái nghe lời chồng, giảng hòa với gia đình chó rừng, và từ đấy về sau, sống hòa thuận với chó rừng cái và các con của nó. Các sư tử con chơi giỡn với các con chó rừng con. Khi cha mẹ qua đời, chúng không chấm dứt tình bạn, vẫn sống hoan hỷ với nhau. Thật vậy, tình bạn của chúng kéo dài cho đến bảy đời.
*
Sau khi kể câu chuyện này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài thuyết giảng, một số vị Tỳ-kheo đắc quả Dự lưu, một số đắc quả Nhất lai, một số đắc quả Bất Lai, và một số đắc quả A-la-hán.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ con chó rừng là Ànanda, và con sư tử là Ta vậy.
-ooOoo-
Loài vật tính không khác…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về hai Tỷ kheo hung bạo, độc ác. Ở tỉnh thành, cũng có một vị như vậy. Một hôm, Tỷ-kheo ở tỉnh thành, vì một vài công việc, đi đến Kỳ Viên. Các Sa-di và các Tỷ-kheo trẻ biết tánh hung bạo của Tỷ-kheo ấy, họ nói:
– Chúng ta muốn thấy hai Tỷ-kheo hung bạo ấy cãi nhau.
Họ cười khúc khích dẫn Tỷ-kheo ấy đến phòng Tỷ-kheo ở Kỳ Viên. Cả hai vị hung bạo, vừa thấy nhau liền mến nhau, xoa bóp tay, chân và lưng cho nhau. Các Tỷ-kheo ở tại Chánh pháp đường nói về câu chuyện như sau:
– Thưa các Hiền giả, những Tỷ-kheo hung bạo này đối với người khác thường hay lỗ mãng, độc ác. Nhưng đối với nhau, cả hai lại hòa thuận, hoan hỷ, thương mến nhau.
Bậc Ðạo Sư đến Chánh pháp đường hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, hôm nay ở đây, các ông ngồi họp đang bàn vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay là như vậy. Thuở xưa, họ cũng là người hung bạo, độc ác đối với những người khác. Nhưng họ đối với nhau lại hòa hợp hoan hỷ, sống thân ái.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là vị đại thần của vua, làm tất cả mọi việc, cố vấn cho vua về thế sự và thánh sự. Vua có tánh hơi tham. Trong chuồng ngựa của vua có một con ngựa lỗ mãng tên là Mahàsona (hạt dẻ lớn). Một số người buôn ngựa từ phương bắc đem đến năm trăm con ngựa và báo cho vua biết. Từ trước, vị đại thần thường bảo họ tự định giá ngựa rồi trả tiền đầy đủ mà không đòi bớt lui gì. Nhà vua không được vui, cho gọi một đại thần khác và nói:
– Này khanh, hãy cho họ định giá các con ngựa. Trước hết hãy thả con ngựa Mahàsona vào giữa đàn ngựa ấy, khiến nó cắn các con ngựa mới đến làm chúng bị thương và yếu sức, rồi bảo họ hạ giá và trả bớt tiền.
– Thưa vâng.
Ðaị thần ấy vâng lời làm như đã bảo. Các người buôn ngựa không hoan hỷ, báo cho Bồ-tát việc làm của vị đại thần ấy. Bồ-tát hỏi:
– Các ngươi có con ngựa lỗ mãng ở trong chuồng ngựa của các ngươi không?
– Thưa ngài có. Con ngựa lỗ mãng ấy tên là Suhanu (quai hàm mạnh), nó rất hung bạo, độc ác.
– Vậy khi nào các ngươi trở lại, hãy đem con ngựa ấy đến.
Một hôm vua nghe nói đoàn người buôn ngựa và bảo thả con ngựa Mahàsona ra. Các người buôn thấy con ngựa Mahàsona đến, liền thả con ngựa Suhanu. Hai con ngựa ấy gặp nhau, liền đứng lại và liếm thân nhau. Vua hỏi Bồ-tát:
– Này khanh, hai con ngựa lỗ mãng này thật hung hãn, độc ác, bạo hành với con ngựa khác. Còn chúng đối với nhau lại đứng liếm thân và hoan hỷ với nhau, sao lại như vậy?
Bồ-tát thưa:
– Thưa Ðại vương, vì tính của loài vật không khác nhau. Khi tính của chúng cùng loài với nhau, thì chúng thương yêu nhau.
Và Bồ-tát đọc hai bài kệ:
Loài vật tính không khác,
So-na, và Su-ha-nu,
Cả hai đều hòa hợp,
Su-ha-nu giống như vậy,
Cùng loài với So-na.
Hoang dã và ác độc,
Thường cắn những dây cương,
Như vậy ác, ác đồng,
Bất thiện, bất thiện đồng.
Sau đó, Bồ-tát thưa:
– Thưa Ðại vương, một vị vua chớ nên quá tham lam. Chớ nên làm hại tài sản của người khác.
Sau khi khuyên răn nhà vua, Bồ-tát cho định giá ngựa và trả tiền đúng giá. Các người buôn ngựa nhận được tiền đúng giá, vui vẻ ra đi. Còn nhà vua tuân hành lời khuyên răn của Bồ-tát, rồi khi mệnh chung, đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, hai con ngựa là hai Tỷ-kheo độc ác, vua là Ànanda, và vị đại thần hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-
Hãy mọc lên, mặt trời…,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. Tỷ-kheo ấy được các Tỷ-kheo, có phải ông đã thối thất tinh tấn?
Tỷ-kheo đáp:
– Bạch Thế Tôn, thật vậy.
Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Vì thấy gì?
Tỷ-kheo ấy đáp:
– Vì thấy một nữ nhân có thân thể trang sức đẹp đẽ.
Bậc Ðạo Sư nói với vị ấy:
– Này Tỷ-kheo, không lạ gì một nữ nhân rất dễ làm rối loạn tâm của một người như ông. Ngay các bậc hiền trí thuở xưa, sau khi nghe tiếng nữ nhân, dầu tu hành trong bảy trăm năm không phạm giới, vẫn bị uế nhiễm tức khắc. Ngay cả các bậc thanh tịnh cũng như vậy. Các vị đạt được danh vọng cùng tột khi đam mê nữ sắc cũng sẽ tiêu vong danh dự, còn nói gì các vị không thanh tịnh như ông?
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát tái sanh làm con chim công.
Khi còn ở trong vỏ trứng màu vàng như nụ hoa Kanikàra, Bồ-tát làm vỡ trứng thoát ra. Bồ-tát thành một con chim công vàng đẹp đẽ mỹ miều, dưới cánh có những đường viền đỏ chói. Ðể bảo vệ sự sống của mình, sau khi vượt qua ba dãy núi, và trong dãy núi thứ tư, chim công lông vàng mới lựa chọn chỗ ở trên cao nguyên của ngọn núi vàng ở Dandaka. Khi trời rạng đông, đậu trên chỏm núi nhìn mặt trời mọc lên, Bồ-tát đọc một câu chú để hộ trì cho mình bình an trước khi bay đi tìm mồi. Thần chú ấy bắt đầu với câu:
Hãy mọc lên, mặt trời,
Vua độc nhất có mắt,
Với màu sắc vàng chói,
Sáng rực cả đất liền.
Và ta đảnh lễ ngài,
Bậc chói vàng quả đất,
Nay hãy bảo hộ ta
Sống an toàn trọn ngày.
Như vậy, sau khi đảnh lễ mặt trời với bài kệ này để bảo vệ mình, Bồ-tát lại đảnh lễ các đức Phật đã nhập diệt trong quá khứ và các công đức của chư Phật với bài kệ thứ hai:
Các vị Thánh, chân nhân,
Bậc tuệ tri mọi pháp,
Con đảnh lễ các Ngài
Hãy hộ trì cho con.
Ðảnh lễ chư Phật-đà,
Ðảnh lễ Bồ-đề vị,
Ðảnh lễ bậc giải thoát,
Ðảnh lễ giải thoát vị.
Sau khi đọc lên bài chú bảo hộ này, chim công liền đi tìm mồi. Như vậy ban ngày, chim công đi tìm mồi; vào buổi chiều, chim công đậu trên chóp núi, nhìn mặt trời lặn, sau khi tưởng nhớ các công đức của Phật, con công lại làm bài chú khác để hộ trì xứ của mình, bài kệ bắt đầu với chữ: Hãy lặn xuống mặt trời:
Hãy lặn xuống mặt trời,
Vua độc nhất có mắt,
Với màu sắc vàng chói,
Sáng rực cả đất liền;
Và ta đảnh lễ ngài,
Bậc chói vàng quả đất,
Nay hãy bảo vệ ta
Sống an toàn trọn đêm.
Chư vị thánh, chân nhân,
Bậc tuệ trí mọi pháp,
Con đảnh lễ các ngài,
Hãy hộ trì cho con.
Ðảnh lễ chư Phật-đà,
Ðảnh lễ Bồ-đề vị,
Ðảnh lễ bậc giải thoát,
Ðảnh lễ giải thoát vị.
Sau khi đọc bài chú này để bảo vệ mình, chim công đi ngủ.
Bấy giờ không xa Ba-la-nại bao nhiêu, có một người thợ săn ở tại một ngôi làng. Trong khi đi săn ở khu vực Tuyết Sơn, thấy Bồ-tát đang đậu trên ngọn núi vàng ở Dandakha, anh ta báo cho con trai biết.
Một hôm, hoàng hậu của vua Ba-la-nại tên là Khemà (Thái Hòa) nằm mộng thấy một con công sắc vàng thuyết pháp, liền tâu vua:
– Thưa đại vương, thiếp muốn nghe con công sắc vàng thuyết pháp.
Vua hỏi các đại thần việc ấy. Các đại thần đáp:
– Chắc các Bà-la-môn biết việc ấy.
Các Bà-la-môn thưa:
– Có loài chim công sắc vàng.
Vua lại hỏi:
– Chúng ở đâu?
Họ trả lời:
– Chắc chắn những người thợ săn có thể biết.
Vua cho họp các thợ săn lại để hỏi họ. Con trai của người thợ săn ấy thưa:
– Thưa có, tâu Ðại vương, tại hòn núi vàng ở Dandaka, con chim công sắc vàng đang ở tại đấy.
– Vậy chớ giết chim công ấy, bắt nó đem về đây.
Người thợ săn đi, đặt bẫy lưới tại chỗ tìm mồi của chim công. Nhưng tại chỗ chim công bước lên, lưới bẫy không sập. Người thợ săn không bắt được chim công, trải bảy năm đi săn như vậy, và đã mệnh chung. Hoàng hậu Khema không đạt được ước nguyện cũng mệnh chung. Nhà vua tức giận bảo:
– Vì một con chim công, hoàng hậu của ta đã mệnh chung.
Vua bảo khắc trên một tấm vàng những dòng chữ sau đây:
– Trên dãy Tuyết Sơn, có ngọn núi vàng tên là Dandaka. Tại đấy có con chim công sắc vàng ở. Ai ăn thịt con chim công ấy sẽ trẻ mãi không bao giờ già.
Họ viết vậy xong, vua bỏ lá vàng ấy trong một cái hộp. Sau khi vua mệnh chung, vị vua khác lên kế vị, đọc tấm lá vàng, và ước: “Ta sẽ không bao giờ già”. Vua liền cho gọi một thợ săn khác. Thợ săn ấy ra đi, không bắt được Bồ-tát, và cũng mệnh chung tại đấy. Theo diễn tiến như vậy, sáu vua lần lượt băng hà.
Rồi vị vua thứ bảy lên kế vị, cũng cho gọi một thợ săn. Người thợ săn ấy đi, nhận xét rằng tại chỗ chim công đạp lên, bẫy lưới không sập, và biết chim công đã đọc câu bùa chú trước khi đi đến chỗ tìm mồi. Anh ta liền xuống chỗ đầm lầy ở biên địa, bắt một chim công mái, dạy nó múa hát và đem chim công mái ấy đến nơi này, vào buổi sáng trước khi chim công đọc bùa chú. Người thợ dựng lên cái cọc bẫy sập, đặt bẫy lưới và khiến chim công mái kêu.
Chim công nghe tiếng con mái kêu khác thường, liền bị tiếng sét ái tình khơi dậy dục vọng trong lòng nên không thể đọc bùa chú, đi đến công mái và bị mắc vào bẫy. Thợ săn bắt được chim công, đem dâng cho vua Ba-la-nại. Vua thấy sắc đẹp con chim công, rất bằng lòng. Sau khi ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, Bồ tát liền hỏi:
– Thưa Ðại vương, sao Ðại vương bảo bắt thần?
Vua nói:
– Ta nghe rằng những ai ăn thịt ngươi sẽ không bao giờ già. Ta muốn trường xuân bất lão, nên ta bảo bắt ngươi để ăn.
– Như vậy những ai ăn thịt thần sẽ được trường xuân bất lão. Như thế là thần sẽ chết.
– Phải, ngươi sẽ chết.
– Nhưng nếu thần chết thì người làm thần chết cũng sẽ chết theo.
Vua nói:
– Ngươi có sắc vàng, do vậy ta nghe nói những ai ăn thịt ngươi sẽ trẻ mãi không bao giờ già.
– Thưa Ðại vương, thần sanh ra sắc vàng không phải là không có lý do. Thuở xưa, thần là vị vua Chuyển luân ngự trị tại thành phố này. Thần giữ gìn Năm Giới, và khiến cho dân chúng trong toàn cõi thế giới giữ Năm Giới. Sau khi mệnh chung, thần được sanh tại lâu đài cõi Trời Ba mươi ba, sống tại đấy cho hết tuổi thọ, và mệnh chung. Chính vì kết quả của một nghiệp bất thiện, thần phải sanh làm con chim công, nhưng nhờ sức mạnh của giới hạnh cũ, thần có màu sắc vàng.
– Nhà ngươi là vua Chuyển luân đã giữ Giới! Do kết quả của Giới sanh ra sắc vàng, điều này làm sao chúng ta tin được? Có gì làm bằng chứng?
– Thưa Ðại vương, thần có một bằng chứng.
– Bằng chứng gì?
– Thưa Ðại vương, khi thần làm vua Chuyển luân, thần thường ngồi trên xe bằng vàng bạc, đi ngang qua hư không. Cỗ xe ấy của thần nay nằm chôn trong đất, dưới cái hồ của Ðại vương. Hãy cho đào dưới hồ lên, và cái xe ấy sẽ làm chứng cho thần.
Vua chấp thuận việc ấy và đáp:
– Lành thay.
Rồi vua cho tát nước ra khỏi hồ, đào lên được cỗ xe và tin lời Bồ-tát thưa:
– Thưa Ðại vương, trừ Niết-bàn bất tử, tất cả pháp khác đều là pháp hữu vi, không có thực tánh, vô thường, chịu sự hoại diệt.
Sau khi nói xong, Bồ-tát thuyết pháp cho vua, và khuyên vua giữ Năm Giới. Nhà vua hoan hỷ, cúng dường quốc độ cho Bồ-tát, và tỏ lòng hết sức cung kính. Bồ-tát không nhận vương quốc nhưng khuyên vua:
– Ðại vương chớ phóng dật.
Rồi bay lên hư không đi về núi Vàng Dandaka.
Còn vua tuân theo lời khuyên của Bồ-tát làm các công đức như bố thí v.v… rồi khi mạng chung, đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này, Bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo thối thất đã đắc quả A-la-hán.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ nhà vua là Ànanda và Ta là con chim công vậy.
-ooOoo-
Giống vua Vi-đề-ha…,
Câu chuyện này, khi trú ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa bắt chước bậc Thiện Thệ.
Khi hai vị đại đệ tử đi Gayàsisa, tại đấy Ðề-bà-đạt-đa bắt chước bậc Thiện Thệ và gặp nạn. Hai vị Trưởng lão thuyết pháp và đem các vị Tỷ-kheo y chỉ mình đi về Trúc Lâm. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Xá-lợi-phất, khi thấy các ông, Ðề-bà-đạt-đa đã làm gì?
Hai vị thưa:
– Bạch Thế Tôn, Ðề-bà-đạt-đa đã bắt chước bậc Thiện Thệ và đã gặp đại nạn.
Bậc Ðạo sư nói:
– Này Xá-lợi-phất, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới bắt chước Ta và gặp nạn, mà thuở xưa, cũng đã như vậy rồi.
Nói xong, theo lời Trưởng lão yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa trong nước Videha, khi vua Videha trị vì ở thành Mithilà, Bồ-tát nhập mẫu thai bà hoàng hậu. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài được học tất cả tài nghệ ở Takkasalà, rồi khi vua cha mệnh chung, Bồ-tát lên ngôi kế vị.
Lúc bấy giờ, một vị vua ngỗng trời sắc vàng sống chung với một con quạ cái ở bãi mồi và đẻ ra một ngỗng đực. Con chim ấy không giống mẹ, cũng không giống cha, toàn màu xanh tối và được gọi là Vimìlaka. Vua ngỗng trời thường đi đến thăm con. Rồi hai ngỗng trời con khác được sanh rất giống cha. Thấy cha thường hay đi đến thế giới loài người, chúng bèn hỏi cha lý do. Ngỗng cha nói:
– Các con thân, cha đã sống chung với một con quạ cái, và sanh một ngỗng đực tên là Vinìkala. Vì thế ta hay đi đến thăm nó.
– Thế bọn chúng sống ở đâu? Ngỗng con hỏi.
– Hiện nay nó sống ở nước Videha, không xa Mithilà bao nhiêu, trên ngọn cây cọ dừa (Ta-la).
– Thưa cha thân, sống giữa thế giới loài người thật nguy hiểm đáng sợ hãi. Cha đừng đi đến đó. Chúng con sẽ đi và đem nó về cho cha.
Hai ngỗng trời con được chấp thuận, liền đi đến chỗ ấy, bảo con ngỗng Vinìkala ngồi trên một thanh cây, rồi chúng cắn hai đầu thanh cây và bay ngang qua thành Mithilà.
Trong lúc ấy, vua Videda đang ngồi trên cỗ xe lộng lẫy được đàn ngựa Sindh thuần chủng gồm bốn con toàn trắng, kéo đi vòng quanh thành phố. Vinìkala thấy vua liền suy nghĩ:” Ta và Vua Videha nào có khác gì. Vua ngồi trên cỗ xe được 4 ngựa Sindh kéo đi vòng quanh thành phố; con ta ngồi trên cổ xe được các con ngỗng trời kéo, và đi trên hư không!”. Khi nó đi ngang qua hư không, nó đọc lên bài kệ đầu:
Giống vua Vi-de-ha
Ðược các ngựa thuần chủng
Kéo ngang các ngôi nhà
Tại thành Mi-thi-là,
Cũng vậy, Vi-nì-là
Ðược hai ngỗng trời chở
Giữa hư không bao la!
Các ngỗng trời con nghe lời nói ấy của Vinìlaka rất phẫn nộ. Trước tiên chúng có ý định: “Chúng ta sẽ bỏ nó rơi xuống ở đây và bay đi”. Nhưng nghĩ lại:”Làm vậy, cha chúng ta thế nào cũng la mắng chúng ta”. Vì sợ bị cha mắng, chúng đưa Vinìkala đến với cha và kể cho cha nghe việc ngỗng kia đã làm. Ngỗng trời cha tức giận nói:
– Mày hơn các anh mày sao? Mày làm ra vẻ cao sang, tưởng mình là chúa tể và xem các anh mày như ngựa kéo xe à? Mày không biết tự lượng sức? Ðây không phải chỗ tìm mồi của mày. Hãy đi về chỗ ở của mẹ mày!
Sau khi mắng nó, ngỗng cha đọc bài kệ thứ hai:
Vi-ni-ka, con thân,
Sống ở đây nguy hiểm,
Ðây không chỗ cho mày,
Hãy sống tại cổng làng,
Nơi mẹ mày mong đợi,
Hãy đến đó vội vàng!
Cùng với lời la mắng Vinìkala như vậy, ngỗng trời bảo các con:
– Hãy mang con này đem ra chỗ phóng uế là bãi phân ngoài thành Mithilà.
Và chúng làm theo lời cha bảo.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ Vinìlaka là Ðề-bà-đạt-đa, các ngỗng trời con là hai đệ tử đầu tay, ngỗng trời cha là Ànanda, còn vua Videha là Ta vậy.
PHẨM SANTAHAVA
Chớ giao du thân mật…,
Câu chuyện này, khi trú tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một người tánh tình khó bảo. Hoàn cảnh câu chuyện sẽ được nói đến trong tiền thân Gijjha (Số 427) Chương IX. Bậc Ðạo Sư nói với Tỷ-kheo ấy:
– Thuở trước, ông là một người khó bảo, vì không nghe lời các bậc hiền trí, nên đã bị con voi điên chà đạp đến chết.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài từ bỏ đời sống gia đình, xuất gia làm vị ẩn sĩ, sống tại dãy núi Tuyết. Lúc bấy giờ, trong các vị ẩn sĩ có một vị tu khổ hạnh tên là Indasamànagotta là người khó bảo, không nghe lời khuyên răn. Người này có nuôi một voi con. Bồ-tát nghe nói vậy cho gọi vị ấy đến và hỏi:
– Có đúng sự thật chăng, con có nuôi một voi con?
– Thưa Sư trưởng, con có nuôi một voi con đã mất mẹ.
Bồ-tát bảo:
– Loài voi khi lớn lên thường giết hại người nuôi dưỡng. Vậy chớ nên nuôi dưỡng con voi ấy.
– Không có nó, con không thể sống được, thưa Sư trưởng.
– Vậy con sẽ thấy rõ.
Con voi được nuôi dưỡng, sau một thời gian, nó lớn lên rất nhanh. Một thời, các ẩn sĩ ấy đi lấy rễ và hái trái cây v.v… trong rừng và ở tại đấy vài ngày. Khi gió nam bắt đầu thổi, con voi trở thành điên cuồng, có ý định: “Ta sẽ phá hoại chòi lá, đập vỡ ghè nước quăng bỏ chiếc ghế nằm, xé nát giường nằm và giết người tu khổ hạnh này và ra đi!” Vì vậy, nó núp vào trong một lùm cây và đứng nhìn theo dõi con đường họ về.
Sau khi lấy các đồ ăn cho con voi, Indasamana đi về trước tất cả mọi người, thấy con voi, tưởng rằng mọi việc vẫn như cũ nên đi đến gần con voi. Con voi từ lùm cây chạy vụt ra, lấy vòi quấn vị ẩn sĩ, quật ngã xuống đất, lấy chân đạp lên đầu, chấm dứt mạng sống của vị ấy, rồi rống lên và chạy vào rừng. Các ẩn sĩ còn lại báo tin nầy lên cho Sư trưởng. Bồ-tát nói:
– Không nên làm thân với kẻ ác.
Rồi Bồ-tát đọc hai bài kệ:
Chớ giao du thân mật
Với kẻ ác, bất thiện,
Bậc Thánh biết rõ ràng
Xu hướng kẻ phi thánh,
Chóng hay chầy kẻ ác
Cũng sẽ làm điều ác,
Như voi với ẩn sĩ
In-da-sa-mà-na.
Nếu ngươi thấy người nào
Biết kẻ ấy như mình
Về giới, về trí tuệ,
Và cả về nghe nhiều,
Hãy lựa người như vậy
Làm bạn thân giao du,
Sống với bậc chân nhân
Là sống chân hạnh phúc.
Như vậy, Bồ-tát khuyến giáo chúng ẩn sĩ:
– Chớ trái lời khuyến giáo, nên sống theo lời khéo dạy:
Rồi Bồ-tát làm tang lễ của Indasamàna.
Sau đó Bồ-tát tu tập Tứ vô lượng tâm và được sanh lên thế giới Phạm thiên.
*
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Indasamànagotta là Tỷ-kheo khó bảo này, còn Sư trưởng chúng ẩn sĩ là Ta vậy.
-ooOoo-
Không gì độc hại hơn…,
Câu chuyện này, khi trú tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về việc tế lễ lửa thần. Câu chuyện này giống như câu chuyện trước đã kể trong Tiền thân Naguttha (số 144). Các Tỷ-kheo thấy các vị tế lễ lửa thần liền hỏi Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, các vị bện tóc hành trì nhiều loại tà khổ hạnh. Việc ấy có lợi ích gì?
Bậc Ðạo Sư đáp:
– Này các Tỷ-kheo, việc ấy không có lợi ích gì. Các bậc hiền trí thuở xưa tưởng rằng có lợi ích trong sự tế lễ lửa thần nên đã tế lễ lửa thần trong một thời gian dài. Sau khi thấy được việc ấy không lợi ích, liền đổ nước dập tắt lửa, và lấy những cành cây dập cho tan lửa rồi quay lưng lại không nhìn lui nữa.
Sau khi nói vậy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Lúc Bồ-tát được mười sáu tuổi, cha mẹ lấy ngọn lửa khi Bồ-tát mới sanh nói với Bồ-tát:
– Này con thân, con muốn cầm lấy ngọn lửa đản sanh này, đi vào rừng và nuôi dưỡng ngọn lửa ấy; hay là học ba tập Vệ-đà, xây dựng gia sản và sống đời gia đình?
Bồ-tát nói:
– Con không thích đời sống gia đình. Con sẽ nuôi dưỡng ngọn lửa trong rừng để được sanh lên Phạm thiên giới.
Bồ-tát lấy ngọn lửa đản sanh, đảnh lễ mẹ cha, rồi đi vào rừng, sống trong một chòi lá và nuôi dưỡng ngọn lửa thần.
Một hôm đi đến chỗ mời ăn, Bồ- tát nhận được bơ chín và cháo sữa, bèn đem cháo sữa về, đốt lửa lên và nghĩ: “Ta sẽ đổ cháo sữa với bơ chín để cúng dường lửa thần”. Bồ-tát đổ cháo sữa trên ngọn lửa, nhưng vì đổ quá nhiều dầu trên lửa, ngọn lửa bừng cháy lớn lên và thiêu luôn chòi lá. Vị Bà-la-môn hoảng sợ chạy trốn, đứng ngoài xa và nói:
– Không nên thân giao với những kẻ ác. Nay chòi lá mà ta dựng lên một cách mệt nhọc đã bị ngọn lửa này đốt cháy.
Và Bồ-tát đọc bài kệ đầu:
Không gì độc hại hơn
Là thân với kẻ ác,
Ðược đổ vào nuôi dưỡng
Với bơ chín, cháo sữa,
Ngọn lửa thiêu chòi lá
Ta dựng thất khó khăn.
Rồi Bồ-tát nói thêm:
– Ta không còn gì liên hệ với ngươi nữa, này bạn giả dối kia!
Nói vậy xong, Bồ-tát lấy nước dập tắt ngọn lửa, và cành cây dập tan ngọn lửa, rồi đi sâu vào trong núi Tuyết. Tại đó ngài thấy một con hươu cái liếm mặt con sư tử, con cọp và con báo. Ðiều ấy khiến Bồ-tát nghĩ rằng không gì tốt hơn là thân giao với những bạn chân thật, rồi Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Không gì tốt lành hơn
Thân giao bạn chân thật;
Hãy xem con hươu đen
Thân mật liếm mặt mày,
Con sư tử, con cọp,
Và cả con báo nữa.
Nói vậy xong, Bồ-tát đi sâu vào trong núi Tuyết, sống đời xuất gia của vị ẩn sĩ, chứng được các Thắng trí và các Thiền chứng, đến khi mạng chung, ngài sanh lên Phạm thiên giới.
*
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vị tu khổ hạnh là Ta vậy.
-ooOoo-
Hơn trăm voi toàn đen…,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về sự bố thí tùy theo ý muốn. Tại Xá-vệ, đôi khi một gia đình cúng dường cho chúng Tỷ-kheo do đức Phật lãnh đạo; đôi khi họ bố thí cho các ngoại đạo, đôi khi nhiều người hội họp thành một tổ chức, chung nhau bố thí; đôi khi cùng chung một con đường, đôi khi toàn thể dân ở thành quyên góp tùy nguyện rồi bố thí.
Trong trường hợp này, toàn dân trong thành quyên góp tùy nguyện, nhưng khi sắp đặt tất cả vật dụng để bố thí, họ chia thành hai phe. Một số người muốn bố thí tất cả vật dụng cho các ngoại đạo. Một số người muốn bố thí cho chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị lãnh đạo. Vì vậy có sự cãi vã, đệ tử các ngoại đạo binh vực các ngoại đạo, đệ tử đức Phật binh vực chúng Tỷ-kheo. Khi quyết định lấy số đông, thì những người nói “Chúng tôi bố thí cho chúng Tăng với đức Phật là vị lãnh đạo” chiếm đông hơn nên được chấp nhận. Ðệ tử các ngoại đạo không thể ngăn chận các sự bố thí cúng dường đức Phật. Các người thị dân mời chúng Tăng với đức Phật là vị lãnh đạo. Họ tổ chức bố thí lớn trong bảy ngày, và đến ngày thứ bảy, họ cúng dường tất cả các vật dụng. Bậc Ðạo Sư nói lời tùy hỷ công đức. Rồi Ngài chỉ dạy cho đại chúng về các quả tu chứng.
Tại tinh xá Kỳ Viên vào buổi chiều, các Tỷ-kheo hội họp tại Chánh pháp đường, và nói lên câu chuyện này:
– Thưa các Hiền giả, đệ tử các ngoại đạo cố gắng ngăn chận sự cúng dường đức Phật, nhưng họ không thể ngăn chận. Tất cả vật dụng bố thí ấy đều được đặt dưới gót chân của đức Phật. Ôi, vĩ đại thay là sức mạnh của đức Phật!
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông họp tại đây và đang bàn vấn đề gì?
Khi được trả lời vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ngoại đạo mới cố gắng ngăn chận sự bố thí cho Ta. Thuở xưa, họ đã cố gắng như vậy rồi. Nhưng các vật dụng bố thí trong tất cả trường hợp rồi cũng được đặt dưới gót chân của Ta.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, có một thời vua Susìma trị vì ở Ba-la-nại. Lúc bấy giờ Bồ-tát nhập mẫu thai một nữ Bà-la-môn là vợ của vị cố vấn tế tự cho vua. Khi Bồ-tát lên mười sáu tuổi, người cha mệnh chung. Khi còn sống, người cha là vị chủ trì hội lễ voi. Tất cả những đồ trang bị, trang sức cho các con voi đi dự hội đều thuộc sở hữu người cha. Nhờ vậy, sau ngày hội lễ voi, người cha thâu hoạch được mười triệu đồng tiền vàng. Lúc bấy giờ, hội lễ voi đã đến. Các Bà-la-môn đi yết kiến vua và thưa:
– Tâu Ðại Vương, lễ voi năm nay đã đến. Chúng ta cần phải chuẩn bị tổ chức lễ cho thật tốt. Nay con trai của vị Bà-la-môn cố vấn tế lễ còn quá trẻ, lại không biết ba tập Vệ-đà và không biết tượng kinh (những vấn đề kiến thức liên hệ đến voi). Hãy để cho chúng thần tổ chức hội lễ voi.
Vua chấp thuận việc này. Các Bà-la-môn nghĩ:”Chúng ta không cho người con của vị cố vấn tế tự tổ chức hội lễ voi, chính chúng ta đứng ra tổ chức. Chúng ta sẽ thâu nhiều tiền”. Họ hoan hỷ đi ra.
Còn bốn ngày nữa sẽ đến ngày lễ hội. Mẹ Bồ-tát được tin, suy nghĩ: “Suốt bảy đời truyền thống này sẽ chấm dứt ở gia đình chúng ta; và tài sản sẽ bị tổn giảm”. Vì vậy, bà mẹ buồn sầu muộn và gào khóc. Bồ-tát hỏi:
– Vì sao mẹ khóc?
Và khi nghe rõ lý do, Bồ-tát nói:
– Thưa mẹ, khi nào họ tổ chức lễ hội voi.
Bà mẹ nói:
– Này con thân, con không biết ba tập Vệ-đà lại không biết tượng kinh, làm sao con có thể tổ chức hội lễ được?
– Thưa mẹ, khi nào họ tổ chức hội lễ voi?
– Này con thân, còn bốn ngày nữa.
– Thưa mẹ, các Sư trưởng thuộc lòng ba tập Vệ-đà và tượng kinh sống ở đâu?
– Này con thân, Sư trưởng có tiếng nhiều phương, đang sống ở Takkasilà tại nước Gandhara, cách xa khoảng hai ngàn dặm.
– Thưa mẹ, con sẽ không để huỷ hoại truyền thống của gia đình chúng ta. Trong một ngày, con sẽ đi đến Takkasilà; trong một đêm, con sẽ học xong ba tập Vệ-đà và tượng kinh. Ngày sau, con sẽ trở về và đến ngày thứ tư, con sẽ tổ chức hội lễ voi, mẹ chớ khóc nữa!
Với những lời này, Bồ-tát an ủi mẹ. Sau khi ăn xong, sáng sớm hôm sau Bồ-tát ra đi một mình. Chỉ trong một ngày đi đến Takkasilà, Bồ-tát đảnh lễ vị sư trưởng hỏi Bồ-tát:
– Này con thân, con từ đâu đến?
– Thưa Sư trưởng, con từ Ba-la-nại đến.
– Vì mục đích gì?
– Vì mục đích học ba tập Vệ-đà và tượng kinh từ Sư trưởng.
– Lành thay, này con thân, ta sẽ dạy cho con. Bồ-tát thưa:
– Thưa Sư trưởng, con có công việc khẩn cấp.
Bồ-tát báo cho Sư trưởng biết mọi sự việc và thưa:
– Trong một ngày, con đã đi 2000 dặm đến đây. Hãy cho con cơ hội học một đêm nay. Ðến ngày thứ ba, sẽ là ngày lễ hội voi rồi. Con sẽ học tất cả qua một bài thôi.
Sau khi thưa vậy, Bồ-tát được Sư trưởng bằng lòng, liền rửa đôi chân Sư trưởng, rồi đặt 1000 đồng tiền vàng, đảnh lễ Sư trưởng, và ngồi xuống một bên. Bồ-tát chăm chú học thuộc lòng cho đến lúc rạng đông, đã xong ba tập Vệ-đà và tượng kinh, rồi hỏi:
– Thưa Sư trưởng, có gì khác nữa không?
Khi được trả lời:
– Này con thân, không có gì khác, tất cả đã xong.
Bồ-tát muốn sửa cách dạy của Sư trưởng, liền nói:
– Thưa Sư trưởng, trong quyển sách này, câu kệ ấy đến quá trễ, câu này đọc sai, từ nay về sau thầy phải dạy đệ tử như thế này.
Sau khi sửa sai xong, Bồ-tát ăn thật sớm, đảnh lễ bậc Sư trưởng, và trong một ngày đi về Ba-la-nại, đảnh lễ bà mẹ. Bà mẹ hỏi:
– Này con thân, con đã xong học nghề chưa?
Bồ-tát thưa:
– Con đã học xong.
Và Bồ-tát làm cho bà mẹ vui lòng. Ngày hôm sau, ngày hội lễ voi được sửa soạn. Khoảng 100 con voi được đem ra sắp hàng, mọi thứ trang sức bằng vàng, cờ xí cũng bằng vàng, tất cả được bao phủ với một lưới bằng vàng mịn. Cả sân chầu ở cung điện vua cũng được trang hoàng tuyệt đẹp. Các Bà-la-môn nghĩ: “Chúng ta sẽ cử hành lễ voi, tất cả đều được trang sức tốt đẹp”. Vua Susìma trang sức rất lộng lẫy rực rỡ ngự đến và truyền cho đem theo các vật dụng làm lễ. Còn Bồ-tát trang sức như một hoàng tử với hội chúng của mình vây quanh, đi đến vua và thưa:
– Tâu Ðại Vương, có đúng sự thật chăng Ngài chấm dứt truyền thống của gia đình chúng thần và cho các Bà-la-môn khác tổ chức hội lễ voi, và cho họ các thứ trang sức trang bị của voi?
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ đầu:
Hơn 100 voi toàn đen
Với những ngà trắng bạch,
Bao phủ với lưới vàng,
Thần đều cúng Ðại vương!
Hỡi vua Su-si-ma,
Có phải Ngài đã nói,
Ngài có nhớ đến chăng
Quyền lợi tổ tiên thần?
Vua Susìma nghe lời Bồ-tát, liền thốt lên bài kệ thứ hai:
Hơn 100 voi vàng đen
Với những ngà trắng bạch
Bao phủ với lưới vàng,
Ðều thuộc sở hữu ta,
Ta nói, này thanh niên,
Ta cho khanh, cho khanh!
Ta thật có nhớ đến
Quyền lợi tổ tiên khanh.
Rồi Bồ-tát thưa với vua:
– Thưa Ðại vương, nếu Ðại vương nhớ đến truyền thống của chúng thần, vì sao Ngài bỏ thần một bên và giao cho người khác tổ chức hội lễ voi?
– Này khanh thân, ta được báo cáo khanh không biết ba tập Vệ-đà và tượng kinh, nên ta cho các Bà-la-môn khác tổ chức lễ hội voi.
– Vậy tâu Ðại vương, nếu một vị nào giữa các Bà-la-môn ấy có thể đọc lên một phần của ba tập Vệ-đà và tượng kinh với thần, xin hãy đứng lên. Trong toàn cõi Diêm-phù-đề không một ai khác trừ thần ra có thể biết ba tập Vệ-đà và tượng kinh để tổ chức hội lễ voi.
Như vậy Bồ-tát rống lên tiếng rống con sư tử đáp lời vua! Không một Bà-la-môn nào có thể đứng dậy để địch lại Bồ-tát. Sau khi đòi lại truyền thống gia đình của mình, Bồ-tát liền tổ chức hội lễ voi, rồi mang theo nhiều tài sản và đi về trú xứ của mình.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này xong, Ngài thuyết giảng các Sự thật. Sau bài thuyết giảng, một số Tỷ-kheo đắc quả Dự lưu, một số đắc quả Nhất Lai, một số đắc quả Bất Lai, một số đắc quả A-la-hán.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ bà mẹ là Mahàmàyà, người cha là Tịnh phạn vương (Suddhodana), người cha là Ànanda, vị Sư trưởng có danh tiếng khắp nơi là Xá-lợi-phất (Sàriputta), và thanh niên Bà-la-môn là Ta vậy.
-ooOoo-
Diều hâu thấy xác chết…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo nuôi dưỡng mẹ. Hoàn cảnh câu chuyện sẽ được kể trong Tiền thân Sàma (số 532).
Bậc Ðạo Sư hỏi Tỷ-kheo ấy:
– Này Tỷ-kheo, có phải ông nuôi dưỡng một nữ gia chủ?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Họ có liên hệ gì với ông? Bậc Ðạo Sư hỏi tiếp.
– Bạch Thế Tôn, đó là mẹ con.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Lành thay, lành thay! Chớ tức giận Tỷ-kheo này. Các bậc hiền trí thuở xưa đã hầu hạ giúp đỡ ngay cả những người không phải bà con của mình, chỉ vì muốn làm công đức. Còn người này giúp đỡ mẹ cha mình.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con diều hâu ở núi Linh Thứu, nuôi dưỡng mẹ và cha.
Một hôm có cơn gió thổi mạnh và mưa lớn. Các con diều hâu không thể chịu đựng gió và mưa, liền bay đến Ba-la-nại. Khi đến gần bức thành, chúng liền đậu trên bức thành, run lên vì lạnh. Lúc bấy giờ, vị triệu phú Ba-la-nại từ thành đi ra, đi đến sông tắm, thấy các con diều hâu khốn khổ này liền dụ chúng lại một chỗ không mưa, cho đốt lửa, sai người đi đến bãi tha ma của bò, đem thịt bò về, cho chúng ăn và đặt người bảo vệ chúng.
Khi mưa gió chấm dứt, thân thể các con diều hâu lành mạnh, chúng liền bay về núi. Tại đấy, chúng hội họp lại và bàn tính như sau:
– Chúng ta được người triệu phú Ba-la-nại giúp đỡ. Chúng ta phải trả ơn người đã giúp đỡ chúng ta. Do vậy bắt đầu từ nay, nếu có ai lượm được tấm vải hay đồ trang sức gì, hãy bay đến Ba-la-nại và thả rơi trong sân nhà triệu phú.
Từ đó trở đi, nếu các con diều hâu thấy người ta phơi vải hay đồ trang sức giữa nắng, chúng liền chờ đợi một phút lơ đãng, rồi nhanh như cắt, chụp lấy đồ vật như chụp miếng thịt và bay đến thả rơi trong sân nhà người triệu phú Ba-la-nại. Khi người triệu phú biết được là đồ vật do các con diều hâu mang lại, ông cất giữ chúng tại một chỗ.
Mọi người trình vua là các con diều hâu đang đánh cắp đồ vật trong thành phố. Vua ra lệnh:
– Hãy bắt cho được một con diều hâu, ta bảo chúng mang trả lại tất cả.
Vì vậy khắp nơi, dân chúng đặt bẫy sập và lưới, rồi con diều hâu nuôi dưỡng mẹ bị mắc vào bẫy.
Bắt được con diều hâu, dân chúng đưa nó đến trình vua. Người triệu phú Ba-la-nại đang đi đến hầu vua, thấy các người ấy bắt được con diều hâu, liền đi theo họ vì sợ họ làm nó bị thương.
Vua hỏi con diều hâu:
– Có phải các ngươi ăn cắp, mang đi vải và đồ vật khác trong thành phố?
– Thưa vâng, tâu Ðại vương.
– Các ngươi cho ai những vật ấy?
– Chúng tôi cho vị triệu phú Ba-la-nại.
– Vì nguyên nhân gì?
– Vì vị ấy cho chúng tôi mạng sống. Chúng tôi phải trả ơn người đã làm ơn cho mình, nên chúng tôi đem cho vị ấy.
Rồi vua nói:
– Này diều hâu, nghe nói đứng xa một trăm dặm, các con diều hâu có thể thấy xác chết, vậy sao ngươi không thấy bẫy sập được bày ra?
Nói xong vua đọc bài kệ đầu:
Diều hâu thấy xác chết
Cách xa một trăm dặm,
Sao ngươi lại không biết
Va chạm lưới và bẫy?
Con diều hâu nghe hỏi vậy, liền thốt lên bài kệ thứ hai:
Chúng sanh gặp tai họa,
Mạng sống gần tiêu vong,
Khi ấy không thể biết,
Nên va chạm lưới bẫy.
Nghe con diều hâu đáp lại, vua hỏi vị triệu phú:
Có thật chăng, này nhà đại triệu phú, các con diều hâu mang thả vào nhà ông các thứ vải và đồ vật?
– Thưa Ðại vương, sự thật là vậy.
– Những đồ vật ấy nay ở đâu?
– Thưa Ðại vương, tất cả đã được tôi góp lại một chỗ. Những ai là chủ của chúng, tôi sẽ trả lại, nhưng xin ngài hãy thả con diều hâu này.
Sau khi can thiệp để thả con diều hâu, nhà đại triệu phú trả lại tất cả đồ vật cho chủ của chúng.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư liền thuyết giảng các Sư Thật. Sau bài giảng, vị Tỷ-kheo nuôi dưỡng mẹ đã đắc quả Dự lưu.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ vua là Ànanda, nhà triệu phú là Xá-lợi-phất, còn con diều hâu nuôi dưỡng mẹ là Ta vậy.
-ooOoo-
Này vật sanh bào thai…,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về hai viên chức cãi lộn nhau. Hoàn cảnh câu chuyện này giống như câu chuyện đã kể trong Tiền thân Uraga (Số 154). Ở đây, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, hai viên chức cao cấp này không phải nay mới được Ta làm cho hòa hợp. Thuở trước, Ta cũng đã làm cho họ hòa hợp rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình Bà-la-môn, tạo một ngôi làng nhỏ ở Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát đi học tất cả tài nghệ ở Takkasilà. Rồi ngài từ bỏ gia đình, xuất gia làm vị ẩn sĩ, đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng. Ngài sống ở vùng Tuyết Sơn bằng rễ cây và trái cây hái được trong rừng.
Tại cuối đường kinh hành của Bồ-tát, một con chuột rừng hay ăn rắn trú ở trong một ổ mối. Gần hang đó trong một hốc cây, có con rắn trú ẩn. Cả hai con chuột hoang và con rắn luôn luôn cãi lộn nhau. Bồ-tát khuyên dạy chúng về nguy hại của sự cãi lộn và những lợi ích của lòng từ bi:
– Chớ cãi lộn, nên sống hòa hợp với nhau.
Khi con rắn đi ra ngoài, con chuột hoang thò đầu ra miệng hang lỗ mối ở cuối đường kinh hành, mở miệng thở ra thở vô và nằm ngủ. Bồ-tát thấy con chuột hoang nằm ngủ như vậy bèn hỏi:
– Vì sao ngươi lại sợ hãi?
Và Bồ-tát đọc bài kệ đầu:
Này vật sanh bào thai,
Ngươi đã kết bạn được
Với kẻ thù của ngươi
Sanh ra từ hòn trứng,
Sao lại ngủ nhe răng?
Từ đâu ngươi sợ hãi?
Nghe Bồ-tát nói, con chuột hoang trả lời:
– Thưa Tôn giả, chớ khinh thường kẻ dịch, phải luôn cảnh giác và đề phòng nó.
Nói vậy xong, con chuột hoang đọc bài kệ thứ hai:
Chớ khinh thường kẻ thù,
Chớ tin tưởng bè bạn,
Từ không sợ, sợ sanh,
Cái gốc bị cắt đứt.
Bồ-tát nói:
– Chớ sợ, Ta đã khuyên nhủ con rắn không hại ngươi. Bắt đầu từ nay, ngươi chớ nghi ngờ nó.
Sau khi khuyên răn như vậy, Bồ-tát chuyên tu tập từ, bi, hỷ, xả và hướng đến Phạm thiên giới.
Và khi hai con vật kia mạng chung, chúng cũng đi theo nghiệp của mình.
*
Sai khi kể pháp thoại này, Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy con rắn và con chuột hoang là hai viên chức cao cấp này, còn vị tu khổ hạnh là Ta vậy.
-ooOoo-
Có đến mười bốn ngàn…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Bà-la-môn quá khó tánh đối với nghĩa trang. Vị này giàu có tài sản, nhưng theo tà kiến, tuy sống gần tịnh xá, vẫn không có cảm tình với chư Phật. Nhưng người con trai là bậc Hiền trí, có trí tuệ. Khi vị Bà-la-môn về già, ông nói với con trai.
– Chớ thiêu đốt ta tại nghĩa trang nào của kẻ hạ tiện. Hãy thiêu đốt ta tại chỗ nào thật sự không có uế nhiễm.
– Thưa cha thân, con không biết chỗ nào thích hợp để thiêu đốt cha. Lành thay, nếu cha dắt con đến một chỗ và nói: Hãy thiêu đốt tại chỗ này.
Vị Bà-la-môn nói:
– Lành thay, này con thân.
Người triệu phú dắt con đi ra khỏi thành, leo lên chóp núi Linh Thứu và nói:
– Này con thân, đây không phải là nơi thiêu đốt người hạ tiện, hãy thiêu đốt ta ở đây.
Nói xong ông ta bắt đầu đi xuống núi với con.
Trong ngày ấy buổi sáng, Bậc Ðạo Sư nhìn xem những bà con nào đủ căn duyên giác ngộ và thấy cha con người ấy có căn duyên chứng quả Dự Lưu. Ngài đi theo con đường của họ, đến chân núi và ngồi chờ họ từ chóp núi xuống. Hai cha con đi xuống nhìn thấy bậc Ðạo Sư. Ngài mở lời chào đón và hỏi:
– Này các Bà-la-môn, các ông từ đâu về?
Người thanh niên kể lại sự việc và nói:
– Bạch Thế Tôn, cha tôi chỉ khoảng giữa ba ngọn núi này.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này cậu trai, không phải chỉ nay cha cậu mới khó tánh, khắt khe đi tìm nghĩa trang, không phải chỉ nay cha cậu mời chỉ: Hãy thiêu đốt ta tại chỗ này. Thuở trước, cha cậu cũng chỉ chính chỗ này.
Và theo lời yêu cầu của cậu trai, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa tại Vương Xá này có một vị Bà-la-môn tên là Upasàlhaka. Người này có một con trai. Lúc bấy giờ, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở nước Ma-kiệt-đà, học đầy đủ các tài nghệ rồi xuất gia làm vị ẩn sĩ, chứng được các Thắng trí và Thiền chứng, thích thú trong thiền định. Sau khi sống lâu ngày trong khu vực núi Tuyết, vì vấn đề muối và các gia vị, Bồ-tát đến sống trong một chòi lá ở Linh Thứu. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn ấy nói với con trai đi tìm nghĩa trang đúng như cách thức đã nói ở trên. Người con trai yêu cầu:
– Cha hãy chỉ cho con địa điểm thích hợp.
Người cha chỉ chính chỗ này, rồi cùng con đi xuống núi, thấy Bồ-tát và đi đến gần ngài. Bồ-tát hỏi như cách thức đã kể ở trên. Sau khi nghe người con trai trả lời, Bồ-tát nói:
– Hãy đi! Chúng ta sẽ biết chỗ cha cậu chỉ là uế nhiễm hay không uế nhiễm.
Bồ-tát bảo họ trèo lên chóp núi. Cậu thanh niên nói:
– Ðây là địa điểm không bị uế nhiễm giữa ba ngọn núi.
Bồ-tát đáp:
– Này cậu trai, chính tại địa điểm này, đã có vô lượng người được thiêu đốt. Cha cậu sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Vương xá này, với tên là Upasàlhaka, chính giữa ngọn núi này, đã được thiêu đốt mười ngàn lần. Trên toàn thế giới, không có một chỗ nào không phải là chỗ thiêu xác, không có một chỗ nào không tràn đầy những đầu lâu.
Sau khi chỉ rõ, phân tích sự việc này với trí biết các đời trước, Bồ-tát đọc hai bài kệ này:
Có mười bốn ngàn người
Tên U-pa-sàl-ha,
Bị thiêu tại chỗ này
Không chỗ nào trên đời
Lại không có người chết.
Chỗ nào có chân lý,
Chánh pháp và bất hại,
Có tiết chế, điều ngự,
Chỗ ấy, bậc Thánh sống.
Chính chỗ ấy, thần chết
Không thể tìm lối vào.
Nói xong, Bồ-tát thuyết pháp cho hai cha con, khiến họ tu tập Từ, Bi, Hỷ, Xả, và khi chết được sanh lên cõi trời Phạm thiên.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này xong, Ngài thuyết giảng các Sự thật. Sau bài giảng các Sự thật, hai cha con ấy đắc quả Dự lưu.
Và ngài nhận diện Tiền thân:
– Cha con thời ấy là cha con hiện tại, còn vị tu khổ hạnh là Ta vậy.
-ooOoo-
Tỷ-kheo đi khất thực…,
Câu chuyện này khi trú ở Vương Xá, tại vườn Tapodàràma, bậc Ðạo Sư kể về Trưởng lão Samiddhi. Một hôm, Tôn giả Samiddhi trọn đêm tinh cần, tụ tập. Khi trời rạng đông, Tôn giả tắm xong, quấn nội y, cầm thượng y trên tay, đứng phơi cho khô, thân mình có sắc màu vàng chói giống như một tượng vàng được tạc tuyệt đẹp vì thế có tên gọi Samiddhi (thân hình tuyệt đẹp)
Thấy thân sắc tuyệt đẹp của Tôn giả, một thần nữ sanh tâm say đắm, nói như sau với Trưởng lão:
– Này Tỷ-kheo, chàng còn trẻ với tuổi niên thiếu, tóc đen nhánh, với tuổi thanh xuân đầy nhựa sống, đẹp mắt, khả ái như vậy, sao chàng không hưởng thụ các dục, vì mục đích gì lại xuất gia? Hãy hưởng thụ các dục lạc trước, rồi sau sẽ xuất gia và hành Sa-môn pháp.
Trưởng lão nói với thần nữ ấy:
– Này thần nữ, đến một tuổi nào đó, ta sẽ chết. Ta không biết thời nào ta sẽ chết. Thời ấy đối với ta bị che kín. Do vậy, trong tuổi trẻ, ta hành trì Sa-môn pháp để chấm dứt đau khổ.
Thần nữ không cám dỗ được Trưởng lão liền biến mất tại chỗ. Trưởng lão đi đến bậc Ðạo Sư, và thuật lại câu chuyện. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Samiddihi, không phải chỉ nay ông bị thần nữ luyến ái. Thuở trước, các thần nữ cũng luyến ái các vị xuất gia rồi.
Sau đó, theo lời yêu cầu của vị trưởng lão, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn tại một làng ở Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành, và đạt thành công trong tất cả tài nghệ, Bồ-tát xuất gia làm vị ẩn sĩ, đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng, rồi sống gần một hồ thiên nhiên trong khu vực Tuyết sơn.
Bồ-tát suốt đêm tinh tấn tu tập. Ðến rạng đông, sau khi tắm xong, Bồ-tát quấn tấm y làm bằng vỏ cây, còn tấm y kia cầm tay, và đứng phơi thân cho khô. Rồi một thần nữ nhìn thân thể tuyệt đẹp của Bồ-tát, tâm tư say đắm, sanh luyến ái Bồ-tát và đọc bài kệ đầu:
Tỷ-kheo đi khuất thực,
Có biết hưởng dục chăng?
Chàng theo hạnh khất thực,
Không hưởng thọ dục lạc,
Tỷ-kheo, hãy hưởng dục,
Rồi sẽ hành khất thực,
Chàng chớ để thời gian
Trôi qua thật uổng phí.
Bồ-tát nghe lời nói của thần nữ, liền nêu lên chí nguyện của mình, qua bài kệ thứ hai:
Thời chết, ta không biết,
Thời gian bị ngăn che,
Do vậy, không hưởng thọ,
Ta hành trì khất thực,
Ta không để thời gian
Trôi qua thật uổng phí.
Thần nữ nghe lời Bồ-tát nói liền biến mất tại chỗ.
*
Sau khi kể pháp thoại này bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, thần nữ ấy là thần nữ này, còn Ta là vị tu khổ hạnh.
-ooOoo-
Diều hâu với sức mạnh…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ viên,bậc Ðạo Sư kể về ý nghĩa bài kinh Khuyên dạy loài chim của Ngài (Sakunovàda)
Một hôm, bậc Ðạo Sư gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, khi các ông đi khất thực, mỗi người hãy giữ đúng địa hạt của mình.
Rồi Ngài đọc bài kinh ấy từ Ðại phẩm phù hợp với trừng hợp này và nói thêm:
– Thuở xưa, các loài bàng sanh từ bỏ địa hạt nhà của mình, đi tìm ăn không phải chỗ, và rơi vào tay kẻ thù. Rồi nhờ trí tuệ và phương tiện thiện xảo của mình, chúng thoát khỏi tay của kẻ thù.
Nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Bà-la-môn, Bồ-tát sanh làm chim cun cút sống tìm mồi tại những mô đất do cày bừa để lại. Một hôm, chim cun cút ấy từ bỏ khu vực tìm mồi quen thuộc của mình để đi nơi khác, và nó đi đến biên địa ngôi rừng. Thấy chim cun cút đang đi tìm mồi, tại chỗ ấy, một con diều hâu nhanh như cắt bay sà xuống chụp lấy cun cút và tha đi. Khi bị bắt, chim cun cút than:
– Ta thật đại bất hạnh! Ta thật là ít phước! Ta đã đi tìm mồi không phải chỗ, vào địa hạt của loài khác. Nếu nay ta đi tìm mồi trong khu vực tìm mồi của ông cha ta, trong địa hạt nhà của mình, thì con diều hâu này không đối địch với ta được, khi có đánh nhau.
Nghe vậy, diều hâu hỏi:
– Này chim cút nhỏ bé kia, chỗ nào là chỗ tìm mồi trong địa hạt nhà của ngươi, nơi mà ông cha ngươi đã tìm mồi?
– Tại chỗ này, chỗ những mô đất do cày bừa để lại.
Rồi con diều hâu nới lỏng sức mạnh của mình và nói:
– Hãy đi, chim cun cút bé nhỏ kia, dù đi đến đấy, ngươi cũng không thoát khỏi ta đâu.
Con chim cun cút bay đến đấy, đậu lên một mô đất lớn và gọi:
– Này diều hâu, ta cám ơn ngươi, nay ngươi hãy đến đây!
Con diều hâu tập trung sức mạnh của mình, vận dụng cả hai cánh lại, mau lẹ sà xuống chụp lấy con chim cút. Con chim cút biết: ” Con diều hâu này vồ bắt ta với tất cả sức mạnh”, liền xoay lại tránh qua phía những mô đất ấy. Chim diều hâu không thể trì hãm sức lực, đập mạnh cánh vào đấy, liền vỡ tim, lòi mắt và chết toi mạng.
Sau khi trình bày câu chuyện quá khứ này, bậc Ðạo Sư nói thêm:
– Như vậy này các Tỷ-kheo, các loài bàng sanh, khi đi tìm mồi không phải chỗ, đã rơi vào tay kẻ thù. Nhưng khi chúng đi tìm mồi trong địa hạt của mình, chúng đánh bại được kẻ thù. Do vậy, các ông chớ có đi không đúng chỗ, và đến địa hạt của người khác. Khi ta rời địa hạt của mình, Ác-ma sẽ đợi cơ hội, Ác-ma sẽ được thuận duyên. Này các Tỷ-kheo, chỗ nào là không đúng chỗ của Tỷ-kheo, là địa hạt của người khác? Ðó chính là năm dục lạc. Thế nào là năm? Sắc do mắt nhận thức… Này các Tỷ-kheo, đấy không phải là chỗ của Tỷ-kheo, là địa hạt của người khác.
Nói vậy xong, đấng Chánh Giác đọc bài kệ đầu:
Diều hâu với sức mạnh
Sà xuống chụp con cút,
Con cút đang tìm mồi
Trên địa hạt của mình,
Vì sà chụp quá mạnh,
Diều hâu chết toi mạng.
Khi diều hâu chết, chim cút mới đi ra và tuyên bố:
– Ta đã thấy được lưng kẻ thù.
Rồi đứng trên quả tim của con diều hâu, nó nói lên lời hứng qua bài kệ thứ hai:
Ta biết phương tiện hay,
Vui trên địa hạt nhà,
Ta mừng kẻ thù bại,
Thọ hưởng lợi ích mình.
*
Bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này xong, liền thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, nhiều Tỷ-kheo được an trú vào các Ðạo và Quả.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con diều hâu là Ðề-bà-đạt-đa, còn chim cút là Ta vậy.
-ooOoo-
Ai chính với Từ tâm…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về kinh Từ bi.
Một thời, bậc Ðạo Sư nói như sau với các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, Từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm thành căn cứ địa, được thực hiện, được khéo nỗ lực, thì được mười một lợi ích. Thế nào là mười một? Ngủ an lạc, thức dậy an lạc, không thấy ác mộng, loài người kính yêu, chư Thiên bảo hộ, lửa, thuốc độc hay gươm không đến gần, tâm mau chóng được thiền định, sắc mặt tịnh tín, không hôn ám khi mệnh chung, trí tuệ minh mẫn, sanh lên Phạm thiên giới. Này các Tỷ-kheo, Từ tâm giải thoát được thực hành sẽ được mười một lợi ích này.
Tán thán Từ tâm giải thoát đem lại mười một lợi ích này, Ngài còn dạy thêm:
– Một Tỷ-kheo cần phải tu tập Từ bi đối với tất cả chúng sanh, dù được bảo làm hay không, cũng phải hướng lòng từ, lòng bi đối với mọi loài. Như vậy đối với tất cả chúng sanh, dù được bảo làm hay không, một Tỷ-kheo cũng phải được tu tập từ tâm, bi tâm, hỷ tâm, xả tâm. Ðó là bốn Vô lượng tâm. Làm như vậy, khi thân hoại mạng chung vị ấy sẽ sanh lên Phạm thiên giới dù không đạt Ðạo hay Quả. Các bậc thiền trí thời xưa tu tập Từ tâm trong bảy năm, đã an trú ở Phạm thiên giới trong suốt bảy thành kiếp hoại kiếp.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, trong một đời, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài từ bỏ các dục, xuất gia làm vị ẩn sĩ, chứng được Bốn Vô lượng tâm và trở thành bậc Ðạo Sư tên là Araka. Bồ-tát sinh sống trong khu vực núi Tuyết với một hội chúng lớn và Bồ-tát khuyên dạy giáo hội chúng ẩn sĩ:
– Người xuất gia phải tu tập Từ tâm, phải tu tập bi tâm, hỷ tâm, xả tâm. Từ tâm chứng được nhờ chú tâm trên đối tượng sửa soạn đưa vị ấy đến Phạm thiên giới.
Ðể nêu rõ những lợi ích của Từ tâm, Bồ-tát đọc các bài kệ:
Ai chính với Từ tâm
Thương xót mọi thế giới
Trên, dưới và bề ngang,
Vô lượng trùm tất cả
Tâm từ bi vô lượng
Viên mãn, khéo tu tập,
Với nghiệp có hạn lượng
Tâm ấy không chất chứa.
Như vậy, Bồ-tát nói lên những lợi ích tu tập Từ tâm cho các đệ tử. Rồi không từ bỏ thiền định, ngài sanh lên Phạm thiên, và trong suốt bảy thành kiếp, hoại kiếp, ngài không trở lại thế giới này.
*
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, hội chúng ẩn sĩ là hội chúng đức Phật, và Ðạo Sư Araka là Ta vậy.
-ooOoo-
Người này không cúi đầu …,
Câu chuyện Tiền thân Kakantaka sẽ được trình bày trong Tiền thân Mahà Ummagga, số 538.
PHẨM THIỆN PHÁP
Thưa Nhân chủ, ở đời…,
Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một bà mẹ vợ điếc. Ở Xá-vệ, một điền chủ có lòng tin, tinh tấn, quy y Ba ngôi báu và giữ gìn Năm giới. Một hôm, người ấy đem theo nhiều phẩm vật như bơ chín, hoa, hương, và vải đi đến tinh xá để nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp. Trong khi người ấy đi, bà mẹ vợ đem theo các món ăn loại cứng loại mềm đến thăm con gái bà. Bà già ấy có hơi điếc. Sau khi ăn với con gái, bà muốn xua đuổi sự buồn ngủ, bèn hỏi con gái:
– Này con, con sống với chồng có hoan hỷ hoà hợp không?
– Thưa mẹ sao mẹ hỏi vậy? Thật khó tìm được một người như anh ấy. Dù nhiều người xuất gia có giới đức và có đạo hạnh cũng khó sánh với con rể của mẹ.
Bà già nghe con gái nói, không phân biệt được rõ ràng, chỉ nắm lấy chữ “xuất gia” và la to:
– Sao con? Chồng con trở thành người xuất gia rồi ư?
Mọi người sống ở trong nhà nghe bà ta nói, bèn la lớn:
– Nghe nói người điền chủ của chúng ta đã xuất gia rồi!
Nghe tiếng la, quần chúng tụ họp ở cửa và hỏi :
– Sao, sự việc gì xảy ra vậy?
Và họ được trả lời:
– Nghe nói người chủ của nhà này đã xuất gia rồi!
Người điền chủ nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp xong, đi ra khỏi tinh xá và vào thành. Khi đi giữa đường, một người thấy ông liền hỏi :
– Thưa ông chủ, nghe nói ông xuất gia rồi phải không? Ở nhà ông, vợ con và những người phục vụ đang khóc đó!
Người điền chủ ấy suy nghĩ :
– Ta không xuất gia mà người này nói ta xuất gia. Một tiếng nói tốt về ta đã khởi lên, không nên để cho mất đi. Vậy hôm nay, ta phải xuất gia.
Người điền chủ quay trở lại, đi đến bậc Ðạo Sư, và Ngài hỏi:
– Này cư sĩ, nghe Như Lai thuyết giảng xong, Ta thấy ông đã đi về, sao nay ông còn trở lại?
Người điền chủ kể câu chuyện và thưa :
– Bạch Thế Tôn, một tiếng nói tốt khởi lên không nên để biến mất. Do vậy con muốn xuất gia, và con đã trở lại.
Thế Tôn cho người ấy được xuất gia, thọ đại giới, và chơn chánh hành trì, không bao lâu vị ấy chứng quả A-La-Hán. Câu chuyện này được chúng Tỷ- kheo biết. Một hôm, các Tỷ- kheo đang ngồi họp ở Chánh pháp đường và nói về câu chuyện sau đây:
– Này các Hiền giả, người điền chủ với tên này, được nghe một lời nói tốt khởi lên. Không muốn cho nó biến mất, vị ấy đã xuất gia và chứng quả A-la-hán.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi :
– Này các Tỷ-kheo, câu chuyện gì đang được các ông ngồi họp và bàn luận?
Khi nghe thuật câu chuyện trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, các bậc Hiền trí thuở xưa, vì không muốn một lời nói tốt đã khởi lên bị bỏ phí, nên đã xuất gia.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì nước Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình triệu phú. Khi đến tuổi trưởng thành, cha chết, Bồ-tát được đặt vào địa vị người triệu phú. Một hôm, Bồ-tát đi đến nhà vị ấy để thăm người con gái. Bà ta có hơi điếc. Câu chuyện xảy ra giống như câu chuyện hiện tại. Khi Bồ-tát hầu vua xong, đang đi về nhà, một người thấy Bồ-tát và hỏi:
– Nghe nói ông đã xuất gia rồi. Tại nhà ông mọi người đang than khóc lớn.
Bồ-tát suy nghĩ: “Một tiếng tốt khởi lên không nên để cho mất đi”. Vì thế, Bồ-tát đã trở lại và đi đến cung vua. Vua hỏi:
– Này nhà triệu phú, ông đã đi rồi sao còn trở lại?
– Thưa Ðại vương, tôi chưa xuất gia, nhưng dân chúng lại đồn tôi đã xuất gia nên khóc than. Một tiếng tốt đã khởi lên không nên để cho biến mất. Vì thế tôi sẽ xuất gia. Mong Ðại vương cho phép tôi xuất gia.
Ðể nói lên ý nghĩa này, Bồ-tát đọc những bài kệ:
Thưa Nhân chủ, ở đời,
Ðược danh xưng Thiện pháp,
Người có trí không nên
Ðể thối thất tổn giảm,
Hãy vì sự xấu hổ,
Chấp nhận gánh nặng ấy.
Thưa Nhân chủ, tên này
Nay được tặng cho tôi,
Ở đời, chính tại đây,
Tôi được tên Thiện pháp,
Thấy vậy, tôi xuất gia,
Tôi không ham dục lạc.
Bồ-tát nói vậy xong, liền được phép vua cho xuất gia. Sau đó, ngài đi đến khu vực Tuyết Sơn xuất gia làm vị ẩn sĩ, đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng, rồi khi mất, ngài được sanh lên Phạm thiên giới.
*
Bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này xong, liền nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vua là Ànanda và vị triệu phú ở Ba-la-nại là Ta vậy.
-ooOoo-
Ai đã rống lớn tiếng…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Tỷ-kheo Kokàlika. Lúc bấy giờ tại cao nguyên Manosilà, nhiều Tỷ-kheo học rộng, rống tiếng của sư tử trẻ khiến cho sông Hằng thiên giới (Ngân Hà) gần như rơi xuống và đọc lên những câu kinh ở giữa Tăng chúng. Kokàlika không biết sự ngu dốt của mình đối với những câu kinh mà các Tỷ-kheo đã tụng đọc, và suy nghĩ: “Ta sẽ đọc những đoạn kinh đó”. Kokàlika đi vào giữa chúng Tỷ-kheo, nhưng không biết được danh hiệu dành cho mình, cứ đến chỗ này chỗ kia và nói:
– Các Tỷ-kheo không yêu cầu ta đọc kinh. Nếu họ yêu cầu, ta sẽ đọc.
Chúng Tỷ-kheo đã rõ biết khả năng đọc kinh của Kokàlika rồi, nhưng họ nghĩ: “Chúng ta sẽ thử Kokàlika”, nên họ nói như sau:
– Này Hiền giả Kokàlika, hôm nay Hiền giả hãy đọc một vài đoạn kinh cho chúng Tăng.
Kokàlika không biết sự ngu dốt của mình, chấp nhận và nói:
– Lành thay, hôm nay tôi sẽ đọc.
Kokàlika uống nước cháo, ăn một số món ăn và dùng một món canh hợp khẩu vị. Khi mặt trời lặn, thời kỳ nghe pháp đã báo hiệu, chúng Tỷ-kheo đã họp, Kokàlika quấn hạ y màu “vàng”, lại xanh như cây Kantakurania (hoa kèn xanh), đắp thượng y toàn trắng như bông Kanikàra, đi vào giữa chúng Tăng, đảnh lễ các vị Trưởng lão, bước lên pháp toạ đã được trang hoàng đặt dưới một cái đình lớn đính châu báu, cầm một cái quạt có màu sắc rực rỡ và ngồi trên ấy với ý định: “Ta sẽ tụng đọc một đoạn kinh”.
Chính khi ấy, những hạt mồ hôi bắt đầu toát ra khắp thân của Kokàlika, vị ấy đọc câu kệ thứ nhất trong đoạn thứ nhất, nhưng vị ấy không thể nhớ được câu kế tiếp. Run rẩy, từ chỗ ngồi đi xuống, cảm thấy xấu hổ, Kokàlika đi ra khỏi hội chúng và về phòng của mình. Một Tỷ-kheo khác có học nhiều đã đọc đoạn kinh kế tiếp. Từ đấy trở đi, tất cả các Tỷ-kheo đều biết được sự trống rỗng của Kokàlika.
Một hôm, các Tỷ-kheo tại Chánh pháp đường bắt đầu nói về câu chuyện ấy:
– Này các Hiền giả, ban đầu thật khó biết được sự trống rỗng của Kokàlika. Nhưng nay, Kokàlika đã tự mình rống lên và tự phơi bày sự kém cỏi của mình.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông nay ngồi họp bàn câu chuyện gì?
Sau khi nghe câu chuyện ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Kokàlika mới phơi bày sự trống rỗng của mình. Trước kia, kẻ ấy cũng đã rống lên và phơi bày sự trống rỗng như vậy rồi.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con sư tử ở khu vực Tuyết Sơn, là vua loài sư tử đông đảo sống trong hang Bạc. Gần đấy, một con chó rừng sống trong một cái hang khác.
Một hôm trời mưa, không đi được, tất cả sư tử họp tại cửa hang sư tử chúa, rống lên tiếng rống sư tử và chơi các trò sư tử. Trong khi chúng rống lên và chơi như vậy, con chó rừng cũng lên tiếng. Các con sư tử nghe tiếng của nó, suy nghĩ: “Ðây là con chó rừng cũng rống lên với chúng ta”. Chúng cảm thấy xấu hổ, nên im lặng. Khi thấy chúng im lặng, con của Bồ-tát, một sư tử con, hỏi cha:
– Thưa cha thân, các sư tử thường rống lên và chơi trò sư tử , nhưng khi nghe thấy tiếng con chó rừng lại xấu hổ và im lặng. Con vật ấy là con gì đã tự phơi bày tiếng rống hạ liệt của mình?
Sư tử con đọc bài kệ đầu để hỏi:
Ai đã rống lớn tiếng,
Vang dội Dad-da-ra,
Vì sao các sư tử
Lại không rống đáp lại?
Con thú rống như vậy
Tên nó gọi là gì?
Khi nghe vậy, sư tử cha đọc bài kệ thứ hai:
Chính là con chó rừng
Ðã rống, này con thân,
Con vật bần tiện nhất
Giữa các loại sanh thú,
Ghê tởm hạ sanh nó,
Sư tử ngồi im lặng.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Kokàlika với tiếng rống đã phơi bày sự kém cỏi của mình ta. Thuở trước, kẻ ấy cũng làm như vậy rồi.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con chó rừng là Kokàlika, sư tử con là La-hầu-la, còn sư tử chúa là Ta vậy.
-ooOoo-
Có một kẻ khốn cùng…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ-Viên, bậc Ðạo Sư kể về một kẻ gian trá. (Hoàn cảnh câu chuyện này sẽ được trình bày trong Chương XIV, Tiền thân Uddàla (số 487)). Lúc bấy giờ, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo này mới gian trá. Thuở xưa, kẻ ấy là con vượn, vì ngọn lửa, cũng đã gian trá như vậy rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta trị vì ở Bà-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn tại một làng ở Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành, và đã đi học đủ các tài nghệ ở Takkasilà, Bồ-tát lập gia đình. Nữ Bà-la-môn ở nhà, sanh được một con trai. Khi đứa con bắt đầu chạy qua chạy lại, nữ Bà-la-môn mệnh chung. Bồ-tát làm xong tang lễ cho người chết, liền suy nghĩ: “Nay ta còn sống ở gia đình làm gì?” Và dắt con đi với ý định: “Chúng ta sẽ xuất gia”.
Từ giã bà con bạn bè tiễn đưa khóc lóc, Bồ-tát đem theo con đi vào Tuyết Sơn, làm vị ẩn sĩ, và sinh sống trong rừng với các thứ rễ và trái cây.
Một hôm, trong khi trời mưa, Bồ-tát đốt lửa củi lên, nằm xuống trên một tấm phản và hơ lửa cho ấm. Cậu con trai ngồi xoa bóp chân cha. Có một con vượn rừng bị lạnh hành hạ, chợt thấy ngọn lửa trong chòi lá của Bồ-tát, liền suy nghĩ: “Nếu ta vào đấy, chúng sẽ đập ta và la: Ôi con vượn, con vượn, và đuổi ta ra ngoài. Như vậy ta không sưởi lửa được. Nay ta có một phương tiện. Ta sẽ khoác áo một người tu khổ hạnh, và trá hình đi vào”. Vì vậy, nó choàng áo bằng vỏ cây của một người tu khổ hạnh đã chết, cầm lấy cái rổ và cái gậy có móc của nó, dựa vào một cây cọ dừa ở cửa chòi lá, và đứng đấy co ro cúm rúm. Cậu trai khổ hạnh thấy nó, không biết nó là con vượn, suy nghĩ: “Có một vị tu khổ hạnh lớn tuổi, bị rét muốn đến hơ lửa! Ta sẽ nói với cha ta cho vị này vào chòi lá và hơ lửa”. Vì vậy, cậu gọi cha và đọc bài kệ đầu:
Có một kẻ khốn cùng
Dựa vào cây cọ dừa,
Ðây ta có chòi lá,
Cho nó vào, cha thân.
Bồ-tát nghe con nói liền đứng dậy, ra cửa chòi lá nhìn, biết đấy là con vượn, ngài bảo:
– Này con thân, bộ mặt như vậy không phải là người thường, nó là con vượn, chớ gọi nó vào.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Con thân, chớ gọi nói,
Nó làm nhớp nhà ta!
Bộ mặt vậy không phải
Hạnh tốt Bà-la-môn.
Bồ-tát cầm một nhánh củi, ném nó và la lớn:
– Người đứng đấy làm gì?
Và đuổi nó đi. Con vượn quăng bỏ áo bằng vỏ cây, leo lên cây và đi vào trong khóm rừng.
Sau đó Bồ-tát tu tập Bốn Vô lượng tâm từ, bi, hỷ, xả, và khi mạng chung được sanh lên Phạm thiên giới.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ con vượn là Tỷ-kheo gian trá, con trai vị tu khổ hạnh là La-hầu-la và vị tu khổ hạnh là Ta vậy.
-ooOoo-
Ta đã cho nhà ngươi…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc lâm, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa. Một hôm, các Tỷ-kheo ngồi tại Chánh pháp đường, nói chuyện về Ðề-bà-đạt-đa không nhớ ơn và phản lại bạn bè. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới không nhớ ơn và phản lại bạn bè. Thuở trước, kẻ ấy cũng vậy rồi.
R ồi bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn, tại một làng ở Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát lập gia đình.
Lúc bấy giờ, trên một đại lộ trong xứ Kàsi có một cái giếng sâu, không ai xuống được. Những người qua lại con đường có các loài thú ở, muốn tạo công đức, thường dùng dây dài và cái gàu, múc nước đổ vào cái máng và cho các loài thú uống. Xung quanh giếng ấy có rừng lớn bao bọc, và nhiều con vượn sống tại đấy.
Rồi trên con đường ấy, trong hai ba ngày số nước do người qua lại cung cấp đã cạn. Các loại thú không có nước uống. Một con vượn bị cơn khát hành hạ, cứ đi qua lại gần cái giếng để tìm nước. Bấy giờ vì một vài công việc, Bồ-tát đi ngang qua đường ấy, kéo nước lên uống xong, Bồ-tát rửa tay chân và thấy con vượn ấy. Biết con vượn khát nước, Bồ-tát liền kéo nước lên, đổ đầy máng nước và cho nó uống. Rồi Bồ-tát nằm xuống một gốc cây để xem con vượn làm gì. Con vượn uống nước xong, ngồi xuống không xa với bộ mặt làm các trò khỉ để doạ Bồ-tát. Bồ-tát thấy nó làm vậy liền nói:
– Ôi, con vượn ác độc kia, ta thấy ngươi mệt mỏi khát nước đã cho ngươi uống. Nay ngươi lại lấy bộ mặt này làm các trò khỉ dọa nạt ta. Ôi, giúp đỡ kẻ làm ác không có lợi ích chỉ nhọc công toi.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ đầu:
Ta đã cho nhà ngươi
Ðược nhiều nước như vậy,
Ngươi bị nóng bức bách,
Ngươi bị khát hành hạ,
Nhưng nay đã uống xong,
Ngươi ngồi làm trò khỉ,
Tốt nhất, vậy không nên
Liên hệ với kẻ ác.
Nghe vậy, con vượn phản bạn ấy nói:
– Ngươi tưởng rằng ta chỉ làm vậy thôi sao?Ta sẽ làm rơi phân trên đầu ngươi trước khi đi.
Rồi nó đọc bài kệ thứ hai:
Ai từng nghe hoặc thấy
Khỉ nào có giới đức?
Nay thả phân đầu ngươi,
Thói chúng ta là vậy.
Nghe vậy, Bồ-tát đứng dậy bắt đầu đi. Con vượn ngay lúc ấy, leo lên ngồi trên một nhành cây thả phân trên đầu Bồ-tát như vòng hoa rơi xuống và kêu lớn tiếng, rồi bỏ đi vào khóm rừng. Bồ-tát tắm xong rồi ra đi.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới như vậy. Thuở trước, kẻ ấy cũng không biết công đức Ta làm.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con vượn là Ðề-bà-đạt-đa, còn vị Bà-la-môn là Ta vậy.
-ooOoo-
Nghe nói mọi chúng sanh…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một kẻ man trá.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Bà-la-môn, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài học mọi tài nghệ ở Takkasilà. Rồi ngài xuất gia làm vị đạo sĩ, đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng và trở thành một sư trưởng của một hội chúng đông đảo sống tại Tuyết Sơn. Bồ-tát ở đấy lâu ngày, rồi vì mục đích lấy muối và giấm, ngài đi xuống núi, và sống trong một chòi lá gần một làng ở biên địa.
Trong khi chúng đạo sĩ đi khất thực, một con vượn tham lam đến chỗ am thất, xáo trộn chòi lá, đổ nước ở các ghè ra, đập vỡ các bình, và phóng uế vào căn nhà có thờ lửa. Sau khi an cư mùa mưa, các vị tu khổ hạnh nghĩ: “Nay ở Tuyết Sơn đang thời kỳ nở hoa kết trái rất là đẹp mắt. Chúng ta sẽ đi về Tuyết Sơn”.Vì vậy họ báo tin cho dân làng sống ở biên địa. Các dân làng nói:
– Thưa các Tôn giả, ngày mai chúng tôi sẽ đem theo thức ăn đi đến am thất. Các Tôn giả sẽ ăn rồi ra đi.
Ngày hôm sau, họ đem theo nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm, và đi đến chỗ ấy. Thấy vậy, con vượn ấy suy nghĩ: “Ta sẽ lừa dối các người này khiến chúng hoan hỷ, đem cho ta các món ăn loại cứng và loại mềm”. Rồi làm ra vẻ như người sống khổ hạnh đang giữ giới, nó đứng đảnh lễ mặt trời không xa các vị tu khổ hạnh. Các dân làng thấy nó, liền nói:
– Những ai sống gần các bậc giới hạnh cũng có giới hạnh.
Rồi họ đọc bài kệ đầu:
Nghe nói mọi chúng sanh
Ðều có giữ giới hạnh,
Hãy xem vượn khốn khổ
Sống ở trên cành này,
Ðang đảnh lễ mặt trời.
Thấy các người ấy tán thán công đức của nó, Bồ-tát nói:
– Các ông không biết tánh hạnh của con khỉ tham lam này, nên hoan hỷ khen ngợi nó không có căn cứ.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Không biết tánh hạnh nó,
Các người cứ ngợi khen,
Nó làm bẩn lửa thiêng,
Ðập vỡ các ghè nước.
Khi biết được sự man trá của con vượn, họ lấy đá và gậy đánh nó rồi cúng đồ ăn cho các đạo sĩ. Rồi các đạo sĩ đi về Tuyết Sơn, tu tập Thiền định không gián đoạn, cuối cùng khi thân hoại mạng chung, được sanh lên Phạm thiên giới.
*
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con vượn là kẻ man trá này, hội chúng đạo sĩ là hội chúng đức Phật, và vị Sư trưởng hội chúng là Ta vậy.
-ooOoo-
Thưa Nhân chủ, vượn này…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về vua Kosala.
Một thời, trong mùa mưa, bạo loạn bùng nổ ở biên địa. Quân lính đến đóng đồn tại đó và sau hai ba trận giao chiến, họ không thể đánh bại quân địch, liền dâng sớ trình vua. Mặc dù đang mùa mưa, vua vẫn ra đi và cắm trại trước Kỳ Viên. Rồi vua bắt đầu suy nghĩ: “Khởi binh trong mùa mưa, các khe đá hang đá đều ngập nước, đường sá rất khó đi. Ta sẽ đi đến viếng thăm bậc Ðạo sư”. Khi ngài hỏi: “Thưa Ðại vương, Ðại vương đi đâu?” ta sẽ trình sự việc cho Ngài biết. Bậc Ðạo Sư không chỉ che chở làm lợi ích cho ta trong đời tương lai, mà còn che chở cho ta trong hiện tại. Do vậy, nếu việc ra đi của ta không được thuận tiện, Ngài sẽ nói với ta: “Thưa Ðại vương, nay không đúng thời. Còn nếu việc ra đi được thuận tiện, ngài sẽ im lặng”. Vì vậy, vua đi vào Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo sư và ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Thưa Ðại vương, Ðại vương đi từ đâu đến quá sớm như vậy?
Vua trả lời:
– Bạch Thế Tôn, trẫm sắp đi dẹp loạn ở biên địa. Ðảnh lễ Thế Tôn xong, trẫm sẽ đi.
Bậc Ðạo sư nói:
– Thuở xưa, trước khi ra trận, nghe lời nói của các bậc Hiền trí, các đại vương đã không xuất quân phi thời.
Rồi theo lời yêu cầu của vua, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị đại thần tâm phúc của nhà vua và cố vấn giúp vua về các vấn đề tục sự và thánh sự. Thời ấy có một cuộc nổi loạn tại biên địa, và các lính biên phòng gửi cho vua một bức thư. Vua xuất quân vào mùa mưa, và đóng trại ở ngự viện. Bồ-tát đứng cạnh vua. Lúc ấy có người nấu sôi một loại đậu cho ngựa ăn, và đem đậu đổ vào máng. Một con vượn ở trong vườn, từ cây leo xuống, lấy những hạt đậu từ nơi máng ấy, ngậm đầy miệng và nắm đầy tay, leo lên cây, lại ngồi đấy và bắt đầu ăn.
Trong khi nó đang ăn, một hạt đầu từ tay rơi xuống đất, nó quăng bỏ tất cả hột đậu lấy từ miệng và từ tay, rồi từ cây leo xuống, tìm hột đậu bị rơi ấy. Nhưng không thấy hạt đậu nó lại leo lên cây, ngồi trên cành, buồn bã, xịu mặt, như thua vụ kiện cả ngàn đồng. Vua thấy việc con vượn làm, chỉ cho Bồ-tát và hỏi:
– Này khanh, khanh nghĩ thế nào về việc làm này của con vượn?
Bồ-tát thưa:
– Thưa Ðại vương, kẻ ngu kém trí bỏ ra nhiều tiền để mua được ít, chính là như vậy.
Rồi Bồ-tát đọc lên bài kệ đầu:
Thưa Nhân chủ, vượn này
Ngu si sống trên cành,
Trí tuệ nó không có,
Nó đã quăng tất cả
Nắm đậu nằm trong tay,
Ðể tìm một hột rơi.
Sau đó vị đại thần đi đến gần vua và đọc bài kệ thứ hai:
Chúng ta và người khác
Tham lam cũng như vậy,
Thưa Ðại vương, chúng ta
Mất nhiều để được ít,
Chẳng khác con vượn ấy
Xử sự với hột đậu.
Vua nghe Bồ-tát nói vậy, liền quay trở lại, và vào thành Ba-la-nại. Các bọn ăn cướp nghe tin vua xuất quân chinh phạt kẻ thù và đã đi ra khỏi thành, liền chạy trốn khỏi biên địa.
Vào thời có câu chuyện hiện tại, bọn ăn cướp nghe tin Vua Kosala đã đi ra khỏi thành, liền chạy trốn.
Vua nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Ngài với thân bên hữu hướng về Ngài rồi đi về Xá-vệ.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, nhà vua là Ànanda, và vị đại thần có trí là Ta vậy.
-ooOoo-
Tay cầm cung, ống tên…,
Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về trí tuệ Ba-la-mật. Bậc Ðạo Sư nghe tán thán trí tuệ của mình như ở trong Tiền thân Mahàbodhi (số 528) và trong Tiên thân Ummagga (số 538) đã nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Như Lai mới có trí tuệ. Thuở xưa, Như Lai cũng có trí tuệ và thiện xảo phương tiện rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con khỉ, với tám mươi ngàn khỉ con vây quanh, sống tại núi Tuyết. Gần đấy, có một làng nhỏ ở biên địa, khi thì có người ở, khi thì không. Giữa ngôi làng ấy, có một cây Tinduka sanh trái ngọt, và cành lá sum suê. Khi không có người ở, đàn khỉ đến ăn trái cây.
Một thời, trong mùa có trái, làng ấy đầy người đến ở, một hàng rào được dựng lên xung quanh và có cửa canh gác. Cây ấy đứng tại đấy, với cành cây nặng trĩu quả. Bầy khỉ suy nghĩ: “Trước kia tại làng ấy ta thường ăn trái cây Tinduka. Cây ấy nay có nhiều trái hay không và có nhiều người ở đó hay không?” Nghĩ vậy, chúng cử một con khỉ đi thăm dò.
– Hãy đi và tìm cho biết tin này.
Con khỉ ấy đi, biết được cây ấy đầy trái, và làng có nhiều người, liền về và báo tin lại. Ðàn khỉ nghe cây đầy trái, chúng quyết đi hái trái để ăn, liền đến tìm khỉ chúa và báo tin ấy. Khỉ chúa hỏi:
– Làng có người ở hay không có người ở?
– Thưa chúa đàn, có người ở!
– Vậy chớ nên đi, vì loài người rất xảo quyệt.
– Thưa chúa đàn, vào nửa đêm trong lúc loài người nằm ngủ, chúng tôi sẽ đến ăn!
Cả đàn khỉ đông đảo xin được phép của khỉ chúa, từ núi Tuyết đi xuống, nằm trên mặt một tảng đá, không xa làng bao nhiêu, chờ cho đến lúc mọi người đi ngủ. Vào nửa đêm, khi mọi người đã ngủ say, chúng leo cây và ăn trái. Một người kia có việc cần ra khỏi nhà, đến giữa làng thấy các con khỉ, liền báo cho mọi người biết. Nhiều người nai nịt cung, tên, tay cầm nhiều loại vũ khí, cầm đá, gậy, và nghĩ: “Khi trời đã sáng, chúng ta sẽ bắt những con khỉ”. Họ vây quanh cây và đứng chờ.
Tám mươi ngàn con khỉ thấy những người này, sợ chết, suy nghĩ: “Không có nơi nương tựa nào khác ngoài khỉ chúa”, bèn đi đến gần khỉ chúa và đọc bài kệ đầu:
Tay cầm cung, ống tên,
Mang các loài gươm tốt,
Chúng bao vây chúng tôi,
Làm sao được giải thoát?
Nghe chúng nói, khỉ chúa an ủi:
– Chớ sợ. Loài người có nhiều việc phải làm.
Khỉ chúa an ủi chúng xong, liền đọc bài kệ thứ hai:
Loài người có nhiều việc,
Sẽ giải tán đám đông,
Những gì cây còn lại,
Hãy ăn Tin-du-ka.
Bậc Ðại Sĩ an ủi đàn khỉ. Nếu chúng không được sự an ủi như vậy, tất cả sẽ vỡ tim và chết. Bậc Ðại Sĩ an ủi đàn khỉ, rồi bảo họp lại tất cả bọn. Khi chúng đã họp, chúng không thấy con khỉ Senaka, cháu trai của khỉ chúa. Chúng báo cho khỉ chúa biết Senaka không đến, khỉ chúa nói:
– Nếu Senaka không đến, các ngươi chớ lo. Nay nó sẽ đem lại an toàn cho các ngươi đó.
Còn Senaka vẫn ngủ khi đàn khỉ ra đi. Sau khi thức dậy, không thấy ai, nó đi theo dấu chân chúng, thấy mọi người đến, và biết rằng đàn khỉ sẽ gặp nạn.
Khi thấy một ngôi nhà ở biên địa có lửa đốt lên và một bà già đang ngủ say, nó đi đến, và làm như một đứa trẻ ở làng đi ra đồng, nó cầm lấy một que lửa, và đứng theo chiều gió thổi, nó đốt làng cháy. Các người ấy liền bỏ đàn khỉ, vội vàng chạy đến dập tắt lửa. Trước khi chạy, mỗi con khỉ hái một trái cây mang theo về cho Senaka.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Senaka, cháu của khỉ chúa, là Mahànàma, đàn khỉ là hội chúng đức Phật, còn khỉ chúa là Ta vậy.
-ooOoo-
Tại đây ta sanh ra…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một người được chữa khỏi bệnh thổ tả. Một thời, tại một gia đình ở Xá-vệ, có bệnh thổ tả lan đến. Cha mẹ nói với con trai:
– Này con thân, chớ sống trong nhà này. Hãy phá tường và trốn đi, đến một chỗ nào đó và bảo vệ sự sống. Sau khi về, tại chỗ này có nhiều của chôn cất, con hãy đào lên, dựng lại cơ nghiệp và sống hạnh phúc.
Nghe nói vậy, người con trai vâng theo và phá bức tường chạy trốn. Khi chứng bệnh của mình đã chấm dứt, anh ta trở về, đào của cải lên và sống đời sống gia đình. Một hôm, anh ta đem theo bơ chín, dầu, vải và áo ấm… đi đến Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo Sư và ngồi xuống. Sau khi tiếp đón anh ta, bậc Ðạo Sư liền hỏi:
– Chúng ta nghe nhà của con có bệnh dịch tả lây lan làm thế nào con thoát được?
Anh ta kể lại sự tình. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này cư sĩ, thuở xưa khi tai hoạ khởi lên, có những kẻ quá luyến tiếc trú xứ của mình và không đi chỗ khác, nên đã không giữ được mạng sống. Còn những kẻ không quá luyến tiếc trú xứ và bỏ đi nơi khác thì đã cứu được mình.
Nói như vậy xong, theo lời yêu cầu của người con trai, bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình làm đồ gốm ở một ngôi làng nhỏ. Bồ-tát cũng làm nghề gốm để nuôi dưỡng vợ con.
Lúc bấy giờ, có một hồ nước lớn gần một con sông lớn ở Ba-la-nại. Trong thời nước lớn, hồ ngập nước từ con sông tràn vào; trong thời nước yếu, hồ nước tách riêng. Các con cá và rùa biết: Trong năm nay sẽ có mưa nhiều, hay trong năm nay sẽ có hạn hán. Vào thời có chuyện này có con cá và rùa sanh trong hồ ấy biết: Trong năm nay, sẽ hạn hán.
Vì vậy trong khi nước hồ còn hợp thành một với sông, chúng từ trong hồ bơi ra và đi đến con sông. Nhưng có một con rùa nghĩ: “Chỗ này ta sanh ra, chỗ ta lớn lên, chỗ ở của cha mẹ, ta không thể bỏ chỗ này được”. Nghĩ vậy, nó không đi ra sông.
Trong thời kỳ mùa hạ, ở đấy, nước bị khô cạn, con rùa ấy đào đất tại chỗ Bồ-tát thường đến lấy đất sét. Bồ-tát đi đến đấy để lấy đất sét với cái cuốc lớn và đào đất lên, đập trên lưng con rùa, với cái cuốc hất nó lên và quăng nó trên mặt đất như một cục đất. Trong khi cảm thọ đau đớn, con rùa ấy nói:
– Do ta không từ bỏ chỗ ở, nên phải gặp nạn diệt vong như vậy.
Nói vậy xong, nó khóc với những bài kệ:
Tại đây, ta sanh ra,
Trong bùn này ta sống,
Ta yếu đuối thế này,
Thế Tôn, con van Ngài,
Hãy nghe tiếng con thưa.
Ở làng hay tại rừng,
Chỗ nào được an lạc,
Với người có trí thức,
Là chỗ sanh, chỗ lớn.
Chỗ nào có sự sống,
Hãy đi đến chỗ ấy,
Tốt hơn chỗ trú ẩn
Ðem lại sự hủy diệt.
Như vậy, con rùa nói với Bồ-tát rồi chết. Bồ-tát lượm nó lên, họp mọi người trong làng lại, khuyến dạy họ như sau:
– Hãy xem con rùa này! Trong khi các loài cá, loài rùa khác đi ra trên sông lớn, nó không thể cắt đứt sự luyến ái đối với trú xứ, không cùng đi ra sông, đào đất ở chỗ ta đến lấy đất sét, với các cuốc lớn, ta đập vỡ lưng của nó và quăng nó lên mặt đất như một cục đất. Nó nhớ đến việc làm của mình, than khóc với hai bài kệ rồi chết. Như vậy, do luyến ái trú xứ của mình, nó phải chết. Các ngươi chớ làm như con rùa này. Bắt đầu từ nay, đừng nghĩ rằng: “Sắc của ta, tiếng của ta, chớ có tham ái, vì thọ hưởng chấp thủ chúng. Mọi chúng sanh đến phải trải qua ba hiện hữu (dục hữu, sắc hữu, và vô sắc hữu).
Như vậy với sự tinh thông của một bậc Giác ngộ, Bồ-tát khuyên dạy đại chúng. Lời khuyên dạy của Bồ-tát lan rộng toàn cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ) và tồn tại đến bảy trăm năm. Ðại chúng nghe lời Bồ-tát khuyên dạy, làm các công đức như bố thí v.v… rồi khi mạng chung, họ sanh lên Thiên giới.
*
Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Ðạo Sư liền giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, người thanh niên đã đắc quả Dự lưu.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con rùa là Ànanda, còn người làm đồ gốm là Ta vậy.
-ooOoo-
Nhỏ thay dư tàn ấy…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về hai mươi mốt sinh kế phi pháp. Một thời, nhiều Tỷ-kheo làm nghề thầy thuốc, nghề sứ giả, nghề đưa tin, nghề liên lạc đường bộ, đổi đồ ăn khất thực v.v… (Những pháp này sẽ được nói đến trong Tiền thân Saketa (237 và 68)). Khi bậc Ðạo Sư biết được các Tỷ-kheo đã sinh sống như vậy, Ngài nói:
– Nay nhiều Tỷ-kheo đã sinh sống phi pháp. Sinh sống như vậy, sẽ không giải thoát mà còn đọa làm Dạ-xoa, hay ngạ quỷ. Họ sẽ sanh làm những trâu bò chở nặng, một số sẽ thác sanh vào địa ngục. Vì hạnh phúc và an lạc cho họ, ta cần phải nói lên một bài pháp liên hệ đến cá nhân.
Vì vậy bậc Ðạo Sư bảo họp các Tỷ-kheo lại và nói:
– Này các Tỷ-kheo, các ông chớ làm hai mươi mốt sanh kế phi pháp. Ðồ ăn khất thực nhận được phi pháp, giống như hòn sắc nung đỏ, ví như nọc rắn độc, các sanh kế phi pháp này đã bị các đệ tử chư Phật, các Ðộc giác Phật chỉ trích và bài xích. Hưởng thọ các món ăn khất thực nhận được do sanh kế phi pháp không đem lại vui cười hoan hỷ. Các đồ ăn khất thực nhận được như vậy trong Giáo hội của Ta, chẳng khác gì món ăn tàn dư của kẻ hạ tiện.
Sau khi nói vậy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con một người ở đẳng cấp hạ tiện. Khi đến tuổi trưởng thành, vì một vài công việc Bồ-tát lên đường ra đi và đem theo một giỏ gạo làm lương thực. Lúc bấy giờ, tại Ba-la-nại có một thanh niên tên là Satadhamma, là con một gia đình đại Bà-la-môn nhưng không đem theo gạo để làm lương thực. Cả hai cũng gặp nhau trên con đường lớn. Thanh niên ấy hỏi Bồ-tát:
– Ngươi ở giai cấp gì?
Bồ-tát đáp:
– Tôi thuộc giai cấp hạ tiện.
Bồ-tát hỏi:
– Cậu ở giai cấp gì?
Anh ta đáp:
– Tôi thuộc giai cấp Bà-la-môn phương bắc.
– Lành thay, chúng ta cùng đi.
Cả hai cùng đi. Khi đến giờ ăn sáng, Bồ-tát ngồi xuống tại chỗ có nước tốt, rửa tay, mở giỏ cơm, và nói với thanh niên ấy:
– Hãy ăn cơm!
– Này tiện dân, ta không cần cơm.
Bồ-tát nói:
– Lành thay!
Rồi không để cho dư cơm thừa, Bồ-tát bỏ cơm vừa đủ cho mình ăn trên một cái lá khác, cột cái giỏ lại, để nó một bên. Bồ-tát ăn xong, uống nước, rửa tay chân, rồi cầm lấy cơm gạo còn lại và nói với thanh niên:
– Này cậu, chúng ta cùng đi.
Rồi họ lại lên đường. Cả ngày hai người cùng đi, đến chiều cả hai tắm tại một chỗ có nước tốt. Sau khi tắm xong, họ lên bờ. Bồ-tát ngồi một chỗ thoải mái, mở giỏ cơm, không mời cậu thanh niên kia và bắt đầu ngồi ăn. Cậu trai kia cả ngày đi mệt mỏi, lại đói bụng, đứng nhìn và nghĩ: “Nếu nó cho ta cơm, ta sẽ ăn”. Bồ-tát không nói gì, vẫn ăn. Cậu trai nghĩ: “Kẻ hạ tiện này không mời gì ta, lại ăn hết cả đồ ăn. Ðể khỏi bị đói bức bách, ta lấy một miếng, quăng đi phần cơm dơ bẩn ở trên và phần cơm còn lại.” Anh ta làm như anh đã nghĩ, và ăn phần cơm đươc làm cho sạch sẽ. Vừa ăn xong, anh ta hết sức hối hận ăn năn. Anh nôn hết thức ăn và máu trào ra theo đó:
– Ôi vì ta phóng dật, đã làm một việc không thích đáng. Ta đã làm nhục dòng họ, gia tộc cao quý của ta. Ta đã ăn phần cơm dư thừa của một tên hạ đẳng!
Sau khi khóc than, sầu muộn, anh ta nói lên bài kệ đầu:
Nhỏ thay, dư tàn ấy,
Nó cho rất khó khăn!
Ta sanh là Phạm chí,
Món ăn, bị nôn ra.
Cậu trai ấy than khóc như vậy:
– Hôm nay ta đã làm một việc không thích đáng chỉ vì sự sống!
Nói vậy xong, anh ta đi sâu vào rừng, không để một ai thấy mình, rồi anh ta sầu muộn và chết cô độc.
*
Sau khi kể câu chuyện quá khứ bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, giống như thanh niên Satadhamma, sau khi ăn đồ ăn dư tàn của kẻ hạ tiện, đã tự trách mình đã ăn không xứng đáng, nên không vui cười, không hoan hỷ. Cũng vậy, ai xuất gia trong Giáo hội này và sống với sinh kế phi pháp, khi hưởng thọ thức ăn đã nhận được do cách thức như trên, đã sống một nếp sống bị đức Phật bài bác và chỉ trích, kẻ ấy sẽ không vui cười và hoan hỷ.
Rồi bậc Ðạo Sư đọc bài kệ thứ hai:
Ai hủy hoại chánh pháp,
Sinh sống theo phi pháp,
Như Sa-ta-dham-ma,
Sống không được hoan hỷ.
Như vậy, bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này xong, liền thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, nhiều Tỷ-kheo đã đắc các Ðạo và Quả.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Ta là kẻ tiện dân ấy.
-ooOoo-
Cho những gì khó cho…,
Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về sự bố thí của hội chúng. Ở Xá-vệ, có hai người bạn là con trai của những điền chủ, cùng nhau đi quyên, rồi sắp đặt tất cả các món vật dụng, mời chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị lãnh đạo và tổ chức đại bố thí trong bảy ngày. Ðến ngày thứ bảy, họ bố thí tất cả các món vật dụng, mời vị cao niên nhất trong hội chúng đảnh lễ bậc Ðạo Sư, rồi ngồi xuống một bên và thưa:
– Bạch Thế Tôn, trong sự bố thí này, có người cho nhiều, có người cho ít. Mong rằng bố thí này sẽ có quả báo lớn cho tất cả mọi người.
Vị cao niên dâng lễ cúng dường tác bạch như vậy. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các cư sĩ! Các ông cúng dường chúng Tăng với đức Phật là vị lãnh đạo, dâng cúng như vậy là thiện nghiệp lớn. Các bậc Hiền trí thuở xưa, khi bố thí như vậy cũng tác bạch cúng dường như vậy.
Nói xong, theo lời yêu cầu của các vị ấy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở xứ Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát được học tập tại Takkasilà, sau đó xuất gia sống đời đạo sĩ, cùng với một hội chúng đệ tử đến sống ở vùng Tuyết Sơn. Hội chúng sống lâu ngày trong khu vực Tuyết Sơn, khi cần muối và giấm chua, đã đi xuống quốc lộ, họ đi đến Ba-la-nại và sống trong ngự uyển của vua.
Ngày hôm sau, Bồ-tát cùng với hội chúng đi khất thực tại ngôi làng gần cửa thành để dân làng bố thí đồ ăn. Ngày tiếp, Bồ-tát đi khất thực tại Ba-la-nại. Dân chúng vui vẻ bố thí đồ ăn. Họ họp thành đoàn thể, thâu góp đồ quyên được, sửa soạn bố thí, và tổ chức một cuộc bố thí lớn cho hội chúng đạo sĩ. Cuối cuộc bố thí, bậc cao niên nhất nói về cách thức dâng đồ cúng dường. Bồ-tát nói:
– Này các Hiền giả, khi nào tâm hoan hỷ, thì không có bố thí nào nhỏ cả.
Nói xong lời tùy hỷ, Bồ-tát đọc các bài kệ này:
Cho những gì khó cho,
Làm những việc khó làm,
Kẻ xấu khó làm được,
Pháp kẻ thiện khó theo.
Do vậy kẻ thiện, ác,
Từ đây đi khác nhau.
Kẻ ác xuống địa ngục,
Bậc thiện lên Thiên giới.
Như vậy, Bồ-tát nói lời tùy hỷ, rồi sống tại đấy trong bốn tháng mùa mưa. Sau khi mùa mưa đã qua, ngài đi đến Tuyết Sơn tu tập, thiền định không gián đoạn và sau khi mạng chung, được sanh lên cõi Phạm thiên.
*
Bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này xong, liền nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, chúng đạo sĩ là hội chúng đức Phật, và Sư trưởng hội chúng là Ta vậy.
Vị thiện xạ, hoàng tử…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về cuộc xuất gia vĩ đại.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Như Lai mới thực hiện cuộc xuất gia vĩ đại. Thuở xưa, Như Lai cũng đã từ bỏ vương vị và xuất gia.
Nói vậy xong, Ngài kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát làm con Hoàng hậu được sanh an toàn, và trong ngày đặt tên, được gọi là hoàng tử Asadisa (Vô Ðịch). Khi hoàng tử bắt đầu biết chạy, vị hữu tình khác có công đức cũng nhập thai làm con hoàng hậu, được sanh ra an toàn, và trong ngày đặt tên, được gọi là hoàng tử Brahmadatta (Phạm Thọ).
Khi được mười sáu tuổi, Bồ-tát đi Takkasilà, học ba tập Vệ-đà và mười tám tài nghệ với một sư trưởng có danh tiếng nhiều phương. Trong nghề bắn cung, Bồ-tát là vô địch. Học xong Bồ-tát trở về Ba-la-nại.
Khi vua mệnh chung, vua có di chúc tôn thái tử Asadisa làm vua và hoàng tử Brahmadatta làm phó vương. Sau khi vua băng hà, thái tử Asadisa từ chối vương vị và nói:
– Ta không muốn vương vị.
Và Brahmadatta được làm lễ quán đảnh. Bồ-tát không cần danh vọng, không muốn gì hết. Trong khi người em trị nước, Bồ-tát sống như một ông hoàng. Những người hầu cận vu cáo Bồ-tát với vua:
– Thái tử Asadisa muốn chiếm vương quốc.
Vua tin lời nói của họ, tâm tư bị mê hoặc, sai người đi bắt Bồ-tát. Một người hầu Bồ-tát báo cho ngài biết tin này. Bồ-tát tức giận em, liền đi đến một nước khác và báo tin cho vua này biết rằng có một người bắn cung đang đứng đợi trước hoàng môn. Vua hỏi:
– Kẻ ấy muốn bao nhiêu tiền lương?
– Mỗi năm, một trăm ngàn đồng.
– Ðược, hãy đưa kẻ ấy đến.
Khi Bồ-tát đến yết kiến và đứng chầu, vua hỏi:
– Khanh là người bắn cung?
– Thưa vâng, tâu Ðại vương.
– Lành thay, hãy phục vụ ta.
Từ đấy trở đi Bồ-tát phục vụ nhà vua. Nhưng các người bắn cung cũ lấy làm bất mãn, vì lương của Bồ-tát quá cao.
Một hôm vua đi đến ngự uyển, tại chỗ đó dưới gốc xoài được dựng lên một lều vải trước bàn thạch dùng làm nghi lễ. Vua nằm trên sàng tọa lộng lẫy dưới gốc cây xoài, nhìn lên thấy một chùm xoài trên ngọn cây và suy nghĩ: “Không thể leo cây để hái chùm xoài quá cao”, liền cho gọi các người bắn cung đến và nói:
– Các khanh có thể dùng mũi tên cắt đứt chùm xoài này và làm nó rơi xuống không?
Họ đáp:
– Tâu Ðại vương, làm việc này không khó gì đối với chúng thần. Ðại vương đã thấy tài nghệ chúng thần nhiều lần trước rồi. Người bắn cung mới tới nhận tiền lương nhiều hơn chúng thần, xin hãy bảo kẻ ấy bắn rơi chùm xoài.
Vua truyền Bồ-tát đến và hỏi:
– Khanh có thể bắn rơi chùm xoài ấy không?
– Thưa vâng, tâu Ðại vương. Nếu được chọn chỗ đứng, thần có thể.
– Chỗ đứng nào?
– Chỗ đứng tại tọa sàng mà Ðại vương nằm!
Vua bảo dời tọa sàng và nhường chỗ cho Bồ-tát.
Bồ-tát không có cung tầm tay, nhưng thường nai nịt nó trong bộ áo sát thân, do vậy cần phải có cái lều để thay quần áo. Vua ra lệnh mang lều vải và cắm lều. Rồi Bồ-tát đi vào trong lều, cởi tấm vải trắng đã mang trên mình, rồi mặc một áo đỏ sát da, buộc dây nịt và khoác một áo cánh ngang hông màu đỏ.
Từ một cái túi, Bồ-tát lấy ra một cây kiếm được tách rời từng mảnh, ráp chúng lại và đeo vào phía bên trái. Kế đó ngài mang một áo giáp bằng vàng, đeo ống tên sau lưng, lấy ra cái cung lớn bằng sừng dê được làm bằng nhiều mảnh. Bồ-tát lắp chúng lại, buộc dây cung đỏ như màu san hô, đội một chiếc khăn trên đầu, lấy móng tay quay mũi tên hai ba vòng và vén màn đi ra giống như hoàng tử rắn từ hang hiện lên. Bồ-tát đi đến chỗ bắn cung, lắp tên vào cung và hỏi vua:
– Tâu Ðại vương, thần có thể cắt chùm xoài này với mũi tên bắn lên hay tên rơi xuống?
– Này khanh, ta thường thấy một vật rơi xuống do một mũi tên bắn lên, chứ chưa hề thấy mũi tên từ trên rơi xuống. Vậy khanh nên làm mũi tên rơi xuống chùm xoài.
– Thưa Ðại vương, mũi tên này sẽ được bắn lên xa đến tận trời của Bốn Thiên vương, rồi mới rơi xuống. Xin Ðại vương chịu khó chờ đợi.
– Lành thay.
Vua chấp nhận. Rồi Bồ-tát nói:
– Thưa Ðại vương, mũi tên này khi bắn lên sẽ cắt đứt cành xoài ở chính giữa, và khi rơi xuống, nó không rơi trật ra bên này bên kia, dù chỉ một sợi tóc, nhưng rơi đúng chỗ mình muốn và mang theo chùm xoài. Ðại vương hãy xem.
Với sự nhanh nhẹn, Bồ-tát bắn lên mũi tên ấy đâm đúng chỗ giữa của chùm xoài. Ngay khi biết mũi tên ấy đã lên đến cung điện của Bốn Thiên vương, ngài bắn thêm một mũi tên khác, đi nhanh hơn cả mũi tên trước, và chạm vào lông của mũi tên đầu, khiến nó quay trở lại, còn mũi tên sau bay thẳng đến lâu đài ở cõi trời Ba mươi ba. Tại đây, chư Thiên giữ lại mũi tên ấy. Tiếng xé gió của mũi tên rơi xuống vang động như tiếng sấm. Ðại chúng hỏi:
– Ðó là tiếng gì?
Bồ-tát trả lời:
– Ðó là tiếng của mũi tên rơi xuống.
Bồ-tát biết rằng mọi người sợ mũi tên rơi trúng mình bèn an ủi họ:
– Chớ sợ hãi. Ta sẽ không cho mũi tên rơi xuống đất đâu.
Mũi tên rơi xuống, không đi trật ra bên này bên kia dù chỉ một sợi tóc, nhưng rơi đúng chính giữa và cắt đứt chùm xoài. Bồ-tát không cho chùm xoài và mũi tên rơi xuống đất, một tay bắt lấy chùm xoài, một tay bắt lấy mũi tên. Ðại chúng thấy sự kiện kỳ diệu ấy tán thán bậc Ðại Sĩ:
– Chúng ta chưa bao giờ thấy sự kiện hy hữu này.
Họ la lên, vỗ tay, búng ngón tay và vẫy hàng ngàn khăn tay qua lại trên không. Trong sự hân hoan thỏa thích, hội chúng quần thần góp được mười triệu đồng tặng cho Bồ-tát.
Còn vua ban Bồ-tát nhiều tặng vật và danh vọng lớn.
Trong khi Bồ-tát sống ở đây được vua này cung kính, tôn trọng, thì bảy vua khác nghe Hoàng tử Vô Ðịch không có mặt ở Ba-la-nại, liền đi đến vây kinh thành và gửi tin cho vua:
– Phải đầu hàng hay giao chiến.
Vua hoảng hốt sợ chết và hỏi:
– Hiền huynh của ta nay ở đâu?
Khi được nghe ngài đang phục vụ một vua láng giềng, vua nói:
– Nếu anh ta không đến, ta sẽ mất mạng. Hãy ra đi và nhân danh ta, đảnh lễ dưới chân hiền huynh ta, xin lỗi và rước anh ta về.
Vua sai sứ giả ra đi báo tin ấy cho Bồ-tát.
Ngài xin phép vua của mình trở về Ba-la-nại, an ủi em đừng sợ, rồi cho khắc những chữ sau đây trên một mũi tên: “Ta, hoàng tử Asadisa, đã trở về. Chỉ bắn một mũi tên, ta có thể giết tất cả các ngươi. Ai còn yêu mạng sống hãy chạy trốn đi”.
Rồi đứng trên tháp canh, Bồ-tát bắn mũi tên này làm nó rơi vào chính giữa cái đĩa vàng mà bảy ông vua ấy đang ăn chung. Khi họ đọc các chữ ấy, họ hoảng hốt sợ chết và tất cả đều tháo chạy.
Như vậy bậc Ðại Sĩ không làm rơi một giọt máu để một con ruồi nhỏ có thể uống được và đã khiến cho bảy vua bỏ chạy. Rồi nhìn em trai, ngài từ bỏ các dục, xuất gia làm vị đạo sĩ, ngài đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng, đến khi mạng chung, ngài được sanh lên Phạm thiên giới.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Như vậy, này các Tỷ-kheo, sau khi đuổi bảy vua chạy, và thắng trận, hoàng tử Asadisa đã xuất gia làm vị đạo sĩ.
*
Rồi nhận danh bậc Chánh Giác, bậc Ðạo Sư đọc những bài kệ:
Vị thiện xạ, hoàng tử,
Tên A-sa-di-sa,
Bậc đại hùng vô địch,
Bắn xa, nhanh như chớp,
Ðã phá vỡ tan tành
Ðại bộ phận quân địch.
Giao chiến giữa quân thù,
Nhưng không hại một ai,
Cứu người em an toàn,
Bồ-tát tự chế ngự.
Sau khi bậc Ðạo Sư nói xong Pháp thoại này, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, người em trai là Ànanda, còn hoàng tử Asadisa là Ta vậy.
-ooOoo-
Anh hùng quen chiến trận…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Tôn giả Nanda.
Từ khi trở về thành Kapila lần đầu tiên, cho người em trai, hoàng tử Nanda, xuất gia xong, bậc Ðạo Sư đã đi ra khỏi thành Kapila, tuần tự đi đến Xá-vệ và sống tại đây. Tôn giả Nanda nhớ lại, khi cầm lấy bình bát của Thế Tôn, cùng với Thế Tôn đi ra khỏi nhà, thì một Thích nữ có tình cảm đối với Nanda, nhìn ra cửa sổ, với đầu tóc đang chải dở, thấy vậy nàng nói:
– Sao, hoàng tử Nanda lại đi ra với bậc Ðạo Sư? Mong Tôn giả hãy sớm trở về.
Nhớ tiếng nói của nàng, Tôn giả sanh luyến ái, không vui vẻ, trở thành vàng vọt và tay chân nổi gân. Bậc Ðạo Sư biết được tin này, suy nghĩ: “Ta sẽ khuyên dạy Nanda từ bỏ tiếng sét ái tình và tu đạo giải thoát”.
Ngài đi đến phòng Nanda ở, ngồi xuống chỗ soạn sẵn và hỏi:
– Này Nanda, ông có an vui trong Pháp và Luật này không?
– Bạch Thế Tôn, tâm con bị nàng chi phối. Con không an vui.
– Này Nanda, trước đây ông đã đến chiêm bái Tuyết Sơn chưa?
– Bạch Thế Tôn, con chưa đến.
– Vậy chúng ta hãy đi.
– Bạch Thế Tôn, nhưng con không có thần thông, làm sao con đi được?
– Này Nanda, Ta sẽ đưa ông đi với thần lực của Ta!
Rồi bậc Ðạo Sư cầm lấy ta vị Trưởng lão bay lên hư không.
Giữa đường hai vị đi qua một đám ruộng bị cháy, trên một khúc cây bị cháy, một con khỉ cái ngồi với mũi và đuôi bị sứt lông trụi hết, da ngoài bị cháy, chỉ còn da trong bê bết máu. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Nanda, ông có thấy con khỉ không?
– Dạ có, bạch Thế Tôn.
– Hãy nhìn nó cho kỹ.
Rồi bậc Ðạo Sư dắt Nanda và chỉ cho Nanda thấy trải dài sáu mươi dặm là cao nguyên Manosìla, bảy hồ lớn, như hồ Anotatta kỳ vĩ v.v…, năm con sông lớn, toàn bộ núi Tuyết có hàng trăm cảnh trí tuyệt đẹp, với núi Vàng, núi Bạc, núi Bảo châu. Rồi bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Nanda, trước đây ông có thấy cung điện cõi trời Ba mươi ba chưa?
– Bạch Thế Tôn, con chưa thấy.
– Hãy đi, này Nanda, Ta sẽ chỉ cho ông thấy cung điện cõi trời Ba mươi ba.
Rồi bậc Ðạo Sư dắt Nanda đến đấy và ngồi trên Hoàng thạch tọa. Thiên chủ Sakka (Ðế Thích) liền đi đến với chư Thiên của hai thiên giới, đảnh lễ bậc Ðạo Sư và ngồi xuống một bên. Hai mươi lăm triệu tiên nữ của Ðế Thích và năm trăm Thiên nữ với bàn chân bồ câu cũng đến đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư làm cho Nanda khởi tâm say đắm nhìn năm trăm Thiên nữ ấy không chớp mắt.
– Này Nanda, ông có thấy các Thiên nữ với bàn chân bồ câu này không?
Bạch Thế Tôn, con đã thấy.
– Này Nanda, những Thiên nữ này đẹp hay Thích nữ của ông đẹp?
– Bạch Thế Tôn, ví như con khỉ cái tàn phế so sánh với cung nữ của vua, cũng vậy, nếu so sánh Thích nữ của vua với các Thiên nữ này.
– Này Nanda, nay ông sẽ làm gì?
– Bạch Thế Tôn, làm thế nào để được các Thiên nữ ấy?
– Làm Sa-môn pháp sẽ được các Thiên nữ ấy.
– Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn hứa với con rằng do hành trì pháp Sa-môn, con sẽ được các tiên nữ ấy, thì con sẽ hành trì pháp Sa-môn.
Này Nanda, Ta hứa với ông đó, hãy hành trì đi.
Như vậy, vị Trưởng lão đứng giữa thiên chúng, sau khi được lời hứa của Thế Tôn, liền thưa:
– Bạch Thế Tôn, chớ quá chậm trễ. Chúng ta hãy đi về và con sẽ hành trì pháp Sa-môn.
Bậc Ðạo Sư đưa Nanda trở về Kỳ Viên và vị Trưởng lão bắt đầu hành trì pháp Sa-môn. Bậc Ðạo Sư gọi vị Tướng quân Chánh pháp và bảo:
– Này Xá-lợi-phất, Nanda, em của ta, giữa Thiên chúng cõi trời Ba mươi ba, vì thích thú các Thiên nữ, đã khiến ta lấy lời hứa của ta để khích lệ vị ấy.
Cùng cách ấy, bậc Ðạo Sư báo tin cho Trưởng lão đại Mục-kiền-liên, Trưởng lão đại Ca-diếp, Trưởng lão A-na-luật-đà, Trưởng lão Ànanda, vị Thủ Kho Chánh pháp, tất cả tám mươi vị đại đệ tử và lần lượt các Tỷ-kheo còn lại đều biết. Trưởng lão Xá-lợi-phất, vị Tướng quân Chánh pháp đi đến Trưởng lão Nanda, và nói:
– Có thật chăng, này Hiền giả Nanda, nghe nói giữa Thiên chúng cõi trời Ba mươi ba, Hiền giả đã khiến bậc Ðạo Sư hứa là Hiền giả sẽ hành trì pháp Sa-môn để được các Thiên nữ?
Rồi Trưởng lão nói tiếp:
– Nếu sự việc như vậy, thì Phạm hạnh của Hiền giả tùy thuộc nữ nhân và hệ lụy đến phiền não. Nếu Hiền giả hành trì pháp Sa-môn vì mục đích được các nữ nhân ấy, thì có gì khác giữa Hiền giả và một người làm thuê để lấy lương?
Lời nói ấy khiến Tôn giả Nanda xấu hổ và liền dập tắt mọi ham muốn. Cũng với phương tiện này, tất cả tám mươi vị đại đệ tử và các Tỷ-kheo còn lại đều khuyên răn khiến Tôn giả Nanda xấu hổ. Tôn giả Nanda suy nghĩ: “Ðiều ta làm thật không xứng đáng” và với tàm quý, Tôn giả Nanda kiên trì nỗ lực, tăng trưởng Thiền quán và chứng quả A-la-hán.
Rồi Tôn giả Nanda đi đến Thế Tôn và thưa:
– Bạch Thế Tôn, con xin giải tỏa Thế Tôn khỏi lời hứa.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Nanda, khi ông đã đạt quả A-la-hán, thì ta được giải tỏa khỏi lời hứa rồi.
Biết được sự việc này, các Tỷ-kheo tại Chánh pháp đường bắt đầu nói chuyện về Hiền giả Nanda:
– Hiền giả Nanda thật là dễ dạy. Chỉ một lời khuyên răn đã khiến vị ấy xấu hổ. Hiền giả Nanda liền hành trì pháp Sa-môn và chứng quả A-la-hán.
Bậc Ðạo Sư đi đến Chánh pháp đường và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông đang họp ở đây bàn câu chuyện gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay mà thuở xưa, Nanda cũng đã nghe lời khuyên dạy như vậy.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một người huấn luyện voi. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát đạt được sự thiện xảo trong nghề nghiệp và phục vụ một vị vua thù nghịch với vua Ba-la-nại. Bồ-tát được bảo huấn luyện con voi quý của vua và đã huấn luyện nó tốt đẹp.
Vua ấy quyết định xâm chiếm quốc độ Ba-la-nại liền đem Bồ-tát đi theo, cưỡi lên con voi quý cùng với quân đội lớn đi đến Ba-la-nại bao vây thành và gửi tối hậu thư cho vua Ba-la-nại:
– Hãy giao quốc độ hay chiến đấu.
Vua Brahmadatta quyết định đánh, liền triệu tập đội binh hùng hậu tại các cửa thành, tháp canh và chiến đấu. Vua thù định cho con voi quý mặc áo giáp, rồi tự mình mặc áo giáp cưỡi lên đầu con voi, cầm một câu móc sắc bén, thúc con voi tiến đến trước mặt thành và nói lớn:
– Ta sẽ công phá thành, giết mạng sống của tên vua thù địch, khiến vương quốc nó rơi vào trong tay ta.
Khi thấy các quân giữ thành đổ bùn sôi, ném các hòn đá từ máy ném, con voi ấy sợ chết, nên không có thể tiến tới và lùi bước. Tức thì vị tượng sư đến và nói:
– Này voi thân, con là bậc anh hùng đã quen thuộc chiến trận. Tại trận địa như vậy, nếu con lùi bước thì thật là không xứng đáng.
Bồ-tát khuyên con voi với bài kệ này:
Anh hùng quen chiến trận,
Voi được tiếng lẫy lừng,
Tấn công các cửa thành,
Sao voi lại lùi bước?
Phá mau thanh cửa sắt,
Nhổ lên các cột trụ,
Ðạp nát các cửa thành,
Hỡi voi, mau vào thành!
Nghe nói vậy, theo lời khuyên, con voi quay trở lại, lấy cái vòi quấn vào các cột trụ, nhổ chúng lên như nhổ các cọng nấm. Nó đạp nát cửa thành, bẻ gãy thanh cửa, đi vào thành và chiếm lấy vương quốc cho vua.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này xong, Ngài liền nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy con voi là Nanda, vua là Ànanda và Sư trưởng huấn luyện voi là Ta vậy.
-ooOoo-
Nước tồi tệ, ít vị…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về năm trăm người sinh sống bằng cách ăn đồ ăn dư thừa.
Nghe nói ở Xá-vệ có năm trăm cư sĩ giao gánh nặng gia đình cho vợ con rồi sống với nhau và đến nghe pháp bậc Ðạo Sư giảng. Giữa họ có một số chứng quả Dự lưu, một số chứng quả Nhất lai, một số chứng quả Bất lai, không một người nào là không chứng quả.
Dân chúng mời bậc Ðạo Sư thọ thực và thường mời luôn các cư sĩ ấy. Nhưng họ có năm trăm người hầu hạ, đem que xỉa răng, nước rửa mặt, hương thơm, vòng hoa, và những người này sinh sống với đồ ăn dư thừa của chủ. Sau buổi ăn sáng, bọn ấy nằm ngủ, rồi khi thức dậy cả bọn đến sông Aciravati, la hét trên bờ sông và vật lộn nhau như những người Mallà. Còn năm trăm cư sĩ không làm ồn, không la hét và sống yên lặng tịnh cư. Bậc Ðạo Sư nghe tiếng ồn ào của những người hầu ăn tàn thực ấy, liền hỏi Trưởng lão Ànanda:
– Tiếng ồn này là gì vậy?
Ngài được đáp lại:
– Bạch Thế Tôn, đây là tiếng ồn của những người hầu ăn tàn thực.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Ànanda, không phải chỉ nay những người hầu này ăn tàn thực xong và làm ồn ào quá. Còn những người cư sĩ này không phải chỉ nay mới quy tụ với nhau và giữ im lặng, thuở xưa họ cũng đã như vậy rồi.
Rồi theo lời Trưởng lão yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamdatta khi vua trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một vị đại thần. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát làm người cố vấn cho vua về các vấn đề thánh sự và tục sự.
Một thời, vua nghe nói ở biên địa có nổi loạn, liền chuẩn bị năm trăm con ngựa Sindh, cùng với bốn loại binh chủng ra đi và bình định biên địa. Sau khi trở về Ba-la-nại, vua ra lệnh:
– Vì các con ngựa Sindh đã mệt mỏi, hãy cho chúng ăn đồ tươi và uống nước nho.
Các chú ngựa Sindh uống nước thơm ngon rồi đi vào chuồng ngựa, và đứng yên lặng trên chỗ của mình. Nhưng còn nhiều đồ ăn cặn bã với các chất ngon ngọt đã bị vắt hết. Các người ấy hỏi vua:
– Nay chúng con phải làm gì với những vật này?
Vua nói:
– Hãy nhồi chúng với nước, vắt khô với vải lọc và cho đàn lừa.
Các con lừa uống nước cặn bã, trở thành say sưa, kêu vang và chạy quanh khắp sân vua. Vua mở cửa sổ lớn, nhìn xuống sân gọi Bồ-tát đang đứng gần và nói:
– Hãy nhìn xem những con lừa này uống nước cặn bã xong trở thành say sưa, la hét, nhảy chồm lên và chạy quanh. Còn các con ngựa Sindh sanh ra thuần chủng, sau khi uống nước thơm, lại im lặng và đứng một chỗ, không chạy nhảy qua lại.
Vua hỏi vì sao như vậy và Bồ-tát đọc bài kệ đầu:
Nước tồi tệ, ít vị,
Chất tươi bị vắt sạch.
Uống vào lừa say sưa,
Thưa Nhân chủ, ngài hỏi,
Ngựa Sindh, loài thuần chủng,
Uống loại nước thượng vị,
Ðứng yên lặng tại chỗ,
Không chạy nhảy say sưa.
Rồi Bồ-tát giải thích vấn đề qua bài kệ thứ hai:
Cũng vậy, người hạ đẳng,
Dù ăn món dư tàn,
Vẫn say sưa nhảy nhót,
Sống thoải mái an nhàn.
Còn hạng người thuần tánh,
Giữ tâm trí vững vàng,
Cho dù được uống cạn,
Rượu thượng vị cao sang.
Vua nghe lời Bồ-tát nói, liền cho đuổi các con lừa ra khỏi sân chầu. Sau đó, vua tuân theo lời khuyên dạy của Bồ-tát, làm các công đức như bố thí v.v… rồi khi mạng chung vua đi theo nghiệp của mình.
*
Khi bậc Ðạo Sư nói Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, năm trăm con lừa là các người ăn tàn thực này, năm trăm con ngựa Sindh là năm trăm cư sĩ này, vua là Ànanda, còn vị đại thần hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-
Con ngựa Pan-da-va…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về một người thân cận kẻ ác. Hoàn cảnh câu chuyện đã được kể trong Tiền thân Mahilàmukha (số 26). Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo này mới thân cận kẻ ác. Thuở xưa, Tỷ-kheo này cũng đã thân cận kẻ ác rồi.
Rồi bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, vào thời vua Sàma trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình đại thần và khi đến tuổi trưởng thành, trở thành cố vấn cho vua về các vấn đề thánh sự và tục sự.
Bấy giờ vua có con ngựa quý tên Pandava, và một người huấn luyện ngựa tên Giridanta, là người què chân. Con ngựa thường thấy người cầm dây cương đi phía trước suy nghĩ: “Người ấy muốn dạy ta đi cà nhắc” nên nó học theo và đi cà nhắc. Người ta trình cho vua biết là con ngựa què. Vua sai mời thú y. Thú y không thấy bệnh gì trên thân ngựa, liền thưa với vua:
– Hạ thần không thấy bệnh gì trên thân ngựa.
Vua cho gọi Bồ-tát:
– Hãy đến, này khanh, và tìm nguyên nhân việc ấy.
Bồ-tát đi đến, biết con ngựa ấy què do thân cận với người huấn luyện bị què, liền tâu vua biết sự kiện này:
– Ðây là cái hại do thân cận người xấu.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ đầu:
Con ngựa Pan-da-va,
Của Ðại vương Sà-ma,
Bị tật nguyền tai hại,
Vì Ga-ri-dan-ta,
Nó bỏ bản tánh xưa,
Học theo người huấn luyện.
Vua hỏi Bồ-tát:
– Này khanh, nay phải làm gì?
Bồ-tát đáp:
– Hãy tìm một người huấn luyện tốt, không què và con ngựa sẽ trở lại như xưa.
Nói xong, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Tìm người đáng tin cậy,
Có phong cách tốt lành,
Thắng dây cương vào ngựa,
Tập nó chạy vòng tròn,
Nó mau bỏ tật cũ,
Học theo người huấn luyện.
Vua làm theo như vậy. Con ngựa dần trở lại tốt lành như xưa. Vua khen Bồ-tát hiểu biết tánh tình các loài súc sanh, liền ban thưởng Bồ-tát nhiều danh vọng lớn.
*
Sau khi bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này, Ngài liền nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Giridanta là Ðề-bà-đạt-đa, con ngựa là Tỷ-kheo thân cận người ác, vua là Ànanda, còn vị đại thần hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-
Như nước đục, không trong…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một thanh niên Bà-la-môn.
Chàng tinh thông ba tập Vệ-đà, giảng dạy thánh điển cho nhiều thanh niên Sát-đế-ly và Bà-la-môn. Sau một thời gian, thanh niên ấy xây dựng gia đình, tâm tư suy nghĩ đến y phục, trang sức, nam nô, nữ tỳ, ruộng đất, trâu bò, vợ con v.v… Bị tham sân si chi phối, tâm tư vẩn đục, chàng không thể đọc các chân ngôn theo thứ tự rõ ràng. Một hôm, người ấy đem theo nhiều hương, vòng hoa, đi đến Kỳ Viên cúng dường, đảnh lễ bậc Ðạo Sư, rồi ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư ân cần nói chuyện với người ấy và hỏi:
– Này cư sĩ, ông dạy học các chân ngôn. Ông có thuộc lòng các chân ngôn ấy chăng?
– Bạch Thế Tôn, lúc trước con thuộc lòng các chân ngôn ấy, nhưng từ khi con lập gia đình, tâm con trở nên vẩn đục, do vậy, con không thuộc lòng các chân ngôn ấy như trước nữa!
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này cư sĩ, không phải chỉ nay ông mới như vậy. Thuở trước tâm ông không vẩn đục, ông đã thuộc lòng các chân ngôn. Nhưng khi ông bị các dục vọng chi phối, thì ông không nhớ các chân ngôn nữa.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của cư sĩ ấy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh vào một gia đình Bà-la-môn giàu có. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát học thuộc lòng các chân ngôn ở Takkasilà và trở thành bậc sư trưởng có danh tiếng. Khi trở về Ba-la-nại, Bồ-tát dạy các chân ngôn ấy cho một số đông thiếu niên Sát-đế-ly và Bà-la-môn.
Trong số ấy có một thanh niên Bà-la-môn học thuộc lòng ba tập Vệ-đà mà không ngập ngừng một câu nào cả và trở thành phụ tá cho sư trưởng dạy các chân ngôn. Sau một thời gian, vị ấy lập gia đình, luôn luôn bận tâm vì gia sự, nên tâm trở thành vẩn đục, không thể tụng đọc thuộc lòng các chân ngôn nữa. Rồi vị sư trưởng đi đến thăm thanh niên ấy và hỏi:
– Này thanh niên, con có còn thuộc lòng các chân ngôn không?
Chàng đáp:
– Từ khi con lập gia đình, tâm con trở thành vẩn đục, con không thể đọc thuộc lòng các chân ngôn.
Vị sư trưởng nói:
– Này con thân, khi tâm bị vẩn đục, dù con cố học kỹ lưỡng đến đâu đi nữa, cũng không thể đọc thuộc lòng các chân ngôn được. Nhưng khi tâm trong sáng thì có thể nhớ chúng rõ ràng.
Sau đó Bồ-tát đọc hai bài kệ này:
Như nước đục, vấy bùn,
Không thấy sò, hến, cá.
Sạn, cát nằm phía dưới,
Cũng vậy, tâm vẩn đục
Không thấy được lợi mình,
Không thấy được lợi người.
Như nước lặng trong suốt,
Thấy sò, cá nằm dưới,
Cũng vậy, tâm thanh thản
Thấy lợi mình, lợi người.
*
Sau khi bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này, Ngài trình bày các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, thanh niên Bà-la-môn đắc quả Dự-lưu và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, thanh niên này là thanh niên Bà-la-môn kia và vị Sư trưởng là Ta vậy.
-ooOoo-
Ðẹp, thơm và vị ngọt…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về sự thân cận với kẻ ác. (Câu chuyện này giống như câu chuyện trước). Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, thân cận kẻ ác là không tốt và có hại. Tại sao ta phải nói đến tác hại của bạn ác đối với con người? Trong thời gian quá khứ, do thân cận với cây Nimba không ngọt và không tốt lành, một cây xoài dù thuộc loài vô tri, với vị ngọt sánh bằng thực phẩm chư Thiên, cũng trở thành chua và đắng.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ:
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, bốn anh em Bà-la-môn tại xứ Kàsi xuất gia làm đạo sĩ. Họ làm một dãy am thất bằng lá ở khu vực Tuyết Sơn và sống tại đấy. Người anh cả mệnh chung và sanh làm Thiên chủ Sakka (Ðế Thích). Biết rõ thần lực của mình, sau khoảng bảy hay tám ngày, Ðế Thích thường đến thăm và giúp đỡ đồ chúng.
Một hôm Thiên chủ đi đến thăm vị khổ hạnh lớn tuổi nhất, đảnh lễ, ngồi xuống một bên, rồi hỏi:
– Thưa Tôn giả, Tôn giả cần gì?
Vị này mắc bệnh hoàng đản đáp:
– Tôi cần lửa.
Ðế Thích cho một con dao kiếm có búa (con dao kiếm có búa được gọi như vậy là vì khi lắp cán vào có thể dùng như con dao hay cây búa). Vị tu khổ hạnh hỏi:
– Với dụng cụ này, ai mang củi lại cho ta?
Ðế Thích nói:
– Thưa Tôn giả, khi Tôn giả cần củi, chỉ lấy tay gõ lên cây búa này và nói: Hãy đem củi cho ta và nhen lửa, cây búa sẽ đem củi lại và nhen lửa cho Tôn giả.
Sau khi cho vị ấy con dao kiếm có búa thần ấy, Ðế Thích đi đến vị thứ hai và hỏi:
– Thưa Tôn giả, Tôn giả cần gì?
Gần chòi lá vị này có con đường voi đi. Các con voi làm vị này bực phiền. Vị này nói:
– Các con voi này làm ta khổ sở. Hãy đuổi chúng đi.
Ðế Thích giao cho vị ấy một cái trống và nói:
– Thưa Tôn giả, đánh mặt phía này, Tôn giả sẽ đuổi các kẻ thù. Ðánh mặt phía bên kia, kẻ thù sẽ trở thành bạn tốt và bao vây Tôn giả với bốn loại binh chủng.
Nói vậy xong, Ðế Thích cho vị này cái trống và đi đến vị trẻ tuổi nhất và hỏi:
– Thưa Tôn giả, Tôn giả cần gì?
Vị này cũng bị bệnh hoàng đản nên nói:
– Tôi cần sữa đông.
Ðế Thích cho vị này một ghè sữa đông và nói:
– Nếu Tôn giả muốn gì, hãy lật ngược ghè này, nó sẽ trở thành sông lớn, chảy dòng nước lớn, và có thể chiếm một quốc độ cho Tôn giả.
Nói vậy xong, Ðế Thích ra đi. Từ đó trở đi, con dao kiếm có cây búa được dùng để đốt lửa cho người anh trưởng. Người thứ hai nhờ đánh mặt trống đuổi các con voi đi, còn người em út dùng sữa đông.
Lúc bấy giờ, một con heo rừng sống trong một ngôi làng cũ, chợt thấy một hòn ngọc có thần lực. Khi nó lấy miệng cắn hòn ngọc, nhờ thần lực hòn ngọc, nó bay lên hư không, đi đến một hòn đảo ở giữa biển, và nghĩ: “Nay ta sẽ ở lại đây”. Nó đi xuống một chỗ tốt đẹp, dưới gốc cây Udumbara, và nó sống tại đấy.
Một hôm, con heo rừng để hòn ngọc trước mặt và nằm ngủ dưới gốc cây ấy. Có một người sống ở nước Kà-si, bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà vì không giúp ích được gì, bèn đi đến bờ biển, leo lên một chiếc tàu làm người giúp việc cho chủ tàu. Khi tàu bị chìm giữa biển, anh ta nằm trên tấm gỗ, trôi đến hòn đảo ấy. Trong khi đi tìm trái cây, thấy con heo rừng nằm ngủ, anh ta đi nhẹ đến gần và lấy hòn ngọc.
Nhờ thần lực hòn ngọc, anh ta bay lên hư không, ngồi trên cây Udumbara và suy nghĩ: “Con heo rừng này nhờ thần lực hòn ngọc, đi được trên hư không. Ta nghĩ có lẽ nó muốn sống ở đây. Trước hết, ta hãy giết nó, ăn thịt rồi sẽ đi”. Anh ta bẻ một cây gậy và phóng cây gậy rơi xuống trên đầu con heo rừng. Con heo rừng thức dậy, không thấy hòn ngọc, hoảng sợ chạy nhanh. Anh ta ngồi trên cây cười lớn. Con heo rừng nhìn lên, thấy anh ta liền húc đầu vào cây và chết tại chỗ. Anh ta trèo xuống đốt lửa, nấu thịt con heo rừng, ăn xong, liền bay lên hư không.
Khi bay ngang qua dãy Tuyết Sơn, anh ta thấy am thất các đạo sĩ liền xuống am thất của người lớn tuổi nhất, ở đấy hai ba ngày, và được vị tu khổ hạnh chiêu đãi. Thấy thần lực của con dao kiếm có cây búa, anh ta nghĩ: “Ta phải lấy vật dụng này”. Anh ta chỉ cho vị tu khổ hạnh thần lực của hòn ngọc và nói:
– Tôn giả hãy lấy hòn ngọc này của tôi và cho tôi con dao kiếm có búa.
Vị tu khổ hạnh mong muốn đi trên hư không, bèn lấy hòn ngọc và trao đổi con dao kiếm có búa với anh ta. Người ấy lấy con dao kiếm có búa, đi một lát, gõ vào vật ấy và nói:
– Này con dao kiếm có búa, hãy chém đầu người tu khổ hạnh và đem lại hòn ngọc cho ta.
Con dao kiếm có búa liền đi chém đầu người tu khổ hạnh và đem lại hòn ngọc. Anh ta cất con dao kiếm có búa tại một chỗ kín, đi đến gần vị đạo sĩ thứ hai và sống tại đấy vài ngày. Anh ta thấy được thần lực cái trống bèn gạ đổi hòn ngọc để lấy cái trống. Với cách thức trước anh ta bảo cái búa chém đầu người ấy, rồi đi đến người em út. Thấy thần lực của ghè sữa đông, anh ta cho hòn ngọc, đổi lấy cái ghè sữa đông, và với phương tiện trước, anh ta bảo cái búa chém đầu người ấy. Anh ta lấy lại hòn ngọc, con dao kiếm có búa, cái trống và cái ghè sữa đông, rồi bay lên hư không. Ðứng không xa Ba-la-nại, anh ta gửi thư nhờ một người cầm tay mang đến cho vua:
– Hãy giao quốc độ cho ta hay muốn bị chém đầu .
Vua được tin liền nói:
– Ta sẽ bắt tên đạo tặc kia.
Và vua đi ra khỏi thành. Tên cướp ấy đánh trên một mặt trống, khiến bốn loại binh chủng vây quanh mình. Khi biết vua đã dàn bày thế trận, anh ta lật ngược cái ghè sữa đông, khiến dòng sông lớn tuôn chảy. Ðại quân của vua bị sữa đông chìm ngập không thể ra được. Rồi anh ta gõ cây kiếm có búa, bảo con dao chặt đầu vua. Con dao bay đi, đem đầu vua lại và quăng dưới chân anh ta. Không một ai có thể đưa binh khí lên chống anh ta. Với quân lực bao quanh, anh ta vào thành, làm lễ quán đảnh, trở thành vua tên là Dadhivahana (Vua mang sữa đông) và trị nước.
Một hôm, trong khi đang chơi thả lưới trên sông lớn, một trái xoài chín, được chư thần sử dụng, trôi từ hồ Kannamundà (ở Tuyết Sơn) xuống và mắc vào lưới. Khi lưới được kéo lên, thấy trái xoài ấy, các quan liền dâng vua. Trái xoài ấy lớn bằng cái ghè, tròn trịa, màu sắc vàng. Vua hỏi các người đi rừng:
– Trái cây gì vậy?
Khi nghe đáp là trái xoài, vua ăn xong, bảo đem gieo hột xoài vào vườn của mình, và tưới nước sữa. Cây mọc lên, đến năm thứ ba đã sanh trái. Cây xoài được kính trọng, được tưới nước sữa, được cho hương liệu dày đến năm phân, các vòng hoa được giăng xung quanh. Cây được đốt đèn với dầu thơm, có màn vải bao bọc xung quanh đến bảo vệ các trái chín có vị ngọt và sắc vàng.
Khi vua Dadhivahana gửi các trái xoài để tặng các vua khác, vì sợ sau này hột xoài sẽ mọc lên thành cây xoài, vua lấy gai chích tại chỗ mộng sanh cây. Các vua ấy ăn xoài xong, gieo hạt, nhưng nó không mọc. Họ hỏi nguyên do và biết được sự việc. Một vị vua cho gọi người giữ vườn và hỏi:
– Người có thể phá hoại hương vị trái xoài của vua Dadhivahana, khiến nó trở thành đắng được không?
Người ấy đáp:
– Tâu Ðại vương, có thể được.
Vua liền sai người ấy đi và cho một ngàn đồng tiền vàng. Người ấy đi đến Ba-la-nại, báo tin cho vua này biết có một người giữ vườn đến. Khi được vua cho gọi, anh ta vào thành, đảnh lễ vua. Vua hỏi:
– Ngươi có phải là người giữ vườn không?
Anh ta thưa:
– Tâu Ðại vương, phải.
Và anh ta bắt đầu ca tụng khả năng của mình. Vua nói:
– Ngươi có thể làm phụ tá cho người giữ vườn của ta.
Từ đấy trở đi, hai người săn sóc ngự viên.
Người giữ vườn mới tới không bao lâu đã làm cho cây trổ hoa trái mùa và sanh quả trái mùa, khiến cho khu vườn càng thêm xinh đẹp. Vua rất bằng lòng bèn đuổi người giữ vườn cũ đi, và giao khu vườn cho anh ta. Ngay khi người giữ vườn ấy chiếm được ngôi vườn vào trong tay mình, anh ta liền bao vây cây xoài bằng cách trồng các cây nimba và các loại cây leo.
Dần dần các cây nimba lớn lên, rễ với rễ, cành với cành, chúng xen lẫn chằng chịt với cây xoài. Do xen lẫn với vị không tốt, trái xoài có vị ngọt trở thành đắng giống như là nimba. Vừa khi biết được trái xoài đã trở thành đắng, người làm vườn bỏ chạy trốn.
Vua Dadhivahana đi đến thăm vườn và ăn trái xoài. Khi nước của trái xoài vào miệng, có vị đắng như trái nimba không thể nào nuốt nổi, vua phải khạc nhổ ra. Lúc bấy giờ Bồ-tát là vị cố vấn của vua về thánh sự và tục sự. Vua cho gọi Bồ-tát và hỏi:
– Thưa bậc Hiền trí, cây này được săn sóc cẩn thận như xưa, sự việc là vậy, sao trái trở thành đắng? Vì lý do gì vậy?
Và vua đọc bài kệ đầu:
Ðẹp, thơm và vị ngọt,
Trái xoài xưa là vậy,
Vẫn được ta tôn quý,
Sao lại có vị đắng?
Ðể nêu lý do, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Da-dhi-va-ha-na,
Trái xoài chín của ngài,
Bị vây bởi nim-ba,
Rễ xen lẫn với rễ,
Cành xen lẫn với cành,
Chính cây đắng bao quanh
Ðã làm hư trái ngọt,
Do sống với bạn ác,
Trái ngọt trở thành đắng.
Vua nghe lời Bồ-tát, bảo chặt tất cả các cây nimba và cây leo, nhổ rễ lên, đào bỏ đất bùn không tốt xung quanh và đổ đất bùn tốt vào gốc cây ấy. Rồi cây được nuôi dưỡng cẩn thận với sữa, nước ngọt, nước thơm. Sau đó, nhờ được thấm nhuần đủ mọi vị ngọt nên trái cây trở lại ngọt như trước, vua liền giao khu vườn cho người giữ vườn trước kia săn sóc. Sau khi sống hết thọ mạng, vua đi theo nghiệp của mình.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ Ta là vị đại hiền trí.
-ooOoo-
Cánh đẹp cùng cánh đẹp…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo lớn tuổi.
Một hôm, trong khi hai vị đệ tử thượng thủ đang ngồi cùng nhau hỏi đáp về Chánh pháp, một Tỷ-kheo lớn tuổi đi đến gần hai vị này, trở thành người thứ ba, ngồi xuống và nói:
– Thưa các Tôn giả, chúng tôi sẽ hỏi câu này. Nếu các Tôn giả khó trả lời, hãy hỏi lại chúng tôi.
Các vị Trưởng lão chán ngấy vị này, nên đứng dậy bỏ đi. Hội chúng ngồi nghe pháp từ các vị Trưởng lão, sau khi giải tán, đi đến yết kiến bậc Ðạo Sư. Họ được bậc Ðạo Sư hỏi:
– Vì sao đến giờ phi thời vậy?
Họ thuật lại câu chuyện ấy. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên nhàm chán vị ấy, không trả lời và bỏ đi. Thuở xưa, hai vị cũng đã bỏ đi rồi.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một thần cây trú ở trong rừng. Một hôm có hai ngỗng trời con từ núi Cittakùta bay ra, đến đậu trên cây ấy để tìm mồi. Khi tìm mồi xong, chúng trở về nghỉ ngơi tại chỗ ấy rồi bay về núi Cittakùta. Trong khi đi qua đi lại, Bồ-tát trở thành quen thuộc với chúng. Ði đi về về nhiều lần, họ hoan hỷ kết bạn với nhau, nói pháp cho nhau nghe rồi ra đi. Một hôm, hai ngỗng con đậu trên ngọn cây nói chuyện với Bồ-tát, một con chó rừng đứng dưới gốc cây nói bài kệ này với hai ngỗng trời con ấy:
Leo nhánh cây chỗ cao,
Một mình, ngồi ca hót,
Hãy xuống đây ngâm kệ,
Cho vua loài thú nghe!
Các ngỗng trời con chán ngấy chó rừng, liền bay lên và trở về núi Cittakùta. Bồ-tát nói với chó rừng bài kệ thứ hai:
Cánh đẹp cùng cánh đẹp,
Chư Thiên cùng chư Thiên,
Có đủ bốn vẻ đẹp,
Sao chó lại ở đây?
Hỡi con chó rừng kia,
Hãy về hang của chó!
*
Sau khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo lớn tuổi là chó rừng, hai ngỗng trời con là Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, còn vị thần cây là Ta vậy.
-ooOoo-
Ngón chân và móng chân…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Kolàlika.
Một hôm, khi nhiều vị đa văn đang nói pháp, Kokalika cũng muốn tự mình nói pháp (mọi việc đều giống các chi tiết ở chuyện trước (Số 172). Khi nghe việc này, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không chỉ nay Kokalika mới phô bày bản chất qua tiếng nói của mình. Thuở trước, kẻ ấy cũng đã làm như vậy rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một con sư tử ở khu vực Tuyết Sơn, do cùng sống với một con chó rừng cái đã sanh một thú con. Con sư tử lai này về ngón chân, móng, lông bờm, màu sắc, hình dáng, mặt mày đều giống cha, nhưng tiếng hú thì giống mẹ.
Một hôm, trời mưa, các sư tử họp lại, rống lên, chơi các trò chơi sư tử, và con sư tử này cũng muốn rống lên giữa bọn chúng, nhưng chỉ hú lên tiếng hú của chó rừng. Nghe nó hú, các sư tử đều im lặng. Khi nghe tiếng ấy, một sư tử con cũng được sanh từ Bồ-tát, liền hỏi:
– Thưa cha, con sư tử này về dung sắc v.v… giống chúng con, nhưng tiếng hú lại khác. Con thú ấy là ai?
Rồi nó đọc bài kệ đầu:
Ngón chân và móng chân
Là ngón, móng sư tử,
Nó có chân sư tử,
Ðể đứng dựa lên trên,
Nhưng giữa chúng sư tử,
Tiếng kêu nó lại khác.
Nghe vậy, Bồ-tát nói:
– Này con thân, em con là con một chó rừng cái, giống cha về dung sắc, giống mẹ về tiếng.
Rồi Bồ-tát nói với con sư tử có mẹ là con chó rừng cái.
– Này con thân, bắt đầu từ nay, sống ở đây, chớ lên tiếng. Nếu con lên tiếng, chúng sẽ biết con là giống chó rừng.
Khuyên dạy vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Này con thân, chớ hú,
Sống im lặng trong rừng,
Với tiếng, chúng biết con,
Tiếng con không giống bố!
Sau khi nghe lời khuyên dạy này, con thú ấy không bao giờ thử rống nữa.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết Pháp thoại này xong, Ngài liền nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con chó rừng là Kokalika, con sư tử cùng một cha là La-hầu-la, còn vua các loài thú là Ta vậy.
-ooOoo-
Tiếng hí này không phải…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Kokàlika.
Trong thời này, Kokàlika, muốn tự tán tụng. Bậc Ðạo Sư biết được sự việc này, liền kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một người nông phu. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát sống với nghề nông. Lúc bấy giờ, một nhà buôn làm nghề bán rong đồ vật do một con lừa chở. Khi ông đến một chỗ nào, ông lấy xuống các hàng hóa, trùm lên con lừa một da con sư tử và thả nó giữa ruộng lúa gạo và lúa mì. Các người chủ ruộng thấy nó, tưởng là con sư tử, không dám lại gần.
Một hôm, người lái buôn ấy đến trú tại một cửa hàng. Trong khi nấu cơm sáng, ông trùm lên con lừa một tấm da sư tử và thả nó vào ruộng mì… Các người chủ ruộng nghĩ đó là con sư tử, không dám đến gần bèn về nhà thông báo. Toàn dân trong làng cầm các binh khí, thổi tù và, đánh trống đi đến gần ruộng và la hét. Con lừa hoảng hốt vì sợ chết, vội hí lên tiếng lừa. Biết được nó là con lừa, Bồ-tát đọc bài kệ đầu:
Tiếng hí này không phải
Tiếng sư tử, hay cọp,
Cũng không phải tiếng beo.
Con vật ty tiện này,
Dù trùm da sư tử,
Cũng chỉ hí tiếng ngựa!
Các người làng biết nó là con lừa, đánh cho nó gãy xương, rồi lấy tấm da sư tử và bỏ đi. Người lái buôn ấy đến, thấy con lừa lâm nạn, liền đọc bài kệ thứ hai:
Ðã lâu, lừa khôn khéo,
Ăn lúa gạo, lúa mì,
Da sư tử trùm lên,
Do tiếng kêu, bị đánh!
Trong khi người lái buôn nói vậy, con lừa tắt thở. Người ấy bỏ con lừa lại và ra đi.
*
Bậc Ðạo Sư thuyết Pháp thoại này xong, liền nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con lừa là Kokàlika và người nông phu hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-
Hãy nhìn kết quả này…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một nam cư sĩ có lòng tin.
Một Thánh đệ tử có lòng tin, một hôm, trên đường đi đến Kỳ Viên, xuống con sông Aciravati vào buổi chiều, chứng kiến dân chài kéo thuyền lên bờ để nghe thuyết pháp. Không thấy thuyền nào đậu tại bến, vị cư sĩ ấy sanh hoan hỷ, lấy đức Phật làm đề tài tu niệm nên khi bước xuống sông, chân không chìm xuống nước.
Vị ấy đi như trên đất liền, nhưng khi đến giữa sông, thấy sóng, nên đề tài tu niệm trở thành yếu và chân bắt đầu chìm xuống. Vị ấy liền kiên trì gìn giữ hỷ tâm, lấy đức Phật làm đề tài tu niệm, nên vẫn đi trên mặt nước. Vào Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo Sư, vị ấy ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư tiếp đón thân tình và hỏi:
– Này nam cư sĩ, mong rằng trên con đường đi đến đây, ông không mệt mỏi.
Vị ấy trả lời:
– Bạch Thế Tôn, nhờ hỷ tâm với đức Phật làm đề tài tu niệm, con đi trên mặt nước như đặt chân trên đất liền, và đến đây.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này cư sĩ, ông không phải là người đầu tiên nhờ niệm các công đức Phật mà được an toàn. Thuở trước, có những nam cư sĩ, khi tàu bị chìm, nhờ niệm các công đức Phật mà được an toàn.
Rồi theo lời yêu cầu của vị này, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, trong thời đức Phật Ca-diếp, có vị Thánh đệ tử đã chứng quả Dự lưu lên tàu đi cùng với một thợ hớt tóc giàu có. Người vợ nói với chồng:
– Này ông, ông hãy lo giúp đỡ săn sóc vị cư sĩ này trong bất cứ hoàn cảnh vui buồn nào nhé.
Người thợ đi trên chiếc thuyền ấy. Sau một tuần, thuyền bị đắm giữa biển. Cả hai người nằm trên một tấm ván và trôi đến được một hòn đảo. Tại đấy người hớt tóc giết các con chim, nấu ăn một phần và đem một phần cho vị nam cư sĩ. Người cư sĩ tự cho là vừa đủ, nên không ăn thêm. Vị ấy nghĩ: “Tại chỗ này, ngoài Ba ngôi báu, chúng ta không có sự giúp đỡ nào khác”. Rồi vị ấy niệm tưởng công đức của Ba ngôi báu. Trong khi người ấy niệm như vậy, một con rắn chúa đã sanh ở đảo ấy biến hóa thành một chiếc thuyền lớn, có một vị thần biển làm thuyền trưởng. Chiếc thuyền chứa đầy bảy báu: Ba cột buồm làm bằng ngọc xanh, cái neo làm bằng vàng, sợi dây làm bằng bạc và các tấm ván bằng vàng. Vị thần biển đứng trên thuyền gọi lớn:
– Có ai đi đến Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ) không?
Vị nam cư sĩ nói:
– Có chúng tôi về đó.
– Vậy hãy leo lên tàu.
Vị cư sĩ lên tàu và gọi người hớt tóc. Vị thần biển nói:
– Ngài thì được, nhưng người kia thì không.
– Vì sao?
– Người ấy không có công đức. Vì vậy tôi đưa ngài lên tàu nhưng không đưa người này.
– Thôi được, các công đức bố thí ta đã làm, các giới ta đã giữ, các sức mạnh ta đã tu tập, ta cho người này kết quả tất cả các hạnh ấy của ta.
Người hớt tóc nói:
– Thưa ông chủ, con rất hèn.
Vị thần biển nói:
– Nay ta nhận thêm người này lên tàu.
Rồi vị thần đưa cả hai người vượt biển và ngược dòng sông đi đến Ba-la-nại. Sau đó, với thần lực của mình, vị thần tạo ra tài sản trong nhà của hai người ấy và nói:
– Hãy thân cận những bậc hiền trí. Nếu người thợ hớt tóc không cẩn thận với vị cư sĩ này, người ấy đã chết giữa biển rồi.
Ðể tán thán công đức thân cận của người hiền trí, vị thần nói lên những bài kệ này:
Hãy nhìn kết quả này
Của tín, giới, và thí,
Biến hình thành chiếc thuyền,
Con rắn chở thiện nam.
Hãy thân cận bậc lành,
Hãy giao du kẻ tốt;
Chung sống với bậc thiện,
Người hớt tóc an toàn.
Vị thần biển đứng trên hư không, sau khi thuyết pháp xong, liền cùng với con rắn chúa bay về cung điện của mình.
*
Sau khi bậc Ðạo Sư thuyết Pháp thoại này xong, Ngài giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị nam cư sĩ có lòng tin đắc quả Nhất lai và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vị nam cư sĩ đắc Niết-bàn, rắn chúa là Xá-lợi-phất và vị thần biển là Ta vậy.
PHẨM RUHAKA
Dây cung, dù bị đứt…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về sự luyến ái người vợ cũ. Hoàn cảnh câu chuyện sẽ được đề cập ở Chương tám, Tiền thân Indriya (số 423). Bậc Ðạo Sư nói với Tỷ-kheo ấy:
– Này Tỷ-kheo, nữ nhân ấy đã làm hại ông. Thuở xưa, cô ta đã làm nhục ông trước mặt vua và triều đình. Ngay sau đó, ông đã đuổi cô ta ra khỏi nhà.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con của hoàng hậu chánh cung. Khi đến tuổi trưởng thành, phụ vương mệnh chung, Bồ-tát được đặt trên vương vị và trị nước theo Chánh pháp.
Bồ-tát có một cố vấn tế tự tên là Ruhaka. Ông ta có bà vợ già là một nữ Bà-la-môn. Vua cho vị Bà-la-môn một con ngựa với đầy đủ đồ trang sức, leo lên ngựa đi đến chầu vua. Khi ông ngồi trên lưng ngựa được trang sức như vậy, dân chúng đứng khắp nơi đều khen con ngựa ấy:
– Ôi chói sáng thay con ngựa! Nó đẹp làm sao!
Người Bà-la-môn đi về nhà, lên lầu và nói với bà vợ:
– Này hiền thê, con ngựa của chúng ta tuyệt đẹp. Người đứng hai bên đường đều khen nó.
Nữ Bà-la-môn là người có chút ác tánh, và hay lừa phỉnh, liền nói với chồng:
– Ông có biết nguyên nhân nào làm cho con ngựa này đẹp không? Con ngựa này đẹp là nhờ các thứ trang hoàng cho loài ngựa. Nếu ông muốn đẹp như con ngựa, hãy trang sức như con ngựa, rồi đi xuống giữa đường, vừa đi vừa nhún chân như con ngựa. Khi ông đến yết kiến vua, vua sẽ tán thán ông, và mọi người ai cũng đều khen ông cả.
Vị Bà-la-môn ấy bản tánh ngu ngốc, nghe lời bà vợ, không biết ý đồ của vợ, cứ làm đúng như vậy. Những ai thấy người Bà-la-môn ấy đều cười lớn và nói:
– Ðẹp thay là bậc Sư trưởng!
Vua nói với người Bà-la-môn:
– Này Sư trưởng, có phải ông nổi giận rồi sao? Ông có điên không?
Câu nói của vua chê vậy khiến ông sanh hổ thẹn. Lúc bấy giờ, vị Bà-la-môn biết: “Ta làm một việc không thích đáng”, liền sinh lòng căm tức nữ Bà-la-môn:
– Nó đã làm ta xấu hổ trước mặt vua và quân đội. Ta sẽ đánh nó và đuổi nó ra khỏi nhà.
Ông đi về nhà với ý nghĩ trả thù như vậy. Nữ Bà-la-môn ác tánh biết chồng trở về với lòng căm giận mình, liền trốn ra khỏi nhà bằng một cửa nhỏ, đi đến cung điện của vua, và ở tại đấy bốn, năm ngày. Vua biết được tin ấy, cho gọi vị cố vấn tế tự, khuyên ông tha thứ:
– Này Sư trưởng, đàn bà đầy lỗi lầm, ông nên tha thứ cho nữ Bà-la-môn.
Rồi với mục đích khuyến giáo vị ấy tha thứ, vua nói lên bài kệ đầu:
Dây cung dù bị đứt,
Cũng có thể nối liền,
Hãy giảng hòa với vợ,
Chớ để tâm hận hiềm.
Nghe xong, Ruhaka đọc bài kệ thứ hai:
Có vỏ, làm dây khác,
Lại có thợ biết làm.
Tôi sẽ tìm vợ mới,
Vợ cũ, tôi chán nhàm!
Nói vậy xong, ông đuổi nữ Bà-la-môn ấy và cưới một nữ Bà-la-môn khác.
*
Sau khi bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này, Ngài trình bày các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo có tâm luyến ái đã đắc quả Dự lưu.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, người vợ cũ là nữ Bà-la-môn, Ruhaka là Tỷ-kheo có tâm luyến ái, còn vua Ba-la-nại là Ta vậy.
-ooOoo-
Nữ nhân có thể đẹp…,
Tiền thân Sirikàlakanni sẽ được trình bày ở Tiền thân Mahà-Ùmmagga (số 538).
-ooOoo-
Nàng chính là người ấy…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. Hoàn cảnh chuyện này sẽ được trình bày trong Tiền thân Ummadanti (số 527). Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông thối thất tinh tấn?
Vị ấy trả lời:
– Bạch Thế Tôn, con thấy một nữ nhân mặc áo quần rất đẹp, nên bị ái nhiễm và thối thất tinh tấn.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, các nữ nhân đều vô ơn, phản bội tình bạn. Các bậc hiền trí thuở xưa, với tâm tư điên cuồng đến độ cho họ uống máu đầu gối phải của mình, trọn đời mang tặng phẩm hiến dâng cho họ, nhưng vẫn không chinh phục được tâm của nữ nhân.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con trai của bà hoàng hậu chánh cung, khi đến ngày đặt tên, được gọi là hoàng tử Paduma (Liên Hoa). Sau Bồ-tát, còn có sáu người em trai nữa. Bảy người ấy tiếp tục lớn lên, lập gia đình sống bên cạnh nhà vua. Một hôm vua đứng nhìn xuống sân thấy họ đi đến hầu vua với một tùy tùng đông đảo, vua sinh lòng nghi ngờ: “Những người này có thể giết ta và cướp lấy quốc độ”. Nghĩ vậy, vua cho gọi họ đến và nói:
– Này các con thân, các con không thể sống trong thành này. Hãy đi đến một chỗ khác, và sau khi ta băng hà, hãy trở về cai trị vương quốc, vì vương quốc là sở hữu của gia đình.
Các con vâng theo lời cha.
Họ khóc than, đi về nhà, đem theo vợ con mình và nói:
– Chúng ta hãy đi bất cứ nơi nào và sống tại đấy.
Họ ra khỏi thành, lên đường, đi đến một chỗ hoang vu, không có đồ ăn nước uống, chịu đựng đói khát không nổi, và nghĩ: “Chúng ta còn sống sẽ được nữ nhân khác”.
Họ giết vợ của người em út, chia thành mười ba phần, rồi ăn thịt. Bồ-tát và vợ lấy phần mình chia làm ba, để lại một phần và ăn hai phần. Như vậy trong sáu ngày, họ giết sáu nữ thân để ăn thịt. Mỗi ngày kế tiếp Bồ-tát để lại một phần, vì vậy có được sáu phần. Ðến ngày thứ bảy, họ có ý định giết vợ của Bồ-tát. Nghe vậy, Bồ-tát cho họ ăn sáu phần còn lại, và nói:
– Hãy ăn sáu phần này, ngày mai sẽ tính.
Cho họ ăn thịt xong, khi họ nằm ngủ, Bồ-tát đem vợ chạy trốn. Người vợ đi một lát, rồi nói:
– Thưa chàng, em không thể đi được.
Bồ-tát cõng vợ lên vai, đi đến rạng đông, ra khỏi được cảnh hoang vu. Khi mặt trời mọc, người vợ nói:
– Thưa chàng, em khát.
Bồ-tát nói:
– Này hiền thê, không có nước.
Nghe nàng nói đi nói lại, Bồ-tát lấy gươm đâm đầu gối chân phải của mình và nói:
– Này hiền thê, không có nước uống. Ðây là máu đầu gối phải của ta. Hãy ngồi xuống và uống nó đi.
Người vợ làm như vậy. Họ tiếp tục đi, đến sông Hằng Hà hùng vĩ, họ uống nước, tắm, ăn các loại trái và rau v.v… rồi nghỉ ngơi tại một chỗ thoải mái. Gần một khúc quanh của sông Hằng, họ dựng lên một am thất và sống tại đấy.
Một hôm, một tên cướp ở thượng lưu sông Hằng, phạm tội phản nghịch vua nên tay chân, tai mũi đều bị cắt đứt, bị quăng nằm trong chiếc xuồng nhỏ và thả trôi trên sông Hằng Hà rộng lớn, rên la vì đau đớn, và trôi đến chỗ ấy. Bồ-tát nghe tiếng than đau thương bi ai của nó, liền đi đến bờ sông Hằng, kéo nó lên bờ, dắt nó đến am thất, và xức thuốc chữa trị vết thương. Người vợ nói:
– Một đứa què lười biếng như thế này mà chồng ta lại mang từ sông Hằng về để săn sóc và cứu sống!
Nói vậy xong, nàng khinh bỉ nhổ vào mặt người què ấy. Khi các vết thương của nó được lành mạnh, Bồ-tát cho nó ở tại am thất với vợ mình, rồi đem trái cây và các loại khác từ rừng về, nuôi nó và người vợ. Trong khi họ chung sống như vậy, nữ nhân ấy sanh ái luyến người què, thông dâm với nó và muốn giết Bồ-tát với phương tiện ác độc, liền nói với chồng:
– Thưa chàng, khi em ngồi trên lưng chàng ra đi khỏi khu vực hoang vu, em nhìn hòn núi này, và cầu xin như sau: Thưa vị thần núi, nếu con được sống an lành với chồng, con sẽ làm lễ cúng tạ ngài! Nay thần ấy làm em hoảng sợ. Em phải làm lễ cúng tạ thần ấy.
Bồ-tát không biết vợ mình lừa đảo liền bằng lòng, sửa soạn lễ cúng, giao cho vợ dĩa đựng đồ cúng, rồi leo lên chóp núi. Người vợ nói với chồng:
– Thưa chàng, không phải vị thần mà chính chàng mới là vị thần tối thượng. Trước hết, em sẽ cúng dường chàng hoa rừng, đi nhiễu xung quanh chàng, đảnh lễ chàng, rồi sau đó em cúng lễ cho vị thần núi.
Nói vậy xong, nàng đặt Bồ-tát đứng trên bờ vực thẳm, cúng dường Bồ-tát hoa rừng, đi nhiễu xung quanh, và làm như muốn đảnh lễ chồng, nàng đứng phía sau đánh Bồ-tát trên lưng, rồi xô Bồ-tát rơi xuống vực thẳm, và la lên vì thỏa mãn:
– Ta đã thấy cái lưng kẻ thù ta rồi!
Và nàng xuống núi đi với người què ấy.
Bồ-tát rơi từ trên núi xuống vực thẳm nhưng bị mắc vào một chùm lá không có gai trên chóp cây sung nên không thể xuống núi được. Bồ-tát ăn trái cây sung và sống giữa các cành cây.
Một con kỳ-đà chúa có thân to lớn, từ chân núi thường leo lên ăn trái của cây sung ấy. Nó thấy Bồ-tát và chạy trốn. Ngày sau nó lại đến, ăn những trái ở một bên cây rồi bỏ đi. Nó đến nhiều lần như vậy cho đến khi nó kết thân với Bồ-tát và hỏi:
– Làm thế nào anh đến được chỗ này?
Khi được Bồ-tát nói cho biết lý do, nó nói:
– Thôi được, anh chớ sợ.
Rồi nó bảo Bồ-tát ngồi trên lưng mình, sau đó nó bò xuống núi, ra khỏi khu rừng, đặt Bồ-tát trên con đường lớn và nói:
– Hãy đi theo con đường này.
Bồ-tát đi đến một ngôi làng nhỏ và sống tại đấy. Khi nghe tin phụ vương đã mệnh chung, Bồ-tát đi đến Ba-la-nại, lên ngôi kế vị trong vương quốc thuộc quyền sở hữu của gia đình và trở thành vua Paduma. Nguyện theo Mười vương pháp trị nước đúng luật, Bồ-tát cho xây sáu hội trường bố thí tại bốn cửa thành, tại chính giữa thành, tại trước cửa cung điện và mỗi ngày bố thí sáu trăm ngàn đồng tiền.
Trong lúc ấy, nữ nhân độc ác kia cõng người què trên lưng, đi ra khỏi rừng, xin ăn giữa con đường có người qua kẻ lại, thâu lượm cháo cơm để nuôi dưỡng người tình. Có người hỏi:
– Người này là ai đối với cô?
Nàng nói dối:
– Mẹ người này là chị của cha tôi. Người này là anh họ tôi. Người ta cho tôi người này. Dầu cho chàng bị đọa đầy đến chết, tôi cũng sẽ mang chồng tôi trên vai đi khất thực, và nuôi dưỡng chàng.
Mọi người khen:
– Thật là người vợ trung tín với chồng!
Từ đấy trở đi, người ta cho nàng cháo và cơm nhiều hơn trước. Những người khác nói với nàng:
– Chớ sống như thế này. Vua Paduma trị vì ở Ba-la-nại, công đức bố thí của ngài vang dội toàn cõi Diêm-phù-đề. Vua thấy nàng sẽ hoan hỷ, và sẽ cho nàng nhiều tài sản. Hãy để chồng nàng ngồi trong cái giỏ này và cõng đi.
Họ cổ võ nàng và cho nàng một cái giỏ tre. Người đàn bà ác hạnh kia đặt người què ngồi trên lưng mình, rồi đi đến Ba-la-nại, xin ăn tại các nhà bố thí và sống như vậy.
Bấy giờ Bồ-tát thường hay ngồi trên lưng voi với trang sức lộng lẫy, đi đến nhà bố thí và sau khi tự tay bố thí cho tám hay mười người, ngài lại đi về cung. Nữ nhân ác hạnh ấy đặt người què ngồi trong cái giỏ, mang nó trên lưng và đứng trên đường vua đi qua. Vua thấy họ bèn hỏi:
– Người này là ai vậy?
– Thưa Ðại vương, một người vợ trung tín.
Vua cho gọi nàng đến, nhận diện nàng, liền bảo đưa người què ra khỏi cái giỏ, và hỏi:
– Người này là gì của nàng?
Nàng trả lời:
– Người này là con của người chị cha tôi. Gia đình đó cho tôi và tôi nhận người này làm chồng tôi.
Các người không biết nội dung câu chuyện liền nói to:
– Ôi, thật là người vợ trung tín!
Và họ tán thán nữ nhân ác hạnh ấy. Vua hỏi thêm:
– Có phải người què này do gia đình cho nàng làm chồng không?
Nữ nhân ấy không nhận diện được vua nên mạnh dạn nói:
– Thưa Ðại vương, đúng vậy.
– Và đây có phải là con vua Ba-la-nại không? Nàng có phải là con gái của một vị vua, là vợ của hoàng tử Paduma?
Sau khi dằn mặt nàng, vua vạch mặt nàng:
– Chính nàng uống máu từ đầu gối của ta và vì luyến ái với người què này, nàng đã xô ta xuống vực thẳm. Nàng nghĩ rằng ta đã chết, nhưng ta vẫn còn sống! Nay nàng đến đây với dấu hiệu tử thần in trên trán đấy!
Rồi vua nói với các triều thần:
– Hỡi các triều thần, trước kia các khanh hỏi trẫm và trẫm đã trả lời như sau: Sáu người em trai trẫm đã giết vợ họ và đã ăn thịt vợ họ. Nhưng trẫm đã bảo vệ vợ mình an toàn, đưa nàng đến bờ sông Hằng, và sống tại một am thất. Ở đấy trẫm cứu một kẻ què bị xử tội chết và nuôi dưỡng nó. Còn nữ nhân đã sanh tâm luyến ái nó, và xô trẫm xuống vực sâu, không ai khác mà chính là nữ nhân ác hạnh này. Nhưng trẫm đã tự cứu mình nhờ tỏ bày tình thân ái. Còn người què bị xử tội chết không ai khác mà chính là tên này!
Rồi Bồ-tát đọc những bài kệ này:
Nàng chính là người ấy,
Còn ta không ai khác,
Người què chính là nó,
Bị chặt tay, chính nó.
Tuy vậy nàng vẫn nói:
– Là chồng tôi lúc trẻ.
Ðàn bà thật đáng chết,
Chúng không có sự thật!
Hãy lấy một cái chày.
Ðánh chết tên khốn nạn,
Kẻ độc ác rình rập
Ðể cướp lấp vợ người.
Sau đó bắt người vợ
Ác độc, tà hạnh này,
Chấm dứt mạng sống nó,
Cắt cả mũi lẫn tai!
Bồ-tát không có thể dẹp được cơn phẫn nộ và ra lệnh trừng phạt chúng, nhưng rồi không thi hành như đã ra lệnh. Ðể làm nguôi giận, Bồ-tát bảo cột cái giỏ vào đầu nàng thật chặt, để nàng không cởi nó ra được rồi quăng kẻ què vào giỏ và đuổi cả hai ra ngoài quốc độ của mình.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật và cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo thối thất đã đắc quả Dự lưu.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Sáu anh em thời ấy là sáu vị Trưởng lão, người vợ là thiếu nữ Cinca, người què phạm tội là Ðề-bà-đạt-đa, con kỳ đà chúa là Ànanda, còn vua Paduma là Ta vậy.
-ooOoo-
Không có Thiên thần nào…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa muốn sát hại mình.
Khi nghe Ðề-bà-đạt-đa đang âm mưu sát hại mình, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay mà thuở xưa cũng vậy, Ðề-bà-đạt-đa đã âm mưu sát hại ta. Nhưng kẻ ấy cũng không có thể làm như vậy được.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình của một gia chủ tại một ngôi làng nhỏ không xa Ba-la-nại bao nhiêu. Khi Bồ-tát đến tuổi trưởng thành, người ta đi cưới con gái của một gia đình từ Ba-la-nại về gả cho Bồ-tát. Nàng dễ thương, xinh đẹp, mỹ lệ giống như Thiên nữ, yểu điệu giống như cây leo nở hoa, yêu kiều như con chim thần Kinnàri, có tên là Sujàta. Nàng thủy chung, có giới hạnh, luôn luôn làm tròn bổn phận đối với chồng. Nàng được Bồ-tát thương mến và quý trọng, vì vậy cả hai sống với nhau hoan hỷ, đồng tâm, và thuận hòa.
Một hôm Sujàtà thưa với Bồ-tát:
– Em muốn về thăm cha mẹ em.
– Lành thay, hiền thê. Hãy chuẩn bị thật đầy đủ lương thực đi đường.
Rồi Bồ-tát bảo nấu đủ loại đồ ăn và sắp đặt các lương thực đi đường. Chuẩn bị xong, Bồ-tát ngồi phía trước đánh xe, còn vợ ngồi phía sau. Cả hai đi đến gần thành Ba-la-nại, tháo đôi bò khỏi xe, tắm rửa và ăn uống. Rồi Bồ-tát cột bò vào xe lại và ngồi phía trước, còn Sujàtà đã thay áo, trang điểm, và ngồi phía sau.
Khi cỗ xe đi vào thành, vua Ba-la-nại ngồi trên lưng con voi đẹp, đang đi xung quanh thành và đến chỗ ấy. Sujàtà vừa xuống xe và đi bộ sau xe. Vua thấy nàng, sanh tâm luyến ái, bảo một vị cận thần đi theo dò hỏi nàng đã có chồng, và về tâu với vua:
– Thần nghe nàng ấy đã có chồng, và chồng nàng đang ngồi phía trước xe.
Vua không thể chế ngự tâm ái luyến của mình, và tham dục đã tràn ngập trong lòng, vua suy nghĩ: “Với mọi phương tiện, ta sẽ giết tên này và lấy nữ nhân”.
Vua gọi một người và bảo:
– Này người kia, hãy cầm lấy viên ngọc này, giả bộ đang đi trên đường, rồi bỏ rơi hòn ngọc trong xe của người ấy.
Nói vậy xong, vua giao cho anh ta một hòn ngọc, và thúc giục anh ta đi. Người ấy vâng lời lấy hòn ngọc, đi đến thả nó vào trong xe rồi trở về thưa:
– Thưa Thiên tử, tôi đã thả hòn ngọc xong.
Vua la lớn:
– Ta đã mất một hòn ngọc!
Mọi người làm ầm ĩ lên và vua ra lệnh:
– Hãy đóng tất cả, cắt đứt mọi đường đi ra, và bắt tên ăn trộm.
Các người hầu vua làm theo đúng lệnh. Còn người kia đem theo một số người, đi gần đến Bồ-tát và nói:
– Này ông, hãy để xe lại. Vua mất hòn ngọc trên vương miện. Chúng tôi phải khám xe của ông.
Anh ta khám xe, lấy hòn ngọc mà chính anh ta đã bỏ rơi vào, rồi bảo Bồ-tát là kẻ ăn cắp hòn ngọc, lấy tay chân đánh đá ngài, cột ngài ra đàng sau, dẫn đến trình vua và thưa:
– Hãy xem đây là tên trộm hòn ngọc!
Vua ra lệnh:
– Hãy chặt đầu nó!
Các người của vua tại các ngã tư đường, đánh Bồ-tát bằng roi, rồi dẫn ngài ra ngoại thành qua cửa phía nam.
Bấy giờ Sujàtà bỏ xe, giơ tay lên trời than khóc chạy theo chồng:
– Ôi chồng tôi! Vì tôi mà chồng tôi phải chịu cảnh đau khổ này!
Nàng đi theo và khóc than như vậy. Các người hầu của vua bắt Bồ-tát nằm ngửa với ý định chặt đầu ngài. Thấy vậy, Sujàtà nghĩ đến công đức giới hạnh của mình và nói thầm: “Ta chắc rằng trong đời này không vị Thiên thần nào có khả năng chận đứng bàn tay những người độc ác dã man làm hại những người có giới hạnh”.
Rồi nàng than khóc và đọc bài kệ đầu:
Không có Thiên thần nào,
Chắc các ngài đi vắng,
Có lẽ không một ai.
Bảo vệ cõi đời này
Kẻ bạo ngược hung hãn
Muốn làm gì thì làm,
Có lẽ không một ai
Chận đứng được bọn chúng!
Vì nàng là người có giới hạnh than khóc như vậy nên chiếc ngai của Thiên chủ Ðế Thích trở thành nóng. Ðế Thích nghĩ: “Ai lại muốn ta rời khỏi ngôi vị Thiên chủ của ta đây?”. Rồi Ðế Thích xem xét địa giới, biết sự việc đã xảy ra và nói:
– Vua Ba-la-nại đang làm một điều thật ác độc, khiến cho Sujàtà có giới hạnh phải đau đớn. Nay ta cần phải đi xuống đó!
Ðế Thích từ thiên giới đi xuống, với thần lực của mình bắt ông vua độc ác đang ngồi trên lưng voi phải rời khỏi voi và đặt vua nằm ngửa tại chỗ hành quyết thay Bồ-tát. Rồi Ðế Thích đỡ Bồ-tát dậy, trang điểm ngài với mọi thứ đồ trang sức, rồi mặc áo mũ của vua, và đặt ngài ngồi trên lưng voi của vua.
Quân hầu của vua giơ cao búa lên chém đầu. Khi chém xong, họ mới biết là đầu của vua! Thiên chủ Ðế Thích hiện hình có thể thấy được, đi đến Bồ-tát, làm lễ quán đảnh cho ngài và đặt Sujàtà lên ngôi hoàng hậu. Các vị đại thần và các Bà-la-môn gia chủ v.v… thấy Thiên chủ Ðế Thích, sung sướng nói:
– Vua phi pháp đã bị giết, chúng ta nay được vua đúng pháp do Ðế Thích ban cho chúng ta!
Ðế Thích đứng giữa hư không nói:
– Ðây là vua của các ngươi do Ðế Thích ban cho. Bắt đầu từ nay, vua ấy sẽ trị vì quốc độ đúng pháp. Nếu vua làm việc phi pháp, trời sẽ mưa phi thời, đúng thời trời không mưa, và có ba tai nạn về đói, về bệnh, về chiến tranh. Ba tai nạn này sẽ đến cho dân chúng vì vua ác.
Rồi Ðế Thích thuyết giáo họ với bài kệ thứ hai:
Với nó, mưa phi thời,
Ðúng thời, trời không mưa,
Từ trời, vua xuống đất,
Hãy nhìn rõ nguyên nhân
Kẻ này đã bị giết.
Như vậy, Ðế Thích thuyết giáo đại quần chúng xong, liền trở về cõi thiên của mình. Còn Bồ-tát trị nước đúng pháp và về sau đi lên thiên giới làm đông đảo hội chúng chư Thiên.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, vua phi thời là Ðề-bà-lạt-đa. Ðế Thích là A-na-luật-đà, Sujàtà là mẹ của La-hầu-la (Ràhulamàtà), còn vị vua do Ðế Thích đặt lên ngôi là Ta vậy.
-ooOoo-
Trải dài hòn núi đẹp…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về vua Kosala.
Có tiếng đồn một vị đại thần thông dâm trong nội cung. Vua cho điều tra, biết được sự việc ấy có thật, liền đi đến Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo Sư và thưa:
– Bạch Thế Tôn, nay trẫm phải làm gì với nó?
Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Thưa Ðại vương, đại thần ấy có giúp ích Ðại vương không, và Ðại vương có thương nữ nhân ấy không?
Vua đáp:
– Bạch Thế Tôn, đại thần ấy đã giúp ích nhiều cho trẫm, vị ấy cai quản toàn bộ triều đình, và trẫm yêu nữ nhân ấy.
Khi nghe nói vậy, bậc Ðạo Sư nói:
– Thưa Ðại vương, khi các người hầu cận có lợi ích cho mình và khi các nữ nhân được thương yêu thì không có thể hại họ được. Thuở xưa, các vua nghe theo lời các bậc hiền trí đã giữ một thái độ thản nhiên đối với các việc như vậy.
Rồi theo lời yêu cầu của vua, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình vị đại thần, khi trưởng thành trở thành vị cố vấn cho vua trong các vấn đề thế sự và thánh sự. Bấy giờ có một đại thần thông dâm trong nội cung. Khi biết được sự việc này, vua suy nghĩ: “Viên đại thần giúp ích nhiều cho ta, và ta yêu nữ nhân ấy, nên ta không thể làm hại hai người này được. Ta hãy hỏi vị đại thần hiền trí. Nếu cần phải kham khẫn, ta sẽ kham nhẫn; nếu không cần, ta sẽ không kham nhẫn”. Vua truyền mời Bồ-tát đến, rồi hỏi:
– Thưa bậc Hiền trí, trẫm muốn hỏi một câu.
– Thưa Ðại vương, xin hãy nói đi và thần sẽ trả lời.
Vua liền hỏi qua bài kệ đầu:
Trải dài hòn núi đẹp,
Có hồ nước trong xanh,
Biết sư tử bảo vệ,
Chó rừng uống nước lành.
Nghe bài kệ, Bồ-tát suy nghĩ: “Chắc hẳn có đại thần thông dâm trong nội cung”; và đọc bài kệ thứ hai:
Tất cả loài có chân,
Ðều uống nước sông lớn.
Sông vẫn là con sông,
Nếu quý, hãy kham nhẫn.
Bậc Ðại Sĩ khuyên bảo vua như vậy. Vua vâng theo lời chỉ dạy của Bồ-tát và nói:
– Chớ làm tội lỗi như vậy nữa.
Rồi vua tha thứ cho hai người. Từ đấy về sau họ không làm như vậy nữa. Còn vua trọn đời làm các công đức như bố thí v.v…, và khi mạng chung, vua đi lên thiên giới làm đông đảo hội chúng chư Thiên.
Sau khi nghe pháp thoại này, vua Kosala đã tha thứ cho cả hai người ấy, và giữ thái độ thản nhiên.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vua là Ànanda, còn vị đại thần hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-
Những ai không làm theo…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Tỷ-kheo có thật chăng ông thối thất tinh tấn?
Tỷ-kheo ấy đáp:
– Thưa có thật.
Ngài lại hỏi:
– Vì nguyên nhân gì?
Vị ấy đáp:
– Vì thấy một nữ nhân trang sức xinh đẹp, nên con bị phiền não chinh phục.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, các nữ nhân này, với sắc, tiếng, hương, vị, xúc của mình, với mưu chước cám dỗ của mình, đã làm đàn ông tham đắm, khiến đối phương rơi vào thế lực của mình, và khi đã bị chi phối, các nữ nhân ấy phá hoại giới đức, tài sản của kẻ si tình bằng các ác hạnh. Do vậy, nữ nhân được gọi là nữ Dạ-xoa.
Thuở xưa, các nữ Dạ-xoa đi đến một đoàn lữ hành, với mưu chước nữ nhân, làm các thương nhân tham đắm, khiến họ rơi vào thế lực của chúng rồi khi chúng thấy những người đàn ông khác, chúng liền giết và ăn thịt những người trước, chúng gặm xương nghe rạo rạo, với máu thịt chảy dài hai bên má.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ
*
Thuở xưa, tại đảo Tambapanni thuộc xứ Tích Lan, có một thành phố Dạ-xoa trú ẩn. Khi các tàu đắm, chúng ra sức trang điểm, đem theo các đồ ăn loại cứng loại mềm, với nữ tỳ vây quanh, với trẻ con ôm bên nách, và đi đến gần các người lái buôn. Nhằm mục đích làm cho các người ấy tưởng đó là thành phố có loài người ở, chúng tạo ra khắp nơi những người đang cày bừa chăn bò, những đàn bò đang ăn cỏ và đàn chó chạy qua lại v.v… Rồi chúng đi đến gần các người lái buôn và nói:
– Hãy uống cháo này, hãy ăn cơm này, hãy chia đồ ăn này, hỡi các vị khách phương xa.
Các người lái buôn không biết, nên cứ thọ hưởng các món ăn do chúng cho. Khi các người lái buôn ăn xong, và trong lúc họ nghỉ ngơi, các nữ Dạ-xoa thân mật hỏi:
– Các người ở đâu? Các người từ đâu lại? Các người sẽ đi đâu? Các người đến đây để làm gì?
Họ trả lời:
– Chúng tôi bị vỡ tàu nên đến đây.
Các nữ Dạ-xoa nói:
– Tốt lắm, thưa các ông. Chồng của chúng tôi lên tàu ra đi đã quá ba năm. Chắc họ đã chết rồi. Các ông là những lái buôn, chúng tôi sẽ là những người hầu hạ các ông.
Sau khi nói vậy, chúng dùng mưu chước của đàn bà cám dỗ, làm các người lái buôn say đắm rồi đưa họ đến thành Dạ-xoa. Nếu những người bị bắt trước còn xót lại, chúng trói họ với những sợi dây chuyền thần bí, và quăng họ vào nhà cực hình. Nếu chúng không tìm được những người đắm tàu để ăn thịt, chúng thường sục sạo dọc theo bờ biển xa cho đến tận sông Kalyàni phía bên kia và đảo Nàga phía bên này. Ðây là việc làm hàng ngày của chúng.
Một hôm, năm trăm người lái buôn bị đắm tàu, lên được bờ gần thành của nữ Dạ-xoa này. Các nữ Dạ-xoa đi đến và làm cho họ say đắm, rồi đưa họ đến thành Dạ-xoa. Chúng trói những người đã bị bắt trước kia với những sợi dây chuyền thần bí và quăng họ vào nhà cực hình. Nữ chúa Dạ-xoa lấy người thuyền trưởng, và các nữ Dạ-xoa còn lại lấy những người kia, như vậy năm trăm nữ Dạ-xoa lấy năm trăm người đi buôn ấy làm chồng.
Rồi ban đêm, khi các thương nhân đã ngủ say, nữ chúa Dạ-xoa liền dậy, đi đến nhà cực hình giết những người tại đấy, ăn thịt rồi trở về. Các nữ Dạ-xoa còn lại cũng làm như vậy. Sau khi ăn thịt người, nữ chúa Dạ-xoa trở về, thân thể trở thành lạnh. Người lái buôn trưởng ôm nàng là nữ chúa Dạ-xoa, liền nghĩ: “Năm trăm nàng này là nữ Dạ-xoa. Chúng ta phải chạy trốn”.
Sáng sớm hôm sau, khi đi rửa mặt, anh ta nói với các người đi buôn kia:
– Những nàng này là nữ Dạ-xoa, không phải là người. Khi có các người bị đắm tàu khác đến, chúng sẽ lấy những người ấy làm chồng và ăn thịt chúng ta. Vậy chúng ta hãy chạy trốn.
Hai trăm năm mươi người trong bọn nói:
– Chúng tôi không thể bỏ các nữ Dạ-xoa này được. Nếu các ông muốn, thì hãy đi đi. Nhưng chúng tôi sẽ không chạy trốn đâu.
Sau đó, người lái buôn trưởng đem theo hai trăm năm mươi người nghe lời của mình chạy trốn.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát sanh làm con ngựa toàn trắng, với đầu như con quạ, với tóc như cỏ munja, có thần thông, có thể bay trên hư không. Bồ-tát từ Tuyết Sơn bay lên hư không, đến hòn đảo Tambapanni, trên các ao, hồ ở Tambapanni và ăn các loại lúa mọc tại đấy. Trong khi bay qua như vậy, vì lòng từ bi, ba lần Bồ-tát nói lớn tiếng với giọng người:
– Có người nào muốn trở về tổ quốc không?
Các người đi buôn nghe lời Bồ-tát, đi đến chấp tay và thưa:
– Thưa ngài, chúng con muốn trở về.
– Vậy hãy leo lên lưng ta.
Một số người leo lên thân ngựa, một số người nắm đuôi ngựa, một số người chấp tay và đứng im lặng kính cẩn. Bồ-tát dùng thần lực đem hai trăm năm mươi người ấy về tổ quốc của họ, rồi sau đó trở lại trú xứ của mình.
Và khi có những người khác đến đấy, các nữ Dạ-xoa liền giết hai trăm năm mươi người còn lại tại chỗ để ăn thịt.
*
Bậc Ðạo Sư nói với các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, giống như những người lái buôn bị rơi vào thế lực của các nữ Dạ-xoa, và đã mạng chung, nhưng những người khác làm theo lời của con ngựa thần biết bay đều trở về trú xứ của mình; cũng vậy, những ai không làm theo lời khuyên dạy của các đức Phật, dù là Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo ni, các nam, nữ cư sĩ, đều bị đau khổ lớn trong bốn địa ngục và chịu các hình phạt trong năm loại xiềng xích. Còn những ai biết vâng lời khuyên đều đạt được ba sanh loại tốt đẹp, sáu cõi trời dục giới, hai mươi Phạm thiên giới và đạt trạng thái Niết-bàn bất tử, cực lạc.
Sau khi nói vậy, bậc Chánh Ðẳng đọc các bài kệ:
Những ai không làm theo
Lời dạy của đức Phật,
Họ sẽ gặp tai nạn,
Họ giống các lái buôn
Bị các nữ Dạ-xoa
Ăn thịt và mạng chung.
Còn những ai làm theo
Lời dạy của đức Phật,
Họ sẽ được an toàn,
Họ giống các lái buôn
Ðược ngựa bay cứu giúp,
Ðưa về tận trú xứ.
Sau khi bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này, Ngài thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo thối thất đã đắc quả Dự-lưu và nhiều vị khác đắc quả Dự-lưu, Nhất lai, Bất lai và A-la-hán và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, hai trăm năm mươi người lái buôn làm theo lời con ngựa bay là hội chúng đức Phật, còn con ngựa bay là Ta vậy.
-ooOoo-
Khi thấy, nó không cười…,
Câu chuyện này, khi ở Xá-vệ, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo.
Vị ấy nghĩ: “Nếu ta lấy cái này, vị giáo thọ sư của ta sẽ không tức giận”. Vì vậy, Tỷ-kheo ấy lấy một miếng vải do giáo sư để dành và làm thành một cái túi đựng dép, rồi sau mới xin phép thầy mình. Vị giáo thọ sư hỏi:
– Vì lý do gì ông lấy vật ấy?
– Con tin tưởng rằng khi con lấy vật này, thầy sẽ không tức giận.
Sau khi nghe Tỷ-kheo nói vậy, vị giáo thọ sư nổi nóng, đứng dậy đánh Tỷ-kheo ấy và nói:
– Có sự tin tưởng gì giữa ông và ta được chứ?
Việc làm ấy được các Tỷ-kheo biết.
Một hôm, các Tỷ-kheo họp tại Chánh pháp đường nói chuyện ấy với nhau:
– Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo trẻ tuổi có tên này với lòng tin tưởng vị giáo thọ sư, đã lấy tấm vải làm thành cái túi đựng dép. Sau đó vị giáo thọ sư đã nổi nóng và đứng dậy đánh Tỷ-kheo ấy.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi họp ở đây và đang bàn chuyện gì?
Khi được kể chuyện ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo này mới mất tin tưởng đối với vị đồng trú của mình. Thuở xưa, vị ấy cũng đã như vậy rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra tại nước Kàsi trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát xuất gia làm vị đạo sĩ, đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng, rồi làm vị sư trưởng tại khu vực Tuyết Sơn.
Trong chúng đạo sĩ ấy, có một vị tu khổ hạnh không nghe lời Bồ-tát, nuôi dưỡng con voi đã mất mẹ. Khi con voi lớn lên, nó giết vị tu khổ hạnh ấy và đi vào rừng. Chúng đạo sĩ chôn cất vị tu khổ hạnh ấy, rồi đến vây quanh Bồ-tát và hỏi:
– Thưa Tôn giả, vì lý do gì, Tôn giả có thể biết thế nào là bạn, thế nào không phải là bạn?
Bồ-tát trình bày lý do qua các bài kệ:
Khi thấy, nó không cười,
Không hoan hỷ tiếp đón,
Không đưa cặp mắt nhìn,
Và làm điều trái nghịch.
Với những hình tướng này,
Biết nó không phải bạn,
Bậc trí thấy nghe vậy,
Biết nó là kẻ thù.
Như vậy, Bồ-tát nói lên ý nghĩa thế nào là bạn và không phải là bạn. Sau đó, ngài tu tập bốn Vô lượng tâm, rồi đi lên Phạm thiên giới.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vị tu khổ hạnh nuôi con voi là vị Tỷ-kheo đồng trú, con voi là vị giáo thọ sư, hội chúng đạo sĩ là hội chúng đức Phật và Sư trưởng hội chúng là Ta vậy.
-ooOoo-
Này con, ta đi xa…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. Nghe nói, bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông thối thất tinh tấn.
Vị ấy đáp:
– Bạch Thế Tôn, thật vậy.
Khi được hỏi vì lý do gì, vị ấy đáp:
– Vì con thấy một nữ nhân trang sức đẹp đẽ nên phiền não khởi lên.
Bậc Ðạo Sư nói với Tỷ-kheo ấy:
– Này Tỷ-kheo, không thể canh giữ đàn bà được. Thuở xưa, có người đã sắp đặt việc canh cửa nhưng không có thể giữ được. Dầu ông có chiếm được đàn bà đi nữa, ông cũng không thể canh giữ họ được.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con vẹt, tên Ràdha, và con vẹt em tên là Potthapàda. Khi còn trẻ, hai con vẹt bị một người thợ săn bắt được và đem cho một vị Bà-la-môn ở Ba-la-nại. Chúng được Bà-la-môn ấy săn sóc như con đẻ. Nhưng người vợ vị ấy theo ác giới, không ai canh giữ bà ta được.
Vị Bà-la-môn ấy có công việc phải đi xa và nói với hai con vẹt:
– Này các con thân, ta có công việc phải đi, dầu ban ngày hay ban đêm, các con hãy xem mẹ con làm gì. Hãy xem kỹ có người đàn ông nào khác đến thăm mẹ không.
Sau khi giao cho hai vẹt con coi sóc nữ Bà-la-môn, người cha ra đi. Nữ Bà-la-môn ở nhà liền hành động bất chánh, đêm ngày đều có vô số người đến và đi. Thấy vậy Potthapàda nói với Ràdha:
– Vị Bà-la-môn ra đi đã giao nữ Bà-la-môn cho chúng ta canh giữ. Nay bà đang làm ác hạnh, em sẽ nói với bà ấy.
Ràdha bảo đừng, nhưng vẹt em không nghe. Rồi Potthapàda nói với nữ Bà-la-môn:
– Thưa mẹ, vì sao mẹ làm ác hạnh?
Nữ Bà-la-môn ấy rất muốn giết Potthapàda, nhưng làm bộ vỗ về nó và hỏi:
– Này con thân, con là con của ta, từ nay về sau, ta sẽ không làm như vậy nữa. Vậy này con thân, hãy đến đây.
Nữ Bà-la-môn làm bộ thương yêu gọi Potthapàda lại gần. Khi nó lại gần, nữ Bà-la-môn bắt nó và thét:
– Sao, mày lại khuyên dạy ta à! Mày không biết lượng sức mình!
Nữ Bà-la-môn nắm cổ con vẹt, giết nó và quăng xác vào lò.
Khi vị Bà-la-môn trở về, nghỉ ngơi xong, ông liền hỏi Bồ-tát:
– Này Ràdha thân, mẹ của chúng con như thế nào? Bà có làm tà hạnh hay không?
Hỏi vậy xong, vị Bà-la-môn đọc bài kệ đầu:
Này con, ta đi xa,
Nay ta mới về nhà,
Mẹ con như thế nào,
Có theo người khác không?
Ràdha trả lời:
– Thưa cha thân, bậc hiền trí không nói điều gì không đưa đến hạnh phúc, dầu sự việc ấy có xảy ra hay không.
Ràdha giải thích việc này với bài kệ thứ hai:
Ðây không phải khéo nói,
Dù nói đúng sự thật,
Như Pot-tha-pà-da
Nay đã phải nằm chết
Bị cháy dưới than hồng,
Con sợ chung số phận.
Như vậy Bồ-tát thuyết pháp cho vị Bà-la-môn, và nói:
– Nay con cũng không thể sống trong nhà này.
Sau khi xin phép vị Bà-la-môn, Bồ-tát bay đi vào rừng.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo thối thất đã đắc quả Dự lưu và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Potthapàda là Ànanda, còn Ràdha là Ta vậy.
-ooOoo-
Cả hai, ta không nhẫn…,
Câu chuyện này khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. Trong lúc nói chuyện, bậc Ðạo Sư bảo:
– Không bao giờ có thể canh giữ nữ nhân được. Sau khi làm ác, chúng dùng mọi cách lừa dối chồng.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sanh ra làm con một người gia chủ ở nước Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát lập gia đình. Người vợ mới cưới theo ác giới, thông gian với một người thôn trưởng. Bồ-tát biết được, tìm cách bắt quả tang.
Lúc bấy giờ, tất cả thóc lúa đều bị trôi mất trong mùa mưa, vì thế có nạn đói. Nhưng đó cũng là thời các cây lúa bắt đầu mọc. Tất cả dân làng cùng đi đến vị thôn trưởng và thưa:
– Chúng tôi đang đói, hãy cho chúng tôi mượn cái gì để ăn. Hai tháng nữa, khi chúng tôi gặt hái, chúng tôi sẽ trả lúa.
Họ nhận được từ tay thôn trưởng một con bò già và ăn thịt con bò ấy. Một hôm người thôn trưởng chờ Bồ-tát đi ra ngoài, liền đi vào nhà. Trong khi chúng đang hưởng hoan lạc với nhau thì Bồ-tát từ cổng làng đi về nhà. Người đàn bà ấy hướng mặt về phía cổng làng, thấy Bồ-tát đi về, liền báo cho thôn trưởng biết. Thôn trưởng hoảng hốt run sợ. Nữ nhân ấy nói:
– Chớ sợ, em đã có cách và bày mưu. Hãy làm như ông đang đến đòi tiền thịt. Em sẽ leo lên vựa lúa đứng trước cửa và nói: Không có lúa! Còn ông đứng giữa nhà đòi nằng nặc: Nhà chúng tôi có trẻ con. Hãy trả tiền thịt đây!
Nói vậy xong, nữ nhân ấy leo lên vựa lúa, ngồi trước cửa vựa lúa. Người kia đứng giữa nhà và la to:
– Hãy trả tiền thịt đi!
Nữ nhân ấy nói:
– Trong vựa không có lúa. Khi nào gặt lúa, tôi sẽ trả. Hãy đi đi!
Khi vào nhà, Bồ-tát thấy chúng làm như vậy, liền suy nghĩ: “Ðây là mưu mô do ác nữ nhân này bày ra”, liền gọi người thôn trưởng và nói:
– Này ông thôn trưởng, chúng tôi ăn thịt con bò già của ông, có hứa đến hai tháng nữa chúng tôi mới trả lúa. Nửa tháng chưa qua, sao nay ông lại đến đòi? Ông đến đây phải vì lý do khác. Tôi không ưa hành động của ông làm. Nữ nhân vô hạnh ác giới này biết rằng trong vựa không có lúa, nay lại leo lên vựa lúa và nói to: Không có lúa! Còn ông lại bảo: Hãy đưa đây! Ta không ưa hành động của hai người!
Ðể nêu rõ ý nghĩa này, Bồ-tát đọc những bài kệ:
Cả hai, ta không nhẫn,
Cả hai, ta không ưa.
Nữ nhân này leo lên
Ðứng một bên vựa lúa,
Lại nói lớn lên rằng:
Tôi không thể trả được!
Nghe đây, ông thôn trưởng,
Ta sống cực khổ thay,
Mượn con bò già, gầy,
Sau hai tháng mới trả,
Thời chưa đến, đòi nợ,
Ta không thích chuyện đó!
Nói vậy xong, Bồ-tát nằm lấy cái búi tóc người thôn trưởng, kéo ra sân quăng gã xuống và nói:
– Mày là thôn trưởng lại vi phạm của cải trong nhà người khác!
Bồ-tát nói lên những lời mỉa mai, đánh gã cho đến kiệt sức, nắm cổ gã và tống ra ngoài nhà. Còn nữ nhân ác hạnh kia, Bồ-tát nắm lấy tóc, lôi nó từ vựa lúa xuống, đánh ngã nhào và dọa:
– Nếu ngươi còn làm như vậy nữa, ngươi sẽ biết tay ta!
Từ đấy trở đi tên thôn trưởng không dám nhìn ngôi nhà ấy nữa, còn người vợ không dám phạm tội, cho đến ý nghĩ cũng không!
*
Sau khi nói lên Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo thối thất đắc quả Dự-lưu. Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, người gia chủ trừng phạt tên thôn trưởng là Ta vậy.
-ooOoo-
Một người trẻ đẹp trai…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một vị Bà-la-môn.
Vị ấy có bốn con gái và cũng có bốn người đàn ông đến cầu hôn. Một người trai trẻ, thân hình đẹp. Một người tuổi đã già. Một người sanh trong gia đình quý phái. Một người có đức độ. Vị Bà-la-môn suy nghĩ: “Khi con gái có nhiều người cầu hôn, không biết nên gả cho người nào?”. Vị Bà-la-môn suy nghĩ không thể quyết đoán được, nên tự bảo: “Sự việc này cần phải trình bậc Chánh Giác Ðẳng biết! Ta sẽ hỏi Ngài và ta sẽ gả cho ai là người xứng đáng trong những người ấy”. Nghĩ vậy xong, vị Bà-la-môn đem theo hương liệu và vòng hoa đi đến tịnh xá. Ðảnh lễ bậc Ðạo Sư xong, vị ấy ngồi xuống một bên, bắt đầu kể lại việc và thưa:
– Bạch Thế Tôn, giữa bốn người này, con không biết chọn ai.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Thuở trước cũng vậy, các bậc hiền trí đã hỏi câu này, nhưng tái sanh nhiều lần, ông không nhớ được.
Rồi theo lời Bà-la-môn yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Bà-la-nại, Bồ-tát được sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát đi học các tài nghệ ở Takkasilà, và khi về, trở thành vị sư trưởng nổi tiếng nhiều phương.
Bấy giờ, một vị Bà-la-môn có bốn con gái. Và bốn người cầu hôn các cô gái ấy như trên đã nêu. Vị Bà-la-môn không biết nên gả cho người nào, tự nghĩ: “Sau khi hỏi sư trưởng, ta sẽ gả chúng cho người nào xứng đáng nhất. Người Bà-la-môn đi đến sư trưởng, hỏi việc ấy và đọc bài kệ đầu:
Một người trẻ đẹp trai,
Một người tuổi lại lớn,
Một người sanh quý phái,
Một người có giới hạnh,
Tôi hỏi bậc Sư trưởng,
Chúng tôi nên chọn ai?
Nghe nói vậy, vị sư trưởng trả lời:
– Một người đẹp trai và các đức tánh khác, nhưng nếu không có đạo hạnh thì cũng đáng chê trách. Chúng tôi chỉ thích những người có đạo hạnh.
Ðể nêu lên ý nghĩ này, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Thật tốt, người đẹp xinh,
Người lớn tuổi nên trọng,
Cũng tốt, người thiện sanh,
Nhưng ta thích đức hạnh.
Vì Bà-la-môn nghe theo lời của sư trưởng, và gả tất cả các con gái cho người đức hạnh.
*
Bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này xong, liền thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Bà-la-môn đắc quả Dự-lưu và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ người này là vị Bà-la-môn, còn vị Sư trưởng có danh tiếng nhiều phương là Ta vậy.
PHẨM NATAMDAIHA
Bậc trí đã nói rằng…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một nhà tù.
Nghe nói, thời ấy một số đông kẻ trộm cướp là những người phá nhà, cướp đường, giết người, đã bị bắt với cùm sắt, dây thừng và xích sắt.
Khoảng ba mươi Tỷ-kheo ở quê muốn yết kiến bậc Ðạo Sư, đã đi đến thăm viếng và đảnh lễ ngài. Ngày hôm sau, trong khi đi khất thực, họ đi đến nhà tù và thấy các tên trộm cướp ấy. Sau khi họ đi khất thực trở về, vào buổi chiều, họ yết kiến đức Như Lai, và hỏi:
– Bạch Thế Tôn, hôm nay trong khi chúng con đi khất thực, chúng con được thấy nhiều tên trộm cướp trong nhà tù, bị cùm sắt v.v… trói buộc, chịu đựng nhiều đau khổ. Chúng không thể chặt đứt các còng sắt trói buộc ấy để chạy trốn. Có sự trói buộc nào khác kiên cố hơn các dây trói buộc ấy chăng?
Bậc Ðạo Sư đáp:
– Này các Tỷ-kheo, đấy là những dây trói buộc về thân, tuy đau khổ nhưng còn nhẹ. Trái lại, những dây trói như tham ái đối với tài sản, lúa gạo, vợ con v.v… còn mạnh hơn trăm lần, ngàn lần những dây trói buộc trên. Tuy vậy, những trói buộc ấy, dầu to lớn và khó chặt đứt, cũng đã bị các vị hiền trí thuở xưa chặt đứt khi họ quyết chí đi đến Tuyết Sơn và trở thành ẩn sĩ.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình nghèo khổ. Khi Bồ-tát đến tuổi trưởng thành, người cha mệnh chung. Bồ-tát làm thuê để nuôi mẹ. Bồ-tát không bằng lòng khi bà mẹ hỏi một người con gái cho Bồ-tát lập gia đình. Sau một thời gian, bà mẹ mất, thì người vợ đã có thai, Bồ-tát biết vợ mình có thai nói với vợ:
– Này hiền thê, hãy làm thuê để sống. Tôi sẽ xuất gia.
Người vợ nói:
– Em đang có thai. Chờ em sanh con và bố nó thấy đứa bé rồi hãy xuất gia.
Bồ-tát bằng lòng. Khi người vợ sanh xong, Bồ-tát nói:
– Này hiền thê, hiền thê đã sanh xong an toàn. Nay tôi sẽ xuất gia.
Người vợ nói:
– Nay đứa con trai còn bú. Chờ cho nó hết bú, hãy đi.
Nhưng rồi người vợ lại có thai, Bồ-tát suy nghĩ: “Nếu ta chấp nhận lời yêu cầu của vợ, ta sẽ không thể đi được. Vậy không cho nàng biết, ta sẽ trốn và xuất gia”. Bồ-tát không nói cho nàng biết, ban đêm thức dậy và ra đi. Những người giữ cửa thành bắt Bồ-tát, Bồ-tát nói:
– Thưa các ông, tôi có bà mẹ phải nuôi, hãy thả tôi ra!
Bồ-tát làm cho họ thả mình ra, tạm trú tại một chỗ, rồi ra khỏi thành bằng cổng chánh, đi vào Tuyết Sơn, và sống đời xuất gia làm vị đạo sĩ. Sau thời gian tu tập, đã đắc được các Thắng trí và các Thiền chứng, Bồ-tát sống sung sướng với cảnh giới thiền. Sống tại đấy, Bồ-tát suy nghĩ: “Như vậy, ta đã cắt đứt dây trói buộc của phiền não, dây trói của vợ con thật khó chặt đứt”, và nói lên nguồn cảm hứng của mình với những bài kệ:
Bậc trí đã nói rằng
Không phải trói buộc chặt,
Còng sắt và gông gỗ,
Cùng các loại dây trói.
Chính dục ái cường thịnh
Ðối với ngọc, bông tai,
Ðối với vợ và con,
Mới thật chính buộc ràng!
Bậc hiền trí đã nói rằng
Chính chúng trói buộc chặt,
Chúng kéo lui, lôi xuống,
Mềm mỏng nhưng khó thoát.
Bậc trí chặt đứt chúng,
Tất cả trói buộc này,
Ðoạn tận các dục lạc,
Không chờ đợi, ước mong.
Như vậy, sau khi nói lên lời cảm hứng, Bồ-tát hành trì thiền định không gián đoạn rồi sanh lên thế giới Phạm thiên.
*
Sau khi thuyết Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, một số vị đắc Dự-lưu đạo, một số đắc Nhất lai đạo, một số đắc Bất lai đạo, một số đắc A-la-hán đạo.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ người mẹ là Mahàmayà, người cha là vua Tịnh phạn, người vợ là mẹ của Ràhula (La-hầu-la), người con trai là La-hầu-la. Vị từ bỏ vợ con và trở thành người xuất gia là Ta vậy.
-ooOoo-
Thiên nga, cò, chim công…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về Tôn giả Lakuntala hiền thiện.
Tôn giả được danh tiếng trong Giáo pháp của Ðức Phật là người có trí tuệ, nói lời dịu ngọt, thuyết pháp dịu ngọt, đạt được biện tài, hoàn toàn đoạn tận các phiền não. Nhưng trong tám mươi bậc Trưởng lão, Tôn giả là vị nhỏ nhất về thân hình, như một người lùn. Tôn giả Lakuntaka có dạng như một Sa-di, nhỏ bé, như được nuôi để làm trò chơi.
Một hôm Tôn giả đi đến cổng Kỳ Viên để đảnh lễ đức Như lai. Lúc ấy cũng có khoảng ba mươi Tỷ-kheo ở quê lên với mục đích lễ bậc Ðạo sư. Khi vào Kỳ Viên, thấy Trưởng lão ấy trong khu vực tinh xá, họ tưởng Tôn giả là một Sa-di. Họ nắm góc y của Trưởng lão, nắm tay, xoa đầu, bóp mũi, xách tai, ôm run Tôn giả và đối xử nặng nề với Tôn giả.
Rồi các Tỷ-kheo để y bát một bên, đi đến đảnh lễ bậc Ðạo sư, và ngồi xuống một bên. Sau khi được bậc Ðạo sư dịu dàng thân mật hỏi thăm, các Tỷ-kheo ấy hỏi:
– Bạch Thế Tôn, chúng con nghe nói có Tôn giả Lakuntaka hiền thiện là đệ tử của Thế Tôn, một vị thuyết pháp rất dịu ngọt, nay Tôn giả ở đâu?
– Này các Tỷ-kheo, các ông có muốn yết kiến Tôn giả ấy không?
– Thưa có, Bạch Thế Tôn.
– Này các Tỷ-kheo, người mà các ông đã thấy ở gần cổng, người mà các ông đã nắm góc y, đã đối xử nặng nề, thô lỗ khi các ông đến, chính là Tôn giả ấy!
– Bạch Thế Tôn, vì sao một đệ tử đã được những gì cao thượng, thành tựu đầy đủ đại nguyện, mà không có một chút uy lực?
Ðạo sư nói:
– Vì tự mình đã làm ác nghiệp.
Rồi theo yêu cầu của các Tỷ-kheo ấy, Ngài kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ tát làm thiên chủ Ðế Thích (Sakka). Lúc bấy giờ vua Brahmadatta không thể chịu đựng khi nhìn thấy con voi, con ngựa hay con bò đã già yếu. Vua có tánh nghịch ngợm, thấy người và vật như vậy liền đánh đuổi đi, thấy cỗ xe cũ kỹ liền cho đập nát, thấy các bà già, vua gọi vào và đánh trên bụng, khiến họ ngã rồi dựng đứng họ lên và doạ nạt họ. Thấy những ông già, vua bắt họ lăn lộn giữa đất, và chơi đùa như những người nhào lộn.
Nếu không thấy ai nhưng nghe tại một nhà nọ có một người già, vua bèn cho gọi vào và đùa giỡn. Mọi người xấu hổ đưa cha mẹ mình ra khỏi nước. Không còn có người hầu hạ cha mẹ. Các người hầu cận cũng nghịch ngợm như vậy. Vì thiếu đạo đức nên khi họ chết, họ bị đọa vào bốn đọa xứ (Ðịa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh và A-tu-la) còn hội chư Thiên bị tổn giảm.
Ðế Thích không thấy các Thiên tử mới sanh, liền tìm hiểu nguyên nhân và quyết định: “Ta sẽ nhiếp phục nhà vua ấy”. Ðế Thích hóa thân làm một ông già, đặt hai ghè sữa bơ trên một cỗ xe gỗ cũ kỹ tồi tàn, thắng vào xe hai con bò già và đi dự ngày hội lớn. Vua Brahmadatta cưỡi trên lưng voi được tô điểm rực rỡ, đi nhiễu xung quanh thành được trang hoàng lộng lẫy khắp nơi.
Khi ấy, Ðế Thích mặc áo rách rưới, đánh cỗ xe này đi đến gặp vua. Vua thấy cỗ xe cũ kỹ liền sai đuổi nó đi. Quân hầu nói:
– Thưa Thiên tử, cỗ xe nào, chúng con không thấy.
Do thần lực của mình, Ðế Thích chỉ để riêng vua thấy cỗ xe mà thôi. Ðế Thích đánh xe nhiều lần trên đầu vua, rồi đập cái ghè sữa bơ trên đầu vua, và quay xe trở lại đập vỡ ghè sữa bơ thứ hai. Và từ trên đầu của vua, khắp nơi mọi phía sữa bơ chảy xuống. Như vậy, Ðế Thích quấy rầy, hành hạ vua trông thật đáng thương. Sau khi thấy vua khống khổ như vậy, Ðế Thích làm cỗ xe biến mất, rồi hiện thân Ðế Thích, tay cầm cái chùy kim cương, đứng trên hư không và nói:
– Này tên vua ác hạnh và phi pháp kia, ngươi sẽ không già sao? Thân của ngươi sẽ không bị tuổi già tấn công sao? Nhưng ngươi lại thích đùa nghịch, hành hạ làm khổ nhục những người lớn tuổi. Chính do các việc của ngươi làm mà dân chúng chết đi tràn đầy bốn đọa xứ vì chúng không thể nuôi dưỡng cha mẹ. Nếu ngươi không từ bỏ hành động này, ta sẽ đánh vỡ đầu ngươi với chùy kim cương. Bắt đầu từ nay, ngươi chớ làm như vậy nữa.
Sau khi dọa nạt, Ðế Thích nói lên công đức của cha mẹ và trình bày những lợi ích của các hành động kính trọng lớn tuổi. Giáo huấn xong, Ðế Thích trở về trú xứ của mình. Từ đấy, vua không còn khởi tâm làm các việc như trước nữa.
*
Sau khi kể câu chuyện quá khứ, bậc Đạo sư nhân danh bậc Chánh Ðẳng Giác, đọc những bài kệ này:
Thiên nga, cò, chim công
Voi và nai có đốm,
Tất cả sợ sư tử,
Dù chúng không ngang bằng.
Cũng vậy, giữa mọi người,
Còn trẻ nhưng có trí,
Vị ấy thật vĩ đại,
Kẻ ngu dầu thân lớn,
Không hề được như vậy.
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, một số Tỷ-kheo đắc quả Dự-lưu, một số đắc quả Nhất lai, một số đắc quả A-la-hán và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vua là Lakuntaka hiền thiện, vì tánh nghịch ngợm đối với người khác nên bị trêu ghẹo lại, còn Ðế Thích là Ta vậy.
-ooOoo-
Ta khởi lên từ tâm…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên bậc Ðạo sư kể về một Tỷ-kheo.
Trong khi đang ngồi chẻ củi ở cửa nhà tắm, một con rắn bò từ khúc cây mục ra cắn vào ngón chân của Tỷ-kheo ấy và vị ấy chết ngay tại chỗ. Tỷ-kheo ấy chết như thế nào cả tinh xá đều biết rõ. Các Tỷ-kheo ngồi Chánh pháp đường bắt đầu nói chuyện sau đây:
– Thưa Hiền giả, nghe nói Tỷ-kheo tên này đang ngồi chẻ củi tại cửa nhà tắm, bị rắn cắn và chết tại chỗ.
Bậc đạo sư đi đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ở đây đang bàn vấn đề gì?
Khi được biết vấn đề này, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy đối với bốn loại gia đình vua rắn, có khởi lên lòng từ thì con rắn đã không cắn vị ấy. Các vị tu khổ hạnh xưa, khi đức Phật chưa ra đời, tu tập lòng từ đối với bốn loại gia đình vua rắn, nên đã thoát khỏi sự sợ hãi khởi lên cho bốn loại gia đình vua rắn ấy.
Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Bà-la-nại, Bồ tát sanh ra trong gia đình một Bà-la-môn ở nước Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành Bồ-tát đoạn tận các dục, xuất gia làm đạo sĩ, đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng, rồi xây dựng am thất tại một khúc quanh của sông Hằng gần chân núi Tuyết và sống tại đấy, vui hưởng cùng thiền lạc với chúng đạo sĩ vây quanh.
Lúc bấy giờ, có nhiều loại rắn trên bờ sông Hằng làm hại các vị đạo sĩ, và phần lớn các vị ấy mệnh chung. Các vị tu khổ hạnh trình chuyện ấy với Bồ-tát. Ngài liền họp tất cả vị tu khổ hạnh lại, và nói:
– Nếu các ông tu tập từ tâm đối với bốn loại gia đình vua rắn này, các con rắn sẽ không cắn các ông, do vậy, bắt đầu từ nay, hãy tu tập từ tâm như vậy đồi với bốn loại vua rắn.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ đầu:
Ta khởi lên từ tâm
Với Vi-rù-pak-kha,
Ta khởi lên từ tâm
Với E-rà-pa-tha,
Ta khởi lên từ tâm
Với Chab-byà-put-ta,
Ta khởi lên từ tâm
Kan-hà-go-ta-ma.
Như vậy, sau khi nêu tên bốn gia đình vua rắn, Bồ-tát nói:
– Nếu các ông có thể tu tập từ tâm đối với những loài vật này, thì các con rắn không cắn, và không bức hại các ông.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Với các loài không chân,
Ta khởi lên lòng từ,
Với các loài hai chân,
Ta khởi lên lòng từ,
Với các loài bốn chân,
Ta khởi lên lòng từ,
Nhiều chân hoặc không chân,
Ta khởi lên lòng từ.
Như vậy, sau khi nêu rõ sự tu tập từ tâm của mình, Bồ-tát nói lên lời cầu nguyện với bài kệ:
Hỡi các loài không chân
Chớ có làm hại Ta,
Hỡi các loài hai chân,
Chớ có làm hại Ta,
Hỡi các loài bốn chân
Chớ có làm hại Ta,
Hỡi các loài nhiều chân
Chớ có làm hại Ta.
Rồi nêu rõ sự tu tập không hạn chế, Bồ-tát đọc thêm bài kệ này:
Tất cả loài chúng sanh,
Tất cả loài hữu tình,
Phàm tất cả sanh loại
Có mặt ở trên đời,
Mong được thấy tốt lành,
Chớ có làm điều ác.
Như vậy, Bồ tát nói:
– Hãy tu tập từ tâm đối với tất cả mọi loài chúng sanh không có hạn chế.
Rồi Bồ-tát tán thán công đức của Ba Ngôi Báu với thính chúng:
– Vô lượng là Phật, vô lượng là Pháp, vô lượng là Tăng.
Bồ-tát nói tiếp:
– Hãy ghi nhớ công đức của Ba Ngôi Báu này.
Sau khi trình bày công đức Ba Ngôi báu là vô lượng, Bồ-tát nêu rõ các chúng sanh đều có hạn lượng, Bồ-tát nói thêm:
– Các loài bò sát, các loài rắn, các loài bò cạp, các loài một trăm chân, các loài nhện, các loài rắn mối, các loài chuột, đều có hạn lượng.
Rồi Bồ-tát lại nói:
– Vì tham dục trong nội tâm của những chúng sanh này khiến chúng có hạn lượng.
Sau khi nêu rõ như vậy, Bồ-tát nói thêm:
– Mong rằng chúng ta sẽ được bảo vệ ngày đêm đối với các chúng sanh có hạn lượng này nhờ uy lực của ba Ngôi Báu vô lượng. Vì vậy hãy nhớ ghi công đức của Ba Ngôi Báu.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ này để nêu rõ việc cần phải làm thêm nữa:
Nay ta được bảo vệ,
Nay ta được che chở,
Hỡi các loài sanh vật,
Hãy đi xa, tránh xa!
Con đảnh lễ Thế Tôn,
Và bảy đức Phật-đà,
Chư Phật đã tịch diệt.
Như vậy Bồ-tát khuyên:
– Trong khi đảnh lễ, hãy ghi nhớ bảy đức Phật.
Rồi Bồ-tát trao thần chú che chở này cho các đạo sĩ.
Bắt đầu từ đấy, các đạo sĩ vâng theo lời khuyên dạy của Bồ-tát, tu tập từ tâm, ghi nhớ công đức chư Phật. Như vậy, nhờ các đạo sĩ ấy ghi nhớ các công đức chư Phật, tất cả các loài rắn đều bỏ đi. Còn Bồ-tát tu tập các Phạm trú (Bốn Vô lượng tâm) và được sanh lên Phạm thiên giới.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, hội chúng đạo sĩ là hội chúng đức Phật, còn sư trưởng hội chúng là Ta vậy.
-ooOoo-
Hỡi này Vi-ra-ka…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về sự bắt chước bậc Thiện Thệ.
Sau khi hai vị trưởng lão đưa hội chúng của Ðề-bà-đạt-đa về, bậc Ðạo sư hỏi các trưởng lão:
– Này Xá-lợi-phất, khi Ðề-bà-đạt-đa thấy các ông, kẻ ấy phải làm gì?
Họ đáp:
– Ðề-bà-đạt-đa bắt chước bậc Thiện Thệ.
Bậc Ðạo sư nói:
– Này Xá-lợi-phất, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới làm theo ta và gặp nạn. Thuở trước, kẻ ấy cũng đã như vậy rồi.
Rồi theo lời Trưởng lão yêu cầu, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con quạ nước ở dưới chân núi Tuyết, và sống gần một cái hồ. Viraka là tên của Bồ-tát.
Lúc bấy giờ, tại nước Kàsi có nạn đói. Dân chúng không thể cho quạ ăn hay làm lễ cúng cho các Dạ-xoa và các loại rắn. Phần lớn các con quạ từ bỏ các địa phương có nạn đói và đi vào rừng.
Tại đấy, có con quạ trú ở Ba-la-nại tên là Savitthaka, đem theo quạ mái, đi đến chỗ của Viraka và dựa vào hồ nước ấy, làm chỗ một bên.
Một hôm con quạ ấy tìm mồi ăn tại hồ, thấy Viraka lặn xuống hồ ăn cá rồi đi lên, và phơi thân cho khô. Nó nghĩ: “Nương tựa con quạ này có thể được nhiều cá, vậy ta hãy hầu nó”. Nghĩ vậy xong, quạ Savitthaka đến gần Viraka. Viraka hỏi:
– Này bạn, bạn đến có việc gì?
Savitthaka đến gần đáp:
– Thưa ngài, tôi muốn hầu hạ ngài.
Khi được Viraka ưng thuận, quạ Savitthaka bắt đầu hầu hạ Viraka. Từ đấy về sau Viraka ăn vừa đủ cá để nuôi sống, số còn lại nó đem cho Savitthaka ngay khi vừa bắt được cá, và khi Savitthaka đã ăn vừa đủ để nuôi sống, nó đem số còn lại cho con quạ mái vợ nó. Sau một thời gian, Savitthaka khởi lên lòng tự ái. “Con quạ nước này màu đen, ta cũng màu đen. Nó có mắt, có mỏ, có chân, ta cũng không khác gì nó. Bắt đầu từ nay, ta không cần những con cá nó bắt, ta sẽ tự bắt cá”. Nó đi đến Viraka và nói:
– Này bạn, bắt đầu từ nay, tự tôi sẽ đi xuống hồ bắt cá.
Viraka nói:
– Này bạn, bạn sanh ra không thuộc gia đình loài quạ xuống sông bắt cá, vậy chớ tự hại mình!
Dầu được Viraka ngăn chặn, quạ Savitthaka vẫn không nghe lời. Nó xuống hồ, lặn vào trong nước, nhưng nó bị mắc vào giữa đám rong, chỉ trồi lên cái mỏ. Savitthaka không thể thở được, và đã chết dưới nước. Con quạ cái không thấy nó trở về, liền đi đến tìm Viraka để hỏi tin:
– Thưa ngài, Savitthaka không thấy về, không biết chàng ở đâu?
Rồi nó đọc bài kệ đầu:
Hỡi này Vi-ra-ka,
Bạn có thấy con chim,
Với giọng nói dịu ngọt,
Ðấy là chồng của tôi,
Cổ như cổ chim công,
Tên Sa-vit-tha-ka?
Nghe quạ mái nói, Viraka trả lời:
– Này bạn, tôi biết chồng bạn đi đâu rồi.
Nói vậy xong, Viraka đọc bài kệ thứ hai:
Con chim có thể đi
Trong nước, trên đất liền,
Luôn luôn nó được ăn
Các loại cá tươi sống.
Còn Sa-vit-tha-ka
Bắt chước loài chim ấy,
Mắc vướng trong đám rong,
Và đã chết tại đấy.
Nghe nói vậy, con quạ mái than khóc và bay trở về Ba-la-nại.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Savitthaka là Ðề-bà-đạt-đa, còn Viraka là Ta vậy.
-ooOoo-
Bầy cá sông Hằng đẹp…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về hai Tỷ-kheo trẻ. Tương truyền có hai thiện nam tử trú ở Xá-vệ xuất gia trong Giáo pháp, nhưng không tu tập quán bất tịnh, tham đắm sắc đẹp của mình và đi chỗ nào cũng khoe khoang sắc đẹp.
Một hôm, hai người ấy tranh nhau khoe sắc đẹp và bắt đầu tranh luận. Thấy một Trưởng lão già ngồi không xa bao nhiêu, họ nghĩ: “Vị này sẽ biết giữa hai chúng ta ai đẹp, ai không đẹp”. Họ đến hỏi:
– Thưa Tôn giả, giữa chúng tôi ai đẹp hơn?
Vị ấy trả lời:
– Này các Hiền giả, ta đẹp hơn các ông.
Các Tỷ-kheo nói:
– Ông già này, không trả lời điều chúng ta hỏi, lại trả lời điều chúng ta không hỏi.
Sau khi mắng nhiếc vị ấy, họ bỏ đi. Câu chuyện ấy được chúng Tỷ-kheo biết rõ. Rồi một hôm, tại chánh pháp đường, họ bắt đầu nói chuyện ấy:
– Thưa các Hiền giả, nghe nói vị Trưởng lão già cả làm xấu hổ các Tỷ-kheo trẻ ấy vì họ quá say mê sắc đẹp của mình.
Bậc Ðạo sư đến Chánh pháp đường và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi họp ở đây đã bàn luận chuyện gì?
Khi nghe câu chuyện ấy, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay các người trẻ ấy mới tán thán sắc đẹp của mình. Thuở xưa, chúng đi chỗ nào cũng khoe khoang sắc đẹp như vậy.
Rồi bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm một thần cây ở trên sông Hằng. Lúc bấy giờ ở tại chỗ sông Hằng và sông Yamuna giao nhau, có hai con cá gặp nhau, một con ở sông Hằng, một con ở Yamuna. Vì cãi nhau: “Tôi đẹp, bạn đẹp” chúng bắt đầu cuộc tranh luận. Chúng thấy một con rùa nằm không xa bao nhiêu trên bờ sông Hằng, liền nói:
– Vị này sẽ cho biết giữa chúng ta, ai đẹp hơn ai?
Nghĩ vậy chúng đi đến gặp con rùa và hỏi:
– Thưa bác rùa, con cá ở sông Hằng đẹp, hay con cá ở sông Yamuna đẹp?
Con rùa đáp:
– Con cá ở sông Hằng đẹp, con cá ở sông Yamunà cũng đẹp, nhưng ta đẹp hơn rất nhiều so với hai chú!
Rồi để nêu rõ ý nghĩa này, con rùa đọc bài kệ đầu:
Bầy cá sông Hằng đẹp,
Yà-mu-na cũng đẹp,
Nhưng vật bốn chân này,
Cổ dài như đòn gánh,
Tròn trịa như cây bàng,
Tuyệt đẹp hơn tất cả!
Hai con cá nghe rùa nói vậy, liền kêu to:
– Ôi lão rùa ác độc kia, lão không trả lời câu chúng ta hỏi, lại trả lời khác đi!
Rồi chúng đọc bài kệ thứ hai:
Ðiều hỏi, không phải hỏi,
Trả lời khác câu hỏi,
Chỉ biết tự khen mình,
Ta không ưa điều ấy!
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, hai con cá là các Tỷ-kheo trẻ, con rùa là vị Trưởng lão, còn vị thần cây ở trên bờ sông Hằng đã chứng kiến câu chuyện này là Ta vậy.
-ooOoo-
Này rùa, hãy dùng răng…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo sư kể về Ðề-bà-đạt-đa. Lúc bấy giờ, bậc Ðạo sư nghe Ðề-bà-đạt-đa âm mưu sát hại Ngài, Ngài liền nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới âm mưu sát hại ta. Trong thời quá khứ, kẻ ấy cũng đã như vậy rồi.
Rồi bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con nai núi, sống tại một bụi cây ở trong rừng không xa một cái hồ bao nhiêu. Trên một ngọn cây gần hồ có một con chim gõ mỏ làm tổ. Trong hồ lại có một con rùa, như vậy ba con vật làm bạn với nhau, và sống chung trong tình thương yêu nhau.
Một người thợ săn đang đi trong rừng nhận thấy dấu chân của Bồ-tát gần bến nước. Anh ta đặt một cái bẫy thòng lọng bằng da vững chắc như sợi dây bằng sắt, rồi bỏ đi. Bồ-tát đi đến uống nước trong canh một, bị mắc vào bẫy, liền lớn tiếng kêu cứu. Nghe tiếng kêu của Bồ-tát, lập tức chim gõ mỏ từ ngọn cây bay xuống và con rùa từ dưới nước bò lên và bàn bạc chuyện phải làm. Con chim gõ mỏ nói với con rùa:
– Này bạn, bạn có răng, hãy cắn đứt cái bẫy này.Còn tôi sẽ đi lập kế làm thế nào cho người thợ săn không thể đến đây được. Như vậy, hai chúng ta nỗ lực tối đa để bạn chúng ta khỏi mất mạng.
Ðể nêu rõ ý nghĩa của việc này, con chim gõ mỏ đọc bài kệ đầu:
Này rùa, hãy dùng răng
Cắn đứt cái bẫy da,
Ta sẽ làm thợ săn
Không thể đến gần ta.
Con rùa bắt đầu nhai cắn sợi dây bằng da. Còn con chim gõ mỏ đi vào làng người thợ săn để lập kế hoãn binh. Trời vừa tảng sáng, người thợ săn đã cầm con dao ra đi. Ngay khi con chim thấy anh ta ra khỏi trước cửa, nó kêu lên, đập đôi cánh và đánh vào miệng anh ta. Người thợ săn suy nghĩ: “Ta bị một con chim điềm xấu đánh”, liền trở vào nằm một lát, rồi cầm dao đứng dậy.
Con chim suy nghĩ: “Người này lần đầu đi ra bằng cửa trước, nay sẽ đi ra bằng cửa sau”. Biết vậy, nó liền bay đậu phía sau nhà. Người thợ săn cũng nghĩ: “Khi ta đi ra cửa trước, ta thấy một con chim điềm xấu. Nay ta sẽ đi ra bằng cửa sau”. Vì vậy anh ta đi ra bằng cửa sau. Nhưng con chim lại kêu lên, bay đến và đánh anh ta vào miệng. Người thợ săn thấy mình bị con chim điềm xấu đánh lần thứ hai ở miệng, suy nghĩ: “Con chim này không cho ta ra đi”. Vì vậy anh ta trở vào nằm xuống cho đến sáng và khi mặt trời đã lên cao, anh ta mới cầm dao ra đi.
Con chim gõ mỏ vội vàng bay đi trước và nói với Bồ tát:
– Người thợ săn sắp tới.
Lúc bấy giờ, con rùa đã nhai đứt tất cả sợi dây da, chỉ trừ một sợi. Cái răng của nó như sắp bị rụng ra và miệng nó lấm đầy máu. Bồ-tát thấy người thợ săn trẻ cầm dao trong tay đi đến nhanh như chớp, liền giựt đứt sợi dây và chạy vào rừng. Con chim gõ mỏ bay lên đậu trên ngọn cây. Con rùa quá yếu nên nằm tại chỗ. Người thợ săn quăng con rùa vào cái túi và treo túi ấy trên một khúc cây. Bồ-tát trở lui nhìn, biết con rùa bị bắt, liền quyết định sẽ cứu sống bạn. Vì thế nai liền giả vờ mất sức đứng ra để người thợ săn thấy. Người thợ săn nghĩ: “Con vật này yếu đuối rồi, ta sẽ giết nó”, liền cầm dao đuổi theo Bồ-tát.
Bồ-tát dụ anh ta chạy vào rừng. Khi anh ta chạy đã xa, Bồ-tát tẩu thoát khỏi anh ta và dùng một con đường khác trở về nhanh như gió. Nai lấy cặp sừng, nhấc bổng cái túi rơi xuống đất, rồi phá bỏ cái túi và cứu con rùa ra. Con chim gõ mỏ từ trên cây bay xuống, Bồ-tát khuyến bảo cả hai bạn:
– Tôi nhờ hai bạn cứu mạng sống, tôi đã làm những gì cần phải làm để cứu hai bạn. Nay người thợ săn sắp tới bắt các bạn, vậy này bạn chim gõ mỏ, hãy đem các con của mình dời đi nơi khác. Còn rùa bạn, hãy lặn xuống nước.
Và chúng làm đúng như vậy.
Bậc Ðạo sư nhân danh bậc Giác ngộ đọc bài kệ thứ hai:
Con rùa bò xuống nước
Con nai chạy vào rừng,
Còn con chim gõ mỏ,
Từ trên ngọn cây cao
Vội đem bầy con nhỏ,
Bay xa thật là mau!
Người thợ săn đi đến chỗ ấy, không thấy con vật nào cả. Anh ta thấy cái túi rách, đành lượm túi lên, lòng đầy buồn bực và đi về nhà.
Con ba con vật ấy làm bạn với nhau trọn đời sống trong tình bạn không bị gián đoạn và rồi lúc chết, chúng đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi nói lên Pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ người thợ săn là Ðề-bà-đạt-đa, con chim gõ mỏ là Xá-lợi-phất, con rùa là Mục-kiền-liên và con nai là Ta vậy.
-ooOoo-
Chính chỗ này, tôi sống…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về một người luyến ái vợ cũ. Tỷ-kheo ấy được bậc Ðạo sư hỏi:
– Này Tỷ-kheo có thật chăng ông bị ái nhiễm?
Vị ấy đáp:
– Thưa có thật vậy.
Bậc Ðạo sư hỏi:
– Ông luyến ái ai?
Tỷ-kheo đáp:
– Con luyến ái vợ cũ.
Bậc Ðạo sư nói:
– Này Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ông luyến ái nữ nhân ấy. Thuở trước, vì luyến ái nữ nhân ấy, ông đã gặp đau khổ lớn.
Rồi bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, tại nước Kàsi, vua Assaka trị vì thành Potali. Hoàng hậu tên Ubbarì rất được vua yêu thương. Hoàng hậu khả ái, kiều diễm vượt xa sắc đẹp của các nữ nhân, dù chưa là một Thiên nữ. Sau một thời gian, bà bị bệnh và mệnh chung. Khi hoàng hậu mệnh chung, vua sầu khổ, đau đớn, ưu tư. Vua để xác hoàng hậu nằm trong một cái hòm, ướp với dầu và chất dẻo đặt dưới long sàng. Vua đau khổ nằm dài, không ăn, khóc lóc, than thở. Mẹ cha, các bà con khác, thân hữu và các cận thần, Bà-la-môn, gia chủ…đều đến khuyên giải:
– Thưa Ðại vương, chớ sầu muộn. Cuộc đời là vô thường.
Nhưng họ không thể làm vua nghe lời. Trong khi vua than khóc như vậy bảy ngày đã trôi qua.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát là vị tu khổ hạnh đã đạt được năm Thắng trí và tám Thiền chứng, trú dưới chân núi Hy-mã. Ngài đầy đủ trí tuệ giác ngộ, và với thiên nhãn nhìn cõi Diêm phù đề, ngài thấy vua than khóc như vậy, liền quyết định giúp đỡ cho vị vua này. Bồ-tát dùng thần lực bay trên hư không rồi hạ xuống khu vườn của vua, và ngồi xuống trên phiến đá tế lễ, như một hình tượng bằng vàng. Rồi một thanh niên Bà-la-môn trú ở thành Polati đi đến khu vườn, thấy Bồ-tát, đảnh lễ ngài và ngồi xuống. Bồ-tát nói chuyện thân mật với thanh niên ấy, và hỏi:
– Này cậu thanh niên, nhà vua có theo Chánh pháp không ?
– Thưa có, bạch Tôn giả, vua theo Chánh pháp. Nhưng hoàng hậu của vua vừa mệnh chung, vua cho đặt thân hoàng hậu trong một cái hòm, nằm dài bên cạnh than khóc, nay đã là ngày thứ bảy. Sao Tôn giả không giải thoát vua khỏi nỗi đau khổ lớn như vậy? Nay là thời gian thích hợp để Tôn giả nhiếp phục nỗi đau khổ của nhà vua.
– Này cậu, ta không biết nhà vua, nhưng nếu vua đến hỏi ta, ta sẽ nói cho vua biết chỗ đầu thai của hoàng hậu và khiến nàng nói cho vua nghe.
– Vậy thưa Tôn giả, hãy ngồi lại đây cho đến khi tôi đưa vua đến.
Thanh niên ấy được Bồ-tát hứa, liền đi đến cung vua, báo tin ấy và khuyên vua:
– Ðại vương nên đi đến gặp vị có thiên nhãn ấy.
Vua nói:
– Trẫm sẽ thấy hoàng hậu!
Vua vô cùng hoan hỷ ngự lên xe, đi đến đảnh lễ Bồ-tát, ngồi xuống một bên và hỏi:
– Có đúng sự thật chăng, trẫm nghe nói Tôn giả biết được chỗ đầu thai của hoàng hậu?
– Tôi có biết, thưa Ðại vương.
– Hoàng hậu thọ sanh ở đâu?
– Thưa Ðại vương, hoàng hậu say mê sắc đẹp của mình, vì vậy đã sống phóng dật, không làm các thiện nghiệp, nay sanh làm con sâu nhỏ ăn phân ngay chính trong vườn này.
– Trẫm không tin chuyện ấy.
– Nay tôi sẽ chỉ hoàng hậu cho Ðại vương và bảo hoàng hậu nói cho Ðại vương rõ.
Bồ-tát dùng thần lực của mình, và ra lệnh:
– Cả hai con vật đang lăn một hòn phân bò hãy đi đến trước mặt vua!
Bồ-tát sai khiến hai con sâu đi đến như vậy rồi chỉ một con và nói:
– Thưa Ðại vương, đây là hoàng hậu Ubbarì của Ðại vương. Nó bỏ Ðại vương đi theo sau con sâu ăn phân làm chồng nó. Ðại vương hãy nhìn xem.
– Thưa Tôn giả, hoàng hậu Ubbarì sanh ra làm con sâu ăn phân ư? Trẫm không tin được chuyện ấy !
– Thưa Ðại vương, tôi sẽ bảo nó nói lên.
– Thưa Tôn giả, hãy bảo nó nói đi.
Bồ-tát nói với thần lực của mình.
– Này Ubbarì!
Con sâu nói bằng tiếng người, đáp lại:
– Thưa Tôn giả, cái gì ạ ?
Bồ-tát hỏi:
– Ngươi hãy nói tiền thân của ngươi tên là gì ?
– Thua Tôn giả, trước tôi là Ubbarì, hoàng hậu của vua Assaka. Con sâu đáp.
Bồ-tát hỏi tiếp:
– Nay ngươi thương yêu vua Assaka hay con sâu ăn phân này là chồng của ngươi ?
– Thưa Tôn giả, trong đời sống trước đây của tôi, tôi đã sống với vua, và cùng thưởng thức sắc, tiếng, hương, vị, xúc trong ngôi vườn này. Nhưng vì qua nhiều đời sống chết cho đến nay, tôi không biết vua là ai !Tôi sẵn sàng giết vua Assaka và lấy máu từ cổ vua để bôi hai bàn chân con sâu ăn phân là chồng của tôi !
Rồi giữa hội chúng của vua, con sâu đọc những bài kệ này bằng tiếng người:
Chính chỗ này tôi sống
Với vua A-sa-ka
Yêu thương, được yêu thương
Tôi đi dạo quanh vườn.
Nay các khổ lạc mới
Làm mờ cảm giác cũ,
Vậy đối với sâu chồng,
Tôi yêu hơn Ðại vương!
Nghe nói vậy, vua cảm thấy hối hận ngay tại chỗ, lập tức truyền lệnh đem xác hoàng hậu ra ngoài và gội đầu. Vua đảnh lễ Bồ-tát, rồi sau đó đi vào thành cưới một hoàng hậu khác và trị nước đúng Chánh pháp.
Còn Bồ-tát khuyến dạy vua xong, khiến vua hết sầu muộn, rồi đi về Hy-mã-lạp Sơn.
*
Sau khi thuyết Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư giảng các Sự thật và cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo luyến ái đã đắc quả Dự lưu. Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ Ubbarì là người vợ cũ, vua Assaka là Tỷ-kheo bị ái nhiễm, thanh niên Bà-la-môn là Xá-lợi-phất, còn vị tu khổ hạnh là Ta vậy.
-ooOoo-
Thôi đủ rồi, các trái…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa âm mưu sát hại mình.
Khi nghe các âm mưu này, Ngài nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới âm mưu sát hại ta. Trước kia, kẻ ấy cũng đã làm như vậy rồi. Nhưng dù chỉ làm ta sợ hãi, kẻ ấy cũng không làm được.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con khỉ ở khu vực Tuyết Sơn. Bồ-tát lớn lên lực lưỡng, thân thể cường tráng, dung sắc tươi đẹp, sống ở trong rừng tại khúc quanh của sông Hằng.
Bấy giờ một con cá sấu cũng sống ở sông Hằng. Vợ nó thấy thân thể Bồ-tát, sinh thèm thuồng quả tim Bồ-tát, liền nói với con cá sấu đực:
– Này chàng, em muốn ăn quả tim con khỉ chúa này.
Sấu đực nói:
– Này hiền thê, chúng ta tìm ăn dưới nước, nó tìm ăn trên cạn, làm sao chúng ta có thể bắt được nó?
– Hãy tìm mọi phương tiện bắt cho được con khỉ, nếu em không được ăn tim nó, em sẽ chết.
– Thôi được, chớ lo lắng. Ta đã có một mưu kế và ta sẽ cho em ăn thịt quả tim nó. Con cá sấu đực an ủi con cá sấu cái.
Khi Bồ-tát uống nước sông Hằng xong, đang ngồi trên bờ, con cá sấu đi lại gần và nói:
– Thưa ngài khỉ chúa, tại nơi này bạn chỉ ăn được các trái cây hư thối, sao bạn lại thường đến chỗ cũ này? Ở bên kia bờ sông Hằng không bao giờ hết các loại quả ngọt như xoài, mít v.v… sao bạn lại không qua bên ấy để ăn đủ loại quả?
Khỉ đáp:
– Này vua cá sấu, sông Hằng sâu và rộng. Làm sao tôi đi qua đó được?
– Nếu bạn muốn đi, tôi mời bạn leo trên lưng tôi và tôi đưa bạn qua.
Con khỉ tin lời con cá sấu, nói:
– Lành thay, bạn cá sấu.
Cá sấu bảo:
– Vậy hãy leo lên lưng ta
Bồ tát liền lên lưng con cá sấu. Con cá sấu bơi đi một lát, rồi lặn xuống nước. Bồ tát kêu to:
– Này bạn, sao bạn làm tôi chìm xuống? Ðể làm gì vậy?
Sấu đực đáp:
– Ta đưa người qua, có phải vì bản chất chơn chánh đâu? Vì vợ ta thèm quả tim của người, nên ta muốn lấy nó cho nàng ăn!
Khỉ nói:
– Này bạn, thật là tốt lành khi bạn nói với tôi như vậy. Cá sấu ạ, nếu trái tim nằm trong bụng chúng tôi thì khi tôi nhảy từ đầu cành này qua đầu cành khác, nó đã bị vỡ vụn ra như bột rồi!
Sấu đực hỏi:
– Vậy ngươi để quả tim ngươi ở đâu ?
Bồ-tát chỉ một cây sung không xa bao nhiêu, đầy những chùm sung và nói:
– Hãy xem, đấy là những quả tim của chúng tôi đang treo lủng lẳng ở cây sung.
Sấu bảo:
– Nếu ngươi chỉ cho ta quả tim, ta sẽ không giết ngươi đâu.
– Vậy hãy đưa ta lại đấy, ta sẽ chỉ cho bạn quả tim đang treo lủng lẳng trên cây.
Con cá sấu đưa Bồ-tát đến chỗ ấy. Bồ-tát từ lưng cá sấu nhảy lên, ngồi trên cây sung và nói:
– Này bạn cá sấu ngu đần ơi, bạn nghĩ rằng các loài vật để các quả tim ở đầu cành cây sao? Bạn thật là ngu !Ta đã lừa bạn đấy bạn có thể giữ lại các trái cây này cho bạn. Thân của bạn to lớn, nhưng bạn không có trí khôn.
Ðể làm sáng tỏ ý nghiã này, Bồ-tát đọc các bài kệ sau:
Thôi đủ rồi, các trái
Hồng đào, mít và xoài
Ðược thấy bờ bên kia.
Ta không ham chúng nữa,
Cây sung ta tốt hơn.
Thân của bạn thật lớn,
Nhưng trí bạn quá nhỏ!
Này sấu, ta lừa bạn.
Hãy đi như bạn muốn.
Như đánh mất một ngàn đồng tiền, sấu đực buồn khổ, sửng sờ đi về chỗ ở của mình.
*
Sau khi thuyết Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con cá sấu đực là Ðề-bà-đạt-đa, con cá sấu cái là thiếu nữ Cinca, còn khỉ chúa là Ta vậy.
-ooOoo-
Ta thấy nhiều cây rừng…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo trẻ tuổi đồng trú với Trưởng lão Xá-lợi phất, vị Tướng quân Chánh pháp.
Nghe nói, vị này khéo săn sóc thân mình, không dám ăn đồ quá lạnh, hay quá nóng, vì sợ thân sẽ không an lạc, không dám đi ra ngoài, vì sợ nóng và lạnh sẽ làm thân mệt mỏi. Và vị ấy không ăn cơm nấu quá nhão hay quá cứng.
Sự khéo léo săn sóc thân thể của Tỷ-kheo ấy được chúng Tăng biết đến. Các Tỷ-kheo ngồi ở Chánh pháp đường và nói chuyện:
– Này các Hiền giả, nghe nói Tỷ-kheo tên này khéo săn sóc thân thể lắm!
Bậc Ðạo Sư đến Chánh pháp đường và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi hội họp ở đây, đang bàn luận vấn đề gì?
Và khi nghe vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo trẻ này mới khéo léo săn sóc thân thể. Thuở xưa, vị ấy cũng đã như vậy rồi.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một thần cây ở trong rừng. Có một người thợ săn chim, với một con chim mồi, đem theo sợi dây thòng lọng làm bằng tóc và cây gậy vào rừng bắt chim. Khi đuổi theo một con chim già, anh ta bắt đầu cột con chim mồi và cho nó bay theo vào rừng. Con chim già ấy khéo biết bẫy sập, không để mình bị bắt, cứ bay lên rồi đậu xuống. Vì vậy, kẻ đi săn giấu mình dưới cành lá, tiếp tục dựng cây gậy và giơ bẫy mồi. Nhưng con chim muốn làm cho người thợ săn xấu hổ, dùng giọng người đọc bài kệ đầu:
Ta thấy nhiều cây rừng
Như A-sa-kan-na,
Các cây ấy không làm
Như ông đã làm đâu!
Nói vậy xong, con chim ấy bay đến một chỗ khác.
Khi con chim đã bay đi rồi người thợ săn đọc bài kệ thứ hai:
Chim cũ phá cái lồng
Ðã bay đi mất rồi,
Khéo biết về bẫy sập
Thoát bẫy, nói giọng người!
Nói vậy xong, người thợ săn đi sâu vào rừng, lấy những gì có thể kiếm được rồi đi về nhà.
*
Sau khi thuyết Pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, người thợ săn là Ðề-bà-đạt-đa, con chim là Tỷ-kheo trẻ khéo léo săn sóc thân mình, còn vị thần cây đã chứng kiến mọi việc là Ta vậy.
-ooOoo-
Này bạn, cây gì đây…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về sự bắt chước bậc Thiên thệ.
Lúc bấy giờ bậc Ðạo Sư nghe Ðề-bà-đạt-đa bắt chước bậc Thiên thệ, Ngài nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới bắt chước Ta và bị hại. Thuở xưa, kẻ ấy cũng đã làm như vậy rồi.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamdatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ tát sanh ra làm con chim gõ mỏ ở khu vực Tuyết Sơn. Bồ tát kiếm ăn ở trong rừng cây keo gai và có tên là Khadiravaniya (chim gõ mỏ ở rừng cây keo). Bồ tát có một con chim bạn tên là Kandagalaka (chim ăn cây mềm) và con chim này kiếm ăn trong một khu rừng đầy trái tốt.
Một hôm, con chim này đi đến gặp Khadiravaniya. Khadiravaniya thấy bạn đến liền dắt bạn đi vào rừng, lấy mỏ mổ khúc cây keo, khiến các con sâu từ cây bò ra và cho bạn ăn. Kandagala mổ các con sâu được bạn cho như ăn bánh ngọt. Trong khi ăn, Kandagala sinh lòng tự ái: “Con này là con chim gõ mỏ, ta cũng vậy. Sao ta ăn các thứ do nó cho ta? Ta sẽ tự kiếm ăn trong rừng cây keo”. Nó liền nói với Khadiravaniya:
– Này bạn chớ chịu cực mãi. Tôi sẽ tự đi kiếm đồ ăn trong rừng cây keo.
Bố tát nói với bạn:
– Này bạn, bạn thuộc gia đình chim đi tìm đồ ăn ở các cây bông, không có lõi cây, tại rừng cây có trái tốt. Nhưng cây keo có lõi cứng rắn. Bạn chớ nên làm như vậy.
Kandagalaka nói:
– Tôi là con gì? Tôi không phải là con chim gõ mỏ sao?
Kandagalaka không nghe lời bạn, bay thật mau mổ vào cây keo. Trong chốc lát mỏ nó bị gẫy, mắt như muốn lồi ra, và đầu như bị vỡ. Nó đứng trên thân cây không vững, phải rơi xuống đất và đọc bài kệ đầu:
Này bạn, cây gì đây,
Lá mát lại có gai,
Tại đây, mổ một cái,
Ðầu tôi bị vỡ nát?
Nghe vậy, Khadiravaniya đọc bài kệ thứ hai:
Loại chim này chỉ quen
Mổ ăn loại cây mềm,
Và các khúc gỗ mục,
Không có lõi cây cứng.
Rủi thay, mổ cây keo,
Loại cây có lõi cứng,
Tại đấy con chim chết,
Ðầu như bị vỡ ra.
Khadiravaniya nói thêm:
– Này bạn Kandagalaka, cây làm bạn vỡ đầu tên là cây keo gai, loại cây có lõi cứng như thép.
Còn con chim không nghe lời bạn phải chết tại chỗ.
*
Thuyết Pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Kandagalaka là Ðề-bà-đạt-đa, còn Khadiravaniya là Ta vậy.
Thường xuyên học thuộc lòng…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Trưởng lão Làludàyi (Udàyì khờ dại).Tương truyền khi ở trước mặt hai ba người, vị ấy không thể nói được một lời. Vị ấy nhút nhát đến độ nghĩ thế này, lại nói thế khác.
Các Tỷ-kheo ngồi trong Chánh pháp đường, bàn luận về vấn đề này của Trưởng lão. Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi họp tại đây đang bàn luận vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Làludàyi mới nhút nhát quá đáng. Thuở trước, vị ấy cũng đã như vậy. Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở xứ Kàsi. Khi lớn lên, Bồ-tát học nghề ở Takkasilà xong đi về nhà, biết được cha mẹ nghèo khổ, và quyết định:” Ta sẽ xây dựng lại gia đình bị sa sút”.
Bồ-tát xin phép cha mẹ đi đến Ba-la-nại và trở thành người hầu hạ vua, được vua thương mến.
Bấy giờ người cha Bồ-tát làm nghề cày ruộng với hai con bò, nhưng một con vừa chết. Ông đi đến gặp Bồ-tát và nói:
– Này con thân, một con bò chết rồi, không thể cày ruộng được nữa. Hãy xin vua một con bò khác.
– Thưa cha thân, con mới hầu vua không lâu. Nay con xin bò không thích hợp. Cha hãy xin đi.
– Con thân, con không biết cha nhút nhát quá đáng. Trước mặt hai ba người, cha không thể nói lên một lời. Nếu cha đi đến xin vua một con bò, cuối cùng cha sẽ cho vua con bò còn lại này.
– Thưa cha thân, cha đừng giận con. Con không thể xin vua nên con phải tập cho cha xin.
– Vậy thì hay lắm! Hãy tập cho cha xin đi.
Bồ-tát đem cha đến một nghiã địa có đám cỏ thơm, cột từng nắm cỏ lại, rải cỏ chỗ này chỗ kia, và lần lượt chỉ cho cha:
– Ðây là vua, đây là phó vương, đây là tướng quân. Và rồi Bồ-tát nói:
– Thưa cha thân, khi đi đến gặp vua, trước tiên cha nhớ nói: Ðại vương muôn năm, và đọc bài kệ này, rồi xin con bò.
Và Bồ-tát dạy cha học thuộc lòng bài kệ này:
Thưa Ðại vương, thần có
Hai con bò cày ruộng,
Một con bị chết đi,
Thưa bậc Sát-đế-ly,
Hãy cho con bò khác!
Vị Bà-la-môn cần một năm để học thuộc lòng câu kệ này, rồi nói với Bồ-tát:
-Này con thân ! Cha đã thuộc lòng những bài kệ này, cha có thể nói lên bài kệ ấy với bất cứ ai. Hãy đưa cha đến hầu vua.
– Lành thay, thưa cha thân,
Vì vậy Bồ-tát đem theo quà tặng thích hợp, đưa cha đến yết kiến vua. Vị Bà-la-môn nói:
– Ðại vương muôn năm!
Và ông dâng vua tặng phẩm. Vua hỏi:
– Này Somadatta, vị Bà-la-môn là gì đối với khanh?
– Thưa Ðại vương đó là cha thần.
– Ông đến đây có việc gì?
Lúc bấy giờ vị Bà-la-môn đọc bài kệ để xin bò:
Thưa Ðại vương, thần có Hai con bò cày ruộng, Một con bị chết đi. Thưa bậc Sát-đế-ly, Hãy lấy con bò kia!
Vua biết vị Bà-la-môn nói sai, liền cười và nói:
– Này Somadatta, hình như ở nhà khanh có nhiều bò lắm ư?
– Tâu Ðại vương, nếu có vậy là do Ðại vương ban cho.
Vua bằng lòng với câu trả lời Bồ tát, liền cho vị Bà-la-môn mười sáu con bò với các dây đai trang sức, một ngôi làng để ở và bảo đưa người cha về với nhiều nghi lễ long trọng. Vị Bà-la-môn leo lên cỗ xe do ngựa Sindh toàn trắng kéo đi về làng với một số tùy tùng đông đảo trong cảnh huy hoàng. Bồ tát ngồi trong xe cùng với cha và nói:
– Thưa cha thân, cả năm con đã dạy cha học thuộc lòng. Khi thời cơ đến, cha lại cho vua con bò!
Rồi Bồ tát đọc bài kệ đầu:
Thường xuyên học thuộc lòng,
Không bao giờ phóng dật.
Cả năm trường như vậy,
Học với chùm cỏ thơm,
Khi đứng trước triều thần,
Trả lời sai ý nghĩa,
Thực hành không ích lợi
Vì trí tuệ ít ỏi.
Nghe Bồ tát nói vậy, vị Bà-la-môn đọc bài kệ thứ hai:
Sô-ma-đát-ta thân,
Người yêu cầu điều gì,
Giữa hai điều được một.
Hoặc không được gì cả,
Hoặc có được tài sản,
Pháp yêu cầu là vậy.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Udàyi mới nhút nhát quá đáng. Thuở xưa vị ấy cũng nhút nhát quá đáng như vậy rồi.
*
Sau khi thuyết Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, cha của Somadatta là Làludàyi, còn Somadatta là Ta vậy.
-ooOoo-
Trên đầu sắc lại khác…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về sự luyến ái người vợ cũ.
Tỷ-kheo ấy được bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Tỷ-kheo, nghe nói ông bị ái nhiễm?
Vị ấy đã trả lời:
– Có thực vậy.
– Ông luyến ái ai?
– Con luyến ái người vợ cũ.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, nữ nhân này thuở trước đã làm hại ông và khiến ông ăn đồ ăn thừa của nhân tình nó.
Nói xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ tát sanh ra trong gia đình một người nhào lộn nghèo khổ, sống bằng cách ăn xin. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ tát nghèo khổ, thiếu thốn, và xin ăn để sống.
Lúc bấy giờ trong nước Kàsi, tại làng nhỏ, người vợ của một Bà-la-môn có tà hạnh, theo ác pháp, thường hành động tội lỗi. Một hôm, vì một vài công việc, vị Bà-la-môn đi ra ngoài, và người tình của nữ nhân ấy được cơ hội liền lẻn vào nhà. Sau khi hành lạc với nữ nhân ấy xong, gã nói:
– Ta muốn ăn một chút gì rồi sẽ đi.
Bà ta liền sửa soạn đồ ăn, dọn cơm, hâm canh và cho người tình ăn, còn mình đứng ở cửa canh chồng đi về.
Tại chỗ người tình ấy đang ăn, Bồ tát đứng chờ xin cơm, và chứng kiến câu chuyện. Khi vị Bà-la-môn xong việc, ông trở về nhà. Nữ Bà-la-môn thấy chồng về, liền đi nhanh vào nhà nói:
– Hãy đứng dậy, vị Bà-la-môn đang đi về!
Người vợ bảo tình nhân đi trốn vào kho chứa đồ, và đón vị Bà-la-môn vào nhà. Khi vị Bà-la-môn ngồi xuống, bà vợ sửa soạn chỗ ngồi, đưa nước rửa tay, và trên phần cơm nguội lạnh do người kia ăn thừa, bà thêm phần cơm nóng và mời ông ăn. Vị Bà-la-môn đặt tay xuống cơm, thấy cơm dưới nguội trên nóng suy nghĩ: “Cơm này có thể là cơm thừa của một người khác đã ăn rồi”. Ông liền hỏi nữ Bà-la-môn với bài kệ đầu:
Trên đầu sắc lại khác,
Phía dưới sắc lại khác,
Ta hỏi nữ Phạm chí,
Sao dưới vậy, trên vậy?
Nữ Bà-la-môn sợ việc làm của mình bị bại lộ, dầu vị Bà-la-môn hỏi đi hỏi lại, vẫn giữ im lặng. Lúc bấy giờ, con người nhào lộn đang đứng xin ăn ở ngoài cửa suy nghĩ: “Người đàn ông núp trong kho chứa đồ chắc là tình nhân. Người này chắc là chủ nhà. Nữ Bà-la-môn sợ việc làm của mình bị bại lộ nên không nói gì. Vậy ta hãy phô bày việc làm của nữ Bà-la-môn ấy, nói cho vị Bà-la-môn biết chỗ nấp của người tình trong kho chứa đồ”.
Bồ-tát liền đem toàn bộ câu chuyện nói cho vị Bà-la-môn biết, từ khi ông đi ra khỏi nhà, người kia đi vào nhà, hành lạc, ăn cơm ngon, và nữ Bà-la-môn đứng ở cửa nhìn ra đường bảo người kia núp xuống trong kho chứa đồ. Người nhào lộn nói như vậy cho ông chủ nhà biết và đọc bài kệ thứ hai.
Kính thưa bậc Tôn giả
Tôi là người nhào lộn
Tôi đã đi đến đây,
Chỉ là để xin ăn,
Người núp trong kho chứa
Là người Tôn giả tìm.
Bồ-tát nắm búi tóc người tình địch, kéo gã ra khỏi kho chứa, dặn nó chớ có làm việc ác như vậy nữa, rồi ra đi. Còn vị Bà-la-môn, đánh và dạy cả hai người chớ làm ác như vậy nữa.
Rồi về sau ông mạng chung và đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi thuyết Pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo ấy đắc quả Dư lưu. Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, nữ Bà-la-môn là người vợ trước, vị Bà-la-môn là vị Tỷ-kheo bị ái nhiễm, còn người nhào lộn là Ta vậy.
-ooOoo-
213.CHUYỆN VUA BHARU (Tiền thân Bharu)
Ta nghe vua Bharu…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về vua Kosala.
Lúc bấy giờ, Thế Tôn được vua Kosala cung kính tôn trọng đảnh lễ, cúng dường, nhận các tặng vật dồi dào như đồ ăn khất thực, sàng toạ, dược phẩm trị bệnh. Chúng Tỷ-kheo cũng được cúng dường.
Hội chúng ngoại đạo thấy lợi dưỡng, danh vọng của họ bị giảm thiểu bèn hội họp bí mật, ngày đêm thảo luận như sau:
– Từ khi Sa-môn Gotama xuất hiện, các lợi dưỡng danh vọng của chúng ta bị tổn giảm. Sa-môn Gotama được lợi dưỡng và danh vọng tối thượng. Vì nhân duyên gì, Sa-môn ấy được thành công như vậy ?
Một người trong hội chúng nói:
– Sa-môn Gotama có một trú xứ tối thượng, an toàn nhất ở cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ). Do vậy, Sa-môn Gotama được lợi dưỡng cung kính. Ðể có lợi dưỡng, chúng ta cũng xây dựng một tịnh thất ngoại đạo ở bên cạnh Kỳ Viên, như vậy chúng ta sẽ được cúng dường nhiều tặng vật.
Tất cả đi đến kết luận chung là như vậy.
Nhưng rồi họ nghĩ:”Nếu chúng ta không báo tin cho vua biết việc xây tịnh thất này, thì các Tỷ-kheo sẽ ngăn chận chúng ta. Còn nếu vua nhận được quà tặng, vua sẽ không ngần ngại phá trú xứ của họ. Do vậy chúng ta phải hối lộ vua, và chúng ta sẽ lấy được chỗ làm tịnh thất.
Họ thỏa thuận yêu cầu các cận thần đem dâng vua một trăm ngàn đồng và thưa:
– Thưa Ðại vương, chúng tôi muốn làm một tịnh thất ngoại đạo ở bên cạnh Kỳ Viên. Nếu các Tỷ-kheo nói với Ðại vương: Chúng tôi không cho phép làm, thì Ðại vương chớ trả lời họ.
Vì tham của hối lộ, vua chấp thuận việc ấy.
Hội chúng ngoại đạo được vua chấp thuận, liền mời một kiến trúc sư bắt đầu công trình xây dựng, và gây tiếng ồn ào. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Ànanda, tiếng ồn ào ầm ĩ này là tiếng gì?
– Bạch Thế Tôn, các người ngoại đạo đang xây dựng tịnh thất bên cạnh Kỳ Viên. Tiếng ồn ào nổi lên từ đấy.
– Này Ànanda, chỗ ấy không thích hợp cho tịnh thất ngoại đạo. Các phái ngoại đạo ưa lớn tiếng ồn ào. Không thể sống với họ được.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư họp chúng Tỷ-kheo lại và nói:
– Này các Tỷ-kheo, hãy đi báo cho vua biết, yêu cầu vua ngăn chận việc làm tịnh thất ngoại đạo.
Chúng Tỷ-kheo đi đến và đứng tại cửa hoàng cung. Vua nghe chúng Tỷ-kheo đến, biết rằng họ đến để ngăn việc xây tịnh thất ngoại đạo. Nhưng tự mình đã nhận tiền hối lộ, nên vua bảo người hầu cận ra nói rằng vua không có ở nhà. Các Tỷ-kheo trở về trình bậc Ðạo Sư. Ngài biết vua nhận hối lộ nên làm vậy. Ngài cử hai vị đại đệ tử ra đi. Vua nghe hai vị đại đệ tử đến, cũng bảo người trả lời như trước. Hai vị đại đệ tử ấy trở về trình bậc Ðạo Sư. Ngài nói:
– Này Xá-lợi phất, chắc chắn hôm nay vua không ở trong nhà. Có lẽ vua đi ra ngoài.
Vào sáng hôm sau, bậc Ðạo Sư đắp y, cầm bát, cùng với năm trăm Tỷ-kheo, đi đến cửa cung. Vua nghe chư vị đến, liền từ trên lầu bước xuống cầm lấy bình bát của bậc Ðạo Sư. Vua cúng dường các món cơm cháo lên chúng Tăng với đức Phật là vị lãnh đạo, và đảnh lễ bậc Ðạo Sư, rồi vua ngồi xuống một bên.
Bậc Ðạo Sư bắt đầu thuyết giảng cho vua:
– Thưa Ðại vương, các vua thuở trước đã nhận của hối lộ, do đó gây ra sự đấu tranh giữa các vị có giới đức, nên đã mất chủ quyền nước mình và gặp đại nạn.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của vua, bậc Ðạo Sư kể lại câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, tại nước Bharu, vua Bharu trị vì quốc độ. Lúc bấy giờ, Bồ-tát là vị khổ hạnh, đã đạt được năm Thắng trí và tám Thiền chứng, là bậc sư trưởng một hội chúng, cư trú lâu ngày tại khu vực Tuyết Sơn.
Vì cần dùng muối và giấm, Bồ-tát cùng năm trăm vị tu khổ hạnh từ Tuyết Sơn theo thứ tự đi đến thành Bharu. Tại đấy hội chúng khất thực xong, đi ra khỏi thành, ngồi xuống gần cổng phương bắc, dưới gốc một cây bàng đầy cành lá. Họ dùng cơm và trú ở đấy.
Bấy giờ, khi chúng đạo sĩ ấy sống tại đấy khoảng nửa tháng, một vị sư trưởng hội chúng khác với năm trăm đạo sĩ cùng đi đến khất thực trong thành xong, đi ra khỏi thành, ngồi xuống tại cổng phía nam, dưới một gốc cây bàng tương tự. Sau khi ăn uống xong, họ cũng trú tại đấy. Như vậy hai hội chúng đạo sĩ ăn uống ở đấy cho đến thỏa thích, rồi đi về Tuyết Sơn.
Khi hội chúng đi rồi, cây bàng ở cổng phía nam bị khô héo. Lần sau, hai hội chúng ấy lại đến. Những vị trú ở cây bàng tại cổng nam đến trước, và thấy cây bàng của mình bị khô héo. Sau khi đi khất thực, họ ra khỏi thành đến gốc cây bàng tại cổng phía bắc. Ăn uống xong, họ sống ở tại đấy. Các đạo sĩ của hội chúng kia đến sau, khất thực trong thành xong, đi đến gốc cây của mình, ngồi ăn uống và cũng muốn trú tại đấy. Họ nói:
– Cây này không phải là cây của các ông. Chính là cây của chúng tôi.
Như vậy, vì cái cây họ bắt đầu tranh cãi nhau. Cuộc tranh cãi trở thành lớn chuyện. Một số đạo sĩ này nói:
– Các ông không được lấy chỗ của chúng tôi ở trước kia.
Một số đạo sĩ khác nói:
– Lần này chúng tôi đến đây trước. Các ông không được lấy chỗ này. Như vậy chúng tôi là chủ.
Và vì vấn đề gốc cây, cả hai hội chúng đi đến hoàng cung. Vua quyết định cho hội chúng đạo sĩ đến ở trước tiên là chủ nhân của gốc cây ấy. Nhóm kia nói với nhau:
– Nay chúng ta không thể nhịn thua những người này.
Với thiên nhãn họ nhìn xung quanh, thấy một hòm xe xứng đáng là sở hữu của một vị đại vương, liền mang xe báu ấy hối lộ cho nhà vua và thưa:
– Thưa Ðại vương, hãy làm cho chúng tôi thành người chủ cái cây.
Nhà vua nhận hối lộ và quyết định cả hai hội chúng ở đây đều là chủ nhân. Nhóm đạo sĩ kia đem lại những bánh xe bằng bạc của chính hòm xe ấy, hối lộ vua và thưa:
– Thưa Ðại vương, hãy làm chúng tôi trở thành người chủ độc nhất.
Vua làm đúng như vậy. Sau đó hai hội chúng đạo sĩ suy nghĩ: “Chúng ta là những người đã đoạn tận dục về sở hữu và các dục gây phiền não, xuất gia tu hành, nay lại vì một gốc cây mà sanh ra đấu tranh, rồi đem của hối lộ. Ðây là việc không xứng đáng.”
Họ ăn năn hối lỗi, và vội vã đi về Tuyết Sơn.
Chư thần trú trong toàn nước Bharu đều nhất trí phẫn nộ đối với vua Bharu vì vua đã làm các vị có đức hạnh tranh đấu với nhau, một việc làm không thích đáng. Họ liền dâng nước lên tràn ngập xứ Bharu đến ba trăm dặm khiến cả nước ấy không còn nữa. Như vậy, chỉ vì vua Bharu toàn dân trong nước Bharu gặp nạn diệt vong.
Sau khi kể câu chuyện quá khứ, bậc Ðạo sư nhân danh bậc Chánh Ðẳng Giác, nói lên những bài kệ này:
Ta nghe vua Bha-ru,
Làm đạo sĩ đấu tranh,
Tự mình gặp đại nạn,
Cùng với cả quốc độ,
Như vậy vì tội ấy,
Vua đi đến diệt vong.
Vậy bậc trí không khen,
Dục chinh phục nội tâm,
Vị có tâm không nhiễm,
Nói toàn lời chân thật.
Khi bậc Ðạo sư thuyết Pháp thoại này xong, Ngài nói với đức vua:
– Thưa Ðại vương, chớ để lòng dục ngự trị, làm cho hai hội chúng xuất gia đấu tranh với nhau là việc không nên.
*
Rồi bậc đạo sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Ta là người lãnh đạo nhóm các vị hiền trí.
Khi cúng dường đức Như Lai xong, và bậc Ðạo sư đã ra về, vua sai người đến phá hủy tịnh thất ngoại đạo, khiến các phái ngoại đạo không có trú xứ.
-ooOoo-
Vật gì người ta nói…,
Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về trí tuệ Ba-la-mật.
Một thời đại chánh pháp đường, các Tỷ-kheo nói chuyện liên hệ đến trí tuệ của Như lai:
– Thưa các Hiền giả, bậc Chanh đẳng giác có trí tuệ vĩ đại, trí tuệ rộng rãi, minh trí, mẫn tiệp, trí tuệ sắc bén, trí tuệ thấu triệt, và đầy đủ phương tiện.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông hội họp ở đây đang bàn luận vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay, mà thuở trước cũng vậy, Như Lai đã có trí tuệ và thiện xảo phương tiện.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình của vị cố vấn tế tự. Khi trưởng thành, vị ấy đi học tất cả các nghề ở Takkasilà. Sau khi phụ thân mất, vị ấy nhận được chức vụ cố vấn tế tự cho vua về thánh sự và tục sự.
Sau một thời gian, vua nghe theo lời gièm pha của các nịnh thần, phẫn nộ không cho Bồ-tát ở gần, và tẩn xuất vị ấy ra khỏi thành Ba-la-nại. Bồ-tát đem vợ con đi, và sống tại một làng nhỏ ở Kàsi.
Sau một thời gian, vua nhớ lại công đức của Bồ-tát, suy nghĩ: “Nếu ta cử một sứ giả đi mời sư trưởng về, như vậy không thích hợp. Ta hãy làm một bài kệ, viết trên lá cây, cho nấu thịt quạ, gói cả lá và thịt trong miếng vải trắng, đóng dấu ấn của vua rồi gửi đi. Nếu sư trưởng là bậc hiền trí, sau khi đọc tấm lá, và biết là thịt quạ, sư trưởng sẽ đến. Nếu không, vị ấy sẽ không đến”.
Vì vậy, nhà vua viết bài kệ này trên tấm lá:
Vật gì người ta nói
Uống được nước sông đầy?
Vật gì người ta nói
Ðược lúa mì che lấp?
Vật gì người ta nói
Người lữ hành đi xa?
Vật ấy, nay đã đến,
Hãy ăn, Bà-la-môn!
Như vậy vua viết bài kệ này trên lá, rồi gửi cho Bồ tát. Bồ tát đọc thư tự nghĩ: “Vua muốn gặp ta” và đọc bài kệ thứ hai:
Vì vua còn nhớ ta,
Nên mới gởi cho quạ,
Ngỗng trời, hạc, chim công,
Vua cũng sẽ gửi thôi,
Nếu vua không gửi gì
Ấy là điều đáng ngại.
Bồ tát cho thắng bò vào xe và đi đến yết kiến vua. Vì thế vua thoả mãn, đặt Bồ tát vào chức vụ cố vấn tế tự như cũ.
*
Bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này xong, liền nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vua là Ànanda, còn vị tế tự là Ta vậy.
-ooOoo-
Con rùa nói lên lời…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Kokàlika. Câu chuyện sẽ được kể trong Tiền thân Mahàtakkàra (số 481). Bấy giờ, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Kokàlika mới bị hại vì lời nói. Thuở trước, kẻ ấy cũng đã bị hại như vậy.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một đại thần, khi lớn lên, trở thành vị cố vấn của vua về thánh sự và thế sự. Nhưng vua có tánh hay nói nhiều. Khi vua nói, không cho ai cơ hội xen vào. Và Bồ tát muốn ngăn chận vua nói nhiều, nên cố tìm một cơ hội.
Lúc bấy giờ, trong khu vực Tuyết Sơn, một con rùa sống ở một hồ nước. Hai con ngỗng trời trẻ đi tìm mồi, đến kết thân với con rùa ấy. Dần dần, chúng trở thành rất thân thiết. Một hôm ngỗng trời con nói với rùa:
– Này bác rùa, chỗ chúng tôi ở tại Tuyết Sơn, trên cao nguyên núi Cittakùta, trong một cái hang bằng vàng, trú xứ rất đẹp. Hãy đi với chúng tôi nhé!
– Làm sao tôi đi được?
– Chúng tôi sẽ đưa bác đi, nếu bác có thể giữ gìn cái miệng của bác và đừng nói một điều gì hết.
– Ðược, tôi sẽ giữ gìn. Hãy đem tôi đi.
Chúng chấp thuận, bảo con rùa ngậm một cây gậy, còn chúng cắn vào hai đầu gậy, rồi bay lên hư không.
Bọn trẻ con trong làng thấy con rùa được các con ngỗng trời trẻ đưa đi như vậy, liền la lên:
– Hai con ngỗng trời mang con rùa lên cái gậy!
Con rùa muốn nói lên: Nếu bạn ta đưa ta đi thì có can hệ gì đến các ngươi, đồ bọn vô loại kia?
Trong khi ấy, hai con ngỗng trời đã bay mau đến khoảng trên cung điện vua trong thành Ba-la-nại. Con rùa vừa nhả cây gậy định nói, liền rơi xuống trong sân trống và bị vỡ làm hai. Khi ấy tiếng ồn ào nổi lên:
– Con rùa rơi trên sân trống đã bị vỡ làm hai rồi!
Vua đem theo Bồ tát, cùng với các đại thần vây quanh, đi đến chỗ ấy, thấy con rùa, hỏi Bồ tát:
– Này bậc Hiền trí, vì sao con rùa này rơi xuống?
Bồ tát suy nghĩ: “Chờ đợi đã lâu, ta muốn giáo huấn vua và đang tìm một phương tiện. Nay thời cơ đã đến. Chắc con rùa này kết thân với những con thiên nga, được chúng đưa đi đến Tuyết Sơn. Chúng bảo rùa ngậm cây gậy và đưa nó đi giữa hư không, rồi có lẽ con rùa nghe lời ai đó nói, không thể giữ gìn cái miệng, nó muốn nói nên nhả cái gậy ra, liền rơi từ hư không xuống như vậy, và đi đến chỗ chết”. Và Bồ tát thưa với vua:
– Thưa Ðại Vương, những ai lắm mồm miệng, nói không dừng nghỉ, đều phải gặp tai họa như vậy.
Rồi Bồ-tát đọc các bài kệ này:
Con rùa nói lên lời,
Lời nói tự hại mình,
Tuy khéo ngậm cái gậy,
Mở miệng tự sát hại.
Hãy thấy rõ điều này,
Bậc Nhân chủ vĩ đại,
Hãy nói lên vừa phải,
Cẩn thận nói đúng thời.
Kẻ nào nói nhiều lời,
Như con rùa gặp nạn.
Vua biết Bồ-tát kể chuyện này vì mình liền nói:
– Thưa bậc Hiền trí, có phải vì trẫm mà bậc Hiền trí nói vậy?
Bồ-tát trình bày rõ ràng và trả lời:
– Dù Ðại vương hay người khác, nếu nói quá lượng đều gặp nạn như vậy.
Từ đấy trở đi, vua bỏ tánh nói nhiều và trở thành nguời ít nói.
*
Sau khi thuyết Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con rùa là Kokàlika, hai con ngỗng trời là hai vị Trưởng lão lừng danh, vua là Ànanda, còn vị đại thần hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-
Không vì lửa này đốt…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một người luyến ái với vợ cũ. Thế Tôn hỏi Tỷ-kheo ấy:
– Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông bị ái nhiễm?
Tỷ-kheo đáp:
– Bạch Thế Tôn, có thật vậy.
Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Vì ai?
– Bạch Thế Tôn, vì người vợ cũ.
Bậc Ðạo Sư nói với vị ấy:
– Này Tỷ-kheo, nữ nhân này đã đem tai hoạ cho ông. Thuở xưa, vì nữ nhân này, ông gần bị cây cọc đâm và bị nướng trên lửa để làm đồ ăn. Nhờ các bậc Hiền trí, ông được cứu mạng.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là vị cố vấn tế tự cho vua ấy. Một hôm, các người đánh cá kéo lên một con cá bị mắc trong lưới, liền quăng con cá trên mặt cát nóng.
Họ đẽo nhọn một cái que và nghĩ:”Chúng ta sẽ nướng con cá này trên than đỏ và ăn”. Con cá nghĩ đến con cá cái, khóc than và đọc hai bài kệ này:
Không vì lửa này đốt,
Không vì dùi nhọn đâm,
Vì cá cái nghi tôi
Vui chơi với cá khác!
Chính lửa tình đốt tôi!
Làm khổ tâm tư tôi.
Các ngài hãy thả tôi,
Ái dục không đáng chết!
Lúc bấy giờ Bồ-tát đi đến bờ sông nghe con cá ấy than khóc, liền đi đến gặp các người thợ săn và can thiệp để họ thả con cá ấy.
*
Sau khi thuyết Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo bị ái nhiễm đã đắc quả Dự lưu.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con cá cái là người vợ thuở trước, Tỷ-kheo bị ái nhiễm là con cá, còn vị cố vấn tế tự là Ta vậy.
-ooOoo-
Thế giới thích hoan lạc…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một nam cư sĩ bán rau trái. Câu chuyện này đã được nói đến trong Chương một (số 102). Tại đây, bậc Ðạo Sư hỏi nam cư sĩ ấy:
– Này nam cư sĩ, sao lâu ngày ông không đến?
– Bạch Thế Tôn, con gái của con thường hay cười. Sau khi thử thách nó, con đã gả nó cho con trai một gia đình quý tộc. Vì phải làm việc này, con không có dịp đến yết kiến Ngài.
Rồi bậc Ðạo Sư nói với nam cư sĩ ấy:
– Này nam cư sĩ, không phải chỉ nay con gái ông có giới hạnh. Thuở trước, nàng cũng có giới hạnh rồi. Không phải chỉ nay ông mới thử thách nàng. Thuở trước, ông cũng đã thử thách nàng.
Rồi theo lời nam cư sĩ yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát làm một vị thần cây.
Lúc bấy giờ, người nam cư sĩ buôn bán rau trái này nghĩ: “Ta sẽ thử con gái của ta”. Rồi ông đem cô vào rừng, cầm tay cô làm như thể ông có ham muốn tội lỗi với cô. Sau đó người cư sĩ đọc bài kệ đầu với con gái đang than khóc:
Thế giới thích hoan lạc,
Còn con gái của ta
Lại không khéo hiểu biết
Ðối với chuyện hạ liệt.
Nay con còn được gọi
Thiếu nữ đồng trinh chăng?
Bị ta bắt trong rừng,
Thôi con đừng khóc nữa!
Nghe vậy, cô con gái nói:
– Thưa cha thân, con vẫn là con gái! Con không biết gì về dâm dục cả.
Rồi vừa khóc, cô vừa đọc bài kệ thứ hai:
Người đáng bảo vệ con
Khỏi buồn phiền đau khổ,
Người ấy là cha con,
Lại ác ý trong rừng,
Nay con khóc với ai,
Giữa núi rừng thanh vắng,
Người đáng bảo vệ con,
Lại muốn dùng sức mạnh?
Như vậy, người bán rau trái ấy thử con gái mình xong, liền đưa cô về nhà, và gả cô cho một chàng trai tốt. Về sau, ông mạng chung và đi theo nghiệp của mình.
*
Khi bậc Ðạo sư kể Pháp thoại này xong, Ngài thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, người bán rau chứng quả Dự lưu và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bây giờ người cha và cô con gái là hai người hiện tại, còn vị thần cây chứng kiến câu chuyện ấy là Ta vậy.
-ooOoo-
Man trá trị man trá…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một người đi buôn lừa đảo.
Có hai người lái buôn ở Xá-vệ, một người lừa đảo và một người lương thiện. Hai người này hùn vốn với nhau, chất đầy hàng hóa trên năm trăm cỗ xe, di chuyển từ đông sang tây, buôn bán thâu hoạch lợi tức nhiều, rồi đi trở về Xá-vệ.
Người lái buôn lương thiện nói với người lái buôn lừa đảo:
– Thưa bạn, chúng ta sẽ chia hàng hoá.
Người lái buôn lừa đảo suy nghĩ:”Người này lâu ngày mệt mỏi vì thiếu ăn thiếu ngủ. Nay về nhà, được ăn uống đầy đủ các món ngon đặc biệt khác nhau sẽ chết vì không tiêu hóa được. Khi ấy tất cả hàng hóa thuộc về ta”. Vì vậy, anh ta nói:
– Sao các trời hôm nay không được tốt. Ngày cũng không được lành. Mai mốt chúng ta sẽ tính việc ấy.
Anh ta cố tìm cớ trì hoãn. Nhưng người lương thiện cứ thúc bách mãi nên họ cũng chia hàng hoá. Sau đó, vị ấy đem theo hương và vòng hoa đi đến cúng dường bậc Ðạo Sư, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Ông về từ bao giờ?
– Bạch Thế Tôn, con về khoảng nửa tháng.
Ngài lại hỏi:
– Tại sao ông chậm đến thăm Như Lai?
Vị ấy trình câu chuyện trên. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này nam cư sĩ, không phải chỉ nay kẻ ấy lừa đảo như vậy. Thuở xua, kẻ đó cũng là người lái buôn lừa đảo.
Rồi theo lời yêu cầu của vị ấy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại. Bồ-tát sanh ra trong gia đình của một đại thần. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài đuợc cử làm quan tư pháp.
Lúc bấy giờ có hai người lái buôn, một người ở làng, một người ở thành phố làm bạn với nhau. Người ở làng giao cho người ở thành phố năm trăm lưỡi cày. Người ở thành phố bán những lưỡi cày ấy giữ lấy tiền, và tại chỗ cất những luỡi cày ấy, anh ta rải phân chuột.
Sau một thời gian, người ở làng đến và nói:
– Hãy trả các lưỡi cày cho ta.
Người lái buôn lừa đảo nói:
– Các lưỡi cày của bạn đã bị chuột ăn hết!
Và anh ta chỉ những đống phân chuột. Người kia nói:
– Ôi! Những con chuột! Chúng mày đã ăn thì ta còn làm gì được nữa?
Khi đi tắm, anh ta đem theo con trai của người lái buôn lừa đảo, gửi nó trong nhà một người bạn và dặn không cho đứa bé đi đâu cả, cứ bắt nó ngồi trong phòng. Sau khi tắm xong, anh ta đến nhà người lái buôn lừa đảo. Người này hỏi:
– Con tôi đâu?
– Thưa bạn, tôi để con bạn trên bờ sông. Trong khi tôi lặn dưới nước, thì một con diều hâu đến, giơ móng vuốt bắt con bạn và bay lên không rồi. Tôi cố gắng đập nước, la lớn tiếng, nhưng không thể cứu nó được.
– Bạn nói láo con diều hâu không thể bắt đứa trẻ đem đi được!
– Này bạn sự thật là vậy. Việc không đáng xảy ra lại xảy ra, thì tôi làm gì được ? Con bạn đã bị con diều hâu bắt đi mất rồi!
Người kia mắng nhiếc:
– Ôi tên lừa đảo độc ác! Ôi kẻ giết người! Nay ta sẽ đi đến quan tòa và kéo mày đến đấy!
Rồi anh ta ra đi. Người lái buôn ở làng nói:
– Hãy làm như ý bạn muốn.
Và anh ta đi đến pháp đường trình quan. Người lái buôn lừa đảo nói với Bồ-tát:
– Thưa quan lớn, người này dắt con tôi đi tắm. Khi tôi hỏi con tôi đâu rồi, anh ta nói nó đã bị con diều hâu bắt đi rồi. Xin ngài xử vụ kiện này cho tôi.
Bồ-tát nói với người kia:
– Này ông, hãy khai sự thật.
– Thưa quan lớn, vâng đúng vậy. Tôi dẫn con nó đi, con nó bị diều hâu tha rồi. Sự thật là như vậy, thưa ngài.
– Nhưng ở đời làm sao diều hâu lại tha đứa trẻ đi được.
– Thưa quan lớn, tôi có một câu muốn hỏi ngài: Nếu các con diều hâu không thể bắt đứa trẻ và bay lên không được, thì làm sao các con chuột lại ăn những lưỡi cày?
– Ông muốn nói gì thế?
– Thưa quan toà, tôi có cất tại nhà người này năm trăm lưỡi cày. Khi tôi hỏi, anh ta nói những lưỡi cày ấy đã bị chuột ăn. Rồi anh ta chỉ cho tôi đống phân của các con chuột đã ăn các lưỡi cày. Thưa quan lớn, nếu các con chuột ăn được lưỡi cày thì các con diều hâu cũng có thể mang đi các đứa trẻ. Nếu các con chuột không ăn được thì các con diều hâu cũng sẽ không mang đứa trẻ đi được. Anh ta nói các con chuột đã ăn các lưỡi cày, xin ngài hãy phán xét chúng có thể bị ăn hay không thể bị ăn. Hãy xử vụ kiện này cho tôi.
Bồ-tát biết anh ta nghĩ ra cách man trá để đối trị với cách man trá của tên kia, nên ngài nói:
– Thật là một sự suy nghĩ khôn ngoan!
Rồi Bồ-tát đọc hai bài kệ này:
Man trá trị man trá,
Ðây thật suy tính hay,
Dùng lừa đảo phản công
Ðối trị kẻ lừa đảo
Nếu cho rằng loài chuột
Có thể ăn lưỡi cày,
Thì sao các diều hâu
Lại không mang đứa trẻ?
Có những kẻ lừa đảo,
Lừa đảo kẻ lừa đảo,
Có những kẻ lường gạt
Lường gạt kẻ lường gạt!
Mất con, ông hãy cho
Lưỡi cày kẻ đã mất.
Người đã mất lưỡi cày,
Hãy trả con người khác!
Như vậy kẻ mất con nhận lại con, và kẻ mất lưỡi cày nhận lại lưỡi cày. Và về sau, cả hai đi theo nghiệp của mình khi mạng chung.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Người lái buôn lừa đảo thời bấy giờ và người ngày nay là một, người lái buôn lương thiện cũng là người hiện tại. Và vị quan tư pháp là Ta vậy.
-ooOoo-
Vàng ròng là của tôi…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ viên, bậc Ðạo sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn và không hoan hỷ.
Vị này không thể tập trung tư tưởng vào một đối tượng độc nhất, và sống với tâm luôn luôn bất mãn. Tăng chúng đưa Ty-kheo ấy đến bậc Ðạo Sư. Ngài hỏi:
– Có thật chăng ông thối thất tinh tấn ?
Vị ấy trả lời:
– Thật vậy, vì con bị phiền não chi phối !
Bậc Ðạo Sư nói với Tỷ-kheo ấy:
– Này Tỷ-kheo, phiền não này, thuở trước, đã bị ngay các loài bàng sanh khinh miệt. Ông đã xuất gia trong Giáo pháp này, sao lại thối thất tinh tấn, vì bị chi phối bởi thứ phiền não mà ngay các loài bàng sanh cũng khinh miệt?
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con khỉ chúa ở khu vực Tuyết Sơn. Bồ-tát bị một người đi rừng bắt đem về dâng vua. Sống lâu ngày trong cung vua, làm đầy đủ các bổn phận, Bồ-tát rõ biết việc làm, nếp sống trong thế giới loài người. Vua bằng lòng với sự phục vụ của khỉ chúa, liền cho gọi người thợ rừng và ra lệnh thả khỉ chúa tại chỗ trước kia nó đã bị bắt. Người đi rừng làm đúng như lệnh truyền. Khi đàn khỉ biết được Bồ-tát đã về, chúng đến thăm, và hội họp trên một tảng đá lớn. Sau khi chào đón hỏi thăm Bồ-tát, chúng nói:
– Thưa chúa khỉ, trong thời gian dài như vậy, ngài sống ở đâu ?
– Trong cung vua tại Ba-la-nại, vua dùng ta như con khỉ làm trò mua vui và bằng lòng vì sự phục vụ của ta, nên đã thả ta.
Các con khỉ ấy hỏi:
– Chắc ngài biết cách sống của loài người. Hãy nói cho chúng tôi biết. Chúng tôi muốn nghe chuyện ấy.
– Chớ có hỏi ta về nếp sống của loài người.
– Hãy nói đi, chúng tôi muốn nghe.
Bồ-tát nói:
– Loài người dầu là Sát-đế-ly hay Bà-la-môn đều nói: Ðây là tài sản của tôi!. Họ không hiểu tánh vô thường làm cho mọi vật biến hoại. Các bạn hãy nghe những hành động của những kẻ mù lòa ngu si ấy.
Rồi Bồ-tát đọc những bài kệ này:
Vàng ròng là của tôi,
Vàng quý là của tôi !
Như vậy suốt ngày đêm,
Chúng rêu rao lớn tiếng,
Những người ngu si ấy
Không nhìn đến Chánh pháp.
Trong nhà, có hai chủ,
Một chủ không có râu,
Vú dài, có tóc bện,
Hai tai có đâm lỗ,
Ðược mùa với nhiều tiền,
Làm khổ đau mọi người.
Nghe vậy, tất cả đều nói:
– Chớ nói, chớ nói nữa chúng tôi vừa nghe điều không đáng nghe !
Chúng bịt chặt tai với hai tay. Và chúng không ưa chỗ ấy vì chúng nói:
– Tại chỗ này chúng ta đã nghe một điều không xứng đáng nghe!
Vì vậy chúng đi chỗ khác. Tảng đá chúng ngồi được gọi là tảng đá bị chỉ trích, người ta nói như vậy.
*
Khi bậc Ðạo sư kể Pháp thoại xong, Ngài thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo đắc quả Dự lưu và ngài nhận diện tiền thân:
– Lúc bấy giờ, đàn khỉ là hội chúng đức Phật, còn khỉ chúa là Ta vậy.
-ooOoo-
Ngài sống vẻ an lạc…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về những âm mưu sát hại Ngài, Lúc bấy giờ Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay, mà thuở trước cũng vậy, Ðề-bà-đạt-đa đã âm mưu sát hại ta, nhưng dù chỉ làm Ta sợ hãi cũng không thành.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở trước, vua Yasapàni trị vì ở Ba-la-nại, vua có một vị tướng quân tên là Kàlaka (Hắc nhân). Lúc bấy giờ, Bồ-tát là vị cố vấn tế tự tên là Dhammaddahaja (Ngọn cờ Chánh pháp). Vua có một người thợ hớt tóc và làm đồ trang sức đầu tóc cho vua tên là Chattapànì (Người cầm dù).
Vua trị vì theo Chánh pháp. Nhưng vị tướng quân lo việc xử kiện thường ăn hối lộ và hay gièm pha. Khi đã lấy hối lộ, ông lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của những người sở hữu chủ chính đáng.
Một hôm, một người bị thua trong một vụ kiện, hoa tay khóc lóc, khi đi ra khỏi pháp đình, thấy Bồ-tát đang hầu vua, liền gieo mình xuống chân Bồ-tát và thưa:
– Thưa ngài, trong khi ngài khuyến giáo vua về thánh sự và tục sự, thì tướng quân Kàlaka lấy hối lộ, làm các người sở hữu chủ phải mất tài sản.
Và ông ta thuật lại vụ kiện của mình. Bồ-tát động mối bi tâm nói:
– Này bạn, hãy đi theo ta, ta sẽ xử vụ kiện cho bạn.
Bồ-tát đưa người ấy đến pháp đường. Một số đông quần chúng tụ họp lại. Bồ-tát xử vụ kiện của người ấy, và khiến người sở hữu chủ được lấy lại tài sản. Quần chúng đều hoan hô. Tiếng hoan hô làm thành tiếng ồn ào lớn. Vua nghe tiếng ồn ào liền hỏi:
– Tiếng ồn ào gì vậy?
– Thưa Ðại vương, một vụ kiện xử sai đã được bậc trí Dhammaaddhaja xử lại đúng pháp, vì vậy đó là tiếng ồn ào do quần chúng hoan hô.
Vua bằng lòng, bảo mời Bồ-tát đến và hỏi:
– Thưa Sư trưởng, trẫm nghe nói Sư trưởng mới xử kiện?
– Thưa Ðại vương, phải. Thần vừa xử xong một vụ kiện mà tướng quân Kàlaka đã xử sai.
Vua nói:
– Bắt đầu từ nay, Sư trưởng hãy xử các vụ kiện. Ðôi tai trẫm sẽ sung sướng, và thế giới sẽ tăng thịnh.
Bồ-tát không muốn xử kiện. Nhưng vua yêu cầu:
– Vì thương xót mọi loài hữu tình, Sư trưởng hãy ngồi xử kiện.
Vì vậy Bồ-tát nhận lời.
Từ đấy trở đi Bồ-tát ngồi xử kiện, và xử cho người sở hữu chủ chính đáng được thắng kiện. Còn Kàlaka không được tiền hối lộ, lợi dưỡng bị hao hụt nên bắt đầu gièm pha Bồ-tát trước mặt vua. Ông ta tâu với vua:
– Thưa Ðại vương, Dhammaddhaja muốn đoạt quốc độ của ngài.
Vua không tin và bảo ông ta đừng nói như vậy nữa. Kàlaka nói:
– Nếu Ðại vương không tin thần, khi nào Dhammaddhaja đi đến hầu, Ðại vương hãy nhìn qua cửa sổ, rồi Ðại vương sẽ thấy Dhammaddhaja đã làm cho toàn thành phố nằm trong tay của ông ta.
Vua thấy đám người được Bồ-tát xử kiện, tưởng rằng đấy là hội chúng của Bồ-tát. Vua sinh lòng nghi ngờ Bồ-tát và hỏi:
– Này tướng quân, nay chúng ta phải làm gì?
– Thưa thiên tử, hãy giết nó.
– Chúng ta không thấy nó phạm trọng tội nào, làm sao ta giết nó được?
– Ðã có một cách.
– Cách gì vậy?
– Hãy bảo nó làm một việc không thể làm được. Khi nó làm không được, ta lấy tội ấy, và ta sẽ giết nó.
– Nhưng việc gì không thể làm được?
– Thưa Ðại vương, một khu vườn có đất tốt, được trồng cây và chăm sóc phải cần từ hai đến bốn năm mới sanh trái được. Ðại vương hãy cho gọi nó đến và bảo: “Ngày mai, trẫm muốn đến chơi tại một khu vườn. Hãy làm cho trẫm một khu vườn”. Nó sẽ không thể làm được. Chúng ta nhân tội ấy sẽ giết nó.
Vua mời Bồ-tát đến nói:
– Thưa bậc Hiền trí, Trẫm đến chơi tại khu vườn cũ lâu ngày đã chán. Nay trẫm muốn đến chơi ở một khu vườn mới. Hãy xây dựng cho trẫm một khu vườn mới. Nếu khanh không làm được việc ấy, khanh sẽ mất mạng.
Bồ-tát biết: “Có lẽ vì Kàlaka không nhận được tiền hối lộ, nên nó làm cho vua chống đối ta”. Bồ-tát nói với vua:
– Thưa Ðại vương, thần biết thần sẽ lo việc ấy.
Rồi đi về nhà, sau bữa ăn, Bồ-tát nằm trên giường suy nghĩ.
Lúc ấy chiếc ngai của Ðế Thích (Thiên chủ Sakka) trở thành nóng. Ðế Thích hướng tâm suy nghĩ, biết rằng Bồ-tát đang gặp khó khăn, liền vội vàng hiện đến phòng ngủ của ngài, đứng trên không và hỏi:
– Thưa bậc Hiền trí, ngài đang suy nghĩ gì?
– Người là ai?
– Ta là Ðế Thích.
– Vua bảo ta làm một khu vườn, nên ta suy nghĩ về vấn đề ấy.
– Thưa bậc Hiền trí, chớ lo âu, tôi sẽ làm cho ngài một khu vườn như rừng Nandana, như rừng Cittalata ở thiên giới. Ta sẽ làm tại chỗ nào?
– Hãy làm tại chỗ ấy.
Ðế Thích làm khu vườn xong, đi về thành chư Thiên.
Ngày hôm sau, tận mắt thấy khu vườn, Bồ-tát đi bảo cho vua:
– Thưa Ðại vương, khu vườn đã làm xong cho ngài, xin hãy đi đến tiêu khiển.
Vua đi đến, thấy khu vườn có thành bao vây, rộng mười tám khuỷu tay, có sắc đỏ, có các cửa và vọng lầu, được tô điểm với nhiều loại cây nặng trĩu hoa và trái! Vì vậy vua nói với Kàlaka:
– Bậc hiền trí đã làm như lời ta nói. Nay chúng ta phải làm gì?
– Thưa Ðại vương, nếu nó có thể làm một ngôi vườn trong đêm, thời sao nó không thể cướp đoạt vương quốc?
– Nay chúng ta phải làm cái gì?
– Chúng ta có thể bảo nó làm một việc khác không thể làm đưọc.
– Việc gì vậy?
– Chúng ta bảo nó làm một cái hồ bằng bảy báu.
Vua nói:
– Tốt lắm,
Và vua cho gọi Bồ-tát đến và bảo:
– Thưa Sư trưởng, Sư trưởng đã làm xong khu vườn. Sư trưởng hãy làm một cái hồ bảy báu tương xứng với khu vườn này. Nếu không thể làm được, mạng sống của khanh không còn nữa.
Bồ-tát thưa:
– Tốt lắm, thưa Ðại vương, có thể thần sẽ làm được.
Rồi Ðế Thích làm một cái hồ tuyệt đẹp, có một trăm cái bến, có một ngàn khúc cong, trên che kín với sen năm sắc, giống như hồ trong vườn Nandana ở thiên giới.
Hôm sau, Bồ-tát tận mắt thấy cái hồ ấy liền báo cho vua biết:
– Thưa thiên tử, cái hồ đã làm xong cho ngài.
Vua thấy cái hồ, lại bảo Kàlaka:
– Nay chúng ta phải làm gì?
– Thưa Ðại vương, hãy bảo nó làm một cái nhà tương xứng với khu vườn.
Vua bảo Bồ-tát:
– Thưa Sư trưởng, nay hãy làm một ngôi nhà toàn bằng ngà tương xứng với khu vườn và cái hồ này! Nếu khanh không làm đưọc, mạng sống của khanh sẽ không còn.
Và Ðế Thích làm một ngôi nhà đúng như vậy.
Hôm sau, Bồ-tát tận mắt thấy ngôi nhà liền báo cho vua biết. Vua thấy ngôi nhà ấy hỏi Kàlaka:
– Nay chúng ta phải làm gì?
Thưa Ðại vương, hãy bảo nó làm một hòn ngọc tương xứng với ngôi nhà.
Vua bảo Bồ-tát:
– Này bậc hiền trí, hãy làm một hòn ngọc tương xứng với ngôi nhà bằng ngà này. Với ánh sáng hòn ngọc, trẫm sẽ đi dạo chơi trong nhà. Nếu khanh không làm đưọc, khanh sẽ không còn mạng sống nữa.
Rồi Ðế thích làm xong hòn ngọc. Hôm sau Bồ-tát tận mắt thấy hòn ngọc, liền trình vua. Vua hỏi Kàlaka nên làm gì, Kàlaka thưa:
– Thưa Ðại vương, thần nghĩ có một vị thần nào đó đã làm theo ý muốn của Bà-la-môn Dhammaddhaja, nay hãy bảo nó làm một cái gì mà ngay các vị thần cũng không làm được. Các vị thần không thể làm được một con người đầy đủ bốn đức tánh. Do vậy, Ðại vương hãy bảo nó làm một con người giữ vườn đầy đủ bốn đức tính.
Vua bảo Bồ-tát:
– Này Sư trưởng, Sư trưởng đã làm xong cho chúng ta một khu vườn, một cái hồ, một cung điện bằng ngà, một hòn ngọc chiếu tỏa ánh sáng. Nay khanh hãy làm một người giữ vườn đầy đủ bốn đức tánh để bảo vệ khu vườn của ta. Nếu khanh không thể làm được, khanh sẽ mất mạng.
Bồ-tát đáp:
– Thưa vâng, nếu có thể, sẽ lo làm việc ấy.
Rồi ngài đi về nhà. Sau buổi ăn ngon, ngài nằm nghỉ. Sáng sớm, ngài thức dậy ngồi trên mặt giường suy nghĩ: “Thiên chủ Ðế Thích đã làm những gì có thể làm được, nhưng Ðế Thích không có thể làm con người giữ vườn đầy đủ bốn đức tánh. Sự việc là như vậy, thà chết cô độc trong rừng tốt hơn là chết trong tay người khác”.
Vì vậy, không nói với một ai, Bồ-tát từ lầu đi xuống, ra khỏi thành bằng cổng chính, vào rừng và ngồi dưới một gốc cây suy tư về thiện pháp. Ðế Thích biết sự việc ấy, hóa làm một người thợ rừng, đến gặp Bồ-tát và thưa:
– Thưa ngài Bà-la-môn, ngài được nuôi dưỡng tế nhị, sao lại đi vào rừng này ngồi làm gì?
Ðể hỏi ý nghĩa này, Ðế thích đọc bài kệ đầu:
Ngài sống vẻ an lạc,
Sao bỏ nước vào rừng?
Như một người khốn khổ
Một mình dưới gốc cây,
Ngồi thẫn thờ sầu muộn?
Nghe vậy, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Ta sống vẻ an lạc
Nhưng bỏ nước vào rừng,
Như một người khốn khổ
Cô độc ngồi gốc cây
Suy tư về Thánh pháp.
Rồi Ðế Thích thưa:
– Thưa ngài Bà-la-môn, sự việc là như vậy, sao ngài ngồi tại chỗ này?
– Vua bảo làm một người giữ vườn đầy đủ bốn đức tánh và vì không có thể làm được một người như vậy, nên ta suy nghĩ: Sao ta lại chết trong tay người khác? Ta sẽ vào rừng, và chết cô độc ở đó. Vì vậy nên ta đến đây.
– Thưa ngài Bà-la-môn, tôi là thiên chủ Ðế Thích, tôi đã làm ngôi vườn v.v… cho ngài. Tôi không thể làm một người đầy đủ bốn đức tánh, nhưng trong nước của vua có một thợ hớt tóc tên là Chattapàni đầy đủ bốn đức tánh. Nếu phải có một người giữ vườn, hãy giới thiệu người hớt tóc này là người giữ vườn.
Ðế Thích khuyên nhủ Bồ-tát, an ủi Bồ-tát chớ sợ gì nữa, rồi đi về thành phố chư Thiên.
Bồ-tát về nhà, ăn sáng xong đi đến cửa cung, thấy Chattapàni tại đấy. Ngài cầm tay anh ta và hỏi:
– Thưa bạn Chattapaàni, nghe nói bạn có đủ bốn đức tánh phải không?
Chattapàni nói:
– Ai bảo ngài tôi có đầy đủ bốn đức tánh?
– Chính thiên chủ Ðế Thích!
– Vì nguyên nhân gì Ðế Thích nói vậy?
Bồ-tát kể lại tất cả câu chuyện và nói lý do ấy.
Anh ta đáp:
– Thưa vâng, tôi có bốn đức tánh.
Bồ-tát liền cầm tay Chattapàni đi đến yến kiến vua và thưa:
– Thưa Ðại vương, Chattapàni nầy có đủ bốn đức tánh. Nếu cần một người giữ vườn, Ðại vương hãy bảo người này giữ vườn.
Vua hỏi Chattapàni:
– Có thật là khanh đầy đủ bốn đức tánh?
– Thưa vâng, tâu Ðại vương.
– Khanh có bốn đức tánh nào?
Vị ấy đọc bài kệ này:
Tôi không có ganh tị,
Tôi cũng không uống rượu,
Tôi không có ái nhiễm,
An trú không phẫn nộ,
Thiên tử, tôi là vậy.
Vua hỏi:
– Này Chattapàni, có phải khanh nói: Tôi không có ganh tỵ?
– Ðúng vậy, thưa Thiên tử.
– Thấy những duyên cớ gì, khanh không có ganh tỵ?
– Thưa Ðại vương, hãy nghe đây.
Chattapàni đọc bài kệ này, nói lên tính không ganh tỵ của mình:
Xưa vì một nữ nhân,
Là vua, tôi ra lệnh
Bắt trói vị tế sư,
Nhưng vị ấy dạy tôi
An trú vào Thánh pháp,
Do vậy tôi không ganh.
Rồi vua hỏi Chattapàni:
– Này Chattapàni, do thấy tác hại gì, khanh là người không uống rượu?
Chattapàni đọc bài kệ này:
Kính thưa bậc Ðại vương,
Xưa tôi uống rượu say,
Tôi đã ăn cả thịt
Chính đứa con trai tôi,
Tôi khổ đau sầu muộn,
Thề từ bỏ uống rượu.
Rồi vua lại hỏi:
– Này bạn, do thấy duyên cớ gì bạn không còn ái nhiễm?
Chattapàni nói lên duyên cớ ấy với một bài kệ này:
Xưa tôi chính Ðại vương
Tên Kì-ta-và-sa,
Con tôi đã làm vỡ
Bình bát Ðộc Giác Phật,
Và nó phải mệnh chung.
Do vậy, không ái nhiễm.
Vua tiếp tục hỏi Chattapàni:
– Do duyên cớ gì, bạn trở thành người không phẫn nộ?
Chattapàni nói lên duyên cớ ấy với một bài kệ này:
Tôi là A-ra-ka,
Bảy năm tu từ tâm,
Bảy kiếp sống Phạm thiên,
Do vậy, không phẫn nộ.
Khi Chattapàni đã nói lên bốn đức tánh của mình, vua khen ngợi Bồ-tát trước hội chúng. Ngay lúc ấy, các vị đại thần, Bà-la-môn, gia chủ v.v… đều đứng dậy, và la lớn:
– Ôi, đồ ăn hối lộ! Ôi kẻ ăn trộm ác độc! Ngươi không được của hối lộ, nên nói xấu bậc hiền trí và muốn giết vị ấy.
Họ bắt giữ Kàlaka, kéo ông ta ra khỏi cung vua, rồi chụp lấy bất cứ vật gì, kẻ lấy đá, người lấy côn, họ đánh ông ta vỡ đầu và chết ngay. Xong họ nắm chân ông ta lôi đi và quăng xác trên đống phân.
Từ đó về sau, vua trị nước thật đúng pháp, rồi đi theo nghiệp của mình lúc mệnh chung.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Đạo sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, tướng Kàlaka là Ðề-bà-đạt-đa, người thợ hớt tóc Chattapàni là Xá-lợi-phất, còn Dhammaddaja là Ta vậy.
Ai đầy những uế nhiễm…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa.
Một thời, vị Tướng quân Chánh pháp Xá-lợi-phất sống với năm trăm Tỷ-kheo ở Trúc Lâm. Ðề-bà-đạt-đa sống với hội chúng Tỷ-kheo theo ác giới ở tại Gàyasisa.
Lúc bấy giờ dân chúng ở Vương Xá thường chung nhau lại để bố thí. Một thương gia đến đây để buôn bán, đem theo một tấm y vàng đượm mùi thơm có giá trị lớn và nói:
– Xin hãy cho tôi dự phần vào sự cúng dường, tôi xin cúng dường tấm y này.
Dân ở thành Vương Xá tổ chức một cuộc bố thí lớn. Tất cả những phẩm vật tùy nguyện đóng góp đều được phân phát hết, chỉ còn lại tấm y. Quần chúng hội họp lại và bàn tính:
– Chỉ còn tấm y đẹp và thơm tho nầy, chúng ta sẽ cúng dường cho ai? Cúng cho Trưởng lão Xá-lợi-phất hay Trưởng lão Ðề-bà-đạt-đa?
Một số người nói:
– Trưởng lão Xá-lợi-phất chỉ sống ở đây một vài ngày rồi đi tùy theo sở thích. Còn Trưởng lão Ðề-bà-đạt-đa luôn luôn sống gần thành phố của chúng ta trong lúc may mắn cũng như lúc rủi ro. Chúng ta hãy cúng dường Ðề-bà-đạt-đa.
Khi so sánh xem nên cúng cho ai giữa hai Trưởng lão, thì những người muốn cúng cho Ðề-bà-đạt-đa chiếm đa số. Vì vậy, họ cúng dường tấm y ấy cho Ðề-bà-đạt-đa. Vị ấy cắt may và nhuộm tấm y vàng. Sau khi hoàn thành, Ðề-bà-đạt-đa đắp tấm y ấy.
Lúc bấy giờ có ba mươi Tỷ-kheo đi từ Vương Xá về đảnh lễ bậc Ðạo Sư. Sau khi nói những lời chào đón hỏi thăm, các Tỷ-kheo báo tin ấy cho bậc Ðạo Sư:
– Bạch Thế Tôn, Ðề-bà-đạt-đa tự mình không xứng đáng, lại đắp biểu tượng của A-la-hán.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa không xứng đáng đắp biểu tượng của bậc A-la-hán.
Thuở trước, Ðề-bà-đạt-đa cũng đã như vậy rồi.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra làm voi trong một đàn voi, ở khu vực Tuyết Sơn. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát là chúa đàn cùng với 80 con voi sống ở trong rừng.
Một người nghèo khổ sống ở Ba-la-nại thấy các thợ ngà tại một con đường đang làm các loại vòng tay v.v… bằng ngà liền hỏi:
– Nếu ta có ngà voi, các người có mua không?
Họ nói:
– Vâng, chúng tôi sẽ mua.
Rồi anh ta cầm binh khí, mặc một tấm vải vàng, giả dạng một vị Phật Ðộc Giác, buộc một búi tóc giả, đứng nấp tại con đường voi đi, dùng binh khí giết voi, lấy ngà bán tại Ba-la-nại và sinh sống với cách ấy.
Ngày này qua ngày khác, khi đàn voi đi qua, anh ta chỉ rình giết con voi đi cuối cùng đàn voi do Bồ-tát làm chủ. Với thời gian, số voi dần dần giảm thiểu, và chúng hỏi Bồ-tát vì nguyên nhân gì, số voi giảm thiểu. Bồ-tát tìm hiểu và suy nghĩ: “Có thể một người nào đó đội lốt Ðộc Giác Phật, đứng ở cuối đường các con voi đi qua, có thể nó đã giết các con voi. Ta sẽ tìm cho ra manh mối”.
Một hôm, Bồ-tát cho các con voi đi đầu và mình đi sau cùng. Người ấy thấy Bồ-tát, liền cầm binh khí xông ra. Bồ-tát quay lại, đứng dương vòi ra và nghĩ: “Ta sẽ quật nó ngã xuống đất và giết nó!”
Nhưng khi thấy tấm áo vàng người ấy mặc, Bồ-tát nghĩ: “Ta phải kính trọng biểu tượng của bậc A-la-hán mà nó lạm dụng để mặc”.
Bồ-tát cuốn vòi lại và nói:
– Này ngươi, sao ngươi lại mặc biểu tượng của bậc A-la-hán khi ngươi không xứng đáng mặc?
Rồi Bồ-tát đọc những bài kệ này:
Ai đầy những uế nhiễm,
Lại mặc áo cà-sa,
Tự mình không chế ngự,
Không tôn trọng sự thật,
Kẻ ấy không xứng đáng
Ðược mặc áo cà-sa.
Ai gột sạch uế nhiễm,
Vững vàng trong giới luật,
Tự mình có chế ngự,
Biết tôn trọng sự thật,
Vị ấy thật xứng đáng
Ðược mặc áo cà-sa.
Như vậy Bồ-tát nói lên những lời giáo hóa này với người ấy, rồi hăm dọa như sau:
– Bắt đầu từ nay chớ đến đây nữa. Nếu ngươi đến, ngươi sẽ mất mạng.
Và Bồ-tát đuổi anh ta đi.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, người giết voi là Ðề-bà-đạt-đa, còn chúa voi là ta vậy.
-ooOoo-
Ðây là lời sư trưởng…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðại Sư đã kể về Ðề-bà-đạt-đa.
Một hôm, các Tỷ-kheo ngồi lại Chánh pháp đường, bắt đầu nói chuyện:
– Thưa các Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa khắc nghiệt, độc ác, tàn nhẫn, thúc đẩy tên tướng cướp hại bậc Chánh Ðẳng Giác. Rồi vị ấy xô hòn đá, thúc đẩy con voi Naàlagiri, không có kham nhẫn, từ bi, lân mẫn đối với đức Như Lai.
Bậc Ðạo Sư đến tại Chánh pháp đường và hỏi;
– Này các Tỷ-kheo, các ông hội họp ở đây đang bàn vấn đề gì?
Khi được nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không chỉ nay, mà trước kia cũng vậy, Ðề-bà-đạt-đa đã khắc nghiệt, độc ác, không có từ bi.
Nói xong bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi Brahamadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con khỉ tên là Nandiya (Hoan hỷ), trú ở khu Tuyết Sơn. Con khỉ em của Bồ-tát tên là Cùllanandiya (Tiểu Hoan hỷ), cả hai được tám trăm ngàn con khỉ vây quanh và sống săn sóc mẹ mù.
Chúng đặt mẹ nằm trong bụi cây, và đi vào rừng hái những trái cây ngọt v.v.. gửi về cho mẹ, nhưng những con khỉ đem về không đưa trái cây cho bà nên bà bị đói hành hạ, chỉ còn da bọc xương.
Khi về, Bồ-tát nói với mẹ:
– Thưa mẹ, chúng con có gửi cho mẹ các loại trái cây ngon ngọt, sao mẹ ốm yếu thế này?
Bà mẹ trả lời:
– Này con thân yêu, mẹ không nhận được gì cả.
Bồ-tát suy nghĩ: “Nếu ta săn sóc đàn khỉ, mẹ ta sẽ chết mất. Ta sẽ rời đàn khỉ để săn sóc cho mẹ ta”.
Bồ-tát gọi Cùllanandiya và nói:
– Này em thân, hãy săn sóc đàn khỉ. Còn ta, ta sẽ săn sóc mẹ!
Cùllanandiya nói:
– Thưa anh, em không thể lo lắng cho đàn khỉ. Em chỉ muốn săn sóc mẹ.
Như vậy, cả hai đều đồng một ý muốn, đi xuống Tuyết Sơn, lựa một gốc cây bàng tại biên địa làm chỗ trú ẩn, và nuôi dưỡng khỉ mẹ.
Bấy giờ một thanh niên Bà-la-môn sống ở Ba-la-nại, sau khi học tất cả các nghề với một sư trưởng có danh tiếng nhiều phương ở Takkasilà, anh ta đến xin phép sư trưởng để ra đi.
Vị sư trưởng có tài đoán tướng, biết người đệ tử này độc ác, tàn nhẫn, khắc nghiệt liền nói:
– Này con thân, người độc ác, tàn nhẫn sẽ gặp tai nạn đau khổ lớn. Con chớ nên khắc nghiệt, chớ làm gì ác độc để sau phải hối hận.
Vị sư trưởng khuyên dạy như vậy rồi để đệ tử ra đi. Thanh niên ấy đảnh lễ vị sư trưởng rồi trở về Ba-la-nại và lập gia đình. Anh ta không thể sống với các nghề khác nên quyết định sống nhờ mũi nhọn cung tên. Anh ta trở thành một người thợ săn, và rời khỏi thành Ba-la-nại để kiếm sống tại một làng ở biên địa. Hàng ngày nai nịt với cung tên, anh ta đi vào rừng, giết các loài thú, và đem về bán thịt và sống qua ngày.
Một hôm anh ta không săn được gì trong rừng khi về, anh ta thấy một cây bàng đứng ở cuối một khoảng rừng trống. Anh ta đi đến hướng cây bàng ấy với hy vọng tìm được vật gì ở đấy. Lúc bấy giờ, hai anh em nhà khỉ đang cho bà mẹ các loại trái ngọt, và đặt bà ngồi trên thân cây. Khi thấy người thợ săn đi đến, hai anh em liền núp giữa các cành cây, xem anh ta sẽ làm gì. Con người tàn nhẫn ấy, khi đến gốc cây thấy khỉ mẹ của chúng mù loà, già yếu liền nghĩ: “Sao ta lại về tay không? Bắn con khỉ này xong ta sẽ đi”. Rồi anh ta liền cầm cung lên để bắn. Thấy vậy, Bồ-tát nói:
– Này em Cùllanandiya thân, người này muốn giết mẹ chúng ta. Anh sẽ thay thế mạng sống cho mẹ. Sau khi anh chết, em sẽ săn sóc mẹ.
Nói xong, Bồ-tát từ giữa cành cây đi ra, và nói:
– Này người kia, chớ có bắn mẹ ta. Mẹ ta mù, già yếu, ta sẽ đổi mạng sống cho mẹ ta. Ông chớ giết mẹ ta, hãy giết ta.
Sau khi hứa với kẻ ấy, Bồ-tát liền ngồi xuống tại chỗ. Tên thợ săn ấy không có lòng từ nhắm bắn khỉ mẹ. Cùllanandiya thấy vậy, suy nghĩ: “Người độc ác này muốn bắn cả mẹ ta nữa. Nếu mẹ ta sống thêm một ngày, là một ngày mẹ ta tăng thêm tuổi thọ, vậy ta sẽ cứu sống mẹ ta”. Nó từ giữa cành cây đi ra và nói:
– Này người kia, chớ giết mẹ ta, ta sẽ chết để cứu mẹ được sống. Hãy bắn ta, bắt cả hai anh em chúng ta để mẹ chúng ta được sống.
Sau khi hứa với thợ săn, khỉ em ngồi xuống trong tầm mũi tên. Kẻ săn bắn độc ác giết luôn khỉ em và suy nghĩ: “Ta còn mấy đứa con ở nhà nữa. Ta phải bắn luôn khỉ mẹ, để đem thịt về cho chúng”. Khi đã hạ sát ba mẹ con khỉ, anh ta mang cả ba xác khỉ trên một đòn gánh và về nhà. Trong lúc ấy sấm sét nổi lên đánh xuống nhà kẻ độc ác, thiêu cháy vợ, con và cả cái nhà. Cái nhà bị sét đánh thiêu rụi chỉ còn lại bộ sườn nhà và các cây cột tre cháy đen.
Tại cổng làng, một người thấy anh ta liền báo tin ấy cho anh ta biết. Quá sầu khổ vì vợ con, ngay tại chỗ anh ta quăng đòn gánh, thịt, cây cung, bỏ cả áo mặc trần truồng, hoa tay, khóc than đi vào nhà. Khi ấy, một cây cột bị gãy, rơi xuống và đánh vỡ đầu anh ta. Cùng lúc ấy, đất mở rộng, lửa từ địa ngục A-tỳ phun lên đốt tan xác anh ta. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh ta nhớ lời khuyên giáo của vị sư trưởng: “Ðây là lời dạy mà Bà-la-môn Pàràsariya đã cho ta”. Rồi anh ta than khóc và đọc hai bài kệ này:
Ðây là lời sư trưởng,
Pà-rà-sa-ri-ya:
Chớ nên làm điều ác
Khiến ngươi phải hối tiếc.
Việc gì con người làm,
Sẽ thấy nó trên thân;
Làm việc ác, gặp ác.
Như gieo hột giống nào,
Ðem lại quả giống ấy.
Anh ta vừa đọc kệ xong, đất liền vùi lấp anh ta và ngay lúc ấy anh ta đọa vào địa ngục A-tỳ (Vô gián).
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới cay nghiệt, độc ác. Thuở trước, kẻ ấy cũng đã cay nghiệt, độc ác, không có lòng bi như vậy rồi.
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, kẻ đi săn là Ðề-bà-đạt-đa, vị sư trưởng danh tiếng nhiều phương là Sàriputta, Cullanandiya là Ànanda, bà mẹ là Mahàpajàpati, còn khỉ chúa Mahànandiya là Ta vậy.
-ooOoo-
Cung kính người cung kính…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một điền chủ.
Tương truyền một người điền chủ sống ở thành Xá-vệ có giao thiệp buôn bán với một người điền chủ ở thôn quê. Ông ta đem theo vợ, đi đến gặp người có mắc nợ. Người mắc nợ nói:
– Tôi không thể trả được.
Và anh ta không trả gì. Người điền chủ này tức giận đi về, và không ăn cơm.
Trên đường đi, vài người thấy anh ta có vẻ đói quá liền cho một nồi cơm và nói:
– Hãy ăn và cho vợ anh ăn với.
Anh ta lấy nồi cơm ấy, nhưng không muốn chia phần cho vợ ăn nên nói:
– Này em, chỗ này là chỗ trú ẩn của bọn ăn cướp.
Em hãy đi trước.
Anh ta bảo vợ đi trước, rồi ăn hết phần cơm và khi đưa vợ xem cái nồi trống, anh ta nói:
– Này em, người ta cho một cái nồi không có cơm.
Người vợ biết chồng đã ăn hết cơm một mình nên lòng rất buồn bã.
Khi đi đến gần tinh xá Kỳ Viên, cả hai người muốn vào đó và xin nước uống.
Bậc Ðạo Sư ngồi chờ đợi họ đến, dưới bóng mát của Hương phòng, như người thợ săn đang đứng chờ mồi. Thấy bậc Ðạo Sư, hai vợ chồng đi đến, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư thân mật đón tiếp và hỏi:
– Này nữ cư sĩ, chồng con có thương con, và muốn con được hạnh phúc không?
– Bạch Thế Tôn, con thương chồng con, nhưng chuyện tệ bạc khác, ngay hôm nay, bạch Thế Tôn, giữa đường có một người cho anh ta một nồi cơm, nhưng anh ta không cho con gì cả, mà chỉ ăn một mình.
– Này nữ cư sĩ, con luôn luôn thương chồng con, và con muốn anh ta hạnh phúc. Nhưng chồng con lại không thương con. Tuy vậy, nếu các bậc hiền trí cho chồng con biết các đức tánh quý báu của con, thì anh ta sẽ hết sức thương yêu kính trọng con.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của người vợ, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamaddatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một vị đại thần. Khi lớn lên, ngài trở thành cố vấn cho vua về các vấn đề thánh sự và tục sự. Lúc bấy giờ vua sợ con mình có âm mưu chống mình, nên đuổi con đi. Hoàng tử đem vợ con theo, đi ra khỏi thành và đến sống tại một ngôi làng nhỏ ở nước Kàsi.
Một thời gian sau, hoàng tử nghe vua cha từ trần, và suy nghĩ: “Nay ta sẽ nhận lấy vương quốc thuộc quyền, sở hữu của gia đình”. Hoàng tử trở về. Giữa đường, có một người cho hoàng tử một nồi cơm và nói:
– Hãy ăn và cho vợ cậu ăn với.
Hoàng tử nhận lấy nồi cơm nhưng không cho vợ, chỉ ăn hết một mình. Vợ chàng suy nghĩ: “Người này thật là cay nghiệt!”, và nàng cảm thấy lòng đầy sầu muộn.
Sau đó, hoàng tử về đến Ba-la-nại, nhận được vương quốc, phong vợ lên địa vị hoàng hậu và nghĩ: “Như vậy là đủ với vợ ta rồi”.
Vua đối với hoàng hậu không tỏ thêm một sự quan tâm, hay tôn trọng gì khác, cho đến độ hoàng hậu đến hầu, vua cũng không hỏi: Hiền thê sống ra sao?
Lúc ấy, Bồ-tát là cố vấn của vua suy nghĩ: “Hoàng hậu này giúp ích vua nhiều và thương yêu vua. Nhưng vua không nghĩ gì đến hoàng hậu. Ta sẽ làm cho vua tôn trọng kính nể hoàng hậu”. Vì vậy, Bồ-tát đi đến gần hoàng hậu chào hỏi cung kính, và đứng một bên.
Hoàng hậu hỏi:
– Này khanh, có việc gì?
Bồ-tát nói:
– Thưa hoàng hậu, làm sao chúng thần có thể hầu lệnh bà được? Lệnh bà phải cho các người già cả một miếng vải hay một vắt cơm chứ?
– Này khanh thân, chính ta cũng không hề có một vật gì, làm sao ta có thể cho các người được? Khi ta có của, ta đâu có hà tiện? Nhưng nay đức vua không cho ta gì cả. Ðừng nói cái gì khác, ngay khi đức vua đi về để nhận quốc độ, giữa đường được người cho một nồi cơm, đức vua cũng không cho ta một chút cơm, chỉ một mình ăn hết!
– Thưa hoàng hậu, lệnh bà có thể đi đến yết kiến vua, và nói lên như vậy không?
– Này khanh thân, ta có thể nói.
– Vậy hôm nay, khi thần đứng gần vua và khi thần hỏi, lệnh bà hãy trả lời như vậy. Thần sẽ làm cho vua biết được công hạnh của lệnh bà.
Nói vậy xong, Bồ-tát đi đến đứng một bên vua. Hoàng hậu cũng đến và đứng gần vua. Rồi Bồ-tát hỏi:
– Thưa hoàng hậu, lệnh bà thật là keo kiệt. Ðúng ra, lệnh bà nên bố thí cho những người cha già một miếng vải hay một vắt cơm chứ?
Bà liền đáp:
– Này khanh, ta không nhận được từ đức vua một cái gì cả, làm sao ta có thể cho các người được?
– Phải chăng lệnh bà không phải là hoàng hậu chánh cung?
– Này khanh, khi không được một chút tôn trọng, thì địa vị chánh cung hoàng hậu để làm gì? Nay đức vua có thể cho gì ta được nữa? Khi về nước, giữa đường đức vua được cho nồi cơm nhưng đức vua không cho ta một chút gì, chỉ ăn một mình!
Bồ-tát hỏi:
– Thưa Ðại vương, có phải như vậy chăng?
Vua xác nhận là có. Bồ-tát nghe vua xác nhận liền thưa:
– Thưa hoàng hậu, khi đức vua không yêu thương lệnh bà, sao lệnh bà còn ở đây? Ở đời, khổ thay là chung sống không có tình thương! Khi lệnh bà ở đây, hết lòng chung thủy với đức vua, nhưng đức vua không có tình thương, việc ấy chắc chắn sẽ đem lại khổ đau cho lệnh bà.
Bồ-tát khuyên dạy tiếp.
– Các loài chúng sanh san sẻ với những ai biết san sẻ. Ngay khi biết ai không có tánh san sẻ, ta cần phải bỏ đi chỗ khác vì còn có rất nhiều người sống ở đời này!
Nói vậy xong, Bồ-tát đọc các bài kệ này:
Cung kính người biết kính,
Chia với người biết chia,
Với ai làm bổn phận,
Hãy làm đủ bổn phận,
Với ai làm lợi mình,
Hãy làm lợi người ấy.
Với ai không san sẻ,
Chớ nên san sẻ lại!
Hãy xử sự khinh xuất
Với những ai khinh xuất,
Chớ giữ lòng thương yêu
Với ai hết thương yêu,
Phải có lòng chia sẻ,
Chung sống để an ủi.
Khi loài chim biết được
Cây không còn trái nữa,
Chúng bay đến cây khác,
Thế giới thật lớn thay!
Nghe nói vậy, vua Ba-la-nại liền dành cho hoàng hậu tất cả sự kính trọng và uy quyền. Từ đó trở đi, vua và hoàng hậu sống hòa hợp, hoan hỷ và thương yêu nhau hơn.
*
Sau khi thuyết Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, hai vợ chồng ấy đắc quả Dự lưu. Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Hai vợ chồng này là hai vợ chồng thuở trước, còn vị đại thần hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-
Ai đủ bốn pháp này…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa. (Như Tiền thân số 57 Chương một).
Ai đủ bốn pháp này,
Hỡi vua các loài khỉ,
Chân thật và chánh nghĩa,
Kiên trì và xả thí,
Vị ấy vượt thắng lên
Các tà kiến bất chánh.
Ai không có đủ
Công đức thiện thù thắng,
Chân thật và chánh nghĩa,
Kiên trì và xả thí,
Vị ấy không vượt lên
Các tà kiến bất chánh.
-ooOoo-
Thưa Thiên tử, thần có…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðại Sư kể về vua Kosala.
Bấy giờ một vị đại thần giúp ích nhiều cho vua đã lợi dụng chức vụ và thông gian trong nội cung. Vua biết được kẻ phạm tội nhưng vì đại thần ấy giúp nhiều cho vua, nên vua chịu đựng tội lỗi kia và thưa chuyện với bậc Ðạo Sư. Ngài nói:
– Các vua thuở trước, thưa Ðại vương, cũng chịu đựng như vậy.
Rồi theo lời vua yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở trước, khi vua Brahmadata trị vì ở Ba-la-nại, có một đại thần thông gian trong nội cung. Vị đại thần ấy cũng có một người hầu cận thông gian trong nhà mình. Ðại thần ấy không thể chịu đựng tội phạm ấy, vì thế đã đem nó đến trước vua và hỏi:
– Thưa Thiên tử, thần có một người hầu cận làm tất cả mọi việc cho thần nhưng nó lại thông gian tại nhà thần. Nay phải làm gì với nó?
Và vị ấy đọc bài kệ đầu:
Thưa Thiên tử, thần có
Một người giỏi nhiều việc,
Người ấy đã phạm tội,
Ngài nghĩ phải làm gì?
Nghe vậy, vua đọc bài kệ thứ hai:
Và chính ta cũng có
Người như vậy đứng đây.
Người tốt thật khó tìm,
Nên ta cần kham nhẫn!
Vị đại thần biết lời vua nói ám chỉ mình, và từ đấy trở đi không dám thông gian trong nội cung nữa. Còn người hầu hạ ấy biết vấn đề đã được tâu với vua, nên từ đấy trở đi không dám hành động sai quấy nữa.
*
Sau khi nói Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Ta là vua Ba-la-nại.
Còn vị đại thần ấy biết vua đã thưa với bậc Ðạo Sư câu chuyện về mình, nên từ đấy trở đi, không dám hành động sai quấy nữa.
-ooOoo-
Lành thay, nếu xuất hành…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về vua Kosala.
Vua ấy đi dẹp loạn ở biên địa, nhưng xuất hành không đúng thời. Câu chuyện đã được kể ở số 176, Chương hai.
Cũng như trước, bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ theo lời yêu cầu của vua.
*
Thuở xưa, vua Ba-la-nại xuất hành phi thời cắm trại ở một khu ngự viên. Lúc bấy giờ, một con chim cú bay vào một khóm tre và nấp tại đấy. Một đàn quạ cũng đến, vây quanh nó với ý định: “Khi nào nó ra, chúng ta sẽ bắt nó”.
Không chờ đợi mặt trời lặn, chim cú đi ra không đúng thời và bắt đầu chạy trốn. Các con quạ vây quanh, lấy mỏ đánh nó, làm nó rơi xuống đất. Nhà vua gọi Bồ-tát và hỏi:
– Này bậc Hiền trí, vì sao những con quạ lại tấn công và đánh ngã con cú?
– Thưa Ðại vương, hễ ai đi ra khỏi trú xứ của mình không đúng thời, đều phải gặp khổ nạn như vậy. Do vậy, chớ nên đi ra khỏi trú xứ của mình phi thời.
Và để nêu lên ý nghĩa này, Bồ-tát đọc hai bài kệ:
Lành thay nếu xuất hành
Ðúng thời, không phi thời,
Khi xuất hành phi thời,
Nhiều người hay chỉ một
Thế nào cũng gặp nạn,
Vì không rõ nghĩa này,
Như con cú khốn khổ
Phải chết vì quạ bầy.
Bậc trí biết quy luật,
Biết nhược điểm người khác,
Chinh phục mọi kẻ thù,
Như cú, nếu khôn ngoan
Sẽ được nhiều an lạc.
Vua nghe lời Bồ-tát, liền quay về nhà, không đem quân đi đánh nữa.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vua là Ànanda, và vị đại thần Hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-
Anh hùng địch anh hùng…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo.
Lúc bấy giờ cách xa Kỳ Viên khoảng hơn nửa dặm, tại một thị trấn, có nhiều đồ ăn được phát theo thẻ và theo hạn kỳ. Ở đây có một kẻ thô lỗ hay hỏi khiêu khích. Những ai đến để lãnh món ăn được phát theo thẻ hay định kỳ đều bị nó hỏi:
– Những ai nhai, những ai uống, những ai ăn?
Nếu không trả lời được, họ sẽ bị nó làm cho xấu hổ. Vì sợ kẻ ấy, nhiều người không đi đến làng ấy để lấy phần ăn nữa:
Một hôm, một Tỷ-kheo đi đến chỗ phát thẻ và nói:
– Thưa các Tôn giả, tại làng kia có đồ ăn phát theo thẻ và định kỳ phải không?
Có người trả lời:
– Thưa Hiền giả, có. Nhưng tại đấy có một kẻ cật vấn thô lỗ hỏi các câu và nếu ai không trả lời được sẽ bị nó mắng nhiếc chửi rủa. Vì sợ nó, nên không ai đi.
Tỷ-kheo ấy nói:
– Thưa các Tôn giả, hãy cho tôi đi lấy đồ ăn tại đấy, tôi sẽ nhiếp phục kẻ ấy, làm cho kẻ ấy khiêm tốn, khiến từ đây trở đi, khi thấy các Tôn giả, kẻ ấy sẽ xấu hổ và bỏ trốn.
Các Tỷ-kheo chấp thuận cho vị ấy đi lấy đồ ăn tại chỗ kia. Tỷ-kheo ấy đắp y đi đến cửa hàng. Thấy Tỷ-kheo ấy, tên cật vấn thô lỗ liền đi mau đến như con cừu điên, và nói:
– Này Sa môn, hãy trả lời ta.
– Này cư sĩ, sau khi đi vào làng lấy cháo và trở lại phòng đợi này, tôi sẽ trả lời.
Khi Tỷ-kheo ấy lấy cháo và trở lại phòng đợi, kẻ ấy cũng hỏi như trước. Tỷ-kheo ấy nói:
– Hãy để ta ăn cháo xong ta quét phòng và đi lấy phần cơm phát theo thẻ của ta!
Sau đó Tỷ-kheo ấy đi lấy phần cơm về rồi đưa bình bát cho người ấy cầm và nói:
– Hãy đi theo ta, ta sẽ trả lời câu hỏi của anh. Tỷ-kheo ấy dắt nó ra ngoài làng, xếp y lại, đặt y trên vai, lấy bình bát từ tay nó và đứng chờ đợi. Nó nói:
– Này Sa-môn, hãy trả lời câu hỏi của ta.
– Này cư sĩ, ta trả lời cho anh đây.
Tỷ-kheo ấy nói xong, với một cú đấm, đánh ngã tên ấy, đánh nó nhừ xương rồi quăng phân vào mặt nó, và dọa nó:
– Từ nay trở đi, nếu có Tỷ-kheo nào đến làng này, và anh còn hỏi câu nào thì anh biết ta.
Tỷ-kheo ấy nói vậy rồi bỏ đi.
Từ đấy chỉ vừa thấy bóng các Tỷ-kheo, nó liền chạy trốn.
Sau một thời gian, việc này được chúng Tăng biết rõ. Một hôm, tại Chánh pháp đường, họ bắt đầu nói chuyện ấy:
– Này các Hiền giả, nghe nói Tỷ-kheo đánh tên này, quăng phân vào mặt kẻ thô lỗ rồi bỏ đi.
Bậc Ðạo Sư đi đến và hỏi:
– Này, các Tỷ-kheo, các ông họp tại đây đang bàn vấn đề gì?
Và khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo này tấn công kẻ ấy với đồ dơ. Thuở trước, vị này cũng đã như vậy rồi.
Nói xong, bậc Ðạo Sư kể lại câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, dân chúng hai nước Anga và Magadha thường hay đi qua lại thân thiết với nhau. Một ngày nọ, họ đến ở tại một ngôi nhà giáp ranh giữa hai nước để uống rượu, ăn thịt, cá suốt đêm. Vào buổi sáng, khi tỉnh rượu, họ thắng bò vào xe rồi ra đi.
Khi họ đi rồi, một con bọ ăn phân, vì mùi phân bay đến, thấy rượu còn đọng lên đống phân, bèn uống cho đã khát. Rồi say rượu, nó leo lên đống phân nằm. Trong khi nó leo lên, một viên phân nhỏ rơi xuống, nó la to:
– Trái đất không có thể đỡ ta nổi!
Ngay lúc ấy có một con voi điên đi đến, ngửi thấy mùi phân, ghê tởm bỏ đi lui. Con bọ ăn phân thấy vậy tưởng rằng con voi sợ mình, liền nghĩ: “Nay ta phải đánh con vật lớn xác này một trận mới được”, nó liền gọi con voi ấy qua bài kệ đầu:
Anh hùng địch anh hùng,
Dũng mãnh, ta đánh nhau,
Hãy quay lại, voi kia,
Sao sợ, và bỏ chạy?
Hãy cho dân hai nước
An-ga, Ma-ga-dha,
Thấy được sức hùng mạnh
Của bác và của ta.
Con voi lắng tai nghe tiếng con bọ nói, rồi trở lại gần nó, và mắng trách nó với bài kệ thứ hai:
Ta không cần giết bọ
Bằng chân, ngà hay vòi,
Ta giết bọ bằng phân,
Hỡi vật đầy hôi thối,
Hãy chết với đồ dơ!
Rồi con voi trút xuống một bãi phân lớn ngay trên đầu con bọ và đái trên đó. Con bọ bị giết ngay tại chỗ ấy. Rồi con voi rống lên như tiếng kèn và chạy vào rừng.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con bọ ăn phân là kẻ thô lỗ này. Con voi là Tỷ-kheo và vị thần cây trong rừng tận mắt chứng kiến việc ấy là Ta vậy.
-ooOoo-
Ta tham muốn ba thành…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Bà-la-môn có tên Kàmanìta (Dục tham chi phối). Hoàn cảnh chuyện này sẽ được nêu rõ trong Tiền thân Kàma số 467, Chương mười hai.
*
Thuở xưa, vua Ba-la-nại có hai hoàng tử. Trong hai hoàng tử ấy, người anh cả đi đến Ba-la-nại và làm vua còn người em làm phó vương. Người anh làm vua ham mê của cải, dục lạc, và tham lam thắng lợi.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát làm Thiên chủ Ðế Thích nhìn xuống cõi Diêm-phù-đề, biết vua đắm say các loại dục lạc này, liền nghĩ: “Ta sẽ khiển trách vua, và làm cho vua xấu hổ”.
Bồ-tát hiện thân làm một thanh niên Bà-la-môn, và đi đến đứng nhìn vua. Vua hỏi:
– Này thanh niên Bà-la-môn, ngươi đến với mục đích gì?
Thiên chủ Ðế Thích trả lời:
– Thưa Ðại vương, thần thấy ba thành phố an ổn, phú cường, nhiều voi, ngựa, cỗ xe, bộ binh, đầy những thứ trang sức bằng vàng ròng. Ba thành ấy có thể được chiếm lấy chỉ với một đội quân rất nhỏ. Thần sẽ đến lấy những thành ấy và dâng Ðại vương:
Vua hỏi:
– Này thanh niên, khi nào chúng ta khởi binh?
– Ngày mai, thưa Ðại vương!
– Vậy ngươi hãy đi và mai đến.
– Thưa vâng, Ðại vương. Hãy mau chóng chuẩn bị quân đội.
Thiên chủ Ðế Thích nói vậy rồi đi về trú xứ của mình.
Ngày hôm sau, vua truyền đánh trống chuẩn bị quân đội, rồi gọi các đại thần và nói:
– Hôm qua, có một thanh niên Bà-la-môn đến và nói: Thần sẽ chiếm đất của ba thành Uttarapancàla, Indapatta và Kekaka dâng ngài. Nay ta sẽ đem nó đi để chiếm lấy ba thành ấy. Hãy gọi nó đến mau!
– Thưa Thiên tử, Thiên tử đã cho nó ở nơi nào?
– Ta không cho nó ở nơi nào hết.
– Nhưng Thiên tử đã cho nó tiền để trả nhà trọ không?
– Ta cũng không cho.
– Vậy sao chúng thần kiếm nó được?
– Hãy tìm nó tại những con đường trong thành.
Họ đi tìm nhưng không thấy vị ấy, liền trở về trình vua:
– Thưa Ðại vương, chúng thần tìm không thấy nó.
Vua suy nghĩ: “Một vinh quang lớn như vậy đã bị tiêu tan”. Nỗi sầu muộn khủng khiếp khởi lên, tâm vua trở thành nóng bức, máu bị dao động, và bệnh kiết lỵ phát ra tấn công vua, các thầy không thể chữa trị được.
Sau ba bốn ngày, Ðế Thích nghĩ đến vua, biết vua bị bệnh, ngài tự bảo: “Ta sẽ chữa trị cho vua”.
Ðế Thích giả dạng một Bà-la-môn đi đến đứng trước cửa cung và báo tin: Một thầy thuốc Bà-la-môn xin đến chữa bệnh Ðại vương.
Khi nghe vậy vua nói:
– Các đại danh sư của triều đình cũng không thể chữa lành trẫm được. Thôi hãy cho nó một số tiền lộ phí rồi bảo nó đi.
Ðế thích nghe vậy, liền đáp:
– Ta không cần tiền trả nhà trọ, ta không lấy tiền chữa trị, ta sẽ chữa bệnh cho vua mau lành. Hãy để ta gặp vua.
Khi nghe vua nói:
– Vậy hãy để nó đến.
Ðế Thích đi vào, chúc vua thắng trận và đứng một bên. Vua hỏi:
– Ngươi muốn chữa bệnh cho trẫm đó ư?
– Thưa Thiên Tử, vâng.
– Vậy hãy chữa đi!
– Thưa Thiên tử, vâng. Hãy cho thần biết triệu chứng bệnh trạng. Do nhân duyên nào bệnh khởi lên. Do Ðại Vương ăn gì, uống gì hay do Ðại Vương thấy gì, nghe gì?
– Này khanh, bệnh của trẫm phát ra do nghe một chuyện.
– Thiên tử nghe chuyện gì?
– Này khanh, một thanh niên Bà-la-môn đến và nói: Thần sẽ lấy ba thành dâng Ðại vương. Nhưng trẫm không cho nó trú xứ ở, cũng không cho tiền để trả nhà trọ, chắc nó giận trẫm, và đã đi đến một ông vua khác rồi! Trẫm nghĩ rằng một sự vinh quang lớn như vậy đã bị tiêu tan, nên chứng bệnh phát ra. Nếu có thể, khanh hãy chữa trị chứng bệnh do tâm trẫm tham muốn.
Ðể rõ ý nghĩa này, vua đọc bài kệ đầu:
Ta tham muốn ba thành,
Mỗi thành xây trên núi,
Thành tên Pan-ca-la,
Cu-ru, Ke-ca-ca,
Hỡi chàng Bà-la-môn,
Ta còn muốn hơn nữa,
Hãy chữa ta căn bệnh,
Nô lệ của dục tham.
Ðế Thích nói:
– Thưa Ðại vương, bệnh của ngài không thể chữa bằng thuốc rễ cây v.v… bệnh của ngài chữa bằng thuốc tri kiến.
Rồi Ðế Thích đọc bài kệ thứ hai:
Có người chữa trị được,
Vết cắn của rắn đen,
Bậc hiền trí chữa trị,
Người bị ma quỷ ám,
Không ai chữa trị được
Người nộ lệ dục tham.
Làm sao chữa trị được,
Kẻ thối thất tinh cần?
Như vậy, bậc Ðại Sĩ nêu rõ ý nghĩa này rồi nói thêm như sau:
– Thưa Ðại vương, nếu ngài có lấy được ba thành ấy, và cai trị đất nước của bốn thành này, Ðại vương có thể mang bốn bộ áo một lần chăng? Có thể ăn trong bốn đĩa bằng vàng chăng? Và nằm ngủ trên bốn long sàng lộng lẫy chăng? Thưa Ðại Vương, không nên để dục tham chi phối. Dục tham là cội gốc của tội ác. Ai để dục tham tăng trưởng sẽ bị đọa vào tám địa ngục lớn, mười sáu địa ngục nhỏ cùng với nhiều loại khổ đau khác.
Như vậy, bậc Ðại Sĩ dọa vua ấy với những cảnh địa ngục rồi thuyết pháp cho vua nghe. Vua nghe pháp, hết sầu muộn, và trong chốc lát được khỏi bệnh.
Ðế Thích khuyến giáo vua xong, an trú vua vào giới luật, và đi về thiên giới. Còn vua, từ đấy về sau làm các công đức bố thí v.v… và khi mệnh chung, đi theo nghiệp của mình.
*
Khi thuyết Pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân:
– Lúc bấy giờ, nhà vua bị tham dục chi phối là Tỷ-kheo này, còn Ðế Thích là Ta vậy.
-ooOoo-
Với các voi tối thắng…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về du sĩ ngoại đạo Palàyi. Vì mục đích biện luận, vị này đi khắp mọi nơi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ) và không gặp ai có khả năng đối thoại, liền đi đến Xá-vệ và hỏi các người tại đây:
– Có ai đủ khả năng biện luận với ta không?
Họ nói:
– Có một người đủ khả năng biện luận với một ngàn người như ông. Vị ấy là bậc Nhất thiết trí, bậc tối thắng giữa những loài hai chân, Ðạo Sư Gotama, bậc Pháp Vương, bậc nhiếp phục mọi đối thủ ngoại đạo trong toàn cõi Diêm-phù-đề, không người ngoại đạo nào có khả năng biện luận với bậc Thế Tôn ấy. Như các ngọn sóng tràn vào bờ biển, tất cả biện luận ngoại đạo chạm đến gót chân Ngài đều bị tan tác vỡ vụn.
Họ nói lên các công đức của các đức Phật như vậy.
Du sĩ ngoại đạo ấy hỏi:
– Vị ấy nay ở đâu?
– Ở Kỳ viên.
– Nay ta sẽ có cuộc đối thoại với vị ấy.
Rồi được vây quanh với một đám đông người, du sĩ ấy đi vào Kỳ viên, thấy cửa thành ngoài do vương tử Jeta (Kỳ-đà) đã dùng chín mươi triệu đồng vàng để xây dựng liền hỏi:
– Ðây có phải lâu đài trú xứ của Sa-môn Gotama không?
Khi được trả lời đây chỉ là cửa thành ngoài, du sĩ ấy nói:
– Cửa thành còn như vậy, thì trú xứ của vị ấy để như thế nào nữa?
Khi nghe nói các Hương phòng thật là vô lượng, vị ấy liền nghĩ: “Với một Sa-môn như vậy, ai có thể biện luận được”. Nói vậy xong, vị ấy liền bỏ trốn. Quần chúng la ó và ùa vào Kỳ Viên. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Các ngươi đến phi thời như vậy vì mục đích gì?
Họ trình Ngài chuyện ấy. Ngài nói:
– Này các cư sĩ, không phải chỉ nay, nhưng thuở trước cũng như vậy, chỉ thấy cửa thành ngoài trú xứ của Ta, vị ấy cũng bỏ chạy rồi.
Rồi theo yêu cầu của các cư sĩ, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, tại xứ Gandhàra, Bồ-tát làm vua ở Takkasilà, còn Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại. Brahmadatta quyết định lấy Takkasilà, và mang đến một đạo quân lớn, cắm trại không xa thành bao nhiêu.
Brahmadatta truyền lệnh bày binh bố trận xa như sau:
– Ðây là chỗ các con voi, đây là chỗ các con ngựa, đây là chỗ các con xe, đây là chỗ các bộ binh. Như vậy các ngươi hãy tấn công và đánh phá với mọi vũ khí. Như trời đổ mưa xuống, các ngươi hãy làm một trận mưa tên đổ xuống.
Rồi vua đọc hai bài kệ này:
Với các voi tối thắng,
Như mây bão trên trời!
Với các ngựa tối thắng,
Quây tròn như vòng hoa!
Với xe như đợt sóng,
Với tên như mưa rào,
Với quân kiếm cầm tay,
Bủa vây chém dữ dội,
Chúng bao vây trọn vẹn,
Thành Tak-ca-si-là,
Cho đế khi địch quân
Phải ngã nhào xuống đất!
Hãy xông tới đánh chúng,
Hãy nhào tới đạp chúng!
Hãy la lớn khởi binh,
Hãy hát khúc hành quân!
Trong khi các đàn voi,
Ðồng thét lên vâng dội.
Hãy cất cao giọng nói
Náo động giữa chiến trường,
Như sấm chớp lóe sáng,
Ầm ầm giữa không gian.
Như vậy, vua la hét cho quân chuyển động, và tiến đến gần cửa thành. Khi thấy cửa thành với lâu đài, tháp canh, Brahmadatta liền hỏi:
– Ðây có phải cung điện của vua chăng?
Họ trả lời:
– Ðây là cửa thành với lầu tháp.
Vua ấy liền nói:
– Tháp ở cửa thành như vậy thì cung điện của vua sẽ như thế nào?
Họ trả lời:
– Cung điện giống như lâu đài Vejayanta của Thiên chủ Ðế Thích!
Vua nghe vậy liền kết luận:
– Ta không bao giờ có thể chiến đấu với một vị vua vinh quang như vậy!
Và chỉ thấy lầu tháp ở cửa thành ngoài, vua liền quay trở lui, bỏ chạy về Ba-la-nại.
*
Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vua Ba-la-nại là du sĩ ngoại đạo Pa-là-yi, còn vua Takkasilà là Ta vậy.
-ooOoo-
Cờ xí ta vô lượng…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một du sĩ ngoại đạo. Trong câu chuyện này, du sĩ ngoại đạo ấy đi vào Kỳ Viên. Lúc bấy giờ, bậc Ðạo Sư được hội chúng đông đảo vây quanh, ngồi trên pháp tọa được trang hoàng rực rỡ trên tấm thảm đỏ, đang rống tiếng rống sư tử. Du sĩ ngoại đạo thấy thân hình bậc Ðạo sư như thân hình Phạm Thiên, thấy mặt Ngài sáng chói như trăng rằm, với cái trán như một dĩa bằng vàng, liền nghĩ: “Ai có thể chiến thắng một người như vậy”, liền quay trở lui, lẫn vào trong đám đông và bỏ chạy. Ðại chúng đuổi theo kẻ ấy rồi quay vào, báo cáo câu chuyện cho bậc Ðạo Sư rõ. Ngài nói:
– Không phải chỉ nay du sĩ ngoại đạo ấy làm như vậy. Thuở trước, thấy mặt ta sáng chói, kẻ ấy cũng bỏ chạy như vậy rồi.
Rồi Ngài kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, Bồ-tát làm vua trị vì Ba-la-nại. Còn tại Takkasilà, có một vị vua của xứ Gandhàra. Vua ấy nói:
– Ta sẽ đánh chiếm Ba-la-nại.
Rồi vua đi đến vây thành với bốn loại binh chủng. Ðứng trước cửa thành, nhìn quân đội của mình. Vua tự bảo:
– Ai có thể đánh thắng được một quân đội như vậy?
Rồi vua tán thán quân đội của mình với bài kệ:
Cờ xí ta vô lượng,
Không ai đối địch nổi,
Dầu quạ bay từng đàn,
Ðâu chận đứng được biển!
Chẳng khác gì ngọn núi
Không bị bão thổi bạt,
Nay ta cũng như vậy,
Không ai chinh phục ta.
Bồ tát nghe lời khoe khoang của vua xứ Gandhàra như vậy, liền xuất hiện trước cửa thành với gương mặt chói sáng như trăng rằm, và nói:
– Này kẻ ngu si kia, đừng nói lảm nhảm vô ích! Nay ta sẽ đạp nát quân đội của ngươi như con voi điên đạp nát cánh rừng cây lau.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Chớ nói lời ngu muội
Chẳng có ai bằng ngươi!
Ngươi lảm nhảm mất trí,
Sao chế ngự được ta?
Chẳng khác ngươi tấn công
Con voi dữ độc hành,
Với chân chà ngươi nát
Như chà nát cọng lau!
Khi vua xứ Gandhàra nghe lời Bồ-tát dọa chà nát, liền ngẩng đầu lên, thấy vầng trán của Bồ-tát như cái dĩa bằng vàng, ông hoảng hốt vì sợ bị bắt liền quay lùi, bỏ chạy về thành của mình.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này xong. Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, vua xừ Gandhàra là du sĩ ngoại đạo Palàyi, còn vua Ba-la-nại là Ta vậy.
PHẨM UPÀHANA
Như người mua giày hư…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa.
Các Tỷ-kheo họp tại Chánh pháp đường, bắt đầu nói chuyện này:
– Thưa ngài Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa phản lại bậc Sư trưởng, trở thành kẻ chống đối, kẻ thù địch của đức Như Lai và gặp tai nạn.
Bậc Ðạo Sư đi đến Pháp đường và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi họp đang luận bàn vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới phản lại bậc Sư trưởng, trở thành kẻ chống đối, kẻ thù địch của Như Lai, và gặp đại nạn. Thuở trước, kẻ ấy cũng đã như vậy.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một người huấn luyện voi. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát được thành thục trong nghề huấn luyện voi. Một thanh niên Bà-la-môn ở một làng của nước Kàsi đến học nghề với Bồ-tát. Trong khi dạy nghề, các vị Bồ-tát thường không giấu giếm điều gì cả. Những gì các vị hiểu biết đều đem dạy cho tất cả. Do vậy, thanh niên ấy học mọi nghề với Bồ-tát và hiểu biết không sót một chút gì. Khi người thanh niên học xong, liền thưa vời Bồ-tát.
– Thưa Sư trưởng, nay con xin đi phục vụ vua.
Bồ-tát nói:
– Lành thay!
Rồi Bồ-tát đi đến yết kiến vua và thưa:
– Thưa Ðại vương, đệ tử của thần muốn phục vụ ngài.
– Tốt lắm, hãy để nó phục vụ trẫm.
– Nhưng Ðại Vương có biết tiền lương là bao nhiêu?
– Ðệ tử của khanh sẽ không nhận được tiền lương như khanh. Nếu khanh nhận được một trăm, nó sẽ nhận năm mươi. Nếu khanh nhận được hai, nó sẽ nhận một!
Bồ-tát đi về nhà báo tin cho đệ tử của mình. Anh ta nói:
– Thưa Sư trưởng, con biết nghề giống như Sư trưởng, nên tay nghề bằng nhau. Nếu tiền lương bằng nhau, thì con sẽ phục vụ. Nếu không, con sẽ không phục vụ.
Bồ-tát trình cho vua biết. Vua nói:
– Nếu nó làm được việc bằng khanh, nếu nó có thể cho thấy tài nghệ của nó bằng tài nghệ của khanh, thì nó sẽ nhận lương bằng khanh.
Bồ-tát báo tin ấy cho đệ tử biết. Anh ta nói:
– Tốt lắm, con sẽ trổ tài.
Bồ-tát lại trình vua.
Vua nói:
– Vậy ngài mai, các khanh sẽ trổ tài nghệ.
– Lành thay, chúng thần sẽ trổ tài.
Nhà vua liền ra lệnh đánh trống báo tin.
– Ngày mai cả Sư trưởng và đệ tử đều trổ tài nghệ huấn luyện voi. Ngày mai, những ai muốn xem hãy họp tai sân của hoàng cung để xem.
Vị sư trưởng suy nghĩ: “Ðệ tử của ta qua huyênh hoang tự mãn, nó tưởng nó có cái tài năng bằng ta trong khi nó chưa biết hết mọi phương tiện thiện xảo của ta”.
Sư trưởng chọn một con voi và trong một đêm, vị ấy dạy nó làm mọi việc trái ngược. Sư trưởng dạy nó đi lui trong khi bảo nó đi tới, và dạy nó đi tới trong khi bảo nó đi lui; dạy nó nằm khi bảo nó đứng dậy; dạy nó đứng khi bảo nó nằm; dạy nó thả rơi khi bảo nó nhặt lên; và dạy nó nhặt lên khi bảo nó thả xuống.
Ngày hôm sau, sư trưởng leo lên con voi ấy đi đến sân của hoàng cung. Người đệ tử cũng cưỡi một con voi thật đẹp. Một đám đông người tụ họp tại đó. Cả hai đều trổ tài nghệ giống nhau. Rồi Bồ-tát bảo con voi của mình làm việc trái ngược với mệnh lệnh. Khi bảo nó đi tới, nó lại đi lui. Khi bảo nó đứng, nó lại nằm. Khi bảo nó nằm, nó lại đứng dậy. Khi bảo nó nhặt lên, nó thả rơi. Khi bảo nó thả rơi, nó lại nhặt lên. Ðại chúng la ó lên:
– Kẻ đệ tử độc ác kia, chớ đối địch với sư trưởng của ngươi. Ngươi không biết lượng sức mình, khi ngươi nghĩ: “Ta biết trổ tài như sư trưởng”.
Quần chúng đánh anh ta với gạch, gậy gộc và giết chết anh ta ngay tại chỗ.
Bồ-tát từ trên voi bước xuống đi đến trước mặt vua và thưa:
– Thưa đại vương, người ta học nghề để mưu cầu an lạc cho mình. Nhưng có một người do học nghề tự đem lại đại nạn, giống như chiếc giày hư đem lại khổ đau.
Nói vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ:
Như người mua giày hư
Mong giày đem an lạc,
Không ngờ, giày đem khổ,
Bị nóng bức đốt cháy
Gót chân bị bức bách,
Chân người ấy bị thương.
Cũng vậy kẻ phàm phu,
Sanh gia đình hạ tiện,
Ðến người để học nghề,
Và học cả mọi việc,
Chính do thiếu hiểu biết,
Trở lại làm hại mình,
Kẻ nông nổi nóng vội
Giống như chiếc giày hư.
Vua vô cùng hoan hỷ và đem thưởng Bồ-tát nhiều danh vọng vinh hiển.
*
Sau khi thuyết Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, người đệ tử là Ðề-bà-đạt-đa và vị sư trưởng là Ta vậy.
-ooOoo-
Việc này do con nghĩ…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một thiếu nữ.
Nàng ấy là một triệu phú ở Xá-vệ, thấy trong nhà mình một con bò đực được cung kính, liền hỏi người vú:
– Này vú, ai lại được cung kính như vậy?
– Thưa cô, đó là con ngưu vương.
Rồi thiếu nữ ấy đứng trong lâu đài nhìn ra đường, thấy một kẻ lưng gù và suy nghĩ: “Giữa loài bò, con đầu đàn có một cái bướu trên lưng. Người đứng đầu loài người chắc cũng như vậy. Người này sẽ làm chủ loài người. Ta sẽ trở thành kẻ hầu hạ của người này”.
Thiếu nữ ấy sai nữ tì báo cho người lưng gù này biết:
– Con gái nhà triệu phú muốn đi với chàng. Hãy đi đến chỗ ấy và đứng đợi.
Rồi nàng thu góp và đem theo các thứ nữ trang vật dụng của mình, rồi cải trang, từ lầu bước xuống và đi trốn với người gù lưng.
Sau một thời gian việc làm ấy được thành phố và chúng Tỷ-kheo biết đến. Tại Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo bắt đầu nói chuyện này:
– Này các Hiều giả, con gái nhà triệu phú đã trốn đi với một người lưng gù.
Giữa lúc ấy, bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông đang họp bàn vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay cô ta mới đam mê người lưng gù. Thuở trước cô ta cũng như vậy rồi!
Và bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình một vị triệu phú ở một thị trấn.
Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát lập gia đình, sanh được một con trai và một con gái. Bồ-tát muốn cưới con gái một của một triệu phú ở Ba-la-nại cho con trai mình và chọn ngày làm lễ cưới. Con gái vị triệu phú ấy thấy trong nhà mình một con bò đực được cung kính, liền hỏi người vú:
– Ai đấy?
Ngưới vú nói:
– Ðây là con bò chúa.
Sau đó cô gái thấy một người lưng gù đang đi giữa đường lại nghĩ: “Ðấy là người tối thượng giữa loài người”, bèn đem theo mọi thứ trang sức vật dụng và trốn theo người ấy.
Còn Bồ-tát suy nghĩ: “Ta sẽ rước con gái vị triệu phú về nhà”, liền lên đường đi đến Ba-la-nại, với một đám tùy tùng lớn.
Người gù lưng và cô gái cũng đi trên con đường ấy. Suốt đêm người gù lưng bị lạnh, vào lúc rạng đông, anh ta bị cảm gió, thân thể run rẩy vô cùng đau khổ. Anh ta ngã xuống, nằm co quắp bên đường như cần cây đàn cầm bị gãy, con cô gái nhà triệu phú ngồi dưới chân anh ta. Bồ-tát và người tùy tùng nhận ra nàng, đi đến, nói chuyện với con gái nhà triệu phú qua bài kệ đầu:
Việc này do con nghĩ,
Ngu si, không người dắt,
Ở một bên kẻ ngu,
Không xứng đáng với con.
Nghe Bồ-tát nói vậy, con gái nhà triệu phú đọc bài kệ thứ hai:
Nghĩ là người tối thượng,
Con yêu kẻ gù lưng,
Nay nó nằm cong queo,
Như đàn cầm dây đứt.
Bồ-tát biết rằng nàng chỉ hóa trang đi theo người gù nên cho nàng tằm rửa, trang điểm cho nàng rồi đưa nàng lên xe về nhà.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ chính người này là con gái nhà triệu phú và vị triệu phú thành Ba-la-nại là Ta vậy.
-ooOoo-
Ngươi muốn đi chỗ nào…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tần.
Vị ấy được đưa đến Chánh pháp đường và được bậc Ðạo Sư hỏi:
– Có thật thế chăng?
Tỷ-kheo ấy trả lời:
– Thật có vậy.
– Vì sao thối thất tinh tấn?
Vị ấy trả lời:
– Vì nhân duyên các dục.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Các dục, này Tỷ-kheo, giống như mũi tên có ngạnh đâm vào trong tim. Khi đã đâm vào đấy, nó có thể giết người như mũi tên giết con cá sấu.
Nói xong, bậc Ðạo Sư kể một câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, Ðạo Sư làm vua trị vì đúng pháp ở Ba-la-nại.
Một hôm vua đi vào công viên, đến trên bờ hồ xem những người thiện xảo về múa hát trên bờ hồ xem những người thiện xảo về múa hát bắt đầu biểu diễn. Ðàn cá và đám rùa thích nghe tiếng hát, tụ tập lại và đi theo vua. Vua thấy đàn cá dài bằng thân cây cọ dừa, liền hỏi các đại thần.
– Sao những con cá này lại đi theo ta như vậy?
Các đại thần trả lời:
– Chúng đang hầu Thiên tử.
Vua bằng lòng với lời nói ấy, và ra lệnh cho chúng ăn cơm thường xuyên hàng ngày. Một số cá vào giờ ăn, một số khác không đến và cơm bị phí phạm. Các người hầu tâu với vua sự kiện này. Vua ra lệnh:
– Bắt đầu từ nay, vào giờ cơm hãy đánh trống. Khi nghe tiếng trống, các con cá tụ họp lại hãy cho chúng cơm.
Từ đấy người nào cho cá ăn cơm cũng đánh trống và khi đàn cá họp lại, anh ta cho chúng ăm cơm. Khi các con cá đang ăn cơm, một con cá sấu đến ăn vài con cá. Người cho cơm trình vua việc ấy. Vua nghe nói vậy liền ra lệnh:
– Khi con cá sấu ăn cá, hãy bắn nó với mũi tên có ngạnh và bắt nó.
– Thưa vâng, tốt lắm. Người ấy nói.
Rồi anh ta lên một chiếc thuyền và ngay khi con cá sấu đến ăn cá, anh ta đâm nó bằng một mũi tên có ngạnh. Mũi tên bắn vào lưng, con cá sấu đau đớn điên cuồng mang theo mũi tên chạy trốn. Người cho cơm biết mũi tên đã trúng con cá sấu, gọi nó với bài kệ đầu:
Ngươi muốn đi chỗ nào,
Hãy đi đến chỗ ấy,
Mũi tên ta có ngạnh,
Ðã bắn trúng ngươi rồi.
Nghe tiếng trống gọi cơm,
Ngươi tham lam đã đến,
Ðuổi bắt ăn đàn cá,
Nên ngươi phải mạng chung.
Con cá sấu đi về chỗ ở của mình và chết tại đấy.
Bậc Ðạo Sư là bậc Chánh Giác muốn giải thích sự việc này, liền đọc bài kệ thứ hai:
Các thú vật trong đời,
Khi đã bị cám dỗ
Và chúng bị chinh phục
Bởi dục vọng của mình,
Chúng sẽ bị giết hại
Giữa bà con, bạn bè,
Như con các sấu ấy
Ði theo ăn đàn cá.
*
Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo thối thất đã đắc quả Dự lưu, và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vua Ba-la-nại là Ta vậy.
-ooOoo-
Nay chính nhờ chàng làm…,
Câu chuyện này, bậc Ðạo Sư kể trong khi trú tại Kỳ Viên về một thiếu nữ.
Ở Xá-vệ, trong gia đình một người hầu hạ hai vị Ðại đệ tử của bậc Ðạo Sư, có một thiếu nữ tuyệt sắc. Khi nàng lớn lên, nàng được gả cho một gia đình tương xứng. Nhưng người chồng không nghĩ gì đến nàng, thường tham đắm vui chơi các chỗ khác. Nàng không để ý đến sự vô lễ của chồng đối với mình, đã mời hai vị Ðại đệ tử đến để cúng dường bố thí, nghe pháp và chứng quả Dự lưu. Từ đấy trở đi nàng sống an lạc trong đạo và quả. Về sau nàng nghĩ: “Chồng ta không cần ta, ta không có việc gì phải sống trong gia đình, vậy ta sẽ xuất gia”. Vì vậy, nàng báo tin cho cha mẹ rồi xuất gia và chứng quả A-la-hán.
Việc làm của nàng được các Tỷ-kheo biết đến. Một hôm, tại Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo bắt đầu nói chuyện này:
– Thưa các Hiền giả, người con gái của gia đình ấy cố gắng đi tìm mục đích tối thượng. Biết được người chồng không kể gì đến mình, nàng cúng dường hai vị Ðại đệ tử, rồi nghe pháp với hai vị ấy và được an trú trong quả Dự lưu. Sau đó nàng xin phép mẹ cha, xuất gia và chứng quả A-la-hán. Như vậy, này các Hiền giả, thiếu nữ ấy đã đạt mục đích đối thượng.
Trong lúc ấy, bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông hội họp và bàn vần đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, Ngài nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay thiếu nữ gia đình này đi tìm mục đích tối thượng. Thuở trước, nàng cũng đã làm như vậy rồi.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát xuất gia làm vị ẩn sĩ khổ hạnh đạt được các Thắng trí, và các Thiền chứng rồi sống tại khu vực Hy-mã-lạp-sơn. Lúc bấy giờ, vua Ba-la-nại thấy con mình là hoàng tử Brahmadatta đầy uy nghi, oai vệ, sinh nghi ngờ, và đuổi con ra khỏi quốc độ.
Hoàng tử đem theo vợ mình tên Asitabhù, đi vào Tuyết sơn, ăn cá, thịt, các loại rau quả và trú tại một am thất bằng lá. Hoàng tử thấy một nữ thần chim và đam mê nàng; chàng muốn lấy nàng làm vợ, không đếm xỉa đến Àsitàbhù.
Aistàbhù thấy chồng mình đi theo nữ thần liền nghĩ: “Người này không đếm xỉa gì đến ta, và đi theo nữ thần, vậy cần nó làm gì?”
Nghĩ vậy tâm nàng không vui, nàng đi đến gặp Bồ-tát, đảnh lễ, và xin ngài dạy cho nàng một đối tượng để quán tưởng.
Nàng nhìn vào đối tượng ấy, rồi phát triển các Thắng trí và các Thiền chứng. Nàng đi đến Bồ-tát, và đảnh lễ rồi trở về đứng trước cửa thảo am của mình.
Bấy giờ Brahmadatta đi theo nữ thần chim, nhưng tìm khắp không thấy được con đường nữ thần chim ấy đi, chàng thất vọng, hướng mặt về phía chòi lá của mình. Asitàbhù thấy chồng đi đến, bèn bay lên hư không, đứng trên tầng trời có màu sắc châu báu, và nói:
– Này Tôn giả trẻ tuổi, nhờ chàng ta đã chứng được an lạc thiền định này.
Và nàng đọc bài kệ đầu:
Nay chính nhờ chàng làm,
Ta hết say đắm dục,
Như ngà bị cưa đứt,
Không thể gắn lại được.
Nói vậy xong, trước mắt chàng, nàng bay lên hư không và đến một chỗ khác. Khi nàng đi rồi, hoàng tử Brahmadatta than thở qua bài kệ thứ hai:
Như tham lam quá độ,
Làm tâm trí si mê
Cướp đi mọi công đức,
Ta đánh mất vợ ta!
Hoàng tử khóc than với bài kệ này, rồi sống một mình trong rừng. Khi vua cha băng hà, chàng trở về nhận vương quốc.
*
Khi thuyết Pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, hoàng tử và công chúa là hai người này, còn vị ẩn sĩ khổ hạnh là Ta vậy.
-ooOoo-
Này Vac-cha-Na-kha…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Roja, một người của bộ tộc Malla.
Người này là bạn cư sĩ của Tôn giả Ànanda, một hôm, gởi một bức thư nhắn tin mời Tôn giả đến thăm mình. Tôn giả xin phép bậc Ðạo Sư và ra đi. Sau khi đãi Tôn giả ăn các món thượng vị khác nhau, vị ấy ngồi xuống một bên, nói chuyện thân mật với Tôn giả, và mời Tôn giả thọ hưởng cuộc sống đầy đủ dục lạc ở nhà mình:
– Thưa Tôn giả Ananda, nhà tôi rất nhiều kho động sản và bất động sản. Tôi sẽ chia tài sản này làm hai và tặng Tôn giả một nửa. Hãy đến đây, chúng ta chung sống trong một gia đình.
Vị Trưởng lão nói cho bạn biết sự nguy hiểm của các dục, rồi từ chỗ đứng dậy, đi về tinh xá.
Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Ànanda, ông có gặp Roja không?
Trưởng lão trả lời:
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
– Roja nói chuyện gì với ông?
Trưởng lão trả lời:
– Bạch Thế tôn, Roja mời con sống đời gia đình. Con nói lên những nguy hiểm của một đời sống gia đình cho bạn con.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Ànanda, không phải chỉ nay Roja, người Malla ấy mời các vị xuất gia sống đời gia đình. Lúc trước kẻ ấy cũng đã làm như vậy rồi.
Rồi theo yêu cầu của Tôn giả Ànanda, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở một thị trấn. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài xuất gia làm vị ẩn sĩ sống lâu ngày tại khu vực Tuyết sơn.
Vì mục đích lấy muối và giấm, ngài đi đến Ba-la-nại trù ở công viên của vua. Hôm sau vị ẩn sĩ đi vào thành.
Bấy giờ một vị triệu phú ở Ba-la-nại hoan hỷ với uy nghi của Bồ-tát, đưa ngài về nhà, mời ngài thọ trai.
Ngay khi được ngài nhận lời ở lại với mình, vị ấy đem ngài vào ở trong hoa viên và thường đến phục vụ ngài đủ mọi nhu cầu.
Hai người nảy sinh tình thân mến với nhau.
Một hôm vị triệu phú Ba-la-nại, vì thương mến Bồ-tát, suy nghĩ như sau: “Ðời sống xuất gia thật cực khổ. Ta sẽ khuyên bạn ta từ bỏ xuất gia. Ta sẽ chia tất cả tài sản ta làm hai và cho bạn một nửa, rồi hai chúng ta cùng chung sống với nhau”.
Vị vậy, một hôm sau khi ăn uống xong, nói chuyện thân mật với bạn, vị triệu phú Ba-la-nại nói:
– Thưa Tôn giả Vacchanakha, đời sống xuất gia đầy phiền toái. Ðời sống gia đình đầy an lạc. Hãy hoàn tục, và hai chúng ta cùng thọ hưởng các dục lạc với nhau.
Nói vậy xong, vị triệu phú đọc bài kệ đầu:
Này Vac-cha-na-kha,
An lạc thay gia đình,
Ðầy đủ thứ vàng bạc,
Ðầy đủ các món ăn,
Ở đây, ăn và uống,
Rồi nằm dài thỏa thích!
Nghe vậy, Bồ-tát nói:
– Này đại triệu phú, bạn đắm say dục lạc, vì không có trí, bạn tán thán công đức của đời tại gia, không tán thán công đức của đời xuất gia. Tôi sẽ nói với bạn mọi phiền toái của đời sống gia đình. Nay hãy lắng nghe. Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Người sống trong gia đình,
Không bao giờ an lạc,
Người ấy thường nói láo,
Người ấy thường lừa đảo,
Người ấy thường đánh đập,
Làm hại những người khác,
Các tội lỗi như vậy,
Làm sao chế ngự được,
Vậy ai nay còn muốn
Sống ở trong gia đình?
Với những lời này bậc Ðại sĩ nới lên những khuyết điểm của đời sống gia đình, rồi đi đến hoa viên như cũ.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vị triệu phú Ba-la-nại là Roja, người của bộ tộc Malla, còn ẩn sĩ Vacchanakha là Ta vậy.
-ooOoo-
Thật trắng thay chim này…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một kẻ giả dối. Khi kẻ ấy được đưa đến trước mặt bậc Ðạo sư, Ngài nói:
– Này các Tỷ-kheo, người này không những nay mà thuở xưa đã là một kẻ giả dối.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là con cá vua sống trong cái hồ ở khu vực Tuyết Sơn cùng với một số lớn cá tùy tùng.
Lúc ấy một con cò muốn ăn các con cá tại chỗ gần hồ nước. Vì vậy nó cúi đầu, dang cánh ra, nhìn các con cá một cách mơ màng, chờ đợi khi nào chúng mất cảnh giác thì bắt chúng.
Bấy giờ, Bồ-tát cùng với đàn cá đi tìm mồi, đến tại chỗ ấy. Ðàn cá thấy con cò đang rình mồi liền đọc bài kệ đầu:
Thật trắng thay chim này,
Loài chim hai lần sanh,
Chẳng khác gì hoa súng,
Lặng lẽ dang hai cánh,
Im lặng, mơ màng nhìn,
Như trầm tư mặc tưởng!
Bồ-tát nhìn con cò, và đọc bài kệ thứ hai:
Con cò ấy làm gì,
Các ngươi đâu biết được,
Vì không biết rõ ràng,
Nên có lời tán tụng
Chim hai lần tái sanh ấy
Ðang đợi giết chúng ta,
Do vậy hai cánh nó
Không vẫy, không động đậy.
Nghe nói vậy đàn cá vẫy nước và đuổi con cò đi.
*
Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con cò là kẻ giả dối này, còn vua cá là Ta vậy.
-ooOoo-
Thế Tôn, do nhân gì…,
Câu chuyện này, khi ở gần Sàketa, bậc Ðạo Sư kể về sự sanh khởi luyến ái. (Chuyện hiện tại và quá khứ giống như Tiền thân số 68, Chương năm).
*
Khi đức Như Lai đi vào tinh xá, các Tỷ-kheo hỏi:
– Bạch Thế Tôn, luyến ái bắt đầu như thế nào?
Và họ đọc bài kệ đầu:
Thế Tôn, do nhân gì,
Ở đời có số người,
Tâm hết sức lạnh nhạt.
Nhưng đối với kẻ khác,
Tâm lại rất yêu thương?
Bậc Ðạo Sư giải thích bản chất của luyến ái qua bài kệ thứ hai:
Xưa do vì sống chung,
Nay, do vì hạnh phúc,
Như vậy, luyến ái sanh,
Như sen mọc trong nước.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Hai người này là hai vợ chồng vị Bà-la-môn thời xưa và con trai của họ là Ta vậy.
-ooOoo-
Cha thân, hãy nói lên…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể kể về một vị điền chủ ở Xá-vệ.
Một hôm, đứa con trai của vị ấy ngồi trên bắp vế của cha và hỏi vị ấy về ý nghĩa cái cửa. Người điền chủ ấy nói:
– Câu chuyện này, trừ đức Phật không một ai khác có thể trả lời.
Vì vậy, ông dắt con đi đến Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo Sư thưa:
– Bạch Thế Tôn, đứa con trai của con ngồi trên bắp vế con và hỏi về ý nghĩa cái cửa. Con không biết trả lời nên đến đây. Mong Thế Tôn trả lời câu hỏi này.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này nam cư sĩ, đứa trẻ này, nay đang đi tìm lý tưởng. Thuở trước, nó cũng đã đi tìm lý tưởng, và hỏi các hiền trí câu hỏi này rồi. Các nhà hiền trí đã trả lời nó. Nhưng qua nhiều lần tái sanh chồng chất, nó không nhớ.
Rồi theo lời yêu cầu của người điền chủ, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình triệu phú. Lúc lớn lên, cha chết, Bồ-tát được hưởng địa vị của người triệu phú.
Bấy giờ con trai của Bồ-tát ngồi trên bắp vế cha và hỏi:
– Thưa cha thân, hãy nói cho con một việc chỉ gồm có một chữ nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa.
Rồi nói đọc bài kệ đầu:
Cha thân, hãy nói lên
Một chữ gồm nhiều nghĩa,
Với chữ ấy, chúng ta
Thành đạt được lý tưởng.
Người cha nói lên bài kệ thứ hai:
Một chữ đáng kính trọng,
Một chữ gồm nhiều nghĩa,
Ðó chính là tài năng,
Liên hệ với giới đức,
Gắn liền với nhẫn nhục,
Ðể con giúp bạn hữu,
Và cảnh giác kẻ thù.
Như vậy, Bồ-tát đã trả lời câu hỏi của con trai. Ðứa con trai ấy dùng phương pháp mà người cha nêu ra để thành tựu lý tưởng. Về sau, khi mệnh chung nó đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi thuyết Pháp Thoại này, bậc Ðạo Sư giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, cả hai cha con đắc quả Dư lưu. Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, người con trai ấy là người con trai ngày nay, còn Ta là triệu phú Ba-la-nại.
-ooOoo-
Khi ta là con rắn…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về vua Ajàtasttu (A-xà-thế).
Khi phụ thân của vua Pasenadi nước Kosala gả con gái cho vua Bimbisàra (Tần-bà-sa), có cho nàng một làng ở Kàsi như món tiền sắm lễ. Khi A-xà-thế giết cha là vua Bimbisàra, không bao lâu, mẫu hậu mệnh chung vì thương chồng. Sau khi mẹ mất, vua A-xà-thế vẫn hưởng lợi tức của ngôi làng ấy. Vua Kosala quyết định không để ngôi làng thuộc tài sản gia đình mình cho nghịch tử đã giết cha, và vua gây chiến với A-xà-thế.
Khi thì người cậu (tức là vua Pasenadi) chiến thắng, khi thì người cháu (tức A-xà-thế) chiến thắng. Khi A-xà-thế thắng trận, vua dương cờ lên khắp trong nước và đi về thành với khí thế tưng bừng. Khi vua thất trận, vua về sầu muộn và không cho ai biết.
Một hôm tại Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo ngồi nói chuyện này:
– Thưa các Hiền giả, khi A-xà-thế thắng người cậu thì hân hoan, còn khi thất trận thì sầu muộn.
Bậc Ðạo Sư đến Chánh Pháp đường và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông đang ngồi họp bàn vấn đề gì?
Khi được nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Không phải chỉ nay, ngày xưa cũng vậy, khi nào ai thắng trận cũng hân hoan, khi nào ai thất trận cũng sầu muộn.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con nhái. Lúc bấy giờ khắp nơi tại những hang lỗ sâu dưới sông, dân chúng thường đặt các lưới nơm để bắt cá. Một bầy cá lội vào trong một cái nơm ấy và một con rắn nước cũng bò vào thân chảy máu. Con rắn không thấy ai cứu mình, sợ chết, vội bò ra khỏi miệng rơm, và nó vô cùng đau đớn, nằm nấp một bên bờ nước.
Lúc bấy giờ, con nhái xanh nhảy đến và rơi vào miệng cái lưới. Con rắn biết không ai có thể phán xử cho mình, thấy nhái xanh nằm đấy liền hỏi:
– Này bạn nhái xanh, bạn có bằng lòng với việc làm của đàn cá này không?
Rồi nó đọc bài kệ đầu:
Khi ta là con rắn
Đi vào trong miệng nơm,
Các con cá cắn ta,
Bạn nhái có hoan hỷ
Với việc đàn cá làm?
Con nhái xanh nói:
– Vâng, thưa bạn, tôi hoan hỷ. Vì sao vậy? Khi những con cá đi vào khu vực của bạn, bạn ăn chúng. Khi bạn vào khu vực đàn cá, chúng ăn bạn. Tại khu vực của mình, tại chỗ mình kiếm ăn, không ai là không có sức mạnh.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Loài người thường ăn cướp,
Khi nào thấy được lợi,
Khi người khác ăn cướp,
Kẻ bị cướp, cướp lại.
Khi Bồ-tát phân xử vụ kiện này, đàn cá thấy chỗ yếu của con rắn nước, liền nói:
– Chúng ta sẽ bắt kẻ thù.
Ðàn cá đi ra khỏi miệng nơm, giết con rắn ngay tại chỗ rồi bỏ đi.
*
Sau khi nói pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con rắn nước là A-xà-thế, còn con nhái xanh là Ta vậy.
-ooOoo-
Chính vua Pin-ga-la…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa.
Trong chín tháng Ðề-bà-đạt-đa đã tìm mọi cách hãm hại bậc Ðạo Sư, sau đó đất nứt nẻ và chôn vị ấy vào trong lòng đất của Kỳ Viên. Những ai sống tại Kỳ Viên và toàn dân sống ở trong vùng ấy nghe tin đều hân hoan và nói:
– Ðề-bà-đạt-đa, kẻ thù của bậc Ðạo Sư là đức Phật Chánh Giác, đã bị đất nuốt sống!
Khi nghe những lời này được lan truyền khắp nơi, dân chúng ở toàn cõi Diêm-phù-đề, các Dạ-xoa, các loài hữu tính, và chư Thiên cũng đều hân hoan vui vẻ như vậy.
Một hôm, các Tỷ-kheo họp tại Chánh pháp đường, và bắt đầu nói chuyện:
– Thưa các Hiền giả, khi Ðề-bà-đạt-đa bị nuốt vào lòng đất, quần chúng sanh hoan hỷ và nói: Ðề-bà-đạt-đa đã bị nuốt vào lòng đất rồi.
Bậc Ðạo Sư đến Chánh pháp đường và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi họp đang bàn vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa chết, đại chúng hân hoan vui mừng. Thuở trước, đại chúng cũng hân hoan, vui mừng như vậy.
Và bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, tại Ba-la-nại, vua Mahàpingala (Ðại hoàng nhãn) trị vì phi pháp và bất công, làm các nghiệp ác theo ý muốn của mình. Vua dùng hình phạt thuế má, còng chân, bức hiếp quần chúng như nghiền mía trong máy ép. Vua cay nghiệp, độc ác, hung bạo, không có một chút tình thương đối với kẻ khác. Ở nhà, vua cư xử hà khắc, nghịch ý đối với vợ, con trai, con gái, đại thần, Bà-la-môn, gia chủ v.v… Vua như là hột bụi đời vào mắt, như viên sạn trong vắt cơm, như mũi dao đâm vào gót chân.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát sanh ra làm hoàng tử của vua Mahàpingala. Suốt một thời gian dài, vua Mahàpingala trị vì rồi mệnh chung. Khi ấy dân chúng toàn thành Ba-la-nại hân hoan vui sướng, cười thật lớn, thiêu đốt thi hài vua với ngàn xe củi, và dập tắt lửa với hàng ngàn ghè nước.
Khi làm lễ quán đảnh tôn Bồ-tát lên ngôi vua, họ hân hoan vui sướng vì được một vị vua trị vì đúng pháp, dân chúng đánh trống khắp nơi ở trong thành. Dân chúng treo cờ xí trang hoàng thành phố. Tại mỗi cửa nhà, họ dựng lều, trải dầu lúa và hoa, và ngồi ăn uống trong các lều được trang hoàng đẹp đẽ ấy trên các bục gỗ được tô điểm rực rỡ.
Còn Bồ-tát ngồi trên một vương sàng tuyệt đẹp, đặt trên một cái bệ cao, dưới chiếc lọng trắng che trên đầu thật oai phong lẫm liệt. Các đại thần, Bà-la-môn, gia chủ, người đánh xe, người giữ cửa đứng bao vây xung quanh ngài. Một người giữ cửa đứng không xa, đang khóc và thở dài. Bồ-tát thấy vậy hỏi:
– Này bạn giữ của, cha ta chết, mọi người đều hân hoan vui sướng, chơi đùa ồn ào, còn bạn lại đứng khóc vậy? Cha ta có tử tế với bạn và yêu quý bạn sao?
Bồ-tát hỏi xong, đọc bài kệ đầu:
Chính vua Pin-ga-la,
Làm hại khắp mọi người,
Nay vua đã chết đi,
Ai cũng thấy thoải mái,
Phải chăng vua Hoàng nhãn
Ðã được ngươi thương yêu?
Khiến ngươi phải than khóc,
Hỡi người giữ cửa kia?
Nghe câu nói của Bồ-tát, người giữ cửa ấy nói:
– Tôi khóc không phải vì vua Mahàpingala chết làm tôi buồn. Nay tôi rất được an lạc. Trước kia mỗi khi vua Mahàpingala đi từ lầu xuống hay lên lầu, thường dùng nắm tay đánh tôi tám cái trên đầu, như cái đánh của cây búa thợ rèn. Khi vua đi đến thế giới bên kia, vua sẽ đánh tám cái trên đầu của thần Yàma giữ địa ngục như đã đánh đầu tôi. Dân chúng ở đấy sẽ nói: vua này quá ác đối với chúng tôi, và chúng sẽ gởi vua lên trên này lại. Tôi sợ vua sẽ đến và nắm tay lại đánh trên đầu tôi, nên tôi khóc.
Ðể nêu rõ ý nghĩa này, anh ta đọc bài kệ thứ hai:
Tôi không hề thương mến
Vua có con mắt vàng,
Tôi chỉ sợ một việc
Vua sẽ trở lại đây.
Vì làm hại thần Chết,
Nên từ đây vua đi,
Thần Chết bị vua hại,
Lại đưa vua trở về.
Bồ-tát nói với anh ta:
– Vua ấy bị đốt với ngàn xe củi, được tưới với trăm ghè nước, và chỗ đất được đào lên xung quanh, Chúng sanh đi đến thế giới bên kia, do sức mạnh của nghiệp không thể trở lại với thân trước được. Ngươi chớ sợ:
Rồi để an ủi anh ta, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Bị ngàn xe củi đốt,
Bị trăm ghè nước tưới,
Ðất đã bị đào quanh,
Chớ sợ vua trở lại.
Từ đấy trở đi, người giữ cửa được an tâm. Còn Bồ-tát trị vì đúng pháp và trọn đời làm công đức như bố thí v.v… rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vua Pingala là Ðề-bà-đạt-đa và vị hoàng tử là Ta vậy.
PHẨM SIGÀLA (Chó rừng)
Kiên trì trong kiêu mạn…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa. Sau khi vua A-xà-thế tín nhiệm, Ðề-bà-đạt-đa được lợi dưỡng và cung kính, nhưng tình cảm ấy không thể duy trì lâu ngày. Từ khi quần chúng thấy thần thông thị hiện khi con voi Nàlàgiri được thúc đẩy chống đức Phật thì lời dưỡng và danh vọng của Ðề-bà-đạt-đa cũng mất. Một hôm, các Tỷ-kheo trong Chánh pháp đường bắt đầu nói chuyện:
– Thưa các Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa đã cố gắng tạo được lợi nhuận và danh vọng, nhưng không thể duy trì chúng lâu ngày!
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông tụ tập ở đây, và đang bàn vấn đề gì?
Khi được biết vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa làm mất các lợi dưỡng danh vọng của mình. Lúc trước kẻ ấy cũng đã làm mất chúng như vậy.
Rồi, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát làm cố vấn tế tự cho vua, thông đạt ba tập Vệ-đà và mười tám học nghệ. Bồ-tát biết được thần chú “Chiến thắng thế giới”. (Bấy giờ thần chú này liên hệ đến thiền định).
Một hôm, Bồ-tát có ý nghĩ: “Ta sẽ tụng bài chú nầy!” Rồi ngồi tại góc sân, trên một tảng đá phẳng, Bồ-tát bắt đầu tụng chú. Nghe nói, bài chú ấy không được đọc cho người khác nghe nếu không dùng một nghi lễ đặc biệt. Do vậy, Bồ-tát đọc tại chỗ ấy. Khi Bồ-tát đang đọc chú, một con chó rừng nằm trong hang nghe bài chú ấy và đã học bài chú thuộc lòng. Nghe nói con chó rừng ấy trong một đời sống trước đã là một Ðề-bà-đạt-đa tự học thuộc bài chú Chiến thắng thế giới ấy rồi.
Bồ-tát đọc chú xong, đứng dậy và nói:
– Ta chắc chắn đã học thuộc lòng bài chú này.
Con chó rừng từ trong hang đi ra, và kêu to:
– Này Bà-la-môn, bài chú ấy, ta đã thuộc lòng tốt hơn ông rồi!
Nói xong, con chó rừng bỏ chạy, Bồ-tát đuổi theo nó một khoảng cách và nói:
– Con chó rừng này sẽ làm điều đại bất hạnh, hãy bắt lấy nó!
Con chó rừng chạy trốn vào rừng, tìm được một con chó rừng cái, liền cắn nhẹ vào thân nó. Chó rừng cái hỏi:
– Thưa ngài, có việc gì?
Con chó rừng nói:
– Ngươi có biết ta hay không?
Con chó rừng cái trả lời:
– Tôi không biết.
Con chó rừng liền đọc bài chú, ra lệnh cho hàng trăm con chó rừng, tất cả voi, ngựa, sư tử, cọp, heo rừng, các con thú và tất cả các loài bốn chân tụ họp lại xung quanh nó, và con chó rừng trở thành vua của chúng tên là Sabbadàtha (Tất cả nanh vuốt) và tôn chó rừng cái làm hoàng hậu. Trên lưng hai con voi có con sư tử, và trên con sư tử, vua chó rừng Sabbadàtha ngồi với hoàng hậu. Muôn loài vật đều tôn sùng kính trọng nó. Say mê danh vọng, con chó rừng sinh ra kiêu mạn và nói:
– Ta sẽ lấy thành Ba-la-nại.
Ðược vây quanh với tất cả loài thú bốn chân, dài đến mười hai dặm, nó đứng không xa và đưa tin cho vua:
– Hãy giao quốc độ hay giao chiến!
Dân chúng Ba-la-nại hốt hoảng lo sợ, đóng các cửa thành và đứng chờ bên trong. Bồ-tát đi đến gần vua và thưa:
– Thưa Ðại Vương, chớ sợ. Thần chịu trách nhiệm giao chiến với con chó rừng Sabbadàtha. Ngoài thần ra, không một ai khác có thể đánh nó được cả.
Như vậy, Bồ-tát trấn an vua và dân chúng ở trong thành. Bồ-tát leo lên một tháp canh trên cửa thành và hỏi to:
– Này Sabbadàtha, ngươi làm gì để lấy thành?
– Ta sẽ ra lệnh cho các con sư tử rống lên làm đại chúng hoảng sợ và ta sẽ lấy thành!
Bồ-tát biết được như vậy, bèn từ tháp canh đi xuống bảo đánh trống ra lệnh:
– Toàn dân ở thành Ba-la-nại trong khoảng muời hai dặm hãy lấy bột gạo bịt tai lại.
Ðại chúng vâng lệnh, bịt tai với bột gạo, cho đến khi họ không thể nghe tiếng của người khác, và họ cũng bịt tai các con mèo và các thú nhà khác.
Rồi Bồ-tát leo lên tháp canh lần thứ hai và gọi to:
– Này Sabbadàtha! Ngươi làm gì để đánh lấy thành?
– Ta sẽ bảo các con sư tử rống lên, làm đại chúng hoảng sợ đến chết hết và ta sẽ lấy thành.
– Ngươi không có thể làm cho các con sư tử rống lên được. Các con sư tử thuộc chủng tộc cao quý, với bốn chân vững mạnh, với bờm lông rậm rạp, sư tử sẽ không vâng lệnh một con chó rừng già như ngươi!
Con chó rừng cứng đầu kiêu mạn nói:
– Không chỉ các con sư tử khác, mà ta sẽ làm cho con sư tử hiện ta đang ngồi trên lưng phải rống lên!
– Ngươi hãy làm cho sư tử rống lên nếu có thể được.
Con chó rừng liền lấy chân ra hiệu cho con sư tử mà nó đang ngồi lên lưng:
– Hãy rống lên!
Con sư tử liền kề miệng vào trán con voi, rống lên ba lần tiếng rống sư tử không đứt đoạn. Các con voi hoảng sợ làm cho con chó rừng rơi xuống dưới chân, chúng liền lấy chân dẫm lên trên đầu chó rừng và chà nó nát vụn như bột. Như vậy Sabbadàtha bị tiêu diệt. Và các con voi nghe tiếng rống sư tử đã kinh hoàng sợ chết, đạp lên nhau và chết tại chỗ. Trừ các con sư tử, tất cả các con thú còn lại như nai, heo rừng cho đến các con thỏ, con mèo, đều chết tại chỗ. Các con sư tử chạy trốn vào rừng. Suốt muời hai dặm đường được phủ bằng đống thịt thú vật.
Lúc ấy Bồ-tát từ tháp canh đi xuống, cho mở rộng cửa thành, đánh trống và tuyên bố như sau:
– Tất cả mọi người hãy rút bột gạo ra khỏi tai của mình, và những ai muốn ăn thịt hãy đem thịt về.
Dân chúng ăn các loại thịt tươi và các thịt còn lại được họ phơi khô và để dành.
Tương truyền cách cất giữ thịt khô bắt đầu từ thời ấy.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này xong. Ngài đọc những bài kệ đầy trí tuệ sau đây:
Kiên trì trong kiêu mạn
Chó rừng ham hội chúng,
Làm vua cả đại địa,
Cả muôn loài có răng.
Cũng vậy là người nào
Ðược nhiều người vây quanh,
Tạo nên danh vọng lớn,
Giống như vua chó rừng,
Với các loài bốn chân.
Rồi ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con chó rừng là Ðề-bà-đạt-đa, vua là Ànanda, còn vị đại thần tế tự là Ta vậy.
-ooOoo-
Ngu thay, con chó này…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về con chó được ăn cơm tại một nhà nghỉ gần cửa lầu Ambala.
Người ta nói rằng từ khi nó mới sanh, nó được mấy người gánh nước đem về nuôi tại đó. Sau một thời gian, con chó ăn cơm tại đấy và thân thể trở thành to lớn. Một hôm, một người sống ở làng đến tại chỗ ấy, thấy con chó, liền cho những người gánh nước một thượng y và một đồng tiền, rồi lấy dây thừng cột nó và dắt nó đi. Con chó bị dắt đi, không cưỡng lại, không kêu; nó ăn các đồ ăn được cho, và đi theo người ấy. Người ấy nghĩ: “Con chó này đã thương mến ta, nên tháo dây thừng cho nó?” Con chó vừa được thả, liền mau chóng chạy một mạch về ngôi nhà cũ.
Các Tỷ-kheo thấy con chó, biết rõ đầu đuôi sự việc, vào buổi chiều, tại Chánh pháp đường, họ bắt đầu nói chuyện này:
– Thưa các Hiền giả, con chó, vừa khéo thoát khỏi dây trói buộc nay đã trở về ngôi nhà này.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi tại đây đang bàn luận vấn đề gì?
Khi được biết vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay con chó ấy khéo thoát khỏi dây trói buộc. Thuở xưa, nó cũng đã như vậy.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình giàu có ở nước Kàsi. Khi trưởng thành, Bồ-tát xây dựng một nhà riêng cho mình.
Lúc bấy giờ, ở Ba-la-nại, một người có một con chó. Con chó ấy được cơm ăn đầy đủ cho đến khi thân thể trở thành to lớn. Một người ở làng đi đến Ba-la-nại, thấy con chó ấy, cho người kia một thượng y và một đồng tiền, rồi bắt con chó, lấy dây da cột nó lại và dắt nó đi. Ðến cửa rừng, anh ta đi vào một cái chòi, cột con chó lại và nằm ngủ trên tấm thảm. Lúc bấy giờ, Bồ-tát có việc, đi vào rừng, thấy con chó ấy bị dây da cột chặt, liền đọc bài kệ đầu:
Ngu thay, con chó này,
Sao không cắn dây da?
Và thoát khỏi trói buộc,
Hân hoan chạy về nhà!
Khi nghe nói vậy, con chó đọc bài kệ thứ hai:
Ý ta đã quyết định,
Ta ghi nhớ trong tâm,
Ta chờ đợi thời cơ,
Khi mọi người đi ngủ.
Nó nói vậy xong, chờ khi mọi người đã ngủ, nó cắn dây thừng và sung sướng chạy trốn về nhà chú nó.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Con chó lúc bấy giờ là con chó này, còn vị hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-
Ta có một đệ tử…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa. Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo nói với Ðề-bà-đạt-đa:
– Này Hiền giả Ðề-bà-đạt-đa, nhờ bậc Chánh Ðẳng Giác, Hiền giả học xong Ba tạng Giáo điểm và chứng được Bốn Thiền. Thật không xứng đáng nếu Hiền giả trở thành kẻ thù của bậc Sư trưởng.
Ðề-bà-đạt-đa đáp:
– Này các hiền giả, Sa-môn Gotama đâu có phải là Sư trưởng của ta? Chính do tự lực của ta, ta học Ba tạng Giáo điển và chứng được Bốn Thiền.
Nói vậy xong, Ðề-bà-đạt-đa từ bỏ bậc Sư trưởng.
Các Tỷ-kheo ngồi tại Chánh pháp đường bắt đầu nói chuyện này:
– Hiền giả Ðề-bà-đạt-đa từ bỏ bậc Sư trưởng, trở thành kẻ thù của bậc Chánh Ðẳng giác, và đã gặp đại nạn!
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông đang họp bàn vấn đề gì?
Khi được biết vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới từ bỏ Sư trưởng, trở thành kẻ thù của Ta và gặp nạn. Thuở trước kẻ ấy cũng như vậy rồi.
Và bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh vào một gia đình nhạc sĩ và được đặt tên là Thanh niên Guttila. Khi lớn lên, Bồ-tát thành đạt tất cả các ngành âm nhạc, và trở thành nhạc sĩ Guttila. Bồ-tát không lấy vợ và nuôi dưỡng cha mẹ mù lòa.
Lúc bấy giờ, một số thương nhân sống ở Ba-la-nại, đi đến Ujjeni để buôn bán. Nhân ngày lễ hội được tổ chức, họ họp nhau đem theo nhiều vòng hoa, hương thơm, dầu sáp, các thức ăn, và đến một chỗ vui chơi. Họ nói:
– Hãy trả tiền thuê để gọi các nhạc sĩ đến.
Lúc bấy giờ nhạc sĩ Mùsila là vị nhạc trưởng ở Ujjeni. Họ mời Mùsila đến đàn cho họ nghe. Mùsila chơi đàn tỳ bà, vặn dây rất căng rồi gảy đàn. Nhưng họ đã từng nghe nhạc sĩ Guttila chơi đàn, nên nhạc của Mùsila chơi chẳng khác gì gảy trên chiếu. Vì vậy không một ai tỏ vẻ hài lòng.
Khi Mùsila thấy họ tỏ vẻ không hài lòng, ông ta nghĩ: “Có lẽ ta chơi đàn căng thẳng quá”, ông ta vặn dây xuống bậc trung và gảy tiếp. Các người nghe vẫn tỏ vẻ thản nhiên, ông lại nghĩ: “Những người này không biết một chút gì về nhạc”, và làm như vẻ mình không biết, ông ta gảy đàn với hết sức dùng. Ðến đây, họ cũng không nói một lời gì. Rồi Mùsila nói với họ:
– Này các thương nhân, tôi gảy đàn tỳ bà không làm cho các ông thích thú sao?
Họ nói:
– Nhưng ông gảy đàn tỳ bà đó sao? Chúng tôi nghĩ rằng ông chỉ lên dây đàn!
– Vậy các ông biết một nhạc trưởng nào giỏi hơn tôi, hay vì các ông không biết gì nên các ông không thích nghe tôi gảy?
Các thương nhân nói:
– Chúng tôi trước đây đã nghe tiếng đàn tỳ bà của nhạc sĩ Guttila ở Ba-la-nại. Còn tiếng đàn của ông chẳng khác gì bà mẹ ru ngủ con nít!
– Vậy các ông hãy lấy lại tiền mướn. Tôi không cần tiền ấy. Chỉ khi nào các ông đi Ba-la-nại, hãy đem tôi theo!
Họ bằng lòng, và khi ra đi, họ đem theo Mùsila đến Ba-la-nại, chỉ cho ông ta biết chỗ ở của Guttila, rồi họ về nhà.
Mùsila đi vào nhà của Bồ-tát, thấy cây đàn tỳ bà xinh đẹp của Bồ-tát được treo trên dây, liền lấy xuống và đàn. Bây giờ cha mẹ của Bồ-tát do mù nên không thấy Mùsila, nghĩ rằng có lẽ các con chuột đang ăn dây đàn tỳ bà, liền nói:
– Xuỵt, xuỵt! Các con chuột ăn dây đàn tỳ bà!
Lúc ấy, Mùsila đặt đàn xuống, chào cha mẹ Bồ-tát, và hai vị hỏi:
– Ông từ đâu đến?
Ông ta đáp:
– Tôi từ Ujjeni đến học nghề dưới chân sư trưởng.
Hai vị nói:
– Lành thay!
Mùsila hỏi:
– Sư trưởng ở đâu?
– Này con thân, nó không có ở nhà, nhưng hôm nay nó sẽ về.
Rồi Mùsila ngồi xuống đợi đến khi Bồ-tát về, liền nói lên những lời hỏi thăm và cho Bồ-tát biết lý do mình đến. Bồ-tát là người giỏi xem tướng, thấy người này không phải bậc chân nhân, liền từ chối:
– Này con thân, nghề này không phải là nghề của con.
Mùsila ôm chân cha mẹ Bồ-tát van lơn yêu cầu giúp đỡ.
– Hãy bảo con của ông bà dạy cho con học với!
Trước lời yêu cầu của cha mẹ, Bồ-tát không thể cưỡng lại, và dạy cho ông ta nghề nhạc. Rồi Mùsila đi với Bồ-tát không phải là vị Sư trưởng giấu nghề, những gì mình biết, Bồ-tát đều dạy cho Mùsila.
Dạy xong, Bồ-tát nói:
– Này con thân, nghề con đã học xong.
Mùsila suy nghĩ: “Nay ta học thành tài xong. Thành Ba-la-nại này là kinh đô tối thượng trong cõi Diêm-phù-đề. Sư trưởng đã già. Nay ta phải sống tại đây”.
Vì vậy ông ta liền thưa với Sư trưởng:
– Thưa Sư trưởng, nay con sẽ hầu vua.
Sư trưởng nói:
– Lành thay, con thân. Ta sẽ tâu với vua.
Bồ-tát đi tâu với vua:
– Ðệ tử của thần muốn hầu hạ Ðại vương. Hãy trả tiền lương cho nó!
– Nó sẽ nhận phân nửa lương của khanh.
Sư trưởng báo cho Mùsila biết tin này, Mùsila nói:
– Nếu con được trả tiền bằng lương của thầy, con sẽ hầu hạ vua. Nếu không được, con sẽ không hầu hạ!
– Vì sao?
– Phải chăng con biết tất cả nghề của Sư trưởng?
– Phải, con biết như vậy.
– Tại sao vua lại cho con phân nửa lương?
Bồ-tát tâu việc ấy với vua. Vua nói:
– Nếu nó có thể chứng tỏ tài nghệ nó bằng khanh, nó sẽ nhận lương ngang bằng.
Bồ-tát tin cho Mùsila biết. Ông ta đồng ý:
– Lành thay! Con sẽ trổ tài!
Khi vua được tin báo về việc này, vua nói:
– Lành thay ! Ngày nào ngươi sẽ trổ tài?
– Tâu Ðại vương, từ nay đến ngày thứ bảy.
Vua hỏi:
– Có thật chăng ngươi sẽ thi tài với Sư trưởng của ngươi?
– Thưa Ðại vương, thật vậy!
Vua muốn ngăn chận ông ta nên nói:
– Không nên có sự cạnh tranh giữa đệ tử và Sư trưởng! Chớ làm như vậy!
– Thôi vừa rồi, tâu Ðại vương. Ðến ngày thứ bảy sẽ có cuộc thử tài giữa thần với Sư trưởng của thần.
Vua chấp thuận và cho người đánh trống truyền rao khắp kinh thành lời bố cáo này:
– Từ nay cho đến ngày thứ bảy, Sư trưởng Guttila và đệ tử Mùsila có cuộc tranh tài với nhau tại cung vua để trình bày tài nghệ. Quần chúng ở thành hãy hội họp lại để xem tài nghệ của họ.
Bồ-tát suy nghĩ: “Mùsila còn trẻ đang độ thanh niên. Còn ta đã già, sức khoẻ yếu kém. Việc làm của người già không thể thành công. Nếu đệ tử thất bại, thì cũng không có gì vinh dự cả. Nhưng nếu đệ tử thắng cuộc, thì vào rừng mà chết còn tốt hơn sự ô nhục mà ta phải gánh chịu!”
Vì vậy, Bồ-tát đi vào rừng, nhưng rồi sợ chết liền quay trở về, và rồi sợ nhục, lại đi vào rừng. Như vậy Bồ-tát đi đi, về về và sáu ngày trôi qua. Cỏ dưới chân Bồ-tát đã héo úa, và con đường mòn do dấu chân ngài đi đã hiện ra. Trong lúc ấy, chiếc ngai của Thiên chủ Ðế Thích trở thành nóng. Ðế Thích hướng tâm tìm hiểu và biết sự việc xảy ra. Ðế Thích suy nghĩ: “Nhạc sĩ Guttila đang chịu nhiều đau khổ trong rừng vì người đệ tử. Ta phải giúp đỡ nhạc sĩ Guttila”.
Ðế Thích vội vàng đi đến đứng trước Bồ-tát và hỏi:
– Thưa Sư trưởng, sao Sư trưởng lại đi vào rừng?
Bồ-tát hỏi:
– Ông là ai?
Ðế Thích đáp:
– Ta là Ðế Thích.
Bồ-tát thưa:
– Thưa Thiên chủ, tôi sợ đệ tử đánh bại nên trốn vào rừng.
Nói rồi Bồ-tát đọc bài kệ đầu:
Tôi có một đệ tử
Ðã học đàn với tôi,
Ðàn tỳ bà bảy dây,
Thật du dương êm ái,
Nó thách tôi biểu diễn.
Thiên chủ Ko-si-ya,
Xin hãy giúp đỡ tôi!
– Ðừng sợ, Thiên chủ Ðế Thích đáp. Ta là chỗ nương tựa và bảo vệ bạn.
Rồi Thiên chủ đọc bài kệ thứ hai:
Ðừng sợ, ta sẽ giúp,
Khi nào bạn cần ta,
Danh dự là phần thưởng
Xứng đáng với giáo sư,
Ðừng sợ, vì đệ tử
Không thể đối địch thầy,
Và bạn sẽ chiến thắng.
Rồi Ðế Thích dặn:
– Khi bạn gảy đàn tỳ bà, hãy cắt đứt một dây và chơi với sáu dây. Tiếng đàn tỳ bà của bạn vẫn hay như cũ. Mùsila cũng sẽ cắt đứt một dây, nhưng tiếng đàn tỳ bà của nó sẽ mất đi. Khi ấy, nó sẽ thua cuộc. Biết nó thất bại, bạn hãy cắt đứt dây thứ hai, dây thứ ba, dây thứ tư, dây thứ năm, dây thứ sáu, dây thứ bảy. Bạn sẽ gảy đàn với cái trục đàn mà thôi, tiếng đàn sẽ phát ra từ các đầu dây bị đứt và sẽ vang dội toàn thành Ba-la-nại rộng đến mười hai dặm. Sau đó, Ðế Thích cho Bồ-tát ba cây đũa thần và nói tiếp:
– Khi tiếng đàn tỳ bà vang dội toàn thành, hãy quăng một đũa thần lên hư không. Khi ấy ba trăm Thiên nữ sẽ hiện xuống và múa trước mặt bạn. Khi chúng múa như vậy, bạn sẽ quăng đũa thần thứ hai, ba trăm Thiên nữ khác sẽ hiện xuống và múa trước đàn tỳ bà của bạn. Rồi hãy quăng chiếc đũa thần thứ ba, khi ấy ba trăm Thiên nữ khác sẽ hiện xuống và múa tại sân tròn của đấu trường. Ta cũng sẽ đến cùng với chúng. Hãy đi lên nào, chớ sợ hãi.
Vào buổi sáng Bồ-tát đi về nhà. Tại cửa cung vua, một cái đình tròn được dựng lên và đặt một chiếc ngai. Vua từ trên lầu xuống, ngồi chính giữa trên sàng tọa ở trong cái đình được trang hoàng rực rỡ. Mười ngàn nữ nhân phục sức diễm lệ, cùng với các đại thần Bà-la-môn, nhân dân v.v… vây xung quanh vua. Tất cả những người ở trong thành đều tụ họp lại. Trong sân chầu, họ sắp chỗ ngồi theo hình vòng tròn, hàng hàng lớp lớp chồng chất lên nhau.
Bồ-tát được tắm rửa, trang sức và xoa dầu thơm; sau khi ăn nhiều món thượng vị, ngài cầm cây đàn tỳ bà và ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Còn Ðế Thích cũng đến, với phép tàng hình đứng trên hư không, được một hội chúng đông đảo vây quanh, nhưng chỉ Bồ-tát có thể thấy Ðế Thích. Mùsila cũng đến và ngồi trên chỗ của mình. Ðại quần chúng bao vây xung quanh họ.
Ðầu tiên, cả hai đều gảy đàn giống nhau. Ðại quần chúng thích thú với hai người gảy đàn và vỗ tay không ngớt. Ðế Thích đứng trên hư không nói với Bồ-tát:
– Hãy cắt đứt các dây!
Bồ-tát cắt đứt sợi dây Bhamra (sợi dây ong). Dù sợi dây bị cắt, đầu sợi dây đứt vẫn phát ra tiếng thiên nhạc. Mùsila cũng cắt đứt một dây, nhưng từ sợi dây bị đứt, tiếng không phát ra.
Sư trưởng cắt đứt dây thứ hai, lần lượt đến sợi dây thứ bảy, tiếng vẫn phát ra từ cây đàn và vang dậy cả kinh thành. Quần chúng vẫy hàng ngàn khăn tay trên hư không, hàng ngàn người vỗ tay tán thưởng.
Bồ-tát liền quăng một đũa thần lên hư không. Ba trăm Thiên nữ liền hiện xuống và bắt đầu nhảy múa.
Cũng vậy, khi Bồ-tát quăng đũa thần thứ hai, thứ ba, chín trăm Thiên nữ hiện xuống và cùng múa như Thiên chủ đã nói trước.
Lúc bấy giờ, vua ra dấu cho quần chúng. Quần chúng đứng dậy la to:
– Ngươi muốn đánh bại Sư trưởng! Ngươi phản thầy phản bạn, tưởng mình có thể đối địch thầy! Ngươi không biết lượng sức mình!
Họ la hét phản đối kẻ đối địch thầy! Ngươi không biết lượng sức mình!
Họ la hét phản đối, Mùsila, và đá với gậy v.v… hay bất cứ cái gì đến tay, họ đánh ông ta đến chết và cầm chân ông, quăng xác trên một đống rác.
Vua rất hoan hỷ ban cho Bồ-tát rất nhiều tặng phẩm như trời đổ mưa xuống và thị dân cũng làm như vậy.
Ðế Thích thân mật chào mừng Bồ-tát và nói:
– Thưa bậc Hiền trí, ta sẽ cho thắng cỗ xe với một ngàn con ngựa thuần chủng, rồi gởi thần đánh xe Màtali xuống đây. Ngài sẽ ngự lên cỗ xe Vejayanta thù thắng có ngàn ngựa kéo và ngài sẽ du hành thiên giới.
Nói xong, Ðế Thích ra đi. Khi Ðế Thích trở về và ngồi trên ngai vàng của mình toàn bằng đá quý, (ngai hoàng bảo thạch), các Thiên nữ liền hỏi:
– Thưa Thiên chủ, ngài đi ở đâu về?
Ðế Thích kể lại cho Thiên chúng rõ toàn câu chuyện với các chi tiết, rồi tán thán giới hạnh và công đức của Bồ-tát. Các Thiên nữ thưa:
– Thưa Thiên chủ, chúng con muốn thấy Sư trưởng ấy. Hãy đưa Sư trưởng đến đây!
Ðế Thích bảo Màtali:
– Này khanh, các Thiên nữ muốn thấy nhạc sĩ Guttali. Hãy đi mời Bồ-tát ngồi trên cỗ xe Vejayanta và đưa vị ấy đến đây.
Thần lái xe Màtali vang lời ra đi và đưa Bồ-tát đến. Ðế Thích hoan hỷ chào đón vị ấy và nói:
– Thưa Sư trưởng, các Thiên nữ muốn nghe nhạc của Sư trưởng.
Bồ-tát nói;
– Chúng tôi là nhạc sĩ, nương tựa vào nghề để sống. Hãy trả công rồi tôi sẽ chơi nhạc.
– Hãy chơi nhạc đi, ta sẽ trả công cho ngài!
– Tôi không cầu trả món gì khác trừ việc này: Hãy để cho các Thiên nữ này nói lên thiện nghiệp của mình, rồi tôi sẽ chơi nhạc.
Các Thiên nữ thưa:
– Sau khi được nghe nhạc thoải mái, chúng con sẽ nói lên các thiện nghiệp chúng con đã làm. Thưa Sư trưởng, vậy trước tiên hãy đánh nhạc.
Suốt bảy ngày Bồ-tát đánh nhạc, và nhạc của Bồ-tát vượt hơn cả thiên nhạc. Vào ngày thứ bảy, Bồ-tát hỏi các Thiên nữ về thiện nghiệp của họ. Một Thiên nữ, trong thời đức Phật Ca-diếp, đã cúng một thượng y cho một Tỷ-kheo. Sau khi tái sanh làm thị giả của Ðế Thích, nàng trở thành Thiên nữ có một ngàn tiên nữ khác hầu hạ. Bồ-tát hỏi nàng:
– Trong một đời trước, nàng đã làm gì khiến nàng được sanh tại đây?
Cách thức hỏi và câu hỏi và câu trả lời của nàng đã được kể trong Chuyện Thiên cung (Vimàna Vatthu) như sau:
Với dung sắc thù thắng,
Ôi thiên nữ vinh quang,
Nàng chiếu khắp mọi hướng,
Chẳng khác gì sao mai,
Từ đâu, này huy hoàng,
Từ đâu, các lạc thú
Xuất hiện ra cho nàng?
Các sở hữu khả ái
Làm tâm trí ưa thích?
Hỡi Thiên nữ đại lực!
Ta hỏi nàng điều này
Nàng tạo công đức gì,
Khi nàng là nữ nhân,
Khiến nay nàng đạt được
Ðại thần lực chói sáng,
Và dung sắc rực rỡ
Chiếu tỏa khắp mười phương?
Nàng là bậc nữ nhân
Ðã cúng dường thượng y,
Tối thắng giữa nam nhân,
Tối thắng giữa nữ nhân,
Khiến nay nàng đạt được
Tối thắng giữa nữ nhân,
Chính nàng đã bố thí
Vật khả ái như vậy,
Nên được sanh thiên cung,
Mỹ lệ và khả ái,
Hãy ngắm lâu đài ta!
Ta, Thiên nữ đẹp nhất,
Hãy xem quả dị thục
Các công đức ta làm,
Do vậy, ta tuyệt mỹ,
Do vậy, ta huy hoàng,
Ta được các sở hữu
Khả ái, tâm ưa thích,
Do vậy, ta huy hoàng,
Ta được các sở hữu
Khả ái, tâm ưa thích,
Do vậy ta đạt được
Tối thắng về uy lực,
Và dung sắc của ta
Chiếu tỏa khắp mười phương.
Sau khi đọc các bài kệ, các Thiên nữ tiếp tục kể:
– Một Thiên nữ khác đã cúng dường hoa cho một Tỷ-kheo đang đi khất thực. Một Thiên nữ khác được yêu cầu cúng dường năm loại vòng hoa thơm ở điện thờ Phật Ca-diếp, và nàng đã cúng dường chúng. Một Thiên nữ đã cúng dường các loại trái có vị ngọt. Một Thiên nữ khác đã nghe pháp từ các Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni đang hành đạo hay đang an cư mùa mưa tại nhà của một gia đình. Một Thiên nữ khác đứng trong nước cúng dường một Tỷ-kheo thọ trai trong một chiếc thuyền. Một Thiên nữ khác sống trong gia đình đã hầu hạ mẹ chồng, cha chồng, và không bao giờ tức giận. Một Thiên nữ khác chia phần món ăn mình nhận được cho một Tỷ-kheo và giữ giới hạnh. Một Thiên nữ là nữ tỳ trong một gia đình, không phẫn nộ, không kiêu mạn, đã san sẻ phần ăn của nàng, nên được sanh làm thị giả của Thiên chủ. Như vậy, tất cả ba mươi bảy Thiên nữ đã được Bồ-tát hỏi do họ đã làm nghiệp của mình làm.
Khi nghe chuyện này, Bồ-tát nói:
– Thật lợi ích cho ta, thật vô cùng lợi ích cho ta! Ta đã đến đây va nghe các thành tích đạt được nhờ các thiện nghiệp nhỏ nhặt biết bao. Từ nay khi trở về thế giới loài người, ta sẽ làm các thiện nghiệp như bố thí v.v…
Rồi, Bồ-tát thốt lên lời cảm hứng này:
Hôm nay ta may mắn
Rạng đông thật tốt lành
Ta thấy các Thiên nữ,
Diễm lệ và cao sang,
Và nghe pháp dịu ngọt!
Ta sẽ làm điều thiện,
Bố thí và chân thật,
Tự chế và khắc kỷ,
Ta sẽ đến chỗ kia,
Nơi không còn sầu muộn.
Bảy ngày đã qua, Thiên chủ Ðế Thích ra lệnh cho thần lái xe Màtali mời Guttila lên ngồi và đưa ngài về Ba-la-nại. Khi đến Ba-la-nại, ngài nói cho mọi người biết những việc mình đã thấy ở thiên giới. Từ đấy, mọi người quyết định làm việc lành với nỗ lực của họ.
*
Khi thuyết Pháp thoại này xong, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:
– Mùsila là Ðề-Bà-đạt-đa, Ðế Thích là A-na-luật-đà (Anuruddha), vua là Ànanda và nhạc sĩ Guttila là Ta vậy.
-ooOoo-
Cái thấy, nó không muốn…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một du sĩ đã chạy trốn.
Người ta nói vị này không tìm được một người đối thoại với mình trong toàn cõi Diêm-phù-đề, nên đã đến Xá-vệ và hỏi:
– Ai có thể cùng với ta thảo luận?
Khi được nghe có bậc Chánh Ðẳng Giác, vị ấy liền đi Kỳ Viên với quần chúng vây quanh, và hỏi Thế Tôn một câu trong khi Thế Tôn đang thuyết pháp giữa bốn hội chúng.
Bậc Ðạo Sư trả lời cho vị ấy xong liền hỏi lại một câu. Du sĩ ấy không thể trả lời liền đứng dậy và bỏ chạy. Hội chúng đang ngồi đồng nói to:
– Bạch Thế Tôn, du sĩ ấy bị Thế Tôn đánh bại chỉ với một câu.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các nam cư sĩ, không phải chỉ nay, Ta mới đánh bại kẻ ấy với một câu hỏi. Thuở xưa, ta cũng đã làm như vậy rồi.
Và bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở nước Kàsi. Lúc lớn lên, ngài từ bỏ các dục, xuất gia trở thành vị ẩn sĩ du hành, sống lâu ngày trong núi Tuyết. Rồi Bồ-tát xuống núi, sống trong một chòi lá tại một khúc quanh sông Hằng, gần một thị trấn nhỏ.
Bấy giờ có một du sĩ không tìm được một người đối thoại với mình trong toàn cõi Diêm-phù-đề, đã đến thị trấn ấy và hỏi:
– Ai có khả năng đối thoại với ta không?
Khi được trả lời có người và nghe nói đến uy lực của Bồ-tát, vị ấy cùng đại chúng vây quanh đến trú xứ của Bồ-tát và sau khi chào hỏi ngài, vị ấy liền ngồi xuống. Bồ-tát hỏi:
– Ông có uống nước sông Hằng được pha trộn với các loại hương rừng hay không?
Du sĩ ấy dùng lời mở rộng vấn đề và nói:
– Cái gì là sông Hằng? Cát là sông Hằng? Nước là sông Hằng? Bờ bên này là sông Hằng? Bờ bên kia là sông Hằng chăng?
Bồ-tát nói:
– Hãy để một bên cát, nước, bờ bên này, bờ bên kia! Thế ông có được sông Hằng gì?
Du sĩ không trả lời câu ấy được, liền đứng dậy và bỏ chạy.
Khi kẻ ấy đã đi rồi, Bồ-tát thuyết pháp cho đại chúng ngồi nghe, và đọc các bài kệ này:
Cái thấy, nó không muốn,
Cái không thấy, nó muốn,
Ta nghĩ nó đi lâu,
Không được điều nó muốn.
Cái được, nó không thỏa,
Ðược rồi, nó không muốn,
Ước muốn nó không cùng,
Ta kính bậc ly dục.
*
Khi thuyết Pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ du sĩ ấy là du sĩ ngày nay, còn vị ẩn sĩ khổ hạnh là Ta vậy.
-ooOoo-
Thời gian ăn hữu tình…,
Câu chuyện này, khi ở rừng Subhaga gần Ukkatthà, bậc Ðạo Sư kể về kinh Mùlapariyàya.
Nghe nói lúc bấy giờ có năm trăm Bà-la-môn tinh thông ba tập Vệ-đà, đã xuất gia trong Giáo pháp, đã học Ba Tạng kinh điển và sanh lòng ngã mạn.
Họ suy nghĩ “Bậc Chánh Ðẳng Giác biết Ba tạng Kinh điển, chúng ta và bậc Chánh Ðẳng Giác nào có khác gì? Họ không đi đến hầu Thế Tôn, và họ sống với một hội chúng đệ tử ngang bằng hội chúng của bậc Ðạo Sư.
Một hôm, bậc Ðạo Sư đi đến gặp họ, và khi họ đã ngồi gần mình, bậc Ðạo Sư Thuyết Kinh Căn bản pháp môn và tô điểm thêm tám thứ bậc tu chứng. Họ không hiểu được một lời gì. Trước kia, họ kiêu mạn nghĩ rằng không có bậc hiền trí nào bằng họ. Nay đứng trước mặt Phật, họ thấy họ không hiểu một tí gì. Họ tự bảo: “Thật không có ai hiền trí như chư Phật. Ôi công đức chư Phật thật tối thắng!”
Từ đấy trở đi, họ không còn kiêu mạn, trở thành hiền lành như rắn bị rút nanh.
Bậc Ðạo Sư trú ở Ukkatthà cho đến khi thỏa thích, rồi đi Vesàli, đến điện thờ Gotama và giảng Kinh Gotama. Cả ngàn thế giới đều rung động! Khi nghe kinh ấy xong, các Tỷ-kheo nầy trở thành các vị A-la-hán.
Nhưng khi bậc Ðạo Sư giảng xong Kinh Căn bản pháp môn và trú ở Ukkatthà, các Tỷ-kheo hội họp tại Chánh pháp đường, bắt đầu nói chuyện như sau:
– Thưa các Hiền giả, ôi uy lực của đức Phật thật vĩ đại. Các du sĩ Bà-la-môn ấy thường vẫn kiêu mạn tự đắc như vậy, nay đã diệt trừ kiêu mạn nhờ bài thuyết pháp về Căn bản pháp môn của Thế Tôn.
Bậc Ðạo Sư đến tại Pháp đường và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông hội họp ở đây đang bàn luận vấn đề gì?
Khi biết vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay mới như vậy. Thuở xưa những người này sống vói đầy giương cao tự đại, ta cũng đã nhiếp phục lòng kiêu mạn của họ.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vị ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài tinh thông ba tập Vệ-đà, trở thành bậc sư trưởng có danh tiếng nhiều phương và giảng dạy chú thần cho năm trăm thanh niên Bà-la-môn. Năm trăm thanh niên ấy chú tâm học tập cho đến thành tựu viên mãn, rồi lòng kiêu mạn khởi lên, họ tự nghĩ: “Chúng ta hiểu biết chừng nào, vị sư trưởng cũng hiểu chừng ấy thôi. Không có gì khác.”
Vì vậy họ không đi đến hầu sư trưởng, cũng không làm các bổn phận đối với sư trưởng.
Một hôm, họ thấy sư trưởng ngồi dưới gốc cây táo; muốn nhạo báng sư trưởng, họ lấy móng tay gõ vào cây táo và nói:
– Cây này thật sự không có lõi!
Bồ-tát biết họ nhạo báng mình, liền nói:
– Này các đệ tử, ta sẽ hỏi các anh một câu.
Họ thích thú nói:
– Hãy nói lên, chúng tôi sẽ trả lời.
Sư trưởng hỏi bằng cách đọc bài kệ đầu:
Thời gian ăn hữu tình,
Ăn tất cả, ăn mình,
Ai là hữu tình ấy
Ăn cả đến thời gian,
Ai là người nấu chín
Thời gian nấu hữu tình?
Nghe câu hỏi này, không một ai trong đám thanh niên Bà-la-môn có thể hiểu được. Rồi Bồ-tát nói với chúng:
– Chớ tưởng rằng câu hỏi này nằm trong ba tập Vệ-đà! Các anh tưởng rằng mình biết tất cả mọi điều ta biết. Các anh hành động giống như cây táo. Các anh không biết rằng ta biết được nhiều hơn mọi điều các anh biết. Hãy đi đi! Ta cho các anh bảy ngày. Hãy nghiền ngẫm câu hỏi này suốt thời gian ấy.
Họ đảnh lễ Bồ-tát, rồi đi về nhà của mình. Họ suy nghĩ suốt bảy ngày, nhưng cuối cùng không giải quyết được câu hỏi. Sau bảy ngày, họ đi đến gặp sư trưởng, đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Sư trưởng hỏi:
– Này các đệ tử với mặt mày hiền thiện kia, các anh có đáp câu hỏi ấy được không?
Họ trả lời:
– Thưa không, chúng tôi không biết.
Rồi Bồ-tát quở trách họ với bài kệ thứ hai:
Loài người có nhiều đầu,
Trên đầu tóc mọc lên,
Ðầu dính lên trên cổ,
Bao nhiêu đầu có tai?
Bồ-tát tiếp tục chê trách các thanh niên Bà-la-môn ấy:
– Các anh là người ngu si, tai của các anh chỉ có lỗ chứ không có trí tuệ.
Sau đó, Bồ-tát trả lời câu hỏi. Nghe xong, họ nói:
– Ôi, Sư trưởng thật vĩ đại thay!
Họ liền xin lỗi, rồi nhiếp phục lòng kiêu mạn và hầu hạ Bồ-tát.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ năm trăm thanh niên Bà-la-môn là những Tỷ-kheo này, còn vị sư trưởng là Ta vậy.
-ooOoo-
Người ác không tự chế…,
Câu chuyện này, khi ở tại ngôi nhà có nóc nhọn gần Vesàli (Tỳ-xá-ly) bậc Ðạo Sư đã kể về tướng quân Siha. Sau ngày quy y đức Thế Tôn, vị này đã mời Ngài dùng cơm có thịt. Các Ni-kiền tử nghe vậy liền phẫn nộ, không hoan hỷ. Muốn làm hại đức Như Lai, họ đã phỉ báng như sau:
– Samôn Gotama tuy biết món thịt bất tịnh được làm cố ý vì mình mà vẫn ăn.
Do đó các Tỷ-kheo ngồi tại Chánh pháp đường bắt đầu nói chuyện này:
– Này các Hiền giả, Ni-kiền tử Nàthaputta đi khắp nơi với hội chúng của mình và phỉ báng như sau: “Sa môn Gotama, tuy biết món thịt bất tịnh được làm cố ý vì mình mà vẫn ăn”.
Nghe vậy bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ni-kiền-tử Nàtaputta mới phỉ báng ta ăn món thịt được làm cố ý vì mình, mà trước kia vị ấy cũng hành động như vậy.
Rồi, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài xuất gia làm vị ẩn sĩ.
Vì mục đích lấy muối và giấm, ngài từ vùng Tuyết Sơn đi đến Ba-la-nại, và ngày hôm sau, vào thành khất thực.
Có một điền chủ muốn làm hại vị tu khổ hạnh liền mời ngài vào nhà, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, và đãi món thịt cá. Sau buổi ăn, gia chủ ngồi xuống một bên vị ẩn sĩ thưa:
– Khi làm món thịt này, chính vì ngài mà tôi giết các loài vật hữu tình. Việc bất thiện này không thuộc chúng tôi, mà chỉ thuộc về ngài thôi.
Rồi ông ta đọc bài kệ đầu:
Người ác không tự chế,
Bảo giết, nấu, mời ăn,
Người ăn món thịt này,
Bị ác làm ô nhiễm.
Nghe vậy, vị ẩn sĩ đọc bài kệ thứ hai:
Nếu người không tự chế,
Giết vợ con, mời ăn,
Người có trí tuy ăn,
Không bị ác làm nhiễm.
Bồ-tát thuyết pháp như vậy rồi từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
*
Khi thuyết Pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân.
– Lúc bấy giờ, người điền chủ là Ni-kiền-tử Nàtaputta, còn vị tu khổ hạnh là Ta vậy.
-ooOoo-
Thật sự hoàng tử này…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Trưởng lão Làludàyi (Udàyi khờ dại).
Một hôm, hai vị đại đệ tử đang bàn luận một câu hỏi. Các Tỷ kheo nghe cuộc bàn luận đều tán thán các Trưởng lão ấy.
Trưởng lão Làludàyi ngồi trong hội chúng bĩu môi và suy nghĩ: “Làm sao họ hiểu biết bằng ta được!” Thấy vậy, các Trưởng lão đứng dậy và đi. Hội chúng liền giải tán.
Sau đó, các Tỷ kheo ngồi Chánh pháp đường bắt đầu nói chuyện ấy:
– Này các Hiền giả, Làludàyi chỉ trích hai vị đệ tử tối thượng và bĩu môi.
Nghe chuyện ấy bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ kheo, không phải chỉ nay mà trước kia cũng vậy, ngoại trừ bĩu môi, Làludàyi không biết gì khác.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một đại thần cố vấn cho vua về thế sự và thánh sự. Vua có một hoàng tử tên là Pàdanjali, ngu đần và biếng nhác.
Sau một thời gian, vua mệnh chung. Khi tang lễ của vua đã xong, các đại thần suy nghĩ: “Chúng ta hãy làm lễ quán đảnh lên ngôi cho hoàng tử Pàdanjali”. Nhưng Bồ-tát nói:
– Hoàng tử này ngu đần và biếng nhác. Chúng ta lựa hoàng tử ấy làm lễ quán đảnh lên ngôi vua sao?
Sau đó, các đại thần tổ chức một cuộc xử án, đặt hoàng tử ngồi gần, và xử không đúng đắn. Họ xử người sở hữu chủ trở thành người mất tài sản và hỏi hoàng tử:
– Thưa hoàng tử, chúng tôi xử án như vậy có đúng không?
Hoàng tử bĩu môi. Bồ-tát suy nghĩ: “Ta tưởng hoàng tử ngu! Nhưng không phải, hoàng tử là người có trí biết vụ xử án không đúng đắn”, và Bồ-tát đọc bài kệ:
Thật sự hoàng tử này
Trí tuệ sáng hơn người,
Hoàng tử bĩu môi vậy,
Chắc thấy rõ chúng ta!
Ngày hôm sau, các đại thần lại tổ chức một cuộc xử án khác. Lần này họ xử đúng đắn và hỏi:
– Thưa hoàng tử, xử án như vậy có đúng không?
Hoàng tử cũng bĩu môi. Biết rằng hoàng tử chỉ là người ngu đần, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Kẻ này không biết được
Pháp, phi pháp, chân, vọng,
Ngoài cái bĩu môi ra,
Nó không biết gì cả.
Các đại thần biết được Pàdanjali chỉ là kẻ ngu đần, nên họ làm lễ quán đảnh tôn Bồ-tát lên làm vua.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Pàdanjali là Làludàyi, còn vị đại thần hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-
Tất cả các con ta…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Kinh Kimsukopama (Thí dụ cây Kimsuka).
Một hôm bốn Tỷ-kheo đi đến gặp đức Như Lai và xin đề tài thiền quán để tu tập. Bậc Ðại Sư gợi ý cho các vị ấy về đề tài thiền quán. Họ nhận được đề tài thiền quán Sáu xứ, đi về trú xứ của mình. Một vị trong số họ liễu tri Sáu xứ đã chứng quả A-la-hán. Một vị liễu tri Năm uẩn. Một vị liễu tri Bốn đại. Một vị liễu tri Mười tám giới đều chứng quả A-la-hán.
Bốn vị Tỷ-kheo trình lên bậc Ðạo Sư các quả chứng của mình. Khi ấy một Tỷ-kheo khởi lên tư tưởng: “Những đề tài thiền quán này có khả năng đưa đến Niết-bàn, vì sao tất cả lại đạt được quả A-la-hán?”, và vị này hỏi bậc Ðạo Sư.
Ngài đáp:
– Này các Tỷ kheo, sự kiện này có khác gì những người anh em thấy cây Kimsuka.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của họ, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, vua có bốn con trai. Một hôm, họ gọi người đánh xe và nói:
– Này bạn, chúng tôi muốn thấy cây Kimsuka. Hãy chỉ cây ấy cho chúng tôi.
Người đánh xe nói:
– Lành thay, tôi sẽ chỉ.
Nhưng người đánh xe không chỉ cây ấy cho bốn người cùng một lần. Anh ta đem người anh cả lên xe đi vào rừng, và chỉ cây Kimsuka vào thời nó chỉ là một thân cây với các nụ mới mọc, rồi nói:
– Ðây là cây Kimsuka.
Sau đó anh ta chỉ cho người thứ hai một cây Kimsuka có lá còn xanh, rồi chỉ cho người thứ ba một cây đang trổ hoa, và chỉ cho người thứ tư một cây Kimsuka đã sanh trái.
Sau một thời gian, bốn anh em ngồi với nhau, và nói câu chuyện này:
– Cây Kimsuka giống như cây gì?
Một người nói:
– Giống như một khúc cây bị cháy!
Người thứ hai nói:
– Giống như cây bàng!
Người thứ ba nói:
– Giống như miếng thịt!
Người thứ tư nói:
– Giống như cây keo.
Họ không đồng ý với câu trả lời của mỗi người, liền đi đến vua cha và hỏi :
– Thưa Phụ Vương, cây Kimsuka giống cây gì ?
Vua cha nói:
– Các con trả lời thế nào ?
Và họ trình bày với Vua cha câu trả lời của mình.
Vua nói:
– Bốn con đã thấy Kimsuka. Nhưng khi người đánh xe chỉ cây Kimsuka cho các con, các con không phân tích và hỏi: Trong thời gian này, cây Kimsuka giống cái gì? Trong thời gian khác, cây Kimsuka giống cái gì? Trong thời gian khác, cây Kimsuka giống cái gì? Do không hỏi vậy, nên các con sinh nghi ngờ.
Rồi, vua đọc bài kệ đầu:
Tất cả các con ta
Ðã thấy Kim-su-ka,
Nhưng chính ở nơi đây,
Cái gì làm con nghi?
Không hỏi người đánh xe,
Cây ấy ở thời nào?
Sau khi nêu rõ sự việc, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ kheo, giống như bốn anh em ấy, vì không biết phân tích và không hỏi, nên sinh nghi ngờ đối với cây Kimsuka, cũng vậy các ông đã phát sinh nghi ngờ về Chánh pháp này.
Rồi bậc Chánh Ðẳng giác đọc bài kệ thứ hai:
Như vậy những kẻ nào
Thiếu hiểu biết Chánh pháp,
Cũng phát sinh nghi ngờ
Ðối với các Chánh pháp,
Giống như các anh em
Với cây Kim-su-ka.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, vua Ba-la-nại là Ta vậy.
-ooOoo-
Con là con độc nhất…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một đại Trưởng lão có danh tiếng.
Vị này đã truyền giới xuất gia cho một chàng trai và đã hành hạ người ấy. Sa-di này không chịu nổi sự hành hạ, bèn hoàn tục. Trưởng lão ấy đến và dỗ dành:
– Này chàng thanh niên, y của con sẽ là của con. Bát của con sẽ là của con. Y và bát của ta ấy cũng sẽ trở thành y và bát của con. Hãy xuất gia.
Chàng thanh niên nói:
– Con không muốn xuất gia.
Nhưng vị Trưởng lão nói đi nói lại mãi nên cuối cùng, thanh niên ấy xuất gia. Khi thanh niên ấy trở lại với Tăng chúng, Trưởng lão ấy bắt đầu hành hạ anh ta như trước. Thanh niên ấy không chịu nổi sự hành hạ, liền từ bỏ Tăng chúng một lần nữa và dầu được yêu cầu nhiều lần, anh ta vẫn nói:
– Ông không chịu nổi tôi, và cũng không chịu nổi không có tôi. Hãy đi đi. Tôi không muốn xuất gia.
Các Tỷ-kheo ngồi tại Chánh pháp đường bắt đầu nói chuyện này:
– Thưa các Hiền giả, chàng thanh niên ấy thật có tâm bén nhạy. Anh ta biết được tâm tánh của đại Trưởng lão này nên không xuất gia lại.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ kheo, nay các ông họp ở đây và bàn đến chuyện gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay thanh niên ấy có tâm bén nhạy. Lúc trước anh ta cũng như vậy rồi. Một lần anh ta thấy được lỗi lầm của người ấy nên không chấp nhận người ấy nữa.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một người điền chủ. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát sống bằng nghề buôn bán lúa gạo. Một người khác làm nghề dụ rắn, đã dạy một con khỉ, bắt nó uống thuốc giải độc, rồi cho nó chơi với một con rắn, và sống với nghề ấy.
Vào ngày hội vui chơi được tổ chức, người dụ rắn muốn tham dự cuộc vui, liền giao con khỉ cho người buôn gạo này và dặn:
– Chớ xao lãng nó.
Sau khi vui chơi, đến ngày thứ bảy anh ta trở về, đến nhà người bán gạo và hỏi:
– Con khỉ ở đâu?
Con khỉ nghe tiếng nói của chủ, mau chóng từ nơi tiệm bán gạo đi ra. Lập tức người chủ lấy que đánh nó trên lưng, đưa nó vào vườn, trói nó một bên và nằm ngủ.
Ngay khi con khỉ biết người ấy đã ngủ, nó liền tự cởi trói, bỏ trốn và leo lên một cây xoài. Nó ăn trái xoài chín, rồi liệng hột xoài trên thân người dụ rắn. Anh ta thức dậy nhìn lên, thấy con khỉ liền nghĩ: “Với lời dịu ngọt, ta sẽ dụ dỗ con khỉ ấy xuống và sẽ bắt nó”. Vì vậy, anh ta đọc bài kệ đầu:
Con là con độc nhất,
Sẽ là chủ nhà ta,
Hãy từ cây leo xuống,
Hỡi con, Sà-la-ka!
Này con hãy về nhà,
Hãy sống chung với cha!
Nghe vậy, con khỉ đọc bài kệ thứ hai:
Phải chăng ông quá biết
Tâm tôi là thế nào!
Chính ông đã đánh tôi,
Với cây gậy bằng tre,
Tôi vui sống rừng xoài,
Có trái cây chín muồi,
Hãy đi về nhà ông,
Vậy tôi xin từ biệt!
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con khỉ là Sa-di ấy, người dụ rắn là Trưởng lão này và người buôn lúa gạo là Ta vậy.
-ooOoo-
Ẩn sĩ này vui thích…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo lừa đảo.
Tánh lừa đảo của vị này được các Tỷ-kheo biết rõ. Tại Chánh pháp đường, họ bắt đầu nói chuyện này:
– Này các Hiền giả, Tỷ-kheo ấy, sau khi xuất gia trong Giáo pháp giải thoát của đức Phật, lại đầy những hành vi lừa đảo.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông họp ở đây đang luận bàn vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay kẻ ấy mới lừa đảo, mà thuở trước cũng đã như vậy rồi. Chỉ vì muốn hơ lửa mà khi còn là con khỉ, nó đã lừa gạt.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở nước Kà-si. Khi Bồ-tát đến tuổi trưởng thành và đã có một con trai biết chạy chơi, thì bà vợ, một nữ Bà-la-môn, mệnh chung. Bồ-tát ẵm con trai đi vào Hy-mã-lạp-sơn, xuất gia làm vị ẩn sĩ, cùng con trai hành trì khổ hạnh, và sống trong một chòi lá.
Trong mùa mưa, khi mưa rơi không dứt, một con khỉ bị lạnh bức bách, đi lang thang, răng đánh khớp và run cầm cập. Bấy giờ Bồ-tát mang về một đống củi lớn, đốt lửa, nằm trong giường nhỏ. Ðứa con trai ngồi bóp chân cha.
Con khỉ ấy tìm được áo choàng của một người tu khổ hạnh đã chết, liền quấn vào đắp lên vai. Nó cầm cái gậy và ghè nước trong cái áo của ẩn sĩ, nó đi đến chòi lá. Vì muốn được hơ lửa, nó đứng tại đấy, giả dạng một ẩn sĩ. Cậu bé tu khổ hạnh thấy nó, liền nói với cha:
– Này cha thân, có một nhà tu khổ hạnh đang đứng, bị lạnh bức bách, đang run cầm cập. Hãy gọi vị ấy đến hơ lửa.
Rồi cậu đọc bài kệ đầu:
Ẩn sĩ này vui thích
An tịnh và chế ngự,
Nay đang đứng run rẩy,
Ướt át và lạnh lẽo,
Hãy mời vị ấy vào,
Trong nhà của chúng ta
Ðể chế ngự cơn lạnh,
Và tất cả khổ đau.
Bồ-tát nghe con nói liền đứng dậy nhìn, biết nó là con khỉ, bèn đọc bài kệ thứ hai:
Nó không phải ẩn sĩ
Vui an tịnh, chế ngự,
Nó chỉ là con khỉ,
Tìm ăn giữa cành cây,
Nó thuộc loài độc ác
Sân hận và tham lam,
Nếu để nó vào đây,
Nó làm bẩn nhà này.
Nói vậy xong, Bồ-tát lấy một que lửa, dọa con khỉ và đuổi nó chạy. Con khỉ vội leo lên, và dầu nó có ưa thích hay không ưa thích rừng núi, nó cũng không bao giờ trở lại chỗ ấy nữa.
Còn Bồ-tát làm sanh khởi các Thắng trí và các Thiền chứng. Ngài dạy cho cậu thanh niên khổ hạnh ấy một đề tài thiền quán và giúp cậu tu tập Thiền quán và cậu cũng làm phát khởi các Thắng trí và các Thiền chứng. Cả hai không bao giờ thối thất Thiền định, nên sau khi mạnh chung, được sanh lên Phạm thiên giới.
*
Bậc Ðạo Sư thuyết Pháp thoại này và nêu rõ:
– Này các Tỷ-kheo, người này không phải chỉ nay mà thuở xưa cũng đã lừa đảo.
Sau đó Ngài thuyết giảng các Sự thật. Lúc chấm dứt bài giảng, một số đắc quả Dự-lưu, một số đắc quả Nhất lai, một số đắc quả Bất lai.
Và bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con khỉ là Tỷ-kheo lường gạt này, đứa con trai là Ràhula, và người ẩn sĩ là Ta vậy.
Ni sư Giới Hương đã không ngừng có những đóng góp qua sự phiên dịch, biên tập và ấn tống rất nhiều kinh sách.
Giới rèn luyện đạo đức, chuyên cần Như Lai sứ, tác Như Lai sự
Hương tôi đúc tinh thần, tinh tấn dưỡng Đại sĩ tâm, tu Đại sĩ nhân.
“Mấy ai thành Phật ở tu hành
Chỉ trói cùm thêm trí óc mình
Một người xuất gia đã quý, nay lại có cả năm người nên chúng tôi rất mừng và ủng hộ rất nhiều.
Con thành kính đảnh lễ Tri ân Ni sư Giới Hương – Bậc Thầy tinh thần- một người Dì đáng quý
Thật là biết viết gì đây, 40 năm không dài nhưng cũng không ngắn cho cuộc đời của một tu sĩ.
Ni sư đã viết nhiều sách Phật bằng tiếng Anh-Việt, dạy học nhiều nơi, xây chùa độ chúng Ni, v.v..
Ni sư đúng là rường cột Phật Pháp đã cống hiến nhiều cho sự nghiệp giáo dục và văn hóa Phật giáo.
Con là Sư đệ của Ni sư và cùng là đệ tử Sư bà Hải Triều Âm.
Xin tán thán công hạnh Ni sư Giới Hương, một đời là Trưởng tử của Như Lai, hướng đến đời sống giác ngộ cao thượng.
Ni Sư thật đúng là bậc Ni lưu xứng đáng để được tán thán khen ngợi cả trong và ngoài nước:
Xây chùa lập hạnh từ bi,
Hương Sen dạy Chúng tu trì tinh chuyên.
Hương Sen nở rộ giữa Hoa Kỳ
Ni sư Giới Hương vị Trụ trì
Con là Sadini Diệu Hải, Sư đệ cùng Thầy Hải Triều Âm với Ni sư Giới Hương
Giáo pháp chư Phật, quả đạo mầu
Im lặng đúng thời, nói đúng pháp
Ni Sư Thích Nữ Giới Hương là một bậc Ni tài trong hàng Ni lưu Thích tử hiện nay tại Mỹ cũng như Việt Nam
Ni sư thể hiện đức hòa hợp mà chư Phật đã dạy Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn, số 16. Trường Bộ Kinh:
[01] PHẨM APANNAKA |
1. Chuyện Pháp Tối Thượng (Tiền Thân Apannaka) 2. Chuyện Bài Sa Mạc (Tiền Thân Vannupatha) 3. Chuyện Người Buôn Chè (Tiền Thân Serivànija) 4. Chuyện Tiểu Triệu Phú (Tiền Thân Cullakasetthì) 5. Chuyện Ðấu Gạo (Tiền Thân Tandulanàli) 6. Chuyện Thiên Pháp (Tiền Thân Devadhamma) 7. Chuyện Nàng Lượm Củi (Tiền Thân Katthahàri) 8. Chuyện Vua Gàmani (Tiền Thân Gàmani) 9. Chuyện Vua Makhàdeva (Tiền Thân Makhàdeva) 10. Chuyện Trưởng Lão Sukhavihàri (Tiền Thân Sukhavihàri) |
[02] PHẨM GIỚI |
11. Chuyện Con Nai Ðiểm Lành (Tiền Thân Lakkhana) 12. Chuyện Con Nai Cây Ða (Tiền Thân Nigrodhamiga) 13. Chuyện Mũi Tên (Tiền Thân Kandina) 14. Chuyện Con Nai Gió (Tiền Thân Vàtamiga) 15. Chuyện Con Nai Kharàdiya (Tiền Thân Kharàdiya) 16. Chuyện Con Nai Có Ba Cử Chỉ (Tiền Thân Tipallthamiga) 17. Chuyện Gió Thổi (Tiền Thân Màluta) 18. Chuyện Ðồ Ăn Cúng Người Chết (Tiền Thân Matakabhatta) 19. Chuyện Lễ Cúng Do Có Lời (Tiền Thân Àyàcitabhatta) 20. Chuyện Hồ Nalakapàna (Tiền Thân Nalakapàna) |
[03] PHẨM KURUNGA |
21. Chuyện Con Nai Sơn Dương (Tiền Thân Kurunga) 22. Chuyện Con Chó (Tiền Thân Kukkura) 23. Chuyện Con Ngựa Thuần Chủng (Tiền Thân Bhojaniya) 24. Chuyện Ðôi Ngựa Nòi Tốt (Tiền Thân Àjanna) 25. Chuyện Bến Tắm (Tiền Thân Tittha) 26. Chuyện Con Voi Ma Hilàmukha (Tiền Thân Mahilàmuka) 27. Chuyện Ðôi Bạn Thân Thiết (Tiền Thân Abhinha) 28. Chuyện Con Bò Ðại Hỷ (Tiền Thân Nandivisàla) 29. Chuyện Con Bò Ðen (Tiền Thân Kaniha) 30. Chuyện Con Heo Munika (Tiền Thân Munika) |
[04] PHẨM KULAVAKA |
31. Chuyện Tổ Chim Con (Tiền Thân Kulàvaka) 32. Chuyện Múa Ca (Tiền Thân Nacca) 33. Chuyện Sống Hoà Hợp (Tiền Thân Sammodamàna) 34. Chuyện Con Cá (Tiền Thân Maccha) 35. Chuyện Con Chim Cút (Tiền Thân Vattaka) 36. Chuyện Con Chim (Tiền Thân Sakuna) 37. Chuyện Con Chim Trĩ (Tiền Thân Tittira) 38. Chuyện Con Cò (Tiền Thân Nanda) 39. Chuyện Người Nô Lệ Nanda (Tiền Thân Nanda) 40. Chuyện Hố Than Lửa Cây Keo (Tiền Thân Khadirangàra) |
[05] PHẨM LỢI ÁI |
41. Chuyện Trưởng Lão Losaka (Tiền Thân Losaka) 42. Chuyện Chim Bồ Câu (Tiền Thân Kapota) 43. Chuyện Con Rắn Tre (Tiền Thân Veluka) 44. Chuyện Con Muỗi (Tiền Thân Makasa) 45. Chuyện Nữ Tỳ Rohini (Tiền Thân Rohini) 46. Chuyện Kẻ Làm Hại Vườn (Tiền Thân Ràmadùsaka) 47. Chuyện Rượu Mạnh (Tiền Thân Vàruni) 48. Chuyện Bà-La-Môn Vedabbha (Tiền Thân Vedabbha) 49. Chuyện Các Vì Sao (Tiền Thân Nakkhatta) 50. Chuyện Những Kẻ Vô Trí (Tiền Thân Dummedha) |
[06] PHẨM ÀSIMSA |
51. Chuyên Vua Ðại Giới Ðức (Tiền Thân Màhàsìlavà) 52. Chuyện Tiểu Janaka (Tiền Thân Cùla-Janaka) 53. Chuyện Bình Rượu Ðầy (Tiền Thân Punnapàti) 54. Chuyện Trái Cây (Tiền Thân Phala) 55. Chuyện Năm Vũ Khí (Tiền Thân Pancàyudha) 56. Chuyện Khối Vàng (Tiền Thân Kancanakkhandha) 57. Chuyện Khỉ Chúa (Tiền Thân Vànarinda) 58. Chuyện Ba Pháp (Tiền Thân Tayodhammà) 59. Chuyện Tiếng Trống (Tiền Thân Bherivàda) 60. Chuyện Thổi Tù Và (Tiền Thân Sankkhadhama) |
[07] PHẨM NỮ NHÂN |
61. Chuyện Bài Kinh Khổ Ðau (Tiền Thân Asàtamanta) 62. Chuyện Cô Gái Trên Bảy Tầng Lầu (Tiền Thân Andabhuta) 63. Chuyện Hiền Sĩ Chà Là (Tiền Thân Takka) 64. Chuyện Người Vợ Khó Hiểu (Tiền Thân Duràjàna) 65. Chuyện Nỗi Bất Mãn (Tiền Thân Anabhirati) 66. Chuyện Hoàng Hậu Từ Tâm (Tiền Thân Mudulakkhana) 67. Chuyện Người Ðàn Bà Thôn Quê (Tiền Thân Ucchanga) 68. Chuyện Thành Saketa (Tiền Thân Saketa) 69. Chuyện Con Rắn Phun Nọc Ðộc (Tiền Thân Visavanta) 70. Chuyện Hiền Giả Cái Cuốc (Tiền Thân Kuddàla) |
[08] PHẨM VARANA |
71.Chuyện Cây Varana (Tiền Thân Varana) 72. Chuyện Tượng Vương Ðức Hạnh (Tiền Thân Silavanàga) 73. Chuyện Ðúng Vậy Chăng (Tiền Thân Saccankira) 74. Chuyện Luật Cây Rừng (Tiền Thân Rukkhadhamma) 75. Chuyện Con Cá (Tiền Thân Maccha) 76. Chuyện Người Không Sợ Hãi (Tiền Thân Asankiya) 77. Chuyện Giấc Mộng Lớn (Tiền Thân Mahàsupina). 78. Chuyện Vị Triệu Phú Illìsa (Tiền Thân Illìsa) 79. Chuyện Tiếng Trống Ồn Ào. (Tiền Thân Kharasara). 80. Chuyện Người Thợ Dệt Bhimasena (Tiền Thân Bhimasena) |
[09] PHẨM APAYIMHA |
81. Chuyện Uống Rượu (Tiền Thân Suràpàna) 82. Chuyện Nam Tử Mittavida (Tiền Thân Mittavinda) 83. Chuyện Ðiềm Xui Xẻo (Tiền Thân Kàlakanni) 84. Chuyện Cửa Ngõ Hạnh Phúc (Tiền Thân Atthassadvàra) 85. Chuyện Cây Có Trái Lạ (Tiền Thân Kimpakka) 86. Chuyện Thử Thách Giới Ðức (Tiền Thân Sìlavìmamsana) 87. Chuyện Ðiềm Lành Dữ (Tiền Thân Mangala) 88. Chuyện Con Bò Sàrambha (Tiền Thân Sàrambha) 89. Chuyện Kẻ Lừa Ðảo (Tiền Thân Kuhaka) 90. Chuyện Kẻ Vong Ân (Tiền Thân Akatannu) |
[10] PHẨM LITTA |
91. Chuyện Chơi Súc Sắc Ngộ Ðộc (Tiền Thân Litta) 92. Chuyện Ðại Ðảo Vật (Tiền Thân Mahàsàra) 93. Chuyện Ngộ Ðộc Do Luyến Ái (Tiền Thân Vissàsabhojana) 94. Chuyện Nỗi Kinh Hoàng (Tiền Thân Lomahamsa) 95. Chuyện Vua Ðại Thiện Kiến (Tiền Thân Mahàsudassana) 96. Chuyện Bát Dầu (Tiền Thân Telapatta) 97. Chuyện Ðiềm Lành Của Tên (Tiền Thân Nàmasiddhi) 98. Chuyện Người Lái Buôn Lừa Ðảo (Tiền Thân Kùtavànija) 99. Chuyện Hơn Một Ngàn Kẻ Ngu. (Tiền Thân Parosahassa) 100. Chuyện Sắc Thân Bất Lạc (Tiền Thân Asàtarùpa) |
[11] PHẨM PAROSSATA |
101. Chuyện Hơn Một Trăm Kẻ Ngu (Tiền Thân Parosafa) 102. Chuyện Người Bán Rau (Tiền Thân Pannika). 103. Chuyện Kẻ Ngu. (Tiền Thân Veri) 104. Chuyện Chàng Trai Mittavinda (Tiền Thân Mittavida). 105. Chuyện Con Voi Sợ Chết (Tiền Thân Dubblakattha) 106. Chuyện Múc Nu&Ớc (Tiền Thân Udancani) 107. Chuyện Nghề Ném Ðá (Tiền Thân Sàlittaka) 108. Chuyện Kỳ Lạ (Tiền Thân Bàhiya) 109. Chuyện Bánh Bột Trấu Ðỏ (Tiền Thân Kundakapùva) 110. Chuyện Câu Hỏi Bao Quát Tất Cả (Tiền Thân Sabbasanhàraka-Panha) |
[12] PHẨM HAMSA |
111. Chuyện Câu Hỏi Của Con Lừa (Tiền Thân Gadrabha-Panha). 112. Chuyện Câu Hỏi Của Hoàng Hậu Bất Tử (Tiền Thân Amaràdevi-Panha) 113. Chuyện Con Chó Rừng (Tiền Thân Sigàla) 114. Chuyện Con Cá Nghĩ Vừa (Tiền Thân Mitacinti) 115. Chuyện Người Giáo Giới (Tiền Thân Anusàsika) 116. Chuyện Người Múa Giáo (Tiền Thân Dubbaca) 117. Chuyện Chim Ða Ða (Tiền Thân Tittira) 118. Chuyện Chim Cun Cút (Tiền Thân Vattaka) 119. Chuyện Con Gà Gáy Phi Thời (Tiền Thân Akàlaràvi) 120. Chuyện Giải Thoát Sự Trói Buộc (Tiền Thân Bandhanamokkha). |
[13] PHẨM KUSANÀLI |
121. Chuyện Thần Cây Cỏ Kusa (Tiền Thân Kusanàli) 122. Chuyện Kẻ Ngu (Tiền Thân Dummendha) 123. Chuyện Cái Cán Cày (Tiền Thân Nangalisa) 124. Chuyện Trái Xoài (Tiền Thân Amba) 125. Chuyện Người Nô Lệ Katàhaka (Tiền Thân Katàhaka) 126. Chuyện Tướng Của Kiếm (Tiền Thân Asilakkhana) 127. Chuyện Người Nô Lệ Kalanduka (Tiền Thân Kalanduka) 128. Chuyện Con Mèo (Tiền Thân Bilàra) 129. Chuyện Kẻ Thờ Lửa (Tiền Thân Aggika) 130. Chuyện Nữ Bà-La-Môn Kosiya (Tiền Thân Kosiya) |
[14] PHẨM ASAMPADÀNA |
131. Chuyển Kẻ Vong Ân (Tiền Thân Asampadàna) 132. Chuyện Ngũ Dục Lạc (Tiền Thân Pancagaru) 133. Chuyện Lửa Cháy (Tiền Thân Ghatàsana) 134. Chuyện Thiền Quán (Tiền Thân Thànasodhana) 135. Chuyện Nguyệt Quang (Tiền Thân Candàbha) 136. Chuyện Con Thiên Nga Vàng (Tiền Thân Suvannahamsa) 137. Chuyện Con Mèo (Tiền Thân Babbu) 138. Chuyện Con Cắc Kè (Tiền Thân Godha) 139. Chuyện Cả Hai Mặt Thất Bại (Tiền Thân Ubhatobhattha) 140. Chuyện Con Quạ (Tiền Thân Kàka) |
[15] PHẨM KAKANTAKA |
141. Chuyện Con Cắc Kè (Tiền Thân Godha) 142. Chuyện Con Chó Rừng (Tiền Thân Sigàla) 143. Chuyện Chiếu Sáng Như Mặt Trời (Tiền Thân Virocana) 144. Chuyện Cái Đuôi Bò (Tiền Thân Nanguttha) 145. Chuyện Con Vẹt Radha (Tiền Thân Radha) 146. Chuyện Con Quạ (Tiền Thân Kaka) 147. Chuyện Áo Vải Màu Đỏ (Tiền Thân Puppharatta) 148. Chuyện Con Chó Rừng (Tiền Thân Sigàlà) 149. Chuyện Cây Một Lá (Tiền Thân Ekapanna) 150. Chuyện Thanh Niên Sanjiva (Tiền Thân Sanjiva) |
PHẨM APANNAKA
Có những người nói lên…
Ðức Thế Tôn, khi ở Tinh xá Kỳ Viên, gần Xá-vệ, đã thuyết pháp thoại này. Vì ai, pháp thoại này được đề cập? Vì năm trăm người bạn của vị triệu phú Cấp Cô Ðộc (Anàthapindika) đều là đệ tử ngoại đạo.
Một ngày kia, vị triệu phú Cấp Cô Ðộc đem năm trăm người bạn của mình đều là đệ tử ngoại đạo, cho mang theo nhiều vòng hoa, hương thơm, dầu hương cùng dầu thắp, mật ong, mật mía, vải và áo choàng, đi đến Kỳ Viên đảnh lễ Thế Tôn, cúng dường Ngài các vật liệu như vòng hoa v.v… và phân phát cho chư Tăng dược phẩm trị bịnh và vải mặc. Làm xong việc ấy, ông ngồi xuống một bên và tránh sáu tật xấu trong lúc ngồi.
Cũng vậy, các đệ tử ngoại đạo đảnh lễ Thế Tôn, và ngồi xuống một bên gần ông Cấp Cô Ðộc, nhìn lên gương mặt đức Bổn Sư chói sáng như trăng rằm, vẹn toàn các tướng tốt chính và phụ, nhìn lên Phạm thân tỏa ánh sáng rộng một tầm và nhìn lên hào quang rực rỡ của đức Phật, những hào quang phóng ra như thể từng đôi vòng, từng cặp một.
Rồi giống con sư tử trẻ rống như sấm động ở thung lũng Ðỏ, như mây bão tố trong mùa mưa, như sông Hằng thiên giới (dải Thiên Hà) ào ào đổ xuống, và như đan dệt một chuỗi châu báu, tuy vậy, với một Phạm âm đầy đủ tám phần tuyệt hảo, kỳ diệu làm tai thích thú, Ngài thuyết pháp cho họ, một pháp thoại dịu ngọt và chói sáng với nhiều vẻ đẹp khác nhau.
Họ nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, tâm được tịnh tín, liền đứng dậy đảnh lễ bậc Ðạo Sư, phá vỡ pháp quy y ngoại đạo, rồi quy y Phật. Từ đấy, họ luôn luôn đi đến tinh xá với ông Cấp Cô Ðộc, tay cầm hương thơm, vòng hoa v.v… nghe pháp, bố thí, trì giới và thọ Bát quan trai giới.
Rồi Thế Tôn từ Xá-vệ lại đi đến Vương Xá. Trong thời gian Như Lai đi vắng, họ phá vỡ pháp quy y Phật. Rồi họ lại quy y ngoại đạo, trở lui nguyên trạng của họ.
Sau bảy tám tháng, Thế Tôn về lại Kỳ Viên. Ông Cấp Cô Ðộc đem năm trăm người bạn đồng tu đi đến yết kiến bậc Ðạo Sư, cúng dường Ngài với hương thơm v.v… đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên. Ông Cấp Cô Ðộc báo cáo cho Thế Tôn biết sau khi Ngài ra đi, họ phá vỡ pháp quy y đã thọ, chấp nhận lại quy y pháp ngoại đạo, trở lui nguyên trạng của họ.
Mở miệng hoa sen của Ngài, như mở hộp châu báu, đầy những hương thơm sai biệt, thơm với hương thơm chư Thiên, do uy lực nói lời chơn thực, trải vô lượng ức kiếp không gián đoạn, Thế Tôn phát ra âm thanh dịu ngọt và hỏi:
– Này các nam cư sĩ, có thật chăng các ông đã phá vỡ Tam quy y, và đi theo quy y ngoại đạo?
Và khi không thể che giấu, họ thú nhận:
– Thật vậy, bạch Thế Tôn.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các cư sĩ, không có một chỗ nào dưới từ đáy địa ngục, trên cho đến chư Thiên, không có một chỗ nào trong các thế giới vô lượng trải rộng bề ngang, không có ai bằng, chớ đừng nói cao hơn đức Phật về những công đức như giữ giới v.v…
Rồi Ngài trình bày cho họ những công đức của Ba ngôi báu, như đã được nói đến trong kinh điển:
– Này các Tỳ-kheo, giữa các chúng sanh không chân, hai chân, hay bốn chân, Như Lai được gọi là tối thượng. Nếu có những tài sản nào ở đời này hay đời sau… Và thật vậy, tối thượng giữa những tín đồ…
Rồi Ngài nói tiếp:
– Không có một cư sĩ nào, nam hay nữ đã quy y Ba ngôi báu, những ngôi báu đầy đủ công đức tối thượng như vậy, phải tái sanh trong các địa ngục v.v… nhưng họ được thoát khỏi sanh vào đọa xứ, họ được sanh vào thế giới chư Thiên và đắc Thiền chứng lớn. Do đó, khi các ông phá vỡ quy y như vậy, và đi đến quy y ngoại đạo, các ông đã làm một việc sai lạc.
Và ở đây, để nêu rõ rằng không có ai đã quy y Ba ngôi báu với sự giải thoát tối thượng, lại phải sanh vào đọa xứ, những đoạn kinh này phải được nói lên:
Những ai quy y Phật
Sẽ không đi đọa xứ,
Từ bỏ thân làm người
Sẽ tràn đầy thiên giới.
Những ai quy y Pháp
Sẽ không đi đọa xứ,
Từ bỏ thân làm người
Sẽ tràn đầy thiên giới.
Những ai quy y Tăng
Sẽ không đi đọa xứ,
Từ bỏ thân làm người
Sẽ tràn đầy thiên giới.
Loài Người sợ hoảng hốt,
Tìm nhiều chỗ quy y,
Hoặc rừng rậm, núi non,
Hoặc vườn cây, đền tháp,
Quy y ấy không ổn,
Không quy y tối thượng,
Quy y các chỗ ấy
Không thoát mọi khổ đau.
Ai quy y đức Phật,
Chánh Pháp và chư Tăng,
Ai dùng chánh tri kiến
Thấy được Bốn sự thật,
Thấy Khổ và Khổ tập,
Thấy sự khổ vượt qua,
Thấy đường Thánh tám ngành
Ðưa đến khổ não tận.
Thật quy y an ổn,
Thật quy y tối thượng,
Có quy y như vậy
Mới thoát mọi khổ đau.
Bậc Ðạo Sư không chỉ thuyết pháp cho họ như vậy, Ngài còn nói tiếp:
– Này các nam cư sĩ, pháp hành niệm Phật, pháp hành niệm Pháp, pháp hành niệm Tăng đem lại Dự lưu đạo, Dự lưu quả, Nhất lai đạo, Nhất lai quả, Bất lai đạo, Bất lai quả, A-la-hán đạo, A-la-hán quả.
Và sau khi Ngài thuyết pháp cho họ với nhiều phương thức, Ngài nói:
– Với sự phá vỡ quy y như vậy, các ông đã làm một việc sai lạc.
Và ở đây, sự đem lại các Dự lưu đạo, Dự lưu quả v.v… cho những ai hành trì niệm Phật v.v… cần phải được nêu rõ với những đoạn kinh như sau:
– Này các Tỷ-kheo, có một pháp, nếu được tu tập, và được làm cho viên mãn, đưa đến hoàn toàn yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, Giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là một Pháp? Chính là niệm Phật v.v… Như vậy, Thế Tôn với các phương tiện khác nhau, thuyết giảng cho các nam cư sĩ:
– Này các nam cư sĩ, cũng vậy, trong thời quá khứ, những ai chấp chặt tà luận, chấp chặt điên đảo luận, nghĩ rằng cái gì không phải là chỗ quy y, lại xem là chỗ quy y chân thật, những người ấy sẽ bị quỷ Dạ-xoa ăn thịt trong cảnh sa mạc, chỗ trú của phi nhân, và bị lâm vào đại nạn. Còn những ai chấp chặt sự thật vô hý luận, chấp chặt pháp tối thượng, chấp chặt pháp không điên đảo, thì trong cảnh sa mạc ấy, họ đạt được yên ổn, an toàn.
Khi nói đến đây, Ngài im lặng. Rồi gia chủ Cấp Cô Ðộc từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, tán thán Ngài với hai tay đặt trên đầu và thưa như sau:
– Bạch Thế Tôn, nay thật rõ ràng cho chúng con thấy trong thời hiện tại, những người nam cư sĩ ấy, sau khi phá vỡ pháp quy y tối thượng, đã rơi vào rừng rậm tà luận. Nhưng trong quá khứ, đại nạn của những ai chấp chặt tà luận tại sa mạc, chỗ trú của phi nhân, và sự yên ổn an toàn của những người chấp chặt pháp vô hý luận, đối với chúng con đang bị che lấp, chỉ rõ ràng đối với Ngài. Lành thay, nếu Thế Tôn, như thể khiến mặt trăng tròn mọc lên, làm sáng tỏ sự kiện này cho chúng con.
Rồi Thế Tôn nói:
– Này gia chủ, chính vì mục đích loại bỏ các nghi nan ở đời, nhờ sự thực hành trọn vẹn mười hành Ba-la-mật trải vô lượng kiếp mà Ta chứng đắc Nhất thiết trí. Hãy cẩn thận lắng tai nghe, như thể các ông đang đổ tủy của sư tử vào một cái ống bằng vàng!
Sau khi khích lệ sự chú ý của người trieäu phú, Ngài nói lên câu chuyện đã bị tái sanh che lấp, như mặt trăng tròn được giải tỏa, sau khi phá tan đám mây tuyết.
*
Thuở xưa, trong nước Kàsi, tại thành Ba-la-nại, có vị vua tên là Brahmadatta. Khi ấy, Bồ-tát được sanh trong gia đình thương gia làm chủ đoàn lữ hành, và tiếp tục lớn lên, đi chỗ này chỗ kia buôn bán với năm trăm cỗ xe, khi thì đi từ đông qua tây, khi thì đi từ tây qua đông. Tại thành Ba-la-nại, có một người chủ đoàn lữ hành khác còn trẻ và ngu si, không giỏi tùy cơ ứng biến.
Lúc bấy giờ, sau khi chất đầy năm trăm cỗ xe với hàng hóa có giá trị lớn, Bồ-tát sẵn sàng lên đường. Người chủ đoàn lữ hành trẻ và ngu kia cũng chất đầy hàng hóa tương tự trên năm trăm cỗ xe khác, sẵn sàng lên đường. Bồ-tát suy nghĩ: “Nếu người chủ đoàn lữ hành ngu si và trẻ này đi với Ta, với một ngàn cỗ xe, cùng đi một lần trên con đường, thì con đường sẽ không thể chịu nổi; thật sẽ khó tìm được củi, nước cho đoàn người, và cỏ cho các con bò. Hoặc là nó, hoặc là ta phải đi trước”.
Ngài nhắn tin mời người ấy đến, trình bày sự việc và nói:
– Hai chúng ta không thể đi cùng một lần được. Vậy bạn sẽ đi trước hay đi sau?
Kẻ ấy suy nghĩ: “Nếu ta đi trước, sẽ có nhiều lợi ích. Ta sẽ đi con đường chưa bị hư phá, các con bò sẽ ăn cỏ chưa bị động chạm; còn các người nhà ta sẽ hái được các ngọn lá nấu cà-ri chưa bị động chạm, nước được trong lặng; và sau cùng định giá bán theo sở thích, ta sẽ bán các hàng hóa”.
Nghĩ vậy, kẻ ấy nói:
– Này bạn, tôi sẽ đi trước.
Còn Bồ-tát thấy đi sau có nhiều lợi ích vì ngài lý luận như vầy: “Những người đi trước sẽ san bằng con đường chưa được san bằng. Ta sẽ đi con đường đã được họ đi qua. Các con bò của ta sẽ ăn cỏ mới mọc và ngọt; người của ta sẽ tìm được các lá ngọt nấu cà-ri mới mọc tại chỗ các lá đã được hái đi. Tại chỗ không có nước, họ phải đào để lấy nước, chúng ta sẽ uống nước trong các giếng được người khác đào lên. Việc định giá giống như sát hại mạng sống con người, ta đi sau sẽ bán hàng hóa theo giá thông thường đã quy định”. Khi thấy những lợi ích như vậy, Bồ-tát nói:
– Này bạn, bạn hãy đi trước.
– Lành thay, này bạn.
Người chủ đoàn lữ hành trẻ và ngu si nói vậy rồi cho thắng các cỗ xe, ra đi, thứ lớp vượt qua các thôn xóm, và bắt đầu đến biên giới sa mạc. Thuở bấy giờ, các sa mạc có năm loại: sa mạc trộm cướp, sa mạc thú dữ, sa mạc không có nước, sa mạc phi nhân và sa mạc không có đồ ăn.
Trước tiên, con đường nào có trộm cướp trú ẩn, chỗ ấy được gọi là sa mạc trộm cướp; thứ hai, con đường nào có sư tử v.v… trú ẩn, được gọi là sa mạc thú dữ; thứ ba, chỗ nào không có nước để tắm hay uống, được gọi là sa mạc không có nước; thứ tư, con đường nào có các loài phi nhân (quỷ thần) trú ẩn, được gọi là sa mạc phi nhân; thứ năm, con đường nào không tìm thấy các loài rễ có thể ăn được v.v… được gọi là sa mạc không có đồ ăn.
Trong năm loại sa mạc này, có hai loại sa mạc nguy hiểm là sa mạc không có nước và sa mạc phi nhân. Do vậy, người chủ đoàn lữ hành trẻ và ngu si ấy cho đặt lên xe những ghè rất lớn, đổ đầy nước, và bắt đầu di chuyển vào bãi sa mạc dài sáu mươi dặm này.
Khi họ đã đi được nửa đường, con quỷ Dạ-xoa trú ở sa mạc nghĩ: “Ta sẽ làm cho những người này quăng nước cất giữ, làm cho họ yếu sức, rồi ta sẽ ăn thịt tất cả bọn họ”. Rồi nó hóa hiện một cỗ xe đẹp đẽ với những con bò mộng trắng trẻo. Ðược hộ vệ với mười mười hai phi nhân, tay cầm cung, tên, khiêng và binh khí, nó trang sức với vòng hoa sen xanh và hoa súng trắng trên đầu, với tóc ướt và áo ướt, ngồi trên cỗ xe ấy như một vị chúa tể, nó dấn bước trên đường với các bánh xe dính bùn. Còn đoàn tùy tùng đi trước và đi sau, với tóc ướt, áo ướt, trang sức với vòng hoa sen xanh và hoa súng, với những bó sen trắng, sen đỏ cầm tay, nhai những cọng sen, củ sen, nhỏ giọt nước và bùn.
Bấy giờ, khi gió thổi trước mặt, những người chủ đoàn lữ hành, theo lệ thường ngồi trong cỗ xe đi trước với những người hầu hạ bao vây để tránh bụi. Khi gió thổi đàng sau, họ đi xe phía sau. Nay gió thổi phía trước, do vậy, người chủ đoàn lữ hành trẻ đi xe ở phía trước. Con quỷ Dạ-xoa thấy người ấy đến gần, liền cho đậu xe ở một bên đường, chào đón một cách thân tình và hỏi đi đâu. Người chủ đoàn lữ hành cũng cho đậu xe của mình một bên đường và nói với quỷ Dạ-xoa:
– Thưa ông bạn, chúng tôi đi từ Ba-na-lại tới. Các ông trang sức với hoa sen xanh và hoa súng, tay cầm hoa sen trắng và đỏ, đang nhai những cọng sen và củ sen, lấm bùn vừa đi vừa chảy những giọt nước. Vậy phải trên đường các ông đi có mưa, có những hồ ao phủ đầy với hoa sen xanh chăng? v.v..
Quỷ Dạ-xoa, nghe hỏi, liền nói lớn:
– Này bạn, bạn nói gì vậy? Ðàng kia đã hiện rõ đường lằn sẩm của rừng xanh. Từ đó trở đi, toàn là rừng không có gì ngoài nước. Luôn luôn trời mưa, ở đó các hồ đều ngập; khắp nơi đều có những ao nước đầy hoa sen.
Sau khi nói như vậy và đoàn xe đã đi ngang qua, nó hỏi:
– Những cỗ xe này đi đâu vậy?
Và họ trả lời:
– Ði tới chỗ này, chỗ kia.
– Trong mỗi cỗ xe này, có hàng hóa gì vậy?
– Nhiều loại hàng hóa.
Rồi khi cỗ xe cuối cùng đi qua, chở rất nặng nề, nó hỏi:
– Trong cỗ xe này chơû gì vậy?
– Chở nước trong ấy.
– Từ chỗ khởi hành cho đến chỗ này, bạn đã mang nước là tốt. Nhưng từ chỗ này trở đi, không cần phải mang nước nữa. Từ phía trước mặt có nhiều nước. Hãy đập vỡ các ghè nước, để đi cho thoải mái.
Và nó nói thêm:
– Các ông hãy đi. Chúng tôi lên đường kẻo chậm trễ rồi!
Rồi nó đi một lát, đến chỗ khuất dạng, liền trở về thành Dạ-xoa. Người chủ lữ hành ngu si ấy, do sự ngu si của mình, nghe theo lời quỷ Dạ-xoa, cho đập vỡ các ghè, không để dành lại dù chỉ một bụm nước, cứ đổ tất cả và ra lệnh các xe đi. Càng đi về phía trước, một giọt nước cũng không có. Bọn họ không được nước uống trở thành mệt mỏi. Họ vẫn tiếp tục đi cho đến khi mặt trời lặn.
Khi ấy, họ tháo dây buộc xe ra, xếp thành một vòng tròn, và buộc các con bò vào bánh xe. Nhưng chúng cũng không có nước uống. Còn bọn họ không có cháo, không có cơm, nên yếu sức, nằm xuống khắp nơi rồi ngủ. Khi đêm vừa xuống, quỷ Dạ-xoa từ thành Dạ-xoa đi đến, diệt tất cả mạng sống bò và người, ăn thịt chúng, chỉ để lại xương rồi bỏ đi. Như vậy, chỉ vì một người chủ đoàn lữ hành trẻ và ngu si, tất cả đã mắc vào đại nạn, xương cốt của người và vật rải khắp nơi, chỉ năm trăm cỗ xe còn đứng yên với đầy đủ hàng hóa.
Phần Bồ-tát, đợi từ ngày người chủ đoàn lữ hành trẻ và ngu si ra đi, độ một tháng rưỡi trôi qua, với năm trăm cỗ xe từ thành phố ra đi, dần dần đi đến biên giới sa mạc. Vị ấy cho đỗ đầy nước vào các ghè nước, cho lấy thêm nhiều nước dự trữ rồi đánh trống hội họp đoàn người lại và nói như sau:
– Nếu không hỏi ta, thì một bụm nước cũng không được dùng. Có nhiếu cây độc trong bãi sa mạc, không một ai trong các chú được ăn lá, hoa, hay quả chưa ăn từ trước, mà không hỏi ta.
Sau khi chỉ dạy cho họ như vậy, Bồ-tát mới bắt đầu đi vào bãi sa mạc với năm trăm cỗ xe. Khi đi đến giữa sa mạc, quỷ Dạ-xoa ấy hiện hình ra trên con đường cửa Bồ-tát, như cách thức trước. Bồ-tát thấy nó liền nhận ra ngày và suy nghĩ: “Nơi này không có nước và được gọi là sa mạc không có nước. Người này có con mắt đỏ, bộ dạng không sợ hãi, lại không có bóng chiếu. Không nghi ngờ gì nữa, người chủ đoàn lữ hành ngu si và trẻ tuổi đi trước bị nó xúi giục, đã đổ tất cả nước, nên kiệt sức, và bị nó ăn thịt cùng cả đoàn tùy tùng. Nhưng nó không biết ta có tài trí và khéo dùng phương tiện”.
Vì vậy, Bồ-tát nói to với con quỷ:
– Ông hãy đi đi, chúng tôi là người lái buôn. Chưa thấy được nước khác, chúng tôi không đổ nước đã được dự trữ. Chỗ nào thấy nước, chúng tôi mới yên lòng đổ nước đi, làm cho nhẹ các cỗ xe.
Quỷ Dạ-xoa đi một lát, đến chỗ khuất dạng, liền về thành Dạ-xoa. Khi Dạ-xoa đã đi, đoàn người hỏi Bồ-tát:
– Thưa ông chủ, những người này chỉ cho thấy đằng kia là dãy rừng xanh. Phía ngoài xa khu rừng ấy, trời luôn luôn mưa. Họ đội trên đầu những vòng hoa sen xanh và hoa súng; họ cầm những bó hoa sen đỏ và trắng; họ hái các củ sen và cọng sen; áo bị ướt, đầu bị ướt; họ đi với những giọt nước rơi chảy. Vậy chúng ta hãy đỗ nước đi, khiến cho các cỗ xe được nhẹ, chúng ta đi mau hơn.
Bồ-tát nghe họ nói như vậy, liền cho dừng các cỗ xe, họp tất cả bọn người lại và hỏi:
– Trong các chú, có ai trước đây nghe nói rằng bãi sa mạc này có ao hay hồ không?
– Thưa ông chủ, không có ai nghe cả. Vì thế nơi này được gọi là bãi sa mạc không có nước.
– Nay có một số người nói rằng xa hơn dãy rừng xanh đàng kia, trời có mưa. Gió mưa có thể thổi xa được bao nhiêu?
– Thưa ông chủ, khoảng độ một dặm (do-tuần).
– Gió mưa có thể thổi đến chạm thân của một ai trong các chú không?
– Thưa ông chủ, không.
– Cách xa bao nhiêu, đầu mây có thể thấy được?
– Khoảng độ một dặm, thưa ông chủ.
– Có ai trong các chú được thấy một đầu mây không?
– Thưa ông chủ, không có ai.
– Xa bao nhiêu, ánh sáng chớp có thể thấy được?
– Thưa ông chủ, khoảng bốn năm dặm.
– Có ai trong các chú thấy được ánh sáng chớp?
– Thưa ông chủ, không có ai!
– Tiếng sấm xa bao nhiêu có thể nghe được?
– Thưa ông chủ, khoảng hai ba dặm.
– Có ai trong các chú nghe được tiếng sấm?
– Thưa ông chủ, không có ai.
– Chúng không phải là người. Chúng là quỷ Dạ-xoa. Dạ-xoa đến và nghĩ: “Chúng ta xúi đoàn người đổ nước, và khi đoàn người yếu sức, chúng ta sẽ ăn thịt họ! Vì người chủ đoàn lữ hành ngu si và trẻ tuổi đi trước không có thiện xảo phương tiện, chắc chắn bị chúng xui đổ nước đi và khi mệt nhọc, họ đã bị quỷ Dạ-xoa ăn. Còn năm trăm cỗ xe được để lại đựng đầy hàng hóa như trước. Hôm nay, chúng ta sẽ thấy chúng nó. Ðừng đổ đi, ngay cả một bụm nước cũng phải gìn giữ. Hãy đi tới, càng mau càng tốt.
Ðốc thúc đoàn người của mình đi tới, Bồ-tát tiếp tục đi cho đến khi thấy được năm trăm cỗ xe đầy hành hóa, xương cốt của các con bò và đoàn người bất hạnh trước rải rác khắp mọi nơi. Ngài cho tháo dây buộc các xe, đặt các xe thành vòng tròn, họp lại thành trại, cho đoàn người và bò ăn chiều sớm, rồi sắp các con bò nằm nghỉ giữa bọn họ.
Rồi ngài tuyển một số người lãnh đạo mạnh mẽ, tự mình đứng canh gác với gươm cầm tay, suốt ba canh ban đêm cho đến khi rạng đông. Sáng sớm ngày kế tiếp, ngài cho làm xong các công việc cần thiết, cho các con bò ăn, quăng bỏ các cỗ xe yếu ớt, lấy các cỗ xe vững mạnh, quăng bỏ loại hàng hóa ít có giá trị, chất lên hàng hóa có giá trị, đi đến chỗ đã định trước, và bán các hàng hóa với giá tiền bằng hai ba giá vốn. Sau đó, ngài cùng với đoàn tùy tùng trở về thành phố của mình.
*
Câu chuyện chấm dứt, bậc Ðạo Sư nói:
– Này cư sĩ, như vậy trong thời quá khứ, những ai chấp chặt tà luận, phải gặp đại nạn. Còn những ai chấp nhận sự thật vô lý luận đã thoát khỏi tay các phi nhân, và đến chỗ mình muốn một cách an toàn.
Và sau khi kết hợp hai câu chuyện với nhau, vì mục đích giới thiệu lời dạy về sự thật vô hý luận này, bậc Chánh Giác bài kệ:
Có những người nói lên
Sự thật vô hý luận,
Nhưng các hạng người khác
Tuyên bố về tà luận.
Kẻ trí biết điều này,
Giữ chặt pháp tối thượng.
Như vậy Thế Tôn dạy về pháp chân thật vô hý luận này, rồi Ngài nói thêm:
– Con đường chân chánh này không những đem lại ba thiện sự thành tựu, sáu cõi Trời ở dục giới, sự thành tựu Phạm Thiên giới, mà cuối cùng đem quả A-la-hán. Còn con đường gọi là tà luận đem đến tái sanh trong bốn đọa xứ và trong năm gia đình thấp kém.
Tiếp đó Ngài giảng thêm về Bốn Sự thật với mười sáu hành tướng. Cuối bài giảng ấy, tất cả năm trăm nam cư sĩ chứng quả Dự lưu.
Sau khi thuyết pháp, bậc Ðạo Sư nêu rõ những bài học và kể hai câu chuyện rồi kết hợp chúng với nhau, Ngài nhận diện Tiền thân như sau:
– Trong thời ấy, người chủ đoàn lữ hành trẻ và ngu si là Ðề-bà-đạt-đa (Devadatta), tùy tùng của kẻ ấy là tùy tùng của Ðề-bà-đạt-đa, tùy tùng của người chủ đoàn lữ hành hiền trí là tùy tùng của đức Phật, còn người chủ đoàn lữ hành Hiền trí là Ta vậy.
Không quản mệt, họ đào…,
Pháp thoại này được Thế Tôn nói lên khi Ngài ở Xá-vệ. Vì ai mà Ngài nói? Vì một Tỳ-kheo đã từ bỏ tinh tấn. Khi Thế Tôn ở tại Xá-vệ, có một thiện gia nam tử trú ở Xá-vệ đi đến Kỳ Viên, nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, tâm sanh tịnh tín, thấy nguy hiểm trong các dục, nên xin xuất gia. Sống năm năm chờ thọ Cụ túc giới, người ấy học thuộc lòng hai bài tóm tắt, tu tập pháp môn Thiền quán, nhận lấy từ bậc Ðạo Sư một đề tài Thiền quán mà mình ưa thích, rồi đi vào một ngôi rừng.
Trải qua một kỳ an cư mùa mưa, sau ba tháng, vị ấy không thể khởi lên một tia sáng hay một quán tưởng gì. Rồi vị ấy suy nghĩ: “Bậc Ðạo Sư dạy có bốn hạng người. Trong họ, ta có phải là hạnh thấp kém nhất không? Ta nghĩ rằng không thể có Ðạo và Quả cho tự thân ta, vậy ta sống trong rừng làm gì? Hãy đi về bậc Ðạo Sư, sống để chiêm ngưỡng thân Phật với dung sắc tối thượng, để nghe thuyết pháp dịu ngọt còn hơn.
Nghĩ vậy, vị ấy trở về Kỳ Viên. Các bạn thân tín nói với vị ấy:
– Này Hiền giả, bạn đã nhận được từ bậc Ðạo Sư một đề tài Thiền quán, đã đi với quyết tâm thực hiện pháp Sa-môn. Nay bạn lại trở về, sống vui thích với hội chúng. Hay là bạn đã đạt được mục đích tối thượng của bổn phận người xuất gia, và đã chấm dứt tái sanh?
– Này các Hiền giả, tôi không chứng được cả Ðạo lẫn Quả, tự nghĩ mình là người không có khả năng, nên tôi từ bỏ tinh tấn và về đây.
– Này Hiền giả, bạn đã làm một việc không phải, khi đã xuất gia trong Giáo pháp của bậc Ðạo Sư kiên trì tinh tấn, bạn lại từ bỏ tinh tấn. Hãy đi đến yết kiến Như Lai. Chúng ta sẽ trình bày để Ngài rõ chuyện này.
Họ đưa vị này đến gần bậc Ðạo Sư. Khi Ngài thấy vị ấy, liền nói:
– Này các Tỷ-kheo, các ông đem Tỷ-kheo này đến đây ngoài ý muốn của vị ấy. Người này đã làm gì?
– Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này, sau khi xuất gia trong Giáo pháp chân chánh giải thoát như vậy, sau khi thực hành Sa-môn pháp, lại từ bỏ tinh tấn và trở về đây.
Thế Tôn nói với Tỷ-kheo ấy:
– Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông đã từ bỏ tinh tấn?
– Thưa thật vậy, bạch Thế Tôn.
– Này Tỷ-kheo, vì sao sau khi xuất gia trong Giáo pháp như vậy, ông lại không biết sống ít dục, tri túc, viễn ly hay tinh tấn, nhưng lại là người từ bỏ tinh tấn? Do sự tinh tấn của một mình ông, mà trong bãi sa mạc toàn cát, đoàn người và đàn bò của năm trăm cỗ xe đã được nước uống, đã sống an lạc. Nay vì sao ông lại từ bỏ tinh tấn?
Với những lời như vậy, vị Tỷ-kheo ấy cảm thấy được khích lệ sách tấn. Nghe nói như vậy, các Tỷ-kheo yêu cầu Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, chúng con đã rõ sự từ bỏ tinh tấn hiện này của vị Tỷ-kheo này. Nhưng thuở trước, do sự tinh tấn của một mình người này, trong bãi sa mạc toàn cát, các đàn bò và đoàn người đã uống nước và sống an lạc. Câu chuyện ấy đang còn bị che đậy đối với chúng con, chỉ được rõ ràng với Thế Tôn là bậc Nhất thiết trí. Hãy nói cho chúng con câu chuyện này.
– Vậy này các Tỷ-kheo, hãy lắng nghe.
Sau khi gợi sự chú ý của các Tỷ-kheo, Thế Tôn nêu lên rõ ràng sự việc đã xảy ra trong quá khứ.
*
Thuở trước, trong khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại nước Kàsi, Bồ-tát sanh ra trong gia đình chủ đoàn lữ hành thương gia, lớn lên và thường đi buôn bán với năm trăm cỗ xe. Một thời Bồ-tát đi vào bãi sa mạc toàn cát, dài sáu mươi dặm, với năm trăm cỗ xe. Trong sa mạc ấy, cát rất mịn, khi được vốc trong nắm tay, thì nó sẽ chảy xuống hết. Khi mặt trời mọc lên, cát trở thành nóng như đống than hừng, không thể nào đi lên trên được. Do vậy, những ai đi qua bãi sa mạc ấy, đem theo củi, nước, dầu, gạo… trên các cỗ xe, chỉ đi ban đêm; khi mặt trời mọc, họ xếp các cỗ xe thành hình vòng tròn, làm một cái tàn che trên đầu, sau khi ăn xong thật sớm, họ thường ngồi trong bóng mát trọn ngày.
Khi mặt trời lặn, họ ăn chiều sớm, cát đã nguội, họ cho thắng các cỗ xe lại và ra đi. Ði qua bãi sa mạc này giống như đi biển vậy. Người hướng dẫn, được gọi là “địa lý trưởng” hướng dẫn đoàn lữ hành đi qua nhờ sự hiểu biết các ngôi sao. Người chủ đoàn lữ hành này thời bấy giờ đi qua bãi sa mạc với phương tiện như vậy.
Sau khi đi hết năm mươi dặm, vị ấy nghĩ: “Hôm nay, còn một đêm nữa, ta sẽ ra khỏi sa mạc này”. Sau khi ăn chiều, vị ấy ra lệnh vứt bỏ củi và nước, thắng các xe và ra đi. Người lữ hành trưởng cho trải tấm vải trong cỗ xe đi đầu để ngồi nhìn các ngôi sao và từ đó nói lên con đường sẽ đi, rồi nằm xuống. Vị ấy đã có một thời gian dài không ngủ, nên mệt mỏi, ngủ say, không biết rằng các con bò đã đi vòng quanh và trở lại con đường cũ. Các con bò suốt đêm đi như vậy.
Khi trời rạng đông, vị lãnh đạo thức dậy, nhìn các ngôi sao và bảo:
– Hãy cho quay các cỗ xe trở lại gấp!
Nhưng khi các cỗ xe đã quay trở lại, và xếp thành hàng thì trời đã sáng. Các người trong đoàn nói:
– Hôm qua, chúng ta đã cho các cỗ xe cắm trại ở đây. Củi và nước chúng ta đã vứt bỏ hết. Nay chúng ta bị nguy khốn rồi.
Họ tháo dây buộc các xe, xếp thành vòng tròn, dăng một màn che trên đầu, mỗi người nằm xuống dưới cỗ xe của mình, sầu muộn tuyệt vọng. Bồ-tát suy nghĩ: “Nếu ta từ bỏ tinh tấn, tất cả sẽ bị nguy hại”. Vào buổi sáng, khi trời đang mát, vị ấy đi qua đi lại, thấy một đám cỏ dabbha, tự nghĩ: “Dưới đám cỏ này, chắc thế nào cũng có nước mạch, cỏ mới mọc được”, bèn cho lấy cuốc và đào chỗ ấy. Họ đào đến sáu mươi khuỷu tay; đến đây, cuốc chạm vào hòn đá ở dưới. Khi ấy, tất cả đều thất vọng, không cố gắng nữa. Bồ-tát nghĩ rằng thế nào cũng có nước dưới hòn đá. Ngài đi xuống, đứng trên hòn đá. Cúi xuống, Ngài lắng tai nghe. Nghe được tiếng nước chảy dưới hòn đá, ngài leo lên lại, nói với người thị giả hầu cận:
– Này bạn thân, nếu bạn từ bỏ tinh tấn, thì tất cả chúng ta sẽ bị nguy hại. Bạn chớ từ bỏ tinh tấn. Hãy cầm cái búa lớn, đi xuống và đập trên hòn đá ấy!
Vâng theo lời chủ, trong khi tất cả mọi người đều đứng chán nản, người này không từ bỏ tinh tấn, leo xuống và đập hòn đá. Hòn đá bị vỡ ở giữa, rơi xuống và dòng nước phun đứng lên, cao ngang thân cây thốt nốt. Tất cả mọi người đều uống nước và tắm, rồi chặt phát các bánh xe, trục xe dư thừa, nấu cháo và cơm. Khi ăn xong, họ cho bò ăn.
Ðến khi trời lặn, họ buộc một cây cờ cắm gần dòng nước, rồi đi đến chỗ đã định. Tại đấy, họ bán hành hóa lấy được tiền lòi gấp hai, gấp bốn lần tiền vốn, rồi trở về nhà. Họ sống hết tuổi thọ, và khi mệnh chung đi theo nghiệp của mình. Còn Bồ-tát, trọn đời bố thí và làm các công đức, cũng đi theo nghiệp của mình.
*
Khi nói xong pháp thoại này, bậc Chánh Ðẳng Giác đọc bài kệ:
Không mệt mỏi, họ đào,
Họ đào con đường cát
Ðến khi có dòng nước
Tại đấy, họ được nước!
Cũng vậy, bậc ẩn sĩ
Với sức mạnh tinh tấn,
Không thối chí mệt mỏi,
Tìm được tâm an tịnh.
Rồi Ngài giảng về Bốn Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo đã từ bỏ tinh tấn ấy chứng quả tối cao, quả A-la-hán.
Sau khi bậc Ðạo Sư kể xong hai câu chuyện và kết hợp chúng với nhau, Ngài kết luận bằng sự nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, người thị giả không từ bỏ tinh tấn, đập vỡ hòn đá và đem lại nước cho đoàn người tức là vị Tỷ-kheo đã từ bỏ tinh tấn này. Tùy tùng của vị chủ đoàn lữ hành là tùy tùng của đức Phật, còn vị chủ đoàn lữ hành là Ta vậy.
Nếu đây ông thối thất…
Thế Tôn thuyết pháp thoại này khi ở Xá-vệ, cũng liên hệ đến một Tỷ-kheo từ bỏ tinh tấn. Khi vị ấy được các Tỷ-kheo đưa đến bậc Ðạo Sư, trong trường hợp giống như câu chuyện trươùc, bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, ông xuất gia trong Giáo pháp đem lại Ðạo và Quả như vậy, lại từ bỏ tinh tấn, ông sẽ sầu muộn lâu dài, như người lái buôn Seriva đã mất một cái bát bằng vàng trị giá trăm ngàn đồng tiền vàng.
Các Tỷ-kheo yêu cầu Thế Tôn phân tích sự việc này. Thế Tôn làm sáng tỏ ý nghĩa qua câu chuyện quá khứ sau đây:
*
Thuở xưa năm kiếp về trước, Bồ-tát ở trong nước Seri, làm nghề đi buôn ghè bát và được gọi là Serivan. Serivan cùng với một người lái buôn bán ghè bát tham lam khác, vượt qua con sông Talavaha đi vào thành Andhapura, phân chia những con đường trong thành, bán hàng hóa của mình tại con đường đã được phân chia. Còn người kia nhận con đường phần mình. Trong thành ấy, có một gia đình triệu phú bị sa sút. Tất cả con trai, anh, em và tài sản đều bị mất sạch. Những người sống sót là một người con gái và một bà nội, cả hai bà cháu sống bằng nghề làm thuê cho các người khác. Nhưng trong nhà có một cái bát bằng vàng, xưa kia người đại triệu phú dùng để ăn cơm. Bát ấy lâu ngày bị quăng vào giữa các chén bát khác không được dùng đến và bụi nhớp dính đầy. Họ không biết cái bát ấy bằng vàng. Lúc bấy giờ, người lái buôn tham lam kia, đang vừa đi vừa rao:
– Hãy lấy ghè nước, hãy lấy ghè nước.
Và đến cửa ngôi nhà. Người con gái thấy kẻ ấy liền nói với bà nội:
– Thưa bà, hãy lấy cho con một đồ trang sức.
– Này con thân, chúng ta rất nghèo, đem đổi cái gì để lấy ghè nước?
– Có một cái bát không giúp ích gì cho chúng ta. Hãy đem cái này đổi lấy ghè.
Bà cho gọi người lái buôn, lấy ghế mời ngồi, đưa cái bát cho kẻ ấy và nói:
– Này ông, hãy lấy vật này và đổi cho chị một chút gì.
Người lái buôn cầm bát suy nghĩ: “Bát này có thể bằng vàng”, xoay bát trên tay, cạo một đường với một cây kim sau lưng bát, biết được bát bằng vàng, kẻ ấy nghĩ: “Không cần cho những người này một cái gì cả, ta sẽ lấy cái bát”, bèn nói:
– Vật này mà giá bao nhiêu? Giá của nó không đáng nửa đồng xu.
Kẻ ấy quăng bát xuống đất, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi bỏ đi. Bấy giờ, giữa hai người lái buôn có sự thỏa thuận rằng khi một người đã vào con đường rồi bỏ đi, người kia có thể vào con đường ấy được. Vì thế Bồ-tát đi vào con đường ấy, rao hàng:
– Ai lấy ghè nước không?
Và đi đến cửa ngôi nhà ấy. Cô con gái nói với bà nội như trước. Bà nội nói với cô:
– Này con thân, người lái buôn đến trước đã quăng bát xuống đất và bỏ đi, nay chúng ta có thể cho cái gì để lấy được?
– Thưa bà, người lái buôn kia ăn nói thô ác. Còn người này có dáng mặt dễ thương, ăn nói dịu dàng. Rất có thể người này nhận lấy.
– Vậy hãy gọi họ lại.
Cô gái gọi người này lại.
Khi vị này vào nhà và ngồi, họ đưa cái bát cho xem. Vị này biết cái bát là bằng vàng liền nói:
– Thưa mẹ, cái bát này đáng giá trăm ngàn đồng tiền vàng. Tôi không có trong tay tôi hàng hóa giá trị bằng cái bát này.
– Này ông, người lái buôn đi đến trước nói rằng cái này không đáng giá nửa đồng xu, đã quăng bát xuống đất bỏ đi. Nay bát này nhờ công đức của ông, trở thành bằng vàng. Vậy chúng tôi cho ông cái bát này. Hãy cho chúng tôi một chút ít thứ gì, lấy cái bát và ra đi.
Lúc đó Bồ-tát có trong tay tám trăm đồng tiền vàng và hàng hoá trị giá năm trăm đồng tiền vàng, liền đem cho tất cả và nói:
– Hãy cho tôi giữ lại cái cân, cái giỏ và tám đồng tiền vàng.
Sau khi xin như vậy rồi, ngài cầm lấy cái bát và ra đi. Ngài đi mau đến bờ sông, cho người chủ thuyền tám đồng tiền và leo lên thuyền. Khi ấy, người lái buôn tham lam trở lại và nói:
– Hãy đem cái bát ra đây, ta sẽ cho các người một ít thứ gì.
Nhưng bà già mắng lại kẻ ấy:
– Chú cho rằng cái bát bằng vàng của chúng ta trị giá một trăm ngàn đồng lại không đáng giá nửa đồng xu! Nhưng một người lái buôn chân chánh, giống như thầy của chú, đã cho chúng ta một ngàn đồng vàng, lấy cái bát và ra đi rồi.
Nghe nói như vậy, kẻ ấy than:
– Ta đã mất đi cái bát bằng vàng trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng rồi. Nó thật là tên ăn cướp đã hại ta.
Người lái buôn tham lam ấy sanh khởi ưu tư sầu muộn, không thể tập trung tâm trí, trở thành điên loạn, tự tay vung vãi đồng tiền vàng và hàng hóa trước cửa nhà ấy, quăng bỏ áo mặc, áo choàng, và tay cầm cán cân như cái gậy đi theo con đường của Bồ-tát, đến bờ sông. Thấy Bồ-tát đã đi qua sông, kẻ ấy liều kêu:
– Hỡi bạn lái đò, hãy quay lại.
Nhưng Bồ-tát ngăn chận và nói:
– Ðừng quay lại.
Thấy Bồ-tát dần dần đi xa, sầu muộn ưu tư của kẻ ấy khởi lên, quả tim nóng ran, máu nóng trào ra miệng và quả tim ấy bị nứt ra như bùn dưới đáy của một bể nước. Do hận tâm chống Bồ-tát, kẻ ấy mệnh chung ngay tại chỗ. Ðây là lần đầu tiên Ðề-bà-đạt-đa có hận tâm chống Bồ-tát. Còn Bồ-tát, trọn đời làm các công đức như bố thí… rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi thuyết pháp thoại này xong, bậc Chánh Giác đọc bài kệ:
Nếu đây ông thối thất
Không hướng đích diệu pháp,
Ông sẽ khổ lâu dài
Như người buôn Se-ri.
Như vậy, sau khi bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này đưa đến tột đỉnh A-la-hán, Ngài giảng Bốn Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo từ bỏ tinh tấn chứng quả tối cao A-la-hán.
Sau khi kể hai câu chuyện và kết hợp chúng với nhau, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, người lái buôn ngu si là Ðề-bà-đạt-đa, còn người lái buôn hiền trí là Ta vậy.
Bậc trí với ít vốn…
Pháp thoại này được Thế Tôn thuyết khi Ngài ở Rừng xoài Jivaka, gần Vương Xá (Rajagaha), về Trưởng lão Cullapanthaka. Ở đây, cuộc đời của Cullapanthaka cần được nói đến. Ở Rajagaha, con gái của một triệu phú giàu có thông gian với người nô lệ của mình. Sợ việc làm này bị người khác biết, cô gái nói với người nô lệ:
– Chúng ta không thể sống ở chỗ này. Nếu cha mẹ ta biết được tội lỗi này, sẽ xé xác chúng ta. Chúng ta nên đi sống một chỗ khác.
Với đồ đạc tư trang cầm tay, cả hai cùng trốn ra khỏi cửa ít khi được mở, thỏa thuận với nhau tìm chỗ nào không ai biết đến họ và sẽ sống tại đấy. Sau một thời gian sống với nhau, cô gái thụ thai. Ðến khi sinh nở, người vợ nói với chồng:
– Nay em đã gần tới kỳ sinh nở, ở chỗ này lại không có bà con. Ðến khi em sinh nở, hai chúng ta sẽ gặp khổ sở. Vậy chúng ta hãy đi về nhà.
Người chồng cứ hẹn lần hết ngày này qua ngày khác, và để ngày tháng trôi qua. Người vợ suy nghĩ: “Người ngu này, ý thức tội lỗi quá lớn của mình, nên không dám đi. Cha mẹ là bạn tốt nhất của mình. Chồng ta đi hay ở lại, ta cũng phải đi”.
Ðợi người chồng đi ra khỏi nhà, người vợ sắp đồ đạc trong nhà, và tin cho những người sống kế cận biết là nàng trở về nhà cha mẹ,, rồi nàng lên đường.
Khi người chồng về, không thấy nàng, hỏi người láng giềng, biết nàng đã trở về gia đình, liền vội vã đi theo và bắt gặp nàng giữa đường. Tại đấy, nàng sinh con. Người chồng hỏi:
– Này em thân, việc gì vậy?
– Này chàng, em đã sinh đứa con trai.
– Vậy chúng ta sẽ làm gì?
Cả hai đồng ý rằng mục đích đi về nhà là để sinh đẻ, nhưng giữa đường việc ấy đã giải quyết xong nay còn đi về làm gì nữa. Họ liền trở về chỗ trọ cũ.
Vì đứa con sinh ra giữa đường, nên được đặt tên là Panthaka (Lữ khách). Không bao lâu, người vợ lại có thai. Tất cả sự việc như lần trước đã diễn tiến lại. Vì đứa con thứ hai này cũng được sinh giữa đường, họ đặt tên đứa đầu là Mahàpanthaka (Ðại Lữ Khách) và đứa sau là Cullapanthaka (Tiểu Lữ Khách). Rồi họ đem cả hai đứa con trở về nhà của họ. Trong khi họ sống tại chỗ ấy, đứa trẻ Panthaka nghe các đứa trẻ khác gọi các cậu, các ông nội, bà nội, nó về hỏi mẹ:
– Thưa mẹ, các đứa trẻ khác gọi các cậu, các ông nội, bà nội. Vậy chúng ta không có bà con sao?
– Chúng ta cũng có. Bà mẹ đáp. Nhưng bà con của con không ở đây. Ông của con là một triệu phú ở Vương Xá. Tại đấy, con có rất nhiều bà con.
– Thưa mẹ, vì sao chúng ta không đi đến đấy?
Nàng nói cho con biết lý do vì sao không đi về nhà của mình, và khi các con hỏi nữa, nàng nói với chồng:
– Những đứa trẻ con này làm cho em rất mệt. Không lẽ cha mẹ thấy chúng ta, lại ăn thịt chúng ta? Hãy đi về để cho mấy đứa trẻ biết nhà ông chúng nó.
– Ta không thể đứng giáp mặt với cha mẹ em được, nhưng ta sẽ đưa chúng đến đấy.
Nàng nói:
– Như vậy cũng được, làm cách nào cho mấy đứa trẻ thấy nhà ông của chúng là được.
Hai vợ chồng đem hai đứa trẻ về đến Vương Xá, tạm trú tại một quán trọ gần cửa thành Vương Xá. Rồi người vợ đem hai con nhờ người đưa tin cho cha mẹ nàng biết là họ đã đến. Khi nghe được tin này, cha mẹ nàng nói:
– Sống ở đời mà không có con trai, con gái là một việc không thể có được. Nhưng chúng đã có tội quá lớn đối với chúng ta. Chúng ta không thể giáp mặt được. Ðây là số tiền cho chúng. Chúng hãy lấy số tiền ấy mà sống thoải mái tại một chỗ nào đó. Nhưng phải giao hai đứa trẻ ở lại đây.
Người con gái vị triệu phú lấy số tiền cha mẹ cho, và giao hai đứa trẻ tận tay người đưa tin. Hai đứa trẻ lớn lên trong gia đình ông ngoại chúng. Cullapanthaka còn nhỏ, nên Mahàpanthaka thường đi với ông ngoại đến nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp. Thường nghe thuyết pháp, và thấy bậc Ðạo Sư, tâm của Mahàpanthaka thiên về xuất gia. Nó nói với ông ngoại nó:
– Nếu ông chấp thuận, cháu sẽ xuất gia.
-Này cháu thân, cháu nói gì vậy? Ôi ! Ta sẽ vô cùng vui sướng được thấy cháu xuất gia, còn hơn là thấy toàn thế giới xuất gia! Này cháu thân, nếu có thể được, hãy xuất gia.
Ông ngoại chấp nhận và đưa cháu đi gặp bậc Ðạo Sư. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này triệu phú, ông mang theo đứa trẻ nào vậy?
– Bạch Thế Tôn! Ðứa trẻ này là cháu của con, nó muốn xuất gia với Thế Tôn.
Bậc Ðạo Sư bảo một vị Khất sĩ cho đứa trẻ xuất gia. Vị Trưởng lão, đọc đề tài Thiền quán gồm năm phần, từ da trở đi … và làm phép xuất gia cho đứa trẻ. Ðứa trẻ học nhiều lời dạy của đức Phật, và khi cậu đến tuổi, cậu được thọ Ðại giới. Nhờ chuyên tâm tinh cần, làm đủ các bổn phận tu tập, Mahapanthaka chứng quả A-la-hán. Trong khi thọ hưởng an lạc Thiền định và an lạc Thánh đạo, người anh nghĩ nên cho em là Culla-panthaka cũng hưởng được an lạc ấy. Rồi người anh đi đến gọi ông ngoại triệu phú và nói:
– Nếu ông ngoại chấp thuận, con sẽ làm lễ xuất gia cho Cullpanthaka.
– Thưa Tôn giả, hãy làm lễ xuất gia cho nó.
Vị Trưởng lão làm lễ xuất gia cho Cullapanthaka và cho thọ Mười giới. Nhưng Sa-di Cullapanthaka, sau khi xuất gia, tỏ ra rất ám độn. Người em trong bốn tháng không thể học thuộc lòng bài kệ này:
Như bông sen thơm dịu,
Vào rạng đông buổi sáng,
Hoa được nở toàn diện
Với mùi hương bát ngát.
Nhìn đức Phật chói sáng
Với hào quang chiếu diện,
Như mặt trời rực sáng
Trên bầu trời quang đãng.
Chúng ta được kể rằng, trong thời đức Phật Kassapa, Cullapanthaka xuất gia, có trí tuệ, đã cười khinh bỉ một Tỷ-kheo ám độn đang học thuộc lòng một đoạn kinh. Tỷ-kheo ấy hổ thẹn vì bị khinh bỉ đến nổi không thể nhớ và đọc lên đoạn kinh ấy. Do kết quả nghiệp ấy, Cullapanthaka trở thành ám độn, những câu vị ấy mới học làm vị ấy quên đi những câu đã học trước; và bốn tháng đã trôi qua, trong khi vị ấy đang cố gắng học một câu kệ, Mahàpanthaka nói với em:
– Này Panthaka, em không có khả năng trong Giáo pháp này. Bốn tháng trôi qua, em không thể học thuộc lòng một câu kệ, làm sao em có thể đạt được sự nghiệp tối thượng của người xuất gia? Hãy đi ra khỏi tinh xá.
Như vậy người anh đuổi người em. Nhưng Cullapanthaka đã gắn bó đặc biệt với giáo pháp của đức Phật, nên không muốn trở thành một người tại gia.
Trong thời ấy, Mahapanthaka đang làm người phân phối bữa ăn. Một hôm Jivaka Komàrabhacca đem theo nhiều hương thơm và vòng hoa, đến vườn xoài của mình, để cúng dường Thế Tôn. Sau khi nghe pháp, Jivaha từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ bậc Mười Lực (Dasabala), rồi đi đến gần Mahapanthaka và hỏi:
– Thưa Tôn giả, có bao nhiêu Tỷ-kheo ở gần bậc Ðạo Sư?
– Khoảng năm trăm.
– Vậy ngày mai, xin Tôn giả hãy mời năm trăm Tỷ-kheo, với đức Phật là người dẫn đầu, dùng bữa ăn tại nhà tôi.
– Này cư sĩ, Cullapanthaka là kẻ ám độn, không thể lớn mạnh trong Giáo pháp. Tôi chấp nhận lời mời tất cả, trừ nó ra.
Nghe vậy, Cullapanthaka suy nghĩ: “Vị Trưởng lão nhận lời mời tất cả Tỷ-kheo và loại ta ra ngoài. Không nghi ngờ gì nữa, tình cảm của anh ta đối với ta đã bị đỗ vỡ. Nay ta còn ở trong Giáo pháp này làm gì nữa? Vậy ta sẽ làm người cư sĩ, sống làm các công đức như bố thí, …
Rạng ngày hôm sua Cullapanthaka ra đi với ý nghĩ: “Ta trở lại đời sống gia chủ”. Bậc Ðạo Sư, vào sáng sớm, khi nhìn khắp thế giới, thấy sự kiện này, nên ra đi sớm hơn Cullapanthaka. Ngài đi qua đi lại trước cửa ngõ, trên con đường của Cullapanthaka và đứng lại. Cullapanthaka, từ nhà đi ra, thấy bậc Ðạo Sư, đến gần Ngài và đảnh lễ. Thấy Cullapanthaka, Thế Tôn hỏi:
– Này Cullapanthaka, con đi đâu vào giờ này?
– Bạch Thế Tôn, anh con đuổi con, cho nên con đi lang thang.
– Này Cullapanthaka, con xuất gia với Ta. Khi anh con đuổi, sao con không đến gặp Ta? Con sống tại gia để làm gì? Hãy đến sống gần Ta.
Rồi Thế Tôn đem Cullapanthaka đi, bảo ngồi trước Hương phòng. Ngài đưa Cullpanthaka một miếng vải sạch mà Ngài đã tạo bằng thần thông, rồi nói:
– Này Cullapanthaka, hãy hướng mặt về phía đông, dùng miếng vải này lau qua lau lại và nói: Ðồ vật lau bụi, đồ vật lau bụi.
Ðúng giờ đã định, đức Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo vây quanh, đi đến nhà Javaka và ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Còn Cullapanthaka, với mặt hướng phía mặt trời, ngồi cầm miếng vải lau qua lau lại và nói: Ðồ vật lau bụi, đồ vật lau bụi, cho đến khi miếng vải trở thành dơ bẩn. Rồi Cullapanthaka suy nghĩ: “Vừa rồi, tấm vải này rất là sạch sẽ. Nhưng này vì bản thân ta, nó đã bỏ nguyên trạng của nó, và trở thành dơ bẩn. Thật sự các hành là vô thường”. Ngay khi Cullapanthaka thông hiểu tính đoạn diệt, Thiền quán được tăng trưởng. Bậc Ðạo Sư biết tâm thiền quán của Cullapanthaka đã đạt viên mãn, bèn nói với Cullapanthaka:
– Chớ để ý đến miếng vải này đã bị bụi làm bẩn. Nhưng trong con có bụi tham … hãy tẩy trừ chúng.
Rồi Thế Tôn phóng hào quang, hóa hiện một danh sắc do trí tuệ tạo thành, ngồi trước mặt vị ấy, và đọc các bài kệ này:
Tham mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này;
Tham mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng;
Hỡi này các Tỷ-kheo,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo pháp
Của vị không bụi bẩn.
Sân mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này,
Sân mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỷ-kheo,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo pháp
Của vị không bụi bẩn.
Si mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này;
Si mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỷ-kheo,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo Pháp
Của vị không bụi bẩn.
Cuối câu kệ, Cullapanthaka chứng quả A-la-hán với Bốn Vô ngại giải, vị ấy thấu hiểu tất cả Tạng kinh điển. Tương truyền rằng, trong thời quá khứ, vị ấy làm vua, và khi đang đi bộ xung quanh thành phố, mồ hôi chảy từ trán, vị ấy lấy một miếng vải sạch lau trán. Miếng vải trở thành bẩn. Vị ấy suy nghĩ: “Do thân này của ta, miếng vải đã bỏ nguyên trạng trong trắng và trở thành dơ bẩn. Thật sự các hành là vô thường”. Vị ấy nắm được tướng vô thường. Như vậy chính nhờ sự đoạn trừ bụi bẩn này tạo thành nhân duyên giải thoát cho vị ấy. Trong khi ấy, Jivaka Komàrabhacca dâng nước bố thí lên đấng Ðại Giác. Bậc Ðạo Sư lấy tay che bình bát và nói:
– Này Jivaka, trong tinh xá còn có Tỷ-kheo nào hay không?
Mahapanthaka thưa:
– Bạch Thế Tôn, trong tinh xá không còn Tỷ-kheo nào.
Nhưng bậc Ðạo Sư nói:
– Này Javaka, còn có Tỷ-kheo.
Javaka liền sai một người đi xem thử trong tinh xá có Tỷ-kheo hay không. Trong lúc ấy, Cullapathaka biết người anh của mình nói không có Tỷ-kheo ở trong tinh xá và muốn tỏ cho người anh thấy rằng còn có nhiều Tỷ-kheo ở trong tinh xá, liền làm cho toàn rừng xoài đầy những Tỷ-kheo. Một số Tỷ-kheo đang làm y, một số đang nhuộm, một số đang học kinh điển. Cullapanthaka tạo ra một ngàn Tỷ-kheo, không ai giống ai. Người kia thấy rất nhiều Tỷ-kheo ở trong tinh xá, trở về báo cho Javaka biết:
– Thưa ông chủ, toàn rừng xoài đầy những Tỷ-kheo! Có bậc trưởng lão ở tại đấy!.
Trưởng lão Pan-tha-ca
Hóa mình thành ngàn lần,
Ngồi rừng xoài xinh đẹp,
Chờ thời được gọi đến.
Bậc Ðạo Sư nói với người ấy:
– Hãy đi đến tinh xá, nói Thế Tôn cho gọi Cullapanthaka.
Người ấy đi và khi nói như vậy, thì ngàn miệng nói lên:
– Tôi là Cullapanthaka! Tôi là Cullapanthaka!
Người ấy về thưa:
– Bạch Thế Tôn, tất cả đều nói: “Tôi là Cullapanthaka”.
– Vậy ông hãy đi đến và nếu ai nói đầu tiên: Tôi là Pathaka, hãy nắm tay người ấy, tất cả người còn lại sẽ biến mất.
Người ấy làm đúng như vậy. Ngay lúc ấy, cả ngàn Tỷ-kheo đều biến mất. Vị trưởng lão đi với người ấy đến bậc Ðạo Sư. Sau khi dùng bữa ăn xong, bậc Ðạo Sư nói với Jivaka:
– Này Javaka, hãy lấy cái bát của Cullapanthaka. Vị này sẽ nói lời cám ơn ông.
Jivaka làm như lời bậc Ðạo Sư đã nói. Vị trưởng lão rống tiếng rống của sư tử, làm cho sống động tất cả các Tạnh Kinh điển trong lời nói cám ơn của mình.
Rồi Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, với chúng Tỷ-kheo vây quanh, đi trở về tinh xá. Sau khi các Tỷ-kheo phân boá công việc xong, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đứng trước Hương phòng, thuyết lời khuyến cáo của bậc Thiên Thệ cho chúng Tỷ-kheo, cho họ đề tài Thiền quán, giải tán chúng Tỷ-kheo, rồi đi vào Hương phòng sực nức mùi thơm và nằm xuống phía hông bên mặt như dáng nằm con sư tử.
Vào buổi chiều, các Tỷ-kheo đắp y vàng từ nhiều nơi quy tụ lại trong Pháp đường, ngồi xuống như thể trải một tấm màn vàng rực chung quanh bậc Ðạo Sư, và bắt đầu tán thán công đức của Ngài:
– Này các Hiền giả, Mahapanthaka không biết khả năng của Cullapanthaka, đã đuổi Cullapanthaka ra khỏi tinh xá, cho là ngu si ám độn, trong bốn tháng học không thuộc một câu kệ. Nhưng bậc Chánh Ðẳng Giác, với đức tánh vô thượng Pháp Vương, chỉ trong một bữa ăn, đã đem lại cho Cullapanthaka quả A-la-hán với các Vô ngại giải. Với các Vô ngại giải ấy, Cullapanthaka nắm được toàn bộ các Tạng kinh điển. Ôi, Phật lực thật lớn vậy thay!
Thế Tôn biết được diễn tiến câu chuyện trong Pháp đường, nghĩ rằng nay cần phải đi đến chỗ ấy, liền đứng dậy từ chỗ nằm của đức Phật, mặc hai tấm áo màu đỏ chói, thắt cái nịt thân như chớp nhoáng, và đắp lại y. Bậc Thiện Thệ như tấm mền đỏ thắm, từ Hương phòng đi ra, đi đến Pháp đường với uy nghi vô tận của một đức Phật, di động với dáng điệu oai hùng đẹp đẽ của con voi, con sư tử trong thời sung sức. Bước lên Phật tọa được trình bày lộng lẫy ở giữa Pháp đường trang nghiêm. Ngài ngồi trên Phật tọa phóng ra những hào quang. Phật có sáu màu như mặt trời mới mọc từ trên đỉnh núi Yugandahara, ngài chói sáng đến tận đáy biển.
Ngay khi bậc Chánh Giác đến, chúng Tỷ-kheo chấm dứt câu chuyện và giữ im lặng. Bậc Ðạo Sư, với tâm tư bi hòa nhã, nhìn hội chúng và suy nghĩ: “Hội chúng này thật rực sáng, không có một động tay, một động chân, không một tiếng đằng hắng, không một tiếng ho. Tất cả vì tôn kính Ta, nếu Ta ngồi không nói cho đến suốt đời, đại chúng đều không dám nói trước khi Ta nói. Ta biết Ta cần phải nói trước. Ta sẽ nói trước”. Với Phạm âm ngọt dịu, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, các ông nay ngồi ở đây nói đề tài gì và câu chuyện gì chưa được nói xong?
– Bạch Thế Tôn, chúng con ngồi đây không nói chuyện nhảm. Chúng con ngồi tán thán công đức của Ngài như sau: Này các Hiền Giả, Mahapanthaka không biết khả năng của Cullapanthaka, đã đuổi Cullapanthaka ra khỏi tinh xá… Ôi, Phật lực thật lớn vậy thay!
Thế Tôn, nghe các Tỷ-kheo nói vậy, bèn nói:
– Này các Tỷ-kheo, Cullapanthaka nay do nhờ Ta, đã đạt được sự vĩ đại trong Chánh Pháp. Còn thời quá khứ cũng do nhờ Ta, vị ấy đã đạt được tài sản vĩ đại trong các tài sản.
Các Tỷ-kheo yêu cầu Thế Tôn giải thích ý nghĩa này và Thế Tôn liền trình bày rõ sự việc tái sanh che lấp qua câu chuyện sau đây.
*
Thuở xưa, tại nước Kàsi, trong thành Ba-la-nại, khi vua Brahamadatta đang trị vì, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình triệu phú và được gọi là Tiểu Triệu phú. Ngài có trí thông minh, biết tất cả loại tướng. Một hôm, trong khi đi đến hầu vua, giữa đường thấy một con chuột chết, ngay lúc ấy ngài tính toán các vì sao và nói:
– Một thiện nam tử nào có mắt, chỉ cần lượm con chuột này lên có thể xây dựng cơ nghiệp và nuôi một người vợ.
Bấy giờ có một thiện nam tử đang bị túng thiếu, nghe triệu phú nói vậy, suy nghĩ: “Người này biết cái gì mới nói”, bèn lượm con chuột lên, bán được một xu ở một tiệm hàng mua cho mèo ăn. Với đồng xu ấy, chàng mua đường mật và lấy nước uống với một cái bình. Gặp những người làm vòng hoa từ rừng về, chàng cho mỗi người một ít đường, mật và nước uống với một ít cái gáo. Mỗi người làm vòng hoa, cho chàng một nắm hoa.
Ngày mai, với số tiền bán hoa ấy, chàng lấy đường, mật, một ghè nước rồi đi đến vườn hoa. Ngày ấy, các người làm vòng hoa cho chàng những cành hoa đã hái còn sót lại rồi bỏ đi. Không bao lâu với phương tiện này, chàng có được tám đồng tiền vàng.
Rồi vào một ngày mưa gió, trong vườn của vua có rất nhiều cành cây khô và lá bị gió làm rụng xuống, người giữ vườn không biết cách nào để quét chúng cho sạch. Chàng đi đến, nói với người giữ vườn:
– Tôi sẽ quét sạch với điều kiện là củi và lá này thuộc về của tôi.
Người giữ vườn chấp thuận. Người đệ tử này của vị Tiểu triệu phú đi đến sân chơi của bọn trẻ, cho chúng đường mật, và nhờ chúng dọn sạch củi, lá chất thành một đống trước vườn hoa trong một thời gian ngắn. Khi ấy, người làm đồ gốm cho vua đang đi tìm củi để đốt nung các chén bát cho nhà vua, thấy đống củi ấy tại cửa vườn hoa, ông ta mua ngay và tự tay mang nó đi.
Ngày ấy, đệ tử vị Tiểu triệu phú bán củi có được mười sáu đồng tiền, ghè bình và năm cái bát. Sau khi có được hai mươi bốn đồng tiền, chàng nghĩ đến một kế hoạch, đặt một ghè nước không xa cửa thành và đem nước cho năm trăm người cắt cỏ uống. Họ nói:
– Bạn giúp ích cho chúng tôi rất nhiều. Bạn muốn chúng tôi làm gì cho bạn?
Chàng trả lời:
– Khi nào tôi có việc, tôi sẽ nói cho các anh biết.
Trong khi đi qua lại, chàng làm thân với một người buôn bán trên bộ và một người buôn bán trên biển. Người buôn bán trên bộ báo tin cho chàng biết ngày mai sẽ có người buôn ngựa đến tại thành này với năm trăm con ngựa. Nghe vậy, chàng nói với những người cắt cỏ:
– Hôm nay, mỗi người hãy cho tôi một bó cỏ, và không bán cỏ của các anh cho đến khi tôi bán xong cỏ của tôi.
Họ bằng lòng và đem đến nhà chàng năm trăm bó cỏ. Người lái buôn ngựa không tìm được cỏ trong toàn thành phố, liền cho chàng một ngàn đồng tiền và lấy cỏ của chàng. Sau một vài ngày, người buôn bán trên biển báo tin cho chàng biết sẽ có một chiếc tàu lớn cập bến. Chàng nghĩ đến một kế hoạch khác. Với tám đồng tiền chàng thuê một cỗ xe trang bị đầy đủ, được thuê theo giờ, và đi đến bến cảng với vẻ rất uy nghi bệ vệ.
Sau khi đưa chiếc nhẫn làm bảo chứng cho chiếc tàu, chàng bảo dựng một cái lều không xa bao nhiêu, ngồi ở trong lều và dặn chúng người làm công như sau:
– Khi có các người lái buôn từ ngoài đến, hãy báo cho ta biết qua ba người giới thiệu.
Khi nghe tin có tàu đến, khoảng một trăm người lái buôn từ Ba-la-nại đến để mua hàng. Họ được cho biết là hàng không thể lấy được vì phải để dành cho người lái buôn ở tại chỗ ấy đã có bảo chứng. Họ nghe vậy liền đi đến gặp chàng. Những người hầu, như đã được dặn trước, báo tin họ đến qua ba người giới thiệu.
Một trăm người lái buôn ấy, mỗi người cho chàng một ngàn đồng để làm người hùn vốn trên tàu và cho một ngàn đồng nữa để trả tiền lấy hàng hóa phần của mình. Như vậy người đệ tử vị Tiểu triệu phú lấy được hai trăm ngàn đồng tiền và đi về Ba-la-nại.
Ðể bày tỏ sự biết ơn đối với vị Tiểu triệu phú, chàng đem theo một trăm ngàn đồng tiền và đi đến thăm vị Tiểu triệu phú. Vị Tiểu triệu phú hỏi chàng đã làm gì để được số tiền này, chàng tường thuật tất cả câu chuyện, từ khi theo lời vị Tiểu triệu phú trải qua bốn tháng bắt đầu với việc chàng lượm con chuột chết. Vị Tiểu triệu phú nghe chàng nói như vậy, nghĩ rằng không thể để một chàng trai trẻ như vậy rơi vào tay người khác, liền gả con gái mới lớn lên của mình cho chàng, và cho chàng làm chủ toàn bộ gia sản. Khi người triệu phú qua đời, chàng đã trở thành vị triệu phú của thành ấy. Và khi mệnh chung, Bồ-tát đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi nói lên pháp thoại này, bậc Chánh Giác đọc bài kệ:
Bậc trí với ít vốn,
Bậc có mắt, ít hàng,
Tự xây dựng cho mình
Tài sản lớn như vậy,
Như dùng hơi thở mình
Thổi lớn đám lửa nhỏ.
Thế Tôn nói:
– Này các Tỷ-kheo, chính dựa vào Ta, Cullapanthaka ngày nay đạt được pháp tối thượng trong các pháp, cũng như ngày xưa đã đạt được tài sản tối thượng trong các tài sản.
Sau khi nói xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp hai mẩu chuyện với nhau, và kết luận bằng sự nhận diện Tiền thân như sau:
– Trong thời ấy, đệ tử của Tiểu Triệu phú là Cullapanthaka, còn Cullakasetthi, Tiểu triệu phú, là Ta vậy.
Giá đấu gạo bao nhiêu?…
Câu chuyện này được Thế Tôn, khi ở tại Kỳ Viên, đã kể về Trưởng lão Laludayi. Trong thời ấy, Tôn giả Dabba, con bộ tộc Malla, làm người phân phối cơm ăn cho chúng Tăng. Thời ấy, vào buổi sáng, trong khi phân phối thẻ cơm, Trưởng lão Udàyi khi thì được gạo tốt, khi thì được gạo xấu. Vào ngày được gạo xấu Udàyi thường làm rộn lên trong phòng phát thẻ và nói:
– Sao chỉ có Dabba biết phát thẻ, chớ chúng tôi không biết hay sao?
Một hôm, khi Udayi làm rộn lên trong phòng phát thẻ, người ta đưa sổ phát thẻ cho Udayi và nói:
– Hôm nay, Hiền giả hãy phát thẻ.
Bắt đầu từ hôm ấy, Udàyi phát thẻ cho chúng Tăng. Nhưng trong khi phát thẻ, Udàyi không biết gạo nào là gạo tốt, gạo nào là gạo xấu, Udàyi cũng không biết số hạ lạp như thế nào được phát gạo tốt, số hạ lạp như thế nào được phát gạo xấu. Khi làm sổ thứ tự để chia phần, Udàyi không nghĩ đến thứ tự hạ lạp. Do vậy, khi các Tôn giả đứng vào vị trí của mình, Udàyi ghi một cái dấu trên sàn hoặc trên tường để chỉ rõ hàng này đứng chỗ này, hàng kia đứng chỗ kia.
Ðến ngày sau, trong phòng phân phối thẻ có ít Tỷ-kheo hơn trong hàng này, và có nhiều Tỷ-kheo hơn trong hàng kia. Hàng nào ít tỷ-kheo hơn, thì các dấu ghi quá thấp, hàng nào nhiều Tỷ-kheo hơn, thì các dấu ghi quá cao. Nhưng Udàyi không biết gì về hàng sắp, đã phân phối các thẻ theo những dấu của mình. Do vậy, các Tỷ-kheo nói với Udàyi:
– Các dấu hoặc là quá thấp, hoặc là quá cao. Gạo tốt dành cho những vị có hàng lạp như thế kia còn gạo xấu lại dành cho những vị có hàng lạp như thế này.
Nhưng Udàyi gạt họ ra một bên và nói:
– Nếu dấu này là như vậy, sao các Hiền giả không đứng như vậy? Sao tôi lại tin các Hiền giả? Tôi tin các dấu của tôi hơn.
Các vị trẻ tuổi và các Sa-di kéo Udàyi ra khỏi phòng phân phối và nói:
– Này Hiền giả Udàyi ám độn, khi Hiền giả phân phối thẻ, các Tỷ-kheo nhận thiếu phần họ được nhận. Hiền giả không xứng đáng để phân phối. Hãy đi ra đi.
Trong khi ấy, tại phòng phân phối thẻ, có tiếng ồn ào lớn. Nghe vậy, bậc Ðạo sư gọi hỏi trưởng lão Ànanda:
– Này Ànanda, không phải hiện nay, Udàyi với sự ngu si của mình, mới làm cho người khác bị thiệt hại khi nhận phần của họ. Thuở trước, Udàyi cũng đã làm như vậy.
Trưởng lão Ànanda yêu cầu Thế Tôn làm sáng tỏ vấn đề này. Thế Tôn trình bày rõ sự việc bị tái sanh che lấp qua câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, ở nước Kàsi, tại thành Ba-la-nại, vua Brahmadatta đang trị vì. Lúc ấy, Bồ-tát của chúng ta làm người đánh giá cho vua. Ngài đánh giá voi ngựa v.v… đánh giá châu báu, vàng v.v… và ngài thường trả cho những người chủ các hàng hóa đúng giá tiền như ngài đã quy định. Nhưng vua là người tham lam và bản tánh tham của vua khiến vua suy nghĩ: “Người đánh giá này với cách đánh giá như vậy, không bao lâu sẽ làm cho tài sản trong nhà của ta khánh kiệt. Ta phải tìm một người đánh giá khác.” Mở cửa sổ, nhìn xuống sân, vua thấy một người quê mùa tham và ngu đang đi qua sân, nghĩ rằng kẻ ấy có thể làm người đánh giá cho mình, bèn cho gọi kẻ ấy lên, và hỏi anh ta có thể làm người đánh giá cho vua được không. Kẻ ấy trả lời:
– Thưa Ðại Vương, tôi có thể làm được.
Vua liền đặt người ngu ấy vào chức vụ người đánh giá, với mục đích bảo vệ tài sản của mình. Từ khi ấy trở đi, người ngu ấy đánh giá voi, ngựa v.v… Không đếm xỉa gì đến giá trị, nói giá tùy theo sở thích. Và vì giữ chức vụ ấy, kẻ ấy nói gì, thì giá tiền là phải như vậy, không thể khác.
Lúc bấy giờ, từ nước phương Bắc, một người buôn ngựa đi đến với năm trăm con ngựa. Vua cho gọi kẻ ấy lên và bảo anh ta đánh giá ngựa. Kẻ ấy đánh giá năm trăm con ngựa bằng giá đấu gạo, bảo trả cho người buôn ngựa giá tiền một đấu gạo, và bảo dắt ngựa vào chuồng. Người buôn ngựa đi đến gặp người đánh giá cũ, thuật lại sự việc này và hỏi phải làm thế nào. Bồ tát nói:
– Hãy cho người ấy một số tiền hối lộ và hỏi nó: Biết rằng giá tiền các con ngựa chúng tôi đáng giá một đấu gạo, thì ông có thể cho chúng tôi biết, theo ông ta tiền một đấu gạo là bao nhiêu, ông có thể tuyên bố giá ấy trước mặt vua được không? Nếu nó trả lời có thể được, thì đưa nó đến ngay trước mặt vua và tôi cũng sẽ có mặt ở đấy.
Người lái buôn nghe theo lời Bồ-tát, cho người đánh giá một số tiền hối lộ, và đặt vấn đề với kẻ ấy. Khi kẻ ấy nhận hối lộ và nói có thể đánh giá đấu gạo được, người buôn ngựa đưa ngay anh ta đến trước mặt vua. Bồ-tát cùng nhiều đại thần khác cũng đi đến. Người buôn ngựa, sau khi đảnh lễ vua, liền thưa:
– Thưa Ðại Vương, con đã biết giá tiền năm trăm con ngựa bằng giá tiền một đấu gạo.
– Nhưng giá tiền một đấu gạo là bao nhiêu?
– Ðại Vương hãy hỏi người đánh giá này.
Không biết sự việc đã xảy ra, vua nói:
– Này người đánh giá, khanh nói cho chúng ta biết giá tiền năm trăm con ngựa.
– Thưa Ðại Vương, là giá tiền một đấu gạo.
– Hãy là vậy, này khanh. Năm trăm con ngựa này trị giá một đấu gạo. Vậy giá trị một đấu gạo là bao nhiêu?
Người ngu si ấy trả lời:
– Một đấu gạo trị giá bằng tất cả thành Ba-la-nại với nhiều ngoại ô!
Như vậy, chúng ta được biết rằng, để làm vui lòng ông vua, kẻ ấy trị giá các con ngựa bằng một đấu gạo; nhưng sau khi lấy tiền hối lộ từ tay người lái buôn, anh ta đánh giá một đấu gạo bằng toàn bộ nội ngoại thành Ba-la-nại. Lúc bấy giờ, toàn thành bao bọc Ba-la-nại dài đến mười hai dặm, còn nội thành và ngoại thành Ba-la-nại rộng lớn ba trăm dặm! Tuy vậy, kẻ ngu ấy trị giá nội thành và ngoại thành Ba-la-nại rộng lớn này chỉ bằng một đấu gạo! Nghe kẻ ấy nói vậy, các đại thần vỗ tay cười và nói:
– Trước kia chúng ta thường nghĩ rằng quả đất và quốc độ là vô giá. Nhưng nay chúng ta được biết rằng thành phố lớn Ba-la-nại này cùng với vị vua trị giá chỉ có một đấu gạo mà thôi. Ôi, keû đánh giá thật đầy đủ trí tuệ! Sao nó có thể giữ địa vị của nó lâu như vậy! Nhưng thật sự kẻ đánh giá này phù hợp với vua chúng ta một cách tuyệt diệu!
Các đại nhân vỗ tay, cười đùa và mỉa mai như vậy.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ:
Giá đấu gạo bao nhiêu?
– Bằng cả nội ngoại thành,
Thành phố Ba-la-nại
Cả năm trăm con ngựa
Cũng chỉ bằng giá tiền
Một đấu gạo mà thôi.
Lúc bấy giờ, vua xấu hổ đuổi kẻ ngu ấy đi và đặt Bồ-tát vào chức vụ đánh giá như cũ. Rồi đến khi mệnh chung, Bồ-tát đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi trình bày pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện với nhau, và kết luận bằng sự nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, kẻ đánh giá quê mùa ngu si là Udàyi, còn vị đánh giá có trí là Ta vậy.
Ðầy đủ tàm và quý…
Khi ở Kỳ Viên, Thế Tôn kể câu chuyện này về một Tỷ-kheo có nhiều đồ vật. Ở Xá-vệ, có một vị trưởng giả giàu có, sau khi vợ chết, mới xuất gia. Trước khi xuất gia, vị ấy có làm một phòng để ở, một phòng để lửa, và một kho chứa đồ, cho chất đầy kho chứa đồ với bơ sữa, gạo v.v… rồi mới xuất gia. Sau khi xuất gia, vị ấy cho gọi những người đầy tớ của mình, bảo nấu các đồ ăn theo sở thích và thọ dụng các món ăn ấy. Vị ấy có rất nhiều vật dụng, ban đêm có bộ đồ lót, có áo choàng riêng; ban ngày có bộ đồ lót, có áo choàng riêng, và sống cách biệt sau biên địa ngôi tinh xá.
Một hôm, trong khi vị ấy lấy các y và đồ tắm, trải chúng trong phòng để phơi cho khô, một số đông Tỷ-kheo ở các tỉnh, đi từ trú xứ này đến trú xứ khác, đến phòng kia, thấy các y áo v.v… liền hỏi chúng thuộc về ai. Vị ấy trả lời:
– Của tôi, thưa các Hiền giả.
– Thưa Hiền giả, y này, áo lót này, đồ nệm này, tất cả của Hiền giả phải không?
– Vâng, của tôi.
Họ nói:
– Này Hiền giả, Thế Tôn chỉ cho phép ba y. Hiền giả xuất gia trong Giáo pháp đức Phật ít dục như vậy, lại chất đầy cả kho vật dụng như vậy. Chúng tôi sẽ đưa Hiền giả đến bậc Ðạo Sư.
Rồi các Tỷ-kheo này đem vị ấy đi đến bậc Ðạo Sư. Thấy vậy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, phải chăng các ông đem đến đây một Tỷ-kheo ngoài ý muốn của vị ấy?
– Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này có nhiều đồ vật, và có cả kho vật dụng.
– Này Tỷ-kheo, có phải ông có nhiều vật dụng?
– Thật vậy, bạch Thế Tôn.
– Này Tỷ-kheo, sao ông lại có nhiều vật dụng như vậy? Có phải ta nói lời tán thán hạnh ít dục, biết đủ… viễn ly, tinh tấn không?
Nghe bậc Ðạo Sư nói vậy, vị ấy sanh phẫn nộ và nói:
– Nay tôi sẽ cởi đồ và đi như thế này.
Vị ấy quăng y choàng ngoài, chỉ mặc một y trong và đứng giữa hội chúng.
Bậc Ðạo Sư muốn khích lệ, liền nói:
– Này Tỷ-kheo, thuở trước, ông là con quỷ nước Dạ-xoa đi tìm tàm quý, sống trong mười hai năm đi tìm tàm quý. Sao nay ông đã xuất gia trong Giáo pháp Phật được tôn kính này, lại quăng y choàng ngoài giữa bốn chúng, từ bỏ tàm quý và đứng như vậy?
Khi nghe lời bậc Ðạo Sư, tàm quý khởi lên, vị ấy đắp y, đảnh lễ bậc Ðạo Sư, rồi ngồi xuống một bên. Các Tỷ-kheo yêu cầu Thế Tôn giải thích rõ ràng ý nghĩa này. Thế Tôn trình bày ý nghĩa sự việc bị tái sanh che lấp qua câu chuyện sau đây:
*
Vào thời, vua Brahmadatta đang trị vì ở nước Kàsi tại Ba-la-nại, Bồ-tát tái sanh làm con bà hoàng hậu của vua, và trong ngày đặt tên, được đặt tên là hoàng tử Mahimsàsa (Ngưu Vương). Khi Bồ-tát bắt đầu đi được, chạy được, một con trai thứ hai ra đời và được đặt tên là Candakumara (Mặt Trăng). Khi đứa trẻ này bắt đầu đi được, chạy được, mẹ Bồ-tát mệnh chung. Vua đặt một người khác lên làm hoàng hậu rất được vua sủng ái. Bà hoàng hậu này, trong tình thương yêu ấy, sanh được một con trai đặt tên là hoàng tử Suriya (Mặt trời). Vua cha thấy con, tâm tư hết sức hoan hỷ, hứa cho bà hoàng hậu một lời yêu cầu nhân danh con bà. Bà hoàng hậu giữ lời hứa lại, mong được thực hiện ý muốn mai sau. Khi con bà lớn lên, bà tâu với vua:
– Khi sanh con của thiếp, Ðại Vương có hứa cho một điều yêu cầu. Vậy hãy cho con thiếp làm vua.
Vua từ chối, và nói:
– Ta có hai con trai, sáng chói như đám lửa. Ta không thể giao vương quốc cho con hoàng hậu được.
Nhưng sau, thấy hoàng hậu cứ tiếp tục yêu cầu mãi, vua ngại bà có âm mưu ác hại các con của mình, nên cho gọi họ lại và bảo:
– Này các con thân, khi sinh hoàng tử Suriya, ta có cho một điều yêu cầu. Nay mẹ có yêu cầu vương quốc, ta không muốn cho nó. Nhưng đàn bà hay có tánh ác, có thể âm mưu ác hại các con. Vậy hai con hãy đi vào rừng, và khi nào ta mệnh chung hãy trở về trị vì thành này là gia sản của nhà.
Nói vậy, với nước mắt và lời than, vua hôn hai con trên đầu và đưa họ ra đi. Sau khi đảnh lễ vua cha, hai hoàng tử từ giã lâu đài ra đi. Hoàng tử Suriya đang chơi trong sân, thấy vậy, biết được sự việc, liền quyết định cùng ra đi với hai anh, và ra đi với họ.
Họ đi vào núi Tuyết. Bồ-tát bước xuống đường, ngồi trên một gốc cây và bảo hoàng tử Suriya:
– Này Suriya thân, hãy đi đến hồ nước này. Sau khi tắm và uống, hãy đem cho chúng ta nước uống trong các lá sen.
Cái hồ ấy do Thiên Vương Tỳ-sa-môn (Vessavana) cho một con quỷ nước Dạ-xoa với lời dặn: Trừ những người biết được thiên pháp, còn tất cả những ai xuống hồ nước này, ngươi có quyền bắt ăn thịt. Những ai không xuống nước, thì người không có quyền.
Từ đó về sau, quỷ Dạ-xoa hỏi thiên pháp những ai xuống hồ nước ấy, ai không biết thì nó ăn thịt. Hoàng tử Suriya đi đến hồ nước ấy, không quan sát gì, cứ bước xuống hồ. Quỷ Dạ-xoa bắt được và hỏi:
– Ngươi có biết thiên pháp không?
Hoàng tử đáp:
– Ta biết. Ðó là mặt trời, mặt trăng.
Quỷ Dạ-xoa nói:
– Ngươi không biết thiên pháp.
Rồi bắt chàng xuống nước, và giam chàng tại thủy cung của mình. Bồ-tát thấy em mình đi quá lâu, liền sai hoàng tử Canda đi. Quỷ Dạ-xoa cũng bắt chàng, hỏi về thiên pháp là bốn phương. Quỷ Dạ-xoa nói chàng không biết thiên pháp, bắt chàng và cũng giam tại chỗ ấy.
Bồ-tát thấy Canda đi quá lâu, nghĩ rằng chắc có trở ngại gì xảy ra cho mỗi người, liền tự mình đi đến chỗ ấy. Thấy được dấu chân của hai người đi xuống, nghĩ rằng hồ ấy có thể là chỗ trú ẩn của quỷ Dạ-xoa, Bồ-tát liền rút kiếm ra, cầm cung và đứng sẵn sàng. Con quỷ nước Dạ-xoa biết Bồ-tát không chịu xuống nước, hóa hiện một người đi làm rừng, nói với Bồ-tát:
– Này bạn, bạn đi đường mệt, sao bạn không xuống hồ này tắm, uống nước, ăn củ sen, trang điểm với hoa sen, rồi đi chỗ nào bạn ưa thích.
Bồ-tát thấy vậy, biết nó là quỷ Dạ-xoa, liền hỏi nó:
– Có phải ngươi bắt các người em của ta?
– Phải, ta bắt.
– Vì sao?
– Vì ai xuống hồ này đều thuộc về ta.
– Có phải tất cả đều thuộc về người?
– Trừ những ai biết được thiên pháp, còn lại đều thuộc về ta.
– Ngươi có muốn biết thiên pháp không?
– Có, ta muốn biết.
– Nếu như vậy, ta sẽ nói cho ngươi về thiên pháp.
– Vậy bạn hãy nói đi, ta sẽ nghe thiên pháp.
Bồ-tát nói:
– Ta có thể nói thiên pháp, nhưng tay chân đều lấm bụi.
Quỷ Dạ-xoa tắm cho Bồ-tát, cho ngài ăn, cho uống nước, cho trang sức với bông hoa, cho thoa với hương thơm và trải một tọa sàng giữa một cái rạp được trang hoàng lộng lẫy. Bồ-tát ngồi trên tọa sàng, bắt quỷ Dạ-xoa ngồi dưới chân, và nói:
– Hãy lắng tai, cẩn thận nghe thiên pháp.
Ngài nói lên bài kệ này:
Ðầy đủ tàm và quý,
Chuyên tâm về bạch pháp,
An tịnh bậc chân nhân,
Ở đời gọi thiên pháp.
Dạ-xoa nghe pháp thoại này, tâm sanh tịnh tín, thưa với Bồ-tát:
– Thưa bậc Hiền trí, tôi cảm thấy tịnh tín đối với ngài và muốn cho ngài một người em. Vậy tôi đem đến người nào?
– Hãy đem đến đứa trẻ nhất.
– Thưa bậc Hiền trí, dầu ngài biết hoàn toàn thiên pháp, ngài lại không xử sự theo thiên pháp.
– Sao vậy?
– Sao ngài lại chọn người em, bỏ người anh? Ngài không kính trọng tuổi lớn hơn của nó.
– Này Dạ-xoa, ta không những biết thiên pháp, mà còn xử sự đúng thiên pháp. Chính vì đứa em ấy mà chúng ta đi vào rừng này. Chính vì hạnh phúc cho đứa em ấy mà meï nó xin vua cha quốc độ. Và phụ vương chúng ta từ chối, không chấp nhận lời yêu cầu, bằng lòng cho chúng ta sống ở trong rừng với mục đích bảo vệ chúng ta. Ðứa trẻ ấy không nghĩ đến trở về, đã đi theo chúng ta. Nếu như ai nghe được rằng trong rừng, một Dạ-xoa đã ăn nó rồi thì không ai có thể tin được. Chính vì sợ bị quở trách mà ta bảo ngươi đem nó cho ta.
– Lành thay, lành thay, bậc Hiền trí. Ngài không những biết thiên pháp, mà ngài còn thực hành thiên pháp.
Quỷ Dạ-xoa nói lên sự đồng tình của mình, và đem trả cả hai người em. Rồi Bồ-tát nói với nó:
– Này bạn, do kết quả việc ác ngươi làm từ trước, nên nay ngươi sanh làm Dạ-xoa, ăn thịt và máu của những người khác. Nay ngươi lại làm điều ác nữa. Việc ác này không thể làm ngươi thoát khỏi địa ngục v.v… Do vậy, từ nay trở đi, hãy bỏ việc ác, làm việc lành…
Và Bồ-tát nhiếp phục quỷ Dạ-xoa.
Khi nhiếp phục quỷ Daï-xoa, Bồ-tát sống ở đấy với sự bảo vệ của quỷ Dạ-xoa. Một ngày kia, nhìn lên các vì sao, biết được phụ vương đã mệnh chung, Bồ-tát đem theo quỷ Dạ-xoa về Ba-la-nại, lấy lại vương quốc, phong hoàng tử Canda làm phó vương, đặt hoàng tử Suriya làm tổng tư lệnh quân đội. Còn đối với quỷ Dạ-xoa, Bồ-tát cho làm trú xứ tại một địa điểm tốt đẹp, cho nó nhận được vòng hoa tốt nhất, các hoa tốt nhất, các đồ ăn tốt nhất. Riêng Bồ-tát trị vì theo Chánh Pháp và khi mệnh chung, đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại, bậc Ðạo Sư liền thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, Tỷ-kheo ấy chứng quả Dự lưu. Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác kể xong hai câu chuyện, kết hợp chúng với nhau, và kết luận với sự nhận diện Tiền thân như sau:
Thời ấy, Quỷ Dạ-xoa là Tỷ-kheo có nhiều đồ vật, hoàng tử Suriya là Ànanda, hoàng tử Canda là Sàriputta (Xá-lợi-phất), và hoàng tử Mahimsàsa là Ta vậy.
Kính thưa bậc Ðại Vương…
Câu chuyện này được bậc Ðạo Sư kể khi ở Kỳ Viên về nàng Vàsabhakhattiyà. Câu chuyện sẽ được tìm thấy trong Chương mười hai, Tiền thân Bhaddasala (số 465). Truyền thuyết kể rằng nàng là con gái của vị Thích-ca tên Mahànàma với một nữ tỳ lên là Nàgamundà, và về sau trở thành hoàng hậu vua nước Kosala. Nàng sanh một con trai cho vua. Về sau vua biết được dòng họ nữ tỳ của nàng, liền truất phế địa vị của nàng, và truất phế luôn người con trai là Vidudabha. Cả hai chỉ sống ở trong nội cung. Thế Tôn biết được sự việc này, vào buổi sáng, với năm trăm Tỷ-kheo vây quanh, đi đến sự trú xứ của vua, ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn, và nói:
– Thưa Ðại Vương, Vàsabhakhattiyà ở đâu?
Vua kể lại câu chuyện ấy.
– Thưa Ðại Vương, Vàsabhakhattiyà là con gái của ai?
– Bạch Thế Tôn, của Mahànàma.
– Khi nàng đến, nàng là vợ của ai?
– Bạch Thế Tôn, của tôi.
– Thưa Ðại Vương, nàng là con gái của vua. Nàng đến làm vợ vua. Nàng sanh đứa con trai cho vua. Ðứa con trai ấy, do lý do gì lại không làm chủ vương quốc thuộc sở hữu của người cha? Thuở xưa, một vị vua có đứa con trai từ một người con gái đi lượm củi, và một cuộc gặp gỡ tình cờ đã cho người con trai ấy vương quốc.
Vua yêu cầu Thế Tôn làm sáng tỏ ý nghĩa câu chuyện. Thế Tôn liền kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, ở Ba-la-nại, vua Brahmadatta đi vào ngự uyển với uy nghi lớn của nhà vua. Ðang đi qua lại để tìm trái cây và bông hoa, vua gặp một thiếu phụ đang lượm củi, vừa lượm vừa hát. Vua đắm say nàng và ăn ở với nàng. Bồ-tát được thụ thai trong bụng nàng. Nàng cảm thấy bụng nàng nặng nề như mang lưỡi tầm sét (lưỡi búa) của Ðế Thích. Biết rằng mình đã có thai, nàng tâu nhà vua việc ấy. Vua đưa cho nàng một chiếc nhẫn và nói:
– Nếu sanh con gái, hãy giữ chiếc nhẫn này để lấy tiền nuôi dưỡng nó. Nếu sanh con trai, hãy đem nó đến ta với chiếc nhẫn này.
Nói xong vua ra đi. Khi bào thai đúng thời, nàng sanh Bồ-tát. Ðến tuổi Bồ-tát đi được, chạy được, trong khi chơi ở sân chơi, có tiếng la:
– Ta bị đứa không có cha đánh.
Nghe vậy, Bồ-tát đi đến mẹ và hỏi:
– Ai là cha con?
– Này con thân, con là con vua Ba-la-nại.
– Thưa mẹ, có cái gì làm chứng?
– Này con thân, vua có cho chiếc nhẫn này và nói: “Nếu sanh con gái, thì giữ chiếc nhẫn này để nuôi dưỡng nó. Nếu sanh con trai, hãy đem nó đến cho ta với chiếc nhẫn này.” Nói xong, nhà vua ra đi.
– Thưa mẹ, sự tình là như vậy, sao mẹ không đưa con đến gặp cha?
Nàng biết ý định của con, nên đem con đến cửa cung điện và xin ý kiến vua. Khi được gọi vào, nàng đảnh lễ vua và tâu:
– Thưa Ðại Vương, đây là con của Ðại Vương.
Vua biết vậy, nhưng cảm thấy xấu hổ trước đông đảo quần chúng nên nói:
– Nó không phải con của ta.
– Tâu Ðại Vương, đây là chiếc nhẫn của ngài. Chắc ngài nhận ra được chiếc nhẫn này?
– Ðây không phải là chiếc nhẫn của ta!
– Tâu Ðại Vương, tôi không có vật gì khác để bảo chứng cho sự thật. Nếu đứa trẻ này là con ngài, nó sẽ đứng trên hư không. Nếu không phải, nó sẽ rơi xuống đất và chết!
Rồi nàng cầm chân Bồ-tát quăng lên hư không. Bồ-tát ngồi kiết-già trên hư không và với âm thanh dịu ngọt, tuyên bố pháp cho phụ vương, đọc bài kệ này:
Kính thưa bậc Ðại Vương.
Tôi là con trai ngài,
Kính thưa bậc nhân chủ,
Hãy nuôi dưỡng con lớn!
Vua nuôi dưỡng người khác,
Không nuôi con mình sao?
Nghe Bồ-tát ngồi trên hư không thuyết pháp như vậy, vua bèn nói:
– Hãy đến, này con thân, ta sẽ nuôi con! Ta sẽ nuôi con!
Và vua đưa hai tay lên. Một ngàn bàn tay đưa lên để đón Bồ tát, nhưng Bồ-tát không xuống bàn tay nào khác, chỉ xuống vào bàn tay nhà vua, và ngồi trên bắp vế vua. Vua phong cho con làm phó vương, phong cho mẹ làm hoàng hậu. Sau khi vua mệnh chung, Bồ-tát lên làm vua có tên là Katthavàhanaraja (vua của người lượm củi), trị vì quốc với Chánh pháp, và khi mệnh chung ngài đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này cho vua nước Kosala, trình bày hai câu chuyện và kết hợp chúng với nhau, bậc Ðạo Sư kết luận với sự nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, người mẹ là Mahàmaya, người cha là Tịnh Phạn vương, và vua Katthavàhana là Ta vậy.
Không vội vã vượt qua…,
Câu chuyện được bậc Ðạo Sư kể khi ở Kỳ Viên, về một Tỷ-kheo từ bỏ tinh tấn. Trong Tiền thân này, câu chuyện về hiện tại và quá khứ sẽ được trình bày ở Chương mười một, liên hệ đến Tiền thân Samvara. Câu chuyện ấy và câu chuyện này giống nhau, nhưng các bài kệ khác nhau.
*
Hoàng tử Gàmani an trú trong lời dạy của Bồ-tát, là em út của một trăm anh em, được vây quanh với một trăm anh em, ngồi dưới lọng trắng, trên chỗ ngồi huy hoàng rực rỡ, nhìn sự quang vinh của mình, và nghĩ: “Tất cả sự quang vinh này ta có được là do vị Ðạo Sư của chúng ta”, rồi cảm thấy bằng lòng thoải mái, nói lên lời cảm hứng này:
Không vội vã vượt qua,
Thành tựu quả mong đợi,
Gà-ma-ni hãy biết
Phạm hạnh ta thành phục.
Bảy hay tám ngày sau khi vị ấy lên ngôi vua, tất cả những người anh đều đi về trú xứ của mình. Vua Gàmani vì theo Chánh Pháp, và khi mệnh chung, đi theo nghiệp của mình. Bồ-tát làm các công đức, và khi mệnh chung cũng đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi trình bày pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng về các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo từ bỏ tinh tấn chứng A-la-hán. Bậc Ðạo Sư, kể hai câu chuyện và kết hợp chúng với nhau, rồi kết luận với sự nhận diện Tiền thân.
Những tóc bạc đầu ta…,
Câu chuyện này được bậc Ðạo Sư kể khi ở Kỳ Viên, về sự kiện xuất gia lớn đã được kể trong tập Nidana-kahthà. Khi ấy, các Tỷ-kheo đang ngồi tán thán sự ra đi của đấng Ðại Giác, thì Thế Tôn đi đến Pháp đường, ngồi trên Phật tọa, hỏi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, các ông nay ngồi nói chuyện gì?
– Bạch Thế Tôn, không có chuyện gì khác. Chúng con ngồi tán thán hạnh ra đi của Thế Tôn!
– Này các Tỷ-kheo, không phải nay Như Lai mới ra đi, trước đây, Ta cũng ra đi rồi.
Các Tỷ-kheo yêu cầu Thế Tôn giải thích câu chuyện ấy. Thế Tôn trình bày câu chuyện quá khứ sau đây.
*
Thuở ấy, tại nước Vidaha, có vị vua tên là Makha-deva ở Mithilà, hành trì đúng pháp của một vị Pháp Vương. Trải qua tám mươi bốn ngàn năm, ngài đã vui chơi trong địa vị Ðại Vương. Sau một thời gian dài, vua sống như vậy. Một hôm, ngài gọi người cắt tóc và nói:
– Này khanh, khi nào khanh thấy tóc bạc trên đầu ta, hãy báo cho ta biết.
Người cắt tóc, sau một thời gian dài, thấy giữa đám tóc đen nhánh của vua, có một sợi tóc bạc, liền báo cho vua biết. Vua bảo:
– Hãy nhổ sợi tóc bạc ấy và đặt nó trên tay ta.
Nghe nói vậy, người cắt tóc lấy cái nhíp bằng vàng nhổ sợi tóc bạc và đặt lên bàn tay vua. Lúc ấy, nhà vua đang có tám mươi bốn ngàn năm còn lại để sống. Tuy vậy, thấy sợi tóc bạc, ngài cảm thấy xúc động mạnh, như thần chết đã đến đứng gần đó, như bị nhốt vào trong ngôi nhà lá đang bốc cháy. Nhà vua suy nghĩ: “Này Makhàdeva ngu si ơi, tóc bạc đã mọc lên, nhưng ngươi chưa có thể loại trừ những phiền não này”.
Và khi nghĩ đến xuất hiện của sợi tóc bạc, nhà vua cảm thấy bị nung đốt nội tâm, từ thân mồ hôi toát ra, áo quần như đè nén nhà vua và trở thành không thể chịu nổi. Nhà vua nghĩ: “Hôm nay, ta phải ra đi xuất gia”.
Sau khi cho người cắt tóc hưởng lợi tức một làng trị giá một trăm ngàn đồng, vua cho gọi người con đầu và nói:
-Này con thân, trên đầu ta, tóc bạc đã hiện ra. Ta nay đã già rồi. Các dục vọng liên hệ đến con người, ta đã hưởng thụ đầy đủ. Nay ta muốn tìm cầu các dục lạc ở thiên giới. Nay là thời ta phải ra đi. Con hãy trị vì vương quốc này. Sau khi xuất gia, ta sẽ ở trong Rừng xoài của Makhàdeva và sống theo pháp Sa-môn.
Các đại thần nghe tin vua muốn xuất gia, liền đến hỏi vua vì sao lại muốn xuất gia, vua cầm sợi tóc bạc trong tay và nói bài kệ với cái đại thần:
Những tóc bạc đầu ta,
Xuất hiện, cướp tuổi xanh,
Các Thiên sứ đã đến,
Là thời ta xuất gia.
Sau khi nói vậy, ngay trong ngày ấy, nhà vua từ bỏ vương quốc, xuất gia làm ẩn sĩ trong Rừng xoài Makhàdeva. Trải qua tám mươi bốn ngàn năm tu tập bốn Phạm trú, an trú thiền không có gián đoạn, ngài mệnh chung, và sanh lên Phạm thiên giới; từ đấy lại sanh ở Mithilà và làm vua tên Nimi. Sau khi quy tụ gia đình ly tán, ngài xuất gia tại Rừng Xoài ấy, tu tập Bốn Phạm trú, và tái sanh Phạm Thiên giới.
*
Bậc Ðạo Sư nói rằng Như Lai không phải chỉ nay mới ra đi với sự xuất gia ấy, mà thuở trước cũng đã ra đi như vậy rồi. Trình bày pháp thoại này xong, Ngài thuyết về Bốn Sự thật. Một số chứng được quả Dự lưu. Một số chứng được quả Nhất Lai. Một số chứng được quả Bất lai.
Sau khi kể xong hai câu chuyện này và kết hợp chúng với nhau, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, người cắt tóc là Ànanda, người con trai là La-hầu-la (Ràhula), và vua Makhàdeva là Ta vậy.
Người không được bảo vệ…,
Câu chuyện này, khi ở tại rừng xoài Anupiya, bậc Ðạo Sư đã kể về Trưởng lão Bhaddiya Sukhavihàri. Trưởng lão Bhaddiya Sukhavihàri đã xuất gia cùng với sáu vị trong hoàng tộc, cùng Upali là người thứ bảy. Trưởng lão Bhaddiya, trưởng lão Kimbila, Trưởng lão Bhagu và Trưởng lão Upàli chứng quả A-la-hán, Trưởng lão Ànanda chứng quả Dự Lưu, Trưởng lão Anuruddha chứng được thiên nhãn, Trưởng lão Ðề-bà-đạt-đa chứng được thiền định. Câu chuyện của sáu vị trong hoàng tộc này dẫn đến sự kiện ở Anupiya, sẽ được trình bày trong Tiền thân Khandahàla (số 534).
Trong thời kỳ làm vua, Tôn giả Bhaddiya tự bảo vệ mình như một vị Thiên sắp đặt sự bảo vệ, nay nghĩ đến tâm trạng sợ hãi mà vị ấy đã sống, dầu được bảo vệ với nhiều sự bảo vệ, vẫn nằm lăn qua trở lại trên đại sàng tọa đặt trên lầu cao. Vị ấy so sánh sự sợ hãi ấy với trạng thái không sợ hãi, vì nay vị ấy đã chứng quả A-la-hán, khi vị ấy đi lang thang đây đó trong các khu rừng v.v… Khi nghĩ vậy, vị ấy nói lên lời cảm hứng:
– Ôi hạnh phúc thay! Ôi hạnh phúc thay!
Các Tỷ-kheo nghĩ rằng Tôn giả Bhaddiya nói lên chánh trí của mình, nên trình lên Thế Tôn. Thế Tôn nói:
– Này các Tỷ-kheo, Bhaddiya không phải chỉ nay mới sống hạnh phúc, mà thuở trước vị ấy cũng đã sống hạnh phúc!
Các Tỷ-kheo thỉnh thoảng cầu Thế Tôn trình bày rõ ý nghĩa này. Thế Tôn làm sáng tỏ ý nghĩa qua câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, ở Ba-la-nại, trong khi vua Brahmadatta đang trị vì vương quốc, Bồ-tát sinh làm một vị Bà-la-môn giàu có ở phương Bắc. Thấy nguy hiểm trong các dục, lợi ích trong xuất ly, ngài từ bỏ các dục, vào núi Tuyết xuất gia làm ẩn sĩ, đạt được tám Thiền chứng. Số tùy tùng của ngài lên đến năm trăm vị khổ hạnh.
Khi mùa mưa đến, ngài rời núi Tuyết với chúng khổ hạnh vây quanh đi bộ qua làng, qua thị trấn, đến Ba-la-nại, ngài trú ở ngôi vườn của vua, nương tựa nhà vua. Tại đấy, sau khi sống bốn tháng trong mùa mưa, ngài đến từ biệt nhà vua. Nhà vua nói:
– Thưa Tôn giả, Tôn giả đã lớn tuổi, Tôn giả sống ở núi Tuyết làm gì? Hãy để các đệ tử đến núi Tuyết, còn Tôn giả ở lại đây.
Bồ-tát giao năm trăm người khổ hạnh cho đệ tử trưởng và nói:
– Con hãy đi, sống ở núi Tuyết với những người này. Còn ta sẽ sống ở đây.
Vị đệ tử trưởng ấy, trước kia làm vua, sau tử bỏ vương quốc lớn, xuất gia, lấy đề tài làm Thiền quán, chứng được tám Thiền chứng. Vị ấy sống ở núi Tuyết với các vị khổ hạnh.
Một hôm, muốn yết kiến bổn sư, vị ấy gọi các vị khổ hạnh kia và bảo:
– Hãy sống thoải mái ở đây, ta đi đảnh lễ bổn sư rồi lại về.
Vị ấy đi đến bổn sư, đảnh lễ ngài, chào mừng ngài rất chân tình, rồi trải tấm thảm, nằm xuống bên cạnh bổn sư. Lúc bấy giờ, nhà vua đi đến ngôi vườn để yết kiến vị khổ hạnh, đảnh lễ ngài rồi ngồi xuống một bên. Vị đệ tử khổ hạnh thấy vua đến, nhưng không đứng dậy, vẫn nằm dài và nói lời cảm hứng:
– Ôi hạnh phúc thay! Ôi hạnh phúc thay!
Nhà vua không hoan hỷ với vị khổ hạnh thấy vua mà không đứng dậy, nên nói với Bồ-tát.
– Thưa Tôn giả, người khổ hạnh này có lẽ đã ăn quá đầy đủ nên nằm sung sướng, nói lên lời cảm hứng.
– Thưa Ðại Vương, người khổ hạnh này trước cũng làm vua như ngài. Vị ấy suy nghĩ: “Trước kia còn là cư sĩ, đầy đủ uy quyền nhà vua, được bảo vệ bởi nhiều người có binh khí cầm tay, nhưng không được hạnh phúc như thế này. Nay do tự mình được hạnh phúc xuất gia, được hạnh phúc thiền định, nên nói lên lời cảm hứng như vậy”.
Ðể giảng pháp thoại cho nhà vua, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Người không được bảo vệ,
Không bảo vệ người khác,
Thưa Ðại Vương, người ấy.
Thật sự được an lạc.
Vì không chờ đợi gì,
Ðối với các dục vọng.
Nhà vua nghe pháp thoại xong, cảm thấy thoải mái, đảnh lễ, rồi đi về cung. Vị đệ tử đảnh lễ bổn sư, rồi đi về núi Tuyết. Bồ-tát tiếp tục sống tại đấy, thiền định không gián đoạn và khi mạng chung, sanh lên Phạm thiên giới.
*
Bậc Ðạo sư, kể lại hai câu chuyện, kết hợp chúng với nhau rồi nhận diện Tiền thân:
– Lúc ấy, vị đệ tử là Tôn giả Bhaddiya, còn vị bổn sư chính là Ta đây.
PHẨM GIỚI.
Con người có giới hạnh…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, gần thành Vương Xá, đức Phật kể về Ðề-bà-đạt-đa. Câu chuyện về Ðề-bà-đạt-đa sẽ được kể cho đến khi làm tướng cướp trong Tiền thân Khandahala (số 533), cho đến khi bị đuổi đi khỏi chức vụ người giữ kho bạc trong Tiền thân Cullapanthaka (số 533), cho đến khi bị quả đất nuốt sống trong Chương thứ mười sáu ở Tiền thân Samud-davanija (số 466).
Một thời, Ðề-bà-đạt-đa yêu cầu năm điều kiện, nhưng không được, bèn phá hòa hợp Tăng, đem theo năm trăm Tỷ-kheo đến ở tại Gayàsisa. Rồi khi trí của những Tỷ-kheo ấy được thuần thục, biết vậy, bậc Ðạo Sư bảo hai đệ tử đầu tay:
– Này Xá-lợi-phất, năm trăm Tỷ-kheo đệ tử của ông, thích thú sở đắc của Ðề-bà-đạt-đa, đã đi với kẻ ấy. Nay trí của họ đã được thuần phục. Ông hãy đi đến đấy với nhiều Tỷ-kheo, thuyết pháp cho họ làm họ giác ngộ về Ðạo và Quả, và đưa họ về.
– Theo lời Thế Tôn, Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến đó, thuyết pháp cho họ làm họ giác ngộ về Ðạo và Quả; đến ngày hôm sau, khi trời mới rạng đông, Tôn giả đem các Tỷ-kheo ấy về Trúc Lâm. Sau khi về, Trưởng lão Xá-lợi-phất đảnh lễ Thế Tôn. Khi đang đứng tại đây, các Tỷ-kheo tán thán vị Trưởng lão với Thế Tôn như sau:
– Bạch Thế Tôn, sáng chói huy hoàng là Pháp huynh niên trưởng của chúng con, bậc Tướng quân Chánh pháp, với năm trăm Tỷ-kheo vây quanh đã đi trở về. Còn Ðề-bà-đạt-đa mất hết những người theo kẻ ấy.
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Xá-lợi-phất mới sáng chói huy hoàng khi về với bà con hội chúng vây quanh, nhưng trong thời quá khứ, cũng sáng chói huy hoàng như vậy!
Các Tỷ-kheo yêu cầu Thế Tôn làm sáng tỏ vấn đề này. Thế Tôn trình bày rõ ràng câu chuyện quá khứ sau đây.
*
Thuở sau, tại nước Ma-kiệt-đà, trong thành Vương Xá, một vị vua Ma-kiệt-đà đang trị vì. Lúc ấy, Bồ-tát ra đời làm con nai, lớn lên và ở trong rừng với đàn nai một ngàn con. Bồ-tát sanh được hai con nai, tên là Lakkhana (Ðiềm lành) và Kala (Ðen). Khi đã già, Bồ-tát nói với hai con:
– Này con thân, ta nay đã già, các con hãy coi sóc đàn nai.
Rồi Bồ-tát giao năm trăm nai cho mỗi con. Từ đấy về sau, hai con nai ấy chăm sóc đàn nai.
Trong nước Ma-kiệt-đà, vào mùa lúa chín, khi lúa trổ đầy, có nhiều nguy hiểm cho đàn nai. Với mục đích giết hại những con thú ăn lúa, dân làng đào hầm hố, cắm chông, bày bẫy đá, đặt bẫy sộp và các loại cạm bẫy khác. Nhiều con nai bị nạn phải chết.
Bồ-tát biết là thời lúa chín trổ đầy, cho gọi hai con lại và nói:
– Này con thân, nay là thời lúa chín trổ đầy, nhiều con nai đã gặn nạn. Ta nay đã già sẽ dùng bất cứ phương tiện nào để ở lại một chỗ. Còn các con hãy đem đàn nai của các con, ẩn vào những con đường núi đá trong rừng, đợi khi lúa gặt hái xong, sẽ trở về lại!
Chúng vâng theo lời dạy của cha, ra đi với đàn nai tùy tùng. Dân làng biết được con đường của chúng đi. Trong thời này, các con nai leo núi; trong thời này, chúng xuống núi nên họ ẩn núp tại các chỗ kín, đây đó dọc đường, để bắn và giết chúng vô số.
Con nai Kala, với sự ngu si của mình, không biết thời nào nên đi, thời nào không nên đi, cứ đem đàn nai đi sáng, chiều, khi chạng vạng, khi rạng đông, ngang qua cửa làng. Và các nông dân hoặc lộ liễu hoặc ẩn núp chỗ này chỗ kia giết chúng, khiến nhiều con nai gặp nạn. Như vậy, với sự ngu si của mình, nai Kala làm cho nhiều con nai gặp nạn, số còn lại đi vào rừng với nó rất ít.
Còn nai Lakkhana nhờ có trí, thông minh, thiện xảo, biết thời nào nên đi, thời nào không nên đi, nó không đi ngang qua cửa làng, không đi ban ngày, không đi lúc hoàng hôn, khi rạng đông, mà chỉ đem đàn nai đi vào lúc nửa đêm. Do vậy, không một nai nào gặp nạn, và chúng cùng nó đi vào rừng. Chúng sống bốn tháng tại đây khi lúa đã được gặt hái, mới xuống núi.
Kala, trên đường về, lặp lại hành động ngu si trước, khiến những con nai còn lại gặp nạn, một lần nữa, chỉ có một mình nó trở về. Con nai Lakkhana không làm một nai nào bị nạn, cùng với năm trăm nai vây quanh, đi về với cha mẹ. Khi Bồ-tát thấy hai con đi về, nghĩ về đàn nai, liền nói lên bài kệ này:
Con người có giới hạnh
Ðược phần thưởng đón mừng,
Xem Lak-kha-na về,
Cầm đầu chúng bà con,
Hãy xem Ca-la này
Với bà con hủy diệt.
Như vậy, Bồ-tát đón mừng nai con, sống tại đấy cho hết tuổi thọ rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Xá-lợi-phất không phải chỉ hôm nay mới được chói sáng với bà con vây quanh, mà trước kia cũng đã chói sáng như vậy. Còn Ðề-bà-đạt-đa không phải chỉ hôm nay mới làm cho quyến thuộc bị hủy diệt, mà trước kia cũng như vậy.
Sau khi thuyết pháp thoại này xong, so sánh hai câu chuyện, và kết hợp chúng với nhau, Ngài kết luận với sự nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, con nai Kala là Ðề-bà-đạt-đa, đoàn tùy tùng của nó là đàn tùy tùng của Ðề-bà-đạt-đa; con nai Lakkhana là Xá-lợi-phất; nai mẹ là mẹ của Ràhula (La-hầu-la) và nai cha là Ta vậy.
Sống với Nigrodha…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về mẹ của Trưởng lão Cumarakassapa (Cưu-ma-la Ca-diếp). Tục truyền rằng thuở còn là con gái một triệu phú giàu có ở thành Vương Xá, nàng đầy thiện căn để chấm dứt các hành, sống đời cuối cùng như cây đèn trong ghè, nội tâm nàng sáng chói niềm hy vọng chứng quả A-la-hán. Từ khi hiểu biết về mình, nàng không vui trong đời sống gia đình, và muốn xuất gia. Nàng thưa với cha mẹ:
– Thưa cha mẹ thân, tâm con không vui với đời sống gia đình, con muốn xuất gia trong Giáo pháp giải thoát của đức Phật. Hãy cho phép con xuất gia.
– Này con, con nói gì vậy? Gia đình này rất giàu có. Con là con gái độc nhất của chúng ta. Con không được xuất gia!
Nàng tiếp tục xin, không được cha mẹ cho xuất gia, nàng nghĩ: “Thôi, hãy chấp nhận là vậy. Khi nào về nhà chồng, được chồng bằng lòng, ta sẽ xuất gia!”
Nàng lớn lên, đi về nhà chồng, trở thành người vợ trung thành, sống trong gia đình có giới hạnh và theo thiện pháp. Khi nàng sống trong gia đình, nàng thụ thai, nhưng không biết mình đã thụ thai.
Một ngày hội lớn được tuyên bố trong thành ấy và mọi người trong thành phố vui chơi hội lớn. Thành phố được trang hoàng như thành phố Chư Thiên. Nhưng trong khi lễ hội lớn đạt đến cao độ, nàng vẫn không thoa phấn son, không đeo đồ trang sức, ăn mặc như ngày thường. Chồng nàng nói với nàng:
– Này hiền thê, toàn thành phố vui chơi hội lớn. Còn em thì không săn sóc gì cho thân mình.
– Thưa hiền phu, thân này của em đầy ba mươi hai bộ phận của thân xác, trang điểm thân này làm gì? Thân này không do chư Thiên hóa sanh, không do Phạm thiên hóa sanh, không làm bằng vàng, không làm bằng châu báu, không làm bằng gỗ chiên-đàn vàng, không sanh từ đài sen trắng, sen hồng hay sen xanh, không đựng đầy thuốc trường sanh. Thân này uế nhiễm do cha mẹ sanh, bị vô thường hủy diệt, băng hoại tan nát, làm nghĩa trang tăng trưởng, bị ai chấp thủ, là nhân của sầu ưu, là căn cứ của than khóc, là kho tàng của mọi bệnh tật, là chỗ dung nạp của nghiệp lực, nội bộ ô uế, ngoại bộ thường bài tiết. Thật vậy, như toàn thế giới có thể thấy cứu cánh của nó là chết, đi đến nghĩa địa, là chỗ tự hội các côn trùng. Và nàng nói lên lời cảm thán:
Ràng buộc bởi gân xương,
Dính lại với da thịt,
Thân bị da bao trùm,
Không thấy được như thật.
– Kính thưa hiền phu, em trang điểm thân này làm gì? Có phải chăng trang điểm thân này chẳng khác gì trang điểm bề ngoài một cái bình đựng đầy phân?
Người triệu phú nghe nàng nói như vậy bèn hỏi:
– Nếu hiền thê thấy thân này tội lỗi như vậy, sao hiền thê không xuất gia?
– Thưa hiền phu, nếu em được phép xuất gia, em sẽ xuất gia ngay hôm nay!
Nói xong, sau khi tổ chức bố thí lớn và tỏ lòng hết sức kính trọng Giáo hội, người triệu phú cùng với một số tùy tùng lớn đưa nàng xuất gia, và nàng được xuất gia với chúng Tỷ-kheo-ni thuộc phái Ðề-bà-đạt-đa. Sau khi xuất gia, nàng sống hoan hỷ với tâm tư viên mãn.
Khi cái thai của nàng đã thuần thục, các Tỷ-kheo-ni nhận thấy các căn của nàng đổi khác, tay chân và lưng lớn lên, màn da bụng to lên, hỏi nàng:
– Này hiền muội, hình như hiền muội có thai. Sự việc này thế nào?
– Thưa các hiền tỷ, tôi không biết sự việc này. Giới hạnh tôi đầy đủ!
Rồi các Tỷ-kheo-ni đưa nàng đến Ðề-bà-đạt-đa và hỏi Ðề-bà-đạt-đa:
– Thưa Tôn giả, thiện nữ nhân này, với sự chấp nhận khó khăn của người chồng, đã được xuất gia. Nay nàng có thai, chúng tôi không biết nàng thọ thai nhi khi còn là cư sĩ, hay khi đã xuất gia. Nay chúng tôi phải làm gì?
Ðề-bà-đạt-đa tự mình chưa phải là bậc Giác ngộ, nên không có lòng kham nhẫn, từ bi, từ mẫn và suy nghĩ: “Một Tỷ-kheo-ni thuộc phái Ðề-bà-đạt-đa nay đã có thai, và Ðề-bà-đạt-đa lại hỷ xả. Ta sẽ bị chỉ trích như vậy. Ta phải đuổi người này.” Rồi không điều tra, như xô đẩy một tảng đá, Ðề-bà-đạt-đa lập tức khẳng định và nói:
– Hãy đi ngay và tẩn xuất người này!
Chúng Tỷ-kheo-ni ấy nghe nói vậy, đứng dậy đảnh lễ rồi đi về trú xứ. Nàng thiếu phụ thưa với các Tỷ-kheo-ni ấy:
– Thưa các Nữ Tôn giả, Trưởng lão Ðề-bà-đạt-đa không phải đức Phật! Con xuất gia không phải với Ðề-bà-đạt-đa, nhưng con xuất gia với bậc Chánh Ðẳng Giác, bậc tối thượng ở đời. Chớ làm mất nơi con điều con đã được một cách khó khăn! Hãy đưa con đi đến Kỳ Viên, gặp bậc Ðạo Sư!
Chúng Tỷ-kheo-ni ấy đưa nàng đi, vừa qua con đường dài bốn mươi lăm dặm, từ Vương Xá dần dần đến Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo Sư và tường trình sự việc. Bậc Ðạo Sư suy nghĩ: “Dầu thai của nàng ấy được tượng hình khi còn là gia chủ, đây cũng là một dịp để ngoại đạo nói rằng Sa-môn Gotama đã nhận lấy một Tỷ-kheo-ni bị Ðề-bà-đạt-đa loại bỏ. Ðể chấm dứt câu chuyện, vấn đề này còn được giải quyết trước mặt vua và tùy tùng của vua”.
Ngày hôm sau, Thế Tôn cho mời vua Pasenadi, (Ba-tư-nặc) nước Kosala, ông Cấp Cô Ðộc lớn, Cấp Cô độc nhỏ, nữ cư sĩ Visàkhà, và các nhân vật có tiếng khác. Rồi vào buổi chiều, giữa bốn chúng đã đều tụ họp, Thế Tôn bảo trưởng lão Upàli.
– Hãy đi làm cho sáng tỏ sự việc của Tỷ-kheo-ni trẻ này giữa bốn chúng!
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Vị trưởng lão đi đến giữa hội chúng, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn cho mình, cho gọi nữ cư sĩ Visàkhà trước mặt nhà vua, và giao việc điều tra này:
– Hãy đi, này Visàkhà, trước hết, hãy xác định ngày xuất gia, tháng xuất gia của người thiếu phụ này. Sau khi biết rõ rồi, hãy tìm hiểu nàng thụ thai trước đây hay sau thời gian ấy.
Nữ cư sĩ chấp nhận lời dạy, cho treo một cái màn. Sau cái màn ấy, nữ cư sĩ quan sát tay, chân, lỗ rún, bụng, các phần thân khác của Tỷ-kheo-ni trẻ. Sau khi tính ngày tháng, biết được nàng thụ thai trong thời kỳ còn là gia chủ, nữ cư sĩ đi đến vị Trưởng lão và báo cáo kết quả.
Vị trưởng lão, giữa bốn chúng, tuyên bố Tỷ-kheo-ni ấy là thanh tịnh. Bấy giờ nàng được xác nhận là thanh tịnh, liền đến đảnh lễ chúng Tỷ-kheo và bậc Ðạo Sư, rồi đi về trú xứ với các Tỷ-kheo-ni. Khi bào thai đã thuần phục, nàng sanh được một bé trai có uy lực lớn, do nàng cầu nguyện dưới chân Ðức Phật Padumuttara cách đây nhiều kiếp.
Nhà vua, một hôm đi đến gần trú xứ của Tỷ-kheo-ni, nghe tiếng của đứa trẻ, và hỏi các đình thần. Các đình thần biết câu chuyện, thưa lại với vua:
– Tâu Ðại Vương, vị Tỷ-kheo-ni trẻ ấy sanh được một đứa con trai. Ðây là tiếng khóc của đứa trẻ.
– Này các khanh, nuôi con là một chướng ngại cho các Tỷ-kheo-ni. Chúng ta sẽ nuôi dưỡng nó.
Vua giao đứa trẻ cho các thiếu phụ bà con và bảo nuôi dưỡng nó lớn như một hoàng tử. Ðến ngày đặt tên, nó được tên là Kassapa, nhưng được biệt danh là hoàng tử Kassapa, vì được nuôi dưỡng như một hoàng tử. Khi lên bảy tuổi, Kassapa xuất gia với bậc Ðạo Sư, và khi đầy đủ tuổi, được thọ Ðại Giới. Thời gian đi qua, vị ấy trở thành một nhà thuyết pháp tài giỏi giữa các nhà thuyết pháp. Rồi bậc Ðạo Sư ấn chứng cho vị ấy:
– Này các Tỷ-kheo, vị này là đệ nhất trong các đệ tử thuyết pháp của Ta, tức là Hoàng tử Kassapa. Hoàng tử Kassapa, nhờ kinh Vammika (Kinh Trung Bộ, số 23) chứng quả A-la-hán. Tỷ-kheo-ni, mẹ vị ấy, nhờ phát triển Thiền quán, chứng quả cao nhất. Trưởng lão Cumarakassapa, giữa giáo pháp đức Phật, sáng chói như mặt trăng rằm giữa hư không.
Một hôm, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đức Như Lai khuyến giáo các Tỷ-kheo xong, đi vào Hương Phòng. Sau khi được lời khuyến giáo, Tăng chúng sinh hoạt trong các gian phòng ban ngày, hay gian phòng ban đêm của họ. Vào buổi chiều, họ hội họp tại Pháp đường, và tán thán đức hạnh của đức Phật:
– Này các Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa tự mình không phải là Phật, lại không có kham nhẫn, lòng từ bi, lòng từ mẫn, đã khiến cho Trưởng lão Cumarakassapa và Trưởng lão ni gần bị hại. Nhưng bậc Chánh Ðẳng giác tự mình là bậc Pháp Vương, lại thành tựu kham nhẫn, lòng từ bi, lòng từ mẫn, đã trở thành chỗ nương tựa cho hai vị ấy.
Bậc Ðạo sư, với uy nghi của Ðức phật, đi vào Pháp đường, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn, và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông đang ngồi luận bàn chuyện gì?
Các Tỷ-kheo thưa:
– Bạch Thế Tôn, chúng con bàn đến công đức của Thế Tôn.
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Như Lai mới trở thành chỗ nương tựa cho hai người ấy, nhưng trong quá khứ cũng vậy.
Các Tỷ-kheo yêu cầu Thế Tôn làm sáng tỏ vấn đề này. Thế Tôn trình bày rõ câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm một con nai. Khi từ bụng mẹ sanh ra, con nai có màu sắc vàng, mắt của nó giống như hòn châu báu, sừng màu trắng bạc, miệng đỏ như tấm màn nhung, móng chân láng trơn như màu sơn mài, đuôi giống như đuôi con trâu rừng (Yak), thân to lớn bằng con nghé. Nó sống trong rừng, được vây quanh với năm trăm con nai và được gọi là nai chúa Nigrodla (Cây Ða). Không xa bao nhiêu, có một con nai khác, với năm trăm con nai tùy tùng và được gọi là nai Sakha (Nhành), nai này cũng màu sắc vàng.
Lúc bấy giờ vua Ba-la-nại thường hay săn bắn nai, không có thịt nai thì không ăn cơm. Hằng ngày vua triệu tập dân thành dân tỉnh lại, đình chỉ công việc của mọi người và vua thích đi săn bắn. Mọi người suy nghĩ: “Vua này đình chỉ công việc của chúng ta; chúng ta hãy gieo bẫy mồi và đặt nước uống cho các con nai trong vườn, đuổi nhiều nai vào trong ấy, đóng cửa lại và bắt dẫn chúng đến vua”.
Như vậy, họ gieo cỏ làm bẫy mồi, đặt nước uống khắp vườn, cho sắp đặt cửa, đem theo những người trong thành, tay cầm côn, gậy và các loại binh khí khác đi vào rừng tìm nai, họ bao một vòng vây khoảng độ một dặm để bắt đàn nai bị vây ở giữa, và như vậy họ vây quanh chỗ ở của đàn nai Nigrodha và đàn nai Sakha.
Khi thấy đàn nai, họ bắt đầu lấy gậy đập cây, đập bụi, đập đất, đuổi đàn nai ra khỏi chỗ ở của chúng, khua động các loại vũ khí như gươm, giáo, cung, la hét và đuổi đàn nai vào rừng. Rồi họ đóng cửa lại, đi đến gặp vua và thưa:
– Thưa Ðại Vương, vì luôn luôn đi săn nai, Ðại Vương phá hoại công việc của chúng con. Nay chúng con đã dẫn đàn nai rừng vào đầy cả vườn của Ðại Vương. Từ nay trở đi, Ðại Vương có thể ăn thịt chúng.
Sau khi thưa như vậy, dân chúng bỏ đi. Nhà vua nghe họ nói, đi đến khu vườn, nhìn các con nai, thấy hai con nai vàng, liền tha chết cho chúng. Từ đấy về sau, có khi nhà vua tự đi bắn một con nai rồi đem về. Có khi người đầu bếp đi đến, bắn nai rồi đem về. Các con nai, thấy cây cung, liền run rẩy vì sợ chết nên bỏ chạy. Nhưng khi bị hai hay ba vết thương, chúng mệt mỏi, bị bệnh, và bị giết. Ðàn nai báo cáo sự việc như vậy lên Bồ-tát. Bồ-tát cho gọi Sakha và nói:
– Này bạn, nhiều con nai bị hại, dầu thế nào chúng cũng phải chết. Nhưng bắt đầu từ nay trở đi, chớ để các con nai bị tên bắn một cách vô ích. Hãy để các con nai thay phiên nhau đi đến chỗ phải chết. Một ngày là phiên đàn nai của tôi, một ngày là phiên nai của bạn. Con nai nào đến phiên của mình cứ đi đến, nằm xuống đặt đầu vào chỗ phải chết. Làm vậy, các con nai khác khỏi bị thương.
Con nai Sakha chấp thuận. Từ đấy trở đi, theo phiên mình, một con nai đi đến, nằm xuống, đặt cổ vào chỗ bị giết. Người đầu bếp đến, bắt con nai nằm đấy rồi đem đi.
Một hôm đến phiên một con nai cái có mang ở trong đàn nai Sakha. Con nai cái đến gặp Sakha và thưa:
– Thưa chúa tể, tôi có thai, sắp sanh con, như vậy đàn có hai mạng sống đến phiên. Hãy cho qua phiên của tôi.
Nai Sakha nói:
– Không thể bảo những con nai khác thế phiên cho ngươi được. Ngươi hãy chịu những gì sẽ đến với ngươi, hãy đi đi.
Con nai cái ấy không được nai Sakha chấp thuận, liền đi đến Bồ-tát và trình bày sự việc. Bồ-tát nghe xong liền nói:
– Ðược, hãy đi đi! Ta sẽ bỏ qua phiên của người!
Rồi nai chúa tự mình đi đến, đặt đầu vào chỗ chết nằm chờ. Người đầu bếp thấy vậy liền nói:
– Con nai chúa đã được tha khỏi chết, nay lại nằm ở chỗ chết này. Sự việc này là cớ sao?
Rồi kẻ ấy đi báo cáo cho vua hay. Nhà vua lập tức ngự lên xe, đi đến với đoàn tùy tùng đông đảo, thấy Bồ-tát, liền nói:
– Này bạn nai chúa, ta đã tha khỏi chết cho người. Sao nay ngươi nằm ở đây?
– Thưa Ðại Vương, một con nai cái đến gặp tôi, yêu cầu một con khác thay phiên cho nó. Tôi không có thể bắt một con nào khác chịu đau đớn vì bị chết được. Tôi quyết định cho con nai cái ấy mạng sống của tôi, nhận lấy cái chết thay cho con nai cái, nên nằm ở đây, Ðại Vương chớ có nghi ngờ gì khác!
Vua nói:
– Hỡi nai chúa sắc vàng, từ trước, ta chưa bao giờ thấy giữa loài người, có ai đầy đủ khảm nhẫn, hòa ái, từ bi như ngươi. Do vậy, ta thật bằng lòng với ngươi. Hãy đứng dậy, ta sẽ cho ngươi và con nai cái ấy thoát khỏi sợ hãi!
– Thưa bậc nhân chủ, có hai con nai được thoát khỏi sợ hãi, đàn nai còn lại thì thế nào?
– Này nai chúa, ta sẽ cho đàn nai còn lại thoát khỏi sợ hãi.
– Thưa Ðại vương, các con nai được thoát khỏi sự sợ hãi, nhưng các con sinh vật bốn chân khác thì sao?
– Này nai chúa, ta cũng cho chúng thoát khỏi sợ hãi!
– Thưa Ðại Vương, các loài bốn chân được thoát khỏi sợ hãi, nhưng các đàn chim thì thế nào?
– Này nai chúa, ta cũng sẽ cho chúng thoát khỏi sợ hãi!
– Thưa Ðại Vương, các loại chim như vậy được thoát khỏi sợ hãi, nhưng còn đàn cá sống ở trong nước thì thế nào?
– Này nai chúa, ta cũng sẽ cho chúng thoát khỏi sợ hãi!
Như vậy con nai chúa đã xin vua được thoát khỏi sợ hãi cho tất cả chúng sanh, đứng dậy, khuyên nhà vua thọ năm giới, và nói:
– Thưa Ðại Vương, hãy sống theo Chánh pháp! Hãy xử sự đúng Chánh pháp đối với cha mẹ, đối với con trai, con gái, đối với Bà-la-môn, gia chủ, đối với dân ở thành phố, dân ở các tỉnh. Hãy tự mình sống đúng Chánh pháp, khi nhân loại mạng chung, sẽ được sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này!
Sau khi thuyết pháp cho vua với uy lực kỳ diệu của Ðức phật, Bồ-tát sống tại khu vườn trong một vài ngày để khuyến giáo vua, rồi cùng với đàn nai vây quanh, lên núi đi theo chúng vào rừng. Con nai cái đẻ ra một con nai đực đẹp như một nụ hoa. Nai con này đi chơi với đàn nai Sakha. Thấy nai mình đi chơi với đàn nai Sakha, nai mẹ khuyên con mình, bắt đầu từ nay chớ đi tới Sakha, nên đi tới Nigrodha và nói lên bài kệ:
Sống với Ni-gro-dha,
Chớ sống với Sa-kha!
Chết với Ni-gro-dha,
Hơn sống với Sa-kha.
Từ đấy trở đi, các con nai thoát khỏi sợ hãi khi ăn lúa của dân chúng. Và dân chúng nhớ rằng các con nai được thoát khỏi sợ hãi, nên không dám đánh đập hay đuổi chúng đi. Họ tụ họp tại sân vua và báo cáo lên vua biết. Vua nói:
– Do ta bằng lòng, ta đã cho nai Nigrodha một đặc ân. Ta thà mất nước chớ không bỏ lời đã hứa. Hãy đi đi, trong quốc độ của ta, không con nai nào bị đánh cả!
Nai Nigrodha, nghe tin này, liền hợp đàn nai lại và bảo:
– Bắt đầu từ nay, chớ ăn lúa của người khác!
Sau khi bảo chúng hứa như vậy, nai Nigrodha báo tin cho dân chúng biết:
– Bắt đầu từ nay, những người trồng lúa chớ rào ruộng lại để bảo vệ lúa, chỉ làm dấu bằng cách cột lá lúa lại.
Bắt đầu từ đấy, theo tin đồn, khởi lên tục lệ cột lá lúa lại giữa các đồng ruộng. Bắt đầu từ đấy, các con nai không vượt qua đồng ruộng có lá lúa cột lại. Ðây là nhờ Bồ-tát khuyến giáo chúng như vậy. Sau khi khuyến giáo đàn nai, Bồ-tát sống ở đấy cho hết tuổi thọ, rồi cùng với đàn nai đi theo nghiệp của mình. Còn nhà vua nghe lời khuyến giáo của Bồ-tát, suốt đời làm các công đức rồi sau đó đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo Sư nói sau khi kể pháp thoại:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta mới bảo vệ Trưởng lão ni và Kumarkassapa, mà thuở trước Ta cũng bảo vệ như vậy.
Rồi Ngài thuyết giảng Bốn Sự thật, nêu sự liên hệ giữa hai câu chuyện, kết hợp chúng với nhau, và kết luận bằng cách nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, con nai Sakha là Ðề-bà-đạt-đa, đàn nai là tùy tùng của Ðề-bà-đạt-đa, nai cái là Trưởng lão ni, nai con là Kumarakassapa, vua là Ànanda, con nai chúa Nigrodha là Ta vậy.
Ðáng nguyền rủa mũi tên…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, Thế Tôn đã kể lại sự cám dỗ của những người vợ trước đối với các Tỷ-kheo. Câu chuyện này sẽ được kể trong Tiền thân Indriya số 248, Chương tám. Thế Tôn nói với Tỷ-kheo
– Này Tỷ-kheo, do người đàn bà này, trước kia mạng ông bị hoại diệt và bị thiêu sống trong lửa hừng.
Các Tỷ-kheo yêu cầu Thế Tôn giải thích rõ câu chuyện ấy, và Thế Tôn trình bày rõ câu chuyện bị tái sanh che lấp.
[Bắt đầu từ nay, chúng tôi sẽ không nói đến lời yêu cầu giải thích của các Tỷ-kheo, sự trình bày rõ câu chuyện bị tái sanh che lấp, mà chúng tôi chỉ nói: Kể câu chuyện quá khứ. Tất cả các phần còn lại đều được hiểu như ở các chuyện trước.]
*
Thuở xưa, tại nước Ma-kiệt-đà, vua nước ấy đang trị vì ở thành Vương Xá. Ðến mùa lúa, các con nai trú ở Ma-kiệt-đà gặp nguy hiểm, vì vậy chúng đi vào con đường núi trong rừng. Tại đấy, một con nai rừng lại luyến ái một con nai cái sống ở một làng biên địa. Khi các con nai từ đường núi về trong thời đi xuống biên địa của làng, vì tâm luyến ái con nai cái ấy, con nai núi đi theo nó. Con nai cái nói:
– Chàng là một con nai núi ngu si. Tại biên địa của làng, có nguy hiểm và có chuyện đáng sợ hãi. Chớ đi xuống với chúng tôi.
Vì con nai núi có tâm luyến ái, không chịu trở lui, vẫn đi với con nai cái. Người dân ở Ma-kiệt-đà biết thời kỳ các con nai từ đường núi đi xuống, và ẩn núp tại chỗ kín bên đường.
Trên đường hai con nai ấy trở về, một người thợ săn ẩn núp tại một chỗ kín. Con nai cái đánh được hơi người, biết có người thợ săn ẩn núp, nên bảo con nai ngu si đi trước, còn mình đi sau. Người thợ săn chỉ với một phát tên, bắn ngã con nai tại chỗ.
Con nai cái biết con nai rừng bị bắn trúng, liền nhảy lên, chạy như gió. Người thợ săn ra khỏi chỗ ẩn núp, lột da con nai núi, nhen lửa, và nướng thịt nai ngon ngọt trên đống than cháy không ngọn. Sau khi ăn thịt, uống nước xong, với đòn gánh anh ta mang về phần thịt dư thừa còn máu nhỏ giọt để làm vui lòng mấy đứa trẻ, và đi về nhà.
Lúc ấy, Bồ-tát được sanh làm một vị thần ở khu rừng ấy. Thấy sự việc đã xảy ra, ngài suy nghĩ như sau: “Con nai ngu dại này chết không phải do mẹ, không phải do cha, chỉ do lòng dục. Chúng sanh hưởng lạc thú khi dục mới tượng hình, nhưng rồi sẽ gặp nạn khổ đau, bị chặt tay, bị năm loại khổ đau, bị trói, bị đánh. Làm cho những người khác khổ và chết là điều đáng bị chỉ trích ở trong đời này! Quốc độ nào có nữ nhân hoành thành, ra mệnh lệnh, quốc độ ấy bị nữ nhân lãnh đạo là điều đáng chỉ trích! Những chúng sanh nào chịu để cho nữ nhân chi phối thật đáng bị chỉ trích”.
Trong khi các vị thần khác nói lời tán thán và cúng dường hương, hoa v.v…, Bồ-tát tóm thâu ba lời chỉ trích trong một bài kệ, khiến toàn khu rừng ấy vang lên âm thanh dịu ngọt. Ngài thuyết pháp với bài kệ này:
Ðáng nguyền rủa mũi tên
Bắn người gây thống khổ,
Ðáng nguyền rủa quốc độ
Do nữ thần lãnh đạo!
Ðáng nguyền rủa chúng sanh
Chịu thần phục đàn bà!
Như vậy, với một câu kệ, cả ba lời chỉ trích được Bồ-tát tóm thâu, và toàn khu rừng vang dậy lời thuyết pháp khi Bồ-tát thuyết giảng uy lực của đức Phật.
*
Bậc Ðạo Sư, thuyết pháp thoại này xong, liền giảng về Bốn Sự thật. Cuối bài thuyết giảng, vị Tỷ-kheo ái luyến chứng quả Dự Lưu. Bậc Ðạo sư kể hai câu chuyện, kết hợp chúng với nhau, và kết luận với sự nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, con nai rừng là vị Tỷ-kheo luyến ái, con nai cái là vợ trước của Tỷ-kheo, còn vị thần thuyết pháp nêu rõ tội lỗi dục tham là Ta vậy.
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về Trưởng Lão Cullapindapatika Tissa. Theo truyền thống, khi bậc Ðạo Sư ở tại Trúc Lâm, gần Vương Xá, con trai của một gia đình triệu phú giàu có, tên là Tissakumara, một hôm đi đến Trúc Lâm, nghe bậc đạo sư thuyết pháp. Tissa về nhà, xin phép xuất gia, nhưng cha mẹ không bằng lòng. Tissakumara bèn nhịn đói trong bảy ngày như Ratthapàla (Kinh Trung Bộ số 83) và được cha mẹ chấp thuận xuất gia với bậc Ðạo Sư.
Ðộ nửa tháng, sau khi truyền giới xuất gia cho Tissakumara, bậc Ðạo Sư, từ Trúc Lâm đi đến Kỳ Viên. Tại đấy, vị thiện nam này theo người ba hạnh đầu đà, dùng thời gian khất thực từng nhà ở Xá-vệ. Với danh xưng Trưởng lão Cullapindapatika, vị ấy trở thành sáng chói trong Giáo pháp bậc Ðạo sư như mặt trăng giữa bầu trời.
Trong khi ấy, tại Vương Xá, nhân một ngày hội lớn được tổ chức, cha mẹ của Trưởng lão lấy đồ trang sức, mà con thường dùng trong khi còn ở nhà, bỏ vào trong một cái hộp bạc đặt lên trên ngực, vừa khóc vừa nói như sau:
– Trong các ngày hội vui khác, con chúng ta thường mang những đồ trang sức này. Sa-môn Cồ-đàm đem đứa con một của chúng ta đi đến thành Xá-vệ. Nay con chúng ta ngồi ở đâu? đứng ở đâu?
Một kỹ nữ có nhan sắc đi đến gia đình ấy, thấy vợ nhà triệu phú khóc, liền hỏi vì sao bà khóc. Bà kể lại câu chuyện. Người Kỹ nữ thưa:
– Thưa bà, con trai bà ưa thích gì?
– Nó ưa thích thứ này, thứ này!
– Nếu bà cho con chủ quyền hoàn toàn trong gia đình này, con sẽ đem con trai bà về.
Bà vợ triệu phú chấp thuận lời đề nghị, cho tiền phí tổn, tiễn kỹ nữ đi với tùy tùng đông đảo:
– Hãy đi và dùng sức mạnh của mình đem con ta về.
Người kỹ nữ ấy ngồi trong xe có màn che đi đến Xá-vệ, tạm trú tại con đường Trưởng Lão thường đi khất thực. Nàng được vây quanh với đoàn tùy tùng của mình, và không cho Trưởng lão thấy những người tùy tùng cùng đến từ gia đình triệu phú. Khi Trưởng lão bắt đầu đi vào đường này khất thực, nàng dùng thìa, dùng bát cúng dường đồ ăn, trói buộc Trưởng lão với lòng tham vị, lần lượt mời Trưởng lão vào ngồi trong nhà và cúng dường đồ ăn.
Khi biết Trưởng lão đã bị mình chinh phục, nàng giả đau, nằm ở phòng trong. Trưởng lão, trong khi đi khất thực từng nhà , đến tại cửa nhà nàng. Người hầu cầm lấy bình bát của vị ấy và mời vào ngồi trong nhà. Sau khi ngồi, Trưởng lão hỏi:
– Nữ cư sĩ ở đâu?
– Thưa Tôn giả, nữ cư sĩ bị đau, và mong muốn được thấy Tôn giả.
Bị trói buộc bởi lòng tham vị ngon, phá hoại giới cấm mình đã chấp nhận, Trưởng lão đi vào phòng ngủ của nàng. Sau đó nàng kể lại nguyên do nàng đến đây cám dỗ vị ấy, trói buộc vị ấy với lòng tham vị, khiến vị ấy từ bỏ sự xuất gia, đặt vị ấy vào trong thế lực của mình, và đưa vị ấy ngồi trong xe với đoàn tùy tùng đông đảo, đi về Vương Xá. Sự việc này được lan truyền rộng rãi. Các Tỷ-kheo ngồi trong Pháp đường nói chuyện này:
– Này chư Hiền giả, một Kỹ nữ có nhan sắc đã trói buộc Trưởng lão Cullapindaptika Tissa với lòng tham vị ngon và đã đem Trưởng lão đi!
Bậc Ðạo Sư đi đến Pháp đường ngồi xuống trên bảo tọa được soạn sẵn, và hỏi chuyện gì đang được các Tỷ-kheo bàn. Các Tỷ-kheo ấy thuật lại chuyện ấy. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ Tỷ-kheo này bị trói buộc bởi lòng tham vị, đã rơi vào thế lực của nàng, mà thuở trước kẻ ấy cũng đã rơi vào thế lực của nàng.
Rồi Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadattha trị vì ở Ba-la-nại, có một người giữ vườn tên là Sanjaya. Một con nai gió đi đến khu vườn ấy, thấy Sanjaya liền bỏ chạy. Sanjaya không làm cho nó sợ hãi, cho nó thoát đi. Con nai ấy tiếp tục đến và thường đi qua lại trong khu vườn. Người giữ vườn thường hái các loại hoa quả trong vườn, và hàng ngày dâng vua. Một ngày kia, vua hỏi:
– Này khanh, khanh có thấy sự việc gì lạ ở trong khu vườn không?
– Tâu Ðại Vương, con không thấy gì khác, con chỉ thấy một con nai gió đi đến, đi qua đi lại trong khu vườn.
– Khanh có bắt nó được không?
– Nếu được một chút mật ong, con có thể dẫn nó đến ngay trong nội cung.
Vua bảo cho kẻ ấy mật ong.
Người giữ vườn lấy mật, đi đến khu vườn tại chỗ con nai gió thường đi, kẻ ấy bôi cỏ với mật và ẩn núp. Con nai đi đến ăn cỏ có dính mật, bị trói buộc bởi lòng tham vị, không đi chỗ khác, chỉ đến khu vườn. Người giữ vườn biết được con nai đã tham đắm cỏ dính mật, liền dần dần xuất đầu lộ diện. Những ngày đấu thấy người giữ vườn, con nai ấy liền bỏ chạy, nhưng rồi thấy luôn, nói khởi lòng tin, dần dần đến ăn cỏ đặt trong tay người giữ vườn.
Người giữ vườn biết đã lấy được lòng tin của con thú ấy, bèn rải đến đường những cành lá non dày như tấm thảm cho đến nội cung, quàng bên nách một hũ đựng mật, giắt một nắm cỏ và thắt lưng, rải cỏ có dính mật trước mặt con nai, và đưa nó đến tận nội cung.
Khi con nai đã vào tận nội cung, họ đóng cửa lại. Con nai thấy người, hoảng hốt, sợ phải chết, cứ chạy qua chạy lại trong nội cung. Nhà vua từ lâu đài đi xuống, thấy con nai hoảng sợ, liền nói:
– Con nai gió này, cả một tuần không đi đến chỗ nó thấy người, trọn đời không đi đến chỗ nó sợ hãi, con vật sống nơi rừng rậm ấy bị trói buộc bởi lòng tham vị, nay đã đi đến cảnh ngộ như thế này! Thật vậy, không có gì ác độc hơn là lòng tham vị ở đời.
Rồi với bài kệ, vua thuyết pháp:
Không gì ác hại hơn
Truyền thuyết nói là vậy,
Ở nhà hay với bạn,
San-gia-da với vị
Chinh phục con nai gió
Chỉ nương tựa núi rừng.
Sau khi nói vậy, vua liền thả con nai ấy về rừng.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, người kỹ nữ có nhan sắc ấy không phải chỉ nay mới trói buộc vị ấy với lòng tham vị, và chinh phục vị ấy, nhưng trong thời quá khứ cũng đã làm như vậy.
Sau khi thuyết pháp thoại này, Thế Tôn kết hợp hai câu chuyện với nhau, rồi kết luận với sự nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, Sanjaya là người kỹ nữ có nhan sắc, con nai gió là Cullapindapatika, còn vua Ba-la-nại là Ta vậy.
Khi con nai có tám móng…,
Câu chuyện này, Khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo khó bảo. Theo truyền thuyết, vị Tỷ-kheo khó bảo không chấp nhận lời khuyến giáo. Vì thế, bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông khó bảo, không chấp nhận lời khuyến giáo?
– Thưa thật vậy, Bạch Thế Tôn!
Thế Tôn nói:
– Thuở xưa, vì khó bảo ông không chấp nhận lời khuyến giáo của bậc Hiền trí nên bị bắt trong bẫy sập, và mạng sống bị diệt vong!
Nói vậy xong, Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadattta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con nai, với đàn nai vây quanh sống ở trong rừng. Một con nai chị đưa đến một nai con và nói:
– Này em, đây là cháu của em. Hãy dạy nó học những sự khôn ngoan của loài nai.
Bồ-tát nói với con nai cháu:
– Vào giờ ấy, hãy đến học.
Nhưng con nai cháu không đến vào giờ hẹn. Một ngày như vậy, bảy ngày cũng như vậy, bỏ qua bảy lời khuyến giáo, nó không đến học sự khôn ngoan của loài nai, và cuối cùng, khi đi lang thang đây đó, nó bị bắt trong một cái bẫy.
Mẹ nó đến hỏi Bồ-tát:
– Này em, em có dạy cho cháu những khôn ngoan của loài nai không?
Bồ-tát nói:
– Ðừng nghĩ đến con nai không chấp nhận khuyến giáo ấy nữa. Con của chị không học những sự khôn ngoan của loài nai. Nay em không còn muốn khuyến giáo nó nữa.
Bồ-tát đọc bài kệ này:
Khi nai có tám móng
Với sừng chĩa nhiều nhánh,
Lại có bảy mưu chước
Ðể tự cứu lấy mình,
Ta không dạy nó nữa,
Hỡi Kha-ra-di-ya.
Rồi người thợ săn giết con nai bị bắt trong bẫy ấy, và mang thịt về.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ông mới khó bảo, thuở trước ông cũng khó bảo như vậy.
Thuyết pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện và kết luận với sự hiện diện Tiền thân:
– Thời ấy, con nai cháu là Tỷ-kheo khó bảo, con nai chị là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc), còn con nai khuyến giáo là Ta vậy.
Nai với ba cử chỉ…,
Câu chuyện này, khi ở tại tinh xá Badarika ở Kosambi, bậc Ðạo Sư đã kể về Trưởng lão Ràhula (La-hầu-la) ham học các học giới. Một thời, bậc Ðạo Sư trú ở điện Aggàlava, gần thành Àlavi, nhiều nữ cư sĩ và Tỷ-kheo-ni thường đến tinh xá để nghe pháp. Thuyết pháp được tổ chức ban ngày. Nhưng sau một thời gian, các cư sĩ và các Tỷ-kheo-ni không đi nữa, chỉ có Tỷ-kheo và nam cư sĩ. Từ đấy, thuyết pháp được tổ chức ban đêm.
Sau buổi thuyết pháp, các Tỷ-kheo trưởng lão đi về chỗ ở của mình, còn các tu sĩ trẻ nằm tại phòng giảng với các nam giới. Khi họ ngủ, một số nằm ngáy khò khò và nghiến răng. Một số chỉ nằm một lát rồi dậy, nhìn thấy sự kiện không thích đáng ấy, và báo cáo lên Thế Tôn. Thế Tôn chế ra học giới như sau:
– Tỷ-kheo nào nằm ngủ với người chưa thọ Ðại giới là phạm tội Pàcittiya (Ba-dật-đề: tội phải thú nhận trước Tăng chúng)
Rồi Ngài đi đến Kosambi. Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo nói với Tôn giả La-hầu-la:
– Hiền giả La-hầu-la, Thế Tôn đã đặt ra học giới. Hiền giả nay hãy tìm chỗ ở của mình.
Lúc trước, vì kính trọng Thế Tôn, vì Tôn giả tha thiết học hỏi các học giới, các Tỷ-kheo ấy đã tiếp đón La-hầu-la như vào nhà của mình, đã soạn một chiếc giường nhỏ và cho Tôn giả một cái y lam gối. Nhưng hôm ấy, các Tỷ-kheo vì sợ vi phạm học giới, nên không cho La-hầu-la chỗ ở.
Hiền giả La-hầu-la không đi đến Thế Tôn là phụ thân của mình, cũng không đi đến Xá-lợi-phất là vị Tướng quân Chánh pháp và là giáo thọ sư của mình, cũng không đi đến Ðại-mục-kiền-liên là bậc sư trưởng của mình, lại đi vào phòng vệ sinh của Thế Tôn, như thể đi vào cung điện Phạm thiên và trú ở đấy.
Trong phòng vệ sinh của đức Phật, cửa luôn luôn khéo đóng, nền làm bằng đất thơm. Hoa và vòng hoa kết thành vòng dọc theo những bức tường. Suốt đêm có cây đèn thắp sáng. Hiền giả La-hầu-la không vì cảnh sang trọng này mà trú ở đấy, chỉ vì các Tỷ-kheo bảo tìm lấy chỗ ở, chỉ vì tôn trọng lời khuyên bảo, vì muốn học tập nên trú chỗ ấy.
Thỉnh thoảng, các Tỷ-kheo thấy Tôn giả từ xa đi đến, vì mục đích thử thách, thường quăng bên ngoài cái cán chổi hay một ít rác, chờ khi La-hầu-la đi đến, liền hỏi:
– Hiền giả, ai quăng đồ rác này?
Khi được nghe: Chính La-hầu-la đi qua đường này, La-hầu-la không nói: – Thưa Tôn giả, tôi không biết việc này.
Trái lại, La-hầu-la thường dọn rác ấy đi, khiêm tốn xin lỗi, và sau khi được tha lỗi mới đi. Vì mong muốn học tập như vậy, nên La-hầu-la mới trú tại chỗ ấy.
Rồi trước khi rạng đông, bậc Ðạo Sư đứng trước cửa phòng vệ sinh và đằng hắng. Tôn giả đằng hắng lại.
– Ai đó?
– Con là La-hầu-la.
Rồi Tôn giả đi ra đảnh lễ.
– Này La-hầu-la, sao con nằm ở đây?
– Vì không có chỗ ở, bạch Thế Tôn, trước đây các Tỷ-kheo cho con ở chung, nay vì sợ phạm tội, không cho con chỗ ở. Nghĩ rằng, đây là một chỗ không va chạm một ai, nên con nằm ở đây!
Thế Tôn xúc động mạnh vì Chánh pháp, suy nghĩ: “Với La-hầu-la, các Tỷ-kheo còn vất bỏ như vậy, thì đối với các lớp chúng trẻ mới xuất gia, có gì họ không làm được”.
Buổi sáng sớm, Thế Tôn cho họp các Tỷ-kheo và hỏi Tướng quân Chánh pháp:
– Này Xá-lợi-phất, ông có biết nay La-hầu-la trú tại chỗ nào không?
– Bạch Thế Tôn, con không biết.
– Này Xá-lợi-phất, La-hầu-la đang ở trong nhà vệ sinh! Này Xá-lợi-phất, nếu các ông vứt bỏ La-hầu-la như vậy, thì đối với các lớp trẻ mới xuất gia, có gì các ông không làm được? Nếu sự việc là vậy, những ai xuất gia trong Giáo pháp này sẽ không ở lại. Bắt đầu từ hôm nay, các ông được phép cho người chưa thọ Ðại giới ở chung một hay hai ngày. Ðến ngày thứ ba, cho họ ở ngoài, sau khi biết chỗ ở của họ.
Sau khi thêm điều khoản phụ này, Thế Tôn chế định học giới. Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo ngồi trong pháp đường tán thán đức hạnh của La-hầu-la:
– Thưa các Hiền giả, hãy xem La-hầu-la tha thiết học tập như thế nào. Khi được hỏi chỗ ở của mình, La-hầu-la không nói: Ta là con đức Thế Tôn. La-hầu-la không chống đối một Tỷ-kheo nào, nhưng đã đến ở phòng vệ sinh!
Khi các Tỷ-kheo đang nói như vậy, bậc Ðạo Sư đến tại pháp đường, ngồi xuống bảo toạ có trang hoàng và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông nay ngồi ở đây đang nói chuyện gì?
– Bạch Thế Tôn, chúng con nói đến lòng tha thiết học tập của La-hầu-la, không nói chuyện gì khác.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Không phải chỉ nay La-hầu-la mới tha thiết học tập, mà trước kia khi làm bàng sanh, cũng đã tha thiết học tập rồi.
Và Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, một vị vua Ma-kiệt-đà đang trị vì tại Vương Xá. Lúc ấy Bồ Tát sanh làm một con nai, với đàn nai vây quanh sống ở trong rừng. Con nai chị đem con mình đến và nói:
– Này em, hãy dạy cho cháu em sự khôn ngoan của loài nai.
– Tốt lắm.
Bồ-tát đáp lại và nói:
– Này cháu thân, hãy đi, và vào giờ ấy, hãy đến học.
Con nai cháu không quên giờ cậu nói, đúng giờ nó đến và học sự khôn ngoan của loài nai. Một ngày kia, khi đi qua lại trong rừng, nó bị mắc vào bẫy sập và thốt tiếng kêu của con thú bị bắt. Ðàn nai bỏ chạy, về báo cho nai mẹ biết con bị mắc bẫy. Nó đi đến nai em và hỏi:
– Này em, cháu đã học sự khôn ngoan của loài nai chưa?
Bồ-tát nói:
– Ðừng sợ những điềm dữ đến với cháu. Nó đã khéo học được sự khôn ngoan của loài nai. Nay sẽ đến lượt chị cười rồi đó!
Nói vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Nai với ba cử chỉ,
Với nhiều sự khôn ngoan,
Biết dùng chân tám móng,
Biết nửa đêm uống nước;
Chỉ với một lỗ tai,
Thở theo nhịp độ đất;
Với sáu sự khôn ngoan,
Cháu tôi thắng người thù.
Như vậy, Bồ-tát nêu rõ cháu mình đã học tốt đẹp sự khôn ngoan của loài nai, và an ủi nai chị. Còn nai con bị bắt trong bẫy sập, không vùng vẫy, nằm duỗi chân hết sức thoải mái theo một bên hông, móng chân cào đất tại chỗ gần chân, hất lên bụi và cỏ, đi tiểu và đại tiện, đầu gục xuống, le lưỡi, làm thân đẫm ướt mồ hôi, rồi nó nín thở khiến bụng trướng lên, trợn mắt, chỉ thở với một lỗ mũi ở dưới, nín thở vói lỗ mũi ở trên, khiến toàn thân cứng đờ như con vật đã chết. Vì thế cho nên các loài ruồi xanh đến bu quanh nó. Chỗ này, chỗ kia, các con quạ đã đậu xuống. Người thợ săn đi đến, lấy tay vỗ bụng nó, suy nghĩ: “Con này bị bắt hồi sáng, nay đã bắt đầu thối rồi”, kẻ ấy cởi dây trói cho nai, và nói:
– Nay ta làm thịt nó ở đây và sẽ mang thịt về.
Không ngờ vực gì cả, người thợ săn bắt đầu lượm cành cây và lá. Con nai con liền trỗi dậy, đứng lên bốn chân, vùng vẫy cái thân, vươn cổ, và như đám mây bị gió lớn tan, nó chạy rất nhanh về với mẹ nó.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– La-hầu-la không phải nay mới ham học, thuở trước cũng đã ham học như vậy.
Thuyết pháp thoại này xong, sau khi kết hợp hai câu chuyện, Ngài kết luận với sự nhận diện Tiền thân như sau:
– Khi ấy, con nai cháu là La-hầu-la, con nai mẹ là Upplavannà và con nai cậu là Ta vậy.
Nếu là tối hay sáng…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về hai Tỷ-kheo xuất gia đã lớn tuổi. Truyền thuyết kể rằng, tại quốc độ Kosala, họ sống tại một khu rừng, một trưởng lão tên Tối, và một trưởng lão tên là Sáng. Một hôm, Tối hỏi Sáng:
– Thưa Tôn giả, thời nào gọi là lạnh?
Sáng nói:
– Trong thời tối trăng.
Một hôm, Sáng hỏi Tối:
– Thưa Tôn giả, thời nào gọi là lạnh?
Tối nói:
– Trong thời sáng trăng.
Cả hai không thể tự giải quyết sự phân vân, bèn đi đến bậc Ðạo Sư, đảnh lễ Ngài rồi hỏi:
– Bạch Thế Tôn, thời nào gọi là lạnh?
Bậc Ðạo Sư, lắng nghe câu chuyện của họ xong, liền nói:
– Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, Ta đã trả lời câu hỏi này cho các ông. Do nhiều đời sống chất chứa, nên các ông nhận định không rõ ràng nữa.
Nói xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Một thời dưới chân núi, một con sư tử và một con hổ làm bạn với nhau, cùng ở trong một cái hang. Lúc bấy giờ, Bồ-tát xuất gia làm một ẩn sĩ, cũng ở dưới chân núi ấy. Một hôm, một cuộc tranh cãi khởi lên giữa hai con vật ấy về vấn đề lạnh. Con cọp nói trời lạnh trong thời mặt trăng tối. Con suu tử lại nói trời lạnh trong thời mặt trăng sáng. Chúng không thể tự giải quyết sự phân vân, bèn đến hỏi Bồ-tát. Ngài nói lên bài kệ:
Nếu là tối hay sáng
Khi nào có gió thổi,
Có gió thổi, trời lạnh
Cả hai, không ai thua.
Như vậy, Bồ-tát giải hòa đôi bạn.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, thuở trước, Ta đã trả lời cho các ông câu hỏi này.
Thuyết pháp thoại này xong, Ngài thuyết giảng Bốn Sự thật. Cuối bài giảng ấy, hai vị Trưởng lão chứng quả Dự lưu. Sau khi kết hợp hai chuyện, bậc Ðạo Sư kết luận với sự nhận diện Tiền thân:
– Lúc ấy, con cọp là Sáng, con sư tử là Tối, còn Ta là người khổ hạnh đã trả lời câu hỏi.
Nếu chúng sanh biết được…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về đồ ăn cúng người chết. Trong thời ấy, nhiều người giết hại nhiều dê cừu… để cúng đồ ăn cho người thân đã mệnh chung. Các Tỷ-kheo thấy họ làm như vậy, hỏi bậc Ðạo Sư:
– Bạch Thế Tôn, nay nhiều người giết hại sinh mạng nhiều loài hữu tình để cúng đồ ăn cho người chết, Bạch Thế Tôn, ở đây có hạnh phúc, lợi ích nào không?
Thế Tôn nói:
– Cúng đồ ăn như vậy cho người chết không có lợi ích gì. Khi đã sát sanh, làm sao có lợi ích được? Thuở xưa, các bậc Hiền trí ngồi giữa hư không thuyết pháp, nói rõ nguy hại của tập tục này, khiến toàn thể dân chúng ở cõi Diêm-phù-đề bỏ hành động ấy. Nhưng nay, bị sanh hữu tích lũy, nên hành động ấy lại khởi lên.
Nói vậy xong, Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, một Bà-la-môn thông hiểu ba tập Vệ-đà, một danh sư nổi tiếng bốn phương, muốn cúng dường đồ ăn cho người chết, cho bắt một con dê và bảo các đệ tử.
– Này các con thân, hãy dẫn con dê này đến sông, tắm cho nó, đeo vòng hoa ở cổ nó, cho nó ăn lúa độ nửa đấu, chải chuốt cho nó rồi đem nó lại đây.
Các đệ tử vâng lời, dắt dê đến sông, tắm cho nó, chải chuốt cho nó, rồi để nó đứng trên bờ sông. Con dê ấy thấy được việc của mình đã làm từ đời trước, suy nghĩ: “Hôm nay, ta sẽ được thoát đau khổ”, vì vậy nó cảm thấy sung sướng, cười lớn tiếng như đập bể cái ghè, lại nghĩ: “Bà-la-môn này, khi giết ta, sẽ chịu nỗi đau khổ của ta thuở trước”, nó khởi lòng thương hại người Ba-la-môn và khóc lớn tiếng. Các thanh niên ấy hỏi nó:
– Này bạn, bạn cười lớn tiếng rồi khóc lớn tiếng. Vì nhân gì bạn cười, vì nhân gì bạn khóc?
– Hãy hỏi câu hỏi này trước mặt thầy các ông!
Họ đem con dê ấy đi, và báo cáo cho thầy biết. Vị thầy nghe câu chuyện, hỏi con dê:
– Này dê, sao ngươi lại cười và sao ngươi lại khóc?
Con dê nhờ trí biết được đời trước, nhớ đến việc đã làm của mình, và nói với Bà-la-môn:
– Này Bà-la-môn, thuở trước, giống như ông, ta là một Bà-la-môn học giỏi các chú thuật, muốn cúng dường đồ ăn cho người chết, đã giết một con dê để cúng dường. Vì giết chỉ một con dê, ta bị chém đầu trong bốn trăm chín mươi chín lần sống chết. Nay là lần thứ năm trăm sống chết cuối cùng của ta. Hôm nay, ta sẽ thoát khỏi sự đau khổ ấy. Nghĩ vậy, ta cảm thấy sung sướng, do nhân duyên này ta cười. Còn ta khóc, vì ta nghĩ rằng chỉ vì giết một con dê, ta phải chịu khổ hình chặt đầu đến năm trăm lần. Hôm nay ta sẽ thoát cái khổ ấy. Nhưng Bà-la-môn này, vì giết ta, sẽ như ta chịu khổ hình chặt đầu trải năm trăm đời sống. Vì thương xót ông, nên ta khóc.
– Này dê, chớ sợ, ta sẽ không giết ngươi!
– Này Bà-la-môn, ông nói gì thế? Dầu ông có giết ta hay không, hôm nay ta cũng không thể thoát chết!
– Này dê, chớ sợ, ta sẽ bảo vệ ngươi, sẽ cùng đi với ngươi!
– Này Bà-la-môn, nhỏ nhoi thay là sự bảo vệ của ông và mạnh bạo thay là nghiệp ác ta làm!
Vị Bà-la-môn thả con dê ra, nói với các đệ tử:
Và cùng với các đệ tử, vị Bà-la-môn đi theo con vật. Con dê vừa được thả, vươn cổ lên, đến bụi cỏ mọc sau lưng tảng đá ấy, và bắt đầu ăn lá cỏ. Liền khi ấy, sét đánh trên lưng tảng đá ấy, một mảng đá bị đánh vỡ, rơi trên cổ con dê đang vươn ra và chặt đứt đầu. Nhiều người qui tụ lại xem.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát sanh làm vị thần cây tại chỗ ấy. Với uy lực của vị thần, Bồ-tát ngồi kiết-già trên hư không, trên đại chúng đang đứng nhìn, và suy nghĩ: “Những chúng sanh này, nếu biết được kết quả của việc ác như vậy, sẽ không làm ác nữa!” Rồi với âm thanh dịu ngọt, Ngài thuyết pháp qua bài kệ:
Nếu chúng sanh biết được
Sự này sanh đau khổ,
Hữu tình sẽ không còn
Giết hại hữu tình nữa,
Vì ai giết hũu tình,
Sẽ phải sầu, phải khổ.
Như vậy, bậc Ðại Sĩ thuyết pháp khiến cho mọi người sợ hãi địa ngục. Và nhiều người nghe bài thuyết pháp ấy, biết sợ hãi điạ ngục, nên từ bỏ sát sanh. Bồ-tát thuyết pháp xong, an trú quần chúng vào Ngũ giới, rồi về sau đi theo nghiệp của mình. Còn quần chúng, an trú trong lời khuyên của Bồ-tát, sau khi làm các phước đức như bố thí v.v… được sanh lên thiên giới, làm tràn đầy thành phố chư Thiên.
*
Bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này xong, kết hợp hai câu chuyện với nhau, và nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, Ta là vị thần cây.
Nếu muốn thoát hiện tại…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về lễ cúng dường do cầu nguyện các thần linh. Lúc bấy giờ, theo truyền thuyết, quần chúng trong khi đi buôn, thường hay giết các loài hữu tình, để làm lễ cúng dường cho các thần với lời cầu nguyện: “Nếu chúng tôi về được an toàn, có được tiền lời, chúng tôi sẽ làm lễ cúng dường cho các ngài!”. Cầu nguyện như vậy rồi họ ra đi. Khi trở về được an toàn, có được tiền lời, họ nghĩ được vậy là nhờ uy lực các vị thần, nên giết hại nhiều loài hữu tình, làm lễ cúng dường để giải toả lời cầu nguyện của mình.
Thấy vậy, các Tỷ-kheo hỏi Thế Tôn việc này có lợi ích gì không, Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, tại nước Kàsi, một vị gia chủ tại một ngôi làng nhỏ có hứa làm đồ ăn cúng dường cho thần cây bàng mọc gần cổng làng. Khi đi về được an toàn, vị ấy giết nhiều loài hữu tình, và đến gốc cây để xin giải toả lời hứa. Nhưng vị thần cây đứng giữa hai cành cây nói lên bài kệ này:
Nếu muốn thoát hiện tại,
Hãy nghĩ thoát đời sau,
Thoát hiện tại như vậy,
Là trói buộc thật chặt,
Bậc trí không thoát vậy,
Thoát vậy, buộc kẻ ngu.
Từ đấy về sau, dân chúng từ bỏ sát sinh, sống theo chánh pháp, sau khi mạng chung được sanh lên Thiên giới làm tràn đầy thành phố chư Thiên.
*
Bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này xong, kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Ta là vị Thần cây.
Thấy dấu chân đi xuống…,
Trong khi du hành ở Kosala, đi đến làng Nalakàpàna, sống ở rừng Ketaka, gần hồ Nalakapàna, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện này về cọng lau. Lúc bấy giờ các Tỷ-kheo, sau khi tắm tại hồ Nalakapàna, bảo các Sa-di đi lấy những cọng lau để làm ống kim, họ thấy các cọng lau đều trống rỗng hoàn toàn, liền đến hỏi Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, chúng con cho lấy các cọng lau để làm ống kim. Nhưng từ gốc cho đến ngọn, các cọng lau ấy đều trống rỗng hoàn toàn. Vì sao lại như vậy?
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, đây là do đại nguyện xưa của Ta vậy.
Nói xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, theo truyền thuyết, tại đây có cái hồ trong khu rừng rậm. Trong hồ ấy, có một con quỷ La-sát ăn thịt những ai xuống nước. Lúc bấy giờ, Bồ-tát sanh làm khỉ chúa, to lớn như một con nai màu đỏ, được vây quanh với độ tám mươi ngàn con khỉ, Bồ-tát che chở đàn khỉ sống ở trong rừng. Bồ-tát thường khuyên đàn khỉ:
– Này các con thân, trong rừng này có những cây độc và có những hồ chết, tại đấy các loài phi nhân đang sống. Khi các con ăn những trái cây trước kia chưa ăn và uống nước trước kia chưa uống, hãy hỏi ta đã.
Ðàn khỉ vâng lời. Một hôm, đi đến một chỗ trước kia chưa từng đến, sau nhiều ngày, chúng tìm nước uống, và thấy một cái hồ. Nhưng chúng không uống nước, cứ ngồi chờ Bồ-tát. Ngài đến và nói:
– Các con thân, sao các con không uống nước?
– Chúng con chờ ngài đến.
– Tốt lắm, các con thân!
Bồ-tát đi vòng hồ thấy có dấu chân đi xuống, không có đi lên, và suy nghĩ:” Không gì nghi ngờ nữa, hồ này có phi nhân ẩn trú”. Bồ-tát nói với đàn khỉ:
– Này các con thân, việc các con làm tốt lắm, vì đã không uống nước. Hồ này có phi nhân ẩn trú.
Con quỷ La-sát dưới nước biết được chúng không uống nước, liền hiện ra hình thù ghê rợn với bụng xanh, mặt trắng vàng, tay chân màu đỏ, rẽ nước đi lên và nói:
– Sao lại ngồi đây, hãy xuống uống nước!
Bồ-tát hỏi:
– Có phải ngươi là La-sát sanh ra ở trong nước không?
– Phải.
– Có phải ngươi bắt những ai xuống uống nước ở đây?
– Phải. Ta bắt từ con chim nhỏ xuống nước trở lên, ở tại đây, ta không tha một ai! Ta sẽ ăn tất cả các ngươi.
– Chúng ta sẽ không để ngươi ăn chúng ta.
– Nhưng hãy uống nước đi.
– Ðược, chúng ta sẽ uống nước. Nhưng chúng ta sẽ không rơi vào quyền lực của ngươi.
– Làm sao các ngươi uống nước được?
– Sao, ngươi nghĩ rằng chúng ta sẽ đi xuống, rồi uống nước à? Không đi xuống nước, tám mươi ngàn chúng ta mỗi ngày lấy một cành lau, như uống nước ngang qua một cành sen xanh, chúng ta sẽ uống nước hồ của ngươi. Như vậy, ngươi sẽ không thể ăn thịt chúng ta được!
Biết được ý nghĩa này, bậc Ðạo Sư đọc câu kệ:
Thấy dấu chân đi xuống,
Không thấy dấu chân lên,
Uống nước với cọng lau,
Ngươi không giết ta được!
Nói vậy xong, Bồ-tát cho đem lại một cọng lau, hồi tưởng lại những hạnh Ba-la-mật, phát lời chân ngôn, lấy miệng thổi cọng lau. Cọng lau trở thành trống rỗng hoàn toàn, không một khúc mắt nào còn lại ở trong. Với cách thức này, Bồ-tát cho đem lại ống lau khác, rồi ống lau khác và thổi. Nhưng nếu làm vậy, Bồ-tát không thể thoåi hết được. Do đó, Bồ-tát không làm như vậy nữa. Rồi Bồ-tát đi vòng quanh hồ và ra lệnh:
– Tất cả cọng lau đều trống rỗng hết!
Do lợi hành rộng lớn của các vị Bồ-tát, mệnh lệnh ấy được thành tựu. Từ đấy trở đi, tất cả cọng lau ở xung quanh hồ trở thành trống rỗng.
Trong kiếp này, có bốn thần thông tồn tại suốt kiếp. Thế nào là bốn?
Ðây là bốn thần thông sẽ tồn tại trong suốt kiếp này.
Bồ-tát ra lệnh như vậy, và lấy một cọng lau rồi ngồi xuống. Tám vạn con khỉ ấy, mỗi con cầm lấy một cọng lau, đều ngồi xuống vòng quanh hồ. Và trong khi Bồ-tát hút nước vào qua ống lau, tất cả chúng đều ngồi trên bờ uống nước. Chúng uống nước như vậy, và con quỷ La-sát dưới nước không bắt được một ai nên không hoan hỷ, bỏ đi về trú xứ của nó. Còn Bồ-tát với tuỳ tùng vây quanh, trở về sống ở trong rừng.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, những cây lau này hoàn toàn trống rỗng chính do lời phát nguyện xưa của ta.
Sau khi thuyết pháp thoại này xong, Ngài kết hợp hai câu chuyện, và kết luận với sự nhận diện tiền thân:
– Thời ấy con quỷ La-sát nước là Ðề-bà-đạt-đa, tám vạn con khỉ là hội chúng của đức Phật, còn khỉ chúa khéo dùng phương tiện là Ta vậy.
PHẨM KURUNGA
Con nai biết rõ được…,
Câu chuyện này, khi ở tại Trúc Lâm, được bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa. Một thời, tại Pháp đường, các Tỷ-kheo ngồi tụ họp, nói lời chỉ trích Ðề-bà-đạt-đa:
– Thưa các Hiền giả, với mục đích sát hại Như Lai, Ðề-bà-đạt-đa đã mướn những người bắn cung, xô tảng đá xuống, thả rông con voi Danapalaka (Tài Hộ) dùng mọi cách thức để giết hại Thế Tôn.
Rồi bậc Ðạo Sư đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông hãy ngồi đây nói câu chuyện gì?
– Bạch Thế Tôn, chúng con ngồi ở đây nói chuyện về những điều thất đức mà Ðề-bà-đạt-đa đã làm để sát hại Thế Tôn!
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới tìm cách sát hại Ta. Xưa kia, Ðề-bà cũng đã làm như vậy, nhưng không thể sát hại Ta được.
Sau khi nói vậy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở thành Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con nai sơn dương, ăn trái cây, và sống trong rừng. Một thời, Bồ-tát ăn các trái Sepanni từ những cây Sepanni sai quả. Có người thợ săn ở làng, một hôm tìm thấy những dấu chân nai dưới gốc cây sai quả ấy, liền dựng một cái dàn trên cây, ngồi ở đấy, phóng cây giáo xuống các con nai đi đến ăn trái cây. Kẻ ấy sống với nghề săn và bán thịt nai như vậy.
Một hôm, thấy dấu chân Bồ-tát dưới một gốc cây, kẻ ấy ăn thật sớm, cầm cây giáo, vào khu rừng, leo lên cây và ngồi trên dàn. Bồ-tát, vào buổi sáng, từ chỗ ẩn nấp trong rừng đi ra, với ý định ăn trái cây Sepanni. Bồ-tát không vội đến gốc cây, mà đi vòng quanh đứng vòng ngoài suy nghĩ: “Có khi những thợ săn đặt dàn, dựng dàn trên cây. Có thể có nguy hiểm như vậy ở đây”.
Người thợ săn biết Bồ-tát không đi đến, vẫn ngồi trên dàn quăng những trái sepanni xuống, rơi trước mặt Bồ-tát. Ngài suy nghĩ: “Những trái cây này rơi trước mặt ta, có thể có người thợ săn ở trên”. Bồ-tát quan sát chung quanh, thấy người thợ săn, làm vẻ như không thấy, nói to:
– Này bạn cây quý hoá ơi, trước kia, bạn làm những trái cây rơi thẳng xuống, như dây leo lòng thòng xuống, nhưng nay bạn từ bỏ đặc tánh cây. Vì bạn từ bỏ đặc tánh cây, ta sẽ đi đến gốc cây khác để tìm đồ ăn cho ta vậy. Nói xong, Bồ-tát đọc bài kệ:
Con nai biết rõ được
Trái cây ngươi làm rơi,
Ta đi đến cây khác,
Ta không thích trái ngươi.
Người thợ săn ngồi trên dàn, quăng cây giáo xuống và nói:
– Hãy đi đi! Nay ta đã bắt hụt ngươi rồi!
Bồ-tát nhảy vòng tròn, đứng lại và nói:
– Này người kia, chú tuy giết hụt ta, nhưng chú không bắt hụt kết quả hành động chú làm, tức là tám địa ngục lớn, mười sáu địa ngục phụ và năm hình thức trói buộc và hành tội…
Nói vậy xong, Bồ-tát liền chạy xa để tìm đồ ăn. Còn người thợ săn leo xuống, đi đến chỗ kẻ ấy muốn.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới tìm cách sát hại ta. Xưa kia, Ðề-bà cũng làm như vậy, nhưng không có thể làm được.
Thuyết pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện tiền thân.
– Lúc bấy giờ, người thợ săn dựng cái dàn là Ðề-bà-đạt-đa, còn con nai sơn dương là Ta vậy.
Những con chó lớn lên…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, Thế Tôn đã kể về việc làm lợi ích cho bà con. Câu chuyện sẽ được trình bày trong Chương mười hai, Tiền thân Bhaddasàla (số 465). Ðể xác chứng lời dạy này, bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát do duyên hành động lợi ích cho bà con như vậy, được sanh làm con chó đầu đàn rất thông minh, sống trong một nghĩa địa lớn với đàn chó hàng trăm con vây quanh.
Một hôm, vua ngự lên xe được trang hoàng đẹp đẽ, được kéo bởi những con ngựa Sindh giống quý, đi đến khu vườn, trọn ngày vui chơi tại đấy, và khi mặt trời lặn, vua mới trở về thành. Yên cương của xe vẫn mắc vào xe, và quân hầu để xe trong sân hoàng cung trọn đêm. Ban đêm, trời mưa, yên cương bị ướt. Các con chó nhà vua thuộc nòi giống tốt, từ trên lầu đi xuống, nhai ăn da và dây cương chiếc xe ấy. Hôm sau, họ báo cáo với vua:
– Thưa Thiên tử, từ những miệng cống chui vào, các con chó đã nhai ăn da và dây cương chiếc xe.
Vua nổi giận, ra lệnh giết tất cả chó mà họ thấy được. Từ đấy trở đi, khởi lên tai nạn lớn cho loài chó. Chúng chạy trốn vào nghĩa địa và đến bên cạnh Bồ-tát. Bồ-tát hỏi:
– Các con tụ họp đông ở đây vì duyên cớ gì?
Chúng đáp:
– Trong nội thành, da và dây cương của chiếc xe vua bị chó nhai ăn. Vua tức giận ra lệnh tàn sát chúng con. Nhiều anh em con bị giết hại. Cuộc khủng bố lớn đã khởi lên.
Bồ-tát suy nghĩ: “Tại một chỗ được bảo vệ như vậy, các con chó ở ngoài không có cơ hội để vào. Ðây là việc làm của đàn chó giống tốt trong nội cung. Nay những con có tội không gặp việc gì, còn những con vô tội lại bị giết. Ta hãy cho vua thấy những con chó có tội kia và cứu mạng sống cho bà con vô tội của ta.
Bồ-tát an ủi:
– Các con chớ sợ, Ta sẽ làm cho các con hết sợ hãi. Hãy chờ ở đây cho đến khi Ta yết kiến nhà vua.
Rồi ngài hướng tâm đến các Ba-la-mật, đặt hạnh từ bi lên hàng đầu, ngài nguyện: “Không một ai dám quăng đá hay gậy để hại ta”. Rồi Bồ-tát một mình đi vào thành.
Sau khi ra lệnh sát hại các con chó, vua ngồi một mình trong pháp đình. Bồ-tát đi đến đây, nhảy thẳng đến dưới chỗ ngồi của vua. Các người hầu cận của vua cố gắng hết sức đuổi ra, nhưng vua ngăn lại. Bồ-tát nghỉ một lát, từ dưới ghế đi ra, đảnh lễ vua rồi hỏi:
– Có phải Ðại vương sai giết hại các loài chó?
– Phải, chính ta.
– Lỗi của chúng là gì, thưa bậc nhơn chủ?
– Chúng nhai ăn đồ da phụ tùng và dây cương ở xe của ta!
– Ngài có biết những con nào đã ăn đồ da không?
– Ta không biết.
– Không biết những con chó nào đã ăn đồ da, lại ra lệnh giết, như vậy không phải lẽ, thưa Ðại Vương.
– Vì các con chó đã ăn đồ da ở xe ta, nên ta ra lệnh tàn sát tất cả con chó thấy được.
– Các người của ngài giết tất cả chó hay có tha chết một số chó?
– Những con chó nòi giống tốt trong cung của ta được khỏi chết!
– Tâu Ðại vương, vừa rồi ngài nói ra lệnh giết tất cả con chó mà họ thấy được vì chúng đã ăn dồ da ở xe của ngài. Nhưng nay ngài lại nói những con chó giống tốt trong cung của ngài được khỏi chết! Sự việc là vậy, ngài đã thực hành theo bốn sở hành vô lý: thiên vị, ghét bỏ, ngu si và sợ hãi. Hành động vô lý như vậy là không chính đáng, không phải là phép vua. Vì vua, trong khi xử kiện, cần phải giống như cán cân. Nay các con chó nòi giống tốt được khỏi chết, còn các con chó yếu đuối lại bị giết. Sự việc như vậy, thì đây không phải sự giết hại không thiên vị tất cả loài chó mà chỉ là sự giết hại các loài chó yếu đuối thôi!
Nói xong, bậc Ðại Sĩ, với âm thanh dịu ngọt bảo vua:
– Tân Ðại vương, sở hành của ngài không phải là công lý.
Rồi thuyết pháp cho vua, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Những con chó lớn lên
Trong cung điện nhà vua,
Thuộc loài nòi giống tốt,
Có dung sắc, sức mạnh,
Chúng khỏi bị giết hại.
Chỉ chúng tôi bị giết.
Ðây không giết tất cả;
Chỉ giết kẻ yếu hèn.
Nghe Bồ-tát nói, vua bèn hỏi:
– Này chó hiền trí, ngươi có biết ai đã ăn da ở xe ta không?
– Vâng, tôi có biết
– Ai đã ăn?
– Chính những con chó nòi giống tốt trong cung của ngài!
– Làm thế nào biết được chúng đã ăn?
– Tôi sẽ nêu rõ chính chúng đã ăn.
– Này chó hiền trí, hãy nói rõ đi.
– Hãy cho gọi các con chó nòi giống tốt trong cung của ngài, cho đem một ít nước sữa và cỏ dabba đến đây.
Vua làm theo lời yêu cầu. Rồi bậc Ðại Sĩ nói:
– Hãy cho nghiền nát cỏ này trong nước sữa và cho những con chó ấy uống.
Vua làm theo như vậy. Khi đang uống, các con chó liền nôn ra những miếng da.
– Ôi! Thật giống như đức Phật toàn tri xử kiện!
Vua reo mừng, liền tỏ lòng tôn kính Bồ-tát bằng cách dâng cúng cái lọng trắng. Nhưng Bồ-tát thuyết pháp cho vua với mười câu kệ về pháp hành trong Tiền thân Tesakuna (số 521), mở đầu với câu:
– Hãy hành Chánh pháp! Thưa bậc Ðại vương thuộc dòng Sát-đế-lỵ, từ nay trở đi, Ðại vương chớ phóng dật!
Sau khi khuyên nhà vua giữ Năm giới, Bồ-tát trả lại vua cái lọng trắng.
Nghe lời bậc Ðại Sĩ thuyết pháp, vua tha chết cho mọi loài chúng sanh, rồi ra lệnh cung cấp cho tất cả loài chó, bắt đầu từ Bồ-tát, cơm ăn thường xuyên giống như thức ăn của vua. Tuân theo lời Bồ-tát khuyến giáo cho đến trọn đời, vua làm các phước đức như bố thí v.v…, vì vậy sau khi mạng chung, vua sanh lên cõi trời. Lời “Khuyến giáo của con Chó” tồn tại đến mười ngàn năm. Còn Bồ-tát sống đến hết thọ mạng, rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Như Lai mới hành động lợi ích cho bà con, trong quá khứ cũng đã làm như vậy.
Thuyết pháp thoại này xong, và kết hợp hai mẩu chuyện với nhau, bậc Ðạo Sư kết luận với sự nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, nhà vua là Ànanda, hội chúng của đức Phật là bầy chó hiền lành, còn con chó hiền trí là Ta vậy.
Nay tuy nằm một bên…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo từ bỏ tinh tấn. Thời ấy, bậc Ðạo Sư gọi Tỷ-kheo ấy và nói:
– Này các Tỷ-kheo, thuở trước các bậc Hiền trí, trong những hoàn cảnh khó khăn vẫn kiên trì tinh tấn, dầu có bị thương vẫn không thối thất.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ:
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta đang trị vì ở thành Bà-la-nại, Bồ-tát được sanh làm con ngựa Sindh nòi giống tốt, con ngựa báu của vua, được trang sức lộng lẫy. Nó ăn cơm nấu với gạo cũ ba năm, đầy đủ hương vị đặc biệt, đựng trong một cái dĩa bằng vàng, trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng.
Chuồng ngựa được dựng trên đất ướp thơm với bốn loại hương. Xung quanh chuồng có treo những màn đỏ, trên trần treo cái tán bằng vải, được trang hoàng với các vì sao bằng vàng. Trên tường thả xuống những chuỗi hoa thơm, vòng hoa và một ngọn đèn dầu thơm luôn luôn cháy đỏ. Không có vị vua nào không thèm muốn vương quốc Ba-la-nại.
Một thời, bảy vị vua bao vây thành Ba-la-nại, gửi tối hậu thư cho vua Ba-la-nại, nói:
– Hãy trao vương quốc cho chúng ta, hãy là giao chiến.
Vua mời các đại thần họp, báo tin ấy và hỏi:
– Này các khanh, nay phải làm gì?
– Tâu Thiên tử, ngài không nên tự mình giao chiến trước. Hãy sai một vị cưỡi ngựa, đi giao chiến trước. Nếu vị ấy thất bại, chúng ta sẽ tính sau.
Rồi vua cho mời vị ấy đến và hỏi:
– Khanh có thể giao chiến với bảy vị vua không?
– Thưa Thiên tử, nếu thần được con ngựa Sindh nòi giống tốt, kể gì bảy vị vua, thần có thể giao chiến với các vua ở toàn cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ).
– Này khanh, con ngựa Sindh giống tốt, hay con nào khác, tùy ý khanh muốn, hãy lấy con ngựa ấy và đi giao chiến.
– Lành thay, thưa Thiên tử!
Vị ấy đảnh lễ vua, từ trên lầu bước xuống, cho đem lại con ngựa Sindh tốt giống, khéo mặc áo giáp cho nó, tự mình vũ trang toàn diện, đeo gươm, rồi leo lên lưng ngựa Sindh, đi ra khỏi thành và nhanh như chớp, đánh tan đội quân thứ nhất, bắt sống một vua, cho dẫn vua ấy về giam ở đội quân trong thành. Rồi vị ấy đi nữa, đánh tan đội quân thứ hai, cũng vậy, đội quân thứ ba, thứ tư, thứ năm và bắt sống được năm ông vua.
Nhưng khi vị ấy đánh tan đội quân thứ sáu, và bắt vua thứ sáu, thì con ngựa Sindh giống tốt bị thương, chảy máu và cảm thấy đau đớn rất nhiều. Biết con ngựa đã bị thương, người kỵ mã cho nó nằm xuống trước cửa cung vua, cởi áo giáp cho nó, và sai lính nai nịt một con ngựa khác.
Bồ-tát nằm một bên hông rất thoải mái, mở mắt thấy người kỵ mã, tự nghĩ: “Người kỵ mã đang nai nịt một con ngựa khác, sẽ không thể nào đánh tan đội quân thứ bảy, không thể nào bắt được ông vua thứ bảy. Như vậy nó làm tiêu tan công lao ta đã làm, còn người kỵ mã không ai sánh kịp này sẽ bị giết, và nhà vua sẽ rơi vào tay quân thù! Ngoài ta ra, không một con ngựa nào khác đánh tan được đội quân thứ bảy, và có thể bắt được vị vua thứ bảy!”
Ðang nằm như vậy, Bồ-tát gọi người kỵ mã và nói:
– Này bạn, ngoài tôi ra, không có con ngựa nào khác có thể đánh tan đội quân thứ bảy, bắt được ông vua thứ bảy. Tôi sẽ không để ai hủy hoại thành quả tôi đã làm. Hãy đỡ tôi dậy và nai nịt cho tôi!
Sau khi nói vậy, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Nay tuy nằm một bên,
Bị bắn bởi mũi tên,
Con ngựa nòi giống tốt,
Thắng hơn con ngựa khác
Hỡi này người kỵ mã
Hãy nai nịt cho tôi
Người kỵ mã đỡ con ngựa dậy, băng bó vết thương, khéo nai nịt áo giáp cho nó, rồi nhảy lên lưng ngựa ra trận đánh tan đội quân thứ bảy, bắt sống ông vua thứ bảy và dẫn vị ấy về đội quân của vua mình. Người kỵ mã dắt Bồ-tát đến cửa thành và vua đi ra để xem Bồ-tát. Bậc Ðại Sĩ nói với vua:
– Tâu Ðại Vương, chớ giết bảy ông vua ấy. Hãy bắt họ thề sẽ trung thành với ngài rồi thả họ ra. Hãy cho người kỵ mã thọ hưởng danh vọng xứng đáng với công lao. Thật không phải đạo nếu để một chiến sĩ đã bắt được bảy vị phải chịu thiệt thòi! Ðại vương hãy bố thí, hãy giữ giới, hãy trị vì quốc độ với Chánh pháp công bằng.
Khi Bồ-tát khuyến giáo vua như vậy xong, người ta cởi áo giáp cho Bồ-tát. Nhưng khi được cởi tung mảnh giáp, Bồ-tát mệnh chung. Vua lo việc hoả táng con ngựa rất trọng thể, cho người kỵ mã hưởng danh vọng lớn, và đòi bảy ông vua kia phải tự mình thề không còn phản bội gây chiến nữa, rồi đưa họ về nhà của họ. Vua trị vì quốc độ với chánh pháp và công lý, sau khi mạng chung, đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc đạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, như vậy thuở trước, các bậc Hiền trí trong những hoàn cảnh khó khăn vẫn kiên trì tinh tấn, dầu có bị thương vẫn không thối thất. Còn ông được sống trong giáo pháp giải thoát như vậy, vì sao lại thối thất tinh tấn?
Sau khi nói xong, Thế Tôn thuyết giảng Bốn Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo thối thất tinh tấn chứng quả A-la-hán. Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện với nhau, và kết luận với sự nhận diện Tiền Thân:
– Thời ấy, vua là Ànanda, người cưỡi ngựa là Xá-lợi-phất, và con ngựa Sindh nòi giống tốt là Ta vậy.
Dẫu thời nào, chỗ nào…
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc đạo sư đã kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. Bậc Ðạo Sư gọi Tỷ-kheo ấy và nói:
– Này Tỷ-kheo, thuở trước các bậc Hiền trí trong những hoàn cảnh khó khăn, vẫn kiên trì tinh tấn, dầu có bị thương, vẫn không thối thất.
Nói xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì thành Ba-la-nại, có bảy vị vua bao vây thành. Một chiến sĩ cưỡi xe, thắng hai con ngựa Sindh anh em vào xe, đi ra khỏi thành, đánh tan sáu đội quân và bắt sống sáu ông vua. Trong giờ phút ấy, con ngựa anh bị thương. Người cưỡi xe, đánh xe đến cửa thành của vua mình, mở con ngựa anh ra khỏi xe, cởi áo giáp của nó, đặt con ngựa nằm một bên hông, và bắt đầu cho nai nịt một con ngựa khác. Bồ-tát thấy vậy, suy nghĩ như đã suy nghĩ trong câu chuyện trước, rồi cho gọi người cưỡi xe, vừa nằm vừa nói lên bài kệ này:
Dẫu thời nào, chỗ nào,
Dẫu khi nào ở đâu,
Con ngựa nòi giống tốt
Vẫn hăng hái chiến đấu
Còn con ngựa yếu hèn
Tại đấy, chịu đầu hàng.
Người đánh xe đỡ Bồ-tát dậy, thắng ngựa vào xe, đánh tan đội quân thứ bảy, bắt sống ông vua thứ bảy, rồi đánh xe đến cửa nhà vua, và mở con ngựa ra khỏi xe. Bồ-tát nằm thoải mái một bên hông, nói lời khuyến giáo vua như trong câu chuyện trước, rồi mạng chung. Vua làm lễ hoả táng con ngựa rấ trọng thể, ban thưởng nhiều danh vọng cho người đánh xe và sau khi trị vì nước đúng theo Chánh pháp, vua đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể câu chuyện, bậc Ðạo Sư trình bày bốn Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị tỷ-kheo thối thất tinh tấn chứng được quả A-la-hán. Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, vua là trưởng lão Ànanda, con ngựa anh là bậc Chánh Ðẳng Giác.
Hãy thay bến nước khác…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo, đệ tử của bậc tướng quân Chánh pháp, trước kia làm thợ vàng. Chỉ các đức Phật mới có trí biết được tâm hướng của chúng sanh, chớ không ai khác. Do vậy, bậc Tướng quân Chánh pháp tự mình không biết tâm hướng của người đệ tử, đã cho một đề tài thiền quán về bất tịnh. Ðề tài ấy không thích hợp với người đệ tử. Vì sao?
Theo truyền thuyết, người đệ tử ấy trải năm trăm năm liên tục sanh ra trong gia đình thợ vàng, tích lũy lâu ngày chỉ thấy vàng thanh tịnh. Trải qua bốn tháng, người đệ tử không thể làm khởi lên một tư tưởng nào của Thiền quán. Bậc Tướng quân chánh pháp không thể đem lại quả A-la-hán cho đệ tử của mình, tự nghĩ: “Người này chỉ có đức Phật mới nhiếp phục được, ta sẽ đưa vị ấy đến gặp Như Lai”.
Vào buổi sáng sớm, bậc Tướng quân chánh pháp đem người đệ tử đi đến gặp bậc Ðạo Sư. Ngài hỏi:
– Này Xá-lợi-phất, vì sao ông đến đây lại đem theo một Tỷ-kheo?
– Bạch Thế Tôn, con cho đệ tử con một đề tài Thiền quán, nhưng sau bốn tháng, vị ấy không phát khởi lên một chút tư tưởng nào của Thiền quán. Nghĩ rằng người này chỉ có đức Phật mới giáo hoá được, nên con đưa đến gặp Thế Tôn.
– Này Xá-lợi-phất, ông dạy đề tài Thiền quán nào cho đệ tử?
– Bạch Thế Tôn, con dạy đề tài Thiền quán về bất tịnh.
– Này Xá-lợi-phất, ông không hiểu biết tâm hướng của đệ tử. Hãy về đi, và để đệ tử ở lại đây, chiều trở lại và đem đệ tử của ông về.
Sau khi bảo Trưởng lão đi về, bậc Ðạo Sư cho Tỷ-kheo ấy mặc hạ y và thượng y tốt đẹp, đem Tỷ-kheo ấy đi theo ngài vào làng khất thực, khiến Tỷ-kheo ấy nhận được đồ ăn tuyệt hảo, đủ loại cứng và loại mềm. Ði về tinh xá một lần nữa với các Tỷ-kheo vây quanh, ban ngày bậc Ðạo Sư vào nghỉ trong Hương phòng, và buổi chiều đem Tỷ-kheo ấy đi theo. Ngài đi dạo trong tinh xá, hoá hiện một hồ nước trong vườn xoài, có nhiều hoa sen và một hoa sen lớn hiện ra. Thế Tôn bảo Tỷ-kheo ấy ngồi nhìn hoa sen, rồi Ngài đi vào Hương phòng.
Tỷ-kheo ấy liên tục nhìn hoa sen. Thế Tôn khiến cho bông hoa ấy héo tàn. Trong khi Tỷ-kheo ấy đang nhìn, hoa sen ấy tàn dần, héo dần và mất màu sắc. Bắt đầu từ vòng ngoài cùng, các cánh hoa rơi xuống, và trong một thời gian ngắn, tất cả cánh hoa đều rơi hết. Rồi đến các nhụy hoa rơi, rơi dần, chỉ còn lại gương sen. Tỷ-kheo ấy thấy vậy, liền suy nghĩ: “Hoa sen này xinh đẹp như vậy, nhưng chẳng mấy chốc màu sắc hoa tàn phai, các cánh hoa, nhụy hoa rụng xuống, chỉ còn lại gương sen. Hoa sen như vậy đã đi đến héo tàn. Thân ta rồi cũng đi đến cảnh như vậy. Các hành là vô thường!”
Với tư tưởng ấy, Tỷ-kheo đạt được Thiền quán. Bậc Ðạo Sư biết tâm Tỷ-kheo ấy đã đạt Thiền quán, vẫn ngồi trong Hương phòng, phóng hào quang từ kim thân và nói lên bài kệ này:
Tự cắt dây ái dục,
Như tay bẻ sen thu,
Hãy tu đạo tịch tịnh,
Niết bàn, Thiện Thệ dạy.
Cuối bài kệ này, Tỷ-kheo ấy chứng quả A-la-hán. Với ý nghĩ: “Ta đã thoát mọi sanh hữu”, vị ấy nói lên lời cảm hứng với mấy bài kệ:
Ai đã sống cuộc đời,
Tâm tư được viên mãn,
Các lậu hoặc đã đoạn,
Mang nhục thân cuối cùng;
Giới hạnh thật thanh tịnh,
Các căn khéo định tĩnh,
Như mặt trăng được thoát
Khỏi miệng thần Rà-hu.
Ngu si hắc ám lớn
Bao phủ trùm khắp ta,
Ta gột sạch, trừ sạch,
Mọi cấu uế không còn.
Ta rực sáng, chói sáng,
Sáng chói ánh quang minh,
Như mặt trời trên không
Chiếu ngàn tia ánh sáng.
Sau khi nói lời cảm hứng, Tỷ-kheo ấy đi đến đảnh lễ Thế Tôn. Vị trưởng lão cũng đến đảnh lễ bậc Ðạo Sư, và đem đệ tử của mình về. Khi tin tức này lan truyền giữa các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ngồi họp tại Pháp đường, tán thán những đức tính của bậc Pháp vương:
– Này các Hiền giả, Trưởng lão Xá-lợi-phất vì không hiểu biết tâm hướng của chúng sanh nên không hiểu biết tâm hướng đệ tử mình. Còn bậc Ðạo Sư biết được, nên chỉ trong một ngày, đã đem lại quả A-la-hán với những vô ngại biện tài. Ôi, lớn lao thay uy đức của đức Phật!
Rồi bậc Ðạo Sư đến ngồi trên chỗ đã soạn sẵn và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi ở đây bàn chuyện gì?
– Không có gì khác, bạch Thế Tôn, ngoài câu chuyện chỉ Thế Tôn mới có trí hiểu biết tâm hướng đệ tử của bậc Tướng quân Chánh pháp.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải là kỳ diệu gì. Không phải nay Ta là Phật mới biết tâm hướng của Tỷ-kheo ấy. Thuở trước, Ta cũng đã biết tâm hướng của vị ấy rồi.
Nói xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại. Bồ-tát làm người chỉ đạo cho vua về thế sự và thánh sự. Lúc bấy giờ, tại bến nước, chỗ tắm thường ngày của con ngựa báu, người ta đang tắm một con ngựa tầm thường yếu hèn. Khi người giữ dẫn con ngựa báu đến bến tắm, nó ghê tởm con ngựa tầm thường, nên không chịu đi xuống. Người giữ ngựa trình lên vua:
– Tâu Thiên Tử, con ngựa báu không chịu xuống bến nước.
Vua cho gọi Bồ-tát:
– Này bậc Hiền trí, hãy đi ra tìm hiểu lý do gì khi con ngựa đi đến bến nước lại không chịu xuống.
Vâng lệnh Thiên tử, Bồ-tát đi đến bờ sông, nhìn con ngựa, biết con ngựa không bị bệnh, ngài cố gắng tìm hiểu lý do gì con ngựa này không đi xuống bến nước. Bồ-tát suy nghĩ: “có lẽ một con ngựa khác được tắm trước ở đây, vì ghê tởm con ngựa ấy, nên nó không đi xuống bến nước”. Nghĩ vậy, Bồ-tát liền hỏi người giữ ngựa:
– Có con ngựa nào khác được tắm trước ở bến nước này không?
– Thưa ngài, có một con ngựa tầm thường khác. Bồ-tát nghĩ: “Con ngựa này vì lòng tự ái thương tổn, không muốn tắm tại đây. Vậy đem nó đến tắm tại một bến nước khác”. Biết tâm hướng của nó, Bồ-tát nói:
– Này bạn giữ ngựa, một người ăn đi ăn lại các món ngon như cơm, sữa, bơ, mật, đường v.v… lâu ngày rồi cũng phát ngán! Con ngựa này đã tắm nhiều lần tại bến nước ở đây. Hãy đưa nó xuống một bến nước khác, cho nó tắm và uống nước.
Nói vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Hãy thay bến nước khác,
Hỡi này người đánh xe,
Hãy cho ngựa uống nước
Khi bến này, bến khác.
Người quá gần cơm sữa,
Cũng chán món ăn ấy!
Sau khi nghe lời Bồ-tát, họ dắt ngựa xuống một bến nước khác, cho nó uống nước và tắm. Trong khi ấy Bồ-tát liền đi đến yết kiến vua. Vua hỏi:
– Này khanh, con ngựa được tắm và được uống nước rồi phải không?
– Thưa rồi, tâu Thiên tử.
– Vì lý do gì, trước nó không muốn làm như vậy?
– Do lý do này…
Bồ-tát báo cáo sự việc lên vua, và vua nói:
– Ôi, thật là sáng suốt, vị ấy biết được tâm hướng của cả con vật này.
Vua thưởng cho Bồ-tát danh vọng lớn. Và khi mạng chung, Bồ-tát và vua đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta mới biết tâm hướng của vị ấy, quá khứ ta cũng biết rồi.
Sau khi thuyết pháp thoại này xong, và kết hợp hai câu chuyện với nhau, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, con ngựa báu là vị Tỷ-kheo này, vua là Ànanda, và vị đại thần hiền trí chính là Ta vậy.
Trước nghe lời ăn trộm…,
Câu chuyện này khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư đã kể về Ðề-bà-đạt-đa. Ðề-bà-đạt-đa chiếm được lòng tin của hoàng tử Ajàtasattu (A-xà-thế) nên đã được lợi dưỡng và danh vọng. Hoàng tử A-xà-thế xây dựng một tinh xá ở Gayàsisa cho Ðề-bà-đạt-đa và mỗi ngày đem đến cho vị ấy năm trăm cơm nấu bằng gạo thơm ba năm với hương vị hảo hạng. Dựa trên lợi dưỡng và danh vọng, hội chúng của Ðề-bà-đạt-đa trở thành đông đúc. Ðề-bà-đạt-đa chỉ sống ở tinh xá với hội chúng, không hề ra khỏi tinh xá.
Lúc bấy giờ, có hai người bạn trú ở Vương xá. Một người xuất gia với bậc Ðạo Sư, một người xuất gia với Ðề-bà-đạt-đa. Họ đến thăm nhau, tại chỗ này chỗ kia, hay tại tinh xá. Một hôm, người bạn y chỉ với Ðề-bà-đạt-đa nói với người kia:
– Này Hiền giả, sao hàng ngày bạn phải đi khất thực, với mồ hôi tuôn chảy mệt nhọc như vậy? Còn Ðề-bà-đạt-đa chỉ ngồi ở tinh xá tại Gayàsisa, được ăn món ngon với hương vị đặc biệt. Không có phương tiện nào khác sao? Sao bạn lại chịu khổ? Sao vào buổi sáng, bạn lại không đến tại Gayàsisa, uống cháo với hương vị, rồi ăn mười tám món đặc, và các món mềm tuyệt hảo với những hương vị đặc biệt?
Người kia nghe nói đi nói lại mãi nên muốn đi và bắt đầu từ đấy, thường đến Gayàsisa, ăn và uống rồi trở về Trúc Lâm đúng giờ giấc.
Tuy thế, không phải lúc nào vị ấy cũng giấu giếm được. Không bao lâu, người ta biết người ấy đi đến Gayàsisa ăn các món do Ðề-bà-đạt-đa sắp đặt cho. Các người bạn hỏi vị ấy:
– Này Hiền giả, có đúng sự thật chăng. Hiền giả ăn các món do Ðề-bà-đạt-đa sắp đặt cho?
– Ai nói vậy?
– Người này, người này!
– Này Hiền giả, đúng sự thật là tôi có đi Gayàsisa để ăn. Nhưng không phải Ðề-bà-đạt-đa cho tôi ăn. Chính những người khác cho tôi ăn.
– Này Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa là kẻ thù của đức Phật. Ðề-bà-đạt-đa theo ác giới, lấy được lòng tin của A-xà-thế, thâu hoạch cho mình lợi dưỡng và danh vọng một cách phi pháp. Hiền giả xuất gia trong Giáo pháp giải thoát như vậy, lại ăn các món do Ðề-bà-đạt-đa nhận được một cách phi pháp. Hãy đi, chúng tôi sẽ đưa Hiền giả đến gặp bậc Ðạo Sư.
Rồi họ đưa Tỷ-kheo ấy đến Pháp đường. Bậc Ðạo Sư thấy vậy, hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, sao các ông đem lại đây một Tỷ-kheo ngoài ý muốn của vị ấy?
– Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này đã xuất gia với Thế Tôn, lại ăn các món do Ðề-bà-đạt-đa nhận được một cách phi pháp!
– Này Tỷ-kheo, có thật chăng, ông đã ăn các món do Ðề-bà-đạt-đa nhận được một cách phi pháp?
– Bạch Thế Tôn, không phải Ðề-bà-đạt-đa cho con. Chính những người khác cho con ăn món ăn ấy!
– Này Tỷ-kheo, chớ dối quanh ở đây! Ðề-bà-đạt-đa không có chánh hạnh, theo ác giới. Sao ông xuất gia ở đây, tuân theo lời dạy của ta, lại ăn các món của Ðề-bà-đạt-đa. Ông thường hay bị lôi kéo, hễ gặp ai thì đi theo người ấy!
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát làm đại thần cho vua ấy. Lúc ấy, vua có một con voi báu tên là Mahilamukha (Mỹ nhân diện), có giới đức chánh hạnh, không làm hại một ai. Một hôm, bọn ăn trộm, giữa đêm, đi đến gần chuồng voi, ngồi không xa con voi bao nhiêu, và bàn tính như sau:
– Ðây là con đường hầm phải đào. Ðây là lỗ tường cần phải đục. Ðường hầm và lỗ tường cần phải đục thông và mở rộng như con đường hay như bến nước, rồi mới mang đồ đạc đi. Hãy giết người để mang đồ đi, nếu cần. Như vậy, không ai có thể chống lại.
Bọn ăm trộm không có giới đức chánh hạnh, rất tàn nhẫn, độc ác, bạo hành. Sau khi bàn luận, dạy bảo lẫn nhau như vậy, bọn chúng bỏ đi. Với phương tiện như vậy, ngày hôm sau và nhiều ngày nữa, chúng cũng đến tại chỗ ấy và cũng bàn luận với nhau. Con voi nghe lời của chúng, tưởng chúng dạy cho mình cần phải trở thành tàn nhẫn, độc ác, bạo hành. Rồi con voi thực hành như vậy.
Vào buổi sáng, khi người nài đến, nó dùng vòi bắt lấy, quật xuống đất và giết chết người nài. Cũng vậy, nó giết một người nữa, rồi một người nữa. Con voi giết những ai đi đến gần nó. Người ta trình lên vua:
– Con voi Mahilamukha đã trở thành điên. Nó giết những ai mà nó thấy!
Vua cho gọi Bồ-tát và nói:
– Hãy đi, bậc Hiền trí, và tìm hiểu vì lý do gì nó trở thành độc ác.
Bồ-tát đi đến, biết con voi khỏe mạnh, rồi tìm hiểu lý do khiến con voi trở thành độc ác, và kết luận: Chắc hẳn con voi nghe những người nói chuyện gần nó, tưởng họ dạy nó học nên trở thành độc ác. Bồ-tát hỏi người giữ voi:
– Ban đêm, có ai đến gần chuồng voi để nói chuyện không?
– Thưa Ngài có! Những người ăn trộm đến và nói chuyện.
Bồ-tát đi đến vua và báo cáo:
– Thưa Thiên tử, thân con voi không có gì biến đổi khác. Vì nghe các người ăn trộm nói chuyện, nó trơû thành độc ác.
– Vậy nay cần phải làm gì?
– Hãy cho những sa-môn, Bà-la-môn có giới hạnh đến ngồi gần chuồng voi, và chỉ cần nói những chuyện giới đức chánh hạnh.
Này khanh thân, hãy làm như vậy.
Bồ-tát đưa những Sa-môn, Bà-la-môn có giới hạnh ngồi gần chuồng voi và nói những câu chuyện giới hạnh. Họ ngồi không xa con voi và nói những câu chuyện tốt lành:
– Chớ hành hạ một ai! Chớ giết hại một ai! Hãy trở thành người có giới hạnh, nhẫn nhục, thân ái và từ mẫn!
Con voi nghe vậy, tự nghĩ: “Những người này muốn dạy bảo ta. Bắt đầu từ nay, ta cần phải có giới hạnh!”. Và con voi trở thành hiền từ.
Vua hỏi Bồ-tát:
– Này khanh, sao con vật đã trở thành tốt chưa?
Bồ-tát trả lời:
– Thưa Thiên tử, nó đã trở thành tốt rồi! Con voi độc ác như vậy, nhờ các bậc hiền trí, đã an trú trên Chánh pháp như xưa.
Nói vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Trước nghe lời ăn trộm,
Voi báu này giết hại,
Sau nghe lời bậc trí,
An trú trên thiện tánh,
Làm công đức tốt đẹp.
Vua nói:
– Vị này biết tâm hướng của loài thú vật.
Vua liền ban cho Bồ-tát danh vọng lớn. Sau khi sống tròn thọ mang, vua cùng với Bồ-tát đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, trong quá khứ, hễ ông gặp ai thì theo người ấy. Nghe lời các người ăn trộm, ông đi theo những người ăn trộm. Nghe lời những người tu hành Chánh pháp, ông hành đúng Chánh pháp.
Sau khi kể lại pháp thoại này và kết hợp hai mẩu chuyện với nhau, bậc đạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thuở ấy, Mahilàmukha là vị Tỷ-kheo phản bội, vua là Ànanda, còn vị đại thần là Ta vậy.
Một miếng, nó không ăn…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một nam cư sĩ và một trưởng lão lớn tuổi. Theo truyền thuyết, ở xá-vệ có hai người bạn. Một người xuất gia, hằng ngày đi đến nhà người kia. Người kia bố thí món ăn, tự mình cũng ăn, sau đó theo người bạn đi về tinh xá, và đến khi mặt trời lặn, họ ngồi nói chuyện với nhau rối mới đi vào thành. Vị Tỷ-kheo thường đi tiễn bạn tận cửa thành rồi trở về. Sự thân thiết giữa hai người ấy được các tỷ-kheo biết rõ. Một hôm, các tỷ-kheo đang ngồi trong pháp đường, nói về sự thân thiết giữa hai người ấy. Bậc Ðạo Sư đi đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông đang bàn luận chuyện gì?
Các Tỷ-kheo nói:
– Bạch Thế Tôn, chúng con nói chuyện này.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải những người này nay mới thân thiết với nhau. Trong quá khứ, họ đã thân thiết với nhau rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát làm vị đại thần. Lúc ấy, một con chó đi đến chuồng con voi báu và ăn những vắt cơm rơi tại chỗ con voi báu ăn. Con chó đi đến vì miếng ăn, đã trở thành thân thiết với con voi báu, và ăn gần con voi. Cả hai không có nhau không thể sống được. Con chó thường nắm lấy vòi con voi, và chơi đùa bằng cách đưa qua đưa lại.
Một hôm, một người ở làng cho tiền người nài, và đem con chó ấy về làng của mình. Từ đó về sau, không thấy con chó, con voi bỏ ăn, bỏ tắm. Người nài báo việc ấy lên vua rõ. Vua cho gọi Bồ-tát đến:
– Này bậc Hiền trí, hãy đi tìm hiểu lý do gì con voi làm như vậy.
Bồ-tát đi đến chuồng voi, biết được con voi rất buồn nản, tự nghĩ: “Thân thể con vật này không tỏ lộ bệnh gì. Có thể nó có tình bạn thân thiết với ai đó, và vì không thấy bạn, nó trở nên sầu muộn.
Bồ-tát hỏi người nài:
– Con voi này có thân thiết với ai không?
– Thưa ngài, có. Nó có tình bạn thân thiết với con chó.
– Con chó ấy nay đâu rồi?
– Có một người dắt nó đi rồi.
– Chú có biết chỗ ở của người ấy không?
– Thưa Ngài, tôi không biết.
Bồ-tát đi tâu với vua:
– Thưa Thiên tử, con voi không có bệnh gì. Nhưng nó có tình bạn thân thiết sâu đậm với con chó. Nay không thấy bạn, nên nó không ăn. Tôi nghĩ là như vậy.
Nói xong, Bồ-tát đọc bài kệ:
Một miếng, nó không ăn,
Không nuốt cơm và cỏ,
Tôi nghĩ vì con voi
Thường thấy bạn, con chó,
Cho nên nó luyến ái
Con chó ấy, bạn mình.
Vua nghe lời Bồ-tát nói liến hỏi:
– Thưa bậc Hiền trí, nay phải làm gì?
– Thưa Thiên tử, hãy cho người đánh trống và tuyên bố như sau: Con chó, bạn con voi báu của nhà vua, bị người bắt lấy đem đi. Nhà nào có con chó ấy, nhà đó sẽ bị trừng phạt!
Vua làm theo lời khuyên này. Nghe được tin, người ấy liền thả con chó ra. Con chó lập tức chạy thật mau đến gần con voi. Con voi vừa lấy vòi đặt con chó lên trên đầu trán mình vừa mừng rỡ khóc lớn và đặt nó từ đầu trán xuống, để con chó ăn trước, rồi mình ăn sau.
– Ngay cả tâm hướng của loài vật, vị ấy cũng biết!
Vua nói vậy và tặng cho Bồ-tát danh vọng lớn.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải những người này nay mới thân thiết với nhau. Trong quá khứ, họ đã thân thiết với nhau rồi.
Sau khi kể lại pháp thoại này, và thuyết giảng Bốn Sự thật, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện với nhau rồi nhận diện Tiền thân:
– Lúc ấy, con chó là người cư sĩ, con voi là vị Trưởng lão lớn tuổi, còn vị đại thần Hiền trí là Ta vậy.
Chỉ nói lời từ hoà…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về những lời nhiếc mắng của nhóm Sáu Tỷ-kheo. Lúc bấy giờ, nhóm Tỷ-kheo, khi cãi nhau với các hiền thiện Tỷ-kheo, thường khiêu khích, mắng nhiếc, châm biếm và nhục mạ họ. Các Tỷ-kheo báo lên Thế Tôn. Ngài cho gọi nhóm Sáu Tỷ-kheo, hỏi có phải thật như vậy không, và khi được trả lời là thật vậy, Ngài chê trách họ:
– Này các Tỷ-kheo, lời nói ác độc làm cho ngay cả loài thú vật cũng hiềm hận. Thuở trước, một thú vật đã làm cho một người nói lời ác phải mất một ngàn đồng tiền vàng.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Trong thời quá khứ, tại nước Gandhara, có vị vua trị vì ở Takkasila, và Bồ-tát sanh ra làm con bò được đặt tên là Nandivisàla (Ðại Hỷ). Một Bà-la-môn đi đến những người thường hay cúng dường bò, xin được con Nandivisala khi còn là con nghé. Người Bà-la-môn đối xử với nó như con ruột, thương mến cho nó aên ròng cơm cháo và nuôi dưỡng nó rất chu đáo. Khi lớn lên, Bồ-tát suy nghĩ: “Ta được người Bà-la-môn này nuôi dưỡng một cách khó nhọc. Trong toàn cõi Diêm-phủ-đề (Ấn Ðộ), không có một con bò nào khác có thể mang nặng như ta. Vậy ta hãy biểu lộ sức mạnh của ta và cho người Bà-la-môn tiền nuôi dưỡng”.
Một hôm, Bồ-tát nói với vị Bà-la-môn:
– Này Bà-la-môn, hãy đi đến một triệu phú giàu về đàn bò và nói: Con bò của tôi, nếu được cột chặt vào một trăm cỗ xe, cũng có thể kéo đi! Và đánh cá với người ấy một ngàn đồng tiền vàng.
Vị Bà-la-môn đi đến một triệu phú và gợi chuyện:
– Trong thành này, con bò của ai có được sức mạnh?
Người triệu phú trả lời:
– Chính nhà này, nhà của ta!
Và ông còn nói tiếp:
– Trong toàn thành này, không một ai có con bò giống như con bò của chúng tôi.
Người Bà-la-môn nói:
– Một con bò của tôi có thể kéo được một trăm cỗ xe cột chặt lại!
Người gia triệu phú hỏi:
– Con bò như vậy ở đâu?
Vị Bà-la-môn nói:
– Ở nhà tôi.
– Vậy chúng ta hãy đánh cá đi.
– Tốt lắm, tôi bằng lòng.
Và vị Bà-la-môn đánh cá một ngàn đồng tiền vàng. Rồi vị Bà-la-môn chất đầy một trăm cỗ xe với cát, sạn và đá, đặt chúng nối tiếp nhau, cột tất cả làm một, cáng xe với trục xe, cho tắm Nandivisala, cho nó ăn một đấu gạo thơm, trang sức vòng hoa vào cỗ xe đầu. Người Bà-la-môn, tự mình ngồi trên cán xe, đưa cao gậy thúc bò và nói:
– Hi, hi, hi đi, đồ ranh con! Hãy kéo, đồ ranh con!
Bồ-tát nghĩ: “Ta không phải ranh con, nhưng người này gọi ta với danh từ ranh con”! và Bồ-tát đứng thẳng chân như những cột trụ, không hề di động.
Ngay lúc ấy, người triệu phú bắt người Bà-la-môn đem lại một ngàn đồng. Vị Bà-la-môn thua một ngàn đồng, mở con bò ra, rồi về nhà nằm dài, với tâm tư sầu muộn.
Nandivisala vào nhà, thấy vị Bà-la-môn sầu muộn, liền hỏi:
– Này Bà-la-môn, có phải ông nằm ngủ?
– Làm sao ta có thể ngủ được khi ta thua mất một ngàn đồng!
– Này Bà-la-môn, trong suốt thời gian ta sống ở nhà ông, có bao giờ ta làm bể chén bát gì, hay chà đạp một ai, hay đi đại tiểu tiện không phải chỗ?
– Này con thân, không bao giờ có.
Vậy sao ông gọi ta là đồ ranh con? Ðây là lỗi của ông, không phải lỗi của ta. Hãy đi và cá với người kia hai ngàn đồng tiền vàng. Nhưng ta không phải ranh con, không được gọi là đồ ranh con!
Vị Bà-la-môn nghe Bồ-tát nói, liền đi đến nhà triệu phú và cá hai ngàn đồng. Vị ấy buộc một trăm cỗ xe như cách trước làm, cho Nandivisala trang điểm, và buộc nó vào cái cáng gỗ xe thứ nhất. Ông buộc như thế nào? Buộc chặt cái ách vào cáng xe, rồi thắng con bò Nandivisala vào một phía ách, và buộc chặt phía bên kia bằng một miếng gỗ trơn từ ách vào trục xe, như vậy, ách được cứng thẳng, không nghiêng một bên. Như vậy, chỉ một con bò có thể kéo một cỗ xe được làm cho cả hai con kéo. Rồi người Bà-la-môn ngồi trên cáng xe, vừa xoa lưng Nandivisal vừa nói:
– Hi, hi, chú bạn hiền thiện! Hãy kéo, chú bạn hiền thiện!
Bồ-tát được buộc chặt vào một trăm cỗ xe, với một cái kéo mạnh cả một trăm cỗ xe, khiến cỗ xe cuối đứng vào chỗ mà cỗ xe đầu đã di động. Người triệu phú giàu đàn bò thua cuộc, phải trả hai ngàn đồng. Những người khác cũng cho Bồ-tát nhiều tiền. Tất cả đều thuộc về vị Bà-la-môn. Như vậy, nhờ Bồ-tát, người Bà-la-môn được nhiều tiền của.
Bậc đạo sư nói, sau khi khiển trách Sáu Tỷ-kheo ấy.
– Này các Tỷ-Kheo, lời nói độc ác không làm ai vừa ý.
Và ngài chế thành học pháp. Rồi bậc Chánh Ðẳng Giác liền nói kệ:
Chỉ nói lời từ hòa,
Không từ hòa, không nói.
Ai nói lời từ hòa,
Kéo đi được gánh nặng,
Khiến nó được tài sản.
Do vậy, nó ưa thích
*
Sau khi bậc Ðạo sư kể pháp thoại này, Ngài nhận diện Tiền thân như sau:
– Lúc ấy Bà-la-môn là Ànanda, còn Nandivisala là Ta vậy!
Với gánh nặng phải mang …,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo sư đã kể về thần thông song hành. Câu chuyện này và câu chuyên từ thiên giới xuống sẽ được trình bày trong Chương mười ba, Tiền thân Sarabhamiga (số 483).
Sau khi thị hiện thần thông song hành, từ thiện giới, bậc Chánh Ðẳng Giác đi xuống thành Sankassa. Trong ngày đại lễ Tự tứ, với một đoàn tùy tùng đông đảo, Ngài đi vào Kỳ viên. Các Tỷ-kheo đang ngồi họp ở Pháp đường, tán thán đức hạnh bậc Ðạo Sư, nói:
– Này các Hiền giả, Như Lai không có ai sánh bằng. Không một ai khác có thể mang được gánh nặng như đức Như Lai. Sáu ngoại đạo sư nói: Chúng ta sẽ thị hiện thần thông, chúng ta sẽ thi thố thần thông! Tuy nói vậy, họ không thị hiện được thần thông nào. Ôi, bậc Ðạo Sư thật không ai sánh bằng!
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp ở đây bàn chuyện gì?
– Bạch Thế Tôn, không có gì khác ngoài chuyện tán thán đức hạnh Thế Tôn.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, nay ai sẽ mang gánh nặng do Ta mang? Trong thời quá khứ, khi Ta sanh làm thú vật, cũng không một ai so sánh với ta được.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta trị vì ở Bà-la-nại, Bồ-tát sanh làm một con bò. Khi bò còn là nghé, những người chủ sống trong nhà một bà già, đem Bồ-tát cho bà để giải quyết tiền ở trọ. Bà nuôi dưỡng Bồ-tát như con ruột, cho Bồ-tát ăn cháo và cơm. Bồ-tát được gọi là Con bò đen của bà già. Lớn lên, Bồ-tát có sắc lông đen láng, thường đi với các con bò hiền thiện trong làng. Trẻ con ở làng thường nắm sừng, nắm tai, đeo cổ, nắm đuôi bò chơi đùa và ngồi trên lưng bò.
Một hôm, Bồ-tát nghĩ: “Mẹ ta sống khổ cực, xem ta như con đẻ, nuôi dưỡng ta rất khó khăn. Vậy ta hãy làm ra tiền để giải thoát bà cụ khỏi đời khổ cực này”.
Từ đó trở đi, Bồ-tát cố gắng tìm cho ra tiền. Một hôm người chủ trẻ của một đoàn lữ hành với năm trăm cỗ xe đi đến một khúc sông cạn rất gồ ghề. Các con bò của người ấy không thể kéo các cỗ xe qua được. Những con bò của năm trăm cỗ xe được cột vào cáng xe liên tục với nhau cũng không thể kéo một cỗ xe qua được.
Lúc ấy Bồ-tát đang đi với các con bò làng, đến gần khúc sông cạn. Người chủ trẻ của đoàn lữ hành biết đánh giá loài bò, đang tìm trong những con bò này xem con nào giống tốt có thể kéo những cỗ xe của mình qua được. Thấy Bồ-tát, biết con bò giống tốt này sẽ có thể kéo được những cỗ xe, người ấy liền hỏi những người chăn bò:
– Này bạn, ai là chủ con bò này? Nếu tôi cột nó vào những cỗ xe và nó kéo qua được, tôi sẽ trả tiền thuê!
Các người chăn bò ấy nói:
– Hãy bắt và cột nó vào! Tại chỗ này, không có ai là chủ con vật!
Người chủ trẻ cột dây vào mũi bò kéo đi, nhưng con bò không di động. Theo truyền thuyết, Bồ-tát không đi khi chưa được trả giá. Người chủ trẻ của đoàn lữ hành, biết được ý định của con bò và nói:
– Này chủ đàn, ta sẽ trả cho ông một ngàn đồng, tiền thuê kéo năm trăm cỗ xe, mỗi cỗ xe kéo qua được trả hai đồng!
Lúc ấy, Bồ-tát mới chịu đi. Người ta cột bò vào những cỗ xe. Với một cái kéo mạnh, bò đã kéo bổng chiếc xe đầu tiên và đặt lên bờ kia. với phương cách như vậy, bò kéo tất cả cỗ xe qua. Người chủ trẻ của đoàn lữ hành chỉ trả một đồng cho mỗi chiếc xe, và cột một gói năm trăm đồng treo ở cổ Bồ-tát. Bồ-tát suy nghĩ: “Người này không trả cho ta tiền thuê như đã quyết định. Nay ta không cho nó đi!”. Rồi Bồ-tát đứng chặn đường trước cỗ xe, và dầu đoàn lữ hành cố gắng dắt xe đi, cũng không thể dắt được. Người chủ trẻ của đoàn lữ hành suy nghĩ: “Hình như nó biết ta trả thiếu tiền thuê!”. Bèn gói một ngàn đồng trong bọc, cột ở cổ Bồ-tát và nói:
– Ðây là tiền thuê của người đã kéo qua.
Bồ-tát mang gói tiền liền đi đến bà mẹ. Trẻ con trong làng thấy một vật gì đeo ở cổ bò đem của bà cụ, bèn chạy đến gần Bồ-tát. Nhưng Bồ-tát đuổi chúng chạy xa, rồi đến gần bà mẹ. Vì đã kéo qua năm trăm cỗ xe, Bồ-tát hết sức mệt mỏi với đôi mắt đỏ kè. Bà cụ thấy gói một ngàn đồng ở cổ Bồ-tát, liền kêu lớn:
– Này con thân, tiền này con lấy được ở đâu?
Rồi hỏi những đứa trẻ chăn bò, và biết được câu chuyện, bà nói to:
– Này con thân, ta đâu có muốn sống nhờ tiền công con làm được. Sao con lại chịu khổ nhọc như vậy?
Nói xong, bà lấy nước nóng tắm cho con vật, thoa dầu toàn thân, cho uống nước và cho bò ăn đủ loại đồ ăn thích hợp. Bà sống với Bồ-tát cho đến khi mạng chung rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Như Lai không có ai sánh bằng. Trong thời quá khứ, cũng không có ai sánh bằng.
Sau khi thuyết pháp thoại này xong, bậc Chánh Ðẳng Giác đọc bài kệ:
Với gánh nặng phải mang,
Với khúc sông phải qua,
Chúng cột con bò đen,
Bò đi kéo gánh nặng!
Như vậy, Ngài nêu rõ:
– Này các Tỷ-kheo, khi ấy, chỉ có con bò đen kéo được gánh nặng.
Thế Tôn kết hợp hai câu chuyện với nhau và nhận diện Tiền thân như sau:
– Lúc ấy, bà cụ là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc), còn con bò đen của bà là Ta vậy.
Chớ ham Munika …,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, Thế Tôn đã kể về sự cám dỗ của một phụ nữ béo phệ. Câu chuyện này sẽ được trình bày ở Chương mười ba, trong Tiền thân Cullanarada-Kassapa (số 477). Bậc Ðạo Sư hỏi Tỷ-kheo ấy.
– Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông đang bị tham dục chi phối?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Vì nhân duyên gì?
– Bạch Thế Tôn, vì sự cám dỗ của một phụ nữ béo phệ!
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, thiếu nữ này tạo bất hạnh cho ông. Thời quá khứ, trong ngày đám cưới của nàng, ông đã bị mạng chung và trở thành món ăn ngon cho số đông người!
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Bà-la-môn, tại một làng nọ, Bồ-tát sanh làm con bò tên Mahàlohita (Ðỏ lớn) trong nhà một người có gia sản. Bồ-tát có một em trai tên là Cullalohita (Ðỏ nhỏ). Trong gia đình, hai con bò này làm tất cả công việc chuyên chở.
Gia đình đó có một cô con gái. Cô ta đã đính hôn với người con trai cùng làng. Với mục đích dọn món ngon đãi khách đến dự đám cưới của con gái mình, cha mẹ cô gái nuôi một con heo tên là Munika, và cho nó ăn toàn cháo cơm. Thấy vậy, Lohita em nói với con bò anh:
– Trong gia đình này, đồ nặng do hai anh em mình chở hết, nhưng họ chỉ cho chúng ta ăn cỏ, lá v.v… còn họ nuôi con heo với cháo và cơm. Vì lý do gì nó lại được như vậy?
Bồ-tát nói:
– Này Lohita em thân, chớ có ham đồ ăn ấy! Con heo này ăn đồ ăn ngon để chờ chết. Với mục đích dọn món ngon đãi khách đến dự ngày đám cưới của cô gái, nên họ mới nuôi con heo này. Vài ngày nữa, những người ấy sẽ đến, họ cột chân con heo, kéo nó ra khỏi chuồng, chấm dứt mạng sống của nó và sẽ làm thành món ăn cà-ri đãi khách!
Nói xong, Bồ-tát đọc kệ này:
Chớ ham Mu-ni-ka,
Nó ăn để chờ chết,
Ít dục, hãy ăn rơm,
Do vậy thọ mạng dài.
Rồi không bao lâu, những người ấy đến. Họ giết Munika và nấu nó thành nhiều món ăn. Bồ-tát nói với em Lohita em:
– Này em thân, hãy xem Munika!
– Thưa anh, em đã thấy kết quả món ăn của Munika. Trăm lần ngàn lần tốt hơn món rơm của chúng ta, món ăn tối thượng, không có tai hại, là tướng của mạng sống lâu dài.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, như vậy, trong thời quá khứ, vì thiếu nữ này, ông đã mạng chung và làm thành món ăn cho nhiều người!
Sau khi nói lên pháp thọai này, bậc Ðạo Sư giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo bị tham dục chi phối chứng quả Dự lưu. Bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện với nhau, và nhận diện Tiền thân:
– Khi ấy, con heo Munika là Tỷ-kheo bị tham dục chi phối, người thiếu nữ trong hai mẫu chuyện là một. Lohita em là Ànanda, Lohita anh là Ta vậy.
PHẨM KULAVAKA
Hãy để tổ chim con …,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo uống nước không lọc. Theo truyền thuyết, hai bạn trẻ Tỷ-kheo từ Xá-vệ đi về tỉnh, trú tại một địa điểm thoải mái cho đến thỏa thích, rồi từ đó ra đi, hướng về Kỳ Viên để yết kiến bậc Chánh Ðẳng Giác.
Một Tỷ-kheo có trong tay một lọc nước và người kia không có. Hai người thường lọc nước chung để uống. Một hôm, họ cãi lộn nhau. Người chủ cái lọc nước không cho người kia dùng lọc nước, tự mình lọc riêng rồi uống nước. Người kia không có đồ lọc nước, và không thể nhịn khát, nên uống nước không lọc. Hai người ấy tuần tự đi đến Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo Sư, và ngồi xuống.
Sau khi chào đón thân tình, bậc Ðạo Sư liền hỏi:
– Các ông từ đâu đến?
– Bạch Thế Tôn, chúng con ở quốc độ Kossala, sống trong một làng, từ đấy ra đi để yết kiến Ngài.
– Nhưng các ông đi đường có hoà thuận không?
Người không có lọc nước nói:
– Bạch Thế Tôn, người này giữa đường cãi lộn với con, không cho con lọc nước.
Người kia nói:
– Bạch Thế Tôn, người này không lọc nước, tuy biết, vẫn uống nước có loài hữu tình.
– Này Tỷ-kheo có thật chăng, ông tuy biết, vẫn uống nước loài hữu tình?
– Thưa có vậy, bạch Thế Tôn, con uống nước không lọc.
Bậc Ðạo Sư:
– Này Tỷ-kheo, trong thời quá khứ, các bậc Hiền trí trị vì thành phố chư Thiên, trong khi thua trận, chạy trốn trên mặt biển, quyết không vì vương quyền giết hại các hữu tình, nên đã từ bỏ danh vọng lớn để cứu mạng sống cho các loài chim con loài Kim-sí-điểu, và họ đã cho xe quay lui.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, trong nước Ma-kiệt-đà, tại thành Vương Xá, có một vị vua Ma-kiệt-đà trị vì. Cũng như nay, Ðế Thích (Thiên chủ Sakka) trong một đời sống trước đã sanh ra trong làng Macala ở nước Ma-kiệt-đà. Thời đó, Bồ-tát được sanh làm con trai một đại gia đình quý tộc cùng ở trong làng Macala ấy. Vào ngày đặt tên, Bồ-tát được đặt tên là hoàng tử Magha; khi lớn lên có tên là Maghamanava (thanh niên Magha).
Cha mẹ, cưới cho Bồ-tát một người vợ từ một gia đình có môn đăng hộ đối. Bồ-tát cùng với con trai, con gái lớn lên, thường hay bố thí, và giữ gìn Năm giới, trong làng ấy có ba mươi gia đình. Và những người trong ba mươi gia đình ấy, một hôm, đứng ở giữa làng bạn bạc giải quyết những vấn đề ở trong làng.
Bồ-tát, tại chỗ mình đứng, dùng chân quét sạch bụi làm chỗ ấy trở thành tốt đẹp và đứng đó. Rồi một người khác đến, đứng thế chỗ ấy. Bồ-tát lại làm một chỗ khác, một chỗ khác, cho đến khi chỗ đứng cho tất cả mọi người trở thành tốt đẹp.
Trong một thời khác, Bồ-tát dựng một cái lều, sau đó dẹp lều, rồi dựng một phòng lớn, trong ấy có đặt ghế giường và ghè nước.
Trong một thời khác, ba mươi người ấy do Bồ-tát hướng dẫn trở thành dân tốt như mình. Bồ-tát thường cùng đi với họ làm các công đức như: sáng sớm thức dậy, với rìu nhỏ, búa, chùy cầm tay, đến ngã tư đường, họ đập với cái chùy, làm bật lên những hòn đá, đẩy đá qua một bên, dọn dẹp những cây va chạm vào trục xe, san bằng con đường gồ ghề, xây cầu, đào ao hồ, dựng phòng ốc, bố thí và giữ giới. Như vậy, phần lớn toàn dân trú trong làng vâng theo lời khuyên dạy của Bồ-tát, giữ gìn các giới.
Nguời thôn trưởng suy nghĩ về họ: “Trước đây, khi những người này uống rượu, sát sanh v.v…, ta lấy được nhiều tiền, nào tiền rượu, tiền phạt, tiền cúng. Nay thanh niên Magha khiến họ giữ giới, nên họ không còn sát sanh nữa, v.v… Nay ta sẽ làm cho họ từ bỏ Năm giới”.
Kẻ ấy phẫn nộ đi đến hầu vua và thưa:
– Tâu Thiên tử, có một đoàn ăn cướp, đang phá xóm làng và làm nhiều tội ác!
Vua nghe kẻ ấy nói như vậy, liền bảo:
– Hãy đi và dẫn chúng đến!
Người thôn trưởng bắt họ trói lại, dẫn họ đến và báo với vua:
– Thưa Thiên tử, những người ăn cướp đã được dẫn đến.
Không điều tra việc làm của họ, vua nói:
– Hãy đem chúng cho voi chà!
Vua bắt tất cả những người ấy nằm xuống trên sân vua và đem voi lại.
Bồ-tát khuyên bảo họ:
– Các bạn hãy hành trì giới. Hãy khởi lòng từ đối với kẻ vu cáo, đối với vua, đối với con voi, đối với tự thân đều giống nhau.
Họ làm như lời khuyên ấy.
Các người của vua đem voi đến để chà họ chết. Con voi được dắt đến nhưng không lại gần, chỉ rống to rồi bỏ chạy. Họ lại đem con voi khác nữa. Tất cả đều bỏ chạy như vậy. Vua nghĩ: “Chắc trong tay họ có thuốc trường sanh!” và vua ra lệnh soát. Sau khi soát không thấy gì, họ thưa lên với vua:
– Vậy chắc họ có đọc bùa chú.
– Hãy hỏi họ.
Những người của vua hỏi, Bồ-tát trả lời:
– Có.
Họ thưa lại với vua.. Vua cho gọi tất cả bọn họ đến và bảo:
– Hãy đọc bài chú của các người.
Bồ-tát trả lời:
– Thưa Thiên tử, chúng tôi không biết bùa chú gì khác. Nhưng ba mươi người chúng tôi không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh, không nói láo, không uống rượu. Chúng tôi khởi lòng từ, chúng tôi bố thí, chúng tôi san bằng đường sá, chúng tôi đào ao hồ, chúng tôi xây phòng ốc. Ðấy là bùa chú của chúng tôi, là sức mạnh của chúng tôi.
Vua rất bằng lòng với họ, liền cho họ tất cả gia sản của người vu cáo, bắt người vu cáo làm nô lệ cho họ, rồi cho họ cả đàn voi và ngôi làng. Từ đấy trở đi, họ làm các công đức theo sở thích của họ, họ gọi thợ mộc để xây dựng một phòng họp lớn tại ngã tư đường. Vì không còn ham muốn đối với nữ nhân, họ không cho nữ nhân tham gia vào công đức làm phòng họp ấy.
Lúc bấy giờ, tại nhà Bồ-tát có bốn nữ nhân tên là Thiện Pháp, Tư Duy, Hoan Hỷ, Thiện Sanh. Một trong bốn nữ nhân là Thiện Pháp tự mình đi tìm người thợ mộc, hối lộ cho người ấy và nói:
– Này anh, hãy cho tôi đóng góp phần chính trong việc làm phòng họp này.
Người thợ mộc chấp nhận lời yêu cầu, trước tiên cho phơi khô gỗ làm tháp nhọn, chặt đẽo, đục lỗ, làm xong cái tháp nhọn, rồi lấy vải cuốn lại và cất đi. Khi người thợ mộc làm xong phòng họp, đến thời đặt tháp nhọn, anh ta lại kêu than:
– Ôi, thưa các Tôn giả, có một vật chúng ta chưa làm.
– Cái gì vậy?
– Cần phải có một cái tháp nhọn.
– Ðược, chúng tôi sẽ đem đến.
– Nay không thể làm với cây mới chặt được. Chúng ta cần phải có một cái tháp nhọn với cây đã chặt trước phơi khô một thời gian, rồi cắt đẽo, và đục lỗ để dành.
– Vậy nay phải làm gì?
– Hãy tìm xem trong nhà của ai có cất một cái tháp nhọn đã làm xong và để bán.
Họ tìm kiếm, và thấy trong nhà của Thiện Pháp có cái tháp ấy, nhưng không mua được.
– Nếu các ông cho tôi dự phần công đức làm phòng họp, thì tôi sẽ biếu cái tháp nhọn.
– Không được, chúng tôi không cho nữ nhân dự phần công đức.
Người thợ mộc nói với họ:
– Sao các Tôn giả lại nói vậy? Chỉ trừ Phạm thiên giới, không một chỗ nào khác loại trừ nữ nhân! Hãy lấy tháp nhọn. Có như vậy công việc của chúng ta mới hoàn thành.
Họ bằng lòng lấy tháp nhọn, và làm xong phòng họp. Sau đó, họ cho sắp những ghế dài bằng gỗ, đặt những ghè đựng nước, cung cấp cháo và cơm. Họ xây một bức tường xung quanh phòng họp, gắn cửa ra vào, rải cát giữa những bức thành và ngoài bức thành trồng một dãy cây cọ dừa.
Còn nàng Tư Duy xây dựng một công viên tại chỗ ấy. Tại đó, không có một cây hoa nào, cây trái nào mà không có tên nàng. Nàng Hoan Hỷ đào một hồ nước đẹp đẽ, tràn đầy hoa sen năm sắc. Còn nàng Thiện Sanh không làm gì cả.
Bồ-tát làm đầy đủ bảy điều thệ nguyện: Hầu mẹ, hầu hạ cha, kính trọng anh cả, nói lời chân thật, không noí lời ác, không nói lời vu váo, nhiếp phục xan tham và tóm tắt trong bài kệ:
Người nuôi dưỡng mẹ cha,
Kính bậc trưởng gia đình,
Nói từ hòa, ái ngữ,
Từ bỏ lời vu cáo,
Nhiếp xan tham nói thật,
Phẫn nộ được chế ngự,
Chư Thiên Ba mươi ba
Gọi là bậc Chân nhân.
Bồ-tát đạt trạng thái đáng được tán thán nhu vậy, và khi mạng chung, được sanh làm Ðế Thích Thiên Chủ ở cõi Trời ba mươi ba. Những người bạn của Bồ tát cũng sanh lên đó. Trong thời ấy, tại cõi trở Ba mươi ba, các Thần Asura (A-tu-la) cũng sống chung. Thiên Chủ Ðế Thích nói:
– Tốt gì cho chúng ta khi một vương quốc phải ở chung với kẻ khác?
Rồi ngài cho các A-tu-la uống nước chư Thiên, khi chúng say, Thiên Chủ Ðế Thích cầm chân chúng ném xuống vực núi Sineru (Tu-di). Chúng rơi vào lâu đài ở cảnh giới A-tu-la. Lâu đài của A-tu-la nằm ở tầng thấp nhất của núi Tu-di, rộng bằng cõi Trời ba mươi ba.
Tại đấy có mọc một cây giống như cây San hô của chư Thiên sống suốt một kiếp và được gọi là Cây bông kèn. Cây bông kèn nở hoa, cho chúng biết đây không phải là cõi trời của chúng vì cõi trời có nở hoa San hô. Chúng nói:
– Ông già Ðế thích cho chúng ta uống say, rồi quăng chúng ta trên mặt biển lớn và chiếm thành chư Thiên của chúng ta. Chúng ta hãy tiến đánh lão ấy và lấy lại thành chư Thiên của chúng ta!
Rồi chúng leo lên sườn núi Tu-di như những con kiến leo lên cột. Ðế Thích nghe các Thần A-tu-la đã leo lên, liền xông ra mặt biển giao tranh, bị chúng đánh bại, liền chạy trốn trên chiếc xe Vejeyanta dài một trăm năm mươi dặm, chạy trên những đầu ngọn sóng biển phía nam. Chiếc xe của Ðế Thích chạy lướt trên mặt biển, đi đến ngôi rừng cây bông lụa. Trên đường đi của chiếc xe, rừng cây bông lụa bị chặt đứt như những cây cọ dừa và rơi trên mặt biển. Các con chim Kim-sí-điểu (Garula, thim thần cánh vàng) bay quanh trên mặt biển, kêu gào lớn tiếng. Ðế Thích hỏi thần lái xe Màtali:
– Này bạn Màtali, tiếng kêu gì vậy? Nó kêu thật bi thương?
– Thưa Thiên đế, vì rừng cây bông lụa rơi xuống, do tốc độ cỗ xe ngài nghiền nát, các con chim Kim-sí-điểu sợ chết đồng thanh kêu gào như vậy.
Bậc Ðạo Sĩ nói:
– Này bạn Màtali, chớ làm chúng mệt mỏi, vì chúng ta. Chúng ta không vì chủ quyền thiên giới mà sát sanh. Vì lợi ích của chúng, ta sẽ từ bỏ mạng sống và nộp mình cho loài A-tu-la! Hãy quay xe lại đi!
Nói vậy xong, Ðế Thích đọc bài kệ:
Hãy để tổ chim con,
Hỡi này Mà-ta-li!
Trong rừng Sim-ba-li
Tránh miệng ác chủ tể,
Ta sẵn sàng nộp mạng
Cho các A-tu-la,
Chớ để các chim này
Bị xé nát khỏi tổ.
Thần đánh xe Màtali nghe lời Ðế Thích, quay xe lại, đi về hướng thiên giới bằng con đường khác. Các thần A-tu-la thấy Ðế Thích quay xe lại, tự nghĩ: “Chắc chắn các Ðế Thích từ những thế giới khác đến, được sức mạnh tiếp viện, nên mới quay xe lại”. Bị dao động vì sợ chết, chúng liền chạy trốn vào lâu đài A-tu-la.
Còn Ðế Thích đi vào thành chư Thiên, đứng ở giữa thành, với Thiên chúng của hai thiên giới vây quanh. Trong thời khắc ấy, đất nứt ra, và lâu đài Vejayanta (Tối thắng) trồi lên cao một ngàn dặm. Vì nó trồi lên khi thắng trận, nên được gọi là lâu đài Vejayanta. Ðể ngăn chận các A-tu-la trở lại, Ðế Thích ra lệnh cho bảo vệ năm chỗ, liên hệ vấn đề này, Ðế Thích nói lên bài kệ:
Giữa hai thành bất thắng,
Ðặt năm chỗ bảo vệ,
Bảo vệ bởi Rắn thần,
Bởi chim Kim-sí-điểu,
Kum-bhan-da, Dạ-xoa,
Và bởi bốn thiên vương.
Ðược năm chỗ bảo vệ này, Thiên chủ Ðế Thích thọ hưởng những vinh quang thiên giới. Nàng Thiện Pháp, sau khi mạng chung, được sanh làm vương hậu một lần nữa. Do kết quả cúng dường cái tháp nhọn, đã khởi lên cho nàng một lâu đài tên là Thiện Pháp đình với thiên báu, cao đến năm trăm dặm. Tại đấy, dưới một chiếc lọng trắng của chư Thiên, Thiên chủ Ðế Thích ngồi trên một tấm nệm bằng vàng rộng một dặm và làm những công việc cần phải làm cho chư Thiên và loài người. còn Tư Duy, sau khi mạng chung, cũng sanh làm vương hậu của Ðế Thích; do kết quả xây dựng một công viên, đã khởi lên cho nàng một công viên tên là Cittalatavana (Tư Duy Viên). Hoan Hỷ, khi mạng chung, cũng sanh làm vương hậu của Ðế Thích, do kết quả cúng dường cái hồ, đã khởi lên cho nàng một cái hồ tên là Nanda (Hoan hỷ). Còn Thiện Sanh, do không làm thiện nghiệp gì, được sanh làm con chim hạc ở một hang động trong rừng.
Không thấy bóng dáng Thiện Sanh ở đâu, muốn biết nàng tái sanh chỗ nào, Ðế Thích hướng tâm xem xét và thấy nàng, liền đi đến chỗ ấy thăm nàng rồi đưa nàng lên thiên giới, chỉ cho thấy thành phố chư Thiên đẹp đẽ, lâu đài chư Thiên của Thiện Pháp, rừng cây leo của Tư Duy, cái hồ của Hoan Hỷ, Ðế Thích nói:
– Những nàng này, vì có làm việc thiện nên được sanh làm vương hậu của ta. Còn nàng, không làm việc lành, phải sanh làm chim hạc. Bắt đầu từ nay, hãy giữ giới!
Sau khi khuyến giáo nàng và trao cho nàng Năm giới, Ðế Thích đưa nàng về lại chỗ cũ và thả nàng ra. Từ đấy trở đi, nàng giữ giới. Sau một thời gian, muốn tìm hiểu nàng có giữ giới nữa không, Ðế Thích đi đến hiện hình làm con cá nằm trước mặt nàng. Nghĩ rằng cá đã chết, hạc ngậm lấy đầu cá. Cá vẫy đuôi, hạc liền thả cá ra, và nói:
– Ôi nó còn sống!
Ðế Thích nói:
– Lành thay, nàng có thể giữ giới được!
Rồi ngài ra đi. Con hạc, sau khi mạng chung, được sanh vào một gia đình làm đồ gốm ở Ba-la-nại. Ðế Thích không biết nàng tái sanh ở đâu. Khi biết chỗ tái sanh của nàng, Ðế Thích liền chở đầy một xe dưa chuột bằng vàng, giả dạng một ông già, ngồi giữa làng và la lớn:
– Hãy đến lấy dưa chuột! Hãy đến lấy dưa chuột!
Nhiều người tự lại nói:
– Này ông bạn thân, hãy cho chúng tôi!
– Ta chỉ cho những người nào giữ giới! Các chú có giữ giới không?
– Chúng tôi không biết giới. Chúng tôi sẽ trả tiền.
– Ta không cần tiền! Ta sẽ cho những ai giữ giới!
Các người ấy nói:
– Cụ già này thật lẩn thẩn.
Rồi họ bỏ đi.
Thiện Sanh nghe thấy, nghĩ rằng những trái dưa chuột này được mang đến cho nàng, liền đi đến và nói:
– Này ông bạn thân, hãy cho tôi!
– Nàng có giữ giới không?
– Thưa, tôi có giữ giới!
– Những trái dưa chuột này chính ta mang đến cho nàng!
Rồi Ðế Thích để xe dưa chuột trước của nhà nàng và ra đi. Còn nàng giữ giới cho đến trọn đời. Từ đấy mạng chung, nàng sanh làm con gái của chúa thần A-tu-la là Vepacittiva, nhờ giữ giới nên nàng rất đẹp.
Ðến tuổi trưởng thành, cha nàng cho họp các thần A-tu-la lại để cô con gái tự do chọn lựa chồng theo sở thích của nàng.
Lúc ấy, Ðế Thích đang tìm xem Thiện sanh ở đâu, và biết được chỗ nàng tái sanh, tự nghĩ: “Nàng đang tìm chồng theo sở thích, chắc chắn nàng sẽ lấy ta!”. Ðế Thích liền hóa hiện ra một thần A-tu-la, và đi đến chỗ ấy. Nàng được trang sức và được đưa đến chỗ tụ họp để lựa chọn chồng theo ý muốn. Nàng nhìn Ðế Thích, với tình yêu thưở trước, liền chọn ngay Ðế Thích:
– Ðây là chồng của tôi!
Ðế Thích đưa nàng về thành chư Thiên, đặt nàng lên địa vị nữ vương cầm đầu hai mươi triệu vũ nữ. Nàng sống như vậy cho đến mạng chung rồi đi theo nghiệp mình.
*
Sau khi kể câu chuuyện, bậc Ðạo Sư đã khiển trách vị Tỷ-kheo ấy và nói:
– Như vậy, này các Tỷ-kheo, thuở trước trong khi các bậc Hiền trí trị vì thiên quốc, dầu từ bỏ thân mạng của mình, cũng không sát sanh. Còn ông xuất gia trong Giáo pháp giải thoát như vậy, lại uống nước không lọc, có các loại hữu tình.
Sau khi khiển trách Tỷ-kheo ấy và kết hợp hai câu chuyện, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, thần đánh xe Matali là Ànanda, còn Ðế Thích là Ta vậy.
Âm thanh ngươi êm dịu… ,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo có nhiều đồ vật. Giống như câu chuyện đã được nói đến trong Tiền thân Devadhamma (số 6), bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông có nhiều đồ vật?
– Thưa phải, bạch Thế Tôn.
– Vì sao ông có nhiều đồ vật?
Nghe đến đây, Tỷ-kheo ấy phẫn nộ, quăng bỏ y trong, y choàng, đứng trần truồng trước mặt bậc Ðạo Sư và nói:
– Nay tôi sẽ thoát y như thế này!
Mọi người đều nói:
– Ôi, xấu hổ thay!
Tỷ-kheo ấy bỏ chạy rồi hoàn tục. Các Tỷ-kheo ngồi tại Pháp đường, nói về thái độ bất nhã của Tỷ-kheo ấy đã làm trước mặt bậc Ðạo Sư. Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp tại đây bàn câu chuyện gì?
– Bạch Thế Tôn, chúng con đang nói về thái độ bất nhã của Tỷ-kheo ấy, trước mặt Thế Tôn và giữa bốn chúng, từ bỏ tàm quý đã đứng trần truồng như một đứa trẻ ở làng, bị quần chúng ghét bỏ, vị ấy đã hoàn tục, từ bỏ Giáo pháp!
Bậc Ðại Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải nay Tỷ-kheo ấy mới không có tàm quý, từ bỏ Pháp bảo. Trong đời quá khứ, kẻ ấy đã từ bỏ vợ báu của mình.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện sau đây.
*
Thuở xưa, trong kiếp thứ nhất, các loài thú bốn chân tôn Sư Tử làm vua, các loài cá tôn cá thần Ànanda, và các loài chim tôn ngỗng trời Suvanna (Kim nga). Con gái vua ngỗng trời Suvanna, một ngỗng trời con rất đẹp, được vua ban cho một ước nguyện. Nàng ước nguyện được một tấm chồng theo sở thích của mình. Vua ngỗng trời làm theo ước nguyện của con, cho tập hợp tất cả loài chim tại núi Tuyết. Từng đàn chim đủ loại như ngỗng trời, chim công, v.v… lũ lượt bay tới tấp, tập hợp trên một cao nguyên bằng đá lớn. Vua ngỗng trời cho gọi con gái đến và nói:
– Con hãy lựa chọn chim chồng mà theo con thích ý!
Nàng nhìn đàn chim, thấy con chim công có cổ đẹp với màu sắc châu báu, có lông đuôi nhiều màu, liền chọn con chim ấy và nói:
– Con chim này sẽ là chồng con!
Ðàn chim vậy quanh chim công nói:
– Này bạn chim công, công chúa này, giữa những đàn chim, đã chọn bạn làm chồng. Hãy vui sướng lên bạn!
Con chim công quá sung sướng nói lớn:
– Cho đến hôm nay, các ngươi chưa thấy sức mạnh của ta!
Rồi giữa các đàn chim, bỏ mất tàm quý, chim công xòe cánh ra. bắt đầu múa và khi múa nó không che thân. Vua ngỗng trời Suvanna xấu hổ nói:
– Con chim này không có tàm khởi lên từ nội tâm, không có lòng quý khởi lên từ bên ngoài, ta sẽ không gả con gái ta cho kẻ đã phá hoại tàm quý!
Rồi vua ngỗng trời nói lên bài kệ giữa đàn chim:
Âm thanh ngươi êm dịu,
Lưng người thật đẹp đẽ,
Cổ ngươi về màu sắc
Chẳng khác ngọc lưu ly,
Lông đuôi người xòe rộng,
Dài rộng đến một tầm,
Nhưng vì ngươi nhảy múa,
Ta không cho con gái.
Trước mặt đàn chim ấy, vua ngỗng trời gả công chúa cho ngỗng trời con. Còn con chim công mất công chúa ngỗng trời, xấu hổ, bay cao, và trốn mất. Vua ngỗng trời cũng đi về chỗ ở của mình.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo không phải nay Tỷ-kheo ấy mới bỏ mất tàm quý, từ bỏ Pháp bảo. Trong thời quá khứ, kẻ ấy đã làm mất vợ báu của mình.
Khi Ngài kể xong pháp thoại này, Ngài kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện Tiền thân như sau:
– Lúc ấy con chim công là người có nhiều đồ vật. Còn vua ngỗng trời là Ta vậy.
Khi chung sống hòa hợp…,
Câu chuyện này, khi ở tại Vườn Cây bàng gần Ca-tỳ-la-vệ, bậc Ðạo Sư đã kể về việc tranh cãi nhau vì cái gối. Câu chuyện sẽ được trình bày trong Tiền thân Kunala (số 536).
Lúc bấy giờ, bậc Ðạo Sư bảo các bà con:
– Này các Ðại vương, các bà con không nên tranh cãi nhau. Trong thời quá khứ, các loài thú khi sống hòa hợp. đã chiến thắng được kẻ thù; còn khi sống bất hòa, đã bị nạn diệt vong lớn.
Theo yêu cầu của các hoàng tộc, bà con, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ tát sanh làm con chim cun cút đầu đàn, được vây quanh với hàng ngàn con chim cun cút, sống ở trong rừng. Lúc bấy giờ, một thợ săn chim đi đến vùng cun cút, nhờ bắt chước tiếng kêu của loài cun cút, kẻ ấy biết được chỗ tụ họp của đàn chim. Người thợ săn liền quăng lưới lên trên đàn chim, chận lại các đường viền, tóm tất cả đàn chim cút thành một mối, bỏ vào giỏ đi về nhà, đem bán và nuôi sống với số tiền ấy.
Một hôm, Bồ-tát nói với các con chim cun cút:
– Người thợ săn chim này giết hại nhiều bà con chúng ta; nay ta có một phương kế khiến kẻ ấy không thể bắt chúng ta được. Từ nay trở đi, khi kẻ ấy vừa quăng lưới trên đầu các ngươi, mỗi một chim cút chui đầu vào một lỗ của lưới, nhấc bổng lưới lên đến chỗ các ngươi muốn, và hạ xuống trên một bụi gai. Làm như vậy, chúng ta sẽ trốn thoát khỏi nhiều mẻ lưới!
Tất cả chúng đều vâng theo. Vào ngày hôm sau, khi lưới được quăng trên đàn chim, chúng liền nhấc bổng lưới lên như lời Bồ-tát dặn và thả xuống trên một bụi gai, rồi trốn thoát theo ngã dưới. Người thợ săn chim đang còn gỡ lưới khỏi bụi gai, thì trời đã xế chiều, nên đi về với tay không.
Nhiều ngày kế tiếp, các con chim cun cút đều làm như vậy. Người thợ sănchim cứ loay hoay cho đến khi mặt trời lặn, chỉ lo gỡ lưới, không bắt được gì và đi về nhà tay không.
Người vợ tức giận nói:
– Ngày lại ngày, ông về hai tay không. Tôi nghĩ rằng có lẽ ông có một chỗ nuôi dưỡng khác!
Thợ săn chim nói:
– Này bà, ta không có chỗ nuôi dưỡng nào khác. Nhưng các con chim cun cút sống hòa hợp với nhau. Chúng mang đi lưới ta quăng, và thả xuống một bụi gai rồi bỏ đi. Nhưng chúng sẽ luôn luôn không sống hòa thuận được. Bà chớ lo. Khi chúng tranh cãi nhau, lúc ấy, ta sẽ bắt gọn tất cả chúng, nụ cười sẽ trở lại trên môi bà!
Rồi kẻ ấy nói lên bài kệ với người vợ:
Khi chung sống hòa hợp,
Các chim mang lưới đi,
Khi chúng tranh cãi nhau,
Chúng rơi vào tay ta.
Vài ngày trôi qua, khi một con chim cun cút đậu xuống chỗ ăn, vô ý bước trên đầu một con chim khác. Chim ấy tức giận nói:
– Ai bước trên đầu ta?
– Chính tôi vô ý bước. Ðừng giận tôi!
Tuy vậy, con chim ấy vẫn giận, tiếp tục nói:
– Ngươi nghĩ rằng chỉ một mình ngươi nhấc bổng lưới lên chăng?
Khi chúng tranh cãi nhau, Bồ-tát suy nghĩ: “Khi tranh cãi nhau thì không có an toàn. Nay bọn chim sẽ không nhấc bổng lưới lên nữa. Do vậy, bọn cun cút sẽ gặp nạn, người thợ săn sẽ nắm được cơ hội. Ta sẽ không sống ở chỗ này nữa!”. Rồi Bồ-tát đem đàn chim của mình đi đến một chỗ khác. Người thợ săn chim lại đến, sau một vài ngày, bắt chước giọng chim cun cút, và quăng lưới lên chỗ chúng đang tụ họp. Một con chim cun cút nói:
– Nghe nói, khi ngươi nhấc bổng lưới lên, lông trên đầu rơi xuống. Vậy nay hãy nhấc bổng lên!
Một con chim khác nói:
– Nghe nói, khi ngươi nhấc bổng lưới lên, lông hai cánh của ngươi rơi xuống. vậy nay hãy nhấc bổng lên!
Như vậy, khi đàn chim cun cút đang tranh cãi nhau, người thợ săn chim nhấc bổng lưới lên, bắt tất cả đàn chim nhét đầy vào một cái giỏ, đem về nhà và hy vọng đem lại thật nhiều nụ cười cho bà vợ.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Như vậy, thưa Ðại vương, các bà con không nên tranh cãi nhau. Tranh cãi là nguồn gốc diệt vong.
Thuyết pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư kết hợp hai mẫu chuyện và nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, con chim cun cút vô trí là Ðề-bà-đạt-đa, còn con chim cun cút có trí là Ta vậy.
Ta không vì nóng lạnh …,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo si mê bà vợ trước thời xuất gia. Lúc bấy giờ, Bậc Ðạo Sư hỏi Tỷ-kheo ấy:
– Có thật chăng, này Tỷ-kheo, ông bị ái nhiễm?
– Thật vậy, bạch Thế Tôn!
– Bị ái nhiễm bởi ai?
– Bạch Thế Tôn, vợ trước của con rất êm dịu khi xúc chạm. Con không thể bỏ nàng được!
Bậc Ðạo Sư nói với vị Tỷ-kheo ấy:
– Này Tỷ-kheo, chính nữ nhân ấy đã tạo nên bất hạnh cho ông. Trong thời trước, ông gần chết vì nữ nhân ấy. Nhờ có Ta đi đến, ông được thoát chết.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Trong thời quá khứ, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát làm vị phụ trách về nghi lễ tôn giáo của vua.
Lúc bấy giờ, các ngươi đánh cá quăng lưới trên sông. Một con cá lớn đi theo chơi với con cá mái, vợ của nó một cách rất luyến ái. Con cá mái ấy đi trước, ngửi mùi hương của lưới, bơi quanh lưới rồi bỏ đi. Con cá trống bị mù quáng bởi lòng tham luyến, đi thẳng vào trong mắt lưới. Những người đánh cá biết được cá đã mắc vào lưới bèn kéo lên, bắt con cá nhưng chưa giết nó, lại quăng nó trên bãi cát. Họ nói:
– Chúng ta sẽ nướng con cá này trên than hừng để ăn.
Rồi họ chất một đống than và chuốt nhọn cây gậy. Con cá suy nghĩ: “Ta không than khóc vì bị nướng trên than hồng, hay bị đâm xuyên bởi gậy nhọn, hay sự đau khổ nào khác. Nhưng chỉ vì con cá mái, vợ ta sẽ buồn rầu, nghĩ rằng ta đã ra đi với con cá mái khác. Ðó là điều làm ta đau đớn!”.
Vừa than khóc cá nói lên bài kệ:
Ta không vì nóng lạnh,
Không vì bị mắc lưới,
Chỉ sợ vợ ta nghĩ,
Ta say mê nàng khác!
Lúc bấy giờ, vị phụ trách nghi lễ tôn giáo, cùng với đám nô tỳ vây quanh, đi đế bờ sông để tắm. Vị ấy biết tiếng mọi loài. Nghe con cá than, vị ấy suy nghĩ “Con cá này đang khóc tiếng khóc than ai oán. Bị chết trong trạng thái tâm bệnh như vậy, nó sẽ sanh xuống địa ngục. Ta sẽ là người giúp đỡ nó!”. Vị ấy đi đến gần những người đánh cá và nói:
– Này các bạn, các bạn không bán cho chúng ta một con cá mỗi ngày để làm món cà ri đó sao?
Những người đánh cá nói:
– Thưa ngài, sao ngài nói vậy? Ngài có thể lấy đi mọi thứ cá ngài thích!
– Chúng tôi không cần con cá nào khác, trừ con cá này.
– Thưa ngài, ngài hãy lấy nó đi.
Bồ-tát, với hai tay bắt lấy con cá, ngồi trên bờ sông và khuyên:
– Này bạn cá, nếu hôm nay ta không thấy ngươi, thì ngươi đã chết. Nhưng từ nay trở đi, ngươi chớ nên đế ái tình chi phối!
Khuyên răn xong, Bồ-tát thả con cá xuống nước và trở về thành phố.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo bị ái nhiễm chứng quả Dư lưu. Bậc Ðạo Sư kết hợp hai mẫu chuyện, và nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, con cá mái là người vợ thời trước, con cá trống là Tỷ- kheo bị ái nhiễm, còn vị phụ trách lễ nghi tôn giáo là Ta vậy.
35.CHUYỆN CON CHIM CÚT (Tiền thân Vattaka)
Có cánh không bay được …,
Câu chuyện này, khi đang du hành ở xứ Ma-kiệt-đà, bậc Ðạo Sư đã kể về lửa rừng bị dập tắt.. Một thời Thế Tôn đang du hành trong xứ Ma-kiệt-đà. Khi đang đi khất thực trong một làng nhỏ ở Ma-kiệt-đà, sau bữa ăn, trên đường trở về với chúng Tỷ-kheo, Thế Tôn thấy một đám lửa lớn bùng lên. Phía trước và phía sau ngài có nhiều Tỷ-kheo. Ngọn lửa tràn đến, lan rộng, tạo thành một màn khói và một màn lửa. Một số Tỷ-kheo còn là phàm phu, vì sợ chết, liền nói:
– Chúng ta hãy tạo nên một đám lửa đối nghịch tại chỗ ngọn lửa đang cháy, ngọn lửa kia sẽ không cháy lan rộng.
Rồi với ý định này, họ lấy que làm lửa và đốm lửa được nhen lên. Một số Tỷ-kheo khác nói:
– Này Hiền hỉ, làm gì vậy? Các Hiền giả như những người không thấy mặt trăng đứng giữa hư không, hay vòng tròn mặt trời với ngàn tia sáng mọc lên từ thế giới phương Ðông, hoặc đại dương mà chúng ta đang đứng trên bờ. Hoặc các Hiền giả không thấy núi Tu-di khi các Hiền Giả cùng đi với bậc Thượng nhân ở đời này và trên thiên giới. Các Hiền giả không nhìn đến bậc Chánh Ðẳng Giác mà chỉ la: Chúng ta hãy tạo nên một ngọn lửa đối nghịch! Các Hiền giả không biết Phật lực. Chúng ta hãy đi lại gần bậc Ðạo Sư.
Tất cả Tỷ-kheo từ phía trước phía sau đều đi đến gần bậc Ðạo Sư, đứng thành một nhóm. Bậc Ðạo Sư cùng với chúng Tỷ-kheo đứng trên một khoảng đất. Các ngọn lửa rừng ầm ầm lan đến như muốn nuốt sống tất cả, nhưng khi lan đến chỗ Như Lai đứng, chúng lan xung quanh, không đến gần hơn mười sáu tầm. Nó không có sức mạnh lan rộng một vùng rộng ba mươi hai tầm (1 tầm = 1,8 m).
Các Tỷ-kheo nói lên lời tán thán đức hạnh bậc Ðạo Sư:
– Ôi đức hạnh của chư Phật! Ngọn lửa vô tri này không có thể cháy lan đến chỗ chư Phật đứng, mà bị dập tắt như bó đuốc cỏ trong nước. Ôi, uy lực của chư Phật thật là kỳ diệu!
Bậc Ðạo Sư, nghe câu chuyện của họ, liền nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta có sức mạnh khiến ngọn lửa tắt đi, khi cháy đến chỗ đất này. Ðây chính là sức mạnh của hạnh chân thật xưa kia Ta đã làm. Chính tại chỗ này, hoàn toàn trong suốt một kiếp, lửa sẽ không đốt cháy. Thần thông này tồn tại suốt một kiếp.
Rồi Tôn giả Ànanda xếp chiếc áo Tăng-già-lê làm bốn thành tấm nệm cho bậc Ðạo Sư ngồi. Bậc Ðạo Sư ngồi kiết già. Chúng Tỷ-kheo đảnh lễ Như Lai, bao vây xung quanh Ngài và ngồi xuống. Các Tỷ-kheo yêu cầu:
– Bạch Thế Tôn, chúng con chỉ biết hiện tại, còn quá khứ bị che kín. Mong Thế Tôn làm sáng tỏ vấn đề cho chúng con.
Theo lời yêu cầu của họ, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, ở nước Ma-kiệt-đà, tại chỗ này, Bồ-tát được tái sanh làm con chim cun cút. Từ cái trứng, con chim con tự mình mổ vỏ và thoát ra, thân hình to bằng trái banh. Cha mẹ đặt nó nằm trong tổ chim, chim mẹ tha đồ ăn về nuôi nó. Tự nó không có sức mạnh để xòe cánh bay giữa hư không, cũng không có sức mạnh giơ chân lên để đi trên đất liền.
Tại chỗ ấy, năm này qua năm khác, lửa rừng thường phát cháy. Trong thời gian này, lửa rừng đang đốt cháy với tiếng gầm thét to lớn. Các đàn chim từ trong tổ bay ra, sợ chết, kêu la, và bay trốn. Cha mẹ Bồ-tát sợ chết, bay trốn bỏ lại Bồ-tát. Bồ-tát nằm trong tổ, ngóc cổ vươn ra, thấy lửa đang cháy lan tới, liền suy nghĩ: “Nếu ta có sức mạnh xòe cánh bay lên hư không, và ta có thể đi đến một chỗ khác; hay nếu ta có sức mạnh giơ chân lên, ta có thể đi bằng chân đến một chỗ khác. Cha mẹ ta, vì sợ chết, đã bỏ ta một mình, đã bỏ chạy để cứu mình. Nay ta không có chỗ nương tựa nào khác. Tự mình không nơi nương tựa, ta phải làm gì đây!”.
Ngài lại suy nghĩ: “Trong thế giới này, có công đức, thật sự có công đức. Có những vị trong quá khứ viên mãn thành tựu các hạnh Ba-la-mật, ngồi dưới gốc Bồ-đề, chứng Chánh Ðẳng Giác, đầy đủ giới định tuệ, giải thoát, giải thóat tri kiến, thành tựu chân lý, lân mẫn từ bi, nhẫn nhục tụ tập lòng thân ái, bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, những vị Phật Nhất thiết trí. Có những công đức Pháp mà các vị ấy đã chứng đắc. Và ta có được một sự thật: Một tự tánh pháp hiện hữu. Do vậy, ta cần phải niệm các công đức đã được các đức Phật quá khứ chứng đắc, nắm giữ tự tánh pháp về sự thật hiện có nơi ta, làm một hạnh chân đẩy lui ngọn lửa, đem lại an toàn cho ta và cho các con chim còn lại”. Do vậy, bài kệ này được nói lên:
Ở đời có giới đức,
Chân thật, tịnh, từ bi,
Chính với chân thật ấy
Ta sẽ làm một hạnh,
Hạnh chân thật vô thượng.
Hay hướng niệm Pháp lực,
Niệm chư Phật quá khứ,
Dựa sức mạnh chân thật,
Ta làm hạnh chân thật.
Rồi Bồ-tát niệm công đức chư Phật đã nhập Niết-bàn trong quá khứ, nhân danh tánh chân thật hiện có trên tự thân, làm một hạnh chân thật, và đọc bài kệ:
Có cánh không bay được,
Có chân không thể đi,
Cha mẹ đã bỏ ta,
Hỡi lửa, hãy đi lui!
Khi Bồ-tát nói sự thật ấy, ngọn lửa đi trở lui khoảng mười sáu tầm (1 tầm = 1,8 m). Khi trở lui như vậy, lửa không đốt cháy khu rừng nó đi ngang qua và được dập tắt tại chỗ ấy, như bó đuốc nhúng vào nước. Do vậy, bài kệ được nói như sau:
Ta làm hạnh chân thật,
Màn lửa lớn lửa ngọn.
Ði lui mười sáu tầm
Như ngọn đuốc gặp nước.
Trong suốt kiếp này, chỗ ấy không bị lửa đốt cháy, được gọi là thần thông tại trong một kiếp. Như vậy, Bồ-tát đã làm hạnh chân thật, và khi mạng chung, ngài đi theo nghiệp của mình.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta có sức mạnh không cho ngọn lửa cháy đến khu rừng này, mà thời xưa, khi làm chim cun cút con, Ta đã có sức mạnh của một hạnh chân thật.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, một số người chứng quả Dự lư, một số người chứng quả Bất Lai, một số người chứng quả A-la-hán. Bậc Ðạo Sư, kết hợp hai mẩu chuyện, và nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, cha mẹ của ta hiện tại là cha mẹ ta trong quá khứ, còn vua loài cun cút là Ta vậy.
Các chim sống ở đời … ,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về cái chòi lá bị cháy. Truyền thuyết nói một Tỷ-kheo lấy đề tài Thiền quán bậc Ðạo Sư. Từ Kỳ Viên đi đến Kosala, vị ấy sống tại một trú xứ trong khu rừng, gần một làng ở biên địa. Trong tháng đầu, chòi lá vị ấy bị cháy. Vị ấy báo cho mọi người biết:
– Chòi lá tôi bị cháy. Tôi sống khó khăn.
Và các người được báo nói:
– Nay ruộng chúng tôi bị hạn, tát nước cho ruộng xong, chúng tôi sẽ làm.
Khi tát nước xong, họ gieo giống, gieo giống xong họ làm hàng rào; làm hàng rào xong, họ nhổ cỏ, họ gặt, họ đập lúa. Như vậy, họ đề cập việc này sang việc khác, cho đến lúc ba tháng đã trôi qua. Tỷ-kheo ấy trong ba tháng phải sống khổ sở ngoài trời, đã tăng trưởng đề tài Thiền quán, nhưng không đạt được như ý. Vì thế, lễ Tự tứ xong, Tỷ-kheo ấy đi đến bậc Ðạo Sư, đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Sau khi chào đón thân tình, bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Tỷ-kheo, ông an cư mùa mưa có thoải mái không, đề tài Thiền quán của ông có đạt kết quả không?
Tỷ-kheo ấy báo cáo sự việc lên, và nói:
– Vì con không được một trú xứ thích hợp, nên đề tài Thiền quán không có kết quả.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Trong thời trước này Tỷ-kheo, ngay các loài thú cũng biết trú xứ thích hợp với mình, làm sao ông không biết?
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Barhmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con chim, với đàm chim vây quanh sống dựa trên một cây lớn, đầy đủ cành cây trong một khu rừng. Một ngày kia, khi các cành cây cọ xát nhau, bụi cây rơi xuống, khói khởi lên. Thấy vậy, Bồ-tát suy nghĩ: “Hai nhánh cây này cọ xát như vậy sẽ sanh lửa. Lửa rơi xuống sẽ đốt các lá cũ. Từ đấy, cây này sẽ bị cháy. Chúng ta không thể ở đây được. Ta phải bỏ đi đến một chỗ khác”.
Rồi Bồ-tát nói bài kệ này với đàn chim
Các chim sống trên đời,
Dựa vào trú xứ nào,
Chỗ ấy sanh ra lửa,
Hỡi loài chim tránh xa,
Hãy đi các phương khác,
Nếu y tựa chỗ ấy,
Sợ hãi sẽ sanh ra.
Các con chim có trí nghe theo lời Bồ-tát, lập tức cùng với Bồ-tát bay lên hư không, đi tới chỗ khác. Các chim không có trí nói:
– Vị ấy như ếch ngồi đáy giếng.
Nên chúng không nghe theo lời Bồ-tát, vẫn sống ngay tại chỗ ấy.
Từ đấy không bao lâu, như Bồ-tát đã nghĩ trước, lửa sanh ra và đốt cháy cây ấy. Trong khi khói và lửa bốc lên, các con chim bị khói làm mù mắt không thể đi chỗ khác, đã rơi vào biển lửa, hết con này đến con khác và bị tiêu diệt.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, trong thời trước; các con vật sống trên cây cao cũng biết được chỗ thích hợp cho mình, sao ông lại không biết?
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo ấy chứng quả Dự lưu. Bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, các con chim làm theo lời Bồ-tát là hội chúng đức Phật, và con chim có trí là Ta vậy.
Ai kính bậc lớn tuổi … ,
Câu chuyện này, khi đi đến Xá-vệ, bậc Ðạo Sư kể về trưởng lão Xá-lợi-phất đã bị tước đoạt trú xứ như thế nào. Khi ông Cấp-cô-độc đã làm xong ngôi tinh xá và gửi sứ giả báo tin, bậc Ðạo Sư từ Vương Xá ra đi, đến Tỳ-xá-ly sống tại đấy cho thỏa thích rồi lên đường đi Xá-vệ. Lúc bấy giờ, các đệ tử của nhóm Sáu Tỷ-kheo đi phía trước; khi các trú xứ chưa được các Trưởng lão ở, họ giành lấy:
– Trú xứ này dành cho giáo thọ sư chúng tôi, trú xứ này dành cho sư trưởng chúng tôi, trú xứ này dành cho chúng tôi.
Các trưởng lão đến sau không được các trú xứ. Các đệ tử của Trưởng lão Xá-lợi-phất tìm trú xứ cho Trưởng lão, nhưng không được. Trưởng lão không được trú xứ, đã ngồi hay kinh hành dưới một gốc cây không xa trú xứ bậc Ðạo Sư bao nhiêu.
Sáng sớm, bậc Ðạo Sư đi ra, đằng hắng thành tiếng. Trưởng lão đằng hắng lại. Thế Tôn hỏi:
– Ai đó?
– Bạch Thế Tôn, con là Xá-lợi-phất.
– Này Xá-lợi-phất, vào giờ này, ông làm gì ở đây?
Trưởng lão kể lại sự việc ấy. Bậc Ðạo Sư nghe câu chuyện, suy nghĩ: “Nay Ta còn sống, các Tỷ-kheo còn thiếu tôn trọng, kính nể lẫn nhau. Khi Ta diệt độ rồi, họ sẽ làm như thế nào nữa?”. Nghĩ vậy, bậc Ðạo Sư khởi lên sự lo âu vì Chánh pháp.
Khi trời vừa sáng, Ngài bảo tập hợp Ðại chúng, và hỏi các Tỷ-kheo:
– Có thật chăng, này các Tỷ-kheo, các đệ tử nhóm Sáu Tỷ-kheo đi trước giành hết trú xứ của các Tỷ-kheo Trưởng lão?
– Thưa thật vậy, bạch Thế Tôn.
Thế Tôn liền chỉ trích nhóm Sáu Tỷ-kheo. Ngài thuyết pháp, bảo các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, ai xứng đáng được chỗ ngồi tốt nhất, được nước uống tốt nhất, được đồ ăn khất thực tốt nhất?
Có người nói:
– Vị xuất gia từ gia đình Sát-đế-lỵ.
Có người nói:
– Vị xuất gia từ gia đình Bà-la-môn, từ gia đình gia chủ.
Những người khác nói:
– Những vị trì luật, những vị thuyết pháp, những vị đã chứng Thiền thứ nhất, Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư.
Những người khác nữa nói:
– Những vị Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A-la-hán, những vị chứng Ba Minh, sáu Thắng trí.
Khi các Tỷ-kheo đã nói ý nghĩ của mình, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, trong Giáo pháp Ta, xứng đáng được chỗ ngồi tốt nhất, không phải vị xuất gia từ gia đình Sát-đế-lỵ, không phải vị xuất gia từ gia đình Bà-la-môn, từ gia đình gia chủ, không phải vị trì luật, không phải vị trì kinh, không phải vị trì luận, không phải những vị đã chứng sơ Thiền v.v… không phải những vị Dự lưu v.v… Nhưng này các Tỷ-kheo, trong Giáo pháp này, tùy theo tuổi lớn mà quyết định về sự đảnh lễ, nghênh tiếp, chắp tay, phục vụ, mà nhận được chỗ ngồi tốt nhất, nước tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất. Chính ở đây, tuổi lớn là mức đo lường. Do vậy, Tỷ-kheo tuổi lớn xứng đáng được những sự ấy. Nhưng nay, này các Tỷ-kheo, Xá-lợi-phất đệ tử cao nhất của Ta, vị chuyển Bánh xe Tùy pháp, xứng đáng được trú xứ tiếp theo trú xứ của Ta, vị ấy lại không được trú xứ, đã trải qua đêm nay sống dưới gốc cây. Nếu nay các ông không tôn trọng, không kính nể lẫn nhau, thì với thời gian trôi qua, các ông sẽ xử sự như thế nào?
Với mục đích khuyến giáo các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, trong thời quá khứ, các loài thú cũng nghĩ: “Thật không thích đáng cho chúng tôi, nếu chúng tôi sống không tôn trọng, kính nể lẫn nhau, sống không tùy thuận nhau. Sau khi biết ai lớn tuổi nhất trong chúng tôi, chúng tôi sẽ đảnh lễ vị ấy”.
Sau khi khéo tìm hiểu, biết được vị cao niên nhất, chúng đảnh lễ vị ấy, vì vậy khi mạng chung, chúng được sanh tràn đầy thiên giới.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, trên sườn Hy-mã-lạp-sơn có ba con vật sống gần một cây bàng lớn: con chim trĩ, con khỉ và con voi. Chúng sống không tôn trọng, không kính nể, không tùy thuận lẫn nhau. Rồi chúng suy nghĩ: “Thật không xứng đáng cho chúng ta sống như thế này. Ai cao niên nhất giữa chúng ta , chúng ta sẽ đảnh lễ vị ấy!”. Trong khi chúng tìm hiểu vị cao niên nhất giữa chúng, thì một hôm, giữa chúng, khởi lên phương tiện này khi cả ba con ngồi dưới gốc cây bàng, chim trĩ và khỉ hỏi con voi:
– Này bạn voi, bạn có biết, khi bạn thấy cây bàng này lần đầu tiên, cây ấy to như thế nào?
Con voi nói:
– Này các bạn, khi tôi còn bé nhỏ, cây bàng chỉ là một bụi cây, tôi đi ngang qua nó đụng bắp vế tôi. Khi tôi đứng ngang cây ấy, cành cây cao nhất chỉ chạm đến lỗ rốn. Như vậy tôi biết cây này từ khi còn là một bụi cây.
Rồi hai con vật ấy lại hỏi con khỉ như rên. Con khỉ nói:
– Này các bạn, khi tôi còn là khỉ con, tôi ngồi trên đất, chỉ vươn cổ ra, có thể ăn được chồi cao nhất của cây bàng non này. Như vậy tôi biết cây này từ khi còn nhỏ.
Hai con vật kia lại hỏi con chim trĩ như trên. Con chim trĩ nói:
– Này các bạn, thuở trước, tại một chỗ nọ, có một cây bàng lớn. Tôi ăn trái cây, đi đại tiện ở chỗ này, từ đấy, cây này mọc lên. Như vậy, tôi biết cây này từ khi cây ấy chưa mọc. Do vậy, tôi cao niên hơn các bạn.
Ðược nghe nói như vậy, con khỉ và con voi nói với chim trĩ có trí:
– Này bạn, bạn cao niên hơn chúng tôi. Từ nay trở đi, chúng tôi sẽ cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường bạn. Chúng tôi sẽ đảnh lễ, nghênh tiếp, chắp tay, phục vụ nạn. Chúng tôi sẽ vâng theo lời khuyến giáo của bạn. Bắt đầu từ nay, bạn sẽ chỉ dạy khuyên bảo chúng tôi.
Từ hôm ấy trở đi, con chim trĩ khuyên bảo chúng, an trú chúng trong giới luật, và tự mình thọ trì giới luật. Cả ba con vật kính trọng, kính nể lẫn nhau, tùy thuận nhau, sống như vậy cho đến mạng chung, rồi đi lên thiên giới.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Mục đích của ba con vật này là sống Phạm hạnh nhờ con chim trĩ. Này các Tỷ-kheo, nếu những thú vật ấy sống tôn trọng, kính nể lẫn nhau, thì vì sao, các ông đã xuất gia trong Pháp Luật khéo giảng này, lại không thể sống tôn trọng, kính nể lẫn nhau? Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các ông, bắt đầu từ nay trở đi, tùy theo tuổi lớn, các ông hãy đảnh lễ, nghênh tiếp, chắp tay, phục vụ; tùy theo tuổi lớn, hãy dành chỗ ngồi tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất; bắt đầu từ nay trở đi, không bao giờ một vị lớn tuổi lại bị một vị trẻ tuổi tranh giành trú xứ. Ai tranh giành sẽ phạm tội.
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Chánh Ðẳng Giác đọc bài kệ:
Ai kính bậc lớn tuổi,
Là thiện xảo trong Pháp,
Ðời này được tán thán,
Ðời sau, sanh cõi lành.
*
Như vậy, bậc Ðạo Sư nói lên lời tán thán hạnh kính lễ bậc lớn tuổi và kết hợp hai câu chuyện với nhau, rồi nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, con voi là Mục-kiền-liên, con khỉ là Xá-lợi-phất và con chim trĩ là Ta vậy.
Kẻ có trí lường gạt … ,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo làm thợ may y. Theo truyền thuyết, có một Tỷ-kheo trú ở Kỳ Viên, rất thiện xảo về công việc may y, như cắt, ráp, sắp xếp, và may lại v.v… Do thiện xảo này, vị ấy thường làm y và có tên là Thợ may y. Vị ấy làm gì? Từ những mảnh vải cũ mòn, với bàn tay khéo léo, vị ấy làm thành y mềm dịu vừa ý. Sau khi may xong, vị ấy nhuộm với nước bột, ủi bằng vỏ ốc, làm cho trơn y láng đẹp đẽ. Những Tỷ-kheo không biết làm y, đem vải mới đến Tỷ-kheo ấy và nói:
– Này Hiền giả, chúng tôi không biết làm y, hãy may giúp cho chúng tôi.
Tỷ-kheo ấy nói:
– Này Hiền giả, làm xong một y cần nhiều thời gian, nhưng nay có một y tôi mới làm xong. Hãy để vải này lại, lấy y ấy mà dùng.
Vị ấy đem y ra cho họ xem. Những Tỷ-kheo ấy chỉ thấy màu sắc y tươi đẹp mà không biết bề trong của y, tưởng rằng y ấy chắc chắn nên đưa cho Tỷ-kheo Thợ may xấp vải mới, đổi lấy y và ra đi. Khi y ấy hơi bị nhớp và được giặt trong nước nóng, thực chất của y hiện rõ. Ðây đó, những chỗ cũ mòn được phơi bày. Họ hối tiếc việc trao đổi trước. Như vậy vị ấy lường gạt những ai đem vải đến may, và khắp mọi nơi đều biết chuyện ấy.
Giống như vị Tỷ-kheo lừa gạt ở Kỳ Viên, tại một làng nhỏ nọ, có một Tỷ-kheo khác may y cũng lừa dối thiên hạ. Những Tỷ-kheo bạn của vị ấy báo cho biết:
– Này Tôn giả, ở Kỳ Viên có một thợ may y lừa dối thiên hạ như Tôn giả vậy.
Vị ấy tự bảo: “Ta sẽ lường gạt thợ may ở thành thị này”. Vị ấy làm một cái y với nhiều tấm vải cũ rất đẹp, nhuộm với màu vàng đậm và đắp y ấy đi đến Kỳ Viên. Thợ may kia thấy y ấy, khởi lòng tham và hỏi:
– Thưa Tôn giả, y này có phải Tôn giả đã may không?
– Này Hiền giả, phải, tôi đã làm.
– Này Tôn giả, hãy nhường cho tôi y này, Tôn giả sẽ lấy y khác.
– Này Hiền giả, chúng tôi là người ở làng, rất khó được các vật dụng. Nếu tôi cho Hiền giả y này, tôi sẽ đắp cái gì?
– Thưa Tôn giả, tôi có vải mới chưa may. Tôn giả đã nói như vậy, thì tôi từ chối gì được ? Thôi, Hiền giả hãy lấy đi.
Sau khi đưa cái y gồm nhiều tấm vải cũ, vị ấy lấy vải mới , lừa dối Tỷ-kheo ấy, rồi ra đi. Vị Tỷ-kheo ở Kỳ Viên, sau vài ngày đắp y ấy, giặt y ấy với nước nóng, thấy những miếng vải cũ mòn, và bị chê cười xấu hổ. Toàn thể chúng Tăng được biết rõ là người thợ may ở Kỳ Viên đã bị người thợ may ở làng nhỏ lường gạt.
Một hôm, tại Pháp đường, các Tỷ-kheo đang ngồi nói về câu chuyện ấy. Bậc Ðạo Sư đến và hỏi các Tỷ-kheo đang ngồi bàn chuyện gì. Các Tỷ-kheo đang ngồi bàn chuyện gì. Các Tỷ-kheo trình bày câu chuyện, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay người thợ may ở Kỳ Viên mới lường gạt những người khác. Trong thời quá khứ, vị ấy cũng đã lường gạt rồi. Và người thợ may ở ngôi làng nhỏ, không phải chỉ nay mới lường gạt người thợ may ở Kỳ Viên. Trong thời quá khứ, vị ấy cũng đã lường gạt rồi
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, tại một ngôi rừng, Bồ-tát sanh làm thần cây. Cây ấy mọc gần một hồ sen. Lúc bấy giờ, trong một hồ khác không lớn lắm, vào mùa hạn hán, nước thấp, nhưng tại đấy có cá rất nhiều. Một con cò thấy đàn cá, suy nghĩ cách lường gạt và ăn chúng. Cò đi đến hồ, ngồi bên bờ nước suy tư. Ðàn cá thấy vậy liền hỏi cò:
– Ngài ngồi suy nghĩ gì vậy?
– Tôi ngồi suy nghĩ đến các bạn!
– Ngài suy nghĩ gì đến chúng tôi?
– Trong hồ này, nước cạn, đồ ăn ít, hạn hán lại lớn. Nay các bạn sẽ làm gì? Chính ta ngồi đây suy nghĩ như vầy.
– Vậy thưa ngài, chúng tôi sẽ phải làm gì?
– Này, nếu các bạn làm theo lời ta, ta sẽ ngậm từng bạn trong mỏ ta, đưa các bạn đến một hồ lớn tràn đầy hoa sen năm sắc, và thả các bạn ở đấy.
– Thưa ngài, từ thuở khai thiên lập địa đến nay, không bao giờ loài cò lại nghĩ đến loài cá. Ngài chỉ muốn ăn chúng tôi từng con một thôi.
– Ta sẽ không ăn các bạn khi các bạn có lòng tin ở ta. Nếu các bạn không tin lời ta là đằng kia có một cái hồ, hãy cử một con cá đi với ta để chính nó thấy cái hồ ấy.
Ðàn cá tin con cò ấy, liền cử một con cá lớn, mù một mắt, nghĩ rằng nó có khả năng đối nghịch với cò dưới nước và trên cạn, và bảo con cò mang đi. Cò ngậm lấy cá ấy, mang đi, thả trong hồ, chỉ cho thấy toàn bộ cái hồ, rồi đưa nó về, thả nó lại với đàn cá trong hồ cũ. Cá này về tán thán sự quyến rũ của hồ mới cho chúng bạn nghe. Nghe nó tán thán, đàn cá đều muốn đi và nói với cò:
– Lành thay, ngài hãy mang chúng tôi đi.
Con cò trước hết mang con cá lớn một mắt ấy, đưa nó đến bờ hồ, chỉ cho nó thấy cái hồ, rồi đậu xuống cây Vanara mọc bên bờ hồ. Cò ném con cá vào giữa hai cành cây, lấy mỏ mổ con cá, giết chết nó và ăn thịt, thả xương xuống gốc cây, rồi trở về nói:
– Con cá ấy đã được ta thả rồi. Con khác hãy đi.
Với phương cách ấy, cò mang đi từng con cá một, ăn hết cả đàn cá, và cuối cùng, không tìm thấy con cá nào nữa. Tại đấy chỉ có con cua còn ở lại. Con cò muốn ăn nó nên nói:
– Này bạn cua, tất cả đàn cá ấy đã được ta mang đi, thả xuống hồ lớn đầy những bông sen, hãy đến đấy, ta sẽ mang bạn đi!
– Làm thế nào ngài mang tôi đi?
– Ngậm lấy bạn, ta sẽ mang đi.
– Ngậm tôi mang đi như vậy, ngài sẽ làm rơi tôi xuống. Tôi sẽ không đi với ngài đâu.
– Chớ sợ, ta sẽ ngậm bạn thật chặt và mang đi.
Con cua suy nghĩ: “Nó mang những con cá mà không thả cá vào trong hồ. Nếu nó thả ta vào trong hồ thì tốt. Nếu nó không thả, ta sẽ cắt đứt cổ của nó và giết nó”.
Rồi cua nói với cò:
– Này bạn cò, bạn không thể ngậm tôi chắc chắn được. Chúng tôi loài cua đã kẹp thì kẹp chặt. Nếu tôi lấy cái càng kẹp cổ bạn, tôi sẽ kẹp chặt cổ bạn và sẽ đi với bạn.
Con cò không biết con cua muốn lường gạt mình bèn bằng lòng. Như với cái kềm của người thợ rèn, con cua với những cái càng của mình, kẹp rất chặt cổ cò và nói:
– Nào, chúng ta hãy đi!
Cò đưa cua đi, trước hết chỉ cho nó thấy cái hồ, rồi đi về phía cây Vanara. Cua nói:
– Này bạn, cái hồ ở phía này, sao bạn lại đưa tôi đi phía khác?
– Ừ, ta là bạn thân của người, và ngươi là bạn thân của ta. Ngươi tưởng ta là nô lệ của ngươi, nhấc bổng và đưa ngươi đi không sao? Hãy nhìn đống xương này dưới gốc cây Vanara! Và ta đã ăn tất cả con cá ấy, cũng vậy, nay ta sẽ ăn ngươi!
– Những con cá ấy vì ngu si nên bị ngươi ăn. Nhưng ta sẽ không để ngươi ăn ta đâu. Cua nói. Ta sẽ giết ngươi! Ngươi thật là ngu ngốc! Ngươi bị ta lừa mà không biết. Nếu chết, cả hai cùng chết! Ta sẽ cắt đứt đầu ngươi trước khi ta rơi xuống đất!
Nói xong, cua kẹp chặt cổ cò lại như gọng kềm. Với miệng há to, nước mắt từ từ chảy, quá kinh hãi vì sợ chết, cò nói:
– Thưa ngài, tôi sẽ không ăn ngài. Hãy cho tôi sống!
– Nếu ngươi hạ xuống và thả ta trong hồ.
Cò bay trở lui, hạ xuống hồ, thả cua trên mặt bùn bên bờ hồ. Nhưng con cua, trước khi đi xuống nước, cắt đứt cổ cò như con dao cắt một cọng sen.
Vị thần sống ở trên cây thấy sự lạ lùng này, đã làm cho toàn khu rừng vang dậy lời tán thán khi nói lên bài kệ này với âm thanh dịu ngọt:
Kẻ có trí lường gạt
Không may bị kẻ gạt,
Con cò có trí gạt
Ðã bị cua gạt lại.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay người thợ may ở Kỳ Viên mới bị người thợ may ở làng lường gạt. Trong thời quá khứ, vị ấy cũng bị lường gạt rồi.
Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp hai mẩu chuyện và nhận diện Tiền thân:
– Lúc ấy, người thợ may ở Kỳ Viên là con cò, người thợ may ở làng là con cua, còn Ta là thần cây.
Nghĩ rằng là chỗ chôn…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một đệ tử của Trưởng lão Xá-lợi-phất. Tương truyền Tỷ-kheo ấy là người dễ bảo, kham nhẫn, thường nỗ lực hầu hạ Trưởng lão. Một thời, sau khi xin phép bậc Ðạo Sư, Trưởng lão đã ra đi, bộ hành đến xứ Dakkhinagiri ở miền Nam Magadha (Ma-kiệt-đà), Tỷ kheo ấy, đến xứ nầy, trở thành kiêu ngạo, cứng đầu, không vâng lời Trưởng lão. Khi Trưởng lão bảo:
– Này Hiền giả, hãy làm điều này.
Vị ấy liền gây sự chống lại Trưởng lão.
Trưởng lão không biết tâm tánh vị ấy vì sao thay đổi như vậy. Sau khi bộ hành tại đấy, Trưởng lão lại đi về Kỳ Viên. Từ khi theo Trưởng lão về đến Kỳ Viên, tánh tình Tỷ-kheo ấy trở lại như cũ. Trưởng lão thưa với đức Như Lai:
– Bạch Thế Tôn, con có một đệ tử, tại một chỗ, xử sự như một nô lệ được mua với giá một trăm đồng tiền, nhưng tại một nơi khác, lại trở thành kiêu mạn, cứng đầu, bảo làm gì cũng gây sự chống đối.
Bậc Ðạo sư nói:
– Này Xá-lợi-phất, Tỷ-kheo này không phải nay mới có tánh tình như vậy. Trước kia, khi đến chỗ nầy, kẻ ấy xử sự như một nô lệ được mua với giá một trăm đồng tiền, nhưng khi đi chỗ khác, thì gây sự, đối nghịch.
Nói vậy xong, theo lời Trưởng lão yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta trị vì ở xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một địa chủ. Bạn của Bồ-tát cũng là một điạ chủ lớn tuổi hơn Bồ-tát, nhưng có một người vợ trẻ sanh được một con trai. Người địa chủ lớn tuổi suy nghĩ: “Vợ ta còn trẻ, khi ta chết đi, không biết sẽ lấy ai và tiêu phí tài sản này, thay vì giao cho con trai của ta? Vậy tốt hơn ta hãy chôn tài sản dưới đất”.
Nghĩ vậy, người địa chủ đem theo một người nô lệ trong nhà tên Nanda, đi vào rừng, chôn tài sản ấy vào một chỗ và bảo:
– Này Nanda thân, sau khi ta chết, hãy báo cho con ta biết tài sản này. Chớ quên khu rừng.
Sau khi khuyên như vậy, người địa chủ già ấy mạng chung. Ðứa con trai dần dần lớn lên, đến tuổi thành niên, mẹ nó nói:
– Này con thân, cha con đem theo nô lệ Nanda, đã chôn giấu tài sản. Hãy bảo nó mang về mà cai quản gia sản thừa tự.
Một hôm, người thanh niên nói với Nanda:
– Này cậu, có phải cha ta đã chôn tài sản?
– Thưa ông chủ, có!
– Chôn tài sản tại đâu?
– Thưa ông chủ, trong rừng.
– Vậy chúng ta hãy đi lấy.
Sau khi đem cuốc và thúng, đi đến chỗ chôn giấu, người thanh niên hỏi:
– Này cậu, tài sản ở đâu?
Nanda leo lên, đứng trên chỗ đã chôn tài sản, do vì tài sản ấy, nó khởi lòng kiêu mạn và mắng nhiếc chàng thanh niên chủ nó:
– Ði đi! Ðứa con hư, đứa con nô lệ. Từ đâu ngươi có được tài sản này?
Nghe ác ngữ của nó, chàng thanh niên làm như không nghe gì, chỉ nói:
– Thôi chúng ta đi về.
Rồi hai người cùng về. Sau hai ba ngày, cả hai lại đi, nhưng Nanda lại mắng chửi như cũ. Chàng thanh niên không nói ác ngữ với nó, và suy đi nghĩ lại như sau: “Người nô lệ này, khi đi có ý định báo cho ta biết tài sản. Nhưng đến đó, lại mắng nhiếc ta, chẳng biết vì lý do gì? À, cha ta có người bạn địa chủ, hãy đến hỏi vị ấy”.
Thanh niên ấy đi đến gặp Bồ-tát trình bày tất cả sự việc và hỏi:
– Thưa ngài, vì lý do gì mà tại chỗ Nanda đứng mắng nhiếc con là chỗ cha con chôn tài sản thừa tự?
– Này con, Khi Nanda mắng chửi con, con chỉ nên nói: Này người nô lệ, người mắng chửi ai vậy? Rồi kéo nó ra, lấy cuốc đào chỗ ấy, lấy tài sản thừa tự của gia đình, bảo người nô lệ nhấc lên và mang về nhà.
Nói vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Nghĩ rằng là chỗ chôn
Ðống vàng và nữ trang,
Chỗ nô tỳ hạ sanh
Tên là Nan-da-ka
Ðang đứng và la to
Những lời lẽ thô bạo.
Chàng thanh niên liền đảnh lễ Bồ-tát, về nhà, và đưa Nanda đi đến chỗ chôn giấu tài sản. Làm đúng theo lời khuyên bảo, Chàng thanh niên cũng vâng theo lời Bồ-tát khuyên, làm các công đức như bố thí…đến khi mạng chung đi theo nghiệp của mình.
Bậc Ðạo Sư nói: – Trong thời quá khứ, tánh tình của kẻ ấy cũng như vậy.
*
Sau khi bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này, Ngài kết hợp hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân.
– Lúc bấy giờ, Nanda là đệ tử của Xá-lợi-phất, và người địa chủ có trí là Ta vậy.
Ta thà rơi địa ngục…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về ông Cấp Cô Ðộc. Ông Cấp Cô Ðộc đã tiêu hết cho Giáo pháp đức Phật một số tiền là năm trăm bốn mươi triệu đồng để xây dựng tinh xá, và ông không nghĩ đến châu báu nào khác ngoài ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng. Trong khi bậc Ðạo Sư còn ở Kỳ Viên, mỗi ngày vị triệu phú đi đến tinh xá ba lần để cúng dường: một vào buổi sáng, một vào buổi trưa, một vào buổi chiều. Ngoài ra, còn nhiều sự giúp đỡ khác.
Ông Cấp Cô Ðộc không bao giờ đi tay không, ngại các Sa-di hay Tỷ-kheo trẻ xem mình có đem gì trong tay không. Buổi sáng ông đem theo cháo, sau buổi ăn sáng đem theo bơ chín, bơ tươi, mật ong, đường mật. Buổi chiều ông đem theo hương liệu, vòng hoa, vải may y. Ngày này qua ngày khác, vị ấy tiêu dùng như vậy, không hạn chế.
Ngoài ra, nhiều người sống bằng nghề buôn bán tự tay trao phiếu nợ, mượn ông tài sản ước lượng một trăm triệu đồng và vị Ðại triệu phú không đòi họ trả. Còn những tài sản khác trị giá một trăm tám mươi triệu đồng được chôn cất trên bờ sông. Khi bị gió bão, nước phá vỡ bờ sông, gia sản ấy đã trôi ra biển lớn. Chìm xuống lòng biển là các ghè chậu bằng đồng còn khoá chặt và đóng dấu nguyên xi.
Trong nhà vị triệu phú luôn luôn có phần cơm cho năm trăm Tỷ-kheo, nhà vị đại triệu phú giống như cái giếng trong xanh ở ngã tư đường cho chúng Tỷ-kheo, như ngôi nhà cha mẹ đối với tất cả đại chúng. Vì vậy, bậc Chánh Ðẳng Giác thường đi đến nhà vị triệu phú. Tám mươi đại Trưởng lão cũng đi đến. Các Tỷ-kheo khác cũng đến và đi không thể kể xiết. Nhà vị đại triệu phú có đến bảy tầng lầu, được trang hoàng với bảy cửa gác. Tại cửa gác thứ tư của ngôi nhà ấy, một thần nữ có tà kiến thường trú. Khi bậc Chánh Ðẳng Giác vào nhà, thần nữ ấy không ở được trong lầu của mình, đã đem theo mấy đứa con nhỏ xuống ở tại tầng cuối cùng. Khi tám mươi đại Trưởng lão và các Trưởng lão khác đến và đi, thần nữ ấy cũng phải làm như vậy. Nàng suy nghĩ: “Khi Sa-môn Gotama và các đệ tử vào nhà này, ta không được an lạc; ta không thể luôn luôn xuống tầng trệt được. Ta phải làm thế nào để những người ấy không đến nhà này nữa”.
Một hôm, khi người tổng quản đã về phòng an nghỉ, thần nữ ấy đi đến, chói sáng hào quang và đứng lại. Ðược hỏi:
– Ai dó?
Nàng trả lời:
– Ta là thần nữ thường trú ở cửa gác thứ tư.
– Vì sao nàng đến đây?
– Ông không thấy việc phải làm của vị triệu phú, không nghĩ đến đời sau cho mình, tiêu phí tài sản, làm giàu cho Sa-môn Gotama, không lo buôn bán, không lo làm việc. Ông hãy khuyên vị triệu phú làm việc của mình, đừng để Sa-môn Gotama và các đệ tử vào nhà này nữa.
Người tổng quản ấy nói với thần nữ:
– Này thần nữ ngu si, nếu vị triệu phú dùng tài sản, vị ấy chỉ dùng cho Giáo pháp chư Phật đưa đến giải thoát. Dù vị triệu phú nắm búi tóc ta và bán ta làm nô lệ, ta vẫn sẽ không nói gì. Nàng hãy đi đi.
Hôm khác, thần nữ ấy đi đến người conn trai cả của vị triệu phú và khuyên giáo tương tự. Người con trai cả cũng mắng nàng như trước. Nhưng nàng không dám nói việc này với vị triệu phú.
Do bố thí không ngừng nghỉ, do không kinh doanh, tiền thâu vào ít dần, tài sản vị ấy đi đến khánh tận. Dần dần triệu phú rơi vào cảnh nghèo thiếu, gia sản, áo quần, sàng tọa, thực phẩm không còn được như xưa. Dầu ở trong tình trạng như vậy, ông Cấp Cô Ðộc vẫn cúng dường chúng Tăng, tuy rằng không thể cúng dường các món tốt đẹp.
Một hôm, sau khi ông Cấp Cô Ðộc đảnh lễ và ngồi xuống, Thế Tôn hỏi:
– Này Gia Chủ, tại nhà ông còn có vật bố thí không?
– Bạch Thế Tôn, thưa có vật bố thí. Ðó là cháo tấm với bột chua để lại từ hôm qua.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Gia chủ, tâm đừng buồn phiền khi bố thí đồ vật thô xấu, khi tâm tốt đẹp thì đồ vật cúng dường chư Phật, Ðộc Giác Phật, đệ tử chư Phật cũng không trở thành thô xấu. Vì sao? Vì quả dị thục to lớn. Ai có thể làm tâm tốt đẹp, thì vật bố thí không thể thô xấu được. Như vậy ông cần phải hiểu biết.
Và đức Thế Tôn đọc bài kệ:
Khi tâm được tịnh tín,
Bố thí không gọi nhỏ,
Cho Như Lai, chư Phật,
Hay cho đệ tử Ngài,
Không có cúng dường nào
Ðược xem là bé nhỏ.
Thế Tôn lại nói thêm:
– Này Gia chủ, ông cúng dường món ăn thô xấu, nhưng cúng dường tám bậc Thánh nhân. Trong thời Velàma, Ta làm náo động cả Diêm-phù-đề với việc bố thí bảy thứ báu; trong khi đại bố thí, Ta làm chúng tuôn chảy như làm năm con sông trở thành một dòng thác. Nhưng Ta không tìm được ai thọ Ba quy y hay giữ Năm giới. Những người xứng đáng được cúng dường như vậy thật khó kiếm được. Do vậy, khi bố thí cho ta đồ ăn thô xấu, tâm ông chớ buồn phiền.
Sau đó, bậc Ðạo Sư nói Kinh Velàmaka.
Bấy giờ thần nữ ấy không dám nói với người triệu phú khi vị ấy đang có uy quyền, lại suy nghĩ: “Nay vị triệu phú này gặp tình cảnh khó khăn, có thể nghe theo lời ta”. Nghĩ vậy, nửa đêm, thần nữ vào phòng vị ấy chiếu sáng hào quang, đứng giữa hư không. Vị triệu phú thấy nàng, liền hỏi:
– Ngươi là ai?
– Này đại triệu phú, ta là thần nữ ở cửa gác thứ tư.
– Ngươi đến có việc gì?
– Ta muốn nói lời khuyên ông.
– Vậy hãy nói đi!
– Này đại triệu phú, ông không nghĩ đến thời sau, không nhìn đến con trai, con gái. Ông đã tiêu phí tài sản cho Giáo pháp của Sa-môn Gotama. Do ông đã phung phí tài sản lâu ngày, do không làm công việc mới, vì Sa-môn Gotama, ông trở thành nghèo thiếu. Sự việc đã như vậy, ông vẫn không từ bỏ Sa-môn Gotama. Hôm nay, các Sa-môn ấy vẫn đi vào nhà ông như trước. Những gì họ đã lấy đi từ ông, không thể đem về nhà được. Hãy tin chắc là như vậy. Nhưng bắt đâu từ nay trở đi, ông chớ tự mình đi đến Sa-môn Gotama. Chớ cho phép những đệ tử của Sa-môn vào nhà này nữa. Hãy xoay lưng, không nhìn Sa-môn Gotama nữa. Hãy tự mình kinh doanh buôn bán và xây dựng lại sản nghiệp.
Vị triệu phú nói với thần nữ:
– Có phải đấy là lời khuyến giáo ngươi cần nói với ta?
– Ðúng như vậy.
Vị triệu phú nói:
– Bậc Ðạo Sư đã làm cho ta không bị dao động bởi trăm, bởi ngàn, bởi trăm ngàn thần nữ như ngươi. Lòng tin của ta như núi Tu-di không dao động, được khéo an trú. Tài sản được ta tiêu dùng cho Pháp bảo đưa đến giải thoát. Lời ngươi nói không thích đáng, là một đòn do ngươi đánh vào Giáo pháp đức Phật, con quỷ đen thiếu lễ độ, theo ác giới, không có vấn đề ngươi sống chung trong nhà của ta. Hãy ra khỏi nhà ta mau, đi ở chỗ khác.
Thần nữ nghe lời nói của vị Thánh đệ tử đã chứng quả Dự lưu, không thể ở lại được, bèn về chỗ ở của mình, tay bồng con ra đi, với ý nghĩa: “Nếu ta không tìm được chỗ khác, ta sẽ xin lỗi vị triệu phú và sẽ trú tại đấy”. Nghĩ vậy, nàng đi đến vị Thiên tử hộ trì thành phố, đảnh lễ vị ấy rồi đứng dậy. Khi được hỏi:
– Nàng đến có chuyện gì?
Nàng trả lời:
– Thưa Thiên Tử, tôi vô ý nói chuyện với ông Cấp Cô Ðộc, nên vị triệu phú giận tôi, đuổi tôi ra khỏi nhà ở. Hãy đưa tôi đến vị triệu phú xin lỗi và xin cho tôi được trú tại nhà như cũ.
– Nhưng nàng đã nói với vị triệu phú những gì?
– Bắt đầu từ nay, chớ hộ trì Phật, chớ hộ trì chúng Tăng, chớ để Sa-môn Gotama vào nhà. Thưa Thiên tử, tôi đã nói như vậy!
– Lời nàng nói không chính đáng, là một đòn đánh vào Giáo pháp. Ta không thể đưa nàng đến gặp vị triệu phú được.
Không nhận được sự ủng hộ từ vị này, thần nữ đi đến bốn Ðại thiên vương, cũng bị bốn vị ấy bác bỏ. Thần nữ đi đến Thiên chủ Ðế Thích thuật câu chuyện ấy và yêu cầu giúp đỡ khẩn thiết hơn:
– Thưa Thiên chủ, con không được chỗ ở, phải bồng con trên tay, con lang thang không nơi trú ẩn. Với uy lực của ngài, hãy cho con một chỗ ở!
Thiên chủ trả lời:
– Ngươi làm điều không thích đáng, đã đánh một đòn vào Giáo pháp của bậc Chiến Thắng. Ta không thể nói với vị triệu phú dùm cho ngươi. Nhưng ta sẽ nói với ngươi một phương pháp làm vị triệu phú tha thứ ngươi.
– Thưa Thiên chủ, lành thay, xin nói lên.
– Có nhiều người đã mượn của vị đại triệu phú một số tài sản trị giá một trăm tám mươi triệu đồng… Ngươi hãy giả dạng người đại diện cho vị triệu phú mà không cho ai biết, cầm giấy mắc nợ ấy, với một số Dạ-xoa trẻ vây quanh, một tay cầm giấy nợ, một tay cầm biên lai, đi đến nhà họ, đứng ở giữa nhà, dọa nạt họ với uy lực Dạ-xoa của mình, và nói: “Ðây là giấy nợ của các ngươi. Khi bậc triệu phú của chúng ta có uy lực, đã không đòi hỏi gì các ngươi. Nay ngài gặp cơn nghèo túng, hãy trả lại tiền các ngươi đã mượn”.
Với uy lực Dạ-xoa của ngươi, ngươi sẽ lấy lại được tất cả một trăm tám mươi triệu đồng vàng ấy, đổ đầy kho bạc trống không của vị triệu phú. Vị triệu phú còn có tài sản khác chôn giấu ở bờ sông Aciravati, khi bờ sông bị lở, tài sản ấy bị trôi vào biển. Với uy lực của ngươi, hãy đem số tài sản ấy về, để đầy kho bạc. Lại còn có một tài sản khác nữa, trị giá một trăm tám mươi triệu đồng nằm chôn không chủ tại một chỗ nào đó, hãy lấy đem về đổ đầy kho bạc trống. Với năm trăm bốn mươi triệu đồng ấy, ngươi đổ đầy các kho bạc trống không, lấy đó để đền tội, rồi đến xin vị đại triệu phú tha tội cho.
Thần nữ đáp:
– Tốt lành thay, thưa thiên chủ.
Thần nữ chấp nhận lời Thiên chủ, mang lại tất cả tài sản như đã được nói.
Nửa đêm, thần nữ đi vào phòng rực rỡ của vị triệu phú, chiếu sáng hào quang, đứng giữa hư không. Ðược hỏi là ai, nàng đáp:
– Thưa bậc đại triệu phú, tôi là thần nữ mù quáng ngu si ở tại cửa gác thứ tư. Do tôi quá ngu si, không biết công đức đức Phật, đã nói với ngài những lời lỗi lầm trong những ngày trước. Hãy tha thứ lỗi ấy của tôi! Theo lời Thiên chủ Ðế Thích, tôi đã đòi lại số tiền nợ một trăm tám mươi triệu đồng cho ngài, đã đem lại số tiền một trăm tám mươi triệu đồng bị trôi ra biển, và chôn giấu vô chủ tại một chỗ nọ. Như vậy tôi đã mang lại trăm năm bốn mươi triệu đồng đổ đầy các kho bạc trống rỗng của ngài để chuộc lại tội lỗi. Số tiền ngài đã tiêu dùng cho tinh xá Kỳ Viên, tất cả nay đã được thâu lại. Tôi vì không có trú xứ nên rất khổ sở. Chớ nghĩ đến những gì tôi đã làm do sự vô trí của tô. Hãy tha thứ cho tôi, thưa bậc đại triệu phú.
Ông Cấp Cô Ðộc nghe vậy, tự nghĩ: “Thần nữ này đang nói đã lập công chuộc tội và đã nhận tội của mình. Bậc Ðạo Sư sẽ suy xét việc này, và sẽ cho nó biết những công đức của mình. Ta sẽ đem thần nữ đến gặp bậc Chánh Ðẳng Giác”. Vị triệu phú nói:
– Này thần nữ, nếu người muốn xin lỗi ta, hãy xin lỗi ta trước mặt bậc Ðạo Sư.
– Lành thay, tôi sẽ làm như vậy. Hãy đưa tôi đến bậc Ðạo Sư.
Vị triệu phú bằng lòng. Khi đêm đã tàn, vào buổi sáng, vị triệu phú đem thần nữ đến bậc Ðạo Sư và báo cáo với đức Như Lai tất cả việc làm của thần nữ. Bậc Ðạo Sư nghe xong liền nói:
– Ở đây, này Gia chủ, kẻ làm ác, khi điều ác chưa chín muồi, kẻ ấy thấy là thiện. Khi điều ác của kẻ ấy chín muồi, chỉ khi ấy kẻ ấy mới thấy là ác. Kẻ làm thiện, khi điều thiện chưa chín muồi, kẻ ấy thấy là ác, khi điều thiện của kẻ ấy chín muồi, chỉ khi ấy kẻ ấy thấy là thiện.
Sau đó, bậc Ðạo Sư nói lên hai bài kệ này trong Pháp cú số 119 và 120
Người ác thấy là thiện
Khi ác chưa chín muồi,
Khi ác nghiệp chín muồi,
Người ác mới thấy ác.
Người hiền thấy là ác,
Khi thiện chưa chín muồi,
Khi thiện được chín muồi,
Người hiền thấy là thiện”.
Cuối bài kệ này, thần nữ chứng quả Dự lưu. Nàng đảnh lễ chân có tô điểm bánh xe của bậc Ðạo Sư và nói:
– Bạch Thế Tôn, vì bị nhiễm tham ái, bị sân kích động, bị si mờ ám, bị vô minh bao phủ, con không biết những công đức của Thế Tôn, đã nói những lời ác, xin tha thứ cho con.
Rồi nàng được bậc Ðạo Sư tha thứ, và được vị đại triệu phú tha thứ.
Lúc bấy giờ ông Cấp Cô Ðộc ở trước mặt bậc Ðạo Sư, nói lên công đức của mình:
– Bạch Thế Tôn, thần nữ này đã cố ngăn chận con: Chớ cúng dường đức Phật v.v…! Nhưng không có thể ngăn chận con được. Nàng đã cố ngăn chận con: Chớ bố thí! Nhưng con vẫn bố thí. Bạch Thế Tôn, đấy là công đức của con.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Gia chủ, ông là Thánh đệ tử đã chứng quả Dự lưu, có lòng tin bất động, có tri kiến thanh tịnh.
Thật không có gì kỳ diệu là ông đã không bị ngăn chận bởi thần nữ bất lực này. Nhưng có điều thật sự kỳ diệu là người Hiền trí thuở quá khứ, khi đức Phật chưa xuất hiện, khi trí tuệ chưa chín muồi, dầu ác ma, chủ cõi dục giới, đứng giữa hư không nói lớn: Nếu ngươi bố thí, ngươi sẽ bị thiêu sống trong địa ngục này, và chỉ rõ một hố đầy than hừng sâu đến tám mươi khuỷu tay, dầu bị ngăn: Chớ bố thí, người Hiền trí vẫn đứng giữa đoá sen bố thí như thường.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của ông Cấp Cô Ðộc, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một vị triệu phú ở Ba-la-nại, được nuôi dưỡng trong sự xa hoa như một hoàng tử. Khi đến tuổi trưởng thành, vừa mới mười sáu tuổi, Bồ-tát đã đạt đến điêu luyện trong tất cả kỹ thuật. Sau khi cha chết, được đặt lên địa vị triệu phú, Bồ-tát cho xây dựng sáu trường bố thí, bốn nhà tại cửa bốn thành, một nhà tại trung tâm thành, một nhà trước cửa trú xứ của mình, và tổ chức bố thí lớn, giữ giới, tuân giữ những ngày Bố-tát.
Một hôm, trong giờ điểm tâm, khi các món ăn hảo hạng được mang vào cho Bồ-tát, một vị Ðộc Giác Phật, sau bảy ngày thiền, vừa xuất định và nhận xét: “Ðã đến giờ đi khuất thực, nay ta phải đến nhà của vị triệu phú Ba-la-nại”. Sau khi chùi răng với que đánh răng bằng cọng trầu leo, rửa mặt tại hồ Anotatta, rồi đứng trên cao nguyên Manosila, vị Ðộc Giác Phật mang y dưới, cột dây lưng, đắp y ngoài lấy bình bát bằng đất do thần thông hóa hiện, đi ngang qua hư không và đứng trước cửa nhà, trong khi bữa điểm tâm được mang vào cho Bồ-tát. Bồ-tát thấy vị Ðộc Giác Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nhìn người đứng hầu, chỉ rõ cần dâng cúng món ăn. Người hầu nói:
– Thưa ông chủ, con phải làm gì?
Bồ-tát nói:
– Hãy đem bình bát vị ấy lại đây.
Ngay trong thời khắc ấy, Ác ma lồng lộn hiện lên, tự nghĩ: “Vị Ðộc Giác Phật này chỉ được đồ ăn từ bảy ngày trước, nếu hôm nay không được ăn, vị ấy sẽ chết. Ta sẽ làm vị ấy chết và làm vị triệu phú chấm dứt việc bố thí”.
Ngay lúc ấy, Ác ma đi đến, hóa hiện ở trong nhà một hố than lừng sâu tám mươi khuỷu tay (một khuỷu tay = 45 cm). Hồ ấy đầy những than rừng bằng cây keo cháy rực, cháy đỏ có ngọn, hiện ra như địa ngục. Sau khi tạo ra hố than hừng ấy, Ác ma tự mình đứng giữa hư không. Người hầu đi đến, định mang bình bát lại, thấy vậy, hoảng sợ quay lui. Bồ-tát hỏi:
– Này con thân, sao con trở lui?
Người ấy nói:
– Thưa ông chủ, trong nhà có một hố than hừng, cháy đỏ rực, cháy có ngọn.
Những người khác đi đến cũng hoảng sợ chạy trốn hết.
Bồ-tát suy nghĩ: “Hôm nay, Ác ma có uy lực, đang nỗ lực ngăn chận ta bố thí. Ta cần phải cho nó biết dù trăm Ma, ngàn Ma, trăm ngàn Ma cũng không làm cho ta dao động. Hôm nay chúng ta sẽ làm cho chúng thấy ai mạnh hơn ai, ai có uy lực hơn ai”.
Bồ-tát tự mình cầm lấy bát cơm đã sẵn sàng, đi ra khỏi nhà, đứng ngay trên bờ hồ than hừng, nhìn lên trời, thấy Ác ma, liền hỏi:
– Ngươi là ai?
– Ta là Ác ma.
– Có phải ngươi hóa hiện hố than hừng này?
– Phải, chính ta hóa hiện.
– Vì mục đích gì?
– Vì mục đích ngăn chận ngươi bố thí, vì mục đích giết mạng sống của vị Ðộc Giác Phật.
Bồ-tát nói:
– Ta sẽ không cho ngươi ngăn chận ta bố thí. Ta cũng không cho ngươi giết mạng sống của vị Ðộc Giác Phật. Hôm nay, ta sẽ làm cho ngươi biết giữa ta và ngươi, ai có sức mạnh lớn hơn.
Vẫn đứng trên bờ hố than hừng, Bồ-tát nói:
– Bạch Thế Tôn, Ðộc Giác Phật, dầu con có rơi đầu lộn ngược vào hố than hừng này, con vẫn không trở lui. Mong Thế Tôn chấp nhận món ăn do con cúng dường.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ này:
Ta thà rơi địa ngục,
Chân trên, đầu phía dưới,
Ta sẽ làm việc Thánh,
Hãy nhận lấy món ăn.
Rồi với quyết tâm vững chắc, Bồ-tát cầm bát cơm bước lên mặt hố than hừng! Khi Bồ-tát làm như vậy, từ mặt hố than hừng sâu đến tám mươi khuỷu tay, mọc lên một hoa sen tuyệt đẹp đỡ lấy chân Bồ-tát. Từ hoa sen ấy, nhụy sen khoảng chừng một đấu lớn phun lên, rơi trên đầu bậc Ðại Sĩ, phủ khắp toàn thân như rắc hột vàng. Bồ-tát đứng trên đóa hoa sen, đặt vào trong bát vị Ðộc Giác Phật những món ăn thượng vị khác nhau. Vị Ðộc Giác Phật nhận đồ ăn, nói lên lời tùy hỷ, rồi quăng bình bát lên trên hư không, và ngay trước mắt của đại chúng, tự mình bay lên hư không về phía Hy-mã-lạp Sơn, để lại một đường mây gồm nhiều hình thù kỳ diệu đặc biệt. Còn Ác ma bị thất bại và sầu muộn đi về trú xứ của mình. Bồ-tát vẫn đứng trên tòa sen, thuyết pháp cho đại chúng, tán thán bố thí, giới đức, và cùng với đại chúng vây quanh, bước vào trú xứ của mình. Bồ-tát trọn đời làm công đức, rồi khi mạng chung đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này gia chủ, việc này không có gì kỳ diệu khi một người đầy đủ tri kiến như ông không để cho thần nữ làm dao động. Thật sự kỳ diệu là những gì bậc Hiền trí đã làm trong thời quá khứ.
Thuyết pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, vị Ðộc Giác Phật tại chỗ ấy nhập Niết-bàn, còn Ta chính là người triệu phú Ba-la-nại, sau khi đánh bại Ác-ma, đứng trên đóa sen, cúng dường thức ăn khất thực vào bát của vị Ðộc Giác Phật.
PHẨM LỢI ÁI
Với người muốn mình lợi…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên bậc Ðạo Sư đã kể về Trưởng lão Losaka. Ai là Trưởng lão Losaka? Một người ở xứ Kosala, con của người đánh cá, một tai ương cho gia đình. Khi làm Tỷ-kheo, vị ấy không bao giờ nhận được gì cả.
Từ chỗ được sanh ở đời trước và khi mạng chung, vị ấy đã đầu thai vào bụng vợ một người đánh cá, trong một làng đánh cá gồm một ngàn gia đình ở Kosala. Trong ngày vị ấy đầu thai, ngàn gia đình ấy, với lưới cầm tay, đi đánh cá trên sông, trên hồ không bắt được một con cá nhỏ nào. Từ ngày đó trở đi, những người đánh cá gặp những điều tổn hại. Khi vị ấy còn ở trong thai, làng của họ bị lửa đốt cháy bảy lần và bị vua xử phạt bảy lần. Như vậy, dần dần họ rơi vào túng thiếu. Họ suy nghĩ: “Trước kia, chúng ta không như vậy. Nay chúng ta gặp nhiều tổn hại. Giữa chúng ta phải có một người có số đen. Chúng ta hãy chia thành hai nhóm mỗi nhóm năm trăm gia đình. Và nhóm nào có người có số đen, nhóm ấy bị tổn hai, nhóm kia được tăng thịnh.
Và cứ thế họ chia nhóm ấy làm hai, chia làm hai, chia làm hai nữa. Như vậy, họ chia cho đến khi chỉ còn lại một gia đình ấy, và khi tìm được kẻ số đen ở trong gia đình ấy, họ liền đánh đuổi đi. Người mẹ phải tìm sống một cách khó nhọc, với bụng mang thai; khi thai đến kỳ, bà sanh được đứa con trai. Ðứa bé ấy được sanh trong đời sống cuối cùng, do đó không thể bị giết hại. Như ngọn đèn trong chiếc ghè, điều kiện để thành A-la-hán cháy đỏ trong tim của nó.
Người mẹ nuôi dưỡng nó, tập nó chạy tới, chạy vòng, và khi nó đã đi được, bà đặt trong tay nó một bát đi xin, bảo nó đi vào một nhà kia, rồi bà bỏ trốn. Từ đó, đứa bé sống một mình, tìm đồ ăn tại chỗ này, nằm ngủ tại chỗ khác, không tắm, không săn sóc thân mình, tìm sống một cách cực khổ chẳng khác con quỷ ăn bùn. Nó dần dần lớn lên được bảy tuổi, lượm từng miếng cơm một mà ăn như con quạ, tại một cửa nhà nọ có đồ ăn còn lại từ các nồi cơm đưọc rửa.
Một hôm, Tướng quân Chánh pháp Xá-lợi-phất đang đi khất thực ở Xá-vệ, thấy đứa bé, suy nghĩ không biết đứa bé đáng thương này ở làng nào, khởi lòng từ bi đối với nó và gọi:
– Hãy đến đây!
Ðứa bé đến đảnh lễ Trưởng lão và đứng lại. Trưởng lão hỏi:
– Con sống ở làng nào? Cha mẹ ở đâu?
– Thưa Tôn giả, con sống không nơi nương tựa. Cha mẹ vì con, sống quá mệt mỏi nên bỏ rơi con mà trốn đi!
– Con có muốn xuất gia không?
– Thưa Tôn giả, con muốn xuất gia. Nhưng ai sẽ truyền giới xuất gia cho kẻ khốn nạn như con?
– Ta sẽ truyền giới xuất gia cho con.
– Lành thay, Tôn giả hãy truyền giới xuất gia cho con.
Trưởng lão cho nó ăn các món ăn loại cứng và loại mềm, dắt nó đến tinh xá, tự tay tắm rửa nó, truyền giới xuất gia cho nó làm Sa-di, và khi tuổi đầy đủ, liền trao Ðại giới cho nó. Khi nó trưởng thành, nó được gọi là Trưởng lão Losakatissa.
Trưởng lão Losakatissa ít được phước đức, nên ít nhận được đồ cúng dường. Truyền thuyết nói, dầu có lễ bố thí to lớn không gì sánh được, bụng Trưởng lão cũng không no, mà chỉ được ăn vừa đủ để nuôi mạng sống. Một muỗng cháo đổ vào bát của Trưởng lão hình như làm tràn đầy nên đem cháo cho người sau. Khi cháo được đổ vào bình bát Trưởng lão, người ta nói cháo trong đĩa của người cúng như biến mất. Các đồ ăn cứng khác cũng như vậy.
Trưởng lão sau một thời gian, thiền quán được tăng trưởng, chứng quả A-la-hán tối thượng, nhưng vẫn được đồ cúng dường ít oi. Thọ hành trưởng lão dần dần giảm thiểu, và ngày nhập Niết-bàn đã đến. Tướng quân Chánh pháp hướng tâm đến, biết ngày trưởng lão đắc Niết-bàn vô dư y, tự nghĩ: “Trưởng lão Losakatissa hôm nay sẽ nhập Niết-bàn. Ta sẽ khuyên người ta cúng dường Trưởng lão đồ ăn như ý muốn”. Tôn giả Xá-lợi-phất đưa Trưởng lão vào thành Xá-vệ khất thực. Tôn giả Xá-lợi-phất và Losakatissa, dầu đưa tay cho nhiều người ở Xá-vệ, cũng không nhận được ngay cả một tô cháo, Tôn giả Xá-lợi-phất bảo Losakatissa về trước, ngồi tại phòng họp, rồi giữ đồ ăn nhận được đem về cho Losakatissa. Những ai được Xá-lợi-phất giao đồ ăn đem về, đều quên trao cho Losakatissa và tự mình ăn đồ ăn ấy.
Khi Trưởng lão Xá-lợi-phất đứng dậy và đi về tinh xá, Losakatissa đi đến đảnh lễ, Trưởng lão dừng bước, quay lại hỏi:
– Này Hiền giả, Hiền giả có được đồ ăn không?
– Thưa Tôn giả, chúng con sẽ nhận được đúng thời.
Trưởng lão Xá-lợi-phất hoảng hốt nhìn giờ. Thời giờ đã quá rồi. Trưởng lão nói:
– Này Hiền giả, hãy ngồi ở đây.
Trưởng lão bảo Losakatissa ngồi xuống trong phòng họp, rồi đi đến trú xứ Kosala. Nhà vua cho người lấy bát Trưởng lão, bỏ đầy bát với bốn loại bánh ngọt và nói:
– Ðây là đồ ăn phi thời.
Trưởng lão cầm bát, đi về và nói:
– Này Hiền giả Tissa, hãy ăn bốn loại bánh ngọt này.
Nói xong, Tôn giả cầm bát và đứng chờ. Nhưng Losakatissa hổ thẹn vì lòng kính trọng đối với Tôn giả Xá-lợi-phất nên không dám ăn. Trưởng lão Xá-lợi-phất nói với Losakatissa:
– Này Hiền giả, hãy đến. Ta đứng cầm bình bát này, còn Hiền giả ngồi và ăn. Nếu tay ta rời bình bát này, thì không còn vật gì nữa.
Rồi trong khi bậc Tối thượng Tướng quân Chánh pháp đứng cầm bát, Tôn giả Losakatissa ăn bốn loại bánh ngọt. Do thần thông lực thuộc bậc Thánh của Tôn giả Xá-lợi-phất, bánh ấy không biến mất. Khi ấy, Trưởng lão Losakatissa được ăn như ý muốn, đầy đủ, no bụng. Ngày hôm ấy, Trưởng lão Losakatissa đắc Niết-bàn không có dư y. Bậc Chánh Ðẳng Giác đứng một bên và chứng kiến thân vị ấy được hoả táng. Các Xá-lợi được thâu thập và điện tháp được dựng lên trên.
Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo đang ngồi họp tại Pháp đường nói:
– Này các Hiền giả, Losakatissa ít phước đức, ít nhận đồ cúng dường. Do ít phước đức, ít được cúng dường như vậy, làm sao lại được Thánh pháp?
Bậc Ðạo Sư đến pháp đường hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông nay ngồi họp tại đây, đang bàn câu chuyện gì?
Chúng Tỷ-kheo báo cáo câu chuyện ấy lên Thế Tôn. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy do nghiệp mình làm, nên không được cúng dường và đồng thời chứng được Thánh pháp. Vị ấy thuở trước do làm chướng ngại người khác cúng dường nên ít được cúng dường; nhưng do chú tâm thiền quán vô thường, vô ngã nên được Thánh quả, chứng được các thắng pháp.
Nói vậy xong bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở ấy, trong thời bậc Chánh Ðẳng Giác Ca-diếp, có một Tỷ-kheo sống ở một ngôi làng nhỏ, được một vị điền chủ hộ trì. Tỷ-kheo ấy tính tình bộc trực, hồn nhiên, giữ giới, chuyên tu tập thiền quán. Lại cũng có một trưởng lão A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc, sống bình đẳng với các bậc đồng Phạm hạnh. Vị này trước kia chưa bao giờ đến ngôi làng có người điền chủ đã ủng hộ Tỷ-kheo ấy, nay mới đến lần đầu. Người điền chủ hoan hỷ với cử chỉ của Trưởng lão, cầm lấy bình bát, mời vào nhà, cung kính mời ăn. Rồi vị ấy nghe thuyết bài pháp ngắn, đảnh lễ Trưởng lão và thưa:
– Thưa Tôn giả, hãy đi đến ngôi tinh xá gần đây của chúng tôi. Chúng tôi vào buổi chiều sẽ đến yết kiến ngài.
Trưởng lão đi đến ngôi tinh xá, đảnh lễ Trưởng lão trụ trì và sau khi xin phép, ngồi xuống một bên. Vị trụ trì thân mật hỏi thăm Trưởng lão:
– Thưa Hiền giả, Hiền giả được đồ ăn chưa?
– Thưa được rồi.
– Ðược tại đâu?
– Tại nhà điền chủ trong làng của Tôn giả gần đây.
Sau khi nói vậy, trưởng lão hỏi chỗ sàng tọa của mình, sửa soạn cất đặt y bát, rồi ngồi xuống thọ hưởng lạc về thiên, lạc về quả. Vào buổi chiều, người điền chủ ấy đem theo hương, vòng hoa, đèn và dầu đi đến tinh xá, đảnh lễ vị trụ trì và hỏi:
– Thưa Tôn giả, vị trưởng lão khách đã đến chưa?
Sau khi được biết vị ấy đã đến rồi, người điền chủ đi đến vị trưởng lão khách, đảnh lễ, ngồi xuống một bên, và nghe thuyết pháp. Vào buổi chiều mát, người điền chủ đảnh lễ điện Phật, cây Bồ-đề, thắp đèn, mời hai vị đến nhà rồi ra đi.
Trưởng lão trụ trì suy nghĩ: “Ðiền chủ này đã bị phân tâm. Nếu Tỷ-kheo này trú ở đây, điền chủ ấy không còn đếm xỉa đến ta một chút nào nữa”.
Trưởng lão trụ trì, với tâm tư không được vui, suy nghĩ: “Ta phải làm thế nào để vị ấy không ở được trong tinh xá này”. Ðến giờ hầu thăm, khi Trưởng lão khách đến, Trưởng lão trụ trì không nói gì. Vị Trưởng lão khách đoạn tận các lậu hoặc, biết được ý định của trưởng lão trụ trì, tự nghĩ: “Trưởng lão này không biết ta không bao giờ gây trở ngại cho gia đình, cúng dường vị ấy hay đồ chúng vị ấy”, liền đi về trú xứ của mình, hưởng thọ lạc về Thiền và lạc về quả.
Trưởng lão trụ trì, ngày hôm sau, đánh nhẹ cái chuông phòng vị khách trọ, rồi lấy móng tay gõ nhẹ vào cửa và đi đến nhà người điền chủ. Người điền chủ cầm lấy bát vị ấy, mời ngồi trên chỗ đã soạn sẵn và hỏi:
– Trưởng lão khách ở đâu?
– Tôi không biết tin tức của bạn ngài. Tôi đã đánh chuông gõ cửa, nhưng không thể đánh thức vị ấy dậy. Tôi chắc là bữa qua, sau khi ăn thượng vị ở nhà của ngài, vị ấy có thể tiêu hoá được, do vậy, nay đang còn ngủ. Rất có thể, ngài hoan hỷ với những sự kiện như vậy.
Trong khi ấy, vị Trưởng lão đã đoạn tận các lậu hoặc nghĩ rằng thời gian đi khất thực của mình đã đến, liền sửa soạn thân mình tử tế, cầm y bát, bay lên hư không và đi đến một chỗ khác.
Còn người điền chủ ấy cúng dường vị Trưởng lão trụ trì cơm và sữa với bơ tươi, mật ong và đường. Rồi ông bảo chùi bát với bột thơm, đổ thức ăn đầy bát lần nữa và thưa:
– Thưa Tôn giả, trưởng lão ấy đi đường mệt, hãy đem đồ ăn này về cho vị ấy.
Rồi đưa bát cho Trưởng lão trụ trì. Vị này không thể từ chối, cầm bát đi và suy nghĩ: “Nếu Tỷ-kheo ấy uống cơm sữa này, có ai nắm cổ đuổi đi, vị ấy cũng không đi. Nhưng nếu ta cho người khác cơm sữa này, việc ta làm sẽ bị bại lộ. Nếu ta đổ xuống nước, bơ tươi sẽ nổi lên trên mặt nước và bị lộ. Nếu ta quăng trên đất, loài qụa sẽ tụ họp lại và sẽ bị thấy. Nay ta quăng món ăn này ở đâu?”
Ðang phân vân suy tính như vậy, vị ấy thấy một đám ruộng vừa bị đốt. Tỷ-kheo ấy bới các than đỏ lên, quăng đồ ăn tại đấy, lấy than đỏ che đậy lên trên, rồi đi về tinh xá. Không thấy Tỷ-kheo khách ở đâu, Tỷ-kheo trụ trì suy nghĩ: “Chắc Tỷ-kheo ấy đã đoạn tận các lậu hoặc, biết được ý định của ta, và đã đi chỗ khác. Ôi, ta vì nhân duyên cái bụng, đã làm một việc không thích đáng”. Do vậy, sầu ưu khởi lên, và từ đấy, vị Tỷ-kheo trụ trì như một con ma trên đất, không bao lâu mệnh chung, tái sinh vào địa ngục.
Trong hàng trăm ngàn năm, nó bị nấu ở địa ngục. Do ác nghiệp chín muồi, nó bị sanh năm trăm năm liên tục làm quỷ Dạ-xoa, không được ăn đầy bụng, dầu chỉ một ngày. Chỉ trừ một ngày, nó được ăn no bụng với đồ uế nhiễm của bào thai. Rồi trong năm trăm đời, nó sanh làm chó. Khi ấy, chỉ có một ngày nó được ăn no bụng với cơm được nôn ra. Trong thời gian còn lại, nó không bao giờ được đồ ăn đầy bụng.
Từ thai tạng chó mạng chung, nó sanh trong một gia đình nghèo đói, trong một làng ở Kàsi. Từ khi nó sanh ra, gia đình trở thành nghèo đói cùng cực. Nó không bao giờ được một nửa tô nước cháo chua vào bụng. Nó được đặt tên là Mittavindaka. Cha mẹ nó không thể chịu khổ vì đói, đánh đuổi nó đi.
– Hãy đi, con số đen bất hạnh kia.
Không nơi nương tựa, nó đi lang thang và đến tại Ba-la-nại.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát được sanh làm vị giáo sư có tiếng khắp bốn phương và đang dạy nghề cho năm trăm thanh niên Bà-la-môn. Lúc ấy, dân ở ba-la-nại thường cho tiền những người nghèo đói và cho họ học nghề. Mittavindaka học nghề không tiền với Bồ-tát. Nhưng tánh nó độc ác khó dạy, hay đánh lộn và hay đi lang thang. Ðược Bồ-tát khuyên dạy, nó vẫn không nghe theo. Vì có nó, tiền dạy của Bồ-tát trở thành ít ỏi. Nó gây lộn với thanh niên khác, không nghe lời khuyên, cuối cùng trốn đi lang thang đây đó, đến một làng biên địa và làm thuê sinh sống.
Tại đấy, nó lấy một người đàn bà nghèo khổ và sinh được hai đứa con. Người trong làng thuê nó dạy cho họ biết thế nào là thiện, thế nào là ác, và cho nó một cái chòi để sống tại cửa làng. Do Mittavindaka đến đây sống, dân chúng ở làng biên địa ấy bị vua xử phạt bảy lần, nhà của họ bị cháy bảy lần, và hồ chưùa nước bị cạn bảy lần. Họ suy nghĩ: “Trước khi Mittavindaka đến đây, chúng ta không có như vậy. Từ khi nó đến, chúng ta bị tổn hại”. Vì thế họ đánh đuổi nó đi.
Nó đem vợ con ra đi, đến một chỗ khác, vào một khu rừng do phi nhân ngự trị. Tại đấy, các phi nhân giết ăn thịt vợ con nó. Nó chạy trốn khỏi chỗ ấy, đi lang thang chỗ này chỗ kia, đến một bến tàu tên là Gambhira, đúng vào ngày một chiếc tàu mới được hạ thủy, nó trở thành người làm thuê trên tàu.
Khi chiếc tàu đi trên mặt biển được bảy ngày, đến ngày thứ bảy, tàu đứng lại như bị mắc cạn. Họ rút thăm ai là con số đn bất hạnh. Bảy lần thẻ rơi vào Mittavindaka. Họ cho nó một cái bè tre, bắt tay nó quăng xuống biển, rồi tàu lại ra đi. Mittavindaka leo lên bè tre, và trôi trên mặt biển.
Do quả nó đã giữ giới trong thời đức Phật Ca-diếp Chánh Ðẳng Giác, trên mặt biển, nó gặp bốn tiên nữ trong một lâu đài bằng pha lê. Với chúng, nó sống trong bảy ngày hưởng hạnh phúc. Bấy giờ, các loài quỷ ở lâu đài ấy hưởng hạnh phúc trong bảy ngày. Sau bảy ngày, chúng phải ra đi để chịu đau khổ. Lúc ra đi, chúng bảo nó đợi ở đây cho đến khi chúng trở về.
Chúng đi rồi, Mittavindaka lại leo lên bè tre, đi chỗ khác, và gặp được tám tiên nữ ở trong lâu đài bằng ngọc. Từ đấy, nó đi nữa, và gặp được ba mươi hai tiên nữ ở trong mười sáu lâu đài bằng vàng. Không nói gì với chúng, nó lại bỏ đi, và thấy một thành Dạ-xoa ở giữa hòn đảo.
Tại đấy, có một nữ Dạ-xoa sống dưới hình dạng con dê. Mittavindaka không biết nó là nữ Dạ-xoa, nắm lấy chân con dê để ăn thịt. Con Dạ-xoa nữ ấy, với uy lực của mình, nhấc bổng nó lên và quăng nó ra xa. Nó bị quăng ngang qua biển, rơi xuống một bụi gai, tại một cái hào khô nước, lăn tròn rồi đứng dậy.
Lúc bấy giờ, tại cái hào ấy, bọn trộm thường đến giết dê của vua. Các người chăn dê đứng núp rình bắt ăn trộm. Mittavindaka, sau khi lăn tròn, đứng dậy trên đất, thấy các con dê liền nghĩ: “Ta đã bắt chân con dê trên hòn đảo ở biển, và bị nó quăng rơi tại đây. Nếu nay ta lại bắt tay chân một con dê, thì nó sẽ quăng ta đến chỗ các tiên nữ ở trong lâu đài trên mặt biển, tại bờ bên kia.” Khi tác ý bất chánh như vậy, nó liền nắm chân một con dê, lập tức con dê bị nắm kêu lên. Các người chăn dê từ nhiều chỗ núp chạy đến, bắt nó và nói:
– Ðây là đứa ăn trộm đã bắt các con dê của nhà vua từ trước đến nay.
Chúng đánh nó, trói nó và dẫn nó đến trước mặt vua. Lúc bấy giờ, Bồ-tát với năm trăm thanh niên Bà-la-môn vây quanh, ra khỏi thành để đi tắm. Thấy Mittavindaka, nhận được nó, Bồ-tát nói với các người ấy:
– Này các bạn thân, đây là đệ tử của tôi. Sao lại bắt nó?
Các người ấy nói:
– Thưa Tôn giả, đây là đứa ăn trộm dê, nó bắt chân một con dê, nên chúng tôi bắt nó.
– Hãy giao nó cho chúng tôi để làm nô lệ. Nó sẽ dựa vào chúng tôi để sống.
– Thưa vâng, Tôn giả.
Rồi họ thả nó và ra đi. Bồ-tát hỏi nó:
– Này Mittavindaka, từ trước cho đến nay ngươi sống ở đâu?
Nó kể lại tất cả công việc nó làm. Bồ-tát nói:
– Vì không nghe lời những người muốn nó hạnh phúc, nên nó phải chịu mọi sự bất hạnh như vậy.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ này:
Với người muốn mình tốt,
Với người thương tưởng mình,
Cứng đầu không theo lời,
Sẽ gặp điều sầu muộn.
Chẳng khác Mitaka
Nắm chặt chân con dê.
Lúc bấy giờ, khi cả vị giáo sư và Mittavindaka mạng chung, họ đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo chính Losaka này đã tự làm cho mình được ít đồ cúng dường và đồng thời được Thánh Pháp.
Sau khi nói pháp thoại này xong, bậc Ðạo sư kết hợp hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, Mittavindaka là Trưởng lão Losakatissa, vị giáo sư được danh bốn phương là Ta vậy.
Với người muốn mình lợi…,
Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư đã kể về một Tỷ-kheo có lòng tham. lòng tham của vị này sẽ được kể trong chương sáu, Tiền thân Kaka (số 395). Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo báo cho bậc Ðạo Sư biết:
– Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này có lòng tham.
Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Tỷ-kheo, có thật như vậy chăng?
– Bạch Thế Tôn, có thật.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Thuở trước, này Tỷ-kheo, ông cũng có lòng tham. Vì lòng tham, ông đã mất mạng, và các vị Hiền trí cũng vì ông đã mất trú xứ của họ.
Nói xong, bậc đạo sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta (Phạm Thọ) trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con chim bồ câu. Lúc bấy giờ, dân chúng ở Ba-la-nại ưa thích làm công đức, thường treo những ổ rơm chỗ này chỗ kia để các chú chim có nơi ẩn náu thuận tiện an ổn. Người đầu bếp của vị triệu phú Ba-la-nại cũng treo một ổ rơm tại nhà bếp. Bồ-tát sống tại đấy, buổi sáng bay đi tìm mồi ăn và chiều lại về.
Một hôm, một con quạ bay ngang qua mái nhà bếp, ngửi mùi thơm của cá muối, cá tươi, thịt chua, thịt tươi, tại chỗ ấy, nó khởi lòng tham, tự nghĩ: “Ta phải tìm cách ăn cho được cá thịt này”. Nghĩ vậy nó đậu cách đó không xa, dò xét xung quanh, nó thấy buổi chiều Bồ-tát bay về và đi vào bếp, nghĩ rằng nhờ con chim bồ câu này nó sẽ được ăn cá và thịt.
Ngày hôm sau, vào buổi sáng, nó bay lên. Khi Bồ-tát bay ra đi kiếm đồ ăn, nó bay sát theo sau khắp nơi như cái bóng. Bồ-tát nói với nó:
– Này bạn, vì sao bạn đi theo tôi?
– Thưa ngài, cử chỉ của ngài khiến tôi ưa thích. Bắt đầu từ nay, tôi xin hầu hạ ngài.
– Này bạn, món ăn của bạn khác, món ăn của tôi khác. Bạn hầu hạ tôi cũng gặp khó khăn.
– Thưa ngài, khi ngài tìm đồ ăn, tôi cũng tìm đồ ăn và tôi sẽ theo ngài.
– Thôi được, nhưng bạn phải hết sức siêng năng.
Như vậy, Bồ-tát khuyên con quạ đi tìm đồ ăn, các loại hột cỏ, hột giống. Trong khi Bồ-tát đi tìm đồ ăn, con quạ cũng đi, lật lên các miếng phấn, ăn các loại trùng, nhét cho đầy bụng, rồi đi đến Bồ-tát và nói:
– Thưa ngài, ngài dùng quá nhiều thì giờ cho việc tìm đồ ăn thật không tốt.
Khi Bồ-tát tìm đồ ăn xong, buổi chiều bay về, con quạ cũng bay theo vào nhà bếp. Người nấu bếp nói:
– Con bồ câu của chúng ta có đem một con chim khác về.
Anh ta liền treo một tổ rơm nữa cho con quạ. Từ đấy hai con chim câu và quạ sống với nhau. Một hôm, người ta đem đến nhiều cá và thịt cho người triệu phú. Người đầu bếp lấy cá và thịt ấy đem treo chỗ này chỗ kia trong bếp. Con quạ thấy vậy, lòng tham khởi lên: “Ta sẽ không đi tìm đồ ăn ngày mai; ta phải ăn món này!” Đêm đến, nó nằm ngủ, vừa ngủ, vừa rên. Ngày hôm sau, Bồ-tát đi tìm mồi nói:
– Hãy đi, này bạn quạ!
– Thưa ngài, ngài hãy đi một mình. Tôi bị đau bụng!
– Này bạn, từ trước đến nay, chưa bao giờ loài quạ đau bụng. Ban đêm, trong ba canh, bốn canh, cứ mỗi canh loài quạ có bất tỉnh, nhưng khi chúng nuốt tim đèn, chúng được thỏa mãn ngay lúc ấy. Có thể bạn muốn ăn thịt và cá. Hãy đi nào, món ăn của người không thích hợp với các bạn đâu. Chớ làm như vậy, hãy đi kiếm ăn với ta.
– Thưa ngài, tôi không thể đi.
– Hành động của bạn sẽ lộ rõ, chớ để lòng tham chi phối, chớ phóng dật.
Khuyên nó xong, Bồ-tát đi kiếm ăn. Người đầu bếp cố gắng làm nhiều món thịt cá khác nhau. Lúc giở các nắp chảo để hơi nóng thoát ra, người đầu bếp đặt trên mặt chảo một cái rá lọc rồi đi ra ngoài, đứng lau mồ hôi.
Trong khi ấy, con quạ từ ổ rơm ló đầu ra, nhìn nhà bếp, biết người đầu bếp đã ra đi, tự nghĩ: “Nay ta sẽ được thỏa mãn tham vọng, sẽ được ăn thịt. Nhưng ta nên ăn miếng thịt lớn hay miếng thịt nhỏ? Với miếng thịt nhỏ, khó có thể đầy bụng mau được. Vậy ta hãy mau chóng mang miếng thịt lớn, bỏ vào ổ rơm rồi nằm ăn!.
Quạ bay ra khỏi ổ, đậu trên cái rá lọc. Rá lọc ấy phát ra tiếng động “kil li”. Người đầu bếp nghe tiếng động, không biết cái gì, đi vào, thấy con quạ, liền nói:
– Ðây là con quạ ranh con! Mày muốn ăn thịt nấu cho vị triệu phú của ta. Ta sống làm việc vì người chủ triệu phú, chớ không vì đồ ngu như mày. Ðồ như mày có gì liên hệ với ta?
Kẻ ấy đóng cửa, bắt con quạ, nhổ sạch lông, đem củ gừng giã nhỏ với muối và cây thì là trộn với nước sữa chua, thoa lên toàn thân con quạ, rồi ném con quạ vào ổ rơm. Con quạ chịu đau khổ nằm rên. Bồ-tát, buổi chiều về, thấy quạ gặp nạn như vậy liền nói:
– Ôi con quạ tham lam, vì không làm theo lời ta, vì lòng tham của ngươi, ngươi bị đau đớn lớn.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ này:
Với người muốn mình lợi,
Với người thương tưởng mình
Có những lời khuyên bảo,
Nhưng không làm theo lời,
Như con quạ tham lam
Không làm theo lời khuyên
Của con chim bồ câu,
Nó bị ngã rơi vào
Như rơi vào tay địch.
Bồ-tát nói xong, tự nghĩ: “Nay ta không thể ở nơi này nữa”, bèn đi một chỗ khác. Còn con quạ mạng chung ngay lúc ấy. Người đầu bếp nhặt nó từ ổ rơm và quăng nó vào đống rác.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo không phải nay ông mới tham, trước kia ông cũng đã tham, do lòng tham của ông, các bậc Hiền trí đã mất trú xứ của họ.
Sau khi thuyết pháp thoại, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các sự thật. Cuối bài giảng, Tỷ-kheo ấy chứng được quả Nhất lai. Bậc Ðạo sư kết hợp hai câu chuyện với nhau, và nhận diện Tiền thân như sau:
– Lúc ấy, con quạ là Tỷ-kheo tham lam, còn con bồ câu là Ta vậy.
Với người muốn mình lợi…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo khó bảo. Thế Tôn hỏi:
– Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông là người khó bảo.
– Bạch Thế Tôn, đúng vậy
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ông mới khó bảo. Thuở trước, ông cũng đã khó bảo rồi. Vì tánh ông khó bảo, không nghe lời các bậc Hiền trí, ông mạng chung vì miệng con rắn.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình giàu có ở nước Kàsi. Khi lớn lên, thấy nguy hiểm của dục vọng, thấy lợi ích khi xa lìa nó, Bồ-tát từ bỏ các dục, đi vào Tuyết Sơn, xuất gia làm vị ẩn sĩ, chuẩn bị tốt đẹp đề tài thiền quán, đạt được năm Thắng trí, và tám Thiền chứng, sống hưởng thọ thiền lạc. Sau một thời gian, Bồ-tát có một hội chúng lớn, với năm trăm ẩn sĩ khổ hạnh vây quanh. Ngài sống làm bậc Ðạo sư của hội chúng.
Bấy giờ một con rắn độc con, theo bản tánh của mình, đi đến am thất của một vị tu khổ hạnh. Vị tư khổ hạnh khởi lòng thương con rắn như con mình, cho nó nằm trong một ống tre, và nuôi dưỡng nó. Vì nằm ở trong ống tre, nên nó được gọi là Veluka (Rắn tre). Vì vị tu khổ hạnh nuôi dưỡng con rắn với tình thương như con mình, nên vị ấy được gọi là “Cha của Veluka”.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát nghe có vị tu khổ hạnh nuôi dưỡng con rắn độc, bèn cho gọi vị ấy lên và hỏi:
– Có thật chăng ông đã nuôi dưỡng con rắn độc?
Khi được biết là có thật, Bồ-tát nói:
– Chớ tin con rắn độc. Chớ nuôi dưỡng nó như vậy.
Vị tu khổ hạnh nói:
– Con rắn ấy đối với tôi như đệ tử đối với thầy. Không có nó, tôi không thể sống được.
– Vậy ông sẽ bị mệnh chung vì sống gần con rắn độc này.
Vị tu khổ hạnh không nghe lời Bồ-tát, không chịu từ bỏ con rắn độc. Nhiều ngày sau, tất cả vị tu khổ hạnh đi hái quả, đến một chỗ được nhiều trái cây và ở tại đấy hai ba ngày. Trước đó, Cha của rắn tre cũng đi với họ, đã đặt con rắn độc nằm trong ống tre, đóng cửa lại rồi ra đi. Sau hai ba ngày, vị ấy cùng về với các vị tu khổ hạnh, định đến cho Veluka ăn, vị ấy mở ống tre, vừa đưa tay vừa nói:
– Này con, hãy đến đây. Chắc con đói lắm.
Con rắn độc nổi giận vì hai ba ngày không có đồ ăn, liền mổ vào tay vị tu khổ hạnh, khiến vị này chết ngay tại chỗ, rồi rắn bỏ vào rừng. Các vị tu khổ hạnh thấy vậy thưa với Bồ-tát. Ngài bảo hỏa táng người chết. Rồi ngồi giữa chúng ẩn sĩ, ngài nói lên bài kệ này:
Với người muốn mình lợi,
Với người thương tưởng mình,
Nếu cứng đầu không nghe
Không theo lời khuyên dạy,
Sẽ bị hại đến chết,
Như Cha Ve-lu-ka.
Như vậy, Bồ-tát khuyến cáo chúng ẩn sĩ. Rồi ngài tu tập từ, bi, hỷ, xả, và khi mạng chung, ngài sanh lên cõi trời Phạm thiên.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ông mới khó bảo. Trước kia do khó bảo, ông đi đến hoại diệt vì miệng con rắn độc.
Sau khi thuyết pháp thoại, bậc Ðạo Sư kết hợp hai mẩu chuyện, và nhận diện Tiền thân như sau:
– Khi ấy, Cha của Veluka là Tỷ-kheo khó bảo, hội chúng còn lại là hội chúng đức Phật, và bậc Ðạo Sư có hội chúng là Ta vậy.
Tốt hơn là kẻ thù…,
Câu chuyện này, khi bộ hành ở xứ Ma-kiệt-đà, bậc Ðạo Sư đã kể về những người ngu si trong một ngôi làng. Theo truyền thuyết, một thời đức Như Lai từ Xá-vệ đi đến xứ Ma-kiệt-đà. Tại đấy, Ngài đi bộ đến một ngôi làng. Người trong làng ấy phần lớn là những người ngu. Một hôm, các người ngu hội họp lại và nói:
– Này các bạn, khi chúng ta vào rừng làm việc, các con muỗi cắn chúng ta, do duyên cớ ấy, việc làm của chúng ta bị trở ngại. Tất cả chúng ta hãy đi, cầm theo cung và các vũ khí, gây chiến với các con muỗi, bắn giết tất cả chúng nó.
Nghĩ vậy, họ đi vào rừng với ý định bắn các con muỗi, nhưng họ bắn lẫn nhau, đánh lẫn nhau, làm đau khổ lẫn nhau, rồi đi về, nằm xuống ở cổng làng, giữa làng và cuối làng.
Bậc Ðạo Sư, được chúng Tỷ-kheo vây quanh, đi vào làng ấy khất thực. Các bậc Hiền trí trong làng thấy Thế Tôn, liền dựng một cái rạp tại cổng làng, tổ chức cúng dường trai phạn cho chúng Tỷ-kheo, đứng đầu là đức Phật. Họ đảnh lễ bậc Ðạo Sư rồi ngồi xuống. Bậc Ðạo Sư thấy chỗ này chỗ kia có những người bị thương, liền hỏi các nam cư sĩ:
– Sao có nhiều người bị bệnh thế? Họ đã làm gì vậy?
– Bạch Thế Tôn, những người này đi đánh các con muỗi, nhưng lại bắn lẫn nhau, nên bị bệnh tình như vậy.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Không phải chỉ nay các người ngu si đi đánh các con muỗi, rồi trở lại đánh mình. Trước kia, cũng có những người đi đánh các con muỗi, rồi trở lại đánh những người khác.
Sau đó, theo lời yêu cầu của những nam cư sĩ ấy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sống làm nghề đi buôn. Lúc bấy giờ, trong một làng biên địa ở nước Kàsi, nhiều người thợ mộc sống tại đây. Có một thợ mộc đầu sói đang đẽo một thân cây. Một con muỗi đậu trên đầu của kẻ ấy, cái đầu sáng chói như một cái bát đồng. Với cái miệng như mũi tên, muỗi đốt vào đầu như kiếm đâm. Kẻ ấy gọi đứa con đang ngồi gần và nói:
– Này con thân, con muỗi đốt vào đầu ta như bị kiếm đâm. Hãy đuổi nó đi.
– Thưa cha thân, hãy ngồi im. Với một cái đánh, con sẽ giết nó.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát đi tìm hàng hoá cho mình, đến tại làng ấy, đang ngồi tại cửa quán người thợ mộc. Người thợ mộc ấy nói với đứa con:
– Này con, hãy đuổi con muỗi này.
Ðứa con nói:
– Này cha thân, con sẽ đuổi.
Nó giơ cao một cái búa lớn sắc bén, đứng một bên lưng người cha nói:
– Con sẽ đánh muỗi!
Nó lại chém vỡ đôi đầu người cha. Người thợ mộc chết ngay tại chỗ. Bồ-tát thấy sự việc đã xảy ra cho người thợ mộc, suy nghĩ: “Một kẻ thù có trí còn tốt hơn, vì nó sợ hình phạt, sẽ không giết người”.
Rồi ngài nói lên bài kệ này:
Tốt hơn là kẻ thù,
Nhưng có trí sáng suốt,
Còn hơn là người bạn
Thiếu trí tuệ thông minh.
Ðứa con ngu và điếc,
Ðịnh giết chết con muỗi,
Lại chém đầu người cha
Vỡ ra thành hai mảnh.
Nói vậy xong, Bồ-tát đứng dậy ra đi, rồi về sau mạng chung theo nghiệp của mình. Còn bà con của người thợ mộc lo việc thiêu xác của người thợ mộc.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các nam cư sĩ, trong thời quá khứ, cũng có những người muốn đánh con muỗi lại đánh ngã các người khác.
Sau khi kể pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân như sau:
– Lúc ấy, người đi buôn hiền trí nói xong bài kệ rồi đi chính là Ta vậy.
Tốt hơn là kẻ thù…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về người nữ tỳ của vị triệu phú Cấp Cô Ðộc. Theo truyền thuyết, ông Cấp Cô Ðộc có một người nữ tỳ tên là Rohinì. Người mẹ già của nó đi đến nhà giã gạo và nằm xuống. Những con ruồi bu quanh cắn bà như đâm với mũi kim. Bà kêu đứa con gái:
– Này con thân, các con ruồi cắn ta. Hãy đuổi chúng đi.
Ðứa con gái nói:
– Thưa mẹ, con sẽ đuổi.
Nó giơ cái chày lên, với ý định giết các con ruồi trên thân bà mẹ, nó nói:
– Con sẽ giết chúng.
Rồi nó lấy cái chày đập vào bà mẹ khiến bà chết tại chỗ.
Thấy vậy, nó khóc:
– Mẹ ôi!
Người ta báo cho vị triệu phú biết tin ấy. Sau khi bảo hoả táng bà mẹ, vị triệu phú đi đến tinh xá, báo cho bậc Ðạo Sư biết toàn thể câu chuyện. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Gia chủ, đây không phải lần đầu tiên với ý định giết các con ruồi trên thân bà mẹ mà nó đập với cái chày và giết bà mẹ. Thuở trước, nó cũng đã làm như vậy.
Sau khi nói như vậy, bậc Ðạo sư theo lời yêu cầu của ông Cấp Cô Ðộc, kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong gia đình người triệu phú, sau khi cha mất, lên thay địa vị của cha. Vị triệu phú có người nữ tỳ tên là Rohinì. Nữ tỳ ấy đi đến chỗ giã gạo, nghe người mẹ đang nằm bảo:
– Hãy đuỗi những con ruồi trên thân ta, này con thân.
Nó lấy cái chày đánh con ruồi và giết luôn bà mẹ rồi khóc. Bồ-tát nghe kể chuyện ấy, tự nghĩ: “Trên đời này, một kẻ thù có trí còn tốt hơn”.
Rồi để tán thán người có trí, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Tốt hơn là kẻ thù
Có trí tuệ thông minh,
Hơn kẻ thương hại mình,
Nhưng ngu si vô trí,
Hãy xem Rô-hi-ni,
Giết bà mẹ khốn khổ,
Rồi than khóc hoài công.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Gia chủ, đây không phải lần đầu tiên với ý định sẽ giết các con ruồi mà nó giết bà mẹ. Lúc trước, nó cũng đã làm như vậy.
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp lại hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, bà mẹ và người con gái là bà mẹ và con gái ngày nay, con vị đại triệu phú là Ta vậy.
Bậc thiện không làm hại…,
Câu chuyện này, tại một làng nhỏ ở Kosala, bậc Ðạo Sư đã kể về người làm hại vườn. Theo truyền thuyết, bậc Ðạo Sư đang bộ hành giữ dân chúng nước Kosala, đến một ngôi làng nhỏ. Tại đây, một người điền chủ thỉnh đức Như Lai, vào ngồi trong vườn của mình, cúng dường chúng Tăng với đức Phật là vị dẫn đầu, và thưa:
– Bạch Thế Tôn, chư vị có thể đi kinh hành ở trong vườn này tùy theo sở thích.
Các Tỷ-kheo đứng dậy, cùng với người giữ vườn đi dạo trong vườn, thấy một khoảng đất trống, liền hỏi người giữ vườn:
– Này nam cư sĩ, trong vườn này, các chỗ khác có cây cối rậm rạp, nhưng tại chỗ này không có cây, cũng không có bụi cây. Vì lý do gì vậy?
– Thưa các Tôn giả, khi vườn này được trồng cây, một đứa trẻ ở làng tưới cây tại chỗ này, nhổ rễ các cây non lên, rồi tùy theo lượng rễ cây mà tưới nước nhiều hay ít. Các cây non ấy bị héo và chết. Vì lý do ấy, chỗ này thành trống không.
Các Tỷ-kheo đi đến bậc Ðạo Sư, báo cáo câu chuyện. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, đứa trẻ ở làng không phải chỉ nay mới là kẻ làm hư vườn. Thuở trước, nó cũng là kẻ làm hư vườn.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, một ngày hội lễ được tổ chức ở Ba-la-nại. Bắt đầu từ khi nghe tiếng trống lễ hội, toàn thể dân chúng trong thành ào ra tham dự. Lúc bấy giờ, trong vườn nhà vua có nuôi rất nhiều khỉ. Người giữ vườn suy nghĩ: “Thành phố vui chơi lễ hội, ta sẽ bảo những con khỉ này tưới nước, còn ta sẽ đi chơi lễ hội”. Anh ta đến con khỉ đầu đàn và hỏi:
– Này bạn khỉ chúa, vườn này đã giúp đỡ các bạn nhiều. Các bạn ở đây ăn hoa, trái và đọt non. Thành phố hôm nay đang vui chơi lễ hội. Ta sẽ đi dự hội. Cho đến khi ta về các bạn có thể tưới nước giúp các cây non trong vườn này không?
– Lành thay, chúng tôi sẽ tưới.
– Vậy các bạn hãy cẩn thận.
Ðể chúng có thể tưới nước, người giữ vườn đưa cho chúng những bao da chứa nước và các thùng gỗ, rồi ra đi.
Các con khỉ cầm bao da chứa nước và các thùng gỗ, bắt đầu tưới nước cho các cây non. Con khỉ chúa nói với chúng:
– Này các bạn khỉ, hãy gìn giữ nước. Khi các bạn tưới nước trên các cây non, trước hết hãy kéo những cây ấy lên, xem rễ của chúng như thế nào. Những rễ nào đâm sâu thì tưới nhiều nước vào rễ. Rễ nào không đâm sâu, hãy tưới ít nước. Nếu tưới nhiều nước, chúng ta thật khó tìm thêm nước.
Chúng vâng theo và làm đúng như vậy. Lúc bấy giờ, một người hiền trí thấy các con khỉ ấy làm như vậy trong vườn của vua, liền hỏi:
– Này các bạn khỉ, sao các bạn lại kéo các cây non lên và tưới nước tùy theo lượng của rễ?
Chúng trả lời:
– Chúa khỉ đầu đàn của chúng tôi khuyên như vậy!
Nghe chúng nói, người hiền trí ấy suy nghĩ: “Ôi! Những kẻ ngu si vô trí, dầu muốn làm điều tốt, lại làm điều có hại!”
Rồi vị ấy đọc bài kệ này:
Bậc thiện không làm hại,
Làm lành đem đến lạc;
Người ngu hại điều lành,
Như khỉ giết hại trong vườn.
Người hiền trí ấy chỉ trích con khỉ đầu đàn như vậy rồi đem đoàn tùy tùng của mình ra đi.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, đứa trẻ ở làng không phải chỉ nay mới là kẻ làm hại vườn. Thuở trước nó cũng đã là kẻ làm hại vườn.
Sau khi bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này, Ngài kết hợp hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân:
– Khi ấy, con khỉ đầu đàn là đứa trẻ ở làng làm hại vườn. Con người hiền trí là Ta vậy!
Bậc thiện không làm hại…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một người phá hư rượu. Tương truyền bạn của ông Cấp Cô Ðộc là một người bán rượu. Kẻ ấy dự trữ một số rượu cay mạnh để bán cho quần chúng và họ trả bằng vàng và bạc. Quần chúng tụ họp đông đảo trong quán rượu. Kẻ ấy bảo người đệ tử học việc:
– Này con thân, hãy lấy tiền trước khi giao rượu.
Sau khi ra lệnh như vậy, kẻ ấy đi tắm. Người đệ tử bán rượu cho quần chúng. Khách uống bảo nó đem cho họ muối và đường cục để vừa ăn vừa uống rượu. Thấy vậy, nó liền nghĩ: “Rượu chắc thiếu muối. Ta sẽ bỏ muối vào rượu”.
Nó liền bỏ độ một cân muối vào hủ rượu rồi rót rượu cho họ. Khi họ vừa uống một ngụm đầy miệng, họ liền nhổ ra và hỏi:
– Anh đã làm gì vậy?
– Các anh uống rượu đòi tôi đem muối lại. Thấy vậy, tôi bỏ thêm muối vào.
– Này kẻ ngu kia, chú mày đã làm hư rượu ngon như vậy rồi.
Khách hàng chỉ trích người ấy, rồi lần lượt đứng dậy và bỏ đi. Người buôn rượu đi về, không thấy một người khách nào, liền hỏi những người uống rượu đã đi đâu rồi. Nó tường thuật lại sự việc. Người thầy của nó mắng nó:
– Này kẻ ngu kia, mày đã phá hư rượu rồi!
Và ông đi báo cáo với ông Cấp Cô Ðộc. Ông Cấp Cô Ðộc nghĩ: “Ðây là một câu chuyện hay nên nói”, liền đi đến Kỳ Viên đảnh lễ bậc Ðạo Sư, và thưa lại câu chuyện. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Gia chủ, không phải nay kẻ học việc ấy mới là người phá hư rượu. Thuở trước, nó cũng là người phá hư rượu rồi.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của ông Cấp Cô Ðộc, bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm người triệu phú ở Ba-la-nại. Nương tựa vào Bồ-tát là một người sống với nghề buôn rượu. Sau khi tích trữ một số rượu mạnh, kẻ ấy bảo người đệ tử tên là Kondanna bán rượu rồi đi tắm. Trong khi người buôn rượu đi khỏi, người đệ tử đổ muối vào rượu, và vì vậy, liền đã phá hư rượu. Thầy của nó về, biết được nguyên nhân, liền báo cho người triệu phú rõ. Người triệu phú nói:
– Người thiện không làm hại, còn người ngu, dầu muốn làm điều tốt, lại làm điều có hại.
Và đọc thêm bài kệ này:
Bậc thiện không làm hại,
Làm lành đem đến lạc,
Người ngu hại điều lành
Thật giống Kon-dan-na
Ðổ muối vào bình rượu.
Bồ-tát thuyết pháp với bài kệ này.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Gia chủ, không phải nay nó mới là người phá rượu. Thuở trước, nó cũng là người phá hư rượu.
Sau khi nói xong, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân như sau:
– Thuở ấy, kẻ làm hư rượu là kẻ làm hư rượu bây giờ còn vị triệu phú Ba-la-nại là Ta vậy
Dùng phương tiện không tốt…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo khó bảo. Bậc Ðạo Sư nói với Tỷ-kheo ấy:
– Này Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ông mới khó bảo. Thuở trước ông cũng đã khó bảo! Do lời nói của ông, do không làm theo lời các bậc hiền trí, ông bị gươm chém đứt đôi và bị quăng trên đường. Chính do nhân duyên độc nhất ấy, khiến một ngàn người mạng chung.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, trong một ngôi làng nhỏ, có một Ba-la-môn biết được bùa chú tên là Vedabbha. Bấy giờ người ta nói, bùa chú ấy có giá trị rất lớn. Khi có sự giao hội các hành tinh, nếu ai đọc chú ấy và nhìn lên trời, thì từ trời mưa xuống bảy vật báu (vàng, bạc, san hô, hổ phách, ngọc đỏ và kim cương).
Lúc bấy giờ, Bồ-tát đi học nghề với Bà-la-môn ấy. Một hôm, vị Bà-la-môn đem Bồ-tát đi theo, vì một vài công việc đi ra khỏi làng của mình và đến nước Ceti. Giữa đường, tại một khu rừng, có năm trăm kẻ cướp, được gọi là kẻ cướp Sứ giả, chúng làm cho con đường không thể đi được, chúng bắt Bồ-tát và Bà-la-môn Vedabbha.
Vì sao chúng được gọi là những kẻ cướp sứ giả? Người ta nói, khi chúng bắt được hai người, chúng cử một người đi lấy tiền chuộc, do vậy, chúng được gọi là những kẻ cướp sứ giả. Nếu chúng bắt được hai cha con, chúng cử người cha đi, đem tiền chuộc cho chúng để dắt người con về.
Với phương tiện này, nếu chúng bắt được mẹ và con gái, chúng cử người mẹ đi, chúng bắt được hai anh em cả và út, chúng cử người anh cả đi; nếu chúng bắt được thầy và trò, chúng cử người học trò đi. Lúc ấy, chúng giữ lại Bà-la-môn Vedabbha và cử Bồ-tát đi. Bồ-tát đảnh lễ thầy và nói:
– Con sẽ về trong một hai ngày. Thầy chớ sợ hãi. Nhưng thầy hãy làm theo lời con. Hôm nay sẽ có giao hội các hành tinh để mưa châu báu xuống, chớ vì chịu khổ cực không nổi mà đọc thần chú và làm mưa châu báu xuống. Nếu mưa xuống, thầy sẽ bị diệt vong, cả năm trăm tên cướp này cũng vậy.
Sau khi khuyên thầy như vậy, Bồ-tát đi lấy tiền chuộc. Khi mặt trời lặn, các tên cướp trói vị Bà-là-môn lại bắt nằm xuống. Ðúng thời khắc ấy, mặt trăng tròn ngày rằm từ chân trời phương đông mọc lên. Vị Bà-la-môn nhìn các vì sao, biết sự giao hội các hành tinh để mưa châu báu đã thành hình. Vị ấy tự nghĩ: “Sao ta lại chịu khổ như thế này, ta hãy đọc thần chú, làm mưa châu báu xuống, cho các tên cướp tài sản và sẽ sung sướng ra đi”. Vì vậy vị Bà-la-môn nói với các tên cướp:
– Này các bạn, vì mục đích gì các bạn bắt tôi?
– Vì mục đích tài sản.
– Nếu các bạn muốn có tài sản, lập tức hãy cởi trói cho tôi, rửa đầu cho tôi mang áo mới thoa hương thơm và trang điểm bông hoa. Rồi để tôi ở một mình.
Các tên cướp nghe nói, liền làm theo như vậy. Vị Bà-la-môn biết được sự giao hội các hành tinh, đọc thần chú và mắt nhìn lên trời. Từ trên trời, các châu báu rơi xuống. Các tên cướp thâu lượm tài sản ấy, gói lại thành từng bọc với áo khoác ngoài, rồi ra đi cả đoàn. Vị Bà-la-môn theo chúng đi sau cùng. Các tên cướp ấy bị năm trăm tên cướp khác bắt. Chúng hỏi bọn kia:
– Các anh bắt chúng tôi vì mục đích gì?
– Vì mục đích tài sản.
– Nếu các anh muốn tài sản, hãy bắt Bà-la-môn này. Nó nhìn lên trời, làm mưa tài sản rơi xuống. Chính nó cho chúng tôi tài sản này.
Các tên cướp sau thả các tên cướp trước, rồi bắt vị Bà-la-môn và nói:
– Hãy cho chúng tôi tài sản như vậy.
Bà-la-môn nói:
– Tôi không thể cho các anh tài sản. Từ nay cho đến một năm, sự giao hội các hành tinh để mưa tài sản mới thành hình. Nếu các anh muốn có tài sản, hãy chờ đợi. Khi ấy, tôi sẽ làm mưa tài sản xuống.
Các tên cướp tức giận nói:
– Ðồ xảo quyệt Bà-la-môn, ngươi làm mưa tài sản ngay cho bọn kia, lại bắt chúng ta đợi một năm nữa.
Chúng nó lấy gươm sắc bén chém vị Bà-la-môn làm hai, vất bỏ trên đường. Rồi chúng đuổi theo gấp, giao chiến với bọn cướp kia, giết chết bọn chúng, và lấy tài sản. Rồi chúng chia thành hai nhóm, giao chiến lẫn nhau cho đến khi giết hai trăm năm mươi tên. Với cách thức ấy, chúng chém giết lẫn nhau cho đến khi chỉ còn lại hai tên. Như vậy cả ngàn người ấy đi đến diệt vong.
Hai tên còn lại mang tài sản ấy chôn giấu tại một khu rừng gần làng, một tên cầm gươm ngồi giữ, một tên lấy gạo đi vào làng để nấu cơm. Tên ngồi gần tài sản suy nghĩ: “lòng tham là cội gốc của diệt vong. Nếu tên kia về, tài sản sẽ phải chia làm hai. Khi tên kia vừa về, ta sẽ lấy gươm chém giết nó.” Nghĩ vậy, nó rút gươm ra, ngồi chờ tên kia về. Tên kia cũng suy nghĩ: “Tài sản kia phải được chia làm hai. Ta hãy bỏ thuốc độc vào cơm cho tên kia ăn, khiến nó mạng chung, như vậy, chỉ một mình ta được tài sản”.
Khi cơm nấu chín, nó ăn phần của nó, rồi bỏ thuốc độc phần còn lại, đem theo đi đến chỗ ấy. Khi nó đặt cơm ấy xuống, vừa đứng dậy, tên kia lấy kiếm chém nó đứt đôi, ném xác nó vào chỗ kín. Rồi nó ăn phần cơm ấy và chết ngay tại chỗ. Như vậy, vì tài sản toàn thể bị diệt vong.
Sau hai ba ngày, Bồ-tát mang tiền chuộc đi đến chỗ ấy, không thấy thầy mình, thấy tài sản rơi vãi, tự nghĩ: “Thầy ta không làm theo lời ta, làm mưa tài sản xuống, khiến tất cả phải chịu nạn diệt vong”.
Rồi Bồ-tát theo con đường lớn đi tới. Trong khi đang đi, thấy thầy mình bị chặt đứt làm hai ở trên đường lơùn, lại nghĩ: “Vì không theo lời ta, nên thầy đã bị giết”. Bồ-tát chất củi, làm một giàn thiêu đốt xác thầy, và cúng dường với hoa trong rừng. Ði nữa, Bồ-tát gặp năm trăm người mạng chung, tiếp tục đi tới nữa, thấy hai trăm năm mươi người, tiếp tục đến chỗ các người mạng chung, chỉ thiếu có hai. Thấy vậy, Bồ-tát suy nghĩ: “Một ngàn người, trừ hai người, đi đến diệt vong. Thế nào cũng còn lại hai tên cướp nữa. Chúng không thể không đánh nhau, không biết chúng đã đi đâu?”
Tiếp tục đi nữa, Bồ-tát thấy con đường mà hai người mang tài sản đi vào trong khu rừng; đi nữa, Bồ-tát thấy đống tài sản được gói thành từng bọc và một tên cướp nằm chết với bát cơm bị rơi vãi. Ðây là việc làm của chúng! Bồ-tát biết tất cả, tự hỏi: “Người kia ở đâu?” Tìm thấy nó bị quăng xác tại chỗ đầu kia, Bồ-tát suy nghĩ: “Thầy chúng ta không làm theo lời ta, do tánh khó bảo của thầy, tự mình đã bị diệt vong, còn làm cho một ngàn người khác cũng vì mình bị diệt vong. Ai dùng phương tiện không chánh đáng, vì lý do sai lạc, đem lại sự giàu sang cho chính mình rồi cũng bị diệt vong như thầy chúng ta vậy”.
Suy nghĩ vậy, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Dùng phương tiện không tốt,
Mong lợi sẽ bị hại,
Cướp giết Ve-dab-bha,
Tất cả bị diệt vong.
Rồi Bồ-tát nói thêm:
– Như thầy ta, do ý nghĩ không tốt đẹp, do cố gắng sai chỗ, làm mưa tài sản xuống, tự mình bị mạng chung, còn làm cho những người khác cũng bị diệt vong. Cũng vậy, với ai ý nghĩ không chánh đáng, nỗ lực cố gắng muốn lợi cho mình, tự mình diệt vong hoàn toàn, lại còn làm cho những người khác cũng bị diệt vong nữa.
Bồ-tát làm vang động cả khu rừng vì tiếng nói của mình khiến chư Thần cây đáp ứng tán đồng. Với bài kệ này, Bồ-tát thuyết pháp. Sau đó ngài dùng phương tiện đem tài sản ấy về nhà, làm các công đức như bố thí và nhiều thiện sự khác v.v… rồi sống cho đến hềt tuổi thọ. Khi mạng chung, Bồ-tát đi lên con đường thiên giới.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ông là người khó bảo. Thuở trước ông cũng đã là người khó bảo. Vì khó bảo, ông đi đến diệt vong hoàn toàn.
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Vedabbha là Tỷ-kheo khó bảo, còn người đệ tử là Ta vậy.
Chờ đợi các vì sao…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc đạo Sư đã kể về một tà mạng ngoại đạo. Theo truyền thuyết, một thiện nam nữ ở thôn quê hỏi cưới cho con trai mình cô con gái một gia đình ở Xá vệ, và hẹn ngày cưới. Khi đến ngày ấy, ông hỏi một kẻ tà mạng ngoại đạo thân tín với gia đình:
– Thưa Tôn giả, hôm nay chúng tôi sẽ làm một lễ phù hợp ngày lành, vậy các vì sao có tốt không?
Vị này tức giận suy nghĩ: “Người này không hỏi ta trước, đã quyết định ngày, nay mới hỏi ta. Ta hãy cho nó một bài học”. Vị ấy nói:
– Hôm nay, các vì sao không tốt. Chớ nên làm lễ hôm nay. Nếu làm lễ, sẽ có nạn diệt vong lớn.
Các người trong gia đình ở thôn quê tin vị ấy, và không đi rước dâu trong ngày ấy. Trong khi ấy, những người thuộc gia đình nhà gái ở thành thị đã sửa soạn tất cả để làm lễ cưới. Thấy các người kia không đến, họ nói:
– Chính họ quyết định ngày hôm nay, và họ không đến, chúng ta đã phí tổn rất nhiều. Họ là hạng người gì? Chúng ta sẽ gả con gái chúng ta cho một người khác.
Rồi họ gả con gái cho một người khác và làm lễ cưới như đã sửa sọan. Vào ngày sau, đám người thôn quê đi đến và xin rước dâu. Những người ở thành Xá vệ nói:
– Các ông gia chủ sống ở thôn quê là những người độc ác. Chính các ông đã quyết định ngày, lại khinh thường chúng tôi không đến. Các ông hãy về lại theo con đường các ông đã đến. Chúng tôi đã gả con gái cho người khác rồi.
Họ mắng những người kia như vậy. Những người kia cũng mắng lại, rồi cuối cùng đi về theo con đường họ đã đến.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo biết được toàn bộ câu chuyện ấy và thầm trách kẻ tà mạng ngoại đạo ấy đã làm trở ngại lễ ngày lành của những người kia. Các Tỷ-kheo ngồi hội họp trong Pháp đường nói:
– Này các hiền giả, kẻ tà mạng ngoại đạo kia đã làm trở ngại ngày lành của gia đình ấy.
Bậc Ðạo Sư đi đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo hôm nay, ở đây các ông ngồi hội họp bàn chuyện gì?
Khi được biết câu chuyện ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay kẻ tà mạng ngoại đạo ấy mới làm trở ngại ngày lành của gia đình kia. Thuở trước, kẻ ấy tức giận họ và cũng làm trở ngại ngày lành.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, những người dân ở thành phố xin cưới cô con gái ở thôn quê, đã định ngày cưới và hỏi một kẻ tà mạng ngoại đạo, bạn của gia đình:
– Thưa Tôn giả, hôm nay chúng tôi định làm lễ ngày lành. Vậy các vì sao có tốt đẹp không?
Người tà mạng ngoại đạo tức giận suy nghĩ: “Những người này đã quyết định ngày theo sở thích của mình, nay mới hỏi ta. Vậy ta sẽ làm trở ngại ngày lành của họ”. Kẻ ấy nói:
– Hôm nay các vì sao không tốt. Nếu các ông làm lễ, các ông sẽ gặp nạn diệt vong lớn.
Họ tin kẻ ấy, nên không đi đến. Những người ở thôn quê biết được họ không đến liền nói với nhau:
– Nay họ đã định ngày, nhưng lại không đến. Họ là hạng người gì đối với chúng ta?
Và họ gả con gái cho người khác. Những người ở thành phố đến vào ngày sau và xin đón con dâu. Những người ở thôn quê nói:
– Các ông, những người ở thành phố, là những gia chủ không có liêm sỉ. Chính các ông đã định ngày, nhưng không đón con dâu. Vì các ông không đến, chúng tôi đem gả con cho người khác rồi.
– Chúng tôi hỏi một vị đạo sĩ, biết được các vì sao không tốt, nên chúng tôi không đến. Hãy cho chúng tôi rước dâu.
– Vì các ông không đến, chúng tôi đã gả nó cho người khác rồi! Nay làm sao lại có thể dắt nó về được?
Trong khi họ đang cãi nhau như vậy, một người hiền trí ở thành phố đi đến thôn quê vì một công việc gì đó, nghe kể lại câu chuyện ấy, liền nói:
– Có nghĩa lý gì là các vì sao? Ðược người con gái đâu có phải nhờ các vì sao?
Rồi người hiền trí đọc bài kệ này:
Chờ đợi các vì sao
Kẻ ngu hỏng điều lành,
Ðiều lành chiếu điều lành,
Sao trời làm được gì?
Các người ở thành phố cãi lộn xong, không rước dâu được, đành ra về.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay kẻ tà mạng ngoại đạo này mới làm trở ngại ngày lành của gia đình ấy, thuở trước cũng đã làm rồi.
Sau khi kể pháp thoại, bậc Ðạo Sư kết hợp hai mẩu chuyện và nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, kẻ tà mạng ngoại đạo là kẻ tà mạng ngoại đạo hôm nay, các gia đình ấy là một. Nguời hiền trí nói kệ là Ta vậy.
Với ngàn kẻ vô trí…
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về các hành vi đem lại lợi ích cho đời. Câu chuyện này được kể ở Chương mười hai, Tiền thân Mahakanha số 469.
*
Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại. Bồ-tát nhập thai vị hoàng hậu của vua ấy. Từ bào thai sanh ra, trong ngày đặt tên, Bồ-tát được gọi là hoàng tử Brahmadatta (Phạm thọ). Khi đến mười sáu tuổi, ngài được khéo giáo dục ở Takkasila, đã học thành thục ba tập Vệ đà, và đã hiểu biết thông suốt mười tám ngành học thuật. Vua cha phong cho hoàng tử chức Phó Vương.
Lúc bấy giờ, các người dân ở Ba-la-nại thường hành lễ ngày lành cúng chư thần, họ đảnh lễ chư thần. Họ giết hại nhiều dê, cừu, gà… và không chỉ làm lễ vật cúng dường với nhiều loại hương hoa, mà cả với thịt tươi đầy máu nữa. Bồ-tát suy nghĩ: “Nay quần chúng thường hành lễ ngày lành cúng chư thần và giết hại nhiều sinh vật. Phần lớn quần chúng theo phi pháp. Sau khi cha mất, ta sẽ được cả quốc độ, ta sẽ tìm một phương tiện không làm phiền não một ai, và chấm dứt sự giết hại các sinh vật”.
Một hôm, Bồ-tát lên xe, từ thành đi ra, thấy một số quần chúng lớn tụ họp tại một cây thần lớn, cầu xin vị thần cây ban cho con trai, con gái, danh vọng, tài sản… muốn gì thì phát nguyện như vậy. Bồ-tát xuống xe, đi đến cây ấy, cúng dường với hương hoa, rưới cây với nước, đi quanh cây ấy về hướng phải, thành kính lễ bái thần cây. Sau đó Bồ-tát leo lên xe, rồi đi vào thành.
Từ đấy trở đi, với phương tiện này, Bồ-tát thỉnh thoảng đi đến cây ấy, đảnh lễ như người tôn thờ thần cây. Sau một thời gian phụ vương qua đời, Bồ-tát được đặt lên ngôi vua. Ngài từ bỏ Bốn con đường ác, thực hành Mười đức tính của một vị vua, và trị vì quốc độ đúng pháp. Ngài suy nghĩ: “Nay ý ta đã đạt được ý định cao tột, và được đặt lên ngôi vua. Trước kia, sở nguyện của ta như thế nào, nay ta phải thực hành cho kỳ được”.
Bồ-tát hội họp các đại thần, các Bà-la-môn, qúy tộc, gia chủ và nói:
– Các khanh có biết ý muốn của ta trước khi ta đạt được vương vị chăng?
– Thưa thiên tử, chúng thần không biết.
– Các khanh có thấy trước đây ta đảnh lễ thần cây ấy với hương hoa và chấp tay cúi lạy cây ấy hay không?
– Thưa thiên tử, có.
– Lúc ấy, ta phát nguyện: “Nếu ta được làm vua, ta sẽ hiến vật cúng cho thần cây ấy. Ta nhờ uy lực thần cây ấy, nên đã được quốc độ. Nay ta sẽ hiến cúng cho thần cây, các khanh chớ làm trở ngại. Hãy mau sửa soạn hiến vật cúng thần.
– Chúng thần lấy gì cúng dường thần cây?
– Này các khanh, ta có nguyện với thần ấy như sau: Tất cả những ai trong quốc độ của tôi chấp nhận và thực hành năm ác giới như sát sanh… và mười hạnh bất thiện, tôi sẽ giết những người ấy, và với nội tạng, thịt và máu của chúng, tôi sẽ hiến vật cúng thần! Lời nguyện của ta là vậy. Các khanh hãy đánh trống bá cáo như sau: Ðại vương của chúng ta, khi còn làm phó vương, có phát nguyện: “Nếu ta đạt được quốc độ, những ai là kẻ theo ác giới trong nước ta, ta sẽ giết tất cả chúng làm vật hiến cúng thần! Vậy nay ta sẵn sàng bảo giết một ngàn người nào chấp nhận và thực hành năm ác giới và mười ác hạnh, cho lấy tim và thịt của chúng để làm vật hiến cúng thần. Như vậy, nay ta tuyên bố cho các thị dân được biết.”
Vua lại tuyên bố như sau:
– Chỉ những ai, bắt đầu từ hôm nay, còn phạm các giới ác hạnh, một ngàn người như vậy sẽ bị giết để làm lễ tế đàn và ta sẽ giải tỏa hạnh nguyện của ta.
Ðể ý nghĩa này được rõ ràng, Bồ-tát đọc bài kệ:
Với ngàn kẻ vô trí,
Ta nguyện giết tế lễ,
Nay ta sẽ làm lễ,
Giết những kẻ phi pháp.
Các bậc đại thần vâng theo lời Bồ-tát, cho đánh trống bá cáo trong thành Ba-la-nại, khắp cả mười hai dặm. Khi nghe lời bá cáo, không có đến một người dám đứng lên làm ác giới ác hạnh.
Suốt thời gian Bồ-tát trị vì quốc độ như vậy, không một ai phạm pháp. Bồ tát không làm phiền não một ai, khiến toàn thể nhân dân trong nước gìn giữ giới luật, tự mình làm các công đức như bố thí… cho đến khi mạng chung, ngài mang theo hội chúng của mình đi đến và tràn ngập cả thành phố chư Thiên.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Như Lai sống đem lại lợi ích cho đời, thuở trước Như Lai cũng đã làm như vậy.
Sau khi thuyết pháp thoại này xong, và kết hợp hai câu chuyện, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, quần thần là hội chúng đức Phật và vua Ba-la-nại là Ta vậy.
PHẨM ÀSIMSA
Người luôn luôn hy vọng…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. Bậc Ðạo Sư hỏi Tỷ-kheo ấy:
– Có thật chăng, này Tỷ-kheo ông thối thất tinh tấn?
– Bạch Thế Tôn, thật vậy.
– Này Tỷ-kheo, vì sao ở trong Giáo pháp đưa đến giải thoát như vậy, ông lại thối thất tinh tấn? Thuở trước, các bậc hiền trí sau khi mất quốc độ, vẫn kiên trì tinh tấn, cuối cùng lấy lại danh tiếng đã mất.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì quốc độ ở xứ Ba-la-nại, Bồ-tát đầu thai làm con bà hoàng hậu. Trong ngày đặt tên, ngài được gọi là hoàng tử Silava (Giới Ðức). Khi đến mười sáu tuổi, ngài thành thục trong tất cả các tài nghệ. Sau một thời gian, khi vua cha mệnh chung, ngài được đặt lên vương vị với danh hiệu vua Ðại giới hạnh.
Vị vua đúng pháp trị vì theo pháp. Tại bốn cửa thành, vua xây dựng bốn trường bố thí, lại xây dựng thêm giữa thành phố một cái, tại cửa cung điện ngài một cái. Sáu trường bố thí được xây dựng bố thí cho những kẻ nghèo khổ lữ hành. Vua trì giới, gìn giữ ngày trai giới (Bồ-tát), đầy đủ lòng nhẫn nại, nhân ái và từ mẫn. Vị ấy trị vì quốc độ đúng pháp và muốn tất cả chúng sanh được hạnh phúc như muốn đứa con yêu quý ngồi trên bắp vế mình được hạnh phúc.
Một đại thần của vua làm tà hạnh trong nội cung, và sau một thời gian bị phát lộ, các đại thần tâu với vua. Vua điều tra, tự mình rõ biết sự việc, cho gọi đại thần ấy đến, tẩn xuất kẻ ấy ra khỏi nước và nói:
– Này kẻ ngu si kia, việc người làm không thích đáng, ngươi không xứng đáng sống trong quốc độ của ta. Hãy đem tài sản, vợ con và đi chỗ khác!
Kẻ ấy đi khỏi nước Kàsi, đến làm việc với vua Kosala, dần dần trở thành người cố vấn tín cẩn thân cận của vua. Một hôm, kẻ ấy tâu với vua Kosala:
– Thưa Thiên tử, nước Kàsi như bánh mật ong không có ruồi bu. Vua rất nhu nhược, chỉ với một ít đội quân là có thể chiếm lấy thành Kàsi.
Nghe kẻ ấy nói vậy, vua liền suy nghĩ: “Nước Ba-la-nại to lớn. Nó lại nói với một ít đội quân là có thể chiếm lấy thành ấy. Rất có thể nó là tên cướp được thuê mướn”. Vua nói:
– Ta nghĩ khanh là tên cướp được thuê mướn.
Thưa Thiên tử, hạ thần không phải là tên cướp được thuê mướn! Thần chỉ nói sự thật. Nếu bệ hạ không tin thần, hãy cử người đến tàn phá một làng biên địa, rồi bệ hạ sẽ thấy, khi những người đi tàn phá bị bắt, và được dẫn đến trước vua nước Kàsi, vua ấy sẽ cho tài sản và thả họ về.
Vua Kosala nghĩ: “Người này thật rất bạo dạn, khi đã nói như vậy, ta sẽ điều tra xem sao”. Rồi vua cử một số người của vua, đi tàn hại một làng ở biên địa Ba-la-nại. Họ bị bắt và dẫn đến trước mặt vua Kàsi. Vua hỏi:
– Này các bạn thân, sao lại tàn hại dân làng ta?
– Thưa Thiên tử, vì chúng tôi không thể kiếm sống được.
– Vậy sao các người không đến ta? Từ nay trở đi, chớ làm như vậy nữa.
Vua cho họ tiền của và thả họ về. Họ báo cáo lại sự tình lên vua Kosala. Với kinh nghiệm này, vua chưa dám cử quân đi, bèn sai người tới tàn hại miền giữa quốc độ. Những kẻ trộm ấy được vua Kàsi cho tiền của như trước rồi thả về. Vua Kosala với kinh nghiệm này nữa, cũng chưa dám cử quân đi, lại sai người tới cướp phá ngay trong đường phố. Vua Kàsi cho các tên cướp ấy tiền của rồi cũng thả chúng về. Lúc bấy giờ, vua Kosala mới biết vua Kàsi là vị vua trị vì hết sức nhân từ, liền quyết định cử đội quân đi chiếm lấy nước Ba-la-nại.
Lúc bấy giờ, vua Ba-la-nại có một ngàn đại chiến sĩ, những bậc anh hùng siêu việt, vô úy, những vị này có thể đối mặt không thối chạy bởi sự tấn công của một con voi điên loạn, không sợ hãi khi bị sét đánh trên đầu, một đội quân vô địch có thể chiếm toàn cõi Diêm-phù-đề theo ý muốn của đại vương Silava. Họ nghe tin vua Kosala đến liền đến báo cáo vua Kàsi:
– Thưa Thiên tử, vua Kosala đến với ý định chiếm lấy nước Ba-la-nại. Chúng tôi sẽ đi đánh và bắt vua ấy, không cho vua ấy bước qua biên giới.
– Này các khanh, chớ vì ta mà làm các người khác phiền não. Những ai muốn quốc độ, hãy để họ lấy quốc độ ta. Các khanh chớ đi!
Vua ngăn chận các chiến sĩ ấy chống trả quân xâm lược. Sau đó vua Kosala vượt qua biên giới và xâm nhập miền giữa quốc độ. Các đại thần đến báo cáo với vua như lần trước. Vua lại ngăn chận như lần trước. Bấy giờ vua Kosala đến, đứng ngoài thành và đưa tin cho đại vương Silava giao quốc độ hay giao chiến. Vua Kàsi đưa tin traû lời là vua không giao chiến.
– Hãy tới mà lấy quốc độ.
Lần thứ bảy, các đại thần lại đến tâu vua:
– Thưa Thiên tử, chúng thần không để cho vua Kosala vào thành. Chúng thần sẽ đánh vua ấy ở ngoài thành và bắt vua ấy.
Nhưng vua Kàsi vẫn ngăn chận như lần trước, cho mở các cửa thành, rồi ngồi trên vương tọa lộng lẫy với một ngàn đại thần vây quanh. Vua Kosala cùng với đội quân lớn vào thành Ba-la-nại. Không thấy một ai chống cự, vua đi đến cung điện của vua Kàsi, với các cửa mở toang. Vua Kosala liền ra lệnh bắt vua Mahasilava đang ngồi im lặng trên ngai vàng cùng với ngàn đại thần vây quanh.
– Hãy trói vua này với các đại thần, trói thật chặt cánh tay chúng ra sau lưng, dắt chúng đến bãi tha ma, đào những hố sâu đến cổ, khiến mọi người không thể giơ tay, rồi đổ đất xuống đất và chôn sống chúng. Ban đêm, các con chó rừng sẽ đến và sẽ làm những gì cần phải làm đối với chúng!
Các người tùy tùng theo lệnh vua cướp nước, trói vua Kàsi với các đại thần, trói thật chặt cánh tay ra sau lưng, rồi dắt họ đi. Lúc bấy giờ, đại vương Silava không có tư tưởng sân hận gì với vua cướp nước. Trong khi các đại thần ấy bị trói như vậy và dắt đi, không một ai có thể trái lời vua Kàsi, hội chúng vua Kàsi được khéo huấn luyện về kỷ luật như vậy.
Rồi những người lính của vua cướp nước dắt vua Silava và các đại thần đi đến bãi tha ma, đào những hố sâu ngang cổ, chôn tất cả xuống cái hố, đại vương Silava bị chôn ở giữa, hai bên chôn các đại thần, rải đất lên, lấy chày nện xuống rồi bỏ đi. Vua Silava không phẫn nộ đối với vua cướp nước và khuyên các đại thần:
– Này các khanh, hãy tụ tập hạnh từ bi!
Nửa đêm, các con chó rừng đến, định ăn thịt người. Thấy chúng, vua và các đại thần đồng thanh la to lên, các con chó rừng sợ hãi chạy trốn. Khi chúng quay trở lại nhìn, biết không có ai đuổi theo, chúng liền trở lui. Các người ấy lại la lớn hơn trước. Như vậy, chúng chạy trốn đến lần thứ ba, rồi lại nhìn lui, biết không có ai đuổi theo, chúng nghĩ: “Các người này rồi cũng chết”, nên mạnh dạn trở lui, và khi nghe la lớn, chúng không chạy trốn nữa. Con chó rừng đầu đàn đến gần vua Silava, các con còn lại đến gần những người kia. Vốn thiện xảo về phương tiện, biết được con vật đến gần mình, vua Kàsi liền vươn cổ lên như để cho con vật cắn, rồi với xương hàm kéo giật cổ con chó rừng, vua cắn thật chặt như kẹp với gọng kềm. Con chó rừng bị cắn chặt cổ, bị kẹp bởi xương hàm của vị vua có sức mạnh như voi, không thể nào tự mình thoát được, và kinh hãi vì sợ chết, nó bèn hú lên lớn tiếng.
Nghe tiếng kêu cầu cứu, nghĩ rằng con chó rừng chúa ấy đã bị một người bắt, các con kia không đi đến gần các đại thần, và kinh hãi vì sợ chết, tất cả đều bỏ chạy. Bị cắn chặt bởi xương hàm của vua Kàsi, con chó rừng bị bắt hốt hoảng chạy qua chạy lại, làm cho đất mềm rơi ra và vì sợ chết, với cả bốn chân nó cào đất trên chỗ vua kàsi. Vua biết được đất đã mềm rơi ra, liền thả con chó rừng. Với sức mạnh như voi, vua di chuyển qua lại, giơ lên được hai tay, rồi vịn lên bờ thành miệng hố, vua thoát khỏi miệng hố như mây bị xé tan trước gió, và đứng dậy. Rồi an ủi, động viên các đại thần, vua bới đất lên, kéo tất cả mọi người ra khỏi hố. Với các đại thần vây quanh, vua đứng trong bãi tha ma.
Lúc bấy giờ, người ta quăng một xác chết trong bãi tha ma, đúng ở biên giới địa phận của hai con Dạ-xoa. Hai con Dạ-xoa không thể chia phần người chết ấy, chúng nói:
– Chúng ta không thể chia phần xác chết này. Vua Silava là vị sống đúng pháp, vị ấy sẽ chia phần cho chúng ta. Chúng ta hãy đi đến vị ấy.
Chúng cầm chân xác chết, kéo đi đến vua và thưa:
– Thưa Thiên tử, hãy chia người này cho chúng tôi.
– Này các vị Dạ-xoa, ta sẽ chia phần xác chết này cho các vị. Nhưng vì chúng tôi không sạch, hãy tắm cho chúng tôi đã.
Các Dạ-xoa, với uy lực của mình, đem lại nước thơm dành cho vua cướp nước để vua Kàsi tắm; sau khi tắm xong, chúng thâu lại áo của vua Kàdi, đem áo dành cho vua cướp nước đến mặc áo cho vua, rồi chúng đem cho vua một hộp đựng bốn loại nước hoa. Khi vua đã xức nước hoa, chúng lại cho vua những bông hoa đủ loại đính trên quạt bằng ngọc trong một hộp bằng vàng, và trang sức cho vua.
Rồi khi vua đang đứng, chúng hỏi vua có cần gì chúng nữa không. Vua ra dấu cho chúng hiểu là vua đói. Các Dạ-xoa liền đi lấy cho vua các món ăn thượng vị đã sửa soạn sẵn cho vua cướp nước. Và sau khi tắm và xức nước hoa, mặc áo và trang điểm, vua Kàsi ăn các món ăn thượng vị. Các Dạ-xoa đem lại nước thơm dành cho vua cướp nước, với bình bát bằng vàng và chén vàng để vua uống nước, súc miệng. Và trong khi vua rửa tay, các Dạ-xoa đem đến trầu gia vị với năm loại hương, được têm sẵn cho vua ăn cướp dùng. Ăn trầu xong, khi vua đang đứng, các Dạ-xoa hỏi vua có cần chúng làm việc gì khác nữa. Vua bảo:
– Ðem các gươm báu đặt trên gối vua cướp nước về cho ta.
Và chúng đi lấy đem về. Rồi vua cầm gươm, đưa thẳng trên xác chết, chặt xuống giữa đỉnh đầu, chia thành hai phần bằng nhau cho hai con Dạ-xoa. Sau khi chia xong, vua rửa gươm, đeo vào và đứng thẳng. Các Dạ-xoa ăn uống no nê, tâm tư thỏa mãn, hỏi vua có sai bảo chúng làm việc gì nữa không. Vua bảo các Dạ-xoa ấy, dùng uy lực của mình đưa vua vào vương phòng của vua cướp nước và đưa các đại thần về nhà. Chúng chấp thuận, làm theo lời vua.
Lúc bấy giờ, vua cướp nước đang nằm ngủ trên long sàng trong vương phòng được trang hoàng. Vua Kàsi dùng mặt bằng cây gươm đánh trên bụng vua cướp nước đang ngủ say. Vua ấy hoảng hốt thức dậy, với ánh sáng ngọn đèn, nhận biết là đại vương Silava, liền từ trên giường đứng dậy, lấy hết can đảm, nói với vua Kàsi:
– Thưa Ðại vương, đêm tối như vầy, có phòng hộ canh gác, các cửa đều đóng, trong cung điện không chỗ nào là không có người canh gác, làm thế nào làm ngài lại đến được bên giường này, đeo gươm, trang sức, mặc hoàng bào sẵn sàng?
Vua Kàsi kể tất cả câu chuyện với các chi tiết về các sự kiện đưa vua đến đây. Nghe xong, vua cướp nước xúc động mạnh, và thưa:
– Thưa Ðại vương, tôi tuy là con người mà không biết công đức của ngài. Nhưng các công đức của ngài lại được các Dạ-xoa hung bạo, độc ác, uống máu, ăn thịt người kia biết rõ ràng. Ôi bậc nhân chủ, nay tôi sẽ không còn bày mưu phản bội một bậc giới đức như ngài nữa!
Rồi vua Kosala cầm gươm thề nguyền thân hữu, xin lỗi vua Kàsi, và để vua Kàsi nằm ngủ trên long sàng, còn mình nằm ngủ trên chiếc giường nhỏ.
Khi đêm tàn, mặt trời đã mọc, vua truyền đánh trống mời tất cả quân lính, đại thần, Bà-la-môn, gia chủ hội họp lại. Ðứng trước mặt quần thần như đưa mặt trăng rằm lên trên trời cao, vua Kosala tán thán công đức của vua Silava giữa cả hội chúng, xin lỗi vua Silava, lần nữa trả lại quốc độ cho vua ấy, và thưa:
– Từ nay trở đi, nếu có nạn trộm cướp khởi lên cho ngài, tôi xin chịu trách nhiệm. Ngài hãy trị vì quốc độ, còn tôi canh gác hộ trì.
Nói xong, vua Kosala trị tội kẻ đã vu cáo, và mang quân đội đi về nước của mình. Còn vua Mahàsilava trang sức, mặc áo uy nghi, dưới cái lọng trắng, ngồi trên long sàng bằng vàng có chân như con nai, nhìn ngắm thành quả của mình và suy nghĩ: “Thành quả này và sự cứu sống sinh mạng của một ngàn đại thần, nếu ta không tinh tấn, thì không có được chút gì. Chính do sức mạnh tinh tấn, ta không bị hoại diệt, và phục hồi được danh tiếng đã mất. Ta đã cứu sinh mạng của một ngàn đại thần. Thật sự để chí hướng không bị hủy hoại, cần phải hết sức tinh tấn. Với người luôn luôn tinh tấn, quả vị sẽ được thành tựu viên mãn.
Sau khi suy nghĩ như vậy, vua Kàsi đọc bài kệ này như lời cảm hứng:
Người luôn luôn hy vọng,
Bậc trí không chán nản,
Ta thấy khổ vượt qua,
Ta muốn gì được vậy!
Bồ-tát nói:
– Ôi, với những ai đầy đủ giới đức, quả tinh tấn sẽ được thành tựu.
Với bài kệ này, Bồ-tát nói lên lời cảm hứng, trọn đời làm các công đức rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này bậc Ðạo sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỳ-kheo thối thất tinh tấn chứng quả A-la-hán. Sau khi kết hợp câu chuyện, bậc Ðạo sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, vị đại thần phản bội là Ðề-bà-đạt-đa, một ngàn đại thần là hội chúng đức Phật và Ðại vương Silava là Ta vậy.
52.CHUYỆN TIỂU JANAKA (Tiền thân Cùla Janaka)
Hãy tinh tấn, này ngươi!…
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư đã kể về một Tỳ-kheo thối thất tinh tấn. Ở đây, tất cả các sự việc xảy ra, sẽ được nói đến trong Tiền thân Mahàjanaka (số 539)
Vua ngồi dưới chiếc lọng trắng, nói lên bài kệ này:
Hãy tinh tấn, này ngươi!
Hiền trí không nhàm chán.
Ta thấy khổ vượt qua,
Từ nước đạt đất liền.
Ở đây, vị Tỷ-kheo thối thất tinh tấn đạt được quả A-la-hán, và vua Janaka là bậc Chánh Ðẳng Giác.
Bình rượu đầy như vậy…,
Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về rượu thuốc độc. Một thời ở Xá-vệ, một số người nghiện rượu họp nhau lại và bàn với nhau.
– Tiền mua rượu của chúng ta đã khô cạn, vậy làm sao bây giờ?
Một tay bợm rượu nói:
– Chớ lo. Ðã có cách.
– Cách gì vậy?
– Cấp Cô Ðộc thường đeo nhẫn, mặc áo đẹp đi chầu vua. Chúng ta đổ thuốc mê vào trong bình rượu, dựng một quán rượu, ngồi tại đấy. Khi Cấp Cô Ðộc đi về, hãy mời vị đại triệu phú vào và cho uống rượu ấy. Khi lão già ấy bị mê say, chúng ta lấy nhẫn, lấy áo và chúng ta sẽ có tiền mua rượu.
Chúng chấp thuận đề nghị ấy, làm theo như vậy, và khi vị triệu phú đi về, chúng đến gặp và nói:
– Thưa ngài đại triệu phú, chúng tôi có rượu rất ngon. hãy uống một chút rồi đi.
Cấp Cô Ðộc nghĩ: “Thánh đệ tử đã chứng quả Dự lưu làm sao uống rượu được. Dầu không muốn uống, ta cũng sẽ phát hiện âm mưu của bọn nghiện rượu này”. Nghĩ vậy, Cấp Cô Ðộc đi vào quán rượu, nhìn chúng làm, biết rằng rượu ấy đã bị chúng pha thuốc mê vào, Ông quyết định sẽ làm cho chúng bắt đầu từ nay phải trốn biệt. Ông nói:
– Này bọn nghiện rượu ác ý kia, các ngươi để thuốc mê vào trong bình rượu, khiến những người qua lại uống, làm cho họ say mê rồi cướp của. Các người dựng lên một quán bán rượu, ngồi tại đấy, chỉ tán thán rượu này. Nhưng không một người nào trong bọn người dám uống. Nếu rượu này không có pha thuốc mê, thì các ngươi hãy uống trước đi.
Cấp Cô Ðộc làm cho bọn nghiện rượu hoảng sợ, khiến chúng chạy trốn rồi đi về nhà. Nghĩ rằng việc làm của những tên nghiện rượu cần phải trình lên đức Như Lai, Cấp Cô Ðộc đi đến, và thưa rõ sự việc. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này gia chủ, lần này, các người nghiện rượu lừa dối gia chủ. Trong quá khứ, chúng cũng đã lừa dối các bậc hiền trí.
Nói vậy xong, với lời yêu cầu của vị gia chủ, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì nước Ba-la-nại. Bồ-tát sanh làm người triệu phú ở Ba-la-nại. Lúc bấy giờ, những người nghiện rượu này, sau khi bàn bạc với nhau, đã pha rượu với thuốc mê, chờ người triệu phú Ba-la-nại đi đến, chúng đón ông và nói những lời tương tự. Người triệu phú, dầu không muốn uống, cũng muốn phát giác chúng, nên đi vào, nhìn chúng làm, biết chúng có mưu mô gì, quyết định làm cho chúng phải trốn chạy, nên nói:
– Này các bạn uống rượu, nếu uống rượu xong rồi mà đi đến cung vua, thật không thích đáng. Ðến chầu vua xong, khi trở về, tôi sẽ tính việc này. Các ngươi hãy ngồi tại đây.
Người triệu phú đi vào chầu vua rồi trở về. Các người nghiện rượu mời ông vào. Vị triệu phú đi vào, nhìn những bình rượu bị pha thuốc mê, liền nói như sau:
– Này các bạn uống rượu, việc các bạn làm ta không ưa thích. Các bình rượu của các bạn vẫn còn đầy tràn. Các bạn chỉ có tán thán rượu, nhưng không uống một giọt. Nếu như rượu này ngon thiệt, thì các bạn đã uống rồi. Rượu này đã được các bạn pha thuốc mê vào.
Và để đánh tan ý định của chúng, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Bình rượu đầy như vậy,
Rượu đâu có đổi khác,
Vì lý do ta biết,
Rượu này không phải tốt.
Bồ-tát trọn đời làm các công đức như bố thí…, rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy những người nghiện rượu kia là những người nghiện rượu ngày nay, và vị triệu phú Ba-la-nại là Ta vậy.
Cây này không khó leo…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một nam cư sĩ giỏi về trái cây. Truyền thuyết nói rằng, một điền chủ trú ở Xá-vệ mời chúng Tăng với đức Phật là vị dẫn đầu ngồi trong ngôi vườn của mình, cúng dường cháo và bánh xong, điền chủ bảo ngưồi giữ vườn:
– Hãy đưa các Tỷ-kheo đi bộ trong vườn và cúng dường các loại trái như xoài…
Người làm vườn vâng theo lời dặn, đưa chúng Tỷ-kheo đi bộ trong khu vườn, nhìn lên cây, và biết trái này còn sống, trái này hơi chín, trái này thiệt chín. Ðiều gì kẻ ấy nói đều đúng như vậy. Các Tỷ-kheo thưa với đức Như Lai:
– Bạch Thế Tôn, người giữ vườn này thật giỏi về các loại trái cây. Ðứng dưới đất nhìn lên cây, kẻ ấy biết trái này còn sống, trái này hơi chín, trái này thiệt chín.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ có người giữ vườn này giỏi trái cây. Trong quá khứ, cũng có những bậc hiền trí giỏi về trái cây.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh vào gia đình một triệu phú, khi lớn lên, làm nghề đi buôn với năm trăm cỗ xe. Một thời, Bồ-tát đi đến một ngôi rừng rất lớn, đứng ở đầu rừng, họp đoàn người lại và nói:
– Trong rừng này có những cây độc. Phàm gặp những lá gì, bông gì, trái gì mà trước kia các ngươi chưa từng ăn, chớ ăn trước khi hỏi ta.
Bọn họ vâng theo lời dặn và đi vào rừng. Ðầu rừng có một cửa làng, tại đấy có một cây gọi là cây Kimphala. Thân cây, cành cây, lá cây và trái của cây màu giống như cây xoài. Không những chỉ về màu sắc, hình dáng, mà cả về mùi thơm và vị ngọt, các trái sống và trái chín đều giống như trái xoài. Nhưng nếu ai ăn chúng, thì giống như thuốc độc, lập tức bị chết ngay.
Một số người tham ăn đi trước, tưởng đó là cây xoài, bèn ăn trái. Một số khác quyết định hỏi người trưởng đoàn lữ hành rồi mới ăn, họ cầm trái cây trong tay và đứng chờ. Khi vị trưởng đoàn lữ hành đến, họ hỏi có thể ăn những trái cây ấy không. Bồ-tát biết rằng cây ấy không phải cây xoài, nên nói:
– Cây hình dáng giống cây xoài này là cây độc, chớ ăn!
Sau khi ngăn chận họ, Bồ-tát làm cho những người đã ăn phải nôn ra, và cho họ uống bốn loại mật để chữa họ lành bệnh.
Lúc trước, dưới gốc cây này, đã có những đoàn lữ hành đến tạm trú, ăn những trái cây độc mà họ tưởng lầm trái xoài và mạng chung. Ngày sau đó, dân làng đi ra, thấy những người chết, liền cầm chân họ, quăng vào một chỗ kín, lấy tất cả sở hữu của họ với các cỗ xe rồi đem đi.
Ngay vào ngày đoàn lữ hành này mới đến, dân làng nghe tin có người trúng độc. Lúc trời mới rạng đông, họ vội vàng đi đến gốc cây ấy, và nói với nhau:
– Các con bò sẽ là của ta, cỗ xe sẽ là của ta, hàng hoá sẽ là của ta!
Khi thấy cả đoàn người ấy còn lành mạnh, họ liền hỏi:
– Làm sao các ông biết cây này không phải cây xoài?
Họ trả lời:
– Chúng tôi không biết. Nhưng trưởng đoàn lữ hành của chúng tôi biết.
Dân làng đến hỏi Bồ-tát:
– Thưa bậc hiền trí, làm thế nào ngài biết được?
– Có hai điều báo cho ta biết, Bồ-tát đáp.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ:
Cây này không khó leo,
Không xa làng bao nhiêu,
Do vậy nên ta biết:
Cây này quả không tốt!
Sau khi thuyết pháp cho đại chúng, Bồ-tát đi đến chỗ an toàn.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, như vậy thuở xưa các bậc hiền trí cũng giỏi về trái cây.
Sau khi thuyết pháp thoại này và kết hợp hai mẩu chuyện, bậc Ðạo sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, đoàn lữ hành là hội chúng đức Phật, còn người trưởng đoàn lữ hành là Ta vậy.
Người với tâm ly tham…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo sư đã kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. Thế Tôn cho gọi Tỷ-kheo ấy và hỏi:
– Có thật chăng, này Tỷ-kheo, ông thối thất tinh tấn?
– Thưa có thật, bạch Thế Tôn.
– Thưở xưa, trong những trường hợp cần phải tinh tấn, bậc hiền trí đã tinh tấn, do vậy, đã đạt được vương vị.
Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamdatta trị vì nước Ba-la-nại. Bồ-tát nhập thai vào làm con hoàng hậu. Ðến ngày đặt tên, sau khi mời tám trăm vị Bà-la-môn và cúng dường những vị này mọi dục lạc, vua và hoàng hậu hỏi họ về các tướng. Các Bà-la-môn thiện xảo về tướng, thấy được sự thành tựu các tướng của hoàng tử, đã trả lời:
– Thưa Ðại vương, hoàng tử đầy đủ các công đức, sau khi ngài qua đời, sẽ lên ngôi vua, được danh vọng lẫy lừng với tài sử dụng năm loại vũ khí, sẽ trở thành con người tối thượng ở toàn cõi Diêm-phù-đề.
Nghe lời nói của các Bà-la-môn, vua và hoàng hậu đặt tên cho hoàng tử là Pãncayudhakumara (hoàng tử có năm vũ khí). Ðến lúc trưởng thành, vừa mười sáu tuổi, vua cho gọi hoàng tử và bảo:
– Này con thân, con hãy đi học nghề!
– Thưa Thiên tử, con học với ai?
– Hãy đi, con thân, con sẽ học với bậc thầy có danh tiếng mọi phương tại thành Takkasilà, trong nước Gandhàra. Và đây là tiền con sẽ trả cho thầy.
Nói xong, vua giao cho một ngàn đồng tiền vàng và đưa hoàng tử ra đi. Hoàng tử đến đấy, học nghề xong, được thầy cho năm loại vũ khí. Sau đó đảnh lễ thầy, hoàng tử ra khỏi thành Takkasilà, đeo theo năm loại vũ khí và lên đường trở về Ba-la-nại. Giữa đường, hoàng tử vừa đến một khu rừng, tại đấy có một Dạ-xoa tên là Silesaloma (Lông dính) đang ngự trị. Từ đầu rừng, người đi đường thấy hoàng tử liền ngăn chận chàng lại, bảo rằng trong rừng có Dạ-xoa tên là Silesaloma ngự trị sẽ giết hại mọi người khi nó thấy họ. Hoàng tử tự tin mình, không chút sợ hãi như con sư tử lông bờm, vẫn đi vào ngôi rừng.
Gặp nhau ở giữa khu rừng ấy, con Dạ-xoa hiện ra trước hoàng tử với thân cao như cây Ta-la (cọ dừa), với đầu lớn như ngôi nhà có nóc nhọn, với cặp mắt to như hai cái bát, với hai nanh như hai búp cây củ cải, với mỏ như diều hâu, với bụng có nhiều đốm đỏ tía, với bàn tay bàn chân xanh lè, Dạ-xoa nói:
– Ngươi đi đâu đấy? Hãy đứng lại. Ngươi là món ăn của ta!
Hoàng tử nói:
– Này Dạ-xoa ta tin ở ta nên vào đây, ngươi thật là liều mạng. Nếu ngươi đến gần ta, ta sẽ bắn ngươi với mũi tên có tẩm thuốc độc và hạ ngươi tại chỗ.
Sau khi dọa nạt, hoàng tử lắp tên có tẩm thuốc độc và bắn, bắn liên tục cho đến năm mươi mũi tên. Tất cả đều dính vào lông Dạ-xoa, nó gạt năm mươi mũi tên rơi xuống chân nó, xong liền xông tới hoàng tử. Hoàng tử lại dọa rút gươm chém. Cây gươm dài ba mươi hai đốt cũng dính vào lông Dạ-xoa. Rồi hoàng tử đâm ngọn giáo vào nó. Ngọn giáo cũng dính chặt vào đó.
Biết khả năng bắt dính của Dạ-xoa, hoàng tử lấy quả chùy đập nó. Quả chùy cũng dính vào lông. Hoàng tử nói:
– Này Dạ-xoa, người chưa nghe ta là hoàng tử có năm loại vũ khí. Khi ta mạo hiểm đi vào khu rừng này do ngươi ngự trị, ta đặt lòng tin không phải ở cung tên … mà hoàn toàn đặt lòng tin vào ta. Nay ta sẽ đánh ngươi, chỉ một cú đánh, khiến ngươi trở thành cát bụi!
Sau khi hét lên, hoàng tử dùng bàn tay phải đánh Dạ-xoa, bàn tay dính vào lông, hoàng tử đánh với bàn tay trái, tay trái cũng dính. Hoàng tử đá với chân phải, chân phải cũng dính, chân trái cũng dính. Hoàng tử lại la to:
– Ta sẽ đập ngươi tan như cát bụi.
Và chàng lấy đầu đánh nó; đầu cũng dính vào lông. Bấy giờ hoàng tử bị mắc dính năm phần vào năm chỗ. Tuy vậy, hoàng tử vẫn không kinh hãi, không chút run sợ, Dạ-xoa suy nghĩ: “Ðây không phải là một người bình thường, mà là người phi thường, một con sư tử giữa loài người. Dầu bị một Dạ-xoa như ta bắt, nó vẫn không run sợ. Trước đây, từ khi ta bắt đầu giết người đi trên đường này, chua bao giờ ta thấy một người như vậy! Sao nó không sợ hãi?” Nghĩ vậy, Dạ-xoa không dám ăn thịt hoàng tử và hỏi:
– Này thanh niên Bà-la-môn, vì sao chàng không sợ hãi?
– Này Dạ-xoa, ta tin ở ta nên ta không sợ hãi. Ta biết mỗi cá thể thế nào cũng đi đến cái chết. Nhưng trong bụng ta, ta có vũ khí kim cang. Nếu ngươi ăn ta, ngươi không thể tiêu hóa vũ khí ấy. Vũ khí ấy sẽ cắt nội tạng ngươi thành từng miếng nhỏ, và chấm dứt mạng sống của ngươi. Như vậy, cả hai sẽ bị tiêu diệt. Vì lý do này, ta không sợ hãi!
Theo truyền thuyết, ở đây hoàng tử muốn ám chỉ vũ khí trí tuệ trong nội tạng. Nghe hoàng tử nói vậy, Dọa-xoa suy nghĩ: “Thanh niên Bà-la-môn này chỉ nói sự thật. Chỉ một miếng thịt nhỏ bằng hạt đậu từ thân thể của con sư tử giữa loài người này, bụng ta cũng không thê tiêu hóa được. Ta hãy thả nó ra”. Vì sợ chết, nó thả hoàng tử ra và nói:
– Này thanh niên Bà-la-môn, chàng là con sư tử giữa loài người. Ta sẽ không ăn thịt chàng đâu. Nay chàng được giải thoát khỏi tay ta như mặt trăng thoát khỏi miệng Ràhu (vua thần A-tu-la). Hãy ra đi và hãy mang lại hoan hỷ tốt lành cho bà con, bè bạn và đất nước.
Bồ-tát nói:
– Này Dạ-xoa ta sẽ đi. Nhưng trước đây, do làm nhiều điều bất thiện, ngươi sanh làm Dạ-xoa độc ác, tay vấy máu, ăn thịt, uống máu người. Nếu nay, trong thời hiện tại, ngươi vẫn làm điều bất thiện nữa, thì ngươi sẽ đi từ cảnh tối tăm này đến cảnh tối tăm khác. Nay ngươi đã gặp ta, ngươi không thể làm điều bất thiện nữa. Hãy biết rằng ai sát sanh sẽ bị đọa vào cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la. Nếu được sanh làm người thì tội ác ấy sẽ đưa đến yểu mạng.
Với cách này và nhiều cách khác, Bồ-tát thuyết về sự nguy hiểm của năm ác giới và lợi ích của năm thiện giới, làm cho Dạ-xoa sợ hãi bằng nhiều hình thức như thuyết pháp, nhiếp phục… khiến Dạ-xoa trở thành nhu thuận, an trú trong Năm giới. Rồi biến Dạ-xoa thành vị thần ở khu rừng, với quyền được thâu thuế (được cúng tế), Bồ-tát khuyên nó không được phóng dật. Sau đó, Bồ-tát đi ra khỏi khu rừng, báo tin cho những người ở tại đầu rừng tỏ tường sự việc, rồi nai nịt với năm loại vũ khí, ngài đi đến Ba-la-nại, gặp lại mẹ cha.
Sau một thời gian lên ngôi vua, trị vì quốc độ đúng pháp, ngài làm các công đức như bố thí… rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này xong, bậc Chánh Ðẳng Giác đọc bài kệ:
Người với tâm ly tham,
Với ý cũng ly tham,
Tu tập theo thiện pháp,
Ðạt an ổn khổ ách,
Và tiếp tục chứng đạt,
Ðoạn diệt mọi kiết sử.
Như vậy, sau khi bậc Ðạo Sư thuyết pháp đưa đỉnh cao nhất là quả A-la-hán, Ngài giảng Bốn Sự thật. Cuối bài giảng, Tỷ-kheo ấy chứng quả A-la-hán. Bậc Ðạo sư kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, Dạ-xoa là tướng cướp đeo vòng ngón tay Angulimàla, và hoàng tử với năm vũ khí là Ta vậy.
Người với tâm hoan hỷ…
Câu chuyện này, khi ở tại Xá-vệ, bậc Ðạo sư kể về một Tỷ-kheo. Theo truyền thuyết, một thiện nam tử ở Xá-vệ, sau khi nghe theo bậc Ðạo Sư thuyết pháp, gởi cả tâm tư vào Ba ngôi báu, và xuất gia. Hai vị sư trưởng và giáo thọ sư dạy về Giới:
– Này Hiền giả, đây là giới, một loại, hai loại, ba loại, bốn loại, năm loại, sáu loại…nhiều loại. Ðây là tiểu giới, đây là trung giới, đây là Ðại giới. Ðây là giới hộ trì giới bổn, đây là giới hộ trì các căn, đây là giới thanh tịnh mạng, đâ là Giới sử dụng các đồ vật.
Tỷ-kheo trẻ ấy suy nghĩ: “Giới này thật quá nhiều. Với chừng ấy giới được chấp thuận, ta không thể nào giữ trọn. Không thể giữ trọn đủ giới, thì xuất gia có lợi ích gì? Ta hãy trở lại làm gia chủ, làm các công đức như bố thí…và nuôi dưỡng vợ con!” Nghĩ vậy, Tỷ-kheo thưa:
– Thưa các Tôn giả, con không có thể giữ Giới. Không thể giữ Giới, thì xuất gia có lợi ích gì? Con sẽ hoàn tục. Xin các Tôn giả hãy lấy lại y bát.
Sư trưởng nói:
– Nếu sự việc là như vậy, thì Hiền giả hãy đến đảnh lễ bậc Ðạo sư.
Các vị ấy đưa Tỷ-kheo đến Pháp đường, gặp bậc Ðạo Sư. Thấy vậy, Ngài nói:
– Này các Tỷ-kheo, sao các ông đem một Tỷ-kheo đến đây mà vị ấy không muốn?
– Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này nói không thể giữ Giới, trả lại y bát, nên chúng con dẫn vị ấy đến đây.
– Này các Tỷ-kheo, sao ông lại nói quá nhiều Giới cho Tỷ-kheo này? Bao nhiêu giới vị ấy có thể giữ được, vị ấy giữ từng ấy giới. Bắt đầu từ nay, các ông chớ nói nữa. Ở đây, ta sẽ biết những gì nên nói.
Rồi bậc Ðạo Sư nói với Tỷ-kheo ấy:
– Hãy đến, này Tỷ-kheo! Lo gì đến nhiều giới vậy? Ông có giữ được ba giới không?
– Con có thể giữ được bạch Thế Tôn.
– Vậy bắt đầu từ nay, ông hãy giữ ba cửa, cửa về thân, cửa về lời, cửa về ý. Chớ làm điều ác về thân, về lời, về ý. Hãy tinh tấn lên, chớ hoàn tục! Chỉ giữ ba giới này thôi.
Cho đến như vậy, Tỷ-kheo ấy hết sức hoan hỷ.
Sau khi đảnh lễ bậc Ðạo sư, Tỷ-kheo ấy đi về với vị sư trưởng và Giáo thọ sư của mình, giữ gìn đầy đủ ba giới ấy. Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: “Giới được vị sư trưởng và Giáo thọ sư nói với ta. Vì tự mình không phải là Phật, các vị ấy không thể làm cho ta hiểu được từng ấy giới. Bậc Chánh Ðẳng Giác, vì tự mình khéo giác ngộ Chánh Giác, là vị Pháp vương vô thượng. Ngài tóm thâu bao nhiêu giới trong ba cửa và bảo ta gìn giữ chúng. Bậc Ðạo Sư thật sự là một hỗ trợ cho ta vậy”.
Tỷ-kheo ấy phát triển Thiền quán và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Biết được tin này, các Tỷ-kheo họp tại pháp đường, ngồi nói về công đức của bậc Ðạo Sư:
– Này các Hiền giả Tỷ-kheo này không thể giữ Giới, muốn hoàn tục. Bậc Ðạo Sư tóm thâu tất cả Giới vào ba phần, bảo Tỷ-kheo ấy giữ chúng, và giúp vị ấy đạt được quả A-la-hán.
Bậc Ðạo sư đến và hỏi các Tỷ-kheo đang ngồi nói chuyện gì. Ðược họ cho biết về đề tài câu chuyện, Ngài nói:
– Này các Tỷ-kheo, một vật hết sức nặng, nếu được chia thành từng phần, cũng trở thành nhẹ. Thuở xưa, các bậc hiền trí được một khối vàng lớn, không thể nhấc lên nổi, đã chia thành từng phần, rồi nhấc lên nổi và đem vàng đi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm người cày ruộng tại một ngôi làng. Ngày kia, Bồ-tát đang cày trên một thửa ruộng, thửa ruộng nầy trước đây là một ngôi làng bị bỏ hoang, vì trong làng có một vị triệu phú đã chết và chôn tại đó một đống vàng, lớn bằng bắp vế người và cao đến bốn khuỷu tay, lưỡi cày của Bồ-tát mắc phải đống vàng ấy nên đứng khựng lại. Nghĩ rằng đó là rễ tỏa rộng của cây, Bồ-tát đào đất lên, nhưng lại thấy được khối vàng. Bồ-tát chùi đất thật sạch và cày tiếp cho xong ngày ấy.
Khi mặt trời lặn, để ách và cày một bên, Bồ-tát nghĩ đến phương cách đem khối vàng đi. Nhưng Bồ-tát không nhấc nó lên được. Bồ-tát ngồi và nghĩ: “Ðể phần như vậy, ta sẽ nuôi sống bản thân của ta. Để phần như vậy, ta sẽ chôn giấu. Ðể phần như vậy, ta sẽ làm các công việc. Ðể phần như vậy, ta sẽ làm các công đức như bố thí…”
Rồi Bồ-tát chia thành bốn phần. Khi được Bồ-tát chia như vậy, khối vàng ấy trở thành nhẹ. Bồ-tát nhấc vàng lên được, đem về nhà, chia thành bốn phần. Bồ-tát trọn đời làm các công đức như bố thí cùng nhiều thiện sự khác và đi theo nghiệp của mình.
*
Khi kể câu chuyện này xong, bậc Chánh Ðẳng Giác đọc bài kệ:
Người với tâm hoan hỷ,
Với ý cũng hoan hỷ,
Tu tập theo thiện pháp,
Ðạt an ổn khổ ách,
Và tiếp tục chứng đạt
Ðoạn diệt mọi kiết sử.
Rồi sau khi hướng lời thuyết pháp lên đỉnh cao là quả A-la-hán, bậc Ðạo sư kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, người được khối vàng là Ta vậy.
Ai đủ bốn pháp này…,
Câu chuyện này, khi ở tại Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư đã kể về âm mưu của Ðề-bà-đạt-đa muốn ám hại Ngài. Lúc bây giờ, khi nghe Ðề-bà-đạt-đa âm mưu ám hại, bậc Ðạo Sư liền nói với các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới âm mưu ám hại Ta. Thuở trước, kẻ ấy cũng đã âm mưu, nhưng không thể làm được.
Sau khi nói vậy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con khỉ. Nó to lớn như một con ngựa con, có sức mạnh và sống một mình bên bờ sông. Giữa con sông ấy, có một hòn đảo, trên hòn đảo có nhiều loại cây ăn trái như xoài, mít… Con khỉ mạnh như voi, đầy đủ sức lực.
Mỗi sáng, nó nhảy từ bờ sông bên này đến một hòn đảo ở giữa sông, rồi từ hòn đảo ấy, nó lại nhảy đến hòn đảo. Tại đấy, nó ăn các loại trái, và đến chiều, với phương tiện cũ, nó trở về chỗ ở của mình. Ngày qua ngày, con khỉ sống nếp sống như vậy.
Lúc bấy giờ, có hai vợ chồng con cá sấu sống trong sông ấy. Thấy con khỉ đi qua đi lại, vợ con cá sấu đang có thai khởi lên lòng tham muốn ăn thịt quả tim con khỉ, bèn nói với chồng:
– Này chàng, em thèm ăn thịt quả tim con khỉ chúa này quá.
Sấu đực nói:
– Thật lành thay, em sẽ được như ý.
Sấu đực suy nghĩ: “Chiều nay, khi con khỉ từ hòn đảo về, ta sẽ bắt nó!”.
Sấu đực đến nằm chờ trên hòn đá. Con khỉ cả ngày lang thang trên đảo, vào buổi chiều, nó đứng trên hòn đảo, nhìn hòn đá và nghĩ: “Hòn đá hôm nay có vẻ cao hơn, vì lý do gì?”. Bồ-tát luôn luôn khéo đo lường. Nhìn tầm cao của hòn đá và tầm cao của nước, Bồ-tát suy nghĩ: “Hôm nay, nước con sông này không giảm cũng không tăng. Nhưng hòn đá này lại có vẻ to hơn. Rất có thể, con cá sấu đang nằm với mục đích bắt ta tại chỗ ấy”. Ðể tìm sự việc này, con khỉ vẫn đứng tại chỗ ấy, làm bộ như nói với hòn đá, gọi lớn:
– Này bạn hòn đá!
Và khỉ không được trả lời. Khỉ gọi đến ba lần:
– Này bạn hòn đá!
Hòn đaù vẫn không trả lời. Con khỉ nói:
– Này bạn hòn đá, sao hôm nay bạn không trả lời ta?
Con cá sấu suy nghĩ: “Như vậy, trong những ngày trước, hòn đá này đã trả lời con khỉ chúa. Vậy nay ta sẽ trả lời nó”. Con sấu nói:
– Này bạn khỉ chúa, cái gì vậy?
– Ngươi là ai?
– Ta là cá sấu.
– Ngươi nằm đó vì mục đích gì?
– Ðể bắt ngươi và ăn quả tim của ngươi.
Con khỉ suy nghĩ: “Ta không có đường đi nào khác. Nay ta phải lừa dối con cá sấu này”. Vì thế khỉ nói:
– Này bạn cá sấu, ta sẽ chịu đầu hàng bạn thôi. Bạn hãy há miệng ra, và khi ta nhảy đến gần, bạn sẽ bắt ta.
Khi con cá sấu há miệng, thì tự nhiên mắt nó nhắm lại. Cá sấu không nghĩ đến mưu kế này, liền há miệng ra, và mắt nó nhắm lại, từ từ nằm xuống. Con khỉ đã biết tình hình như vậy, từ nơi hòn đảo nhảy qua, đạp trên đầu con cá sấu, rồi từ đầu con cá sấu lại nhanh như chớp nhảy qua đứng ở bờ bên kia. Con cá sấu thấy sự kỳ diệu này, nghĩ rằng con khỉ chúa này đã làm một việc hết sức phi thường, nó nói:
– Này, ngài khỉ chúa, ai đầy đủ bốn pháp ở trong đời, sẽ nhiếp phục được kẻ thù. Ta nghĩ rằng ngài có đủ tất cả trong nội tâm.
Nói vậy xong, cá sấu đọc bài kệ này:
Ai đủ bốn pháp này,
Này khỉ chúa, như ngài:
Chân thật và nghĩ xa,
Cương nghị và vô úy,
Ngài có bốn pháp này,
Ðánh bại được quân thù!
Như vậy, con cá sấu tán thán khỉ chúa rồi đi về trú xứ của mình.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới âm mưu ám hại Ta, trong quá khứ, kẻ ấy cũng đã làm như vậy.
Sau khi thuyết pháp thoại này, và kết hợp hai mẩu chuyện, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, cá sấu là Ðề bà-đạt-đa, vợ cá sấu là Cincamanavika, còn khỉ chúa là Ta vậy.
Ai đầy đủ ba pháp…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư đã kể về âm mưu ám hại.
*
Thuở xưa, khi vua Brahnadatta trị vì ở Ba-la-nại, Ðề-bà-đạt-đa sanh ra làm con khỉ, ở gần dãy Hy-mã-lạp Sơn, lãnh đạo một đoàn khỉ toàn do nó sanh ra. Vì sợ chúng lớn lên sẽ tranh giành quyền lãnh đạo đàn khỉ này, con khỉ đầu đàn liền dùng răng cắn và thiến chúng, khiến hột giống bị hoại diệt.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát cũng do duyên con khỉ ấy, nhập thai vào bụng một con khỉ cái. Con khỉ cái biết thai đã thành, muốn bảo vệ thai của mình, bèn đến một ngôi rừng dưới chân núi. Khi thai đến đúng ngày, nó sinh ra Bồ-tát. Bồ-tát lớn lên, đến tuổi trưởng thành, đầy đủ sức mạnh phi thường. Một hôm, Bồ-tát hỏi mẹ:
– Thưa mẹ, cha con đâu?
– Này con thân, cha con đang sống lãnh đạo đàn khỉ dưới chân núi.
– Thưa mẹ, hãy đưa con đến gần cha con.
– Này con thân, mẹ không thể đưa con đến gần cha con được. Cha con, vì sợ các khỉ con sẽ tranh giành lãnh đạo đàn khỉ, nên dùng răng cắn và thiến chúng, khiến hột giống hoại diệt.
– Thưa mẹ, hãy đưa con lại đấy. Con sẽ có cách!
Khỉ mẹ liền đem khỉ con đến gần khỉ cha. Vừa thấy con trai mình, con khỉ cha nghĩ rằng rồi đây con mình sẽ không cho mình lãnh đạo đàn khỉ, nay mình cần phải giết con bằng cách giả ôm hôn, rồi siết con thật chặt cho đến chết. Nghĩ vậy, nó nói:
– Hãy đến, này con thân, lâu nay con ở đâu?
Nói vậy, nó ôm hôn và siết khỉ con thật chặt. Nhưng Bồ-tát, với sức mạnh như voi đã siết chặt trở lại, khiến các xương khỉ cha như gãy nát. Khỉ cha suy nghĩ: “Con này, khi lớn lên sẽ giết ta. Với phương tiện nào, ta hãy giết nó trước đã! À, cách đây không xa, một hồ nước có quỷ là La-sát ở. Tại đấy, ta sẽ cho quỷ La-sát ăn nó!”. Nghĩ vậy, khỉ cha nói:
– Này con thân, ta nay đã già. Ta sẽ giao cho con lãnh đạo đàn khỉ này. Hôm nay, ta sẽ phong vương cho con. Tại chỗ nọ, có một hồ nước, trong hồ có hai loài hoa súng, ba loại hoa sen xanh, năm loại hoa sen trắng. Hãy đi hái và đem các hoa ấy về.
Bồ-tát nói:
– Lành thay, cha thân. Con sẽ mang hoa lại.
Nói xong, Bồ-tát ra đi, nhưng không xuống hồ gấp. Xung quanh hồ, Bồ-tát quan sát có dấu chân, chỉ có dấu chân xuống, không có dấu chân lên, Bồ-tát suy nghĩ: “Cái hồ này phải có quỷ La-sát trú ẩn! Cha ta không thể tự mình giết ta, muốn quỷ La-sát ăn thịt ta. Ta sẽ không đi xuống hồ này, vẫn lấy được hoa như thường”.
Bồ-tát đi đến một chỗ không có nước, lấy đà, nhảy từ bờ bên này, hái hai cái hoa mọc cao trên mặt nước, mà không dính nước, rồi hạ xuống bờ bên kia. Rối từ bờ bên kia, Bồ-tát nhảy đến bờ bên này, theo phương thức trước, bẻ hai cái hoa. Cứ như thế, từ cả hai bên bờ, Bồ-tát hái được nhiều hoa, chất thành hai đống, nhưng vẫn không xuống chỗ trú xứ của quỷ La-sát.
Ðến khi không thể nhảy qua hồ nưóc hái hoa được nữa, Bồ-tát gom lấy các hoa ấy, chất thành đống, để tại một chỗ. Con quỷ La-sát kinh ngạc suy nghĩ: “Lâu nay, chưa bao giờ ta thấy một người nào sáng suốt, kỳ diệu như vậy. Các hoa sen được con khỉ này hái như ý muốn, mà nó vẫn không xuống trú xứ của ta”. Rồi quỷ La-sát rẽ nước đi lên, đến bên Bồ-tát và nói:
– Này khỉ chúa, trong hồ này, ai có được ba pháp, vị ấy sẽ chiến thắng kẻ thù. Ta nghĩ rằng tất cả pháp ấy ngài đếu có đủ.
Quỷ La-sát đọc bài kệ:
Ai đầy đủ ba pháp,
Này khỉ chúa như ngài,
Thiện xảo và anh hùng,
Ðầy đủ cả trí tuệ,
Ngài đủ ba pháp ấy,
Ðánh bại được kẻ thù.
Như vậy, quỷ La-sát trong hồ ấy đã tán thán Bồ-tát với bài kệ này và hỏi:
– Ngài lấy các hoa này làm gì?
– Cha ta muốn phong vương cho ta, do lý do này, ta lấy hoa.
– Một bậc sáng suốt như ngài không nên hái hoa và mang hoa, tôi sẽ hái và mang cho ngài.
Rồi nó nhổ hoa lên và mang hoa đi theo sau lưng Bồ-tát. Con khỉ cha ở đằng xa thấy Bồ-tát, liền nghĩ: “Ta giục nó đi để quỷ La-sát ăn thịt nó. Nay nó lại an toàn trở về với quỷ La-sát mang hoa cho nó! Ta bị nguy hại rồi”.
Nghĩ đến đó, quả tim nó vỡ thành bảy mảnh và nó mạng chung tại chỗ. Ðàn khỉ còn lại hội họp và tôn Bồ-tát lên làm vua.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, chúa của đàn khỉ là Ðề-bà-đạt-đa, còn con trai của chúa đàn khỉ là Ta vậy.
Ðánh, đánh, chớ đánh quá!…
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỳ-kheo khó bảo. Bậc Ðạo Sư hỏi Tỷ-kheo ấy:
– Có thật chăng, ông là người khó bảo?
– Thưa có thật, bạch Thế Tôn.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ông mới khó bảo. Trong thời quá khứ, ông cũng đã khó bảo rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm người đánh trống, và sống ở làng. Khi nghe có lễ tế các vì sao ở Ba-la-nại, người đánh trống suy nghĩ: “Ta sẽ đánh trống cho quần chúng tụ hội và sẽ được tiền”. Nghĩ vậy, người ấy đem con đi theo, đến Ba-la-nại. Tại chỗ ấy, hai cha con đánh trống và được nhiều tiền. Mang theo tiền, trên đường về làng của mình, phải ngang qua một khu rừng có ăn cướp, người cha ngăn chận con trai đang miên man đánh trống liên hồi:
– Này con thân, chớ có đánh trống như vậy. Chỉ đánh từng hồi một thôi, như trống của một chủ tướng vậy mà.
Dầu bị cha ngăn, đứa con vẫn nói:
– Với tiếng trống, ta sẽ đuổi bọn cướp chạy.
Nên nó vẫn đánh trống liên hồi.
Bọn cướp ban đầu nghe tiếng trống, nghĩ là tiếng trống của vị chủ tướng, nên chạy trốn. Nhưng khi nghe tiếng trống một mặt cứ liên hồi, biết không phải là tiếng trống của một chủ tướng, chúng liền trở lại tìm hiểu. Thấy chỉ có hai người, bọn chúng liền xông ra đánh cướp hết cả. Người cha than:
– Vì con đánh trống liên hồi, nên con làm mất tất cả tiền thâu được một cách khó khăn.
Nói xong, người cha đọc bài kệ:
Ðánh, đánh, chớ đánh quá!
Ðánh quá thành không tốt,
Do đánh, được của tiền,
Do đánh, tiền mất hết.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, đứa con trai là Tỷ-kheo khó bảo này, còn người cha là Ta vậy.
Thổi, thổi, chớ thổi quá!…
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo khó bảo (như trước).
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một người thổi tù và, cùng cha đi đến chỗ tế lễ các vì sao ở Ba-la-nại. Do thổi tù và, hai cha con được nhiều tiền. Khi về đến một khu rừng có ăn cướp, người con ngăn cha chớ có thổi tù và liên hồi. Người cha nói:
– Với tiếng tù và, ta sẽ đuổi bọn cướp chạy.
Nên ông cứ thổi liên hồi. Bọn ăn cướp trốn ở đó trước, xông ra cướp của. Người con nói lên bài kệ:
Thổi, thổi, chớ thổi quá!
Thổi quá thành không tốt.
Do thổi, được tài sản,
Do thổi, bay hết tiền.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, người cha là Tỷ-kheo khó bảo này, còn người con là Ta vậy.
PHẨM NỮ NHÂN
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo bị tham dục chi phối. Câu chuyện sẽ được trình bày ở Tiền thân Ummadanti số 527.
Trò chơi sáo, giả mù…
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo bị ái dục chi phối tâm trí. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Tăng chúng bảo rằng ông bị ái dục chi phối, có phải vậy chăng?
– Thưa vâng, quả đúng như vậy.
– Này Tỷ-kheo, không ai canh giữ đàn bà được cả. Ngày xưa, có kẻ đầy mưu trí canh giữ một nữ nhân từ khi nó mới lọt lòng mà cũng không thể nào giữ nó được.
Nói vậy xong, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát sinh làm vương tử của bà Chánh hậu. Khi ngài lớn lên, ngài tinh thông mọi môn học thuật, và khi vua cha băng hà, ngài lên ngôi làm một vị anh quân, trị dân đúng pháp. Thời ấy, ngài thường chơi súc sắc với vị Tế sư của triều đình, và khi ném con bài súc sắc bằng vàng trên mặt chiếc bàn bằng bạc, ngài thường ca khúc hát cầu may này:
Muôn vật lẽ thường tình,
Sông ngòi uốn lượn quanh,
Còn các loài thảo mộc
Là cây cối mọc thành,
Hễ gặp thời cơ tới,
Nữ nhân phạm ác hành.
Vì khúc hát này làm cho vua thắng cuộc mãi, nên theo đúng luật chơi bài, vị Tế sư mất đến cả đồng xu dính túi. Và muốn khỏi sạt nghiệp, vị ấy quyết định tìm cho ra một cô gái chưa hề thấy người đàn ông nào, đem về nhà khóa cửa nhốt trong phòng. Vị ấy nghĩ thầm: “Ta không thể nuôi một cô gái đã từng thấy đàn ông. Vậy ta phải tìm một đứa trẻ sơ sinh, giữ kỹ nó lúc lớn lên, canh chừng nó thật cẩn mật để không ai có thể đến gần nó và nó sẽ trung thành với người đàn ông duy nhất thôi. Lúc ấy ta sẽ thắng vua và trở nên giàu có”.
Bấy giờ vị này rất giỏi khoa tướng số, nên vừa thấy một người đàn bà nghèo sắp sinh con, và đứa trẻ sẽ là con gái, vị ấy bèn thuê tiền để đem bà ta về ở trong nhà mình, giữ thật kỹ đến ngày sinh đứa con xong, bà ta phải đi ngay với một số tiền. Còn hài nhi kia được toàn phụ nữ nuôi nấng, không một nam nhân nào được nhìn thấy nó, trừ vị Tế sư. Khi nó lớn lên, nó thuộc về quyền sở hữu của vị Tế sư, chủ nhân của nó.
Suốt thời gian cô bé lớn dần, vị Tế sư tránh việc chơi bài với vua, nhưng khi nó đã trưởng thành dưới quyền kiểm soát của chính mình, thì vị Tế sư lại thách thức vua chơi bài. Ngài chấp thuận và bắt đầu cuộc chơi. Trong khi vừa ném con súc sắc, ngài vừa hát khúc ca cầu may ấy, thì vị Tế sư nói thêm:
– Nhưng bao giờ cô bé của hạ thần cũng là ngoại lệ đấy!
Rồi vận may cũng đổi chiều, chính vị Tế sư thắng cuộc và nhà vua thua bài.
Khi xét kỹ vấn đề trên, Bồ-tát nghi ngờ vị Tế sư có giấu kín một cô gái đức hạnh trong nhà, nên ngài cho người dò tìm và quả đúng như vậy. Thế là để làm cho cô bé kia phải sa ngã và phạm lỗi, ngài truyền đưa tới một gã điếm đàng giảo quyệt, và hỏi gã có cách quyến rủ cô gái chăng.
– Tâu Ðại vương, chắc chắn là được. Gã kia đáp.
Nghe vậy, nhà vua cho gã tiền và bảo gã thi hành lệnh ngài ngay, chớ để mất thì giờ lâu.
Với số tiền vua ban, gã mua đủ loại nước hoa, hương liệu và mở cửa tiệm bán nước hoa gần nhà vị Tế sư. Bấy giờ nhà Tế sư cao bảy tầng, có bảy cổng, mỗi cổng đều có người ngồi canh, toàn phụ nữ canh cổng, không đàn ông nào được phép vào nhà trừ vị Bà-la-môn. Ngay cả những thúng đựng rác cũng được khám xét thật kỹ trước khi đem vào nhà.
Chỉ riêng vị Tế sư ấy được quyền nhìn thấy cô gái, và cô bé cũng chỉ có một nữ tỳ hầu hạ. Nữ tỳ này được giao tiền đi mua hoa tươi và nước hoa và tặng cô chủ; trên đường đi, bà ta thường bước ngang qua cửa tiệm mà gã điếm đàng kia mới mở. Và gã ấy biết rõ bà ta chính là người hầu của cô gái kia, bèn đợi một ngày nọ bà ta đến gần, gã vội vã chạy bổ ra ngoài cửa hiệu, quỳ xuống chân bà, hai tay ôm chặt đầu gối bà, miệng lắp bắp:
– Ôi mẹ ôi! Mẹ đi đâu lâu nay thế hở mẹ?
Và đồng bọn của gã đứng canh đó đều kêu lên:
– Ồ giống như tạc! Tay chân, mặt mũi, cả cách ăn mặc nữa, đều y hệt nhau!
Trong khi mọi người cứ xem xét trầm trồ không ngớt về sự giống nhau kỳ diệu kia, người đàn bà ấy đâm ra hoát hoảng trong thật thảm hại. Bà ta òa ra khóc lớn rằng đây hẳn là con trai bà! Rồi vừa khóc lóc vừa kể lể, cả hai người cứ ôm lấy nhau mà ngã lăn ra. Sau đó gã hỏi:
– Nay mẹ đang ở đâu vậy mẹ?
– Mẹ đang ở nhà vị Tế sư đấy con ạ. Ngài có môt cô tiểu thiếp đẹp vô song, quả là tiên trên trời mới đẹp như thế và mẹ là người hầu của nàng ấy.
– Thế mẹ đang đi đâu đấy?
– Mẹ đi mua hoa tươi và nước hoa cho nàng ấy.
– Sao mẹ còn đi đâu mà mua các thứ ấy nữa? Lần sau mẹ cứ đến đây, gã kia bảo.
Và gã tặng bà già trầu cau cùng đủ thứ hoa mà không lấy tiền. Cô gái ngạc nhiên thấy số hoa tươi và nước hoa bà ta đem về quá nhiều, bèn hỏi tại sao vị Tế sư Bà-la-môn lại hậu hỉ với nàng thế. Bà già đáp:
– Sao con lại nói thế hở con?
– Vì số hương hoa bà đem về nhà đấy mà.
– Ồ không, chẳng phải ngà Bà-la-môn cho tiền hào phóng đâu, bà già bảo, mà chính vì già này lấy các thứ kia ở tiệm của con trai già đấy.
Và từ đó, bà già giữ riêng số tiền vị Bà-la-môn đưa, rồi đi đến lấy hoa tươi cùng đủ thứ khác tại tiệm gã kia khỏi mất tiền.
Vài ngày sau, gã giả vờ đau ốm, lên giường nằm. Khi bà già ấy đến cửa tiệm hỏi con trai bà đâu thì được biết gã đang bị bệnh. Bà vội bước vào tận nơi, âu yếm vuốt ve đôi vai gã và hỏi nguyên nhân cơn bệnh. Nhưng gã không đáp.
– Tạo sao con không nói cho mẹ biết hả con?
– Dù con có chết đi cũng không dám nói với mẹ đâu.
– Nhưng nếu con không nói với mẹ thì còn nói với ai được nữa?
– Thế thì mẹ ôi, bệnh của con phát ra chỉ vì nghe mẹ cứ khen cô tiểu chủ của mẹ đẹp tuyệt trần nên con đâm ra si tình phát ốm tương tư đó thôi! Nếu con chiếm được nàng, con mới sống nổi, còn không thì con đành nằm ở đây chờ chết.
– Con ơi, con cứ để việc này cho mẹ lo liệu. Bà già nói một cách vui vẻ – Con đừng lo lắng gì về chuyện đó.
Thế rồi mang một thúng chất đầy hoa tươi cùng nước hoa, mụ đem về nhà, nói với nàng tiểu thiếp của vị Bà-la-môn:
– Chao ôi! Con trai già đang ốm tương tư vì nàng, chỉ vì già bảo cho nó biết nàng đẹp tuyệt vời! Bây giờ biết làm sao đây?
Cô gái đáp:
– Nếu bà tìm cách lén đem được cậu ấy vào đây, thì ta cho phép bà đấy.
Ngay sau đó mụ già liền bắt tay quét dọn tất cả đồ đạc hư cũ, rác rưởi trong nhà thâu góp cả bảy tầng lầu từ rầm thượng cho đến nhà bếp, bỏ vào một thúng đựng hoa to tướng rồi tìm cách đưa ra ngoài. Khi người ta lục soát như thường lệ thì mụ già đổ cả thúng rác lên đầu người đàn bà giữ cổng, khiến người đó bỏ chạy ngay trước cách đối xử quá thô bạo như thế! Mụ già cũng làm cách ấy với các người giữ cổng kia, khiến cho họ ngột thở vì đống rác rưởi trút lên đầu và mọi người la lối mụ đủ điều.
Thế là từ đó về sau, mụ già có đưa vào đưa ra bất cứ vật gì, cũng không ai có gan lục soát mụ nữa! Thời cơ đã đến tay! Mụ lén đưa gã điếm đàng giấu trong thúng hoa vào gặp cô tiểu chủ. Gã làm hư hỏng đức hạnh của cô gái ngay và còn cả gan ở lại một hai ngày trong những căn gác nhỏ trên lầu. Gã lánh mặt khi vị Tế sư đến nhà, và bầu bạn với cô gái khi vị ấy đi khỏi. Sau một hai ngày, cô gái bảo tình nhân:
– Này lang quân yêu quý, chàng phải ra đi rồi đấy.
– Ðúng rồi, nhưng ta muốn đánh lão Bà-la-môn ấy một cái đã.
– Ðược lắm chứ.
Cô gái đáp và đem giấu gã một nơi. Sau đó vị Bà-la-môn đến, cô nàng kêu lên:
– Này phu quân yêu dấu, tiện thiếp ưa thích ca múa biết bao, ước gì phu quân vui lòng thổi sáo cho thiếp.
– Vậy ái nương hãy múa đi nào.
Vị Bà-la-môn lập tức thổi sáo lên.
– Nhưng nếu phu quân nhìn thiếp thì thiếp xấu hổ thẹn thùng quá không sao dám múa đâu, để tiện thiếp lấy cái khăn che kín khuôn mặt khôi ngô khả ái của phu quân trước đã, rồi tiện thiếp mới dám múa.
– Thôi được rồi, nếu ái nương quá khiêm nhượng mà không dám múa thì cứ làm thế đi.
Vậy là cô nàng lấy một tấm vải thật dày buộc chặt lên mặt lão Bà-la-môn để che mắt lão. Và cứ giả mù như thế, lão bắt đầu thổi sáo. Nhảy múa được một lát, cô nàng lại kêu lên:
– Chàng yêu quý ôi, thiếp lại còn thích đánh chàng một cái trên đầu nữa cơ!
– Vậy thì nàng cứ đánh đi nào!
Lão già ngốc nghếch đáp mà không chút nghi ngờ gì cả. Thế là cô ả liền ra hiệu cho gã tình nhân, hắn nhẹ nhàng lẻn ra sau lưng lão Bà-la-môn đánh cho lão một đấm trên đầu nên thân! Cái đấm mới đích đáng làm sao, khiến hai mắt lão như muốn lòi ra khỏi mặt, trên đầu lão u lên một cục lớn! Lão thấy đau điếng người, liền gọi cô ả kia đến gấp, đưa tay cho lão xem, và cô ả bèn đặt tay mình vào tay lão:
– Ồ bàn tay nàng mềm mại quá, sao nó lại đánh đau thế này?
Bấy giờ, khi gã đểu cáng kia đánh lão Bà-la-môn xong, gã lại đi ẩn mình như cũ. Lúc ấy cô gái mở khăn ra khỏi mặt lão, xoa dầu lên chỗ đầu bị u. Một lát sau lão ra về, gã kia lại được mụ già giấu vào giỏ hoa đưa ra khỏi nhà. Lập tức gã đến yết kiến đức vua và tâu trình toàn thể cuộc phiêu lưu của gã cho ngài hay.
Bởi thế, khi vị Bà-la-môn vào chầu, vua liền đề nghị chơi bài súc sắc, vị ấy đồng ý và chiếc bàn chơi bài được đem ra. Khi vua ném con bài, ngài cũng ca khúc hát ấy và vị Bà-la-môn, vì không hay biết gì về sự hư hỏng của cô tiểu thiếp, nên vẫn nói thêm:
– Bao giờ cô gái của hạ thần cũng là ngoại lệ đấy.
Nhưng lần này lão thua cuộc!
Còn vua đã biết rõ mọi việc xảy ra, liền bảo Tế sư:
– Sao lại trừ nàng ấy ra? Nàng ấy đã hư thân mất nết rồi. Ồ khanh cứ tưởng là đem về nuôi một con bé từ khi lọt lòng mẹ và nhốt nó trong bảy vòng canh giữ là khanh có thể vững lòng tin vào nó ư? Này, khanh không thể tin vào một nữ nhân nào cả, dù cho khanh có ôm nó trong lòng, quanh quẩn suốt ngày bên nó không rời một khắc! Chẳng hề có một người đàn bà nào giữ dạ chung thủy với một người đàn ông duy nhất trên đời. Còn về ả tiểu thiếp của khanh, ả bảo khanh rằng ả muốn nhảy múa, rồi khi đã bịt mắt khanh xong xuôi, khanh thổi sáo cho ả, thì ả lại để gã tình nhân đánh lên đầu khanh đấy, sau đó lén đưa gã ra khỏi nhà. Thế thì ngoại lệ của khanh ở đâu chứ?
Khi nói vậy xong, nhà vua liền ngâm kệ:
Trò chơi sáo giả mù,
Vì vợ bé phỉnh phờ,
Bà-la-môn ngồi đó,
Cố gìn giữ gái tơ,
Tạo nên người đức hạnh,
Trong trắng, chẳng bùn nhơ!
Học ngay từ việc ấy,
Mà sợ đám liễu bồ!
Bằng cách ấy, Bồ-tát thuyết pháp cho vị Bà-la-môn. Vị ấy về nhà hạch hỏi cô gái về tội hư thân mất nết mà cô ả đã bị tố cáo trên.
– Này phu quân yêu quý, ai có thể nói như vậy về tiện thiếp đấy? Cô gái phân trần: Tiện thiếp vô tội thật mà, chính bàn tay thiếp đánh chàng thật mà, chứ còn ai vào đây nữa? Nếu phu quân không tin lời thiếp thì thiếp xin nguyền đem thân này ra thử lửa để chứng tỏ không hề có bàn tay nam nhân nào từng đụng vào người thiếp cả, nhờ vậy mong chàng tin tưởng thiếp.
– Muốn thế thì được ngay.
Vị Bà-la-môn liền bảo đem một đống củi vào và châm lửa lên. Sau đó cô gái được gọi đến:
– Này, vị Bà-la-môn nói, nếu nàng tin tưởng lời mình thật thì hãy thử lửa đi.
Trước đó, cô gái đã dặn dò mụ già nọ như sau:
– Này mẹ ôi, mẹ hãy gọi con trai mẹ đến sẵn đây để nắm lấy tay con đúng lúc con sắp bước vào lửa nhé!
Và mụ già làm đúng như lời cô ả dặn, bảo gã kia đứng chen vào đám đông đang vây quanh. Sau đó để đánh lừa vị Bà-la-môn, cô gái đứng trước mặt mọi người, hăng hái thề thốt:
– Thưa phu quân, không hề có tay ai trừ tay chàng đụng vào người thiếp cả, với lời thề chân thật này, thiếp cầu mong ngọn lửa đừng làm hại thân thiếp.
Nói vậy xong, cô ả tiến đến đống lửa vừa đúng lúc gã tình nhân nhảy lên chụp lấy tay ả, hét to rằng vị Bà-la-môn thật đáng xấu hổ vì đã bắt buộc một thiếu nữ diễm lệ thế kia phải nhảy vào lửa đỏ! Cô gái giật mạnh tay ra khỏi tay gã, và kêu ca rằng lời xác nhận trước đây của ả đã bị làm hỏng mất rồi, nên bây giờ ả không thể thử lửa được nữa! Vị Bà-la-môn hỏi:
– Tại sao lại không được?
Cô ả đáp:
-Bởi vì trước kia thiếp xác nhận không hề có bàn tay nam nhân nào đụng vào người thiếp trừ tay chàng ra, nhưng bây giờ lại có một người đàn ông vừa chụp lấy tay thiếp!
Nghe vậy, vị Bà-la-môn biết rằng mình đã bị lừa, liền tống cổ cô ả ra khỏi nhà bằng những cái đấm thẳng tay!
Xem đấy, chúng ta biết rõ sự hư thân mất nết của đàn bà ra sao rồi. Không có tội lỗi nào mà chúng không phạm đến cả, rồi sau đó muốn đánh lừa các ông chồng, thì có lời thề thốt nào chúng không nói bừa cho xong đã chứ! Ngay giữa ban ngày ban mặt thế mà dám cho rằng chẳng hề phạm tội gì cả đấy! Lòng dạ chúng thật giả dối điêu ngoa làm sao! Do đó từ xưa đã có tục ngữ như vầy:
Một giống toàn lừa phỉnh, dối gian,
Làm sao hiểu nổi, cứ tung tăng
Như đàn cá lội theo dòng nước,
Lộng giả thành chân, thói các nàng!
Tựa giống bò tham đồng cỏ mới,
Má đào mơ ước đổi tình lang
Khác nào cát lún, không hề thỏa,
Ðộc dữ như loài rắn hổ mang!
Bọn nữ nhi thường rành mọi sự,
Còn ghi giấu được đám hồng nhan?
*
Quả thật không làm sao giữ nổi đàn bà, bậc Ðạo Sư nói.
Khi pháp thoại chấm dứt, Ngài tuyên thuyết các Sự thật. Đến cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo bị tham ái chi phối kia đắc quả Dự lưu. Bậc Ðạo Sư cũng nêu mối liên hệ giữa hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy Ta là vua Ba-la-nại kia vậy.
Bọn nữ nhân đầy rẫy hận sân…,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể trong khi trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo bị tham dục chi phối. Khi được hỏi, vị Tỷ-kheo thú nhận rằng mình bị tham dục chi phối, bậc Ðạo Sư hỏi:
– Ðàn bà thật vong ân bội nghĩa, tại sao ông lại để dục tham chi phối vì họ?
Và Ngài kể câu chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát đã chọn đời ẩn sĩ, xây dựng cho mình một am thất bên bờ sông Hằng, tại đó ngài đã đạt các Thắng trí cùng các Thiền chứng, và an trú trong Thiền lạc. Thời ấy, vị quan giữ công khố ở thành Ba-la-nại có một cô con gái rất hung dữ, độc ác được mệnh danh là Ác Tiểu thư, thường hay mắng chửi đánh đập gia nhân, nô tỳ của mình.
Một ngày kia, bọn gia nhân đưa cô tiểu chủ đến vui chơi giải trí trên sông Hằng; cả đám đang đùa giỡn tung tăng trên mặt nước thì mặt trời lặn dần và một cơn bão lớn bỗng nổi lên. Vì thế, mọi người vội vã chạy trốn, còn lại bọn nữ tỳ của nàng kêu to: “Ðây chính là thời cơ tống khứ kẻ ác độc này đi!”. Rồi chúng ném thẳng cô gái xuống nước và vội vã bỏ về. Mưa trút xuống như thác, mặt trời dần khuất và màn đêm xuống rất nhanh.
Khi bọn nô tỳ về nhà mà không có cô tiểu chủ, liền bị tra hỏi tiểu thư đâu, họ đều thưa rằng tiểu thư đã bước lên khỏi bờ sông, nhưng họ không biết nàng đã đi đâu cả. Gia đình này đi tìm kiếm khắp nơi, nhưng không thấy tung tích cô gái đi lạc.
Trong lúc ấy, nàng kêu gào thất thanh vì bị nước lũ cuốn theo, đến nửa đêm thì trôi dạt vào gần am thất của Bồ-tát. Nghe tiếng cầu cứu, ngài tự nhủ: “Ðây là tiếng đàn bà kêu cứu. Ta phải cứu người ấy khỏi nước cuốn mới được”. Thế là ngài cầm ngọn đuốc cỏ soi sáng để tìm thấy nàng giữa dòng nước.
– Ðừng sợ! Ðừng sợ!
Ngài vui mừng kêu lên và lội xuống, rồi nhờ sức lực cường tráng như voi của ngài, ngài đưa cô gái vào bờ an toàn. Sau đó, ngài nhóm lửa trong am thất để sưởi ấm nàng và mang trái cây ngon ngọt đủ loại cho nàng dùng. Khi nàng vừa ăn, ngài hỏi:
– Nhà cô nương ở đâu, cớ sao lại rơi xuống sông?
Cô gái kể hết mọi việc đã xảy ra cho mình. Ngài bảo:
– Cô nương cứ tạm thời ở lại đây.
Ngài để cô gái ở trong am thất, còn phần ngài ra ở ngoài trời khoảng hai, ba ngày. Sau đó, ngài bảo cô gái ra đi, song cô ả cứ nấn ná ở lại cho đến khi quyến rủ được vị ẩn sĩ này say mê mình mà cô vẫn không chịu đi đâu cả. Thời gian qua cô gái dùng mọi vẻ yêu kiều của mỹ nhân kế khiến ngài mất hết thiền lực trí tuệ. Ngài vẫn cùng nàng ấy sống trong rừng.
Nhưng nàng lại không thích ở nơi hiu quạnh mãi, nên đòi ngài đem về nơi có dân cư. Thế là chìu theo lời năn nỉ ỉ ôi kia, ngài đành đem nàng ấy ra đi đến một làng ở biên địa, nuôi sống nàng bằng cách bán quả chà là, nên được gọi tên là “Hiền sĩ Chà Là”. Dân làng nhờ ngài dạy cho cách biết trước lúc được mùa hoặc mất mùa, rồi trả tiền cho ngài và biếu ngài một túp lều để sống ở cổng làng.
Bấy giờ vùng biến địa hay bị bọn cướp từ núi xuống tàn hại phá phách. Ngày kia bọn chúng tấn công vò làng ngài đang ở và cướp của cải. Chúng bắt dân làng khốn khổ kia thu góp hết tài sản cho chúng rồi cao chạy xa bay, mang theo cô tiểu thư con quan thủ khố cùng với nhiều người khác về sào huyệt của chúng. Ðến nơi, chúng thả mọi người kia ra, song giữ lại cô gái có nhan sắc ấy để làm áp trại phu nhân của viên tướng cướp thủ lãnh.
Khi Bồ-tát biết việc này, ngài suy nghĩ: “Chắc nàng sẽ không chịu ở xa ta đâu. Nàng sẽ trốn về đây với ta”. Thế rồi ngài vẫn ở đó chờ đợi nàng trở về. Trong lúc ấy nàng thấy rất hạnh phúc và được phỉ nguyện với bọn cướp kia, nên cứ nơm nớp lo sợ có ngày vị Hiền sĩ bán chà là đến bắt nàng đi về lần nữa. Nàng nghĩ thầm: “Ta sẽ được an lạc hơn nếu vị ấy chết đi. Vậy ta phải nhắn tin cho vị ấy giả vờ làm vẻ thương yêu để dụ vị ấy đến đây mà chịu chết cho xong”. Sau đó nàng tìm cách đưa tin cho ngài biết là nàng đang khổ sở lắm, và nàng mong ước ngài đến cứu đi về.
Ngài tin lời nàng, vội lên đường đến cổng làng của bọn cướp, nhắn tin cho nàng. Nàng bảo:
– Bây giờ ta trốn đi chắc phải rơi vào tay tên thủ lãnh và hắn giết ta thôi. Vậy ta hãy đợi đến nửa đêm rồi đào tẩu.
Thế là nàng đem giấu ngài trong phòng, vào nửa đêm tên cướp trở về nực nồng hơi rượu, nàng hỏi hắn:
– Này lang quân, chàng sẽ làm gì nếu tình địch ở trong tay chàng?
Hắn bảo sẽ làm thế này thế nọ đối với tình địch. Nàng bảo:
– Có lẽ gã kia cũng không ở đâu xa xôi như chàng tưởng đâu. Hiện nó đang ở trong phòng kế bên ấy.
Cầm vội ngọn đuốc, tên cướp chạy vào chụp lấy Bồ-tát đánh đấm khắp mình mẩy cho hả giận. Cam lòng chịu đựng những cái đánh đấm kia, Bồ-tát không hề kêu than gì, mà chỉ thì thầm:
– Ôi phường vong ân bội nghĩa, thật là gian ác. Bọn lừa đảo điêu ngoa xảo trá thế là cùng. Ngài chỉ nói chứng ấy thôi.
Sau khi đã đánh đập và trói chân Bồ-tát lại, tên cướp ăn uống xong liền nằm lăn ra ngủ. Sáng dậy, sau giấc ngủ tiêu tan hết cơn say sưa hồi hôm, tên cướp lại đánh đập Bồ-tát lần nữa, ngài cũng không kêu than gì, mà chỉ lặp lại mấy lời trên. Tên cướp ngạc nhiên trước chuyện này và hỏi lý do tại sao khi bị đánh đập, ngài cứ nói mãi như thế.
Hiền sĩ Chà Là đáp:
– Này nghe đây, rồi người sẽ hiểu rõ. Trước kia ta là ẩn sĩ độc cư trong rừng hoang, đã chứng đắc Thiền định Thắng trí. Sau đó, ta cứu người đàn bà này ra khỏi sông Hằng và giúp đỡ nó đủ mọi nhu cầu, song đã bị nó quyến rủ nên mất hết Thắng trí. Rồi ta từ bỏ rừng sâu, đem nó về làng sinh sống, từ đó nó bị cướp mang đi. Nó lại nhắn tin cho ta là nó đang chịu khổ sở và xin ta đến giải cứu nó. Nay nó đưa ta vào tay ngươi, vì vậy ta cứ kêu lên như thế đó.
Nghe vậy, tên cướp bắt đầu suy nghĩ lại, hắn thầm nhủ: “Nếu cô ả chẳng chút thương tiếc một người tốt đã từng làm ơn cô ả nhiều như vậy, thì ả sẽ không làm hại ta sao được? Ả phải chết!”.
Thế là sau khi an ủi Bồ-tát xong, hắn đánh thức cô ả dậy, vừa cầm kiếm trong tay, hắn vừa bảo rằng hắn sắp giết Bồ-tát ngoài cổng làng. Rồi bảo ả giữ chặt Hiền sĩ Chà Là, hắn tuốt kiếm ra, làm vẻ sắp giết ngài, nhưng lại chặt làm đôi cô ả đàn bà kia. Xong xuôi hắn tắm gội cho Bồ-tát sạch sẽ từ đầu đến chân và tiếp đãi ngài đủ món cao lương mỹ vị suốt mấy ngày liền cho thỏa thích.
– Thế bây giờ ngài định đi đâu? Cuối cùng tướng cướp hỏi:
– Trần thế chẳng có gì vui thú đối với ta cả, bậc hiền sĩ nói. Ta sẽ sống đời ẩn sĩ như xưa kia tại am thất cũ trong rừng.
– Thế thì kẻ hèn này cũng muốn làm ẩn sĩ.
Như vậy cả hai đều trở thành ẩn sĩ sống tại am thất trong rừng kia, cùng đắc các Thắng trí và các Thiền chứng, cho đến khi mạng chung thì thọ sanh lên Phạm thiên giới.
*
Kể câu chuyện ấy xong, bậc Ðạo Sư nêu lên sự liên hệ giữa hai câu chuyện qua các vần kệ sau:
Bọn nữ nhân đầy rẫy hận sân,
Nói mồm hai lưỡi, bọn vong ân,
Kẻ gieo chia rẽ, rồi gây chiến,
Vậy hỡi Tỷ-kheo, hãy bước chân
Thẳng tiến đường thanh cao chánh hạnh
Rồi ngươi thấy Cực-lạc siêu trần.
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự thật. Lúc kết thúc bài giảng, vị Tỷ-kheo bị tham dục chi phối đắc quả Dự lưu. Và bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy, Ànanda là tướng cướp và Ta chính là Hiền sĩ Chà Là kia vậy.
Chàng tưởng má hồng yêu mến chăng?…
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một nam cư sĩ. Chuyện kể rằng thời ấy tại Xá-vệ có một nam cư sĩ thọ Tam quy và Ngũ giới, là một đệ tử thuần thành của Phật, Pháp, Tăng. Nhưng vợ người này là một nữ nhân độc ác, nham hiểm. Vào những ngày người vợ ấy phạm lỗi lầm, nàng nhu mì nhẫn nhục như một nữ tỳ được mua về với giá một trăm đồng tiền, còn những ngày nàng không phạm tội gì, thì nàng lên mặt bà chủ nhà hay giận dữ và khắc nghiệt. Người chồng không sao hiểu nổi nàng. Nàng cứ làm khổ người chồng đến độ chàng không đến yết kiến đức Phật được.
Một ngày kia, chàng mang hương hoa đến, sau khỉ đảnh lễ kính cẩn xong, chàng ngồi xuống thì bậc Ðạo Sư bảo:
– Này nam cư sĩ, làm sao đã bảy tám ngày qua ông không đến hội kiến Như Lai?
– Bạch Thế Tôn, vợ con có ngày thì dễ bảo như một tỳ nữ mua về với giá một trăm đồng tiền, vào ngày khác thì hay giận dữ khắt khe như một bà chủ. Con không làm sao hiểu vợ con được. Chính vì vợ con làm phiền lòng con đến độ con không đến hầu đức Thế Tôn lâu nay.
Khi nghe người ấy nói vậy, bậc Ðạo Sư bảo:
– Này cư sĩ, ông đã được các bậc hiền trí từ xưa nói cho biết rằng thật khó hiểu được bản tính nữ nhân.
Và Ngài nói thêm:
– Nhưng vì các tiền kiếp đã trở nên lẫn lộn trong trí ông nên ông không nhớ nổi.
Nói vậy xong Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát làm một vị giáo sư danh tiếng lừng lẫy khắp nơi, với năm trăm thanh niên Bà-la-môn thọ giáo với ngài. Trong số đó có một thanh niên từ phương xa đến, chàng đã yêu một thiếu nữ và cưới người đó làm vợ.
Dù chàng đang sống tại Ba-la-nại, chàng vẫn không thể nào đến hầu sư phụ trong hai ba lần liền, vì vợ chàng là người đàn bà độc ác, hễ ngày nào phạm lỗi lầm thì nàng ra vẻ nhu mì như một tỳ nữ, còn ngày nào không làm gì sai trái thì nàng lên mặt một bà chủ hay nóng giận, khắc nghiệt. Chồng nàng không thể nào hiểu nổi tính nàng ra sao cả, và chán quá, bực mình, khổ sở vì nàng đến độ chàng không đến hầu hạ sư phụ. Bấy giờ, bảy tám ngày sau, chàng lại đến hội kiến ngài, và được Bồ-tát hỏi tại sao lâu nay vắng mặt.
Chàng đáp:
– Bạch sư phụ, nguyên nhân là tại vợ con.
Rồi chàng kể cho Bồ-tát nghe, nàng đã nhu mì ra sao trong lúc làm vẻ như một tỳ nữ, lúc khác lại khắt khe chuyên quyền khiến chàng không sao hiểu nàng được. Và chàng quá phiền muộn khổ sở vì tánh tình thất thường của nàng nên đã vắng mặt như thế.
– Này cậu trai Bà-la-môn, rõ ràng như vậy, vào ngày lầm lỗi, đàm bà tỏ ra khúm núm trước mặt chồng mình và nhẫn nhục như bọn tỳ nữ; còn ngày nào không lầm lỗi, họ tỏ ra cứng đầu bướng bỉnh với cả phu quân. Ðàn bà độc ác nham hiểm như thế đấy, khó mà biết được bụng dạ họ ra sao. Vậy cậu không nên quan tâm đến những sở trường sở đoản của họ làm gì.
Nói vậy xong, Bồ-tát ngâm kệ này để khích lệ đệ tử ngài:
Chàng tưởng má hồng yêu mến chăng?
Này chàng trai hỡi, chớ vui mừng!
Tưởng là nàng chẳng yêu chàng nữa?
Nhẫn nại mà thôi, chớ oán hờn.
Lòng dạ đàn bà ai hiểu được.
Như bầy cá lội nước tung tăng!
Ðó là lời khuyến cáo của Bồ-tát đối với đệ tử ngài, nên từ đó chàng chẳng còn quan tâm đến tính thất thường của nàng nữa. Còn nàng, khi nghe nói nết hạnh kém cỏi của mình đã đến tai Bồ-tát, thì nàng bỏ ngay thói hư tật xấu kia, không còn tái phạm.
Phần người vợ của nam cư sĩ này tự nhủ: “Người ta bảo là đức Phật đã hiểu rõ thói hư tật xấu của mình rồi!”. Từ đó nàng không còn sai phạm lỗi lầm như trước kia.
*
Khi chấm dứt pháp thoại, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Đến lúc kết thúc bài giảng, vị nam cư sĩ đắc quả Dự lưu. Sau đó bậc Ðạo Sư nêu liên hệ giữa hai chuyện và nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy hai vợ chồng kia là hai vợ chồng ngày nay, và Ta chính là vị giáo sư ấy.
Khác gì xa lộ, các dòng sông…
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên, cũng về một nam cư sĩ như chuyện trước. Người này, trong lúc tìm hiểu, đã biết chắc chắn về sự hư hỏng của vợ mình, liền cãi vã với nàng, kết quả là người ấy bực bội đến độ bảy tám ngày liền không đến yết kiến bậc Ðạo Sư.
Một ngày kia, chàng đến tinh xá, đảnh lễ đức Thế Tôn và ngồi xuống. Khi được hỏi tại sao chàng vắng mặt bảy tám ngày qua, chàng đáp:
– Bạch Ðức Thế Tôn, vợ con hư hỏng khiến con quá phiền lòng về việc ấy đến độ không đến đây được.
Bậc Ðạo Sư bảo:
– Này cư sĩ, ngày xưa người hiền thiện đã khuyên ông đừng buồn giận vì thói hư tật xấu của đàn bà mà phải giữ lòng bình thản; tuy vậy, ông đã quên chuyện này vì vòng luân hồi sinh tử đã che mắt ông.
Nói vậy xong, theo lời thỉnh cầu của vị cư sĩ, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị giáo sư tiếng tăm lừng lẫy khắp nơi, như trong chuyện trước. Một đệ tử của ngài biết được vợ mình hư hỏng, lấy làm phiền muộn về điều khám phá trên, đến độ lánh mặt đi vài ngày, nhưng một ngày kia được vị giáo sư hỏi thăm lý do vắng mặt của chàng, chàng liền thổ lộ tâm sự của mình. Sau đó vị giáo sư bảo:
– Này con, chẳng có gì riêng tư trong bọn đàn bà cả. Họ là của chung cho mọi người đấy. Vì vậy khi người trí biết được nhược điểm của họ, các vị ấy không tức giận vì họ nữa.
Nói vậy xong, ngài ngâm kệ này để khích lệ tinh thần đệ tử:
Khác gì xa lộ, các dòng sông,
Nhà trọ, sân vườn, các quán ăn,
Tửu điếm mở ra mời tất cả.
Thập phương lữ khách, thói ân cần
Thường tình nhi nữ là như thế,
Người trí không hề tỏ hận sân
Hạ cố bận lòng vì nhược điểm
Của loài liễu yếu, bọn hồng quần.
Ðó là lời khuyến cáo của Bồ-tát đối với đệ tử ngài, từ đó về sau vị này giữ bình thản trước mọi việc làm của nữ giới. Còn người vợ kia cũng được cảm hóa ngay khi nghe vị giáo sư đã biết rõ bản chất mình, nên nàng từ bỏ thói hư tật xấu cũ. Và vợ của người cư sĩ cũng vậy, khi nghe rằng bậc Ðạo Sư đã hiểu rõ bản chất của mình, liền từ bỏ thói hư tật xấu cũ.
*
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự thật. Đến lúc kết thúc bài giảng, vị cư sĩ đắc quả Dư lưu. Bậc Ðạo Sư cũng nêu sự liên hệ giữa hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân:
– Hai vợ chồng này ngày nay cũng là hai vợ chồng ngày xưa, và ta chính là vị giáo sư Bà-la-môn ấy.
Trước thời ta được Từ tâm…
Câu chuyện này được bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên, về tính tham đắm ái dục. Chuyện kể rằng một thiện gia nam tử ở Xá-vệ, sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, liền thành tâm hướng về Tam Bảo. Vị ấy xuất gia sống đời Phạm hạnh, theo đúng Chánh đạo, thực hành Thiền định và không bao giờ xao lãng trầm tư đối với đề tài Thiền quán mà vị ấy đã chọn.
Một ngày kia, trong lúc đang khất thực tại thành Xá-vệ, vị ấy chợt gặp một nữ nhân có nhan sắc quyết rủ, khiến vị ấy ham thích nên đã vi phạm giới luật tu hành là đưa mắt ngắm nàng! Dục tham bỗng khởi lên trong tâm vị ấy, khiến chẳng khác gì cây sung bị búa rìu đốn ngã xuống đất.
Từ ngày ấy, do dục tham chi phối, thâm tâm vị ấy đều mất hết sinh thú trong đời sống tu hành, cũng chẳng tìm được Pháp lạc, vị ấy chẳng khác gì một con thú hoang trong rừng, cứ để râu tóc, móng tay chân mọc dài ra dần và y phục bẩn thỉu hôi hám.
Khi các vị đồng Phạm hạnh biết được tâm trạng khổ đau của vị ấy, liền bảo:
– Này Hiền giả, tại sao tâm trí Hiền giả chẳng được như trước?
Vị ấy đáp:
– Niềm an lạc của ta đã mất rồi.
Tăng chúng liền dẫn vị ấy đến yết kiến bậc Ðạo Sư, ngài hỏi tại sao chúng Tăng dẫn vị Tỷ-kheo ấy đến dù vị ấy không muốn.
– Bạch Thế Tôn, vì niềm an lạc của vị ấy đã mất rồi.
– Này Tỷ-kheo, có đúng vậy chăng?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Vậy ai đã khiến ông phải phiền não?
– Bạch Thế Tôn, trên đường đi khất thực, con đã vi phạm giới luật của bậc Thánh khi nhìn ngắm một nữ nhân, và tham dục khởi lên trong tâm con, vì thế con sinh ra phiền não.
Bậc Ðạo Sư liền bảo:
– Này Tỷ-kheo, chẳng có gì lạ khi ông vi phạm giới luật vì ham dục lạc, ông đã nhìn ngắm một đối tượng trái với giới luật và bị tham dục chi phối.
Thuở xưa, ngay cả những bậc đã đắc năm Thắng trí và tám Thiền chứng, những bậc đã dập tắt dục tham nhờ uy lực của Thiền quán, tâm đã được thanh tịnh và đôi chân đã có thể rảo bước giữa không gian, ngay cả các vị Bồ-tát, mà chỉ vì vi phạm giới luật khi nhìn ngắm một đối tượng ngoài thông lệ, nên phải để mất hết Thiền lực, tâm bị tham dục khuấy động và phải chịu đại phiền não. Thế thì trận cuồng phong đủ năng lực xô ngã núi Tu-Di có sá gì mà quan tâm đến một ngọn đoài trọc không lớn hơn con voi; cơn gió thổi mạnh làm bật gốc cây hồng đào vĩ đại có màng gì bụi cỏ bên vách đá; hay cơn gió càn quét khô cạn cả đại dương có kể gì đến cái ao bé tí kia chứ? Nếu tham dục có uy lực làm cuồng si tâm trí của các vị Bồ-tát đã giác ngộ và thanh tịnh, thì làm sao tham dục lại phải nao núng trước ông kia chứ? Này, ngay cả những người đã thanh tịnh cũng bị tham dục làm lạc hướng và người đã đạt đến vinh quang tột đỉnh cũng phải chịu khổ nhục suy tàn.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát thọ sanh vào một gia đình Bà-la-môn giàu có tại quốc độ Kàsi. Khi ngài trưởng thành và việc học vấn đã hoàn mãn, ngài từ bỏ dục tham, xuất gia sống đời ẩn sĩ, đi vào chốn độc cư ở núi Tuyết Sơn. Tại đó, nhờ thành tựu các pháp môn đưa đến Thiền định, ngài đã đạt các Thắng trí và các Thiền chứng, và sống an vui như vậy trong Thiền lạc vi diệu.
Vì thiếu muối và giấm, một ngày kia ngài vào Ba-la-nại, tại đó ngài đến cư trú trong ngự viên của nhà vua. Ngày kế tiếp, sau khi đã tắm rửa xong thân mình, ngài xếp chiếc y bằng vỏ cây vẫn thường đắp, khoác lên vai tấm da linh dương màu đen, buộc các cuộn tóc rối thành một búi trên đỉnh đầu và mang đòn gánh với hai thúng trên lưng, ngài bắt đầu du hành để khất thực.
Trên đường đi đến cổng hoàng cung, oai nghi của ngài khiến nhà vua thán phục và truyền mời ngài vào. Thế là vị ẩn sĩ được đặt lên một bảo tọa cực kỳ huy hoàng lộng lẫy và thết đãi mọi thứ cao lương mỹ vị. Khi ngài nói lời tùy hỷ công đức, ngài lại được mời đến cư ngụ ở hoa viên. Vị ẩn sĩ nhận lời mời và trong mười sáu năm liền sống ở hoa viên, thường thuyết giáo cho cả hoàng gia và thọ hưởng ngự thiện do vua cúng dường.
Bấy giờ, một ngày kia vua phải ra chốn biên địa để dẹp loạn. Song trước khi khởi hành, vua ủy thác cho Hoàng hậu được mệnh danh là Từ Tâm, phải cung cấp các vật dụng cần thiết cho vị ẩn sĩ thanh tịnh kia. Vì vậy, sau khi vua ra đi, Bồ-tát vẫn thường đi đến cung điện khi ngài muốn.
Một ngày kia hoàng hậu Từ Tâm đã chuẩn bị một bữa cơm dâng cúng Bồ-tát, nhưng vì ngài đến muộn nên hoàng hậu vô phòng tắm rửa. Sau khi tắm nước hoa xong, bà vận xiêm y hết sức lộng lẫy, và nằm xuống đợi ngài đến trên một bảo tọa nhỏ trong một khách sảnh rộng lớn.
Khi vừa xuất khỏi Thiền định, thấy đã trễ giờ, Bồ-tát liền phi hành qua không gian để đến cung điện. Chợt nghe tiếng sột soạt của chiếc y bằng vỏ cây, hoàng hậu vội vã đứng dậy để đón tiếp ngài. Trong lúc vội vàng, chiếc y của hoàng hậu tuột xuống, để lộ mọi vẻ kiều diễm của bà trước mặt vị ẩn sĩ khi ngài vừa đến cửa. Thấy vậy, ngài bỗng ham thích chiêm ngưỡng sắc đẹp nữ nhân kỳ diện kia nên đã phạm Giới đức: Lửa dục nhen nhúm trong tâm ngài, khiến ngài giống như thân cây to bị chiếc rìu đốn ngã.
Lập tức ngài đánh mất Thiền lực, ngài chẳng khác gì con quạ bị cắt cụt đôi cánh. Ngài vẫn đứng yên tay nắm chặt thức ăn, nhưng ngài không ăn được mà bước ra đi, toàn thân rung động vì dục vọng, ngài trở về am thất trong vườn hoa, nằm xuống trên sàng tọa bằng gỗ, và suốt bảy ngày liền chịu đói khát, toàn thân bị siết chặt trong vòng vây của sắc đẹp yêu kiều kia, nội tâm ngài như bị lửa dục thiêu đốt bừng bừng.
Vào ngày thứ bảy, nhà vua trở về sau khi đã bình định biên thùy. Vừa ngự vương xa giữa đám rước linh đình quanh hoàng thành xong, vua đi vào cung. Rồi vua muốn thăm vị ẩn sĩ kia ngay, bèn đi đến hoa viên. Tại am thất, vua thấy Bồ-tát đang nằm trên sàng tọa. Tưởng vị ẩn sĩ bị bệnh, vua ra lệnh quét dọn sạch sẽ am thất và vừa vỗ vào chân ẩn sĩ ấy vừa hỏi ngài bị bệnh gì.
– Tâu Ðại vương, tâm ta đang bị dục tham trói buộc: đó là căn bệnh duy nhất của ta.
– Ngài có tham dục đối với ai?
– Tâu Ðại vương, với hàng hậu Từ Tâm đấy.
– Vậy thì từ nay Hoàng hậu thuộc về ngài, trẫm ban nàng cho ngài đấy. Nhà vua bảo.
Sau đó, nhà vua cùng vị ẩn sĩ đến cung điện ra lệnh cho hoàng hậu phục sức cực kỳ lộng lẫy rồi trao bà cho Bồ-tát. Nhưng trong lúc ban tặng hoàng hậu, nhà vua bí mật ủy thác bà phải đem hết sức mình cứu nạn cho vị ẩn sĩ thanh tịnh ấy. Hoàng hậu bảo:
– Xin Thánh thượng đừng lo ngại, thần thiếp sẽ đi cứu ngài.
Thế là cùng với hoàng hậu, vị tu khổ hạnh ra khỏi cung điện. Sau khi đã vượt qua Ðại hoàng môn, hoàng hậu kêu lên rằng hai người phải có một ngôi nhà để ở, thế là ngài phải trở lại để xin vua một cái nhà. Và vua ban cho hai vị một túp lều đổ nát mà khách qua đường dùng làm nhà tắm. Vị ẩn sĩ đưa hoàng hậu đến đó nhưng bà không chịu bước vào trong vì nó dơ bẩn quá.
Ngài kêu lên:
– Vậy ta còn phải làm gì nữa?
Bà đáp:
– Này, chàng hãy dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ.
Bà lại bảo ngài trở về cung vua xin một cái cuốc và một cái thúng, rồi bảo ngài khuân hết mọi rác rưới dơ bẩn đi. Xong lại bảo đi tìm phân bò về trét lên các bức tường. Hết việc ấy, bà bảo ngài đi đóng cái giường, cái ghế, trải một tấm nệm, lấy một bình nước, một cái chén, cứ mỗi lúc lại bảo đi tìm một món. Kế đó bà lại bảo ngài đi gánh nước về và thêm cả ngàn việc khác nữa. Thế là ngài ra đi tìm nước đổ đầy bình, xong lấy nước về tắm rửa và dọn giường. Vừa khi ngài ngồi trên giường cùng bà, bà liền nắm râu ngài kéo ngài xuống đối mặt mình và bảo:
– Thế ngài đã quên rằng ngài là một Bà-la-môn thanh thịnh rồi sao?
Nghe thế, ngài liền tỉnh ngộ sau một thời gian cuồng tâm loạn trí. (Nhân đây cũng nên nhắc lại bài thuyết giảng bắt đầu bằng: Như vậy Dục tham Triền cái được gọi là Ác dục vì chúng phát khởi từ Vô minh, này các Tỷ-kheo, những gì phát khởi từ Vô minh đều tạo nên khối Si ám dày đặc).
Thế là sau khi hồi tỉnh, ngài suy nghĩ thấy rõ bằng cách nào, khát ái này trở nên mãnh liệt dần dần sẽ đưa ngài đến bốn đọa xứ. Ngài kêu lên:
– Nội ngày hôm nay ta quyết đưa nữ nhân này trả lại cho nhà vua và bay thẳng lên núi!
Ngài liền cùng hoàng hậu đến yết kiến vua và nói:
– Tâu Ðại vương, ta không còn ham muốn hoàng hậu nữa, chính vì hoàng hậu mà trước đây khát ái đã bừng dậy trong lòng ta.
Nói vậy xong, ngài ngâm kệ:
Trước thời ta được Từ Tâm,
Lòng ta chỉ một ước mong: chiếm nàng.
Ðến khi nhan sắc nữ hoàng
Ngự trong tâm trí, ta càng đắm mê,
Dục tham dồn dập tứ bề,
Ðại vương, ta quyết bay về núi xưa.
Lập tức Thiền lực trước kia đã mất nay trở lại với ngài. Nhảy vụt lên từ mặt đất và trụ giữa hư không, ngài thuyết pháp cho vua và phi hành qua không gian đến dãy Tuyết Sơn. Ngài không bao giờ trở lại đường thế tục nữa, mà tu tập phát khởi Từ Bi tâm cùng với Thiền quán không gián đoạn, cho đến khi ngài mệnh chung và tái sanh vào Phạm thiên giới.
*
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư thuyết giảng Bốn Sự thật. Vào lúc kết thúc bài giảng, vị Tỷ-kheo đắc quả A-la-hán. Bậc Ðạo Sư cũng nêu lên mối liên hệ giữa hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy Ànanda là nhà vua, Uppalavannà (Liên Hoa Sắc) là Từ Tâm và Ta là ẩn sĩ ấy.
Tìm kiếm chồng con thật dễ dàng…,
Câu chuyện này do Bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một người đàn bà ở thôn quê.
Một thuở nọ, trong quốc lộ Kosala, có ba người đang cày ruộng ở ven rừng, cùng lúc, một bọn cướp phá hại dân chúng trong rừng xong và đang đào tẩu. Các nạn nhân chạy vào rừng tìm kiếm bọn vô lại nhưng hoài công, khi đến tận nơi ba người cày ruộng, họ la lên:
– Ðây là bọn sơn tặc giả dạng nông phu!
Thế là họ kéo cả ba tội nhân đến trình vua Kosala. Lúc bấy giờ có một người đàn bà đến cung vua khóc than kể lễ thảm thiết xin có được cái gì đó để che thân. Nghe tiếng kêu than, nhà vua ra lệnh ban cho người đàn bà ấy một tấm áo, nhưng nàng từ chối bảo rằng đấy không phải là thứ nàng muốn xin. Vì vậy thị nữ của vua trở lại trình rằng người đàn bà ấy không cần áo quần mà cần một tấm chồng! Sau đó vua truyền đưa người đàn bà vào chầu và hỏi có phải nàng muốn kiếm chồng thật chăng.
– Tâu Ðại vương, đúng thế, người đàn bà đáp. Vì người chồng mới thực sự là vật che thân cho đàn bà, còn người đàn bà nào không có chồng thì dù cho nàng ấy mặc áo quần đáng giá cả ngàn đồng tiền, cũng chẳng khác gì mình trần thân trụi!
Và để làm cho lý lẽ này thêm vững mạnh, nàng lại ngâm câu tục ngữ này:
Khác nào đất nước vì vua,
Chẳng khác dòng sông suối cạn khô,
Cũng vậy mình trần thân lại trụi
Vì không tùng trúc cạnh đào tơ!
Nhìn xem quả thật nàng trơ trọi
Dù co mười anh ruột một nhà!
Vua hài lòng với lời giải đáp của người đàn bà, nên vua hỏi mối liên hệ giữa nàng với ba tội nhân kia ra sao. Nàng đáp rằng, một người là chồng nàng, một người là con trai nàng.
– Này, hãy nhận lấy một đặc ân của trẫm, vua bảo, trẫm sẽ ban cho nàng một trong ba người ấy, nàng chọn người nào?
– Tâu Ðại vương, nàng đáp, nếu tiện thiếp còn sống, tiện thiếp có thể lấy chồng khác sinh con khác; song nay cha mẹ thiếp đã mất rồi, chẳng bao giờ thiếp có anh em nào khác nữa. Vậy tâu Ðại vương, thiếp xin chọn người anh.
Nhà vua đẹp ý với nàng, bèn thả cả ba người, vậy chính người đàn bà này là phương tiện cứu nguy cho ba người đàn ông.
Khi Tăng chúng biết được chuyện này, liền khen ngợi người đàn bà kia trong pháp đường thì bậc Ðạo Sư bước vào. Ngài hỏi Tăng chúng đang bàn luận vấn đề gì và được kể như trên; Ngài bảo:
– Ðây không phải là lần đầu tiên, này các Tỷ-kheo, người đàn bà này cứu nguy cho ba mạng sống ấy, mà ngày xưa cũng vậy.
Nói xong, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ khi vua Brahamadatta trị vì ở Ba-la-nại, ba người đàn ông cày ruộng ở ven rừng và mọi chuyện xảy ra như chuyện trên.
Khi được vua hỏi muốn chọn người nào trong ba người, nàng đáp:
– Tâu Ðại vương, Ðại vương có thể gia ân ban cho tiện thiếp cả ba người chăng?
Vua đáp:
– Không, trẫm không thể.
– Vậy tâu Ðại vương, nếu tiện thiếp không thể xin tha cả ba, thì mong Ðại vương ban cho thiếp người anh trai.
Vua đáp:
– Hãy nhận lấy người chồng hay con trai của nàng đi, chứ anh trai thì có quan hệ gì?
Người đàn bà đáp:
– Hai người kia có thể thay thế được, chứ anh trai thì không bao giờ có nữa.
Nói vậy xong, nàng lại ngâm khúc hát:
Tìm kiếm chồng con thật dễ dàng,
Tha hồ chọn chúng, đứng đầy đường,
Song tìm đâu được người anh nữa,
Dù khổ đau cho đến đoạn trường?
Vua đẹp ý, phán:
– Nàng ấy nói chí lý!
Vua bèn ra lệnh đưa ba người đàn ông kia từ ngục thất đến giao cho người đàn bà, nàng liền đưa cả ba người ra về.
– Như vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư bảo, chính người đàn bà này thuở xưa kia đã có lần cứu mạng cho cả ba người đàn ông.
*
Khi pháp thoại chấm dứt, Ngài nêu sự liên hệ giữa hai chuyện và nhận diện Tiền thân:
– Người đàn bà và ba người đàn ông ngày nay cũng là người đàn bà và ba người đàn ông ngày trước và Ta chính là vua ấy.
Ý an trú vào ai…,
Câu chuyện này, khi ở tại rừng Anjana, gần Saketa, bậc Ðạo Sư đã kể về một Bà-la-môn. Truyền thuyết nói rằng, trong khi Thế Tôn với chúng Tỷ-kheo vây quanh đang đi vào Saketa, một Bà-la-môn lớn tuổi ở tại Saketa, từ thành đi ra ngoài, thấy bậc Ðạo Sư tại ngưỡng cửa, cúi mình xuống chân Ngài, ôm chặt mắt cá và nói to:
– Này con thân, phải chăng cha mẹ khi già yếu phải được các con nuôi dưỡng? Sao mãi cho đến nay, con không để chúng ta thấy mặt con? Nay ta thấy con rồi. Hãy để cha mẹ thấy mặt con.
Nói vậy xong, người Bà-la-môn già dắt bậc Ðạo Sư vào nhà của mình. Bậc Ðạo Sư vào nhà, ngồi xuống trên ghế đã soạn sẵn cùng với chúng Tỷ-kheo. Vị nữ Bà-la-môn đi đến, cúi mình xuống chân bậc Ðạo Sư, khóc và nói:
– Này con thân, từ trước đến nay con đã đi đâu? Phải chăng cha mẹ khi già cả phải được các con hầu hạ?
Rồi bà gọi các con trai, con gái lại, bảo đảnh lễ anh cả. Hai vị hoan hỷ cúng dường bố thí lớn. Sau khi dùng cơm, bậc Ðạo Sư đọc cho hai vị Bà-la-môn bài kinh nói về Tuổi già (Kinh Tập, Chương 4). Sau bài kinh ấy, cả hai đều chứng quả Nhất lai. Rồi bậc Ðạo Sư từ chỗ ngồi đứng dậy, đi về rừng Anjana. Các Tỷ-kheo ngồi họp tại Pháp đường bắt đầu câu chuyện như sau:
– Này các Hiền giả, vị Bà-la-môn đã biết vua Tịnh Phạn là phụ thân của đức Như Lai, mẹ Ngài là Mahàmayà. Tuy vậy, ông cùng với nữ Bà-la-môn, cả hai gọi đức Như Lai là con của họ và bậc Ðạo Sư lại chấp nhận, việc này có lý do gì?
Bậc Ðạo Sư nghe câu chuyện của họ bèn nói:
– Này các Tỷ-kheo, cả hai vị ấy gọi Ta là con của họ như vậy là đúng.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
– Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, vị Bà-la-môn này là cha của Ta, tiếp tục như vậy không gián đoạn cho đến năm trăm đời, là cậu của Ta trong năm trăm đời, là ông của Ta trong năm trăm đời. Còn vị nữ Bà-la-môn này là mẹ của Ta, tiếp tục như vậy trong năm trăm đời, là bà của Ta trong năm trăm đời. Ta được lớn lên trong tay người Bà-la-môn trong một ngàn năm trăm đời, và trong tay vị nữ Bà-la-môn trong một ngàn năm trăm đời.
Sau khi kể về ba ngàn đời sống, bậc Ðạo Sư là bậc Chánh Ðẳng Giác đọc lên câu kệ này:
Ý an trú vào ai,
Tâm tư được hoan hỷ
Khi mới thấy lần đầu,
Hãy tin tưởng người ấy.
*
Như vậy, sau khi kể xong pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện Tiền thân:
– Vị Bà-la-môn và nữ Bà-la-môn này là hai vợ chồng trong các đời trước, còn người con trai là Ta vậy.
Ðáng rủa thay nọc độc…,
Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về vị tướng quân Chánh pháp. Theo truyền thuyết, trong một thời gian Trưởng lão ấy thường ăn các món làm bằng bột do các thiện nam tín nữ đem đến tinh xá cúng dường. Khi chúng Tỷ-kheo đã ăn đầy đủ, số bánh còn lại rất nhiều. Các vị thiện tín thưa:
– Thưa các Tôn giả, hãy lấy phần cho những vị đi vắng.
Trong lúc ấy, đệ tử cộng trú với Trưởng lão đã đi vào trong làng. Sau khi lấy phần cho người ấy, người ấy vẫn chưa về và thời gian đã quá trễ, người ta cúng dường phần ấy cho Trưởng lão. Khi Trưởng lão đang ăn thì vị Tỷ-kheo trẻ trở về. Trưởng lão nói với Tỷ-kheo trẻ ấy:
– Này Hiền giả, chúng tôi đã ăn phần của Hiền giả.
Vị ấy nói:
– Thưa Tôn giả, chúng ta đều thích đồ ngọt cả.
Bậc Ðại Trưởng lão cảm thấy xúc động, phiền lòng và quyết định từ lúc ấy trở đi không ăn bánh làm bằng bột nữa. Bắt đầu từ đấy, người ta đồn Trưởng lão Xá-lợi-phất không ăn bánh làm bằng bột như trước nữa. Sự không ăn bánh ấy của Trưởng lão được chúng Tỷ-kheo biết rõ. Các Tỷ-kheo nói về vấn đề này trong khi ngồi họp ở Pháp đường. Rồi bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông đang ngồi bàn tán về vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, khi Xá-lợi-phất đã từ bỏ vật gì, thì dù mất thân mạng, cũng không chấp nhận lại vật ấy.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình thầy thuốc chữa nọc độc rắn, và làm nghề thầy thuốc ấy để sinh sống. Bấy giờ, một con rắn cắn một người dân quê. Bà con kẻ ấy lập tức đưa kẻ ấy đến thầy thuốc. Thầy thuốc hỏi:
– Bà con muốn chữa trị với dược liệu và rút nọc độc ra, hay là bắt con rắn đã cắn và bảo nó hút nọc độc ra?
Theo yêu cầu, thầy thuốc cho bắt con rắn, và khi hỏi có phải nó cắn người ấy không, con rắn xác nhận chính nó cắn, thầy thuốc bảo:
– Ngươi hãy lấy miệng hút nọc độc của ngươi ra tại chỗ bị cắn.
Con rắn kêu:
– Từ trước tới nay, chưa có một lần nào ta lại hút nọc độc mà ta đã phun ra. Ta không hút nọc độc ấy đâu.
Thầy thuốc bảo đem lại củi, nhen lửa lên và nói:
– Nếu ngươi không hút nọc độc ra, ngươi phải bò vào lửa này.
Con rắn nói:
– Thà ta bò vào lửa chịu chết, nhưng ta sẽ không hút nọc độc mà ta đã một lần phun ra.
Rồi nó đọc bài kệ này:
Ðáng rủa thay nọc độc,
Một lần đã phun ra,
Nay lại vì mạng sống,
Ta phải hút trở vào.
Thà ta chết tốt hơn,
Là sống phải làm vậy.
Nói vậy xong, con rắn bò vào lửa. Thầy thuốc ngăn chận nó lại, rút nọc độc cho người bị nạn bằng thuốc và bùa chú, trao Giới cho con rắn, rồi thả rắn ra và nói:
– Bắt đầu từ nay, chớ làm hại một ai!
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Xá-lợi-phất mới từ bỏ vật gì một lần rồi, dầu phải mất thân mạng, cũng không chấp nhận lại vật ấy.
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp các câu chuyện và nhận diện Tiền thân:
– Thuở ấy, con rắn là Xá-lợi-phất, còn thầy thuốc là Ta vậy.
Chiến thắng ấy không tốt….,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về Trưởng lão tên là Cittahattha Sariputta. Trưởng lão ấy, theo truyền thuyết, là một thanh niên thuộc một gia đình tốt ở Xá-vệ. Một hôm, trên con đường về nhà, sau khi cày xong, thanh niên ấy đi vào tinh xá, nhận được các món ăn thượng vị béo và ngọt từ bát của một Trưởng lão. Kẻ ấy suy nghĩ: “Chúng ta ngày đêm tự tay làm nhiều công việc, nhưng không được các món ăn ngọt như thế này. Vậy ta hãy trở thành một Sa-môn!”. Kẻ ấy xuất gia, sau một tháng rưởi tinh cần, nhưng bị phiền não chinh phục, kẻ ấy hoàn tục. Rồi vì kiếm ăn mệt nhọc, kẻ ấy trở lại xuất gia, học Thắng Pháp.
Với phương diện này, sáu lần kẻ ấy hoàn tục, sáu lần xuất gia, nhưng đến lần thứ bảy trở lại thành Tỷ-kheo. Vị Tỷ-kheo này thông suốt bảy bộ A-tỳ-đàm (Thắng pháp), và do đọc lớn tiếng nhiều lần Giáo pháp của Tỷ-kheo, nhờ triển khai Thiền quán, vị ấy chứng quả A-la-hán. Các thân hữu Tỷ-kheo cười nhạo, nói:
– Này, Hiền giả, trước kia tâm Hiền giả là như vậy, này làm sao các phiền não không tăng trưởng được?
– Thưa các Hiền giả, từ hôm nay trở đi, tôi không có thể trở lui đời sống gia đình được.
Vấn đề vị này chứng quả A-la-hán như vậy được nói lên tại Pháp đường:
– Thưa các Hiền giả, dầu được căn duyên trở thành một vị A-la-hán như vậy, Tôn giả Cittahattha Sariphutta đã sáu lần từ bỏ đời xuất gia. Ôi thật sự là sai lầm cho tánh phàm phu của vị ấy!
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp bàn vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, tâm của hạng phàm phu là nhẹ dạ, khó điều phục, bị các đối tượng chi phối, hay dính chặt. Một khi đã dính chặt, thì không thể thoát ly mau lẹ. Tâm tư như vậy được nhiếp phục thật là tốt lành. Một khi tâm được nhiếp nhục, thì nó đem lại an lạc.
Khó nắm giữ, khinh động,
Theo các dục quay cuồng.
Lành thay, điều phục tâm,
Tâm điều, an lạc đến. (Pháp Cú, 35)
Do tánh khó nhiếp phục này, thuở xưa các bậc hiền trí, chỉ vì một cái cuốc mà họ không thể bỏ được, vì lòng tham, sáu lần từ bỏ đời xuất gia. Chỉ lần xuất gia thứ bảy, Thiền định khởi lên, họ mới nhiếp phục được lòng tham ấy!
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một người làm vườn. Lớn lên Bồ-tát được gọi là bậc Hiền trí cái cuốc. Với cái cuốc, Bồ-tát dọn sạch khoảng đất, tự mình gieo trồng các loại như rau, bí, bầu, dưa leo và các thứ rau khác để bán và sinh sống một cách khó khăn. Ngoại trừ cái cuốc này ra, Bồ-tát không có một tài sản gì khác.
Một hôm, Bồ-tát suy nghĩ: “Ta sống trong gia đình làm gì? Hãy xin đi xuất gia”. Bồ-tát cất cái cuốc ấy vào một chỗ kín, xuất gia làm vị tiên nhân du sĩ. Lại nhớ đến cái cuốc ấy, không thể chặt đứt lòng tham vì cái cuốc sứt mẻ, Bồ-tát từ bỏ đời xuất gia. Như vậy lần thứ hai, lần thứ ba; cho đến lần thứ sáu, Bồ-tát chôn cái cuốc vào một chỗ kín, xuất gia rồi lại bỏ xuất gia. Ðến lần thứ bảy, Bồ-tát suy nghĩ: “Chỉ vì cái cuốc sứt mẻ này, ta tiếp tục từ bỏ xuất gia, nay ta sẽ quăng nó vào con sông lớn rồi sẽ xuất gia!”.
Bồ-tát đi đến bờ sông, lại nghĩ: “Nếu thấy được nơi cái cuốc bị rơi, thì ta có thể đi đến đó và vớt nó lên được”. Nghĩ vậy, với sức mạnh kiên trì như voi, Bồ-tát cầm cán cuốc quay tròn trên đầu ba lần, nhắm mắt lại, quăng cái cuốc vào giữa dòng sông, và rống lên tiếng rống con sư tử ba lần:
– Ta đã chiến thắng! Ta đã chiến thắng!
Lúc bấy giờ, vua Ba-la-nại, vừa dẹp xong loạn ở biên giới trở về, tắm trong con sông ấy. Sau khi trang điểm đủ mọi châu báu, vua ngồi trên lưng voi, đang đi, nghe tiếng Bồ-tát la lớn liền nghĩ: “Người này nói ta đã chiến thắng. Nó đã chiến thắng ai vậy? Ta hãy gọi nó”. Khi Bồ-tát đến, vua hỏi:
– Này bạn, ta vừa thắng trận ở chiến trường trở về. Còn bạn chiến thắng ai vậy?
Bồ-tát thưa:
– Thưa Ðại vương, một ngàn hay một trăm ngàn chiến trận được Ðại vương chiến thắng đều vô ích, nếu Ðại vương không tự mình chiến thắng các phiền não. Chính do chiến thắng tham dục trong nội tâm, ta đã chiến thắng các phiền não.
Trong khi nói vậy, Bồ-tát nhìn con sông lớn, khởi lên Thiền quán với đối tượng về nước, đắc Thiền chứng, ngồi trên hư không thuyết pháp cho vua, và đọc bài kệ này:
Chiến thắng ấy không tốt,
Nếu chiến thắng rồi bại.
Chiến thắng thật tốt lành
Là chiến thắng nội tâm.
Nhà vua nghe thuyết pháp, với sự đoạn trừ vọng kiến, các phiền não được đoạn tận, tâm tư hướng về xuất gia. Ngay lúc ấy, tham dục đối với vương vị cũng tiêu diệt. Vua hỏi Bồ-tát:
– Nay Bồ-tát sẽ đi đâu?
Bồ-tát trả lời sẽ đi vào Hy-mã-lạp Sơn, xuất gia làm vị tiên nhân du sĩ. Vua nói lên ý muốn xuất gia của mình và cùng đi với Bồ-tát. Toàn bộ số người, các Bà-la-môn gia chủ, toàn thể quần chúng hội họp tại chỗ ấy, tất cả đều cùng đi với vua. Dân chúng ở Ba-la-nại được nghe vua Ba-la-nại của họ hướng về xuất gia sau khi nghe bậc Hiền trí thuyết pháp, nghĩ rằng họ ở lại đấy làm gì, cũng xin đi xuất gia. Từ nội thành dài mười hai dặm, tất cả dân chúng trong thành đều ra đi. Hội chúng dài đến mười hai dặm cùng với Bồ-tát đi vào Hy-mã-lạp Sơn.
Bấy giờ, chiếc ngai của Thiên chủ Ðế Thích trở thành nóng. Tìm hiểu lý do, Ðế Thích thấy bậc Hiền trí đang tiến hành một đại sự xuất gia. Ước lượng số đại chúng và số trú xứ cần cho họ ở, Ðế Thích truyền gọi Vissakamma, Thần xây dựng của chư Thiên, và nói:
– Này, khanh thân, bậc Hiền trí đang tiến hành một đại sự xuất gia, cần phải có trú xứ cho họ ở. Hãy đi đến Hy-mã-lạp Sơn, trên một chỗ bằng phẳng, khanh hãy cho xây dựng một khu ẩn cư dài ba mươi dặm, rộng mười lăm dặm.
Vissakamma vâng lời và cho làm đúng như đã nói (Ðây chỉ là tóm tắt. Các chi tiết đầy đủ sẽ được nói trong Tiền thân Hattipàla số 509).
Vissakamma hóa hiện ra một khu chòi lá tại các vùng ẩn cư, đuổi xa các loài thú ồn ào, các loài chim, các loài phi nhân và lập một con đường theo mỗi phương hướng chính, con đường rộng vừa một người đi. Rồi Vissakamma đi về trú xứ của mình.
Còn bậc Hiền trí đem theo hội chúng ấy đi vào dãy Hy-mã-lạp Sơn, đến chỗ ẩn cư đã được Ðế Thích cho, đem theo các vật dụng xuất gia do Vissakamma tạo ra, tự mình xuất gia trước, rồi sau truyền giới xuất gia cho hội chúng, phân phối chỗ ẩn cư rồi giao cho họ. Tất cả đều từ bỏ vương vị ngang bằng vương vị của Ðế Thích. Hội chúng tràn đầy chỗ ẩn cư dài đến ba mươi dặm. Sau khi chuẩn bị các đối tượng đề tài Thiền quán, và tu tập tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả, Bồ-tát dạy đề tài Thiền quán cho hội chúng. Tất cả đều đạt Thiền chứng, và được sanh lên cõi Phạm thiên. Còn tất cả những ai hộ trì hội chúng, đều được sanh lên cảnh giới chư Thiên.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, như vậy, khi tâm bị các phiền não chi phối, thật khó từ bỏ. Các đối tượng tham ái khởi lên rất khó từ bỏ, khiến cho các bậc hiền trí cũng trở thành vô trí.
Sau khi kể pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, một số người chứng quả Dự lưu, một số người chứng quả Nhất lai, một số chứng quả Bất lai, một số đạt quả A-la-hán. Bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, vua là Ànanda, hội chúng ấy là hội chúng đức Phật, còn bậc hiền trí là Ta vậy.
Ghi chú: Các chuyện từ số 62 đến số 67 do cư sĩ Trần Phương Lan dịch.
PHẨM VARANA
Ai có việc làm trước…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về Trưởng lão tên là Kutumbikaputtatissa (Tissa, con vị điền chủ). Theo truyền thuyết, một hôm, ba mươi thiện nam tử thân hữu với nhau ở Xá-vệ, đem theo hương hoa, vải, áo, với đại chúng vây quanh, đi đến Kỳ Viên để nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp. Khi đến, họ ngồi một lát trong những lùm cây Sàla có tàm lá phủ xung quanh.
Cho đến chiều, khi bậc Ðạo Sư từ Hương phòng thơm ngát đến Pháp đường, ngồi trên Phật tọa trang nghiêm, họ cùng với tùy tùng đi đến cúng dường hương hoa lên bậc Ðạo Sư, đảnh lễ dưới chân Ngài, đôi bàn chân tốt đẹp như hoa sen nở rộ, dưới bàn chân có dấu bánh xe, và họ ngồi xuống một bên nghe pháp. Họ suy nghĩ như sau: “Tùy theo sự hiểu biết của chúng ta đối với pháp được Thế Tôn thuyết giảng, chúng ta sẽ xuất gia”.
Khi Như Lai từ Pháp đường đi ra, họ đến đảnh lễ Ngài rồi xin xuất gia. Bậc Ðạo Sư cho họ xuất gia. Ðược sự chấp nhận của bậc Sư trưởng và Giáo thọ sư, họ được thọ đại giới. Trong năm năm, sống gần bậc Sư trưởng và Giáo thọ sư, họ học thuộc lòng hai bản tóm tắt, biết được những điều gì nên làm, những điều gì không nên làm, học thuộc lòng ba cách thức nói lên lời tùy hỷ, biết may và nhuộm các y. Muốn thực hành Sa-môn pháp, họ xin phép vị Sư trưởng và Giáo thọ sư, đi đến bậc Ðạo Sư đảnh lễ, ngồi xuống một bên và thỉnh cầu:
– Bạch Thế Tôn, chúng con ưu não đối với sanh hữu, lo âu về sanh, già, bệnh, chết; vì mục đích thoát khỏi luân hồi, xin Thế Tôn cho chúng con đề tài Thiền quán.
Bậc Ðạo Sư lựa chọn một đề tài thích hợp trong ba mươi tám đề tài Thiền quán, và đã nói cho họ đề tài ấy. Sau khi được nghe đề tài Thiền quán từ bậc Ðạo Sư, họ đảnh lễ Ngài, thân hướng vế phía hữu, đi về am thất. Rồi nhìn vị Sư trưởng và Giáo thọ sư, lấy y bát, với ý định sẽ hành trì Sa-môn pháp, họ ra đi.
Trong hội chúng, có một Trưởng lão Tỷ-kheo tên là Kutumbika-puttatissa biếng nhác, yếu kém, thiếu tinh tấn, tham ăn vị ngon. Vị ấy suy nghĩ: “Ta không thể sống ở trong rừng, ta không thể nổ lực tinh tấn, ta không thể sống theo hạnh khất thực. Vậy ta đi theo họ nào có ích lợi gì? Ta sẽ trở lui”. Vị ấy thối thất tinh tấn, đi theo các Tỷ-kheo một đoạn rồi trở lui. Các Tỷ-kheo đi bộ trong xứ Kosala, đến một làng ở biên địa, an cư mùa mưa tại một khu rừng gần làng ấy. Sau ba tháng khổ luyện tinh cần, nhận được hột giống Thiền quán khiến cho quả đất reo mừng, các Tỷ-kheo ấy chứng quả A-la-hán, làm lễ tự tứ, xuất an cư, với ý định: Chúng ta sẽ báo tin công đức đạt được lên bậc Ðạo Sư”.
Từ chỗ ấy họ dần dần đi đến Kỳ Viên. Sau khi cất đặt y bát, gặp vị Sư trưởng và Giáo thọ sư, các Tỷ-kheo ấy đi đến yết kiến bậc Ðạo Sư, đảnh lễ rồi ngồi xuống. Bậc Ðạo Sư nói lên những lời thăm hỏi dịu ngọt. Sau đó, họ báo cáo lên bậc Ðạo Sư những công đức tự mình chứng đắc. Bậc Ðạo Sư tán thán các Tỷ-kheo ấy.
Riêng Trưởng lão Kutumbikaputtatissa nghe bậc Ðạo Sư tán thán những công đức của họ, liền khởi ý muốn tự mình hành trỉ Sa-môn pháp. Còn các Tỷ-kheo kia xin phép bậc Ðạo Sư được trở về sống tại khu rừng trước của họ và được bậc Ðạo Sư chấp thuận. Họ đảnh lễ Ngài và đi về am thất.
Rồi Trưởng lão Kutumbikaputtatissa, giữa đêm, quá hăng hái tinh tấn, quá hấp tấp hành trì Sa-môn pháp, trong canh giữa, ngủ đứng, dựa vào giường gỗ, trở mình và ngã xuống, làm gãy xương bắp vế, đau đớn vô cùng. Các Tỷ-kheo phải chăm sóc cho Trưởng lão Tissa nên không đi được. Vào giờ họ đến yết kiến bậc Ðạo Sư, Ngài hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, phải chăng hôm nay các ông sẽ lên đường. Hôm qua các ông đã xin phép rồi mà?
– Thưa phải, bạch Thế Tôn. Nhưng bạn của chúng con là Trưởng lạo Tissa, vì tinh tấn phi thời, quá hấp tấp hành trì Sa-môn pháp, bị giấc ngủ chi phối, xoay mình và ngã xuống, làm bắp vế gãy. Vì Trưởng lão ấy, chúng con chưa đi được, Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay, do thiếu sự tinh tấn của mình, Tissa đã tinh tấn phi thời và quá hấp tấp, tạo chướng ngại việc các ông ra đi. Thuở trước, Tissa cũng đã tạo chướng ngại cho sự ra đi của các ông rồi.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của các vị Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, tại nước Gandhara, ở Takkasila, Bồ-tát sanh ra làm vị giáo sư có danh tiếng khắp nơi, dạy nghề cho năm trăm thanh niên Bà-la-môn. Các thanh niên ấy, một hôm, đi vào rừng để lượm củi đem về. Trong bọn họ có một thanh niên biếng nhác, thấy một cây Varana lớn, tưởng cây ấy đã khô, nên nghĩ: “Ta sẽ nằm ngủ một lát, sau sẽ leo lên cây, bẻ củi xuống, nhặt lấy rồi mang về”. Nghĩ vậy, anh ta trải áo ngoài, nằm xuống, rơi vào giấc ngủ và ngáy lớn. Các thanh niên khác bó lại từng bó củi, mang đi, đến chỗ ấy, lấy chân đá vào lưng cho đến khi anh ta thức dậy rồi bỏ đi.
Thanh niên biếng nhác thức dậy, chùi mắt chùi mấy lần vẫn còn ngái ngủ. Anh ta leo lên cây, nắm một cành, kéo đến sát mặt mình và bẻ gãy cành ấy. Khi bẻ gãy, phần bị gãy của cành cây quật lại đập vào mắt anh ta. Với một tay, anh ta bịt mắt, và với một tay anh ta bẻ gãy cành tươi. Rồi anh ta leo xuống, bó lại thành bó củi, mang lên vai, đi mau về nhà, quăng bó củi của mình trên các bó củi của những người khác.
Hôm ấy, một gia đình ở làng quê mời vị giáo sư ngày mai đến nhà họ làm lễ cúng dường. Vị giáo sư nói với các thanh niên:
– Này các con thân, ngày mai các con phải đến một làng. Các con không thể đi mà không ăn. Vậy sáng sớm, hãy cho nấu cháo và ăn cháo trước khi đi đến đấy. Rồi các con sẽ lấy phần của ta, và lấy tất cả phần các con mang về.
Sáng sớm hôm sau, các thanh niên đánh thức một tỳ nữ dậy, bảo nó nấu cháo gấp cho họ. Nữ tỳ ấy đi lấy củi, lấy những bó củi xanh chồng trên cao nhất, liên tiếp dùng miệng thổi, nhưng không làm cho lửa cháy được, cho đến khi mặt trời mọc. Các thanh niên thấy trời đã quá sáng, không thể đi được nữa, bèn đi đến gặp giáo sư. Giáo sư hỏi sao các thanh niên chưa đi. Họ nói lý do:
– Có một thanh niên biếng nhác đi cùng với chúng con hái củi, nằm ngủ dưới gốc cây Vanara, sau khi leo lên cây hấp tấp, bị cành cây đánh vào mắt, đã đem về các củi xanh của cây Vanara, quăng lên trên các bó củi của chúng con đem về. Vì vậy, người tỳ nữ định nấu cháo, lấy các củi ấy tưởng là khô, cho đến khi mặt trời mọc vẫn không thể nhen lửa. Ðó là lý do làm chướng ngại việc chúng con đi.
Vị giáo sư nghe việc làm của thanh niên ấy, liền nói:
– Chính việc làm của kẻ ngu si đã đem đến sự tổn hại như vậy.
Rồi vị giáo sư đọc bài kệ này:
Ai có việc làm trước,
Về sau mới chịu làm
Như bẻ Va-ra-na,
Về sau nó chịu khổ.
Như vậy, Bồ-tát nói rõ lý do này cho các đệ tử, rồi trọn đời làm các công đức như bố thí…. Và khi mạng chung, ngài đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải ngày nay kẻ ấy mới làm chướng ngại cho các ông. Thuở trước, kẻ ấy cũng đã làm vậy rồi.
Sau khi bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này, Ngài kết hợp hai mẩu chuyện, và nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, thanh niên bị cành cây đánh vào mắt là Tỷ-kheo bị gãy xương bắp vế. Các thanh niên khác là hội chúng của đức Phật, còn giáo sư Bà-la-môn là Ta vậy.
Con người không biết ơn…,
Câu chuyện này, khi ở tại Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư đã kể về Ðề-bà-đạt-đa. Các Tỷ-kheo, ngồi tại Pháp đường, và nói chuyện:
– Thưa các Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa vô ơn, không biết những công hạnh của đức Như Lai.
Bậc Ðạo Sư đến, hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi ở đây đang nói chuyện gì?
Sau khi được biết câu chuyện ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới vô ơn. Trước kia, kẻ ấy cũng đã vô ơn rồi. Kẻ ấy không bao giờ biết công đức gì của Ta.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của họ, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát nhập thai trong bụng một con voi ở dãy Hy-mã-lạp Sơn. Khi sanh ra, Bồ-tát toàn trắng như một khối bạc; đôi mắt Bồ-tát giống như những hòn châu báu, chói sáng như năm loại ánh sáng; miệng giống như tấm vải đỏ; vòi giống như sợi dây bạc điểm thêm những chấm vàng đỏ. Bốn chân như mài láng như sơn mài. Như vậy, thân hình Bồ-tát có sắc đẹp tối thượng, được trang điểm với mười hạnh Ba-la-mật tuyệt hảo.
Khi Bồ-tát lớn lên, tất cả con voi Hy-mã-lạp Sơn tụ họp lại để hầu hạ Bồ-tát. Khi sống ở Hy-mã-lạp Sơn được vây quanh với tám vạn con voi, Bồ-tát thấy tội lỗi của đàn voi trong tương lai, nên tách rời khỏi đàn, sống một mình trong rừng, và với đức hạnh của mình, được gọi là Tượng vương có đức hạnh.
Một người sống ở Ba-la-nại, chưa quen sống ở rừng, đi vào dãy Hy-mã-lạp Sơn, tìm những vật liệu cho nghề nghiệp nuôi sống của mình. Do không nhận định được phương hướng, lạc đường kẻ ấy hoảng hốt vì sợ bị chết, vừa đi vừa dang tay ra than khóc. Bồ-tát nghe kẻ ấy than khóc quá độ, động lòng thương, muốn cứu kẻ ấy thoát khổ, liền đi đến gần. Kẻ ấy thấy Bồ-tát liền hoảng sợ chạy trốn. Bồ-tát thấy kẻ ấy chạy, liền đứng lại ngay tại chỗ. Người ấy thấy Bồ-tát đứng, cũng đứng lại. Bồ-tát đi đến, người ấy lại bỏ chạy. Khi thấy Bồ-tát đứng, kẻ ấy cũng đứng lại và suy nghĩ: “Con voi này, khi ta chạy thì đứng lại, khi ta đứng thì đi đến gần, ta thoát khỏi khổ này”. Nghĩ vậy, trở thành mạnh dạn, kẻ ấy đứng lại. Bồ-tát đi đến gần và nói:
– Này bạn, sao bạn lại đi lang thang ở đây, và khóc than như vậy?
– Thưa chúa voi, không nhận định được phương hướng, lạc đường, nên tôi sợ chết!
Rồi Bồ-tát đưa người ấy về trú xứ của mình, trong một vài ngày, thết đãi kẻ ấy với trái cây và những vật thực khác, và nói:
– Này bạn, chớ sợ hãi. Ta sẽ đưa bạn đến con đường của loài người đi.
Bồ-tát để kẻ ấy ngồi trên lưng ngựa, đưa đến con đường có loàn người đi. Người ấy là một người phản bạn, nghĩ rằng nếu có ai hỏi, sẽ nói lên những gì cần phải nói. Tuy ngồi trên lưng Bồ-tát, nhưng người ấy vừa đi vừa nhận diện tướng cây, tướng núi. Bồ-tát đi ra khỏi rừng, đứng trên con đường lớn đưa đến Ba-la-nại, tiễn người ấy đi và nói:
– Này bạn, hãy đi theo con đường này. Dù có ai hỏi hay không hỏi chỗ của ta, cũng đừng nói cho ai biết.
Nói xong, để người ấy ra đi, rồi Bồ-tát trở lại trú xứ của mình.
Người ấy đến Ba-la-nại, trong khi đang đi đến con đường của người thợ ngà voi, thấy nhiều đồ vật khác nhau được làm ra từ ngà voi, bèn hỏi:
– Các bạn, nếu được ngà một con voi đang sống, bạn có lấy không?
– Bạn nói gì vậy? Ngà con voi đang sống có giá trị nhiều hơn ngà con voi chết rồi.
– Ta sẽ đem về cho bạn ngà một con voi đang sống.
Sau khi chuẩn bị lương thực, đem theo một cái cưa sắc bén, kẻ ấy đi đến trú xứ của Bồ-tát. Chúa voi thấy kẻ ấy liền hỏi:
– Ngươi đến đây vì mục đích gì?
– Thưa chúa voi, tôi nghèo khổ, đời sống quá khổ cực. Nếu bạn cho tôi đôi ngà của bạn, tôi sẽ bán chúng lấy tiền để nuôi sống.
– Vậy này bạn, ta cho bạn ngà của ta, bạn có cái cưa để cưa cặp ngà không?
– Thưa chúa voi, tôi đến đây có đem theo cái cưa.
– Vậy hãy cưa ngà rồi đem về.
Rồi Bồ-tát co hai chân lại, ngồi xuống như con bò ngồi. Người ấy cưa hai ngà tối thượng của chúa voi. Bồ-tát lấy cái vòi giao hai cái ngà cho kẻ ấy và nói:
– Này bạn, không phải vì không thích ý, vì không ưa cặp ngà này mà ta cho bạn. Nhưng ngàn lần, trăm ngàn lần thân yêu hơn đối với ta là cặp ngà giải thoát giác ngộ, ngà này có thể giúp ta hiểu tất cả các pháp. Do vậy, mong rằng sự bố thí đôi ngà này của ta sẽ đem lại cho ta Nhứt thiết trí!
Với lời nói ấy, Bồ-tát đưa hai cái ngà cho người ấy như là cái giá của Nhứt thiết trí. Kẻ ấy lấy ngà xong, đem bán đi. Khi tiền tiêu hết rồi, kẻ ấy lại đi đến Bồ-tát và nói:
– Thưa chúa voi, sau khi bán hai cái ngà của bạn, với tiền lấy được, tôi chỉ trả hết nợ cũ. Vậy hãy cho tôi các ngà còn lại.
Bồ-tát chấp thuận, bảo cưa các ngà còn lại như trước. Người ấy đem bán chúng, rồi lại đi đến và nói:
– Tôi không thể sống được, hạy cho tôi chân gốc của các ngà.
– Ðược lắm!
Con voi nói và ngồi xuống như lần trước. Con người độc ác ấy đạp lên trên cái vòi giống như sợi dây bạc của bậc Ðại Sĩ, leo lên trên đầu voi như đỉnh núi Kelasa đánh vào gốc chân của hai cái ngà, cho đến khi móc thịt ra. Rồi kẻ ấy dùng cưa sắc bén cưa cái gốc chân ngà, và lấy đem đi. Khi người ác độc ấy vừa ra khỏi tầm mắt của Bồ-tát, thì quả đất cứng dày đặc, dài hơn hai trăm ngàn dặm, có thể chở nổi sức nặng kinh khủng của núi Tu-di, với các triền núi bao vây, với tất cả phân tiểu ghê tởm hôi thối; nhưng quả đất không thể chịu nổi sự độc ác kia, nên đã nứt ra tạo thành một vực thẳm. Các ngọn lửa từ đáy đại A-tỳ địa ngục phun lên, bao phủ con người phản bạn với một cái màn tử vong, cuốn lấy kẻ ấy đem đi. Như vậy, khi con người độc ác ấy bị nuốt vào lòng đất, vị thần trú ở khóm rừng làm vang dậy khắp cả khu rừng với lời nói:
– Người bạn vô ơn phản bội, dầu được cho quốc độ của vua Chuyển luân, cũng không cảm thấy thỏa mãn.
Và để thuyết pháp, vị thần ấy đọc bài kệ này:
Con người không biết ơn
Luôn luôn thấy kẽ hỡ,
Dầu được cho quả đất,
Không bao giờ thỏa mãn.
Như vậy, vị thầy cây thuyết pháp, làm vang động cả khu rừng ấy, Còn Bồ-tát sống cho đến mạng chung, rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới vô ơn. Trong quá khứ, kẻ ấy cũng đã vô ơn rồi.
Sau khi kể pháp thoại ấy, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, người bạn phản bội là Ðề-bà-đạt-đa, vị thần cây là Xá-lợi-phất, còn Tượng vương có đức hạnh là Ta vậy.
73.CHUYỆN ÐÚNG VẬY CHĂNG? (Tiền thân Saccankira)
Như vậy, họ nói thật…
Câu chuyện này, khi ở tại Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về âm mưu sát hại. Khi ấy, chúng Tỷ-kheo đang ngồi trong Pháp đường nói về sự độc ác của Ðề-bà-đạt-đa:
– Này các Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa không biết công đức của bậc Ðạo Sư, nên đã âm mưu sát hại Ngài.
Bậc Ðạo Sư đi đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi họp, và đang bàn câu chuyện gì?
Khi được biết câu chuyện ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải nay Ðề-bà-đạt-đa mới âm mưu sát hại Ta, trong thời quá khứ, kẻ ấy cũng đã làm như vậy.
Nói xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, vua có một con trai tên là hoàng tử Ác Ðộc. Hoàng tử bạo ngược giống như con rắn độc bị thương, không nói với ai mà không mắng nhiếc, đánh đập. Ðối với dân trong nội cung và ngoại cung, hoàng tử như bụi trong mắt, như con quỷ đến ăn thịt, ai cũng ghét bỏ và sợ hãi.
Một hôm, muốn chơi trò dưới nước, cùng với một đám tùy tùng đông đảo, hoàng tử đi đên bờ sông. Trong lúc ấy, dông tố nổi lên. Các phương trời trở thành tối tăm mù mịt. Hoàng tử bảo các người hầu hạ:
– Này các ngươi, hãy đưa ta ra giữa sông, tắm cho ta và đưa ta về.
Họ đưa hoàng tử ra giữa sông bàn với nhau:
– Vua sẽ làm gì chúng ta? Chúng ta hãy giết đứa ác nhân này ngay ở nơi đây!
Họ thả hoàng tử xuống nước và nói:
– Ðồ con quỷ đen, hãy đi vào đấy.
Rồi họ leo lên, đứng trên bờ. Khi được hỏi hoàng tử ở đâu, họ trả lời:
– Chúng tôi không thấy hoàng tử. Thấy dông tố khởi lên, hoàng tử ra khỏi nước và đi trước rồi.
Các đại thần đi đến hầu vua, và vua hỏi hoàng tử đâu, họ trả lời:
– Thưa Thiên tử, chúng tôi không được biết. Khi dông tố khởi lên, chúng tôi nghĩ rằng hoàng tử đã đi trước rồi, nên chúng tôi mới đi về.
Vua sai mở rộng cửa, đi xuống sông, sai đi tìm chỗ này, chỗ khác, nhưng không một ai thấy hoàng tử.
Trong cơn dông, trời tối mù, đang mưa, hoàng tử trôi theo dòng nước cuốn, bỗng thấy một khúc cây, liền ngồi trên ấy, vừa sợ chết vừa khóc than. Lúc bấy giờ, một triệu phú ở Ba-la-nại đã chết có chôn trên bờ sông số tài sản trị giá bốn trăm triệu. Vì tham luyến tài sản, nên vị ấy sanh làm con rắn tại chỗ chôn tài sản. Một người khác, cũng tại chỗ ấy, đã chôn ba trăm triệu, và vì tham lam tài sản nên tái sanh làm con chuột tại chỗ ấy. Nước vào ngập chỗ chúng ở. Chúng thoát ra từ con đường nước vào, cắt ngang dòng bơi đi, đến được khúc cây trên ấy hoàng tử đang ngồi, một con leo lên đầu này, một con leo lên đầu kia và nằm trên khúc cây ấy.
Trên bờ sông, có một cây bông gòn, tại đó có một con vẹt trẻ đang ở. Cây bông gòn bị nước làm bật gốc rễ, rơi xuống dòng sông. Con vẹt trẻ gặp mưa xối xả, không thể bay lên được, liền ẩn núp vào một bên khúc cây ấy. Như vậy có bốn sinh vật cùng trôi theo dòng nước với nhau.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn phía tây bắc, lớn lên xuất gia làm vị tiên nhân du sĩ tại một khúc quanh của sông. Bồ-tát dụng lên một chòi lá để ở. Nửa đêm, đang đi kinh thành, Bồ-tát nghe tiếng khóc than thảm thiết của hoàng tử, tự nghĩ: “Trước mắt một người tu khổ hạnh có lòng từ bi như ta, thật không thích đáng để người này chết. Ta hãy vớt nó ra khỏi nước, và cứu mạng nó”. Rồi Bồ-tát an ủi hoàng tử:
– Chớ sợ hại.
Và Bồ-tát lội cắt ngang dòng nước, đến cầm lấy một đầu của khúc cây ấy, với sức mạnh kiên trì như con voi, Bồ-tát kéo nhanh khúc gỗ vào bờ, bồng hoàng tử lên, đặt trên bờ. Thấy các con vật kia, Bồ-tát đỡ chúng lên và đưa đến am thất, rồi nhen lửa. Những con yếu nhất, được Bồ-tát hơ cho ấm, trước là con rắn, con chuột, con vẹt… rồi sau mới hơ ấm thân hoàng tử, khiến cho chúng được bình phục, rồi cho chúng đồ ăn; trước hết cho các con vật ăn, rồi sau mới bày biện các thứ trái và các thức ăn khác cho hoàng tử. Hoàng tử suy nghĩ: “Kẻ khổ hạnh khốn nạn này không kể ta là hoàng tử, lại tỏ sự cung kính đối với loài thú vật”. Rồi hoàng tử nuôi dưỡng hận thù đối với Bồ-tát.
Sau một vài ngày, khi tất cả đã lấy lại sức khỏe, và nước sông đã rút xuống, con rắn đảnh lễ vị khổ hạnh và nói:
– Thưa Tôn giả, Tôn giả đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi không phải nghèo khổ. Tại một chỗ ấy, tôi có chôn vàng đáng giá bốn trăm triệu. Khi nào Tôn giả cần tiền, tôi có thể cho Tôn giả số tiền ấy. Tôn giả chỉ cần đến chỗ ấy và gọi: Rắn ơi.
Nói xong, con rắn bỏ đi. Rồi con chuột, cũng như vậy, đến chào vị tu khổ hạnh, và nói: Hãy đến tại chỗ ấy và gọi: Chuột ơi.
Nói xong, con chuột bỏ đi. Con vẹt đảnh lễ vị tu khổ hạnh và nói:
– Thưa Tôn giả, tôi không có tài sản. Nhưng nếu Tôn giả cần gạo đỏ, hãy đến trú xứ của tôi và gọi: Vẹt ơi. Tôi sẽ gọi bà con của tôi, chúng tôi sẽ đem gạo đỏ đến, chở đầy nhiều xe và tôi sẽ biếu Tôn giả.
Nói xong, con vẹt bay đi. Rồi đến hoàng tử, không nói gì để cảm ơn, với tâm tánh phản bội bạn bè, hoàng tử suy nghĩ: “Nếu nó đến gần ta, ta sẽ giết nó”. Tuy vậy, cố giấu ý định, hoàng tử nói:
– Thưa Tôn giả, khi tôi lên ngôi vua, tôi sẽ cúng dường Tôn giả bốn vật dụng cần thiết.
Rồi ra đi và không bao lâu, hoàng tử được đặt lên vương vị.
Bồ-tát muốn thử thách chúng, trước hết đi đến con rắn đứng, không xa chỗ nó ở và gọi:
– Rắn ơi!
Khi nghe tiếng gọi, con rắn bò ra, đảnh lễ Bồ-tát và nói:
– Thưa Tôn giả, tại chỗ này có bốn trăm triệu tiền vàng. Hãy đào chúng lên và lấy tất cả!
Bồ-tát nói:
– Như vậy là tốt. Khi nào cần đến chúng, tôi sẽ cho biết.
Từ giã con rắn, Bồ-tát đi đến chỗ con chuột ở và lên tiếng:
– Chuột ơi!
Con chuột làm y như con rắn đã làm. Bồ-tát từ biệt con chuột, đi đến con vẹt, và gọi:
– Vẹt ơi!
Con vẹt nghe tiếng, từ trên ngọn cây bay xuống, đảnh lễ Bồ-tát và hỏi:
– Thưa Tôn giả, Tôn giả có cần tôi nói những bà con đem gạo mọc hoang từ dãy Hy-mã-lạp Sơn về cho Tôn giả không?
Bồ-tát trả lời khi nào cần ngài sẽ cho biết, và từ biệt con vẹt. Rồi để thử thách hoàng tử, Bồ-tát đi đến trú ở công viên của vua. Vào ngày hôm sau, ngài chuẩn bị y phục đàng hoàng, bộ hành khất thực, và đi vào thành. Trong lúc ấy, ông vua phản bội bạn bè ngồi với tất cả nghi vệ trang nghiêm trên lưng con voi được trang sức, đang đi vòng quanh thành với một đám tùy tùng lớn. Vua thấy Bồ-tát từ đàng xa, suy nghĩ như sau: “Tên khổ hạnh khốn nạn này nay đã đến để xin ăn và sống nhờ ta. Ta phải bảo chém đầu nó trước khi nó tuyên bố giữa đại chúng công đức mà nó đã làm cho ta”.
Vua ra hiệu các người tùy tùng, và họ hỏi vua bảo họ làm gì. Vua bảo:
– Ta nghĩ rằng tên khổ hạnh khốn nạn này muốn đến xin ta một việc gì đó. Ðừng cho ta thấy tên quỷ đen tu khổ hạnh ấy. Hãy bắt nó trói chặt tay ra đàng sau, đánh nó tại những ngã tư đường, đưa nó ra khỏi thành, chặt đầu tại pháp trường, và bêu đầu trên cây nhọn.
Họ vâng lời đi đến, trói bậc Ðại Sĩ vô tội, đánh ngài tại ngã tư đường, rồi dẫn ngài đến pháp trường. Bồ-tát, trong khi bị đánh, không than khóc, không kêu mẹ, kêu cha, không bị dao động, chỉ nói lên bài kệ này:
Như vậy, họ nói thật,
Những người hiểu đời này:
Cứu vớt khúc gỗ trôi
Tốt hơn một số người.
Như vậy, tại những chỗ bị đánh, Bồ-tát nói lên bài kệ này. Nghe vậy, những người có trí ở đấy bèn nói:
– Này vị xuất gia, đối với vua của chúng ta, Hiền giả đã làm công đức gì?
Bồ-tát kể lại câu chuyện ấy và nói:
– Như vậy, vì cứu vớt người này ra khỏi dòng nước lớn, tôi đã làm khổ tôi thôi! Nhớ lại vì tôi không nghe lời các bậc hiền trí thời xưa, tôi mới nói như các ông vừa nghe.
Khi họ nghe xong, các vị Sát-đế-ly, Bà-la-môn v.v…. trú ở thành đều phẫn nộ nói:
– Nhà vua phản bạn này đối với vị đầy công đức như vậy, lại không biết đến ơn của người đã cho mình mạng sống. Làm sao chúng ta có được lợi ích gì từ vua ấy? Hãy bắt lấy nó!
Trong cơn phẫn nộ, họ xông tới vua từ nhiều ngã, với cung, kiếm, đá, gậy… họ giết vua đang cưỡi trên lưng voi, nắm lấy chân vua kéo đi và quăng xác xuống hố. Rồi họ làm lễ quán đảnh Bồ-tát, và đặt Bồ-tát lên vương vị. Bồ-tát trị nước rất đúng pháp.
Rồi một hôm, muốn thử thách con rắn, Bồ-tát cùng với đám tùy tùng lớn đi đến chỗ ở của rắn và kêu:
– Rắn ơi.
Con rắn bò tới, đảnh lễ vua và thưa:
– Thưa ngài, đây là tài sản của ngài… Hãy lấy nó đi.
Vua bảo các đại thần cất số tiền vàng bốn trăm triệu, rồi đi đến chỗ ở của con chuột và gọi:
– Chuột ơi.
Nó bò ra, đảnh lễ vua rồi đưa tài sản ba trăm triệu. Vua bảo các đại thần cất giữ số vàng, rồi đi đến chỗ ở của con vẹt và gọi:
– Vẹt ơi.
Con vẹt đến, đảnh lễ chân vua, và thưa:
– Thưa ngài, tôi có phải đem gạo đến không?
Vua nói:
– Khi nào cần lúa gạo, ngươi hãy mang đến. Nay chúng ta hãy đi.
Ðem theo ba sinh vật với bảy trăm triệu tiền vàng, vua đi vào thành, ngự lên trên lầu cao trong cung điện sang trọng, cho cất giữ và phòng hộ tài sản. Rồi ngài truyền làm một ống bằng vàng để con rắn ở, một hang bằng pha lê cho con chuột, và một lồng bằng vàng cho con vẹt.
Hằng ngày, theo lệnh của vua, đồ ăn được dọn cho ba con vật trong bát đĩa bằng vàng, bắp rang ngọt cho con vẹt và con rắn, còn gạo thơm cho con chuột. Vua thường làm các công đức như bố thí và nhiều thiện sự khác. Như vậy, vua và các con vật này sống hòa hợp hoan hỷ với nhau cho đến trọn đời rồi chúng đi theo nghiệp của chúng.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới âm mưu sát hại Ta. Thuở trước, kẻ ấy cũng đã làm như vậy rồi.
Sau khi kể câu chuyện quá khứ, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, nhà vua ác độc là Ðề-bà-đạt-đa, con rắn là Xá-lợi-phất, con chuột là Mục-kiền-liên, con vẹt là Ànanda, còn vị vua được vương quốc và trị vì đúng pháp là Ta vậy.
Lành thay, nhiều bà con…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một cuộc tranh chấp nước. Do cuộc tranh chấp này, bà con của Ngài gặp nạn diệt vong. Biết việc này, bậc Ðạo Sư đi ngang qua hư không, ngồi kiết già trên sông Rohini, chiếu sáng hào quang xanh, làm các bà con Ngài hoảng sợ. Rồi từ hư không bước xuống, bậc Ðạo Sư ngồi trên bờ sông kể câu chuyện tranh chấp này. (Ðây chỉ là tóm tắt. Phần chi tiết được nói đến trong Tiền thân Kunala số 536). Lúc bấy giờ, bậc Ðạo Sư gọi các bà con lại nói và với vua:
– Thưa Ðại vương, các bà con cần phải đối xử với nhau hòa hợp và hoan hỷ. Khi các bà con hòa hợp đoàn kết, kẻ thù không tìm được cơ hội để phá hoại. Không phải chỉ riêng loài người mới cần phải đoàn kết mà các loài vật vô tri cũng cần phải hòa hợp đoàn kết. Thuở trước, trong dãy Hy-mã-lạp Sơn, một ngọn gió thổi qua rừng cây Sà-la, tuy thế vì các cây, lùm cây, bụi cây, dây leo v.v… của khu rừng ấy cột chặt với nhau, nên cơn gió không thể làm ngã một cây nào, chỉ thổi lướt qua trên đầu cây thôi. Nhưng trong sân có một cây Sà-la rất lớn đứng một mình, đầy đủ cành cây, thân cây, nhưng không cột chặt với các cây khác, nên gió thổi bật gốc ngã xuống đất. Vì lý do này, các vị cần phải sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau.
Nói vậy xong, theo lời các Tỷ-kheo yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Ðại vương Vessavana (Tỳ-sa-môn) thứ nhất mệnh chung. Ðế Thích đặt một vị vua khác thay thế. Trong sự thay đổi này, vau Vessavana mới kế vị gửi thông điệp đến các thần cây, lùm cây, bụi cây, cây leo…
– Các ngươi hãy tự lựa chọn trú xứ mình ưa thích.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát sanh làm thần cây trong một rừng cây Sàla. Bồ-tát nói với các bà con:
– Khi các ngươi lựa chọn trú xứ, chớ lựa chọn các cây mọc một mình ở khoảng trống. Hãy lựa chọn trú xứ chung quanh chỗ mà ta đã lựa chọn trong rừng Sàla này.
Các thần cây hiền trí làm theo lời Bồ-tát, lựa chọn trú xứ của họ quanh trú xứ của Bồ-tát. Những thần cây không có trí nói:
– Sao chúng ta lại lựa chọn trú xứ ở trong rừng?
Chúng ta hãy lựa chọn trú xứ tại chỗ có người, ngoài cửa các làng, thị trấn, kinh đô, vì các thần cây sống gần làng nhận được lễ vật cúng dường tối thượng và danh vọng tối thượng.
Vì thế những thần cây ấy lựa chọn trú xứ tại con đường có người, những chỗ có cây lớn, tại các khoảng trống. Một hôm, mưa to gió lớn nổi lên, những cây xưa nhất ở trong rừng có rễ ăn sâu chắc chắn đã kiên trì đứng riêng biệt trong quá khứ, cũng đều bị gãy cành và thân, bị bật gốc rễ và ngã xuống.
Trái lại, khi dông tố thổi qua rừng, các cây Sàla đứng thành nhóm cột chặt vào nhau, tuy dông tố có đánh mạnh chỗ này chỗ kia, nhưng không thể làm ngã một cây nào. Các thần cây có trú xứ bị phá vỡ, không còn chỗ nương tựa, tay bồng các con nhỏ đi đến dãy Hy-mã-lạp Sơn và kể lại nỗi đau khổ của mình cho chư thần trong rừng Sàla. Những vị này báo cáo cho Bồ-tát biết sự việc này. Bồ-tát nói:
– Chính vì chúng không vâng theo lời các bậc hiền trí, đi đến trú xứ không đủ nhân duyên, nên gặp phải sự tình như vậy.
Rồi Bồ-tát thuyết pháp qua bài kệ này:
Lành thay, nhiều bà con,
Như cây sanh từ rừng,
Gió thổi ngã những cây
Ðứng một mình riêng lẻ.
Bồ-tát thuyết pháp như vậy và sống cho đến khi mạng chung, Bồ-tát đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Như vậy, thưa Ðại vương, các bà con cần sống với nhau trong hòa hợp, hòa thuận, hoan hỷ, ái kính nhau.
Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, chư thần là hội chúng của đức Phật, còn vị thần hiền trí là Ta vậy.
Nổi sấm, Paj-ju-na…,
Câu chuyện này khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về cơn mưa do chính Ngài làm. Một thời, theo truyền thuyết, tại nước Kosala, trời không mưa, mùa màng khô héo, chỗ này chỗ kia, ao hồ, bể nước đều khô cạn. Ngay cả hồ Kỳ Viên cũng khô cạn nước. Các loài cá, rùa đi vào đám bùn, nằm mắc cạn. Rồi quạ, diều hâu… đến, với mỏ như lưỡi giáo, mổ chúng, kéo chúng ra và ăn chúng đang còn vùng vẫy. Bậc Ðạo Sư thấy cá rùa mặc nạn ấy, với từ tâm, ngài xúc động suy nghĩ:
– Hôm nay, ta phải làm mưa.
Khi đêm đã qua, tắm rửa thân thể xong, xét đã đến giờ khất thực, với đại chúng Tỷ-kheo vây quanh, với uy nghi của một đức Phật, Ngài đi vào thành Xá-vệ để khất thực. Sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực từ Xá-vệ trở về, Ngài đi đến tinh xá đứng trên tầng cấp của hồ Kỳ Viên, bảo Trưởng lão Ananda:
– Này Ànanda, hãy đem áo tắm đến đây. Ta sẽ tắm trong hồ Kỳ Viên!
– Nhưng bạch Thế Tôn, hồ Kỳ Viên đã cạn nước. Chỉ có bùn còn lại.
– Này Ànanda, Phật lực rất lớn. Hãy đem áo tắm lại.
Trưởng lão đem áo tắm và đưa cho bậc Ðạo Sư. Bậc Ðạo Sư, với một đầu áo quấn quanh thân dưới và một đầu áo che thân trên, đứng trên tầng cấp và nói:
– Ta sẽ tắm ở hồ Kỳ Viên.
Trong thời khắc ấy, chiếc ngai bằng tảng đá vàng của Thiên chủ Ðế Thích trở thành nóng. Ðế Thích tìm hiểu nguyên nhân, biết được lý do, liền cho gọi thần mưa thần mây và nói:
– Này các thần, bậc Ðạo Sư đứng trên tầng cấp chính, muốn tắm ở hồ Kỳ Viên, hãy cho mưa đổ xuống gấp thành một dòng, khắp tất cả nước Kosala.
Vâng theo lời Ðế Thích, thần mây và thần mưa lấy một đám mây mặc vào như mặc đồ lót, lấy một đám mây khác che thân, và hát lên bài ca dông tố, vị ấy vụt ra đi, mặt hướng về phương đông. Ở phương đông, khởi lên một đám mây lớn bằng sân đập lúa. Ðám mây ấy lớn dần lên cho đến bằng một trăm, một ngàn sân đập lúa, và nó làm sấm, làm chớp đổ nước xuống xứ Kosala như một dòng nước lớn.
Cơn mưa không gián đoạn, và trong giây lát nước ngập đầy hồ Kỳ Viên. Khi chạm đến tầng cấp cao nhất, thì nước đứng lại. Bậc Ðạo Sư tắm trong hồ xong, mặc đôi y màu đỏ, buộc cái nịt thân, đắp đại y Thiện Thệ vào một bên vai. Với chung Tỷ-kheo vây quanh, ngài đi đến Hương phòng, ngồi trên Phật tọa được trang hoàng đẹp đẽ, và khi chúng Tỷ-kheo làm xong phận sự, bậc Ðạo Sư đứng dậy, từ trên tầng cấp châu báu của bảo tọa, Ngài khuyên giáo chúng Tỷ-kheo và cho họ giải tán. Rồi ngài vào Hương phòng, nằm phía hông bên phải như dáng nằm con sư tử.
Vào buổi chiều, khi chúng Tỷ-kheo tụ hội tại Pháp đường, họ nói đến sự thành tựu đức nhẫn nhục, từ bi, lân mẫn của bậc Ðạo Sư:
– Khi mùa màng bị khô héo, khi các hồ đều ráo cạn, khi các loài cá, loài rùa gặp đau khổ lớn, vì lòng thương xót muốn cứu chúng thoát khổ, Ngài mặc áo tắm, đứng trên tầng cấp cao nhất của hồ Kỳ Viên, và chỉ trong thời gian ngắn, làm mưa xuống khiến toàn xứ Kosala tràn ngập dòng nước lớn, giải thoát đại chúng khỏi đau khổ về thân, về tâm rồi trở về tinh xá.
Khi câu chuyện nói đến đó, bậc Ðạo Sư từ Hương phòng đi ra, đến Pháp đường và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi họp lại ở đây, và đang bàn vấn đề gì?
Khi nghe câu chuyện ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Như Lai mới làm mưa cho đại chúng khỏi mệt mỏi. Thuở xưa, khi sanh làm thú vật, khi làm vua loài cá, Như Lai cũng đã làm trời mưa rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở trước, trong nước Kosala, ở Xá-vệ này, tại chỗ hồ Kỳ Viên, có một hồ chằng chịt những cây leo. Bồ-tát sanh ra làm con cá, với đàn cá vây quanh sống tại đấy. Giống như nay vậy, trong xứ ấy trời không mưa, mùa màng của dân chúng bị khô héo: các ao hồ cạn nước, các con cá, con rùa bị mắc cạn. Trong hồ này, các con cá mắc cạn trong bùn, ẩn núp tại những chỗ ấy. Các con quạ đến nơi, mổ chúng với cái mỏ đem chúng lên và ăn chúng.
Bồ-tát thấy bà con mình gặp tai nạn ấy, tự nghĩ: “Ngoài ta ra, không một ai khác có thể cứu chúng thoát khỏi cảnh khổ này. Ta hãy làm một hạnh nói lên. Sự thật, khiến trời mưa, và giải thoát bà con ta khỏi cảnh khổ phải chết này”.
Rẽ bùn đen ra làm hai, Bồ-tát đi lên, đó là một con cá lớn, đen đủi với bùn, như một cái hộp làm bằng lõi cây mun. Bồ-tát mở mắt như hòn ngọc được rửa sạch, nhìn lên trời, và nói với Pajjuna, vua chư Thiên:
– Này bạn Pajjuna, ta đau khổ vì bà con ta. Khi ta, một bậc giữ giới bị đau buồn, làm sao bạn lại không làm trời mưa? Vì ta, dầu sanh ra trong loài phải ăn thịt bà con, từ thuở ban đầu là con cá nhỏ, ta cũng không bao giờ ăn một con cá chỉ bằng hột gạo, cũng không bao giờ đoạt mạng sống của một sanh vật khác. Với sự thật này, hãy làm cho trời mưa và giải thoát bà con ta thoát khỏi đau khổ!
Sau khi nói vậy, như ra lệnh cho nô tỳ hầu hạ, Bồ-tát nói với Pajjuna, vua chư Thiên, bài kệ này:
Nổi sấm, Pàj-ju-na,
Chận quạ gây tai hại!
Hãy làm quạ sầu muộn,
Giúp ta khỏi sầu bi!
Như vậy Bồ-tát bảo Pajjuna làm mưa lớn trong toàn nước Kosala và giải thoát đại chúng khỏi đau khổ vì phải chết. Và khi mạng chung, Bồ-tát đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ có nay Như Lai mới làm trời mưa. Thuở trước, khi sanh làm con cá, Ta cũng đã làm trời mưa rồi.
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, đàn cá là hội chúng đức Phật, vua chư Thiên Pajjuna là Ànanda, và vua loài cá là Ta vậy.
Trong làng, ta không sợ…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một nam cư sĩ sống ở tại Xá-vệ. Theo truyền thuyết, vị này, một bậc Dự lưu, Thánh đệ tử, vì một công việc phải làm, cùng đi đường với một người cầm đầu đoàn xe lữ hành. Trong một khu rừng, các cỗ xe được mở ra, đặt thành một doanh trại, và vị ấy đi kinh hành không xa người cầm đầu bao nhiêu.
Có năm trăm tên cướp, sau khi xem giờ đã định, tay cầm cung, gậy và các binh khí khác với mục đích đánh cướp trại, bao vây chỗ ấy. Vị nam cư sĩ vẫn đi kinh hành. Các tên cướp thấy vị ấy tưởng đó là người canh gác doanh trại, quyết định chờ đợi vị ấy ngủ mới đánh cướp. Vì không thể đột kích, nên chúng đứng yên tại nhiều chỗ. Nam cư sĩ ấy vẫn đi kinh hành trong canh thứ nhất, trong canh thứ hai, và trong canh cuối.
Ðến rạng đông, các tên cướp không tìm được cơ hội, liền quăng bỏ đá và côn chúng đem theo, rồi bỏ chạy. Vị nam cư sĩ, làm xong công việc của mình, đi đến Xá-vệ đến yết kiến bậc Ðạo Sư và hỏi:
– Bạch Thế Tôn, có phải khi nào bảo vệ mình cũng là bảo vệ người khác không?
– Này nam cư sĩ, đúng vậy. trong khi bảo vệ mình, con người cũng bảo vệ người khác. Trong khi bảo vệ người khác, con người cũng bảo vệ mình.
– Ôi, khéo nói thay là lời của Thế Tôn! Khi con cùng đi đường với người cầm đầu đoàn lữ hành, con đi kinh hành dưới một gốc cây để bảo vệ con, và do đó, con đã bảo vệ cả đoàn lữ hành.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này nam cư sĩ, thuở trước, các bậc hiền trí, trong khi tự bảo vệ mình, đã bảo vệ người khác.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, thấy được sự nguy hiểm trong các dục, Bồ-tát xuất gia làm vị tiên nhân du sĩ, sống ở dãy Hy-mã-lạp Sơn.
Vì cần đi lấy muối và giấm, Bồ-tát đi về vùng quê, Bồ-tát đi cùng đường với vị cầm đầu đoàn lữ hành. Khi đoàn lữ hành dừng lại tại một khu rừng, Bồ-tát quyết định đi kinh hành dưới một gốc cây, thọ hưởng thiền lạc, không xa đoàn lữ hành bao nhiêu. Rồi có năm trăm tên cướp, sau buổi ăn chiều, bao vây doanh trại để đánh cướp đoàn lữ hành ấy; thấy vị tu khổ hạnh, bọn chúng dừng lại và nói:
– Nếu nó thấy chúng ta, nó sẽ báo động. Hãy chờ, cho nó ngủ, rồi chúng ta sẽ đánh cướp trại.
Nghĩ vậy, bọn chúng chờ tại chỗ ấy. Vị tu khổ hạnh suốt đêm vẫn đi kinh hành. Các tên cướp không có được cơ hội, quăng bỏ các côn gậy, đá chúng đã mang theo và la lên cho những người trong đoàn lữ hành nghe:
– Này các bạn lữ hành, nếu hôm nay không có vị tu khổ hạnh đi kinh hành, thì tất cả các bạn đã bị cướp phá lớn rồi. Ngày mai, hãy tôn trọng vị tu khổ hạnh ấy.
Nói xong, bọn cướp bỏ đi. Khi đêm đã sáng, đoàn lữ hành thấy các côn, gậy, các hòn đá mà bọn cướp bỏ lại, họ rất sợ hãi, đi đến Bồ-tát, đảnh lễ và hỏi:
– Thưa Tôn giả, Tôn giả có thấy bọn cướp không?
– Này các Hiền giả, tôi có thấy.
– Thưa Tôn giả, thấy chừng ấy bọn cướp, Tôn giả không sợ hãi, không e ngại sao?
Bồ-tát nói:
– Này các Hiền giả, thấy bọn cướp, kẻ có tài sản mới sợ hại. Ta không có tài sản, sao ta lại sợ hãi? Khi sống ở làng hay ở rừng, ta không sợ hãi, không e ngại vì ta không có gì để mất.
Sau khi thuyết pháp cho họ, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Trong làng, ta không sợ,
Trong rừng, ta không sợ,
Bước lên đường giải thoát
Với lòng từ, lòng bi.
Như vậy, Bồ-tát thuyết pháp với bài kệ này, làm các người ấy được hoan hỷ, và họ cung kính đảnh lễ Bồ-tát. Bồ-tát sống cho đến khi mạng chung, tu tập Bốn Vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) và được sanh lên cảnh giới Phạm thiên.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, các người trong đoàn lữ hành là hội chúng đức Phật, và vị tu khổ hạnh là Ta vậy.
Trước bò đực cây con…,
Câu chuyện này được bậc Ðạo Sư kể trong khi trú tại Kỳ Viên, về mười sáu giấc mộng kỳ bí. Tương truyền vào khoảng canh năm, đêm gần mãn, vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nước Kosala đang ngủ say suốt đêm lại mơ mười sáu giấc mộng lạ lùng khiến vua kinh hãi tỉnh dậy và lo ngại về những điểm xấu có thể xảy đến cho mình. Vua sợ chết đến nỗi không cử động được, mà cứ nằm trùm chăm trên long sàng. Bấy giờ, khi trời gần sáng, các vị Bà-la-môn tế sư đến yết kiến vua và cung kính đảnh lễ, vấn an Hoàng thượng có được ngon giấc chăng.
– Này các Quốc sư, làm sao trẫm ngủ ngon giấc được vì đúng lúc tảng sáng, trẫm mơ thấy mười sáu giấc mơ thật kỳ bí, và trẫm kinh hoàng từ đó! Này các quốc sư, thử nói cho trẫm biết ỳ nghĩa giấc mơ này.
– Tâu Hoàng thượng, chúng thần sẽ phán đoán khi nghe chuyện.
Thế rồi vua kể cho nghe các giấc mơ và hỏi những cảnh kia báo trước tai họa gì cho mình chăng.
Các vị Bà-la-môn đều nắm chặt bàn tay lại. Nhà vua hỏi:
– Này các quốc sư, sao nắm tay lại thế?
– Tâu Ðại vương, vì chính toàn ác mộng cả.
– Vậy chuyện gì sẽ xảy ra? Vua hỏi.
– Tâu Ðại vương, một trong ba đại nạn sẽ xảy ra làm hại vương quyền, tính mạng cùng tài sản của Ðại vương.
– Vậy có cách gì cứu chữa được chăng?
– Hiển nhiên những giấc mộng này báo trước những điểm hiểm nguy khó mà cứu vãn được; tuy thế, chúng thần quyết tìm phương cách đối trị chúng. Nếu không thì việc học hành thông thái uyên bác của chúng thần để làm gì chứ?
– Vậy chư vị Hiền khanh định làm gì để tránh tai họa đó?
– Tâu Ðại vương, ở bất kỳ ngã tư đường nào, chúng thần cũng xin lập tế đàn cúng bái cả.
Nhà vua trong lúc lo sợ, vội kêu lên:
– Này các Hiền khanh, tính mạng trẫm trong tay chư vị, xin hãy mau mau hành sự cho trẫm được bình an.
Các Bà-la-môn như mở cờ trong bụng, nghĩ thầm: “Thế là những số tiền kết sù, thực phẩm ê hề đủ loại sắp về tay ta rồi!”.
Và họ trấn an vua, rồi cùng lui về. Ngoài kinh thành, họ đào hố tế lễ và thu góp cả đàn súc vật bốn chân, lựa giống toàn hảo, không tỳ vết bệnh tật và vô số chim muông. Song họ vẫn thấy còn thiếu nhiều thứ quá, nên cứ lui tới cung điện đòi thức nọ thức kia mãi. Thời bấy giờ, nhưng việc làm không thoát khỏi tầm mắt của Hoàng hậu Mallikà, bà bèn đến yết kiến vua và hỏi việc gì khiến các Bà-la-môn cứ đến gặp vua mãi vậy.
Vua phán bảo:
– Trẫm thèm được như ái khanh, thật con rắn đã chui vào tai, mà ái khanh chẳng biết gì cả.
Tâu Hoàng thượng, ngài phán bảo điều gì đấy?
– Ôi, trẫm đã mơ thấy những giấc mộng thật xui xẻo! Các vị Bà-la-môn kia bảo rằng chúng báo trước một trong ba đại họa, nên các vị ấy nôn nóng dâng lễ tế đàn để tránh tai ương đó, vì thế chư vị đến đây hoài.
– Song Hoàng thượng đã thỉnh ý vị Bà-la-môn tối thượng của loài người và chư Thiên chưa?
– Này ái khanh, hãy cho trẫm biết vị đó là ai vậy? Quốc vương hỏi.
– Thế Hoàng thượng không biết vị Ðạo Sư Bà-la-môn tối thượng của thế gian, bậc Toàn tri, thanh tịnh, vô cấu ấy chăng? Dĩ nhiên Ngài là đức Thế Tôn sẽ hiểu rõ các giấc mộng của Hoàng thượng, xin Hoàng thượng hãy đến yết kiến Ngài và hỏi cho rõ.
Nhà vua đáp:
– Này ái hậu, vậy thì trẫm sẽ đi ngay.
Thế là vua liền ngự đến tinh xá, đảnh lễ bậc Ðạo Sư và ngồi xuống.
– Có việc gì khiến Ðại vương đến đây từ sáng tinh mơ thế này? Bậc Ðạo Sư hỏi bằng giọng êm dịu.
– Bạch Thế Tôn, nhà vua đáp. Lúc gần tảng sáng, trẫm đã mơ mười sáu giấc mộng kỳ bí khiến trẫm kinh hoàng và kể lại cho các vị Bà-la-môn nghe. Các vị ấy bảo giấc mộng kia báo trước điềm dữ, vậy để tránh tai họa xảy ra, chư vị ấy phải dâng lễ tế đàn ở bất kỳ ngã tư đường nào. Và chư vị ấy bận rộn chuẩn bị tế lễ, trong khi nhiều sinh vật lo sợ cái chết đang kề trước mắt. Song bạch Thế Tôn, xin hãy cho biết những gì sẽ xảy ra từ những giấc mộng kia, Thế Tôn là bậc tối thượng của chư Thiên và loài người, bậc toàn trí về mọi việc hiện tại, quá khứ và vị lai.
– Thật vậy, này Ðại dương, không có ai ngoài Ta có thể nói đúng ý nghĩa các giấc mộng của Ðại vương và những gì sẽ xảy ra sau đó. Ta sẽ nói. Vậy trước tiên ngài hãy kể cho Ta nghe những giấc mộng xuất hiện ra sao.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Vua đáp và lập tức đưa ra bản liệt kê này, theo thứ tự các giấc mộng xuất hiện:
Trước bò đực, cây con,
Sau bò cái, bê non,
Ngựa, bát vàng, sơn cẩu,
Bình nước, hồ sen trong,
Cơm sống, chiên-đàn quí,
Bầu bí lặn xuống dòng.
Ðá to thì trôi nổi,
Nhái bén, ễnh ương cùng
Xé tan bầy rắn hổ,
Quạ lại có tùy tùng
Chính bầy hoàng nga đẹp,
Chó sói sợ dê rừng!
Như vậy, bạch Thế Tôn, trẫm đã mơ thấy những giấc mơ này nghĩa là thế nào?
– Này Ðại vương, giấc mơ ấy không có hậu quả gì ngay trong thời Ðại vương hay trong thời của Ta đâu. Mà sau này, vào thời kỳ vua chúa xan tham, bất công, khi dân chúng không theo Chánh pháp, thế giới đảo điên, việc thiện suy giảm, và điều ác đồng thời tăng trưởng. Trong những ngày thế giới điêu tàn ấy, sẽ không có mưa từ trời rơi xuống, gió không thổi, mùa màng cây cỏ khô héo, nạn đói nổi lên trên địa cầu. Rồi mây sẽ kéo đến từ góc trời như thể sắp mưa, khiến dân chúng vội vã, trước tiên là mang vào nhà mọi thứ thóc lúa, hoa màu mà phụ nữ đã đem phơi nắng, vị sợ ướt hết. Sau đó đám đàn ông đem xẻng, thúng… đi đắp đê. Bầu trời như thể có dấu hiệu mưa tới, sấm nổ ầm ầm, chớp lóe sáng lòa xé mây, nhưng rồi cũng như bầy bò trong giấc mơ nọ không đánh nhau thì mây kia cũng sẽ tan nhanh và mưa chẳng đến. Những việc nọ mà các Bà-la-môn bảo ngài làm chỉ cốt để sinh lợi cho họ thôi.
Khi bậc Ðạo Sư đã nói xong giấc mộng này, Ngài bảo:
– Ðại vương hãy kể cho ta nghe giấc mộng thứ hai.
– Này Ðại vương, giấc mộng này sẽ thành hiện thực vào thời thế giới này suy đồi và con người yểu mệnh. Trong thời vị lai, dục vọng sẽ rất mãnh liệt, có những bọn con gái rất non trẻ đi đến sống chung với bọn đàn ông và rồi cũng theo lề lối đàn bà, chúng sẽ thụ thai và sinh con cái. Hoa quả kia tượng trưng cho con cái của chúng. Nhưng Ðại vương chẳng có gì phải lo sợ cả. Ðại vương hãy nói cho Ta nghe giấc mơ thứ ba đi.
– Giấc mơ này, thưa Ðại vương, chỉ thành hiện thực trong thời vị lai, khi các người già không còn được kính trọng nữa. Trong thời ấy, con người đời không tỏ lòng kính trọng cha mẹ mình hay nhạc phụ nhạc mẫu. Chính con cháu sẽ cai quản tài sản gia đình, và nếu họ muốn, họ sẽ cho cha mẹ thức ăn, áo mặc, còn nếu không thích thì họ sẽ cất hết các quà biếu ấy lại. Lúc ấy đám người già sống thiếu thốn và lệ thuộc vào bọn con cháu, tùy theo ân huệ ban bố của con cháu mình, giống như bò cái bú sữa bò con vừa mới sinh một ngày! Nhưng Ðại vương chẳng cần phải lo sợ gì cả. Hãy kể cho Ta nghe giấc mơ thứ tư đi.
– Giấc mộng này, thưa Ðại vương, cũng chẳng thành hiện thực mãi cho đến ngày vị lai, thời có các vua chúa bất minh. Trong thời vị lai ấy, các vua chúa xan tham bất chánh không có lòng tôn kính các bậc trưởng thượng thông thái, am hiểu luật pháp cổ kim, đa mưu túc kế, thành thạo việc đời, nên vua không bổ nhiệm vào pháp đình những vị phán quan thông minh uyên bác về luật vua phép nước. Chẳng những thế, bọn vua chúa ấy quý trọng những người quá non trẻ ngu si và chỉ định chúng vào những chức chủ tọa tòa án. Ðám người này vừa ngu dốt việc triều chính, vừa kém cỏi không thể vận dụng kiến thức và thực hành, nên không đủ sức mang nổi trách nhiệm cao cả của chúng hoặc trị dân trị nước, mà sẽ làm nghiêng ngả giềng mối quốc sự vì thiếu năng lực tài ba. Do đó những bậc cao niên trưởng thượng thông thái kia, dù đầy đủ tài năng đương đầu với mọi trở lực gian lao, vẫn nhớ rõ là họ đã bị bỏ rơi như thế nào rồi, nên sẽ từ chối giúp sức và bảo: “Ðây không phải là việc của chúng ta, chúng ta là người ngoài cuộc, cứ để cho bọn trẻ nội bộ lo liệu”. Từ đó, các vị ấy đứng tách rời ra, và cảnh suy tàn sẽ vây hãm đám vua chúa kia từ mọi phía. Chuyện ấy cũng giống như dây thắng đem buộc vào bầy bò con chưa đủ sức kéo xe nặng nề, chứ không phải buộc vào đàn bò kéo xe lực lưỡng từ xưa, chính bọn chúng đã thừa khả năng đảm đang việc ấy. Tuy vậy, Ðại vương chẳng có gì phải sợ hãi cả. Hãy kể tiếp giấc mơ thứ năm đi.
– Giấc mơ này cũng chỉ thành hiện thực trong tương lai, thời kỳ các vua chúa ngu si bất chánh bổ nhiệm bọn người tham lam bất chánh làm phán quan. Bọn người hèn hạ này là một bọn ngu si, khinh chê điều thiện, sẽ nhận tiền của hối lộ từ cả hai bên trong lúc chúng ngồi ghế xét xử, chúng sẽ nhét đầy túi tham với cách nhũng lạm cả hai phía này, chẳng khác nào con ngựa ăn cỏ cả hai mồm cùng một lúc. Tuy thế, Ðại vương chẳng có gì phải lo sợ chuyện đó cả. Hãy kể tiếp giấc mộng thứ sáu.
– Giấc mộng này cũng chỉ thành hiện thực trong tương lai, khi các vua chúa, dù xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc, lại không tin dùng các vương tôn công tử quí phái từ xưa, mà đem ban chức tước cho bọn hạ đẳng, khiến đám quí tộc phải sa sút nghèo hèn và đám cùng đinh lên ngôi cao trọng. Sau đó những danh gia vọng tộc bị quẩn bách bần cùng phải cố tìm kế mưu sinh bằng cách nương tựa vào đám người trưởng giả mới lên, và đem con gái mình gả cho chúng. Như vậy mối nhân duyên kết hợp bầy tiểu thư đài các với đám tục tử hạ lưu có khác gì việc con chó rừng giả tiểu tiện vào cái bát vàng kia! Tuy thế Ðại vương chẳng có gì phải lo ngại cả. Hãy kể tiếp giấc mộng thứ bảy đi.
– Giấc mộng này cũng không thành hiện thực cho tới thời vị lai, khi ấy đám nữ nhân đầy tham dục chạy theo bọn đàn ông và rượu nồng, ngọc ngà, trang sức vàng bạc, lê bước khắp nẻo đường thọ hưởng mọi lạc thú trần gian. Trong lối sống phóng đãng hoang phí kia, chúng cũng say sưa bên men rượu nồng cùng bọn tình nhân, chúng cứ phô trương đủ thứ vòng hoa, sáp thơm thật bóng lộn, chẳng còn quan tâm đến việc tề gia nội trợ dù cấp bách đến đâu đi nữa, chúng chỉ suốt ngày chờ đợi bọn tình nhân, cứ nhìn qua khe hở cao tít ở ngoài vách tường quanh nhà; chúng lại đem hết thóc giống để dành gieo hạt ngày sau ra giã làm bột, cốt để ăn chơi thỏa thích. Bằng mọi cách trên, chúng lấy hết kho thóc lúa do công lao của chồng chúng làm ra trên đồng ruộng, chúng xâu xé tài sản của bọn đàn ông khốn khổ kia, có khác gì con chó rừng đói mồi dưới chân ghế cứ gặm hết đoạn dây thừng trong lúc người ấy đang kết dây lại. Tuy vậy, Ðại vương chẳng có gì phải sợ hãi cả. Hãy kể giấc mộng thứ tám của Ðại vương đi.
– Giấc mơ này cũng chẳng thành hiện thực cho tới thời vị lai. Khi ấy thế giới sẽ suy tàn, vương quốc trở thành kiệt quệ, vua chúa sẽ nghèo khó và sinh thói xan tham, người giàu nhất trong đám vua chúa cũng không thể có nhiều hơn một trăm ngàn đồng tiền trong kho. Trong lúc túng quẩn, bọn vua chúa này bắt toàn dân ra sức làm việc cho họ; vì thế, để phụng sự vua, dân chúng bỏ hết công việc riêng của mình, đi gieo hạt lúa, đậu, trông coi gặt hái, đập giã và cất vào công khố; để phụng sự vua, dân chúng phải trồng mía làm đường, nấu mật; để phụng sự vua, dân chúng phải trồng vườn hoa vườn trái, và thu hoạch hoa màu. Khi thu hoạch đủ loại sản phẩm, chúng đem chứa đầy vào các kho tích trữ của vua chúa đến tràn lan, mà chẳng khác gì đổ tràn các bình đã đầy và chẳng quan tâm những bình trống rỗng. Tuy nhiên, Ðại vương chẳng có gì phải lo sợ vì việc ấy cả. Hãy kể cho Ta nghe giấc mộng thứ chín.
– Giấc mơ này cũng chỉ thành hiện thực ở thời tương lai. Thời ấy vua chúa trở thành bất công, cai trị theo ý muốn và sở thích riêng của mình, nên không xử án theo công lý. Bọn vua chúa này thèm khát vàng bạc và gia tăng việc nhận hối lộ, họ không tỏ lòng thương xót yêu mến dân chúng mình, mà lại tàn ác vơ vét của cải bằng cách chà đạp bọn bề tôi như ép mía và đánh thuế dân đến độ đồng xu chẳng còn dính túi. Vì không thể nào trả nổi sưu thuế đè nặng trên lưng, dân chúng khắp thị thành làng mạc sẽ bỏ trốn, tìm nơi trú ẩn ở các vùng biên địa của xứ sở nên trung tâm của tổ quốc trở thành chốn hoang vu, trong khi vùng biên địa lại đông đúc dân chúng. Chuyện ấy cũng giống như nước giữ hồ vẩn đục, còn ở bờ hồ lại trong trẻo. Tuy vậy, Ðại vương chẳng có gì phải lo sợ gì việc ấy cả, hãy kể cho Ta nghe giấc mộng thứ mười.
– Giấc mộng này cũng chẳng thành sự thật cho đến thời vị lai. Thời ấy vua chúa bất công, dân chúng dưới quyền cũng trở thành bất chánh, các Bà-la-môn, gia chủ, thị dân, nông dân cũng thế; đúng vậy, dân chúng đều thành ra bất chánh cả, ngay cả những Bà-la-môn thông thái. Kế đó là các thần linh hộ trì chúng, những thần linh mà chúng thường dân tế lễ, như thần cây cối, thần giữa không gian, cũng trở thành bất chánh luôn, ngay cả gió thổi qua quốc độ của các hôn quân này cũng trở thành cuồng phong hỗn loạn, làm rung chuyển các đền đài trên Thiên giới, khiến chư thần trên đó phẫn nộ, không cho mưa rơi xuống; hoặc là nếu có mưa đi nữa cũng chẳng rơi đều khắp quốc độ cùng một lúc, cũng chẳng có những cơn mưa dông lớn tốt lành tưới đều trên các vùng đất cày cấy gieo hạt để giúp dân chúng đang cơn túng quẩn. Vì thế, trong một quốc gia rộng lớn, trong mỗi thôn làng, hồ, ao, mưa không rơi xuống cùng một lúc trong cùng một phạm vi; nếu mưa ở phần trên, thì không mưa ở phần dưới, nơi này mùa màng bị hư hại nặng vì úng thủy, nơi kia lại khô cằn vì hạn hán, nơi khác nữa lại thịnh vượng nhờ những cơn mưa thuận gió hòa đều đặn. Thế là mùa màng trong cùng một quốc độ – như cơm trong một nồi – sẽ không giống nhau. Tuy thế, Ðại vương không có gì phải lo sợ vì chuyện đó cả. Hãy kể cho Ta nghe giấc mộng thứ mười một đi.
– Giấc mộng này cũng không thành hiện thực cho đến thời vị lai, ngày mà Giáo pháp của Ta suy tàn. Vào thời đó, nhiều Tỷ-kheo tham lam vô tàm vô quý sẽ xuất hiện, chỉ vì miếng cơm manh áo mà chúng thuyết giảng chính Giáo pháp Ta đã truyền bá cốt để tận diệt dục tham! Do chúng từ bỏ Giáo hội chỉ vì lợi dưỡng tấm thân và đứng vào hàng ngũ của bọn tà giáo, nên chúng không thể giảng Chánh pháp đưa đến Niết-bàn. Không, chúng chỉ suy nghĩ, trong lúc giảng pháp, làm sao dùng đủ lời lẽ hoa mỹ và giọng nói ngọt ngào để dụ dỗ quần chúng đem cho chúng thực phẩm, y phục đắt tiền cùng các thứ đại loại như thế và chỉ chuyên tâm đến lợi dưỡng cúng dường. Có những kẻ ngồi ở đại lộ, góc đường, hoàng môn… cúi mình xuống giảng pháp vì tiền, vì các đồng tiền lớn nhỏ. Và trong khi chúng đem bán rẻ Giáo pháp đưa đến Niết-bàn vô giá để đổi lấy thực phẩm, y phục, vàng bạc thì chúng có khác gì kẻ đem đổi gỗ chiên-đàn đáng giá trăm ngàn đồng để lấy thứ bơ tươi kia? Tuy thế, Ðại vương chẳng có gì phải lo sợ chuyện ấy cả, hãy kể giấc mộng thứ mười hai cho Ta nghe.
– Giấc mộng này cũng không thành hiện thực cho đến thời vị lai có vua chúa bất công, thế giới điên đảo. Thời ấy vua chúa không quý trọng những người dòng dõi quý tộc mà chỉ ưu đãi bọn hạ đẳng, nên bọn này sẽ thành ra những chúa tể quyền cao chức trọng trong khi đám quý tộc phải bị dìm xuống cảnh nghèo khổ. Cũng vậy ở chốn triều đình, ở cung môn, tại sảnh đường hay tòa án chỉ có lời nói của bọn hạ đẳng – mà xác lập vững vàng, như thể chìm tận đáy nước. Ngay trong tứ sự cúng dường: thực phẩm y phục, sàng tọa, dược liệu… cũng vậy, chỉ ý kiến của kẻ ác dục, suy đồi được xem là có quyền định đoạt chứ không phải ý kiến của các Tỷ-kheo biết thiểu dục trí túc. Chuyện như thế khắp nơi chẳng khác gì cảnh dây bầu bí rỗng ruột lại chìm. Tuy vậy, Ðại vương không có gì phải lo sợ chuyện đó cả. Hãy kể giấc mộng thứ mười ba cho Ta nghe.
– Bạch Thế Tôn, hình như trẫm thấy những tảng đá lớn bằng ngôi nhà, lại nổi bồng bềnh như thuyền bè trên nước. Vậy việc gì sẽ xảy ra chăng?
– Giấc mộng này cũng không thành sự thật cho tới thời vị lai như Ta đã nói trên. Thời ấy, vua chúa bất công, tận dụng đám người hạ đẳng, chúng sẽ trở thành các chúa tể đầy quyền lực trong lúc đám người quý tộc sa sút nghèo khổ. Người ta không còn tôn sùng quý tộc, mà chỉ tôn sùng bọn mới giàu sang thôi. Lúc vua lâm triều, trong phòng họp cơ mật, hay ở chốn pháp đình, lời nói của các vị quý tộc tinh thông luật pháp – chính các tảnh đá lớn tượng trưng cho hạng người này – lại trôi giạt bồng bềnh, chứ không lắng sâu vào tâm tư mọi người. Khi các vị này cất tiếng thì bọn trưởng giả mới nổi sẽ cười nhạo khinh bỉ, bảo nhau: “Các tên kia đang nói gì thế?”. Cũng vậy, trong các hội chúng Tỷ-kheo, giống như đã nói trên đây, người ta không biết kính trọng những bậc tối thắng giữa hàng Sa-môn, nên lời nói của các vị này không lắng đọng lại, mà chỉ trôi dật dờ đi mất, chẳng khác nào các tảng đá nổi bồng bềnh trên mặt nước. Tuy nhiên, Ðại vương không có gì phải sợ hãi chuyện ấy cả. Hãy kể tiếp cho ta nghe giấc mộng thứ mười bốn cho ta nghe.
– Giấc mộng này cũng chẳng thành sự thực cho tới thời vị lai, những việc trước Ta đã nói, thời thế giới suy tàn. Lúc ấy tham ái của bọn nam nhân nổi lên quá mãnh liệt, dục vọng quá nồng nàn đến độ chúng trở thành lũ nô lệ cho bọn hầu thiếp còn trẻ con, trong nhà, từ những kẻ tôi tớ, làm công, trâu bò, heo gà, vàng bạc, cho đến mọi vật khác đều tùy thuộc đám thê thiếp định đoạt. Giả sử người chồng khốn khổ kia hỏi xem tiền bạc, áo quần để ở đâu, liền được đáp rằng nó ở đâu kệ nó, chàng ta phải lo chuyện mình đi, đừng hỏi han gì lôi thôi về việc gì trong nhà “vợ chàng ta” cả! Rồi sau đó bằng mọi cách, bọn thê thiếp kia dùng lời người chồng như bầy nô lệ, tôi tớ, như vậy chẳng khác gì lũ nhái bén, chẳng lớn hơn cái hoa tí xíu, lại nuốt chửng rắn hổ mang! Tuy nhiên ngài chẳng có gì phải lo lắng về việc đó cả. Hãy nói cho Ta nghe giấc mộng thứ mười lăm.
– Giấc mơ này, thưa Ðại vương, cũng không thành tựu cho đến thời vị lai, thời đại các quốc vương suy thoái. Ðó là thời xuất hiện những vị vua chẳng hiểu biết gì về võ thuật, voi, ngựa, và lại hèn nhát khi ra trận, vì sợ bị truất phế hay tống xuất ra khỏi vương quốc, nên chúng đưa những bọn cận vệ, hầu tắm, hớt tóc, đại loại như thế lên nắm quyền thay vì đưa nhóm người quý tộc lên. Như vậy, đám người này không được hưởng ơn vua lộc nước, nên không đủ sức cấp dưỡng cho mình, đành phải cam chịu hạ mình chầu hầu bọn trưởng giả mới, giống như chim quạ được đám Kim nga vương giả theo hầu. Tuy thế, Ðại vương không có gì phải lo sợ về điều ấy cả. Hãy kể giấc mơ thứ mười sáu cho Ta.
– Giấc mơ này, thưa Ðại vương, cũng không thành hiện thực cho đến thời vị lai, thời vua chúa bất minh cai trị. Thời ấy, bọn hạ đẳng được nắm quyền cao chức trọng và được nhiều ân sủng của vua chúa, trong lúc đám quý tộc sa vào cảnh bần cùng tối tăm. Vì có được nhiều thế lực trong tòa án do ân sủng của vua ban, bọn mới giàu sang này đòi tước đoạt quyền tư hữu đất đai, y phục, và mọi tài sản do tổ tiên để lại của đám quý tộc xưa. Khi đám người này cố bênh vực cho quyền lợi của họ trước tòa án, liền bị đám hầu cận thân tín của vua lấy gậy gộc đánh đập, nắm cổ quẳng ra ngoài với lời thô bỉ, đại khái là: “Liệu thần hồn đấy, bọn ngu si kia! Sao? Các ngươi muốn tranh giành với chúng ta ư? Ðức vua sẽ biết được sự hỗn láo của các ngươi, rồi chúng ta sẽ sai chặt tay chân của các ngươi ra và trừng phạt thích đáng cả lũ!”. Sau đó đám người quý tộc kinh hoảng nhận ra rằng tài sản của họ nay đã trở thành tài sản của đám người thống trị mới quá khắc nghiệt kia, nên phải yêu cầu bọn mới được ân sủng này nhận lấy tài sản của họ. Rồi họ vội vã về nhà trốn tránh trong nỗi lo âu sợ hãi. Cũng vậy, các ác Tỷ-kheo tha hồ khủng bố, tiêu diệt các Tỷ-kheo hiền thiện, xứng đáng, cho đến khi các người này không thấy còn ai bảo vệ mình nữa, đành phải trốn vào rừng sâu. Như vậy sự đàn áp hội chúng quý tộc và thiện Tỷ-kheo cũng giống như bầy chó sói bị bầy dê hăm dọa.
Tuy nhiên, ngài không có gì phải sợ hãi chuyện ấy cả. Vì giấc mộng này cũng chỉ liên hệ đến thời tương lai mà thôi. Như vậy, không phải vì chân lý hay lòng yêu mến Ðại vương khiến cho các Bà-la-môn tiên đoán như cách họ đã nói với Ðại vương đâu. Ðó chỉ là lòng tham muốn lợi dưỡng, cái tri thức được nuôi dưỡng bởi tham dục làm cho họ thốt ra những lời nói đem mối lợi phần mình mà thôi.
Như vậy bậc Ðạo Sư đã thuyết giảng ý nghĩa của mười sáu giấc mộng lớn trên xong, và Ngài nói thêm:
– Này Ðại vương, ngài không phải là người đầu tiên nằm mộng như thế; mà ngày xưa, các vua chúa cũng từng mơ thấy những giấc mộng này, và cũng như giờ đây, các Bà-la-môn tìm thấy những cớ đó để dâng lễ tế đàn; vì việc này, theo lời thỉnh cầu của người hiền thiện và có trí, Bồ-tát đã được tham vấn, và các giấc mộng đã được các bậc hiền trí ngày xưa giải thích giống hệt như cách chúng được giải thích giờ đây.
Nói vậy xong, theo lời thỉnh cầu của vua, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ khi vua Ba-la-nại, Bồ-tát thọ sanh làm một Bà-la-môn ở một quốc độ phương Bắc. Khi ngài đến tuổi trưởng thành, ngài từ giã thế tục, sống đời ẩn sĩ. Ngài đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng, an trú tại vùng Tuyết Sơn với thiền lạc thanh tịnh.
Ngày ấy, cũng như trên, vua Brahmadatta mơ những giấc mơ này tại thành Ba-la-nại, và tham vấn ý kiến các Bà-la-môn liên hệ vấn đề và các Bà-la-môn cũng như hiện nay, khởi sự việc tế đàn. Trong đám ấy một thanh niên Bà-la-môn có trí, thông thái, là đệ tử của vị Tế sư của hoàng tộc, thưa với thầy mình:
– Bạch sư phụ, sư phụ đã dạy con ba tập Thánh điển Vệ-đà. Vậy không có kinh nào bảo rằng việc giết một sinh vật không đem lại đời sống cho một sinh vật khác sao?
– Này đồ đệ, việc này sẽ đem lại nhiều tiền cho chúng ta, vô số tiền đấy. Hình như con chỉ mong đừng hao tốn công khố của đức vua thôi ư?
– Bạch sư phụ, vậy xin sư phụ cứ làm theo ý mình. Thanh niên Bà-la-môn nói. Còn phần con, con còn ở lại đây với sư phụ để làm gì kia chứ?
Nói vậy xong thầy từ giã thầy mình và đi đến ngự viên của Hoàng gia.
Cùng ngày đó, Bồ-tát biết hết việc này, ngài nghĩ thầm: “Giả sử hôm nay ta viếng cõi trần, ta sẽ giải thoát cho nhiều sinh vật khỏi cảnh giam cầm ấy ngay”. Thế rồi ngài du hành qua không gian, giáng hạ tại ngự viên kia, ngài an tọa và chiếu sáng như một bức tượng bằng vàng trên thạch bàn dành cho đại lễ. Thanh niên Bà-la-môn đến gần, đảnh lễ ngài và ngồi xuống một bên với vẻ thân hữu. Cuộc đàm đạo êm thấm diễn ra, và Bồ-tát hỏi thanh niên Bà-la-môn có nghĩ là vua này cai trị đúng pháp chăng.
Thanh niên đáp:
– Thưa Tôn giả, đức vua vốn là người chân chính, song các Bà-la-môn đã làm cho ngài thiên về ác hạnh. Khi được vua hỏi ý kiến về mười sáu giấc mộng lớn mà ngài vừa thấy, các Bà-la-môn liền chụp ngay cơ hội đó để đòi tế đàn và bảo hành động tức thì. Vậy thưa Tôn giả, nếu Tôn giả vui lòng đến giải thích cho vua hiểu rõ ý nghĩa thật sự của các giấc mộng ấy và thế là giải cứu được vô số sinh linh khỏi nỗi kinh hoàng vì chết chóc, chẳng phải là một việc thiện lành đó chăng?
– Nhưng này nam tử, ta không biết vua, mà vua cũng chẳng biết ta. Tuy vậy, nếu vua muốn đến đây hỏi ta, ta sẽ nói cho vua nghe.
Thanh niên Bà-la-môn đáp:
– Thưa Tôn giả, con sẽ đi rước đức vua đến đây. Chỉ xin Tôn giả vui lòng ngồi đợi đây một lát cho đến khi con trở lại.
Sau khi được Bồ-tát nhận lời, chàng đến bệ kiến vua và tâu:
– Trong ngự viên vừa có một ẩn sĩ phi hành qua không gian và giáng hạ, vị này bảo có thể giải thích các giấc mộng của Ðại vương, kính mong Ðại vương kể lại các giấc mộng này cho vị ẩn sĩ ấy được chăng?
Khi vua nghe việc này, liền lập tức cùng đoàn tùy tùng đến ngự viên. Vừa đảnh lễ vị ẩn sĩ, vua ngồi xuống bên ngài và hỏi có thật là ngài hiểu rõ việc gì sẽ xảy ra từ những giấc mộng ấy chăng. Bồ-tát đáp:
– Dĩ nhiên là đúng vậy. Nhưng trước hết hãy kể cho ta nghe những giấc mộng của Ðại vương.
– Bạch tôn giả, trẫm xin sẵn sàng, vua đáp và bắt đầu kể như sau:
Trước bò đực, cây con,
Sau bò cái, bê con,
Ngựa, bát vàng, sơn cẩu,
Bình nước, hồ sen trong,
Cơm sống, chiên đàn quý,
Bầu bí lặn xuống dòng,
Ðá to thì trôi nổi,
Nhái bén, ễnh ương cùng
Xé tan bầy rắn hổ,
Quạ có đám tùy tùng
Là bầy hoàng nga đẹp;
Chó sói sợ dê rừng!
Và kế đó vua kể các giấc mộng giống như vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) đã kể trên.
Bậc Ðại Sĩ bảo:
– Thôi đủ rồi, Ðại vương không có gì phải sợ hãi về việc này cả.
Sau khi trấn an nhà vua xong và giải thoát cho đám sinh vật kia khỏi bị giam giữ, Bồ-tát liền trụ trên không, khuyến giáo vua, và an trú vua vào Ngũ giới rồi kết luận với những lời này:
– Thưa Ðại vương, từ nay về sau Ðại vương đừng cộng tác với các Bà-la-môn trong việc giết súc vật để tế đàn.
Sau khi thuyết giảng xong, Bồ-tát du hành qua không gian để trở lại nơi trú ngụ của ngài. Còn nhà vua, chấp trì lời dạy đã được nghe, chuyên sống đời bố thí, cùng làm nhiều thiện sự công đức khác và khi mạng chung đi theo nghiệp của mình.
*
Khi chấm dứt Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư bảo:
– Ðại vương không có gì phải sợ các giấc mộng ấy cả. Vậy hãy hủy bỏ việc tế đàn đi.
Sau khi bảo vua hủy bỏ việc tế đàn và giải cứu vô số sinh linh, Ngài kết hợp hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy Ànanda là vua, Xá-lợi-phất là thanh niên Bà-la-môn và Ta là vị ẩn sĩ ấy.
Cả hai què và còm…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một vị triệu phú keo kiệt. Không xa Vương Xá bao nhiêu, có một thị trấn tên là Sakkhara. Tại đó, một vị triệu phú có tài sản đến tám trăm triệu đồng tiền, tên là Maccharikosiyo. Ông hà tiện đến nỗi một giọt dầu lấy từ ngọn cỏ kusa cũng không cho ai, và cũng không tự mình dùng. Như vậy, tài sản của ông không đem lại lợi ích nào cho vợ con, cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn…. Gia sản ấy nằm yên như vậy, không ai thọ hưởng, như hồ nước có quỷ La-sát chiếm cứ.
Một hôm thức dậy vào sáng sớm, bậc Ðạo Sư khởi lòng đại bi, nhìn toàn thể thế giới, xem ai có khả năng giác ngộ. Ngài thấy sống cách xa Ngài khoảng bốn trăm dặm, có hai vợ chồng ấy đủ khả năng chứng quả Dự lưu. Ðó là hai vợ chồng nhà triệu phú keo kiệt nói trên.
Ngày hôm trước, đi đến hoàng cung để chầu vua, sau khi trở về, người triệu phú thấy một người nông dân đói bụng, đang ăn một loại bánh chiên nhồi với bột chua. Ngay lúc ấy, người triệu phú khởi lên thèm khát, vừa đi về nhà vừa nghĩ: “Nếu ta nói ta muốn ăn bánh chiên nhồi bột chua thì sẽ có nhiều người muốn ăn với ta. Như vậy sẽ tốn cho ta nhiều gạo, bơ chín, đường…. Vì vậy, ta sẽ không nói với ai gì hết”. Về nhà ông đi qua đi lại, dằn ép thèm muốn, đến nỗi sắc da trở thành vàng, mạch máu nổi lên trên thân. Cuối cùng, không dằn ép được thèm muốn, ông đi vào phòng, nằm co ro trên giường.
Như vậy, vì sợ hao hụt tài sản, ông không nói với ai cả. Vợ ông đến, xoa lưng ông và hỏi:
– Này ông, cái gì làm ông không được thoải mái như vậy?
– Ta không có việc gì cả.
– Hay nhà vua nổi giận với ông?
– Vua không nổi giận với ta.
– Hay con trai, con gái, hoặc người nô tỳ làm công có gì khiến ông phật ý chăng?
– Không có gì như vậy cả.
– Hay ông có thèm khát vật gì?
Nghe nói vậy, sợ hao hụt tài sản, ông nằm im lặng. Người vợ nói:
– Này ông, hãy nói đi! Ông thèm khát vật gì?
Ông nuốt nước miếng trả lời.
– Ta có một thèm muốn.
– Thưa ông, ông thèm muốn gì?
– Ta muốn ăn bánh chiên trong chảo.
– Ý muốn ấy có gì đâu mà ông không nói! Ông đâu có nghèo? Nay tôi sẽ làm bánh ngọt chiên trong chảo đủ dọn cho toàn thể dân chúng ở thị trấn Sakkhara.
– Sao lại cho chúng? Chúng cần phải làm để có ăn.
– Vậy tôi sẽ làm đủ dọn cho những người ở cùng một đường.
– Ðâu có được.
– Vậy tôi làm bánh ngọt vừa đủ dọn cho tất cả những người ở trong nhà này.
– Sao bà lại hoang phí như vậy?
– Vậy tôi làm bánh ngọt vừa đủ để dọn cho con trai, con gái của ông ăn.
– Sao lại đề cập đến chúng làm gì?
– Vậy tôi làm bánh ngọt đủ để dọn cho ông và tôi ăn.
– Sao bà lại có ở trong đó?
– Vậy tôi làm bánh ngọt vừa đủ cho một mình ông ăn.
– Nói khẽ chứ, tại chỗ này, có nhiều người chờ đợi bà nấu ăn. Hãy để dành các hột gạo nguyên, chỉ lấy gạo tấm, cái lò và cái chảo, với một ít sữa, bơ chín, mật, đường cục, đem lên sàn nhà lớn tầng lầu thứ bảy và chiên ở đấy. Tại đấy, ta sẽ ngồi ăn một mình không bị ai quấy rầy.
– Ðược lắm!
Người vợ vâng lời, đem theo những đồ cần dùng, leo lên trên lầu, bảo các nô tỳ đi chỗ khác, cho mời vị triệu phú lên. Người triệu phú, từ dưới leo lên, gài chốt tất cả các cửa, sau cùng đến sàn lớn lầu thứ bảy. Tại đấy, ông đóng cửa lại và ngồi xuống. Người vợ đốt lửa nhen lò, đặt chảo lên và bắt đầu chiên bánh.
Lúc ấy, bậc Ðạo Sư, vào buổi sáng, bảo Trưởng lão Ðại Mục-kiền-liên:
Này Mục-kiền-liên, có người triệu phú hà tiện ở tại thị trấn Sakkara, không xa Vương Xá bao nhiêu, ông ta muốn ăn bánh chiên trong chảo, nhưng sợ các người khác thấy, nên cho làm bánh trên tầng lầu bảy. Ông hãy đến đó, nhiếp phục triệu phú ấy, khiến ông ta từ bỏ tất cả, rồi dùng thần lực của ông đem cả hai vợ chồng và tất cả bánh, sữa, bơ chín, mật, và đường cục về Kỳ Viên. Hôm nay, Ta cùng năm trăm Tỷ-kheo sẽ ngồi tại Kỳ Viên, và Ta làm cho Tăng chúng sẽ dùng bữa với bánh ấy.
Trưởng lão vâng theo lời bậc Ðạo Sư, lập tức với thần thông lực đi đến thị trấn ấy. Trưởng lão đứng giữa hư không, trước cửa sổ căn lầu triệu phú, khéo vận y trong và đắp y ngoài sáng rực như một bức tượng bằng châu báu. Vừa chợt thấy vị Trưởng lão, tim vị đại triệu phú xúc động mạnh vì sợ hãi. Ông suy nghĩ: “Ta đã sợ như vậy nên đến chỗ này, thế mà vị này cũng đến đứng trước cửa sổ”.
Không thể hiểu được những gì ông cần phải hiểu, ông tức giận nói lắp bắp những lời như muối và đường bỏ vào trong lửa:
– Này Sa-môn, đứng giữa hư không như vậy, ông đâu có được gì? Dầu ông kinh hành cho đến khi vạch được một con đường giữa hư không, ông cũng không được gì.
Trưởng lão bèn đi kinh hành qua lại giữa hư không. Vị triệu phú nói:
– Ði kinh hành như vậy, ông đâu có được gì? Dầu ngồi kiết-già giữa hư không, ông cũng sẽ không được gì.
Trưởng lão liền ngồi kiết-già giữa hư không. Triệu phú nói:
– Ngồi vậy, ông đâu có được gì? Dầu ông có thể đến đứng ở bậc cửa, ông cũng không được gì.
Trưởng lão đến đứng trên bậc cửa. Vị triệu phú nói:
– Dầu ông phun khói, ông cũng sẽ không được gì.
Trưởng lão phun ra cho đến khi cả lâu đài tràn đầy khói. Mắt vị triệu phú bắt đầu cay, đau như bị kim châm. Vì sợ nhà có thể bị cháy, ông không dám nói:
– Dầu có đốt lửa, ông cũng sẽ không được gì.
Ông suy nghĩ: “Sa-môn này thật là gan lì. Không được gì cũng không đi. Ta phải bảo cho nó một cái bánh mà thôi”.
Vì thế ông liền nói với vợ:
– Này bà, hãy chiên một cái bánh nhỏ xíu cho Sa-môn ấy, rồi tống nó đi.
Người vợ lấy một ít bột, bỏ vào miệng chảo. Bột ấy phồng to lên trở thành cái bánh thật lớn, đầy cả miệng chảo. Vị triệu phú thấy vậy, nghĩ rằng vì vợ mình lấy nhiều bột nên nó thành như vậy. Ông tự mình lấy một ít bột trên đầu cái muỗng và quăng vào trong chảo. Miếng bột nhỏ trở thành cái bánh to lớn hơn bánh trước. Như vậy ông càng chiên bột bao nhiêu, bánh trở thành to bấy nhiêu. Vị triệu phú nản chí nói với vợ:
– Này bà, hãy cho người này một cái bánh.
Khi bà lấy một cái bánh từ giỏ, tất cả bánh đều dính chùm với nhau. Người vợ nói với chồng:
– Này ông, tất cả bánh dính liền với nhau, và tôi không thể tách rời chúng ra được.
– Ðể tôi tách rời bánh cho.
Nhưng vị triệu phú cũng không tách rời bánh được! Cả hai người cầm cả đống bánh, kéo bánh ra, nhưng không thể tách rời bánh được. Trong khi cố gắng kéo bánh, mồ hôi từ thân đổ ra và lòng thèm khát của ông chấm dứt. Ông liền nói với vợ:
– Này bà, ta nay không còn cần bánh nữa! Hãy cho Tỷ-kheo này tất cả bánh trong giỏ!
Người vợ lấy cái giỏ đi đến Trưởng lão. Rồi vị ấy thuyết pháp cho cả hai người, và nói lên công đức tối cao của Ba ngôi báu. Rồi dạy rằng bố thí sẽ có kết quả, vị ấy nêu rõ kết quả của bố thí và các thiện sự khác sáng ngời như mặt trăng trên bầu trời. Nghe Trưởng lão, vị triệu phú khởi tâm tịnh tín, và nói:
– Thưa Tôn giả, hãy đến đây. Hãy ngồi trên giường này và ăn bánh.
Trưởng lão nói:
– Này Ðại triệu phú, bậc Chánh Ðẳng Giác muốn ăn bánh, Ngài đang ngồi tại tinh xá với năm trăm Tỷ-kheo. Nếu hai vị hoan hỷ, ông bà hãy đem bánh, sữa…. và chúng ta cùng đi đến cúng dường bậc Ðạo Sư.
– Thưa Tôn giả, bậc Ðạo Sư nay ở tại đâu?
– Này Ðại Triệu phú, từ đây đến tinh xá Kỳ Viên khoảng bốn trăm dặm.
– Làm sao chúng ta đi hết khoảng đường ấy mà không mất nhiều thì giờ?
– Này Ðại triệu phú, nếu ông hoan hỷ, ta sẽ đưa ông bà đến đó với thần thông lực của ta! Ðầu thang lâu đài của ông sẽ ở tại chỗ này, còn chân thang lầu sẽ đến tại cửa tinh xá Kỳ Viên. Với cách này, ta sẽ đưa ông bà đến tinh xá Kỳ Viên bằng thời gian đi từ đầu thang xuống chân thang lầu.
Vị triệu phú bằng lòng chấp thuận. Vị trưởng lão giữ đầu thang lầu ở tại chỗ đó và bảo:
– Chân thang lầu hãy đến tại cổng chính Kỳ Viên.
Sự kiện xảy ra đúng như vậy! Rồi trưởng lão đưa vị triệu phú và bà vợ bước từ đầu thang lầu đến chân thang lầu rất nhanh vào Kỳ Viên.
Cả hai vợ chồng đi đến yết kiến bậc Ðạo Sư và báo giờ cúng dường. Bậc Ðạo Sư đi vào phòng ăn, ngồi trên Phật tọa đã soạn sẵn cùng với chúng Tỷ-kheo. Ðại triệu phú đổ nước cúng dường trên tay đức Phật và Tăng chúng, trong khi bà vợ đặt bánh trong bình bát của Như Lai. Bậc Ðạo Sư lấy bánh vừa đủ ăn, và năm trăm Tỷ-kheo cũng lấy tương tợ như vậy.
Rồi vị triệu phú đi quanh cúng dường sữa, bơ chín, mật, đường cục. Bậc Ðạo Sư cùng với năm trăm Tỷ-kheo dùng xong, cuối cùng đại triệu phú cùng với vợ ăn cho đến thỏa thích, tuy vậy, bánh cũng không hết. Cho đến khi tất cả Tỷ-kheo và các người ăn mót đồ thừa khắp Kỳ Viên đã có đủ phần của mình, bánh cũng không thấy hết. Họ báo lên Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, bánh vẫn không hết.
– Vậy hãy quăng bỏ bánh tại một bên cổng lớn của Kỳ Viên.
Họ đem quăng bánh xuống một cái hang không xa cổng lớn. Nay, chỗ ấy được biết với tên là “Hang chứa Bánh chiên trong chảo”.
Vị đại triệu phú và vợ đi đến Thế Tôn rồi đứng một bên. Ngài nói lên lời tùy hỷ; cuối lời tùy hỷ, cả hai vợ chồng đều chứng được quả Dự lưu. Rồi họ đảnh lễ bậc Ðạo Sư, leo lên thang lầu ở cổng lớn, và đi về lâu đài của mình. Từ đấy về sau, vị đại triệu phú cúng dường cho Giáo pháp đức Phật đến tám trăm triệu đồng tiền.
Ngày sau, bậc Chánh Ðẳng Giác đi khất thực ở Xá-vệ, đi đến Kỳ Viên, nói lời khuyến giáo của bậc Thiện Thệ cho các Tỷ-kheo xong, Ngài đi vào Hương phòng tĩnh tọa. Vào buổi chiều, các Tỷ-kheo tụ họp tại Pháp đường, rồi nói lên lời tán thán công đức của Trưởng lão đại Mục-kiền-liên:
– Này các Hiền giả, hãy xem uy lực của Trưởng lão Ðại Mục-kiền-liên! Trưởng lão nhiếp phục vị triệu phú hà tiện trong giây lát, khiến ông ta từ bỏ tất cả, đem theo các thứ bánh, đưa ông bà đến Kỳ Viên, trước mặt bậc Ðạo Sư và an trú, họ vào quả Dự lưu. Ôi, Trưởng lão thật có đại uy lực!
Bậc Ðạo Sư đến Pháp đường và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông đang ngồi bàn vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo muốn nhiếp phục một gia đình, không nên làm hại và áp bức gia đình ấy. Giống như con ong, chỉ đến lấy nhụy hoa, không làm hại hoa. Cũng vậy, vị Tỷ-kheo đi đến gia đình ấy để nói lên các công đức tối thắng của đức Phật.
Rồi bậc Ðạo Sư tán thán Trưởng lão:
Như ong đến với hoa,
Không hại sắc và hương,
Che chở hoa, lấy nhụy,
Cũng vậy, vị Sa-môn,
Bậc chánh đi vào làng
Không được áp bức ai. (Pháp cú 49)
Sau khi nói lên câu kệ trong kinh Pháp cú, bậc Ðạo Sư nêu công đức vị Trưởng lão:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay vị triệu phú hà tiện được Mục-kiền-liên nhiếp phục. Thuở trước, Trưởng lão đã nhiếp phục vị triệu phú và dạy ông ta biết sự liên hệ giữa hành động và kết quả.
Nói xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, tại thành này, người triệu phú tên là Illisa, giàu có đến tám trăm triệu đồng tiền, và có đủ mọi tật xấu của con người. Ông què, còm lưng và lé mắt. Ông là người không có lòng tin, hà tiện không bao giờ cho ai, không tự mình hưởng thọ; nhà ông giống như cái hồ bị quỷ La-sát chiếm cứ. Tuy vậy, trải qua bảy đời trước, các tổ tiên của ông là những người bố thí, những thí chủ rất hào phóng. Khi được địa vị triệu phú, ông phá hoại truyền thống của gia đình, đốt cháy nhà bố thí, đánh đuổi các kẻ ăn xin, và tích lũy tài sản.
Một hôm đi chầu vua. khi trở về nhà mình, vị triệu phú thấy một người nông dân đi đường mệt mỏi, cầm một bình rượu, ngồi trên ghế, rót đầy cốc rượu chua, nhắm rượu với một miếng cá khô hôi thối. Thấy vậy, ông khởi lên lòng ham muốn uống rượu nhưng lại nghĩ: “Nếu ta uống rượu, nhiều người sẽ muốn uống với ta. Như vậy, tài sản ta sẽ hao mòn”. Vì thế ông chế ngự cơn thèm khát, đi qua đi lại; nhưng trong khi đi, không thể trấn áp thèm khát, ông trở thành vàng da như bông lúa và các mạch máu nổi lên trên tấm thân ốm yếu của ông. Cuối cùng, ông vào phòng, nằm co ro trên giường. Vợ ông đến, xoa lưng ông và hỏi:
– Này ông, cái gì làm ông không được thoải mái vậy? (Chi tiết đều giống như chuyện đã nói ở trên).
– Vậy tôi nấu rượu vừa đủ cho một mình ông uống.
Khi nghe nói vậy, người triệu phú nói:
– Tại nhà này, nhiều người đang chờ đợi nấu rượu. Còn đem rượu từ quán về và ngồi uống tại đây thì không thể được.
Người triệu phú cho một đồng, bảo một người nô lệ đem một ghè rượu từ quán về và bảo anh ta mang ghè rượu ấy đi theo ra khỏi thành phố, đến bờ sông, đi vào một lùm cây gần con đường lớn, cho đặt ghè rượu xuống, rồi bảo người nô lệ đi ra ngồi ở đàng xa. Ông rót rượu ra chén rồi bắt đầu uống.
Người cha đời trước của ông do làm các công đức như bố thí… đã được sanh làm Thiên chủ Ðế Thích. Ngay trong lúc ấy, ông cha muốn biết sự bố thí của mình có được tiếp tục hay không, và được biết, đứa con trai không tiếp tục sự nghiệp của mình đã chấm dứt truyền thống gia đình, đã đốt trường bố thí, đánh đuổi các người ăn xin, tánh tình hà tiện, nay sợ phải có người khác uống rượu đã lén đi vào lùm cây để uống một mình. Thấy vậy, Ðế Thích quyết định: “Ta sẽ làm cho nó xúc động, ta sẽ giáo hóa nó, giúp nó biết sự liên hệ giữa hành động và kết quả, làm cho nó biết bố thí, khiến nó trở thành nhân từ xứng đáng được sanh ở cõi đời”.
Thế rồi Thiên chủ xuống cõi nhân thế, hóa hiện thành triệu phú Illisa, cũng què chân, cũng còm lưng, cũng lé mắt không khác gì Illisa. Với hình thù như vậy, vị ấy đi vào thành Vương Xá, đứng trước cửa hoàng cung, tự tin báo cho vua biết mình tới. Khi được mời vào, vị ấy vào đảnh lễ vua và đứng hầu bên cạnh. Vua hỏi:
– Việc gì đưa Ðại triệu phú lại đây quá sớm như vậy?
– Thưa Thiên tử, tôi đến đây để thưa rằng trong nhà tôi có tài sản đến tám trăm triệu đồng tiền. Xin Thiên tử hãy truyền mang về đổ đầy ngân khố của mình.
– Thôi vừa rồi, đại triệu phú! Trong cung của ta có nhiều tài sản hơn tài sản của ông!
– Thưa Thiên tử, nếu ngài không làm, tôi sẽ lấy tài sản ấy bố thí theo sở thích của tôi.
– Hãy bố thí, này Triệu phú.
– Thưa vâng, Thiên tử.
Sau khi đảnh lễ vua, đi ra, Ðế Thích (tức ông cha) hóa dạng đi về nhà triệu phú Illisa. Tất cả người hầu cận tùy tùng đến vây quanh. Không một ai có thể biết được đây không phải là Illisa. Ðế Thích vào nhà đứng ở ngưỡng cửa, cho gọi người gác cửa và nói:
– Nếu có một ai giống như ta đến đây tự xưng là chủ nhà này, hãy lấy gậy đuổi nó đi.
Nói xong, Ðế Thích bước lên lầu, ngồi trên bảo tọa hết sức lộng lẫy, và cho gọi vợ triệu phú vào. Với một nụ cười, ông nói:
– Này bà, chúng ta sẽ bố thí.
Nghe nói như vậy, vợ triệu phú, con trai, con gái, các người nô tỳ làm công đều suy nghĩ: “Ðã lâu lắm rồi, tâm chủ ta không nghĩ đến bố thí. Nay chắc là sau khi uống rượu, choáng váng say ông mới sanh ra ý muốn bố thí”.
Vì vậy bà vợ triệu phú nói:
– Thưa ông, hãy bố thí theo sở thích.
– Vậy hãy cho gọi người đánh trống đến, bảo nó đi đánh trống khắp cả thành phố và rao lên: Những ai cần vàng, bạc, châu báu, ngọc ngà v.v… hãy đi đến nhà triệu phú Illisa.
Bà vợ làm theo như lời dặn. Một đám đông người đem theo giỏ và bao… tụ tập tại cửa nhà triệu phú. Ðế Thích cho mở toang các phòng đựng châu báu và nói:
– Ta sẽ cho các ngươi. Hãy đến đây lấy như ý các ngươi muốn rồi ra đi.
Quần chúng đem tài sản ra, chất thành đống giữa sàn nhà, đựng đầy các giỏ các chậu mà họ mang đến và đem chúng đi. Một người nông dân khác cột những con bò của Illisa vào cổ xe của vị triệu phú, chất đầy xe với bảy món báu, ra khỏi thành. Trong khi đi trên con đường lớn, anh ta đánh xe đến gần lùm cây, và tán thán triệu phú Illisa như sau:
– Mong rằng chủ của tôi, triệu phú Illisa sống đến một trăm tuổi! Nhờ Illisa nay ta không cần làm việc, có thể sống cho đến trọn đời! Xe này của Illisa, con bò này của Illisa! Bảy món báu không phải mẹ ta cho. Chính do Illisa, chủ của ta cho!
Anh ta vừa đi vừa tán thán công đức của vị triệu phú. Người triệu phú (thật) nghe vậy hoảng hốt, sợ hãi, nghĩ: “Sao người này nói đi nói lại tên ta trong lời nói của nó? Hay vua đã đem tài sản của ta cho quần chúng rồi?”.
Ông liền nhảy ra khỏi lùm cây, nhận ra chiếc xe và con bò của mình, bèn nắm dây mũi con bò, dắt đi và nói:
– Ôi kẻ nô lệ kia, đây là con bò của ta, đây là cỗ xe của ta. Người nông dân xuống xe nói:
– Ôi! đồ khốn nạn ác độc, triệu phú Illisa bố thí cho toàn thành phố. Ngươi là ai vậy?
Người nông dân xông tới đánh Illisa ngã như chớp nhoáng, rồi lấy xe đi. Người triệu phú đứng dậy, tức giận run lên, phủi bụi, chạy theo thật mau, nắm lấy chiếc xe. Người nông dân lại xuống xe, nắm lấy tóc, bẻ quặp ông ta xuống, lấy cùi chỏ đánh ông, nắm cổ quăng ông về hướng con đường ông đã đi tới, rồi bỏ đi. Khi tỉnh rượu vì trận đòn thô bạo ấy, vị triệu phú run lên vì tức giận, đi mau về tới cửa nhà, thấy người ta hì hục mang tài sản đi, ông nói:
– Ôi! sao lạ vậy! Phải chăng vua cho người ăn cướp tài sản của ta?
Ông đi đến nắm lấy người này, người kia, và những ai bị ông nắm liền đánh ông ngã gục dưới chân. Bị đau đớn ê chề, ông đi vào nhà ẩn tránh. Người gác cửa thấy ông, liền kêu:
– Ôi, đồ gia chủ giả, mi đi vào đâu đó?
Trước hết, người ấy lấy gậy tre đán ông, rồi nắm cổ lôi ông ra ngoài cửa. Người triệu phú nghĩ: “Nay, ngoài vua ra, không có một ai làm chỗ nương tựa cho ta được”. Ông đi đến cung vua và thưa:
– Thưa Thiên tử, có phải ngài chiếm đoạt nhà của tôi chăng? Này Triệu phú, ta không chiếm đoạt! Có phải ông đã đến đây và nói: nếu ngài không lấy, thì tôi sẽ đem bố thí tài sản của tôi? Có phải ông đã cho đánh trống khắp cả thành, rao rằng ông sẽ bố thí?
– Thưa Thiên tử, không phải tôi đến đây gặp ngài vì việc ấy. Ngài không biết tính hà tiện của tôi sao? Tôi không cho ai cả, dù chỉ một giọt dầu lấy từ đầu ngọn cỏ! Ai đã bố thí tài sản tôi, xin hãy cho gọi nó đến và xét hỏi nó, thưa Thiên tử.
Vua cho gọi Ðế Thích đến, sự sai biệt giữa hai người này, cả vua và các đại thần đều không thể biết. Vị triệu phú hà tiện nói:
– Thưa Thiên tử, người này đâu phải triệu phú. Tôi mới là triệu phú.
– Chúng tôi không biết được ai là triệu phú thật! Ai có thể biết được họ chăng?
– Thưa Thiên tử, vợ tôi.
Vua cho gọi bà vợ đến và hỏi:
– Người nào là chồng bà?
Bà vợ nói:
– Người này, và bà đứng lại gần Ðế Thích.
Vua cho gọi các người con trai, con gái, các nô tỳ, các người làm công và hỏi. Tất cả đều đứng gần Ðế Thích. Rồi vị triệu phú suy nghĩ: “Trên đầu ta có một nốt ruồi được tóc che kín, chỉ có người thợ hớt tóc mới biết. Ta sẽ cho gọi nó đến”.
Ông nói:
– Thưa Thiên tử, người thợ hớt tóc nhận biết tôi. Hãy cho gọi nó đến.
Thời ấy, Bồ-tát là người thợ hớt tóc của ông. Vua cho gọi Bồ-tát đến và hỏi:
– Ngươi có biết triệu phú Illisa không?
Thưa Thiên tử, nhìn vào đầu tôi sẽ nhận ra!
– Vậy hãy nhìn lên hai cái đầu.
Trong giờ phút ấy, Ðế Thích làm cho một nốt ruồi nổi lên trên đầu mình. Bồ-tát nhìn lên hai cái đầu, thấy hai cái nốt ruồi, liền thưa:
– Tâu Ðại Vương, cả hai cái đầu đều có nốt ruồi. Tôi không thể nhận biết giữa hai người này ai thật sự là Illisa.
Sau đó, Bồ-tát đọc bài kệ:
Cả hai què và còm,
Cả hai đều lé mắt,
Cả hai có nốt ruồi,
Ta không biết hai người,
Ai là Il-li-sa.
Nghe Bồ-tát nói như vậy, vị triệu phú run lập cập, và vì ưu sầu mất tài sản, ông không thể chịu đựng được liền ngã xuống bất tỉnh. Lúc bấy giờ, Ðế Thích mới nói:
– Thưa Ðại Vương, ta không phải là Illisa, ta là Ðế Thích.
Rồi ngài bay lên, đứng trên hư không, với tất cả uy lực siêu phàm. Người ta lau mặt cho Illisa và rưới nước lên người ông. Illisa hồi tỉnh đứng dậy, đảnh lễ Thiên chủ và đứng một bên. Ðế Thích nói:
– Này Illisa, tài sản này là của ta, không phải của ngươi. Ta là cha ngươi. Ngươi là con ta. Trọn đời ta nhờ làm các công đức như bố thí.v.v… nên được sanh là Ðế Thích. Ngươi đã cắt đứt truyền thống của ta, không bố thí, không giữ giới, an trú trên xan tham, đốt cháy trường bố thí, đánh đuổi những người ăn xin, lo tích lũy tài sản. Ngươi không hưởng thọ tài sản ấy. Người khác cũng không được hưởng. Tài sản ngươi đứng như cái hồ bị quỷ La-sát chiếm cứ ở đó, không ai có thể uống cho đã khát. Ngươi nên làm lại trường bố thí của ta như cũ, bố thí như vậy là tốt! Nếu ngươi không làm vậy, ta sẽ làm biến mất tất cả tài sản của ngươi, đập nát đầu ngươi với chùy kim cương của Inda và chấm dứt mạng sống của ngươi.
Triệu phú Illisa hoảng hốt vì sợ bị chết, liền xin hứa:
– Bắt đầu từ nay con sẽ bố thí.
Ðế Thích nhận lời hứa, ngồi trên hư không thuyết pháp, an trú ông trong giới hạnh và đi về xứ của mình. Còn Illisa sau đó chuyên tâm làm các công đức như bố thí.v.v… và được sanh lên thiên giới.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Mục-kiền-liên mới nhiếp phục vị triệu phú hà tiện, mà thuở trước cũng đã nhiếp phục kẻ ấy rồi.
Sau khi bậc Ðạo Sư kể pháp thoại, Ngài kết hợp hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, Illisa là triệu phú hà tiện, Thiên chủ Ðế Thích là Mục-kiền-liên, vua là Ananda và người hớt tóc là Ta vậy.
Ăn cướp giết bò xong…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một vị đại thần. Nghe noùi, một đại thần của vua Kosala được vua tin dùng, sau khi thâu thuế cho vua ở một làng biên địa, đã đồng lõa với các tên cướp:
– Ta sẽ đưa các người làng vào rừng. Sau khi đánh cướp làng, các ngươi hãy chia cho ta một nửa.
Nói vậy xong, vào tảng sáng, vị ấy tụ họp các người làng ấy lại, dẫn họ đi vào rừng. Rồi các tên cướp đến ngôi làng không được bảo vệ ấy, giết trâu bò ăn thịt, cướp bóc làng và bỏ đi. Ðến chiều vị ấy về làng với đám tùy tùng. Không bao lâu, việc làm của vị ấy bị bại lộ và được trình báo với vua. Vua cho gọi vị ấy đến, xác nhận tội của vị ấy, xử phạt vị ấy đúng theo luật nước, và sau đó cử một người khác lên thay. Rồi vua đi đến Kỳ Viên báo cáo với Thế Tôn sự việc ấy. Thế Tôn nói:
– Thưa Ðại vương, không phải chỉ nay đạo đức vị ấy mới vậy. Trước kia vị ấy đã như vậy rồi.
Nói vậy xong, Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta trị vì Ba-la-nại, vua cử một ông quan làm trưởng một làng ở biên địa. (Sự việc xảy ra như câu chuyện trước). Khi ấy, Bồ-tát là một thương nhân đang đi qua lại tại vùng biên địa, và sống trong ngôi làng ấy. Khi người thôn trưởng ấy trở về với một số tùy tùng đông đảo, vừa đi về vừa đánh trống. Bồ-tát nói:
– Người thôn trưởng ác độc này đã đồng lõa với bọn cướp để cướp làng; và đợi đến khi bọn cướp đã chạy trốn trong rừng, nó lại trở về làng, vừa đi vừa đánh trống.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ:
Ăn cướp giết bò xong,
Nhà đốt, người bị bắt,
Nó về với tiếng trống,
Tiếng trống vang khó chịu.
Như vậy, Bồ-tát đọc bài kệ này chỉ trích người thôn trưởng. Không bao lâu, việc làm của kẻ ấy bị bại lộ. Và nhà vua phạt kẻ ấy theo luật nước.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Thưa Ðại Vương, không phải chỉ nay đạo đức của kẻ ấy như vậy. Thuở trước, đạo đức của kẻ ấy cũng như vậy rồi.
Sau khi bậc Ðạo Sư kể pháp loại này, Ngài kết hợp các câu chuyện và nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, vị đại thần là vị đại thần hiện nay, và người hiền trí đọc bài kệ là Ta vậy.
Trước ngươi nói khoác lác…,
Câu chuyện này khi ở tại Kỳ viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo nói khoác lác. Tương truyền có Tỷ-kheo thường tụ họp một số Tỷ-kheo lại và nói như sau:
– Này các Hiền giả, không có một thiện sanh nào bằng thiện sanh chúng tôi. Không có một dòng họ nào bằng dòng họ chúng tôi. Tôi được sanh trong đại gia đình vương tộc như vậy. Không có ai sánh bằng chúng tôi theo dòng họ tổ tiên. Không làm sao kể cho cùng tận vàng, bạc v.v… của chúng tôi. Các nô tỳ và người làm công của chúng tôi chỉ ăn cơm gạo thơm và thịt. Chúng mặc áo bằng vải Kàsi. Chúng bôi son phấn Kàsi. Riêng tôi, vì là người xuất gia, nên phải ăn những món ăn hèn mạt như vậy, phải mặc những thứ vải thô xấu như vậy.
Kẻ ấy thường đại ngôn như vậy, giữa các Tỷ-kheo trưởng lão, trung niên, tân học, khoác lác lừa dối mọi người về thọ sanh v.v… Nhưng một Tỷ-kheo khác, sau khi điều tra gia cảnh của Tỷ-kheo ấy, nói cho các Tỷ-kheo về sự đại ngôn của kẻ ấy. Các Tỷ-kheo hội họp trong Chánh pháp đường, nói về việc đại ngôn của Tỷ-kheo ấy như sau:
– Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo này, sau khi xuất gia trong Giáo pháp đưa đến giải thoát, đã nói lời khoác lát và lừa dối. Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi họp ở đây bàn về vấn đề gì? Khi nghe vấn đề nêu trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo ấy nói lời khoác lác, mà thuở trước cũng đã nói lời khoác lác và lừa dối rồi. Nói xong bậc Ðạo Sư kể lại câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn phương Bắc, tại một làng của thị trấn. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát học ba tập Vệ-đà và mười tám nghề với một giáo sư trứ danh ở Takkasilà. Sau khi đạt được sự thuần thục trong tất cả học thuật, Bồ-tát được gọi là nhà Hiền trí Tiểu xạ thủ (Culla-Dhanuggaha-Pandita).
Rời bỏ Takkasilà, Bồ-tát đi đến nước Andhra để tìm kinh nghiệm hành nghề trong tất cả mọi thời. Trong Tiền thân này, Bồ-tát là một người lùn, nhỏ bé và hơi còm. Bồ-tát suy nghĩ: “Nếu ta đi đến một nhà vua nào, vua ấy sẽ nói: Với một thân hình lùn như ngươi, chúng ta sẽ làm gì? Vậy ta hãy tìm một người đàn ông đẹp trai, cao và to lớn, làm cái gốc, núp sau lưng của nó, để nuôi sống ta”. Nghĩ rồi, Bồ-tát đi tìm một người như vậy. Ði đến khu thợ dệt, thấy một người thợ dệt to lớn tên là Bhimasen (Lãnh tụ đạo quân khủng khiếp). Sau khi thân mật chào đón, Bồ-tát hỏi kẻ ấy:
– Này bạn, bạn tên gì?
– Tôi tên là Bhimasena
– Sao anh đẹp trai, đầy đủ sanh y, lại làm nghề hèn hạ này?
– Vì không có nghề nào khác có thể kiếm sống.
– Này bạn, chớ làm nghề này nữa, không có người nào bắn cung giỏi như ta trong khắp xứ Diêm-phù-đề. Nếu bạn cùng ta đi đến nhà vua nào, khi vua ấy lắc đầu nói với ta: Một người lùn như vậy, chúng tôi sẽ làm gì được?, thì bạn hãy nói: Tôi biết bắn cung! Nhà vua sẽ trả tiền lương cho bạn và luôn luôn dùng bạn trong nghề của bạn. Ta sẽ làm việc thế chỗ bạn và ta sẽ sống núp bóng sau lưng của bạn.
Người thợ dệt chấp thuận. Rồi Bồ-tát đưa kẻ ấy đi Ba-la-nại, tự mình xử sự như người nhỏ bé hầu cung, đặt kẻ ấy đi trước, và khi đến cửa hoàng cung, họ báo tin cho vua biết. Khi được mời đi yết kiến vua, cả hai đều vào, đảnh lễ vua và đứng thẳng. Vua hỏi:
– Lý do gì các ngươi đến đây?
Bhimasena trả lời:
– Tôi là người bắn cung tài giỏi. Toàn cõi Diêm-phù-đề, không có người nào bắn cung như tôi.
– Ðể làm việc cho ta, ngươi lấy bao nhiêu?
– Thưa Thiên tử, nửa tháng tôi sẽ lấy một ngàn.
– Còn người này đi với ngươi là ai vậy?
– Thưa Thiên tử, đó là đứa bé hầu cung.
– Tốt lắm, hãy bắt đầu phục vụ ta.
Từ đó trở đi, Bhimasena và Bồ-tát phục vụ nhà vua, nhưng bao giờ mọi công việc khởi lên đều do Bồ-tát làm cả. Lúc bấy giờ, trong nước Kàsi, tại một khu rừng, có một con cọp chận đường nhiều người qua lại và bắt họ ăn thịt. Dân chúng báo cho vua biết tin ấy. Vua cho gọi Bhimasena và nói:
– Này khanh, khanh có thể bắt cọp được không?
– Thưa Thiên tử, tôi được gọi là người bắn cung, sao tôi không thể bắt cọp được?
Vua trả tiền công cho kẻ ấy và tiễn kẻ ấy đi. Anh ta về nhà nói cho Bồ-tát biết. Bồ-tát nói:
– Tốt lắm, bạn hãy đi.
– Nhưng bạn không đi sao?
– Phải, tôi sẽ không đi. Nhưng tôi sẽ nói cho bạn một phương kế.
– Hãy nói lên bạn.
– Một mình bạn, bạn chớ đi gấp đến chỗ ở của cọp. Hãy tụ họp các thôn dân lại, đem theo một ngàn hay hai ngàn cây cung, và đi đến ấy. Khi biết con cọp đã dậy, bạn liền đi trốn, chui vào một lùm cây, nằm sát xuống. Các thôn dân sẽ bắn con cọp cho đến chết. Khi con cọp đã chết, bạn sẽ lấy răng cắn đứt một dây leo, nắm lấy đầu dây leo ấy, bạn đi đến gần con cọp chết, và nói: – Này các ngươi, ai đã giết con cọp này! Ta định cột con cọp này với dây leo như một con bò và dắt nó về nhà vua. Vì cần có dây leo, ta đã đi vào lùm cây. Trước khi ta đem được dây leo về, ai đ~ giết con cọp? Hãy nói lên. Các thôn dân sẽ hoảng hốt, run sợ, và hối lộ bạn nhiều tiền để yêu cầu bạn đừng báo cho vua biết. Người ta sẽ tưởng con cọp do bạn giết được và bạn sẽ được nhà vua cho nhiều tiền.
Kẻ ấy chấp thuận, ra đi sắp đặt việc giết con cọp đúng theo phương thức Bồ-tát dặn, làm cho khu rừng được yên ổn, rồi trở về Ba-la-nại với đại chúng vây quanh, đi đến gặp vua và thưa:
– Thưa Thiên tử, tôi đã giết được con cọp, đã làm cho khu rừng được yên ổn.
Nhà vua rất bằng lòng, cho kẻ ấy rất nhiều tiền.
Lại một hôm, người ta báo cho vua biết có một con trâu chặn đường phá hại. Ngay tức khắc, vua cho gọi Bhimasena. Làm theo cách thức của Bồ-tát, kẻ ấy giết được con trâu như đã giết con cọp và đi trở về. Vua lại cho kẻ ấy nhiều tiền. Anh ta trở thành có quyền hành lớn. Say mê quyền thế, anh ta khinh thường Bồ-tát, không chấp thuận ý kiến của Bồ-tát nữa. Anh ta nói:
– Ta sống đâu có cần ngươi? Ngươi tưởng ngươi là kẻ nào vậy?
Anh ta nói nhiều lời ác độc thô lỗ như vậy.
Sau một vài ngày, một vị vua thù địch đi đến, bao vây Ba-la-nại và đưa tối hậu thư cho vua: Hoặc là giao thành, hoặc là đánh. Vua sai Bhimasena ra giao chiến.
Kẻ ấy mặc đồ lính trận, mang áo giáp đầy mình, ngồi trên lưng con voi cũng khéo mang áo giáp. Bồ-tát sợ Bhimasena bị giết, cũng nai nịt áo giáp đầy đủ ngồi nép mình sau lưng Bhimasena. Con voi với đại chúng vây quanh, đi ra khỏi cửa thành, đến đầu bãi chiến trường. Bhimasena nghe tiếng trống trận, bắt đầu run sợ. Bồ-tát nói:
– Nay nếu bạn rơi từ trên lưng con voi xuống, bạn sẽ chết. Bồ-tát lấy một sợi dây cột Bhimasena lại cho khỏi rơi từ lưng voi và nắm chặt lấy dây. Nhưng khi thấy bãi chiến trường, Bhimasena quá run rẩy, sợ chết, đã đi đại tiện trên lưng voi. Bồ-tát nói:
– Bhimasena trước kia không phù hợp với Bhimasena hiện tại. Trước ngươi tự cho là chiến sĩ đánh trận. Nay ngươi chỉ có tài đại tiện trên lưng voi.
Nói xong, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Trước ngươi nói khoác lác,
Nay ngươi chảy nước hôi,
Hai Bhi-ma-se-na
Ðâu có phù hợp nhau
Ðây là lời quyết chiến
Và đây ngươi thảm bại.
Như vậy, Bồ-tát chỉ trích kẻ ấy và nói:
– Này bạn, chớ sợ hãi! Ta đứng đây sao lại để bạn thảm bại?
Bồ-tát đỡ Bhimasena xuống lưng voi, bảo nó rửa ráy rồi về nhà. Bồ-tát nói:
– Hôm nay, ta sẽ giành được danh xưng!
Bồ-tát xông vào chiến trận, hét lớn tiếng, đánh tan đội quân, tóm cổ ông vua thù địch và giải về cho vua Ba-la-nại. Vua rất bằng lòng, thưởng cho Bồ-tát danh vọng lớn. Từ đấy về sau, bậc hiền triết Culladhanuggaha được biết tiếng khắp nước Diêm-phù-đề. Vua cho Bhimasena tiền công, và đưa kẻ ấy về trú xứ cũ. Còn vua trọn đời làm các công đức như bố thí v.v… và đi theo nghiệp của mình khi mệnh chung.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo này mới nói khoác lác, mà xưa kia, cũng đã như vậy rồi !
Bậc Ðạo Sư nói pháp thoại xong, kết hợp các câu chuyện và nhận diện toàn thân:
– Lúc ấy Bhimasena là Tỷ-kheo nói khoác, còn vị Hiền trí tiểu xạ thủ Culla-Dhanuggaha-Pandita là Ta vậy.
PHẨM APAYIMHA
Chúng con đã uống rượu…,
Câu chuyện này, khi bậc Ðạo Sư ở tại vườn Ghosita gần Kosambi, đã kể về Trưởng lão Sàgata.
Sau khi an cư mùa mưa ở Xá-vệ, đức Thế Tôn đi bộ đến một thị trấn tên là Bhaddavatikà. Tại đây, các người chăn bò, chăn dê, làm ruộng, người đi đường thấy bậc Ðạo Sư liền đảnh lễ Ngài và ngăn chận Ngài:
– Bạch Thế Tôn, chớ đi đến bến nước Amba (Cây xoài). Tại bến nước cây xoài, trong am thất của những ngoại đạo bện tóc, có con rắn thần (Nàga) nguy hiểm tên Ambatitthaka (rắn thần ở bến cây xoài). Nó có thể làm hại Thế Tôn.
Thế Tôn làm như không nghe lời nói của họ, dù họ nói lời can ngăn lần thứ ba, vẫn cứ đi tới. Trong khi Thế Tôn trú trong một khu rừng không xa Bhaddavatikà, thì Trưởng lão Sàgata, một thị giả của đức Phật, đầy đủ thần thông của hạng phàm phu, đi đến am thất ấy, tại trú xứ của xà vương ấy, trải niệm cỏ và ngồi kiết-già.
Không thể giấu nổi ác tánh, con rắn thần phun khói. Trưởng lão cũng phun khói. Con rắn thần phun lửa. Trưởng lão cũng phun lửa. Lửa con rắn thần không làm hại Trưởng lão nhưng lửa của Trưởng lão lại làm hại con rắn thần. Như vậy, trong giây lát, Trưởng lão nhiếp phục con rắn thần khiến nó thọ Tam quy và Ngũ giới, rồi đi đến bậc Ðạo Sư. Sau đó bậc Ðạo Sư ở tại Bhaddavatikà cho đến khi thỏa thích rồi đi đến Kosambi.
Tin Trưởng lão Sàgata nhiếp phục con rắn thần lan khắp vùng ấy. Các thị dân ở Kosambi đến nghênh đón bậc Ðạo Sư, đảnh lễ ngài, sau đó họ đi đến gần Trưởng lão Sàgata, đảnh lễ Trưởng lão, đứng một bên và nói như sau:
– Thưa Tôn giả, hãy nói lên những vật gì Tôn giả cần, chúng con sẽ lo liệu đủ.
Trưởng lão giữ im lặng. Nhưng nhóm Sáu Tỷ-kheo nói:
– Này chư Hiền, đối với các người xuất gia, rượu trắng khó tìm và rất thích ý. Các ông xem có thể tìm được rượu trắng trong cho Trưởng lão không?
Các vị thị dân bằng lòng, mời bậc Ðạo Sư ngày mai thọ trai. Rồi họ đi vào thành, sắp đặt mọi người, mỗi nhà phải có rượu trắng trong để cúng dường Trưởng lão.
Hôm sau, họ mời Trưởng lão vào cúng dường rượu trắng. Trong mỗi nhà, Trưởng lão đều uống rượu và bị say. Khi đi ra khỏi thành, Trưởng lão ngã xuống tại cửa thành, vừa nằm vừa nói mê sảng. Bậc Ðạo Sư dùng cơm xong, đi ra khỏi thành, thấy Trưởng lão nằm trong hoàn cảnh như vậy, liền bảo các Tỷ-kheo mang Sàgata về tịnh xá. Các Tỷ-kheo đặt Trưởng lão nằm, đầu Trưởng lão dưới chân đức Như Lai, nhưng Trưởng lão xoay trở lại nằm đặt chân trước mặt đức Như Lai. Bậc Ðạo Sư hỏi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, nay Sàgata có tỏ sự kính trọng đối với Ta như trước kia đã làm không?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Này các Tỷ-kheo, ai đã nhiếp phục con xà vương Ambatitthakà?
– Sàgata, bạch Thế Tôn.
– Nhưng nay Sàgata có thể nhiếp phục được một con rắn nước không?
– Thưa không được, bạch Thế Tôn.
– Này các Tỷ-kheo, có thích hợp chăng khi uống một loại gì khiến con người mất lý trí?
– Thưa không thích hợp, bạch Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn chỉ trích Trưởng lão và bảo các Tỷ-kheo:
– Ai uống rượu men rượu nấu, người ấy phạm tội cần phải thú nhận và xin sám hối.
Sau khi thiết lập học giới, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy và đi vào Hương phòng. Các Tỷ kheo, hội họp tại Chánh pháp đường, nói lời chỉ trích uống rượu:
– Thật là một tội lỗi lớn nếu uống rượu, vì uống rượu làm cho một người có trí tuệ và thần thông như Sàgata mù quáng không thấy công đức của đức Phật.
Bậc Ðạo Sư đến Pháp đường và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi tại đây đang bàn vấn đề gì?
Sau khi được biết vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay các vị xuất gia này mới uống rượu và mất lý trí, mà trước kia họ cũng đã làm vậy rồi. Nói xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Bramadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình phương bắc ở nước Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành, người xuất gia làm tiên nhân du sĩ, đạt được các Thắng trí và Thiền chứng, vui hưởng thiền lạc, trú ở dãy Hy-mã-lạp Sơn, được vây quanh giữa năm trăm môn sinh. Khi mùa mưa đến, các môn sinh thưa với Bồ-tát:
– Thưa Sư trưởng, chúng con sẽ đi đến chỗ có người ở để xin muối và giấm.
– Các Hiền giả, ta sẽ ở lại đây. Các con hãy đi, hãy bảo trọng lấy thân, và sống qua mùa mưa rồi trở về.
– Thưa Sư trưởng, vâng.
Họ đảnh lễ Sư trưởng, đi đến Ba-la-nại, và sống trong công viên của vua. Ngày kế tiếp, họ đi khất thực ngoài cửa làng, nhận đồ cúng dường đầy đủ, ngày kế tiếp nữa, họ trở về thành. Mọi người thương mến cúng dường đồ ăn và sau vài ngày họ báo cho vua biết:
– Thưa Thiên tử, có năm trăm ẩn sĩ từ Hy-mã-lạp Sơn đến trú ở công viên, tu hạnh khắc khổ, nhiếp phục các căn, và giữ giới.
Vua nghe công đức của các vị ấy, liền đi đến công viên, đảnh lễ, tiếp đón họ niềm nở, và mời họ ở lại đó trong bốn tháng mùa mưa. Từ đấy trở đi, họ ăn trong cung điện nhà vua và ở tại công viên. Một hôm có một ngày hội lớn uống rượu trong thành. Nhà vua nghĩ rằng, các vị xuất gia khó có được rượu, nên cúng dường họ nhiều rượu thượng hạng. Các nhà khổ hạnh uống rượu, đi vô công viên, bị rượu làm cho say, một số người đứng dậy múa, một số người hát, một số sau khi múa và hát, vứt lung tung những thúng đựng gạo v.v… rồi nằm xuống ngủ. Khi hết say rượu, họ tỉnh dậy, nghe và thấy những hành động bất chánh của mình, họ khóc than:
– Chúng ta đã làm những hành động không xứng đáng với người xuất gia. Chúng ta sở dĩ làm điều ác như vậy vì chúng ta sống không có bậc sư trưởng của chúng ta.
Ngay lúc ấy, họ từ bỏ công viên, đi về Hy-mã-lạp Sơn. Sau khi dọn dẹp các vật cần dùng, họ đảnh lễ Sư trưởng và ngồi xuống, Sư trưởng hỏi:
– Này các con thân, các con có được an lạc không? Khi đi khất thực có mệt nhọc không? Các con có sống hòa hợp với nhau không?
– Thưa Sư trưởng, chúng con đã sống được an lạc. Nhưng chúng con đã uống rượu, lẽ ra, không được uống; rượu làm cho mất lý trí, không giữ được chánh niệm nên chúng con đã hát và đã múa. Họ báo rõ mọi sự việc rồi đọc bài kệ này:
Chúng con đã uống rượu,
Ðã hát, múa và khóc,
Uống rượu mất lý trí,
Ðâu được hóa thành vượn ?
Bồ-tát nói:
– Do vì không ở với vị Sư trưởng nên sự việc như vậy đã xảy ra.
Sau khi quở trách các vị tu khổ hạnh ấy, Bồ-tát khuyến giáo họ:
– Từ nay chớ làm như vậy nữa.
Rồi trọn đời tu tập Thiền định không gián đoạn, Bồ-tát được sanh lên cõi Phạm Thiên.
*
Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân (Bắt đầu từ đây, sẽ không nói đến “Sau khi kết hợp”) như sau:
– Lúc bấy giờ, hội chúng của vị ẩn sĩ là hội chúng đức Phật, vị Sư trưởng hội chúng là Ta vậy.
Thế là vượt qua rồi…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo khó bảo. Câu chuyện của Tiền thân này xảy ra trong thời kỳ đức Phật Ca-diếp sẽ được nói đến trong Chương mười, Tiền thân Mahà-Mittavindaka, số 439.
*
Rồi Bồ-tát nói lên bài kệ này:
Thế là vượt qua rồi
Lâu đài bằng thủy tinh
Bằng bạc, bằng châu báu,
Khi ngươi đã đội vào
Chiếc mũ bằng đá cứng
Trọn đời ngươi không thoát.
Sau khi đọc bài kệ này, Bồ-tát đi lên trú xứ thiên giới của mình. Còn Mittavindaka, khi đã đội chiếc mũ ấy, phải chịu đựng đau khổ lớn, và khi các ác hành đã đoạn tận, nó mạng chung và đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Mittavindaka là Tỷ-kheo khó bảo, và vua chư Thiên là Ta vậy.
Bạn quen chính là người…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một người bạn của ông Cấp Cô Ðộc. Tương truyền người bạn ấy đã cùng ông Cấp Cô Ðộc chơi thân với nhau, đã đi học nghề cùng một thầy, người baïn ấy tên là Kàlakanni (Ðiềm xui xẻo). Thời gian qua, kẻ ấy trở thành nghèo đói, không thể sống được nên đã đi đến vị triệu phú. Vị Triệu phú khích lệ kẻ ấy, trả lương, giao kẻ ấy quản lý gia sản của mình. Kẻ ấy trở thành người làm công cho vị triệu phú và làm tất cả công việc. Trong thời gian đi đến với vị triệu phú, kẻ ấy thường nghe những câu:
– Hãy đứng lại, này Kàlakanni! (Ðồ xui xẻo!) Hãy ngồi xuống, này Kàlakanni! Hãy ăn đi, này Kàlakanni!
Một hôm, các bạn thân của vị triệu phú đi đến thăm nhà vị ấy và nói như sau:
– Này vị Ðại triệu phú, chớ để người này sống gần ông. Nghe những lời xui xẻo như: Hãy đứng lại này Kàlakanni; hãy ngồi xuống Kàlakanni; Hãy ăn, này Kàlakanni, thì quỷ Dạ-xoa cũng chạy trốn. Nó đâu có được ngang bằng với ông. Nó nghèo đói, một kẻ bần cùng. Sao ông có liên hệ với nó?
Ông Cấp Cô Ðộc nói:
– Không phải vậy! Cái tên chỉ để gọi một người. Bậc Hiền trí không đánh giá người bằng cái tên. Chớ nên xem là điềm lành, điềm xấu khi nghe tiếng gọi. Tôi không thể từ bỏ một người bạn đã cùng chơi thân với nhau chỉ vì một cái tên.
Vị triệu phú không chấp nhận lời khuyên của họ. Một hôm, vị triệu phú đi đến làng mà vị ấy làm thôn trưởng và để người bạn ấy giữ nhà. Bọn cướp biết vị triệu phú đã đi về làng, dự định đến cướp phá nhà triệu phú. Với nhiều loại vũ khí cầm tay, ban đêm, chúng vây quanh nhà.
Nhưng Kàlakanni đã nghi thế nào bọn cướp cũng đến, nên không ngủ, ngồi chờ chúng. Khi biết bọn cướp đã đến, kẻ ấy đánh thức mọi người dậy, bảo mọi người thổi tù và, người kia đánh trống, khiến cho toàn gian nhà đầy cả tiếng động như là một hội chợ lớn. Những tên cướp nói:
– Chúng ta nghe lầm là nhà không có người, sao vị Ðại triệu phú có mặt ở đây?
Chúng bỏ chạy và quăng tại chỗ các hòn đá, và vô số dụng cụ khác. Ngày hôm sau, người trong nhà thấy những cục đá quăng bỏ chỗ này chỗ kia, họ hoảng hốt lo sợ và tán thán người bạn ấy:
– Nếu hôm nay, không có một người tuần phòng ngôi nhà sáng suốt như vậy, thì bọn cướp đã bước vào nà tùy theo sở thích và đã ăn cướp lấy cả nhà rồi. Nhờ người bạn kiên trì này, vị triệu phú được lợi ích và hạnh phúc.
Khi người triệu phú trở về, họ báo cáo tất cả tin này cho ông biết, ông nói:
– Các chú muốn ta tẩn xuất một người bạn đã giữ nhà cửa của ta như vậy đó. Nếu ta nghe theo lời các chú tẩn xuất người này thì nay gia sản của ta không còn gì nữa. Chính cái tên không có giá trị gì. Chính cái tâm tốt mới có giá trị.
Nói vậy xong, người triệu phú tăng lương cho người bạn. Nghĩ rằng đây là một câu chuyện đáng kể, ông đi đến bậc Ðạo Sư và tường thuật đầy đủ từ đầu câu chuyện ấy. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này gia chủ, không phải chỉ nay, Kàlakanni mới bảo vệ gia sản của bạn mình, lúc trước kẻ ấy cũng làm như vậy.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của vị triệu phú, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị triệu phú có danh tiếng lớn. Bạn của Bồ-tát là Kàlakanni (Ðiềm xui xẻo). Tất cả đều giống như câu chuyện hiện tại. Khi từ làng mình làm thôn trưởng trở về, Bồ-tát nghe câu chuyện ấy liền nói:
– Nếu ta nghe lời nói các chú, tẩn xuất người bạn như vậy, thì nay ta không còn gia sản gì hết.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ:
Bạn quen chính là người
Ði bảy bước giúp đỡ
Bạn thân mới là người
Ði đến mười hai bước
Thời gian tháng, nửa tháng,
Mới thật là bà con
Thời gian có dài hơn,
Mới thật là bằng ta
Sao ta lại có thể
Vì an lạc của ta,
Ðuổi Kà-la-kan-ni,
Người ta biết đã lâu?
*
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Kàlakanni là Ànanda và vị triệu phú Ba-la-nại là Ta vậy.
Hãy tìm cầu không bệnh…,
Câu chuyện này khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một người con trai tài giỏi vấn đề hạnh phúc tinh thần. Tại Xá-vệ một triệu phú giàu có, sanh một người con trai. Khi lên bảy tuổi, cậu con trai có trí tuệ và chăm lo hạnh phúc tinh thần.
Một hôm, cậu con trai đến hỏi cha về cửa ngõ đưa đến hạnh phúc tinh thần. Người cha không biết, nhưng vẫn suy nghĩ: “Ðây là một câu hỏi rất tế nhị. Ngoài đức Phật toàn tri, không một ai trên trời dưới đất có thể trả lời câu hỏi này”. Rồi người cha dắt con trai, mang theo nhiều vòng hoa, hương liệu, dầu thơm đi đến Kỳ Viên. Ông cúng dường bậc Ðạo Sư, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, đứa trẻ này có trí tuệ, thiện xảo về hạnh phúc tinh thần, hỏi con một câu hỏi về cửa ngõ đưa đến hạnh phúc tinh thần. Con không trả lời được câu hỏi ấy, nên con đã đến yết kiến Ngài. Lành thay nếu Thế Tôn trả lời câu hỏi ấy.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này cư sĩ, thuở trước ta đã được đứa trẻ này hỏi câu ấy, và Ta đã trả lời cho nó. Lúc bấy giờ, nó đã biết câu trả lời. Nhưng nay, nó không có nhớ được, vì đã đi qua nhiều đời kiếp.
Nói vậy xong, theo yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một triệu phú có rất nhiều tiền của. Con của Bồ-tát mới có bảy tuổi đã có trí tuệ và thiện xảo và hạnh phúc tinh thần. Một hôm, nó đi đến hỏi cha nó về cửa ngõ đưa đến hạnh phúc tinh thần:
– Thưa cha thân, thế nào là cửa ngõ đưa đến hạnh phúc tinh thần?
Người cha trả lời nó với bài kệ này:
Hãy tìm cầu không bệnh,
Là lợi đắc tối thượng.
Giữ giới, kính trưởng thượng,
Biết nghe học kinh điển.
Hãy tùy thuận Chánh pháp,
Thoát ly các chấp thủ,
Chính sáu cửa ngõ này
Ðưa đến chân hạnh phúc.
Như vậy, Bồ-tát trả lời câu hỏi về cửa ngõ đưa đến hạnh phúc tinh thần. Từ đấy trở đi, đứa trẻ sống đúng theo sáu pháp ấy. Còn Bồ-tát trọn đời làm các công đức như bố thí … và đi theo nghiệp của mình khi mệnh chung.
*
Bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Ðứa con trai thời ấy là đứa con trai hiện tại và vị đại triệu phú là Ta vậy.
Không biết hại tương lai…,
Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo có tâm luyến ái. Tương truyền có một thiện nam tử đặt lòng tin vào Giáo pháp Phật và xuất gia. Một hôm, trong khi đi khất thực ở Xá-vệ, thấy một thiếu nữ trang sức đẹp đẽ, Tỷ-kheo ấy khởi tâm luyến ái. Vị Sư trưởng và Giáo thọ sư đưa Tỷ-kheo ấy đến gặp Thế Tôn. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông bị luyến ái?
Khi được đáp có thật vậy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, năm dục này khi được thọ dụng, thật là khả ái, nhưng thọ dụng nhiều tạo thành nghiệp và sẽ sanh vào địa ngục v.v… Cũng như ăn trái cây Kimpakka. Trái cây Kimpakka có sắc, có hương, có vị nhưng khi được ăn, nó phá vỡ nội tạng đưa đến mạng chung. Thuở trước, nhiều người không thấy sự tác hại của nó, đã tham đắm sắc, hương, vị, đã ăn trái ấy, và đi đến mạng chung.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là người lãnh đạo một đoàn lữ hành, đang đi với năm trăm cỗ xe từ đông sang tây. Bồ-tát đến đầu của khu rừng, họp các người tùy tùng lại và khuyên như sau:
– Tại ngôi rừng này, có những cây độc, các bạn chớ ăn trái cây trước đây chưa từng ăn mà không hỏi ta.
Khi họ đã vượt qua khu rừng, đến biên địa của rừng bên kia, họ thấy một cây Kimpakka (Cây có trái lạ), với cành cây cong xuống vì mang nặng trái. Về hình dáng, màu sắc, vị và hương, thân cây, cành cây, lá và trái cây ấy giống như cây xoài. Một số người lầm về màu sắc, hương vị của những trái cây ấy, tưởng chúng là những trái xoài, nên đã ăn những trái ấy. Một số người đứng lại, hái và đứng chờ, quyết định chỉ ăn sau khi hỏi vị lãnh đạo đoàn lữ hành.
Bồ-tát đến chỗ ấy, bảo quăng các trái cây đã hái. Những ai đã ăn, Bồ-tát làm cho họ nôn ra và cho uống thuốc. Một số người trong họ khỏi bệnh, nhưng những ai đã ăn trước tiên đều mệnh chung.
Sau đó Bồ-tát đã đi đến chỗ mình muốn, thâu hoạch lợi tức, rồi đi về trú xứ của mình. Trọn đời Bồ-tát làm các công đức như bố thí rồi đi theo nghiệp của mình khi mệnh chung.
*
Kể xong câu chuyên, bậc Ðạo Sư nói lên bài kệ này:
Không biết hại tương lai,
Ai thọ dụng các dục,
Quả chín, chúng khổ não,
Như ăn Kim-pak-ka.
Sau khi nêu rõ ràng các dục, khi thọ dụng, đem lại thích thú, và khi chín mùi đem lại khổ não, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo có tâm luyến ái chứng được quả Dự lưu, một số chứng quả Nhất lai, một số chứng quả Bất lai, một số chứng quả A-la-hán.
Pháp thoại kết thúc, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Hội chúng thời ấy là hội chúng đức Phật, và vị lãnh đạo đoàn lữ hành là Ta vậy.
Giới được xem chí thiện..,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Bà-la-môn thử thách giới đức. Vị này sống dựa vào vua Kosala, thọ Ba quy y, giữ Năm giới không sai phạm và thông suốt ba tập Vệ-đà. Vua nghĩ rằng đây là một người có giới đức và đối xử rất kính trọng. Vị Bà-la-môn ấy suy nghĩ: “Vua kính trọng ta hơn các vị Bà-la-môn khác, và đặt ta vào địa vị đạo sư tối thượng. Nhưng vua kính trọng ta là do thiện sanh, dòng họ, gia đình, quốc độ, nghề nghiệp thành đạt của ta, hay là do giới đức của ta? Ta hãy đem ra thử thách”.
Một hôm, sau khi đi hầu vua, vị ấy trở về nhà, và không hỏi ai, đã lấy một đồng tiền vàng tại quầy của người giữ tiền. Người giữ tiền, vì kính trọng vị Bà-la-môn, ngồi yên không nói gì. Ngày kế tiếp, người ấy lấy hai đồng tiền vàng. Người giữ tiền vẫn chịu đựng như trước. Ngày thứ ba, người ấy lấy một nắm đồng tiền vàng. Người giữ tiền nói:
– Hôm nay là ngày thứ ba, ông đánh cắp tài sản của vua.
Rồi anh ta la lên ba lần:
– Ta đã bắt được tên ăn trộm tài sản của vua!
Người ta chạy từ nhiều phía đến và nói:
– Từ trước cho đến nay, ông giả bộ có đức hạnh !
Họ đánh người ấy hai ba đấm, trói lại và dắt đến trước vua. Lòng đầy buồn phiền, vua nói:
– Này Bà-la-môn, sao ông lại làm ác giới, ác hạnh như vậy? Hãy đem nó đi và xử tội theo lệnh ta.
Vị Bà-la-môn nói:
– Thưa Ðại vương, tôi không phải là người ăn trộm.
– Vậy sao ông lấy đồng tiền vàng ở quầy của người giữ gia sản của ta?
– Vì ngài đối xử với tôi rất mực cung kính, nên tôi làm như vậy để thử xem ngài hết sức kính trọng tôi vì thiện sanh… của tôi hay là vì giới đức. Nay tôi được biết một cách chắc chắn rằng, vì giới đức mà ngài đối xử với tôi rất kính trọng, chớ không phải do thiện sanh… Do đó tôi kết luận: Trong đời này, giới là tối thượng, giới là đệ nhất. Tôi cũng biết rằng tôi không thể nào thành tựu giới này một cách tốt đẹp, khi tôi còn sống trong nhà, thọ hưởng các dục lạc uế nhiễm. Hôm nay, tôi sẽ đi đến Kỳ Viên và sẽ xin xuất gia với bậc Ðạo Sư. Xin Ðại Vương cho phép tôi xuất gia.
Sau khi được vua chấp thuận, vị ấy đi đến Kỳ Viên. Các bạn bè thân quyến hội họp lại, không thể ngăn chặn lại vị ấy được, nên đi trở về. Vị ấy đi đến bậc Ðạo Sư, xin phép xuất gia. Sau khi được xuất gia và thọ đại giới, với sự tu hành không ngừng nghỉ, tăng trưởng Thiền quán, vị ấy chứng quả A-la-hán, rồi đi đến bậc Ðạo Sư và nói lên chánh trí của mình:
– Bạch Thế Tôn, con xuất gia đã được quả tối thượng này.
Lời tuyên bố về chánh trí của vị ấy được chúng Tỷ-kheo biết đến. Một hôm, tại Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo ngồi họp, tán thán công đức của vị ấy như sau:
– Thưa các Hiền giả, vị này Bà-la-môn hầu cận của vua, muốn thử thách giới đức của mình, rồi từ giã nhà vua rồi xuất gia, cuối cùng chứng quả A-la-hán.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông đang ngồi bàn luận câu chuyện gì?
Khi được nghe câu chuyện ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay người Bà-la-môn này, sau khi thử thách giới đức của mình, đã xuất gia và đã đạt được những giải thoát cho mình. Thuở xưa các bậc Hiền trí, sau khi thách thức giới đức của mình, cũng đã xuất gia và đạt được giải thoát cho mình.
Nói xong bậc Ðạo Sư nói câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm một người Bà-la-môn chuyên lo tế tự, thiên về bố thí, hướng đến giới đức, giữ năm giới rất tinh tấn. Vua đối xử với Bà-la-môn ấy rất đặc biệt, kính trọng hơn các Bà-la-môn khác. Tất cả giống như câu chuyện trước. Sau khi bị trói và dắt đến nhà vua, giữa đường Bồ-tát gặp một số người dụ rắn đang trình diễn các trò chơi rắn. Họ nắm rắn ở đuôi, ở cổ và cuốn rắn quanh cổ họng. Thấy vậy, Bồ-tát nói:
– Này các bạn thân, con rắn hổ giữ giới, theo chánh hạnh, không có ác giới như ông. Vì ác giới và không chánh hạnh, ông thành kẻ trộm cướp, phá gia sản nhà vua, nay đã bị bắt và bị dẫn đi.
Bồ-tát suy nghĩ: “Ngay các con rắn, khi chúng không cắn, không làm hại cũng được gọi là có giới đức. Còn nói gì là loài người nữa? Giới trong đời này là tối thượng, không có gì cao hơn giới nữa”. Rồi họ dắt Bồ-tát đến trước mặt nhà vua. Vua hỏi:
– Người này là ai vậy?
– Ðây là kẻ ăn trộm đã cướp phá gia sản của vua.
– Vậy hãy xử tội nó theo lệnh của nhà vua.
Bồ-tát thưa:
– Thưa Ðại Vương, tôi không phải là người ăn trộm.
– Vậy sao ngươi lại lấy những đồng tiền vàng? Tất cả được báo cáo giống cách thức ở trên. Bồ-tát nói:
– Do lý do này, tôi đi đến kết luận rằng: Trong đời này, giới là tối thượng, giới là đệ nhất. Con rắn hổ do không cắn, không làm hại, cũng được gọi là có giới đức. Giới là tối thượng, giới là tuyệt diệu. Tán thán giới như vậy, Bồ-tát nói lên bài kệ:
Giới được xem chí thiện
Giới vô thượng ở đời
Hãy xem con rắn độc
Có giới không làm hại.
Như vậy Bồ-tát với bài kệ này, thuyết pháp cho vua rồi đoạn trừ các dục, xuất gia làm vị tiên nhân du sĩ, đi vào Hy-mã-lạp Sơn, chứng được năm Thắng trí và tám Thiền chứng, về sau được sanh lên cõi Phạm Thiên.
*
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, hội chúng của Vua là hội chúng đức Phật và vị Bà-la-môn tế tự là Ta vậy.
Ai thoát điềm lành dữ…,
Câu chuyện này khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư đã kể về một vị Bà-la-môn giỏi đoán tướng các loại vải. Truyền thuyết nói rằng, ở Vương Xá, một vị Bà-la-môn hết sức mê tín, không tin Ba ngôi báu, theo tà kiến nhưng rất giàu có tài sản lớn.
Một hôm, sau khi tắm xong, người Bà-la-môn báo đem cặp áo lại và được báo cho biết là áo bị con chuột cái cắn. Người ấy suy nghĩ: “Nếu cặp áo bị chuột cắn, trong nhà này sẽ có đại nạn xảy ra. Ðấy là một điềm xấu, giống như một lời nguyền rủa. Khi áo bị chuột cắn thì không thể cho con trai, con gái, nô tỳ hay các người làm công… được. Ai lấy cặp áo này, đại nạn sẽ đến với tất cả những người xung quanh. Ta hãy qiăng nó vào nghĩa địa, chỗ quăng xác chết (không thiêu, không chôn). Nhưng ta không thể giao cho những ngưới nô tỳ làm việc này được. Chúng có thể khởi lòng tham, lấy cặp áo và gặp nạn. Vậy ta hãy trao tận tay cho con trai ta đi vứt áo”.
Người Bà-la-môn gọi con trai và nói rõ sự việc ấy:
– Này con thân, chớ lấy tay xúc phạm cặp áo này. Hãy lấy gậy mang cặp áo này, quăng nó vào nghĩa địa, rồi tắm cả đầu cho thật sạch và trở về.
Sáng sớm ngày hôm ấy, bậc Ðạo Sư nhìn xem ai có thể được Ngài hóa độ, thấy cha con ấy có căn duyên quả Dự lưu. Như người thợ săn thú, Ngài đi theo con đuờng thú đi và ngồi trước cửa nghĩa địa ấy, phóng ra hòa quang sáu sắc của đức Phật. Thanh niên Bà-la-môn vâng theo lời cha, mang cặp áo ấy trên đầu một cây gậy, như mang con rắn nhà và đi đến cửa nghĩa địa. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này thanh niên Bà-la-môn làm gì vậy?
– Thưa Tôn giả Gotama, cặp áo này bị con chuột cái cắn, được xem như là lời nguyền rủa, được ví như nọc độc con rắn. Cha tôi sợ rằng nếu giao người khác quăng cặp áo ấy, lòng tham có thể khởi lên và lấy cặp áo, nên mới sai tôi làm việc này. Tôi cầm lấy cặp áo, hứa rằng tôi sẽ quăng và sẽ tắm cả đầu. Tôi đến đây vì việc ấy, thưa Tôn giả Gotama.
– Vậy ngươi hãy quăng đi.
Thanh niên Bà-la-môn liền quăng cặp áo ấy. Bậc Ðạo Sư nói:
– Cặp áo này thích hợp với chúng ta.
Rồi Bậc Ðạo Sư đến lượm áo ngay trước mặt chàng thanh nên. Nhưng chàng thanh niên ngăn chận bậc Ðạo Sư:
– Tôn giả Gotama chớ lấy, chớ lấy cặp áo giống như lời nguyền rủa này.
Bậc Ðạo Sư vẫn cứ lấy cặp áo có điềm xấu ấy và đi về hướng Trúc Lâm.
Chàng thanh niên ấy vội vàng đi thật mau về nhà thưa với cha:
– Thưa cha thân, cặp áo con quăng ở nghĩa địa, nhưng Sa-môn Gotama, dầu con đã ngăn cản, vẫn cứ lấy cặp áo vì cho là chúng thích hợp với Ngài và đã đi đến Trúc Lâm.
Vị Bà-la-môn suy nghĩ: “Cặp áo ấy là điềm xấu, giống như lời nguyền rủa. Nếu dùng nó, Sa-môn Gotama sẽ bị tai hại. Do vậy, chúng ta sẽ bị chỉ trích. Ta sẽ đem cho Sa-môn Gotama nhiều áo khác và bảo Ngài quăng cặp áo ấy đi”.
Vị Ba-la-môn cho đem theo nhiều áo, cùng với con trai đi đến Trúc Lâm. Thấy bậc Ðạo Sư, vị ấy đến đứng một bên và thưa:
– Thưa Tôn giả Gotama, có thật chăng Tôn giả đã lấy một cặp áo đã bị vứt ở nghĩa địa?
– Thật vậy, này Bà-la-môn.
– Thưa Tôn giả Gotama, cặp áo ấy sẽ đem lại điềm xấu. Nếu Tôn giả sử dụng nó, Ngài sẽ bị tai hại và cả tinh xá cũng bị tai hại. Nếu Tôn giả không có áo mặc hay áo đắp, hãy lấy những áo này và vứt cặp áo kia đi.
Bậc Ðạo Sư nói với người Bà-la-môn:
– Này Bà-la-môn, chúng tôi là người xuất gia. Ðối với chúng tôi, các mảnh vải bị vứt tại các chỗ như nghĩa địa, giữa đường, trong đống rác, chỗ tắm rửa, vẫn còn có thể dùng được. Nhưng ông đã mê tín điềm lành, dữ ngày nay cũng như thuở trước.
Và theo lời yêu cầu của vị ấy, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa tại nước Ma-kiệt-đà, ở thành Vương Xá, có vua Ma-kiệt-đà trị nước đúng pháp. Lúc bấy giờ, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn phương bắc. Ðến tuổi trưởng thành, ngài xuất gia làm vị tiên nhân du sĩ, chứng được các Thắng trí và Thiền chứng, rồi đến sống ở Hy-mã-lạp Sơn.
Một thời, Bồ-tát rời khỏi Hy-mã-lạp Sơn, đi đến công viên của vua Vương Xá, trú tại đấy, đến ngày hôm sau Ngài đi vào thành để khất thực. Nhà vua thấy Bồ-tát, bảo gọi vào, mời ngồi trong cung điện, cúng dường đồ ăn và mời ở lại tại công viên. Bồ-tát ăn tại cung điện nhà vua và ở tại công viên.
Lúc bấy giờ, trong thành Vương Xá có người Bà-la-môn làm nghề đoán tướng vải mặc. Thấy cặp áo để trong rương bị chuột cắn, ông ta sợ điềm chẳng lành sẽ xảy ra nên sai con trai liền đem vứt vào nghĩa địa, Bồ-tát đã đi đến trước, ngồi tại cửa nghĩa địa, nhặt lấy cặp áo, và đi về công viên. Chàng thanh niên về báo tin cho người cha biết. Người cha suy nghĩ: “Vị tu khổ hạnh thân cận với vua sẽ bị tai nạn”, ông liền đi đến gặp Bồ-tát và thưa:
– Thưa vị khổ hạnh, hãy quăng cặp áo mà ngài đã lượm được, nếu không ngài sẽ gặp tai nạn.
Bồ-tát nói:
– Ðối với chúng tôi, các tấm vải quăng ở nghĩa địa vẫn còn dùng được. Chúng tôi không mê tín về điềm lành dữ. Mê tín điềm lành dữ này không được các đức Phật, Ðộc Giác Phật và Bồ-tát tán thán. Do vậy, bậc hiền trí không mê tín điềm lành dữ.
Khi Bồ-tát thuyết pháp cho vị Bà-la-môn như vậy, vị ấy từ bỏ quan niệm sai lầm của mình và quy y với Bồ-tát. Còn Bồ-tát giữ thiền quán không gián đoạn, về sau được sanh lên cõi trời Phạm Thiên.
*
Sau khi kể câu chuyện quá khứ cho vị Bà-la-môn, bậc Ðạo Sư nói lên bài kệ này:
Ai thoát điềm lành dữ,
Thoát mộng và các tướng,
Vị ấy vượt qua được
Lỗi lầm do mê tín,
Hai ách được nhiếp phục,
Không còn phải tái sanh.
Như vậy, bậc Ðạo Sư thuyết pháp cho vị Bà-la-môn với bài kệ này, rồi giảng về các Sự thật. Cuối bài thuyết giảng, vị Bà-la-môn cùng với người con trai chứng quả Dự lưu. Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
Người cha và con trai hiện nay là cha và con trai trong thời quá khứ, còn vị tu khổ hạnh chính là Ta vậy.
Hãy nói lời tốt lành …,
Câu chuyện này, khi ở tại Xá-vệ, bậc Ðạo Sư đã kể về học giới liên hệ đến lời mắng chửi. Hai câu chuyện hiện tại và quá khứ giống như câu chuyện trong Tiền thân nandivisala (số 28) đã nói ở trên. Nhưng trong Tiền thân này, Bồ-tát là một con bò đực, tên là Sàbrambha, của một bà-la-môn trú ở Takkasilà, trong nước Gandhara.
*
Nói câu chuyện quá khứ xong, bậc Ðạo Sư là bậc Chánh Ðẳng Giác, đọc bài kệ này:
Hãy nói lời tốt lành,
Chớ nói lời độc ác,
Lành thay, lời tốt lành!
Lời ác sanh ưu não.
Như vậy, sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vì Bà-la-môn là Ànanda, nữ Bà-la-môn là Uppalavannà, còn Sàrambha là Ta vậy.
Nghe lời của người nói…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một kẻ lừa đảo. Các chi tiết của câu chuyện sẽ được kể trong Tiền thân Uddala (số 487).
*
Thuở xưa, khi vua Barhmadatta trị vì ở Bà-la-môn, gần một ngôi làng nhỏ, có một người tu khổ hạnh lừa đảo, thuộc ngoại đạo bện tóc. Một người điền chủ làm cho người ấy một cái chòi lá trong rừng để ở và nuôi sống kẻ ấy trong chòi với đồ ăn ngon lành. Người điền chủ tin người ngoại đạo bện tóc lừa đảo ấy là người có giới đức. Vì sợ ăn trộm, một hôm, người điền chủ đem đến chòi lá của người ngoại đạo ấy năm trăm đồng tiền vàng, chôn dưới đất và yêu cầu người ấy coi ngó dùm. Vị tu khổ hạnh nói:
– Thưa Hiền giả, đối với những người xuất gia, không nên nói lời như vậy. Chúng tôi không có lòng tham với gia sản của người khác.
– Lành thay, Tôn giả.
Người điền chủ, tin lời của kẻ ấy và ra đi. Kẻ ác khổ hạnh suy nghĩ: “Chừng ấy tiền đủ sống trọn đời người”. Sau một vài ngày, kẻ ấy lấy số tiền, chôn tại một chỗ bên vệ đường, rồi trở về sống tại chòi lá. Ngày kế tiếp, kẻ ấy đi đến nhà người điền chủ sau khi ăn cơm và nói:
– Thưa Hiền giả, nhờ ngài, tôi đã sống đây một thời gian dài. Sống tại một chỗ quá lâu cũng như người sống chung đụng với loài người. Sống chung đụng là một cấu uế đối với những người xuất gia. Do vậy tôi sẽ ra đi.
Nói vậy xong, dầu được yêu cầu nhiều lần, kẻ ấy cũng không muốn trở lại. Người điền chủ nói:
– Sự việc là như vậy, thưa Tôn giả, Tôn giả hãy đi.
Người điền chủ tiễn kẻ ấy ra tận cửa làng rồi mới trở về. Người tu khổ hạnh, đi một lát, rồi suy nghĩ: “Ta nên lừa dối người điền chủ này”. Nghĩ vậy, kẻ ấy cầm một ngọn cỏ giữa búi tóc và đi trở về. Người điền chủ hỏi:
– Sao Tôn giả trở về?
– Thưa Hiền giả, một ngọn cỏ từ mái nhà của Hiền giả đã mắc vào bện tóc của tôi. Người xuất gia không được lấy sự vật không cho. Vậy tôi trở về đem trả ngọn cỏ ấy.
Người điền chủ nói:
– Tôn giả hãy vứt ngọn cỏ rồi đi.
Và nghĩ: “Vị này không lấy gia sản của người khác dù chỉ một ngọn cỏ. Ôi, Tôn giả này thật tế nhị đối với ta”. Người chủ điền sanh tịnh tín, đảnh lễ kẻ ấy, rồi từ biệt.
Lúc bấy giờ, vì mục đích buôn bán, Bồ-tát đi đến biên địa, và ở tại trú xứ ấy. Nghe lời người tu khổ hạnh nói. Bồ-tát suy nghĩ: “Chắc hẳn kẻ ác khổ hạnh này có lấy tiền bạc gì của người điền chủ này”. Bồ-tát hỏi người điền chủ:
– Này bạn, bạn có giao cái gì cho người tu khổ hạnh này giữ không?
– Thưa bạn, tôi có giao cho vị ấy giữ năm trăm đồng tiền vàng.
– Vậy hãy tìm kiếm số tiền ấy.
Người điền chủ đi đến chòi lá, tìm không thấy số tiền, liền trở về hết sức nhanh báo cho Bồ-tát là tiền không còn nữa.
Bồ tát nói:
– Không có ai khác lấy tiền vàng của bạn ngoài tên khổ hạnh bện tóc lừa đảo. Chúng ta hãy đuổi theo bắt lấy nó.
Họ chạy đuổi theo, bắt được tên tu khổ hạnh lừa đảo, đánh nó và bảo nó đem trả tiền vàng. Thấy số tiền vàng đã được trả lại, Bồ-tát khinh bỉ nói với tên tu khổ hạnh:
– Ngươi thật không dính một ngọn cỏ, mà lại dính đến năm trăm đồng tiền vàng!
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ này:
Nghe lời của ngươi nói,
Lời nhẹ nhàng êm dịu,
Không dính đến ngọn cỏ,
Mà dính năm trăm vàng.
Rồi Bồ-tát nói thêm:
– Này kẻ bện tóc gian dối kia, chớ làm như vậy nữa.
Khuyên giáo, và khiển trách kẻ ấy xong, Bồ-tát sống làm các công đức đến lúc mạng chung, Bồ-tát đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo này mới lừa đảo mà trong quá khứ cũng đã lừa đảo rồi.
Rồi bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc ấy, người tu khổ hạnh lừa đảo là Tỷ-kheo lừa đảo này, còn người hiền trí là Ta vậy.
Ai trước được làm lành…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về ông Cấp Cô Ðộc. Tương truyền, một người triệu phú sống tại biên địa là một người bạn của ông Cấp Cô Ðộc, nhưng hai người chưa từng gặp nhau. Một hôm người bạn này chất đầy năm trăm cỗ xe với hàng hóa biên địa và bảo những người làm công:
– Các bạn hãy đi. Ðem hàng hóa này đến Xá-Vệ, bán trước mặt ông Cấp Cô Ðộc là người bạn của chúng tôi và đem về hàng hóa nhận được do đổi hàng.
Họ vâng lời dặn của vị triệu phú ấy đi đến Xá-Vệ gặp vị đại triệu phú, trao tặng phẩm và trình bày sự việc. Vị đại triệu phú tiếp đón họ niềm nở, cho họ chỗ ở và tiền tiêu, hỏi thăm người bạn có được an lạc không, rồi bán các hàng hóa, và giao cho họ hàng hóa trao đổi. Rồi họ đi về biên địa, báo cáo sự việc lên vị triệu phú.
Một thời gian khác ông Cấp Cô Ðộc, như lần trước cho đánh năm trăm cỗ xe đến biên địa. Những người của ông Cấp Cô Ðộc đến biên địa, đem theo tặng phẩm, đi đến gặp vị triệu phú sống ở biên địa. Ông này nói:
– Các người từ đâu đến?
– Chúng tôi từ Xá-Vệ đến, là những người hầu cận của ông Cấp Cô Ðộc, người bạn của ông.
– Cấp Cô Ðộc, người nào cũng có tên như vậy!
Rồi ông cười mỉa mai họ, nhận lấy quà tặng, và bảo họ đi mà không cho họ chỗ ở và tiền tiêu. Vì vậy họ tự bán các hàng hóa, mang các hàng hóa trao đổi, rồi đi về Xá-Vệ và báo cáo sự việc cho vị triệu phú.
Rồi người triệu phú ở biên địa, một lần nữa, như lần trước, cho đánh năm trăm cỗ xe đến Xá-Vệ. Các người thuộc hạ mang quà tặng đến gặp vị đại triệu phú. Thấy họ, người nhà ông Cấp Cô Ðộc liền thưa:
– Thưa ông chủ, chúng tôi sẽ lo cho họ chỗ ở, cơm ăn và tiền tiêu.
Nói xong, họ đưa các cỗ xe của những người ấy ra khỏi thành, bảo họ tháo xe tại một chỗ đã lựa chọn và nói:
– Các bạn hãy ở đây. Từ nhà chúng tôi, chúng tôi sẽ đưa đến cho các bạn cháo, cơm và tiền tiêu.
Nói xong họ đi, họp các người làm công lại, lúc nửa đêm vào canh giữa, họ đến cướp năm trăm cỗ xe, cướp sạch áo mặc, áo đắp, đánh đổi các con bò, tháo bánh xe ra khỏi các cỗ xe, đặt các cỗ xe xuống đất, lấy các bánh xe, rồi bỏ đi. Những người trú ở biên địa chỉ còn làm chủ một cái áo mặc, không còn gì cả, sợ hãi chạy mau đi trốn và trở về biên địa.
Những người nhà triệu phú báo cáo sự việc ấy lên vị triệu phú Cấp Cô Ðộc. Ðại triệu phú nghĩ: “Ðây là một câu chuyện quan trọng có thể trình bậc Ðạo Sư”.
Ông Cấp Cô Ðộc đi đến bậc Ðạo Sư, tường thuật tỉ mỉ đầu đuôi câu chuyện. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này gia chủ, không phải chỉ nay, kẻ ở biên địa ấy có hạnh như vậy. Trong quá khứ kẻ ấy cũng đã có hạnh như vậy rồi.
Nói xong, theo lời yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một người triệu phú có tài sản lớn ở Ba-la-nại. Một người triệu phú ở biên địa là một người bạn chưa bao giờ thấy mặt của Bồ-tát. (tất cả đều giống như câu chuyện hiện tại trên). Ðược những người của mình báo cáo:
– Ðây là việc chúng tôi làm hôm nay.
Bồ-tát nói:
– Do không biết báo đáp một công việc đã làm trước cho mình, nên về sau họ phải gặp sự việc như vậy.
Nói vậy xong, trước hội chúng tụ họp, Bồ-tát thuyết pháp với bài kệ này:
Ai trước được làm ơn,
Không biết đáp ứng lại,
Về sau, việc xảy đến,
Không tìm được người giúp.
Như vậy với bài kệ này, Bồ-tát thuyết pháp, và trọn đời làm các công đức như bố thí v.v… rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể lại pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Người ở biên địa thời ấy là người ở biên địa hiện nay, còn vị triệu phú Ba-la-nại là Ta vậy.
PHẨM LITTA
Thuốc độc được xoa bôi …,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể lại về cách thọ dụng sự vật không suy nghĩ. Nghe nói, lúc bấy giờ, phần lớn các Tỷ-kheo nhận được y v.v… có thói quen sử dụng chúng không suy nghĩ. Do sử dụng bốn vật dụng không suy nghĩ, họ không thoát khỏi đọa xứ địa ngục, súc sanh. Bậc Ðạo Sư biết được việc này, liền dùng nhiều phương tiện thuyết pháp cho các Tỷ-kheo, nói lên sự nguy hiểm lúc sử dụng bốn đồ vật mà không suy nghĩ:
– Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo không được sử dụng bốn đồ vật cần thiết mà không suy nghĩ. Do vậy, từ nay trở đi, hãy suy nghĩ xong rồi mới thọ dụng chúng.
Cách thức suy nghĩ này được nêu rõ:
– Ở đây, các Tỷ-kheo có suy tư, khi sử dụng y, cốt để ngăn ngừa lạnh.
Sau khi đặt ra các điều lệ tương tự cho các vật dụng khác, bậc Ðạo Sư kết luận:
– Này các Tỷ-kheo, cần suy nghĩ như vậy, mới nhận bốn vật dụng. Không suy nghĩ lúc nhận các vật dụng cũng giống như thọ dụng nọc độc con rắn. Các người xưa vì không suy nghĩ, không biết sự nguy hiểm, đã thọ dụng thuốc độc, khi quá chín muồi phải chịu thống khổ.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nai, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình có gia sản lớn, khi đến tuổi trưởng thành, trở thành một người chơi con súc sắc. Một người chơi con súc sắc khác có tánh lừa đảo, chơi với Bồ-tát; khi nó hơn, nó tiếp tục chơi, không xóa bỏ bàn chơi. Nhưng khi người khác hơn, nó liền đưa con súc sắc vào miệng, xem như là mất, rồi xóa bàn chơi và bỏ đi. Biết được việc làm của nó, Bồ-tát nói:
– Thôi được, ta có cách.
Bồ-tát đem những con súc sắc về nhà, xoa thuốc độc, phơi khô, đi đến gần nó và rủ nó chơi. Kẻ kia bằng lòng, và sửa soạn bàn chơi. Khi đang chơi với Bồ-tát, thấy mình bị thua, nó liền bỏ một con súc sắc vào trong miệng. Bồ-tát thấy nó làm như vậy, liền nói:
– Hãy nuốt đi. Sau ngươi sẽ biết cái này là gì!
Rồi Bồ-tát đọc câu kệ này để trách móc nó:
Thuốc độc được xoa bôi,
Ðốt cháy thật mãnh liệt,
Ngươi nuốt con súc sắc,
Nào đâu có biết vậy,
Nuốt, hãy nuốt nữa đi,
Kẻ chơi ác độc kia,
Cuối cùng, ngươi sẽ bị,
Ðau đớn cực thống khổ.
Khi Bồ-tát đang nói vậy, thuốc độc bắt đầu thấm vào kẻ chơi súc sắc lừa đảo, mắt nó xoay tròn, thân cúi quặp và té xuống đất. Bồ-tát nói:
– Thôi ta sẽ cứu ngươi sống lại!
Bồ-tát cho nó uống loại thuốc trộn lẫn với các thứ thuốc khác, làm cho nó nôn ra, rồi cho nó ăn bơ chín, mật, đường v.v… Khi nó bình phục, Bồ-tát khuyên nó lần sau chớ làm như vậy nữa. Bồ-tát tiếp tục trọn đời làm công đức bố thí v.v… và theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này, Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỳ-kheo thọ dụng các đồ vật không suy nghĩ cũng như thọ dụng thuốc độc không suy nghĩ.
Rồi bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, người hiền trí chơi súc sắc là Ta vậy.
Chiến trận cần anh hùng… ,
Câu chuyện này khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Tôn giả Ànanda. Một thời, những nữ nhân ở cung vua Kosala suy nghĩ như sau: “Ðức Phật ra đời thật khó. Cũng vậy, được làm người với các căn đầy đủ thật khó. Dầu chị em ta có thân người này trong một thời có đức Phật, chị em ta vẫn không được đi đến tinh xá như ý muốn, không được nghe pháp, cúng dường hay bố thí. Chúng ta sống như bị quăng trong một cái hộp. Chị em ta hãy yêu cầu nhà vua cử cho một Tỷ-kheo xứng đáng thuyết pháp cho chị em ta: Khi nghe pháp, chị em ta có thể học làm các công đức như bố thí v.v… Như vậy, với thời gian ngắn ngủi này, chị em ta sẽ có kết quả lới ích”. Tất cả bọn cùng đi đến đức vua và nói lên sự suy tư của mình. Nhà vua chấp thuận.
Một hôm, vua muốn đi dạo chơi ở một công viên, và báo người giữ vườn dọn dẹp sạch sẽ. Trong khi dọn dẹp sạch sẽ công viên, người giữ vườn thấy bậc Ðạo Sư ngồi dưới một gốc cây, liền đi đến hầu vua và thưa:
– Thưa thiên tử, công viên đã được dọn dẹp sạch sẽ. Nhưng tại đấy, dưới một gốc cây, đức Thế Tôn đang ngồi.
Vua nói:
– Tốt lắm, chúng ta sẽ nghe pháp từ bậc Ðạo Sư.
Rồi vua ngự lên cỗ xe có trang hoàng đẹp đẽ, đi đến công viên và yết kiến bậc Ðạo Sư. Lúc bấy giờ, Chattapani, một nam cư sĩ đã chứng quả Bất lai, đang ngồi nghe pháp từ bậc Ðại Sư. Khi thấy nam cư sĩ ấy, vua ngần ngại, đứng một lát, suy nghĩ: “Nếu là người độc ác, người này đã không ngồi nghe pháp từ bậc Ðạo Sư. Vì không phải là người độc ác, nên nó mới làm như vậy”.
Nghĩ xong, nhà vua đi đến gần bậc Ðạo Sư, đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên. Nam cư sĩ, vì sự kính trọng đối với đức Phật, không đứng dậy hay đảnh lễ vua. Vua không hoan hỉ với vị ấy. Biết được nhà vua không hoan hỉ đối với nam cư sĩ ấy, bậc Ðạo Sư nói lên công đức của vị ấy:
– Thưa Ðại Vương, nam cư sĩ này nghe nhiều kinh tạng đã được trao truyền và đã xa lìa các dục.
Vua nghĩ: “Chắc chắn người này không thể là người tầm thường, vì bậc Ðạo Sư tán thán công đức”. Vua hỏi:
– Này nam cư sĩ, nếu có cần gì hãy nói cho ta biết.
Nam cư sĩ nói:
– Tốt lành thay!
Vua nghe Pháp từ bậc Ðạo Sư xong, thân phía hữu hướng về phía Ngài rồi ra đi.
Một hôm, sau khi ăn sáng, cầm dù đi đến Kỳ Viên, vua gặp nam cư sĩ ấy liền gọi đến và nói:
– Này nam cư sĩ, nghe nói ông là người nghe nhiều. Các nữ nhân của Ta muốn nghe và học Chánh pháp. Lành thay, nếu ông nói pháp cho họ.
– Thưa thiên tử, thật không thích hợp để những người tại gia nói cho nội cung của vua. Việc ấy chỉ thích hợp với các Tôn giả xuất gia.
Vua nói:
– Người này nói sự thật.
Vua liền bảo người ấy ra đi, rồi cho gọi các nữ nhân, và nói:
– Này các hiền nữ, ta sẽ đi đến bậc Ðạo Sư và xin cử một Tỷ-kheo thuyết pháp cho các hiền nữ. Trong tám mươi đại đệ tử, ta sẽ xin ai?
Tất cả nữ nhân họp bàn và đồng ý lựa chọn Trưởng lão Ànanda, vị Chưởng khố Chánh pháp. Vua đi đến gặp bậc Ðạo Sư, đảnh lễ, ngồi xuống một bên và thưa:
– Bạch Thế Tôn, các nữ nhân trong cung của trẫm muốn nghe pháp và học pháp từ Trưởng lão Ànanda. Lành thay, nếu Trưởng lão ấy có thể thuyết pháp cho những người trong cung của trẫm.
Bậc Ðạo Sư bằng lòng chấp nhận cho Trưởng lão Ànanda. Từ đấy về sau, các nữ nhân của vua nghe pháp và học pháp từ Trưởng lão Ànanda.
Một hôm, một viên ngọc trên khăn vua bị mất. Vua biết được viên ngọc bị mất, cho gọi các đại thần và ra lệnh bắt tất cả mọi người trong nội cung để tìm cho ra viên ngọc trên khăn. Các đại thần bắt đầu từ các nữ nhân, tra hỏi viên ngọc trên khăn, họ làm phiền nhiễu rất nhiều người nhưng không tìm ra. Hôm ấy, Trưởng lão Ànanda vào cung điện vua. Trước kia, khi các nữ nhân thấy Trưởng lão họ đều hoan hỉ nghe pháp, học pháp. Lần này họ không được như vậy, tất cả đều sầu ưu. Khi Trưởng lão hỏi vì sao hôm nay họ lại như vậy, họ trả lời:
– Thưa Tôn giả, đức vua đã mất viên ngọc trên khăn. Và đức vua ra lệnh các đại thần bắt đầu tra hỏi từ các nữ nhân để tìm ngọc, làm phiền nhiễu mọi người ở trong cung. Chúng tôi không biết những gì sẽ xảy ra cho ai. Do vậy, chúng tôi ưu phiền.
Trưởng lão nói an ủi họ:
– Chớ lo nghĩ việc ấy nữa.
Rồi Trưởng lão đi đến gặp nhà vua, ngồi trên ghế đã soạn sẵn, và hỏi:
– Thưa Ðại Vương, tôi nghe nói Ðại Vương mất viên ngọc phải không?
– Thưa Tôn giả sau khi bắt tất cả mọi người ở trong cung, và làm phiền nhiễu chúng, tôi vẫn chưa có thể tìm được.
– Thưa Ðại Vương, không cần phiền nhiều đông người, vẫn có phương cách tìm ra viên ngọc.
– Cách thức nào vậy, thưa Tôn giả?
– Thưa Ðại vương, bằng cách cho một nắm rơm.
– Cho nắm rơn để làm gì vậy, thưa Tôn giả?
– Thưa Ðại Vương, với những ai bị ngài nghi ngờ, hãy họp họ lại, cho mỗi người một nắm rơm hay cục đất sét và nói: “Ngày mai, vào sáng sớm, hãy đem cái này và đặt tại chỗ ấy. Người nào lấy viên ngọc sẽ đặt nó trong nắm rơm hay cục đất sét mang lại. Nếu ngày đầu họ mang lại thì rất tốt. Nếu không, ngày thứ hai, ngày thứ ba, họ cũng phải mang lại. Như vậy, đại chúng không bị phiền nhiễu, và ngài có thể lấy lại được viên ngọc”.
Nói vậy xong, Trưởng lão ra về. Vua làm theo lời dặn, nhưng ba ngày qua, không ai đem lại viên ngọc. Trưởng lão đến vào ngày thứ ba và hỏi:
– Thưa Ðại Vương, viên ngọc đã được đem lại chưa?
– Thưa Tôn giả, chưa.
– Vậy Ðại Vương, trong sân lớn, tại một chỗ kín hãy cho đặt một cái ghè nước lớn, đổ đầy nước, treo xung quanh một cái màn. Rồi ra lệnh cho mọi người lui tới trong nội cung, đàn ông và cả đàn bà, phải cởi áo ngoài, lần lượt đi vào trong màn một mình, rửa tay rồi đi ra.
Trưởng lão nói phương tiện này xong rồi ra đi. Nhà vua làm như lời dặn. Kẻ ăn cắp hòn ngọc suy nghĩ: “Vị Chưởng khố Chánh pháp đã nắm lấy vấn đề này, nếu không tìm ra được viên ngọc sẽ không bỏ cuộc. Nay đã đến lúc cần phải đem trả lại viên ngọc”. Nghĩ vậy, nó giấu viên ngọc trong người, đi vào trong tấm màn, bỏ rơi ngọc vào ghè nước rồi đi ra. Khi tất cả mọi người đã đi xong, người ta đổ nước và tìm được viên ngọc. Vua nói:
– Nhờ Trưởng lão, không phiền nhiễu đại chúng, ta đã tìm được viên ngọc.
Vua rất bằng lòng. Những người lui tới trong cung cũng bằng lòng và nói:
– Nhờ Trưởng lão, chúng tôi thoát khỏi đau khổ lớn.
Câu chuyện nhờ uy lực của Ànanda họ đã tìm ra viên ngọc trên khăn vua được toàn kinh thành và chúng Tỷ-kheo biết. Các Tỷ-kheo ngồi họp tại Chánh pháp đường tán thán công đức của Trưởng lão:
– Thưa các Hiền giả, nhờ nghe nhiều, nhờ bác học, nhờ thiện xảo phương tiện của Trưởng lão Ànanda, đại chúng không bị phiền nhiễu, với phương tiện, viên ngọc được tìm lại.
Bậc Ðạo Sư đi đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi ở đây luận bàn vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỳ-kheo, không phải nay đồ vật gì đã vào tay người khác, lại tìm được là nhờ Ànanda. Thuở trước, các bậc hiền trí không làm phiền nhiễu đại chúng, chỉ với phương tiện, tìm được đồ vật đã đi vào tay của loài vật.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmandatta trị vì ở xứ Ba-la-nại, Bồ-tát đạt sự thuần thục trong tất cả các nghề, và trở thành vị đại thần của vua ấy. Một hôm, nhà vua cùng với một đoàn tùy tùng đông đảo, đi đến công viên, sau khi dạo chơi giữa rừng xong, lại muốn đi chơi trong nước.
Vua đi xuống một hồ nước dành cho vua, và gọi các cung nữ cởi các vàng ngọc, trang sức trên đầu, trên cổ, bỏ chúng trên cái áo ngoài, đặt chúng vào trong hộp và giao các nữ tỳ trông coi rồi đi xuống hồ.
Khi ấy, có một con khỉ cái ở công viên, ngồi giữa các cành cây, thấy bà hoàng hậu cởi các đồ trang sức, bỏ trên cái áo ngoài, đặt chúng vào trong hộp. Con khỉ cái muốn đeo dây chuyền bằng ngọc của hoàng hậu, ngồi nhìn, chờ xem khi nào người nữ tỳ lơ đễnh là nó đánh cắp.
Người nữ tỳ canh gác, thỉnh thoảng nhìn qua nhìn lại rồi lại bắt đầu ngủ gật. Con khỉ cái biết người nữ tỳ đã lơ đễnh, liền leo xuống mau như gió, lấy sợi dây chuyền lớn đeo cổ, lêo lên xuống mau như gió, ngồi núp giữa các cành cây. Rồi sợ các con khỉ cái khác thấy, nó giấu sợi dây chuyền vào một cái lỗ cây và ngồi canh gác với dáng điệu bình tĩnh.
Người nữ tỳ tỉnh dậy, không thấy sợi dây chuyền, quá run sợ, không thấy có cách gì khác liền la to:
– Có người đàn ông lấy cắp sợi dây chuyền của hoàng hậu rồi chạy trốn.
Những người canh gác từ nhiều phía tụ họp lại, nghe người nữ tỳ la, liền báo cho vua biết. Vua ra lệnh bắt tên ăn trộm. Họ chạy ra khỏi công viên, đi tìm tên ăn trộm khắp nơi. Một kẻ dân quê đang lễ bái, nghe tiếng la, liền hoảng sợ bỏ chạy. Thấy vậy, các người ấy nghĩ nó là thằng ăn trộm bèn đuổi theo, bắt nó, đánh nó, và nói mỉa mai:
– Ðồ ăn trộm ác độc kia, ngươi lấy cắp đồ trang sức đắt tiền như vậy để làm gì?
Người dân quê suy nghĩ: “Nếu ta nói không lấy, mạng sống ta hôm nay không còn nữa. Chúng sẽ đánh và giết ta. Vậy ta hãy nhận là có lấy”. Nó nhận có lấy, liền bị trói và dẫn đến vua. Vua hỏi nó:
– Có phải ngươi lấy đồ trang sức đắt tiền?
– Thưa thiên tử, tôi có lấy.
– Nay vật ấy ở đâu rồi?
– Thưa thiên tử, vậy quý giá đối với tôi, tôi lấy để làm gì? Tôi là người từ trước không bao giờ có được cái giường chiếc ghế. Nhưng người triệu phú bảo tôi lấy đồ trang sức đắt tiến ấy. Tôi lấy và giao cho ông ta rồi. Ông ta biết đồ trang sức ấy.
Vua truyền gọi người triệu phú và hỏi ông có lấy đồ trang sức quý giá từ tay người dân quê ấy không.
– Thưa thiên tử, có.
– Ðồ ấy ở đâu rồi?
– Tôi đã đưa cho người cố vấn tế tự của ngài.
Người cố vấn tế tự được gọi và được hỏi như trước. Ông thú nhận có lấy và đưa cho người nhạc trưởng. Người nhạc trưởng bị gọi và hỏi, liền khai đã đưa cho một người kỹ nữ như là một món quà tặng. Người kỹ nữ bị hỏi, trả lời cô không lấy. Trong khi hỏi chưa xong thì mặt trời lặn, Vua nói:
– Nay hết giờ rồi, ngày mai tiếp tục việc này.
Vua giao năm người ấy cho các vị đại thần và đi vào thành.
Lúc ấy Bồ-tát suy nghĩ: “Ðồ trang sức này bị mất ở trong công viên. Kẻ dân quê này ở ngoài công viên và cửa có lính gác thì không thể vào trong công viên cũng không thể lấy và chạy trốn ra ngoài được. Người nghèo khổ này nói: Tôi đã đưa cho người triệu phú, có lẽ vì để tự giải thoát cho mình thôi. Con người triệu phú nói: Tôi đã đưa cho người cố vấn tế tự, có lẽ vì muốn làm cho kẻ ấy thành đồng lõa để cùng được thoát ra. Còn người cố vấn tế tự nói: Tôi đã đưa cho người nhạc trưởng, có lẽ vì nghĩ rằng nhờ người nhạc trưởng, sẽ sống vui trong nhà tù. Người nhạc trưởng nói: Tôi đã cho người kỹ nữ, với hy vọng mình sẽ được hưởng lạc thú với người kỹ nữ ở trong tù. Cả năm người này không thể là người ăn trộm. Trong công viên có nhiều loài khỉ. Vật trang sức có lẽ đã rơi vào tay một con khỉ cái!”.
Nghĩ vậy, Bồ-tát đi đến yết kiến vua và thưa:
– Thưa Ðại Vương, hãy giao những người ăn trộm cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ tìm kiếm ai đã làm việc này.
Vua chấp thuận, giao những người ăn trộm cho Bồ-tát. Bồ-tát cho gọi những người làm công và bảo:
– Hãy cho năm người này ở trong một chỗ, canh gác xung quanh, lóng tai nghe họ nói những gì và báo cho ta biết.
Nói xong, Bồ-tát ra đi, và các người ấy làm theo lời dặn. Trong khi cả năm người đang ngồi tù, người triệu phú nói với người dân quê.
– Này đồ dân quê ác độc kia, ta với ngươi trước đây không có gặp nhau. Vậy sao ngươi nói ngươi đưa cho ta đồ trang sức ấy?
– Thưa ông đại triệu phú, tôi không bao giờ biết đến cái giường, cái ghế đẩu với chân bằng lõi cây được gọi là quí giá. Tôi nghĩ tôi nương nhờ vào ông mới được giải thoát, nên tôi nói vậy. Mong ông chủ chớ giận tôi.
Người cố vấn tế tự hỏi người triệu phú:
– Thưa ông đại triệu phú, làm sao ông lại đưa cho tôi một vật mà người này không hề đưa cho ông?
– Vì tôi nghĩ rằng hai chúng ta là những người có quyền thế. Nếu chúng ta cùng đứng với nhau, thời sự việc sẽ được giải quyết mau chóng! Do nghĩ vậy nên tôi đã khai như vậy.
Vị nhạc trưởng nói với người cố vấn tế tự:
– Này Bà-la-môn, ông đưa cho tôi đồ trang sức lúc nào?
– Tôi nghĩ rằng nhờ ông, tôi sẽ sống an lạc tại chỗ cư trú, nghĩ vậy nên tôi nói vậy.
Người kỹ nữ nói với người nhạc trưởng:
– Này người nhạc trưởng độc ác kia, trước đây tôi chưa bao giờ đến với ông, trước đây ông cũng chưa bao giờ đến với tôi. Vậy ông đưa tôi vật trang sức khi nào?
– Này chị, chị phẫn nộ làm gì? Năm chúng ta cùng chung sống với nhau trong một nhà. Hãy hoan hỉ sống cho được thoải mái! Do nghĩ vậy nên tôi khai cho chị.
Bồ-tát nghe câu chuyện ấy từ những người được giao việc, biết rằng năm người ấy không phải ăn trộm; chắc con khỉ cái đã lấy đồ trang sức, và tìm một phương tiện để làm cho nó bỏ rơi đồ trang sức ấy. Bồ-tát sai làm nhiều đồ trang sức bằng chuỗi hạt, cho bắt một số khỉ cái trong vườn, cho chúng đeo các đồ trang sức bằng chuỗi hạt trên tay, trên chân, trên cổ rồi thả chúng ra. Trong khi ấy con khỉ cái ăn trộm kia vẫn ngồi ở công viên canh gác bảo vật của nó. Bồ-tát ra lệnh cho họ:
– Các người hãy đi, và dò xét rình xem tất cả bầy khỉ cái. Khi nào thấy đồ trang sức ở con khỉ cái nào, hãy dọa nó và lấy lại đồ trang sức.
Những con khỉ cái ấy được cho các đồ trang sức, tự mãn, tự hào, đi qua đi lại trong công viên, đi đến con khỉ cái ăn trộm kia và nói:
– Này, xem đồ trang sức của chúng ta!
Con khỉ cái kia, không dằn nổi lòng ganh tỵ, liền nói:
– Quý gì đồ trang sức bằng hạt ấy!
Rồi nó lấy dây chuyền ngọc mang vào. Các người đứng rình thấy vậy liền tìm cách làm cho nó cởi bỏ đồ trang sức ra, rồi mang về cho Bồ-tát. Cầm lấy đồ trang sức ấy, Bồ-tát đem dâng vua và thưa:
– Thưa Ðại Vương, năm người ấy không phải là ăn trộm. Chính con khỉ cái trong vườn đã lấy đồ trang sức này.
Vua nói:
– Thưa bậc Hiền trí, làm sao bậc Hiền trí biết được là chính con khỉ cái ấy tự tay lấy chuỗi ngọc? Làm sao bậc Hiền trí lấy chuỗi ngọc lại được?
Bồ-tát kể lại toàn bộ câu chuyện, nhà vua rất bằng lòng và nói:
– Cầm đầu các chiến trường, cần phải có những anh hùng.
Vua thưởng cho Bồ-tát rất nhiều vàng ngọc và nói lên bài kệ:
Chiến trận, cần anh hùng,
Khuyên bảo, cần bình tĩnh,
Ăn uống, cần bạn thân,
Gặp việc, cần hiền trí.
Như vậy, nhà vua tán thán Bồ-tát, đề cao Bồ-tát, và cúng dường Bồ-tát bảy món báu. Vâng theo lời khuyến giáo của Bồ-tát, vua sống trọn đời làm các công đức, rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nói lên công đức của Trưởng lão, và nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vua là Ànanda, còn đại thần hiền trí là Ta vậy.
Chớ tin người thân tín…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể sự thọ dụng dựa vào người thân. Nghe nói, trong thời ấy, các Tỷ-kheo phần lớn tự bằng lòng với bốn vật dụng do các bà con cúng dường, và thọ dụng các vật ấy mà không suy tư, viện lẽ rằng khi còn là cư sĩ, họ đã nhận đồ vật từ mẹ hay từ cha từ anh em hay từ chị em, từ mẹ nhỏ hay từ cha nhỏ, từ chú cậu hay từ dì cô.
Bậc Ðạo Sư nghe việc này, nghĩ rằng cần phải cho các Tỳ-kheo một bài thuyết pháp. Vì thế Ngài họp các Tỷ-kheo lại và nói:
– Này các Tỷ-kheo, dầu người cho là những người bà con hay những người khác, Tỷ-kheo cần phải suy tư khi thọ dụng bốn đồ vật. Thọ dụng không suy tư, khi đúng thời, Tỷ-kheo không thể thoát khỏi tái sanh làm Dạ-xoa hay ngạ quỷ. Thọ dụng các đồ vật không suy tư cũng giống như thọ dụng thuốc độc. Và thuốc độc, dẫu từ người cho là người thân tín, vẫn giết chết được. Thuở xưa, có chúng sanh thọ dụng thuốc độc do bạn thân tín cho, và đã đi đến mạng chung.
Nói xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-lai-nại, Bồ-tát là một vị triệu phú giàu có. Bồ-tát có một người chăn bò, khi đến mùa lúa chín, kẻ ấy liền bắt các con bò lại, dắt chúng vào rừng làm một cái chuồng bò và sống tại đấy để chăn giữ chúng. Thỉnh thoảng, kẻ ấy mang sữa về cho vị triệu phú. Không xa chuồng bò bao nhiêu, có con sư tử trú tại đấy. Các con bò cái, vì sợ hãi sư tử, nên sữa khô cạn, không có nhiều. Một hôm, khi người chăn bò đem bơ chín cho vị triệu phú, vị ấy hỏi:
– Này bạn chăn bò, sao bơ chín ít vậy?
Người chăn bò nói rõ lý do.
– Này bạn, con sư tử ấy có ái mộ ai không?
– Thưa ông chủ, nó thân ái với con nai cái.
– Vậy bạn có thể bắt được con nai cái không?
– Thưa ông chủ, được.
– Bạn hãy bắt con nai cái, rồi với thuốc độc, bạn xoa đi xoa lại, bắt đầu từ trán đến hết cả lông trên thân nai, để cho khô, sau hai ba ngày hãy thả con nai cái ra. Con sư tử vì luyến ái con nai cái, sẽ liếm thân nó và sẽ đi đến mạng chung. Hãy lấy da, móng răng và mỡ con sư tử rồi đem lại đây.
Nói xong, Bồ-tát đưa thuốc độc và bảo kẻ ấy đi. Người chăn bò đặt lưới, bắt được con nai cái và làm như đã được dặn. Con sư tử thấy con nai cái, với lòng luyến ái mạnh, liếm thân con nai cái, và mạng chung. Người chăn bò lấy da sư tử v.v… và đi đến Bồ-tát. Ngài biết sự việc xảy ra, liền nói:
– Không nên luyến ái người khác. Con sư tử, vua các loài thú, có sức mạnh như vậy, nhưng do ái nhiễm nên quá thân mật, liếm thân con nai cái, ăn phải thuốc độc và mạng chung.
Nói vậy xong, ngài thuyết pháp cho hội chúng đang tập hợp, và đọc bài kệ này:
Chớ tin người thân tín,
Chớ tin người không thân,
Do tin, sợ hãi đến,
Như sư tử, nai cái.
Như vậy Bồ-tát thuyết pháp cho hội chúng và trọn đời làm các công đức bố thí v.v… rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể câu chuyện quá khứ, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, người triệu phú là Ta vậy.
Nay nóng ran lạnh buốt…,
Câu chuyện này, khi trú ở Pàtikàràma gần Tỳ-xá-ly, bậc Ðạo Sư, đem theo y bát, thích thú đi theo giáo pháp của Sát-đế-ly Kora, Sunakkatta trở thành một gia chủ, trong khi Kora bị tái sanh làm thần A-tu-la Kalakanjaka thường bộ hành trong ba vòng tường của Tỳ-xá-ly, chỉ trích bậc Ðạo Sư và nói:
– Sa-môn Gotama không có pháp thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng với bậc thánh. Sa-môn ấy thuyết pháp, pháp ấy tự mình tạo ra, do suy luận tác thành, tùy thuận trắc nghiệm và thuyết pháp cho một mục tiêu đặc biệt, không có thể dẫn người thực hành đến diệt tận khổ đau.
Rồi trong khi Tôn giả xá-lợi-phất đi khất thực, nghe lời chỉ trích của kẻ ấy như vậy, và khi trở về, Tôn giả báo cáo sự việc ấy lên Thế Tôn. Ngài nói:
– Sunakkhatta phẫn nộ và ngu si. Do phẫn nộ, nó không biết khi nói rằng: Pháp ấy không có thể dẫn người thực hành đến tận diệt khổ đau, như vậy tức là tán thán công đức của Ta. Này Xá-lợi-phất, Ta có được Sáu Thắng Trí, đấy là pháp thượng nhân của Ta. Ta có Mười Lực, có Bốn Vô sở úy, có trí biết bốn sanh hữu, và có trí biết năm sanh thú. Ðấy là pháp thượng nhân của Ta. Ta có pháp thượng nhân như vậy. Ai nói rằng: Sa-môn Gotama không có pháp thượng nhân, người ấy, nếu không chấm dứt lời nói ấy, nếu không chấm dứt tâm ấy, nếu không từ bỏ tà kiến ấy, sẽ bị rơi vào địa ngục.
Sau khi nói công đức các pháp thượng nhân tự có, bậc Ðạo Sư nói thêm:
– Này Xá-lợi-phất, nghe nói Sunakkhatta ưu thích tà khổ hạnh khó hành trì của Sát-đế-ly Kora, do ưu thích tà khổ hạnh nên nó không thể tịnh tín đối với Ta. Cách đây chín mươi mốt kiếp, Ta sống đời Phạm hạnh gồm có bốn phần, để suy tư tìm hiểu tà khổ hạnh ngoại đạo thật sự có căn bản chân lý hay không. Là người tu khổ hạnh, Ta tu khổ hạnh đệ nhất. Là người hành trì thô thực, Ta tu hạnh thô thực đệ nhất. Là người hành trì yếm ly, Ta tu hạnh yếm ly đệ nhất. Là người hành trì hạnh viễn ly, Ta tu hạnh viễn ly đệ nhất.
Sau khi nói như vậy, theo lời yêu cầu, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, chín mươi mốt kiếp về trước, để suy xét tìm hiểu về khổ hạnh ngoại đạo, Bồ-tát đã xuất gia làm vị tà mạng ngoại đạo, sống lõa thể, thân lấm đầy bụi, sống viễn ly cô độc, thấy người liền chạy trốn như con nai, ăn các thứ đại bất tịnh như cá thúi, phân bò v.v… Ðể giữ mình không phóng dật, Bồ-tát sống trong một lùm cây đáng sợ hãi trong rừng. Sống tại đấy, vào mùa đông có tuyết, trong những đêm giữa các ngày mùng tám (ngày thứ tám, trước và sau rằm), Bồ-tát đi ra khỏi lùm cây, sống ngoài trời, khi mặt trời mọc, Bồ-tát vô lùm trở lại. Ban đêm, Bồ-tát bị ướt vì ngài ở ngoài trời tuyết. Ban ngày, Bồ-tát cũng bị ướt bởi những giọt nước rơi từ lùm cây. Như vậy, ngày đêm, Bồ-tát cảm thọ khổ đau vì lạnh. Trong cuối tháng mùa hạ, ban ngày, Bồ-tát bị đốt cháy bởi ánh nắng mặt trời; cũng vậy, ban đêm, Bồ-tát bị nóng nực ở trong lùm cây không có gió, vì thế mồ hôi thoát chảy từ thân ngài. Câu kệ này từ trước chưa từng được nghe, khởi lên trong trí ngài:
Nay nóng ran, lạnh buốt,
Cô độc, trong rừng hiếm,
Ngồi trần truồng, không lửa,
Ấn sĩ tìm chân lý.
Như vậy Bồ-tát suốt đời sống khổ hạnh khắc nghiệt với đầy đủ bốn phần (thời học tập, thời gia chủ, thời tôn giáo, thời Sa-môn), khi lâm chung, ngài thấy tướng địa ngục khởi lên, biết được khổ hạnh này không có kết quả. Ngay lúc ấy, ngài phá vỡ tà kiến của mình, nắm giữ chánh tri kiến, và tái sanh lên thiên giới.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Ta là vị tà mạng ngoại đạo.
Các hành là vô thường…,
Câu chuyện này, khi nằm trên giường đắc Niết-bàn vô dư y, bậc Ðạo Sư đã kể về lời nói của Trưởng lão Ànanda: – Thế Tôn chớ nhập Niết-bàn tại thành phố nhỏ tồi tàn này.
Khi Như Lai trú Kỳ Viên, Ngài suy nghĩ: “Trưởng lão Xá-lợi-phất sanh ở làng Nàlaka, đắc Niết-bàn vô dư y ở Varaka, vào đêm rằm Kattika. Còn đại Mục-kiền-liên mệnh chung cũng vào tháng Kattika, trong phần trăng tối. Như vậy, hai đệ tử đầu tay đã đắc Niết-bàn vô dư y. Ta sẽ đắc Niết-bàn vô dư y ở Kusinàra”.
Rồi bậc Ðạo Sư tiếp tục bộ hành, đi đến đấy và nằm không dậy nữa trên chiếc giường, đầu hướng về phía bắc, giữa hai cây Sàla. Rồi Trưởng lão Ànanda yêu cầu Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn chớ diệt độ tại thành phố nhỏ tồi tàn này, tại thành phố nhỏ hoang vu này, tại thành phố nhỏ ngoại ô này. Thế Tôn hãy diệt độ tại một trong những thành phố lớn như Vương Xá v.v…
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Anànda, chớ nói đây là một thành phố nhỏ tồi tàn, thành phố nhỏ hoang vu, thành phố nhỏ ngoại ô. Thuở xưa, trong thời vua Chuyển luân Thiện kiến, Ta đã sống trong thành phố này. Lúc ấy, thành phố này là một đô thị vĩ đại, được bao bọc với những bức tranh bằng châu báu, dài đến mười hai dặm.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của Trưởng lão, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Lúc ấy, hoàng hậu Subhaddà (Thiện tường) thấy vua Ðại thiện kiến từ lâu đài Chánh pháp (Dhamma) đi xuống không xa bao nhiêu, rồi nằm về phía hông bên phải, trên long sàng được sửa soạn cho ngài, tại rừng Sàla làm bằng bảy báu từ đó ngài không dậy nữa. Thấy vậy, bà nói:
– Thưa Thiên tử, tám mươi bốn ngàn thành phố, đứng đầu là kinh đô Kusàvatì thuộc quyền của Ðại vương, hãy hướng ý muốn về chúng.
Nghe vậy, vua Ðại thiện kiến nói với hoàng hậu:
– Hoàng hậu chớ nói vậy! Hoàng hậu nên khuyến khích ta: Hãy hướng tâm đến chỗ này, chớ mong chờ các chỗ khác.
Hoàng hậu hỏi:
– Vì sao?
Vua đáp:
– Hôm nay ta sẽ băng hà.
Hoàng hậu khóc. Sau khi lau nước mắt, bà nói lên một cách khó khăn mệt nhọc như lời vua khuyên bảo, rồi bà khóc lóc than. Tám mươi bốn ngàn nữ nhân còn lại cũng đều than khóc theo bà. Các đại thần cũng không thể chịu đựng nổi. Tất cả đều khóc ròng. Vua nói:
– Chớ làm ồn.
Sau khi ngăn chận mọi người, ngài nói với hoàng hậu:
– Hoàng hậu chớ khóc, chớ than! Vì nhỏ cho đến hột mè, không có hành nào là thường còn. Tất cả là vô thường, chịu sự biến hoại.
Nói vậy xong, để khuyến giáo hoàng hậu, ngài đọc bài kệ này:
Các hành là vô thường,
Bản tánh chúng sanh diệt,
Chúng sanh, rồi chúng diệt,
Nhiếp chúng là an lạc.
Như vậy, vua Ðại thiện kiến lấy đại Niết-bàn bất tử là đỉnh thuyết pháp cao nhất, rồi khuyến giáo đại chúng còn lại:
– Hãy bố thí, trì giới và hành trì trai giới.
Khuyến cáo xong, cuối cùng, ngài tái sanh ở thiên giới.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, hoàng hậu Subhaddà là mẹ La-hầu-la, hoàng tử là La-hầu-la,hội chúng còn lại là hội chúng đức Phật, và vua Ðại thiện kiến là Ta vậy.
Như người mang bát dầu…,
Câu chuyện này, khi ở tại một rừng cây gần thị trấn Desaka nước Sumedha, bậc Ðạo Sư đã kể về Kinh Janapada-Kalyani. Tại đấy, Thế Tôn nói:
– Này các Tỷ-kheo, ví như một đại chúng tụ họp lại và la to: Hoan hô cô gái đẹp địa phương múa và hát tuyệt diệu! Khi ấy, một người đàn ông đến, muốn sống không muốn chết, muốn an lạc không muốn khổ. Họ nói với người ấy: “Này gã kia, chú hãy mang bát dầu đầy vun này đi giữa đám đông và cô gái đẹp địa phương. Một người đàn ông với cây kiếm giơ cao đi sau lưng chú. Chỗ nào chú làm đổ một ít dầu ra, ngay chỗ ấy, nó sẽ chém đầu chú”. Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể không tác ý đến bát dầu ấy, mang đi với tâm phóng dật hướng ngoại không?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Này các Tỷ-kheo, đây là ví dụ ta dùng để làm ý nghĩa được rõ ràng. Và ý nghĩa này ở đây là như sau: Bát dầu đầy vun, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với thân hành niệm. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy học tập như sau: Thân hành niệm cần phải được chúng tôi tu tập và khéo hành trì. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các ông cần phải học tập!
Rồi bậc Ðạo Sư nói lên Kinh Janapadakalyani này.
Sau khi nói kinh này, Thế Tôn lại nói thêm:
– Vị Tỷ-kheo muốn tu tập thân hành niệm, cũng giống như người đàn ông ấy với bàn tay bưng bát dầu. Phải nắm giữ niệm, không phóng dật. Tu tập thân hành niệm cần phải như vậy.
Các Tỷ-kheo, nghe kinh này xong, và hiểu ý nghĩa kinh bèn nói như sau:
– Bạch Thế Tôn, thật khó làm đối với người ấy không nhìn cô gái đẹp địa phương, vừa bưng bát dầu vừa đi.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, làm như người đàn ông ấy không khó lắm, mà hình là dễ làm. Vì sao? Vì kẻ ấy được một người đi theo dọa nạt với cây gươm giơ cao. Nhưng thật rất khó cho những bậc hiền trí thuở xưa, không phóng dật, không bỏ niệm, chế ngự các căn, không nhìn sắc đẹp hoàn mỹ của Thiên nữ được hóa sanh, vẫn đi và đạt được quốc độ.
Sau khi nói vậy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm người con trai trẻ nhất trong một trăm người con của vua, dần dần đến tuổi trưởng thành. Thời ấy, các vị Phật Ðộc Giác thường đến dùng cơm trong cung điện của vua và Bồ-tát phục vụ các vị ấy. Một hôm Bồ-tát suy nghĩ: “Ta có rất nhiều anh, không biết ta có được vương quốc thuộc gia sản trong thành này hay không? Nếu hỏi các vị Phật Ðộc Giác, ta sẽ biết”.
Vào ngày kế tiếp, khi các vị Phật Ðộc Giác đến, Bồ-tát đem lại bình thủy, lọc nước rửa chân cho các vị ấy và lau khô. Ăn xong, khi các vị ấy đang ngồi, Bồ-tát đảnh lễ, ngồi xuống một bên và hỏi vấn đề ấy. Các Phật Ðộc Giác trả lời:
– Này hoàng tử, ngài sẽ không được vương quốc trong thành phố này. Từ đây cách xa khoảng hai ngàn dặm, tại nước Gandhara, có một thành phố tên là Takkasilà. Nếu hoàng tử có thể đến đó trong vòng bảy ngày, ngài sẽ được vương quốc. Nhưng có sự nguy hiểm trên con đường đi đến đó, nếu như đi thẳng con đường dài năm mươi dặm, ngài phải ngang qua khu rừng lớn. Bằng cách đi vòng khu rừng ấy, thì con đường dài đến một trăm dặm. Ðó là khu rừng hoang vu có phi nhân ở. Giữa quãng đường rừng, các nữ Dạ-xoa dựng lên những căn nhà. Dưới cái tàn có trang hoàng bằng những ngôi sao vàng lấp lánh, chúng bày một cái giường lớn, quí giá, xung quanh có màn treo đẹp đẽ, với nhiều màu sắc tuyệt diệu. Chúng tô điểm với đồ trang sức chư Thiên và ngồi trong các căn nhà ấy. Khi có những người đàn ông đi đến, chúng cám dỗ, kêu gọi với những lời dịu ngọt. Các người có vẻ mệt mỏi, hãy đến đây, ngồi xuống uống nước rồi đi! Với những ai đến đó, các nữ Dạ xoa đều mời ngồi, làm họ khởi dậy lòng tham dục với sắc đẹp mỹ miều của chúng, khiến họ bị ái dục chi phối. Khi họ hành lạc với chúng, ngay khi ấy, các nữ Dạ-xoa ăn thịt họ với máu còn nhỏ giọt, chấm dứt mạng sống của họ. Những ai đam mê tiếng, chúng lấy lời ca điệu nhạc dịu ngọt cám dỗ. Những ai đam mê hương, chúng lấy thiên hương cám dỗ. Những ai đam mê vị, chúng lấy các món ăn chư Thiên hảo hạng cám dỗ. Những ai đam mê xúc, chúng lấy giường chư Thiên với nệm đỏ hai đầu cám dỗ. Nhưng nếu hoàng tử nhiếp phục được các căn, cương quyết không nhìn chúng, an trú chánh niệm mà đi, đến ngày thứ bảy, ngài sẽ nhận được vương quốc tại đây.
Bồ-tát thưa:
– Thưa các Tôn giả, mong sự việc là như vậy. Sau khi nhận lãnh lời khuyến giáo của các Tôn giả, làm sao chúng tôi lại nhìn các nữ Dạ-xoa ấy?
Sau khi nhờ các vị Phật Ðộc Giác chú nguyện, mang theo cát làm bùa, sợi dây làm bùa, Bồ-tát đảnh lễ các vị Phật Ðộc Giác và mẹ cha, rồi đi về nhà nói với những người hầu hạ của mình:
– Ta đi Takkasilà để lấy vương quốc, các bạn hãy ở lại đây.
Năm người xin được cùng đi với Bồ-tát, ngài nói:
– Các bạn không thể đi được, nghe nói giữa đường các nữ Dạ-xoa thấy những người tham sắc v.v… chúng sẽ dùng sắc v.v… khiến họ sanh lòng ái dục, rồi bắt lấy những ngưòi ấy. Sự nguy hiểm thật lớn, nhưng ta tự tin vào ta và ta sẽ đi.
– Thưa hoàng tử, làm sao đi với ngài, chúng tôi lại nhìn sắc đẹp khả ái ấy? Chúng tôi sẽ đi đến đấy.
Bồ-tát nói:
– Vậy các bạn chớ phóng dật, phải quyết tâm.
Bồ-tát đem theo năm người ấy và lên đường. Các nữ Dạ-xoa tạo nên các làng v.v… và ngồi chờ.
Một người tham sắc trong bọn họ nhìn các nữ dạ-xoa ấy, bị trói buộc bởi sắc đẹp của chúng, nên đi chậm lại sau Bồ-tát nói:
– Sao bạn đi chậm ra sau?
– Thưa Hoàng tử, chân của tôi đau. Sau khi ngồi nghỉ ở căn nhà kia một lát, tôi sẽ đi.
– Này bạn, chúng là nữ dạ-xoa, chớ có tham đắm chúng.
– Dầu sự việc là vậy, thưa Hoàng tử, tôi cũng không thể đi nữa.
– Nếu vậy, bạn sẽ thấy sự việc sẽ xảy ra như thế nào!
Nói xong, Bồ-tát đem bốn người kia đi. Người tham đắm sắc đi đến gần các nữ Dạ-xoa. Khi người ấy bắt đầu hành lạc với chúng, chúng liền giết chết để ăn thịt. Rồi chúng đi về phía trước, tạo lên một căn nhà khác, đem theo nhiều loại nhạc khí ngồi hát.
Ở đấy, người tham đắm tiếng đi chậm lại sau. Các nữ Dạ-xoa ăn thịt kẻ ấy, rồi đi tới trước, mở một quán hàng, bày đầy các hộp hương thơm và ngồi đợi. Ở đấy, người ham mê hương đi chậm lại. Các nữ Dạ-xoa ăn thịt kẻ ấy, rồi đi về phía trước, mở một quán bán đồ ăn, bày những chén bát mâm dĩa đựng nhiều món ăn hảo hạng của chư Thiên và chúng ngồi đợi tại đấy. Người tham đắm các vị, khi đi đến đấy, bèn đi chậm lại, rồi cũng bị ăn thịt. Khi chỉ còn một mình Bồ-tát, một nữ Dạ-xoa nói:
– Người này dầu có kiên trì mấy đi nữa, ta cũng sẽ ăn thịt nó và đi trở về.
Rồi nữ Dạ-xoa đi sau lưng Bồ-tát. Các người thợ làm rừng ở các khu vực khác trong rừng thấy nữ Dạ-xoa, liền hỏi:
– Người đàn ông đi trước nàng là ai vậy?
– Thưa các ông, đấy là người chồng trẻ thanh lịch của tôi.
– Này bạn, khi bạn có người vợ trẻ tuyệt sắc, đẹp như bó hoa, tế nhị như vòng hoa, đã bỏ gia đình riêng theo bạn và đặt lòng tin vào bạn, sao bạn không đi cùng với nàng cho nàng khỏi mệt nhọc?
– Này các ông, nó không phải vợ tôi. Nó là nữ Dạ-xoa đã ăn thịt năm người bạn của tôi.
– Ôi, thưa các ông, khi người đàn ông đã phẫn nộ thì chính vợ của mình cũng cho là nữ Dạ-xoa, là ngạ quỷ!
Nữ Dạ-xoa ấy nói vậy và đi theo Bồ-tát, khi thì hiện hình có mang, khi thì hiện dáng dấp của một người đàn bà đã sanh con, khi thì bồng con bên nách. Nhiều người thấy vậy, cũng hỏi như các thức trước. Bồ-tát trả lời như trước và đi đến Takkasilà. Nữ Dạ-xoa làm đứa con biến mất, và một mình đi theo Bồ-tát. Còn Bồ-tát đi đến cửa thành và vào ngồi trong ăn nhà dành cho người chiêm bái. Vì uy lực của Bồ-tát, nữ Dạ-xoa không thể vào được, liền hóa hiện ra một Thiên nữ đứng trước nhà chiêm bái.
Lúc bấy giờ, vua Takkasilà đang đi đến công viên. Thấy nàng, tâm vua bị cám dỗ, vua sai một người đến hỏi nàng có chồng hay chưa. Người ấy đến hỏi và nàng trả lời:
– Tôi đã có chồng. Chồng tôi đang ngồi trong căn nhà dành cho ngưòi chiêm bái.
Bồ-tát nói:
– Nó không phải vợ tôi! Nó là con nữ Dạ-xoa đã ăn thịt năm người bạn đồng hành của tôi.
Nữ Dạ-xoa nói:
– Ôi thưa ông, khi người đàn ông đã phẫn nộ thì họ nói đủ chuyện mà họ nghĩ ra.
Người ấy báo cáo lại cho vua lời nói của hai người. Vua nói cái gì không có chủ đều thuộc quyền của vua. Vua truyền gọi nữ Dạ-xoa lại, cho nó ngồi trên lưng một con voi, đi vòng xung quanh thành rồi trở về cung điện và cho nó ở một nội cung của hoàng hậu. Sau khi vua tắm rửa, vào buổi chiều ăn xong rồi lên long sàng. Nữ Dạ-xoa ấy tự ăn đồ ăn thích hợp cho mình, sửa soạn trang điểm, và nằm với vua trên long sàng. Ðêm đã qua, sau khi vua hưởng lạc, đang nằm ngủ, nữ dạ-xoa xoay mình qua một bên hông rồi khóc. Vua hỏi vì sao nàng khóc. Nữ Dạ-xoa trả lời:
– Thưa Ðại Vương, thiếp được Ðại Vương gặp ở giữa đường và đem về cung, nhưng cung của Ðại vương có nhiều tỳ thiếp. Sống ở đây, giữa thù địch, thiếp cảm thấy như bị nắm đầu dìm xuống, bị choáng váng khi họ hỏi: Cha mẹ nàng là ai? Dòng họ hay thọ sanh nàng là gì? Nàng chỉ là người được nhặt về giữa đường! Nếu Ðại vương cho thiếp quyền uy và thế lực trên cả vương quốc thì không ai có thể làm thiếp tức giận với câu nói như vậy nữa!
– Này hiền thê, ta không có quyền đối với những ai ở trong vương quốc này. Ta không phải là chúa tể hay chủ nhân của họ. Những ai làm vua tức giận hay làm điều gì sai quấy, khi ấy ta mới là chủ của họ. Vì lý do này, ta không thể cho hiền thê quyền uy và thế lực trên cả vương quốc.
– Vậy thưa Ðại vương, nếu Ðại vương không thể cho thiếp thế lực trên cả nước hay trên toàn thành, ít nhất hãy cho thiếp thế lực trên những người ở trong nội cung, để thiếp có thể ngự trị những ai sống trong hoàng cung.
Vua quá đắm say bởi thiên xúc nên không thể từ chối lời nói của nữ Dạ-xoa, bèn chấp thuận.
– Lành thay, này hiền thê, ta sẽ cho hiền thê thế lực đối với những ai sống trong nội cung, như vậy, hiền thê có thể đặt họ dưới quyền lực của mình.
Nữ Dạ-xoa ưng thuận, chờ cho vua ngủ, liền đi về thành Dạ-xoa đem theo cả đoàn nữ Dạ-xoa vào cung. Rồi nó tự tay đoạt sinh mạng của vua và ăn tất cả gân, da, thịt, máu, chỉ để lại xương. Các nữ Dạ-xoa còn lại từ cửa lớn đi vào, bắt ăn từ các con gà, con chó trong nội cung, chúng ăn tất cả, chỉ để xương còn lại. Ngày hôm sau, thấy cửa còn đóng, người ta đến đập cửa rầm rầm, và tìm cách đi vào trong, chỉ thấy xương rải rác khắp nội cung. Thấy vậy, họ nói:
– Người đàn ông ấy đã đúng khi nói rằng nàng ấy không phải là vợ mình, chính là nữ Dạ-xoa! Còn nhà vua, không biết chút gì, lấy nó làm vợ. Nữ Dạ-xoa ấy chắc đã gọi các con Dạ-xoa đến, ăn thịt tất cả rồi bỏ đi.
Còn Bồ-tát, ngày ấy, ở tại nhà dành cho các người chiêm bái, sau khi đặt bùa cát trên đầu, và cột bùa chỉ quanh trán, liền cầm gươm đứng dậy, chờ tời sáng. Các người khác dọn sạch toàn bộ nội cung, lát đất với cỏ xanh, thoa hương, rắc hoa, treo từ mái nhà thòng xuống những bó hoa, xông hương thơm, cột những vòng hoa. Rồi họ tụ họp lại bàn tính với nhau:
– Thưa các bạn, người ấy chế ngự được các căn, không nhìn nữ Dạ-xoa hiện hóa thiên sắc đi theo sau. Người thật là bậc đại nhân kiên trì, thông minh và đầy đủ trí tuệ! Ðược người như vậy trị vì vương quốc, tất cả quốc độ sẽ được hạnh phúc. Hãy tôn vị ấy lên làm vua.
Tất cả các vị đại thần và thị dân, đều đồng một ý muốn, liền đi đến Bồ-tát và thưa:
– Thưa Hoàng tử, hãy trị vì vương quốc này.
Họ mời Bồ-tát vào thành, đặt Bồ-tát trên đống châu báu, làm lễ quán đảnh và tôn Bồ-tát lên làm vua ở thành Takkasilà. Từ bỏ con đường đưa đến bốn ác thú, không vi phạm mười vương pháp, Bồ-tát trị vì quốc độ đúng pháp, trọn đời làm các công đức như bố thí v.v.. rồi đi theo nghiệp của mình khi mệnh chung.
*
Bậc đạo Sư kể câu chuyện quá khứ xong liền đọc bài kệ này:
Như người mang bát dầu
Ðầy vun không cho đổ,
Cũng vậy, bảo vệ tâm,
Như đi phương hướng lạ!
Như vậy, bậc Ðạo Sư hướng đến điểm cao nhất của thuyết pháp là Niết-bàn và nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, chúng tùy tùng của vua là hội chúng đức Phật, còn Hoàng tử quốc vương là Ta vậy.
Thấy Ji-va-ka-chết…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo tin vào sự tác thành của cái tên gọi. Tương truyền, một thiện nam trẻ tên là Papaka (Người ác), có tâm tín thành vào Giáp pháp, và xuất gia. Khi các Tỷ-kheo gọi:
– Hãy đến, Hiền giả Papaka! Hãy đứng lại, Hiền giả Papaka.
Tỷ-kheo ấy nghĩ: “Ở đời, tên Papaka có nghĩa là ác độc, là lời nguyền rủa. ta cần phải đặt một tên khác có liên hệ đến điều lành”.
Tỷ-kheo ấy đến vị sư trưởng và giáo thọ sư và thưa:
– Thưa các Tôn giả, tên của con chỉ điềm xấu. Hãy đặt cho con một cái tên khác.
Hai vị ấy nói với Tỷ-kheo:
– Này Hiền giả, cái tên chỉ để gọi thôi, không có nghĩa thành tựu mục đích. Hãy tự bằng lòng với cái tên mình.
Tỷ-kheo ấy lại yêu cầu nhiều lần. Chúng tăng biết được Tỷ-kheo ấy tin tưởng vào điềm lành của tên. Một hôm, các Tỷ-kheo ngồi họp ở Chánh pháp đường, và bắt đầu câu chuyện như sau:
– Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo ấy tin tưởng vào điềm lành của tên, yêu cầu đặt một tên liên hệ đến điềm lành.
Bậc Ðạo Sư đi đến Chánh pháp đường hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay mới như vậy. Xưa kia, Tỷ-kheo ấy cũng tin tưởng điềm lành của tên.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, tại Takkasilà, Bồ-tát là một vị Sư trưởng có danh tiếng ở nhiều phương, và năm trăm thanh niên Bà-la-môn đến học Vệ đà, học thuộc lòng. Một thanh niên trong bọn có tên Pàpaka (Kẻ độc ác). Ðược nghe gọi: Hãy đến Pàpaka, hãy đi Pàpaka. Anh ta suy nghĩ: “Tên của ta là một điềm xấu, ta hãy xin đổi một tên khác”.
Thanh niên đi đến gặp sư trưởng và thưa:
– Thưa sư trưởng, tên của con là một điềm xấu. Hãy đặt cho con một cái tên khác có tính cách tốt đẹp.
Sư trưởng nói:
– Hãy ra đi, này con thân. Hãy đi trong cả nước tìm được một tên có điềm lành mà con thích, rồi trở về đây, ta sẽ đổi tên cho con.
Chàng thanh niên vâng lời, đem theo lương thực lên đường, đi từ làng này sang làng khác và đến một thành phố. Tại đấy, có một người đã chết tên là Jìvaka (người sống). Anh ta thấy người chết được những bà con đưa đến nghĩa địa bèn hỏi:
– Người ấy tên chi.
– Tên là Jìvaka.
– Jìvaka mà cũng chết ư?
– Jìvaka cũng chết. Ajivaka (Không sống) cũng chết. Cái tên chỉ dùng để gọi thôi. Hình như ông là người khùng thì phải.
Nghe nói vậy, chàng thanh niên cảm thấy hơi yên tâm với cái tên của mình và đi vào trong thành. Bấy giờ một tỳ nữ, vì không đem tiền công về, bị những người chủ bắt ra ngồi ngoài đường, đánh nó với dây roi. Tên của người nữ tỳ ấy là Dhanapàli (Người giàu có). Ðang đi giữa đường thấy nữ tỳ bị đánh, anh ta hỏi:
– Vì sao đánh người này?
– Vì nó không đem tiền công về.
– Tên cô ta là gì?
– Tên nó là Dhanapàli (Người giàu)
– Với tên Dhanapàli, cô ta lại không thể cho tiền công sao?
– Dhanapàli hay Adhanapàli (Không giàu), chúng đều nghèo khổ. Cái tên chỉ dùng để gọi thôi. Ông hình như khùng thì phải.
Anh ta càng thấy yên tâm hơn nữa với cái tên của mình.
Ði ra khỏi thành, giữa đường anh ta gặp một người đi lạc. Thấy và biết người ấy lạc đường, chàng thanh niên hỏi tên người ấy:
– Nhưng ông tên à gì?
– Tên tôi là Panthaka (Người chỉ đường)
– Tên là Panthaka mà lại lạc đường sao?
– Panthaka hay Apanthaka (Lạc đường) đều có thể lạc đường. Cái tên chỉ để gọi thôi. Hình như ông khùng thì phải!
Khi ấy, chàng thanh niên Bà-la-môn hoàn toàn yên tâm với cái tên của mình. Anh ta đi về, gặp Bồ-tát và được Bồ-tát hỏi đã tự bằng lòng với cái tên gì chưa mà trở về, anh ta trả lời:
– Thưa Sư trưởng, Jìvaka hay Ajìvaka đều chết. Dhanapali ha Adhanapali đều nghèo. Panthaka hay Apanthaka đều lạc đường. Cái tên chỉ để gọi thôi. Cái tên không tác thành công việc. Cái tên không làm nên công việc. Vì thế con bằng lòng với tên mình và không muốn đổi tên khác nữa.
Bồ-tát kết hợp điều người thanh niên Bà-la-môn ấy đã thấy và điều người ấy đã làm, rồi nói lên bài kệ này:
Thấy Ji-va-ka chết,
Dha-na-pa-li nghèo,
Và thấy Pan-tha-ka
Ði lạc ở trong rừng,
Pa-pa-ka bằng lòng
Trở về với tên mình.
*
Sau khi kể chuyện quá khứ, bậc Ðạo sư nói thêm:
– Này các Tỷ-kheo, nay cũng như trong quá khứ, Tỷ-kheo ấy tin ở nơi sự tác thành của tên.
Rồi bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, kẻ tin sự tác thành của tên cũng là Tỷ-kheo hiện nay tin sự tác thành của tên. Hội chúng của sư trưởng là hội chúng của đức Phật, còn sư trưởng là Ta vậy.
Lành thay, vị hiền trí…,
Câu chuyện này khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một người đi buôn lừa đảo. Tại Xá-vệ có hai người cùng chung nhau làm nghề đi buôn, chở hàng hóa bằng xe, đi khắp toàn quốc, được tiền lời rồi đi về. Người đi buôn lừa đảo suy nghĩ:
“Người đi buôn này trải qua nhiều ngày ăn uống, ngủ nghỉ cực khổ, nên mệt mỏi. Nay về nhà, được ăn uống thỏa thích với các món ngon, nhiều thứ đặc biệt, nó có thể chết vì bội thực. Ta sẽ chia hàng hóa này thành ba phần, một phần cho con cháu nó, hai phần thuộc về ta”. Nghĩ vậy, kẻ ấy hẹn chia phần ngày này qua ngày khác, nhưng thực sự không muốn chia. Người đi buôn hiền trí không muốn bức bách kẻ ấy phải chia nên đi đến tinh xá đảnh lễ bậc Ðạo Sư và được tiếp đón thân tình. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Có gì trở ngại lớn chăng? Sao nay ông mới đến đây, đã lâu rồi sao ông không đến hầu thăm đức Phật?
Ông đem tất cả câu chuyện thuật lại với Thế Tôn, bậc Ðạo Sư nói:
– Này gia chủ, không phải chỉ nay nó mới là người đi buôn lừa đảo. Thuở xưa, nó cũng là người đi buôn lừa đảo rồi. Nay nó đang muốn lường gạt ông, như trước kia nó đã lường gạt các bậc hiền trí.
Theo lời yêu cầu của người đi buôn hiền trí, bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ tát sanh ra trong một gia đình thương gia, đến ngày đặt tên, được đặt tên là Pandita (bậc hiền trí). Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ tát cùng chung vốn với một người đi buôn khác. Người ấy tên là Ðại hiền trí. Họ chở hàng hóa trên năm trăm cỗ xe, đi khắp quốc độ, buôn bán hàng hóa, lấy được tiền lời rồi đi về Ba-la-nại. Ðến thời chia hàng hóa, Ðại hiền trí nói:
– Tôi phải lấy hai phần.
– Vì sao vậy?
– Bạn là Hiền trí, tôi là đại hiền trí, Hiền trí xứng đáng được một phần, Ðại hiền trí xứng đáng được hai phần.
– Hai chúng ta bỏ chung về tiền vốn, về bò xe… đều bằng nhau. Sao bạn lại được hai phần?
– Vì ta là Ðại hiền trí.
Như vậy, lời qua tiếng lại tăng thêm đi đến cãi lộn nhau. Ðại hiền trí nghĩa ra một kế, bảo cha mình trốn vào trong một bọng cây và nói:
– Khi nào hai chúng tôi đến, cha hãy nói: Ðại hiền trí xứng đáng được hai phần.
Rồi Ðại hiền trí đi đến Bồ tát và nói:
– Này bạn, tôi có xứng đáng được hai phần hay không, vị thần của cây này biết, chúng ta đến hỏi thần ấy.
Nó liền yêu cầu thần cây:
– Thưa vị thần cây, chúng tôi có sự tranh chấp, xin ngài giải quyết cho.
Người cha giả thần đổi giọng nói:
– Vậy hãy nói lên.
– Thưa ngài, người này là Hiền trí, tôi là Ðại hiền trí, chúng tôi cùng nhau buôn bán. Ở đây cần phân chia lợi tức như thế nào?
– Hiền trí nên được một phần, còn Ðại hiền trí nên được hai phần.
Bồ tát nghe lời phán quyết tranh chấp như vậy, quyết tìm xem đó có phải thần cây hay không, bèn đem rơm đến, bỏ đầy vào lỗ cây, rồi đốt lửa. Cha của Ðại hiền trí, thân bị đốt bởi ngọn lửa đang cháy, liền leo lên, vịn vào cành cây.
Vừa rơi xuống đất, ông vừa nói lên bài kệ:
Lành thay, vị Hiền trí!
Tên Ðại hiền không lành,
Vì con Ðại hiền trí,
Ta gần bị chết thiêu!
Sau đó cả hai chia đồng đều, lấy nửa phần bằng nhau… rồi về sau, khi mệnh chung, họ đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể câu chuyện quá khứ, bậc Ðạo sư kết luận với câu:
– Thuở trước, nó là người đi buôn lừa đảo cũng như bây giờ.
Và ngài nhận diện Tiền thân:
– Kẻ đi buôn lừa đảo lúc ấy là kẻ đi buôn lừa đảo hôm nay, còn người đi buôn hiền trí là Ta vậy.
Ngàn kẻ ngu tụ hội…,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một câu hỏi của người phàm phu ngoại đạo. Câu chuyện sẽ được kể trong Tiền thân Sarabhanga. (số 522).
Một thời, Các Tỷ-kheo hội họp tại Chánh pháp đường, ngồi tán thán công đức của vị Tướng quân Chánh pháp như sau:
– Tướng quân Chánh pháp Xá-lợi-phất đã giải thích một cách rộng rãi một câu trả lời vắn tắt của bậc Ðạo Sư.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông nay ngồi đang bàn luận vấn đề gì?
Khi được trả lời về vấn đề đang bàn đến, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Xá-lợi-phất mới giải thích một cách rộng rãi một câu nói vắn tắt của Ta. Trong thời quá khứ, Xá-lợi-phất cũng trả lời như vậy.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ tát sanh ra trong gia đình một Bà-la-môn phương tây bắc, học tất cả tài nghệ ở Takkasila. Rồi ngài từ bỏ dục, xuất gia làm vị tiên nhân du sĩ, chứng được năm Thắng trí và tám Thiền chứng, và trú tại Tuyết Sơn. Bồ tát có năm trăm vị tu khổ hạnh vây quanh. Vị đệ tử đầu tay của ngài, trong mùa mưa, đem theo một nữ hội chúng tu sĩ, đi đến chỗ ở của quần chúng để xin muối và giấm. Ðây là thời Bồ tát phải đi đến mạng chung. Các đệ tử muốn biết sự chứng đắc của ngài, liền hỏi:
– Ngài đạt được quả vị gì?
Bồ tát trả lời:
– Không có gì.
Nói vậy xong, ngài từ trần và sanh lên cõi Phạm thiên quang âm (các Bồ tát có thể được Thiền chứng Sắc giới, nhưng không thể vượt qua Sắc giới để sanh vào Vô sắc giới). Các đệ tử không hiểu ý nghĩa lời nói ấy liền nói:
– Thầy chúng ta đã không chứng được gì.
Vì vậy họ không có tổ chức lễ thiêu ở nghĩa địa một cách cung kính. Người đệ tử đầu tay trở về và hỏi:
– Sư trưởng ở đâu?
– Sư trưởng đã tịch rồi.
– Các bạn có hỏi Sư trưởng chứng đắc gì không?
– Vâng, chúng tôi có hỏi.
– Sư trưởng trả lời như thế nào?
– Sư trưởng trả lời: Không có gì! Nghe nói vậy, chúng tôi không làm lễ thiêu ở nghĩa địa một cách cung kính.
Vị đệ tử đầu tay nói:
– Các bạn không hiểu ý nghĩa của lời Sư trưởng nói. Sư trưởng đã đạt được thiền chúng Vô sở hữu xứ.
Chúng đệ tử nghe vị ấy nói vậy nhiều lần, nhưng không tin. Bồ tát biết được sự việc, suy nghĩ: “Các ngươi ấy thật là mù và ngu. Chúng không tin đệ tử đầu tay của ta! Ta sẽ làm cho sự việc này trở thành rõ ràng trước đại chúng”.
Rồi Bồ tát từ Phạm thiên giới đi xuống, với thần lực lớn, đứng giữa hư không, trên tu viện của mình, tán thán trí tuệ của đệ tử trưởng và nói lên bài kệ này:
Ngàn kẻ ngu tụ hội
Khóc than một trăn năm,
Không bằng một người trí
Hiểu nghĩa lời được nói.
Như vậy, bậc Ðại Sĩ đứng giữa hư không, thuyết pháp, làm cho hội chúng các tu khổ hạnh tỉnh ngộ rồi đi về Phạm thiên giới. Các tu khổ hạnh ấy trở thành có trí và sau khi mệnh chung cũng đều được tái sanh về cõi Phạm thiên.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vị đệ tử đầu tay là Xá-lợi-phất, còn Ðại Phạm thiên là Ta vậy.
Chính đắng, không phải ngọt…,
Câu chuyện này, khi ở tại rừng Kundadhàno gần thành Kundiya, bậc Ðạo Sư đã kể về nữ cư sĩ Suppavàsà, con gái vua Koliya. Lúc bấy giờ, nữ cư sĩ ấy mang thai đã bảy năm chịu đau đớn khi sanh đến bảy ngày, cảm thọ rất khốc liệt. Dầu bị khổ đau khốc liệt, nàng vẫn chịu đựng với ba tư niệm này: “Chánh Ðẳng Giác là bậc Thế Tôn, Ngài thuyết pháp để đoạn trừ đau khổ như vậy. Tăng chúng, đệ tử của Thế Tôn, khéo hành trì để đoạn trừ đau khổ như vậy. Ðại an lạc là Niết bàn, tại đấy, đau khổ không có mặt”.
Ngài cho gọi chồng lại, bảo chồng đến yết kiến bậc Ðạo Sư, trình Ngài biết tình trạng của nàng và những lời đảnh lễ của nàng.
Sau khi nghe những lời đảnh lễ, bậc Ðạo Sư liền chú nguyện: “Mong rằng Suppavàsà, con gái vua Koliya được an lạc, được khỏe mạnh và nàng sẽ sanh ra đứa con trai khỏe mạnh”. Nhờ lời nói ấy của Thế Tôn, Suppavàsà, con gái vua Koliya, an lạc khỏe mạnh, sanh ra được một đứa con trai khỏe mạnh! Chồng nàng đi về nhà, thấy nàng đã sanh được con trai nói:
– Ôi thật vi diệu thay!
Và tâm tư ông hết sức khâm phục đại thần lực vi diệu của Như lai. Sau khi sanh con, Suppavàsa muốn cúng dường trong bảy ngày cho chúng Tăng với đức Phật là vị cầm đầu, liền bảo chồng đi mời.
Lúc bấy giờ, đức Phật và Tăng chúng đã được một tín chủ của Ðại Mục-kiền-liên mời cúng dường trong bảy ngày. Bậc Ðạo Sư muốn tạo cơ hội cho Suppavàsà cúng dường, liền cử người đến bậc Trưởng lão, tin cho Trưởng lão biết là Ngài đã nhận sự cúng dường của Suppavàsà trong bảy ngày với chúng Tỷ-kheo.
Ðến ngày thứ bảy, Suppavàsà mặc aó đẹp cho đứa con tên là Sivali, bảo con đảnh lễ bậc Ðạo Sư và chúng Tỷ-kheo tăng. Tuần tự thứ lớp, đứa con được đưa đến Trưởng lão Xá-lợi-phất. Trưởng lão thân mật đón tiếp đứa trẻ và hỏi:
– Này Sivali, mọi việc đều tốt đẹp với con chăng?
Ðứa trẻ liền nói với Trưởng lão:
– Thưa Tôn giả, sao con có thể an lạc được? Trong bảy năm, con đã sống trong bình máu.
Suppavàsà nghe vậy, hết sức hoan hỷ nói:
– Con tôi mới có bảy ngày, đã thảo luận với bậc Tướng quân Chánh pháp về vấn đề giác ngộ.
Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Supavàsà, con có muốn các con trai khác như vậy không?
– Bạch Thế Tôn, nếu có được bảy đứa con trai như vậy, con cũng muốn.
Sau khi nói lời cảm hứng, bậc Ðạo Sư hoan hỷ khích lệ và đi về. Thiếu niên Sivali, vào năm thứ bảy, hiến tâm mình cho đạo, và xuất gia. Khi tuổi được đầy đủ, vị ấy thọ đại giới, làm các công đức, đạt được lợi đắc cao nhất trên cõi đất, tức là quả A-La-hán, và khiến quả đất vang lên tiếng động hoan nghênh.
Một hôm, các Tỷ-kheo hội họp Chánh pháp đường, nói như sau:
– Hiền giả Sivali được đại phước như vậy là do cầu nguyện, cuối cùng mới được sanh, bảy năm ở trong bình máu, bảy ngày chịu trận đau đẻ. Ôi hai mẹ con chịu đựng đau khổ lớn. Cả hai đã tạo nghiệp gì sanh quá vậy?
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông nay ngồi ở đây bàn luận vấn đề gì?
Sau khi nghe vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, Sivali là người đại phước, bảy năm ở trong bình máu, bảy ngày chịu trận đau vì sanh đẻ, căn bản là do nghiệp tự mình tạo ra. Còn Supavàsà chịu đau khổ mang thai trong bụng bảy năm, chịu khổ đau vì sanh đẻ bảy ngày, căn bản cũng do nghiệp mình tạo ra.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ tát đầu thai làm con bà hoàng hậu của vua, đến tuổi trưởng thành ngài học tất cả tài nghệ. Sau khi phụ vương mất, ngài trị vì vương quốc đúng pháp. Lúc bấy giờ, vua Kosala đi đến với một đạo quân lớn, chiếm lấy Ba-la-nại, giết vua Ba-la-nại, lấy hoàng hậu của vua làm hoàng hậu của mình.
Khi cha bị giết, hoàng tử con vua Ba-la-nại chạy trốn ngang qua các ống cống, tập hợp lực lượng, đi đến Ba-la-nại, cắm trại không xa, gửi tin nói:
– Hãy giao thành hay giao chiến.
Vua gửi tin trả lời sẵn sàng đánh. Mẹ hoàng tử nghe sự việc như vậy, nhắn tin con:
– Chớ đánh. Hãy cắt đứt giao thông từ mọi phía, bao vây thành Ba-la-nại, chờ cho đến khi nào củi, nước, gạo khánh kiệt, mọi người mệt mỏi, không cần đánh con cũng sẽ lấy được thành.
Hoàng tử nghe lời khuyên của mẹ, trong bảy ngày cắt đứt đường giao thông, và vây chặt thành phố. Dân thành phố không nhận được tiếp viện đến bảy ngày. Ngày thứ bảy họ lấy đầu vua và đem nạp cho hoàng tử. Hoàng tử đi vào thành, lấy lại vương quốc, và khi mạng chung đi theo nghiệp của mình.
Hoàng tử đã cắt đứt đường giao thông, vây hãm thành bảy ngày, do kết quả hành động ấy, phải sống bảy năm trong bình máu và bảy ngày chịu cơn đau đẻ. Nhưng vì hoàng tử cúi đầu đảnh lễ chân đức Phật Padumattara, cầu nguyện với bố thí lớn để chứng được quả vị tối thượng, lại nữa, trong thời đức Phật Vipassi (Tỳ-bà-thi), hoàng tử cùng với thị dân bố thí đường, sữa đông, v.v… trị giá ngàn đồng vàng, và cũng nói lên lời cầu nguyện ấy, do vậy, với uy lực của mình, hoàng tử chứng được quả tối thượng. Vì Suppavàsà gửi tin báo con vây và chiếm thành, nên nàng phải mang thai bảy năm và chịu cơn đau sanh đẻ bảy ngày.
*
Bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ xong, liền đọc bài kệ này:
Chính đắng, không phải ngọt,
Chính hận, không phải ái,
Chính khổ, không phải lạc.
Nhiếp phục kẻ phóng dật.
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, hoàng tử vây hãm thành, và lấy được vương quốc là Sivali, người mẹ là Suppavàsà, và người cha, vua Ba-la-nại là Ta vậy.
PHẨM PAROSATA
Trăm kẻ ngu tụ hội…,
Trăm kẻ ngu tụ hội.
Thiền tư một trăm năm,
Không bằng một người trí
Hiểu nghĩa lời Phật dạy.
Tiền thân này, về câu chuyện, về giải thích và nhận diện Tiền thân đều giống như Tiền thân Parasahassa (số 99), chỉ riêng ở đây đề cập đến Thapeyya (Thiền tư).
Người đáng che chở ta…,
Câu chuyện này, khi trú tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một cư sĩ bán rau trái. Nghe nói, có một cư sĩ trú ở Xá-vệ, buôn các loại cú và lá, các loại bí, bầu v.v…để nuôi sống; cư sĩ ấy có một người con gái xinh đẹp, tín thành, đầy đủ chánh hạnh giới đức, biết tàm, biết quý, nhưng luôn luôn có nụ cười trên mặt.
Khi các gia đình môn đăng hộ đối đến xin hỏi cưới nàng, người cư sĩ suy nghĩ: “Con gái của ta cần phải gả chồng. Nhưng nó có tật hay cười. Khi một đứa con gái đứng đắn đưa đến một gia đình khác có tật hay cười là một cái nhục cho bố mẹ. Ta phải tìm hiểu nó có phải là người con gái tốt nết hay không.”
Một hôm, cư sĩ báo người con gái đem giỏ theo, đi vào rừng để hái lá trong rừng. Rồi để thử nàng, cư sĩ cầm tay nàng, nói những lời kín đáo tỏ tình như muốn phạm lỗi, nàng liền bật khóc và than:
– Thưa cha thân, làm vậy không tốt, giống như lửa hiện ra từ nước. Chớ làm vậy.
– Này con thân, chỉ vì cha muốn thử con, nên cha mới cầm tay con. Con hãy nói lên. Nay con vẫn là đứa con gái có đức hạnh.
– Từ trước đến nay con chưa nhìn người đàn ông nào với lòng tham ái!
Người cha an ủi con gái, dắt về nhà, tổ chức tiệc cưới và đưa con gái về nhà chồng. Rồi người cư sĩ ấy quyết định đi đảnh lễ bậc Ðạo Sư, đem theo hương, vòng hoa v.v…, Ông đến Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo Sư, cúng dường rồi ngồi xuống một bên. Khi được hỏi vì sao lâu nay không thấy đến, người cư sĩ ấy thuật câu chuyện cho Thế Tôn rõ. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này cư sĩ, thiếu nữ này từ lâu đã sống có chánh hạnh, có giới đức. Không phải chỉ nay, ông mới thử nó. Chính trong quá khứ, ông cũng đã thử rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm một thần cây ở trong rừng. Một người cư sĩ bán rau trái ở Ba-la-nại (câu chuyện giống như câu chuyện hiện tại), khi người cư sĩ cầm tay con gái để thử lòng, cô con gái bật khóc và nói lên bài kệ này:
Người đáng che chở ta
Trong khi ta đau khổ,
Người ấy là cha ta,
Lại làm quấy với ta.
Chính tại giữa ngôi rừng,
Ta khóc việc làm ấy.
Người đáng che chở ta,
Lại là kẻ thù ta.
Khi ấy người cha an ủi con gái, hỏi nàng có biết giữ gìn bản thân không, người con gái trả lời nàng biết giữ gìn bản thân mình. Người cha đem nàng về nhà, tổ chức tiệc đám cưới và đưa về nhà chồng.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư giảng về các Sự thật, và cuối bài giảng ấy, người bán rau được an trú vào quả Dư lựu. Rồi bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Người cha và con gái lúc bấy giờ là người cha và con gái hiện tại, thần cây chứng kiến sự việc ấy là Ta vậy.
Tại chỗ kẻ thù ở…,
Câu chuyện này khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về ông Cấp Cô Ðộc. Nghe nói Cấp Cô Ðộc, khi đến làng mà ông đang làm thôn trưởng, để giải quyết xong việc, trên đường trở về, ông thấy bọn ăn trộm, liền nghĩ: “Thật không nên chậm trễ giữa đường. Ta phải đi gấp về Xá-vệ”. Ông thúc bò đi thật mau, đến được Xá-vệ trong ngày hôm sau, đi đến Kỳ-Viên, ông kể lại sự việc cho bậc Ðạo Sư rõ. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này gia chủ, thuở trước các vị hiền trí giữa đường thấy bọn ăn trộm, đã vội đi ngay về nhà không chậm trễ.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadtta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là vị triệu phú có tài sản lớn. Bồ-tát là vị triệu phú có tài sản lớn. Bồ- tát được một dân làng mời đi ăn. Ăn xong, trên đường trở về, Bồ-tát thấy những tên ăn trộm, Bồ-tát không ở lại giữa đường, thúc bò đi gấp về đến nhà của mình. Sau khi ăn nhiều món ngon lành khác nhau, ngồi trên giường lớn, Bố-tát nói:
– Ta thoát khỏi tay bọn ăn trộm, nay được về nhà của mình không có sợ hãi.
Rồi Bồ-tát cảm hứng đọc bài kệ này:
Tại chỗ kẻ thù ở,
Người trí không ở đấy.
Một đêm hay hai đêm,
Gặp khổ giữa kẻ thù.
Như vậy, Bồ-tát thốt lên lời cảm hứng, và trọn đời làm các công đức bố thí v.v… rồi lúc mạng chung, ngài đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, Ta là người triệu phú ở Ba-la-nại.
Từ bốn đi đến tám…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo khó bảo. Câu chuyện đã được nói đến với các chi tiết trong Tiền thân Mittavinda (số 41). Chuyện Tiền thân này xảy ra trong thời đức Phật Ca-diếp.
*
Lúc bấy giờ, một người trong địa ngục bị quăng bánh xe trên ngực, đang bị đốt, nấu trong địa ngục, hỏi Bồ-tát:
– Thưa Tôn giả, tôi đã làm điều ác gì?
Bồ-tát nói:
– Ngươi đã làm tội này, tội này!
Rồi Bố-tát đọc bài kệ:
Từ bốn đi đến tám,
Từ tám đi mười sáu,
Mười sáu đến băm hai,
Kẻ tham đến bánh xe,
Bánh xe lăn trên đầu,
Ðến khi dục đoạn tận.
Nói vậy xong, Bồ-tát đi về thế giới chư Thiên của mình. Còn chúng sanh trong địa ngục, sau khi ác hạnh đoạn tận, đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, Mittavindaka là Tỷ-kheo khó bảo, còn Bồ-tát là Ta vậy.
Rừng này có nhiều cành…,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo sống trong tình trạng hoảng sợ. Tương truyền, một thiện nam tử ở Xá-vệ, sau khi nghe pháp, xuất gia, nhưng lại luôn luôn sợ chết; ban đêm cũng như ban ngày. Bất cứ chỗ nào, nghe tiếng gió thổi, cành cây khô rơi, chim kêu hay tiếng vật bốn chân, vị ấy liền la hét bỏ chạy. Vị ấy không biết có thành tức có hoại; nếu vị ấy biết: Các hành là vô thường, ta sẽ chết, thì vị ấy sẽ không sợ chết.
Vì không tu tập niệm chết, nên mới sợ chết. Tánh sợ chết của vị ấy được chúng Tỷ-kheo biết đến. Một hôm các Tỷ-kheo ở tại Chánh pháp đường khởi lên câu chuyện:
– Này chư Hiền, Tỷ-kheo tên này, bị sự chết làm hoảng hốt nên sợ chết.Vậy mỗi Tỷ-kheo cần phải tu tập pháp môn niệm chết rằng: Ta thế nào cũng phải chết.
Bậc Ðạo Sư đi đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi họp tại đây đang bàn luận vấn đề gì?
Khi được nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư cho gọi Tỷ-kheo ấy đến, hỏi có thật vị ấy sợ chết chăng, khi được Tỷ-kheo ấy trả lời có thật, bậc Ðạo Sư nói với các Tỷ-kheo.
– Này các Tỷ-kheo, chớ có tư tưởng không hoan hỷ đối với Tỷ-kheo này. Không phải chỉ nay, vị ấy mới sợ chết. Trong quá khứ, vị ấy cũng đã sợ chết rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở thành Ba-la-nại, Bồ tát sanh làm thần cây ở Tuyết Sơn. Lúc bấy giờ, vua Ba-la-nại đem con voi báu của mình giao cho các người nài voi để huấn luyện nó đừng dao động. Họ cột chặt con voi bất động và bắt đầu huấn luyện voi tập tánh bất động. Khi con voi, bị bắt tập như vậy, không thể chịu nổi đau khổ, liền bẻ gãy cây cột, đuổi các người tập và đi vào Tuyết Sơn. Người ta không thể bắt nó được, bèn đi trở về.
Tại đấy, con voi bắt đầu sợ chết, nghe tiếng gió động, nó hoảng hốt sợ chết, đập vòi qua lại và chạy thật nhanh, như khi nó bị cột vào cây cột tập đừng dao động. Không hưởng được thân thoải mái hay tâm thoải mái, nó đi lang thang trong nỗi dao động. Thần cây thấy nó, đứng trên chỗ nhánh chĩa hai của thân cây, nói lên bài kệ này:
Rừng này có nhiều cành,
Gió bẻ gãy cành mục,
Này voi, nếu ngươi sợ,
Ngươi sẽ ốm yếu thôi.
Như vậy, thần cây khuyên dạy con voi ấy. Từ đó trở đi, con voi không sợ hãi nữa.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết về các Sự thật. Cuối bài giảng, Tỷ-kheo ấy chứng quả Dự lưu. Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, con voi là Tỷ-kheo ấy, còn thần cây là Ta vậy.
Hạnh phúc, đời sống tôi…,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về sự cám dỗ của một thiếu nữ béo mập. Câu chuyện này sẽ được kể trong Tiền thân Culla-Nàrada-Kassapa, trong Chương thứ mười ba (số 477). bậc Ðạo Sư nói với Tỷ-kheo ấy:
– Có thật chăng, này Tỷ-kheo, ông bị luyến ái?
Khi được trả lời là thật có như vậy, bậc Ðạo Sư hỏi:
– Ông luyến ái ai?
Tỷ-kheo ấy trả lời:
– Tôi luyến ái một thiếu nữ béo mập.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, người thiếu nữ này đã làm chuyện không tốt lành cho ông. Thuở xưa, cũng vì thiếu nữ này, ông đã gặp nạn, đi lang thang dao động, may nhờ có bậc hiền trí, ông mới lấy lại an lạc.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, chuyện này đã xảy ra (câu chuyện này sẽ được kể trong Tiền thân Culla-Nàrada-Kassapa). Lúc bấy giờ, Bồ-tát vào buổi chiều, mang trái cây đi đến am thất bằng lá, mở cửa và nói với con trai là Cullatàpasa (vị Tiểu khổ hạnh):
– Này con thân, trong những ngày trước, con đã đem củi, nước uống, thức ăn, và đốt lửa. Nhưng hôm nay, con không làm một việc gì cả, mà nằm với vẻ mặt buồn bã bơ phờ như vậy?
– Thưa cha thân, khi cha đi hái các loại trái v.v…một nữ nhân đến cám dỗ con, và muốn đem con đi. Nhưng con không đi vì chưa được phép cha. Con bảo nàng ngồi tại chỗ ấy chờ đợi con đến. Nay thưa cha thân, con muốn ra đi.
Bồ-tát biết rằng con mình quá say mê luyến ái không thể từ bỏ nữ nhân ấy, nên nói:
– Này con thân, con cứ đi đi! Nhưng, khi nào cô ấy muốn ăn cá thịt v.v…và cần dùng các món bơ chín, muối, gạo v.v…và sai con đi tìm để mang về cái này cái khác, làm con mệt mỏi, hãy nhớ am thất của cha và chạy trốn về đây!
Rồi Bồ-tát cho đứa con đi. Ðứa con ấy cùng với nữ nhân đi về chỗ ở của dân chúng. Nữ nhân ấy về nhà mình, khi cần dùng vật gì liền sai người tình đi lấy:
– Hãy mang thịt về, hãy mang cá về.
Khi ấy, đứa con trai suy nghĩ: “Nữ nhân này hành hạ ta, chẳng khác đầy tớ hay người nô lệ của mình”.
Hạnh phúc, đời sống tôi
Bị nữ tặc cướp mất,
Nhân danh là vợ tôi,
Tôi phải nấu phải nướng,
Phải múc nước, gánh nước,
Phải xin muối, xin dầu!
Rồi Bồ-tát an ủi con trai, dạy cậu tu tập lòng từ, lòng bi, hạnh hỷ và hạnh xả, và trình bày đối tượng thiền quán. Người con trai ấy không bao lâu đắc các Thắng trí và Thiền chứng, cùng với người cha được sanh lên Phạm thiên giới.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng về các Sự thật. Cuối bài giàng, Tỷ-kheo ấy chứng được Dự lưu. Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Người thiếu nữ béo mập thời ấy là người thiếu nữ béo mập hiện nay, Cullatàpasa là Tỷ-kheo bị luyến ái, còn người cha là Ta vậy.
Lành thay, một nghề tinh…,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Tỷ-kheo đã ném trúng con ngỗng trời. Nghe nói có một thiện nam tử ở Xá-vệ đạt được thù thắng trong đức hạnh. Một hôm, vị ấy đưa một Tỷ-kheo trẻ đi đến sông Aciravati tắm, còn vị ấy đứng trên bờ. Lúc ấy hai con ngỗng trời trắng bay ngang qua hư không. Vị ấy nói với Tỷ-kheo trẻ:
– Với hòn đá, ta sẽ ném trúng mắt con ngỗng trời bay sau, làm cho ngỗng rơi xuống dưới chân ta.
Người kia nói:
– Bằng cách nào làm rơi được? Thầy không thể quăng trúng đâu.
– Hãy chờ một lát! Ta sẽ quăng trúng con mắt bên phía này xuyên qua con mắt bên phía kia.
– Chuyện thầy nói không thể xảy ra.
– Vậy ông hãy đợi xem.
Vị ấy cầm một hòn đá có ba cạnh, dùng ngón tay liệng hòn đá về phía sau lưng con ngỗng trời ấy. Con ngỗng trời nghe tiếng đá bay, nghĩ rằng có nguy hiểm, quay đầu lại để nghe. Trong giây phút ấy, vị ấy lấy một hòn đá tròn, khi con ngỗng trời đang quay đầu lại, liền quăng hòn đá trúng con mắt ở phía bên kia của ngỗng trời. Hòn đá đi xuyên qua con mắt bên này. Con ngỗng trời kêu lên một tiếng lớn rồi rơi xuống dưới chân hai vị.
Vị Tỷ-kheo kia thấy vậy, trách Tỷ-kheo ấy đã làm một việc hoàn toàn không thích đáng, rồi dẫn vị ấy đến gặp bậc Ðạo Sư và báo cáo việc làm không tốt đẹp kia. Bậc Ðạo Sư quở trách Tỷ-kheo ấy và nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo ấy mới thiện xảo trong nghề của mình. Thuở xưa, vị ấy mới thiện xảo trong nghề của mình. Thuở xưa, vị ấy cũng đã thiện xảo rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một đại thần của vua. Lúc bấy giờ, vị cố vấn tế tự của vua nói nhiều, lắm mồm lắm miệng. Khi ông ta bắt đầu nói, người khác không có cơ hội để nói. Nhà vua suy nghĩ: “Ta phải tìm cho được người có thể cắt đứt lời nói của nó”. Từ đó, vua đi tìm một người như vậy.
Lúc bấy giờ, ở Ba-la-nại có một người què, thuần thục trong nghề ném đá. Các đứa trẻ trong làng đặt nó trên chiếc xe nhỏ, kéo ra cửa thành Ba-la-nại. Tại đó, có một cây bàng lớn có nhiều cành lá rậm rạp. Các đứa trẻ đưa nó ra tại đấy, vây quanh và cho nó một số tiền nhỏ v.v… bảo làm hình con voi, con ngựa. Nó ném đá và tạo thành hình các con vật trên các ngọn lá của cây bàng. Tất cả là đều bị cắt qua cắt lại như vậy.
Rồi nhà vua, trong khi đi dạo công viên, đến tại chỗ ấy. Các đứa trẻ sợ nghi vệ của vua nên bỏ chạy, chỉ còn lại người què nằm đó. Vua đi đến gốc cây bàng, ngồi trên xe thấy, từng đám là cây loang lổ, ngó lên, thấy tất cả lá bị cắt đứt, liền hỏi ai đã làm như vậy. Khi được nói chính là người què đã làm như vậy, nhà vua suy nghĩ: “A! Nhờ người này, nay đã có cách có thể cắt lời nói của vị Ba-la-môn ấy được!”.
Vua bèn hỏi người què ở đâu. Chúng đi tìm, thấy nó nằm dưới gốc cây, liền báo cho vua biết. Vua kêu nó lại, bảo các tuỳ tùng tránh xa, và hỏi:
– Chúng ta có một vị ấy Bà-la-môn lắm mồm lắm miệng, người có thể làm cho nó ngưng nói được không?
– Thưa Ðại Vương, có thể được, nếu tôi có hột phân dê khô đầy một ống thổi.
Vua đem người què về cung, bảo nó ngồi sau lưng một cái màn có một lỗ hở, đặt ghế ngồi của vị Bà-la-môn hướng về lỗ hở ấy và cho đặt gần người què một ống thổi đầy phân dê khô. Vị Bà-la-môn đi đến hầu vua, ngồi trên cái ghế riêng của ông ta và bắt đầu câu chuyện. Cũng như bao lần trước, ông ta không cho ai khác có cơ hội để nói.
Bấy giờ, người què, ngang qua lỗ hở của màn, bắn phân con dê từng viên một, vào đúng cổ họng của vị Ba-la-môn như những con ruồi tuần tự đi vào. Vị Bà-la-môn nuốt các viên phân ấy mỗi khi chúng bay đến. Khi tất cả viên phân dê từ ống thổi đã đi vào bụng vị Bà-la-môn, chúng nở to lên bằng nửa alhaka (một đơn vị đo lường khoảng hơn bốn lít rưởi). Khi vua biết được các viên phân dê không còn nữa, mới nói:
– Này sư trưởng, ông nói nhiều quá, nên đã nuốt các viên phân dê đầy cả một ống mà không hay biết gì! Ông không thể nào tiêu hoá nhiều hơn thế nữa hôm nay. Hãy về uống nước cây tắc, để nôn ra và được khỏi bệnh.
Từ đó về sau, người cố vấn tế tự ngồi với miệng ngậm câm, không nói gì trong khi bàn luận. Vua nói:
– Lỗ tai của ta được an lạc nhờ người què này!
Vua cho nó bốn làng trong bốn phương hướng Ðông, Tây, Nam, Bắc, có huê lợi một trăm ngàn đồng.
Sau đó Bồ tát đi đến hầu vua và thưa:
– Thưa Ðại Vương, nghề này, các bậc hiền trí ở đời cần phải học. Chỉ nghề ném đá đã đem lại cho người què kết quả vinh hiển như vậy.
Nói xong, Bố-tát đọc bài kệ:
Lành thay, một nghề tinh,
Dầu đó là nghề gì,
Xem kẻ què ném đá,
Ðược làng cả bốn phương.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, người què là vị Tỷ-kheo này, vua là Ànanda, còn vị đại thần hiền trí là Ta vậy.
Hãy học điều cần học…,
Câu chuyện này, khi trú ở ngôi phòng lớn có nóc nhọn tại Ðại Lâm, gần Tỳ-xá-ly, bậc Ðạo Sư đã kể về một người Licchavi. Nghe nói, vị vua Licchavi này có lòng tin, hoan hỷ mời chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu, và tổ chức một lễ cúng dường lớn tại trú xứ của mình. Bà vợ của vua, tay chân béo mập, như có tướng phát phì ra và ăn mặc lôi thôi. Bậc Ðạo Sư dùng cơm xong, nói lời tùy hỷ, rồi đi về tinh xá. Sau khi giáo giới các Tỷ-kheo ngài vào Hương phòng. Các Tỷ-kheo ngồi họp tại Chánh pháp đường bắt đầu câu chuyện.
– Này các Hiền giả, vua Licchavi ấy đẹp trai như vậy, lại có bà vợ tay chân béo mập, ăn mặc lôi thôi. Sao vua có thể thương một người như vậy?
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Nay các Tỷ-kheo nay các ông ngồi tại đây đang bàn luận về vấn đề gì?
Sau khi nghe vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay mà thôi, thuở xưa, vị ấy cũng đã thương mến nữ nhân thân thể béo mập rồi!
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ tát là vị đại thần của vua. Có một nữ nhân thôn quê thân thể béo mập, ăn mặc lôi thôi, làm công ăn lương, đang đi ngang qua gần sân chầu của nhà vua, cảm thấy thân bị bức bách bèn ngồi xuống lấy áo che thân, giải tỏa sự bức bách của thân và nhanh nhẹn, đứng dậy.
Lúc bấy giờ, vua Ba-la-nại tình cờ đang nhìn xuống ngang qua cửa sổ, thấy nữ nhân ấy liền suy nghĩ: “Người này trong khi giải tỏa sự bức bách của thân tại sân vua như vậy, vẫn không từ bỏ tàm quý, dùng áo che đậy, giải tỏa bức bách xong, liền đứng dậy một cách nhanh nhẹn. Nữ nhân này chắc chắn khỏe mạnh, nhà cửa nữ nhân này chắc chắn sạch sẽ, nếu nàng có một đứa con, đứa con ấy chắc chắn sẽ được sạch sẽ và sống có giới đức. Ta phải đặt người này lên làm hoàng hậu”.
Sau khi biết được nữ nhân này chưa thuộc sở hữu của ai, vua bèn cho gọi nữ nhân ấy đến và đặt nàng vào địa vị hoàng hậu. Nàng trở thành người được vua yêu thương và thân thiết. Không bao lâu, nàng sanh được con trai. Nhà vua đặt con trai nàng lên làm Chuyển luân vương. Bồ tát nghe câu chuyện về sự may mắn của nàng, liền dùng cơ hội này thưa với vua:
– Thưa đại vương, phàm việc gì cần phải làm cho được tốt đẹp, sao lại không học tập? Sự việc này, do nữ nhân có đức hạnh lớn, khi giải tỏa sự bức bách của thân, vẫn không từ bỏ tâm quý, biết dùng phương tiện che đậy, khiến Ðại vương đẹp lòng và ban cho nàng phước lớn như vậy.
Rồi để tán thán mọi việc cần phải làm cho được tốt đẹp, Bồ tát đọc bài kệ này:
Hãy học điều cần học,
Dầu có kẻ cứng đầu.
Gái quê khéo tiểu tiện,
Làm đẹp lòng đức vua.
Như vậy, Bồ tát nói lời tán thán những ai đã làm tốt đẹp những điều cần phải học.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Hai vợ chồng thời ấy là vợ chồng hiện tại, còn vị đại thần hiền trí là Ta vậy.
Người ta ăn thứ gì…
Câu chuyện này, khi trú ở Xá vệ, bậc Ðạo sư đã kể về một người rất nghèo khổ. Ở Xá vệ, khi thì chỉ một gia đình cùng dường chúng Tăng với đức Phật là vị cầm đầu, khi thì ba bốn gia đình họp lại, khi thì cả thành chung đóng góp cúng dường. Nhưng nay là cả con đường chung sức lại cúng dường các thức ăn với cháo và bánh.
Lúc bấy giờ, có một người rất nghèo khổ, làm thuê cho các người khác, cũng ở trong con đường ấy, tự nghĩ: “Ta không thể cúng dường cháo. Ta cúng dường bánh vậy!” Anh ta cạo lấy bột đỏ của vỏ trấu mềm, nhào với nước, gói bánh ấy trong ngọn lá bạch vi rồi nướng bánh trong than đỏ, với ý định đem cúng dường đức Phật. Khi mới nghe nói: hãy đem bánh đến cúng dường, anh ta liền đến trước tất cả mọi người, và bỏ các bánh trong bát bậc Ðạo sư. Bậc Ðạo sư không nhận lấy bánh của những ngưởi khác, chỉ ăn các bánh của anh ta. Khi ấy, toàn thành đều đồn vang:
– Bậc Chánh Ðẳng Giác không khinh chê bánh làm bằng bột trấu đỏ của người nghèo khổ và đã ăn bánh ấy.
Khi ấy, từ vua, đại thần… cho đến các người gác cửa, tất cả đều hội họp lại, đảnh lễ bậc Ðạo sư, rồi đi đến người nghèo khổ ấy và nói:
– Hãy lấy đồ ăn, hãy lấy hai trăm, hãy lấy năm trăm đồng tiền, nhưng cho chúng tôi công đức cúng dường bánh ấy.
Người nghèo khổ nghĩ: “Phải hỏi bậc Ðạo sư rồi ta mới quyết định”.
Anh ta đi đến bậc Ðạo sư và thưa lại câu chuyện ấy. Bậc Ðạo Sư nói:
– Hãy lấy toàn bộ tài sản họ cho, nhưng hồi hướng công đức ấy về cho tất cả chúng sanh.
Anh ta bắt đầu nhận tiền. Một số người ấy cho gấp hai, gấp bốn, gấp tám kẻ khác… Như vậy, cho đến khi anh ta nhận được chín trăm ngàn tiền vàng. Bậc Ðạo Sư nói lời tùy hỷ, rồi đi về tinh xá. Sau khi nói lên những công việc phải làm và khuyến giáo lời tốt lành cho các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư đi vào Hương phòng.
Vào buổi chiều, vua cho gọi người nghèo khổ ấy đến và mời anh ta làm quan giữ kho bạc cho vua. Các Tỷ-kheo ngồi họp tại Chánh pháp đường bắt đầu câu chuyện như sau:
– Này các Hiền giả, bậc Ðạo sư đã ăn bánh bằng bột trấu đỏ của người nghèo khổ như ăn món bất tử. Nhờ vậy, nguời nghèo khổ được nhiều tiền và được địa vị làm quan giữ kho bạc, được nhiều phước lộc lớn lao.
Bậc Ðạo sư đến hỏi các Tỷ-kheo đang ngồi bàn luận vấn đề gì. Ðược biết vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta mới không khinh chê và ăn bánh làm bằng bột trấu đỏ của người ấy. Thuở trước, khi làm thần cây, ta cũng đã ăn như vậy rồi. Và cũng nhờ Ta mà kẻ ấy được chức vụ làm quan giữ kho bạc.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở trước, vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ tát sanh làm vị thần cây trên cây dầu đu đủ. Lúc bấy giờ, những người trong ngôi làng ấy tin tưởng sức mạnh thiêng liêng của các vị thần. Trong một lễ hội, người ta làm nhiều lễ vật để cúng các thần cây. Có một người nghèo khổ thấy các người ấy sửa soạn cúng dường các thần cây, cũng sắp đặt cúng dường thần cây dầu đu đủ.
Các người ấy đi đến, mang theo vòng hoa, hương, hương liệu, các món bánh… Còn anh ta chỉ đem theo bánh làm bằng bột trấu đỏ, và nước đựng trong cái gáo dừa. Anh ta đi đến, đứng xa cây dầu đu đủ và nghĩ: “Các vị thần ăn bánh chư Thiên. Thần của ta sẽ không ăn bánh làm bằng bột trấu đỏ này. Sao ta làm phí mất các bánh này? Ta hãy ăn nó đi!”. Nghĩ vậy, anh ta quay trở về. Bồ tát đứng trên nhánh chĩa ba của cây, nói lớn:
– Này ông bạn tốt ơi! nếu bạn là người có quyền thế, bạn sẽ cúng dường ta bánh ngon bánh ngọt. Nhưng bạn nghèo khổ, nếu ta không ăn bánh làm bằng bột trấu đỏ, thì ta sẽ ăn cái gì khác được? Chớ làm mất phần của ta.
Nói vậy xong, Bồ tát đọc bài kệ:
Người cúng ăn thứ gì,
Thần cũng ăn thứ ấy,
Ðem lại bánh bột trấu,
Chớ làm mất phần ta!
Anh ta quay trở lại, nhìn thấy Bồ tát rồi dâng vật cúng Bồ tát, ăn chất dinh dưỡng từ bánh ấy, rồi nói với anh ta.
– Này bạn, vì mục đích gì bạn cúng dường ta?
– Thưa ngài, tôi là người nghèo khổ. Tôi cúng dường với mục đích nhờ ngài giúp tôi thoát cảnh nghèo khổ này.
– Này bạn, chớ có lo nghĩ việc ấy nữa. Bạn đã cúng dường cho một vị thần biết ơn nghĩa, và nhớ đến các việc làm tốt. Nhiều ghè chứa châu báu được chôn xung quanh cây dầu đu đủ này. Chúng được xếp hàng, cổ ghè này chạm cổ ghè khác. Hãy báo cho vua biết, dùng cỗ xe chở tài sản, chất đống tại sân chầu vua. Vua sẽ bằng lòng bạn và cho bạn chức quan giữ kho bạc.
Sau khi nói xong, Bồ tát biến mất. Anh ta làm như Bồ tát dặn và được vua ban cho chức quan giữ kho bạc. Như vậy, nhờ Bồ tát, anh ta đạt được nhiều phúc lợi lớn và khi mạng chung, đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này xong, liền nhận diện Tiền thân như sau:
– Kẻ nghèo khổ thời ấy là kẻ nghèo khổ hiện tại, và thần cây dầu đu đủ là Ta vậy.
Không bao gồm tất cả…,
Chuyện câu hỏi bao quát tất cả này sẽ được kể trong Tiền thân Ummagga (số 546 áp cuối tập Jàtaka VI).
PHẨM HAMSA
Ngươi nghĩ mình là ngỗng…,
Chuyện câu hỏi của con lừa sẽ được nói đến trong Tiền thân Ummagga số 546
Các thứ bánh và cháo…,
Chuyện câu hỏi của hoàng hậu Bất tử cũng sẽ được kể số 546 (như trên)
Ngươi tin chó rừng say…,
Câu chuyện này,khi ở tại Trúc Lâm, bậc Ðạo sư đã kể về Ðề-bà đạt đa. Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo ngồi họp tại Chánh pháp đường bàn đến những việc làm tổn đức của Ðề-bà-đạt-đa.
– Thưa các Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa đem theo năm trăm Tỷ-kheo, đi đến Gayãsĩsa và nói: Sa-môn Gotama làm không đúng pháp, điều ta làm mới đúng pháp. Các Tỷ-kheo ấy bị đưa vào đường sai lạc bởi những lời nói dối như vậy, kẻ ấy đã phá hòa hợp Tăng và tổ chức hai lễ Bố-tát trong một tuần.
Bậc Ðạo sư đến, hỏi vấn đề gì đang được bàn luận, và khi được biết vấn đề ấy, Ngài nói:
– Này các Tỷ-kheo không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới nói láo, lúc trước, kẻ ấy cũng đã nói láo rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm một thần cây ở một khu rừng có nghĩa địa. Lúc bấy giờ, ở Ba-la-nại có hội lễ cúng sao. Các người tổ chức cúng lễ các quỷ Dạ-xoa. Họ rải khắp các công viên, các ngã tư đường…nhiều cá thịt và sắp đặt nhiều bát rượu.
Lúc ấy, có con chó rừng, vào nửa đêm, chui từ lỗ cống đi vào thành, ăn cá thịt, uống rượu, rồi chui vào trong một bụi cây nằm ngủ đến sáng. Khi nó thức dậy, thấy ánh sáng, biết rằng nay không thể trở ra được. Nó đi đến gần đường, nằm xuống một chỗ mà người ta không thấy nó được, nhưng nó thấy người ta và nằm im không nói gì.
Rồi một Bà-la-môn đang đi đến rửa mặt; thấy người ấy, con chó rừng suy nghĩ: “Các Bà-la-môn hay tham tiền, ta phải đánh trúng vào tánh tham lam ấy để họ dấu ta giữa nách, che ta với áo ngoài và đưa ta ra ngoài thành”. Với giọng người, nó nói:
– Này Bà-la-môn!
Vị Bà-la-môn quay lại hỏi:
– Ai kêu ta đó?
– Chính là tôi Bà-la-môn.
– Có chuyện gì vậy?
– Này Bà-la-môn, tôi có hai trăm đồng tiền vàng. Nếu bạn dấu tôi giữa nách, che tôi với áo ngoài, không cho một ai thấy và có thể đưa tôi ra ngoài thành, tôi sẽ cho bạn hai trăm đồng tiền vàng ấy.
Bà-la-môn vì tham tiền nên nhận lời, làm đúng như lời dặn, đưa con chó rừng ra ngoài thành. Ði được một lát, con chó rừng hỏi:
– Này Bà-la-môn, đây là chỗ nào?
– Chỗ ấy, chỗ ấy.
– Hãy đi thêm một lát nữa.
Như vậy, nó thúc đẩy vị Bà-la-môn nhiều lần, cho đến khi ra nghĩa địa lớn. Khi ấy, con chó rừng nói:
– Hãy thả tôi xuống đây.
Vị Bà-la-môn thả nó xuống, chó rừng nói:
– Này Bà-la-môn, hãy trải cái áo ngoài ra.
Vì lòng tham, kẻ ấy trải áo ngoài ra. Chó rừng lại nói:
– Này Bà-la-môn, hãy đào gốc cây này.
Và khi Bà-la-môn đang đào đất, con chó rừng leo lên cái áo ngoài, đi đại tiện trên năm chỗ, bốn góc và chính giữa, bôi phân cho nhớp, rồi đái cho ướt và bỏ đi vào rừng.
Bồ-tát đứng trên chỗ chĩa ba của cây, đọc bài kệ này:
Ông tin chó rừng say,
Hỡi Bà-la-môn ơi!
Trăm tiền ốc chả có,
Ðâu có hai trăm vàng?
Sau đó, Bồ-tát nói với vị Bà-la-môn:
– Này Bà-la-môn hãy đi tắm và giặt áo ngoài của ông.
Nói xong, Bồ-tát biến mất. Vị Bà-la-môn nghe vậy, biết mình đã bị lừa, và sầu muộn bỏ đi!
*
Sau khi kể pháp thoại này xong, bậc Ðạo sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, con chó rừng là Ðề-bà-đạt-đa, còn vị thần cây là Ta vậy.
Nghĩ nhiều và nghĩ ít…,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về hai Trưởng lão lớn tuổi. Nghe nói, hai Trưởng lão ấy, sau khi an cư mùa mưa tại một làng thôn quê, đã quyết định đi đến yết kiến bậc Ðạo Sư, và chuẩn bị lương thực để lên đường. Nhưng họ hoãn ngày này qua ngày khác, cho đến một tháng trôi qua. Rồi họ chuẩn bị lương thực mới, cũng như lần trước, và trì hoãn tháng này tháng khác. Như vậy, vì sự biếng nhác, trìu mến trú xứ của họ, ba tháng trôi qua, họ mới lên đường đi đến Kỳ Viên. Sau khi cất đặt y bát tại phòng chung, họ đến yết kiến bậc Ðạo Sư. Khi các Tỷ-kheo hỏi vì sao lâu ngày họ không đến hầu đức Phật và nguyên nhân của sự chậm trễ, họ báo cáo về sự biếng nhác của mình.
Tại Chánh pháp đường, câu chuyện về sự biếng nhác của các Tỷ-Kheo ấy được Tăng chúng đề cập. Bậc Ðạo Sư đến, hỏi về vấn đề đang được bàn luận, và khi được báo cáo vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư cho gọi hai Tỷ-Kheo ấy và hỏi có đúng như vậy không. Khi được họ xác nhận sự thật là vậy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ nay họ mới biếng nhác, thuở trước, họ cũng đã biếng nhác và trìu mến trú xứ như vậy rồi:
Sau khi nói xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta trị vì ở Ba-la-nại, có ba con cá sống ở sông Ba-la-nại, một con tên Nghĩ nhiều, một con tên Nghĩ ít, một con tên Nghĩ vừa. Chúng từ rừng đi đến cảnh giới loài người. Tại đấy, Nghĩ vừa nói với hai con kia:
– Cảnh giới loài người này thật nguy hiểm và dễ sợ. Các người đánh cá quăng lưới, và bắt cá. Chúng ta hãy đi về nguồn lại.
Hai con cá vì biếng nhác, vì tham mồi, trì hoãn lên đường, cho đến ba tháng trôi qua. Rồi những người đánh cá quăng lưới xuống sông. Nghĩ nhiều và Nghĩ ít tìm mồi đi trước, vì mù quáng ngu si, chúng không đề phòng lưới giăng nên đi vào trong mạng lưới. Nghĩ vừa đi sau cẩn trọng đề phòng. Biết được hai con kia đã sa vào mạng lưới, nó suy nghĩ: “Ta sẽ cứu sống những con cá biếng nhác, mù quáng, ngu si này”.
Nó bơi vào phía ngoài lưới giăng, làm vùng vẫy mắt lưới như đã được thoát, ra và làm tung toé nước như đã lặn về phía trước lưới. Rồi nó đi vào mạng lưới. Các người đánh cá nghĩ rằng các con cá đã vùng vẫy ra khỏi lưới và đã trốn đi rồi, nên nắm một góc lưới và kéo lên. Hai con cá ấy thoát khỏi lưới và lặn xuống nước. Như vậy, nhờ Nghĩ vừa, mạng sống của chúng đã được cứu thoát.
*
Sau khi kể câu chuyện quá khứ, bậc Ðạo Sư là bậc Chánh Ðẳng Giác, đọc bài kệ này:
“Nghĩ nhiều” và “Nghĩ ít”
Cả hai đều mắc lưới,
Chỉ có “Nghĩ đúng mức”
Giải thoát cho bọn chúng,
Cả ba đã gặp nhau,
Chính tại con sông này,
Như vậy, sau khi kể pháp thoại này xong, Bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bải giảng ấy, hai Tỷ-Kheo Trưởng lão chứng được quả Dự lưu. Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, “Nghĩ nhiều” và “Nghĩ ít” là hai Tỷ-Kheo Trưởng lão này, còn Nghĩ vừa là Ta vậy.
Ai khuyên răn kẻ khác,…
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo-ni giáo giới người khác. Nghe nói, ở tại Xá vệ có một thiện nữ nhân xuất gia, nhưng từ khi thọ đại giới, Tỷ-kheo-ni ấy không chú tâm vào Sa-môn pháp, chỉ tham luyến tài vật. Tại chỗ nào các Tỷ-kheo-ni khác không đi thì tại chỗ ấy, nàng đi khất thực một mình. Và người ta cúng dường cho nàng những món thượng vị. Bị trói buộc bởi lòng tham vị, nàng suy nghĩ: “Nếu tại chỗ này, các Tỷ-kheo khác đi đến khất thực, đồ lợi dưỡng của ta bị tốn giảm. Ta phải làm thế nào để các Tỷ-kheo-ni khác không đi đến địa phương ấy”. Nàng đi đến trú xứ các Tỷ-kheo-ni và nói:
– Này các Hiền tỷ, tại chỗ ấy có voi dữ, có ngựa dữ, có chó dữ, đó là một nguy hiểm. Chớ nên đi khất thực tại đấy.
Nàng khuyên răn các Tỷ-kheo-ni như vậy. Nghe nàng nói, không một Tỷ-kheo-ni nào dám quay đầu ngó về địa phương ấy.
Một hôm, trên đường khất thực tại đấy, khi đi vội vào một ngôi nhà, nàng bị một con cừu hung dữ húc, làm nàng gãy xương. Người ta chạy đến, cột hai khúc xương gãy làm một, đặt Tỷ-kheo-ni ấy nằm trên chiếc cáng, khiêng nàng đến trú xứ của Tỷ-kheo-ni. Các Tỷ-kheo-ni nhạo cười nàng và nói:
– Tỷ-kheo-ni này khuyên các Tỳ-kheo-ni khác đừng đi, nhưng tự mình đi đến địa phương ấy, do vậy bị gãy xương.
Việc làm của Tỷ-kheo-ni này không bao lâu được chúng Tỷ-kheo biết. Một hôm, tại Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo nói về hạnh phi công đức của Tỷ-kheo-ni ấy:
– Này các Hiền giả, Tỷ-kheo-ni ấy khuyên răn các người khác, còn tự mình đi đến tại chỗ ấy, nên bị con cừu hung dữ húc cho đến gãy xương.
Bậc Ðạo Sư đến, hỏi các Tỷ-kheo đang thảo luận vấn đề gì, khi biết vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay, mà xưa kia, nàng cũng đã lên tiếng khuyên răn, nhưng tự mình lại không làm theo lời răn, cho nên nàng thọ khổ lâu dài.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con chim, lớn lên, trở thành con chim chúa, có hàng trăm con chim vây quanh, và trú ở Tuyết Sơn. Khi Bồ-tát sống tại đấy, có một con chim cái hung dữ đi theo một con đường lớn để tìm đồ ăn. Con chim cái này lấy được lúa, đậu, hột giống v.v… từ các cỗ xe rơi xuống. Nó suy nghĩ: “Nay ta phải làm thế nào để các con chim khác đừng đến chỗ này”. Nghĩ vậy, nó khuyên răn đàn chim như sau:
– Con đường lớn đầy nguy hiểm, có voi, có ngựa, có cỗ xe do các con bò hung dữ kéo và các vật nguy hiểm khác qua lại. Không thể nào cất cánh bay lên mau được. Chớ nên đi trên đường ấy.
Vì lời khuyên ấy, đàn chim gọi nó là “Con chim cái khuyên răn”. Một hôm, đang tìm mồi trên con đường lớn, nghe tiếng cỗ xe chạy mau, con chim cái ấy quay cổ lại nhìn, nghĩ rằng xe còn xa, nên vẫn đi. Nhưng cỗ xe ấy đến gần nó mau như gió. Trong khi nó không thể bay lên được, bánh xe cán phải nó, và xe vẫn chạy vùn vụt.
Khi họp đàn chim, chim chúa không thấy nó, bèn hỏi:
– Con chim cái khuyên răn sao không có mặt? Hãy đi tìm nó.
Các con chim đi tìm, thấy nó bị cán đứt đôi, và về báo tin cho chim chúa biết, chim chúa nói:
– Chim cái ấy ngăn chặn các con chim khác, còn tự mình lại đi tại đấy nên bị cán đứt đôi.
Rồi chim chúa đọc bài kệ:
Ai khuyên răn kẻ khác,
Tự mình chạy theo tham,
Bị gãy cánh nằm xuống,
Bánh xe giết đời chim.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, con chim cái khuyên răn là Tỷ-kheo-ni khuyên răn, còn chim chúa là Ta vậy.
Thưa sư trưởng, vì thầy…,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo khó bảo. Câu chuyện này sẽ được nói đến trong Tiền thân Gijjha (số 427), chương chín. Bậc Ðạo Sư gọi Tỷ-kheo ấy:
– Này Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ông mới khó bảo, mà thuở trước ông cũng đã khó bảo rồi. Do khó bảo, không làm theo lời khuyên của bậc hiền trí, nên ông bị cây giáo đâm phải, và mạng chung.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình diễn trò nhào lộn. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát có trí tuệ, thiện xảo trong phương tiện. Với một nhà diễn trò nhào lộn, Bồ-tát học nghề múa với ngọn giáo, và cùng với thầy, đi khắp đó đây để biểu diễn.
Vị sư trưởng chỉ biết nghề múa với bốn ngọn giáo, chớ không biết múa với năm ngọn giáo. Một hôm, trong khi biểu diễn tại một ngôi làng, vị sư trưởng ngà ngà say, đặt mỗi dãy năm ngọn giáo và nói:
– Ta sẽ biểu diễn điệu múa với năm ngọn giáo.
Bồ-tát liền nói với vị ấy:
– Thưa sư trưởng, sư trưởng không biết nghề múa với năm ngọn giáo. Hãy cất đi một ngọn. Nếu sư trưởng biểu diễn, sư trưởng sẽ bị ngọn giáo thứ năm đâm phải và mạng chung.
Sư trưởng khá say nói:
– Con không biết được khả năng của ta.
Sư trưởng không nghe lời của Bồ-tát, múa qua được bốn ngọn giáo, nhưng đến ngọn giáo thứ năm bị giáo đâm thủng, như hoa Madhuka trên cành. Sư trưởng nằm oằn oại rên la, Bồ-tát nói:
– Do không nghe lời bậc hiền trí, nên thầy phải gặp nạn này:
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ:
Thưa sư trưởng, vì thầy
Làm quá sức của thầy,
Thầy không ưa, không thích
Lời khuyên này của tôi
Bốn giáo, thầy múa qua,
Ngọn thứ năm đâm chết.
Nói vậy xong, Bồ-tát đỡ thầy ra khỏi ngọn giáo và làm những gì cần phải làm sau cùng cho xác thân thầy.
*
Sau khi kể câu chuyện quá khứ, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, vị sư trưởng là Tỷ-kheo khó bảo này, còn người đệ tử là Ta vậy.
Lời quá thời cao mạnh…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về Kokalika. Câu chuyện sẽ được kể rõ ràng trong Tiền thân Takkaritya (số 481), Chương mười ba. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải nay, mà cả thời xưa nữa, Kokalika đã bị nạn diệt vong rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình ở phía tây bắc. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát học tất cả các nghề ở Takkasila, rồi từ bỏ các dục, xuất gia làm vị tiên nhân du sĩ, chứng được năm Thắng trí và tám Thiền chứng. Tất cả hội chúng ẩn sĩ ở Tuyết Sơn họp lại, tôn Bồ-tát lên làm sư trưởng khuyên giáo và đi theo thầy. Bồ-tát lãnh đạo năm trăm ẩn sĩ, hưởng thọ thiên lạc, sống ở Tuyết Sơn.
Lúc ấy một vị tu khổ hạnh bị bệnh vàng da đang dùng búa chặt củi. Một vị tu khổ hạnh nói nhiều đến ngồi gần vị này và nói:
– Hãy chặt chỗ này, hãy chặt chỗ này.
Vị tu khổ hạnh kia mất kiên nhẫn, phẫn nộ và nói:
– Ngươi đâu phải là thầy dạy ta bửa củi?
Kẻ ấy giơ cây búa sắc bén, và với một nhát búa, giết ngay mạng sống của vị tu khổ hạnh nói nhiều. Bồ-tát lo liệu các việc phải làm đối với thân thể nạn nhân.
Lúc bấy giờ, không xa am thất bảo, có một con chim đa đa sống dưới chân một gò mối. Vào buổi chiều, nó thường hay đứng trên gò mối ấy và hót lớn tiếng. Nghe tiếng nó, một thợ săn độc ác nhận được là tiếng con đa đa, liền giết nó và mang xác đi.
Bồ-tát không nghe tiếng con chim ấy, liền hỏi các người tu khổ hạnh tại gò mối:
– Tại sao ta không nghe tiếng nó nữa?
Các vị tu khổ hạnh báo cáo sự việc cho Bồ-tát rõ. Bồ-tát kết hợp hai sự kiện với nhau và nói lên bài kệ này giữa hội chúng ẩn sĩ:
Lời quá thời cao mạnh
Ðưa chết cho người nói,
Chim đa đa mất mạng,
Vì ngu, hót quá lời.
Như vậy, Bồ-tát tu tập Bốn Vô lượng tâm, và được sanh lên cõi trời Phạm thiên.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Kokalika vì lời nói của mình bị nạn diệt vong, mà thuở trước kẻ ấy cũng đã bị diệt vong rồi.
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, vị tu khổ hạnh nói nhiều là Kokalika; chúng ẩn sĩ là hội chúng đức Phật; còn Ðạo Sư hội chúng là Ta vậy.
Không suy nghĩ, người này…,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về con trai của triệu phú Uttara. Nghe nói, ở Xá-vệ có vị triệu phú Uttara rất giàu, vợ triệu phú sanh được một con trai có đức hạnh, từ Phạm thiên giới xuống; khi đến tuổi trưởng thành, cậu rất đẹp trai, giống như Phạm thiên.
Một hôm, khi ngày hội cúng sao Kattika được tổ chức ở Xá-vệ, mọi người vui chơi hội lớn. Nhưng người bạn, con trai các triệu phú khác đều có vợ. Riêng con triệu phú Uttara, vì sống lâu ở Phạm thiên giới, nên tâm không hướng đến luyến ái. Các bạn của cậu muốn đem cho cậu một nữ nhân để vui chơi hội sao, liền bàn với nhau, đến gặp cậu và nói:
– Này bạn, trong thành phố này, hội lớn cúng sao Kattika được tổ chức một đêm. Chúng tôi sẽ tìm cho bạn một nữ nhân để cùng nhau vui chơi hội lớn.
Dầu cậu nói không cần nữ nhân, các bạn vẫn nài ép, bắt cậu nhận. Họ trang điểm một nữ tỳ xinh đẹp, dắt đến nhà cậu, bảo nữ nhân ấy đi đến nhà con trai triệu phú, dẫn nàng đến phòng cậu rồi bỏ đi. Khi cô gái ấy vào phòng ngủ, con người triệu phú không ngó nàng và không nói năng gì. Cô gái suy nghĩ: “Ta tuyệt sắc, duyên dáng, mỹ lệ như thế này. Người này không ngó, cũng không nói với ta. Nay ta dùng sự cám dỗ và vẻ duyên dáng nữ nhân của ta làm người này phải nhìn đến ta”.
Nghĩ vậy, cô gái trình diễn mọi sự cám dỗ của nữ nhân. Ðể làm đẹp lòng cậu, nàng để lộ hàm răng tuyệt đẹp của nàng và mỉm cười. Chàng trai triệu phú nhìn nàng, nắm lấy hình tướng bộ xương răng. Tư tưởng về bộ xương khởi lên trong tâm chàng cho đến khi toàn thân nàng hiện ra như một chuỗi xương. Chàng trai cho tiền người con gái rồi bảo nàng đi.
Khi nàng ra khỏi nhà, một người quý phái thấy nàng ở giữa đường, liền cho tiền và dẫn nàng về nhà. Bảy ngày qua, lễ hội sao chấm dứt. Mẹ người nữ tỳ đẹp không thấy con gái của mình trở về, đến nhà các người con trai triệu phú, hỏi con gái ở đâu. Họ đi đến nhà con trai triệu phú Uttara để hỏi và được trả lời:
– Cô gái có đến một lát, tôi đã cho tiền và bảo đi về.
Nhưng mẹ cô gái không thấy con mình, bắt buộc họ phải trả nàng lại, và đem con trai triệu phú Uttara đến xin vua phân xử. Vua hỏi:
– Những người con trai các vị triệu phú có đem người nữ tỳ xinh đẹp giao cho ngươi không?
– Thưa Ðại vương, có.
– Nay có đâu rồi?
– Tôi không được biết. Nó chỉ ở lại một lát và tôi đã bảo nó đi về rồi.
– Vậy nay ngươi có thể đem nó lại không?
– Thưa Ðại vương, không được.
Vua nói:
– Nếu ngươi đem lại không được, hãy áp dụng hình phạt của ta.
Họ trói tay cậu ra phía sau, dắt cậu đi áp dụng hình phạt của vua. Cả thành vang dậy lời bàn tán:
– Nghe nói, con trai người triệu phú vì không trả lại đứa nữ tỳ xinh đẹp, nên bị đưa đi áp dụng hình phạt của vua.
Một đám quần chúng để tay trên ngực, vừa đi theo sau, vừa than:
– Việc này là thế nào, thưa ông chủ? Sao ông chủ lại gặp một việc bất công như thế này?
Người con trai triệu phú suy nghĩ: “Sự đau khổ này xảy ra vì ta sống trong gia đình. Nếu ta thoát luy được gia đình, ta sẽ xuất gia với bậc Ðại Gotama, Chánh Ðẳng giác.”
Bấy giờ cô nữ tỳ xinh đẹp nghe tiếng đồn vang, liền hỏi dò sự việc. Khi được nghe câu chuyện ấy, nàng chạy ra thật mau và la to:
– Các ông hãy dẹp qua một bên, dẹp qua một bên! Cho tôi gặp các người lính của vua.
Và nàng tự trình diện. Quân hầu của vua thấy nàng, liền giao nàng lại cho bà mẹ, thả con trai người triệu phú và bỏ đi. Người con trai triệu phú cùng với bạn bè vây quanh, đi đến sông, gội đầu thật sạch. Rồi cậu về nhà, ăn sáng xong, liền xin phép cha mẹ được xuất gia. Vị ấy mang theo các y, cùng với một số tùy tùng đông đảo, đi đến bậc Ðạo Sư, đảnh lễ Ngài, và xin xuất gia. Ðược xuất gia và được thọ đại giới, vị ấy phát triển thiền quán không gián đoạn, không bao lâu chứng quả A-la-hán.
Một hôm, các Tỷ-kheo hội họp tại Chánh pháp đường nói lời tán thán con trai triệu phú ấy:
– Thưa các Hiền giả, con trai vị triệu phú này, trong giờ phút nguy hiểm cho mình, đã biết được công đức của Giáo pháp, nghĩ đến xuất gia để thoát khỏi đau khổ ấy. Nhờ khéo suy tư như vậy, nên vị ấy được thoát nạn, được xuất gia, và chứng quả A-la-hán tối thượng.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi đề tài được bàn luận, sau khi biết câu chuyện, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỳ-kheo, con trai triệu phú Uttara, trong giờ phút nguy hiểm xảy ra cho mình, đã nghĩ đến phương tiện ấy để thoát khỏi sự đau khổ kia, và được thoát chết.
Thuở trước, các nhà hiền trí, khi nguy hiểm xảy ra cho mình, cũng đã nghĩ đến phương tiện ấy để giải thoát sự đau khổ kia. Nhờ suy nghĩ như vậy, họ được thoát khỏi đau khổ do nạn chết đem lại.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát tái sanh nhiều lần, rối sanh ra làm con chim cun cút. Lúc bấy giờ, có một người thợ săn chim cun cút, thường bắt nhiều cun cút trong rừng, đem về nhà, nuôi dưỡng chúng cho mập. Sau khi lấy tiền, anh ta bán chúng cho những người đi đến, và nuôi sống với nghề như vậy.
Một hôm anh ta bắt được Bồ-tát với nhiều con chim cun cút khác và đem về nhà. Bồ-tát suy nghĩ: “Nếu ta ăn đồ ăn và uống nước của người này, nó sẽ bắt ta và đưa cho những người đến xem. Nếu ta không ăn, ta sẽ trở thành ốm yếu, và thấy ta ốm yếu, các người ấy sẽ không bắt ta làm gì. Như vậy ta được an toàn. Ta hãy làm theo phương tiện này”. Bồ-tát làm theo như vậy, cho đến khi chỉ còn da và xương. Người ấy thấy chim quá ôm nên không bắt.
Sau khi bán hết các con chim khác trừ Bồ-tát, anh ta đem Bồ-tát ra khỏi lồng, đặt lồng ở nơi cửa, để Bồ-tát trên lòng bàn tay và nhìn xem con cun cút này có đau bệnh gì. Biết được người thợ săn không chú ý, Bố tát xòe cánh lên và bay vụt về rừng. Các con chim cun cút khác thấy Bồ-tát liền hỏi:
– Sao không thấy mặt bạn, bạn đi đâu vậy?
– Ta bị người thợ săn bắt.
– Làm sao bạn lại thoát được?
– Vì ta không ăn đồ ăn nó cho, không uống nước của nó, nhờ nghĩ đến phương tiện này, ta được thoát.
Nói xong, Bồ-tát đọc bài kệ:
Không suy nghĩ, người này,
Không được lợi đặc biệt,
Hãy xem quả suy tư!
Ta thoát trói, thoát chết.
Như vậy, Bồ-tát kể lại sự việc mình đã làm.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, con chim cun cút thoát chết là Ta vậy.
Không cha mẹ nuôi dưỡng…,
Câu chuyện này, khi trú tại Kỳ viên bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo làm ồn phi thời, Tỷ-kheo ấy là một thiện nam tử ở Xá vệ, xuất gia trong giáo pháp, nhưng không làm các phận sự của mình hay học pháp. Vị ấy không biết: Thời này, ta phải làm việc này; thời này, ta phải hầu hạ; thời này, ta phải học hành. Trong một canh, canh giữa và canh cuối và trong những giờ thức giấc, vị ấy làm ồn, khiến cá Tỷ-kheo không thể ngủ được.
Tại Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo nói đến hạnh không tốt của vị ấy:
– Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo tên ấy, xuất gia trong pháp bảo như vậy, nhưng không biết phận sự hay học pháp đúng thời hay phi thời.
Bậc Ðạo Sư đến, hỏi các câu chuyện đang bàn luận, sau khi được biết vấn đề, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay vị ấy mới làm ồn phi thời như vậy, mà thuở trước, vị ấy cũng đã làm ồn phi thời. Do không biết thời và phi thời, vị ấy đã bị vặn cổ chết.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở phương tây bắc. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài vượt qua biên giới, học tất cả tài nghệ, trở thành vị sư trưởng có tiếng khắp nhiều phương, và dạy nghề cho năm trăm thanh niên Bà-la-môn. Các người thanh niên ấy có một con gà trống gáy đúng giờ giấc. Khi nghe tiếng gà gáy, họ thức dậy học bài. Khi con gà ấy chết đi, họ đi tìm một con gà khác.
Một thanh niên đi nhặt củi trong khu rừng có nghĩa địa, thấy một con gà trống, liền bắt nó về, nhốt trong chuồng và nuôi nó. Vì quen sống ở nghĩa địa, nó không biết giờ nào cần phải gáy, có khi nó gáy lúc nửa đêm, có khi nó gáy lúc rạng đông. Khi các thanh niên ấy nghe nó gáy lúc nửa đêm, họ thức dậy học bài, cho đến rạng đông họ quá mệt không học được nữa. Vì buồn ngủ, họ không thấy được vấn đề cần phải thấy. Và khi quá sáng, con gà ấy gáy ồn ào họ không có cơ hội yên tĩnh để học ôn bài. Các thanh niên Bà-la-môn suy nghĩ: “Con gà này gáy vào nửa đêm, hoặc ban đêm, hoặc ban ngày. Do đó, chúng ta học không có kết quả”. Vì vậy, họ bắt con gà ấy vặn cổ cho chết đi, và báo cáo lên sư trưởng biết:
– Vì con gà gáy phi thời, chúng tôi đã giết nó rồi.
Vị sư trưởng lấy đó làm bài học và nói:
– Do nó không được dạy dỗ tốt, nên nó phải chết.
Rồi sư trưởng đọc bài kệ.
Không mẹ cha nuôi dưỡng,
Không thầy, dạy dỗ nó,
Con gà này không biết
Ðúng thời hay phi thời.
Sau khi nêu rõ lời dạy về sự việc này, Bồ-tát sống hết thọ mạng rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau.
– Thời ấy, con gà gáy phi thời là vị Tỷ-kheo này, các đệ tử là hội chúng đức Phật, còn sư trưởng là Ta vậy.
Chỗ này kẻ ngu nói…,
Câu chuyện này, khi trú tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về thiếu nữ Bà-la-môn Cinca. Câu chuyện này sẽ được kể trong Tiền thân Mahàpaduma, Chương mười hai (số 472). Lúc bấy giờ, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay thiếu nữ Bà-la-môn này vu cáo Ta điều không có thật. Thuở trứơc, nó cũng đã vu cáo rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát lớn lên trong gia đình một người cố vấn tế tự, và sau khi cha mất, Bồ-tát kế nghiệp chức vụ ấy. Lúc ấy hoàng hậu được vua cho một ước nguyện.
– Này Hoàng Hậu, nàng muốn gì, hãy nói lên.
Hoàng hậu nói như sau.
– Lời ước nguyện của thiếp không khó thực hiện. Từ nay trở đi Ðại vương không được nhìn một nữ nhân khác với con mắt luyến ái.
Ban đầu, vua từ chối, nhưng sau, bị nàng bức bách nhiều lần, không thể bỏ qua lời của hoàng hậu, vua phải chấp nhận, và từ đấy trở đi, vua không bao giờ nhìn một nữ nhân nào trong số mười sáu ngàn vũ nữ.
Rồi một cuộc nổi loạn khởi lên ở biên địa. Quân lính ở biên địa, sau hai ba lần giao chiến với các tên cướp, đưa tin về cho vua là họ không thể dẹp loạn được. Vua muốn đi đến đấy, liền tập họp một đội binh lớn, cho gọi hoàng hậu đến và nói.
– Này hiền thê, ta ra biên địa, tại đấy chiến trận đủ loại xảy ra, sẽ đưa đến chiến thắng hay chiến bại. Những chỗ ấy không thích hợp với nữ nhân. Hoàng hậu hãy ở lại đây.
Hoàng hậu nói.
– Thưa Ðại vương, thiếp không thể ở lại đây.
Khi bị vua từ chối nhiều lần, hoàng hậu nói.
– Vậy sau khi đi được mỗi dặm, Ðại vương hãy gửi một người về để hỏi thăm sức khoẻ của thiếp.
Nhà vua chấp nhận. Bồ-tát ở lại trong thành, còn vua ra đi với một đội quân lớn, cứ đi mỗi dặm, lại gửi một người về với trách nhiệm tin cho biết sức khoẻ của nhà vua và hỏi thăm hoàng hậu có được an lạc không. Khi có một người đàn ông đi về, nàng hỏi:
– Vua sai ngươi về có mục đích gì?
– Ðể hỏi hoàng hậu có được an lạc không.
Hoàng hậu bảo người ấy đến và sống phi pháp với nó. Vua đi đường được ba mươi hai dặm, gửi về ba mươi hai người, và hoàng hậu sống phi pháp với tất cả bọn họ.
Sau khi dẹp loạn xong, bình định được quốc độ, trên đường về, vua cũng gửi về ba mươi hai sứ giả. Hoàng hậu cũng sống phi pháp với họ. Cho quân thắng trận dừng chân gần thành, vua gửi tin nhắn Bồ-tát sửa soạn thành phố để đón tiếp ngài.
Bồ-tát cho sửa soạn thành phố xong, mới sửa soạn cung điện để đón vua và đi đến cung thất của hoàng hậu. Hoàng hậu thấy thân thể của Bồ-tát tuyệt đẹp, không thể dằn lòng nổi, liền nói:
– Này Bà-la-môn, hãy đáp lại tình yêu của ta.
Bồ-tát nói:
– Chớ nói vậy! Hãy kính trọng vua. Tôi sợ điều bất thiện. Tôi không thể làm như vậy được.
– Sáu mươi bốn tên sứ giả đã không kính trọng vua, đã không sợ điều bất thiện, vậy ngươi lại kính trọng vua và sợ điều bất thiện sao?
– Thưa vâng, nếu họ suy nghĩ, họ đã không làm như vậy, nhưng vì tôi có biết điều phải, tôi sẽ không làm việc ác này.
– Ðừng nói bậy nhiều như vậy! Nếu ngươi không làm theo lời ta, ta sẽ bảo chặt đầu ngươi.
– Thôi được, dầu cắt đầu tôi trong một đời này hay trong trăm ngàn đời, tôi cũng không thể làm như vậy.
– Hãy để đấy, rồi sẽ biết tay ta.
Hoàng hậu đe dọa Bồ-tát, rồi đi vào trong phòng của mình, lấy móng tay cào trên thân, lấy dầu thoa tay chân, mặc áo dơ bẩn vào, giả bệnh và cho gọi các nữ tỳ:
– Nếu vua có hỏi hoàng hậu ở đâu, thì trả lời hoàng hậu bị bệnh.
Trong lúc ấy Bồ-tát đi đón vua. Sau khi đi vòng quanh thành phố, vua ngự lên cung điện, không thấy hoàng hậu, liền hỏi hoàng hậu ở đâu. Khi được trả lời hoàng hậu bị bệnh, vua đi vào phòng hoàng hậu, xoa lưng hoàng hậu và hỏi:
– Hoàng hậu đau bệnh gì?
Hoàng hậu im lặng. Khi vua hỏi lần thứ ba, hoàng hậu nhìn vua và nói:
– Thưa Ðại Vương, nay Ðại vương còn sống, nhưng nữ nhân như thiếp cần phải có một người chồng.
– Ái khanh nói gì lạ vậy?
– Ðại vương đặt địa vị cố vấn tế tự ở lại giữ thành, nó lấy cớ là sửa sang nội cung, đến đây, và vì thiếp không làm theo lời nó, nó đánh đập thiếp cho thoả mãn ý của nó rồi bỏ đi.
Vua đùng đùng nổi giận, như muối và đường bỏ vào lửa, vụt đi ra khỏi cung phòng. Vua cho gọi các người gác cửa, các lính bộ binh đến, bảo họ bắt Bồ-tát ngay, trói cánh tay ra sau lưng như người bị xử án chém, rồi dẫn ra khỏi thành, đến pháp trường xử trảm. Họ đi thật mau, trói cánh tay vị cố vấn tế tự ra sau lưng và cho đánh trống báo tin có hành quyết. Bồ-tát suy nghĩ: “Như vậy nhà vua đã bị hoàng hậu độc ác đầu độc trước rồi. Hôm nay, ta phải cứu ta khỏi tai ương này với sức của mình”. Vì thế, Bồ-tát nói với những người lính:
– Trước khi các người giết ta, hãy đưa ta yết kiến vua.
– Ðể làm gì?
– Vì ta là người phục vụ vua, đã làm được nhiều công việc. Ta biết tài sản chôn dấu rất nhiều. Chính ta quản lý đất ruộng nhà vua. Nếu ta không gặp vua, thì nhiều tải sản sẽ bị tiêu diệt. Sau khi ta nói cho vua biết gia sản của vua, các ngươi hãy làm bổn phận của mình.
Họ đưa vị cố vấn tế tự đến gặp vua. Vua thấy vị ấy liền nói:
– Này Bà-la-môn, ngươi không xấu hổ đối với ta sao? Sao ngươi lại làm ác hạnh như vậy?
– Thưa đại vương, tôi sinh ra trong gia đình Bà-la-môn thượng lưu. Từ trước đến nay, tôi không sát sanh ngay cả một con kiến. Từ trước đến nay, tôi không lấy của không cho, ngay cả một cọng cỏ. Từ trước đến nay, tôi không nhìn đến một nữ nhân của người khác với con mắt luyến ái, dù chỉ một cái liếc mắt đưa tình. Từ trước đến nay, tôi không nói một lời nói dối, dầu chỉ để đùa vui. Tôi không có uống rượu, dù chỉ một giọt bằng ngọn cỏ Kusa. Tôi hoàn toàn vô tội đối với đại vương. Nhưng hoàng hậu độc ác kia đã cầm tay tôi với tâm tư đầy dục vọng, nói toạc cho tôi biết ác hạnh bí mật của mình trước khi đi vào cung phòng. Trước tôi đã có sáu mươi bốn người sứ giả đến đây, đem theo thông điệp của đại vương gửi hoàng hậu, những người ấy đều có tội. Hãy gọi họ đến đây và hỏi từng người trong bọn họ có làm như hoàng hậu đã bảo hay không.
Vua cho gọi sáu mươi bốn người kia và hoàng hậu đến và hỏi họ có làm như hoàng hậu đã bảo hay không. Họ thú nhận có làm. Nhà vua sai trói họ lại và ra lệnh chặt đầu cả sáu mươi bốn người ấy. Ðến đây, Bồ-tát thưa:
– Thưa đại vương, những người này không có tội! Chúng chỉ làm theo sở thích của hoàng hậu. Chúng vô tội, vậy hãy tha cho chúng! Còn hoàng hậu cũng không có tội. Tánh dâm dục của hoàng hậu không bao giờ thoả mãn, sanh ra đã như vậy rồi! Hoàng hậu chỉ làm thuận theo bản tánh của mình thôi! Do vậy, hãy tha thứ cho hoàng hậu.
Như vậy, bằng nhiều cách, Bồ-tát làm cho vua hiểu rõ sự việc, cứu mạng sống sáu mươi bốn người ấy và bà hoàng hậu ngu si, và xin vua ban cho họ những trú xứ để ở. Sau khi tất cả mọi người được giải thoát và được cho chỗ ở, Bồ-tát đến vua và thưa:
– Thưa Ðại vương, lời nói buộc tội không căn cứ của kẻ ngu si và đui mù làm cho các bậc hiền trí bị trói vào chỗ không xứng đáng, bị trói quặp cánh tay sau lưng; còn lời nói của bậc hiền trí là nguyên nhân khiến kẻ ngu si thoát khỏi bị trói tay sau lưng. Như vậy, lời kẻ ngu trói buộc một cách không thích đáng, còn lời nói bậc hiền trí thời giải thoát các trói buộc.
Nói vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Chỗ nào kẻ ngu nói,
Chúng trói kẻ vô tội,
Chỗ nào bậc trí nói,
Cứu thoát kẻ bị trói.
Như vậy, bậc Ðại Sĩ với bài kệ này, thuyết pháp cho vua và nói:
– Tôi gặp sự đau khổ này là vì còn sống đời gia đình. Nay tôi không có công việc gì trong gia đình nữa. Hãy cho phép tôi được xuất gia.
Sau khi được phép xuất gia, từ bỏ bà con thân thuộc, từ bỏ tài sản lớn, Bồ-tát làm bậc tiên nhân du sĩ, sống ở Tuyết Sơn, đạt được các thắng trí và Thiền chứng và tái sanh lên cõi Phạm Thiên.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy bà hoàng hậu độc ác là thiếu nữ Bà-la-môn Cinca, vua là Ànanda, còn vị cố vấn tế tự là Ta vậy.
PHẨM KUSANÀLI
Hãy để cho mọi người …,
Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một người bạn chân thật của ông Cấp Cô Ðộc. Các thân hữu, bạn bè quen biết, các thân tộc của ông Cấp Cô Ðộc ngăn chận ông:
– Thưa Ðại trưởng giả, người này không ngang bằng, không hơn Trưởng giả về thọ sanh, dòng họ, tài sản, ngũ cốc. Trưởng giả chớ chơi thân với người ấy.
Cấp Cô Ðộc trả lời:
– Tình bạn thân chớ nên dựa vào sự so sánh thấp hơn, bằng nhau hay cao hơn.
Trưởng giả không nghe lời can ngăn, và đi về làng mà Trưởng giả làm thôn trưởng, mời người ấy làm quản lý gia sản của mình. Mọi việc xảy ra như trong chuyện Tiền thân Kàlakanni (số 83). Nhưng trong trường hợp này, khi Trưởng giả tường thuật sự việc xảy đến cho nhà mình lên bậc Ðạo Sư, Ngài nói:
– Này gia chủ, một người bạn chân thật không bao giờ nhỏ hơn. Ở đây, sự đo lường tình bạn nằm ở khả năng bảo vệ tình bạn. Một người bạn chân thật bằng mình hay kém hơn mình phải được xem là cao hơn. Tất cả người bạn ấy sẽ giải quyết gánh nặng, sự khó khăn đã dành cho mình. Nay chính nhờ người bạn chân thật của mình mà gia chủ đã cứu được tài sản của mình. Thuở trước, bạn bè chân thật đã cứu được cung điện của một thần cây.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của vị ấy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm vị thần một khóm cỏ lau Kusa trong công viên của vua. Trong công viên ấy gần nơi tấm đá vua thường ngồi, có một cây mơ ước, thân cây cao thẳng, cành lá sum suê, rất được vua ưa thích. Tại đấy sanh ra một thần cây, trước kia là một ông vua có uy quyền lớn. Bồ-tát là bạn thân với thần cây ấy.
Lúc bấy giờ, vua sống trong lâu đài được một cột trụ chống đỡ, nhưng cây cột ấy bị lung lay. Tình trạng ấy được báo lên vua. Vua cho gọi thợ mộc và bảo:
– Cột trụ độc nhất chống đỡ lâu đài của trẫm bị lún, hãy lấy một cây cột khác, có lõi cứng rắn thay vào.
Tốp thợ mộc vâng theo lời vua, đi tìm một cây thích hợp, nhưng chưa tìm được. Họ đi vào công viên, thấy cây ước mơ liền đến yết kiến vua. Khi vua hỏi có tìm được cây nào thích hợp không, họ thưa:
– Tâu Ðại vương, chúng tôi đã thấy, nhưng không dám đốn cây ấy.
Ðược vua hỏi vì sao, họ thưa:
– Chúng tôi không tìm thấy một cây nào khác nên đã đi vào công viên. Tại đấy trừ cây điềm lành của vua, chúng tôi không tìm thấy cây nào khác. Nhưng chúng tôi không dám đốn cây điềm lành ấy.
– Hãy đốn cây ấy và làm trụ cột cho lâu đài của trẫm. Trẫm sẽ trồng một cây điềm lành khác.
Các người ấy vâng lời, đem theo đồ cúng thần, đi đến công viên, dâng lễ vật cúng cho cây, trình thần cây biết ngày mai sẽ đốn cây, rồi đi về. Nữ thần cây biết được sự việc này suy nghĩ: “Ngày mai, nhà ở của ta bị hủy hoại, rồi ôm các con, ta sẽ đi đâu bây giờ?
Nữ thần cây không tìm thấy chỗ cần đi, phải cõng con trên lưng rồi khóc. Các thần rừng, bạn bè thân thích của nữ thần cây ấy, tới hỏi nguyên do. Sau khi nghe sự việc, thấy mình không có phương tiện gì để chận tay các người thợ mộc lại, liền ôm nữ thần cây ấy và bắt đầu khóc. Lúc bấy giờ Bồ-tát đi đến thăm nữ thần cây, biết được sự việc liền nói:
– Chớ lo nghĩ, ta sẽ không để cho chặt cây. Ngày mai, khi thợ mộc đến, ta sẽ có cách đối phó.
Ngày hôm sau khi tốp thợ mộc đến, Bồ-tát hóa làm con cắc kè đến trước thợ mộc, chui vào giữa rễ của cây điềm lành, làm cho cây ấy như trống rỗng, cắc kè leo lên chính giữa cây, chui ra khỏi đầu thân cây rồi nằm xuống, lắc đầu qua lại. Người tổ trưởng thợ mộc thấy vậy, lấy tay đập vào thân cây và nói:
– Cây này trống rỗng, không có lõi. Bữa qua, không nhìn kỹ, chúng ta đã làm lễ cúng dâng.
Rồi anh ta bỏ đi, đầy khinh bỉ đối với cây to lớn mà không chắc ấy. Như vậy, nữ thần cây nhờ Bồ-tát, vẫn làm chủ chỗ ở của mình. Và nhiều thần cây thân hữu quen biết tụ họp để chúc mừng nàng. Nữ thần cây hài lòng với vị thần đã cho nàng trú xứ, giữa các vị thần ấy, nàng tán thán công đức của Bồ-tát:
– Thưa chư thần, chúng ta có phước đức, có quyền lực lớn, nhưng với trí tuệ chậm chạp, không biết phương tiện này. Còn vị thần khiêm tốn của cây cỏ lau, với trí thông minh của mình, đã cho chúng ta làm chủ ngôi nhà của chúng ta. Thật vậy, chúng ta cần phải làm bạn với các vị bằng ta, hơn ta, và thua ta. Tất cả các vị, tùy theo sức mạnh của mình, có thể các bạn thoát khỏi đau khổ, và an trú trong hạnh phúc.
Sau khi tán thán tình bạn, nữ thần cây nói bài kệ này:
Hãy để cho tất cả
Bằng, hơn hay thua ta,
Làm hết sức của mình,
Trong thời hoạn nạn đến
Như ta được giúp đỡ
Nhờ thần cây cỏ lau!
Do vậy, những ai muốn giải thoát khỏi đau khổ, chớ phân biệt bạn bằng ta hay hơn ta, hãy làm bạn với những bậc có trí dù địa vị ra sao.
Như vậy, nữ thần cây thuyết pháp cho chư thần với bài kệ này. Nàng sống cho đến trọn đời, và sau cùng với vị thần của cây cỏ lau, mạng chung rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi nói lên pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, nữ thần cây là Ànanda, còn thần cây cỏ lau là Ta vậy.
Kẻ ngu được danh xưng …,
Câu chuyện này, khi ở Trúc lâm, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa. Trong Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo nói về ác đức của Ðề-bà-đạt-đa:
– Này các Hiền giả, khi Ðề-bà-đạt-đa nhìn lên tự thân chói sáng tối thượng của Như Lai với gương mặt sáng như trăng rằm, thân vẹn toàn ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của bậc Ðại nhân sáng tỏa rộng một tầm, với hào quang chói sáng của đức Phật, phóng ra chiếu từng đôi vòng, từng cặp một. Ðề-bà-đạt-đa không hoan hỷ và khởi lòng ganh ghét. Ðề-bà-đạt-đa không chịu nổi những lời tán thán đức Phật đầy đủ Giới, Ðịnh, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến và càng ganh ghét hơn.
Bậc Ðại Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp ở đây và nói lên vấn đề gì?
Khi được biết vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay khi nghe lời tán thán về ta, Ðề-bà-đạt-đa mới sanh lòng ganh ghét. Lúc trước, Ðề-bà-đạt-đa cũng đã như vậy rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Ma-kiệt-đà trị vì ở thành Vương Xá, Bồ-tát sanh ra làm con voi trắng, đầy đủ dung sắc tuyệt hảo. Vì đầy đủ các tướng như vậy, nhà vua phong nó lên địa vị vương tượng. Trong một ngày lễ, thành phố được trang hoàng toàn bộ như thành phố chư Thiên, vua ngự lên vương tượng được trang điểm đẹp đẽ, đi diễn hành khắp thành phố với uy lực của bậc Ðại vương. Quần chúng, đứng chỗ này chỗ kia, thấy thân hình dung sắc tuyệt đẹp của vương tượng, liền tán thán:
– Ôi dung sắc! Ôi cử chỉ! Ôi dáng đi uyển chuyển làm sao! Ôi các tướng được thành tựu, một con voi toàn trắng như vậy xứng đáng thuộc về vua Chuyển luân.
Nhà vua nghe lời tán thán vương tượng, không thể chịu đựng nổi, khởi tâm ganh ghét và suy nghĩ: “Hôm nay ta sẽ quăng nó xuống vực thẳm của núi và chấm dứt mạng sống của nó”. Nghĩ vậy, vua cho gọi người nài đến và hỏi:
– Con voi này được người huấn luyện như thế nào?
– Thưa Ðại vương, nó được khéo huấn luyện!
– Nó không được khéo huấn luyện, nó được huấn luyện dở.
– Thưa Ðại vương, nó được khéo huấn luyện!
– Nếu nó được khéo huấn luyện, ngươi có thể cho nó leo lên đỉnh núi Vepulle không?
– Thưa được, tâu Ðại vương.
– Vậy hãy đi lên.
Sau khi tự mình xuống voi, vua bảo người nài ngồi trên lưng voi leo lên đỉnh núi Vepulla. Rồi vua được các đại thần vây quanh cùng trèo lên đỉnh núi, bảo con voi đứng bên bờ vực thẳm và nói:
– Ngươi nói con voi này được ngươi khéo huấn luyện, vậy hãy bảo nó đứng ba chân. Người nài ngồi trên lưng voi và nói:
– Này bạn, hãy đứng lên ba chân.
Và với cái gậy thúc, người ấy làm dấu cho con voi. Rồi vua nói:
– Hãy làm cho nó đứng với hai chân trước.
Bậc Ðại Sĩ giơ hai chân sau lên, và đứng hai chân trước. Vua truyền:
– Hãy đứng với bàn chân sau.
Con voi giơ hai chân trước lên và đứng với hai chân sau. Vua truyền:
– Hãy đứng với một chân.
Con voi giơ cả ba chân lên và đứng một chân!
Biết rằng con voi không thể ngã xuống, vua nói:
– Nếu được, hãy bảo nó đứng giữa hư không.
Người nài voi suy nghĩ: “Khắp cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ) không có con voi nào được huấn luyện khéo như con voi này, không nghi ngờ gì nữa, ông vua muốn làm con voi rơi xuống vực thẳm và giết nó”.
Vì vậy người nài nói thầm vào tai con voi:
– Này bạn thân, vua muốn bạn rơi xuống vực thẳm và giết bạn. Nó không xứng đáng với bạn. Nếu bạn có sức mạnh bay lên hư không và cho tôi ngồi trên lưng, hãy bay trên hư không về Ba-la-nại.
Bậc Ðại sĩ đầy đủ thần lực vô úy, ngay lúc ấy, đứng trên hư không. Người nài thưa:
– Thưa Ðại vương, con voi này đầy đủ thần lực vô úy, không tương xứng với một người ngu si yếu kém như Ðại vương. Con voi chỉ xứng đáng với một vị vua đầy đủ công đức và hiền trí. Nếu những người có công đức yếu kém như Ðại vương làm chủ con voi như thế này, họ sẽ không biết được đức tánh của nó. Vì vậy họ sẽ mất con voi ấy và hủy diệt mọi danh vọng còn lại.
Nói như vậy xong, ngồi trên lưng voi, người nài đọc bài kệ:
Kẻ ngu được danh xưng,
Tự mình gây nguy hiểm,
Ðem hại đến cho mình,
Ðem hại cho người khác.
Sau khi thuyết pháp khiển trách vua, người nài nói:
– Nay Ðại vương hãy đứng ở đây, xin từ biệt.
Người nài và voi cùng bay lên hư không về Ba-la-nại, và đứng trên hư không giữa sân chầu của cung vua. Toàn thành náo động cả lên, mọi người đều la to:
– Con voi quý đã đến với vua chúng ta ngang qua hư không và đang đứng trên sân chầu vua.
Họ mau chóng trình lên vua hay. Vua liền đi khỏi cung điện và nói:
– Nếu các quý vị đến vì lợi ích cho chúng tôi, thì hãy hạ xuống đất.
Con voi liền đứng xuống đất. Người nài leo xuống, đảnh lễ vua và khi được hỏi từ đâu đến, ông ta trả lời:
– Từ Vương Xá đến.
Và ông ta tường thuật tất cả sự việc. Vua nói:
– Các bạn thân, các bạn đến đây thật là một việc đẹp ý vừa lòng.
Nhà vua hân hoan, truyền lệnh trang hoàng thành phố, đặt con voi vào địa vị vương tượng, chia toàn quốc thành ba phần. Một phần cho con voi, một phần cho người nài, và một phần vua giữ lại cho mình. Từ đó, toàn cõi Diêm-phù-đề đều nằm vào trong tay vua. Vua trở thành đại đế nước Diêm-phù-đề, chuyên tâm làm các công đức như bố thí v.v… rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Thuyết pháp thoại này xong, bậc Ðại Sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy vua nước Ma-kiệt-đà là Ðề-bà-đạt-đa, vua Ba-la-nại là Xá-lợi-phất, người nài voi là Ànanda, và con voi là Ta vậy.
Kẻ ngu nói hạn chế …,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Trưởng lão Làludàyi (Udàyi khờ khạo). Theo truyền thuyết, khi nói, Trưởng lão ấy không biết cái gì thích ứng, cái gì không thích ứng: Trong trường hợp này, nên nói cái này, trong trường hợp này, không nên nói cái này. Nếu chúc lễ hội điềm lành, Trưởng lão nói lên điềm gở. Ngang qua các đường đi, tại các ngã đường dân chúng đứng, nếu là lễ tang, Trưởng lão nói lời tùy hỷ điềm vui. Một hôm, tại Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo khởi lên câu chuyện:
– Này các Hiền giả, Làludàyi không biết cái gì thích ứng, cái gì không thích ứng.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi tụ họp đang bàn luận vấn đề gì?
Khi biết đề tài câu chuyện, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Làludàyi nói lời đần độn, không biết cái gì nên nói, cái gì không nên nói. Thuở trước, vị ấy cũng như vậy rồi. Vị ấy luôn luôn ngu đần.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn giàu có. Ðến tuổi trưởng thành Bồ-tát đi học ở Takkasilà, trở thành một vị Sư trưởng có danh tiếng nhiều phương ở Ba-la-nại và Bồ-tát dạy nghề cho năm trăm thanh niên Bà-la-môn.
Lúc bấy giờ, trong các thanh niên Bà-la-môn ấy, có một thanh niên đần độn hay nói lời ngớ ngẩn, vì bản tánh đần độn nên không học nghề được. Thanh niên ấy hầu hạ Bồ-tát, làm mọi công việc như người nô lệ. Một hôm, vào buổi chiều, sau khi ăn xong, Bồ-tát đang nằm nghỉ trên giường, thanh niên ấy đến xoa bóp tay chân và lưng ngài. Khi anh ta làm xong định đi, thì Bồ-tát nói:
– Này con thân, chêm cao chân cái giường lên.
Thanh niên ấy chêm được một chân giường lên cao, còn chân kia không tìm được đồ chêm giường, anh ta dùng bắp vế của mình làm đồ chêm giường và trải qua một đêm như vậy. Vào buổi sáng thức dậy, Bồ-tát thấy vậy liền hỏi:
– Này con thân, con ngồi làm gì đây?
– Thưa Sư trưởng, con không tìm thấy đồ chêm giường nên dùng bắp vế thay vào và ngồi ở đây.
Bồ-tát cảm thấy xúc động, suy nghĩ: “Nó là người thị giả rất chí thành của ta, nhưng so với các thanh niên Bà-la-môn, nó là đứa đần độn, không thể học được nghề, vậy ta hãy giúp cho nó trở thành người có trí”. Rồi Bồ-tát suy nghĩ: “Nay có phương tiện này, ta sẽ đưa thanh niên Bà-la-môn này đi nhặt củi và lá. Khi nó về, ta sẽ hỏi: Hôm nay con đã thấy gì làm gì? Chắc nó sẽ trả lời: Hôm nay con thấy cái này, làm cái này; rồi ta sẽ hỏi: Ðiều con thấy, con làm, giống cái gì? Nó sẽ dùng ví dụ, tìm lý do để nói: Con thấy như thế này … Ðiều ấy khiến nó nói ví dụ và lý do mới hoài. Với phương tiện này ta có thể làm cho nó trở thành người có trí”. Nghĩ vậy, Bồ-tát kêu anh ta lại và nói:
– Này con thân, bắt đầu từ hôm nay, con hãy đi lượm củi và lá, và tại chỗ con đi, con thấy cái gì, ăn cái gì, uống cái gì, nhai cái gì, lúc về con hãy báo cáo cho ta biết.
Anh ta vâng theo lời dạy. Một hôm anh ta đi vào rừng để lượm củi và lá cùng với các thanh niên Bà-la-môn khác, anh ta thấy một con rắn. Khi về anh ta báo cáo lại:
– Thưa Sư trưởng, con có thấy con rắn.
– Này con thân, con rắn giống cái gì?
– Nó giống cán cày.
Bồ-tát nói:
– Tốt lắm, này con thân, các ví dụ con trình bày rất hợp lý, con rắn thật giống như cái cán cày.
Rồi Bồ-tát suy nghĩ: “Các ví dụ do thanh niên này trình bày rất hợp lý. Ta có thể làm cho người này thành người có trí”.
Lại một ngày khác, thanh niên Bà-la-môn này thấy con voi trong rừng, và đi về thưa:
– Thưa Sư trưởng, con có thấy con voi.
– Này con thân, con voi giống cái gì?
– Nó giống như cái cán cày.
Bồ-tát suy nghĩ: “Cái vòi voi giống như cán cày. Cái ngà voi cũng vậy. Người này phân tích một cách ngu si, không thể nói như vậy”. Nghĩ vậy Bồ-tát giữ im lặng.
Rồi một hôm được mời đi ăn mía, anh ta về thưa:
– Thưa Sư trưởng, hôm nay con được ăn mía.
– Cây mía giống cái gì?
– Thưa, giống cái cán cày. Anh ta nói.
Vị Sư trưởng suy nghĩ “Nó nói cũng có một phần đúng”, nên giữ im lặng. Lại nữa, một hôm được mời cùng một số thanh niên ăn đường cục với sữa đông và uống sữa, khi về anh ta thưa:
– Thưa Sư trưởng, hôm nay chúng con được ăn sữa đông và uống sữa.
Khi được hỏi về sữa đông và sữa giống cái gì, anh ta trả lời:
– Thưa, giống cái cán cày.
Vị Sư trưởng suy nghĩ: “Thanh niên Bà-la-môn này khi nói: con rắn giống cái cán cày, vậy là khéo. Khi nó nói: con voi giống như cái cán cày, vì liên hệ đến cái vòi, là nói một cách gượng ép. Khi nó nói cây mía giống như cái cán cày, vậy cũng là nói hơi gượng ép. Còn sữa đông và sữa luôn luôn màu trắng, lấy theo hình dáng đồ vật chúng được đặt vào, vậy cái ví dụ nó nói hoàn toàn không thể chấp nhận. Ta không thể dạy cho kẻ ngớ ngẩn này học được.
Nghĩ xong, Bồ-tát nói lên bài kệ:
Kẻ ngu nói hạn chế,
Tại chỗ không hạn chế,
Nó không biết sữa đông,
Cũng không biết cán cày,
Nó nghĩ là sữa đông,
Giống như cái cán cày.
*
Sau khi nghe pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, thanh niên ngớ ngẩn là Làludàyi, và Sư trưởng có danh nhiều phương là Ta vậy.
Này người hãy tinh tấn …
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Bà-la-môn làm đầy đủ các nhiệm vụ. Theo truyền thuyết, con trai một thương gia ở Xá Vệ hiến dâng tâm trí cho Chánh pháp và xuất gia làm đầy đủ các nhiệm vụ. Vị ấy làm tốt các bổn phận đối với Sư trưởng, đối vối Giáo thọ, các nhiệm vụ về đồ ăn uống, nhà họp Bố-tát, nhà tắm v.v… hoàn toàn đầy đủ trong mười bốn nhiệm vụ quan trọng và tám mươi nhiệm vụ nhỏ. Vị ấy thường hay quét tinh xá, quét phòng riêng, hành lang, con đường đưa đến tinh xá, đem nước cho những người khát. Dân chúng hoan hỷ vì sự vẹn toàn nhiệm vụ của vị này nên đã cúng dường năm trăm phần ăn hàng ngày cho chúng Tăng và đem lại lợi dưỡng danh vọng lớn cho tinh xá. Nhờ vị này, nhiều người được thoải mái lạc trú trong tinh xá.
Rồi một hôm, các Tỷ-kheo họp ở Chánh pháp đường, bắt đầu câu chuyện:
– Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo tên ấy, thành tựu các nhiệm vụ của mình, đã tạo nên lợi dưỡng danh vọng lớn. Chỉ nhờ một mình người ấy, nhiều người đã đạt được lạc trú.
Thế Tôn đến và hỏi các Tỷ-kheo đang ngồi nói vấn đề gì, và khi được biết vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo này làm đầy đủ nhiệm vụ. Thuở xưa, chỉ nhờ một mình người ấy, năm trăm ẩn sĩ đi hái trái cây đã được cung cấp các trái cây do người ấy đem lại.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở phương bắc, và khi đến tuổi trưởng thành, ngài xuất gia làm vị ẩn sĩ được vây quanh với năm trăm ẩn sĩ sống dưới chân núi.
Thời ấy, ở núi Hy-mã (Tuyết Sơn), một nạn hạn hán khắc nghiệt đã xảy ra, chỗ này chỗ kia nước uống bị thiếu hụt, các loài thú không có nước uống cảm thấy khổ cực. Một vị trong số những người tu khổ hạnh ấy, thấy các loài thú đau khổ vì khát nước, đã đốn một cây làm thành cái máng, chắt chiu tất cả nước uống đựng đầy cái máng và cho chúng uống nước.
Các loài thú tập hợp rất nhiều, và trong khi cho chúng uống nước, người tu khổ hạnh không có thì giờ để đi hái trái. Dầu không có thức ăn, vị ấy vẫn cho chúng uống nước. Ðàn thú suy nghĩ: “Vị này vì cho chúng ta uống nước, không có thì giờ để hái quả. Vì không có thức ăn, vị ấy trở thành mỏi mệt. Vậy chúng ta hãy giao ước với nhau như sau: Bắt đầu từ hôm nay, những ai đến uống nước, hãy tùy theo sức mình, hái các loại trái cây và đem lại cúng dường vị tu khổ hạnh”.
Từ đó về sau, mỗi con mỗi thứ, hái các loại trái ngọt như xoài, đào, mít v.v… đem đến cho vị tu khổ hạnh đựng đầy hai trăm năm mươi cỗ xe. Như vậy, năm trăm vị khổ hạnh ăn uống đầy đủ, và có đồ dư để dành nữa. Thấy vậy, Bồ-tát nói:
– Như vậy chỉ nhờ một người làm đầy đủ nhiệm vụ nên được cung cấp trái cây v.v… đủ số lượng cho các vị tu khổ hạnh khác. Thật vậy, chúng ta cần phải luôn tinh tấn làm thiện sự.
Nói vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ:
Này, người hãy tinh tấn,
Bậc hiền trí không nản,
Xem quả của tinh tấn,
Xoài được ăn thỏa thích.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vị tu khổ hạnh làm đầy đủ nhiệm vụ là Tỷ-kheo, và bậc Ðạo Sư hội chúng là Ta vậy.
Nó nói nhiều, đại ngôn …,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo nói khoác lác. (Chuyện này giống như chuyện đã kể trước).
*
Thuở xưa, khi vua Barhmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một nhà triệu phú giàu có và bà vợ triệu phú sanh một con trai. Cũng trong ngày ấy, một người nữ tỳ sanh một con trai. Hai trẻ ấy lớn lên cùng tuổi với nhau. Khi con trai vị triệu phú học viết, con trai người nô tỳ mang tấm gỗ cũng xin học viết luôn với cậu chủ. Rồi nó học hai hay ba công nghệ, lớn lên nó trở thành một thanh niên ăn nói giỏi, đẹp trai và được đặt tên là Katàhaka.
Khi làm quản lý cho các kho trong nhà triệu phú, anh ta suy nghĩ: “Những người này sẽ không bắt ta làm quản lý các kho suốt đời được. Nếu thấy ta có lỗi gì, họ sẽ đánh ta, trói ta, đóng dấu vào ta, cho ta đồ ăn của bọn nô lệ. Tại biên địa, có người triệu phú là bạn của triệu phú này, ta sẽ viết thư, nhân danh người triệu phú cầm đi đến đấy, và nói: Ta là con của triệu phú, lừa dối vị triệu phú biên địa để lấy con gái của ông ta, hưởng hạnh phúc và sống an lạc suốt đời”.
Nghĩ vậy, anh ta lấy giấy và viết thư như sau: “Tôi gửi người con trai của tôi tên là Katàhaka đến với bạn. Thật là xứng đáng nếu hai gia đình chúng ta kết làm sui gia với nhau: Con của tôi lấy con của bạn. Do vậy, hãy gả con gái của bạn cho con trai của chúng tôi, cho nó sống tại đấy, và khi nào có cơ hội tôi sẽ đến”. Viết xong, anh ta đóng triện của người triệu phú, đem theo nhiều tiền bạc, áo quần, hương thơm v.v…. đưa đến biên địa, đảnh lễ vị triệu phú và đứng chờ. Người triệu phú hỏi:
– Này con thân, con từ đâu lại?
Anh ta đáp:
– Từ Ba-la-nại.
– Con là ai?
– Là con vị triệu phú Ba-la-nại.
– Vì mục đích gì, con đến đây?
Lúc bấy giờ Katàhaka đưa bức thư và nói:
– Ông xem bức thư này rồi sẽ rõ.
Người triệu phú đọc thư xong rồi nói:
– Nay mới thật là ta sống cuộc đời mới.
Ông hoan hỷ gả con gái và xây dựng cho anh ta. Ðược tôn quí như vậy, Katàhaka trở thành kiêu ngạo. Ðối với các món ăn như cháo, đồ ăn cứng … và các loại vải hương được đem lại, anh ta chỉ trích như sau:
– Chúng nấu cháo như thế này, nấu đồ ăn cứng như thế này. Ôi! Thật là những người ở biên địa.
Anh ta chỉ trích những người thợ dệt vải, và những người thợ khác:
– Với bản chất của người sống ở biên địa, những người này không biết dệt y. Chúng không biết chọn hương, không biết bó hoa.
Khi thấy vắng người nô lệ, Bồ-tát hỏi:
– Ta không thấy mặt Katàhaka, nó đi đâu? Hãy cho đi tìm nó khắp nơi.
Một trong những người đi tìm kiếm đến tại chỗ ấy, thấy Katàhaka, nhận diện được anh ta, nhưng không để lộ tông tích của mình, và đi về trình với Bồ-tát. Bồ-tát nghe tin như vậy, liền nói:
– Nó làm một việc không phải, ta sẽ đi đem nó trở về.
Sau khi xin phép vua, ngài ra đi với một số tùy tùng lớn. Khắp nơi, mọi người đều biết vị triệu phú đi ra biên địa. Katàhaka nghe tin Bồ-tát đến liền suy nghĩ: “Không có lý do gì khác để vị triệu phú đến. Chính vì ta. Nếu ta chạy trốn, thì sau không thể trở về được”. Anh ta nghĩ ra phương kế. “Ta hãy đi đón ông chủ, làm bổn phận một người nô lệ, và làm vui lòng ông chủ của ta”. Bắt đầu từ đấy, giữa hội chúng, anh ta nói như sau:
– Những kẻ ngu khác, vì ngu si, không biết các công đức của cha mẹ, khi cha mẹ ăn, họ không hầu hạ, lại ngồi ăn với cha mẹ. Còn chúng tôi, khi cha mẹ ăn, chúng tôi đem lại bát, ống nhổ, chén đĩa, quạt và nước uống. Như vậy, chúng tôi hết lòng hầu hạ cha mẹ. Cho đến khi cha mẹ đi đại tiểu tiện, chúng tôi cũng đem lại bình nước.
Tất cả mọi bổn phận phải làm của người nô lệ đối với chủ, Katàhaka đều trình bày rõ. Sau khi đã dạy cho đám tùy tùng như vậy, Katàhaka thưa với ông cha vợ:
– Thưa cha thân: con nghe tin cha của con sắp đến thăm cha. Cha hãy sửa soạn các món ăn loại cứng và loại mềm. Còn con đem theo quà tặng, con sẽ đi đón cha con.
Nhạc phụ chấp thuận:
– Tốt lắm, này con.
Katàhaka đem theo nhiều quà tặng đi với một số gia nhân, đảnh lễ Bồ-tát, và dâng quà tặng. Bồ-tát nhận quà tặng, đối xử với anh ta rất thân tình. Khi đến giờ ăn sáng, ngài cho dựng trại, đi vào chỗ kín để giải quyết mọi bức bách của thân. Katàhaka ngăn ngừa tùy tùng của mình, lại tự cầm bình nước, đi đến gần Bồ-tát, và sau khi lo hầu hạ xong, anh ta quỳ xuống chân Bồ-tát và thưa:
– Thưa ông chủ, ông chủ cần tài sản bao nhiêu con xin dâng đủ, xin chớ làm cho danh giá con mất đi.
Bồ-tát bằng lòng với bổn phận đầy đủ của nó và nói:
– Chớ sợ hãi, không có gì nguy hiểm đến với ngươi từ lời nói của ta cả.
Bồ-tát an ủi anh ta, rồi đi vào thành phố biên địa và được tiếp đón long trọng. Còn Katàhaka luôn luôn làm bổn phận của người nô lệ. Một thời, khi Bồ-tát ngồi thoải mái, người triệu phú biên địa thưa với ngài:
– Thưa đại triệu phú, khi nhận được thư của ngài, tôi đã gả con gái của tôi cho con trai ngài.
Bồ-tát dùng lời thân ái thích hợp nói về Katàhaka, khiến cho người triệu phú hết sức hân hoan. Nhưng từ đấy trở đi, Bồ-tát không thể ngó vào mặt của Katàhaka!
Một hôm, Bồ-tát cho gọi cô con gái của vị triệu phú và nói:
– Này con thân, hãy tìm và bắt giúp chấy trên đầu ta.
Cô con gái đến bắt giúp. Bồ-tát nói lời thân ái với người con gái đang đứng và hỏi:
– Con ta đối với con, khi vui khi buồn, xử sự có tốt đẹp chăng? Hai con sống có hoan hỷ, hòa hợp với nhau không?
– Thưa cha thân, anh con không có lỗi gì khác. Chỉ có tật hay chê bai đồ ăn thôi.
– Này con thân, nó luôn luôn có tánh xấu ấy. Nhưng cha sẽ chỉ cho con một cách để làm cho chồng con câm miệng. Con hãy học thuộc cách ta chỉ để trong giờ ăn, khi nào con ta mở miệng chê bai, con hãy đứng trước mặt chồng con và nói lên cách ta đã chỉ.
Nói vậy xong, Bồ-tát dạy cho cô học thuộc lòng bài kệ và ở lại đó vài ngày, rồi đi trở về Ba-la-nại. Katàhaka mang theo nhiều đồ ăn loại cứng và mềm, đi tiễn đưa ông chủ một chặng đường, cúng dường nhiều tài sản, đảnh lễ rồi trở về.
Từ khi Bồ-tát đi về, Katàhaka lại càng sanh lòng kiêu mạn. Một hôm, khi con gái vị triệu phú đem lại một món ăn rất ngon, mang muỗng đến và mời chồng ăn, Katàhaka bắt đầu chỉ trích món ăn. Cô liền đọc lên bài kệ mà Bồ-tát đã dạy:
Nó nói nhiều, đại ngôn,
Khi đến xứ sở lạ,
Vị ấy sẽ trở lui,
Và phá hoại tất cả,
Vậy Ka-tà-ha-ka,
Hãy ăn món này gấp!
Katàhaka suy nghĩ: “Ôi thôi! Chắc vị triệu phú đã nói cho nàng biết tên ta và kể lại toàn bộ câu chuyện rồi!”
Từ đó trở đi, anh ta không dám chê bai món ăn, cũng không dám kiêu mạn và với ý hạ mình, anh ta ăn các món được đem đến. Rồi về sau, khi từ trần, anh ta đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, Katàhaka là Tỷ-kheo nói đại ngôn, còn vị triệu phú Ba-la-nại là Ta vậy.
Cùng đồng một sự việc …,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Bà-la-môn giỏi đoán tướng của kiếm tại cung vua Kosala. Nghe nói vị này khi được người thợ của vua đem kiếm lại, chỉ ngửi cây kiếm cũng có thể nói lên tướng của cây kiếm. Khi được lợi dưỡng từ tay của người nào, vị này nói cây kiếm của họ có tướng tốt, điềm lành. Khi không được lợi dưỡng từ tay của người khác, vị này chê trách cây kiếm của họ có tướng xấu.
Thế rồi có một người thợ làm cây kiếm xong, bỏ nó vào trong bao với bột tiêu mịn rồi đem cây kiếm dâng vua. Vua cho gọi người Bà-la-môn và bảo thử cây kiếm. Khi vị Bà-la-môn rút cây kiếm ra và ngửi, bột tiêu vào lỗ mũi khiến vị này muốn hắt hơi. Khi vị ấy hắt hơi, lỗ mũi va chạm vào lưỡi kiếm và bị cắt đứt làm hai. Câu chuyện lỗ mũi của vị ấy bị đứt được chúng Tỷ-kheo biết đến. Một hôm, các Tỷ-kheo tại Chánh pháp đường bắt đầu câu chuyện:
– Này các Hiền giả, người giỏi đoán tướng kiếm của vua, trong khi đoán tướng cây kiếm, đã bị chặt đứt lỗ mũi.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông đang ngồi họp và bàn vấn đề gì?
Khi được nghe vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Bà-la-môn ấy ngửi cây kiếm và bị chặt đứt mũi. Thuở xưa, vị ấy cũng đã bị như vậy rồi.
Nói xong bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, có người Bà-la-môn giỏi đoán tướng của kiếm. (Tất cả giống như câu chuyện hiện tại). Vua truyền gọi những người giải phẫu, bảo họ gắn một cái mũi giả vào mũi vị ấy và cho vị ấy làm việc lại. Vua Ba-la-nại không có con trai, chỉ có con gái và một người cháu trai, vì thế vua nuôi dưỡng cả hai bên cạnh vua cho đến lớn. Vì họ lớn lên gần nhau, họ sanh tâm luyến ái nhau. Vua cho gọi các vị đại thần và nói:
– Cháu trai của ta sẽ làm vua đất nước này. Sau khi gả con gái, ta làm lễ quán đảnh cho nó.
Sau khi nói vậy, vua lại suy nghĩ: “Cháu ta là con cháu ta rồi. Hãy cưới cho nó một công chúa của vị vua khác, rồi làm lễ quán đảnh. Ta sẽ gả con gái ta cho một vị vua khác. Như vậy con cháu của ta sẽ đông hơn và chúng ta sẽ làm chủ cả hai vương quốc”. Sau khi bàn bạc với các vị đại thần, vua nghĩ cần phải phân ly hai người ấy, nên đã cho cháu trai sống một nơi, và cho con gái sống một chỗ khác. Bấy giờ cả hai được mười sáu tuổi, và hết sức luyến ái nhau. Hoàng tử suy nghĩ: “Dùng phương tiện gì ta có thể bắt cóc con gái của cậu ta khỏi cung vua?”. Rồi chàng nghĩ ra một phương kế, bảo mời một bà thầy bói, và cho bà một gói một ngàn đồng tiền vàng. Baø hỏi:
– Tôi phải làm gì?
– Bà làm cách nào cho tôi được nàng. Bà hãy bày cho một mưu kế, nhờ vậy tôi đem được công chúa ra khỏi nhà.
– Thưa, ngài được. Tôi sẽ đi đến hầu đức vua và nói như sau: – Thưa Ðại vương, công chúa bị ma quỷ ám ảnh, đợi khi nào ma quỷ bỏ đi không để ý, vào ngày ấy, tôi sẽ chở công chúa lên xe, đem theo nhiều người tay cầm vũ khí, với một số tùy tùng đông đúc đưa đến nghĩa địa, tại đây, trong một vòng tròn có bùa phép, sau khi đặt một người chết nằm trên giường phía dưới, tôi sẽ đặt công chúa nằm phía trên ấy, và với một trăm lẻ tám bình nước thơm, tôi sẽ làm cho ma quỷ rời công chúa”. Nói vậy xong, tôi sẽ đưa công chúa đến nghĩa địa. Trong ngày chúng tôi đi đến, xin ngài đi đến sớm một chút, cầm theo một ít bột tiêu với một số tùy tùng của ngài mang vũ khí cầm tay vây quanh leo lên xe. Khi đến nghĩa địa, ngài hãy cho đậu xe vào một phía cổng, rồi đưa những người có vũ khí vào trong rừng nghĩa địa. Còn ngài tự mình đi đến chỗ có vòng tròn bùa phép và nằm trên ấy, che phủ lại như người chết. Rồi tôi đến chỗ ấy, trải một chỗ nằm nhỏ trên ngài, và bảo công chúa nằm lên. Khi ấy, ngài sẽ bỏ hột tiêu vào lỗ mũi hắt hơi ba lần. Khi ngài hắt hơi, chúng tôi sẽ bỏ công chúa lại và chạy trốn. Khi ấy ngài đến, hãy an ủi công chúa rồi đem công chúa về nhà.
Hoàng tử chấp thuận, cho đó là một mưu chước tuyệt điệu.
Baø thầy bói đi đến trình vua vấn đề ấy và vua chấp thuận. Rồi bà nói chuyện riêng với công chúa và nàng cũng chấp nhận. Ngày ra đi, bà tin cho hoàng tử biết, và đi đến nghĩa địa cùng với một đoàn tùy tùng đông đúc. Với mục đích làm cho họ sợ hãi, bà bảo các người bảo vệ:
– Khi ta đặt công chúa lên giường, người chết ở giường dưới hắt hơi và từ chiếc giường dưới đi ra, nó thấy ai trước sẽ bắt người ấy. Hãy hết sức coi chừng.
Hoàng tử đã đến trước, và nằm trên chỗ đã dặn. Bà thầy bói đỡ công chúa đi đến chỗ vòng tròn có bùa phép, dặn công chúa chớ sợ hãi, và đặt nàng trên giường. Trong lúc ấy, hoàng tử bỏ bột tiêu vào lỗ mũi và hắt hơi. Khi hoàng tử vừa mới hắt hơi, bà thầy bói bỏ công chúa lại, hét một tiếng rất lớn rồi chạy trước hơn ai hết. Khi bà ta chạy, không một người nào dám đứng lại, tất cả đều quăng bỏ vũ khí mang theo và chạy thoát thân.
Hoàng tử làm tất cả mọi việc như đã bàn từ trước và đem công chúa đi về trú xứ của mình, còn bà già đi về trình vua mọi việc đã xảy ra. Nhà vua suy nghĩ: “Từ trước, ta đã có dụng ý dành công chúa cho nó rồi. Chúng như bơ chín bỏ trong cháo sữa”.
Sau một thời gian, vua cho cháu trai trị vì vương quốc và đặt công chúa lên làm hoàng hậu. Người cháu vua, sống hòa hợp với công chúa và trị nước đúng pháp. Người đại thần giỏi đoán tướng kiếm vẫn hầu cận vua mới. Một hôm, vị đại thần này hầu vua đứng giữa trời nắng, keo dán mũi giả của vị ấy chảy ra và cái mũi giả rơi xuống đất. Vị đại thần xấu hổ đứng dậy cúi mặt xuống. Vua cười và nói:
– Này Sư trưởng, chớ để ý. Nhảy mũi là tốt đối với người này, là xấu đối với người kia. Khanh vì nhảy mũi nên bị đứt mũi. Còn ta nhờ nhảy mũi đã được vợ và được cả vương quốc.
Nói xong vua đọc bài kệ này:
Cũng đồng một sự việc,
Với người này là tốt,
Với người kia là xấu,
Không tốt cho tất cả,
Cũng không xấu tất cả.
Như vậy với bài kệ này, vua kể sự việc cũ, và trọn đời làm công đức như bố thí v.v… rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Với bài thuyết pháp này, bậc Ðại Sư nêu rõ không có vấn đề hoàn toàn thiện hay hoàn toàn ác như thế gian nghĩ. Rồi bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vị đại thần giỏi đoán tướng kiếm là vị giỏi đoán tướng kiếm ngày nay, còn Ta là người cháu vua được vương vị.
Dòng họ, trú xứ anh …,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo nói khoác. Ở đây, cả hai chuyện (hiện tại và quá khứ đều giống chuyện Tiền thân Katàhaka số 125).
*
Ở đây, người nô lệ của triệu phú Ba-la-nại tên là Kalanduka. Sau khi chạy trốn và lấy con gái người triệu phú biên địa, anh ta sống tại đấy với một đoàn tùy tùng đông đảo. Vị triệu phú Ba-la-nại thấy vắng anh ta không biết anh ta đi đâu, bèn sai con vẹt quí của mình đi tìm Kalanduka. Con vẹt bay chỗ này, chỗ kia và đến tận thị trấn ấy.
Lúc bấy giờ, Kalanduka muốn đi chơi dưới nước, đã đem theo nhiều vòng hoa, hương thơm, thuốc xoa, cùng nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm, đến con sông, leo lên thuyền với con gái người triệu phú và chơi giỡn trong nước. Tại địa phương ấy, khi đang chơi trên sông, các gia chủ thường uống sữa trộn với một loại thuốc cay, để khi ngâm mình trong một thời gian khỏi bị cảm lạnh. Nhưng khi Kalanduka này uống một ngụm sữa, lại súc miệng và nhổ sữa ra. Khi nhổ sữa ra anh ta không nhổ trong nước, lại nhổ trên đầu người con gái vị triệu phú. Con vẹt đi đến bờ sông, đậu trên cành cây sung, nhìn xuống và nhận diện được Kalanduka, thấy anh ta nhổ trên đầu con gái triệu phú liền nói:
– Này nô lệ Kalanduka, hãy nhớ thọ sanh và vị trí của anh. Chớ ngậm bụm sữa, súc miệng rồi nhổ trên đầu con gái nhà triệu phú có tín ngưỡng, có đức hạnh và đầy đủ thọ sanh. Hãy biết lượng khả năng của mình.
Nói xong con chim vẹt đọc bài kệ:
Dòng họ, trú xứ anh,
Tuy là chim ở rừng,
Ta hiểu được sự thật,
Sẽ khiến người bắt anh,
Hỡi Ka-lan-du-ka,
Hãy uống sữa đi thôi!
Kalanduka nhận ra con vẹt, sợ nó sẽ tố cáo mình liền nói:
– Này ông chủ, hãy đến đây, ông chủ đến hồi nào?
Con vẹt nghĩ: “Ðây không phải vì lợi ích cho ta. Nó nói vậy nhưng trong tâm nó chỉ muốn vặn cổ giết ta thôi”. Biết vậy, vẹt nói:
– Ta không cần gì anh.
Nó liền bay lên, đến Ba-la-nại, kể lại cho vị triệu phú sự việc như đã nhìn thấy. Vị triệu phú nói:
– Ðồ lừa đảo đã làm một việc không phải.
Và ông cho người đem anh ta về Ba-la-nại, bắt anh ta sống làm người nô lệ như cũ.
*
Sau khi nói lên pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Kalanduka là Tỷ-kheo này, còn vị triệu phú Ba-la-nại là Ta vậy.
Ai yêu cờ Chánh pháp …,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo lừa đảo. Khi tánh lừa đảo của Tỷ-kheo này được trình lên bậc Ðạo Sư, Ngài nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay nó là như vậy. Xưa kia nó cũng lừa đảo như vậy rồi.
Nói xong, bậc Ðạo Sư kể lại câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con chuột, thông minh sáng suốt, với thân hình to lớn, giống như heo con, được vây quanh với vài trăm con chuột, sống ở trong rừng. Có con chó rừng lang thang chỗ này chỗ kia, thấy đàn chuột liền suy nghĩ: “Ta hãy lừa dối đàn chuột này và ăn thịt chúng”. Nghĩ vậy, nó liền đến không xa hang các con chuột ấy, đứng lên một chân, mặt hướng về mặt trời và hứng gió, ngửi gió, hít gió vào.
Bồ-tát đi tìm đồ ăn thấy con chó rừng, suy nghĩ: “Ðây là một sinh vật có giới hạnh”, bèn đi đến gần nó và hỏi:
– Thưa Tôn giả, Tôn giả tên gì?
– Ta tên là Dhammika (Chánh pháp).
– Sao Tôn giả không đứng lên bốn chân, mà chỉ đứng một chân thôi?
– Nếu tôi đứng bốn chân, thì trái đất không thể chở nổi. Do vậy tôi chỉ đứng một chân.
– Vì sao Tôn giả đứng, lại há miệng?
– Tôi không ăn gì khác, tôi chỉ ăn gió mà thôi.
– Tại sao Tôn giả đứng và hướng mặt phía mặt trời?
– Tôi đảnh lễ mặt trời.
Bồ-tát nghe nó nói như vậy, suy nghĩ: “Ðây là một sinh vật có giới hạnh”. Từ đó về sau, buổi sáng và buổi chiều, Bồ-tát cùng với đàn chuột, đi tới hầu con chó rừng. Khi đàn chuột hầu xong, trên đường đi về, con chó rừng bắt con chuột sau cùng ăn thịt, nuốt nó xong, chùi miệng rồi đứng như cũ.
Dần dần, đàn chuột ít đi. Các con chuột khác suy nghĩ: “Lúc trước, cái hang này không thể chứa chúng ta. Chúng ta đứng không có kẽ hở, nay lỏng lẻo. Như vậy, cái hang chứa không đầy. Vì sao lại như thế này?” Chúng trình sự việc lên Bồ-tát biết. Bồ-tát suy nghĩ: “Do lý do gì các con chuột dần dần ít đi?”. Nghi ngờ con chó rừng, Bồ-tát lại nghĩ “Ta sẽ thử nó xem”. Khi đến hầu con chó rừng. Bồ-tát để đàn chuột đi trước, còn mình đi sau cùng. Con chó rừng nhảy lên chúa chuột. Bồ-tát thấy nó nhẩy đến vồ mình, liền quay thân mình và nói:
– Tôn giả chó rừng, như vậy là sở hành giới cấm của ngươi không đúng Chánh pháp. Với mục đích làm hại những kẻ khác, nhà ngươi hành trì phi pháp bêu xấu ngọn cờ Chánh pháp”.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ:
Ai yêu cờ Chánh pháp,
Bí mật làm điều ác,
Dụng ý để lường gạt
Các loài sinh vật khác,
Giới cấm kẻ như vậy
Ðược gọi hạnh con mèo.
Chúa đàn chuột nói như vậy xong nhảy vào cắn cổ họng dưới hàm con chó rừng làm đứt cuống họng, và chấm dứt đời sống của nó. Cả đàn chuột trở lui, ăn thịt con chó rừng với tiếng kêu mum mum rồi bỏ đi. Nghe nói, những con đến trước có được thịt ăn, những con đến sau không có được gì. Từ đấy về sau đàn chuột sống an ổn không sợ hãi.
*
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy con chó rừng là Tỷ-kheo lừa đảo, còn chuột chúa là Ta vậy
Cáo chỏm trên đầu này …,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một người lừa đảo.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát làm chúa đàn chuột, sống ở trong rừng. Bấy giờ lửa bùng lên, có con chó rừng không thể chạy trốn được, đứng gục đầu vào một thân cây, để cho lửa cháy lông toàn thân của nó. Trên đỉnh đầu, tại chỗ gục vào cây, một nắm tóc còn lại, giống như cái chỏm.
Một hôm nó đang uống nước tại một vũng nước trên tảng đá, nó nhìn bóng mình thấy cái chỏm và nghĩ: “Nay ta có tiền để mua đồ rồi”. Nó đi lang thang trong rừng, thấy cái hang có đàn chuột và nghĩ: “Ta sẽ lừa dối, và ăn những con chuột này”. Như trước đã nói, nó đứng không xa cái hang chuột bao nhiêu. Vua loài chuột, trong khi đi tìm đồ ăn, thấy con chó rừng, tưởng rằng nó có giới hạnh liền đi đến gần và hỏi:
– Ngài tên gì?
-Ta tên là Bhàradvàja, kẻ thờ lửa.
– Sao ngài đến đây?
– Vì muốn bảo vệ các bạn.
– Làm thế nào ngài bảo vệ chúng tôi?
– Tôi biết đếm với ngón tay. Buổi sáng, khi các bạn đi ra để tìm đồ ăn, tôi sẽ đếm bao nhiêu con. Khi các bạn về, tôi sẽ đếm bao nhiêu con về. Như vậy, nhờ đếm buổi sáng và buổi chiều tôi sẽ bảo vệ các bạn.
– Này cậu thân, vậy hãy bảo vệ chúng tôi.
Con chó rừng chấp nhận. Khi đến giờ ra đi, con chó rừng đếm một hai ba, khi đến giờ về con chó rừng cũng đếm như vậy. Nó bắt con đi sau cùng và ăn thịt. Mọi chuyện xảy ra như câu chuyện trước. Ở đây, con chuột chúa quay trở lui, đứng lại và nói:
– Này Tôn giả thờ lửa Bhàradvàja, đây không phải là cái chỏm trên đầu do thiện pháp của ông tạo nên mà chính do nhân duyên cái bụng (tham ăn) ông tạo nên.
Rồi chuột chúa đọc bài kệ này:
Cái chỏm trên đầu này
Không do công đức tạo,
Cái chỏm trên đầu này
Do duyên cái bụng tạo,
Ðếm ngón tay làm gì?
Vừa rồi, kẻ thờ lửa!
*
Khi bậc Ðạo Sư nói pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ con chó rừng là Tỷ-kheo này, còn chúa đàn chuột là Ta vậy.
Hãy ăn như đã nói…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một người đàn bà ở Xá-Vệ. Nghe nói, nàng là vợ một Bà-la-môn cư sĩ có lòng tin. Nhưng nàng hành ác giới, theo ác pháp, ban đêm hành tà hạnh, còn ban ngày không làm công việc gì, cứ giả bộ đau ốm nằm rên. Người Bà-la-môn hỏi nàng:
– Hiền thê đau làm sao?
Nàng trả lời:
– Tôi bị gió hành.
– Hiền thê muốn gì?
– Muốn ăn đồ béo, bánh ngọt, các món ăn đặc biệt như cháo, món ăn có dầu v.v…
Nàng muốn gì người Bà-la-môn đều đem lại cho nàng, và ông ta làm tất cả mọi công việc như một người nô lệ. Khi vị Bà-la-môn có mặt ở nhà, thì nàng nằm nghỉ. Khi vị Bà-la-môn đi ra ngoài, nàng sống với các tình nhân.
Vị Bà-la-môn suy nghĩ: “Gió hành hạ thân vợ ta không có triệu chứng chấm dứt”. Nghĩ vậy, vị Bà-la-môn đem hương, vòng hoa đi đến Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo Sư rồi ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Bà-la-môn, sao mấy lúc này không thấy mặt ông?
Vị Bà-la-môn thưa:
– Bạch Thế Tôn, nữ Bà-la-môn vợ con bị gió hành hạ. Con phải tìm bơ chín, dầu v.v… và các món ăn đặc biệt cho vợ con. Nay thân nàng béo tốt, và màu da nàng sáng tươi. Nhưng bệnh vì gió không có triệu chứng chấm dứt. Vì con săn sóc vợ con nên không có cơ hội đến đây.
Bậc Ðạo Sư biết được ác hạnh của nữ Bà-la-môn, liền hỏi:
– Này Bà-la-môn, do tự ngã chất chứa nhiều đời, ông không nhớ lời của các bậc hiền trí đã nói với ông thời xưa. Cần phải làm những thuốc này, thuốc này đối với chứng bệnh của người đàn bà nằm như vậy.
Nói vậy xong, theo yêu cầu của vị Bà-la-môn, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị Bà-la-môn sanh ra trong một gia đình rất cao quý, đi học tất cả tài nghệ ở Takkasilà và trở thành một bậc Sư trưởng có danh tiếng nhiều phương. Các thanh niên hoàng tộc và các thanh niên Bà-la-môn ở tại kinh đô phần lớn đến học nghề từ Bồ-tát.
Một Bà-la-môn ở tỉnh thành học ba tập Vệ-đà và mười tám học minh với Bồ-tát; vị ấy được đặt vào chức vụ địa chủ ở Ba-la-nại, hằng ngày hai lần đi đến Bồ-tát. Vợ vị ấy là nữ Bà-la-môn có ác giới, theo ác hạnh. (Tất cả câu chuyện giống như câu chuyện hiện tại). Khi Bồ-tát hỏi và được nghe: “Do nhân duyên này … con không có cơ hội nghe thuyết giảng”, Bồ-tát biết nữ gia chủ này lừa đảo vị Bà-la-môn, bèn nghĩ: “Ta sẽ nói một phương thuốc thích hợp với chứng bệnh của nữ Bà-la-môn”. Vì vậy, Bồ-tát nói với vị Bà-la-môn ấy:
– Này cư sĩ thân, bắt đầu từ hôm nay, chớ cho nữ Bà-la-môn bơ chín, sữa, các vị ngọt v.v… Hãy lấy năm loại trái cây và phân bò, bỏ chúng vào trong một cái nồi bằng đồng mới, khiến chúng thấm nhiễm mùi của đồng, rồi cầm sợi dây thừng hay cây roi mây và nói: “Ðây là món thích hợp với bệnh của bà, hãy uống thuốc này hoặc đứng dậy làm các công việc cho xứng với các món bà ăn”. Sau đó, hãy đọc lên bài kệ này. Nếu vợ ông không chịu ăn uống, hãy lấy dây thừng hay cây roi mây đánh bà ta vài cái, hoặc nắm tóc kéo đi, hoặc lấy cùi chỏ đánh nhẹ, thế nào bà ta cũng dậy và làm công việc.
Người Bà-la-môn nói:
– Lành thay!
Và như đã được nghe nói, khi về nhà, vị ấy làm món thuốc và nói với bà vợ:
– Này hiền thê, hãy uống thuốc này!
– Ai nói làm thuốc này?
– Bậc Sư trưởng, hiền thê ạ.
– Hãy đem đi, tôi không uống đâu.
Thanh niên Bà-la-môn nói:
– Ngươi không thích uống sao?
Vị ấy cầm sợi dây và nói:
– Hoặc là uống thuốc này thích hợp với bệnh của ngươi, hoặc là làm công việc cho xứng đáng với món ăn được cung cấp.
Rồi vị ấy đọc bài kệ:
Hãy ăn như đã nói,
hãy nói như đã ăn,
Ngươi không làm cả hai,
Cả nói và cả ăn,
Hỡi này Ko-si-ya.
Nghe vậy, nữ Bà-la-môn Ksiya sợ hãi, vì biết có sự can thiệp của vị Sư trưởng. “Ta không thể lừa đảo được nữa”. Sau đó, nàng liền ngồi dậy làm các công việc. Vì lòng kính trọng bậc Ðạo Sư, nàng từ bỏ ác hạnh và trở thành có giới đức.
*
Khi nghe chuyện xong, nữ Bà-la-môn nhận thấy đức Phật đã hiểu ác hạnh của mình, bèn sợ hãi và không dám phạm tội nữa.
Sau khi kể câu chuyện này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Người chồng và người vợ thời ấy là người chồng và người vợ hiện tại, còn vị Sư trưởng là Ta vậy.
PHẨM ASAMPADÀNA
Nếu người này người kia …
Câu chuyện này, khi ở tại Trúc Lâm, bậc Đạo sư kể về Đề-bà-đạt-đa. Lúc bấy giờ, các Tỳ kheo tại Chánh pháp đường, khởi lên câu chuyện :
– Thưa các Hiền giả, Đề-bà-đạt-đa không biết ơn, không biết công đức của Như Lai.
Bậc Đạo Sư đi đến và hỏi :
– Này các Tỷ kheo, nay các ông ngồi họp ở đây bàn vấn đề gì ?
Khi được nghe vấn đề ấy, bấc Đạo Sư nói :
– Này các Tỷ kheo, không phải chỉ nay Đề-bà-đạt-đa mới vô ơn. Trong quá khứ, kẻ ấy cũng đã vô ơn như vậy rồi.
Nói xong bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, trong nước Ma-kiệt-đà ở Vương Xá, khi một vị vua Ma-kiệt-đà đang trị vì, Bồ-tát là một vị triệu phú có gia sản trị giá tám trăm triệu, tên là Sankha. Tại Ba-la-nại, một triệu phú tên là Piliya cũng có gia sản trị giá tám trăm triệu. Hai vị ấy là bạn thân với nhau. Trong thời ấy, vì một lý do nào đó, triệu phú Piliya gặp đại nạn và tất cả gia sản đều bị mất sạch. Trở thành nghèo túng, không nơi nương tựa, Piliya đoán biết triệu phú Sankha là chỗ có thể nhờ cậy được liền đem vợ ra khỏi Ba-la-nại, đi bộ đến Vương Xá tận trú xứ của triệu phú Sankha. Khi triệu phú Sankha thấy Piliya, liền ra đón và nói:
– Ồ bạn thân của tôi đã đến.
– Và ông đối xử với bạn rất kính trọng. Sau khi để cho bạn ở vài ngày, một hôm ông hỏi:
– Này bạn, bạn đến có mục đích gì?
– Này bạn, đại nạn đã xảy đến cho tôi. Tất cả tài sản đều mất sạch. Hãy giúp đỡ tôi!
– Lành thay này bạn, chớ sợ hãi.
Sankha mở kho bạc, cho bạn bốn trăm triệu đồng tiền vàng, rồi chia tất cả gia sản còn lại của mình, kể cả vật nổi, vật chìm, động sản, bất động sản, thành hai phần và cho bạn một nửa. Piliya đem tài sản ấy đi về Ba-la-nại và sống tại đấy.
Sau một thời gian, một tai nạn tương tự đến với triệu phú Sankha. Ông tìm chỗ để nương tựa và suy nghĩ: “Ta đã giúp đỡ rất nhiều cho bạn ta. Ta cho bạn nửa gia sản. Thấy ta, bạn sẽ không từ chối. Ta hãy đi đến bạn của ta”. Nghĩ vậy, hai vợ chồng ông đi đến Ba-la-nại, rồi Sankha nói với vợ:
– Này hiền thê, thật không thích hợp nếu bà đi bộ với tôi giữa đường xa thế này. Bà hãy đi đến sau. Tối nay tôi sẽ cho xe đến với một người tùy tùng để đưa bà vào thành cho đúng phép, hãy chờ tại đây.
Sau đó, Sankha để người vợ ở trong một nhà trọ, tự mình đi vào thành, đến nhà triệu phú và báo tin cho biết:
– Bạn của ngài tên là triệu phú Sankha đã từ Vương Xá đến.
Khi thấy Sankha, Piliya từ ghế đứng dậy, không đón mừng thân mật, chỉ hỏi:
– Bạn đến đây có mục đích gì?
– Tôi đến để thăm bạn.
– Hiện nay bạn ở đâu?
– Cho đến nay, tôi chưa có chỗ ở. Tôi để vợ tôi tại nhà trọ và đến đây.
– Ở đây, không có chỗ ở cho bạn. Hãy lấy một ít gạo, nấu tại một chỗ nào đó, ăn xong rồi đi. Ðừng để tôi thấy mặt bạn nữa.
Rồi ông sai một người nô lệ:
– Hãy cho bạn ta một lon gạo có nhiều trấu và gói vào một góc vải.
Người ta nghe rằng ngày trước đó nó đã có được gạo đỏ tốt chở đầy một ngàn cỗ xe và sau khi cho sàng gạo, đã chất đầy kho. Tên Piliya ngày trước đã được bạn cho bốn trăm triệu đồng tài sản và đi về không biết ơn, nay tên đại cướp chỉ cho bạn ân nhân một lon gạo nhiều trấu! Theo lệnh chủ, người nô lệ đong một lon gạo trấu trong một cái giỏ rồi đi đến Bồ-tát. Bồ-tát suy nghĩ: “Con người phi nhân nghĩa này, được ta cho bốn trăm triệu đồng, nay chỉ cho ta một lon gạo trấu, không biết ta có nên nhận hay không?”. Rồi Bồ-tát suy nghĩ: “Người bạn ác vô ơn này đã phá vỡ tình bạn với ta, khi ta gặp nạn. Nếu ta không nhận lon gạo trấu quá ít, ta sẽ phá vỡ tình bạn. Kẻ mù loà ngu si không nhận vật cho ít ỏi, sẽ phá hoại tình bạn. Nhưng ta, nhờ chế ngự được cơn giận vì lon gạo trấu do nó cho, sẽ duy trì được tình bạn”.
Do vậy Sankha cột vào vạt áo lon gạo được cho và từ lâu đài bước xuống đi đến nhà trọ. Vợ Sankha hỏi:
– Này ông, ông nhận được gì?
– Này hiền thê, triệu phú Piliya, bạn của chúng ta, đã cho một lon gạo trấu và đuổi chúng ta đi.
Bà vợ nói:
– Vì sao ông lại nhận ? Và nào có xứng đáng gì với bốn trăm triệu đồng tài sản?
Rồi bà vợ khóc, Bồ-tát nói:
– Này hiền thê, chớ khóc. Vì sợ phá vỡ tình bạn nên ta nhận để duy trì tình bạn. Sao bà lại sầu muộn?
Nói xong Bồ-tát đọc bài kệ này:
Nếu người này người kia
Không có cho chút gì.
Với kẻ ngu si, tình bạn
Ði đến chỗ tối đen
Do vậy ta vẫn nhận
Lượng được nửa phần trấu.
Ta không để tình bạn
Vì ta bị hủy diệt,
Ta muốn tình bạn này
Mãi mãi được trường cửu.
Tuy nghe nói vậy, bà vợ triệu phú vẫn khóc. Trong lúc ấy, một người nô lệ do triệu phú Sankha đã cho triệu phú Piliya, đi ngang qua cửa trọ, nghe tiếng khóc của bà triệu phú, liền đi vào nhà trọ. Thấy ông bà chủ của mình, anh ta đảnh lễ dưới chân họ, khóc than và hỏi:
– Thưa ông bà chủ, ông chủ đến đây có việc gì?
Triệu phú kể lại tất cả sự việc. Người nô lệ nói:
– Thưa ông bà chủ, hãy để sự việc như vậy. Chớ lo nghĩ.
Sau khi an ủi cả hai người, anh ta đưa họ về nhà mình dùng nước thơm để hai người tắm rửa, mời họ ăn cơm và tin cho các người nô lệ khác biết:
– Ông chủ bà chủ cũ của các bạn đã đến.
Và anh ta bảo họ đến thăm. Một vài ngày sau, anh ta họp toàn thể nô lệ cùng đi đến sân chầu vua, tạo ra tiếng vang lớn. Vua cho gọi họ vào và hỏi có việc gì. Họ trình lên vua hết tất cả sự việc. Vua nghe lời của họ xong, liền cho mời hai vợ chồng triệu phú đến và hỏi triệu phú Sankha:
– Có đúng sự thật chăng, này đại triệu phú, khanh đã cho triệu phú Piliya bốn trăm triệu đồng tiền vàng?
– Thưa Ðại vương, khi bạn tôi đi đến Vương Xá, và đặt lòng tin vào tôi, tôi không cho toàn thể tài sản của tôi, nhưng tôi chia tất cả động sản và bất động sản của tôi thành hai phần đồng đều và cho bạn tôi một nửa.
Vua hỏi triệu phú Piliya:
– Có đúng sự thật chăng?
Piliya trả lời:
– Thưa Ðại vương, đúng sự thật.
– Còn khi bạn của ngươi đến đặt lòng tin vào ngươi, ngươi có lòng cung kính tôn trọng bạn ngươi không?
Piliya im lặng.
– Có phải ngươi bảo đổ một lon gạo trấu vào một góc áo và cho bạn của ngươi chăng?
Nghe nói vậy Piliya vẫn giữ im lặng. Sau đó, nhà vua hỏi ý kiến các đình thần nên xử trí thế nào. Cuối cùng, khi quyết định xong, vua ra lệnh:
– Hãy đi lấy tất cả tài sản trong nhà của triệu phú Piliya giao cho triệu phú Sankha.
Bồ-tát thưa:
– Tâu Ðại vương, tôi không muốn gia sản của người khác, tôi chỉ xin nhận tài sản trước đây tôi đã cho.
Nhà vua giao gia sản theo yêu cầu của Bồ-tát. Sau khi nhận lại gia sản mình đã cho, Bồ-tát cùng với đoàn nô lệ vây quanh đi về Vương Xá, gầy dựng cơ nghiệp, và trọn đời làm các công đức như bố thí v.v…, rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, triệu phú Piliya là Ðề-bà-đạt-đa, còn triệu phú Sankha là Ta vậy.
132- CHUYỆN NGŨ DỤC LẠC (Tiền thân Pancagaru)
Nghe theo lời khuyên tốt …,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về sự cám dỗ của các cô gái của Ma vương (Màra) tại cây bàng Ajapàla của Người chăn dê.
Bậc Ðạo Sư đọc bài kinh bắt đầu với những lời này:
Rực rỡ sáng, chúng đến,
Ái, bất lạc và tham,
Ngay tại đấy, Ðạo Sư
Thổi chúng bay tán loạn,
Chẳng khác bay tán loạn,
Chẳng khác gì bông rơi,
Tan tác trước gió thổi!
Sau khi Thế Tôn đọc xong bài kinh, các Tỷ-kheo họp tại Chánh pháp đường, bắt đầu câu chuyện:
– Thưa các Hiền giả, trong khi các con gái của Màra tự tạo ra hàng trăm thiên sắc đi đến với mục đích, cám dỗ, bậc Chánh đẳng giác vẫn không thèm mở mắt để nhìn. Ôi, Phật lực thật là vi diệu!
Bậc Ðạo Sư đi đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi họp ở đây và bàn vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, thật không có gì vi diệu nếu Ta không nhìn các con gái của Màra, khi Ta đã chứng được Toàn Giác và đoạn tận tất cả các lậu hoặc. Trong thời quá khứ, khi Ta đang tìm đạo Bồ-đề, khi đang còn các kiết sử, Ta đã cương quyết không nhìn các thiên sắc hóa hiện đến như vậy và do sự chế ngự ấy, Ta đã đạt được đại vương quốc.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là em trai út của một gia đình có một trăm anh em. Tất cả câu chuyện mạo hiểm của ngài cần được diễn tả đầy đủ ở đây cũng như ở Tiền thân Telapatta (số 96). Lúc bấy giờ dân chúng trú ở thành Takkasilà dâng vương quốc cho Bồ-tát đang ở nhà trọ ngoài thành. và sau khi ngài được làm lễ quán đảnh phong vương, dân chúng trang hoàng thành phố như thành phố chư Thiên và trang hoàng cung điện của vua như cung điện của Thiên chủ Indra (tức là Sakka hay Ðế Thích).
Khi ấy Bồ-tát vào thành, đi ngang qua hành lang lớn trong cung vua, ngự lên vương tọa làm bằng châu báu vi diệu, dưới một lọng trắng được giương cao, và ngồi xuống với vẻ đẹp siêu phàm của vị Thiên chủ.
Các đại thần, Bà-la-môn, gia chủ v.v… các hoàng tử trong vương tộc, tất cả đều trang sức lộng lẫy, đứng bao vây xung quanh. Trong khi ấy mười sáu ngàn vũ nữ, đẹp như các Thiên nữ, rất giỏi về đàn múa, hát, đầy đủ sắc đẹp tuyệt trần, biểu diễn các điệu múa, các bài hát và các loại đàn, cho đến khi toàn cung điện vang dội tiếng hát, tiếng đàn, giống như lòng đại dương vang dội tiếng sấm sét. Bồ-tát ngồi nhìn cảnh huy hoàng lộng lẫy của mình, và suy nghĩ: “Nếu ta nhìn thiên sắc huyễn hóa của các nữ Dạ-xoa ấy, thì ta đã mệnh chung rồi. Nhờ ta không nhìn chúng, nên mới có cảnh huy hoàng lộng lẫy này. Nhờ nghe theo lời khuyên của các vị Ðộc Giác Phật, nên ta mới đạt được kết quả này”. Sau khi suy nghĩ như vậy, ngài nói lên lời cảm hứng với bài kệ:
Nghe theo lời khuyên tốt,
Kiên trì, không lay động,
Tiếp tục con đường,
Không có gì sợ hãi.
Ta không muốn đi vào
Chỗ cám dỗ Dạ-xoa,
Nên ta được an toàn,
Khỏi sự sợ hãi lớn.
Như vậy, bậc Ðại Sĩ thuyết pháp với bài kệ này, rồi ngài trị vì quốc độ đúng pháp, và trọn đời làm các công đức như bố thí v.v… cho đến khi mạng chung, ngài đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Ta là hoàng tử đi đến Takkasilà và đạt được vương quốc.
Tại chỗ được an ổn …,
Câu chuyện này, khi tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một vị Tỷ-kheo. Tỷ-kheo này lấy một đề tài thiền quán từ bậc Ðạo Sư, đi đến biên địa an cư mùa mưa tại một trú xứ trong rừng gần một ngôi làng nhỏ. Trong tháng đầu, khi đi vào làng khất thực, cái chòi lá bị cháy, bị mệt mỏi vì không có chỗ trú ẩn, Tỷ-kheo nói cho các vị hộ trì biết, họ đáp:
– Thưa Tôn giả, hãy yên tâm. Chúng tôi sẽ làm chòi lá lại cho Tôn giả.
Ban đầu họ đến nói vậy, nhưng ba tháng đã trôi qua, họ vẫn chưa làm. Vì không có trú xứ thích hợp, Tỷ-kheo ấy không đạt được kết quả đề tài thiền quán. Ngay cả một tia ánh sáng cũng không khởi lên cho vị ấy.
Khi an cư mùa mưa xong, vị ấy đi đến Kỳ Viên đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư tiếp đón Tỷ-kheo ấy thân mật và hỏi:
– Này Tỷ-kheo, đề tài thiền quán của ông có thích hợp không?
Tỷ-kheo ấy trình lên Thế Tôn biết về trú xứ của mình. Bậc Ðạo Sư nói:
– Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, ngay các loài bàng sanh cũng đã biết được trú xứ của mình, khi thích hợp thì chúng sống, khi không thích hợp thì chúng từ bỏ trú xứ ấy đi đến chỗ khác trước khi trú xứ an lạc của chúng trở thành nguy hiểm. Và nếu loại bàng sanh cũng đã biết như vậy, vì sao ông lại không biết trú xứ thích hợp hay không thích hợp cho mình?
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh làm con chim. Khi đến tuổi trưởng thành, đạt được dung sắc tối thượng, làm vua các loài chim, ở lại trong rừng, sống với đàn chim tùy tùng, nương tựa một cây lớn. Cây ấy có nhiều lá sum suê, với các cành lá vươn ra trên một hồ nước, và nhiều con chim sống trên các cành cây làm cho phân rơi trong nước.
Bấy giờ có con rắn chúa tên Canada sống trong hồ nước ấy. Nó suy nghĩ: “Những con chim này làm rơi phân trong hồ nước của ta. Vậy ta hãy làm cho lửa từ trong nước cháy lên thiêu rụi cây và đuổi chúng đi”. Trong cơn nóng giận, con rắn chúa đợi ban đêm trong khi tất cả đàn chim đang nằm ngủ. đầu tiên nó làm cho nước hồ sôi; kế đó làm cho khói bốc lên và phun cao hơn cây thốt nốt. Bồ-tát thấy lửa từ nước phun lên, liền gọi bầy chim:
– Này các bạn chim, nước thường hay dập tắt lửa. Nay chính nước đốt cháy. Chúng ta không thể ở đây được. Chúng ta sẽ đi tìm chỗ khác.
Nói xong, Bồ-tát đọc bài kệ:
Nơi chốn được an ổn,
Tại đấy, rắn nổi lên,
Chính ở giữa lòng nước,
Lửa từ đấy cháy lên,
Nay không nên trú ở
Tại cây mọc trên đất,
Hãy bay tản các phương,
Hồ này rất đáng sợ.
Sau đó, Bồ-tát đem các con chim nghe theo mình bay đi tìm chỗ khác. Còn những con chim không nghe lời Bồ-tát vẫn ở lại, đều bị thiêu cháy.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư giảng Bốn sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo chứng đắc quả A-la-hán và Ngài nhận diện tiền thân:
– Lúc bấy giờ mấy con chim nghe theo lời Bồ-tát là hội chúng của Ðức Phật, còn vua loài chim là Ta vậy.
Những ai còn có tưởng …,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về lời giải thích rộng rãi của vị Tướng quân Chánh pháp Xá-lợi-phất (Sariputta), tại cửa thành Sankassa liên hệ đến một vấn đề do bậc Ðại Sư thuyết giảng vắn tắt. Câu chuyện quá khứ được kể như sau:
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát mệnh chung ở trong rừng đã nói:
– Phi tưởng phi phi tưởng.
Các vị tu khổ hạnh không tin lời giải thích của vị đệ tử đầu tay về lời dạy của vị Ðạo Sư. Vì vậy Bồ-tát từ cõi trời Quang âm trở về, và đứng trên hư không đọc lên bài kệ này:
Những ai còn có tưởng,
Chúng cũng đi ác thú;
Những ai không có tưởng,
Chúng cũng đi ác thú,
Hãy từ bỏ cả hai,
Ðạt được lạc thiền chứng,
Không còn các uế nhiễm.
Như vậy Bồ-tát thuyết pháp, tán thán vị đệ tử của ngài và đi lên cõi Phạm Thiên. Khi ấy, các vị tu hành khổ hạnh còn lại đã tin vị đệ tử đầu tay.
*
Sau khi kể pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ vị đệ tử đầu tiên là Xá-lợi-phất, còn vị đại Phạm Thiên là Ta vậy.
Nguyệt quang và nhật quang …,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về lời giải thích một vấn đề của trưởng lão Xá-lợi-phất tại cửa thành Sankassa.
*
Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát vào lúc mệnh chung ở trong rừng, đã trả lời các câu hỏi của các đệ tử với các chữ: “ánh sáng của mặt trăng, ánh sáng của mặt trời”, nói xong, ngài sanh lên Quang âm thiên.
Bấy giờ vị đệ tử đầu tay giải thích lời của bậc Ðạo Sư, các vị khổ hạnh không tin tưởng vị ấy. Cho nên sau đó, Bồ-tát từ Quang âm thiên xuất hiện xuống, đứng trên hư không và đọc lên bài kệ:
Nguyệt quang và nhật quang,
Ai tu với trí tuệ
Với thiền không tầm này,
Ðược sanh Quang âm thiên.
Như vậy, Bồ-tát dạy cho các vị tu khổ hạnh hiểu và tán thán đức hạnh của vị đệ tử đầu tay, rồi trở lại cõi Phạm Thiên.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vị đệ tử đầu tay là Xá-lợi-phất, còn đại Phạm Thiên là Ta vậy.
Ðược gì, hãy biết là đủ …,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Tỷ-kheo-ni Thhullanandà (Nandà Mập). Một nam cư sĩ ở Xá Vệ muốn cúng dường tỏi cho chúng Tỷ-kheo-ni bảo người giữ ruộng:
– Khi nào các Tỷ-kheo-ni đến, hãy cho mỗi Tỷ-kheo-ni hai hay ba nhánh tỏi.
Từ khi ấy trở đi, các Tỷ-kheo-ni thường đi đến nhà người ấy, hay ra đồng ruộng để lấy tỏi, Một hôm, vào một ngày lễ, trong nhà người ấy tỏi không còn nữa. Tỷ-kheo-ni Thullanandà đến nhà người ấy với một số tùy tùng và hỏi:
– Thưa ông có tỏi không?
– Thưa ni sư, tôi không có. Tỏi đem về đủ dùng hết rồi. Ni sư hãy đi ra ngoài đồng.
Nghe nói vậy, Thullanandà đi ra ngoài đồng, không chế ngự được lòng tham, đã mang tỏi về quá nhiều. Ngưòi giữ ruộng tức giận:
– Vì sao các Tỷ-kheo-ni không biết vừa đủ, đem tỏi đi quá nhiều vậy?
Nghe nói vậy, các Tỷ-kheo-ni thiểu dục cũng bực bội phiền muộn; và các Tỷ-kheo ở nhà nghe các Tỷ-kheo-ni ấy nói cũng bực bội và phiền muộn không kém. Sự phiền muộn của chư Ni được các Tỷ-kheo trình lên Thế Tôn rõ. Thế Tôn phê bình Tỷ-kheo-ni Thullanandà và nói:
– Này các Tỷ-kheo, một người có lòng dục lớn xử sự không thân ái, không làm vừa ý ngay cả mẹ sanh ra mình, không gây được lòng tin đối với những người chưa tin, không thể làm tăng trưởng lòng tin của những người đã có lòng tin; không tạo nên các lợi dưỡng chưa được tạo nên. Và đối với lợi dưỡng đã có rồi, cũng không thể duy trì được. Còn người ít dục có thể làm khởi lên lòng tin ở người chưa có lòng tin, có thể làm tăng trưởng lòng tin với những người đã có lòng tin, tạo nên các lợi dưỡng chưa được tạo nên, và đối với lợi dưỡng đã có rồi vẫn có thể duy trì được.
Với phương pháp ấy, bậc Ðạo Sư thuyết giáo thích hợp cho các Tỷ-kheo ấy và nói:
– Này các Tỷ-kheo không phải chỉ nay Thullanada mới có tham dục lớn, trong quá khứ Thullanandà cũng đã có lòng dục lớn như vậy rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, họ cưới cho Bồ-tát một người vợ từ một gia đình ngang hàng. Với người vợ ấy, Bồ-tát có được ba con gái đều tên là Nandà. Khi Bồ-tát mệnh chung, vợ và các con gái phải đi đến ở với các gia đình khác.
Bồ-tát tái sanh làm con ngỗng trời vàng có trí nhớ được các đời trước. Khi con ngỗng trời vàng đến tuổi trưởng thành, thấy thân thể to lớn của mình, với lông vàng che thân, với sắc đẹp tuyệt trần, nó hướng tâm tìm hiểu: “Ta từ đâu mạng chung mà đến đây?”
Biết được mình từ loài người đến, Bồ-tát hiểu: “Nay nữ Bà-la-môn và các con gái ta ở đâu?”. Ðược biết họ đang làm thuê cho người khác và sống một cách khó khăn, Bồ-tát suy nghĩ: “Trong các lông bằng vàng trên thân ta hiện nay, nếu ta cho họ một cái lông bằng vàng của ta, thì với lông vàng ấy, vợ và các con gái ta sẽ sống hạnh phúc”. Vì vậy, Bồ-tát đi đến chỗ họ ở và đậu trên cây xà ngang chính. Nữ Bà-la-môn và các con gái thấy Bồ-tát, liền hỏi:
– Thưa ngài, ngài từ đâu đến?
Bồ-tát trả lời:
– Ta là cha các con. Ta mệnh chung được sanh làm con ngỗng trời vàng. Ta đến để thăm các con. Bắt đầu từ nay các con không còn phải làm thuê cho người khác và sống một cách khổ sở như vậy nữa. Ta sẽ cho các con mỗi lần một cái lông vàng của ta. Các con bán lông ấy và sống hạnh phúc.
Nói xong, Bồ-tát cho họ một cái lông vàng và bay đi. Từ đó với cách thức này, Bồ-tát tiếp tục đi đến và mỗi lần cho họ một cái lông vàng. Và các nữ Bà-la-môn được sống sung túc và hạnh phúc. Một hôm, nữ Bà-la-môn nói với các con gái:
– Này các con, tâm của loài súc sanh khó mà tin được. Một ngày nào đó, cha các con có thể không đến đây, vậy khi nào cha các con đến, chúng ta hãy nhổ tất cả lông vàng và lấy các lông ấy để dành.
Các cô gái không chịu, liền nói:
– Làm như vậy cha chúng con sẽ đau đớn.
Tuy vậy nữ Bà-la-môn, vì lòng ham muốn quá lớn, một hôm, thấy con ngỗng trời vàng đến, bà kêu con ngỗng đến gần bà, với hai tay bắt giữ ngỗng và nhổ tất cả lông. Nhưng các lông của Bồ-tát có đặc điểm là nếu bị nhổ lên bằng sức mạnh ngoài ý muốn của mình, thì chúng trở thành như lông con cò thường. Bấy giờ Bồ-tát xòe hai cánh ra, nhưng không có thể bay được. Nữ Bà-la-môn quăng Bồ-tát vào một cái thùng lớn và cho Bồ-tát ăn ở đấy. Theo thời gian, các lông của Bồ-tát được mọc lên, nhưng chúng toàn màu trắng. Với cánh được mọc lại, Bồ-tát về chỗ ở của mình, và không bao giờ trở lại nữa.
*
Sau khi kể câu chuyện quá khứ này, bậc Ðạo Sư lại nói:
– Này các Tỷ-kheo, Thullanandà không phải nay mới có ham muốn lớn. Thuở trước nàng cũng có ham muốn lớn rồi. Lòng ham muốn lớn của nàng lúc ấy làm cho nàng mất vàng, cũng như lòng ham muốn lớn của nàng hôm nay làm cho nàng mất tỏi. Cũng như Thullanandà, chính vì nàng, chúng Tỷ-kheo còn lại không được tỏi. Do vậy, nếu được nhiều, phải biết lượng vừa đủ; nếu được ít, phải bằng lòng với đồ nhận được. Chớ mong mỏi nhiều hơn.
Rồi bậc Ðạo Sư đọc bài kệ:
Ðược gì, hãy biết đủ,
Quá tham là ác pháp,
Do bắt chúa ngỗng trời,
Bao nhiêu vàng tiêu hết.
Nói xong, bậc Ðạo Sư dùng nhiều phương tiện chỉ trích rồi đặt ra học giới: “Tỷ-kheo-ni nào ăn tỏi, phải bị tội đọa địa ngục”.
Nói xong pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, nữ Bà-la-môn là Thullanandà, ba người con gái ấy là ba chị em của nàng, và con ngỗng trời vàng là Ta vậy. (Câu chuyện này được nói đến trong Luật tạng, tập IV).
Tại chỗ, cho một mèo…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một học giới liên hệ đến mẹ của Kànà. Ở Xá-vệ có một nữ cư sĩ, được biết qua người con gái, tên là Kànàmata (mẹ của Kànà). Nữ cư sĩ này đã chứng quả Dự lưu, một Thánh đệ tử. Bà gả con gái cho một người đàn ông đồng giai cấp thọ sanh tại một ngôi làng khác. Vì một vài công việc, Kànà đi đến nhà mẹ. Chồng của Kànà, sau một vài ngày, sai một người đưa tin rằng chàng muốn Kànà hãy về. Kànà nghe lời đưa tin, hỏi mẹ:
– Thưa mẹ, con có nên đi về ngay không?
Bà mẹ nói:
– Con ở đây lâu như vậy, sao con có thể về tay không?
Rồi bà mẹ bắt đầu làm bánh. Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo khất thực đi đến nhà nữ cư sĩ ấy. Bà mời vị ấy ngồi, và cúng dường bánh đầy bát. Vị ấy ra đi, lại nói với một người khác đến khất thực, và bà mẹ cũng cúng dường người ấy như vậy. Vị ấy ra đi lại nói với một người khác nữa, và bà mẹ cúng dường, cho đến bốn người cùng được cúng dường như vậy. Vì vậy, bánh được làm ra đều hết sạch. Và Kànà gửi người đưa tin thứ hai, rồi thứ ba. Ðến lần gửi người đưa tin thứ ba, người chồng nhắn: Nếu nàng không về, ta sẽ lấy vợ khác.
Lần thứ ba cũng vì lý do ấy, Kànà không đi về được. Chồng Kànà lấy một người vợ khác. Kànà nghe tin ấy liền đứng khóc.
Bậc Ðạo Sư biết được nguyên do, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến nhà mẹ của Kànà, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn và hỏi mẹ của Kànà:
– Vì sao, Kànà này lại khóc?
Khi được nghe nói lý do, bậc Ðạo Sư an ủi mẹ của Kànà, thuyết pháp thoại xong, từ chỗ đứng dậy và đi về tinh xá. Câu chuyện bốn Tỷ-kheo, ba lần nhận lấy bánh ở nhà mẹ Kànà vô tình ngăn chận việc Kànà đi về, được chúng Tỷ-kheo biết đến. Một hôm, các Tỷ-kheo, họp tại Chánh pháp đường, bắt đầu nói chuyện:
– Này các Hiền giả, bốn Tỷ-kheo trong ba lần ăn bánh do mẹ của Kànà nấu đã làm trở ngại việc Kànà đi về, do nguyên nhân ấy, người con gái bị chồng ruồng bỏ, khiến cho đại nữ cư sĩ sầu muộn.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp tại đây đang bàn vấn đề gì?
Khi được nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay bốn Tỷ-kheo mới ăn tài vật của mẹ Kànà, khiến bà ấy sinh sầu muộn. Thuở trước, họ cũng đã làm như vậy rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một người thợ đẽo đá và khi đến tuổi trưởng thành, trở thành tinh xảo trong nghề. Trong nước Kàsi, tại một thị trấn, có một nhà triệu phú rất giàu. Số tiền cất giữ lên đến bốn trăm triệu đồng tiền vàng. Vợ vị triệu phú mệnh chung, và vì quá luyến ái tài sản nên tái sanh làm con chuột sống trên đống tài sản. Như vậy, dần dần tất cả gia đình đi đến hủy diệt. Người chồng cũng chết. Ngôi làng trở thành hoang phế và vắng người.
Lúc ấy Bồ-tát đang đào và đẽo dá tại ngôi làng cũ. Rồi con chuột ấy đi tìm đồ ăn, thấy Bồ-tát nhiều lần, khởi lên tâm luyến ái, nghĩ như sau: “Tài sản lớn của ta vô cớ bị hủy diệt. Ta sẽ ăn tiêu tài sản cùng chung với người nầy!”. Nghĩ vậy, một hôm nó ngậm trong miệng một đồng tiền vàng và đi đến Bồ-tát, Bồ-tát thấy nó, liền nói lên lời thân ái:
– Này bạn, có gì khiến bạn đến đây với đồng tiền vàng?
– Này ông chủ, tiền này để ông chủ tiêu dùng cho mình và đem thịt cho ta.
Bồ-tát chấp nhận nói:
– Tốt lắm!
Rối lấy đồng tiền vàng đi về nhà, dùng một nửa mua thịt và đem đến cho con chuột. Con chuột lấy thịt đem về hang của mình và ăn thật thỏa thích. Từ đấy trở đi, với cách thức này, hằng ngày nó đem đến cho Bồ-tát một đồng tiền vàng, và Bồ-tát lại cung cấp thịt cho nó. Một hôm con chuột bị một con mèo bắt được. Nó nói:
– Này bạn, chớ giết ta.
– Vì sao? Ta nay đang đói muốn ăn thịt. Ta không thể không giết mầy được.
– Trước hết hãy nói cho ta biết ngày nào bạn cũng đói hay chỉ đói hôm nay thôi.
– Ồ ngày nào ta cũng đói cả.
– Vậy nếu bạn muốn ăn thịt hằng ngày, xin hãy thả ta ra.
Con mèo nói:
– Mầy nhớ đấy.
Và nó thả con chuột ra. Từ đấy trở đi, con chuột chia thành hai phần thịt, một phần cho nó, một phần cho con mèo. Một ngày kia, nó bị một con mèo khác bắt, nó cũng hứa tương tự và được thả ra. Từ đấy trở đi chúng chia thịt thành bốn phần, và chúng ăn. Rồi một con mèo khác bắt nó, nó cũng hứa tương tự và được thả ra. Giữ lời hứa, chúng chia thịt thành năm phần và ăn. Con chuột, vì ăn ít, bị mệt mỏi và trở thành ốm yếu, gầy còm. Bồ-tát thấy con chuột như vậy, bèn hỏi: – Này bạn, sao bạn ốm yếu thế?
Khi được biết lý do, Bồ-tát nói:
– Lâu nay sao bạn không nói với tôi? Ở đây, tôi sẽ biết việc gì nên làm.
Bồ-tát an ủi con chuột, rồi làm một cái hang bằng đá pha lê trong suốt, đem đến và nói với con chuột:
– Này bạn, hãy vào trong hang này mà nằm. Với những ai đến đấy, hãy dọa nạt chúng với những lời thật là ác độc.
Con chuột vào trong hang nằm. Rồi một con mèo đến và nói:
– Hãy đem thịt cho ta.
Con chuột nói với nó:
– Ôi con mèo độc ác kia, sao ta lại đem thịt cho mầy? Hãy về ăn thịt các con mèo con của mầy đi!
Con mèo không biết con chuột nằm trong hang bằng pha lê, quá tức giận, liền dùng sức mạnh nhảy đến để bắt con chuột, quả tim nó đập mạnh vào cái hang bằng pha lê, bị vỡ khiến hai con mắt lồi ra. Như vậy, con mèo chết và rơi xuống tại một chỗ kín. Cũng với cách thức ấy, bốn con mèo đều chết.
Từ đấy trở đi, con chuột không còn sợ hãi nữa và hằng ngày đem cho Bồ-tát hai ba đồng tiền vàng. Như vậy dần dần nó cho Bồ-tát tất cả tài sản. Cả hai sống với nhau cho đến trọn đời với tình thân ái không chia rẽ, rồi khi mạng chung đi theo nghiệp của mình.
Khi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ này xong, với danh nghĩa bậc Chánh Ðẳng Giác, Ngài nói lên bài kệ:
Tại chỗ cho một mèo,
Mèo thứ hai hiện ra,
Rồi mèo thứ ba, bốn,
Tất cả con mèo chết,
Vì chạm hang gương này.
*
Sau khi bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, bốn con mèo là bốn Tỷ-kheo ấy, con chuột là mẹ của Kànà, và người thợ đẽo đá là Ta vậy.
Kẻ ngu có ích gì…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ viên, bậc Ðạo Sư kể về một người lừa đảo. Các chi tiết câu chuyện cũng giống như Tiền thân Bilàra số 128.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con cắc kè. Lúc bấy giờ một vị tu khổ hạnh chứng được năm Thắng trí, sống trong một chòi lá tại một khu rừng, gần một ngôi làng ở biên địa. Những người làng hầu hạ vị tu khổ hạnh rất kính trọng vị ấy. Bồ-tát sống trong một gò mối tại cuối con đường đi kinh hành của vị tu hành. Sống tại đây, Bồ-tát hằng ngày hai ba lần đi đến vị tu khổ hạnh, nghe những lời liên hệ đến pháp, liên hệ đến nghĩa, và đảnh lễ vị tu khổ hạnh rồi đi về trú xứ của mình.
Sau một thời gian, vị tu khổ hạnh ấy báo tin cho những người trong làng biết mình sẽ ra đi. Khi vị tu khổ hạnh có giới đức này ra đi, một vị tu khổ hạnh giả dối đến ở tại am thất ấy. Bồ-tát suy nghĩ: “Ðây là vị có giới hạnh” và cũng đi đến vị ấy với cách thức như trước. Một hôm, trong mùa nắng hạn, một cơn dông trái mùa khởi lên, những con kiến mối từ những gò mối bò ra; và các con cắc kè cũng bò ra để ăn chúng. Những người trong làng đi ra bắt nhiều con cắc kè, nấu chúng, xào trộn chua ngọt rồi cúng dường cho vị tu khổ hạnh. Vị tu khổ hạnh ăn thịt cắc kè, tham đắm vị ngon, liền hỏi:
– Món thịt thật là ngon ngọt, đó là thịt gì vậy?
Khi được trả lời là thịt cắc kè, vị ấy suy nghĩ: “Có con cắc kè lớn thường đến với ta. Ta sẽ giết nó để ăn thịt”. Nghĩ vậy vị ấy đem lại son chảo để nấu, bơ chín, muối… các món gia vị, để chúng một bên, cầm một cái vồ lấy áo che lại, rồi ngồi tại cửa chòi lá để chờ Bồ-tát đến với một dáng điệu hết sức an tịnh.
Bồ-tát đi ra, suy nghĩ: “Vào buổi chiều, ta sẽ đi đến vị tu khổ hạnh”. Khi đang đi đến, Bồ-tát thấy sắc diện của người tu khổ hạnh này đổi khác, liền suy nghĩ: “Người tu khổ hạnh này ngồi với dáng điệu khác với ngày trước. Hôm nay, vị ấy đang nhìn ta với cặp mắt như muốn nuốt sống ta và suy nghĩ: ta sẽ bắt nó”.
Con cắc kè là hiện thân của Bồ-tát, vì đứng trong gió dưới vị tu khổ hạnh, ngửi được mùi thịt cắc kè, suy nghĩ: “Người tu khổ hạnh dối trá này hôm qua đã được ăn thịt cắc kè, bị trói buộc bởi lòng tham vị, hôm nay nó chờ ta đến gần để lấy vồ đánh ta, nấu và ăn ta”. Nghĩ vậy, Bồ-tát không đi đến gần nó nữa, và trở lui chỗ khác.
Người tu khổ hạnh biết rằng Bồ-tát không tới nữa, liền nghĩ: “Chắc con cắc kè này biết ta muốn giết nó nên nó không đến, nhưng dầu nó không đến, làm sao nó thoát được?”. Nghĩ vậy, vị ấy rút vồ và ném vào con cắc kè nhưng chỉ trúng cái chóp đuôi của con cắc kè, Bồ-tát chạy mau vào gò mối, thò đầu ra từ một lỗ khác, và nói:
– Này kẻ bện tóc giả dối kia, ta đi đến gần ngươi vì ta nghĩ ngươi là kẻ có giới hạnh. Nay ta đã biết ngươi là kẻ giả dối. Một kẻ đại ăn cướp như ngươi thì xuất gia để làm gì?
Sau khi chỉ trích người tu khổ hạnh ấy, Bồ-tát đọc bài kệ trong Pháp cú (394):
Kẻ ngu có ích gì,
Bện tóc với da dê,
Nội tâm đầy phiền não,
Ngoài mặt đánh bóng suông?
Như vậy, sau khi lên án kẻ tu khổ hạnh giả dối, Bồ-tát liền đi vào gò mối. Còn người tu khổ hạnh ác độc bỏ đi chỗ khác.
*
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, người tu khổ hạnh giả dối là kẻ lừa đảo này, người tu khổ hạnh có giới đức trước là Xá-lợi-phất và con cắc kè là Ta vậy.
Mắt hư, áo bị mất…
Câu chuyện này khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa. Lúc bấy giờ, người ta nghe nói các Tỷ-kheo tại Chánh Pháp đường bắt đầu nói chuyện:
– Thưa các Hiền giả, như một que củi từ nghĩa địa, bị cháy hai đầu, ở giữa bị dính phân, không thể dùng làm củi rừng, cũng không thể dùng làm củi làng, cũng vậy, Ðề-bà-đạt-đa được xuất gia trong Giáo pháp dẫn đến giải thoát nhưng cả hai mặt đều thất bại, cả hai mặt bị vứt bỏ, đó là tài sản tại gia bị đoạn tận, và Sa-môn hạnh không viên mãn.
Trong lúc ấy bậc Ðạo Sư đi đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông nay đang ngồi họp và thảo luận vấn đề gì?
Khi được nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, Ðề-bà-đạt-đa không phải chỉ nay mới gặp thất bại cả hai mặt, thuở xưa, cũng đã thất bại như vậy rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm một thần cây. Lúc bấy giờ, tại một ngôi làng những người câu cá đang sống, có một người câu cá mang theo lưỡi câu, cùng với đứa con trai đến một đầm nước mà các người chài lưới thường bắt cá. Anh ta đi chỗ này chỗ kia quăng lưỡi câu. Lưỡi câu mắc vào một khúc cây đang ẩn kín trong nước. Người đánh cá không thể kéo lưỡi câu lên. Anh ta suy nghĩ: “Lưỡi câu này chắc mắc vào con cá lớn. Ta hãy bảo đứa con trai đi về nhà, báo cho mẹ nó biết”. Nghĩ vậy anh ta nói với đứa con:
– Con thân, hãy đi tin cho mẹ biết chúng ta câu được con cá lớn, và nói với mẹ hãy tìm cách gây sự với hàng xóm để giữ họ ở nhà, vì thế sẽ không ai đến đòi chia phần cá của ta cả.
Ðứa con ra đi, còn anh ta ở lại, kéo lưỡi câu nhưng vì sợ đứt dây, bèn để áo ngoài trên bờ, đi xuống nước. Vì say mê tìm bắt con cá nên anh ta va chạm vào khúc cây, bị hư hai con mắt. Một tên ăn trộm lấy cắp cái áo anh ta để trên bờ. Trong cơn đau đớn, anh ta lấy tay bịt hai con mắt mù từ nước đi lên, run rẩy đi tìm cái áo.
Trong lúc ấy, vợ anh ta huênh hoang với ý định: “Ta sẽ làm cho không một ai đến đòi chia phần”. Nghĩ vậy, chị đeo một lá thốt nốt trên một tai, lấy lọ nồi bôi một con mắt, ôm trong nách một con chó, và đi đến gọi người hàng xóm. Một người bạn nói với chị:
– Chao ôi! Ðeo lá thốt nốt vào tai của bạn, bôi một con mắt, ôm một con chó như đứa con thân yêu, bạn đi từ nhà mình đến nhà người ta, bạn điên rồi sao?
– Ta không điên. Ngươi không có lý do gì lại mắng ta, nhiếc ta? Nay hãy đi đến thôn trưởng, ta sẽ làm cho ngươi bị phạt tám đồng tiền vì tội mắng nhiếc ta.
Sau khi cãi vã như vậy, cả hai cùng đi đến gặp người thôn trưởng. Nhưng sau khi cuộc cãi vã được giải quyết thì chính vợ người đánh cá bị phạt. Người ta trói và đánh chị để đòi chị trả tiền phạt. Khi vị thần cây thấy sự việc xảy ra cho vợ người đánh cá ở làng, và sự bất hạnh xảy ra cho người đánh cá ở trong rừng, vừa đứng ở trên nhánh chĩa ba của thân cây, vị thần cây vừa nói:
– Này bạn câu cá ơi, việc ác bạn làm dưới nước và trên cạn, cả hai đều thất bại.
Nói vậy xong, vị thần đọc bài kệ:
Mắt mù, áo bị mất,
Cãi vã, vợ bị đánh,
Hai việc đều hư hỏng,
Dưới nước và trên cạn.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thuở ấy, người câu cá là Ðề-bà-đạt-đa, còn vị thần là Ta vậy.
Tâm thường bị chấn động…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một vị Sư Trưởng có danh. Các chi tiết của chuyện sẽ được kể trong Chương mười một, ở Tiền thân Bhaddasàla (số 465).
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con quạ. Một hôm, vị cố vấn tế tự của vua đi tắm trong một con sông ở ngoại thành, sau đó thoa nước thơm, đeo vòng hoa, mặc áo đẹp rồi đi vào thành. Có hai con quạ đang đậu trên lầu cạnh cửa thành, một con nói với con kia:
– Này bạn, tôi sẽ đi đại tiện trên đầu người Bà-la-môn này.
Con kia can:
– Chớ làm như vậy, vị Bà-la-môn này có quyền thế, chúng ta không nên gây hận thù với người có quyền thế. Người này phẫn nộ có thể sát hại tất cả loài quạ.
Nhưng nó cương quyết:
– Tôi không thể không làm được.
– Nếu không nghe tôi, rồi bạn sẽ được nếm mùi.
Nói vậy xong con quạ kia bay đi. Khi người Bà-la-môn đi đến dưới lầu canh, con quạ làm rơi phân trên đầu ông như làm rơi một tràng hoa. Vị Bà-la-môn phẫn nộ và nuôi lòng hận thù với loài quạ.
Lúc bấy giờ, một nữ tỳ được thuê để đập và phơi lúa giữa nắng. Tại cửa này nó ngồi để giữ lúa rồi ngủ gật. Biết nó không để ý, một con dê lông dài đi đến ăn lúa. Người nữ tỳ thức dậy, thấy con dê bèn đuổi đi. Lần thứ hai, lần thứ ba, khi người nữ tỳ đang ngủ như vậy, con dê lại đến ăn lúa. Người nữ tỳ, sau ba lần đuổi con dê, suy nghĩ: “Con vật này tiếp tục ăn, ăn hết nửa phần lúa, sẽ thiệt hại nhiều cho ta, nay ta sẽ chận con dê đến ăn lúa”. Nó đứng dậy lấy que lửa đánh con dê. Lông con dê bắt lửa. Con vật với thân bị cháy, chạy thật mau đến một kho chứa cỏ gần một chuồng voi để dập tắt lửa, và chà thân vào kho chứa cỏ làm cho kho cỏ cháy lên, và từ đó, bắt cháy qua chuồng voi. Khi chuồng voi bị cháy, lưng voi bị cháy, và nhiều con voi bị vết thương ở thân. Các thầy thuốc voi không thể nào chữa các con voi lành bệnh, báo cho vua biết. Vua hỏi vị cố vấn tế tự:
– Này Sư trưởng, các thầy thuốc không thể chữa trị các con voi lành bệnh. Khanh có biết thứ thuốc nào không?
– Thưa Ðại Vương, thần biết.
– Cần lấy thuốc gì?
– Thưa Ðại Vương, cần lấy mỡ quạ.
Vua nói:
– Vậy hãy giết quạ và đem mỡ quạ lại.
Từ đấy trở đi họ giết các con quạ nhưng không tìm được mỡ. Tại chỗ này chỗ khác, họ chất thây quạ thành đống. Một nỗi sợ hãi lớn khởi lên trong loài quạ. Lúc bấy giờ Bồ-tát sống với tám mươi ngàn con quạ vây quanh tại một khu rừng lớn dùng làm bãi tha ma. Một con quạ đến, báo cho Bồ-tát biết về sự sợ hãi khởi lên cho loài quạ. Bồ-tát suy nghĩ: “Ngoài ta ra, không có một ai có thể giải tỏa sự sợ hãi khởi lên cho bà con ta. Ta sẽ giải tỏa sự sợ hãi khủng khiếp ấy”. Rồi Bồ-tát hướng niệm mười Ba-la-mật, đề cao lòng từ Bà-la-mật, bay một mạch đến cung vua, vào cửa sổ mở lớn, và đến núp dưới chiếc ngai của vua. Lúc bấy giờ một người muốn bắt con quạ, nhưng vua vừa đi vào cung ngăn anh ta lại. Bậc Ðại Sĩ nghỉ mệt một lát, rồi niệm lòng từ Ba-la-mật, và từ dưới chiếc ngai đi ra, thưa với vua:
– Tâu Ðại Vương, một vị vua trị vì quốc độ không nên đi theo các dục v.v… Khi cần làm việc gì, phải quan sát, và rõ biết toàn bộ vấn đề, rồi mới làm. Nếu vị vua làm một việc không có kết quả thì không nên làm, vì công việc ấy đưa đến sợ hãi hoặc chết chóc cho mọi loài. Vị cố vấn tế tự bị hận thù xúi giục đã nói láo: Vì các con quạ không có mỡ.
Khi nghe nói vậy, vua rất bằng lòng với Bồ-tát, cho Bồ-tát ngồi trên ghế bằng vàng, tại đấy Bồ-tát được xoa đôi cánh với những loại dầu được nấu trăm lần ngàn lần, rồi cho Bồ-tát ăn các món thịt ngon dành cho vua, được đựng trong các bát đĩa bằng vàng. Sau khi cho Bồ-tát uống nước để được an lạc, vua nói với bậc Ðại Sĩ:
– Thưa bậc Hiền trí, ngài nói các loài quạ không có mỡ? Vì lý do gì chúng không có mỡ?
Bồ-tát nói:
– Vì lý do sau đây:
Với tiếng nói lớn vang dậy cả cung điện, Bồ-tát thuyết pháp qua bài kệ này:
Tâm thường bị chấn động,
Bị thế giới làm hại,
Do vậy không có mỡ,
Bà con quạ chúng tôi.
Như vậy, sau khi nói lên lý do này, bậc Ðại Sĩ dạy vua như sau:
– Thưa Ðại Vương, các vị vua chớ làm những việc gì mà không quan sát, không biết rõ toàn bộ vấn đề.
Nhà vua với tâm tư thỏa mãn, cúng dường Bồ-tát cả vương quốc. Nhưng Bồ-tát không nhận vương quốc của vua, dạy vua giữ Năm giới, và xin vua chớ làm cho mọi loài chúng sanh sợ hãi.
Vua xúc động trước những lời này nên ban lệnh tha chết cho mọi loài, và đặc biệt vua thường xuyên bố thí cho các loài quạ. Mỗi ngày vua bảo nấu sáu đấu gạo rồi nêm gia vị thơm ngon và bố thí cho bầy quạ. Riêng bậc Ðại Sĩ được ban các thứ đồ ăn chỉ mình vua dùng.
*
Sau khi kể pháp thoại này xong bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vua Ba-la-nại là Ànandà, và vua loài quạ là Ta vậy.
PHẨM KAKANTAKA
Giao du với kẻ ác…,
Câu chuyện này, khi ở tại Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về Tỷ-kheo phản bội. Chuyện này giống như chuyện trong Tiền thân Mahihàmukha (số 26).
*
Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con cắc kè. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát sống trong một cái hang lớn trên bờ sông, với vài trăm con tắc kè khác vây quanh. Bồ-tát có một con. Con tắc kè đực này làm bạn với một con kỳ nhông, sống thân mật với nó, và thường đi đến ôm quấn lấy nó. Sự thân mật ấy được báo lên cho cắc kè cha biết. Cắc kè chúa cho gọi con mình lên và nói:
– Này con thân, con thân tình với chỗ không đáng thân tình. Con kỳ nhông thuộc gia đình hạ tiện, không nên làm thân với chúng. Nếu con làm thân với con kỳ nhông ấy, toàn bộ gia đình cắc kè sẽ lâm nạn. Bắt đầu từ nay con chớ thân mật với nó.
Tuy vậy, cắc kè con vẫn thân với bạn như trước. Bồ-tát nói đi nói lại nhiều lần nhưng không thể ngăn cản sự thân mật của con mình với con kỳ nhông. Bồ-tát suy nghĩ: “Rất có thể, vì con kỳ nhông này, sự sợ hãi sẽ khởi lên cho chúng ta. Khi sự sợ hãi ấy khởi lên, ta phải tìm con đường chạy trốn”. Rồi Bồ-tát bảo đào một lỗ thông gió phía bên cạnh hang để có lối thoát khi cần.
Con cắc kè đực dần dần lớn với thân hình to lớn. Còn con kỳ nhông vẫn có thân thể nhỏ như xưa. Khi con cắc kè ôm chặt con kỳ nhông để hôn nó, con kỳ nhông có cảm giác như bị hòn núi đè nặng. Con kỳ nhông bị mệt mỏi, suy nghĩ: “Nếu con cắc kè ôm hôn ta như vầy vài ngày nữa, thì ta chết mất. Vậy ta hãy âm mưu với một người thợ săn để sát hại gia đình cắc kè này”.
Một hôm, nhân có cơn dông nổi lên giữa mùa hè, nhiều con kiến mối bay ra, và các con cắc kè từ chỗ này chỗ kia bò ra để ăn mồi. Một người thợ săn cắc kè, cầm cuốc để đào hang cắc kè, đi vào rừng với những con chó. Con kỳ nhông thấy người, liền nghĩ: “Hôm nay, ta sẽ thỏa mãn nguyện vọng của mình”. Nó liền bò đến, nằm không xa và hỏi:
– Thưa ông, ông vào rừng để làm gì?
Người thợ săn ấy nói:
– Ðể bắt các con cắc kè.
– Tôi biết một cái hang có hàng trăm con cắc kè, hãy đem lửa và rơm đến.
Rồi nó dẫn người thợ săn đến đấy và nói:
– Hãy bỏ rơm vào chỗ này, đốt lửa xông khói, đặt các con chó ở xung quanh. Ông hãy cầm một cái vồ lớn, đập các con cắc kè chạy ra, giết chúng và vun thành đống.
Nói vậy xong, nó nghĩ: “Hôm nay, ta sẽ thấy kẻ thù đại bại bỏ chạy”, nghĩ vậy xong, nó đến nằm một chỗ và ngóc đầu lên. Người thợ săn xông khói rơm và khói bay vào trong hang. Các con cắc kè bị khói làm mù mắt, hoảng sợ, bò ra với ý định chạy trốn. Người thợ săn đập các con chạy ra và giết hết. Những con nào chạy thoát tay anh ta, thì các con chó chận bắt. Ðại nạn khởi lên cho các con cắc kè. Bồ-tát biết rằng do con kỳ nhông, nên sợ hãi đã khởi lên, Bồ-tát than:
– Thật không nên giao du với loài ác độc. Do loài ác độc nên an lạc không có. Chính do một con kỳ nhông độc ác, các con cắc kè này bị hủy diệt.
Trong khi chạy trốn thông qua lỗ khói, Bồ-tát nói lên bài kệ:
Giao du với kẻ ác
Không đưa đến an lạc,
Do một con kỳ nhông,
Toàn gia đình cắc kè
Ðã rơi vào đại nạn.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con kỳ nhông là Ðề-bà-đạt-đa, cắc kè con của Bồ-tát không nghe lời giáo huấn là Tỷ-kheo phản bội, còn chúa loài cắc kè là Ta vậy.
Như vậy khó biết ngươi…,
Câu chuyện này, khi trú ở Trúc lâm, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa âm mưu sát hại Phật. Khi nghe câu chuyện các Tỷ-kheo họp ở Chánh pháp đường bàn luận, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới âm mưu sát hại Ta. Trong quá khứ kẻ ấy cũng đã âm mưu như vậy rồi. Nhưng nó không thể giết Ta được, nó chỉ tự làm cực nhọc mình thôi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Trong thời quá khứ, khi vua Brahmadatta trị vì nước Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra làm con chó rừng rồi trở thành chó rừng chúa, với đàn chó rừng vây quanh, sống tại một ngôi rừng dùng làm bãi tha ma. Lúc bấy giờ, ở Vương Xá có ngày hội lớn. Phần đông người ta đều uống rượu. Tại đây, một số người ăn chơi, cho đem nhiều rượu và thịt, mặc áo quần đẹp, uống rượu ăn thịt. Vào canh một, họ ăn hết thịt và còn lại nhiều rượu. Một người trong đám ấy nói:
– Hãy cho tôi thịt.
Khi nghe nói là thịt hết rồi, anh ta nói:
– Khi ta còn đứng ở đây thì thịt không thể hết được. Ta sẽ giết các con chó rừng đến ăn xác chết trong nghĩa địa này và đem thịt về.
Nói vậy, anh ta lấy một cái vồ, theo con đường ống cống, đi ra khỏi thành, đến bãi tha ma, cầm cái vồ và nằm xuống giả bộ chết. Lúc bấy giờ Bồ-tát với các con chó rừng đến vây quanh người ấy. Thấy người ấy, Bồ-tát nói:
– Người này không chết. Ta sẽ quan sát kỹ lưỡng hơn.
Bồ-tát đi đến phía dưới gió, ngửi mùi thân thể, biết đúng sự thật là người ấy chưa chết, liền suy nghĩ: “Ta sẽ làm cho nó xấu hổ”, liền đi đến, cắn đầu cái vồ và kéo. Kẻ ăn chơi ấy không thấy Bồ-tát đến, cứ nắm chặt cái vồ lại! Bồ-tát liền đến gần anh ta và nói:
– Hỡi ông kia, nếu ông đã chết thì khi ta kéo cái vồ, ông sẽ không nắm chặt lấy. Chính vì vậy, ta biết ông chưa chết.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ:
Như vậy, khó biết ngươi,
Khi ngươi nằm giả chết,
Khi ta kéo gậy ngươi,
Ngươi không thả chiếc gậy,
Do vậy ta biết được,
Nhà ngươi chưa thật chết!
Nghe nói vậy, kẻ ăn chơi ấy đứng dậy, lấy gậy ném Bồ-tát và nói:
– Con vật này biết ta chưa chết.
Cáy gậy ném không trúng. Người ăn chơi ấy nói:
– Hãy đi đi, lần này ngươi thoát khỏi tay ta.
Bồ-tát quay lại và nói:
– Này con người kia, phải, ta thoát tay ngươi. Nhưng ngươi không thể thoát được mười sáu địa ngục nhỏ trong đại địa ngục.
Nói vậy xong, Bồ-tát bỏ đi. Kẻ ăn chơi ấy không được một chút gì, đi ra khỏi bãi tha ma. Sau khi tắm trong một vũng nước, anh ta đi vào thành theo con đường đã đi tới trước.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, kẻ ăn chơi là Ðề-bà-đạt-đa, còn con chó rừng chúa là Ta vậy.
Với óc não nát bấy…,
Câu chuyện này, khi trú ở Trúc Lâm, Bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa đóng vai trò bậc Thiện Thệ ở Gayàsìsa.
Khi thiền chứng biến mất, lợi dưỡng và danh vọng bị tiêu tan, Ðề-bà-đạt-đa đã nghĩ đến một phương tiện xin bậc Ðạo Sư chấp nhận cho năm pháp. Khi bị từ chối, vị ấy liền phá hòa hợp Tăng, bỏ đi đến Gayàsisa với năm trăm đệ tử của hai bậc Thánh đệ tử của đức Phật. Những đệ tử này mới xuất gia không bao lâu nên không thiện xảo trong Pháp và Luật. Vị ấy làm các Tăng sự riêng biệt với hội chúng này, trong một giới xứ riêng.
Bậc Ðạo Sư biết được trí của những người này đã đến thời thuần thục liền gửi hai đệ tử đầu tay đến đó. Khi thấy hai vị này, Ðề-bà-đạt-đa rất hoan hỷ, thuyết phát suốt đêm, và suy nghĩ: “Ta sẽ làm theo uy nghi đức độ của Phật, bắt chước bậc Thiện Thệ nói với hai vị đệ tử đầu tay:
– Thưa Hiền giả Xá-lợi-phất, chúng Tỷ-kheo không hôn trầm, thụy miên, hãy thuyết pháp cho chúng Tỷ-kheo. Lưng ta đị đau mỏi, ta sẽ nằm nghỉ chốc lát.
Nói vậy xong, Ðề-bà-đạt-đa đi nằm nghỉ. Hai đệ tử đầu tay thuyết pháp cho các Tỷ-kheo, làm họ giác ngộ về đạo, về quả, và đem tất cả đi về Trúc Lâm.
Kokàlika thấy tinh xá trống không, liền đi đến gặp Ðề-bà-đạt-đa, và nói:
– Này Hiền giả Ðề-bà-đạt-đa, hội chúng của Hiền giả đã bị phá vỡ, hai vị đại đệ tử của Thế Tôn đã làm cho tinh xá trống không và đã đi rồi. Còn Hiền giả thì vẫn nằm nghỉ.
Nói vậy xong, Kokàlika lột thượng y của Ðề-bà-đạt-đa, đá vào ngực Ðề-bà-đạt-đa với gót chân, giống như đóng một cái nêm vào bức tường, khiến cho máu trào ra từ miệng vị ấy. Từ đó trở đi, Ðề-bà-đạt-đa bị đau luôn. Bậc Ðạo Sư hỏi vị Trưởng lão:
– Này Xá-lợi-phất, khi ông đến, Ðề-bà-đạt-đa đã làm gì?
– Bạch Thế Tôn, Ðề-bà-đạt-đa thấy chúng con, liền nói: Ta sẽ làm theo uy nghi đức độ của Phật, rồi bắt chước bậc Thiện Thệ và lâm vào nạn lớn.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Xá-lợi-phất, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới bắt chước Ta và gặp nạn. Thuở xưa, kẻ ấy cũng gặp nạn như vậy rồi.
Rồi theo lời Trưởng lão yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con sư tử có lông dài và trú ở hang Kancana (Vàng) trong núi Hy-mã. Một hôm, sư tử hang Vàng đi ra, duỗi thân nhìn bốn phương, rống tiếng rống của loài sư tử xong, liền nhảy đi tìm mồi. Sư tử giết một con trâu lớn, ăn phần thịt tốt nhất, đi xuống một cái hồ uống đầy bụng nước trong như pha lê, rồi đi về hang.
Một hôm một con chó rừng hấp tấp đi tìm mồi, thấy sư tử, không thể chạy trốn được, rơi xuống chân trước mặt sư tử và nằm xuống. Sư tử hỏi:
– Này chó rừng, ngươi muốn gì?
Con chó rừng nói:
– Thưa ngài, con muốn hầu hạ dưới chân ngài.
Sư tử nói:
– Tốt lắm, hãy đến hầu ta. Ta sẽ cho ăn phần thịt ngon.
Nói xong sư tử đem con chó rừng về hang Vàng. Từ đấy trở đi, con chó rừng ăn phần thịt còn lại của các con thú do sư tử giết. Sau một thời gian, chó rừng trở thành to lớn. Một hôm, đang nằm trong hang, sư tử nói:
– Này chó rừng, hãy đứng trên chóp núi nhìn, khi thấy các con voi, ngựa, trâu đang đi dưới chân núi, hễ con nào ngươi muốn ăn thịt, hãy đến nói: Con muốn ăn thịt con này.
Chó rừng đảnh lễ và leo lên chóp núi, nhìn các con thú, hễ thấy con nào nó muốn ăn thịt, nó liền đi vào hang Vàng và báo cho sư tử biết:
– Thưa ngài, có mồi rồi.
Sư tử lập tức nhảy đi, và dầu đó là con voi đang trong thời kỳ phát dục, sư tử cũng lập tức giết nó, tự mình ăn phần thịt ngon và cho chó rừng phần còn lại. Chó rừng ăn thịt đầy bụng, rồi đi vô hang nằm ngủ. Sau nhiều ngày đã qua, chó rừng trở thành kiêu mạn. Nó suy nghĩ: “Ta cũng là con thú có bốn chân. Vì sao, ngày lại ngày, ta sống nhờ loài khác nuôi dưỡng? Bắt đầu từ nay, ta sẽ giết các con voi v.v… và ăn thịt. Ta sẽ bảo sư tử nói với ta: Thưa ngài chó rừng, đã có mồi. Ta sẽ giết con voi tốt và ăn thịt”. Nghĩ vậy, nó đi đến bên sư tử và nói:
– Thưa ngài, đã lâu ngày, tôi ăn thịt các con voi tốt do ngài giết. Nay tôi muốn ăn thịt voi do tôi giết. Tôi sẽ nằm trong hang Vàng tại chỗ ngài nằm. Còn ngài xem có con voi nào đi dưới chân núi, thì ngài đến tôi và nói: Thưa ngài chó rừng, hãy bắt mồi.
Nó yêu cầu con sư tử chớ miễn cưỡng khi cho phép nó làm việc này.
Sư tử nói:
– Này chó rừng, khả năng giết các con voi thuộc gia đình sư tử. Ở đời chó rừng không có khả năng giết voi. Chớ ưa thích làm như vậy. Hãy sống và ăn thịt các con voi do ta giết.
Tuy sư tử nói như vậy, chó rừng không muốn từ bỏ ý định, vẫn tiếp tục yêu cầu. Su tử không thể ngăn chận, cuối cùng chấp thuận và nói:
– Vậy hãy vào chỗ của ta và nằm tại đấy.
Sau khi bảo chó rừng nằm trong hang Vàng, sư tử nhìn thấy con voi phát dục dưới chân núi, liền đến cửa hang và nói:
– Thưa ngài chó rừng, hãy bắt mồi.
Con chó rừng đi ra khỏi hang, duỗi thân, nhìn bốn hướng, hú lên ba lần, nhảy lên và nghĩ: “Ta sẽ cắn trên đầu con voi đang phát dục”, nhưng nó lại rơi xuống chân voi. Con voi giơ chân phải lên, đạp trên đầu con chó rừng, nghiền nát xương đầu thành bột. Rồi với cái chân, con voi đạp nát thân chó rừng làm thành một đống, đi đại tiện trên ấy, và rống lên rồi đi vào rừng. Bồ-tát thấy sự việc như vậy liền nói lên bài kệ:
Với óc não nát bấy,
Với đầu bị vỡ tan,
Với xương sườn gãy nát,
Nay ngươi đã mất đầu.
*
Sau khi nói bài kệ này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con chó rừng là Ðề-bà-đạt-đa, còn con sư tử là Ta vậy.
Ôi thần lửa sinh nhật…,
Câu chuyện này, khi trú tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về tà khổ hạnh của các tu sĩ tà mạng Àjivaka. Lúc bấy giờ, các du sĩ tà mạng đang sống hành tà khổ hạnh khác nhau sau lưng Kỳ viên. Một số lớn Tỷ-kheo thấy họ hành trì các tà khổ hạnh khác nhau như tinh tấn ngồi chồm hỗm, lắc qua lắc lại như dơi, nằm dựa trên gai, nướng thân với năm đống lửa, liền hỏi Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, do tà khổ hạnh này, có gì tốt chăng?
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, do tà khổ hạnh này, không có gì tốt cả. Các bậc Hiền trí thuở xưa, đã nghĩ rằng do khổ hạnh này sẽ có gì tốt hơn lên. Vì vậy, họ đem lửa sinh nhật vào rừng, nhưng họ không thấy có gì lợi lạc từ những pháp thờ lửa v.v… họ bèn dùng nước dập tắt lửa ấy. Nhờ lấy một đề tài thiền quán để tu tập và đắc các Thắng trí và các Thiền chứng, họ đạt cứu cánh Phạm thiên giới.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Trong thời quá khứ, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn phương bắc. Ngày Bồ-tát sanh, cha mẹ đốt lên ngọn lửa sanh nhật và nuôi dưỡng lửa ấy. Khi Bồ-tát được mười sáu tuổi, cha mẹ ngài nói với con:
– Này con, chúng ta đã gìn giữ ngọn lửa sanh nhật của con. Nếu con muốn sống trong gia đình, hãy học ba tập Vệ-đà, nếu con muốn lên Phạm thiên giới, hãy lấy ngọn lửa, để được đại Phạm thiên ân sủng và đạt được cứu cánh Phạm thiên giới.
Bồ-tát nói:
– Con không thích đời sống gia đình.
Ngài cầm lấy lửa, đi vào rừng xây dựng một chòi am và sống trong rừng thờ lửa. Một hôm, Bồ-tát được cúng một con bò tại một làng biên địa, bèn dắt con bò ấy đến chòi am với ý định: “Ta sẽ cúng dường vị thần lửa ăn thịt con bò”. Rồi Bồ-tát suy nghĩ: “Ở đây không có muối. Thần lửa không thể ăn thịt mà không có muối. Ta sẽ đem muối ở làng về và cúng dường thần lửa đồ ăn có muối”.
Bồ-tát cột con bò tại đấy và đi đến làng để tìm muối. Trong khi Bồ-tát đi, nhiều người thợ săn đi đến tại chỗ ấy, thấy con bò, giết nó, nấu thịt ăn, và vứt lại đuôi, ống chân và da rồi mang theo thịt còn lại và ra đi. Vị Bà-la-môn trở về, chỉ thấy đuôi v.v… suy nghĩ: “Thần lửa này không thể hộ trì gia sản của chính mình, chắc không thể hộ trì ta được. Phải săn sóc ngọn lửa vô ích này, từ đây không tăng trưởng một điều tốt gì cho ta”.
Vì vậy, Bồ-tát mất hết mọi ý nguyện săn sóc ngọn lửa. Bồ-tát nói:
– Thưa thần lửa, nếu ngài không có thể hộ trì gia sản của ngài, làm sao ngài hộ trì tôi được? Thịt không còn, ngài phải tự bằng lòng với những vật này vậy.
Bồ-tát quăng đuôi vào lửa v.v… và đọc bài kệ này:
Ôi thần lửa sanh nhật,
Thần lửa không giá trị,
Ta chỉ cúng cái đuôi,
Hãy xem là nhiều vậy,
Các loại thịt xứng đáng
Hiện nay không có nữa,
Ngài hãy vui chấp nhận
Chỉ bộ phận cái đuôi!
Nói vậy xong, bậc Ðại Sĩ lấy nước dập tắt lửa, rồi xuất gia làm ẩn sĩ, chứng được các Thắng trí và các Thiền chứng, và đạt cứu cánh ở cõi Phạm Thiên.
*
Sau khi kể pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, Vị khổ hạnh dập tắt ngọn lửa là Ta vậy.
Radha, em không biết…
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về sự ái luyến người vợ cũ. Câu chuyện hiện tại sẽ được kể trong Tiền thân Indriya (số 423). Bậc Ðạo Sư gọi Tỷ-kheo ấy vào nói:
– Không thể canh giữ nữ nhân. Dầu có sắp đặt sự canh giữ, cũng không thể canh giữ được nữ nhân. Thuở xưa, ông có sắp đặt sự canh giữ đối với nữ nhân ấy nhưng không thể được; thì nay làm sao ông canh giữ nàng?
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm một con vẹt. Một Bà-la-môn ở Kàsi, nhận Bồ-tát và em của Bồ-tát như con trong nhà và nuôi dưỡng cả hai. Bồ-tát được đặt tên là Potthada và vẹt em tên là Ràdha. Vợ của vị Bà-la-môn ấy hành tà hạnh và ác giới.
Một hôm vị Bà-la-môn ấy ra đi vì một vài công việc, ông nói với anh em con vẹt:
– Này hai con thân, nếu nữ Bà-la-môn, mẹ của hai con, hành ác hạnh, hãy ngăn chận lại.
Bồ-tát nói:
– Thưa vâng, này cha thân. Nhưng nếu không ngăn được mẹ, con sẽ im lặng.
Như vậy, sau khi giao nữ Bà-la-môn cho các con vẹt trông coi, vị Bà-la-môn liền đi ra. Từ ngày người chồng ra đi, vợ vị Bà-la-môn bắt đầu hành tà hạnh, và người đi vào, người đi ra không dứt. Thấy hành động của nữ Bà-la-môn như vậy, Radha nói với Bồ-tát:
– Thưa anh, cha chúng ta có nói: Nếu mẹ chúng con hành ác hạnh, hãy ngăn chận lại. Nói vậy xong, cha chúng ta ra đi. Nay mẹ chúng ta hành ác hạnh, chúng ta hãy ngăn chận.
Bồ-tát nói:
– Này em thân, em nói toàn những lời ngu si. Dầu có bồng nữ nhân mà đi, cũng không thể an toàn được, vậy chớ làm.
Nói vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ:
Radha, em không biết
Nửa đêm mấy người đến?
Em nói không suy nghĩ.
Nữ Bà-la-môn ấy
Chỉ thiếu tình người vợ
Ðối với chồng của mình.
Sau khi trình bày như vậy, Bồ-tát không cho Radha nói với nữ Bà-la-môn. Ðến nửa đêm, nữ Bà-la-môn hành tà hạnh thỏa thích. Khi Bà-la-môn về, ông hỏi Potthapada:
– Này con thân, mẹ con như thế nào?
Bồ-tát thành thật kể cho vị Bà-la-môn rõ tất cả mọi việc và nói:
– Thưa cha thân, sao cha còn liên hệ với người ác giới như vậy?
Rồi Bồ-tát thưa thêm:
– Thưa cha thân, nay con đã nói lỗi lầm của mẹ chúng con rồi, chúng con không còn có thể ở đây nữa.
Nói vậy xong, Bồ-tát đảnh lễ chân vị Bà-la-môn, và cùng với Radha bay vào rừng.
*
Sau khi kể pháp thoại, bậc Ðạo Sư thuyết giảng Bốn Sự thật, và cuối bài thuyết giảng, vị Tỷ-kheo luyến ái người vợ cũ được an trú vào quả Dự lưu. Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Vị Bà-la-môn và nữ Bà-la-môn thời ấy là hai người hiện tại, Radha là Ànanda và Potthapada là Ta vậy.
Cổ chúng ta mệt mỏi…,
Câu chuyện này, khi tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về nhiều Tỷ-kheo lớn tuổi. Nghe nói khi các Tỷ-kheo ấy còn là cư sĩ, họ là những người điền chủ giàu có, tài sản lớn, là bạn thân với nhau, một dạ một lòng với nhau làm các công đức. Sau khi nghe Bậc Ðạo Sư thuyết pháp, họ nói:
– Chúng ta đã lớn tuổi, đời sống gia đình có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Chúng ta hãy xuất gia trong Giáo pháp hoàn thiện của đức Phật để chấm dứt đau khổ.
Rồi họ cho các con trai và con gái tất cả gia sản của họ và xin xuất gia. Khi bậc Ðạo Sư cho xuất gia, họ không làm đúng Sa-môn pháp như bậc xuất gia. Họ không thông hiểu Chánh pháp vì đã lớn tuổi. Giống như khi còn làm cư sĩ, họ làm một xóm nhà lá bên cạnh ngôi tinh xá, và cùng nhau ở đây. Khi họ đi khất thực, họ không đi đến chỗ nào khác hơn nhà những người con, người vợ của mình và ăn uống tại đây.
Người vợ cũ của một trong những vị này là người chủ hộ trì tất cả các vị Trưởng lão lớn tuổi. Do vậy những người còn lại đem theo đồ ăn mà mình đã khất thực được, ngồi tại nhà chủ hộ cùng ăn uống, với các món cà-ri, canh, do người chủ hộ cúng đường. Một hôm sau khi người vợ cũ ấy nhuốm bệnh và chết, các Trưởng lão lớn tuổi đi về tinh xá, ôm cổ nhau đi qua đi lại bên tinh xá và khóc:
– Ôi, người nữ cư sĩ tự tay cho ta các vị ngon ngọt đã mệnh chung.
Nghe tiếng họ khóc, các Tỷ-kheo đến hội họp lại chỗ ấy và hỏi:
– Thưa các Hiền giả, vì sao các Hiền giả khóc?
Họ nói:
– Vợ của người bạn chúng tôi tự tay cho các vị ngọt đã mệnh chung. Bà ấy là người chủ hộ lớn của chúng tôi. Từ đây chúng tôi không được gặp bà ấy nữa. Vì lý do ấy, chúng tôi khóc.
Thấy họ có tâm trạng bất xứng như vậy, các Tỷ-kheo tại Chánh pháp đường bắt đầu nói chuyện như sau: – Thưa các Hiền giả, do lý do này, các Trưởng lão Tỷ-kheo lớn tuổi ôm cổ nhau đi qua đi lại mà khóc.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp ở đây, đang bàn câu chuyện gì?
Khi được nghe câu chuyện trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay các người ấy đi qua đi lại khóc nữ nhân ấy chết; trong quá khứ, khi nữ nhân ấy sanh làm con quạ và chết trong biển, họ cũng hăng hái tát cạn biển để cứu nó. Rồi họ được thần biển cứu tánh mạng.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm vị thần biển. Có một con quạ cùng vợ đi tìm mồi trên bờ biển. Lúc bấy giờ sau khi làm lễ cúng đường thần rắn với sữa, cơm, cá, thịt, rượu v.v… người ta đã bỏ đi. Cả hai đều say rượu. Chúng ngồi trên ven biển nô đùa và chúng bắt đầu tắm. Khi một ngọn sóng ào đến cuốn con quạ mái và nhận chìm nó xuống biển, thì một con cá đớp con quạ mái và ăn thịt. Con quạ trống khóc than và nói:
– Vợ tôi đã chết rồi.
Nhiều con quạ khác nghe tiếng khóc than của nó đều bu lại hỏi:
– Sao bạn than khóc vậy?
Con quạ trống nói:
– Bạn gái tôi đang tắm trên ven biển, thì bị sóng cuốn đi rồi.
Tất cả con quạ khác đều kêu to và khóc ròng. Rồi chúng suy nghĩ: “Nước biển này và chúng ta ai có khả năng hơn? Chúng ta hãy tát nước làm cho biển khô cạn và cứu bạn gái chúng ta”. Nghĩ vậy, chúng hút nước đầy miệng rồi nhổ ra ngoài. Khi cổ họng bị đắng chát vì nước biển, chúng bay lên trên đất liền để nghỉ. Hàm của chúng mệt mỏi, miệng khô cứng, mắt đỏ ngầu, mệt và buồn ngủ, chúng gọi lẫn nhau:
– Này các bạn, chúng ta lấy nước biển đem nhổ ra ngoài. Nhưng chỗ nước chúng ta lấy ra lại đầy nước lại ngay, chúng ta không có thể làm cho biển khô cạn được.
Nói vậy xong, chúng đọc bài kệ:
Cổ chúng ta mệt mỏi,
Miệng chúng ta khô cứng,
Cố tát cạn nước biển,
Biển lớn lại đầy tràn.
Nói như vậy xong, tất cả con quạ ấy bắt đầu tán thán con quạ mái:
– Ôi! Hình dáng đẹp như thế, tiếng dịu ngọt như thế, nên biển đã cướp mất nàng!
Khi chúng đang nói nhảm nhí như vậy, thần biển hiện lên với hình dáng khủng khiếp khiến chúng bỏ chạy. Nhờ vậy, chúng được an toàn.
*
Sau khi kể pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ con quạ mái là người vợ cũ này, con quạ trống là Trưởng lão Tỷ-kheo lớn tuổi, các con quạ là các Trưởng lão Tỷ-kheo lớn tuổi bạn của vị ấy, và thần biển là Ta vậy.
Khổ này không phải khổ…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo luyến ái. Khi được Thế Tôn hỏi:
– Này Tỷ-kheo có thật chăng, ông có luyến ái?
Tỷ-kheo ấy trả lời có thật. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Luyến ái ai?
Tỷ-kheo trả lời:
– Bạch Thế Tôn, ái luyến người vợ cũ. Nữ nhân ấy, bạch là Thế Tôn, là người đã tự tay cho con các vị ngọt. Con không có thể sống mà không có nàng.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, nữ nhân ấy không làm lợi cho ông. Thuở trước, vì nàng, ông đã bị đâm và phơi thây trên cọc nhọn. Chính vì ông khóc nàng khi ông chết, nên ông đã tái sanh vào địa ngục. Vậy nay sao ông lại luyến ái nàng?
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm vị thần tiên trên hư không. Thời ấy, tại Ba-la-nại có ngày lễ hội đêm rằm tháng Kattika (tháng mười). Thành phố được trang hoàng như thành phố chư Thiên. Tất cả dân chúng đều vui chơi hội lớn. Có một người nghèo khổ chỉ có một cặp áo vải thô, đã được giặt và ủi đến độ trở thành trăm thành ngàn đường lằn. Vợ anh ta nói với anh ta:
– Thưa chàng, em muốn có áo màu đỏ cây Kasumbha, và đắp áo ấy, ôm cổ chàng đi chơi lễ hội đêm Kattika.
– Này hiền thê, chúng ta nghèo, sao có được vải màu đỏ Kasumbha? Hãy đắp vải sạch này và đi chơi.
– Không có được vải Kasumbha thì chúng ta không đi chơi đâu cả. Chàng hãy lấy một nữ nhân khác mà đi chơi hội.
– Này hiền thê, sao làm khổ ta vậy, làm sao chúng ta có được vải Kasumbha?
– Này chàng, khi người ta muốn, sao lại không có được? Chẳng phải trong nhà kho của vua có rất nhiều vải Kasumbha đó sao?
– Này hiền thê, chỗ ấy chẳng khác gì một hồ nước do Dạ-xoa canh giữ, có quân lính canh giữ, không thể đi đến được. Chớ ham thích như vậy. Hãy tự bằng lòng với những gì nàng có được.
– Chàng ôi, ban đêm tối trời thì có ai ngăn chận được người muốn đến nơi mình thích?
Như vậy do người vợ nói đi nói lại mãi, và chịu ảnh hưởng lời nài nỉ của nàng, người chồng an ủi vợ:
– Thôi được, hiền thê chớ nghĩ ngợi gì nữa.
Vào ban đêm, không kể đến mạng sống, người chồng đi khỏi thành, đến kho của vua, phá hàng rào và vào trong kho. Những người canh gác nghe tiếng hàng rào bị phá, liền bao vây kẻ trộm, bắt được anh ta, mắng chửi, đập đánh, và trói anh ta. Khi trời vừa sáng, họ bắt dẫn anh ta đến trước nhà vua. Vua bảo:
– Hãy đem đâm nó vào cọc nhọn.
Họ trói cánh tay anh ta ra đằng sau, dắt anh ta đi ra khỏi thành với tiếng trống hành quyết, và đâm anh ta vào cọc nhọn. Anh ta cảm thấy rất đau đớn. Các con quạ đậu trên đầu mổ con mắt anh ta với mỏ sắc bén như kiếm. Nhưng anh ta không nghĩ gì đến sự đau đớn như vậy, mà chỉ nghĩ đến nữ nhân ấy: “Ta mất đi chơi hội Kattika ban đêm với nàng mặc áo màu hoa đỏ và với cánh tay của nàng ôm ở cổ ta “, vì vậy, anh ta đọc bài kệ:
Khổ này không phải khổ,
Vì cọc nhọn đâm ta,
Vì ta bị quạ mổ!
Chính điều này mới khổ:
Vì vợ ta không thể
Vui chơi ngày hội lớn
Với áo màu hồng đỏ!
Như vậy, anh ta nói lời lảm nhảm về vợ mình, rồi chết và tái sanh vào địa ngục.
*
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Hai vợ chồng thời ấy là hai vợ chồng ngày nay, và vị thần tiên đứng trên hư không chứng kiến câu chuyện này chính là Ta vậy.
Ta không còn làm nữa…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về sự nhiếp phục phiền não.
Nghe nói ở Xá-vệ có khoảng năm trăm người triệu phú giàu có thân thiết với nhau, sau khi nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, liền hiến dâng tâm lên Giáo pháp, xuất gia, sống ở Kỳ Viên, trong ngôi tinh xá được ông Cấp Cô Ðộc trải vàng giá bạc triệu. Một hôm vào khoảng nửa đêm, tâm tư liên hệ đến phiền não dục vọng khởi lên trong nhóm người ấy, họ khởi tâm tham luyến những phiền não dục vọng mà họ đã từ bỏ.
Cũng vào giờ ấy, bậc Ðạo Sư, khơi dậy ngọn đuốc nhất thiết trí, suy nghĩ xem các Tỷ-kheo ở Kỳ Viên đêm nay sống như thế nào. Ngài biết được các tư tưởng tham dục nổi lên trong các Tỷ-kheo ấy. Như người mẹ đối với đứa con duy nhất của mình, như người một mắt đối với con mắt còn lại, bậc Ðạo Sư bảo vệ các đệ tử của mình vào những buổi sáng hay bất cứ lúc nào, khi các phiền não khởi lên trong các đệ tử, với mục đích không để cho chúng lớn lên. Chính trong thời gian ấy, bậc Ðạo Sư chặn đứng chúng lại. Do vậy, bậc Ðạo Sư suy nghĩ: “Ðây cũng giống như thời các tên trộm nổi lên trong nội thành của vua Chuyển luân; nay Ta hãy thuyết pháp cho họ, chặn đứng các phiền não lại và khiến họ chứng quả A-la-hán”!
Rồi bậc Ðạo Sư từ Hương phòng bước ra, với âm thanh dịu ngọt gọi Trưởng lão Ànanda, vị Thủ kho Chánh Pháp:
– Này Ànanda!
– Bạch Thế Tôn dạy bảo việc gì?
Trưởng lão đi đến đảnh lễ và đứng một bên.
– Này Ànanda, hãy tập họp tại Hương phòng tất cả các Tỷ-kheo trú ở chỗ được trải vàng giá bạc triệu. Theo truyền thuyết bậc Ðạo Sư suy nghĩ như sau: “Nếu Ta chỉ cho gọi năm trăm Tỷ-kheo ấy mà thôi, họ sẽ nghĩ: “Bậc Ðạo Sư đã biết các phiền não khởi lên trong nội tâm chúng ta”. Tâm tư họ sẽ bị dao động và sẽ không có thể chấp nhận pháp thoại”. Do vậy bậc Ðạo Sư nói:
– Hãy mời tất cả.
Trưởng lão đáp:
– Thưa vâng, bạch Thế tôn.
Vị ấy cầm lấy chìa khóa đi từ phòng này đến phòng khác, mời tất cả chúng Tỷ-kheo họp tại Hương phòng rồi sửa soạn Phật tọa. Bậc Ðạo Sư ngồi trên Phật tọa đã được sửa soạn, lưng thẳng như núi Tu-di, an trú trên đất bằng đá tảng, chói tỏa hào quang Phật sáu sắc từng đôi vòng, đôi vòng một. Những hào quang ấy được chia cắt thành những khối lớn bằng cái dĩa, lớn bằng cái lọng, lớn bằng thân của ngọn tháp, chói tỏa như chớp sáng trên bầu trời, chẳng khác gì khi mặt trời mới mọc khua động đáy biển sâu.
Chúng Tỷ-kheo đảnh lễ bậc Ðạo Sư, an trú tâm cung kính, ngồi xuống vây quanh Ngài như tấm màn màu đỏ giăng bủa. Bậc Ðạo Sư với Phạm âm bảo các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, chớ trầm tư ba tầm bất thiện này: đó là dục tầm, sân tầm, hại tầm. Chớ nghĩ rằng phiền não khởi lên trong nội tâm là nhỏ mọn. Phiền não giống như kẻ thù và kẻ thù không bao giờ nhỏ bé, nếu có được cơ hội, kẻ thù sẽ gây nên tác hại. Cũng như phiền não dù nhỏ bé đã khởi lên, và lớn mạnh thì sẽ gây tác hại. Phiền não ví như thuốc độc làm chết người, như mụt ngứa mọc trên da, như con rắn lục, như lửa sét đánh, chớ nắm giữ lấy, nên sợ hãi chúng. Khi nào phiền não khởi lên thì với sức mạnh của giác sát, với sức mạnh của tu tập, chớ để nó ở trong tâm dù chỉ một khoảnh khắc, như vậy, phải loại trừ nó như giọt nước rơi khỏi lá sen. Các bậc hiền trí thuở xưa ghét bỏ phiền não, dầu nó hết sức nhỏ mọn, cũng không cho nó khởi lên trong nội tâm và lập tức chế ngự phiền não ấy.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể lại câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con chó rừng, sống trong rừng trên một bờ sông. Thời ấy một con voi già chết trên bờ sông Hằng, khi con chó rừng đi tìm mồi, nó thấy xác chết ấy và nghĩ: “Nay ta được cả kho đồ ăn”.
Nó đi đến, cắn cái vòi, giống như cắn cái cày. Nó nghĩ: “Ðấy không phải là đồ ăn được.” Nó cắn cái ngà giống như cắn cái xương. Nó cắn cái tai giống như cắn cái vành thúng sàng lúa. Nó cắn cái bụng giống như cái thúng đựng hạt. Nó cắn cái chân giống như cắn cái cối. Nó cắn cái đuôi giống như cắn cái chày. Nó nghĩ: “Ðây không phải là món ăn được”.
Sau khi không tìm được chỗ nào khác có thể ăn, nó cắn nhằm chỗ đại tiện thì giống như cắn cái bánh mềm. Nó nghĩ: “Cuối cùng ta mới tìm được chỗ mềm trên cái thân này”. Nó ăn từ chỗ ấy trở đi vào trong bụng rồi ăn quả thận, quả tim v.v…; khi nó khát, nó uống máu. Nó nằm dài trong bụng voi để ngủ. Rồi nó suy nghĩ: “Thân con voi này giống như cái nhà khiến ta sống thoải mái. Khi ta muốn ăn thì thịt rất đầy đủ. Vậy sao ta lại phải làm chỗ ở khác?”. Nghĩ vậy, con chó rừng không đi đến chỗ khác, cứ ăn thịt trong bụng con voi, và sống ở đấy.
Thời gian trôi qua, với sự xúc chạm gió mùa hạ và sức nóng tia sáng mặt trời, thân xác ấy bị khô và nhăn nhúm lại. Cửa vào của chó rừng bị đóng kín. Bụng con voi không có ánh sáng. Con chó rừng như vậy sống cách biệt với thế giới bên ngoài. Khi thân xác con voi khô héo, thịt bị khô héo, máu bị khô cạn, không tìm được lối thoát ra, nó hoảng sợ, chạy qua chạy lại đập chỗ này chỗ kia, cố tìm cửa để thoát ra. Như vậy nó trồi lên sụp xuống trong bụng con voi như một cục bột trong cái nồi đang sôi.
Sau một vài ngày một cơn mưa lớn đổ xuống, làm mềm thân xác ấy, làm nó phồng lên và trở lại hình thái cũ. Con đường đại tiện con voi được mở ra và hiện rõ như sao chói sáng. Con chó rừng thấy lỗ mở ấy liền nói:
– Nay ta được cứu sống rồi.
Từ đầu con voi nó nhảy tới, chạy mau vụt ra, đầu đập vào con đường đại tiện ấy và thoát ra ngoài. Nhưng tất cả lông trên thân bị bầm dập đều dính vào con đường đại tiện ấy. Với tâm tư dao động, với cái thân trụi lông như thân cây thốt nốt, nó chạy một lát và ngồi xuống, quay lại nhìn cái thân mình suy nghĩ: “Khổ này do ta tạo, không do ai khác, chỉ vì tham, vì y cứ vào tham nên ta làm như thế ấy. Từ nay trở đi, ta sẽ không để cho tham chi phối nữa, và ta cũng sẽ không đi vào xác con voi nào nữa”.
Với tâm tư xúc động kinh hoàng, nó nói lên bài kệ:
Ta sẽ không làm nữa,
Ta không làm, làm nữa,
Ta thấy xác con voi,
Như vậy ta hoảng sợ.
Nói xong, con chó rừng chạy xa xác con voi và nếu có thấy xác một con voi khác, nó cũng không quay nhìn lại. Từ đấy về sau, nó không còn bị lòng tham chinh phục nữa.
*
Sau khi kể pháp thoại, Bậc Ðạo Sư nói với các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, chớ để cho phiền não nội tâm tăng trưởng. Ngay tại chỗ, hãy nhiếp phục chúng.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư trình bày Bốn sự thật, và cuối bài giảng ấy, năm trăm Tỷ-kheo ấy chứng được quả A-la-hán. Trong số Tỷ-kheo còn lại, một số chứng quả Dự lưu, một số chứng quả Nhất Lai, một số chứng quả Bất Lai.
Và bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân:
– Con chó rừng thời ấy là Ta vậy.
Cây này chỉ một lá…,
Câu chuyện này, khi trú tại ngôi nhà có nóc nhọn ở Ðại Lâm, gần Tỳ-xá-ly (Vesàli), bậc Ðạo Sư đã kể về một hoàng tử Licchavi độc ác ở Tỳ-xá-ly.
Lúc ấy, thành Tỳ-xá-ly được ba bức thành vây quanh, cách nhau khoảng một phần tư dặm, có ba cửa với các tháp canh, được phồn thịnh phi thường. Tại đấy, luôn luôn có bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy vị vua cai trị các vương quốc, với số phó vương tướng quân, chủ ngân hàng cũng tương đương như vậy. Trong các hoàng tử của các vua ấy, có một hoàng tử được mệnh danh là Hoàng Tử Ðộc ác Licchavi hay phẫn nộ, hung bạo, độc ác, luôn luôn nổi trận lôi đình dùng hình phạt, như một con rắn độc điên cuồng. Trước mặt hoàng tử khi phẫn nộ, không ai có thể nói hai ba lời. Ngay cả cha mẹ, bà con và bạn bè thân hữu, không ai có thể dạy chàng được. Rồi cha mẹ chàng suy nghĩ: “Ðứa trẻ này quá độc ác hung hãn. Ngoài bậc Chánh Ðẳng Giác, không một ai có thể nhiếp phục nó”. Rồi cha mẹ dẫn thái tử đến bậc Ðạo Sư đảnh lễ và thưa:
– Bạch Thế Tôn, đứa trẻ này hung bạo ác độc, hay nổi cơn phẫn nộ, xin Ðạo Sư hãy khuyên dạy nó.
Bậc Ðạo Sư dạy bảo thái tử ấy như sau:
– Này thái tử, làm người chớ nên hung hãn, độc ác, thô bạo, giận dữ. Người lời ác ngữ là xử sự không thân ái, không đẹp ý đối với cha mẹ, đối với con cái, đối với anh chị em, ngay cả vợ chồng, bạn bè hay bà con cũng vậy. Kẻ hung dữ như con rắn vươn lên để cắn, như kẻ cướp rình rập trong rừng, như con Dạ-xoa nhảy lên để vồ mồi. Những ai hung hãn, độc ác… tâm sẽ bị dao động, hoảng hốt, nên lúc chết, sẽ tái sanh vào địa ngục, ác thú v.v… Người phẫn nộ ngay trong hiện tại, dầu được tô điểm trang sức, vẫn xấu xa. Mặt nó dầu có đẹp như vầng trăng tròn cũng trở thành xấu xí như hoa sen bị cháy sém, cũng như gương tròn bằng vàng bị nhơ bẩn. Do phẫn nộ làm cho hung dữ, chúng sanh cầm kiếm tự chém mình, uống thuốc độc, treo cổ, nhảy xuống vực sâu. Như vậy, do phẫn nộ chi phối, khi mệnh chung, chúng sanh đọa vào địa ngục v.v… Do làm cho người khác tổn thương, ngay trong hiện tại chúng bị ghét bỏ, và sau khi chết chúng đọa vào địa ngục v.v… Nếu được tái sanh làm người, ngay lúc chúng ra đời, chúng bị nhiều đau bệnh. Với các chứng bệnh như bệnh đau mắt, bệnh đau tai v.v… bắt đầu với một bệnh, chúng rơi vào một bệnh khác, không bao giờ thoát khỏi bệnh. Chúng bị đau khổ thường xuyên. Do vậy, mọi chúng sanh cần phải tu tập tâm từ bi, tâm lợi ích. Tu tập như vậy, họ sẽ được giải thoát khỏi sự sợ hãi về địa ngục.
Thái tử được giáo giới như vậy; chỉ một lần giáo giới này, kiêu mạn được loại trừ, thái tử được nhiếp phục; chàng trở thành nhu mì, có tâm từ bi, nhu thuận, không còn mắng chửi đánh đập ai, như rắn có nanh bị nhổ ra, như con cua bị gãy càng, như con bò đực bị gãy sừng.
Khi được tin về tính tình thái tử thay đổi như vậy, các Tỷ-kheo bắt đầu nói chuyện tại Chánh pháp đường:
– Thưa các Hiền giả, cha mẹ và các bà con thường xuyên dạy bảo thái tử Licchavi Ðộc ác từ lâu, nhưng không nhiếp phục được thái tử. Nhưng bậc Chánh Ðẳng Giác chỉ với một lần giáo giới đã nhiếp phục khiến chàng trở thành nhu mì, chẳng khác gì tạo sáu nhân duyên hàng phục các con voi điên loạn ngay lập tức. Lời khéo nói như con voi được nhiếp phục, được chế ngự bởi người huấn luyện voi, bảo nó chạy phương nào thì nó chạy phương ấy, như con ngựa được nhiếp phục… như con bò được nhiếp phục, được chế ngự bởi người huấn luyện bò, bảo nó chạy phương nào thì nó chạy phương ấy. Cũng vậy này các Hiền giả, con người được nhiếp phục, được chế ngự bởi đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, khiến con người chạy theo tám phương, khiến con người có sắc thấy các sắc ở ngoài tự thân. Như vậy là đức Phật và chỉ đức Phật mới được gọi là bậc vô thượng trong các Ðạo Sư huấn luyện, bậc đánh xe điều ngự những ai đáng được điều ngự. Này các Hiền giả, không có một bậc đánh xe điều ngự những ai đáng được điều ngự giống bậc Chánh Ðẳng Giác.
Trong khi hội chúng đang tán thán công đức của Như Lai trong Pháp đường thì bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, này các ông ngồi họp ở đây đang bàn vấn đề gì?
Và khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ta mới nhiếp phục hoàng tử chỉ với một lần giáo giới, mà thuở xưa cũng vậy.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn phương bắc. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài đi học tại Takkasilà được dạy ba tập Vệ-đà và tất cả các tài nghệ, rồi làm gia chủ trong một thời gian. Sau khi cha mẹ mệnh chung, Bồ-tát xuất gia làm vị ẩn sĩ, đạt được các Thắng trí và Thiền chứng và sống ở Tuyết Sơn. Tại đấy, Bồ-tát sống lâu ngày, rồi vì cần dùng muối, giấm, Bồ-tát đi xuống con đường của dân chúng, đến Ba-la-nại và ở công viên của vua.
Ngày hôm sau, khéo vấn, khéo đắp chiếc áo vỏ cây tốt nhất, đầy đủ dáng điệu của người khổ hạnh, Bồ-tát đi vào thành để khất thực, và đến cửa cung vua. Vua nhìn qua cửa sổ thấy Bồ-tát, hoan hỷ với uy nghi cử chỉ của vị ẩn sĩ: “Vị tu khổ hạnh này, với căn thanh tịnh, với ý thanh tịnh, chỉ nhìn trong khoảng một tầm, bước từng bước một như đang đặt xuống một túi đựng một ngàn đồng vàng, đi đến với dáng điệu uy nghiêm của con sư tử. Nếu tịnh pháp có mặt ở một nơi nào, tịnh pháp phải có mặt ở trong người này”. Sau khi suy nghĩ như vậy, vua nhìn một vị đại thần. Vị ấy hỏi:
– Thưa Thiên tử, thần cần làm gì?
– Hãy mời vị khổ hạnh này đến.
– Thưa vâng, Thiên tử.
Vị đại thần ấy đi đến gặp Bồ-tát, đảnh lễ, cầm lấy bát khất thực. Bồ-tát hỏi:
– Thưa bậc đại phước, có việc gì?
– Thưa Tôn giả, đức vua cho mời ngài.
Bồ-tát nói:
– Chúng tôi không đi đến cung vua, trú xứ của chúng tôi ở tại Tuyết Sơn.
Người đại thần đi về và tâu lại vua rõ. Vua nói:
– Nay chúng ta không có người cố vấn trong cung vua. Hãy mời vị ấy đến.
Vị đại thần đi đến, đảnh lễ Bồ-tát, và yêu cầu ngài vào cung điện của vua. Vua đảnh lễ Bồ-tát, mời Bồ-tát ngồi trên ngai vàng, dưới một lọng trắng uy nghiêm, đãi Bồ-tát dùng các món ăn đặc biệt dành riêng cho mình, rồi hỏi:
– Thưa Tôn giả, Tôn giả ở đâu?
– Thưa Ðại vương, chúng tôi ở Tuyết Sơn.
– Nay Tôn giả đi đâu?
– Thưa Ðại vương, chúng tôi đang tìm một trú xứ thích hợp cho mùa mưa.
– Thưa Tôn giả, hãy ở lại công viên của chúng tôi.
Sau khi được Bồ-tát chấp nhận, vua ăn xong rồi đưa Bồ-tát đi đến công viên, cho dựng một thảo am, làm phòng ở ban đêm, phòng ở ban ngày, cung cấp tám dụng cụ cho người xuất gia. Sau khi giao trách nhiệm cho người giữ công viên, vua đi vào thành. Từ đấy trở đi, Bồ-tát sống ở công viên, mỗi ngày vua đi đến hầu thăm hai ba lần.
Vua có một thái tử độc ác, hung bạo, mà vua cũng như các người bà con, các vị đại thần khác không thể nhiếp phục. Tất cả đại thần, Bà-la-môn, dân chúng đều đã nêu rõ những lỗi lầm của tánh tình thái tử nhưng vô hiệu. Chàng không lưu ý đến lời khuyên can của ai. Rồi vua suy nghĩ: “Ngoài vị tu khổ hạnh đáng kính, có giới đức của ta, không một người nào khác có thể nhiếp phục được hoàng tử này. Vị tu khổ hạnh ấy sẽ nhiếp phục hoàng tử”. Nghĩ vậy, vua đưa thái tử đến gần Bồ-tát và thưa:
– Thưa Tôn giả, thái tử này hung bạo, độc ác. Chúng tôi không có thể nhiếp phục nó. Mong ngài tìm một phương tiện dạy bảo nó.
Vua giao thái tử cho Bồ-tát rồi ra đi. Bồ-tát đưa hoàng tử cùng đi chơi trong công viên và đến một mầm cây Nimba (loại cây có lá rất đắng) mới mọc lên từ hột giống, chỉ có hai lá, một lá phía bên này, một lá phía bên kia. Thấy cây ấy, Bồ-tát nói với thái tử:
– Này thái tử, hãy ăn lá của cây con này và xem vị của nó thế nào?
Thái tử lấy một lá của cây ấy, nhưng vừa đặt vào miệng và biết được vị, liền nhổ nó ra dưới đất với nước miếng kèm theo lời nguyền rủa. Bồ-tát hỏi:
– Này thái tử, lá ấy thế nào?
Thái tử đáp:
– Thưa Tôn giả, cây ấy như thuốc độc giết người, nếu lớn lên, nó sẽ làm chết nhiều người.
Rồi thái tử nhổ cây con ấy lên, với hai tay chà nát nó và nói lên bài kệ:
Cây này chỉ một lá,
Cách đất bốn đốt tay,
Lá nó giống thuốc độc,
Lớn lên sẽ làm gì?
Sau đó Bồ-tát nói với thái tử:
– Này thái tử, đối với cây nimba bé nhỏ này, thái tử nghĩ rằng: nay cây đắng như vậy, khi nó lớn lên, thì cũng chẳng dùng được việc gì phải không? Vì vậy nên chính thái tử đã nhổ cây ấy lên, và chà nát. Cũng như thái tử đã xử sự đối với cây này, những người ở trong nước sẽ nghĩ về thái tử: Rằng khi còn trẻ đã hung bạo, độc ác như vậy, thì khi lớn lên, được làm vua, thái tử sẽ như thế nào nữa? Chúng ta dựa vào thái tử ấy, thì sự trưởng thành của ta sẽ đi đến đâu? Họ sẽ không cho thái tử trị vì quốc độ thuộc sở hữu gia đình, sẽ nhổ bứng thái tử lên như cây nimba con, và đuổi thái tử ra khỏi nước. Do vậy, hãy từ bỏ tánh xấu giống như cây nimba. Bắt đầu từ nay, hãy đầy đủ lòng kiên nhẫn, từ bi, hòa ái.
Thái tử từ đấy trở đi bỏ kiêu mạn, trở nên hiền lành, đầy đủ lòng kham nhẫn, từ bi, hòa ái, an trú vững chắc trên lời khuyên răn của Bồ-tát. Sau khi phụ vương mệnh chung, chàng hưởng quốc độ, trọn đời làm các công đức, rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta mới nhiếp phục vị thái tử Licchavi ác độc, trong thời quá khứ, Ta cũng đã làm như vậy.
Rồi bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân:
– Lúc bấy giờ, thái tử Ác độc ấy là thái tử Licchavi này, vua là Ànanda, còn vị tu khổ hạnh đã giáo giới thái tử chính là Ta vậy.
Ai theo kẻ bất thiện…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư đã kể về vua A-xà-thế (Ajàtasattu) theo phe kẻ bất thiện. Vua đã tin tưởng Ðề-bà-đạt-đa, kẻ theo ác giới, kẻ phản lại các đức Phật và vì theo phe kẻ bất thiện, phi chân nhân ấy, vua đã tôn trọng vị ấy, tiêu phí nhiều tài sản để xây dựng một tinh xá ở Gayàsisa. Theo lời khuyên ác của Ðề-bà-đạt-đa, vua đã giết phụ thân là một vị vua theo Chánh pháp, một Thánh đệ tử đã chứng quả Dự lưu, do đó đã tự mình cắt đứt cận duyên chứng quả Dự lưu, và sẽ gặp tai họa lớn.
Khi nghe Ðề-bà-đạt-đa đã bị đất nuốt sống, vua suy nghĩ: “Ta cũng có thể bị đất nuốt”, liền hoảng hốt lo sợ, không vui trong vương vị, ngủ không yên giấc, đi lang thang, hoảng hốt run rẩy như con voi con bị những hình phạt sắc bén. Trong tưởng tượng, vua thấy như đất nứt nẻ ra, như lửa địa ngục A-tỳ (Avìci) phun lên, như mình bị đất nuốt xuống, như mình bị bắt nằm ngửa trên tấm đồng nung đỏ, như bị các cây gậy sắt đâm xuyên vào thân. Như một con gà trống bị thương tích, không giây phút nào vua không run sợ.
Vua muốn đến yết kiến bậc Chánh Ðẳng Giác, muốn cầu hòa với Ngài và xin Ngài hướng dẫn, nhưng không thể đi đến gần Ngài vì tội lỗi quá lớn.
Nhân ngày lễ hội Kattika đêm rằm tháng mười, thành Vương Xá được thắp đèn và trang hoàng như thành phố chư Thiên, khi vua ngự trên ngai vàng với quần thần vây quanh trong cung điện lớn, và thấy Jìvaka ngồi không xa bao nhiêu, vua suy nghĩ: “Ta sẽ đem Jìvaka đi theo yết kiến bậc Chánh Ðẳng Giác. Nhưng ta không có thể nói thẳng: Này bạn Jìvaka, ta không muốn đi một mình. Hãy đưa ta đến bậc Ðạo Sư. Ta hãy dùng phương tiện tán thán đêm đẹp trời và sẽ nói: Hôm nay, chúng ta nên đến chiêm bái vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào có thể làm tâm chúng ta được an lạc? Nghe ta nói, các đại thần sẽ tán thán bậc Ðạo Sư của mình. Và Jìvaka sẽ tán thán bậc Chánh Ðẳng Giác, và ta sẽ đem Jìvaka theo và sẽ đi đến bậc Ðạo Sư”.
Vì vậy, vua tán thán đêm ấy với năm câu kệ:
Thật là điềm lành thay,
Ðêm rằm sáng trăng này!
Thật là diễm lệ thay,
Ðêm rằm sáng trăng này!
Thật là quyến rũ thay,
Ðêm rằm sáng trăng này!
Thật là thích thú thay,
Ðêm rằm sáng trăng này!
Thật là khả ái thay,
Ðêm rằm sáng trăng này!
Hôm nay chúng ta nên đến chiêm bái vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào để vị ấy làm tâm chúng ta được an lạc?
Một đại thần tán thán Puràna Kassapa (Phú-lan-na Ca-diếp), một đại thần tán thán Makkhali Gosala (Mạc-già-lê Cù-xá-lợi), một đại thần tán thán Ajita Kesakambala (A-kỳ-đa Kỳ-xá-khâm-bà-la), một đại thần tán thán Kakudha Kaccàyana (Bà-phu-đà Ca-chiên-diên), một đại thần tán thán Sanjaya Belatthiputta (Tán-nhã-di Tỳ-la-lê-phất), một đại thần tán thán Nigantha Nataputta (Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử).
Vua nghe các đại thần ấy nhưng vẫn im lặng. Vua chờ đợi đại thần Jìvaka nói. Nhưng Jìvaka ngồi không xa, suy nghĩ: Không biết vua có chờ đợi mình nói hay không, nên Jìvaka vẫn ngồi im lặng. Cuối cùng vua nói với đại thần Jìvaka:
– Này Hiền khanh Jìvaka, sao khanh không nói gì?
Khi ấy Jìvaka từ chỗ ngồi đứng dậy, chấp tay vái về hướng Thế Tôn và thưa:
– Thưa Thiên tử, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, nay đang trú ở rừng xoài của chúng thần với một ngàn ba trăm năm mươi Tỷ-kheo. Tiếng đồn tốt đẹp như vậy được truyền đi về Thế Tôn.
Sau khi nói lên chín đức tánh bắt đầu từ A-la-hán, Jìvaka trình bày những tướng tốt v.v… từ khi sanh ra, uy lực của Thế Tôn đã vượt hẳn mọi dự đoán và mong đợi trước kia, rồi thưa:
– Thiên tử hãy đi đến chiêm bái Thế Tôn, nghe pháp và hỏi đạo.
Vua được toại ý liền nói:
– Này bạn Jìvaka, hãy cho thắng voi vào các cỗ xe.
Sau khi các cỗ xe được thắng xong, vua đi đến rừng xoài của Jìvaka với uy nghi của một vị vua. Thấy Thế Tôn được vây quanh với chúng Tỷ-kheo, với hương hoa, vòng hoa, nhìn thấy chúng Tỷ-kheo ở mọi nơi không dao động như biển hoàn toàn vắng lặng, vua suy nghĩ: “Một hội chúng như vậy ta không bao giờ thấy”. Vua hoan hỷ với uy nghi ấy liền chắp tay vái chúng Tỷ-kheo, nói lên lời tán thán, đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên, rồi hỏi về quả của Sa-môn hạnh. Thế Tôn chia làm hai phần tụng Kinh Quả của hạnh Sa-môn (Samanna-phala). Cuối bài kinh, vua hoan hỷ, xin Thế Tôn tha thứ lỗi lầm, từ chỗ ngồi đứng dậy, thân bên hữu hướng về Thế Tôn rồi đi ra. Khi vua vừa đi không bao lâu, bậc Ðạo Sư nói với các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, vua này đã bị tổn thương. Này các Tỷ-kheo, nếu vua ấy đã không vì tham vương quyền hại mạng vua cha, một đại vương trị vì đúng pháp, thì vua ấy ngay trên chỗ ngồi này đã khởi lên Pháp nhãn không bụi không dơ! Do nương tựa Ðề-bà, theo kẻ bất thiện, nên vua đã không chứng quả Dự lưu.
Ngày hôm sau, các Tỷ-kheo bắt đầu nói chuyện tại Chánh pháp đường:
– Thưa các Hiền giả, nghe nói vua A-xà-thế theo phe kẻ bất thiện, nương tựa Ðề-bà-đạt-đa theo ác giới, làm ác pháp, đã tự mình giết cha, nên đã mất quả Dự lưu. Như vậy, vua bị Ðề-bà-đạt-đa làm hại.
Trong lúc ấy, bậc Ðạo Sư đi đến Chánh pháp đường hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp tại đây bàn câu chuyện gì?
Khi được biết vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, vua A-xà-thế không phải nay mới theo phe kẻ bất thiện và chịu thiệt hại lớn. Thuở xưa, vua cũng đã theo phe bất thiện và gặp đại nạn.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể lại câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Bà-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn giàu có. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài đi đến Takkasilà học tất cả các nghề và trở thành một Sư trưởng có danh nhiều phương dạy nghề cho năm trăm thanh niên, trong đó có một người tên là Sanjiva.
Bồ-tát dạy cho thanh niên ấy bùa chú làm các vật chết sống dậy nhưng không dạy bùa chú chế ngự lại. Một hôm vì kiêu mạn về năng lực của mình, anh ta đi cùng với các thanh niên vào rừng lượm củi, thấy một con cọp chết, liền nói với họ:
– Thưa các Hiền hữu, tôi sẽ làm cho con cọp chết này sống lại.
Các thanh niên ấy nói:
– Bạn không thể làm được.
– Các bạn cứ nhìn, tôi sẽ làm cho nó đứng dậy.
Nghe vậy xong, các thanh niên ấy liền leo lên trên cây. Sanjiva đọc bùa chú, lấy mảnh sành đánh cọp. Con cọp vàng đứng dậy, nhanh như chớp xông tới, cắn vào cổ Sanjiva và hủy diệt mạng sống của anh ta và rồi rơi xuống tại chỗ ấy. Sanjiva cũng rơi xuống, và cả hai đều nằm chết tại chỗ. Các thanh niên lượm củi xong, đi về và trình Sư trưởng câu chuyện ấy. Ngài gọi các thanh niên và nói:
– Này các con thân, do thân cận với kẻ bất thiện, do kính trọng những kẻ không xứng đáng, nên nó phải gặp đại nạn như vậy.
Rồi ngài đọc bài kệ này:
Ai theo kẻ bất thiện,
Thân cận kẻ bất thiện,
Sẽ bị nó giết chết,
Như cọp giết Ji-va.
Bồ-tát thuyết pháp cho các thanh niên với bài kệ này và suốt đời làm cái công đức như bố thí v.v… rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, thanh niên làm sống dậy con cọp chết là vua A-xà-thế, còn vị Sư trưởng có danh nhiều phương là Ta vậy.
Giới Hương hầu hết thời gian dành cho việc nghiên cứu, thật mến thương người bạn cùng lớp
Ni Sư có đọc một bài thơ rất cảm động, cộng với chất giọng ngọt ngào làm tôi luôn nhớ mãi.
Ni sư Giới Hương đã làm được những điều mà ít có ai làm được, thật là một công hạnh đáng quý trọng.
Thật đúng là, Hữu Xạ Tự Nhiên Hương!
Tại Hải Ngoại, nơi này có Giới Hương
Kinh Tiểu Bộ – Khuddaka Nikàya
Hòa thượng Thích Minh Châu
& Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt
-ooOoo-
Mục Lục
[01] PHẨM APANNAKA |
1. Chuyện Pháp Tối Thượng (Tiền Thân Apannaka) 2. Chuyện Bài Sa Mạc (Tiền Thân Vannupatha) 3. Chuyện Người Buôn Chè (Tiền Thân Serivànija) 4. Chuyện Tiểu Triệu Phú (Tiền Thân Cullakasetthì) 5. Chuyện Ðấu Gạo (Tiền Thân Tandulanàli) 6. Chuyện Thiên Pháp (Tiền Thân Devadhamma) 7. Chuyện Nàng Lượm Củi (Tiền Thân Katthahàri) 8. Chuyện Vua Gàmani (Tiền Thân Gàmani) 9. Chuyện Vua Makhàdeva (Tiền Thân Makhàdeva) 10. Chuyện Trưởng Lão Sukhavihàri (Tiền Thân Sukhavihàri) |
[02] PHẨM GIỚI |
11. Chuyện Con Nai Ðiểm Lành (Tiền Thân Lakkhana) 12. Chuyện Con Nai Cây Ða (Tiền Thân Nigrodhamiga) 13. Chuyện Mũi Tên (Tiền Thân Kandina) 14. Chuyện Con Nai Gió (Tiền Thân Vàtamiga) 15. Chuyện Con Nai Kharàdiya (Tiền Thân Kharàdiya) 16. Chuyện Con Nai Có Ba Cử Chỉ (Tiền Thân Tipallthamiga) 17. Chuyện Gió Thổi (Tiền Thân Màluta) 18. Chuyện Ðồ Ăn Cúng Người Chết (Tiền Thân Matakabhatta) 19. Chuyện Lễ Cúng Do Có Lời (Tiền Thân Àyàcitabhatta) 20. Chuyện Hồ Nalakapàna (Tiền Thân Nalakapàna) |
[03] PHẨM KURUNGA |
21. Chuyện Con Nai Sơn Dương (Tiền Thân Kurunga) 22. Chuyện Con Chó (Tiền Thân Kukkura) 23. Chuyện Con Ngựa Thuần Chủng (Tiền Thân Bhojaniya) 24. Chuyện Ðôi Ngựa Nòi Tốt (Tiền Thân Àjanna) 25. Chuyện Bến Tắm (Tiền Thân Tittha) 26. Chuyện Con Voi Ma Hilàmukha (Tiền Thân Mahilàmuka) 27. Chuyện Ðôi Bạn Thân Thiết (Tiền Thân Abhinha) 28. Chuyện Con Bò Ðại Hỷ (Tiền Thân Nandivisàla) 29. Chuyện Con Bò Ðen (Tiền Thân Kaniha) 30. Chuyện Con Heo Munika (Tiền Thân Munika) |
[04] PHẨM KULAVAKA |
31. Chuyện Tổ Chim Con (Tiền Thân Kulàvaka) 32. Chuyện Múa Ca (Tiền Thân Nacca) 33. Chuyện Sống Hoà Hợp (Tiền Thân Sammodamàna) 34. Chuyện Con Cá (Tiền Thân Maccha) 35. Chuyện Con Chim Cút (Tiền Thân Vattaka) 36. Chuyện Con Chim (Tiền Thân Sakuna) 37. Chuyện Con Chim Trĩ (Tiền Thân Tittira) 38. Chuyện Con Cò (Tiền Thân Nanda) 39. Chuyện Người Nô Lệ Nanda (Tiền Thân Nanda) 40. Chuyện Hố Than Lửa Cây Keo (Tiền Thân Khadirangàra) |
[05] PHẨM LỢI ÁI |
41. Chuyện Trưởng Lão Losaka (Tiền Thân Losaka) 42. Chuyện Chim Bồ Câu (Tiền Thân Kapota) 43. Chuyện Con Rắn Tre (Tiền Thân Veluka) 44. Chuyện Con Muỗi (Tiền Thân Makasa) 45. Chuyện Nữ Tỳ Rohini (Tiền Thân Rohini) 46. Chuyện Kẻ Làm Hại Vườn (Tiền Thân Ràmadùsaka) 47. Chuyện Rượu Mạnh (Tiền Thân Vàruni) 48. Chuyện Bà-La-Môn Vedabbha (Tiền Thân Vedabbha) 49. Chuyện Các Vì Sao (Tiền Thân Nakkhatta) 50. Chuyện Những Kẻ Vô Trí (Tiền Thân Dummedha) |
[06] PHẨM ÀSIMSA |
51. Chuyên Vua Ðại Giới Ðức (Tiền Thân Màhàsìlavà) 52. Chuyện Tiểu Janaka (Tiền Thân Cùla-Janaka) 53. Chuyện Bình Rượu Ðầy (Tiền Thân Punnapàti) 54. Chuyện Trái Cây (Tiền Thân Phala) 55. Chuyện Năm Vũ Khí (Tiền Thân Pancàyudha) 56. Chuyện Khối Vàng (Tiền Thân Kancanakkhandha) 57. Chuyện Khỉ Chúa (Tiền Thân Vànarinda) 58. Chuyện Ba Pháp (Tiền Thân Tayodhammà) 59. Chuyện Tiếng Trống (Tiền Thân Bherivàda) 60. Chuyện Thổi Tù Và (Tiền Thân Sankkhadhama) |
[07] PHẨM NỮ NHÂN |
61. Chuyện Bài Kinh Khổ Ðau (Tiền Thân Asàtamanta) 62. Chuyện Cô Gái Trên Bảy Tầng Lầu (Tiền Thân Andabhuta) 63. Chuyện Hiền Sĩ Chà Là (Tiền Thân Takka) 64. Chuyện Người Vợ Khó Hiểu (Tiền Thân Duràjàna) 65. Chuyện Nỗi Bất Mãn (Tiền Thân Anabhirati) 66. Chuyện Hoàng Hậu Từ Tâm (Tiền Thân Mudulakkhana) 67. Chuyện Người Ðàn Bà Thôn Quê (Tiền Thân Ucchanga) 68. Chuyện Thành Saketa (Tiền Thân Saketa) 69. Chuyện Con Rắn Phun Nọc Ðộc (Tiền Thân Visavanta) 70. Chuyện Hiền Giả Cái Cuốc (Tiền Thân Kuddàla) |
[08] PHẨM VARANA |
71.Chuyện Cây Varana (Tiền Thân Varana) 72. Chuyện Tượng Vương Ðức Hạnh (Tiền Thân Silavanàga) 73. Chuyện Ðúng Vậy Chăng (Tiền Thân Saccankira) 74. Chuyện Luật Cây Rừng (Tiền Thân Rukkhadhamma) 75. Chuyện Con Cá (Tiền Thân Maccha) 76. Chuyện Người Không Sợ Hãi (Tiền Thân Asankiya) 77. Chuyện Giấc Mộng Lớn (Tiền Thân Mahàsupina). 78. Chuyện Vị Triệu Phú Illìsa (Tiền Thân Illìsa) 79. Chuyện Tiếng Trống Ồn Ào. (Tiền Thân Kharasara). 80. Chuyện Người Thợ Dệt Bhimasena (Tiền Thân Bhimasena) |
[09] PHẨM APAYIMHA |
81. Chuyện Uống Rượu (Tiền Thân Suràpàna) 82. Chuyện Nam Tử Mittavida (Tiền Thân Mittavinda) 83. Chuyện Ðiềm Xui Xẻo (Tiền Thân Kàlakanni) 84. Chuyện Cửa Ngõ Hạnh Phúc (Tiền Thân Atthassadvàra) 85. Chuyện Cây Có Trái Lạ (Tiền Thân Kimpakka) 86. Chuyện Thử Thách Giới Ðức (Tiền Thân Sìlavìmamsana) 87. Chuyện Ðiềm Lành Dữ (Tiền Thân Mangala) 88. Chuyện Con Bò Sàrambha (Tiền Thân Sàrambha) 89. Chuyện Kẻ Lừa Ðảo (Tiền Thân Kuhaka) 90. Chuyện Kẻ Vong Ân (Tiền Thân Akatannu) |
[10] PHẨM LITTA |
91. Chuyện Chơi Súc Sắc Ngộ Ðộc (Tiền Thân Litta) 92. Chuyện Ðại Ðảo Vật (Tiền Thân Mahàsàra) 93. Chuyện Ngộ Ðộc Do Luyến Ái (Tiền Thân Vissàsabhojana) 94. Chuyện Nỗi Kinh Hoàng (Tiền Thân Lomahamsa) 95. Chuyện Vua Ðại Thiện Kiến (Tiền Thân Mahàsudassana) 96. Chuyện Bát Dầu (Tiền Thân Telapatta) 97. Chuyện Ðiềm Lành Của Tên (Tiền Thân Nàmasiddhi) 98. Chuyện Người Lái Buôn Lừa Ðảo (Tiền Thân Kùtavànija) 99. Chuyện Hơn Một Ngàn Kẻ Ngu. (Tiền Thân Parosahassa) 100. Chuyện Sắc Thân Bất Lạc (Tiền Thân Asàtarùpa) |
[11] PHẨM PAROSSATA |
101. Chuyện Hơn Một Trăm Kẻ Ngu (Tiền Thân Parosafa) 102. Chuyện Người Bán Rau (Tiền Thân Pannika). 103. Chuyện Kẻ Ngu. (Tiền Thân Veri) 104. Chuyện Chàng Trai Mittavinda (Tiền Thân Mittavida). 105. Chuyện Con Voi Sợ Chết (Tiền Thân Dubblakattha) 106. Chuyện Múc Nu&Ớc (Tiền Thân Udancani) 107. Chuyện Nghề Ném Ðá (Tiền Thân Sàlittaka) 108. Chuyện Kỳ Lạ (Tiền Thân Bàhiya) 109. Chuyện Bánh Bột Trấu Ðỏ (Tiền Thân Kundakapùva) 110. Chuyện Câu Hỏi Bao Quát Tất Cả (Tiền Thân Sabbasanhàraka-Panha) |
[12] PHẨM HAMSA |
111. Chuyện Câu Hỏi Của Con Lừa (Tiền Thân Gadrabha-Panha). 112. Chuyện Câu Hỏi Của Hoàng Hậu Bất Tử (Tiền Thân Amaràdevi-Panha) 113. Chuyện Con Chó Rừng (Tiền Thân Sigàla) 114. Chuyện Con Cá Nghĩ Vừa (Tiền Thân Mitacinti) 115. Chuyện Người Giáo Giới (Tiền Thân Anusàsika) 116. Chuyện Người Múa Giáo (Tiền Thân Dubbaca) 117. Chuyện Chim Ða Ða (Tiền Thân Tittira) 118. Chuyện Chim Cun Cút (Tiền Thân Vattaka) 119. Chuyện Con Gà Gáy Phi Thời (Tiền Thân Akàlaràvi) 120. Chuyện Giải Thoát Sự Trói Buộc (Tiền Thân Bandhanamokkha). |
[13] PHẨM KUSANÀLI |
121. Chuyện Thần Cây Cỏ Kusa (Tiền Thân Kusanàli) 122. Chuyện Kẻ Ngu (Tiền Thân Dummendha) 123. Chuyện Cái Cán Cày (Tiền Thân Nangalisa) 124. Chuyện Trái Xoài (Tiền Thân Amba) 125. Chuyện Người Nô Lệ Katàhaka (Tiền Thân Katàhaka) 126. Chuyện Tướng Của Kiếm (Tiền Thân Asilakkhana) 127. Chuyện Người Nô Lệ Kalanduka (Tiền Thân Kalanduka) 128. Chuyện Con Mèo (Tiền Thân Bilàra) 129. Chuyện Kẻ Thờ Lửa (Tiền Thân Aggika) 130. Chuyện Nữ Bà-La-Môn Kosiya (Tiền Thân Kosiya) |
[14] PHẨM ASAMPADÀNA |
131. Chuyển Kẻ Vong Ân (Tiền Thân Asampadàna) 132. Chuyện Ngũ Dục Lạc (Tiền Thân Pancagaru) 133. Chuyện Lửa Cháy (Tiền Thân Ghatàsana) 134. Chuyện Thiền Quán (Tiền Thân Thànasodhana) 135. Chuyện Nguyệt Quang (Tiền Thân Candàbha) 136. Chuyện Con Thiên Nga Vàng (Tiền Thân Suvannahamsa) 137. Chuyện Con Mèo (Tiền Thân Babbu) 138. Chuyện Con Cắc Kè (Tiền Thân Godha) 139. Chuyện Cả Hai Mặt Thất Bại (Tiền Thân Ubhatobhattha) 140. Chuyện Con Quạ (Tiền Thân Kàka) |
[15] PHẨM KAKANTAKA |
141. Chuyện Con Cắc Kè (Tiền Thân Godha) 142. Chuyện Con Chó Rừng (Tiền Thân Sigàla) 143. Chuyện Chiếu Sáng Như Mặt Trời (Tiền Thân Virocana) 144. Chuyện Cái Đuôi Bò (Tiền Thân Nanguttha) 145. Chuyện Con Vẹt Radha (Tiền Thân Radha) 146. Chuyện Con Quạ (Tiền Thân Kaka) 147. Chuyện Áo Vải Màu Đỏ (Tiền Thân Puppharatta) 148. Chuyện Con Chó Rừng (Tiền Thân Sigàlà) 149. Chuyện Cây Một Lá (Tiền Thân Ekapanna) 150. Chuyện Thanh Niên Sanjiva (Tiền Thân Sanjiva) |
[01] PHẨM DALHA |
151. Chuyện Lời Giáo Giới Cho Vua (Tiền Thân Ràjovàda) 152. Chuyện Con Cho Rừng (Tiền Thân Sigàla) 153. Chuyện Con Heo Rừng (Tiền Thân Sùkara) 154. Chuyện Con Rắn (Tiền Thân Uraga) 155. Chuyện Nhảy Mũi (Tiền Thân Gagga) 156. Chuyện Hoàng Tử Có Tâm Thâu Phục (Tiền Thân Alìnacitta) 157. Chuyện Công Đức (Tiền Thân Guna) 158. Chuyện Con Ngựa Suhanu (Tiền Thân Suhanu) 159. Chuyện Con Công (Tiền Thân Mora) 160. Chuyện Con Ngỗng Xanh Sẫm (Tiền Thân Vinìlaka) |
[02] PHẨM SANTAHAVA |
161. Chuyện Ẩn Sĩ Indasamànagotta (Tiền Thân Indasamànagotta) 162. Chuyện Mối Thâm Giao (Tiền Thân Santhava) 163. Chuyện Vua Susìma (Tiền Thân Susìma) 164. Chuyện Chim Diều Hâu (Tiền Thân Gijjha) 165. Chuyện Con Chuột Rừng (Tiền Thân Nakula) 166. Chuyện Bà-La-Môn Upasàlha (Tiền Thân Upasàlha) 167. Chuyện Trưởng Lão Samiddhi (Tiền Thân Samiddhi) 168. Chuyện Chim Diều Hâu (Tiền Thân Sakunagghi) 169. Chuyện Đạo Sư Araka (Tiền Thân Araka) 170. Chuyện Con Kỳ Nhông (Tiền Thân Kakantaka) |
[03] PHẨM THIỆN PHÁP |
171. Chuyện Thiện Pháp (Tiền Thân Kalyàna Dhamma) 172. Chuyện Núi Daddara (Tiền Thân Daddara) 173. Chuyện Con Vượn (Tiền Thân Makkata) 174. Chuyện Con Vượn Lừa Dối (Tiền Thân Dubhidamakkata) 175. Chuyện Đảnh Lễ Mặt Trời (Tiền Thân Àdiccupatthàma) 176. Chuyện Một Nắm Đậu (Tiền Thân Kalàya – Mutthi) 177. Chuyện Cây Tinduka (Tiền Thân Tinduka) 178. Chuyện Con Rùa (Tiền Thân Kacchapa) 179. Chuyện Bà-La-Môn Satadhamma (Tiền Thân Satadhamma) 180. Chuyện Khó Cho (Tiền Thân Duddada) |
[04] PHẨM ASADISA |
181. Chuyện Hoàng Tử Vô Địch (Tiền Thân Asadisa) 182. Chuyện Con Voi Thiện Chiến (Tiền Thân Sangàmàvacara) 183. Chuyện Đồ Tàn Thực (Tiền Thân Vàlodakka) 184. Chuyện Người Luyện Ngựa Giridanta (Tiền Thân Giridanta) 185. Chuyện Tâm Bất Tịnh (Tiền Thân Anabhirati) 186. Chuyện Vua Mang Sữa Đông (Tiền Thân Dadhivàhana) 187. Chuyện Bốn Vẻ Đẹp (Tiền Thân Cantumatta) 188. Chuyện Sư Tử Lai Chó Rừng (Tiền Thân Sìhakottuka) 189. Chuyện Tấm Da Sư Tử (Tiền Thân Sìhacamma) 190. Chuyện Giữ Giới (Tiền Thân Sìlànisamsa) |
[05] PHẨM RUHAKA |
191. Chuyện Tế Sư Ruhaka (Tiền Thân Ruhaka) 192. Chuyện Thiên Nữ Siri Và Kàlakanni (Tiền Thân Sirikàlakanni) 193. Chuyện Hoàng Tử Liên-Hoa (Tiền Thân Cullapaduma) 194. Chuyện Kẻ Trộm Ngọc (Tiền Thân Manicora) 195. Chuyện Hòn Núi Đẹp (Tiền Thân Pabbatupatthara) 196. Chuyện Con Ngựa Bay (Tiền Thân Valàhassa) 197. Chuyện Bạn – Thù (Tiền Thân Mittàmitta) 198. Chuyện Con Vẹt Ràdha (Tiền Thân Ràdha) 199. Chuyện Người Gia Chủ (Tiền Thân Gahapati) 200. Chuyện Giới Hạnh Tốt Lành (Tiền Thân Sàdhusìla) |
[06] PHẨM NATAMDAIHA |
201. Chuyện Nhà Tù Trói Buộc (Tiền Thân Bandhanàgara) 202. Chuyện Tánh Nghịch Ngợm (Tiền Thân Kilisìla) 203. Chuyện Tu Tập Từ Tâm (Tiền Thân Khandha -Vatta) 204. Chuyện Con Quạ Viraka (Tiền Thân Viraka) 205. Chuyện Cá Sông Hằng (Tiền Thân Gangeyya) 206. Chuyện Con Nai Núi (Tiền Thân Kurungamiga) 207. Chuyện Vua Assaka (Tiền Thân Assaka) 208. Chuyện Con Cá Sấu (Tiền Thân Sumsumara) 209. Chuyện Con Chim Mồi (Tiền Thân Kakkara) 210. Chuyện Con Chim Gõ Mõ (Tiền Thân Kandagalaka) |
[07] PHẨM BIRANATTHAMBAHAKA (Ðám cỏ thơm) |
211. Chuyện Chàng Trai Somadatta (Tiền Thân Somadatta) 212. Chuyện Thức Ăn Thừa (Tiền Thân Uchitthabhatta) 213. Chuyện Vua Bharu (Tiền Thân Bharu) 214. Chuyện Con Sông Đầy (Tiền Thân Punna-Nadi) 215. Chuyện Con Rùa (Tiền Thân Kachapa) 216. Chuyện Con Cá (Tiền Thân Maccha) 217. Chuyện Người Bán Rau (Tiền Thân Seggu) 218. Chuyện Người Lái Buôn Lừa Đảo (Tiền Thân Kùtavànija) 219. Chuyện Đáng Chỉ Trích (Tiền Thân Garahita) 220. Chuyện Tế Sư Dhammadhaja (Tiền Thân Dhammaddhaja) |
[08] PHẨM KÀSÀVA |
221. Chuyện Tấm Y Vàng (Tiền Thân Kàsàva) 222. Chuyện Con Khỉ Cùllanandiya (Tiền Thân Cùllanandiya) 223. Chuyện Thức Ăn Đi Đường (Tiền Thân Puta-Bhatta) 224. Chuyện Con Cá Sấu (Tiền Thân Kumbhila) 225. Chuyện Đề Cao Tính Kham Nhẫn (Tiền Thân Khanti-Vannana) 226. Chuyện Con Cú (Tiền Thân Kosiya) 227. Chuyện Con Bọ Ăn Phân (Tiền Thân Gùthapàna) 228. Chuyện Bà-La-Môn Kàmanita (Tiền Thân Kàmanita) 229. Chuyện Du Sĩ Palàyi (Tiền Thân Palàyi) 230. Chuyện Du Sĩ Palàyi Thứ Hai (Tiền Thân Palàyi) |
[09] PHẨM UPÀHANA |
231. Chuyện Chiếc Giày (Tiền Thân Upàhana) 232. Chuyện Không Được Hướng Dẫn (Tiền Thân Vinàthùna) 233. Chuyện Mũi Tên (Tiền Thân Vikannaka) 234. Chuyện Nàng Asitàbhù (Tiền Thân Asitàbhù) 235. Chuyện Vị Ẩn Sĩ Vaccha-Nakha (Tiền Thân Vaccha-Nakha) 236. Chuyện Con Cò (Tiền Thân Baka) 237. Chuyện Thành Sàketa (Tiền Thân Sàketa) 238. Chuyện Một Chữ (Tiền Thân Ekapada) 239. Chuyện Con Nhái Xanh (Tiền Thân Harita-Màta) 240. Chuyện Vua Mahàpingala (Tiền Thân Mahàpingala) |
[10] PHẨM SIGÀLA(Chó rừng) |
241. Chuyện Vua Chó Rừng Sabbadàtha (Tiền Thân Sabbadàtha) 242. Chuyện Con Chó (Tiền Thân Sunakha) 243. Chuyện Nhạc Sĩ Guttila (Tiền Thân Guttila) 244. Chuyện Ly Dục (Tiền Thân Viticcha) 245. Chuyện Kinh Pháp Môn Căn Bản (Tiền Thân Mùlapariyàya) 246. Chuyện Lời Phỉ Báng (Tiền Thân Telovàda) 247. Chuyện Hoàng Tử Pàdanjali (Tiền Thân Pàdanjali) 248. Chuyện Thí Dụ Cây Kimsuka (Tiền Thân Kimsukopama) 249. Chuyện Con Khỉ Sàlaka (Tiền Thân Sàlaka) 250. Chuyện Con Khỉ (Tiền Thân Kapi) |
PHẦN 3 – CHƯƠNG III, CHƯƠNG IV
[01] Chương III – Phẩm Sankappa |
251. Chuyện Dục Tầm (Tiền Thân Sankappa) 252. Chuyện Một Nắm Mè (Tiền Thân Tilamutthi) 253. Chuyện Vua Rắn Manikantha (Tiền Thân Manikantha) 254. Chuyện Con Ngựa Quý Ăn Cám Gạo Đỏ (Tiền Thân Kundaka-Kucchi-Sindhava) 255. Chuyện Con Vẹt (Tiền Thân Suka) 256. Chuyện Cái Giếng Cũ (Tiền Thân Jarudapàna) 257. Chuyện Người Hầu Cận Gàmani-Canda (Tiền Thân Gàmani-Canda) 258. Chuyện Đại Vương Mandahàtà (Tiền Thân Mandahàtà) 259. Chuyện Ẩn Sĩ Tirìta-Vaccha (Tiền Thân Tirìta-Vaccha) 260. Chuyện Sứ Giả Của Cái Bụng (Tiền Thân Duta) |
[02] Chương III – Phẩm Kosya |
261. Chuyện Hoa Sen (Tiền Thân Paduma) 262. Chuyện Bàn Tay Mềm Mại (Tiền Thân Mudupàni) 263. Chuyện Tiểu Dục Tham (Tiền Thân Culla-Palobhana) |
[03] Chương III – Phẩm Ba Bài Kệ |
264. Chuyện Đại Vương Panàda (Tiền Thân Mahà Panàda) 265. Chuyện Mũi Tên (Tiền Thân Khurappa) 266. Chuyện Con Ngựa Quí Tốc Như Phong (Tiền Thân Vàtagga Sindhava) 267. Chuyện Con Cua (Tiền Thân Kakkatà) 268. Chuyện Kẻ Làm Hại Vườn (Tiền Thân Àràma Dùsa) 269. Chuyện Nàng Sujàta (Tiền Thân Sujàta) 270. Chuyện Con Cú (Tiền Thân Ulùka) 271. Chuyện Kẻ Làm Bẩn Giếng Nước (Tiền Thân Udapàna Dùsaka) 272. Chuyện Con Cọp (Tiền Thân Vyaggha) 273. Chuyện Con Rùa (Tiền Thân Kacchapa) |
[04] Chương III – Phẩm Ba Bài Kệ (tt) |
274. Chuyện Tham Ăn (Tiền Thân Lola) 275. Chuyện Tham Ăn (Tiền Thân Lola) 276. Chuyện Chánh Pháp Nước Kuru (Tiền Thân Kurrudhamma) 277. Chuyện Chim Bồ Câu (Tiền Thân Romaka) 278. Chuyện Con Trâu (Tiền Thân Mahisa) 279. Chuyện Con Hạc (Tiền Thân Satapatta) 280. Chuyện Kẻ Phá Hư Giỏ (Tiền Thân Puta-Dùsaka) 281. Chuyện Trái Xoài Chính Trung (Tiền Thân Abbhantara) 282. Chuyện Điều Tốt Nhất (Tiền Thân Seyya) 283. Chuyện Con Heo Rừng Của Thợ Mộc (Tiền Thân Vaddaki-Sùkura) 284. Chuyện Vận May (Tiền Thân Siri) 285. Chuyện Heo Rừng Trong Hang Thủy Tinh (Tiền Thân Manisùkura) |
[05] Chương III – Phẩm Ba Bài Kệ (tt) |
286. Chuyện Con Heo Liên Căn (Tiền Thân Sàlùka) 287. Chuyện Chê Bai Lợi Nhuận (Tiền Thân Làbha Garaha) 288. Chuyện Xâu Cá (Tiền Thân Macch-Uddàna) 289. Chuyện Mong Ước Khác Nhau (Tiền Thân Nàna-Chanda) 290. Chuyện Thử Thách Giới Đức (Tiền Thân Vìnansa) 291. Chuyện Cái Bát Thần (Tiền Thân Bhadra Ghata) 292. Chuyện Vua Quạ Supatta (Tiền Thân Supatta) 293. Chuyện Thân Hư Hoại (Tiền Thân Kàya-Vicchinda) 294. Chuyện Con Chim Ăn Trái Đào (Tiền Thân Jambu-Khàdaka) 295. Chuyện Loài Hạ Liệt (Tiền Thân Anta) 296. Chuyện Biển Cả (Tiền Thân Samudda) 297. Chuyện Dục Tình Nhảm Nhí (Tiền Thân Kàma-Vìpala) 298. Chuyện Trái Sung (Tiền Thân Udumbara) 299. Chuyện Ẩn Sĩ Komàya-Putta (Tiền Thân Komàya) 300. Chuyện Chó Sói (Tiền Thân Vaka) |
[06] Chương IV – Phẩm Bốn Bài Kệ |
301. Chuyện Tiểu Vương Kàlinga (Tiền Thân Cullakàlinga) 302. Chuyện Đại Kỵ Sĩ (Tiền Thân Maha-Asàroha) 303. Chuyện Vị Thánh Vương (Tiền Thân Ekaràja) 304. Chuyện Rắn Thần Daddara (Tiền Thân Daddara) 305. Chuyện Thử Thách Giới Đức (Tiền Thân Sìlavìmamasana) 306. Chuyện Hoàng Hậu Sujàta (Tiền Thân Sujàta) 307. Chuyện Thân Cây Hồng Diệp (Tiền Thân Palàsa) 308. Chuyện Chim Gõ Kiến (Tiền Thân Javasakuna) 309. Chuyện Người Tiện Dân (Tiền Thân Chavaka) |
[07] Chương IV – Phẩm Bốn Bài Kệ (tt) |
310. Chuyện Vị Quốc Sư Sayha (Tiền Thân Sayha) 311. Chuyện Cây Nimbo (Tiền Thân Pacimanda) 312. Chuyện Ẩn Sĩ Kassapa Chậm Trễ (Tiền Thân Kassapamandiya) 313. Chuyện Đạo Lý Kham Nhẫn (Tiền Thân Khantivàdi) 314. Chuyện Địa Ngục Nồi Sắt (Tiền Thân Lohakumbhi) 315. Chuyện Miếng Thịt (Tiền Thân Mamsa) 316. Chuyện Con Thỏ (Tiền Thân Sasa) 317. Chuyện Khóc Người Chết (Tiền Thân Mataradana) |
[08] Chương IV – Phẩm Bốn Bài Kệ (tt) |
318. Chuyện Vòng Hoa Kanavera (Tiền Thân Kanavera) 319. Chuyện Chim Đa Đa (Tiền Thân Tittira) 320. Chuyện Dễ Cho (Tiền Thân Succaja) 321. Chuyện Kẻ Đốt Lều (Tiền Thân Kutidùsaha) 322. Chuyện Tiếng Động Mạnh (Tiền Thân Daddabha) 323. Chuyện Vua Brahmadatta (Tiền Thân Brahmadatta) 324. Chuyện Thầy Tu Mặc Áo Da (Tiền Thân Cammasàtaka) 325. Chuyện Con Tắc Kè (Tiền Thân Godha) |
[09] Chương IV – Phẩm Bốn Bài Kệ (tt) |
326. Chuyện Thiên Hoa Kakkàru (Tiền Thân Kakkàru) 327. Chuyện Hoàng Hậu Kàkàti (Tiền Thân Kàkàti) 328. Chuyện Khóc Người Chết (Tiền Thân Ananusociya) 329. Chuyện Con Khỉ Đen Lớn (Tiền Thân Kalabahu) 330. Chuyện Thử Thách Giới Đức (Tiền Thân Silavìmamsa) 331. Chuyện Trưởng Lão Kokàlika (Tiền Thân Kokàlika) 332. Chuyện Chiếc Gậy Thúc Xe (Tiền Thân Rathalatthi) 333. Chuyện Con Tắc Kè (Tiền Thân Godha) 334. Chuyện Khuyến Dụ Quốc Vương (Tiền Thân Ràjovàda) 335. Chuyện Chó Rừng (Tiền Thân Jambuka) 336. Chuyện Vương Tử Chatta Vĩ Đại (Tiền Thân Brahàchatta) 337. Chuyện Cái Sàng Tọa (Tiền Thân Pitha) |
[10] Chương IV – Phẩm Bốn Bài Kệ (tt) |
338. Chuyện Vỏ Trấu (Tiền Thân Thusa) 339. Chuyện Xứ Baveru (Tiền Thân Bàveru) 340. Chuyện Trưởng Giả Visayha (Tiền Thân Visayha) 341. Chuyện Vua Kandari (Tiền Thân Kandari) 342. Chuyệcn Con Khỉ (Tiền Thân Vànara) 343. Chuyện Con Hạc (Tiền Thân Kuntani) 344. Chuyện Người Ăn Trộm Xoài (Tiền Thân Ambacora) 345. Chuyện Con Rùa Lười Biếng (Tiền Thân Gajakumbha) 346. Chuyện Đạo Sĩ Kesava (Tiền Thân Kesava) 347. Chuyện Cái Chày Sắt (Tiền Thân Ayakùta) 348. Chuyện Chốn Rừng Hoang (Tiền Thân Aranna) 349. Chuyện Lời Gièm Pha (Tiền Thân Sandhibheda) 350. Chuyện Vấn Đề Của Chư Thiên (Tiền Thân Devatàpanhà) |
PHẦN 4 – CHƯƠNG V đến CHƯƠNG XXII
[01] Chương V – Phẩm Năm Bài Kệ |
351. Chuyện Vòng Tai Bằng Ngọc (Tiền Thân Manikundala) 352. Chuyện Chàng Sujàta (Tiền Thân Sujàta) 353. Chuyện Cành Cây Thanh Tịnh (Tiền Thân Dhonasàkha) 354. Chuyện Con Rắn (Tiền Thân Uraga) 355. Chuyện Vương Tử Ghata (Tiền Thân Ghata) 356. Chuyệnn Nam Tử Kàrandiya (Tiền Thân Kàrandiya) 357. Chuyện Chim Cút (Tiền Thân Latukikà) 358. Chuyện Tiểu Vương Tử Hộ Pháp (Tiền Thân Culladhammapàla) 359. Chuyện Con Nai Vàng (Tiền Thân Suvannamiga) 360. Chuyện Hoàng Hậu Sussondi (Tiền Thân Sussondi) 361. Chuyện Sắc Đẹp (Tiền Thân Vannàroha) 362. Chuyện Thử Nghiệm Đức Hạnh (Tiền Thân Sìlavimamsa) 363. Chuyện Hổ Thẹn (Tiền Thân Hiri) 364. Chuyện Con Đom Đóm (Tiền Thân Khajjopanaka) 365. Chuyện Người Luyện Rắn (Tiền Thân Ahigundika) 366. Chuyện Con Quỷ Gumbiya (Tiền Thân Gumbiya) 367. Chuyện Vị Y Sĩ Già (Tiền Thân Sàliya) 368. Chuyện Dây Trói Buộc (Tiền Thân Tacasàra) 369. Chuyện Chàng Trai Mittavinda (Tiền Thân Mittavinda) 370. Chuyện Cây Hồng Phượng Vĩ (Tiền Thân Palàsa) 371. Chuyện Hoàng Tử Kosala (Tiền Thân Dighiti Kosala) |
[02] Chương VI – Phẩm Sáu Bài Kệ |
372. Chuyện Hai Chú Nai Con (Tiền Thân Migapotaka) 373. Chuyện Con Chuột (Tiền Thân Mùsika) 374. Chuyện Chàng Tiểu Xạ Thủ (Tiền Thân Culladhanuggaha) 375. Chuyện Chim Bồ Câu (Tiền Thân Kapota) 376. Chuyện Người Lái Đò (Tiền Thân Avàriya) 377. Chuyện Bà-La-Môn Setakeku (Tiền Thân Setakeku) 378. Chuyện Bà-La-Môn Darìmukha (Tiền Thân Darìmukha) 379. Chuyện Núi Neru (Tiền Thân Neru) 380. Chuyện Thiên Nữ Ásankà (Tiền Thân Asankà) 381. Chuyện Chim Thứu Migàlopa (Tiền Thân Migàlopa) 382. Chuyện Hai Thiên Nữ Siri Và Kàlakanni (Tiền Thân Siri Và Kàlakanni) 383. Chuyện Kê Vương (Tiền Thân Kukkuta) 384. Chuyện Pháp Ấn (Tiền Thân Dhammaddhaja) 385. Chuyện Lộc Vương Hoan Hỷ (Tiền Thân Nandiyamiga) 386. Chuyện Con Lừa (Tiền Thân Kharaputta) 387. Chuyện Cây Kim (Tiền Thân Suci) 388. Chuyện Con Heo Mõm Dài (Tiền Thân Tundila) 389. Chuyện Con Cua Vàng (Tiền Thân Suvannakakkata) 390. Chuyện Chim Mayhaka (Tiền Thân Mayhaka) 391. Chuyện Vị Tà Thuật Sư (Tiền Thân Dhajavihettha) 392. Chuyện Củ Hoa Sen (Tiền Thân Bhisapupha) 393. Chuyện Món Tàn Thực (Tiền Thân Vighàsa) 394. Chuyện Chim Cút (Tiền Thân Vattaka) 395. Chuyện Con Quạ (Tiền Thân Kàka) |
[03] Chương VII – Phẩm Bảy Bài Kệ |
396. Chuyện Ác Hạnh (Tiền Thân Kukku) 397. Chuyện Sư Tử Mannoja (Tiền Thân Manoja) 398. Chuyện Hiếu Tử Sutana (Tiền Thân Sutana) 399. Chuyện Chim Thứu (Tiền Thân Gijiha) 400. Chuyện Hoa Cỏ Kusa (Tiền Thân Dabbhapuppha) 401. Chuyện Người Nuốt Lưỡi Kiếm (Tiền Thân Dasannaka) 402. Chuyện Túi Da Đựng Bánh (Tiền Thân Sattnubhasta) 403. Chuyện Trí Giả Atthisena (Tiền Thân Atthisena) 404. Chuyện Hầu Vương (Tiền Thân Kapi) 405. Chuyện Phạm Thiên Baka (Tiền Thân Bakabrahma) 406. Chuyện Quốc Vương Gandhàra (Tiền Thân Gandhàra) 407. Chuyện Đại Hầu Vương (Tiền Thân Mahàkapi) 408. Chuyện Người Thợ Gốm (Tiền Thân Kumbhakàra) 409. Chuyện Vua Dalhadhamma (Tiền Thân Dalhadhamma) 410. Chuyện Con Voi Somadatta (Tiền Thân Somadatta) 411. Chuyện Vua Susìma (Tiền Thân Susìma) 412. Chuyện Thần Cây Bông Vải (Tiền Thân Kotisimbalì) 413. Chuyện Người Chăn Dê Dhùmakàri (Tiền Thân Dhùmakàri) 414. Chuyện Người Tỉnh Thức (Tiền Thân Jàgara) 415. Chuyện Phần Cháo Cúng Dường (Tiền Thân Kummàsapinda) 416. Chuyện Cận Thần Parantapa (Tiền Thân Parantapa) |
[04] Chương VIII – Phẩm Tám Bài Kệ |
417. Chuyện Hiền Mẫu Kaccàni (Tiền Thân Kaccàni) 418. Chuyện Tám Tiếng Kêu (Tiền Thân Attasadda) 419. Chuyện Kiều Nữ Sulasà (Tiền Thân Sulasà) 420. Chuyện Người Giữ Ngự Viên Sumangala (Tiền Thân Sumangala) 421. Chuyện Người Hớt Tóc Gangamàla (Tiền Thân Gangamàla) 422. Chuyện Quốc Vương Ceti (Tiền Thân Cetiya) 423. Chuyện Uy Lực Dục Tham (Tiền Thân Indriya) 424. Chuyện Ngọn Lửa Đốt Cháy (Tiền Thân Àditta) 425. Chuyện Những Sự Kiện Không Thể Xảy Ra (Tiền Thân Atthàna) 426. Chuyện Con Báo (Tiền Thân Dìpi) |
[05] Chương IX – Phẩm Chín Bài Kệ |
427. Chuyện Chim Thứu (Tiền Thân Gijiha) 428. Chuyện Giáo Hội Ở Kosambi (Tiền Thân Kosambì) 429. Chuyện Ðại Anh Vũ (Tiền Thân Mahàsuka) 430. Chuyện Tiểu Anh Vũ (Tiền Thân Cullasuka) 431. Chuyện Nam Tử Hàrita (Tiền Thân Hàrita) 432. Chuyện Cậu Bé Có Tài Nhận Dấu Chân (Tiền Thân Padakusalamànava) 433. Chuyện Vị Khổ Hạnh Ca-Diếp Nhiều Lông Tóc (Tiền Thân Lomasa Kassapa) 434. Chuyện Chim Hồng Nga (Tiền Thân Cakkavàka) 435 Chuyện Ước Mơ Chóng Phai Tàn (Tiền Thân Haliddiràga) 436. Chuyện Cái Hộp (Tiền Thân Samugga) 437. Chuyện Chó Rừng Pùtinumsa (Tiền Thân Pùtimamsa) 438. Chuyện Con Gà Gô (Tiền Thân Tittita) |
[06] Chương X – Phầm Mười Bài Kệ |
439. Chuyện Bốn Cổng Thành (Tiền Thân Catu-Dvàra) 440. Chuyện Hắc Hiền Giả (Tiền Thân Kanha) 441. Chuyện Bốn Vị Giữ Trai Giới (Tiền Thân Catu-Posathika) 442. Chuyện Bà-La-Môn Sankha (Tiền Thân Sankha) 443. Chuyện Trí Giả Tiểu Bồ Đề (Tiền Thân Culla-Bodhi) 444. Chuyện Hắc Nhân Dìpàyana (Tiền Thân Kanhadìpàyana) 445. Chuyện Vua Ða (Tiền Thân Nigrodha) 446. Chuyện Cây Hành (Tiền Thân Takkala) 447. Chuyện Đại Nhân Hộ Pháp (Tiền Thân Mahà Dhamma-Pàla) 448. Chuyện Kê Vương (Tiền Thân Kukuta) 449. Chuyện Nam Tử Đeo Vòng Tai (Tiền Thân Matta-Kundali) 450. Chuyện Phú Ông Keo Kiệt (Tiền Thân Bilàri-Kosiya) 451. Chuyện Hồng Nga (Tiền Thân Cakka-Vàka) 452. Chuyện Vấn Đề Trí Tuệ (Tiền Thân Bhùri-Panha) 453. Chuyện Điềm Lành Lớn (Tiền Thân Mahà-Mangala) 454. Chuyện Trí Giả Ghata (Tiền Thân Ghata) |
[07] Chương XI – Phẩm Mười Một Bài Kệ |
455. Chuyện Voi Hiếu Dưỡng Mẹ (Tiền Thân Màti-Posaka) 456. Chuyện Vương Tử Nguyệt Quang (Tiền Thân Junha) 457. Chuyện Thiên Tử Chánh Pháp (Tiền Thân Dhamma) 458. Chuyện Vua Thiện Lai (Tiền Thân Udaya) 459. Chuyện Ngụm Nước Uống (Tiền Thân Pàniya) 460. Chuyện Thái Tử Yuvanjana (Tiền Thân Yuvanjana) 461. Chuyện Ðại Vương Dasaratha (Tiền Thân Dasaratha) 462. Chuyện Vương Tử Samvara (Tiền Thân Samvara) 463. Chuyện Trí Giả Suppàraka (Tiền Thân Suppàraka) |
[08] Chương XII – Phẩm Mười Hai Bài Kệ |
464. Chuyện Tiểu Vương Điểu Kùnala (Tiền Thân Culla-Kunàla) 465. Chuyện Sàla, Cổ Thụ Cát Tường (Tiền Thân Bhadda-Sàla) 466. Chuyện Thương Nhân Trên Biển Cả (Tiền Thân Samudda-Vànijà) 467. Chuyện Dục Tham (Tiền Thân Kàma) 468. Chuyện Ðại Vương Janasandha (Tiền Thân Janasandha) 469. Chuyện Ðại Hắc Thiên Cẩu (Tiền Thân Mahà-Kanha) 470. Chuyện Phú Ông Keo Kiệt (Tiền Thân Kosiya) 471. Chuyện Con Dê (Tiền Thân Mendaka) 472. Chuyện Vương Tử Liên Hoa (Tiền Thân Mahà-Paduma) 473. Chuyện Bạn-Thù (Tiền Thân Mittàmitta) |
PHẦN 5 – CHƯƠNG XIII đến CHƯƠNG XX
[01] Chương XIII – Phẩm Mười Ba Bài Kệ |
474. Chuyện Trái Xoài (Tiền Thân (Amba) 475. Chuyện Cây Hồng Phượng Vĩ (Tiền Thân Phandana) 476. Chuyện Chúa Thiên Nga Có Thần Tốc (Tiền Thân Javana-Hamsa) 477. Chuyện Tiểu Đạo Sĩ Nàrada (Tiền Thân Culla-Nàrada) 478. Chuyện Sứ Thần (Tiền Thân Dùta) 479. Chuyện Cây Bồ Đề Và Thánh Đế Kàlinga (Tiền Thân Kàlinga-Bodhi) 480. Chuyện Hiền Giả Akitta (Tiền Thân Akitta) 481. Chuyện Hiền Giả Takkàriya (Tiền Thân Takkàriya) 482. Chuyện Lộc Vương (Tiền Thân Ruru) 483. Chuyện Chúa Nai Sarabha (Tiền Thân Sarabha-Miga) |
[02] Chương XIV – Tạp Phẩm |
484. Chuyện Cánh Đồng Lúa (Tiền Thân Sàlikedàra) 485. Chuyện Đôi Ca Thần Canda (Tiền Thân Canda Kinnara) 486. Chuyện Chúa Chim Ưng (Tiền Thân Màha Ukkusa) 487. Chuyện Nam Tử Uddàlaka (Tiền Thân Uddàlaka) 488. Chuyện Củ Sen (Tiền Thân Bhisa) 489. Chuyện Đại Vương Huy Hoàng (Tiền Thân Suruci) 490. Chuyện Nam Vi Hành Trì Trai Giới (Tiền Thân Pancùposatha) 491. Chuyện Ðại Khổng Tước (Tiền Thân Mahà-Mora) 492. Chuyện Lợn Rừng Của Thợ Mộc (Tiền Thân Taccha-Sùkara) 493. Chuyện Vị Đại Vương Nhân (Tiền Thân Mahà-Vànija) 494. Chuyện Đại Vương Sadhìna (Tiền Thân Sàdhìna) 495. Chuyện Mười Hạng Bà-La-Môn (Tiền Thân Dasa-Bràhmana) 496. Chuyện Cúng Thực Phẩm Đúng Cấp Bậc (Tiền Thân Bhikkhà-Parampara) |
[03] Chương XV – Phẩm Hai Mươi Bài Kệ |
497. Chuyện Bậc Hiền Trí Màtanga (Tiền Thân Màtanga) 498. Chuyện Đôi Bạn Citta-Sambhùta (Tiền Thân Citta-Sambhùta) 499. Chuyện Đại Vương Sivi (Tiền Thân Sivi) 500. Chuyện Thần Nữ Cát Tường (Tiền Thân Sirimanda) 501. Chuyện Lộc Vương Rohanta (Tiền Thân Rohanta Miga) 502. Chuyện Chúa Thiên Nga (Tiền Thân Hamsa) 503. Chuyện Anh Vũ Sattigumba (Tiền Thân Sattigumba) 504. Chuyện Ðại Vương Bhallàtiya (Tiền Thân Bhallàtiya) 505. Chuyện Vương Tử Hoan Lạc (Tiền Thân Somanassa) 506. Chuyện Long Vương Campeyya (Tiền Thân Campeyya) 507. Chuyện Sức Cám Dỗ Mạnh (Tiền Thân Mahà-Palobhana) 508. Chuyện Năm Vị Hiền Nhân (Tiền Thân Panca-Pandita) 509. Chuyện Hiền Giả Quản Tượng (Tiền Thân Hatthipàla) 510. Chuyện Vương Tử Trong Ngôi Nhà Sắt (Tiền Thân Ayoghara) |
[04] Chương XVI – Phẩm Ba Mươi Bài Kệ |
511. Chuyện Dục Tham Kỳ Dị (Tiền Thân Kimchanda) 512. Chuyện Bình Rượu (Tiền Thân Kumbha) 513. Chuyện Vương Tử Chiến Thắng (Tiền Thân Jayaddisa) 514. Chuyện Tượng Vương Ở Hồ Chaddanta (Tiền Thân Chaddanta) 515. Chuyện Nam Tử Sambhava (Tiền Thân Sambhava) 516. Chuyện Khỉ Chúa (Tiền Thân Mahàkapi) 517. Tiền Thân Dakarakkhasa 518. Chuyện Long Vương Pandara (Tiền Thân Pandara) 519. Chuyện Hoàng Hậu Sambulà (Tiền Thân Sambulà) 520. Chuyện Vị Thần Cây Tindu (Tiền Thân Gandatindu) |
[05] Chương XVII – Phẩm Bốn Mươi Bài Kệ |
521. Chuyện Ba Con Chim (Tiền Thân Tesakuna) 522. Chuyện Đại Nhân Thiện Xạ Sarabhanga(Tiền Thân Sarabhanga) 523. Thiên Nữ Alambusà (Tiền Thân Alambusà) 524. Chuyện Long Vương Samkhapàla (Tiền Thân Samkhapàla) 525. Chuyện Tiểu Sutasoma (Tiền Thân Sutasoma) |
[06] Chương XVIII – Phẩm Năm Mươi Bài Kệ |
526. Chuyện Công Chúa Nalinikà (Tiền Thân Nalinikà) 527. Chuyện Kỷ Nữ Ummadantì (Tiền Thân Ummadantì) 528. Chuyện Hiền Giả Đại Bồ Đề (Tiền Thân Mahà-Bodhi) |
[07] Chương XIX – Phẩm Sáu Mươi Bài Kệ |
529. Chuyện Hiền Giả Sonaka (Tiền Thân Sonaka) 530. Chuyện Hiền Giả Samkicca (Tiền Thân Samkicca) |
[08] Chương XX – Phẩm Bảy Mươi Bài Kệ |
531. Chuyện Đại Đế Kusa (Tiền Thân Kusa) 532. Chuyện Hai Hiền Giả Sona-Nanda (Tiền Thân Sona-Nanda) |
PHẦN 6 – CHƯƠNG XXI, CHƯƠNG XXII
[01] Chương XXI – Phẩm Tám Mươi Bài Kệ |
533. Chuyện Tiểu Thiên Nga (Tiền Thân Cullahamasa) 534. Chuyện Đại Thiên Nga (Tiền Thân Mahàhamasa) 535. Chuyện Thực Phẩm Thiên Giới (Tiền Thân Sudhàbhojana) |
[02] Chương XXI – Phẩm Tám Mươi Bài Kệ (tt) |
536. Chuyện Chúa Chim Kunàla (Tiền Thân Kunàla) 537. Chuyện Đại Sutasoma (Tiền Thân Mahà-Sutasoma) |
[03] Chương XXII – Đại Phẩm |
538. Chuyện Vương Tử Què Câm (Tiền Thân Muga-Pakka) 539. Chuyện Đại Vương Mahàjanaka (Tiền Thân Mahà-Janaka) |
[04] Chương XXII – Đại Phẩm (tt) |
540. Chuyện Hiếu Tử Sàma (Tiền Thân Sàma) |
[05] Chương XXII – Đại Phẩm (tt) |
541. Chuyện Đại Vương Nimi (Tiền Thân Nimi) |
[06] Chương XXII – Đại Phẩm (tt) |
542. Chuyện Tế Sư Khandahàla (Tiền Thân Khandahàda) |
[07] Chương XXII – Đại Phẩm (tt) |
543. Chuyện Bậc Đại Trí Bhùridatta (Tiền Thân Bhùridatta) |
[08] Chương XXII – Đại Phẩm (tt) |
544. Chuyện Bậc Đại Trí Mahanàrada-Kassapa (Tiền Thân Mahanàrada-Kassapa) |
[09] Chương XXII – Đại Phẩm (tt) |
545. Chuyện Bậc Đại Trí Vô Song (Tiền Thân Vidhurapandita) |
[10] Chương XXII – Đại Phẩm (tt) |
546. Chuyện Đường Hầm Vĩ Đại (Tiền Thân Mahà-Ummagga) |
[11] Chương XXII – Đại Phẩm (tt) |
547. Chuyện Đại Vương Vessantara (Tiền Thân Vessantara) |
***
Lời Giới thiệu
Hòa thượng Thích Minh Châu
Chúng tôi bắt đầu dịch tập Jàtaka (Bổn Sanh hay chuyện Tiền Thân) này, theo cách phân loại, đây là tập thứ 10 trong bộ Khuddaka Nikàya (Tiểu Bộ Kinh). Những Kinh đã được dịch là: Khuddakapàta (Tiểu Tụng, số 1); Dhammapada (Pháp Cú, số 2,); Udàna (Phật Tự Thuyết Kinh, số 3); Itivuttaka (Phật Thuyết Như Vậy, số 4); Suttanipàta (Kinh Tập, số 5); Theragàthà (Trưởng Lão Tăng Kệ, số 8); Therìgàthà (Trưởng Lão Ni kệ, số 9). Nay dịch tập Jàtaka (Bổn Sanh, số 10).
Vì lần này, chúng tôi chỉ mới dịch 120 mẫu chuyện cho Tập I, nên con số chính xác có bao nhiêu mẫu chuyện trong toàn tập Jàtaka chưa được xác định. Theo tập Jàtaka bằng chữ Pàli, thời con số cuối cùng là 547 mẫu chuyện (Jàtaka I, trang 596). Nhưng, ở bản dịch tiếng Anh ghi là 550 chuyện, chia thành 22 chương (Nipàta). Phân loại này phần lớn dựa trên số kệ (gàthà) trong mỗi chuyện. Ví như chương một có 150 mẫu chuyện, mỗi mẫu chuyện có một bài kệ. Chương hai gồm 100 mẫu chuyện, mỗi mẫu chuyện có hai bài kệ. Chương ba, chương bốn, mỗi chương gồm 50 chuyện, mỗi chuyện có ba và bốn bài kệ. Cho đến chương hai mươi mốt có 5 câu chuyện, mỗi chuyện có 80 bài kệ. Chương hai mươi hai có 10 câu chuyện, với một số kệ nhiều hơn. Mỗi Jàtaka (Bổn Sanh) gồm có bốn phần:
1) PACCUPPANNA-VATTHU: Câu chuyện hiện tại, một câu chuyện được xem là xảy ra trong thời đức Phật tại thế, nên gọi là câu chuyện hiện tại, và vì câu chuyện này, đức Phật kể ra một câu chuyện quá khứ.
2) ATITAVATTHU: Câu chuyện quá khứ, có liên hệ đến những nhân vật trong câu chuyện hiện tại. Trong câu chuyện quá khứ, luôn luôn có sự hiện diện của Bồ Tát (là Tiền thân của đức Phật) trong một vai trò nào đó. Có một hay nhiều bài kệ, khi thì do Bồ Tát nói, khi thì do đức Phật nói, phần lớn dưới hình thức một bài dạy đạo đức.
3) VEYYÀKARANÀ: Giải thích bài kệ hay một vài danh từ trong câu chuyện quá khứ.
4) SAMODHÀNA: Phần kết hợp, Đức Phật kết hợp hai mẫu chuyện hiện tại và quá khứ, có khi thêm một bài thuyết pháp, kết quả của bài ấy và cuối cùng là phần nhận diện Bổn Sanh, chỉ rõ sự liên hệ giữa những nhân vật chính trong hai câu chuyện quá khứ và hiện tại.
Theo truyền thống Tích Lan, câu chuyện hiện tại, câu chuyện quá khứ, lời giải thích và phần kết hợp gồm thành tập Jàtaka atthakathà (Bổn Sanh sớ giải). Tập này được dịch sang tiếng Singala (Tích Lan), trừ các bài kệ vẫn giữ tiếng Pàli. Tập Jàtaka Atthakathà bằng tiếng Singala (Tích Lan) lại được dịch qua tiếng Pàli với danh từ là Jàtakassa Atthavannanà, mà nay chúng tôi đang dịch ra tiếng Việt Nam. Truyền thống xem rằng chính Buddhaghosa đã dịch từ tiếng Singala ra tiếng Pàli, nhưng truyền thống này chưa được các học giả đồng ý.
Chúng tôi không dịch Phần 3, Veyyàkaranà, vì phần này có tánh cách sớ giải.
Vì chỉ mới dịch có 120 mẫu chuyện thành Tập I này, nên chúng tôi chỉ có thể dựa vào số 120 mẫu chuyện, này để phân tích và đưa đến một vài kết luận hay nhận xét cho riêng 120 mẫu chuyện mà thôi. Chỉ khi nào dịch xong toàn bộ, sẽ có những kết luận chung cho cả tập Jàtaka.
Trước hết là nhận xét về trú xứ của câu chuyện hiện tại và câu chuyện quá khứ:
Dựa theo những công trình của các vị học giả đã nghiên cứu trước, chúng nhận thấy các câu chuyện quá khứ được xảy ra phần lớn về phương Bắc và phương Tây nước Ấn Độ. Còn các câu chuyện hiện tại được xảy ra phần lớn về phương Đông Ấn Độ. Ví dụ, trong các câu chuyện quá khứ, Ba-La-Nại được đề cập đến 428 lần, Gadhàra 25 lần, còn trong câu chuyện hiện tại, Kosala được đề cập 428 lần và Magadha 58 lần (xem Jàtaka tập VII, trang VI). Riêng trong 120 mẫu chuyện hiện được phiên dịch, trong các câu chuyện hiện tại, Kỳ Viên được nói đến 83 lần, Trúc Lâm 10 lần, Xá Vệ 6 lần, v.v…
Jàtaka hay Bổn Sanh là những mẫu chuyện diễn tả các đời sống trước (tiền thân) của đức Phật và danh từ dùng trong các câu chuyện quá khứ là Bồ Tát. Chúng ta phải xác nhận ở nơi đây, danh từ Bồ Tát trong các chuyện Bổn Sanh chỉ cho tiền thân của đức Phật trong những đời sống quá khứ, khi làm chư thiên, khi làm thú vật, khi làm vua, khi làm hoàng tử v.v… Trong các câu chuyện quá khứ, nhân vật nổi bật nhất luôn luôn là Bồ Tát, thường đóng vai trò linh động nhất hay quan trọng nhất
Phân tích 120 câu chuyện quá khứ được dịch trong tập I này, chúng tôi xin ghi nhận nơi đây những vai trò Bồ Tát đã đóng như sau:
* 26 lần Bồ Tát làm chim làm thú: 1 lần làm chó, 2 lần làm ngựa, 4 lần làm bò đực, 1 lần làm voi, 2 lần làm cá, 5 lần làm nai, 3 lần làm khỉ và 8 lần làm chim. Về các loài chim: ngỗng trời 1 lần, chim cút 3 lần, chim trĩ 1 lần, chim chúa 2 lần, chim bồ câu 1 lần.
* Bồ Tát làm vua 6 lần, làm con vua 6 lần, làm đại thần 7 lần, làm triệu phú 10 lần, làm địa chủ 1 lần, làm Bà-La-Môn 4 lần, làm hiền trí 11 lần, làm Sư Trưởng 8 lần, làm ẩn sĩ 6 lần.
* Bồ Tát hành nghề cũng rất rộng rãi và đa dạng: làm trưởng đoàn lữ hành 3 lần, làm nghề đi buôn 2 lần, làm người cày ruộng 1 lần, làm người đánh trống 1 lần, làm người thổi tù-và 1 lần, làm thầy thuốc 1 lần, làm thợ hớt tóc 1 lần, học nghề đoán sao, nghề nhào lộn 2 lần, làm con trai một gia đình 2 lần. Ngoài ra, chúng ta còn ghi nhận thêm: Bồ Tát làm chư thiên 5 lần, làm thần cây 8 lần.
Đây chỉ nói đến 120 chuyện trong tập này thôi, chưa đề cập đến các mẫu chuyện còn lại. Nhìn chung, chúng ta cũng thấy vai trò của vị Bồ Tát thật là đa dạng, thật là phong phú, và vì đóng vai trò tiền thân đức Phật, phong cách đạo đức của Bồ Tát thật hoàn toàn tuyệt diệu từ lời nói, từ suy tư cho đến việc làm.
Mỗi chuyện tiền thân có một bài kệ, phần lớn do Bồ Tát nói, có khi đức Phật nói. Những bài kệ này, có thể là một lời phê bình khi nhận xét những sự việc đã xảy ra, có khi là một lời cảnh cáo những nhân vật trọng yếu, sai trái, có khi là một lời khuyên giáo đạo đức, dựa trên câu chuyện đã xảy ra. Nghiên cứu các bài kệ này cũng là một nguồn cảm hứng đặc biệt, và các bài kệ được xem là phần cổ kính nhất của tập Bổn Sanh này.
Phân tích 120 câu chuyện hiện tại trong Bổn Sanh này, chúng ta nhận thấy những đề tài được đề cập liên hệ trực tiếp với đức Phật, với các vị trưởng lão kế cận đức Phật, với các vị Tỳ-kheo, và một số cư sĩ liên hệ nhiều với đạo Phật. Ngoài ra, có đề cập những đề tài thông thường như đồ ăn cho người chết, lễ cúng dường khi cầu nguyện, các chòi lá bị cháy v.v… Đề tài sau này chiếm tỷ lệ rất thấp.
Những đề tài liên hệ trực tiếp đến đức Phật như thần thông song hàn (số 29), Devadatta luôn luôn tìm cách hại Phật (số 11, 21, 26, 57, 58, 72, 113), nữ Bà-la-môn Cinca vu oan đức Phật số (120), đức Phật nhập Niết Bàn (số 95). Tiếp đến là một số Trưởng Lão thân cận với đức Phật như Ànanda (số 92, 95), Ràhula (số 167), Sàriputta (số 37, 69), Cullapanthaka (4), Laludàya (5) v.v…
Tiếp đến nữa là đề cập đến một số Tỳ-kheo có các hạnh không được tốt đẹp và cần đức Phật giáo giới, đề tài này có thể nói là chiếm đa số. Như Tỳ-kheo thối thất tinh tấn (số 2, 3, 23, 24, 51, 52, 55), Tỳ-kheo có nhiều đồ vật (6, 32) Tỳ-kheo khó nói (15, 43, 48, 59, 60, 82, 104, 116), Tỳ-kheo bị ái luyến (30, 61, 63, 66, 85, 106), Tỳ-kheo nói khoác (80), Tỳ-kheo ném con ngỗng trời (107), Tỳ-kheo làm ồn phi thời (119), Tỳ-kheo uống nước không có lọc (31).
Tiếp theo là các đề tài liên hệ đến các đệ tử cư sĩ, hoặc của đức Phật hay của các vị Trưởng lão. Cấp-Cô-Độc được nói đến khá nhiều (số 1, 40, 45, 83, 90, 103), đệ tử của Sàriputta (25, 39).
Lại có một số đề tài có thể xem là không liên hệ đến đạo Phật, như đồ ăn cho người chết (số 18), lễ cúng dường khi cầu nguyện (19), làm lợi ích cho bà con (12), các chòi lá bị cháy (36), các cơn mộng (77) và đề tài liên hệ đến nữ nhân (61, 62, 63, 64, 65, 66, 67).
Dựa trên các đề tài được đề cập trong các câu chuyện hiện tại, chúng ta có thể nói, những đề tài phần lớn đề cập đến Giáo hội Phật giáo trong thời đức Phật còn tại thế và khoảng 100 năm sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, nhất là một số tệ trạng các Tỳ-kheo gặp phải, sau khi đạo Phật được truyền bá khắp xứ Ấn Độ và khi bậc Đạo Sư không còn nữa. Các đề tài và các mẫu chuyện cũng giúp chúng ta hiểu được một số nét về tình trạng xã hội đương thời.
Chúng tôi phải gác một bên, không cho đăng một số mẫu chuyện về nữ nhân, có tánh cách châm biếm thái quán, và câu chuyện 16 giấc mộng, có tánh cách sấm ký, sợ bị hiểu lầm.
Ở đây, một vấn đề phải được đặt ra là “Ai là tác giả các tập Jàtaka này?”. Tuy Bộ này được phân loại vào Khuddaka Nikàya (Tiểu Bộ Kinh), tức là một trong năm tập Nikàya, Kinh Tạng, và mỗi câu chuyện đều được diễn tả như là đức Phật đã kể lại, chúng ta có những lý do xác đáng để khẳng định tác giả các tập này phải là các vị Tỳ-kheo, hoặc sống trong thời đức Phật, hoặc sau đó khoảng vài chục năm: vì chỉ có những vị này mới thông hiểu được tổ chức của Giáo hội và hiểu được những mẫu chuyện dân gian của Ấn Độ; vì chỉ những người am hiểu dân tình, đồng quê xứ sở Ấn Độ mới có thể ghi nhận và trình bày được. Bài giới thiệu không cho phép chúng tôi đi sâu vào vấn đề tác giả của các mẫu chuyện Bổn Sanh này. Nhưng căn cứ trên ngôn ngữ học, trên cách hành văn, trên các danh từ được dùng trong các câu chuyện, các giáo lý được đề cập, đức Phật được diễn tả, pháp môn được tu tập v.v…, chúng ta có những lý do để khẳng định tập Jàkata này mở một kỷ nguyên mới trong văn học Phật giáo và trong cung cách truyền bá đạo Phật, được xảy ra sau khi Phật nhập Niết Bàn.
Tuy vậy, chúng ta phải xác nhận rằng nền văn học Phật giáo Jàtaka này đã tác dụng rất lớn, ảnh hưởng đến sự truyền bá đạo Phật, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, ở Ấn Độ cũng như ngoài Ấn Độ, không những trong lãnh vực văn học mà còn lan đến lãnh vực nghệ thuật, kiến trúc, đời sống xã hội nhân dân, v.v…
Trước hết, một số mẫu chuyện Jàtaka được khắc trên những tác phẩm điêu khắc tại các chùa, các tháp như ở Sanchi, ở Amaravati, đặc biệt Bharhut, Ấn Độ. Tại đấy, tên các Jàtaka được khắc rõ ràng. Ngày nay, một số công trình điêu khắc ấy vẫn còn được giữ khá nguyên vẹn tại các di tích Phật giáo Ấn Độ. Những công trình điêu khắc ấy chứng tỏ các câu chuyện tiền thân đã được biết đến rất nhiều vào thế kỷ thứ ba trước kỷ nguyên. Pháp Hiển, nhà chiêm bái Trung Quốc, khi đến thăm Tích Lan vào thế kỷ thứ tư sau kỷ nguyên, đã chứng kiến tại ngôi chùa Abhayagiri, sự trình diễn năm trăm chuyện tiền thân của đức Phật, khi Ngài còn là Bồ Tát, dưới hình thức con voi, con nai, v.v… Chúng tôi khi còn ở Tích Lan, nhân ngày Phật Đản có chứng kiến các tấm Pandal rất lớn, về các mẫu chuyện Jàtaka để dân chúng đến xem và chiêm ngưỡng. Và tại các Pandal ấy, có diễn xuất các vở kịch mẫu chuyện Jàtaka nữa. Vì vậy, ngày lễ Phật Đản ở Tích Lan là ngày mà rất đông dân chúng đi từ Pandal này qua Pandal khác, vừa dự lễ, vừa xem diễn các vở kịch về Jàtaka; dân chúng vui chơi một đêm trong ngày hội lớn. Các mẫu chuyện này cũng được dùng làm đề tài thuyết pháp trong các dịp lễ, dân chúng đến nghe suốt đêm, nghe các vị sư Tích Lan kể chuyện tiền thân Jàtaka mà không biết mệt.
Một ảnh hưởng nữa mà các câu chuyện này đem lại, nhất là các mẫu chuyện về súc vật, nhiều khi vượt qua biên giới tôn giáo Ấn Độ và trở thành những chuyện cổ tích dân gian, nửa thần thoại, nửa thực tế, không lệ thuộc tôn giáo này hay xứ sở nào. Chúng tôi tin rằng có một số chuyện cổ tích Việt Nam được bắt nguồn từ những chuyện Jàtaka này như chuyện Tấm Cám chẳng hạn. Những mẫu chuyện cổ tích này đã trở thành gia tài chung của nền văn hóa dân gian, phản ảnh được những tính chất bình thường của dân chúng, dưới mọi chân trời, trong đời sống hằng ngày của dân chúng, khi phải tiếp xúc với những gì hay, hoặc xấu của cuộc đời. Chính vì vậy mà các tập Jàtaka này rất được phổ biến, không những trong giới Phật tử mà còn lan tràn khắp mọi địa phương, mọi dân tộc.
Tập Jàtaka có khoảng năm trăm năm mươi mẫu chuyện. Nay mới dịch xong tập I với một trăm hai mươi mẫu chuyện. Như vậy còn lại khoảng bốn trăm ba mươi chuyện, sẽ được tiếp tục dịch và dự tính mất hai năm mới xong. Qua việc dịch tập Jàtaka, chúng tôi gặp phải một thể văn hoàn toàn sai khác với các bản Nikàya, danh từ khác lạ, rất phong phú, rất nhiều chữ mới. Đó là thể văn kể chuyện, trực tiếp ghi chép các cuộc đối thoại, nên vừa dài vừa linh động, dịch cho gọn và cho sát với nguyên bản thật là cả một vấn đề.
Chúng tôi muốn nói thêm về mục đích phiên dịch kinh Tạng Pàli ra tiếng Việt. Từ Ấn Độ về nước vào năm 1964, chúng tôi bắt tay phiên dịch ngay hai bộ Màjjhima Nikàya (Trung Bộ Kinh) và Dìgha Nikàya (Trường Bộ Kinh) cho đến năm 1975 mới dịch xong. Từ năm 1975 đến 1978, chúng tôi dịch xong hai bộ Samgutta Nikàya (Tương Ưng Bộ Kinh) và Anguttara Nikàya (Tăng Chi Bộ kinh). Từ năm 1978, chúng tôi bắt đầu dịch bộ Khuddaka Nikàya (Tiểu Bộ Kinh) và cho đến nay, đã dịch được sáu tập trong mười lăm tập, đang dịch tập Jàtaka thứ bảy. Dịch xong Jàtaka, chúng tôi tự xem là dịch xong Kinh Tạng Pàli, số tập còn lại trong Tiểu Bộ Kinh xin nhường lại cho các vị khác. Còn chúng tôi dự định duyệt lại các bộ Nikàya đã phiên dịch, thống nhất lại các danh từ chuyên môn, thống nhất lại các đoạn văn tương đương, hiệu đính lại các đoạn văn, các danh từ sai lầm, cố gắng hoàn thành cho được tốt đẹp những công trình phiên dịch của chúng tôi.
Chúng tôi phiên dịch Kinh Tạng Pàli hướng về hai mục đích rõ rệt:
1) Mục đích thứ nhất là giới thiệu Kinh Tạng Pàli cho Phật tử và cho nhân dân Việt Nam, những nguyên bản kinh điển được xem là cổ xưa nhất và chứa đựng những giáo lý trung thành nhất của đức Phật. Đức Phật dạy các Phật tử hãy học giáo lý của Ngài trong ngôn ngữ của mình. Phật tử Việt Nam, tất nhiên phải học giáo lý của Ngài ngang qua tiếng Việt, và nhờ vậy Phật tử Việt Nam vượt qua được những trở ngại ngôn ngữ và tự mở rộng cửa chánh pháp và cho mình và cho mọi người.
Chúng tôi phiên dịch Kinh Tạng vì chúng tôi xem Kinh Tạng gìn giữ được những lời dạy trung thành nhất của đức Phật chưa bị ảnh hưởng bởi những chia rẽ hệ phái và tông phái (Nam tông, Bắc tông).
2) Mục đích thứ hai của chúng tôi trong nhiệm vụ phiên dịch này là xây dựng cho được một Đại Tạng Việt Nam. Ngày nay, chúng ta đã được độc lập thống nhất, chúng ta phải có Đại Tạng Việt Nam cho Phật tử Việt Nam. Ngôn ngữ Việt Nam đủ phong phú, đủ trong và sức mạnh đóng vai trò chuyển ngữ. Ngày nào, chúng ta còn lệ thuộc vào Pàli Tạng hay Hán Tạng v.v… ngày ấy, chúng ta vẫn còn lệ thuộc những văn tự ấy. Độc lập ngôn ngữ cũng có nghĩa là độc lập dân tộc. Xưa kia, ông cha ta đề cao tiếng Nôm là cũng vì vậy, vì chỉ có độc lập ngôn ngữ mới khỏi bị đồng hóa bởi văn hóa ngoại bang.
Chúng ta đang cần nghiên cứu Pàli Tạng và Hán Tạng nhưng nghiên cứu không có nghĩa là cam tâm lệ thuộc vào văn tự Pàli hay văn tự Hán Tạng. Điều cốt yếu là thấy rõ điều ấy, và thấy rõ điều ấy cũng tức là thấy được sự cần thiết phải xây dựng cho được một Đại Tạng Việt Nam.
Viết tại Viện Phật Học Vạn Hạnh trong mùa An Cư năm 1980,
để kỷ niệm Lễ Vu Lan năm Canh Thân.
Tỷ Kheo THÍCH MINH CHÂU
Viện Trưởng Viện Phật Học Vạn Hạnh.
Hương Sen tỏa khắp cả mười phương hướng
Lý, Sự vuông tròn, Ai đang làm gương ?
Kinh Tiểu Bộ – Khuddaka Nikàya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
-ooOoo-
Mục Lục
***
Trưởng Lão Tăng Kệ là quyển thứ tám của Tiểu Bộ Kinh, một tập hợp 264 tích truyện trong dạng các câu kệ do các vị tỳ kheo đệ tử của Ðức Phật thuật lại về cuộc đời, công phu tu tập và tinh tấn hành trì của quý Ngài trên đường đưa đến đạo quả A-la-hán. Trong khi đó, Trưởng Lão Ni Kệ là quyển thứ chín, gồm 73 tích truyện về cuộc đời các vị tỳ kheo ni đệ tử A-la-hán của Ðức Phật.
Qua hai quyển kinh nầy, chúng ta biết được các nỗ lực tu tập, đấu tranh nội tâm, thanh lọc tâm ý để đưa đến giác ngộ giải thoát. Cuộc đời tu hành của quý vị Tăng Ni như đã ghi lại trong hai quyển kinh là những tấm gương sáng ngời để chúng ta cùng suy gẫm và noi theo trên con đường hành đạo của mỗi người con Phật chúng ta.
Ngoài ra, các câu chuyện và vần kệ trong quyển Trưởng Lão Ni Kệ cũng là một chứng minh hùng hồn, cho thấy con đường của chư Phật mở rộng cho mọi người, không phân biệt nam hay nữ. Tấm gương dũng cảm quyết tâm tu tập để đắc đạo quả cao thượng của các vị tỳ kheo ni tiền phong trong Ni Ðoàn của Ðức Phật là một nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người con Phật trong hơn hai ngàn năm trăm năm qua – nam cũng như nữ, già lẫn trẻ, người tại gia cũng như xuất gia. Ðạo quả A-la-hán, đạo quả giác ngộ toàn bích, mở rộng cho tất cả những ai tận lực tu học, giữ gìn giới hạnh, thanh lọc tâm ý, khai phát tuệ minh, như các vị đại đệ tử tỳ kheo và tỳ kheo ni đó.
Tỳ kheo Ariyasilo
(Bình Anson lược dịch, tháng 01-2001)
Phẩm I
-ooOoo-
Tập Một Kệ
(I) Bài Kệ Này Do Một Trưởng Lão Ni Không Biết Tên Nói Lên (Therì. 123)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình ở Vesàli (Tỳ-xá-ly). Vì thân hình đẫy đà, nàng được gọi là nàng đẫy đà. Nàng trở thành người vợ trung thành của một người quý tộc. Khi bậc Ðạo Sư đến Vesàli, nàng tin tưởng giáo pháp của đức Phật và trở thành một nữ cư sĩ. Khi nàng nghe Trưởng lão Ni Mahàpajàpati thuyết pháp, nàng muốn xuất gia và thưa với chồng ý nguyện của nàng. Người chồng không cho, nên nàng tiếp tục làm tròn bổn phận của nàng, suy tư đến những lời dạy dịu dàng của giáo pháp và chú tâm đến thiền quán. Rồi một ngày kia, trong khi đang ở trong bếp và nấu món ăn, một ngọn lửa mạnh bừng cháy và thiêu tất cả món ăn với những tiếng cháy xèo xèo, nàng lấy đó làm đề tài để thiền quán về tánh vô thường của sự vật, và chứng được quả Bất Lai. Rồi nàng không đeo các đồ trang sức nữa. Người chồng hỏi duyên cớ, nàng trả lời nàng không thể sống trong gia đình được nữa. Người chồng đưa nàng đến Trưởng lão Ni Mahàpajàpàti Gotami, và bằng lòng để nàng xuất gia. Mahàpajàpàti làm lễ xuất gia cho nàng và đưa nàng đến yết kiến đức Phật. Bậc Ðạo Sư giải thích về đề tài thiền quán của nàng và nói lên bài kệ này.
Khi nàng chứng quả A-la-hán, nàng lập lại bài kệ này và bài kệ trở thành bài kệ của nàng.
(II) Muttà (Therì. 123)
(Bài kệ này Thế Tôn thường nói lên để khích lệ Muttà khi nàng còn đang học tập).
Ðây là bài kệ của giới học nữ Muttà. Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm con gái của một Bà-la-môn, có danh vọng ỏ Sàvatthi. Ðến năm hai mươi tuổi, các điều kiện chín muồi, nàng xuất gia dưới sự hướng dẫn của Mahàpajàpati Gotami, và học tập thiền quán. Một hôm, sau khi khất thực, sau khi làm các phận sự đối với các Trưởng lão Ni xong, nàng tìm một chỗ thanh vắng để ngồi thiền, tập trung tư tưởng vào nội tâm. Rồi bậc Ðạo Sư, ngồi trong hương phòng ở tinh xá phóng ra hào quang, xuất hiện trước mặt nàng và nói lên bài kệ trên. Còn nàng, vững tin với lời giáo giới ấy, không bao lâu chứng được quả A-la-hán và khi chứng quả nói lên lại bài kệ này. Sau khi tu hành thành đạt, được đề nghị lên những hàng giáo phẩm, nàng vẫn đọc bài kệ này, khi sắp sửa mệnh chung.
(III) Punnà (Therì. 123)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm con một gia đình trưởng giả ở Sàvatthi và tên là Punnà. Khi nàng đến hai mươi tuổi và nghiệp duyên thành thục, nàng nghe Mahàpajàpati thuyết pháp và xuất gia. Khi trở thành một giới học nữ, nàng bắt đầu thiền quán, và bậc Ðạo Sư từ nơi hương phòng của Ngài phóng hào quang và nói lên bài kệ này:
Sau khi nghe bài kệ này, thiền quán được tăng trưởng và nàng chứng quả A-la-hán. Bài kệ này nói lên lòng phấn khởi và xác chứng chánh trí của nàng.
(IV) Tissà (Therì. 123)
Bài kệ sau này là của Tissà, một giới học nữ trải qua nhiều đức Phật, nàng tích lũy các công đức, và trong đời đức Phật hiện tại, nàng được tái sanh ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) trong gia đình quý tộc Thích-ca, được tuyển vào nội cung của vị Bồ-tát. Nàng cùng với Mahàpajàpati xuất gia và tu tập thiền quán. Bậc Ðạo Sư hiện ra trước nàng và nói lên bài kệ:
Và nàng nghe bài kệ này, được tăng trưởng thiền quán và chứng quả A-la-hán. Sau đó nàng thường đọc lên bài kệ này.
(V) Một Tissà Khác (Therì. 123)
(VI) Dhìra (Therì. 124)
(VII) Một Dhìra Khác (Therì. 124)
(VIII) Mittà (Therì. 124)
(IX) Bhadhà (Therì. 124)
(X) Upasanà (Therì. 124)
Sáu Tỷ-kheo-ni này, câu chuyện giống như Tissà (VI) trừ Dhirà, được gọi là một Dhirà khác. Nàng không được bài kệ nào đọc cho nàng, nhưng nàng cảm thấy dao động khi được nghe lời Phật dạy. Dựa trên những lời này nàng tinh tấn thiền nhất quán, và khi nàng chứng được quả A-la-hán, nàng nói lên sự sung sướng của nàng. Các Tỷ-kheo-ni khác cũng có thái độ tương tự.
(XI) Muttà (Therì. 123)
Nhờ tích lũy các thiện nghiệp dưới thời các đức Phật khác, Muttà được sinh ở Kosalà, con gái của một Bà-la-môn nghèo tên là Oghàtaka. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng phải làm vợ một người Bà-la-môn còm, nhưng nàng thưa với chồng rằng nàng không thể sống trong gia đình và được chồng bằng lòng cho nàng xuất gia. Trong khi thiền quán, tâm tư vẫn chạy theo các đối tượng ở ngoài. Do vậy, nàng kiên trì tự chế ngự và đọc lên bài kệ của nàng. Nàng tinh tấn thiền quán cho đến khi nàng chứng được quả A-la-hán. Rồi hân hoan nàng lập lại bài kệ:
(XII) Dhammadinnà (Therì. 124)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình ở Ràjagaha (Vương Xá) và trở thành vợ của Visàkha, một người có địa vị trong xã hội. Một ngày kia, chồng nàng đi nghe đức Phật thuyết pháp, chứng được quả Bất lai. Khi Visàkha về, Dhammadinnà đưa tay ra đỡ chồng lên gác, nhưng người chồng không nắm tay và không nói với nàng trong bữa ăn chiều. Nàng hỏi chồng duyên cớ, người chồng nói không phải vì lỗi gì của nàng, nhưng nay vì đã hiểu được Chánh pháp nên không còn những cử chỉ như trước nữa. Người chồng trả quyền tự do cho nàng, một là ở lại gia đình người chồng, hai là lấy tiền bạc rồi về lại gia đình cha mẹ, nhưng nàng không chịu, và xin được xuất gia.Visàkha đưa nàng đến các Tỷ-kheo-ni trong một chiếc kiệu vàng. Ðược cho phép xuất gia, nàng xin sống nhập thất, không muốn sống chung đụng ồn ào và đi đến một tinh xá ở làng. Tại đấy, nhờ những thiện nghiệp quá khứ, nàng chế ngự thân, miệng, ý, chứng được quả A-la-hán, với Tứ vô ngại giải: Nghĩa vô ngại giải, pháp vô ngại giải, từ vô ngại giải, biện tài vô ngại giải. Rồi nàng đi về Ràjagaha (Vương Xá), với các Tỷ-kheo-ni. Visàkha chồng cũ của nàng đến hỏi pháp, nàng như đã được diễn tả trong kinh Tiểu Vedalla (M.i. 299), nàng trả lời rất rõ ràng đúng đắn các câu hỏi của Visàkha và được đức Phật tán thán. Nàng trở thành thuyết pháp đệ nhất trong hàng các Tỷ-kheo-ni. Chính trong khi nàng ở lại một tinh xá ở làng và nàng nói lên bài kệ này:
(XIII) Visàkhà (Therì. 124)
Câu chuyện của Visàkhà cũng giống như câu chuyện của Dhìra. Sau khi chứng quả A-la-hán, nàng suy tư trên lạc giải thoát và nói lên chánh trí nàng đã chứng được, để khuyến khích đồng bạn tu hành.
(XIV) Sumànà (Therì. 124)
Câu chuyện của nàng giống như chuyện của Tissà phóng hào quang, đức Phật hiện ra ngồi trước mặt nàng và nói lên bài kệ này:
(XV) Uttarà (Therì. 125)
Câu chuyện của Uttarà cũng giống như câu chuyện của Tissà (IV). Và khi nàng chứng quả A-la-hán, nàng nói lên bài kệ này:
(XVI) Sumànà Xuất Gia Khi Tuổi Già (Therì. 125)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Sàvatthi làm chị của vua Kosala. Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, bắt đầu với bốn chữ: ‘Có bốn loại trẻ tuổi không nên khinh thường…’ (S. I, 68), nàng khởi lên lòng tin, thọ tam quy và ngũ giới.Vì mắc hầu hạ bà ngoại, nàng không xuất gia được. Sau khi bà ngoại mất, nàng cùng đi với vua tới tịnh xá, đem theo nhiều màn, nhiều vải cúng dường giáo hội. Nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, nàng chứng được quả Bất hoàn và xin được xuất gia và Thế Tôn thấy được sự trưởng thành trong trí tuệ của nàng nên nói lên bài kệ này:
Khi đức Phật nói xong, nàng chứng được quả A-la-hán, với thấu triệt pháp, thấu triệt nghĩa. Trong sự sung sướng nội tâm, nàng lập lại những câu kệ này và chúng trở thành lời tuyên bố chánh trí của nàng. Rồi nàng được xuất gia ngay.
(XVII) Dhammà (Therì. 125)
Sau khi chất chứa công đức trong nhiều đời, nàng được sanh trong một gia đình quyền quý dưới thời đức Phật hiện tại. Sau khi lấy chồng, nàng được cảm hóa theo đạo Phật, xin xuất gia nhưng người chồng không bằng lòng. Nàng chờ cho khi chồng mất, mới xuất gia. Một hôm, sau khi khất thực, trên con đường về tinh xá, nàng mất thăng bằng bị ngã. Dùng sự kiện ấy để thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Trong sự vui sướng, nàng nói lên bài kệ;
(XVIII) Sanjhà (Therì. 125)
Ðời nàng giống như đời của Tỷ-kheo-ni Dhìra, nhưng bài kệ của nàng như sau:
Phẩm Hai
-ooOoo-
Tập Hai Kệ
(XIX) Abhirùpa Nandà (Therì. 125)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Kapilavatthu, con gái vợ chính của vua Khemaka, dòng họ Thích-ca (Sakya), tên là Nandà. Vì nàng rất đẹp nên được tên là Abhirùpa Nandà (Nandà đẹp). Ngày nàng lựa Carabhùta làm chồng, thời Carabhùta mệnh chung và cha mẹ cưỡng bức nàng xuất gia. Sau khi đã xuất gia, nàng vẫn tự kiêu với sắc đẹp của nàng, và sợ bậc Ðạo Sư quở trách, nàng lẫn tránh Ngài. Thế Tôn biết được hạnh nàng đã thuần thục nên bảo Mahàpajàpati quy tụ mọi Tỷ-kheo-ni lại để Ngài dạy bảo, nàng nhờ người khác đi thế. Ðức Phật không chấp nhận nên nàng phải đến dự. Ðức Phật hóa sanh một nữ nhân rất đẹp, nhưng dần dần bị già nua, yếu hèn và nàng bị xúc động mạnh. Rồi đức Phật nói với nàng những bài kệ như sau:
Khi Thế Tôn nói xong, nàng chứng quả A-la-hán. Nói lại cho nàng những bài kệ này, nàng xem các bài kệ là lời tuyên bố chánh trí của nàng.
(XX) Jentì (hay Jentà) (Therì. 125)
Câu chuyện về đời sống quá khứ, về hiện tại của nàng giống như câu chuyện của Nandà đẹp. Nhưng nàng sanh ở Vesàli, tại một gia đình hoàng tộc Licchavi. Nàng chứng quả A-la-hán khi nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp. Và khi suy nghĩ đến sự biến đổi, trên tự thân, nàng sung sướng nói lên bài kệ này:
(XXI) Mẹ Của Sumangala (Therì. 126)
Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh vào một gia đình nghèo và được gả lấy một người đan mây làm chồng. Nàng sanh được một người con trai tên Sumangala, sau trở thành bậc Trưởng lão và chứng quả A-la-hán. Nàng không được biết tên và được gọi là một Trưởng lão Ni không có tên hay mẹ của Sumangala. Nàng trở thành một Tỷ-kheo-ni và một hôm nghĩ đến sự đau khổ khi còn là cư sĩ, nàng cảm thấy xúc động và với thiền quán phát triển, nàng chứng quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ, nàng nói lên bài kệ như sau:
(XXII) Addhakasi (Therì. 126)
Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở xứ Kàsi con của một công dân giàu có và có danh tiếng. Nhưng vì ảnh hưởng của khẩu nghiệp của đời trước nàng trở thành một kỹ nữ. Về sau nàng xuất gia và được làm lễ xuất gia với một vị đại diện đặc biệt được ghi trong tập Cùla vagga (Tiểu phẩm)
Nàng muốn đi đến Sàvatthi để được xuất gia nhưng bị dân làng ăn chơi ở Benerees chận đường không cho nàng đi. Nàng cho người đến hỏi ý kiến Thế Tôn và Thế Tôn cho phép nàng được xuất gia với một vị đại diện đặc biệt. Rồi nàng nhứt tâm quán tưởng và không bao lâu chứng quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Rồi nàng nói lên bài kệ như sau:
(XXIII) Città (Therì. 126)
Nàng được sanh vào một gia đình ưu tú ở Ràjagaha (Vương Xá), khi đến tuổi trưởng thành, nàng nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp ở cửa thành Ràjagaha, trở thành một tín nữ và được Mahàpajàpati cho xuất gia. Sau khi nàng về già, trong khi leo núi Linh Thứu, với thiền quán được phát triển, nàng chứng quả A-la-hán. Suy nghĩ đến kết quả này, nàng nói lên bài kệ:
(XXIV) Mettikà (Therì. 126)
Nàng được sanh làm con một gia đình quyền quý Bà-la-môn ở Ràjagaha. Ðời nàng cũng giống như đời của Città chỉ khác là nàng leo một ngọn núi khác, đối diện với núi Linh Thứu. Suy tư trên quả chứng của mình, nàng nói lên bài kệ:
(XXV) Mittà (Therì. 127)
Nàng được sinh ra trong gia đình công chúa Sakya (Thích-ca) ở Kapilavatthu, từ bỏ gia đình xuất gia cùng với Mahàpajàpati, rồi sau những năm tháng tu hành cần mẫn, nàng chứng được quả A-la-hán nghĩ đến thành quả của mình, nàng vui vẻ nói lên những bài kệ này:
(XXVI) Mẹ Của Abhayà (Therì. 127)
Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh là một hoa khôi ở Ujjenì, tên là Badumavati. Vua Bimbisàra ở Magadha nghe tiếng và muốn gặp nàng. Với sự giúp đỡ của vị giáo sĩ của vua, vua được gặp nàng và nàng có thai với vua. Vua bảo khi nào nó lớn thì đưa vào cung. Nàng sinh được một đứa con trai, đặt tên là Abhaya (Vô Úy). Khi được bảy tuổi, nàng gửi con trai đến vua Bimbisàra và vua thương yêu nó và nuôi dưỡng nó với các người con khác của vua. Sau này đứa trẻ lớn lên tin theo đạo Phật, xuất gia, như đã được tường trình trong Trưởng lão Tăng Kệ. Về sau, mẹ của Abhaya nghe Abhaya thuyết pháp, cũng xin xuất gia và sau một thời gian tu hành, chứng được quả A-la-hán, với pháp tín thọ, với nghĩa tín thọ. Nàng nhớ lại những câu kệ do con nàng giảng cho nàng và thêm vào những bài kệ của chính nàng:
(XXVII) Abhaya (Therì. 127)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Ujenni, tại một gia đình quyền quý và trở thành bạn thân với mẹ của Abhaya. Khi nghe mẹ của Abhaya xuất gia, Abhaya vì thương mẹ của nàng nên cùng xuất gia theo. Cùng ở tại Ràjagaha (Vương Xá), một hôm nàng đi đến một khu vườn để quán bất tịnh. Bậc Ðạo Sư tại hương phòng, Ngài hiện cho nàng thấy đối tượng nàng muốn thiền quán. Thấy hình ảnh ấy, nàng hốt hoảng. Bậc Ðạo Sư phóng hào quang hiện ra như ngồi trước mặt nàng và nói lên bài kệ:
Khi bậc Ðạo Sư nói xong, nàng chứng quả A-la-hán, hoan hỷ, nàng hướng các bài kệ về nội tâm như là những bài kệ nói lên cho mình.
(XXVIII) Sàmà (Therì. 127)
Do làm các thiện sự trong các đời trước, trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Kosambi, trong một gia đình có danh vọng. Khi Samàvati, bạn thân của nàng chết, vì quá đau khổ, nàng xuất gia. Nhưng vì không nhiếp phục được đau khổ đối với bạn của nàng, nàng không nắm được con đường Thánh đạo. Một thời, khi ngồi nghe Tôn giả Ananda thuyết pháp, nàng chứng được Pháp nhãn và bảy ngày sau nàng chứng quả A-la-hán, với pháp tín thọ, với nghĩa tín thọ.
Suy tư đến quả chứng của mình, nàng nói lên những bài kệ này:
Phẩm Ba
-ooOoo-
Tập Ba Kệ
(XXIX) Một Sàmà Khác (Therì. 127)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình quý tộc ở Kosambi, nàng cũng trở thành người bạn của Sàmàvati, khi Sàmàvati chết đi, vì quá đau khổ, nàng xuất gia. Trong hai mươi lăm năm nàng không nhiếp phục được tâm nàng, cho đến khi trở về già, nàng nghe được một bài thuyết pháp, tu tập thiền quán, chứng quả A-la-hán với nghĩa tín thọ, pháp tín thọ. Suy tư đến quả chứng này, nàng nói lên bài kệ:
(XXX) Uttama (Therì. 128)
Sau nhiều đời làm việc lành, nàng được sanh trong nhà một triệu phú ở Sàvatthi, trong thời đức Phật hiện tại. Khi nàng lớn tuổi, nàng nghe Patàcàrà thuyết pháp và xin xuất gia. Nhưng nàng chưa chứng được quả vị thiền quán. Patàcàrà biết được tâm trạng của nàng, nên thuyết giảng cho nàng và nhờ vậy nàng chứng quả A-la-hán với nghĩa tín thọ, pháp tín thọ. Suy tư trên quả chứng, nàng nói lên sự sung sướng của nàng.
Bài kệ trở thành lời tuyên bố về chánh trí của nàng.
(XXXI) Một Uttarà Khác
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh vào gia đình Bà-la-môn có danh tiếng ở Kosala. Ðến tuổi trưởng thành khi đang đi ở làng quê, nàng nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, nàng xuất gia, chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Suy tư trên quả chứng, nàng nói lên bài kệ:
(XXXII) Dantikà
Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi trong gia đình vị giáo sĩ nhà vua. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng trở thành tín nữ ở Jetavana (Kỳ Viên) và về sau xuất gia, dưới sự chỉ đạo của Mahàpajàpati. Một thời khi đang ở Ràjagaha (Vương Xá), nàng leo lên núi Linh Thứu; và sau buổi ăn, khi đang còn ngồi nghỉ, nàng thấy một người nài điều khiển một con voi; và nhờ vậy nàng chứng quả A-la-hán; với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Về sau, vô cùng hân hoan với quả chứng của mình, nàng nói lên bài kệ như sau:
(XXXIII) Ubirì
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình khá giả quyền quí. Nàng rất đẹp và sanh được người con gái rất đẹp, đặt tên là Jivà. Vua thấy đứa con gái rất lấy làm hài lòng và đưa nàng lên làm hoàng hậu. Nhưng rồi đứa con gái Jivà bị chết, và bà mẹ ngày nào cũng đi đến nghĩa địa để than khóc. Một hôm nàng đi đến yết kiến bậc Ðạo Sư, nhưng rồi nàng đi ra bên sông Aciravàti và đứng than khóc. Bậc Ðạo Sư thấy vậy liền đến với nàng và hỏi:
– Tại sao nàng khóc?
Nàng đáp:
– Bạch Thế Tôn, con khóc đứa con gái của con.
Thế Tôn nói:
– Tại nghĩa địa này có đến tám vạn bốn ngàn con gái của nàng bị thiêu. Vậy nàng khóc than cho ai!.
Rồi chỉ cho nàng thấy chỗ đất các người bị chết, Thế Tôn nói lên bài kệ:
Nàng suy tư với trí tuệ, trên pháp bậc Ðạo Sư dạy. Nhờ thiền quán tác động, nhưng lời dạy tốt đẹp của bậc Ðạo Sư, và với tự mình đạt được những điều kiện cần thiết nàng chứng được quả cao nhất, cho đến quả A-la-hán, và trình bày quả vị tối thượng nàng đạt được, nàng nói lên nửa bài kệ sau:
(XXXIV) Sukkà (Therì. 129)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh vào một gia đình quyền quí ở Ràjagaha (Vương Xá) và được đặt tên là Sukkà (Sáng Suốt). Khi đến tuổi trưởng thành, nàng phát tâm tin Phật ở trong gia đình của nàng và trở thành một tín nữ. Về sau nàng được nghe Dhammadinnà thuyết pháp và quá cảm xúc bởi bài thuyết pháp, nàng xuất gia với Dhammadinnà. Sau khi tu thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ.
Ðược năm trăm Tỷ-kheo-ni đoanh vây, nàng trở thành một vị thuyết pháp giỏi. Một ngày kia, sau khi đi vào Vương Xá khất thực, ăn xong, toàn thể Ni chúng trở về tinh xá của Tỷ-kheo-ni. Tại đấy Sukkà thuyết pháp cho toàn thể Ni chúng, thuyết hay cho đến nỗi các Tỷ-kheo-ni như cảm thấy được nhận từ nàng, những đường mật ngọt ngào, thấm nhuần với nước bất tử. Tất cả đều ngồi nghe, hoàn toàn im lặng nhiệt tâm tín thành. Rồi một vị thần cây, đứng ở cuối sân nghe pháp, quá xúc động bởi lời thuyết giảng, nên đi ra khỏi Vương Xá, vừa đi vừa tán thán hạnh thuyết pháp tuyệt diệu của nàng và nói như sau:
Khi nghe thần cây nói vậy, dân chúng rất lấy làm phấn khởi và đi đến chăm chú nghe nàng thuyết pháp. Sau một thời gian, vào cuối cuộc đời khi nàng đang sửa soạn để từ giã cuộc đời. Nàng muốn nói lên pháp môn nàng dạy đưa đến giải thoát như thế nào, nàng tuyên bố như sau về chánh trí của nàng.
(XXXV) Sielà
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm công chúa con vua nước Alavì, tên là Sielà. Nàng cũng được biết với tên là Alavika (người nước Alavì). Khi đến tuổi trưởng thành, bậc Ðạo Sư cảm hóa được vua cha, làm lễ xuất gia cho vua và cùng đi đến Alavì. Sielà chưa lập gia đình, cùng đi với phụ vương nghe thuyết pháp và trở thành một tín nữ. Về sau nàng xuất gia, chuyên tu thiền quán và cuối cùng nhờ thiện duyên tốt đẹp, nhờ trí tuệ được triển khai, nàng nhiếp phục được thân hành, khẩu hành, ý hành và chứng được quả A-la-hán.
Về sau trở thành một Trưởng lão Ni, nàng ở Sàvatthi. Một hôm, nàng đi ra khỏi Sàvatthi để nghỉ ban ngày tại Andhavana và ngồi dưới một gốc cây. Ác ma muốn phá sự an tịnh độc cư của nàng, dưới hình thức là một người lạ mặt, đến với nàng và nói như sau:
Rồi nàng suy nghĩ: ‘Ðây là Ác ma muốn ngăn chận ta không được hưởng Niết-bàn. Nó không biết ta đã chứng quả A-la-hán. Vậy nay ta hãy làm cho nó mở mắt và nàng nói lên bài kệ’:
(XXXVI) Somà (Therì. 129)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sinh ra là con gái vị giáo sĩ của vua Bimbisàra. (Bình Sa Vương) và được đặt tên là Somà. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng trở thành một tín nữ, và về sau nàng xuất gia và nhờ triển khai thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán với nghĩa tín thọ, pháp tín thọ.
Ở tại Sàvatthi, một ngày kia nàng đi vào rừng Andhavana để nghỉ ban ngày và ngồi dưới một gốc cây. Ác ma đến và muốn phá sự an tịnh cô độc của nàng tàng hình không cho nàng thấy và nói lên như sau:
Rồi nàng cự lại Ác ma:
61-62. Nữ tánh chướng ngại gì,
Khi tâm khéo thiền định,
Khi trí tuệ triển khai,
Chánh quán pháp vi diệu,
Ở tất cả mọi nơi,
Hỷ lạc được đoạn tận,
Khối tối tăm mù mịt,
Ðã bị làm tan nát.
Hỡi này kẻ Ác ma,
Ngươi hãy biết như vậy,
Ngươi chính là Ác ma,
Ngươi đã bị bại trận.
Phẩm Bốn
-ooOoo-
Tập Bốn Kệ
(XXXVII) Bhaddà Thuộc Dòng Họ Kapllà. (Therì. 130)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh vào một gia đình Bà-la-môn dòng họ Kosiya ở Sàgala. Ðược sống trong giàu sang, nàng được gả làm vợ một nhà quý tộc tên là Pippali ở làng Mahàtittha. Khi người chồng xuất gia, nàng giao lại tài sản cho các người bà con để nàng được xuất gia. Nàng sống năm năm tại Titthiyàràma, sau đó nàng được Mahàpajàpati cho thọ đại giới, nhờ triển khai thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán. Sau nàng trở thành một vị có biệt tài về các đời quá khứ nhờ hạnh nguyện trong đời quá khứ. Nàng được đức Phật xem là người biệt tài đệ nhất về đời sống quá khứ, khi bậc Ðạo Sư ở Jetavana (Kỳ Viên) ngồi phân loại các Tỷ-kheo-ni. Một ngày kia nàng nói lên những bài kệ, nói đến những kinh nghiệm quá khứ và tán thán hạnh của Trưởng lão Kassapa:
Phẩm V
-ooOoo-
Tập Năm Kệ
(XXXVIII) Một Tỷ Kheo Ni Vô Danh (Therì. 130)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Devadaha và trở thành người nữ điều dưỡng cho Mahàpajàpati. Nàng tên là Vàddhesi nhưng tên gia tộc nàng không được biết đến khi chủ nàng xuất gia, nàng cũng xin xuất gia theo. Nhưng trong hai mươi lăm năm nàng bị các dục chi phối ám ảnh, không được thiền định dầu cho đến một sát-na. Nàng than van tình trạng của nàng cho đến khi nàng được nghe Dhammadinnà thưyết pháp. Rồi tâm nàng xa lánh các dục, nàng tu tập thiền định và cuối cùng nàng chứng được sáu thắng trí. Suy tư trên quả chứng của mình, nàng nói lên bài kệ:
(XXXIX) Vimala, Xưa Làm Một Kỹ Nữ (Therì. 131)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Vesàli làm con gái một người bán sắc đẹp sinh sống. Nàng được đặt tên là Vimalà. Khi nàng lớn lên, và suy tư với những tư tưởng uế nhiễm, nàng thấy Tôn giả Mahà Moggallàna đang đi khất thực ở Vesàli, nàng cảm thấy thương yêu Tôn giả và đi theo về tinh xá để cám dỗ. Có người nói nàng được các ngoại đạo xúi dục nên làm như vậy. Tôn giả chỉ trích hành động không tốt đẹp của nàng và thuyết pháp cho nàng, như đã được ghi trong Trưởng lão Tăng Kệ. (Therà. 1150-57), nàng cảm thấy xấu hổ và trở thành một tín nữ. Về sau cùng nàng xuất gia, tinh tấn tu tập, và không bao lâu chứng quả A-la-hán, nghĩ đến quả chứng của mình, nàng phấn khởi nói lên bài kệ:
(VL) Sìha (Therì. 131)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Vesàli, con gái của một người chị võ tướng Sìha. Do vậy, nàng được đặt tên là Sìha, như tên của người cậu của nàng. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp cho người cậu, Sìha trở thành một tín nữ và được phép cha mẹ cho xuất gia. Khi nàng tu tập thiền quán, nàng không thể chận đứng tâm tư nàng chạy theo những ngoại vật khả ý. Bảy năm bị dày vò, nàng kết luận: ‘Làm sao ta thoát khỏi nếp sống uế nhiễm này. Ta hãy chết, tốt hơn’. Rồi nàng cột sợi dây trên cây, đút cổ vào thòng lọng để thắt cổ chết. Trong giây phút cuối cùng với sự cố gắng tinh thần chất chứa từ trước cho đến nay, nàng cố gắng triển khai thiền quán. Ðối với nàng đời sống hiện tại thật sự là đời sống cuối cùng, trong giờ phút cuối cùng, trí tuệ nàng được viên mãn, và với nội tâm thiền quán nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Mở thòng lọng ra nàng trở về lại tinh xá. Ðược thành một vị A-la-hán, nàng sung sướng phấn khởi nói lên bài kệ;
(XLI) Sundarì Nandà (Therì. 132)
Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình quý tộc thuộc dòng họ Thích-ca. Ðược tên là Nandà. Nàng có danh là Nandà hoa khôi. Khi bậc Thế Tôn giác ngộ, đi đến Kapilavatthu và độ cho Nandà và Rahula xuất gia. Khi vua Suddhodana (Tịnh Phạn) mệnh chung và bà Mahàpajàpati xuất gia, nàng Nandà tự nghĩ: ‘Anh trưởng của ta đã chối từ không thừa tự quốc độ, xuất gia và trở thành đấng Thế Tôn, một bậc siêu nhân. Con của Ngài là Rahula cũng xuất gia, anh của ta vua Nandà cũng xuất gia. Mẹ của ta Mahàpajàpati, chị của ta, mẹ Rahula cũng xuất gia. Vậy ta ở nhà làm gì? Ta hãy xuất gia’. Như vậy nàng xuất gia không phải vì lòng tin, mà chính vì lòng thương yêu bà con trong gia đình. Nàng xuất gia như vậy sau khi từ bỏ gia đình, nàng vẫn tự kiêu với sắc đẹp của mình và không chịu đến yết kiến đức Phật, sợ đức Phật quở trách nàng. Nhưng trường hợp của nàng cũng giống như trường hợp với Tỷ-kheo-ni Abhirùpa Nandà (xem kệ XIX) với sự sai khác nhau: khi nàng thấy hóa thân của một nữ nhân do đức Phật hiện ra, nữ nhân ấy dần dần trở thành già xấu, tâm của nàng dựa trên tánh vô thường và đau khổ, hướng đến thiền định.
Rồi đức Phật thuyết pháp cho nàng như sau:
Rồi nàng nghe theo lời dạy, với trí tuệ an trú vững chắc trên quả thứ nhất. Muốn giúp nàng đạt được những quả vị cao hơn, Thế Tôn dạy thêm cho nàng: Này Nandà, trong cái thân này không có một chút gì là tinh túy, chỉ là một đống xương và thịt bị già, chết chi phối. Như đã được nói trong tập Pháp cú:
Khi đức Phật nói xong, nàng liền chứng quả A-la-hán. Và nghĩ đến sự chiến thắng của mình, nàng sung sướng với lời dạy của đức Bổn Sư và nói thêm:
(XLII) Manduttara (Therì. 132)
Trong đời đức Phật hiện tại, nàng sanh trong một gia đình Bà-la-môn, nước Kuru thành Kammàsadamma. Sau khi học hỏi ngoại đạo, nàng xuất gia theo phái Ni-kiền-tử và vì nàng thuyết pháp giỏi, nàng cầm cành cây diêm phù và đi khắp xứ Ấn Ðộ như nàng Bhaddà (XLVI). Nàng gặp Tôn giả Mahà-Moggallàna và bị ngài chiến thắng trong cuộc tranh luận. Nàng nghe theo lời dạy của Tôn giả Moggallàna, xuất gia trong giáo pháp đức Bổn Sư và không bao lâu chứng quả A-la-hán với nghĩa tín thọ, pháp tín thọ. Suy tư trên chiến thắng của mình, nàng sung sướng nói lên bài kệ:
(XLIII) Mittakali (Therì. 132)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình Bà-la-môn, ở xứ dân chúng Kuru, tại thành Kammàsadamma. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng được nghe giảng về Bốn niệm xứ và xuất gia làm Tỷ-kheo-ni. Trong bảy năm nàng ưa thích được cúng dường, được trọng vọng và thường hay gây lộn cãi vã về sau nàng biết như lý tác ý, triển khai thiền quán và chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Nghĩ đến sự chiến thắng của mình, nàng nói lên sự phấn khởi của nàng.
(XLIV) Sakulà (Therì. 133)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm Bà-la-môn, ở Sàvatthi, tên là Sakulà. Khi đức Phật nhận tinh xá Jetavana, nàng trở thành người tín nữ, và về sau được nghe một vị A-la-hán thuyết pháp, nàng phát nguyện xuất gia, tinh cần triển khai thiền quán và cuối cùng chứng quả A-la-hán. Về sau tùy theo lời phát nguyện, nàng được Thế Tôn tán thán là Thiên nhãn đệ nhất. Sau khi suy tư đến kết quả chứng của mình, nàng phấn khởi hoan hỷ và nói lên bài kệ:
(XLV) Sonà (Therì. 133)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình quý tộc ở Sàvatthi. Sau khi lập gia đình, nàng sanh được mười người con trai, con gái và được biệt danh là ‘người nhiều con’. Khi người chồng xuất gia nàng giao lại cho các con trai, con gái cai quản gia đình và giao cả gia sản cho các con trai, không giữ gì cho thân mình. Các con trai và con dâu nuôi dưỡng nàng, không bao lâu trở mặt khinh rẻ nàng. Nàng buồn cho thái độ các dâu con, xuất gia trở thành Tỷ-kheo-ni. Nàng suy nghĩ, nàng đã lớn tuổi mới xuất gia, nên hết sức tinh cần,tinh tấn. Trong khi hầu hạ các Trưởng lão Ni, nàng thức đêm tu học, nàng kiên trì học tập, không biếng nhác, không xao nhãng, như người chụp nắm các cột trong mái hiên, hay chụp nắm cành cây trong đêm tối để tránh đầu khỏi va chạm. Hạnh tinh tấn của nàng được mọi người biết, và bậc Ðạo Sư biết được trí tuệ của nàng đã chín muồi, nên phóng hào quang, hóa hiện trước mặt nàng và nói lên bài kệ:
Ai sống một trăm năm,
Không thấy câu bất tử,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được câu bất tử.
(Pháp cú. 114)
Khi đức Phật nói câu này xong, nàng chứng được quả A-la-hán. Thế Tôn tán thán là ‘Tỷ-kheo-ni tinh tấn đệ nhất’. Một hôm, suy tư đến quả chứng của mình, nàng phấn khởi nói lên những bài kệ:
(XLVI) Bhadda Kundalakess (Therì. 134)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ra ở Rajagaha (Vương Xá), trong gia đình vị thủ khố của nhà vua, và được tên là Bhaddà. Lớn lên và luôn luôn có người hầu hạ, nàng thấy ngang qua khe cửa, Satthuka, con vị giáo sĩ của vua, một kẻ cướp bị dẫn đi hành hình, theo lệnh của vua. Nàng bỗng yêu Satthuka và nằm trên giường nàng nói: ‘Nếu ta không được chàng, ta sẽ chết’. Người cha vì thương nàng, nên hối lộ cho những người lính và đưa Satthuka đến gặp nàng. Satthuka khởi lòng tham đồ trang sức của nàng nên nói với nàng là khi bị dẫn đến ‘hòn núi của kẻ trộm’, chàng có phát nguyện: Nếu chàng được tha, chàng sẽ làm lễ cúng tạ ơn và nhờ nàng sửa soạn lễ tạ. Muốn được chàng bằng lòng, nàng vâng theo ý muốn của Satthuka, tự trang điểm với các đồ trang sức, lên xe đi với chàng và cùng đi đến ‘hòn núi của kẻ trộm’ Satthuka không cho người hầu hạ đi theo, lấy đồ trang sức cúng dường, và leo lên núi một mình với nàng, nhưng không nói lời thân ái với nàng. Do thái độ của chàng, nàng tìm ra được mưu kế của chàng. Rồi Satthuka bảo nàng cởi áo ngoài ra, dùng áo gói đồ trang sức nàng đang mang theo, Nàng hỏi chàng nàng có làm điều gì sái quấy chăng, và chàng trả lời: ‘Nàng thật ngu si ta đến đây có phải để làm lễ cúng dường đâu! Ta chỉ đến đây để lấy đồ trang sức của nàng’. Nàng nói: ‘Này chàng thân yêu, các đồ trang sức này của ai, và đồ trang sức nào thuộc của em’. Chàng nói: ‘Ta không biết gì về sự phân chia này’. Nàng nói: ‘Thôi được, chàng thân yêu, nhưng chàng cho em một sở nguyện, cho em mang đồ trang sức và được hôn chàng! Satthuka bằng lòng và nàng ôm hôn chàng đàng trước, rồi ôm chàng hôn đàng sau, và trong khi ấy xô chàng ngã xuống vực núi. Một Thiên nhân ở trên núi, thấy nàng làm vậy liền khen rằng:
Không phải là lúc nào,
Ðàn ông cũng khôn hơn!
Nữ nhân khi lanh lẹ,
Cũng tỏ khôn ngoan hơn,
Không phải là lúc nào,
Ðàn ông cũng khôn hơn!
Nữ nhân cũng khôn ngoan,
Chỉ nghĩ một phút giây!
Rồi Bhaddà suy nghĩ: ‘Nay ta không thể về nhà được khi sự việc đã xảy ra như vậy. Vậy từ đây ta sẽ xuất gia’. Rồi nàng xuất gia theo phái Ni-kiền Tử. Họ hỏi nàng: ‘Nàng ưng xuất gia đến mức độ nào?’ Nàng trả lời: ‘Tôi muốn xuất gia vào hạng tối thượng!’ Rồi họ nhổ tóc của nàng và khi tóc nàng dài và quăn lại, nàng được gọi là Bhaddà tóc quăn. Nhưng trong khi nàng tập sự học hỏi giáo lý của phái Ni-kiền Tử, nàng biết rằng giáo lý ấy không có gì đặc biệt. Nàng từ giã chúng Ni-kiền Tử, tìm học những bậc minh sư có danh tiếng và cuối cùng không ai có thể tranh luận với nàng. Nàng vun lên một đống cát gần cửa đi vào làng, trồng lên một nhánh cây diêm phù, bảo mấy đứa con nít xem ai nhổ lên nhánh cây ấy. Sau một tuần không có ai nhổ lên cành cây, nàng liền đem cành cây ấy đi một nơi khác.
Thế Tôn trong khi đi thuyết giảng, đến tinh xá Jetavana gần Sàvatthi, đúng lúc Bhaddà tóc quăn trồng nhánh cây ấy tại cửa thành Sàvatthi. Tôn giả Sàriputta vào thành, thấy cành cây ấy, muốn nhiếp phục nàng, bảo các đứa con nít dẫm lên cành cây ấy, để mở đầu cuộc tranh luận, nàng nghĩ rằng cuộc tranh luận sẽ không có kết quả nếu không có quần chúng đỡ đầu. Vì vậy nàng quy tụ một số đông quần chúng đến chứng kiến cuộc tranh luận giữa nàng và Tôn giả Sàriputta. Trước hết Tôn giả Sàriputta để cho nàng hỏi và Tôn giả trả lời, cho đến khi nàng không còn gì để hỏi nữa và ngồi im lặng.
Rồi Tôn giả hỏi nàng: ‘Thế nào gọi là một?’ Nàng Bhaddà tóc quăn thú nhận không thể trả lời được. Tôn giả nói, một chút như vậy mà nàng không trả lời được, thì nàng có thể biết thêm được gì? Rồi Tôn giả giáo giới cho nàng và nàng xin quy y Tôn giả.Tôn giả Sàriputta khuyên nên quy y Thế Tôn, bậc Ðạo Sư loài Người và Trời. Nàng vâng lời, chiều lại đi đến yết kiến Thế Tôn khi ngài đang thuyết pháp. Sau khi đảnh lễ nàng đứng một bên, Thế Tôn thấy căn cơ nàng đã thuần thục liền nói:
Dầu nói ngàn câu kệ,
Nhưng không chút lợi ích,
Tốt hơn nói một câu,
Nghe xong được tịnh lạc.
(Pháp cú 101)
Khi đức Phật nói xong bài kệ này, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ.
Nàng xuất gia, thọ giới với quả A-la-hán và chính đức Phật trao đại giới cho nàng. Rồi nàng đi đến tinh xá Tỷ-kheo-ni, sống an lạc hạnh phúc. Nàng sung sướng phấn khởi nói lên những bài kệ:
(XLVII) Patàcàrà (Therì. 134)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh trong gia đình vị thủ ngân khố nhà vua ở Sàvatthi. Khi đến tuổi trưởng thành nàng giao du với một người đầy tớ trong nhà. Khi cha mẹ nàng định ngày gả nàng cho một chàng trai xứng đôi, nàng trốn đi với người tình nhân và sống tại một ngôi làng nhỏ. Khi nàng sắp sanh, nàng bảo chồng đưa nàng về nhà cha mẹ, vì ở đây không có ai săn sóc nàng, nhưng chồng nàng cứ hẹn lần hẹn hồi cho đến khi nàng biết chồng nàng không muốn đi về. Nàng liền chờ chồng đi vắng, sắp đặt công việc, tin cho người láng giềng biết rồi nàng bỏ về nhà cha mẹ. Khi người chồng về, người chồng liền đuổi theo, sợ nàng không có người săn sóc. Chồng nàng bắt gặp nàng và giữa đường nàng sinh được người con, rồi hai vợ chồng lại đi trở về làng. Ðến kỳ sinh nở thứ hai, sự việc xảy ra như lần trước, nhưng có điểm khác biệt như sau: giữa đường mưa to gió lớn nổi lên, người chồng tìm lá và cây làm cái chòi cho nàng tránh mưa, nhưng bị con rắn từ gò mối bò ra cắn chồng nàng chết tại chỗ. Trong cơn đau khổ chờ đợi chồng nàng, nàng bồng đứa con trên ngực và giữa mưa to gió lớn nàng nằm phục xuống đất để che chở cho hai đứa con trải qua một đêm như vậy cho đến sáng. Ðến sáng, nàng đi tìm chồng và thấy chồng bị rắn cắn chết rồi. Nàng khóc than suốt đêm. Vì mưa to, nước sông dâng lên đến đầu gối, nàng lại quá yếu nên không thể bồng hai đứa con lội qua sông. Nàng để đứa lớn ở bờ bên này và bồng đứa nhỏ lội qua sông. Rồi nàng đặt đứa nhỏ nằm trên khăn trùm đầu, dùng cành cây che lại để nó trên bờ, còn nàng lội qua sông lại để đem đứa lớn qua. Nhưng đến giữa dòng, quay mình trở lại thời thấy một con diều hâu, tưởng đứa con nít là một miếng thịt, nên bay xuống tha đứa nhỏ đi. Dầu cho người mẹ có xua đuổi và la lên nhưng vì quá xa nên không làm gì được. Còn đứa lớn bên bờ bên này, nghe tiếng mẹ la tưởng là mẹ kêu liền lội xuống nước đi qua và bị nước cuốn trôi. Thế là hai đứa con và cả người chồng bị chết. Nàng vừa khóc vừa đi về thành Sàvatthi, lại được tin hồi hôm mưa to gió lớn làm sụp đổ căn nhà của cha mẹ nàng, giết chết cả cha mẹ và em nàng vừa làm lễ hỏa táng xong. Trong cơn đau khổ khủng khiếp chồng chất, nàng hóa điên dại, ăn mặc hở hang, nàng vừa khóc vừa than:
Hai con ta đã chết,
Chồng ta cũng chết luôn,
Rồi trên giàn hỏa táng,
Cha ta và mẹ ta,
Cùng đứa em trai ta,
Vừa làm lễ thiêu đốt.
Rồi nàng đi lang thang đây đó, khóc than nỗi đau khổ của nàng, và vì nàng mang xiêm áo tả tơi, nàng được gọi là Patacàra (kẻ mang xiêm áo). Người đi đường thấy nàng gọi nàng là người điên, có kẻ ném đá, có người thì quăng đồ nhớp bụi bặm trên nàng. Bậc Ðạo Sư ở Jetavana đang thuyết pháp, thấy nàng đi lang thang như vậy và biết căn cơ trí tuệ của nàng đã chín muồi, ngăn cản không cho người ta xua đuổi nàng và cho phép lại gần, khiến nàng hồi tỉnh lại, và cảm thấy xấu hổ với cách ăn mặc của mình, nàng nằm phục xuống đất. Một người quăng cho nàng một tấm y, nàng quấn y vào mình và thỉnh Phật cứu độ cho nàng và nàng kể lại thân phận của nàng: ‘Thế Tôn hãy cứu độ cho con. Một đứa con bị chim diều hâu mang đi; một đứa con bị nước cuốn trôi; còn chồng con bị rắn cắn chết; cha mẹ và em con bị căn nhà sụp đổ giết chết và bị hỏa táng. Ðức Phật nói: ‘Này Patacàra, đừng nghĩ rằng nàng đến với một người có thể cứu độ cho nàng. Như nay nàng than khóc vì con chết, vì chồng chết, cha mẹ chết. Cũng vậy, nàng đã khóc than kiếp luân hồi của nàng vì rằng con, chồng và cha mẹ bị chết của nàng còn nhiều hơn nước sông bốn biển’.
Nước bốn biển ít hơn,
Nước mắt của loài Người,
Khóc than vì đau khổ,
Vậy sao nàng hủy hoại,
Sanh mạng của chính mình,
Trong khóc than sầu khổ!
Nghe Thế Tôn dạy về con đường không thể diệt khổ, nỗi đau khổ của nàng được nhẹ dần. Rồi đức Phật khuyên thêm: ‘Ôi Patàcàrà, một người mệnh chung, thì con cháu, bà con không có thể làm chỗ nương tựa. Cho đến hiện tại, họ cũng không giúp đỡ được gì. Do vậy, người có trí sống đời sống giới đức thanh tịnh, thành tựu con đường hướng đến Niết-bàn. Rồi đức Phật dạy:
Các con, cha, bà con,
Không phải chỗ nương tựa,
Khi thân hoại mạng chung,
Bà con huyết thống nàng,
Không thể che chở nàng!
Thấy được sự thật này.
Kẻ trí sống giới đức,
Và mau chóng thành tựu,
Con đường hướng Niết-bàn.
Khi bậc Ðạo Sư nói xong, nàng chứng được quả Dự Lưu và xin được xuất gia. Ðức Phật đưa nàng đến chúng Tỷ-kheo-ni và cho phép nàng được xuất gia.
Rồi nàng tinh tấn tu hành, cố gắng thành đạt những quả vị cao hơn. Một hôm lấy nước trong bát rửa chân, khi nàng đổ nước, thời nước chảy đến một khoảng đường ngắn rồi biến mất. Nàng đổ thêm nước, và con đường nước chảy dài hơn, và lần thứ ba, nàng lại đổ nuớc và con đường nước chảy còn dài hơn trước khi biến mất. Dựa trên sự kiện này làm nền tảng suy tư, nàng nghĩ: ‘Cũng vậy là loài Người, chết trẻ, chết nửa chừng và chết già’. Và đức Phật ở tại hương phòng của Ngài phóng hào quang, hiện lên trước mặt nàng và dạy rằng: ‘Hỡi nàng Patàcàrà, như vậy là cuộc sống của loài Người, cuối cùng cũng phải mạng chung. Vậy tốt hơn là sống như thế nào để thấy sự sanh diệt của năm uẩn, dầu cho chỉ thấy được một ngày, hay chỉ một sát-na, còn hơn sống một trăm năm mà không thấy được sự thật ấy:
Người sống một trăm năm,
Không thấy pháp sanh diệt,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được pháp sanh diệt.
(Pháp cú. 113)
Khi Thế Tôn nói xong, Patàcàrà chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Suy tư đến quả chứng của mình, khi còn là một học nữ, nàng tán thán sự kiện đã giúp nàng chứng được quả vị cao hơn, và nàng nói lên bài kệ:
(XLVIII) 30 Tỷ Kheo Ni Tuyên Bố Về Chánh Trí Dưới Sự Lãnh Ðạo Của Patàcàrà (Therì. 135)
Trong thời đức Phật hiện tại, chúng sanh trong nhiều gia đình sai khác, được nghe Patàcàrà thuyết pháp, trở thành tín nữ và cuối cùng xuất gia. Trong khi họ làm trọn những phận sự của mình, và sống đầy đủ giới hạnh, nàng thuyết cho họ lời giáo huấn như sau:
Rồi các Tỷ-kheo-ni ấy, nghe theo lời dạy của Patàcàrà, an trú trên thiền quán, tu tập trí tuệ cho đến khi căn cơ thuần thục, chứng được quả A-la-hán, với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Rồi suy nghĩ trên quả chứng, họ phấn khởi sung sướng và họ thêm vào các bài kệ của Patàcàrà với những bài kệ của mình:
(XLIX) Candà (Therì. 135)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng làm con một vị Bà-la-môn, ít được người biết đến, tại một làng Bà-la-môn. Từ lúc nhỏ, gia đình bị mất hết tài sản, và nàng lớn lên trong điều kiện rất thiếu thốn.
Trong gia đình, một bệnh thời khí phát ra giết hại cả nhà, và nàng phải đi xin nhà này qua nhà khác với một cái bát vỡ. Một ngày kia, nàng đến chỗ Tỷ-kheo-ni Patàcàrà khi vị này vừa ăn xong. Các Tỷ-kheo-ni thấy nàng trong tình cảnh đáng thương hại, tiếp nàng với lòng từ mẫn và cho nàng ăn. Sung sướng được thấy hạnh phúc tốt đẹp của các Tỷ-kheo-ni, nàng đến gần Patàcàrà, đảnh lễ, nàng ngồi xuống một bên để nghe pháp. Nàng nghe với tâm hồn phấn khởi, và lo lắng vì kiếp sống luân hồi, nàng xuất gia. Nàng theo lời giáo giới của vị Tỷ-kheo-ni, nàng an trú thiền quán, nhiệt tâm tinh cần. Rồi với nghị lực và lời phát nguyện và sự chín muồi của trí tuệ, không bao lâu nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Suy tư đến quả chứng của mình, nàng phấn khởi nói lên bài kệ:
Phẩm VI
-ooOoo-
Tập Sáu Kệ
(L) Năm Trăm Patàcàrà (Therì. 136)
Trong thời đức Phật hiện tại, chúng sanh trong những gia đình khá giả, tại nhiều chỗ khác nhau, lấy chồng, có con, sống lo việc bếp nước trong gia đình. Họ đều chịu sự đau khổ khi con của họ bị chết. Rồi họ đi tìm đến Patàcàrà, đảnh lễ nàng, ngồi xuống một bên nàng và nói cho nàng biết nỗi đau khổ của họ. Patàcàrà, làm cho họ vơi bớt sự đau khổ, nói lên những bài kệ như sau:
Sau khi nghe nàng giảng, họ đều cảm thấy dao động và xin xuất gia, dưới sự hướng dẫn của Patàcàrà. Sau khi tinh cần triển khai thiền quán, chứng đạt được quả A-la-hán, với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Suy tư trên quả chứng của mình, các vị ấy lập lại bài kệ giáo hóa của Patàcàrà và cộng thêm những bài kệ của chính mình như sau:
Về sau Tỷ-kheo-ni này rất giỏi về lời dạy của Patàcàrà, nên chúng được gọi là: tùy thuộc của Patàcàrà.
(LI) Vàsitthi (Therì. 136)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm con một nhà quyền quý ở Vesàli. Khi nàng lớn, nàng được gả cho một người chồng tương xứng và nàng sống vui vẻ với người chồng. Khi có được đứa con, mới tập chạy, nó chết đi và nàng quá đau khổ vì đứa con chết. Khi các người bà con chữa bệnh cho chồng, nàng bỏ trốn và lang thang khắp đó đây cho đến khi nàng đến Mithìlà. Tại đây, nàng thấy đức Phật đang đi trên đường, tự tại, tự chế, làm chủ các căn. Khi thấy bậc Ðạo Sư và nhờ Phật lực nàng lấy lại được sự bình tĩnh. Rồi bậc Ðạo Sư thuyết pháp vắn tắt cho nàng, và nàng xin được xuất gia và bậc Ðạo Sư chấp nhận. Làm tất cả các bổn phận của mình, nàng an trú vào thiền quán, và với sự cố gắng vượt bực, với trí tuệ chín muồi, nàng chứng quả A-la-hán, vói pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Suy tư trên quả chứng của mình, nàng sung sướng nói lên niềm hân hoan của mình:
(LII) Khemà (Therì. 137)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh nước Magadha (Ma-kiệt-đà) ở Sàgala, thuộc gia đình hoàng tộc, tên là Khemà. Nhan sắc đẹp đẽ, với da như vàng, nàng trở thành hoàng hậu Vua Bimbisàra. Khi Thế Tôn ở tại Veluvana (Trúc Lâm), nàng không đi đến yết kiến đức Phật vì sợ Thế Tôn chỉ trích lỗi của mình. Vua muốn nàng đi thăm Trúc Lâm, nên nhờ người tán thán ngôi vườn này, và cuối cùng nàng bằng lòng cùng vua đi đến tinh xá, không thấy Thế Tôn, nhưng muốn nàng thấy cho được Thế Tôn, dầu phải bắt nàng ở lại. Khi nàng sắp sửa từ giã tinh xá nhưng không gặp được Thế Tôn, các người hầu cận giữ nàng ở lại và đưa nàng đến gặp đức Thế Tôn một cách miễn cưỡng. Ðức Thế Tôn dùng thần lực hóa hiện một tiên nữ rất đẹp đang đứng quạt cho Ngài, sắc đẹp thắng xa sắc đẹp của nàng rất nhiều. Rồi trước mắt nàng, như nhân được hóa hiện ấy lớn lên trở thành già yếu răng rụng, tóc bạc, da nhăn và ngồi ngã xuống đất với chiếc quạt. Khemà thấy vậy, tự hỏi không biết thân mình có chịu hoàn cảnh tương tự hay không. Thế Tôn biết được tâm trạng của nàng bèn nói lên bài kệ:
Người đắm say các dục,
Tự lao mình xuống dòng,
Như nhện sa lưới dệt,
Người trí cắt trừ nó,
Bỏ mọi kệ không màng.
(Pháp cú, 347)
Tập Sớ ghi chép, khi bậc Ðạo Sư nói xong, nàng chứng quả A-la-hán với pháp tín thọ. Nhưng theo tập Apadàna, nàng chỉ mới chứng quả, Dự lưu và sau khi được phép vua cho xuất gia, nàng xuất gia và trở thành A-la-hán.
Sau đó, nàng tu tập thiền quán, có danh tiếng về môn tu này, và đức Phật khi ở Jetavana (Kỳ Viên) đã đặt nàng vào hạng thiền quán đệ nhất.
Một ngày kia, nàng ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây, Ác ma hiện lên, dưới hình thức một thanh niên và cám dỗ nàng với lòng dục như sau:
Nàng trả lời:
(LIII) Sujàtà (Therì. 137)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Sàketa trong gia đình thủ khố nhà vua. Ðược gả chồng với con vị thủ khố tương xứng với gia đình, nàng sống hạnh phúc với chồng. Một hôm, trong khi đi dự lễ các Sao (Nakkhatakìlam), nàng đi về với những người hầu hạ, và nàng thấy bậc Ðạo Sư ở vườn Anjana. Nàng cảm thấy bị hấp dẫn, đến gần đảnh lễ ngài và nghe ngài thuyết pháp. Bậc Ðạo Sư biết căn cơ nàng đã chín muồi, nên đặc biệt thuyết pháp cho nàng, và thuyết pháp xong, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, với nghĩa tín thọ. Ðảnh lễ bậc Ðạo Sư, về nhà được chồng và cha mẹ chấp thuận và với sự đồng ý của bậc Ðạo Sư, nàng được xuất gia làm Tỷ-kheo-ni. Suy tư đến quả chứng của mình, nàng sung sướng nói lên như sau:
(LIV) Anopanà (Therì. 138)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Sàketa, trong gia đình vị thủ kho Majjha. Vì nàng rất đẹp, nàng được tên là Anopanà (không ai sánh nổi). Khi nàng đến tuổi trưởng thành, nhiều con nhà giàu, các quan chức nhà vua, các hoàng tử, cử các sứ giả đến xin cưới nàng. Nghe tin vậy, nàng có tâm nguyện khác, nàng muốn sống đời sống không có gì hết. Nên nàng tìm đến bậc Ðạo Sư nghe ngài thuyết pháp, nhờ trí tuệ chín muồi, nhờ nhớ đến lời dạy, nhờ nhiệt tâm thiền quán, nàng chứng được quả thứ ba, quả Bất lai. Xin phép bậc Ðạo Sư cho xuất gia, nàng được nhận làm Tỷ-kheo-ni. Và đến ngày thứ bảy, nàng chứng được quả A-la-hán. Suy tư trên quả chứng, nàng sung sướng nói lên sự phấn khởi của mình:
(LV) Mahàpajàpatì Gotamì (Therì. 138)
Trước khi bậc Ðạo Sư ra đời, nàng được sanh ở Devadaha, trong gia đình Mahà-Suppabuddha. Tên gia đình của nàng là Gotama, và nàng là em gái của Mahàmàyà. Các thầy đoán tướng tiên đoán rằng các người con của hai chị em sẽ là vị chuyển luân vương. Vua Suddhodana, khi đến tuổi trưởng thành, cưới cả hai chị em. Sau đó, bậc Ðạo Sư đản sanh, và trong khi chuyển pháp luân, ngài đi đến Vesàli, và phụ vương được quả A-la-hán mệnh chung.
Rồi Mahàpajàpati muốn xuất gia, xin phép bậc Ðạo Sư nhưng không được chấp nhận. Rồi nàng cắt tóc, đắp y, và sau thời gỉảng kinh về tinh cần nỗ lực, nàng ra đi với năm trăm Thích-ca nữ mà các người chồng đã xuất gia, đi đến Vesàli, và xin bậc Ðạo Sư cho xuất gia, với sự can thiệp của Tôn giả Ananda. Bậc Ðạo Sư chấp nhận và dạy Tám kỉnh pháp cho các Tỷ-kheo-ni.
Sau khi xuất gia, Mahàpajàpati đến yết kiến đức Phật và đứng một bên Ngài thuyết pháp cho nàng, và nàng tinh cần tinh tấn chứng được quả A-la-hán với trí tuệ trực giác và phân tích năm trăm Tỷ-kheo-ni, sau khi nghe Nandaka giáo giới, chứng được sáu thắng trí.
Một ngày kia, khi bậc Ðạo Sư ngồi giữa thánh chúng tại tinh xá Jetavana (Kỳ Viên), Ngài xác nhận Mahàpajàpati là vị có kinh nghiệm đệ nhất, sống hưởng thọ hạnh phúc giải thoát, Niết-bàn. Ðể nói lên lòng biết ơn của mình, Mahàpajàpati tuyên bố chánh trí của mình trước mặt Thế Tôn, tán thán hạnh đức của Ngài đã giúp đỡ hộ trì cho nàng mà trước đây nàng không được gặp:
(LVI) Guttà (Therì. 139)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi trong một gia đình Bà-la-môn và tên là Guttà. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng nhàm chán đời sống gia đình và được phép gia đình cho xuất gia, dưới sự lãnh đạo của Mahàpajàpati. Sau đó dầu nàng hành trì với tín tâm, nhưng tâm của nàng cứ chạy theo ngoại cảnh và do vậy nàng không thiền định được. Rồi bậc Ðạo Sư muốn khích lệ nàng, phóng hào quang và hiện ra trước mặt nàng và nói lên bài kệ như sau:
(LVII) Vijjayà (Therì. 139)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Ràjagaha (Vương Xá) trong một gia đình thường dân, khi lớn lên nàng trở thành bạn của Khemà, đưa nàng trở thành Trưởng lão Ni, khi ấy còn là nữ cư sĩ. Khi nghe Khemà xuất gia, nàng nói: ‘Khemà là hoàng hậu còn xuất gia được, huống nữa là ta’. Nàng đi đến Khemà, và Khemà biết tâm nguyện căn cơ của nàng nên thuyết pháp, khiến nàng suy tư đến sanh lão bệnh tử và tìm được an ổn trong đạo pháp. Rồi Khemà cho nàng xuất gia, nàng hầu hạ, học hỏi làm tròn bổn phận của mình, tu tập thiền quán và khi trí tuệ thuần, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Rồi suy tư trên quả chứng của mình nàng nói lên sự sung sướng phấn khởi của nàng:
Phẩm VII
-ooOoo-
Tập Bảy Kệ
(LVIII) Uttarà (Therì. 140)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình thường dân, tên là Uttarà. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng nghe Patàcàrà thuyết pháp, trở thành một tín nữ, xuất gia và trở thành vị A-la-hán. Rồi suy tư trên quả chứng của mình, nàng phấn khởi nói lên bài kệ:
Một hôm nàng tu tập thiền quán dưới sự hướng dẫn của Patàcàrà, ngồi trong phòng của nàng, nàng suy nghĩ: ‘Ta sẽ không ngồi dậy nếu tâm ta không giải thoát khỏi các lậu hoặc’. Quyết định như vậy, nàng triển khai trí tuệ, thiền quán, chứng được quả A-la-hán, với sức mạnh trực giác và triệt quán Chánh pháp. Sau khi tiếp tục quán mười chín đề tài với ý thức ‘không biết ta có làm đủ những điều cần phải làm chăng’, nàng nói lên sự sung sướng của nàng với những bài kệ ghi ở trên và nàng duỗi chân ra. Khi trời rạng đông và đêm đã sáng, nàng tìm gặp vị Tỷ-kheo-ni và lập lại những bài kệ của nàng.
(LIX) Calà (Therì. 141)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Magadha, tại làng Nàlaka, con của một nữ Bà-la-môn tên là Surùpasàrì. Khi đến tuổi đặt tên, nàng được gọi là Càlà. Em gái nàng tên là Upacàlà và em nhỏ nhất tên là Sìsùpacàlà và cả ba là em của Tôn giả Sàriputta. Khi ba đứa em nghe người anh xuất gia trở thành vị Tỷ-kheo chúng suy nghĩ: ‘Ðây không phải là một giáo pháp thường tình, một sự xuất gia thường tình, vì một người anh như người anh chúng ta đã quyết tâm tu hành theo; ba nàng cũng xuất gia, dầu gia đình than khóc. Với sự tinh tấn, tinh cần, cả ba tu hành, chứng quả A-la-hán và sống an lạc giải thoát.
Rồi Tỷ-kheo-ni Càlà, sau khi đi khất thực, đi vào rừng Andho để nghỉ trưa và tại đấy Ác ma hiện ra để cám dỗ nàng. Trong kinh, có đề cập đến vấn đề này.
Tỷ-kheo-ni Càlà, sau khi đi khất thực ở Sàvatthi, đi vào trong rừng an lạc để nghỉ trưa. Ði vào rừng Andho, nàng ngồi xuống một gốc cây, Ác ma đến để lung lạc nàng và hỏi nàng những câu trong các bài kệ của nàng. Sau khi nàng nói lên những đức hạnh của vị Ðạo Sư, và sức mạnh của Chánh pháp, nàng làm cho Ác ma thấy rõ sự vô ích của mình muốn cám dỗ nàng và Ác ma thất vọng biến mất. Rồi nàng nói lên sự sung sướng phấn khởi của nàng và câu chuyện với Ác ma như sau:
Ác ma:
Càlà:
(LX) Upacàlà (Therì. 141)
Câu chuyện giống như Tỷ-kheo-ni Càlà. Như Càlà, nàng chứng quả A-la-hán, và bị Ác ma cám dỗ nhưng Ác ma đã thất bại:
Ác ma:
Upacàlà:
Phẩm VIII
-ooOoo-
Tập Tám Kệ
(LXI) Sìsupacàlà (Therì. 142)
Câu chuyện giống như hai câu chuyện trước. Nàng theo gương người anh, xuất gia và chứng quả A-la-hán. Hưởng thọ sự an lạc, nàng suy tư đến quả chứng, đã làm những điều cần làm và nói lên sự sung sướng của nàng:
Ác ma:
Khi Trưởng lão ni nghe vậy, liền nói: ‘Hãy dừng lại, Ác ma! Dục giới mà ngươi nói đến, cho đến cả thế giới vũ trụ đều bị lửa tham, lửa sân, lửa si đốt cháy. Tại chỗ ấy, người có trí không ưa thích’. Nêu rõ cho Ác ma thấy tâm của mình đã xa lìa Ma giới, nàng trách mắng Ác ma như sau:
Phẩm IX
-ooOoo-
Tập Chín Kệ
(LXII) Mẹ Của Vaddha
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở thành phố Bhàrukaccha, trong một gia đình thường dân. Sau khi lập gia đình, nàng sanh được một người con, đặt tên là Vaddha và nàng được biết là mẹ Vaddha. Nghe một Tỷ-kheo thuyết pháp, nàng trở thành một tín nữ, và giao lại con cho bà con. Nàng đi đến các Tỷ-kheo-ni và xuất gia. Vaddha đi thăm mẹ, đi một mình vào tinh xá Tỷ-kheo-ni và bị mẹ khiển trách như sau:
Rồi Vaddha suy nghĩ: ‘Mẹ ta chắc đã chứng quả A-la-hán’, nên nói như sau:
Rồi vị Trưởng lão Ni trả lời, nêu rõ trách nhiệm của mình đã làm xong:
Người con dùng lời khuyên của mẹ để tự sách tấn đi vào tinh xá, ngồi trên chỗ mình thường ngồi, triển khai thiền quán và chứng quả A-la-hán. Suy tư trên hạnh phúc về quả chứng của mình, Vaddha đi đến mẹ và nói lên chánh trí của mình:
Phẩm X
-ooOoo-
Tập Mười Kệ
(LXIII) Kisà Gotamì (Therì. 143)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình nghèo khổ, tên là Gota mì, vì nàng yếu đuối nên được gọi là Kisà Gotamì (Gotamì ốm yếu). Khi lập gia đình, nàng bị khinh thường và được gọi là con gái một người không có gì. Nhưng khi nàng có con, nàng được kính trọng. Khi người con lớn lên và có thể chạy được, nó chết, và nàng cảm thấy đau khổ, và nhớ đến sự đối xử với mình được thay đổi khi đẻ đứa con, nàng nghĩ: ‘Chúng sẽ giữ lấy con ta và đem bỏ vào nghĩa địa’. Nàng ôm đứa con chết vào lòng và đi vào từng nhà xin: ‘Hãy cho con tôi thuốc’. Và được trả lời: ‘Nay thuốc còn gì dùng nữa’. Nhưng nàng không hiểu. Có người thương xót khuyên nàng đến đức Phật để xin thuốc, Nàng đi đến tinh xá và xin đức Phật: ‘Hãy cho con tôi thuốc’. Bậc Ðạo Sư thấy được hy vọng tu chứng nơi nàng bèn nói: ‘Hãy đi đến nhà nào không có người chết, và đem lại một hột cải!’ Nàng vâng lời, đi vào nhà đầu tiên và yêu cầu như vậy, nhưng bị từ chối, vì trong nhà có người chết. Nàng đi vào nhiều nhà khác, được trả lời như vậy và nàng nghĩ: ‘Ðây có thể là bậc Ðạo Sư dạy khéo cho ta’, nên nàng đem dặt con nàng ở nghĩa địa và nói:
Pháp này không riêng làng,
Không riêng thành, gia tộc,
Không riêng cho một ai,
Cho đến toàn thế giới,
Kể cả các chư Thiên,
Ở tại mọi từng trời,
Pháp nhĩ là như vậy.
Tất cả là vô thường.
Rồi nàng đi đến bậc Ðạo Sư, và khi ngài hỏi có tìm được hột cải không, nàng trả lời: ‘Việc làm đã làm xong về hột cải. Hãy xác nhận cho con’.
Thế Tôn nói:
Tâm còn bị đắm say,
Con cái và súc vật,
Tử thần bắt người ấy,
Như lụt trôi làng ngủ
(Pháp cú, 287)
Khi đức Phật nói xong, nàng chứng được Sơ quả (quả Dự lưu) và xin được xuất gia. Ðức Phật chấp nhận và nàng được các Tỷ-kheo-ni cho thọ giới. Sau đó, không bao lâu nàng nghiên cứu về nguyên nhân của sự vật và khiến thiền quán tăng trưởng. Rồi bậc Ðạo Sư nói lên bài kệ:
Người sống một trăm năm,
Không thấy pháp sanh diệt,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được pháp sanh diệt.
(Pháp Cú 113)
Khi đức Phật nói xong, nàng chứng quả A-la-hán. Vì nàng đặc biệt tu hạnh khắc khổ nên nàng mặc thô y, và đức Phật ngồi tại tinh xá Kỳ Viên đặt nàng vào hạnh mặc thô y đệ nhứt. Suy tư trên quả chứng của mình, nàng nói lên những bài kệ này trước mặt Thế Tôn, những bài kệ tán thán sự thân cận với các bậc Hiền Thánh:
Phẩm XI
-ooOoo-
Tập Mười Hai Kệ
(LXIV) Uppalavanna
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi, con gái của vị trưởng kho bạc. Vì da nàng màu tim của sen xanh, nàng được gọi là Uppalavannà. Khi nàng đến tuổi trưởng thành, vua và thường dân dành nhau đến cưới nàng. Vị trưởng kho bạc, không thể làm cho mọi người bằng lòng, nghĩ đến một kế để giải quyết. Ông cho gọi Uppalavannà và yêu cầu nàng xuất gia. Và vì căn cơ đã thuần thục, nàng nhận lời ngay, và được đưa đến tinh xá Tỷ-kheo-ni để xuất gia.
Sau một thời gian, khi nàng phụ trách công việc dọn dẹp phòng làm lễ Bố-tát, nàng thắp ngọn đèn quét phòng. Rồi lấy ngọn đèn làm tướng để thiền quán, không bao lâu nàng chứng được quả A-la-hán. Nàng trở thành vị thần thông đệ nhất.
Và bậc Ðạo Sư, ngồi giữa đại chúng ở Jetavana ấn chứng cho nàng là thần thông đệ nhất. Nàng suy tư trên quả an lạc của thiền và thánh quả, nói lên một số bài kệ. Ðây là những lời thốt ra tà miệng một bà mẹ trở thành tình địch với con gái của mình, đối với một người mà sau này trở thành vị Tỷ-kheo tên là Tỷ-kheo ở trên bờ sông Hằng. Những bài kệ này nói lên sự nguy hiểm, sự hạ liệt và sự uế nhiễm của các dục:
I
II
Sung sướng nàng nói lên quả chứng của mình.
III
Nàng hiện lên một thần thông với sự chấp thuận của bậc Ðạo Sư và ghi như sau:
IV
Nàng bị Ác ma đến quấy phá, tại rừng cây Sàla và trách móc Ác ma.
Ác ma:
Nàng:
Phẩm XII
-ooOoo-
Tập Mười Sáu Kệ
(LXV) Punnà hay Punnikà (Therì. 146)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi, trong gia đình ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc) con gái của một người nô lệ. Nàng chứng được quả Dự lưu khi nghe kinh Sư tử hống (Trung Bộ Kinh, kinh số 11 hay 12). Về sau, sau khi nàng hóa độ được một Bà-la-môn tin tưởng nhờ nước làm cho thanh tịnh và được cảm tình của ông chủ, nàng được thoát ly khỏi giới nô lệ, và với sự bằng lòng của ông chủ, nàng được xuất gia. Và nhờ triển khai thiền quán, nàng chứng quả A-la-hán với hiểu pháp và hiểu nghĩa. Suy tư trên quả chứng của mình, nàng nói lên những bài kệ như sau:
Vị Bà-la-môn quy y và thọ năm giới. Về sau được nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp trở thành một thiện nam và xuất gia. Nhờ tinh cần tu tập không bao lâu chứng được Ba minh, và nghĩ đến quả chứng của mình, nói lên bài kệ này. Và vị Tỷ-kheo-ni, lập lại bài kệ ấy trở thành bài kệ của mình.
Phẩm XIII
-ooOoo-
Tập Hai Mươi Kệ
(LXVI) Ambapàlì (Therì. 147)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh dưới một gốc cây xoài trong vườn vua Vesàli và được gọi là Ambapàli. Nàng rất đẹp nên đến khi lớn lên nhiều vương tôn công tử cạnh tranh để chiếm đoạt nàng. Về sau để tránh những cạnh tranh ấy và cũng do nghiệp lực của nàng, nàng trở thành một kỹ nữ. Vì lòng tin đối với bậc Bổn Sư, nàng xây dựng một tinh xá trong ngôi vườn của nàng và cúng cho đức Phật và chúng Tăng. Khi nàng nghe con nàng, tức là Trưởng lão Vimalakondanna thuyết pháp, nàng triển khai thiền quán về lý vô thường, như thân nàng, chứng Tam minh và nàng nói lên những bài kệ sau đây:
Và vị trưởng lão Ni, thấy được những hình tướng vô thường trên thân của mình, nhận thức được tánh vô thường của ba giới: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, tâm tư quán triệt tánh Vô thường, Khổ, Vô ngã, và phát triển tuệ quán trên con đường tu tập chứng được quả A-la-hán.
(LXVII) Rohinì (Therì. 150)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Vesali trong nhà một phú gia Bà-la-môn và được đặt tên là Rohinì (con bò đỏ, nâu). Ðến tuổi trưởng thành, khi đức Phật còn ở Vesali, nàng đến nghe pháp, chứng được quả Dự lưu. Rồi nàng giảng pháp cho cha mẹ, cha mẹ chấp nhận pháp và cho phép nàng xuất gia. Nàng khai triển thiền quán và không bao lâu chứng quả A-la-hán với hiểu biết về nghĩa và về pháp.
Suy tư đến một cuộc đàm thoại về pháp với phụ thân, khi nàng mới chứng quả Dự lưu, nàng nói lên sự phấn khởi của nàng với những bài kệ sau đây về nội dung cuộc đàm thoại:
280-281. Nghe nhiều thọ trì pháp,
Mạng sống đúng Chánh pháp,
Nhứt tâm giữ chánh niệm,
Lời sáng suốt khiêm nhường
Họ chấm dứt đau khổ,
Do vậy con quý họ.
Và vị Bà-la-môn sau khi thọ quy y và các giới, xin xuất gia và chứng quả A-la-hán. Nghĩ đến sự chứng quả của mình, vị này nói lên những câu kệ cuối cùng để tỏ lộ sung sướng của mình.
(LXVIII) Càpà (Therì. 151)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở xứ Vankahàra, trong làng những người thợ săn đặt bẫy mồi, con người chủ thợ săn và được đặt tên là Càpà. Trong lúc ấy, Upaka một ẩn sĩ khổ hạnh, gặp đức Bổn Sư khi Ngài đi từ Bồ đề đạo tràng đến Ba-la-nại để chuyển pháp luân và hỏi ngài: ‘Này Ngài, hình như Ngài được dồi dào sức khỏe. Da của Ngài thật trong sáng. Này Ngài, Ngài từ ai xuất gia? Vị Ðạo Sư của Ngài là ai? Hay ngài tin tưởng giáo lý gì?’ Và bậc Ðạo Sư trả lời như sau:
Ta chinh phục tất cả,
Mọi sự việc, Ta biết,
Sống giữa vật không nhiễm,
Ta từ bỏ tất cả,
Mệnh chung, ác đoạn tận
Kiến thâm sâu, Ta chứng,
Ta chỉ ai cho ông,
Ta không có Bổn Sư,
Trên đời đứng một mình,
Không ai sánh bằng Ta.
Nay Ta đang đi đến,
Thành phố Ba-la-nại,
Ðể vận chuyển Pháp luân,
Quay bánh xe Chánh pháp
Thức tỉnh và hướng dẫn,
Quần chúng đang mê muội,
Ðánh tiếng trống bất tử,
Rưới cam lồ giải thoát.
Vị ẩn sĩ, biết được sự giác ngộ và sứ mệnh của Ngài nên nói: ‘Này Ngài, mong rằng sự việc sẽ như Ngài nói, Ngài xứng đáng là bậc chiến thắng bất diệt’. Rồi Upaka đi con đường tắt đến Vankahara, và sống gần chỗ các người thợ săn. Người chủ thợ săn lo cung phụng cho Upaka. Một hôm, người chủ đoàn thợ săn đi bắn xa với các con trai và anh em, bảo Càpà lo cúng dường cho Upaka. Nhưng Càpà rất đẹp và khi Upaka đến tại nhà để khất thực, Upaka mê say sắc đẹp của nàng, đến nỗi ăn không được, phải đem thức ăn về nhà và nguyện thà chịu chết nếu không lấy được Càpà. Sau bảy ngày, người chủ thợ săn trở về hỏi vị A-la-hán của mình ở đâu, và được biết Upaka chỉ đến nhà mình một lần đầu rồi thôi không đến nữa. Người thợ săn tìm kiếm đến Upaka và Upaka than khóc thú nhận sự đắm say của mình. Người thợ săn hỏi Upaka có biết nghề gì không, Upaka trả lời là không và chịu đi lượm các loài chim thú bị bắt được và đem bán. Người thợ săn bằng lòng cho Upaka một cái áo khoác ngoài đưa về nhà và gả Càpà cho. Sau một thời gian Càpà sanh được một người con trai và đặt tên là Subhadda. Khi đứa con khóc, Càpà liền hát lên như sau để chế nhạo chồng mình; ‘Con của Upaka! Con của vị ẩn sĩ! Con kẻ bán đồ săn! Chớ khóc, chớ khóc này con’. Cuối cùng Upaka tức quá trả lời: ‘Này Càpà, đừng nghĩ rằng không có ai che chở cho ta! Ta có một người bạn, một vị chiến thắng bất diệt, ta sẽ đến với người bạn ấy’. Càpà biết chồng mình tức giận, nhưng vẫn trêu chọc chồng mình, cho đến một hôm Upaka cương quyết ra đi. Nàng cố cản ngăn nhưng không được và cuối cùng Upaka ra đi để gặp Thế Tôn ở Sàvatthi. Thế Tôn dặn các Tỷ-kheo khi nào có ai đến hỏi: ‘Vị chiến thắng bất diệt ở đâu?’ thời đưa người ấy vào gặp đức Phật. Khi Upaka đến tịnh xá và hỏi: ‘Vị chiến thắng bất diệt ấy ở đâu?’ Các Tỷ-kheo đưa Upaka đến gặp đức Phật. Ðức Phật cho Upaka xuất gia và cuối cùng Upaka chứng được quả Bất lai. Sau khi mạng chung Upaka được sanh lên cõi Trời Aviha, và khi tái sanh, Upaka chứng được quả A-la-hán.
Còn Càpà, đau buồn vì chồng bỏ đi, giao con lại cho ông ngoại đi theo Upaka, xin được xuất gia và chứng được quả A-la-hán và lấy bài kệ của Upaka, hợp chung với bài kệ của mình, nàng nói lên sự phấn khởi của mình:
Upaka nói:
Càpà nói:
(LXIX) Sundàrì (Therì. 153)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Benares (Ba-la-nại), con cái của Sujata, một Bà-la-môn. Vì thân nàng đẹp đẽ, nàng được gọi là Sundarì, khi nàng lớn, em trai nàng chết. Cha nàng quá đau khổ đi lang thang và gặp Trưởng lão Ni Vasitthi. Khi Trưởng lão Ni hỏi cha nàng bị đau khổ gì, cha nàng trả lời bằng hai câu kệ đầu. Ðể làm nhẹ bớt đau khổ, Trưởng lão Ni nói hai câu kệ tiếp, và nói lên tâm trạng giải thoát khỏi đau khổ của nàng. Vị Bà-la-môn hỏi làm sao Trưởng lão Ni lại được giải thoát khỏi đau khổ như vậy. Vị Trưởng lão Ni trả lời về Ba ngôi báu và quy y. Khi được biết bậc Ðạo Sư nay ở Mithilà, vị Bà-la-môn đánh xe đến Mithilà, yết kiến đức Phật. Ðức Phật thuyết pháp, vị Bà-la-môn khởi lòng tin, xin xuất gia, vào ngày thứ ba chứng quả A-la-hán, sau khi tinh tấn, tinh cần phát triển thiền quán.
Người đánh xe, đánh xe về nhà Bà-la-môn và nói cho nữ Bà-la-môn sự việc đã xảy ra. Sundarì nghe vậy, nàng xin mẹ xuất gia. Bà mẹ nói nay toàn thể tài sản đều thuộc của nàng, hãy thọ hưởng tài sản ấy. Sundarì nói tài sản không có nghĩa gì đối với nàng, nàng chỉ muốn xuất gia. Sau khi được bà mẹ bằng lòng, nàng bỏ cả tài sản như những vật vô giá trị. Nhờ tinh cần tinh tấn, nhờ chủng tử tốt lành, nhờ trí tuệ chín muồi, không bao lâu nàng chứng quả A-la-hán, với hiểu biết về nghĩa và về pháp.
Sống trong sự an lạc giải thoát, nàng nghĩ: ‘Ta sẽ rống lên tiếng rống con sư tử trước mặt bậc Ðạo Sư!’. Sau khi xin phép bậc thầy của mình nàng rời khỏi Benares, với một số đông Tỷ-kheo-ni, và cuối cùng đến Sàvatthi, yết kiến đức Phật, đảnh lễ Ngài rồi đứng một bên. Nàng nói lên chánh trí của nàng, xem nàng như là con gái sanh ra từ miệng đức Bổn Sư. Và tất cả bà con nàng, bắt đầu từ mẹ nàng và các người hầu cận đều xuất gia. Suy nghĩ đến quả chứng của mình và dùng lời tuyên bố của người cha, nàng nói lên sự phấn khởi của nàng như sau:
Sujàta:
Vàsitthi:
Sujàta:
Vàsitthi:
Sujàta:
Mẹ của Sundarì:
Sundarì:
335.Từ thành Ba-la-nại!
Con đã bước ra đi!
Con đến bậc Ðại hùng.
Con là Sundarì,
Con chính đệ tử Ngài!
Con đảnh lễ chân Ngài.
(LXX) Subhà, Con Người Thợ Vàng (Therì. 156)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con gái một người thợ vàng. Vì nàng rất đẹp, nên được gọi là Subhà. Khi nàng đến tuổi trưởng thành, khi đức Phật còn ở tại Ràjagaha, nàng đến yết kiến Ngài, khởi lòng tin tưởng, đảnh lễ ngài rồi ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư biết được căn cơ tâm tư thuần thục của nàng, tùy theo ý nguyện của nàng, Ngài thuyết pháp cho nàng về ly Bốn sự thật và nàng chứng được quả Dự lưu. Về sau, nàng nhận thấy sự khó khăn sống trong gia đình, xin xuất gia dưới sự hướng dẫn của bà Mahàpajàpati Gotamì, hướng tâm đến con đường siêu thoát. Thỉnh thoảng, các bà con của nàng mời nàng trở lại với đời, nói lên sự hấp dẫn của đời. Một hôm nàng thuyết pháp cho bà con của nàng, nói lên những nguy hiểm của đời sống cư sĩ, và ở đời thuyết pháp cho họ với hai mươi bốn bài kệ như sau và chữa cho họ thoát khỏi bệnh tham vọng. Rồi nàng phát triển thiền quán, gột sạch các căn cuối cùng nàng chứng được quả A-la-hán. Khi đã chứng quả A-la-hán, nàng nói như sau:
Vào ngày thứ tám, khi nàng đã thọ giới, nàng chứng quả A-la-hán. Thế Tôn ngồi dưới một cành cây, nói lên bài kệ (362-364) để tán dương nàng và chỉ nàng cho các Tỷ-kheo biết. Câu kệ cuối cùng do các Tỷ-kheo thêm vào để tán dương Sakka đã đến đảnh lễ nàng.
Phẩm XIV
-ooOoo-
Tập Ba Mươi Kệ
(LXXI) Subhà ở Rừng Xoài của Jivaka (Therì. 150)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), trong gia đình một Bà-la-môn nổi tiếng. Nàng được đặt tên là Subhà và thân nàng rất tuyệt đẹp, nhất là về tay chân. Do vậy nàng được gọi là Subhà (người đẹp). Khi bậc Ðạo Sư ở Ràjagaha (Vương Xá), nàng khởi được lòng tin và trở thành một nữ cư sĩ. Về sau, nàng lo nghĩ đến kiếp người, thấy sự nguy hiểm các dục lạc, và thấy được sự an tịnh trong nếp sống viễn ly. Nàng xuất gia với sự hướng dẫn của bà Mahàpajàpati, và phát triển thiền quán, nàng chứng được quả Bất lai.
Một hôm, một thanh niên ăn chơi ở Ràjagaha, trong khi còn trẻ tuổi, đứng ở nơi vườn xoài ở Jivaka và thấy nàng đi vào rừng để nghỉ trưa. Nó chận đường nàng lại và xin thỏa mãn dục lạc. Nàng dạy cho nó biết, với nhiều bài kệ, sự nguy hiểm của dục lạc và sự lựa chọn của nàng về đời sống viễn ly, thuyết pháp cho chàng thanh niên ấy. Nhưng chàng thanh niên không có nghe nàng và vẫn đòi thỏa mãn các dục lạc. Vị Trưởng lão Ni, không có dùng những lời khuyên nhủ của mình, thấy chàng ấy mê say con mắt của nàng, liền móc một con mắt của nàng và đưa con mắt ấy cho chàng và nói: ‘Ðây là con mắt có tội của nàng’. Chàng thanh niên hoảng sợ, khủng khiếp và xin lỗi nàng. Nàng đi đến trước mặt vị Ðạo Sư, và khi thấy Ngài, con mắt của nàng được chữa lành như cũ. Do vậy, trước mặt Thế Tôn, nàng cảm xúc rung động, hoan hỷ sung sướng. Bậc Ðạo Sư biết được tâm trạng của nàng, dạy nàng và giúp nàng đạt được quả vị cao nhất. Dằn lòng sự vui sướng của nàng, nàng phát triển thiền quán, chứng được quả A-la-hán, với hiểu biết ý nghĩa và hiểu về pháp. Sau đó, an trú trong an lạc Niết bàn, nàng nghĩ đến những gì nàng chứng được và nói lên câu chuyện của nàng với chàng thanh niên ăn chơi bằng những câu kệ như sau:
Phẩm XV
-ooOoo-
Tập Bốn Mươi Kệ
(LXXII) Isidàsi (Therì. 162)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Ujjeni, con gái một thương gia có giới đức, được kính trọng, và giàu có và đặt tên là Isidàsi. Khi nàng đến tuổi trưởng thành, cha nàng gả nàng cho con trai một người thương gia, xứng đôi vừa lứa. Trong một tháng, nàng sống với chồng như một người vợ trung thành. Nhưng vì nghiệp đời trước của nàng, chồng nàng trở thành lạnh nhạt đối với nàng và đuổi nàng ra khỏi nhà. Mọi sự việc này được ghi rõ trong nguyên bản Pàli. Vì nàng tự tỏ không xứng đáng đối với người chồng này và chồng khác, nàng trở thành dao động, và được cha cho phép, nàng xuất gia với sự hướng dẫn của Trưởng lão Ni Jinadattà. Sau khi tu học thiền quán, không bao lâu nàng chứng quả A-la-hán với sự hiểu biết về pháp và về nghĩa.
Sống trong sự an lạc Niết-bàn, một hôm sau khi đi khất thực và ăn xong, trong thành Patna, nàng ngồi bên bờ cát sông Hằng và đáp lời hỏi của Trưởng lão Ni Bodhi, nàng nói lên kinh nghiệm tu tập của nàng ngang qua những bài kệ này. Và để cho có sự liên hệ giữa các câu trả lời trước và sau có bài kệ được các nhà kiết tập về sau thêm vào:
Phẩm XVI
-ooOoo-
Ðại Phẩm
(LXXIII) Sumedhà (Therì. 167)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở thành Mantàvatì con gái vua Konca và được đặt tên là Sumedhà. Khi nàng đến tuổi trưởng thành, cha mẹ nàng bằng lòng để Anikaratta, vua Vàranavati xem mắt nàng. Nhưng từ lúc nhỏ, nàng quen cùng đi với các công chúa lứa tuổi nàng, và những người hầu hạ tại tinh xá Tỷ-kheo-ni để nghe các vị này thuyết pháp, và trong một thời gian dài, vì chí nguyện lúc còn nhỏ, nên nàng sợ hãi sự sanh tử luân hồi, tâm tư thiên về đời sống xuất gia, không ưa thích các dục lạc.
Khi nghe quyết định của cha mẹ và bà con, nàng nói: ‘Bổn phận của tôi không phải trong đời sống gia đình, tôi sẽ xin xuất gia’, cha mẹ và các bà con không thể khuyên nàng từ bỏ quyết định của nàng. Nàng suy nghĩ: ‘Như vậy, ta sẽ được phép xuất gia’, và cương quyết theo chí nguyện của mình nàng cắt tóc, và dùng tóc ấy, theo phương pháp cảc Tỷ-kheo-ni thường dùng, nàng chú tâm vào tánh bất tịnh của sắc đẹp thân xác và chứng được Sơ thiền, Khi nàng ở trong định Sơ thiền cha mẹ và bà con nàng đến phòng nàng để nói chuyện gả chồng cho nàng. Nhưng nàng khiến mọi người kể cả người hầu cận của vua đến để rước nàng về, cũng tin vào đạo pháp rồi nàng từ bỏ gia đình, đi đến tịnh xá Tỷ-kheo-ni để xuất gia.
Sau khi tu tập thiền quán, và giải thoát được chín muồi, nàng chứng quả A-la-hán với hiểu biết về nghĩa và về pháp. Rồi nghĩ đến sự thắng trận của nàng, nàng nói lên sự phấn khởi, sung sướng của nàng:
Ni sư Thích Nữ Giới Hương đã tự phát Bồ đề tâm, nghiêm trì thân tâm trong sáng
Tuy ở thất riêng nhưng tâm niệm chúng con lúc nào cũng hướng về công hạnh của Sư Nội Hải Triều Âm và Sư phụ mà tinh tấn tu tập
Được như vậy là nhờ ơn tế độ của nhiều Ân sư, trong đó có Sư phụ Giới Hương.
Con nguyện sẽ tinh tấn tu hành niệm Phật để không phụ lòng Sư phụ đã dẫn dắt cho con đi đến con đường tỉnh giác,
Kinh Tiểu Bộ – Khuddaka Nikàya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
-ooOoo-
Mục Lục
***
Trưởng Lão Tăng Kệ là quyển thứ tám của Tiểu Bộ Kinh, một tập hợp 264 tích truyện trong dạng các câu kệ do các vị tỳ kheo đệ tử của Ðức Phật thuật lại về cuộc đời, công phu tu tập và tinh tấn hành trì của quý Ngài trên đường đưa đến đạo quả A-la-hán. Trong khi đó, Trưởng Lão Ni Kệ là quyển thứ chín, gồm 73 tích truyện về cuộc đời các vị tỳ kheo ni đệ tử A-la-hán của Ðức Phật.
Qua hai quyển kinh nầy, chúng ta biết được các nỗ lực tu tập, đấu tranh nội tâm, thanh lọc tâm ý để đưa đến giác ngộ giải thoát. Cuộc đời tu hành của quý vị Tăng Ni như đã ghi lại trong hai quyển kinh là những tấm gương sáng ngời để chúng ta cùng suy gẫm và noi theo trên con đường hành đạo của mỗi người con Phật chúng ta.
Ngoài ra, các câu chuyện và vần kệ trong quyển Trưởng Lão Ni Kệ cũng là một chứng minh hùng hồn, cho thấy con đường của chư Phật mở rộng cho mọi người, không phân biệt nam hay nữ. Tấm gương dũng cảm quyết tâm tu tập để đắc đạo quả cao thượng của các vị tỳ kheo ni tiền phong trong Ni Ðoàn của Ðức Phật là một nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người con Phật trong hơn hai ngàn năm trăm năm qua – nam cũng như nữ, già lẫn trẻ, người tại gia cũng như xuất gia. Ðạo quả A-la-hán, đạo quả giác ngộ toàn bích, mở rộng cho tất cả những ai tận lực tu học, giữ gìn giới hạnh, thanh lọc tâm ý, khai phát tuệ minh, như các vị đại đệ tử tỳ kheo và tỳ kheo ni đó.
Tỳ kheo Ariyasilo
(Bình Anson lược dịch, tháng 01-2001)
Chương I – Một Kệ
-ooOoo-
Phẩm Một
Ðảnh Lễ Ðức Thế Tôn Bậc A-La-Hán Chánh Ðẳng Giác
(I) Subhùti (Thera. 1)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong gia đình vị Cố vấn Sumana, em trai Ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc), được đặt tên là Subhùti. Trong ngày ông Cấp Cô Ðộc dâng cúng vườn Kỳ Viên cho đức Phật, ngài có chứng kiến. Sau khi nghe pháp, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Thọ Ðại giới xong, ngài thâm hiểu hai loại giới luật. Ðược Thế Tôn cho một đề tài để thiền quán, ngài đi vào rừng để hành thiền. Sau khi triển khai thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài bắt đầu thuyết pháp, không phân biệt giới hạn, được trở thành vị Tỷ-kheo đệ nhất về hạnh Từ vô lượng. Khi Ngài đi khất thực, ngài vẫn hành thiền, và khi xuất thiền, ngài mới nhận đồ ăn, và như vậy đem lại công đức lớn cho thí chủ và ngài trở thành vị xứng đáng được bố thí đệ nhất. Do vậy, Thế Tôn có nói: ‘Này các Tỷ-kheo, Subhùti được xem là vị Tỷ-kheo đệ nhất về hạnh từ bi vô lượng, xứng đáng được cúng dường’.
Bậc Ðại đệ tử này, trong khi đi khất thực đi đến Vương Xá, vua Bimbisàra (Bình-sa) nghe ngài đến, liền đến kính chào và xin dựng một chỗ ở cho ngài, nhưng rồi vua quên, ngài không nhận được chỗ ở, nên hành thiền ngoài trời. Vì thái độ nghiêm túc của ngài, trời không mưa và do vậy nạn hạn hán đe dọa dân chúng, quần chúng tụ họp than phiền ồn ào trước hoàng cung. Vua tìm hiểu nguyên nhân vì sao trời không mưa và nghĩ rằng có lẽ vì ngài Subhùti hành thiền ngoài trời. Vua cho làm các am thất bằng lá cho ngài, và khi ngài vào ngồi thiền trong am thất ấy, trời bắt đầu mưa từng hột một chớ không mưa ào ào. Ngài muốn quần chúng khỏi sợ hạn hán, tuyên bố rằng, không có sự sợ hãi gì đe dọa ngài, từ phía ngoài hay từ phía trong, với những bài kệ như sau:
(II) Mahàkotthita (Thera. 1)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn rất giàu có và được đặt tên là Kotthita (Câu-hy-la). Khi đến tuổi trưởng thành, ngài học ba tập Veda và thành tựu các đức tánh của vị Bà-la-môn, ngài nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, khởi lòng tin và xuất gia. Thực hiện thiền quán từ khi mới xuất gia, ngài chứng quả A-la-hán, với hiểu biết về nghĩa và về pháp, ngài thường hỏi bậc Ðạo Sư và các vị Ðại Trưởng lão về hai vấn đề ấy và trở thành rất lão luyện thuần thục. Rồi bậc Ðạo Sư, sau khi xác nhận các quả chứng ngài đã được trong kinh Vedalla, xác nhận ngài là bậc thiền quán đệ nhất.
Sau một thời gian, ý thức được sự an lạc giải thoát, ngài nói lên bài kệ này:
(III) Kankha-revata (Thera. 2)
Trong thời đức Phật hiện tại ngài sanh vào trong một gia đình giàu có ở Sàvatthi. Khi ngài đứng vào vòng ngoài của những người đứng nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Ngài chứng quả A-la-hán nhờ hành thiền, ngài trở thành lão luyện trong thiền định và bậc Ðạo Sư tuyên bố ngài là hành thiền đệ nhất.
Sự nghiệp đã thành tựu, ngài nghĩ đến sự nghi ngờ lấn chiếm tâm tư, và nay nghi ngờ đã được đoạn tận, ngài tán thán sức mạnh và trí tuệ của bậc Ðạo Sư, nhờ vậy nay tâm tư ngài được định tĩnh và kiên trì. Ngài nói:
(IV) Punna Mamtàniputta (Thera. 2)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh vào một gia tộc Bà-la-môn, trong làng Bà-la-môn Donavatthu, không xa Kapilavatthi (Ca-tỳ-la-vệ). Ngài là con trai của người chị của Trưởng lão Kondanna và được đặt tên là Punna. Sau khi làm tròn bổn phận của một người Sa-di, ngài tinh tấn nỗ lực cho đến khi chứng được quả cao nhất. Rồi ngài đi với người cậu ngài đến sống gần bậc Ðạo Sư, từ bỏ miền phụ cận Kapilavatthu, chuyên tâm tu hành, không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán.
Ngài Punna có đến năm trăm đồ chúng cùng ở trong gia tộc ngài, và tất cả đều xuất gia. Vì ngài giỏi về mười căn bản của thuyết giảng, ngài dạy cho các đệ tử của ngài lão luyện về mười căn bản này cho đến khi các vị này chứng quả A-la-hán. Các đệ tử ngài yêu cầu ngài đưa họ đến yết kiến bậc Ðạo Sư, nhưng ngài nghĩ không nên đi với số đồ chúng như vậy, liền bảo họ đi trước còn ngài đi sau. Các vị ấy là đồng hương với đức Phật, đã đi bộ sáu mươi do tuần đến Vương Xá, đến tại ngôi tịnh xá Trúc Lâm và đảnh lễ bậc Ðạo Sư. Ðức Phật hỏi ai đồng hương với Ngài có thể giảng được về đời sống giản dị, và các vị này giới thiệu ngài Punna. Khi bậc Ðạo Sư đi từ Vương Xá đến Sàvatthi, ngài Punna cũng đi đến Sàvatthi, tại đây ngài được dạy về Chánh pháp. Rồi ngài đi vào rừng Andha để suy tư về Chánh pháp. Tôn giả Sariputta cũng đi theo vào rừng và đàm đạo Chánh pháp với Punna. Bậc Ðạo Sư tuyên bố Punna là bậc thuyết pháp đệ nhất.
Một hôm, suy tư trên sự giải thoát chứng đạt, ngài suy tư như sau: ‘Ðối với ta và nhiều vị khác đã thoát khỏi đau khổ, thật là giúp đỡ lớn nếu thân cận với bạn lành’. Với sự hoan hỷ phấn khởi, ngài nói lên bài kệ này:
(V) Dabba (Thera. 2)
Ngài sanh ra trong gia đình của dân tộc Mallà ở Anupiyà. Khi mới bảy tuổi, ngài được thấy bậc Ðạo Sư khi Thế Tôn viếng thăm xứ sở và nhà của ngài.
Ngài bị ảnh hưởng đến nỗi ngài xin phép bà nội cho được xuất gia với bậc Ðạo Sư, mẹ ngài đã mất khi sanh ngài. Bà nội ngài đưa ngài đến yết kiến đức Phật và đức Phật giao cho một Tỷ-kheo làm lễ xuất gia cho ngài. Ngài với nghiệp nhân quá khứ với ước vọng tương lai đang chín muồi, nên chứng được bốn quả liên tiếp chính trong khi ngài được cạo tóc.
Khi bậc Ðạo Sư từ giã xứ Mallà để đi về Vương Xá, Dabba thiền quán một mình, và muốn dùng thân để phục vụ giáo hội và nhận công việc phân phối chỗ ngủ, tổ chức các buổi ăn. Bậc Ðạo Sư chấp nhận công việc làm này, xác nhận sự thành công của ngài, khả năng thần thông của ngài, với ngón tay chói sáng của mình soi sáng cho các đồng Phạm hạnh về chỗ ngủ. Các sự việc này được nói đến trong Luật tạng.
Khi bị các Tỷ-kheo theo phe với Mettiya và Bhummajika vu khống, làm hại và ngài được giáo hội che chở và biện minh, Tôn giả Dabba ý thức được lòng từ của mình đối với các vị khác, liền nói lên bài kệ như sau:
(VI) Sìla- Vaniya (Thera. 2)
Ðây là bài kệ của Trưởng lão Sambhùta, ngài được sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con trai một Bà-la-môn có danh tiếng, tên là Sambhùta. Với ba người bạn Bhùmija, Jeyyasena và Abhiràdana. Ngài nghe Thế Tôn thuyết pháp và ngài xuất gia. Khi đang tu tập thiền quán thân bất tịnh, ngài ở luôn luôn tại Sitavana (rừng mát) và được gọi là Sitavaniya (vị ở rừng mát).
Khi thấy các Tỷ-kheo đang đi đến yết kiến đức Phât, ngài nói: ‘Thưa các Hiền giả, các Hiền giả hãy đảnh lễ bậc Ðạo Sư thay mặt tôi và thưa với bậc Ðạo Sư như sau:
(VII) Bhalliya (Thera. 2)
Với người anh là Tapussa, trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở thành Pokkharavatì, con một người đánh xe cho đoàn lữ hành. Khi đoàn lữ hành đi ngang một khu rừng có bóng mát một đoạn đường bùn lầy ngăn đoàn lữ hành lại. Một vị thần cây, là người bà con hiện ra và nói: ‘Thế Tôn vừa mới thành đạo và đang ngồi thiền bảy ngày dưới gốc cây. Hãy cúng dường đồ ăn. Như vậy, các người được hạnh phúc và lợi ích’. Cả lữ đoàn hoan hỷ, không chờ nấu cơm, đem bánh gạo và mật đến cúng dường Thế Tôn.
Khi Thế Tôn chuyển pháp luân ở Benares, Thế Tôn đi đến Vương Xá. Ở đây, Tapussa và Bhalliya hầu hạ Ngài và nghe pháp, Tapussa trở thành một cư sĩ, còn Bhalliya thời xuất gia và thành tựu được sáu thắng trí.
Một ngày kia, Ác ma hiện ra dưới hình thức cực kỳ kinh hoàng, nhưng Bhalliya đã vượt qua mọi sợ hãi, nên nói lên bài kệ như sau, khiến Ác ma phải thất vọng:
(VIII) Vìra (Thera. 2)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ) trong gia đình vị bộ trưởng vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), và được gọi là Vìra. Ngài rất giỏi về thể thao và võ nghệ, và trở thành một chiến sĩ. Sau khi lập gia đình với sự bằng lòng của mẹ cha, ngài có một đứa con trai. Thấy sự khổ lụy, tiếp tục tái sanh, ngài xuất gia và nhiệt tâm tinh cần, ngài chứng được sáu thắng trí. Khi đã thành vị A-la-hán và sống thọ hưởng an lạc giải thoát, vợ của ngài muốn cám dỗ ngài trở về với gia đình bằng nhiều hình thức. Nhưng Tôn giả nói rằng: ‘Người đàn bà này muốn cám dỗ ta, không khác gì người muốn xô ngã núi Sineru với cánh một con ruồi’. Và ngài thuyết lên bài kệ này để nói rằng sự cám dỗ của vợ cũ của ngài thật là vô ích:
Người đàn bà nghe ngài nói rất lấy làm xúc động và nghĩ rằng: ‘Chồng ta đã thành đạt thù thắng như vậy. Vậy đời sống gia đình có gì là tốt đẹp cho ta’. Rồi đi đến tịnh xá các Tỷ-kheo-ni xin được xuất gia và chứng được ba minh.
Ngài sanh ở Sàvatthi, là con một Bà-la-môn, trước khi Thế Tôn thành đạo và được đặt tên là Pilinda. Vaccha là tên của dòng họ. Ngài trở thành một ẩn sĩ và được một bùa phép tên là Tiểu Gandhàra (có thể đi trên hư không và tha tâm thông) và nhờ vậy được nổi danh. Khi đức Phật thành đạo, bùa phép này không còn hiệu lực. Khi ngài nghe được bùa phép Ðại Gandhàra làm bùa phép tiểu Gandhàra mất hiệu lực, ngài kết luận Sa-môn Gotama biết được bùa phép Ðại Gandhàra và ngài đến hầu hạ đức Phật để học cho được bùa phép ấy, đức Phật dạy: ‘Phải xuất gia’, ngài tưởng rằng xuất gia là điều kiện để chứng được bùa phép nên vâng lời theo. Ðức Phật dạy ngài Chánh pháp và phương pháp thiền quán, chẳng bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Nhờ sự hướng dẫn của Pilinda trong một đời trước, được sanh làm chư Thiên, vị này hầu hạ ngài sớm chiều để tỏ lòng biết ơn. Do vậy, ngài được xem là vị Tỷ-kheo được chư Thiên ái kính, và được đức Phật xác nhận cho địa vị ấy.
Một hôm, Tôn giả Pilinda ngồi giữa hội chúng Tỷ-kheo, suy tư đến sự thành tựu của mình, tuyên bố cho chúng biết bùa phép ấy đã đưa ngài đến gặp Thế Tôn và nói lên bài kệ này:
(X) Punnamàsa (Thera. 3)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh làm con của Samiddhi, một Bà-la-môn ở Sàvatthi, ngài xuất gia được khi sanh được đứa con trai, thọ giới dưới sự hướng dẫn của đức Phật, và lấy bốn sự thật làm đề tài để thiền quán và ngài chứng được quả A-la-hán. Vợ cũ của ngài tìm cách cám dỗ ngài, trang điểm rất đẹp mắt đến thăm ngài, và đem theo đứa con trai. Nhưng ngài hoàn toàn giải thoát, không còn vướng bận gì và nói lên bài kệ này:
Vợ của ngài nghĩ rằng: ‘Vị Trưởng lão này không để ý gì đến ta và con ta nữa, ta không thể cám dỗ ngài’ nên nàng bỏ đi.
Phẩm Hai
(XI) Cùlagavaccha (Thera. 3)
Ngài sanh là vị Bà-la-môn ở Kosambi, nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, ngài xuất gia. Lúc bấy giờ các Tỷ-kheo ở Kosambi tranh cãi nhau, Cùlagavachha không theo phe phái nào, trung thành với lời dạy của bậc Ðạo Sư, phát triển trí tuệ và chứng quả A-la-hán. Thấy sự tranh cãi các Tỷ-kheo là nguyên nhân của sự thối thất, ngài hoan hỷ với thái độ không phe phái của mình và nói lên bài kệ:
(XII) Mahàgavaccha (Thera. 3)
Ngài sinh ra trong thời đức Phật tại thế, làm con của Sammiddhi, một Bà-la-môn ở làng Nàlaka, Magadha. Ngài xuất gia vì Sàriputta đã xuất gia, và ngài biết Sàriputta rất sáng suốt. Sau khi chứng quả A-la-hán, và thọ hưởng lạc giải thoát, ngài nói lên bài kệ để khích lệ các đồng Phạm hạnh tinh cần tu tập:
(XIII) Vanvaccha (Thera. 3)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu. Ngài sanh ra trong rừng, khi mẹ ngài đi vào rừng viếng cảnh, và sanh tại đấy. Ngài trở thành một trong những đứa trẻ chơi cát với đức Phật trong tương lai. Vì ngài thích rừng núi, ngài được biết với tên là Vanavaccha. Về sau, khi ngài xuất gia, ngài sống trong rừng tinh tấn tu hành và chứng quả A-la-hán. Ðể tán thán hạnh ở rừng, ngài nói lên bài kệ này, đáp lời vị đồng Phạm hạnh đã hỏi ngài: ‘Ngài thích thú gì ở rừng núi?’ Ngài đáp: ‘Thích thú thay, các ngôi rừng các ngọn núi!
(XIV) Sìvaka (Thera. 3) (Một Sa-di phục vụ cho Vanavaccha).
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con người chị của Vanavaccha. Khi mẹ ngài được tin Vanavaccha xuất gia, thọ Ðại giới, đã sống trong rừng. Mẹ ngài nói với ngài: ‘Này Sìvaka, con hãy xuất gia dưới sự chỉ dẫn của Vanavaccha và phục vụ cho ngài, vì nay ngài đã già!’. Ngài nghe theo lời mẹ xuất gia sống ở trong rừng phục vụ săn sóc Vanavaccha. Một hôm, khi đi đến gần làng, ngài bị đau nặng; khi thuốc không chữa được, ngài không về và Trưởng lão Vanavaccha đi tìm và thấy ngài bị đau. Sau khi cho ngài uống thuốc và săn sóc ngài, khi bình minh mới bắt đầu, vị Trưởng lão nói với ngài: ‘Này Sìvaka, từ khi ta xuất gia, ta không sống ở trong làng. Vậy chúng ta hãy đi vào rừng’. Sìvaka trả lời: ‘Dầu thân con ở trong làng, nhưng tâm con bao giờ cũng hướng về rừng núi. Vậy nay con tuy nằm ở đây, con sẵn sàng đi vào rừng’. Vị Trưởng lão cầm tay ngài, dắt ngài đi vào rừng, khích lệ ngài. Ngài nhờ sự khích lệ này, tự mình sách tấn và chứng quả A-la-hán.
Rồi ngài nói lên bài kệ của mình hợp chung lời vị Trưởng lão và lời mình, nói lên sự ưa thích sống viễn ly và quả chứng của mình, sự vâng lời thầy của mình và chứng đắc chánh trí:
(XV) Kunda Dhàna (Thera. 3)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con một Bà-la-môn và được gọi là Dhàna. Thuộc lòng ba tập Vệ-đà, sau khi đã lớn tuổi, ngài nghe đức Phật thuyết pháp và xuất gia. Khi vua Pasenadi nước Kosala để ý đến ngài, cúng dường ngài các đồ dùng cần thiết nên ngài khỏi phải đi khất thực. Khi nàng Subhaddà mời bậc Ðạo Sư và chúng Tỷ-kheo dùng cơm, lúc ấy Kunda Dhàna mới chứng tỏ quả chứng và sức mạnh của mình như đã được ghi chép trong tập sớ Anguttara Nikàya. Ngài nói lên các bài kệ này cho các vị Tỷ-kheo:
(XVI) Belatthasìsa (Thera. 3)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi trong một gia đình Bà-la-môn. Trước khi đức Phật thành đạo, ngài đã xuất gia theo giáo đoàn của Kassapa ở Uruvelà và thờ lửa. Khi Kassapa được đức Phật giáo hóa, ngài là một trong ngàn người đệ tử của Kassapa chứng được quả A-la-hán, khi nghe đức Phật giảng kinh Adittápariyàyàsutta (Kinh Lửa Cháy).
Sau ngài trở thành vị giáo thọ của Tôn giả Ananda. Một hôm, nghĩ đến sự an lạc thuần tịnh của quả chứng, và sự tu hành ban sơ của mình, ngài nói lên bài kệ diễn tả sự hân hoan của ngài:
(XVII) Dàsaka (Thera. 4)
Do nghiệp của mình, ngài sanh vào thời dức Phật hiện tại, con của một người nô lệ của Anàthapindika, và được giao việc gác cửa vào tịnh xá Jetavana. Ðược nghe đức tánh và nguyện vọng của ngài, ông Anàthapindika giải thoát cho ngài khỏi vòng nô lệ và ngài nói ngài sẽ sung sướng nếu được xuất gia. Do vậy, ngài được xuất gia ngay. Nhưng khi được xuất gia, ngài trở thành biếng nhác, thụ động, tiêu cực, không chịu cố gắng để thoát khỏi sanh tử, và ngủ quá nhiều sau các bữa ăn. Khi đến thời thuyết pháp, ngài lựa một chỗ ngoài vòng Tăng chúng, tìm một góc và ngồi ngáy. Thế Tôn nghĩ đến việc làm trước của ngài, nên nói lên bài kệ này để khích lệ ngài:
Khi nghe vậy, Dasaka trở thành dao động hốt hoảng và phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Rồi ngài suy nghĩ: ‘Bài kệ của Thế Tôn đã khích lệ ta nhiều’ và ngài nói lại bài kệ này. Như vậy, dầu cho bài kệ chống đối ăn nhiều, bài kệ trở thành lời tuyên bố về chánh trí của ngài.
(XVIII) Singàlar-Pitar (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong gia đình giàu có ở Sàvatthi, lập gia đình và đặt tên con là Singàlaka và tự mình được gọi là Singàla-pitar (cha của Singàla). Về sau ngài từ bỏ gia đình và xuất gia. Thế Tôn biết được căn cơ xu hướng của ngài, dạy ngài đề tài thiền quán là bộ xương người. Dùng đề tài này để thiền quán, ngài sống giữa các dòng họ Thích-ca ở Sumsumàragira, tại khu rừng Bhesaskalà. Trong rừng ấy, một thần rừng biết được ngài sẽ chứng được Thánh quả nên nói lên bài kệ này:
Nghe bài kệ này, vị Trưởng lão nghĩ rằng: ‘Vị thần rừng này muốn ta cố gắng tu tập’, nên ngài phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Về sau, ngài nhớ lại bài kệ của thần rừng này và nói lên lại bài kệ ấy như là lời tuyên bố về chánh trí của ngài.
(XIX) Kula (Thera. 4)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn, xuất gia và vì tâm tư chưa được thăng bằng, ngài không chú tâm được trên một đề tài nhất định. Một ngày kia đi khất thực, ngài thấy người dẫn nước bằng cách đào cách kinh dẫn nước. Trong thành phố, ngài thấy người làm cung tên uốn nắn cung tên bằng nheo một con mắt như thế nào, và khi trở về với bình bát đầy đồ ăn, ngài thấy những người làm xe sửa soạn trục xe, bánh xe và vành xe như thế nào. Bước vào tịnh xá, dùng cơm xong, khi đang nghỉ trưa, ngài nghĩ đến ba phương pháp nhiếp phục này, và lấy chúng làm khích lệ và dùng chúng để tự mình tu tập, không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Liên hệ những bài học này với sự tu tập tâm của mình, ngài nói lên lời chánh trí với bài kệ như sau:
(XX) Ajita (Thera. 4)
Khi bậc Ðạo Sư còn sống, ngài được sanh ở Sàvatthi con của một Bà-la-môn làm nghề đánh giá hàng hóa cho vua Kosala. Ngài trở thành một ẩn sĩ tu theo Bàvari, một vị Bà-la-môn có học thức ở vườn Kapittha trên bờ sông Godhàvarì. Bàvarì bảo ngài cùng với Tissa và Metteya đi đến bậc Ðạo Sư. Ajita được đức Phật cảm hóa, và xuất gia. Lựa một đề tài để thiền quán, ngài phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Ngài nói lên sự thắng trận của ngài với bài kệ này:
Phẩm Ba
(XXI) Nigrodha (Thera. 4)
Trong lời đức Phật tại thế, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn có danh tiếng ở Sàvatthi. Khi tinh xá Jetavana được dâng cúng đức Phật, trông thấy tướng tốt uy nghiêm của đức Phật, ngài được cảm hóa và xuất gia. Khi phát triển thiền quán, ngài có thể đạt được sáu thắng trí, suy tư đến sự an lạc quả chứng, sự lợi ích của giáo pháp giúp thoát khỏi tái sanh, ngài nói lên bài kệ này để tuyên bố chánh trí của ngài:
(XXII) Cittaka (Thera. 4)
Ngài sanh ở Ràjagaha, con một gia đình Bà-la-môn giàu có. Khi bậc Ðạo Sư ở vườn Trúc Lâm, Cittaka đến nghe đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin và xuất gia. Lựa giới luật làm đề tài tu tập, ngài vào một khu rừng và tu tập thiền định, với thiền quán khai triển, ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài đi đến đảnh lễ đức Phật, được các vị đồng Phạm hạnh hỏi ngài có tinh tấn tu hành khi ở trong rừng không, ngài trả lời có và với bài kệ này, ngài nói lên chánh trí của ngài.
(XXIII) Gosàla (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Magadha giàu có, ngài có quen với Sonakutikanna. Khi được biết Sonakutikanna xuất gia, ngài bị dao động và suy nghĩ: ‘Vị ấy có tài sản lớn mà còn xuất gia, sao ta lại không làm theo?’. Rồi ngài xuất gia, dùng giới luật làm đề tài thiền quán và tìm một chỗ thích hợp, ngài lựa một cao nguyên không xa làng sanh quán. Mẹ ngài ngày nào cũng bố thí cúng dường. Một hôm cúng cho ngài cháo, cơm nấu với mật và đường, ngài nhận đồ cúng dường, ngồi ăn dưới bóng một ngọn đồi có tre mọc dày. Với tay và bát rửa sạch, được ăn một bữa ăn thích hợp, ngài phát tâm thiền quán và chú tâm vào vấn đề sanh diệt các pháp, đạt được thiền định cao nhất, chứng quả A-la-hán, với hiểu biết về nghĩa, về pháp. Ngài muốn đi lên ngọn đồi để hưởng an lạc thiền vị, ngài nói lên kinh nghiệm của ngài với bài kệ:
(XXIV) Sugandha (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình giàu có ở Sàvatthi. Vì lời phát nguyện trong quá khứ, khi ngài sanh ra, hương thơm tỏa khắp nhà, do vậy được đặt tên là Sugandha (hương thơm). Khi đến tuổi trưởng thành, ngài được khuyến khích xuất gia, khi nghe Trưởng lão Mahà Sela thuyết pháp; sau bảy ngày, ngài chứng quả A-la-hán. Nói lên chánh trí của mình, ngài thuyết bài kệ này:
(XXV) Nandiya (Thera. 5)
Ngài được sanh ở Kapilavatthu, trong nhà một vương tộc Thích-ca, và cha mẹ ngài nói: ‘Con ta sanh đem lại hoan hỷ trong nhà’ và đặt tên ngài là Nandiya. Lớn lên, ngài xuất gia, khi Anuruddha và các bạn đều xuất gia. Nhờ chú tâm học tập và lời phát nguyện quá khứ, ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài sống với Trưởng lão Anuruddha và các bạn tại rừng Trúc phía Ðông. Tại đấy, Ác-ma muốn làm ngài sợ hãi, hiện ra trong hình thù rất dễ sợ, nhưng ngài đuổi Ác–ma đi với những lời như sau: ‘Này Ác-ma, Ngươi làm gì với những người đã vượt qua cảnh giới của ngươi. Do vậy, Ngươi chỉ gặp thất bại và bất hạnh’.
(XXVI) Abhaya (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh là con vua Bimbisàra (Bình-sa). Giáo chủ Nàtaputta dạy ngài một mưu chước để đánh bại Sa-môn Gotama trong cuộc tranh luận, nhưng trong câu trả lời của Sa-môn Gotama, ngài thấy sự thất bại của giáo chủ phái Ni-kiền Tử và sự sáng suốt của Sa-môn Gotama. Do vậy, sau khi vua từ trần, Abhaya xuất gia. Nhờ giảng kinh Ví dụ cái lỗ trong cây gỏ, ngài chứng quả Dự lưu. Rồi với sự cố gắng tinh cần, ngài chứng quả A-la-hán. Do vậy, phấn khởi trước thành quả đạt được, ngài nói lên chánh trí của ngài:
(XXVII) Lomasakangìya (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu, trong một gia đình họ Thích-ca. Ngài rất yếu đuối và thân ngài có lông mịn nên được gọi là Lomasakangiya.
Khi Anuruddha và một số hoàng tử trẻ Sakya xuất gia, ngài không theo. Rồi Candana, một người bạn cũ thời trước, hỏi về ‘Nhứt dạ hiền giả – Bhaddekaratta’, ngài trả lời không được và đến hỏi đức Phật. Ðức Phật khuyên ngài xuất gia và về xin phép cha mẹ. Khi mẹ ngài sợ ngài yếu đuối, ngài trả lời với bài kệ như sau:
Nghe xong, mẹ ngài bằng lòng để ngài xuất gia, và được phép bậc Ðạo Sư cho xuất gia. Sau thời gian học tập, ngài muốn đi vào rừng để thiền quán. Các Tỷ-kheo ngăn lại, nói ngài yếu đuối làm sao sống trong rừng núi được. Ngài lập lại bài kệ này và đi vào rừng tu thiền, chứng sáu thắng trí. Khi ngài chứng quả A-la-hán, ngài tuyên bố chánh trí của ngài với bài kệ nói trên.
(XXVIII) Con Trai Của Jambugàmika (Thera. 5)
Ngài sanh ở Campà, con một cư sĩ tên Jambugàmika, và được gọi với tên cha. Khi học tập hạnh Sa-di, ngài ở Sàketa, tại rừng Anjana, cha ngài sợ ngài không bền chí xuất gia, nên gửi ngài bài kệ để tìm hiểu ngài:
Khi ngài đọc bài kệ này, ngài nghĩ rằng phụ thân ngài nghi ngờ ngài còn đang bị thế tục chi phối, và ngài cũng chưa thoát khỏi địa vị phàm phu. Do vậy, ngài cảm thấy xúc động, liền phát tâm tinh tấn tu hành và không bao lâu chứng được sáu thắng trí. Với bài kệ của người cha làm đề tài thiền quán, cuối cùng ngài chứng quả A-la-hán. Và vừa để nói lên chánh trí, vừa tán thán người cha, ngài nói lên bài kệ.
(XXIX) Hàrita (Thera. 5)
Sanh ra trong thời đức Phật hiện tại ở Sàvatthi, con một Bà-la-môn giàu có. Cha mẹ cưới cho ngài một người vợ trẻ đẹp hoàn toàn xứng đôi vừa lứa, và ngài sống sung sướng bên người vợ của ngài. Một hôm, ngài đang ngắm nhìn sắc đẹp của vợ mình, do nghiệp nhân đời trước, ngài được nhắc lại là sắc đẹp ấy cũng vô thường. Vài ngày sau, vợ ngài bị con rắn đen cắn và bị chết. Bị đau khổ bởi cái chết này, ngài đi yết kiến đức Phật, được nghe pháp và xuất gia. Nhưng khi ngài tu về giới, ngài không giữ được tâm cho chánh trực. Khi đi khất thực, ngài thấy một người làm tên, dùng dụng cụ làm cho cây tên được ngay thẳng, ngài suy nghĩ: ‘Những người này còn làm cho một cây tên ngay thẳng’. Ngài quay về, ngồi nghỉ trưa, phát triển thiền quán. Và ngài thấy đức Phật hiện ra trước mặt ngài, ngồi trên hư không, và dạy ngài với bài kệ này:
Nghe Thế Tôn dạy, ngài phát triển thiền quán, và không bao lâu trở thành vị A-la-hán. Ngài liền nói lên bài kệ này như lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(XXX) Ittiya (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi con trai một Bà-la-môn, và xuất gia để tìm đời sống bất tử, trở thành một du sĩ ngoại đạo. Một ngày kia, trong khi bộ hành ngài gặp Thế Tôn đang thuyết pháp và ngài xin xuất gia. Vì giới hạnh ngài không thanh tịnh, nên ngài không đạt được Thánh quả. Thấy các Tỷ-kheo khác nói lên chánh trí của mình, ngài xin Thế Tôn một bài học tóm tắt. Ðức Phật trả lời ngài phải làm cho thanh tịnh nếp sống căn bản và đức Phật dạy ngài về nếp sống căn bản một cách tóm tắt, Ittiya học tập bài học này, phát triển thiền quán, nhưng rồi bị bệnh. Trong sự cố gắng tối hậu, ngài chứng được quả A-la-hán. Vì ngài chứng được Thánh quả trước những trở ngại lớn như vậy, ngài nói lên chánh trí của ngài liên hệ đến cơn bệnh của ngài:
Phẩm Bốn
(XXXI) Gahvaratìrya (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi trong một gia đình Bà-la-môn và được gọi là Aggidatta. Khi lớn lên ngài thấy đức Phật hiện hóa thần thông song hành, khởi lòng tin và xuất gia. Lấy một đề tài để hành trì, ngài đi vào rừng Ratìra và được biết với tên là Gahvaratìriya, phát triển thiền quán, không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài đi đến đảnh lễ đức Phật ở Sàvatthi, các bà con ngài nghe tin ngài đến, liền cúng dường ngài rất nhiều. Khi ngài muốn trở lui lại khu rừng, các bà con ngăn lại, nói rằng núi nhiều muỗi và ruồi lằng rất khó sống. Ngài trả lời đời sống rừng núi thích hợp với ngài và ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ:
(XXXII) Suppiya (Thera. 6)
Trong thời đức Phật tại thế, do nghiệp quá khứ, ngài được sanh trong gia đình người giữ nghĩa địa ở Sàvatthi. Ðược bạn Sopàka thuyết pháp cảm hóa, ngài xuất gia và chứng được quả vị cao nhất, và trong bài kệ, ngài nói lên chánh trí của ngài khi đang phấn đấu để chứng quả A-la-hán.
(XXXIII) Soopaka, Một Tỷ-Kheo Trẻ Con (Thera. 6)
Ngài sanh trong thời đức Phật hiện tại ở Sàvatthi, từ một người đàn bà rất nghèo khổ. Khi bà mẹ đau đẻ, bà bất tỉnh và người ta tưởng bà đã chết nên đem thân bà đi thiêu. Một phi nhân không cho lửa đốt cháy, làm mưa làm gió và những người thiêu thân bỏ đi. Ðứa con trẻ được sanh mạnh khỏe, còn người mẹ bị chết. Vị phi nhân hóa làm người, bế đứa con và bỏ trong nhà người giữ nghĩa địa, nuôi đứa con trong một thời gian với đồ ăn thích hợp. Sau đó, người giữ nghĩa địa nhận làm con nuôi, và Sopàka lớn lên với Suppiya, con trai nhỏ của người giữ cửa. Vì ngài sanh ở nghĩa địa, nên đặt tên là Sopàka. Khi ngài bảy tuổi, Thế Tôn với thiên nhãn thanh tịnh, vào buổi sáng, nhìn xem những ai có thiện căn tốt lành, thấy Sopàka và đi đến nghĩa địa. Sopàka được nghiệp duyên đời trước, đi đến Thế Tôn với tâm tư hoan hỷ và đảnh lễ Thế Tôn, Thế Tôn thuyết pháp và Sopàka xin xuất gia. Sau khi được phép người cha nuôi, Sopàka xuất gia và được dạy tình thương huynh đệ làm đề tài tu hành. Sopàka lấy đề tài này và sống ở nghĩa địa và chứng được cảnh giới thiền tương đương. Lấy cảnh giới thiền làm đề tài căn bản, ngài triển khai thiền quán và chứng được quả A-la-hán. Sau khi chứng quả, ngài làm bài kệ, trong ấy ngài nêu cho các Tỷ-kheo rõ đề tài tình thương anh em, không có phân biệt người thân kẻ sơ. Với tất cả, tình thương phải là một, bao trùm mọi cảnh giới, mọi chúng sanh mọi thời gian:
(XXXIV) Posiya (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một triệu phú ở Sàvatthi, là em trai của Trưởng lão Sangàmaji. Khi lớn lên, ngài lập gia đình. Khi sanh được đứa con trai, do nghiệp duyên đời trước, ngài cảm thấy lo lắng trước vấn đề sống chết, nên ngài xuất gia, sống một mình trong rừng và tu tập đề tài bốn sự thật. Sau một thời gian, ngài chứng quả A-la-hán.
Rồi ngài đi đến Sàvatthi để đảnh lễ Thế Tôn và về thăm lại nhà cũ, người vợ cũ cúng dường ngài và muốn cám dỗ ngài sống lại đời sống cũ, ngài biết được dụng ý của vợ ngài nên cáo lui và về lại trong rừng, các bạn đồng tu hỏi vì sao ngài về sớm như vậy, ngài kể lại câu chuyện đã xảy ra và nói lên bài kệ:
(XXXV) Sàmannakàni (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một du sĩ và xuất gia theo đức Phật. Khi thấy đức Phật hóa hiện thần thông song hành; và nhờ thiền, ngài chứng quả A-la-hán.
Lúc bấy giờ, một du sĩ tên Kàtiyàna, ngài quen khi còn là cư sĩ, du sĩ này mất hết sự ủng hộ của giới cư sĩ từ khi đức Phật được mọi người qui ngưỡng, và trở thành khốn cùng. Kàtiyàna đến ngài và yêu cầu ngài ủng hộ để được hạnh phúc đời này đời sau, ngài đáp: ‘Hạnh phúc không liên hệ đến đời và chỉ những người hiểu biết quá trình tu chứng mới hưởng sự an lạc thuần nhất này’. Và ngài nói lên bài kệ để chứng minh sự thành đạt của ngài:
(XXXVI) Con Của Kunmà (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở xứ Anvanti thành Velukanda, và được đặt tên là Nanda. Nhưng vì mẹ tên Kumà nên ngài được gọi là con của Kumà. Khi nghe Tôn giả Sàriputta thuyết pháp, ngài xuất gia và tu tập trên sườn đồi. Nhưng chỉ sau khi nghe đức Phật thuyết pháp và sửa lại phương pháp tu tập, ngài mới chứng quả A-la-hán. Khi đã trở thành A-la-hán, ngài thấy các Tỷ-kheo khác quá lo cho thân thể, nên ngài dùng bài kệ để hướng dẫn họ theo Chánh pháp:
(XXXVII) Bạn Của Con Kumà (Thera. 6)
Ngài được sanh trong thời đức Phật hiện tại, tại thành Velukanda, trong một gia đình giàu có tên Sudanta. Có người nói ngài tên là Vasulokì. Ngài trở thành bạn thân với con của Kumà. Khi con của Kumà xuất gia, ngài nghĩ đạo của con Kumà không thể là đạo tầm thường nên đến nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp. Nghe xong, ngài cảm thấy nhiều xúc động và xuất gia. Ngài cùng an trú với con của Kumà trên sườn đồi để tu hành.
Trong lúc ấy, nhiều Tỷ-kheo bộ hành nhiều địa phương, đều an trú tại chỗ hai vị này và tạo nên cảnh ồn ào. Sudanta, tâm thiền định bị chi phối, lấy sự kiện này làm đề tài để tinh tấn tu hành và nói lên bài kệ này:
(XXXVIII) Gavampati (Thera. 6)
Ngài được sanh trong thời đức Phật hiện tại, ngài là một trong bốn người bạn của Yasa (Da-xá). Khi họ nghe Yasa xuất gia, tất cả đều xuất gia và chứng quả A-la-hán. Rồi ngài sống ở rừng Anjana tại Sàkela, và hưởng lạc giải thoát. Khi bấy giờ, Thế Tôn đến với một số đông Tỷ-kheo tại Anjana. Chỗ ngủ không đầy đủ và một số Tỷ-kheo ngủ xung quanh tinh xá, trên bãi cát sông Sarabhà. Nửa đêm, nước sông dâng lên và các Tỷ-kheo trẻ la lớn. Thế Tôn nghe vậy, bảo Gavampati can thiệp, ngăn sông không cho dâng cao, khiến các Tỷ-kheo yên tâm. Vị Trưởng lão với thần túc thông của mình, làm theo lời Phật dạy, dừng dòng sông lại từ xa, khiến dòng sông dựng đứng lại như ngọn núi, do vậy ngài được mọi người biết là có thần thông. Một ngày kia, Thế Tôn đang thuyết pháp giữa một số đông người, thấy Gavampati vì lòng từ bi nghĩ đến đời, đức Phật tán thán các hạnh của Gavampati với bài kệ:
(XXXIX) Tissa (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Kapilavatthu, con người dì của đức Phật và được đặt tên là Tissa. Ngài xuất gia theo đức Phật, sống tại một lâm trại và tự phụ với địa vị của mình, tánh hay nóng nảy bất thường, vì vậy ngài không làm bổn phận của mình được hăng hái.
Rồi bậc Ðạo Sư, với thiên nhãn thấy ngài đang ngủ há miệng liền hiện đến trước ngài, thức ngài dậy với bài kệ:
(XL) Vaddhamàna (Thera. 7)
Ngài sanh ở Vesàli, trong gia đình một vị vua Licchavì, ngài trở thành một thiếu niên có tín tâm và phục vụ Tăng chúng. Về sau, khi đã xuất gia, ngài trở thành biếng nhác và được Như Lai khích lệ với bài kệ:
Phẩm Năm
(XLI) Sirivaddka (Thera. 7)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), trong nhà một Bà-la-môn giàu có. Khi vua Bimbisàra gặp bậc Ðạo Sư, do nghiệp duyên đời trước, ngài xuất gia, đi đến một ngọn núi gần Vebhàra và Pandava, và trú tại chỗ ấy, chuyên hành tu tập.
Một hôm, một cơn giông tố lớn nổi lên và sét đánh vào hang, nhưng nhờ gió lớn của các đám mây, làm nhẹ bớt sức nóng đang đè nặng trên ngài, nhờ vậy với một nhiệt độ thích hợp, ngài có thể thiền định, thiền quán và cuối cùng chứng quả A-la-hán. Với bài kệ nói lên chánh trí của mình, ngài thốt lên những lời như sau:
(XLII) Khadira – Vaniya (Thera. 7)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở nước Magadha (Ma-kiệt-đà) tại làng Nàlaka, con của nữ Bà-la-môn Rùpasàrì. Khi ngài lớn lên, mẹ ngài muốn ngài lập gia đình, nhưng khi nghe Sàriputta xuất gia, ngài bắt chước Sàriputta, đến các Tỷ-kheo xin được thọ giới, tự xưng là em trai của Sàriputta. Khi ngài chứng quả A-la-hán tại rừng cây xương rồng, ngài đi đến Sàvatthi (Xá-vệ) để đảnh lễ Thế Tôn, và ở lại một vài ngày tại tịnh xá Jetavana (Kỳ Viên).
Rồi Thế Tôn, ngồi giữa đại chúng Tỷ-kheo, xác nhận ngài là Tỷ-kheo ở rừng đệ nhất.
Một thời khác, ngài đi đến làng sanh quán, đem ba người cháu trai là con trai của ba người chị Càlà, Upacàlà, Sisùpacàlà, cũng tên là Càlà, Upacàlà và Sisùpacàlà cho chúng xuất gia. Một hôm ngài bị ốm và Sàriputta đi đến thăm, Revata muốn dạy cho ba người cháu chớ có phóng dật, nên khi thấy Sàriputta từ xa đến, bèn nói lên bài kệ:
(XLIII) Sumangala (Thera. 7)
Ngài sanh ở tại một làng nhỏ, gần Sàvatthi, trong một gia đình nghèo khó. Lớn lên, ngài tự nuôi sống giữa đồng ruộng, với cái liềm, cái cuốc và cái cày. Một hôm vua Pasenadi cúng dường đức Phật với chư Tăng và ngài đi đến. đem theo sữa và bơ cùng với các người làm công khác. Khi thấy các Tăng, Ni được cung kính cúng dường, ngài nghĩ các Tăng, Ni này sống trong các nhà cửa được che kín và mặc các y phục tốt đẹp và ngài xin xuất gia để hưởng những tiện nghi này. Một Trưởng lão Tăng vì lòng từ chấp nhận ngài được xuất gia, cho ngài một đề tài tu hành và bảo ngài đi vào rừng để tu tập. Nhưng trong hạnh độc cư, ngài cảm thấy buồn bã chán nản và đi về lại làng của mình. Khi về, ngài thấy các dân quê cày bừa với áo quần nhớp nhúa, đầy bụi bặm và bị nóng bức. Thấy vậy, ngài trở lại tu tập, đi đến dưới gốc cây, tu tập thiền định, sống cô độc, phát triển thiền quán. Cuối cùng, ngài chứng được quả A-la-hán. Ðể nói lên sự giải thoát khỏi nỗi khổ cuộc đời, ngài thốt lên bài kệ này:
(XLIV) Sànu (Thera. 7)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ) trong gia đình một cư sĩ, sau khi người cha đã từ bỏ gia đình. Bà mẹ, đặt tên ngài là Sànu, khi ngài lên bảy tuổi, được đưa đến ở với các Tỷ-kheo, nghĩ rằng như vậy con mình được sống hạnh phúc. Rồi Sànu trở thành một vị học hành giỏi, một vị pháp sư, thiền sư với lòng từ bi, được chư Thiên và loài Người ái kính. Trong đời trước, mẹ ngài là một nữ Dạ-xoa. Sau một thời gian, ngài mất sự sáng suốt, sống sầu khổ và muốn đi lang thang đây đó. Bà mẹ Dạ-xoa của ngài thấy vậy liền báo động với bà mẹ hiện tại và bảo bà khích lệ con bà phải tinh tấn, và đọc lại lời nói của các Yakkhà (Dạ-xoa):
Chớ có làm điều ác,
Công khai hay bí mật,
Nếu người làm điều ác,
Sẽ làm hay đang làm,
Người không thoát khổ đau,
Dầu có đứng lên chạy.
Nói như vậy xong, người mẹ Dạ-xoa biến mất, nhưng người mẹ hiện tại, nghe vậy rất lấy làm sầu khổ. Rồi Sa-di Sànu cầm y và bát đến thăm bà mẹ rất sớm. Thấy mẹ sầu muộn, ngài hỏi và được bà mẹ trả lời lý do, ngài nói bài kệ:
Bà mẹ trả lời, từ những lời trong kinh: ‘Ðây là sự chết, này các Tỷ-kheo trong giới luật của bậc Thánh, tức là sự từ bỏ học giới và hoàn tục’, và nói bài kệ như sau:
Người ta khóc cho con,
Là khóc cho con chết,
Hay khóc cho con sống,
Nhưng không được thấy mặt.
Ai đã bỏ dục vọng,
Lại trở lui đời này,
Này con, người ta khóc,
Là khóc cho người ấy,
Vì người ấy được xem,
Còn sống cũng như chết,
Này con, được kéo ra,
Khỏi than hầm lửa rực,
Con còn muốn rơi vào,
Ðống than hồng ấy chăng?
Khi ngài nghe vậy, Sa-di Sànu lấy làm xấu hổ sầu muộn, và tinh tấn phát triển thiền quán, không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Suy nghĩ rằng ngài chiến thắng là nhờ những bài kệ này, nên lấy những bài kệ ấy thành những bài kệ của ngài.
(XLV) Ramnìyavihàrim (Thera. 7)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con một công dân có tên tuổi và sống đời sống tuổi trẻ trác táng. Một hôm, ngài thấy các quân lính nhà vua bắt một người thông dâm, ngài sanh tâm dao động, nghe lời Phật dạy và xuất gia. Là Tỷ-kheo, ngài vẫn còn những ái dục về thân, ngài sắp đặt phòng ngài thật đầy đủ bàn ghế, đầy đủ đồ ăn, đồ uống, đồ nằm và sống như vậy. Do vậy, ngài được tên là Ramanìyavihìrim (người sống trong lạc dục). Nhưng đời sống cũ của ngài làm ngài khó sống đời sống Tỷ-kheo, ngài cảm thấy không xứng đáng để nhận đồ cúng dường, ngài bỏ đi, bộ hành lang thang đó đây. Trên đường đi, khi ngồi nghỉ dưới gốc cây, ngài thấy các xe bò đi ngang qua, một con bò vì mệt mỏi nên vấp ngã, người đánh xe cởi dây cho con bò, cho nó rơm và nước, và làm cho nó đỡ mệt, xong lại cột con bò vào xe và bắt nó kéo xe đi. Ngài suy nghĩ: ‘Con bò này đã vấp ngã nhưng đã đứng dậy và kéo đi gánh nặng của mình. Vậy ta phải tinh tấn, sau khi rơi vào rừng nhục dục, cần phải đứng dậy và làm tròn bổn phận của người tu hành’. Rồi ngài trở về, kể lại câu chuyện cho Trưởng lão Upàli và được Upàli chấp nhận cho sám hối các lỗi lầm, và giúp ngài trở lại nếp sống chơn chánh. Không bao lâu, ngài chứng quả A-la-hán.Về sau, hưởng thọ an lạc giải thoát, ngài nói lên sai lầm của ngài, và sự trở lui lại nếp sống chơn chánh trong bài kệ này:
(XLVI) Samiddhi (Thera. 7)
Ngài sanh ra trong đời đức Phật hiện tại, ở Rajagaha (Vương Xá) con một gia đình quí tộc. Từ khi sanh ngài, tài sản của gia đình được tăng trưởng, ngài lại đẹp trai, có giới hạnh và được đặt tên là Samiddhi (thịnh vượng), ngài chứng kiến sức mạnh của bậc Ðạo Sư khi gặp vua Bình Sa (Bimbisàra), khởi lên lòng tin, xuất gia, tinh tấn tu thiền. Khi đức Phật sống ở vườn Tapoda, Samiddhi đang cảm thấy an lạc được sống hạnh Tỷ-kheo, thời Ác-ma hiện ra quấy phá, phát ra tiếng động như quả đất nổ tung. Ngài thưa với đức Phật và đức Phật khuyên nên bình tĩnh, vẫn kiên trì tu tập và đừng nghĩ đến vấn đề ấy nữa. Ngài vâng theo và không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Ác-ma không biết sự kiện ấy, Ác-ma lại tạo nên một tiếng động kinh khủng, nhưng ngài không có sợ hãi, ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ như sau:
(XLVII) Ujiaya (Thera. 8)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Rajagaha (Vương Xá), con một Bà-la-môn theo truyền thống. Lớn lên và giỏi về ba tập Vệ-đà, ngài thấy không có cốt tủy, với nghiệp lành chín muồi, ngài đi đến rừng Trúc nghe Thế Tôn giảng và xuất gia, thiền tư về giới hạnh trong rừng, không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài đi đến Thế Tôn đảnh lễ ngài, ngồi xuống một bên, tán thán Thế Tôn, ngài nói lên bài kệ đề cập đến chánh trí của ngài:
(XLVIII) Sanjaya (Thera. 8)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con một Bà-la-môn giàu có. Khi lớn lên, ngài theo gương Brahmàya, Pokkhanrasàti và các vị Bà-la-môn danh tiếng khác, các vị này khởi lòng tin bậc Ðạo Sư và chứng được Sơ quả. Về sau, ngài xuất gia và chứng được sáu thắng trí. Nói lên chánh trí, ngài dùng bài kệ này:
(XLIX) Ràmaneyyaka (Thera. 8)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ) con một gia đình giàu có. Tâm ngài rất xúc động khi Jetavana (Kỳ Viên) được dâng cúng đức Phật và ngài xuất gia. Sống trong rừng, ngài thiền quán về giới hạnh, vì quả chứng và hạnh dễ thương của ngài, ngài được gọi là Ràmaneyyaka (hạnh khả ái, dễ thương).
Một hôm, Ác-ma muốn phá hoại ngài, đã phát ra một tiếng động rất lớn, ngài dùng bài kệ nói lên sự không xúc động của mình.
Bài kệ này trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(L) Vimala (Thera. 8)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), từ một gia đình giàu có. Do hạnh nguyện đời trước, ngài có một thân thể thật trong sạch như giọt sương trên lá sen, bởi vậy, được tên là Vimala. Khi lớn lên ngài khởi tín tâm khi gặp được dức Phật ở Ràjagaha, rồi ngài xuất gia, tìm một đề tài học tập, đến ở trong một hang núi ở Kosala.
Một hôm trời chuyển giông, mưa rơi xuống, làm nhẹ bớt sức nóng, ngài có thể định tâm, chứng được quả A-la-hán. Sung sướng với quả chứng của mình, ngài thốt lên bài kệ này:
Bài kệ này trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài.
Phẩm Sáu
(LI-LIV) Ghodhika, Subàhu, Valliya, Uttiya (Thera. 8)
Trong thời đức Phật tại thế, bốn vị này sanh ở Pava, con của bốn vua Malla, và giữa bốn người này, có một tình bạn chân thành. Bốn vị này có một sứ mệnh, cùng đi đến vua xứ Kapilavatthu. Lúc bấy giờ, Thế Tôn cũng đến đó và sống tại vườn cây bàng, tại đấy, Thế Tôn đã cảm hóa bốn vị này với thần thông song hành. Các vị này xuất gia và không bao lâu chứng quả A-la-hán, với sự hiểu biết về nghĩa và về pháp. Sau khi được vua chúa kính trọng cúng dường, bốn vị này sống ở trong rừng. Khi bốn vị này đến Vương Xá, vua Bimbisàra (Bình Sa), mời bốn vị an cư mùa mưa và bảo làm mỗi người một cái nhà, nhưng vô ý lại không lợp mái. Các vị này sống trong nhà ấy, nhưng không có chỗ che mưa, và dầu là mùa mưa, trời lại không mưa. Vua Bimbisàra nhận thấy hiện tượng này, nhớ lại sự sai trái sơ hở của mình, liền cho lợp mái lại tổ chức một ngày khánh thành, cúng dường cho Tăng chúng. Các vị Trưởng lão nhận lời, đi vào ngôi nhà và triển khai lòng từ. Từ phía Bắc và phía Ðông một cơn giông tố nổi lên, và các vị Trưởng lão xuất định, mưa to bắt đầu rơi xuống. Rồi Godhika do mưa to gió lớn, nói lên bài kệ:
Subàhu nói lên bài kệ:
Vàlliya nói lên bài kệ:
Uttiya nói lên bài kệ:
(LV) Anjana -Vaniya (Thera. 9)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Vesàli, trong gia đình một vị vua trị vì nước Vajja. Khi ngài lớn lên, ba tai họa lớn đe dọa dân chúng Vajja: nạn hạn hán, nạn bệnh tật, và nạn phi nhân. Sự kiện này được ghi chép trong tập sớ kinh Ratanasutta. Khi Thế Tôn làm cho dân chúng Vesali bớt sợ hãi, một số đông đến nghe ngài giảng. Con của vua cũng được nghe, khởi tín tâm và xuất gia.
Khi làm xong các học tập sơ khởi, ngài sống trong rừng Anjana, ở Saketa. Khi trời mưa sắp đến, ngài tìm được một giường nằm người ta quăng bỏ, đặt nó trên bốn tảng đá, phía trên và phía chung quanh lợp cỏ. Ngài làm một cái cửa và như vậy làm được một chỗ ở cho mùa mưa. Sau một tháng tu tập, ngài chứng quả A-la-hán. Sung sướng với niềm giải thoát của mình, ngài phấn khởi nói lên bài kệ:
(LVI) Kutivihàrim (Thera. 9)
Ðời sống của ngài giống như đời sống của Tôn giả Anjana Vaniya, với sự sai khác như sau: Trong khi phát triển thiền quán, ngài đang đi qua cánh đồng và trú mưa trong một chòi nhỏ không người, của người giữ đồng ruộng. Tại đấy, ngài chứng quả A-la-hán. Người giữ đồng ruộng đến và hỏi: ‘Ai ở trong chòi lá này?’ Ngài trả lời: ‘Một Tỷ-kheo ở trong chòi lá’ và nói lên bài kệ:
Rồi người giữ ruộng nói: ‘Thật may mắn cho tôi. Thật khéo may mắn cho tôi. Tôn giả đã đến chòi lá của tôi và ngồi tại đấy’.
Thế Tôn với thiên nhĩ thanh tịnh nghe câu chuyện biết được tâm hoan hỷ của người giữ ruộng, ngài nói lên bài kệ với người giữ ruộng:
Chính ở trong chòi lá,
Một Tỷ-kheo ly tham,
Tâm được khéo định tĩnh,
Ðang ở trong chòi lá,
Việc làm này hưởng quả,
Ông sẽ thành thiên chủ,
Sáu lần đến bảy lần,
Ông ngự trị thiên giới,
Rồi mọi ái nhiếp phục,
Ông sẽ thành Ðộc giác.
Bắt đầu từ đấy, vị Tỷ-kheo được gọi là Kutivihàrim.
(LVII) Kutivihàrim (Thera. 9)
Câu chuyện về ngài giống như câu chuyện vị Trưởng lão ở rừng Anjana với sự sai khác này. Khi ngài xuất gia với trường hợp tương tự, ngài học Chánh pháp trong một ngôi chòi nhỏ, ngài nghĩ: ‘Chòi cũ này cũng đã bị hư hại, ta phải làm một chòi khác’. Rồi ngài hướng tâm ngài về hành động mới. Một thiên nhân tâm cầu giải thoát, muốn làm ngài dao động, nói lên bài kệ này, với lời lẽ giản dị, nhưng ý nghĩa sâu rộng:
Khi nghe vậy, vị Trưởng lão cảm thấy lo lắng, và với sự cố gắng phát triển thiền quán, ngài chứng được quả A-la-hán. Rồi ngài nói lại bài kệ, nhờ bài kệ này ngài đã được chứng quả, và ngài dùng bài kệ nói lên chánh trí của mình. Vì ngài chứng quả khi ở trong chòi lá, ngài được gọi là Kutivihàrim (vị ở chòi lá).
(LVIII) Ramaniyakutika (Thera. 9)
Câu chuyện của ngài giống như câu chuyện của Trưởng lão ở trong rừng Anjana với sự sai khác này: Ngài ở trong một chòi lá, gần một ngôi làng nhỏ, trong xứ Vajji. Thật sự là một am thất nhỏ, xinh đẹp với sàn nhà và vách tường khéo làm xung quanh có vườn, ao hồ và có rải cát đẹp, mịn. Với giới hạnh của vị trưởng lão làm tăng thêm sự hấp dẫn của ngôi nhà.
Ngài chứng quả A-la-hán và tiếp tục sống tại đấy. Khi nào có người đến viếng tinh xá, họ có thấy ngôi chòi xinh xắn. Một ngày kia, một vài người đàn bà béo mập đi ngang qua, thấy ngôi chòi xinh đẹp, liền nghĩ người ở chòi lá này có thể là một thanh niên mà họ có thể cám dỗ. Họ đến gần ngài và nói: ‘Cái chòi của ngài thật là xinh đẹp, chúng tôi cũng thật xinh đẹp trong tuổi trẻ của chúng tôi’. Và họ bắt đầu khoe khoang áo xiêm đẹp của mình. Nhưng vị Trưởng lão nói lên bài kệ, diễn tả tâm trạng thoát tục của ngài:
Với chữ: ‘Không cần’, ngài tuyên bố chánh trí của ngài, khi chứng quả A-la-hán.
(LIX) Kosalavihàrim (Thera. 9)
Câu chuyện của ngài giống như chuyện của Trưởng lão ở trong rừng Anjana với sự sai khác này: Sau khi làm Sa-di, ngài ở trong một ngôi rừng, gần một làng trong nước Kosala, gần chỗ ở của một cư sĩ. Người này, thấy ngài ở dưới một gốc cây nên làm một cái chòi và cúng dường cho ngài. Ở đây vị Trưởng lão chứng quả A-la-hán. Với tâm tư hoan hỷ sung sướng được giải thoát, ngài nói lên bài kệ này:
Ðây là lời tuyên bố chánh trí của ngài và vì ngài ở lâu ngày ở Kosala, ngài được biết với tên là Kosalavihàrim (vị ở Kosala).
(LX) Sivàli (Thera. 9)
Ngài sanh ra là con của Suppavàsà, công chúa con vua, trong thời đức Phật hiện tại. Khi mẹ ngài không sinh đẻ được và nằm chịu đau khổ trong bảy ngày, bà nói với người chồng: ‘Trước khi tôi chết tôi sẽ bố thí’, và nàng bảo chồng đi mời Thế Tôn đến, nói đến hiện trạng của nàng và dặn chồng ghi nhớ những lời Thế Tôn nói. Người chồng làm theo lời vợ dặn và bậc Ðạo Sư nói: ‘Mong rằng Suppavàsa, con của dòng họ Koliya được hạnh phúc! Mong nàng được hạnh phúc, sức khỏe và sanh được đứa con trai khỏe mạnh’. Trước khi người chồng về, Suppavàsa đã sanh được đứa con trai và khi nghe chồng kể lại câu chuyện, nàng dặn chồng cúng dường đức Phật và chúng Tăng trong bảy ngày. Vì người con được sanh, đem lại hoan hỷ cho tất cả mọi người, nên được đặt tên là Sìvali.
Sau khi sanh bảy ngày, ngài có thể làm được bất cứ việc gì. Tôn giả Sàriputta đến và khuyên ngài xuất gia, lấy đề tài sự đau khổ khi được sanh làm đề tài tu hành. Khi nắm tóc thứ nhất được cắt đứt, ngài chứng Sơ quả. Khi nắm tóc thứ hai được cắt đứt, ngài chứng Nhị quả. Như vậy cho đến nắm tóc thứ tư và ngài chứng quả A-la-hán. Có chỗ nói cùng ngày ngài đi đến ở một chòi lá, và suy tư đến sự đau khổ phải nhẫn chịu khi thọ sanh. Ngài phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Rồi sung sướng được giải thoát, ngài nói lên bài kệ:
Phẩm Bảy
(LXI) Vappa (Thera. 9)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavàthu, con Bà-la-môn Vàsetha. Khi nghe Tu sĩ Asìta đoán tướng Thái tử Siddhatta sẽ thành đạo, Vappa cùng bốn người con Bà-la-môn với Kondannà (Kiều Trần Như) là người dẫn đầu, trở thành những người Tu sĩ. Khi Thái tử tu khổ hạnh trong sáu năm, Vappa với bốn người bạn cùng đồng tu khổ hạn. Về sau khi Thái tử thôi tu khổ hạnh, năm vị này chán nản đi về Isipatana. Sau khi đức Phật thành đạo và Chuyển pháp luân ở Isapatana, Vappa với bốn người bạn được cảm hóa và đến ngày thứ năm cả năm vị đều chứng quả A-la-hán. Suy tư trên sự hùng lực của bậc Ðạo Sư, sự mù quáng của thế giới, và như thế nào thánh quả đem lại chánh trí, ngài nói lên bài kệ:
(LXII) Vajji-Putta (Thera. 10)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình vị nghị sĩ và được gọi là con của Vajji. Ngài thấy uy nghi đức độ của bậc Ðạo Sư khi bậc Ðạo Sư đến Vesàli. Ngài khởi lòng tin và xuất gia sau thời kỳ làm Sa-di, ngài ở trong một ngôi rừng gần Vesàli. Một ngày lễ được tổ chức ở Vesàli có hát, có nhạc, có múa và mọi người hoan hỷ tham gia ngày lễ, tiếng ồn làm vị Tỷ-kheo dao động. Ngài bỏ chỗ tịnh cư của ngài, dừng nghỉ tu tập thiền quán và nêu rõ sự yểm ly của mình trong câu kệ:
Một mình chúng tôi sống,
Trong rừng núi hoang vu,
Như khúc gỗ bị quăng,
Bỏ rơi trong rừng núi,
Như vậy ngày tháng qua,
Ngày này tiếp ngày khác,
Còn có ai bất hạnh,
Hơn bất hạnh chúng tôi.
Một Thiên nhân trong rừng nghe vậy, thương xót vị Tỷ-kheo, nên đến trách vị Tỷ-kheo: ‘Này Tỷ-kheo, dầu Ông có khinh thường đời sống trong rừng núi, nhưng những vị sáng suốt muốn sống thanh tịnh đều nói nhiều đến núi rừng’.
Thiên nhân ấy nói lên bài kệ tán thán đời sống ở rừng núi:
Rồi vị Tỷ-kheo, như con ngựa hay được thúc đẩy, ngài triển khai thiền quán và chứng quả A-la-hán. Rồi ngài nghĩ: ‘Bài kệ của Thiên nhân đã thúc đẩy ta’. Và ngài đọc lại bài kệ ấy.
(LXIII) Pakkha (Thera. 10)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh thuộc dòng họ Thích-ca, thành Devadahi, trong gia đình vua chúa Thích-ca và được gọi là thanh niên Sangmoda. Nhưng khi còn nhỏ, ngài bị bệnh tê thấp, có khi bước đi như người bị què, vì vậy được tên là Pakkha (vị què quặt) và giữ lại tên ấy. Sau khi ngài lành bệnh, ngài có mặt khi đức Phật về thăm gia đình, ngài khởi lòng tin, xuất gia và sống ở trong rừng. Một hôm vào làng khất thực, ngài ngồi dưới một gốc cây, một con diều hâu ngoạm được miếng thịt, bay bổng trên trời cao, các con diều hâu khác bay theo dành cướp lấy miếng thịt, thấy vậy, vị Tỷ-kheo suy nghĩ: ‘Các dục ở đời cũng vậy, đầy những đau khổ’. Ngài triển khai thiền quán và chứng quả A-la-hán, ngài nói lên bài kệ tuyên bố chánh trí của ngài:
(LXIV) Vimala- Kondanna (Thera. 10)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh là con của Ambapàli và thân phụ ngài là vua Bimbisàra. Ambapàli đặt tên con là Vimala và sau ngài được biết với tên là Vimala-Kondanna. Ngài chịu ảnh hưởng bởi uy nghi đức độ của bậc Ðạo Sư, xuất gia và chứng quả A-la-hán, ngài tuyên bố chánh trí của ngài trong bài kệ này:
(LXV) Ukkhepakàta vaccha (Thera. 10)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ) con một Bà-la-môn thuộc dòng họ Vaccha. Ngài nghe Thế Tôn thuyết pháp phát tâm xuất gia, sống tại một làng Kosala. Nhờ các Tỷ-kheo đến thăm, ngài thâm hiểu Chánh pháp, nhưng ngài không phân biệt được Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Tuy vậy ngài học hỏi được từ tôn giả Sàriputta, nên có các vị Tỷ-kheo giỏi về Luật tạng hay một bộ phận của ba Tạng, ngài học thuộc lòng cả ba Tạng, trước khi ba Tạng được kiết tập. Sau khi thuộc lòng cả ba Tạng, ngài chứng quả A-la-hán, trở thành vị giảng dạy giáo lý. Một hôm, ngài nói với chính mình như với một người khác trong bài kệ sau đây:
(LXVI) Meghiya (Thera. 10)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu, trong gia đình một hoàng tộc Thích-ca, được đặt tên là Meghiya (như mây). Lớn lên, ngài xuất gia hầu hạ Thế Tôn, khi Thế Tôn ở Càlikà, trên bờ sông Kimikàlà. Khi thấy một rừng xoài xinh đẹp, ngài muốn sống tại đấy, nhưng hai lần Thế Tôn không chấp nhận, cuối cùng trước lời yêu cầu khẩn khoản, Thế Tôn cho phép. Nhưng ở đấy vì tâm tư bất thiện không chế ngự được, vì bị ruồi muỗi cắn, nên tâm ngài không được định tĩnh và ngài lại về hầu hạ Thế Tôn.
Thế Tôn dạy:
Này Meghiya, khi tâm chưa chín muồi để giải thoát, năm pháp đưa đến tâm trạng ấy và bậc Ðạo Sư giáo giới cho ngài. Nhờ đấy Meghiya chứng quả A-la-hán và nói lên chánh trí của mình trong bài kệ này:
(LXVII) Ekadhamma Savannìya (Thera. 10)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Sitavyà, trong gia đình một vị nghị sĩ. Khi Thế Tôn đến thăm Sitavyà, và ở tại rừng Singsapa, ngài đến nghe Thế Tôn giảng, đảnh lễ ngồi xuống một bên, Thế Tôn hiểu được tâm tư ngài, dạy pháp cho ngài với câu kệ:
‘Các hành là vô thường’.
Và ngài nhờ ảnh hưởng đời trước, thấy sự thật rõ ràng hơn, xuất gia tìm học nghĩa chữ đau khổ, nghĩa chữ vô ngã, triển khai thiền quán và chứng quả A-la-hán. Vì ngài chỉ nghe một pháp và chỉ nghe một mình mà chứng được thánh quả, nên ngài được tên Ekadhamma Savanìya (vị được nghe một pháp), ngài tuyên bố chánh trí trong bài kệ như sau:
(LXVIII) Ekudàniya (Thera. 10)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một vị nghị sĩ giàu có. Khi lớn lên, ngài thấy được uy đức của đức Phật khi được dâng cúng rừng Jeta (Kỳ Viên), ngài xuất gia từ bỏ gia đình, làm bổn phận người Sa-di, sống trong rừng, ngài đến đức Phật để học hỏi. Khi ấy Thế Tôn thấy Sàriputta đang ngồi thiền định gần ngài nên nói lên câu kệ này:
‘Tâm tăng thượng ẩn sĩ’.
Ngài nghe câu kệ này, nên về rừng sâu chỉ lập đi lập lại câu kệ này, đến nỗi người ta đặt tên ngài là Ekuddàniyo (vị thuộc một câu kệ).
Một ngày kia, tâm tư ngài được định tĩnh với thiền quán triển khai, ngài chứng quả A-la-hán sống trong an lạc giải thoát, ngài được Tôn giả Sàriputta mời đến để trình bày sự thành đạt của mình, ngài nói lên bài kệ này:
Bài kệ này trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(LXIX) Channa (Thera. 10)
Khi Thế Tôn còn sống trong gia đình vua Suddhodana (Tịnh Phạn), ngài xuất thân từ con một người nô lệ và được đặt tên là Channa. Sống đồng thời với đức Phật, ngài khởi lòng tin đức Thế Tôn, khi bậc Ðạo Sư về thăm lại gia đình, rồi ngài xuất gia. Vì lòng thương mến Thế Tôn, vì tự phụ tự đắc đối với ‘đức Phật của chúng ta, giáo pháp của chúng ta’ ngài không thể chinh phục khuyết điểm này và không làm tròn bổn phận của một người Sa-di, khi Thế Tôn mệnh chung, theo lời dặn của Thế Tôn cần phải phạt nặng Channa, ngài xấu hổ, chế ngự được khuyết điểm này, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Sung sướng với quả chứng của mình, ngài nói lên sự sung sướng của mình trong bài kệ như sau:
(LXX) Punna (Thera. 11)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở nước Sunàparanta, tại hải cảng Suppàraka, trong nhà một thị dân tên Punna (Phú-lâu-na). Ðến tuổi trưởng thành, ngài đi với một đoàn thương gia đến Sàvatthi, khi bậc Ðạo Sư cũng ở đấy. Ngài đi nghe Thế Tôn thuyết pháp tại ngôi tinh xá cùng với các cư sĩ địa phương, ngài khởi lòng tin rồi xuất gia. Và trong một thời gian, ngài rất được quý mến giữa các vị giáo thọ sư, bởi ngài tài giỏi về biện luận. Một ngày kia, ngài đến bậc Ðạo Sư, nhờ bậc Ðạo Sư giảng dạy để có thể đi Sunàparanta giảng dạy và an trú tại đấy. Ðức Phật rống tiếng rống con sư tử bảo ngài: ‘Này Punna, có những pháp do con mắt nhận thức….’ Rồi Punna ra đi, tu tập thiền định trí tuệ, chứng được Ba minh. Khi ngài chứng quả A-la-hán, ngài giáo hóa được nhiều người theo đạo, hơn năm trăm nam cư sĩ và nữ cư sĩ.
Khi ngài sắp mệnh chung. Ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ như sau:
Phẩm Tám
(LXXI) Vacchapàla (Thera. 11)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha, con một gia đình Bà-la-môn giàu có và được đặt tên và Vacchapàla, ngài chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa vua Bimbisàra với đức Phật. Sự hàng phục của Uruvela Kassapa trước Thế Tôn, ngài khởi lòng tin và xin xuất gia, chỉ trong một tuần, ngài triển khai thiền quán và chứng sáu thắng trí.
Chứng quả A-la-hán, ngài vui vẻ tán thán quả chứng này và quả chứng Niết-bàn trong bài kệ như sau:
Bài kệ này là lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(LXXII) Atuma (Thera. 11)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con một vị nghị sĩ, được đặt tên là Atuma. Khi ngài lớn lên, mẹ ngài tìm cho ngài một người vợ và hỏi ý kiến bà con, nhưng ngài không chịu vì chán ngấy nếp sống gia đình. Mặc dầu ngài xuất gia và sống với các Tỷ-kheo, mẹ ngài vẫn tìm cách cám dỗ ngài hoàn tục. Ngài nói lên chí nguyện với bài kệ như sau:
Khi ngài đang đứng nói chuyện với mẹ ngài, ngài triển khai thiền quán, từ bỏ các cấu uế, trở thành vị A-la-hán.
(LXXIII) Mànava (Thera. 11)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong nhà một Bà-la-môn có danh tiếng. Trong bảy năm, ngài được nuôi dưỡng trong nhà, không ra ngoài đường; khi được ra ngoài đường, ngài thấy một người già, một người bệnh, một người chết. Ðược nghe thấy những sự kiện này, ngài phát lòng sợ hãi, đi đến tinh xá, nghe thuyết pháp, được cha mẹ cho phép, ngài được xuất gia. Rồi ngài phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán.
Khi ngài đến ngôi tinh xá, các Tỷ-kheo hỏi vì sao ngài xin xuất gia sớm và trẻ như vậy, ngài tuyên bố chánh trí của ngài và nói lên bài kệ này:
(LXXIV) Suyàman (Thera. 11)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàli, con của một Bà-la-môn. Ngài lớn lên, thiện xảo ba tập Vệ-đà, không ưa thích đời sống gia đình, vui thích thiền định. Ngài gặp Thế Tôn ở Sàli, khởi lòng tin xuất gia, chứng quả A-la-hán, khi đầu được cạo tóc.
Rồi ngài nói lên sự từ bỏ các triền cái và chánh trí của mình, với bài kệ như sau:
(LXXV) Susàrada (Thera. 11)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại sanh quán của Tôn giả Sàriputta và được gọi là Susàrada (vì ngài lớn lên chậm chạp). Ngài được Tôn giả Sàriputta giáo hóa và không bao lâu, trong địa vị Tỷ-kheo, ngài chứng quả A-la-hán và nói lên chánh trí của mình với bài kệ như sau:
(LXXVI) Piyanjaha (Thera. 11)
Ngài được sanh ở Vesàli trong thời đức Phật hiện tại, trong một gia đình quý phái Licchavì. Khi lớn lên, ngài rất thích thú chiến tranh và trở thành một chiến sĩ không ai thắng nổi, sẵn sàng hy sinh những gì thân nhất của mình, đến nỗi ngài được đặt tên là Piyanjaha (vị từ bỏ những gì thân ái). Nhưng khi đức Phật đến Vesàli, ngài khởi lòng tin, xuất gia sống ở trong rừng, phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán. Khi đã chứng quả A-la-hán, ngài nghĩ thật là khác biệt giữa thành công ở đời và thành công bậc Thánh. Với thiền quán ấy, ngài nói lên chánh trí, và tuyên bố bài kệ này:
(LXXVII) Hatthàroha- Putta (Thera. 12)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình người nài voi, và lớn lên ngài giỏi trong nghề điều khiển voi. Một ngày kia, khi đang huấn luyện con voi, vì điều kiện chín muồi, ngài suy nghĩ: ‘Chế ngự voi để làm gì cho ta. Tốt hơn là chế ngự ta’. Rồi ngài đi đến Thế Tôn nghe pháp khởi lòng tin, xuất gia, và triển khai thiền quán trên căn bản thiền tư về giới luật. Như một người nài chế ngự thú tánh con voi bằng cái móc, ngài thiền định không cho tư tưởng chạy loạn khỏi đề tài thiền quán, ngài nói lên bài kệ:
Nhờ làm vậy, thiền quán được triển khai, ngài chứng quả A-la-hán.
(LXXVIII) Mendasira (Thera. 12)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàketa, trong một gia đình một thị dân. Vì ngài giống con dê, ngài được tên là Mendasìra (đầu dê). Khi Thế Tôn ở Sàketa, tại rừng Anjana, Mendasìra khởi lên lòng tin, xuất gia tu chỉ và quán, chứng được sáu thắng trí, ngài có thể nhớ đến các kiếp trước:
Và bài kệ này nói lên chánh trí của ngài.
(LXXIX) Rakkhita (Thera. 12)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở thành Devadaha, trong gia đình một quý phái Thích-ca, tên là Rakkhita, ngài là một trong năm trăm các hoàng tử dòng họ Thích-ca được xuất gia để làm hộ chúng cho Thế Tôn, theo quyết định các vua chúa Thích-ca và Koliya. Ðức Phật đã cảm hóa các hoàng tử tuổi trẻ này với câu chuyện tiền thân Kunàla, một bài học về sự nguy hiểm của dục vọng. Liên hệ bài học này với đề tài thiền quán, ngài triển khai thiền quán và chứng quả A-la-hán. Sau đó suy nghĩ đến sự xuất ly của mình khỏi các phiền não, ngài nói lên chánh trí của mình với bài kệ như sau:
(LXXX) Ugga (Thera. 12)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kosala, tại thành phố Ugga, con một gia đình nghị sĩ, được đặt tên là Ugga. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài đến nghe đức Thế Tôn thuyết pháp, khi đức Thế Tôn đến thành này, khởi lòng tin xuất gia, cuối cùng chứng quả A-la-hán. Rồi ngài tuyên bố chặt đứt sợi dây chuyền tái sanh và nói lên chánh trí của ngài với bài kệ như sau:
Phẩm Chín
(LXXXI) Samitigutta (Thera. 12)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, tên là Samitigutta (hộ trì nhờ hòa khí). Nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, ngài xuất gia và chứng được giới thanh tịnh. Do kết quả nghiệp đời trước, ngài bị bệnh hủi, tay chân của ngài rơi xuống từng phần một, ngài sống trong một nhà bệnh.
Một hôm, Tôn giả Sàriputta đi thăm các người bệnh và hỏi thăm các bệnh nhân, thấy Samitigutta, Tôn giả cho một đề tài để thiền quán, nói rằng: ‘Này Hiền giả, nếu nói về vấn đề năm thủ uẩn, thời toàn bộ khổ uẩn là một vấn đề cảm thọ. Và khi không có năm uẩn, thời không có đau khổ’. Nói xong, Tôn giả Sàriputta tiếp tục đi. Nhưng bệnh nhân Samigutta được phấn khởi với bài dạy ấy, triển khai thiền quán và chứng được sáu thắng trí. Nhờ đó, ngài nhớ đến các hành ngài làm đời trước, khiến nay ngài phải mắc bệnh hủi. Và tán thán sự kiện này mọi việc đã được chấm dứt, ngài nói lên bài kệ:
(LXXXII) Kassapa (Thera. 12)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con một Bà-la-môn thuộc Tây Bắc (Udicca-hahmanacsa) và được đặt tên là Kassapa. Cha ngài mất khi ngài còn nhỏ, mẹ ngài nuôi ngài lớn lên. Một ngày kia, ngài nghe đức Phật giảng ở Jetavana, ngay lúc ấy nhờ nghiệp duyên thuần thục, ngài chứng được Sơ quả. Ngài đi đến gặp mẹ và xin xuất gia.
Khi đức Phật an cư, làm lễ tự tứ xong, bắt đầu bộ hành, Kassapa muốn được đi theo Thế Tôn. Trước hết ngài đến xin phép bà mẹ và được mẹ cho phép đi với lời khuyên dạy như sau:
Ngài suy nghĩ ‘Mẹ ta muốn ta đến đến chỗ ta giải thoát khỏi phiền não, như vậy đây là dịp cho ta đạt được giải thoát hoàn toàn, không có sầu não buồn phiền’.
Rồi ngài cố gắng triển khai thiền quán, chứng quả A-la-hán. Vì rằng lời khuyên của mẹ giúp ngài tinh tấn hành trì chứng quả, nên ngài nói lại bài kệ ấy.
(LXXXIII) Sìha (Thera. 12)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở xứ Malla, trong gia đình hoàng tộc và được đặt tên là Sìha. Khi thấy đức Phật, ngài bị cảm hóa, đảnh lễ và ngồi xuống một bên, bậc Ðạo Sư biết được tâm tư của ngài, thuyết pháp cho ngài, ngài khởi lòng tin, xuất gia và lấy một đề tài vào trong rừng để thiền quán. Tâm tư của ngài bị nhiều đối tượng ám ảnh, ngài không thể thiền định, bậc Ðạo Sư thấy vậy, liền nói lên với ngài bài kệ như sau:
Nhờ vậy ngài có thể triển khai thiền quán và chứng quả A-la-hán. Lúc nói lên chánh trí của mình, ngài đọc lại bài kệ trên.
(LXXXIV) Nita (Thera. 13)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Sàvatthi, con một Bà-la-môn và được đặt tên là Nita. Khi lớn lên, ngài nghĩ: ‘Các tu sĩ Thích-ca thật may mắn, được cúng dường đầy đủ các vật cần dùng. Thật là một đời sống thoải mái, đời sống của một Tu sĩ’. Rồi ngài xin xuất gia để được sống thoải mái, không chú ý đến tu tập, ăn no, nói chuyện nhảm nhí, và ban đêm ngủ dài. Bậc Ðạo Sư thấy được thiện duyên của ngài đời trước, nên nói lên bài kệ này để giáo giới ngài.
Bị dao động bởi lời dạy của bậc Ðạo Sư, ngài triển khai thiền quán, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ngài nói lên chánh trí của ngài, bằng cách lập lại bài kệ trên.
(LXXXV) Sunàga (Thera. 13)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở làng Nàlaka, con một Bà-la-môn và bạn của Sàriputta trước khi Sàriputta xuất gia. Nghe Tôn giả Sàriputta thuyết pháp, ngài xuất gia, an trú trên thiền quán và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Do vậy, khi ngài dạy cho các Tỷ-kheo, ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ:
(LXXXVI) Nàgita (Thera. 13)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ỏ Kapilavatthu, trong gia đình hoàng tộc Thích-ca, tên là Nàgita. Khi bậc Ðạo Sư đến tại chỗ của ngài, Thế Tôn thuyết kinh Mật Hoàn, ngài khởi lòng tin, xuất gia không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi hân hoan với sự thật trong lời dạy của đức Phật, và sự chỉ đạo có hiệu quả của Chánh pháp, ngài nói lên bài kệ này:
(LXXXVII) Pavittha (Thera. 13)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sống ở quốc độ Magadha, trong một gia đình Bà-la-môn, tánh thiên về đời sống ẩn sĩ, ngài trở thành một du sĩ. Sau khi học tập, ngài đi chỗ này chỗ khác, nghe Upatissa và Kolita (Sàriputta và Moggallàna) xuất gia theo đức Phật, nghĩ rằng giáo hội này phải tốt đẹp mới có những vị như vậy chấp nhận. Ngài đến nghe đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin, xuất gia không bao lâu chứng quả A-la-hán, ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ này:
(LXXXVIII) Ajjuna (Thera. 13)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong gia đình một nghị sĩ, được đặt tên là Ajjuna. Khi lớn lên, ngài liên hệ với phái Ni-kiền-tử, xuất gia trong tôn phái này khi còn trẻ, nghĩ rằng sẽ tìm được đạo giải thoát. Nhưng ngài không tìm được gì trong giáo hội ấy, ngài gặp bậc Ðạo Sư, khởi lòng tin, xuất gia và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Hân hoan trong quả chứng của mình, ngài nói lên bài kệ này:
(LXXXIX) Devasabha (Thera. 13)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài là con của một hoàng tộc, lên ngôi vua khi còn trẻ. Nhưng khi tỉnh ngộ, ngài đi nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, từ bỏ ngôi vua, xuất gia và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Ngài hân hoan khi nghĩ đến những uế nhiễm ngài đã từ bỏ, và nói lên bài kệ này:
(XC) Sàmidatta (Thera. 13)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con một Bà-la-môn, được đặt tên là Sàmidatta. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài nghe uy lực của đức Phật, và đi đến tinh xá với những cư sĩ để nghe bậc Thế Tôn thuyết pháp, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm trong một thời gian, ngài không có nhiệt tâm tu tập, cuối cùng, lại được nghe đức Phật thuyết pháp, ngài trở nên phấn khởi, nhiệt tâm và chứng thực quả A-la-hán.
Về sau, các Tỷ-kheo hỏi ngài: ‘Làm sao Hiền giả chứng được pháp Thượng nhân?’ Và ngài nói lên hiệu năng của giáo pháp, sự tu chứng pháp và tùy pháp. Ngài tuyên bố chánh trí của ngài trong bài kệ như sau:
Phẩm Mười
(XCI) Paripunnaka (Thera. 13)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu trong gia đình dòng họ Thích-ca. Vì khả năng và tài sản của ngài được viên mãn. Ngài được biết với tên là Paripumaka (viên mãn), ngài có đủ điều kiện để luôn luôn thưởng thức các vị ăn ngon. Nhưng khi ngài được nghe bậc Ðạo Sư dùng các đồ ăn khất thực, ngài nghĩ: ‘Thế Tôn được nuôi dưỡng rất được nuông chiều, nhưng nay Ngài lại dùng các đồ ăn như vậy để hưởng Niết-bàn an lạc. Vậy sao ta lại ham muốn đồ ăn ngon?’. Bị dao động, ngài từ bỏ gia đình, xuất gia, lấy đề tài tu tập về thân từ nơi bậc Ðạo Sư, cuối cùng ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài nói lên bài kệ này:
(XCII) Vijaya (Thera. 13)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Vijaya. Khi được học giáo lý Bà-la-môn, ngài xuất gia, đời sống một vị ẩn sĩ, sống trong rừng, thực hành thiền định, ngài nghe đến sứ mệnh của đức Phật, hoan hỷ đến kính chào Thế Tôn và nghe pháp. Rồi ngài xuất gia trong giới luật của đức Phật, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Ngài nói lên chánh trí của ngài trong bài kệ sau đây:
(XCIII) Eraka (Thera. 14)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con của một người có địa vị, được đặt tên là Eraka. Ngài khôi ngô, tuấn tú, làm mọi công việc đều thông suốt thành tựu.
Cha mẹ cưới cho ngài một người vợ trẻ đẹp có giới hạnh. Nhưng vì là đời sống cuối cùng nên ngài sanh dao động và tìm kiếm đến gặp bậc Ðạo Sư. Khi nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, ngài xuất gia, bậc Ðạo Sư cho ngài đề tài để tu hành, nhưng trong một thời gian ngài bị các suy tư bất thiện ám ảnh, đức Thế Tôn biết được tâm tư của ngài nên nói lên bài kệ dạy ngài, ngài rất hối hận sở hành của mình khi nghe lời Phật dạy, ngài trở nên tinh tấn, phát triển thiền quán, không bao lâu chứng quả A-la-hán, Ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ sau đây:
(XCIV) Mettajì (Thera. 14)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở nước Magadha (Ma-kiệt-đà), con một vị Bà-la-môn và được đặt tên là Mettajì. Lớn lên, ngài thấy sự đau khổ của dục và sống ở trong rừng làm một vị ẩn sĩ. Khi nghe sứ mệnh đức Phật và do thiện duyên thúc đẩy, ngài đến gặp đức Phật và hỏi về sự tu hành tấn thối của Ngài, câu trả lời của đức Phật khiến ngài phát khởi lòng tin xuất gia, và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Với bài kệ này, ngài tán thán bậc Ðạo Sư:
(XCV) Cakkupàla (Thera. 14)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con của người điền chủ tên Mahàsuvanna, được đặt tên là Pàla, ngài cũng được gọi là Pàla anh, vì em ngài được gọi là Pàla em, cả hai anh em được cha mẹ giao phó cho những công việc ở gia đình. Khi bậc Ðạo Sư đến tinh xá Kỳ Viên, Pàla anh giao gia sản cho người em và xuất gia. Sau sáu năm làm Sa-di, ngài đi với sáu mươi Tỷ-kheo để học hỏi Chánh pháp. Các vị này lựa một ngôi rừng gần một ngôi làng biên địa, tại chỗ ấy, dân làng là các Phật tử cư sĩ, và ngài sống trong một chòi lá, sống hạnh viễn ly của một vị tu hành.
Ngài bị đau mắt và một vị thầy thuốc cho thuốc chữa, ngài không chịu nghe theo lời thầy thuốc, bệnh nặng thêm. Ngài nghĩ: ‘Thà làm cho chấm dứt các kiết sử của ta, còn tốt hơn là chấm dứt bệnh đau mắt’. Như vậy, ngài bỏ qua bệnh đau mắt, chỉ lo phát triển thiền quán, cho đến khi ngài chứng quả A-la-hán thời cũng mù mắt luôn. Ngài được gọi là vị A-la-hán khô.
Các cư sĩ hỏi các Tỷ-kheo về ngài và nghe nói ngài mù nên các cư sĩ hết lòng săn sóc cho ngài. Rồi các Tỷ-kheo khác cũng chứng quả A-la-hán và đề nghị đến Sàvatthi (Xá-vệ) để yết kiến bậc Ðạo Sư. Nhưng ngài nói: ‘Tôi yếu và mù, con đường đi không phải là không nguy hiểm. Tôi sẽ làm trở ngại cho các vị, các vị hãy đi trước, thay mặt tôi đảnh lễ bậc Ðạo Sư và các đại đệ tử khác, hãy nói với Pàla em tôi về tình trạng của tôi, và gửi cho tôi một người giúp đỡ”. Cuối cùng, các Tỷ-kheo nhận lời đi, sau khi từ biệt các vị hộ chủ và sắp đặt cho ngài một chỗ ở. Các Tỷ-kheo làm theo lời dặn của ngài và Pàla em bảo người cháu tên là Pàlika đi đến giúp đỡ ngài. Các Tỷ-kheo làm lễ xuất gia cho Pàlika, vì con đường đi không có an toàn cho một người cư sĩ. Pàlika đi đến ngài và cả hai người đều lên đường đi đến Sàvatthi. Giữa đường, Pàlika nghe một phụ nữ hát và đến tình tự với người ấy. Ngài biết được nên đuổi Pàlika đi, một mình đi đến Sàvatthi. Hạnh đức của ngài làm cho chỗ ngồi của Sakka (Ðế Thích) nóng và Sakka hiện hóa một người dẫn đường cho ngài đi đến tinh xá Kỳ Viên, ngay vào buổi chiều ấy. Trong khi ngài ở Kỳ Viên, Pàla em lo phụng dưỡng ngài, ngài nói lên bài kệ như sau, khi ngài đuổi Pàlika đi.
(XCVI) Khandasumana (Thera. 14)
Trong thời đức Phật hiện tại, tái sanh trong một gia đình của vua Màlla, ngài được đặt tên là Khandasumana (Bông lài), vì khi ngài sanh, bông lài nở hoa, ngài nghe đức Phật thuyết pháp khi đức Phật trú ở tại rừng xoài của Cunda ở Ràvà, xuất gia và chứng được sáu thắng trí. Rồi ngài nhớ đến đời sống quá khứ khi ngài cúng một nhánh bông lài tại tháp của đức Phật Kassapa, trong khi tất cả bông hái được đều thuộc về của vua. Nhận thấy cử chỉ của ngài giúp ngài chứng được quả Niết-bàn, ngài nói lên bài kệ như sau:
(XCVII) Tissa (Thera. 14)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại thành phố Roguva trong một gia đình vua chúa. Khi phụ vương mất, ngài tiếp nối sự nghiệp của vua cha. Như một đồng minh với vua Bimbisàra, ngài gửi vua các tặng vật châu báu, ngọc và y áo. Vua gửi ngài đời sống của đức Phật vẽ trên tấm tranh và lý duyên khởi được khắc trên một đĩa bằng vàng. Khi ngài thấy vật này, vì lời phát nguyện trước các đức Phật quá khứ, vì nhân duyên đời sống cuối cùng, ngài suy tư định lý ấy, quán sát qua lại nhiều lần, học thuộc lòng nhiều lần, cho đến khi ngài cảm thấy dao động và đi đến kết luận: ‘Nay ta đã được thấy hình dung của Thế Tôn cùng với quá trình giáo lý của Ngài. Các dục đầy những đau khổ, vậy ta sống đời sống gia đình làm gì?’ Rồi ngài thoái vị, xuất gia, cầm bát bằng đất và với một số quần chúng đi theo và khóc than, như Hoàng tử Pukkusàti, ngài từ bỏ hoàng cung, đi đến Rajagaha (Vương Xá). Tại đấy, ngài ở tại hang Sabhasondika và yết kiến Thế Tôn. Nhờ Thế Tôn thuyết pháp, ngài chứng quả A-la-hán. Nói đến kinh nghiệm bản thân, ngài nói lên bài kệ:
(XCVIII) Abhaya (2) (Thera. 14)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Abhaya. Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, ngài xuất gia. Một hôm, ngài đi khất thực ở trong làng, thấy một nữ nhân ăn mặc rất đẹp đẽ, tâm tư ngài bị dao động, khi trở về tịnh xá, ngài suy nghĩ: ‘Thấy một sắc pháp, tâm ta sanh cấu uế, ta đã phạm lỗi lầm’. Từ bỏ tâm tư ấy, ngài phát triển thiền quán và chứng A-la-hán. Rồi ngài nói lên sự sai lầm và sự thức tỉnh của ngài ngang qua bài kệ:
(XCIX) Uttiya (Thera. 14)
Ngài tái sanh ở Kapilavatthu, trong thời đức Phật hiện tại, trong một gia đình vương tộc Thích-ca, được đặt tên là Uttiya. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài chứng kiến sức mạnh của đức Phật, khi ngài đến thăm các gia đình bà con của ngài, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Trong thời kỳ tu học, ngài đi vào làng khất thực, nghe một nữ nhân ca hát, thiền định của ngài bị thối thất và lòng dục khởi lên. Chế ngự với sức mạnh suy tư, ngài bước vào tịnh xá rất dao động, ngài ngồi thiền định vào buổi trưa, phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán.
Rồi ngài nói lên sự giải thoát của ngài khỏi đau khổ sanh tử, nhờ nhàm chán các dục trong bài kệ sau đây:
(C) Devasabha (II) (Thera. 14)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài tái sanh trong một gia đình hoàng tộc Thích-ca, và được đặt tên là Devasabha. Khi lớn lên ngài khởi lòng tin khi Thế Tôn giải quyết sự tranh chấp giữa dòng họ Thích-ca và dòng họ Koliya, ngài xin quy y ba ngôi báu. Khi đức Phật ở vườn cây bàng, ngài đi đến gặp Thế Tôn, lần này ngài xuất gia, ngài chứng quả A-la-hán , trú trên an lạc giải thoát, ngài nói lên sự phấn khởi của ngài với bài kệ như sau:
Phẩm Mười Một
(CI) Belatthakàni (Thera. 15)
Tái sanh trong thời đức Phật hiện tại ở Sàvatthi trong một gia đình Bà-la-môn, ngài được đặt tên là Belatthakàni. Sau khi nghe đức Phật thuyết giảng, ngài xuất gia, tu tập chỉ quán trong một khu rừng ở Kosala. Nhưng ngài rất biếng nhác và hay nói lời thô ngữ, do vậy tâm tư ngài không chơn chánh để tu tập, Thế Tôn biết được thiền quán chín muồi của ngài, khích lệ ngài với bài kệ như sau:
Như thấy đức Bổn Sư trước mặt, ngài cảm thấy xúc động mãnh liệt khi nghe bài kệ này và triển khai thiền quán, không bao lâu chứng quả A-la-hán, ngài dùng bài kệ này nói lên chánh trí của ngài.
(CII) Setuccha (Thera. 15)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một vị Của địa phương. Không thể giữ nước nhà độc lập, ngài bị mất ngôi vua. Lang thang trong nước với tâm tư sầu khổ, ngài thấy và nghe Thế Tôn thuyết pháp, xuất gia, chứng quả A-la-hán. Cân nhắc trong bài kệ, chống đối đời thế tục, ngài nói lên chánh trí của ngài:
(CIII) Bandhura (Thera. 15)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở thành Silàvatì, con của một người nghị sĩ được đặt tên là Bandhara. Một hôm, đi đến Sàvatthi có công việc, ngài đi với một số cư sĩ đến ngôi tinh xá, nghe Thế Tôn thuyết giảng, khởi lòng tin, xuất gia và chứng quả A-la-hán. Ðể đền ơn vị vua của mình, đã giúp đỡ cho ngài thành công, ngài đi đến Sìlavatì để thuyết pháp, giảng cho vị vua về Bốn sự thật. Vị vua trở thành một Phật tử, xây dựng một ngôi tinh xá lớn đặt tên là Sudassana, cúng dường cho ngài. Ngài cúng dường tất cả cho giáo hội, đi khất thực như lúc trước và ngài muốn đi đến Sàvatthi. Các Tỷ-kheo nói với ngài: ‘Hãy ở lại đây với chúng tôi, nếu Hiền giả thiếu thốn điều gì, chúng tôi sẽ tìm kiếm cho Hiền giả!’. Ngài trả lời: ‘Tôi không có cần điều gì khác, tôi sống với những gì tôi có được. Tôi tự bằng lòng với vị của Chánh pháp’. Và ngài nói lên bài kệ:
(CIV) Khitaka (Thera. 15)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ), trong gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, nghe danh tiếng của ngài Mahà Moggallàna (Ðại Mục-kiền-liên) về thần thông lực, ngài nghĩ: ‘Ta rồi cũng sẽ như vậy’. Thúc đẩy bởi thiện duyên đời trước, ngài xuất gia tinh tấn tu tập chỉ và quán, không bao lâu chứng được sáu thắng trí. Rồi dùng sáu thắng trí ấy, ngài bắt đầu thi ơn cho chúng sanh với thần túc thông và tha tâm thông. Khi các Tỷ-kheo hỏi ngài: ‘Hiền giả Khitaka, có phải Hiền giả dùng thần thông?’, ngài trả lời với bài kệ:
(CV) Malytavambha (Thera. 15)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn, ở thành phố Kurukaccha. Ngài được Trưởng lão Bacchabhu cảm hóa và xuất gia, tu tập thiền quán, ngài trú tại chỗ đồ ăn khất thực khó kiếm, chỗ nào ba đồ vật dụng cần thiết khó kiếm, còn đồ ăn khất thực dễ kiếm thời ngài bỏ đi. Tiếp tục như vậy, và nhờ thiện duyên đời trước, ngài trở thành bậc Ðại nhân, phát triển thiền quán và chứng được quả A-la-hán. Suy nghĩ trên quả chứng của mình, ngài nói lên bài kệ:
(CVI) Suhemanta (Thera. 15)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở nơi biên địa, con một Bà-la-môn giàu có, ngài đến nghe đức Phật thuyết pháp, tại vườn Lộc Uyển ở thành phố Sankassa, Ngài xuất gia và trở thành người tụng đọc ba Tạng, cuối cùng chứng được sáu thắng trí. Ngài suy nghĩ: ‘Ta đã được những gì một người đệ tử có thể chứng. Vậy ta hãy phục vụ cho giáo hội’. Rồi ngài thuyết giảng cho các Tỷ-kheo và giải quyết các vấn đề khó khăn của các vị ấy. Một hôm, ngài nói với đại chúng và các người có trí như sau:
Như vậy, vị Trưởng lão nói lên trước các Tỷ-kheo về trí tuệ, phân tích biệt tài của ngài.
(CVII) Dhammasava (Thera. 15)
Sanh tại xứ Magadha (Ma-kiệt-đà), trong một gia đình Bà-la-môn, bị thúc đẩy bởi điều kiện chín muồi, ngài chọn đời sống xuất gia, bỏ đời sống thế tục. Tìm gặp bậc Ðạo Sư ở núi Nam Sơn, ngài nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, xin xuất gia, sau một thời gian chứng quả A-la-hán. Hoan hỷ với quả chứng của mình, ngài nói lên bài kệ:
(CVIII) Phụ Thân Của Dhammasava (Thera. 15)
Ngài theo gương người con, nói rằng: ‘Con ta từ bỏ đời sống thế tục khi còn trẻ như vậy, sao ta không noi theo gương?’ Rồi ngài tìm gặp Thế Tôn xuất gia, không bao lâu chứng quả A-la-hán và nói lên bài kệ:
(CIX) Langha Rakkhita (Thera. 16)
Trong thời đức Phật tại thế , sanh trong một gia đình giàu có ở Sàvatthi. Ngài tìm được lòng tin, xuất gia, lấy một đề tài để thiền quán, và cùng với một Tỷ-kheo sống trong rừng. Không xa chỗ ngài ở, có con nai mẹ nuôi con nai con trong một đám cây rậm rạp, vì thương con, con nai mẹ không đi xa được, nên phải đói khát, không đủ cỏ, nước gần đó. Thấy vậy, ngài nói: ‘Thật vậy, thế giới này bị ái triền trói buộc, sống trong đau khổ, không thể chặt đứt được!’. Với cảm thọ ấy để khích lệ, ngài phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán. Thấy bạn mình nuôi dưỡng nhiều tư tưởng sai lầm, ngài giáo giới bạn mình với bài kệ như sau:
Khi nghe những lời này, vị Tỷ-kheo kia bị dao động mạnh, phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán.
(CX) Usabha (Thera. 16)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình giàu có ở Kosala, ngài khởi lên lòng tin khi bậc Ðạo Sư nhận lãnh tinh xá Jetavana (Kỳ Viên). Sau khi hành trì hạnh Sa-di, ngài sống trong rừng dưới chân núi. Vào mùa mưa, các mây xả mưa xuống cây cỏ trong rừng, các bụi cây nhóm cây đều đầy những hoa lá. Rồi ngài từ hang đi ra, thấy cây cối xanh tươi đẹp nên nghĩ rằng: ‘Các cây và các cây lau này không có ý thức, tuy vậy với mùa mưa tiếp sức, chúng được lớn mạnh. Sao ta lại không làm lớn mạnh các đức tánh tốt đẹp khi ta đã đạt thời tiết thuận tiện?’ Rồi ngài nói lên bài kệ, tuyên bố chánh trí của ngài, và với tinh tấn nghị lực, ngài chứng quả A-la-hán.
Phẩm Mười Hai
(CXI) Jenta (Thera. 16)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong nước Magadha (Ma-kiệt-đà), tại làng Jenta, con một vua địa phương. Khi đang còn trẻ, vì nghiệp duyên thúc đẩy, ngài muốn xuất gia, suy tư đến đời sống thoát tục. Ngài nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, rồi xuất gia. Tinh cần tu tập, hân hoan trong thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Suy tư đến quả chứng của mình, nhớ đến những phân vân phải gặp lúc trước, ngài phấn khởi nói lên bài kệ:
(CXII) Vacchagotta (Thera. 16)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con một Bà-la-môn giàu có. Vì có đến bốn vị Trưởng lão tên Vaccha, ngài được gọi là Vacchagotta. Khi đến tuổi trưởng thành, giỏi về Bà-la-môn giáo điển, ngài cảm thấy không thỏa mãn, vì không tìm thấy lõi cây trong sự học hỏi ấy, sau ngài trở thành một du sĩ. Nhờ vậy, ngài gặp bậc Ðạo Sĩ, bằng lòng với những câu trả lời, ngài xuất gia, và sau một thời gian, chứng được sáu thắng trí, hân hoan với quả chứng và nếp sống của mình, ngài nói lên bài kệ:
(CXIII) Vanavaccha (Thera. 16)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một Bà-la-môn giàu có ở Ràjagaha (Vuơng Xá), được đặt tên là Vanavaccha. Ngài khởi lòng tin khi bậc Ðạo Sư hội kiến với vua Bimbisàra (Bình-sa). Sau ngài xuất gia, chứng quả A-la-hán. Khi đã chứng quả A-la-hán, ngài sống trong rừng, thiên tu hạnh viễn ly, do vậy được gọi là Vanavaccha. Một hôm, ngài muốn giúp ích cho bà con đi đến Ràjagaha, sống trong một chỗ ở nhỏ, và nói với họ nếp sống của mình. Các bà con yêu cầu ngài dùng bài kệ này nói lên ngài ưa thích sống ở rừng núi và hành trì hạnh viễn ly:
Bài kệ này trở thành lời nói chánh trí của ngài.
(XIV) Adhimutta (Thera. 16)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn giàu có ở Sàvatthi, tên là Adhimutta. Ngài cảm thấy bất mãn khi thấy giáo lý Bà-la-môn không có gì căn bản. Chứng kiến uy nghi đức độ của đức Phật khi tinh xá Kỳ Viên được dâng cúng, ngài xuất gia và không bao lâu chứng quả A-la-hán, ngài giáo giới các Tỷ-kheo sống với ngài, các vị này rất là lực lưỡng, với bài kệ sau đây:
(CXV) Mahànàma (Thera. 16)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Sàvatthi trong gia đình một Bà-la-môn, được đặt tên là Mahànàma, ngài được nghe Thế Tôn thuyết pháp, khởi lòng tin và xuất gia. Lấy một đề tài làm thiền quán, ngài sống trên một ngọn đồi tên là Nesàdka. Không thể chận đứng được các dục tưởng khởi lên, ngài tuyên bố: ‘Ðời này của ta có ý nghĩa gì, với tâm tư uế nhiễm như vậy’. Tự nhàm chán với chính mình, ngài leo lên một đỉnh núi, và như muốn lao mình xuống, ngài nói với chính mình như nói với một người khác: ‘Ta sẽ giết nó!’ với bài kệ như sau:
Tự mình trách móc như vậy, vị Trưởng lão phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Bài kệ trên trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(CXVI) Pàràpariya (Thera. 17)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Ràjagaha (Vương Xá) và trở thành rất giỏi trong ba tập Vệ-đà. Vì ngài thuộc dòng họ Pàràpara, ngài được gọi là Pàràpariya và dạy các bùa chú. Ngài thấy oai nghi đức độ của đức Bổn Sư ở Pàràjagaha, xin xuất gia và chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán. Nghĩ đến đời sống hành đạo của mình, ngài nói lên sự phấn khởi hân hoan của ngài, ngang qua bài kệ:
Bài kệ này trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(CXVII) Yasa (Thera. 17)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình nhân sĩ rất giàu có ở Benares (Ba-la-nại). Ngài được nuôi dưỡng rất tinh tế, và có ba lâu đài hợp với ba mùa. Một đêm, do nhân duyên quá khứ thúc đẩy ngài thấy cảnh bất tịnh của những người hầu cận ngài. Quá xúc động trước cảnh tượng ấy, ngài đi đôi dép vàng, từ bỏ thành, nhà và được chư Thiên mở cửa thành cho. Ngài đi đến Isipatana (Chư Thiên đọa xứ), vừa đi vừa than ‘Ôi sầu khổ thay! Ôi nguy hiểm thay!’. Lúc ấy, Thế Tôn đang đi ngoài trời ở Isipatana, thấy Yasa như vậy liền gọi: ‘Hãy đến đây, này Yasa! Ở đây, không có sâu khổ, không có nguy hiểm!’. Nghe vậy, ngài rất hoan hỷ, cởi dép để một bên, ngồi xuống bên cạnh Thế Tôn. Bậc Ðạo Sư thứ lớp thuyết giảng cho Yasa về Bốn sự thật, khi giảng xong. Ngài trở thành một Phật tử. Và khi đức Phật thuyết giảng cho phụ thân Yasa đến kiếm ngài, ngài chứng quả A-la-hán.
Rồi đức Phật đưa bàn tay mặt ra đón Yasa và nói: ‘Hãy đến, này Tỷ-kheo’, khi nói vậy, tóc của Yasa được cắt ngắn lại bằng hai ngón tay và có được đầy đủ tám vật cần dùng. Suy tư đến quả chứng và nếp sống của mình, ngài cảm thấy hân hoan khi nghe hai chữ: ‘Hãy đến đây, Tỷ-kheo’ và nói lên bài kệ:
(CXVIII) Kimliba (Thera. 17)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), trong một gia đình một vị vua dòng họ Thích-ca, tên là Kimbila, ngài hưởng được tài sản rất nhiều. Bậc Ðạo Sư thấy được thiền quán của ngài chín muồi khi ngài ở Anupiya, để khích lệ ngài, Thế Tôn cho hiện lên một nữ nhân rất đẹp trong tuổi trẻ và làm cho ngài thấy nữ nhân ấy từ tuổi trẻ bước qua tuổi già. Kimbila thấy vậy rất xúc động và nói lên bài kệ:
Nghĩ đến lẽ vô thường, ngài cảm thấy dao động mạnh, và đi đến bậc Ðạo Sư, nghe pháp, xuất gia và sau một thời gian, chứng quả A-la-hán. Ngài nhấn mạnh cái nhìn thường hằng trước của ngài đối với sự vật, và nói lại bài kệ, này như nói lên chánh trí của ngài.
(CXIX) Vajji-Putta (Thera. 17)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một vị vua Licchaivì ở Vesàli, và được gọi là con của Vajji, vì phụ thân thuộc về dòng họ này. Khi còn trẻ, thiên về huấn luyện voi, thúc đẩy bởi nhân duyên chín muồi để giải thoát, ngài đi đến tinh xá đúng lúc bậc Ðạo Sư thuyết giảng, sau khi nghe, ngài xuất gia, sau một thời gian chứng sáu thắng trí.
Sau một thời gian, sau khi bậc Ðạo Sư vừa nhập Niết-bàn, ngài cùng với các bậc Trưởng lão thỏa thuận cố gắng duy trì Chánh pháp không có suy suyển, và cùng với các vị Trưởng lão đi từ chỗ này đến chỗ kia. Một hôm ngài thấy Tôn giả Ananda đang thuyết pháp cho một số đông người, để khích lệ Tôn giả Ananda chứng quả cao hơn, ngài nói lên bài kệ này:
(CXX) Isidatta (Thera. 17)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh trong xứ Avanti, tại vườn Velugàma, làm con một người lữ hành trưởng, ngài trở thành bạn của Citta, một gia chủ ở Macchikasanda, bằng cách giao thiệp thư từ đầu cho hai người chưa gặp nhau. Citta viết cho ngài về sự tuyệt diệu của đức Phật, gửi cho ngài tư liệu về tổ chức giáo hội, ngài cảm thấy xúc động mạnh và xin xuất gia, với sự chỉ đạo của Mahà Kaccàna (Ðại Ca-chiên-diên). Cuối cùng ngài chứng được sáu thắng trí, ngài quyết định đi đến yết kiến đức Phật, từ biệt Trưởng lão, và đi đến xứ Trung biên (thung lũng sông Hằng) yết kiến đức Bổn sư. Bậc Ðạo Sư hỏi ngài về sự tiến bộ trên đường tu hành, ngài trả lời: ‘Từ khi con tu tập trong Pháp và Luật của Ngài, mọi sầu khổ đều chấm dứt, và con sống không có sợ hãi’. Rồi ngài nói lên chánh trí của mình với bài kệ như sau:
Chương II – Hai Kệ
-ooOoo-
Phẩm Một
(CXXI) Utara (Thera. 18)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con một Bà-la-môn có danh tiếng, được đặt tên là Uttara. Ngài thông suốt giáo điển Vệ-đà, và có danh tiếng về gia tộc, về dung sắc, về thông minh, về đức hạnh. Vassakàra, một vị bộ trưởng có danh ở Magadha (Ma-kiệt-đà), thấy những thành tích của ngài, muốn gả con gái cho ngài, nhưng ngài đã thiên về hạnh giải thoát nên đã từ chối và ngài đến nghe ngài Sàriputta (Xá-lợi-phất) thuyết giảng. Với lòng tin, ngài xuất gia, làm tròn bổn phận của người Sa-di, hầu hạ Tôn giả Sàriputta.
Một hôm, Tôn giả Sàriputta bị bệnh, Uttara đi tìm một y sĩ chữa bệnh, ngài đặt bình bát ngài trên bờ hồ để xuống hồ nước súc miệng. Một người ăn trộm, bị lính đuổi, chạy ra khỏi cửa thành, khi chạy ngang liền quăng bỏ các châu báu đánh cắp vào trong bình bát của người Sa-di và bỏ chạy. Khi các người lính đến, thấy đồ châu báu trong bình bát của ngài liền bắt ngài đưa đến Bà-la-môn Vassakàra để trừng phạt ngài.
Ðức Phật nhận thấy thiền quán của ngài đã chín muồi, nên đi đến ngài, đặt nhẹ tay trên đầu ngài và nói: ‘Ðây là kết quả nghiệp trước của Thầy, Thầy cần phải chấp nhận nhờ sức mạnh suy tư’. Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho ngài, Uttara vì nhờ đức Phật đặt nhẹ tay trên đầu, tâm tư được phấn khởi, nhờ thiền quán chín muồi, nhờ uy nghi đức độ của bậc Ðạo Sư, ngài cảm thọ hỷ lạc, đoạn tận các uế nhiễm, chứng sáu thắng trí. Vươn mình lên khỏi cột trụ, ngài đứng trên hư không, hiển hiện thần thông vì lòng từ mẫn đối với kẻ khác. Trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, các vết thương của ngài được lành hẳn khi được các Tỷ-kheo khác hỏi: ‘Thưa Hiền giả, làm sao khi Hiền giả đau khổ như vậy, Hiền giả có thể phát triển thiền quán?’. Ngài trả lời ‘Khi tôi thấy rõ được sự đau khổ của mình tái sanh, và tánh nhân duyên sanh của sự vật, thời sự nguy hiểm của sự đau khổ ít hơn, hiện tại không ngăn tôi phát triển thiền quán và chứng được kết quả.
(CXXII) Pindola-Bhàradvàja (Thera. 18)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con của vị giáo sĩ của vua Udena xứ Kosambi, được đặt tên là Bhàradvàja. Sau khi học tập ba tập Vệ-đà, dạy các bài chú, bài tụng rất thành công cho các thanh niên Bà-la-môn, ngài chán ngấy với công việc đang làm. Từ giã họ, ngài đi đến Ràjagaha (Vương Xá), thấy chúng Tỷ-kheo được trọng vọng cúng dường, ngài xuất gia. Với phương pháp Phật dạy, ngài tiết độ trong ăn uống và chứng được sáu thắng trí.
Ngài tuyên bố trước mặt đức Bổn Sư rằng ngài sẵn sàng trả lời tất cả những câu hỏi của Tỷ-kheo nào nghi ngờ đến con đường và kết quả, như vậy, ngài rống tiếng rống con sư tử, đức Phật nói về ngài như sau: ‘Trong các đệ tử của Ta rống tiếng rống con sư tử, Pindola Bhàradvàja là đệ nhất’.
Rồi một người bạn cũ đến thăm ngài, một Bà-la-môn có tánh keo kiết. Vị Trưởng lão khuyên bạn nên cúng dường chúng Tăng. Vì bạn ngài tin rằng ngài cũng ích kỷ và nghĩ đến tư lợi, nên ngài dùng bài kệ để giáo giới bạn ngài:
(CXXIII) Valliya (Thera. 18)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ), con một Bà-la-môn tên tuổi, được đặt tên là Valliya. Khi đến tuổi trưởng thành, làm chủ được các căn, ngài làm bạn với người có giới đức. Rồi ngài đi đến Thế Tôn, khởi lòng tin, xuất gia, phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán. Nghĩ đến quá khứ với các sự vật thế tục, ham muốn, và như thế nào nhờ Thánh đạo, ngài thoát ly các chi phối ấy, ngài nói lên chánh trí của ngài:
(CXXIV) Gangàtiriya (Thera. 18)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Sàvatthi làm con một thị dân, được đặt tên là Datta. Trong đời sống thế tục, vì ngu si ngài phạm lỗi lầm, biết được lỗi lầm của mình, ngài sanh sầu khổ và xuất gia. Hối hận vì hành vi của mình, ngài chọn đời sống khổ hạnh, ở trên bờ sông Hằng, làm một chòi lá để ở; do vậy, ngài được gọi là Gangàtiriya (người ở trên bờ sông Hằng). Ngài nguyện không nói với một ai, như vậy cả năm, ngài không thốt ra một lời nào. Trong năm thứ hai, một nữ nhân trong làng thường cúng dường ngài, muốn biết ngài có câm hay không khi dâng sữa cúng dường, làm đổ sữa ra ngoài. Ngài mới nói: ‘Thôi vừa rồi, bà chị’. Nhưng đến năm thứ ba, ngài chứng quả A-la-hán, ngài nói lên chánh trí của ngài ngang qua lời bài kệ, tán thán hạnh cũ của ngài:
(CXXV) Ajina (Thera. 18)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong gia đình một Bà-la-môn nghèo, và khi sanh ngài được đặt trong một tấm da dê rừng, do vậy được đặt tên là Ajina. Sống trong sự bần cùng, ngài chứng kiến uy nghi đức độ của đức Phật khi tinh xá Kỳ Viên được dâng cúng. Khởi lòng tin, ngài xuất gia và không bao lâu, chứng được pháp Thượng nhân, khi chứng được quả A-la-hán, vì nghiệp duyên quá khứ, ngài không được cung kính và biết đến. Một số Sa-di không biết khinh thường ngài, ngài làm họ dao động với bài kệ:
(CXXVI) Melajina (Thera. 19)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Benares (Ba-la-nại), trong gia đình một hoàng tộc, tên là Melajina, học giỏi và hạnh đức có tiếng khắp trong nước. Khi Thế Tôn ở Ba-la-nại, tại Isipatana (chư Tiên đọa xứ), Melajina đến nghe Ngài thuyết pháp, khởi lòng tin, xuất gia và chứng quả A-la-hán. Khi các Tỷ-kheo hỏi làm sao ngài chứng được pháp Thượng nhân, ngài rống lên tiếng rống con sư tử:
(CXXVII) Ràdha (Thera. 19)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Ràjagaha (Vuơng Xá), là người Bà-la-môn. Trong khi ngài lớn tuổi, ngài không làm được bổn phận của ngài. Không được chấp nhận, ngài đi đến Thế Tôn, nói lên những ước muốn của ngài. Bậc Ðạo Sư thấy được những điều kiện căn bản được đầy đủ, nên bảo Sàriputta chấp nhận ngài xuất gia. Không bao lâu, ngài chứng quả A-la-hán. Sau đó, ngài sống gần bên bậc Ðạo Sư, trở thành một vị thuyết giảng đột xuất nhờ những lời thuyết giảng của bậc Ðạo Sư. Một hôm, thấy rõ vì sao không khéo tự huấn luyện chế ngự khiến các dục vọng có thể sanh khởi, ngài nói lên bài kệ để khích lệ giáo giới:
(CXXVIII) Suràdha (Thera. 19)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm em trai của vị Ràdha, vâng theo gương của người anh, ngài xuất gia và chứng quả A-la-hán. Ðể nêu rõ sự hướng dẫn các giới luật, ngài nói lên chánh trí của mình như sau:
(CXXIX) Gotama (Thera. 19)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Gotama. Khi còn trẻ, ngài giao du với kẻ không tốt, bao nhiêu tài sản ngài cho một kỹ nữ. Hối hận nếp sống bất chính của mình, ngài mơ thấy hình ảnh bậc Ðạo Sư đang ngồi, với tâm tư hiểu biết tâm trạng của ngài. Bậc Ðạo Sư biết được tiến bộ của ngài, sự thành tựu các nhân duyên thiết yếu, nên thuyết pháp cho ngài. Ngài khởi lòng tin, xuất gia, chứng quả A-la-hán, khi con dao đụng đến tóc ngài, khi ngài đang thọ hưởng lạc thiền định và quả giải thoát. Một cư sĩ hỏi ngài về tài sản của ngài, ngài thú nhận ngài sống không được nghiêm túc, sống phi Phạm hạnh, và với sự trong sạch hiện tại không có dục vọng, ngài nói lên chánh trí của ngài:
(CXXX) Vasabha (Thera. 19)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Vesàli, con vị vua địa phương Licchavì. Ðược cảm hóa bởi uy nghi đức độ của đức Phật khi Ngài đến thăm Vesàli, ngài xuất gia, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Biết ơn những ai ủng hộ ngài, ngài không có từ chối những vật dụng được cúng dường và hưởng thọ các vật cúng dường ấy. Người thường dâng cho ngài thích thọ hưởng, nhưng ngài không để ý những lời phê bình ấy.
Gần ngài có một vị Tỷ-kheo giả dối, lừa gạt quần chúng bằng cách giả dối sống thiểu dục tri túc, do vậy được quần chúng tôn trọng. Rồi thiên chủ Sakka (Ðế thích) thấy được sự giả dối này, đi đến Trưởng lão Vasabha hỏi: ‘Thưa Tôn giả, kẻ giả dối kia sao lại làm vậy?’. Ngài trả lời với bài kệ, chỉ trích kẻ ác bất thiện kia:
Phẩm Hai
(CXXXI) Mahàcunsa (Thera. 20)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở nước Magadha (Ma-kiệt-đà), làng Nàlaka, con của nữ Bà-la-môn Rùpusàri và em trai của Sàriputta. Ngài theo gương anh, xuất gia, và sau một thời gian tinh cần tu hành, chứng đuợc quả A-la-hán. Phấn khởi với quả chứng của mình và đời sống viễn ly, ngài nói lên bài kệ:
(CXXXII) Jotidàra (Thera. 20)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh làm con một Bà-la-môn giàu có, ở xứ Pàdiyattha, được đặt tên là Jotidàsa. Khi đến tuổi trưởng thành, một hôm, ngài thấy Tôn giả Ðại Ca-diếp (Mahà Kassapa) đi khất thực, ngài đón Tôn giả tại nhà và nghe Tôn giả thuyết pháp. Trên một ngọn đồi gần làng, ngài dựng lên một tinh xá lớn cho Tôn giả, cúng dường Tôn giả bốn vật dụng cần thiết. Bị xúc động với lời dạy của Tôn giả, ngài xuất gia và không bao lâu chứng được sáu thắng trí. Sau mười năm, ngài học ba Tạng, đặc biệt là Luật tạng, hầu hạ Tăng chúng và đi Sàvatthi cùng với một số đông Tỷ-kheo để yết kiến đức Phật. Trên đường đi, ngài đi đến vườn của một ẩn sĩ, thấy một Bà-la-môn hành trì khổ hạnh năm pháp ngài hỏi: ‘Này Bà-la-môn, sao Ông không đốt với một thứ lửa khác?’. Vị Bà-la-môn tức giận trả lời: ‘Này kẻ trọc đầu kia, ngọn lửa khác là gì?’. Trưởng lão trả lời:
Sân, tật đố, ác hạnh
Mạn, kiêu và tranh chấp,
Tham ái và vô minh,
Lòng ưa muốn tái sanh,
Những pháp này đốt cháy,
Thiêu đốt cả thân ông.
Rồi ngài thuyết pháp cho người ấy, và tất cả những người tin vào Phạm thiên xin ngài được xuất gia. Khi từ giã Sàvatthi, ngài đến thăm gia đình cũ của ngài và giáo giới các bà con như sau:
(CXXXIII) Herannakàni (Thera. 20)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một tay sai của vua Kosala và cầm đầu bọn cướp. Khi phụ thân ngài mất, ngài thừa tự chức vụ ấy. Ðược cảm hóa khi chứng kiến lễ đức Phật tiếp nhận Jetavana (Kỳ Viên), ngài cho người em trai thế chức vụ. Ngài xuất gia, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ngài tìm cách khuyên em ngài từ bỏ nghề cũ, và thấy em ngài thích thú nghề của mình, ngài khích lệ em với bài kệ như sau:
Nghe lời khuyên của ngài, người em xin phép vua nghỉ việc, xuất gia và không bao lâu được giải thoát.
(CXXXIV) Somamitta (Thera. 20)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Benares trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Somamitta. Ngài trở thành một vị thông hiểu ba tập Vệ-đà, và được Trưởng lão Vimala cảm hóa, ngài xuất gia, ngài sống gần gần vị Trưởng lão, làm trọn bổn phận của mình. Nhưng vị Trưởng lão trở thành biếng nhác và ham ngủ, Somamitta suy nghĩ: ‘Ai có thể có giới đức, sống gần một người biếng nhác?’. Rồi ngài đi đến Tôn giả Mahà Kassapa (Ðại Ca-diếp) nghe thuyết giảng, phát triển thiền quán, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ngài chỉ trích Vimala với những câu kệ như sau:
Nghe vậy, Trưởng lão Vimala rất xúc động, phát triển thiền quán, tự minh tinh tấn để được giải thoát, không bao lâu chứng đạt được mục đích.
(CXXXV) Sabbamitta (Thera. 20)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Sàvatthi, được đặt tên là Sabbamitta. Chứng kiến lễ dâng cúng tinh xá Kỳ Viên, ngài thấy được uy nghi đức độ của đức Phật, xuất gia, lựa chọn một đề tài để thiền quán, ngài sống tại một khu rừng. Sau mùa mưa, ngài đi đến Sàvatthi để đảnh lễ đức Phật, trên đường đi, ngài thấy một con nai con bị sa vào bẫy người thợ săn, con nai mẹ tuy không bị lưới chụp nhưng vì thương con nai con nên không đi xa cũng không dám đến gần cái bẫy, con nai con lăn lộn qua lại, kêu lên những tiếng thảm thiết. Vị Trưởng lão suy nghĩ: ‘Ôi, tình thương đã đem lại sự đau khổ cho các loài hữu tình!’. Ði xa hơn nữa, ngài thấy nhiều tên cướp đang lấy rơm cột vào một người chúng bắt được để đem thiêu sống. Nguời ấy la lên và vị Trưởng lão cảm thấy sầu khổ đối với hai sự việc ấy, liền nói lên bài kệ để cho các tên cướp nghe.
Nói vậy, ngài đạt đến thiền quán, chứng quả A-la-hán. Còn các tên cướp, nghe lời giáo giới của ngài, cảm thấy xúc động, từ bỏ thế tục, và thực hành Chánh pháp.
(CXXXVI) Mahàkàla (Thera. 21)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở thành Setavyà, trong gia đình một người lái buôn, được đặt tên là Mahàkàla. Khi đến tuổi trưởng thành và sống ở nhà, ngài đem theo năm trăm xe hàng hóa để buôn bán ở Sàvatthi. Khi đang nghỉ vào buổi chiều, ngài thấy các cư sĩ đem hương hoa đi đến tinh xá Jetavana (Kỳ Viên) và ngài đi theo. Tại đấy ngài nghe đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin xuất gia, quyết định lựa chọn nghĩa địa làm đề tài thiền quán, ngài sống ở trong nghĩa địa. Một hôm, một người đàn bà làm nghề thiêu đốt thân thể, để cho vị Trưởng lão một đề tài thiền quán, nên chặt tay và chân của một thân mới thiêu, lấy sọ đầu làm bình bát đựng sữa, sắp đặt tay chân đặt chúng gần bậc Trưởng lão để ngài có thể thiền quán và ngồi xuống một bên. Vị Trưởng lão thấy vậy liền tự sách tấn mình với những bài kệ như sau:
(CXXXVII) Tissa (Thera. 21)
Trong đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), trong một gia đình Bà-la-môn, tên là Tissa và trở thành một chuyên viên về ba tập Vệ-đà. Giảng bùa chú cho hơn năm trăm Bà-la-môn trẻ, và danh tiếng đồn vang. Khi Thế Tôn đến Ràjagaha (Vương Xá), Tissa thấy uy nghi đức độ của đức Phật, khởi lòng tin, xuất gia, về sau chứng quả A-la-hán,do phát triển thiền quán. Nhờ vậy, ngài trở thành có danh tiếng nữa.
Có một số Tỷ-kheo thiên về thế lợi, thấy ngài có được trọng vọng, nên không thể chịu nổi. Ngài biết như vậy, nói lên sự nguy hiểm của danh vọng và sự thoát ly của ngài đối với danh vọng, ngang qua những bài kệ này:
(CXXXVIII) Kimbila (Thera. 21)
Ngài gặp đức Phật, xúc động, xuất gia đã được nói trong chương một, với câu kệ : ‘Như bị cảm hóa bởi sức mạnh’. Ở đây, vị Trưởng lão sống thân thiết với các bạn, các Tôn giả Anuruddha, Bhaddiya.
(CXXXIX) Nanda (Thera. 21)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu, con vua Suddhodana (Tịnh Phạn) và bà Mahàpajàpati, vì đem lại hoan hỷ cho bà con nên được gọi là Nanda. Khi đến tuổi trưởng thành, bậc Ðạo Sư chuyển bánh xe pháp đi đến Kapilavatthu, với lòng từ mẫn độ chúng sanh. Nhân có dịp trời mưa, Thế Tôn kể chuyện tiền thân Vessantara. Trong ngày thứ hai, với câu kệ: ‘Hãy đứng dậy!’. Thế Tôn giúp cho phụ thân chứng quả Dự lưu. Với câu kệ: ‘Hãy sống theo Phạm hạnh’. Thế Tôn giúp bà Mahàpajàpati cũng chứng quả Dự lưu, rồi Thế Tôn giúp phụ thân chứng thêm quả Nhất lai. Ngày thứ ba khi đi khất thực tại phòng đăng quang, lúc mọi người đang chúc mừng hoàng tử Nanda trong ngày lễ đám cưới, bậc Ðạo Sư đưa bình bát, đi theo bậc Ðạo Sư đến tinh xá và đức Phật độ cho Nanda xuất gia, dầu ngài không bằng lòng.
Từ lúc ấy, biết được Nanda không ưa thích đời sống xuất gia, bậc Ðạo Sư tiếp tục giáo hóa cho đến khi Nanda, nhờ thiền định, phát triển thiền quán và đạt được quả A-la-hán. Về sau, hưởng thọ lạc giải thoát, ngài nói: ‘Ôi tuyệt diệu thay pháp môn Phật dạy. Nhờ vậy ta thoát khỏi sa lầy vào đầm tái sanh, đứng được trên bãi cát Niết-bàn’. Phấn khởi với suy nghĩ này, ngài nói lên những bài kệ:
Thế Tôn, biết được quả chứng tự tu, tự luyện của ngài, tuyên bố ngài là bậc tự chế ngự đệ nhất trong các đệ tử của Thế Tôn.
(CXL) Sirimat (Thera. 21)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ), trong nhà một thị dân, được đặt tên là Sirimat, vì gia đình ngài được luôn luôn may mắn, và thành công. Em trai của ngài, tăng trưởng tài sản được đặt tên là Sirivaddha (tăng trưởng sự may mắn). Cả hai thấy được uy nghi đức độ của đức Phật khi Kỳ Viên được dâng cúng đức Phật, khởi lòng tin xuất gia, Sirivaddha dầu chưa chứng được pháp thượng nhân, nhưng được hàng cư sĩ, hàng xuất gia tôn kính hoan nghênh. Nhưng Sirimat, vì nghiệp không được tốt đẹp nên ít được cung kính, tuy vậy, luôn luôn tu tập về chỉ và quán, ngài chứng được sáu thắng trí.
Các Tỷ-kheo tầm thường và các Sa-di không biết ngài chứng được Thánh quả, tiếp tục khinh thường ngài và cung kính em của ngài. Rồi ngài đọc lên bài kệ, nói lên sự sai lầm của họ:
Rồi Sirivaddha nghe bài kệ, tâm sanh dao động, phát triển thiền quán, không bao lâu đạt được chơn giải thoát; và những ai chỉ trích bậc Trưởng lão, chúng tôi xin lỗi ngài.
Phẩm Ba
(CXLI) Uttara (Thera. 22)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Sàketa, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Uttara. Bị cảm hóa bởi thần thông song hành tại cây Gandamba ở Sàvatthi, ngài được khích lệ xuất gia, khi bậc Ðạo Sư ở Sàketa thuyết pháp tại vườn Kàlaka. Ði với bậc Ðạo Sư đến Ràjagaha (Vương Xá), ngài phát triển thiền quán, chứng được sáu thắng trí. Trở về Sàvatthi để hầu hạ đức Phật, các Tỷ-kheo hỏi ngài: ‘Thưa Hiền giả, Hiền giả đã thành tựu những gì trong sự nghiệp giải thoát?’ Ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ như sau:
(CXLII) Bhaddaji (Thera. 22)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Bhaddiya (tại Avantì phía Ðông Magadha), con một nghị sĩ giàu có đến tám trăm triệu, ngài được đặt tên là Bhàddiya và được nuôi lớn trong sự nuông chiều sang trọng, giống như vị Bố-tát trong đời sống cuối cùng của ngài. Tập sớ kể câu chuyện của ngài chứng quả A-la-hán khi nghe đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên, chính đức Phật đích thân đến tìm ngài. Ngài đi theo bậc Ðạo Sư với hàng tùy tùng, sau một tuần đến tại Kotigàma, và đi lánh đến bờ sông Hằng, ngài nhập thiền định. Ngài chỉ xuất định, khi đức Phật đến gần và không vâng lời các vị Trưởng lão đi trước. Ðể xác minh quả chứng vô thượng của ngài, đức Phật mời ngài lên chiếc phà của Ngài và yêu cầu ngài hiện thần thông. Bhaddiya làm nổi lên cung điện bị chìm, khi ngài trú tại đấy, trong thời ngài là vua Panàda. Câu chuyện này được kể trong chuyện Jàtaka Mahàpanàda. Ngài diễn tả lâu đài bằng vàng, trong ấy ngài đã sống trong một thời gian. Rồi ngài nói về ngài khi tự ngã được đoạn diệt, như là thuộc một người khác:
(CXLIII) Sobhita (Thera. 22)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Sobhita. Sau khi được nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, ngài xuất gia, chứng được sáu thắng trí, ngài thực hành nhớ đến các đời sống quá khứ, thành tựu túc mạng thông, được đức Phật xác nhận là vị nhớ đến đời sống quá khứ đệ nhất. Cảm thấy phấn khởi trong quả chứng của mình, ngài nói lên những bài kệ:
(CXLIV) Valliya (Thera. 22)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Vesàli, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Kanhamitta. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài thấy uy nghi đức độ của đức Phật khi đức Phật đến Vesàli. Khởi lòng tin, ngài xuất gia với sự hướng dẫn của Tôn giả Mahà Kassapa (Ðại Ca-diếp). Với trí tuệ chậm chạp và mới bắt đầu tinh tấn, ngài phải dựa vào trí tuệ của các đồng Phạm hạnh đến nỗi ngài được gọi là Valliya (loài cây leo), vì loài cây này không thể tự lớn được, nếu không dựa vào một vật gì. Một hôm, ngài đi nghe Trưởng lão Venudatta giảng, ngài trở thành sáng suốt, trí tuệ chín muồi, ngài hỏi vị Thầy của ngài với những bài kệ:
(CXLV) Vitàsoka (Thera. 22)
Trong thời đức Phật hiện tại, vào năm thứ 218, là em trai vua Dhammàsoka (A-dục), được đặt tên là Vitàsoka. Ðến tuổi trưởng thành, ngài thành tựu những đức tánh thích hợp với tuổi trẻ hoàng tộc. Rồi ngài trở thành đệ tử của Trưởng lão Giridatta và thông hiểu về Kinh tạng và Luận tạng A-tỳ-đàm.
Một hôm, khi ngài đang cắt tóc, ngài lấy gương soi, thấy một vài sợi tóc bạc. Bị dao động mạnh, ngài phát triển thiền quán, với sự nỗ lực cố gắng thiền định, khi ngài đang ngồi, ngài chứng quả Dự lưu, ngài xuất gia dưới sự hướng dẫn của Giridatta, không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Ngài tuyên bố chánh trí của ngài với bài kệ:
(CXLVI) Punnamàsa (Thera. 23)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình vị điền chủ. Khi sanh đứa con đầu tiên, ngài xuất gia, sống gần một làng, ngài tinh tấn tu hành cho đến khi ngài chứng được sáu thắng trí. Ngài đi đến Sàvatthi đảnh lễ bậc Ðạo Sư và ở tại một nghĩa địa. Rồi đứa con ngài chết và vợ ngài không muốn tài sản bị vua tịch thu, vì không có thừa tự nên đi đến ngài với một số đông tùy tùng và yêu cầu ngài từ bỏ đời sống xuất gia. Muốn nói lên sự giải thoát thế tục và quả chứng của ngài, ngài đứng trên hư không, nói lên những bài kệ:
(CXLVII) Nandaka (Thera. 23)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Campà trong một gia đình thị dân, được đặt tên là Nandaka. Ngài là em trai của Bharata (sẽ được nói đến sau). Cả hai được nghe Sona Kolivisa thuyết pháp, liền xuất gia, nghĩ rằng: ‘Sona được nuôi dưỡng tế nhị còn xuất gia được, huống nữa chúng ta?’ Bharata chứng ngay sáu thắng trí, còn Nandaka, vì còn nhiều tư tưởng không trong sạch, không thể điều khiển được thiền quán, chỉ có thể thực hành. Rồi Bharata muốn giúp đỡ ngài, khiến ngài làm thị giả và cả hai người ra đi. Ngồi bên vệ đường, Bharata thuyết pháp cho ngài về thiền quán.
Có một đoàn lữ hành đi ngang qua, một con bò đực kéo xe qua đám bùn không nổi nên ngã quỵ xuống. Ngài dạy cởi con bò khỏi chiếc xe, cho nó ăn cỏ, uống nước. Con bò khỏi sự mệt nhọc lại được cột vào xe, với sức mạnh, được bồi dưỡng, con bò kéo xe qua được đám bùn, Bharata nói:
– Này em Nandaka, em có thấy hiện tượng ấy không?’.
– Thưa anh, em có thấy.
– Vậy hãy tìm hiểu ý nghĩa! Và Nandaka nói: ‘Như con bò được bồi dưỡng, lấy lại sức mạnh, ta cần phải tự lực lôi mình ra khỏi đám bùn lầy của tái sanh!’ Dùng sự kiện này là một đề tài thiền quán, ngài đã chứng được quả A-la-hán. Rồi ngài tuyên bố chánh trí của ngài cho người anh nghe với những bài kệ:
(CXLVIII) Bharata (Thera. 23)
Khi em trai Nandaka nói lên chánh trí của mình, Bharata khởi lên ý kiến hai anh em cùng đi đến yết kiến đức Phật, trình lên đức Phật biết quá trình đời sống Phạm hạnh của mình.
Rồi ngài nói với Nandaka những bài kệ như sau:
(CXLIX) Bhàradvàja (Thera. 23)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá). Trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên theo dòng họ là Bhàradvàja. Lập gia đình, ngài có một người con trai tên là Kanhadinna. Ðến tuổi đi học, ngài gửi người con đi Takkasìla, giữa đường người con làm quen với một vị Trưởng lão, đệ tử bậc Ðạo Sư, nghe vị ấy thuyết pháp, xuất gia và sau một thời gian, chứng quả A-la-hán.
Bhàradvàja, được nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp ở tịnh xá Trúc Lâm, xuất gia và cũng chứng quả A-la-hán, Kanhadinna đến yết kiến bậc Ðạo Sư ở Ràjagaha (Vương Xá), và sung sướng thấy phụ thân mình ngồi cạnh đức Bổn Sư. Ðược biết phụ thân đã chứng quả A-la-hán, muốn phụ thân rống tiếng rống con sư tử, nên hỏi đã chứng được mục đích Phạm hạnh chưa, ngài trả lời với những câu kệ như sau:
Rống tiếng rống:
(CL) Kanhadinna (Thera. 23)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Vương Xá, trong gia đình một Bà-la-môn, được đặt tên là Kanhadinna. Khi đến tuổi trưởng thành, với thiện duyên thuần thục, ngài đến Tôn giả Sàriputta, nghe pháp, khởi lòng tin rồi xuất gia. Sau khi phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán, ngài tuyên bố chánh trí của ngài.
Phẩm Bốn
(CLI) Migasìra (Thera. 24)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Kosala, được đặt tên là Migasìra, theo ngôi sao ngày sinh. Học theo văn hóa Bà-la-môn, ngài thực hành bùa chú sọ người, khi ngài đọc lên bùa chú và lấy móng tay gõ trên sọ người, ngài tuyên bố: ‘Người này sẽ được tái sanh trong giới này…’, cho đến với những người đã chết được ba năm. Không thích thú đời sống thế tục, ngài trở thành người du sĩ, với hạnh sọ người của ngài, ngài được cung kính cúng dướng. Ði đến Sàvatthi, đứng trước mặt bậc Ðạo Sư, ngài tuyên bố sức mạnh của ngài: ‘Thưa Tôn giả Gotama, ta có thể nói chỗ tái sanh của những người đã chết’.
Ðức Phật hỏi: ‘Ông làm như thế nào?’
Ngài cho đem lại một sọ người, đọc lên bùa chú, với móng tay gõ trên sọ người, ngài tuyên bố đọa xứ v.v… là chỗ tái sanh!
Ðức Phật cho đem lại sọ người của một Tỷ-kheo, đã chứng Niết-bàn và nói: ‘Hãy nói chỗ tái sanh của người này’. Migasìra đọc bùa chú, lấy móng tay gõ trên sọ người, nhưng không thấy đầu đuôi như thế nào.
Rồi Thế Tôn hỏi:
– Này du sĩ, có phải ông làm không được?
Ngài trả lời: – Tôi cần phải xác chứng cho chắc chắn! Nhưng dù cho ngài xoay xở như thế nào, làm sao ngài biết được sanh thú của vị A-la-hán; ngài xấu hổ, toát mồ hôi, im lặng.
– Này du sĩ, có phải ông mệt mỏi?
– Vâng, tôi mệt mỏi, tôi không biết sanh tử của vị này, Ngài có biết chăng?
– Ta biết được và Ta biết nhiều hơn thế nữa! Vị này đã nhập Niết-bàn!
Vị du sĩ nói:
– Vậy nói lên cho con, bí quyết ấy?
– Vậy ông phải xuất gia! Rồi Migasìra xuất gia và được dạy cho đề tài tu định. An trú vững vàng trên thiền và thắng trí, ngài thực hành thiền quán, không bao lâu, chứng quả A-la-hán.
Rồi ngài nói lên chánh trí của ngài như sau:
(CLII) Sivàka (Thera. 24)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Ràjagaha (Vương Xá), được đặt tên Sivàka. Khi đã nhận được một sự giáo dục toàn diện, ngài theo xu hướng sở thích của mình, từ bỏ thế tục làm người du sĩ. Ðến nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, ngài khởi lòng tin xuất gia, và cuối cùng chứng quả A-la-hán. Ngài nói lên chánh trí của mình:
(CLIII) Upavàna (Thera. 24)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Sàvatthi, được đặt tên là Upavàna. Thấy được uy nghi đức Phật khi Kỳ Viên được dâng cúng. Ngài xuất gia, phát triển thiền quán, chứng được sáu thắng trí.
Rồi Upavàna trở thành vị thị giả đức Phật. Bấy giờ, Thế Tôn bị đau nhức mỏi, một đệ tử cư sĩ của ngài tên là Devahita sống ở Sàvatthi cúng dường bốn vật dụng cần thiết cho ngài. Khi Upavàna đến với y và bát, Devahita biết ngài cần dùng một vật đặc biệt nên hỏi. Ngài trả lời với bài kệ như sau:
Rồi vị Bà-la-môn dâng cúng nước nóng và thuốc trị bệnh. Nhờ vậy, bệnh của Thế Tôn thuyên giảm và Thế Tôn tỏ lời cảm ơn.
(CLIV) Isidinna (Thera. 24)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở xứ Sunàparanta, trong gia đình một vị chức sắc, được đặt tên là Isidinna. Khi lớn lên, ngài chứng kiến Thế Tôn hiện thần thông song hành khi ngôi nhà bằng trầm hương được dâng cúng, với tấm hân hoan đối với bậc Ðạo Sư, ngài nghe pháp, trở thành bậc Dự lưu. Dầu còn sống đời sống thế gian, một Thiên nhân khích lệ ngài như sau:
Khi người cư sĩ nghe vậy, ngài cảm thấy xúc động, xuất gia, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Nói lên chánh trí của ngài, ngài lập lại những bài kệ trên.
(CLV) Sambula – Kaccàna (Thera. 24)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong nước Magadha (Ma-kiệt-đà), con một thị dân thuộc dòng họ Kaccàna, tên là Sambula, ngài được biết với tên Sambula-Kaccàna. Sau khi nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, ngài xuất gia rồi đi đến miền phụ cận núi Hy-mã-lạp-sơn, tu học thiền quán trong một cái hang tên là Bheravàyanà (đường đi dễ sợ).
Một hôm, một cơn giông tố trái mùa nổi lên, mây ùn ùn nổi lên trên hư không, sấm sét vang động, chớp sáng chói lòa, trời bắt đầu mưa đổ ào ào xuống. Các loài vật như gấu, dã can, trâu, voi đều la hét run sợ. Nhưng vị Trưởng lão phát triển thiền quán, không kể gì đến mạng sống của mình, không để ý đến tiếng động vang, nhưng cơn động làm cho dịu khí trời, tâm ngài được tịnh chỉ, ngài triển khai thiền quán, chứng được quả A-la-hán với sáu thắng trí. Nghĩ đến thành quả đạt được, ngài cảm thấy phấn khởi, ngài nói lên chánh trí của ngài, với những bài kệ:
(CLVI) Khitaka (Thera. 25)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong nước Kosala, con một vị Bà-la-môn, được đặt tên là Khitaka. Ngài nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, xuất gia, sống trong rừng, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Hưởng được lạc giải thoát Niết-bàn, cảm thấy phấn khởi tinh cần, ngài đi đến các Tỷ-kheo sống trong rừng để khích lệ, làm các vị ấy phấn khởi. Ngài nói những bài kệ này, trước hết vì hạnh phúc cho các vị ấy, sau nói lên chánh trí của ngài:
(CLVII) Sona – Potiriyaputta (Thera. 25)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), con của điền chủ Potiriya, được đặt tên là Sona. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài trở thành tướng chỉ huy quân lực của Bhaddiya, một vị vua Sakka. Nay Bhaddiya đã xuất gia, và ngài theo gương Bhaddiya cũng xuất gia, nhưng ngài biếng nhác, không có tu thiền định. Thế Tôn ở tại vườn xoài Anupiya, chiếu hào quang đến ngài, khích lệ ngài tu tập chánh niệm, với những bài kệ như sau:
Nghe lời này, ngài cảm thấy dao động mạnh, thấy rõ những khuyết điểm của ngài, ngài ngồi thiền ngoài trời, tu tập thiền quán, ngài nói lên bài kệ:
Nói vậy, ngài triển khai thiền quán, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ngài lập lại bài kệ của bậc Ðạo Sư, và với bài kệ của ngài, ngài nói lên chánh trí của mình.
(CLVIII) Nisabha (Thera. 25)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong xứ các dân tộc Koliya, trong một gia đình dân tộc, được đặt tên là Nisabha. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài chứng kiến sức mạnh uy nghi đức độ của đức Phật trong trận chiến giữa dân tộc Sakka và dân tộc Koliya, khởi lòng tin, ngài xuất gia, chứng quả A-la-hán.
Thấy một Tỷ-kheo đồng Phạm hạnh dùng thời gian của mình rất là uổng phí, nên ngài dùng những bài kệ này để khuyên răn vị ấy, và nói lên ngài thực hành những điều ngài nói:
(CLIX) Usabha (Thera. 25)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), trong gia đình một vị vua Sakka, được đặt tên là Usabha. Khi đức Phật về thăm bà con, ngài thấy sức mạnh và sự sáng suốt của đức Phật, khởi lòng tin và xuất gia, nhưng ngài không làm các bổn phận của người tu hành, cả ngày giao du nhiều người, ban đêm thời lo ngủ.
Một hôm, với tâm tư hôn trầm phóng dật, ngài nằm ngủ, ngài mộng thấy ngài cạo đầu, đắp áo cà-sa, ngồi trên lưng voi đi vào thành để khất thực; tại đấy, thấy quần chúng tụ tập đông đảo, ngài cảm thấy xấu hổ và xuống voi không ngồi nữa. Ngài thức dậy, suy nghĩ: ‘Vì sao, đây là cơn mộng hôn trầm và phóng dật, ta thấy ta nằm ngủ với tâm ưu não’, ngài an trú thiền quán, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Như vậy lấy cơn mộng làm đề tài khích lệ, ngài dùng những bài kệ để nói lên chánh trí của ngài:
(CLX) Kappata – Kura (Thera. 25)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại Sàvatthi, trong tình cảnh nghèo nàn, ngài chỉ biết tự nuôi sống, bằng cách mặc đồ rách rưới, bát ăn xin cầm tay, đi xin gạo cơm. Vì vậy ngài được tên là Kappatakura (rách và gạo). Khi lớn lên, ngài nuôi sống bằng cách bán cỏ. Một hôm, đang cắt cỏ trong rừng, ngài gặp một vị Trưởng lão, ngài đảnh lễ, ngồi xuống nghe pháp. Ngài khởi lòng tin, từ bỏ nếp sống cũ, xuất gia, cất đồ rách rưới vào một chỗ. Khi ngài cảm thấy nhàm chán với đời sống mới, ngài đi đến nhìn đồ rách rưới ấy, tâm ngài trở thành bất an. Làm như vậy, bảy lần ngài rời khỏi chúng Tăng. Các Tỷ-kheo báo cáo lên sự việc này. Một hôm, khi ngài là một Tỷ-kheo đang ngồi giữa chúng Tăng tại giảng đường, bậc Ðạo Sư giáo giới ngài với những bài kệ như sau:
Bị đức Phật quở trách mạnh mẽ, ngài dao động mạnh, phát triển thiền quá, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ngài lập lại các bài kệ đã khích lệ ngài tu hành và những bài kệ này trở thành những lời tuyên bố chánh trí của ngài.
Phẩm Năm
(CLXI) Kumàra-Kassapa (Thera. 26)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), mẹ ngài là con một vị chức sắc, mẹ ngài không được cha mẹ bằng lòng cho xuất gia khi còn là thiếu nữ, lập gia đình, được chồng bằng lòng cho xuất gia, nhưng bà không biết là đang có thai. Khi các Tỷ-kheo-ni thấy hiện trạng này, liền đến hỏi ý kiến Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa), vị này cho mẹ ngài là Tỷ-kheo-ni bất chánh. Các Tỷ-kheo-ni tới hỏi ý kiến bậc Ðạo Sư, bậc Ðạo Sư giao việc này cho Tôn giả Upàli giải quyết. Upàli cho mời một số vị cư sĩ ở Sàvatthi, gồm có nữ cư sĩ Visàkhà, và giữa hội nghị, có sự có mặt của vua, Tôn giả Upàli tuyên bố vị Tỷ-kheo-ni đã có thai trước khi xuất gia, và bậc Ðạo Sư đã chấp nhận sự kiện này. Mẹ ngài nuôi dưỡng đứa con tại ngôi tịnh xá, đứa con như bức tượng bằng vàng, và vua nuôi dưỡng đứa trẻ và ngài được đưa đến cho bậc Ðạo Sư xuất gia. Vì ngài xuất gia khi còn thiếu niên, ngài được gọi là Kumàra-kassapa, dầu cho khi ngài đã lớn.
Trong khi ngài tu tập thiền quán, học lời Phật dạy, ngài ở tại rừng Andha. Rồi một Thiên nhân, đã chứng quả Bất lai, đã được làm Ðại Phạm Thiên ở Tịnh Cư Thiên, muốn chỉ cho Kumàra-kassapa phương pháp chứng được đạo quả. Vị Thiên nhân đến tại rừng Andha và hỏi ngài mười lăm câu hỏi mà chỉ có bậc Ðạo Sư mới có thể trả lời. Ngài hỏi đức Phật các câu hỏi ấy và học thuộc lòng các câu đức Phật trả lời, phát triển quán, chứng quả A-la-hán.
Ðược bậc Ðạo Sư ấn chứng cho là vị thuyết pháp lanh lợi đệ nhất, ngài nhớ lại quá trình tu hành của mình và dưới hình thức tán thán Ba ngôi báu, ngài nói lên chánh trí của mình:
(CLXII) Dhammapàla (Thera. 26)
Trong thời đức Phật hiện tại, khi bậc Ðạo Sư qua đời, ngài sanh ở Avanti con một Bà-la-môn, được đặt tên là Dhammapàla. Khi ngài đi từ Takkasilà về, học hành đã xong, ngài thấy một vị Trưởng lão ngồi một mình trong thảo am, được vị ấy thuyết pháp, ngài khởi lòng tin, xuất gia và chứng được sáu thắng trí.
Trong khi ngài suy tư hoan hỷ trong vị ngọt giải thoát, hai Sa-di leo cây hái trái, bị cây gẫy ngã xuống. Thấy vậy ngài lấy tay ôm đỡ hai người Sa-di, với thần thông đặt hai vị ấy xuống đất, không có bị thương. Và ngài dạy hai vị ấy với những bài kệ:
(CLXIII) Brahmàlì (Thera. 26)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở nước Kosala, con một Bà-la-môn, được đặt tên là Brahmàlì. Khi đến tuổi trưởng thành, thúc đẩy bởi những điều kiện chín muồi, do giao hảo với bạn lành, ngài xuất gia, tu tập thiền định trong một ngôi rừng, nhờ trí tuệ chín muồi, ngài phát triển thiền quán, chứng được sáu thắng trí.
Sống trong vị an lạc giải thoát, vị Trưởng lão rất thuần thục pháp tinh tấn, một hôm sống ở trong rừng ngài nói lên những bài kệ này, thay mặt cho các Tỷ-kheo ở trong rừng, những bài kệ tán thán hạnh tinh tấn:
(CLXIV) Mogharàjam (Thera. 27)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn, tên là Mogharàjam. Vị ấy tu học dưới sự lãnh đạo của Bà-la-môn Bàvariya. Cảm thấy lo âu sợ hãi, ngài trở thành một vị tu khổ hạnh. Ngài là một trong mười sáu vị, trong ấy có Ajita và những vị khác, đã được Bàvariya đưa đến yết kiến bậc Ðạo Sư. Sau khi Mogharàjam hỏi và được trả lời, ngài chứng quả A-la-hán.
Sau đó, ngài được biết đến vì ngài mặc áo thô sơ do các nhà lữ hành, các thợ may, các thợ nhuộm quăng bỏ hai bên đường. Do vậy, bậc Ðạo Sư ấn chứng cho ngài là người đệ tử đệ nhất mặc áo thô sơ. Như vậy ngài thực hiện chí nguyện từ trước của ngài.
Một thời khác, do thiếu sự săn sóc chu đáo và do nghiệp đời trước, các mụt ghẻ lở xuất hiện và sanh ra nhiều trên thân của ngài, nghĩ rằng chỗ trú ẩn của ngài đã bị ô nhiễm, ngài trải chỗ nằm của ngài trên một thửa ruộng ở Magadha, và dầu lúc ấy thuộc mùa đông, ngài vẫn ở tại đấy. Một hôm, hầu hạ bậc Ðạo Sư và đảnh lễ ngài, bậc Ðạo Sư hỏi ngài với những bài kệ như sau:
Ðược hỏi vậy, ngài trả lời và giải thích cho bậc Ðạo Sư:
(CLXV) Visàkha, Con Của Pancàlì (Thera. 27)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở xứ Magadha (Ma-kiệt-đà), con một vị vua địa phương, được đặt tên là Visàkha. Vì ngài là con trai một công chúa con vua, về sau ngài được biết là con trai của Pancàlì.
Sau khi phụ vương mất, ngài nối ngôi vua, nhưng khi bậc Ðạo Sư đến gần chỗ ngài ở, ngài đến nghe đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin rồi xuất gia. Theo bậc Ðạo Sư đến Sàvatthi (Xá-vệ), ngài phát triển thiền quán, chứng được sáu thắng trí.
Với lòng từ mẫn nghĩ đến bà con, ngài viếng thăm quê hương cũ, dân chúng đến nghe ngài thuyết giảng rất đông. Một hôm có người hỏi: ‘Có bao nhiêu đức tánh cần thiết để một người trở thành nhà thuyết pháp?’. Ngài trả lời đại cương những đức tánh trong những bài kệ sau đây:
(CLXVI) Cùlaka (Thera. 27)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha, con một vị Bà-la-môn, được đặt tên là Culàka. Khi ngài thấy bậc Ðạo Sư nhiếp phục con voi Dhanapàla, ngài phát khởi lòng tin xuất gia. Trong khi tu tập, ngài trú ở hang cây Indra-sàla. Một hôm ngồi trước cửa hang, nhìn xuống các thửa ruộng ở Magadha (Ma-kiệt-đà), một cơn giông tố khởi lên với những lớp mây trùng điệp ùn ùn khởi lên, sấm sét vang dậy, trời mưa ào ào đổ xuống, các đàn chim công nghe tiếng sấm sét, sung sướng kêu lên tiếng kê-la của chúng, và múa hát chung quanh. Làn gió giông tố đem lại cho ngài cảm giác dễ chịu và thỏa thích khi ngài đang ngồi trong hang, với nhiệt độ vừa phải, tâm ngài được thiền định. Ngài bước vào con đường hành trì, và nhận thức được thời gian thích hợp đã đến, ngài nói lên lời tán thán, sự tu hành của ngài với những bài kệ sau:
Ngài tự giáo giới lấy mình, chứng được thiền định, và phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán. Ôn lại những việc đã làm, với tâm hoan hỷ, ngài nói lên những bài kệ này như là lời tuyên bố chánh kiến của ngài.
(CLXVII) Anupama (Thera. 27)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình giàu có ở Kosala, vì ngài đẹp trai nên được đặt tên là Anùpama (không thể so sánh được). Khi đến tuổi trưởng thành, ngài cảm thấy sức mạnh của các nguyên nhân, xuất gia và sống trong một ngôi rừng để tu tập thiền quán, nhưng tâm ngài chạy theo ngoại cảnh, xoay quanh những vấn đề đối tượng thiền định, ngài tự trách mình như sau:
Như vậy ngài giáo giới tâm ngài, phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán.
(CLXVIII) Vajjita (Thera. 27)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Kosala giàu có, sau khi từ Phạm Thiên giới hạ sanh, ngài luôn luôn khóc trong bàn tay bà mẹ, vì ngài không chịu nổi xúc chạm của nữ nhân, ngài được gọi là Vajjita (vị từ bỏ). Ðển tuổi trưởng thành, ngài chứng kiến Thế Tôn hiện thần thông song hành, khởi lòng tin, xuất gia và chứng được sáu thắng trí. Nhớ đến đời sống quá khứ, ngài cảm thấy xúc động nói:
Và bài kệ trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(CLXIX) Sandhita (Thera. 28)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh trong một gia đình giàu có ở Kosala, tên là Sandhita. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài nghe bài giảng về vô thường, hoảng hốt lo sợ, và xin xuất gia với trí tuệ chín muồi, ngài an trú thiền quán và chứng đạt sáu thắng trí. Nhớ đến đời sống trước của mình, sau khi đức Phật Sikhì (Thi-khí) mệnh chung. Ngài đảnh lễ tại cây Bồ-đề và nhận thức được ý nghĩa vô thường, ngài tuyên bố ngài thành đạt ý tưởng, nhờ nguyên nhân ấy với những bài kệ như sau:
Chương III
-ooOoo-
Phẩm Ba Kệ
(CLXX) Anganika Bhàradvàja (Thera. 29)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh gần núi Hy-mã-lạp-sơn, trong thành phố Ukkattha, trong gia đình một Bà-la-môn phú cường và được đặt tên là Anganika Bhàradvàja. Khi ngài được học xong giáo điển và nghệ thuật Vệ-đà, ngài hướng về giải thoát. Trong khi bộ hành chỗ này chỗ khác, ngài gặp bậc Ðạo Sư khi bậc Ðạo Sư đang du hành ở vùng quê, và với tâm tư tín thành, ngài nghe bậc Ðạo Sư thuyết giảng. Từ bỏ tà khổ hạnh, ngài xuất gia, tu tập thiền quán, và sau một thời gian chứng được sáu thắng trí.
Sau khi sống tận hưởng vị ngọt giải thoát, ngài với lòng thương đối với bà con, đến thăm và dạy họ về quy y và giới luật. Rồi từ giã các bà con, ngài sống trong một ngôi rừng gần làng Kundiya của dân tộc Kuru. Khi có việc đi đến Uggàyàman, một số Bà-la-môn quen biết đến hỏi: ‘Thưa Tôn giả Bhàradvàja, do ngài thấy gì mà ngài từ bỏ giáo hội Bà-la-môn, và chấp nhận giáo hội này?’ Ngài nêu rõ, ngoài giáo hội đức Phật, không có giới thanh tịnh, ngài nói:
Khi các Bà-la-môn ấy nghe ngài nói, các vị ấy chấp nhận và từ bỏ rất là phấn khởi.
(CLXXI) Paccaya (Thera. 29)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở thành Rohi trong một gia đình hoàng tộc, và được đặt tên là Paccaya. Thọ hưởng gia tài khi phụ thân mệnh chung, ngài tuyên bố tổ chức một đàn bố thí rất lớn và một số đông người tụ họp. Trong cuộc tụ họp này, bậc Ðạo Sư ngồi trên một ngai vàng trong một ngôi nhà trang hoàng châu báu. Ðức Phật thuyết pháp, trong khi mọi người ngắm, chiêm ngưỡng ngài. Phần lớn dân chúng hiểu lời đức Bổn Sư dạy, nhưng ngài Paccaya đi xa hơn. Thúc đẩy bởi nghiệp duyên đời trước, ngài từ bỏ tài sản và xuất gia như trước kia ngài đã phát nguyện dưới thời đức Phật Kassapa, nay ngài đã phát nguyện, khi đã vào am tranh tu hành, nếu chưa giải thoát thời không ra khỏi am này và cuối cùng thiền quán được phát triển, trí tuệ được thuần thục, ngài chứng quả A-la-hán. Ðể kỷ niệm thành quả này, ngài nói lên quả chứng của ngài, ngang qua những bài kệ như sau:
(CLXXII) Bàkula (Thera. 29)
Ngài sanh ở Kosambi, trong một gia đình có chức vụ, trước khi bậc Ðạo Sư sanh ra, và ngài được đem đi tắm ở sông Yamunà để được sức khỏe, và một con cá nuốt ngài trong tay người vú. Con cá bị người câu cá bắt được và đem bán cho vợ một vị chức sắc khác ở Ba-la-nại. Khi con cá bị mổ ra, đứa con nít nhờ phước nghiệp đời trước, nên còn sống không bị thương tích. Vợ vị chức sắc thương ngài như con đẻ, và khi bà nghe được câu chuyện của ngài, và hỏi về cha mẹ. Vua trong nước quyết định cho ngài thuộc quyền sở hữu của hai gia đình, và do vậy ngài được tên là Bàkula (hai gia đình).
Sau một đời sống giàu sang, ngài nghe đức Bổn Sư thuyết pháp, xuất gia khi tám mươi tuổi. Trong bảy ngày, ngài chưa được giác ngộ, nhưng ngày thứ tám, ngài chứng được quả A-la-hán, thông hiểu nghĩa, thông hiểu pháp.
Một hôm, khi ấn chứng vị trí tu hành cho các vị đệ tử, bậc Ðạo Sư ấn chứng cho ngài là vị đệ tử có sức khỏe đệ nhất. Về sau, khi sắp sửa mệnh chung ngài nói lên chánh trí của ngài giữa hội chúng Tỷ-kheo như sau:
(CLXXIII) Dhaniya (Thera. 29)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá) trong một gia đình thợ làm đồ gốm, được đặt tên là Dhaniya, và tiếp tục làm nghề của ông cha. Chính trong nhà của ngài, bậc Ðạo Sư giảng cho Pakkusati kinh Dhàtuvibhangasutta. Dhaniya nghe tin Pukkasati (đã thành bậc A-la-hán) mệnh chung đêm ấy. Ngài nghĩ: ‘Lời Phật dạy thật là sức mạnh lãnh đạo, chỉ có một đêm đã đủ giải thoát một người khỏi sự đau khổ tái sanh’. Rồi ngài xuất gia. Tuy vậy ngài vẫn tiếp tục nghề làm ngói lợp nhà. Bị đức Phật quở vì đã là am tranh bằng gạch, ngài quyết định sống giữa các Tỷ-kheo, và tại đấy chứng quả A-la-hán.
Về sau, nhân dịp giáo giới các Tỷ-kheo tu tập khổ hạnh và xem hạnh mình cao hơn các người khác, ngài tuyên bố chánh trí ngài như sau:
(CLXXIV) Con Của Màtanga (Thera. 30)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kosala, con một điền chủ tên Màtanga, và được gọi là con của Màtanga. Ngài lớn lên trong biếng nhác, và khi ngài bị quần chúng la rầy, ngài làm quen với các Tỷ-kheo, nhận thấy các Tỷ-kheo sống thật hạnh phúc. Nhưng khi nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, ngài khởi lòng tin và xin xuất gia. Thấy các Tỷ-kheo sử dụng thần thông, ngài muốn chứng đạt thần thông. Và thực hành các thiền quán, ngài chứng được sáu thắng trí.
Từ đấy, ngài chỉ trích biếng nhác, tán thành sự tinh cần của ngài với những bài kệ như sau:
(CLXXV) Khujja Sobhita (Thera. 30)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Pàtaliputta trong một gia đình Bà-la-môn và được gọi là Sobhita. Vì ngài hơi còm, ngài được gọi là Khujja Sobhita (còm lưng). Khi đến tuổi trưởng thành, đức Bổn Sư vừa diệt độ, ngài được Tôn giả Ananda độ cho xuất gia và chứng được sáu thắng trí.
Trong kỳ kiết tập thứ nhất, ngài được bảo mời Tôn giả Ananda đến dự đại hội. Lúc ấy, các thiên nhân cử một thiên nhân đứng ở cửa hang để chận đứng các hành vi thù nghịch của Ác ma, và khuyên Sobhita tuyên bố sự có mặt của mình cho thiên nhân ấy, với những bài kệ như sau:
Rồi vị thiên nhân tuyên bố cho chúng Tỷ-kheo biết sự có mặt của Khujja Sobhita:
Rồi chúng Tăng cho phép, vị Trưởng lão đến trước chúng Tăng và nói lên chánh trí của mình.
(CLXXVI) Vàrana (Thera. 30)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kosala, trong gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Vàrana. Khi đến tuổi trưởng thành, vị ấy nghe một vị Trưởng lão thuyết pháp trong một ngôi rừng, và với lòng tin, xuất gia. Một ngày kia đi đến hầu hạ đức Phật, ngài chứng kiến một cuộc ấu đả trong gia đình và có nhiều người bị giết. Hốt hoảng, bị dao động, ngài đi gấp đến Thế Tôn và tường thuật sự việc. Thế Tôn thấy sự tiến bộ trong tâm tư của ngài, nên nói lên bài kệ khích lệ ngài:
(CLXXVII) Passsika (Thera. 30)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Kosala, thấy Thế Tôn thực hiện thần thông song hành, khởi lòng tin, xuất gia. Ngài bị bệnh trong khi học tập đời sống một ẩn sĩ, bà con săn sóc cho ngài và chữa ngài lành bệnh, khi được lành bệnh, ngài phấn khởi nên tu học siêng năng hơn và chứng được sáu thắng trí. Ngài bay trên hư không, đến thăm bà con và quy y, thọ giới cho họ. Một số bà con nhờ ngài quy y và thọ giới, khi mạng chung và được sanh lên các cõi trời. Khi Passika hầu hạ bậc Ðạo Sư, bậc Ðạo Sư hỏi về sức khỏe bà con của ngài, Passika trả lời như sau:
(CLXXVIII) Yasoja (Thera. 30)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại cửa thành ở Sàvatthi, trong một làng người đánh cá, con vị chủ hộ năm trăm gia đình đánh cá và được gọi là Yasoja. Ðến tuổi trưởng thành, một hôm ngài đánh cá với những người con các người đánh cá trên sông Aciravati, quăng lưới, ngài bắt được con cá lớn có màu sắc vàng. Họ dâng con cá lên vua Pasenadi và vua nói chỉ có đức Phật mới biết nguyên nhân, màu sắc của con cá. Ðức Phật dạy, tiền thân con cá là một ác Tỷ-kheo trong thời đức Phật Ca-diếp, nay vẫn đang sống trong cõi địa ngục. Các chị của nó vẫn sống trong địa ngục, Chỉ có anh nó là vị Trưởng lão, sống đời sống tốt đẹp, và Thế Tôn thuyết pháp về kinh Kapila. Nghe xong, Yasoja cảm thấy xúc động và xin xuất gia, và các bạn cũng xin xuất gia theo; họ đi đến tinh xá Jetavana (Kỳ Viên) để yết kiến đức Phật, nhưng khi đến họ làm quá ồn ào nên bị Thế Tôn đuổi đi. Bị đuổi, và sống trên sông Vaggumudà, Yasoja như con người thuần thục, quyết tâm quyết chí tu trì, không bao lâu chứng được sáu thắng trí. Rồi Thế Tôn cho gọi Yasoja, và ngài vì tu khổ hạnh đặc biệt, nên ốm yếu, xấu xí. Thế Tôn tán thán hạnh tu khắc khổ của ngài với những bài kệ như sau:
Yasoja được tán thán như vậy, đề cao hạnh cô độc và dạy như sau:
(CLXXIX) Satimattya (Thera. 31)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở nước Magadha (Ma-kiệt-đà) làm con một Bà-la-môn, ngài hội đủ những điều kiện nhân duyên, xuất gia, sống với các Tỷ-kheo ở rừng, và trải qua học hỏi tu hành, chứng được sáu thắng trí. Rồi ngài giảng dạy các Tỷ-kheo, thuyết pháp cho nhiều tín đồ về quy y và các giới điều. Có một gia đình, đặc biệt ngài giáo hóa và nuôi dưỡng lòng tin. Trong gia đình này, ngài đặc biệt được chào đón, người con gái nhà này đẹp, và thường cung kính cúng dường ngài ăn uống.
Một hôm, Màra muốn phá ngài và làm ngài mất uy tín, giả dạng ngài và đi đến nắm tay cô con gái, nhưng cô con gái biết là không phải nắm tay của loài Người, liền bỏ tay ra. Nhưng người nhà thấy được và không còn tin tưởng ở ngài. Ngài không biết gì, cảm thấy có sự đổi khác trong thái độ của gia đình ấy. Biết rằng Màra đã ám hại, ngài nguyện sẽ làm tỏ rõ sự tình, người gia chủ nghe ngài giải thích liền xin lỗi ngài và tự mình xin phục vụ cho ngài. Ngài nói lên sự việc, trong những bài kệ sau đây:
(CLXXX) Upàli (Thera. 31)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh trong gia đình một người cạo tóc tên là Upàli. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài xuất gia, theo gương của Anuruddha và năm vị con cháu hoàng tộc, khi đức Phật ở tại rừng Anupiyà. Khi ngài nhận một đề tài để thiền quán, ngài yêu cầu đức Phật đừng đưa ngài đi sống ra ngoài khu rừng. Ðức Phật dạy: ‘Nếu Thầy sống trong rừng, Thầy chỉ phát triển được một vấn đề, nhưng nếu Thầy sống với Ta, Thầy sẽ trở thành thuần thục cả về kinh học và thiền quán’. Ngài vâng theo lời bậc Ðạo Sư khuyên tu thiền quán và sau một thời gian chứng quả A-la-hán.
Tuy vậy, bậc Ðạo Sư dạy cho ngài cả Luật tạng. Về sau, khi Upàli được Thế Tôn khen vì Upàli đã phán quyết trong ba trường hợp về Ajjuka, về Tỷ-kheo Kurukacchaka và Kumàra-Kacapa, ngài được xem là vị hiểu biết Luật tạng.
Trong một ngày trai giới, khi ngài đang đọc giới bổn Pàtimokkha, ngài giáo giới các Tỷ-kheo như sau:
(CLXXXI) Uttarapàla (Thera. 31)
Sanh trong thời đức Phật hiện tại, ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn, ngài được đặt tên là Uttarapàla. Ngài thấy Thế Tôn thực hiện thần thông song hành, khởi lòng tin, xuất gia và chăm lo tu học. Một hôm, do nhớ nghĩ chuyện này chuyện khác, dục vọng tấn công ngài, và sau một thời chiến đấu tư tưởng mãnh liệt, ngài chận đứng các phiền não, và triển khai thiền quán, ngài chứng được quả A-la-hán.
Suy tư đến chiến thắng, ngài rống lên tiếng rống con sư tử:
(CLXXXII) Abhibhùta (Thera. 31)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Vetthapura, đặt tên là Abhibhùta, và khi phụ thân mất, ngài thừa hưởng tài sản đất đai. Khi đức Phật đến tại thành phố, trong dịp Thế Tôn du hành, Abhibhùta đến nghe Thế Tôn thuyết pháp, và mai sáng mời Thế Tôn đến nhà. Thế Tôn cảm ơn và dạy cho ngài Chánh pháp với nhiều chi tiết. Ngài khởi lòng tin, từ bỏ gia sản, xuất gia và chứng quả A-la-hán.
Trong khi thọ hưởng vị ngọt giải thoát, các bà con, thân tín, quen biết đến than van với ngài và ngài đã từ bỏ họ, không để lại một vị lãnh đạo. Và ngài thuyết pháp cho họ nói lên lý do xuất gia của ngài:
(CLXXXIII) Gotama (Thera. 32)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong dòng họ Thích-ca và chỉ được biết tên là Gotama, ngài khởi lòng tin khi đức Phật thăm viếng bà con, xuất gia, tu học thiền quán và chứng được sáu thắng trí. Khi ngài đang hưởng lạc giải thoát, bà con ngài hỏi ngài vì sao lại từ bỏ bà con đi xuất gia, ngài liền giải thích những khổ đau, ngài gặp khi phải sanh tử liên tục và hạnh phúc Niết-bàn ngài đã chứng được . Ngài nói:
(CLXXXIV) Harita (Thera. 32)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn. Vì tự kiêu sanh trong giai cấp cao, ngài quen gọi các người khác là hạ sanh. Khi khởi lòng tin xuất gia, vì thói quen, ngài vẫn giữ tật xấu ấy. Nhưng một ngày kia, sau khi nghe bậc Ðạo Sư thuyết giảng, ngài ôn lại tâm tư của mình và ngài thấy lo ngại vì lòng tự kiêu của mình. Ðoạn tận kiêu mạn ấy, ngài phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Sau đó sống trong an lạc giải thoát, ngài chứng minh chánh trí của mình trong những bài kệ giảng dạy các Tỷ-kheo:
(CLXXXV) Vimala (Thera. 32)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Ba-la-nại trong một gia đình Bà-la-môn. Ngài xuất gia dưới sự hướng dẫn của Trưởng lão Amitta, và nhờ sự hướng dẫn này, ngài phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Rồi ngài giảng dạy cho một Tỷ-kheo là bạn của ngài như sau:
Chương IV
-ooOoo-
Phẩm Bốn Kệ
(CLXXXVI) Nàgasamàla (Thera. 33)
Sanh trong thời đức Phật hiện tại, trong gia đình hoàng tộc Thích-ca, ngài quán sát tánh vô thường của sự vật và triển khai thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Ngài chứng minh chánh trí của ngài dựa trên kinh nghiệm riêng của ngài trong những bài kệ này:
(CLXXXVII) Bhagu (Thera. 33)
Sanh trong thời đức Phật hiện tại, trong một gia đình dòng họ Sakya (Thích Ca), ngài xuất gia với Anuruddha và Kimbila, và sống gần làng Bàlakalona. Một ngày kia, khi ngài từ tinh xá ra ngoài để đối trị bịnh buồn ngủ, ngài té khi ngài bước lên đường kinh hành. Xem đấy để tự khích lệ, ngài tự chế ngự và phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Từ đấy, sống thọ hưởng an lạc giải thoát Niết-bàn. Thế Tôn đến, tán thán cô độc của ngài và hỏi: ‘Này Tỷ-kheo, sao cho đến nay, Thầy vẫn còn tinh tấn?’. Ngài trả lời, với những bài kệ như sau:
(CLXXXVIII) Sabhiya (Thera. 33)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong gia đình con gái một hoàng tộc, người con gái này được cha mẹ giao cho một vị du sĩ hướng dẫn để nàng có thể học giáo lý và nếp sống tu hành. Sabhiya khi lớn lên cũng trở thành một du sĩ, học hỏi nhiều kinh kệ tụng, trở thành một nhà lý luận sắc bén, không ai sánh nổi. Dựng am bên cửa thành, ngài dạy học cho con cháu các hoàng tộc, ngài nghĩ ra hai mươi câu hỏi để ngài hỏi các vị tu sĩ và Bà-la-môn. Trong khi Sabhiyasutta, có ghi là một Bà-la-môn, từ cõi Tịnh cư thiên, đã nghĩ ra các câu hỏi ấy. Thế Tôn khi đi đến Vương Xá, tinh xá Trúc Lâm, đã trả lời các câu hỏi và Sabhiya khởi lòng tin, xuất gia và chứng quả A-la-hán.
Khi ngài khuyên dạy các Tỷ-kheo đã theo phe Devadatta, ngài nói lên những bài kệ như sau:
(CLXXXIX) Nandaka (Thera. 33)
Trong thời Ðức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình có gia tộc, và được gọi là Nandaka. Ngài xuất gia, sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, và phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Sau đó khi đang sống trong an lạc giải thoát, ngài được bậc Ðạo Sư dạy thuyết pháp cho các Tỷ-kheo-ni và khiến cho năm trăm vị chứng quả A-la-hán. Ðức Phật ấn chứng cho ngài là vị khuyến giáo Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni đệ nhất.
Rồi một ngày kia, khi đi khất thực ở Sàvatthi, một nữ nhân trước kia lập gia đình với ngài, thấy ngài và cười lớn tiếng với một tâm bất chánh. Vị Trưởng lão thấy hành động của nàng liền dạy cho nàng về thân thể bất tịnh, với những bài kệ sau:
(CXC) Jambuka (Thera. 34)
Trong thời Ðức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình rất nghèo. Như trong đời trước, ngài dùng phân làm đồ ăn, và rời bỏ gia đình, làm vị tu khổ hạnh. Thực hành nhiều khổ hạnh, ăn từng hạt đậu một, được chấm trên đầu ngọn rơm. Ngài đã năm lăm tuổi khi đức Phật thấy ngài căn cơ thuần thục, như ngọn đèn đặt trong cài ghè, đi đến ngài, thuyết pháp và hóa độ cho ngài. Rồi Thế Tôn gọi: ‘Hãy đến, này Tỷ-kheo’ và cho ngài xuất gia. Rồi Jambuka phát triển thiền quán và Thế Tôn ấn chứng ngài chứng quả A-la-hán. Ðây chỉ là sơ lược, trong đoạn sớ giải các câu kệ của Dhammapàda, câu chuyện được giải thích rộng rãi từ nơi câu; ‘Ăn từng hạt đậu một, với ngọn rơm chấm đậu. Khi đến giờ mệnh chung, ngài nói lên rằng: dầu một lần sống theo tà hạnh, nhưng nếu dựa vào đức Phật tối thượng, ngài cũng có thể chứng quả như các đệ tử khác. Ngài nói lên những bài kệ:
(CXCI) Senaka (Thera. 34)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình, con trai người chị của Trưởng lão Kassapa ở Uruvela, và được đặt tên là Senaka. Khi học về văn hóa Vệ-đà Bà-la-môn, ngài ở với gia đình. Trong thời ấy dân chúng tổ chức hàng năm vào tháng Thaggumà (tháng ba) một lễ quán đảnh một bến nước, lễ ấy được gọi là Gayà melà (hay ngày trai giới Gayà).
Thế Tôn vì lòng thương tưởng đến những người có thể giáo hóa, ở lại gần bờ sông. Và khi quần chúng tụ họp lại, Senaka cũng đến, nghe bậc Ðạo Sư thuyết giảng được cảm hóa xuất gia và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Sau đó, suy tuởng đến sự thắng trận của mình, ngài cảm thấy hân hoan, và ứng khẩu nói lên những bài kệ này
(CXCII) Sambhùta (Thera. 34)
Trong thời Ðức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình có giai cấp, và sau khi bậc Ðạo Sư tịch diệt, ngài được Ananda giáo hóa, xuất gia và chứng quả A-la-hán. Ngài sống trong an lạc giải thoát, cho đến khi một trăm năm sau khi đức Phật nhập diệt, các Tỷ-kheo Vajjì đề xướng mười tà pháp bị Trưởng lão Niyasa và các Tỷ-kheo Kàlanndaka chống lại và một kỳ kiết tập được tổ chức với bảy trăm vị A-la-hán. Ngài Sambhùta, bị xúc động bởi hành động xuyên tạc Pháp và Luật, nói lên những bài kệ này và tuyên bố chánh trí của ngài:
(CXCIII) Ràhula (Thera. 35)
Ngài là con của đức Phật và công chúa Yasodhàra, và được nuôi dưỡng với các hoàng tử khác. Trường hợp ngài xuất gia đã được ghi trong tập Khandhaka. Nhờ những lời dạy trong nhiều bài kinh, trí tuệ ngài thuần thục và phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Suy tư đến sự thắng trận của mình, ngài nói lên chánh trí:
(CXCIV) Candana (Thera. 35)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài tái sanh trong một gia đình giàu có và đặt tên là Candana, ngài sống một đời sống gia đình cho đến khi ngài được nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp. Và chứng quả Dự Lưu. Khi ngài sanh được một người con, ngài xuất gia, chọn lựa một đề tài thiền quán và sống ở trong rừng. Ði đến Sàvatthi để yết kiến bậc Ðạo Sư, ngài ở trong một bãi tha ma, vợ ngài nghe tin ngài đến, liền trang điểm, đem con theo, nghĩ rằng: ‘Với nhan sắc nàng có thể khiến ngài từ bỏ xuất gia’. Ngài thấy nàng từ xa đi đến nghĩ cách để thoát khỏi bị nàng cám dỗ, phát triển thiền quán và chứng được sáu thắng trí. Ngài thuyết giảng cho nàng, khiến nàng qui y và thọ các giới. Rồi ngài trở lui ở chỗ cũ của ngài. Khi các Tỷ-kheo bạn hỏi ngài: ‘Các căn của bạn chói sáng, bạn đã chứng sự thực gì?’. Ngài nói lên quả chứng của mình, và với những bài kệ này, chứng minh chánh trí của mình.
(CXCV) Dhammika (Thera. 35)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Kosala, tên là Dhammika. Khi Jetavana (Kỳ Viên) được dâng cúng, ngài khởi lòng tin, và xuất gia. Sống tại một tinh xá ở làng, ngài cảm thấy bất mãn và khó chịu đối với các công việc các Tỷ-kheo đến tinh xá. Do vậy các Tỷ-kheo đều bỏ đi và ngài làm chủ một mình một ngôi tinh xá. Một cư sĩ báo cáo sự việc lên bậc Ðạo Su, bậc Ðạo Sư cho gọi ngài lên để giải thích. Theo lời các Tỷ-kheo yêu cầu, ngài nói lên những bài kệ như sau:
Khi Thế Tôn dạy ba bài kệ trên, Dhammika trên chỗ ngồi phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Ðể nói lên quả chứng của mình cho bậc Ðạo Sư rõ, ngài nói lên bài kệ cuối cùng để nói lên chánh trí của ngài.
(CXCVI) Sabbaka (Thera. 35)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi trong một gia đình Bà-la-môn, ngài nghe Thế Tôn thuyết pháp, khởi lòng tin và xuất gia. Lựa chọn một đề tài để thiền quán, ngài đi đến tinh xá Lonagiri, trên bờ sông Ajakaranì và tại đấy, sau một thời gian chứng quả A-la-hán. Ði đến Sàvatthi để yết kiến bậc Ðạo Sư, ngài ở lại một thời gian và được bà con đón tiếp. Sau khi khuyên các bà con quy y và giữ giới, ngài muốn trở về chỗ cũ. Các bà con yêu cầu ngài ở lại để được bà con cúng dường, nhưng ngài nói cho họ rõ vì sao ngài đến đây, và sự ưa thích đời sống độc cư. Ngài nói lên bài kệ tán thán trú xứ của ngài:
Rồi các bà con thuận để ngài đi. Vì ngài thích sống nhàn tịnh, đây trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(CXVII) Mudita (Thera 36)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình thường dân và được đặt tên là Mudita. Khi ngài đến tuổi trưởng thành , dòng họ ngài vì một vài nguyên nhân, bị vua chống đối Mudita, quá sợ vua nên bỏ chạy, đi vào rừng và sống gần trú xứ của một Trưởng lão đã chứng quả A-la-hán. Vị này thấy ngài quá sợ hãi, bảo ngài chớ có sợ. Ngài hỏi cần phải bao nhiêu thời gian mới khỏi tai nạn, vị A-la-hán nói cần phải bảy hay tám tháng, ngài nói ngài không thể đợi lâu như thế nên xin xuất gia. Vị Trưởng lão cho phép ngài được xuất gia. Ngài xuất gia, học đạo, khởi lòng tin, không còn sợ hãi nữa, và tu tập thiền quán. Chưa chứng được quả A-la-hán, ngài nguyện không rời khỏi tinh xá cho đến khi chứng quả và cuối cùng ngài đã thành công. Sau đó, ngài sống trong an lạc giải thoát, các Tỷ-kheo đồng Phạm hạnh hỏi ngài làm sao ngài thành đạt được chí nguyện, ngài nói lên kinh nghiệm của ngài trong những bài kệ như sau:
Chương V
-ooOoo-
Phẩm Năm Kệ
(CXCVIII) Ràjadatta (Thera. 37)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình của những người lữ hành, cha mẹ gọi ngài là Ràjadatta (Vua ban cho), vì rằng sinh được ngài là nhờ cha mẹ cầu nguyện Vesavana, một vị thiên thần hư không. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài một lần dẫn năm trăm cỗ xe hàng hóa đến Ràjagaha (Vương Xá); tại đấy ngài tiêu tất cả tiền, tiêu một ngàn đồng cho một kỹ nữ đẹp, đến nỗi ngài hết cả tiền, không có đủ ăn, phải đi lang thang trong đói khổ. Rồi ngài đến tinh xá Trúc Lâm (Veluvana) với các cư sĩ khác, tại đấy bậc Ðạo Sư đang thuyết pháp với một thính chúng rất lớn. Rồi Rajadatta, ngồi ở phía ngoài thính chúng nghe, khởi lòng tin và xuất gia. Thực hành hạnh đầu đà, ngài sống trong một nghĩa địa.
Rồi một nhà lữ hành khác cũng tiêu hết một ngàn đồng cho người kỳ nữ, nhưng trên tay người này có một chiếc nhẫn rất có giá trị và người kỹ nữ thèm muốn lấy chiếc nhẫn. Nàng cho người đánh cắp. Nhưng người hầu hạ của người lữ hành tin cho cảnh sát biết, đến lục soát nhà nàng giết nàng và quăng thân nàng trong nghĩa địa.
Trưỏng lão Rajadatta, đang đi tìm một đối tượng để quán tưởng, thấy được thi hài của người kỹ nữ. Ngài tập trung tư tưởng, nhưng các phần thi hài nàng chưa bị chó hay chó rừng ăn, làm ngài dao động và chi phối ngài. Ngài lấy làm ảo não buồn phiền, lánh xa đi một lúc rồi lại bắt đầu tự mình khích lệ, tu thiền, phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán.
Rồi suy tư trên thành công của mình, cảm thấy hoan hỷ phấn khởi, ngài nói:
(CXCIX) Subhùta (Thera. 37)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình thường dân ở Magadha, tên là Subhùta, ngài không thể sống trong gia đình, nên bỏ nhà làm nguời du sĩ. Không thấy trong bộ phái của mình cái gì là chân lý và thấy Upatissa, Kolita, Sela sống hạnh phúc hoan hỷ sau khi tu hành, ngài khởi lòng tin giáo lý đức Phật và xin xuất gia. Sau khi lấy được cảm tình các vị giáo thọ sư và truyền pháp sự, ngài vào nhập thất với một đề tài thiền quán. Nhờ phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán.
Rồi ngài tuyên bố chánh trí của ngài bằng cách ôn lại sự đau khổ khi tu hành và sự hoan hỷ khi ngài được tu thiền, ngài nói lên bài kệ:
(CC) Girimànanda (Thera. 38)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Ràjagaha (Vương Xá) con trai của vị cố vấn nghi lễ cho vua Bimbisàra (Tần-bà-sa-la). Ngài thấy uy lực và uy nghi của đức Phật khi đức Phật dự hội ở Ràjagaha, và xin xuất gia. Trong thời kỳ học tập, ngài sống trong một thời gian tại một ngôi làng rồi trở lui lại thành phố để đảnh lễ Ðức Phật. Vua Bimbisàra nghe tin ngài tới, đến yết kiến ngài và nói ngài hãy ở lại đây, vua xin lo liệu tất cả. Vì vua nhiều việc nên quên đi lời hứa, và ngài phải sống giữa trời. Và thần mưa không mưa sợ làm ngài ướt. Rồi vua Bimbisàra, thấy trời hạn hán nên xây dựng một am thất cho ngài. Và ngài sống trong am thất ấy cố gắng tu hành tinh tấn, quyết tâm nỗ lực, tu tập thiền định, thiền quán, chứng được quả A-la-hán. Rồi hoan hỷ với sự kiện này, ngài nói lên lời chánh trí của ngài trong khi trời bắt đầu đổ mưa.
(CCI) Sumana (Thera. 38)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình thường dân, ở Kosala, tên là Sumana, ngài lớn lên trong hoàn cảnh may mắn. Anh mẹ ngài trở thành vị A-la-hán, sống ở trong rừng, và khi Sumana đến tuổi trưởng thành, cậu ngài cho ngài xuất gia và trao cho ngài đề tài để thiền quán về phía giới hạnh. Cuối cùng, khi Bốn thiền và Năm thắng trí đã chứng được, vị Trưởng lão chỉ cho ngài phương pháp thiền quán, và nhờ vậy ngài chứng quả A-la-hán. Khi đi đến người cậu của ngài, ngài được hỏi về sự thành công và ngài nói lên chánh trí của ngài như sau:
(CCII) Vaddha (Thera. 38)
Sanh trong đời đức Phật hiện tại, tại thành Dhamkaccha trong một dòng họ thường dân, ngài được đặt tên là Vaddha. Khi lớn lên, mẹ ngài cảm thấy âu lo vì vấn đề tái sanh và chết, giao con lại cho bà con, rồi bà xuất gia giữa các Tỷ-kheo-ni. Sau bà trở thành một vị A-ha-hán. Con bà, cũng xuất gia dưới sự hướng dẫn của Veludanta, học lời dạy đức Phật, trở thành một pháp sư giỏi có tiếng. Một hôm, suy nghĩ đến trách nhiệm của mình, ngài nghĩ: ‘Nay ta sẽ đến thăm mẹ ta một mình và không đắp y ngoài’. Rồi ngài đi đến trú xứ các Tỷ-kheo-ni. Mẹ ngài thấy ngài vậy, chỉ trích ngài sao đi đến trú xứ Tỷ-kheo-ni một mình và không đắp y ngoài. Ngài nhận thấy mình có lỗi, trở về tinh xá, ngồi trong phòng thiền định và chứng quả A-la-hán. Ngài nói lên chánh trí của ngài, nhờ lời chỉ trích của mẹ ngài:
(CCIII) Nadikassapa (Thera. 39)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Magadha (Ma-kiệt-đà), là anh của Kassapa. Ngài thiên hẳn đời sống xuất gia, không ưa thích đời sống gia đình, và ngài trở thành một ẩn sĩ. Với ba trăm đồ chúng, ngài sống một đời sống ẩn sĩ trên bờ sông Neranjarà (Ni-liên-thiền), và do vậy ngài được biết và được gọi là Kassapa ở bên sông (Nadi-Kassapa). Ngài được Thế Tôn giáo hóa cùng với hai anh em, như đã được ghi trong Luật tạng. Sau khi Thế Tôn thuyết kinh Lửa Bốc Cháy, ngài chứng quả A-la-hán. Sau đó, suy tư trên thiền chứng, ngài nói lên chánh trí của mình, bằng cách nhổ lên các sai lầm:
(CCIV) Gayà-Kassapa (Thera. 39)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn, câu chuyện ngài giống như câu chuyện của Nadì-Kassapa, chỉ khác ngài chỉ có hai trăm đệ tử và sống ở Gayà, ngài nói lên chánh trí bằng cách tán thán tẩy sạch các điều ác như sau:
(CCV) Vakkali (Thera. 39)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một dòng họ Bà-la-môn và được gọi tên Vakkali. Khi đến tuổi trưởng thành, và học xong ba tập Vệ-đà, trở thành thuần thục trong những thành tích Bà-la-môn, ngài thấy bậc Ðạo Sư, ngài nhìn không chán thân hình tuyệt vời của đức Phật, và ngài đi theo bậc Ðạo Sư. Khi ngài trở về nhà, ngài nghĩ nếu ở lại nhà, ngài sẽ không có dịp luôn luôn thấy được đức Phật. Do vậy, ngài xuất gia, và từ khi ăn uống và tắm rửa, ngài để toàn thì giờ để chiêm ngưỡng đức Phật. Bậc Ðạo Sư, chờ đợi thiền quán của ngài được chín muồi, nên trong một thời gian dài, đức Phật không nói gì. Một hôm đức Phật hỏi: ‘Này Vakkali, thân bất tịnh này mà Thầy thấy, đối với Thầy như thế nào? Ai thấy Pháp người ấy tức thấy Ta. Vì rằng thấy Pháp tức là thấy Ta, và thấy ta tức là thấy Pháp’. Nghe lời nói đức Phật, ngài không chiêm ngưỡng thân đức Phật nữa, nhưng ngài chưa bỏ đi xa được. Bậc Ðạo Sư nghĩ rằng: ‘Tỷ-kheo này, nếu không được xúc động mạnh, sẽ không thức tỉnh’, nên vào cuối ngày an cư mùa mưa, đức Phật nói: ‘Này Vakkali, hãy đi đi’. Nghe bậc Ðạo Sư nói vậy, ngài tự nghĩ ngài phải đi, nhưng nghĩ rằng đời ngài có ý nghĩa gì, nếu không được gặp bậc Ðạo Sư, nên ngài có ý định leo lên núi Linh Thứu để gieo mình xuống vực núi tự tử. Ðức Phật biết được Vakkali có ý định như vậy, nên sợ ngài phá hoại những điều kiện chứng được thánh quả, nên hiện ra trước mặt ngài và đọc lên bài kệ:
Tỷ-kheo nhiều hân hoan,
Tịnh tín giáo pháp Phật,
Chứng cảnh giới tịch tịnh,
Các hạnh an tịnh lạc.
Ðức Phật đưa tay và nói: ‘Hãy đến, này Tỷ-kheo!’ Vakkali rất lấy làm sung sướng được nghe lời Phật dạy, thấy được điều gì mình đang làm, đứng trên hư không suy tư đến lời Phật dạy, chứng quả A-la-hán với sự hiểu biết về nghĩa và về pháp. (Ðây là những tài liệu được tập sớ của bộ Anguttara Nikàya và tập sớ của Dhammapaca ghi chép lại).
Theo những tài liệu khác, Vakkali chưa chứng quả A-la-hán, sau khi nghe lời dạy của bậc Ðạo Sư, ngài ở trên núi Linh Thứu, phát triển thiền quán. Thế Tôn cho ngài một đề tài tu tập, nhưng vì quá đói và bị tê liệt nên ngài không chứng quả được. Biết vậy, Thế Tôn nói với ngài như sau:
Vị Trưởng lão nói lên sự hân hoan thường xuyên của mình, nhờ được sự an lạc siêu nhân:
Khi nói vậy, ngài phát triển thiền quán và ngay khi ấy chứng quả A-la-hán.
(CCVI) Vigitasena (Thera. 39)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ra trong một gia đình huấn luyện voi ở nước Kosala, và được đặt tên là Vigitasena. Những người cậu bên ngoại, Sena và Upasena cả hai đã xuất gia và chứng quả A-la-hán. Vigitasena sau khi đã thuần thục nghề của mình, thấy thần thông song hành của bậc Ðạo Sư khởi lòng tin, và theo bản năng tự nhiên, xin xuất gia dưới sự hướng dẫn của các người cậu. Nhờ các người cậu giảng dạy, ngài đạt đến thiền quán, nhưng tâm trí ngài thiên về lý luận chạy theo những vật bên ngoài, nên ngài giảng dạy cho tâm trí ngài như sau:
(CCVII) Yasadatta (Thera. 40)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong dòng họ vua Malla, được đặt tên là Yasadatta, ngài được học ở Takkasilà. Sau khi đi du hành vói du sĩ Sabhiya, cả hai đến Sàvatthi, tại đây hỏi Thế Tôn một số câu hỏi. Yasadatta ngồi nghe những câu trả lời, ý muốn ưa chỉ trích: ‘Ta sẽ nêu lên những khuyết điểm trong những câu trả lời của Sa-môn Gotama’. Thế Tôn hiểu tâm tư của Yasadatta, nên sau khi nói kinh Sabhiya, Thế Tôn giáo huấn Yasadatta như sau:
(CCVIII) Sonakutikanna (Thera. 40)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở xứ Avanti, trong một gia đình rất giàu có, và được đặt tên là Sona. Vì đeo một bông tai đắt giá, ngài cũng được gọi là Koti hay Kutikanna (người có lỗ tai đắt giá). Lớn lên, ngài trở thành một điền chủ, và khi Trưởng lão Mahà Kaccàna ở gần bên nhà, ngài cung cấp các vật dụng nhu yếu, nghe Chánh pháp, cuối cùng cảm thấy dao động, xin xuất gia với Trưởng lão Kaccàna. Rủ thêm mười người một cách khó khăn, ngài xin phép vị Trưởng lão đi đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Ðược phép ngủ đêm trong chái phòng đức Phật, và buổi sáng được mời tụng đọc, ngài được khen khi đọc mười sáu Athaka. Khi đọc đến câu: ‘Thấy sự nguy hiểm của một đời thế tục’, ngài phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán.
Khi ngài được đức Bổn Sư bằng lòng về ba vấn đề mà vị Trưởng lão Mahà Kaccàna giao cho ngài hỏi, ngài trở về chỗ cũ và thưa lại với bậc giáo thọ sư của mình (Sự kiện này được ghi chép đầy đủ trong tập Udàna và tập sớ Anguttara, nhưng ở đây lại nói ngài chứng quả A-la-hán khi còn học tập với vị giáo thọ sư của mình).
Rồi, trong khi sống, thọ hưởng an lạc giải thoát, ngài ôn lại sự thanh đạt của mình, và với tâm hoan hỷ, ngài nói lên những bài kệ như sau:
(CCIX) Kosiya (Thera. 41)
Trong thời Ðức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Magadha và được đặt tên là Sona. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài hay đến nghe Trưởng lão Sàriputta thuyết pháp, tin tưởng ở nơi giáo lý, xuất gia và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ôn lại quá trình giải thoát của mình, ngài tán thán đức hạnh và sức mạnh quyết định hành thiện của các bậc Thánh với những bài kệ sau đây:
Chương VI
-ooOoo-
Phẩm Sáu Kệ
(CCK) Uruvelà Kassapa (Thera. 42)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm anh cả trong ba anh em một gia đình Bà-la-môn tên Kassapa, và cả ba đều học thông ba tập Vệ-đà. Ba anh em có đến năm trăm, ba trăm và hai trăm thanh niên đệ tử vì không tìm được chân lý trong kinh điển của họ, chỉ tìm thấy những vấn đề thế tục, nên họ từ bỏ gia đình và trở thành những ẩn sĩ. Cả ba được đặt tên tùy theo chỗ ở của mỗi vị, và ngài được gọi là Uruvelà Kassapa vì ngài ở Uruvelà. Một số sự kiện đã xảy ra, vị Bồ-tát xuất gia, chuyển Pháp luân, năm vị Trưởng lão chứng quả A-la-hán, năm mươi bạn đứng đầu là Yasa được hóa độ, sự xuất phát của vị A-la-hán để thuyết pháp độ sanh, sự hóa độ ba mươi người bạn giàu có, bậc Ðạo sư đi đến Uruvelà. Khi Thế Tôn hiện ra nhiều thần thông bắt đầu với sự nhiếp phục con rắn, Kassapa khởi lòng tin và xuất gia, hai người em cũng bắt chước người anh cả. Thế Tôn giảng kinh AAdittapariyàya cho ba anh em Kassapa với một ngàn đệ tử và khiến mọi người chứng quả A-la-hán.
Uruvelà Kassapa ôn lại sự thành quả của mình, nói lên chánh trí với những bài kệ như sau:
(CCXI) Tekicchakàrì (Thera. 42)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một Bà-la-môn tên Subuddha. Ngài được các nhà giải phẫu cứu sống khi ngài mới sanh, vì vậy ngài được đặt tên là Tekicchakàrì (người được các bác sĩ cứu sống). Ngài lớn lên học các nghệ thuật và học thuật của giai cấp mình. Phụ thân ngài vì trí tuệ và chánh sách của mình, nên bị vua Candagotta, vua Bà-la-nại ganh ghét và bỏ tù. Tekicchakàrì nghe vậy, sợ hãi bỏ trốn, lánh mình tại tinh xá của một vị Trưởng lão, và tường thuật cho vị ấy biết nỗi khó khăn của mình. Vị Trưởng lão cho ngài xuất gia, chọn cho ngài một đề tài tu tập và ngài trở thành một Tỷ-kheo sống ngoài trời không kể gì lạnh nóng, hoàn toàn chú tâm vào tu tập cho được thành quả. Ác ma sợ ngài thoát khỏi sự chi phối của mình nên muốn phá rối vị Trưởng lão, đến gần dưới hình thức một người mục đồng, khi gặt hái đã xong, muốn cám dỗ ngài nên nói như sau:
Vị Trưởng lão nghĩ rằng: ‘Người này nói đến tình cảnh của nó. Nhưng ta cần phải giáo huấn ta! Không phải phần việc để ta thuyết giảng’. Như vậy, vị Trưởng lão khuyên mình nên thiền quán trên ba quy y:
Rồi Ác ma, muốn ngài không sống hạnh viễn ly, làm như muốn lo cho ngài được hạnh phúc, nói rằng:
Vị Trưởng lão, nêu rõ ở trong nhà là một trói buộc và ở ngoài trời là giải thoát, nên trả lời:
Ta sẽ cảm thọ được,
Với bốn tâm vô lượng,
Ta sẽ sống an lạc
Với những tâm tư ấy,
Giá lạnh không hại ta,
Ta sống không dao động.
Nói vậy, vị Trưởng lão phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán.
Vì rằng vị Trưởng lão sống trong thời vua Bindusàra, các bài kệ này cần được hiểu là được tụng đọc vào kỳ kiết tập thứ ba như là thuộc Kinh tạng.
(CCXII ) Mahà-Nàga (Thera. 43)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh tại Sàketa, con trai một Bà-la-môn tên Madhu Vàsettha và được đặt tên là Mahà-Nàga. Ngài thấy thần thông do Trưởng lão Gavampati thực hiện trong khi Thế Tôn sống trong rừng Anjana, và khởi lòng tin, ngài xuất gia dưới sự hướng dẫn của vị Trưởng lão, và chứng quả A-la-hán nhờ vị này giáo huấn.
Ngay khi ngài an trú trong an lạc giải thoát, Trưởng lão Mahà-Nàga thấy sáu Tỷ-kheo thường hay không cung kính các vị đồng Phạm hạnh, và ngài giáo huấn họ với những bài kệ như sau, những bài kệ này trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài:
(CCXIII) Kulla (Thera. 43)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ) trong gia đình một điền chủ tên là Kulla, ngài được cảm hóa với lòng tin và được bậc Ðạo Sư độ cho xuất gia. Nhưng ngài thường bị tham dục chi phối. Bậc Ðạo Sư biết yếu điểm này của ngài, cho ngài một đề tài bất tịnh và khuyên ngài thiền quán trong một nghĩa địa. Khi tu tập này chưa được kết quả bậc Ðạo Sư đi với ngài và yêu cầu ngài theo dõi tiến trình thối nát và tiêu diệt của vật bất tịnh. Khi Kulla đã được tự tại thoát ly, Thế Tôn phóng hào quang, khiến ngài nhớ lại bài học, chứng Sơ thiền và từ đấy phát triển thiền quán, chứng được quả A-la-hán.
Ôn lại kinh nghiệm, ngài thốt ra những câu kệ sau đây, trước nói về ngài, rồi nhắc lại lời dạy của bậc Ðạo Sư, cuối cùng lại nói về ngài:
Những kệ này là lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(CCXIV) Màlunkyaputta (Thera. 43)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con một vị chuyên môn đánh giá cho vua Kosala, và mẹ là Màlunkyya, nên ngài được gọi là Màlunkyaputta (con bà Màlunkyà). Khi đến tuổi trưởng thành, tánh ưa thích đời sống xuất gia, ngài trở thành một du sĩ ngoại đạo. Khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, ngài xin xuất gia trong Pháp và Luật của Thế Tôn, và sau một thời gian, ngài chứng được sáu thắng trí. Khi ngài về thăm nhà vì lòng từ mẫn đối với bà con, các bà con chào đón ngài rất niềm nở và muốn kéo ngài trở về với đời sống gia đình thế tục, nói rằng với tài sản của ngài, ngài có thể lập gia đình và làm các thiện sự. Nhưng ngài nói lên chí nguyện cuả ngài như sau:
(CCXV) Sappadàsa (Thera. 44)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), con của vị cố vấn tế lễ của vua Suddhodhana, và được đặt tên là Sappadàsa. Khi đức Phật viếng thăm bà con, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Bị chi phối bởi những tập tục xấu, những tánh tình tâm lý không tốt đẹp, ngài không sao được thiền định và nhất tâm. Sự kiện này khiến ngài quá sầu não đến nỗi ngài gần tự tử, nhưng bỗng ánh sáng nội tâm chói sáng lan rộng thình lình, ngài chứng quả A-la-hán, nói lên chánh trí của mình, ngài nói:
(CCXVI) Kàtiyàna (Thera. 45)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Sàvatthi, con của một Bà-la-môn thuộc dòng họ Kosiya, nhưng được gọi là Kàtiyàna, theo gia đình của bà mẹ. Thấy bạn của mình là Sàmannakàni trở thành một Trưởng lão, ngài cũng xuất gia. Khi ngài học tập, ngài cương quyết đối trị nằm ngủ ban đêm. Trong khi đi qua lại trên con đường kinh hành, ngài quá buồn ngủ nên té xuống. Bậc Ðạo Sư thấy vậy, đi đến đứng truớc ngài và gọi: ‘Này Kàtiyàna!’. Ngài liền đứng dậy, đảnh lễ, và đứng một bên, bị dao động mạnh, rồi Thế Tôn thuyết pháp cho ngài như sau:
(CCXII ) Migajàla (Thera. 45)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con của nữ cư sĩ nổi tiếng Visàkhà, và hay đi đến tinh xá để nghe pháp. Cuối cùng, ngài xuất gia, và sau một thời gian chứng quả A-la-hán, khi nói lên chánh trí của mình, ngài nói:
(CCXVIII) Jenta (Thera. 45)
Trong thời đức Phật hiện tại , ngài sanh ra làm con của vị cố vấn tế tự cho vua Kosala và được đặt tên là Jenta. Khi lớn lên, ngài trở thành kiêu mạn với những quyền lợi về sanh, tài sản, địa vị, khinh bỉ những gì đáng phải kính trọng và cứng cỏi trong kiêu hãnh. Một hôm, ngài đến gần bậc Ðạo Sư đang thuyết pháp cho một số đông, nghĩ rằng: ‘Nếu Sa-môn Gotama nói với ta trước, ta sẽ nói, ta không tự ý nói với Sa-môn Gotama!’. Thế Tôn không nói với Jenta, và Jenta vì lòng kiêu mạn cũng không nói. Sau cùng ngài nêu rõ lý do vì sao ngài đến và Thế Tôn nói với ngài như sau:
An trú triền kiêu mạn,
Thật sự là không tốt,
Hỡi này Bà-la-môn,
Nên an trú lợi ích.
Ðiều thiện ông tầm cầu,
Khi ông đến tại đây,
Chỉ trên đấy mà thôi,
Ông hãy nên an trú.
Jenta nghĩ rằng: ‘Thế Tôn đã biết tư tưởng của ta, cảm thấy xúc động mạnh và đảnh lễ chân Thế Tôn’. Rồi ngài thưa với bậc Ðạo Sư:
Với ai, không nên kiêu?
Với ai, cần cung kính?
Với ai, phải tôn trọng?
Cung kính ai là thiện?
Thế Tôn trả lời:
Với cha và với mẹ,
Với anh cả, với thầy,
Với các Bà-la-môn,
Với Sa-môn áo vàng,
Với những vị như vậy,
Nên cung kính tôn trọng,
Cung kính các vị ấy,
Là việc làm tốt lành.
Với các bậc La-hán,
Tịch tịnh và hữu học,
An tịnh, không cấu uế,
Mọi kiêu mạn chấm dứt,
Khi đạt đến mục tiêu,
Hãy tôn trọng vị ấy.
Với lời dạy này, Jenta chứng được quả Dự Lưu, xuất gia và sau một thời gian, chứng quả A-la-hán. Nói lên sự thành công, ngài tuyên bố chánh trí của ngài:
(CCXIX) Sumana (Thera. 46)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong gia đình một cư sĩ, làm vị hộ trì cho Tôn giả Anuruddha. Từ trước, con cháu của người cư sĩ này chết trẻ. Khi sắp đẻ đứa con, người cha nghĩ nếu là con trai thời sẽ cho xuất gia với vị Trưởng lão. Sau mười tháng, đẻ được đứa con trai, vị cư sĩ này cho xuất gia khi đứa trẻ lên bảy tuổi. Do căn tánh thuần phục, không bao lâu ngài chứng được sáu thắng trí trong khi đang hầu hạ bậc Truởng lão. Cầm được cái bình để xách nước, Sumana với thần thông, đi đến hồ Anotatta, một con xà vương ác độc, phồng mang ngưỡng đầu lên không cho ngài lấy nước. Rồi Sumana hóa thành con chim Garuda (Kim xí điểu) nhiếp phục con rắn và mang nước bay về vị Trưởng lão. Rồi bậc Ðạo Sư, ngồi tại vườn Jetavana, thấy ngài bay về, liền gọi Sàriputta cùng xem, và tán thán ngài với bốn câu kệ. Sunmana để nêu lên chánh trí của mình cộng thêm những bài kệ của mình như sau:
(CCXX) Nhàlaka – Muni (Thera. 46)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), trong gia tộc Bà-la-môn, được giáo dục trong văn chương Vệ-đà, ngài được biết là vị đã đậu cấp bực Nhàlaka (cấp bực tắm rửa). Trở thành một ẩn sĩ, ngài sống trong một khu rừng cách xa Vương Xá khoảng ba do-tuần, sống với lúa hoang và thờ lửa.
Ðức Thế Tôn, thấy được điều kiện trở thành một vị A-la-hán chói sáng trong tâm ngài, như ánh sáng trong một cái ghè. Thế Tôn đến tại am thất của ngài, ngài vui vẻ đón tiếp đức Phật, thỉnh đức Phật dùng cơm ngài nấu và như vậy ba ngày trôi qua. Ngày thứ tư, Thế Tôn nói: ‘Ông hết sức yếu ớt, làm sao ông sống với đồ ăn như thế này?’. Rồi đức Phật giảng về hạnh biết đủ và thuyết pháp cho ngài. Và từ quả Dự Lưu ngài chứng quả A-la-hán. Thế Tôn xác chứng quả vị cuả ngài và ra đi, ngài vẫn ở tại chỗ cũ, nhưng rồi bị đau vì tê liệt. Bậc Ðạo Sư lại đến thăm và hỏi ngài về sức khỏe:
(CCXXI) Brahmadatta (Thera. 46)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con vua nước Kosala, tên là Brahmadatta, ngài chứng kiến uy nghi của đức Phật nhân ngày lễ dâng cúng Jetavana, khởi lòng tin, xuất gia và sau một thời gian chứng sáu thắng trí với lòng tin và hiểu biết về nghĩa, bởi lòng tin và hiểu biết về Pháp.
Một hôm ngài đi khất thực, một Bà-la-môn nhiếc mắng ngài, ngài im lặng nghe và tìếp tục đi, Bà-la-môn ấy lại chửi mắng ngài, và dân chúng phê bình sự im lặng của ngài; ngài giảng dạy cho dân chúng như sau:
Rồi Bà-la-môn chửi mắng ấy nghe những lời này, cảm thấy ưu não và hoan hỷ rồi xin lỗi ngài. Ðược xuất gia với sự hướng dẫn của ngài, được dạy đề tài quán từ bi, như vậy ngài dạy cho phương pháp để đối trị phẫn nộ:
(CCXXII) Sirimanda (Thera. 47)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sunsumàragira trong một gia đình Bà-la-môn. Khi được nghe Thế Tôn thuyết pháp ở rừng Bhesakalà, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Một hôm, nhân ngày lễ trai giới, trong khi giới bổn Pàtimokkhà đang được đọc, đến phần cuối phần giới thiệu nói về một lỗi bị phạm được nhẹ đi nếu phát lộ sám hối, ngài nghĩ đến lợi ích phát lộ sám hối các lỗi đã được giấu đi, và do vậy ngài phấn khởi hoan hỷ nói lớn tiếng: ‘Ôi, thật là hoàn toàn trong sạch, giới luật của bậc Ðạo Sư!’. Rồi phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Ôn lại con đường đã trải qua, với tâm phấn khởi, ngài dạy các vị đồng Phạm hạnh:
(CCXXIII) Sabbhakàma (Thera. 47)
Trong thời đức Phật hiện tại, sau khi đức Phật nhập diệt, ngài sanh ở Vesàli, thuộc gia đình quý tộc và được đặt tên là Sabbhakàma. Khi đến tuổi trưởng thành, thuận theo chí hướng xuất ly, ngài xuất gia dưới sự hướng dẫn của Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất). Trong khi đi học tập, ngài trở về Vesàli với bậc y chỉ sư của mình và về thăm gia đình. Vợ ngài lúc trước, buồn khổ, gầy mòn, áo xiêm không săn sóc, nước mắt chạy quanh, chào ngài và đứng một bên. Thấy vợ cứ như vậy, lòng thương hại khởi lên, và quên mất chí hướng xuất trần, ngài để cho dục vọng nổi lên. Như con ngựa khéo luyện tập bị roi đánh, ưu não khởi lên và ngài đi đến nghĩa địa để quán bất tịnh. Thiền định được chứng đạt, thiền quán được triển khai, ngài chứng quả A-la-hán. Rồi nhạc phụ của ngài dắt vợ cũ của ngài đến, trang điểm thật đẹp mắt, và với một số tùy tùng đông đảo, đi đến tinh xá để gặp ngài và kéo ngài trở lui với đời sống gia đình; nhưng ngài tuyên bố với mọi người là ngài đã từ bỏ các dục vọng như vậy, với những bài kệ như sau:
Chương VII
-ooOoo-
Phẩm Bảy Kệ
(CCXXIV) Sundara-Samudda (Thera. 49)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một người trong hội đồng thành phố giàu có, ở Ràjagaha (Vương Xá) và được đặt tên là Samudda. Vì ngài rất đẹp trai nên được gọi là Sundara-Samudda, khi ngài còn trẻ, ngài thấy được uy nghi đức Phật, khi có cuộc lễ đón rước đức Phật đến Ràjagaha, với lòng tin và với thiên tánh tự nhiên, ngài xuất gia. Ðược giao cho một đề tài thiền quán, ngài đi từ Ràjagaha đến Sàvatthi, ở với một người bạn và tu tập thiền quán. Mẹ ngài ở Vương Xá, thấy các người con của các đại biểu hội đồng thành phố khác với những người vợ trang sức thật lộng lẫy vui chơi trong những ngày lễ, bà mẹ buồn, nhớ con và khóc; một kỹ nữ thấy vậy liền dỗ bà và tự nguyện đi đến Sàvatthi để đem con bà về. Bà mẹ hứa rằng, nếu con bà chịu cưới nàng, bà sẽ cho nàng làm chủ gia đình và tặng nhiều tặng phẩm. Với một số tùy tùng, nàng đi đến Sàvatthi và dừng lại ngôi nhà ngài thường hay đến hằng ngày để khất thực; nàng hết sức săn sóc cho ngài. Nàng ăn mặc lộng lẫy và mang dép vàng; một hôm nàng để đôi dép nàng tại ngưỡng cửa, đảnh lễ ngài với hai tay chấp lại, khi ngài đi qua với cử chỉ muốn cám dỗ ngài. Và ngài một tư tưởng thế tục thoáng qua, ngài cương quyết nỗ lực cuối cùng đứng tại đấy thiền định, thiền quán và chứng được sáu thắng trí. Ngài diễn đạt quả chứng của ngài như sau:
(CCXXV) Lakuntaka-Bhaddiya (Thera. 49)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình giàu có, được đặt tên là Bhaddiya, nhưng vì ngài rất thấp, nên được biết với tên là Lakuntaka Bhaddhiya (Bhaddiya người lùn). Nghe bậc Ðạo Sư giảng, ngài xuất gia, trở thành một nhà học giả và biện tài, ngài dạy cho các người khác với một giọng nói rất dịu ngọt. Một hôm, nhân ngài đang lễ, một phụ nữ đi xe với một Bà-la-môn, thấy ngài và cười lên, để lộ hàm răng của nàng. Vị Trưởng lão, lấy hàm răng ấy như một đề tài để thiền quán, khởi lên thiền định và trên căn cứ ấy, phát triển thiền quán và trở thành một vị Bất Lai. Về sau nhờ Tôn giả Sàriputta dạy tu thân hành niệm, ngài chứng quả A-la-hán, ngài nói lên chánh trí của ngài:
(CCXXVI) Bhadda (Thera. 50)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong gia đình một vị lớn trong hội đồng thành phố, làm con một gia đình cha mẹ trước đây không có con, dầu đã có cầu khẩn thần linh nhiều lần vẫn chưa có con. Họ đi đến bậc Ðạo Sư và nói: ‘Nếu chúng con có được đứa con, chúng con sẽ dâng lên cho ngài để làm thị giả!’. Khi được sinh Bhadda, chúng mặc áo đẹp nhất cho ngài, đưa ngài đến bậc Ðạo Sư và nói: ‘Bạch Thế Tôn, đây là đứa con chúng con sanh ra, sau khi yết kiến Thế Tôn, chúng con xin dâng hiến cho Thế Tôn’. Thế Tôn bảo Ananda cho Bhadda xuất gia và đi vào hương phòng. Ananda giảng dạy cho ngài và căn cơ ngài quá thuần thục đến nỗi trong khi đang học, vừa lúc mặt trời mọc, ngài phát triển thiền quán và chứng được sáu thắng trí.
Thế Tôn biết được những gì xảy ra và gọi: ‘Hãy đến này Bhadda!’ Ngài đến, chấp tay đảnh lễ bậc Ðạo Sư. Ðó là lễ xuất gia của ngài, đó là lễ xuất gia do đức Phật chủ trì. Và bậc Trưởng lão nói lên chánh trí của ngài:
(CCXXVII) Sopàka (Thera. 50)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh từ vợ một người cùng đinh, và do thọ sanh, ngài được gọi là Sopàka (người cùng đinh). Có người nói ngài là con một thương gia. Sự kiện này không được tập Apadàna chấp nhận:
Khi ta chứng được,
Tái sanh cuối cùng,
Ta vào bào thai,
Của Sopàka.
Bốn tháng sau khi sanh, cha ngài mệnh chung, và được người cậu nuôi dưỡng. Người cậu, do người con hay nóng giận của mình xúi giục, muốn giết ngài. Nó đem ngài đến bãi tha ma, trói hai tay ngài cột vào cổ một thây ma, nghĩ rằng các con chó rừng sẽ ăn thịt ngài. Nó không thể giết ngài vì ngài tái sanh lần cuối cùng. Ban đêm các con chó rừng và các con thú khác đến, và đứa con nít kêu khóc:
Thế nào là định mệnh,
Ðược để dành cho ta.
Ai là người bà con,
Của đứa trẻ mồ côi!
Giữa nghĩa địa kinh hoàng,
Ta bị cột, trói chặt!
Ta sẽ tìm được ai,
Là người bạn của ta!
Bậc Ðạo Sư trong lúc ấy đang nhìn xem ai là người đáng cứu độ, thấy trong đứa trẻ, những nhân duyên chứng quả A-la-hán được chói sáng trong tâm của đứa trẻ, liền chiếu sáng hào quang và nói:
Hãy đến, Sopaka,
Người đừng có sợ hãi,
Hãy nhìn đến Như Lai,
Chính Ta sẽ cứu con!
Như mặt trăng thoát khỏi,
Hàm răng của Ràhu.
Với sức mạnh của đức Phật, đứa trẻ bứt đứt dây trói, và cuối bài kệ đứng dậy, trở thành một bậc Dự lưu và đứng trước hương phòng của đức Phật! Mẹ ngài tìm ngài hỏi người cậu, nhưng người cậu im lặng không nói gì. Mẹ ngài đi đến đức Phật, nghĩ rằng đức Phật biết tất cả, quá khứ, hiện tại, vị lai. Bậc Ðạo Sư, dùng thần thông giấu đứa con. Bà thưa với Thế Tôn: ‘Bạch Thế Tôn, con không thể tìm thấy đứa con. Nhưng Thế Tôn biết được con tôi đang làm gì?’. Thế Tôn trả lời:
Các người con không phải,
Là chỗ y, nương tựa,
Cả cha cũng là vậy,
Kể cả các bà con.
Với kẻ bị mệnh chung,
Dầu bà con huyết thống,
Cũng không thể nương tựa!
Và như vậy, Thế Tôn thuyết pháp cho bà, bà nghe xong chứng quả Dự lưu, nhưng đứa trẻ chứng quả A-la-hán. Rồi Thế Tôn rút lại thần thông và bà mẹ sung sướng thấy được người con. Ðược biết con mình đã chứng quả A-la-hán, bà bằng lòng để con xuất gia và bà ra về.
Rồi ngài đến đảnh lễ bậc Ðạo Sư, khi bậc Ðạo Sư đang đi dưới bóng mát của hương phòng và đi theo Thế Tôn. Thế Tôn muốn thế độ cho ngài liền hỏi ngài mười câu hỏi, bắt đầu bằng câu: ‘Thế nào là một pháp?’. Ngài hiểu được ý Thế Tôn liền trả lời: ‘Các chúng sanh được nuôi dưỡng bằng thức ăn…’, với trí sáng suốt của mình. Bậc Ðạo Sư thỏa mãn với những câu trả lời của đứa trẻ, thọ giới cho ngài. Do vậy ngài có được tên là: ‘Ðặt trẻ với những câu hỏi’. Ngài nói lên chánh trí của mình, thuật lại những sự việc đã xảy ra, với bài kệ như sau:
(CCXXVIII) Sarabhanga (Thera. 50)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại Ràjagaha (Vương Xá), con của một Bà-la-môn, ngài có thể được đặt tên, độc lập hay không độc lập với truyền thống gia đình, ngài không có đặc điểm gì để đặt tên. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài trở thành một ẩn sĩ, tự dựng một thảo am, làm bằng cọng cây lau mà tự ngài bẻ gãy, và từ đấy ngài được biết với tên là Sara-Bhanga, (người bẻ gãy cọng cây lau). Thế Tôn với Phật nhãn nhìn quanh thế giới, thấy được nơi ngài những điều kiện để thành vị A-la-hán. Thế Tôn đi đến thuyết pháp cho ngài. Và ngài khởi lòng tin, trở thành một vị xuất gia, sau một thời gian trở thành vị A-la-hán, ngài vẫn tiếp tục ở thảo am. Thảo am dần dần hư nát và sụp đổ xuống, dân chúng hỏi ngài sao không dựng thảo am lại, ngài trả lời, khi thảo am được dựng lên, ngài còn ẩn sĩ. Nhưng nay ngài không thể làm được như vậy nữa. Rồi ngài nói lên toàn bộ vấn đề như sau:
Chương VIII
-ooOoo-
Phẩm Tám Kệ
(CCXXLX) Mahà-Kaccàyana (Thera. 52)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại Ujienì trong gia đình của vị cố vấn nghi lễ cho vua Candapajjota. Ngài học ba tập Vệ-đà, khi ngài lớn và khi phụ thân mất ngài kế tiếp chức vụ của cha. Ngài được biết với tên là Kaccàna theo dòng họ. Nhà vua được nghe tin đức Phật xuất hiện, ngài đi mời đức Phật, ngài đi với bảy người, được bậc Ðạo Sư thuyết pháp, sau buổi thuyết giảng, cả ngài với bảy người đều chứng quả A-la-hán, với hiểu biết về nghĩa và về pháp. Rồi Thế Tôn đưa tay nói: ‘Hãy đến các Tỷ-kheo!’, cả tám vị được cắt tóc, đầy đủ với bát và y.
Khi ngài đã được giải thoát, ngài mời đức Phật đến Ujjenì để thuyết pháp cho vua. Ðức Phật nói Kaccàna tự mình đi về, thực hiện sứ mệnh ấy. Kaccàna theo lời khuyên, đi với cả bảy vị, thuyết pháp cho vua, khiến vua khởi lòng tin rồi trở lại với bậc Ðạo Sư.
Một hôm, nhiều Tỷ-kheo sau khi bỏ một bên các bổn phận của mình, tìm thú vui trong các vui thế tục và xã hội, đang sống một đời sống phóng dật. Vị Trưởng lão trong hai câu kệ, khuyên răn các vị ấy, và với sáu bài kệ tiếp, giảng dạy cho vua:
Lời cho vua:
Với vua hỏi về cơn mộng:
(CCXXX) Sirimitta (Thera. 52)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con của một điền chủ giàu có, được đặt tên là Sirimitta; mẹ ngài là chị của Sirigutta. Nay Sirimitta, cháu của Sirigutta tìm được lòng tin đối với bậc Ðạo Sư nhiếp phục con voi Dhanapàla. Rồi ngài xuất gia và sau một thời gian chứng quả A-la-hán.
Một hôm, từ chỗ ngồi đứng dậy để tụng học giới bổn Pàtimokkha, ngài cầm một cái quạt có sơn màu, rồi ngồi xuống, ngài thuyết pháp cho các Tỷ-kheo, và làm như vậy, ngài làm nổi bật những đức tánh khác như sau:
Sau khi thuyết giảng về phẫn nộ, hận… ngài nói đến con đường siêu thoát, diễn tả thái độ chơn chánh của từng cá nhân, như vậy chứng nhận chánh trí của mình:
(CCXXXI) Mahà-Panthaka (Thera. 53)
Khi bậc Ðạo Sư đi đến Ràjagaha, chuyển bánh xe pháp, Panthaka, con đầu lòng của con gái một nhân viên giàu có trong Ủy ban thành phố, và một trong những người nô tỳ của phụ thân của người con gái, cả hai thường đi đến ông ngoại để nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, khởi lòng tin với thiền quán. Sau khi xuất gia, ngài trở thành thiện xảo trong lời dạy của bậc Ðạo Sư và trong bốn thiền, và sau một thời gian, chứng quả A-la-hán. An trú trong an lạc thiền quán và quả chứng, ngài hồi tưởng lại sự thành công của mình, và sung sướng rống tiếng rống con sư tử như sau:
Chương IX
-ooOoo-
Phẩm Chín Kệ
(CCXXXII) Bhùta (Thera. 54)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại ngoại thành Sàketa, con một hội viên giàu có trong Hội đồng thành phố, ngài là con út và người con độc nhất được sống sót, các người con khác bị một con Dạ-xoa thù nghịch ăn thịt. Ngài được canh gác cẩn mật, và con Dạ-xoa bận lên hầu Vessavana nên không về nữa. Khi đến tuổi đặt tên, ngài được đặt tên là Bhùta, vì do nguyện cầu được sanh ngài: ‘Mong rằng các hàng phi nhân có lòng từ hộ trì cho đứa trẻ’. Nhờ công đức của mình, ngài lớn lên không bị tai nạn gì, được nuôi dưỡng trong ba lâu đài như Yasa. Khi bậc Ðạo Sư đến Sàketa, ngài cùng với các cư sĩ khác đến tịnh xá nghe thuyết pháp. Sau khi xuất gia, ngài sống trong một hang động, trên bờ sông Ajakaranì. Tại đấy, ngài chứng quả A-la-hán. Sau đó ngài về thăm các bà con vì lòng từ mẫn và ở trong rừng Anjana. Khi các bà con yêu cầu ngài ở lại, vì lợi ích chung cho các bà con và cho ngài, ngài nói ngài ưa thích đời sống xuất gia và nói lên những bài kệ như sau, trước khi từ biệt các bà con:
Chương X
-ooOoo-
Phẩm Mười Kệ
(CCXXIII) Kàludàyin (Thera. 56)
Ngài sanh cùng ngày với đức Phật trong gia đình con vị Bộ trưởng của vua ở Kapilavatthu. Bảy vị cùng sanh một lần trong ngày, Vị Bồ-tát, cây Bồ-đề, mẹ của Ràhula và bốn vật báu: roi báu, con ngựa Kanthaka, Channa và Kàludàyin. Khi đến ngày đặt tên, ngài được gọi là Udàyin, và vì ngài da đen nên được gọi là Kàludàyin. Ngài lớn lên làm bạn trẻ đồng chơi với vị Bồ-tát. Rồi Thế Tôn xuất gia, giác ngộ, và ở tại Trúc Lâm (Veluvana), chuyển bánh xe Chánh pháp, vua Suddhodana nghe vậy, cử một vị Bộ Trưởng với một ngàn người tùy tùng, bảo đem con của vua về. Vị Bộ trưởng cùng cả ngàn tùy tùng, nghe đức Phật giảng và chứng quả A-la-hán. Ðức Phật đưa tay nói: ‘Hãy đến, này các Tỷ-kheo’… và tất cả sống giữa các vị Hiền Thánh, không chuyển thông điệp của vua. Các vị sứ giả khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Cuối cùng vua sai Kàludàyin với một ngàn người tùy tùng và Kàludàyin hứa thế nào cũng đưa vị Bồ-tát về dầu có xuất gia. Ngài đi đến nghe pháp, trở thành vị A-la-hán, nhớ đến sứ mạng của mình, chờ cho mùa mưa xong, khi trên con đường về, hoa đã trổ bông, ngài mới nói lên những bài kệ mời bậc Ðạo Sư về và tán thán vẻ đẹp cuộc hành trình:
Rồi Thế Tôn được thỉnh mời, thấy rằng mình đi sẽ cứu độ cho nhiều người, nên đã ra đi với hai mươi ngàn vị A-la-hán, mỗi ngày đi bộ một do-tuần. Còn vị Trưởng lão, dùng thần thông đi đến Kapilavatthu trước mặt ông vua. Vua không biết ngài là ai, nên ngài mới xưng ngài là con vị Bộ Trưởng, được vua sai đi đến Thế Tôn và nói lên bài kệ:
(CCXXXIV) Ekavihàriya (Tissa Kumàra) (Thera. 57)
Ngài sanh ra, sau khi đức Phật đã nhập Niết-bàn là con trai nhỏ nhất của vua Dhammàsoka. Vua Asoka, đến năm thứ 218 sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, đã thống nhất toàn thể Ấn Ðộ trong một đế quốc. Vua phong em trai thứ ngài là Tissa làm Phó vương, và vận động em ngài ủng hộ cho Giáo hội.
Còn ngài trong khi đi săn thấy Trưởng lão Mahà Dhammarakkhita ngồi dưới gốc cây, cảm xúc rất mạnh, tự mình muốn sống trong rừng. Khi ngài chứng kiến Trưởng lão hiện thần thông, ngài trở về lâu đài, và nói với vua Asoka ngài muốn từ bỏ cuộc đời thế tục. Vua Asoka không thể làm ngài thay đổi sự quyết định của mình. Tha thiết sống đời sống một ẩn sĩ, ngài nói lên những bài kệ như sau:
(CCXXXV) Mahà Kappina (Ma-ha Kiếp-tân-na) (Thera. 58)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở biên địa, tại thành phố tên Kukkuta, trong gia đình một vị vua và được đặt tên là Kappina. Khi phụ vương mất, ngài thừa tự ngôi vua với tên là Mahà-Kappina. Ðể tăng trưởng sự hiểu biết, ngài sai sứ giả mỗi buổi sáng đi ra khỏi bốn cửa thành, giữ lại các vị học giả và tin cho ngài biết. Thời ấy bậc Ðạo Sư đã ra đời và đang ở Sàvatthi. Các thương gia của thành phố Sàvatthi đem đồ đến Kukkutta bán, đem quà dâng vua. Vua hỏi tình hình ở Sàvatthi và dân chúng theo tôn giáo nào. Các thương gia thưa không trả lời cho vua được, vì chưa được súc miệng. Sau khi vua bảo đem nước súc miệng xong, các thương gia chấp tay và thưa: ‘Ở đất nước chúng tôi, Phật báu đã ra đời’. Khi nghe nói đến chữ Phật, vua cảm thấy hân hoan thoải mái, bảo thương gia nói lại ba lần, và thưởng chúng một trăm ngàn đồng tiền vàng. Các thương gia cũng nói đến Pháp báu và Tăng báu, và vua tặng thưởng gấp ba lần. Rồi vua từ bỏ thế tục và xuất gia. Các vị Bộ trưởng cũng theo gương vua. Rồi tất cả cùng đi tìm đức Bổn Sư và đi đến sông Hằng. Rồi họ tuyên bố, nếu có bậc Ðạo Sư, có đức Phật tối thượng thời móng chân các con ngựa không bị thấm ướt! Rồi họ đi ngang qua con sông ấy và qua một con sông khác nữa, sông Candabhàgà.
Hôm ấy, bậc Ðạo Sư dậy sớm khi rạng đông, với lòng từ bi, dùng Phật nhãn xem xung quanh thế giới và thấy Mahà Kappina đã từ bỏ vương quốc và đi đến với một số tùy tùng lớn để xuất gia. Bậc Ðạo Sư trước hết đi vào Sàvatthi khất thực với một số Tỷ-kheo, rồi Ngài bay đến bờ sông Candabhàgà, và ngồi xuống kiết-già, đối diện với bến nước và phóng hào quang. Mahà Kappina và các tùy tùng thấy được các hào quang liền đến đảnh lễ đức Phật. Thế Tôn thuyết pháp cho họ và tất cả đều chứng quả A-la-hán. Và xin trở thành Sa-môn. Ðức Phật nói: ‘Hãy đến, các Tỷ-kheo’, và như vậy là lễ thọ giới của họ. Rồi Thế Tôn đem toàn thể về Jetavana ngang qua hư không.
Một hôm Thế Tôn hỏi Mahà Kappina có thuyết pháp cho đại chúng không, và khi được trả lời không. Thế Tôn cho gọi Mahà Kappina và khuyên Mahà Kappina thuyết pháp cho đại chúng. Mahà Kappina vâng lời dạy của Thế Tôn và trong buổi thuyết pháp đầu tiên độ cho hơn ngàn Sa-môn chứng quả A-la-hán. Rồi đức Phật xác nhận Mahà Kappina là vị thuyết pháp đệ nhất cho chúng Tăng.
Một hôm, ngài giảng cho các Tỷ-kheo-ni như sau:
(CCXXXVI) Cùla-Panthaka (Thera. 59)
Câu chuyện của ngài đã được kể trong chương VIII. Phần còn lại được kể trong tập sớ Cùlasetthi-Jàtaka. Trong một trường hợp khác ngài nói lên những bài kệ như sau:
(CCXXXVII) Kappa (Thera. 59)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong vương quốc Magadha, làm con một vua bản xứ, kế vị ngôi vua, nhưng rơi vào hưởng thụ các dục vọng. Khi bậc Ðạo Sư với lòng từ bi, nhìn thế giới để xem ai xứng đáng được cứu độ. Bậc Ðạo Sư thấy ngài, nghĩ rằng Kappa có thể tu tập quán bất tịnh, xuất gia và chứng quả A-la-hán. Thế Tôn đi trên hư không đến Kappa, và nói với ngài với những câu kệ như sau:
Kappa nghe lời dạy bậc Ðạo Sư, về thân phận các thân dưới nhiều hình ảnh, sợ hãi và nhàm chán thân mình, hốt hoảng xin xuất gia. Bậc Ðạo Sư giao cho một Tỷ-kheo làm lễ xuất gia. Kappa nhận mười đề tài tu tập và chứng quả A-la-hán. Ngài đi đến bậc Ðạo Sư, đảnh lễ, ngồi xuống một bên và nói lên chánh trí của mình với những bài kệ trên. Do vậy các bài kệ này trở thành bài kệ của ngài.
(CCXXXVIII) Upasena, Con Của Vanganta (Thera. 60)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở làng Nàlaka, làm con của nữ Bà-la-môn Rùpasàrì và đặt tên là Upasena (anh của Sàriputta). Khi đến tuổi trưởng thành và học ba tập Vệ-đà. Ngài xuất gia sau khi nghe đức Phật thuyết pháp. Sau một năm thọ giới, ngài nghĩ làm tăng trưởng hột giống Thánh chủng, độ cho một Tỷ-kheo và với Tỷ-kheo này, ngài đi đến bậc Ðạo Sư, bậc Ðạo Sư nghe được việc này, chỉ trích cử chỉ hấp tấp của ngài. Rồi Upasena suy nghĩ: ‘Nếu nay, vì có một đệ tử, ta bị bậc Ðạo Sư quở trách. Nay cũng nhân lý do này, ta sẽ được Ðạo Sư tán thán’. Rồi tu tập thiền quán. Ngài chứng được quả A-la-hán. Ngài chấp nhận lối sống hạnh đầu đà và khuyên các vị khác thực hành theo, và lời khuyên của ngài rất có kết quả khiến cho Thế Tôn chấp nhận ngài là đệ tử rất được nhiều người biết đến.
Một Tỷ-kheo hỏi ngài cần phải làm gì khác khi các Tỷ-kheo ở Kosambi tranh cãi nhau và có nạn phá hòa hợp Tăng. Upasena dạy Tỷ-kheo ấy như sau:
Như vậy vị Trưởng lão, trong khi giảng dạy vị Tỷ-kheo, nêu rõ quả chứng của mình và nói lên chánh trí.
(CCXXXIX) Gotama (Thera. 61)
Sanh ở Sàvatthi trước khi đức Phật ra đời, trong một gia đình Bà-la-môn từ Udicca. Ngài lớn lên, rất giỏi các tập Vệ đà và là một vị hùng biện vô địch.
Rồi Thế Tôn ra đời, chuyển bánh xe pháp sau khi hóa độ Yasa với các người bạn, đã đi đến Sàvatthi theo lời mời khẩn thiết của Anàthapindika (Cấp-cô-độc) Bà-la-môn Gotama thấy Thế Tôn, nghe pháp và xin xuất gia. Theo chỉ giáo của bậc Ðạo Sư, ngài được một Tỷ-kheo độ cho xuất gia, và được chứng quả A-la-hán trong khi đang cạo tóc. Sau khi sống một thời gian dài ở nước Kosala, ngài trở về Sàvatthi. Nhiều bà con của ngài, một số Bà-la-môn nổi tiếng đến viếng ngài và hỏi ngài những giáo lý chỉ đạo nào là phổ thông mà ngài nghĩ là cần phải thực hành. Ngài nói với họ như sau:
Như vậy, ngài tán thán các hạnh thích hợp với đời sống một ẩn sĩ, đề cao khả năng của Tăng chúng, và chỉ rõ sự bất lực của một ẩn sĩ không theo Chánh pháp.
Rồi các Bà-la-môn ấy hoàn toàn chấp nhận giới luật, được an trú trong Chánh pháp.
Chương XI
-ooOoo-
Phẩm Mười Một Kệ
(CCXL) Sankicca (Thera. 62)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn nổi tiếng. Mẹ ngài chết khi sanh ngài, và ngài được cứu sống, chưa bị đốt cháy trên giàn hỏa. Vì rằng sự sống của một hữu tình trong đời sống cuối cùng không thể chết được, trước khi chứng quả A-la-hán, dầu cho có rơi từ núi Sineru (Tu-di). Khi lên bảy tuổi, được nghe mẹ ngài chết khi sanh ngài; ngài cảm thấy xúc động và phát nguyện xuất gia. Ngài được đưa tới gặp Tôn giả Sàriputta, và ngài chứng được quả A-la-hán, khi tóc ngài đang bị cạo. Ngài dâng đời sống ngài cho các tên cướp như thế nào để ba ngàn Tỷ-kheo được nói đến trong tập sớ Dhammapàla.
Rồi một cư sĩ muốn hầu hạ ngài, yêu cầu ngài sống gần chỗ vị ấy đang ở, nói như sau:
Rồi vị Trưởng lão, để nêu rõ vẻ đẹp của núi rừng và sự thật khác, trả lời như sau:
Chương XII
-ooOoo-
Phẩm Mười Hai Kệ
(CCXLI) Sìlavat (Thera. 63)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con của vua Bimbisàra (Tần-bà-ta-la), và được đặt tên là Sìlavat. Khi đến tuổi trưởng thành, anh ngài là Ajàtasattu làm vua, muốn giết ngài, nhưng không giết được, vì ngài sống đời sống cuối cùng và chưa chứng quả A-la-hán. Rồi Thế Tôn, biết sự việc đã xảy ra bảo Mahà Maggallàna đi mời ngài đến. Hoàng tử Sìlavat xuống voi, thích nghi giáo lý với tâm tánh của ngài, ngài khởi lòng tin, xuất gia, và sau một thời gian, chứng quả A-la-hán. Rồi ngài ở Kosala, và khi Ajàtasattu sai những người đến giết ngài, ngài dạy cho những người ấy, hóa độ và những người ấy xuất gia học đạo. Và ngài giảng cho họ như sau:
(CCXLII) Sunìta (Thera. 63)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình đổ rác, và sống với nghề đi quét đường, không đủ tiền để sống khỏi đói. Trong canh một Thế Tôn khởi lòng từ mẫn nhìn khắp thế giới và thấy trong tâm của Sunìta, có đủ điều kiện để chứng quả A-la-hán, chói sáng như ngọn đèn trong cái ghè. Khi trời đã mới sáng, Thế Tôn dậy, đắp y cầm y bát, với một số Tỷ-kheo tùy tùng, đi đến Vương Xá để khất thực và tìm đến con đường Sunìta đang quét dọn. Sunìta đang quét các đống rác gom lại từng đống, đổ vào thúng rồi gánh mang đi. Khi ngài thấy bậc Ðạo Sư đi đến với đoàn tùy tùng, ngài cảm thấy hoan hỷ xúc động không tìm được chỗ để ẩn núp, ngài đứng sát như mắc dính vào vách tường và chấp tay vái chào. Khi đức Bổn Sư đến gần, đức Phật với lời rất dịu ngọt hỏi ngài sao cam phận sống đời sống khổ sở như vậy, và có thể xuất gia được không? Ngài hoan hỷ chấp nhận và được đức Phật độ cho xuất gia với câu: ‘Hãy đến này các Tỷ-kheo!’. Bậc Ðạo Sư đưa ngài về tịnh xá, dạy cho ngài một phương pháp thiền quán. Ngài chứng được tám thiền chứng và năm thắng trí. Phát triển thiền quán, ngài chứng được thắng trí thứ sáu. Rồi Sakka và các Phạm thiên đến đảnh lễ ngài đã được ghi như sau:
Rồi bảy trăm chư Thiên,
Huy hoàng đi đến gần,
Tùy tùng đấng Phạm Thiên,
Và Thiên chủ Ðế Thích,
Họ sung sướng đảnh lễ,
Trưởng lão Sunìta,
Bậc chiến thắng cao sang,
Vượt qua già và chết!
Thế Tôn thấy ngài được chư Thiên đoanh vây, Thế Tôn mỉm cười và khen ngài, thuyết giảng cho ngài với câu kệ: ‘Với giới sống Phạm hạnh’ (kệ số 631). Rồi nhiều Tỷ-kheo, muốn rống tiếng con sư tử hỏi ngài sanh ra từ gia đình nào, vì sao lại xuất gia, làm thế nào để chứng quả, ngài trả lời cho họ với những bài kệ như sau:
Chương XIII
-ooOoo-
Phẩm Mười Ba Kệ
(CCXLIII) Sona-Kolivisa (Thera. 65)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại Campà, trong gia đình một hội viên của Hội đồng thành phố nổi tiếng. Từ khi ngài sắp được sanh, tài sản lớn của phụ thân được tăng trưởng, và khi ngài được sanh, cả thành phố tổ chức hội lễ lớn. Vì ngài bố thí cúng dường cho một vị Ðộc giác Phật trong đời trước, nên đời này ngài có một thân hình như bằng vàng mịn và đặc biệt mềm mại, và ngài được gọi là Sona (vàng). Dưới chân và trên bàn tay của ngài có lông mịn màu vàng mọc lên, và ngài được nuôi dưỡng trong giàu sang xa hoa, có đến ba tòa lâu đài thích hợp cho từng mùa.
Khi bậc Ðạo Sư giác ngộ và chuyển bánh xe Pháp ở Ràjagaha (Vương Xá). Vua Bimbisàra cho mời Sona đến, ngài đến với một số đông tùy tùng, nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, khởi lòng tin và được phép cha mẹ cho xuất gia. Ngài nhận từ bậc Ðạo Sư một đề tài tu tập, nhưng không thể định tâm vì có liên lạc với đông người khi sống ở trong rừng. Ngài nghĩ rằng thân ngài quá được cung dưỡng để đạt được hạnh phúc, và đời sống ẩn sĩ làm thân mệt mỏi, ngài vượt lên trên những đau đớn vì chân ngài bị sưng khi ngài tập đi kinh hành, nhưng dầu ngài hết sức tinh tấn, ngài chưa thành đạt được quả chứng. Ngài nghĩ: ‘Ta không thể thành đạt con đường và quả vị thì sống xuất gia để làm gì? Tốt hơn ta hoàn tục và làm các công đức!’. Thế Tôn biết được tâm tư ngài, dạy cho ngài bài học của cây đàn, phải làm lắng dịu nhiệt lực với tu tập tịnh chỉ. Ðược chỉ dạy, ngài đi đến núi Linh Thứu và sau một thời gian, ngài chứng quả A-la-hán. Suy nghĩ trên thành tựu của mình, ngài tuyên bố chánh trí ngài như sau:
Chương XIV
-ooOoo-
Phẩm Mười Bốn Kệ
(CCXLIV) Revata (Thera. 67)
Các bài kệ của vị Trưởng lão này đã được đề cập trong phẩm một các bài kệ trước (XLII). Khi đến già, một hôm ngài đi đến yết kiến đức Phật và trú ở Sàvatthi, trong một ngôi rừng. Cảnh sát đến, đuổi bắt kẻ trộm, kẻ trộm quăng đồ ăn trộm gần ngài rồi bỏ chạy, các cảnh sát chạy đến, thấy đồ ăn trộm, liền bắt ngài dẫn đến vua Pasenadi. Vua truyền thả ngài và hỏi có phải ngài đã lấy trộm đồ? Ngài thuyết pháp nói lên sự kiện ngài không có thể làm một sự việc như vậy và nói những bài kệ như sau:
(CCXLV) Godatta (Thera. 67)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình lữ hành và đặt tên là Godatta. Sau khi cha chết, ngài sắp đặt nhà cửa, đem theo năm trăm cỗ xe hàng hóa, đi chỗ này chỗ khác, sống bằng nghề buôn bán. Một hôm, một con bò ngã qụy xuống đường, trong khi kéo xe, và các người làm công của ngài không thể đỡ con bò đứng dậy được, ngài tự đi đến đánh con bò rất nặng. Con bò tức giận vì sự tàn bạo của ngài nói lên giọng người: ‘Này Godatta, đã lâu ta đem tất cả sức lực ta kéo gánh nặng cho ông, nhưng nay ta không đủ sức kéo nên phải ngã quỵ xuống, ông đánh đập ta tàn nhẫn. Vậy chỗ nào ông tái sanh, ta cũng sẽ sanh làm kẻ thù của ông để làm hại ông!’. Ngài nghe vậy rất lấy làm xúc động, tự nghĩ: ‘Sao lại sống làm hại các loài hữu tình như vậy?’ Rồi ngài từ bỏ tất cả tài sản, xin xuất gia với một vị Trưởng lão, và sau một thời gian chứng quả A-la-hán.
Một hôm, khi ngài đang hưởng thọ sự an lạc giải thoát, ngài thuyết pháp cho chúng xuất gia và tại gia về các pháp thế gian:
Chương XV
-ooOoo-
Phẩm Mười Lăm Kệ
(CCXLVI) Anna-Kondanna (Thera. 69)
Sanh trước Thế Tôn tại làng Donavatthu, không xa Kapilavatthu bao nhiêu, trong một gia đình Bà-la-môn rất giàu có, ngài được gọi với tên gia tộc là Kondanna. Lớn lên, ngài biết ba tập Vệ-đà và giỏi về đoán tướng. Khi bậc Bồ-tát mới sanh, ngài là một trong tám vị Bà-la-môn được mời đến đoán tướng. Dầu ngài mới học nghề, ngài thấy các tướng của bậc Ðại nhân trên đứa bé và nói, vị này sau sẽ thành Phật. Rồi ngài sống, chờ đợi vị Bồ-tát xuất gia. Khi vị Bồ-tát xuất gia, lúc hai mươi chín tuổi, Kondanna được nghe tin, liền xuất gia với bốn vị Bà-la-môn đoán tướng khác, như Vappa v.v… và trong sáu năm sống ở Uruvelà, gần vị Bồ-tát, khi vị Bồ-tát đang tu khổ hạnh. Lúc vị Bồ-tát không tu khổ hạnh nữa, các vị này chán chường bỏ đi đến Isipatana (chư Tiên đọa xứ). Rồi đức Phật đến Isipatana, thuyết kinh Chuyển Pháp Luân cho họ, và Kondanna cùng hàng vạn Phạm Thiên chúng chứng được Sơ quả. Ðến ngày thứ năm, nhờ bài kinh ‘Vô Ngã Tướng’, Kondanna chứng quả A-la-hán. Bậc Ðạo Sư trong buổi họp Tăng chúng ở tinh xá Kỳ Viên, đã xác chứng ngài là bậc Ðệ nhất trong các hàng Tăng chúng Tỷ-kheo (Xem. Ang. i. 26). Và trong một trường hợp khi Kondanna giảng về Bốn sự thật, đề cập đến ba tướng: Vô thường, Khổ, Vô ngã, với những phương pháp sai biệt, dựa trên Niết-bàn và giảng với sự lưu loát của đức Phật. Bài giảng ảnh hưởng mạnh mẽ đến Sakka (Ðế Thích) khiến vị này thốt lên những bài kệ:
Trong một trường hợp khác, thấy tâm tư của một số người còn bị chi phối nặng nề bởi tà kiến, nên ngài nói lên bài kệ như sau:
Rồi ngài nêu rõ, ngài đã chứng được thiền quán ấy, và nói lên chánh trí, ngài nói rằng:
(CCXLVII) Udàyin (Thera. 69)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Kapilavatthu, trong một gia đình Bà-la-môn. Ngài thấy được uy lực của đức Phật khi đức Phật thăm gia đình ngài. Ngài khởi lòng tin, xuất gia và sau một thời gian, ngài thành bậc A-la-hán. Nay có đến ba vị Trưởng lão Udàyin: con một Bộ trưởng, tên là Kàludàyin (xem CCXXXIII), vị Bà-la-môn này và Ðại Udàyin. Khi kinh Ví dụ con voi được thuyết giảng, trong kinh này, con voi Sela của vua Pasenadi được tán thán, ngài Udàyin này cảm thấy phấn khởi khi nghĩ đến đức Phật, nghĩ rằng các người này chỉ tán thán một con vật, còn ta sẽ tán thán các đức tánh tốt đẹp của một con voi tuyệt diệu, tức là đức Phật. Rồi Ngài nói lên những bài kệ như sau:
Chương XVI
-ooOoo-
Phẩm Hai Mươi Kệ
(CCXLVIII) Adhimutta (Thera. 71)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh là con người chị của Trưởng lão Sankicca. Ngài xuất gia dưới sự hướng dẫn của cậu ngài, và khi còn là Sa-di, đã chứng quả A-la-hán. Sống hưởng an lạc giải thoát, ngài muốn thọ Ðại giới và đi về nhà để xin phép bà mẹ. Khi ngài đi, ngài bị các kẻ cướp bắt ngài và muốn dâng ngài để tế thần. Các tên cướp tấn công ngài nhưng ngài đứng, không khuất phục. Tên tướng cướp lấy làm ngạc nhiên, tán thán ngài và nói:
Adhimutta trả lời:
Adhimutta:
(CCXLIX) Pàràpariya (Thera. 72)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Sàvatthi, làm một con Bà-la-môn nổi tiếng, và khi lớn lên ngài được gọi theo tên gia tộc Pàrapara là Pàràpariya. Ðược khéo giáo dục về văn hệ Bà-la-môn, một hôm ngài đi đến tịnh xá Jetavana trong khi Thế Tôn đang thuyết pháp, và đến ngồi nghe, gần phía bên ngoài hội chúng. Bậc Ðạo Sư, nhận xét tâm tánh ngài, dạy kinh ‘Căn tu tập Indriyabhàvanà’, nghe xong, ngài khởi lòng tin, xin xuất gia. Sau khi học kinh này thuộc lòng, ngài suy tư trên ý nghĩa, nghĩ rằng: ‘Trong những bài kệ, ý nghĩa được xuất hiện như thế này, thế này’. Sau khi suy tư về vấn đề các căn cảm thọ, ngài phát triển thiền quán và sau một thời gian, ngài chứng quả A-la-hán. Về sau, ngài nói lên thiền định của ngài với những bài kệ như sau:
(CCL) Kelakàni (Thera. 298)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trước đức Phật ở Sàvatthi trong một gia đình Bà-la-môn và đặt tên là Kelakàni. Quá kinh nghiệm về những vấn đề quá khứ, ngài chán nản dục vọng và xuất gia làm người du sĩ ngoại đạo.Tìm sự giải thoát tinh thần, ngài giao du nhiều chỗ, nghĩ rằng ai ở đời này đã đến được bờ bên kia. Ngài hỏi rất nhiều Sa-môn và Bà-la-môn nhưng không được trả lời thỏa đáng. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đã ra đời, đang chuyển Pháp Luân, đem lại hạnh phúc cho chúng sanh. Một hôm, Kelakàni nghe đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin, được xuất gia và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Một hôm, ngồi với các Tỷ-kheo, nhớ đến sự khó nhọc tìm đạo và chứng đạo của mình, ngài tuyên bố với chúng Tỷ-kheo như sau:
(CCLI) Ratthapàla (Thera. 75)
Trong thời Ðức Phật hiện tại, ngài sanh ra ở nước Kuru, trong thành phố Thullakotthita, con của một hội viên hội đồng thành phố tên Ratthapàla và được gọi theo tên gia tộc, ngài được sống trong nhung lụa, lớn lên được gả vợ và sống như một thiên thần. Khi đức Phật đến thuyết pháp ở Thullakotthila, Ratthapàla đến nghe giảng, khởi lòng tin, xin cha mẹ được xuất gia rất khó khăn. Ði đến bậc Ðạo Sư, ngài được thọ giới với một Tỷ-kheo theo lời giới thiệu của đức Phật, tu học rất tinh tấn, phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Rồi ngài được phép về thăm cha mẹ, đi đến Thullakotthita và đi khất thực từng nhà. Ðến nhà cha mẹ, ngài nhận được cơm chua đã lâu ngày nhưng ngài vẫn ăn như là đồ ăn bất tử. Ngày sau, theo lời mời của người cha, ngài đến thăm nhà và các người vợ trước của ngài, ăn mặc rất đẹp đẽ, hỏi ngài, vì những thiên nữ nào, ngài đã xuất gia. Ngài thuyết pháp cho họ về vô thường v.v… từ khước những hành vi cám dỗ của họ:
Rồi Ratthapàla đi ngang qua hư không đến vườn nai của vua Koravya và ngồi trên một phiến đá. Người cha của ngài cho đóng chốt then cài cả bảy cái cửa, và cắt người giữ ngài không cho đi, lại lấy chiếc y vàng của ngài và choàng vào ngài y trắng của người cư sĩ. Do vậy ngài phải đi ngang qua hư không. Rồi vua Koravya, nghe ngài đã đến vườn nai, liền chào ngài và hỏi: ‘Thưa Tôn giả, ở đời người ta xuất gia vì một vài tai họa, như bệnh hoạn, như tai họa từ nhà vua, về tài sản, về gia đình. Ngài không có một tai họa gì, sao ngài lại xuất gia?’. Vị trưởng lão trả lời: ‘Thế giới là vô thường, không có gì trường cửu. Thế giới không có nơi nương tựa, thiếu thốn, không có thỏa mãn, làm nô lệ cho khát ái’. Rồi ngài nói lên những bài kệ như sau:
(CCLII) Màlunkyaputta (Thera. 77).
Ðời sống của ngài được ghi trong chương VI (CCXIV) khi bậc Trưởng lão đã chứng quả A-la-hán, nói lên bài kệ để dạy cho các bà con về con đường. Nhưng trong những bài kệ này, bậc Trưởng lão chưa chứng quả A-la-hán, hỏi Thế Tôn về giáo lý vắn tắt, và được Thế Tôn trả lời:
– Này Màlunkyaputta, Ông nghĩ thế nào? Những pháp mà Ông chưa bao giờ thấy nghe, ngửi, nếm, cảm xúc, và nhận thức, hiện tại Ông không có lãnh thọ và đối với chúng, Ông cũng không muốn có cảm thọ và suy tưởng, vậy Ông có ước muốn, tha thiết được chúng hay không?’.
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Ở đây, này Màlunkyaputta, khi Ông không có cảm thọ, cảm tưởng chúng,Ông chỉ có thọ và tưởng thuần túy. Nếu là như vậy, thời Ông không có tham, sân, si. Do vậy, ở đây hay tại chỗ nào, hay đời sau chính như vậy, như vậy là sự chấm dứt đau khổ. Rồi Màlunkyaputta, nêu rõ ngài đã thâu nhận giáo lý được giảng dạy này, ngài nói lên trong những bài kệ như sau:
Rồi vị Trưởng lão đứng dậy, đảnh lễ bậc Ðạo Sư, rồi ra đi không bao lâu sau đó, phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán.
(CCLIII) Sela (Thera. 78)
Ðược sanh trong thời đức Phật hiện tại ở Anguttaràpa, trong một gia đình Bà-la-môn, tại một làng Bà-la-môn ở Apana, ngài được đặt tên là Sela. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài sống ở đấy, rất giỏi về ba tập Vệ-đà và về nghệ thuật Bà-la-môn, dạy các Mantrà (thần chú) cho ba trăm thanh niên Bà-la-môn. Trong khi ấy Thế Tôn rời bỏ Sàvatthi, đang du hành ở Anguttaràpa với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỷ-kheo. Biết được tám tánh thuần thục của Sela và các đệ tử của ngài, đức Phật dừng lại tại một khu rừng. Rồi ẩn sĩ Keniya, sau khi mời bậc Ðạo Sư với chúng Tỷ-kheo dùng cơm vào ngày sau, đang sửa soạn rất nhiều món đồ ăn. Rồi Sela với ba trăm đệ tử đến thăm am thất và hỏi có phải Keniya đang sửa soạn để đón mừng vị Ðại thần của vua. Khi Keniya trả lời là sửa soạn thức ăn để mời đức Phật, Sela cảm thấy hết sức xúc cảm với chữ đức Phật, đi đến gặp ngay đức Phật với các thanh niên đệ tử của mình. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm, ngài chiêm ngưỡng các tướng tốt đức Phật và nghĩ rằng: ‘Một vị có những tướng tốt như vậy, một là sẽ thành vị Chuyển luân Thánh vương, hai là sẽ thành Phật’. Một vị Phật khi nghe tán thán về mình sẽ lộ rõ chân tướng Phật của mình. Còn nếu chưa thành Phật, khi nghe tán thán về đức Phật sẽ cảm thấy khó chịu và bất mãn. Ngài quyết định nói lên lời tán thán đức Phật như sau:
Thế Tôn vâng theo ý muốn của Sela, trả lời:
Phạm chí Sela nói:
Tôn giả Sàriputta đang ngồi bên phải Thế Tôn, đầu chói sáng đẹp đẽ như một đống vàng. Thế Tôn chỉ Sàriputta và nói:
Bà-la-môn Sela hoàn toàn tin tưởng vào Thế Tôn, muốn xuất gia và thưa rằng:
Các thanh niên Bà-la-môn, vì đã đạt được những điều kiện cần thiết, trả lời:
Sela hoan hỷ thấy các thanh niên Bà-la-môn san sẻ chí nguyện của mình, đưa chúng đến trước mặt Thế Tôn và xin được xuất gia:
Rồi Thế Tôn, thấy được Sela trong các đời quá khứ, Sela cũng đã dạy cho ba trăm đệ tử này trông các giống phước và nay trong đời cuối cùng, đã tạo được tuệ quán cho mình và cho các đệ tử, thấy rằng chúng đã thuần thục để xuất gia:
Thế Tôn nói: ‘Hãy đến, Tỷ-kheo!’ Rồi với thần lực của Bổn sư, tất cả đều có y và bình bát, đảnh lễ đức Phật, bắt đầu học thiền quán và chứng quả A-la-hán vào ngày thứ bảy.
Rồi các vị ấy đến đức Phật, nói lên trí giác của mình, và Sela thưa:
840 Sanh y Ngài vượt qua,
Lậu hoặc Ngài nghiền nát,
Ngài là sư tử chúa,
Không chấp, không sợ hãi.
(CCLIV) Bhaddiya kàligodhàyaputta (Thera. 80)
Sanh trong thời đức Phật hiện tại, ở Kapilavatthu, trong một dòng họ Sàkya, ngài được đặt tên là Bhaddiya. Khi đã trưởng thành, ngài từ bỏ gia đình, cùng với Anuruddha và bốn vị hoàng tộc khác, khi bậc Ðạo Sư đang ở trong vườn xoài, tại Anupiy. Khi xuất gia, ngài chứng được quả A-la-hán. Ngài được đức Phật xác chứng là đệ nhất trong những Tỷ-kheo thuộc về hoàng tộc. Mỗi khi ngài hưởng lạc giải thoát, lạc Niết-bàn trong lúc ở trong rừng, dưới một gốc cây, trong cảnh rừng tịch tịnh, ngài thường thốt ra lời: ‘Ôi hạnh phúc làm sao! Ôi, hạnh phúc làm sao!’ Ðược đức Phật hỏi vì sao ngài thốt ra lời ấy, ngài trả lời khi ngài trị vì quốc độ của ngài, dầu ngài được bảo vệ chặt chẽ, ngài vẫn cảm thấy sợ hãi, hoảng hốt. Nhưng nay ngài đã từ bỏ tất cả, ngài không còn trong trạng thái sợ hãi nữa. Rồi trước mặt Thế Tôn, ngài rống lên tiếng rống con sư tử:
(CCLV) Angulimàlà (Thera. 80)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một Bà-la-môn tên Bhaggava, giữ chức cố vấn tôn giáo cho vua nước Kosala. Trong đêm ngài sanh, các binh khí trong thành phố rực sáng, các binh giáp của vua cũng rực sáng, thành thử khi vua nằm trên giường thấy như vậy nên không thể ngủ được, thao thức và sợ hãi. Vị cố vấn nghi lễ tìm hiểu các vì sao và kết luận con mình đã sanh trúng đám sao ăn trộm. Sáng sớm, ông đến chầu vua và hỏi vua ngủ có an giấc không? Vua trả lời vua ngủ không an giấc được, vì cả đêm thấy áo giáp chói sáng và hỏi điềm ấy là điềm gì? Vị cố vấn trả lời là do mình sanh đứa con, áo giáp cả thành phố đều chói sáng, và khi được biết đứa con sau này có thể trở thành tên tướng cướp độc thân có thể chế ngự được, nên vua tha cho khỏi bị giết.
Vì ngài sanh, làm tâm vua phiền muộn nên được gọi là Himsaka, và sau không thấy ngài làm hại ai nên được gọi là Ahimasaka. Do nghiệp đời trước, ngài có sức mạnh của bảy con voi. Khi ngài học với vị giáo sư đầu tiên ở Takhasilà, ngài hầu hạ rất thành kính vị giáo sư và bà vợ, nên thường được thấy ngài bên cạnh vị giáo sư và bà vợ trong những bữa ăn, vì vậy khiến các thanh niên Bà-la-môn khác ganh ghét, và xúi vị giáo sư chống lại Ahimsaka. Vì học trò mình có sức mạnh phi thường, vị giáo sự tìm một kế để ám hại học trò mình bằng cách bảo Ahimsaka trả tiền học phí cho mình bằng một ngàn ngón tay phải, nghĩ rằng nếu Ahimsaka đem lại một ngón tay thời cũng đủ làm hại đệ tử mình rồi. Lòng hung ác đè nén của Ahimsaka được nổi dậy, ngài mặc áo giáp, đi vào rừng Jàlinì ở Kosalu núp trên một đồi núi, theo dõi người đi đường, và khi nào thấy người đi qua, liền chạy xuống, chặt ngón tay họ, treo trên một cây cho đến khi các loài diều hâu rứt ăn hết thịt. Rồi dùng các ngón tay làm một vòng hoa, ngài đeo nơi cổ và từ đó được gọi là Angulimàlà (kẻ đeo vòng hoa bằng ngón tay). Khi vì hành động ấy, đường sá trở thành vắng người, ngài đi vào trong làng và làng trở thành trống không. Vua bèn sai một lực lượng quân đội đi bắt Angulimàlà. Mẹ của Angulimàlà khuyên chồng nên đi để bảo Angulimàlà hãy chấm dứt hành động như vậy, nhưng người chồng từ chối, không muốn liên hệ với một người con như vậy nên để mặc nhà vua làm. Bà mẹ vì thương con, khi thấy chồng từ chối liền soạn đồ lương thực và đi tìm Angulimàlà để ngăn chận không cho làm điều ác.
Rồi Thế Tôn suy nghĩ rằng, nếu Angulimàlà gặp mẹ, sẽ giết mẹ cho đủ một ngàn ngón tay; nay là đời sống cuối cùng của Angulimàlà, nếu đức Phật không can thiệp thời sẽ có thiệt hại lớn. Sau bữa ăn đức Phật đi trên con đường dẫn đến rừng Jàlinì dầu có nhiều người ngăn cản. Khi Angulimàlà thấy mẹ, ngài tính lấy ngón tay của mẹ cho đủ số một ngàn ngón tay, thời đức Phật đến và đi giữa Angulimàlà và người mẹ, Angulimàlà liền bỏ ý định giết mẹ và quyết định giết vị Sa-môn cho đủ túc số. Angulimàlà liền rút gươm đuổi theo đức Phật, nhưng dầu ngài cố gắng thế nào cũng không làm sao đuổi kịp, dầu đức Phật vẫn đi khoan thai nhẹ nhàng. Angulimàlà yêu cầu đức Phật đứng lại, đức Phật trả lời đức Phật đã đứng rồi, chính Angulimàlà cần phải đứng lại. Câu trả lời làm Angulimàlà khó hiểu, tin rằng các Sa-môn bao giờ cũng nói thật nên ngài hỏi đức Phật:
Thế Tôn trả lời:
Trong khi đức Phật đứng như vậy, chói sáng đức hạnh của mình, Angulimàlà nhớ lại những gì mình được nghe về đức Phật, tuệ quán đạt đến mức thuần thục, hoan hỷ thấm nhuần toàn thân, như một làn nước dâng trào toàn thế giới. Tự nói với mình: ‘Thật lớn thay, tiếng rống sư tử này. Chắc đây là Sa-môn Gotama đã đến đây để cứu độ ta’. Ngài nói:
Angulimàlà sau khi xuất gia tu hành, chứng quả rồi nói lên quả chứng của mình:
Như vậy, sống trong hạnh phúc giải thoát, ngài đi vào thành khất thực. Có người ném đá vào ngài, có người lấy gậy đánh vào đầu ngài, và ngài về tịnh xá với bình bát bị bể. Ðức Phật khuyên ngài nên nhẫn nại chịu khổ, vì nghiệp quả của ngài đáng phải thiêu sống ở địa ngục, nay chỉ chịu khổ như vậy thôi. Rồi ngài phát tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh.
887.Trong rừng, dưới gốc cây,
Hay trên núi trong hang,
Tại chỗ ấy, ta trú,
Tâm tư thật hứng khởi.
(CCLVI) Anuruddha (Thera. 83)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Kapilavatthu, trong nhà dòng họ Sakya Amitodana và được đặt tên là Anuruddha.Anh của ngài là Thích-ca Mahànàma, con người cậu của đức Phật. Ngài được nuôi dưỡng rất tế nhị, mỗi mùa ở mỗi nhà khác nhau, có các vũ nữ vũ sư đoanh vây, thọ hưởng sự giàu sang thần tiên. Khi được gọi làm người bảo vệ cho bậc Ðạo Sư, ngài đi đến đức Phật, trong rừng xoài ở Anupiyà, thọ giới xuất gia, và trong mùa an cư mùa mưa, ngài chứng Thiên nhãn. Nhận được đề tài thiền quán từ ngài Xá-lợi-phất. Ngài đi đến rừng trúc ở phương Ðông, hành thiền quán, và chứng được bảy tư duy của một vị Ðại nhân, nhưng chưa chứng được tư duy thứ tám. Bậc Ðạo Sư nhận thấy vậy liền dạy cho ngài quá trình tu chứng của bậc Thánh. Nhớ lại lời dạy này, Anuruddha phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán cùng với thắng trí và vô ngại giải thù thắng. Ngài được Thế Tôn xác nhận là bậc Thiên nhãn đệ nhất. Và ngài sống trong an lạc giải thoát. Một hôm ôn lại quá trình tu chứng của mình, ngài hoan hỷ phấn khởi, và nói lên bài kệ sau đây:
Rồi một Thiên nhân, trước kia là người hầu cận ngài, thấy ngài già và ốm, vì lòng thương ngài, yêu cầu ngài tái sanh ở chư Thiên. Ngài trả lời như sau:
Rồi vị Tỷ-kheo khác, không thấy vị Thiên nhân, không hiểu bậc Trưởng lão nói với ai. Ðể nói lên thần thông của mình, ngài nói câu kệ:
Rồi ngài nói lên nghiệp trước của ngài:
(CCLVII) Pàràpariya (Thera. 84)
Ðời sống của ngài đã được nói đến phẩm CCXLIX. Các kệ trước được nói lên khi đức Bổn Sư còn sống. Khi ngài chưa chứng quả A-la-hán, về vấn đề sáu lực (năm căn và ý). Những bài kệ sau đây được nói lên khi đức Bổn Sư đã viên tịch và khi ngài sắp sửa mệnh chung. Trong những bài kệ này, ngài nói lên tương lai của các Tỷ-kheo khi họ theo tà pháp.
Câu kệ đầu do các vị chép sớ đặt vào:
Chương XVII
-ooOoo-
Phẩm Ba Mươi Kệ
(CCLVIII) Phussa (Thera. 87)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một vị vua trị vì một tỉnh, được đặt tên là Phussa, và được giáo dục trong mọi tài năng của thanh niên hoàng tộc. Nhưng ngài có tâm hướng khác thường, không thiên về thế tục, nên khi nghe một vị Trưởng lão thuyết pháp, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Tu tập thiền định, ngài phát triển thiền quán và sau một thời gian, chứng được sáu thắng trí.
Một hôm, một ẩn sĩ tên Pandara-gotta nghe ngài thuyết pháp, thấy xung quanh có một số Tỷ-kheo giới đức nghiêm minh, tu tập, chế ngự thân và tâm, vị ẩn sĩ suy nghĩ: ‘Hệ thống này thật đáng tin tưởng, mong rằng hệ thống này được tồn tại!’. Rồi vị ấy hỏi ngài về tương lai sự tiến bộ các Tỷ-kheo như thế nào? Ngài trả lời với những bài kệ như sau, riêng bài kệ 949 do các nhà kiết tập đặt thêm vào:
Như vậy vị Trưởng lão nói với Tăng chúng của mình. Các bài kệ này là lời nói chánh trí của ngài.
(CCLIX) Sàriputta (Thera. 89)
Ðời của ngài và đời của Moggallàna gắn liền với nhau. Trong thời đức Phật tại thế, Sàriputta sanh tại thành Upatissa, không xa Vương Xá (Ràjagaha) bao nhiêu, mẹ là Rùpasàri; còn Moggallàna sanh ở thành Kolita, không xa thành Vương Xá (Ràjagaha) bao nhiêu, mẹ là Moggali. Vì cả hai là con của vị gia trưởng nên được đặt tên là Upatissa và Kolita. Cả hai đứa trẻ được nuôi dưỡng trong giàu sang và thiện xảo mọi khả năng.Trong một hội chợ lớn ở Vương Xá (Ràjagaha) vì tâm tư thuần thục, cả hai đều thấy tất cả quần chúng hội một trăm năm sau, sẽ bị thần chết mang đi, nên cả hai lo âu đi tìm con đường giải thoát. Cả hai xuất gia dưới sự chỉ đạo của Sanjaya, hẹn nhau ai chứng quả bất tử trước, sẽ nói cho người kia biết.
Dưới sự chỉ đạo của Sanjaya, cả hai không tìm được đạo giải thoát, và sau khi tìm hỏi các Sa-môn, Bà-la-môn gặp được Assajì và nhờ Assajì, gặp được Thế Tôn, cả hai đều xin xuất gia và được đức Phật độ cho làm Tỷ-kheo với câu: ‘Thiện lai Tỷ-kheo’.
Chứng được quả Dự lưu nhờ Assajì tóm tắt câu kệ, Moggallàna, bảy ngày sau khi xuất gia, tại làng Kallavàla ở Magadha, sau khi nhiếp phục được hôn trầm thụy miên, nhờ lời Thế Tôn khích lệ, sau khi nghe lời dạy về tu các giới, chứng được quả A-la-hán. Còn Sàriputta, nửa tháng sau khi xuất gia khi ở cùng đức Bổn Sư tại hang Sukarakhata ở Vương Xá (Ràjagaha) cũng được chứng quả A-la-hán. Về sau, tại Jetavana Thế Tôn xác chứng Sàriputta là đệ tử đệ nhất về trí tuệ và thiền quán, và Sàriputta sau khi được tôn làm nguyên soái Chánh pháp, một hôm nói lên chánh trí của mình, trước các đệ tử:
Rồi vị Trưởng lão, một hôm thấy được chỗ ở của người em Revata (XLII, CCXLIV) đang ở, một khu rừng không nước đầy gai góc, ngài tán thán người em và nói:
Rồi vị Trưởng lão,với lòng từ mẫn đối với Ràdha một Bà-la-môn bất hạnh, giúp Ràdha xuất gia tu hành. Về sau, khi đang du hành, ngài khích lệ Ràdha, bằng lòng với cử chỉ khiêm tốn của Ràdha:
Một hôm, bậc Ðạo Sư không đi đến để giải tán nhóm Tăng chúng của Assaji-Runabbasu được tổ chức ở đồi Kità, Sàriputta được cử đi cùng với Moggallàna và các đệ tử của mình. Khi lời khuyên của Sàriputta không được nghe theo, ngài nói như sau:
Khi các Tỷ-kheo nói rằng chính du sĩ Dìghanakha, được Thế Tôn giảng dạy, được sửa soạn bởi hành động quá khứ, có thể làm nhiệm vụ ấy, Sàriputta can thiệp, nói rằng không phải:
Ba câu kệ tiếp được nói lên về ngài, khi Sàriputta trú ở tinh xá hang bồ câu, không có bị thương khi bị quỷ Dạ-xoa đánh:
1000. Giống như ngọn núi đá,
Không động, khéo vững trú,
Cũng vậy, vị Tỷ-kheo,
Ðã đoạn diệt si ám,
Vị ấy như ngọn núi,
Không có bị dao động.
Một hôm, bậc Trưởng lão không chú tâm, để tấm y rơi xuống. Một Sa-di nói: ‘Thưa Tôn giả y cần phải đắp xung quanh thân mình’. Tôn giả tán thán lời nói của người Sa-di và đắp lại tấm y trên thân. Và nói lên điều lỗi của mình, ngài nói bài kệ:
1001. Người không có uế nhiễm,
Luôn tầm cầu thanh tịnh,
Ác nhẹ như đầu lông,
Xem nặng như mây trời.
Rồi ngài nêu rõ sự xả ly của ngài đối với vấn đề sống chết.
1002. Ta không hoan hỷ chết,
Ta không hoan hỷ sống
Ta sẽ bỏ thân này,
Tỉnh giác và chánh niệm.
1003.Ta không hoan hỷ chết
Ta không hoan hỷ sống,
Ta sẽ bỏ thân này,
Như thợ làm việc xong.
Rồi khi thuyết pháp, ngài nói lên những bài kệ:
1004.Cả hai chết, không chết,
Sau đời hay trước đời,
Hãy dấn thân tiến bước,
Chớ để hư, uổng phí,
Dầu một khắc, sát-na,
Chớ để uổng phí qua.
1005. Như ngôi thành biên địa,
Ðược bảo vệ trong ngoài,
Như vậy, hộ tự ngã,
Chớ để phí sát-na,
Sát-na qua, sầu muộn,
Chịu khổ trong địa ngục.
Rồi một hôm, thấy Tôn giả MahaKotthita, ngài nói lên ba câu kệ, tán thán khả năng tốt đẹp của MahàKotthita.
1006. Ðạt tịch tịnh, chỉ tức,
Ðọc chú, không cống cao,
Quét sạch các ác pháp,
Như gió quét lá cây.
1007. Ðạt tịch tịnh, chỉ tức,
Ðọc chú, không cống cao,
Gạt ngoài các ác pháp,
Như gió quét lá cây.
1008. Ðạt tịch tịnh an lặng,
Ý trong sáng không nhiễm,
Bậc trì giới trọn lành,
Có thể dứt đau khổ.
Câu kệ tiếp nói về các Tỷ-kheo xứ Vajjì tin tưởng ở Devadatta và chấp nhận giáo lý của Devadatta:
1009. Có người không ai tin,
Tại gia hay xuất gia,
Những ai trước là tốt,
Về sau trở thành xấu,
Hoặc trước là người xấu.
Sau trở thành người tốt.
1010. Hạng Tỷ-kheo tham dục,
Sống hôn trầm thụy miên,
Trạo cử và nghi ngờ,
Tâm đủ năm phiền não.
1011.Với ai, đối cả hai,
Ðược trọng, không được trọng,
Thiền định, không dao động,
An trú không phóng dật.
1012. Thiền tư luôn kiên trì,
Tuệ quán, kiến tế nhị,
Ưa thích chấp thủ diệt,
Vị ấy gọi chân nhân.
Ðể phân biệt sự sai khác, lấy Bổn Sư và mình làm thí dụ, ngài nói lên những bài kệ như sau:
1013. Biển lớn và đất lớn,
Núi và các phương trời,
Không ví dụ sánh được,
Phật, giải thoát thù thắng.
1014. Trưởng lão chuyển pháp luân,
Bậc đại trí, thiền định,
Như đất, nước và lửa,
Không tham không ghét bỏ.
1015. Ðạt được tuệ tối thắng,
Ðại giác, đại Mâu-ni,
Không chậm, tỏ chậm chạp
Thường sống thật thanh lương.
Ðể nêu rõ bổn phận của ngài đã làm xong, ngài nói:
1016. Ta hầu hạ Bổn Sư,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Gốc sanh hữu nhổ sạch.
Và khi ngài sắp nhận Niết-bàn, ngài giảng dạy các Tỷ-kheo đang họp xung quanh ngài như sau:
1017. Tinh cần, chớ phóng dật,
Ðây lời giáo huấn ta!
Ta sẽ nhập Niết-bàn,
Ta thoát mọi sanh y.
(XXLX) Ananda (Thera. 91)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh trong gia đình Thích-ca Amitedana. Vì các bà con nói ngài sanh đem hoan hỷ cho gia đình, nên được đặt tên là Ananda (Khánh Hỷ). Khi lớn lên, các sự kiện xuất gia, giác ngộ, chuyển Pháp luân được diễn ra, và sau khi Thế Tôn viếng thăm Kapilavatthu, ngài xuất gia với Bhaddiya và các người khác và được Thế Tôn thế độ cho. Sau khi nghe bài thuyết pháp của Punna Mantàni, ngài chứng được Sơ quả.
Trong hai mươi năm đầu, Thế Tôn không có thị giả riêng, khi thì Nàgasamàla, khi thì Nàgita, khi thì Upavàna, Sunakkhatta, Sa-di Cunda, Sàgata, Meghiya. Thế Tôn không có lựa chọn ai làm thị giả đặc biệt. Sau Thế Tôn khi đã năm mươi sáu tuổi, gợi ý muốn có một thị giả thường trực, có Tỷ-kheo đề nghị Ananda và Ananda chỉ nhận lời nếu Thế Tôn chịu từ chối bốn việc và chấp nhận bốn việc. Từ chối không cho Ananda, y, đồ ăn, một phòng riêng và mời ăn, vì nếu không từ chối thời Ananda bị hiểu lầm là hầu hạ Thế Tôn để được y, đồ ăn khất thực, phòng xá và mời ăn. Chấp nhận cho Ananda bốn việc là nếu Ananda được mời ăn, Thế Tôn bằng lòng đi dự; Thế Tôn bằng lòng gặp những người từ xa đi đến và do Ananda giới thiệu; Thế Tôn chấp nhận cho Ananda yết kiến nếu Ananda gặp phân vân khó xử; Thế Tôn sẽ giảng lại những giáo lý ngài dạy khi Ananda vắng mặt. Nếu Thế Tôn không chấp nhận bốn điều này, thời sự hầu hạ của Ananda không đem lại thiện quả gì. Thế Tôn chấp nhận điều Ananda yêu cầu.
Từ hôm ấy, Ananda hầu hạ Thế Tôn, đem nước, đem tăm xỉa răng, rửa chân, đi theo Thế Tôn, quét phòng cho Thế Tôn. Ban ngày, Ananda ở một bên đức Phật, nhắc nhở những điều cần làm; ban đêm cầm đèn và gậy. Ananda đi xung quanh phòng đức Phật sẵn sàng đáp ứng nếu Thế Tôn có gọi. Thế Tôn tại Jetavana, xác chứng Ananda là vị Tỷ-kheo đệ nhất về năm phương diện: Ða văn, tâm tư cảnh giác, sức mạnh đi bộ, lòng kiên trì và sự hầu hạ chu đáo. Như vậy, Ananda sau khi Thế Tôn nhập diệt vẫn chưa chứng quả A-la-hán, và đêm trước khi kỳ kiết tập thứ nhất được tổ chức, ngài phát tâm tinh cần tinh tấn, thiền quán suốt đêm, trong mái hiên nhưng chưa có hiệu quả. Rồi ngài vào phòng ngồi trên giường, muốn nằm xuống và khi đầu chưa đụng chiếc gối, chân chưa rời khỏi đất, trong khoảng thời gian ấy, ngài chứng được quả A-la-hán. Rồi ngài bước vào phòng kiết tập.
Các câu kệ của ngài được góp thâu lại và để vào trong tập Trưởng lão Tăng Kệ, khi Khuddaka Nikàya (Tiểu bộ kinh) được tụng đọc.
Những bài kệ đầu được nói lên, khi ngài khuyên các Tỷ-kheo thường thân cận với kẻ theo Devadatta:
1018. Hai lưỡi và phẫn nộ,
Xan tham, thích phá hoại,
Bậc trí không giao du,
Kẻ ác bạn kẻ xấu.
1019. Với bậc tin, dễ thương,
Vói bậc trí, nghe nhiều,
Bậc Hiền trí, giao du,
Kẻ thiện bạn chân nhân.
Các bài kệ sau được nói lên khi nữ cư sĩ Uttarà, vì nàng đẹp nên thiên về dục vọng và được nói lên để nàng thấy sự mỏng manh của thân nàng. Có người nói các bài kệ này nói lên cho những ai đắm say Ambapàli:
1020. Hãy xem bóng trang sức,
Nhóm vết thương tích tụ,
Bệnh hoạn nhiều tham tưởng,
Nhưng không gì trường cửu.
1021. Hãy nhìn sắc trang sức,
Với châu báu vòng tai,
Bộ xương, da bao phủ
Sáng chói nhờ y phục.
Hai câu kệ tiếp được vị Trưởng lão nói lên khi chứng quả A-la-hán, đêm ấy trên giường của mình:
1022. Nghe nhiều, diễn thuyết giỏi,
Thị giả bậc Giác giả,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Ràng buộc được thoát ly,
Bậc họ Gotama,
Ðặt lưng nằm xuống nghỉ.
1023. Các lậu hoặc đoạn tận,
Ràng buộc được thoát ly,
Mọi chấp trước vượt qua,
Khéo đạt được thanh lương,
Gánh vác thân cuối cùng,
Ðến bờ kia sanh tử.
1024. Pháp an trú trong ấy,
Phật bà con mặt trời,
Trên đường đến Niết-bàn
Gotama an trú.
Một hôm Moggallàna người chăn bò, hỏi ngài lời dạy của đức Phật là gì, có bao nhiêu giáo lý tất cả. Vị Trưởng lão trả lời:
1025.Ta nhận từ đức Phật,
Tám mươi hai ngàn pháp,
Còn nhận từ Tỷ-kheo,
Thêm hai ngàn pháp nữa,
Tổng cộng tám tư ngàn,
Là pháp ta chuyển vận.
Một hôm, vị Trưởng lão nói cho một người sống bê tha phóng đãng sự nguy hiểm của một đời sống không giáo dục văn hóa:
1026. Người ít nghe ít học,
Lớn già như con bò,
Những thịt nó lớn lên,
Trí tuệ nó không lớn.
Những bài kệ tiếp nói cho vị Tỷ-kheo khinh khi những người ít học thua mình:
1027. Người học nhiều khinh miệt,
Kẻ học ít về học,
Như người mù mang đèn,
Ta có ý là vậy.
1028. Hãy kính người nghe nhiều,
Chớ hại điều sở học,
Ðấy cội gốc Phạm hạnh,
Do vậy, hãy trì pháp.
1029. Biết câu trước câu sau,
Biết nghĩa, giỏi từ cú,
Nắm giữ điều khéo nắm,
Suy tìm trên nghĩa lý.
1030. Chính nhờ đức kham nhẫn,
Sở nguyện được tác thành,
Sau khi đã tinh tấn,
Vị ấy lại cân nhắc,
Ðúng thời, ra nỗ lực,
Nội tâm khéo định tĩnh.
1031. Nghe nhiều, thọ trì pháp
Có tuệ, đệ tử Phật,
Chờ đợi thức tri pháp,
Nên thân cận vị ấy.
1032. Nghe nhiều thọ trì pháp,
Hộ tạng Ðại ẩn sĩ,
Cặp mắt, toàn thế giới,
Hãy lễ vị nghe nhiều.
1033. Ưa pháp, vui thích pháp,
Luôn suy tư Chánh pháp,
Tỷ-kheo nhớ niệm pháp,
Diệu pháp không tổn giảm.
Một hôm, ngài đốc thúc vị Tỷ-kheo dao động, biếng nhác như sau:
1034. Thân ích kỷ nặng chăng,
Không có ưa hoạt động,
Thời gian mòn mỏi qua,
Không thể đứng dậy sao?
Tham đắm theo thân lạc,
Từ đâu, Sa-môn lạc?
Những câu kệ sau, Trưởng lão Ananda đọc lên khi nghe tin Sàriputta mệnh chung:
1035. Mọi phương đều mờ mịt,
Pháp không khỏi nơi ta,
Người bạn tốt đã đi,
Tối tăm lan tràn khắp.
1036. Người bạn đã đi qua,
Ðạo Sư đã đi qua,
Bạn như vậy không còn,
Như quán thân hành niệm.
1037. Các vị xưa đã qua,
Vị mới ta không hạp,
Nay một mình ta thiền,
Như chim, khi mưa đến.
Câu kệ tiếp là của bậc Ðạo Sư. Câu tiếp là của Ananda, hoan hỷ làm theo lời vị Ðạo Sư:
1038. Từ các địa phương khác,
Nhiều người yết kiến Ta,
Chớ ngăn họ nghe pháp,
Nay thời họ gặp Ta.
1039. Từ các địa phương khác,
Quần chúng đến yết kiến,
Bổn Sư cho họ dịp,
Ðể được yết kiến Ngài;
Bậc có mắt không có,
Từ chối ngăn chận ai.
Năm câu kệ tiếp nêu rõ ngài là bậc thị giả đệ nhất:
1040. Trải hai mươi lăm năm
Ta chỉ là hữu học,
Dục tưởng không khởi lên,
Hãy xem pháp, pháp tánh.
1041. Trải hai mươi lăm năm,
Ta chỉ là hữu học,
Sân tưởng không khởi lên,
Hãy xem pháp, pháp tánh.
1042. Trải hai mươi lăm năm,
Ta hầu hạ Thế Tôn,
Với thân nghiệp từ hòa,
Như bóng không rời hình.
1043. Trải hai mươi lăm năm
Ta hầu hạ Thế Tôn,
Với khẩu nghiệp từ hòa,
Như bóng không rời hình.
1044. Trải hai mươi lăm năm,
Ta hầu hạ Thế Tôn,
Với ý nghiệp từ hòa,
Như bóng không rời hình.
1045. Khi đức Phật kinh hành,
Ta đi theo sau lưng,
Khi pháp được thuyết giảng,
Trí khởi lên nơi ta.
1046. Ta vẫn còn là người,
Có việc cần phải làm,
Ta chỉ là hữu học,
Tâm ý chưa chứng đạt,
Ðạo Sư nhập Niết-bàn,
Ai sẽ từ mẫn ta.
1047. Như vậy thật khủng khiếp
Như vậy thật kinh hoàng,
Khi bậc toàn tuyệt hảo,
Bậc Giác ngộ Niết-bàn.
Ba câu kệ tiếp, do các vị dự kỳ kiết tập thêm vào để tán thán Trưởng lão Ananda:
1048. Nghe nhiều, thọ trì pháp,
Hộ tạng Ðại ẩn sĩ,
Cặp mắt toàn thế giới,
Anan nhập Niết-bàn.
1049. Nghe nhiều, thọ trì pháp,
Hộ tạng Ðại ẩn sĩ,
Cặp mắt toàn thế giới
Ðoạn ám chỗ tối tăm.
1050. Ngài là bậc ẩn sĩ,
Với hành vị tuyệt hảo,
Với chánh niệm tuyệt hảo,
Với kiên trì tuyệt hảo,
Thọ trì chân diệu pháp,
Là Trưởng lão A-nan,
Là kho tàng sống động,
Ðầy châu báu ngọc ngà.
Câu kệ này được Ananda nói lên khi nằm trên giường, trong giờ phút cuối cùng:
1051. Ta hầu hạ Bổn Sư,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Gốc sanh hữu nhổ sạch.
Chương XVIII
-ooOoo-
Phẩm Bốn Mươi Kệ
(CCLXI) Mahà-Kassapa (Thera. 94)
Bậc Ðạo Sư đã ra đời, đang chuyển pháp luân và ở tại Ràjagaha (Vương Xá), khi ấy tại làng Bà-la-môn Mahàtittha ở Ràjagaha, ngài ra đời tên Pippali-mànava, con bà vợ chính của Bà-la-môn Kapila. Pippali-mànava, không chịu lập gia đình, xin ở nhà để hầu hạ cha mẹ, sau khi cha mẹ chết, sẽ xuất gia. Ðể làm cho bà mẹ bằng lòng, ngài cho làm tượng một thiếu nữ trẻ đẹp, mặc áo đỏ và đeo đồng trang sức, và nói với bà mẹ rằng nếu bà tìm cho được một thiếu nữ như vậy, ngài sẽ chịu lập gia đình. Bà mẹ sai các người Bà-la-môn đem theo tượng ấy và tìm cho được một thiếu nữ giống như vậy. Họ đến Sàgala, đặt tượng trên bờ sông và ngồi xuống xa bức tượng. Người vú của Bhaddà, sau khi tắm cho Bhaddà lại xuống sông tắm cho mình, thấy bức tượng, tưởng là Bhaddà và nói Bhaddà sao lại thiếu giáo dục như vậy, đánh nàng nơi má và biết được đó không phải là Bhaddà mà chỉ là một bức tượng bằng vàng. Các Bà-la-môn được đưa về nhà, được thấy Bhaddà, nhận Bhaddà giống như bức tượng và đưa tin về Kapila. Nhưng cả hai Pippali-mànava và Bhaddà đều không muốn lập gia đình, nên cả hai viết thư cho nhau nói rõ quyết định của mình. Hai người đưa thư gặp nhau giữa đường, đưa thư cho nhau coi, đánh tráo hai bức thư khác, và do vậy đám cưới được cử hành. Nhưng đêm tân hôn, hai người nằm cách nhau với một giấy hoa. Khi cha mẹ mệnh chung, cả hai quyết định cùng nhau xuất gia.
Hai người cùng mặc áo vàng, cắt tóc, mang bình bát, trước cùng đi với nhau, sau thấy bất tiện nên từ giã nhau, Pippali-mànava đi phía mặt, Bhaddà đi phía đường bên phía trái. Trước giới đức như vậy, quả đất rung động, và Thế Tôn biết được nguyên nhân nên ra ngồi giữa đường từ Nalandà đến Ràjagaha. Gặp Thế Tôn Mahà Kassapa đảnh lễ Thế Tôn, tôn Thế Tôn là bậc Thầy, tự nhận mình làm đệ tử. Cả hai về lại Magadha và Mahà Kassapa tu tập mười ba hạnh đầu đà. Ðến ngày thứ tám, ngài chứng quả A-la-hán. Bậc Ðạo Sư tuyên dương ngài là đầu đà thứ nhất. Và ngài nói lên kinh nghiệm của mình để giáo huấn các vị Tỷ-kheo.
Thấy các Tỷ-kheo ưa sống với quần chúng, và hay đến các nhà cư sĩ, ngài nói:
II
Một lời khuyên các Tỷ-kheo hãy biết đủ với bốn vật dụng cần thiết:
III
Về sau, khi được hỏi, sao ngài già như vậy, lại có thể hằng ngày leo lên đồi núi, ngài trả lời:
IV
Sau khi được hỏi thêm, vì sao khi lớn tuổi ngài vẫn ở trên núi rừng? Trúc Lâm hay các tịnh xá không làm cho ngài thích ý chăng? Ngài trả lời:
V
Khi khuyên bảo các Tỷ-kheo thích thú các tục sự, và tham các vật cúng dường cần thiết cho sự sống, ngài nói:
VI
Các câu kệ sau được nói lên để khuyên bảo trong một vài trường hợp:
VII
Khi thấy chư Phạm thiên đảnh lễ ngài Sàriputta, và thấy Trưởng lão Kappina mỉm cười, ngài nói:
VIII
Trưởng lão Kassapa rống lên tiếng rống sư tử của mình:
Chương XIX
-ooOoo-
Phẩm Năm Mươi Kệ
(CCLXII) Tàlaputta (Thera. 97)
Trong thời gian đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình kịch sĩ, trở thành thiện xảo trong nghề diễn kịch thích hợp với người trong gia tộc và trở thành lừng danh khắp Ấn Ðộ, như nhà lãnh đạo một ban hát với năm trăm nữ nhân, với sự huy hoàng của nghề kịch, ngài dự các lễ ở làng, ở thị trấn, ở cung điện vua, và rất được sủng ái và danh tiếng. Khi ngài trình diễn ở Ràjagaha với nhiều thành công, ngài đến yết kiến đức Phật và hỏi có phải một kịch sĩ khi trên sâu khấu giả danh sự thật, làm cho khán giả ưa thích, vui cười, người ấy sau khi chêt được sanh vào chư Thiên hay cười. Ðức Phật ban đầu không trả lời. Ðến khi hỏi lần thứ tư, đức Phật trả lời những ai khiến cho con người thiên về tình dục, tiêu cực tâm tư hoang mang khiến người ta mất nhiệt tình, người như vậy sau khi chết sẽ sinh vào địa ngục. Nhưng nếu có tà kiến thời bị sanh vào địa ngục và súc sanh. Tàlaputta khóc không phải vì đức Phật nói chỗ tái sanh, chỉ vì bị các kịch sĩ xưa lừa dối nói rằng kịch sĩ sẽ được sanh trong một đời sống hạnh phúc.
Rồi Tàlaputta nghe lời đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin, xuất gia và sau một thời tu tập, chứng quả A-la-hán. Rồi nêu rõ với nhiều chi tiết, như thế nào ngài chế ngự và làm cho trong sạch tâm tư, đi đến chỗ giác ngộ thâm sâu, ngài nói lên những câu kệ như sau:
I
II
Chương XX
-ooOoo-
Phẩm Sáu Mươi Kệ
(CCLXIII) Mahà-Moggallàna (Thera. 104)
Ðời ngài được kể với đời ngài Sàriputta (CCLIX). Sau khi xuất gia một tuần, ở gần làng Kallavàla tại Magadha, trong khi du hành ngài bị hôn trầm thụy miên và được Thế Tôn dạy: ‘Này Moggallàna, biếng nhác không giống với im lặng của bậc Thánh’. Ngài liền tinh tấn chế ngự sự yếu đuối của mình. Khi chỉ nghe đề tài về các giới do đức Phật giảng dạy, ngài chứng được quả A-la-hán. Một thời, Thế Tôn ở tại Jetavana, xác chứng ngài là bậc thần thông đệ nhất. Các bài kệ của ngài được kiết tập thứ nhất.
I
Khích lệ các Tỷ-kheo:
II
Với một kỹ nữ muốn cám dỗ ngài:
Người đàn bà ấy cảm thấy hổ thẹn, đảnh lễ vị Truởng lão rồi thưa:
Bậc Trưởng lão:
III
Khi được tin Trưởng lão Sàriputta viên tịch:
IV
Nói về Trưởng lão Tissa:
V
Nói về Trưởng lão Vaddhamàna
1163. Như bị kiếm chém xuống,
Như bị lửa cháy đầu,
Vị Tỷ-kheo xuất gia,
Chánh niệm, đoạn tham dục.
VI
Tuyên bố liên hệ đến kinh Pàsàdakamma:
VII
Nói liên hệ với một Tỷ-kheo:
VIII
Về đời sống viễn ly của mình:
IX
Ði vào Ràjagaha (Vương Xá) để khất thực, ngài khuyến giáo người cháu của Sàriputta, một Bà-la-môn có tà kiến, người này thấy ngài Ðại-ca-diếp, cảm thấy ghê tởm, như thấy được một nữ thần bất hạnh.
An tịnh và thoải mái,
Ẩn sĩ trú vùng xa,
Thừa tự Phật tối thắng,
Ðược Phạm thiên tán thán.
X
Khi khuyến giáo một Tỷ-kheo tên Potthila:
XI
Tán thán Tôn giả Sàriputta:
XII
Do ngài Sàriputta nói lời tán thán Moggallàna:
XIII
Mahà-Moggàllàna nói lên, xác nhận khả năng của mình:
La mắng Màra đã vào và ra khỏi bụng ngài:
Như vậy, Tôn giả Mahà-Moggallàna nói lên những bài kệ.
Chương XXI
-ooOoo-
Phẩm Bảy Mươi Mốt Kệ (Ðại Tập)
(CCLXIV) Vangìsa (Thera. 109)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Vangìsa và được dạy ba tập Vệ-đà. Ngài được trọng vọng cúng dường, nhờ gõ trên sọ người và biết được kiếp trước của người ấy. Các Bà-la-môn thấy Vangìsa là một nguồn lợi dưỡng nên đem ngài đi chỗ này chỗ khác. Trong ba năm, Vangìsa đoán kiếp trước trên các sọ người được mang đến, và lấy tiền khoảng một trăm, một ngàn, Kahapana (đồng tiền vàng) mỗi đầu người. Ngài nghe danh tiếng của Thế Tôn, muốn đến yết kiến Thế Tôn, nhưng các Bà-la-môn ngăn lại.
Vangìsa không nghe đi yết kiến đức Phật. Khi đức Phật hỏi Vangìsa biết được nghề gì, ngài trả lời có thể đoán được sọ người, bằng cách lấy móng tay gõ trên sọ người và đoán được số mệnh người ấy trong ba năm. Thế Tôn bảo Vangìsa đoán sọ người sanh vào địa ngục, vào loài Người, hàng chư Thiên và một vị giải thoát. Vangìsa có thể đoán số mạng ba hạng người kia nhưng đối với vị đã giải thoát thời không thể nói được gì. Cuối cùng, ngài yêu cầu Thế Tôn và được trả lời như sau:
Ai biết thật hoàn toàn,
Sự sanh diệt chúng sanh,
Không tham trước, Thiện Thệ,
Giác ngộ đạt Chánh giác,
Vị ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn,
Thiên, Nhân, Càn-thát-bà,
Không biết chỗ sở thú,
Lậu hoặc được đoạn trừ,
Bậc Ứng Cúng, La-hán,
Vị ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
(Kinh Tập, kệ 643-644 – Trung Bộ kinh II, 196M)
Sau khi nghe xong, Vangìsa yêu cầu đức Phật dạy cho con đường đạt đến đích ấy, xin xuất gia và đức Phật bảo Trưởng lão Nigrodhakappa độ cho xuất gia rồi dạy cho quán ba mươi hai bộ phận của thân và tuệ quán. Cuối cùng ngài chứng quả A-la-hán, từ bỏ các Bà-la-môn cũ, dùng nhiều câu tán thán Thế Tôn (Si, 185) và đức Phật xác chứng ngài là vị Tỷ-kheo đệ nhất về thuyết pháp. Những điều ngài nói lên trước và sau khi chứng quả A-la-hán được kiết tập bởi ngài Ananda và các vị khác trong kỳ kiết tập thứ nhất như sau:
I
Khi còn là Sa-di, sau khi bị ảnh hưởng vì thấy nhiều thiếu nữ mặc áo đẹp, ngài nói lên những cảm thọ được nhiếp phục của ngài:
II
Ðược nói khi nhiếp phục các cảm thọ của mình như sân hận v.v…
III
Nói đến khi ngài nhiếp phục cử chỉ của ngài về khả năng nói dễ dàng của mình:
IV
Khi còn là Sa-di, ngài hầu Tôn giả Ananda, khi Tôn giả được một vị đại thần của vua mời đến thăm Tôn giả và ngài được vây quanh với những nữ nhân trang sức đẹp đẽ, những người này kính lễ Tôn giả, hỏi thăm và nghe Tôn giả thuyết pháp. Nhưng Vangìsa lại bị kích thích và tham dục khởi lên. Ngài nghĩ như vậy là không tốt cho hiện tại và tương lai của ngài. Ngài nói lên tâm trạng của mình cho Tôn giả Ananda:
Và Tôn giả Ananda trả lời:
V
Ðược nói lên sau khi Thế Tôn dạy kinh về ‘Sự vật được khéo nói’, tán thán Thế Tôn:
VI
Nói lên để tán thán Tôn giả Sàriputta:
VII
Nói lên sau khi Thế Tôn thuyết trong kinh Pavàranà (Tự Tứ):
VIII
Nói lên tán thán Thế Tôn khi Thế Tôn đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về vấn đề Niết-bàn:
Rồi Thế Tôn hỏi:
– Này Vangìsa, những bài kệ này của Ông, có phải Ông suy nghĩ từ trước hay được khởi lên tại chỗ?
– Bạch Thế Tôn, những bài kệ này của con, không phải suy nghĩ từ trước chính được khởi lên tại chỗ.
– Vậy này Vangìsa, hãy cho nhiều bài kệ nữa, không suy nghĩ từ trước, được khởi lên tại chỗ.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn, Tôn giả Vangìsa vâng đáp Thế Tôn, nói lên những bài kệ tán thán Thế Tôn, những bài kệ không suy nghĩ từ trước:
IX
Nói lên để tán thán Tôn giả Annà Kondannà (An-nhã Kiều-trần-như):
X
Nói lên để tán thán Tôn giả Moggallàna, trước mặt Thế Tôn, khi Tôn giả Moggallàna nhận thấy tâm của năm trăm vị La-hán, hội họp tại Hắc Sơn, trên sườn núi Isigili, tại Rajagaha đều giải thoát khỏi tái sanh:
XI
Nói lên để tán thán Thế Tôn, chói sáng với dung sắc và huy hoàng của mình, khi Thế Tôn được chúng Tăng và cư sĩ bao vây xung quanh tại hồ sen Gaggara ở Campà:
XII
Nói lên khi ngài mới chứng quả A-la-hán, suy tư trên kinh nghiệm của mình và về Bổn sư:
XIII
Hỏi giáo thọ sư của mình là Nigrodha Kappa có nhập Niết-bàn khi mệnh chung:
Thế Tôn:
Vangìsa:
Như vậy, Tôn giả Vangìsa nói lên những câu kệ của mình.
Sư Phụ đã cho chúng con một trái tim biết yêu thương, một đôi tay biết sẻ chia giữa biển đời mong manh và tạm bợ.
Kinh Tiểu Bộ – Khuddaka Nikàya
Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt
-ooOoo-
Mục Lục
Phẩm I – Phẩm Con Rắn |
1. Chuyện – Thí Dụ Phước Ðiền (Khettùpamà) 2. Chuyện – Con Lợn Rừng (Sùkara) 3. Chuyện Ngạ Quỷ Có Mồm Hôi Thối (Pùtimukkha) 4. Chuyện Hình Nhân Bằng Bột (Pitthadhìtalika) 5. Chuyện Ngạ Quỷ Ngoại Bức Tường (Tirokuddapeta) 6. Chuyện Ngạ Quỷ Ăn Thịt Năm Ðứa Bé (Pàncaputtakhadaka) 7. Chuyện Ngạ Quỷ Ăn Thịt Bẩy Ðứa Bé (Sattaputtakhadaka) 8. Chuyện Con Bò (Gona) 9. Chuyện Ông Chủ Thợ Dệt (Mahàpesakàra) 10. Chuyện Nữ Nhân Sói Ðầu (Khallàtiya) 11. Chuyện Con Voi (Nàga) 12. Chuyện Con Rắn (Uraga) |
Phẩm II – Phẩm Ubbarì |
1. (13) Chuyện Người Tìm Giải Thát Vòng Luân Hồi (Samsàramocaka) 2. (14) Chuyện Mẹ Của Trưởng Lão Sàriputta (Sàriputtatheramàtu) 3. (15) Chuyện Nữ Ngạ Quỷ Mattà (Mattàpetì) 4. (16) Chuyện Nữ Ngã Quỷ Nandà (Nandàpetì) 5. (17) Chuyện Mattakundalì (Mattakundalì) 6. (18) Chuyện Ðại Vương Kanha (Kanha) 7. (19) Chuyện Ngạ Quỷ Dhanapàla (Dhanapàlapeta) 8. (20) Chuyện Tiểu Chủ Ngân Khố (Cùlasetthi) 9. (21) Chuyện Ankura (Ankura) 10. (22) Chuyện Mẹ Của Uttara (Uttaramatù) 11. (23) Chuyện Cuốn Chỉ (Sutta) 12. (24) Chuyện Nữ Quỷ Ở Hồ Kannamunda (Kannamundapetì) 13. (25) Chuyện Hoàng Hậu Ubbarìi (Ubbarì) |
Phẩm III -Tiểu Phẩm |
1. (26) Chuyện Không Chìm Trong Nước (Abhijjamana) 2. (27) Chuyện Ngạ Quỷ Núi Sànuvàsin (Sànuvàsinpeta) 3. (28) Chuyện Nữ Quỷ Hồ Ràthakàrà (Ràthakàràpetì) 4. (29) Chuyện Rơm Trấu (Bhusa) 5. (30) Chuyện Chàng Trai (Kumàra) 6. (31) Chuyện Nữ Ngạ Quỷ Serinì (Serinì) 7. (32) Chuyện Người Săn Nai (Migaludda) 8. (33) Chuyện Người Săn Nai Thứ Hai (Dutiyamigaludda) 9. (34) Chuyện Những Phán Quyết Gian Dối (Kùtavinicchayika) 10. (35) Chuyện Khinh Xá Lợi (Dhàtuvivanna) |
Phẩm IV – Ðại Phẩm |
1. (36) Chuyện Vua Ambasakkhara (Ambasakkhara) 2. (37) Chuyện Serìsaka (Serìsaka) 3. (38) Chuyện Quỷ Thần Nandaka (Nandakapeta) 4. (39) Chuyện Ngạ Quỷ Revatì 5. (40) Chuyện Cây Mía (Ucchu) 6. (41) Chuyện Các Vương Tử (Kumara) 7. (42) Chuyện Vị Vương Tử (Rajaputta) 8. (43) Chuyện Những Ngạ Quỷ Ăn Phân (Gùthakhadaka) 9. (44) Chuyện Thứ Hai Về Các Ngạ Quỷ Ăn Phân (Gùthakhadaka) 10. (45) Chuyện Bầy Ngạ Quỷ (Ganapeta) 11. (46) Chuyện Ngạ Quỷ Thành Pàtaliputta (Pataliputtapeta) 12. (47) Chuyện Các Trái Xoài (Amba) 13. (48) Chuyện Trục Xe và Cây Gỗ (Akkharukkha) 14. (49) Chuyện Thu Góp Tài Sản (Bhogasamharan) 15. (50) Chuyện Các Nam Tử Của Nhà Triệu Phú (Setthiputta) 16. (51) Chuyện Sáu Vạn Cái Búa (Satthikùtasahassa) |
***
Gs. Trần Phương Lan
Chuyện Ngạ quỷ (Petavatthu) là tập kinh song hành với tập chuyện Thiên cung, miêu tả cảnh giới đau khổ của những người đã tạo ác nghiệp từ Tăng chúng cho đến giới cư sĩ tại gia. Các loài quỷ (Peta) trong các chuyện này gồm hai loại: một loại Ngạ quỷ hoàn toàn chịu khổ đau mọi mặt, và một loại quỷ thần được hưởng một phần hạnh phúc do một số thiện nghiệp đã làm và một phần khổ đau do ác nghiệp đời trước.
Tuy nhiên một số quỷ này được hưởng phước báo khi may mắn gặp thân nhân hay một vị Tỷ kheo thương xót nhận làm các thiện sự, bố thí, cúng dường v.v… rồi hồi hướng công đức về chúng để mong chúng được thoát khổ cảnh. Ở đây ta gặp những vần kệ miêu tả sự tương phản giữa hai cảnh giới ngạ quỷ và thần tiên của các loài quỷ.
Phẩm I – Phẩm Con Rắn
Ðức Thế Tôn kể chuyện này trong lúc đang trú tại chỗ nuôi sóc ở Veluvana (Trúc Lâm) gần Ràjagaha (Vương Xá).
Thời ấy, ở Vương Xá có một người chủ ngân khố giàu sang vô cùng và chỉ được biết qua danh hiệu Ðại phú ông (Mahàdhanasetthi). Ông có một con trai độc nhất rất khả ái và xinh đẹp. Khi cậu đến tuổi trưởng thành, cha mẹ cậu suy nghĩ như vầy: ‘Nếu con ta chi tiêu một ngàn đồng mỗi ngày, thì dù cả trăm năm nữa số lượng tài sản này cũng sẽ không hết’.
Họ chẳng dạy cậu một nghề gì cả, vì suy nghĩ: ‘Việc học nghề sẽ tốn nhiều công sức mệt nhọc, cứ để nó an nhàn thân tâm hưởng thọ giàu sang thỏa thích’.
Thay vì dạy nghề, khi cậu đến tuổi mười sáu, họ cưới cho cậu một cô dâu kiều diễm, nhưng hoàn toàn thiếu đạo hạnh. Cùng với cô vợ, cậu đổ hết thời giờ vào việc hưởng thụ, thích thú tầm cầu dục lạc.
Khi cha mẹ mất, cậu phung phí tiền của vào đám vũ nữ, ca nhân và các đám vui chơi khác; sau khi tiêu hết tài sản, cậu trở nên nghèo khó, phải cố xoay xở để sống bằng cách vay nợ. Nhưng khi cậu không còn có thể vay được nữa và bị các chủ nợ thúc bách, cậu đưa hết ruộng vườn, trang trại, nhà cửa cùng các gia sản khác rồi trở thành kẻ hành khất, sống trong nhà tế bần của thành phố ấy.
Bấy giờ, một hôm, bọn cướp gặp cậu và bảo:
– Này chú, xem đây, chú làm sao ra khỏi cuộc sống khốn khổ này, chú còn trẻ và có năng lực. Hãy đi theo bọn ta và sống đầy đủ thoải mái bằng cách trộm cắp. Bọn ta sẽ tập luyện cho chú.
Cậu đồng ý và đi theo chúng. Bọn trộm cướp cho cậu một cây gậy lớn; và trong khi chúng đột nhập vào một cái nhà mà bọn chúng đã đục thủng một lỗ lớn, chúng đặt cậu ở chỗ ra vào và nói:
– Nếu có ai đến, hãy đánh chết nó đi.
Cậu vốn tâm trí đần độn, không phân biệt bạn thù, liền đứng đó và chỉ chờ đợi người khác đi đến.
Bấy giờ, người trong nhà trở dậy, chạy đi thật nhanh, nhìn đây đó, chợt thấy cậu đứng ở lỗ thủng ấy. Họ vừa nói:
– Chúng đây rồi, quân khốn kiếp, lũ trộm cướp, họ vừa chụp lấy cậu đưa đến nhà vua, trình:
– Tâu Ðại vương, tên trộm này bị bắt lúc đang phá nhà.
Vua ra lệnh cho đám quân giữ thành:
– Chặt đầu nó đi.
Bọn này giam cậu vào ngục và đưa đến nơi hành hình, chúng đánh cậu bằng roi trong lúc cậu đi theo tiếng trống xử tội. Cùng lúc quần chúng la lớn:
– Tên cướp phá hoại này đã bị bắt ở thành này.
Bấy giờ ở trong thành ấy, có nàng hoa khôi tên là Sulasà đang đứng bên cửa sổ. Nàng thấy cậu bị dẫn đi ngang, và vì nàng đã quen biết cậu từ thời trước nên nàng có cảm tình với cậu vốn là người từng đạt đại phú quí trong thành này, nàng liền cho gửi mứt bánh và nước uống, lại nhờ người nhắn với bọn giữ thành:
– Cầu mong các tôn ông đợi cho đến lúc người này ăn xong mứt bánh và uống nước.
Cùng lúc ấy trong thành này, Tôn giả Mahà-Moggallàna đang quán sát bằng thiên nhãn và thấy tình cảnh nguy khốn của kẻ này, Tôn giả động lòng bi mẫn và suy nghĩ: ‘Vì kẻ này chưa hề làm công đức gì, mà chỉ tạo ác nghiệp, y sẽ bị tái sanh vào địa ngục. Nay nếu ta đi ra và y cho ta mứt bánh và nước uống, y sẽ được tái sanh vào hội chúng các địa thần. Ta phải giúp đỡ kẻ này’.
Vì vậy Tôn giả liền xuất hiện trước tội nhân ngay khi mứt bánh và nước được mang đến. Khi cậu thấy vị Trưởng lão, tâm cậu được an lạc và cậu suy nghĩ: ‘Ta có lợi ích gì nhờ ăn mứt bánh này nếu ta phải chết? Giờ đây, chúng sẽ làm hành trang cho ta lên đường đi đến thế giới bên kia’.
Thế là cậu nhờ đưa bánh mứt và nước uống đi cúng vị Trưởng lão. Khi Tôn giả Moggallàna thấy nỗi thống khổ của cậu đã trở thành hoan hỷ, Tôn giả ngồi xuống và ăn uống xong rồi đứng dậy đi lên đường.
Còn người ấy bị các đao phủ đưa đến nơi xử tội và chém đầu. Nhờ hành động tín thành đối với Trưởng lão Moggallàna, phước điền vô thượng ở đời, kẻ ấy xứng đáng được tái sanh vào thiên giới cao cả. Nhưng vì niềm luyến ái phát ra đối với Sulasà khi cậu suy nghĩ: ‘Ta tạo được lễ cúng dường này là nhờ nàng’, nên ngay lúc lâm chung, tâm cậu trở thành bất tịnh và cậu tái sanh vào cảnh giới thấp hơn, làm vị thần ở trong cây chuối lớn có tàn lá rậm rạp trong rừng hoang.
Bấy giờ tình cờ vị thần thấy Sulasà trong vườn của nàng liền mang nàng đến nơi cư trú của vị ấy. Mẹ nàng than khóc, bảo vị ấy sau một tuần phải đem nàng trở lại. Bà mẹ kể chuyện cho mọi người nghe, khi họ hỏi bà sự việc đã xảy ra, và họ tràn đầy kinh ngạc bảo nhau:
– Các bậc A-la-hán quả thật là phước điền vô thượng ở đời, ngay một hành động từ bi nhỏ bé đối với chư vị cũng làm cho con người tái sanh vào cõi chư Thiên.
Chư Tăng thuật chuyện này lên đức Thế Tôn, Ngài bèn ngâm các vần kệ này để giải thích sự việc:
Khi pháp thoại chấm dứt, tám vạn bốn ngàn người được đắc Pháp nhãn.
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại chỗ nuôi sóc ở Veluvana (Trúc Lâm) gần Ràjagaha (Vương Xá).
Tương truyền ngày xưa khi đức Thế Tôn Kassapa (Ca-diếp) thuyết Pháp, một Tỷ-kheo đã điều phục tự thân, nhưng thiếu phòng hộ ngôn ngữ, nên đã mạ ly các Tỷ-kheo khác. Lúc từ trần, vị ấy tái sanh vào địa ngục. Sau khi đã bị thiêu đốt tại đó cả một kiếp, vị ấy rời cõi ấy và trong kiếp này tái sanh gần thành Ràjagaha, dưới chân núi Gijjhakùta (Linh Thứu), vị ấy luôn bị đói khát giày vò. Thân thể vị ấy có màu vàng ròng, nhưng miệng lại giống mõm lợn rừng.
Vào thời ấy, Tôn giả Nàrada đang trú tại núi Linh Thứu. Vừa cầm y bát, vị ấy khởi hành từ sáng sớm để khất thực. Trong lộ trình đến Ràjagaha, vị ấy thấy ngạ quỷ kia trên đường. Khi hỏi về hạnh nghiệp mà ngạ quỷ kia đã tạo, vị ấy đã ngâm các vần kệ sau:
Ngạ quỷ đáp lời:
Ngạ quỷ ấy còn nói lời khuyên này với Trưởng lão:
Thế rồi Tôn giả Nàrada, sau khi đã đi khất thực trong thành Vương Xá và sau buổi ngọ trai, trở về trình sự việc này với bậc Ðạo Sư, Ngài dùng đó làm đề tài thuyết pháp.
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại chỗ nuôi sóc ở Veluvana (Trúc Lâm).
Ngày xưa vào thời đức Thế Tôn Kassapa (Ca-diếp) có hai thiện gia nam tử theo lời giáo huấn của Ngài, đã xuất gia bỏ đời thế tục. Thực hành đầy đủ giới luật và sống khổ hạnh khắc nghiệt, hai vị an trú hòa hợp với nhau ở một nơi kia trong làng.
Sau đó một Tỷ-kheo có ác tính, thích mạ ly, đã đến trú xứ của hai vị. Hai Trưởng lão này ân cần nhận vị ấy và qua ngày thứ hai lại cùng vị ấy đi khất thực.
Dân chúng tích cực tuân lời dạy của chư vị và cúng dường chư vị đủ cháo, gạo, cơm và nhiều thực phẩm khác. Vị kia suy nghĩ: ‘Làng này thật là nơi ở tốt để khất thực và dân chúng đầy đủ tín tâm cúng dường thực phẩm ngon lành. Ðây lại có bóng mát và nước. Ta có thể sống sung sướng ở đây nhưng chẳng thể được bao lâu hai Tỷ-kheo này cũng trú cùng nơi này. Ðược rồi, vậy thì ta sẽ làm sao cho họ không đến đây ở nữa’. Thế là vị ấy phỉ báng người nọ với người kia. Hai vị dần dần sinh ra hoài nghi và suy nghĩ: ‘Dẫu sao cũng có thể như vậy’, và mất lòng tin, chư vị tránh mặt nhau, rồi không ai bảo ai, mỗi người ra đi tìm một nơi dễ chịu hơn.
Dân chúng hỏi vị Tỷ-kheo phỉ báng:
– Bạch Tôn giả, chư vị Trưởng lão đi đâu rồi?
Vị ấy đáp:
– Suốt đêm hai vị tranh cãi nhau; hai vị ra đi chẳng để ý đến lời ta bảo: ‘Xin đừng tranh cãi, hãy hòa hợp’, và còn nhiều chuyện khác nữa, ta nói thêm: ‘Những người nào có tính như vậy thường thích đánh nhau to’. Sau đó quần chúng van nài:
– Cứ để chư vị Trưởng lão đi, tuy nhiên vì chúng đệ tử, xin Tôn giả ở lại đây và đừng hối tiếc gì cả.
Vị ấy đồng ý đáp:
– Ðược lắm.
Trong khi ở đó vài ngày, vị ấy suy xét: ‘Do tham muốn trú xứ, ta đã ly gián hai Tỷ-kheo này. Ôi! Ta đã quyết tâm tạo nhiều ác nghiệp’. Bị lòng hối hận sâu xa giày vò và ngã bệnh vì tinh thần dao động, chẳng bao lâu vị ấy từ trần và tái sanh vào địa ngục Avìci (Vô gián hay A-tỳ).
Về sau vị ấy tái sanh vào kiếp này làm một ngạ quỷ có mồm hôi thối ở không xa thành Ràjagaha. Thân thể vị ấy có màu vàng ánh, nhưng sâu bọ lúc nhúc bò ra từ mồm vị ấy cấu xé mãi khiến mồm vị ấy bốc mùi hôi thối. Thời ấy Tôn giả Nàrada từ đỉnh Linh Thứu đi xuống, thấy ngạ quỷ kia, bèn ngâm vần kệ hỏi về hạnh nghiệp của vị ấy:
Ngạ quỷ đáp:
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Sàvatthi (Xá-vệ) trong Jetavana (Kỳ-viên).
Thời ấy người nhũ mẫu đem cho cháu gái của ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc) một hình tượng bằng bột để làm đồ chơi.
Một hôm cô bé làm rơi hình tượng ấy vỡ tan. Nó kêu lên: ‘Con gái ta đã chết rồi!’, và khóc mãi, đám gia nhân không ai dỗ dành được.
Bấy giờ bậc Ðạo Sư đang ở trong nhà ông Cấp Cô Ðộc, vị này đang ngồi gần Ngài. Bà nhũ mẫu đem cô bé đến bên ông chủ. Ông hỏi:
– Tại sao con bé khóc?
Rồi vừa ôm cháu vào lòng, ông vừa dỗ dành nó và bảo:
– Ông sẽ cho cháu một đứa con gái khác để làm tặng vật.
Rồi ông thưa trình bậc Ðạo Sư:
– Bạch Thế Tôn, vì cháu nội của con khóc về chuyện hình tượng bằng bột, con ước mong dâng lễ vật cúng dường. Xin Thế Tôn chấp thuận đến nhà con ngày mai cùng với năm trăm Tỷ-kheo.
Ðức Thế Tôn nhận lời. Như vậy đức Thế Tôn đã đến và sau buổi ngọ trai, Ngài nói lời tùy hỷ công đức và ngâm các vần kệ này:
Ðức Thế Tôn đã thuyết pháp như vậy rồi ra đi. Bà vợ và gia quyến vị Ðại phú ông theo gương vị ấy. Do vậy họ làm lễ đại cúng dường suốt một tháng. Rồi vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nghe tin này cũng dâng lễ vật dồi dào lên Tăng chúng. Khi dân chúng thấy vậy, họ lần lượt làm theo nhà vua và làm lễ đại cúng dường suốt cả tháng, một lễ đại cúng dường có nguồn gốc từ hình tượng bằng bột ấy.
Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Ràjagaha (Vương Xá).
Chín mươi hai kiếp về trước, có một kinh thành tên là Kàsipuri. Vua Jayasena ngự trị nơi ấy có chánh hậu là Sirimà, vương tử Phussa chứng đắc Vô Thường Chánh Ðẳng Giác, tức là đức Cổ Phật thứ mười tám sau đức Phật Dipankara (Nhiên Ðăng).
Bấy giờ Ðại Vương Jayasena sinh tâm ngã mạn, suy nghĩ: ‘Vì vương tử của ta sinh ra đời làm đức Phật, đã thành tựu đại sự xuất thế, chỉ riêng ta có Phật, chỉ riêng ta có Pháp, chỉ riêng ta có Tăng chúng’. Do đó nhà vua luôn luôn hầu cận bên đức Phật và không dành cơ hội cho kẻ khác.
Ba hoàng đệ của đức Thế Tôn ấy do bà mẹ khác sinh ra, bèn suy nghĩ: ‘Quả thật chư Phật ra đời vì lợi ích của quần sinh khắp thế gian này, chứ không phải vì riêng một ai. Nay phụ vương ta không dành cơ hội cho người khác. Làm thế nào ta có thể phụng sự đức Thế Tôn và Tăng chúng? Nào chúng ta hãy thi hành một chiến thuật’.
Thế là chư vị gây rối tại vùng biên địa. Sau đó khi nhà vua nghe tin về vụ rối loạn này, liền phái ba vương tử đi bình định biên thùy. Ba vị tuân lệnh và khi trở về, nhà vua hài lòng ban chư vị một điều ước, phán bảo:
– Hãy chọn thứ gì các vương nhi muốn.
Ba vị tâu:
– Chúng thần nhi ước mong hầu cận đức Thế Tôn.
Nhà vua từ chối, phán:
– Hãy chọn thứ khác.
Ba vị tâu:
– Chúng thần nhi không màng thứ gì khác cả.
Nhà vua lại phán:
– Thôi được, các vương nhi có quyền chọn theo ý muốn.
Ba vị đến gần đức Thế Tôn và thưa:
– Bạch Thế Tôn, chúng đệ tử ước mong phụng sự đức Thế Tôn ba tháng. Xin đức Thế Tôn hoan hỷ an cư ba tháng mưa với chúng đệ tử.
Ðức Thế Tôn chấp thuận. Ba vị hoàng tử tự thân hành gửi một thông điệp đến cho người được chỉ định trông coi tỉnh nọ, bảo: ‘Trong suốt ba tháng này, chúng ta cần phục vụ đức Thế Tôn, bắt đầu bằng cách xây một tinh xá, và cung cấp đủ mọi thứ cần thiết’.
Sau đó chư vị hết lòng cung kính phục vụ đức Thế Tôn cùng Tăng chúng. Khi các viên quan cai trị tỉnh này đã cúng dường tinh xá xong, các vị chấp hành việc an cư mùa mưa ấy. Một vị thủ kho hàng gia, con trai một gia chủ, là người mộ đạo cùng với vợ đã tìm được niềm tin, vị ấy trân trọng cúng dường Tăng chúng với đức Phật làm thượng thủ. Người được chỉ định cai quản tỉnh này theo gương vị kia cùng với mười một ngàn dân đem các vật đến cúng dường với tất cả lòng thành kính.
Vào dịp ấy, có một số người bất mãn trong lòng, sau khi ngăn cản những vật đóng góp, chính họ lại ăn các phẩm vật và nổi lửa đốt trai đường.
Sau khi ba vương tử cùng đoàn tùy tùng đã cúng dường đức Thế Tôn và từ giã Ngài xong, ba vị đi thẳng đến phụ vương.
Khi trở về, đức Thế Tôn đắc Niết-bàn vô dư y, ba vương tử và người cai quản tỉnh ấy, vị thủ kho báu hoàng gia dần dần theo thời gian đều từ trần và cùng với quần chúng ở đó được tái sanh thiên giới, còn số người bất mãn trong tâm bị tái sanh địa ngục.
Chín mươi hai kiếp trôi qua như vậy, trong lúc hai hạng người trên cứ lần lượt tái sanh từ thiên giới này đến thiên giới khác và từ địa ngục này đến địa ngục khác. Rồi đến hiền kiếp này, vào thời đức Thế Tôn Kassapa, đám người bất mãn trong tâm tái sanh vào loài ngạ quỷ.
Vào thời ấy, loài người thường cúng dường vì lợi ích của đám quyến thuộc quá cố của họ và nêu rõ: ‘Lễ vật này xin dành cho quyến thuộc của chúng tôi’. Do đó, các vong linh được an lạc. Thế rồi, chính các vong linh ấy cũng nhận biết điều này, nên sau khi đến gần đức Phật Kassapa, các vị ấy hỏi:
– Bạch Thế Tôn, giờ đây làm thế nào chúng con có thể đạt được an lạc như vầy’?
Ðức Thế Tôn đáp:
– Hiện nay chư vị chưa có thể đạt được an lạc ấy, nhưng thời gian về sau, sẽ có một đức Phật ở thế gian tên gọi là Gotama. Vào thời của đức Thế Tôn ấy, sẽ có một vị vua tên là Bimbisàra, trong chín mươi hai kiếp nữa kể từ đây sẽ là quyến thuộc của chư vị. Vua ấy sẽ dâng lễ cúng dường đức Phật và sẽ hồi hướng công đức ấy đến chư vị, sau đó chư vị sẽ được an lạc.
Thời bấy giờ, khi điều này được phát biểu, thì cũng như thể ta nói với các vong linh ấy: ‘Ngày mai chư vị sẽ được an lạc’.
Về sau, khi thời kỳ có đức Phật này đã qua, đức Thế Tôn (Gotama) giáng sanh vào cõi đời, ba vương tử cùng với một ngàn người từ thiên giới tái sanh vào quốc độ Magadha (Ma-kiệt-đà) trong các gia đình Bà-la-môn.
Theo thời gian, sau khi từ giã đời thế tục, ba vị trở thành các nhà khổ hạnh bện tóc, trú tại đỉnh núi Gayà, người trước kia cai quản tỉnh thành ấy trở thành vua Bimbisàra; người thủ khố hoàng gia, con của vị gia chủ, trở thành đại phú trưởng nghiệp đoàn có tên Visàkha; vợ vị ấy trở thành con gái của một vị đại phú trưởng nghiệp đoàn và được đặt tên Dhammadinnà, còn đám quần chúng được tái sanh làm các vị cận thần của vua.
Bấy giờ đức Thế Tôn Gotama giáng sanh cõi trần, sau bảy tuần Giác Ngộ, Ngài đến Benares (Ba-la-nại) chuyển Pháp luân. Ngài giáo hóa ba vị đạo sĩ bện tóc, sau khi Ngài đã khởi đầu giáo hóa năm vị khổ hạnh, và thâu nhận cả ngàn đệ tử. Sau đó Ngài đi đến Ràjagaha và an trú vua Bimbisàra vào Sơ quả Dự Lưu cùng với hơn một vạn Bà-la-môn và cư sĩ ỏ tại xứ Anga (Ưng-già) và Magadha.
Tuy nhiên các ngạ quỷ ở quanh cung vua suy nghĩ: ‘Giờ đây nhà vua sẽ làm lễ cúng tế cho chúng ta được hưởng phước’. Trong lúc nhà vua làm tế lễ, nhà vua suy nghĩ: ‘Ta không biết bây giờ đức Thế Tôn đang trú ở đâu?’. Do vậy, nhà vua không hồi hướng công đức đến ai cả. Vì các ngạ quỷ không nhận được thí vật nào cả, chúng rất thất vọng thốt tiếng kêu thảm thiết mỗi đêm ở hoàng cung.
Rạng ngày, nhà vua hoảng sợ trình đức Thế Tôn về chuyện đã xảy ra và hỏi:
– Bạch Thế Tôn, Ngài đã nghe tiếng nào như vậy chưa? Con băn khoăn không biết việc gì xảy ra với con.
Ðức Thế Tôn đáp:
– Thưa Ðại vương, xin đừng sợ, không có gì bất thường xảy ra với Ðại vương đâu, mà thịnh vượng sẽ đến với Ðại vương thôi. Giờ đây, quả thật là quyến thuộc của Ðại vương đã tái sanh vào loài ngạ quỷ. Trong suốt một kiếp, chúng đã lang thang khắp nơi và chỉ mong ước điều này: ‘Nhà vua sẽ làm lễ cúng dường đức Phật và hồi hướng công đức ấy cho chúng ta’. Hôm qua, khi Ðại vương dâng lễ, Ðại vương đã không hồi hướng công đức. Do đó, chúng mất hết hy vọng và thốt tiếng kêu la.
Nhà vua hỏi:
– Bạch Thế Tôn, bây giờ làm sao chúng có thể nhận được thí vật?
Ðức Phật đáp:
– Thưa Ðại vương, quả thật chúng có thể nhận.
Nhà vua nói:
– Bạch Thế Tôn, vậy Thế Tôn hãy nhận lời thỉnh cầu của con vào ngày mai, con sẽ hồi hướng công đức lễ vật ấy cho chúng.
Ðức Thế Tôn nhận lời.
Sau đó, nhà vua ra lệnh chuẩn bị lễ cúng dường hào phóng, và thông báo thời giờ lên đức Thế Tôn, Ngài liền đến Hoàng cung. Bầy ngạ quỷ cũng đến và suy nghĩ: ‘Hôm nay chúng ta sẽ hưởng được món gì đó’, rồi đứng bên ngoài các bức tường và hàng rào.
Sau đó đức Thế Tôn làm cho mỗi ngạ quỷ đều hiện hình trước nhà vua. Trong khi vua dâng nước rửa, vua hồi hướng công đức ấy cho chúng với những lời này: ‘Mong công đức này dành cho quyến thuộc ta’. Lập tức xuất hiện các ao sen đầy sen súng cho bọn ngạ quỷ. Chúng tắm rửa và uống nước ở đó, được giảm nhẹ nỗi thống khổ của chúng vì bất hạnh, lao nhọc và khát nước, nên da chúng trở nên vàng ánh.
Nhà vua dâng lễ cúng dường cháo gạo và các thức ăn đủ loại cứng mềm rồi hồi hướng công đứng lễ vật ấy cho chúng. Trong chốc lát liền xuất hiện cho chúng các thực phẩm khác, thậm chí cả thực phẩm thiên giới, khiến chúng hân hoan hưởng thọ.
Nhà vua lại cúng dường y phục và sàng tọa, tinh xá rồi hồi hướng công đức lễ vật ấy. Sau đó liền xuất hiện cho chung các thiên y, thiên cung, sàng tọa, khăn phủ và đồ trang sức. Ðức Thế Tôn quyết định làm cho tất cả hạnh phúc tuyệt vời này của họ được hiển lộ trước vua; khi nhìn thấy vậy, vua vô cùng hoan hỷ.
Rồi đức Thế Tôn, sau khi thọ thực xong, và được thỉnh cầu, Ngài kể chuyện ngạ quỷ ngoài bức tường thay lời tùy hỷ công đức.
Khi pháp thoại chấm dứt, tám vạn bốn ngàn người đã đắc Pháp nhãn do tri kiến sanh khởi từ sự kiện tái sanh vào cảnh giới ngạ quỷ. Tâm họ đầy xúc động vì được tán thán và họ càng nỗ lực tinh cần. Ngày hôm sau đức Thế Tôn cũng dạy chư Thiên và loài Người bài kinh ‘Ngoài Bức Tường’ ấy. Do vậy suốt bảy ngày đều diễn ra sự đắc Pháp nhãn như trên.
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Sàvatthi (Xá-vệ).
Trong làng nọ không xa Sàvatthi, có một người vợ địa chủ không sinh con. Quyến thuộc của ông nói: ‘Ðể ta kiếm một cô gái khác cho ông’. Nhưng ông không muốn, do lòng yêu thương vợ. Về sau, khi nghe chuyện này, bà vợ giục chồng đi cưới vợ khác để khỏi tuyệt dòng giống.
Nhưng khi cô vợ mới có thai, người vợ vô sinh, lòng đầy ganh tỵ, đem thức ăn uống đãi một vị du sĩ và nhờ ông ấy thực hiện việc phá thai. Cô vợ kể chuyện với mẹ, bà liền triệu tập gia quyến đến bảo người vợ vô sinh:
– Chị đã làm chết con nó còn ở trong bụng.
Người ấy đáp:
– Tôi vô tội.
Họ bảo:
– Nếu chị vô tội, vậy hãy thề đi.
Người ấy bèn thề độc, thách thức tai họa xảy đến nếu bà có tội. Không lâu sau đó, người ấy từ trần và tái sanh làm một nữ ngạ quỷ xấu xí ở không xa thành phố này. Cùng thời ấy, có tám Tỷ-kheo đang an cư mùa mưa trong tỉnh đi đến Sàvatthi để yết kiến bậc Ðạo Sư, vừa vào một nơi trong rừng có bóng mát và nước chảy không xa làng ấy. Sau đó nữ ngạ quỷ hiện hình trước các vị Trưởng lão, một vị trong số ấy liền hỏi:
Nữ ngạ quỷ đáp:
Khi nghe xong chuyện này, vị Trưởng lão hỏi:
Sau đó nữ ngạ quỷ kể cho vị Trưởng lão về những việc đã làm:
Chư vị Trưởng lão xúc động xót thương nữ ngạ quỷ, bèn đến nhà vị địa chủ kia bảo ông hồi hướng đến ngạ quỷ công đức buổi thọ trai mà ông cúng dường chư vị. Lập tức nữ ngạ quỷ thoát khỏi cảnh khốn khổ kia, nhận được nhiều ân phước và hiện hình ban đêm cho người chồng thấy. Sau đó chư Trưởng lão đến Sàvatthi đúng thời và trình lên đức Thế Tôn vấn đề ấy.
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Sàvatthi (Xá-vệ).
Trong một làng nọ không xa Sàvatthi, một đệ tử tại gia có hai con trai xinh đẹp, đủ tài năng đức độ. Vì thế, mẹ chúng khinh thường chồng bà. Chán cảnh bị vợ khinh thường, ông đem về một cô vợ khác còn trẻ lại chóng có thai. Bà vợ cả sinh lòng ganh tỵ, thuyết phục một y sĩ bằng cách trả một số tiền, để làm cho tình địch phải trụy thai.
Thời ấy nhiều vị Trưởng lão, đã an cư mùa mưa ở một nơi trong làng, đang đi đến Săavatthi để yết kiến đức Thế Tôn. Nhân dịp này, chư vị ở lại đêm gần làng ấy. Sau đó nữ ngạ quỷ này xuất hiện trước chư Trưởng lão. Vị trưởng đoàn hỏi ngạ quỷ qua vần kệ:
Nữ ngạ quỷ đáp:
Vị trưởng đoàn lại hỏi:
Nữ ngạ quỷ đáp:
8. Chuyện Con Bò (Gona)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).
Thuở đó ở Sàvatthi (Xá-vệ), người cha của một gia chủ nọ qua đời. Người con bị nỗi ưu phiền hành hạ và cứ khóc than mãi. Trong khi kẻ ấy đi lang thang như một người điên, ông thường hỏi bất cứ kẻ nào ông gặp: ‘Thế người có thấy cha tôi chăng?’ Không ai có thể xua tan nỗi ưu phiền của ông cả.
Nhưng trong lòng ông, như một ngọn đèn ở trong cái chai, đang bừng lên một khả năng đột xuất hướng về Nhập lưu đạo.
Trong lúc bậc Ðạo Sư đang quán sát thế gian vào buổi sáng, Ngài thấy điều kiện chắc chắn này và suy nghĩ: ‘Ðưa đến cho người này quả Dự Lưu thật là thích hợp sau khi kẻ ấy đã kể lại sự việc quá khứ và dẹp bỏ sầu bi’.
Vì thế ngày hôm sau, Ngài đi khất thực về, liền cùng một Tỷ-kheo trẻ đến cửa nhà vị kia. Khi nghe bậc Ðạo Sư đã đến, người ấy bước ra đón Ngài. Khi bậc Ðạo Sư đã an tọa, vị gia chủ nói:
– Bạch Thế Tôn, Ngài biết cha con đã đi về đâu rồi.
Bậc Ðạo Sư hỏi vị ấy:
– Này cư sĩ, ông hỏi về cha ông ở đời này hay đời trước?
Khi nghe những lời này, nỗi buồn của vị ấy dịu bớt: ‘Ta có rất nhiều cha trong quá khứ’ và vị ấy đã lấy lại được đôi chút thanh thản. Rồi bậc Ðạo Sư thuyết một bài giảng ngắn và ra đi về nơi cư trú của Ngài. Sau đó chư Tỷ-kheo bắt đầu pháp thoại về chuyện này.
Khi vừa đến nơi, bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này chư Tỷ-kheo, chư vị đang bàn luận gì khi ngồi tụ tập ở đây?
Chư vị kể lại vấn đề. Ngài đáp:
– Không phải chỉ giờ đây Ta mới xua tan nỗi ưu phiền của người kia, trong đời quá khứ nỗi ưu phiền của kẻ ấy cũng đã được tiêu trừ’. Và theo lời thỉnh cầu của chư vị, Ngài kể câu chuyện đã xảy ra thời trước.
Thuở xưa tại thành Benares (Ba-la-nại), người cha của một gia chủ từ trần. Bị sầu bi trấn áp, vị ấy đập ngực than khóc và cung kính đi quanh dàn hỏa thiêu. Con trai vị ấy là Sujàta, một nam tử thông minh lanh lợi, đầy đủ trí tuệ tối thượng, đang suy xét một phương cách xua tan nỗi ưu phiền của cha, chợt thấy ngoài kinh thành một con bò chết, chàng liền đặt phía trước nó một ít nước và cỏ chàng vừa đem tới nơi. Chàng đưa con bò một nắm cỏ, vừa ra lệnh như thể con bò đang sống, vừa đứng cạnh đó, chàng nói: ‘Ăn đi, ăn đi, uống đi, uống đi!’.
Khi người qua đường thấy chàng, họ nói:
– Này Sujàta, chú có điên không mà đưa cỏ với nước cho con bò chết?
Nhưng chàng không hề đáp lại lời nào. Vì thế dân chúng tìm đến cha chàng và bảo ông:
– Con trai ông đã nổi điên nên đưa cỏ và nước cho một con bò chết.
Khi vị gia chủ nghe việc này, nỗi ưu phiền về thân phụ liền mất đi. Lòng lo âu, vị ấy vội vàng đến trách cậu con trai:
– Con chẳng còn là Sujàta thông minh, lanh lợi và có trí tuệ nữa ư? Tại sao con lại đưa cỏ và nước cho một con bò chết?
Vị ấy ngâm hai vần kệ về việc này:
Sujàta ngâm các vần kệ sau đáp lời:
Người cha đáp:
Rồi người cha đi gội đầu, ăn uống và tham gia công việc của mình. Khi từ trần, vị ấy tái sanh Thiên giới.
Như vậy Sujàta đã trở thành vị Bảo hộ thế giới.
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Sàvatthi (Xá-vệ).
Lúc ấy chừng mười Tỷ-kheo, sau khi nhận được đề tài thực hành thiền quán từ bậc Ðạo Sư, đang tìm một nơi cư trú. Vì thời kỳ an cư mùa mưa gần kề, chư vị thấy một chỗ tốt đẹp vừa ý ở trong rừng với bóng mát và nước chảy, và chỉ xa làng một khoảng thuận tiện để đi khất thực. Chư vị ngủ qua đêm tại đó và hôm sau vào làng khất thực.
Dân chúng đón mừng chư Tỷ-kheo và cầu xin chư vị vào đây cư trú mùa mưa. Sau đó vị trưởng nghiệp đoàn thợ dệt cung kính cúng dường hai Tỷ-kheo đủ tứ sự cần thiết, trong khi số đoàn viên thợ dệt khác phục vụ từng vị Tỷ-kheo.
Bấy giờ vợ người chủ thợ dệt không mộ đạo, không có lòng tin, theo tà kiến và tham lam, không phụng sự Tăng chúng. Sau đó người chủ này cưới cô em gái bà và cho làm bà chủ nhà. Nàng có lòng tin và nhiệt thành phục vụ chư Tăng.
Tất cả những thợ dệt này cũng tặng mỗi người một chiếc y cho mỗi Tỷ-kheo đang thực hành an cư mùa mưa ở đó.
Thế rồi, người vợ ích kỷ của chủ nghiệp đoàn thợ dệt,với ác tâm buông lời mạ lỵ chồng: ‘Mong mọi thức uống ăn mà ông cúng các Tỷ-kheo đệ tử chân chánh của đức Phật sẽ trở thành phân dơ và y phục sẽ thành những tấm sắt nóng bỏng trong kiếp sau’.
Khi từ trần, vị chủ nghiệp đoàn thợ dệt tái sanh ở rừng Vindhya làm một vị thần đầy vẻ huy hoàng. Người vợ xan tham ấy tái sanh làm nữ ngạ quỷ ở không xa nơi ông ở. Nữ ngạ quỷ trần truồng xấu xí, bị đói khát giày vò,và khi đến gần vị địa thần này, nó nói:
– Thưa phu quân, thiếp trần truồng đi lang thang bị đói khát hành hạ vô cùng khổ cực, xin hãy cho thiếp y phục và thức ăn uống.
Vị thần liền cho nó một số thực phẩm thần tiên của mình, nhưng khi ngạ quỷ vừa cầm lấy, các thứ này lập tức biến thành phân dơ và y phục nó vừa mặc vào liền hóa ra tấm sắt nóng cháy. Ngạ quỷ vừa nôn mửa vừa kêu khóc và đi lang thang trong nỗi thống khổ cùng cực.
Vào thời ấy, một Tỷ-kheo đang đi đến yết kiến bậc Ðạo Sư, cùng với một đoàn lữ hành đông đảo vào rừng Vindhya. Sau khi đã du hành ban đêm, đến sáng đoàn lữ hành thấy một nơi đầy bóng mát và nước chảy, họ liền thả đàn bò ra và ngừng lại để nghỉ chân.
Sau đó, vị Tỷ-kheo muốn ở riêng một mình nên đã đi xa một đoạn ngắn, trải chiếc y lên thảm cỏ dày dưới gốc cây và nằm xuống. Thân thể mệt nhọc vì cuộc hành trình ban đêm, vị ấy liền ngủ thiếp đi.
Sau khi đoàn lữ hành đã nghỉ ngơi xong, họ lên đường, nhưng vị Tỷ-kheo ấy chưa dậy. Mãi đến chiều tối vị ấy thức giấc và vì mất bạn đồng hành, vị ấy theo đường nhỏ đi mãi cuối cùng đến tận nơi cư ngụ của vị thần nói trên.
Khi vị thần thấy vị Tỷ-kheo, liền hóa ra hình người và chào đón vị ấy, đưa vị ấy vào lâu đài của mình và sau khi đã cúng dường dầu xoa chân cùng các lễ vật khác, vị thần đảnh lễ và ngồi xuống. Vừa lúc ấy nữ ngạ quỷ cũng đến và nói:
– Thưa phu quân, xin hãy cho thiếp thức ăn uống và y phục.
Vị thần cho nó đủ các thứ này, nhưng ngay lúc nó cầm chúng, thì chúng vẫn biến thành phân dơ và tấm sắt nóng cháy như cũ. Khi vị Tỷ-kheo thấy thế, lòng hết sức xúc động và hỏi vị thần qua hai vần kệ:
Vị thần đáp:
– Giờ đây có phương tiện gì giải thoát bà khỏi cảnh giới ngạ quỷ?
Tỷ-kheo đáp:
– Nếu ta dâng cúng đức Phật và Thánh chúng hay chỉ một Tỷ-kheo và hồi hướng công đức đến nữ ngạ quỷ, nó sẽ hưởng được phước phần và theo cách ấy nó sẽ thoát khỏi khổ đau.
Khi nghe vậy, vị thần liền cúng vị Tỷ-kheo thực phẩm và hồi hướng công đức cúng dường cho nữ ngạ quỷ. Tức thì nó được đầy đủ, tâm hân hoan hưởng thọ các thực phẩm thần tiên. Sau đó vị thần trao tận tay vị Tỷ-kheo ấy một đôi thiên y dâng cúng đức Thế Tôn và hồi hướng công đức ấy đến nữ ngạ quỷ. Ngay sau đó, ngạ quỷ được mặc y phục thần tiên, được cung cấp đủ mọi thứ nó ước mong tương tự như một Thiên nữ cõi trời.
Ngoài ra, vị Tỷ-kheo, nhờ thần lực của vị thần kia, ngay hôm ấy đã đến Sàvatthi.
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Sàvatthi (Xá-vệ).
Thời xưa tại Benares (Ba-la-nại), có một nữ nhân sống nhờ sắc đẹp của mình. Bấy giờ tóc nàng thật dài đen nhánh, mịn màng, mềm mại và óng ả, cuộn lại rất đẹp. Các bím tóc nàng được kết thành hai nắm tay, mỗi khi buông lơi, chúng xuống tận thắt lưng nàng.
Lúc đó một số nữ nhân ganh tỵ bàn luận cùng nhau và sau khi mua chuộc nữ tỳ của nàng, lại gửi cho cô ả một thứ thuốc sẽ hủy hoại mái tóc nàng. Bấy giờ nữ tỳ pha thuốc ấy vào bột tắm và đưa cho chủ nhân vào lúc nàng đi tắm ở sông Hằng. Nàng dùng thứ thuốc pha ấy tẩm vào tóc thật kỹ đến tận gốc và nhảy vào dòng nước. Ngay khi nàng vừa ngâm mình vào nước, tóc nàng liền rụng ra tận gốc, sạch trơn tru và đầu nàng trông giống trái mướp đắng.
Sau đó, trông xấu xí như chim bồ câu bị vặt hết lông, nàng hổ thẹn không dám vào thành nữa, phải choàng khăn phủ đầu và cư trú ngoại thành. Khi nỗi hổ thẹn đã qua đi và đã biết ép hạt mè, nàng sinh sống bằng nghề bán dầu và rượu mạnh.
Một hôm, khi hai ba người đàn ông say rượu đã ngủ mê man, nàng lấy trộm tất cả y phục của họ đang treo lủng lẳng. Rồi một ngày nọ, nàng thấy một vị Thánh Tăng đi khất thực, sau khi mời vị ấy vào, nàng cúng dường một chiếc bánh làm bằng hạt dẻ trộn dầu mè. Vì thương xót nàng, vị ấy nhận bánh và ăn.
Nàng đứng đó với tâm hoan hỷ, che lên trên vị ấy một chiếc lọng. Vị Trưởng lão xúc động, nó lời tùy hỷ công đức và ra đi.
Bấy giờ nàng phát nguyện: ‘Ước mong ta sẽ được mái tóc đen mịn màng óng ả, mềm mại như tơ cuốn lên thật đẹp’.
Về sau nàng từ trần, và nhờ kết quả thiện nghiệp của nàng, nàng được tái sanh giữa đại dương một mình trong một lâu đài bằng vàng, tóc nàng được phục hồi như nàng đã ước nguyện, song vì nàng đã lấy trộm y phục của đám đàn ông, nay nàng phải bị trần truồng. Nàng cứ tái sanh mãi trong lâu đài bằng vàng kia và phải chịu sống trần truồng một kiếp tại đó.
Rồi về sau, đức Thế Tôn Gotama giáng thế, và trong lúc Ngài trú tại Sàvatthi, một trăm thương nhân có nhà ở đó lên thuyền đến xứ Suvannabhùmi (Kim Ðịa). Thuyền của họ bị bão tố trôi giạt đến bờ kia. Lúc ấy nữ quỷ cùng lâu đài hiện ra trước mặt họ. Khi vị trưởng đoàn thương nhân thấy nữ quỷ, liền hỏi:
Nữ quỷ đáp:
Thương nhân:
Nữ quỷ:
Sau khi nghe nàng nói, các thương nhân tắm rửa và thoa dầu thơm lên người đệ tử tại gia kia và khoác lên chàng một bộ y phục.
Chư vị kết tập Kinh điển ngâm ba vần kệ để giải thích việc này:
7-8. Kết quả này do việc cúng dường:
Tràn đầy y phục với đồ ăn.
Xiêm y thanh lịch, nàng trong trắng
Khoác lụa Ba-la-nại tuyệt trần,
Vừa mỉm miệng cười, nàng mỹ nữ
Bước ra lầu ấy, lại thưa rằng:
‘Ðây là kết quả từ công đức
Lễ vật các ngài đã hiến dâng’.
Thương nhân:
Nữ thần:
Tâm vị đệ tử tại gia đầy xúc động thương cảm, chàng nói:
– Này nữ thần, do năng lực của lễ vật nàng cúng dường ta, nàng đã thành tựu mọi ước nguyện một cách sung mãn. Nhưng giờ đây, do cúng dường các đệ tử tại gia này và ghi nhớ mọi đức hạnh của bậc Ðạo Sư, nàng sẽ thoát khỏi tái sanh vào địa ngục.
Nữ thần vô cùng hạnh phúc, thiết đãi chư vị đầy đủ các loại ẩm thực, y phục, châu báu thần tiên và đưa tận tay chư vị một bộ y dâng đức Thế Tôn. Nàng cung kính đảnh lễ và nói:
– Xin hãy đến Sàvatthi và đảnh lễ đức Thế Tôn cùng các lời này của ta nhắn gởi: ‘Bạch đức Thế Tôn, có một nữ quỷ kia khấu đầu đảnh lễ chân đức Thế Tôn’.
Sau đó nhờ thần lực của mình, nàng đưa chiếc thuyền đến cảng cùng ngày hôm đó. Các thương nhân ấy đúng thời đến dâng lễ vật lên đức Thế Tôn và kể lại toàn thể câu chuyện trên.
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).
Tôn giả Samkicca vào lúc bảy tuổi đã đắc quả A-la-hán ngay tại phòng cạo tóc, và khi còn làm Sa-di, trú trong rừng với ba mươi Tỷ-kheo, vị ấy đã cứu chư vị thoát chết bởi tay của năm trăm tên cướp. Sau khi đã giáo hóa cả bọn đạo tặc kia và khuyến dụ chúng vào đời tu hành xuất gia, vị ấy cùng Tăng chúng này đến yết kiến bậc Ðạo Sư ở Benares (Ba-la-nại) và trú tại Isipatana (Trú xứ của Chư Tiên).
Thời ấy tại Benares, một Bà-la-môn theo tà đạo có hai trai một gái. Ba người con này gia nhập đoàn cư sĩ tại gia đảnh lễ cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn, mặc dù cha mẹ họ không có lòng tôn kính ấy.
Bấy giờ do một cơn bão, cả năm người ấy bị đè bẹp và chết vì ngôi nhà cũ kỹ ọp ẹp của họ sụp đổ. Sau đó vị Bà-la-môn và vợ tái sanh làm ngạ quỷ, còn hai trai và cô gái được làm các địa thần.
Lúc ấy một cháu trai của Bà-la-môn kia là đệ tử của Tôn giả Samkicca, đến tham kiến theo lời thầy và trong lúc vị ấy đứng đó, nhờ thần lực của thầy mình, vị ấy thấy hai địa thần cùng cô em cỡi xe đến tham dự lễ hội các thần Dạ-xoa và cũng thấy luôn cả hai ngạ quỷ theo sau họ, bèn bảo các ngạ quỷ này:
Hai ngạ quỷ:
Khi đã nêu ra ác nghiệp, chúng còn giải thích như vầy:
– Chúng ta là anh và chị dâu của mẹ ngươi.
Nghe vậy người cháu đau lòng hỏi:
Hai ngạ quỷ:
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).
Thuở ấy tại Sàvatthi (Xá-vệ) tương truyền con trai một vị đệ tử tại gia từ trần. Người cha đắm mình vào nỗi sầu khổ khóc than, không bước ra ngoài; vị ấy không thể làm gì được nên chỉ ở trong nhà.
Lúc ấy, Bậc Ðạo Sư vừa xuất định Ðại bi từ sáng sớm đang quán sát cõi trần với Phật nhãn, sau khi thấy người đệ tử tại gia kia, Ngài cầm y bát và đến đứng ngay tại cửa nhà vị ấy.
Vị đệ tử ấy vội vã đi ra tiếp đón Ngài, đỡ lấy bình bát và mời Ngài vào trong. Ðức Thế Tôn nói với vị ấy:
– Này cư sĩ, sao ông có vẻ mang nặng sầu tư?
Vị ấy đáp:
– Bạch Thế Tôn, quả thật con trai yêu quý của con vừa qua đời, nên con mang nặng sầu tư.
Sau đó, đức Thế Tôn, bậc ly sầu, kể cho vị ấy nghe chuyện Tiền Thân Con Rắn (Kinh Bổn Sanh số 354).
Thuở xưa trong quốc độ Kàsi, ở Ba-la-nại có một gia đình Bà-la-môn được mệnh danh Dhammapala (Hộ pháp). Trong nhà này, vị Bà-la-môn, bà vợ, con trai, con gái, con dâu, nữ tỳ, tất cả mọi người đều hân hoan thích thú hướng tâm niệm về cái chết. Bất cứ ai rời khỏi nhà đều nói cho những người khác biết và ra đi không hề bị ai để ý gì cả.
Rồi một hôm, vị Bà-la-môn cùng con trai ra đồng và cày ruộng, trong khi cậu trai nhóm lửa để sấy khô cây cỏ. Tức thì một con rắn hổ mun sợ hãi bò ra khỏi lỗ cây và cắn cậu trai vị Bà-la-môn. Cậu từ trần và hóa sanh làm Sakka Thiên chủ.
Còn vị Bà-la-môn, sau khi tắm rửa thật sạch sẽ và xoa dầu thơm cho mình xong, được đám người hộ tống vây quanh, vị ấy đặt thi thể con lên dàn hỏa và châm lửa giống như thể vị ấy đang đốt một đống củi vậy. Vị ấy cứ đứng đó, không sầu não cũng chẳng tự hành hạ mình, sau khi đã chú tâm vào niệm vô thường.
Bấy giờ con trai vị Bà-la-môn đã hóa sanh làm Sakka Thiên chủ chính là Bồ-tát. Sau khi suy xét thiện nghiệp đã làm ở kiếp trước và đầy lòng thương xót cha Ngài cùng quyến thuộc, Ngài liền đến chỗ ấy, giả dạng một Bà-la-môn.
Khi Ngài thấy mọi người không than khóc, liền bảo:
– Này, chư vị đang nướng thịt súc vật à, cho ta một ít; ta đang đói đây.
– Này Bà-la-môn, không phải là con vật đâu, con người đấy.
Bồ-tát hỏi:
– Thế đó là kẻ thù của chư vị chăng?
Người cha đáp:
– Chẳng phải kẻ thù đâu, mà là đứa con được bảo dưỡng trong lòng chúng tôi đấy, chính đứa con trai yêu quý đầy đủ các đức tính ưu tú của chúng tôi đấy.
Bồ-tát lại hỏi:
– Thế tại sao ông không khóc con?
Vị Bà-la-môn đáp:
Sau đó Sakka Thiên chủ hỏi bà mẹ:
– Bà ơi, người chết ấy là gì của bà?
Bà đáp:
– Thưa Ngài, tôi đã cưu mang nó mười tháng trong bụng, tôi cho nó bú mớm, tôi dẫn dắt tay chân nó, nó là con trai tôi đã khôn lớn rồi.
Thiên chủ hỏi:
– Cho dù cha là đàn ông thường không khóc chứ lòng mẹ chắc chắn là mềm yếu. Tại sao bà không khóc?
Nghe vậy, bà đáp:
Sau đó, Ngài hỏi người chị:
– Này cô, người ấy là gì của cô?
– Thưa Ngài, đó là anh trai của con.
– Này cô, chị em gái thường rất yêu mến anh em trai. Tại sao cô không khóc?
Cô chị giải thích:
Sau đó, Ngài lại hỏi người quả phụ:
– Người đó là gì đối với chị?
– Thưa Ngài, đó là chồng của con.
– Này chị, các người vợ thường rất yêu thương chồng mình. Tại sao chị không khóc?
Nàng liền giải thích:
Sau đó Ngài hỏi cô nữ tỳ:
– Này cô, người ấy là gì của cô?
– Thưa Ngài, đó là cậu chủ con.
– Nếu vậy, chắc có lẽ cậu ấy đã đánh đập cô, và cô sắp làm quản gia rồi, bởi thế cô không than khóc, vì suy nghĩ: ‘Ta rất sung sướng được thoát khỏi người đã chết này’.
Nữ tỳ đáp:
– Thưa Ngài, xin đừng nói như vậy với con. Ðiều ấy không đúng. Cậu chủ nhà đối với con đầy kiên nhẫn, thân ái, ân cần, cư xử đúng mực chân chánh như một thanh niên trưởng thành được nuôi dạy chu đáo.
– Thế tại sao cô không khóc?
Nàng đáp:
Khi Sakka Thiên chủ đã nghe pháp thoại của cả nhà ấy xong, Ngài hân hoan nói:
– Chư vị đã chân chánh tu tập niệm chết. Từ nay về sau chư vị không cần cày bừa lao động gì nữa cả.
Ngài liền hóa hiện ra bảy thứ báu vật tràn đầy nhà họ và khuyên nhủ với họ với những lời này:
– Hãy chuyên tâm bố thí, hành trì Ngũ giới và giữ ngày Trai giới (Bố-tát).
Sau đó Ngài xuất lộ nguyên hình trước mặt họ và trở về cõi của Ngài. Còn vị Bà-la-môn và gia đình luôn bố thí, thực hành mọi thiện sự khác và sau khi sống đời trường thọ, liền được tái sanh lên thiên giới.
Phẩm II – Phẩm Ubbarì
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm)
Thuở ấy, trong làng Itthakàvati ở nước Magadha và làng Dìgharàji có nhiều người mang nặng tà kiến, muốn tìm giải thoát vòng luân hồi sanh tử. Trước đó có một nữ nhân được tái sanh và một gia đình như vậy. Vì giết hại nhiều gián, dế và châu chấu, khi từ trần, bà tái sanh làm ngạ quỷ, chịu mọi nỗi khổ đói khát giày vò suốt năm trăm năm.
Thời đức Thế Tôn Gotama đang ở tại Ràjagaha, nữ nhân ấy một lần nữa tái sanh vào cùng gia đình như trước kia tại Itthakàvati. Một hôm, khi nàng đang chơi đùa cùng các cô gái khác trên đường cái gần cổng làng, thì Tôn giả Sàriputta cùng mười hai Tỷ-kheo khác đi ngang qua và các cô gái kia vội vàng đảnh lễ. Nhưng cô này vẫn đứng yên tại chỗ một cách vô lễ. Sau đó vị Trưởng lão suy xét quá khứ và tương lai của cô, động lòng thương xót, phê bình thái độ của cô với các cô kia. Họ liền nắm tay cô và kéo cô đến đảnh lễ chư vị.
Về sau, cô gái từ trần lúc sanh con và lại tái sanh giữa loài ngạ quỷ. Ban đêm, nữ ngạ quỷ ấy xuất hiện trước Tôn giả Sàriputta, vị ấy thấy nó liền hỏi:
1.Trần truồng và xấu xí hình dung,
Gầy guộc và thân thể nổi gân,
Ngươi yếu ớt, xương sườn lộ rõ,
Người là ai, hiện đến đây chăng?
Nữ ngạ quỷ đáp:
Tôn giả Sàriputta:
Nữ ngạ quỷ:
Chư vị kết tập Kinh điển kể tiếp chuyện này:
Tôn giả Sàriputta hỏi:
Nữ ngạ quỷ đáp:
2. (14) Chuyện Mẹ Của Trưởng Lão Sàriputta (Sàriputtatheramàtu)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm).
Một hôm, các Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất), Mahà-Moggallàna (Ðại Mục-kiền-liên), Anurudha (A-na-luật-đà) và Kapppina (Kiếp-tân-na) đang trú tại một nơi trong khu rừng không xa thành Ràjagaha (Vương Xá).
Bấy giờ ở Benares (Ba-la-nại) có một Bà-la-môn đại phú gia, vốn là một giếng nước đầy đối với các Sa-môn, Bà-la-môn, đám dân nghèo, du sĩ, lữ khách, hành khất; vị ấy cúng dường bố thí thực phẩm, y phục, sàng tọa và nhiều vật dụng khác.
Vị ấy điều hành sinh hoạt của mình và bố thí tùy theo cơ hội phù hợp với các khách vãng lai, đủ mọi vật cần thiết cho tuyến đường trường. Vị ấy thường dặn bà vợ:
– Này bà, đừng quên việc bố thí này, bà phải chuyên tâm chăm lo bố thí như đã được định đoạt.
Bà vợ đồng ý, nhưng khi ông ra đi, bà liền cắt giảm tục lệ cúng dường chư Tăng. Hơn nữa, đối với đám lữ khách đến xin cư trú, bà chỉ vào túp lều xiêu vẹo bị bỏ phế đằng sau nhà và bảo họ:
– Hãy ở lại đó.
Khi đám du sĩ đến xin thực phẩm nước uống và các thức khác, bà thường buông lời nguyền rủa, kể ra cho từng người bất cứ vật gì ô uế đáng ghê tởm và bảo:
– Hãy ăn phân đi! Hãy uống nước tiểu đi! Hãy uống máu đi! Hãy ăn óc mẹ ngươi đi!
Do nghiệp lực trói buộc, lúc từ trần, bà tái sanh làm nữ ngạ quỷ chịu nỗi khốn cùng phù hợp với ác hạnh của bà. Khi nhớ lại đám quyến thuộc trong tiền kiếp, bà ước mong đến gần Tôn giả Sàriputta, và bà liền đến nơi ngài cư trú.
Các vị thổ thần trong nhà ngài không chấp nhận cho nữ quỷ vào. Do đó nữ quỷ nói như sau:
– Trong kiếp thứ năm kể về trước, ta là mẹ của Tôn giả Trưởng lão Sàriputta, hãy cho phép ta vào cửa để thăm ngài.
Vừa nghe vậy, chư thần liền cho phép nữ quỷ.
Khi nữ quỷ vào trong, nữ quỷ đứng cuối am thất và thấy ngài. Chợt trông thấy nữ quỷ, ngài động lòng từ bi liền hỏi nữ quỷ:
Nữ ngạ quỷ đáp:
Ngày hôm sau, Tôn giả Sàriputta cùng ba vị Tỷ-kheo kia khất thực trong thành Vương Xá, đến tận cung Ðại vương Bimbisàra (Tần-bà-sa).
Nhà vua hỏi:
– Chư Tôn giả, tại sao chư vị đến đây?
Tôn giả Mahà-Moggallàna trình vua những việc đã xảy ra. Nhà vua phán:
– Chư Tôn giả, trẫm chấp thuận việc ấy.
Nhà vua bảo chư vị ra đi, triệu vị cận thần vào và truyền lệnh:
– Hãy xây trong khu rừng của thành này bốn am thất được cung cấp đủ bóng mát và nước chảy.
Khi các am thất đã được hoàn tất, nhà vua đem chúng cùng các vật dụng cần thiết trong cuộc sống cúng dường Trưởng lão Sàriputta. Sau đó vị ấy dâng tặng lễ vật này lên Tăng chúng khắp thế gian do đức Phật làm thượng thủ và hồi hướng công đức ấy đến nữ ngạ quỷ kia.
Nữ ngạ quỷ hưởng các lợi lạc này liền được tái sanh lên thiên giới. Bấy giờ đầy đủ mọi thứ cần dùng, một hôm Thiên nữ đến gần Tôn giả Mahà-Moggallàna và kể cho vị ấy nghe tất cả mọi chi tiết trong hai kiếp tái sinh làm ngạ quỷ và Thiên nữ.
Do đó, chuyện kể rằng:
Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi:
Thiên nữ đáp:
3. (15) Chuyện Nữ Ngạ Quỷ Mattà (Mattà)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).
Thuở ấy tại Sàvatthi (Xá-vệ) có một vị địa chủ đầy tín tâm và đạo hạnh. Tuy thế, bà vợ Mattà lại không có lòng tin, không mộ đạo, bản tính hay nóng giận và không có con.
Sau đó, ông sợ dòng họ bị tuyệt tự, đã cưới một phụ nữ khác tên là Tissà. Nàng có lòng tin, mộ đạo và làm đẹp lòng chồng, nàng sinh một con trai được đặt tên là Bhùta. Là bà chủ nhà, nàng kính cẩn phục vụ bốn Tỷ-kheo thọ trai.
Không thể chịu đựng mãi tình địch, khi đã quét nhà xong, Mattà đổ rác lên đầu Tissà. Về sau Mattà từ trần và tái sanh làm nữ ngạ quỷ, phải chịu nỗi khốn khổ năm phần vì nghiệp lực của mình.
Nỗi thống khổ của bà được thấy rõ trong bài kinh này. Rồi một hôm, nữ ngạ quỷ nhớ lại quá khứ, liền hiện hình trước Tissà lúc ấy đang tắm rửa sau nhà. Khi thấy ngạ quỷ, Tissà hỏi:
Mattà:
Tissà:
Mattà:
Tissà:
Mattà:
Tissà:
Mattà:
Tissà:
Mattà:
Tissà:
Mattà:
Tissà:
Mattà:
Tissà:
Mattà:
Tissà:
Mattà:
Chuyện kể tiếp:
Tissà:
Mattà:
4. (16) Chuyện Nữ Ngạ Quỷ Nandà (Nandàpeti)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).
Ở một làng nọ không xa Sàvatthi (Xá-vệ) có một đệ tử tại gia đầy lòng tin và mộ đạo. Tuy thế, vợ vị ấy tên là Nandà lại không có lòng tin, không mộ đạo, xan tham, dễ nóng giận, ác ngữ, thường tỏ ra bất kính và bất tuân lời chồng. Bà thường la mắng ồn ào như trống nổi và say mê phỉ báng mạ lỵ.
Khi từ trần và tái sanh làm nữ ngạ quỷ, bà cư trú gần làng ấy. Rồi một hôm, bà xuất hiện trước mặt cư sĩ Nandasena đang đi trên đường. Khi thấy nữ ngạ quỷ, chàng ngâm kệ hỏi:
Nữ ngạ quỷ:
Nandasena:
Nữ ngạ quỷ:
Nandasena:
Nữ ngạ quỷ:
Ba vần kệ tiếp theo được chư vị kết tập Kinh điển ngâm:
Nandasena:
Thiên nữ:
5. (17) Chuyện Mattakundalì (Mattakundalì)
Chuyện này đã được kể ở Tập “Chuyện Thiên Cung”, Phẩm II, số 9: Thiên tử Ðeo Vòng Tai.
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana.
Ở thành Sàvatthi, con trai của một vị đệ tử tại gia từ trần. Người cha đau buồn không thể tắm rửa ăn uống hay quan tâm đến công việc của mình, mà cũng không đi phụng sự đức Phật. Vị ấy thường nói lảm nhảm:
– Con yêu quý của ta đã bỏ đi đâu rồi! Tại sao nó ra đi trước ta?
Trong lúc bậc Ðạo Sư đang quán sát thế gian vào lúc rạng đông. Ngài thấy người kia có đủ cơ duyên đắc đạo quả. Ngày hôm sau, được chúng Tỷ-kheo vây quanh, Ngài đi vào Sàvatthi để khất thực. Sau khi thọ trai, Ngài cùng thị giả Ananda đến cửa nhà người ấy. Lập tức các gia nhân báo cho vị đệ tử cư sĩ kia và đưa vị ấy đến tiếp kiến bậc Ðạo Sư.
Khi Ngài thấy vị ấy ngồi một bên, Ngài bảo:
– Này cư sĩ, ông đang phiền muộn điều gì chăng?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Này cư sĩ, các bậc trí nhân ngày xưa không còn than khóc đứa con yêu từ trần sau khi đã nghe chuyện của các bậc Hiền trí.
Rồi theo lời thỉnh cầu của người gia chủ, Ngài kể chuyện cổ tích này.
Thời xưa trong thành Dvàravati, có mười huynh đệ hoàng gia: Vàsudeva, Baladeva, Candadeva, Suriyadeva, Aggideva, Varunadeva, Ajjuna, Pajjuna, Ghatapandita và Ankura. Trong số này, có con trai của Ðại Vương Vàsudeva từ trần.
Vị vua ấy tràn ngập nỗi sầu bi, xao lãng mọi phận sự quân vương, cứ nằm dài trên giường, chắp tay lên đầu và nói lảm nhảm. Lúc ấy Ghatapandita (Trí giả Ghata) suy nghĩ: ‘Không ai ngoài ta có thể xua tan nỗi ưu phiền của Hoàng huynh. Ta sẽ dùng mưu kế dẹp bỏ nỗi sầu của Hoàng huynh’.
Vì thế vị ấy làm ra vẻ điên khùng vừa nhìn lên trời, vừa lang thang khắp kinh thành, bảo:
– Cho ta con thỏ! Cho ta con thỏ!
Lúc ấy dân chúng toàn thành suy nghĩ: ‘Ghatapandita đã phát điên rồi!’.
Lúc ấy vị quốc sư tên là Rohineyya đi đến Ðại vương Vàsudeva và mở đầu câu chuyện với vần kệ này:
Bậc Ðạo Sư tiếp tục câu chuyện với vần kệ này:
Sau đó nhà vua từ lầu thượng bước xuống và đi đến gặp Ghatapandita. Nhà vua ôm chặt bào đệ với đôi tay và nói chuyện với chàng:
Ghatapandita đáp:
Khi nghe chàng nói, nhà vua đau buồn suy nghĩ: ‘Chắc chắn em ta đã hóa điên rồi’, và bảo:
Khi đã nghe những lời của nhà vua xong, Ghatapandita đứng yên và đáp:
– Này Hoàng huynh, Hoàng huynh cũng đã hủy hoại cuộc đời của mình nhưng không đạt được con thỏ trên cung trăng mà Hoàng huynh mơ ước.
Rồi vị ấy ngâm vần kệ này:
Trong khi đang đứng giữa đường cái, vị ấy nói như sau:
– Quả thật đệ ước mơ một điều rõ ràng, có thể hiểu được, nhưng Hoàng huynh lại than khóc về một điều không thể hiểu được như thế kia.
Rồi vị ấy ngâm kệ thuyết pháp với nhà vua:
Như vậy Ghatapandita thuyết pháp với nhà vua. Khi nhà vua đã nghe xong, nỗi đau buồn liền tan biến và tâm trí trở nên thanh thản. Nhà vua ngâm kệ để tán thán Ghatapandita:
Bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này và bảo:
– Như vậy, này cư sĩ, những người trí tuệ ngày xưa dứt bỏ ưu phiền vì con sau khi đã nghe chuyện của các bậc hiền nhân.
Sau đó vừa thuyết giảng các Thánh đế, Ngài vừa đưa chuyện Tiền thân này vào cơ hội trên. Khi pháp thoại chấm dứt, vị cư sĩ ấy đã được an trú vào quả vị Dự Lưu.
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana.
Trước khi đức Phật đản sinh, trong quốc độ Dasanna, tại kinh thành Erakaccha, có một vị chủ ngân khố tên là Dhanapàla (Tài Hộ), là một người không có lòng tin, không mộ đạo, keo kiệt và đầy tà kiến. Những công việc của vị này có thể hiểu được qua Kinh điển Pàli. Lúc từ trần, vị ấy tái sanh làm ngạ quỷ trong một vùng sa mạc hoang vắng. Ngạ quỷ đi lang thang khắp nơi, bị đói khát giày vò hành hạ.
Thời ấy, một số thương nhân sống ở Sàvatthi chất đầy hàng hóa lên năm trăm cỗ xe và khi đã đến Uttarapatha, họ bán các hàng ấy. Sau đó, họ lại chất đầy hàng hóa lên xe để trở về.
Họ khởi hành lên đường về nhà lúc chiều tối họ đến tại một gốc cây. Ở đấy họ tháo cương bỏ bầy bò ra và tạm trú qua đêm. Thế rồi ngạ quỷ kia bị cơn khát nước giày vò liền đến nơi ấy kiếm thứ gì để uống, nhưng không được giọt nào, nó liền thốt tiếng kêu. Khi thấy nó, các thương nhân hỏi:
Ngạ quỷ đáp:
Ðám thương nhân:
Ngạ quỷ:
Các thương nhân thương xót ngạ quỷ liền rảy nước vào mồm nó. Nhưng vì ác nghiệp của ngạ quỷ kia, nó không thể nuốt được. Họ hỏi nó:
– Thế giờ đây ngươi không thể nào dịu bớt đôi chút khổ đau?
Ngạ quỷ đáp:
– Có thể được khi ác nghiệp này đã được tiêu trừ. Nếu giờ đây có lễ vật cúng dường đức Như Lai hoặc chư đệ tử của Ngài và công đức lễ cúng dường ấy được hồi hướng đến ta, thì ta sẽ được giải thoát ra khỏi kiếp sống ngạ quỷ này.
Khi các thương nhân đã nghe chuyện ngạ quỷ xong, họ trở về Sàvatthi, trình lên đức Thế Tôn, rồi suốt bảy ngày làm đại lễ cúng dường Tăng chúng có đức Phật làm thượng thủ và hồi hướng công đức ấy đến ngạ quỷ.
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm).
Ở Benares (Ba-la-nại) có gia chủ Cùlasetthi (Tiểu chủ ngân khố) là người không có lòng tin, không mộ đạo, keo kiệt, không bố thí và khinh thường các thiện sự công đức. Lúc từ trần vị ấy tái sanh giữa loài ngạ quỷ.
Bấy giờ con gái vị ấy là Anulà đang sống tại nhà chồng ở Andhakavinda. Nàng mong muốn cúng dường các Bà-la-môn để lấy phước đức cho cha nên đã chuẩn bị cơm và các thực phẩm khác làm lễ vật.
Khi ngạ quỷ biết tin này, lòng đầy hy vọng liền bay qua không gian hướng về nơi kia và đến Ràjagaha (Vương Xá).
Thời ấy vua Ajatasattu (A-xà-thế) theo sự xúi giục của Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) đã giết hại phụ vương. Vì lòng hối hận giày vò và gặp cơn ác mộng, nhà vua không ngủ được. Trong lúc đang đi dạo quanh quẩn trên thượng lầu, nhà vua thấy ngạ quỷ kia đang bay qua không gian, liền hỏi:
Ngạ quỷ đáp:
Chuyện kể tiếp:
Ngạ quỷ đáp:
9. (21) Chuyện Ankura (Ankura)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Sàvatthi (Xá-vệ).
Trong trường hợp này, Ankura không phải là ngạ quỷ, nhưng vì có liên hệ với ngạ quỷ, nên chuyện được gọi là chuyện ngạ quỷ Ankura.
Trong thị trấn Asitanjana, ở vùng Kamsabhoga, tỉnh Uttaràpatha, có vị vương tử của vua Mahàsàgara, chúa tể xứ Uttaramadhura, tên là Upasàgara cùng vương phi Devagabbhà, công chúa của vua Mahà-kamsaka, sinh được bầy con này: Anjanadevì, Vàsudeva, Baladeva, Candadeva, Suriyadeva, Aggideva, Varunadeva, Ajjuna, Pajjuna, Ghatapandita và Ankura.
Vasudeva và các huynh đệ khởi binh từ kinh thành Asitanjana và theo thời gian tận diệt tất cả mọi vua chúa trong sáu mươi ba ngàn kinh thành thuộc toàn quốc Hồng Ðào (Ấn Ðộ), rồi dừng chân ở thành Dvàravatì và định cư tại đó.
Về sau họ chia vương quốc ra làm mười phần, nhưng họ lại quên phần chị là công chúa Anjanadevì. Khi họ nhớ đến bà, một vương tử đưa ý kiến:
– Chúng ta hãy chia làm mười một phần.
Lập tức tiểu vương tử Ankura nói:
– Hãy đưa phần tiểu đệ cho vương tỷ; tiểu đệ sẽ sống bằng nghề thương mãi, chư vương huynh gửi tiền thuế của tiểu đệ đến vương tỷ, mỗi người từ quốc độ của mình.
Họ chấp thuận và sau khi đã gửi phần trợ cấp của người em cho chị, chín vua kia đều sống tại Dvàravatì.
Tuy thế, Ankura lại theo nghề thương mãi và thường xuyên bố thí rộng rãi. Bấy giờ vị ấy có một người nô lệ làm thủ kho vốn rất quan tâm đến phúc lợi của chủ.
Ankura cưới cho người này một thiếu nữ có gia thế đàng hoàng về làm vợ. Vì người nô lệ chết sớm, Ankura cho con trai người này hưởng tiền lương đã được trả cho cha nó lúc trước.
Khi đứa bé này đến tuổi khôn lớn, trong triều vua có lời bàn xì xào rằng kẻ nô lệ ấy không phải là một nô lệ.
Khi công chúa Anjanadevì nghe chuyện này, bà dùng ví dụ con bò sữa và giải phóng cậu trai ra khỏi tình trạng nô lệ, rồi nói:
– Một bà mẹ được tự do không có gì thua kém một đứa con trai được tự do.
Song nỗi hổ thẹn khiến cậu con trai bỏ ra đi đến kinh thành Bheruva, tại đó cậu cưới con gái của một người thợ may và sinh sống bằng nghề thợ may.
Thời ấy trong thành Bheruva có một vị chủ nghiệp đoàn đại phú tên là Asayha vẫn cúng dường bố thí hào phóng cho các Sa-môn, Bà-la-môn, du đãng, lữ hành, cùng đám ăn mày, khất sĩ. Người thợ may hân hoan thích thú về việc này, thường chỉ cho những người không biết chỗ ấy, đến tận dinh cơ của gia tộc Asayha với lời dặn:
– Hãy đi đến đó và nhận được nhiều tặng vật xứng đáng.
Hành động của vị này được đề cập trong Kinh tạng Pàli. Khi từ trần, vị ấy tái sanh làm một địa thần trong vùng sa mạc, ở một cây đa kia, tại đó tay phải vị thần thường ban phát các đồ vật đem lại lạc thú.
Bấy giờ cũng trong thành Bheruva ấy có một người tham dự vào việc bố thí hào phóng của Asayha, nhưng vì kẻ ấy không có lòng tin, không mộ đạo, đầy tà kiến và tỏ ra bất kính đối với các thiện sự công đức, nên khi từ trần, kẻ ấy tái sanh làm ngạ quỷ ở gần nơi cư trú của vị thần kia. Hạnh nghiệp của vị ấy cũng được tìm thấy trong Kinh tạng Pàli.
Lúc ấy Asayha đã từ trần và cộng trú với Sakka Thiên chủ ở cõi trời Ba mươi ba. Một thời gian sau đó, Ankura chất đầy hàng hóa lên năm trăm cỗ xe, trong khi một Bà-la-môn khác cũng làm như vậy. Hai người này cùng cả ngàn cỗ xe đi vào một sa mạc hiểm trở và lạc đường.
Trong khi họ lang thang quanh quẩn nơi ấy, thì cỏ, nước và thực phẩm cạn dần. Ankura phái đám hầu cận đi tìm nước. Lúc ấy thần Dạ-xoa kia đang ban phát các đồ vật đem lại lạc thú, chợt thấy tình cảnh nguy khốn của họ, và nhớ đến công ơn mà Ankura đã làm cho mình đời trước, liền chỉ cho vị này cây đa mà thần đang cư trú, và suy nghĩ: ‘Bây giờ đây ta phải giúp đỡ người này’.
Thời ấy, cây đa này đầy cành lá rậm ráp, rủ bóng che dày đặc và có hàng ngàn chồi non. Cây trải dài, cao và rộng cả một do-tuần. Khi thấy cây đa, Ankura rất hân hoan thích thú bảo cắm lều ngay tại đó. Thần Dạ-xoa đưa tay phải ra và lập tức cung cấp nước uống.
Sau khi đám người này được cung cấp đủ mọi nhu cầu theo nguyện vọng, và đã nghỉ ngơi sau cuộc hành trình, vị Bà-la-môn thương nhân nảy lên ý tưởng ngu si này: ‘Sau khi đã đi từ đây đến Kamboja để kiếm tài sản, thì chúng ta sẽ làm được việc gì? Chi bằng ta hãy tìm cách bắt lấy thần Dạ-xoa đưa lên xe. Rồi sau đó cùng thần ấy đi thẳng về kinh thành của ta’.
Với ý tưởng này trong trí, vị Bà-la-môn nói kế hoạch của mình cùng Ankura:
Khi vị Bà-la-môn đã nói vậy xong, Ankura liền đề cập pháp thực hành của các thiện nhân, vừa phản đối vị kia:
Vị Bà-la-môn đáp lời, theo quan niệm khôn ngoan thông thường chủ trương rằng căn bản của sự thành công là loại bỏ đạo đức giả:
Ankura:
Bà-la-môn:
Ankura:
Lúc ấy vị Bà-la-môn trở nên yên lặng. Tuy nhiên thần Dạ-xoa đã nghe cả hai người nói chuyện, liền nổi giận với vị Bà-la-môn và nói:
– Hãy cho gã Bà-la-môn độc ác này lãnh phần xứng đáng với gã.
Rồi để chứng tỏ rằng thần không dễ bị bất cứ ai khuất phục, thần bảo:
Ankura:
Thần Dạ-xoa:
Ankura:
Thần Dạ-xoa:
Ankura:
Thần Dạ-xoa:
Ankura:
Vừa lúc ấy, một ngạ quỷ xuất hiện, Ankura liền hỏi:
Ngạ quỷ:
Ankura:
Chư vị kết tập Kinh điển tiếp tục câu chuyện qua các vần kệ:
Tiếp theo đó là câu chuyện giữa Ankura và Sindhaka, một chàng trai được chỉ định trông coi việc bố thí của vị ấy.
Ankura:
Sindhaka:
Ankura:
Như vậy, Ankura đã tuyên bố nguyện vọng của mình. Lúc ấy tại nơi kia, một người đang ngồi mang tên Sonaka, có phẩm hạnh tốt. Người ấy muốn khuyên can vị này đừng bố trí quá nhiều, liền bảo:
Ankura:
Chư vị kết tập Kinh tạng Pàli tiếp tục kể chuyện này:
Khi vị ấy đã được tái sanh ở đó và đang hưởng thiên lạc, thì vào thời đức Thế Tôn Gotama, một thanh niên có tên Indaka đầy nhiệt tâm cúng dường một phần thực phẩm lên Tôn giả Trưởng lão Anuruddha (A-na-luật-đà) trong lúc vị này đang đi khất thực.
Khi Indaka từ trần, và nhờ năng lực công đức đã trở thành phước điền, vị ấy tái sanh lên cõi Ba mươi ba. Vì thế chuyện kể tiếp:
58-59. Trong mười phương diện, In-da-ka
Vượt trội An-ku-ra thật xa:
Khả ái sắc, thanh, hương, vị, xúc,
Trường tồn thọ mạng, đẹp màu da,
Phước phần, danh vọng và quyền lực,
Chàng đều vượt hẳn An-ku-ra.
Ðức Phật liền dạy bảo:
10. (22) Chuyện Mẹ Của Uttara (Uttaramàtu)
Sau khi bậc Ðạo Sư diệt độ, vào thời Ðại hội kết tập Kinh điển đầu tiên đang diễn tiến, Tôn giả Mahà-Kaccayàna (Ðại Ca-chiên-diên) cùng mười hai Tỷ-kheo đang cư trú trong ngôi rừng nọ gần Kosambi (Kiều-thưởng-di).
Thời ấy Uttara, vị nam tử thừa kế của vị quốc sư triều vua Udena, đang cùng đám thợ mộc đi tìm gỗ để sửa nhà, và được Trưởng lão này thuyết pháp.
Về sau Uttara thường cúng dường vị ấy thực phẩm và xây tặng vị ấy một thảo am.
Song bà mẹ của Uttara căm hận những việc cúng dường ấy. Bà bảo:
– Ta mong bất cứ thức ăn uống nào con cúng các Sa-môn mà ta không đồng ý đều trở thành máu cho con uống ở đời sau.
Tuy thế, vào ngày cúng dường am thất, bà cho phép tặng một bó lông đuôi công. Khi từ trần, bà tái sanh làm nữ ngạ quỷ và do đã cúng dường một bó lông đuôi công ấy, nữ ngạ quỷ có mái tóc đen thật dài, uốn lượn óng ả rất đẹp và dài tha thướt.
Bất cứ khi nào nữ ngạ quỷ bước xuống tự nhủ: ‘Ta sẽ uống nước sông Hằng’ thì dòng sông trở thành máu đỏ. Sau khi đã đi lang thang suốt năm mươi năm bị đói khát giày vò, ngày kia nữ ngạ quỷ chợt thấy Trưởng lão Kankhàrevata (Kankhà Ly-bà-la) ngồi nghỉ trưa bên bờ sông Hằng:
Cuộc đối thoại này tiếp theo sau hai vần kệ đầu của chư vị kết tập Kinh điển:
Nữ ngạ quỷ:
Tỷ-kheo:
Nữ ngạ quỷ:
Tỷ-kheo:
Nữ ngạ quỷ:
Khi ấy Tôn giả Revata cúng dường nước lên Tăng chúng và hồi hướng công đức cho nữ ngạ quỷ. Sau đó Tôn giả đi khất thực và khi đã nhận được thức ăn Tôn giả cúng dường chư Tăng. Rồi Tôn giả lấy một ít giẻ rách từ đống rác, rửa sạch, phơi khô xong, Tôn giả may thành y và cúng dường Tăng chúng.
Nhờ vậy nữ ngạ quỷ thọ hưởng thiên lạc, liền trình với vị Trưởng lão sự việc cùng bày tỏ niềm hạnh phúc thần tiên mà nó đã đạt được.
Trong một làng kia gần Sàvatthi, bảy trăm năm trước khi bậc Ðạo Sư xuất hiện, có một nam tử phục vụ một vị Ðộc Giác Phật. Chàng trai ấy bị rắn cắn, từ trần vào ngày cưới vợ. Trong khi phục vụ, chàng đã tạo nhiều phước nghiệp nhưng vì chàng luyến ái vị tân nương, nên chàng tái sanh làm một quỷ thần trong lâu đài có đầy đủ quyền lực và vinh quang.
Do ước muốn đưa tân nương về lâu đài của mình, khi thấy một vị Ðộc Giác Phật đang may áo, vị thần hiện hình người lại gần Ðộc Giác Phật và hỏi:
– Thưa Tôn giả, Ngài có cần chỉ không?
Vị ấy đáp:
– Này cư sĩ, ta đang bận may áo.
Vị thần chỉ tay về phía nhà cô dâu vừa góa bụa ấy và bảo:
– Tôn giả có thể xin chỉ ở nhà kia.
Vị ấy làm như vậy và được cô gái tặng một cuộn chỉ.
Còn vị thần vẫn mang hình người đến xin phép bà mẹ cô gái cho vị ấy ở lại vài ngày, rồi đổ đầy tiền vào các nồi niêu trong nhà ấy. Sau đó vị ấy ra đi cùng cô gái về lâu đài của mình
Bà mẹ đem nhiều tiền cho họ hàng và đám lữ hành nghèo khổ. Khi từ trần, bà dặn:
– Nếu con gái ta trở về, hãy chỉ cho nó số tiền này.
Bảy trăm năm sau, bậc Ðạo Sư giáng sinh ở đời và đến Sàvatthi. Thời ấy, nữ nhân kia vẫn còn sống với vị quỷ thần và xin vị ấy đưa nàng về nhà cũ, nàng bảo:
Khi nghe nàng nói, vị thần không muốn đi, vì lòng thương xót người vợ yêu quý, vị ấy bảo:
Khi bà già ấy đến nơi cư trú của đám họ hàng, bà tự xưng danh cho họ biết. Rồi bà đem số tiền họ trả lại bà đi cúng dường phẩm vật lên các Sa-môn, Bà-la-môn và khuyên bảo đám người thường lui tới với bà:
12. (24) Chuyện Nữ Quỷ Ở Hakannamunda (Kannamundapetì)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Sàvatthi.
Tương truyền rằng thuở xưa vào thời đức Phật Kassapa, ở xứ Kimbilà có một đệ tử tại gia đã thọ Tam quy, cùng chung niềm tín ngưỡng với năm trăm cư sĩ khác chuyên tâm thực hành các thiện sự như trồng hoa viên, xây cầu cống, làm đường sá, và các việc công ích khác.
Vị ấy đã xây một tinh xá cúng dường giáo hội Tỷ-kheo và thỉnh thoảng cùng đến nơi ấy với các cư sĩ kia. Các bà vợ của hội chúng này cũng rất hòa hợp với nhau, thường cùng đi đến tinh xá cúng dường vòng hoa, hương liệu, dầu xoa và trên đường đi vẫn nghỉ ngơi tại các hoa viên và nhà trọ.
Rồi một ngày kia, một số kẻ bất lương đang tụ tập với nhau trong nhà trọ của một bà chủ kia, trông thấy nhan sắc diễm lệ của các nữ nhân khi họ đến nghỉ ngơi tại đó, liền đem lòng say mê.
Biết đám nữ nhân này lương thiện, chúng bắt đầu bàn tán với nhau:
– Ai có khả năng thực hiện việc phá giới hạnh với một nữ nhân trong đám này?
Lập tức một gã đáp:
– Tôi đây.
Bọn chúng liền bảo:
– Chúng ta hãy đánh cuộc với hắn một ngàn đồng tiền.
Chúng đánh cuộc như thế và thêm:
– Nếu bạn thành công, chúng tôi sẽ đưa cho bạn một ngàn đồng; nếu không thì bạn phải đưa số ấy cho bọn ta.
Vì ước mong thắng cuộc và sợ mất tiền, gã bày đủ mưu kế trong lúc đám nữ nhân nghỉ chân tại đó. Vừa chơi đàn thất huyền cầm du dương vừa hát tình ca êm ái, gã dụ dỗ được một nàng trong đám ấy phá giới hạnh, khiến bọn bất lương kia phải mất một ngàn đồng tiền.
Bị gã này đánh bại, bọn chúng bèn đem chuyện ấy kể cho chồng nàng nghe. Vị này không tin, nhưng cũng hỏi nàng:
– Nàng có phải là hạng người như các kẻ kia vừa nói chăng?
Nàng phủ nhận ngay:
– Thiếp không biết những chuyện như vậy.
Vì chàng không tin nàng, nàng liền chỉ con chó đang đứng gần đó và thề độc;
– Nếu thiếp làm ác hạnh như vậy thì mong con chó đen tai cụt này xé xác thiếp ra khi thiếp tái sanh kiếp sau.
Ngoài ra, khi đám nữ nhân biết rõ nàng đã phá giới hạnh, được chất vấn:
– Nữ nhân này đã phạm tà hạnh kia hay là không phạm?
Họ cũng thề dối trá:
– Nếu chúng tôi biết thì mong chúng tôi trở thành nô tỳ của bà ấy ở kiếp tái sanh.
Về sau người gian phụ kia bị hối hận vì tội lỗi cũ giày vò, nên héo mòn dần và qua đời. Nàng được tái sanh làm một nữ quỷ trong một lâu đài bên bờ hồ Kannamunda (Tai cụt) là một trong bảy hồ lớn ở vùng Himalaya (Tuyết Sơn), chúa tể của núi đồi.
Hơn nữa, chung quanh mọi phía của lâu đài xuất hiện một hồ sen để vui chơi thỏa thích. Khi đám nữ nhân kia từ trần, do hậu quả lời thề dối trá mà họ đã nói ra, họ liền trở thành bầy nô tỳ của nàng.
Trong lâu đài ấy, nhờ các thiện nghiệp nàng đã thực hiện trong kiếp trước, nàng hưởng thọ lạc thú thần tiên suốt ngày, nhưng đến nửa đêm, do động lực của ác hạnh xưa thúc giục, nàng thức dậy từ tọa sàng và đi đến hồ sen, rồi bị một con chó ngao cắn xé tan thân tại chỗ.
Ngay sau đó nàng lập tức biến hình trở lại với dung sắc kiều diễm như cũ và bước lên lâu đài của nàng, nằm xuống tọa sàng.
Tuy nhiên, đám nô tỳ kia lại phải chịu vất vả nhọc nhằn hầu hạ nàng liên tục ngày đêm. Cứ thế năm trăm năm trôi qua, và bởi vì bọn nữ quỷ nhân hưởng lạc thú thần tiên mà thiếu vắng các đức lang quân, nên chúng bắt đầu mong nhớ họ.
Bấy giờ tại nơi ấy có một con sông phát xuất từ hồ Kannamunda và do một kẽ nứt trong núi, đã chảy xuống tận sông Hằng. Gần con sông ấy có một vườn xoài sanh trái tiên, cùng với các loại cây mít và nhiều cây khác. Do vậy bọn chúng suy nghĩ: ‘Bây giờ đây, chúng ta sẽ ném các trái xoài này vào dòng sông; như thế khi đã thấy các trái cây trôi bồng bềnh xuống dưới nước, một số nam nhân có thể đến đây để tìm xoài. Sau đó chúng ta sẽ hưởng lạc thú với họ’.
Bọn chúng đều làm như vậy. Bấy giờ khi các trái xoài bị thả trôi giạt, đám đạo sĩ khổ hạnh lượm được một ít, các sơn nhân tiều phu tìm được số khác, còn một số nữa tấp vào bờ. Tuy thế, có một quả xoài trôi vào dòng sông Hằng và theo thời gian đến tận Ba-la-nại.
Thuở ấy, vua Ba-la-nại đang tắm trên sông Hằng và được một tấm lưới đồng bao bọc. Thế rồi trái xoài kia đã được dòng nước cuốn đi theo hướng ấy và mắc vào lưới đồng.
Khi các cận vệ của vua nhìn thấy trái xoài tiên to lớn tuyệt hảo về màu sắc lẫn hương vị, họ liền đem dâng vua. Ðể thử xoài, nhà vua cắt một lát và đưa cho một tên cướp khét tiếng đã bị giam vào ngục. Khi ăn xong, tên cướp trình:
– Tâu Ðại vương, tiểu tử chưa bao giờ ăn được thứ xoài như vậy. Có lẽ đây là xoài tiên.
Nhà vua cho gã một lát nữa. Sau khi ăn xong, làn da nhăn nheo và râu tóc hoa râm của gã biến mất; gã trở thành một chàng trai tuấn tú và có thể nói gã đã hồi xuân.
Khi thấy vậy, nhà vua tràn đầy kinh ngạc, ăn ngay trái xoài và cũng nhận được sự kỳ diệu hy hữu trong cơ thể. Nhà vua liền hỏi:
– Các trái xoài này kiếm được ở đâu?
Ðám cận thần đáp:
– Tâu Hoàng thượng, chúng thần nghe nói ở vùng Tuyết Sơn, chúa tể của núi đồi.
– Vậy có thể tìm ra chúng chăng?
– Tâu Hoàng thượng, đám thợ rừng có thể biết việc ấy.
Nhà vua truyền đưa đám thợ rừng vào, ban một ngàn đồng tiền cho một người thợ nghèo và bảo gã ra đi:
– Này, hãy đi mang xoài tiên về cho trẫm ngay.
Kẻ ấy đi lên thượng lưu sông Hằng đến tận hồ Kannamunda. Khi gã đã đi quá xa con đường của mọi người, gã gặp liên tiếp ba vị ẩn sĩ khổ hạnh chỉ đường, vị thứ ba khuyên gã:
– Hãy rời bỏ sông Hằng lớn này, đi theo dòng sông nhỏ kia và cứ lên mãi cho đến khi chú thấy một kẽ nứt trong núi đá. Rồi chú phải vào sâu trong đó ban đêm với ngọn đèn. Vì con sông này không chảy ban đêm, nên chú có thể du hành cách ấy.
Gã làm theo lời dặn, và vào lúc rạng đông, gã đến một vùng có chính vườn xoài tuyệt diệu ấy. Khu rừng vang dội tiếng hót du dương của nhiều đàn chim đủ loại và được tô điểm thêm vẻ đẹp bằng những khóm cây xanh sum suê vươn những cành lá trĩu xuống dưới sức nặng của các chùm trái. Cả vùng rực rỡ trong làn ánh sáng tỏa ra từ vô số châu ngọc. (Hai câu này được bổ sung từ tập Sớ giải của Dhammapala).
Thế rồi, khi các nữ nhân vắng chồng đã lâu, nay thấy gã đi đến từ xa, vội chạy tới bảo nhau:
– Người này thuộc về ta! Người này thuộc về ta!
Thuở ấy, gã chưa từng làm các thiện nghiệp xứng đáng hưởng thọ lạc thú thần tiên với hội chúng này trong tiên cảnh. Vì thế chỉ thoạt trông thấy chúng, gã đã kinh hoàng vừa chạy vừa thét lớn. Khi về tới Ba-la-nại, gã trình nhà vua mọi sự đã xảy ra.
Khi nghe việc này, trong tâm nhà vua khởi lên một ước muốn gặp các nữ quỷ thần kia và hưởng thú ăn xoài tiên. Vì thế nhà vua liền giao quốc độ cho các vị cận thần, và lấy cớ đi săn, nhà vua đem cung tên và kiếm cùng vài thị vệ khởi hành về vùng ấy như lời người thợ rừng dặn.
Sau khi đi được vài do-tuần, nhà vua giã từ đám cận vệ và tiếp tục đi với người thợ rừng. Sau một khoảng đường nữa, nhà vua lại bảo gã trở về. Vào lúc rạng đông, nhà vua đã đến vườn xoài trong tiên cảnh.
Thuở ấy, khi các nữ quỷ thần thấy nhà vua hồi xuân như một tiên đồng giáng thế, liền ra nghênh tiếp và khi biết ngài là một quân vương, chúng liền đưa vào lâu đài, dâng các thứ tiên thực và phục vụ ngài như ý.
Thế rồi sau một trăm năm mươi năm trôi qua, một hôm nhà vua thức dậy nửa đêm và thấy nữ quỷ đã phạm giới kia đi ra phía bờ hồ sen. Ðộng lòng hiếu kỳ, ngài đi theo nữ quỷ. Sau đó ngài thấy nữ quỷ bị một con chó lớn vồ xé xác ngay khi vừa mới tới nơi. Suốt ba ngày liền ngài suy xét, không làm sao có thể hiểu được ý nghĩa việc này. Hôm sau này cầm mũi tên nhọn bắn con chó kia bỏ mạng và vừa khi nữ quỷ đã nhảy vào hồ sen, lập tức ngài thấy nàng xuất hiện với dung sắc phục hồi như trước.
Ngài liền ngâm kệ hỏi nàng những sự việc đã xảy ra:
5-6. Thành phố như đây thật tuyệt vời
Khó tìm thấy ở cõi người đời.
Nàng nhiều cung điện bằng vàng bạc,
Lấp lánh bốn phương chiếu sáng ngời.
Lại có năm trăm tỳ nữ ấy
Sẵn sàng phục vụ lệnh nàng thôi.
Khi được nhà vua hỏi như vậy, nữ quỷ liền kể chuyện đời này:
Nàng nói như vậy xong rồi lại ngâm hai vần kệ ca ngợi đặc ân mà nhà vua đã ban cho nàng:
Ngay lúc ấy bỗng nhiên nhà vua cảm thấy chán sống ở cảnh tiên kia, liền nói ý định giã từ cho nàng biết và ngâm vần kệ cuối cùng:
Khi đã nghe lời của nhà vua, nữ quỷ thần ở lâu đài ấy không chịu nổi sự biệt ly. Lòng nàng rối bời vì đau khổ ưu phiền và toàn thân nàng run lên xúc động. Song dù nàng đã dùng đủ cách khẩn cầu nhà vua, nàng cũng không thể thuyết phục ngài ở lại được nữa.
Nàng đành đưa ngài về kinh đô cùng nhiều châu báu và rước ngài vào cung điện. Sau đó nàng than khóc bi thảm và trở về trú xứ của nàng ngay. Khi nhà vua thấy vậy, lòng ngài xúc động vô cùng. Từ đó về sau ngài thực hành nhiều thiện sự như bố thí cùng các phương tiện khác và được sanh lên cõi thiên.
Thế rồi khi đức Thế Tôn Gotama giáng sanh ở cõi đời, và theo thời gian đã đến cư trú tại thành Sàvatth, một hôm Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành vào vùng núi này trông thấy nữ thần cùng đoàn tùy tùng của nàng, bèn hỏi về hạnh nghiệp mà nàng đã tạo trước kia. Nàng kể với Tôn giả mọi sự và Tôn giả trình bày câu chuyện ấy lên đức Thế Tôn.
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana.
Ở Sàvatthi, người chồng của một nữ đệ tử tại gia vừa từ trần. Nàng ưu phiền đi đến nghĩa địa khóc than. Khi đức Thế Tôn nhận thấy nàng đã đạt thành các đức tính đưa đến quả Dự Lưu, ngài động lòng bi mẫn, đi đến nhà nàng và hỏi tại sao nàng khóc. Nàng đáp:
– Bạch đức Thế Tôn, quả con đang đau buồn vì xa cách một người thân của con.
Sau đó đức Thế Tôn kể một chuyện quá khứ.
Thuở xưa trong quốc độ Pancala ở thành Kapila có một vị vua mệnh danh Cùlani Brahmadatta chuyên tâm làm phước nghiệp sự lợi ích cho thần dân và không hề phạm Thập Vương pháp.
Một hôm mong muốn nghe thần dân bàn tán việc gì trong xứ sở của mình, ngài bèn cải trang làm một thợ may và rời kinh thành mà không có ai hầu cận.
Trong lúc ngài du hành từ làng này sang làng khác, quận này sang quận khác, ngài nhận thấy toàn quốc không có trộm cướp và bất công đàn áp, dân chúng sống thân thiện với nhau và có thể là an trú trong mọi nhà cửa mở toang.
Lòng vui mừng hớn hở, ngài khởi hành quay về kinh và đi đến một thị trấn nọ, ngài vào nhà một góa phụ nghèo khó. Khi thấy ngài, bà ấy hỏi:
– Này Tôn ông là ai? Tôn ông từ đâu đến đây?
Ngài đáp:
– Này hiền phụ, ta là một thợ may; ta đang đi quanh quẩn may thuê vá mướn để kiếm tiền. Nếu bà có vật gì cần may, bà hãy đưa cho ta, cả quần áo lẫn khăn đội đầu, ta sẽ may cho bà.
Bà liền nói:
– Chúng tôi không có việc gì cần làm về quần áo hoặc khăn đội đầu cả. Ông đi làm cho các người khác nhé.
Trong khi ngài ở vùng đó vài ngày, ngài thấy con gái bà có đủ tướng mạo tốt lành của phúc phận và đức hạnh, ngày sau ngài liền bảo bà mẹ:
– Nếu con gái bà chưa gả cho ai, thì xin bà hãy gả cho tôi. Tôi có đủ khả năng tìm kế sinh nhai để mẹ con bà no ấm.
Bà ấy gả con gái cho ngài. Sau khi đã ở lại với nàng vài ngày, ngài đưa cho nàng một ngàn đồng tiền vàng Kahàpana và nói:
– Ta sẽ trở lại trong vòng vài ngày thôi. Hiền thê chớ lo buồn gì cả.
Ngay sau đó ngài trở về kinh thành. Khi đã truyền lệnh đắp đường thật bằng phẳng giữa kinh đô và làng ấy cùng trang hoàng mọi sự xong xuôi, ngài đi đến nơi kia trong cảnh huy hoàng rực rỡ. Sau khi đã chất một đống tiền vàng lớn trên thân cô thiếu nữ và truyền đem nàng đi tắm rửa trong các chậu bằng vàng bạc, ngài đặt tên nàng là Ubbarì và phong nàng ngôi hoàng hậu.
Ngài ban cho quyến thuộc nàng ngôi làng ấy và sau đó đưa nàng về kinh trong cảnh oai nghi lộng lẫy. Ngài sống đời hạnh phúc với nàng, trị nước phồn vinh và sau đó băng hà.
Nỗi ưu phiền của Ubbarì được các vị kết tập Kinh điển kể lại như vầy:
Vị khổ hạnh liền bảo hoàng hậu Ubbarì:
Ubbarì:
Vị khổ hạnh:
Ubbarì:
Vị khổ hạnh:
Ubbarì:
Ðể phát họa sự chứng đắc của Ubbarì, bậc Ðạo Sư ngâm bốn vần kệ:
Phẩm III – Tiểu Phẩm
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm)
Về phía Tây Benares (Ba-la-nại) bên kia sông Hằng, khi ta đi qua thị trấn Vàsabha, trong thôn làng tên gọi Cundatthilà có một người thợ săn.
Y giết hươu nai trong rừng, nấu loại thịt ngon nhất trên than hồng và khi ăn xong, y buộc những thứ còn lại trong cái thúng bằng lá, mang trên đòn gánh đi vào làng.
Khi đám trẻ con thấy y ở cổng thị trấn, chúng chìa tay ra, chạy tới xin:
– Cho tôi miếng thịt! Cho tôi miếng thịt!
Vì thế y cho mỗi đứa trẻ một miếng thịt nhỏ. Một hôm y chỉ mang hoa và cho mỗi đứa một chùm. Khi từ trần, y tái sanh làm ngạ quỷ. Vừa đói vừa khát, y bước đi trên sông Hằng mà không bị chìm, mong tìm về quê làng cùng bà con thân thuộc.
Vị đại thần của vua Bimbisàra (Tần-bà-sa) sau khi đi dẹp quân phiến loạn xong, trở về bằng thuyền xuống dòng sông, trông thấy ngạ quỷ kia đang đi xuôi dòng, bèn hỏi:
Bấy giờ những chuyện do ngạ quỷ và đại thần Kiliya nói được các vị kết tập Kinh điển kể lại qua các vần kệ sau:
Như vậy vị đại thần Koliya cảm thấy xót thương ngạ quỷ ấy và làm lễ bố thí cho nó theo cách được nói trên. Vị ấy tiếp tục xuôi dòng và đến Ba-la-nại lúc rạng đông.
Ðức Thế Tôn du hành qua không gian để đón mừng hội chúng và đứng trên bờ.
Ðại thần Koliya vô cùng hoan hỷ, thỉnh cầu đức Thế Tôn thọ trai tại nhà vị ấy. Ðức Thế Tôn im lặng nhận lời.
Với tâm thanh thản, đại thần Koliya cúng dường thực phẩm lên đức Phật và chúng Tăng. Sau đó, khi một đám đông dân chúng tụ họp lại, đức Thế Tôn vì lòng lân mẫn chúng sanh đã làm phép mầu khiến cho một số ngạ quỷ xuất hiện trước quần chúng và kể chuyện chúng đã đọa lạc như vậy bằng cách nào.
Chư vị kết tập Kinh điển diễn tả như sau:
9-10. ‘Xưa là ác phụ mẫu trong nhà,
Chẳng tạo nơi an trú chúng ta
Qua các việc thi ân bố đức,
Dù nhiều thực phẩm được quăng xa,
Chúng ta đã chẳng đem phân phát
Cho những đoàn du sĩ xuất gia.
14-15. Trong nhà hạ liệt, bọn cùng đinh
Như vậy, bọn này được tái sanh,
Ấy phận dành cho người biển lận;
Còn người xưa tạo nghiệp an lành,
Là người bố thí, tay hào phóng,
Chiếu sáng vườn Thiên lạc hiển vinh.
2. (27) Chuyện Ngạ Quỷ Núi Sànuvàsin (Sànuvàsinpeta)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm).
Ngày xưa ở thành Ba-la-nại, vương tử của vua Kitava, trong lúc dạo chơi từ vườn ngự uyển về, thấy một vị Ðộc Giác Phật tên là Sunetta đang đi khất thực, bèn buông lời thô lỗ phỉ báng Ngài. Ngay khi vương tử tiến bước lên thì cảm thấy cơ thể nóng bừng như thiêu đốt trong lửa địa ngục.
Vì bệnh này vị ấy từ trần và tái sanh vào địa ngục Avìci (A-tỳ hay Vô gián). Sau đó vị ấy mạng chung và tái sanh làm ngạ quỷ và kế tiếp trong thời kỳ có đức Thế Tôn Gotama xuất hiện, vị ấy tái sanh vào một làng chài lưới gần thị trấn Kundi.
Vì nhớ lại các kiếp trước, vị ấy không đi đánh cá cùng các người khác và thường quăng cá trở ra biển khi họ mang về. Quyến thuộc trong gia đình đuổi vị ấy ra khỏi nhà, nhưng một người em trai vẫn thương mến vị ấy.
Rồi Trưởng lão Ananda khuyến giáo vị ấy xuất gia làm Tỷ-kheo; về sau đắc quả A-la-hán, vị ấy cư trú cùng nhóm mười hai Tỷ-kheo trên núi Sànuvàsin.
Còn quyến thuộc vị ấy tái sanh làm ngạ quỷ. Bấy giờ cha mẹ vị ấy hổ thẹn vì suy nghĩ: ‘Kiếp trước ta đã đuổi con ra khỏi nhà’, nên không đến gần vị ấy, nhưng bảo người em trai xưa kia thương yêu vị ấy ra đi.
Khi quỷ nhân này đã vào làng của vị Trưởng lão đang đi khất thực, nó quỳ xuống đất với đầu gối bên phải, xuất hiện nguyên hình với dáng điệu đảnh lễ tôn kính và ngâm vần kệ:
– Kính thưa Tôn giả, mẹ và cha….
Song năm vần kệ đầu do chư vị kết tập Kinh điển đưa vào đây để làm sáng tỏ vấn đề này:
Ngạ quỷ thưa:
Vị Trưởng lão kể sự kiện trên với đức Thế Tôn, Ngài lấy chuyện làm đề tài thuyết pháp.
Trong lúc đang trú tại Sàvatthi (Xá-vệ), bậc Ðạo Sư kể chuyện này liên hệ đến một nữ quỷ thần.
Thuở xưa vào thời đức Thế Tôn Kassapa, có một nữ nhân kia thực hành nhiều công đức thiện sự và cúng dường Tăng chúng một tinh xá tốt đẹp, rồi từ trần, và do một ác nghiệp khác, nàng tái sanh làm nữ quỷ thần trong một lâu đài ở vùng Tuyết Sơn, chúa tể của núi non, gần hồ Ratthakàra.
Nhờ các công đức thiện sự, nơi đó hiện ra cho nàng một lâu đài tuyệt mỹ làm toàn bằng ngọc báu, khắp nơi đều đầy lạc thú hấp dẫn, lại có một hồ sen, giống như vườn thiên giới Nandana (Hoan lạc Viên).
Toàn thân nàng có màu vàng ròng, yêu kiều diễm lệ, được khéo điểm trang rất khả ái. Nàng cư trú tại lâu đài ấy không có nam nhân nào cả. Tuy thế, trong lòng nàng lại khởi lên ước vọng bầu bạn với nam nhân.
Thế rồi nàng thả vài quả xoài xuống dòng sông, suy nghĩ: ‘Ðây là một mưu kế’. Tất cả đều được hiểu như trong chuyện Hồ Kannamunda (Chuyện 12, phẩm II).
Trong trường hợp này, có một thanh niên sống ở Ba-la-nại thấy trên sông Hằng một quả xoài và muốn biết nguồn gốc của nó. Vì vậy, đi theo dòng chàng tìm kiếm được đối tượng của mình ở tận nơi cư trú của nàng.
Nàng hân hoan đón tiếp chàng vào nhà nàng và khi chàng đã nhìn thấy mọi vẻ nguy nga lộng lẫy của nó, chàng ngâm kệ hỏi nàng:
Nàng ngâm kệ đáp lời:
Khi chàng trai nghe xong lời của nàng quỷ thần, chàng trở về cõi người. Tại đó chàng quyết tâm quán tưởng đến nơi kia và do kết quả ấy, chàng thực hành nhiều thiện nghiệp. Chẳng bao lâu chàng từ trần và tái sanh tại nơi ấy gần bên nàng.
Các vị kết tập Kinh điển ghi vần kệ cuối cùng kể lại chuyện chàng cộng trú cùng nàng:
4. (29) Chuyện Rơm Trấu (Bhusa)
Trong lúc đang trú tại Sàvatthi (Xá-vệ), bậc Ðạo Sư kể chuyện này liên hệ đến bốn ngạ quỷ.
Trong một ngôi làng nọ không xa Sàvatthi, một gian thương kiếm kế sinh nhai bằng cách đong lường dối trá và các phương pháp bất lương khác như pha trộn tạp chất vào lúa gạo. Vợ, con trai, con dâu kẻ ấy cũng gian ác như các vần kệ kể lại.
Khi tái sanh làm ngạ quỷ ở rừng Vindhya, nỗi thống khổ của chúng đều được nói ra đây.
Bấy giờ Tôn giả Mahà-Moggallàna đang đi du hành qua vùng núi đồi, một hôm đến tận nơi ấy, thấy chúng, liền hỏi chúng đã tạo các ác nghiệp nào:
Ðể đáp lời Trưởng lão, vợ kẻ gian thương giải thích các hạnh nghiệp do chúng đã tạo nên:
Khi đã nghe xong lời của nữ ngạ quỷ, Trưởng lão liền kể lại chuyện lên đức Thế Tôn, Ngài lấy đó làm đề tài thuyết pháp.
Tại Sàvatthi (Xá-vệ), nhiều đệ tử tại gia trở thành hội chúng nghe pháp, xây dựng trong thành phố này một ngôi đình lớn rồi cúng dường thực phẩm lên bậc Ðạo Sư và Tăng chúng.
Một người phản đối những gì đem dâng cúng các ‘Sa-môn trọc đầu’. Mẹ y xin sám hối với đức Thế Tôn và cúng dường cháo gạo suốt một tuần. Con trai bà từ trần chẳng bao lâu sau đó và tái sanh làm con một kỹ nữ sang trọng.
Khi nàng biết đó là một nam nhi, nàng cho người đem nó quăng ra nghĩa địa. Tại đó hài nhi được công năng thiện nghiệp của chính nó bảo vệ nên không bị ai phá hại, cứ nằm ngủ ngon lành như trong lòng mẹ.
Chuyện kể rằng chư thần linh đã chăm sóc nó. Thế rồi khi đức Thế Tôn với lòng đại bi, thức dậy từ sáng sớm, dùng Phật nhãn quán sát thế gian, Ngài thấy bé trai này và đi đến nghĩa địa.
Nhiều người tụ tập lại, bảo nhau:
– Bậc Ðạo Sư đã đến đây chắc phải vì một duyên cớ nào đó ở chốn này.
Rồi họ thưa Ngài:
– Bạch Thế Tôn, đứa bé này đã làm nghiệp gì trong đời trước?
Ðức Phật liền kể chuyện cho họ nghe.
Sau đó một đại phú gia nhận nuôi đứa bé và nói:
– Trước sự hiện diện của chính đức Thế Tôn, con xin nhận đứa trẻ này làm con.
Ðức Thế Tôn trở về tinh xá với lời sau:
– Ðứa bé này đã được phú gia kia bảo hộ và sẽ làm lợi ích cho nhiều người.
Sau khi người ấy từ trần, chàng trai thừa hưởng gia tài và thích thú các việc bố thí cùng nhiều thiện sự khác.
Chư vị kết tập Kinh điển nên vấn đề này qua sáu vần kệ sau:
Các đệ tử tại gia hỏi:
Bấy giờ cách đức Thế Tôn tuyên thuyết khi nghe các đệ tử tại gia hỏi, được các vị kết tập Kinh điển trình bày như sau:
6 (31) Chuyện Ngạ Quỷ Serinì (Serinì)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).
Tương truyền ở quốc độ Kuru (Câu-lâu) tại thành phố Hatthinipura có một gái giang hồ tên là Serinì. Khi dân trong thành chào đón chư Tăng đến thuyết pháp, họ thúc giục nàng:
– Nàng hãy đến cúng dường chư Tăng để tạ ân.
Nàng từ chối đáp:
– Sao tôi lại phải cúng dường lễ vật cho các Sa-môn trọc đầu này chứ? Sao tôi lại phải từ bỏ một thứ gì đó vì con người vô dụng ấy?
Khi từ trần, nàng tái sanh làm một nữ ngạ quỷ ở sau hào lũy của một tường thành nơi biên địa. Thế rồi một cư sĩ tại gia từ thành Hatthinipura đến vùng thành lũy này để buôn bán, vào lúc rạng đông đi ngang hào lũy để điều hành công việc, trông thấy nữ ngạ quỷ liền hỏi, qua vần kệ:
Nữ ngạ quỷ đáp:
Vị cư sĩ ngâm kệ hỏi:
Nữ ngạ quỷ đáp lại vần kệ:
Trong lúc nữ ngạ quỷ kể chuyện này, vị ấy chú ý lắng nghe lời nói, và về sau, khi đã làm xong công việc, vị ấy đến kể chuyện kia cho bà mẹ nó.
Các vị kết tập Kinh điển ghi lại các vần kệ sau:
Khi mẹ nàng nghe chuyện này, bà liền cúng dường Tăng chúng như nàng ước nguyện và hồi hướng công đức về nàng.
Ðức Thế Tôn kể chuyện này trong lúc đang trú tại Trúc Lâm.
Ở thành Ràjagaha (Vương Xá) có người thợ săn kia sống bằng cách săn bắn và giết hươu nai suốt ngày đêm. Tuy nhiên, y lại có một bạn thân là cư sĩ tại gia thường khuyên răn y, nhưng y chỉ nghe theo một phần. Do đó, y tái sanh làm quỷ thần ở trong lâu đài.
Tôn giả Trưởng lão Narada thấy quỷ và ngâm kệ hỏi:
8. (33) Chuyện Người Săn Nai Thứ Hai (Dutiyaludda)
Ðức Thế Tôn kể thêm chuyện này nữa trong lúc đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm).
Tương truyền tại Ràjagaha một người thợ săn trẻ tuổi kia, mặc dù giàu có, vẫn rời bỏ mọi lạc thú giàu sang và đi săn hươu nai suốt ngày đêm. Kẻ ấy cũng theo lời khuyên của một vị Trưởng lão khi có người bạn cư sĩ khẩn cầu, và từ bỏ việc đi săn ban đêm, nên nhận quả báo ở đời sau giống như chuyện trên.
Trưởng lão Nàrada hỏi quỷ ấy qua các vần kệ sau:
2-3. Ban ngày vào lúc mới hừng đông,
Chàng bị đuổi ra tận nghĩa trang,
Và phải chịu bao điều thống khổ,
Nghiệp nào đã tạo ác về thân,
Về lời, hay ý trong tiền kiếp,
Nay chịu khổ này có phải chăng?
Sau đó quỷ liền kể chuyện sau:
6-10. (Giống các vần kệ 5-10 ở chuyện trước).
Trong lúc bậc Ðạo Sư đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm), ngài kể chuyện này liên quan đến những phán quyết gian dối.
Thời ấy, vua Bimbisàra (Tần-bà-sa) hành trì Trai giới (Bồ-tát giới) sáu ngày mỗi tháng. Nhiều người theo gương vua giữ giới. Nhà vua thường hỏi những người thỉnh thoảng vào triều kiến:
– Này, khanh có hành trì ngày trai giới hay không hành trì?
Thế rồi có một người kia đã được bổ nhiệm làm phán quan, một kẻ lừa dối, bất lương, thường nhận hối lộ và hung bạo nhưng lại sợ nói ra: ‘Tôi không phải là người giữ giới’. Vì vậy, y nói:
– Tâu Ðại vương, hạ thần có giữ giới.
Khi đã ra về sau buổi triều kiến vua, một người bạn hỏi y:
– Này hiền hữu, hiền hữu có giữ giới gì hôm nay chăng?
Y đáp:
– Này hiền hữu, vì sợ hãi nên tôi đã nói thế lúc yết kiến đức vua, chứ tôi không giữ giới.
Sau đó người bạn bảo y:
– Nếu chỉ còn nửa ngày trai giới thì hôm nay bạn hãy giữ như vậy. Hãy phát nguyện giữ giới đi.
Y đồng ý, trở về nhà, rửa mặt và chuyên tâm giữ giới. Ðêm ấy y vừa về đến nhà thì mạng sống bị gián đoạn vì một cây cột đổ xuống từ ngôi nhà ọp ẹp của y trong một cơn gió mạnh.
Ngay sau khi chết, y tái sanh làm một quỷ thần trong lâu đài ở vực sâu dưới núi. Dù y chỉ giữ nửa ngày trai giới trong một đêm thôi, y vẫn được phước báo với một đoàn tùy tùng gồm mười ngàn tiên nữ hộ tống và hưởng lạc thú thần tiên, nhưng do quả báo từ các phán quyết gian dối và nói láo kia, y tự lấy tay móc thịt trên lưng mình và xé ra ăn.
Khi Tôn giả Nàrada từ đỉnh núi Linh Thứu đi xuống, thấy y, liền hỏi qua bốn vần kệ:
2-3. Ðoàn thị nữ này hộ tống ngươi,
Mười ngàn tiên nữ rất xinh tươi
Ðeo vòng vỏ ốc và trang điểm
Tấm lưới vàng kia lấp lánh hoài,
Hình dáng ngươi gây niềm cảm phục,
Ngươi đầy quyền lực thật hùng oai.
10. (35) Chuyện Khinh Khi Xá Lợi (Dhàtuvivanna)
Khi đức Thế Tôn diệt độ tại Kusinara (Câu-thi-na), ở Lâm Viên Upavattana trong rừng Sàla song thọ, và sau khi việc phân chia xá lợi đã hoàn thành, vua Ajàtasattu (A-xà-thế) nhận phần của mình xong, liền làm lễ cúng dường suốt bảy năm bảy tháng bảy ngày.
Nhưng có tám vạn sáu ngàn người, vì không có lòng tin và đầy tà kiến từ lâu, đã mê lầm và có nhiều vọng tưởng điên đảo, cho nên dù đã sống trong một hoàn cảnh an lành, cũng tái sanh vào loài ngạ quỷ.
Chính trong thành Vương Xá này, có bà vợ, con gái, con dâu của một phú gia kia với tâm thành tín đem hương liệu, vòng hoa và nhiều lễ vật khác khởi hành đi đến bảo Tháp xá-lợi, bảo nhau:
– Chúng ta muốn đi cúng dường xá-lợi.
Người gia chủ phỉ báng việc cúng dường này với những lời mạ lỵ:
– Cúng dường đống xương thì có ý nghĩa gì chứ?
Song họ không quan tâm đến lời nói của kẻ ấy và ra đi. Khi từ trần họ tái sanh lên thiên giới, còn kẻ ấy tái sanh làm ngạ quỷ.
Thế rồi một hôm, Tôn giả Mahà-Kassapa vì lòng bi mẫn đứng tại khuôn viên bảo Tháp, ngâm ba vần kệ hỏi ngạ quỷ đã khinh thường xá-lợi:
Ngạ quỷ đáp lại như sau:
Phẩm IV – Ðại Phẩm
Trong lúc đức Thế Tôn đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên) một vị vua dòng họ Licchavi mệnh danh Ambasakkhara, là một người không mộ đạo, có tà kiến, đang trị vì ở Vesàli (Tỳ-xá-ly).
Tại đó lại có một thương nhân chánh trực đã bắc cầu bằng những thanh gỗ chiên-đàn qua một đầm lầy. Trái lại, cháu trai vị ấy đã lấy trộm hàng hóa đem đến tiệm của chú, nên bị xử hình phạt đóng thân vào cọc. Người chú bị chặt đầu và hóa thành một địa thần cỡi ngựa thuần bạch, vào nửa đêm lại đến thăm cháu đang bị đóng cọc và bảo: ‘Hãy cố sống thì hơn’.
Bấy giờ vua Ambasakkhara muốn chiếm vợ của một thần dân, liền sai người ấy đi lấy đất đỏ và hoa súng đỏ ở một hồ sen cách xa kinh thành ba do-tuần, và buộc y phải trở về trước khi trời tối nếu không sẽ bị giết. Ðồng thời vua ra lệnh đóng cổng thành trước khi trời tối. Nhờ chư thần giúp đỡ, người kia đem đất đỏ và hoa súng đỏ về kịp trước khi trời tối, nhưng gọi cổng thành không được, y phải nhờ sự làm chứng của vị quỷ thần ấy. Sau đó vua đích thân đi gặp vị quỷ thần để tìm hiểu sự việc. (Bổ sung Tập Sớ).
Các vần kệ này kể lại chuyện trên. Vần kệ đầu do các vị kết tập Kinh điển đưa vào:
Quỷ thần:
Quân vương:
Quỷ thần:
Quân vương:
Quỷ thần:
Quân vương:
Quỷ thần:
Quân vương:
Quỷ thần:
Quân vương:
Quỷ thần:
Khi quỷ thần đã phân tích sơ lược các nghiệp quả, nhà vua không tin, bèn ngâm kệ:
Quỷ thần:
Khi được nhà vua hỏi:
– Như vầy ngươi đã tin vào nghiệp quả, tại sao ngươi lại phải chịu cảnh khốn khổ này?
Quỷ thần đáp:
Khi nghe quỷ thần ước muốn nhận đủ áo quần và nhiều vật dụng khác, nhà vua bảo:
Quỷ thần đáp:
Quân vương:
Quỷ thần:
Quân vương:
Rồi cả hai cùng đi đến chỗ ấy và quỷ thần nói:
Các vần kệ sau do chư vị kết tập Kinh điển ghi:
Ẩn sĩ:
48-49. Dầu mè, đệm cỏ chẳng hề ban,
Chẳng chỉ dùm ai lạc bước đàng,
Từ một người mù, ngài lấy gậy
Ngài vừa phóng dật, lại xan tham;
Bây giờ vì lý do nào vậy,
Bằng cách nào ngài muốn phát ban?
Quân vương:
Ẩn sĩ:
Quỷ thần:
Quân vương:
Quỷ thần:
Ðại hội:
Quân vương:
Ẩn sĩ:
Quân vương:
Ẩn sĩ:
78-79. Từ nay ngài bỏ giết muôn loài,
Không lấy vật chi chẳng tặng ngài,
Không uống rượu nồng, không nói dối,
Hãy bằng lòng với vợ ngài thôi.
Trang nghiêm lãnh tám công thù thắng
Ðưa đến nhiều thành quả đẹp tươi.
Quân vương:
84-85. Từ nay tôi bỏ giết muôn loài,
Không lấy vật gì chẳng tặng tôi,
Không uống rượu nồng, không nói dối,
Biết bằng lòng với vợ mình thôi.
Trang nghiêm lãnh tám công thù thắng
Ðưa đến nhiều thành quả đẹp tươi.
Sau đó Tôn giả Mahàkappitaka đi đến Sàvatthi đảnh lễ bậc Ðạo Sư và trình lên Ngài vấn đề đã được vị quỷ thần kể cho nhà vua nghe. Bậc Ðạo Sư lấy đó làm đề tài thuyết pháp cho hội chúng đang hiện diện.
(Chuyện này giống như Chuyện 10, Phẩm VII ở tập Chuyện Thiên Cung).
Khoảng hai trăm năm sau khi bậc Ðạo Sư diệt độ, có vua Pingala ngự trị Surattha (Vương quốc an lạc). Vị tướng cầm đầu quân đội nhà vua là Nandaka đầy tà kiến.
Chư vị kết tập Kinh điển kể lại chuyện những người này:
Quan điều ngự:
17-18. Nhà vua cùng với đám quần thần,
Cận vệ bên mình uống nước trong,
Ăn bánh rồi vua cất tiếng hỏi:
‘Xin cho biết, có phải Thiên nhân,
Thác-bà, hạy chính là Thiên chủ
Pu-rín-dà-da ấy phải chăng?
Không biết ngài nên ta muốn hỏi,
Làm sao ta biết được tôn ông?
Quỷ thần:
Quân vương:
Quỷ thần:
35-36. Ðọa vào ngục hãi kinh sao,
Có bốn góc, và bốn cửa vào,
Ngục được chia phần theo kích thước,
Xung quanh bao bọc với tường rào,
Làm bằng sắt nóng và trên mái
Cũng có sắt che tận đỉnh cao.
Quân vương:
50-51. Ta đến quy y đấng Phật-đà,
Tối cao Giáo pháp, với Tăng-già,
Ta mau bỏ hết điều sanh sát,
Không lấy vật gì chẳng tặng ta,
Không uống rượu nồng, không nói dối,
Biết bằng lòng với vợ trong nhà.
Nhờ thần lực của vị quỷ nhân, nhà vua về kinh thành kịp ngày hôm ấy. Về sau, đúng thời, vua tường thuật chuyện ấy với chư Tỷ-kheo và chư vị này lại trình vấn đề với chư Trưởng lão biên soạn Giáo pháp để đưa câu chuyện vào Hội đồng kết tập Kinh tạng thứ ba. (Bổ sung từ Tập Sớ).
(Chuyện này giống chuyện số 2 Phẩm V của Chuyện Thiên Cung).
Trong khi đức Thế Tôn đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm), một người đang chở mía, cầm một khúc mía, vừa đi vừa ăn. Các vần kệ này kể lại câu chuyện trên.
Một hôm, Tôn giả Mahà-Moggallàna (Ðại Mục-kiền-liên) đang đi khất thực vào Vương Xá, gặp một ngạ quỷ thưa trình như sau:
Tôn giả Moggallàna:
Ngạ quỷ ấy bèn cầm một bó mía cúng dường vị Trưởng lão và vị này đem dâng đức Phật ở Trúc Lâm. Ðức Thế Tôn cùng hội chúng Tỷ-kheo dùng mía ấy rồi nói lời tùy hỷ công đức.
Từ đó về sau ngạ quỷ ấy có thể ăn mía thỏa thích.
Theo thời gian, ngạ quỷ được tái sanh giữa hội chúng cõi trời Ba mươi ba.
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Jevatana (Kỳ Viên)
Tương truyền Ðại Vương nước Kosala (Kiều-tát-la) trị vì tại Sàvatthi (Xá-vệ) có hai vương tử khả ái đang độ hoa niên. Trong nỗi đam mê dục vọng của tuổi trẻ không được kềm chế, hai vị đã phạm tội tà dâm nên sau khi từ trần hai vị tái sanh làm ngạ quỷ bị đè bẹp trong một ống cống.
Suốt đêm, ngạ quỷ thường than khóc với những tiếng kêu la khủng khiếp. Dân chúng nghe vậy rất kinh hãi.
Do sự việc này, dân chúng cúng dường đại lễ lên Giáo hội do đức Phật cầm đầu và bảo nhau:
– Ðiềm xấu này phải chấm dứt.
Sau đó họ trình lên đức Thế Tôn những việc đang xảy ra. Ngài bảo:
– Này chư đệ tử, chư vị không thể chấm dứt tiếng kêu la này được đâu.
Rồi Ngài nói rõ nguyên nhân sự việc này cho hội chúng qua các vần kệ sau:
Như vậy, bậc Ðạo Sư kể lại số phận của các ngạ quỷ xong, liền hồi hướng về chúng công đức do đám người này cúng dường lễ vật và thuyết pháp theo ý Ngài.
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Jevatana (Kỳ Viên).
Thuở xưa có một nam tử của vua mệnh danh là Kitava làm tổn thương một vị Ðộc Giác Phật. Chàng phải đọa vào địa ngục nhiều ngàn năm, và chính vì lỗi lầm kia, chàng bị tái sanh vào loài ngạ quỷ. Chuyện của chàng đã được kể đầy đủ chi tiết trong sự tích các ngạ quỷ ở Sànuvàsi (Số 27, phẩm III)
Bấy giờ trong khi kể cho một vị Trưởng lão nghe số phận đám quyến thuộc quá vãng của ngạ quỷ kia, bậc Ðạo Sư bảo:
– Quả thật không phải chỉ quyến thuộc của ông, mà cả ông nữa, lúc trở thành ngạ quỷ trong đời trước, sau khi từ giã thế giới này, cũng đã chịu nỗi thống khổ khốc liệt.
Rồi do lời thỉnh cầu của vị Trưởng lão, Ngài kể chuyện này:
9-10. Qua mấy ngàn năm, mấy vạn năm,
Bị hành địa ngục khổ vô ngần,
Chính vì tội lỗi chàng gây tạo,
Quả khắc nghiệt kia phải lãnh phần
Bởi những người đưa tay phá hại
Bậc Hiến trí giải thoát mê lầm.
8. (43) Chuyện Những Ngạ Quỷ Ăn Phân (Gùthakhàdaka)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).
Tương truyền trong một thị trấn nọ không xa Sàvatthi, có một gia chủ ra lệnh xây một tinh xá cúng dường vị Tỷ-kheo vốn là bạn thân của mình. Về sau nhiều Tỷ-kheo từ khắp nơi đến cư trú tại đó.
Khi thấy chư Tăng, dân chúng liền cung cấp đủ mọi thứ cần dùng. Bấy giờ vị Tỷ-kheo thân tín của chủ nhà không chịu được cảnh này và lòng đầy ganh tỵ (như các vần kệ kể lại).
Về sau Tôn giả Mahà-Moggallàna thấy vị ấy và hỏi:
Ngạ quỷ:
Trưởng lão:
Ngạ quỷ:
Trưởng lão:
Ngạ quỷ:
Tôn giả Mahà-Moggallàna tường thuật sự việc này lên đức Thế Tôn, Ngài liền giải thích ý nghĩa của nó và nêu rõ mối nguy hiểm của sự chỉ trích người khác.
Trong lúc đang trú tại Jetavana, bậc Ðạo Sư kể chuyện này giống như chuyện trên. Ở đây, một nữ cư sĩ xây tinh xá và bị tái sanh làm nữ ngạ quỷ.
Các vần kệ đều giống nhau.
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana.
Tương truyền tại Sàvatthi, có một đám người không mộ đạo, không có lòng tin và có tật xan tham, keo kiệt. Họ thường thờ ơ đối với những ý tưởng họ đã chấp nhận cùng nhiều vấn đề khác trong cuộc đời.
Sau khi đã sống một thời gian dài, họ từ trần và tái sanh làm ngạ quỷ gần kinh thành. Rồi một hôm, Tôn giả Mahà-Moggallàna đi đến Sàvatthi để khất thực, Tôn giả thấy bầy ngạ quỷ trên đường, bèn hỏi chúng:
Bầy ngạ quỷ:
Trưởng lão:
Bầy ngạ quỷ:
Vị Trưởng lão trình đức Thế Tôn toàn thể sự việc này.
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Jetavana.
Tương truyền một số đông thương nhân từ Sàvatthi và Pàtaliputta đi thuyền đến Suvannabhumì (Xứ vàng). Ở đó có một người trong bọn họ là một đệ tử tại gia luyến ái một nữ nhân, mắc bệnh và từ trần.
Mặc dù vị ấy đã làm nhiều thiện sự, vị ấy vẫn không được sanh lên thiên giới; nhưng vì luyến ái người yêu, vị ấy tái sanh làm một quỷ thần trong lâu đài giữa đại dương. Ở đấy quỷ thần vẫn giữ tình yêu đối với nữ nhân kia.
Riêng phần nàng đã lên thuyền du hành đến Xứ vàng ấy. Bấy giờ vị quỷ thần muốn chiếm nàng, liền chận đường đi của chiếc thuyền. Lúc ấy các thương nhân suy nghĩ trong trí: ‘Này, thế nào đây? Thuyền không đi được nữa!’.
Vì thế họ rút thăm để quyết định số phận mỗi người. Do thần lực, chiếc thăm rớt xuống ba lần trên không ai khác hơn nữ nhân mà quỷ thần đang mong ước.
Chẳng bao lâu sau khi nàng bị thả xuống biển thì chiếc thuyền nhanh chóng tiến lên về hướng Xứ vàng kia. Thế rồi vị phi nhân đem nàng vào lâu đài của mình và hưởng hạnh phúc bên nàng.
Một năm sau, nàng sinh ra bất mãn và cầu xin vị quỷ thần:
– Bao lâu em còn sống ở đây, em sẽ không thể tìm được các cảnh giới khác. Xin tôn ông đưa em về thành Pàtaliputta.
Ðáp lời khẩn cầu này, quỷ thần bảo:
Nàng hoan hỷ đáp lại:
Sau đó vị quỷ thần đem nàng ấy cùng du hành qua không gian; rồi đặt nàng xuống ngay giữa thành Pàtaliputta, và đi về đường cũ. Lập tức thân bằng quyến thuộc của nàng cùng nhiều người khác trông thấy nàng, họ vô cùng hân hoan và nhận xét:
– Chúng ta nghe trước kia nàng đã bị thả xuống biển cả và chết rồi. Thật phước đức quá! Không ngờ nàng được trở về bình an!
Vì thế họ hỏi nàng về mọi chuyện phiêu lưu mạo hiểm kia. Nàng liền kể cho họ nghe tất cả.
Khi trở về, các thương nhân ấy đến Sàvatthi trình sự việc lên bậc Ðạo Sư.
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Sàvatthi.
Ở Sàvatthi có một gia chủ đã khánh kiệt tài sản. Khi vợ từ trần, vị ấy để con gái duy nhất lại cho một người bạn, rồi vay một số tiền, mua hàng hóa lên đến một trăm đồng Kahàpana và đi buôn bán theo một đoàn lữ hành.
Chẳng bao lâu vị ấy trở lại kinh thành và kiếm thêm năm trăm đồng nữa. Sau đó vị ấy đi về nhà nhưng liền bị bọn cướp tấn công. Các thương nhân chạy trốn đây đó, còn gia chủ này ném các đồng tiền vào bụi cây rồi ẩn mình.
Tuy nhiên bọn đạo tặc kia tìm ra vị ấy và giết đi. Do lòng tham luyến của cải, vị ấy tái sanh làm một ngạ quỷ ngay tại chỗ kia.
Cô con gái nhớ đến người cha quá cố liền cúng cháo gạo trong một cái bình bằng đồng và một số trái xoài dâng đức Thế Tôn, thỉnh cầu Ngài nhận lễ vật như thể do cha nàng cúng vậy. Từ đó ngạ quỷ kia hưởng thọ một lâu đài mỹ lệ.
Về sau, đám thương nhân ấy lại du hành và dừng chân ban đêm ngay đúng chỗ kia, trông thấy vị quỷ thần liền hỏi:
Quỷ thần:
Sau đó vị quỷ thần đưa cho họ năm trăm đồng tiền Kahàpana ấy và bảo:
– Hãy lấy một nửa số tiền đây và sau khi giải thích phần tiền kiếm được này của tôi, hãy giao nó cho con gái tôi rồi dặn: ‘Hãy sống cho đầy đủ sung sướng’.
Ðúng thời, đám thương nhân trở lại Sàvatthi, kể chuyện này với cô gái ấy, rồi đặt vào tay nàng đầy đủ số tiền mà cha nàng đã cho nàng. Nàng bèn đưa số tiền ấy giao cha nuôi. Nhưng ông trả lại hết cho nàng và bảo:
– Số tiền này không thuộc về ai cả trừ con.
Rồi ông cưới nàng về làm vợ người con trai trưởng của ông. Theo thời gian, nàng sinh được một trai và nàng thường hát ru con với bài ca này:
Rồi một hôm, bậc Ðạo Sư nhận xét nàng đã thuần thục trong tri thức, liền phóng một hình ảnh đầy đủ hào quang ngay trước mặt nàng và xuất hiện toàn thân.
Vào dịp này, Ngài ngâm vần kệ:
13. (48) Chuyện Trục Xe và Cây Gỗ (Akkharukkha)
Trong khi bậc Ðạo Sư đang trú tại Sàvatthi, một đệ tử tại gia chất đầy hàng hóa lên xe và đi Videha (Vi-đề-ha) để buôn bán.
Khi đã đặt hàng xuống đó, vị ấy chất đầy đoàn xe số hàng hóa mới đem về và lên đường trở lại Sàvatthi.
Trong khi đang đi giữa rừng, cái trục của một chiếc xe bị gãy. Bấy giờ có một người đang muốn tìm cây gỗ, liền đem rìu lớn, rìu nhỏ đi ra khỏi làng. Khi đang đi quanh trong rừng, kẻ ấy đến nơi kia và thấy vị đệ tử tại gia đang buồn khổ vì trục xe bị gãy. Y thấy thương xót người này, liền đi đẵn cây xuống, và sau khi làm xong một trục xe vững chắc, y ráp cái trục vào xe ấy mà không lấy từ kẻ kia tiền phí tổn gì cả.
Nhưng về sau, y từ trần và tái sanh ngay chỗ này trong khi rừng làm một địa thần.
Khi suy xét hạnh nghiệp của mình, vị địa thần đến nhà người đệ tử tại gia ấy vào ban đêm, đứng ngay cửa lớn và ngâm kệ này:
Vật gì mà kẻ ấy đem cho,
Không chỉ trở thành như vật xưa,
Vậy hãy cứ phân chia tặng vật,
Nhờ đem cho, kẻ ấy đi qua
Cả hai thế giới, và do đó
Kẻ ấy đi lên. Hãy tiến tu!
Khi trở lại Sàvatthi,vị thương nhân trình chuyện này lên bậc Ðạo Sư.
Trong lúc đức Thế Tôn đang trú tại Trúc Lâm, bốn nữ nhân tại Vương Xá dùng nhiều phương tiện gian dối buôn bán sữa lạc, mật ong, dầu mè, ngũ cốc và nhiều thực phẩm khác.
Suốt đời họ chỉ lo thu góp của cải một cách ngu si, và vì vậy sau khi chết, họ tái sanh làm bầy nữ ngạ quỷ trong ống cống ngoại thành.
Ban đêm bầy ngạ quỷ chịu mọi thống khổ ngập tràn, thường đi quanh quẩn vừa thét lên những tiếng khủng khiếp vang dậy, vừa than khóc:
Khi dân chúng nghe chuyện này, họ vô cùng kinh hoảng và sáng hôm sau liền đem nhiều lễ vật cúng dường đến hầu cận đức Thế Tôn rồi trình lên Ngài những tiếng hét kia. Ngài lại ngâm vần kệ của bầy ngạ quỷ và kể chuyện chúng đã sống đời trước ra sao.
Bấy giờ đức Thế Tôn đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên) ở Sàvatthi (Xá-vệ).
Thời ấy, một hôm Ðại vương Pasenadi (Ba-tư-nặc) của nước Kosala (Kiều-tát-la) phục sức lộng lẫy ngự trên mình voi với vẻ oai nghi đầy quyền lực. Nhà vua thấy trên thượng lầu của một nhà kia có một nữ nhân đang nhìn xuống, trông diễm lệ như một Thiên nữ.
Lòng nhà vua đâm ra mê mẩn vì trí nhà vua vốn buông lung khó kiềm chế được. Vì thế nhà vua ra hiệu cho một người ngồi kế sau mình. Và mọi việc được thực hiện giống như trong Chuyện Ngạ Quỷ Ambasakkhara, nhưng có điểm khác biệt này.
Ở đây, người đàn ông ấy thực ra đã đến nơi trước khi hoàng hôn, nhưng cổng thành đã đóng. Vì thế, y buộc vào cột trụ của cổng thành gói đất đỏ và bó sen xanh mà y đã mang về và đi vào Kỳ Viên.
Bấy giờ trong lúc đang an giấc, giữa canh khuya, nhà vua nghe bốn vần này: ‘Sa, na, du và so’ được thét vang một cách đau đớn.
Tương truyền đây là bốn vần đầu của bốn câu kệ do bốn con trai một vị triệu phú thành Xá-vệ thốt ra. Vào thời hoa niên họ đã tham đắm dục lạc và đi với vợ nhiều người khác, tạo nên điều thất đức. Khi từ trần, họ tái sanh vào Ðịa ngục Chảo sắt gần kinh thành ấy.
Nhà vua vô cùng kinh hãi, và rạng ngày hôm sau liền kể cho vị tế sư nghe sự việc đã xảy ra. Vị ấy đang mong kiếm một số lợi nhuận, bèn thưa:
– Tâu Ðại vương, than ôi, một đại họa xảy ra. Xin Ðại vương cử hành tế lễ đầy đủ bốn phần.
Nhà vua truyền lệnh thi hành việc này.
Khi hoàng hậu Mallikà (Mạt-lợi) nghe chuyện, liền thưa với nhà vua:
– Tâu Ðại vương, tại sao vì nghe lời của một Bà-la-môn, Ðại vương lại muốn làm một việc gây tổn thương và sát hại nhiều sanh vật như vậy? Nay Ðại vương nên tham kiến đức Thế Tôn là bậc Minh Hạnh vô song và khi Ngài giải thích ra sao thì Ðại vương phải làm theo như vậy.
Sau đó vị Ðại vương đến tham kiến bậc Ðạo Sư và trình Ngài sự việc trên. Ðức Thế Tôn bảo:
– Thưa Ðại vương, Ðại vương sẽ không gặp nguy hiểm nào vì việc ấy cả.
Rồi Ngài kể chuyện ngay từ đầu về tiếng thét của những người tái sanh vào địa ngục Lohakumbhi (Chảo sắt). Sau đó Ngài đọc cho nhà vua nghe đầy đủ các vần kệ mà chúng đã bắt đầu thốt ra:
1-2. Với người trong ngục bị hành thân
Suốt cả thời gian sáu vạn năm,
Việc ấy khi nào thì chấm dứt?
– Sẽ không chấm dứt. Chẳng sau cùng.
Bao giờ chấm dứt? – Không nhìn thấy,
Quả bạn và ta phạm lỗi lầm.
Khi bậc Ðạo Sư ngâm các vần kệ xong, Ngài thuyết pháp đầy đủ chi tiết. Lúc kết thúc bài giảng, người đàn ông đã đi tìm đất đỏ và hoa sen ấy được an trú vào Sơ quả Dự Lưu. Còn nhà vua, lòng đầy xúc động, liền bỏ tham đắm vợ người khác và hài lòng với vợ của mình.
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Trúc Lâm.
Ngày xưa trong thành Ba-la-nại, có một người què giỏi nghề ném đá. Chuyện này là Chuyện Tiền Thân Sàlittaka số 107, phần chính được kể qua các vần kệ.
Thế rồi một hôm Tôn giả Mahà-Moggallàna đang đi xuống từ núi Linh Thứu, Tôn giả nhìn thấy ngạ quỷ này và hỏi:
Ngạ quỷ đáp:
Trưởng lão hỏi tiếp:
Ngạ quỷ:
Khi nghe vầy, vị Trưởng lão giải thích:
Người đã là một vị Đạo sư vĩ đại trong việc hướng dẫn con hướng đến con đường Phật pháp.
Kinh Tiểu Bộ – Khuddaka Nikàya
Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt
-ooOoo-
Mục Lục
Phẩm I : Lâu Ðài Nữ Giới |
1. Lâu Ðài Có Sàng Toạ (Pìtha – Vimàna). |
Phẩm II – Cittalatà |
1. (18) Lâu Ðài Của Nữ Tỳ (Dàsi -Vimàna) |
Phẩm III – Pàricchattaka |
1. (29) Lâu Ðài Huy Hoàng (Ulàra -Vimàna) |
Phẩm IV – Ðỏ Sẫm |
1. (39) Lâu Ðài Ðỏ Sẫm (Manjetthaka -Vimàna) |
Phẩm V – Ðại Xa |
1. (51) Lâu Ðài Tiên Nhái (Mandukadevaputta -Vimàna) |
Phẩm VI – Pàyasi |
1. (65) Lâu Ðài Gia Chủ (Agàriya -Vimàna) |
Phẩm VII – Sunikkhitta |
1. (75) Lâu Ðài Cittalatà (Cittalatà -Vimàna) |
***
Gs. Trần Phương Lan
Chuyện Thiên cung (Vimanavatthu) gồm bảy chương, trong đó có 4 chương miêu tả các lâu đài trên Thiên giới dành cho các nữ nhân và 3 chương dành cho nam nhân. Tất cả các vị này đều đã sống đời đạo hạnh, hành trì Ngũ giới và Bát quan trai giới cùng các việc thiện khác, tùy theo phương tiện khả năng của mình.
Tất cả các chuyện này đã do Tôn giả Maha Moggallana (Ðại Mục-kiền-liên) tường trình lên Ðức Phật sau khi Tôn giả nhập định và nhờ thần lực đi lên cõi Thiên để gặp chư Thiên và hỏi chuyện. Về sau Ðức Phật dùng các đề tài này để thuyết pháp.
Ở tập kinh này, chúng ta được dịp thưởng thức các vần thi kệ miêu tả đầy đủ mọi chi tiết về các kỳ quan trên thiên giới mà ta chưa từng gặp trong các tập kinh trước đây của 5 bộ Nikàya. Các vần kệ đầy thi vị hòa lẫn đạo vị ấy nói lên tính cách phong phú trữ tình của văn học Pàli được chư Tỷ kheo sáng tác với mục đích khuyến giáo sự tu tập của giới Phật tử tại gia.
Phẩm I – Lâu đài nữ giới
Ðảnh Lễ Ðức Thế Tôn, Bậc A-La-Hán, Chánh Ðẳng Giác
1- Chuyện thứ nhất – Lâu Ðài Có Sàng Tọa (Pìtha-Vimàna)
Một thời đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi (Xá-vệ), ở Jetavana (Kỳ Viên) trong tinh xá ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc). Sau khi vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), nước Kosala (Kiều-tát-la), đã cúng dường suốt bảy ngày lễ vật vô thượng lên Tăng chúng với đức Phật là thượng thủ và nhà đại phú Anàthapindika đã cúng dường suốt ba ngày để phù hợp với lễ vật của nhà vua, và đại đệ tử nữ cư sĩ Visàkhà (Tỳ-xá-khư) đã cúng dường đại lễ vật như thế, tin đồn về sự cúng dường vô thượng được truyền đi khắp cõi Jambudìpa (Diêm-phù-đề): ‘Phải chăng bố thí cúng dường chỉ đặc biệt phát sinh kết quả lớn khi đó là sự bố thí hào phóng với lễ vật cao sang như vậy, hay đúng hơn, đó là sự bố thí cúng dường tùy theo phương tiện của mình?’.
Khi Tăng chúng nghe lời bình luận này, chư vị trình lên đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn bảo:
– ‘Không phải chỉ do hiệu lực của tặng vật mà việc bố thí cúng dường đặc biệt phát sinh kết quả lớn, song đúng hơn, do hiệu lực của tín tâm và phước điền của những người nhận được vật cúng dường. Vì vậy, dù chỉ nhỏ bằng một nắm thóc hay một tấm giẻ, một tọa cụ bằng cỏ lá hay một hạt đậu trong nước tiểu hôi thối của trâu bò, được cúng dường với lòng thành cho một người xứng đáng nhận lễ vật cũng sẽ có đại kết quả, đại vinh quang và thấm nhuần khắp nơi’.
Thiên chủ Sakkha (Ðế Thích) đã nói như vầy:
‘Nếu có tín tâm, thì không một vật cúng dường nào có thể nói là không quan trọng.
Khi nó được dâng lên đức Như Lai, Chánh Ðẳng Giác hay vị đệ tử của Ngài’.
Bấy giờ, chuyện này được phổ biến rộng khắp cõi Diêm-phù-đề.
Quần chúng tùy theo phương tiện của họ bố thí, cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, du sĩ lữ hành và hạng người cùng khổ; họ cung cấp nước uống trong sân nhà hoặc để ghế ngồi ở cổng ra vào.
Thời ấy có một Tỷ-kheo đầy đủ hảo tướng oai nghi, đến khất thực đúng thời trước một nhà kia. Tại đó, vị thiện gia tín nữ chào đón vị ấy, cung kính đảnh lễ và trải một tấm vải vàng được ủi thẳng trên sàng tọa của bà rồi đem lại dâng vị ấy.
Bà cúng dường món ăn mà bà có thể sắm được và quạt hầu vị ấy. Vốn tâm tín thành, bà suy nghĩ: ‘Nay vừa phát sinh một phước điền vô thượng dành cho ta’.
Khi vị Tỷ-kheo đã thọ thực xong, vị ấy thuyết pháp về sự cúng dường sàng tọa và thực phẩm v.v… rồi ra đi. Khi bà ấy nghĩ về việc bố thí của bà và bài pháp thoại, tâm bà lập tức rung động với niềm hoan lạc và bà cúng dường vị Tỷ-kheo cả chiếc sàng tọa ấy nữa.
Ít lâu sau, bà mắc bệnh từ trần và được tái sinh vào cõi trời Ba mươi ba trong một lâu đài bằng vàng dài mười hai do-tuần (dặm). Bà có một đoàn tùy tùng hầu cận gồm một ngàn tiên nữ. Vì trước kia bà cúng dường sàng tọa, nên tại đấy xuất hiện cho bà một chiếc sàng tọa bằng vàng dài một do-tuần, du hành thật nhanh qua bầu trời, giống như một ngôi nhà có nóc nhọn. Vì thế nó được gọi là Lâu đài có sàng tọa. Vì chiếc sàng tọa được cúng dường trước kia có phủ tấm vải màu vàng lên, nên lâu đài này bằng vàng, chứng tỏ sự tương tự giữa nghiệp và quả. Vì sàng tọa đã được cúng dường với tâm hoan hỷ mãnh liệt, nên Lâu đài di chuyển rất nhanh. Vì lễ vật ấy được cúng dường với sự thích thú của người xứng đáng nhận nó, nên lâu đài có thể di chuyển tùy theo sở thích của bà. Vì hiệu quả tín tâm hoan hỷ của nữ nhân kia, nên lâu đài rực rỡ và sáng chói.
Bấy giờ vào một ngày lễ hội, chư Thiên đều đi được, mỗi vị tùy theo phương tiện do uy lực của mình đến Hỷ lạc Viên Nandana để vui chơi trong ngự uyển, vị Thiên nữ kia phục sức thiên y và điểm trang thiên bảo, khởi hành trong lâu đài có sàng tọa đầy oai nghi với cả ngàn thị nữ hộ tống.
Lúc ấy, Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên cõi thiên, vừa đến cảnh giới trời Ba mươi ba và xuất hiện gần chỗ Thiên nữ này. Khi thấy Tôn giả, vị Thiên nữ vô cùng hoan hỷ, cung kính bước xuống khỏi sàng tọa tiến đến gần vị Trưởng lão, cúi mình đảnh lễ với năm phần thân thể sát đất, rồi đứng lên bày tỏ sự tôn trọng với đôi tay chấp lại, mười đầu ngón sát vào nhau.
Mặc dầu vị Trưởng lão này nhờ thần lực đa diện của trí tuệ, đã tự mình thấy rõ như thể ngắm quả Myrobalan trong lòng bàn tay, các thiện nghiệp và ác nghiệp do Thiên nữ này cũng như các vị khác đã tạo ra, nhờ khả năng tri kiến của Tôn giả về nghiệp quả tương ứng, tuy nhiên, vì ngay khi vừa tái sanh cõi trời, các Thiên nữ liền hỏi: – ‘Tiểu nữ đã từ trần tại đâu và được tái sanh vào thế giới này?’ – ‘Tiểu nữ đã làm thiện nghiệp gì để được phước phần này?’, và theo lệ thường, chư vị ấy đều đi đến kết luận đúng đắn, do đó, vị Trưởng lão muốn làm sáng tỏ nghiệp quả cho thế giới chư Thiên, bèn bảo Thiên nữ này kể lại hạnh nghiệp vị ấy đã làm, rồi ngâm các vần kệ sau:
2 - Chuyện thứ hai – Lâu Ðài Có Sàng Tọa Thứ Hai (Dutiyapìthà-Vimàna)
Phần giải thích và bình luận chuyện này phải được hiểu tương ứng với những gì đã nói trong chuyện thứ nhất. Song có điểm dị biệt là:
Chuyện kể rằng một nữ nhân sống ở Sàvatthi thấy một Tỷ-kheo đến nhà bà khất thực; với tâm tín thành, khi muốn cúng dường vị ấy một tọa sàng, bà trải một tấm vải xanh trên tọa sàng của bà tặng vị ấy. Vì thế, khi bà tái sanh lên thiên giới, tại đó xuất hiện cho bà một sàng tọa làm bằng ngọc bích. Do vậy, có các vần kệ:
3- Chuyện thứ ba – Lâu Ðài Có Sàng Tọa Thứ Ba (Tatiyapìtha-Vimàna)
Tại Ràjagaha (Vương Xá) (như chuyện số 1), vị nữ nhân phát nguyện lúc dâng cúng sàng tọa của bà: ‘Ước mong hạnh nghiệp này sẽ làm nhân duyên cho ta được một sàng tọa bằng vàng trong kiếp sau’.
Do đó, có truyền thuyết như vầy:
4- Chuyện thứ tư – Lâu Ðài Có Sàng Tọa Thứ Tư (Catutthapìtha-Vimàna)
Hoàn cảnh chuyện này cũng ở Ràjagaha. Chuyện phải được hiểu như đã được tả ở Lâu đài thứ hai vì nữ nhân tặng sàng tọa sau khi trải tấm vải xanh lên đó, nên đời sau một Lâu đài bằng ngọc bích cũng xuất hiện cho bà. Phần còn lại cũng giống như chuyện đã được kể về Lâu đài thứ nhất. Do đó có truyền thuyết:
5- Chuyện thứ năm – Lâu Ðài Con Voi (Kunjara-Vima ana)
Ðức Thế Tôn lúc ấy đang trú tại Ràjagaha ở chỗ nuôi sóc trong Veluvana (Trúc Lâm). Bất ngờ một hôm có lễ hội được công bố khắp thành Ràjagaha. Mọi người đều phục sức thật đẹp và đi dự lễ hội.
Bấy giờ Ðại vương Bimbisàra thể theo nguyện vọng của thần dân, ngự ra khỏi cung và đi dự lễ quanh kinh thành trong cảnh vô cùng uy nghi rực rỡ. Thời ấy một thiện nữ nhân trú tại Ràjagaha thấy cảnh huy hoàng của nhà vua, lòng đầy kinh ngạc thích thú, bèn hỏi những người có tiếng thông thái:
– Nhờ phước nghiệp gì ta tạo được cảnh vinh quang như thiên giới này?
Họ bảo nàng:
– Này bạn, một thiện nghiệp cũng như viên ngọc quý làm thỏa nguyện, hay cây thần ban điều ước này.
Khi nghe thế, nàng tự nhủ: ‘Ta thấy kết quả trên thiên giới còn vĩ đại hơn phần thưởng kia (do việc bố thí cúng dường)’. Từ đấy nàng trở nên nhiệt tâm thực hành các công đức thiện nghiệp.
Bấy giờ, cha mẹ gửi cho nàng một bộ y phục mới, một sàng tọa mới, một bó hoa sen, sữa lạc, mật ong, đường và gạo. Khi thấy các thứ này, nàng tự bảo: ‘Ta muốn bố thí, và bây giờ các lễ vật xứng đáng bố thí cúng dường đã có trong tay ta’. Và với lòng hoan hỷ, nàng chuẩn bị lễ vật, nhà cửa và bản thân vào ngày hôm sau.
Thời ấy Tôn giả Sàriputta đi khất thực trong thành Ràjagaha, vào đường phố với oai nghi của một người đang đặt xuống chiếc túi đựng một ngàn đồng tiền.
Người nữ tỳ của nàng thấy vị Trưởng lão liền thưa:
– Bạch Tôn giả, xin đưa bình bát cho tiện nữ.
Và nàng nói thêm:
– Xin Tôn giả đi lối này để làm đặc ân cho một tín nữ.
Tôn giả trao nàng chiếc bình bát. Nàng dẫn Tôn giả đến nhà. Lúc ấy nữ nhân kia chào đón và phục vụ Tôn giả. Trong lúc nàng thiết đãi ngài, nàng phát nguyện: ‘Do uy lực của phước nghiệp này, ước mong ta sẽ được mọi cảnh vinh quang trên thiên giới, đầy đủ các thiên tượng, trùng các và sàng tọa, và ước mong không lúc nào thiếu hoa sen’.
Kế đó, khi vị Trưởng lão đã thọ thực xong, nàng rửa bình bát và đổ đầy lạc, mật ong, đường, cùng các thứ khác, lại lấy một xấp vải trải lên sàng tọa và trao tận tay vị Trưởng lão.
Sau khi vị Trưởng lão đã giã từ, nàng ra lệnh cho hai gia nhân:
– Hãy đem sàng tọa này và bình bát đến tinh xá, cúng dường Trưởng lão ấy rồi trở về.
Họ tuân lệnh. Về sau, nàng từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng cao một trăm do-tuần và có một đoàn tùy tùng hộ tống, gồm một ngàn tiên nữ.
Do ước nguyện của nàng, một con voi quý cao năm do-tuần xuất hiện cho nàng, được quấn quanh mình với các vòng hoa sen và trang điểm cân đai toàn vàng.
Bấy giờ vào một ngày lễ hội, chư Thiên đều đi dự, mỗi vị tùy theo uy lực của mình đến Hỷ Lạc Viên Nandana để vui chơi trong ngự uyển.
(Từ đây về sau câu chuyện cũng giống như phần sớ giải Lâu đài thứ nhất). Như vậy chuyện này phải được hiểu như trong chuyện ấy, song ở đây, Tôn giả Moggallàna ngâm các vần kệ sau:
6- Chuyện thứ sáu – Lâu Ðài Có Chiếc Thuyền (Nàvà-Vimàna)
Trong lúc đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi (Xá-vệ), mười sáu Tỷ-kheo đã an cư mùa mưa trong một ngôi làng, khởi hành đến Sàvatthi vào mùa nắng, bảo nhau: ‘Chúng ta sẽ đến yết kiến đức Thế Tôn và nghe Pháp’.
Trên đường đi, có một sa mạc không có nước, vì chư vị bị sức nóng bức bách và không tìm ra nước, chư vị liền đến vùng lân cận một ngôi làng. Tại đó, một nữ nhân cầm bình nước đang đi tới giếng.
Bấy giờ chư Tăng thấy nàng bèn bảo:
– Nếu ta đi đến nơi mà nàng đang đi, thì chúng ta có thể xin nước.
Chư vị đi theo nàng, thấy cái giếng, bèn dừng lại bên nàng. Nàng kéo nước từ giếng lên và thấy chư vị, nàng tự nhủ: ‘Những bậc chân chánh này đang khát nước’, rồi cung kính mời chư vị uống nước. Chư vị lấy cái lọc nước từ túi xách ra, lọc nước và uống thật nhiều nước như ý muốn, tẩm mát tay chân, nói lời chúc lành với nữ nhân vì đã tặng nước cho chư vị, rồi ra đi. Nàng ghi nhớ công đức ấy trong lòng và thỉnh thoảng nàng lại nghĩ đến việc ấy.
Về sau nàng từ trần và tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Do uy lực công đức của nàng, tại chỗ ấy đã xuất hiện cho nàng một Lâu đài vĩ đại, được làm tăng vẻ mỹ lệ bằng một cây thần ban điều ước. Chung quanh cây là một dòng suối chảy với nước trong như khối ngọc và đôi bờ cát trắng trải dài lấp lánh như những chuỗi ngọc trai và dải bạc.
Ở hai bên bờ và ngay cổng đi vào lạc viên của Lâu đài là một hồ sen lớn, được tô điểm với các chùm sen ngũ sắc và một chiếc thuyền bằng vàng.
Thiên nữ ấy an trú tại đó, hưởng thiên lạc, vui chơi nhàn nhã trong chiếc thuyền kia. Rồi một hôm, Tôn giả Mahà-Moggallàna trong lúc du hành đến cõi trời, thấy nàng Thiên nữ đang vui chơi như vậy, bèn hỏi:
7- Chuyện thứ bảy – Lâu Ðài Có Chiếc Thuyền Thứ Hai (Dutiyanàvà Vimàna)
Trong lúc đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, có một Tỷ-kheo đã đoạn tận lậu hoặc, vào đầu mùa mưa, muốn khởi sự an cư trong một làng xóm, nên vị ấy khởi hành sau buổi ngọ trai, lên đường đi từ Sàvatthi đến làng ấy.
Khi mệt mỏi vì khát nước và đường xa, vị ấy ghé đến một làng nọ. Thấy không nơi nào có bóng cây và nước uống trong vùng lân cận, lại bị cơn mệt nhọc trấn áp, vị ấy đắp thượng y đi vào làng, dừng chân ở cửa nhà thôn trưởng. Tại đó, có một nữ nhân thấy vị này bèn hỏi:
– Tôn giả từ đâu đến?
Và khi thấy vị ấy mỏi mệt, khát nước, bà mời vị ấy vào nhà và ngồi trên sàng tọa. Bà lại đưa nước rửa chân, dầu để xoa chân và quạt hầu vị ấy.
Khi cơn nóng đã dịu, bà dọn nước ngọt, thơm mát mời vị ấy. Vị Trưởng lão uống nước xong, cơn khát lắng xuống, vị ấy cám ơn bà và ra đi. Về sau bà từ trần, được tái sinh vào cõi trời Ba mươi ba. Mọi việc cần được hiểu như ở chuyện Lâu đài trước. Các vần kệ cũng giống như vậy.
8- Chuyện thứ tám – Lâu Ðài Có Chiếc Thuyền Thứ Ba (Tatiyanàvà-Vimàna )
Trong lúc đức Thế Tôn du hành quanh thị trấn với hội chúng Tỷ-kheo đông đảo, Ngài đến một ngôi làng Bà-la-môn tên là Thùna ở quốc độ Kosala. Các gia chủ Bà-la-môn ở Thùna nghe tin: ‘Người ta nói rằng Sa-môn Gotama đã đến tại cánh đồng làng ta’.
Bây giờ các gia chủ Bà-la-môn là ngoại đạo có tà kiến, bản tính keo kiệt, bảo nhau:
– Nếu Sa-môn Gotama vào làng này và ở lại độ hai ba ngày, vị ấy sẽ an trú tất cả dân làng này vào Giáo pháp của vị ấy. Khi ấy giáo lý Bà-la-môn sẽ không có nơi nương tựa.
Và cố ngăn cản đức Thế Tôn dừng chân tại đấy, họ đưa thuyền bè ra khỏi bến đậu và làm cho cầu cống trở thành vô dụng. Họ lấp kín các giếng nước trừ một giếng cũ đầy cỏ rác và che giấu các mạch nước, nhà nghỉ và lầu trọ. Chuyện được kể trong Kinh Udàna (Cảm Hứng Ngữ) như vậy ở phẩm VII, 9.
Ðức Thế Tôn biết được ác nghiệp của họ và sinh lòng thương xót họ, bèn du hành giữa không gian cùng chư Tỷ-kheo vượt qua sông, rồi tiếp tục đi đến làng Bà-la-môn Thùna. Ngài rời đường cái và ngồi xuống một gốc cây.
Vào lúc ấy, một số nữ nhân đi ngang và xách nước gần đức Thế Tôn, trong lòng đã có sự giao ước: ‘Nếu Sa-môn Gotama đến đây, không được ai tiếp đón vị ấy, và khi vị ấy đến nhà nào thì không ai được đem thực phẩm cho vị ấy hoặc đệ tử của vị ấy cả’.
Rồi một nữ tỳ của một gia chủ Bà-la-môn đi đến với một ghè nước, thấy đức Thế Tôn được một hội chúng Tỷ-kheo vây quanh, nhận ra rằng chư vị đều khát nước và mệt mỏi; với lòng đầy tín thành, nàng muốn đem nước cúng dường chư vị. Nàng tự nhủ: ‘Cho dù dân chúng làng này đã quyết định không được cho Sa-môn Gotama thứ gì cả, thậm chí cũng không được đảnh lễ cung kính, tuy nhiên, nếu khi ta đã tìm ra các phước điền vô thượng, xứng đáng được cúng dường này, ta lại không làm nơi nương tựa cho ta bằng cách chỉ đem nước cúng dường mà thôi, thì biết bao giờ ta mới được giải thoát khỏi cuộc sống đau khổ trong đời sau? Ta hãy vui lòng để chủ ta và mọi người trong làng này đập ta, trói ta, ta vẫn quyết cúng dường nước cho phước điền như thế’.
Khi nàng đã quyết tâm như vậy, mặc dù các nữ nhân khác đang xách nước cố ngăn cản nàng, nàng vẫn không quan tâm đến tính mạng mình, nhấc ghè nước trên đầu xuống, đặt sang một bên, đến gần đức Thế Tôn với lòng đầy hân hoan, hạnh phúc, nàng đảnh lễ với năm phần thân thể sát đất, và dâng nước lên Ngài.
Ðức Thế Tôn nhận ra tín tâm của nàng, và để ban đặc ân cho nàng. Ngài rửa tay chân và uống nước mát. Nước trong bình không giảm xuống. Cô gái thấy vậy càng tăng tín tâm, đem nước đến lần lượt cho mỗi vị Tỷ-kheo, rồi cho tất cả chư vị. Nước cũng vẫn không giảm bớt. Lòng đầy hân hoan phấn khởi, với bình nước vẫn đầy như bao giờ, nàng trở về nhà.
Gia chủ Bà-la-môn của nàng nghe tin nàng đem cho nước uống. ‘Nó đã phá luật lệ của làng này và ta sẽ bị chê cười’, ông bảo. Lòng nổi cơn giận bừng bừng sôi sục, ông ném nàng xuống đất đấm đá túi bụi. Vì bị trận đòn tàn nhẫn ấy, nàng qua đời, được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba và một Lâu đài xuất hiện cho nàng như được tả trong chuyện Lâu đài có chiếc thuyền thứ nhất.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, hãy đem nước giếng cho Ta.
Vị Trưởng lão đáp:
– Bạch Thế Tôn, giếng ở đây đã bị dân chúng Thùna làm ô nhiễm. Con không thể lấy nước được.
Nhưng đức Thế Tôn ra lệnh cho vị này lần thứ hai, lần thứ ba, vị Trưởng lão cầm bình bát của đức Thế Tôn và đi về phía giếng. Khi vị ấy đến, nước giếng đã dâng đầy lên cao, tràn khỏi miệng, và chảy ra mọi phía.
Mọi thứ rác rến trồi lên mặt nước và chảy đi sạch. Vì nước dâng lên, các mạch nước khác cũng tràn đầy, nên làng này bị nước vây quanh, và vùng đất quanh làng bị chìm ngập. Các Bà-la-môn thấy việc hi hữu, lòng đầy kinh ngạc lẫn kỳ thú, họ đến xin đức Thế Tôn tha lỗi. Lập tức nước lụt biến mất dần.
Dân chúng liền cung cấp chỗ ở lên đức Thế Tôn và chư Tăng, thỉnh cầu chư vị ngày mai và ngày kế tiếp đi đến thọ trai. Sau khi đã chuẩn bị đại lễ cúng dường, họ dâng cao lương mỹ vị đủ loại cứng và mềm lên chư Tăng với đức Phật là vị thượng thủ.
Khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong, và cất tay ra khỏi bình bát, toàn thể dân chúng Thùna đều ngồi đảnh lễ cung kính quanh Ngài.
Ngay lúc ấy, Vị Thiên nữ quán sát thành tựu của nàng và nhận ra nguyên nhân chính là việc nàng cúng dường nước uống. Lòng đầy hoan hỷ, nàng nói:
– Tốt lắm, nay ta muốn đảnh lễ đức Thế Tôn, ta muốn tuyên bố cho thế giới loài Người biết thành quả to lớn của các thiện nghiệp, thậm chí rất nhỏ nhặt, được thực hành cho những người theo đúng chánh đạo.
Với nhiệt tâm tràn trề, cùng đoàn tùy tùng một ngàn tiên nữ hộ tống trong lạc viên của nàng có cả tòa Lâu đài kia, nàng xuất hiện với đại oai thần của Thiên giới trước sự chứng kiến của toàn thể dân chúng.
Nàng bước xuống khỏi Lâu đài, đến gần đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và đứng trong dáng điệu cung kính. Sau đó đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ kết quả công đức của nàng cho đám quần chúng trước mặt Ngài, bèn hỏi nàng qua các vần kệ:
Sau đó đức Thế Tôn thuyết pháp và giảng Bốn Thánh Ðế. Khi pháp thoại chấm dứt, vị Thiên nữ được an trú vào sơ quả Dự Lưu.
9- Chuyện thứ chín – Lâu Ðài Có Ngọn Ðèn (Dìpa-Vimàna)
Trong lúc đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, vào ngày Bố-tát (trai giới) nhiều thiện nam tín nữ cư sĩ tuân thủ ngày này, thực hành sự bố thí buổi sáng trước giờ ngọ, mỗi người tùy theo phương tiện của mình, thọ thực trước giờ quy định và y phục chỉnh tề với áo khoác ngoài sạch sẽ, cầm vòng hoa, hương liệu đi đến tinh xá vào buổi chiều, hầu cận chư Tỷ-kheo làm phát khởi tín tâm và nghe pháp buổi chiều tối.
Trong lúc chư vị vẫn còn nghe pháp và muốn ở lại qua đêm trong tinh xá, thì trời tối dần. Lúc ấy một nữ nhân suy nghĩ: ‘Mọi người cần có đèn ở đây’, và bà đem đèn cùng các vật để thắp đèn từ nhà đến, thắp đèn lên, đặt trước pháp tòa và nghe pháp. Hài lòng vì đã cúng dường đèn, bà tràn ngập niềm hân hoan, hạnh phúc và ra về sau khi cung kính đảnh lễ chư Tăng.
Về sau bà từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng ngọc báu rực rỡ. Song vì hào quang của thân thể Thiên nữ này quá vĩ đại, nàng sáng chói hơn các Thiên nữ khác và tỏa ánh sáng khắp mười phương.
Bấy giờ, một hôm Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên Thiên giới (như các truyện trước) nhưng ở đây, Tôn giả đặt câu hỏi bắt đầu bằng ba vần kệ:
10- Chuyện thứ mười – Lâu Ðài Do Cúng Mè (Tiladakkhina-Vimàna)
Bấy giờ đức Thế Tôn đang trú ở Sàvatthi, tại Kỳ Viên, trong tinh xá ông Cấp Cô Ðộc. Thời ấy tại Ràjagaha có một nữ nhân đang mang thai, rửa sạch mè và phơi khô vì bà muốn uống một ít dầu mè.
Thọ mạng của bà sắp chấm dứt, và bà có số phận phải chết ngay hôm ấy với các hạnh nghiệp chồng chất đưa đến tái sanh vào địa ngục.
Bấy giờ, đức Thế Tôn, trong khi quán sát thế gian vào lúc rạng đông, với Thiên nhãn Ngài thấy bà và suy nghĩ: ‘Nữ nhân này sắp chết hôm nay có thể tái sanh vào địa ngục. Vậy bây giờ Ta hãy làm cho bà ấy tái sanh thiên giới bằng cách nhận mè do bà ấy bố thí’.
Chỉ trong chốc lát, Ngài đi từ Sàvatthi đến Ràjagaha, và trong khi Ngài đi khất thực ngang qua thành Ràjagaha, Ngài đến cửa nhà bà. Nữ nhân ấy thấy đức Thế Tôn, lòng tràn ngập hân hoan hạnh phúc, vội đứng lên chắp hai tay, và thấy không có gì khác xứng đáng để cúng dường, bà rửa tay chân và lùa mè lại thành một đống, bà bụm cả hai tay lại, bốc đầy mè và đặt nắm mè vào bình bát đức Thế Tôn. Do lòng từ mẫn đối với bà, đức Thế Tôn bảo: ‘Mong con được an lạc’, rồi tiếp tục lên đường.
Ðêm ấy, lúc gần rạng đông, bà kia từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng rộng mười hai do-tuần.
Tôn giả Mahà-Moggallàna, trong lúc du hành lên cõi trời (như được tả trên đây), gặp bà và hỏi:
11- Chuyện thứ mười một – Lâu Ðài Trinh Phụ (Patibbatà-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi. Trong thành ấy có một trinh phụ. Nàng sống hòa hợp với chồng, nhẫn nại và thông minh. Nàng không la mắng ai, dù khi hờn giận, nàng nói năng dịu dàng, chân thật, đầy tín tâm và cúng dường bố thí tùy theo phương tiện của nàng.
Khi lâm trọng bệnh, nàng từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Phần còn lại cũng giống như chuyện đã được kể:
12- Chuyện thứ mười hai – Lâu Ðài Trinh Phụ Thứ Hai (Dutiyapatibbatà-Vimàna)
Tại Sàvatthi, tương truyền có một nữ đệ tử tại gia là một trinh phụ, mộ đạo, đầy tín tâm. Bà giữ Ngũ giới, bố thí tùy theo phương tiện và khi từ trần, bà được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Phần còn lại như đã được tả ở trên:
13- Chuyện thứ mười ba – Lâu Ðài Của Nàng Dâu (Sunisà-Vimàna)
Tại Sàvatthi, trong ngôi nhà kia, có một nàng dâu vốn là một thiện gia tín nữ, thấy một Trưởng lão Tỷ-kheo đã đoạn tận lậu hoặc đến nhà khất thực, lòng nàng tràn ngập hân hoan, hạnh phúc, thầm nghĩ: ‘Một phước điền vô thượng đã xuất hiện cho ta’, nàng bèn cầm phần chiếc bánh nếp mà nàng đã nhận cho mình và cung kính cúng dường vị Tỷ-kheo. Vị ấy nhận bánh, nói lời tùy hỷ công đức và tiếp tục đi.
Về sau, nàng dâu ấy qua đời và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Phần còn lại cũng giống như đã được giải thích ở trên.
14- Chuyện thứ mười bốn – Lâu Dài Nàng Dâu Thứ Hai (Dutiyasunisà-Vimàna)
Giống chuyện Lâu Ðài Nàng Dâu ở trước, chỉ trừ điểm: Ở đây, vật cúng dường là phần bánh bột gạo (Kummàsa)
15- Chuyện thứ mười lăm – Lâu Ðài Của Uttarà (Uttarà-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha, ở chỗ nuôi sóc trong Trúc Lâm. Thời ấy có một người nghèo tên là Punna, sống làm công cho một vị triệu phú chủ ngân khố ở Ràjagaha. Vợ y có tên Uttarà và con gái cùng tên Uttarà là hai người duy nhất trong nhà y.
Ngày kia, tại Ràjagaha có lễ hội suốt bảy ngày. Ông triệu phú nghe tin đó, nên khi Punna đến vào sáng sớm, ông bảo:
– Này chú, tất cả gia nhân ta đều muốn cử hành lễ hội, vậy chú muốn dự lễ hay muốn làm việc lấy tiền công?
Punna đáp:
– Thưa ông chủ, những việc như lễ hội để dành cho người giàu, chứ nhà con không có cả gạo để nấu cháo ngày mai nữa. Lễ hội có nghĩa gì với con chứ? Nếu có đôi bò, con sẽ đi cày.
Ông chủ đáp:
– Ðược rồi, thế thì lấy bò ra.
Punna đem đôi bò lực lưỡng và cây cày tốt về bảo vợ:
– Nàng ơi, dân chúng trong thành đang làm lễ hội. Còn ta sắp đi làm công vì nhà ta nghèo. Nhưng ngay hôm nay, nàng hãy nấu gấp đôi phần ăn dành cho ta và đem đến chỗ ta.
Sau đó y ra đồng.
Bây giờ, Trưởng lão Sàriputta đã nhập Diệt định suốt bảy ngày, vừa xuất định, bèn quán sát thế giới và suy nghĩ: ‘Hôm nay ta sẽ có dịp làm ân cho ai?’
Tôn giả thấy Punna xuất hiện trong phạm vi nhận thức của mình, liền quán sát thêm và suy nghĩ: ‘Nay người này có phải là thiện nam tử chăng? Y có thể làm ơn cho ta chăng?
Khi nhận thấy Punna là một thiện nam tử có khả năng làm ơn phước, và vì thế sẽ tạo nên kết quả lớn cho y, Tôn giả cầm y, bát đi ra đồng nơi y làm việc cày bừa, rồi đứng đó nhìn vào bụi cây ở cuối bờ ruộng.
Ngay khi Punna thấy vị Trưởng lão, y ngừng cày, đảnh lễ Tôn giả với năm phần thân thể sát đất và tự nhủ:
– Vị ấy cần cái tăm xỉa răng.
Y đưa Tôn giả cái tăm xỉa răng đã làm sẵn sàng để dùng. Sau đó Tôn giả kéo bình bát và khăn lọc nước từ túi xách ra và đưa cho y. Y tự nhủ: ‘Vị ấy cần nước uống’. Punna bèn cầm lấy khăn lọc nước uống và trao cho Tôn giả.
Tôn giả suy nghĩ: ‘Người này ở tại chính ngôi nhà cuối cùng trong làng. Nếu ta đi đến cửa nhà ấy, vợ y sẽ không thấy ta. Vậy, ta sẽ đứng lại ngay tại đây cho đến khi vợ y bước ra đường cái với phần ăn của y’.
Tôn giả đợi đó một lát, và khi biết rằng vợ y đã lên đường, Tôn giả ra đi về phía thành phố. Khi người vợ thấy vị Truởng lão trên đường, bà suy nghĩ: ‘Thỉnh thoảng ta có một vật xứng đáng để cúng dường thì ta lại không thấy ai xứng đáng để nhận nó. Thỉnh thoảng ta gặp một người xứng đáng, ta lại không có gì xứng đáng cúng dường. Song hôm nay ta lại gặp một nguời xứng đáng, đồng thời ta lại có vật xứng đáng cúng dường. Chắc chắn ngài sẽ làm ơn cho ta’.
Bà đặt đĩa thức ăn xuống đó, đảnh lễ vị Trưởng lão với năm phần thân thể sát đất rồi thưa:
– Bạch Tôn giả, xin hãy làm ơn nhận cho tôi tớ của Tôn giả mà không quan tâm đến món thực phẩm này ngon hay dở’.
Lúc ấy vị Trưởng lão đưa bình bát ra, và khi bà cầm đĩa với một tay và trao thức ăn cúng dường Tôn giả bằng tay kia, Tôn giả bảo:
– Thôi đủ rồi.
Khi vừa đúng nửa dĩa được cúng dường, Tôn giả lấy tay che bình bát lại. Bà đáp:
– Bạch Tôn giả, một phần ăn không thể chia hai. Nếu Tôn giả không muốn làm ơn cho tôi tớ của ngài trong đời này thì xin Tôn giả làm ơn cho đời sau. Con muốn cúng dường tất cả, chứ không phải để lại bất cứ vật gì.
Nói vậy xong, sau khi đặt mọi vật vào bình bát, bà phát nguyện:
– Ước mong con được dự phần vào Ðạo pháp mà Tôn giả đã chứng đắc.
Tôn giả đáp:
– Mong được như vậy.
Tôn giả nói lời tùy hỷ công đức lúc đang đứng, và khi Tôn giả đã ngồi xuống một nơi thuận lợi có nuớc chảy, Tôn giả thọ thực.
Người vợ ấy về nhà, kiếm một ít gạo và nấu cơm nữa.
Trong lúc Punna đã cày xong nửa thửa ruộng, và không thể nào chịu nổi cơn đói, y tháo cái cày ra khỏi đôi bò, đi vào bóng cây, ngồi xuống nhìn ra đường.
Bấy giờ vợ y đang đi trên đường, cầm thức ăn và thấy y, bà suy nghĩ: ‘Chàng đang ngồi đó mong chờ ta vì bị cơn đói hành hạ. Giả sử chàng mắng chửi, bảo: ‘Nó đi trễ quá!’, và giả sử chàng lấy gậy đánh ta, thì việc ta làm vừa rồi sẽ không có kết quả gì. Vậy ta sẽ nói trước với chàng để ngăn cản việc ấy’.
Với ý tưởng này trong trí, bà bảo:
– Thưa phu quân, hôm nay, ngay chính ngày duy nhất này, hãy tạo nhiệt tâm, tinh tấn, đừng làm cho việc thiếp vừa làm trở thành vô hiệu quả. Trong khi thiếp đang đem cơm cho chàng từ sáng sớm, thiếp thấy vị Tướng quân Chánh pháp đi trên đường. Thiếp cúng dường ngài phần ăn của chàng và sau đó về nhà nấu cơm lại và đem đây. Xin phu quân hãy tạo nhiệt tâm.
Y đáp:
– Nàng đang nói gì thế?
Và khi đã nghe câu chuyện, y đáp:
– Này nàng, nàng đã làm rất chánh đáng khi đem phần ăn của ta cúng dường bậc xứng đáng này. Hôm nay, lúc tảng sáng, ta cũng cúng dường ngài cái tăm xỉa răng và nước súc miệng.
Và với tâm thành tín, y thỏa mãn với câu chuyện vợ y vừa kể, rồi mệt mỏi vì ăn cơm trễ trong ngày, y kê đầu lên lòng vợ và ngủ thiếp đi.
Bấy giờ, tất cả phần đất được cày từ sáng sớm, gồm cả đất được nghiền nát, đều trở thành vàng sáng chói và luôn giữ vẻ rực rỡ, như một đám hoa kanikàra màu vàng óng ả.
Khi Punna thức dậy, y nhìn và bảo vợ:
– Này nàng, ta thấy hình như cả đám đất được cày đã trở thành vàng. Nàng hãy cho ta biết, chẳng phải mắt ta bị lóa vì ta ăn cơm quá trễ lúc xế trưa đấy chứ?
Bà đáp:
– Thưa phu quân, thiếp cũng thấy đất có vẻ như thế.
Y đứng lên, đến đó cầm một cục đất đập vào đầu cái cày, thấy nó chính là vàng bèn kêu to:
– Ô kìa, kết quả việc bố thí cúng dường vị Tướng quân Chánh pháp xứng đáng ấy đã xuất hiện ngay hôm nay rồi. Song rõ ràng là ta không thể hưởng riêng số tài sản quá lớn như vậy.
Y đổ đầy vàng vào cái dĩa vợ y đem lại và đi đến cung vua, khi được vua cho phép, y bước vào đảnh lễ, và vua hỏi:
– Này nhà ngươi, có việc gì thế?
Y đáp:
– Tâu Hoàng Thượng, hôm nay mảnh đất hạ thần đã cày đều biến thành vàng khối cả, và vẫn còn nguyên như vậy. Số vàng ấy này cần phải được trình lên Hoàng thượng.
– Nhà ngươi là ai? Nhà vua hỏi.
– Tiểu thần tên là Punna.
– Song nhà ngươi đã làm gì hôm nay?
– Tảng sáng nay, tiểu thần dâng cái tăm xỉa răng và nuớc súc miệng lên vị Tướng quân Chánh pháp và vợ tiểu thần dâng ngài thức ăn được đem đến cho tiểu thần.
Khi vua nghe vậy, ngài bảo:
– Ngay hôm nay, kết quả do bố thí cúng dường đã xuất hiện. Này nhà ngươi, ta sẽ làm gì đây?
– Xin Hoàng thượng phái nhiều ngàn chiếc xe đi chở vàng về dâng Hoàng thượng.
Nhà vua truyền đoàn xe ra đi.
Khi quân của vua cầm vàng lên và bảo:
– Vàng này thuộc về Hoàng thượng.
Mỗi thỏi vàng họ cầm đều hóa thành đất. Khi họ về trình vua, ngài hỏi họ:
– Các người nói gì khi cầm vàng?
Họ đáp:
– Chúng thần bảo vàng thuộc về Hoàng thượng.
Nhà vua bảo:
– Thế thì các ngươi hãy đến lần nữa và bảo trong lúc nhặt vàng: ‘Vàng này thuộc về Punna’.
Họ tuân lệnh. Mọi thỏi vàng được nhặt lên vẫn giữ nguyên trạng. Họ mang vàng về chất thành đống trong sân chầu. Ðống vàng cao đến tám mươi cubít (khoảng 40 mét) . Nhà vua triệu tập đám thị dân đến hỏi:
– Người nào trong thành này có nhiều vàng như vậy chăng?
– Tâu Hoàng Thượng, không.
– Thế phải tặng cái gì cho người có như vậy?
– Tâu Hoàng thượng, chiếc lọng của một đại phú chủ ngân khố (setthi)
Nhà vua phán:
– Hãy cho ngươi ấy làm vị Ðại phú gia.
Rồi ngài trao cho y chiếc lọng Ðại phú gia và nhiều vàng bạc.
Lúc ấy Punna trình nhà vua:
– Tâu Hoàng thượng, suốt thời gian qua chúng thần ở đậu nhà người khác. Xin Hoàng thượng ban cho chúng thần một nơi để ở.
Nhà vua bảo:
– Thế thì hãy xem đây. Chốn này giống như rừng hoang. Hãy dọn dẹp sạch sẽ mọi sự và xây nhà mới.
Rồi vua chỉ cho y thấy cảnh nhà vị Ðại phú gia trước kia. Chỉ trong vài ngày, ngài đã truyền xây một nhà mới trên khuôn viên ấy, rồi cử hành lễ tân gia và lễ nhận chức vụ cùng một thể. Y lại làm lễ cúng dường Tăng chúng với đức Phật là vị thượng thủ suốt bảy ngày.
Sau đó, vị Ðại phú gia cũ ở Ràjagaha đi hỏi con gái của Puna về làm vợ cho con trai ông. Y đáp:
– Tôi không muốn gả con gái tôi.
Vị Ðại phú gia bảo:
– Ðừng làm như vậy. Ông đã được may mắn ngay thời gian ông đang ở nhà chúng tôi. Nay hãy gả con gái ông cho con trai tôi.
Punna đáp:
– Con trai ông không phải là kẻ mộ đạo. Con gái tôi không thể sống thiếu sự nương tựa Tam Bảo. Chỉ vì vậy mà tôi không muốn gả con gái tôi cho cậu ấy.
Sau đó nhiều người có địa vị đến khẩn cầu y:
– Ðừng phá vỡ mối giao hảo của ông với ông này. Xin hãy gả con gái cho con ông ấy.
Y chịu theo lời khẩn cầu của họ và gả con gái đúng vào ngày rằm trăng tròn tháng Asàlhi (khoảng tháng sáu-bảy). Nàng đi về sống với nhà chồng.
Từ khi về đó, nàng không được phép đến gần Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni, cũng không được bố thí cúng dường hoặc nghe pháp. Khoảng hai tháng rưỡi như vậy trôi qua, nàng hỏi đám nô tỳ hầu cận:
– Nay mùa mưa còn lại bao lâu nữa?
– Thưa tiểu thư, còn nửa tháng.
Nàng nhắn tin với cha: ‘Tại sao họ lại thả con vào cảnh lao tù như vậy? Thà rằng trước kia cha đóng dấu trên người con và cho con làm nô tỳ kẻ khác còn hơn gả con vào trong một gia đình không có lòng tin vào đạo. Từ lúc đến đây, con không được phép làm một thiện sự công đức nào cả, thậm chí cũng không được nhìn một Tỷ-kheo’.
Bấy giờ cha nàng, sau khi bày tỏ nỗi buồn phiền, bèn nói: ‘Than ôi, thật khổ thân con ta!’. Rồi truyền đem mười lăm ngàn đồng kahàpana đến giao cho nàng và nhắn tin: ‘Trong kinh thành này có một kỹ nữ sang trọng tên là Sirimà. Mỗi ngày nàng kiếm được một ngàn (kahàpana). Con hãy dùng số tiền này nhờ người đưa nàng đến gặp con, trao nàng cho chồng con, rồi con hãy tự mình thực hành mọi thiện sự như con muốn’.
Uttarà làm như vậy. Khi chồng nàng thấy Sirimà liền hỏi:
– Chuyện gì đây?
Nàng đáp:
– Thưa phu quân, trong nửa tháng này xin hãy để cho cô bạn của thiếp săn sóc chàng, còn suốt nửa tháng này thiếp không muốn làm gì ngoài việc cúng dường bố thí và nghe pháp.
Chồng nàng nhìn kiều nữ kia và dục vọng khởi lên, liền đồng ý ngay:
– Ðược rồi, tốt lắm.
Về phần Uttarà, nàng gởi lời cung thỉnh Tăng chúng với đức Phật là bậc thượng thủ: ‘Bạch Thế Tôn, suốt nửa tháng này xin đừng đi nơi nào khác, mà chỉ nhận lễ cúng dường tại đây’.
Khi nhận được sự đồng ý của bậc Ðạo Sư, nàng nói:
– Từ nay cho đến Ðại lễ Tự Tứ (Mahàpavàranà), ta sẽ có thể hầu cận bậc Ðạo Sư và nghe pháp.
Với lòng hân hoan về việc ấy, nàng đi quanh sắp đặt mọi sự cần làm trong nhà bếp, bảo: ‘Hãy nấu cháo cách này, làm bánh cách nọ’.
Bấy giờ chồng nàng suy nghĩ: ‘Ngày mai là Ðại lễ Tự Tứ, vừa đứng ở cửa sổ nhìn ra nhà bếp vừa tự hỏi: ‘Bây giờ không biết con bé ngốc nghếch này đang bận làm gì?’ Chàng thấy nàng đang đi quanh, thân ướt đẫm mồ hôi, dính đầy tro bụi, lấm lem cả than lẫn bồ hóng do mọi việc chuẩn bị, liền nói:
– Con bé ngốc nghếch này không thụ hưởng xa hoa lạc thú trong một nơi như thế này. Nó cứ đi quanh quẩn với lòng hân hoan chỉ vì ước muốn hầu hạ đám Tỷ-kheo trọc đầu.
Rồi chàng cười to và bỏ đi. Khi chàng bỏ đi, Sirimà đang đứng cạnh chàng và tự nhủ: ‘Nay chàng thấy gì khiến chàng cười to vậy?’ Rồi nhìn ra cửa sổ ấy, nàng thấy Uttarà và suy nghĩ: ‘Chàng nhìn vợ và cười to, chắc có sự mật thiết giữa hai người’.
Bấy giờ chuyện kể rằng, mặc dù kiều nữ này đã làm khách mời suốt nửa tháng trong nhà này, tuy thế, vì nàng đang hưởng thụ xa hoa lạc thú, nàng quên nghĩ đến địa vị khách mời của mình, lại có ý tưởng: ‘Ta là chủ nhà này’.
Nàng đem lòng căm hận Uttarà và tự nhủ: ‘Ta sẽ phá nó’, liền đi xuống từ thượng lầu, vào nhà bếp và đến nơi người ta đang làm bánh, lấy cái muỗng lớn múc một ít dầu bơ nóng sôi, đi về phía Uttarà.
Uttarà thấy nàng đi đến, suy nghĩ: ‘Bạn ta đã làm ơn cho ta. Chu vi quả đất này quá hẹp, Phạm Thiên giới quá thấp, song đức độ của bạn ta thật vĩ đại vì nhờ nàng, ta mới có thể cúng dường và nghe pháp. Nếu ta tức giận nàng, thì dầu bơ này sẽ làm bỏng ta, nếu không, nó sẽ không làm bỏng ta’.
Dầu bơ ấy, dù được tưới trên đỉnh đầu nàng, vẫn giống như nước lạnh vì toàn thân nàng được thấm nhuần từ tâm. Rồi khi các nô tỳ của Uttarà thấy Sirimà tiến đến phía họ sau khi đã múc đầy một muỗng bơ khác và suy nghĩ: ‘Bơ này cũng sẽ nguội lạnh sao?’, họ đe dọa nàng:
– Ơ kìa, ác nữ nhân kia! Sao ngươi dám tưới dầu sôi trên đầu bà chủ ta?
Rồi từ mọi nơi trong nhà bếp, họ xông tới lấy tay chân đấm đá nàng và xô xuống đất. Dù Uttarà muốn ngăn cản họ, nàng cũng không thể chận họ được.
Sau đó Uttarà đứng bên Sirimà, xua các nô tỳ lui ra, và nói với Sirimà bằng giọng trách móc:
– Tại sao cô lại làm một việc tai hại như vậy?
Rồi nàng lấy nước ấm tắm cho kiều nữ và xoa đầu nàng ấy với loại dầu đã được lọc kỹ cả trăm lần.
Ngay lúc ấy, Sirimà nhận ra sự thực nàng chỉ là khách mời, bèn suy nghĩ: ‘Ta đã làm một việc tai hại khi rắc dầu sôi lên đầu nàng. Thậm chí nàng cũng không ra lệnh cho đám nô tỳ: ‘Giữ lấy nó!’, nàng lại còn xua họ đi ra khi họ đả thương ta và làm cho ta những việc đáng làm. Nếu ta không xin nàng thứ lỗi, đầu ta sẽ bị vỡ ra bảy mảnh’.
Nàng liền quỳ xuống chân Uttarà và nói:
– Xin bà tha thứ cho tôi.
Uttarà đáp:
– Ta là cô con gái còn có cha. Nếu cha ta tha thứ, ta sẽ tha thứ nàng.
– Thưa bà, tôi sẽ xin lỗi cả thân phụ bà là Ðại phú gia Punna nữa.
– Thân phụ Punna là người cha đã sinh ra ta trong vòng luân hồi sinh tử (samsàra). Song nếu vị thân phụ đã sinh ra ta trong vòng không luân hồi (Nibbàna) tha thứ nàng thì ta sẽ tha thứ.
– Thế ai là vị thân phụ sinh ra bà trong vòng không luân hồi?
– Ðức Phật Chánh Ðẳng Giác.
– Tôi không quen biết Ngài. Làm sao bây giờ?
– Bậc Ðạo Sư sẽ đến đây vào ngày mai với Tăng chúng của Ngài. Nàng hãy đem bất cứ lễ vật cúng dường nào nàng sắm được và đến đây xin Ngài tha thứ.
– Thưa bà, được lắm.
Sirimà nói xong, đứng dậy về nhà nàng, ra lệnh cho năm trăm nữ tỳ chuẩn bị nhiều loại món ăn cứng và mềm, và ngày hôm sau, nàng đem mọi lễ vật thiết đãi ấy đi đến nhà Uttarà rồi ngồi đợi, chứ không dám đặt thứ gì vào bình bát của Tăng chúng với đức Phật là vị thượng thủ. Chính Uttarà nhận lấy mọi lễ vật và sắp đặt mọi việc cả. Còn Sirimà và đoàn tùy tùng của nàng đợi khi buổi thọ thực hoàn tất, liền quỳ dưới chân bậc Ðạo Sư, lúc ấy bậc Ðạo Sư hỏi nàng:
– Cô có lỗi gì?
– Bạch Thế Tôn, hôm qua con đã làm như vậy như vậy, song bạn con đã chận đám nô tỳ ấy đang đả thương con. Thay vào đó nàng đã làm ơn cho con. Con nhận thấy đức hạnh của nàng, bèn xin nàng tha lỗi, song nàng bảo với con rằng khi nào con được Thế Tôn tha lỗi thì ‘Ta sẽ tha lỗi’.
– Có đúng như cô ấy nói không, Uttarà?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Bạn con đã đổ dầu sôi lên đầu con.
– Thế lúc ấy con nghĩ gì?
– Con nghĩ: ‘Chu vi quả đất quá hẹp, Phạm Thiên giới quá thấp, song đức hạnh của bạn con thật vĩ đại, bởi vì nhờ nàng giúp đỡ, con mới có thể cúng dường lễ vật và nghe pháp. Nếu con tức giận nàng thì dầu ấy cứ làm bỏng con; còn nếu không thì nó không làm bỏng con’. Nghĩ như vậy, con đã làm cho nàng được thấm nhuần từ tâm tỏa rộng.
Bậc Ðạo Sư bảo:
– Lành thay, lành thay. Uttarà, ta cần phải nhiếp phục hận sân như vậy.
Và để làm sáng tỏ ý nghĩa này: ‘Ta phải lấy vô sân nhiếp phục người sân hận, nhiếp phục người phỉ báng bằng cách không phỉ báng; nhiếp phục người mạ lị bằng cách không mạ lị; nhiếp phục người keo kiệt bằng cách đem cho tài vật của mình; và nhiếp phục người nói dối bằng lời chân thật’, Ngài ngâm vần kệ:
Ta lấy vô sân thắng hận sân,
Lấy hiền lương nhiếp phục tà gian,
Lấy hào phóng thắng người keo kiệt,
Lấy thật chân thắng kẻ vọng ngôn.
Khi Ngài đã ngâm vần kệ xong, Ngài thuyết giảng Tứ Ðế, Uttarà được an trú vào quả Nhất Lai. Còn chồng nàng và cha mẹ chồng nàng đều đắc quả Dự Lưu. Về sau, khi Uttarà từ trần, nàng tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba.
Khi Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên thiên giới như đã tả ở trên, thấy Thiên nữ Uttarà, bèn đặt câu hỏi nàng qua vần kệ bắt đầu với:
Và bạch Tôn giả, xin hãy làm ơn nhân danh con, cung kính đảnh lễ chân Thế Tôn và nói: ‘Tín nữ có tên Uttarà cung kính khấu đầu đảnh lễ chân Thế Tôn’ được chăng? Thực sự, bạch Tôn giả, nếu đức Thế Tôn có tuyên bố cho con đạt được một trong các Sa-môn quả, thì điều ấy cũng không lạ gì’.
Về sau đức Thế Tôn đã tuyên bố quả Bất Lai cho nàng.
16- Chuyện thứ mười sáu – Lâu Ðài Của Sirimà (Sirimà-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Ràjagaha (Vương Xá) ở chỗ nuôi sóc trong Trúc Lâm. Thời ấy Sirimà, kỳ nữ sang trọng đã được nói đến trong chuyện trước, cũng từ giã nghề nghiệp ô uế của nàng, vì nàng đã đắc quả Dự Lưu và bắt đầu cúng dường thực phẩm hằng ngày cho tám vị trong Tăng chúng được chọn theo phiếu.
Từ buổi đầu, tám Tỷ-kheo đã đến nhà nàng hằng ngày. Nàng thường múc đầy các bình bát và nói: ‘Xin hãy dùng một ít bơ, hãy dùng một ít sữa…’ Phần ăn mỗi người nhận được đủ cho ba bốn người. Mỗi ngày số thực phẩm cúng dường có giá trị bằng mười sáu kahàpana (giá hai con bò sữa).
Một hôm, một Tỷ-kheo đã thọ hưởng buổi ngọ trai dành cho tám vị xong, bèn đi đến một tinh xá cách đó ba do-tuần (khoảng 20 km).
Bấy giờ, về buổi chiều, trong lúc vị ấy ngồi hầu cận chư Trưởng lão, chư vị hỏi:
– Này Hiền hữu, Hiền hữu đã thọ thực tại đâu ngay trước khi đến đây?
– Tiểu đệ đã dự buổi ngọ trai dành cho tám vị tại nhà cô Sirimà.
– Thế cô Sirimà đem cúng dường thực phẩm mà cô ấy đã làm cho ngon lành chăng?
– Tiểu đệ không thể nào tả hết buổi ngọ trai kia. Cô ấy cúng dường thực phẩm đã chuẩn bị rất thịnh soạn. Chỉ một phần ăn một người nhận được cũng đủ cho ba bốn người. Song còn đặc biệt thù thắng hơn cả lễ vật được bố thí là dung sắc của cô ấy, vì cô ấy có dung sắc tuyệt mỹ thế này thế này…’ Rồi vị ấy kể lại mọi vẻ đẹp hấp dẫn của nàng.
Bấy giờ, một Tỷ-kheo đã nghe lời tường thuật mọi vẻ diễm lệ của nàng, mặc dù chưa thấy nàng, chỉ mới nghe kể về nàng, vị ấy đã đâm ra si tình nàng và nghĩ thầm: ‘Ta muốn đi nhìn nàng’.
Vị ấy bèn nói về số hạ lạp (mùa an cư đã trải qua) và hỏi một Tỷ-kheo về vị trí của mình trong Giáo đoàn. Khi nghe vị kia bảo:
– Này Hiền hữu, ngày mai Hiền hữu sẽ là vị Tỷ-kheo trưởng thượng, Hiền hữu sẽ được dự một buổi ngọ trai dành cho tám vị.
Vị ấy liền cầm y bát ngay lúc ấy, và khởi hành từ lúc rạng đông, vị ấy vào phòng phát phiếu và đã làm vị Tỷ-kheo trưởng thượng, vị ấy đi thọ dụng một buổi ngọ trai dành cho tám vị.
Song ngay đúng lúc vị Tỷ-kheo đã thọ trai ngày hôm trước vừa ra đi, thì một căn bệnh phát ra trong thân thể Sirimà. Vì thế nàng cởi hết tư trang và đi nằm.
Lúc ấy đám gia nhân của nàng thấy các Tỷ-kheo đã đến để thọ buổi ngọ trai dành cho tám vị, liền báo tin cho nàng. Vì không thể chính tay cầm các bình bát hoặc mời chư Tăng an tọa, nàng ra lệnh cho các nữ tỳ:
– Này các chị, hãy cầm lấy bình bát, mời chư Trưởng lão an tọa, dâng chư vị nước cháo để uống, rồi dọn các thức ăn cứng (bánh trái), và khi đến giờ ngọ trai (buổi cơm chính trước ngọ), hãy múc đầy các bình bát và dâng chư vị.
Họ làm theo lệnh ấy, Nàng lại bảo:
– Hãy quàng tay qua người tôi và đưa tôi vào. Tôi muốn đảnh lễ chư vị Tôn giả.
Rồi nhờ họ dìu dắt, nàng được đưa vào tiếp kiến các Tỷ-kheo và đảnh lễ chư vị với thân hình run rẩy. Khi vị Tỷ-kheo (đã si tình nàng) thấy nàng, vị ấy suy nghĩ: ‘Dầu đang bệnh, nữ nhân này vẫn có dung sắc mỹ lệ sáng tươi, vậy thì lúc nàng khỏe mạnh, tô điểm mọi thứ nữ trang, nàng còn đẹp đến dường nào?’ và các lậu hoặc chất chứa từ vô lượng kiếp nổi dậy tấn công vị ấy. Vị ấy trở nên thẫn thờ, không thể ăn cơm được nữa, bèn cầm bát trở về tinh xá, đậy bình bát lại, để sang một bên, và trải một góc chiếc y rồi nằm xuống. Sau đó dù một bạn đồng tu đến van nài, vị ấy cũng không thể ăn gì được. Vị ấy cứ thế nhịn ăn.
Ngay tối hôm ấy, Sirimà từ trần. Nhà vua gửi lời nhắn với bậc Ðạo Sư: ‘Bạch Thế Tôn, Sirimà, em út của y sĩ Jìvaka đã từ trần’. Khi bậc Ðạo Sư nghe tin ấy, Ngài gửi lời nhắn với nhà vua: ‘Không nên hỏa thiêu thi hài Sirimà. Hãy đưa thi hài ấy xuống đặt ở chỗ các xác chết chưa thiêu và canh giữ để các loài diều quạ đừng ăn thịt nó’.
Nhà vua làm theo như vậy.
Ba ngày liên tiếp trôi qua, vào ngày thứ tư xác bắt đầu sình lên. Dòi bọ bắt đầu bò ra từ chín lỗ. Toàn thân chẳng khác nào một thùng gạo thối. Nhà vua truyền lệnh khắp kinh thành:
– Ngoại trừ trẻ con phải giữ trong nhà, tất cả mọi người nào không đi viếng Sirimà đều phải nộp phạt tám kahàpana (giá tiền một con bò sữa).
Rồi nhà vua gửi lời nhắn với bậc Ðạo Sư: ‘Xin chư Tăng cùng với đức Phật là vị thượng thủ hãy đến viếng Sirimà’.
Bậc Ðạo Sư thông báo với các Tỷ-kheo:
– Chúng ta sẽ đi viếng Sirimà.
Vị Tỷ-kheo trẻ đã nằm dài suốt bốn ngày không để ý gì lời ai nói, cũng không ăn uống gì. Thậm chí thức ăn trong bình bát đã hôi thối, vị ấy cũng không nhấc chân lên. Nay một vị đồng tu đi đến bảo:
– Này Hiền hữu, bậc Ðạo Sư sắp đi viếng Sirimà đấy.
Chỉ mới nghe nhắc đến tên Sirimà, vị Tỷ-kheo trẻ, dù đang đói lả người, cũng vùng dậy. Vị đồng bạn hỏi:
– Bậc Ðạo Sư sắp đi viếng Sirimà, thế Hiền hữu có đi không?
– Tôi sẽ đi.
Vị ấy đáp rồi vừa đổ cơm ra, vị ấy vừa rửa bình bát và cùng đi với Tăng chúng.
Bậc Ðạo Sư được chúng Tỷ-kheo vây quanh đứng thành một nhóm. Hội chúng Tỷ-kheo-ni, đám triều thần và thiện nam tín nữ đứng riêng thành từng nhóm. Bậc Ðạo Sư hỏi nhà vua:
– Thưa Ðại vương, cô ấy là ai thế?
– Bạch Thế Tôn, đây là em gái của Jìvaka, tên là Sirimà.
– Ðây là Sirimà ư?
– Chính thế, bạch Thế Tôn.
– Thế thì hãy đánh trống truyền lệnh khắp kinh thành rằng bất kỳ ai muốn đều có thể chiếm được Sirimà với giá một ngàn kahàpana.
Nhà vua truyền làm như vậy.
Chẳng có ai buồn nói ‘có’ hay ‘không’ trước lời đề nghị ấy cả. Nhà vua nói với bậc Ðạo Sư:
– Bạch Thế Tôn, không ai nhận lời cả.
– Thưa Ðại vương, thế thì hạ giá xuống.
Nhà vua lại bảo truyền lệnh bằng trống.
– Hãy lấy nàng với giá năm trăm kahàpana.
Khi không thấy ai nhận, nhà vua lại truyền trống lệnh:
– Hãy lấy Sirimà với giá hai trăm rưỡi!
– Với giá hai trăm.
– Với giá một trăm.
– Với giá năm chục.
– Với giá hai mươi lăm kahàpana.
– Với giá mười kahàpana.
– Với giá năm kahàpana.
– Với giá một kahàpana.
– Với giá một nửa kahàpana.
– Với giá một phần tư kahàpana.
– Với giá một màsaka (= 1/10 kahàpana).
– Với giá một kàkanikà (1/10 màsaka).
Và cuối cùng nhà vua truyền trống lệnh:
– Hãy nhận lấy không tốn tiền!
Song cũng chẳng có ai nói ‘có’ hay ‘không’ trước lời đề nghị trên cả. Nhà vua nói:
– Bạch Thế Tôn, không ai muốn nhận nàng dù chẳng tốn tiền.
Bậc Ðạo Sư bảo:
– Này các Tỷ-kheo, hãy xem đây, một nữ nhân được cả thế giới ái mộ ngay trong kinh thành này, ngày trước, họ đưa một ngàn kahàpana để hưởng một ngày bên cô ấy, thế mà bây giờ không ai muốn nhận lấy dù chẳng tốn gì cả. Ðấy sắc thân là như vậy, đầy mầm thối nát hủy hoại, chỉ được tô điểm ngọc vàng để làm cho hấp dẫn, thật ra đó là một đống thịt đầy thương tích vì có chín lỗ chảy chất ô uế, được kết hợp lại nhờ ba trăm cái xương, luôn luôn đau nhức, đã làm chủ đề cho biết bao tư tưởng vì thế giới ngu si này cứ chiêm ngưỡng nó, một tấm thân không chút bền vững.
Và Ngài ngâm kệ để thuyết giảng điều này:
Hãy ngắm hình nhân được vẽ màu,
Kết thành một đống vết thương đau,
Chủ đề của biết bao tư tưởng,
Nhức nhối, không bền vững chút nào.
Khi kết thúc bài giảng, vị Tỷ-kheo si tình nàng Sirimà đã xả ly mọi nỗi tham đắm dục vọng, vị ấy phát triển thiền quán và thành tựu quả A-la-hán. Tám mươi bốn ngàn người khác đắc Pháp nhãn.
Và thời ấy Thiên nữ Sirimà, sau khi đã chiêm ngưỡng cảnh vinh quang thành đạt của nàng, lại chiêm ngưỡng nơi nàng đã giã từ và thấy đức Thế Tôn được hội chúng Tỷ-kheo vây quanh cùng đám dân chúng đang tu tập quanh thi thể nàng.
Rồi được năm trăm tiên nữ của nàng hộ tống cùng năm trăm cỗ xe, nàng xuất hiện nguyên hình, bước xuống khỏi cỗ xe, đảnh lễ đức Thế Tôn cùng với đoàn tùy tùng của nàng rồi nàng đứng yên trong dáng điệu sùng kính.
Lúc ấy Tôn giả Vangìsa đứng gần đức Thế Tôn, liền thưa với Ngài:
– Bạch Thế Tôn, con xin phép hỏi một câu.
– Này Vangìsa, hãy hỏi đi. Ðức Thế Tôn đáp.
Tôn giả Vangìsa liền hỏi Thiên nữ Sirimà câu này:
Khi được vị Trưởng lão hỏi vậy, Thiên nữ giải thích về bản thân nàng:
Khi Thiên nữ đã giải thích như vậy về sự tái sanh của nàng giữa chư Thiên Hoá Lạc, vị Trưởng lão lại muốn nàng kể về kiếp trước của nàng, công đức thiện nghiệp nàng đã tạo và lòng mộ đạo của nàng:
Ðể giải đáp vấn đề được vị Trưởng lão hỏi, Thiên nữ ngâm các vần kệ này.
Như vậy Thiên nữ Sirimà long trọng tuyên bố niềm tin nàng đã chấp nhận và bày tỏ lòng quy ngưỡng Tam Bảo. Nàng đảnh lễ đức Thế Tôn cùng Tăng chúng, rồi sau khi nàng trang nghiêm đi vòng quanh chư vị, nàng trở lại thiên giới.
Ðức Thế Tôn lấy việc nàng từ thiên giới xuống trần làm cơ hội thuyết giảng pháp thoại. Khi chấm dứt pháp thoại, vị Tỷ-kheo đã từng mơ tưởng Sirimà chứng đắc quả A-la-hán, và pháp thoại cũng rất lợi ích đối với toàn thể hội chúng ấy.
17- Chuyện thứ mười bảy – Lâu Ðài Của Kesakàri (Kesakàri-Vimàna)
Bấy giờ đức Thế Tôn trú tại Ba-la-nại trong vườn Nai ở Trú xứ chư Tiên (Isipatàna). Buổi sáng các Tỷ-kheo đắp y, cầm y bát và đi vào Ba-la-nại. Chư vị đến gần cửa nhà một Bà-la-môn.
Trong nhà ấy, có con gái vị Bà-la-môn, tên Kesakàri đang bắt chấy trên đầu mẹ nàng gần cửa, thấy các Tỷ-kheo đi ngang qua, bèn hỏi mẹ:
– Mẹ ơi, các vị này từ giã đời thế tục hình như còn ở độ tuổi xuân xanh, thanh lịch, đẹp trai, dáng ưa nhìn, không gặp tai họa khổ đau nào cả. Thế tại sao chư vị xuất gia ở tuổi này?
Mẹ nàng đáp:
– Này con, có vị Thích tử xuất gia từ dòng họ Thích-ca đã hiện ra ở đời làm bậc Ðạo Sư được gọi là đức Phật. Ngài thuyết pháp, hoàn thiện ở phần đầu, phần giữa, và phần cuối cả về ý nghĩa lẫn ngôn từ. Ngài tuyên bố đời Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ và thanh tịnh. Chư vị này đã xuất gia vì nghe pháp ấy.
Bấy giờ có một cư sĩ tại gia đã đắc Sơ quả và hiểu pháp, nghe được câu chuyện khi đi ngang qua đường ấy và đến gần hai mẹ con. Vị nữ nhân Bà-la-môn hỏi vị ấy:
– Này cư sĩ, nhiều thiện nam tử từ bỏ tài sản quý giá và đại gia tộc thân quyến để xuất gia trong dòng họ Thích-ca. Vì cớ gì họ xuất gia như vậy?
Vị cư sĩ nghe bà nói, liền đáp:
– Vì thấy sự nguy hiểm trong dục lạc và lợi ích của xuất gia.
Vị ấy giải thích đầy đủ chi tiết về động lực ấy theo khả năng hiểu biết cao nhất của mình, vừa nêu rõ các đức tính của Tam Bảo vừa thuyết giảng sự hữu ích tiện lợi của Ngũ giới liên hệ đến đời nay và đời sau.
Sau đó, thiếu nữ Bà-la-môn hỏi vị ấy:
– Thế chúng tôi có thể hưởng phần hữu ích tiện lợi mà Tôn giả vừa nói, qua sự quy y Tam Bảo và giữ Ngũ giới chăng?
Vị ấy đáp:
– Tại sao lại không? Những điều được đức Thế Tôn thuyết giảng cần được mọi loài hưởng phần đều nhau.
Rồi vị ấy cho nàng thọ Tam quy và Ngũ giới. Khi nàng đã chấp nhận Tam quy và hành trì Ngũ giới, nàng hỏi:
– Thế còn phải làm gì nữa ngoài việc này?
Thấy nàng có trí thông tuệ, người ấy nghĩ thầm: ‘Chắc hẳn nàng là một trong số người hội đủ khả năng điều kiện’. Và khi giảng giải bản chất của thân thể, vị ấy nói đến đối tượng của thiền quán là ba mươi hai phần của thân, vị ấy gợi lên cho nàng sự nhàm chán sắc thân và ngoài ra, sau khi làm cho nàng xúc động với một bài pháp thoại liên hệ đến Vô thường, Khổ, Vô ngã, vị ấy chỉ con đường đưa đến tuệ quán và từ giã nàng.
Nàng ghi nhớ mọi sự vị ấy nói và với niềm suy tư do nhận thức sự bất tịnh của thân, nàng phát triển tuệ quán và chẳng bao lâu chứng đắc Sơ quả Dự Lưu vì nàng thành tựu đủ mọi điều kiện.
Về sau nàng từ trần và được tái sanh làm Thiên nữ hầu cận Sakka Thiên chủ. Ðoàn tùy tùng của nàng gồm một trăm ngàn tiên nữ. Khi Sakka Thiên chủ thấy nàng, ngài kinh ngạc và ái mộ nàng, bèn hỏi các công đức nàng đã làm trước kia:
Khi được Sakka Thiên chủ hỏi thế, vị Thiên nữ đáp hai vần kệ sau:
Sau đó, Sakka Thiên chủ hoan hỷ vì thành tựu công đức của nàng và cảnh vinh hiển trên thiên giới của nàng, bèn ngâm kệ đáp lại:
Sau đó Sakka Thiên chủ kể cho Tôn giả Trưởng lão Mahà-Moggallàna về sự kiện này, Tôn giả lại trình với đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn lấy đề tài ấy làm dịp thuyết pháp thoại cho hội chúng. Bài pháp ấy có ích lợi cho thế giới bao gồm cả Thiên giới nữa.
Tổng Kết
– Năm tọa sàng (bốn tọa sàng và một con voi), ba chiếc thuyền, một ngọn đèn, một nắm mè.
– Hai bà vợ, hai nàng dâu, Uttarà, Sirimà Kesakarikà.
Phẩm này được biết qua các chuyện trên.
Phẩm II – Cittalatà
Trong khi đức Thế Tôn trú tại Kỳ Viên, một đệ tử tại gia ở Sàvatthi đến tinh xá về buổi chiều cùng nhiều cư sĩ khác và nghe pháp. Khi hội chúng đã đứng lên, vị ấy đến gần đức Thế Tôn và thưa:
– Bạch Thế Tôn, từ nay về sau con xin cúng dường bốn buổi ngọ trai vĩnh viễn.
Sau đó, đức Thế Tôn thuyết pháp thoại cho vị ấy được lợi lạc nhân dịp này và bảo vị ấy ra về. Vị ấy trình với Tỷ-kheo phụ trách ngọ trai:
– Bạch Tôn giả, con đã chuẩn bị bốn buổi ngọ trai vĩnh viễn cúng dường Tăng chúng. Từ ngày mai, xin chư vị Tôn giả đến nhà con.
Xong vị ấy ra về. Vị ấy giải thích vấn đề này cho người nữ tỳ và bảo:
– Trong vấn đề này, nhà ngươi phải luôn luôn tinh cần.
– Thưa vâng, được lắm. Nàng đáp.
Bản tính nàng đầy thành tín, mong muốn làm công đức, có thiện hạnh, vì thế mỗi ngày nàng dậy rất sớm, chuẩn bị các món ăn thức uống hảo hạng.
Sau khi quét dọn chỗ ngồi thật sạch sẽ, nàng lau chùi cẩn thận với nước hoa, sắp đặt sàng tọa và khi chư Tỷ-kheo đến, nàng mời chư vị ngồi đó, cung kính đảnh lễ, cúng dường chư vị hương liệu, vòng hoa, chiên-đàn, đèn và phục vụ chư vị thật trọng thể.
Bấy giờ, một hôm, khi chư Tỷ-kheo đã thọ thực xong, nàng đến gần đảnh lễ và nói như vầy:
– Bạch chư Tôn giả, xin chư Tôn giả cho biết, làm thế nào được giải thoát hoàn toàn các khổ đau do sanh, lão, bệnh, tử?
Chư Tỷ-kheo ấy bèn cho nàng thọ Tam quy và Ngũ giới, giảng giải bản chất của sắc thân, và gợi cho nàng suy nghĩ về lão tử. Sau đó, chư vị thuyết giảng cho nàng nghe về tính vô thường.
Nàng giữ giới suốt mười sáu năm liền, thỉnh thoảng nàng tác ý suy tư thật chuyên tâm. Một ngày kia, nàng đã được lợi lạc vì nghe pháp, lại nhờ tri kiến của nàng đạt đến thuần thục, nàng phát triển tuệ quán và chứng đắc quả Dự Lưu.
Chẳng bao lâu sau, nàng từ trần và tái sanh làm vị Thiên nữ hầu cận được Sakka Thiên chủ sủng ái. Khi nàng thơ thẩn trong các hoa viên đây đó, được nghe cả sáu mươi ngàn nhạc khí hòa tấu long trọng cử hành đại hội, nàng tận hưởng đại thiên lạc thỏa thích với đám tùy tùng hộ tống quanh nàng.
Tôn giả Mahà-Moggallàna thấy nàng trong cách được tả trên bèn hỏi nàng:
2- (19) Chuyện thứ hai – Lâu Ðài Của Lakhumà (Lakhumà-Vimàna)
Bấy giờ đức Thế Tôn đang trú tại Ba-la-nại. Thời ấy có một cổng vào thành Ba-la-nại tên là Ngư Phủ Môn. Một ngôi làng được dựng lên gần đó cũng được mang tên Ngư Phủ Môn.
Tại đó có một nữ nhân tên Lakhumà, một người mộ đạo, có lòng tin, đầy đủ trí tuệ thông minh, thường đảnh lễ các Tỷ-kheo lúc chư vị đi vào làng qua cổng ấy, nàng đưa chư vị đến nhà nàng, lấy thực phẩm cúng dường chư vị, và do đó tín tâm nàng tăng trưởng, nàng dựng lên một cái đình để thiết đãi chư Tăng, nghe pháp theo hội chúng của chư vị. Rồi sau khi đã được an trú vào Tam quy và Ngũ giới, nàng chuyên tâm tinh cần tu tập các đề tài thiền quán mà nàng đã học, chẳng bao lâu, nhờ tạo đủ mọi điều kiện cần thiết, nàng tự an trú vào quả vị Dự Lưu.
Về sau nàng từ trần và được tái sinh vào một Lâu đài lớn ở cõi trời Ba mươi ba. Ðoàn tùy tùng của nàng gồm một ngàn tiên nữ. Nàng trú tại đó thọ hưởng thiên lạc.
Trong chuyến du hành lên thiên giới, Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi nàng như vầy:
Và bạch Tôn giả, xin hãy làm ơn nhân danh con đảnh lễ chân Thế Tôn và nói: ‘Tín nữ có tên Lakkhumà in khấu đầu đảnh lễ chân Thế Tôn’. Thực sự, bạch Tôn giả, nếu đức Thế Tôn có tuyên bố cho con đạt được một trong các Sa-môn quả, thì điều ấy cũng không lạ gì’.
Về sau, đức Thế Tôn đã tuyên bố quả Nhất Lai cho nàng.
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại thành Ràjagaha (Vương Xá), ở chỗ nuôi sóc trong Trúc Lâm. Cũng vào thời ấy, những người trong một gia đình kia tại Vương Xá bị bệnh dịch tả. Mọi người trong nhà ấy đều chết trừ một nữ nhân. Kinh hoàng vì nỗi sợ chết, nàng bỏ nhà cùng tất cả tiền bạc thóc lúa bên trong ấy chạy trốn qua một chỗ nứt của vách tường.
Vì không ai giúp đỡ, nàng đến nhà một gia đình khác, xin ở nhờ phía sau. Người trong nhà ấy thương hại nàng đem cho nàng cháo gạo, cơm chín và cơm cháy cùng các thứ còn sót lại trong nồi niêu. Nhờ lòng rộng lượng của họ, nàng có thể sống tại đó.
Vào thời ấy Tôn giả Mahà-Kassapa (Ðại Ca-diếp) đã nhập Diệt Ðịnh suốt bảy ngày và đã xuất định, trong lúc Tôn giả suy nghĩ: ‘Hôm nay ta sẽ làm ơn cho ai bằng cách nhận thức ăn? Ta sẽ giải thoát sầu bi cho ai?’, Tôn giả thấy nữ nhân kia gần mạng chung và một ác nghiệp đưa đến địa ngục đã xuất hiện cho nàng.
Tôn giả suy nghĩ: ‘Khi ta đến gần, nữ nhân này sẽ cho ta cơm cháy mà nàng nhận được cho phần mình, và do chính hành động ấy nàng sẽ được tái sanh vào Hóa Lạc thiên giới. Khi ta đã giải thoát cho nàng khỏi tái sinh vào địa ngục như vậy, chắc chắn ta sẽ tạo hạnh phúc thiên giới cho nàng’.
Sau khi đã đắp y vào buổi sáng sớm, Tôn giả cầm y bát và đi về phía nơi nàng cư trú.
Bấy giờ, Sakka Thiên chủ giả dạng cúng dường Tôn giả thực phẩm thiên giới đầy đủ mọi hương vị thơm ngon cùng nhiều loại cháo, canh và cà-ri. Vị Trưởng lão nhận ra ngài, bèn chối từ và bảo:
– Này Kosiya, tại sao ngài đã thành tựu các công đức thiện sự lại làm như vậy? Xin đừng làm hỏng dịp may của những kẻ bất hạnh khốn khổ’.
Rồi Tôn giả đi đến đứng trước nữ nhân kia. Nàng ước muốn cúng dường Tôn giả một vật gì đó, liền suy nghĩ: ‘Ở đây không có gì xứng đáng để cúng dường vị Trưởng lão đại oai nghi này cả’, và nàng nói:
– Xin ngài hãy tiến lên một chút nữa.
Vị Trưởng lão chỉ bước lùi lại một bước và không nhận thứ gì do các người khác cúng dường. Nàng thấy rõ ràng Tôn giả muốn giúp nàng, bèn cùng dường Tôn giả miếng cơm cháy của mình, Tôn giả vừa ăn ngay tại đó vừa bảo:
– Trong tiền kiếp thứ ba trước đây, cô đã là mẹ của ta.
Xong Tôn giả ra đi.
Nàng từ trần ngay đêm ấy và được tái sanh vào hội chúng Hóa Lạc thiên. Sau đó Thiên chủ Sakka biết tin nàng từ trần và không thấy nàng ở trong hội chúng cõi trời Ba mươi ba bèn đến gần Tôn giả Mahà-Kassapa vào khoảng canh giữa đêm và hỏi:
Sau đó vị Trưởng lão nói đến sanh thú kia để đáp lời ngài:
Khi Sakka Thiên chủ nghe kết quả vĩ đại, lợi ích vĩ đại của việc nàng cúng dường như vậy, liền nói:
Trưởng lão Mahà-Kassapa trình lên đức Thế Tôn tất cả mọi sự do Sakka Thiên chủ nói với Tôn giả, đức Thế Tôn lấy đó làm đề tài thuyết pháp.
Trong lúc đức Thế Tôn đang trú ngụ tại Ràjagaha, Ngài nhập định Ðại bi mà chư Phật thường trú, sau đó xuất định và quán sát thế gian. Ngài thấy ngay trong thành phố ấy tại khu vực của dân chúng Candàla (Chiên-đà-la, hạng người vô loại khốn cùng không ai tiếp xúc) có một bà lão sắp mạng chung và một ác nghiệp đưa đến địa ngục đã xuất hiện cho bà.
Với tâm Ðại bi, muốn làm cho bà tạo một nghiệp lành đưa đến cõi trời, Ngài suy nghĩ: ‘Ta sẽ an trú kẻ ấy vào thiên giới’, Ngài liền cùng đại chúng Tỷ-kheo vào Ràjagaha khất thực.
Vào lúc ấy, bà lão Chiên-đà-la chống gậy ra khỏi thành, thấy đức Thế Tôn đến gần, và khi bà đối diện Ngài, bà dừng lại. Ðức Thế Tôn cũng dừng lại và đứng ngay trước mặt bà như thể cản bà tiến lên.
Sau đó, Tôn giả Mahà-Moggallàna, biết tâm bậc Ðạo Sư và cũng biết thọ mạng bà lão sắp hết, bèn thúc giục bà đảnh lễ đức Thế Tôn:
Khi bà lắng nghe lời Tôn giả, lòng đầy xúc động, bà phát khởi tâm tín hướng về bậc Ðạo Sư, liền đảnh lễ Ngài với năm phần thân thể sát đất, và do hân hoan trước đức Phật, bà nhất tâm đứng yên lặng, đầu cúi xuống. Ðức Thế Tôn bảo:
– Thế này là đủ để bà ấy lên thiên giới.
Xong Ngài vào thành với đại chúng Tỷ-kheo. Ngay lập tức sau đó, một con bò cái chạy trốn cùng với bê con, lao về phía bà già, lấy cặp sừng húc bà chết tại chỗ.
Ðể giải thích tất cả sự kiện này, chư vị Trưởng lão kết tập Kinh điển ngâm hai vần kệ;
Sau đó, bà được tái sanh giữa cõi trời Ba mươi ba. Bà có một đoàn tùy tùng hộ tống gồm cả một trăm ngàn tiên nữ.
Ngay đúng ngày hôm ấy, bà đã hóa thành một Thiên nữ trong Lâu đài của mình, hiện xuống cõi trần, tiến đến gần Tôn giả Mahà-Moggallàna và cung kính đảnh lễ Tôn giả.
Ðể giải thích việc này Thiên nữ nói:
Bậc Trưởng lão hỏi:
Ðược Trưởng lão hỏi, Thiên nữ đáp bốn vần kệ:
Lần nữa, một vần kệ lại được chư vị kết tập Kinh điển thêm vào:
Tôn giả Mahà-Moggallàna trình lại sự kiện ấy lên đức Thế Tôn. Ngài liền lấy đó làm đề tài thuyết pháp cho hội chúng được hưởng nhiều lợi lạc.
Bấy giờ, Thế Tôn trú tại Sàvatthi ở Kỳ Viên trong tinh xá ông Cấp Cô Ðộc. Thời ấy ở thành phố Kimbila có một nam tử của một gia chủ tên Rohaka, là người mộ đạo, có tín tâm, tuân thủ giới luật toàn vẹn. Cũng tại đó, trong một gia đình cùng hoàn cảnh tương tự, có một thiếu nữ mộ đạo, tín thành, được đặt tên Bhaddà (Cát Tường) vì bản chất tốt đẹp của nàng.
Bấy giờ cha mẹ Rohaka cầu hôn nàng Bhaddà cho con trai mình. Khi đúng ngày lành, họ rước nàng về và cử hành hôn lễ, hai người sống đời hòa thuận. Vì có đức hạnh hoàn toàn, người vợ nổi danh là Phu nhân Khả ái.
Thời ấy, hai vị Ðại đệ tử cùng đoàn hộ tống năm trăm Tỷ-kheo đang du hành trong nước đến thành Kimbila. Rohaka biết tin chư vị đến đó, hân hoan đón chư Trưởng lão, cung kính đảnh lễ chư vị và mời chư vị thọ trai ngày hôm sau.
Vào hôm ấy, khi đã thiết đãi chư Trưởng lão cùng hội chúng tùy tùng, Rohaka cùng vợ và các con nghe pháp, thọ Tam quy và nguyện tuân hành Ngũ giới. Còn vợ chàng thực hành các ngày Bát quan trai giới cùng giữ gìn giới đức toàn vẹn, nên nàng được chư Thiên thần ái mộ đặc biệt.
Do chính đặc ân đó, nàng đã vô hiệu hóa một lời vu cáo xảy đến cho nàng và danh tiếng về đức hạnh cùng sự đoan chính toàn vẹn của nàng lan truyền khắp nơi trên trần thế.
Nguyên do là trước đó nàng ở nhà một mình tại thành Kimbila trong khi chồng nàng đang ở Takkasilà để buôn bán, nhân lúc cao hứng muốn vui chơi vào một dịp lễ hội, nàng được bạn bè khuyến khích, bèn đi gặp chồng nàng tại Takkasilà sau khi vị gia thần đã dùng uy lực giữ nàng ở lại đó.
Từ lúc gặp gỡ chồng, nàng thọ thai rồi được đưa về thành Kimbila, theo thời gian, tình trạng thọ thai của nàng đã rõ ràng, nàng bị mẹ chồng và nhiều người khác nghi ngờ nàng ngoại tình.
Nhưng rồi do uy lực của chính vị thần kia, khi cả thành phố Kimbila có vẻ như bị chìm ngập trong đại hồng thủy của sông Hằng, nàng đã làm cho sự ô nhục đổ lên đầu nàng phải thối lui nhờ mãnh lực của lời tuyên thệ trang nghiêm đi kèm với quyết tâm chứng thực sự trinh tiết của nàng, chẳng khác nào cơn đại hồng thủy của sông Hằng cùng các đợt sóng hỗn loạn hạ dần xuống.
Khi tái hợp với chồng và đưa ra chiếc nhẫn làm tin cùng các vật kỷ niệm chàng đã chân thành tặng nàng, nàng phá tan mối ngờ vực, nên được chồng nàng cùng toàn thể bà con thân thuộc và người đời tôn trọng. Do vậy tương truyền là danh tiếng về đức hạnh và sự đoan chính toàn vẹn của nàng vang dậy đến chân trời góc đất.
Sau đó, nàng từ trần và tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Khi đức Thế Tôn từ Sàvatthi du hành đến cõi trời ấy và an tọa nên Thạch bàn Pandukambala (ngai Hoàng bảo thạch của Sakka) dưới gốc cây San hô (Pàricchattaka), và trong khi Thiên chúng đến cung kính đảnh lễ Ngài, Thục Nữ khả ái cũng đến ngồi một bên.
Ðức Thế Tôn bèn hỏi nàng về hạnh nghiệp mà nàng đã tạo qua các vần kệ:
Khi được hỏi đức Thế Tôn hỏi vậy, nàng Thiên nữ đáp lại các vần kệ sau:
6. (23) Chuyện thứ sáu – Lâu Ðài Của Sonadinnà (Sonadinnà-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Kỳ Viên tinh xá. Thời ấy ở Nalandà có một nữ đệ tử tại gia tên là Sonadinnà, một người mộ đạo, có tín tâm, thường xuyên giữ đức hạnh và đoan chính trang nghiêm, ân cần phụng sự chư Tỷ-kheo với bốn vật cần dùng, cùng hành trì Bát quan trai giới.
Nàng được lợi lạc do nghe pháp và tạo đầy đủ điều kiện nhân duyên, tu tập Tứ Thánh đế, lấy đó làm đề tài thiền quán của nàng, nên nàng đắc quả vị Dự Lưu. Về sau, khi lâm trọng bệnh, nàng từ trần và tái sanh lên cõi trời Ba mươi ba.
Tôn giả Mahà Moggallàna hỏi nàng qua các vần kệ sau:
7. (24) Chuyện thứ bảy – Lâu Ðài Của Uposathà (Uposathà-Vimàna)
Chuyện này cũng tương tự chuyện Lâu đài trước, nhưng có những điểm khác biệt là ở đây, Uposathà là một nữ đệ tử tại gia ở Sàketa, và sau khi nàng đã giải thích cho Tôn giả Mahà-Moggallàna những gì đã xảy ra trước kia mà nay dung sắc của nàng chiếu sáng khắp mười phương, nàng lại nói thêm về một lỗi lầm của nàng:
Vị Trưởng lão hỏi:
Thiên nữ đáp:
Trưởng lão nói:
8, 9. (25, 26) Chuyện thứ tám và chín – Các Lâu Ðài Của Niddà Và Suniddà (Niddà-Suniddà-Vimàna)
Chuyện hai Lâu đài thứ tám và thứ chín có nguồn gốc ở Ràjagaha. Các vần kệ cũng giống chuyện 23 không có gì khác lạ.
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi. Thời ấy tại Uttaramadhurà có một nữ nhân thọ mạng đã hết và phải tái sanh vào đọa xứ.
Vào lúc rạng đông, đức Thế Tôn vừa xuất khỏi định Ðại bi, và quán sát thế gian, Ngài thấy nữ nhân ấy.
Muốn an trú kẻ ấy vào thiện thú, Ngài ra đi một mình xuống Madhurà vào vùng ngoại ô của thành phố để khất thực.
Vừa lúc ấy, bà kia đã chuẩn bị xong thức ăn tại nhà và đặt sang một bên, rồi ra đi với chiếc ghè đến chỗ có nước để tắm. Khi trở về nhà với ghè nước đầy, bà thấy đức Thế Tôn liền thưa:
– Có lẽ đức Thế Tôn đã nhận món cúng dường?
Ðức Thế Tôn bảo:
– Ta sẽ nhận.
Bà ấy hiểu rằng Ngài chưa nhận món khất thực. Vì thế bà đặt ghè nước xuống, đến gần đức Thế Tôn cung kính đảnh lễ Ngài và thưa:
– Bạch Thế Tôn con muốn cúng dường, xin Ngài hãy cho phép con.
Ðức Thế Tôn đồng ý bằng cách im lặng. Bà ấy biết rằng Ngài đã nhận lời, bèn tiến lên về trước sửa soạn chỗ ngồi ở một nơi đã được rảy nước và quét sạch, xong đứng chờ Ngài đến.
Ngài bước vào ngồi xuống. Bà cúng dường Ngài thức ăn và cũng ngồi xuống. Khi thọ thực xong, Ngài rút tay khỏi bình bát và nói lời tùy hỷ công đức, rồi tiếp tục lên đường.
Bà ấy nghe Ngài chúc lành, cảm thấy hân hoan hạnh phúc vô cùng, và vì bà không vơi niềm hoan hỷ do đức Phật mang lại, nên bà vẫn đứng cung kính đảnh lễ cho đến khi Ngài đi khuất dạng.
Chỉ sau đó vài ngày, bà từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba.
Bấy giờ Tôn giả Mahà-Moggallàna đang du hành giữa Thiên chúng, thấy Thiên nữ này có đại thần thông và đại oai lực của chư Thiên hiện đang hưởng cảnh vinh quang trên thiên giới, mà ngay cả tri kiến một bậc Giác ngộ cũng không thể xác định được hạn lượng của cảnh ấy.
Tôn giả bèn ngâm các vần kệ hỏi về thiện nghiệp công đức mà nàng đã làm. Các vần kệ này cũng giống như trước:
11. (28) Chuyện thứ mười một – Lâu Ðài Cuả Nữ Thí Chủ Thứ Hai (Dutiyabhikkhàdàyika-Vimàna)
Chuyện này cũng giống chuyện Lâu đài trước, trừ điểm ở đây đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha, và nữ nhân cúng dường cho một Tỷ-kheo vô lậu hoặc, an nhiên tâm trí, chẳng còn si mê.
Tổng Kết
Lâu đài Nữ tỳ và Lakhuma, Người cho cơm cháy, Candàli, Phu nhân Khả ái, và Sonadinnà, Uposathà, Niddà, và Suniddà, cùng hai Nữ thí chủ.
Phẩm này được biết qua các chuyện trên.
Phẩm III – Pàricchattaka
Bấy giờ, bậc Ðạo Sư trú tại Ràjagaha, ở Trúc Lâm. Thời ấy ở Ràjagaha trong một gia đình thường cúng dường Tôn giả Mahà-Moggallàna có một thiếu nữ chuyên tâm bố thí và thích thú bố thí.
Tại nhà ấy, các loại thực phẩm cứng và mềm đều được làm sẵn sàng trước buổi ngọ trai chính thức. Thời ấy, cô gái kia thường đem bố thí nửa phần thức ăn mà nàng có trong nhà. Nàng không ăn trừ khi đã bố thí xong.
Ngay cả khi nàng không thấy một vị xứng đáng nhận phần cúng dường, nàng cũng để dành một số thực phẩm cho đến khi nàng gặp một vị như thế. Nàng cũng bố thí luôn cho đám hành khất nữa.
Bấy giờ mẹ nàng thường hân hoan hạnh phúc tự nhủ: ‘Con gái ta chuyên tâm bố thí và thích thú bố thí cúng dường’. Rồi bà cho nàng phần ăn gấp đôi. Khi một phần ăn mà nàng nhận đã được phân phát, bà mẹ lại cho nàng phần thứ hai. Nàng cũng tiếp tục phân phát phần ấy.
Cứ vậy với thời gian trôi qua, khi đến tuổi, cha mẹ nàng đem gả nàng cho con trai một gia đình khác cũng ở trong thành phố này. Song gia đình này có tà kiến, không mộ đạo.
Bấy giờ, Tôn giả Mahà-Moggallàna đang lúc đi khất thực từng nhà, dừng lại trước cửa nhà cha chồng của thiếu nữ kia. Khi nàng thấy Tôn giả, lòng đầy thành tín, liền thưa:
– Bạch Tôn giả, xin hãy vào đây.
Nàng mời Tôn giả vào trong, cung kính đảnh lễ và cầm lấy chiếc bánh đã được bà mẹ chồng để dành. Nhưng không thể tìm ra bà, nàng tự nhủ: ‘Ta sẽ kể với mẹ sau về việc này và làm cho bà hân hoan vì thiện sự của ta’, rồi nàng dâng bánh lên Trưởng lão.
Vị Trưởng lão nói lên tùy hỷ công đức và tiếp tục lên đường. Còn cô gái thưa với mẹ chồng:
– Con đã cúng dường Tôn giả Mahà-Moggallàna chiếc bánh mà mẹ để dành.
Khi nghe nàng nói vậy, bà mẹ chồng kêu lên:
– Con này thật vô phép quá! Mày đã đem cho một Sa-môn đồ vật của ta mà thậm chí cũng không xin phép nữa!
Rồi, bà nói giọng lắp bắp vì bị cơn giận trấn áp và không còn suy nghĩ phải trái, liền chụp cái chày gãy nện túi bụi vào vai cô gái.
Cô gái này thể chất mong manh yếu đuối và thọ mạng sắp chấm dứt, nay bị thương tích trầm trọng gây đau đớn khốc liệt, chỉ trong vòng vài ngày nàng qua đời và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba.
Mặc dù nàng đã tạo được nhiều nghiệp lành, việc nàng đã đặc biệt cúng dường Trưởng lão này vẫn là tối thắng hơn cả.
Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên cõi trời như được tả ở trên, liền hỏi nàng:
Khi được Trưởng lão hỏi như vậy, Thiên nữ đáp:
2. (30) Chuyện thứ hai – Lâu Ðài Do Cúng Mía (Ucchu-Vimàna)
Bấy giờ, bậc Ðạo Sư trú tại Ràjagaha cũng giống như trong chuyện trước. Song điểm khác ở đây là: nàng cúng dường khúc mía, và bị đánh bằng cái ghế chết ngay lập tức và được tái sanh lên cõi trời Ba mươi ba.
Ngay đêm ấy, nàng đến yết kiến bậc Trưởng lão, và giống như mặt trăng, mặt trời, nàng làm cho Linh Thứu Sơn rực sáng trong khoảnh khắc ấy. Ðảnh lễ Tôn giả xong, nàng đứng sang một bên với dáng điệu cung kính. Sau đó Trưởng lão hỏi nàng:
Khi được Trưởng lão hỏi vậy, nàng Thiên nữ giải thích:
3. (31) Chuyện thứ ba – Lâu Ðài Có Chiếc Trường Kỷ (Pallanka-Vimàna)
Bấy giờ, bậc Ðạo Sư trú tại Sàvatthi, ở Kỳ Viên. Thời ấy tại thành Sàvatthi, có con gái của một đệ tử tại gia được kết hôn với một nam tử của một gia đình khác cùng gia thế và hoàn cảnh tương tự trong thành ấy.
Nằng có bản tánh tốt đẹp, giữ giới hạnh toàn vẹn, tôn trọng chồng, hành trì Ngũ giới và đúng các ngày Bố-tát, nàng giữ Bát quan trai giới. Sau đó từ trần, nàng tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba.
Tôn giả Trưởng lão Mahà-Moggallàna du hành lên cõi thiên như (đã được tả trên) và hỏi nàng:
Thiên nữ giải thích cho Tôn giả qua các vần kệ này:
4. (32) Chuyện thứ tư – Lâu Ðài Của Latà (Latà-Vimàna)
Bấy giờ, bậc Ðạo Sư trú tại Sàvatthi, ở Kỳ Viên. Thời ấy có một cô gái tên Latà, con của một đệ tử cư sĩ sống ở Sàvatthi, một thiếu nữ có học thức, nhiều tài năng và thông minh, về nhà chồng. Nàng rất khả ái đối với chồng, cha mẹ chồng, nói năng dịu dàng, nhân từ đối với gia nhân, có khả năng đảm đương công việc gia đình, tánh tình hiền thiện, thực hành giới hạnh hoàn hảo, thích thú bố thí, nàng lại tinh cần giữ Ngũ giới trọn vẹn và tuân thủ các ngày Bát quan trai giới.
Sau một thời gian nàng từ trần, và tái sanh làm con gái của Ðại Thiên Vương Vessavana (Tỳ-sa-môn). Song nàng vẫn có tên là Latà. Ngoài ra còn có bốn chị em khác là Sajjà, Pavarà, Acchimatì và Sutà.
Tất cả năm chị em đều được Sakka Thiên chủ bảo dưỡng và đưa vào vị trí thị giả của ngài nhờ khả năng ca múa. Song Latà được sủng ái nhất vì tài đàn hát múa của nàng. Khi nào các nàng hội họp, đều có tranh luận về tài năng âm nhạc. Cả năm đều đi đến Ðại Thiên vương Vessavana và hỏi:
– Tân phụ vương, ai trong chúng con có tài nhất về đàn hát múa ca?
Ngài đáp:
– Này các con, hãy đến chơi nhạc ở hội chúng chư Thiên bên bờ hồ Anottata. Tại đó, tài năng đặc biệt của các con sẽ thể hiện.
Các nàng làm theo lời ngài. Tại đó các tiên đồng không thể nào tự kiềm chế được khi Latà nhảy múa. Chư vị cười rộ lên vì tràn ngập kỳ thú, hoan nghênh không ngớt và vẫy khăn liên tục, chư vị gây huyên náo đến độ làm cho núi Tuyết Sơn như thể đang rung động.
Nhưng khi các nàng khác nhảy múa thì chư vị ngồi yên lặng như sơn ca mùa đông. Như vậy tại đại hội ấy, tài năng đặc biệt của Latà đã thể hiện rõ ràng.
Sau đó tư tưởng này khởi lên trong tâm Thiên nữ Sutà: ‘Vì hạnh nghiệp gì nàng Latà này đã vượt trội chúng ta về vinh quang hiển đạt? Nào, ta muốn hỏi về hạnh nghiệp Latà đã làm’. Nàng đến hỏi và nàng kia giải thích vấn đề cho nàng rõ.
Ðại vương Vessavana bèn trình toàn thể câu chuyện với Tôn giả Mahà-Moggallàna nhân dịp Tôn giả du hành lên thiên giới. Khi trình bày vấn đề lên đức Thế Tôn từ duyên cớ đầu tiên của câu chuyện, Tôn giả nói về các nàng Latà, Sajjà, Pavatà, Acchimatì và Sutà như sau:
5. (33) Chuyện thứ năm – Lâu Ðài Của Guttila (Guttila-Vimàna)
Trong lúc đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha, Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên thiên giới, như đã kể ở trên, đến cõi trời Ba mươi ba. Ở đó trong ba mươi sáu Lâu đài liên tiếp, Tôn giả thấy ba mươi sáu Thiên nữ hưởng thọ thiên lạc vinh quang với một đoàn tùy tùng gồm cả ngàn tiên nữ, và Tôn giả lần lượt hỏi, bắt đầu với vần kệ. ‘Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm’ về các thiện nghiệp được các nàng thành tựu.
Sau khi Tôn giả hỏi, các Thiên nữ đáp lời với các vần kệ, mà vần đầu tiên là:
Con đã dâng y đẹp tuyệt trần…
Sau đó Tôn giả về nhân thế, trình câu chuyện lên đức Thế Tôn. Khi nghe chuyện, đức Thế Tôn nói:
– Này Moggallàna, không phải các Thiên nữ chỉ được ông hỏi và đáp lời như vậy mà thôi, nhưng xưa kia, hội chúng ấy cũng được Ta hỏi và trả lời như vậy.
Rồi vị Trưởng lão thỉnh cầu, Ngài kể lại cuộc đời Guttila, một chuyện Tiền thân của Ngài. (Xem chuyện “Tiền thân đức Phật”, quyển II số 243, Guttila Jàtaka).
Tương truyền rằng ba mươi sáu Thiên nữ ấy đã sinh làm người vào thời đức Phật Kassapa (Ca-diếp cổ Phật trước đức Gotama), và đã thực hành các công đức thiện sự như vầy; một người dâng y, một người dâng hương, một người dâng trái cây tuyệt hảo, một người dâng nước mía, một người in dấu năm ngón tay có tẩm hương tại Tháp của đức Thế Tôn, một người hành trì ngày trai giới, một người dâng nước lên một Sa-môn lúc ấy đang thọ thực vào giờ ngọ trai, một người vô sân phục vụ cha mẹ chồng cáu kỉnh, một nữ tỳ tận trung chuyên cần, một người dâng cháo sữa lên một Sa-môn đang khất thực, một người dâng mật mía, một người dâng khúc mía, một người dâng quả timbaru, một người dâng dưa hấu, một người dâng dưa bở, một người dâng dưa leo, một người dâng hoa phàrusaka, một người dâng lò than nhỏ bằng đất (để sưởi), một người dâng bó củ sen, một người dâng một nắm lá thuốc, một người dâng tương chua, một người dâng bánh mè, một người dâng dây thắt lưng, một người dâng dây treo ở vai, một người dâng tấm vải buộc vết thương, một người dâng quạt, một người dâng quạt lá kè, một người dâng dụng cụ đuổi ruồi bằng lông chim công, một người dâng dù che nắng, một người dâng mứt, một người dâng bánh ngọt.
Tất cả vị này được tái sanh cùng đoàn tùy tùng gồm cả ngàn tiên nữ để làm thị nữ của Sakka Thiên chủ. Khi được Guttila, giáo sư âm nhạc, hỏi thăm, mỗi vị lần lượt giải thích các thiện nghiệp đã làm, bắt đầu với vần kệ: ‘Tín nữ dâng y đẹp tuyệt trần’ v.v….
Giống như Lâu đài này của người dâng y, bốn Lâu đài kế tiếp cũng được triển khai như vậy: Các vần kệ thứ 3 đến thứ 10 được lập lại bốn lần với các điểm thay đổi sau:
Tẩm hương lên bảo Tháp thờ Ngài
Thế Tôn Ca-diếp thời sơ cổ,….
Giống như Lâu đài người in dấu năm ngón tay tẩm hương, bốn Lâu đài kế tiếp cũng được triển khai như vậy, và lập lại các vần kệ từ 8 đến 10, nhưng có các biến đổi sau đây thay thế vần kệ 18:
Giống như Lâu đài của người cúng cháo sữa, hai mươi lăm Lâu đài khác cũng phải được khai triển như vậy:
6. (34) Chuyện thứ sáu – Lâu Ðài Rực Rỡ (Daddalha-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi ở Kỳ Viên. Thời ấy trong một làng nhỏ của thị trấn Nàlaka có một người khá giả, tình nguyện phụng sự Tôn giả Trưởng lão Revata (Ly-bà-la). Người ấy được hai con gái: một nàng tên Bhaddà, nàng kia là Subhaddà.
Bhaddà về nhà chồng, đầy đủ tín tâm và thông tuệ, nhưng nàng lại không sinh con. Nàng bèn nói với chồng:
– Thiếp có một em gái tên Subhaddà, hãy cưới em gái thiếp. Nếu em thiếp sanh con trai, nó cũng là con của thiếp và dòng dõi này không bị tuyệt tự.
Chồng bảo nàng:
– Ðược lắm.
Và chàng làm theo đề nghị của vợ.
Bấy giờ Bhaddà khuyên nhủ Subhaddà:
– Này em, hãy thích thú bố thí, và tinh cần sống theo chánh hạnh, như vậy sẽ có nhiều lợi lạc cho em trong đời hiện tiền này và đời sau.
Một hôm, Subhaddà theo lời khuyên của chị và làm theo điều nàng bảo, thỉnh cầu Tôn giả Revatà đến thọ thực cùng bảy vị khác. Chư vị đến nhà nàng. Ðầy đủ tín tâm, nàng tự tay phục vụ chư vị và thiết đãi Tôn giả Revatà cùng chư Tỷ-kheo các món cao lương mỹ vị đủ loại cứng và mềm. Vị Trưởng lão nói lời tùy hỷ công đức rồi ra đi.
Về sau, Subhaddà từ trần và tái sanh vào hội chúng Hóa Lạc thiên. Còn Bhaddà, trước kia chỉ cúng dường cho các cá nhân riêng lẻ, nên được tái sanh làm thị nữ của Sakka Thiên chủ.
Bấy giờ Subhaddà, nhân lúc suy nghĩ lại thành quả của chính mình,tự hỏi: ‘Vì công đức nào mà nay ta đã hóa sinh tại đây?’. Và nhận ra chính nàng đạt được cảnh giới này do cúng dường Tăng chúng theo lời khuyên của Bhaddà. Rồi trong lúc nàng hỏi: ‘Thế Bhaddà nay ở đâu?’, nàng thấy chị nàng đã tái sanh làm thị nữ của Sakka, và do lòng thương tưởng chị kiếp trước, nàng bước vào Lâu đài của chị. Lúc ấy Bhaddà hỏi nàng:
Bhaddà lại hỏi nàng:
Subhaddà đáp:
Sau đó Bhaddà hỏi nàng:
Subhaddà lại nói:
Khi Subhadda đã nói như vậy, Bhaddà chấp nhận ý nghĩa trên và ước mong đời sau sẽ nhiệt tình noi gương em nàng, bèn ngâm kệ:
Rồi Subhaddà trở lại thiên giới của nàng. Sau đó, khi Sakka Thiên chủ thấy Thiên nữ ấy sáng chói nhờ hào quang của sắc thân nàng vượt trội hơn hẳn Thiên chúng cõi trời Ba mươi ba, và đã nghe câu chuyện giữa hai nàng, nên ngay sau khi Subhaddà biến mất, ngài không biết nàng là ai, bèn hỏi Bhaddà:
Sau đó Sakka Thiên chủ thuyết pháp, nêu rõ thành quả vĩ đại của lễ vật đáng tuyên dương mà nàng đã cúng dường Tăng chúng:
Sakka Thiên chủ kể toàn chuyện này với Tôn giả Mahà-Moggallàna, Tôn giả lại trình lên Thế Tôn. Ngài lấy đó làm một dịp thuyết pháp.
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Kỳ Viên. Thời ấy trong làng Nàlaka nước Ma-kiệt-đà (Magadha) có một nàng dâu trong nhà một gia chủ giàu tiền của.
Chuyện kể rằng nhiều kiếp trước, khi ngôi kim Tháp rộng một do-tuần đang được xây để thờ đức Thế Tôn Kassapa, nàng còn là một thiếu nữ cùng đi với mẹ đến khuôn viên của đền thờ này và hỏi mẹ:
– Mẹ ơi, các người này đang làm gì thế?
– Họ đang đúc gạch bằng vàng để xây tháp.
Khi nghe vậy, cô gái có tín tâm liền bảo mẹ:
– Mẹ ơi, ở cổ con có món nữ trang nhỏ này bằng vàng. Con muốn đem nó tặng vào ngôi bảo Tháp.
– Thế thì tốt lắm, con hãy đem cúng nó đi.
Rồi tháo món nữ trang từ cổ con gái ra trao tận tay người thợ vàng, bà bảo:
– Ðây là phần đóng góp của con bé này. Hãy thêm nó vào viên gạch ông đang đúc nhé.
Người thợ vàng làm theo lời ấy.
Về sau cô gái từ trần và do công đức đặc biệt kia, được tái sanh vào thiên giới, rồi lần lượt đi từ thiện thú này đến thiện thú khác; vào thời đức Thế Tôn Gotama, nàng tái sanh ở làng Nàlaka.
Một hôm nàng được mẹ sai đi làm việc cho bà, nàng đem một ít tiền đến một tiệm mua dầu. Trong tiệm này có một gia chủ đang đào đất để lấy một số lớn đồng tiền, vàng, ngọc trai, châu báu đủ loại đã được cha chôn giấu để dành từ xưa. Người chủ tiệm thấy rằng vì nghiệp quả của mình, chúng đã biến thành sỏi đá. Sau đó vị ấy chất thành một đống, cất vào một nơi để quan sát chúng vừa tự bảo: ‘Do năng lực của những người đầy đủ công đức, chúng sẽ trở thành vàng bạc, đồng tiền như xưa’.
Bấy giờ cô gái thấy vậy bèn hỏi:
– Sao các đồng tiền kahàpana và châu báu được chất đống thế này? Hiển nhiên chúng cần phải được cất giữ đúng đắn mới phải.
Người chủ tiệm nghe vậy tự nghĩ: ‘Cô gái này có đại phước đức. Nhờ cô này tất cả của cải này sẽ biến thành vàng bạc cả, và sẽ có giá trị cho ta. Ta sẽ đối xử với cô ấy thật ân cần tử tế’.
Ông liền đến gặp mẹ nàng và xin cầu hôn nàng:
– Xin hãy gả con gái bà cho con trai tôi.
Ông trao tặng nàng một số tài sản lớn, tổ chức lễ cưới linh đình và rước cô gái về nhà mình.
Sau đó, nhận thấy rõ đức hạnh của nàng, ông mở kho gia bảo ra và nói:
– Con thấy cái gì đây?
Nàng đáp:
– Con chẳng thấy gì ngoài một đống tiền, vàng, và châu báu.
Ông lại bảo:
– Các châu báu này đã biến mất vì kết quả các nghiệp ác của nhà ta, nay nhờ các nghiệp ưu thắng của con, chúng đã trở thành bảo vật. Vậy từ nay chỉ mình con trong nhà này được cai quản mọi sự. Còn chúng ta sẽ chỉ dùng những thứ gì do con định đoạt.
Từ đó mọi người biết nàng qua danh hiệu Sesavati (Nữ phú gia).
Vào thời ấy Tôn giả Tướng quân Chánh pháp Sàriputta biết các hành nghiệp của đời mình đã chấm dứt, bèn suy nghĩ: ‘Ta sẽ trao bảo vật cho mẹ ta, nữ nhân Bà-la-môn Rùpasari, để làm nơi nương tựa cho bà, rồi ta sẽ đắc Niết-bàn vô dư y’.
Tôn giả liền đến gần đức Thế Tôn, thông báo cho Ngài biết Niết-bàn vô dư y của mình sắp đến, và theo lệnh của bậc Ðạo Sư, Tôn giả thị hiện một phép đại thần thông, rồi nói hàng ngàn lời tán thán đức Thế Tôn và khởi hành; mặt vừa hướng thẳng về phía Thế Tôn, vừa lùi dần cho đến khi khuất dạng Ngài.
Khi đã ra đi khuất dạng, Tôn giả còn đảnh lễ Ngài một lần nữa, rồi được chúng Tỷ-kheo vây quanh, Tôn giả rời tinh xá. Tôn giả đưa huấn thị cho Tăng chúng xong, lại an ủi Tôn giả Ananda, và bảo tứ chúng quay về sau khi tiễn đưa Tôn giả. Vừa đúng lúc đến làng Nalaka, an trú mẫu thân Tôn giả vào quả vị Dự Lưu. vào lúc rạng đông, Tôn giả đắc Niết-bàn vô dư y ngay ở trong căn phòng mà Tôn giả đã được sinh ra. Sau đó cả chư Thiên và loài Người cùng làm lễ cung kính cúng dường di hài Tôn giả suốt bảy ngày. Họ làm dàn hỏa thiêu cao một trăm cubit (45m) với đủ loại chiên-đàn và hương liệu.
Nàng Sesavati cũng nghe tin về Niết-bàn vô dư y của Tôn giả. Nàng bảo: ‘Ta sẽ đi đảnh lễ ngài’, và dặn gia nhân đặt hoa bằng vàng đầy hộp và đem hương liệu đến, nàng muốn xin phép cha chồng ra đi.
Ông bảo nàng:
– Con đang mang thai và ở đó đông nghẹt cả người, vậy con nên ở nhà và gửi hương hoa đến thôi.
Tuy thế, nàng đầy tín tâm, suy nghĩ: ‘Cho dù có nguy hiểm đến tính mạng ta tại đó, ta cũng muốn đi hành lễ cúng dường’. Rồi không nghe lời khuyên của ông, nàng cùng các người hầu cận ra đi, cúng dường hương hoa xong, nàng đứng chắp tay trước ngực trong dáng điệu sùng kính.
Vào lúc ấy, một con voi đang lên cơn động tình ở trong đoàn tùy tùng của hoàng gia đến làm lễ cúng dường Tôn giả Trưởng lão, thình lình chạy vào đó, khi mọi người thấy nó, liền hốt hoảng chạy trốn vì sợ chết, đám đông ấy dẫm chết Sesavati, nàng đã ngã gục trong đám người chen lấn nhau.
Nàng đã hoàn thành lễ cúng dường và từ trần với niềm tin đối với Tôn giả. Tâm đầy thành tín, nàng được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba.
Khi quan sát thành quả của nàng và suy luận ra nguyên nhân, nàng thấy chính là do lễ cúng dường Tôn giả Trưởng lão, nên với lòng thành tín hướng về Tam Bảo, nàng cùng Lâu đài của nàng du hành đến đảnh lễ bậc Ðạo Sư, vừa bước xuống khỏi Lâu đài, nàng đứng chắp tay trước ngực trong dáng điệu sùng kính.
Thời ấy Tôn giả Vangìsa, đang ngồi cạnh đức Thế Tôn nói như vầy:
– Bạch Thế Tôn, con muốn hỏi Thiên nữ kia về công đức phước nghiệp mà nàng đã làm.
Ðức Thế Tôn bảo:
– Này Vangìsa, cứ làm như vậy đi.
Sau đó Tôn giả Vangìsa ngâm kệ tán thán Lâu đài của nàng trước tiên:
Sau đó Thiên nữ đáp:
8. (36) Chuyện thứ tám – Lâu Ðài Của Mallikà (Mallikà-Vimàna)
Sau khi, đã hoàn thành nhiệm vụ của bậc Giác Ngộ, từ thời Chuyển Pháp luân cho đến thời giáo hóa du sĩ ngoại đạo Subhadda, vào lúc rạng đông một đêm trăng tròn tháng Visàkha, giữa đôi Sàla song thọ tại Upavattana, rừng Sàla của các quốc vương Malla ở Kusinàrà, đức Thế Tôn, nơi nương tựa của thế gian đã viên tịch trong Niết-bàn giới vô dư y, và trong lúc kim thân của Ngài được chư Thiên và loài Người cúng dường, một tín nữ ở Kusinàrà tên Mallikà thuộc dòng họ các quốc vương Malla, vợ của Bandhula, một người mộ đạo, đầy tín tâm, lấy nước hương thơm rửa bộ nữ trang hình tấm mạng lớn (để phủ quanh thân), giống như bộ nữ trang của đại tín nữ Visàkhà, và lau chùi thật bóng với một miếng vải mịn, rồi đem theo nhiều đồ vật khác như hương liệu, vòng hoa v.v…. đến đảnh lễ di hài đức Thế Tôn.
[Ðây chỉ là phần sơ lược, còn chuyện Mallikà có đầy đủ chi tiết trong bộ Luận Pháp cú (Dh.A.III.119, Mallikàdevivatthu) ]
Về sau, Mallikà từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Vì nàng đã cúng dường lễ vật như vậy, nên nàng được hưởng vô lượng Thiên lạc huy hoàng. Xiêm y nữ trang, lâu đài, đều sáng chói với thất bảo, cùng với ánh sáng của vàng ròng tuyệt hảo, rực rỡ chiếu khắp mười phương với kim sắc như thể rải rắc mọi hướng với những tia vàng tinh chất.
Bấy giờ Tôn giả Nàrada đang du hành giữa Thiên chúng, trông thấy nàng bèn lại gần. Nàng cung kính đảnh lễ Tôn giả, rồi đứng chắp tay trong dáng điệu sùng kính. Tôn giả hỏi nàng:
Và Thiên nữ đáp lời:
Sau khi đức Thế Tôn đã viên tịch, khi Ðại vương Ajàtasattu (A-xà-thế) đã xây một đại Tháp ở Ràjagaha trên phần xá-lợi mà vua nhận được và cử hành lễ hội cúng dường xong, cô con gái một nhà làm vòng hoa tên Sunandà, một tín nữ, một vị Thánh đệ tử đắc quả Dự Lưu, gửi nhiều tràng hoa thơm đến cúng bảo Tháp, và vào các ngày trai giới, chính nàng đi đến đó lễ bái.
Về sau, lúc từ trần, nàng được tái sanh làm thị nữ của Sakka Thiên chủ và một hôm Thiên chủ đi vào Lâm viên Cittalatà, thấy nàng đứng đó mà không bị ảnh hưởng bởi ánh hào quang của tất cả các vị Thiên thần chung quanh nàng.
Ngài bèn hỏi nàng lý do:
Khi được Sakka Thiên chủ hỏi, Thiên nữ Sunandà đáp lời qua các vần kệ này:
Rồi Sakka Thiên chủ trình vấn đề này với Tôn giả Vangìsa. Tại Hội nghị kết tập Kinh điển, Tôn giả thuật chuyện này với chư Trưởng lão thời ấy đang biên soạn Giáo pháp và chư vị thêm chuyện này đúng như thật vào Kinh tạng.
Bấy giờ, đức Thế Tôn, trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên. Một đệ tử tại gia đầy tín thành cúng dường thực phẩm lên đức Thế Tôn tại nhà riêng vô cùng trọng thể.
Ngay lúc ấy một nữ nhân lượm củi trong Hắc lâm thấy một cây Vô ưu (Asoka) đang nở hoa. Bà đi nhặt các cành hoa đến rải quanh đức Thế Tôn, cung kính đảnh lễ Ngài rồi ra về.
Sau đó bà từ trần, được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba, hưởng lạc thú tại Hỷ lạc Viên Nandana, cùng với đoàn tiên nữ ca múa tham dự lễ hội dưới cây Thiên hoa San hô. Tôn giả Mahà-Moggallàna cũng thấy nàng và hỏi nàng như vầy:
Tổng Kết
– Lâu đài Huy Hoàng, Lâu đài người cúng khúc mía, Lâu đài Trường kỷ, Lâu đài Lata.
– Lâu đài Guttila, Lâu đài Sáng chói, Lâu đài Sesavati, Lâu đài Mallikà, Lâu đài Vìsalakkhi,
– Lâu đài Cây San hô.
Phẩm này được biết qua các chuyện trên.
Phẩm IV – Ðỏ sẫm
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên. Lúc Ngài đang được cúng dường thực phẩm theo cách được miêu tả trong Lâu đài trước, một nữ tỳ của nhà nọ đã lượm hoa từ cây Sàla đang nở rộ trong Hắc Lâm, xâu từng chuỗi thành những bó hoa nhỏ, rồi lượm rất nhiều hoa quý, những hoa đã rụng, và nàng đi vào thành.
Nàng thấy đức Thế Tôn đang an tọa trong ngôi đình, và với tín tâm, nàng trân trọng cúng dâng các bó hoa ấy đặt chung quanh tọa cụ của Ngài, rải thêm các hoa kia, rồi cung kính đảnh lễ Ngài, đi vòng quanh Ngài ba lần theo đúng nghi thức và ra đi.
Về sau nàng từ trần, và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Tại đây, một Lâu đài dành cho nàng được làm bằng pha lê đỏ, và trước đó là một rừng Sàla hùng vĩ với mặt đất được rải cát vàng. Khi Thiên nữ bước ra khỏi Lâu đài và đi vào rừng Sàla, các cây hoa rạp mình xuống và rắc hoa trên thân nàng.
Tôn giả Mahà Moggallàna đến gần nàng như đã tả ở trên, và hỏi nàng:
Khi được nghe Trưởng lão hỏi, nàng Thiên nữ ngâm các vần kệ đáp lời:
2. (40) Chuyện thứ hai – Lâu Ðài Sáng Chói (Pabhassara-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha. Thời ấy ở Ràjagaha có một đệ tử cư sĩ đầy tín thành đối với Trưởng lão Mahà-Moggallàna. Một trong hai cô con gái vị này là một tín nữ có lòng thành kính đối với bậc Trưởng lão ấy.
Một hôm Tôn giả Mahà-Moggallàna đi khất thực trong thành Ràjagaha, đến tận nhà ấy. Cô gái thấy Tôn giả, lòng đầy hoan hỷ, bảo sửa soạn chỗ ngồi, và khi Tôn giả đã an tọa tại đó, nàng cúng dường một tràng hoa lài và đổ đầy mật mía vào bình bát của Trưởng lão. Tôn giả vẫn ngồi yên vì muốn nói lời tùy hỷ công đức. Cô gái tỏ ý rằng nàng không có thì giờ để nghe Tôn giả vì đang bận nhiều công việc nhà, và nói:
– Con sẽ xin nghe Pháp vào một ngày khác.
Rồi nàng cung kính đảnh lễ vị Trưởng lão và giã từ, ngay hôm ấy nàng từ trần và tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Tôn giả Mahà Moggallàna đến gần nàng và hỏi nàng qua các vần kệ này:
Ðược Trưởng lão hỏi như vầy, nàng Thiên nữ giải thích qua các vần kệ:
3. (41) Chuyện thứ ba – Lâu Ðài Trên Con Voi (Nàga-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ba-la-nại ở Isipatana (Trú xứ chư Tiên) trong Vườn Nai. Thời ấy một đệ tử tại gia, sống ở Ba-la-nại, là kẻ mộ đạo, đầy tín tâm, thực hành giới đức, nhờ người khác dệt một bộ y và giặt thật sạch để cúng dường đức Thế Tôn.
Bà đi đến đặt bộ y dưới chân Ngài và nói như vầy:
– Bạch Thế Tôn, mong đức Thế Tôn từ bi nhận bộ y này để con được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Ðức Thế Tôn nhận bộ y và nhìn thấy các đức tính đầy đủ của bà, bèn thuyết pháp cho bà. Lúc kết thúc, bà đắc quả Dự Lưu, cung kính đảnh lễ Thế Tôn, đi quanh Ngài một vòng đúng nghi thức, rồi về nhà.
Chẳng bao lâu sau, bà từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba, và được Sakka Thiên chủ sủng ái, đặt danh hiệu Yasuttarà.
Do uy lực công đức của Thiên nữ này, một con voi cao quý xuất hiện được phủ trong tấm lưới bằng vàng: rồi một chiếc đình bằng bảo ngọc hiện ra trên lưng voi, bên trong có bảo tọa bằng ngọc trang hoàng lộng lẫy. Trong đôi ngà voi có hai hồ sen diễm lệ, rực rỡ với hoa sen, hoa súng, đồng thời hiện ra. Tại đó, trên các đài sen, các tiên nữ cầm năm loại nhạc cụ đàn ca múa hát.
Ðức Thế Tôn, sau khi đã ở tại Ba-la-nại một thời gian như ý, liền khởi hành về phía Sàvatthi. Ðến đó, Ngài trú trong Kỳ Viên. Bấy giờ Thiên nữ ấy suy ngẫm về cảnh cực lạc của nàng và duyên cớ việc kia, liền nhận thấy: ‘Việc này là do nhân duyên cúng dường bậc Ðạo Sư’.
Lòng đầy hoan hỷ, tín thành và cung kính đối với Ngài, nàng phi hành qua không gian trên lưng bảo tượng huy hoàng của nàng khi đêm đã về khuya, rồi giáng hạ từ lưng voi, đến đảnh lễ đức Thế Tôn, vươn đôi tay ra chắp lại và đứng gần đó.
Tôn giả Vangìsa được sự đồng ý của Thế Tôn, bèn hỏi nàng như vầy:
Ðược vị Trưởng lão hỏi như vậy, Thiên nữ đáp lại qua các vần kệ này:
4. (42) Chuyện thứ tư – Lâu Ðài Alomà (Alomà-Vimàna)
Trong lúc đức Thế Tôn trú gần Ba-la-nại tại Isipatana (Trú xứ chư Tiên) trong Lộc Uyển, Ngài vào thành Ba-la-nại để khất thực. Tại đó một nữ nhân nghèo khó tên Alomà thấy Ngài, với tâm đầy thành tín, nhưng không có gì khác để cúng dường, bèn suy nghĩ: ‘Một vật như thế này được cúng dường đức Thế Tôn sẽ có kết quả vĩ đại cho ta’.
Rồi bà đem dâng Ngài chiếc bánh kummàsa bằng bột gạo khô cứng, không có muối và bể vụn. Do việc cúng dường này, tâm bà cảm thấy hoan hỷ.
Ðức Thế Tôn nhận bánh.
Về sau bà từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi nàng:
5. (43) Chuyện thứ năm – Lâu Ðài Của Người Cúng Cháo Gạo (Kanjikadàyika-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Andhakavinda. Thời ấy một cơn bệnh do trúng gió phát sinh trong bụng Thế Tôn.
Ðức Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, khi ông đi khất thực hãy đem về một ít cháo chua để làm thuốc trị bệnh cho Ta.
– Bạch Thế Tôn, con sẽ làm như vậy.
Tôn giả hứa xong, cầm bình bát do Tứ Ðại Thiên vương tặng, đến đứng trước cửa nhà vị y sĩ cận sự của Tôn giả.
Bà vợ của y sĩ thấy Tôn giả, liền đảnh lễ, cầm bình bát và bảo vị Trưởng lão:
– Bạch Tôn giả, Tôn giả cần loại thuốc gì?
Ta thấy rõ bà ấy là người thông minh nên đã nhận ra: ‘Trưởng lão này đến đây khi cần dược liệu, chứ không phải thực phẩm’.
Và khi Tôn giả bảo:
– Xin cho một ít cháo gạo.
Bà suy nghĩ: ‘Thuốc này không phải dành cho Sư phụ ta, quả thật chiếc bình bát này không phải của ai khác ngoài chiếc bình của đức Thế Tôn. Nào, ta hãy tìm cho được loại cháo gạo thích hợp với vị cứu nhân độ thế’.
Lòng tràn ngập hân hoan cung kính, bà nấu món cháo với nước trái táo, đổ đầy bình bát và để dùng chung với món cháo, bà sửa soạn thêm vài thực phẩm khác nữa.
Nhờ dùng món này, bệnh của đức Thế Tôn được thuyên giảm. Về sau, bà ấy từ trần, tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba, thọ hưởng đại thiên lạc.
Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi bà như vầy:
6. (44) Câu chuyện thứ sáu – Lâu Ðài Tịnh Xá (Vihàra-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên tinh xá. Thời ấy Visàkhà, vị đại đệ tử nữ cư sĩ, đã được các bạn hữu và người hầu cận thúc giục đi chơi một vòng trong hoa viên nhân một ngày lễ hội. Ðược tắm rửa và xoa dầu thơm cẩn thận, bà ăn một bữa thịnh soạn xong, tự trang điểm với ‘bộ nữ trang đại quý giá’, rồi được một đám bạn đồng hành năm trăm người hầu cận, bà rời nhà ra đi với đoàn người hộ tống linh đình.
Trong khi tiến về hoa viên, bà suy nghĩ: ‘Cuộc vui chơi nhàn nhã như thuở còn thiếu nữ đối với ta giờ đây có nghĩa gì? Nào, ta hãy đi đến tinh xá, đảnh lễ đức Thế Tôn cùng chư Tôn giả làm phát khởi tín tâm, và ta sẽ nghe pháp’.
Bà liền đi đến tinh xá, dừng lại bên đường cởi bộ trang sức đại quý báu ấy ra, trao vào tay một nữ tỳ, kính lễ đức Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Bà nghe pháp xong, cung kính đảnh lễ đức Thế Tôn, đi vòng quanh Ngài theo đúng nghi thức, và rời tinh xá. Vừa đi một chặng đường ngắn, bà liền bảo nữ tỳ:
– Nào, ta muốn đeo bộ nữ trang.
Trước đây cô gái ấy đã buộc nó thành một gói, đặt trong tinh xá, rồi đi quanh quẩn một lúc, đến giờ ra về lại quên bẵng việc kia. Nàng thú nhận:
– Con quên mất, chắc nó còn ở đó. Con sẽ đi kiếm về đây.
Và nàng liền quay lại. Visàkhà lại bảo:
– Ðược rồi, nếu nó đã được cất trong tinh xá và quên mất, thì vì lợi ích của tinh xá, ta sẽ cúng dường bộ trang sức ấy.
Rồi bà trở lại tinh xá, đến gần đức Thế Tôn, cung kính đảnh lễ Ngài, trình lên Ngài ý định của bà và thưa:
– Bạch Thế Tôn, con muốn xây một tinh xá, ước mong đức Thế Tôn từ bi cho phép con.
Ðức Thế Tôn chấp thuận bằng cách im lặng.
Khi Visàkhà đã dâng lễ cúng dường bộ nữ trang đặc biệt ấy trị giá chín trăm triệu đồng tiền vàng, Tôn giả Trưởng lão Moggallàna giám sát công trình xây cất ấy.
Ngôi tinh xá được hoàn tất trong vòng chín tháng, dành cho đức Phật Thế Tôn và Tăng chúng một tòa Lâu đài thích hợp để an trú, trang bị đủ một ngàn phòng. Năm trăm phòng ở tầng dưới và năm trăm phòng ở tầng trên, tương truyền đó là một lâu đài như ở trên Thiên giới, sàn được xây như một bức tranh bằng châu báu cẩn hình những vòng hoa được phát họa tuyệt mỹ. Những bức tranh trên da thú, trát thạch cao trắng đẹp mắt, những đồ gỗ đánh bóng tinh xảo mỹ thuật và các phần nội thất cân xứng hài hòa như tường, cột, kèo, đòn tay, tấm trang trí góc tường, trụ cửa lớn, cửa sổ, cầu thang v.v… khéo thiết kế khả ái; và các gian nhà phụ, tư thất, mái đình, mái hiên, đại loại như thế, đều được dựng lên.
Khi tinh xá đã xong và bà sắp cử hành lễ cúng đường tặng vật trị giá chín trăm triệu đồng tiền vàng, bà nhìn thấy vẻ huy hoàng của Lâu đài trong lúc bà bước lên thượng lầu cùng năm trăm bạn đồng hành và hoan hỷ nói với họ:
– Bất cứ công đức gì ta nhận được nhờ xây cất Lâu đài này, xin chư vị đồng hưởng, ta xin phân phát đều công đức đến chư vị đã dự phần vào đây.
– Quả thật, mong được như vậy, quả thật.
Chư vị ấy đồng thanh nói với lòng tín thành và tất cả đều hoan hỷ.
Vào dịp ấy, có một tín nữ dự phần vào việc đồng hưởng công đức này với một tâm tư đặc biệt. Chẳng bao lâu sau đó, nàng từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Do uy lực công đức của nàng, một Lâu đài vĩ đại xuất hiện cho nàng, có thể du hành qua không gian, tráng lệ với nhiều nhà có nóc nhọn, hoa viên, hồ sen v.v… dài mười sáu do-tuần và rộng tám do-tuần, tỏa sáng một trăm do-tuần nhờ hào quang của chính nó. Khi Thiên nữ đi đâu, nàng cùng đi với Lâu đài ấy và một đoàn hộ tống gồm cả ngàn tiên nữ.
Về phần Visàkhà, nhờ công đức bố thí hào phóng và tín tâm cao độ, đã được tái sanh vào cõi trời Hóa Lạc, đạt đến ngôi vị chánh hậu của Sunimmita Thiên chủ.
Bấy giờ Tôn giả Anuruddha, trong lúc du hành lên thiên giới, thấy bạn của Visàkhà đã được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba, bèn hỏi nàng như vầy:
Sau đó vị Trưởng lão muốn nàng nói đến nơi tái sanh của Visàkhà, bèn ngâm kệ:
Ðể giải thích vấn đề được vị trưởng lão hỏi, nàng đáp:
Và Tôn giả Anurudha từ đây trở về nhân giới, trình lên bậc Ðạo Sư vấn đề này đúng như Tôn giả đã nghe từ vị Thiên nữ kia. Ðức Thế Tôn lấy việc này làm cơ hội để thuyết pháp.
Trong lúc đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành thiên giới như đã kể trên, đến cõi trời Ba mươi ba. Tại đó trong bốn Lâu đài liên tiếp, Tôn giả thấy bốn Thiên nữ thọ hưởng thiên lạc, mỗi nàng có một đoàn hộ tống cả ngàn tiên nữ.
Tôn giả lần lượt hỏi các thiện nghiệp mà thuở trước các nàng đã tạo:
Và ngay khi được Tôn giả hỏi, các Thiên nữ lần lượt đáp lời. Vần kệ này được ngâm để diễn tả sự kiện trên:
Tương truyền rằng vào thời đức Thế Tôn Kassapa, các nữ nhân này được tái sanh vào một gia đình lương thiện thành Pannakata, tại quốc độ có tên Esikà. Khi đến tuổi trưởng thành, các nàng về nhà chồng và sống đời hòa hợp.
Một nàng trong đám ấy thấy một Tỷ-kheo đi khất thực, bèn cúng dường một bó hoa súng xanh với tâm thành kính, một nàng cúng một bó hoa sen xanh cho một Tỷ-kheo khác, một nàng nữa cúng một bó sen đỏ, và một nàng nữa cúng các nụ hoa lài.
Sau đó từ trần, các nàng được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Mỗi nàng có một đoàn hộ tống gồm cả ngàn tiên nữ. Sau khi thọ hưởng thiên lạc ở đó đến tròn thọ mạng, các nàng từ giã cõi ấy và nhờ phước phần còn lại của nghiệp quả xưa, đã được tái sanh vào thời đức Phật Gotama ở cùng cõi trời này và được Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi theo cách đã được mô tả như trên.
Một nàng kể cho Trưởng lão nghe về hạnh nghiệp kiếp xưa nàng đã tạo:
Tôn giả hỏi lại một nàng khác:
Tôn giả lại hỏi một nàng khác:
Tôn giả lại hỏi một nàng khác nữa:
Nàng ấy đáp lại:
8. (46) Chuyện thứ tám – Lâu Ðài Vườn Xoài (Amba-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi. Thời ấy một tín nữ tại đó nghe nói về kết quả vĩ đại và lợi ích vĩ đại do cúng dường tinh xá, nên lòng đầy nhiệt thành, nàng cung kính đảnh lễ đức Thế Tôn và nói như vầy:
– Bạch đức Thế Tôn, con muốn nhờ người xây một tinh xá. Con cầu mong đức Thế Tôn chỉ cho con một nơi thích hợp.
Ðức Thế Tôn đưa huấn thị đến chư Tăng. Chư vị chỉ cho bà một nơi thích hợp. Sau đó bà sai người xây một tinh xá, chung quanh có trồng xoài. Tinh xá được những hàng cây xoài bao bọc đầy đủ bóng mát và nước ngọt, đất màu trắng rải rác cát vàng như những chuỗi ngọc trai, thật hoàn hảo tráng lệ làm say lòng người.
Tín nữ ấy lại trang hoàng tinh xá với thảm đủ màu và tràng hoa, hương liệu chẳng khác kinh thành thiên giới; bà thắp đèn dầu và phủ lên các cây xoài một lớp khăn vải mới, rồi cúng dường tinh xá lên chư Tăng.
Về sau bà từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba.
Tại đấy xuất hiện cho Thiên nữ một Lâu đài vĩ đại có vườn xoài bao bọc. Nàng được đoàn tiên nữ vây quanh hộ tống và hưởng thọ thiên lạc.
Tôn giả Mahà-Moggallàna đến gần nàng và hỏi:
9. (47) Chuyện thứ chín – Lâu Ðài Hoàng Kim (Pìta-Vimàna)
Sau khi đức Thế Tôn diệt độ, và khi Ðại vương Ajàtasattu (A-xà-thế) đã dựng đại Tháp ở Ràjagaha để thờ phần xá-lợi của đức Thế Tôn và cử hành lễ cúng dường xong, một tín nữ đem bốn đóa hoa leo kosàtakì đến dâng bảo Tháp, bất kể các mối hiểm nguy dọc đường.
Ngay lúc ấy, một con bò cái cùng với một con bê con hung hăng xông tới tấn công bà bằng đôi sừng, giết bà tại chỗ. Bà được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba, xuất hiện ngay khi Sakka Thiên chủ đang ngự trên thiên xa đến du ngoạn vườn thiên lạc, ngài bèn ngâm kệ hỏi:
Khi đã nói xong lời này, Sakka Thiên chủ liền rời Hỷ lạc Viên và đến đảnh lễ cúng dường bảo tháp Cùlàmani suốt bảy ngày. Một thời gian sau, khi Tôn giả Nàrada du hành lên thiên giới, Thiên chủ ngâm kệ trình bày sự kiện trên với Tôn giả. Vị Trưởng lão thuật lại với chư vị kết tập Kinh điển nên chư vị này đưa chuyện ấy vào Ðại Tạng Kinh.
Chuyện này cũng giống như chuyện Lâu đài của người dâng mía trước đây (số 30). Nhưng ở đây, bà mẹ chồng dùng hòn đất ném chết con dâu. Vì điểm này, hai câu chuyện đã được truyền tụng riêng biệt.
Các kệ từ 4-11 cũng giống như kệ 4-11 ở chuyện 30, chỉ trừ chữ ‘chiếc ghế’ được thay bằng ‘hòn đất’.
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi. Thời ấy nhiều Tỷ-kheo, sau khi đã an cư mùa mưa ở một tinh xá trong làng kia và đã làm lễ. Tự tứ vào lúc bế mạc xong, liền du hành qua một làng khác, trên đường đi đến Sàvatthi để đảnh lễ đức Thế Tôn. Tại đó một vị nữ nhân đến đảnh lễ chư Tăng với tâm đầy thành tín, kính cẩn và thiện ý. Về sau nàng từ trần được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba và Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi nàng:
6.Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào lòng dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
12. (50) Chuyện thứ mười hai – Lâu Ðài Của Rajjumàlà (Rajjumàlà-Vimàna)
Thời ấy, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên tinh xá. Bấy giờ ở một ngôi làng nhỏ vùng Gayà có một Bà-la-môn gả con gái cho con trai một Bà-la-môn khác. Nàng dâu về nắm quyền hành trong nhà ấy, ngay từ đầu đã sinh lòng ác cảm với con gái của một nữ tỳ, nên thường đánh mắng nhục mạ cô bé.
Khi cô bé lớn dần, nàng dâu lại đối xử tàn tệ hơn nữa (tục truyền rằng vào thời đức Phật Kassapa, hai nàng này đã có mối liên hệ ngược với hiện tại).
Ðể đề phòng việc cô chủ kéo tóc mình mỗi khi đánh đập, cô bé nữ tỳ đến tiệm cắt tóc nhờ cạo trọc đầu. Sau đó cô chủ đang cơn giận dữ bảo rằng cô bé kia chẳng có thể thoát khỏi tay mình bằng cách cạo đầu, liền buộc một sợi dây quanh cổ cô bé và kéo cô ngã xuống, rồi lại không chịu để cô bé tháo dây ra, từ đó cô bé có tên Rajjumàlà: Vòng dây đeo cổ.
Bấy giờ một ngày kia, bậc Ðạo Sư vừa xuất định Ðại bi, thấy Rajjumàlà có đầy đủ khả năng đạt quả Dự Lưu, bèn đến ngồi dưới một gốc cây tỏa hào quang rực rỡ.
Lúc ấy cô bé Rajjumàlà khốn khổ kia chỉ muốn chết, cầm chiếc ghè đi ra đường giả vờ lấy nước và tìm một cây để treo cổ. Khi thấy đức Phật, với tâm hướng về Ngài, cô suy nghĩ: ‘Ví thử đức Thế Tôn thuyết pháp cho những người như ta thì sao? Ta có thể được giải thoát khỏi cuộc đời khốn cùng này’.
Ðức Phật xem xét kỹ, liền gọi cô:
– Rajjumàlà!
Cô bé như được tắm nước cam lồ, vội đến gần đảnh lễ Ngài. Ngài dạy cô Tứ Ðế và cô đắc quả Dự Lưu. Kế đó Ngài đi vào làng và ngồi dưới gốc cây khác.
Bấy giờ cô bé không thể tự hủy hoại mình nữa, bèn suy nghĩ với lòng nhẫn nhục, thân thiện và từ ái: ‘Thôi cứ để mặc cho bà chủ Bà-la-môn này đánh đập, làm tổn thương ta thế nào tùy ý’. Rồi cô trở về lấy nước vào ghè.
Ông chủ nhà đứng ở cửa bảo:
– Cô đã đi lấy nước thật lâu và mặt lại rạng rỡ thế kia. Ta thấy cô có vẻ hoàn toàn khác hẳn, có việc gì vậy?
Cô bé kể chuyện cho chủ, ông hài lòng và bước vào bảo cô dâu:
– Thôi con đừng làm gì Rajjumàlà nữa.
Rồi ông vội vàng đi đến yết kiến bậc Ðạo Sư và cung kính mời Ngài thọ thực. Sau đó, cả ông cùng dâu con trong nhà đi vào ngồi cạnh bậc Ðạo Sư. Ngài kể cho họ việc xảy ra kiếp trước giữa cô dâu và Rajjumàlà, cùng với một bài thuyết pháp thích hợp. Sau đó Ngài trở về Sàvatthi, còn vị Bà-la-môn nhận Rajjumàlà làm con nuôi và từ đó nàng dâu ông đối xử với cô rất tốt đẹp.
Khi nàng từ trần, Rajjumàlà được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba và cũng được Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi:
Khi được vị Trưởng lão hỏi như vậy, nàng ngâm các vần kệ giải thích, bắt đầu bằng câu chuyện tiền thân của nàng:
Tổng Kết
Lâu đài đỏ sẩm, Lâu đài sáng chói, Lâu đài trên con voi, Lâu đài Alomà, Lâu đài của người cúng cháo gạo, Lâu đài tinh xá, Lâu đài Bốn nữ nhân, Lâu đài vườn xoài, Lâu đài hoàng kim, Lâu đài do cúng mía, Lâu đài do sự đảnh lễ, Lâu đài Rajjumàlà.
Phẩm này được biết qua các chuyện trên.
Phẩm V – Ðại xa
Bấy giờ, đức Thế Tôn ở tại Campà (Chiêm-bà) trên bờ ao sen Gaggarà. Từ rạng đông, vừa xuất định Ðại bi, Ngài quán sát: ‘Hôm nay về buổi chiều lúc Ta thuyết pháp, một con nhái nghe giọng Ta và mải mê theo dõi, liền bị một kẻ nào đó sát hại, sẽ phải chết. Nó sẽ được tái sanh lên thiên giới và sẽ trở lại trong khi hội chúng đang chăm chú nghe, do vậy sẽ có sự thông hiểu Giáo pháp rộng rãi’.
Khi mọi việc trong ngày xong xuôi, Ngài bắt đầu thuyết giảng cho tứ chúng đệ tử tại bờ ao. Lúc ấy một con nhái suy nghĩ: ‘Ðây được gọi là pháp’, nó liền ra khỏi ao và ngồi ở cuối đám thính chúng.
Một kẻ chăn bò thấy bậc Ðạo Sư thuyết giảng và hội chúng đang yên lặng lắng nghe, bèn đứng dựa vào cây gậy cong và đạp nhằm con nhái. Con nhái được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng rộng mười hai do-tuần và được một đám tiên nữ hầu cận.
Khi suy nghĩ lại nghiệp nào đã khiến cho mình được tái sanh ở đó, vị Thiên tử thấy không có gì ngoài sự chăm chú nghe lời đức Thế Tôn.
Ngay lập tức chàng cùng Lâu đài ấy giáng trần, bước ra ngoài vừa thấy đức Thế Tôn, liền đến yết kiến và cung kính đảnh lễ Ngài. Ðức Thế Tôn muốn thị hiện oai nghi của Ngài bèn hỏi kệ:
Vị Thiên tử bèn ngâm kệ giải thích tiền thân của chàng:
Sau đó đức Thế Tôn, nhìn thấy rõ các khả năng mà hội chúng ấy đã đạt được, bèn thuyết pháp đầy đủ chi tiết. Vào lúc Ngài kết thúc bài giảng, chàng Thiên tử nhái đã được an trú vào quả Dự Lưu. Sau khi cung kính đảnh lễ đức Thế Tôn, chàng trở về cõi trời.
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú gần Bàrànasi, (Ba-la-nại) tại Isipatana (Trú xứ chư Tiên), trong Lộc Uyển. Thời ấy có một đệ tử cư sĩ, bố thí rất hào phóng và phụng sự Tăng chúng tên Nandiya, Cha mẹ chàng muốn chàng cưới cô em họ Revatì, nhưng nàng không mộ đạo, không sẵn lòng bố thí, nên Nandiya không thích lấy nàng. Sau đó bà mẹ bảo chàng:
– Nàng ấy sẽ theo lời khuyên của ta.
Thế là chàng bằng lòng và họ kết hôn với nhau, sinh được hai con trai.
Sau đó Nandiya chuyên tâm bố thí rộng rãi, chàng xây một sảnh đường tại tinh xá ở Isipatana và dâng lên đức Như Lai cùng rảy nước cúng dường vào tay Ngài. Ðồng thời, tại cõi trời Ba mươi ba xuất hiện một Lâu đài rộng mười hai do-tuần với cả đoàn tiên nữ hầu cận.
Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên thiên giới, trông thấy Lâu đài bèn hỏi đức Thế Tôn Lâu đài ấy được dành cho ai. Ðức Thế Tôn ngâm kệ:
Nghe điều này, Nandiya càng hân hoan bố thí và thực hành phước đức. Sau đó chàng đi làm công việc xa nhà và dặn Revatì tiếp tục thi hành thiện sự với lòng tinh cần. Nàng chấp thuận, nhưng trong khi xa nhà, chàng vẫn tiếp tục cúng dường Tăng chúng và bố thí cho kẻ nghèo khổ, thì nàng chỉ vài ngày sau đã ngưng bố thí cho kẻ nghèo khổ, đem cúng dường thực phẩm loại xấu lên chư Tăng và rải số cá thịt vụn khắp nơi để chư Tăng bị khiển trách.
Khi Nandiya trở về nghe mọi chuyện, liền giao trả Revatì lại cho nhà cha mẹ nàng nhưng vẫn cấp dưỡng nàng nhiều hơn. Một thời gian sau chàng từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong Lâu đài đã được dành cho chàng.
Phần nàng đã ngưng mọi việc bố thí cúng dường và vẫn còn nhục mạ chư Tăng:
– Chính vì họ mà tất cả tài sản và lợi lộc của ta đều giảm sút.
Lúc ấy Thiên vương Vessavana (Tỳ-sa-môn) truyền bảo hai quỷ Yakkha (Dạ-xoa) đến Bàrànasi thông báo rằng Revatì sẽ bị ném vào địa ngục vào ngày thứ bảy kể từ hôm ấy. Dân chúng nghe chuyện này đều kinh hoàng, nhưng Revatì đi lên thượng lầu khóa cửa lại và ngồi xuống.
Sau một tuần, hai quỷ Yakkha thật dễ sợ với bộ râu tóc sáng lòa, răng nhọn hoắc và mắt đỏ ngầu như máu bước vào bảo:
– Này Revatì tính tình độc ác kia hãy dậy đi.
Chúng chụp cổ nàng lôi kéo khắp phố phường để mọi người trông thấy, rồi đưa nàng lên không gian đến cõi trời Ba mươi ba, xong lại dẫn xuống địa ngục đầy tội nhân mặc cho nàng than khóc thê thảm.
Bọn ngục tốt của thần Yama (Diêm Vương) thả nàng vào địa ngục đầy tội nhân ấy. Chuyện được kể như vầy:
Như vậy được hai quỷ Yakkha đưa lên cõi trời Ba mươi ba, Revatì được đặt gần Lâu đài của Nandiya và nhìn thấy ánh sáng của Lâu đài tỏa ra như mặt trời, nàng hỏi hai quỷ này:
Bọn chúng bảo nàng:
Nàng đáp lại:
Song bọn chúng bảo:
– Ngươi có mong muốn hay không thì có liên quan gì đến ta?
Và chúng ngâm kệ:
Nói vậy xong hai quỷ Yakkha biến mất ngay tại đó. Nhưng khi nhìn thấy hai ngục tốt tương tự sắp kéo nàng và thả vào Phẩn nị địa ngục (địa ngục đầy phân dơ) tên là Samsavaka, nàng lại hỏi:
Nàng hỏi thêm:
Chúng đáp:
Nàng lại kêu gào van xin chúng đưa nàng trở lại cõi người:
Bọn ngục tốt đáp lời:
Và nàng lại nói:
Và nàng ngâm câu kệ cuối cùng:
Các vị kết tâp Kinh điển kết luận bằng câu này:
‘Bấy giờ không có Thiên nữ nào trong Lâu đài của Revatì, nhưng vì chuyện có liên quan đến việc Nandiya Thiên tử đạt được Lâu đài, nên nó cũng xếp vào phẩm Lâu đài Nam giới’.
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Sàvatthi trong Kỳ Viên. Thời ấy có một nam tử Bà-la-môn tên Chatta đã học tập xong dưới sự hướng dẫn của một Bà-la-môn ở Setavyà và đã đi về nhà xin được một ngàn đồng tiền kahàpana của cha mẹ để làm học phí, rồi khởi hành trở lại Setavyà đem trả cho thầy. Bọn cướp nghe được tin này bèn lập mưu để giết chàng và cướp của trên đường.
Lúc ấy bậc Ðạo Sư vừa xuất định Ðại bi liền khởi hành từ sáng sớm đến ngồi dưới gốc cây trên con đường chàng sắp đi qua.
Khi chàng trai đi qua, Ngài hỏi thăm công việc của chàng và sau đó hỏi chàng đã biết Tam quy y và Ngũ giới chưa. Chàng trả lời chưa, và đức Thế Tôn dạy chàng học Tam quy Ngũ giới.
Trong khi chàng đi đường, ghi nhớ các điều trên vào lòng, bọn cướp tấn công và giết chàng, lấy hết tiền bạc. Song chàng được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba cùng một Lâu đài rộng ba mươi do-tuần và tỏa ánh sáng hai mươi do-tuần.
Dân chúng ở Setavyà tìm thấy xác chàng liền báo tin cho cha mẹ chàng, còn những người từ Ukkattha đến kể chuyện cho vị giáo sư và đám tang được cử hành.
Rồi bậc Ðạo Sư đi đến, để Chatta có cơ hội giáng trần và nói rõ cho nhiều người biết những nghiệp chàng đã làm. Chatta cũng nghĩ như vậy nên chàng xuất hiện cùng với Lâu đài của chàng.
Khi quần chúng tự hỏi: ‘Ðây là Thiên thần hay Phạm Thiên?’, bậc Ðạo Sư liền hỏi kệ để làm sáng tỏ phước nghiệp mà vị Thiên tử này đã tạo:
Khi bậc Ðạo sư đã thuyết giảng cho hội chúng xong, vị Thiên tử được an trú vào quả Dự Lưu, đảnh lễ đức Thế Tôn và từ biệt song thân, trở về thiên giới.
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha trong Trúc Lâm. Thời ấy một Tỷ-kheo đang thực hành thiền quán bỗng ngã bệnh vì chứng đau tai rất trầm trọng. Thuốc chữa của y sĩ chẳng công hiệu gì. Vị ấy trình với đức Thế Tôn, Ngài biết cháo cua là thứ thuốc chữa bệnh ấy, bèn dặn vị Tỷ-kheo đến khất thực ở vùng đồng ruộng nước Ma-kiệt-đà.
Vị ấy đến đó và đứng khất thực tại cửa lều người giữ ruộng. Người này, sau khi nấu món cháo cua làm thức ăn, liền mời vị ấy ngồi và cúng một ít cháo.
Vị Tỷ-kheo vừa nếm món cháo thì trở nên khoẻ mạnh như thể được tắm với cả trăm gàu nước mát. Tâm trí thanh thản nhờ thức ăn thích hợp, vị ấy hướng tâm trở về thiền quán và chứng đắc quả A-la-hán ngay cả trước khi ăn xong bữa. Vị ấy bảo người giữ ruộng:
– Này cư sĩ, nhờ phước quả công đức này, Hiền hữu sẽ không còn bị thân bệnh và tâm bệnh nữa.
Chúc phước xong, vị ấy ra đi. Về sau người giữ ruộng từ trần, được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một căn phòng làm bằng ngọc bích, giữa một tòa Lâu đài bằng vàng rộng mười hai do-tuần, trụ bằng ngọc được trang hoàng uy nghiêm với bảy trăm sảnh đường có nóc nhọn cao vút. Trước cửa lâu đài, một con cua bằng vàng được treo trên một chuỗi ngọc trai. Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên thiên giới, thấy cảnh này, liền hỏi:
5. (55) Chuyện thứ năm – Lâu Ðài Của Người Giữ Cửa (Dvàrapàlaka-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Ràjagaha trong Trúc Lâm. Thời ấy, một đệ tử cư sĩ chuẩn bị bốn buổi ngọ trai vĩnh viễn cúng dường Tăng chúng. Song lo sợ trộm cướp, vị ấy thường khóa cửa nhà vì nhà vị ấy tọa lạc ở ranh giới tận cùng của kinh thành.
Bởi thế chư Tỷ-kheo đến theo lời mời thọ thực đôi khi phải chịu đói trở về. Vị ấy nghe vợ kể lại chuyện này, bèn chỉ định một người giữ cửa đón chư Tỷ-kheo đến đó và phục vụ chu đáo.
Khi vị thí chủ từ trần, vị ấy được tái sanh vào cõi Dạ-ma thiên, còn người giữ cửa, khi từ trần, được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng rộng mười hai do-tuần, giống như trong truyện trước.
Khi được Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi như trên, vị ấy đáp lại:
Các câu kệ từ 1 đến 5 giống chuyện 54.
6. (56) Chuyện thứ sáu – Lâu Ðài Do Công Ðức Thiện Sự (Karanìya-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Sàvatthi trong Kỳ Viên. Một đệ tử tại gia, sau khi đi tắm về từ sông Aciravati, đến yết kiến và thỉnh cầu đức Thế Tôn thọ trai tại nhà mình rồi tiếp đãi Ngài rất long trọng. Phần còn lại cũng giống như chuyện trước.
Vị Thiên tử đáp lời như sau:
Các kệ từ 1 đến 5 giống chuyện 54.
7. (57) Chuyện thứ bảy – Lâu Ðài Thứ Hai Do Công Ðúc Thiện Sự (Dutiyakaraniya-Vimàna)
Chuyện này cũng giống chuyện thứ sáu, trừ điểm ở chuyện trước, thực phẩm cúng dường đức Thế Tôn, còn ở đây dâng một Trưởng lão.
Các kệ từ 1 đến 5 giống chuyện 54.
8.Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. (58) Chuyện thứ tám – Lâu Ðài Do Cúng Cây Kim (Sùci-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Ràjagaha trong Trúc Lâm. Thời ấy có việc may y cho Tôn giả Sàriputta nên cần một cây kim.
Khi đến khất thực tại nhà một thợ rèn và được hỏi Tôn giả cần thứ gì, Tôn giả liền nói về nhu cầu kia. Người thợ rèn có tâm thành tín cúng dường Tôn giả hai cây kim và dặn Tôn giả phải nói nếu còn cần thêm nữa.
Sau khi từ trần, người thợ rèn được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba và Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi vị Thiên tử:
(Các kệ từ 1 đến 5 giống chuyện 54)
Thời ấy, Ðức Thế Tôn đang trú tại Ràjagaha trong Trúc Lâm. Bấy giờ một người thợ may nọ thấy một Tỷ-kheo vá áo với cây kim được rèn tại Trúc Lâm, bèn cúng dường vị ấy vài cây kim của mình cùng chiếc bao.
Câu hỏi được đặt cho người thợ may sau khi người ấy được tái sinh vào cõi trời Ba mươi ba cũng giống chuyện trước.
(Các kệ từ 1 đến 5 giống chuyện 54).
10. (60) Chuyện thứ mười – Lâu Ðài Con Voi (Nàga-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Sàvatthi trong Kỳ Viên. Lúc ấy Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên cõi trời Ba mươi ba, thấy một Thiên tử cỡi một đại tượng thuần bạch cùng một đoàn tùy tùng đông đảo bay qua không gian tiến về phía Tôn giả.
Vị Thiên tử xuống voi và đảnh lễ, Tôn giả liền hỏi vị ấy về hạnh nghiệp đã làm:
11. (61) Chuyện thứ mười một – Lâu Ðài Con Voi Thứ Hai (Dutiyanàga-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Ràjagaha trong Trúc Lâm. Thời ấy, một đệ tử tại gia có lòng tin, sống theo giới luật, hành trì ngày Bố-tát giới, cúng dường Tăng chúng và đến nghe pháp tại tinh xá cùng đem các tặng phẩm, nên khi từ trần được tái sanh lên cõi trời Ba mươi ba. Ở đó, một voi trắng vĩ đại phục vụ vị ấy cùng một đoàn hầu cận, vị ấy thường đến du ngoạn trong hoa viên.
Một hôm, lòng nôn nóng muốn bày tỏ niềm tri ân, vị ấy ngồi trên voi lúc nửa đêm từ thiên giới xuống Trúc Lâm rồi đứng đó trong dáng điệu sùng kính trước đức Thế Tôn.
Tôn giả Vangìsa đang đứng hầu Thế Tôn và được Thế Tôn cho phép, bèn hỏi vị ấy:
12. (62) Chuyện thứ mười hai – Lâu Ðài Con Voi Thứ Ba (Tatiyanàga-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha ở Trúc Lâm. Thời ấy ba vị Trưởng lão A-la-hán đến một làng để an cư mùa mưa, sau đó đi vào Ràjagaha đảnh lễ đức Thế Tôn.
Lúc đi ngang qua đồn điền mía của một Bà-la-môn có tà kiến, chư vị hỏi người giữ vườn:
– Chúng tôi có đến Ràjagaha kịp hôm nay chăng?
– Thưa Tôn giả, không thể. Còn một chặng đường dài độ nửa do-tuần nữa, xin Tôn giả ở lại đây và ngày mai đi tiếp.
– Ở đây có chỗ nào chúng tôi có thể ở lại chăng?
– Thưa không, nhưng tôi sẽ nói cho Tôn giả một chỗ.
Rồi người giữ vườn ấy dựng gấp các lều tranh bằng thân mía, khúc cây v.v…, kẻ ấy cúng dường chư vị món cơm và nước mía. Sau bữa cơm, kẻ ấy lại tiễn đưa mỗi vị với một cây mía, vì cho rằng cái đó lấy từ phần sản phẩm của mình, nên ra về trong nỗi hân hoan và đặt hy vọng vào sự an lạc của mình mai sau.
Nhưng chủ nhân khu vườn gặp chúng Tăng, hỏi chư vị làm cách nào lấy được mía, và khi nghe xong, liền đùng đùng nổi giận chạy về vườn lấy gậy đánh người kia chết ngay với một đòn như trời giáng.
Nhờ công đức trên, vị ấy được tái sanh vào hội chúng chư Thiên ở Thiện pháp đường (Sudhammà), làm chủ một con voi toàn trắng rất oai hùng.
Cha mẹ và bà con vị ấy khóc thương khi đến dự đám tang, nhưng vị ấy giáng trần giữa mọi người trong cảnh uy nghi, rồi một người bản chất thông minh đến hỏi thăm vị ấy về thiện sự đã làm:
Người kia lại hỏi:
Vị ấy ngâm kệ đáp lời:
13. (63) Chuyện thứ mười ba – Lâu Ðài Có Cỗ Xe Nhỏ (Cùlaratha-Vimàna)
Sau khi đức Thế Tôn diệt độ, xá-lợi của Ngài được chia đều và theo sự lãnh đạo của Tôn giả Ðại Ca-diếp, chư Tăng được triệu tập để đọc lại Giáo pháp. Chư vị đệ tử đến an trú mùa mưa, mỗi vị cùng đi với hội chúng của mình, sống ở nhiều nơi khác nhau để quan tâm chăm sóc đám quần chúng cần được dẫn dắt vào đạo.
Bấy giờ Tôn giả Mahà-Kaccàna (Ðại Ca-chiên-diên) trú tại một khu rừng ở vùng biên địa. Thời ấy vua Assaka đang ngự trị tại thành Pota của xứ Assaka. Vương tử Sujàta, con bà chánh hậu của vua, bị cha đuổi vì nghe theo lời nài nỉ của một tiểu thứ phi, nên chàng phải vào rừng ở.
Vào thời đức cổ Phật Kassapa, mặc dù chàng đã làm Tỷ-kheo một dạo, về sau chàng lại từ trần như một người thế tục, và giờ đây tái sanh làm vương tử có tên Sujàta. Khi mẫu hậu chàng qua đời sớm, bà chánh hậu mới của vua cha chàng cũng có một hoàng nam, Nhà vua hài lòng liền ban cho bà một điều ước.
Khi Sujàta lên mười sáu tuổi, chánh hậu đòi vua cha ban điều ước kia, bà yêu cầu nhà vua phong cho hoàng nam của bà làm người kế vị. Nhà vua từ chối, vì Thái tử sẽ là người kế vị vua về sau.
Song bà cứ tiếp tục làm phiền lòng vua để buộc vua phải giữ lời hứa, cho đến khi vua cảm thấy phải làm theo ý bà, đành rơi lệ bảo cho Sujàta biết sự việc.
Thái tử đau buồn trước nỗi khổ của vua cha, liền xin phép vào rừng ở ẩn. Nhà vua đề nghị xây cho chàng một thành phố khác, song chàng không thuận, chàng cũng không muốn được gửi sang ở với các vương tử nước láng giềng. Nhà vua ôm lấy con từ giã và cho chàng ra đi với lời dặn là chàng phải trở về khi vua băng hà để cai trị vương quốc.
Sống trong rừng với đám sơn nhân, một hôm chàng đi săn nai và đuổi theo con nai cho đến khi nó mất dạng gần túp lều lá của Trưởng lão Mahà-Kaccàna, Tôn giả bèn ngâm kệ hỏi chàng như vầy:
Và vương tử đáp lại lời chào đón ân cần của Trưởng lão:
Bấy giờ Trưởng lão nói đến cách thực hành Ðạo pháp chánh chân của chính mình cũng thích hợp với chàng nữa:
Sau đó vương tử hỏi về phương tiện giải thoát mình:
Rồi Trưởng lão ngâm kệ thuyết pháp cho chàng:
Bấy giờ nam tử nói đến những việc chính chàng cần phải làm:
Sau đó Trưởng lão ngâm kệ dạy bảo chàng:
Chàng trai lại hỏi:
Khi vương tử đã nghe Trưởng lão thuyết pháp, chàng được an trú vào Tam quy và Ngũ giới, vì thế chàng nói:
Trưởng lão nói như vầy:
– Bây giờ chàng hãy về với vua cha, đời sống của chàng thật ngắn ngủi, chàng sẽ chết trong vòng năm tháng nữa thôi, vậy hãy làm công đức thiện sự.
Chàng trai làm theo lời dạy và chỉ sau bốn tháng, chàng từ trần rồi tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Nhờ uy lực công đức của chàng, một cỗ xe được trang hoàng bảy báu vật xuất hiện dài bảy do-tuần (dặm). Xe có cả đoàn hộ tống hàng ngàn tiên nữ.
Khi vua cha đã cử hành tang lễ cho con và dâng cúng đại lễ lên chư Tăng xong, vua đến cúng dường bảo Tháp trong tinh xá. Vị Trưởng lão cũng đến đó. Còn vị Thiên tử giáng trần trong cỗ xe thiên giới kia, đảnh lễ Trưởng lão và chào mừng vua cha.
Trưởng lão ngâm kệ hỏi chàng:
Khi được Trưởng lão hỏi vậy, Thiên tử giải đáp qua các vần kệ:
Nói vậy xong, vị Thiên tử đảnh lễ Trưởng lão và giã từ vua cha, rồi lên xe trở về thiên giới. Trưởng lão kể lại toàn câu chuyện đã diễn ra giữa đôi bên với các Trưởng lão kết tập Kinh điển vào thời kỳ họp Hội đồng của chư vị.
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú ở Savàtthi, trong Kỳ Viên. Và Tôn giả Mahà-Moggallàna đang du hành cõi trời Ba mươi ba, thấy một Thiên tử tên Gopàla vừa rời Lâu đài bước lên cỗ xe uy nghi của chàng để nhàn du trong vườn Thiên lạc. Vị Thiên tử thấy Tôn giả, liền xuống xe và đứng trước Ngài, chắp tay đảnh lễ.
Tôn giả Mahà Moggallàna hỏi chàng:
Vị Thiên tử giải thích vấn đề khi được Ðại Trưởng lão hỏi:
Trong khi chàng nói như vậy, Trưởng lão biết tâm trí chàng đã sẵn sàng không có gì trở ngại, liền thuyết giảng các Thánh Ðế và vào lúc kết thúc, Tôn giả an trú chàng vào quả Dự Lưu.
Sau đó, khi trở về cõi người, Trưởng lão trình đức Thế Tôn câu chuyện giữa Tôn giả và Thiên tử kia. Bậc Ðạo Sư lấy đề tài ấy làm cơ hội thuyết pháp cho hội chúng đang có mặt lúc bấy giờ.
Tổng Kết
Lâu đài Con nhái, Revatì, Con cua,
Người giữ cửa, Hai Công đức thù thắng,
Hai cây kim, Ba con voi, và Hai cỗ xe,
Phẩm Lâu đài Nam giới được biết qua các chuyện này.
Phẩm VI – Pàyasi
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha, trong Trúc Lâm. Thời ấy có một gia đình giàu sang đạo đức, một nguồn tài lợi dồi dào cho Tăng chúng và Ni chúng. Hai vị cha mẹ suốt thời thực hành công đức nhân danh Tam Bảo, lúc từ trần được tái sanh lên cõi trời Ba mươi ba. Một lâu đài bằng vàng dài mười dặm được dành riêng cho hai vị.
Tôn giả Mahà Moggallàna hỏi như vầy:
6.Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân
Nhờ đó oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
Giống như chuyện trên về mọi mặt.
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha trong Trúc Lâm. Thời ấy vua Bimbisàra muốn ăn xoài trái mùa. Dù khó khăn, người làm vườn cũng hứa sẽ nỗ lực làm cho cây có trái theo phương pháp cưỡng bách.
Khi bốn trái xoài đã chín, kẻ ấy hái đem dâng vua. Nhưng vừa chợt thấy Tôn giả Mahà-Moggallàna, y suy nghĩ: ‘Ta muốn dâng xoài cúng vị Tôn giả cao quý này và sẵn sàng để đức vua giết chết hay trừng phạt ta, vì lợi lạc tại đời này do phụng sự vua thật không đáng kể, nhưng công đức đời này và đời sau do việc cúng dường vị Tôn giả xứng đáng này thật là vô lượng’.
Vì thế y đem xoài cúng dường Tôn giả và trình việc ấy lên nhà vua. Vua truyền đám hầu cận vào phán:
– Hãy xem kỹ có phải kẻ ấy đã nói đúng với trẫm chăng.
Vị trưởng lão đem xoài dâng đức Thế Tôn, Ngài chia đều cho các Trưởng lão Sàriputta, Mahà Moggallàna, và Mahà-Kassapa. Nhà vua nghe vậy rất hài lòng vì sự can đảm của người làm vườn, liền ban cho y một ngôi làng, y phục, tư trang, và bảo y san sẻ công đức ấy cho vua. Y đáp:
– Tâu Ðại vương, hạ thần xin san sẻ. Xin Ðại vương hãy chọn lợi lạc gì tùy ý.
Khi từ trần, người làm vườn được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng rộng dài mười sáu dặm.
Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi vị Thiên tử:
4. (68) Chuyện thứ tư – Lâu Ðài Của Ngừơi Cúng Chỗ Cư Trú (Upassayadàyaka-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Ràjagaha ở Trúc Lâm. Thời ấy một Tỷ-kheo, sau mùa mưa, lên đường đến yết kiến Thế Tôn, vào một làng nọ tìm chỗ cư trú thích hợp qua đêm. Vị ấy hỏi một cư sĩ tại gia, người này bàn chuyện với vợ xong, liền mời vị Tỷ-kheo làm khách trọ, và hôm sau khi khách lại khởi hành, chủ nhà đem tặng một cục đường mía.
Về sau lúc từ trần, vị cư sĩ tái sanh cùng vợ trên cõi trời Ba mươi ba trong một lâu đài bằng vàng mười hai dặm.
Tôn giả Mahà Moggallàna hỏi vị ấy:
5. (69) Chuyện thứ năm – Lâu Ðài Của Người Cúng Chỗ Cư Trú Thứ Hai (Dutiya-Upassayadàyaka-Vimàna)
Chuyện này giống hệt chuyện trước, trừ điểm ở đây có nhiều Tỷ-kheo, và Tôn giả Mahà-Moggallàna ví Lâu đài với mặt trời.
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha. Thời ấy một Tỷ-kheo đang đi trên đường cái vào làng nọ khất thực và dừng ở cửa nhà kia. Vị chủ nhà vừa rửa tay chân và ngồi xuống để ăn, liền đổ hết phần cơm mình vào bát vị Tỷ-kheo; sau khi nói lời tùy hỷ công đức, vị ấy ra đi. Chủ nhà hân hoan suy nghĩ: ‘Ta đã cúng dường một Tỷ-kheo đang đói và ta đã nhịn ăn”. Sau đó từ trần, vị ấy được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng mười hai dặm.
Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi vị ấy:
7. (71) Chuyện thứ bảy – Lâu Ðài Của Người Giữ Lúa Mạch (Yavapàlaka-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha, trong Trúc Lâm. Thời ấy một cậu bé nghèo giữ ruộng lúa mạch đã đem bánh Kummàsa để ăn sáng. Khi cậu ngồi xuống ăn, một vị Trưởng lão vô lậu bước đến chỗ ấy. Cậu hỏi:
– Thưa Tôn giả đã thọ thực chưa?
Vị Trưởng lão im lặng. Cậu bé hiểu điều này có nghĩa là ‘chưa’ liền nói:
– Thưa Tôn giả, bây giờ đã quá trễ nên không thể tìm ra món ăn gần giờ ngọ trai như vầy. Xin Tôn giả dùng miếng bánh Kummàsa này vì lòng thương xót con.
Vị Trưởng lão vì từ bi đối với cậu đã dùng miếng bánh trong khi cậu đứng nhìn, rồi nói lời tùy hỷ và ra đi. Với tâm đầy thành tín, cậu bé nghĩ mình đã làm việc tốt khi cúng dường một người như thế.
Về sau, khi từ trần, cậu được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài như đã tả ở trên. Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi cậu:
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Kỳ Viên. Thời ấy, hai vị Ðại đệ tử cùng hội chúng du hành giữa dân chúng Kàsi vừa đến một tinh xá kia lúc trời tối.
Một đệ tử tại gia liền đến rửa chân chư vị và xoa dầu thơm cho chư vị, rồi thỉnh chư vị thọ thực hôm sau. Vị ấy chuẩn bị một buổi cúng dường thịnh soạn. Sau khi nói lời tùy hỷ công đức, chư Trưởng lão lại lên đường. Còn vị ấy về sau từ trần, được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng dài mười hai dặm.
Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi vị ấy:
Chuyện này xảy ra giống như chuyện trên. Các vấn đề cũng giống nhau, từ câu kệ 5, thay: Thấy nhiều ngài đức độ Sa-môn,
bằng: Thấy nhiều ngài hảo tướng Sa-môn.
Sau khi đức Thế Tôn diệt độ, và Hội đồng kết tập Kinh điển tiến hành, Tôn giả Kummàra-Kassapa (Cưu-ma-la Ca-diếp) đã đến thành phố Setavyà với nhiều Tỷ-kheo và trú tại vườn Simsapà. Lúc ấy quốc vương Pàyàsi (Tệ Túc) nghe tin này, liền viếng thăm và chào mừng Tôn giả. Trong khi bàn luận về các quan điểm tà kiến của vua, vị Trưởng lão thuyết giảng cho vua tin có đời sau như được kể trong kinh Pàyàsi (Trường Bộ số 23).
Khi từ giã, vua Pàyàsi đem các tặng vật cúng dường. Nhưng vì vua tặng thực phẩm kém cỏi và y phục thô sơ không thích hợp, vốn chưa quen việc ấy trước kia, sau khi từ trần, vua cộng trú với Thiên chúng ở cõi thấp cùng Tứ Ðại Thiên vương.
Còn thanh niên Bà-la-môn Uttara phụ tá vua trong việc cúng dường, lại bố thí hào phóng và đầy lòng kính trọng, nên tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài mười hai dặm. Ðể tỏ lòng biết ơn, vị ấy xuất hiện cùng Lâu đài trước Trưởng lão Kummàra Kassapa và đảnh lễ Tôn giả. Trưởng lão hỏi vị ấy:
Tổng Kết
Lâu Ðài Hai Gia Chủ, Người Cúng Trái Cây, Hai Người Cúng Chỗ Cư Trú, Người Giữ Ruộng Lúa Mạch, Hai Vị Thiên Tử Ðeo Vòng Tai, Vua Pàyàsi (Tệ Túc)
Phẩm VII – Sunikkhitta
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên. Thuở ấy có một đệ tử tại gia nghèo khó sống nhờ làm công cho người khác. Vị ấy có lòng mộ đạo và phụng dưỡng song thân già yếu của mình, vì vị ấy nghĩ: ‘Ðàn bà ở trong nhà thường nắm quyền cai quản. Họ ít khi quý trọng cha mẹ chồng’.
Như vậy vị ấy tiếp tục giữ giới luật và các ngày trai giới Bố-tát. Sau khi từ trần, vị ấy được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài mười hai dặm.
Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành như đã tả ở trên, hỏi vị ấy:
2. (76) Chuyện thứ hai – Lâu Ðài Nandana (Nandana-Vimàna)
Cũng giống như chuyện trước, trừ điểm ở đây: Người thợ nghèo đã có vợ và câu kệ đầu đổi là: Sáng rực như vườn Nan-da-na,…
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên. Thời ấy có nhiều Trưởng lão sống trong rừng. Ðể chư vị có thể vào làng khất thực, một đệ tử tại gia làm cho các đường mòn được bằng phẳng, dọn sạch các bụi cây, bắc cầu qua suối, đắp bờ và dẫn nước vào các ao lớn v.v.. cùng bố thí và giữ Ngũ giới. Về sau từ trần, vị ấy được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng mười hai dặm.
Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi vị ấy như sau:
4. (78) Câu chuyện thứ tư – Lâu Ðài Bằng Vàng (Suvanna-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Andhakavinda. Thời ấy một đệ tử giàu có và mộ đạo xây cúng dường Ngài một ‘hương thất’ trên một đồi trọc, thỉnh Ngài đến ở đó và phụng sự Ngài. Sau một thời gian sống chế ngự với giới luật thanh tịnh, lúc từ trần, vị ấy được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài ngọc bích tuyệt đẹp với mái bằng vàng.
Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi vị ấy:
2-3. Trụ tám cạnh tinh xảo thập phần,
Xây bằng cẩm thạch cả toàn thân,
Bảy châu báu tạo thành từng cạnh,
Vàng, bạc, lưu ly với ngọc trân,
Lại dát ngọc mắt mèo mã não,
Ngọc trai, và ngọc sắc hồng vân.
5-6. Và bốn cầu thang dựng bốn phưong,
Các cung ngọc sáng tựa vầng dương,
Bốn hành lang được xây cân xứng,
Chiếu khắp bốn phương thật rỡ ràng.
5. (79) Chuyện thứ năm – Lâu Ðài Vườn Xoài (Amba-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha, trong Trúc Lâm. Thời ấy có một người nghèo được thuê giữ vườn xoài. Một hôm về mùa nắng gắt, vị ấy thấy Tôn giả Sàriputta đến gần, mệt nhoài vì cơn nóng, liền thưa:
– Bạch Tôn giả, ngài có vẻ quá mệt nhọc vì trời nóng. Lành thay, nếu Tôn giả có lòng thương xót con, xin hãy bước vào vườn xoài nghỉ ngơi chốc lát.
Trưởng lão chấp thuận, ngồi xuống gốc cây xoài, người ấy liền đem cúng dường Tôn giả nước uống và nước rửa tay chân, sau đó lòng đầy hoan hỷ vì công đức đã tạo được.
Sau khi từ trần, vị ấy được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba, và Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi vị ấy:
6. (80) Chuyện thứ sáu – Lâu Ðài Của Người Chăn Bò (Gopàla-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha, trong Trúc Lâm. Lúc ấy một người chăn bò đã rời Ràjagaha để đưa bò đi ăn cỏ ngoài đồng và thấy Tôn giả Mahà-Moggallàna đang tiến bước. Tôn giả nhận thấy kẻ kia sắp mạng chung, liền đi đến gần bên cạnh y. Do dự, y không biết có nên mời Trưởng lão món bánh ngọt Kummàsa mà y đã đem theo, hay giữ cho đàn bò khỏi vào các vườn đậu.
Khi đã quyết định không thể bỏ lỡ cơ hội tốt, dù các chủ vườn có thể làm gì đi nữa, y cúng dường phần ăn của mình và Trưởng lão đã chấp nhận vì lòng từ mẫn. Sau đó người chăn bò vội vàng đi giữa đàn bò, vô ý đạp giẫm một con rắn và bị nó cắn ở chân.
Lòng tràn ngập hân hoan hạnh phúc khi nhìn thấy Trưởng lão thọ thực, người ấy bị nọc rắn xâm nhập quá mạnh và từ trần, được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài mười hai dặm.
Tôn giả Mahà-Moggallàna thấy chàng, liền hỏi:
7. (81) Chuyện thứ bảy – Lâu Ðài Của Kanthaka (Ngựa Kiền-trắc) (Kanthaka-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi trong Kỳ Viên. Thời ấy khi Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên thiên giới, một vị Thiên tử tên Kanthaka bước ra khỏi Lâu đài của chàng, đang lên xe đến vườn Thượng uyển với cả đoàn tùy tùng đông đảo trong oai nghi đầy thiên lực.
Khi thấy Tôn giả, vị Thiên vội xuống xe và đảnh lễ Tôn giả. Vị Trưởng lão hỏi chàng:
1-2. Như trăng rằm, chúa tể muôn sao,
Tinh tú vây quanh tựa đứng chầu,
Mặt nguyệt xoay vần hình thỏ ngọc,
Lâu đài Thiên tử sáng dường nào,
Nguy nga tráng lệ trên thiên giới,
Như mặt trời lên giữa cõi cao.
3-4. Ngọc bích, lưu ly, mã não, vàng,
Ngọc trai, hồng ngọc, bạc trang hoàng,
Nền màu rực rỡ đầy kỳ thú,
Ngọc bích dát trên khắp mặt sàng,
Trùng các nóc cao vời tuyệt mỹ,
Cung điện chàng xây dựng vẻ vang.
7-8. Ðôi bờ có đủ các cây rừng
Kết trái đơm hoa thật khéo trồng,
Khi chàng an tọa như Thiên chủ,
Tràng kỷ chân vàng, lót thảm lông.
8. (82) Chuyện thứ tám – Lâu Ðài Có Nhiều Mầu Sắc (Anekavanna-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Kỳ Viên. Tôn giả Mahà-Moggallàna đang du hành lên cõi trời Ba mươi ba và được một Thiên tử có nhiều màu sắc rực rỡ đến gần, đứng lại chắp tay đảnh lễ cung kính.
Trưởng lão hỏi chàng:
9. (83) Chuyện thứ chín – Lâu Ðài Của Vị Thiên Tử Ðeo Vòng Tai Sáng Chói (Mattakundalì-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Kỳ Viên. Có một Bà-la-môn sống tại đó rất giàu nhưng không có lòng tin vào đạo và không bao giờ bố thí cho ai vật gì cả, nên được đặt danh hiệu Người Không bao giờ Bố thí.
Ông lại thường dạy bảo con trai là Mattakundalin đừng đến gần đức Thế Tôn hay các đệ tử của Ngài. Chàng tuân lệnh. Khi chàng lâm bệnh, ông cha cũng không cung cấp thuốc thang gì cho đến khi chàng nguy kịch, các thầy thuốc được mời đến đều bảo bệnh đã vô phương cứu chữa.
Bấy giờ bậc Ðạo Sư vừa xuất định Ðại bi, thấy Ngài có thể cứu độ cả hai cha con, bèn đến gần nhà họ và phóng hào quang. Chàng trai rúng động toàn thân vì hoan hỷ, đảnh lễ Ngài và nằm xuống.
Ngay sau khi đức Thế Tôn ra đi, chàng từ trần và được tái sanh vào một Lâu đài mười hai dặm trong hội chúng cõi trời Ba mươi ba. Ngày hôm sau tang lễ, ông cha ra nghĩa địa vừa khóc than vừa gọi tên con.
Chàng Thiên tử thấy ông cha, liền xuất hiện trước mặt ông như chàng Mattakundalin đang khóc với hai tay chắp lại vì đau buồn, vừa kêu: ‘Ôi mặt trăng! Ôi mặt trời!’.
Vị Bà-la-môn liền hỏi:
Thanh niên Bà-la-môn ấy muốn hạ lòng tự cao của vị Bà-la-môn đã không mua thuốc thang gì cho chàng, liền nói:
– Hẳn chúng lớn bằng mặt trăng mặt trời kia.
Và chàng yêu cầu ông như sau:
Vị Bà-la-môn bảo:
Thanh niên Bà-la-môn đáp:
– Thế ai điên khùng hơn ai, người khóc đòi vật có thể thấy được hay người khóc đòi vật không thể thấy?
Nghĩ rằng chàng nói có lý, vị Bà-la-môn bảo chàng:
Và vị Bà-la-môn không còn buồn khi ngâm vần kệ trên, ông lại ngâm các vần kệ tán thán chàng thanh niên Bà-la-môn ấy:
Sau đó vị Bà-la-môn hỏi chàng:
– Thế chàng là ai?
và ngâm kệ tiếp:
Chàng liền nói với ông về bản thân mình:
Vị Bà-la-môn hỏi:
Thanh niên Bà-la-môn đáp:
Khi chàng đang nói vậy, toàn thân vị Bà-la-môn tràn đầy nhiệt tình và ông nói:
Sau đó vị Thiên tử muốn khuyên ông quy y và nhận Ngũ giới, lại ngâm hai vần kệ:
Khi chàng Thiên tử đã khuyên ông nhận Tam quy và Ngũ giới như vậy, vị Bà-la-môn đồng ý với lời chàng và bảo:
19-20. Chàng muốn an lạc, Dạ-xoa,
Chàng mong hạnh phúc với ta mà,
Ta tuân lời dặn, này Thiên tử,
Chành chính là thầy giáo của ta,
Ta sẽ quy y vào Phật, Pháp.
Và quy y hội chúng Tăng-già.
10. (84) Chuyện thứ mười – Lâu Ðài Của Serissaka (Serissaka-Vimàna)
Sau khi đức Thế Tôn đã viên tịch, Tôn giả Kumàra-Kassapa (Cưu-ma-la Ca-diếp) cùng với năm trăm Tỷ-kheo đến thành Setavyà. Tại đó, Tôn giả thuyết phục vua Pàyàsi (Tệ Túc) từ bỏ các tà kiến, và an trú vua vào chánh kiến.
Từ đó về sau, nhà vua thích làm công đức, cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn, song không được chu đáo, vì trước kia chưa quen việc ấy, nên sau khi từ trần, vua được tái sanh vào một Lâu đài ở nơi hoang vắng trong rừng cây Sirìsa thuộc trú xứ của Tứ Ðại Thiên vương.
Tục truyền rằng ngày xưa một số thương nhân nước Anga-Magadha đi đến xứ Sindhu và Sovìra, thường du hành ban đêm vì sợ cơn nóng ban ngày, nên đã đi lạc đường. Trong số ấy có một đệ tử cư sĩ đầy đủ mọi khả năng chứng đắc quả A-la-hán, và đã tham gia đoàn lữ hành để kiếm tiền cấp dưỡng cha mẹ.
Muốn giúp đỡ vị ấy, Thiên tử Serissaka xuất hiện cùng Lâu đài của mình, rồi hỏi đám thương nhân đã đến vùng sa mạc hoang vu không cây cỏ nước non này bằng cách nào. Bọn họ trả lời chàng.
Ðể giải thích chuyện này, các vị kết tập Kinh điển đưa vào hai vần kệ đầu tiên:
Vị Thiên tử lại hỏi:
Bọn thương nhân nghe vị Thiên tử hỏi, liền đáp:
Bấy giờ vị Thiên tử nói rõ về bản thân mình:
Bấy giờ các thương nhân hỏi về hạnh nghiệp của chàng:
Vị Thiên tử lại ngâm kệ bác bỏ bốn sự phỏng đoán này và nêu rõ đó chính là do công đức:
Các thương nhân liền hỏi về bản chất công đức ấy:
Vị Thiên tử lại bác bỏ cả bốn điều phỏng đoán trên, và trình bày công hạnh do mình đã tích trữ trước kia:
Khi ấy các thương nhân đã thấy vị Thiên tử cùng Lâu đài của chàng, liền khởi lòng tin vào nghiệp quả, và ngâm hai vần kệ nêu rõ niềm tin của họ vào nghiệp quả:
Trong khi họ ngâm kệ, một trái Sirìra chín rụng từ cây xuống cổng Lâu đài và vị Thiên tử có vẻ buồn. Các thương nhân thấy thế, liền ngâm kệ khác:
Khi nghe hỏi vị Thiên tử đáp lại:
Vị Thiên tử chấp nhận lời nói của họ, cảm thấy được an ủi, bèn ngâm kệ:
Các thương nhân muốn bày tỏ lòng biết ơn, lại ngâm kệ:
Nhưng vị Thiên tử từ chối lễ vật hào phóng và muốn khuyên nhủ họ những việc cần làm, liền ngâm kệ:
Vị ấy lại ngâm kệ để nêu gương tốt cho họ theo và tán thán các đức tính của người cư sĩ mà vị ấy mong muốn bảo vệ an toàn:
Ðám thương nhân muốn biết rõ chi tiết về người đang được nói đến một cách tổng quát như vậy, liền hỏi:
Bấy giờ vị Thiên tử nêu tên họ và bộ tộc chàng kia:
Sau đó đám thương nhân nhận ra chàng kia, liền nói:
Bấy giờ, sau khi mời mọi người bước vào Lâu đài của mình, vị Thiên tử ngâm kệ khích lệ họ:
Trong phần kết thúc, chư vị kết tập Kinh điển ngâm sáu vần kệ:
11. (85) Chuyện thứ mười một – Lâu Ðài Của Sunikkhitta (Sunikkhitta-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên. Thời ấy như đã nói trên, Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành trên thiên giới, đến cõi trời Ba mươi ba.
Một vị Thiên tử đang đứng ở cửa Lâu đài của chàng liền đến gần cung kính đảnh lễ Tôn giả. Thuở tiền kiếp, khi ngôi kim Tháp rộng một dặm đã được dựng để thờ xá-lợi của đức Phật Kassapa, bốn hội chúng thường đến cúng dường lễ vật.
Có một cư sĩ, sau khi dâng hoa tại đó, đã chưng bày lại những bông hoa được sắp đặt vụng về, rồi làm lễ cúng lần nữa. Vị ấy lấy các hoa kia làm đề tài thiền quán và tưởng niệm các đức tính của bậc Ðạo Sư, rồi đặt trọn công đức này vào lòng.
Về sau lúc từ trần, nhờ uy lực của hạnh nghiệp này, vị ấy được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba với một đám tùy tùng đông đảo. Tôn giả Mahà-Moggallàna ngâm kệ hỏi vị ấy:
Vị Thiên tử ngâm kệ nói về hạnh nghiệp đã làm. Các vị kết tập Kinh điển giải thích việc này:
Tổng Kết
– Lâu đài Hai Người Nghèo, Hai Tinh Xá.
– Một Người làm thuê, Một Kẻ Chăn Bò, Kanthaka.
– Lâu đài Nhiều Màu Sắc, Mattakundalin, Serissaka, Sunikkhitta.
Ðó là Phẩm thứ Bảy về Lâu đài Nam giới.
Con rất thích sống ở chùa và được đi học ở trường Columbia Elementary School, Perris.
Kinh Tiểu Bộ – Khuddhaka Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Sutta Nipata
-ooOoo-
Mục Lục
Chương Một – Phẩm Rắn (Uragavagga) | Chương Hai – Tiểu Phẩm |
1. Kinh Rắn | 1. Kinh Châu Báu |
2. Dhaniya | 2. Kinh Hôi Thối |
3. Kinh Con Tê Ngưu Một Sừng | 3. Kinh Xấu Hổ |
4. Kinh Kasibbàradvàja, Người Cày Ruộng | 4. Kinh Ðiềm Lành Lớn |
5. Kinh Cunda | 5. Kinh Sùciloma |
6. Kinh Bại Vong | 6. Kinh Hành Chánh Pháp |
7. Kinh Kẻ Bần Tiện | 7. Kinh Pháp Bà La Môn |
8. Kinh Từ Bi | 8. Kinh Chiếc Thuyền |
9. Kinh Hemavata | 9. Kinh Thế Nào Là Giới |
10. Kinh Alavaka | 10. Kinh Ðứng Dậy |
11. Kinh Kinh Thắng Trận | 11. Kinh Ràhula |
12. Kinh Vị ẩn sĩ | 12. Vangiụsa |
13. Kinh Chánh Xuất Gia | |
14. Kinh Dhammika | |
Chương Ba – Ðại Phẩm | Chương Bốn – Phẩm Tám |
1. Kinh Xuất Gia | 1. Kinh Về Dục |
2. Kinh Tinh Cần | 2. Kinh Hang Ðộng Tám Kệ |
3. Kinh Khéo Thuyết | 3. Kinh Sân Hận Tám Kệ |
4. Kinh Sundarika Bhàradvàja | 4. Kinh Thanh Tịnh Tám Kệ |
5. Kinh Màgha | 5. Kinh Tối Thắng Tám Kệ |
6. Kinh Sabhiya | 6. Kinh Gìa Tám Kệ |
7. Kinh Sela | 7. Kinh Tissametteyya |
8. Kinh Mũi Tên | 8. Kinh Pasùra |
9. Kinh Vàsettha | 9. Kinh Màgandiya |
10. Kinh Kokàliya | 10. Kinh Trước Khi Bị Hủy Hoại |
11. Kinh Nàlaka | 11. Kinh Tranh Luận |
12. Kinh Hai Pháp Tùy Quán | 12. Sự Tập Hợp Nhỏ Bé |
13. Những Vấn Ðề To Lớn | |
14. Kinh Tuvataka | |
15. Kinh Chấp Trượng | |
16. Kinh Sàriputta | |
Chương Năm – Trên Ðường Ðến Bờ Bên Kia | |
1. Bài Kệ Mở Ðầu | 10. Cau Hỏi Của Thanh Niên Todeyya |
2. Câu Hỏi Của Thanh Niên Ajita | 11. Câu Hỏi Của Thanh Niên Kappa |
3. Câu Hỏi Của Thanh Niên Tissametteyya | 12. Câu Hỏi Của Thanh Niên Jatukanniụ |
4. Câu Hỏi Của Thanh Niên Punnaka | 13. Câu Hỏi Của ThanhNiên Bhadràvudha |
5. Câu Hỏi Của Thanh Niên Mettagù | 14. Câu Hỏi Của Thanh Niên Udaya |
6. Câu Hỏi Của Thanh Niên Dhotaka | 15. Câu Hỏi Của Thanh Niên Posàla |
7. Câu Hỏi Của Thanh Niên Upasiụva | 16. Câu Hỏi Của Thanh Niên Magharàja |
8. Câu Hỏi Của Thanh Niên Nanda | 17. Câu Hỏi Của Thanh Niên Pingiya |
9. Câu Hỏi Của Thanh Niên Hemaka | 18. Kết Luận |
***
Giới Thiệu Kinh Tập (Sutta Nipata)
Hoà thượng Thích Minh Châu
Tập Sutta Nipatà là kinh thứ 5, trong 15 kinh thuộc Bộ Khuddaka Nipàta tức là Tiểu Bộ Kinh. Bộ Tiểu Bộ Kinh gồm có 15 kinh:
Theo một phân loại khác, Luật Tạng, Luận Tạng và tất cả kinh chưa được sưu tập vào 4 Bộ Nikàyà chính, lập thành Tiểu Bộ Kinh. Các vị thọ trì Trường Bộ Kinh không chấp nhận các kinh Khuddakapàtha, Cariyàpitaka và Apadàna, và phân loại các kinh khác vào Luận Tạng. Các vị thọ trì Trung Bộ Kinh không chấp nhận tập Khuddakapàtha, nhưng chấp nhận các kinh còn lại và phân loại chúng vào Kinh tạng. Theo truyền thống Miến Ðiện, 4 tập khác được cộng thêm vào, như Milindapanha, Suttasamgaha, Petakopadesa và Nettipakarana.
Kinh Tập này gồm có 5 Chương:
Tổng cộng kinh này có 5 Chương và 71 bài kinh.
*
Ðặc biệt của tập này gồm những kinh có thể được xem là những kinh xưa nhất, cổ nhất, nghĩa là gần với thời đức Phật nhất. Chúng tôi dựa trên một số yếu tố để xác nhận tánh chất thật sự nguyên thủy của Bộ Suttànipàta này, về cả hai mặt Văn cú và Nội dung.
Trước hết, Tập Suttanipàta viết bằng một thể văn Pàli xưa nhất và cổ kính nhất, so sánh với các thể văn chúng ta thường được gặp trong các Bộ Dìgha Nikàya (Trường Bộ), Majjhima Nikàya (Trung Bộ), Samyutta Nikàya (Tương Ưng Bộ), Anguttara Nikàya (Tăng Chi Bộ). Nhiều thể văn gần với văn Vedà (Vệ Ðà) được tìm thấy rất nhiều trong tập này, nhưng không tìm thấy trong các tập khác, như các danh từ và động từ số nhiều: sitàse, upatthitàse, caramàse. Các hình thức chủ cách số nhiều và sử dụng cách số ít của một số danh từ như: vinicchayà thế cho vinicchayàni, lakkhanà thế cho lakkhanàni, mantà thế cho mantàya. Ngoài ra, chúng ta thường gặp các nguyên mẫu Vedà như vippahàtane, sampayàtave, unnametave rất ít khi được tìm thấy trong các tập kinh khác. Nhiều khi chúng ta thấy một số danh từ đặc biệt như chữ datthu thế cho disvà, atisìtvà thế cho atikkamivà, maga thế cho miga, tumo thế cho so v.v… Những danh từ này rất gần với tiếng Vệ đà không tìm thấy ở các bộ kinh khác. Như vậy, chứng tỏ Tập Suttanipàta được viết trong thời kỳ xưa nhất của ngôn ngữ Pàli, chưa được trau chuốt lưu loát, nhiều âm điệu như ngôn ngữ Pàli sau này. Giá trị cổ kính của ngôn ngữ Pàli trong tập này đánh giá tánh chất nguyên thủy của tập Suttanipàta.
Một yếu tố nữa giúp chúng ta biết giá trị cổ kính của tập này là một số kinh của tập này được tìm thấy trong các bộ kinh khác, và chứng tỏ các kinh khác đã sưu tầm một số kinh hiện có trong bộ Suttanipàta. Ví dụ kinh Seta (Sn. 548-573) được tìm thấy trong Majjhima Nikàya M.i. 146; kinh Vàsettha (Sn. 594-656) được tìm thấy cũng trong Majjhima Nikàya M.ii. 196.
*
Ngoài ra, tập Suttanipàta có ghi chép lại một vài giai đoạn trong đời sống tìm đạo và học đạo của Thái tử, những mẫu chuyện này rất giản dị và mộc mạc, không có xen lẫn thần thông phù phép với những hình ảnh thật đơn sơ và tươi đẹp.
Kinh Xuất gia (Sn. 405-424) diễn tả cuộc gặp gỡ giữa Thái tử với Vua Bimbisàra, khi Thái tử vừa mới xuất gia. Vua Bimbisàra đứng trên lầu nhìn xuống thấy Thái tử đang đi khất thực.
“Bình Sa Vương thấy Ngài,
Ðứng trên sân lầu thượng
Thấy đầy đủ tướng tốt,
Bèn nói lên lời này.” (409)
Sau khi sai sứ giả đi theo để tìm chỗ Thái tử, Vua Bimbisàra liền đi đến gặp Thái tử và thưa:
“Ngài thanh niên tuổi trẻ,
Ngây thơ, bước vào đời,
Cao đẹp được viên mãn,
Thiện sanh giòng Sát lỵ…
Tài sản ta cho ngươi.
Hãy hưởng và trả lời.” (420-421)
Và Thái tử dứt khoát trả lời :
“Giòng họ thuộc mặt trời
Sanh tộc là Thích Ca,
Từ bỏ gia tộc ấy,
Thưa vua Ta xuất gia.
Ta không có thiết tha,
Ðối với các loại dục,
Thấy nguy hiểm trong dục,
Bỏ chúng, là an ổn;
Ta sẽ đi, tinh tấn,
Ý Ta được hoan hỷ.” (423-424)
Kinh Tinh Tấn tiếp theo nói lên sự cám dỗ của Ác ma. Khi Thái tử ngồi dưới cây Bồ đề tu hành, Ác ma đến gần, nói lên giọng từ mẫn :
“Ngươi ốm, không dung sắc
Nhà ngươi gần chết rồi,
Cả ngàn phần, ngươi chết;
Chỉ một phần còn sống.
Hãy sống, sống tốt hơn,
Sẽ làm các công đức.” (426-427)
Thái tử trả lời từ tốn, nhưng không kém phần nghị lực :
“Bà con ác phóng dật,
Ngươi đến đây làm gì?
Với công đức nhỏ bé,
Ta đâu có cần đến!
Ðây có tín, tinh tấn,
Và Ta có trí tuệ,
Như vậy Ta tinh tấn
Sao ngươi hỏi Ta sống.” (431-432)
Và Thái tử nói lên quyết tâm chiến đấu của mình :
“Ôi này Ma Nu Ci!
Ðây là quân đội ngươi,
Ðây quân đội chiến trận
Của giòng họ Kanhà,
Kẻ nhát, không thắng ngươi
Ai thắng ngươi được lạc.
Ta mang cỏ Munja
Vững thay, đáng đời sống
Thà Ta chết chiến trận
Tốt hơn sống thất bại.” (439-440)
Và cuối cùng, Ác ma thất bại trước dũng chí của Thái tử và vừa bỏ đi vừa than:
“Bảy năm ta bước theo
Chân theo chân Thế Tôn,
Không tìm được lỗi lầm
Nói Thế Tôn chánh niệm,
Như quạ bay xung quanh,
Hòn đá như đống mỡ.”
“Có thể có gì mềm?
Có thể có gì ngọt?
Không tìm được vị ngọt
Quạ từ đó bay đi!
Như quạ mổ hòn đá
Ta bỏ Gotama.” (446-448)
Câu chuyện thứ ba nói về ẩn sĩ Asita (A Tư Ðà) đoán tướng cho Thái tử. Asita thấy Chư thiên vui mừng liền hỏi duyên cớ. Chư thiên đáp :
“Tại xứ Lâm tì ni
Trong làng các Thích Ca,
Có sanh vị Bồ tát
Báu tối thắng, vô tỷ.
Ngài sanh, đem an lạc
Hạnh phúc cho loài người,
Do vậy chúng tôi mừng
Tâm vô cùng hoan hỷ.
Ngài, chúng sanh tối thượng
Ngài, loài người tối thắng,
Bậc Ngưu Vương loài người
Thượng Thủ mọi sanh loại.
Ngài sẽ chuyển Pháp luân,
Trong khu rừng ẩn sĩ,
Rống tiếng rống sư tử,
Hùng mạnh, nhiếp loài thú.” (683-684)
Ðạo sư Asita liền vội vàng đi đến Kapilavatthu để được chiêm ngưỡng Thái tử.
“Sau khi thấy Thái tử,
Chói sáng như lửa ngọn,
Thanh tịnh như Sao ngưu
Vận hành giữa hư không
Sáng chiếu như mặt trời
Giữa trời thu mây tịnh
Ẩn sĩ tâm hoan hỷ
Ðược hỷ lạc rộng lớn.” (687)
Khi thấy Thái tử chói sáng như mặt trời, khi nghĩ đến viễn ảnh chánh pháp được tuyên thuyết, nghĩ đến phận mình già yếu, A Tư Ðà đã phát khóc.
“Khi vị ấy nghĩ đến
Số mệnh của tự mình,
Số mệnh không tốt đẹp,
Vị ấy rơi nước mắt”… (691)
Trước sự lo lắng của các vị Thích Ca, ẩn sĩ A Tư Ðà giải tỏa mối lo lắng:
“Thấy họ Thích lo lắng
Vị ẩn sĩ trả lời:
Ta không thấy bất hạnh
Xảy đến cho Thái tử
Ðối với (Thái tử) ấy,
Chướng ngại sẽ không có.
Vị này không hạ liệt,
Chớ có lo lắng gì.
Thái tử này sẽ chứng
Tối thượng quả Bồ đề,
Sẽ chuyển bánh xe Pháp
Thấy thanh tịnh tối thắng
Vì lòng từ thương xót,
Vì hạnh phúc nhiều người,
Và đời sống Phạm hạnh
Ðược truyền bá rộng rãi
Thọ mạng ta ở đời
Còn lại không bao nhiêu
Ðến giữa đời sống Ngài,
Ta sẽ bị mệnh chung.
Ta sẽ không nghe Pháp
Bậc tinh cần vô tỷ
Do vậy ta sầu não,
Bất hạnh và khổ đau.” (692-694)
*
Yếu tố thứ tư xác nhận sự cổ kính của Kinh Tập này là một số câu văn, một số ví dụ, một số hình ảnh được diễn tả, đã trở thành những câu cách ngôn dân gian.
Biển lớn thì im lặng. Khe nước thời chảy ồn. Cái gì trống kêu to. Cái gì đầy thì yên lặng. Những ví dụ này cho chúng ta thấy những kẻ ít hiểu biết thì hay nói nhiều, những kẻ hiểu biết nhiều thời thường im lặng như 2 câu kệ sau đây :
“Hãy học các giòng nước,
Từ khe núi vực sâu
Nước khe núi chảy ồn
Biển lớn đầy im lặng.” (720)
“Cái gì trống kêu to,
Cái gì đầy, im lặng,
Ngu như ghè vơi nước
Bậc Trí như ao đầy.” (721)
Với những kẻ hay nói, họa sẽ tự miệng sanh, như câu kệ khéo diễn tả dưới đây:
“Phàm con người đã sanh,
Sanh với búa trong miệng,
Kẻ ngu khi nói bậy,
Tự chặt đứt lấy mình.” (657)
Hình ảnh sau đây, có vẻ trào phúng, nói đến đàn quạ thấy hòn đá lầm tưởng là miếng thịt mỡ, đến mổ để tìm cái gì ngọt, khi mổ xong biết mình lầm liền bay đi. Câu kệ châm biếm Ác ma đi theo đức Phật để tìm cơ hội hại Ngài, cuối cùng hại Ngài không được nên bỏ đi.
“Như quạ bay xung quanh
Hòn đá như đống mỡ.
“Có thể có gì mềm?”
“Có thể có gì ngọt?” (447)
“Không tìm được gì ngọt
Quạ từ đó bay đi
Như quạ mổ hòn đá
Ta bỏ Gotama.” (448)
Một câu kệ nữa nói đến sóng biển không sanh ở giữa biển đại dương, cho chúng ta biết, kẻ đã giải thoát bao giờ cũng trầm tĩnh yên lặng, như bài kệ sau đây:
“Như chính giữa trung ương
Của biển cả đại dương,
Sóng biển không có sanh,
Biển hoàn toàn đứng lặng
Cũng vậy, vị tỷ kheo,
Ðứng lặng không giao động
Không có sự bồng bột
Náo nức ở giữa đời.” (920)
Ðức Phật khuyên các người xuất gia, nên sống riêng một mình tinh tấn tu hành, như con tê giác chỉ có một sừng, sống một mình trong rừng.
“Do thân cận giao thiệp
Thân ái từ đấy sanh,
Tùy thuận theo thân ái,
Khổ này có thể sanh.
Nhìn thấy những nguy hại,
Do thân ái sanh khởi,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng”. (36)
“Như nai trong núi rừng
Không gì bị trói buộc,
Tự đi chỗ nó muốn
Ðể tìm kiếm thức ăn,
Như các bậc hiền trí
Thấy tự do giải thoát,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.” (37)
*
Khi đức Phật thuyết pháp, giới thiệu đạo mới của Ngài, Ngài phải đương đầu với hai hệ thống xã hội rất hùng mạnh đang ngự trị trên xã hội Ấn Ðộ bấy giờ, tức là tổ chức Sa môn và tổ chức Bà la môn. Mỗi hệ thống có một số giáo chủ cầm đầu với hội chúng, với chủ thuyết, với phương pháp tu hành sai biệt và nhiều khi mâu thuẫn nhau. Ðức Phật đã mạnh dạn loại bỏ những gì Ngài xem là trở ngại cho con người giác ngộ và giải thoát, và tự mình vạch ra một con đường mới mẻ đặc biệt của Ngài.
Trước hết, đức Phật không chấp nhận đời sống người tu hành mà còn đoán số, đoán mộng, bói toán, ăn các đồ ăn do kệ tụng đem lại :
“Ta không có thọ dụng
Ðồ ăn từ kệ tụng,
Hỡi này Bà la môn,
Ðây không phải là pháp,
Của những người có trí.
Chư Phật đều từ bỏ,
Ca hát các bài kệ.” (480)
“Chớ có dùng bùa chú,
Anthava Vedà,
Chớ tổ chức đoán mộng,
Coi tướng và xem sao,
Mong rằng đệ tử Ta,
Không đoán tiếng thú kêu
Không chữa bệnh không sanh,
Không hành nghề lang băm.” (927)
Ðức Phật cũng không chấp nhận cầu mong điềm lành. Các chư Thiên hỏi đức Phật làm thế nào được điềm lành (Mangalam), đức Phật trả lời bằng 48 hành động tốt, vì chỉ có hành động lành là điềm lành tối thượng, như kinh Mangala sutta đã khéo diễn tả :
“Không thân cận kẻ ngu
Như gần gũi bậc trí,
Ðảnh lễ người đáng lễ
Là điềm lành tối thượng.” (259)
“Học nhiều nghề nghiệp giỏi,
Khéo huấn luyện, học tập
Nói những lời khéo nói.
Là điềm lành tối thượng.” (261)
“Hiếu dưỡng mẹ và cha
Nuôi dưỡng vợ và con
Làm nghề không rắc rối,
Là điềm lành tối thượng.” (262)
“Bố thí, hành đúng pháp,
Săn sóc các bà con,
Làm nghiệp, không lỗi lầm,
Là điềm lành tối thượng.” (263)
“Chấm dứt, từ bỏ ác,
Chế ngự đam mê rượu,
Trong pháp không phóng dật,
Là điềm lành tối thượng.” (264)
“Kính lễ và hạ mình
Biết đủ và biết ơn
Ðúng thời, nghe chánh pháp
Là điềm lành tối thượng.” (265)
Như vậy, đức Phật bác bỏ sự tin tưởng ở điềm lành và khuyến khích làm các hạnh lành, vì các hạnh lành là điềm lành tối thượng.
Thêm một bước nữa, đức Phật không chấp nhận quan điểm của các Bà la môn, tin tưởng ở thuyết thọ sanh tử cho mình là giai cấp đáng tôn trọng nhất, chỉ vì sanh ra từ miệng Phạm thiên và do vậy các giai cấp Sát đế lỵ, Phệ xá và Thủ đà phải tôn trọng phục vụ giai cấp Bà la môn. Ðức Phật chống lại quan điểm thọ sanh này và tuyên bố rằng chỉ do hành động mới đánh giá giá trị con người, xem con người có đáng tôn trọng hay không.
“Bần tiện không vì sanh.
Phạm chí không vì sanh,
Do hành, thành bần tiện,
Do hành thành Phạm chí.” (136)
“Không phải do thọ sanh (*)
Ðược gọi Bà la môn!
Không phải do thọ sanh,
Gọi phi Bà la môn
Chính do sự hành động,
Ðược gọi Bà la môn
Chính do sự hành động
Gọi phi Bà la môn.” (Trung Bộ Kinh)
(*) thọ sanh: đẻ
Bước thêm một bước nữa, đức Phật bác bỏ các luận thuyết, các triết lý suông, vì chúng không thể đưa con người đến giải thoát, an tịnh. Có đến 63 luận thuyết thịnh hành trong thời đức Phật và đức Phật đều bác bỏ chúng, vì chúng chỉ gây thêm tranh luận :
“Các Sa môn tranh luận,
Có đến 63 thuyết,
Các ngôn thuyết văn tự
Y đây, các tưởng khởi.” (538)
“Ai thiên trú trong kiến,
Xem kiến ấy tối thắng
Ở đời đặt kiến ấy
Vào địa vị tối thượng,
Người ấy nói tất cả,
Người khác là hạ liệt,
Do vậy không vượt khỏi
Sự tranh luận ở đời.” (796)
“Những ai muốn tranh luận
Sau khi vào hội chúng,
Chúng công kích lẫn nhau,
Chúng gọi nhau là ngu
Cái làm nó cống cao
Cũng là đất hại nó,
Tuy vậy nó vẫn nói
Lời cống cao kiêu mạn.” (830)
“Không phải từ tri kiến
Từ truyết thống, từ trí
Không phải từ giới cấm,
Thanh tịnh được đem đến.” (839)
“Ngươi đã có cuồng tín,
Không đưa đến thanh tịnh
Vì đã có thiên vị,
Với tri kiến tác thành.” (910)
Sau khi bác bỏ mê tín dị đoan, tà kiến, truyền thống, điềm lành, các luận thuyết, tế thần, tế lửa, v.v… Ðức Phật tự mình xây dựng con đường giải thoát, giác ngộ của mình. Và tập Suttanipàta sưu tầm cho chúng ta thấy, những bài kệ diễn tả đức Phật, sai khác với các ngoại đạo sư hiện tại như thế nào.
Trước hết, Ngài là bậc có mắt, cakkhumantu, có pháp nhãn thấy rõ tất cả :
“Ðức Phật thật có mắt
Ðối với tất cả pháp. (161)
“Bậc có mắt xuất hiện
Ðời này và thiên giới
Quét sạch mọi u ám,
Ðộc cư, chứng an lạc.” (956)
“Vị ấy Chánh đẳng giác
Hỡi này Bà la môn,
Bậc có mắt thấy được
Trong tất cả các pháp.” (992)
Ðức Phật là vị có một cái nhìn sáng suốt, một sự hiểu biết thấu triệt, thấy đau khổ trong các chủ thuyết, không chấp nhận chủ thuyết nào, tìm đến chân lý, Ngài thấy được sự an tịnh nội tâm.
“Với Ta không có nói!
Ta nói như thế này,
Sau khi quan sát kỹ
Sự chấp thủ trong pháp
Trong tất cả tri kiến.
Ta không có chấp trước,
Ta thấy sự cất chứa
Tịch tịnh trong nội tâm.” (837)
“Ai đã chặt sanh hữu,
Không còn gieo giống thêm,
Sanh hữu đã đoạn tận,
Không còn muốn thọ sanh,
Ðược gọi là ẩn sĩ
Một mình đi im lặng,
Bậc ẩn sĩ đã thấy
Con đường tịch tịnh ấy.” (208)
Nếp sống đức Phật giới thiệu là một nếp sống của vị ẩn sĩ, Mâu ni, một vị đã từ bỏ gia đình sống không gia đình, không có trú xứ nào.
“Thân mật, sinh sợ hãi,
Trú xứ sanh bụi bậm
Không trú xứ, không thân
Hình ảnh bậc ẩn sĩ.” (207)
Một vị đã nhiếp phục tham ái và ái dục, không để ái dục chi phối.
“Vị ấy sống viễn ly
Mọi sự việc ở đời…
Như hoa sen có gai,
Sinh ra ở trong nước,
Không bị nước và bùn
Mắc dính và thân ướt,
Như vậy bậc ẩn sĩ
Nói an tịnh, không tham,
Không bị dục và đời,
Mắc dính và thấm ướt.” (845)
Một vị ẩn sĩ không có thiếu thốn, không có tri kiến, không có tà kiến, từ bỏ các chủ thuyết và không có tranh luận với ai ở đời.
“Chính đối với vị ấy,
Ngã, phi ngã đều không
Vị ấy đã tẩy sạch,
Mọi tà kiến ở đời.” (787)
“Một số người nói rằng
Ðây mới là sự thật,
Chứng nói các người khác,
Là trống không giả dối.
Do chấp thủ như vậy,
Chúng tranh luận đấu tranh,
Vì sao bậc Sa môn.
Không cùng nói một lời.” (88)
“Thường trú xả, chánh niệm,
Không nghĩ mình bằng người.
Hơn người thua kém người
Vị ấy không bồng bột.” (855)
Sống đời sống viễn ly, không tham đắm vật gì, vị ẩn sĩ sống đời sống vô hữu, không có “Ta”; không có “của Ta”, thực hành hạnh vô ngã một cách tốt đẹp.
“Vị ấy không con cái,
Thú vật, ruộng, tài sản,
Không có gì nắm lấy,
Là ta, là không ta.” (858)
“Ai không có vật gì,
Không có, không sầu muộn,
Không đi đến các pháp
Vị ấy gọi an tịnh.” (861)
“Không nghĩ: “đây của tôi”
Không nghĩ: “đây của người”
Người không có tự ngã
Không sầu gì không ngã.” (951)
Nhờ thực hành vô ngã, vị ẩn sĩ đi đến an tịnh trong nội tâm:
“Hãy giữ được an tịnh
Về phía từ nội tâm,
Ðã không có tự ngã,
Từ đâu có vô ngã!” (919)
Và đích cuối cùng của con đường tu hành, đối với vị ẩn sĩ là “Niết bàn tịch tịnh”.
“Từ bỏ lòng tham dục,
Ðây tỷ kheo có tuệ,
Chứng bất tử tịch tịnh,
Niết bàn giới, thường trú!” (204)
*
Một điểm son đáng chú ý là tập này có một số kinh rất được phổ thông, và được chư Tăng các nước Nam Tông tụng đọc thường xuyên như kinh Ratanasutta (kinh Châu Báu), kinh Mangalasutta (kinh Ðiềm Lành) và kinh Mettasutta (kinh Từ Bi). Ngoài ra có nhiều bài kinh ngắn gọn, ý tứ hàm xúc, tán thán hạnh ẩn sĩ làm nổi bật đặc điểm của kinh này là tán dương ở đời sống của vị xuất gia tầm đạo, như kinh Rắn, kinh Vị ẩn sĩ, kinh Ràhula, kinh Dhammika, kinh Nàlaka, kinh Paràbhida, kinh Tuvataka, kinh Attadanda, kinh Sàriputta. Những kinh này phần lớn đề cập đến hạnh ẩn sĩ, và như vậy làm nổi bật bối cảnh an tịnh tu hành mà Kinh Tập này đề cao một cách đặc biệt.
Hòa Thượng Thích Minh Châu
Thiền viện Vạn Hạnh
Sài Gòn, 1978 (PL. 2522)
Chương Một – Phẩm Rắn (Uragavagga)
(I) Kinh Rắn (Sn 1)
(II) Kinh Dhaniya (Sn 3)
Dhaniya:
Thế Tôn:
Dhaniya:
Thế Tôn:
Dhaniya:
Thế Tôn:
Dhaniya:
Thế Tôn:
Dhaniya:
Thế Tôn:
Dhaniya:
Thế Tôn:
Dhaniya:
Màra:
Thế Tôn:
(III) Kinh Con Tê Ngưu Một Sừng (Sn 6)
(IV) Kinh Bhàradvàja, Người Cày Ruộng (Sn 12)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Magadha, tại núi Dakkhinàgini, trong một làng Bà-la-môn tên Ekanàlà. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Kasibhàradvàja có khoảng năm trăm lưỡi cày sẵn sàng, vì là thời gieo mạ. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi đến chỗ Bà-la-môn Kasibhàradvàja đang làm việc. Lúc bấy giờ Bà-la-môn Kasibhàradvàja đang phân phát đồ ăn. Rồi Thế Tôn đi đến chỗ phân phát đồ ăn, sau khi đến, Ngài đứng một bên, Bà-la-môn Kasibhàradvàja thấy Thế Tôn đang đứng một bên để khất thực, liền nói với Thế Tôn:
– Này Sa-môn, ta cày và ta gieo, sau khi cày, sau khi gieo, ta ăn. Và Sa-môn, hãy cày và gieo. Sau khi cày và gieo, hãy ăn!
– Này Bà-la-môn, Ta cũng cày và cũng gieo. Sau khi cày và sau khi gieo, Ta ăn.
– Nhưng chúng tôi không thấy cái ách, hay cái cày, hay lưỡi cày, hay gậy thúc trâu bò, hay các con bò đực của Tôn giả Gotama. Vậy mà Tôn giả Gotama nói: “Này Bà-la-môn, Ta có cày và Ta có gieo. Sau khi cày và sau khi gieo, Ta ăn “.
Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja nói lên với Thế Tôn bài kệ:
Bhàradvàja:
Thế Tôn:
Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja lấy một bát bằng đồng lớn, cho đổ đầy với cháo sữa dâng đức Phật và thưa:
– Thưa Tôn giả Gotama, hãy dùng cháo sữa, Tôn giả là người đi cày! Tôn giả Gotama đi cày quả bất tử!
Thế Tôn:
– Vậy, thưa Tôn giả Gotama, con sẽ cho ai cháo sữa này?
– Này Bà-la-môn, Ta không thấy ai ở thế giới, với chư Thiên, chư Ma, chư Phạm thiên, hay trên đời này với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, có thể sau khi ăn, tiêu hóa được món cháo sữa này, trừ Như Lai hay đệ tử của Như Lai. Vậy, này Bà-la-môn, Ông hãy đổ cháo sữa này trên chỗ không có cỏ xanh, hay nhận chìm trong nước không có sinh vật.
Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja đem nhận chìm cháo sữa ấy vào nước không có sinh vật. Cháo sữa ấy khi bị đổ xuống nước, nó sôi lên, sôi lên sùng sục, nó phun khói, nó bốc khói lên. Ví như một lưỡi cày, phơi cả ngày dưới ánh nắng, được đem quăng xuống nước, lưỡi cày ấy sôi lên sùng sục, nó phun khói, nó bốc khói lên. Cũng vậy, cháo sữa ấy, khi bị đổ xuống nước, nó sôi lên, sôi lên sùng sục, nó phun khói, nó bốc khói lên. Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja hoảng hốt, rợn tóc gáy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Ví như, thưa Tôn giả Gotama, một người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, mở toang ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, pháp được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày. Con xin qui y Tôn giả Gotama, qui y Pháp, qui y chúng Tỷ-kheo. Mong rằng con được xuất gia với Tôn giả Gotama, được thọ đại giới.
Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja được xuất gia với Sa-môn Gotama, được thọ đại giới. Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Bhàradvàja sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Không bao lâu, do vì mục đích gì, bậc thiên nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú cứu cánh Phạm hạnh ấy. Vị ấy thắng tri: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa “. Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán.
(V) Kinh Cunda (Sn 16)
Thế Tôn:
Cunda:
Thế Tôn:
(VI) Kinh Bại Vong (Paràbhava) (Sn 18)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi một Thiên nhơn, sau khi đêm gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên nhân ấy bạch Thế Tôn với những bài kệ:
Thiên nhân:
Thế Tôn:
Thiên nhân:
Thế Tôn:
Thiên nhân:
Thế Tôn:
Thiên nhân:
Thế Tôn:
Thiên nhân:
Thế Tôn:
Thiên nhân:
Thế Tôn:
Thiên nhân:
Thế Tôn:
Thiên nhân:
Thế Tôn:
Thiên nhân:
Thế Tôn:
Thiên nhân:
Thế Tôn:
Thiên nhân:
Thế Tôn:
Thiên nhân:
Thế Tôn:
(VII) Kinh Kẻ Bần Tiện (Vasalasuttam) (Sn 21)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvathi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Lúc bấy giờ, tại trú xứ của Bà-la-môn Aggikabhàradvàja, lửa tế lễ được đốt cháy, đồ cúng dường được dâng cao. Rồi Thế Tôn, trong khi thứ lớp khất thực ở Sàvatthi, đi đến trú xứ của Bà-la-môn Aggibhàradvàja. Bà-la-môn Aggibhàradvàja thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy bèn nói với Thế Tôn:
– Ở đây kẻ trọc đầu, ở đây kẻ Sa-môn ti tiện, ở đây kẻ bần tiện, hãy đứng lại.
Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Bà-la-môn Aggibhàradvàja:
– Này Bà-la-môn, Người có biết người bần tiện hay những pháp tạo ra kẻ bần tiện không?
– Này Tôn giả Gotama, tôi không biết kẻ bần tiện hay những pháp tạo ra kẻ bần tiện. Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp như thế nào cho tôi, để tôi được biết về kẻ bần tiện hay các pháp tạo thành kẻ bần tiện.
– Vậy này Bà-la-môn, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
– Thưa vâng, Tôn giả!
Bà-la-môn Aggibhàradvàja vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
Khi được nói vậy, Bà-la-môn Bhàradvàja bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, ví như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, mở toang ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Pháp được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày. Con nay qui y Tôn giả Gotama, qui y Pháp và qui y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời qui ngưỡng.
(VIII) Kinh Từ Bi (Metta Sutta) (Sn 25)
(IX) Kinh Hemavata (Sn 27)
Sàtàgira:
Hemavata:
Sàtàgira:
Hemavata:
Sàtàgira:
Hemavata:
Sàtàgira:
Hemavata:
Sàtàgira:
Hemavata:
Sàtàgira:
Hemavata:
Sàtàgira:
Cả hai:
Hemavata:
Cả hai:
Hemavata:
Thế Tôn:
Hemavata:
Thế Tôn:
Hemavata:
Thế Tôn:
Hemavata:
(X) Kinh Alavaka (Sn 31)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Alavi, tại trú xứ của Dạ-xoa Alavaka. Rồi Dạ-xoa Alavaka đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói với Thế Tôn:
– Này Sa-môn, hãy đi ra.
– Lành thay, Hiền giả.
Thế Tôn đi ra.
– Này Sa-môn, hãy đi vào.
– Lành thay, Hiền giả.
Thế Tôn đi vào. Lần thứ hai, Dạ-xoa Alavaka nói với Thế Tôn:
– Này Sa-môn, hãy đi ra.
– Lành thay, Hiền giả.
Thế Tôn đi ra:
– Này Sa-môn, hãy đi vào.
– Lành thay, Hiền giả.
Thế Tôn đi vào.
Lần thứ ba, Dạ-xoa Alavaka nói với Thế Tôn:
– Này Sa-môn, hãy đi ra.
– Lành thay, Hiền giả.
Thế Tôn đi ra.
– Này Sa-môn, hãy đi vào.
– Lành thay, Hiền giả.
Thế Tôn đi vào.
Lần thứ tư, Dạ-xoa Alavaka nói với Thế Tôn:
– Này Sa-môn, hãy đi ra.
– Này Hiền giả, Ta sẽ không đi ra cho Ông. Ông cần gì hãy làm?
– Này Sa-môn, ta sẽ hỏi Ngài. Nếu Ngài không trả lời cho ta, ta sẽ làm tâm trí Ngài điên loạn, hay ta sẽ bóp nát quả tim của Ngài, hay nắm chân của Ngài, ta sẽ quăng qua bờ sông bên kia sông Hằng.
– Này Hiền giả, Ta không thấy một ai trong thế giới với chư Thiên, với Ác ma và với Phạm thiên, trong quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn với chư Thiên và loài Người, lại có thể làm tâm Ta điên loạn, hay bóp nát quả tim của Ta, hay nắm chân quăng Ta qua bên kia bờ sông Hằng. Tuy vậy, này Hiền giả, Ông cứ hỏi như ý Ông muốn.
Rồi Dạ-xoa với bài kệ nói với Thế Tôn:
Alavaka:
Thế Tôn:
Alavaka:
Thế Tôn:
Alavaka:
Thế Tôn:
Alavaka:
(XI) Kinh Thắng Trận (Sn 34)
(XII) Kinh ẩn sĩ (Sn 35)
Chương Hai – Tiểu Phẩm
(I) Kinh Châu Báu (Ratana Sutta) (Sn 39)
(II) Kinh Hôi Thối (Amagandha) (Sn 42)
Bà-la-môn:
Ðức Phật Kassapa:
(III) Kinh Xấu Hổ (Sn 45)
(IV) Kinh Ðiềm Lành Lớn (Kinh Ðại Hạnh Phúc – Mahamangala Sutta) (Sn 46)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi một Thiên nhân, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên nhân ấy với bài kệ bạch Thế Tôn:
Thiên nhân:
Thế Tôn:
(V) Kinh Sùciloma (Sn 47)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú tại Gayà, ở Tamkitamanca tại trú xứ của Dạ-xoa Sùciloma. Lúc bấy giờ, Dạ-xoa Khara, Dạ-xoa Sùciloma đi qua Thế Tôn không bao xa. Dạ-xoa Khara nói với Dạ-xoa Sùciloma: Ðây là Sa-môn. Ðây không phải là Sa-môn. Ðây là Sa-môn hay là Sa-môn giả hiệu. Rồi Dạ-xoa Sùciloma đi đến Thế Tôn, sau khi đến cọ xát thân Thế Tôn. Thế Tôn tránh né thân của mình, rồi Dạ-xoa Sùciloma nói với Thế Tôn:
– Có phải Sa-môn sợ ta?
– Này Hiền giả, Ta không sợ Ông, nhưng xúc phạm với Ông là ác.
– Này Sa-môn, ta sẽ hỏi Ngài, nếu Ngài không trả lời cho ta, ta sẽ làm cho tâm Ngài điên loạn, hay bóp nát quả tim của Ngài, hay nắm chân của Ngài, ta sẽ quăng qua bờ bên kia sông Hằng.
– Này Hiền giả, Ta không thấy một ai trong thế giới chư Thiên, với chư Thiên, Ác ma và Phạm Thiên, trong quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn với chư Thiên và loài Người, lại có thể làm cho tâm Ta điên loạn hay bóp nát quả tim của Ta, hay nắm chân của Ta, sẽ quăng Ta qua bờ bên kia sông Hằng. Tuy vậy, này Hiền giả, Ông cứ hỏi Ta như ý Ông muốn.
Rồi Dạ-xoa Sùciloma với câu kệ nói với Thế Tôn:
Sùciloma:
Thế Tôn:
(VI) Kinh Hành Chánh Pháp (Sn 49)
(VII) Kinh Pháp Bà-la-môn (Sn 50)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi nhiều Bà-la-môn đại phú ở Kosala già yếu, cao niên, trưởng lão, đã đến tuổi trưởng thượng, đã gần mãn cuộc đời, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Bà-la-môn đại phú ấy bạch Thế Tôn:
– Thưa Tôn giả Gotama, hiện nay còn có những Bà-la-môn nào được thấy là theo pháp Bà-la-môn của những Bà-la-môn thời xưa?
– Này các Bà-la-môn, hiện nay không còn thấy các Bà-la-môn theo pháp Bà-la-môn của các Bà-la-môn thời xưa?
– Lành thay, Tôn giả Gotama hãy nói cho pháp Bà-la-môn của các Bà-la-môn thời xưa. Nếu Tôn giả Gotama không thấy gì phiền phức.
– Vậy này các Bà-la-môn, hãy nghe và khéo tác ý. Ta sẽ nói.
– Thưa vâng, Tôn giả.
Các Bà-la-môn đại phú ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
Khi nghe nói vậy, các Bà-la-môn đại phú ấy bạch Thế Tôn;
– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, trình bày rõ những gì bị che kín chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối đễ những ai có mắt có thể nhìn thấy sắc. Cũng vậy, Pháp được Tôn giả Gotama với nhiều pháp môn trình bày giải thích. Chúng con xin quy y Tôn giả Gotama quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận chúng con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, chúng con trọn đời quy ngưỡng.
(VIII) Kinh Chiếc Thuyền (Sn 55)
(IX) Kinh Thế Nào là Giới (Sn 56)
(X) Kinh Ðứng Dậy (Sn 57)
(XI) Kinh Ràhula (Sn 58)
Thế Tôn:
Ràhula:
Thế Tôn:
Như vậy, Thế Tôn thường giáo giới Tôn giả Ràhula với những bài kệ này.
(XII) Kinh Vangìsa (Sn 59)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế tôn sống ờ Alavi, tại điện Aggàlava. Lúc bấy giờ, giáo sư thọ sư của Tôn giả Vangìsa, tên là Nigrodhakappa tại điện Aggalava, mệnh chung không bao lâu. Rồi Tôn giả Vangìsa, trong khi thiền định độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Không biết bậc giáo thọ sư của ta có hoàn toàn nhập Niết-bàn hay không hoàn toàn nhập Niết-bàn?”. Rồi Tôn giả Vangìsa vào buổi chiều, từ thiền tịnh đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Vangìsa bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi Thiền tịnh độc cư, con khởi lên tư tưởng như sau: “Không biết bậc giáo thọ sư của con có hoàn toàn nhập Niết Bàn hay không, hoàn toàn nhập Niết-bàn?”
Rồi Tôn giả Vangìsa, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chấp tay vái chào Thế Tôn và với bài kệ, nói lên với Thế Tôn:
Vangìsa:
Thế Tôn:
Vangìsa:
(XIII) Kinh Chánh xuất gia (Sn 63)
Người hỏi:
Thế Tôn:
Người hỏi:
(XIV) Kinh Dhammika (Sn 66)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn ông Anàthapindika. Rồi nam cư sĩ Dhammika đi đến Thế Tôn với năm trăm nam cư sĩ, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Dhammika nói lên những bài kệ với Thế Tôn:
Dhammika:
Thế Tôn:
Chương Ba – Ðại Phẩm
(I) Kinh Xuất Gia (Sn 72)
Ananda:
406.Trói buộc, sống gia đình,
Tụ hội mọi bụi đời,
Phóng khoáng, đời xuất gia,
Thấy vậy nên xuất gia.
Thế Tôn:
(II) Kinh Tinh Cần (Sn 74)
Thế Tôn:
Ác-ma:
(III) Kinh Khéo Thuyết (Sn 78)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana… Thế Tôn nói như sau:
– Thành tựu bốn chi phần, này các Tỷ-kheo, lời nói được khéo nói, không phải vụng nói, không có lỗi lầm, không bị người trí quở trách. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chỉ nói lời khéo nói, không nói lời vụng nói; chỉ nói lời đúng pháp, không nói lời phi pháp; chỉ nói lời khả ái, không nói lời phi khả ái; chỉ nói lời đúng sự thật, không nói lời không đúng sự thật. Thành tựu với bốn chi phần này, này các Tỷ-kheo, lời nói là được khéo nói không phải vụng nói, không có lỗi lầm, không bị người trí quở trách.
Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ thuyết như vậy xong bậc Ðạo Sư lại nói thêm như sau:
Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ngồi đứng dậy đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
– Ý nghĩ này đến với con, bạch Thiện Thệ.
– Hãy nói lên ý kiến ấy, này Vangìsa!.
Rồi Tôn giả Vangìsa, trước mặt Thế Tôn, nói lên lời tán thán với những bài kệ thích ứng:
Vangìsa:
(IV) Kinh Sundarika Bhàradvàja (Sn 80)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở phía dân chúng Kosala, trên bờ sông Sundarikà. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja đốt lửa thiêng trên bờ sông Sundarikà và đang cử hành các tế lễ lửa. Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradavàja, sau khi đốt lửa thiêng, sau khi cử hành các lễ tế lửa, từ chỗ ngồi đứng dậy và ngó xung quanh bốn phương nghĩ rằng: “Ai có thể ăn đồ ăn còn lại của lễ tế tự này?”.
Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja thấy Thế Tôn ngồi dưới một gốc cây, không bao xa, đầu che trùm lại; thấy vậy, tay trái cầm đồ tế tự còn lại, tay mặt cầm cái bình nước, đi đến Thế Tôn. Thế Tôn nghe tiếng chân của Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja liền mở đầu ra. Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja nghĩ rằng: “Ðầu trọc là vị này. Một kẻ đầu trọc là vị này”, và muốn đi trở lại. Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja suy nghĩ: “Ở đây, cũng có một số Bà-la-môn trọc đầu. Vậy ta hãy đi đến vị này và hỏi về thọ sanh”. Rồi Bà-la-môn Sundaikabhàradvàja đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói với Thế Tôn:
– Thọ sanh của Tôn giả là thế nào?
Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja những bài kệ:
Thế Tôn:
Bà-la-môn:
Thế Tôn:
Nếu Ông nói lên rằng:
Ông là Bà-la-môn,
Và nếu Ông hỏi Ta
Không phải Bà-la-môn,
Vậy Ta sẽ hỏi Ông
Về Sàvitti này,
Gồm có mười hai câu,
Và hai mươi bốn chữ.
Bà-la-môn:
Thế Tôn:
Vị nào đạt cứu cánh,
Vị nào hiểu Vệ-đà,
Trong lễ tế đàn này,
Thọ hưởng đồ cúng dường,
Ta tuyên bố, nói rằng
Lễ ấy được tăng thịnh.
Bà-la-môn:
Thế Tôn:
Bà-la-môn:
Thế Tôn:
Vậy này Bà-la-môn,
Hãy lắng tai mà nghe,
Ta nay sẽ vì Ông,
Tuyên thuyết pháp vi diệu.
Bà-la-môn:
Thế Tôn:
Bà-la-môn:
Thế Tôn:
Bà-la-môn:
Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, hay phơi bày ra những gì bị che kín, hay chỉ đường cho kẻ lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mặt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con nay quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Hãy cho con được xuất gia với Tôn giả Gotama. Hãy cho con thọ đại giới.
Và Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja… trở thành một vị A-la-hán.
(V) Kinh Màgha (Sn 86)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, trên núi Gijjhakàta. Rồi thanh niên Màgha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Màgha bạch Thế Tôn:
– Thưa Tôn giả Gotama, con là người bố thí, là thí chủ, rộng rãi, mong muốn được yêu cầu. Con tầm cầu tài sản đúng pháp, sau khi tầm cầu tài sản đúng pháp, với những tài sản thâu hoạch đúng pháp, tạo dựng đúng pháp, con cho một nguời, con cho hai người, con cho ba người, con cho bốn người, con cho năm người, con cho sáu người, con cho bảy người, con cho tám người, con cho chín người, con cho mười người, con cho hai mươi người, con cho ba mươi người, con cho bốn mươi người, con cho năm mươi người, con cho một trăm người, con cho nhiều hơn nữa. Thưa Tôn giả Gotama, con cho như vậy, con bố thí như vậy, con có được nhiều phưóc đức không?
– Này thanh niên, Con cho như vậy, Con bố thí như vậy Con được nhiều phước đức. Này thanh niên, ai là người bố thí, là người thí chủ rộng rãi, mong muốn được yêu cầu, ai tầm cầu tài sản đúng pháp sau khi tầm cầu tài sản đúng pháp, với những tài sản thâu hoạch đúng pháp, tạo dựng đúng pháp, ngưòi ấy cho một người… cho một trăm người, cho nhiều hơn nữa, người ấy được nhiều công đức.
Rồi thanh niên Màgha nói lên lời Thế Tôn những bài kệ:
Thanh niên Màgha:
Thế Tôn:
Màgha:
Thế Tôn:
Màgha:
Thế Tôn:
Màgha:
Thế Tôn:
Khi nói được như vậy, thanh niên Màgha bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama!.
Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama!… Từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
(VI) Kinh Sabhiya (Sn 91)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, du sĩ Sabhiya, một du sĩ ngoại đạo, được một Thiên nhân trước kia là bà con huyết thống, nói lên những câu hỏi sau đây: “Này Sabhiya, vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, khi được hỏi những câu hỏi này, trả lời cho Ông, thời Ông hãy sống Phạm hạnh với người ấy”.
Rồi du sĩ Sabhiya, sau khi học những câu hỏi ấy từ vị Thiên nhân ấy, phàm có những Sa-môn, Bà-la-môn nào có hội chúng, có đồ chúng, bậc đạo sư đồ chúng được biết đến, có danh vọng, các ngoại đạo sư, được quần chúng ái mộ, như Pùrana Kacsapa, Makkhali Gosàla, Ajita Kesa Kambali, Pakudha Kacàyana, Sanjaya Belatthiputta, Nigantha Nàtaputta, Sabhiya đi đến các vị ấy và hỏi những câu hỏi ấy. Các vị ấy, được du sĩ Sabhiya hỏi những câu hỏi ấy, không có thể giải đáp. Do không có thể giải đáp, họ biểu lộ phẩn nộ, sân hận, bất mãn. Họ vặn hỏi trở lại du sĩ Sabhiya. Rồi du sĩ Sabhiya suy nghĩ như sau: “Các vị Tôn giả, Sa-môn, Bà-la-môn ấy có hội chúng, có đồ chúng, bậc đạo sư, đồ chúng được biết đến, có danh vọng, có ngoại đạo sư, được quần chúng ái mộ, như Pùrana Kassapa… Nigantha Nàtaputta. Các vị ấy được ta hỏi những câu hỏi không có thể giải đáp. Do không có thể giải đáp, họ biểu lộ phẩn nộ, sân hận, bất mãn họ vặn hỏi trở lại ta. Vậy ta haỹ trở lui đời sống hạ liệt, thọ hưởng các dục”. Rồi du sĩ Sabhiya suy nghĩ như sau: “Có Sa-môn Gotama này, có hội chúng, có đồ chúng, bậc lãnh đạo hội chúng, được biết đến, có danh vọng, sáng lập ra giáo phái, được quần chúng ái mộ, vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và hỏi những câu hỏi này. Rồi du sĩ ngoại đạo Sabhiya suy nghĩ như sau: “Các vị Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy đã già, đã lớn tuổi, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đi quá nửa đời người, đã đạt đến mức cuối tuổi thọ, là những bậc trưởng lão, được nhiều người biết đến, xuất gia đã lâu ngày, có hội chúng, có đồ chúng, bậc lãnh đạo hội chúng, được biết đến, có danh vọng, các ngoại đạo sư được quần chúng ái mộ, như Pùrana Kassapa… Nigantha Nàtaputta. Các vị ấy được ta hỏi những câu hỏi, không có thể giải đáp. Do không có thể giải đáp, họ biểu lộ phẩn nộ, sân hận, bất mãn. Và họ vặn hỏi trở lại ta. Không biết Sa-môn Gotama có thể trả lời những câu hỏi này của ta. Sa-môn Gotama còn trẻ và mới được xuất gia”. Rồi du sĩ ngoại đạo Sabhiya suy nghĩ như sau: “Không nên gạt bỏ, không nên khinh thường một Sa-môn vì vị ấy còn trẻ tuổi; nếu vị Sa-môn còn trẻ, nhưng vị ấy có đại thần, đại uy lực. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và hỏi những câu hỏi này”.
Rồi du sĩ ngoại đạo Sabhiya bộ hành ra đi đến Ràjagaha, tiếp tục bộ hành, đi đến Vương Xá Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên du sĩ Sabhiya nói lên với Thế Tôn những bài kệ:
Sabhiya:
Thế Tôn:
Rồi du sĩ Sabhiya suy nghĩ như sau: “Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Ta không bao giờ có được cơ hội, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn khác. Nay cơ hội này được Sa-môn Gotama tạo ra cho ta, hân hoan, hoan hỷ, phấn chấn, hỷ lạc ” Sabhiya hỏi Thế Tôn câu hỏi:
Sabhiya:
Thế Tôn:
Rồi du sĩ Sabhiya, hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, hoan hỷ, hân hoạn, phấn khởi, phát sanh hỷ tâm, liền hỏi Thế Tôn thêm câu nữa.
Sabhiya:
Thế Tôn:
Rồi du sĩ Sabhiya lại hỏi thêm câu nữa:
Sabhiya:
Thế Tôn:
Rồi du sĩ Sabhiya… lại hỏi Thế Tôn thêm câu hỏi nữa:
Sabhiya:
Thế Tôn:
Rồi du sĩ Sabhiya.. lại hỏi Thế Tôn thêm câu hỏi nữa:
Sahiya:
Thế Tôn:
Rồi du sĩ Sabhiya hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy; hoan hỷ, hân hoan, phấn chấn, hỷ duyệt sanh khởi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thương y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn, trước mặt Thế Tôn, thốt lên những câu kệ thích đáng:
Rồi du sĩ Sabhiya lấy đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!… Con xin quy y Thế Tôn, Pháp và chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho con được xuất gia với Thế Tôn, mong cho con thọ đại giới.
– Này Sabhiya, ai trước kia thuộc ngoại đạo, nay xin xuất gia, xin thọ đại giới trong Pháp Luật này cần phải sống biệt trú trong bốn tháng. Sau bốn tháng, nếu tâm các Tỷ-kheo thỏa thuận, có thể cho vị ấy xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo. Nhưng ở đây, Ta biết sự sai biệt giữa các chúng sanh.
– Bạch Thế Tôn, nếu những ai trước kia thuộc ngoại đạo, nay xin xuất gia, xin thọ đại giới trong Pháp Luật này, sống biệt trú bốn tháng. Sau bốn tháng, nếu tâm các Tỷ-kheo thỏa thuận, có thể cho vị ấy xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo, con sẽ sống biệt trú bốn năm. Sau bốn năm, nếu tâm con thỏa thuận hãy cho xuất gia, cho con thọ đại giới để trở thành Tỷ-kheo.
Du sĩ Sabhiya được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới… rồi Tôn giả Sabhiya trở thành một vị A-la-hán.
(VII) Kinh Sela (Sn 102-112)
(Xem kinh Sela, Trung Bộ Kinh, Tập II)
(VIII) Kinh Mũi Tên (Sn 112)
(IX) Kinh Vàsettha (Sn 115)
(Kinh này giống với kinh Vàsettha, số 98 của Trung Bộ Kinh, Tập II)
(X) Kinh Kokàliya (Sn 123)
Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn của ông Anàthapindika. Rồi Tỷ-kheo Kokàliya đi đến Thế Tôn sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kokàliya bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Sàiputta và Moggallàna là ác dục, bị ác dục chinh phục.
– Này Kokàliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, tâm hãy tinh tấn đối với Sàriputta và Moggallàna. Hiền thiện Sàriputta và Moggallàna.
Lần thứ hai, Tỷ-kheo Kokàliya bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, dầu Thế Tôn có lòng tin và tin tưởng, đối với con, Sàriputta và Moggalàna là ác dục, bị ác dục chinh phục.
– Này Kokàaliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, tâm hãy tinh tấn đối với Sàriputta và Moggallàna. Hiền thiện Sàriputta và Moggallàna
Lần thứ ba, Tỷ-kheo Kokàliya bạch Thế Tôn… Hiền thiện là Sàriputta và Moggallàna…
Rồi Tỷ-kheo Kokàliya từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi. Tỷ-kheo Kokàliya ra đi không lâu, toàn thân của Tỷ-kheo Kokàliya nổi lên những mụt to bằng hạt cải; sau khi lớn lên bằng hột đậu; chúng lớn lên bằng hột đậu lớn; sau khi lớn bằng hột đậu lớn, chúng lớn lên bằng hòn đá; sau khi lớn lên bằng hòn đá, chúng lớn lên bằng trái táo; sau khi lớn lên bằng trái táo, chúng lớn lên bằng trái àmala; sau khi lớn lên bằng trái àmala, chúng lớn lên bằng trái vilva; sau khi lớn lên bằng trái vilva, chúng lớn lên bằng trái billi, chúng bị phá vỡ, mủ và máu chảy ra.
Rồi Tỷ-kheo Kokàliya do bệnh này bị mệnh chung. Bị mệnh chung, Tỷ-kheo Kokàliya sanh trong địa ngục Sen hồng, với tâm hận thù đối với Sàriputta và Moggallàna.
Rồi Phạm thiên Sahampati sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên. Ðứng một bên, Phạm thiên Sahampati bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Kokàliya phải sanh vào địa ngục Sen hồng, với tâm hận thù đối với Sàriputta và Moggallàna.
Phạm thiên Sahampati nói như vậy, sau khi nói xong, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ ấy.
Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã qua, liền bảo các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, hồi hôm Phạm thiên Sahampati, khi đêm gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Ta, sau khi đến đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Ðứng một bên, này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati bạch với Ta: “Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Kokàliya đã mệnh chung và Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Kokàliya sau khi mệnh chung đã sanh địa ngục Sen hồng với tâm hận thù đối với Sàriputta và Moggallàna”.
Này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati nói như vậy. Sau khi nói xong, đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ.
Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, bao nhiêu là tuổi thọ trong địa ngục Sen hồng?
– Thật dài, này Tỷ-kheo, là tuổi thọ trong địa ngục Sen hồng, không dễ gì tính được bao nhiêu năm, bao nhiêu trăm năm, bao nhiêu ngàn năm, hay bao nhiêu trăm ngàn năm.
– Bạch Thế Tôn, có thể tính được chăng bằng ví dụ?
Thế Tôn đáp:
– Có thể được, này Tỷ-kheo. Này Tỷ-kheo, ví như có hột đậu mè nặng hai mươi khàrika, theo đo lường nước Kosala. Ví dụ sau một trăm năm, một người lấy ra một lần một hột mè. Này Tỷ-kheo, còn mau hơn là bao hột mè, nặng hai mươi ngàn khàrika ấy, theo đo lường của nước Kosala, đi đến tiêu hao, đi đến hao mòn do phương tiện ấy, so sánh với tuổi thọ ở địa ngục Abbuda. Này Tỷ-kheo hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Abbuda; bằng một tuổi thọ ở địa ngục Nirabbuda. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Nirabbuda, bằng một tuổi thọ ở địa ngục Ababa. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Ahaha bằng một tuổi thọ ở địa ngục Atata. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Atata bằng một tuổi thọ ở địa ngục Kumuda. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Kumuda bằng một tuổi thọ ở địa ngục Sogandhika. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Sogandhika bằng một tuổi thọ ở địa ngục Uppala (Hoa sen xanh). Này các Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Uppala bằng một tuổi thọ ở địa ngục Pundarika (Hoa sen). Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Pundarika bằng một tuổi thọ ở địa ngục Pudumà. Này Tỷ Kheo Kokàliya sanh tại địa ngục Pudumà với tâm hận thù Sàripputta và Moggallàna.
Thế Tôn nói như vậy. Sau khi nói như vậy, bậc Thiện Thệ lại nói thêm:
(XI) Kinh Nàlaka (Sn 131)
Asita:
Vì sao chúng chư Thiên
Lại nhiệt tình hoan hỷ?
Họ cầm áo vui múa,
Là do nhân duyên gì?
Chư Thiên:
(Kệ mở đầu đã xong)
(XII) Kinh Hai Pháp Tuỳ Quán (Sn 139)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Ðông Viên, tại lâu đài mẹ của Migàra. Lúc bấy giờ, trong ngày trai giới Uposatha, vào ngày rằm, trăng tròn, trong đêm rằm, Thế Tôn ngồi giữa trời với chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Rồi Thế Tôn nhìn xung quanh chúng Tỷ-kheo đang yên lặng, nói với các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, phàm có những thiện pháp nào thuộc bậc Thánh có khả năng hướng thượng, đưa đến giác ngộ; này các Tỷ-kheo, đối với các thiện pháp thuộc bậc Thánh có khả năng hướng thượng đưa đến giác ngộ ấy do lý do gì các Thầy nghe những pháp ấy? Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thể được hỏi như vậy, các Thầy có thể trả lời cho những người câu hỏi ấy như sau: “Vì muốn có như thật trí đối với hai pháp”. Và nếu các Thầy nói: “Thế nào là hai?”. – “Ðây là khổ, đây là khổ tập”, đây là tuỳ quán thứ nhất. “Ðây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt”, đây là tùy quán thứ hai.
Này các Tỷ-kheo, như vậy do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp, không có phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, được chờ đợi là một trong hai quả sau đây: Ðược chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn.
Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: “Có thể có chân chánh tuỳ quán hai pháp, theo một pháp môn khác không?” Các Thầy cần phải trả lời: “Có thể có”. Có thể có như thế nào? “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên sanh y”, đây là tuỳ quán pháp thứ nhất. “Do sự đoạn diệt, ly tham, các sanh y không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán thứ hai.
– Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tuỳ quán hai pháp, không có phóng dật, nhiệt tâm tinh cần, được chờ đợi là một trong hai quả sau đây: Ðược chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn.
Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: “Có thể có chân chánh tùy quán hai pháp theo một pháp môn khác không?” Các Thầy cần phải trả lời: “Có thể có”. Có thể có như thế nào? “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên vô minh”, đây là tùy quán thứ nhất. “Do đoạn diệt, ly tham, vô minh không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai.
Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp, không có phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, được chờ đợi là một trong hai quả sau đây: Ðược chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn.
Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo sư lại nói thêm:
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:… “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên các hành”, đây là tuỳ quán pháp thứ nhất. “Do đoạn diệt, ly tham, các hành không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo sư lại nói thêm:
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:… “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thức”, đây là tùy quán pháp thứ nhất. “Do đoạn diệt, ly tham thức không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai.
Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp, bậc Ðạo sư lại nói thêm:
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:…. “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên xúc”, đây là pháp tùy quán thứ nhất. “Do đoạn diệt, ly tham xúc không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai.
Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp. Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:… “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thọ”, đây là pháp tùy quán thứ nhất. “Do đoạn diệt, ly tham thọ không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:… “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên ái”, đây là pháp tùy quán thứ nhất. “Do đoạn diệt, ly tham ái, không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chán tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:…. “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thủ”, đây là pháp tùy quán thứ nhất. “Do đoạn diệt, ly tham thủ không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:… “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên khởi xướng”, đây là pháp tùy quán thứ nhất. “Do đoạn diệt ly tham khởi xướng không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:… “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thức ăn”, đây là pháp tùy quán quán thứ nhất. “Do đoạn diệt, ly tham thức ăn không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:… “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên dao động”, đây là pháp tùy quán quán thứ nhất. “Do đoạn diệt, ly tham dao động không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:… “Ai có nương tựa, thì bị dao động”, đây là pháp tùy quán quán thứ nhất. “Ai không có nương tựa, không bị dao động”, đây là pháp tùy quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: “Có thể có như thế nào?” Này các Tỷ-kheo “Các pháp vô sắc an tịnh hơn các sắc pháp”, đây là pháp tùy quán thứ nhất. “Sự đoạn diệt an tinh hơn các pháp vô sắc”, đây là pháp tùy quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: “Có thể có như thế nào?” Này các Tỷ-kheo, “Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: “Ðây là sự thật”, cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: “Cái này là hư vọng”, đây là pháp tùy quán thứ nhất. Này các Tỷ-kheo, “Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: “Ðây là hư vọng”, cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: “Cái này là chân thật”, đây là pháp tùy quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: “Có thể có như thế nào?” Này các Tỷ-kheo, “Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: “Ðây là an lạc”, cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: “Cái này là khổ”, đây là pháp tùy quán thứ nhất. Này các Tỷ-kheo, “Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: “Ðây là khổ”, cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: “Cái này là lạc”, đây là pháp tùy quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Thế Tôn thuyết như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỉ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi pháp này được giảng, tâm của hơn sáu mươi Tỷ-kheo giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
Chương Bốn – Phẩm Tám
(I) Kinh về Dục (Sn 151)
(II) Kinh Hang Ðộng tám kệ (Sn 151)
(III) Kinh Sân Hận tám kệ (Sn 153)
(IV) Kinh Thanh Tịnh tám kệ (Sn 154)
(V) Kinh Tối Thắng tám kệ (Sn 156)
(VI) Kinh Già (Sn 158)
(VII) Kinh Tissametteyya (Sn 160)
(VIII) Kinh Pasùra (Sn 161)
(IX) Kinh Màgandiya (SN 163)
Thế Tôn:
Màgandiya:
Thế Tôn:
Màgandiya:
Thế Tôn:
Màgandiya:
Thế Tôn:
(X) Kinh Trước khi bị hủy hoại (Sn 166)
Người hỏi:
Thế Tôn:
(XI) Kinh Tranh luận (Sn 168)
Người hỏi:
Thế Tôn:
Người hỏi:
Thế Tôn:
Người hỏi:
Thế Tôn:
Người hỏi:
Thế Tôn:
Người hỏi:
Thế Tôn:
Người hỏi:
Thế Tôn:
Người hỏi:
Thế Tôn:
(XII) Những vấn đề nhỏ bé (Sn 171)
Người hỏi:
Thế Tôn:
Người hỏi:
Thế Tôn:
Người hỏi:
Thế Tôn:
(XIII) Những vấn đề to lớn (Sn 174)
Người hỏi:
Thế Tôn:
Người hỏi:
Thế Tôn:
(XIV) Kinh Tuvataka (Con đường mau chóng) (Sn 179)
Người hỏi:
Thế Tôn:
Người hỏi:
Thế Tôn:
(XV) Kinh Chấp trượng (Sn 182)
Thế Tôn:
(XVI) Kinh Sàriputta (Xá-lợi-phất) (Sn 185)
Sàriputta:
Thế Tôn:
Chương Năm – Phẩm Con Ðường Ðến Bờ Bên Kia
(I) Bài kệ mở đầu (Sn 190)
Bàvarim:
Phạm-chí:
Thiên nhân:
Bàvarim:
Thiên nhân:
Bàvarim:
Thiên nhân:
Bàvarim:
995b. Ở tại thôn làng nào,
Ở tại thị trấn nào,
Ở tại quốc độ nào,
Lãnh đạo thế giới trú?
Tại đấy, tôi sẽ đi,
Ðảnh lễ bậc Giác ngộ,
Bậc Vô thượng loài Người.
Thiên nhân:
Bàvarim:
997b. Hãy đến, các thanh niên,
Ta sẽ nói, hãy nghe,
Những lời ta nói lên.
Các đệ tử:
Bàvarim:
Ajita:
Thế Tôn:
Ajita:
Thế Tôn:
Dân chúng:
Ajita:
Thế Tôn:
Ajita:
Thế Tôn:
(II) Câu hỏi của thanh niên A-ji-ta (Sn 197)
Ajita:
Thế Tôn:
Ajita:
Thế Tôn:
Ajita:
Thế Tôn:
Ajita:
Thế Tôn:
(III) Các câu hỏi của thanh niên Tissametmeyya (Sn 199)
Yissa:
Thế Tôn:
(IV) Câu hỏi của thanh niên Punnaka (Sn 199)
Punnaka:
Thế Tôn:
Punnaka:
Thế Tôn:
Punnaka:
Thế Tôn:
(V) Câu hỏi của thanh niên Mettagu (Sn 201)
Mettagu:
Thế Tôn:
Mettagu:
Thế Tôn:
Mettagu:
Thế Tôn:
Mettagu:
Thế Tôn:
(VI) Câu hỏi của thanh niên Dhotaka (Sn 204)
Dhotaka:
Thế Tôn:
Dhotaka:
Thế Tôn:
Dhotaka:
Thế Tôn:
Dhotaka:
Thế Tôn:
(VII) Câu hỏi của thanh niên Upasiva (Sn 205)
Upasiva:
Thế Tôn:
Upasiva:
Thế Tôn:
Upasiva:
Thế Tôn:
Upasiva:
Thế Tôn:
(VIII) Các câu hỏi của thanh niên Nanda (Sn 207)
Nanda:
Thế Tôn:
Nanda:
Thế Tôn:
Nan-da:
Thế Tôn:
Nanda:
(IX) Các câu hỏi của thanh niên Hemaka (Sn 209)
Hemaka:
Thế Tôn:
(X) Câu hỏi của thanh niên Todeyya (Sn 210)
Todeyya:
Thế Tôn:
Todeyya:
Thế Tôn:
(XI) Câu hỏi của thanh niên Kappa (Sn 211)
Kappa:
Thế Tôn:
(XII) Câu hỏi của thanh niên Jatukanni (Sn 212)
Jatukanni:
Thế Tôn:
(XIII) Câu hỏi của thanh niên Bhadràvudha (Sn 213)
Bhadràvudha:
Thế Tôn:
(XIV) Câu hỏi của thanh niên Udaya (Sn 214)
Udaya:
Thế Tôn:
Udaya:
Thế Tôn:
Udaya:
Thế Tôn:
(XV) Câu hỏi của thanh niên Posàla (Sn 215)
Posàla:
Thế Tôn:
(XVI) Câu hỏi của thanh niên Mogharàja (Sn 216)
Mogharàja:
Thế Tôn:
(XVII) Câu hỏi của thanh niên Pingiya (Sn 217)
Pingiya:
Thế Tôn:
Pingiya:
Thế Tôn:
(XVIII) Kết luận
Thế Tôn nói như vậy. Trong khi ở tại Magadha, tại điện Phà-xa-na-ka, Thế Tôn được mười sáu Bà-la-môn đệ tử của Bàvani tìm đến, được hỏi nhiều câu hỏi và Ngài đã trả lời. Nêu từng câu hỏi một, sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, thực hành pháp và tùy pháp, thì có thể đi đến bờ bên kia của già chết. Những pháp này có thể đưa người qua bờ bên kia, cho nên pháp môn này cũng được gọi là Pàràyanam: “Con đường đưa đến bờ bên kia”.
Rồi Tôn giả Pingiya đi về Godhàvari và nói lại với Bà-la-môn Bàvari những điều đã xảy ra.
Pingiya:
Bàvari:
Pingiya:
Ðến đây, khi chúng đang nói, đức Phật hiện ra và nói:
Thế Tôn:
Pingiya:
Phẩm “Con đường đi đến bờ bên kia ” đã xong.
Sư phụ có kiến thức Phật pháp sâu rộng (Tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ), Sư phụ đã đạt được Thạc sĩ văn chương Anh tại Hoa Kỳ
Kinh Tiểu Bộ – Khuddhaka Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Itivuttaka
-ooOoo-
Mục Lục
Chương 1: Tập Một Pháp | Chương 3: Tập Ba Pháp |
Chương 2: Tập Hai Pháp | Chương 4: Tập Bốn Pháp |
***
(Itivuttaka)
Tỳ kheo Thanissaro
Tập kinh Phật Thuyết Như Vậy (Itivuttaka), thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khudaka Nikaya), là một tập hợp 112 bài kinh ngắn, có tựa đề bắt nguồn từ câu “Ðức Thế Tôn thuyết giảng như vầy” (Itivuttam). Tập kinh chia thành bốn chương: chương một pháp, chương hai pháp, chương ba pháp, và chương bốn pháp.
Tập kinh nầy do một vị nữ cư sĩ tên là Khujjuttara kết hợp sau khi thuật lại các lời giảng của Ðức Phật, cho Hoàng hậu Samavati và các cung nữ khác của Vua Udena, xứ Kosambi. Hoàng hậu không thể rời hoàng cung để đến nơi Phật ngụ nghe Phật thuyết giảng, cho nên Hoàng hậu sai bà Khujjuttara đi nghe thuyết giảng, ghi nhớ, rồi trở về hoàng cung để thuật lại cho bà và 500 vị cung phi khác nghe. Bà Khujjuttara có trí nhớ lạ thường và rất thông minh, khéo giảng pháp, nên Ðức Phật đã từng khen ngợi rằng bà là vị Ðệ Nhất Thanh Văn trong hàng nữ đệ tử cư sĩ (Tăng Chi Bộ I.14). Bà cũng là một vị thầy tài giỏi để hướng dẫn hoàng hậu và các cung phi khác trong việc hành trì Chánh Pháp. Khi nội cung bị hỏa hoạn làm thiệt mạng hoàng hậu và tất cả các cung phi, Ðức Phật cho biết rằng tất cả các vị đó đã đắc quả giải thoát, tối thiểu là quả Nhập Lưu (Tu Ðà Hoàn) – như đã ghi lại trong kinh Phật Tự Thuyết (Ud VII.10).
Tên gọi “Itivuttaka” cũng được dùng trong bảng phân loại đầu tiên về 9 thể tài kinh điển Phật Giáo (*), một bảng phân loại có mặt trước khi có sự sắp đặt Tam Tạng Pali như chúng ta biết hiện nay. Thật khó mà biết chắc chắn rằng bản Itivuttaka Pali ngày nay có phải hoàn toàn là bản Itivuttaka nêu ra trong bảng phân loại đó hay không. Kinh tạng Hán văn có chứa bản dịch của Itivuttaka, thường cho rằng do ngài Huyền Trang dịch. Bản dịch nầy có rất nhiều đoạn giống như bản Itivuttaka Pali. Sự khác biệt chính yếu là bản dịch của ngài Huyền Trang không có nhiều bài kinh trong Chương III và hoàn toàn không có Chương IV. Có thể là những phần nầy đã được kết tập về sau trong tạng Pali, nhưng không được kết tập vào tạng Sanskrit để dịch ra Hán văn. Cũng có thể là ngài Huyền Trang không hoàn tất bản dịch vì nó được dịch trong những tháng cuối trong đời của ngài.
Lịch sử nguyên thủy của kinh Phật Thuyết Như Vậy có nhiều vấn đề phức tạp vì khởi thủy, kinh chỉ được truyền khẫu qua nhiều thế kỷ rồi mới được viết xuống giấy. Tuy nhiên đây là một trong những bộ kinh trong tạng Pali rất được nhiều người quý chuộng vì tập kinh bao gồm các bài giảng của Ðức Phật với nhiều đề tài giáo lý căn bản – từ giản dị đến sâu sắc – trong một hình thức rõ ràng, ngắn gọn và trực tiếp.
(*) 9 thể tài: Kinh (sutta), Ứng tụng (geyya), Biện giải (veyyākarana), Kệ tụng (gātha), Cảm hứng ngữ (hay Tự thuyết) (udāna), Như thị ngữ (hay Bổn sự) (itivuttaka), Bổn sanh (jātaka), Vị tằng hữu (abbhutadhamma), và Phương quảng (vedalla).
Tỳ kheo Thanissaro
(Bình Anson lược dịch)
(Itivuttaka)
Hòa thượng Thích Minh Châu
Tập Itivuttaka – “Kinh thuyết như vậy”, thuộc Bộ Khuddaka Nikàya (Tiểu Bộ Kinh) gồm có 112 kinh với các bài kệ, chia thành 4 chương, chương một pháp, chương hai pháp, chương ba pháp, chương bốn pháp. Như vậy là một sự phân loại các đề tài theo pháp số, như kiểu tập Tăng Chi Bộ Kinh. Sở dĩ được gọi là “Itivuttaka: Thuyết như vậy”, là vì phần lớn các kinh này đều bắt đầu với câu: “Ðây là điều đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến và tôi đã được nghe”, và được kết luận với câu: “Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe”. Có một số kinh ở chặng giữa không có các câu mở đầu và câu kết như thế này, nhưng đến các kinh cuối lại được ghi trở lại.
Theo truyền thống, như đã được ghi trong tập sớ được xem là của tôn giả Dhammapàla, Khujjuttarà một nữ cư sĩ, thường đi nghe Thế Tôn thuyết pháp cho chúng tỷ kheo, nàng ngồi sau lưng một bức màn trở thành một bậc đa văn, nghe nhiều, giỏi về chánh pháp và giỏi về trí tuệ. Nàng được nội cung của Vua Udena yêu cầu nói lại những điều đã được nghe và sau khi nghe, học thuộc lòng những điều đã được nghe. Nàng được Thế Tôn khen và gọi là đa văn đệ nhất. Theo truyền thống, chính là tập Itivuttaka này, nàng đã được nghe và truyền tụng lại. Tập sớ có ghi rằng chúng tỷ kheo cũng học thuộc lòng tập kinh này, và chính tôn giả Ananda đã đọc lại bộ kinh này, trong kỳ kiết tập thứ nhất ở Ràjagahà (Vương xá). Các kinh ở chương bốn pháp dài hơn và không có kinh Hán tạng tương đương và được xem là ghi chép về sau. Một số kinh trong tập này được tìm thấy trong tập Tăng Chi Bộ Kinh và Puggala-pannatti. (Theo sự chú giải của bản dịch Anh văn).
Về phương diện nội dung tập Itivuttaka không đề cập tới đời sống đức Phật, đời sống các đại đệ tử của đức Phật như chúng ta được thấy trong tập Udàna. Tập này chú trọng nhiều hơn đến phần giáo lý căn bản, định nghĩa những pháp số, phân loại theo bốn chương một pháp, hai pháp, ba pháp, bốn pháp. Nói một cách khác, một số đề tài đã được lựa chọn, định nghĩa, giải thích một cách ngắn gọn để các đệ tử có thể tìm hiểu, học thuộc lòng và nắm giữ được phần căn bản trong giáo lý của đức Phật. Như vậy, giải thích được truyền thống: xem rằng chính Khujjuttarà, nghe được những lời Thế Tôn dạy, nhớ lấy rồi thuyết lại cho các đệ tử khác, nhờ vậy tập nầy được lưu truyền.
Kinh “Phật thuyết như vậy”, xuất xứ từ kinh Tạng Pàli là kinh thuộc kinh điển Thượng Tọa Bộ, trung thành gìn giữ lời dạy của đức Phật.
Trước hết, kinh này không đề cập đến Abhidhamma (Thắng Pháp, Vi Diệu Pháp), không đề cập đến các chuyện tiền thân (Jàtaka) và như vậy kinh này không thuộc về văn học Abhidhamma và văn học Jàtaka — hai văn học này chỉ được bắt nguồn, kết thành trong giai đoạn thứ hai là giai đoạn các học phái, từ khoảng 300 năm đến 100 năm trước kỷ nguyên. Kinh này không nằm trong giai đoạn phát triển thứ ba là thời hưng khởi của Ðại thừa (100 năm trước kỷ nguyên đến 100 năm sau kỷ nguyên). Như vậy, kinh này nằm trong giai đoạn đạo Phật nguyên thủy khoảng 450 năm đến 350 năm trước kỷ nguyên khi lời dạy của đức Phật chưa bị pha trộn, xen lẫn bởi những phát triển về sau. Sự kiện này được phần nội dung của kinh này chứng minh như chúng ta sẽ rõ sau này, và cũng được xác định theo truyền thống, vì kinh này được nữ cư sĩ Khujjuttarà đích thân nghe đức Phật rồi về thuyết giảng lại để được học hỏi ghi nhớ và truyền lại cho đến ngày nay.
Nói về đức Phật hiện tại và rộng hơn nữa, nói về Như Lai (Tathagata), chúng ta sẽ thấy đức Phật chưa được thần thánh hóa, chưa dùng thần thông để hóa độ chúng sanh.
Như Lai được diễn tả như một bực đã giác ngộ thế giới, “Thế giới tập khởi, thế giới đoạn diệt, con đường đưa đến thế giới đoạn diệt.”
“Này các tỷ kheo, thế giới được Như Lai Chánh đẳng giác, Như Lai không hệ lụy đối với đời. Này các tỷ kheo, thế giới tập khởi được Như Lai Chánh Ðẳng Giác. Thế giới tập khởi được Như Lai đoạn tận. Này các tỷ kheo, Thế giới đoạn diệt được Như Lai giác ngộ. Này các tỷ kheo, con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai Chánh đẳng giác; con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai đã tu tập.”
“Cái gì này các tỷ kheo, trong toàn thế giới với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới cùng với quần chúng Sa môn, Bà la môn chư Thiên và loài người được thấy, được nghe, được thọ tưởng, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý tư sát, tất cả đều được Như Lai Chánh đẳng giác. Do vậy được gọi là Như Lai. Này các tỷ kheo, từ đêm Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng giác đến đêm Ngài nhập Niết bàn, không có dư y, trong thời gian ấy điều gì Ngài nói, tuyên bố nêu rõ lên, tất cả là như vậy, không có khác được, do vậy được gọi là Như Lai.
“Này các tỷ kheo, Như Lai nói gì làm vậy, làm gì nói vậy; vì rằng nói gì làm vậy, làm gì nói vậy, nên được gọi Như Lai.
“Này các tỷ kheo, trong toàn thể thế giới, Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa môn, Bà la môn, chư Thiên và loài người, Như Lai là bậc chiến thắng, không bị chiến bại, toàn tri, toàn kiến, được tự tại, do vậy được gọi là Như Lai (Kinh số 112).”
Hình ảnh Như Lai là vậy, hình ảnh Thế Tôn không có khác hơn, ở đây Thế Tôn tượng trưng cho Pháp và những ai thấy pháp, sống theo Pháp, người ấy mới gần Thế Tôn như kinh số 92 nêu rõ:
“Này các tỷ kheo, nếu một tỷ kheo nắm lấy viền áo Tăng già lê đi theo sau lưng Ta, chân bước theo chân, nhưng vị ấy có tham ái trong các dục, với lòng sắc xảo, với tâm sân hận, ý tư duy nhiễm ác, thất niệm, không tỉnh giác, không định tỉnh, tâm tán loạn, với các căn hoang dại, vị ấy xa hẳn Ta và Ta xa vị ấy.
“Vì cớ sao? Này các tỷ kheo, tỷ kheo ấy không thấy pháp. Do không thấy pháp nên không thấy Ta. Này các tỷ kheo, nếu tỷ kheo sống xa đến 100 do tuần và vị ấy không có tham ái trong các dục, với lòng tham không sắc xảo, tâm không sân hận, ý tư duy không nhiễm ác, chánh niệm tỉnh giác, định tỉnh nhất tâm, các căn được chế ngự, vị ấy gần hẳn Ta và Ta gần vị ấy.
“Vì cớ sao? Này các tỷ kheo, tỷ kheo ấy thấy pháp. Do thấy pháp nên thấy Ta”.
Trong kinh số 100, chính Ðức Phật tự tả mình như sau:
“Này các tỷ kheo, Ta là Bà la môn, người được đến yêu cầu (yàcayogo), tay luôn luôn thanh tịnh (payatapàni) mang thân cuối cùng, vô thượng y sĩ chữa trị (bhisakko) y sĩ giải phẫu (sallakatta). Các ngươi thật là con của Ta (arasà) từ miệng sanh, từ pháp sanh, từ pháp tạo thành, thừa tự pháp, không thừa tự tài vật.”
Ðức Phật tự xưng là y sĩ chữa trị (bhisakkà), tự xưng là y sĩ giải phẫu (sallakatta). Ngài xem các đệ tử như con của Ngài, từ miệng sanh, từ pháp sanh, là những con cháu thừa tự pháp. Ðâu đâu cũng thấy vai trò trọng yếu của chánh pháp, vì đức Phật là tượng trưng cho Pháp, tự miệng mình thuyết pháp độ chúng sanh. Rõ hơn nữa là xác nhận hai loại thuyết pháp của đức Phật, như kinh 35 đã nêu rõ:
“Có hai loại thuyết pháp của Như Lai, bậc A la hán, chánh đẳng giác, cái này tiếp nối cái kia. Thế nào là hai? Hãy thấy Ác là ác. Ðây là thuyết pháp thứ nhất. Sau khi thấy ác là ác, ở đây hãy nhàm chán, hãy từ bỏ, hãy thoát ly! Ðây là thuyết pháp thứ hai!”
Ðức Phật đã là đức Phật nguyên thủy, thời mục đích của sự tu hành, sự cứu cánh của Phạm hạnh và mục tiêu giải thoát giác ngộ là những mục tiêu trung thành với giáo pháp chánh thống nguyên thủy.
Mục đích của đạo Phật là giải quyết vấn đề sanh lão bệnh tử, tức là chấm dứt sự đau khổ cho con người. Và đoạn kinh sau này xác chứng rằng sự đau khổ có thể được chấm dứt và trạng thái đau khổ được chấm dứt là Niết bàn. Dưới đây là định nghĩa của Niết bàn ấy trong kinh số 44:
“Này các tỷ kheo, có hai Niết bàn giới này. Thế nào là hai? Niết bàn giới có dư y và Niết bàn giới không dư y.
“Này các tỷ kheo, thế nào là Niết bàn giới có dư y? Ở đây, này các tỷ kheo, tỷ kheo là bậc A la hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích: hữu kiết sử đã diệt, đã giải thoát nhờ chánh trí. Trong vị ấy, năm căn còn tồn tại. Ngang qua các căn ấy, vị ấy hưởng thọ khả ý, không khả ý, vì rằng tự ngã không có thương hại nên cảm giác lạc khổ. Với vị ấy, tham diệt, sân diệt, si diệt. Này các tỷ kheo, đây gọi là Niết bàn có dư y.
“Này các tỷ kheo, thế nào là Niết bàn không có dư y? Ở đây, này các tỷ kheo, tỷ kheo là bậc A la hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã diệt, đã giải thoát nhờ chánh trí. Ở đây, đối vị ấy, mọi cảm thọ đều không có hoan hỷ ưa thích, sẽ được lắng dịu”.
Một kinh nữa, kinh số 43 xác nhận sự hiện diện của trạng thái giải thoát này, ngay trong đời hiện tại, có mặt trên quả đất này:
“Này các tỷ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra. Này các tỷ kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra, thời ở đây không có thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, khỏi hiện hữu, khỏi tác thành, khỏi làm ra. Do vì này các tỷ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra, nên có thể trình bày được sự xuất ly khỏi sanh, khỏi hiện hữu, khỏi tác thành, khỏi làm ra”.
Ở đây, có hai nhận xét quan trọng. Ðức Phật khi nhập Niết bàn có dư y ở Kusinàra, không phải là mất hẳn, tiêu diệt hoàn toàn, vì như vậy là theo thuyết đoạn diệt đạo Phật không chấp nhận. Ở đây, tham sân si không còn, lạc thọ khổ thọ không khởi lên, nhưng mọi cảm thọ đều được lắng dịu, mát lạnh, thanh lương. Nhận xét quan trọng thứ hai là sự đau khổ có thể đoạn diệt ngay trong đời sống hiện tại với những vị đã chứng quả A la hán. Và dầu chưa chứng được quả A la hán, nếu hành trì theo lời Phật dạy, thời có thể đoạn trừ dần dần các sự khổ đau.
Vấn đề quan trọng thứ hai, sau mục đích giải thoát và giác ngộ là những pháp môn giúp người tu hành đạt đến mục đích đoạn tận khổ đau. Chúng ta sẽ thấy pháp môn tuy nhiều, nhưng không bao giờ ra ngoài pháp môn Giới-Ðịnh-Tuệ, pháp môn duy nhất để đưa người hành trì đoạn tận khổ đau.
“Này các tỷ kheo, một tỷ kheo có giới tốt lành (kalyàmasìlo), có pháp tốt lành, có tuệ tốt lành, được gọi trong pháp và luật này là vị toàn hảo.
“Này các tỷ kheo, một tỷ kheo có giới tốt lành, có pháp tốt lành, có tuệ tốt lành được gọi trong pháp và luật này là vị toàn hảo (kevalì). Này các tỷ kheo, thế nào là giới tốt lành? Ở đây, này các tỷ kheo, tỷ kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Như vậy này các tỷ kheo, là tỷ kheo có giới tốt lành. Và thế nào là có pháp tốt lành? Ở đây, này các tỷ kheo, tỷ kheo sống chuyên tâm chuyên chú tu tập bảy pháp giác chi. Như vậy này các tỷ kheo, là tỷ kheo có pháp tốt lành. Và thế nào là tuệ tốt lành? Ở đây này các tỷ kheo, tỷ kheo do diệt trừ các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng tri chứng ngộ chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các tỷ kheo là tỷ kheo có tuệ tốt lành. Như vậy, một người có giới tốt lành, có pháp tốt lành, có tuệ tốt lành được gọi trong pháp và luật này là vị toàn hảo (kevalì) (Kinh số 97).”
Cũng theo chiều hướng trên, ba hình ảnh được phát họa diễn tả ba hạng người, tùy theo mức độ đối trị được với dục và hữu:
“Này các tỷ kheo, những ai bị trói buộc bởi trói buộc của dục, những ai bị trói buộc bởi trói buộc của hữu, là những bậc đến lại, đi đến lại có mặt ở đây. Những ai chế ngự được sự trói buộc của dục, này các tỷ kheo, nhưng còn bị trói buộc bởi trói buộc của hữu, những vị ấy là hạng bất lai, không trở lui lại có mặt ở đây. Những ai chế ngự được sự trói buộc của dục, chế ngự được sự trói buộc của hữu, những vị ấy là những bậc A la hán, đã đoạn tận các lậu hoặc (Kinh 97).”
Tiếp theo là một số phương pháp tu học, một nếp sống đưa đến hai quả Chánh trí hay nếu có dư y thời được quả Bất lai, những quả cao nhất trong con đường tu hành, nghĩa là đoạn tận được khổ đau.
“Này các tỷ kheo, hãy sống ưa muốn ẩn dật, thiền tịnh, thích thú ẩn dật thiền tịnh, thành tựu quán tri, hành trì hạnh đi đến các ngôi nhà trống (Kinh số 45).”
“Này các tỷ kheo, hãy an trú vào lợi ích của học tập, cho trí tuệ tối thượng, cho lỏi cây giải thoát, cho niệm được tăng trưởng… (Kinh số 46).”
“Này các tỷ kheo, tỷ kheo phải sống cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác, thiền tịnh, hoan hỷ, tín thanh và ở đây quán tri đúng thời trong các pháp thiện… (Kinh số 47)”
Những vị thực hành theo pháp môn này thời có hy vọng đoạn trừ được khổ đau.
Ðức Phật còn dạy tỷ kheo làm thế nào đã đối trị 3 cảm thọ — lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ:
“Này các tỷ kheo, lạc thọ cần phải được xem như là khổ, khổ thọ cần phải được xem như là vô thường. Vì rằng, này các tỷ kheo, tỷ kheo đã xem lạc thọ như là khổ, đã xem khổ thọ như là mũi tên, đã xem bất khổ bất lạc thọ như là vô thường. Này các tỷ kheo, tỷ kheo này gọi là bậc Thánh, đã chân chánh thấy, đã chặt đứt ái, đã giải tỏa kiết sử, đã chân chánh thắng tri mạn, đã đoạn tận khổ đau.” (Kinh số 53)
“Này các tỷ kheo, cần phải quán sát một cách như thế nào, do quán sát như vậy, thức của vị ấy đối với ngoại trần không có tán loạn, không có tản rộng, tâm không trú trước nội tâm, không chấp thủ không bị khủng bố, sẽ không có sự sanh, tập khởi của khổ về sanh già chết trong tương lai (Kinh số 94).”
“Này các tỷ kheo, những Sa môn hay Bà la môn nào không như thật quán tri đây là khổ tập, không như thật quán tri đây là khổ diệt, không như thật quán tri đây là con đường đưa đến khổ diệt. Những Bà là môn ấy, này các tỷ kheo, không được Ta chấp nhận là Sa môn trong các hạng Sa môn hay Bà la môn trong các hạng Bà la môn. Với các vị tôn giả ấy ngay trong hiện tại cũng không tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú mục đích Sa môn hạnh hay mục đích Bà la môn hạnh. Những Sa môn hay Bà la môn nào, này các tỷ kheo, như thật quán tri đây là khổ, như thật quán tri đây là khổ tập, như thật quán tri đây là khổ diệt, như thật quán tri đây là con đường đưa đến khổ diệt, thời, này các tỷ kheo, các Sa môn hay Bà la môn ấy được Ta chấp nhận là Sa môn trong các hạng Sa môn hay Bà la môn trong các hạng Bà la môn và các vị tôn giả ấy, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí chứng ngộ chứng đạt và an trú mục đích Sa môn hạnh hay mục đích Bà la môn hạnh (Kinh số 103).” (…)
Hòa thượng Thích Minh Châu
Thiền viện Vạn Hạnh
Sài Gòn, 1978 (PL. 2522)
Chương Một – Một Pháp
Phẩm I
(I) (Ek I, 1) (It. 1)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Tham, này các Tỷ-kheo, là một pháp, các Thầy hãy từ bỏ! Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Với tham bị tham đắm,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí,
Từ bỏ tham ái ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(II) (Ek I, 2) (It. 1)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Sân, này các Tỷ-kheo, là một pháp các Thầy hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến:
Với sân bị sân hận,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ sân hận ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(III) (Ek I, 3) (It. 2)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Si, này các Tỷ-kheo, là một pháp các Thầy hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với si bị si mê
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ si mê ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(IV) (Ek I, 4) (It. 2)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Phẫn nộ, này các Tỷ-kheo, là một pháp các Thầy hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với phẫn nộ phẫn uất.
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ phẫn nộ ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ðây là ý nghĩa đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(V) (Ek 1,5) (It. 3)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Gièm pha, này các Tỷ kheo, là một pháp các Thầy hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với gièm pha, gièm người,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ gièm pha ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(VI) (Ek1,6) (It.3)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Mạn, này các Tỷ kheo, là một pháp các Thầy hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với kiêu mạn kiêu căng,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ kiêu mạn ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(VII) (Ek I, 7) (It. 3)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri, không liễu tri tất cả, ở đây tâm không ly tham, từ bỏ, không thể diệt được khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri, liễu tri tất cả, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai hiểu, rõ biết được,
Tất cả là tất cả,
Ðối với tất cả chỗ,
Không có sự tham đắm,
Vị như vậy chắc chắn,
Liễu tri được tất cả,
Và có thể vượt qua,
Tất cả mọi đau khổ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(VIII) (Ek I, 8) (It. 4)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Mạn, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, thời không có thể diệt được khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Mạn, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Người bị mạn chi phối,
Do bị mạn trói buộc,
Nên hoan hỷ sanh hữu,
Do không liễu tri mạn,
Nên đi đến tái sanh.
Những ai đoạn diệt mạn,
Giải thoát, mạn hoại diệt,
Họ thắng mạn trói buộc,
Họ vượt qua nhiếp phục,
Tất cả mọi đau khổ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(IX) (Ek I, 9) (It. 5)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Tham, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Tham, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, thời có thể diệt được khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Với tham, bị tham đắm,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ tham ái ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(X) (Ek I, 10) (It. 5)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Sân, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng liễu tri Sân, ở đây, tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Với sân bị sân hận,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ sân hận ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
Phẩm II
(XI) (Ek II, 1) (It. 6)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri, không liễu tri Si, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Si, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với si, bị si mê,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ si mê ấy,
Từ bỏ không bao giờ,
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XII) Ek II, 2) (It. 7)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Phẫn nộ, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Phẫn nộ, ở đây tâm ly tham, từ bỏ có thể diệt được khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với phẫn nộ phẫn uất,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí,
Từ bỏ phẫn nộ ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XIII) (Ek II, 3) (It. 7)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Gièm pha, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Gièm pha, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với gièm pha gièm người,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ, gièm pha ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XIV) (Ek II, 4) (It. 7)
Ðiều này được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một triền cái nào khác, do bị bao trùm bởi triền cái ấy, chúng sanh trong một thời gian dài, lưu chuyển. Này các Tỷ-kheo, tức là Vô minh triền cái. Này các Tỷ-kheo, bị bao trùm bởi Vô minh triền cái, chúng sanh trong một thời gian dài chạy dài, lưu chuyển.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Không có một pháp khác,
Quần sanh bị bao phủ,
Ngày đêm chạy lưu chuyển,
Như bao phủ bởi si
Và ai đoạn diệt si,
Ðâm thủng khối u ám,
Họ không lưu chuyển nữa,
Trong họ, nhân không còn.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XV) (Ek II, 5) (It. 8)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một kiết sử nào khác, do bị cột bởi kiết sử ấy, chúng sanh trong một thời gian dài, chạy dài, lưu chuyển, này các Tỷ-kheo tức là Ái kiết sử. Này các Tỷ-kheo, bị cột với ái kiết sử, chúng sanh trong một thời gian dài, chạy dài lưu chuyển.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Người có ái làm bạn,
Thời gian dài, lưu chuyển,
Không vượt được lưu chuyển,
Sanh hữu vậy hay khác.
Ai biết nguy hiểm này,
Biết ái tác thành khổ,
Bỏ ái, không chấp trước,
Tỷ-kheo giữ chánh niệm,
Bỏ gia đình xuất gia,
Sống nếp sống như vậy.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XVI) (Ek II. 6) (It. 9)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, với vị Tỷ-kheo hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các triền ách, sau khi làm thành nội chi phần, Ta không thấy một chi phần nào khác, được nhiều lợi ích như vậy, này các Tỷ-kheo, tức là Như lý tác ý. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tác như lý tác ý, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Vị Tỷ kheo hữu học,
Hành như lý tác ý,
Không một pháp nào khác,
Nhiều lợi ích như vậy.
Ðể đạt cho bằng được,
Lợi ích thật tối thượng.
Vị Tỷ kheo như lý,
Tinh tấn và tinh cần,
Có thể thành đạt được,
Sư đoạn diệt khổ đau.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XVII) (Ek II. 7) (It. 10)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, với vị Tỷ-kheo hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các triền ách, sau khi làm thành ngoại chi phần, Ta không thấy một chi phần nào khác, được nhiều lợi ích như vậy, này các Tỷ-kheo, tức là làm bạn với thiện. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo làm bạn với thiện, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Tỷ-kheo làm bạn thiện,
Tôn kính và kính trọng,
Làm theo những lời nói,
Của bạn bè thân hữu,
Tỉnh giấc và chánh niệm,
Vị ấy sẽ tuần tự,
Ðạt được sự hoại diệt,
Tất cả mọi kiết sử.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XVIII) (Ek II, 8) (It. 10)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có một pháp khởi lên ở đời, khi khởi lên đem lại bất hạnh cho nhiều người, đem lại bất lợi cho nhiều người, đem lại không lợi ích cho nhiều người, đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người.
Thế nào là một pháp? Phá hòa hợp Tăng. Này các Tỷ-kheo, khi chúng Tăng bị phá hoại, thì có những tranh luận với nhau, có những mắng nhiếc lẫn nhau, có những ngăn cách lẫn nhau, có những từ bỏ lẫn nhau. Ở tại đấy, những người không hòa hợp, không đi đến hòa hợp và những người có hòa hợp, sự nhất trí đi đến nơi khác.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Bị rơi vào đọa xứ,
Bị rơi vào địa ngục,
Trú đến trọn cả kiếp,
Người phá hòa hợp Tăng.
Ưa thích phá hòa hợp,
An trú trên phi pháp,
Rơi rớt, vượt ra khỏi.
An ổn khỏi khổ ách;
Kẻ phá sự hòa hợp,
Của Tăng chúng hòa hợp,
Bị nung nấu trọn kiếp,
Trong cảnh giới địa ngục.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XIX) (Ek II, 9) (It. 11)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo có một pháp khởi lên ở đời, khi khởi lên đem lại hạnh phúc cho nhiều người, đem lại lợi ích cho nhiều người, không đem lại lợi ích cho nhiều người, không đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người.
Thế nào là một pháp? Sự hòa hợp chúng Tăng. Này các Tỷ-kheo, khi chư Tăng được hòa hợp, không có những tranh luận với nhau, không có những mắng nhiếc lẫn nhau, không có những ngăn cách lẫn nhau, không có những từ bỏ lẫn nhau. Ở tại đây, những người không hòa hợp đi đến hòa hợp, và những người hòa hợp lại càng hòa hợp hơn nữa.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Hạnh phúc là chúng Tăng,
Ðược sống trong hòa hợp,
Giúp đỡ, ưa hòa hợp,
Thích hòa hợp, trú pháp
Không rơi rớt, vượt khỏi,
An ổn khỏi khổ ách,
Kẻ tạo được hòa hợp,
Giữa Tăng chúng Tỷ-kheo,
Trọn kiếp được an vui,
Trong cảnh giới chư Thiên.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XX) (Ek II, 11) (It. 12)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Ở đây này các Tỷ-kheo, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của một người ác ý như vậy, và nếu trong thời gian này, người này mạng chung, như vậy tương xứng người này bị rơi vào địa ngục. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì tâm người ấy ác ý. Này các Tỷ-kheo, vì nhân tâm ác ý, như vậy ở đây một số loài hữu tình su khi thân hoại mạng chung bị sanh vào cõi ác, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Biết được tâm ác ý,
Của hạng người ở đời,
Ðức Phật giữa Tỷ-kheo,
Ðã nói ý nghĩa này.
Chính trong thời gian này,
Người ấy bị mạng chung,
Sẽ bị sanh địa ngục,
Vì tâm nó ác độc,
Tùy theo lấy những gì,
Tương xứng bị rơi xuống,
Như vậy được tương xứng,
Do nhân tâm ác ý,
Chúng sanh đi ác thú.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
Phẩm III
(XXI) (Ek III, 1) (It. 13)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Ở đây, này các Tỷ-kheo, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của một người thiện ý như vậy, và nếu trong thời gian này, người này mạng chung, như vậy tương xứng, người này được sanh lên thiên giới. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì tâm người ấy thiện ý. Này các Tỷ-kheo, vì nhân tâm thiện ý, như vậy ở đây, một số loài hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Biết được tâm thiện ý,
Của hạng người ở đời,
Ðức Phật giữa Tỷ-kheo,
Ðã nói ý nghĩa này,
Chính trong thời gian này,
Người ấy bị mạng chung,
Người ấy sẽ được sanh,
Lên thiên giới thiện thú,
Vì tâm có thiện ý,
Tuỳ theo lấy những gì,
Tương xứng được lãnh thọ,
Như vậy được tương xứng.
Do nhân tâm thiện ý,
Chúng sanh đi thiện thú.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXII) (Ek III, 2) (It. 14)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, chớ có sợ hãi các công đức. Này các Tỷ-kheo, công đức là đồng nghĩa với an lạc, cái gì khả lạc, khả hỷ, khả ái, khả ý, tức là công đức. Này các Tỷ-kheo, Ta thắng tri thọ hưởng quả dị thục, khả lạc, khả hỷ, khả ái, khả ý trong một thời gian dài của các công đức đã làm trong một thời gian dài. Sau khi tu tập từ tâm trong bảy năm, Ta đã không trở lui lại đời này trong bảy tăng kiếp và hoại kiếp. Trong thời kỳ kiếp tăng, Ta là chư Thiên Quang Âm; Trong thời kỳ kiếp giảm, Ta sanh trong lâu đài trống không ở Phạm Thiên. Tại đấy Ta là Phạm Thiên, Ðại Phạm Thiên bậc chinh phục, bậc không bị ai chinh phục, bậc nhìn thấy tất cả, bậc có quyền lực. Này các Tỷ-kheo, ba mươi sáu lần Ta đã là Thiên chủ Ðế Thích. Nhiều trăm lần, Ta đã làm vua, vị vua Chuyển Luân, trị vì đúng pháp, bậc Pháp vương, bậc chiến thắng bốn phương, bậc đã đạt được sự an ổn trong quốc độ, bậc đầy đủ bảy báu. Còn nói gì khi Ta là vị vua ở địa phương. Này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: “Quả này là do nghiệp nào Ta đã làm, là quả dị thục của nghiệp nào mà nay, Ta được đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy?”. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: “Ðây là quả ba nghiệp Ta đã làm, là quả dị thục của ba nghiệp, do vậy Ta nay đựơc đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy. Tức là bố thí, nhiếp phục, chế ngự”.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Hãy để cho vị ấy,
Học tập về công đức,
Công đức là lạc căn,
Tối thượng trong tương lai,
Hãy tu tập bố thí,
Sống nếp sống an tịnh,
Và tu tập từ tâm.
Sau khi đã tu tập,
Các pháp này như vậy,
Tức là cả ba pháp,
Khiến an lạc sanh khởi,
Bậc Hiền trí được sanh
Trong thế giới an lạc,
Thế giới không sân hận.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXIII) (Ek III,3) (It. 16)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Có một pháp, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đem lại hai lợi ích, an trú ngay hiện tại và lợi ích cho tương lai.
Thế nào là một pháp? Không phóng dật trong các thiện pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là một pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, đem lại được hai lợi ích, an trú ngay trong hiện tại và lợi ích cho tương lai.
Thế Tôn đã nói lên lợi ích này. Ở đây, điều này được nói đến.
Bậc Hiền trí tán thán,
Không phóng dật hành thiện,
Bậc Hiền không phóng dật,
Ðem lại hai lợi ích,
Lợi ích ngay đời này,
Và lợi ích tương lai
Bậc trí do thắng trí,
Chứng đắc được lợi ích,
Nên được gọi bậc trí.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXIV) (Ek III, 4) (It. 17)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Các xương của một người, này các Tỷ-kheo, chạy dài, lưu chuyển có thể lớn như một đồi xương, một chồng xương, một đống xương, như núi Vepulla này, nếu có người thâu người lượm xương lại, gìn giữ chúng không làm chúng hủy hoại.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây điều này được nói đến.
Chồng chất như xương người,
Chỉ sống có một kiếp,
Chất đống bằng hòn núi,
Bậc Ðại sĩ nói vậy,
Ðống xương ấy được nói,
Lớn như Vepulla,
Phía Bắc núi Linh Thứu,
Thành núi Magadha,
Người thấy bốn sự thật,
Với chân chánh trí tuệ
Khổ và khổ tập khởi
Sẽ vượt qua đau khổ
Con đường Thánh tám ngành,
Dẫn đến khổ tịnh chỉ,
Người ấy phải luân chuyển,
Tối đa là bảy lần,
Là vị đoạn tận khổ,
Ðoạn diệt mọi kiết sử.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXV) (Ek III, 5) (It. 18)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe.
Phàm một người nào đã vi phạm một pháp, Ta nói rằng không có ác nghiệp nào vị ấy không làm được. Thế nào là một pháp? Này các Tỷ-kheo, tức là rõ biết mà nói láo.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Người nào đã nói láo,
Là vi phạm một pháp,
Không kể đến đời sau,
Không ác gì không làm.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXVI) (Ek III, 6) (It. 18)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, nếu các chúng sanh có thể biết như Ta đã biết, quả dị thục của sự san sẻ bố thí họ sẽ không thụ hưởng nếu họ không bố thí và uế nhiễm xan tham không có ám ảnh tâm của họ và an trú. Dầu là miếng cuối cùng của họ, dầu là miếng ăn tối hậu, họ sẽ không thọ hưởng nếu họ không san sẻ, khi có người nhận của họ. Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu các chúng sanh không biết như Ta đã biết quả dị thục của san sẻ bố thí họ sẽ thọ hưởng, không có bố thí, và uế nhiễm xan tham ám ảnh tâm của họ và an trú.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đấy, điều này được nói đến.
Nếu các hàng chúng sanh,
Có thể biết như vậy,
Như bậc Ðại ẩn sĩ,
Ðã nói, tuyên bố lên,
Qua dị thục lớn thay,
Của san sẻ bố thí!
Nhiếp phục uế xan tham,
Với tâm thật thanh tịnh
Ðúng thời họ bố thí,
Ðối với các thánh nhân,
Tại đây bố thí vậy,
Có quả thật to lớn
Cho nhiều các thức ăn,
Kính lễ người đáng kính,
Từ đãy xả, từ bỏ,
Ðịa vị làm con người,
Các người làm bố thí
Ðược đi đến cõi Trời,
Họ đi đến cõi trời,
Tại đấy chúng hoan hỷ,
Với mọi điều sở thích,
Họ thọ hưởng như ý,
Vị không có xan tham,
Ðược thọ hưởng đầy đủ,
Quả dị thục của chúng,
Nhờ san sẻ bố thí.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XXVII) (Ek III, 7) (It. 19)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, phàm có những phước nghiệp sự nào đưa đến sanh y, tất cả những nghiệp sự ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát vượt qua chúng những nghiệp sự ấy, chói sáng, bừng sáng và rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, ví như ánh sáng của chùm sao, tất cả ánh sáng ấy không bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng. Ánh sáng của mặt trăng vượt quả ánh sáng của chùm sao chói sáng, bừng sáng, và rực sáng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những nghiệp vụ đưa đến sanh y, tất cả những nghiệp vụ ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát, vượt qua chúng, chói sáng, bừng sáng và rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, ví như vào tháng cuối mùa mưa, vào mùa thu, trên bầu trời thanh tịnh, các mây được quét sạch, mặt trời mọc lên trên bầu trời, phá tan mọi tối tăm ở hư không, chói sáng, bừng sáng và rực sáng. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, phàm có những nghiệp vụ đưa đến sanh y, tất cả những nghiệp vụ ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát, vượt qua chúng, chói sáng, bừng sáng và rực sáng.
Ví như này các Tỷ-kheo, vào tháng cuối mùa mưa, vào tiết mùa thu, khi hư không mở rộng không có mây mù, mặt trời vươn thẳng lên trời không, quét sạch mọi tối tăm trên trời, chói sáng, bừng sáng và rực sáng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những nghiệp vụ nào đưa đến sanh y, tất cả những nghiệp vụ ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát vượt qua chúng, chói sáng, bừng sáng và rực sáng.
Ví như này các Tỷ-kheo, khi đêm đã gần tàn, sao mai chói sáng, bừng sáng và rực sáng. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, phàm có những nghiệp vụ nào đưa đến sanh y, tất cả những nghiệp vụ ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát vượt qua chúng, chói sáng, bừng sáng và rực sáng.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Ai tu tập từ tâm,
Không phóng dật chánh niệm,
Các kiết sử giảm thiểu,
Nhờ thấy sanh y diệt.
Nếu tâm không độc ác,
Ðối với một hữu tình,
Với từ tâm như vậy,
Vị ấy là bậc Thiện,
Với tâm tư từ mẫn,
Ðối tất cả hữu tình,
Bậc Thánh tự tác thành,
Công đức thật vô lượng.
Ai chiến thắng quả đất,
Ðầy dẫy những hữu tình,
Bậc vua chúa chơn chánh,
Như các vị tiên nhân,
Tổ chức khắp mọi nơi,
Ðủ các loại tế đàn,
Lễ tế đàn với ngựa,
Lễ tế đàn với người,
Quăng cọc, rượu chiến thắng,
Lễ chốt cửa dẹp lại,
Họ không tác thành được
Một phần thứ mười sáu,
Với người khéo tu tập,
Tâm ý thật từ mẫn,
Như ánh sáng mặt trăng,
Thắng sáng mọi vì sao,
Ai không có giết hại,
Không khiến người giết hại,
Không có chinh phục người,
Không khiến người chinh phục,
Với tâm tư từ mẫn,
Ðối với mọi chúng sanh,
Vị ấy không hận thù,
Ðối với bất cứ ai.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
Chương Hai – Hai Pháp
Phẩm I
(XXVIII) (Duk. I, 1) (It. 22)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ hai pháp, ngay trong hiện tại, an trú đau khổ có hoạn nạn, có ưu não, có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là ác thú. Thế nào là hai? Không hộ trì các căn và không tiết độ trong ăn uống. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ hai pháp này, ngay trong hiện tại an trú đau khổ, có hoạn nạn, có ưu não, có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là ác thú.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Mắt, tai, mũi và lưỡi,
Kể cả thân và ý,
Những cửa này ở đây,
Tỷ-kheo không hộ trì,
Ăn uống không tiết độ,
Ðau khổ về thân thể,
Các căn không hộ trì,
Ðau khổ về tâm tư
Vị ấy phải thọ lãnh
Những đau khổ như vậy,
Thân thể bị thiêu đốt,
Tâm tư bị thiêu đốt,
Dầu là đêm hay ngày,
An trú khổ như vậy.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXIX) (Duk. I, 2) (It. 23)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ hai pháp, ngay trong hiện tại, an trú an lạc, không có hoạn nạn, không có ưu não, không có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là thiện thú. Thế nào là hai? Hộ trì các căn và tiết độ trong ăn uống. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ hai pháp này, ngay trong hiện tại, an trú an lạc, không có hoạn nạn, không có ưu não, không có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là thiện thú.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Mắt, tai, mũi và lưỡi,
Kể cả thân và ý,
Những cửa này ở đây,
Tỷ-kheo khéo hộ trì,
Ăn uống có tiết độ,
An lạc về thân thể,
Các căn có hộ trì,
An lạc về tâm tư,
Vị ấy được thọ lãnh
Những an lạc như vậy.
Thân không bị thiêu đốt,
Tâm không bị thiêu đốt,
Dầu là đêm hay ngày,
An trú lạc như vậy.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXX) (Duk. I, 3) (It. 24)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có hai pháp này làm cho nung nấu. Thế nào là hai? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không làm điều lành, không làm điều thiện, không che chở người sợ hãi, làm điều ác, ngoan cố trong việc làm, làm điều không thiện. Người ấy bị nung nấu bởi ý nghĩ: “Ta đã làm điều ác”. Này các Tỷ-kho, hai pháp này làm cho nung nấu.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Làm xong thân ác hạnh,
Hay nói các lời ác,
Làm xong ý ác hạnh,
Hay bất cứ gì khác
Có liên hệ lỗi lầm.
Không làm các nghiệp lành,
Làm các điều bất thiện,
Khi thân hoại mạng chung,
Người có ác trí tuệ
Bị sanh vào địa ngục.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXXI) (Duk. I,4) (It. 25)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có hai pháp không làm cho nung nấu. Thế nào là hai? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm điều lành, làm điều thiện, che chở người sợ hãi, không làm điều ác, không ngoan cố trong việc làm, làm điều thiện. Người ấy không bị nung nấu vì nghĩ rằng: “Ta đã làm điều lành”, không bị nung nấu vì nghĩ rằng: “Ta không làm điều ác”. Này các Tỷ-kheo, hai pháp này không làm cho nung nấu.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Từ bỏ thân làm ác,
Hay nói các lời ác,
Từ bỏ ý ác hành,
Hay bất cứ gì khác
Có liên hệ lỗi lầm.
Không làm các nghiệp ác,
Làm nhiều điều thiện sự,
Khi thân hoại mạng chung,
Người có thiện trí tuệ,
Ðược sanh lên cõi trời.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXXII) (Duk. I,5) (It. 26)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, đầy đủ hai pháp, một người như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là hai? Ác giới và ác kiến. Này các Tỷ-kheo, đầy đủ hai pháp này, một người, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Người nào được thành tựu,
Ðầy đủ hai pháp này,
Ðầy đủ với ác giới,
Và đầy đủ ác kiến,
Khi thân hoại mạng chung,
Người có ác trí tuệ,
Người ấy phải bị sanh,
Vào cảnh giới địa ngục.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXXIII) (Duk. I,6) (It. 26)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Ðầy đủ hai pháp, này các Tỷ-kheo, một người như vậy tương xứng được sanh lên thiên giới. Thế nào là hai? Giới hiền thiện và Kiến hiền thiện. Ðầy đủ hai pháp này, này các Tỷ-kheo, một người như vậy tương xứng được sanh lên thiên giới. Thế nào là hai? Giới hiền thiện và Kiến hiền thiện. Ðầy đủ hai pháp này, này các Tỷ-kheo, một người như vậy tương xứng được sanh lên thiên giới.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Người nào được thành tựu,
Ðầy đủ hai pháp này,
Ðầy đủ Giới hiền thiện,
Ðầy đủ Kiến hiền thiện
Khi thân hoại mạng chung,
Người có chánh trí tuệ,
Người ấy sẽ được sanh
Vào cảnh giới cõi trời
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXXIV) (Duk. I,7) (It. 27)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có nhiệt tình, không có sợ hãi, không có thể chứng được Chánh giác, không có thể chứng được Niết-bàn, không có thể chứng được vô thượng an ổn khỏi các khổ ách. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có nhiệt tình, có sợ hãi, có thể chứng được giác ngộ, có thể chứng được Niết-bàn, có thể chứng được vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Người không có nhiệt tình,
Không có biết sợ hãi,
Biếng nhác, không tinh cần,
Nhiều hôn trầm thụy miên,
Không biết đến xấu hổ,
Không có lòng tôn kính,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Không có thể đạt tới,
Tối thượng Chánh-Ðẳng-Giác.
Ai giữ được chánh niệm,
Thông minh, tu thiền định,
Nhiệt tình, biết sợ hãi,
Và không có phóng dật,
Sau khi chặt đứt được
Kiết sử sanh và già,
Ở đây có thể đạt,
Chánh Ðẳng Giác vô thượng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XXXV) (Duk. I,8) (It. 28)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh được sống, không vì mục đích lừa dối quần chúng, không vì mục đích nịnh hót quần chúng, không vì mục đích được lợi ích, lợi dưỡng, cung kính, danh vọng, nghĩ rằng: “Mong rằng quần chúng biết đến ta”. Này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh được sống vì mục đích chế ngự và vì mục đích đoạn tận.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nghe:
Với mục đích chế ngự,
Với mục đích đoạn tận,
Không kể người nói gì,
Thế Tôn đã thuyết giảng
Về nếp sống Phạm hạnh,
Một nếp sống đưa đến
Thể nhập vào Niết-bàn,
Ðường này là con đường
Ðược các bậc Ðại nhân,
Ðược các Ðại ẩn sĩ,
Noi theo và thực hiện,
Và những ai dấn bước,
Chính trên con đường ấy,
Như đức Phật đã dạy,
Sẽ làm khổ lắng dịu,
Và thực hành làm đúng,
Như lời Ðạo sư dạy.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XXXVI) (Duk. I,9) (It. 26)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh được sống, không vì mục đích lừa dối quần chúng, không vì mục đích nịnh hót quần chúng, không vì mục đích được lợi ích, lợi dưỡng, cung kính, danh vọng, nghĩ rằng: “Mong rằng quần chúng biết đến ta”. Này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh được sống vì mục đích thắng tri, vì mục đích liễu tri.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điêù này được nói đến:
Với mục đích thắng tri,
Với mục đích liễu tri
Không kể ngưòi nói gì,
Thế Tôn đã thuyết giảng
Về nếp sống Phạm hạnh,
Một nếp sống đưa đến,
Thể nhập vào Niết-bàn,
Ðường này là con đường
Ðược các bậc Ðại nhân,
Ðược các Ðại ẩn sĩ
Noi theo và thực hiện,
Và những ai dấn bước,
Chính trên con đường ấy,
Như đức Phật đã dạy.
Sẽ làm khổ lắng dịu,
Và thực hành làm đúng,
Như lời Ðạo sư dạy.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XXXVII) (Duk. I,10) (It. 27)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Ðầy đủ hai pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại an trú với nhiều lạc hỷ, như lý nỗ lực để diệt tận các lậu hoặc. Thế nào là hai? Với sự hứng khởi đối với những trường hợp đáng phấn khởi, và như lý tinh cần đối với phấn khởi. Thành tựu hai pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống với nhiều lạc hỷ, như lý nỗ lực để diệt tận các lậu hoặc.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Bậc có trí phấn khởi,
Trường hợp đáng phấn khởi,
Vị Tỷ-kheo nhiệt tình,
Thông minh và cẩn trọng,
Quán xuyến nhìn sự vật,
Với trí tuệ Bát-nhã,
Nhiệt tình trú như vậy,
Sống đời sống an tịnh,
Không bồng bột hăng say,
Chú lực tâm tịnh chỉ,
Có thể đạt chứng được,
Ðoạn diệt các khổ đau.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
Phẩm II
(XXXVIII) (Duk. II, 1) (It. 31)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo. Với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, hai tầm tứ được hành trì nhiều đó là an ổn và ẩn dật. Này các Tỷ-kheo, Như Lai ưa thích không làm hại, thích thú không làm hại. Với Như Lai ấy, này các Tỷ-kheo, ưa thích không làm hại này, thích thú không làm hại này, tầm tứ này được hành trì nhiều. “Với cử chỉ uy nghi này Ta không làm hại một ai, dầu là loài động vật hay không động vật”. Này các Tỷ-kheo, Như Lai ưa thích ẩn dật, thích thú ẩn dật. Với Như Lai ấy, này các Tỷ-kheo, ưa thích ẩn dật này, thích thú ẩn dật. Với Như Lai ấy, này các Tỷ-kheo, ưa thích ẩn dật này, thích thú ẩn dật này, tầm tứ này được hành trì nhiều! Phàm có bất thiện gì, thì đều được đoạn tận. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy an trú, hân hoan trong không làm hại, thích thú trong không làm hại. Này các Tỷ-kheo, với các Thầy an trú, hân hoan trong không làm hại, thích thú trong không làm hại, tầm tứ này sẽ được hành trì nhiều. “Với cử chỉ uy nghi naỳ, chúng ta không làm hại một ai, dầu là loài động vật hay không động vật”. Này các Tỷ-kheo, hãy an trú hân hoan trong ẩn dật, thích thú trong ẩn dật. Này các Tỷ-kheo, với các Thầy an trú hân hoan trong ẩn dật, thích thú trong ẩn dật, tầm tứ này sẽ được hành trì nhiều. Còn có gì bất thiện, còn có gì chưa đoạn tận, còn có gì chúng ta phải từ bỏ nữa đâu?
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Như Lai, bậc Giác ngộ,
Bậc có thể nhẫn nại,
Những gì mà người khác,
Không có thể nhẫn nại,
Hai tầm tứ, vị ấy
Hành trì và thực hiện,
Trước hết được nói đến,
Là an ổn tầm tứ,
Thứ đến là ẩn dật,
Thứ hai được trình bày,
Phá tan màn hắc ám,
Ðã đến bờ bên kia,
Bậc Ðại sĩ đạt được,
Quyền lực không lậu hoặc,
Ðạt thân mạng tối hậu
Trong ái diệt, giải thoát.
Vị ẩn sĩ như vậy,
Chắc mang thân tối hậu,
Ta nói rằng vị ấy
Từ bỏ được kiêu mạn,
Thoát khỏi được già lão,
Ðạt được bờ bên kia.
Như đứng trên tảng đá,
Trên đỉnh núi đầu non,
Ðưa mắt nhìn xung quanh,
Quần chúng dưới chân mình,
Cũng vậy bậc Thiện tuệ,
Leo lên lầu Chánh pháp
Biến nhãn không sầu muộn,
Nhìn xuống đám quần sanh,
Bị ưu tư sầu khổ,
Bị sanh già áp bức.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XXXIX) (Duk. II, 2) (It. 33)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Có hai loại thuyết pháp của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng Giác, cái này tiếp nối cái kia. Thế nào là hai? “Hãy thấy ác là ác”, đây là thuyết pháp thứ nhất. Sau khi thấy ác là ác, ở đây, “Hãy nhàm chán, hãy từ bỏ, hãy thoát ly”, đây là thuyết pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, có hai loại thuyết pháp này của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, cái này tiếp nối cái kia.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với Như Lai, Phật Ðà,
Từ mẫn mọi chúng sanh,
Hãy thấy lời thuyết giảng,
Tuần tự pháp theo pháp,
Hai pháp được trình bày,
Một là hãy nhìn rõ,
Pháp ác là pháp ác
Và chính tại ở đây,
Từ bỏ, không tham đắm.
Từ đây, không tham đắm,
Hãy làm cho an tịnh,
Mọi khổ đau phiền não.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XL) (Duk. II, 3) (It. 34)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, vô minh đi trước, làm cho đạt được các pháp bất thiện; tiếp theo là không xấu hổ, không sợ hãi. Này các Tỷ-kheo, minh đi trước, làm cho đạt được các pháp thiện; tiếp theo là xấu hổ và sợ hãi.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Phàm có ác thú gì,
Ðời này và đời sau,
Tất cả do vô minh,
Làm gốc, làm cội rễ,
Dục tham được cất chứa,
Vì rằng kẻ ác dục,
Không xấu hổ, không kính,
Từ đó nó khởi ác,
Do vậy đi đọa xứ.
Vậy hãy nên từ bỏ,
Dục tham và vô minh,
Muốn minh được sanh khởi,
Tỷ-kheo cần từ bỏ
Tất cả mọi ác thú.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLI) (Duk. II, 4) (It. 35)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, những chúng sanh nào bị thối đọa khỏi Thánh trí tuệ, những chúng sanh ấy là khéo thối đọa, ngay trong hiện tại, họ an trú trong đau khổ, với tàn hại, với ưu não, với nhiệt não. Sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là ác thú. Này các Tỷ-kheo, những chúng sanh nào không bị thối đọa khỏi Thánh trí tuệ, những chúng sanh ấy không có thối đọa. Ngay trong hiện tại, họ an trú trong an lạc, không có tàn hại, không có ưu não, không có nhiệt não. Sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là thiện thú.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Thối đọa khỏi trí tuệ,
Hãy nhìn xem, thế giới
Với hàng ngũ chư Thiên,
An trú trong danh sắc,
Nghĩ rằng: “Ðây sự thật”
Nhưng thù thắng ở đời,
Lại chính là trí tuệ,
Chính tuệ dắt dẫn đến
Thể nhập được Niết-bàn,
Và chơn chánh quán tri,
Sự hoại diệt sanh hữu,
Chư Thiên và loài Người,
Hoan hỷ được chiêm ngưỡng,
Chư Phật Chánh Ðẳng Giác,
Những bậc giữ chánh niệm,
Ðầy đủ với trí tuệ,
Mang thâm này cuối cùng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLLII) (Duk. II, 5) (It. 36)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có hai pháp trắng này che chở cho đời. Thế nào là hai? Xấu hổ và sợ hãi. Này các Tỷ-kheo, nếu hai pháp này không che chở cho đời, thời ở đây không có sự phân biệt giữa mẹ, chị em của mẹ, vợ của anh em của mẹ hay giữa vợ của bậc giáo thọ sư, giữa những người vợ của những bậc đáng được kính trọng; thế giới sẽ rơi vào loạn luân như các loài dê cừu, gia cầm, heo, chó và các con chó rừng. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có hai pháp trắng này che chở cho đời, cho nên ở đây có sự phân biệt giữa mẹ, chị em của mẹ, vợ của anh em của mẹ, hay vợ của bậc giáo thọ sư, giữa những người vợ của những bậc đáng được kính trọng.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với những ai không có,
Xấu hổ và sợ hãi,
Liên tục và thường xuyên,
Họ đi xuống bào thai,
Dựa trên gốc tinh dịch
Họ đi đến sanh tử,
Với những ai chánh trí,
Xấu hổ và sợ hãi,
Liên tục và thường xuyên,
Vững trú trên Phạm hạnh,
Họ được sự an tịnh,
Tái sanh được diệt tận.
ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLIII) (Duk. II, 6) (It. 37)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có hai cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra. Này các Tỷ-kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra, thì ở đây không thể trình bày được sự xuất ly khỏi sanh, khỏi hiện hữu, khỏi tác thành, khỏi làm ra. Do vì, này các Tỷ-kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra, nên có thể trình bày được sự xuất ly khỏi sanh, khỏi hiện hữu, khỏi tác thành, khỏi làm ra.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Có cái sanh, hiện hữu,
Cái khởi lên làm ra,
Hữu vi không thường hằng,
Tác thành ra già chết,
Một ổ của bệnh hoạn,
Mỏng manh, giòn, dễ vỡ,
Nhờ đồ ăn nuôi dưỡng,
Nên mới được hiện hữu,
Vật ấy thật không đủ
Ðể hoan hỷ ưa thích,
Thật có cái xuất ly,
Ra khỏi được cái ấy,
Thật có vượt lý luận,
Thường hằng, không sanh khởi,
Không có cái khởi lên,
Con đường không cấu uế,
Không đưa đến sầu muộn,
Ðoạn diệt các pháp khổ,
Sự tịnh chỉ mọi hành,
An lạc thật tịnh lạc.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLIV) (Duk. III, 7) (It. 38)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có hai Niết-bàn giới này. Thế nào là hai? Niết-bàn giới có dư y và Niết-bàn giới không có dư y.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là Niết-bàn giới có dư y? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã diệt, đã giải thoát nhờ chánh trí. Trong vị ấy, năm căn còn tồn tại, ngang qua các căn ấy, vị ấy hưởng thọ khả ý, không khả ý vì rằng tự ngã không có thương hại cảm giác lạc khổ. Với vị ấy, tham diệt, sân diệt, si diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Niết-bàn có dư y.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là Niết-bàn giới không có dư y? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã diệt, đã giải thoát nhờ chánh trí. Ở đây, đối vị ấy, mọi cảm thọ đều không có hoan hỷ ưa thích, sẽ được lắng dịu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Niết-bàn không có dư y. Này các Tỷ-kheo có hai Niết-bàn giới này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này, ở đây điều này được nói đến.
Hai Niết-bàn giới này,
Ðược vị có pháp nhãn,
Trình bày và thuyết giảng,
Không y tựa như vậy,
Một loại Niết-bàn giới,
Ở đây, thuộc hiện tại
Còn có các dư y,
Nuôi dưỡng hữu bị diệt.
Không dư y Niết bàn,
Lại thuộc về tương lai,
Với vị đạt giới này,
Mọi hữu diệt hoàn toàn.
Những ai với chánh trí,
Biết con đường vô vi,
Tâm tư được giải thoát,
Nuôi dưỡng hữu bị diệt,
Những ai chứng đạt được
Gốc lõi của các pháp,
Hoan hỷ trong diệt tận,
Những vị ấy như vậy,
Ðã từ bỏ hoàn toàn,
Tất cả mọi sanh hữu.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLV) (Duk. II, 8) (It 39)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, hãy sống ưa muốn ẩn dật thiền định, thích thú ẩn dật thiền định, chuyên chú nội tâm tịnh chỉ, không gián đoạn thiền tịnh, thành tựu quán tri, hành trì hạnh đi đến các ngôi nhà trống. Này các Tỷ-kheo sống ưa muốn ẩn dật thiền định, thích thú ẩn dật thiền tịnh, chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ, không gián đoạn thiền tịnh, thành tựu quán trí, hành tri hạnh đi đến các ngôi nhà trống, thời được chờ đợi là một trong hai quả này: ngay trong hiện tại được chánh trí, hay nếu có dư y, được quả Bất Lai.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Những ai tâm an tịnh,
Thông minh và thận trọng,
Chánh niệm tu thiền định,
Quán nhìn pháp chơn chánh,
Không chờ đợi ham muốn,
Ðối với các loại dục,
Ưa muốn không phóng dật,
Sống an tịnh có mặt,
Thấy được sự sợ hãi,
Trong nếp sống phóng dật,
Họ không bị thối đọa,
Họ đến gần Niết bàn.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLVI) (Duk. II, 9) (It. 40).
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, hãy an trú cho lợi ích của học tập, cho trí tuệ tối thượng, cho lõi cây giải thoát, cho niệm được tăng thượng. Này các Tỷ-kheo, an trú cho lợi ích của học tập, cho trí tuệ tối thượng, cho lõi cây giải thoát, cho niệm được tăng thượng, thời được chờ đợi là một trong hai quả này: được chánh tri ngay trong hiện tại, hay nếu có dư y, chứng được Bất-lai.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Bậc hữu học viên mãn,
Không còn bị thối đọa,
Ðạt tối thượng trí tuệ,
Thấy sanh được diệt tận.
Ta nói chắc chắn rằng,
Ẩn sĩ Mâu-ni ấy,
Mang sắc thân cuối cùng.
Ðã từ bỏ kiêu mạn,
Ðã vượt qua bờ kia,
Thoát khỏi sự già yếu.
Do vậy hãy luôn luôn,
Vui trong thiền, thiền định,
Nhiệt tâm và nỗ lực,
Thấy sanh được diệt tận,
Hỡi này các Tỷ-kheo,
Hãy nhiếp phục ma quân,
Tu tập vượt qua được,
Thoát khỏi sự già chết.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LVIII) (Duk. II, 10) (It. 41)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải sống cảnh giác, chánh niệm, tỉnh giác, thiền định, hoan hỷ, tín thành, và ở đây quán tri đúng thời trong các pháp thiện. Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo sống cảnh giác, chánh niệm, tỉnh giác, thiền định, hoan hỷ, tín thành, quán tri đúng thời trong các pháp thiện, thời được chờ đợi là một trong hai quả này: Ðược chánh tri ngay trong hiện tại, hay nếu có dư y, chứng được Bất lai.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Hỡi các bậc cảnh giác,
Hãy lắng nghe điều này,
Những ai còn nằm ngủ,
Hãy thức dậy tỉnh thức,
Thức tỉnh là tốt hơn,
Hơn kẻ đang nằm ngủ,
Ðối với người thức tỉnh,
Không có sự sợ hãi,
Người thức tỉnh, thức giấc,
Chánh niệm và tỉnh giấc,
Thiền định, tâm hoan hỷ,
Nhiệt tình đầy tín thành,
Chơn chánh biết thời giờ,
Thắng quán đến Chánh pháp,
Ðạt được sự nhất tâm,
Quét sạch mọi tăm tối.
Do vậy hãy tu tập,
Thức tỉnh và nhiệt tình,
Vị Tỷ-kheo thông minh,
Thận trọng, chứng cảnh thiền,
Chặt đứt các kiết sử,
Trói buộc sanh với già,
Chính tại ở đời này,
Chứng chánh giác Vô thượng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLVIII) (Duk. II, 11) (It. 42)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người bị đọa lạc, bị đọa vào địa ngục nếu họ không đoạn tận lỗi lầm của họ. Thế nào là hai? Ai sống phi Phạm hạnh, lại tự cho sống Phạm hạnh. Ai đối với người sống Phạm hạnh viên mãn, thanh tịnh, lại buộc tội chỉ trích là phi Phạm hạnh không có căn cứ. Này các Tỷ-kheo, hai hạng người này bị đọa lạc, bị đọa vào địa ngục, nếu họ không đoạn tận lỗi lầm của họ.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai nói lời không chơn,
Rơi vào cõi địa ngục,
Ai sau khi đã làm,
Lại nói tôi không làm,
Cả hai sau khi chết,
Ðều đồng đẳng như nhau,
Họ đều là những người,
Làm các nghiệp hạ liệt,
Thuộc về cảnh đời sau,
Lại có rất nhiều người,
Tuy mang áo cà-sa,
Họ không có chế ngự,
Ðối với các pháp ác,
Do họ làm nghiệp ác,
Họ phải sanh địa ngục,
Tốt hơn đối với họ,
Là nuốt cục sắt tròn
Cháy đỏ như đống lửa,
Còn hơn kẻ ác giới,
Không biết có chế ngự,
Nếu có ăn dùng gì,
Các món ăn quốc độ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLIX) (Duk. II, 12) (It. 43)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, chư Thiên và loài Người bị xâm chiếm bởi hai tà kiến, một số người chấp chặt, một số người đi quá trớn, một số người có mắt thấy được.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là một số người chấp chặt? Này các Tỷ-kheo, có chư Thiên và loài Người ưa muốn sanh hữu, khi các pháp đoạn diệt sanh hữu được giảng cho họ, tâm họ không có phấn khởi, không có tín thành, không có an trú, không có bị lôi cuốn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đó là một số người chấp chặt.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là một số người đi quá trớn? Nhưng có một số người lo âu, xấu hổ, nhàm chán với sanh hữu, hoan hỷ, phi sanh hữu. Họ nói: “Vì rằng khi thân hoại mạng chung, tự ngã này bị chặt đứt, bị hoại diệt, không có tồn tại sau khi chết. Quan điểm này là thiết thực, là thù thắng, là chân thật”. Như vậy này các Tỷ-kheo, đó là một số người đi quá trớn.
Và này các Tỳ Kheo, thế nào là một số có mắt được thấy? Ở đây, Tỷ-kheo thấy sự sanh hữu là sanh hữu, sau khi thấy sự sanh hữu, vị ấy hướng đến nhàm chán, ly tham, đoạn diệt. Như vậy này các Tỷ-kheo, đó là những người có mắt được thấy.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Những ai đã thấy được
Sanh hữu là sanh hữu,
Thấy được sự vượt qua
Của sự sanh hữu ấy.
Những vị ấy giải thoát,
Ðối như thật hiện hữu,
Vì nhờ đoạn diệt được
Tham ái đối sanh hữu.
Nếu vị ấy liễu tri,
Sanh hữu là sanh hữu,
Vị ấy ly tham ái
Ðối hữu và phi hữu,
Tỷ-kheo quyết phi hữu,
Ðối với chính sanh hữu,
Sẽ không còn đi đến
Sanh đi rồi sanh lại.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
Chương Ba – Ba Pháp
Phẩm I
(L) (Tik. I, 1) (It. 45)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba căn bản bất thiện này. Thế nào là ba? Tham là căn bản bất thiện; Sân là căn bản bất thiện; Si là căn bản bất thiện. Này các Tỷ-kheo, có ba căn bản bất thiện này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Tham, sân, si làm hại,
Người có tâm ác độc,
Họ tự mình hiện hữu,
Như giả từ lõi, vỏ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LI) (Tik. I, 2) (It. 45)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba giới này. Thế nào là ba? Sắc giới, vô sắc giới, diệt giới. Này các Tỷ-kheo, có ba giới này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai liễu tri sắc giới,
Không an trú vô sắc,
Những ai được giải thoát,
Ðối với đoạn diệt giới,
Các chúng sanh như vậy,
Xả ly được thần chết,
Với thân cảm giác được,
Bất tử, không sanh y,
Xả ly, từ bỏ hẳn,
Sanh y đưa đến hữu,
Sau khi tự chứng được,
Không còn có lậu hoặc,
Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác,
Thuyết pháp con đường chánh,
Không có gì sầu muộn,
Trong sạch không cấu uế.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LII) (Tik. I, 3) (It. 46)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, có ba cảm thọ này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ðịnh tĩnh và tỉnh giác,
Chánh niệm đệ tử Phật,
Quán tri các cảm thọ,
Và hiện hữu các thọ.
Tại đấy, tâm được diệt,
Con đường đưa đến diệt,
Tỷ-kheo nhờ diệt thọ,
Không ham muốn, tịch tịnh.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LIII) (Tik. I, 4) (It. 47)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, lạc thọ cần phải được xem như là khổ. Khổ thọ cần phải được xem như là mũi tên. Bất khổ bất lạc thọ cần phải được xem như là vô thường. Vì rằng này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã xem lạc thọ như là khổ, đã xem khổ thọ như là mũi tên, đã xem bất khổ bất lạc thọ như là vô thường, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này gọi là bậc Thánh đã chơn chánh thấy, đã chặt đứt ái, đã giải toả kiết sử đã chơn chánh thắng tri mạn, đã đoạn tận khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai thấy lạc là khổ,
Thấy khổ là mũi tên,
Thấy bất khổ bất lạc
Thọ ấy là vô thường,
Tỷ-kheo ấy thật sự
Ðã thấy thật chơn chánh,
Chính tại ở nơi đây,
Từ đấy được giải thoát.
Thành tựu được thắng trí,
Bậc ẩn sĩ an tịnh
Chắc chắn đã vượt qua
Các ách nạn trói buộc.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LIV) (Tik. I, 5) (It. 48)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba tầm cầu này. Thế nào là ba? Dục tầm cầu, hữu tầm cầu, Phạm hạnh tầm cầu. Này các Tỷ-kheo, có ba tầm cầu này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ðịnh tĩnh và tỉnh giác,
Chánh niệm đệ tử Phật,
Quán tri các tầm cầu,
Và hiện hữu tầm cầu,
Ở đây, tâm ấy diệt.
Và con đường đến diệt.
Tỷ-kheo do diệt tận,
Các loại tầm cầu ấy,
Không còn có ước muốn
Ðược lắng dịu tịch tịnh.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LV) (Tik. I, 6) (It. 48)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba tầm cầu này. Thế nào là ba? Dục tầm cầu, hữu tầm cầu, Phạm hạnh tầm cầu. Này các Tỷ-kheo, có ba tầm cầu này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Dục và hữu tầm cầu,
Cùng Phạm hạnh tầm cầu
Nếu chấp trước nắm giữ
Chính đây là sự thật,
Như vậy là chất chứa,
Ðủ mọi loại kiến xứ,
Với ai không ham muốn
Ðối với các loại tham,
Vị ấy được giải thoát,
Nhờ diệt được khả ái,
Tầm cầu được từ bỏ,
Kiến xứ được nhổ lên,
Tỷ-kheo do diệt tận
Các loại tầm cầu ấy,
Không còn có mong cầu,
Không còn có nghi hoặc.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LVI) (Tik. I, 7) (It. 49)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba lậu hoặc này. Thế nào là ba? Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Này các Tỷ-kheo, có ba lậu hoặc này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ðịnh tĩnh và tỉnh giác
Chánh niệm đệ tử Phật,
Quán tri các lậu hoặc,
Và hiện hữu lậu hoặc,
Ở đây tâm được diệt,
Và con đường đến diệt,
Tỷ-kheo đã diệt tận,
Các loại lậu hoặc ấy,
Không còn có ước muốn,
Ðược lắng dịu, tịch tịnh.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LVII) (Tik. I,8) (It. 49)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba loại lậu hoặc này. Thế nào là ba? Dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Này các Tỷ-kheo, có ba lậu hoặc này. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, ý nghĩa này được nói đến.
Ai đoạn trừ dục lậu,
Ly tham thoát vô minh,
Hữu lậu được đoạn trừ,
Giải thoát khỏi sanh y,
Mang cái thân cuối cùng,
Dẹp tan cỗ xe ma.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LVIII) (Tik. I, 9) (It. 50)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba khát ái này. Thế nào là ba? Dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Này các Tỷ-kheo, có ba khát ái này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, ý nghĩa này được nói đến.
Trói buộc bởi ái triền,
Tâm ưa hữu, phi hữu,
Bị ma triền trói buộc,
Chúng sanh ấy không được,
An ổn khỏi ách nạn.
Chúng sanh đi luân chuyển,
Ðến sanh rồi đến chết.
Những ai đoạn được ái,
Ly ái hữu, phi hữu,
Họ đến bờ bên kia,
Trong thế giới hiện tại,
Họ đã chứng đạt được,
Các lậu hoặc đoạn tận.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LIX) (Tik. I, 10) (It. 50).
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo vượt qua được thế lực của Ác ma, và chói sáng như mặt trời. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thành tựu vô học giới uẩn, thành tựu vô học định uẩn, thành tựu vô học tuệ uẩn. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo vượt qua được thế lực của Ác-ma, và chói sáng như mặt trời.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Giới, định và trí tuệ,
Với ai khéo tu tập,
Vị ấy vượt qua khỏi
Thế lực của Ác ma,
Và chói sáng rực sáng,,
Như mặt trời chói sáng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
Phẩm II
(LX) (Tik. II, 1) (It. 51)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba phước nghiệp sự này. Thế nào là ba? Phước nghiệp sự do bố thí tác thành, phước nghiệp sự do giới tác thành, và phước nghiệp do sự tu tập tác thành. Này các Tỷ-kheo, có ba phước nghiệp sự này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Hãy để cho người ấy,
Học tập làm công đức,
Hướng dẫn đến tương lai
Ðem lại căn an lạc.
Hãy tu tập bố thí,
Tập sở hành an tịnh,
Và tu tập từ tâm,
Tu xong ba pháp ấy,
Những pháp khởi lạc thọ.
Bậc Hiền trí được sanh,
Tại thế giới an lạc,
Không phiền não hận thù.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXI) (Tik. II, 2) (It. 52)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba con mắt này. Thế nào là ba? Mắt thịt, mắt chư Thiên và mắt trí tuệ. Này các Tỷ-kheo có ba loại mắt này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Mắt thịt, mắt chư Thiên,
Vô thượng mắt trí tuệ,
Có ba loại mắt ấy,
Ðược bậc Vô thượng nhân,
Ðã tuyên bố trình bày,
Sanh khởi của mắt thịt,
Con đường mắt chư Thiên,
Từ đấy, trí khởi lên,
Tuệ nhãn là tối thượng,
Ai chứng được mắt ấy,
Giải thoát mọi đau khổ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXII) (Tik. II, 3) (It. 53)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba căn này. Thế nào là ba? Vị tri đương tri căn, tri căn, cụ tri căn (căn: “Tôi sẽ biết điều chưa được biết”; căn về sự biết; căn của người đã biết). Này các Tỷ-kheo, có ba loại căn này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Vị hữu học học tập,
Ði theo con đường thẳng,
Ở trong sự diệt tận,
Trí thứ nhất khởi lên,
Từ đó không gián đoạn,
Tiếp theo là chơn trí,
Chính từ chơn trí ấy,
Ðạt được sự giải thoát
Chắc chắn vị như vậy,
Là vị có chánh trí,
Giải thoát ta bất động,
Nhờ diệt hữu kiết sử,
Vị đầy đủ các căn
Chắc chắn được an tịnh,
Và ưa thích con đường,
Ðưa đến sự an tịnh,
Mang thân thể cuối cùng,
Sau khi đánh bại được
Ác ma với con voi
Ðược cỡi khi lâm trận.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXIII) (Tip. II, 4) (It. 53)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba thời gian này. Thế nào là ba? Thời gian quá khứ, thời gian tương lại, thời gian hiện tại. Này các Tỷ-kheo, có ba thời gian này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Chúng sanh cần tưởng đến
Những gì được tuyên bố,
An trú thật vững vàng,
Trên điều được tuyên bố
Nếu không có liễu tri,
Ðiều đáng được tuyên bố,
Họ đi đến ách nạn,
Dưới ách của thần chết.
Nếu đã liễu tri được
Ðiều đáng được tuyên bố,
Vị ấy không nghĩ đến,
Ðiều đã được nói lên,
Chính nhờ có tâm ý,
Giải thoát được cảm giác,
Về con đường an tịnh
Vô thượng không gì hơn.
Ai thật được đầy đủ,
Về điều đáng tuyên bố,
Tự mình được an tịnh,
Ưa thích đường an tịnh,
Sống bình tĩnh tinh tấn.
An trú trên chánh pháp,
Vị ấy vượt tên gọi,
Thành đạt được trí tuệ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXIV) (Tik. II, 5) (It. 54)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba ác hành này. Thế nào là ba? Thân ác hành, ngữ ác hành, ý ác hành. Này các Tỷ-kheo, có ba ác hành này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Làm ác hạnh về thân,
Làm ác hạnh về lời,
Làm ác hạnh về ý,
Và bất cứ hạnh gì,
Ðều được gọi hạnh ác,
Không làm nghiệp lành nào,
Làm nhiều nghiệp không thiện,
Khi thân hoại mạng chung,
Với trí tuệ hạ liệt,
Vị ấy phải sanh vào
Trong cảnh giới địa ngục.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXV) (Tik. II, 6) (It. 55)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba thiện hành này. Thế nào là ba? Thân thiện hành, ngữ thiện hành, ý thiện hành. Này các Tỷ-kheo, có ba thiện hành này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Từ bỏ thân làm ác,
Từ bỏ lời nói ác,
Từ bỏ ý nghĩ ác,
Và bất cứ hạnh gì,
Ðược gọi là hạnh ác,
Không làm các điều ác,
Làm nhiêù những hạnh lành,
Khi thân hoại mạng chung,
Với trí tuệ thù thắng,
Vị ấy được sanh lên,
Trong cảnh giới chư Thiên.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXVI) (Tik. II, 7) (It. 55)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba thanh tịnh này. Thế nào là ba? Thân thanh tịnh, lời thanh tịnh, ý thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, có ba thanh tịnh này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Thân và lời thanh tịnh
Và ý cũng thanh tịnh,
Không có các lậu hoặc,
Ðầy đủ sự thanh tịnh,
Vị như vậy được gọi
Ðã từ bỏ tất cả.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXVII) (Tik. II, 8) (It. 56)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba trầm lặng này. Thế nào là ba? Thân trầm lặng, lời trầm lặng, ý trầm lặng. Này các Tỷ-kheo, có ba trầm lặng này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Thân và lời trầm lặng
Và ý cũng trầm lặng,
Không có các lậu hoặc,
Ðầy đủ với trầm lặng
Của các bậc chân ẩn sĩ,
Ðuợc tên gọi là vị
Ðã tắm sạch điều ác.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXVIII) (Tik. II, 9) (It. 56)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, với ai tham chưa đoạn tận, sân chưa đoạn tận, si chưa đoạn tận. Này các Tỷ-kheo, người ấy được gọi là người bị trói buộc với Ác ma, bị bẫy lưới của Ác ma bao trùm, bị làm theo ý Ác ma muốn. Này các Tỷ-kheo, với ai tham đã đoạn tận, sân đã đoạn tận, si đã đoạn tận, này các Tỷ-kheo, người ấy được gọi là người không trói buộc với Ác ma, được thoát khỏi bẫy lưới của Ác ma, không bị làm theo Ác ma muốn.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến
Với ai đã từ bỏ
Tham, sân và vô minh,
Vị ấy được gọi là
Ðã tu tập tự ngã,
Ðã trở thành Phạm Thiên
Bậc Như Lai, Phật-đà,
Bậc đã vượt qua được,
Hận thù và sợ hãi,
Bậc đoạn tận tất cả,
Ðược gọi danh như vậy.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXIX) (Tik. II, 10) (It. 57)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Với Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, này các Tỷ-kheo, tham chưa đoạn tận, sân chưa đoạn tận, si chưa đoạn tận; này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là vị chưa vượt qua đại dương, với sóng biển, với sóng ngầm, với nước xoáy, với cá mập, với các loài La-sát. Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo ni nào, tham đã đoạn tận, sân đã đoạn tận, si đã đoạn tận; này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là: “Ðã vượt qua đại dương, với sóng biển, với sóng ngầm, với nước xoáy, với cá mập, với các loài la-sát, đã vượt qua bờ kia, là vị Bà-la-môn đã đứng trên đất liền.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với ai đã từ bỏ
Tham, sanh và vô minh,
Vị ấy được gọi là
Ðã vượt qua biển này,
Với cá mập, Dạ-xoa,
Với sóng biển hãi hùng,
Rất khó được vượt qua,
Là vị vượt ác triền,
Ðã từ bỏ thần chết,
Không còn có sanh y,
Ðã từ bỏ đau khổ,
Không còn có tái sanh,
Ðã đi đến mục đích,
Không thể ước lượng được,
Ta nói rằng vị ấy
Làm ma vương si ám.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
Phẩm III
(LXX) (Tik. III, 1) (It. 58)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Ta đã thấy, này các Tỷ-kheo, các chúng sanh thành tựu thân làm ác, thành tựu lời nói ác, thành tựu ý nghĩ ác, chỉ trích các bậc Thánh, có tà kiến, chấp nhận các nghiệp bị tà kiến chi phối. Sau khi thân hoại mạng chung, họ bị sanh vào cõi dữ, ác thú đọa xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, sau khi không nghe một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác nói lên, Ta nói nên lời nói này: “Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh thành tựu thân làm ác, thành tựu lời nói ác, thành tựu ý nghĩ ác, chỉ trích các bậc Thánh, có tà kiến, chấp nhận các nghiệp bị tà kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung, chúng phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục”. Và này các Tỷ-kheo, vì rằng Ta tự mình biết, tự mình thấy, tự mình tìm ra, nên Ta tuyên bố rằng: “Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh, thành tựu thân làm ác, thành tựu lời nói ác, thành tựu ý nghĩ ác, chỉ trích các bậc Thánh, có tà kiến, chấp nhận các nghiệp bị tà kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung, họ phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục”.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Dẫn ý vào đường tà
Nói những lời tà ngữ,
Với thân làm nghiệp tà,
Người ở đời làm vậy.
Ít nghe, ít học hỏi,
Không làm các công đức,
Ở đây sống trong đời,
Với sanh mạng ít oi,
Khi thân hoại mạng chung,
Người ấy với liệt tuệ,
Bị sanh vào địa ngục.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXI) (Tik, III, 2) (It. 59)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Ta đã thấy, này các Tỷ-kheo, các chúng sanh thành tựu thân làm thiện, thành tựu nói lời thiện, thành tựu ý nghĩ thiện, không chỉ trích các bậc Thánh, có chánh kiến, chấp nhận các nghiệp được chánh kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung, họ được sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Này các Tỷ-kheo, sau khi không nghe một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác nói lên, Ta nói lên lời nói này: “Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh thành tựu thân làm thiện, thành tựu lời nói thiện, thành tựu ý nghĩa thiện không chỉ trích các bậc Thánh, có chánh kiến, chấp nhận các nghiệp được chánh kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung, họ được sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này”. Và này các Tỷ-kheo, vì rằng Ta tự mình biết, tự mình thấy, tự mình tìm ra, nên Ta tuyên bố rằng: “Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh, thành tựu thân làm thiện, thành tựu lời nói thiện, thành tựu ý nghĩ thiện, không chỉ trích các bậc Thánh, có chánh kiến, chấp nhận các nghiệp được chánh kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung, họ sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này”.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Dẫn ý vào đường chánh,
Nói những lời chánh ngữ,
Với thân làm nghiệp chánh,
Người ở đời làm vậy.
Nghe nhiều học hỏi nhiều
Làm các việc công đức,
Ở đây sống trong đời,
Với sanh mạng ít oi,
Khi thân hoại mạng chung,
Người ấy với trí tuệ.
Người ấy làm như vậy,
Ðược sanh lên cõi Trời.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXII) (Tik, III, 3) (It. 60)
Ðiều này được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba xuất ly giới này. Thế nào là ba? Sự xuất ly này khỏi các dục, tức là viễn ly. Sự xuất ly này khỏi các sắc, tức là vô sắc. Sự đoạn diệt cái gì được hiện hữu, được làm ra, được duyên khởi, là sự xuất ly cái ấy. Này các Tỷ-kheo, có ba xuất ly giới này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Biết được xuất ly dục,
Vượt qua được các sắc,
Tịnh chỉ tất cả hành,
Luôn luôn cảm nhiệt tình,
Tỷ-kheo ấy thấy chánh,
Từ đấy, chính ở đây,
Vị ấy được giải thoát,
Thắng trí được viên thành,
Sống nếp sống an tịnh
Vị ấy sống như vậy,
Thật sự là ẩn sĩ,
Ðã vượt khỏi các ách.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(LXXIII) (Tik. III, 4) (It. 61)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, các pháp vô sắc an tịnh tốt hơn các sắc pháp; đoạn diệt an tịnh tốt hơn các pháp vô sắc.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Chúng sanh đi đến sắc,
Có chúng trú vô sắc,
Không quán tri đoạn diệt,
Họ đi đến tái sanh.
Những ai liễu tri sắc,
Không an trú vô sắc,
Chính trong sự đoạn diệt,
Họ đạt được giải thoát,
Các hạng người như vậy,
Họ bỏ rơi thần chết.
Với thân cảm xúc được,
Bất tử không sanh y,
Sanh y được xả ly,
Chứng được, không lậu hoặc,
Vị Chánh đẳng Chánh giác,
Thuyết giảng về con đường
Con đường không sầu muộn
Con đường không cấu uế.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe:
(LXXIV) (Tik. III, 5) (It. 62)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, các ba hạng con trai này xuất hiện, có mặt ở đời. Thế nào là ba? Ưu sanh, tùy sanh, liệt sanh.
Và này các Tỷ-kheo. Thế nào là ưu sanh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, cha mẹ của người con không quy y Phật, không quy y Pháp, không quy y Tăng, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà hạnh trong các dục, không từ bỏ nói láo, không từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, ác giới theo ác pháp. Còn người con của họ quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới, theo pháp lành. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người con ấy được ưu sanh.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào người con trai tùy sanh? Ở đây này các Tỷ-kheo, cha mẹ của người con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới, theo các pháp lành. Người con trai của họ cũng quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới, theo các pháp lành. Như vậy này các Tỷ-kheo, là người con tùy sanh.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người con trai liệt sanh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, cha mẹ của người con trai này quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, giữ giới, theo các pháp lành. Và người con của họ không quy y Phật, không quy y Pháp, không quy y Tăng, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà hạnh trong các dục, không từ bỏ nói láo, không từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người con liệt sanh. Này các Tỷ-kheo, có ba hạng con trai này có mặt, xuất hiện ở đời.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Bậc Hiền trí ước muốn,
Con trai ưu, tùy sanh,
Không ước muốn liệt sanh,
Một gánh nặng gia đình,
Ðời có những con này,
Trở thành nam cư sĩ,
Sống đầy đủ tín giới,
Biết nghe lời người khác,
Xa lìa sự xan tham.
Những người con như vậy,
Như trăng thoát đám mây,
Chói sáng giữa hội chúng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXV) (Tik. III, 6) (It. 64)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là ba? Hạng người như hạn hán, hạng người như chỉ mưa trong địa phương và hạng người như mưa đổ xuống khắp tất cả.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như hạn hán? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không bố thí cho ai cả, không cho đồ ăn, đồ uống, vải, xe cộ, vòng hoa, hương, dầu xoa, sàng tọa, đèn đuốc cho Sa-môn, Bà-la-môn, cho các người ăn xin nghèo khổ khốn cùng. Này các Tỷ-kheo, hạng người như vậy như hạn hán không mưa.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như chỉ mưa trong địa phương? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có bố thí cho một số người, nhưng không bố thí cho một số người. Dầu số người đó là Sa-môn, Bà-la-môn hay các người ăn xin nghèo khổ, khốn cùng, họ không bố thí đồ ăn đồ uống, vải, xe cộ, vòng hoa, hương dầu xoa, sàng tọa, đèn đuốc. Này các Tỷ-kheo, hạng người như vậy là hạng người như mưa chỉ trong địa phương.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như mưa đổ xuống khắp tất cả? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người cho tất cả mọi người, cho đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, dầu xoa, sàng tọa, đèn đuốc, cho các người Sa-môn, Bà-la-môn cho các người ăn xin nghèo đói khốn cùng. Này các Tỷ-kheo, có ba hạng người này, có mặt, hiện hữu ở đời.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Không cho hạng Sa-môn,
Không cho Bà-la-môn,
Không cho kẻ khốn cùng,
Không cho người ăn xin
Không san sẻ cho người,
Những đồ thâu hoạch được,
Như đồ ăn, đồ uống,
Cùng các vật thực khác,
Hạng ấy thật giống như,
Hạn hán không mưa móc,
Hạng người ấy được gọi
Là hạng người hạ liệt.
Không cho một hạng người,
Chỉ lựa cho một số,
Hạng ấy được Hiền trí,
Gọi là những hạng người
Chỉ mưa tại địa phương,
Không mưa tại chỗ khác.
Hạng người mưa bố thí,
Cùng khắp tất cả chỗ,
Có lòng thương từ mẫn,
Ðối với mọi loại hữu tình,
Với tâm thật hoan hỷ,
Tung vải cho cùng khắp.
Hãy cho! Hãy cho nữa,
Vị ấy luôn nói vậy.
Như mây giông gầm thét
Chớp sáng mưa đổ xuống,
Tràn ngập chỗ đất cao,
Tràn đầy chỗ đất trũng,
Chảy tràn với nước ngập.
Cũng vậy ở đời này,
Có một số hạng người,
Hạng người giống như vậy.
Thâu hoạch được đúng pháp,
Tài sản do nỗ lực.
Với đồ ăn đồ uống
Vị ấy chơn chánh đãi,
Những chúng sanh khốn cùng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXVI) (Tik, III, 7) (It. 67)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Do hy vọng được ba lạc này, bậc Hiền trí hộ trì giới. Thế nào là ba? “Mong rằng lời tán thán sẽ đến với ta”, bậc Hiền trí hộ trì giới. “Mong rằng, tài sản sẽ khởi lên cho ta”, bậc Hiền trí hộ trì giới. “Mong rằng khi thân hoại mạng chung, ta sẽ sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này” bậc Hiền trí hộ trì giới. Này các Tỷ-kheo, do hy vọng được ba lạc này, bậc Hiền trí hộ trì giới.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, ý nghĩa này được nói đến.
Bậc trí hộ trì giới,
Hy vọng được ba lạc,
Ðược khen, được tài sản,
Ðời sau sống hoan hỷ,
Trong cảnh giới chư Thiên.
Nếu không làm điều ác,
Nhưng theo kẻ làm ác,
Thì bị nghi làm ác,
Và bị tăng tiếng xấu.
Giống như người làm bạn,
Giống như người làm theo,
Người này giống người ấy
Giống như người cộng trú.
Người theo, người được theo,
Xúc chạm, được xúc chạm,
Như cây tên nhiễm độc
Nhiễm bó tên chưa nhiễm,
Bậc Trí vì sợ nhiễm,
Nên không bạn kẻ ác.
Với ngọn cỏ kusa,
Dùng gói đồ cá thúi,
Kusa hay mùi thúi,
Cũng vậy, gần kẻ ngu.
Còn người dùng ngọn lá,
Gói hương Ta-ga-ra,
Ngọn lá bay mùi thơm
Cũng vậy, gần bậc Trí.
Do vậy, nhờ nghĩ đến
Cái giỏ bằng lá ấy,
Biết được những cái gì
Sẽ rơi vào tự mình,
Bậc Hiền trí không theo,
Những hạng người bất thiện,
Chỉ biết làm bạn thân,
Những người lành hiền thiện.
Những kẻ ác, bất thiện,
Dắt dẫn đến địa ngục,
Còn những kẻ tốt lành,
Ðạt đến cảnh thiện thú.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXVII) (Tik. III, 8) (It. 69)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, thân này bị hủy hoại, thức bị lụn tàn, tất cả sanh y là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, ý nghĩa này được nói đến.
Biết thân bị huỷ hoại,
Còn thức bị lụn tàn,
Thấy sợ trong sanh y,
Hiểu được sanh và chết.
Sau khi chứng đạt được,
Sự an tịnh tối thượng,
Tự ngã được tu tập,
Chỉ còn đợi thời gian.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXVIII) (Tik. III, 9) (It. 69)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, các chúng sanh tùy theo giới, giao thân chung dòng với các chúng sanh. Hạng chúng sanh hướng hạ giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng hạ. Các chúng sanh hướng thượng giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng thượng.
Này các Tỷ-kheo, trong thời gian quá khứ, các chúng sanh tùy theo giới đã giao thân, chung dòng với các chúng sanh. Hạng chúng sanh hướng hạ đã giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng hạ. Hạng chúng sanh hướng thượng đã giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng thượng.
Này các Tỷ-kheo, trong thời tương lai, các chúng sanh tùy theo giới, sẽ giao thân, sẽ chung dòng với các chúng sanh. Hạng chúng sanh hướng hạ sẽ giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng hạ. Hạng chúng sanh hướng thượng sẽ giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng thượng.
Này các Tỷ-kheo, hiện nay cũng vậy, trong thời hiện tại, các chúng sanh tùy theo giới, giao thân chung dòng với các chúng sanh. Hạng chúng sanh hướng hạ giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng hạ. Hạng chúng sanh hướng thượng giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng thượng.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Rừng dục được sanh lên,
Chính do sự cộng trú,
Rừng dục được chặt đứt,
Chính nhờ không cộng trú,
Như leo tấm gỗ nhỏ,
Bị chìm dưới sông lớn,
Cũng vậy, nếu đi đến
Với kẻ lười, biếng nhác,
Bậc sống đời tốt lành,
Rồi cũng bị chìm luôn.
Do vậy hãy tránh xa,
Kẻ lười không tinh tấn,
Hãy chung sống cộng trú,
Với bậc Thánh viễn ly,
Với những bậc tinh cần
Sống trong cảnh thiền định,
Với những vị thường xuyên,
Siêng năng và cần mẫn.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXIX) (Tik. III, 10) (It. 71)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này đưa đến tổn giảm cho Tỷ-kheo hữu học. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hữu học ưa thích công việc, thích thú công việc, đam mê ưa thích công việc; ưa thích nói chuyện, thích thú nói chuyện, đam mê ưa thích nói chuyện; ưa thích nằm ngủ, thích thú nằm ngủ, đam mê ưa thích nằm ngủ. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này đưa đến sự tổn giảm cho Tỷ-kheo hữu học.
Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này không đưa đến tổn giảm cho Tỷ-kheo hữu học. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hữu học không ưa thích công việc, không thích thú công việc, không đam mê ưa thích công việc; không ưa thích nói chuyện, không thích thú nói chuyện, không đam mê ưa thích nói chuyện; không ưa thích nằm ngủ, không thích thú nằm ngủ, không đam mê ưa thích nằm ngủ. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này không đưa đến tổn giảm cho Tỷ-kheo hữu học.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Tỷ-kheo thích công việc,
Thích thú trong nói chuyện,
Và ưa thích nằm ngủ,
Sống dao động trạo cử;
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Không thể nào chứng ngộ,
Chứng Bồ-đề tối thượng,
Do vậy, đối vị ấy,
Cần phải ít công việc,
Phải ít sự nằm ngủ,
Không được có tháo động,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Mới có thể chứng được,
Chứng tối thượng Bồ-đề.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
Phẩm IV
(LXXX) (Tik. IV, 1) (It. 72)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba tầm tư bất thiện này. Thế nào là ba? Tầm tư liên hệ đến tự đề cao mình; tầm tư liên hệ đến lợi dưỡng, cung kính, danh vọng; tầm tư liên hệ đến lo lắng cho người khác. Này các Tỷ-kheo, có ba tầm tư bất thiện này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai có sự liên hệ,
Tự đề cao chính mình,
Liên hệ đến lợi dưỡng
Cung kính và tôn trọng,
Ai ưa thích, vui thích,
Làm thân, làm bạn hữu,
Những vị ấy đứng xa
Diệt tận các kiết sử.
Ai từ bỏ con cái,
Từ bỏ các loài vật,
Từ bỏ các lễ cưới
Bỏ cất chứa tài sản
Tỷ-kheo ấy có thể,
Chứng Bồ-đề vô thượng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(LXXXI) (Tik. IV, 2) (It. 73)
Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh bị cung kính chinh phục, bị tâm cung kính xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh bị không cung kính chinh phục, tâm bị không cung kính xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh khi tâm bị chinh phục, bị xâm chiếm bởi cả hai cung kính và không cung kính, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỷ-kheo, sau khi không nghe một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác nói lên, Ta nói lên lời nói này: “Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh, bị cung kính chinh phục, tâm bị cung kính xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh, khi bị không cung kính chinh phục, tâm bị không cung kính xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh khi bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm bởi cả hai cung kính và không cung kính, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục”.
Và này các Tỷ-kheo, vì rằng Ta tự mình biết, tự mình thấy, tự mình tìm ra nên Ta tuyên bố rằng: “Này các Tỷ-kheo, ta đã thấy các chúng sanh, khi bị cung kính chinh phục, tâm bị cung kính xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh, khi bị không cung kính chinh phục, tâm bị không cung kính xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh, khi bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm bởi cả hai cung kính và không cung kính, sau khi thân hoại mạng chung bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục”.
Ai khi được cung kính,
Khi không được cung kính,
Trong cả hai trường hợp,
Tâm định không lay chuyển.
Sống hạnh không phóng dật,
Tâm thường nhập thiền tư,
Với tâm tưởng tế nhị,
Chánh quán các sở kiến,
Ưa thích chấp thủ diệt,
Ðược gọi bậc chân nhân.
(LXXXII) (Tik. IV, 3) (It. 75)
Này các Tỷ-kheo, giữa chư Thiên, có ba tiếng chư Thiên này thỉnh thoảng được vang lên, tuỳ thời được khởi lên. Thế nào là ba?
Này các Tỷ-kheo, khi nào bậc Thánh đệ tử cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, nghĩ đến xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, tiếng chư Thiên được vang lên: “Vị Thánh đệ tử này nghĩ đến chiến đấu với Ác ma”. Này các Tỷ-kheo, đây là tiếng chư Thiên thứ nhất, thỉnh thoảng được vang lên giữa chư Thiên, tùy thời được khởi lên.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi nào bậc Thánh đệ tử sống chuyên tâm tu tập về Bảy Bồ-đề phần; trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, tiếng chư Thiên được vang lên: “Vị Thánh đệ tử này chiến đấu với Ác ma”. Này các Tỷ-kheo, đây là tiếng chư Thiên thứ hai, thỉnh thoảng được vang lên giữa chư Thiên, tùy thời được khởi lên.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi nào bậc Thánh đệ tử, với sự diệt tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, tiếng chư Thiên vang lên: “Vị Thánh đệ tử này đã chiến thắng trong chiến trận. Ðứng đầu trong chiến trận, sau khi chiến thắng, vị ấy an trú”. Này các Tỷ-kheo, đây là tiếng chư Thiên thứ ba, thỉnh thoảng được vang lên giữa chư Thiên, tùy thời được khởi lên.
Này các Tỷ-kheo, giữa chư Thiên có tiếng chư Thiên này, thỉnh thoảng được vang lên, tuỳ thời được khởi lên.
Thấy đệ tử chánh giác
Chiến thắng trong chiến trận,
Chư Thiên cũng đảnh lễ,
Bậc vĩ đại như vậy,
Bậc trí tuệ chín muồi.
Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Người được luyện thuần thục,
Vì Ngài đã chiến thắng,
Trận đánh rất khó thắng.
Ngài đã chiến thắng được
Quân đội của thần chết,
Không còn trở ngại gì,
Nhờ giải thoát của Ngài.
Như vậy các Thiên nhân,
Ðảnh lễ vị như vậy,
Vị đạt được mục đích,
Chắc chắn các Thiên nhân,
Ðảnh lễ trong vị ấy,
Pháp gì giúp thoát được,
Khỏi thần chết chi phối.
(LXXXIII) (Tik. IV, 4) (It. 76)
Này các Tỷ-kheo, khi nào một Thiên nhân mệnh chung từ bỏ thân chư Thiên, có năm tướng xuất hiện ra trước: “Các vòng hoa héo úa, áo quần bị uế nhiễm, mồ hôi chảy ra từ nách, thân sắc trở thành xấu xí, Thiên nhân không hoan hỷ tại chỗ ngồi chư Thiên”. Này các Tỷ-kheo, chư Thiên sau khi biết Thiên tử này mệnh chung, nói ba lời để cổ vũ: “Từ đây, Hiền giả hãy đi đến cõi lành! Sau khi đi đến cõi lành, hãy nhận được những gì khéo nhận được. Sau khi nhận được những gì khéo nhận, hãy khéo an trú”.
Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, thế nào được gọi là đi đến cõi lành của chư Thiên? Bạch Thế Tôn, thế nào được gọi là nhận được những gì khéo nhận được của chư Thiên? Bạch Thế Tôn, thế nào được gọi là khéo an trú của chư Thiên?
– Này các Tỷ-kheo, được địa vị làm người được gọi là đi đến cõi lành của chư Thiên. Khi được địa vị làm người, được lòng tin trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, này các Tỷ-kheo, đây được gọi là nhận được những gì khéo nhận được của chư Thiên. Khi lòng tin được nhập vào, được an trú thành gốc rễ, kiên trì, không bị làm tan nát bởi Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên nhân, Ác ma, Phạm thiên hay bất cứ ai ở đời thì được gọi là khéo an trú của chư Thiên.
Khi nào vị Thiên nhân,
Từ bỏ thân chư Thiên,
Vì thọ mạng đã hết,
Ba tiếng được thốt lên,
Do chư Thiên an ủi,
Cổ vũ khiến hoan hỷ.
Từ đây, này Hiền giả,
Hãy đi đến cõi lành,
Cộng trú với loài Người.
Khi đã được làm người,
Trong Chánh pháp vi diệu,
Hãy lấy được lòng tin,
Lòng tin ấy vô thượng.
Hiền giả hãy thâm nhập,
Vào trong lòng tin ấy,
An trú thành gốc rễ,
Cho đến trọn sanh mạng,
Không bị làm tan nát,
Trong điệu pháp khéo giảng.
Từ bỏ thân làm ác,
Từ bỏ lời nói ác,
Từ bỏ ý nghĩ ác,
Và mọi hành động khác,
Ðược xem là thuộc ác.
Thân làm các hạnh lành,
Làm nhiều lời nói lành,
Sau khi ý nghĩ lành,
Vô lượng, không sanh y.
Rồi làm các công đức
Cho sanh y đời sau
Làm xong nhiều công đức
Với bố thí rộng rãi,
Rồi an trú người khác,
Bị tử vong chi phối,
Trong đời sống Phạm hạnh,
Trong Chánh pháp vi diệu.
Với lòng từ mẫn này,
Chư Thiên khi biết được.
Một Thiên nhân mệnh chung,
Liền nói lời cổ vũ.
Thiên nhân hãy đến đây,
Hãy đến lại nhiều lần.
(LXXXIV) (Tik. IV, 5) (It. 78)
Có ba hạng người này xuất hiện ở đời, xuất hiện đem lại hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người thứ nhất xuất hiện ở đời, xuất hiện đem lại hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc, cho chư Thiên và loài Người.
Lại nữa này các Tỷ-kheo, đệ tử của bậc Ðạo Sư ấy, bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích của mình đã đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận, đã giải thoát nhờ chánh trí. Vị ấy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người thứ hai xuất hiện ở đời, xuất hiện đem đến hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đệ tử bậc Ðạo Sư ấy là bậc hữu học, đang đi trên con đường, vị nghe nhiều, giới cấm được gìn giữ. Vị ấy cũng thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người thứ ba xuất hiện ở đời, xuất hiện đem đến hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Này các Tỷ-kheo, có ba hạng người xuất hiện ở đời, xuất hiện đem đến hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Bậc Ðạo Sư ở đời,
Ðại ẩn sĩ thứ nhất,
Tiếp nối theo vị ấy
Là đệ tử Ðạo Sư,
Ðã tu tập tự ngã,
Tiếp đến bậc hữu học,
Ðang đi trên con đường,
Bậc nghe nhiều học nhiều,
Bậc giới cấm đầy đủ.
Ba vị tối thượng này,
Giữa chư Thiên, loài Người,
Bậc tác thành hào quang,
Bậc tuyên bố Chánh pháp
Mở toang cửa bất tử,
Ðã giúp đỡ nhiều người.
Thoát ly khỏi ách nạn.
Những ai tùy bước theo,
Con đường khéo thuyết giảng,
Bởi bậc Vô Thượng Sĩ,
Bậc cầm đầu lữ hành,
Vị ấy tại đời này,
Chấm dứt mọi khổ đau,
Những vị không phóng dật,
Trong giáo lý Thiện Thệ.
(LXXXV) (Tik. IV, 6) (It. 80)
Này các Tỷ-kheo, hãy sống tuỳ quán bất tịnh trên thân, hãy khéo an trú niệm hơi thở vô hơi thở ra, đặt niệm trước mặt, hướng về nội tâm; hãy sống tùy quán vô thường trong tất cả các hành.
Này các Tỷ-kheo, khi sống tùy quán bất tịnh trên thân tham tùy miên đối với tịnh giới được đoạn trừ; khi khéo an trú niệm hơi thở vô hơi thở ra, đặt niệm trước mặt, hướng về nội tâm, thời các tâm hướng ngoại, dự phần vào tổn hại không có; khi sống tùy quán vô thường trong tất cả hành, thời vô minh trừ diệt, minh được khởi lên.
Quán bất tịnh trên thân,
Niệm thở vô thở ra,
Tịnh chỉ tất cả hành,
Thường nhiệt tâm, chánh kiến,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Ðã thấy rất chơn chánh,
Từ đấy ở nơi đây,
Vị ấy được giải thoát,
Thắng trí được thành tựu,
Lắng dịu thật an tịnh,
Vị ẩn sĩ như vậy,
Chắc vượt khỏi ách nạn.
(LXXXVI) (Tik. IV, 7) (It, 81)
Với vị Tỷ-kheo hành trì tùy pháp đúng pháp, đây là cách thức đúng đắn để giải thoát những chữ: “Thực hành tùy pháp đúng pháp”. Khi vị ấy nói vị ấy nói đúng pháp không phải phi pháp; khi vị ấy suy tư, vị ấy suy tư với suy tư đúng pháp, không phải suy tư phi pháp. Do từ bỏ hai điều ấy, vị ấy trú xả, chánh niệm tỉnh giác.
Thích pháp, hân hoan pháp,
Suy tư trên Chánh pháp,
Tỷ-kheo tùy niệm pháp,
Chánh pháp không tổn giảm,
Khi đi hoặc khi đứng,
Khi ngồi hoặc khi nằm,
Nội tâm được chế ngự
Vị ấy đạt an tịnh.
(LXXXVII) (Tik. IV, 8) (It. 82)
Này các Tỷ-kheo, có ba tầm bất thiện này, tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Thế nào là ba?
Này các Tỷ-kheo, dục tầm tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, sân tầm tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, hại tầm tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, có ba tầm bất thiện này, tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn.
Này các Tỷ-kheo, có ba thiện tầm này, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự vào phần tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Thế nào là ba? An ổn tầm, này các Tỷ-kheo, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần làm tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Vô sân tầm, này các Tỷ-kheo, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Vô hại tầm, này các Tỷ-kheo, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, có ba thiện tầm này, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn.
Hãy suy tư, suy tầm,
Ba tầm thuộc chánh thiện,
Ðối ba tư duy ác,
Hãy từ bỏ, lánh xa.
Vị ấy chăc chế ngự,
Hành tướng các tư duy,
Như cơn mưa dẹp sạch,
Các bụi bậm chất chứa.
Vị ấy thật chắc chắn
An tịnh tầm với tâm.
Ở đây vị ấy đạt,
Con đường an tịnh đạo.
(LXXXVIII) (Tik. IV, 9) (It. 83)
Này các Tỷ-kheo, có ba nội uế, nội thù này, nội đối thủ, nội sát nhân, nội thù địch này. Thế nào là ba?
Tham, này các Tỷ-kheo, là nội uế, nội thù, nội đối thủ, nội sát thủ, nội sát nhân, nội thù địch. Sân, này các Tỷ-kheo, là nội uế, nội thù, nội đối thủ, nội sát nhân, nội thù địch. Si, này các Tỷ-kheo, là nội uế, nội thù, nội đối thủ, nội sát nhân, nội thù địch. Này các Tỷ-kheo, có ba nội uế, nội thù, nội đối thủ, nội sát nhân, nội thù địch này.
Tham sanh ra bất hạnh,
Tham làm tâm dao động,
Tham chính là sợ hãi,
Sanh ra từ bên trong,
Loài Người không rõ biết
Loại tham đặc biệt ấy.
Người tham không biết rõ
Ðâu chính là lợi ích,
Người tham không thấy được
Ðâu chính là Chánh pháp.
Mù lòa và tối tăm,
Sẽ xuất hiện, có mặt,
Ở nơi một người nào,
Có tham cùng chung sống.
Ai đoạn trừ được tham,
Không tham vật đáng tham,
Với ai tham đoạn trừ
Như giọt nước lá sen.
Sân sanh ra bất hạnh,
Sân làm tâm dao động.
Sân chính là sợ hãi,
Sanh ra từ bên trong
Loài Người không rõ biết,
Lòng sân đặc biệt ấy.
Người sân không biết rõ
Ðâu chính là lợi ích,
Người sân không thấy được
Ðâu chính là Chánh pháp,
Mù lòa và tối tăm,
Sẽ xuất hiện, có mặt,
Ở nơi sân người nào,
Có sân cùng chung sống.
Ai đoạn trừ được sân,
Không sân việc đáng sân,
Với ai, sân đoạn trừ,
Như quả cây ta-la
Ðược chặt đứt khỏi cành.
Si sanh ra bất hạnh,
Si làm tâm dao động,
Si chính là sợ hãi,
Sanh ra từ bên trong,
Loài Người không rõ biết
Lòng si đặc biệt ấy
Người si không rõ biết
Ðâu chính là lợi ích,
Người si không thấy được
Ðâu chính là Chánh pháp,
Mù lòa và tối tăm
Sẽ xuất hiện, có mặt,
Ở nơi một người nào,
Có si cùng chung sống.
Ai đoạn trừ được si,
Không si việc đáng si,
Vị ấy quét sạch được
Tất cả mọi si ám,
Như mặt trời mọc lên,
Quét sạch mọi tăm tối.
(LXXXIX) (Tik. IV, 10) (It. 85)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, bị chinh phục bởi ba phi diệu pháp, với tâm bị chúng xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, bị rơi vào địa ngục, trú cả kiếp ở đây, không thể cứu chữa. Thế nào là ba? Bị chinh phục bởi ác dục tâm bị ác dục xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đoạ xứ, bị rơi vào địa ngục, trú cả kiếp ở đấy, không thể cứu chữa. Bị chinh phục bởi ác bằng hữu, với tâm bị ác bằng hữu xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, bị rơi vào địa ngục, trú cả kiếp ở đấy, không thể cứu chữa. Dầu cho còn có những thượng pháp cần phải làm, do đạt được những chứng đắc đặc biệt, nhưng chỉ có giá trị tầm thường, Devadatta đã dừng lại giữa đường. Này các Tỷ-kheo, bị chinh phục bởi ba phi diệu pháp này, với tâm bị chúng xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, bị rơi vào địa ngục, trú cả kiếp ở đấy, không thể cứu chữa.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Người khởi lên ác dục,
Không được sanh đời này,
Hãy biết nhờ điểm này,
Sanh thú người ác dục.
Ta được nghe như sau
Về Ðề-va-đát-ta:
Ðược biết là Hiền trí,
Ðược nhận có tự ngã,
Ðã đứng, được chói sáng,
Chói sáng với danh vọng.
Tự xem mình bằng Ngài
Ðã chống lại Như Lai,
Do vậy, bị rơi vào,
Cõi địa ngục A-tỳ,
Với bốn cửa đóng chặt,
Ðầy đủ những sợ hãi.
Chắc chắn ai xâm phạm,
Vị không có ác tâm,
Vị không làm điều ác,
Phải cảm xúc ác ấy,
Vì tâm bị uế nhiễm,
Không có biết tôn trọng.
Ai nghĩ làm ô nhiễm,
Toàn cả bể đại dương,
Với các ghè đựng đầy,
Ðầy cả với thuốc độc.
Không thể ô nhiễm được,
Vì đại dương quá lớn.
Cũng vậy đối với Như Lai,
Ai lấy lời làm hại,
Vị đường đi chơn chánh,
Vị có tâm an tịnh,
Lời nói không dùng tới,
Bậc chứng ngộ như vậy.
Bậc trí cần làm bạn
Với một người như vậy,
Cần phải gần thân cận,
Với người được như vậy,
Tỷ-kheo cùng đi theo,
Một tuyến đường người ấy,
Vị ấy sẽ đạt đến,
Sự đoạn diệt khổ đau.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
Phẩm V
(XC) (Tik. V, 1) (It. 87)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba tín thành tối thượng này. Thế nào là ba?
Này các Tỷ-kheo, so sánh các chúng sanh, không chân, hai chân, bốn chân hay nhiều chân, có sắc hay không có sắc, có tưởng, không có tưởng, hay không có tưởng không không có tưởng. Như Lai được xem là tối thượng đối với chúng, tức là bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác. Này các Tỷ-kheo, những ai có lòng tin thành với đức Phật, những vị ấy có lòng tín thành nơi tối thượng. Với những ai có lòng tín thành nơi tối thượng, quả dị thục là quả tối thượng.
Này các Tỷ-kheo, so sánh các pháp hữu vi hay vô vi, ly tham được xem là tối thượng đối với họ, tức là kiêu mạn bị nhiếp phục, khát ái bị chế ngự, chấp nhận được nhổ lên, lưu chuyển bị cắt đứt, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, những ai có lòng tín thành nơi ly tham, những vị ấy có lòng tín thành nơi tối thượng; với những ai có lòng tin nơi tối thượng, quả dị thục là quả tối thượng.
Này các Tỷ-kheo, so sánh Tăng chúng hay hội chúng, Tăng chúng đệ tử của Như Lai được xem là tối thượng, tức là bốn đôi, tám vị. Chúng đệ tử này của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Này các Tỷ-kheo, những ai có lòng tín thành nơi Tăng chúng, những vị ấy có lòng tín thành nơi tối thượng. Với những ai có lòng tín thành nơi tối thượng, này các Tỷ-kheo có ba quả dị thục là quả tối thượng.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây điều này được nói đến.
Những ai có lòng tin,
Lòng tín nơi tối thượng,
Chính là sự rõ biết,
Biết Chánh pháp tối thượng.
Những ai có lòng tin,
Nơi đức Phật tối thượng,
Bậc Vô thượng xứng đáng,
Xứng đáng được cúng dường.
Những ai có lòng tin,
Nơi Chánh pháp tối thượng,
Những pháp rời bỏ tham,
An tịnh, thật tịnh lạc.
Những ai có lòng tin,
Nơi Tăng chúng tối thượng.
Những ruộng phước công đức,
Vô thượng không gì hơn.
Những ai đã bố thí,
Với đối tượng tối thượng,
Công đức được tăng trưởng,
Tăng trưởng đến tối thượng.
Thọ mạng được tối thượng,
Dung sắc cũng tối thượng,
Danh vọng, tiếng đồn tốt,
An lạc và sức mạnh.
Bậc trí có bố thí,
Bố thí vị tối thượng,
Vị định tĩnh, thiền định,
Trong Chánh pháp tối thượng,
Chư Thiên hay loài Người,
Ðạt được sự tối thượng,
Họ sung sướng hân hoan.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XCI) (Tik. V, 2) (It. 89)
Này các Tỷ-kheo, nghĩa này là nghề tận cùng trong các nghề nuôi sống, tức là đi bát khất thực; Này các Tỷ-kheo, danh từ nhiếc mắng ở trong đời là nói rằng: “Ông là kẻ đi bát, với bát cầm tay, ông đi khắp mọi nơi”. Tuy vậy chính nghề nuôi sống này được các thiện gia nam tử chấp nhận, những người sống vì lý tưởng, vì duyên sống với lý tưởng, không bị thúc đẩy làm nghề ấy vì sợ vua, vì sợ ăn trộm, vì mắc nợ, vì sợ hãi, không phải vì mất nghề nuôi sống; nhưng vì nghĩ rằng: “Nay ta bị rơi vào sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị khổ tràn đầy, bị khổ chinh phục. Rất có thể, một số phương pháp chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này có thể trình bày”.
Này các Tỷ-kheo, thiện nam tử này xuất gia như vậy, tham ái trong các dục, với lòng tham sắc xảo, với tâm sân hận, ý tư duy nhiễm ác, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, với các căn hoang dại. Này các Tỷ-kheo, như một que lửa lấy từ chỗ thiêu xác, cả hai đầu đều cháy đỏ, ở giữa lại lắm phân, không hoàn thành được mục đích làm que củi ở trong làng hay ở trong rừng. Này các Tỷ-kheo, Ta nói người này như ví dụ như vậy, dầu cho bỏ tài sản gia đình nhưng không làm viên mãn mục đích Sa-môn hạnh.
Tài sản ở gia đình,
Ðược đoạn tận từ bỏ,
Nhưng khó dự phần được,
Mục đích Sa-môn hạnh,
Tự đưa đến tổn hại,
Và đưa đến tán loạn,
Giống que lửa thiêu xác,
Ði đến chỗ hoại vong.
Tốt hơn nuốt hòn sắt,
Chảy đỏ, một cục lửa,
Nếu kẻ hành ác giới,
Ăn đồ ăn quốc độ,
Không biết có chế ngự.
(XCII) (Tik. V, 3) (It. 90)
Này các Tỷ-kheo, nếu một Tỷ-kheo nắm lấy viền áo Tăng-già lê đi theo sau lưng Ta, chân bước theo chân, nhưng vị ấy có tham ái trong các dục, với lòng sắc xảo, với tâm sân hận, ý tư duy nhiễm ác, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, với các căn hoang dại, vị ấy xa hẳn Ta và Ta xa vị ấy. Vì cớ sao?
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy không thấy Pháp. Do không thấy Pháp nên không thấy Ta. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống xa đến một trăm do-tuần và vị ấy không có tham ái trong các dục, với lòng tham không sắc xảo, tâm không sân hận, ý tư duy không nhiễm ác, chánh niệm tỉnh giác, định tĩnh nhất tâm, các căn được chế ngự, vị ấy gần hẳn Ta và Ta gần vị ấy. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy thấy Pháp. Do thấy Pháp nên thấy Ta.
Nếu có thể bước theo,
Nhưng nhiều dục bực phiền.
Hãy xem người như vậy,
Thật là xa, rất xa,
Xa giữa người ái dục
Và người không ái dục,
Xa giữa người lắng dịu
Và người không lắng dịu,
Xa giữa người tham ái
Và người đã trừ ái.
Sau khi thắng tri Pháp,
Bậc Hiền trí biết Pháp,
Như ao không gió thổi,
Không dao động, tịnh chỉ.
Hãy xem người như vậy,
Thật là gần, rất gần,
Gần giữa người không ái,
Và người không có ái,
Gần giữa người lắng dịu,
Và người được lắng dịu,
Gần giữa người không tham,
Và người trừ tham ái.
(XCIII) (Tik. V, 4) (It. 92)
Này các Tỷ-kheo, có ba loại lửa này. Thế nào là ba? Lửa tham, lửa sân, lửa si. Này các Tỷ-kheo, có ba loại lửa này.
Lửa tham đốt cháy người,
Say mê trong các dục,
Còn lửa sân đốt cháy,
Những người có sân hận,
Những người giết, sát hại,
Các loại có sanh mạng.
Còn lửa si đốt cháy,
Những kẻ bị mê muội,
Những kẻ không tinh luyện,
Trong giáo pháp bậc Thánh,
Do không được biết rõ
Các loại lửa như vậy,
Nên loài Người ưa thích,
Vui thích với có thân.
Họ làm cảnh dịa ngục,
Ðược lớn mạnh tăng trưởng,
Kể cả giới bàng sanh,
Chỗ sanh xứ súc vật,
Cùng với A-tu-la,
Với cảnh giới quỷ đói,
Họ không được thoát khỏi,
Trói buộc của Ác ma.
Nhưng ai ngày và đêm,
Chú tâm vào, chuyên học,
Học những lời giảng dạy,
Bậc Chánh đẳng Chánh giác.
Họ làm cho lắng dịu
Ngọn lửa của lòng tham,
Luôn luôn ý thức được,
Tánh bất tịnh sự vật.
Với lòng thương, từ mẫn,
Những hạng người tối thượng,
Làm lắng dịu, chỉ tịnh,
Ngọn lửa của sân hận.
Còn ngọn lửa si mê,
Với trí tuệ dập tắt,
Trí tuệ này đưa đến
Thể nhập vào chân lý,
Bậc thận trọng sáng suốt,
Ngày đêm làm lắng dịu
Các loại lửa như vậy,
Không có biết mệt mỏi,
Họ làm cho lắng dịu,
Không một chút dư tàn,
Những bậc Thánh đã thấy,
Bậc trí tuệ hiểu biết,
Là những bậc Hiền trí,
Thấy được nhờ chánh trí
Do họ thắng tri được,
Sự diệt tận của sanh,
Nên họ không đi đến,
Sanh đi rồi sanh lại.
(XCIV) (Tik. V, 5) (It. 93)
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào, như thế nào, do quán sát như vậy, thức của vị ấy đối với ngoại trần không có tán loạn, không có tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không chấp thủ, không bị khủng bố, sẽ không có sự sanh khởi, sự tập khởi của khổ về sanh gìa, chết, trong tương lai.
Tỷ-kheo đã đoạn tận,
Cả bảy loại trói buộc,
Ðã chấm dứt sợi dây,
Vòng sanh tử luân chuyển,
Ðã đoạn tận chặn đứng,
Vị ấy không tái sanh.
(XCV) (Tik. V, 6) (It. 94)
Này các Tỷ-kheo, có ba sanh khởi của dục. Thế nào là ba? Dục đối với sự vật hiện tại, sự thích thú đối với sự vật mình tạo ra, sự chấp nhận sự vật do người khác tạo ra. Này các Tỷ-kheo, có ba sanh khởi này của dục.
Những ai có lòng dục,
Ðối sự vật hiện tại,
Và các loại chư Thiên,
Chi phối các sự vật
Do người khác tạo ra,
Chư thiên ưa thích thú,
Ðối sự vật mình tạo,
Cùng các chúng sanh khác,
Thọ dụng các loại dục.
Thái độ người Hiền trí,
Ðối thọ dụng các dục,
Trong đời này đời khác,
Từ bỏ tất cả dục,
Dầu thuộc về chư Thiên
Và dục thuộc loài Người.
Những ai được chặt đứt
Dòng nước khó vượt qua,
Sự say đắm sự vật,
Thân ái và tốt đẹp,
Họ làm cho lắng dịu,
Không có vật dư thừa,
Họ vượt qua đau khổ,
Không còn chút dư tàn,
Những bậc Thánh đã thấy.
Bậc trí tuệ hiểu biết,
Là những bậc Hiền trí,
Thấy được nhờ chánh trí.
Do họ thắng tri được
Sự diệt tận của sanh,
Nên họ không đi đến,
Sanh đi rồi sanh lại.
(XCVI) (Tik. V, 7) (It. 95)
Này các Tỷ-kheo, những ai bị trói buộc bởi trói buộc của dục, những ai bị trói buộc bởi trói buộc của hữu là những bậc đến lại, đi đến lại có mặt ở đây. Những ai chế ngự được sự trói buộc của dục, này các Tỷ-kheo, nhưng còn bị trói buộc bởi trói buộc của hữu, những vị ấy là hạng Bất lai, không trở lui lại có mặt ở đây. Những ai chế ngự được sự trói buộc của dục, chế ngự được sự trói buộc của hữu, những vị ấy là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc.
Những ai bị nhiếp phục,
Bởi trói buộc của dục,
Bởi trói buộc của hữu,
Bởi trói buộc cả hai,
Chúng sanh ấy đi đến,
Luân chuyển trong luân hồi,
Họ đi đến sanh tử.
Những ai đoạn tận dục,
Nhưng chưa đạt thành được,
Sự diệt tận lậu hoặc,
Họ còn bị nhiếp phục,
Bởi trói buộc của hữu,
Họ được gọi Bất lai.
Những ai chặt đứt được,
Mọi nghi hoặc phân vân,
Ðoạn tận được kiêu mạn,
Ðoạn tận được tái sanh,
Chắc chắn trong đời này,
Họ đi đến bờ kia,
Vì họ đã đạt tới,
Sự đoạn diệt lậu hoặc.
(XCVII) (Tik. V,8) (It. 96)
Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo, có giới tốt lành, có pháp tốt lành, có tuệ tốt lành được gọi trong Pháp và Luật này là vị toàn hảo.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là Giới tốt lành? Ở đây này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là vị Tỷ-kheo có giới tốt lành.
Và thế nào là có Pháp tốt lành? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo sống chuyên tâm chuyên chú tu tập Bảy pháp giác chi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là vị có pháp tốt lành. Như vậy là giới tốt lành và pháp tốt lành.
Và thế nào là Tuệ tốt lành? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo do diệt trừ các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là vị Tỷ-kheo có tuệ tốt lành.
Như vậy, một người có giới tốt lành, có pháp tốt lành, có tuệ tốt lành được gọi trong Pháp và Luật là vị toàn hảo.
Ai với thân, với lời,
Với ý, không làm ác,
Vị ấy giới tốt lành,
Ðược gọi là Tỷ-kheo
Có được lòng xấu hổ,
Ai, pháp khéo tu tập,
Những pháp giúp đạt đến,
Chứng được quả Bồ-đề,
Vị ấy pháp tốt lành,
Ðược gọi là Tỷ-kheo
Không có dục trào ra.
Ai quán tri đau khổ,
Ở đây, diệt trừ khổ,
Vị ấy tuệ tốt lành,
Ðược gọi là Tỷ-kheo
Không có các lậu hoặc,
Ðầy đủ những pháp ấy,
Thoát khỏi sự phiền muộn
Chặt đứt mọi nghi ngờ,
Không luyến ái tham đắm
Mọi sự vật ở đời,
Vị ấy được xưng gọi
Vị đoạn tận tất cả.
(XCVIII) (Tik. V, 9) (It. 98)
Này các Tỷ-kheo, có hai loại bố thí: Bố thí tài vật và bố thí Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí tối thượng trong hai loại bố thí này, tức là bố thí Pháp. Này các Tỷ-kheo, có hai sự phân phát này: Phân phát tài vật và phân phát Pháp. Ðây là phân phát tối thượng trong hai loại phân phát này, tức là phân phát Pháp. Này các Tỷ-kheo, có hai loại nhiêu ích này, nhiêu ích tài vật và nhiêu ích Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là nhiêu ích tối thượng trong hai loại nhiêu ích này, tức là nhiêu ích Pháp.
Ðiều được gọi bố thí,
Thù thắng và vô thượng,
Và sự phân phát nào,
Ðược Thế Tôn tán thán,
Với tâm tư tín thành,
Trong ruộng phước tối thượng,
Bậc trí rõ biết vậy,
Ai lại không cúng dường,
Ai làm được cả hai,
Nói lên và lắng nghe,
Với tâm tư tịnh tín,
Trong lời dạy Thiện Thệ,
Lợi ích ấy của họ,
Là tối thắng thanh tịnh,
Những ai không phóng dật,
Trong lời dạy Thiện Thệ.
(XCIX) (Tik. V,10) (It. 98)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng: “Một Bà-la-môn có được ba minh, một cách đúng pháp, không phải người nào khác được gọi vậy chỉ vì người này bập bẹ nói lên”. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Ta tuyên bố rằng một Bà-la-môn có được ba minh một cách đúng pháp, không phải người nào khác được gọi vậy chỉ vì người này bập bẹ nói lên?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nhớ đến người đời quá khứ, ví như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp, nhiều thành hoại kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy, Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Ðây là minh thứ nhất, vị ấy chứng đạt; vô minh diệt, minh sanh; tối tăm diệt, ánh sáng sanh, do vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng. Các vị chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, về lời, về ý, phỉ báng các bậc Thánh theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục. Còn những vị chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, về lời, về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng. Ðây là minh thứ hai vị ấy chứng đạt; vô minh diệt, minh sanh; tối tăm diệt, ánh sáng sanh, do vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do diệt tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Ðây là minh thứ ba, vị ấy chứng đạt, vô minh diệt, minh sanh; tối tăm diệt, ánh sáng sanh, do vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng một Bà-la-môn có được ba minh một cách đúng pháp, không phải người nào khác được gọi vậy chỉ vì người này bập bẹ nói lên.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai biết được đời trước,
Với Thiên giới đọa xứ,
Người ấy, Ta tuyên bố,
Là vị Bà-la-môn,
Chớ không phải ai khác,
Chỉ mở miệng bập bẹ.
Ai biết được đời trước,
Thấy Thiên giới, đọa xứ,
Vị ấy đạt sanh diệt,
Thật là bậc ẩn sĩ,
Ðã thành tựu thắng trí.
Ba minh này thành tựu,
Là Phạm chí ba minh,
Ta gọi vị như vậy,
Chính là bậc Ba minh,
Chớ không phải ai khác,
Do nói lời bập bẹ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
Chương Bốn – Bốn Pháp
(C) (Cat. I) (It. 101)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Ta là Bà-la-môn, người được đến yêu cầu, tay luôn luôn thanh tịnh, mang thân cuối cùng, vô thượng y sĩ chữa trị, y sĩ giải phẫu. Các Thầy thật là con của Ta từ miệng sanh, từ Pháp sanh, từ Pháp tạo thành, thừa tự Pháp, không thừa tự tài vật.
Này các Tỷ-kheo, có hai loại bố thí. Bố thí tài vật và bố thí Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là tối thượng trong hai bố thí này, tức là bố thí Pháp. Này các Tỷ-kheo, có hai loại phân phát này, phân phát tài vật và phân phát Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là tối thượng trong hai phân phát này, tức là phân phát Pháp.
Này các Tỷ-kheo, có hai nhiêu ích này, nhiêu ích tài vật và nhiêu ích Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là tối thượng trong hai nhiêu ích này, tức là nhiêu ích Pháp. Này các Tỷ-kheo, có hai loại tế tự này. Tế tự tài vật và tế tự Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là tối thượng trong hai tế tự này, tức là tế tự Pháp.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai tế tự Chánh pháp,
Tế tự, không xan tham,
Như Lai có lòng từ,
Ðối tất cả sinh vật,
Bậc tối thắng như vậy,
Giữa chư Thiên loài Người,
Chúng sanh kính đảnh lễ,
Vị đã vượt qua được,
Vượt qua dòng sanh hữu,
Ðến được bờ bên kia.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(CI) (Cat. 2) (It. 102)
Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp này ít oi, dễ được và không có phạm lỗi. Thế nào là bốn? Trong các loại y, này các Tỷ-kheo, y phấn tảo lượm từ đống rác là ít oi, dễ được và không phạm lỗi. Trong các loại, để ăn, này các Tỷ-kheo, đi khất thực từng miếng là ít oi, dễ được và không có phạm lỗi. Trong các sàng tọa, này các Tỷ-kheo, gốc cây là ít oi, dễ được và không có phạm lỗi. Trong các loại dược phẩm, này các Tỷ-kheo, nước tiểu hôi là ít oi, dễ được, không có phạm lỗi. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ít oi, dễ được, không có phạm lỗi nào. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo biết đủ, với các loại ít oi, dễ được này, Ta tuyên bố rằng đây là một chi phần Sa-môn hạnh của vị ấy.
Biết đủ với sự vật,
Ít oi, dễ tìm được,
Lại không có phạm tội,
Tâm không bị phiền nhiễu,
Về vấn đề sàng tọa,
Y áo và ăn uống;
Tâm không bị lo lắng,
Về phương hướng phải đi,
Các pháp được tuyên bố,
Thuận lợi Sa-môn hạnh,
Họ được có đầy đủ,
Với Tỷ-kheo biết đủ,
Với vị không phóng dật.
(CII) (Cat. 3) (It. 103)
Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy. Và này các Tỷ-kheo, cho người biết gì, cho người thấy gì là sự diệt tận các lậu hoặc?
Này các Tỷ-kheo, cho người biết, cho người thấy rằng: “Ðây là Khổ “, là sự diệt tận các lậu hoặc. Này các Tỷ-kheo, cho người biết, cho người thấy rằng: “Ðây là Khổ tập “, là sự diệt tận các lậu hoặc. Này các Tỷ-kheo, cho người biết, cho người thấy rằng: “Ðây là khổ diệt ” Là sự diệt tận các lậu hoặc. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cho người biết, cho người thấy, “Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt “. là sự diệt tận các lậu hoặc. Như vậy này các Tỷ Kheo cho người biết cho người thấy là sự diệt tận các lậu hoặc.
Vị hữu học học tập,
Hành trì đường chánh trực,
Trong diệt tận ác pháp,
Là trí bậc thứ nhất,
Tiếp đến là chánh trí,
Chánh trí này vô thượng,
Tiếp theo chánh trí ấy,
Chính là sự giải thoát,
Giải thoát trí vô thượng,
Trong diệt tận, trí khôn,
Với các loại, kiết sử,
Ðược đoạn tận ở đây,
Không phải kẻ biếng nhác,
Kẻ ngu, không biết gì,
Có thể chứng ngộ được
Niết-bàn vô thượng này,
Sự giải thoát hoàn toàn,
Tất cả mọi trói buộc.
(CIII) (Cat. 4) (It. 104)
Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không như thật quán tri: “Ðây là Khổ”, không như thật quán tri: “Ðây là Khổ tập”, không như thật quán tri: “Ðây là Khổ diệt”, không như thật quán tri: “Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt”. Những Sa-môn, Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, không được Ta chấp nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, hay là Bà-la-môn trong các Bà-la-môn. Và các vị Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại cũng không tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn hạnh hay mục đích Bà-la-môn hạnh.
Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật quán tri: “Ðây là Khổ”, như thật quán tri: “Ðây là Khổ tập”, như thật quán tri: “Ðây là Khổ diệt”, như thật quán tri: “Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt”, thời này các Tỷ-kheo, các Sa-môn hay Bà-la-môn ấy được Ta chấp nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, hay Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn. Và các vị Tôn giả ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn hạnh hay mục đích Bà-la-môn hạnh.
Những ai không quán tri,
Khổ và khổ hiện hữu,
Ở đấy, khổ hoàn toàn,
Ðược đoạn tận, không dư,
Và không biết đường ấy,
Ðưa đến chỉ tịnh khổ,
Những vị ấy không có
Tâm và tuệ giải thoát,
Họ không thể chấm dứt,
Phải đi đến sanh già.
Những vị nào quán tri,
Khổ và khổ tập khởi,
Ở đấy, khổ hoàn toàn,
Ðược đoạn tận, không dư;
Rõ biết con đường ấy,
Ðưa đến chỉ tịnh khổ,
Tâm giải thoát thành tựu,
Và cả tuệ giải thoát,
Họ có thể chấm dứt,
Không đi đến sanh già.
(CIV) (Cat. 5) (It. 106)
Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ, đầy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến, những vị giáo giới, những vị giảng dạy, những vị tuyên bố, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, những bậc xứng đáng thuyết minh diệu pháp, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ thấy các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các Tỷ-kheo ấy; này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ nghe các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các Tỷ-kheo ấy; này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ đi đến yết kiến các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các Tỷ-kheo ấy; này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ thân cận các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các Tỷ-kheo ấy; này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ nhớ nghĩ đến các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các Tỷ-kheo ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ tùy theo các vị như vậy xuất gia là lợi ích nhiều cho các Tỷ-kheo ấy. Vì cớ sao?
Này các Tỷ-kheo, khi phục vụ, chia sẻ, thân cận những Tỷ-kheo như vậy, thời giới uẩn chưa được đầy đủ đi đến được tu tập đầy đủ, định uẩn chưa được đầy đủ đi đến được tu tập đầy đủ, tuệ uẩn chưa được đầy đủ đi đến tu tập đầy đủ, giải thoát uẩn chưa được đầy đủ, đi đến được tu tập đầy đủ, giải thoát tri kiến uẩn chưa được đầy đủ đi đến được tu tập đầy đủ. Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo như vậy được gọi là những bậc Ðạo sư, được gọi là những người cầm đầu đoàn lữ hành, được gọi là những vị đã từ bỏ những nguyên nhân tác hại, được gọi là những vị quét sạch tối tăm, được gọi là những vị tác thành minh, được gọi là những vị tác thành quang; được gọi là những vị tác thành ánh sáng, được gọi là những vị cầm bó đuốc, được gọi là những vị phóng quang, được gọi là những bậc Thánh, được gọi là những người có mắt.
Ðây là căn cứ địa
Những vị phóng hào quang,
Chính nhờ hiểu biết vậy,
Tức là, đối tự ngã,
Những vị có tu tập,
Là những bậc Hiền Thánh,
Sống đúng theo Chánh pháp,
Họ chói sáng diệu pháp,
Họ nói lên diệu pháp,
Họ phóng được hào quang
Là những bậc có trí,
Tác thành ra ánh sáng,
Họ là người có mắt,
Họ từ bỏ nguyên nhân
Tạo ra điều tác hại,
Bậc trí với chánh trí,
Nghe lời dạy vị ấy,
Do thắng tri sanh diệt,
Không đi đến tái sanh.
(CV) (Cat. 6) (It. 109)
Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sanh khởi này của ái, ở đây ái sanh khởi lên cho Tỷ-kheo. Thế nào là bốn? Do nhân y áo, này các Tỷ-kheo, ái sanh khởi cho Tỷ-kheo. Do nhân đồ ăn khất thực, này các Tỷ-kheo, ái khởi sanh cho Tỷ-kheo. Do nhân sàng tọa, này các Tỷ-kheo, ái khởi sanh cho Tỷ-kheo. Do nhân sanh hữu, không sanh hữu, này các Tỷ-kheo, ái sanh khởi cho Tỷ-kheo. Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sanh khởi này của ái. Ở đây, ái sanh khởi lên cho Tỷ-kheo.
Người có ái làm bạn,
Bị luân hồi dài dài,
Nó không vượt luân hồi,
Ðời này qua đời khác.
Do biết nguy hại vậy,
Ái tác thành ra khổ,
Không còn có khát ái,
Không còn có chấp trước,
Vị Tỷ-kheo chánh niệm
Du hành khắp đó đây.
(CVI) (Cat. 7) (It. 109)
Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường.
Phạm thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Các đạo sư thời xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Ðáng được cúng dường, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỷ-kheo, là mẹ cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời.
Mẹ cha gọi Phạm thiên,
Bậc Ðạo Sư thời trước,
Xứng đáng để con cháu,
Nuôi dưỡng và cúng dường.
Do vậy, bậc hiền triết,
Ðảnh lễ và tôn trọng,
Dâng đồ ăn đồ uống,
Vải mặc và giường nằm,
Thoa bóp cả thân mình,
Tắm rửa cả chân tay,
Với sở hành như vậy,
Ðối với mẹ và cha,
Ðời này người hiền khen,
Dời sau hưởng Thiên lạc.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(CVII) (Cat. 8) (It. 111)
Này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn gia chủ rất có lợi ích cho các Thầy, chính họ đã sắp đặt y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh cho các Thầy. Này các Tỷ-kheo, các Thầy cũng rất có lợi ích cho các người Bà-la-môn gia chủ, vì các Thầy thuyết pháp cho họ, pháp ấy sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa có văn, nói lên Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh này được sống, do tương duyên với nhau, với mục đích vượt qua dòng nước mạnh, đoạn tận khổ đau.
Có nhà và không nhà,
Cả hai nương tựa nhau,
Chứng đạt được diệu pháp,
Ách an ổn, vô thượng,
Từ các vị có nhà,
Vị không nhà nhận được
Y áo, các vật dụng,
Giường nằm và chỗ ngồi,
Nhờ vậy tránh khỏi được,
Các nguy hiểm nhọc nhằn.
Các vị trú gia đình,
Ước mong mến gia đình,
Nương tựa bậc Thiện Thệ,
Lòng tin bậc Ứng Cúng,
Lòng tin Thánh trí tuệ,
Họ tu tập thiền định,
Ở đây, hành trì pháp,
Con đường đến cõi lành,
Hân hoan trong thiên giới,
Họ sống được hoan hỷ,
Như điều họ mong muốn.
(CVIII) (Cat. 9) It. 112)
Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào lừa đảo ngoan cố, lắm mồm, lắm miệng, buông thả hỗn hào vô lễ không định tỉnh, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy không phải đệ tử của Ta; này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy rơi khỏi Pháp và Luật này; và này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy không đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, tăng rộng trong Pháp và Luật này. Và này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo nào không lừa đảo, không lắm mồm, lắm miệng, nghiêm trang, không ngoan cố, khéo định tĩnh; này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy là đệ tử của Ta; này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy không rơi khỏi Pháp và Luật này; và này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, tăng rộng trong Pháp và Luật này.
Lừa đảo và ngoan cố,
Lắm mồm và buông thả,
Hỗn hào không định tĩnh,
Những hạng người như vậy,
Không lớn mạnh trong Pháp,
Ðược bậc Chánh giác giảng.
Không lừa đảo lắm mồm,
Nghiêm trang và bình tĩnh
Không ngoan cố, khéo định,
Họ lớn mạnh trong Pháp,
Ðược bậc Chánh giác giảng.
(CIX) (Cat. 10) (It. 113)
Này các Tỷ-kheo, ví như có người bị dòng sông cuốn trôi, dòng sông đẹp đẽ, dễ thương. Có người có mắt, đứng trên bờ thấy người ấy, nói rằng: “Này người kia, tuy người bị cuốn trôi bởi dòng sông đẹp đẽ dễ thương nhưng ở dưới kia có một cái hồ, đầy sóng và nước xoáy, đầy cá sấu và quỷ Dạ-xoa; nếu Ông đến chỗ ấy, Ông sẽ bị chết, hay đau khổ gần như chết. Rồi người ấy, sau khi nghe tiếng của người kia, liền với tay và với chân, bơi ngược dòng”.
Này các Tỷ-kheo, Ta ví dụ này là để giải thích ý nghĩa. Ở đây, ý nghĩa là như sau: “Dòng sông, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với ái. Sắc khả ái dễ thương, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu nội xứ. Cái hồ ở dưới, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm hạ phần kiết sử. Sóng, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với phẫn nộ, ưu não. Nước xoáy, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm dục tăng trưởng. Cá sấu, với quỷ Dạ-xoa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với đàn bà; ngược dòng, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa xuất ly. Tinh tấn với tay với chân là đồng nghĩa với tinh cần tinh tấn. Người có mắt đứng trên bờ, này các Tỷ-kheo, là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác”.
Cùng với sự đau khổ,
Hãy từ bỏ các dục,
Mong cầu trong tương lai,
An ổn khỏi khổ ách,
Chơn chánh hiểu biết rõ,
Tâm khéo được giải thoát,
Tại đấy, ở tại đấy,
Cảm xúc được giải thoát,
Vị ấy đạt hiểu biết,
Phạm hạnh được thành tựu,
Ðến tận cùng thế giới,
Ðến được bờ bên kia.
Vị ấy được gọi vậy.
(CX) (Cat. 11) (It. 115)
Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đi khởi lên dục tầm, sân tầm hay hại tầm, nếu Tỷ-kheo chấp nhận không có từ bỏ, không có tẩy sạch, không có chấm dứt, không đi đến, không hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đang đi có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người không có nhiệt tình, không có sợ hãi, liên tục thường hằng biếng nhác, tinh tấn hạ liệt.
Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đứng…. khi đang ngồi… khi đang nằm thức khởi lên dục tầm, hay sân tầm, hay hại tầm. Nếu Tỷ-kheo chấp nhận, không có từ bỏ, không có tẩy sạch, không có chấm dứt, không đi đến, không hiện hữu, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang nằm thức có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là vị không có nhiệt tình, không có sợ hãi, liên tục thường hằng biếng nhác, tinh tấn hạ liệt.
Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đi khởi lên dục tầm, sân tầm hay hại tầm; nếu Tỷ-kheo không chấp nhận, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không hiện hữu; thì này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đi có sở hành như vậy, vị ấy là có nhiệt tình, có sợ hãi, liên tục thường hằng tinh cần tinh tấn, siêng năng. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang ngồi. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang nằm thức khởi lên dục tầm, sân tầm hay hại tầm, nếu Tỷ-kheo không chấp nhận, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không hiện hữu… thì này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang nằm thức có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là vị có nhiệt tình, có sợ hãi, liên tục thường hằng tinh cần tinh tấn, siêng năng.
Khi đi hoặc khi đứng,
Khi ngồi hay khi nằm,
Khởi lên ác tâm tư,
Liên hệ đến gia đình,
Thực hành theo ác đạo,
Mờ ám bởi si mê,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Không chứng Vô thượng giác.
Ai khi đi, khi đứng,
Khi ngồi hay khi nằm,
Tập trung được tâm tư,
Ưa thích tầm chỉ tịnh,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Chứng được Vô thượng giác.
(CXI) (Cat. 12) (5 It. 118)
Này các Tỷ-kheo, hãy sống đầy đủ giới, đầy đủ giới bổn Pàtimokkha, được chế ngự với chế ngự giới bổn Pàtimokkha. Hãy sống đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Ðã sống đầy đủ giới, này các Tỷ-kheo, đầy đủ giới bổn Pàtimokkha, được chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, sống đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp, còn có gì cần phải làm thêm nữa?
Nếu Tỷ-kheo trong khi đi, tham, sân được từ bỏ, hôn trầm thụy miên được từ bỏ, trạo hối được từ bỏ, nghi được đoạn tận, tinh cần tinh tấn, không có thụ động, niệm được an trú không có thất niệm, thân được khinh an không có cuồng nhiệt, tâm được định tĩnh nhất tâm. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi đi có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người có nhiệt tâm, có sợ hãi liên tục thường hằng tinh tấn, siêng năng.
Nếu Tỷ-kheo trong khi đứng… nếu Tỷ-kheo trong khi ngồi… nếu Tỷ-kheo trong khi nằm, thức, tham được trừ bỏ, sân được từ bỏ, hôn trầm thụy miên được từ bỏ, trạo hối được từ bỏ, nghi được đoạn tận, tinh cần tinh tấn, không có thụ động, niệm được an trú, không có thất niệm, thân được khinh an, không có cuồng nhiệt, tâm được định tĩnh, nhất tâm. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi đang nằm thức có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người nhiệt tâm, có sợ hãi, liên tục thường hằng, tinh tấn, siêng năng.
Ði đứng biết tự chế,
Ngồi nằm biết tự chế,
Tỷ-kheo biết tự chế,
Khi co tay, duỗi tay.
Phía trên, ngang, cùng khắp,
Xa cho đến cùng tột,
Bất cứ sanh thú nào,
Ở tại thế giới này,
Khéo quán sát sanh diệt,
Của tất cả pháp uẩn,
Sống như vậy nhiệt tâm,
Tâm chỉ tịnh, đúng pháp,
Tâm an tịnh, không động,
Thường xuyên chuyên học tập,
Liên tục, thường siêng năng,
Tỷ-kheo được gọi vậy.
(CXII) (Cat. 13) (It. 121)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, thế giới được Như Lai Chánh đẳng giác. Như Lai không hệ lụy đối với đời. Này các Tỷ-kheo, thế giới tập khởi được Như Lai Chánh đẳng giác; thế giới tập khởi được Như Lai đoạn tận. Này các Tỷ-kheo, thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác; thế giới đoạn diệt được Như Lai giác ngộ. Này các Tỷ-kheo, con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác; con đường đưa đến thế giới đoạn diệt Như Lai đã tu tập.
Cái gì này các Tỷ-kheo, trong toàn thế giới với Thiên giới, Mạ giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, được thấy, được nghe, được thọ tưởng, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý tư sát, tất cả đều được Như Lai chánh đẳng giác. Do vậy được gọi là Như Lai. Này các Tỷ-kheo, từ đêm Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác đến đêm Ngài nhập Niết-bàn không có dư y trong thời gian ấy, điều gì Ngài nói, tuyên bố, nêu rõ lên tất cả là như vậy, không có khác được. Do vậy Ngài được gọi là Như Lai.
Này các Tỷ-kheo, Như Lai nói gì làm vậy, làm gì nói vậy. Vì rằng nói gì làm vậy, làm gì nói vậy, nên Ngài được gọi Như Lai.
Này các Tỷ-kheo, trong toàn thể thế giới, Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Như Lai là bậc chiến thắng, không bị ai chiến bại, toàn tri, toàn kiến, đại tự tại, do vậy Ngài được gọi là Như Lai.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây điều này được nói đến:
Thắng tri mọi thế giới,
Mọi thế giới như thật,
Ly hệ mọi thế giới,
Không giống mọi thế giới.
Thắng tất cả bậc trí,
Giải thoát mọi buộc ràng.
Cảm thọ tối thắng tịnh,
Niết-bàn, không sợ hãi,
Vị này đoạn lậu hoặc,
Bậc giác ngộ trí giả,
Không dao động nhiễu loạn,
Nghi ngờ được chặt đứt,
Ðạt diệt tận mọi nghiệp
Giải thoát diệt sanh y,
Là Thế Tôn, là Phật
Bậc Sư tử vô thượng,
Trong thế giới thiên giới
Chuyển bánh xe Phạm luân.
Như vậy loài Trời, Người,
Ðến quy y đức Phật,
Gặp nhau, đảnh lễ Ngài,
Vĩ đại không sanh hữu,
Ðiều phục, bậc Tối thượng,
Trong người được điều phục
An tịnh, bậc ẩn sĩ,
Những người được an tịnh.
Giải thoát bậc tối thượng,
Những người được giải thoát
Vượt qua bậc tối thắng,
Những người được vượt qua.
Như vậy họ lễ Ngài
Vĩ đại, không sanh hữu,
Thiên giới, thế giới này,
Không ai được bằng Ngài.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
Con thực sự trân trọng và biết ơn Sư phụ vì đã cho con cơ hội trở thành đệ tử cũng như là Ni chúng của chùa Hương Sen.
Kinh Tiểu Bộ – Khuddhaka Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
(Udàna)
-ooOoo-
Mục Lục
Chương 1: Phẩm Bồ Ðề | Chương 5: Phẩm Trưởng Lão Sona |
Chương 2: Phẩm Muccalinda | Chương 6: Phẩm Sanh Ra Ðã Mù |
Chương 3: Phẩm Nanda | Chương 7: Phẩm Nhỏ |
Chương 4: Phẩm Meghiya | Chương 8: Phẩm Pataligamiya |
***
Giới thiệu Kinh Phật Tự Thuyết (Udàna)
Hoà thượng Thích Minh Châu
Kinh Udàna, được dịch là Phật tự thuyết kinh, nghĩa là những kinh này đức Phật tự nói, do cảm xúc mạnh đột khởi, không ai thỉnh Phật thuyết. Cũng có khi dịch là “Vô vấn tự thuyết”, nghĩa là không có người hỏi đức Phật tự nói. Có khi được dịch là “Những lời cảm hứng”, nghĩa là lời nói đột khởi, do cảm xúc mạnh thúc đẩy, khi đức Phật tự mình chứng kiến những sự việc xảy ra xung quanh. Theo tập Upanishads, chữ Udàna có nghĩa là các hơi thở sinh mệnh (pràna, apàna, sumàna, vyàna, udàna), ở trung tâm cổ họng được phát ra.
Tập này gồm tám chương. Mỗi chương có 10 kinh. Như vậy có tám mươi kinh tất cả. Ðể tiện tìm kiếm, khi viết “I, 2” thời hiểu là chương I, kinh số 2; khi ghi “IV, 7”, thời hiểu là chương IV kinh 7 v.v… Mỗi kinh gồm hai phần, phần đầu văn xuôi, ghi nhận một câu chuyện do đức Phật chứng kiến hay do các tỷ kheo kể lại, và phần thứ hai là lời cảm hứng của đức Phật, phần lớn là bằng những bài kệ (gàthà), chỉ có 1, 2 bài kinh Udàna được chép bằng văn xuôi.
Trước hết là một số kinh do liên hệ đến đời sống của đức Phật, như ba kinh đầu, Phẩm Bồ Ðề diễn tả đức Phật khi mới thành đạo, ngồi nhập định dưới gốc cây Bồ Ðề, suy tưởng đến lý 12 nhân duyên, thuận chiều và nghịch chiều rồi nói lên cảm hứng. (xem I. 1, 2, 3). Kinh II, 1 nói đến tích đức Phật ngồi nhập định gặp mưa to gió lớn, có con rắn Mucalinda quấn thân mình chung quanh đức Phật để che chở cho Ngài. Kinh IV, 5 đề cập đến tích đức Phật bị các vị xuất gia, tại gia, vua chúa đến làm phiền nhiễu nên Ngài bỏ đi vào núi một mình và sống với một con voi, con voi này cũng bị đàn voi quấy rầy nên đến sống một mình với đức Phật. Sự tích khi đức Phật từ bỏ thọ hành và tuyên bố sau ba tháng sẽ nhập Niết bàn được kinh VI, 1 diễn tả. Và cũng được diễn tả là bữa cơm cuối cùng do thợ rèn Cunda cúng dường đức Phật. Sau bữa cơm ấy, đức Phật nhuốm bệnh và không bao lâu đức Phật nhập Niết bàn. Những sự tích trên giúp chúng ta có thêm một số tài liệu về lịch sử đức Phật.
Song song với các sự tích về đời sống đức Phật, tập Udàna nói đến khá nhiều về các đệ tử của đức Phật, như Sàriputta, Moggallàna, Kaccàna, Subbùti, Mahakassapa, Nanda… Mahakassapa bị bệnh tu định luôn 7 ngày để trị bệnh (Kinh III, 7); Nanda ban đầu mê các tiên nữ nên tu hành, sau bị các đồng Phạm hạnh chỉ trích nên tinh tấn tu hành chứng được quả A la hán (III, 2); Sàriputta ngồi nhập định bị quỷ Dạ xoa đánh trên đầu (IV. 4, 7); 500 tỷ kheo do Yasoja cầm đầu làm ồn bị đức Phật đuổi đi, sau tinh tấn tu hành, chứng được quả A la hán (III, 3). Ðức Phật khen tôn giả Lakunlaka Bhaddiya trong dung sắc xấu xí nhưng đã chứng quả giải thoát (VII, 5) Tôn giả Dabba Mallaputta nhập định hỏa giới tự thiêu trước chúng Tăng, không để lại tro tàn gì (VIII, 9, 10).
Tiếp đến là các đệ tử tại gia, như nữ cư sĩ Visàkhà hai lần đến yết kiến đức Phật, một lần vì có sự việc cần phải giải quyết với Vua Pasenadi (II, 9), một lần có đứa cháu trai chết nên đến báo cáo đức Phật (VIII, 8). Sự tích 500 cung nữ của Vua Udena, trong ấy có Sàmavati bị chết thiêu cũng được đề cập. Vua Pasenadi nước Kosala được nói đến nhiều lần và một lần vua hỏi đức Phật có thể biết được các người tu hành có chứng quả hay không, thời đức Phật trả lời với những người như Vua Pasenadi sống trong dục lạc, khó lòng biết được quả chứng của các nhà tu hành (VI, 2).
Bao giờ cũng vậy, giữa đức Phật và các ngoại đạo cũng có những va chạm, những xung khắc, và các tích này được nghe nhận khá nhiều trong tập Udàna. Trước hết là sự kiện khi Như Lai chưa xuất hiện thời các ngoại đạo được quần chúng cung kính cúng dường, nhưng khi Như Lai xuất hiện, thời sự cung kính cúng dường bị chấm dứt (Vi, 9; II, 9). Cũng vì vậy, ngoại đạo thù hằn đức Phật và chúng Tăng, giết kỹ nữ tên Sundarì đem chôn ở Jetavana để vu oan cho chúng Tăng (IV, 8). Và dân chúng ở Thùma do ngoại đạo xúi dục đổ cỏ và rác xuống giếng để ngăn đức Phật không được uống nước (VII, 9).
Thường thường đức Phật dùng một vài hình ảnh châm biếm để nói đến các ngoại đạo. Chúng ta nhớ câu chuyện các người mù rờ voi, diễn tả các ngoại đạo mỗi người chấp chặt chủ thuyết của mình (VI, 4). Cũng mỉa mai là câu chuyện một du sĩ ngoại đạo, tìm dầu cho vợ mình sắp sinh đẻ, vào kho vua uống quá nhiều dầu để đem về cho vợ, nhưng vì uống quá nhiều dầu nên bị đau đớn, lăn lộn, khốn khổ (II, 6). Ngoài ra nhiều vấn đề xã hội, rất bình thường cũng được nói đến. Như đức Phật thấy đứa con nít hành hạ con rắn (II, 3), các dân chúng Vương xá tranh nhau người kỹ nữ (VI, 8), dân Sàvatthi quá đắm say về dục (VII, 3, 4) cũng được đức Phật đề cập và nói lên lời cảm hứng.
Trong 80 kinh của tập Udàna, 80 trường hợp được ghi nhận là đức Phật thốt lên những lời cảm hứng, sau khi cảm thấy xúc động trước một số sự kiện, và chính những lời cảm hứng mới thật là quan trọng trong tập Udàna này. Vì đây là dịp đức Phật nói lên quan điểm của mình đối với những sự việc đã xảy ra ở xung quanh; và chính những quan điểm ấy đã trở thành những giáo lý chính đức Phật đã giảng dạy và trình bày. Chúng ta đã tìm được những pháp và tùy pháp đức Phật đã thuyết giảng ngay qua các lời cảm hứng ấy.
Trước hết là lý 12 nhân duyên hay lý duyên khởi được trình bày ba lần, trong ba kinh đầu I. 1, 2, 3, thuận chiều, nghịch chiều, thuận chiều và nghịch chiều, từ vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc cho đến duyên sanh, lão tử, sầu bi khổ ưu não. Quá trình sanh tử của con người, từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến tương lai được khéo cô động trong thuyết duyên khởi. Bao giờ cũng vậy, đức Phật nhắm trong dây chuyền sanh tử, hai pháp “dục” và “ái” rất là quan trọng. Và do vậy nhiều lời cảm hứng đề cập đến dục và ái. Trong kinh VII, 4, dân chúng Sàvatthi quá đắm say về dục nên đức Phật đã than :
“Bị mù bởi các dục,
Bị lưới dục bao phủ,
Bị ái dục bao trùm,
Lại còn bị trói buộc,
Bởi trói buộc phóng dật,
Như cá mắc miệng lưới,
Chúng đi đến già chết,
Như con bê bú sữa,
Ði đến với mẹ nó.”
Với ái, có thân yêu là có đau khổ. Khi Visakhà đến than với đức Phật có đứa cháu trai mới chết, đức Phật đã nói : “Những ai có 100 quả thân yêu là có 100 đau khổ; 90 người thân yêu là 90 người đau khổ… cho đến 1 người thân yêu là 1 người đau khổ.” (VIII, 8)
“Sầu than và đau khổ,
Sai biệt có ở đời,
Duyên thân ái chúng có,
Không thân ái chúng không.
Do vậy, người an lạc,
Người không có sầu muộn
Là những ai ở đời,
Không có người thân ái,
Do vậy ai tha thiết,
Ðược không sầu, không tham,
Chớ làm thân, làm ái,
Với một ai ở đời”.
Dục và ái đã có mặt, thời có sanh y, có sự tiếp nối một đời sống, nên có sanh y là có đau khổ :
“Giữa làng, tại núi rừng,
Cảm thọ khổ và lạc,
Chớ quy về tự mình,
Chớ quy về người khác.
Các xúc được cảm thọ,
Là do duyên sanh y.
Với vị không sanh y,
Do đâu, xúc cảm thọ?!” (II, 4)
Khi đức Phật từ bỏ thọ hành (VI, 1) Ngài muốn cắt đứt mọi hành động sanh hữu :
“Bậc ẩn sĩ từ bỏ,
Các hành động sanh hữu,
Sanh hữu có cân lượng,
Sanh hữu không có cân lượng.
Ưa thích hướng nội tâm,
Thật định tỉnh an tịnh,
Phá đổ ngã sanh hữu,
Như cởi thoát áo giáp.”
Trong những kinh, đức Phật tán thán các đệ tử tu thiền định vì đó là con đường đưa đến giải thoát. Trong kinh III, 5, Ngài Mục Kiền Liên ngồi thiền định tu thân hành niệm được đức Phật nói lên cảm hứng :
“Thân hành niệm an lập,
Sáu xúc xứ chế ngự,
Tỷ kheo thường thiền định,
Tự chứng tri Niết bàn.”
Trong kinh III, 4, Ngài Xá Lợi Phật ngồi thiền định, để niệm trước mặt, không xa Thế Tôn bao nhiêu và Thế Tôn nói lên lời cảm hứng :
“Như ngọn núi bằng đá,
Không động khéo an trú,
Cũng vậy vị tỷ kheo,
Ðoạn diệt được ngu si,
Như ngọn núi bằng đá,
Không có bị giao động.”
Ngài Tu Bồ Ðề (Sudhùti), tu định không tầm (avitakkam samàdhim) và được Thế Tôn tán thán và nói lời cảm hứng :
“Với ai tâm quét sạch,
Nội tâm khéo cắt đứt,
Không còn chút dư tàn,
Vượt qua ái nhiễm ấy.
Ðạt được tưởng vô sắc,
Vượt khỏi bốn ách nạn,
Không đi đến thọ sanh”. (Kinh VI, 7)
Nhưng đức Phật ấy nhận thấy đối với chúng sanh, khó thấy là vô ngã, khó thấy là sự thật. Nên đức Phật thường dạy cho các đệ tử một cái nhìn “vô ngã”:
“Trên dưới, khắp tất cả
Ðược giải thoát hoàn toàn,
Không còn có tùy quán
“Cái này chính là tôi”.
Giải thoát vậy vượt giòng,
Trước chưa từng vượt qua,
Không còn có rơi rớt.
Vào sanh tử thọ sanh”.
Mục đích cuối cùng của sự tu hành là giải thoát Niết bàn và trong tập Udàna có nhiều kinh và lời cảm hứng đề cập đến trạng thái Niết bàn, một trạng thái khó lấy danh từ để diễn tả.
Bàhiya Darucìriya tu tập, tưởng mình đã chứng quả A la hán nhờ đức Phật dạy cho:
“Vậy này Bàhiya, ngươi cần phải học tập như sau: “Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri… Như vậy, này Bàhiya, nhà ngươi cần phải học tập. Vì rằng, này Bàhiya, như với ngươi, trong thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiya, ngươi không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya ngươi không là chỗ ấy. Do vậy, này Bàhiya, ngươi không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau” (Kinh I, 10).
Ðoạn sau đây cũng là đoạn diễn tả Niết bàn trong lời cảm hứng bằng văn xuôi (VIII, 1).
“Này các tỷ kheo, có xứ này (Ayatana), tại đấy không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió; không có hư không vô biên xứ; không có thức vô biên xứ; không có vô sở hữu xứ; không có phi tưởng phi phi tưởng xứ, không có đời này; không có đời sau, không có cả hai mặt trăng mặt trời. Do vậy, này các tỷ kheo, Ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có trú, không có diệt, không có sanh, không có an trú, không có chuyển vận, không có sở duyên. Ðây là sự đoạn tận khổ đau.”
Ðoạn tiếp cũng diễn tả trạng thái Niết bàn:
“Này các tỷ kheo, có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi. Này các tỷ kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thời ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu bị làm, hữu vi. Vì rằng, này các tỷ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, nên có trình bày sự xuất ly khỏi sự sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi”. (VIII, 3)
Ðây cũng là lời cảm hứng của Phật về trạng thái Niết bàn giải thoát:
“Cái gì có nương tựa, cái ấy có giao động, cái gì không nương tựa, cái ấy không giao động. Không có giao động thời có khinh an. Có khinh an thời không có thiên về. Không có thiên về, thời không có đến và đi. Không có đến và đi, thời không có diệt và sanh. Không có diệt và sanh, thời không có đời này, không có đời sau, không có đời ở giữa. Ðây là sự đoạn diệt khổ đau”. (VIII, 4)
Như vậy trong tập Udàna này, ngang qua các câu cảm hứng do đức Phật thuyết lên một số giáo lý căn bản được đề cập một số pháp môn tu hành được đề cao và mục đích tối hậu trong sứ mệnh hoằng pháp của đức Phật cũng được diễn tả đến.
Hòa thượng Thích Minh Châu
Thiền viện Vạn Hạnh
Sài Gòn, 1982 (PL. 2526)
Chương Một – Phẩm Bồ Ðề
(I) (Ud 1)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Bồ đề, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ, Thế Tôn trong bảy ngày ngồi trong một thế ngồi kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy, ra khỏi định ấy, trong đêm canh thứ nhứt, khéo thuận chiều tác ý lý Duyên khởi: “Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Tức là duyên vô minh, có các hành; duyên các hành, có thức; duyên thức, có danh sắc; duyên danh sắc, có sáu xứ; duyên sáu xứ, có xúc; duyên xúc, có thọ; duyên thọ, có ái; duyên ái, có thủ; duyên thủ, có hữu; duyên hữu, có sanh; duyên sanh, có già, chết, sầu bi khổ ưu não. Như vậy là sự tập khởi của khổ uẩn này”.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(II) (Ud 2)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở tại Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Bồ-đề, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày, ngồi trong một thế ngồi kiết-già thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy, ra khỏi định ấy, trong đêm canh giữa, khéo nghịch chiều tác ý lý Duyên khởi: “Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là, do vô minh diệt nên hành diệt; do hành diệt, nên thức diêt; do thức diệt, nên danh sắc diệt; do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt; do sáu xứ diệt nên xúc diệt, do xúc diệt nên thọ diệt, do thọ diệt, nên ái diệt; do ái diệt, nên thủ diệt; do thủ diệt, nên hữu diệt; do hữu diệt, nên sanh diệt; do sanh diệt, nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não diệt. Như vậy là đoạn diệt của khổ uẩn này”.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này.
(III) (Ud 2)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Bồ-đề, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày, ngồi trong một thế ngồi Kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn, sau bảy ngày, ra khỏi định ấy, trong đêm canh cuối cùng, khéo thuận chiều và nghịch chiều tác ý lý duyên khởi: “Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt”. Tức là duyên vô minh có các hành. Duyên các hành có thức… Duyên sanh, có già chết, sầu bi khổ ưu não. Như vậy là tập khởi của khổ uẩn này. Do đoạn diệt, ly tham, vô minh không có dư tàn, nên các hành diệt. Do các hành diệt, nên thức diệt… Như vậy là đoạn diệt của khổ uẩn này”.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(IV) (Ud 3)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây bàng ajapala, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ, Thế Tôn trong bảy ngày ngồi trong một thế ngồi kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy ra khỏi định. Có một Bà-la-môn thuộc dòng họ Huhunka, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên lời chào hỏi, sau khi nói lời chào hỏi thân hữu, rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Bà-la-môn ấy nói với Thế Tôn:
– Tôn giả Gotama, cho đến như thế nào là Bà-la-môn, và những pháp nào tác thành Bà-la-môn?
Thế Tôn sau khi biết được ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(V) (Ud 3)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà-lâm), khu vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất), Tôn giả Mahàmoggallàna (Ðại Mục-kiền-liên) Tôn giả Mahàkassapa (Ðại Ca-diếp), Tôn giả Mahàkaccayàna (Ðại Ca-chiên-diên), Tôn giả Mahàkotthita (Ðại Câu-thi-la), Tôn giả Mahàkappina (Ðại kiếp-tân-na), Tôn giả Mahàcunda (Ðại-Thuần-đà), Tôn giả Anuruddha (A-na-luật-đà), Tôn giả Revata (Ly-bà-đà), Tôn giả Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa), Tôn giả Ananda (A-nan) đi đến Thế Tôn. Thế Tôn thấy các Tôn giả ấy từ xa đi đến, thấy vậy liền nói với các Tỳ-kheo:
– Này các Tỳ-kheo, các Bà-la-môn này đang đi đến. Này các Tỳ-kheo, các Bà-la-môn này đang đi đến.
Khi được nói vậy, một Tỳ-kheo, thọ sanh là Bà-la-môn, bạch Thế Tôn:
– Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là Bà-la-môn, và có bao nhiêu pháp, tác thành Bà-la-môn?
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(VI) (Ud 4)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, tại Trúc lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ Tôn giả Mahakassapa trú ở hang Pipphali, đang bị bệnh rất khổ đau, bệnh trầm trọng. Rồi Tôn giả Mahàkassapa sau một thời gian, thoát khỏi bệnh ấy. Rồi Tôn giả Mahàkassapa thoát khỏi bệnh ấy, suy nghĩ như sau: “Ta hãy đi vào Vương Xá để khất thực “. Lúc bấy giờ, khoảng năm trăm Thiên nhân, đang cố gắng sửa soạn để Tôn giả Mahàkassapa nhận đựoc đồ ăn khất thực. Nhưng Tôn giả Mahàkassapa gạt bỏ năm trăm Thiên nhân ấy, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Vương Xá để khất thực, đi ngang những con đường những con người nghèo, con đường những người ăn xin, con đường những người thợ dệt.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(VII) (Ud 4)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Pàtali tại Ajakalàpaka, chỗ ở của Dạ-xoa Ajakalàpa. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, trong đêm tối đen, và trời mưa từng hột xuống. Rồi Dạ-xoa Ajakalàpaka muốn làm cho Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, ba lần nói lên gần Thế Tôn tiếng gào thét của mình là Akkulopakkulo: “Này Sa môn, có con quỷ cho Ông “. Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
(VIII) (Ud 5)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn giả Sangamàji đã đi đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji nghe được tin Tôn giả Sangamàji đã đến Sàvattthi. Nàng liền dắt người con đi đến Jetavana. Lúc bấy giờ Tôn giả Sangamàji đang ngồi dưới gốc cây đề nghỉ ban ngày. Rồi người vợ trước đây của Tôn giả Sangamàji, đi đến Tông Giả Sangamàji, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sangamàji:
– Này Sa môn, hãy nuôi dưỡng tôi và đứa con nhỏ!
Khi nghe nói vậy, Tôn giả Sangamàji, giữ im lặng. Lần thứ hai, người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji nói với Tôn giả Sangamàji:
– Này Sa-môn, hãy nuôi dưỡng tôi và đứa con nhỏ!
Lần thứ hai, Tôn giả Sangamàji giữ im lặng. Lần thứ ba người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji nói với Tôn giả Sangamàji:
– Này Sa-môn, hãy nuôi dưỡng tôi và đứa con nhỏ!
Lần thứ ba, Tôn giả Sangamàji vẫn giữ im lặng. Rồi người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji đặt đứa nhỏ trước mặt Tôn giả Sangamàji rồi bỏ đi, nói rằng:
– Này Sa-môn, đây là đứa con trai của Sa-môn. Hãy nuôi dưỡng nó!
Tôn giả Sangamàji không có ngó đến đứa nhỏ ấy, cũng không nói gì. Rồi người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji sau khi đi không xa, ngó lui lại thấy Tôn giả Sangamàji không ngó đứa con nhỏ ấy, cũng không nói; thấy vậy liền suy nghĩ: “Sa môn này không muốn ngó đến người con “. Nàng liền trở lui lại, bồng lấy đứa con rồi ra đi. Thế Tôn với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy cử chỉ thô bạo như vậy của người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết được ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(IX) (Ud 6)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Gayà, tại Gayasisa. Lúc bấy giờ, nhiều kẻ bện tóc, trong những đêm gió lạnh mùa đông, giữa những ngày mồng tám, trong thời tuyết rơi, đang lặn xuống và nổi lên trong nước, làm việc lặn xuống nổi lên, tưới nước và tế lửa, nghĩ rằng: “Với hành động này, được thanh tịnh “.
Thế Tôn thấy nhiều kẻ bện tóc ấy, trong những đêm gió lạnh mùa đông, giữa những ngày mồng tám, trong thời tuyết rơi, đang lặng xuống và nổi lên trong nước, làm việc lặn xuống nổi lên, tưới nước và tế lửa, nghĩ rằng: “Với hành động này, được thanh tịnh “.
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(X) (Ud 6)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Bàhiya Daruciriya trú ở Suppàraka, trên bờ biển, được cung kính, tôn trọng đảnh lễ, cúng dường và nhận được y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Rồi Bàhiya Dàcuciriya khởi lên tư tưởng như sau: “Với ai là bậc A-la-hán hay đang đi trên con đường A-la-hán, ta là một trong những vị ấy “. Rồi một Thiên nhân, trước là bà con huyết thống với Bàhiya Dàruciriya, vì lòng từ mẫn, vì muốn lợi ích, với tâm của mình biết tâm tư của Bàhiya Dàruciriya, đi đến Bàhiya Dàruciriya và nói như sau:
– Này Bàhiya. Ông không phải là A-la-hán hay đang đi trên con đường A-la-hán. Ông không có đạo lộ ấy, với đạo lộ này Ông có thể trở thành A-la-hán hay đang đi trên con đường đưa đến A-la-hán.
– Nhưng ai là những vị, trong thế giới này, với thế giới chư Thiên là những vị A-la-hán hay đang đi trên con đường A-la-hán?
– Này Bàhiya, có thành phố tên là Sàvatthi trên những quốc lộ phương Bắc. Tại đấy có Thế Tôn hiện đang trú, bậc A-la-hán. Chánh Ðẳng Giác. Vị ấy là bậc A-la-hán và thuyết pháp đưa đến quả A-la-hán.
Rồi Bàhiya Dàruciriya, được Thiên nhân ấy thúc dục, đi ra khỏi Sappàraka, trong suốt đường trường, chỉ nghỉ một đêm, đi đến chỗ Thế Tôn đang trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn Anàthapindika. Lúc bấy giờ nhiều Tỷ-kheo đang đi kinh hành giữa trời. Bàhiya Dàruciritya đi đến các Tỳ-kheo ấy, sau khi đến nói như sau:
– Thưa các Tôn giả, nay Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác ở đâu? Chúng tôi muốn được yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.
– Này Bàhiya, Thế Tôn đã đi vào giữa các nhà để khất thực.
Rồi Bàhiya Dàraciriva mau chóng ra khỏi Jetavana, đi vào Sàvatthi, và thấy Thế Tôn đang đi khất thực, khả ái, khởi lên tịnh tin, các căn an tịnh, tâm ý an tịnh, đạt được an chỉ, chế ngự tối thượng, giống như một con voi được điều phục, phòng hộ với các căn an tịnh. Thấy vậy, Bàhiya Dàruciriya liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến, cúi đầu xuống chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con, Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Bàhiya Dàruciriya:
– Không phải thời, này Bàhiya, Ta đang khất thực.
Lần thứ hai Bàhiya Dàruciriya Bạch Thế Tôn:
– Thật khó biết, bạch Thế Tôn, là chướng ngại cho mạng sống của Thế Tôn, hay chướng ngại cho mạng sống của con. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con. Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Màhiya Dàruciriya:
– Không phải thời, này Bàhiya, Ta đang khất thực.
Lần thứ ba, Bàhiya Dàruciriya bạch Thế Tôn:
– Thật khó biết… hạnh phúc lâu dài.
– Vậy này Bàhiya, Ông cần phải học tập như sau: “Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri “. Như vậy, này Bàhiya, Ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bàhiya, nếu với Ông, trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiva, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.
Nhờ lời thuyết pháp tóm tắt này của Thế Tôn, tâm của Bàhiya Dàruciriya được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. Thế Tôn sau khi thuyết cho Bàhiya Dàruciriya lời giáo giới tóm tắt này, liền ra đi. Thế Tôn ra đi không bao lâu, một con bò con húc chết Bàhiya Dàruciriya. Thế Tôn sau khi khất thực ở Sàvatthi xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi ra khỏi thành với nhiều Tỷ-kheo, thấy Bàhiya Dàruciriya bị chết, thấy vậy liền nói với các Tỳ-kheo:
– Này các Tỳ-kheo, hãy lấy thân xác Bàhiya Dàruciriya, đặt lên trên cái chõng, đem đi hỏa thiêu, rồi xây tháp lên trên. Này các Tỷ-kheo, một vị đồng Phạm hạnh với các Thầy đã qua đời!
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, sau khi đặt xác thân của Bàhiya Dàruciriya lên trên cái chõng, đem đi hỏa thiêu, xây dựng cái tháp cho vị ấy, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, thân xác của Bàhiya Dàruciriya đã được hỏa thiêu, tháp đã được xây dựng xong cho vị ấy. Sanh thứ cho vị ấy là gì? Ðời sau vị ấy là gì?
– Này các Tỷ-kheo, Hiền trí là Bàhiya Dàruciriya đã hành trì tùy pháp, đúng pháp và không có phiền nhiễu Ta với những tranh luận về pháp. Này các Tỷ-kheo, Bàhiya Dàruciriya đã nhập Niết Bàn.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Lời cảm hứng này được Thế Tôn thuyết giảng và tôi được nghe như vậy.
Chương Hai – Phẩm Mucalinda
(I) (Ud 10)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Uruvela, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Mucalinda, khi Ngài mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn, trong bảy ngày ngồi một thế ngồi kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Lúc bấy giờ, một cơn giông tố lớn trái mùa khởi lên và trong bảy ngày, trời mưa gió lạnh, bầu trời u ám. Rồi thần rắn Mucalinda ra khỏi chỗ ở của mình, với thân cuốn vòng quanh bảy vòng thân của Thế Tôn, và đứng thẳng, vươn cao các mang lớn trên đầu (Thế Tôn) với ý nghĩ: “Mong Thế Tôn khỏi lạnh! Mong Thế Tôn khỏi nóng! Mong Thế Tôn khỏi xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, sức nóng, các loài bò sát “.
Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy, ra khỏi định ấy. Rồi Mucalinda, vua các loài rắn, sau khi biết trời đã sáng tỏ, mây đã được thoát đi, cởi mở thân mình khỏi thân Thế Tôn, biến dạng thân sắc của mình, hóa hiện thân sắc một thanh niên đứng trước mặt Thế Tôn, chắp tay đảnh lễ Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(II) (Ud 10)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều vị Tỳ-kheo, sau bữa ăn, đi khất thực trở về, ngồi họp tại hội trườong, và câu chuyện này được khởi lên:
“Này chư Hiền, giữa hai vị vua này, vua Seniya Bimlisàra ở Magdha, và vua Pasenadi ở xứ Kosala, ai giàu có hơn, ai tài sản lớn hơn, ai kho tàng lớn hơn, ai quốc độ lớn hơn, ai xe cộ lớn hơn, ai sức mạnh lớn hơn, ai thần lực lớn hơn, ai uy lực lớn hơn? “. Rồi câu chuyện này giữa các Tỳ-kheo ấy chưa được chấm dứt.
Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến hội trường, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, ở đây, nay các Thầy ngồi hội họp với câu chuyện gì? Và câu chuyện gì giữa chừng chưa chấm dứt giữa các Thầy?
– Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con sau bữa ăn, đi khất thực trở về… câu chuyện này được khơi lên… ai uy lực lớn hơn ” Câu chuyện này giữa chúng con, bạch Thế Tôn, chưa được chấm dứt thời Thế Tôn đã đến.
– Này các Tỷ-kheo, thật không thích đáng cho các Thầy, những thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lại nói câu chuyện như vậy. Này các Tỳ-kheo, khi các Thầy hội họp với nhau, có hai việc cần phải làm: Ðàm luận về Chánh pháp hay giữ sự im lặng của bậc Thánh.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(III) (Ud 11)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi tại Jetavana khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ một số đông đứa trẻ đang hành hạ con rắn với cây gậy, giữa Sàvatthi và Jetavana. Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Sàvatthi để khất thực. Thế Tôn thấy giữa Sàvatthi và Jetavana nhiều đứa trẻ đang hành hạ con rắn với cây gậy.
Thế Tôn sau khi hiểu hết ý nghĩa này, ngay lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(IV) (Ud 13)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn được cung kính, tôn trọng đảnh lễ, cúng dường, tôn kính, nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Chúng Tăng cũng được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ cúng dường, tôn kính, nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng các du sĩ ngoại đạo không được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính, không nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Các du sĩ ấy không kham nhẫn được việc ấy Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo được kính trọng. Khi nào gặp các Tỷ-kheo ở làng và ở trong rừng, họ dùng những lời nói không tốt lành, thô ác, mắng nhiếc, phỉ báng, công kích não hại các Tỷ-kheo. Rồi một số đông Tỷ-kheo, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỳ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn được cung kính, tôn trọng… dược phẩm trị bệnh. Chúng Tỷ-kheo cũng được cung kính tôn trọng… dược phẩm trị bệnh nhưng các du sĩ ngoại đạo không được tôn kính, tôn trọng… dược phẩm trị bệnh. Rồi bạch Thế Tôn, các ngoại đạo du sĩ ấy không kham nhẫn được sự việc Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo được kính trọng… não hại chúng.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này.
(V) (Ud 13)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, một nam cư sĩ tên là Icchànanga-laka đi đến Sàvatthi vì một vài công việc phải làm. Nam cư sĩ ấy, sau khi làm công việc xong ở Sàvatthi, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với nam cư sĩ ấy đang ngồi một bên:
– Ðã lâu rồi, này Nam cư sĩ, ông tạo nên cơ hội này, tức là đến đây!
– Bạch Thế Tôn, đã lâu rồi, con muốn yết kiến Thế Tôn. Nhưng con bị bận bịu lợi bởi những công việc phải làm này nên con không thể đi đến yết kiến Thế Tôn được.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(VI) (Ud 13)
Như vậy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, thanh nữ trẻ Bà-la-môn, vợ của một du sĩ có thai sắp sinh. Vợ của du sĩ ấy nói với du sĩ:
– Này Bà-la-môn, hãy đi và đem dầu về. Tôi cần dùng khi sanh con!
Khi được nói vậy, du sĩ ngoại đạo nói với nữ du sĩ:
– Ở đâu, ta có thể đem dầu về cho nàng?
Lần thứ hai, nữ du sĩ nói với du sĩ:
– Này Bà-la-môn, hãy đi và đem dầu về. Tôi cần dùng khi sanh con!
Lần thứ hai du sĩ nói với nữ du sĩ:
– Ở đâu, ta có thể đem dầu về cho nàng?
Lần thứ ba, nữ du sĩ nói với du sĩ:
– Này Bà-la-môn, hãy đi và đem dầu về. Tôi cần dùng khi sanh con!
Lúc bấy giờ, tại một kho của vua Pasenadi nước Kosala, một Sa-môn hay Bà-la-môn có thể uống bơ hay dầu cho đến thỏa thích, nhưng không được mang đi. Người du sĩ ấy suy nghĩ: “Tại một kho của vua Pasenadi nước Kosala… không được mang đi. Vậy ta hãy đi đến nhà kho của vua Pasnadi nước Kosala, uống dầu cho đến thỏa thích, sau khi về đến nhà, mửa dầu ấy ra và ta cho nữ du sĩ dùng khi sanh con “. Rồi du sĩ ấy đi đến nhà kho của vua Pasenadi nước Kosala, uống dầu cho đến thỏa thích, sau khi về nhà không có thể mửa lên hay mửa xuống; có cảm thọ khổ đau, nhói đau, đau khốc liệt thống khổ, lăn lộn qua lại.
Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Thế Tôn thấy người du sĩ ấy cảm thọ khổ đau, nhói đau khốc liệt, thống khổ, lăn lộn qua lại. Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
(VIII) (Ud 14)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthaphindika. Lúc bấy giờ, con trai độc nhất của một nam cư sĩ, khả ái, đáng yêu bị mệnh chung. Rồi nhiều nam cư sĩ, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các cư sĩ ấy đang ngồi một bên.
– Này các Cư sĩ, sao các Ông, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, lại đến đây, trong lúc quá sớm như vậy?
Khi được nói vậy, người cư sĩ ấy thưa với Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, người con trai độc nhất của con khả ái, khả ý đã mệnh chung. Do vậy chúng con với áo ướt đẫm, với tóc ướt đẫm đã đến đây trong lúc quá sớm!
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
(VIII) (Ud 15)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Kundiyàya, trong rừng Kunditthàna. Lúc bấy giờ, Suppavàsà, con gái của vua xứ Koliya có thai đến bảy năm và nay bị đau đẻ đến ngày thứ bảy. Dầu nàng cảm giác những cảm thọ khổ đau, nhức nhối, khốc liệt, thống khổ, nàng vẫn duy trì ba niệm: “Thế Tôn thật là bậc Chánh Ðẳng Giác, Ngài thuyết pháp để đoạn tận đau khổ này. Chúng đệ tử của bậc Thế Tôn ấy là khéo hành trì. Chúng hành trì để đoạn tận đau khổ này. Thật sự an lạc là Niết-bàn, tại đây khổ đau này không có mặt “. Rồi Suppavàsà, con vua Koliya gọi ngưòi chồng của mình:
– Này Phu quân, hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến nhân danh tôi, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có ít bệnh ít não, khinh an khỏe mạnh, lạc trú và thưa: “-Bạch Thế Tôn, Suppavàsà con gái vua Koliya cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có ít bệnh ít não, khinh an khỏe mạnh, lạc trú “. Rồi hãy nói như sau: “Bạch Thế Tôn, Suppavàsà, con gái vua Koliya, có thai đến bảy năm và nay bị đau đẻ đến ngày thứ bảy. Dầu nàng cảm giác những cảm thọ…. tại đấy khổ đau này không có mặt! “
– Thật là tốt lành.
Koliyaputta đáp lại Suppavàsà, con gái vua Koliya, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Koliyaputta bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Suppavàsà, con vua Koliya, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn,…. lạc trú…. tại đấy khổ đau này không có mặt.
– Mong rằng Suppavàsà, con gái vua Koliya được an lạc, không bệnh, sanh đứa con không có bệnh hoạn. Với lời nói này của Thế Tôn, Suppavàsà, con gái Koliya, được an lạc không bệnh, đẻ đứa con trai không bệnh.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Koliyaputta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi trở về nhà của mình. Koliyaputta thấy Suppavàsà, con gái vua Koliya, được an lạc, không bệnh, sanh đứa con trai không bệnh, thấy vậy liền suy nghĩ như sau: “Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay, thần lực và đại uy lực của Thế Tôn, khiến cho Suppavàsà con gái vua Koliya này, với lời nói của Thế Tôn được an lạc, không bệnh, sanh con trai không bệnh!”. Nghĩ vậy, Koliyaputta hoan hỷ, thích thú, tâm sanh hỷ lạc. Rồi Suppavàsà, con gái vua Koliya, bảo người chồng mình:
– Hãy đi, này Phu quân, hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đếnc nhân danh tôi, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: ” – Bạch Thế Tôn, Suppavàsà, con vua Koliya, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, có thai đến bảy năm và nay bị đau đẻ đến ngày thú bảy. Nàng được an lạc, không bệnh và sanh đứa con trai không bệnh. Nay nàng muốn mời chúng Tỳ-kheo dùng cơm trong bảy ngày. Mong Thế Tôn hãy nhận lời thọ bảy bữa cơm của Suppavàsà với chúng Tỷ-kheo”.
– Thật là tốt lành.
Koliyaputta đáp lại Suppavàsà, con gái vua Koliya, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Koliyaputta bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Suppavàsà, con gái vua Koliya, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và nói như sau: Suppavàsà, có thai đến bảy năm… đau đẻ đến ngày thứ bảy. Nay nàng được an lạc, không bệnh và sanh đứa con trai không bệnh. Nay nàng muốn mời chúng Tỳ-kheo… với chúng Tỷ-kheo!
Lúc bấy giờ một nam cư sĩ khác đã mời chúng Tỷ-kheo với Thế Tôn là vị cầm đầu, ngày mai dùng cơm người cư sĩ ấy là người hộ trì cho Tôn giả Moggallàna. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Mogallàna:
– Này Moggallàna, hãy đến người cư sĩ, sau khi đến, nói với người cư sĩ ấy như sau: “Này Hiền giả, Suppavàsà con của vua Koliya.. có thai đến bảy năm… đến ngày thứ bảy. Nay nàng được an lạc.. Nay nàng muốn mời chúng Tỷ-kheo… với chúng Tỷ-kheo. Hãy để cho Suppavàsà tổ chức bảy ngày cơm trước. Sau sẽ đến lượt người hộ trì cho người”.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn!.
Tôn giả Mahà Moggallàna vâng đáp Thế Tôn rồi đi đến người cư sĩ ấy, sau khi đến nói với người cư sĩ:
– Này Hiền giả Suppavàsà… Hãy để cho Suppavàsà con của Koliya tổ chức bảy ngày cơm trước, sau sẽ đến phiên Ông.
– Thưa Tôn giả, nếu Tôn giả bảo đảm cho con ba pháp về tài sản, về thọ mạng, về lòng tin, hãy để cho Suppavàsà, con gái của vua Koliya, tổ chức trước, rồi sau đến phiên con.
– Này Hiền giả, về hai pháp ta sẽ bảo đảm cho ông, về tài sản và về thọ mạng. Còn về lòng tin, thời ông phải tự bảo đảm!.
– Thưa Tôn giả, nếu Tôn giả bảo đảm cho con hai pháp, về tài sản và về thọ mạng, hãy để cho Suppavàsà, con gái vua Koliya, tổ chức bảy ngày con trước. Rồi sẽ đến phiên con.
Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna, sau khi thuyết phục được người cư sĩ ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, cư sĩ ấy đã được con thuyết phục. Hãy để cho Suppavàsà, con gái vua Koliya, tổ chức bảy ngày cơm trước, sau sẽ đến phiên người cư sĩ ấy.
Rồi Suppavàsà, con gái vua Koliya, trong bảy ngày mời chúng Tỷ-kheo với Thế Tôn là bậc dẫn đầu, tự tay mời và làm cho thỏa mãn với những món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm và khiến cho đứa trẻ đảnh lễ Thế Tôn và toàn thể chúng Tỷ-kheo. Rồi Tôn giả Sàriputta nói với đứa trẻ:
– Này Con, Con có kham nhẫn được không? Con có nuôi sống được không? Con có đau khổ gì không?
– Thưa Tôn giả, từ đâu con có thể kham nhẫn? Từ đâu con có thể nuôi sống? Từ đâu con không có đau khổ? Con đã sống bảy năm trong các ghè đầy máu!
Rồi Suppavàsà, con gái vua Koliya, nghĩ rằng: “Con ta đang nói chuyện với vị tướng quân về Pháp, hoan hỷ, tín thọ, với tâm hỷ lạc.”
Rồi Thế Tôn nói với Suppavàsà, con gái vua Koliya:
– Này Suppavàsà. Con có muốn một người con trai khác như vậy không?
– Bạch Thế Tôn, con muốn có bảy người con trai như vậy!
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này,ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(IX) (Ud 18)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Ðông Viên, ngôi lầu của mẹ Migàra.
Mẹ Migàra có công việc liên hệ đến vua Pasenadi nước Kosala và vua Pasenadi nước Kosala chưa có quyết định về việc ấy. Rồi Visàkhà, mẹ của Migàra, vào buổi sáng sớm đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn nói với Visàkhà, mẹ của Migàra, đang ngồi một bên:
– Này Visàkhà, Bà từ đâu đi đến sớm như vậy?
– Bạch Thế Tôn con có công việc liên hệ đến vua Pasenadi nước Kosala… về việc ấy.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(X) (Ud 18)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Anupiya tại rừng xoài. Lúc bấy giờ, Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha, đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, và thường hay nói lên lời cảm hứng: “Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! ” Một số đông Tỳ-kheo nghe Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, thường nói lên lời cảm hứng: “Ôi, an lạc thay! Ôi an lạc thay! “. Nghe vậy, các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: “Không gì nghi ngờ chư Hiền, Tôn giả Bhaddiya con của Kàlighodha sống Phạm hạnh không có hoan hỷ, vì trước khi còn ở gia đình được hưởng an lạc nhà vua, vì Tôn giả nhớ đến an lạc ấy, nên khi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây… thường nói lên lời cảm hứng: “Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! ” Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Tôn giả Bhaddiya con của Kàligodha khi đi đến rừng… nói lên lời cảm hứng: “Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! “… không có nghi ngờ gì nữa.. sống Phạm hạnh không có hoan hỷ… “Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! “.
Rồi Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:
– Này Tỳ-kheo, hãy đi và nhân danh Ta nói với Bhaddiya, con của Kàligodha: “Thưa hiền giả, bậc Ðạo sư gọi Hiền giả! “.
– Thưa vâng bạch Thế Tôn.
Vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha:
– Thưa Hiền giả, bậc Ðạo sư gọi Hiền giả.
– Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha, vâng đáp Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha, đang ngồi một bên:
– Có thật chăng, này Bhaddiya, Thầy đi đến khu rừng “… Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! “?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Do thấy mục đích gì đi đến khu rừng “… an lạc? “.
– Bạch Thế Tôn, thuở trước khi còn ở trong gia đình, được hưởng an lạc nhà vua, trong nội cung có đặt người khéo bảo vệ, ngoại nội cung có đặt người khéo bảo vệ; trong thành nội có đặt người khéo bảo vệ, ngoài thành có đặt người khéo bảo vệ. Trong nước cũng có đặt người khéo bảo vệ, ngoài nước cũng có đặt người khéo bảo vệ. Bạch Thế Tôn, con được bảo vệ phòng giữ như vậy, nhưng con vẫn sống sợ hãi, hồi hộp, run sợ, hoảng sợ. Nhưng nay con đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, con sống một mình, con sống không sợ hãi, không hồi hộp, không run sợ, không hoảng sợ, không rộn ràng, không hốt hoảng, lắng dịu, nhẹ nhàng, tâm như con thú rừng. Bạch Thế Tôn, do thấy mục đích như vậy, nên con khi đi đến khu rừng… con nói lên lời cảm hứng “… an lạc thay! “.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
Chương Ba – Phẩm Nanda
(I) (Ud 21)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana trong khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo ngồi không xa Thế Tôn, ngồi kiết già, lưng thẳng, chịu đựng sự đau đớn, kết quả của nghiệp về trước, nhói đau, cực khổ, thống khổ, chánh niệm, tỉnh giác, không có sầu não.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(II) (Ud 21)
Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàhapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Nanda, em của Thế Tôn, con của người dì, nói như sau với nhiều Tỷ-kheo: “Này các Hiền giả, tôi sống Phạm hạnh không có hoan hỷ, tôi không chịu nổi đời sống Phạm hạnh; sau khi bỏ học tập, tôi sẽ hoàn tục!” Một Tỷ-kheo khác đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Tôn giả Nanda, em của Thế Tôn, con của người dì, nói như sau: “… Tôi sẽ hoàn tục “. Rồi Thế Tôn bảo một Tỷ-kheo:
– Này Tỷ-kheo, hãy đi và nhân danh Ta bảo Tỷ-kheo Nanda: “Hiền giả Nanda, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả “.
– Thưa vâng, Bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn giả Nanda, sau khi đến nói với Tôn giả Nanda:
– Hiền giả Nanda, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả!
– Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Nanda vâng đáp vị Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Nanda đang ngồi một bên:
– Có thật chăng này Nanda, Thầy nói như sau với nhiều Tỷ-kheo: “Này các Hiền giả tôi sống Phạm hạnh không có hoan hỷ… tôi sẽ hoàn tục!”.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Nhưng này, không hoan hỷ cái gì, Thầy sống Phạm hạnh, khiến Thầy không chịu nổi sống Phạm hạnh, từ bỏ học tập, Thầy sẽ hoàn tục?
– Bạch Thế Tôn, khi con từ bỏ gia đình, một Thích ca nữ cô gái đẹp trong nước, với tóc chải mới nửa phần, ngó nhìn con và nói: “Quý tử hãy về gấp!” Bạch Thế Tôn, vì con không thể quên nàng, nên con sống Phạm hạnh không có hoan hỷ, con không có thể chịu nổi đời sống Phạm hạnh, sau khi từ bỏ học tập, con sẽ hoàn tục”.
Rồi Thế Tôn cầm tay Tôn giả Nanda như người lực sĩ duỗi bàn tay dang co lại, hay co lại bàn tay đang duỗi ra, biến mất ở Jetavana, và hiện ra tại cõi trời Ba mươi ba. Lúc bấy giờ, khoảng năm trăm Thiên nữ đi đến để hầu hạ Thiên chủ Sakka, và họ được gọi là “có chân như chim bồ câu”. Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn giả Nanda:
– Này Nanda, Thầy có thấy năm trăm Thiên nữ này, có chân như chim bồ câu không?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Này Nanda, Thầy nghĩ thế nào? Ai đẹp đẽ hơn, hay ai đáng ưa nhìn hơn, hay ai khả ái hơn, Thích ca nữ cô gái đẹp trong nước hay năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu này? “.
– Bạch Thế Tôn, ví như một con khỉ cái bị thương, tai mũi bị chặt đứt; cũng vậy là Thích ca nữ cô gái đẹp trong nước, nếu đem so sánh với năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu này, không thể ước lường so sánh, không bằng một phần nhỏ, không thể so sánh với chúng. Năm trăm Thiên nữ này đẹp hơn, dáng ưa nhìn hơn, khả ái hơn.
– Hãy hoan hỷ, này Nanda! Hãy hoan hỷ, này Nanda! Ta đền cho Thầy năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu ấy!
– Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn đền cho con năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu, thời bạch Thế Tôn, con sẽ sống hoan hỷ trong đời sống Phạm hạnh.
Rồi Thế Tôn cầm cánh tay của Tôn giả Nanda, như người lực sĩ… đang duỗi ra, như vậy biến mất ở chư Thiên cõi trời Ba mươi ba, hiện ra ở Jetavana.
Các Tỷ-kheo được nghe: “Tôn giả Nanda, em Thế Tôn, con của bà dì sống Phạm hạnh vì mục đích Thiên nữ. Họ nói Thế Tôn có hứa đền cho năm trăm Thiên nữ với chân như chân chim bồ câu”. Rồi các Tỷ-kheo bạn của Tôn giả Nanda, gọi Tôn giả Nanda là người làm thuê, là người buôn bán: “Tôn giả Nanda là người làm thuê, Tôn giả Nanda là người buôn bán. Vì mục đích Thiên nữ, Tôn giả Nanda sống Phạm hạnh. Thế Tôn có hứa đền cho năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu!” Rồi Tôn giả Nanda, bị bực phiền, tủi nhục, chán ngấy, bởi bị gọi là người làm thuê, là người buôn bán, sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, tự tin, không bao lâu, do mục đích mà thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình… vô thượng cứu cánh Phạm hạnh ấy, ngay trong hiện tại vị ấy tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy rõ biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không trở lui trạng thái này nữa”. Tôn giả Nanda đã trở thành một vị A-la-hán.
Rồi một thiên nhân, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên nhân ấy bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Tôn giả Nanda con trai của bà dì, do đoạn trừ các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng tri chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát.
Trí khởi lên nơi Thế Tôn: “Nanda, do đoạn trừ các lậu hoặc… vô lậu tâm giải thoát”. Rồi Tôn giả Nanda, sau khi đêm ấy đã mãn, đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên Tôn giả Nanda bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có hứa đền cho con năm trăm Thiên nữ với chân như chim bồ câu. Bạch Thế Tôn, con xin giải tỏa cho Thế Tôn lời hứa đền ấy.
– Này Nanda, với tâm cuả Ta, Ta rõ biết tâm của Thầy: “Do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại… tuệ giải thoát”. Lại nữa một Thiên nhân có báo cho Ta tin ấy: “Bạch Thế Tôn, Tôn giả Nanda… tuệ giải thoát”. Vì rằng, này Nanda, tâm của Thầy được giải thoát khỏi các lậu hoặc không còn chấp thủ, nên Ta được giải thoát khỏi lời hứa này.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, chính trong lúc ấy, nó lên lời cảm hứng này:
(III) (Ud 24)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, khoảng năm trăm Tỷ-kheo do Yasoja dẫn đầu, đã đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Các Tỷ-kheo mới đến ấy, trong khi chào thăm các Tỷ-kheo sở tại, sắp đặt sàng tọa, sửa soạn y bát, gây tiếng ồn ào to lớn. Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, tiếng ồn ào to lớn này là gì, như các người đánh cá cướp giật cá?
– Bạch Thế Tôn, có năm trăm Tỷ-kheo này, dẫn đầu là Yasoja, đã đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Các Tỷ-kheo mới đến ấy… gây nên tiếng ồn ào to lớn.
– Này Ananda, hãy nhân danh Ta nói với các Tỷ-kheo ấy: “Bậc Ðạo Sư gọi các Tôn giả “.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, đi đến các Tỷ-kheo ấy, sau khi đến nói với các Tỷ-kheo ấy:
– Bậc Ðạo Sư gọi các Tôn giả!
– Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo ấy đang ngồi một bên:
– Này các Tỷ-kheo, tiếng ồn ào to lớn này là gì, như các người đánh cá cướp giựt cá?
Tôn giả Yasoja bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, có năm trăm Tỷ-kheo này đã đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Các Tỳ-kheo mới đến này… gây nên tiếng ồn ào to lớn.
– Này các Tỷ-kheo, hãy đi đi! Ta đuổi các Thầy, các Thầy không xứng đáng được sống gần Ta!
– Thưa vâng! Bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân hữu hướng về Ngài, dọn dẹp, sàng tọa, cầm lấy y bát, đi đến dân chúng Vajjì, tiếp tục bộ hành giữa dân chúng Vajjì rồi đi đến con sông Vaggamudà; sau khi đến, dựng lên chòi lá trên sông Vaggamudà, an cư mùa mưa tại chỗ ấy. Rồi Tôn giả Yasoja, sửa soạn an cư bảo các Tỳ-kheo:
– Thưa các Hiền giả, Thế Tôn đuổi chúng ta, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng ta, vì khởi lên lòng từ mẫn đối với chúng ta. Này chư Hiền, chúng ta hãy sống cho thật đúng pháp, chúng ta sống như thế nào để Thế Tôn có thể hoan hỷ!
– Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo vâng đáp Tôn giả Yasoja. Rồi các Tỷ-kheo ấy sống viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, và trong thời gian an cư, tất cả đều giác ngộ ba minh.
Rồi Thế Tôn, sau khi ở tại Sàvatthi cho đến khi vừa ý, liền bộ hành đi đến Vesàli, tiếp tục bộ hành đến Vesàli. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Ðại Lâm, tại ngôi nhà có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn với tâm cuả mình tác ý đến tâm các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà, gọi Tôn giả Ananda: “Như có hào quang, này Ananda, là phương này, như có ánh sáng, này Ananda, là phương này. Tại phương ấy, các Tỷ-kheo đang sống trên bờ sông Vagumudà. Thật là không nhàm chán cho Ta nếu được đi và tác ý đến phương ấy. Này Ananda, hãy gửi một sứ giả đến các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà và nói: “Bậc Ðạo sư cho gọi các Tôn giả! Bậc Ðạo sư muốn gặp các Tôn giả!”.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, đi đến một Tỷ-kheo, sau khi đến, nói với Tỷ-kheo ấy:
– Hãy đi, này Hiền giả, hãy đi đến các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà; sau khi đến, nói với các Tỷ-kheo ấy như sau: “Bậc Ðạo sư cho gọi các Tôn giả!”.
– Thưa vâng, Hiền giả.
Vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda, như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy vị ấy biến mất ở ngôi nhà có nóc nhọn tại Ðại Lâm, và hiện ra trước mắt các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà. Rồi Tỷ-kheo ấy nói với các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà:
– Bậc Ðạo Sư gọi các Tôn giả! Bậc Ðạo sư muốn gặp các Tôn giả.
– Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp vị Tỷ-kheo ấy, sau khi dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát, ví như một nhà lực sĩ… co lại bàn tay đang duỗi ra, cũng vậy các Tỳ-kheo ấy biến mất ở trên bờ sông Vaggumudà, và hiện ra ở Ðại Lâm, tại nhà có nóc nhọn, trước mặt Thế Tôn. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi trong thiền định bất động. Các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: “Nay Thế Tôn đang an trú trong loại an trú nào?”. Rồi các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: “Thế Tôn nay đang an trú trong loại an trú bất động”.
Và tất cả các Tỷ-kheo ấy ngồi xuống trong định bất động.
Tôn giả Ananda khi đêm đã gần mãn, canh một đã gần qua, từ chỗ ngôi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:
– Ðêm đã gần tàn, canh một đã gần qua. Các Tỷ-kheo mới đến ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy chào đón các Tỷ-kheo mới đến.
Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng. Lần thứ hai, Tôn giả Ananda, sau khi đêm đã gần mãn, canh giữa đã gần qua, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn và Bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn. Canh giữa đã gần qua. Các Tỷ-kheo mới đến ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy chào đón các Tỷ-kheo mới đến.
Lần thứ hai, Thế Tôn giữ im lặng. Lần thứ ba, Tôn giả Ananda, khi đêm đã gần mãn, canh cuối đã gần qua, rạng đông đã ló dạng, đêm đã có bộ mặt hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên, chắp tay hướng về Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh cuối đã gần qua, rạng đông đã ló dạng, đêm đã có bộ mặt hoan hỷ, các Tỷ-kheo mới đến ngồi đã lâu… Thế Tôn hãy chào đón các Tỷ-kheo mới đến!
Rồi Thế Tôn xuất khỏi định ấy bảo Tôn giả Ananda:
– Nếu Thầy có hiểu biết, này Ananda, Thầy sẽ không nói như vậy. Này Ananda, Ta và năm trăm Tỷ-kheo này tất cả đang nhập định bất động.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(IV) (Ud 27)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng, đặt niệm trước mặt. Thế Tôn thấy Tôn giả Sàriputta ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng, đặt niệm trước mặt, rồi sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
(V) (Ud 27)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Maha Moggallàna ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng, nội tâm khéo an trú thân hành niệm. Thế Tôn thấy Tôn giả Maha Moggallàna ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết-già lưng thẳng nội tâm khéo an trú thân hành niệm.
Rồi Thế Tôn, sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(VI) (Ud 28)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, Tôn giả Pilindavaccha, thường hay gọi Tỳ-kheo với danh từ bần tiện. Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Tôn giả Pilindavaccha thường hay gọi các Tỷ-kheo với danh từ bần tiện.
Rồi Thế Tôn bảo một Tỷ-kheo:
– Hãy đi, này Tỷ-kheo, và nhân danh Ta, bảo Tỷ-kheo Pilindavaccha: “Này Hiền giả, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả! “.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn đi đến Tôn giả Pilindavaccha, sau khi đến nói với Pilindavaccha:
– Bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả!
– Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Pilindavaccha vâng đáp Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Pilindavaccha đang ngồi một bên:
– Có thật chăng, này Vaccha. Thầy thường gọi các Tỷ-kheo với danh từ bần tiện?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn sau khi tác ý đến đời sống trước của Pilindavaccha, liền bảo các Tỷ-kheo:
– Này, các Tỷ-kheo, chớ có bực phiền với Tỷ-kheo Pilindavaccha. Này các Tỷ-kheo, không phải vì trong lòng có sân hận mà Vaccha thường gọi các Tỷ-kheo với danh từ bần tiện. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Vaccha trong năm trăm năm nối tiếp nhau đã sanh trong gia đình Bà-la-môn. Danh từ bần tiện đã lâu ngay được chứa chấp trong vị ấy. Do vậy, Vaccha thường gọi Tỷ-kheo với danh từ bần tiện.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
(VII) (Ud 29)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ Tôn giả Mahakassapa, trú ở hang Pipphali, ngồi một thế ngồi kiết-già trong bảy ngày, sau khi nhập vào một loại thiền định. Rồi Tôn giả Mahakassapa, sau bảy ngày, xuất khỏi định ấy, Tôn giả Mahakassapa, sau khi xuất khỏi định ấy, suy nghĩ như sau: “Ta hãy đi vào Ràjagaha để khất thực! “. Lúc bấy giờ năm trăm chư Thiên đang cố gắng lo cho Tôn giả Mahakassapa được đồ ăn khất thực. Rồi Tôn giả Mahakassapa sau khi khước từ năm trăm Thiên nhân ấy, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Ràjagaha để khất thực.
Lúc bấy giờ, Thiên chủ Sakka muốn cúng dường đồ ăn khất thực cho Tôn giả Mahakassapa, hóa thân làm người thợ dệt đang dệt chỉ Sujàta, thiếu nữ Asura đang làm cho đầy cái thoi. Rồi Tôn giả Mahakassapa, sau khi đi từng nhà khất thực ở Ràjagaha, đi đến trú xứ của Thiên chủ Sakka. Thiên chủ Sakka thấy Tôn giả Mahakassapa từ xa đi đến, sau khi thấy, liền ra khỏi nhà, tiếp đón, lấy bát từ nơi tay cầm đem vào nhà, bới cơm từ nơi nồi, đựng đầy bát và đưa lại cho Tôn giả Mahakassapa. Ðồ ăn khất thực ấy gồm có nhiều loại canh, nhiều loại món ăn, nhiều loại gia vị, món ăn trộn lẫn với nhau.
Rồi Tôn giả Mahakassapa suy nghĩ: “Ai là chúng sanh này, lại có thần lực uy lực như vậy? “. Rồi Tôn giả Mahakassapa suy nghĩ: “Chính là Thiên chủ Sakka”, sau khi biết vậy, nói với Thiên chủ Sakka:
– “Này Kosiya, chính Ông đã làm sự việc này. Chớ làm như vậy nữa!”.
– Thưa Tôn giả Kassapa, mục đích của chúng tôi là được phước. Ðiều chúng tôi cần làm là được phước.
Rồi Thiên chủ Sakka, sau khi đảnh lễ Tôn giả Mahakassaspa, thân phía hữu hướng về Ngài, bay lên trên hư không, và ở giữa hư không nói lên ba lần cảm hứng: “Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kassapa! Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kasapa! “.
Thế Tôn với Thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân nghe giữa hư không Thiên chủ Sakka nói lên ba lần lời cảm hứng: “Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kassapa! Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kassapa!.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(VIII) (Ud 30)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ-kheo sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, ngồi hội họp tại rạp tròn có cây kareri và câu chuyện sau đây được khởi lên: “Tỷ-kheo đi khất thực, thưa các Hiền giả, thỉnh thoảng mắt được thấy sắc khả ái, thỉnh thoảng tai được nghe tiếng khả ái, thỉnh thoảng mũi được ngửi hương khả ái, thỉnh thoảng lưỡi được nếm khả ái, thỉnh thoảng thân được cảm giác xúc khả ái.
Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo khất thực được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính khi đi khất thực. Vậy này chư Hiền, chúng ta hãy là ngưòi đi khất thực, thỉnh thoảng, mắt chúng ta được thấy sắc khả ái, thỉnh thoảng tai chúng ta được nghe tiếng khả ái, thỉnh thoảng mũi chúng ta được ngửi hương khả ái, thỉnh thoảng lưỡi chúng ta được nếm vị khả ái, thỉnh thoảng thân chúng ta được cảm giác xúc khả ái. Chúng ta cũng được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính khi chúng ta sẽ đi khất thực”.
Câu chuyện này giữa các Tỷ-kheo ấy chưa được nói xong, thì Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền định đứng dậy, đi đến rạp tròn có cây kareri, sau khi đến ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, này các Thày ngồi ở đây nói câu chuyện gì? Và câu chuyện gì giữa các Thầy chưa được nói xong?
– Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con sau bữa ăn, sau khi đi khất thực trở về, chúng con ngồi hội họp tại rạp tròn có cây kareri, và câu chuyện sau đây được khởi lên giữa chúng con: “Tỷ-kheo đi khất thực, thưa các Hiền giả, thỉnh thoảng mắt được thấy sắc khả ái… chúng ta cũng được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính, khi chúng ta sẽ đi khất thực “. Bạch Thế Tôn đây là câu chuyện giữa chúng con chưa được nói xong thì Thế Tôn đến.
– Này các Tỳ-kheo, chuyện này thật không xứng đáng cho các Thầy, là những thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, khi các Thầy nói lên câu chuyện như vậy. Khi các Thầy ngồi hội họp với nhau, này các Tỷ-kheo, có hai công việc cần phải làm: Nói pháp hay giữ im lặng của bậc Thánh!.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(IX) (Ud 31)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ nhiều Tỷ-kheo… (như kinh trên)… câu chuyện này khởi lên: “Này chư Hiền, ai biết nghề gì? Ai học tập nghề gì? Nghề gì là tối thượng? “
Ở đây, một số người nói như sau: “Huấn luyện voi là nghề tối thượng”. Một số người nói như sau: “Huấn luyện ngựa là nghề tối thượng”. Một số người nói như sau: “Làm xe là nghề tối thượng.” Một số người nói như sau: “Nghề bắn cung là nghề tối thượng”. Một số người nói như sau: “Nghề đao kiếm là nghề tối thượng”. Một số người nói như sau: “Nghề ấn hiệu là nghề tối thượng”. Một số người nói như sau: “Nghề tính toán là nghề tối thượng”. Một số người nói như sau: “Nghề ước lượng là nghề tối thượng”. Một số người nói như sau: “Nghề viết bài là nghề tối thượng”. Một số người nói như sau: “Nghề làm thơ là nghề tối thượng”. Một số người nói như sau: “Nghề phỏng đoán các nguyên nhân tự nhiên là nghề tối thượng”. Một số người nói như sau: “Nghề điều khiển bộ máy quốc gia là nghề tối thượng”. Ðây là câu chuyện xảy ra giữa chúng con chưa được nói xong.
Rồi Thế Tôn vào buổi chiều… (Xem III,8…) chưa được nói xong… “Ở đây, bạch Thế Tôn… khởi lên: “Này hiền giả ai biết nghề gì… nghề điều khiển bộ máy quốc gia là nghề tối thượng “. Bạch Thế Tôn đây là câu chuyện xảy ra giữa chúng con chưa được nói xong, thì Thế Tôn đã đến”.
– Này các Tỷ-kheo, chuyện này thật không xứng đáng cho các Thầy… khi các Thầy ngồi hội họp với nhau, có hai công việc cần phải làm: Nói pháp hay giữ im lặng của bậc Thánh.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(X) (Ud 32)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjara, dưới gốc cây Bồ-đề, khi mới thành Chánh giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày ngồi một thế ngồi kiết già, hưởng thọ giải thoát lạc. Rồi Thế Tôn, sau bảy ngày ấy, từ định ấy xuất khởi, nhìn đời với Phật nhãn, thấy các chúng sanh bị thiêu đốt với nhiều loại thiêu đốt, bị nhiệt não bởi nhiều loại nhiệt não, bởi tham, bởi sân, bởi si.
Rồi Thế Tôn, sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào đã tuyên bố rằng sự giải thoát khỏi hữu là do hữu. Ta nói rằng tất cả những vị ấy không giải thoát khỏi hữu.
Những Sa môn hay những Bà-la-môn nào đã tuyên bố rằng sự xuất ly khỏi hữu là do phi hữu, tất cả những vị ấy, Ta tuyên bố rằng chúng không nương tựa nơi hữu.
Do duyên sanh y, khổ này được sanh khởi. Chính do đoạn diệt tất cả sanh y, khổ không có hiện hữu.
Chương Bốn – Phẩm Meghiya
(I) (Ud 34)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Càlikà, tại núi Càlikà Lúc bấy giờ Tôn giả Meghiya là người thị giả Thế Tôn. Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, con muốn vào làng Jantu để khất thực.
– Này Meghiya, hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời.
Rồi Tôn giả Meghiya, vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào làng Jantu để khất thực. Khất thực ở làng Jantu xong, sau buổi ăn, khi khất thực trở về, đi đến bờ sông Kimikàkà, sau khi đến, bộ hành qua lại trên bờ sông Kimikàlà, thấy rừng xoài tươi đẹp, khả ái, thấy vậy Tôn giả Meghiya suy nghĩ: “Thật tươi đẹp thay, khả ái thay rừng xoài này. Rừng xoài này thật là vừa đủ để một thiện nam tử tinh cần, hành trì hạnh tinh cần. Nếu Thế Tôn cho phép ta, ta sẽ đến rừng xoài này để tinh cần hành trì”. Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, ngồi xuống một bên, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, con vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào làng Jantu để khất thực. Khất thực ở Jantu xong, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, con đi đến bờ sông Kimikàlà, sau khi đến, con bộ hành qua lại trên bờ sông Kimikàlà, con thấy rừng xoài tươi đẹp, khả ái, thấy vậy, con suy nghĩ: “Thật tươi đẹp thay, khả ái thay là rừng xoài này. Rừng xoài này thật là vừa đủ để một thiện nam tử tinh cần, hành trì hạnh tinh cần”. Nếu Thế Tôn cho phép con, con sẽ đi đến rừng xoài ấy để tinh cần hành trì.
Ðược nói vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Meghiya:
– Hãy chờ đợi, này Meghiya. Chúng ta nay chỉ có một mình, chờ cho đến khi một Tỳ-kheo khác đến!.
Lần thứ hai, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn, không có gì cần phải làm thêm nữa, không có gì cộng thêm vào việc đã làm. Nhưng đối với con, bạch Thế Tôn, có việc cần phải làm thêm nữa, có việc cộng thêm vào việc đã làm. Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn cho phép con, con sẽ đi đến rừng xoài này để tinh cần tu hành.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Tôn giả Meghiya:
– Hãy chờ đợi này Meghiya! Chúng ta nay chỉ có một mình, chờ cho đến khi một Tỷ-kheo khác đến.
Lần thưa ba, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn không có gì cần phải làm thêm nữa, không có gì cộng thêm vào việc đã làm… con sẽ đi đế rừng xoài này để tinh cần tu hành.
– Này Meghiya, khi Thầy nói tinh cần, thời Ta có thể nói gì được! Này Meghiya, nay Thầy hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời!.
Rồi Tôn giả Meghiya từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài đi đến rừng xoài ấy, sau khi đến, đi sâu vào rừng xoài và ngồi trú ban ngày dưới một gốc cây. Trong khi Tôn giả Meghiya trú trong rừng xoài ấy, phần lớn ba tâm ác, không thiện hiện hành, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm.
Rồi Tôn giả Meghiya suy nghĩ như sau: “Thật vi diệu thay, thật hi hữu thay! Ta vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lại bị ba tâm ác, không thiện này xâm nhập, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm”. Rồi Tôn giả Meghiya vào buổi chiều từ thiền tịnh đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con sống trong rừng xoài ấy, phần lớn ba tầm ác, không thiện hiện hành, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm. Bạch Thế Tôn, rồi con suy nghĩ như sau: “Thật vi diệu thay… hại tầm”.
– Này Meghiya, khi tâm giải thoát chưa được thuần thục, năm pháp đưa đến sự thuần thục. Thế nào là năm? Ở đây thiện bạn hữu, thiện thân hữu là pháp thứ nhất, này Meghiya, khiến tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thực. Lại nữa, này Meghiya, Tỷ-kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokha, đầy đủ uy nghĩ chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Ðây là pháp thứ hai, này Meghiya, khiến tâm giải thoát chưa thuần thục, đi đến thuần thục. Lại nữa, này Meghiya, phàm có những câu chuyện nào nghiêm túc, thích ứng khai mở tâm, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, như câu chuyện về ít dục, câu chuyện về biết đủ, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về hòa hợp, câu chuyện về tinh cần, tinh tấn, câu chuyện về giới luật, câu chuyện về thiền định, câu chuyện về trí tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến. Những câu chuyện như vậy có thể được không có khó khăn, có thể được không có mệt nhọc, có thể được không có phí sức. Ðây là giải pháp thứ ba, này Meghiya, khiến cho tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục. Lại nữa, này Meghiya, vị Tỷ-kheo sống tinh cần, tinh tấn, để đoạn tận các pháp không thiện, để làm sanh khởi các pháp thiện, kiên trì, cương quyết, không từ bỏ gánh nặng đối với pháp thiện. Ðây là pháp thứ tư, này Meghiya, khiến cho tâm giải thoát chưa thuần thục, đi đến thuần thục. Lại nữa, này Meghiya, vị Tỷ-kheo có trí tuệ, đầy đủ trí tuệ, đi đến thẩm sát sanh diệt, với Thánh thể nhập đưa đến đoạn tận khổ đau. Ðây là pháp thứ năm. Này Meghiya, khiến tâm thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục. Này Meghiya, đây là năm pháp khiến tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục.
Này Meghiya, với vị Tỷ-kheo thiện thân hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, được chờ đợi là vị ấy sẽ giữ giới, sẽ sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và tu tập trong các học pháp. Với vị Tỷ-kheo thiện thân hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, sẽ giữ giới, sẽ sống chế ngự… tu tập trong các học pháp, được chờ đợi là phàm có những câu chuyện nào nghiêm túc, thích ứng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Như câu chuyện về ít dục, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về hòa hợp, câu chuyện về tinh cần tinh tấn, câu chuyện về giới luật, câu chuyện về thiền định, câu chuyện về trí tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến; những câu chuyện như vậy có thể có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Với vị Tỷ-kheo thiện thân hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, được chờ đợi là vị ấy sống tinh cần, tinh tấn để đoạn tận các pháp không thiện, để làm sanh khởi các pháp thiện, kiên trì, cương quyết, không từ bỏ gánh nặng đối với pháp thiện. Với vị Tỷ-kheo thiện thân bằng hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, được chờ đợi là vị Tỷ-kheo sẽ có trí tuệ, đầy đủ trí đi đến thẩm sát sanh diệt với thánh thể nhập đưa đến đoạn tận khổ đau.
Lại nữa, này Meghiya, với vị Tỷ-kheo khéo an trú trong năm pháp này, bốn pháp cần phải tu tập thêm: Bất tịnh cần phải tu tập để đoạn tận tham; Từ cần phải tu tập để đoạn tận sân; Niệm hơi thở vô hơi thở ra cần phải tu tập để trừ khử tầm tư; Vô thường tưởng cần phải tu tập để nhổ lên kiêu mạn, tôi là. Này Meghiya, với ai có tưởng vô thường, tưởng vô ngã được an trú. Với ai có tưởng vô ngã, vị ấy đạt được sự nhổ lên kiêu mạn: tôi là, Niết-bàn ngay trong hiện tại.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(II) (Ud 37)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Kusinàra, tại Upavatama, trong ngôi rừng Pàla của dân chúng Mallà. Lúc bấy giờ nhiều Tỷ-kheo, đang sống trong những cốc ở trong rừng không xa Thế Tôn bao nhiêu, tháo động, kiêu căng, dao động, lắm mồm, lắm miệng, lắm lời, thất niệm, không tỉnh giấc, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn thả lỏng. Thế Tôn thấy số đông các Tỷ-kheo ấy, đang sống trong những cốc ở trong rừng, tháo động, kiêu căng, dao động, lắm mồm, lắm miệng, lắm lời, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn thả lỏng.
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(III) (Ud 38)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn đang bộ hành giữa dân chúng Kosala với đại chúng Tỷ-kheo. Rồi Thế Tôn từ con đường bước xuống, đi đến một gốc cây, sau khi đến ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Hỏi một kẻ chăn bò đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn với pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn chấn, làm cho hoan hỷ người chăn bò đang ngồi một bên ấy. Rồi người chăn bò ấy, sau khi được Thế Tôn, với pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn chấn, làm cho phấn khởi, bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời, ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo”. Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi người chăn bò ấy, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Rồi người chăn bò ấy, sau khi đêm ấy đã mãn, sau khi dự trữ sẵn sàng một số lớn cơm sữa đặc và bơ tươi và báo thời giờ cho Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời, cơm đã sẵn sàng.
Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi đến trú xứ của người chăn bò ấy, với chúng Tỷ-kheo, sau khi đến ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Người chăn bò ấy, tự tay mời, làm cho thỏa mãn chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu, với cơm sữa đặc và bơ tươi. Rồi người chăn bò, khi đức Phật đã dùng xong, tay đã rời khỏi bát, liền lấy một ghế ngồi thấp, ngồi xuống một bên, Thế Tôn với pháp thoại, trình bày, khích lê, làm cho phấn chấn, làm cho hoan hỷ, người chăn bò đang ngồi một bên, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi. Thế Tôn ra đi không bao lâu, có ngưòi đoạt mạng sống người chăn bò ấy tại biên giới của làng. Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, hôm nay chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị dẫn đầu đã được người chăn bò ấy tự tay mời ăn và làm cho thỏa mãn với cơm sữa đặc và bơ tươi. Người chăn bò ấy, bạch Thế Tôn, đã bị một người đoạt mạng sống tại biên giói của làng.
Thế Tôn sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
(VI) (Ud 39)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, tại Veluvana chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Moggallàna trú ở động chim bồ câu. Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta, trong đêm có sáng trăng, ngồi giữa trời với tóc mới được cạo xong, đang nhập định. Có hai Dạ-xoa là bạn với nhau đang đi từ phương Nam lên phương Bắc vì một vài công việc. Các Dạ-xoa ấy thấy Tôn giả Sàriputta trong đêm có sáng trăng, ngồi giữa trời với tóc mới cạo xong.
Thấy vậy, một Dạ-xoa nói với Dạ-xoa thứ hai: “Này bạn, ta có ý muốn đánh trên đầu vị Sa-môn này”. Ðược nghe nói vậy, vị Dạ-xoa này nói với Dạ-xoa ấy: “Chớ có làm, này bạn, không làm gì được với vị Sa-môn! Này bạn, Sa-môn ấy vĩ đại, có đại thần lực, có đại uy lực ” Lần thứ hai, vị Dạ-xoa ấy nói vị Dạ-xoa này: “Này bạn, ta có ý muốn đánh trên đầu vị Sa-môn này”. Lần thứ hai, vị Dạ-xoa này nói với vị Dạ-xoa ấy: “Chớ có làm, này bạn, không làm gì được với vị Sa-môn!. Này bạn, Sa-môn ấy vĩ đại, có đại thần lực, có đại uy lực”. Lần thứ ba, vị Dạ-xoa ấy, nói với vị Dạ-xoa này: “Này bạn, ta có ý muốn đánh trên đầu của vị Sa-môn này”. Lần thứ ba, vị Dạ-xoa này nói với vị Dạ-xoa ấy: “Chớ có làm này bạn, không làm gì được với vị Sa-môn. Này bạn, Sa-môn ấy vĩ đại, có đại thần lực, có đại uy lực”.
Rồi Dạ-xoa ấy không nghe theo, Dạ-xoa này liền đánh trên đầu Tôn giả Sàriputta. Với cái đánh này, có thể làm ngã con voi bảy đến tám khuỷu tay cao hay làm bề tan ngọn núi lớn. Ngay lúc ấy, Dạ-xoa ấy hét lớn: “Tôi bị cháy! Tôi bị cháy! ” và rơi vào đại địa ngục.
Tôn giả Mahà Moggallàna với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy Tôn giả Sàriputta bị đánh trên đầu, thấy vậy liền đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, nói với Tôn giả Sàriputta:
– Mong rằng Hiền giả có thể kham nhẫn! Mong rằng Hiền giả có thể chịu đựng. Mong rằng Hiền giả không có đau đớn!
– Này Hiền giả Moggallàna, tôi có thể kham nhẫn! Hiền giả Moggallàna, tôi có thể chịu đựng! Hiền giả Moggallàna, nhưng đầu tôi có đau.
– Thật vi diệu thay, Hiền giả Sàriputta!. Hiền giả Sàriputta thật có thần lực lớn, thật có uy lực lớn! Ở đây, thưa Hiền giả Sàriputta, có con Dạ-xoa đánh trên đầu Hiền giả, đánh thật mạnh. Với cái đánh ấy, có thể làm ngã con voi bảy đến tám khuỷu tay cao, hay làm bể tan ngọn núi lớn và Tôn giả Sàriputta đã nói như sau: “Này Hiền giả Moggallàna, tôi có thể kham nhẫn! Này Hiền giả Moggallàna, tôi có thể chịu đựng! Nhưng tôi có hơi đau đầu!” Thật vi diệu thay, Hiền giả Moggallàna! Thật hy hữu thay Hiền giả Moggallàna! Có đại thần lực là tôn giả Mahà Moggallàna, có đại uy lực, vì rằng Hiền giả có thể thấy được Dạ-xoa, nhưng tôi này không thấy được một con quỷ đói.
Thế Tôn với Thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, nghe được câu chuyện như vậy giữa hai vị long tượng ấy.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(V) (Ud 41)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, tại khu vuờn Ghosita. Lúc bấy giờ Thế Tôn sống bị các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, các vua, các đại thần của vua, các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo quấy rầy, bị quấy rầy nên khổ, không có thoải mái an ổn. Rồi Thế Tôn suy nghĩ như sau: “Nay Ta sống bị các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni… quấy rầy, vì bị quấy rầy nên khổ, không có thoải mái an ổn. Vậy Ta hãy sống một mình, xa rời đại chúng”.
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Kosambi để khất thực. Khất thực ở Kosambi xong, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, liền dọn dẹp sàng tọa của mình, cầm y bát, không nói cho thị giả biết, không báo cho chúng Tỷ-kheo biết, một mình không có người thứ hai ra đi, bộ hành hướng đến Pàlileyyaka, tiếp tục bộ hành và đi đến Pàlileyyaka. Tại đây, Thế Tôn sống ở Pàlileyyaka, khóm rừng Rakkhita, dưới gốc cây Sàla Bhadda.
Rồi một con voi, bị các con voi, các con voi cái, các con voi con, các con voi còn bú quấy rầy, ăn cỏ với đầu ngọn bị cắt đứt, ăn các cành cây bị gẫy, uống nước bị vẩn đục, khi hụp lặn xong lên khỏi nước nó bị các con voi cái cọ xát thân hình, vì bị quấy rầy nên khổ, không có thoải mái an ổn. Rồi con voi ấy suy nghĩ: “Ta bị các con voi, các con voi cái… Ta vì bị phiền quấy rầy nên khổ, không có thoải mái, an ổn. Vậy Ta hãy sống một mình, xa rời khỏi đàn voi”.
Rồi con voi ấy, rời khỏi đàn voi, đi đến Pàlileyyaka, tại khóm rừng Rakkita, ở gốc cây sàla Bhadda. Tại đấy, con voi ấy tại chỗ nào Thế Tôn ở, tại chỗ ấy nó dọn sạch cỏ với cái vòi của mình, đem nước uống, đồ ăn để Thế Tôn dùng.
Rồi Thế Tôn trong khi sống độc cư thiền định, tư tưởng như sau được khởi lên: “Ta trước đây bị các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni… quấy rầy không có thoải mái an ổn. Nay Ta sống không có bị các Tỷ-kheo… không có bị các ngoại đạo, đệ tử các ngoại đạo quấy rầy, vì không bị quấy rầy, Ta sống an lạc thoải mái”.
Còn con voi ấy cũng khởi lên suy nghĩ như sau: “Trước đây ta sống bị các con voi.. quấy rầy, vì bị quấy rầy nên khổ, không có thoải mái an ổn. Nay ta sống không bị các con voi… quầy rầy. Ta ăn cỏ với đầu ngọn không bị cắt đứt, ăn các cành cây không bị bẽ gãy, uống nước không bị vẫn đục, khi hụp lặn xong lên khỏi nước, ta không bị các con voi cái cọ xát thân hình, ta không bị quấy rầy nên sống an lạc, thoải mái an ổn”.
Rồi Thế Tôn, sau khi biết hạnh viễn ly của mình, với tâm của mình biết được tâm của con voi ấy, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(VI) (Ud 42)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn giả Pindolabhàradvàja ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết-già lưng thẳng, sống ở rừng, đi khất thực, mặc y lượm từ đống rác, chỉ mang ba y, ít dục, biết đủ, viễn ly, không ưa thích hội họp, tinh cần tinh tấn, nói hạnh đầu đà, chú tâm vào tăng thượng tâm. Thế Tôn thấy Tôn giả Pindolabhàradvàja ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng… chú tâm vào tăng thượng tâm.
Rồi Thế Tôn sau khi rõ biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(VII) (Ud 43)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, kiết-già lưng thẳng, ít dục, biết đủ, viễn ly, không ưa hội họp, tinh cần tinh tấn, chú tâm vào tăng thượng tâm. Thế Tôn thấy Tôn giả Sàriputta ngồi không xa bao nhiêu, kiết già lưng thẳng, ít dục, biết đủ, viễn ly, không ưa hội họp, tinh cần tinh tấn, chú tâm vào tăng thượng tâm.
Rồi Thế Tôn sau khi biết ý nghĩa này, ngay lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(VIII) (Ud 44)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Thế Tôn được cung kính, tôn trọng, đảnh lể, cúng dường, tôn kính nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Chúng Tỷ-kheo cũng được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường tôn kính, cũng nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng các du sĩ ngoại đạo không được cung kính… Cũng không nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Các du sĩ ngoại đạo ấy, không có thể chịu nổi sự cung kính đối với Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo, đi đến nữ du sĩ Sundari, sau khi đến, nói với nữ du sĩ Sundari:
– Này chị, chị có thể làm lợi ích cho các bà con?
– Thưa các Tôn giả, con có thể làm gì? Việc gì con có thể làm được? Ðời sống của con là một vật hy sinh cho các bà con.
– Vậy Chị hãy thường đi đến Jetavana.
– Thưa vâng, các Tôn giả.
Nữ du sĩ Sundari, sau khi vâng đáp các du sĩ ngoại đạo ấy thường xuyên đi đến Jetavana. Khi các du sĩ ngoại đạo ấy được biết rằng nữ du sĩ Sundari được nhiều người thấy thường xuyên đi đến Jetavana, họ đoạt mạng sống của nữ du sĩ Sundari, tại đấy, chôn nàng vào cái hố trong các mương của Jetavana, rồi đi đến Vua Pasenadi nước Kosala, sau khi đến thưa với vua Pasenadi nước Kosala:
– Thưa Ðại vương, nữ du sĩ Sundari không được thấy nữa.
– Nhưng các Người nghĩ ở tại đâu?
– Ở tại Jetavana, thưa Ðại vương.
– Vậy hãy đi tìm ở Jetavana.
Các du sĩ ngoại đạo ấy đi tìm ở Jetavana, đào mương tại chỗ đã quăng nàng xuống, đặt nàng trên giường, đi vào Sàvatthi từ đường này đến đường khác, từ ngã ba đường này đến ngã ba đường khác, họ làm cho dân chúng tức giận nói rằng: “Các Ông hãy xem công việc làm của các Thích tử! Vô liêm sỉ là các Sa-môn Thích tử này, theo ác giới, theo ác pháp, nói láo, không Phạm hạnh họ tự cho là sống đúng pháp, sống thăng bằng, sống Phạm hạnh, nói lời chân thật, giữ giới, theo thiện pháp. Không có Sa-môn hạnh trong những vị này. Không có Bà-la-môn hạnh trong những vị này. Từ đâu họ có Sa-môn hạnh? Từ đâu họ có Bà-la-môn hạnh? Sa-môn hạnh của họ đã đi mất. Sau khi làm xong phận sự của đàn ông, họ đoạt mạng sống của nữ nhân này”.
Lúc bấy giờ, các người ở Sàvatthi, khi thấy các Tỷ-kheo, với những lời không tốt, ác độc, mắng nhiếc, mạ lỵ, phỉ báng, bức não nói rằng: “Vô liêm sỉ là các Sa-môn Thích tử này, theo ác giới, theo ác pháp… họ đoạt mạng sống của nữ nhân này”.
Rồi một số đông Tỷ-kheo vào buổi sáng đáp y cầm bát, vào Sàvatthi để khất thực, khất thực ở Sàvatthi xong, sau buổi ăn, đi khất thực trở về đi đến Thế Tôn, sau khi đi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Nay các người ở Sàvatthi khi thấy các Tỷ-kheo… họ đoạt mạng sống của nữ nhân này.
– Này các Tỷ-kheo, tiếng đồn này sẽ không còn tồn tại lâu dài, chỉ có một tuần thôi, sau một tuần sẽ biến mất.
Này các Tỷ-kheo, những ai thấy Tỷ-kheo… bức não, các Thầy hãy chỉ trích lại với bài kệ này:
Rồi các Tỷ-kheo ấy sau khi học thuộc lòng bài kệ này từ nơi Thế Tôn, nếu có những người thấy các Tỷ-kheo với những lời không tốt, ác độc, mắng nhiếc, mạ lỵ, phỉ báng, bức não, các vị liền chỉ trích lại với bài kệ này: “Ai nói lời không thật… Trong một đời sống khác “, những người suy nghĩ như sau: “Các Thích tử Sa-môn không có phạm tội. Sự việc ấy không phải do họ làm. Các Sa-môn Thích tử này đã thề như vậy.” Và lời nói ấy không có lâu dài, lời nói ấy chỉ có tồn tại có một tuần, sau một tuần được biến mất. Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi một bên, ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, thật là khéo nói, lời này của Thế Tôn: “Này các Tỷ-kheo, tiếng đồ này sẽ không tồn tại lâu dài, chỉ có một tuần thôi, sau một tuần sẽ biến mất”. Bạch Thế Tôn, tiếng đồn ấy đã biến mất.
Rồi Thế Tôn sau khi rõ biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(IX) (Ud 45)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ Tôn giả Upasena Vangantaputta trong khi độc cư thiền định, ý nghĩa như sau được khởi lên: “Thật lợi ích thay cho ta, thật khéo lợi ích thay cho ta, bậc Ðạo sư của ta, bậc Thế Tôn của ta là bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng-Giác. Chúng ta được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, trong Pháp Luật khéo nói. Các vị đồng Phạm hạnh với ta là những người có giới, theo thiện pháp. Chúng ta là những người làm đầy đủ trong giới luật. Chúng ta có thiền định. Chúng ta có nhất tâm, là bậc A-la-hán, đoạn tận các lậu hoặc, chúng ta có đại thần lực, đại uy lực. Hiền thiện là mạng sống của ta. Hiền thiện là sự chết của ta.”
Rồi Thế Tôn với tâm của mình, biết được tâm của Tôn giả Upasena Vangantaputta, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng:
(X) (Ud 46)
Như vậy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta ngồi xa Thế Tôn không bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng, quán sát sự an tịnh của mình. Thế Tôn thấy Tôn giả Sàriuptta, ngồi xa Thế Tôn không bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng, quán sát sự an tịnh của mình.
Rồi Thế Tôn sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
Chương Năm – Phẩm Trưởng Lão Sona
(I) (Ud 47)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala có mặt với hoàng hậu Mallikà trên lầu thượng của hoàng cung, rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với hoàng hậu Mallikà:
– Này Mallikà có ai khác thân ái với hoàng hậu hơn là tự ngã của Hoàng hậu?
– Thưa Ðại vương, không có khác thân ái với thiếp hơn là tự ngã của thiếp. Nhưng thưa Ðại vương, có ai khác thân ái với Ðại vương hơn là tự ngã của Ðại vương?
– Này Mallikà, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala bước xuống lầu và đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bê. Ngồi xuống một bên, vua Pesenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, con đi lên lầu thượng của hoàng cung với Hoàng hậu Mallikà và con nói với Hoàng hậu Mallikà: “Này Mallikà, có ai khác thân ái với Hoàng hậu hơn là tự ngã của Hoàng hậu?”.
Khi được nói như vậy, bạch Thế Tôn, Hoàng hậu Mallikà trả lời với con: “Thưa Ðại vương, không có ai khác thân ai với Thiếp hơn là tự ngã của Thiếp. Nhưng thưa Ðại vương, có ai khác thân ái với Ðại vương hơn là tự ngã của Ðại vương? ” Ðược nói vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời cho Hoàng hậu Mallikà: Này Mallikà, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta”.
Rồi Thế Tôn, sau khi biết rõ ý nghĩa này trong lúc ấy liền nói lên bài kệ này:
(II) (Ud 48)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, chỗ khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Tôn giả Ananda, vào buổi chiều, từ thiền định đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn. Thật hi hữu thay, bạch Thế Tôn. Thọ mạng ít thay, bạch Thế Tôn, là mẹ của Thế Tôn! Sau khi sanh Thế Tôn bảy ngày, mẹ Thế Tôn mệnh chung, được sanh ở cõi trời Ðâu-suất”.
– Chính là như vậy, này Ananda! Thọ mạng ít thay là mẹ vị Bồ Tát. Sau khi sanh Thế Tôn bảy ngày, mẹ Thế Tôn mệnh chung, được sanh ở cõi trời Ðâu suất! Thọ mạng ít thay là các bà mẹ của các Bồ Tát. Sau khi sanh bảy ngày, các bà mẹ của Bồ-tát mệnh chung, và được sanh lên cõi trời Ðâu suất.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu rõ ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời kệ:
(III) (Ud 49)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, một người bị bệnh hủi tên là Suppabuddha, nghèo đói, ăn xin, khốn cùng. Lúc bấy giờ, Thế Tôn với đại chúng đoanh vây, đang ngồi thuyết pháp. Người hủi Suppabuddha thấy từ đàng xa đại chúng đang tụ hội, thấy vậy liền suy nghĩ: “Không nghi ngờ gì nữa, ở đấy, có thể có chia phần cái gì ăn được, loại cứng hay loại mềm. Vậy ta hãy đi đến đại chúng ấy, mong rằng ta sẽ được chút gì ăn được, loại cứng hay loại mềm”. Rồi người hủi Suppabuddha đi đến đại chúng ấy.
Người hủi Suppabuddha thấy Thế Tôn đang thuyết pháp cho đại chúng đang đoanh vây xung quanh, thấy vậy liền suy nghĩ: “Ở đây không có cái gì ăn được, loại cứng hay loại mềm để chia phần. Sa-môn Gotama này đang thuyết pháp cho hội chúng. Vậy ta hãy nghe pháp”. Tại đấy, người hủi ngồi xuống và nghĩ: “Ta sẽ nghe pháp”.
Rồi Thế Tôn, với tâm của mình duyên với tâm của toàn thể hội chúng tác ý rằng: “Ở đây, ai có thể hiểu được pháp”. Thế Tôn thấy người hủi Suppabuddha đang ngồi trong hội chúng, thấy vậy liền suy nghĩ: “Ở đây, ngưòi này có thể hiểu pháp”.
Vì người hủi Suppabuddha, Thế Tôn tuần tự thuyết pháp, tức là thuyết bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về thiên giới, thuyết về sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự ô nhiễm cuả các dục, sự lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết tâm của người hủi Suppabuddha đã sẵn sàng, đã nhu thuận không còn chướng ngại, được phấn khởi, được tín thành, liền thuyết pháp mà chư Phật đã chứng ngộ, tức là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo.
Cũng như tấm vải thuần bạch, được gội rửa các vết đen, sẽ rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy chính tại chỗ ngồi này, pháp nhãn xa trần ly cấu khởi lên trong tâm người hủi Suppabuddha: “Phàm cái gì được khởi lên, tất cả đều bị đoạn diệt”. Khi ấy người hủi Suppabuddha thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, chứng được tự tín, không y cứ nơi người khác đối với lời dạy của đức Bổn Sư, từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, người hủi Supabuddha bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mặt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích, Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỳ-kheo, mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
Rồi người hủi Suppabuddha được Thế Tôn với bài pháp thoại thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn chấn, làm cho hoan hỷ, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Rồi một con bò húc vào người hủi Suppabuddha và đoạt mạng sống. Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, người hủi tên Suppabuddha được Thế Tôn với bài pháp thoại thuyết giảng,, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ đã mạng chung. Sanh thú của vị ấy là gì? Tương lai của vị ấy thế nào?
– Này các Tỷ-kheo, Hiền trí là người hủi Suppabuddha, đã thực hành tuỳ pháp đúng pháp, không có làm phiền nhiễu Ta với những tranh luận về pháp. Người hủi Suppabuddha sau khi đoạn tận ba kiết sử, đã chứng được quả Dự lưu, không còn bị thối đọa, chắc chắn đạt được Chánh giác.
Khi nghe nói vậy một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn do nhân gì, do duyên gì, người hủi Suppabuddha lại là người nghèo đói, là người ăn xin, là người khốn cùng?
– Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, người hủi Suppabuddha là con một nhà triệu phú ở Ràjagaha khi đi ngang qua một khu vườn, vị ấy thấy đức Phật Ðộc giác Tagarasikhi đang đi vào thành khất thực. Thấy vậy, vị ấy suy nghĩ: “Ai là người hủi này lại đi dạo chơi ” và vị ấy nhổ nước miếng và xây lưng phía trái rồi bỏ đi. Do hành động này của vị ấy được thuần thục, nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm, vị ấy bị nấu trong địa ngục. Do sự thanh thục thêm nữa của nghiệp ấy, chính tại Ràjagala này, vị ấy là một người nghèo đói, là người ăn xin, là người khốn cùng! Nay vị ấy do y cứ vào pháp luật được Như Lai thuyết giảng, vị ấy được lòng tin, vị ấy được giới, vị ấy được nghe pháp, vị ấy được từ bỏ, vị ấy được trí tuệ, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh thiện thú, thiên giới, đời này, được cộng trú với chư Thiên ở cõi Ba mươi ba. Tại đấy, vị ấy chói sáng hơn các chư Thiên khác về dung sắc và danh xưng.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(IV) (Ud 50)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều thiếu niên giữa Sàvatthi và Jetavana, đang hành hạ các con cá. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi để khất thực. Thế Tôn thấy nhiều thiếu niên giữa Sàvatthi và Jetavana đang hành hạ các con cá, thấy vậy đi đến các thiếu niên ấy, sau khi đến nói với chúng:
– Này các Thiếu niên, các Em có sợ đau khổ không? Các Em không ưa thích khổ phải không?”.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn, chúng con sợ đau khổ. Chúng con không ưa thích khổ.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(V) (Ud 51)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Dubbarà, trong lầu mẹ của Migàra. Lúc bấy giờ Thế Tôn, vào ngày trai giới đang ngồi có chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Rồi Tôn giả Ananda, sau khi đêm đã gần mãn, canh một sắp qua, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng dẫn đến Thế Tôn, và Bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh một đã sắp qua, chúng Tỷ-kheo ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giới bổn Pàtimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
Khi được nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng. Lần thứ hai, Tôn giả Ananda, khi đêm đã gần mãn, canh giữa đã sắp qua. Chúng Tỳ-kheo ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giới bổn Pàtimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
Lần thứ hai, Thế Tôn giữ im lặng. Lần thứ ba, Tôn giả Ananda, khi đêm đã gần mãn, canh cuối đã sắp qua, rạng đông đã ló dạng đêm đã nở nụ cười, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng dẫn đến rồi bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh cuối đã sắp qua, rạng đông đã ló dạng, đêm đã nở nụ cười, chúng Tỷ-kheo ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giới Pàtimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
– Này Ananda, hội chứng không thanh tịnh. Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna suy nghĩ: “Vì người nào mà Thế Tôn nói: ‘Này Ananda, hội chúng này không thanh tịnh’?” Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna với tâm của mình tác ý đến tâm toàn thể chúng Tỷ-kheo. Tôn giả Mahà Moggallàna thấy một người ác giới, theo ác pháp, không thanh tịnh, sở hành đáng nghi ngờ, hành động được che đậy, không phải Sa-môn tự xưng là Sa-môn, không theo Phạm hạnh tự xưng là Phạm hạnh, nội tâm hủ hóa, đầy ứ dục vọng, một đống rác ô uế đang ngồi giữa chúng Tỷ-kheo, thấy vậy từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến người ấy, sau khi đến nói với người ấy:
– Hiền giả hãy đứng dậy, Thế Tôn đã thấy Hiền giả. Hiền giả không được cộng trú với chúng Tỷ-kheo.
Người ấy giữ im lặng. Lần thứ hai, Tôn giả Moggallàna nói với người ấy:
– Hiền giã hãy đứng dậy. Thế Tôn đã thấy Hiền giả. Hiền giả không được cộng trú với chúng Tỷ-kheo.
Lần thứ hai, người ấy im lặng. Lần thứ ba, Tôn giả Mahà Moggallàna. Lần thứ ba, Hiền giả ấy im lặng. Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna nắm tay người ấy, dắt tay khỏi ngoài cửa, gài then cửa lại, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Hiền giả ấy đã bị con đuổi ra rồi. Hội chúng nay thanh tịnh Bạch Thế Tôn. Thế Tôn hãy thuyết giảng giới bổn Pàtimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
– Thật vi diệu thay, Moggallàna! Thật hy hữu thay, Moggallàna! Cho đến khi bị cầm tay, người ngu si mới đi ra.
Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, bắt đầu từ nay Ta sẽ không làm Uposastha nữa, Ta sẽ không tụng đọc giới bổn Pàtimokkha nữa. Bắt đầu từ nay, các Thầy hãy làm Uposastha, các Thầy hãy tụng đọc giới bổn. Sự kiện không có được. Này các Tỷ-kheo, cơ hội không có được là Như Lai có thể làm Uposastha với hội chúng không thanh tịnh, có thể đọc giới bổn. Này các Tỷ-kheo, biển lớn có tám pháp vi diệu hy hữu này, do thấy chúng như vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn. Thế nào là tám?
Này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẩm. Này các Tỷ-kheo, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ nhất. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Này các Tỷ-kheo, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ hai. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng trên bờ hay vất lên đất liền. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ ba. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravati, sông Mahi, các con sông ấy khi chảy đến biển liền bỏ tên họ cũ, trở thành biển lớn. Vì rằng phàm có con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravati, sông Mahi, các con sông ấy khi chảy đến biển liền bỏ tên họ cũ, trở thành biển lớn. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ tư. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có giảm tăng. Này các Tỷ-kheo vì rằng, phàm có dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy mà biển lớn được thấy có giảm tăng. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ năm. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu, chưa từng có thứ sáu. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những châu báu này như trân châu, ma ni châu, lưu ly, xa-cừ, ngọc bích, san-hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những loại châu báu này như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ bảy. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn là trú xứ các loài sinh vật lớn. Tại đây có những sinh vật này như các con timi, timingalà, timiramingalà. Những loại A-tu-la, các loại Nàgà, các loại Gandhabhà. Trong biển lớn có các loại hữu tình dài một trăm do-tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do-tuần. Vì rằng, này các Tỳ-kheo, biển lớn là trú xứ các sanh vật lớn. Tại đây có những sinh vật này như các con timi, timingalà, timiramingalà. Những loại A-tu-la, các loại Nàgà, các loại Gandhabhà. Trong biển lớn có các loại hữu tình dài một trăm do-tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do-tuần. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ tám. Do thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có tám pháp, vi diệu chưa từng có trong Pháp và Luật này, do thấy chúng, thấy chúng, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này. Thế nào là tám?
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, các học pháp và tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí, thình lình. Này Paharada, vì rằng trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thực là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhứt. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn đứng một chỗ không có vượt qua bờ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua. Này các Tỷ-kheo, vì rằng các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua. Này các Tỷ kheo trong Pháp và Luật này, đây là Pháp vi diệu chưa từng có thứ hai. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú, trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng trên bờ hay vất lên đất liền. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, người nào là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh đáng nghi ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn nhưng tự nhận là Sa-môn, không sống Phạm hạnh nhưng tự nhận là có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất định. Chúng Tăng không sống chung với người ấy, lập tức hội họp lại và đuổi người ấy ra khỏi. Dầu cho người ấy có ngồi giữa chúng Tỷ-kheo tăng, nhưng người ấy sống xa chúng Tăng và chúng Tăng sống xa người ấy. Vì rằng này các Tỷ-kheo, người ấy là ác giới, theo ác pháp… tánh tình bất định… và chúng Tăng sống xa vị ấy. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ ba. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciracati, sông Sarabhù, sông Mahi, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ trước, trở thành biển lớn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn giai cấp này: Sát-đế-lị, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố sau này, chúng từ bỏ tên và họ của chúng từ trước, và chúng trở thành những Sa môn Thích tử. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tư. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và luật này.
Ví` như, này các Tỷ kheo, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy mà biển lớn có giảm tăng. Cũng vậy này các Tỷ Kheo, nếu có những vị Tỷ kheo nhập vào Niết Bàn giới, không có dư y, Niết bàn giới cũng không vì vậy được thấy có giảm tăng. Này các Tỳ Kheo, nếu có nhiều vị Tỷ kheo nhập vào Niết Bàn giới không có dư y, Niết bàn giới cũng không vì vậy, được thấy có giảm tăng. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu thứ năm. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, pháp này cũng chỉ có một vị là vị giải thoát. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu chưa từng có thứ sáu. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, ở đấy có những châu báu này, như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xà-cừ, ngọc bích, san-hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã-não. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, Pháp và Luật này có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những loại châu báu này, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Thánh đạo tám ngành. Này các Tỷ-kheo, vì rằng Pháp và Luật này có nhiều châu báu này như Bốn niệm xứ… Thánh đạo tám ngành. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu chưa từng có thứ bảy. Do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn là trú xứ các loại sinh vật lớn, tại đấy có những sinh vật như các con timi, timigalà, timiramingalà, những loại Asurà, các loài Nàgà, các loài Gandhabbà. Trong biển lớn có các loài hữu tình dài một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do-tuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Pháp và Luật này là trú xứ của các loại sinh vật lớn. Ở đấy có những sinh vật này. Bậc Dự lưu, bậc đang hướng đến chứng ngộ Dự lưu quả; bậc Nhất lai, bậc đang hướng đến chứng Nhất lai quả; bậc Bất lai, bậc đang hướng đến chứng Bất lai quả;bậc A-la-hán, bậc đang hướng đến chứng ngộ quả A-la-hán. Này các Tỷ-kheo, vì rằng Pháp và Luật này là trú xứ của các sinh vật lớn. Ở đấy có những sinh vật này… quả A-la-hán.
Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tám. Do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Này các Tỷ-kheo, đây là tám pháp vi diệu, chưa từng có trong Pháp và Luật này, do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong khi ấy, nói lên lời cảm hứng:
(VI) (Ud 57)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahàkaccàna trú ở giữa dân chúng Avanti, gần Kuraraghara, trên ngọn núi tên Pavatta. Lúc bấy giờ nam cư sĩ Sona Kotikanna là thị giả của Tôn giả Mahàkaccàna. Rồi nam cư sĩ Sona Kotikanna trong khi độc cư thiền định, tư tưởng như sau được khởi lên: “Như Tôn giả Mahàkaccàna thuyết pháp, thật không dễ dàng cho một người sống trong gia đình có thể thực hành một cách viên mãn Phạm hạnh thuần tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. Nam cư sĩ Sona Kotikanna đi đến Tôn giả Mahàkaccàna, sau khi đến đảnh lễ Tôn giả rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Sona Kotikanna thưa Tôn giả Mahàakaccàna.
– Thưa Tôn giả, ở đây trong khi con độc cư thiền tịnh… sống không gia đình. Thưa Tôn giả, Tôn giả hãy cho con xuất gia.
Nghe nói vậy, Tôn giả Mahàkaccàna nói với nam cư sĩ Sona Kotikanna:
– Này Sona, thật khó thay đời sống Phạm hạnh, ăn một bữa ăn, nằm một mình cho đến trọn đời. Này Sona, tại đây hãy sống trong gia đình, chú tâm vào lời dạy của chư Phật, tạm thời hiện tại sống Phạm hạnh, ăn một ngày một bữa, nằm ngủ một mình. Như vậy lòng ham muốn xuất gia của nam cư sĩ Sona Kotikanna được giảm nhẹ bớt.
Lần thứ hai, trong khi độc cư thiền định… sống không gia đình. Lần thứ hai nam cư sĩ Sona Kotikanna đi đến Tôn giả Mahàkaccàna…”… Hãy cho con xuất gia”. Lần thứ hai, Tôn giả Mahàkaccàna nói với nam cư sĩ Sona Kotipanna:
– Này Sona, thật khó thay… được giảm nhẹ bớt. Lần thứ ba, nam cư sĩ Sona Kotikanna trong khi độc cư thiền định… sống không gia đình.
Lần thứ ba, nam cư sĩ Sona Kotikanna đi đến Tôn giả Mahàkaccàna và thưa “… Hãy cho con xuất gia”. Rồi Tôn giả Mahàkaccàna cho nam cư sĩ Sona Kotikanna xuất gia. Lúc bấy giờ, tại Avantisudakhhinàpatha, có ít Tỷ-kheo. Rồi Tôn giả Mahàkaccàna, sau ba kỳ an cư mùa mưa, một cách khó khăn, một cách mệt nhọc tụ tập được một nhóm mười Tỷ-kheo và trao Ðại giới cho Tôn giả Sona.
Tôn giả Sona sau khi an cư mùa mưa cô độc thiền tịnh, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Ta chưa được thấy tận mắt Thế Tôn, tuy rằng ta có nghe Thế Tôn là vị như vậy, như vậy. Nếu vị Giáo thọ sư của ta cho phép ta sẽ đi đến yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác”. Rồi Tôn giả Sona vào buổi chiều từ độc cư thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahàkaccàna, sau khi đảnh lễ Tôn giả Mahàkacàna rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên Tôn giả Sona thưa với Tôn giả Mahàkaccàna:
– Thưa Tôn giả, trong khi con độc cư thiền tịnh, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Ta chưa được thấy tận mặt Thế Tôn… Chánh Ðẳng Giác”.
– Lành thay, lành thay Sona! Hãy đi này Sona, để yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng-Giác. Này Sona, người sẽ thấy Thế Tôn khả ái, khởi dậy lòng tin, các căn an tịnh, tâm ý thanh tịnh, đã đạt được an chỉ chế ngự tối thượng, bậc long tượng được điều phục, hộ trì, các căn nhiếp phục. Sau khi thấy, hãy nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có ít bệnh, ít não nhẹ nhàng, khoẻ mạnh, an ổn không!.
– Thưa vâng, Tôn giả.
Tôn giả Sona hoan hỷ tín thọ lời dạy của Tôn giả Mahàkaccàna, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tôn giả Mahàkaccàna, thân bên hữu hướng về Tôn giả dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát bộ hành hướng về Tôn giả dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát bộ hành hướng đến Sàvatthi, tiếp tục bộ hành đi đến Sàvatthi,Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika, đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sona bạch Thế Tôn:
– Bậc giáo thọ sư của con, bạch Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ, hỏi thăm… có an ổn không?
– Này Tỷ-kheo, Thầy có kham nhẫn được không? Thầy có sống dễ dàng không? Ði đường đến đây có mệt mỏi không? Khất thực có mệt mỏi không?
– Bạch Thế Tôn, con có thể kham nhẫn! Bạch Thế Tôn, con có thể sống dễ dàng. Bạch Thế Tôn, con đi đường không có mệt nhọc! Khất thực không có mệt nhọc.
Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, hãy sửa soạn sàng tọa cho Tỷ-kheo mới đến này.
Tôn giả Ananda suy nghĩ: “Thế Tôn bảo ta: “Này Ananda, hãy sửa soạn sàng tọa cho Tỷ-kheo mới đến này”. Như vậy Thế Tôn muốn ở chung một chỗ với Tỷ-kheo ấy. Như vậy Thế Tôn muốn ở chung với Tôn giả Sona ấy”. Nên chỗ nào Thế Tôn ở, tại chỗ ấy Tôn giả Ananda sửa soạn sàng tọa cho Tôn giả Sona. Rồi Thế Tôn, sau khi ngồi ở ngoài trời đã quá khuya, rửa chân và đi vào tịnh xá. Tôn giả Sona, sau khi ngồi ngoài trời đã quá khuya, rửa chân và đi vào Tịnh xá. Rồi Thế Tôn, khi đêm đã gần sáng, thức dậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Sona:
– Hãy nói pháp cho các Tỷ-kheo.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Sona vâng đáp Thế Tôn, đọc thuộc lòng mười sáu phần của phẩm tám một cách đầy đủ. Rồi Thế Tôn, sau khi Tôn giả Sona chấm dứt tụng đọc của mình, Thế Tôn cám ơn và nói:
– Lành thay, lành thay Tỷ-kheo! Tỷ-kheo đã khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì toàn bộ mười sáu phần trong phẩm thứ tám. Người được đầy đủ thiện ngôn, minh bạch, phát ngôn rõ ràng, ý nghĩa minh xác. Này Tỷ-kheo, Thầy có bao nhiêu tuổi an cư mùa mưa?
– Bạch Thế Tôn, con có một tuổi an cư mùa mưa.
– Này Tỷ-kheo, vì sao Thầy lại để chậm như thế?
– Bạch Thế Tôn, đã lâu con thấy sự nguy hại trong các dục, sự bó buộc của đời sống gia đình, nhiều phận sự, nhiều công việc phải làm.
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
(VII) (Ud 58)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Kankharevata ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng, tự mình quán sát sự thanh tịnh do vượt qua được nghi ngờ. Thế Tôn thấy Tôn giả Kankharevata ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng tự mình quán sát sự thanh tịnh do vượt qua được nghi ngờ.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
(VIII) (Ud 59)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana chỗ nuôi các con sóc. Lúc bấy giờ, Tôn giả Ananda trong ngày trai giới, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Ràjagaha để khất thực. Devadatta thấy Tôn giả Ananda đi khất thực ở Ràjagaha, sau khi thấy, đi đến Tôn giả Ananda và nói với Tôn giả Ananda.
– Bắt đầu từ hôm nay, Hiền giả Ananda, ta sẽ làm lễ trai giới và sẽ tác thành các tăng sự, khác với Thế Tôn, khác với chúng Tỷ-kheo.
Tôn giả Ananda, sau khi đi khất thực ở Ràjagaha, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Theá Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, con vào buổi sáng đắp y, cầm bát, vào Ràjagaha để khất thực. Bạch Thế Tôn, Devadatta thấy con đi khất thực ở Ràjagaha, thấy vậy liền đi đến con và nói: “Bắt đầu từ hôm nay, Hiền giả Ananda.. khác với chúng Tỷ-kheo!”. Hôm nay, bạch Thế Tôn, Devadatta sẽ phá hòa hợp Tăng, làm lễ trai giới và hành các tăng sự.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
(IX) (Ud 60)
Như vậy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn bộ hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Lúc bấy giờ, nhiều thanh niên Bà-la-môn, không xa Thế Tôn bao nhiêu, dùng những lời nhiếc mắng vượt đà quá xa. Thế Tôn thấy nhiều thanh niên, không xa bao nhiêu, dùng những lời nhiếc mắng, vượt đà quá xa.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
(X) (Ud 61)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Cùlapanthaka ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già, lưng thẳng để niệm trước mặt. Thế Tôn thấy Tôn giả Cùlapanthaka ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già, lưng thẳng để niệm trước mặt.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
Chương Sáu – Phẩm Sanh Ra Ðã Mù
(I) (Ud 62)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli tại Ðại Lâm chỗ ngôi nhà có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y, cầm bát, đi vào Vesàli để khất thực. Khất thực ở Vesàli xong, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, Thế Tôn gọi Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, hãy cầm tọa cụ, Ta sẽ đi đến điện Càpàla để nghỉ ban ngày.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, cầm tọa cụ và đi sau lưng Thế Tôn. Thế Tôn đi đến đền Càpàla, khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, khả ái thay Vesàli! Khả ái thay Vesàli! Khả ái thay đền Udena! Khả ái thay đền Gotamaka! Khả ái thay đền Sattambaka! Khả ái thay đền Bahuputta! Khả ái thay đền Sàrandada! Khả ái thay đền Càpàla!
Này Ananda, những ai đã tụ tập Bốn như ý túc, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, được an trú, tích lũy, khéo thực hành, nếu muốn, người ấy có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại. Này Ananda, nay Như Lai đã tu tập Bốn như ý túc, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, được an trú, tích lũy, khéo thực hành. Này Ananda, nếu muốn Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần còn lại!
Nhưng Tôn giả Ananda không thể nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng, sự hiện tướng quá rõ ràng của Thế Tôn, không thỉnh cầu Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp! Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”. Vì tâm Tôn giả bị Ma vương ám ảnh. Lần thứ hai… Lần thứ ba Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda: “Này Ananda, khả ái thay Vesàli! Khả ái thay đền Udena! Khả ái thay đền Gotamaka! Khả ái thay đền Sattambaka! Khả ái thay đền Bahyputta! Khả ái thay đền Sàrandada! Khả ái thay đền Càpàla!… ” Nhưng Tôn giả Ananda không thể nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng, sự hiện tướng quá rõ ràng của Thế Tôn, không thỉnh cầu Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp! Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người!”. Vì tâm Tôn giả bị Ma vương ám ảnh. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, hãy đi và làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời!.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ngồi xuống một gốc cây không xa bao nhiêu.
Tôn giả Ananda ra đi không bao lâu, Ác ma đi đến Thế Tôn, sau khi đến liền đứng một bên. Ðứng một bên, Ác ma nói với Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ! Thiện thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ. Bạch Thế Tôn, đấy là lời Thế Tôn đã nói:
– Này Ác ma, Ta sẽ chưa diệt độ, khi nào những Tỷ-kheo của Ta chưa trở thành những đệ tử có tài năng được huấn luyện, đạt được tự tín, an ổn khỏi các khổ ách, nghe nhiều, trì pháp, thực hành Chánh pháp và tuỳ pháp, sống chánh hạnh, sống tùy pháp, sau khi học hỏi giáo lý từ Thầy của mình; khi nào họ chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai mở, phân tích rõ ràng Chánh pháp; khi nào có tà đạo khởi lên, họ chưa có thể, sau khi chất vấn, khéo hàng phục một cách đúng pháp, chưa có thể thuyết pháp thần diệu.
– Bạch Thế Tôn, nay có những Tỷ-kheo, đệ tử của Thế Tôn có tài năng, được huấn luyện, đạt được tự tín, an ổn khỏi các khổ ách, nghe nhiều, trì pháp, thực hành Chánh pháp và tùy pháp, sống chánh hạnh, sống tùy pháp; sau khi học hỏi giáo lý từ Thầy của mình, họ tuyên bố diễn giảng trình bày, xác định, khai mở, phân tích và giải thích rõ ràng Chánh pháp. Khi có tà đạo khởi lên, sau khi chất vấn, họ khéo hàng phục một cách đúng pháp, thuyết pháp thần diệu. Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ; Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói.
– Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỷ-kheo ni của Ta… Những nam cư sĩ của Ta… Những nữ cư sĩ của Ta chưa trở thành những đệ tử có tài năng… chưa có thể thuyết pháp thần diệu.
– Bạch Thế Tôn, nay có những Tỷ-kheo ni… Những nam cư sĩ… Những nữ cư sĩ đệ tử của Thế Tôn có tài năng, được huấn luyện, đạt được tự tín… có thể thuyết pháp thần diệu. Như vậy, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ! Bạch Thế Tôn,nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ! Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói.
– Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào Phạm hạnh Ta giảng dạy chưa được thành tựu, thành đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn, nghĩa là được khéo giảng dạy, cho chư Thiên và loài Người.
– Bạch Thế Tôn, nay Phạm hạnh Thế Tôn giảng dạy đã được thành tựu, thịnh đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn, nghĩa được khéo giảng dạy cho chư Thiên và loài Người. Như vậy, nay Thế Tôn hãy diệt độ; Thiện Thệ hãy diệt độ! Bạch Thế Tôn! Nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ! Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Ác ma:
– Này Ác ma, hãy yên tâm, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ.
Và tại đền Càpàla, Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, từ bỏ thọ hành, không duy trì mạng sống lâu hơn nữa. Khi Thế Tôn từ bỏ thọ hành, thời đại địa chấn động, ghê rợn, lông tóc dựng ngược, sấm trời vang dậy.
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
(II) (Ud 64)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Ðông Viên, lâu đài mẹ của Migàra. Lúc bấy giờ Thế Tôn vào buổi chiều, từ độc cư thiền tịnh đứng dậy và đến ngồi tại một ngôi nhà nhỏ phía cửa ngoài.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Lúc bấy giờ bảy vị bện tóc, bảy vị Ni-kiền Tử, bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ, với nách đầy lông, với móng tay dài, mang các dụng cụ khất sĩ, đã đi ngang qua Thế Tôn không xa bao nhiêu.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y một bên vai, quỳ xuống trên đầu gối tay mặt, chấp tay hướng về bảy vị bện tóc, bảy vị Ni-kiền Tử, bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ ấy, nói lên ba lần tên của mình: “Thưa chư Tôn giả, con là vua Pasenadi nước Kosala!”.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala, khi bảy vị bện tóc, bảy vị Ni-kiền Tử, bảy vị Ni-kiền Tử, bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y, và bảy vị du sĩ ấy đã đi ngang qua không bao lâu, liền đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, có phải những Tôn giả ấy là những vị A-la-hán trên đời này, hay là những vị đang đi trên con đường hướng đến đạo quả A-la-hán?
– Thưa Ðại vương, khi Ðại vương còn là cư sĩ trong khi còn sống với gia đình, thọ hưởng dục lạc, bị vợ con trói buộc, quen dùng các loại chiên đàn ở xứ Kàsi, trang sức với vòng hoa, hương thơm, dầu sáp, thọ hưởng vàng và bạc thời Ðại vương thật khó biết được các vị ấy là bậc A-la-hán hay là bậc đang đi con đường hướng đến A-la-hán quả. Thưa Ðại vương, chính phải cộng trú mới biết được giới đức của một người và như vậy phải trong một thời gian dài không thể ít ngày được, phải có tác ý không phải không có tác ý; phải có trí tuệ không phải với ác tuệ. Thưa Ðại vương, chính phải có liên hệ mới biết được sự thanh liêm của một người, phải trong một thời gian dài không thể ít ngày được, phải có tác ý, không phải không có tác ý, phải có trí tuệ không phải với ác tuệ. Thưa Ðại vương, chính trong thời gian bất hạnh biết được sự trung kiên của một người, phải trong một thời gian dài không thể ít ngày được; phải có tác ý, không phải không tác ý; phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ. Thưa Ðại vương, chính phải đàm luận biết được trí tuệ của một người, và như vậy phải trong một thời gian dài không thể ít ngày được; phải có tác ý, không phải không tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.
– Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn đã khéo nói như sau: “Thưa Ðại vương, khi Ðại vương còn là cư sĩ… không phải với ác tuệ”. Bạch Thế Tôn, có những trinh thám này của con những người trinh sát sau khi đi trinh sát mặt nước, chúng đến con. Trước hết họ báo cáo rồi con mới đúc kết. Bạch Thế Tôn, ở đây những người ấy sau khi tẩy sạch bụi và nhớp, sau khi tắm rửa và xoa dầu, sau khi chải sạch râu tóc, mặc áo vải trắng, chúng được hầu hạ săn sóc và cho thọ hưởng năm dục công đức.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên bài kệ này:
(III) (Ud 65)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Thế Tôn ngồi quán sát của pháp bất thiện của mình được trừ diệt, và các pháp thiện của mình được tu tập, làm cho tăng trưởng. Rồi Thế Tôn sau khi biết các pháp bất thiện của mình đã được trừ diệt và các pháp thiện của mình được tu tập, được làm cho sung mãn, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(IV) (Ud 66)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ một số đông các ngoại đạo sai khác. Các Sa-môn, Bà-la-môn, các du sĩ ngoại đạo đều vào Sàvatthi để khất thực. Họ có quan điểm khác nhau, có kham nhẫn khác nhau, có sở thích khác nhau, y cứ nương tựa vào quan điểm khác nhau. Một số Sa-môn, Bà-la-môn, luận thuyết như sau: “Thế giới là thường còn, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng”. Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: “Thế giới là vô thường, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng”. Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: “Thế giới là có biên tế, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng”. Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Thế giới là vô biên, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng”. Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: “Sanh mạng và thân thể là một, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng”. Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: “Sanh mạng và thân thể là khác, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng”. Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: “Như Lai có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng”. Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: “Như Lai không có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng”. Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: “Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng”. Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng”. Họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: “Như thế này là pháp. Như thế này là pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này không phải pháp”.
Rồi nhiều Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi, để khất thực, Khất thực ở Sàvatthi xong sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, một số đông ngoại đạo sai khác, các Sa-môn, Bà-la-môn, các du sĩ ngoại đạo đều vào Sàvatthi để khất thực…”… như thế này không phải pháp, như thế này là pháp”.
– Này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết mục đích, không biết phải mục đích, không biết pháp, không biết phi pháp. Do họ không biết mục đích, do họ không biết không phải mục đích, do không biết pháp, do không biết phi pháp, họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh… như thế này là pháp. Này các Tỷ-kheo, thưở xưa tại thành Sàvatthi này, có một ông vua. Này các Tỷ-kheo, ông vua ấy bảo một người: “Này người kia, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi hãy nhóm lại một chỗ tất cả ” – “Thưa vâng, Ðại vương”. Này các Tỷ-kheo, người ấy vâng đáp ông vua ấy, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi, người ấy giữ lại tất cả, rồi đi đến ông vua ấy, sau khi đến thưa với vị vua: “Thưa Ðại vương, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi đã được tụ tập lại”.
– Này khanh, hãy đưa ra một con voi cho những người mù.
Thưa vâng, Ðại vương. Này các Tỷ-kheo, người ấy vâng đáp ông vua ấy, đưa ra một con voi cho những người mù: “Này các người mù, đây là con voi”. Với một số người mù, ông ta đưa cái đầu và nói: “Này các người mù, đây là con voi”. Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lỗ tai con voi và nói: “Này các người mù, đây là con voi”. Ðối với một số người mù, ông ta đưa các ngà con voi và nói: “Này các người mù, đây là con voi”. Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái vòi con voi và nói: “Này các người mù, đây là con voi”. Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái thân con voi và nói: “Này các người mù, đây là con voi”. Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái chân… Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lưng… Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái đuôi… Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lông đuôi và nói: “Này các người mù, đây là con voi”. Này các Tỷ-kheo, rồi người ấy sau khi đưa con voi cho các người mù, đi đến ông vua ấy, sau khi đến tâu với vua: “Thưa Ðại vương, con voi đã được các người mù thấy, nay Ðại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là hợp thời! ” Rồi này các Tỷ-kheo, ông vua đi đến các người mù ấy, sau khi đến nói với họ: “Này các người mù, các ông đã thấy con voi chưa? ” – “Thưa Ðại vương, chúng tôi đã thấy con voi”. – Này các người mù, hãy nói con voi là như thế nào? ” Này các Tỷ-kheo, những ai thấy đầu con voi, họ nói như sau: “Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái ghè! ” Này các Tỷ-kheo, những ai được thấy cái tai con voi, họ nói như sau: “Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái rổ sàng gạo. ” Này các Tỷ-kheo, những ai được thấy cái ngà con voi, họ nói như sau: “Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái lưỡi cày. ” Những ai… được thấy cái vòi…”… như cái cày”. Những ai… được thấy cái thân…”… như cái kho chứa. ” Những ai… được thấy cái chân…”… như cái cột. ” Những ai… được thấy cái lưng…”… như cái cối. ” Những ai… được thấy cái đuôi, họ nói như sau: “Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái chày”. Những ai được thấy cái nhóm lông đuôi, chúng nói như sau: “Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái chổi ” – “Con voi các ông nói như vậy không phải là con voi. Con voi không phải như vậy. Con voi không phải vậy. Như thế này là con voi”. Cho đến khi họ đánh lộn nhau bằng tay. Rồi này các Tỷ-kheo, ông vua ấy hoan hỷ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt… như vậy là pháp.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
(V) (Ud 69)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều ngoại đạo sai khác, các Sa-môn, Bà-la-môn, các di sĩ trú ở Sàvatthi. Họ có quan điểm khác nhau. Họ có kham nhẫn khác nhau. Họ có sở thích khác nhau. Họ y cứ nương tựa vào quan điểm khác nhau. Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: “Tự ngã và thế giới là thường còn, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng”. Một số Sa-môn, Bà-la-môn… “Tự ngã và thế giới là vô thường”… “Tự ngã và thế giới là thường còn và vô thường”… “Tự ngã và thế giới là không thường còn và không vô thường… ” “Tự ngã và thế giới do tự mình tạo ra”… “Tự ngã và thế giới do người khác tạo ra”… “Tự ngã và thế giới do tự mình và người khác tạo ra”… “Tự ngã và thế giới do không tự mình tạo ra, không do người khác tạo ra, do vô nhân sanh, tự nhiên”… “Lạc khổ, tự ngã và thế giới là thường còn”… “Lạc khổ, tự ngã và thế giới là vô thường”… “Lạc khổ, tự ngã và thế giới là thường còn và vô thường”… “Lạc khổ, tự ngã và thế giới là không thường còn và không vô thường”… Có một số Sa-môn, Bà-la-môn có luận thuyết như sau, quan điểm như sau: “Lạc khổ, tự ngã và thế giới là không tự mình tạo ra, không người khác tạo ra do vô nhân sanh”. Họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau, bằng binh khí miệng lưỡi: “Như thế này là pháp. Như thế này không phải là pháp. Như thế này không phải pháp, như thế này là pháp”.
Rồi nhiều Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm y bát vào Vương Xá để khất thực. Khất thực ở Vương Xá xong, sau buổi ăn, đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, có nhiều ngoại đạo sai khác, các Sa-môn, Bà-la-môn, các du sĩ, trú ở Sàvatthi… họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: “Như thế này là pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này không phải pháp, như thế này là pháp”.
– Này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết mục đích, không biết không phải mục đích, không biết pháp, không biết phi pháp. Do họ không biết mục đích, do họ không biết không phải mục đích, do không biết pháp, do không biết phi pháp, họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đã thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: “Như thế này là pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này là pháp”.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
(VI) (Ud 70)
(Giống như kinh VI, 5, tức là kinh trước, với đoạn kết luận khác nhau như sau:)
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(VII) (Ud 71)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn Giả Subhùti ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết-già lưng thẳng, nhập định không tầm. Thế Tôn thấy Tôn giả Subhùti ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết-già lưng thẳng, nhập định không tầm. Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nỗi lên lời cảm hứng:
(VIII) (Ud 71)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, ở Vương xá, có hai nhóm say đắm một ngưòi kỹ nữ, tâm bị ám ảnh, họ cạnh tranh, đấu tranh nhau. Họ đi đến đánh nhau bằng nắm tay, đánh nhau bằng cục đất, đánh nhau bằng gậy gộc, đánh nhau bằng kiếm. Họ đi đến chết, đi đến đau khổ gần như chết. Rồi nhiều Tỷ-kheo, vào buổi sáng đắp y, cầm bát, đi vào Vương Xá để khất thực. Khất thực ở Vương Xá xong, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, các Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, ở Vương Xá có hai nhóm say đắm một người kỷ nữ… họ đi đến chết, đi đến đâu khổ gần như chết.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
(IX) (Ud 72)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàathapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ngồi giữa trời, trong đêm tối mù mịt, với những cây đèn dầu đang chói sáng. Lúc bấy giờ, nhiều loại côn trùng có cánh tiếp tục rơi vào trong những đèn dầu ấy và gặp phải tai nạn, gặp phải hoại diệt, gặp phải tai nạn hoại diệt. Thế Tôn thấy nhiều loại côn trùng có cánh tiếp tục rơi vào…
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng:
(X) (Ud 73)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavena, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Tôn giả Ananda, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, cho đến khi nào, các Như Lai không hiện hữu ở đời, bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng-Giác, cho đến khi ấy các du sĩ ngoại đạo được cung kính, được tôn trọng, được đảnh lễ, được cúng dường, được tôn kính, nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng đến khi các Như Lai hiện hữu ở đời, bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng-Giác, cho đến khi ấy, các du sĩ ngoại đạo, không được cung kính, không được tôn trọng, không được đảnh lễ, không được cúng dường, không nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn trọng, nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh; chúng Tỷ-kheo cũng như vậy.
– Ðúng như vậy, này Ananda. Cho đến khi nào, các Như Lai không xuất hiện ở đời… dược phẩm trị bệnh. Nhưng đến khi các Như Lai xuất hiện ở đời… dược phẩm trị bệnh. Này Ananda nay Thế Tôn được cung kính… chúng Tỷ-kheo cũng vậy.
Sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, Thế Tôn nói lên lời cảm hứng:
Chương Bảy – Phẩm Nhỏ
(I) (Ud 74)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi tại Jetavana, khu vườn cuả ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Sàriputta, với pháp thoại gồm nhiều pháp môn đang trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ Tôn giả Lakumthakabbaddiya. Do Tôn giả Sàriputta, với pháp thoại gồm nhiều pháp môn trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ nên tâm của Tôn giả Lakumthakabhaddiya được giải thoát các lậu hoặc không có chấp thủ. Thế Tôn thấy Tôn giả Lakumthakabbaddiya, do Tôn giả Sàriputta với pháp thoại gồm nhiều pháp môn trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ nên tâm được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(II) (Ud 74)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta, với pháp thoại gồm nhiều pháp môn, đang thuyết trình, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, Tôn giả Bhaddiya người lùn; lại càng nhiệt tình hơn lên khi Tôn giả Sàriputta nghĩ rằng: “Tôn giả Bhaddiya người lùn là một vị hữu học”. Thế Tôn thấy Tôn giả Sàriputta với pháp thoại gồm nhiều pháp môn, là một vị hữu học. Sau khi hiểu biết ý nghĩa này, Thế Tôn ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(III) (Ud 75)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều người ở Sàvatthi, phần lớn đắm say quá độ về các dục, sống say đắm, tham đắm, tham muốn, tham mê, bị trói buộc, bị mê say trong các dục. Rồi một số đông Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi để khất thực. Khất thực ở Sàvatthi xong, sau buổi ăn, khi đã khất thực trở về, họ đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, họ bạch Thế Tôn:
Ở đây, bạch Thế Tôn, những người ở Sàvatthi,… bị mê say trong các dục.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(IV) (Ud 75)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều người ở Sàvatthi phần lớn đắm say quá độ về các dục (như trên III)… trong các dục. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi để khất thực. Rồi Thế Tôn thấy các người ấy ở Sàvatthi… trong các dục.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(V) (Ud 76)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvtthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Lakumthakabhaddiya đi theo sau lưng nhiều Tỷ-kheo, đi đến Thế Tôn, Thế Tôn thấy Tôn giả Lakumthakabhaddiya đi theo sau lưng nhiều Tỷ-kheo, xấu xí, khó nhìn, khòm lưng, phần lớn bị các Tỷ-kheo khinh bỉ; thấy vậy, nói với các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy chăng Thầy Tỷ-kheo này từ đàng xa… bị các Tỷ-kheo khinh bỉ?
– Thưa có, bạch Thế Tôn. Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, có đại thần lực, có đại uy lực, thiền chứng không dễ gì chứng được, thiền chứng ấy trước đây Tỷ-kheo ấy không thực hành tốt đẹp. Và vì mục đích gì các thiện nam tử chơn chánh xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, tức là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, vị ấy ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí chứng ngộ chứng đạt và an trú.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(VI) (Ud 77)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Annatakondanna ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già, lưng thẳng, suy tư đến sự giải thoát do ái được diệt. Thế Tôn thấy Tôn giả Annatakondanna ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng, suy tư đến sự giải thoát do ái được diệt.
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(VII) (Ud 77)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ngồi quán sát sự từ bỏ, đoạn diệt các hý luận tưởng. Rồi Thế Tôn sau khi biết sự từ bỏ, đoạn diệt các tưởng hý luận của mình, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(VIII) (Ud 77)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahàkaccàna ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng, với thân hành niệm khéo an trú trước mặt và trong nội tâm. Thế Tôn thấy Tôn giả Mahàkaccàna ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già, lưng thẳng, với thân hành niệm khéo an trú trước mặt trong nội tâm.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(IX) (Ud 78)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn đang bộ hành giữa dân chúng Mallà cùng với đại chúng Tỷ-kheo, đi đến làng Bà-la-môn của dân chúng Malà tên là Thùna. Các Bà-la-môn gia chủ ở Thùna được nghe: “Sa-môn Gotama từ dòng họ Thích Ca xuất gia, đang bộ hành giữa dân chúng Mallà cùng với đại chúng Tỷ-kheo, nay đã đến Thùna”. Họ đổ đầy miệng giếng với cỏ và trấu với ý nghĩ: “Mong rằng các Sa-môn trọc đầu ấy không có nước uống”.
Rồi Thế Tôn từ trên đường bước xuống, đi đến dưới một gốc cây, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, hãy đem nước uống từ nơi giếng này cho Ta.
Khi được nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, nay các giếng ấy bị các gia chủ Bà-la-môn ở Thùna lắp đầy miệng với cỏ và trấu với ý nghĩ: “Mong rằng các Sa-môn trọc đầu ấy không có nước uống”.
Lần thứ hai, Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, hãy đem nước uống từ nơi giếng này cho Ta!.
Lần thứ hai, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
– Nay các giếng ấy… không có nước uống.
Lần thứ ba, Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, hãy đem nước uống từ nơi giếng này cho Ta.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, lấy bình bát, đi đến cái giếng ấy. Tại cái giếng ấy, khi Tôn giả Ananda đi đến, phun ra tất cả cỏ và trấu khỏi miệng giếng, và nước trong sáng không cấu uế, trong lặng, tràn đầy miệng, cho đến như là tràn ra ngoài. Rồi Tôn giả Ananda suy nghĩ: “Thật vi diệu thay!. Thật hy hữu thay là đại thần lực, đại uy lực của Như Lai. Cái giếng này khi ta đến, phun ra tất cả cỏ và trấu khỏi miệng giếng… như là tràn ra ngoài”. Rồi Tôn giả Ananda cầm lấy bát nước, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay là đại thần lực… như là tràn ra ngoài! Bạch Thế Tôn hãy uống nước. Bạch Thiện Thệ, hãy uống nước!.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
(X) (Ud 79)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi tại khu vườn Ghosita. Lúc bấy giờ, vua Udena đang đi ngoài vườn, thì nội cung bị cháy và năm trăm nữ nhân bị chết, đứng đầu là Sàmavati. Rồi nhiều Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Kosambi để khất thực. Các Tỷ-kheo ấy khất thực ở Kosambi xong, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi vua Udena đi ra ngoài vườn, nội cung bị cháy, năm trăm nữ nhân bị chết, đứng đầu là Sàmàvati. Các nữ cư sĩ ấy, sanh thú họ là gì? Tương lai họ thế nào?
– Này các Tỷ-kheo, có nữ cư sĩ là bậc Dự lưu, có nhất bậc Nhất lai, có bậc Bất Lai. Này các Tỷ-kheo, tất cả các nữ cư sĩ ấy mạng chung không phải không có kết quả.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Chương Tám – Phẩm Pàtaligàmiya
(I) (Ud 80)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết giảng pháp thoại liên tưởng đến Niết-bàn cho các Tỷ-kheo, khích lệ làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Các Tỷ-kheo ấy chú tâm, tác ý, dồn tất cả tâm tư lắng nghe pháp.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
– Này các Tỷ-kheo, có xứ này, tại đây không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió; không có Hư không vô biên, không có Thức vô biên xứ, không có Vô sở hữu xứ, không có Phi tưởng phi phi tưởng xứ; không có đời này, không có đời sau, không có cả hai mặt trăng mặt trời. Do vậy, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có trú, không có diệt, không có sanh; không có an trú, không có chuyện vận, không có sở duyên, đây là sự đoạn tận khổ đau.
(II) (Ud 81)
(Như kinh trên (I), chỉ khác lời cảm hứng)
(III) (Ud 82)
(Như kinh trên, chỉ khác lời cảm hứng)
– Này các Tỷ-kheo, có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, này các Tỷ-kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thì ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, nên có trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi.
(IV) (Ud 83)
(Như các kinh trước, chỉ khác lời cảm hứng).
– Cái gì có nương tựa, cái ấy có dao động. Cái gì không nương tựa, cái ấy không dao động. Không có dao động thì có khinh an. Có khinh an thì không có thiên về. Không có thiên về thì không có đến và đi; không có đến và đi thì không có diệt và sanh; không có diệt và sanh thì không có đời này, không có đời sau, không có đời ở giữa. Ðây là sự đoạn tận khổ đau.
(V) (Ud 84)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn đang bộ hành đi giữa dân chúng Mallà, cùng với đại chúng Tỷ-kheo, và đã đến Pàvà. Rồi Thế Tôn trú ở Pàvà, tại rừng xoài của thợ rèn Cunda. Thợ rèn Cunda được nghe: “Thế Tôn đang bộ hành giữa dân chúng Mallà, đã đến Pàvà cùng với đại chúng Tỷ-kheo, và trú ở Pàvà, trong rừng xoài của ta”. Thợ rèn Cunda đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn thuyết pháp thoại cho thợ rèn Cunda đang ngồi một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Thợ rèn Cunda sau khi được Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, liền bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời mời của con ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo.
Thế Tôn im lặng nhận lời. Thợ rèn Cunda, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Thợ rèn Cunda, sau khi đêm đã mãn, liền cho sửa soạn tại nhà của mình các món ăn thượng vị, loại cứng, loại mềm và nhiều thứ mộc nhĩ và báo tin cho Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, giờ đã đến, cơm đã sẵn sàng.
Thế Tôn buổi sáng đắp y, mang theo y bát, cùng với chúng Tỷ-kheo đến nhà thợ rèn Cunda, khi đến liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với thợ rèn Cunda:
– Này Cunda, loại mộc nhĩ đã soạn sẵn, hãy dọn cho Ta. Còn các món ăn khác đã soạn sẵn, loại cứng và loại mềm, hãy dọn cho chúng Tỷ-kheo.
– Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Thợ rèn Cunda vâng lời Thế Tôn, dọn cho Thế Tôn các món mộc nhĩ đã soạn sẵn, và dọn cho chúng Tỷ-kheo các món ăn khác, loại cứng và loại mềm. Rồi Thế Tôn nói với thợ rèn Cunda:
– Này Cunda, món ăn mộc nhĩ còn lại, hãy đem chôn. Này Cunda, Ta không thấy một ai, ở cõi trời, cõi Người, ở Ma giới, ở Phạm thiên giới, không một người nào trong chúng Sa-môn và chúng Bà-la-môn, giữa những Thiên nhân, ăn món mộc nhĩ này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai.
– Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Thợ rèn Cunda vâng đáp Thế Tôn, đem chôn món ăn mộc nhĩ còn lại vào một lỗ, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho thợ rèn Cunda đang ngồi xuống một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ rồi từ chỗ đứng dậy và ra đi.
Sau khi dùng cơm của thợ rèn Cunda. Thế Tôn bị nhiễm bịnh nặng, bệnh ly huyết, đau đớn gần như đến chết, và Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn nại chịu đựng cơn bệnh.
Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Kusinàra. Xin vâng, bạch Thế Tôn, Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn:
Rồi Thế Tôn bước xuống đường, đến một góc cây và nói với Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, hãy xếp tư áo Sanghàti. Ta cảm thấy mệt mỏi và muốn ngồi nghỉ, này Ananda.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn và xếp áo Sanghàti lại. Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, và nói với Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, hãy đem nước cho Ta. Này Ananda. Ta nay đang khát và muốn uống nước.
Khi được nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn vừa mới có khoảng năm trăm cỗ xe chạy qua. Do bánh xe khấy lên nước trở thành nông cạn, khuấy động và vẫn đục. Bạch Thế Tôn, sông Kakutthà không xa ở đây, nước thuần tịnh, dễ chịu, mát mẻ, trong sáng, dễ đến và khả ái. Tại đó, Thế Tôn có thể uống nước và làm mát dịu chân tay.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, hãy đem nước uống cho Ta. Này Ananda, Ta nay đang khát và muốn uống nước.
Lần thứ hai, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, vừa mới có khoảng năm trăm cỗ xe chạy qua. Do bánh xe khuấy lên, nước trở thành nông cạn, khuấy động và vẫn đục. Bạch Thế Tôn, sông Kakutthà không xa ở đây, nước thuần tịnh, dễ chịu, mát mẻ, trong sáng, dễ đến và khả ái. Tại đó, Thế Tôn có thể uống nước và làm mát dịu chân tay.
Lần thứ ba, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, hãy đem nước uống cho Ta. Này Ananda, Ta nay đang khát và muốn uống nước.
– Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, lấy bát và đi đến con sông nhỏ. Con sông đang chảy nông cạn, khuấy động và vẫn đục, khi Tôn giả Ananda đến, liền chảy trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục.
Tôn giả Ananda tự nghĩ: “Thật kỳ diệu thay! Thật hi hữu thay! Thần lực và uy lực của Như Lai. Con sông nhỏ đang chảy nông cạn, khuấy động và vẫn đục này, khi ta đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục”. Sau khi dùng bát lấy nước,Ananda đến chỗ Thế Tôn và bạch với Ngài:
– Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu! Bạch Thế Tôn, thật là hy hữu! Bạch Thế Tôn, con sông nhỏ đang chảy nông cạn, khuấy động và vẫn đục này, khi con đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục. Xin thỉnh Thế Tôn dùng nước, xin thỉnh Thiện Thệ dùng nước và Thế Tôn uống nước.
Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến con sông Kakutthà, xuống sông tắm và uống nước, rồi lội qua bờ bên kia, đi đến rừng xoài và tại đây, nói với Tôn giả Cundaka:
– Này Cundaka, hãy xếp áo Sanghati làm bốn cho Ta, này Cundaka, Ta nay mệt mỏi, muốn nằm nghỉ.
– Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Cundaka vâng lời Thế Tôn và xếp áo Sanghati làm bốn. Rồi Thế Tôn nằm xuống phía hông bên mặt như dáng điệu con sư tử, hai chân để trên nhau, chánh niệm, tỉnh giác, tác ý đến tưởng ngồi dậy, Tôn giả Cundaka ngồi phía trước Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, rất có thể có người làm cho thợ rèn Cunda hối hận: “Này Hiền giả Cunda, thật không lợi ích gì cho Ông, thật là tai hại cho Ông, vì Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ Ông cúng dường, và nhập diệt”. Này Ananda, cần phải làm tiêu tan sự hối hận ấy của thợ rèn Cunda: “Này Hiền giả, thật lợi ích cho bạn, thật là công đức cho bạn, vì được Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ bạn cúng dường, và nhập diệt. Nay Hiền giả Cunda, tôi tự thân nghe, tôi tự thân lãnh thọ lời nói này của Thế Tôn: “Có hai sự cúng dường ăn uống đồng một quả báo, đồng một di thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác. Thế nào là hai? Một là, bữa ăn trước khi Như Lai chứng Vô thượng Chánh Ðẳng Giác; hai là, bữa ăn trước khi Như Lai diệt độ Niết-bàn giới, không còn di hưởng sanh tử”. Hai bữa ăn này đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác. Nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưỏng tuổi thọ; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng sắc đẹp; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng an lạc; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng danh tiếng; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng cõi Trời; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng uy quyền”.
Này Ananda, cần phải làm cho thợ rèn tiêu tan hối hận.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu ý nghĩa này, liền thốt lời cảm khái như sau:
(VI) (Ud 85)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn đang đi bộ hành giữa dân chúng Magadha cùng với đại chúng Tỷ-kheo, và đã đến làng Magadha cùng với đại chúng Tỷ-kheo, và đã đến làng Pàtali. Các nam cư sĩ ở làng Pàtali được nghe: “Thế Tôn đang đi bộ hành giữa dân chúng Magadha với đại chúng Tỷ-kheo, và đã đến làng Pàtali”. Rồi các nam cư sĩ ở làng Pàtali đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các nam cư sĩ làng Pàtali bạch Thế Tôn:
– Mong Thế Tôn trú ở giảng đường chúng con.
Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi các nam cư sĩ ở làng Pàtali, sau khi được biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi đi đến giảng đường, sau khi đến chúng cho trải thảm toàn bộ giảng đường, sửa soạn các chỗ ngồi, đặt một ghè nước, cho treo đèn dầu, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, các nam cư sĩ ở làng Pàtali, bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, giảng đường đã được trải thảm, các chỗ ngồi đã sửa soạn, ghè nước đã đặt xong, đèn dầu đã được treo, Thế Tôn hãy làm những gì Thế Tôn nghĩ là hợp thời.
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát, cùng với chúng Tỷ-kheo, đi đến giảng đường, sau khi đến rửa chân, bước vào giảng đường, dựa nơi cây cột ở giữa, ngồi hướng mặt về phía đông. Chúng Tỷ-kheo, sau khi rửa chân, bước vào giảng đường, ngồi xuống dựa vào tường giữa, mặt hướng về phía đông có đức Phật trước mặt. Các nam cư sĩ ở làng Pàtalli, sau khi rửa chân, bước vào giảng đường, dựa vào tường phía đông, mặt hướng về phía Tây, và ngồi xuống, với đức Phật ở trước mặt.
Rồi Thế Tôn bảo các nam cư sĩ ở làng Pàtali:
– Này các Gia Chủ, có năm điều nguy hiểm này cho người ác giới, người phạm giới. Thế nào là năm? Ở đây, này các Gia chủ, người ác giới, phạm giới, do nhân duyên phóng dật, nên hao mất tài sản lớn. Ðây là nguy hiểm thứ nhất cho người ác giới, người phạm giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người ác giới, phạm giới, tiếng xấu đồn xa. Ðây là nguy hiểm thứ hai cho người ác giới, cho người phạm giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người ác giới, người phạm giới khi đến hội chúng nào, hoặc là hội chúng Sát-đế-lỵ, hoặc là hội chúng Bà-la-môn, hoặc là hội chúng gia chủ, hoặc là hội chúng Sa-môn, vị ấy đến với sự sợ hãi, với sự ngỡ ngàng. Ðây là nguy hiểm thứ ba cho người ác giới, cho người phạm giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người ác giới, phạm giới, khi chết bị si ám. Ðây là nguy hiểm thứ tư cho người ác giới, cho người phạm giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người ác giới, người phạm giới, khi thân hoại mạng chung bị sanh vào ác xứ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ðây là nguy hiểm thứ năm của người ác giới, của người phạm giới. Này các Gia chủ, có năm điều nguy hiểm này cho người ác giới, cho người phạm giới.
Này các Gia chủ, có năm điều lợi ích này cho người giữ giới, cho người đầy đủ giới. Thế nào là năm? Ở đây, này các Gia chủ người giữ giới, người đầy đủ giới, do nhân duyên không phóng dật được tài sản lớn. Ðây là lợi ích thứ nhất cho người giữ giới, cho người đầy đủ giới. Lại nữa, này các Gia chủ, với người giữ giới, người đầy đủ giới, tiếng tốt lành được đồn xa. Ðây là lợi ích thứ hai cho người giữ giới, cho người đầy đủ giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, người đầy đủ giới khi đi đến hội chúng nào, hoặc là Sát-đế-lỵ hoặc là Bà-la-môn, hoặc là gia-chủ, hoặc là Sa-môn, người ấy đi đến không có sợ hãi, không có ngỡ ngàng. Ðây là lợi ích thứ ba cho người giữ giới cho người có đầy đủ giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, người đầy đủ giới, khi chết không có si ám. Ðây là lợi ích thứ tư cho người giữ giới, cho ngưòi có đầy đủ giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, người đầy đủ giới khi thân hoại mạng chung được sanh thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Ðây là lợi ích thứ năm cho người giữ giới, cho người đầy đủ giới. Này các Gia chủ, có năm lợi ích này cho người giữ giới, cho ngưòi đầy đủ giới.
Rồi Thế Tôn, sau khi thuyết giảng pháp thoại cho đến đêm khuya cho các cư sĩ ở làng Pàtali, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, liền giải tán chúng, nói rằng:
– Ðêm đã khuya, này các Gia chủ, hãy làm những gì các vị nghĩ là hợp thời!.
Rồi các Gia chủ ở làng Pàtali hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Rồi Thế Tôn, sau khi các nam cư sĩ ở làng Pàtali ra đi không bao lâu, đi vào căn nhà trống. Lúc bấy giờ, Sunìdha và Vassakàra đại thần ở Magadha đang cho xây dựng một thành phố ở Pàtaligàma để ngăn chận các người Vajjì. Lúc bấy giờ, rất nhiều chư Thiên có đến con số ngàn, đang trú ở các trú xứ ở làng Pàtali. Tại chỗ nào các chư Thiên có đại uy lực trú ở tại chỗ ấy chúng làm cho tâm các vua, các đại thần có đại uy lực thiên về, hướng về xây dựng các trú xứ. Tại chỗ nào các chư Thiên có uy lực trung bình trú ở, tại chỗ ấy chúng làm cho tâm các vua, các vị đại thần có uy lực trung bình thiên về, hướng về xây dựng các trú xứ. Tại chỗ nào các chư Thiên thấp kém trú ở, tại chỗ ấy, chúng làm cho tâm các vua, các đại thần có uy lực thấp kém thiên về, hướng về xây dựng các trú xứ.
Thế Tôn với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân thấy hàng ngàn chư Thiên ở làng Pàtali đang trú ở các trú xứ ở làng Pàtali. Tại chỗ nào các chư Thiên có đại uy lục trú ở… Họ làm cho tâm các vua, các đại thần uy lực thấp kém thiên về, hướng về xây dựng các trú xứ.
Rồi Thế Tôn, vào lúc tảng sáng đêm ấy, thức dậy và bảo Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, ai cho xây dựng thành phố ở làng Pàtali?
– Bạch Thế Tôn, các đại thần Sunìdha và Vassa-kàra cho xây dựng thành phố ở làng Pàtali để ngăn chận các người Vajjì.
– Này Ananda, ví như họ làm như vậy sau khi đã hỏi chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba. Cũng vậy, Sunìdha và Vasakàra đại thần ở Magadha, đang cho xây dựng thành phố ở làng Pàtali để ngăn chận các người Vajjì.
Ở đây, này Ananda, với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, Ta thấy hàng ngàn chư Thiên ở làng Pàtali… hướng về xây dựng các trú xứ. Này Ananda, xa cho đến thánh xứ, xa cho đến con người buôn bán đây sẽ trở thành một thành phố tối thượng, một chỗ mà các kiện hàng được mở ra. Này Ananda, ba tai nạn sẽ đến với Pàtaliuputta, nạn lửa, nạn lụt và nạn phản bội.
Rồi Sunìdha và Vassakàra đại thần ở Magadha đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi đứng một bên. Ðứng một bên, các Sunìdha và Vassakàra, đại thần xứ Magadha, bạch Thế Tôn:
– Mong Tôn giả Gotama hôm nay nhận lời mời dùng cơm của chúng con với chúng Tỷ-kheo!
Thế Tôn im lặng nhận lời.;
Rồi Sunìdha và Vassakara đại thần Magadha, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, đi đến chỗ của mình, sau khi đến sửa soạn các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm và báo thời giờ cho Thế Tôn:
– Thưa Tôn giả Gotama, nay đã đến thời. Cơm đã sẵn sàng.
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát cùng với chúng Tỷ-kheo đi đến trú xứ của Sunìdha và Vassakara, đại thần xứ Magadha, sau khi đến ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi Sunìdha và Vassakara, đại thần xứ Magadha tự tay thân mời chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị Thượng thủ và làm cho thỏa mãn với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Rồi Sunìdha và Vassakara, đại thần xứ Magadha, sau khi Thế Tôn ăn đã xong, tay đã rời khỏi bát, lấy một ghế ngồi thấp khác. Thế Tôn với những bài kệ này, nói lên lời tuỳ hỷ công đức với Sunìdha và Vassakara, đại thần xứ Magadha:
Rồi Thế Tôn sau khi nói lời tuỳ hỷ công đức với những bài kệ này cho Sunìdha và Vasakara, đại thần xứ Magadha, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Lúc bấy giờ Sunìdha và Vassakara, đại thần xứ Magadha đi theo sau lưng Thế Tôn và nghĩ rằng: “Hôm nay, Sa-môn Gotama đi ra cửa nào, cửa ấy sẽ đặt tên là cửa thành Gotama. Tại bến nước nào Sa-môn Gotama sẽ đi qua sông Hằng, bến nước ấy sẽ đặt tên là bến nước Gotama”. Và cửa nào Thế Tôn đã đi ra khỏi, các vị ấy đặt tên là cửa thành Gotama. Và Thế Tôn đi đến sông Hằng, nước sông tràn đầy đến bờ, con quạ có thể uống được, một số người đi tìm thuyền, một số người đi tìm bè, một số người cột chiếc bè để đi qua sông. Rồi như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại bàn tay đang duỗi ra, cũng vậy Thế Tôn biến mất từ bờ bên này sông Hằng và đứng qua bờ bên kia với chúng Tỷ-kheo. Thế Tôn thấy các người ấy, một số người đi tìm thuyền, một số người đi tìm bè, một số người cột lại chiếc bè để qua sông, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, Thế Tôn ngay trong lúc ấy, nói lên bài kệ:
(VII) (Ud 90)
Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn đang đi giữa đường cùng với Tôn giả Nàgasamàla là Sa-môn tuỳ tùng. Tôn giả Nàgasamàla giữa đường thấy một con đường rẽ, thấy vậy bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, đây là con đường, chúng ta đi con đường này.
Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Nàgasamàla:
– Này Nàgasasmàla, đây là con đường. Chúng ta sẽ đi con đường này.
Lần thứ ba, Tôn giả Nàgasamàla bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, đây là con đường, chúng ta hãy đi con đường này.
Lần thứ ba, Thế Tôn nói:
– Này Nàgasamàla, đây là con đường. Chúng ta đi con đường này.
Rồi Tôn giả Nàgasamàla đặt xuống đất y và bát của Thế Tôn, bỏ đi và nói:
– Bạch Thế Tôn, đây là y bát của Thế Tôn.
Rồi Tôn giả Nàgassamàla đi theo con đường ấy, giữa đường bị các tên cướp xuất hiện đánh bằng tay hay chân, đập vỡ bình bát và xé rách thượng y của Tôn giả. Rồi Tôn giả Nàgasamàla với bình bát bị vỡ, với thương y bị xé rách đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Nàgasamàla bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, con đi con đường ấy các tên cướp xuất hiện, đánh con bằng tay hay bằng chân, đập vỡ bình bát và xé rách thượng y.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
(VIII) (Ud 91)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Ðông Viên, Lộc Mẫu giảng đường. Lúc bấy giờ, người cháu trai của Visàkhà mẹ của Migàra khả ái và dễ thương bị mệnh chung. Và Visàkhà mẹ của Migàra, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, thật sáng sớm đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Visàkhà, mẹ của Migàra, đang ngồi một bên:
– Này Visàkhà, Bà từ đâu đến, với áo ướt đẫm, với tóc đẫm ướt, đi đến đây quá sớm như vậy?
– Bạch Thế Tôn, đứa cháu khả ái dễ thương của con đã mệnh chung. Cho nên con, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, con đến đây sáng sớm như vậy.
– Này Visàkhà, Bà có muốn tất cả người ở Sàvatthi là con và là cháu của Bà không?
– Bạch Thế Tôn, con muốn tất cả người ở Sàvatthi là con và cháu của con.
– Nhưng này Visàkhà, có bao nhiêu người ở Sàvatthi mạng chung hàng ngày?
– Bạch Thế Tôn, có mười người ở Sàvatthi mạng chung hàng ngày, chín… tám… bảy.. sáu… năm… bốn… ba.. hai. Bạch Thế Tôn có một người ở Sàvatthi mạng chung hàng ngày. Bạch Thế Tôn, Sàvatthi không có thoát được số người bị chết!
– Bà nghĩ thế nào, này Visàkhà? Như vậy Bà có khi nào được khỏi vải bị ướt, hay tóc khỏi bị ướt không?
– Thưa không, bạch Thế Tôn! Thật là vừa đủ cho con, bạch Thế Tôn, số nhiều như vậy về con và về cháu!
– Này Visàkhà, những ai có một trăm người thân yêu, những người ấy có trăm sự đau khổ! Những ai có chín mươi người thân yêu, những người ấy có chín mươi sự đau khổ! Những ai có tám mươi người thân yêu, những người ấy có tám mươi sự đau khổ! Những ai có bảy mươi.. có sáu mươi… có năm mươi… có bốn mươi… có ba mươi.. có hai mươi… có mười.. có chín… có tám… có bảy..có sáu.. có năm… có bốn… có ba… có hai… có một người thân yêu, những người ấy có một sự đau khổ. Những ai không có người thân yêu, những người ấy không có sự đau khổ. Ta nói rằng họ là người không có sầu, không có tham đắm, không có ưu não.
(IX) (Ud 92)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi Tôn giả Dabha Mallputta đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Dabha Mallaputta bạch Thế Tôn:
– Nay đã đến thời, con nhập Niết Bàn, bạch Thiện Thệ.
– Này Dabba, Thầy hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời!.
Rồi Tôn giả Dabha Mallaputta từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, bay lên hư không, ngồi kiết-già giữa hư không, nhập định hỏa giới, xuất khỏi định và nhập Niết-bàn. Khi Tôn giả Dabha Mallaputta bay lên hư không, ngồi kiết-già giữa hư không, nhập định hỏa giới, xuất khỏi định và nhập Niết Bàn, thân của Tôn giả được cháy sạch, đốt sạch, không còn có than hay có tro có thể thấy được. Ví như bơ hay dầu được cháy, được đốt, không còn có than hay có tro có thể thấy được. Cũng vậy, khi Tôn giả Dabha Mallaputta bay lên hư không, ngồi kiết già giữa hư không, nhập định hỏa giới, xuất khỏi định và nhập Niết-bàn, thân của Tôn giả được cháy sạch, đốt sạch, không còn có than hay có tro có thể thấy được.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
(X) (Ud 93)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Tại đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau:
– Này các Tỷ-kheo, Dabbha Mallaputta bay lên hư không, ngồi kiết-già giữa hư không, nhập định hỏa giới, xuất khỏi định và nhập Niết Bàn… hay có tro có thể thấy được. Ví như bơ hay dầu… hay có tro có thể thấy được… không còn có tro có thể thấy được.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
Thầy tôi vững chí xuất trần,
Bốn mươi năm vẫn vẹn tròn nguyện xưa.
Nếu chúng ta cứ mãi chờ đợi mình hoàn hảo rồi mới viết lách thì sự chờ đợi ấy có thể là vô tận.
-Các bậc đạo sư, chư Thầy Tổ, Chư Vị Tiền Bối và Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni
Người là vị Ni sư có sở học uyên bác, viết sách, dịch kinh, con được học hỏi từ nhũng công việc này
Sư chị thật khoan thai, nhẹ nhàng và tận tụy mọi trách nhiệm mà Thầy giao phó.
Nơi xa đứng lặng lẽ
Hướng tâm về Sư Phụ,
Thổn thức giữa trời không
Nguyện viên thành đạo nghiệp.
cần phải đi chiêm bái Phật tích Ấn Độ sớm trước khi về trời Phật và là niềm mơ ước từ lâu của con.
Vâng, 40 năm ấy tuy còn ngắn ngủi nhưng lại rất đậm tình: Tình ĐẠO, Tình ĐỜI, Tình NGƯỜI.
Từ bây giờ, tôi nguyện hướng về chân lý của nhà Phật để tu tập và y giáo phụng hành để không phụ lòng giáo huấn của Sư phụ.
Rất mong lắm thay! Chúng con sẽ y giáo phụng hành và hỗ trợ thầy hết lòng.
Ni sư Giới Hương xuất thân từ một gia đình nông dân tại Bà Điểm, Hóc Môn, Sài Gòn. Gia đình 8 anh chị em thì có 2 vị xuất gia
Giọng Thầy ấm cúng đều đặn, chúng con trang nghiêm quỳ kính cẩn nghe:
“Nữ Tiến sĩ người Mỹ gốc Việt viết và dịch nhiều ấn phẩm Phật giáo nhất” của Tổ chức Kỷ lục Người Việt toàn cầu.
Con thầm cảm ơn niệm đức ơn Thầy, cảm ơn tất cả mọi người trên cuộc đời này đã giúp cho chúng con trên đoạn đường dài mặc dù đầy gian khó.
Ni Sư Giới Hương là một vị Ni rất thích hoạt động trong vấn đề văn chương, giáo dục, văn hóa, từ thiện giúp đỡ người cơ nhỡ v.v…
Dù cuộc sống sẽ gặp thành công hay thử thách, chúng con luôn kính chúc NS luôn khỏe mạnh và bình an để hoằng hóa độ sinh.
NS Giới Hương nỗ lực để hình thành nên Chùa Hương Sen, Perris, Cali, Hoa Kỳ. Đây thật là kỳ công và đầy dẫy những gian nan thử thách.
Thối chí là trạng thái tâm lí mất hết ý chí, không muốn theo đuổi mục tiêu đang theo vì gặp khó khăn, áp lực, trở ngại hoặc một biến cố tâm lý.
Thầy rất vui khi thấy Ni sư và chư Ni Hương Sen nỗ lực hoằng pháp tại hải ngoại này.
Hình ảnh đó khiến chúng con phải cúi đầu thầm nguyện, nguyện Ni sư mãi vui khỏe và bình yên.
Xin quí vị hãy đọc từng tờ - lật từng trang sách mới thấy được cách làm việc và công lao - công sức của Ni sư làm việc như thế nào
Ni sư thật sự đã truyền cho Tăng Ni sinh một động lực, một năng lượng, một niềm tin để học tốt Tiếng Anh.
Chúc con tàu Phật pháp của Chùa Hương Sen luôn chuyển về phía trước
chúng con cũng nhận ra đó là cứu cánh để hướng đến giải thoát.
Theo tôi biết, Ni sư rất năng động, chịu khó học hỏi, sáng tác, dấn thân xây dựng nuôi chúng lập chùa
Tương lai Hương Sen sẽ là một ngôi già lam Ni viện hùng vĩ, Hương Sen mô phạm, để cho đàn hậu học tiếp nối.
Cuộc sống của chúng ta được định hình bởi chính tâm trí của chúng ta
Giới định thêm phần tăng trí tuệ
Hương còn phảng phất khắp mười phương.
Ni trưởng rất vui khi thấy con là một trong những vị Ni chịu khó hoạt động cho đạo Phật ở hải ngoại thêm sinh động.
Chắc chắn Ni sư Giới Hương phải rất kiên trì, vượt nhiều thử thách để được thành quả như ngày nay.
Thứ 2 | Thứ 3 | Thứ 4 | Thứ 5 | Thứ 6 | thứ 7 | Chủ nhật |
---|---|---|---|---|---|---|
1
|
2
|
3
|
4
| |||
6
|
7
|
8
|
9
|
10
|
11
|
12
|
13
|
14
|
15
|
16
|
17
|
18
|
19
|
20
|
21
|
22
|
23
|
24
|
25
|
26
|
27
|
28
|
29
|
30
|